Nhân viên thô lỗ bị khách đi xe buýt đánh chết

Nhân viên thô lỗ bị khách đi xe buýt đánh chết
Wednesday, April 23, 2014

Nguoi-viet.com

SÀI GÒN (NV) Cuộc xung đột giữa nhân viên xe buýt vận chuyển công cộng và hành khách tiếp tục tái diễn có phần trầm trọng hơn, với vụ mới xảy ra hôm 20 tháng 4, 2014 làm nhân viên bán vé xe buýt thiệt mạng.

Vụ ẩu đả giữa người này và một hành khách diễn ra ngay trên đường phố giữa chốn đường người, thuộc phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, Sài Gòn.



Hành khách tố bị nhân viên xe buýt đánh bầm mặt. (Hình: báo Tuổi Trẻ)

Cuộc điều tra của công an Sài Gòn cho biết, khoảng 3 giờ chiều ngày 20 tháng 4, 2014, nạn nhân là Trần Hoàng Lâm, 22 tuổi, cư dân tỉnh Kiên Giang, đứng bán vé trên chiếc xe buýt mang số 32 chạy tuyến đường nối liền Bến xe miền Tây và bến xe Ngã tư Ga, Hóc Môn. Khi xe đang chạy trên đường Văn Cao, quận Tân Phú, một nam hành khách chưa rõ lai lịch, xin dừng xe để xuống vì lỡ đi nhầm chuyến.

Yêu cầu của người khách lạ này làm ông Trần Hoàng Lâm bực bội. Khi xe dừng lại trước một căn nhà ở đường Văn Cao, ông Lâm ném hành lý của người khách nọ xuống đường. Hành động này khiến ông khách nổi giận, thách ông Lâm xuống xe để “thử sức hơn thua.”

Ðoạn đường nơi xảy ra vụ ẩu đả làm một nhân viên xe buýt tử thương. (Hình: báo Lao Ðộng)

Sau cuộc đánh võ mồm kịch liệt, cả hai xông vào nhau đánh đấm loạn xạ. Không may, ông Lâm bị té đập đầu xuống đường bất tỉnh nhân sự. Người khách nọ thừa cơ hội bỏ chạy mất, hiện chưa rõ danh tính. Ông Trần Hoàng Lâm được đưa vào bệnh viện cứu cấp, nhưng đã chết dọc đường, nghi bị chấn thương sọ não.

Công an quận Tân Phú có mặt đã lập biên bản nội vụ và mở cuộc điều tra, truy lùng người khách nọ.

Thời gian qua, xảy ra liên miên nhiều vụ đánh nhau giữa hành khách và nhân viên xe buýt, kể cả tài xế. Có người tài xế ở Hà Nội đã buộc hành khách phải quỳ xin mới chịu dừng xe cho xuống. Hồi cuối năm 2012, một nữ hành khách chuyến xe buýt ở Ðồng Nai bị nhân viên đánh u đầu, bầm mặt sau vụ cãi vã dẫn đến xô xát. (PL)

 

Người Uighur từ đâu đến?

Người Uighur từ đâu đến?

Thứ năm, 24 tháng 4, 2014

Một nhóm Uighur bị chặn bắt ở Songla, miền Nam Thái Lan hồi tháng 3/2014

Câu chuyện về các nhóm người Hồi giáo dân tộc Uighur tìm cách sang Việt Nam bị bắt và trao nộp về cho quân Trung Quốc đang thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.

BBC Tiếng Việt giới thiệu các nguồn quốc tế về dân tộc Uighur từ trong lịch sử và các vấn đề họ đang gặp phải hiện nay ở Trung Quốc:

Là một trong số nhiều bộ lạc nói tiếng Turkic (Thổ) thời cổ, người Uighur hiện nay tập trung đông nhất tại Tân Cương, (Trung Quốc) nhưng cũng sống ở Pakistan, Kazachstan, Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Nga.

Ngoài ra họ có các cộng đồng nhỏ ở cả Ukraine, Đức và một số nước khác do lưu lạc đến sau này.

Các sử liệu Phương Tây ghi nhận sự tồn tại của Đế Quốc Hồi Hột (Uighur Empire) có thủ đô ở Karabalghasun bên bờ sông Orhon, ở về phía Tây của Trung Hoa.

Có hai nhóm Uighur chính: những người du mục, nổi tiếng về đua ngựa và từng được người Hán gọi là tộc Cao Xa hoặc Thiết Lặc, và những cộng đồng định cư làm nghề nông.

Về mặt chủng tộc, họ thuộc nhóm Âu Á (Eurasian) nên có nhiều nét hình thể giống người Đông Á nhưng cũng có những người mũi cao, tóc sáng.

Theo Britannica, đế quốc của người Uighur mà dân Hán cũng gọi là Duy Ngô Nhĩ, đã có quan hệ gắn chặt với các triều đại Trung Hoa.

Người Uighur thuộc nhóm Âu Á và có nền văn hóa lâu đời

Tuy thế, họ không bị người Hán coi là mối đe dọa như nhóm Hung Nô và người Uighur từng giúp vua Đường dẹp loạn An Lộc Sơn năm 755.

Các triều vua Hán thường mua ngựa của người Uighur và bán cho họ các sản phẩm nông nghiệp.

Một vị vương của tộc Uighur, Mouyu còn từng viếng thăm kinh đô Lạc Dương của Trung Hoa.

Vì có ngôn ngữ và tôn giáo giống các dân tộc Trung Á, người Uighur là cầu nối giữa Trung Hoa và các vùng phía Tây.

Kashgar, đô thị có từ thời cổ của người Uighur mà nay thuộc về Tân Cương, Trung Quốc, từng là một trung tâm thương mại trên Con đường Tơ lụa giữa Đông và Tây ở châu Á.

Đầu thế kỷ 20, người Uighur từng tuyên bố độc lập ngắn ngủi ở vùng Đông Hồi (East Turkestan).

Đến năm 1949, chính quyền Mao Trạch Đông thắng trong cuộc nội chiến ở Hoa lục, đưa quân vào làm chủ vùng đất này và gọi là Tân Cương, miền biên giới mới.

Trung Quốc lo ngại gì?

BBC News trích lời giới vận động người Uighur nói rằng văn hóa, thương mại và tôn giáo của họ bị chính quyền Trung Quốc trói buộc.

Trung Quốc cũng bị tố cáo đã tăng cường trấn áp người Uighur sau các cuộc biểu tình trong thập niên 1990 và trước thời gian diễn ra Thế Vận hội Bắc Kinh 2008.

