GÁNH NẶNG HAY NHẸ
GÁNH NẶNG HAY NHẸ
(TRIẾT LÝ CỦA PLATON)
Có câu chuyện như thế này:
Một người cảm thấy cuộc sống quá nặng nề, bèn đi tìm nhà triết học Platon cầu mong kiếm được con đường giải thoát.
Platon chẳng nói chẳng rằng, chỉ đưa cho ông ta một cái sọt bảo ông đeo lên vai, đồng thời chỉ vào một con đường lổn nhổn đất đá nói:
– Mỗi khi anh bước đi một bước thì nhặt một hòn đá cho vào sọt, xem thử cảm giác như thế nào.
Người này bắt đầu làm theo lời Platon, còn Platon thì bước nhanh đến đầu kia của con đường.
Được một lúc, người kia đã đi đến con đường. Platon hỏi anh ta cảm thấy thế nào. Người kia nói:
– Tôi cảm thấy càng lúc càng nặng!
Đây chính là nguyên nhân giải thích tại sao, anh cảm thấy cuộc đời ngày càng nặng nề. Platon nói:
– Mỗi người khi đến thế giới này, đều đeo một cái sọt rỗng, mỗi một bước đi trên con đường đời, anh ta đều nhặt một thứ gì đó từ trong thế giới này để bỏ vào sọt, cho nên càng đi càng cảm thấy mệt mỏi.
Người kia hỏi:
– Có cách nào có thể giảm bớt gánh nặng này không?
Platon hỏi ngược lại anh ta:
– Vậy anh có đồng ý vứt bỏ đi một trong các thứ như công việc, tình yêu, gia đình hay tình bạn không?
Người kia nghe xong, im lặng.
Platon nói:
Nếu thấy khó có thể vứt bỏ thì đừng nghỉ đó là gánh nặng nữa, mà nên nghĩ đến niềm vui mà nó mang lại. Cái sọt của mỗi người trong chúng ta, không những chứa đựng ân huệ mà Ông Trời ban cho chúng ta, mà còn có trách nhiệm và nghĩa vụ. Khi anh cảm thấy nặng nề, có lẽ anh đừng vội buồn, có thể cái sọt của kẻ khác còn to hơn, còn nặng hơn của anh nhiều. Nếu cứ nghĩ như thế, chẳng phải trong sọt của anh… sẽ bớt nỗi buồn hay sao?”
Người kia nghe xong chợt hiểu ra.
Câu hỏi của Platon, ta cũng nên thường xuyên tự hỏi lòng mình:
“Tôi muốn từ bỏ những gì tôi đang gồng gánh được không? ”
GÁNH NHẸ NHÀNG
1. Gánh nặng cuộc đời
Đời… có biết bao nhiêu thứ nặng nề hằng ngày “hành hạ” ta, nếu ta “để tâm” đến nó, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Nhưng nhiều khi chúng ta quên một điều khá quan trọng, đó là cuộc sống thường có hai mặt, mặt nổi và mặt chìm. Mặt được phơi bày và mặt bị ẩn khuất.
Nếu chúng ta chỉ thấy mặt nổi của một sự việc, và vì nó vừa ý hay không vừa ý ta, ta sẽ vấp phải sự kết luận vội vàng, và từ đó, ta cũng vội buồn, vội vui.
Đời… cái vừa ý ta thì ít, mà cái không vừa ý ta thì nhiều, nên nhiều khi chúng ta dễ “chán đời! ”
Làm sao mà “yêu đời” được, khi nhìn chung quanh ta toàn là những điều làm ta mệt mỏi, gánh nặng, cô độc ?!…
Bình tâm suy nghĩ, ta sẽ thấy, một sự việc xẩy ra, có thể đối với người này là quá sức tồi tệ, nhưng đối với người khác là chuyện “bình thường”, có khi nó còn mang ý nghĩa tích cực nữa là khác.
Có một lần một người chòm xóm than phiền với một cụ già:
Nhà bên cạnh vừa mua dàn Karaoke. Trời ơi, con nhỏ gái trong nhà hát thiệt là kinh khủng, nó hát ngang như cua bò, còn thằng con trai thì gào thét đinh tai nhức óc. Nghe mệt mỏi làm sao!
Cụ già bình thản trả lời:
Tôi cũng thấy vậy, nhưng nếu mấy đứa đó mà đi ăn nhậu chơi bời, trộm cắp phá phách chòm xóm, thì còn đáng lo hơn. Đúng là việc chúng nó làm, chúng ta phải chịu đựng khổ sở, nhưng dù sao, nó cũng an toàn…
Như vậy, “gánh nặng cuộc đời” còn tùy thuộc vào ta nhìn nó ở góc cạnh nào.
Nếu ta chỉ nghĩ tới mình, niềm vui phải làm sao hoàn toàn theo ý riêng ta, chắc chắn gánh cuộc đời càng nặng trĩu.
Niềm vui đến chỉ từ sự ích kỷ, niềm vui đó không tồn tại dài lâu được. Vì niềm vui ích kỷ, nó luôn hẹp hòi, bé nhỏ, nó không thể chịu đựng được những cơn lốc cuộc đời, vốn đòi hỏi con người biết cùng nhau chống đỡ. Sống có nhau, vì nhau, biết hợp đoàn, đỡ nâng, chung sống, chia sẻ, bảo vệ nhau.
Niềm vui cô đơn như hoa nở một mình, phơi hương tỏa sắc trơ trọi một mình, rồi héo tàn một mình, đơn độc và vô nghĩa.
Voltaire đã nói: “Chỉ hay cho mình, tức là không hay cho ai nữa”. Chỉ mang gánh nặng một mình, dù đó là gánh vàng bạc ngọc ngà, mà không cho ai, vì ai, thì mang gánh nặng đó để làm gì?
Chính vì tha nhân, vì những người thân yêu, vì tình người, vì đồng loại, mà những gánh nặng cuộc đời được thăng hoa thành những niềm vui cao cả, tuyệt vời. Những gì tưởng chỉ là nước mắt khổ đau, hóa ra… chúng biến hóa một cách mầu nhiệm thành những nụ cười hạnh phúc.
2. Chối từ “gánh nặng cuộc đời”?
Thật sự có người đã tìm cách trút bỏ gánh nặng cuộc đời bằng cái chết! Thật ra, cái mà họ cho là “gánh nặng”, có khi chính là “hạnh phúc” Trời ban cho họ, thật đáng tiếc, họ không nhận ra, không hay biết!
Platon, trong câu chuyện trên, đã nói: “Cái sọt của mỗi người trong chúng ta, không những chứa đựng ân huệ mà Ông Trời ban cho chúng ta, mà còn có trách nhiệm và nghĩa vụ.”
Trong nghia & Cha ( Sưu tầm ).
“Có đi chung với nhau lâu đâu!”
“Có đi chung với nhau lâu đâu!”
Một thiếu nữ đang ngồi trên xe buýt:
Một bà già mang đủ thứ lỉnh kỉnh, miệng lẩm bẩm, đến ngồi bên cạnh, xô mạnh cô.
Bất bình, anh thanh niên bên cạnh hỏi tại sao cô không phản đối và bảo vệ quyền lợi mình. Cô mỉm cười và trả lời:
“Đâu cần phải cãi cọ vì chuyện nhỏ như thế, có đi chung với nhau lâu đâu! Trạm tới, tôi xuống rồi.”
