Người hành hương đến Bethlehem mừng lễ Giáng Sinh

Người hành hương đến Bethlehem mừng lễ Giáng Sinh

Giáo dân đốt nến trong nhà thờ Giáng Sinh ở Bethlehem

Giáo dân đốt nến trong nhà thờ Giáng Sinh ở Bethlehem

 

Robert Berger

24.12.2013

BETHLEHEM — Người hành hương từ khắp thế giới đã hội tụ về thị trấn Bethlehem trong bờ Tây để mừng lễ Giáng Sinh được nhà cầm quyền Palestine tổ chức. Thông tín viên VOA Robert Berger tường thuật từ Bethlehem.

Các hướng đạo sinh nam và nữ mở đầu ngày lễ Giáng Sinh với cuộc diễn hành ngang qua quảng trường Máng Cỏ ở Bethlehem.

Quảng trường được trang hoàng cho lễ hội với những cây Giáng Sinh khổng lồ, với các quả chuông, đèn và cờ Palestine.

Không khí trang trọng hơn ở phía bên trong Nhà thờ Giáng Sinh, một ngôi thánh đường cổ, khi hàng ngàn người hành hương đang xếp hàng để viếng hang đá, nơi mà theo truyền thuyết Chúa Giêsu đã ra đời.

Ông Shmuel Oluwa, một người hành hương đến từ Lagos, Nigeria nói rằng viếng hang đá trong dịp Lễ Giáng Sinh là một trải nghiệm về đức tin:

“Thật tuyệt vời! Cảm giác thật tuyệt vời! Một điều gì đó mà mỗi người Thiên Chúa giáo mong mỏi thực hiện. Nếu bạn cố gắng và thấu hiểu ý nghĩa của những gì đã diễn ra nơi đây, thì đó là một cảm giác kỳ diệu”.

Năm này có nhiều người đến mừng lễ nhờ các vụ bạo động giữa người Israel và Palestine tạm lắng.

Thị trưởng của Bethlehem bà Vera Baboun, người Palestine, nói rằng khách sạn không còn phòng trống:

“Tháng này chúng tôi dự kiến sẽ đón 300.000 du khách.

Bà cho biết:

“Chúng tôi có gần 4.000 phòng ở Bethlehem trong 33 khách sạn, tất cả đều được đặt trước. Ðiều này có nghĩa là thành phố đang thu nhận một lượng du khách cao nhất.”

Tuy vậy, người Palestine vẫn phàn nàn về bức tường lớn mà Israel đã dựng lên xung quanh Bethlehem vào khoảng 10 năm trước, tiếp theo sau làn sóng nổ bom tự sát chết người.

Các cư dân đã mô tả thành phố giống như một nhà tù lớn, thế nhưng Baboun nói rằng bức tường không thể dập tắt thông điệp hy vọng, tình yêu và hòa bình của Bethlehem được. Bà nói:

“Vẫn sẽ luôn là một Giáng Sinh Vui Vẻ bởi vì Giáng Sinh là niềm vui, bất chấp tất cả những khó khăn mà chúng tôi trải qua và sự bao vây thành phố, Giáng SInh vẫn là niềm vui”.

Chính quyền Israel và Palestine đang làm việc cùng với nhau để tạo thuận lợi cho những người hành hương từ Jerusalem đến Bethlehem, trong tinh thần của thiện chí Giáng Sinh.

Đức Giáo Hoàng cử hành Thánh lễ trong đêm trước Lễ Giáng Sinh

Đức Giáo Hoàng cử hành Thánh lễ trong đêm trước Lễ Giáng Sinh

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành Thánh lễ tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, ở Vatican, 24/12/13

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành Thánh lễ tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, ở Vatican, 24/12/13

 

24.12.2013

Đức Giáo Hoàng kêu gọi 1,2 tỉ người Công giáo trên thế giới hãy vui mừng trong ngày Giáng Sinh này vì “Chúa Giêsu là ánh sáng xua tan bóng tối” và mang lại an bình.

Đức Thánh Cha giảng bài giảng đầu tiên về Giáng Sinh của ngài trong cương vị Giáo Hoàng trong buổi Thánh lễ tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican trong đêm trước Lễ Giáng Sinh hôm thứ Ba.

Bài giảng của ngài chú trọng vào hành trình cá nhân và lich sử của con người cho một vùng đất hứa và cứu rỗi và – theo lời ngài – “tinh thần của những kẻ đi tới để nhìn thấy ánh sáng vĩ đại.”

Đức Giáo Hoàng, người được biết tiếng đầy lòng khiếm tốn và phục vụ kẻ nghèo, nói rằng mỗi con người có đều trải qua cả hai “thời gian tươi sáng và đen tối, ánh sáng và bóng tối”. Ngài kêu gọi tín hữu hãy dấn thân trong cuộc hành trình với tấm lòng rộng mở và gạt bỏ lòng kiêu kỳ, giả dối và tư lợi.

Ngài nói rằng Thiên Chúa đã tỏ ân sủng, lòng nhân ái và tình yêu thông qua Chúa Giêsu, người dẫn dắt thế giới.  Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng với câu, “Chúa Giêsu là ánh sáng xua tan bóng tối. Người là sự an bình của chúng ta.”

Đức Giáo Hoàng sinh trưởng ở Argentina được bầu lên hồi tháng 3, một tháng sau khi Đức Giáo Hoàng Benedict bất ngờ từ chức.