Vẫn theo trang BBC News, trong thập niên qua, nhiều nhân vật nổi trội từ cộng đồng Uighur ở Tân Cương, ước tính có khoảng 9-10 triệu người, đã bị Trung Quốc bắt hoặc truy đuổi khiến họ phải trốn ra nước ngoài tỵ nạn.

Chính quyền Bắc Kinh nói có các nhóm ly khai Uighur và thậm chí có cả những tổ chức khủng bố thuộc sắc dân này.

Ngược lại, các nhóm vận động người Uighur tố cáo Bắc Kinh đưa di dân Hán vào vùng Tân Cương, bắt đầu từ các ‘binh đoàn’ lao động sản xuất nhưng có vũ trang từ thời Mao tới các đợt mới ồ ạt hơn về sau này.

Đại biểu từ Tân Cương tham gia Quốc hội Trung Quốc

Họ cho rằng các nhóm Hán tộc di dân vào Tân Cương làm loãng đi bản sắc của người bản địa và người Uighur trở thành thiểu số ngay tại tân Cương.

Vụ xung đột sắc tộc nghiêm trọng nhất xảy ra vào tháng 7 năm 2009 tại Urumqi, thủ phủ Tân Cương khi đám đông người Uighur tràn ra phố, tấn công người Hán, chém chết cả phụ nữ và trẻ em.

Vài ngày sau, các nhóm thanh niên Hán dùng gậy và thanh sắt đã ra phố lùng bắt và đánh trả người Uighur, gây ra thương vong và khiến chính quyền phải đưa quân cảnh ra phố.

Trong vụ bạo lực đó, gần 200 người đã bị thiệt mạng và theo truyền thông Trung Quốc thì đa số nạn nhân là người Hán.

Đầu tháng 3 năm nay, tại nhà ga xe lửa Côn Minh, tỉnh Vân Nam đã xảy ra một vụ tấn công nghiêm trọng nữa bằng đao mà các mạng xã hội Trung Quốc nói là do các thủ phạm người Uighur thực hiện.

Trong vụ việc, có ít nhất trên 40 thường dân Trung Quốc thiệt mạng và hơn 140 người bị thương.

Giới quan sát từ bên ngoài nói vụ tấn công gây ngạc nhiên vì cộng đồng Uighur ở Vân Nam và Hồ Nam chỉ có vài nghìn dân làm nghề trồng cấy, ít liên hệ với nhóm Uighur gốc du mục Tân Cương.

Tuy thế, các nguồn tin như New York Times cũng nói sau vụ đâm chém tại ga Côn Minh, công an Trung Quốc vây các khu nhà của người Uighur trong tỉnh và tiến hành các vụ bắt bớ.

Các đợt trấn áp cũ và mới có thể là lý do khiến một số nhóm Uighur tìm đường xuống Đông Nam Á.

Hội Uighur Thế giới tin rằng nhóm gặp nạn ở Bắc Phong Sinh là đồng bào của họ

Ngoài Việt Nam và Thái Lan, họ cũng đến cả Campuchia và một nhóm từng bị chính quyền Hun Sen trục xuất về Trung Quốc năm 2009.

Theo nhà báo Hamid Ismailov từ ban Trung Á của BBC, người Uighur chạy xuống Đông Nam Á là để tìm đường vòng trở lại Thổ Nhĩ Kỳ, nước cho họ trú ngụ do có cùng nguồn gốc ngôn ngữ và tôn giáo.

Mục tiêu của các nhóm Uighur vì thế không phải là tìm cách định cư ở lại Thái Lan hay Việt Nam.

Dù vậy, chính quyền các nước này đã tìm cách trục xuất họ về Trung Quốc.

Cách đối xử này khác hẳn với chuyện các nước Asean thường cho người tỵ nạn Bắc Hàn sang Nam Hàn định cư.

Vì dù tồn tại như một dân tộc có hàng triệu người nhưng lại không có nhà nước riêng, người Uighur đang phải chịu sự đưa đẩy của hoàn cảnh mà không có quốc gia nào bảo vệ.

 

Người Uighur kêu gọi LHQ điều tra VN

Người Uighur kêu gọi LHQ điều tra VN

Thứ tư, 23 tháng 4, 2014

Ông Dilshat Rashit kêu gọi Liên Hiệp Quốc điều tra Việt Nam

Hội Người Uighur Thế giới kêu gọi Liên Hiệp Quốc điều tra Việt Nam về vụ đổ máu ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh, tỉnh Quảng Ninh.

Ông Dilshat Rashit, phát ngôn viên của hội có trụ sở tại Đức nói với BBC tiếng Trung chiều 22/4:

“Chúng tôi khẩn thiết đề nghị Liên Hiệp Quốc hành động của chính quyền Việt Nam, vốn làm chết người Uighur, xem liệu họ có vi phạm Công ước Liên Hiệp quốc về Người Tị nạn hay không.”

Điều 31 của Công ước được gần 150 nước phê chuẩn cấm các nước thành viên trừng phạt những người vào nước họ từ nơi tính mạng hay sự tự do của họ bị đe dọa với điều kiện người nhập cư trái phép phải trình diện chính quyền và chứng minh được họ có lý do chính đáng để vượt biên.

Tuy nhiên Việt Nam chưa phải là thành viên của công ước có hiệu lực từ năm 1954 này.

Trong vụ người Uighur bị cho là cướp và nổ súng ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh, hai lính biên phòng Việt Nam thiệt mạng.

Năm người Uighur cũng tử vong, ba người nhảy từ trên tầng ba xuống “tự tử” và hai người bị “bắn chết”, theo lời Đại tá Lê Tiến Thanh, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Việt Nam nói với VTV hôm 18/4.

“Khi đã hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ thì bạn [công an Trung Quốc] sang tiếp nhận để chuẩn bị ký vào hồ sơ thì bất ngờ vùng dậy, có hành động cướp súng của chiến sỹ biên phòng làm nhiệm vụ và đập vỡ ghế lấy chân để chống đối lại lực lượng công vụ và chúng đã cướp được một súng của biên phòng và dùng súng đó bắn lại lực lượng chức năng tại cửa khẩu.”

Chỉ huy Biên phòng Quảng Ninh, Đại tá Lê Tiến Thanh

Về nội tình vụ cướp và nổ súng, ông Thanh nói:

“Khi đã hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ thì bạn [công an Trung Quốc] sang tiếp nhận để chuẩn bị ký vào hồ sơ thì bất ngờ vùng dậy, có hành động cướp súng của chiến sỹ biên phòng làm nhiệm vụ và đập vỡ ghế lấy chân để chống đối lại lực lượng công vụ và chúng đã cướp được một súng của biên phòng và dùng súng đó bắn lại lực lượng chức năng tại cửa khẩu.”

