12 GIÁ TRỊ SỐNG THEO TỔ CHỨC UNESCO

12 GIÁ TRỊ SỐNG THEO TỔ CHỨC UNESCO

Giá trị sống của bạn là những điều mà bạn cho là quan trọng trong cách bạn sống và làm việc: Chúng chi phối việc xác định thứ tự các ưu tiên hoặc ra quyết định của bạn, và, trong sâu thẳm, có lẽ chúng là cái thước đo mà bạn sử dụng để thấy được rằng cuộc sống của bạn có tiến triển theo cách bạn muốn nó diễn ra không.

Giá trị sống trả lời câu hỏi “Tại sao ?” hay “Vì sao ?” một người nào đó làm điều này hoặc không làm điều kia. Ví dụ như một người chạy xe vượt đèn đỏ để nhanh hơn vài chục giây, mà không để ý rằng điều đó có thể nguy hiểm đến tính mạng của bản thân hay của người khác, như vậy trong hành động này, người đó đánh giá cao giá trị “thời gian” mà bỏ qua giá trị “an toàn”.
Sau đây là 12 giá trị sống được nêu ra bởi UNESCO.

1/ HÒA BÌNH

Hòa bình không đơn giản chỉ là vắng bóng chiến tranh, mà là khi chúng ta đang sống hòa thuận và không có sự tranh đấu với nhau.

Hòa bình còn có nghĩa là sống với sự tĩnh lặng và thư thái của nội tâm.

Hòa bình bắt đầu từ nơi mỗi người chúng ta. Xuyên qua sự tĩnh lặng và sự suy nghĩ đúng đắn về ý nghĩa của mọi việc, chúng ta có thể tìm được nhiều cách mới mẻ và sáng tạo để nâng cao hiểu biết về các mối quan hệ và sự hợp tác với tất cả mọi người.

2/ TÔN TRỌNG

Tôn trọng trước hết là tự trọng – là biết rằng tự bản chất bạn cũng là người có giá trị như bất kỳ người nào khác. Một phần của tự trọng là nhận biết những phẩm chất của chính bản thân mình. Tôn trọng chính bản thân là nền tảng làm tăng trưởng về sự tin cậy lẫn nhau. Khi chúng ta tôn trọng chính mình thì cũng sẽ dễ dàng để tôn trọng người khác hơn, và những ai biết tôn trọng sẽ nhận lại đuợc sự tôn trọng. Hãy biết rằng mỗi người đều có giá trị và khi thừa nhận giá trị của người khác thì thế nào cũng chiếm được sự tôn trọng nơi người khác.

Một phần của sự tôn trọng là ý thức rằng bạn có sự khác biệt với người khác trong cách đánh giá, và biết sẳn sàng lắng nghe người khác.

3/ HỢP TÁC

Hợp tác là khi mọi người biết làm việc chung với nhau và cùng hướng về một mục tiêu chung. Một người biết hợp tác thì có những lời lẽ tốt đẹp và cảm giác trong sáng về người khác cũng như đối với nhiệm vụ. Hợp tác phải được chỉ đạo bởi nguyên tắc về sự tôn trọng lẫn nhau.

Một người biết hợp tác sẽ nhận được sự hợp tác. Khi có yêu thương thì có sự hợp tác. Khi nhận thức được những giá trị của cuộc sống, bạn có khả năng tạo ra sự hợp tác.

Sự can đảm, sự quan tâm, sự chăm sóc, và sự đóng góp là sự chuẩn bị đầy đủ cho việc tạo ra sự hợp tác.

4/ TRÁCH NHIỆM

Trách nhiệm là việc bạn góp phần của mình vào công việc chung. Trách nhiệm là đang thực hiện nhiệm vụ với lòng trung thực.

Một người có trách nhiệm thì biết thế nào là phải, là đẹp, là đúng, nhận ra được điều gì tốt để góp phần. Quyền lợi gắn liền với trách nhiệm . Trách nhiệm là đang sử dụng tiềm lực, tài nguyên của chúng ta để tạo ra những thay đổi tích cực. Muốn có hòa bình, chúng ta phải có trách nhiệm tạo ra sự yên ổn. Muốn có một thế giới hài hòa, chúng ta phải có trách nhiệm chăm sóc thiên nhiên. Một người được coi là có trách nhiệm khi người ấy đồng ý góp phần để gánh vác công việc chung với các thành viên khác.

5/ TRUNG THỰC

Trung thực là nói sự thật. Khi trung thực bạn cảm thấy tâm hồn trong sáng và nhẹ nhàng. Một người trung thực và chân chính thì xứng đáng được tin cậy.

Trung thực được thể hiện trong tư tưởng, lời nói và hành động thì sẽ đem lại sự hòa thuận. Trung thực là sử dụng tốt những gì được ủy thác cho bạn. Trung thực là cách xử sự tốt nhất, đó là một mối dây gắn kết tình bạn.

Khi sống trung thực, bạn có thể học và giúp người khác học cách biết trao tặng. Tính tham lam đôi khi là cội rễ của sự bất lương. Đó là đủ cho những người cần, nhưng không bao giờ thỏa mãn cho kẻ tham lam. Khi nhận thức mối quan hệ với nhau có tầm quan trọng như thế nào thì chúng ta nhận ra được giá trị của lòng trung thực.

6/ KHIÊM TỐN

Khiêm tốn là ăn ở, nói năng, làm việc một cách nhẹ nhàng, đơn giản và có hiệu quả. Khiêm tốn gắn liền với lòng tự trọng. Khiêm tốn là khi bạn nhận biết đúng khả năng, uy thế của mình, nhưng không khoác lác khoe khoang. Khi bạn khiêm tốn, tính kiêu ngạo phải trốn xa.

Một người khiêm tốn tìm được niềm vui khi lắng nghe người khác. Khi quân bình được giữa tự trọng và khiêm tốn, bạn có được sức mạnh tâm hồn để tự điều khiển và kiểm soát chính bản thân mình. Khiêm tốn tạo nên một trí óc cởi mở và bạn có thể nhận ra sức mạnh của bản thân và khả năng của người khác.

7/ GIẢN DỊ

Giản dị là sống một cách tự nhiên, không giả tạo. Giản dị là chấp nhận hiện tại và không làm mọi điều trở nên phức tạp. Người giản dị thì thích suy nghĩ và lập luận rõ ràng. Giản dị dạy chúng ta biết tiết kiệm – biết thế nào là sử dụng tài nguyên, tiềm năng một cách khôn ngoan; biết hoạch định đường hướng cho tương lai. Giản dị giúp bạn kiên nhẫn, làm nảy sinh tình bạn và khả năng nâng đỡ lẫn nhau.

Giản dị là hiểu rõ giá trị của những vật chất dù nhỏ bé nhất trong cuộc sống.

8/ KHOAN DUNG

Khoan dung là tôn trọng qua sự hiểu biết lẫn nhau. Hòa bình là mục tiêu, khoan dung là phương pháp. Có khoan dung là bạn trở nên cởi mở và chấp nhận sự khác biệt với những vẻ đẹp của nó.

Mầm mống của sự cố chấp là sợ hãi và dốt nát. Hạt giống khoan dung và yêu thương cần được vun trồng bởi lòng trắc ẩn và sự ân cần quan tâm đến nhau. Người khoan dung thì biết nhìn thấy điều tốt nơi người khác cũng như trong các tình huống. Khoan dung là nhìn nhận cá tính và sự đa dạng trong khi vẫn biết đối phó với các mầm mống gây chia rẽ hoặc bất hòa và tháo gỡ ngòi nổ của sự căng thẳng được tạo ra bởi sự dốt nát.

9/ ĐOÀN KẾT

Đoàn kết là sự hòa thuận giữa các cá nhân trong một nhóm, một tập thể hay một tổ chức. Đoàn kết tồn tại được nhờ sự chấp nhập và hiểu rõ giá trị của mỗi người, cũng như biết đánh giá đúng sự đóng góp của mỗi người đối với tập thể. Sự thiếu tôn trọng dù là nhỏ cũng có thể là lý do làm cho mất đoàn kết.

Đoàn kết được xây dựng qua việc chia sẻ các mục tiêu, niềm hy vọng và viễn tượng tương lai. Khi đoàn kết lại thì nhiệm vụ lớn dường như trở nên dễ dàng thực hiện. Đoàn kết tạo nên kinh nghiệm về sự hợp tác, làm gia tăng sự hăng hái trong nhiệm vụ và tạo ra một bầu khí thân thiện. Đoàn kết tạo ra cảm giác hạnh phúc êm ái và gia tăng sức mạnh cho mọi người.

10/ TÌNH YÊU THƯƠNG

Yêu người khác nghĩa là bạn muốn điều tốt đến với họ. Yêu là biết lắng nghe, là biết chia sẻ. Khi bạn yêu thương trọn vẹn, giân dữ sẽ tránh xa. Tình yêu là giá trị làm cho các mối quan hệ trở nên tốt hơn.

11/ TỰ DO

Tất cả mọi người đều có quyền tự do. Trong sự tự do ấy, mỗi người có bổn phận tôn trọng quyền lợi của những người khác. Tự do tinh thần là một kinh nghiệm khi bạn có những suy nghĩ tích cực về tất cả, kể cả về chính bản thân.Tự do thuộc lãnh vực của lý trí và tâm hồn.

Tự do là một món quà quý giá. Chỉ có thể tự do thật sự khi các quyền lợi quân bình với những trách nhiệm. Có tự do thực sự khi mọi người có được quyền bình đẳng.

12/ HẠNH PHÚC

Hạnh phúc là trạng thái bình an của tâm hồn khiến con người không có những thay đổi đột ngột hay bạo lực. Khi bạn trao hạnh phúc thì nhận được hạnh phúc. Khi bạn hy vọng, đó là lúc hạnh phúc. Khi bạn yêu thương sự bình an nội tâm và hạnh phúc chợt đến ngay. Nói những lời tốt đẹp về mọi người đem lại hạnh phúc nội tâm. Những hành động trong sáng và quên mình sẽ đem đến hạnh phúc. Hạnh phúc lâu bền là trạng thái của sự hài lòng bên trong.