Đây là một câu trả lời mà chúng ta phải xem như một khẩu hiệu viết bằng chữ vàng để hướng dẫn cách cư xử hằng ngày của chúng ta ở khắp mọi nơi: “Đâu cần phải cãi cọ vì chuyện nhỏ như thế, có đi chung với nhau lâu đâu!”
Nếu chúng ta có thể ý thức rằng cõi đời tạm của chúng ta dưới thế thật ngắn ngủi, cãi cọ tầm phào vừa làm cho mất vui, vừa làm mình mất thời gian và sức lực cho chuyện không đâu.
Có ai làm mình tổn thương?
Bình tĩnh, có đi chung với nhau lâu đâu!
Có ai phản bội, ức hiếp, sỉ nhục mình?
Bình tĩnh, có đi chung với nhau lâu đâu!
Dù người ta có gây ra cho chúng ta buồn phiền gì chăng nữa, hãy nhớ rằng: có đi chung với nhau lâu đâu!
Chuyến đi chung của chúng ta trong cõi đời dưới thế này ngắn ngủi lắm và không đi trở ngược lại được.
Không ai biết chuyến đi của mình dài bao lâu!
Không ai biết mình có phải xuống ở trạm tới hay không!
VẬY HÃY BÌNH TĨNH, CHUYẾN ĐI NGẮN LẮM!
ST
Chị Nguyễn Kim Bằng gởi
Sức mạnh của sự tập trung.
Sức mạnh của sự tập trung.
“Cuộc sống đem đến nhiều mối bận tâm, nhưng nếu không biết loại bỏ và tập trung cho những điều mình mong muốn thì bạn mãi là người vô danh.”
Ở một vùng quê nọ, có hai cha con một nhà trồng hoa đang sinh sống trong một khu vườn rộng lớn. Người cha chăm chỉ, yêu lao động và rất thành công trong lĩnh vực trồng hoa. Còn người con có rất nhiều tài.
Anh lớn lên trong vòng tay yêu thương và đầy đủ vật chất mà người cha ban cho. Anh đã học được nhiều nghề, làm được nhiều điều hay. Nhưng ở tuổi 35, anh vẫn là một người vô danh trong xã hội. Anh luôn suy nghĩ về điều này, vẫn không thể hiểu tại sao mình làm nhiều điều mà đến giờ vẫn là “con số 0”.
Người cha hiểu ý, liền đưa anh đến vườn hoa mà ông chuẩn bị thu hoạch. Ông chỉ vào cây bông hồng to nhất, đẹp nhất và rực rỡ nhất nằm giữa vườn cho cậu con trai và hỏi:
– Con có biết tại sao cây bông hồng kia lại to và đẹp rực rỡ hơn các cây khác không?
– Có phải vì cha mua giống mới không?
– Không phải – người cha đáp – tất cả đều chung một giống hoa con ạ.
– Thế có phải cha tưới cho nó nhiều nước và bón cho nó nhiều chất dinh dưỡng hơn không?
– Cũng không phải. Điều kiện chăm sóc và môi trường sinh trưởng của chúng đều như nhau.
– Vậy thì chắc là đất ở chỗ đó tốt hơn?
– Con lại sai nữa rồi. Đất cũng giống nhau.
Người con không biết trả lời sao nữa. Anh nghĩ mãi nhưng vẫn không thể giải thích nổi. Lúc này, người cha mới ôn tồn bảo:
– Con có nhận thấy cây bông hồng này ít lá và ít nụ không?
– À đúng rồi. Nhưng có nghĩa là gì hả cha?
– Trong khu vườn này, chỉ duy nhất có cây bông này là ta thường xuyên nhìn tới. Khi thấy nhiều lá mọc quanh nó, ta tỉa bớt. Khi thấy nó có nhiều chồi, nhiều nụ đâm ra, ta cũng tỉa bớt.
Người con có vẻ hiểu ra điều gì đó, gật đầu liên tục. Người cha tiếp lời:
– Tất cả các cây hồng đều có điều kiện sống như nhau, nhưng cây này lại được đặc ân của ta là tỉa bớt cành, nụ và lá nên chất dinh dưỡng sẽ tập trung vào bông hoa, không bị phân tán đi nơi khác. Chính vì thế nó to hơn, đẹp hơn và rực rỡ hơn.
Trầm ngâm một lúc, ông lại tiếp:
– Cũng như con, tuy con rất giỏi, rất nhiều tài, làm được rất nhiều việc nhưng vẫn giống như những người khác vì con thiếu tập trung, bị phân tán năng lượng và thời gian vào quá nhiều thứ. Con cần phải xác định mình sẽ trở thành người như thế nào trong 5 năm tới. Con đam mê gì nhất, điều gì khiến cho con trăn trở nhất, điều gì khiến con có thể sống chết với nó dù có khó khăn? Lúc đó con sẽ là người thành công, con trai ạ.
Lúc này, người con đã hiểu ra vấn đề. Anh khóc rồi quỳ xuống hôn vào tay người cha và cảm ơn ông về câu chuyện đã giúp anh nhìn nhận cuộc đời tốt hơn.
Trong mỗi người chúng ta, ai cũng có nhiều mối quan tâm, nhiều sự lựa chọn cho cuộc sống và sự nghiệp. Nhưng nếu biết cách sắp xếp công việc một cách hợp lý, tập trung vào mục tiêu quan trọng thì chúng ta sẽ thành công trọn vẹn hơn.
Ngọc Nga sưu tầm
Món quà của người đàn bà bán ve chai
Món quà của người đàn bà bán ve chai
Người đàn bà bán ve chai vô danh ấy, có lẽ chẳng bao giờ hình dung ra những con số dài dằng dặc để ghi lại số tiền đã hóa hơi trong những đại án tham nhũng đang làm nghèo đất nước. Càng không bao giờ biết đến chuyện, để chạy chức và chạy án, các quan chức ngày nay xách đến nhà nhau hàng vali tiền mà người nghèo có đếm cả đời cũng không hết.
Tôi cứ nghĩ mãi về một bức ảnh được lan truyền trên mạng xã hội facebook mấy ngày nay khiến cộng đồng mạng xôn xao, xúc động. Bức ảnh chụp một người đàn bà với khuôn mặt đen sạm, nghèo khổ, trước mặt chị là một bao gạo và chai dầu ăn.
Bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội Facebook.
Chủ nhân bức ảnh chú thích: “Bức ảnh này chụp vào trưa ngày 13/01/2014 tại quán cơm chay Thiên Phước 5000 đồng, địa chỉ 62 Nguyễn Chí Thanh, Phường 16, Quận 11 (TP.HCM). Một người đàn bà bán ve chai bước vào quán với bao gạo và chai dầu ăn. Chị mang ơn quán cơm này vì đã cứu chị rất nhiều bữa đói. Chị nghèo khó nhưng không quên ơn, gom góp từng đồng, cuối năm, chị dành mua 1 bao gạo và 1 chai dầu tặng lại quán để có thể giúp thêm những người khốn khó khác”.
Có lẽ đó là một trong những bức ảnh đẹp nhất về chân dung con người, trong hoàn cảnh đảo điên nhuộm nhoạm của xã hội ngày nay. Tôi cứ ngắm mãi khuôn mặt chị, đó là một người đàn bà chắc chắn đã trải qua rất nhiều khó khăn, đói khát. Một khuôn mặt điển hình của những người lao động vất vả ngoài đường.