Trong khi đó phát ngôn viên Dilshat của Hội người Uighur Thế giới nói nhóm 16 người Uighur, trong đó có bốn phụ nữ và hai trẻ em, muốn được gặp các quan chức Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên phía Việt Nam hoặc không hiểu hoặc hiểu những không đáp ứng.

Ông nói nhóm người Uighur đã chống cự khi thấy cảnh sát Trung Quốc xuất hiện ở Bắc Phong Sinh và dẫn tới vụ đổ máu.

Trang Bấm Facebook của Hội Người Uighur Thế giới cũng dẫn lại lời một blogger của Việt Nam, người đặt câu hỏi ai đã cho phép cảnh sát Trung Quốc mang theo vũ khí vào Bắc Phong Sinh và tại sao phải mất ba tiếng người ta mới có thể khống chế được nhóm người Uighur vốn chỉ có một khẩu súng và “không quá năm viên đạn”.

Không cấp hộ chiếu

Phát ngôn viên này nói hiện Hội Uighur Thế giới cũng không thể xác định được tung tích của nhóm người bị Việt Nam trả về và nói thêm.

“Sau sự cố này, cảnh sát địa phương [Trung Quốc] đã có đợt trấn áp người Uighur và bắt một số người cũng như tăng cường giám sát.”

Chỉ trong những ngày cuối tuần trước đã có 37 người bị bắt khi toan vào Việt Nam và 15 người bị bắt ở biên giới Thái Lan/Campuchia.

Cả Thái Lan và Việt Nam đều không phải là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Người Tị nạn trong khi Campuchia đã phê chuẩn công ước này hồi năm 1992.

Phát hiện một hành tinh giống Trái đất ngoài Thái Dương hệ

Phát hiện một hành tinh giống Trái đất ngoài Thái Dương hệ

Hành tinh Kepler-186f

Hành tinh Kepler-186f

NASA/JPL-Caltech

Thanh Phương

Một êkíp các nhà thiên văn học quốc tế hôm qua, 17/04/2014, loan báo đã phát hiện hành tinh đầu tiên ngoài Thái Dương hệ có kích thước tương đương với Trái đất và có nhiệt độ giúp cho nước có thể tồn tại dưới dạng lỏng và như vậy sự sống có thể tồn tại. Hành tinh này nằm cách Mặt trời 490 năm ánh sáng ( 1 năm ánh sáng = 9.460 tỷ km ).

Hành tinh này, được đặt tên là Kepler-186f, đã được phát hiện nhờ kính viễn vọng không gian Kepler. Kepler-186f nằm trên một quỹ đạo chung quanh một ngôi sao, nhỏ hơn và ít nóng hơn Mặt Trời, trong một vùng mà nước có thể tồn tại ở dạng lỏng. Theo các nhà khoa học, đứng đầu là một nhà thiên văn học của cơ quan không gian Hoa Kỳ, phát hiện nói trên càng làm tăng thêm khả năng tìm thấy các hành tinh tương tự như Trái Đất trong Giải Ngân Hà.

Trong số gần 1.800 hành tinh ngoài Thái Dương hệ được phát hiện từ năm 1994, có khoảng 20 hành tinh xoay quanh ngôi sao nằm trong vùng có thể có sự sống. Nhưng các hành tinh đó lớn hơn Trái Đất nhiều và như vậy khó mà xác định là chúng được cấu tạo bằng đá hay bằng khí.

Vào cuối năm 2013, các nhà thiên văn học đã thẩm định có hàng tỷ hành tinh có kích thích tương đương với Trái đất nằm trên quỹ đạo chung quanh các ngôi sao tương tự như Mặt trời trong Giải Ngân Hà.

Truyền thông lề phải, câu chuyện Tân cương và cà phê nhân quyền

Truyền thông lề phải, câu chuyện Tân cương và cà phê nhân quyền

Kính Hòa, phóng viên RFA
2014-04-22

04222014-kinhhoa.mp3

Tan_Cuong-vtc.vn-305.jpg

Quang cảnh phía ngoài cửa khẩu Bắc Phong Sinh hôm 18/4/2014

Courtesy of vtc.vn

Vì lý do “nhạy cảm”, đôi khi truyền thông chính thống của nhà nước Việt nam không loan tải những gì thực sự xảy ra, thậm chí có khi còn viết khác đi. Hai câu chuyện minh chứng trong tháng tư này là chuyện những người Duy Ngô Nhĩ ở biên giới phía Bắc, và câu chuyện Cà phê nhân quyền ở Nha Trang.

Tin quốc gia

Trung tuần tháng tư 2014, một tin đặc biệt được loan tải trong vài ngày, gây chú ý nhiều trên báo chí “chính thống” ở Việt nam. Đó là chuyện 16 người Trung quốc vượt biên trái phép vào Việt nam, khi bị cơ quan công quyền Việt nam giao trả về Trung quốc thì họ đã cướp súng bắn chết hai bộ đội biên phòng Việt nam. Một chi tiết đặc biệt trong sự kiện này là những người nhập cảnh trái phép này là những người thuộc sắc tộc Duy Ngô Nhĩ, đến từ vùng tự trị Tân Cương miền Bắc Trung quốc. Nhưng chi tiết đặc biệt này không được một tờ báo nào đưa ra, một việc mà truyền thông phải làm để báo cho mọi người biết là có điều gì khác biệt trong sự kiện ấy.

Tin đặc biệt này khi được truyền thông nước ngoài đưa lại từ Bắc Kinh hay Hà nội thì ghi rằng căn cứ vào sắc phục và nhân dạng của những bức ảnh chụp được thì họ là những người Duy Ngô Nhĩ, khác xa những người Hán đa số ở Trung quốc. Nhưng báo chí Việt nam thì không đưa như thế, mặc dù chính họ đã chụp những bức ảnh thể hiện rõ phụ nữ Hồi giáo che mặt, nét Âu Á trong gương mặt những người đàn ông.

Ông Huỳnh Ngọc Chênh, từng là nhà báo kỳ cựu của tờ Thanh niên cho chúng tôi biết về việc đưa tin này:

Lúc đầu thì các báo có đưa là những người Tân cương nhập cảnh trái phép, rồi có liên quan đến bạo động gì đó rồi sau đó có lẽ là được nhắc nhở nên họ sửa thành người Trung quốc hết.”

Một nhà báo về hưu ở Đà Nẵng nói rằng ông không lạ về cách đưa tin như vậy của truyền thông Việt nam. Ông nói thêm rằng khi thấy những bức hình ông rất xúc động vì thấy rằng từ Tân Cương tới Việt nam là cả ngàn dặm đường, những con người ấy phải bị một cái bức bách cùng quẫn lắm nên mới phải đi như vậy. Ông rất mong là tin về những người Tân Cương phải được nổi lên. Nhưng theo ông Huỳnh Ngọc Chênh thì chuyện đó là nhạy cảm vì nó có liên quan đến Trung quốc.