Tiếng tăm của vị Giáo Hoàng 78 tuổi từ đó lên cao và ngài được ca tụng đã giúp khôi phục hình ảnh Giáo hội.

Trong tháng này, tạp chí Time đã bầu ngài là Nhân Vật Trong Năm và ca ngợi lời ngài kêu gọi chữa lành cho những ai đau yếu, nghèo khó và bất ổn trong đời sống.

Các tổ chức nhân quyền kêu gọi Miến Điện thả hết tù nhân chính trị

Các tổ chức nhân quyền kêu gọi Miến Điện thả hết tù nhân chính trị

Tù nhân chính trị Miến Điện Win Thaw (trái) và Win Hla bên ngoài nhà tù Insein sau khi được trả tự do, ngày 23 tháng 7, 2013.

Tù nhân chính trị Miến Điện Win Thaw (trái) và Win Hla bên ngoài nhà tù Insein sau khi được trả tự do, ngày 23 tháng 7, 2013.

 

24.12.2013

Các tổ chức nhân quyền hối thúc Tổng thống Miến Ðiện có đường lối cải cách giữ lời hứa trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị vào cuối năm nay.

Hàng trăm tù nhân chính trị đã được trả tự do trong 2 năm qua trong một đợt ân xá theo lệnh của Tổng thống Thein Sein.

Nhưng hàng chục người bất đồng chính kiến vẫn còn bị giam giữ, và nhiều người chỉ trích là Miến Điện còn được gọi là Myanmar tiếp tục bỏ tù những người chỉ trích chính phủ.

Tổ chức theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch hôm nay cho hay chỉ có 39 người bị tù trong danh sách các tù nhân chính trị được một ủy ban duyệt xét của chính phủ cứu xét.

Nhưng con số này không bao gồm 200 người bị truy tố trong năm nay về các tội chính trị, nhiều người bị truy tố theo luật mới nghiêm nhặt hạn chế các cuộc biểu tình.

Tổ chức theo dõi Nhân quyền muốn Miến Điện trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị và thực hiện cải cách tư pháp để ngăn ngừa những vụ bắt giữ tiếp diễn.

Ủy ban Duyệt xét Tù nhân chính trị do chính phủ bổ nhiệm đưa ra đề nghị tương tự trong một bức thư gởi đến Tổng thống trước đây trong tháng.

Các thành viên ủy ban dự trù họp với các giới chức cao cấp tại Naypidaw ngày hôm nay, hy vọng tất cả các tù nhân chính trị có thể được trả tự do trước ngày 31 tháng 12.

Trước đây trong năm, trong một chuyến đến thăm London, Tổng thống Thein Sein đã hứa sẽ trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị trước cuối năm nay.

Giam giữ tùy tiện các đối thủ chính trị là đặc điểm của nhà cầm quyền quân sự Miến Điện, đã cai trị nước này 5 thập niên cho đến năm 2011.

Ngoài việc trả tự do cho các tù nhân chính trị, chính phủ mới Miến Điện đã nới lỏng kiểm duyệt báo chí và cho phép lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi ra tranh cử Quốc hội thành công.

Cải cách tại Miến Điện nhận được sự ca ngợi của các chính phủ phương Tây, nhiều chính phủ đã nới lỏng các chế tài đối với quốc gia Đông Nam Á này.

Philippines : Nổ súng tại sân bay Manila khiến bốn người chết

Philippines : Nổ súng tại sân bay Manila khiến bốn người chết

Cảnh phi trường quốc tế Manila  sau vụ nổ súng,  ngày 20/12/2013

Cảnh phi trường quốc tế Manila sau vụ nổ súng, ngày 20/12/2013

REUTERS/Che Cillo

Trọng Thành

RFI

Hôm nay, 20/12/2013, tại sân bay Manila, Philippines, một số hung thủ hiện còn chưa xác định được danh tính, đã xả súng giết hại bốn người, trong đó có một thị trưởng.

Đoạn phim trên kênh truyền hình địa phương GMA cho thấy các hành khách hoảng loạn, khi một người bị trúng đạn chết gục trên mặt đất ở bên ngoài cửa số 3.

Hai người trong số ba người thiệt mạng khác là cháu trai của người thị trưởng, mới 18 tháng tuối, và một cộng sự của ông, theo thông báo của Bộ trưởng Tư pháp Philippines. Vụ nổ súng kể trên còn khiến 4 người khác bị thương.

Thị trưởng Ukol Talumpa – người vừa bị sát hại – là người đứng đầu thành phố Lagaban, với khoảng 40.000 dân cư, thuộc đảo Mindanao, nơi hoành hành của nhiều băng đảng tội phạm và các nhóm vũ trang Hồi giáo đòi độc lập. Thị trưởng Ukol Talumpa vừa thắng cử trong cuộc bầu cử hồi tháng 5, đối mặt với thị trưởng mãn nhiệm, thuộc đảng của Tổng thống Benigno Aquino. Ông đã từng chết hụt hai lần vào năm 2012 và năm 2010, trong đó có một vụ tấn công tại Manila.

Theo giới quan sát, đời sống chính trị tại Philippines bị tham nhũng và bạo lực hoành hành, đặc biệt vào thời điểm sát các cuộc bầu cử. Vào tháng 5 vừa rồi, hơn 60 người đã thiệt mạng trong khoảng thời gian diễn ra các cuộc bầu cử địa phương.

