Những người cụt tay phi thường

Những người cụt tay phi thường
Họ không chỉ duy trì cuộc sống như 1 người bình thường mà còn xây dựng được những thành tích phi thường. Lưu ý quý đôc giả Những người cụt tay này không phải là thương phế binh VNCH
1. Tài xế xe ôm không tay

Anh Liu – một tài xế hành nghề “xe ôm” tại Jimo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đã
bị các nhân viên cảnh sát cảnh cáo vì không hề có giấy phép lái xe và điều
khiển xe gắn máy khi đã bị cụt hai tay. Các sĩ quan cảnh sát đã buộc anh Liu
phải dừng xe khi thấy anh chở khách quá tải, nhưng họ thật sự sốc khi thấy anh
đã bị cụt cả hai tay mà vẫn có thể điều khiển xe một cách dễ dàng.

Anh Liu đã bị cụt cả hai tay khi mới 10 tuổi do điện giật. Bố mẹ anh đã gửi anh tới
một rạp xiếc địa phương để “học nghề”, và tại đó anh đã được đào tạo để có thể
điều khiển xe gắn máy mà không cần phải có đầy đủ cả hai tay. Tại cơ quan cảnh
sát, anh Liu thừa nhận rằng rạp xiếc trước đây anh từng làm đã giải tán và anh
buộc phải quay sang làm nghề lái xe chở khách để kiếm sống, và hơn 10 năm nay,
anh chạy xe trong khi không hề có bất cứ loại giấy phép nào. Các sĩ quan cảnh
sát đã quyết định không phạt tiền, nhưng họ buộc anh Liu phải dừng ngay công
việc này, bởi nó có thể gây nguy hiểm cho anh và cho cả các hành khách nữa.

2. Không tay vẫn trở thành vận động viên bắn cung
Mark Stutzman – cư trú tại Richland, bang Washington, Mỹ, đã bị cụt cả hai tay kể từ
khi mới sinh, song điều đó không ngăn cản được người đàn ông 28 tuổi này trở
thành một tay bắn cung thiện xạ. Mark đến với bộ môn bắn cung từ năm 16 tuổi và
từ đó đến nay anh luôn luôn có mặt trong tất cả các giải bắn cung được tổ chức
tại Mỹ.
Khi thi đấu, anh ngồi trên ghế, giữ cây cung bằng chân phải, và sử dụng hàm
răng của mình để căng dây cung. Mark không bao giờ tự ti rằng mình là một tay
cung khuyết tật, và khi kết thúc giải đấu, anh thường chụp chung ảnh kỷ niệm
với các tay cung khác. Khả năng “thiện xa” của Mark không hề kém bất cứ tay
cung bình thường nào, và anh hoàn toàn có khả năng sẽ trở thành một ứng cử viên
trong đội tuyển bắn cung Mỹ tại Olympic 2012 tới.
3. Không tay chơi piano cực đỉnh
Lưu Vĩ, 23 tuổi, người Trung Quốc, là một chàng trai tật nguyền, anh không có tay
như những người bình thường khác vì lúc 10 tuổi anh chạm tay vào điện cao thế
khi đang chơi với bạn, và cánh tay của anh đã mất đi vĩnh viễn từ khi đó. Nhưng
với nghị lực và lòng quyết tâm của mình, Lưu Vĩ hàng ngày tập luyện làm mọi thứ
bằng đôi chân của mình và một trong những việc đó là đánh đàn piano.
Vào tối 10/10/2010 vừa qua, tại vòng chung kết của cuộc thi China’s Got Talent,
diễn ra tại sân vận động Thượng Hải, Trung Quốc, chàng trai Lưu Vĩ chơi đàn
piano bằng chân đã giành giải nhất cuộc thi.
Anh chia sẻ hồi mới bị tai nạn anh rất đau khổ và đã khóc rất nhiều, nhưng rồi
anh nhận ra rằng khóc mãi chỉ làm mình mệt mỏi và anh đã luôn tự nói với mình:
“Mất tay, thì đã sao nào?” Sau đó anh quyết định trở thành một nhạc sĩ và tự
học chơi piano bằng chân. Bằng nỗ lực của chính mình anh đã vượt lên tất cả và
tìm ra cách chơi đàn bằng những ngón chân.
4. Viết thư pháp bằng chân
Đã từng là một đầu bếp tại một nhà hàng ở Bắc Kinh, song vụ nổ ga đã khiến người
đàn ông này bị thương nghiêm trọng và đã cụt cả hai tay. Để tiếp tục kiếm sống
và nuôi dưỡng bố mẹ già, anh đã nỗ lực luyện tập viết thư pháp bằng chính đôi
chân của mình.
5. Đô vật không tay
Ngay từ khi mới lọt lòng, Kyle Maynard đã không có đủ chân tay như những người bình thường, song nhờ sự kiên trì và tài năng thiên bẩm, anh đã trở thành một tay
vật có tên tuổi tại tiểu bang Washington nói riêng và toàn nước Mỹ nói chung.
Tháng 8/2004, Kyle ghi danh vào Trường đại học Georgia, và vẫn tiếp tục tham
gia câu lạc bộ đô vật. Anh muốn học ngành tâm lý thể thao, để có thể trở thành
một huấn luyện viên thể thao hoặc làm quản lý một trung tâm sức khỏe.
Hiện tại Maynard làm phát ngôn viên cho Ủy ban tuyên truyền của bang Washinton,
phụ trách về mảng các bài phát biểu động viên tinh thần. Anh cũng là tác giả
của cuốn sách “The True Story of a Congenital Amputee Who Became a Champion in
Wrestling and in Life” (Tạm dịch: Câu chuyện có thật về một người tật nguyền đã
thành công trong bộ môn đấu vật và trong cuộc sống)
6. Vận động viên golf cụt tay vô địch thế giới
Tommy McAuliffe – sinh năm 1893 tại Buffalo, New York, từng được biết đến là “vận
động viên golf cụt tay vô địch thế giới”. Cả hai cánh tay của ông đã bị cắt bỏ
sau vụ tai nạn tầu hỏa kinh hoàng tại Mỹ vào năm 1902. Tommy McAuliffe đã cố
gắng để có thể viết chữ bằng cách giữ một chiếc bút chì trong miệng.
Khi còn là sinh viên, ông làm thêm tại một sân golf gần nhà và đã cố gắng học
chơi bằng cách giữ cây gậy đánh golf giữa cổ và vai của mình. Sau khi kết thúc
đại học, Tommy đã khuyến khích anh trai của mình, ông Walter, một tay golf
chuyên nghiệp, cùng tổ chức show diễn “Trick Shot” (tạm dịch: những pha đánh
golf điệu nghệ như xiếc) tại New York. Chương trình của ông đã nhanh chóng trở
nên phổ biến, và ông đã tới tất cả 48 tiểu bang tại Mỹ, Canada và Úc để biểu
diễn. Những tay golf cự phách cùng thời với ông chỉ có thể ghi được trung bình
85 điểm trên sân golf 18 lỗ, nhưng đối với Tommy, thì con số này là 92. Với khả
năng phi thường đó, ông đã được gọi là “vận động viên golf cụt tay vô địch thế
giới”.
7. Không tay vẫn lái máy bay bình thường
“Người chiến thắng không làm gì khác thường. Họ thực hiện chúng theo cách khác
thường”. Nhận định trên hoàn toàn chính xác trong trường hợp của cô gái
người Mỹ, Jessica Cox. Từ khi sinh cô không có tay nhưng ở tuổi 28 cô gái này
đã trở thành nữ phi công không tay đầu tiên trong lịch sử. Cô đã có thể bay
trên nền trời chỉ nhờ vào chân của mình.
Jessica tin rằng với khả năng sáng tạo, kiên nhẫn, tự tin thì không có gì là
không thể. Cô tốt nghiệp khoa tâm lý tại đại học Arizona. Cô có thể viết, sử
dụng máy vi tính, điện thoại di động, chải tóc, trang điểm, thậm chí gắn lông
mày… bằng chân. Cô gái người Mỹ này còn là một vũ sư và là võ sinh Tae
Kown-Do đai đen nữa đấy các bạn ạ.
8. Không tay vẫn trở thành nghệ sĩ guitare
Tony Melendez là nhạc sỹ guitar, nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Nicaragua. Anh sinh năm 1962 nhưng không có hai cánh tay do người mẹ khi mang thai dùng thuốc
Thalidomine. Tuy nhiên, lòng say mê âm nhạc đã thôi thúc anh học guitar bằng
một cách mà không ai nghĩ anh có thể làm được: dùng chân.
Tony bắt đầu biểu diễn từ năm 1985 tại Los Angeles. Năm 1987, anh đã biểu diễn
bài “Never be the same” chào mừng Giáo Hoàng John Paul II đến thăm
Los Angeles. Giáo hoàng đã nói khẽ với Tony rằng: “My wish for you is that
you continue to give hope to others and continue in what you are doing”
(Tạm dịch: Tôi mong rằng anh sẽ tiếp tục thắp sáng niềm hi vọng cho mọi người
và hãy tiếp tục công việc mà anh đang làm). Lời nói đó đã khích lệ anh rất
nhiều để quyết tâm theo con đường âm nhạc đến ngày nay.
9. Vận động viên thể hình
Bị mất đi cả hai cánh tay trong một vụ tai nạn khi mới 2 tuổi, cô Barbie Guerra.
Barb đã tìm được niềm cảm hứng cho riêng mình: luyện tập để trở thành một vận
động viên thể hình.
10. Không tay vẽ thiệp giáng sinh

http://us.24h.com.vn/noel-2011-c64e2022.html cực
đỉnh

Nhìn ngắm tấm thiệp Giáng sinh đẹp đẽ trên đây, ít người có thể tưởng tượng rằng
chúng được vẽ bằng chân. Đây là các tác phẩm của Peter Longstaff (48 tuổi), một
nghệ sĩ Anh đã bị cụt cả hai tay. Những tấm thiệp của Peter Longstaff được anh
thể hiện rất sinh động, lúc thì mô tả những ngọn nến lung linh, khi lại mang
hình ảnh một con hươu ở xứ sở thần thiên trong mùa đông lạnh giá…

Anh chị Thụ & Mai gởi

Kiên Nhẫn – Kiên Cường: Cậu Bé Glen Cunningham

Kiên Nhẫn – Kiên Cường: Cậu Bé Glen Cunningham

Br. Huynhquảng

Hôm nay, mục Sống Đẹp xin được nêu tấm gương của cậu bé Glen Cunningham nhằm
giới thiệu chủ đề mới: Kiên Nhẫn – Kiên Cường. Qua bốn chủ đề mà chúng ta đã
cùng nhau học hỏi: Tha Thứ Hòa Giải, Xây Dựng Hiệp Nhất, Sống Hiện Tại, và Đơn
Sơ Chân Thật, thì đây là lúc chúng ta cùng nhau trao đổi về chủ đề Kiên Nhẫn –
Kiên Cường. Vì thực ra, để có thể tha thứ, xây dựng hiệp nhất, sống hiện tại,
sống chân thật, tất cả đều đòi hỏi một sự kiên nhẫn không ngơi nghỉ.

Cậu Bé Glen Cunningham

Khi mới bảy tuổi, đôi chân của Glen Cunningham bị phỏng nặng do một vụ thảm
họa. Theo nhận xét của bác sĩ, cậu bé Glen sẽ không bao giờ đi lại bình thường
được. Các bác sĩ đề nghị cưa chân cậu bé nếu muốn cậu được sống sót. Như thế,
vấn đề bây giờ không còn là chuyện khi nào đôi chân của Glen được bình phục,
nhưng là sự sống của cậu bé. Những ngón chân trái dần dần bị hao mòn đi; chân
phải dần dần ngắn hơn chân trái. Với kinh nghiệm đau đớn trong bản thân và
chứng kiến cơ thể mình tàn lụi dần, Glen quyết tâm với lòng mình là không đầu
hàng với số phận. Hằng ngày cậu tập những động tác theo hướng dẫn của bác sĩ
chỉ nhằm với ý chí rằng: Cần làm những gì cần phải làm trước khi mình không bao
giờ còn cơ hội để làm. Với ý chí tích cực kiên cường ấy, ba năm sau, cậu tự đi
mà không cần dùng nạng. Xa hơn, cậu đã tập chạy và không ngừng chạy khi có thể.
Năm 1938, Glen làm cho cả thế giới kinh ngạc khi phá kỷ lục thế giới với 4 phút
4.4 giây trong đường chạy một dặm.

Ca dạo tục ngữ Việt Nam truyền dạy rằng: “Nước chảy đá mòn; có công mài
sắt có ngày nên kim.” Và đúng là như vậy, Glen Cunningham như mẫu gương để
khơi niềm hy vọng cho chúng ta, dù trong hoàn cảnh nào, nếu chúng ta quyết chí
vươn lên, một ngày nào đó, thành quả sẽ đến với chúng ta. Nhìn vào những người
như Glen Cunningham, phần nào ta tìm thêm nghị lực để tiếp tục tiến tới và tiếp
tục hoàn thiện chính mình, và để tiếp tục đi đến cùng đích của đời mình.

Kiên cường, can đảm (fortitude, fortitudo) là một đức tính rất được đề cao
trong nền triết lý văn minh Hy Lạp. Theo triết gia Aristotle (A-ris-tot),
“Kiên cường là đức tính của những người không tỏ lộ sự sợ hãi khi họ dám
chết cho lý tưởng cao thượng.” Nhưng đức tính (virtue, arete) này cần phải
có quá trình tập luyện bền bỉ. Mẫu gương cho những cái chết cao thượng là những
người chiến sĩ anh dũng hy sinh cho quê hương, cho dân tộc. Nhưng theo triết
gia Plato, kiên cường không chỉ được hiểu là can đảm chết cho những lý tưởng
cao đẹp, nhưng còn là “sự chiến đấu với những khát vọng thú vui.” Tức
là phải chiến đấu với chính con người của mình. Còn theo triết gia Cicero (45
B.C), “Kiên cường không gì khác hơn chính là thái độ tinh thần có khả năng
chịu đựng mọi nguy hiểm dù phải chịu cực nhọc đau đớn, nhưng đồng thời không để
cho sự sợ hãi tiếp cận gần ta.” Tóm lại, sự can đảm kiên cường không chỉ
là hành động anh hùng, nhưng còn là sự kiên nhẫn tập luyện chịu đựng gian khổ
để làm chủ con người mình để dám chết, nếu khi cần, cho lý tưởng cao đẹp, và
dám sống mỗi ngày nhằm nâng cao giá trị con người của mình.

Jean-Jacques Rousseau phát biểu rằng, “Kiên nhẫn thì cay đắng, nhưng trái
của nó lại ngọt ngào.” Và quả đúng như vậy, hạt giống chỉ có thể nảy mầm
khi nó liên tục âm thầm tự lột lớp vỏ của mình ra. Như thế, kiên nhẫn đòi hỏi
sự kiên cường và can đảm. Kiên cường ở đây không chỉ là thực hiện những việc
lớn lao, nhưng quan trọng hơn chính là làm những việc nhỏ bình thường hằng ngày
với ý chí hoàn thiện chính mình. Dù làm những việc nhỏ, nhưng sự kiên trì hành
động từng ngày cũng đủ làm ta phải trả giá cho sự đau đớn, mất mát và từ bỏ
những điều thân thiết.

Thưa bạn, trong bài đầu tiên về chủ đề Kiên Nhẫn – Kiên Cường, tôi mời bạn ví đời
mình như là một người thợ xây. Mỗi ngày chúng ta dù làm việc gì (học hành, rèn
luyện nhân đức, thao luyện, cầu nguyện), chúng ta hãy coi như chúng ta đang đặt
một viên gạch lên bức tường của đời mình. Bức tường ấy có chắc chắn hay không,
có thẳng hàng hay không, có đẹp hay không đều lệ thuộc vào từng viên gạch chúng
ta đặt vào nó. Nếu mỗi một ngày chúng ta chỉ được quyền xây một viên gạch, thì
chúng ta cũng nên cẩn thận và kiên nhẫn cho từng viên gạch ấy. Và cũng nếu hôm
nay mình không thể đặt viên gạch vào bức tường của mình, thì mãi mãi chỗ ấy sẽ
là chỗ trống. Nếu một bức tường có nhiều lỗ hổng, càng xây lên cao, nguy cơ sụp
đổ của nó càng lớn. Và cũng vậy, nếu hôm nay tôi không kiên nhẫn và kiên cường
thi hành phận vụ của tôi, thì lỗ hổng vẫn còn đó, không ai giúp cho tôi được.
Vâng, kiên nhẫn thì cay đắng, nhưng trái của nó lại ngọt ngào!

The Story of Đỗ Minh Triệu

The Story of Đỗ Minh Triệu
Tôi sinh năm 1968 nay đã 43 tuổi, thực sự “già đầu” rồi mà tôi vẫn còn được mẹ chăm sóc, thay quần áo, tắm rửa, gội đầu, bón cơm, thay tã lót cho như một em bé sơ sinh. Tôi chính thật là đứa con được mẹ thương yêu nhất trần gian. Nhiều đêm bệnh hành hạ không ngủ được, dõi mắt nhìn mẹ tóc  bạc da mồi nằm giường bên, đang thiếp ngủ mệt, sau một ngày vất vả lo cho con.
Tôi thật đau lòng! Buồn lắm! Thương mẹ đến chảy nước mắt, tôi thì thầm khẽ gọi:
-Mẹ ơi, mẹ có biết con yêu mẹ vô ngần. Tình mẹ cho con bao la trời biển, cả cuộc đời mẹ đã đổ bao nhiêu nước mắt, xót thương đứa con kém may mắn nhất của mẹ. Mẹ ơi, con không thể nào sống được khi thiếu mẹ, vì mẹ là hơi thở, là mắt, là tay, là chân của con …
Đã bao lần tôi tự nghĩ và hiểu là nếu tôi chết đi, mẹ sẽ đau buồn lắm. Nhưng  nỗi buồn của mẹ rồi sẽ nguôi ngoai theo thời gian. Chẳng hơn là hằng ngày mẹ phải nhìn thấy tôi sống tật nguyền đau đớn, với hình hài chẳng khác nào bộ xương cách trí, được che dấu dưới manh quần tấm áo và đôi bí tấ…
Như một bà Tiên có phép thuật, mẹ biết tôi đã nghĩ đến cái chết, nên bà thường hay nói với tôi rằng :
– Con là lẽ sống của mẹ, cả đời mẹ được chăm sóc con như một em bé mẹ rất hạnh phúc.
– Con cần can đảm sống để đối diện, thi gan, thử thách với bệnh tật.
– Chẳng phải y khoa đang theo dõi từng biến chuyển trên thân xác con, chẳng phải con đã mong ước chờ đến ngày khoa học tìm ra thuốc chữa căn bệnh “Muscular Dystrophy” quái ác này. Vậy thì ít nhiều khoa học cũng cần dựa trên thử nghiệm, và trên cả thời gian là bao lâu con can đảm sống chờ đợi và hy vọng. Con hãy nói với Chúa: “Here I am, Lord; I come to do your will .”
Tôi thương mẹ và vâng lời, nên Chúa đã phải nghe tôi yếu đuối tuyên xưng đức tin, mỗi khi tôi cần tự xoa dịu đau đớn, cần có sức chịu đựng nỗi thống khổ mà tôi không thể tự vất bỏ đi được. Ngay cả đến con ruồi, con muỗi bé tí tẹo chúng cũng có thể tự do hành hạ tôi, cho đến khi mẹ tôi ra tay cứu giúp, đuổi chúng đi.
Nói chính xác là tôi đã tồn tại trên thế gian này 43 năm, cũng là một phép lạ, một sự tỏ rõ quyền năng của đấng tạo hóa có quyền ban sự sống cho con người, và Ngài chưa muốn đem tôi ra khỏi thế gian này, tôi còn phải sống bằng cách này hay cách khác trong khổ đau. Tôi nghĩ bất cứ người nào nhìn thấy tôi, cũng đều rất ái ngại và thầm nghĩ : “phải sống như thế thà chết sướng hơn”.
Thử hỏi còn gì đau khổ bằng khi tôi vẫn còn có đôi mắt để nhìn, đôi tai để nghe, cái miệng để gọi mẹ suốt ngày và nhất là còn có cái đầu tỉnh táo biết thương nhớ, giận hờn, biết cảm nhận niềm vui, nỗi buồn, biết phân biệt phải trái, đúng hay sai, biết đói, biết khát, biết nóng, biết lạnh, biết đau đớn tê dại, biết nhờm gớm khi đã tiêu, tiểu ra tã v.v…
Nói tóm lại, khuôn mặt và bộ não của tôi trong 43 năm qua vẫn nguyên vẹn, bình thường, không bị ảnh hưởng bởi bệnh “Muscular Dystrophy”, một chứng bệnh làm teo dần các cơ bắp, mà tôi đã mắc phải từ năm lên chín hay lên mười tuổi.
Cha tôi là Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mẹ tôi là Công Chức. Ngày 30-4-1975 Cộng sản miền Bắc cưỡng chiếm được miền Nam Việt Nam, thì đến ngày 29-5-1975 cha tôi phải đi trình diện “Học Tập Cải Tạo”, lúc đó mẹ tôi mới sinh em bé thứ tư được một tháng và tôi là đứa con lớn nhất mới được 7 tuổi. Lệnh bắt cha đi “học tập” nghe nói Thiếu Tá học một tháng thì về. Nhưng mà thời gian cha tôi phải “học” trong các trại tù cải tạo lâu lắm, lâu gấp 120 lần thời gian VC gian dối nói là cha tôi đi học chỉ có một tháng, trong khi cha đã học hết 5 năm ngoài Bắc, còn phải học thêm 5 năm trong Nam nữa, mới được tha về gặp lại
mẹ và 4 anh em chúng tôi năm 1985.
Ngày cha đi tù cải tạo, tôi vẫn còn mạnh khỏe, hay ăn chóng lớn theo tuổi đời và phát triển bình thường như bao trẻ khác. Vậy mà hai, ba năm sau, chẳng biết tôi mắc phải chứng bệnh gì, cơ thể sinh ra yếu đuối, tay chân rệu rã, đi đứng không được vững vàng. Chỉ cần một sự va chạm nhẹ vào người tôi của ai đó, tôi cũng ngã lăn ra và khó khăn lắm mới đứng dậy được. Còn va chạm mạnh thì u trán, vỡ đầu. Vì thế trong thời gian còn đi học, thầy hoặc cô giáo đã phải đem tôi đến trạm xá hay nhà thương khâu vài mũi hay nhiều hơn, cho nên trên đầu tôi mới có nhiều vết sẹo lớn, nhỏ.
Khi tôi bắt đầu phát bệnh khoảng chừng vào năm 1978 hay 1979 gì đó, thời gian này người ta đồn ầm lên là trong Chợ Lớn có một ông Thầy rất tài giỏi, chữa bệnh theo cách văn minh tân tiến, không cần dùng thuốc mà dùng “xung điện” để chữa trị. Lúc đó tôi nào biết “xung điện” là gì. Chỉ biết là người thầy “tài giỏi” này dùng hai tay đặt lên đầu, lên vai bệnh nhân để chuyền “điện” của ông (gọi là nhân điện) chạy qua cơ thể người bệnh, gặp “điện” của bệnh nhân. Hai  luồng “điện” này gặp nhau, thì xảy ra “xung điện” diệt trừ căn bệnh. Cách điều trị giản dị chỉ có thế thôi. Bất kể là bệnh gì.
Thầy chữa bệnh làm phước, không lấy tiền (nhưng thầy vui vẻ nhận quà cáp bệnh nhân
đem đến), vì vậy số bệnh nhân đến xin được Thầy chữa bệnh mỗi ngày rất đông. Nhà tôi ở xa, mẹ con tôi phải ra khỏi nhà từ 4 giờ sáng, đến địa điểm xếp hàng lấy số thứ tự cùng một đám đông người. Chờ tới khoảng 8 giờ thì Thầy đến cùng với người phụ tá. Người phụ tá gọi từng đợt 10 người theo số bắt đầu từ 1 đến 10, bệnh nhân trong số được gọi, mau mắn vào trong ngồi xếp thành vòng tròn, để Thầy đi chung quanh đặt tay lên đầu, lên vai truyền “điện” cho nhanh chóng .
Sáng nào cũng vậy, mẹ tôi cứ phải dùng khăn ướt lau mặt cho tôi: đứa bé 10 tuổi còn đang say ngủ, có như vậy tôi mới chịu tỉnh ngủ mở mắt ra, và mẹ mới lôi được tôi đến bên chiếc xe đạp xe đạp mini cũ kỹ, xốc tôi ngồi lên, bắt vòng tay ôm lưng mẹ cho chặt, để mẹ chở vào Chợ Lớn nhờ thầy truyền “điện”, tạo “xung điện” giúp cho cơ thể tôi cứng cáp, mạnh khỏe trở lại. Ngày nào mẹ tôi làm việc vất vả quá mệt, ngủ quên đến 6, 7 giờ sáng mới thức dậy, thì phải đi vội vã lắm. Và hôm ấy, nhanh nhất cũng phải đến 2, 3 giờ chiều, mẹ con tôi mới về đến nhà, rất mệt mỏi và đói khát. Tôi không thích thú và tin tưởng vào sức mạnh “nhân điện” của thầy, nhưng tôi vẫn ngoan ngoãn theo mẹ mỗi ngày đi chữa bệnh cho mẹ vui lòng, nhất là bà Nội tôi lại luôn nói :“có bệnh phải chịu khó chạy đi vái tứ phương cháu ạ”.
Mẹ khi còn trẻ
Dù có phải “vái bệnh” vất vả tứ phương mẹ tôi cũng không ngại, nhưng sau mấy tháng nghỉ hè kiên trì theo Thầy, mà bệnh tình của tôi cũng không thấy có được một chút kết quả nào, mẹ con tôi đành bỏ cuộc, khi năm học mới đã bắt đầu. Thời gian này, mẹ tôi chở tôi đến cổng trường bằng chiếc xe mini cọc cạch, từ cổng trường tôi có thể tự đi vào lớp. Nhưng rồi sau đó, đã có vài lần tôi tuột khỏi xe, ngã xuống đường rất nguy hiểm, nên mẹ không dám chở tôi đi học bằng xe đạp nữa, bà phải cõng tôi đến trường, đưa tôi vào tận chỗ ngồi trong lớp học. Đến giờ tan học, mẹ lại bỏ công bỏ việc chạy vội đến lớp cõng tôi về, bất kể ngày