Vậy mà trong khoảnh khắc ấy, chị thật đẹp. Vẻ đẹp tỏa ra từ bên trong, từ hành động cao cả, nghĩ đến người khác, những người khó khăn hơn mình, nên dù nghèo, chị vẫn gom nhặt từng đồng tiền lẻ để mua bằng được một bao gạo con con, một chai dầu ăn mang đến quán.
Trong cái thời buổi đồng tiền lên ngôi, tình người lạnh lẽo, lối sống ích kỷ lan tràn thì tấm lòng của người đàn bà bán ve chai lại càng đẹp hơn bao giờ hết. Nó cho thấy dù chị nghèo khó thật đấy, nhưng chị giàu có hơn vạn lần người khác, những người chưa một lần chìa tay ra san sẻ cho đồng loại.
Biết được câu chuyện này, chẳng phải chúng ta đang cảm thấy trái tim mình ấm áp, tâm hồn mình thư thái và hạnh phúc hay sao? Bởi người đàn bà bán ve chai ấy, chẳng ai biết tên chị là gì, giờ đang tá túc ở đâu, nhưng hành động của chị đã cho chúng ta có thêm niềm tin, rằng những người tốt và những tấm lòng cao cả ở đời còn nhiều lắm. Họ là con người đúng nghĩa với những điều tốt đẹp nhất của danh từ này.
Tôi tin những người như chị, nếu làm người bán hàng sẽ không bao giờ gian tham dối trá hay bớt xén của ai một đồng một hào nào. Nếu làm người công nhân, sẽ có trách nhiệm đến cùng với sản phẩm của mình. Nếu làm một công chức, sẽ cống hiến tận tâm cho xã hội.
Một cộng đồng muốn tốt đẹp thì không thể không dựa vào từng cá nhân tốt đẹp, một cái cây muốn tươi tốt, bền chắc thì phải có bộ rễ khỏe mạnh. Đạo đức là gốc rễ của mọi vấn đề. Tiếc là ngày nay, xã hội vì quá coi trọng đồng tiền nên đã xem thường nó, coi rẻ nó, khiến cho mọi thứ lộn xộn, đảo điên.
Chị chỉ quanh quẩn sáng tối với cái vỏ chai, mảnh giấy vụn. Hạnh phúc của chị chỉ là sau một năm làm ăn cần mẫn, mua được bao gạo, chai dầu đến cảm ơn quán cơm đã cứu đói chị và san sẻ tình thương cho những người đồng cảnh ngộ. Nhưng cuộc đời của chị, thanh sạch và đáng kính trọng biết bao nhiêu.
Những bài học lý thuyết về đạo đức, tình người sẽ không bao giờ khiến chúng ta thấm thía bằng hành động của người đàn bà bán ve chai ấy.
Cầu mong cho những tấm lòng cao cả ấy sẽ được tiếp nối, sẽ lan rộng ra để duy trì sự tốt đẹp và làm sáng thêm hai chữ “đạo nghĩa” trong đời sống này.
TĨNH LẶNG – QUÀ TẶNG CHO CUỘC SỐNG
TĨNH LẶNG – QUÀ TẶNG CHO CUỘC SỐNG
Một chàng trai trẻ chiều nào đi làm về ngang qua con sông cũng thấy một người đàn ông trung niên chăm chỉ ngồi câu cá. Anh đến gần và hỏi chuyện:
– Chào bác, bác câu cá mỗi ngày có được nhiều không?
– Cám ơn cậu. Cũng được khá nhiều – người đàn ông đáp.
– Sao bác không bán cá mua lưới để có thể bắt được nhiều cá hơn – cậu thanh niên gợi ý.
– Bắt được nhiều cá hơn, rồi làm gì? – người đàn ông thắc mắc.
– Bác có thể bán cá để có tiền mua tàu và lưới đánh cá, để đánh bắt được nhiều cá hơn nữa – chàng thanh niên nhiệt tình dẫn ý.
– Bắt được nhiều cá hơn nữa, rồi làm gì? – người đàn ông hỏi tiếp.
– Để bác trở nên giàu có, để đời sống nhẹ nhàng và hạnh phúc – cậu thanh niên đáp với vẻ tâm đắc.
– Thế cậu không thấy hiện tại tôi đang sống rất nhẹ nhàng và hạnh phúc với cái cần câu này sao? – người đàn ông hỏi gợi ý cách bình thản.
***********************************
Cậu thanh niên cứ tưởng mình đang đề xuất một cao kiến cho người đàn ông đang câu cá, ai ngờ đề xuất đó chỉ là một con đường lòng vòng để tìm cái ông đang sẵn có: nhẹ nhàng và hạnh phúc. Tại sao? Phải chăng cậu không đủ tĩnh lặng để nhận ra điều đó?
Rời bỏ câu chuyện, ta trở về với đời sống thường ngày. Đường đi xe cộ ào ào; về đến gần nhà tiếng ca hát, loa phát thanh inh ỏi; vào trong nhà cũng rầm rộ vì người lớn lo công việc, trẻ con chơi giỡn la hét; ngồi trong phòng một mình vẫn ồn ào bởi bao tính toán lo toan việc nhà, việc công ty, việc nọ, việc kia kéo đến trong đầu; thậm chí khi đi ngủ cũng vẫn ồn ào bởi những chộn rộn của ngày sống xâm nhập cả vào trong giấc mơ! Đã bao giờ bạn rơi vào tình cảnh như thế chăng? Tại sao lại có những vội vã ồn ào quá sức như vậy?
Do môi trường sống và làm việc thay đổi? Trước đây nhịp sống chậm rãi, yên ả hơn. Giờ học có, giờ làm có, giờ nghỉ ngơi có, giờ giành cho người thân bạn bè có, giờ phút giành riêng cho mình cũng có. Thời nay, mọi thứ cứ tất bật trong vòng xoáy của sự thay đổi chảy trôi, khiến đời sống trở nên quá vội vàng gấp gáp. Đâu đâu cũng có sự xuất hiện của công việc. Làm việc ở công ty đã đành, làm việc ở nhà, làm việc lúc chuyện trò, lúc xem tivi, trong bàn ăn, thậm chí trước khi ngủ cũng tranh thủ làm thêm chút việc. Tất cả ưu tiên dành cả cho công việc đến nỗi đôi khi quên mất mình làm việc là để làm gì. Do vậy, náo động ồn ào cũng nhiều hơn. Đôi khi quá mệt cũng đành thở vội một hơi để rồi tiếp tục công việc, tiếp tục cuộc sống, nếu không sẽ bị ‘tụt hậu’ so với nhịp sống hiện đại. Có người chơi chữ cách hóm hỉnh: hiện đại nên hại điện, môi trường hiện đại ấy ngốn hết thời gian tâm trí con người. Nhưng đâu phải ai cũng nghĩ thế.