 

Nhạc sĩ Việt Dzũng qua đời tại California

Nhạc sĩ Việt Dzũng qua đời tại California
December 20, 2013

nguoi-viet.com

 

WESTMINSTER (NV) – Nhạc sĩ Việt Dzũng vừa qua đời lúc 10:35 phút sáng, ngày 20 tháng 12, 2013, sau một cơn trụy tim, tại Fountain Valley Regional Hospital, Orange County, California.

Nhạc sĩ Việt Dzũng. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Việt Dzũng tên thật Nguyễn Ngọc Hùng Dũng, sinh năm 1958 tại Sài Gòn.

Thân phụ của ông là bác sĩ Nguyễn Ngọc Bảy, và mẹ là cựu giáo sư trung học Gia Long. Ông theo gia đình di tản từ năm 1975, định cư tại các tiểu bang Nebraska, Texas và cuối cùng là California.

Nhà báo Nguyễn Văn Khanh, Giám Đốc Ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do cho biết, thân mẫu của nhạc sĩ Việt Dzũng nói với ông rằng, hệ miễn nhiễm của con trai bà bị yếu từ lâu.

Việt Dzũng là tác giả của nhiều ca khúc được đồng bào hải ngoại yêu mến, như “Chút Quà Cho Quê Hương,” “Lời Kinh Ðêm,” “Mời Em Về”…

Việt Dzũng dẫn chương trình trong chương trình ca nhạc “Ngọc Trong Tim” tại Little Saigon, ngày 20 tháng Năm, 2012. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Việt Dzũng là một người đa tài và có lòng với cộng đồng tị nạn hải ngoại. Ông là một trong những MC chính của tất cả các chương trình của Trung Tâm Asia.

Ông cũng là một nhà báo, là xướng ngôn viên của các đài phát thanh tại nam California, như Little Saigon Radio (1992-1996), Bolsa Radio từ 1996 đến nay.

Trong các sinh hoạt cộng đồng, ông hoạt động tích cực, đấu tranh cho các vấn đề tự do, nhân quyền cho Việt Nam. (H.G.)

Hàng may mặc trẻ em của Trung Quốc chứa chất độc

Hàng may mặc trẻ em của Trung Quốc chứa chất độc

18.12.2013

Một báo cáo của tổ chức Hòa bình xanh Đông Á công bố ngày 18/12 cho biết hàng may mặc trẻ em sản xuất tại hai thành phố ở Trung Quốc có chứa chất gây rối loạn hormone và hóa chất độc hại đối với hệ sinh sản.

Từ tháng 6 đến tháng 10 năm nay, tổ chức Hòa bình xanh đã mua 85 mặt hàng may mặc trẻ em tại hai thành phố sản xuất nhiều nhất Trung Quốc là Trị Lý ở tỉnh Chiết Giang và thành phố Thạch Sư ở tỉnh Phúc Kiến.

Các cuộc kiểm nghiệm được phòng thí nghiệm của bên thứ ba thực hiện độc lập phát hiện thấy chất NPE, một chất gây rối loạn hormone, trong hơn phân nửa số mẫu trong khi chín trên 10 mặt hàng làm bằng polyester dương tính với chất antimon độc hại. Chất phthalate, được biết có độc tính đối với hệ sinh sản, cũng được phát hiện ở nồng độ cao ở hai mẫu.

Lee Chih An, một giới chức của Hòa bình xanh Ðông Á, cho biết quần áo trẻ em mà tổ chức này điều tra được bán cho 98 phần trăm thành phố ở Trung Quốc và nhiều nước khác khắp thế giới bằng hình thức truyền thống và thương mại điện tử vốn đang ngày càng phổ biến.

 

Giới chức này nói cuộc điều tra gửi một tín hiệu nghiêm trọng cảnh báo phụ huynh của hơn hai trăm triệu trẻ em Trung Quốc và các đối tác nước ngoài của họ.

Ngành công nghiệp sản xuất quần áo trẻ em ở Trung Quốc trị giá khoảng 165 tỉ đô la với mức tăng trưởng hàng năm dự kiến là 30 phần trăm, là một trong những ngành kinh tế phát triển nhanh nhất ở Trung Quốc.

​Tuy nhiên, ông Lee nói không có sự quản lý chặt chẽ những hóa chất được sử dụng trong hàng may mặc cho trẻ em. “Một tiêu chuẩn an toàn quốc gia đối với những hóa chất độc hại sử dụng trên hàng may mặc trẻ em nằm trong ngăn kéo của những người làm chính sách đã sáu năm nay, và chúng tôi không biết khi nào thì nó mới được ban hành,” ông Lee nói tiếp.

Ngay cả cơ quan quản lý chất lượng của Trung Quốc cũng đồng tình rằng quần áo trẻ em có thể gây nguy hại. Tháng 5 năm nay, Tổng cục Giám sát Chất lượng của Trung Quốc phát hành cẩm nang tiêu dùng khuyến cáo chọn mua quần áo trẻ em nhạt màu, không có chất làm sáng dạ quang hay có in sắc tố.

Một cuộc khảo sát của Hiệp hội Người tiêu dùng Bắc Kinh hồi tháng 6 cho thấy 38 phần trăm quần áo trẻ em không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Hòa bình xanh nói Trung Quốc không nên tiếp tục liều lĩnh với sức khỏe của trẻ em ra và hối thúc nước này thiết lập một chính sách quản lý hóa chất mang tính toàn diện và nghiêm ngặt.

