Vì sao người cộng sản thích ăn mừng ‘chiến thắng’?

Ba’o Nguoi-Viet

May 9, 2024

Thường Dân/SGN

Cộng sản như quỷ dữ, chúng chỉ ăn mừng trên xương máu dân tộc, và ngạo nghễ trên đất nước như một đạo quân cưỡng chiếm.

Ngày 7 Tháng Năm vừa rồi là một ngày vui của cái gọi là “toàn quân toàn dân Việt Nam” nhân kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ nên nhà nước cộng sản Việt Nam tổ chức hết sức rầm rộ.

Tôi có đọc được câu “Thù hận hay ăn mừng, cả hai đều bít lối tương lai” của Thái Hạo trên Facebook. Cộng sản ăn mừng suốt từng đấy năm ai dám nói gì đến bọn họ? Thù hận thì là tiêu cực, không thể hợp tác, không thể phát triển đất nước, nó khiến con người ta trở nên bạo lực, trở nên nguy hiểm. Còn ăn mừng vốn dĩ là việc vui vẻ, hân hoan tưởng chừng vô hại.

Tuy nhiên, nghe chương trình phát thanh sáng ngày 7 Tháng Năm trên loa phường, tôi lại dấy lên một suy nghĩ khác. Ăn mừng suốt 70 năm về một trận chiến, cộng sản đúng là mặt dày. Người ta nói “không được ngủ quên trên chiến thắng” nhưng 70 năm rồi, cộng sản vẫn tự ru ngủ bản thân, ru ngủ toàn dân.

Tôi không nói việc Hà Nội ăn mừng sẽ khiến ai ngứa mắt, ngứa gan hay dấy lên lòng căm thù của kẻ bại trận, nhưng tôi cho rằng việc cộng sản ăn mừng chiến thắng không đơn thuần vì ngoài chiến tranh, xương máu, họ không có gì để thấy tự hào.

Để có được một “chiến thắng,” biết bao máu xương của binh lính đã phải đổ xuống. Một chính quyền có lòng nhân đạo sẽ không nhảy múa kỷ niệm, mà sẽ là tưởng nhớ những người đã nằm xuống, bởi tất cả chỉ là một quá khứ đã đi qua.

(Hình minh họa: Kayla Ng)

Chiến tranh vốn dĩ là đau thương, luôn tìm cách ăn mừng chiến thắng, không chỉ thể hiện bản chất của một kẻ nhỏ mọn, háo thắng. Nó còn cho thấy việc ăn mày quá khứ để che lấp thất bại của hiện tại. Hơn nữa khát vọng hòa bình được tuyên truyền ra rả chỉ là giả tạo. Mất mát của chiến tranh nào đâu chỉ của riêng bên thua cuộc?

Nếu không có chiến tranh, tô vẽ những ngày kỷ niệm máu xương, người cộng sản có một mục đích gieo vào lòng người dân sự tự hào, niềm tin vào “đảng và nhà nước” đầy huyễn hoặc.

Nhắc đến Việt Nam mỗi ngày đang bị nhồi nhét sự tự hào đầy xương máu của cộng sản, tôi nhớ đến bài quốc ca mà trước kia, sáng đầu tuần nào tôi cũng phải hát, từ thuở ấu thơ. Ở tuổi cầm chén chưa vững, cầm đũa chưa thạo, mà tuần nào tôi cũng đi “xây xác quân thù.” Đã có lúc, cho vậy là hào hùng, là vĩ đại lắm, thật đáng tự hào.

Rồi tới ngày tôi đọc những áng văn chương của người “dưới chế độ cũ,” mới thấy lạ. Sao họ không căm thù, sao họ không oán hận ai? Họ chỉ kể lại những khổ đau cùng cực của bản thân một giọng văn nhẹ nhàng, trung dung, lại khiến tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn nỗi đau thầm lặng trong lòng họ.

Tôi ngỡ ngàng tự hỏi, tôi có phải người Việt Nam không? Hình như tôi bị nhồi nhét, cũng từng thích nhảy múa ăn mừng “chiến thắng,” mà không phải người Việt Nam trong câu hát “Việt Nam không đòi xương máu, Việt Nam kêu gọi thương nhau.” Tôi nhìn thấy mình bị lai tạp của chủ nghĩa cộng sản, là một khúc sông nước lợ vô dụng trong lòng đất nước của mình.

Người cộng sản hay cười ý nghĩa Quốc Hận của những người miền Nam, mỗi khi đến 30 Tháng Tư. Nhưng người dân của chế độ Việt Nam Cộng Hòa gọi là Quốc Hận, vì đã để cộng sản đang tàn phá quê hương từng ngày, từng giờ. Chúng tàn phá đất, tàn phá nước, tàn phá cả tình dân tộc.

Chúng ta vẫn thấy người cộng sản sẽ hối hả tìm mọi dịp để ăn mừng. Bất chấp người khác chê cười. Họ sẽ nhảy múa bất chấp người dân đói khổ.

Năm nay là “70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ,” sang năm sẽ tới “50 năm giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước,” và còn nhiều nữa. Sau nửa thế kỷ sống cùng cộng sản, tôi chợt hiểu rằng, chế độ đang kiểm soát đất nước Việt Nam sẽ không có khả năng ăn mừng thanh bình, ăn mừng hòa hợp dân tộc. Cộng sản như quỷ dữ, chúng chỉ ăn mừng trên xương máu dân tộc, và ngạo nghễ trên đất nước như một đạo quân cưỡng chiếm.


 

Hài cốt chồng trong trại tù cải tạo .- Đoàn Trọng Hiếu

 Pham Thanh TòngSài Gòn Xưa

Đoàn Trọng Hiếu

Dường như đã được sắp xếp, người thiếu phụ lặng lẽ đi theo, tên cán bộ ra lệnh cho chúng tôi đi ra khu nghĩa địa. Đến nơi, hắn bảo chúng tôi đi tìm mộ của Trần Thiên Thọ Hải. Chúng tôi nhớ ra đại úy Hải chết vào đợt những anh em đầu tiên năm 1977, như vậy là nằm ở sâu trong cùng sát chân đồi. Sau gần 15 phút chúng tôi đã tìm được ngôi mộ của anh với tấm bia chỉ nhỏ bằng tờ giấy học trò ghi lờ mờ, còn nắm đất thì chỉ cao hơn mặt đất chừng một tấc. Chúng tôi được lệnh là đào để bốc cốt cho chị mang về trong Nam . Việc đầu tiên là tìm một ít cành khô để đốt một đống lửa sưởi ấm và lấy ánh sáng, chị bắt đầu lấy ra môt bó nhang đốt lên rồi quỳ xuống vái ba lạy. Cầm nguyên bó nhang chị thổn thức khóc và nằm phủ phục lên ngôi mộ. Dưới ánh lửa tôi thấy thiếu phụ còn rất trẻ chỉ khoảng dưới 30, nét mặt xương xương.

Chúng tôi đứng lặng yên tôn trọng nỗi đau của chị, cho đến khi tên cán bộ yêu cầu chúng tôi “khẩn trương” bắt tay vào việc, vì trời đã lâm râm mưa phùn. Chúng tôi dìu chị đứng dậy sang bên cạnh và bắt đầu đào. Chỉ không đầy 20 phút chúng tôi đã đụng lớp ván đã mục, vì khi tù nhân chết thì chỉ được bỏ vào cái quan tài nhỏ vừa khít người được đóng bằng loại gỗ bạch đàn hay bồ đề, một loại cây được trồng để làm giấy, nên rất nhẹ xốp, được xẻ thành từng thanh và đóng hở như cái vạt giường, nên thấy cả xác nằm bên trong và đám tù hình sự khi đi chôn thì chỉ đào sâu khoảng 4 tấc rồi vùi lấp qua loa. Gỡ lớp ván trên mặt, bên trong là bộ quần áo tù đã rữa nát. Tôi đi xách một thùng nước ở dưới ruộng để rửa cho sạch đất, người thiếu phụ cũng đã lấy ra một cái thau nhựa và đổ vào đó một ít rượu. Chúng tôi cẩn thận nhặt từng cái xương rũ cho bớt đất, rửa cho sạch rồi trao cho chị. Chị cầm từng cái rửa trong rượu, rồi bỏ vào cái bịch nylon hai lớp. Chị đưa cho chúng tôi mỗi người một gói thuốc Tam Đảo rồi vừa làm chị vừa tâm sự:

– Giữa năm 79, em có xin phép ra thăm, nhưng khi đến trại thì họ nói là không có anh Hải ở đây, nhưng ít tháng sau thì em được tin anh Hải đã chết từ năm 77, do một chị bạn ra thăm chồng về cho biết.