Nói chung những vấn đề có liên quan đến Trung quốc là những vấn đề nhạy cảm. Khi đưa tin phải xin ý kiến từ bên trên. Hầu hết những vấn đề đó thì phải đưa theo thông tấn xã chứ không đưa theo tin mình có. Liên quan đến Trung quốc là như vậy, mà Tân cương thì nhạy cảm hơn nữa nên phải có sự chỉ đạo từ bên trên.”

Tin địa phương

1911776_608119962590192_544545600_n-250.jpg

Các thành viên thuộc Mạng lưới Blogger Việt Nam đã tổ chức buổi Cafe Nhân quyền lần thứ nhất tại Cafe Starbucks Sài Gòn hôm 28/2/2014.

Tin về người Tân Cương là tin quan trọng trên bình diện quốc gia. Trong cùng thời gian đó, một sự kiện diễn ra ở Nha Trang, cũng được báo chí chính thống đưa tin. Lần này là báo địa phương của tỉnh Khánh Hòa.

Một số bloggers trong đó có Paulo Thành Nguyễn, Mẹ Nấm tổ chức một buổi gặp mặt để bàn về Nhân quyền, khách mời thì có chị Trần Thị Tâm và Ngô Thị Ánh Tuyết là vợ và chị của anh Ngô Thanh Kiều  bị công an dùng nhục hình đánh chết ở Phú Yên. Mục đích của các bloggers, như họ thông báo một cách công khai là muốn cải thiện tình trạng vi phạm nhân quyền, sử dụng bạo lực của lực lượng trị an.

Mấy bloggers bị bắt ngay trước khi họ gặp hai chị Tâm và Tuyết tại một quán cà phê tại Nha Trang. Họ được trả tự do vài giờ sau đó, nhưng cuộc gặp mặt đã không diễn ra.

Những tin tức loại này thường thì không được báo chí chính thống đưa tin. Nhưng lần này lại được báo Khánh Hòa loan tải. Báo này loan tải rằng ba bloggers đã hứa với chị Tâm và chị Tuyết sẽ giúp đỡ tiền bạc, mua bò cho họ, nhưng trong buổi họp thì chỉ đọc những văn bản khó hiểu mà không có tiền. Điều này dẫn đến xô xát và đó là lý do mà ba bloggers bị cầm giữ trong vài giờ. Báo Khánh Hòa loan tin như thế.

Chúng tôi nói chuyện được với chị Tuyết. Chị cho biết:

Thưa anh họ nói sai sự thật. Họ nói rằng em với lại Tâm vô đó nghe những cái chuyện khó hiểu, nhưng mà thực chất thì tụi em chưa gặp những người này mà chỉ mới gặp Thành và được Thành mời ăn sáng thì công an bắt những người này hết rồi, chưa kịp nói kịp thảo luận cái gì hết. Người ta nói em với lại Tâm gây gỗ là một chuyện sai sự thật hoàn toàn. Em đang viết đơn kiện đây anh.”

Chị Tuyết cho biết thêm là số tiền mà báo Khánh Hòa đề cập là số tiền mà các bloggers chi ra để trả chi phí đi lại cho hai chị Tuyết và Tâm.

Các bloggers trong cuộc cũng đã làm rõ vấn đề bằng cách đưa đoạn ghi âm với chị Tâm lên mạng Internet.

Hai trường hợi vừa nêu một lần nữa cho thấy cách thức đưa tin của báo chí chính thống của nhà nước mà cư dân Internet gọi là “truyền thông lề phải.”

Câu chuyện về niềm đau khổ và lòng khoan dung

Câu chuyện về niềm đau khổ và lòng khoan dung

Trên trang trực tuyến của CNN ngày Thứ Năm 17 tháng Tư 2014, bản tin kèm hình ảnh tựa đề The images tell a story of anguish and forgiveness do hai phóng viên Josh Levs và Azadeh Ansari của CNN tường thuật đã gây nhiều xúc động.

Bộ ảnh này của nhiếp ảnh gia Arash Khamooshi của Hãng tin Ba Tư ISNA chụp được tại một cuộc xử tử bằng cách treo cổ vừa diễn ra lúc bình minh vào vài ngày trước đây tại thành phố Noor, tỉnh Maznadaran, miền Bắc Ba Tư, gần biển Caspian. Hình thức trừng phạt này vẫn còn được chấp nhận và phổ thông ở Ba Tư.

Theo tin của ISNA, kẻ tử tội tên là Balal. Năm 2007, Balal 19 tuổi, đã đâm chết Abdollah Hosseinzadeh 17 tuổi, trong một trận ấu đả ngoài đường phố.

Nhiếp ảnh gia Arash Khamooshi kể rằng khi tử tội Balal được lôi ra pháp trường, ông thấy bà Koukab, mẹ của tử tội, đang đứng bám tay vào rào ngăn, đã quỵ xuống và ngồi bẹp trên mặt đất vì quá đau lòng khi chứng kiến cảnh đứa con trai sắp bị hành quyết.

Khamooshi nói: “Bà ấy dường như đã kiệt sức vì đau khổ trước thực tế sắp mất con. Thật thương tâm.”

Tử tội Balal bịt mắt được nhân viên công lực dìu ra, bắt đứng lên ghế và tròng thòng lọng vào cổ. Tử thần gần kề, Balal hét lớn lời cầu nguyện sau cùng rồi im lặng chờ mạng sống kết liễu.

Gia đình của nạn nhân bước ra. Maryam Hosseinzadeh, người mẹ mất con đã 7 năm, được cho phép phát biểu cảm tưởng trước đám đông. Bà cho biết bà đã sống một cơn ác mộng kể từ khi đứa con trai của bà bị đâm chết và khó có thể nào tự cho phép để tha thứ cho kẻ sát nhân.

Thế nhưng sau đó, bà đi về phía Balal và xin một chiếc ghế để đứng. Bước lên ghế cho ngang tầm với tử tội Balal, Bà vung tay tát mặt kẻ đã giết con mình và tuyên bố “Tha tội!” Sau đó, Abdulghani, chồng bà cùng với bà đã tháo thòng lọng ra khỏi cổ kẻ tử tội.

Gia đình của Balal vui mừng vội vàng chạy lại ôm chầm lấy họ và cảm ơn họ đã tha mạng cho Balal.