Nguồn: Greenpeace, USA Today

Mỹ cảnh cáo ý đồ Trung Quốc lập vùng phòng không ở Biển Đông

Mỹ cảnh cáo ý đồ Trung Quốc lập vùng phòng không ở Biển Đông

Tổng thống Philippines Benigno Aquino (P) tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Phủ Tổng thống Malacanang, Manila, 17/12/2013

Tổng thống Philippines Benigno Aquino (P) tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Phủ Tổng thống Malacanang, Manila, 17/12/2013

REUTERS/Brian Snyder

Tú Anh

RFI

Sau ba ngày thămViệt Nam, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến Philippines vào hôm nay 17/12/2013. Trong bối cảnh tham vọng của Trung Quốc lấn chiếm biển đảo, Ngoại trưởng Mỹ ủng hộ Manila cảnh cáo Bắc Kinh về ý đồ lập vùng phòng không tại biển Đông Nam Á mà Bắc Kinh gọi là Hoa Nam.

Trung Quốc không được đơn phương thành lập một vùng (phòng không) tại biển Đông như đã làm tại một nơi khác trong khu vực. Trên đây là lời cảnh cáo của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc họp báo vào hôm nay tại Manila.

Trong chuyến công du đầu tiên tại Philippines kể từ khi nhậm chức, Ngoại trưởng John Kerry đã công khai ủng hộ quốc đảo Đông Nam Á này, được xem là « đồng minh then chốt » đối đầu với tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.

Trong chương trình thăm viếng hai ngày, ông John Kerry sẽ đi thăm nạn nhân cơn bão Haiyan mà Hoa Kỳ đã hỗ trợ hơn 20 triệu đôla cùng một đội hùng hậu có cả hàng không mẫu hạm, tuần dương hạm và một lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến.

Ngược lại, Trung Quốc lúc đầu chỉ thông báo viện trợ cho nạn nhân Philippines 100.000 đôla và chỉ miễn cưỡng tăng lên 2 triệu, sau khi Bắc Kinh bị công luận trong và ngoài nước chế nhạo.

Theo giới phân tích, thái độ khiêu khích của Trung Quốc với vùng phòng không tại Hoa Đông và mưu toan tương tự ở biển Đông Nam Á làm cho Manila vừa bất bình vừa lo ngại. Người ta chờ đợi Mỹ và Philippines nhanh chóng đạt thỏa thuận mới về hợp tác quân sự ,cho phép quân đội Mỹ đồn trú đông đảo hơn và thường xuyên hơn tại Philippines. Một hình thức để Washington trấn an các nước khu vực là lúc nào cũng có Hoa Kỳ bên cạnh.

Bản đồ 9 đoạn của Trung Quốc mà Việt Nam gọi là « lưỡi bò » lấn chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông, gần như là tất cả biển và đảo của Philippines và Việt Nam.

 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tham dự Thánh lễ tại Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn

 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tham dự Thánh lễ tại Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn
Sơn Nữ SPC

12/14/2013

SAIGÒN – 14g24: Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến khuôn viên trước tượng Đức Mẹ. Ngài Ngoại trưởng Mỹ John Forbes Kerry cùng với phái đoàn của ông đã đến Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn vào lúc 14g20 hôm thứ Bảy 14/12/2013, để tham dự Thánh lễ.

Tại khuôn viên trước Thánh đường, Cha Tổng đại diện Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh cùng với Cha Chánh văn phòng Tòa Giám mục Ignatio Hồ Văn Xuân và Cha Giuse Vương Sỹ Tuấn đã ra chào và đón vị Ngoại trưởng vào Nhà thờ. Sau đó, trước khi dâng Thánh lễ, Cha Tổng đại diện – thay mặt Đức Hồng Y Tổng Giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn – chúc ngài Ngoại trưởng mọi sự tốt đẹp.

Đức Giám Mục phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã chủ tế Thánh lễ. Đồng tế với ngài có linh mục Tổng Đại diện cùng với hai linh mục phụ tá Nhà thờ Chánh tòa là Cha Giuse Vương Sỹ Tuấn và Cha Phêrô Đỗ Duy Khánh.

Sau Bài Tin Mừng, Đức Cha Phêrô chia sẻ về việc cử hành lòng thương xót của Đấng Cứu Thế trong Mùa Vọng như lời nhắc nhở của Bài Tin Mừng vừa nghe: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”. Đức Cha nhắc đến hai tấm gương hiện đại của lòng thương xót bao dung là Đức Giáo Hoàng Phanxicô (mới được tạp chí Time chọn là nhân vật của năm 2013) và Tổng thống Nelson Mandela (mới qua đời với một tang lễ có gần 100 lãnh đạo các nước tham dự). Vị chủ tế mời gọi cộng đoàn hãy sống lòng thương xót của Chúa theo hai mẫu gương vừa kể.

Ngài Ngoại trưởng đã tham dự Thánh lễ và rước lễ sốt sắng. Cuối lễ, ĐGM. Phêrô Nguyễn văn Khảm đến bắt tay chào Ngoại trưởng Mỹ và một số người trong phái đoàn. Vị ngoại trưởng đã đặc biệt diễn tả với Giám mục chủ tế về niềm cảm xúc dâng tràn khi được tham dự Thánh lễ tại đây.

