CÓ NHỮNG LÚC TA CẦN IM LẶNG

CÓ NHỮNG LÚC TA CẦN IM LẶNG

1. Khi người khác buồn phiền, đau khổ

Biết vui với người vui, buồn với người buồn. Đó là động thái của người có giáo dưỡng, tri thức, biết điều, biết cư xử và thấu cảm. Không gì vô duyên hơn khi người khác khóc mà mình lại cười – hoặc ngược lại.

2. Khi người khác suy tư, lao động trí óc
Văn hào W. Goethe xác định: “Tài năng được nuôi dưỡng trong cô tịch”. Thấy người khác trầm tư mặc tưởng, đừng phá “khoảng riêng” của họ. Sự im lặng lúc đó thực sự cần thiết và có ý nghĩa.

3. Khi người khác không hiểu mình
Khi chưa được hiểu, chúng ta cần cởi mở và hòa đồng để người khác có thể hiểu mình hơn – dù không thể hiểu hết. Nhưng nếu bạn cảm thấy người ta thực sự không thể hiểu hoặc không muốn hiểu thì tốt nhất là im lặng. Nếu không, những gì bạn nói có thể gây “dị ứng” hoặc hiềm thù.

4. Khi người khác nói về vấn đề mình không am hiểu

Người khôn ngoan chỉ nói những điều mình biết rõ và hoàn toàn im lặng đối với những gì mình không biết hoặc mơ hồ. Nhà bác học A. Edison nói: “Điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước, điều chúng ta không biết là cả đại dương”. Còn hiền triết Socrates thừa nhận: “Tôi không biết gì cả, đó là điều tôi biết rõ nhất”. Chỉ là người bình thường, chúng ta càng cần khiêm nhường mà biết im lặng.

5. Khi người khác khoe khoang, lý sự

Thùng rỗng kêu to. Càng hiểu biết người ta càng ít nói, thâm trầm và cảm thông. Trong 4 phép toán, phép trừ là… “dễ” nhất, nhưng lại đầy ý nghĩa. Chỉ vì ngu dốt nên mới độc đoán, khắt khe hoặc cố chấp. Khoe khoang và lý sự là “đặc điểm” của đầu óc nông cạn, thiển cận. Dốt thì hay nói chữ để cố che lấp khiếm khuyết của mình.

6. Khi người khác không cần mình góp ý kiến

Đừng bao giờ “xía” vào chuyện của người khác hoặc tò mò chuyện của họ. Vả lại, nói nhiều thì sai nhiều. Cibbon nói: “Đàm luận khiến người ta hiểu biết, nhưng im lặng là trường học của sự khôn ngoan”. Im lặng còn là yêu thương, tha thứ, và là cuộc sống.
“Im lặng, lắng nghe, ghi nhớ, hành động và khôn ngoan là 5 cung bậc khác nhau của trí tuệ”. Có thể coi đây là ngũ-cung-sống của cuộc đời. Tóm lại, im lặng là một nghệ thuật kỳ diệu và là cách thể hiện văn hoá cao cấp.

Anh chị Thụ Mai gởi

S.T –

Thịnh Vượng Và Nghịch Cảnh

Thịnh Vượng Và Nghịch Cảnh

Một nhà buôn nói rằng: “Chắc là Chúa bất mãn với cuộc sống của tôi hay sao mà công việc làm ăn của tôi không khá được”.

Câu nói của nhà buôn này phản ánh quan niệm chung của những người thường liên kết thịnh vượng với cuộc sống đạo đức, và nghịch cảnh với đời sống vô đạo. Có đúng như thế không?

đông hành với Chúa, đi cùng Chúa

Một trong những câu truyện nghịch cảnh xưa nhất được ghi lại trong Thánh Kinh cũng xoay quanh các vấn đề này. Ðó là câu truyện thánh Gióp. Gióp là một người được Chúa kể là thánh thiện nhất trên mặt đất trong lúc ấy, và cũng là người rất giàu có. Theo quan niệm của thời nay thì phải kể Gióp là bậc tỉ phú, vì tài sản của ông nhiều vô kể. Dường như tay ông chạm tới đâu thì nơi đó cũng biến thành vàng cả. Như mọi người thường nghĩ, Gióp cũng cho rằng mình thịnh vượng là nhờ sống thánh thiện.

Nhưng một ngày kia tai họa bỗng xảy ra bất ngờ. Chỉ trong mấy tiếng đồng hồ toàn bộ sản nghiệp của Gióp tan ra mây khói. Những đàn súc vật đông đảo bị cướp đi hết, con trai, con gái đều bị giết chết, ánh sáng của cuộc đời bỗng nhiên tối sầm lại, và Gióp sống cũng như chết. Lúc đầu Gióp cực kỳ khốn khổ đến nỗi rủa cả ngày mình sinh ra đời, và ước ao được chết đi khi còn trong lòng mẹ. Cay đắng vô cùng, Gióp đã than: “Ðiều ta sợ hơn cả đã đến với ta” (Gióp 3,25).

* * *

Thực sự, thành công vật chất không chứng tỏ là do đời sống thánh thiện, và nghịch cảnh cũng không phải là dấu hiệu của sự trừng phạt. Chúa cho ông Gióp thấy rằng thời gian khó khăn mà ông gặp chính là giai đoạn thử nghiệm. Vào đúng thời điểm, Chúa lại phục hồi thịnh vượng cho ông.

Những gì ta có hay không có không chứng tỏ là ta đang sống đẹp lòng Chúa hay sai ý Chúa. Của cải vật chất có thể phản ảnh tài tháo vát buôn bán của bạn, nhưng không phải là những thứ đánh giá đời sống của bạn.

Phần thưởng của cuộc đời thánh thiện chính là một lương tâm trong sáng và một tấm lòng tinh sạch. Vì lúc ấy bạn sẽ sòng phẳng với mọi người, và bạn biết yêu mến những giá trị bền bỉ hơn vật chất trước mắt. Bạn có thể nghèo hay giàu. Nhưng nếu Chúa vẫn làm chủ cuộc đời bạn thì lúc nào bạn cũng được thỏa lòng.

Giọt Nước Mắt Cuối Cùng
(118 Câu Chuyện Suy Tư Và Cầu Nguyện

Ðôi Hàng Tâm Tư Cho Một Ðời Kitô Hữu)

ĐỨC HƠN TÀI LÀ BẬC QUÂN TỬ , TÀI HƠN ĐỨC LÀ KẺ TIỂU NHÂN

ĐỨC HƠN TÀI LÀ BẬC QUÂN TỬ

TÀI HƠN ĐỨC LÀ KẺ TIỂU NHÂN

Trước kia, mỗi khi qua mặt được ai đó để đạt được chút gì, bạn bè sẽ trầm trồ: “khôn quá ta, dùng chút mánh lới là có được thứ mình muốn“, Nghe xong liền cảm thấy dương dương tự đắc nhưng khi đã trải qua nhiều chuyện trong cuộc sống, mới biết đó chỉ là khôn vặt tầm thường, về lâu dài, tài khôn vặt ấy chỉ gây tổn hại cho bản thân.

Làm người ở trong đời, chữ đức mới quan trọng lắm thay.

Trước đây không lâu, một chương trình truyền hình của Đài Loan với tên gọi “Cuộc đời sang giàu”, khách mời là nhà điều hành của một công ty rất nổi tiếng.

Khi chương trình gần kết thúc, người dẫn chương trình đưa ra câu hỏi cuối: “Anh cho rằng nhân tố then chốt làm nên thành công của công ty là gì?”