Nhiếp ảnh gia Khamooshi tâm sự: “Tôi không biết làm thế nào tôi đã ngăn xúc động để chụp được những bức ảnh này. Tôi đoán đó là sức mạnh của chiếc máy ảnh đã khiến tôi phải tập trung. Đó là lý do duy nhất giúp tôi khỏi gục xuống và bật khóc.”

1. Chuẩn bị pháp trường

2. Tử tội bị bịt mắt được nhân viên công lực dìu ra

3. Tử tội được bắt đứng lên ghế trước thòng lọng

4. Mẹ của tử tội khuỵu xuống

5. Cha mẹ nạn nhân

6. Mẹ nạn nhân tát tai tử tội để phạt tượng trưng thay cho tôi chết

7. Cha mẹ nạn nhân tháo thòng lọng ra khỏi cổ của tử tội

8. Mẹ nạn nhân tuyên bố chính thức tha tội cho kẻ sát nhân

 

9. Hai người mẹ chia sẻ niềm đau khổ và khoan dung

Phan Hạnh lược dịch

Nguồn: http://www.cnn.com/2014/04/17/world/meast/iran-execution-photos-mother-forgives/

 

Telegraph cho biết, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia Kitô giáo lớn nhất vào năm 2030

Telegraph cho biết, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia Kitô giáo lớn nhất vào năm 2030

Chuacuuthe.com

VRNs (23.4.2014) – Sài Gòn – Theo Telegraph cho biết, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuy là một quốc gia vô thần nhưng điều đó đang thay đổi một cách nhanh chóng khi nhiều người trong số 1,3 tỷ dân của đất nước này tìm kiếm ý nghĩa và sự an ủi tinh thần, cái mà cả chủ nghĩa cộng sản lẫn tư bản đều không cung cấp được.

Kitô giáo nói riêng đã tăng vọt kể từ khi các nhà thờ bắt đầu được mở cửa sau cái chết của Chủ tịch Mao vào năm 1976, báo hiệu sự kết thúc của Cách mạng Văn hóa.

Kitô giáo nói riêng đã tăng vọt kể từ khi các nhà thờ bắt đầu được mở cửa sau cái chết của Chủ tịch Mao vào năm 1976

Kitô giáo nói riêng đã tăng vọt kể từ khi các nhà thờ bắt đầu được mở cửa sau cái chết của Chủ tịch Mao vào năm 1976

Chỉ không đầy bốn thập kỷ sau đó, một số đã tin rằng Trung Quốc giờ đây đã sẵn sàng để trở thành không chỉ quốc gia số một thế giới về kinh tế nhưng còn là quốc gia có số dân Kitô giáo đông nhất.

Fenggang Yang cho biết,”Theo tính toán của tôi, Trung Quốc sẽ sớm trở thành quốc gia Kitô giáo lớn nhất trên thế giới”. Ông là một Giáo sư xã hội học tại Đại học Purdue và là tác giả của cuốn ‘Tôn Giáo ở Trung Quốc: Sống sót và Phục hưng dưới quyền Cộng sản .

Cộng đoàn Tin Lành Trung Quốc chỉ có một triệu thành viên vào năm 1949, đã vượt qua các nước được mang danh vì sự ‘bùng nổ Tin Lành’. Trong năm 2010, có hơn 58 triệu người Tin Lành ở Trung Quốc so với 40 triệu ở Brazil và 36 triệu ở Nam Phi, theo Diễn đàn về Tôn giáo và đời sống công cộng của Trung tâm nghiên cứu Pew cho biết.

Cũng theo ông Yang dự đoán, đến năm 2030, tổng số Kitô hữu ở Trung Quốc, bao gồm cả người Công giáo, sẽ vượt quá con số 247 triệu, vượt qua cả Mexico, Brazil và Hoa Kỳ như những cộng đồng Kitô giáo lớn nhất trên thế giới.

Giáo sư Yang nói tiếp, “Mao nghĩ rằng ông ta có thể loại bỏ tôn giáo. Ông ta nghĩ rằng mình đã thực hiện được điều này”. “Điều đó thật mỉa mai – họ đã không thực hiện được. Họ thực sự thất bại hoàn toàn.”

Theo Telegraph nhận định, làn sóng lan truyền mới của Kitô giáo đã khiến Đảng Cộng sản phải gãi đầu.

Một số quan chức cho rằng, các nhóm tôn giáo có thể cung cấp các dịch vụ xã hội mà chính phủ đôi khi không thể cung cấp, đồng thời tôn giáo cũng giúp đảo ngược cuộc khủng hoảng đạo đức ngày càng gia tăng trong một vùng đất, nơi mà tiền mặt, chứ không phải Cộng sản, đã trở thành vua.

Họ xem ra đồng ý với Thủ tướng Anh David Cameron, người đã nói vào tuần trước rằng Kitô giáo có thể giúp thúc đẩy trạng thái “tinh thần, thể lý và đạo đức” của nước Anh.

Tuy nhiên, những lãnh đạo khác của lãnh đạo Trung Quốc lại lo lắng về cách thức mà tôn giáo có thể định hình nền chính trị tương lai tại đất nước này, đồng thời có thể tác động lên sự nắm chặt quyền lực của Đảng Cộng sản.

Bà Shi, một nhà giảng thuyết tại Liushi, người cẩn thận mô tả hội thánh của bà thuộc hội ‘yêu nước’, cho biết: “Họ muốn các mục sư rao giảng theo cách của Cộng sản. Họ muốn đào tạo con người để thực hành đường lối của Cộng sản.” “Họ không tin tưởng hội thánh, nhưng họ phải chịu đựng hoặc chấp nhận … vì số lượng các Kitô hữu đang phát triển – họ không thể chống lại điều đó. Họ không muốn 70 triệu Kitô hữu trở thành kẻ thù của họ.”

PV.VRNs

 

Nữ Việt kiều Mỹ bị bác đơn kiện báo Người Ðưa Tin

Nữ Việt kiều Mỹ bị bác đơn kiện báo Người Ðưa Tin
Monday, April 21, 2014

Nguoi-viet.com
HẢI DƯƠNG (NV) – Người đứng đầu Phòng Cảnh Sát Ðiều Tra của công an tỉnh Hải Dương vừa ký một văn bản cho hay, đơn tố cáo của bà Phạm Thị Thanh Ngọc, Việt kiều Mỹ nhắm vào báo Người Ðưa Tin là “không có căn cứ.”

Bà Phạm Thị Thanh Ngọc cũng đã ngay lập tức lên tiếng cho rằng “không phục” lập luận trên và dọa sẽ kiện báo Người Ðưa Tin đến cùng.