Thánh lễ kết thúc lúc 15g20. Trước khi ra khỏi nhà thờ, Ngoại trưởng Mỹ đã đến tận nơi cảm ơn ca đoàn và chụp hình chung với các ca viên.

Dương Chí Dũng: ‘Sai nhưng nay mới biết’

Dương Chí Dũng: ‘Sai nhưng nay mới biết’

Thứ năm, 12 tháng 12, 2013

Dương Chí Dũng tại tòa

Dương Chí Dũng mặc trang phục khác với tất cả các bị cáo còn lại

Ông Dương Chí Dũng, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Vinalines, nói trước Tòa rằng việc Vinalines quyết định thành lập Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam để mua ụ nổi 83M về mà không thông qua Thủ tướng là sai, nhưng đến bây giờ ông mới biết, theo tường thuật của truyền thông trong nước.

Ông Dũng đang ra tòa tại Hà Nội vào sáng thứ Năm ngày 12/12 cùng với chín bị cáo khác vốn đều là các lãnh đạo tại Vinalines trong một vụ án được cho là ‘đại án tham nhũng’.

Ông bị truy tố hai tội: ‘Tham ô’ và ‘Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng’ trong thời kỳ ông còn là lãnh đạo cao nhất tại tổng công ty nhà nước này.

Cụ thể ông Dũng được cho là gây thiệt hại cho nhà nước hơn 366 tỷ đồng trong thương vụ mua ụ nổi 83M của Nga và tham ô số tiền 28 tỷ đồng, theo báo chí trong nước.

Nếu bị kết tội, ông Dũng phải đối mặt với khung hình phạt từ 20 năm cho đến tử hình.

Ụ nổi 83M

Trong phiên xử đầu tiên vào sáng nay, bị cáo Dũng đã bị thẩm vấn về việc ký quyết định mua ụ nổi 83M, vốn được cho là ‘đống sắt vụn’ và gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Việc mua ụ nổi này là nội dung chính trong cáo trạng ‘Cố ý làm trái’ của ông Dũng.

Theo cáo trạng thì ông Dũng đã xúc tiến việc mua ụ nổi này khi chưa được Chính phủ phê duyệt và chưa được Bộ Giao thông Vận tải, cơ quan chủ quản của Vinalines, đưa vào quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy.

Cảnh tượng trước tòa trong phiên xử Dương Chí Dũng

Rất nhiều công an có mặt trước Tòa án Hà Nội trong vụ xử Dương Chí Dũng

Dương Chí Dũng bị cáo buộc đã ‘nhận số tiền lại quả 10 tỷ đồng’ trong thương vụ ụ nổi này từ phía môi giới là Công ty AP đóng ở Singapore.

Trang mạng của Tuổi Trẻ tường thuật rằng ông Dũng nghĩ rằng việc phê duyệt dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam là thẩm quyền của Hội đồng quản trị nên ‘không xin phép thủ tướng’ và ‘đến khi làm việc với cơ quan điều tra thì mới biết là sai’.

Ụ nổi 83M được mua về để trang bị cho nhà máy sửa chữa tàu biển này.

Bị cáo Dũng, với tư cách là chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines, cũng khai trước tòa việc mua ụ nổi là ‘ý kiến của ông Phúc (Mai Văn Phúc – tổng giám đốc Vinalines)’ và quyết định mua là của tập thể Hội đồng Quản trị chứ bản thân ông không chỉ đạo.

“Tôi không can thiệp gì, không bao giờ chỉ đạo cụ thể anh em trong tập đoàn làm gì”, ông Dũng được dẫn lời nói.

Còn trang mạng của Tuổi Trẻ dẫn lời bị cáo Dũng nói rằng ‘Từ tờ trình duy nhất của Mai Văn Phúc, bị cáo mới biết công ty dự định mua ụ nổi 83M với giá 9 triệu USD của công ty AP (Singgapore) mà không biết công ty của Nga cũng chào bán’.

‘Đề nghị xử nặng’

Cáo trạng cho biết ụ nổi này vốn được sản xuất vào năm 1965 và hiện không còn hoạt động được và bị cơ quan hữu trách của Nga từ chối đăng kiểm. Trong khi đó, phía chủ sở hữu ụ nổi này của Nga chào bán với giá dưới 5 triệu đô la Mỹ.

Bên cạnh tiền mua, Vinalines còn bỏ tiền vận chuyển, tổ chức sửa chữa ụ nổi này ở Việt Nam với số tiền lên đến 19,5 triệu đô la Mỹ, cũng theo cáo trạng.

Ụ nổi 83M

Ụ nổi 83M được xem là ‘đống sắt vụn’ là tốn cả chục triệu đô la Mỹ mua về Việt Nam

Từ lúc mua về đến nay, tổng số tiền Vinalines đổ vào ụ nổi này đã là gần 24 triệu đô la Mỹ trong khi u nổi này không hề được sử dụng.

Cũng theo cáo trạng thì bị cáo ‘phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng’ trong khi ‘không ăn năn hối cải, quanh co chối tội’ và đề nghị xử nặng.

Tổng cộng có ba luật sư bào chữa cho Dương Chí Dũng là các luật sư Trần Đình Triển, Trần Đại Thắng và Ngô Ngọc Thủy.

Theo tường thuật của Tuổi Trẻ, phóng viên đến tường thuật phiên tòa được yêu cầu để lại máy laptop, điện thoại, máy ảnh và chỉ được đem vào phòng xử giấy bút.