Khi hài lòng với chính mình, bạn sẽ cảm nhận được hạnh phúc. Khi những lời nói của bạn là “những bông hoa thay vì những hòn đá”, bạn đem lại hạnh phúc cho những người tiếp xúc với bạn.

– “Hạnh phúc sinh ra hạnh phúc. Buồn rầu tạo ra buồn rầu.”

====================//

( Nguồn : sưu tầm từ internet )

Thứ đáng sợ nhất trên cõi đời này là gì?

Thứ đáng sợ nhất trên cõi đời này là gì?

3 câu chuyện do vị thiền sư kể dưới đây có lẽ sẽ cho bạn một câu trả lời, rồi tự mình ngẫm nghĩ xem có đúng không.

Có người hỏi Thiền sư: “Điều đáng sợ nhất trên cõi đời này là gì?”

Thiền sư đáp: “Dục vọng!”

Người đó lộ vẻ mặt hoài nghi.Thiền sư nói: “Hãy để tôi kể vài câu chuyện cho ông nghe vậy”.

Bạc vàng đáng sợ

Một vị tăng nhân hốt hốt hoảng hoảng từ trong rừng chạy đến, vừa khéo lại gặp được hai người bạn vô cùng thân thiết đang tản bộ bên rừng. Họ hỏi vị tăng nhân: “Chuyện gì mà ông hốt hoảng quá vậy?”.

Vị tăng nhân nói: “Thật là kinh khủng, tôi đào được một đống vàng ở trong rừng!”.

Hai người bạn, lòng không nhịn được nói: “Thật đúng là tên đại ngốc! Đào được vàng, việc tốt như thế mà ông lại cho là kinh khủng, thật là không thể hiểu nổi!”.

Thế là họ lại hỏi vị tăng nhân kia, “Ông đào được vàng ở đâu? Chỉ cho chúng tôi xem với!”.Vị tăng nhân nói:“Thứ xấu xa như thế, các ông không sợ sao? Nó sẽ nuốt chửng người ta đấy!”.

Hai người gạt phăng đi, hùng hổ nói: “Chúng tôi đây không sợ, ông mau mau chỉ chỗ xem nào!”.

Vị tăng nhân nói: “Chính là bên dưới cái cây ở bìa rừng phía tây”.

Hai người bạn liền lập tức tìm đến chỗ vị tăng nhân vừa chỉ, quả nhiên phát hiện được số vàng đó. Người này liền nói với người kia rằng: “Tên hòa thượng đó đúng là ngốc thật, thứ vàng bạc mà mọi người đều khao khát đang ở ngay trong mắt ông ta, thế mà lại trở thành quái vật ăn thịt người”.

Người kia cũng gật đầu đồng tình.Thế là họ bàn với nhau làm thế nào để chuyển số vàng này về nhà. Một người trong đó nói:“Ban ngày mà đem nó về thật không an toàn cho lắm, hay là đêm đến thì mình mới vận chuyển, vậy sẽ chắc ăn hơn. Tôi ở lại đây canh chừng, ông hãy về mang chút cơm rau trở lại, chúng ta ăn cơm rồi đợi đến trời tối mới chuyển số vàng này về nhà”.

Người kia liền làm theo người bạn nói. Người ở lại nghĩ : “Nếu như số vàng này đều thuộc về sở hữu của riêng ta thì hay biết mấy! Đợi hắn quay lại, ta hãy dùng cây gậy gỗ đánh chết đi, vậy thì toàn bộ số vàng này là của ta hết rồi”.

Thế là khi người bạn đem cơm rau đến khu rừng, người kia liền từ phía sau lưng dùng gậy gỗ đánh mạnh vào đầu khiến ông ta chết ngay tại chỗ, sau còn nói rằng: “Bằng hữu hỡi, chính là số vàng này buộc tôi phải làm như vậy”.

Sau đó ông ta vớ lấy thức ăn mà người bạn mang đến, ăn ngấu nghiến. Chưa được bao lâu, người này cảm thấy rất khó chịu, trong bụng giống như bị ngọn lửa thiêu đốt. Khi đó, ông ta mới biết rằng mình đã bị trúng độc. Trước lúc chết, ông mới nói rằng: “Lời hòa thượng đó nói quả thật không sai!”.

Đây thật là ứng với lời người xưa để lại: Người chết vì tiền tài, chim chết vì miếng ăn. Đều là họa do lòng tham đưa đến, chính dục vọng đã khiến người bạn thân nhất trở thành kẻ thù không đội trời chung.

Người nông dân mua đất

Có một người nông dân muốn mua đất, ông ta nghe nói có người ở vùng nào đó có đất muốn bán, liền quyết định đến đó hỏi thăm. Người bán đất mới với ông ta rằng: “Chỉ cần giao một nghìn lạng bạc, ta sẽ cho ông thời gian một ngày, bắt đầu tính từ lúc mặt trời mọc, đến khi mặt trời lặn xuống núi, ông có thể dùng bước chân khoanh tròn được bao nhiêu đất, thì số đất đó sẽ chính là ông, nhưng nếu ông không trở về nơi khởi điểm, thì ngay cả một tấc đất ông cũng sẽ không có được”.

Người nông dân đó nghĩ thầm: “Nếu như ngày này ta vất vả một chút, đi nhiều đường hơn một chút, há không phải có thể đi được vòng rất lớn, theo đó sẽ có được một mảnh đất rất lớn hay sao? Làm ăn như vậy quả thật là rất có lợi!”.

Thế là ông ta liền ký kết giao ước cùng người chủ đất đó. Mặt trời vừa mới nhô lên khỏi mặt đất ông ta liền cất bước thật lớn đi nhanh về phía trước; đến giữa trưa, bước chân của ông vẫn không dừng lại giây phút nào, cứ mãi đi về phía trước, trong lòng nghĩ: “Hãy ráng chịu đựng một hôm nay, sau này sẽ có thể hưởng thụ hồi báo của vất vả hôm nay mang đến rồi”.

Ông ta lại đi về phía trước quãng đường rất xa, mắt thấy mặt trời sắp xuống núi rồi mới chịu quay trở về, trong lòng vô cùng lo lắng, bởi vì nếu như không trở về thì một tấc đất cũng không thể có. Thế là ông ta vội trở về theo đường tắt. Tuy nhiên, mặt trời vội vàng sắp xuống núi, ông ta đành phải liều mạng mà chạy, cuối cùng chỉ còn thiếu vài bước thì đến vạch khởi điểm, nhưng sức lực đã cạn kiệt, ông ngã nhào xuống nơi đó.

Dục vọng của con người và ranh giới với hiện thực mãi mãi cũng không cách nào vượt qua được, bởi lòng tham là vô đáy. Con người mãi mãi không biết thỏa mãn, đây chính là khuyết điểm lớn nhất trong nhân cách.

Phật và ma

Có một họa sĩ rất nổi tiếng, ông muốn vẽ Phật và ma, nhưng không tìm được người làm mẫu phù hợp, vì đầu óc ông không tài nào tưởng tượng ra nổi hình dáng của Phật, nên rất lo lắng. Trong một lần tình cờ, ông lên chùa bái lạy, vô tình nhìn thấy một tu sĩ.

Khí chất của vị tu sĩ này đã thu hút người họa sĩ sâu sắc. Vậy là ông liền đi tìm vị tu sĩ đó, ông hứa biếu cho vị tu sĩ một số tiền lớn, để tu sĩ làm người mẫu cho ông.Về sau, tác phẩm của họa sĩ đã hoàn thành, gây chấn động ở vùng đó.

Nhà họa sĩ nói: “Đó là bức tranh vừa ý nhất mà tôi từng vẽ qua, bởi người làm mẫu cho tôi quả khiến người ta vừa nhìn thấy nhất định cho rằng anh ta chính là Phật, loại khí chất thanh thoát an lành trên người anh có thể cảm động bất kì ai”.Người họa sĩ sau đó đã cho vị tu sĩ đó rất nhiều tiền như lời đã hứa.Cũng nhờ bức tranh này, mọi người không còn gọi ông là họa sĩ nữa, mà gọi ông là “họa Thánh”.

Bẵng đi một thời gian, họa sĩ chuẩn bị bắt tay vào việc vẽ ma, nhưng điều này lại trở thành một vấn đề khó của ông, vì chẳng biết tình hình tượng ma quỷ ở đâu. Ông đã hỏi thăm rất nhiều nơi, tìm rất nhiều người có vẻ ngoài hung dữ, nhưng không ai vừa ý cả.Cuối cùng, ông tìm được trong nhà tù một tù nhân rất phù hợp với đối tượng ông cần vẽ. Họa sĩ vô cùng mừng rỡ, nhưng khi ông đối diện phạm nhân đó, người này đột nhiên khóc lóc đau khổ trước mặt ông.

Nhà họa sĩ rất lấy làm kinh ngạc, liền hỏi rõ ngọn ngành.Người phạm nhân đó nói: “Tại sao lần trước khi người mà ông tìm để vẽ Phật là tôi, bây giờ khi vẽ ma quỷ, người ông tìm đến vẫn là tôi!”

Người họa sĩ giật cả mình, thế là ông lại nhìn kỹ người phạm nhân đó, rồi nói: “Sao lại có thể chứ? Người mà tôi tìm để vẽ Phật ấy khí chất phi phàm, còn cậu xem ra chính là một hình tượng ma quỷ thuần túy, sao lại có thể là cùng một người được? Điều này thật kì lạ, quả thật khiến người ta không thể nào lý giải được”.

Người kia đau khổ bi ai nói: “Chính là ông đã khiến tôi từ Phật biến thành ma quỷ”.

Họa sĩ nói: “Sao cậu lại nói như vậy, tôi vốn đâu có làm gì đối với cậu đâu”.

Ngươi đó nói: “Kể từ sau khi tôi nhận được số tiền ông cho, liền đi đến những chốn ăn chơi đàng điếm để tìm thú vui, mặc sức tiêu xài. Đến sau này, tiền tiêu sạch hết, mà tôi lại đã quen với cuộc sống đó rồi, dục vọng đã khởi phát mà không thể thu hồi lại được. Thế là tôi liền giật tiền người ta, còn giết người nữa, chỉ cần có được tiền, chuyện xấu gì tôi cũng có thể làm, kết quả đã thành ra bộ dạng này của ngày hôm nay đây”.