Bà Phạm Thị Thanh Ngọc tại cuộc họp báo ở Hà Nội đầu năm 2014. (Hình: báo Tuổi Trẻ)

Trước đó, bà Phạm Thị Thanh Ngọc đã gửi đơn đến công an tỉnh Hải Dương yêu cầu điều tra vụ báo Người Ðưa Tin tung loạt bài gán ghép cho bà biệt danh “Kiều nữ Hải Dương.”

Bà Ngọc nói rằng báo Người Ðưa Tin đã mô tả bà là một phụ nữ cuồng dâm, đã ép một số tài xế taxi quan hệ tình dục ngoài ý muốn trong thời gian bà lưu trú tại một ngôi biệt thự ở thị trấn Hải Dương.

Ðơn của bà Phạm Thị Thanh Ngọc nói rằng vì lý do này mà bà phải bay đi bay về từ Mỹ và Việt Nam, để đòi làm sáng tỏ loạt bài báo bịa đặt, làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của bà.

Bà Thanh Ngọc tố các phóng viên báo Người Ðưa Tin dựng chuyện giật gân bịa đặt khi nói rằng bà, trong bài báo được gọi là “kiều nữ Hải Dương,” dụ dỗ các bác tài được gọi đến tận nhà để đưa đón bà đi công việc. Thay vì lên xe, bà lại tìm cách cho họ uống thuốc kích thích, ép họ “lên giường.”

Báo Tuổi Trẻ cho biết, không chỉ đâm đơn kiện báo Người Ðưa Tin, bà Phạm Thị Thanh Ngọc còn yêu cầu Ðại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam can thiệp để bảo vệ nhân phẩm của công dân mình.

Từ đầu năm nay, trong chuyến về nước, luật sư đại diện của bà Phạm Thị Thanh Ngọc còn trực tiếp đến tòa soạn báo Người Ðưa Tin để khiếu nại, đòi báo này phải cải chính và xin lỗi bà công khai trên báo, đồng thời bồi thường cho bà số tiền 360 triệu đồng, tương đương 18,000 đô la.

Tuy nhiên, trong văn bản gửi bà Phạm Thị Thanh Ngọc mới đây, Phòng Cảnh Sát Ðiều Tra của Công an tỉnh Hải Dương nói rằng, loạt bài của báo Người Ðưa Tin không hề nêu đích danh, họ tên, địa chỉ rõ ràng của nhân vật mà họ gọi là “nữ dâm tặc,” “kẻ cuồng dâm.” Vì vậy, theo công an tỉnh Hải Dương, không có căn cứ để cho rằng báo Người Ðưa Tin đăng tin xâm phạm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của bà Thanh Ngọc.

Theo báo Tuổi Trẻ, bà Thanh Ngọc cho biết, đã nhận được bản thông báo của công an tỉnh Hải Dương. Bà nói “không phục cách trả lời” của công an tỉnh Hải Dương và cho hay sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện để đưa báo Người Ðưa Tin ra tòa về tội vu khống, xuyên tạc. (PL)

 

Chương trình Obamacare vẫn còn nhiều trở ngại

Chương trình Obamacare vẫn còn nhiều trở ngại
Monday, April 21, 2014

Nguoi-viet.com
SACRAMENTO, California (AP) – Chương trình cải tổ y tế của chính phủ liên bang, mục đích cung cấp dịch vụ y tế cho hằng triệu người Mỹ không có bảo hiểm, đến nay vẫn chưa đạt được mục tiêu như mong muốn.

Tuần trước, Tổng Thống Barack Obama loan báo có 8 triệu người đã ghi danh theo chương trình bảo hiểm y tế Obamacare, tuy nhiên vẫn còn nhiều chướng ngại khiến hằng triệu người trên toàn quốc vẫn chưa nhận được dịch vụ săn sóc y tế.

Tổng Thống Obama. (Hình: AP Photo/J. Scott Applewhite)

Có vô số lý do cho thấy tại sao nhiều người vẫn chưa có bảo hiểm sức khỏe của chính phủ.

Một số tuy đủ điều kiện để được mua bảo hiểm giá rẻ nhưng vẫn không đủ khả năng để đóng tiền hằng tháng. Có người thu nhập cao nên không được hợp lệ. Nhiều di dân sống bất hợp pháp cũng bị loại ra khỏi chương trình bảo hiểm chính phủ.

Ngoài ra, hằng chục tiểu bang vẫn chưa chịu mở rộng chương trình Medicaid. Và một số chủ nhân doanh nghiệp giảm bớt giờ làm việc của nhân viên để khỏi phải mua bảo hiểm cho họ như đòi hỏi của chính phủ.

Theo Văn Phòng Thống Kê Hoa Kỳ, trước khi đạo luật Affordable Care Act (ACA) được áp dụng, có khoảng 48 triệu người, hay 15% dân số không có bảo hiểm y tế.

Số người mới ghi danh gần đây bao gồm người đã có bảo hiểm từ chương trình khác chuyển sang, hiện chưa rõ bao nhiêu người trước đây không có bảo hiểm nhưng nay đã được vào chương trình.

Số người tuổi trưởng thành không có bảo hiểm giảm xuống còn 15.6% trong ba tháng đầu, so với 17.1% vào cuối năm ngoái.

Các nhà vận động cho chương trình y tế nói rằng công việc của họ vẫn chưa hoàn tất. Ông Anthony Wright, giám đốc điều hành của tổ chức Health Access California nói: “California có nhiều tiến bộ trong chương trình của ACA. Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm thêm nữa.” (TP)

 

Trốn trong gầm bánh phi cơ bay từ California đi Hawaii

Trốn trong gầm bánh phi cơ bay từ California đi Hawaii
Monday, April 21, 2014

Nguoi-viet.com
HONOLULU, Hawaii (AP) – Giới hữu trách cho hay một thiếu niên 16 tuổi “rất may mắn” khi sống sót và không bị thương tích gì sau khi trốn trong gầm bánh phi cơ bay từ California đến Hawaii, chịu đựng độ lạnh gay gắt ở cao độ 38,000 feet (khoảng 11,582 m) và thiếu dưỡng khí.

“Người này cũng không nhớ gì về chuyến bay,” theo lời phát ngôn viên FBI, ông Tom Simon, ở Honolulu cho báo chí hay tối Chủ Nhật. “Việc cậu ta sống sót là điều hết sức ngạc nhiên.”

Một chiếc máy bay của hãng hàng không Hawaiian Airlines. (Hình: Getty Images)

Thiếu niên bị FBI thẩm vấn sau khi tìm thấy lang thang trên phi đạo ở phi trường Maui sáng Chủ Nhật mà không có giấy tờ, theo ông Simon.