Cách nay hai ngày, báo mạng Dân Trí có đăng bài ‘Dương Chí Dũng – từ đỉnh cao đến vực sâu’. Theo đó, ông Dũng là con trai của cựu giám đốc Công an Hải Phòng. Dù thi rớt đại học và đi xuất khẩu lao động nhưng sau khi về nước ông Dũng đã thăng tiến nhảy vọt trên quan trường và còn lấy được bằng tiến sỹ kinh doanh thương mại.

Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài đến thứ Bảy ngày 14/12.

47 dân biểu Mỹ kêu gọi ông Kerry nêu vấn đề nhân quyền khi đến Việt Nam

47 dân biểu Mỹ kêu gọi ông Kerry nêu vấn đề nhân quyền khi đến Việt Nam

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, ngày 24/7/2013.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, ngày 24/7/2013.

 

Trà Mi-VOA

11.12.2013

Các nhà lập pháp của Hoa Kỳ gửi thư yêu cầu Ngoại trưởng John Kerry đặt vấn đề nhân quyền với Việt Nam trong chuyến công du của ông sang Trung Đông và Đông Nam Á từ ngày 11/12 đến 18/12.

Dân biểu liên bang Hoa Kỳ Loretta Sanchez cùng với dân biểu Zoe Lofgren đứng đầu lá thư bao gồm chữ ký của 47 nghị sĩ thuộc lưỡng đảng hôm 11/12 gửi tới Ngoại trưởng Kerry kêu gọi ông ưu tiên vấn đề nhân quyền trong các cuộc thảo luận với giới lãnh đạo Việt Nam, yêu cầu Hà Nội phải cải thiện tình trạng nhân quyền.

Phát biểu vinh danh các nhà đấu tranh dân chủ Việt Nam nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12, bà Sanchez, Đồng Chủ tịch Nhóm hoạt động tại Quốc hội Mỹ về các vấn đề Việt Nam, nói thực trạng nhân quyền của Hà Nội rất đáng quan tâm.

Bà Sanchez tố cáo: ‘Chính phủ Việt Nam vẫn đàn áp các tiếng nói đối lập với nhà nước bằng cách sách nhiễu, đe dọa, và bắt bớ các nhà đấu tranh dân chủ. Các nhà hoạt động bị giam cầm thường bị tra tấn, không được hỗ trợ pháp lý và không được gặp người thân’.

Dân biểu Sanchez cho biết bà ‘đặc biệt lo ngại về sự tàn ác của công an Việt Nam đối với các sinh viên, các nhà cổ xúy nhân quyền, và thành viên của Mạng lưới Blogger Việt Nam’.

Bà Sanchez, Đồng Chủ tịch Nhóm hoạt động tại Quốc hội Mỹ về các vấn đề Việt Nam.

Bà Sanchez, Đồng Chủ tịch Nhóm hoạt động tại Quốc hội Mỹ về các vấn đề Việt Nam.

Bà Sanchez nói các vi phạm nhân quyền của Việt Nam phải được giải quyết trước khi Hoa Kỳ tiến hành quan hệ đối tác kinh tế với Hà Nội.

Dân biểu Sanchez nhấn mạnh bà dứt khoát không ủng hộ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Việt Nam cho đến khi nào Hà Nội có các bước cụ thể chứng minh cải thiện thành tích nhân quyền.

Kêu gọi mọi người vinh danh những người Việt Nam dấn thân tranh đấu cho quyền tự do, nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền, dân biểu Loretta Sanchez nói: ‘Chúng ta phải tiếp tục góp phần làm vang vọng tiếng nói của họ, buộc nhà cầm quyền Hà Nội phải ngưng đàn áp nhân quyền, và kêu gọi phóng thích các tù nhân lương tâm bị cầm tù khắc nghiệt.’

Bà Sanchez thúc giục mọi người tiếp tục góp phần làm vang vọng tiếng nói của những nhà dân chủ tại Việt Nam, buộc Hà Nội phải ngưng đàn áp nhân quyền và phóng thích tù nhân lương tâm.

Cùng lúc đó, chiều ngày 11/12, một phái đoàn liên tôn của cộng đồng người Việt có cuộc tiếp xúc với ông Scott Busby, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Nhân quyền-Dân chủ-Lao động, để trình bày những quan tâm về đàn áp tôn giáo tại Việt Nam và vận động Ngoại trưởng Kerry lưu ý vấn đề nhân quyền khi tới Hà Nội.

Ông Trần Thanh Tùng, một thành viên trong phái đoàn, đại diện Hiệp hội Giáo dân Cồn Dầu, cho biết:

“Phái đoàn chúng tôi khoảng 12 người là đại diện các tôn giáo như Cao Đài, Hòa Hảo, Phật giáo, Công giáo, Hiệp hội Giáo dân Cồn Dầu..v..v..lên gặp ông Scott Busby và các nhân viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chiều nay lúc 4 giờ tại trụ sở Bộ. Chúng tôi sẽ nêu các vấn đề nhân quyền như quyền tự do tôn giáo để Ngoại trưởng Mỹ đặt ra với Việt Nam.”

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Kerry với lãnh đạo Việt Nam tại Hà Nội sắp tới nhằm thăng tiến mối quan hệ Đối tác Toàn diện.

Các cuộc thảo luận khi ông Kerry ghé TPHCM dự kiến xoay quanh việc phát triển quan hệ thương mại Việt-Mỹ và đẩy mạnh vai trò giáo dục.

