Xin Sống Lại Một Lần.

Xin Sống Lại Một Lần.

Nếu tôi được sống thêm lần nữa
Sẽ về ngồi lắng đọng giữa chiều quê
Bên sông nhỏ trôi qua làng tĩnh lặng
Soi bóng mình, nghe lúa hát ven đê.

Nếu tôi được sống thêm lần nữa
Với bạn hiền cùng dạo phố sau mưa,
Tìm một chỗ bên dòng đời vội vã
Ngắm chiều rơi.. đồng vọng tiếng chuông chùa..

Nếu có thể xin thuyền đời trôi ngược
Chở tôi về thắm lại buổi hoa niên.
Sống hiện tại thong dong không ràng buộc
Không ” thả mồi bắt bóng ” để truân chuyên.

Giá như được sống thêm lần nữa
Sẽ mỉm cười chấp nhận nỗi đau riêng
Lưng cúi xuống bên những đời bất hạnh
Mắt tình thương xin xóa dịu ưu phiền..

Nếu có thể, xin bắt đầu Sống lại
Thôi tháng ngày rồ dại.. chuốt ăn năn
– Dẫu biết kiếp nhân sinh là hữu hạn
Lòng tôi còn chan chứa tận nghìn năm!

Xin sự sống cho tôi lần cơ hội
Để tâm tình mở lối, biết khoan dung
Nhìn nhân thế khộng vội vàng kết tội

Hiểu và Thương mong trải đến vô cùng…

Thích Tánh Tuệ

(Viết thay cho tâm trạng của một người đang cận tử bởi cancer)

Phục Sinh Thắp Sáng Niềm Mơ

Phục Sinh Thắp Sáng Niềm Mơ

Phục sinh tỉnh thức tâm hồn

Niềm tin hồi phục hoàng hôn cuối đời

Tạ ơn cao Đức Chúa Trời

Hy sinh con một cứu người lầm than

Bao ngàn năm chuông ngân vang

Dưới chân thập tự lệ tràn niềm vui

Tội xưa đã được chôn vùi

Tâm tư tẩy sạch ngậm ngùi thứ tha

Mỗi ngày thêm nét hài hòa

Truyền rao danh Chúa, thăng hoa cho người

Môi khô lại nở nụ cười

Rạng đông thánh lễ giữa trời tinh sương

Đem chiên lạc lối lầm đường

Về miền vinh hiển yêu thương thanh bình

Tạ ơn Chúa mỗi bình minh

Lòng thầm khấn nguyện vững tin nơi Ngài

Hôm qua, hôm nay, ngày mai

Thánh kinh cuốn quyện vóc hài Chúa ban .

Mùa Phục Sinh

4-4-2015

  • ĐT Minh Giang

MỘT CÂU CHUYỆN TẦM THƯỜNG ĐẾN THẾ !

MỘT CÂU CHUYỆN TẦM THƯỜNG ĐẾN THẾ !

LM. Giuse Trương Đình Hiền

Gần hai ngàn năm,
Nhân loại nghe hoài một chuyện kể,
Chuyện kể của bà Maria
trên đường về từ Ngôi Mộ Trống :

“Tôi đã thấy nấm mồ của Đức Ki-Tô.
Người đã sống lại và ra khỏi mồ.
Người đang sống vinh quang” [1]

Một ngôi mồ trống,
Qua chứng từ của một cô thôn nữ tiểu tốt vô danh,
Một câu chuyện quá tầm thường, quá giản đơn,
Nhưng mau chóng đã trở thành “Tin Vui vĩ đại” ?

Một Tin Vui đã làm nên bao điều kỳ lạ,
Đã vươn xa Khỏi vùng đất khô cằn sỏi đá Palestina
Đã vượt biên đến mọi miền thế giới bao la,
Mà ngươi mang tin vui, cũng lại là,
Những cô, những cậu mang thân phận khó nghèo khiêm tốn.