Trầm tư một lát, vị khách mời này cũng không trực tiếp trả lời mà bình tĩnh kể một câu chuyện:

“12 năm trước, một chàng trai vừa tốt nghiệp liền sang Pháp, bắt đầu cuộc sống vừa đi học vừa đi làm. Thời gian dần qua, anh phát hiện nhà ga địa phương hầu hết đều có lỗ hổng, không có chỗ kiểm vé, cũng không có người kiểm vé, thậm chí ngay cả camera kiểm tra cũng rất ít. Dựa vào trí thông minh của mình, người thanh niên này tính toán được tỉ lệ trốn vé mà bị tra ra chỉ có 3/10.000. Anh rất đắc ý với phát hiện này của mình. Từ đó về sau, anh thường xuyên trốn vé. Anh còn biện hộ cho bản thân rằng, vì mình là học sinh nghèo mà, có thể tiết kiệm chút nào hay chút nấy. 4 năm qua đi, với tấm bằng đại học danh tiếng và thành tích xuất sắc, anh tự tin nộp đơn vào các công ty đa quốc gia, nhưng kết quả lại khiến anh hụt hẫng.

Những công ty này mới đầu đều rất nhiệt tình với anh, nhưng sau khi đọc qua vài thứ, liền nhẹ nhàng từ chối. Điều này thật sự khiến anh rất băn khoăn. Cuối cùng, anh đã viết một email với ngôn từ cầu thị, gửi đến bộ phận nhân sự của một trong những công ty đó với mong muốn được biết lý do không được nhận vào làm.

Một đêm nọ, anh nhận được email hồi đáp.
“Chào anh Trần, chúng tôi đánh giá cao tài năng của anh, nhưng khi chúng tôi đọc dữ liệu thông tin về anh, thì thực sự rất tiếc rằng trên hệ thống hồ sơ ghi lại anh đã 3 lần trốn vé xe. Chúng tôi cho rằng điều này đã chứng minh 2 điểm:

1. Anh không tôn trọng quy tắc công cọng: Sau khi phát hiện ra lỗ hổng của nhà ga anh năng đi lại, anh đã cố ý lạm dụng.
2. Anh là người không đáng tin. Công ty của chúng tôi rất nhiều việc phải dựa vào sự tín nhiệm, bởi nếu anh phụ trách phát triển thị trường nào đó, công ty sẽ giao cho anh nhiều quyền tự quyết.
Để tiết kiệm chi phí, chúng tôi không thể thiết lập cơ cấu giám sát giống như hệ thống giao thông công cộng. Vì vậy chúng tôi không thể thuê anh, thật tình mà nói, ở quốc gia này, thậm chí toàn bộ liên minh Châu Âu, có lẽ anh sẽ không thể tìm được công ty nào đồng ý tuyển dụng anh”.

Đến lúc này, chàng thanh niên mới tỉnh mộng, giá như biết trước hậu quả tai hại khôn lường anh đã không làm như vậy. Nhưng điều thực sự khiến anh chấn động là câu cuối cùng của nhà tuyển dụng, bởi câu nói ấy thể hiện một đạo lý rằng:
Đạo đức thường có thể bù đắp cho tài trí, nhưng tài trí vĩnh viễn không bù đắp được cho đạo đức. Ngày hôm sau, anh lên đường về nước”.

Câu chuyện kể xong, hội trường yên lặng. Người dẫn chương trình băn khoăn hỏi vị khách mời: “Điều này có thể nói nên đạo lý thành công của anh?”. “

Có thể! Vì người trẻ tuổi trong câu chuyện này chính là tôi”.

Rồi anh dõng dạc nói: “Tôi có thể đi đến ngày hôm nay, chính bởi vì tôi đã biến ‘chướng ngại’ của ngày hôm qua thành ‘hòn đá kê chân’ cho ngày hôm nay”.

Có lẽ đây chính là bài học đáng giá về thành công của vị giám đốc ấy.

Nhà sử học lừng danh Tư Mã Quang từng nói: “Đối với người tài, đức chính là vốn; còn người có đức, tài ắt tự sinh. Tài đức toàn vẹn là thánh nhân, tài đức cùng mất là người ngu ngốc, đức hơn tài là bậc quân tử, tài hơn đức là kẻ tiểu nhân”.

Người giỏi về lắt léo, cuối cùng đều là hại chính mình

S.T.

SỐNG Ý NGHĨA

SỐNG Ý  NGHĨA

Hãy chia nhau những gì mình biết

Đừng khư khư ích kỷ giữ riêng

Mai chết đi sẽ bị thất truyền

Đời ý nghĩa là khi chia sẻ

Hãy cứ thương đi dù ai ghét

Dù ai ganh, bôi bác thị phi

Thói đời vẫn vậy chấp mà chi

Đời ý nghĩa là khi tha thứ

Hãy giúp đỡ đi nếu có thể

Đừng nề hà cân nhắc thiệt hơn

Cũng đừng mong ai đó trả ơn

Đời ý nghĩa khi làm thiện nguyện

Hãy cứ cho đi, đừng tiếc rẻ

Mai ta về chẳng thể mang theo

Thế gian biết bao kẻ khó nghèo

Đời ý nghĩa là khi cống hiến

 

Sống viên mãn

Sống viên mãn

Thánh giáo phụ Irênê viết: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống viên mãn”. Câu này hay quá! Ngài muốn nói rằng nên thánh thật là ý nghĩa. Nên thánh là sống viên mãn, là trở nên con người như Thiên Chúa đã tạo dựng.

Sống viên mãn không tương đương với khái niệm hiện đại về “cách sống tròn đầy nhất”. Nhiều người nói về cách sống này, họ muốn nói rằng chúng ta nên hưởng thụ càng nhiều càng tốt, càng thoải mái càng tốt. Không hẳn là sai, nhưng không đúng với cách sống mà Thánh Irênê đề cập.

Sống viên mãn nghĩa là tận hưởng sự sống kết hiệp với Thiên Chúa, kết quả của sự sống viên mãn là sống các nhân đức đối thần (tin, cậy, mến) và các nhân đức đối nhân (bác ái, công bình, can đảm, chịu đựng, nhịn nhục, cẩn thận, khiêm nhu, tha thứ, nhân hậu, tử tế, hòa đồng,…). Sống nhân đức sẽ được phần thưởng tốt lành là sinh hoa trái của Chúa Thánh Thần.

Chúng ta muốn biết cuộc sống của mình có ý nghĩa gì và với mục đích gì. Trái tim chúng ta khao khát tình yêu và sự viên mãn. Chúng ta có thể thỏa mãn bằng cách sống kết hiệp với Thiên Chúa, tức là sống thánh thiện.

Các thánh là gương mẫu về việc sống viên mãn. Thiết tưởng, Thánh GH Gioan Phaolô II hoặc Chân phước Nữ tu Teresa Calcutta là những người sống viên mãn. Họ lan tỏa hoa trái của Chúa Thánh Thần. Người ta được các thánh thu hút, nói đúng ra là được Thiên Chúa thu hút qua các thánh. Họ sống viên mãn vì họ sống tình bằng hữu sâu sắc với Chúa Giêsu, Đấng là vinh quang của Thiên Chúa nơi nhục thể.

Các thánh sống viên mãn vì họ không nô lệ đam mê hoặc các cảm xúc tiêu cực, nhưng các nhân đức tươi nở trong cuộc đời họ. Sống nhân đức sẽ dẫn chúng ta tới sự bình an đích thực và hạnh phúc ngay tại thế gian này.

Sống viên mãn là sống theo hoa trái của Chúa Thánh Thần. Khi ơn Chúa Thánh Thần phát triển trong chúng ta, chúng ta bắt đầu xác định cính mình bằng hoa trái: luôn vui mừng, vì thế mà bình an. Đó là trở nên hoa trái của Chúa Thánh Thần. Dù vui hay buồn, sự sống viên mãn vẫn ở trong chúng ta.

Hoa trái của Chúa Thánh Thần là kết quả của sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Chắc chắn rằng chúng ta càng sống theo hoa trái của Chúa Thánh Thần, hoa trái đó càng phát triển trong chúng ta. Tuy nhiên, hoa trái của Chúa Thánh Thần vừa là tặng phẩm vừa là sự chọn lựa. Nếu chúng ta muốn có kinh nghiệm về sự sống viên mãn, cách sống thánh thiện, chúng ta phải quyết tâm sống theo hoa trái của Chúa Thánh Thần hàng ngày. Vậy ngay từ hôm nay, chúng ta phải quyết tâm thực hiện 9 điều này:

• Yêu thương mọi người chúng ta gặp.