Đôi bên cũng sẽ trao đổi một loạt các vấn đề song phương và khu vực.

Việt Nam và Philippines là hai chặng dừng cuối trong chuyến công du lần này của Ngoại trưởng John Kerry. Đây là chuyến đi Châu Á thứ tư kể từ khi ông Kerry nắm chức Ngoại trưởng Mỹ.

Kerry sẽ nêu nhân quyền khi thăm VN? (BBC)

Xô xát cưỡng chế đất Hà Tĩnh làm sân golf

Xô xát cưỡng chế đất Hà Tĩnh làm sân golf

Thứ năm, 12 tháng 12, 2013

Lực lượng cơ động được huy động đông đảo trong cuộc cưỡng chế ngày 10/12

15 người đã bị bắt vì tội ‘chống người thi hành công vụ’ trong vụ cưỡng chế đất nông nghiệp để xây sân golf tại xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh hôm 10/12, trùng với ngày nhân quyền quốc tế.

Người dân tại đây cáo buộc chính quyền huyện Nghi Xuân đền bù thấp hơn nhiều lần so với giá trần, đồng thời nhất quyết không cho người dân xem giá đã thỏa thuận với nhà đầu tư cũng như được trực tiếp gặp nhà đầu tư.

Họ cũng nói trong vụ cưỡng chế hôm 10/12, người dân đã bị lực lượng công an đông đảo chủ động tấn công bằng roi điện, khiến nhiều người bị thương nặng.

Trong khi đó, ông Phan Văn Đán, Trưởng Công an huyện Nghi Xuân lại được báo Thanh Niên dẫn lời nói “lúc cơ quan chức năng đang thi hành nhiệm vụ thì hàng trăm người đã dùng hung khí xông vào cản trở, xô xát với lực lượng chức năng”.

“Mặc dù 14 hộ dân này đã nhận tiền bồi thường nhưng vẫn gây cản trở cho công tác giải phóng mặt bằng vì cho rằng các khoản tiền hỗ trợ khác chưa thỏa đáng. Trong số 15 người vừa bị bắt giữ thì có 3 người là người thân của 14 hộ dân này”, ông này nói.

Nhà báo cầu cứu

“Tôi lấy làm đau xót và hổ thẹn vì không nói lên được tiếng nói của nhân dân”

Một nhà báo với điều kiện giấu tên

Một nhà báo trong nước theo dõi vụ việc từ nhiều năm qua đã viết thư cầu cứu BBC và nói “tôi lấy làm đau xót và hổ thẹn vì không nói lên được tiếng nói của nhân dân”.

“Đồng bằng Bắc Trung Bộ diện tích rất hẹp, một năm chỉ trông được hai vụ lúa và trong nghị định của chính phủ chỉ cho phép sử dụng 4% đất nông nghiệp trong tất cả các dự án chứ không chỉ riêng sân golf”, nhà báo muốn ẩn danh này nói.

“Vậy mà trong vụ này, gần như là 100% đất nông nghiệp bị tịch thu, người dân mất hoàn toàn công cụ sản xuất”.

“Bên cạnh đó, chính quyền còn không cung cấp cho dân biết giá trần đền bù, bắt bớ dân trái phép và đánh đập người khiếu kiện dã man, đe dọa, dụ dỗ, và nhiều biện pháp hòng chiếm đoạt đất đai của dân.”

Nguồn tin này cũng cho biết trong vụ cưỡng chế ngày 12/12, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh còn huy động cả lực lượng cơ động của thành phố Vinh. Lực lượng này sau đó đã chủ động tấn công người dân, buộc họ phải chống trả và một số người đã bị thương rất nặng sau vụ xô xát.

Nhiều người ngăn cản vụ cưỡng chế đã bị bắt giữ

’94 nghìn đồng một mét vuông’

Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

Dự án Khu du lịch và sân golf Xuân Thành được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt hồi đầu năm 2008, với diện tích quy hoạch sử dụng đất là hơn 110 ha, tuy nhiên nhiều hộ dân tại đây nói họ không được đền bù thỏa đáng.

Bà Lê Thị Nguyệt, đại diện của các hộ dân tại đây nói với BBC rằng đã đi thưa kiện suốt bốn năm nay.

“Bây giờ toàn bộ cánh rừng phòng hộ họ đã san phẳng hết, ruộng đất của nhân nhân hơn 83ha, vừa đất rừng phòng hộ, vừa đất nông nghiệp cũng mất hết,” bà nói.

Bà Nguyệt cho biết hồi năm 2009, UBND huyện Nghi Xuân ra giá đền bù chỉ hơn 19 triệu/sào đất 500 mét vuông.

Trong khi đó, nhà báo yêu cầu ẩn danh cho BBC biết mức giá trần hiện nay lẽ ra là hơn 170 triệu đồng.

Sau khi Nghị định 69 của chính phủ ra đời, chính quyền huyện vẫn không chịu đền bù theo mức mới mà nghị định này quy định, đồng thời sử dụng lực lượng công an để ngăn chặn không cho người dân lên tỉnh khiếu nại, bà Nguyệt nói thêm.

“Mãi sau này, UBND huyện mới chịu nâng tiền từ hơn 19 triệu đồng lên 35 triệu đồng một sào trên 500 mét vuông,” bà nói.