Như vậy là họ đã dấu nhẹm không báo cho gia đình, mới đây một người mách bảo cho em ra Bộ Nội Vụ ngoài Hà Nội làm đơn xin bốc cốt, sau mấy lần làm đơn cuối cùng họ đã phải cho. Nhưng khi đến đây thì họ chỉ cho làm vào ban đêm và sau khi xong, họ không cho em ở lại nhà tiếp dân qua đêm với lý do là ô uế.

Sau gần một giờ, thấy có thể đã không còn sót cái xương nào, chúng tôi bảo chị để tránh rắc rối chị không nên mặc bộ đồ tang này. Chúng tôi lấy bộ quần áo tang quấn quanh cái bao nylon đựng cốt bỏ vào cái bị cói lớn rồi lấy sợi dây chuối khô khâu miệng lại để không ai nhìn thấy. Trên đường về trại, lúc đến chỗ rẽ, chị lý nhí vừa thổn thức khóc vừa cám ơn rồi dúi vào tay chúng tôi mấy gói thuốc còn lại. Nhìn người thiếu phụ tay xách cái bị cói đựng cốt chồng, lặng lẽ đi trong đêm, trên con đường rừng cô quạnh, khiến chúng tôi vô cùng thương cảm, ngậm ngùi, đứng trông theo.

Bỗng sự uất ức trào lên rồi không nén lại được, tôi thốt lên trong kẽ răng:

– Đ.M. Chúng mày rồi sẽ phải trả giá cho hành động này!

Chúng tôi đi vào theo cửa hông của cổng trại, rồi lặng lẽ đi về phòng. Tên thường trực thi đua đã đứng đợi sẵn để mở cửa.

Đã quá nửa đêm, cái lạnh đã thấm sâu vào người, nằm co quắp dưới lớp chăn mỏng, tôi thầm ái ngại cho số phận của người đàn bà bất hạnh. Chị mang cốt chồng đi giữa đêm trời giá lạnh của vùng rừng núi Việt Bắc, như người vợ, người mẹ Việt Nam đang mang nỗi đau, nỗi bất hạnh của cả một dân tộc đi trong đêm tối bão bùng.

Đoàn Trọng Hiếu

(Hình : Hồt cốt chồng trong tù cải tạo)


 

Nền tảng tư tưởng của đảng!?

 Phan Thế Hải

Sáng mở TV, xem chương trình thời sự lại được nghe câu: “Kiên quyết giữ vững nền tảng tư tưởng của đảng”. Theo đó, “Chủ nghĩa Mác – Lênin luôn luôn là nền tảng tư tưởng của đảng ta, chỉ đạo toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”.

Đất nước ta giờ đây tham nhũng nhiều, tung hoành công khai như chỗ không người. Mà những ông tham nhũng đều có số má, học hàm học vị cao ngất ngưởng, đều có chức sắc, đều được trang bị lý luận cao cấp, đều thấm nhuần sâu sắc nền tảng tư tưởng của đảng. Vậy mà sự thất thoát tài sản công ngày càng lớn, vụ sau to hơn vụ trước, hậu quả rất lớn, khó khắc phục. Tham nhũng đang trở thành giặc nội xâm lớn nhất mà chỉ một mình cụ Tổng gò lưng chống, chống mãi vẫn không thấy bớt, không những thế càng ngày càng trầm trọng hơn, không biết bao giờ mới hết! Vậy cái gọi là “nền tảng” ấy có đáng để giữ hay không!?

Nhìn sang các nước láng giềng như Hàn, Nhật, Sing, tham nhũng không có cơ hội hoành hành như ở ta, không biết nền tảng tư tưởng của họ là cái gì?


 

NGÀY CHÚA THĂNG THIÊN, CHÚA VỀ TRỜI CÙNG CHA – Tuyết Mai

Tuyết Mai

Lạy Chúa Giêsu,  Chúa của muôn dân nước, Chúa của tình yêu hải hà và độ lượng. Chúa đã ra đời và sống trong một thân xác của người phàm, trừ tội lỗi. Chúa đã bỏ bao thời giờ, công sức và yêu thương con cái Chúa để giảng về Nước Trời cho chúng con nghe để chúng con biết hướng về Trời Cao và biết hướng lên Thiên Chúa, suốt 33 năm dài. Chúa đã chịu khổ hình và chết treo trên thập giá. Tới ngày thứ ba Chúa sống lại và ngày hôm nay Chúa về trời để hội ngộ cùng Cha Ngài.

Ước gì tất cả chúng con sau này đúng thời điểm thì chúng con cũng được Chúa đem chúng con Về Trời cùng Chúa. Đó là niềm khát khao bao nhiêu năm dài và càng già thì chúng con càng khát. Cố gắng sống sao cho đẹp lòng Chúa. Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy … Thật là khó thưa Chúa chứ chẳng đơn giản như lời nói thốt ra để gió bay đâu. Vì trước tiên là phải có trái tim biết rung động trước tình người. Sau là phải thực hành để lập công với Chúa. Chứ tay làm mà còn đi khoe khoang lung tung thì như Chúa nói là “các con đã được người đời thưởng rồi” là lời khen, là hình ảnh, là số like và thời nay càng nhiều like thì càng có tiền vào nữa.

Nhưng trên hết xin Chúa thương ban cho tất cả mọi gia đình được yêu thương nhau, trên nhịn dưới nhường, không chê bai, không trách móc, không đả kích nhau như câu “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Phận làm con thì phải trọng chữ hiếu thảo và thực thi trong sự hiếu đễ và trả hiếu. Không được ăn nói lớn tiếng và hỗn hào với cha mẹ vì công lao của cha mẹ thật là to lớn, làm sao các con có thể hiểu được khi các ngài chỉ làm mà không bao giờ than thở. Cha mẹ đã luôn bỏ bao công sức cả một cuộc đời, cố gắng lắm trong khả năng. Không một ngày nghỉ ngơi nếu được thì luôn cố gắng làm thêm. Không nề hà sự vất vả, chỉ mong cho con cái có được cái ăn, cái mặc và học hành. Sự hy sinh ấy và tình thương ấy nó luôn là củi lửa trong bếp không bao giờ thiếu hơi ấm của một mái gia đình có đủ cha đủ mẹ, dù nghèo mà vui.