Ông Simon cũng cho hay các hình ảnh video an ninh ghi nhận được tại phi trường San Jose cho thấy thiếu niên này, sống ở Santa Clara, tiểu bang California, leo qua hàng rào để đến gần chiếc phi cơ thuộc chuyến bay Flight 45 của hãng hàng không Hawaiian Airlines vào sáng ngày Chủ Nhật.

Thiếu niên này bỏ nhà đi sau cuộc cãi cọ, phát ngôn viên Simon cho hay.

Ông nói rằng khi chiếc Boeing 767 đáp xuống Maui, thiếu niên nhảy khỏi gầm bánh phi cơ và đi lang thang trên phi đạo.

“Cậu ta bất tỉnh trong phần lớn thời gian của chuyến bay,” theo ông Simon. Chuyến bay này kéo dài khoảng 5 tiếng rưỡi đồng hồ. (V.Giang)

 

Số người chết trên phà Sewol đã hơn 100

Số người chết trên phà Sewol đã hơn 100

Thứ ba, 22 tháng 4, 2014

Thi thể các nạn nhân đang được đưa lên bờ

Số người thiệt mạng được xác nhận trong vụ lật phà ở Nam Hàn hôm 16/4 đã vượt quá con số 100, trong lúc có thêm nhiều thi thể được các thợ lặn đưa ra khỏi chiếc phà chìm.

Tổng cộng 104 người bị xác nhận là đã chết, trong khi 198 người vẫn còn mất tích và được cho là kẹt bên trong phà.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân nào khiến chiếc phà bị lật úp và chìm hai tiếng sau đó.

Bảy thành viên thủy thủ đoàn đã bị bắt giữ. Những người này đang bị dư luận chỉ trích dữ dội vì đã không sơ tán hành khách khi phà bị nghiêng.

Các hành khách đã được yêu cầu ở yên tại chỗ do thủy thủ đoàn bối rối không biết có nên ra lệnh cho họ rời phà hay không.

Tổng thống Nam Hàn Park Geun-hye hôm 21/4 đã lên án hành động của một số thành viên thủy thủ đoàn và gọi đó ‘không khác gì sát nhân’.

Robot sẵn sàng

Tổng cộng 174 người đã được giải cứu khỏi phà Sewol, vốn đang trên đường từ thành phố Incheon ở tây bắc đến đảo Jeju ở phía nam.

Có 476 hành khách ở trên tàu, trong đó có 339 học sinh và giáo viên đang trên đường đi dã ngoại.

Nhiều người trong số này đã bị kẹt bên trong phà khi nó nghiêng sang một bên và chìm sau đó.

Các thợ lặn vẫn đang lùng sục phần thân tàu bị chìm

Các thợ lặn hải quân đang lùng sục trong phà để tìm kiếm những người thiệt mạng. Thi thể các nạn nhân đang được đưa về cảng ở đảo Jindo một cách đều đặn, phóng viên BBC Jonathan Head tường thuật từ Jindo.

Mặc dù đã tiến vào được nhiều nơi trên phà lật úp, các thợ lặn vẫn đang cố gắng tiếp cận khu vực nhà hàng, nơi nhiều hành khách bị cho là còn bị mắc kẹt.

Một robot hoạt động dưới nước cũng đã được đưa đến cảng Jindo sáng 22/4 để sẵn sàng triển khai trục vớt phà lên mặt nước, cũng theo phóng viên Jonathan Head.

Giới chức cứu hộ nói họ sẽ tiếp tục cùng các thợ lặn tìm kiếm thêm hai ngày nữa, nhưng gia đình các nạn nhân đã đồng ý cho phép trục vớt phà sau đó.

Cuộc điều tra đang tập trung vào việc phà quay đầu đột ngột, vốn được cho là làm phà mất thăng bằng dẫn đến bị lật và khả năng nhiều người có thể đã được cứu sống nếu lệnh sơ tán được đưa ra kịp thời.

Thuyền trưởng Lee Joon-seok không có mặt trong phòng điều khiển vào thời điểm chiếc phà bắt đầu nghiêng.

Người cầm lái lúc đó là một tài phụ không có kinh nghiệm trên các vùng biển nhiề̉u sóng gió, phía công tố cho biết.

 

VN coi tử vong vì sởi như bị thiên tai?

VN coi tử vong vì sởi như bị thiên tai?

Nguyễn Giang

Thứ ba, 22 tháng 4, 2014

Dư luận rùng mình vì dịch sởi gây tử vong cao ở Hà Nội

Câu chuyện cả trăm trẻ em chết vì dịch sởi ở Việt Nam cho thấy một xu hướng rất đáng ngại tại quốc gia đông dân đang trên đà phát triển này: tính chịu trách nhiệm của giới chức rất yếu, gần như không có.

So với một nước như Ả Rập Saudi thì làm quan ở Việt Nam là nghề dễ hơn nhiều: quyền chức lớn, lợi ích cao nhưng tính giải trình thật thấp.

Vì cùng thời gian, Bộ trưởng Y tế của Ả Rập Saudi, nước vẫn còn theo chế độ phong kiến, đã bị cách chức chỉ vì virus Mers làm 81 người dân nước này tử vong.

Theo tin tức từ Trung Đông hôm nay 22/4/2014, chỉ vài ngày sau khi thăm các bệnh viện ở Jeddah để “trấn an dư luận” về vụ virus đường hô hấp gây chết người, Bộ trưởng Bấm Abdullah al-Rabiah đã bị nhà vua cách chức.

Cho đến nay, có 261 vụ nhiễm virus này được ghi nhận ở Vương quốc Hồi giáo gần 30 triệu dân.

Đổ tại thời tiết

Còn tại Việt Nam, báo chí đưa tin hôm 21/4 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng “đi thị sát một số bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc sởi tại Hà Nội”.

Bà chẩn thật đúng bệnh:

Bộ trưởng Y tế của Ả Rập Saudi bị cách chức vì dịch virus làm chết hơn 80 người dân

“Bệnh nhi dồn vào một chỗ, thời tiết miền Bắc ẩm ướt thuận lợi cho virus phát triển là hai trong số nguyên nhân khiến dịch sởi bùng phát mạnh.”

Nhưng sự chẩn bệnh quá đúng này nghe lại cứ như từ miệng một người ngoài cuộc, không hề liên quan gì tới nạn quá tải ở các bệnh viện vốn không phải là chuyện mới và những gì Bộ Y tế đã có thể làm những tuần qua.

Bà Tiến còn nói: “Giá mà truyền thông từ mấy tháng trước thì tốt,” theo trang VnExpress tường thuật lại câu chuyện.