“Bây giờ toàn bộ cánh rừng phòng hộ họ đã san phẳng hết, ruộng đất của nhân nhân hơn 83ha, vừa đất rừng phòng hộ, vừa đất nông nghiệp cũng mất hết”

Lê Thị Nguyệt, đại diện các hộ dân

Tuy nhiên, vì mức giá này vẫn còn quá thấp so với mức giá trần đền bù nên tiếp tục bị bà Nguyệt cùng các hộ gia đình khác phản đối.

“Sau gần một năm sau, đến tháng 8 năm 2013 thì UBND huyện mới mời bà con lên nhận tiền hỗ trợ đợt hai, tổng cộng ba lần mới được 47 triệu đồng/sào”.

“Sau đó, họ đe dọa những con đi học ở xa của người dân đang kết nạp Đảng hay đang học các trường ở các nơi trong nước, bắt các em điện thoại về gia đình bảo bố mẹ nhận tiền bồi thường.”

Bà Nguyệt cũng cho biết vừa rồi, một phóng viên trong nước đã bị chính quyền huyện đe dọa khi đến nơi tìm hiểu vụ việc.

“Vừa rồi, có một nhà báo về quay lại toàn bộ cánh rừng phòng hộ và đưa người dân lên gặp chính quyền UBND xã thì bị ông Phạm Công Tuân, Chủ tịch Hội đồng xã đe dọa và đuổi về,” bà nói.

Miến Điện thả thêm 44 tù nhân chính trị

Miến Điện thả thêm 44 tù nhân chính trị

Người Miến Điện lưu vong mở một chiến dịch vận động đòi trả tự do cho mọi tù nhân chính trị - REUTERS /R. Ranoco

Người Miến Điện lưu vong mở một chiến dịch vận động đòi trả tự do cho mọi tù nhân chính trị – REUTERS /R. Ranoco

Trọng Nghĩa

RFI

Vào đúng ngày khai mạc Đông Nam Á vận hội, sự kiện được cho là biểu tượng rõ nhất về tiến trình mở cửa đang diễn ra tại Miến Điện, chính quyền nước này ngày hôm nay, 11/12/2013, đã loan báo quyết định ân xá thêm 44 tù nhân chính trị. Quyết định này nằm trong một loạt các đợt phóng thích tù nhân vì chính kiến đã được Naypyidaw tiến hành từ ngày một chính quyền dân sự lên cầm quyền tại Miến Điện vào năm 2011.

Phát biểu với hãng tin Pháp AFP, ông Maung Shwe Hla một cố vấn tổng thống Miến Điện xác nhận : « Có tổng cộng 44 tù nhân được trả tự do vào hôm nay trên toàn quốc ».

Đợt thả tù chính trị gần đây nhất tại Miến Điện diễn ra vào giữa tháng Mười một vừa qua, nhân chuyến công du của bà một phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu do bà Catherine Ashton, người đứng đầu ngành ngoại giao dẫn đầu. Khi ấy, sau cuộc gặp giữa Tổng thống Miến Điện Thein Sein với bà Ashton, Naypyidaw đã loan báo việc phóng thích 69 người nhưng không đưa ra danh sách cụ thể.

Theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền, trong đợt ân xá đó, có hai người cháu trai của nhà cựu độc tài Ne Win, bị kết án về tội phản quốc vào năm 2002 cùng với một số thành viên khác trong gia đình. Ho bị cáo buộc âm mưu tổ chức một cuộc đảo chính.

Kể từ khi tập đoàn quân sự cầm quyền tại Miến Điện giải thể vào tháng 3 năm 2011, chính quyền dân sự lên thay đã lần lượt trả tự do cho hàng trăm nhân vật đối lập, nhà sư, nhà báo và luật sư.

Tuy vậy chính quyền vẫn bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền buộc tội « thả tay này nhưng bắt tay kia », dùng các quyết định ân xá nhỏ giọt để giành thiện cảm của các nước ngoài nhân những sự kiện ngoại giao quan trọng, trong khi vẫn tiếp tục truy bức giới bất đồng chính kiến trong nước​​.

Chính nhân chuyến công du đầu tiên đến Luân Đôn vào tháng Bảy vừa qua mà Tổng thống Miến Điện Thein Sein đã hứa sẽ trả tự do cho toàn bộ các tù nhân lương tâm vào cuối năm nay.

Trên vấn đề này, phải công nhận là chính quyền Miến Điện đã có một bước tiến rõ rệt : Sau gần nửa thế kỷ luôn luôn phủ nhận sự tồn tại của tù nhân chính trị, vào cuối năm 2012, ông Thein Sein đã công nhận sự thật khi tuyên bố thành lập một ủy ban để xác định các tù nhân chính trị trong số những người bị giam cầm.

Đợt ân xá hôm nay phải chăng là đợt cuối cùng ? Ông Bo Kyi thuộc Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị Miến Điện – một thành viên ủy ban xác định quy chế tù nhân chính trị do ông Thein Sein thành lập – vẫn tỏ ý hoài nghi. Theo ông, hiện vẫn còn 44 tù nhân chính trị bị giam giữ sau lệnh ân xá hôm nay, trong khi 200 người khác đang chờ xét xử.

Trả lời AFP, nhà đấu tranh này xác định : « Chính phủ nên tạo các điều kiện pháp lý (cho phép) biểu tình… Ngày nào còn những vụ bắt giữ tùy tiện, ngày đó còn tù nhân chính trị ».