Sống vui trong lúc khó khăn.

• An tâm khi gặp nghịch cảnh.

• Kiên tâm khi gặp thử thách.

• Tử tế với người không tử tế.

• Dịu dàng khi có điều trái ý.

• Luôn luôn sống đại lượng.

• Trung thành với điều nguyện ước và ơn gọi.

• Kiềm chế khi bị cám dỗ.

Chúng ta bất toàn, nhưng nếu chúng ta càng hợp tác với ơn Chúa, chúng ta càng thêm nhân đức: “Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn” (Ep 1:23), và “Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn” (Ep 4:10).

TRẦM THIÊN THU

(Chuyển ngữ từ SpiritualDirection.com)

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

Bạn là ai trong 3 kiểu người này?

Bạn là ai trong 3 kiểu người này?

Về thái độ với cuộc sống, có ba kiểu người:

1. Luôn có cái nhìn u ám, bi quan, tiêu cực, nhìn đâu cũng thấy điểm xấu của người khác và tìm cách dè bỉu, chê bôi.

2. Biết ơn một số: biết ơn người sinh ra mình, người dạy dỗ mình, và người giúp đỡ mình.

3. Biết ơn tất cả mọi thứ.

Kiểu thứ hai là những người bình thường, chiếm khá nhiều trong cuộc sống. Họ có đủ niềm vui, nỗi buồn, đau khổ, hạnh phúc, nghèo đói, giàu có…

Kiểu người thứ nhất, cuộc sống của họ luôn chìm ngập trong đau khổ, bởi vì mọi thứ họ nhìn thấy đều gắn liền với đau khổ. Trong mắt họ, không có ai đáng yêu, không có điều gì đáng quý, bởi vì dìm người khác xuống là cách duy nhất đưa họ vươn lên (tiếc là họ lại càng xuống sâu hơn). Kiểu người này, đáng buồn, cũng chiếm không ít trong cuộc sống.

Kiểu thứ ba, dù chỉ chiếm số ít trong cuộc sống, là những người đáng quý nhất. Họ biết ơn tất cả mọi thứ diễn ra trong đời, vì vậy cuộc sống của họ luôn tràn đầy niềm vui, hạnh phúc, và giàu có.

Họ biết ơn ngay cả những ngày ốm yếu, bệnh tật, vì nhờ đó mà họ thấy quý hơn sức khỏe bản thân, và từ đó không ngừng rèn luyện thân thể, xây dựng cho mình nếp sống lành mạnh.

Họ biết ơn ngay cả những cộng sự đã khiến họ phải bán nhà bán xe trả nợ, bởi vì nhờ đó mà họ biết thận trọng hơn khi xây dựng quan hệ đối tác, hiểu rõ hơn khái niệm đồng tiền là máu của doanh nghiệp, và trân trọng hơn bất kỳ cơ hội nào mà người khác mang đến cho mình để phát triển kinh doanh.
Họ biết ơn ngay cả những lời chỉ trích cay nghiệt của đồng nghiệp, của đối thủ, của những người xung quanh, bởi vì qua đó họ hoàn thiện được bản thân nhanh hơn.

Họ biết ơn ngay cả những sai lầm ngu ngốc của bản thân, bởi vì họ học hỏi được nhiều điều từ đó và biết cách độ lượng hơn với sai lầm của người khác.

Họ biết ơn ngay cả những bất hạnh xảy ra với bản thân, bởi vì nhờ đó họ biết rằng đừng bao giờ nên trông chờ ở may mắn, cuộc sống của mình phải do chính bàn tay mình tạo dựng nên.

Họ biết ơn ngay cả cái chết, bởi vì nhờ cái chết mà họ trân trọng hơn mỗi ngày đang sống, mang đến nhiều giá trị hơn cho mọi người xung quanh và thanh thản hơn với mỗi quyết định của mình.

Họ hiểu rằng, chính sự có mặt của họ trên đời này đã là một ĐIỀU KỲ DIỆU mà cuộc sống mang đến cho họ rồi.

SƯU TẦM

NIỀM VUI TUỔI CAO NIÊN

NIỀM VUI TUỔI CAO NIÊN

​(Ai đang ở tuổi cao niên, người ta còn gọi là Tuổi Vàng, hãy nên đọc kỹ bài viết​

​ này, vì nó nói lên những thực trạng cao quí nhất của tuổi cao niên,​

​ mà nhiều người​ ​ không hề để ý đến thực​ ​ trạng cao quí này của Thượng Đế ban cho con người, trước khi nhắm mắt vĩnh viễn, buông xuôi hai tay để trở về với cát bụi)​

​.​
Khi đã lớn tuổi, thì con người được nhiều tự do hơn, được thong thả hơn để sống.  Không còn phải như em bé bị cha mẹ ép buộc, bây giờ thì muốn làm chi thì làm, muốn thức khuya dậy sớm gì, cũng chẳng còn ai la mắng dọa nạt, rầy la.
Nếu vợ vì thương, sợ mất sức khỏe, thì cũng cằn nhằn chút chút thôi, mình không nghe thì cũng chẳng bị roi đòn gì.
Không còn phải khổ công học tập, lo lắng cho tương lai mai sau, chẳng phải học thêm chi cho mệt trí, biết quá nhiều, biết quá đủ rồi.  Nếu đã nghỉ hưu, thì học  thêm làm chi.  Nếu còn đi làm, thì cũng đã rành nghề, quen tay quen việc, làm việc dễ dàng.

Khi già tình yêu cũng không còn là mối bận tâm, không quan trọng quá, chưa nghe báo đăng  các cụ già trên dưới sáu mươi tự vẫn chết vì thất tình.  Tội chi mà chết vì tình trong tuổi già, vì cũng sắp thấy  Diêm Vương rồi, việc chi mà đi sớm hơn.  Khôn quá rồi, chết vì tình yêu là nông nỗi.

Đời sống tình cảm  của tuổi già êm đềm hơn, ít đau đớn ít sôi động, và bình lặng.  Tuổi già rồi, các ông không còn tính chuyện mèo mỡ lăng nhăng, khỏi phải lo lắng sợ vợ khám phá ra chuyện giấu giếm mà nhà tan cửa nát.  Đỡ tốn tiền quà cáp, đỡ tốn thì giờ lui tới các nơi bí mật.  Hồi hộp, đau tim.  Các bà  khỏi phải lo chuyện đi đánh ghen, không còn cần phải chăm chút nhan sắc  làm chi nữa, vì như chiếc xe cũ rệu, có sơn phết lại cũng xộc xệch, cũng méo mó.  An tâm và chấp nhận, thì khỏi băn khoăn mà vui.

Cũng có một số ít  những cặp vợ chồng già đem nhau ra tòa chia tay, vì khi già cả hai đều  trở thành khó tính.  Hậu quả của ly dị trong tuổi già không trầm trọng  như khi còn trẻ, vì con cái đã lớn, đã tự lập, không còn ảnh hưởng nhiều đến tương lai chúng và tương lai của chính mình.  Vì còn sống bao lâu  nữa mà lo lắng chi cho nhiều.  Xa được ông chồng khó tính, độc tài là  mừng.  Dứt được bà vợ đanh đá, bạc ác là phải sung sướng.  Khỏe trí.

Tuổi già, cố giữ  cho còn có nhau, khi đã đến nước ly dị, thì hai bên đều đúng, đều có  lý.  Đây là hành động tự cứu mình, và cứu người ra khỏi cảnh khổ lúc  cuối đời, khi mà mộ bia đã thấp thoáng trước mắt, không còn bao nhiêu  ngày nữa.