Người họa sĩ nghe xong những lời này, cảm khái vạn phần, ông sợ hãi than rằng bản tính con người trước dục vọng lại biến đổi mau chóng đến thế. Con người chính là yếu nhược như vậy đó. Thế là ông áy náy quăng cây bút vẽ xuống đất, từ đó về sau không còn vẽ bức tranh nào nữa.

Con người ta, một khi rơi vào trong cạm bẫy “theo đuổi ham muốn vật chất”, thì rất dễ đánh mất bản thân mình, muốn thoát ra khỏi đã trở thành mục tiêu rất khó khăn, vậy nên bản tính con người không thể đi cùng với lòng tham.Thiền sư kể xong mấy câu chuyện, nhắm nghiền mắt lại không nói gì cả, còn người kia đã biết được đáp án từ trong những câu chuyện này: Thì ra điều đáng sợ nhất trên cõi đời này chính là dục vọng, dục vọng của người ta càng nhiều, thì sẽ càng không thỏa mãn, vậy nên sẽ càng không vui vẻ và phiền não vì thế cũng sẽ càng nhiều hơn.

Câu chuyện mà vị thiền sư đã nói với chúng ta rằng: Tiền tài tựa như gông xiềng, lòng tham tựa như mộ phần, tranh danh đoạt lợi cuối cùng chỉ là công dã tràng. Chỉ có tẩy đi các loại hư vọng trong tâm, buông bỏ tham dục, trở về bản chất chân thật, thì con người mới có thể nhìn thấu rằng tất cả vinh hoa phú quý của thế gian giống như mây khói thoảng qua, rốt cuộc đều là sắc tướng vô thường, cuối cùng mới thể nghiệm được niềm vui vô tận của sinh mệnh, tự tại tiêu dao.

Sưu tầm

 

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA TRI KỶ VÀ NGƯỜI YÊU

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA TRI KỶ VÀ NGƯỜI YÊU

TRI KỶ

1/ Là người hiểu ta nhất . Cha mẹ sinh ra ta nhưng chỉ người ấy biết được ta nghĩ gì , buồn gi, vui gì, muốn gì……dù đôi khi, ta chưa kịp nói gì….

2/ Là người ta muốn được chia sẻ đầu tiên khi ta tràn ngập niềm vui hay nặng trĩu nỗi buồn hay….chỉ mong manh những dự cảm, những linh cảm….mông lung.

3/ Là người ta mong tìm đến nhất khi ta đau khổ muốn hét lên, muốn khóc cho thật to….Và sau khi được nói, được hét, được khóc….. với người ấy, những muộn phiền ưu tư sẽ nguôi ngoai…để ta nhẹ lòng hơn.

4/ Là người ta có thể nói thật nhất mọi ý nghĩ của mình ngay cả những “ mảng khuất tâm hồn ” mà ta không dám phô bày trước đám đông, hay với bất kỳ người nào khác…kể cả những người thân…

5/ Là người dám chế giễu những thiếu sót của ta, những sai lầm của ta,….hùng hồn, bất bình…cứ như ta đang gây điều đó cho người ấy mà chẳng sợ ta phật lòng hay bực mình…
Và bao giờ sau đó cũng cho ta những lời khuyên rất chân thành…..

6/ Là người kiên nhẫn lắng nghe ta kể lể đủ điều, nhất là về …..những ấm ức, buồn bực, những khát vọng…xa xôi mà chẳng bao giờ nhìn đồng hồ tính toán thời gian….

7/ Là người thường khuyên ta cứ khóc cho thật thỏa để buồn bực vơi theo…

8/ Là người lặng lẽ chắt chiu cho ta những hạnh phúc giản dị nhưng chẳng bao giờ kể công …

NGƯỜI YÊU

1/ Là người ta trao gửi những yêu thương, nhớ nhung da diết và luôn khát khao được gần gũi…dù chỉ vừa mới tạm biệt…
Tình yêu và Nỗi nhớ muôn đời vẫn thế !

2/ Là người khi ta trao một ánh nhìn sẽ nhận ngay ánh mắt chan chứa yêu thương, nồng nàn tình yêu. Đôi mắt là “ cửa sổ của tâm hồn ”….

3/ Là người ta có thể đi hàng ngàn cây số ..chỉ để đem đến một niềm vui…có khi thật nhỏ …. “ Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua ”…

4/ Là người ta luôn muốn “ làm mới mình ” để đem đến những cảm nhận thật bất ngờ, thú vị …..cho người ấy để đón nghe một lời khen, một tiếng cười , một lời thầm thì hạnh phúc ….
5/ Là người ta không bao giờ nói thật, nói hết…..về mối tình đã qua hay về một người đang theo đuổi ta trong hiện tại. ….Ta sợ người ấy buồn….

6/ Là người ta có thể thổ lộ những xúc cảm lãng mạn nhất về Tình yêu mà không sợ người ấy cười ta…là lãng mạn!
Lãng mạn là cảm xúc thăng hoa chỉ có khi Tình yêu đã nồng nàn…

7/ Là người rất sợ ta khóc. Nước mắt ta làm người ấy …bối rối đến vụng về.

8/ Là người mà ta hết lòng muốn sẻ chia những chuyện buồn hay đau khổ ….và ta cứ cảm thấy chính mình đang buồn, đang đau khổ hơn cả người ấy nữa…

9/ Là người dễ làm ta giận dỗi, dễ làm ta tổn thương nhất…dù chỉ là những lời nói vu vơ, những biểu hiện vô tình…không cố ý.
Lời Trái tim có ngôn ngữ của nó đấy !

10/ Là người ta có thể chấp nhận rời xa mãi mãi…Để Người Ấy Được…Hạnh Phúc !

Anh chị Thụ Mai gởi

Chuyện 3 người!

Chuyện 3 người!

Có người nói, cuộc sống là một quá trình tìm kiếm tình yêu, mỗi một người đều phải tìm thấy 3 người. Người thứ nhất là người mình yêu nhất, người thứ hai là người yêu mình nhất và người thứ ba là bạn đồng hành trong suốt cuộc đời (bạn đời).
Trước tiên mình sẽ gặp được người mình yêu nhất, sau đó hiểu được cảm giác yêu. Chỉ có hiểu được cảm giác bị yêu, mới có thể phát hiện ra người yêu mình nhất. Khi đã trải qua cảm giác yêu và bị yêu, mới có thể biết được mình cần điều gì, và cũng sẽ tìm thấy người bạn đời thích hợp nhất trong suốt cuộc đời còn lại.

Thật đáng tiếc, trong cuộc sống thực tế hiện tại, cả ba người này thường không cùng một người, người bạn yêu nhất không chọn bạn, người yêu bạn nhất lại không phải người bạn yêu nhất, và người bạn đời luôn luôn không phải là người bạn yêu nhất, cũng không phải là người yêu bạn nhất, chỉ là người xuất hiện vào lúc thích hợp nhất.

Không ai muốn thay đổi tình yêu của mình. Khi anh ta yêu bạn, đó là lúc anh ta thật sự yêu bạn. Nhưng khi anh ta không yêu bạn thì cũng thật sự là không yêu bạn, anh ta không thể giả vờ không yêu khi anh ta đang yêu bạn, cũng như anh ta không thể giả vờ yêu khi không yêu bạn.

Khi một người không còn yêu mình muốn rời xa mình, mình cần hỏi lại bản thân có còn yêu anh (cô) ta nữa không. Nếu bạn không còn yêu người ấy nữa thì xin đừng bao giờ vì lòng tự ái mà không chịu rời xa người ấy. Nếu như bạn vẫn còn yêu người ấy, lẽ đương nhiên bạn sẽ hy vọng người ấy có được một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ, hy vọng người ấy được ở cùng người mình yêu, đừng bao giờ ngăn cản. Nếu bạn ngăn cản người ấy có được hạnh phúc thật sự của mình nghĩa là bạn không còn yêu anh (cô) ta nữa, và nếu như bạn không còn yêu thì bạn lấy tư cách gì chỉ trích anh ta bạc tình.

Yêu không phải là chiếm hữu. Bạn thích mặt trăng, không thể đem mặt trăng cất vào trong hộp, nhưng ánh sáng của mặt trăng lại có thể chiếu sáng vào tận trong phòng bạn. Cũng như bạn yêu một người, bạn vẫn có thể có được người ấy mà không cần chiếm hữu và khiến người yêu trở thành một hồi ức vĩnh hằng trong cuộc sống.

Nếu bạn thật sự yêu một người, phải yêu con người thực của anh ta, yêu mặt tốt cùng yêu cả mặt xấu, yêu cái ưu điểm lẫn khuyết điểm, tuyệt đối không nên vì yêu anh ta mà hy vọng anh ta trở thành con người mình mong muốn, nếu anh ta không được như ý bạn thì mình không còn yêu anh ta nữa.

Yêu một người nào đó thật sự không nói ra được nguyên nhân vì sao yêu, bạn chỉ biết rằng, bất cứ lúc nào, tâm trạng tốt hay xấu thì bạn cũng đều mong muốn người ấy ở bên cạnh bạn, không một yêu cầu… Xa cách cũng là một thử nghiệm tình yêụ Tình yêu chân chính sẽ chẳng bao giờ trở thành tình yêu oán hận.

Hai người yêu nhau, thích nhất là bắt bạn mình phải thề, phải hứa. Tại sao chúng ta lại bắt đối phương làm như vậy? Tất cả chỉ vì chúng ta không tin đối phương… Làm gì có chuyện biển cạn đá mòn, trời hoang đất lở, nếu có thì cũng không ai sống được đến ngày ấy…

Trong tình yêu, nói là một lẽ, làm là một lẽ. Người nói không dám tin điều mình nói và người nghe thì không tin điều mình nghe

Ngọc Nga sưu tầm

Những năm tháng còn lại trong cuộc đời …

Những năm tháng còn lại trong cuộc đời …

Không rõ tác giả.

Đời người thật ngắn ngủi. Nhớ lại vào lứa tuổi đôi mươi, ta lang thang trong khuôn viên mái trường , vui cười vô tư và bây giờ đã gần 50 năm trôi qua rồi. Đời người thoáng chốc đã già!