Như thế, lỗi hóa ra là ở chỗ báo chí chưa đưa tin nhanh kịp để Bộ Y tế có hướng giải quyết, giãn các ca nhập viện ồ ạt vào vài bệnh viện chính ở Hà Nội.

Bộ Y tế hóa ra vô can và lỗi chính nay chỉ còn thuộc về thời tiết.

Quan chức né trách nhiệm trong ngành của mình không phải là chuyện gì mới nhưng điều đọng lại là vị đắng của câu chuyện hơn 100 trẻ em chết vì dịch sởi ở Hà Nội.

Đắng vì cả sự bất lực của nhiều người không làm gì để thay đổi cơ chế và thái độ coi mạng người không ra gì kiểu như vậy.

Thông thường, ngoài lỗi chuyên môn, quan chức ở đâu cũng còn phải chịu trách nhiệm để uy tín của ngành mình, của chính quyền bị tổn hại.

Và ở cả hai điểm này, không chỉ so với Ả Rập Saudi mà so với Trung Quốc, tính chịu trách nhiệm của quan chức Việt Nam cũng quá thấp.

Chẳng hạn Bộ trưởng Y tế Trương Văn Khang và Thị trưởng Bắc Kinh, Mạnh Học Nông đều bị cách chức hồi tháng 4/2003 vì “xử lý kém” các diễn biến của dịch SARS, gây ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền.

Còn so với các nước như Anh thì ngành y tế ở Việt Nam ngay từ nền tảng đã thiếu một số tiêu chuẩn cơ bản để tăng tính chịu trách nhiệm của cả hệ thống.

Chuyện bệnh nhân chết ở đâu cũng xảy ra.

Nhưng theo những gì tôi biết ở Anh thì các vụ chết trong bệnh viện và chết sau khi xuất viện 30 ngày đều được thống kê đầy đủ, công khai.

Các ngành khác cũng có quyền giám sát ngành y tế.

Chẳng hạn như ở Anh, sau vụ bệnh nhân chết tại bệnh viên Stafford, giới chức tư pháp đã mở cuộc điều tra vì lợi ích công chúng và đã ra một loạt khuyến nghị bắt buộc hệ thống bệnh viện phải thống kê đầy đủ những vụ chết tương tự.

Các bệnh viện cũng được xếp hạng ‘rủi ro’ theo bảng mà trang Bấm BBC News đăng tải dưới ở đây.

Anh Quốc có bảng thống kê các vụ tử vong ở tất cả các bệnh viện

Việt Nam rất cần những số liệu như thế và trách nhiệm của quan chức y tế, giới bác sỹ cần được ràng buộc vào những con số cụ thể như vậy.

Ngoài ra, thân nhân người bệnh cũng cần được nói rõ rằng họ hoàn toàn có quyền kiện dân sự đòi bồi thường trong trường hợp có người nhà tử vong.

Ở Anh cũng mới trong tháng này có thêm một vụ như vậy.

Gia đình bà Bấm Sheila Acott , 67 tuổi vừa kiện ngành y tế sau vụ bà chết vì bị ngã mà không được trợ giúp kịp thời khi đang ở trong bệnh viện Maidstone, quận Kent hồi tháng 2/2013.

Bò cừu và báo chí

Cũng tại Anh, không chỉ chuyện con người mà dịch bệnh xảy ra với bò và cừu cũng tạo trách nhiệm cho chính quyền.

Hồi năm 2001, bệnh lở mồm long móng (foot and mouth disease – FMD) đã khiến chính phủ Tony Blair gặp khủng hoảng.

Về mặt chính trị, đảng Lao Động cầm quyền khi đó phải cho hoãn bầu cử toàn quốc vì nhiều vùng nông thôn Anh bị phong tỏa, và nền kinh tế bị thiệt hại hàng tỷ bảng vì 3,5 triệu đầu cừu, bò và lợn bị chết.

Nhưng về cơ chế, tổ chức, Anh Quốc cũng đã có những quyết định cụ thể, dứt khoát.

Bộ Nông nghiệp – Ngư nghiệp và Thực phẩm (Ministry of Agriculture, Fisheries and Food – MAFF) bị giải thể và chính phủ lập ra Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn (Defra) để thay thế.

Nhiều nhân vật cao cấp trong ngành thú y bị cách chức và một hệ thống giám sát hoàn toàn mới được đưa vào áp dụng.

Giới y tế và đại học cho đến nay vẫn có các nghiêm cứu về chuyện chỉ liên quan đến gia súc này.

Dù ở Việt Nam, bà Bộ trưởng Y tế có vẻ trách cứ báo chí, tôi nghĩ truyền thông đã đóng vai trò tốt trong việc báo động về vụ dịch sởi ở Hà Nội.

“Vụ Hoài Đức làm mất mặt ngành y tế nhưng các quan chức cao cấp của ngành này vẫn không sao”

Thực ra chính phủ nào cũng khó chấp nhận ‘tin dữ’ nhưng nghề báo ở đâu cũng thế, người đưa tin luôn cần nhìn nhận lợi ích của công chúng cao hơn của quan chức.

Chẳng hạn như BBC hồi 2001 đã có vai trò lớn trong việc buộc chính phủ Anh vào cuộc ngăn khủng hoảng bệnh dịch lở mồm long móng.

Vào lúc nhà chức trách vẫn nghĩ số bò và cừu ‘chết chính thức’ mới chỉ có 773 ca nên chuyện chưa nghiêm trọng, phóng viên BBC Robert Hall đã bay trực thăng qua vùng nông thôn ‘tan hoang vì dịch’ và phóng sự truyền hình của anh hôm 29/3/2001 đã làm thay đổi toàn bộ cách nhìn của dân Anh và chính phủ về chuyện này.

Không có báo chí Việt Nam, người dân cũng không thể biết được vụ nhân bản kết quả xét nghiệm máu tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức.

Cũng chính báo chí trong nước viết rõ ra rằng vụ Bấm Hoài Đức làm ‘mất mặt ngành y tế’ nhưng các quan chức cao cấp của ngành này vẫn không sao và các bị cáo cấp thấp chỉ bị án treo hoặc cảnh cáo.

Cứ như thế, vấn đề ở Việt Nam không phải là báo chí không nói đủ, mà là vì có một hệ giá trị coi nhẹ các chuyện gây tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ, tính mạng con người.

Không thể để các chuyện ‘nhân tai’ được coi như thiên tai, rơi vào ai thì ráng chịu.

Nếu như quan chức y tế vẫn tiếp tục bình chân như vại, giới chức các ngành khác ở Việt Nam vẫn có thể vào cuộc như tại Anh Quốc vì sự an toàn chung của cộng đồng.