Có điều ít ai nghĩ đến, là càng già, thì càng dễ tìm một người bạn đời để nối lại, để an  ủi nhau trong tuổi xế chiều.  Vì chung quanh họ, có thiếu chi người đứt  gánh nửa đường.  Chồng chết, vợ chết, ly dị.  Vấn đề là không sao tìm  được một người có chung nhiều kỷ niệm, nhiều tình nghĩa, nhiều chia sẻ như người phối ngẫu cũ.

Tình già cũng nhẹ  nhàng, thong thả, ít khổ đau, ít sôi nổi hơn tình khi còn trẻ trung.   Sức lực cũng có còn bao nhiêu mà ghen tương nhau chi, mà lo lắng chi cho thêm mệt, những người lớn tuổi kinh nghiệm và biết rõ như vậy.  Nhiều  người trẻ, sau khi gia đình tan vỡ thì xuống tinh thần, uống ruợu đánh  bài tìm quên, đôi khi không phải vì họ quá thương yêu người cũ mà tự hủy hoại đời mình, mà chính vì họ tự thương thân, tự ái bị xúc phạm, và rồi sa lầy vào ruợu chè cờ bạc.  Người lớn tuổi thì suy nghĩ khác.  Họ nghĩ rằng ta cũng đã gần đất xa trời rồi, có sống thêm bao lâu nữa mà sầu  khổ cho mệt.  Mất củ khoai lang, thì kiếm củ khoai mì bù vào.

Tuổi già biết giá  trị tương đối của tình yêu nên không tìm tuyệt hão, không tìm lý tưởng,  và nhờ vậy không bị thực tế phũ phàng làm vỡ mộng, đau khổ.  Khi già  rồi, có ai hỏi tuổi, thì cũng không cần giấu diếm, không cần sụt đi năm  bảy tuổi làm chi.  Sướng lắm.  Vì có sụt tuổi, cũng không giấu được  những nếp nhăn, mà chẳng có ích lợi gì.  Nếu tự cọng thêm cho mình chừng chục tuổi, thì không chừng được thiên hạ nức nở khen là còn trẻ, trẻ  quá, và họ mơ ước được như mình.

Các ông có vợ đẹp, khi lớn tuổi cũng đỡ lo bọn dê xồm dòm ngó, lăm le dụ dỗ vợ mình.  Con  người, ai mà không nhẹ dạ, ai mà không ưa lời nói ngon ngọt êm tai, ai  mà không có khi thiếu sáng suốt.  Vợ chồng cũng có khi bất hòa, buồn  giận nhau, và những khi nầy, lòng người dễ chao đảo lắm.  Bởi vậy, các  ông đỡ nghe các bà hăm he ly dị, hăm he bỏ nhau.  Tuổi nầy các bà cũng  thừa khôn ngoan để biết những tên ngon ngọt, hứa hẹn nhiều, thường chỉ  là những tên phá đám, chứ không thể tin tưởng được.

Đàn bà có chồng  hào hoa, đẹp trai, khi lớn tuổi cũng bớt lo, vì các ông cũng bớt máu  nóng, bớt chộn rộn và khôn ngoan hơn thời trẻ trung.  Biết kềm chế hơn,  và biết rõ giá trị hạnh phúc gia đình cần gìn giữ hơn là chơi ngông.

Tuổi già, vợ chồng sống chung với nhau lâu rồi, chịu dựng nhau giỏi hơn, quen với cái thói hư tật xấu của nhau.  Không còn thấy khó chịu nhiều nữa.  Dễ dung thứ  cho nhau, chấp nhận nhau, vì họ biết rõ bên cạnh cái chưa tốt của người  bạn đời, còn có rất nhiều cái tốt khác.

Vợ chồng, khi đó biết bao nhiêu là tình nghĩa, bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu thân thiết, cho nên hạnh phúc hơn, vui hơn.   Tình yêu trong tuổi già thâm trầm, có thì giờ bên nhau nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn. Cũng có nhiều ông bà già ưa cãi vã nhau, cũng dễ hiểu, khi đó tai của cả hai ông bà đều lãng, người nầy nói một đường, người kia hiểu nẻo khác, cho nên buồn nhau giận nhau, không gây gổ sao được?

Tuổi già, thì tất cả mộng ước điên cuồng của thời trẻ trung đã tan vỡ, đã lắng xuống, không còn khích động trong lòng, không còn thao thức nhức nhối.  Họ biết sức mình đến đâu, và không tội chi mà ôm cao vọng cho khổ thân.  Họ còn biết thêm rằng, nếu những cao vọng điên cuồng ngày xưa mà có thành đi nữa, thì e cũng chỉ là hư không, chẳng đáng gì.

Khi tuổi già, thì biết khôn ngoan mà an phận, biết vui với bình thường.  Biết đâu là hạnh phúc chân chính.  Nhiều người già rồi mới tiếc suốt một thời son trẻ không biết sống, phí phạm thời gian theo đuổi những huyễn mộng, làm đau khổ mình, làm điêu đứng người khác.

Tuổi già, vui khi thấy mình hết nông nỗi, nhìn đời bằng cái tâm tĩnh lặng hơn.  Ai khen không hớn hở mừng, ai chê không vội vã hờn giận.  Vì biết rõ mình không có gì xuất chúng để thiên hạ khen nịnh.  Và biết mình cũng có nhiều cố tật không chừa được, đáng chê.  Chê thì chê, khen thì khen.  Khen cũng thế, mà chê cũng thế, thì ta vẫn là ta, là một kẻ già, đáng được khoan thứ hơn là trách móc.

Lúc nầy, không còn muốn làm giàu, không bị con ma tham lam thúc bách để kiếm và tích trữ cho nhiều tiền nhiều bạc.  Con cái cũng đã lớn, không phải chi tiêu nhiều thứ, thì tiền bạc, chỉ cần đủ sống thôi, cũng là thỏa nguyện.  Họ cũng không cần se sua, tranh hơn thua với ai, tinh thần họ vui vẻ, dễ chịu và khỏe khoắn hơn.

Mối lo âu về tài chánh cũng nghẹ gánh.  Bởi khi đó, nhiều người đã tích trữ được một số tiền nhỏ.  Nhà cửa cũng đã có.  Nợ nhà, nợ xe cũng ít đi, hoặc không còn nữa.  Con cái cũng đã lớn, không còn là gánh nặng cho mình.  Chúng nó đã có nghề nghiệp, đã làm ăn được.  Chắc chắn tương lai chúng khá hơn mình nhiều.  Người già không chi tiêu nhiều, ăn cũng ít đi rồi, chơi cũng không còn phung phí dại dột như tuổi trẻ.

Khi già, thời gian mới là thực sự của mình, vì không còn phải chạy ngược chạy xuôi kiếm sống nữa.  Không còn bị bó buộc bởi trách nhiệm bổn phận.  Có thể ngồi mơ mộng hàng giờ trên ghế đá công viên,thưởng thức thiên nhiên tuyệt thú, có thể tìm được an bình tuyệt đối, không như thời còn trẻ, đi nghỉ mát, mà thỉnh thoảng cũng bị công việc nhà ám ảnh, nhắc nhở.

Tuổi già về hưu, là một mong ước của gần như của tất cả mọi người.  Nhiều người gắng làm sao kiếm cho nhiều tiền để dược về hưu sớm hơn.  Nhiều thanh niên, ngày về hưu còn xa lắc, xa lơ mà vẫn mơ ước.
Người Mỹ, trẻ già chi cũng nghĩ đến hưu trí.  Hưu trí trong tuổi già là một phần thưởng của tạo hóa, của xã hội. Cho sung sướng, nghỉ ngơi.  Già là nghỉ ngơi, là khỏe khoắn.

Mỗi buổi sáng nằm dài trên giường, sáng nào cũng là chủ nhật trong tuần, muốn dậy lúc mấy giờ cũng được, muốn nằm cho đến trưa đến chiều cũng không sao.  Nằm thoải mái, không ai chờ, ai đợi, không có việc gì gấp gáp phải làm, ngoại trừ cái bọng tiểu nó thúc giục, không cho mình nhịn lâu thêm được nữa.  Thế thì sao mà không sung sướng?