Bây giờ, những năm còn lại trong cuộc đời của một người, ta cần sống thanh thản, sống thoải mái, sống hạnh phúc. Vì qua một ngày, ta đã mất một ngày. Vì vậy, một ngày đến, ta vui một ngày. Vui một ngày…rồi không biết sẽ còn vui được bao nhiêu ngày nữa. Hạnh phúc là do chính mình tạo ra, vui sướng cũng do chính mình tìm lấy vì những niềm vui ấy đã ẩn chứa trong những sự việc nhỏ nhặt x​ẩy ra trong đời sống.

Hạnh phúc chỉ là những gì hiện đang ở chung quanh ta, trong tầm tay ta.

Về tiền bạc, Ta vẫn biết khi ta ra đời ta đâu có mang nó đến, và khi ra đi  ta cũng không thể mang nó theo.

Đồng tiền có thể mua một lâu đài to lớn, nhưng đồng tiền không mua được mái ấm gia đình.

Đồng tiền giúp ta mua được nhiều thứ tiện nghi trong cuộc sống, nhưng đồng tiền không mua được sức khỏe cũng như hạnh phúc trong đời sống.

Quãng đời còn lại thì quá ngắn ngủi, ta phải sống những ngày tháng cho đáng sống, ta phải làm cho cuộc đời thêm phong phú .

Không trách móc ai làm gì nữa. Họ làm sai với ta thì họ cũng đã bị lương tâm cắn rứt, và theo thời gian họ cũng đã biết ăn năn, hối hận rồi.

Vào trong internet , fb để gửi thư cho bạn bè, để chia sẻ một tin mới, một chuyện vui, một bản nhạc hay, một bài viết có giá trị, hay “chat” với người quen biết. Ta cần trao dồi bộ óc để trí nhớ vẫn còn sáng suốt. Nếu có người bạn cần giúp, ta cứ mở lòng nhân ái, tốt bụng với mọi người. Rảnh rỗi đi làm những việc từ thiện ngoài xã hội, giúp một tay tại những nơi tôn kính như nhà Chùa, nhà Thờ,… lấy việc giúp người làm niềm vui, đó là những thú vui trong tuổi già.

Hơn nửa đời, ta dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho chính mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho thanh thản, vui vẻ. Việc gì muốn thì làm, ai nói sao thì mặc kệ vì mình đâu phải sống để người khác thích hay không thích, nên sống thật với mình. Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức, ăn uống quá kiêng cử thì không đủ chất bổ dưỡng, quá nhàn rỗi thì buồn tẻ, quá ồn ào thì khó chịu…

Cuộc sống tuổi già thật đa dạng, nhiều màu sắc nên ta cần có nhiều bạn bè, nhiều nhóm bạn bè hoặc tham dự vào những sinh hoạt trong các Hội đoàn ái hữu lành mạnh. Gặp bạn, nói ra những điều phiền muộn cho nhau nghe. Hãy tìm cách gặp gỡ bạn bè và người thân vì không còn nhiều thời gian nữa.

Một người lớn tuổi, sống cô đơn, biệt lập, không đi ra ngoài, không giao thiệp với bạn hữu, thế nào cũng đi đến chỗ tự than thân trách phận, bất an, lo âu, ủ dột và tuyệt vọng. Từ đó bắt nguồn của bao nhiêu căn bệnh. Đừng bao giờ nói, hay nghĩ là: “ Tôi già rồi, tôi không giúp ích được cho ai nữa”.

Đừng nói những lời hay những tư tưởng có ý tuyệt vọng.

Người già chỉ sảng khoái khi được có bạn tâm giao, đó là một liều thuốc bổ mà không Bác sĩ nào có thể biên toa cho ta mua được.
Có những thứ hiện đang chung quanh ta rất quí giá mà có nhiều tiền cũng không mua được, đó là người phối ngẫu hay  người tình của ta. Hãy luôn trân trọng họ.

Nếu có chút ít đồng tiền thì cứ tiêu xài những gì ta cần vì sẽ có lúc ta để lại cho người khác xài.

Nếu hôm nay ta còn khoẻ mạnh, còn ăn được những món ăn ta thích và ăn biết ngon là ta đã có một khối tài sản to lớn trong tuổi già.

Rồi ta tìm đến những người bạn cùng nhau uống tách trà nóng, ly cà phê buổi sáng, kể chuyện năm xưa hay trao đổi những kinh nghiệm trong cuộc sống hiện tại.

Tứ khoái của tuổi già là: Ăn, ngủ, thể dục và du lịch.

Ăn được ngủ được là Tiên. Ăn và ngủ đi đôi với nhau. Người lớn tuổi có nhiều thì giờ nghỉ ngơi, cần có chế độ ăn uống bổ dưỡng, cung cấp đủ calories cho cơ thể. Sự luyện tập thể dục là thỏi nam châm của cuộc sống và là kim chỉ nam của tuổi thọ. Đi du lịch để cho cuộc đời thoải mái, trí óc thanh thản và vui sống.

Khi về già, ta thường hay sống về quá khứ, hay nhớ lại chuyện xưa. nhưng sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói, xa vời rồi.

Hẹn nhau trong những buổi họp mặt để ta có nhiều người bạn tâm tình, kể lại những kỷ niệm đẹp trong quá khứ…vui cười thích thú.

Ta phải làm thế nào tuổi già mà tâm không già, thế là già mà không già. Nụ cười là liều thuốc bổ quí nhất.

Ta cần tránh đi những sự cãi vả, tranh dành hơn thua từng lời nói hoặc những tranh chấp vô ích với bất cứ ai.

Chính những lúc cãi vả, giận dữ đó đã đánh mất đi những niềm vui trong cuộc sống, không thích hợp trong tuổi của ta, nhất là những người đang đau yếu. Ta phải đối diện với bệnh tật một cách lạc quan, tự tin, đừng quá lo âu. Khi đã làm hết khả năng theo tầm tay, sẽ có thể ra đi mà không hối tiếc. Hãy để Bác Sĩ chăm sóc, luôn luôn giữ bình an trong tâm hồn.

Ta có thể nói là mình có hạnh phúc thật sự khi có sức khỏe tốt, chịu đi tập thể dục, có cơ hội du lịch thường xuyên, ngủ ngon, ăn uống ít , kiêng cử khi vào tuổi hoàng hôn.

Thiên đàng không phải đi tìm đâu cho xa mà thiên đàng do ta dựng lên và chui vào đó mà hưởng hạnh phúc. Sự sung sướng và hạnh phúc trong cuộc đời tùy thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao. Người hiểu đời rất quí trọng và biết thưởng thức những gì mình đã có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghiã của nó làm cho cuộc sống vui hơn, giầu ý nghiã hơn.

Hoàn toàn khoẻ mạnh, đó là thân thể khoẻ mạnh, tâm lý khoẻ mạnh và đạo đức khoẻ mạnh…Tâm lý khoẻ mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao tiếp; Đạo đức khoẻ mạnh là có tình yêu thương, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung.

Người thích làm điều thiện sẽ sống lâu. Con người là con người xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai, bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong xã hội, thể hiện giá trị cuả mình đó là cách sống lành mạnh.Sinh, Lão, Bệnh, Tử

Sinh, Lão, Bệnh, Tử là qui luật ở đời, không ai chống lại được. Khi Tử Thần gọi đến thì vui vẻ mà đi. Cốt sao sống thanh thản,không hổ thẹn với lương tâm…

Và cuối cùng hãy luôn nhớ rằng cuộc đời của một người cũng chỉ là một con số không to lớn.

Hãy Sống Với Lòng Biết Ơn

Hãy Sống Với Lòng Biết Ơn

Hãy biết ơn Mặt Trời đã cho ta sự sống.

Hãy biết ơn từng vạt nắng đang lung linh nhảy múa trong vườn để ta cảm nghiệm được sự ấm áp của thiên nhiên.

Hãy biết ơn Mặt Trăng kia đã cho ta bao đêm dài thơ mộng mà qua đó bao bài hát, bài thơ trữ tình nảy nở.

Hãy biết ơn từng con suối nhỏ để cho ta nghe được tiếng thủ thỉ của núi rừng.

Hãy biết ơn từng cơn gió nhẹ làm lòng ta tươi mát.

Hãy tạ ơn biển đã cho ta nguồn dinh dưỡng, từng chuyến viễn du đầy thi vị và những cuộc phiêu lưu mạo hiểm làm phong phú hóa tình cảm con người.

Hãy biết ơn cả tiếng chim ca vì đó là tiếng nhạc của Trời.

Hãy tạ ơn cả những con sông đang ôm ấp những bờ kênh thửa ruộng, cho phù sa tuôn tràn màu mỡ, cho lúa tốt trổ bông, cho tôm cá đầy đồng, cho xóm làng tụ hội, cho chợ búa mọc lên, cho thương buôn trên bến dưới thuyền, cho giao thông thuận tiện, cho mạch sống làng quê ngày thêm phong phú.

Hãy biết ơn từng bài ca dao, từng tiếng chuông chùa êm ả để thấy hồn dân tộc vẫn còn năm sâu trong tâm khảm.

Hãy tạ ơn tiếng ru của mẹ để con biết rằng vòng tay đó chính là Thiên Đường.

Hãy cám ơn mẹ già:

Cho dù áo rách sởn vai,

Cơm ăn bát vơi bát đầy

mà vẫn  kiên trì nuôi con cho đến ngày khôn lớn.

Hãy cám ơn các bậc Thầy vì những vị đó đã khai mở trí tuệ cho ta “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.

Hãy tạ ơn đời.

Hãy cám ơn cả những người đã dối gạt ta để ta hiểu được thế nào là lòng trung tín.

Hãy cám ơn cả người xỉ vả, chụp mũ, bôi lọ, đánh phá ta để ta có dịp huân tập hạnh nhẫn nhục và hiểu được thế nào là sự tha thứ.

Hãy biết ơn những gì gọi là bạo lực vì qua đó ta liễu ngộ đước chân lý vĩnh cửu của tình thương.

Hãy biết ơn cả những thiên tai, thảm họa để cho thấy cuộc sống này qúy giá.