Phải chăng do tính cách mỗi người? Người thiên về hoạt động, ưa thích náo nhiệt thì cho đó là bình thường, thế mới là cuộc sống hiện đại, phải biết tranh thủ thời gian. Người có đầu óc trầm tư suy tưởng, thích nhẹ nhàng trầm lắng thì cho đó là xô bồ ồn ào. Thế nhưng, dù thích hoạt náo, dù ưa trầm lặng, ai rồi cũng có lúc thấy mình bị cuốn sâu vào vòng xoáy của môi trường sống hiện đại quá náo nhiệt, vội vã ấy, để rồi có lúc chợt nhận thấy mình bị mất hút trong cơn lốc công việc, cơn lốc thị trường sản xuất và tiêu thụ. Đến lúc nhận ra thì đã bị cuốn vào quá sâu và quá lâu; mệt nhoài, kiệt quệ, quay trở ra còn tốn công tốn sức hơn, thôi thì “đành theo lao” vậy! Điều gì khiến họ lâm vào tình cảnh ấy?
Phải chăng họ thiếu những giây phút tĩnh lặng? Tĩnh lặng đủ để biết mình cần giành thời gian cho những mối tương quan thân tình với con người, với bạn bè, tĩnh lặng đủ để hiện diện cùng người thân, tĩnh lặng đủ để đối diện với chính mình, với cõi lòng của mình. Tĩnh lặng đủ để nhận ra mình đã hành xử thế nào trong các tương quan, để biết mình đã ưu tiên điều gì trong các chọn lựa, và để thấy đâu là ý nghĩa đích thực của những gì mình đang nỗ lực thực hiện hầu mong mang lại cho đời sống của bản thân, gia đình, người thân, bạn hữu sự ấm êm hạnh phúc.
Nếu bạn thấy nhịp sống của mình quá vội vã, đây là lúc bạn cần giây phút tĩnh lặng; nếu bạn chưa nhận thấy mình đang sống ra sao, hơn lúc nào hết bạn cần giây phút tĩnh lặng để nhìn biết mình đang sống thế nào. Vì lẽ đó, tĩnh lặng là cần thiết và ích lợi cho đời sống.
Chẳng ai có thể bắt bạn tĩnh lặng được, cũng như bạn chẳng thể tĩnh lặng nếu bạn không muốn, và đôi khi dẫu rất muốn bạn cũng chẳng thể tĩnh lặng. Vì lẽ đó, tĩnh lặng là một quà tặng.
Thế nhưng, dù bạn có muốn nhận nhưng không được trao, bạn cũng chẳng thể nhận được; trái lại, dù người trao muốn trao nhưng bạn không muốn nhận, bạn cũng chẳng có. Vì lẽ đó, hãy nhận khi được trao và hãy biết xin để được trao và bạn có thể nhận được.
Bạn đã nhận được món quà tĩnh lặng chưa? Nếu chưa, vậy hãy mau mắn xin đi. Nếu đã xin mà vẫn chưa có, hãy mở lòng ra để đón nhận. Mở lòng bằng cách hãy giành một vài phút giây mỗi ngày để tĩnh lặng, nhìn lại ngày sống của mình, xét xem những gì bạn đã nghĩ, đã nói và đã làm có thực sự mang lại ý nghĩa cho đời sống của bạn, của người thân, bạn bè. Chúc bạn có được những giây phút tĩnh lặng đủ để giúp bạn nhận ra đâu là ý nghĩa của việc mình đang làm, cách mình đang sống và đâu thực sự là hạnh phúc của đời mình. Chúc bạn gặp được cơ hội để nhận ra ý nghĩa và giá trị đích thực của lối suy nghĩ và cách hành động của mình, như người đàn ông trong câu chuyện trên.
Vinh Sơn Phạm Văn Đoàn, S.J.
Những thứ cần phải quên
Những thứ cần phải quên
Trong cuộc sống của mình, bạn đã học được nhiều thứ, đó là học sự yêu thương, học được cách nhớ nhung một ai đó và bây giờ bạn sẽ học cách quên. Vì trong cuộc sống có những chuyện nên gìn giữ, nên cất giấu nhưng cũng có những thứ cần phải quên đi.
Vậy những gì bạn cần phải quên đi?
Quên đi những đau khổ: Cuộc đời không ai lúc nào cũng vui vẻ và lúc nào những điều tốt đẹp nhất cũng đến với mình. Khi bạn chia tay với người yêu bạn sẽ giam cầm mình trong đau khổ, trong những lần khóc sướt mướt. Bạn thu mình lại và có những lúc bạn tưởng chừng như trái tim mình vỡ tung ra. Bạn mềm yếu, cảm giác như chỉ có người đó mới đưa bạn ra khỏi cái nỗi đau đó mà thôi. Khi ấy bạn cần phải học cách quên đi người đó, học cách quên đi một người sẽ làm cho trái tim bạn lành lại theo thời gian. Mọi đau khổ sẽ tan biến. Mặc dù với một số bạn sẽ rất khó nhưng chưa thử làm sao chúng ta biết có làm được hay không.
Quên đi những hận thù: Ai đó đã lấy đi của bạn một thứ gì đó quý giá, ai đó đã lỡ xúc phạm bạn, ai đó vô tình đã làm bạn đau. Bạn cảm thấy tức giận, bạn cảm thấy lòng hận thù trong mình dâng cao. Nhưng Người ta nói tức giận là lấy sai lầm của người khác trừng phạt chính mình. Cứ mãi nhớ đến những hận thù đó thì người bị tổn thương nhiều nhất chính là bạn. Suốt ngày bạn sẽ dằn vặt bản thân, bạn sẽ tìm mọi cách để trả thù lại người ta nhưng càng suy nghĩ càng khiến cho bạn cảm thấy nặng nề. Tâm hồn bạn sẽ chẳng khi nào được thanh thản. Vậy tại sao bạn không thử học cách quên đi mọi hận thù và dám tha thứ cho những gì người khác đã làm khiến bạn tổn thương . Cuộc sống sẽ đẹp hơn, nhẹ nhõm hơn nếu bạn biết quên đi thứ cần phải quên đấy bạn ạ.
Quên đi những khuyết điểm của người khác: Đối với chúng ta thường dễ dàng giang tay đón lấy những ưu điểm của bạn bè, người thân. Nhưng khi họ có khuyết điểm chúng ta lại khép tay lại và tránh thật xa họ. Trên đời này chẳng có gì là hoàn hảo, chính bản thân chúng ta cũng là một mảnh ghép của cuộc sống cũng có những lúc phạm phải một sai lầm, và có một vài khuyết điểm nào đấy. Chúng ta học cách quên đi khuyết điểm của người khác là chúng ta đang học cách hoàn thiện bản thân mình, đang làm cho tâm hồn chúng ta trở nên rộng lượng hơn. Đừng lúc nào cũng nghĩ đến mặt xấu của người đối diện mà hãy nghĩ đến ưu điểm. Vì như thế sẽ làm cho mối quan hệ của bạn và người ta sẽ trở nên tốt đẹp, khăng khít hơn.
Quên đi những kỷ niệm, quên đi quá khứ: Những kỷ niệm đẹp, những quá khứ êm đềm hay đau khổ đối với một số người sẽ giữ mãi trong lòng để từ đó mà chiêm nghiệm mà sống tốt hơn. Nhưng trong một vài trường hợp bạn cũng phải cố quên đi quá khứ, quên đi những kỷ niệm. Bạn không thể lúc nào cũng sống trong cái kỷ niệm một thời tay trong tay với người yêu cũ. Bạn cũng không thể sống mãi trong cái quá khứ của một thời tuổi thơ êm đềm hay đau khổ mãi được. Bạn cần phải quên nó đi, bỏ lại nó ở phía sau lưng để mà bước đi, để mà lớn lên. Quên ở đây không hẳn bắt bạn quên vĩnh viễn mà quên ở đây là bạn tạm thời cất giữ nó ở một góc nào đó sâu thẳm trong tim để rồi có lúc lấy ra mà nhớ, mà vui mà buồn. Rồi cũng có thể khi bạn lớn lên một chút bạn sẽ nghĩ về chúng như một cái gì đó quý giá. Bạn sẽ tự cười, “à thì ra mình đã lớn”…
Quên đi lợi ích cá nhân: Ai cũng chỉ biết sống cho mình thì cuộc sống này sẽ trở nên ích kỷ và hẹp hòi, sẽ chẳng còn ai quan tâm đến ai nữa. Bạn phải học cách quên đi cái tôi cá nhân để có thể hòa cùng nhịp sống chung của cộng đồng. Bạn đi mùa hè xanh nhưng luôn chọn những việc nhẹ nhàng, luôn nghĩ cho bản thân. Trước khi làm một việc gì đó bạn luôn nghĩ đến mình sẽ được gì và mình sẽ mất gì. Nếu mất nhiều hơn được bạn sẽ chẳng bao giờ làm. Triết lý đó sẽ đúng đối với một số trường hợp. Nó sẽ hoàn toàn là ích kỷ nếu đó là làm vì lợi ích cộng đồng, làm vì tập thể. Chắc trong chúng ta chẳng lạ lẫm gì với những chiếc áo xanh tình nguyện, đêm ngày túc trực nơi bến xe để tiếp sức cho các thí sinh thi Đại học. Họ chẳng nề hà một công việc gì dù nắng làm cho cháy da, áo ướt đẫm mồ hôi. Bởi lẽ họ đã quên lợi ích cá nhân mà dốc sức vào lợi ích của tập thể. Cho và nhận đôi khi có thể mang ra để so sánh nhưng không phải lúc nào cũng so sánh được đâu bạn ạ. Có thể bạn sẽ mất nhiều hơn được nhưng đến một lúc nào đấy bạn sẽ cảm thấy cái mất ấy của mình là một điều đáng tự hào.
Và mỗi khi như vậy bạn sẽ cất cao tiếng hát “ ai cũng chọn việc nhẹ nhàng gian khổ sẽ thuộc về ai…”
Nhớ và Quên là hai phạm trù trái ngược nhau. Hãy nhớ những cái gì cần phải nhớ và hãy quên đi những thứ đáng phải quên. Chỉ khi quên đi những thứ gọi là “spam” trong tâm hồn mình bạn sẽ cảm thấy thật thanh thản. Tâm lí của bạn khi ấy sẽ trở nên cân bằng hơn. Vì ai đó đã nói rằng “ Trong cuộc sống phải biết thứ gì cần nhặt lên và thứ gì cần bỏ xuống”.
Anh chị Thụ Mai gởi
CUỐI CÙNG CHÚNG TA ĐÃ LÀM THEO TIẾNG LƯƠNG TÂM
CUỐI CÙNG CHÚNG TA ĐÃ LÀM THEO TIẾNG LƯƠNG TÂM
Trích EPHATA 657
Tại một thị trấn nhỏ xa xôi ở Nam Phi có đôi vợ chồng, George và Helen. George hàng ngày đi làm từ rất sớm và về rất muộn, còn Helen thì đang mang thai ở nhà, vì gần ngày sinh.
Trong khi George đang chậm chậm lái chiếc xe Jeep đi làm ở nông trường xa như mọi ngày, phải qua một con đường ngoằn ngoèo hiểm trở, không một bóng người, thì chuông điện thoại reo. Vợ anh ta gọi anh về nhà gấp, vì quá đau bụng, có lẽ sắp sinh. George cảm thấy rất lo vì hàng xóm không có ai mà bệnh viện lại rất xa, nếu không đưa vợ ngay đến bệnh viện thì có thể nguy hiểm cả mẹ lẫn con. Anh cố gắng an ủi vợ và bảo anh sẽ về liền. Ngay lập tức, anh quay đầu xe hướng về nhà.
Bỗng nhiên có một người trung niên hét thật lớn và chạy ra phía trước cản ngay đầu xe Jeep của anh, khóc lóc cầu xin anh cứu con trai anh ta gấp. Anh xưng tên là Anthony, đang cùng vợ và con trai đi nghỉ hè thì không may xe bị hư thắng, lao từ dốc núi xuống khiến đứa con trai 9 tuổi ngồi trên xe mà không thắt dây an toàn nên không biết sống chết ra sao. Riêng Anthony và vợ chỉ bị thương nhẹ.
George suy nghĩ không biết tính sao. Nếu cứu đứa trẻ thì không sao quay về nhà kịp để chở vợ đến bệnh viện của thị trấn ở rất xa. Mạng sống của Helen vợ anh cũng đang bị đe dọa, có thể vì mất máu nhiều lúc sinh. Trước cảnh Anthony quỳ gối xuống van xin, George đã dằn lòng xuống xe, nắm tay Anthony và hỏi: “Con trai anh ở đâu ?” Cả hai hấp tấp xuống chân núi, nơi chiếc xe đang lật ngược và đứa trẻ nằm trên mặt đất toàn thân đầy máu, khuôn mặt trắng bệch. Anthony nghẹn ngào giải thích là đã gọi cấp cứu nhưng sợ chờ lâu nên anh chọn ở lại bên con còn vợ thì đi tắt đến ngôi nhà gần nhất cầu cứu. George nghe xong nghĩ thầm, ngôi nhà gần nhất chính là nhà của anh, và anh chỉ có chiếc xe Jeep. George giục đem đứa bé lên xe rồi cùng Anthony vội vàng lái xe nhanh đến bệnh viện của thị trấn. Trong lúc lái xe, anh gọi điện thoại liên tục về nhà, khuyên Helen cố gắng chịu đựng. Anh nghe tiếng vợ rên rỉ làm anh đau như bị kim đâm vào tim, vừa khóc vừa xin lỗi. Mười phút sau, George lại gọi về nhà nhưng chỉ còn nghe giọng Helen trả lời yếu ớt khiến anh chỉ biết cầu xin Chúa che chở.
Đứa bé trai đã qua khỏi nguy hiểm, nhưng George lại lo lắng cho vợ. Anh gọi điện thoại về nhà nhưng không có người nghe máy, làm anh càng hốt hoảng muốn chạy ngay về nhà. Anthony khăng khăng đòi theo, và cuối cùng khi về đến trước cổng nhà, thì đột nhiên họ nghe thấy tiếng khóc của bé sơ sinh. George bước nhanh vào nhà, và vui mừng thấy vợ anh Helen bình an nằm ngủ trên giường cùng với một đứa bé mới sinh dễ thương được quấn trong khăn, bên cạnh đó là một người phụ nữ lạ mặt dáng vẻ mệt mỏi, đang nhỏ nhẹ trò chuyện với đứa bé.
George lại ngạc nhiên hơn khi thấy Anthony bước vào ôm chầm người phụ nữ lạ mặt ấy với vẻ xúc động và thổ lộ cho biết con của họ đã được cứu kịp thời. Thì ra người phụ nữ ấy chính là vợ của Anthony, vốn là một bác sĩ sản khoa, trên đường tắt đi tìm xe cứu thương, đã đi ngang qua nhà George và nghe tiếng kêu la đau đớn của Helen. Mary đã bỏ qua sự an nguy của chính con trai mình mà giúp ngay cho Helen được sinh nở bình an.
Cuối cùng, bác sĩ Mary và George đều nói: “Chúng ta đã làm đúng lương tâm khi quyết định cứu ngay người hoạn nạn trước mắt”.
Tác giả Khuyết Danh, bản dịch của NTHK
HÃY ĐỂ TÂM YÊN TĨNH
HÃY ĐỂ TÂM YÊN TĨNH
Hôm ấy đạo sư có việc ở làng quê hẻo lánh và đưa đệ tử đi theo. Cả hai đều cuốc bộ. Dọc đường, đạo sư bảo đệ tử tạm nghỉ chân dưới một tàn cây xanh um, như cái dù lớn che nắng trưa chói chang. Cách đó xa xa là một dòng suối nhỏ chắn ngang. Đạo sư bảo : “ Thầy khát. Nhờ con lấy dùm thầy chút nước. “
Đệ tử mau mắn xách vò, thoăn thoắt bước tới con suối. Đến nơi, anh tần ngần nhìn dòng nước, rồi nhìn sang bên bờ kia. Bắt gặp một đàn bò còn ướt lông, hiểu ra cớ sự, anh quay lại gặp sư phụ, bộc bạch : “Thưa thầy, người ta mới vừa dắt bò qua suối. Nước bị quậy lên đục ngầu nên con không dám…”
Đạo sư ôn tồn : “ Được con. Vậy mình chờ một chút”.
Khoảng mười lăm phút sau, đạo sư bảo : “Lấy nước đi con!”
Đệ tử sốt sắng xách vò trở lại bờ suối. Anh thấy nước bớt đục hơn, nhưng vẫn chưa thể dùng được. Lập tức quay về chỗ sư phụ, anh áy náy nói :
“Thưa thầy, cũng chưa uống được đâu ạ.”
Đạo sư mỉm cười : “Không sao, con. Mình chờ thêm một chút nữa.”
Rồi ngài xếp bằng, hai bàn tay để lên lòng, sửa dáng cho thẳng lưng, lim dim đôi mắt, yên lặng dưỡng thân dưới bóng râm của tàn cây.
Khoảng nửa giờ sau, đệ tử ấy trở lại bờ suối. Bây giờ nước đã trong veo, có thể nhìn thấu lớp sỏi dưới đáy. Anh rón rén bước xuống để khỏi khấy động, và cố lựa chỗ tốt nhất để múc đầy vò nước mát mang về dâng thầy.
Đạo sư đón lấy cái vò, nhìn vào rồi bảo “Con xem. Làm thế nào con có được chỗ nước trong trẻo, mát ngọt này. Thật ra con chẳng làm gì cả. Con chỉ cần kiên nhẫn đợi cho cặn cáu có đủ thời gian để nó tự lắng xuống. Tâm con cũng thế. Khi tâm con nổi sóng, điên đảo, con đừng toan tính cách này cách kia để cố dẹp yên nó. Con hãy cho nó đủ thời gian để nó tự lắng xuống. Nên khi con giận ai, con đừng thèm nghĩ tới họ nữa, đừng ráng tranh cãi hơn thua. Con hãy hướng tư tưởng con sang việc khác. Tốt nhất là con làm thinh, giả mù, giả điếc và kiếm một chỗ mà ngồi thở đều đặn, nhẹ nhàng. Con chỉ tập trung vào hơi thở mà thôi.”
Đệ tử đáp: “Thưa thầy, nhưng thường đang lúc tâm trạng bất bình thì con lại không nhớ được cách để thoát ra !”
Đạo sư gật đầu : “Phải đó con. Thế nên chỉ sau khi phạm sai lầm xong rồi thì mình mới biết là mình sai lầm. Nhưng như thế vẫn còn khá hơn là không nhận ra sai lầm mình vừa mắc phải. Mỗi một trạng huống trong đời tu của con là một bài thi khảo sát trình độ tiến hóa tâm linh của con. Nhưng khi con ở vào trạng huống đó, thì con không hề nhớ là mình đang được thi, đang được thử thách. Đến khi kịp nhớ ra thì con đã thua mất rồi, thi rớt rồi !”
Dũ Lan Lê Anh Dũng
Thật kỳ lạ
Thật kỳ lạ
Thật kỳ lạ khi thấy một tờ giấy bạc có giá trị quá lớn khi bỏ vào giỏ nhà thờ, nhưng lại quá nhỏ khi đi chợ mua sắm!
Thật kỳ lạ khi thấy một tiếng đồng hồ ở trong Nhà Chúa sao mà lâu thế, nhưng nếu mà đi xem xi-nê thì lại quá lẹ !
Thật kỳ lạ khi cầu nguyện thì chẳng biết nói gì, nhưng khi nói chuyện với bạn bè thì lại chẳng hết chuyện cà kê dê ngỗng để nói!
Thật kỳ lạ vì chúng ta thấy rất hồi hộp khi trận đá bóng phải kéo dài thêm mấy phút phụ trội, nhưng lại cầm ràm khi một bài giảng Thánh Lễ có vẻ dài hơn mọi khi!
Thật kỳ lạ vì chúng ta thấy khó khăn khi phải đọc một đoạn Kinh Thánh, nhưng lại rất dễ dàng đọc hàng trăm trang tiểu thuyết liên tu bất tận !
Thật kỳ lạ khi thấy nhiều người thích ngồi những hàng ghế đầu khi đi dự những buổi đại nhạc hội hay các trận đấu bóng, nhưng lại cứ tìm chỗ ngồi ở những hàng ghế cuối trong thánh đường!
Thật kỳ lạ khi chúng ta cần phải mất đến hai,ba tuần lễ trước để sắp xếp thời giờ cho những công việc của Nhà Chúa, nhưng lại dễ dàng thích ứng thời giờ cho những chương trình khác trong chớp nhoáng vào phút chót!
Thật kỳ lạ sao thấy quá khó khăn để nhớ một đoạn Kinh Thánh hầu có thể thuật lại cho người khác, nhưng lại rất dễ dàng để hiểu và nhớ những lời đàm tiếu gièm pha để kể cho người khác nghe!
Thật kỳ lạ sao chúng ta rất dễ tin những gì báo chí đăng tải, nhưng lại tỏ ra nghi ngờ, đặt vấn đề này kia về vấn đề Kinh Thánh dậy!
Thật kỳ lạ sao ai cũng muốn được lên Thiên Đàng mà lại không phải tin, không phải suy nghĩ, không phải nói hay làm gì cho đàng hoàng cả!
Thật kỳ lạ khi có thể gởi các câu chuyện bù khú tiếu lâm qua e-mail và nó sẽ được chuyển đi thật nhanh, nhưng khi gởi những gì liên quan đến Thiên Chúa thì người ta lại suy nghĩ cẩn thận xem có nên gởi đi chia sẻ với người khác hay không?
————————————————————————————
Học cả đời cũng chưa chắc làm được?
Một người nghèo hỏi Đức Phật: “Tại sao con nghèo như thế?”
Phật nói: “Vì con chưa học được cách bố thí cho người khác.”
Người ấy nói: “Con không có thứ gì cả, thì lấy gì con bố thí.”
Đức Phật dạy: “Cho dù con hoàn toàn không có cái gì, con vẫn có thể thực hiện bố thí 7 điều này:
1. – Bố thí nụ cười,
2. – Bố thí ái ngữ, nói lời hay.
3. – Bố thí tâm hòa ái, lòng biết ơn.
4. – Bố thí ánh mắt nhìn thẳng hiền từ.
5. – Bố thí hành động nhân ái.
6. – Bố thí nhường chỗ cho người cần.
7. – Bố thí lòng bao dung
Chị Nguyễn Kim Bằng gởi
Yêu thương và nhường nhịn.
Yêu thương và nhường nhịn.
Có hai ông bà cụ nọ đã sống với nhau hơn 60 năm. Họ chia xẻ ngọt bùi, đủ mọi thứ. Duy chỉ có cái hôp đựng giầy mà bà cụ để ở dưới gầm tủ là ông cụ không hề biết trong đó đựng cái gì. Và cũng tôn trọng riêng tư của bà, ông chẳng bao giờ hỏi tới cái hôp đó.
Năm này qua năm nọ, một ngày kia cụ bà bỗng bệnh nặng. Biết vợ mình không qua khỏi ,cụ ông chợt nhớ tới cái hộp giầy bí mật.Bèn lấy đem đến bên giường cụ bà, cụ bà cũng đồng ý cho ông mở cái hộp ra.
Khi chiếc hộp được mở ra,bên trong chỉ vỏn vẹn có hai con búp bê bằng len nhỏ va một số tiền là 95.500 đô. Ông cụ ngạc nhiên hỏi vợ: ” Thế này là sao? “.
“Khi chúng ta mới lấy nhau”, cụ bà nói: ” Bà nội của em có dặn em rằng: Bí quyết để giữ hạnh phúc gia đình là đừng bao giờ cãi nhau. Nếu lỡ chồng con có làm điều gì khiến con bực mình, tức giận. Con nên im lặng và bình tỉnh,đi ra chỗ khác lấy len đan một con búp bê nha con”. Và anh thấy đó…
Nghe thế, Cụ ông không cầm được nước mắt. Cả suốt cuộc đời, sống chung với nhau người vợ thân yêu của mình chỉ giận mình chỉ có hai lần thôi ư ? Ông cảm thấy hạnh phúc vô cùng.
“Và còn món tiền lớn nay thì sao?” Ông cụ hỏi.
Cụ bà mắt đỏ hoe trả lời:” . Và đó là.. số tiền em đã bán những con búp bê mà em đã đan..”
Câu chuyện có một kết thúc bất ngờ đầy thú vị. Nó khiến người đọc mỉm cười nhưng dư âm của nụ cười là một sự cảm động sâu sắc. Số tiền khá lớn thu được từ việc bán những con búp bê cũng chính là số lần những nhịn nhục âm thầm mà người vợ phải chịu trong suốt thời gian chung sống với chồng mình. Người vợ đã cho chúng ta một gương sống yêu thương và nhẫn nhịn chịu đựng những lầm lỗi của người chồng. Bà ta tìm một lối thoát rất tích cực mỗi khi người chồng làm mình bực mình, tức giận, tránh những cãi vã tranh chấp có thể gây mất hạnh phúc cho gia đình đó là lấy len ra ngồi đan búp bê. Một việc làm xem ra rất bình thường, rất đơn giản nhưng với một tình yêu sâu sắc, sự cảm thông, chấp nhận những bất toàn của người chồng trong yêu thương, hành động đó đã trở nên một phương cách hữu hiệu trong việc gìn giữ hòa khí trong gia đình. Sự nhẫn nhịn đó thực sự là kết quả của một tình yêu rất mạnh mẽ và khả năng chiến thắng cảm xúc nóng giận của bản thân rất tuyệt vời.
Tuy nhiên, đa số mỗi người trong chúng ta lại là hình ảnh của người chồng, tức là chúng ta cứ vô tình gây khổ, làm đau lòng người thân của mình mà không hề hay biết.
Khi một cặp vợ chồng khủng hoảng về tình cảm đưa nhau tới văn phòng tư vấn hôn nhân của Williams Harley ở Mỹ, ông thường tách họ ra hai phòng khác nhau và yêu cầu mỗi người trả lời trên giấy câu hỏi sau đây: “Người bạn đời của bạn có thể làm cho bạn điều gì thì bạn hạnh phúc?”. Ông thường nhận được câu trả lời đó là sự quan tâm chăm sóc cho nhau. Nếu người chồng thực sự quan tâm đến cảm xúc của vợ mình sẽ nhận ra sự nhẫn nhịn âm thầm của bà ta ngay trong thời gian còn chung sống, chứ không phải chỉ phát hiện ra điều ấy khi người vợ sắp qua đời. Có phải đã quá muộn màng khi ông hiểu ra sự hy sinh của người vợ trong việc chấp nhận những tật xấu của mình để bảo vệ hạnh phúc gia đình từ bao nhiêu năm qua? Có phải đã quá trễ để có thể chăm sóc vợ mình thật nhiều như để bù lại sự vô tâm mà mình đã gây ra?
Anh chị Thụ Mai gởi
CÁI GIÁ CỦA HẠNH PHÚC
CÁI GIÁ CỦA HẠNH PHÚC
Ai trong chúng ta cũng mong cầu hạnh phúc. Có người cho rằng: Hạnh phúc khi tâm bình an, không lo sợ, không mong cầu, không hối hận, không bứt rức, không hận thù, không ghen ghét. Có người lại cho rằng: Hạnh phúc là đoá hoa của thời gian, nở rồi diệt, diệt rồi nở, có như vậy mới thực sự hạnh phúc. Nếu đoá hoa thời gian ấy cứ trường tồn, người ta sẽ không cảm nhận hạnh phúc nữa, mà đôi khi biến thành bất hạnh. Có người lại cho rằng: Cái gì chỉ mình có được, người khác không bao giờ với được, đó là hạnh phúc. Lại có người cho rằng: Họ chỉ hạnh phúc, khi mọi người cùng hạnh phúc. Có cái hạnh phúc là cho, có cái hạnh phúc là nhận….
Nhưng hầu như người ta không thể có một định nghĩa chung về hạnh phúc. Mỗi người cảm nhận hạnh phúc một khác, mỗi thời cảm nhận hạnh phúc một khác. Người đang nóng bức, được ngâm mình trong làn nước mát là hạnh phúc. Người đang lên cơn sốt rét, bị ngâm mình trong làn nước mát có cùng nhiệt độ lại “bất hạnh”. Người ăn được cay, có trái ớt hiểm cay xè dằm nước mắm, bữa cơm sẽ đậm đà hơn lên, hạnh phúc cũng qua đó mà sanh ra. Người không hề ăn được ớt, “vô phúc” cắn nhằm một mẩu ớt, nước mắt nước mũi đã ròng ròng khốn khổ. Người đã lập gia đình, có kinh tế khả dĩ ổn định, tin người vợ thọ thai là hỉ tín (tin mừng) trọng đại. Anh chàng sinh viên chưa sẵn sàng thành gia thất, tương lai chưa định mà nghe bạn gái báo “hung tin” thai nghén, quả là điều bất hạnh.
Vậy định nghĩa chung của hạnh phúc là gì? Thật khó, nhưng ta thử định nghĩa như vầy: Hạnh phúc là cảm thọ an lạc, sung sướng… khi những mong cầu của chúng ta được thoả mãn. Với định nghĩa như vậy, sẽ có nhiều người phản đối, người tu không có mong cầu, nhưng họ rất tự tại, ung dung và an lạc. Theo đức Đạt Lai Lạt Ma thì hạnh phúc là khoảng khắc thời gian ta cảm nhận. Khoảng khắc ấy như một hạt trai trong xâu chuỗi. Muốn cả đời hạnh phúc, người ta phải biết tạo ra những khoảng khắc ấy liên tục, người ta phải tìm cách xâu các khoảng khắc cảm nhận hạnh phúc lại với nhau, càng gần nhau… người ta càng hạnh phúc.
Cảm nhận hạnh phúc chỉ có cá nhân người ấy hiểu. Niềm hạnh phúc của một người nông dân chân lấm tay bùn khi nhìn đồng lúa trổ bông, trĩu hạt có thể to lớn không thua gì Michael Schumacher thắng giải đua xe thể thức I ở Monaco, một khoa học gia khám phá ra thuốc phòng chống HIV, hay nhà quân sự chiến thắng trên trận địa. Tuy giá trị vật chất của những khoảng khắc hạnh phúc ấy khác nhau, song biên độ cảm thọ không hề khác.
Ta tạm gọi hạnh phúc là cảm thọ an lạc, sung sướng, khoảng khắc đời lên hương, khiến cho ta mãn nguyện, êm ấm, thanh lương.
Vậy cái giá của hạnh phúc là gì ? Liệu hạnh phúc có thể là của “giời cho” chăng? Hay hạnh phúc là quá trình góp nhặt, vun trồng, tỉa tót và đánh đổi?
Về cái giá của hạnh phúc, ta cũng chẳng thể tính ra bằng đơn vị tiền tệ, đo lường. Có người cho rằng hạnh phúc là “của giời” “giời cho ai nấy hưởng”… Có người cho rằng yếu tố con người mới là yếu tố chính, tự ta có thể hoạch định được cuộc sống của ta. Tùy theo đức tin, căn bản lý luận mà người ta nhận biết hạnh phúc là do trời hay do người. Nếu bảo do trời thì tại sao vị chúa tể muôn loài lại không công bình, cho người này hạnh phúc, bắt người kia bất hạnh. Nếu bảo do người thì tại sao có người sanh ra đã đầy đủ mọi yếu tố để hạnh phúc? Người sinh ra đã tràn đầy nỗi khổ? Nghiệp quả chăng? Luân hồi chăng? Mấy tín hữu của Ki Tô Giáo làm sao tin được chuyện nghiệp quả luân hồi? Ý Chúa chăng? Tín hữu Hindu, Phật Giáo… làm sao thuyết phục?
Thành ra ta chỉ bàn đến cái hạnh phúc mà con người có thể ảnh hưởng được. Thứ hạnh phúc nhân tạo, chính con người có thể tạo ra. Hạnh phúc này nằm vỏn vẹn trong mấy chuyện: Thân thể khỏe mạnh, gia đạo êm ấm, kinh tế sung mãn, xã hội xung quanh bình an, tự do sống trong khuân khổ đạo đức truyền thống xã hội và pháp luật, cảm nhận sự hiện diện của mình trong đời không thừa thãi…
Để có thân thể khỏe mạnh thì con người ta phải điều độ, năng luyện tập, bỏ bớt những thú vui độc hại như nhậu nhẹt, chích choác, trác tán, đâm chém… Cái giá hạnh phúc ở đây là làm việc khó (năng luyện tập, điều độ), bỏ việc dễ (nhậu…)
Để có gia đạo êm ấm, người ta phải biết nhẫn nhịn, có những lúc phải nuốt vào bụng những thứ rất khó nuốt, phải hi sinh để lo cho người thân, bỏ bớt ích kỷ của bản thân, tạo được mối giao hoà, tin tưởng giữa các thành viên trong gia đình. Cái giá của hạnh phúc nơi đây chính là sự nhẫn nhịn, kiềm chế và không ích kỷ.
Để có kinh tế sung mãn, ta có hai cách. Một là: Kiếm được thật nhiều tiền, đủ sức chi tiêu thoả mái. Hai là: Phải hạn chế số chi trong khuân khổ thu có hạn. Nếu ta muốn kiếm thật nhiều tiền, ta phải có tài, phải có thời, phải siêng năng. Muốn tiết kiệm, ta phải từ bỏ bớt những khoản chi tiêu không hợp lý. Ai cũng muốn có thể chi tiêu như mình muốn, nhưng liệu khả năng của mình có đáp ứng đủ số chi ấy chăng? Nếu công sức của mình bỏ ra, không đáp ứng nổi số nhu cầu mình thoả mãn, vô hình chung ta đã mang nợ. Chẳng món nợ nào dễ chịu cả. Nợ nào cũng phải trả, không chóng thì chầy! Cái giá của hạnh phúc là phép tính : Thu – Chi = ++ (còn là số dương).
Để xã hội xung quanh bình an, ta phải trả thuế đóng góp vào bộ máy bảo vệ an ninh của quốc gia, của thành phố. Phải sử dụng quyền công dân của mình để định hướng cộng đồng xung quanh. Muốn định hướng cộng đồng theo hướng tốt, phải có đóng góp phục vụ cộng đồng.
Để cảm nhận được sự hiện diện của mình trong đời là không thừa thãi, thì con người ta phải đầu tư thời gian để tạo cho mình khả năng, khả năng ấy có thể nuôi sống mình và còn chút nhiều thặng dư phụng sự cho xã hội. Có thể một phát minh khoa học, có thể là khúc bánh mình đỡ đói lòng… trong cái tương tác trùng trùng của xã hội xung quanh, ta không là kẻ ăn bám. Phải như vậy, ta mới thấy mình không thừa thãi. Không ăn hại cơm giời, uống hại nước sông. Không sống chật đất, chết chật nghĩa trang.
Còn bao nhiêu khía cạnh của hạnh phúc, ta có thể bàn mãi mãi, khi nào còn có loài người trên thế giới này, người ta còn bàn về hạnh phúc. Nhưng ta có thể cả quyết rằng hạnh phúc là một sản phẩm siêu vật chất được hình thành bởi nhiều yếu tố (từ vật chất đến tinh thần) và có cái giá nhất định của nó! Ai hỏi tại sao anh phải làm việc vất vả thế? Ta có thể trả lời: Để mưu cầu hạnh phúc! Sao anh tiết kiệm, sống đơn giản thế? Để mưu cầu hạnh phúc! Sao anh/chị nhẫn nhịn, dịu dàng với vợ/chồng con cái thế? Để mưu cầu hạnh phúc! Sao anh đối xử tử tế với tất cả mọi người xung quanh thế? Để mưu cầu hạnh phúc! Sao anh ngu thế? Để mưu cầu hạnh phúc, vì nhiều lúc dư khả năng khôn mà không dám khôn, dư thế lực thắng thế mà không dám thắng! Sao anh/chị sống khắc kỷ, không phóng túng theo trào lưu của xã hội? Mưu cầu hạnh phúc! Sao anh/chị chung thủy chung tình? Mưu cầu hạnh phúc !
Quảng Diệu, Trần bão Toàn
Anh chị Thụ Mai gởi