Nếu chưa về hưu, còn đi làm việc, thì cái tâm của người lớn tuổi cũng nhẹ nhàng, ít bị những sức căng, bị áp lực đè nén.  Vì tài chánh cũng quan trọng, nhưng không quá quan trọng đến nỗi khi thất nghiệp thì mất xe, mất nhà, mất vợ mất con như những người còn trẻ.  Khi này, nhiều thứ trong cuộc sống đã ổn định, nhu cầu tiền bạc cũng không quá
nhiều.  Vả lại, già rồi, kinh nghiệm công việc nhiều, cho nên giải quyết mọi sự trong dễ dàng, thong thả.

Bạn đồng sự cũng có chút nể nang, phần vì tuổi tác, phần vì kinh nghiệm.  Có trường hợp, còn có việc thì tốt, mất việc thì mừng hơn, vì có lý do chính đáng để về hưu cho khỏe.  Vì nếu việc có hoài, việc lại dễ dàng, thì tiếc, không muốn về hưu.  Tuổi lớn, không cần thăng tiến, không cần đua chen với ai, cho nên tinh thần thoải mái, được bạn bè chung quanh thương mến hơn.  Những người về hưu rồi, trở lại làm việc, thì đi làm, như đi chơi, chứ  không phải “đi cày” như nhiều người khác quan niệm.  Vui thì làm tiếp, chán thì về nhà nghỉ ngơi.

Người lớn tuổi, thì sức khỏe xuống, bệnh hoạn ồ ạt đến tấn công, không ai thoát khỏi bệnh hoạn.  Nhưng họ lại cảm được cái sung sướng của một ngày khi bệnh thuyên giảm.  Một ngày khi cảm thấy gân cốt ít nhức mỏi hơn, dễ chịu trong từng khớp xương hơn.  Người trẻ đâu có thấy được những nỗi sung sướng này? Vì họ chưa kinh nghiệm, chưa trải qua, nên chưa biết.  Họ có sức khỏe, nhưng họ không biết đó là sung sướng, cho nên, xem như chẳng có giá trị gì.  Anh chị xem, nếu anh chị có một tảng ngọc to bằng cái bàn nằm trong vườn, mà anh chị không biết đó là chất ngọc, thì không biết quý, không biết mình sung sướng có tảng ngọc, mà chỉ quý và sướng vì viên ngọc nhỏ xíu nằm trên chiếc nhẫn mà thôi.

Có người viết sách rằng, tuổi già, buổi sáng ngủ dậy, nghe xương cốt đau nhức mà mừng, vì biết mình chưa chết.  Tôi thêm rằng, biết mình còn sống là mừng, biết mình đã chết nhẹ nhàng, càng mừng hơn.

Nầy anh chị có nhớ câu chuyện Thượng Đế khi đuổi tổ phụ loài người là ông Adam và bà Eva  xuống trần gian, có chỉ mặt mà phán : “Từ nay chúng mi phải đổ mồ hôi trán mới có hạt cơm vào mồm”.  Đó là câu nguyền rũa độc địa nhất, là lời phán ý nghĩa nhất, là con người phải sống trong nhọc nhằn.  Sách Phật cũng có viết đời là đau khổ, và tu để tránh khổ.  Đó, đời nầy đáng sống lắm, nhưng cũng nhiều khổ đau lắm.  Bởi vậy nên tôi nói, được sống là mừng, mà được chết, cũng mừng.  Tôi đi đám ma ông bạn già, thấy gia đình khóc lóc, rên rỉ thảm thương, con cháu mếu máo kể lể.  Tôi cười trong bụng, nghĩ rằng bọn nầy không biết luật của tạo hóa.  Có sinh thì có diệt.  Chúng nó muốn thân nhân của chúng sống đời đời sao? Biết đâu chỉ là khởi điểm của một cuôc rong chơi.  Nầy, tôi đọc cho anh chị nghe một đoạn thơ của anh bạn tôi:

Tôi đi trước, hẹn gặp nhau ở đó …
Ai thay da mãi mãi sống muôn đời ?
Kẻ trước, người sau xếp hàng xuống mộ,
Biết đâu là khởi điểm cuộc rong chơi …

Khi tuổi già, thì xem cái chết như về.  Ai không phải chết mà sợ.  Sống qua khỏi tuổi năm mươi, là đã lời lắm.  Tuổi trung bình của con người trên thế giới này chưa được con số năm mươi.Thì mình nên tự xem như được sống thêm đời thứ hai.

Đời trước đã hoàn tất, có cả khổ đau lẫn hạnh phúc.  Đời sau nầy, thì chắc chắn là sung sướng hơn hạnh phúc hơn đời trước.  Vì đã từng trải, đã gom được kinh nghiệm của đời trước, để thấy đâu là hạnh phúc chân thật, đâu là phù du huyễn hão.  Chết là về.  Nhưng chỉ sợ không về được đến nơi đến chốn, mà như chiếc xe hư máy dọc đường.  Làm khổ chủ xe, bắt nằm liệt mê man, không sống mà cũng không chết, đó mới là cái đáng sợ.  Tôi biết vậy, nên đã làm di chúc, khi nào tôi bị mê ba ngày, thì xin rút ống cho tôi đi. Đi về bình an.

Này, anh chị nghĩ sao về ông bác sĩ mà người ta đặt cho tên là bác sĩ tử thần? Già rồi tôi không nhớ rõ tên, hình như ông ta tên là “Ki-Vô-kiên” (Kevokian — THD) phải không? Cái tên gần gần như vậy.  Theo tôi, thì ông nầy là một vị Bồ Tát, cứu độ cho chúng sinh mau qua khỏi khổ đau, để bị ra tòa, bị tù tội.  Chỉ có cái tâm Bồ Tát thật lớn mới làm được việc đó.  Tôi cố tìm một cái ảnh ông ta để thờ sống, mà không có.  Tôi nghĩ, trong tương lai, luật pháp sẽ không ngăn cấm việc cho người đau đớn ra đi sớm hơn, vì đàng nào cũng chết, tại sao phải kéo cái đau đớn ra dài hơn mới được chết.  Trừng phạt người ta hay sao?

Trong tuổi già, người ta biết ơn sự nhiệm mầu của tạo hóa.  Có bộ máy nào, không phải là gang thép, bạch kim, mà chạy một mạch sáu bảy chục năm không ngưng nghỉ, mà vẫn còn hoạt động như quả tim, buồng phổi, trái thận, cái bao tử, não bộ.  Có hệ thống ống dẫn nào hoạt động sáu bảy chục năm mà chưa thay thế như các mạch máu của hệ thống tuần hoàn.  Thì dù có rò rỉ van tim, chất mỡ đọng nghẹt trong vài ba mạch máu, thì cũng là sự thường tình, và mừng là còn sống, còn sinh hoạt được.  Dù có phải liền liền đi vào cầu tiểu mỗi ngày nhiều lần, thì họ vẫn sung sướng là cái vòi xài mấy chục năm mà vẫn chỉ mới rò rỉ sơ sơ. Mấy cái vòi nước trong nhà, bằng kim khí cứng, không rỉ sét, thế mà năm bảy năm đã phải thay rồi…

Bài trên viet-studies

Thầy Phó Tế Nguyễn Mạnh San gởi

Căn Hầm Bí Mật

Căn Hầm Bí Mật

Một người hà tiện, bủn xỉn kia có thói quen giữ tất cả vàng bạc và những vật quý giá trong một chiếc hầm bí mật tự tay ông ta lén lút xây cất dưới nền nhà.

Một ngày kia, như thường lệ, ông ta lẻn xuống hầm để ngắm những vật quý, nâng niu những thỏi vàng và những dây chuyền, những cà rá nạm kim cương, hột xoàn to bằng những hạt đậu.  Rủi thay, vì vô ý gài cửa không kỹ, nên bộ phận bí mật vụt bật lên đóng sầm chiếc cửa cực kỳ kiên cố lại, chắn lối ra duy nhất.