Hãy tạ ơn những người đã nằm xuống để cho ta được sống.

Hãy biết ơn người chiến sĩ đang ngày đêm canh gác, xả thân nơi chiến địa, biển đảo để ta được sống yên bình, mưu cầu hạnh phúc.

Hãy cám ơn sự vấp ngã vì qua đó ta trưởng thành.

Hãy biết ơn cả những người thợ vì họ là những vị thần sáng tạo.

Hãy tạ ơn cả những đang phục vụ ta, những người đang làm những nghề nghèo hèn nhất vì không có họ ta phải chân lấm tay bùn.

Hãy cám ơn người nông phu đã:

Vài ngàn năm đứng trên đất cày

Minh đồng da sắt không thay màu (Phạm Duy)

để dân tộc này có chén cơm hạt gạo.

và cũng:

Dã ơn cái cối cái chày.

Đêm khuya giã gạo có mày có tao (Ca Dao)

Hãy biết ơn cả tiếng gà gáy trong những buổi trưa hè, tiếng võng đưa kẽo kẹt, tiếng sáo diều ngân, tiếng trẻ nói bí bô, tiếng con sáo hót, tiếng ai hát đúm, hát dân ca, hát văn, hát ru, hát hò quan họ để thấy hồn Việt Nam thiêng liêng, bất tử.

Hãy cám ơn cây Đa đã cho ta bóng mát, là nơi dừng chân trên con đường làng dài mệt mỏi.

Hãy cám ơn cả cái Đình để xóm làng mở hội, văn hóa lưu truyền, gái trai hò hẹn.

Hãy cám ơn cả cái Miếu vì qua đó ta thấy các tiên hiền, liệt sĩ, danh nhân vẫn còn ở với chúng ta.

Hãy cám ơn mái Chùa đã đứng đó qua vài ngàn năm để lưu giữ hồn dân tộc.

Hãy cám ơn cả những chuyện thần tiên “Tấm Cám” để con trẻ hay ăn chóng lớn, người già quên đi bao nỗi nhọc và gái trai nuôi bao mộng đẹp.

Hãy cám ơn cả chiếc nón đã che mưa nắng cho cả dân tộc. Thuơng thay “chiếc nón bài thơ” đã lưu giữ hồn thi ca của dân tộc mà bây giờ vẫn còn đây:

Qua đình ngả nón trông đình,

Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu (Ca dao)

Hãy biết ơn tất cả dù là một hạ mưa, hạt cát, hạt muối, bó rau, miếng khoai, miếng cà, miếng sắn, con tôm, con tép…

Hãy biết ơn và tạ ơn tất cả.

Lòng biết ơn là lòng Từ Bi là bài Kinh Sám Hối sâu xa và mầu nhiệm.

Kẻ sống với lòng biết ơn chính là kẻ sống với Chân Hạnh Phúc và là kẻ có tâm hồn cao thượng nhất.

Đào Văn Bình

(California Tháng 11, 2008)

CÂU CHUYỆN CÁI TÂM CỦA CON NGƯỜI

CÂU CHUYỆN CÁI TÂM CỦA CON NGƯỜI

Buổi trưa, tại sân ga của một thành phố lớn, một người phụ nữ tầm ngoài 30 tuổi đang mướt mồ hôi để vác lên vai túi hành lý lỉnh kỉnh của mình. Trên khuôn mặt của người phụ nữ ấy hằn lên sự vất vả, cực nhọc của một người lao động thấp kém. Chị đang đưa ánh mắt dường như vô vọng của mình khắp sân ga như để tìm kiếm một thứ gì đấy nhưng sau đấy lại tỏ vẻ thất vọng. Trông chị rất đáng thương.

Trên sân ga, người qua lại tấp nập. Ai đi qua người phụ nữ ấy đều ném về phía chị những cái nhìn ái ngại và thương cảm. Không ai có ý định dừng lại để giúp đỡ chị. Ðặc biệt là những người ăn mặc sang trọng, họ đều đi qua chị với tốc độ rất nhanh, dường như là họ nghĩ nếu đi chậm lại thì chắc chắn người đàn bà đó cũng kéo họ lại để lạy lục, nhờ vả việc gì đó.

– Anh để ý đấy nhé, không biết chừng chị ta sẽ nài nỉ xin tiền hoặc sẽ tìm cách kết bạn với mình để bị chị ta tra tấn trên suốt chuyến đi bằng những câu chuyện vừa dài vừa vô duyên, hoặc như chị ta sẽ mượn mình chiếc khăn mùi xoa để lau mồ hôi mà lau xong thì mình không dám xin lại hay như mượn bình nước uống rồi tu ừng ực thì vài ngụm đã hết veo. Ðúng là người nhà quê.  Một người phụ nữ ăn mặc trông có vẻ sang trọng bĩu môi và nói với người đàn ông cũng có vẻ sang trọng bên cạnh mình.

– Xin chào… xin…

Quả nhiên người phụ nữ tiến lại gần đám đông đang đứng đợi tàu. Nhưng dường như không đợi chị nói hết câu, mọi người đều xua tay và lắc đầu và nhanh chóng lảng ra chỗ khác. Không nản chí, người phụ nữ này lại men theo các cánh cửa sổ của các toa tàu rồi nhảy hẳn lên các toa chưa đến giờ xuất phát. Ði đến toa nào chị cũng mang một khuôn mặt như muốn cầu cứu, trông thật đáng thương và câu duy nhất thốt ra từ miệng người phụ nữ đáng thương này là: “Xin mọi người giúp đỡ cho tôi.”

Những người ngồi trên tàu tỏ ra rất khó chịu với người phụ nữ này. Có người thì xua tay ra hiệu xua đuổi, có người vừa thấy bóng dáng chị ở đầu toa vội lấy tờ báo che mặt giả vờ ngủ. Trên khuôn mặt của người đàn bà ấy lộ rõ vẻ thất vọng, chán nản.

“Mình đâu phải là thằng ăn trộm mà sao mọi người lại xử sự như thế nhỉ?” Người phụ nữ xót xa nghĩ.

Chị ta lại đi qua các toa tàu nhưng không ai muốn nghe chị trình bày hoàn cảnh của mình. Ðúng lúc đó, chị nhìn thấy một chàng trai có dáng vẻ rất thư sinh đang ngồi đọc báo. Chàng trai đang đọc báo rất chăm chú và dường như cậu ta không để ý đến mọi thứ xung quanh.

Nhẹ nhàng đi về phía chàng thanh niên, người phụ nữ cất tiếng nói:

– Xin lỗi cậu, cậu có thể giúp đỡ tôi được không?

Chàng trai bỏ tờ báo xuống, nhìn quanh một lúc rồi nhìn người phụ nữ nông thôn nọ:

– Xin lỗi, chị đang hỏi tôi ạ?

Người phụ nữ gật đầu.

– Xin anh giúp đỡ tôi với, tôi lên thành phố để tìm người bà con, nhưng tìm không ra, tiền bạc lại bị kẻ gian móc hết rồi. Muốn về quê nhưng không biết làm thế nào, cậu có thể mua giúp một tấm vé để tôi về quê không?

Sau khi nghe người phụ nữ đáng thương nói xong, nét mặt chàng thanh niên trông rất lưỡng lự. Dường như anh ta vừa muốn giúp vừa lại không muốn giúp người đàn bà đáng thương đó. Sau một thời gian im lặng, chàng trai bèn đưa tay vào túi quần của mình, khó khăn lắm mới móc ra được một đống tiền lẻ, ngại ngùng đưa cho người phụ nữ.

– Chị cầm lấy đi. Tôi… tôi chỉ còn có chừng này, không biết đủ hay không. Tôi cũng vừa mua vé để về quê nên không còn nhiều. Tôi lên thành phố này để kiếm việc, hy vọng tìm được một công việc kiếm được kha khá, nhưng khi lên thành phố, với tấm bằng trung cấp trong tay thì tôi không thể tìm ra được một việc gì để làm. Chị cầm tạm vậy.

Người phụ nữ rưng rưng cầm lấy những đồng tiền lẻ của chàng trai, khó khăn lắm chị mới thốt lên được hai tiếng “Cám ơn”.

Vừa quay gót đi về phía cuối toa thì chị nghe tiếng gọi với theo của chàng thanh niên nọ. Cậu ta hớt hải đi về phía chị và nói:

– Như thế này vậy, chị cùng quê với em, hay chị lấy tấm vé của em đi vậy.

– Thế còn cậu thì sao? Người phụ nữ ngạc nhiên hỏi.

– Số tiền em vừa đưa cho chị chỉ có thể mua đủ tấm vé xuống ga thứ ba xuất phát từ ga này, như vậy cách nhà em cũng không xa lắm, em có thể đi bộ mà. Chị cứ cầm lấy vé đi, em là con trai, thế nào mà chẳng được. Còn phụ nữ như chị thì không thể đi bộ về nhà trong đêm tối được. Thôi, chúc chị thuận buồm xuôi gió. Nào, đưa cho em đống tiền lẻ nào!

Nói xong, không kịp để người phụ nữ phản ứng gì, chàng trai vội cầm lại số tiền lẻ trong tay người phụ nữ và đưa lại cho chị tấm vé của mình. Sau đấy anh vội vàng đi ra khỏi tàu và đến quầy bán vé. Rất nhanh sau đó, chàng thanh niên lại lên tàu.

Người phụ nữ tiến lại gần phía chàng trai và cất tiếng hỏi:

– Sao cậu lại làm như thế, cậu không hối hận à?

Chàng trai lắc đầu:

– Không, chị ạ.

Trong ánh mắt của người phụ nữ đáng thương nọ ánh lên một niềm vui khôn xiết. Chị cầm tay chàng trai và nói:

– Anh bạn trẻ, xuống đây với tôi một lát.

Người phụ nữ kéo chàng trai ra khỏi nhà ga, vẫy một chiếc taxi, tự động mở cửa xe và quay lại nhìn chàng trai:

– Cậu lên xe đi. Hôm nay cậu chính thức là nhân viên của tôi.

Hoá ra, người phụ nữ này là con gái của một ông chủ tập đoàn sản xuất đồ chơi nổi tiếng. Ðể đi tìm một người trợ lý đáng tin cậy, chị đã phải hoá trang và đứng ở sân ga suốt 3 ngày qua.

Chị nói rằng: “Các bạn cho rằng tôi thật ngốc nghếch khi phải làm khổ mình như thế, nhưng thật ra nó thật sự xứng đáng. Khi đứng ở sân ga trong 3 ngày đó, tôi mới nhận ra rằng: Tìm được một người thực sự tốt trong cuộc sống xô bồ này quả là khó. Có thể, chàng thanh niên đó không có trình độ, hiểu biết nhiều như những người tốt nghiệp đại học hoặc cao hơn nữa. Nhưng điều đáng quý nhất và đáng trân trọng nhất là cậu ấy có cái ‘tâm’. Có cái ‘tâm’ trong cuộc sống thì mới có cái ‘tâm’ trong công việc được. Ðấy là thứ mà công ty tôi cần”.

Các bạn thấy đấy, một tấm vé để đổi lấy cả một sự nghiệp sáng lạn. Có thể nhiều người nghĩ đây chỉ là việc ngẫu nhiên, nhưng thực ra trong sự ngẫu nhiên đó lại có tính tất yếu của nó. Rất nhiều người đã có mặt ở trên sân ga, nhưng chỉ có chàng trai đó mới nhận được niềm hạnh phúc bất ngờ như vậy. Không phải ngẫu nhiên mà anh ta có được một cơ hội tốt đẹp đến như thế mà điều quan trọng là anh đã biết chia sẻ chữ ‘tâm’ của mình cho mọi người xung quanh.

Ðây là một câu chuyện hoàn toàn có thật mà tôi đã nghe được từ giám đốc của tôi.

Quang Ngọc

BỎ “ TIÊN HỌC LỄ” THÌ ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI SẼ RA SAO?

BỎ “ TIÊN HỌC LỄ” THÌ ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI SẼ RA SAO?

Nguyễn Văn Nghệ

Trước ngày “giải phóng” 30/04/1975 ở các phòng học của Trường Tiểu học Tư thục Cây Vông ( nằm cạnh nhà thờ giáo xứ Cây Vông, xã Diên Sơn, quận Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) đều treo câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Lễ và Văn là nền tảng đào tạo nên một con người tốt cho xã hội. Sách Luận ngữ có viết: “bác ngã dĩ văn, ước ngã dĩ lễ” (dùng văn chương mở rộng kiến thức của ta, dùng lễ để ước thúc hành vi bản thân ta).

Sau “giải phóng” câu khẩu hiệu “Tiên học lễ ,hậu học văn” biến mất trong tất cả các trường học và mãi đến những năm cuối của thập kỷ 80 và đầu những năm của thập kỷ 90 của thế kỷ trước mới thấy xuất hiện lại trong tất cả các trường học trên cả hai miền Nam và Bắc của đất nước ta. Biển hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” được ngành giáo dục cho sơn phết thật to được treo ở mặt trước của mỗi trường học.

Bổng dưng vào năm 2014 Trường Trung học cơ sở Tô Hoàng (Hà Nội) đã đi tiên phong bỏ biển hiệu “Tiên học lễ hậu học văn”. Bài viết: “ Đại học,học…đại và yêu nước có học” được đăng trên Vietnam.net ngày 18/05/2014 đã đăng tải sự kiện ấy: “…Không chỉ tổ chức chào cờ, xếp nghi thức, Trường Trung học cơ sở Tô Hoàng ở Hà Nội đã có cách biểu thị tinh thần tự tôn dân tộc “dài hơi” khi thể hiện tư tưởng thoát khỏi cái bóng ám ảnh của Khổng giáo trong trường học. Từ năm học này, trường đã thay biển hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” (của Khổng tử), bằng các câu của người Việt ( “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”) và UNESCO (“Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”)” (vietnamnet.vn/vn/giao-duc/175887/dai-hoc–hoc—-dai-va-yeu-nuoc-co-hoc.htlm).

Giữa các quốc gia trên thế giới luôn có sự tiếp thu văn hóa lẫn nhau không phân biệt Tây hoặc Tàu. Văn hóa hay chúng ta tiếp thu, văn hóa đồi bại thì chúng ta chối từ. Để có câu nói “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, ông Thân Nhân Trung cũng phải miệt mài tiếp thu những tinh túy từ Tứ thư, Ngũ kinh của Nho giáo mới đúc kết ra như vậy.

Bỏ “Tiên học lễ” thì đạo đức xã hội sẽ ra sao? Để trở thành một con người có văn hóa , thì phải có “Lễ”. Lễ là trật tự là khuôn phép. Lễ là cốt để giữ chừng mực cho sự hành vi của người ta : “ Đạo đức nhân nghĩa, phi lễ bất thành; giáo huấn chính tục, phi lễ bất bị; phân tranh biện tụng, phi lễ bất quyết; quân thần , thượng hạ, phụ tử ,huynh đệ, phi lễ bất định; hoạn học sự sư, phi lễ bất thân; ban triều , trị quân, lỵ quan, hành pháp, phi lễ uy nghiêm bất hành; đảo từ, tế tự, cung cấp quỷ thần, phi lễ bất thành, bất trang thị dĩ quân tử cung kính tổn tiết, thoái nhượng dĩ minh lễ” ( Đạo đức nhân nghĩa, không có lễ không thành; dạy bảo sửa đổi phong tục, không có lễ không đủ; xử việc phân tranh kiện tụng, không có lễ không quyết; vua tôi, trên dưới, cha con, anh em, không có lễ không định; học làm quan, thờ thầy, không có lễ không thân; xếp đặt vị thứ trong triều, cia trị quân lính, đi làm quan, thi hành pháp lệnh, không có lễ, không uy nghiêm; cầu khẩn ,tế tự, cung cấp quỷ thần, không có lễ không thành kính, không trang chính. Bởi thế cho nên quân tử dung mạo phải cung, trong bụng phải kính, giữ gìn pháp độ, thoái nhượng để làm sáng rõ lễ – Lễ kí: Khúc lễ thượng).

Lễ khiến cho hành vi của người ta hợp với đạo Trung dung : “ Cung nhi vô lễ tắc lao; thận nhi vô lễ tắc tỷ; dũng nhi vô lễ tắc loạn; trực nhi vô lễ tắc giảo” (Cung kính mà không có lễ thì phiền; cẩn thận mà không có lễ thành ra sợ hãi; dũng mà không có lễ thì loạn;trực mà không có lễ thành ra vội vã – Luận ngữ: Thái Bá VIII , 2).

Sự giáo hóa của lễ tinh vi lắm và có hiệu quả rất sâu xa: “Lễ chi giáo hóa dã vi, kỳ chỉ tà dã ư vị hình, sử nhân nhật tỷ thiện, viễn tội, nhi bất tự tri dã” (Sự giáo hóa của Lễ rất cơ mầu, ngăn cấm điều bậy ngay lúc chưa hình ra, khiến người ta ngày càng đến gần điều thiện, tránh xa điều tội, mà tự mình không hay biết – Lễ kí: Kinh giải, XXVI).

Sách Quản tử viết: “ Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ thị vi tứ duy” (Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ là bốn giềng mối chính). Không có Lễ thì không có Nghĩa, Liêm, Sỉ.

Đầu năm 2008, báo động tình trạng nhiều học sinh trên cả nước bỏ học. Nhân sự kiện này tác giả Bút Bi có đăng mẩu chuyện “Vì sao con bỏ học?” trên báo Tuổi trẻ ra ngày 12/03/2008. Mẩu chuyện như sau:

“ Con là Nguyễn Văn Tèo. Nay con rấm rứt viết thơ này để bày tỏ nỗi niềm vì sao con nghỉ học, cái việc mà hổm rày người lớn bàn tán tùm lum.

Vì sao con nghỉ học? Mấy cô chú nói đúng rồi đó: Nhà con nghèo, con phải đi làm kiếm ăn; con học yếu,con nản… Nhưng đâu chỉ có vậy. Con nghỉ học còn vì nhiều chuyện phát ớn…

Hồi con học lớp 2, thầy dạy vẽ cho cả lớp chủ đề “ Vẽ về quyền thiếu nhi”. Nhà con nghèo, con thèm được ăn no nên con vẽ hai bát cơm to. Thầy nói con vẽ sai, phải vẽ trẻ em vui chơi, có chim bồ câu và trái địa cầu mới đúng. Con bị 1 điểm.

Lên lớp 3, con được dự thi “vở sạch chữ đẹp”. con mừng lắm nhưng té ra lại khổ cái thân: con không được đưa cuốn vở mình đang học để đi thi mà trường bắt mua một cuốn vở mới, chép lại y chang cuốn vở đã học để đi thi cho nó sạch và đẹp. con thấy thi thố kiểu này chẳng sạch và đẹp chút nào!

Mới đây trường chúng con có đoàn thanh tra dự giờ. Trường gom hết học sinh xịn nhứt khối về một lớp, tụi con giải toán rẹt rẹt, đọc bài re re làm mấy thầy thanh tra khen quá trời đất! Tụi con mắc cười bể bụng luôn…Và nhiều chuyện nữa mắc cười lắm.

Con kể mấy chuyện này với ngoại. Ngoại buồn lắm. ngoại nói học hành kiểu đó thì khó thành người. Con sợ quá, chẳng thà con làm con người không biết chữ chớ biết chữ mà thành con khác thì con không chịu.

Vì vậy mà con nghỉ học!”

Câu kết của mẩu chuyện rất là thâm thúy!

Mấy năm gần đây ngành giáo dục luôn ra rả “ nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Bệnh thành tích là bệnh trầm kha dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Trên các phương tiện thông tin đại chúng luôn xuất hiện câu: “ Lập thành tích chào mừng ngày lễ…” cho nên làm sao có thể “nói không” được!