Nhưng khi chúng lớn khôn đủ lông đủ cánh, vắng bóng một thời gian thì khi chúng trở về chốn cũ, thì lạ thay chúng cảm thấy xấu hổ với cái mái nhà xưa mà chúng được sinh ra và lớn lên, vì sao? Thưa là vì bây giờ chúng đã là ông này, bà kia. Thành công, thành danh và có địa vị cao trong xã hội. Có vẻ như khinh dể cha mẹ nghèo của mình, có vẻ như coi mình học cao biết rộng nên còn muốn dạy đời cho cha mẹ mình nữa đó. Mà chúng không còn nhớ bao công lao dưỡng dục, khổ sở của cha mẹ đã nuôi chúng. Chúng đổ thừa đủ thứ trên đầu của cha mẹ là không đủ thời giờ dành cho chúng trong khi cha mẹ người ta thì sinh hoạt của con cái họ đều có mặt, v.v…

Lạy Chúa về già thì tất cả bậc cha mẹ chỉ muốn con cái chúng để cho sống yên lành. Để cha mẹ tự lo cho nhau để có sức khỏe chớ ai dè chúng lại mang những phiền phức đến cho cha mẹ. Có phải cha mẹ đã xong bổn phận và trách nhiệm trên chúng đã xong và lâu lắm rồi không?. Bình thường thì chúng đi chơi những chỗ xa hoa, ăn uống sang trọng thì chúng chẳng nhớ gì đến cha mẹ chúng. Nhưng khi chúng có vấn đề, cần người than thở thì chúng chọn than thở ỉ ôi với cha mẹ của chúng, là sao?. Phải mạnh mẽ lên đi chứ …

Lạy Chúa Giêsu, hôm nay là ngày Chúa Thăng Thiên, Chúa về Trời … Xin Chúa đem theo tất cả những muộn phiền và bệnh tật của con theo Chúa lên Trời để lòng con cảm thấy nhẹ nhõm. Xin Chúa ban bình an cho chúng con là món quà quý giá nhất trên trần đời mà Chúa ban tặng nhưng có nhiều người họ chê và tìm những thứ rất phức tạp (chóng qua, chóng tàn) có thể mang lại cho họ nhiều cạm bẫy, vướng mắc mà không thể tự thoát ra được. Nhẹ thì vào tù, còn nặng thì mất cả xác lẫn hồn. Amen.

Y tá con Chúa,

Tuyết Mai

11 tháng 5, 2024


 

Bà thầy cúng ở Nam Định lừa được gần $12 triệu

Ba’o Nguoi-Viet

May 10, 2024

NAM ĐỊNH, Việt Nam (NV) – Bị can Bùi Thị Ninh, 44 tuổi, ở thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, vừa bị bắt, khởi tố với cáo buộc đóng vai thầy cúng để lừa đảo, chiếm đoạt 300 tỷ đồng ($11.8 triệu).

Theo báo Công An Nhân Dân hôm 10 Tháng Năm, bị can Ninh bị bắt khi đang trốn tại quận 4, Sài Gòn.

Bị can Bùi Thị Ninh khi bị bắt. (Hình: Công An Nhân Dân)

Hồ sơ của Công An Tỉnh Nam Định cho hay, thoạt đầu, có bảy người ở tỉnh Nam Định và tỉnh Yên Bái làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo 128 tỷ đồng ($5 triệu) của bị can Ninh.

Khi công an mở cuộc điều tra thì phát giác có thêm nhiều nạn nhân khác của nữ bị can đã “cao chạy xa bay.”

Kết quả điều tra sơ bộ cho hay, bị can Bùi Thị Ninh thường xuyên đi lễ chùa, dùng chiêu thức “xem tướng, đoán số mệnh” để tạo mối quan hệ với nhiều người.

Trong các năm 2018-2020, bị can Ninh hùn vốn kinh doanh nhà đất với nhiều người và bị thua lỗ nên nợ nần, mất khả năng thanh toán.

Để có tiền trả nợ, nữ bị can nói dối với nhiều người là mình đang cần khoản tiền lớn để đầu tư kinh doanh nhà đất, xăng dầu, mua cổ phiếu của các dự án thủy điện tại hai tỉnh Sơn La, Khánh Hòa hoặc vay tiền làm dịch vụ “đáo hạn ngân hàng.”

Thấy bà này “uy tín,” nhiều người góp vốn làm ăn.

Khi nhận được tiền của các nạn nhân, bị can Ninh không làm như đã thỏa thuận mà dùng để trả nợ gốc, tiền lãi dẫn đến số nợ nần ngày càng tăng cao.

Đến khi nhận thấy mình không tiếp tục vay được tiền của ai nữa, bị can Ninh cắt hết liên lạc với chủ nợ rồi bỏ trốn khỏi địa phương.

Công An Tỉnh Nam Định xác nhận đến nay có ít nhất 19 người sập bẫy “đầu tư kinh doanh” với bị can Bùi Thị Ninh.

Hiện nhà chức trách tỉnh Nam Định đề nghị những ai là nạn nhân hoặc có thông tin, chứng cứ về hành vi vi phạm của bị can Bùi Thị Ninh ra công an trình báo.

Trong một hành vi lừa đảo tương tự, bị cáo Trần Thị Thanh Tiền, 45 tuổi, ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, bị kết án 14 năm tù với cáo buộc lừa đảo vay tiền “đáo hạn ngân hàng,” chiếm đoạt 2.1 tỷ đồng ($82,628).

Báo Thanh Niên hôm 3 Tháng Năm dẫn cáo trạng cho hay, trong hai năm 2019-2021, do làm ăn thua lỗ và nợ nần, bị cáo Tiền nảy sinh ý định lừa tiền người khác.

Bị cáo Trần Thị Thanh Tiền, 45 tuổi, ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, bị kết án 14 năm tù với cáo buộc lừa đảo vay tiền “đáo hạn ngân hàng,” chiếm đoạt 2.1 tỷ đồng ($82,628). (Hình: Nam Long/Thanh Niên)

Bị cáo Tiền nói dối với ông TU, đồng nghiệp cũ, rằng bà quen biết cán bộ một chi nhánh ngân hàng ở huyện Tam Bình và đang cần nguồn vốn cho vay nhằm làm dịch vụ “đáo hạn ngân hàng.”

Tin lời nữ bị cáo, ông U. giới thiệu một người em họ là ông TSNR cho bà này vay tổng cộng 6.3 tỷ đồng ($247,884).

Sau đó, bị cáo Tiền đã trả lại một phần tiền cho ông R. và còn nợ 2.1 tỷ đồng cho đến ngày bị bắt giam.

Bản tin cho hay, tại phiên tòa, bị cáo Tiền được ghi nhận “không thành khẩn khai báo” nên bị Hội Đồng Xét Xử tuyên mức án nêu trên. (N.H.K) [qd]


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Thế hệ Trần Vàng Sao

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

Cách đây chưa lâu, Tần Hoài Dạ Vũ và Nguyễn Đông Nhật đã cho xuất bản cuốn Phác Hoạ Chân Dung Một Thế Hệ. Theo báo chí nhà nước đây là “một hồi ký đậm chất văn chương của hai con người đã từng sống, từng viết và từng tranh đấu trong các đô thị miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ” và tác phẩm đã “đưa giấc mơ đẹpcủa một thế hệ đến những thế hệ tiếp nối.”

“Giấc mơ đẹp” này của hai nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ và Nguyễn Đông Nhật, chả may, lại là ác mộng của một thi nhân khác – cùng thời:

… mả cha cuộc đời quá vô hậu
cơm không có mà ăn
ngó lui ngó tới không biết thù ai
những thằng có thịt ăn thì chẳng bao giờ ỉa vất

lâu ngày tôi thấy quen đi
như quen thân thể của mình
tiếng ho gà nửa đêm của những đứa bé chưa đầy hai tuổi
buổi chiều không có cơm ăn
những con ruồi ăn nước mũi khô trên má…
hai mắt tôi mở to
đầu tôi cúi thấp
miệng tôi há ra
những lá khoai nhám và rít mắc vài hột cơm
dồn cứng chật cuống họng

(Trần Vàng Sao – Người Đàn Ông 43 Tuổi Nói Về Mình)

Toàn bản bài thơ thượng dẫn đã được đăng lại trên trang Quà Tặng Xứ Mưa, với đôi lời giới thiệu (rất buồn) về tác giả :

“Nhà thơ Trần Vàng Sao (tên thật là Nguyễn Đính) ở Đường Tuy Lý Vương, Phường Vỹ Dạ, Huế là nhà thơ nổi tiếng với bài thơ ‘Bài thơ người yêu nước mình’. Giữa lúc phong trào ‘xuống đường’ ở Huế những năm 1965-1968 đang rầm rộ mà dám lấy bút danh ‘Trần Vàng Sao’ là rất ghê gớm. Thế mà, năm 1988, ông có bài thơ ‘ Người đàn ông 43 tuổi nói về mình’ in ở Tạp chí Sông Hương đã gây nên cuộc cãi vã náo loạn ở Huế. Cán bộ chính trị, các ‘nhà văn đỏ’ đua nhau suy diễn chính trị, phán xét. Đài phát thanh, báo đảng địa phương đăng nhiều bài viết chửi rủa nhà thơ, họ ‘phỏng vấn’ cả các bà tiểu thương chợ Đông Ba để tố cáo nhà thơ. Trên diễn đàn họ gọi Trần Vàng Sao, Tô Nhuận Vỹ (Tổng biên tập TC Sông Hương) là ‘bọn tay sai của địch…”

Bách Khoa Toàn Thư Mở Wikipedia cho biết chi tiết hơn :

“Trần Vàng Sao sinh ở Thừa Thiên – Huế, năm 1961 ông thi đỗ tú tài rồi vào Đại học Huế, tham gia các phong trào đấu tranh của sinh viên cùng thế hệ với Hoàng Phủ Ngọc TườngTrần Quang LongNgô Kha. Từ 1965 đến 1970, ông lên chiến khu và công tác tại Ban Tuyên huấn Thành uỷ Huế, viết báo với các bút danh Nguyễn Thiết, Lê Văn Sắc, Trần Sao.