Dĩ nhiên không ai trong nhà biết về chiếc hầm bí mật.  Vì thế, mọi người đã bỏ cuộc sau khi lục lạo tìm kiếm ông ta mọi nơi trong nhà cũng như mọi gốc cây, bụi kiểng ngoài vườn.

Sau một thời gian dài chờ đợi nhưng không nghe thấy tăm hơi của ông ta ở đâu, người ta quyết định bán căn nhà.

Người chủ nhà mới có ý định sửa chữa lại một vài căn phòng của ngôi nhà và trong khi các người thợ nề đập một bức tường, người ta khám phá ra cánh cửa bí mật ăn thông xuống chiếc hầm.  Khi những ngọn nến được thắp lên, người ta không khỏi sợ hãi thấy bộ xương của một người đang ngồi bên cạnh một chiếc bàn con với một số vàng bạc, kim cương bị quăng tung tóe xung quanh.

Có dấu hiệu cho thấy là thậm chí người chết đã phải ăn một cây nến trước khi bị chết đói.

“Khốn cho các ngươi là những kẻ phú quý ở Sion, khốn cho các ngươi là những người tự cho mình là an toàn trên núi Samaria”.

Lời chúc dữ những người giàu có bất nhân và kiêu căng trên của tiên tri Amos cũng như những lời Chúa Giêsu chúc dữ những kẻ giàu trong Tin Mừng không phải là những lời lên án tiền bạc và của cải cách chung.

Nhưng đây là những lời nói lên sự nguy hiểm của quan niệm kiêu hãnh, của tính tự cao, tự đại và nhất là thái độ và nếp sống ích kỷ, dửng dưng không để ý đến những người nghèo khổ đang sống bên cạnh.  Ðây là thái độ và nếp sống thường thấy nơi những người giàu có.

Mahatma Gandhi, người đã đưa dân tộc Ấn Ðộ đến nền độc lập khỏi ách thống trị của Anh quốc đã tuyên bố một tư tưởng cách mạng có thể đổi mới xã hội:

“Trong hoàn cảnh đói khổ của những người đồng bào, đồng chủng, nếu ta giữ một vật gì mà ta không cần dùng đến ngay bây giờ thì đó là những của chúng ta ăn cắp”.

Sống trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, tinh thần liên đới và sự sẵn sàng chia sẻ cơm ăn áo mặc cho những người cần đến là những ngọn đuốc sáng, là những đức tính giúp người Kitô chúng ta đóng trọn vai trò men trong bột ở giữa xã hội chúng ta đang sống.

Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài

Có những thứ còn quý hơn cả 100 đô

Có những thứ còn quý hơn cả 100 đô

Trong căn phòng khách ấm cúng, hai cha con ngồi xem tivi. Cô bé nhìn người cha và thỏ thẻ hỏi:

– Cha ơi, cho con xin phép hỏi cha một câu nhé?

– Vậy con muốn hỏi cha điều gì?

– Cha đi làm được lãnh bao nhiêu tiền một giờ vậy?

– Là chuyện của người lớn, con không được phép hỏi cha về điều này. Tại sao con lại hỏi cha như vậy?

– Con chỉ muốn biết thôi. Cha nói cho con biết đi cha.

– Nếu như con muốn biết, cha làm 100 đô một giờ.

– Ồ vậy hả cha.

Cô bé nhìn cha trong giây lát và hỏi tiếp.

– Cha có thể cho con mượn 50 đô được không cha?

Người cha nghiêm nét mặt trả lời.

– Nếu như con hỏi cha mượn tiền với lý do để mua những thứ đồ chơi phí phạm mà con thích, thì con hãy đứng lên ngay đi về phòng của mình và lên giường ngủ cho cha. Con hãy tự suy nghĩ lại, trong khi cha làm việc vất vả hằng ngày lo cho con ăn học để cho con có những suy nghĩ quá ích kỷ vậy được sao?

Cô bé không biết nói gì hơn, lặng lẽ đứng dậy đi về phòng của mình và đóng cửa lại. Người cha vẫn ngồi trên chiếc ghế với nét mặt tức giận về câu hỏi của con gái.

– Con bé sao lại dám cả gan hỏi thế lại còn mượn tiền.

Một lúc sau, người cha nguôi giận và suy nghĩ lại.

– Có thể vì cái gì đó mà con gái mình cần số tiền 50 đô để mua?… Thật ra từ trước đến giờ ít khi nào con bé hỏi và xin tiền như vậy?

Người cha đứng dậy đi lại phòng của con gái và mở cửa ra. Người cha lên tiếng hỏi.

– Con đã ngủ chưa?

– Dạ con chưa ngủ.

– Cha xin lỗi con. Lúc nãy cha hơi nóng và không phải với con. Hôm nay cha làm việc mệt mỏi nên cha đã trút hết mọi bực bội lên con. Đây là 50 đô lúc nãy con đã hỏi cha.

Con bé nhanh nhẹn ngồi chồm dậy nhìn cha mỉm cười và nói.

– Con cám ơn cha rất nhiều.

Sau đó cô bé với tới chiếc gối của mình và lấy ra cái túi nhỏ chứa một ít tiền không được xếp ngay ngắn

Cô bé nhìn cha và bắt đầu đếm tiền. Người cha nghiêm nét mặt lại và hỏi khi nhìn thấy con gái mình đã có tiền.

– Tại sao con muốn thêm tiền trong khi con đã có sẵn tiền vậy?

– Thưa cha, tại vì con không có đủ, nhưng bây giờ thì Con đã có đủ số tiền rồi cha à.

Cô bé nói tiếp.

– Cha ơi. Bây giờ con đã có đủ 100 đô. Con có thể mua một tiếng đồng hồ của cha được không? Ngày mai cha hãy về sớm nhé cha. Con rất mong muốn được ăn tối cùng cha.

Người cha xúc động ôm con gái vào lòng và mong con hãy tha thứ cho mình.

Đây là một lời nhắn nhủ những ai luôn bận rộn với công việc hằng ngày trong cuộc sống. Chúng ta không nên để thời gian trôi đi trên đầu ngón tay của mình vì công việc, mà quên đi thời gian dành cho những người thật sự quan tâm, thương yêu và gần gũi bên cạnh mình.

Chúng ta hãy nhớ chia sẻ thời gian trị giá 100 đô của mình với những người yêu thương mình và mình yêu thương.

Nếu như ngày mai bạn chết đi. Công ty bạn làm việc sẽ dễ dàng tìm một nhân viên mới để thay thế vào vị trí của bạn. Nhưng gia đình, người thân và bạn bè sẽ cảm thấy sự ra đi của bạn sẽ là một mất mát rất lớn không tìm lại được.

Chúng ta đã dành quá nhiều thời gian cho công việc lao vào kiếm tiền để sinh sống, đã vô tình quên đi những thời gian qúy giá hơn 100 đô dành cho gia đình và người thân.

ST

Lời Hay Ý Đẹp

Lời Hay Ý Đẹp

1. Nổi giận là trạng thái cái lưỡi làm việc nhanh hơn cái đầu.

2. Con người sinh ra không phải để tan biến như một hạt cát vô danh. Con người sinh ra để in dấu trên mặt đất, in dấu lại trong tim người khác.

3. Hãy yêu thương đi…, rồi bạn chắc chắn sẽ được đáp lại !

4. Cuộc sống luôn ban tặng những điều tốt đẹp nhất cho những ai biết nhẫn nhịn.

5. Tất cả nụ cười đều có chung một ngôn ngữ.

6. Cái ôm là món quà lớn… ta có thể cho đi bất cứ lúc nào và dễ dàng được đáp lại.

7. Mọi người cần được yêu thương…, nhất là khi họ không xứng đáng với điều đó.

8. Con chim đậu trên cành không bao giờ sợ gãy cánh bất chợt, bởi niềm tin của nó không đặt vào nhánh cây nhỏ bé đó mà đặt vào đôi cánh của chính nó.