Và từ lời chứng của Maria,
Cho đến bảng “Tin Vui”,
Của hàng hàng lớp những thế hệ tông đồ tiếp nối,
Cũng chỉ được dệt đan, thêu thùa, trau chuốt…
Mà nội dung cốt yếu vẫn chỉ là :
“Ngôi Mộ Trống và Một Đấng Phục Sinh”.

Thì ra đây,
Là đích điểm của một chuyện tình,
Một giao ước giữa Thượng đế với con người,
đã hình thành trước ngàn muôn thế kỷ.

Ngôi Mộ trống trên đồi Gô-gô-tha thuở ấy,
Đã ôm trọn cả chiều dài của lịch sử con người,
Từ xa tắp cát bụi A-đam
cho đến tiếng khóc oa oa của em bé sau cùng trên trái đất…
Mộ trống của tối tăm, ngục tù chết chóc,
Của đau thương, tội lỗi, thất vọng, đọa đầy…
Mộ trống của muôn kiếp phận xưa nay,
Bị giam kín dưới quyền lực của tử thần âm phủ.

Nhưng viên đá lấp mộ,
Đã lăn ra vào buổi sáng tinh mơ ngày thứ nhất,
Buổi sáng diệu kỳ làm lóa mắt người thôn nữ Maria,
Một người đã chết,
một một Đấng Phục Sinh đầy uy dũng bước ra,
Bỏ lại sau lưng cánh cửa mộ âm u,
Cùng với lịch sử nhân loại với cả con đường hầm tăm tối.

Để có được giây phút bình minh rạng rỡ ấy,
Thiên Chúa đã phải lặn lội,
Đi qua bao ngàn năm chắp nhặt dựng xây.
Dãy dỗ, bảo ban, ước hẹn vơi đầy,
Mà đích điểm chính là quà tặng :
Ban Con Một hiến thân làm hy lễ.

Thì ra, đâu chỉ giản đơn là chuyện kể,
Mà “Ngôi Mộ trống” của ngươi thôn nữ Maria,
Một chuyện tình vĩ đại mang tên : cứu độ giao hòa
Một chiến thắng của tình yêu và ân sủng.

Đã lâu rồi, Thiên Chúa vẫn luôn làm chuyện lớn
Bằng những sự kiện tầm thường, khiêm hạ, giản đơn.
Và câu chuyện “Mồ trống” cách đây hai ngàn năm,
Lại là chuyện lớn nhất trong “trường ca cứu độ”.

Tin Mừng Phục Sinh và câu chuyện “Mộ Trống” đó,
Sẽ cứ mới hoài cho đến mãi ngàn sau !

LM. Giuse Trương Đình Hiền

[1] Một đoạn lời trong bài “hoan ca Phục Sinh” của ns. Hùng Lân

Mai tôi đi… …. Mốt tôi đến…

Mai tôi đi… . . . Mốt tôi đến…


Mai tôi đi…chẳng có gì quan trọng,Mốt tôi đến… đó mới là quan trọng

Lẽ thường tình, như lá rụng công viên  … Về quê trời, là ước vọng tương lai

Như hoa rơi trước gió ở bên thềm,      … Nơi yên vui không cần đến tiền tài

Chuyện bé nhỏ giữa giòng đời động loạn .. Danh với vọng chẳng ai mơ màng tới


Trên giường bệnh, Tử Thần về thấp thoáng, Bệnh chẳng sợ vì hồn đang phơi phới

Xin miễn bàn, thăm hỏi hoặc cầu an,      .. Có đến thăm xin hãy đợi đôi ngày

Khi xác thân thoi thóp trút hơi tàn,         .    . Vì hồn tôi như nửa tỉnh nửa say

Nằm hấp hối đợi chờ giờ vĩnh biệt.         .. Và vui sướng đêm ngày không biết tới!


Khoảnh khắc cuối… Đâu còn gì tha thiết… Trong khoảnh khắc là ngàn năm hạ giới

Những tháng ngày hàn nhiệt ở trần gian   …. Chẳng sợ gì mà đợi để đến sau

Dù giàu sang hay danh vọng đầy tràn         ….Nơi giàu sang đều hưởng lợi như nhau

Cũng buông bỏ trở về cùng cát bụi…      . . Miền Miên Viễn sẽ toàn màu tuyết trắng!


Sẽ dứt điểm đời phù du ngắn ngủi,  .. Không tranh chấp, mà những ngày phẳng lặng

Để đi vào ranh giới của âm dương,        …Cứ vào đi Ngài luôn sẵn đợi chờ!

Không bàng hoàng trước ngưỡng cửa biên cương, Cõi Vĩnh Hằng toàn đẹp đẽ như mơ

Bên trần tục, bên vô hình cõi lạ…           ….Không dành dựt bon chen như bên nớ


Chỉ ước nguyện tâm hồn luôn thư thả,Hãy dứt khoát khi trả xong món nợ

Với hành trang thanh nhẹ bước qua nhanh,   …Bỏ lại sau đừng tìm cớ đợi chờ

Quên đàng sau những níu kéo giựt dành,    …Hãy yên lòng và đừng có thờ ơ

Kết thúc cuộc lữ hành trên dương thế…        …Chết không hết, mà đổi bờ sang bến


Mắt nhắm rồi… Xin đừng thương rơi lệ,     ..  … Khi tôi chết hãy thắp lên ngọn nến

Đừng vòng hoa, phúng điếu hoặc phân ưu  …  . Ở trong lòng vì thương mến anh em

Đừng quay phim, chụp ảnh để dành lưu.     …   . Hãy nghĩ rằng như nằm ngủ qua đêm

Gây phiền toái, nợ thêm người còn sống       …  .Vào giấc mộng êm đềm chưa thức giấc


Ngoảnh nhìn lại, đời người như giấc mộng,   . Sống với chết thật gần trong gang tấc

Đến trần truồng và đi vẫn tay không.           . . . Đời bên kia mới thật sẽ bền lâu

Bao trầm thăng, vui khổ đã chất chồng,        ..  .Nơi yêu thương và hết sức nhiệm mầu

Nay rũ sạch…lên bờ, thuyền đến bến…         .. .. Vì công lý trước sau là như một


Nếu tưởng nhớ..Xin âm thầm cầu nguyện    . . .  .Trong cuộc sống hãy cố làm việc tốt

Nên xem như giải thoát một kiếp người. . . ...Yêu thương nhau đừng dại dột hại người

Cứ bình tâm, thoải mái với vui tươi,          . .. Tâm hồn ta sẽ mai mãi thảnh thơi

Kẻ đi trước, người sau rồi sẽ gặp…          …. Hồn với xác sẽ sống đời Thần Thánh

TÔI CHẾT RỒI XIN HÃY ĐỂ TÔI YÊN

Lời mẹ Nguyễn Thị Thứ ( 1904-2010) gửi bức tượng đá “MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG” mang tên mình :

thanhnientudo /


TÔI CHẾT RỒI XIN HÃY ĐỂ TÔI YÊN

Thơ Trần Mạnh Hảo

Sao các ông nỡ biến tôi thành bức tượng đá pháo đài bay B-52
Cả đời tôi bị máy bay này rải thảm
Chồng tôi và chín người con trai tử trận
Hai con rể một cháu ngoại hi sinh

Tôi chưa đủ đớn đau hay sao, còn làm tội làm tình ?
Còn biến tôi thành pháo đài bay hung ác
Sao lại biến tôi thành con nhân sư Ai Cập
Tôi chết rồi không vồ được ai đâu…

Hãy chôn cất tôi đừng để ló cái đầu
Tôi có tội gì đâu mà chôn sống tôi vào núi
Cả đời chôn cất chồng con, đầu tôi lặng cúi
Sao lại tạc mặt tôi hãnh tiến dường này ?

Tôi thuần Việt mà, đâu có lai Tây
Sao gương mặt tượng tôi y chang bà mẹ Mỹ ?
Cả đời tôi đói nghèo nuôi chiến sỹ
Hãy trả bốn trăm mười một tỉ đồng lại cho dân
Số tiền đó dùng chôn tôi vào trùng trùng đá xám
Ôi Mẹ Việt Nam, tôi đâu dám
Mẹ bốn nghìn năm, tôi mới có trăm năm

Tôi đã chết rồi trong đất mẹ yên nằm
Xin đừng bêu đầu tôi trên đá biếc
Đừng bắt tôi làm anh hùng khi đã chết
Anh hùng nằm trong mộ lại hi sinh

Tôi chỉ còn nắm xương thôi, xin hãy thương tình

Trong tĩnh lặng, xin Phật Trời siêu thoát…

Sài Gòn ngày 16-03-2015

T.M.H.

HUYỀN NHIỆM

HUYỀN NHIỆM

Khi ánh bình minh bừng thức dậy
Hừng đông hồng ửng phía chân mây
Cây xanh trở giấc thay màu lá
Chim hót líu lo cất cánh bay

Hương thơm thoang thoảng ở đâu đây
Vườn hoa còn đẫm lớp sương mai
Khoan thai thở hít căng buồng phổi
Thoải mái tâm hồn, khoan khoái thay

Ai đã cho ta bầu khí thở
Cho đời ta đẹp với hương thơ
Cho tình say đắm trong huyền diệu
Cho trái tim yêu chẳng bến bờ

Ai đã treo trăng vàng lửng lơ
Ban mai lấp lánh ánh sao mờ
Ngân hà từng dãy dòng sông trắng
Vũ trụ xa xôi cực ngẩn ngơ

Thái dương dần rộng ánh hào quang
Ngọn gió miên man thổi nhẹ nhàng
Ánh sáng chan hoà tia nắng mới
Cuộc sống thăng hoa đến rỡ ràng

Sự sống thăng hoa tới rộn ràng
Ráng chiều bảng lảng áng mây đan
Hoàng hôn buông bóng đang dần xuống
Mái ấm lên đèn, cơm nóng rang !

Đình Duy Phương

TUỔI THƠ

Nguyện cầu cho những hình ảnh này bây giờ và mãi mãi không còn tồn tại trên qủa địa cầu và nhất là nơi quê hương VN thân yêu !!!.

TUỔI THƠ

Cho tôi một vé tuổi thơ
Về thăm xóm mẹ đợi chờ bấy lâu
Đường quê lầy lội nông sâu
Áo thô miếng vá bạc mầu nắng mưa
Chìm trong giấc mộng ban trưa
Bụng không uống ngụm nước mưa qua ngày
Đầu khô tóc cháy bay bay
Da trần gió bụi trắng tay kiếp nghèo
Nhọc nhằn vất vả đeo theo
Mồ hôi muối bạc mốc meo phận người
Tuổi thơ thiếu mất nụ cười
Sân trường phấn bảng hổ ngươi được gì
Qua rồi tuổi mộng mơ đi
Qua rồi giọt nắng xuân thì bay xa
Còn đâu nước mắt ruột rà
Còn đâu tiếng mẹ bóng cha ngõ về
Lung linh xó tối u mê
Co ro côi cút ê chề đắng cay…

Liverpool.6-3-2015
Song Như.

NHỚ MẸ​

NHỚ MẸ​

Mẹ đi rồi canh nhà xưa quạnh vắng

Khu phố xưa giờ thiếu bóng Mẹ tôi

Biết bao giờ tìm thấy lại nguồn vui

Tìm thấy lại nụ cười của Mẹ

 

Mẹ ra đi thân mt mình lặng lẽ

Chẳng được nhìn thấy Mẹ lúc tàn hơi

Con vẫn thèm gọi hai tiếng Mẹ ơi

Lúc vui buồn lúc đơn côi quạnh quẽ

 

Trái tim con như  ai ​cà​o ai​ xé​

Lệ nhạt nhoà khóc thương Mẹ không ngơi

Biết bao giờ dòng lệ mới thôi rơi

Khóc thương Mẹ suốt một đời tần tảo

 

Nhớ thương Mẹ nhớ từ tấm áo

Nhớ vòng tay , miếng cháo , miếng cơm

Nhớ dáng Mẹ hiền xuôi ngược chặng đường trơn

Trong giấc ngủ cũng chập chờn bóng Mẹ

Mẹ ngủ cho ​say giấc yên bình Mẹ nhé

Lệ Thu

Anh chị Thụ Mai gởi

Lạy Chúa, Con Đây!

Lạy Chúa, Con Đây!

dongten.net

Lạy Chúa
cuộc đời con đã có nhiều lầm lỗi
những lỗi lầm cứ dằn vặt con không ngơi
và cuốn xiết hãm vây không cho con vượt thoát.
Lắm khi, để che đậy một lỗi lầm nhỏ
con đã phạm thêm những lỗi lầm lớn hơn.
Lắm khi, con tự mình vùng vẫy giải quyết
chỉ để làm cho tình huống nên tệ hơn.
Con như người đã rơi xuống lũng bùn,
mỗi cử động lại làm con thêm lún sâu vào bế tắc…

Chúa ơi,
xin dạy con về sự yếu đuối thực sự của mình,
để con biết con luôn cần đến Chúa.
Xin cho con đủ khiêm tốn để nhận ra
con thực sự luôn cần có một bàn tay nào đó
kéo con ra khỏi lũng bùn lầy tội nhơ
và cứu vớt con khi con đã mải mê chìm đắm.
Xin dạy con dám tin tưởng và hy vọng
vào quyền năng cứu độ của Chúa,
để con đừng buông tay quá dễ dàng
cứ để cho mình bị kéo lê đi
từ lỗi lầm này đến lỗi lầm khác,
để con đừng dại dột chấm dứt mọi thứ
khi mà tình yêu của Chúa dành cho con
chưa bao giờ ngơi nghỉ và chấm dứt.

Cứ mỗi khi con chìm vào trong tội,
xin dẫn con trở về với xác tín nền tảng
rằng con là một tội nhân đích thực,
là một tội nhân được Chúa yêu thương và tha thứ.
Xin cho tình yêu Chúa là cứu độ của đời con.

Cao Gia An, S.J.

ĐÔI NGẢ,

ĐÔI NGẢ,

Mây đen khuất một góc trời
Hoa lê trắng điểm rạng ngời ánh dương
Theo sau chiếc bóng trên đường
Áo em lất phất anh thương cả đời
Buông dài tóc chấm lưng phơi
Hương chanh bồ kết đầy vơi lối vào
Đường ngôi nét mở trên cao
Mắt em sáng tợ đôi sao tuyệt vời
Đêm nằm mộng mị rong chơi
Vào trong tiềm thức đầy vơi ngõ tình
Cớ sao em lại lặng thinh
Cho anh mơ tưởng bóng hình người thương…
Bâng khuâng nhung nhớ vấn vương
Phải chi ngày ấy chung đường ngó lơ…

Liverpool.2-3-2015
Song Như

Tình yêu sai trái

Tình yêu sai trái

1388159723-anhmatemthatroi_tinhyeugioitinh_eva1.jpg2

Em biết rằng yêu anh là sai trái
Nhưng mà em chẳng giữ nỗi tim mình
Khi yêu rồi, lý trí chẳng phân minh
Yêu người này hay là yêu người khác

Em, cô gái quê, tuổi tròn mười tám
Lên thị thành để sống đời sinh viên
Xa làng quê, xa bến nước con thuyền
Sống cô đơn một mình nơi viễn xứ.

Rồi bỗng dưng, bằng nụ cười quyến rũ
Giọng nói mềm chất chứa cả trời thơ
Anh làm em biết thao thức mong chờ
Xua tan đi những muộn phiền trống trãi.

Ai bảo anh nâng phím đàn êm ái
Biết làm thơ, biết hát thật là hay
Rồi những khi em nước mắt đong đầy
Anh quan tâm, và tận tình chia sẻ.

Ai bảo anh luôn bình an vui vẻ
Trên môi anh luôn có những nụ cười
Anh âm thầm phục vụ chẳng nghỉ ngơi
Tim trắng trong, còn lòng thì thành ý

Em cố ngăn, không cho mình suy nghĩ
Không mơ mộng hay tưởng nhớ đến anh
Với sinh viên, anh là thầy đồng hành
Trọn cuộc đời anh đã dâng cho Chúa.

Em băn khoăn chẳng biết làm sao nữa
Càng cố quên, lại càng nhớ thêm nhiều
Em biết mình đã vướng vào lưới yêu
Cố vẫy vùng nhưng em không thể thoát

Con tim mình, em không sao kiểm soát
Bao đêm rồi nước mắt cứ tuôn rơi
Dù lòng em gượng bảo hãy cố cười
Có gì đâu mà u buồn đến thế?

Hãy để em cứ yêu thầy, thầy nhé!
Chỉ yêu thôi, chẳng giữ thầy lại đâu.
Vì với em, thầy là mối tình đầu,
Mối tình câm, mối tình đầy dấu ái.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Mưa xuân – Bài thơ viết về mùa xuân và tình yêu hay nhất của Nguyễn Bính

Mưa xuân – Bài thơ viết về mùa xuân và tình yêu hay nhất của Nguyễn Bính

RFA

NGUYỄN TƯỜNG THỤY

Thơ Nguyễn Bính hay hơn ở những sáng tác trước năm 1945, tức là khi ông chưa sáng tác theo phương pháp hiện thực XHCN, chưa có tính đảng. Đây cũng là nét chung của các nhà thơ trong phong trào thơ mới như Xuân Diệu, Tế Hanh, Huy Cận, Chế Lan Viên…

Trong giai đoạn này thì thời kỳ 1936-1940 là thời kỳ rực rỡ nhất của thơ Nguyễn Bính, trong đó thành công hơn cả là mảng mùa xuân – làng quê – tình yêu. Sau đó thì đuối dần.

Khi chọn 100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20, chia đều cho100 tác giả, mỗi tác giả 1 bài thì với Nguyễn Bính, người ta chọn bài “Những bóng người trên sân ga”. Không ai phủ nhận đấy là một bài thơ hay nhưng nếu được quyền, tôi sẽ chọn bài “Mưa xuân”. Khi giới thiệu 8 bài thơ của Nguyễn Bính vào “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh không lấy bài này cũng như “Những bóng người trên sân ga”

MƯA XUÂN

Em là con gái trong khung cửi

Dệt lụa quanh năm với mẹ già

Lòng trẻ còn như cây lụa trắng

Mẹ già chưa bán chợ làng xa.

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy

Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ

Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”.

Lòng thấy giăng tơ một mối tình

Em ngừng thoi lại giữa tay xinh

Hình như hai má em bừng đỏ

Có lẽ là em nghĩ đến anh.

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn

Em ngửa bàn tay trước mái hiên

Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh

Thế nào anh ấy chả sang xem!

Em xin phép mẹ, vội vàng đi

Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe.

Mưa bụi nên em không ướt áo

Thôn Đoài cách có một thôi đê.

Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm

Em mải tìm anh chả thiết xem

Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh

Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em.

Chờ mãi anh sang anh chẳng sang

Thế mà hôm nọ hát bên làng

Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn

Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng.*

Mình em lầm lụi trên đường về

Có ngắn gì đâu một dải đê!

Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt

Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya.

Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay

Hoa xoan đã nát dưới chân giày

Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ

Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”.

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày

Bao giờ em mới gặp anh đây?

Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ

Để mẹ em rằng hát tối nay?

(* Có bản chép “Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng”, hoặc “lỡ làng”)

Đã có nhiều bài bình về bài thơ này, mỗi người cảm thụ một vẻ, nhưng cũng có những phần giao thoa.

Mùa xuân trong bài thơ có mưa bụi, có hoa xoan, có hội chèo. Ba nét ấy là những nét chấm phá nói về mùa xuân ở làng quê. Bức tranh làng quê sống động hẳn qua ngòi bút của ông. Cách dùng chữ của ông thật tài tình. Mùa xuân đẹp đến hạt mưa cũng bay phơi phới, như nỗi lòng con gái dậy thì, đầy nhựa sống và xúc cảm. Tác giả đã thổi hồn vào hạt mưa thật đẹp. Chữ phơi phới nhiều người dùng, nhưng dùng làm tính từ kèm theo mưa xuân thì chỉ Nguyễn Bính.

Qua hình ảnh “hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy, ta biết bối cảnh trong bài thơ là vào tháng Ba. Lúc này, ở làng quê đang tiếp tục mùa lễ hội. Trong các lễ hội thường có diễn chèo, diễn tuồng, gọi chung là đi xem hát, chứ không nói là xem chèo hay xem tuồng (hát bội). Hát ở đây không phải là chương trình ca nhạc như bây giờ. Đó là các gánh hát tư nhân thường diễn các tích chèo, tuồng cổ. Các đôi trai gái đang yêu vụng nhớ thầm thường mượn những nơi hội hè, phiên chợ để tìm cơ hội gặp nhau. Nhưng cũng chỉ là lúc mới thương thương nhớ nhớ mơ hồ thôi, chứ khi họ đã thuộc về nhau rồi thì chẳng dại gì đem nhau ra những nơi ấy. Họ có bờ ao, gốc cây riêng của họ.

Cô gái trong bài thơ cũng thế. Lý do là đi xem hát nhưng là để mong gặp chàng trai đấy thôi chứ thiết gì xem. Đi chơi cần tiết trời đẹp. Nhưng vì trời đang mưa nên cô phải thử:

Em ngửa bàn tay trước mái hiên

Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh.

Và cô nghĩ mưa nhưng nhẹ để cho rằng “Thế nào anh ấy chả sang xem”. Cũng qua câu này, ta biết đây không phải là cuộc hẹn mà cô gái phỏng đoán, là hy vọng đấy thôi. Nhưng cũng đáng trách chàng trai là trước đó có hứa, có hẹn gì đấy nhưng không cụ thể, theo kiểu sẽ thế này, sẽ thế nọ.

Cô gái ở đây là con nhà bình dân làn nghề canh cửi, có khuôn phép. Cô đang độ xuân thì, còn trong trắng, ví như “cây lụa trắng” mà quyền bán là của người mẹ. Ấy thế nhưng không thể đóng khao khát yêu đương của cô vào một cái khuôn nào đó:

Lòng thấy giăng tơ một mối tình

Em ngừng thoi lại giữa tay xinh

Hình như hai má em bừng đỏ

Có lẽ là em nghĩ đến anh.

Hai chữ “hình như” và “có lẽ” đặt vào tâm trạng cô gái lúc này là rất chính xác. Cắt nghĩa ra thì nó không mang tính khẳng định nhưng ai cũng biết má cô bừng đỏ thật, cô đang nghĩ đến người yêu thật, chứ không phải “hình như” hay “có lẽ”. Cô vừa muốn thừa nhận lại vừa sợ người khác biết, thậm chí muốn dối lòng mình nên chỉ lấp lửng như vậy thôi. Nó còn nói lên tâm trạng phân tâm, nên đi hay không đi.

Cuối cùng thì cô đã bị tình cảm lấn át:

Em xin phép mẹ vội vàng đi.

Tác giả tả cảnh, tả tình thật tuyệt vời. Người và cảnh hòa quyện đến độ con đê, hạt mưa, hoa xoan cũng biết vui, biết buồn.

Sau khi “chờ mãi anh sang anh chẳng sang”, cô gái “lầm lụi trên đường về”. Có một sự trách nhẹ ở đây:

Thế mà hôm nọ hát bên làng

Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn

Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng.

Ai đã từng một lần mong gặp người yêu mà không được sẽ thấu hiểu hơn tâm trạng cô gái lúc này. Nguyễn Bính diễn tả tâm lý cô gái khi đi và khi về rất tinh tế. Ông sử dụng thủ pháp tương phản rất hiệu quả. Đây là điều cơ bản tạo nên sự thành công của bài thơ.

Hãy đọc lại những cặp câu tương phản sau:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/ Hoa xoan đã nát dưới chân giày

Mưa bụi nên em không ướt áo/ Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt

Thôn đoài cách có một thôi đê/ Có ngắn gì đâu một dải đê

Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay/ Mẹ bảo mùa xuân đã cạn ngày

Tình cảm của cô gái đã rõ, còn chàng trai đối với cô gái như thế nào? Chàng được nhắc đến hai lần:

… hôm nọ hát bên làng

Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn

Và:

Chờ mãi anh sang anh chẳng sang.

Có thể nói anh chàng này rất khả nghi, còn tình cảm cô gái rất mãnh liệt. Mặc dù việc không gặp được người yêu làm cho “cả mùa xuân cũng bẽ bàng” nhưng cô gái vẫn tha thiết, mòn mỏi, hy vọng.

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày

Bao giờ em mới gặp anh đây?

Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ

Để mẹ em rằng hát tối nay?

Và với cả sự trách nhẹ của cô đã nhắc trên đây nữa, ta thấy ở cô một tấm lòng bao dung, trong sáng và cao đẹp.

Khi yêu, thường là người con trai chủ động hơn người con gái. Nói như thế, không phải là tình yêu của con trai mãnh liệt hơn. Cô gái ở đây chỉ có một hành động duy nhất là sang hội chèo xem có gặp người ta không, rồi về, thế thôi. Nếu như chàng trai cũng sang xem hát, chắc là cô sẽ không hỏi trước, không tỏ ra vồn vã. Đó là sự kín đáo của con gái, nhất là con gái nhà quê. Nhưng ai bảo là cô không khao khát yêu đương.

Kể ra, bài thơ có thể thay nhân vật cô gái bằng chàng trai. Như vậy có vẻ hợp với lẽ thường hơn. Nhưng nếu thế, có lẽ bài thơ kém hay đi nhiều. Chợt nhớ Huy Thục, ít nhất đã có 2 lần đổi ngôi anh thành ngôi em khi phổ nhạc. Đó là bài “Đợi” của Vũ Quần Phương, “Trăng khuyết” của Phi Tuyết Ba, và cái sự có vẻ trái khoáy ấy làm cho bài hát thành công hơn hẳn:

Anh ngỏ lời yêu em => Em ngỏ lời yêu anh

Anh đứng trên cầu đợi em => Em đứng trên cầu đợi anh.

Trở lại bài “Mưa xuân”. Bài thơ được bố cục rất chặt chẽ. Ta không thể thay đổi vị trí các câu, các khổ thơ cho nhau, cũng không thể bỏ đi hay thêm vào một khổ thơ nào. Từ ngữ được huy động đầy dụng ý, không có một chữ nào khiên cưỡng. Khó có thể thò bút chữa đi một chữ mà không làm suy giảm giá trị của bài thơ. “Những bóng người trên sân ga” cũng được bố cục rất chặt chẽ nhưng ở “Mưa xuân”, ý và chữ nghĩa hay hơn, đẹp hơn. Có thể nói, “Mưa xuân” là một bài thơ toàn bích.

Nguyễn Bính không cố đi tìm những từ lạ, lối diễn đạt lạ. Ông chỉ sử dụng ngôn ngữ bình dân nhưng với ngòi bút tài hoa, ông đã để lại cho đời nhiều bài thơ xuất sắc, trong đó “Mưa xuân” – một bài thơ tình tuyệt đẹp là ví dụ điển hình.

Tháng 2/2013

Tháng 2/2015

NTT

.benmonguyenbinh

Tác giả bài viết bên mộ Nguyễn Bính