Năm 1970 ông được đưa ra miền Bắc an dưỡng, chữa bệnh. Ở nơi đây, ông có viết nhật ký gồm những suy nghĩ của ông về cái gọi là ‘hậu phương xã hội chủ nghĩa’ đó và sau đó bị tố cáo, đấu tố và cô lập đến nỗi ông có cảm giác ông không còn được coi là con người mà đã thành ‘một con vật, một con chó’ – theo như Hồi ký ‘Tôi bị bắt (Nhớ lại những năm tháng tôi bị bắt rồi được thả ra và sống như tù)’ sau này của ông.”

Tập hồi ký này có thể đọc được ở diễn đàn talawas. Xin trích dẫn lại vài đoạn ngắn:

Thứ Ba, ngày 31.10.1978

Mong có một bữa cơm không, ăn với cá, cá vụn, với muối và một chút ớt.

Thứ Hai, 22.07.1979

Nhà cứ không có gạo hoài. Có nửa lon, một lon dành cho Bồ Câu. Phải bới sắn non, nhưng chỉ vài ba bữa, còn thì quá non. Hay chưa có được gạo. Giấy trả về làm việc từ 1.6. Chúng mày không có gạo thì chúng mày đói chứ tao có đói đâu …

Và không ai dám nói ra những suy nghĩ của mình về chế độ, thậm chí những suy nghĩ của mình về một người thứ ba cho một người thứ hai nghe. Người ta phải nói láo hoặc nói nhỏ. Kinh khủng thật. Thành ra có một không khí chính trị giả dối trong dân chúng. Nhưng mà chưa ai chết ngay cho. Có người nói: không chết tươi ngay mà chỉ chết mòn, chết dần…

Phần đời (“vô hậu”) này của Nguyễn Đính gần giống như hoàn cảnh sống cơ cực của Nguyễn Hữu Đang, sau 15 năm tù, qua cảm nhận của Phùng Cung : Gót nhọc men về thung cũ/ Quì dưới chân quê/ Trăm sự cúi đầu/ Xin quê rộng lượng/ Chút thổ phần bò xéo cuối thôn.

Cớ sao mà “cách mạng” lại “chiếu cố” Nguyễn Hữu Đang tận tình (và tuyệt tình) như thế? Một trong những nguyên do – có thể nhìn thấy được – là vì ông đã không chịu chấp nhận sự “xộc xệch” trong hiến pháp của nước VNDCCH :

“Do pháp trị thiếu sót mà Cải cách Ruộng đất hỏng to đến thế. Do pháp trị thiếu sót mà quân đội chưa có chế độ binh dịch hợp lý, công an hỏi giấy giá thú đôi vợ chồng ngồi ngắm cảnh trăng lên ở bờ hồ, hộ khẩu rình bên cửa sổ khiến người ta mất ăn, mất ngủ, cán bộ thuế tự tiện vào khám nhà người kinh doanh, ở khu phố có chuyện đuổi nhà lung tung hoặc ép buộc người ở rộng phải nhường lại một phần nhà cho cán bộ hay cơ quan ở. Do pháp trị thiếu sót mà nhiều cơ quan bóc xem thư của nhân viên và một ngành rất quan trọng nọ đòi thông qua những bài báo nói đến mình, làm như một bộ phận của Nhà nước lại có quyền phục hồi chế độ kiểm duyệt mà chính Nhà nước đã bãi bỏ. Do pháp trị thiếu sót, người ta đã làm những việc vu cáo và đe doạ chính trị trắng trợn…” (Nhân văn số 4, phát hành ngày 5.11.1956).

Sáu năm sau, vào năm 1961, “người ta đã trắng trợn vu cáo” Nguyễn Hữu Đang là gián điệp. Mười hai năm sau nữa thì đến lượt Nguyễn Đính bị vu cáo là CIA – theo như ghi nhận của chính nhà thơ, qua cuốn hồi ký thượng dẫn: :

“Khi ra Bắc, ai giao nhiệm vụ cho anh? Nhiệm vụ đó là nhiệm vụ gì? Anh đã gặp ai, ở đâu, bao giờ? Anh đã tổ chức họ như thế nào? Công việc của anh hiện nay đã tiến hành đến đâu? Anh phải nói thật, nói hết, không được giấu giếm. Sinh mạng của anh là do nơi sự thành khẩn của anh quyết định đó…”

Nguyễn Hữu Đang và Nguyễn Đính đều đã trải qua nhiều năm tháng não nề, ê chề, và cay đắng. Họ bị chôn sống nhưng nhất định không chịu chết. Hai ông, nói nào ngay, chỉ là hai nạn nhân tiêu biểu – của hai thế hệ kế tiếp nhau – đã dấn thân vào cuộc cách mạng vô sản (và vô hậu) ở Việt Nam.

Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Đào Duy Anh, Nguyễn Bính, Hoàng Cầm, Phùng Cung, Trần Dần, Trần Duy, Phan Khôi, Dương Bích Liên, Hữu Loan, Phùng Quán, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu… đều không còn nữa nhưng tâm cảm trân trọng và quí mến của mọi người dành cho họ chắc chắn sẽ còn lâu. Thế hệ của Nguyễn Đính (e) khó có mà nhận được tình cảm tương tự.

Sự nông nổi, ồn ào và lố bịch của nhiều người trong bọn họ khiến cho thiên hạ cảm thấy khó gần! Dù vở kịch cách mạng đã hạ màn từ lâu, lắm kẻ vẫn làm bộ như không có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra, vẫn cứ xưng xưng coi đó như Một Thời Để Nhớ, vẫn kịch cỡm viết sách tự phác hoạ Chân Dung của thế hệ mình và xem là tác phẩm đã “đưa giấc mơ đẹp’ của một thế hệ đến những thế hệ tiếp nối.”

Họ cố tình quên rằng chính hiến pháp của hai chế độ đệ I và đệ II Cộng Hoà của miền Nam Việt Nam, tuy non trẻ và yếu ớt, vẫn là đồ thật (chớ) không phải đồ sơn. Nó đã bảo vệ cho họ được sống như những con người, với những quyền tự do tối thiểu, để có được “những hình ảnh khí phách” và “những tháng ngày sục sôi” – thay vì bị đạp vào mặt chỉ vì đi tuần hành biểu lộ lòng yêu nước. Họ đã được chế độ hiện hành choàng vào người những vòng hoa (giả) nhưng cứ thế mà đeo mãi cho đến cuối đời.

Tội!


 

 DÂNG LÊN MẸ MARIA HOA LÒNG Ủ RŨ CỦA CHÚNG CON – Tuyết Mai

 Tuyết Mai

Lạy Mẹ Maria, Mẹ nhân ái, Mẹ hiển vinh! Đầu thư chúng con xin chúc Mẹ ngày Hiền Mẫu (Mother’s Day) được nhận vạn vạn hoa lòng do con cái trần gian của Mẹ dâng tiến lên ngai tòa Mẹ. Kế đến chúng con xin cảm tạ Mẹ tận đáy lòng sâu thẳm vì nhờ Mẹ cầu bầu lên Thiên Chúa ban cho con gái cả (tên thánh Maria) được sanh mổ bình thường, mẹ tròn con vuông và xin được trợ cấp của người mẹ đơn thân lo cho cả ba con nhỏ.


Cả gia đình chúng con thật là mừng vui khấp khởi vì điều chúng con xin mà cảm nhận như được trúng số độc đắc vậy thưa Mẹ. Nhưng ngoài chuyện sanh nở của con gái cả thì chúng con lại gặp sự cố trong gia đình giữa cha mẹ và con cái có dấu hiệu rạn nứt mà lại xẩy ra ngay thời điểm, cận ngày lễ Mother’s Day. Thật là buồn tê tái Mẹ ơi! Nhưng con hiểu bậc làm cha mẹ thì thương con cái thật nhiều. Hy sinh tất cả – Dốc hết tuổi thanh xuân, dốc hết sức lực (bào mòn thân xác) và hy sinh cả một đời nhưng rồi ở tuổi già thì nhận lại nỗi đau khó tả, khốn cùng.


Nhưng cảm tạ Chúa và Mẹ Maria vợ chồng chúng con cũng còn có nhau, lo lắng và chăm sóc cho nhau tuy cũng có những khó khăn ở cái tuổi già, như bệnh tật làm cho sức khỏe ngày càng suy yếu không cưỡng được. Nhanh hay chậm thì thời gian sẽ trả lời. Chúng con cố gắng giúp nhau cố gắng để có cuộc sống an yên, như tâm an thì mọi thứ sẽ được bình an với điều kiện là sóng gió từ ngoài đừng ảnh hưởng đến. Còn tất cả những gì ngoài khả năng thì chúng con dâng lên tất cả vào bàn tay quan phòng của Mẹ Maria và ba ngôi Thiên Chúa.


Lạy Mẹ Maria, Mẹ kính yêu! Bậc làm cha mẹ ai được Chúa ban cho sự khôn ngoan là luôn biết kính sợ Thiên Chúa thì còn hơn là được tìm thấy kho tàng. Nhưng còn thiếu chút xíu vụng về trong lời ăn tiếng nói, cách đối xử không mấy nhẹ nhàng và không mấy kiên nhẫn đối với con cái từ khi chúng còn nhỏ. Nhất là khi giận dữ làm chúng bị tổn thương. Nên để chúng con cái ghim mãi trong lòng và tới lúc chúng trưởng thành, (sẽ không biết là lúc nào) thì chúng sẽ bộc lộ ra thì thật là đau lòng lắm thưa Mẹ. Nhẹ thì đau lòng, còn nặng hơn thì chúng sẽ làm tổn thương cha mẹ cách có thể nhập viện.

**
Xin Mẹ Maria ban cho chúng con học được từ Mẹ tánh nhẫn nại, hiền hòa và độ lượng và luôn tha thứ cho chúng. Học được từ Mẹ sự mạnh mẽ và can đảm để đối mặt với hậu quả thật phũ phàng, có thể dẫn đến sự cắt đứt tình mẫu tử vì chúng con đã được thấy từ những người đi trước và rồi lần lượt đến chúng con đây.


Mấy hôm nay chúng con đau đớn lắm, cảm thấy như mình đã thất bại trong việc dạy dỗ con cái. Chúng nó có cố gắng học hành để được thành công (thành danh) trong đời là điều mà cha mẹ nào cũng hằng cầu nguyện cho chúng và cũng có rất nhiều con cái chúng hiện đang sống rất xa Thiên Chúa và rồi thì đến lúc chúng cũng dần chọn sống xa lánh cha mẹ của chúng luôn!?.


Lạy Mẹ Maria yêu dấu, hoa lòng của chúng con như đang bị tổn thương, ủ rũ và rơi rụng nhưng thân cây vẫn chưa chết. Xin Mẹ thương ban thêm can đảm để chúng con có thể sống một mình trong dòng đời mà rất có thể chúng con sẽ lội ngược dòng. Amen.

**

Y tá con Chúa,
Tuyết Mai
10 tháng 5, 2024

https://www.youtube.com/watch?v=AXSZ1iIZpt8    

Tiếc cho “hạt giống” tốt”-Truyen ngan

Truyện ngắn cuộc sống: “Tiếc cho “hạt giống” tốt”

Nhớ lần đầu, trông thấy thằng bé chừng 8 – 9 tuổi, chị ấn tượng, bởi cậu có gương mặt sáng láng, nói chuyện hoạt bát. Khi ấy, nó đặt túi giấy nhỏ trên bàn, giọng nài nỉ:

– Cô mua giúp con bịch hạt dẻ đi, nay ế quá!

Chị chỉ vào miếng xốp màu trắng thật dài, thằng nhỏ đang ôm ghì trong lòng, thắc mắc.

– Cái này… con mang theo làm gì?

Nó cười tươi, cầm miếng xốp lượn qua, lượn lại trước mặt chị, khoe:

– Đây là xe hơi của con! Cô coi nó chạy nhanh hông?

Niềm vui từ trò chơi “lái xe hơi” tưởng tượng, dường như khiến cậu bé quên cả công việc mưu sinh vất vả mỗi đêm.

– Con có đi học không?

Nó lúc lắc đầu, ánh mắt có vẻ thẹn thùng.

– Sao con không đi học?

Nó nắm chặt túi hạt dẻ, nhìn xuống đất, giọng nhi nhí:

– Nhà con khó khăn… đi bán hạt dẻ… phụ ngoại kiếm tiền!

Một chút chạnh lòng, chị mua giúp nó một túi hạt dẻ, không quên khen ngợi nó:

– Con có một vầng trán cao, đôi mắt rất sáng! Con hẳn là một cậu bé thông minh. Nếu đi học, con nhất định sẽ học rất giỏi!

Nó cười tủm tỉm, gương mặt vừa tự hào, pha chút ngại ngùng. Từ hôm ấy, hễ gặp chị ở đâu là nó đưa tay vẫy chào đầy mến mộ.

Một hôm ghé quán cũ, vừa gặp nó, chị làm bộ rầu rĩ, thở than:

– Nay cô đang buồn lắm! Không mua hạt dẻ đâu!

Thằng nhỏ vội ngồi xuống kế bên, nhìn chị lo lắng, hỏi:

– Cô buồn tình hả?

Dù muốn bật cười, trước câu hỏi lạ đời của cậu bé mới tí tuổi đời nhưng chị vẫn “cố gắng” giữ vẻ mặt âu sầu. Chị lắc đầu. Nó lại đoán già, đoán non:

– Vậy chắc là cô buồn tiền rồi?

Không chờ chị trả lời, nó nhanh nhẹn, móc trong túi ra mấy chục ngàn tiền lẻ, chìa ra.

– Con cho cô tiền nè! Cô đừng buồn nữa!

Đến nước này, chị không thể “diễn kịch” được nữa. Chị mỉm cười, cảm kích trước tấm lòng hào sảng của cậu bé.

Chị nhận ra: Người lớn đôi khi chỉ tặng cho trẻ con, một ngọn lửa nhỏ, chút quan tâm nhưng không ngờ, chúng sẽ tặng lại họ, cả mặt trời yêu thương ấm áp, một cách vô tư lự, chẳng hề tính toán, so đo…

– Mà sao con lại đoán: Cô không buồn… tình thì là buồn… tiền?

Nó cười bẽn lẽn, triết lý như một ông cụ non.

– Thì con thấy người lớn… chỉ có hai chuyện đó làm họ buồn thôi!

Khi nó quay đi, chị cứ nhìn theo cái dáng nhỏ xíu xiu của nó, từ phía sau mà tiếc thầm: “Đôi khi, một hạt giống tốt còn phải may mắn… gặp được một miếng đất màu mỡ, mới có cơ hội sinh trưởng, phát triển rực rỡ… . Nếu được sinh ra trong gia cảnh tốt, biết đâu, con sẽ có một cuộc đời khác đi…!?”.

Chị hy vọng, mai này, trên bước đường mưu sinh, vạn ngã rẽ, cậu bé có gương mặt sáng ngời kia sẽ như một hạt giống, gặp may, được cơn gió cuộc đời, thổi đến vùng đất hứa…tốt tươi.

Tác giả: Nguyễn Nga

(Trích từ tập truyện ngắn những câu chuyện giúp nuôi dưỡng tâm hồn)

Nếu thấy câu chuyện hay, ý nghĩa, bạn đọc đừng quên chia sẻ nhé!

From: haiphuoc47 & NguyenNThu


 

GIA ĐÌNH THIÊN LINH – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Chúa Cha yêu mến các con, vì các con yêu mến và tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến!”.

W. Davis nói, “Danh tiếng là những gì người ta nói về bạn trước bia mộ bạn; tính cách là những gì thiên thần nói về bạn trước ngai Thiên Chúa. Danh tiếng là những gì bạn có khi đến một cộng đồng; tính cách là những gì bạn có khi rời cộng đồng đó. Nhưng từ nơi ấy, người ta biết một điều, bạn là con cái Thiên Chúa, bạn thuộc về một ‘Gia Đình Thiên Linh!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ khá bất ngờ khi Lời Chúa hôm nay tiết lộ bạn và tôi là những con trai con gái yêu quý của Thiên Chúa, bạn và tôi thuộc về một ‘Gia Đình Thiên Linh!’: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần!

Bài đọc Công Vụ Tông Đồ cho thấy cách thức các tín hữu sơ khai nâng đỡ lẫn nhau! Apollô, một nhân vật ‘rất ấn tượng’ với kiến thức Thánh Kinh vững chắc; vậy mà anh cần vợ chồng Priscilla – Aquila dẫn dắt. Apollô có những quà tặng mà đôi bạn này không có; đôi bạn này sở hữu những điều mà Apollô không có. Để có thể lớn lên trong đức tin, mỗi người ‘cho đi’ và ‘nhận lại’. Là thành viên của gia đình Hội Thánh, chúng ta có bổn phận ‘bổ trợ’ cho nhau đang khi cùng nhau chia sẻ một sứ vụ là mở rộng Vương Quốc. Nhờ đó, dân các nước có thể ca khen, “Thiên Chúa là vua toàn cõi địa cầu!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu mở rộng cộng đồng đức tin đó lên một cấp độ cao hơn, với một trương độ có chiều kích phổ quát hơn. Đó là Gia Đình Thiên Chúa Ba Ngôi, nền tảng của mọi gia đình, mọi cộng đồng! Ngài nói đến Chúa Cha bằng những ngôn từ đẹp đẽ nhất, “Chúa Cha yêu mến các con, bởi các con yêu mến và tin Thầy!”. Trong Chúa Giêsu, bạn và tôi được kết hiệp với Chúa Cha nhờ tình yêu của Chúa Thánh Thần; để từ đó, cung lòng mỗi người là thánh thất của Chúa Ba Ngôi và là thánh điện của Thánh Thần Ngài!

“Toàn bộ cuộc sống Kitô hữu xoay quanh mầu nhiệm Ba Ngôi! Vì vậy, hãy giữ cho cuộc sống mình ở một ‘cung bậc’ và một ‘cung điệu tầm cao!’. Hãy nhớ, vì vinh quang Thiên Chúa mà chúng ta tồn tại, làm việc, chiến đấu và chịu đựng. Như thế, bạn ‘được gọi để tham dự vào sự sống và tình yêu của gia đình Thiên Chúa’ rạng ngời vinh quang!” – Đức Phanxicô.

Anh Chị em,

“Được gọi để tham dự vào sự sống và tình yêu của gia đình Thiên Chúa” là ơn gọi của bạn và tôi! Nói đến “gia đình” là nói đến thông truyền sự sống; nói đến Thiên Chúa là nói đến một Đấng trên cao! Được làm con cái Chúa, chúng ta được nâng từ đất thấp lên trời cao; từ tội lỗi đến thánh thiện; từ tầm thường đến phi thường! Từ đó, mọi hành vi cử chỉ của chúng ta không chỉ là một ‘hành vi nhân linh’; nhưng còn là một ‘hành vi thiên linh’; không chỉ thông truyền sự sống tự nhiên, chúng ta thông chuyển sự sống siêu nhiên. Trong Chúa Kitô, chúng ta là con trai con gái của Thiên Chúa, chúng ta thuộc về trời cao, không phải thuộc về đất thấp. Vì thế, từ đây, bạn đừng chỉ tìm “danh tiếng người ta nói về bạn”, nhưng hãy sống “tính cách mà các thiên thần sẽ nói về bạn trước ngai Thiên Chúa!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con biết, con thuộc về ai và mục đích đời con là gì! Đừng để con sống một cuộc sống không xứng tầm ‘cung bậc’ và ‘cung điệu tầm cao’ của một người con Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

****************

Thứ Bảy Tuần VI – Mùa Phục Sinh

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

23b Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thật, Thầy bảo thật anh em : anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. 24 Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.

25 “Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em. Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở. 26 Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em. 27 Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến. 28 Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Nay Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha.”


 

KHÚC DẠO ĐẦU CHO MỘT NIỀM VUI – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 “Đừng sợ! Cứ nói đi, đừng làm thinh; vì Thầy ở với anh!”.

Trong cuốn “Cuộc Nổi Loạn Thánh”, “A Holy Rebellion”, Thomas Ice & Robert Dean đặt vấn đề, “Khi nào chúng ta hành động như Satan?”. Câu trả lời đơn giản là “Khi bạn và tôi đặt lợi ích bản thân trên lợi ích của Chúa Kitô; và khi chúng ta coi khổ đau và thử thách như một thất bại, bế tắc, thay vì coi đó như là khúc dạo đầu cho một niềm vui!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu có cùng một quan điểm với hai tác giả trên. Thông điệp “Thầy ở với anh!” dành cho Phaolô – bài đọc một – cũng là thông điệp Ngài gửi cho các môn đệ mọi thời; trong đó, có bạn và tôi! Rằng, khổ đau, bắt bớ, chỉ là ‘khúc dạo đầu cho một niềm vui!’.

Khi căn dặn, “Cứ nói đi, đừng làm thinh!”, Chúa Giêsu muốn xác nhận những gì rồi đây Phaolô sẽ chịu là có thật! Việc người ta sẽ tìm cách bịt miệng Phaolô là  thật! Việc người ta sẽ tìm cách bịt miệng Phaolô là có thật! Việc chống lại lời Phaolô rao giảng là có thật! Vì thế, Ngài trấn an, “Vì Thầy ở với anh; không ai tra tay hại anh được!”. Qua đó, Chúa Giêsu cho biết bách hại, tù đày Phaolô và các môn đệ Giêsu mọi thời sẽ gánh chịu, là những gì phải đến trước; và nó là ‘khúc dạo đầu cho một niềm vui’, niềm vui được nên giống Thầy. Và còn hơn thế, nó là niềm vui ‘Thiên Chúa được nhận biết’. Dân thành này rồi sẽ tuyên xưng cùng với dân các thành khác; rằng, “Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu” như Thánh Vịnh đáp ca xác tín!

Khẳng định của Chúa Giêsu về những gì phải đến sẽ đến càng rõ nét hơn với bài Tin Mừng. Ngài thừa nhận những gì đang ở phía trước, “Các con sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng”. Nhưng Ngài kịp hứa, “Thầy sẽ gặp lại các con!”; nghĩa là, “Thầy sẽ ở cùng các con, với các con, trong các con!”. Và không thể tin được! Chúa Giêsu dùng một hình ảnh sống động, thú vị, tưởng như Ngài từng trải nghiệm, “Người phụ nữ sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian”. Ngài bảo đảm rằng, sự hiện diện thường xuyên của Ngài sẽ giúp chúng ta vượt qua bất cứ nghịch cảnh nào; bất cứ điều gì xảy ra cũng chỉ là ‘khúc dạo đầu cho một niềm vui’ lớn hơn, niềm vui có Ngài!