9. Tiếng cười là mặt trời của cuộc sống.

10. Ai ai cũng đẹp, có điều không phải ai cũng nhận ra nó.

11. Điều quan trọng cho bậc cha mẹ là sống theo những gì họ dạy.

12. Cảm ơn cuộc sống về những gì bạn có, tin cuộc sống về những gì bạn cần.

13. Đừng đi trước tôi, tôi có thể sẽ không theo. Đừng đi sau tôi, tôi có thể sẽ không dẫn lối. Hãy đi bên cạnh và trở thành bạn của tôi.

14. Điều làm nên hạnh phúc, không phải là chúng ta có bao nhiêu mà là chúng ta vui sống bao nhiêu .

15. Sự lựa chọn của bạn ngày hôm nay sẽ có tác động đến ngày mai.

16. Dành thời gian để cười, bởi đó chính là điệu nhạc của tâm hồn.

17. Nếu có ai nói xấu bạn, hãy sống làm sao để không ai tin điều đó !

18. Kiên nhẫn là khả năng bạn hãm phanh, khi bạn có cảm giác như đang tăng tốc.

19. Tình yêu thương sẽ vững chắc, sau khi trải qua những xung đột.

20. Điều tốt nhất cha mẹ có thể làm cho con cái là yêu thương nhau.

21. Những lời nói không tốt không làm gãy xương, nhưng có thể làm vỡ trái tim ta.

22. Để thoát khỏi gian nan, chỉ có cách đi xuyên qua nó.

23. Yêu thương là từ duy nhất có thể chia mà không bị giảm.

24. Hạnh phúc được tăng lên nhờ những người xung quanh, nhưng không phụ thuộc vào họ.

25. Với mỗi phút bạn nổi giận, bạn mất đi 60 giây hạnh phúc mà không thể nào lấy lại được.

26. Làm bất cứ việc gì với hết khả năng, cho những ai bạn có thể, với những gì bạn có, và ở nơi nào bạn đang đứng.

27. Đừng nên cười nhạo ước mơ của bất cứ ai!

28. Những người không có ước mơ chẳng có nhiều đâu!

29. Trên bước đường công tác, hành lý của con người cần mang theo đó là lòng kiên nhẫn, tính chịu đựng.

30. Đừng bao giờ mất kiên nhẫn! Đó là chiếc chìa khóa cuối cùng mở được cánh cửa!

31. Biết yêu thương vạn vật là biết tô điểm tâm hồn mình.

32. Không có tình thương nào ấm áp, an bình như tình mẹ thương con.

33. Ta chiêm ngưỡng ánh trăng vì hai lẽ: một là vì nó sáng, hai là vì ta không thấu hiểu nó.

34. Sa mạc có thể đổi thành rừng xanh, nhưng cá tính con người thì không.

35. Sự im lặng có sức “vang” hơn cả sấm sét.

36. Kẻ nào gieo nỗi đau cho người khác thì sẽ nhận lấy sự lo sợ không cùng.

37.Người tìm thấy sự an bình trong gia đình là người hạnh phúc nhất.

38. Bước chân của người hiền trí sẽ không mất dấu bởi thời gian.

39. Sống mà thiếu tình bạn chẳng khác gì cỏ cây thiếu ánh mặt trời.

40. Một trong những hạnh phúc lớn của đời sống là tình bạn. Và một trong những hạnh phúc lớn của tình bạn là có người để gửi gắm một bí mật, một tâm tư.

41. Tình yêu trong xa cách ví như ngọn lửa trong gió. Gió thổi tắt ngọn lửa nhỏ và thổi bùng ngọn lửa lớn.

42. Có ba điều khó làm: – giữ được một điều bí mật – quên đi một sự xúc phạm – biết dùng thời gian rỗi một cách có ích.

Sưu tầm

LỜI KHUYÊN CỦA NỮ DIỄN VIÊN NỔI TIẾNG

LỜI KHUYÊN CỦA NỮ DIỄN VIÊN NỔI TIẾNG

Khi bạn qua tuổi 50 – 60 ,bạn không còn nhiều thời gian ở phía trước nữa, và bạn cũng không thể mang đi những gì bạn đã có được ,sẽ là vô ích nếu bạn vẫn bận tâm đến kiếm tiền và dành dụm.

Bởi thế, bạn hãy chi tiêu những đồng tiền mà bạn đã cất giữ để đi du lịch, mua sắm thứ bạn thích và cho đi những gì bạn có thể và đừng quan tâm đến nhận lại.

Đừng nghĩ là phải để lại tất cả những gì bạn đã kiếm được cho các con cháu ,chẳng phải thế sao ? vì bạn không hề muốn chuyển giao lại cho những kẻ sống ký sinh ,những người đang nóng lòng chờ đợi ngày chết của bạn.

Bạn cũng không cần lo lắng về những điều sẽ xảy ra cho các con bạn, hay việc bạn sẽ bị đánh giá thế nào ,bởi vì khi chúng ta trở về với cát bụi rồi thì ta không còn nghe thấy bất kỳ lời khen hay tiếng chê nào nữa.

Thời gian mà các bạn sống vui vẻ trên đời ,thời gian để tìm kiếm của cải bằng biết bao gian khó sẽ chấm dứt .

Bạn đừng lo lắng nhiều đến mối quan hệ với con cái ,bởi lẽ chúng có số phận riêng của chúng,và chúng sẽ tìm được ,chắc chắn là như vậy ,con đường của chúng trong cuộc đời .

Chớ làm nô lệ cho con cái bạn .Hãy giữ quan hệ với chúng ,yêu thương chúng và giúp đỡ chúng khi chúng cần, nhưng đồng thời hãy bằng lòng với số của cải bạn đã dành dụm cho chúng .

Cuộc sống dài hơn cuộc đời lao động. Hãy nghĩ đến việc nghỉ hưu sớm nhất khi bạn có thể và bằng lòng với cuộc sống .

Đừng kỳ vọng quá nhiều vào con cái bạn .Đa phần ,chúng đều yêu quý cha mẹ ,nhưng chúng quá bận với công việc và những ràng buộc khác mà chúng cần quan tâm nhiều hơn.

Cũng có những đưa con bất cẩn ,chúng có thể cãi nhau về của cải của bạn ngay cả lúc bạn đang còn sống và có thể là chúng muốn bạn chết sớm hơn để thừa hưởng nhà cửa và của cải của bạn .

Nói chung ,con cái đều cho rằng chúng đương nhiên được thừa hưởng tất cả những gì bạn đang sở hữu trong khi bạn chẳng có quyền gì với tiền bạc của chúng .

Vì thế , sau tuổi 50-60 bạn không cần phí sức, không cần phải hao tổn thêm sức khỏe để đổi lấy số của cải nhiều hơn mà phải làm việc đến lúc xuống mồ .Rất có thể là tiền bạc của bạn chẳng có chút giá trị nào trước mặt thần chết .

Khi nào thì chúng ta ngừng kiếm tiền ? Bao nhiêu thì đủ ? Một trăm ngàn ? Một triệu ? Mười triệu ?
Từ hàng ngàn hecta ruộng đất bạn cũng chỉ ăn được chút ít rau quả và một nửa chiếc bánh mì mỗi ngày ; từ vài ba căn nhà bạn đã xây, thực tế là bạn chỉ cần vài mét vuông cho bạn : một chỗ ngủ ,một chỗ nghỉ ngơi ,một chỗ tắm và một chỗ làm bếp .
Với chừng ấy thời gian mà bạn cần một chỗ ở ,một số tiền để ăn ,để mặc và một số vật dụng cần thiết khác …thế là bạn đã sống tốt rồi .Chỉ cần sống vui vẻ hạnh phúc là được.

Gia đình nào cũng có vấn đề ,bất luận là ở chế độ xã hội nào.
Bạn đừng so sánh với người khác về phương diện tài chính, Đừng quan tâm đến việc ai có nhiều của cải hơn , hoặc con cái ai thành đạt hơn về vật chất ,mà hãy đi chơi nhiều hơn,kể cả đi du lịch nước ngoài .