Do không quan tâm đến việc học Lễ nên “nạn mất dạy” đang trong tình trạng báo động ở thủ đô Hà Nội: “một bộ phận các bạn trẻ là học sinh trung học, các ca sĩ, người dẫn chương trình…có những lời nói thô tục, những ứng xử không có văn hóa nơi công cộng làm ảnh hưởng đến nếp sống văn minh của thành phố”. UBND Thành phố Hà Nội có công văn số 3802/VP-VX do Phó Chủ tịch Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn chỉ đạo gửi đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND quận,huyện, thị xã kiểm tra, xem xét có biện pháp xử lí‎ cụ thể, nhằm hạn chế cao nhất những hành vi thiếu văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội. Trước đó nhiều tờ báo và trang tin đã có phản ánh về nạn “mất dạy” tràn lan ở Thành phố Hà Nội- trái tim, Thủ đô của cả nước khiến dư luận bất xúc (petrotimes.vn/news/vn/xa-hoi/pho-chu-tich-ha-noi-yeu-cau-xu-ly-nan-mat-day-o-thu-do.htlm).

Nạn “mất dạy” ở Thủ đô Hà Nội hiện nay là không phải một sớm một tối mà có như Kinh Dịch từng viết: “Thần thí kỳ quân, tử thí kỳ phụ, phi nhất triêu, nhất tịch chi cố, kỳ sở do lai giả tiệm hỹ, do biện chi bất tảo biện dã” (Tôi giết vua, con giết cha không phải là cớ một sớm một tối, cái mà nó đã bởi đó mà đến vẫn là dần dần[tiệm tiến], vì kẻ phân biệt ,không phân biệt sớm đó thôi).

Cô giáo Nguyễn Thị Thuận- Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tô Hoàng (từ năm 2008)- cho biết khi trường quyết định bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ ,hậu học văn” : “ ở mình có những cái đã quá lâu, quá cũ nhưng nhiều người vẫn ngại thay đổi khi đã cần phải thay đổi”.

Những ai cho rằng câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” là cũ, là lỗi thời cần phải thay đổi thì cũng giống như “ Người nào cho những bờ đê cũ là vô ích và phá bỏ đi thì một ngày kia sẽ bị tai hại của nạn lụt lội” (Will Durant, Lịch sử văn minh Trung Hoa, Nxb Văn hóa Thông tin, trang 342)

Người xưa có nói: “ Bất học lễ , vô dĩ lập” (không học lễ , không thể đứng thẳng với đời ) hoặc “ Bất tri lễ ,vô dĩ lập” (không biết lễ, không thể đứng thẳng với đời ).

Nguyễn Văn Nghệ

Tổ dân phố Phú Lộc Tây I ,Thị trấn Diên Khánh –Khánh Hòa

3 x 8 = 23.

3 x 8 = 23.

Nhan Uyên ham học hỏi, tính tình tốt bụng, là một đệ tử đắc ý của Khổng Tử.
Một ngày nọ, trên đường đi làm việc, Nhan Uyên thấy một đám đông ồn ào trước cửa tiệm vải.
Anh bước đến hỏi, mới biết là đang có tranh chấp giữa người mua và người bán vải.
Chỉ nghe người mua hét lớn: “Ba nhân tám là 23, sao ông cứ đòi ta 24 đồng?”
Nhan Uyên đến trước mặt người mua, lễ phép nói:
“Vị đại ca này, ba nhân tám là 24, sao có thể là 23 được? Anh tính sai rồi, không nên cãi lộn ầm ĩ nữa”.
Người mua không phục, chỉ thẳng mặt Nhan Uyên nói: “Ai cần ngươi phân xử hay sao? Ngươi biết tính toán sao? Muốn phân xử chỉ có cách tìm Khổng phu tử, đúng hay sai hãy để ông ấy định đoạt! Đi, ta hãy tìm ông ấy để phân xử!”
Nhan Uyên đáp: “Được. Nếu Khổng phu tử nói anh sai, vậy xử lý sao?”
Người mua nói: “Nếu ta sai, hãy lấy đầu ta. Nhà ngươi sai thì sao?”
Nhan Uyên trả lời: “Nếu tôi sai, tôi sẽ từ quan”. Hai người đánh cuộc với nhau như thế, cũng đã tìm gặp được Khổng Tử.
Khổng Tử hỏi rõ tình huống, rồi quay sang Nhan Uyên cười nói:
“Ba nhân tám là 23 đó! Nhan Uyên, con thua rồi, lấy mũ quan xuống đem cho người ta đi!”
Nhan Uyên trước giờ chưa bao giờ cãi lại sư phụ.
Nghe Khổng Tử nói mình sai, anh đành tháo mũ xuống giao cho người mua kia. Người mua nhận mũ, đắc ý rời đi.
Đối với lời phân xét của Khổng Tử, Nhan Uyên biểu hiện là tuân theo, nhưng trong tâm lại không phục.
Anh cho rằng Khổng Tử già rồi đâm ra hồ đồ, liền không muốn ở lại học tập Khổng Tử nữa.
Ngày hôm sau, Nhan Uyên quay lại lấy cớ nhà có việc muốn xin nghỉ học…
Khổng Tử rất rõ tâm tư Nhan Uyên, nhưng không nói gì, chỉ gật đầu đồng ý.
Trước khi đi, Nhan Uyên quay lại cáo biệt Khổng Tử. Khổng Tử muốn Nhan Uyên trở về nhà bình an, cũng dặn dò hai câu:
“Ngàn năm cổ thụ không náu thân, sát nhân không rõ chớ động thủ”.
Nhan Uyên đáp lại một câu: “Con xin ghi nhớ”, rồi rời đi.
Trên đường về, gió thổi mây dâng, sấm rung chớp giật, trời muốn đổ mưa to.
Nhan Uyên tiến đến một cây đại thụ mục rỗng bên ven đường, muốn tránh mưa.
Anh đột nhiên nhớ lại lời Khổng Tử đã nói: “Ngàn năm cổ thụ không náu thân”…
Nghĩ thầm, sư đồ nhất tràng, anh nghe theo lời sư phụ, tránh xa khỏi cái cây rỗng.
Vừa rời đi không xa thì nghe một tiếng sấm, sét đã đánh tan cây cổ thụ kia.
Nhan Uyên kinh ngạc: “Câu đầu sư phụ nói đã ứng nghiệm sao! Chẳng lẽ ta còn có thể sát nhân ư?”
Khi về tới nhà thì trời cũng đã khuya. Không muốn kinh động người nhà, Nhan Uyên dùng bảo kiếm mang theo bên người để đẩy chốt cửa phòng nơi thê tử của anh đang ngủ.
Đến bên giường, sờ lại thấy hai người nằm hai bên giường. Nhan Uyên vô cùng tức giận, giơ kiếm định chém, lại nghĩ đến câu nói thứ hai của Khổng Tử: “Sát nhân không rõ chớ động thủ”, bèn đốt đèn lên xem, hóa ra một người là thê tử, người kia là muội muội của anh.
Ngày hôm sau, Nhan Uyên quay trở lại, thấy Khổng Tử liền quỳ xuống nói:
“Sư phụ, hai câu người nói đã cứu ba người là con, vợ con và muội muội của con đó! Sao người lại biết trước chuyện sẽ xảy ra vậy?”
Khổng Tử đỡ Nhan Uyên dậy và nói: “Ngày hôm qua thời tiết khô nóng, đoán chừng sẽ có cơn dông, nên ta nhắc nhở con: “ngàn năm cổ thụ không ai náu thân”, con lại mang khí bực trong người, trên thân đeo bảo kiếm, cho nên ta khuyên con “sát nhân không rõ chớ động thủ”!”
Nhan Uyên vừa vái lạy vừa nói: “Sư phụ liệu sự như thần, đệ tử mười phần kính nể!”
Khổng Tử lại nói tiếp: “Ta biết rõ con xin phép về nhà nghỉ là mượn cớ, thật ra cho rằng ta đã già nên hồ đồ rồi, không muốn học ta nữa. Con nghĩ xem, ta nói ba nhân tám bằng 23 là đúng, con thua, bất quá là thua cái mũ quan kia, nếu ta nói ba nhân tám bằng 24 mới đúng, người mua kia thua, đây là một mạng người đó! Vậy con nói xem, chức vị quan trọng hay mạng người quan trọng hơn?”
Nhan Uyên bỗng nhiên tỉnh ngộ, quỳ gối trước mặt Khổng Tử mà thưa:“Sư phụ trọng đại nghĩa coi nhẹ tiểu tiết, đệ tử còn tưởng rằng Sư phụ vì lớn tuổi mà thiếu minh mẫn, đệ tử hổ thẹn vạn phần!”
Từ đó về sau, bất luận Khổng Tử đi đến đâu, Nhan Uyên theo đến đó không rời sư phụ.
Câu chuyện này gợi cho tôi nhớ tới ca từ trong một bài hát tuyệt vời của Khắc Lý Lâm:
“Nếu như mất đi bạn, được cả thế giới cũng để làm gì?”
Cũng như vậy, Đôi khi bạn tranh đấu giành được điều bạn cho là lẽ phải, Nhưng điều mất đi có lẽ còn quan trọng hơn;
Luôn luôn phân rõ sự tình nặng nhẹ”.
Đừng gắng sức tranh giành, rồi sau hối hận không kịp!
Rất nhiều chuyện không cần tranh giành,
Lùi một bước biển rộng trời cao.
Hơn thua với khách hàng, thắng ấy cũng là thua (khi sản phẩm mới cần đổi mẫu, bạn sẽ biết)
Hơn thua với ông chủ, thắng ấy cũng là thua (cuối năm lúc đánh giá thành tích, bạn sẽ biết)
Hơn thua với người già, thắng ấy cũng là thua (người ta không để ý tới bạn đâu, bạn vẫn phải tự mình làm thôi)
Hơn thua với bằng hữu, thắng ấy cũng là thua (làm không tốt sẽ mất đi một người bạn)
Lá trà nhờ nước sôi mới có thể tỏa ra mùi hương thơm ngát,
Sinh mệnh vượt qua bao trắc trở, mới để lại tiếng thơm cho đời…
Hiểu được điều đó sẽ luôn luôn cảm ơn cuộc đời… vậy là hạnh phúc nhất đấy.
Giáo dục là một vấn đề vô cùng trọng yếu!
Bất luận điều gì chưa rõ, hãy cùng nhau bàn bạc giải quyết.
Nếu không, sai một niệm có thể sẽ hỏng một đời…
S.T.

Tri thiên Mệnh

Tri thiên Mệnh

Sức mạnh của trẻ thơ là tiếng khóc. Sức mạnh của đàn bà là phẩn nộ. Sức mạnh của người ăn trộm là vũ khí. Sức mạnh của vua chúa là quyền uy. Sức mạnh của kẻ ngu là áp đảo. Sức mạnh của bậc hiền trí là cảm hóa. Sức mạnh của người đa văn là thẩm sát. Sức mạnh của sa môn là nhẫn nhục .”

Bởi chúng ta không thể thay đổi được thế giới xung quanh, nên chúng ta đành phải sửa đổi chính mình, đối diện với tất cả bằng lòng từ bi và tâm trí huệ

“Ra đời hai tay trắng. Lìa đời trắng hai tay. Sao mãi nhặt cho đầy. Túi đời như mây bay.”

Thành thật đối diện với mâu thuẫn và khuyết điểm trong tâm mình, đừng lừa dối chính mình”.

“Sự khác biệt giữa con người là do mức tiến hóa khác nhau qua các kiếp sống. Có khi nào ta thù ghét một kẻ kém ta đâu? Suy luận rằng: “vạn vật đồng nhất”, ta sẵn sàng tha thứ cho kẻ khác, vì họ không hiểu biết, không ý thức hành động của mình, vả lại họ và ta nào có khác nhau đâu. Khi ta hiểu rằng: “nhất bổn tám vạn thù”, ta nhìn vạn vật như chính mình, từ loài người qua loài thú, thảo mộc, kim thạch, và ý thức rằng mọi vật đều có sự sống, đều có Thượng đế ngự ở trong, ta sẽ cởi bỏ thành kiến, mở rộng lòng thương đến muôn loài”.

Là con Phật, nếu không nói được những gì Phật nói, hãy im lặng như chánh pháp, đừng nói những lời ác, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, làm tổn hại kẻ khác, nếu không làm được những gì Phật làm, hãy im lặng và lắng nghe, quán sát, học hỏi những thiện tri thức, đừng vọng động làm những điều thương tổn đến tha nhân”.

Ác khẩu, mãi mãi đừng để nó thốt ra từ miệng chúng ta, cho dù người ta có xấu bao nhiêu, có ác bao nhiêu. Anh càng nguyền rủa họ, tâm anh càng bị nhiễm ô, anh hãy nghĩ, họ chính là thiện tri thức của anh”.

“Người mà trong tâm chứa đầy cách nghĩ và cách nhìn của mình thì sẽ không bao giờ nghe được tiếng lòng người khác”.

“Khi trong tay anh nắm chặt một vật gì mà không buông xuống, thì anh chỉ có mỗi thứ ấy, nếu anh chịu buông xuống, thì anh mới có cơ hội chọn lựa những thứ khác. Nếu một người luôn khư khư với quan niệm của mình, không chịu buông xuống thì trí huệ chỉ có thể đạt đến ở một mức độ nào đó mà thôi.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma

CUỘC SỐNG

CUỘC SỐNG

Không có thứ ta muốn,

Không muốn thứ ta có,

Không có thứ ta thích,

Cũng không thích thứ ta có.

Thế nhưng ta vẫn sống và yêu.

Đó là cuộc sống…

 

Bạn tốt nhất

Là người mà bạn có thể cùng ngồi đung đưa trước hiên nhà,

Không nói lời nào cả,

Vậy mà khi rời khỏi, bạn vẫn cảm giác như đó là cuộc trò chuyện thú vị nhất mà bạn từng có.

 

Ta thường chẳng biết mình có gì cho đến khi đánh mất chúng,

và cũng chẳng biết mình thiếu gì cho đến khi chúng đến.

 

Trao ai hết tình yêu thương của bạn không có nghĩa rằng chắc chắn họ cũng sẽ thương yêu bạn!

Đừng trông đợi tình yêu như một sự đáp trả;

Hãy chỉ đợi cho nó lớn lên trong tim họ,

Nhưng nếu không được như vậy, thì hãy vui vì nó đã lớn lên trong tim bạn.

 

Có khi chỉ mất một phút để phải lòng ai đó,

một giờ để bắt đầu cảm thấy thích,

và một ngày để bắt đầu yêu,

Nhưng lại phải mất một đời để có thể quên được họ.

 

Đừng tìm kiếm nơi vẻ đẹp bề ngoài; chúng có thể đánh lừa bạn.

Cũng đừng tìm kiếm nơi của cải vật chất; vì ngay cả những thứ đó rồi cũng sẽ ra đi.

Hãy tìm kiếm người có thể khiến bạn mỉm cười,

Vì chỉ cần có nụ cười thì ngày ảm đạm cũng trở nên tươi sáng.

Hãy tìm người có thể khiến trái tim bạn mỉm cười!

 

Cầu cho bạn

Đủ hạnh phúc để trở nên dịu dàng nhân hậu,

Đủ nếm trải để trở nên kiên cường mạnh mẽ,

Đủ nỗi buồn đế biết cảm thông,

Và đủ hy vọng để trở nên hạnh phúc.

 

Hãy luôn đặt mình vào hoàn cảnh của người khác.

Điều gì làm bạn tổn thương,

thì cũng có thể sẽ làm tổn thương họ.

 

Người hạnh phúc nhất

Không hẳn là người có được những thứ tốt nhất;

Mà chỉ là người biết tận dụng tất cả những gì đến với họ.

Hạnh phúc sẽ đến

Với những ai từng rơi lệ,

Từng tổn thương,

Từng tìm kiếm,

Và từng cố gắng,

Bởi chỉ có họ mới có thể hiểu được tầm quan trọng của những người đã từng chạm vào cuộc đời họ.

Khi bạn chào đời, bạn khóc và mọi người xung quanh nhìn bạn mỉm cười.

Hãy sống cuộc đời mình thế nào để khi chết,

Mọi người xung quanh than khóc, và bạn mỉm cười.

 

Hãy gửi thông điệp này

Cho người có ý nghĩa đối với bạn,

Cho người đã chạm vào cuộc đời bạn bằng cách này hay cách khác,

Cho người có thể khiến bạn nở nụ cười khi bạn thật sự cần nó,

Cho người có thể giúp bạn nhìn thấy mặt tích cực của vấn đề khi bạn thật sự thất vọng,

Và cho người mà bạn muốn họ biết rằng bạn trân quý tình bạn của họ.

 

Nếu không làm vậy, cũng đừng lo lắng,

Sẽ chẳng có điều tồi tệ nào xảy đến với bạn đâu,

Chỉ là bạn vừa lỡ mất cơ hội

Làm cuộc sống ai đó tươi sáng hơn với thông điệp này mà thôi…

20 ĐIỀU CẦN GHI NHỚ ĐỂ CÓ MỘT CUỘC SỐNG TỐT ĐẸP HƠN

20 ĐIỀU CẦN GHI NHỚ ĐỂ CÓ MỘT CUỘC SỐNG TỐT ĐẸP HƠN

Trích EPHATA 653

Ai cũng mong muốn sống một cuộc đời thành công và hạnh phúc, nhưng điều đó không phải tự nhiên mà có được. Nếu muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn, hãy ghi nhớ 20 điều dưới đây:

1. Bạn sinh ra không phải để làm hài lòng tất cả mọi người. Vậy nên đừng quá bận tâm tới những gì người khác nói về bạn, hãy cứ là chính mình.

2. Nếu bạn muốn đạt được những thứ bạn chưa từng có, bạn phải làm những điều bạn chưa từng làm.

3. Nếu bạn tin rằng những đường chỉ tay nói lên số phận của bạn, thì bạn cũng đừng quên rằng, chúng cũng chỉ nằm trong lòng bàn tay bạn mà thôi.

4. Cuộc sống luôn cho bạn cơ hội thứ hai. Nó được gọi là ngày mai.

5. Toàn bộ đại dương cũng không thể làm đắm được một con tàu, trừ khi nước ngập vào trong. Tương tự, toàn bộ những gì tiêu cực trên đời, cũng không thể nào hạ gục được bạn trừ khi bạn cho phép nó thấm vào người mình.

6. Hãy học cách trân trọng những gì bạn đang có trước khi thời gian, dạy cho bạn biết trân trọng những gì bạn đã từng có.

7. Chính trải nghiệm chứ không phải thứ gì khác, là thứ làm nên con người bạn.

8. Hãy ở bên người làm cho bạn cười, ngay cả khi bạn mệt mỏi, không vui.

9. Đừng vội vàng từ bỏ người mà bạn yêu thương, bởi tình yêu đâu phải ai cũng may mắn tìm được nhau.

10. “Hãy đếm số tuổi của bạn bằng số bạn bè, chứ không phải số năm. Hãy đếm cuộc đời của bạn bằng nụ cười chứ không phải những giọt nước mắt” ( Ca sĩ John Lennon của nhóm The Beatles ).

11. Không có ai hoàn hảo cả. Đó là lý do tại sao bút chì có cục gôm.

12. Thứ đắt giá nhất trên đời này là lòng tin. Để có được có khi cần rất nhiều thời gian, nhưng để đánh mất thì chỉ cần vài giây ngắn ngủi.

13. Một cái đầu đầy nỗi sợ hãi sẽ không còn chỗ trống cho những ước mơ.

14. Tiền xu luôn gây ra tiếng động, nhưng tiền giấy lại luôn im lặng. Bởi vậy, khi giá trị của bạn tăng lên, hãy giữ cho mình khiêm tốn và ít nói đi.

15. Đôi khi bạn phải tự mình đứng dậy và bước tiếp, bởi không ai làm điều đó thay bạn đâu.

16. “Tôi không biết chìa khóa của thành công là gì, nhưng tôi biết chìa khóa của thất bại là cố gắng làm vừa lòng tất cả mọi người” ( Bill Cosby ).

17. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” ( Trịnh Công Sơn ).

18. Mỗi ngày hãy sống như thể đó là ngày cuối cùng của bạn.

19. Khóc cũng sống, cười cũng sống. Tại sao ta không chọn nụ cười để sống ?

20. Thứ quý giá nhất đối với mỗi người không phải là tiền bạc hay địa vị, mà chính là sức khỏe. Bởi vậy, hãy quan tâm tới sức khỏe trước khi quá muộn bạn nhé !

Nhận được từ Vui Sống Trên Đời