Anh Chị em,

“Vì Thầy ở với anh!”. Đó cũng là điều Thiên Chúa thường hứa với những ai Ngài gọi để trao một sứ vụ. Khi sai Môsê đi giải phóng dân, ông hỏi một đàng, “Con là ai mà dám ra trước Pharaô?”; Chúa trả lời một nẻo, “Ta sẽ ở cùng ngươi!” – một tên mới của Môsê! Trong biến cố Truyền Tin, “Mừng vui lên, Đấng đầy ân sủng, ‘Chúa ở cùng bà!’”. Mỗi Thánh Lễ, chúng ta chào nhau, “Chúa ở cùng anh chị em!”, “Và ở cùng cha!”. “Có Chúa ở cùng”, một sự thật đáng vui mừng! Ngài là Emmanuel ở cùng chúng ta như đã ở với Con Một Giêsu trọn cuộc sống dương thế. Vì thế, bao khốn khổ, đớn đau Chúa Giêsu chịu, kể cả cái chết trên thập giá… tất cả chỉ là ‘khúc dạo đầu cho một niềm vui’ lớn hơn, “Niềm Vui Phục Sinh”. Và còn hơn thế, “Niềm Vui Phúc Kiến” bên Cha đời đời, vốn đã tiềm tàng cuối chân trời mà chúng ta đang hướng về – Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con xác tín, Chúa đang cầm trên tay triều thiên long lanh của con; vì thế, mọi ‘thánh giá mềm cứng’ đời con chỉ là ‘khúc dạo đầu cho một niềm vui’ lớn hơn!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

**************

Thứ Sáu Tuần VI – Mùa Phục Sinh

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

20 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thật, Thầy bảo thật anh em : anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. 21 Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình ; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian. 22 Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng ; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được. 23a Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa.”

Vụ tai nạn xe VinFast ở Bắc California: Tay lái từng bị trục trặc

Ba’o Nguoi-Viet

May 8, 2024

PLEASANTON, California (NV) – Chiếc xe hơi điện VinFast chở gia đình bốn người tông cột đèn và thiệt mạng ở Bắc California tháng trước, từng bị trục trặc tay lái, Bộ Giao Thông (DOT) loan báo, theo đài truyền hình địa phương KRON hôm Thứ Tư, 8 Tháng Năm.

Có người nộp đơn khiếu nại lên trang web Cơ Quan An Toàn Giao Thông Xa Lộ Quốc Gia (NHTSA) năm ngày sau vụ tai nạn thảm khốc làm thiệt mạng ông Tarun George, vợ ông là bà Rincy George, cùng hai đứa con nhỏ của họ, bé Aaron George, 9 tuổi, và Rowan George, 13 tuổi. Đơn khiếu nại này gồm nhiều chi tiết có vẻ đúng với tình huống vụ tai nạn.

Xe hơi điện VinFast VF8. (Hình minh họa: Apu Gomes/AFP via Getty Images)

Người nộp đơn khiếu nại cho hay họ mới là chủ chiếc VinFast VF8 và người lái xe lúc xảy ra vụ tai nạn là đồng nghiệp của họ.

Trước vụ tai nạn, chiếc xe này từng bị trục trặc tay lái, “cứ tự động lái sang bên phải,” theo đơn khiếu nại. Tình trạng này xảy ra khi bật tính năng hỗ trợ giữ làn đường “thì nó cứ tự động làm dịch chuyển tay lái,” theo đơn khiếu nại.

Đơn khiếu nại lo ngại rằng tình trạng “trục trặc này tái diễn” vào lúc xảy ra vụ tai nạn làm thiệt mạng gia đình ông George.

Trang web NHTSA liệt kê một lần thu hồi và chín đơn khiếu nại liên quan tới xe VinFast VF8 2023.

Trong số chín đơn khiếu nại đó, ba đơn báo cáo trục trặc tay lái, hai đơn liên quan tới kiểm soát tốc độ của xe, hai đơn liên quan tới chạy lệch làn đường, và hai đơn về tránh đụng xe.

Một đơn khiếu nại khác trên trang web NHTSA cho hay xe VinFast VF8 “bất thình lình quẹo đại” và suýt đụng xe hai lần.

“Cảm biến đụng xe phía trước và cảm biến giữ làn đường không hoạt động khi nắng chiếu trực tiếp,” một đơn khiếu nại khác cho biết.

“Tính năng bảo đảm an toàn không hoạt động” khi có sương mù dày đặc, mưa hoặc ánh sáng chiếu vào camera hay cảm biến, theo một đơn khiếu nại khác.

VinFast cũng thu hồi lô xe điện đầu tiên giao cho thị trường Mỹ vì vấn đề an toàn. Lô xe điện này bị thu hồi vào Tháng Năm, 2023, do màn hình không hiện lên thông tin an toàn thiết yếu như đồng hồ tốc độ hoặc đèn cảnh báo, “nên có thể làm tăng rủi ro đụng xe,” NHTSA cho hay.

Gia đình ông George thiệt mạng ở Pleasanton khi đang trên đường từ nhà bạn về nhà họ khoảng 9 giờ tối ngày 24 Tháng Tư. Theo cảnh sát Pleasanton, xe bị lạc tay lái, tông cột đèn, gốc cây trên đường Foothill rồi bốc cháy.

Cảnh sát vẫn đang điều tra vụ tai nạn.

VinFast ra thông báo cho hay: “VinFast có biết vụ tai nạn bi thảm này ở Pleasanton và chúng tôi thương cảm gia đình này. Cơ quan hữu trách đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn và khi nào điều tra xong, họ sẽ công bố kết quả.” (Th.Long) [qd]


 

 Đứng lên từ nền giáo dục căm thù và đớn hèn

 Ba’o Nguoi-Viet

May 6, 2024

Tuấn Khanh/SGN

Có lần ngồi nói chuyện nước non với chị T., người đang sống ở Úc, tôi được nghe chị tâm sự đời giáo viên sau 1975. Chuyện cũng lắm vui buồn.

Chị T. kể ông hiệu trưởng mới từ miền Bắc vào, cầm theo những giáo trình của chế độ mới và yêu cầu chị phải học thuộc và dạy đúng như vậy. Chỉ trong vài ngày đầu, chị đột nhiên trở thành người đối địch tư tưởng với ông hiệu trưởng mới, được biết là lúc đó chưa học đến lớp 5.

Điều chị T. không thể hiểu được rằng trong các bài giảng mới, chị phải dạy những bài học gọi là “Con trâu đánh Mỹ,””Con ong đánh Mỹ,” với những đứa học sinh nhỏ bé của mình. Chị cảm thấy bất thường trong bài giảng cho nên đi gặp ông hiệu trưởng và hỏi rằng tại sao cứ “dạy con gì cũng đánh Mỹ hết để làm gì?,” nhất là khi chiến tranh đã chấm dứt và người Mỹ cũng không còn ở Việt Nam. Ông thầy hiệu trưởng cũng không giải thích được, nhưng nói đó là chủ trương để giáo dục trẻ em về lòng căm thù. Bắt buộc!

“Tại sao không dạy con trâu cày ruộng giúp cho người nông dân, hay con ong hút mật để đem hoa trái cho đời?,” chị T. hỏi với sự chân thành của một nhà giáo sau chiến tranh và nghĩ về chuyện xây dựng đất nước trong thanh bình. Nhưng ông hiệu trưởng gạt phắt và coi chị như là một đối tượng tàn dư nguy hiểm. Đôi khi nhìn ra cửa sổ, chị thấy ông hiệu trưởng đeo súng đang lén nhìn, như theo dõi buổi dạy của chị. Ít lâu sau chị xin nghỉ dạy về nhà để buôn bán vì cảm thấy mình không còn ở trong một môi trường làm việc bình thường.

Chuyện phản ứng với các chương trình giáo dục, bài học giáo khoa… vẫn là điều rất bình thường trong xã hội. Vì theo nhu cầu của đời sống hay sự tiến bộ của xã hội mà đôi khi, những tiếng nói đòi thay đổi vẫn xuất hiện với sức mạnh và lý lẽ của nó.