Hãy nhanh chóng đặt lên bàn cân để so sánh xem ai có nhiều thời gian rỗi hơn ,ai hạnh phúc hơn ,ai khỏe mạnh và sống lâu hơn .

Đừng bận tâm đến những điều mà bạn không thể thay đổi . Nó chẳng giúp gì cho bạn ,mà trạng thái tinh thần không tốt còn đẫn đến bệnh tật .
Hãy tạo cho mình một trạng thái thường xuyên ổn định ,và hãy xác định xem điều gì khiến bạn hạnh phúc .

Với chừng ấy thời gian bạn sống khỏe mạnh và vui vẻ ,bạn hãy lên cho mình một kế hoạch ,rồi nóng lòng chờ đợi những ngày tiếp theo .

Một ngày sống mà không có phút giây nào vui vẻ là một ngày mất đi . Một ngày có dù chỉ một giây phút vui vẻ là một ngày được lợi .Một tâm hồn lạc quan thì chữa khỏi bệnh tật nhanh chóng.

Nhưng một tâm hồn hạnh phúc thì không có căn bệnh nào phải chữa ,bởi nó không quen biết bệnh tật …

Hãy giữ cho bạn một trạng thái tinh thần tốt ;hãy di chuyển ,ra ngoài thường xuyên ,đi dưới nắng mặt trời ,ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin và khoáng chất ,và hãy vượt qua mọi trở ngại để sống thêm 30-40 năm với thể lực và sức khỏe dồi dào .

Hãy bằng lòng với những gì bạn đang có và những gì có ở xung quanh bạn.

Và đừng quên bạn bè .Họ chính là sự giàu có của cuộc đời bạn. Hãy giữ mối quan hệ bạn bè lâu dài ,hãy tôn trọng một số nguyên tắc cơ bản : chịu khó nghe và đừng ngắt lời ; hãy nói chuyện chứ đừng nhạo báng ; hãy cho đi mà không bận tâm đến nhận lại ; hãy trả lời câu hỏi chứ đừng phản đối ; hãy tha thứ chứ đừng trách cứ , và đã hứa thì không được quên .

Như thế bạn sẽ không bao giờ cô đơn .

Chúc bạn có một cuộc sống dài lâu và đầy đủ !

SƯU TẦM

9 câu hỏi rất khó và 9 câu trả lời tuyệt vời

9 câu hi rt khó và 9 câu tr li tuyt vi

Một trí giả thích ngụy biện đến gặp Socrates nhà hiền triết xứ Hi Lạp và đặt nhiều câu hỏi khó với mục đích làm cho Ngài bối rối. Nhưng nhà hiền triết xứ Milet có thừa khả năng để trả lời. Sau đây là các câu hỏi:

1. – Trong các vật hiện hữu, cái gì xưa nhứt ?
– Thượng Đế, vì ở thời đại nào, Ngài cũng hiện hữu.

2. – Trong các vật, vật nào đẹp nhứt ?
– Vũ trụ, vì vũ trụ là công trình của Thượng Đế.

3. – Trong các vật, vật nào lớn nhứt ?
– Không gian, vì nó chứa tất cả những gì sáng tạo.

4. – Trong các vật, vật gì vững bền nhứt ?
– Hy vọng, vì khi con người mất hết, nó vẫn còn.

5. – Trong các vật, vật nào tốt nhứt ?
– Đức hạnh, vì thiếu nó không có một việc gì tốt đẹp.

6. – Trong các vật, vật chi di chuyển mau nhứt ?
– Tư tưởng, vì trong một giây nó có thể đến tận bên kia vũ trụ.

7. – Trong các vật, vật chi mạnh nhứt ?
– Nhu cầu, vì nó giúp ta san bằng các khó khăn to lớn nhứt.

8. – Trong các việc, việc chi dễ làm nhứt ?
– Khuyên bảo.

9. – Trong các việc, việc nào khó nhứt ?
– Tự biết mình.

SUY NGHĨ

Một câu chuyện ngụ ngôn rất hay. Trong đời tôi cũng đã có vài lần xảy ra tương tự như chuyện sau đây :

Vợ tôi, khi người còn khỏe mạnh, cùng tôi đi chùa lạy Phật. Vợ tôi và tôi vừa chấp tay lạy Phật thì nghe vị thầy tu đang giảng đạo-pháp thao thao bất tuyệt. Bổng có một bà cụ già bước đến bên vị tu sĩ hỏi xin thầy ngừng ở đây để cho bà hỏi thầy một câu. Vậy thì vị tu sĩ bỏ cuốn sách xuống và bắt đầu quở trách bà cụ nầy oang oang trên máy vi âm: “Tôi đang thuyết giảng mà sao bà làm tôi cụt hứng không còn nhớ tôi đọc đến chổ nào nữa”.. “Bà …bà… bà…v.v… Bà không được làm như vậy nữa nghe chưa?”

Tôi nghe lời mạt-sát của ông nầy rất chướng tai. Tôi giận cho thái-độ xỉ mạ của ông đối với người già cả. Tôi liền bảo nhà tôi ngưng lạy và lui ra để tôi vào gọi ông thầy chùa nầy hỏi vì sao ông mạt-sát người già cả. Phật, thầy nào dạy ông làm điều nầy? Ông đã tu được bao nhiêu năm mà ông không trấn tỉnh được sự sân-si? Tôi vừa nói vậy với vợ tôi thì vợ tôi bảo rằng: “Người ta đã sai, sân-si quá. Bây giờ anh cũng sân-si nữa thì chúng ta đi chùa làm gì?
Tôi nghe vợ tôi nói quá phải. Tôi đành theo nàng đi về nhà và lạy tượng Phật ở nhà. Tôi xin hứa với Phật rằng từ nay con không còn hành động trong cơn nóng giận nữa. Từ đó vợ tôi thương quý tôi nhiều hơn. Nàng bảo: “Sao dạo nầy trông anh hiền như Bụt vậy?” Tôi bảo nàng: Tôi nhớ chuyện đi chùa hôm ấy. Tôi đã thành Phật rồi .

Hòn Ðá Ném Ði

Văn hào Nga Leon Tonstoï có kể câu chuyện ngụ-ngôn như sau:
“Có một người hành-khất nọ đến trước cửa nhà của một người giàu có để xin bố-thí. Một đồng xu nhỏ hay một miếng bánh vụn, đó là tất cả những gì người ăn xin chờ đợi nơi người giàu có. Nhưng, mặc cho người khốn khổ van xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Ðến một lúc không còn chịu nổi những lời van xin của người hành khất, thay vì bố-thí, người giàu đã lấy đá ném vào con người khốn-khổ.
Người hành-khất lặng lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào bị rồi thì thầm trong miệng: “Ta mang hòn đá này cho đến ngày nhà người sa-cơ thất-thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi”.
Ði đâu, người hành-khất cũng mang theo hòn đá ấy. Tâm hồn ông lúc nào cũng cưu-mang sự báo thù.

Năm tháng qua đi. Lời chúc dữ của người hành-khất đã thành sự thật. Vì biển lận, người giàu có bị tước đoạt tất cả tài-sản và bị tống giam vào ngục. Ngày hôm đó, người hành-khất chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu vào tù ngục. Nỗi căm hờn sôi-sục trong lòng ông. Ông đi theo đoàn người áp tải. Tay ông không rời bỏ hòn đá mà người giàu đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sach mối nhục hằng đeo đẳng bên ông. Nhưng cuối cùng, nhìn thấy gương mặt tiều tụy đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ: “Tại sao ta lại phải mang nặng hòn đá này từ bao nhiêu năm qua? Con người này, giờ đây, cũng chỉ là một con người khốn khổ như ta”.

Tha thứ là điều khó khăn nhất nhưng cũng là điều cao cả nhất.

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi