Bà Cấn Thị Thêu bị xử 20 tháng tù giam

Bà Cấn Thị Thêu bị xử 20 tháng tù giam

BTV Mặc Lâm
2016-09-19

Dân oan bảo vệ bà Cấn Thị Thêu

Dân oan bảo vệ bà Cấn Thị Thêu

Trịnh Bá Phương

20 tháng tù giam cho bà Cấn Thị Thêu với cáo buộc gây rối trật tự công cộng theo điều 245 Bộ luật hình sự. Kết quả này được tòa án Nhân dân Quận Đống Đa vào lúc 12 giờ 30 phút trưa 20 tháng 9 năm 2016. Luật sư Nguyễn Khả Thành một trong bốn luật sư bào chữa cho bà Thêu nói với chúng tôi sau khi có kết quả phiên tòa vào trưa ngày 20 tháng 9: “Phiên tòa ngày hôm nay khai mạc khoảng 8 giờ rưỡi. Diễn tiến phiên tòa thì chủ tọa đã tạo điều kiện tương đối thoải mái cho các luật sư tranh luận rất nhiều nhưng số đại diện Viện kiểm sát đối đáp thì hạn chế hơn và chủ yếu là giữ quan điểm Bốn luật sư chúng tôi bào chữa theo hướng bị cáo vô tội. Phiên tòa kết thúc cách đây khoảng 15 phút và kêu án chị Thêu 20 tháng tù giam trong khi Viện kiểm sát đề nghị từ 18 tới 22 tháng với lý do chị Thêu đã có tiền án và nhiều tiền sự. Chúng tôi cũng nêu ra tại sao hơn 50 người theo mô tả của bản cáo trạng thì tại sao chỉ một mình chị Thêu phải chấp nhận hậu quả của những người đó cho nên chúng tôi không đồng ý”. Luật sư Hà Huy Sơn cũng cho biết quan điểm của ông và ba luật sư đồng sự trong phiên tòa này: “Bốn luật sư đều cho rằng chị Thêu vô tội. Lực lượng công an phải đảm bảo cái quyền khiếu nại tố cáo của người dân nhưng mà công an lại đưa người mặc thường phục, đem xe buýt tới để mà bắt người đánh người khiếu nại nên gây ra sự thu hút người hiếu kỳ vì vậy một mình chị Thêu không thể gây ra mất trật tự cho cảnh sát giao thông được” Vào ngày 10 tháng 06 năm 2016, bà Cấn Thị Thêu bị Công an thành phố Hà Nội bắt giữ về tội gây rối trật tự công cộng khi bà và hơn 50 dân oan tập trung tại Bộ Tài nguyên Môi trường gửi đơn đòi giải quyết đất đai cho người dân Dương Nội. Bà Cấn Thị Thêu là một nông dân, là dân oan Dương Nội. Bà là người phụ nữ can đảm, kiên cường đấu tranh bảo vệ đất đai cho những người nông dân bị cướp đất, từng bị kết án 15 tháng tù giam về tội “Chống người thi hành công vụ” vào năm 2014. Trước khi phiên tòa bắt đầu, lúc 6 giờ 30 sáng ngày 20 tháng 9 một người dân Dương Nội trong số hơn trăm người tập trung chống lại phiên tòa cho biết: “Bây giờ bà con đang ngồi ở đường ngoài nhưng công an với cơ động rồi bảo vệ….công an đông lắm đúng quây chung quanh bà con. Vẫn sớm và hiện bây giờ có khoảng 200 bà con đổ lại. 8 giờ người ta mới xử nhưng bà con đã ra đây từ lúc 5 giờ sáng”. Một dân oan khác thuật lại: “Tình hình là bà con mấy trăm người đang đứng ở đầu đường vào cổng tòa nhưng rất nhiều công an và dân phòng đang đứng ở chỗ bà con chúng tôi. Chúng tôi đang cầm trên tay biểu ngữ “bắt người vô tội là tội ác, trả tự do cho Cấn Thị Thêu. Công an đang loa không cho bà con ngồi ở đây. Còn nhiều bà con ở các nơi khác như Hải Dương, Thanh Oai, Văn Giang từ xa cũng đang đến từ 5 giờ sáng” Vào lúc 7 giờ 50 sáng anh Trịnh Bá Phương, con trai của bà Cấn Thị Thêu trực tiếp quay phim cảnh người dân oan Dương Nội tập trung tại một khu vực gần tòa án: “Thưa quý vị tôi đang truyền hình trực tiếp tại hiện trường khu vực gần tòa án của Đống Đa, sau khi chúng tôi đến từ đầu đường phố Chùa Láng vào tầm 50 mét thì đã bị lực lượng công an rất đông gần 100 người trên hai chiếc xe buýt. Lực lượng công an và côn đồ đang quây quanh chúng tôi họ đang chuẩn bị nhiều và tăng cường xe buýt tới sửa soạn bắt giữ chúng tôi trái phép. Đây là một phiên tòa lén lút, không cho người dân vào tham dự. Chính quyền huy động rất nhiều công an ngăn chận người dân tham dự phiên tòa đây là hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, chúng tôi đề nghị các cơ quan tổ chức nhân quyền quốc tế theo dõi phiên tòa ngày hôm nay bởi vì đã xảy ra những hành vi côn đồ của lực lượng công an. Họ đã trấn áp, phong tỏa người dân trong khi chúng tôi đang biểu tình ôn hòa, ngồi xuống trước bạo lực, trước số đông của lực lượng công an và côn đồ”. Đúng 8 giờ sáng người bị bắt đầu tiên là chị Thảo Teresa, sau đó công an đã tiến vào nhóm dân oan bắt hết mọi người lên hai chiếc xe buýt mà họ điều tới. Anh Trịnh Bá Tư, con của bà Cấn Thị Thêu cho chúng tôi biết khi cùng với mọi người bị bắt vào đồn công an vào lúc 9 giờ 30: “Tình hình bây giờ những người tham dự phiên tòa bị bắt hết vào đồn rồi ạ. Hiện tại cháu cùng anh trai cháu là Trịnh Bá Phương, chị Thảo Teresa cùng các bác các cô đến tham dự phiên tòa bị bắt ra đồn 6 Quang Trung Quận Hà Đông. Theo cháu được biết thì bố cháu đã vào được phiên tòa rồi”. Có 4 luật sư tham gia bào chữa cho bà Cấn Thị Thêu tại phiên tòa hôm nay gồm: Luật sư Hà Huy Sơn, luật sư Võ An Đôn, luật sư Nguyễn Khả Thành và luật sư Lê Văn Luân. Ngay khi có bản án ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Human Rights Watch đặc trách Á châu sự vụ cho Đài Á châu Tự do biết quan điểm của ông về phiên tòa này: “Thêm một thí dụ nữa về việc nhà nước Việt Nam đã tội phạm hóa những người dân oan đó là một trong những vi phạm cam kết của Việt Nam theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Những gì chúng ta đang thấy khá rõ ràng là chính phủ cũng như bên trong các tòa án theo sát bước chân người dân để bỏ tù những người biểu tình một cách ôn hòa, những người đã cố gắng bảo vệ đất đai hoặc bảo vệ sinh kế của họ và điều này thái quá và bà Cấn Thị Thêu phải được trả tự do vô điều kiện và ngay lập tức”. Hôm 17 tháng 9, Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, có trụ sở tại New York ra thông cáo báo chí kêu gọi chính quyền Việt Nam phải bãi bỏ tất cả những cáo buộc và trả tự do vô điều kiện cho chị Cấn Thị Thêu cũng như cần phải sửa đổi luật đất đai và chính sách bồi thường.

 

Tường thuật phiên tòa xét xử sơ thẩm Dân oan Cấn Thị Thêu

Tường thuật phiên tòa xét xử sơ thẩm Dân oan Cấn Thị Thêu

 GNsP (20.09.2016)

8 giờ 50: Mặc dù anh Trịnh Bá Phương, con trai Dân oan Cấn Thị Thêu, có giấy triệu tập tham dự phiên tòa nhưng đã bị công an bắt, tống lên xe đưa về đồn công an số 6 Quang Trung, Hà Nội.

14432930_1749769928618036_1273761303003340918_n

8 giờ 35: Cộng tác viên GNsP có mặt tại hiện trường cho hay: “Suốt dọc con đường Chùa Láng dẫn vào TAND quận Đống Đa rải rác rất đông an ninh, cảnh sát, dân phòng. Bất cứ xe ô tô hoặc taxi nào dừng lại đều có thể bị hốt. Rado giao thông thông báo đoạn đường Chùa Láng bị chặn cấm lưu thông vì lý do an ninh quốc gia. Bà con quanh khu vực cho biết ‘hôm nay xử vụ án ma túy nào to lắm’…”

Công an và an ninh phong tỏa các ngả đường ra vào khu vực Tòa án Nhân dân quận Đống Đa vào sáng 20.09.2016. Ảnh: Lê Anh Hùng

8 giờ 15: Phiên tòa của bà Cấn Thị Thêu được Tòa thông báo là phiên tòa “công khai” và bất cứ người dân nào cũng có thể được vào dự khán, tuy nhiên Nhà báo Lê Hùng cho hay:

“Bà con đang ngồi tọa kháng gần khu vực tòa án một cách ôn hòa, nhưng công an và an ninh đã xông vào, lôi kéo bà con lên xe. Bà con bị đưa lên hết hai xe buýt. Tôi cũng bị bọn chúng lôi kéo đi. Nhiều bà con bị trầy xước hết cả tay chân. Hiện nay, xe đang đi về hướng Hà Đông.”

7 giờ 30: Bà con dân oan tiến vào khu vực Tòa án nhưng bị công an và an ninh ngăn cản. Giới chức cộng sản huy động xe buýt đậu sẵn khu vực này để có thể bắt bà con dân oan tham gia phiên tòa bất cứ lúc nào.

Nhà báo Lê Hùng nói với GNsP qua điện thoại: “Bà con đang tọa kháng, kêu gọi trả tự do cho Cấn Thị Thêu, có dấu hiệu họ sẽ đàn áp và bắt mọi người.”

Giới chức cộng sản huy động xe buýt đậu sẵn khu vực này để có thể bắt bà con dân oan tham gia phiên tòa bất cứ lúc nào.

7 giờ 15: Gần 100 dân oan đi từ đường Nguyễn Chí Thanh đến khu vực tòa án. Bà con dân oan vừa đi vừa biểu tình và kêu gọi nhà cầm quyền trả tự do cho Dân oan Cấn Thị Thêu. Trên tay bà con cầm nhiều biểu ngữ và đồng thanh hô: “Cấn Thị Thêu vô tội! Trả tự do cho Cấn Thị Thêu! Bắt bỏ tù người yêu nước là một tội ác! Phản đối phiên tòa bất công!…”

Ngoài sự có mặt của bà con dân oan còn có sự đồng hành của Nhà báo Lê Hùng, cô Thảo Têrêsa, một số anh chị em từ Miền Nam như bà Thu Nguyệt…

Trước Tòa án, loa phát thanh liên tục yêu cầu bà con giải tán, không được “gây rối trật tự công cộng”.

14433065_651524728339398_7365200204229178592_n

Công an, an ninh mật vụ đứng lởn vởn xung quanh khu vực Tòa án nhân dân quận Đống Đa, Tp. Hà Nội.

Sáng nay ngày 20.09.2016, diễn ra phiên tòa sơ thẩm xét xử Dân oan Cấn Thị Thêu với tội danh “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 BLHS, tại Tòa án nhân dân quận Đống Đa, Tp. Hà Nội.

Tham gia bào chữa cho bà Thêu gồm 4 Luật sư: LS Hà Huy Sơn, LS Lê Văn Luân, LS Võ An Đôn và LS Nguyễn Khả Thành.

Về diễn tiến của vụ án, LS Võ An Đôn, một trong những LS tham gia bào chữa cho bà Thêu, cho biết: “Sáng ngày 08/4/2016 chị Cấn Thị Thêu đi một mình đến trụ sở tiếp dân thuộc Bộ tài nguyên và Môi trường gửi đơn khiếu nại, tại đây chị Thêu gặp một số người dân từ các miền của đất nước đến gửi đơn khiếu kiện.”

“Sau khi nghe cán bộ tiếp dân giải thích, nhiều người dân không đồng tình đã có thái độ phản đối. Họ đồng loạt yêu cầu Bộ tài nguyên và Môi trường nhanh chóng giải quyết khiếu nại, sau đó họ ra đứng trước cửa giơ biểu ngữ yêu cầu hủy bỏ Điều 88 Bộ luật hình sự và trả tự do cho luật sư Nguyễn Văn Đài và cô Lê Thu Hà.”

“Vì cho rằng chị Thêu có hành vi gây rối trật tự công cộng nên Công an quận Đống Đa đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt giam chị Cấn Thị Thêu về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 BLHS.”

Pv.GNsP

HRW kêu gọi Hà Nội thả bà Cấn Thị Thêu

HRW kêu gọi Hà Nội thả bà Cấn Thị Thêu

Nguoi-viet.com

Bà Cấn Thị Thêu (áo đen, giữa) cùng các người dân oan khiếu kiện tại trụ sở tiếp dân của chính quyền ở Hà Nội. (Hình: FB Trịnh Bá Tư)

NEW YORK, New York (NV) – Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) vừa kêu gọi Hà Nội trả tự do cho bà Cấn Thị Thêu, một người dân oan ở Dương Nội, sắp bị lôi ra tòa kêu án.

“Chính quyền Việt Nam cần hủy bỏ mọi cáo buộc đối với một nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai đang sắp phải hầu tòa vì đã thực hiện các quyền của mình một cách ôn hòa, và trả tự do vô điều kiện cho bà.”

HRW, có trụ sở ở New York, ra một bản tuyên bố về trường hợp của bà Cấn Thị Thêu sắp bị đưa ra tòa án ở Hà Nội ngày 20 Tháng Chín và cho là bà “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 Luật Hình Sự của Việt Nam.

Theo HRW, bà Cấn Thị Thêu, 54 tuổi, bị bắt ngày 10 Tháng Sáu vừa qua lúc sáng sớm đang còn ngủ trong nhà, sau nhiều lần bà cùng nhiều người dân phường Dương Nội mang biểu ngữ đến các cơ quan chính phủ ở Hà Nội để khiếu nại về việc trưng thu đất.

Bà từng bị bắt và bị kết án 15 tháng tù hồi năm 2014 khi nhà cầm quyền huy động một lực lượng hùng hậu đến cưỡng chế khu đất của người dân Dương Nội, cũng với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” dù bà chỉ đứng trong một cái lều quay video cảnh công an và các lực lượng của nhà cầm quyền đàn áp người dân.

HRW kể lại rằng, hơn một thập kỷ trước, vào Tháng Sáu, 2006, chính quyền địa phương quyết định trưng thu đất nông nghiệp ở phường Dương Nội thuộc quận Hà Đông, Hà Nội, và chuyển đổi khu vực này thành đất đô thị. Hàng trăm hộ gia đình đã biểu tình phản đối sự thiếu minh bạch trong quá trình trưng thu và đền bù không thỏa đáng cho những gia đình bị mất sinh kế.

Vào Tháng Tư, 2014, chính quyền đã sử dụng vũ lực để giải tỏa đất và đánh đập dã man nhiều người phản đối việc giải tỏa. Bà Cấn Thị Thêu bị bắt và chồng bà, ông Trịnh Bá Khiêm, cũng bị bắt cùng với một số người nữa và bị cáo buộc cùng tội danh nói trên.

Theo HRW kể lại, Tháng Chín, 2014, vợ chồng bà đều bị kết án. Bà Cấn Thị Thêu bị xử 15 tháng tù giam và ông Trịnh Bá Khiêm bị 18 tháng (sau đó giảm xuống 14 tháng).

Tháng Sáu, 2015, vào thời điểm ông Khiêm thi hành xong bản án, hàng chục nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai và blogger đã đến trại giam Số 6 ở tỉnh Nghệ An để chào đón ông. Nhóm này đã bị nhiều người đàn ông mặc thường phục tấn công. Anh Trịnh Bá Tư, người con trai út của bà Thêu, bị thương nặng.

Tháng Bảy, 2015, bà Thêu thi hành xong bản án tại trại giam số 5 ở tỉnh Thanh Hóa. Sau khi ra tù, bà tiếp tục vận động cho các vấn đề về đất đai và môi trường. Bà tham gia các cuộc biểu tình đòi trả tự do cho luật sư nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Văn Đài và người cộng sự Lê Thu Hà cũng như các cuộc biểu tình chống ô nhiễm ôi trường.

Bà cũng bị cáo buộc đã kích động người dân phường Dương Nội tẩy chay cuộc bầu cử quốc gia hồi Tháng Năm. Người ta tin rằng việc bắt giam trở lại và chuẩn bị kết án lần nữa đối với bà Cấn Thị Thêu với cáo buộc “gây rối…” chỉ là cái cớ bề ngoài, không đếm xỉa gì tới những uất ức của những người nông dân như bà khi bị nhà cầm quyền cướp đoạt nguồn sinh kế.

“Khi Đảng Cộng Sản Việt Nam cần sự ủng hộ của nông dân, đảng kêu gọi ‘người cày có ruộng,’” ông Brad Adams, giám đốc khu vực Á Châu của HRW, phát biểu. “Nhưng giờ đây đảng lại bỏ tù những người cổ vũ đúng khẩu hiệu đó.”

Hai ngày sau phiên tòa xử bà Cấn Thị Thêu, tòa án sẽ xử phúc thẩm nhà báo tự do Ba Sàm Nguyễn hữu Vinh và người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy.

Trong phiên tòa sơ thẩm ngày 23 Tháng Ba, ông Vinh bị kết án năm năm tù và bà Nguyễn Thị Minh Thúy bị ba năm tù, vì bị tố cáo tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” theo Điều 258 Luật Hình Sự.

Điều luật này và một số điều khác bị các tổ chức nhân quyền quốc tế tố cáo là trái với chính Hiến Pháp Việt Nam cũng như trái với Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà Việt Nam đặt bút ký cam kết tuân hành.

Trên nguyên tắc, phiên tòa phúc thẩm phải diễn ra trong vòng 45 ngày sau phiên tòa sơ thẩm, nhưng phiên tòa này lại xảy ra sau sáu tháng. (TN)

Biểu tình phản đối Formosa xả thải ra sông Quyền

Biểu tình phản đối Formosa xả thải ra sông Quyền

RFA
2016-09-19

songquyen-protest-622.jpg

Hôm Chủ nhật 18/9/2016, nhiều người dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh, tuần hành phản đối việc công ty Formosa xả thải xuống sông Quyền.

Ảnh chụp từ màn hình video youtube

Biểu tình phản đối Formosa xả thải ra sông Quyền

02:38/05:24

Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Vào ngày 18/9/2016, rất đông người dân ở giáo xứ Dũ Yên đã biểu tình để phản đối Formosa cũng như phản đối việc chính quyền cho công ty Formosa xả thải ra sông Quyền.

Xả thải ra sông Quyền

Sáng Chủ nhật 18/9, gần 2.000 người thuộc tổ dân phố Tây Yên thuộc xứ Dũ Yên, phường Kỳ Thịnh, Thị xã Kỳ Anh đã đứng lên biểu tình phản đối Formosa “xả chất thải chảy qua sông Quyền trước khi đổ ra biển”.

Trước đó vào ngày 9/9, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, nhiều đại biểu của Hà Tĩnh kiến nghị với Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cần phải cho nước thải của công ty TNHH Hưng nghiệp Gang thép Formosa Hà Tĩnh xả ra khu vực sông Quyền (con sông này nằm cạnh khu công nghiệp Formosa) để dễ quản lý.

Sau đó phó bí thư thường trực tỉnh ủy Hà Tĩnh ông Trần Nam Hồng đã làm văn bản, dự án để xả thải ra sông Quyền trước khi cho chất thải của Formosa đổ ra biển.

Khi nhận được thông tin đó từ chính quyền tỉnh Hà Tĩnh là đang phê duyệt về dự án này thì người dân ở đây đã rất phẫn nộ và không còn tin vào chính quyền.

Việc Formosa xả thải đã làm cho ngư dân của 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại rất nặng nề, nguy cơ nhiễm bệnh cao, nhiều người mất việc làm, gia đình điêu đứng, trong khi nhiều hộ ngư dân lại chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ chính quyền, nay chính quyền lại muốn nước thải đó đổ ra sông.

Sử dụng hiệu quả người tài tại Việt Nam: câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp

Sử dụng hiệu quả người tài tại Việt Nam: câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2016-09-17

20160912001427-anh3.jpg

Thi tuyển Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, tháng 6 năm 2015.

 Courtesy of TTXVN

Sử dụng hiệu quả người tài tại Việt Nam: câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp

03:12/08:07

Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Vấn đề làm sao sử dụng hiệu quả người có tài tại Việt Nam tiếp tục là câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp. Nhiều hội thảo được tổ chức để giới hữu trách và những nhà quản lý cùng nhau tìm lối ra cho vấn đề.

Khó khăn

Tại diễn đàn “Người Tài, Người Nhà” ở Hà Nội mới đây, vụ trưởng Vụ Giáo Dục Chuyên Nghiệp trực thuộc Bộ Giáo Dục Đào Tạo Việt Nam, tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, đặt vấn đề “Một chuyên viên, một vụ trưởng, một thứ trưởng chất lượng cao là như thế nào, chưa lượng hóa được thì làm sao tuyển chọn và trong dụng”. Ông cho rằng Việt Nam còn mù mờ trong việc chọn người tài.

Vẫn theo ý kiến của tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, trong cơ quan hành chính, nhân tài phải là người có năng lực chu toàn nhiệm vụ, có tiềm năng sáng tạo, có khả năng giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, nhân tài còn là người có khả năng dự báo, phân tích tình huống, đưa ra những quyết định hay hướng giải quyết tối ưu.

Tuy nhiên thực tế cho thấy số người có thể đáp ứng những tiêu chuẩn đó vẫn thiếu vắng.

Người dân quan tâm làm thế nào để bộ phận hành chính công phục vụ nhân dân với tiêu chí quan trọng nhất là vì dân và trong sạch.
– Giáo sư Chu Hảo

Giáo sư tiến sĩ Hồ Sĩ Quý, viện trưởng Viện Thông Tin, Khoa Học Và Xã Hội, có ý kiến đối với nhận định của ông Hoàng Ngọc Vinh:

“Đúng quá chứ còn gì nữa, ông ấy nói như thế là chính xác, phản ánh đúng tình hình. Những chuyện như là đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện, sử dụng… tôi cho cái khâu nặng nề nhất ở ta hiện nay là chuyện sử dụng.

Việc sử dụng gắn liền với cơ chế nhà nước và gắn liền với môi trường của người tài, cho nên rất khó sử dụng và người tài cũng khó phát huy. Nói chung là tôi đồng ý với ý kiến đó nhưng nói thế thì vẫn là lý thuyết. Còn năng lực, chính sách, giải quyết các tình huống, thái độ ứng xử, độ thông minh về cảm xúc EQ hay IQ thì những thứ đó trong thực tiễn nó thể hiện nhiều hơn chứ còn lượng hóa thì người ta đã lượng hóa cả rồi.”

Giáo sư Chu Hảo, nguyên thứ trưởng Bộ Khoa Học Công Nghệ Việt Nam:

Ở Việt Nam mình gọi là công tác tổ chức cán bộ nhưng ở nước ngoài người ta gọi là công tác phát triển nguồn nhân lực cho nền hành chính công. Chính cái khác biệt ấy cũng gây ra tình trạng không tốt cho việc tuyển chọn người tài. Ở Việt Nam, những chuẩn mức của vị trí công tác đó cũng được đặt ra nhưng theo tôi là nó còn quá là chung chung. Mô tả công việc, mô tả trách nhiệm của từng công tác đó chưa được chuẩn hóa một cách cụ thể, rõ ràng. Việc đánh giá theo những chuẩn mức không rõ ràng như vậy rất khó khăn.

Những bất cập, những khó khăn, thậm chí cả những tệ nạn hiện có trong nền hành chính công của chúng ta xuất phát chủ yếu từ việc lựa chọn không đúng người vào những chức vụ trong nền hành chính công đó. Tôi nghĩ đấy là vấn nạn lớn của đất nước hiện nay.

Điều mà người dân quan tâm làm thế nào để bộ phận hành chính công phục vụ nhân dân với tiêu chí quan trọng nhất là vì dân và trong sạch. Điều đó vẫn là mảng tối trong hệ thống hành chính công của nước ta hiện nay.”

Không giúp người tài phát huy năng lực

Đối với nhà nghiên cứu văn hóa và cũng là dịch giả, thạc sĩ Đinh Gia Hưng, giảng viên Đại Học Kinh Tế Đà Nẵng, tìm kiếm và tuyển chọn nhân tài vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy công quyền là một vấn đề quan trọng song không hoàn toàn là một vấn đề khó khăn:

000_APH2001071753268.jpg

Người trẻ học cách sử dụng internet trong một khóa học miễn phí được tổ chức tại Hà Nội. Ảnh chụp ngày 17 tháng 7 năm 2001. AFP PHOTO

“Trách nhiệm chủ chốt ở tất cả mọi ngành, mọi tầng lớp cũng như ở khía cạnh chính trị và xã hội đều phải là người tài cán, hơn hẳn người khác về tài năng, nhân cách, bản lĩnh .

Vấn đề nhận diện được người tài và chọn người tài vào trong hệ thống quản lý của xã hội cũng như quốc gia không phải là vấn đề khó khăn. Có nghĩa những nhà lãnh đạo tìm người tài thì không khó nhưng vấn đề là người ta không chọn người tài đó. Phải đặt ra một hệ thông tương ứng để người tài làm việc một cách hiệu quả nhất. Hệ thống đó chưa có tại Việt Nam.

Có thể khẳng định Việt Nam biết rất rõ ai là người tài, ai không là người tài. Vấn đề là lãnh đạo bổ nhiệm người nào, dựa trên hệ giá trị nào, hệ giá trị của người dân và chính quyền hay là hệ giá trị của một nhóm cá nhân thôi. Mấu chốt nhất là nằm ở chỗ đó.”

Đặt để một người có tài vào không đúng chỗ, ngược lại đặt để người kém khả năng vào một vị trí không tương xứng, thạc sĩ Đinh Gia Hưng góp ý tiếp, chẳng khác nào mang một con cá thả vào môi trường nước không thích hợp với thể loại và tầm vóc của nó:

Cho vào vùng nước nông thì tất nhiên con cá đó sẽ không thể hiện được sức mạnh của nó theo ý tạo hóa được. Ngược lại một con cá rất yếu lại đưa nó vào vùng biển rất sâu và rộng thì nó sẽ chết chìm ở đó, kéo theo những hệ lụy khác.”

Cũng tại diễn đàn “Người Tài, Người Nhà”, tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh còn cho rằng nhận diện người tài kém, mù mở trong tuyển chọn, đặt không đúng chỗ vào những việc không xứng với khả năng là những lý do khiến người có tài chán nản bỏ đi.

Thực tế tình trạng này ảnh hưởng nhiều nhất đến những thành phần du học sinh hoặc nghiên cứu sinh từ nước ngoài trở về. Anh Đặng Ngọc Sơn, từng đi du học ở Đức, hiện làm việc tại Hà Nội:

Ở Việt Nam có câu truyền miệng là “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ”. Người đi du học về rõ ràng là không đủ thời gian để thích ứng được với môi trường trong nước. Bản thân khi họ về thì trong nước cũng không tạo điều kiện để có thể sắp xếp cho họ một vị trí hợp với khả năng của họ. Chính vì vậy nó như kiểu là một người bất đắc chí. Tôi được đi học, tôi được đào tạo một cách chính qui, tôi có năng lực thực sự nhưng tôi về lại không được làm cái việc đó. Sáng xách ô đi tối xách về, đồng lương thì không đủ, mọi thứ nó dẫn đến chán nản.

Tình trạng ở các cơ quan nhà nước là thân hữu rồi họ hàng các thứ bổ nhiệm cho nhau, đưa nhau lên.
– Tiến sĩ Vũ Ngọc Xuân

Gần như những người được đi du học và có năng lực thực sự họ không muốn về bởi họ biết có về chăng nữa thì cơ hội để có thể phát triển và thể hiện năng lực gần như là không có. Đấy là theo ý kiến đồng chí Vinh, nó tương đối chính xác theo thực tế xã hội Việt Nam hiện giờ.”

Tiến sĩ Vũ Ngọc Xuân, giảng viện Đại Học Kinh Tế Quốc Dân Hà Nội, từng sang du học tại Hoa Kỳ, đồng ý là cơ chế của Việt Nam không giúp người tài phát huy năng lực của họ:

Bởi vì họ không thể bổ nhiệm một người có tài năng mà qua thi tuyển lên đến chức vụ cao được. Ở các nước phát triển thì có thể một người tài qua thi tuyển được bổ nhiệm lên làm giám đốc hoặc tổng giám đốc. Ở Việt Nam thì cơ chế nhà nước không cho phép cái việc như thế, cho nên dẫn đến cái cơ chế là không trọng dụng nhân tài.

Ở Việt Nam bây giờ có mà nhận ra được người tài thì người đứng đầu cũng không thể tuyển dụng và bổ nhiệm vào vị trí ngay được vì hệ thống văn bản pháp luật liên quan không cho phép. Không có cơ hội cũng như môi trường để cho người tài có thể phát huy được là cái chung cả nước như thế.

Ngoài ra còn có tình trạng ở các cơ quan nhà nước là thân hữu rồi họ hàng các thứ bổ nhiệm cho nhau, đưa nhau lên. Thực tế bắt tay vào triển khai thì còn nhiều bất cập, thiếu sự quyết liệt của người đứng đầu.”

Liên quan ít nhiều đến câu chuyện tuyển dụng và thu hút nhân tài vào bộ máy công quyền ở Việt Nam, tại một buổi hội thảo bàn tròn trực tuyến bao gồm những nhà giáo dục vừa qua, ông Hoàng Minh Sơn, hiệu trưởng Đại Học Bách Khoa Hà Nội, đề xuất ý kiến mới là Việt Nam nên hỗ trợ người giỏi trở về nước hơn là chỉ bỏ tiền cử người đi học để rồi xảy ra trường hợp nhiều người không muốn trở về sau khi đã tốt nghiệp.

Việt Nam lại đòi ‘hà hơi, tiếp sức’ cho hai cái xác chưa chôn

 Việt Nam lại đòi ‘hà hơi, tiếp sức’ cho hai cái xác chưa chôn

Nguoi-viet.com

Nhà máy Đạm Ninh Bình. Từ đầu năm đến nay chỉ hoạt động có 76 ngày rồi ngưng chạy máy. (Hình: TTXVN)

VIỆT NAM – Tập Đoàn Hóa Chất Việt Nam (VINACHEM) – một trong các tập đoàn nhà nước vừa gửi chính phủ Việt Nam 14 kiến nghị về việc hỗ trợ nhằm duy trì hai nhà máy là: Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc.

Cả hai nhà máy: Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc vốn đã là những xác chưa chôn.

Năm 2000, chính quyền Việt Nam chuẩn y đề nghị của VINACHEM, thực hiện Dự Án Nhà Máy Đạm Ninh Bình. Theo quảng cáo thì dự án này nhằm phát triển phân bón, bảo đảm an ninh lương thực cho Việt Nam.

Năm 2008, VINACHEM hỏi vay của EXIMBANK Trung Quốc $250 triệu (lúc đó tương đương 5,000 tỷ đồng) trong 15 năm với lãi suất là 4%/năm để thực hiện dự án Nhà Máy Đạm Ninh Bình. Đổi lại, VINACHEM phải sử dụng tập đoàn China Huanqiu Contracting & Enginneer của Trung Quốc làm nhà thầu.

Theo thiết kế thì Nhà Máy Đạm Ninh Bình sử dụng công nghệ của Châu Âu nhưng vì nhà thầu là Trung Quốc nên cuối cùng, “đa phần thiết bị” của nhà máy là do Trung Quốc sản xuất.

Tháng trước, trò chuyện với tờ Tiền Phong, ông Nguyễn Gia Tưởng, tổng giám đốc VINACHEM thú nhận, do đa số thiết bị là của Trung Quốc, dây chuyền sản xuất phân bón của Nhà Máy Đạm Ninh Bình “thường xuyên xảy ra sự cố.” Bởi việc mua thiết bị dự phòng phụ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc nên VINACHEM đang tính đến việc đóng cửa Nhà Máy Đạm Ninh Bình.

Vì càng hoạt động càng lỗ, để duy trì hoạt động của Nhà Máy Đạm Ninh Bình, VINACHEM đã vay thêm của các tổ chức tín dụng và ngân hàng tại Việt Nam $326 triệu và 4,300 tỷ đồng. Theo tờ Tiền Phong thì sau khi khánh thành bốn năm, Nhà Máy Đạm Ninh Bình lỗ 2,000 tỷ đồng. Hiện nay, mỗi năm, Nhà Máy Đạm Ninh Bình phải trả… 1,000 tỷ đồng tiền lãi. Mức lãi trung bình là 2.6 tỷ đồng một… ngày!

Nhà Máy Đạm Hà Bắc, một thành viên khác của VINACHEM cũng chẳng khá hơn. Sau năm năm được “cải tạo – mở rộng,” Nhà Máy Đạm Hà Bắc năm nào cũng lỗ. Riêng năm ngoái lỗ 655 tỷ và nay, chỉ tính riêng số nợ đã vay của Ngân Hàng Phát Triển Việt Nam (VDB) thì khoản này đã là 3,957 tỷ đồng.

Trong kiến nghị mới gửi chính phủ Việt Nam, VINACHEM đề nghị: Đối với Nhà Máy Đạm Ninh Bình thì hoặc là chuyển khối tiền 2,708 tỷ đồng đang nợ Ngân Hàng Phát Triển Việt Nam (VDB) thành vốn mà nhà nước đầu tư (nhà nước đứng ra gánh thay – xóa khoản nợ này) hoặc là khoanh nợ trong năm năm (không trả cả vốn lẫn lãi từ 2016 đến 2020). VINACHEM cho biết cũng đã đề nghị như vậy với EXIMBANK của Trung Quốc (!?). Còn đối với Nhà Máy Đạm Hà Bắc thì VINACHEM chỉ xin khoanh khoản nợ 3,957 tỷ trong… năm năm!

Bên cạnh đó, VINACHEM đề nghị chính phủ Việt Nam chỉ đạo VDB giảm mức lãi đối với các khoản mà VINACHEM đang nợ xuống còn 8.5%/năm. Đồng thời đề nghị chính phủ Việt Nam chỉ đạo người đại diện vốn nhà nước tại các ngân hàng: BIDV, Vietcombank, Vietinbank tiếp tục cho Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc vay vốn để tổ chức sản xuất, kinh doanh.

VINACHEM không quên khuyến cáo là dẫu các đề nghị “hà hơi, tiếp sức” có được chấp nhận thì do các khó khăn khách quan, hiệu quả hoạt động của hai nhà máy: Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc trong năm tới vẫn khó… khá!

Cho dù thủ tướng Việt Nam chưa trả lời vì còn chờ các bộ như: Công Thương, Kế hoạch – Đầu Tư và Ngân Hàng Nhà Nước “tham mưu” nhưng cầm chắc là thủ tướng Việt Nam không lắc đầu bởi Việt Nam vẫn là quốc gia đang xây dựng “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa,” thành ra các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước vẫn là “nòng cốt.”

Theo một báo cáo mà VINACHEM gửi cho các bộ hữu trách trong chính phủ Việt Nam cách nay vài tháng thì dù hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp thành viên đều thê thảm như Nhà Máy Đạm Ninh Bình và Nhà Máy Đạm Hà Bắc song mức lương trung bình của các viên chức lãnh đạo VINACHEM đã tăng từ 48.5 triệu đồng/tháng hồi năm 2015 lên thành 54 triệu đồng/tháng trong năm nay. (G.Đ)

Văn hóa khinh bỉ là gì? ( RFA)

 Khi nó đã vô liêm sỉ rồi, dây thần kinh xấu hổ đã đứt rồi thì nó màng gì tới chuyện văn hóa khinh bỉ? Đây chẳng qua là một lời nói mị dân.
– Giáo sư Tương Lai

 Bản thân anh tham nhũng thì bị khinh bỉ là đúng rồi nhưng có gì mới? Bây giờ khinh bỉ là khinh bỉ cái cơ chế nào cái nguồn gốc nào nó đẻ ra tham nhũng.
– Giáo sư Tương Lai

Mời xem:

Văn hóa khinh bỉ là gì?  ( RFA)

Việt Nam: Cần hủy bỏ mọi cáo buộc và phóng thích nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai

Việt Nam: Cần hủy bỏ mọi cáo buộc và phóng thích nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai

Human Rights Watch

17-9-2016

Cấn Thị Thêu phản đối công an sử dụng bạo lực. Bà mang trên tay bức hình con trai là Trịnh Bá Tư bị côn đồ thân chính quyền tấn công vào tháng Sáu năm 2015. © private.

Nên thương lượng với những người biểu tình đòi đất thay vì bỏ tù họ

(New York) – Hôm nay Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng chính quyền Việt Nam cần hủy bỏ mọi cáo buộc đối với một nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai đang sắp phải hầu tòa vì đã thực hiện các quyền của mình một cách ôn hòa, và trả tự do vô điều kiện cho bà. Vào ngày 20 tháng Chín năm 2016, một tòa án ở Hà Nội sẽ mở phiên tòa xử Cấn Thị Thêu về hành vi “gây rối trật tự công cộng” theo điều 245 bộ luật hình sự vì bà cùng với một số người khác đã tiến hành biểu tình ôn hòa phản đối trưng thu đất đai.

“Mâu thuẫn giữa nông dân và chính quyền trong việc trưng thu đất đai đã trở thành một vấn nạn nghiêm trọng ở Việt Nam trong những năm gần đây,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Chính quyền nên cải cách luật đất đai và cơ chế đền bù, thay vì trừng phạt những người dân bị mất đất.”

Ngày mồng 10 tháng Sáu, chính quyền Hà Nội bắt giữ Cấn Thị Thêu, 54 tuổi, và cáo buộc bà về hành vi “gây rối trật tự công cộng” sau khi bà cùng nhiều người dân phường Dương Nội mang biểu ngữ đến các cơ quan chính phủ ở Hà Nội để khiếu nại về việc trưng thu đất. Bà cũng bị cáo buộc đã kích động người dân phường Dương Nội tẩy chay cuộc bầu cử quốc gia hồi tháng Năm. Sau khi bị bắt, Cấn Thị Thêu đã tuyệt thực hơn 10 ngày.

Hơn một thập kỷ trước, vào tháng Sáu năm 2006, chính quyền địa phương quyết định trưng thu đất nông nghiệp ở phường Dương Nội thuộc quận Hà Đông và chuyển đổi khu vực này thành đất đô thị. Hàng trăm hộ gia đình đã biểu tình phản đối sự thiếu minh bạch trong quá trình trưng thu và đền bù không thỏa đáng cho những gia đình bị mất sinh kế. Chính quyền chỉ có những nỗ lực không đáng kể trong việc thương lượng với người dân địa phương và giải quyết khiếu nại của họ. Vào tháng Tư năm 2014, chính quyền đã sử dụng vũ lực để giải tỏa đất và đánh đập dã man nhiều người phản đối việc giải tỏa.

Bà Cấn Thị Thêu bị bắt ngay tại hiện trường vì chụp ảnh và quay phim quá trình cưỡng chế. Bà bị cáo buộc về tội “chống người thi hành công vụ” theo điều 257 của bộ luật hình sự. Chồng bà, ông Trịnh Bá Khiêm cũng bị bắt và cáo buộc về cùng tội danh nói trên. Tháng Chín năm 2014, cả hai đều bị kết án. Cấn Thị Thêu bị xử 15 tháng tù giam và Trịnh Bá Khiêm 18 tháng (sau đó giảm xuống 14 tháng). Tháng Sáu năm 2015, vào thời điểm Trịnh Bá Khiêm thi hành xong bản án, hàng chục nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai và blogger đã đến Trại giam Số 6 ở tỉnh Nghệ An để chào đón ông. Nhóm này đã bị nhiều người đàn ông mặc thường phục tấn công. Người con trai út của bà Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, bị thương nặng. Tháng Bảy năm 2015, bà Cấn Thị Thêu thi hành xong bản án tại Trại giam Số 5 ở tỉnh Thanh Hóa.

Sau khi ra tù, Cấn Thị Thêu tiếp tục vận động cho các vấn đề về đất đai và môi trường. Bà tham gia các cuộc biểu tình đòi trả tự do cho luật sư nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Văn Đài và cộng sự Lê Thu Hà, yêu cầu chính phủ hủy bỏ điều 88 của bộ luật hình sự có nội dung hình sự hóa các hành vi phê phán chính quyền một cách ôn hòa. Bà tham gia biểu tình phản đối công an bạo hành và tham gia tuyệt thực để ủng hộ tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức.

“Khi Đảng Cộng sản Việt Nam cần sự ủng hộ của nông dân, đảng kêu gọi ‘người cày có ruộng,’” ông Adams nói. “Nhưng giờ đây đảng lại bỏ tù những người cổ vũ đúng khẩu hiệu đó.”

Một xác người đi qua dưới ánh mặt trời

Một xác người đi qua dưới ánh mặt trời

                Phạm Trung Tuyến

15/09/2016

xac-nguoi

Hôm qua, khi mới nhìn thấy bức ảnh cái xác của một người đàn bà bó chiếu buộc sau chiếc xe máy chạy trên đường, tôi đã lặng người đi vì xót xa cho thân phận con người. Rồi sau đó là cảm giác gai người vì nghĩ đến chặng đường 60km từ Thành phố Sơn La về huyện Quỳnh Nhai

Trên hành trình chiếc xe chở xác đi qua, bao nhiêu người đã nhìn thấy tận mắt hình ảnh đó? Đó là một hình ảnh thách thức mọi giá trị sống mà con người chúng ta đã vun đắp, xây dựng qua hàng trăm, hàng ngàn thế hệ.

Nhưng mà chiếc xe máy chở xác người ấy cứ thế mà đi qua bao nhiêu ánh mắt, như một ảo giác, như một điều không thật, như một đoạn phim.

Người nhà của người đàn bà đã chết ấy, người đàn ông đã lái chiếc xe máy với cái xác bó chiếu trên yên xe suốt 60 km ấy, có thể anh ấy chẳng còn nghĩ được gì ngoài sự kết thúc của một quá trình đã rất nhiều khổ đau.

Người phụ nữ ấy đã chết vì lao phổi, một thứ bệnh của người nghèo, vì tuyệt vọng sau quá trình chạy chữa kéo dài và xin ra viện để về nhà chờ chết, rồi chết trên đường đi.

Người thân của chị có lẽ không bất ngờ về điều đó, anh đưa chị về, theo cái cách mà anh có thể làm, trong khả năng, giản đơn như đặt một dấu chấm trên dòng đời.

Nhưng một xác người đi qua dưới ánh mặt trời suốt cả một hành trình hơn 60 km, trong trạng thái đó, là một hình ảnh không thể bất nhẫn hơn.

Dấu chấm hết cho cuộc đời người đàn bà ấy, dấu chấm cho những tháng ngày kiệt quệ theo đuổi việc cứu chữa người thân của gia đình chị, lại là những dấu hỏi về ý nghĩa cuộc đời những con người đã vô tình nhìn thấy hình ảnh cuối cùng của chị.

Rốt cuộc thì cuộc sống của chúng ta, quá trình làm người của chúng ta có ý nghĩa gì khi thờ ơ nhìn thân xác đồng loại của mình trong trạng thái khốn cùng đi qua như thế?

Bao nhiêu con người đã nhìn thấy hình ảnh đó dưới ánh mặt trời trên suốt hành trình dài 60 cây số? Bao nhiêu cái chép miệng, bao nhiêu cái nhún vai, bao nhiêu ý nghĩ về sự đáng thương, về sự nghèo khó được thầm nhủ trong đầu? Theo thông tin từ bệnh viện thì người phụ nữ ấy đã chết sau khi ra viện, trên đường về nhà.

Bức ảnh chụp cái xác chị trên yên xe máy tại thành phố Sơn La. Như vậy, là người nhà chị đã bó chiếu và buộc xác chị lên xe máy ngay trên đường phố Sơn La, giữa ban ngày.

Bao nhiêu người đã chứng kiến quá trình đó và quay đi? Bao nhiêu tiền cho một chuyến xe để đưa cái xác ấy tử tế trở về nhà? Có thể gia đình người phụ nữ đó quá nghèo để nghĩ tới việc thuê một chiếc xe.

Nhưng bao nhiêu con người chứng kiến sự việc đó, họ đều nghèo tiền bạc, hay nghèo lòng trắc ẩn?

Một người đàn ông chở xác người đi qua dưới ánh mặt trời, lầm lũi suốt hành trình 60 cây số. Đó là một hình ảnh khốn cùng không phải của riêng thân phận người đàn bà đã chết, không phải sự khốn cùng của một gia đình nghèo.

Đó là sự khốn cùng của một xã hội nghèo nàn lòng trắc ẩn, nghèo nàn tính người, nghèo nàn sự sẻ chia.

Người đàn bà ấy chết rồi. Chị không còn cảm thấy đau khổ vì thân phận của mình nữa. Mọi nỗi đau chị đã để lại hết cho cõi nhân gian này, cho những người mà số phận bắt họ phải chứng kiến hình ảnh cái xác của chị được đưa đi như thế.

Người đàn bà ấy đã sống một cuộc sống quá khổ sở rồi, chị đã thoát khỏi cuộc sống ấy rồi, với chị, được đưa về quê bằng xe tang tử tế, hay nằm ngang yên xe máy thực có khác gì nhau?

Chỉ có chúng ta, những người vẫn đang sống nốt  cuộc đời của mình là sẽ phải nghĩ suy về hạnh phúc và khổ đau của tháng ngày trước mắt.

Khánh Ly ‘lần đầu hát lại tại Sài Gòn’

Khánh Ly ‘lần đầu hát lại tại Sài Gòn’ 

BBC

QUANG THANH

Khánh Ly nói Trịnh Công Sơn là “người tôi nhớ nhất khi về lại Sài Gòn”

Danh ca Khánh Ly dành cho BBC Tiếng Việt cuộc phỏng vấn riêng trước đêm diễn “lần đầu tiên tại Sài Gòn sau 30/4/1975”.

Nữ danh ca trình diễn trong chương trình ‘Vòng tay nhân ái – Khánh Ly và bạn hữu’ diễn ra vào đêm 18/9 tại khách sạn Equatorial Saigon.

Bên cạnh Khánh Ly, chương trình còn có sự góp mặt của các ca sĩ Lệ Thu, Tuấn Ngọc, Hồng Vân, Nhật Hạ, Hồng Nhung và Quang Thành.

Khánh Ly dự kiến sẽ hát những tình khúc trước 1975.

Sau chương trình, bà sẽ đóng góp cho quỹ tái thiết Nhà thờ Đức Bà cũng như Trung tâm nuôi dưỡng nghệ sĩ nghèo, nhà hưu dưỡng của Nữ tu Mân Côi…

QUANG THANH

Khánh Ly viếng mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hôm 17/9

Hôm 17/9, trả lời Ben Ngô của BBC Tiếng Việt, danh ca Khánh Ly nói: “Tôi không diễn tả được cảm xúc của mình lúc này.”

“Ngày mai, tôi xem như hành trình ‘Huế – Sài Gòn – Hà Nội‘ của mình trọn vẹn, vì ước nguyện du ca ba miền đã đến được những nơi cần phải đến.”

“Show diễn ngày mai nói muộn cũng không muộn, sớm cũng không sớm.”

“Chúa, Đức Mẹ cho bao nhiêu thì mình có được bấy nhiêu.”

Tôi tin mình không làm được những việc vĩ đại, nhưng tôi đã cố gắng đem lời ca tiếng hát đến gần những số phận không may, góp phần san sẻ những mất mát của họ.

danh ca Khánh Ly

“Tôi nghĩ rằng đời mình do Chúa, Đức Mẹ dẫn dắt, dẫu có gian nan thì tin rằng mình luôn được bình an.”

‘Thanh đạm’

“Hôm nay, tôi vừa đi viếng mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về. Ông Sơn là người tôi nhớ nhất và là một trong những lý do chính khiến tôi muốn trở lại Sài Gòn.”

“Ngày trước, ông dặn tôi sống với một tấm lòng và tôi lúc nào cũng gắng sống theo lời ông.”

Nữ danh ca nói thêm: “Bên cạnh ông Sơn, tôi còn muốn thực hiện ý nguyện của chồng tôi trước khi mất là đến gần những người không may mắn, giúp họ có được nụ cười trên môi.”

“Ơn trên cho tôi còn khỏe để đi theo chương trình ‘Vòng tay nhân ái’ đến những nơi mà người ta bỏ quên, không ai nghĩ tới”.

“Hành trình đó một mình tôi không dám làm nếu không có sự giúp sức của ca sĩ Quang Thành, bà Xuân Hòa – chủ phòng trà Tiếng Xưa và những anh chị em ca sĩ, Công giáo, Phật giáo khác.”

FACEBOOK QUANG THANH

Danh ca Khánh Ly trong một chuyến đi từ thiện tại Việt Nam

Trả lời câu hỏi: “Bà nghĩ gì về những ý kiến phản đối bà quay trở về hát tại Sài Gòn”, danh ca đáp: “Ở đâu, thời nào cũng vậy, có người ủng hộ và cũng có những người không thích mình.”

“Tôi tin mình không làm được những việc vĩ đại, nhưng tôi đã cố gắng đem lời ca tiếng hát đến gần những số phận không may, góp phần san sẻ những mất mát của họ.”

Trong cuộc phỏng vấn với BBC Tiếng Việt, Khánh Ly cũng bày tỏ mong muốn “những ca khúc ‘Da vàng’ của Trịnh Công Sơn sớm được cất lên trở lại trên quê hương”.

Bà cũng cho hay: “Cuộc sống của tôi bây giờ thanh đạm, ăn khoai sắn không phải vì nghèo mà muốn sống đời nhẹ nhàng”.

“Ở tuổi 72, tôi cũng muốn ngỏ lời xin lỗi đến những ai cảm thấy tôi đã làm gì phật ý họ”, danh ca Khánh Ly nói với BBC.

Đường ống nước Sông Đà: 6 năm, 1,500 tỷ, vỡ 19 lần

Đường ống nước Sông Đà: 6 năm, 1,500 tỷ, vỡ 19 lần

Nguoi-viet.com

Hiện trường đường ống cấp nước sông Ðà trong một lần vỡ trước đây. (Hình: báo Tiền Phong)

HÀ NỘI (NV) – Ðây là lần thứ 19 “công trình vàng” đường ống nước sạch sông Ðà bị vỡ, khiến cả trăm ngàn hộ dân ở thành phố Hà Nội bị cắt nước, người dân ngao ngán.

Báo Tiền Phong loan tin, khoảng 20 giờ ngày 14 tháng 9, đường ống nước sạch sông Ðà tiếp tục bị bục vỡ, khiến việc truyền tải nước sạch cho cả trăm hộ dân ở Hà Nội bị gián đoạn.

Theo đại diện công ty nước sạch Vinaconex (Viwasupco), trong quá trình duy tu bảo trì định kỳ hệ thống cấp nước, Viwasupco đã phát hiện ra việc vỡ ống tại điểm xung yếu nằm trên hệ thống truyền tải đoạn ống dẫn nước sạch sông Ðà qua đại lộ Thăng Long.

Trong khoảng 6 năm vận hành đến nay, đây đã là lần thứ 19 “công trình vàng” với vốn đầu tư 1,500 tỉ đồng này bục vỡ, hư hại. Lần vỡ gần đây nhất vào ngày 11 tháng 7 ở đoạn qua huyện Thạch Thất, Hà Nội, khiến khoảng trên 100,000 hộ dân ở các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Ðông,… bị mất nước nhiều giờ.

Dự kiến trong ngày 15 tháng 9 đoạn ống bị vỡ sẽ sửa chữa xong. Tuy nhiên, như những lần gặp sự cố trước đây, phải mất từ 1-2 ngày áp lực nước trên đường ống mới có thể phục hồi trở lại.

Trước sự mập mờ về việc xử phạt trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan, nói với báo Tiền Phong, ông Nguyễn Ðức Chung, chủ tịch thành phố Hà Nội cho biết, sau khi Bộ Công An điều tra vụ việc theo ủy quyền của Viện Kiểm Sát Tối Cao, hiện đã giao Viện Kiểm Sát thành phố khởi tố và tới đây tòa án thành phố sẽ xét xử. “Người dân hãy chờ đón kết quả phiên tòa, xem 9 bị can bị khởi tố và những người liên quan sẽ bị xử phạt ra sao,” ông Chung nói. (Tr.N)

Thay đổi tư duy quản lý đất đai

 Thay đổi tư duy quản lý đất đai

Nam Nguyên, RFA
2016-09-16

RFA

 danoan-622.jpg

Những oan ức được viết lên biểu ngữ, trang phục tố cáo những việc làm sai trái của chính quyền địa phương.

by Nguyễn Tường Thụy

Thay đổi tư duy quản lý đất đai

Mọi người được phép tích tụ ruộng đất, câu chuyện thần tiên đi ngược lại chủ trương phân chia ruộng đất và hạn điền mà Nhà nước Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện trong hơn 60 năm qua, nay có dấu hiệu chuyển biến.

Chiến lược phát triển nông thôn

Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát đi tín hiệu này qua phát biểu của ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương tại Hội nghị Phát triển Doanh nghiệp Nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, được tổ chức hôm 8/9 tại Hà Nội.

Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào tối ngày 15/9/2016, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, từ Hà Nội phát biểu:

“Trước đây đã nói nhiều về việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, bây giờ Chính phủ nhấn mạnh rất nhiều đến vấn đề gọi là chuyển đổi mô hình quản lý của Nhà nước sang mô hình gọi là Nhà nước kiến tạo, Nhà nước xây dựng.

Thế thì đây chính là lúc để Chính phủ xem xét tạo nên những chính sách đột phá, trong đó đặc biệt có mảng đất đai. Tất nhiên là thay đổi luật không phải dễ dàng và nhanh chóng được nhất là Luật Đất đai vừa mới sửa đổi, nhưng mà những chính sách đột phá có lẽ phải bắt đầu từ bây giờ, để trong tương lai có thể điều chỉnh những điều quan trọng về đất đai.”

Muốn sản xuất lớn phải có diện tích đất đai lớn, nếu hạn điền như hiện nay thì không thể nào làm lớn được.
GS Võ Tòng Xuân, Cần Thơ

Cần sửa Luật Đất đai

Báo SaigonTimes Online trích lời ông Nguyễn Văn Bình nói rằng mô hình kinh tế hộ giúp Việt Nam thoát cảnh đói ăn trở nên khá giả hơn, nay đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Bây giờ nông nghiệp Việt Nam phải chuyển qua sản xuất hàng hóa lớn để tham gia vào thị trường và chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Nguyễn Văn Bình khẳng định là trong thời gian sớm nhất Ban kinh Tế Trung ương cùng các Bộ ngành hữu quan sẽ đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông qua hai chủ trương lớn là tích tụ ruộng đất và đẩy mạnh kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp.

Cảnh nhân dân ngồi chờ bên ngoài các cơ quan nhà nước

Cảnh nhân dân ngồi chờ bên ngoài các cơ quan nhà nước

Cho phép tích tụ ruộng đất thì cần phải sửa Luật Đất đai, đây là phản ứng tích cực của Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp nổi tiếng trên báo mạng Một Thế Giới ngày 14/9/2016.

Vị Giáo sư gắn bó với đồng bằng sông Cửu Long nói với nhà báo, xin trích nguyên văn:

“Muốn sản xuất lớn phải có diện tích đất đai lớn, nếu hạn điền như hiện nay thì không thể nào làm lớn được. Mà chỉ khi sản xuất lớn mới cơ giới hóa được, mới nâng cao năng suất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Qua đó, nông nghiệp Việt Nam mới có được thương hiệu, mới có được những sản phẩm thống nhất, đặc trưng và thúc đẩy công nghiệp hóa nông nghiệp, nâng cao đời sống của người nông dân.”

Những vấn đề cốt lõi

Nhận định về sự thay đổi quan trọng trong quan niệm đất đai của giới chức cao cấp của Đảng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Hóa phát biểu:

“Tích tụ ruộng đất ở Việt Nam không giống như các nước Âu Mỹ bởi vì đất đai họ rộng và tài nguyên nó khác. Việt Nam đặt ra vấn đề tích tụ ruộng đất tuy nhiên phải từng bước một.

Từ trước đến nay chưa có chính sách như thế thì bây giờ phải sửa đổi. Tất cả những văn bản pháp quy có liên quan đến ruộng đất, vấn đề sở hữu, vấn đề canh tác rồi là việc chuyển đổi quyền sở hữu đó như thế nào, hay sử dụng như thế nào.

Việt Nam hiện nay chỉ có quyền sử dụng chứ không có quyền sở hữu đất đai. Thế cho nên phải sửa đổi Hiến pháp cũng như các chính sách, tôi nghĩ tuyên bố là một đàng, còn làm được vấn đề đó lại là một giai đoạn dài và cần sửa đổi hàng loạt chính sách có liên quan đến ruộng đất, cũng như đến sở hữu và sử dụng ruộng đất tiếp theo.”

Tuyên bố là một đàng, còn làm được vấn đề đó lại là một giai đoạn dài và cần sửa đổi hàng loạt chính sách có liên quan đến ruộng đất.
TS Vũ Văn Hóa, Hà Nội

Trên báo chí, TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn nhiều lần nhấn mạnh muốn tích tụ được đất đai thì phải giải quyết được 3 vấn đề cốt lõi.

Trao đổi với chúng tôi, ông nhấn mạnh tới điều rất quan trọng để tạo nên một nền nông nghiệp mới có năng suất cao hơn, có hiệu quả cao hơn, hướng vào giá trị gia tăng và phát triển bền vững, là phải thay đổi các điều kiện để tổ chức sản xuất nông nghiệp. TS Đặng Kim Sơn giải thích:

“Thứ nhất phải rút được lao động ra khỏi nông thôn. Phải đưa được đông đảo đội ngũ lao động trong nông nghiệp tham gia vào lao động phi nông nghiệp, nhưng mà trên vị thế rất là sẵn sàng, trên một vị thế rất cân bằng để mà họ có thể tham gia vào thị trường lao động chính thức.

Thứ hai khi đã rút được nhiều lao động ra khỏi nông thôn rồi thì phải tích tụ đất đai lại vào tay những người biết làm ăn, những người có điều kiện làm ăn.

Trên cơ sở đó khi mà trang trại rộng hơn lớn hơn và nông dân có điều kiện để gắn bó với nhau thành các hợp tác xã, thì lúc đó mới có điều kiện để kéo các doanh nghiệp càng nhiều càng tốt từ các lĩnh vực khác đầu tư vào nông nghiệp nông thôn và tạo điều kiện cho ngay bản thân những người làm ăn giỏi ở nông thôn khởi nghiệp, chuyển sang làm ăn kinh doanh phi nông nghiệp.

Có như thế mới tạo ra được thị trường kết nối được sản xuất trong nông nghiệp Việt Nam với thị trường trong nước và thị trường thế giới, mới có thể đưa được nghề mới vào, mới có thể tạo ra nguồn đầu tư mới, nguồn vốn quan trọng mà đủ sức tạo sức bật mới cho nông nghiệp.”

Đã mất 20 hơn năm

Với chính sách ruộng đất của Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa, Việt Nam hiện nay có hơn 14 triệu nông dân với 70 triệu thửa ruộng, diện tích canh tác trung bình toàn quốc chỉ khoảng 1.000 mét vuông đầu người.

Miền Bắc và miền Trung rất ít đất, một gia đình nhiều nhân khẩu có thể có những mảnh ruộng nhỏ bé và không liền kề. Tình hình ở miền Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long có khá hơn, nhưng đại đa số hộ nông dân có diện tích canh tác dưới 1 héc ta tức dưới 10.000 mét vuông.

Khi phát tín hiệu là Đảng sẽ cho phép tích tụ ruộng đất, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tự bạch rằng, Việt Nam đã chậm trễ hơn 20 năm, khi tiếp tục duy trì mô hình phát triển nông nghiệp trên nền tảng kinh tế hộ.

Theo lời ông Bình, từ những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam đã tự túc lương thực và còn dư để xuất khẩu hàng triệu tấn mỗi năm.

Sự chậm trễ vừa nêu dẫn tới hậu quả ngày nay là nông dân vẫn nghèo dù không đói và tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp hầu như đã tới ngưỡng, không những không tăng mà đang suy giảm, nhất là khi đối diện thiên tai, biến đổi khí hậu.

Ở Việt Nam không chỉ thị trường đất đai chưa hoàn chỉnh mà cả thị trường lao động cũng chưa hoàn chỉnh. Đây là hai chân phải đi song song trong quá trình đổi mới chính sách đất đai.
TS Đặng Kim Sơn

Khi nào nông dân chịu bỏ đất?

Khi vấn đề tích tụ ruộng đất được đặt ra với ưu tiên cao, giới đảng viên bảo thủ e ngại trở lại thời kỳ nông dân không ruộng và chế độ địa chủ thuê tô.

Điều này đã được ông Nguyễn Văn Bình trấn an tại Hội nghị phát triển Nông nghiệp ngày 8/9/2016 vừa qua. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định phải tích tụ được ruộng đất mà vẫn bảo đảm được quyền lợi của người nông dân.

Trên báo mạng Một Thế Giới, Giáo sư Võ Tòng Xuân nhấn mạnh rằng, Nhà nước cần phải hoàn thiện luật, tích tụ ruộng đất để sản xuất chứ không phải đầu cơ, tích trữ, lạm dụng quyền sở hữu, sử dụng đất. Theo đó, cần phải cấm tích tụ ruộng đất theo kiểu bắt bí, ép buộc để mua rẻ đất, lập dự án treo, phân lô bán nhằm làm giàu bất chính vì lợi ích của một nhóm người nào đó.

Trả lời chúng tôi, TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn nhận định:

“Điều lo ngại chính của những nhà hoạch định chính sách là những trường hợp tích tụ đất vào tay người sử dụng đất có hiệu quả. Nhưng trong khi đó lại không tạo được việc làm cho những người đã giao đất đi, không có sinh kế hợp lý cho những người này và có thể làm tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc giảm thu nhập của người nông dân.

Thay vì sản xuất nhỏ bây giờ tập trung sản xuất lớn, nhưng mà những người lao động rút ra khỏi đất đai phải được đào tạo nghề, phải được vay vốn, phải được hướng dẫn kỹ thuật, phải được tạo ra việc làm ở những lãnh vực phi nông nghiệp có thu nhập ổn định.

Làm thế nào mà hai việc ấy diễn ra song song được thì câu chuyện ấy mới là an toàn. Điều lo ngại là điều kiện ràng buộc về tốc độ của quá trình tích tụ đất đai nó bị phụ thuộc rất nhiều nữa là phần của thị trường lao động.

Ở Việt Nam không chỉ thị trường đất đai chưa hoàn chỉnh mà cả thị trường lao động cũng chưa hoàn chỉnh. Đây là hai chân phải đi song song trong quá trình đổi mới chính sách đất đai. ”

Rõ ràng Việt Nam đã quá chậm và thiếu chuẩn bị trong công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt kinh tế nông nghiệp. Giới chuyên gia cho rằng chặng đường phía trước còn xa để tới được cuộc đổi mới đột phá về tích tụ ruộng đất.

Nhưng theo TS Đặng Kim Sơn, người dân rất năng động họ đã tự mình tìm ra phương cách riêng để thực hiện việc tập trung đất đai sản xuất lớn, thí dụ như mô hình cánh đồng lớn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hay sự kiện ở miền Bắc, người dân gom đất lại và cho người có điều kiện làm ăn thuê, người cho thuê nhận được tiền thuê đất hay hoa màu tương đương với lợi tức mà trước kia họ tự canh tác.

Vẫn theo TS Đặng Kim Sơn, trong khi chờ đợi khung pháp luật hoàn thiện, người nông dân dù chỉ có quyền sử dụng đất, không có quyền sở hữu đất nhưng họ vẫn hành xử với đất và đầu tư vào đất như là những người chủ thực sự.