Chẳng hạn ở Mỹ, từng có những cuộc biểu tình lớn của sinh viên da màu về những bài học lịch sử của ông cha họ khi đặt chân đến nước Mỹ, mà họ cho rằng hiện tại không phản ánh hết về câu chuyện của người dân da màu đã sống, đã chịu đựng, kể từ ngày đầu lập quốc. Việc đòi hỏi phải có chương trình giáo dục đúng và đủ về sự có mặt của người da màu ở nước Mỹ, đã bắt đầu từ năm 1973, ở trường Trung học Clarksdale, Mississippi, dấy lên thành nhiều phong trào.

“Với quyền bình đẳng, người da màu không thể học mãi về lịch sử của người da trắng và coi đó là lịch sử của mình,” Jonathon Harris, chủ tịch Hội Học Sinh Trung Học Clarksdale, có câu nói quyết định với ban giám đốc của trường như vậy. Điều đó khiến các nhà lập pháp các tiểu bang phải ngồi vào bàn họp và tranh cãi rất nhiều về điều này.

Câu chuyện nghề giáo viên của chị T. trở nên vô nghĩa và đi vào bóng tối khi phản ứng về các bài giảng. Dù chị đứng lên một mình và đòi hỏi phải có được hình ảnh giáo dục đúng về tự nhiên, mà không bị gán ghép vào một cuộc chiến tranh đẫm máu, mà vốn đã chấm dứt.

Khi kể đến đây, chắc nhiều người làm trong ngành giáo dục miền Nam sau năm 1975 cũng có những câu chuyện tương tự – và chắc chắn là thất bại – nhưng họ không ngại cất tiếng nói cần thiết, đúng với lương tâm giáo chức về công việc của mình.

Từ đó đến nay, một chặng dài với những thay đổi về giáo dục trong xã hội Việt Nam, cũng như cách ứng xử của phụ huynh, xã hội đối với các bộ sách giáo khoa bị cải cách liên hồi ở Việt Nam.

Người ta nhìn thấy có không ít những bài phê bình sách giáo khoa về bài học, từ ngữ, dụng ý lịch sử… và những lời tranh cãi cũng xuất hiện không ít. Nhưng tổng thể, chủ yếu vẫn loanh quanh ở một số thứ “có thể góp ý,” còn ngoài ra những gì thuộc về hệ thống, giới phụ huynh hầu như không dám để mắt đến. Một sự tránh né có tập tính và chủ động.

Ví dụ, chẳng có tiếng nói nào của giới phụ huynh về nhu cầu cho con em mình được học, biết nhiều hơn về cuộc chiến 1979, hay cuộc xâm lược của Trung Quốc Gạc Ma năm 1988… Biểu thị quyền công dân và trách nhiệm với con cháu của mình, gần như đã bị biến mất trong đa số phụ huynh, với một nỗi sợ mơ hồ, rồi lẩn tránh xung quanh những chuyện ngày thường ruỗng mòn khác.

Mới đây báo chí đưa tin về chuyện một phụ huynh ở trường quốc tế “kinh hãi” khi biết một giáo viên cho các học sinh lớp 11 của mình tham khảo về cuốn sách của nhà văn Ocean Vương. Theo ngôn từ của việc phụ huynh này mô tả đây là cuốn sách hết sức “khiêu dâm.” Lập tức ý kiến này trở thành chuyện tranh cãi của xã hội mạng cũng như xuất hiện cách nói vuốt đuôi, cho qua chuyện của Sở Giáo Dục.

Bản tin không nói rõ rằng vị giáo viên đó copy một số trang của sách (đã được kiểm duyệt và in chính thức ở Việt Nam) để cho học sinh xem, hay copy cả một cuốn sách. Và cũng không được nghe lời giãi bày của vị giáo viên đó, trong việc giới thiệu cuốn sách hay đoạn sách với học sinh của mình là tham khảo với mục đích gì.

Xã hội đột nhiên như nhỏ dại, và thiếu trưởng thành qua những tiếng hô hoán và sợ hãi về từ ngữ “khiêu dâm” trong một tác phẩm văn học thuần túy, với nỗi lo lắng rằng con em của mình đang bị nhiễm phải những điều hư tật xấu, bất luận dục tính được mô tả và phơi bày trên báo chí giải trí Việt Nam, mỗi ngày bùng nổ, thậm chí còn trực quan hơn những trang sách đó.

Chưa thấy hội phụ huynh hay Hội Phụ Nữ Việt Nam chẳng hạn, có được những ý kiến tập thể gửi về, để đề đạt với báo chí, rằng hãy giảm bớt những câu chuyện nhục dục câu khách trên báo chí, bớt những điều có hại với con trẻ của mình.

Tôi còn nhớ thời niên thiếu của mình được học về câu chuyện chị Sứ trong sách giáo khoa. Bài tập đọc đó mô tả thằng giặc cầm cây dao phay chặt đầu chị Sứ đến ba lần nhưng không đứt, do tóc chị dày quá. Vất vả lắm, cuối cùng thì mới chặt được đầu chị.

Câu chuyện ghê sợ đó ám ảnh tôi suốt một thời gian dài, và tạo cho tôi một ác cảm nhồi sọ về những “giặc ác” – cho đến một ngày, tôi như kẻ chìm tàu lên được bờ – mới biết rằng đó chỉ là một cuốn tiểu thuyết, và câu chuyện chị Sứ đó, cũng là một câu chuyện không có thật.

Nếu tôi là phụ huynh cần phản ứng về một kiểu giáo dục nào đó, tôi sẽ đứng lên và yêu cầu bỏ những bài tập đọc khủng khiếp đó ra khỏi những nền giáo dục Việt Nam, bao gồm cả các câu chuyện hoang đường Kpa K’lơng một viên đạn bắn xuyên táo chết 7, 8 thằng Mỹ, hay cậu thiếu niên nào đó tên Lê Văn Tám tự mình tẩm xăng, chạy như một thiên thần Marvel băng vào đồn vũ khí của giặc, quyết tâm như một con trâu, hay một con ong đánh giặc.

Tôi sẽ đến gặp nhà trường, nơi có vị giáo viên đang giao tác phẩm của Ocean Vương vào tay học sinh lớp 11, và nói rằng xã hội hôm nay có lẽ chưa đủ lớn để tiếp nhận những điều này, mặc dù thế hệ cha anh của nó trước năm 1975 ở lớp 11, 12 đã ngồi thảo luận với nhau về tình dục phân tâm học của Sigmund Freud.

Nhưng tôi sẽ cố gắng nói với nhà trường, nơi có những bài học về chuyện giỏi giết người trong chiến tranh, vốn vẫn đang được nuôi dạy hàng ngày, rằng con cháu của tôi ngày hôm nay không cần những câu chuyện như vậy, mà nó cần hơn những bài học về tình yêu đất nước và thề trở thành những người không tham nhũng, vô trách nhiệm, tàn hại quê hương của mình.

Tôi cũng sẽ nói với nhà trường nào đó, vào dịp 30 Tháng 04, tổ chức cho những học sinh tiểu học mặc đồ bộ đội và đi trên xe tăng giả để diễu hành mừng “ngày giải phóng miền Nam,” rằng tôi ước mơ được thấy hàng dài những học sinh tiểu học đó, mỗi đứa nhỏ được thể hiện tương lai của mình, là phi công, bác sĩ, kỹ sư, phi hành gia, nhà giáo… Ước mơ chúng đứng lên với những cuộc đời tử tế.

Cuộc đời của chúng nhất định không bị lôi đi cùng với súng đạn và xe tăng, cùng với sự kiêu hãnh ngu xuẩn; mà chúng sẽ dành sức để xây dựng đất nước này trong thanh bình, trong tình người, cùng với sự dũng cảm nhìn thẳng vào những điều cần phải thấy, và hơn hết, sẵn sàng lên tiếng đúng lúc, đúng chuyện, như một người Việt thật sự trưởng thành.