nắng, ngày mưa. Muốn tôi đi học, mẹ phải cõng thôi, vì hai chân tôi bây giờ chỉ còn khả năng đi được khoảng vài mươi bước, có người đi kèm cặp bên cạnh.
Đi học mà hành mẹ tôi như thế tôi thấy ái ngại và xấu hổ lắm, nên đã nhiều lần tôi xin mẹ cho tôi nghỉ học, nhưng mẹ tôi cương quyết không cho, mẹ nói: bệnh tật như con càng phải học nhiều hơn. Con và mẹ chúng ta cùng cố gắng: mẹ cố gắng lo cho các con có cơm ăn áo mặc, các con cố gắng học chăm học giỏi, hãy nghĩ đến cha đang bị tù đày. Và mãi đến khi tôi tốt nghiệp cấp 2, phải thi vào cấp 3 không đậu, một phần vì bệnh tật, một phần vì cái “tội” con Thiếu Tá “ngụy”. Đến lúc này mẹ tôi mới đành chịu bó tay và buồn lắm, khi tôi không được tiếp tục việc học nữa.
Không đi học ở nhà quanh quẩn với bà Nội, bệnh tôi cứ vậy tăng thêm theo ngày tháng. Đến năm 1988 hai chân tôi không còn có thể đứng thẳng mà lê bước, ngay cả khi tôi dùng hai tay vịn, men theo điểm tựa mà nhấc chân đi cũng không được  nữa. Muốn di chuyển quanh nhà, tôi phải ngồi xe lăn hoặc ngồi bệt xuống đất, dùng mông và hai tay chống mà lết đi, khi tôi tròn tuổi hai mươi, rất thèm đi đứng chạy nhảy với chúng bạn.
Năm 1991, gia đình tôi được qua Mỹ định cư theo diện H.O # 8. Ngay sau khi được cấp thẻ Medi-Cal, mẹ tôi đã sốt sắng đưa tôi đi chữa bệnh. Gặp bác sĩ gia đình giới thiệu tôi đến bác sĩ chuyên khoa, rồi ông chuyên khoa giới thiệu đến cả bệnh viện này, nọ. Cuối cùng tôi được chuyển đến Bệnh Viện của trường University of California of San Diego (UCSD) để khám toàn khoa, và làm tất cả những xét nghiệm cần thiết, kể cả thử DNA (Deoxyribonuleic Acid). Kết quả cho biết là tôi bị bệnh “Muscular Dystrophy – Backer”, một chứng bệnh làm teo dần
bắp thịt (chỉ xảy ra cho nam giới). Bệnh này được tìm ra bởi vị bác sĩ tên Becker (M.D Becker).
Khi định được bệnh rồi, bác sĩ cho biết căn bệnh quái ác này vẫn chưa có thuốc ngăn ngừa và chữa trị, mặc dù cả thế giới, đặc biệt là nước Mỹ đã và đang nỗ lực nghiên cứu. Trong tuyệt vọng, tôi thầm cầu nguyện và rất hy vọng một ngày nào đó, các nhà khoa học sẽ tìm ra thuốc chữa trị và thuốc ngăn ngừa, để thế giới loài người không còn có ai bị mắc bệnh “Muscular Dystrophy” nữa.
Cha tôi vận rủi ngã ngựa, bị VC bắt nhốt tù 10 năm, cho tôi vận may đến được nước Mỹ, một xứ sở văn minh, giàu có và nhân ái nhất thế giới. Nên dù bệnh tật của tôi nan y không thể chữa trị, tôi cũng được an ủi phần nào, vì không phải lo lắng, chẳng biết làm gì để kiếm được miếng ăn, không phải lo sống đời tủi nhục như ở Việt Nam. Bởi vì chính phủ Mỹ có chương trình giúp đỡ những người bệnh tật, không còn khả năng lao động như tôi được chăm sóc sức khỏe, được ăn no, mặc ấm, được hưởng tiền bệnh tật, gọi là tiền SSI (Supplemental Security Income).
Tôi không có khả năng lao động nữa, nhưng mẹ tôi quả quyết: tôi vẫn có khả năng đi học để mở mang kiến thức, tránh thì giờ buồn chán, và để có thể học cho mình một ngành nghề, chỉ cần xử dụng khối óc và hai tay (khẳng khiu yếu đuối) học về văn thơ, hay học về computer chẳng hạn, còn hai chân thì cứ kệ cho nó lười biếng đặt trên xe lăn…
Nghe mẹ nói vậy, tôi cốù tảng lờ đi. Nhưng mẹ tôi không bỏ cuộc, bà cứ theo khuyến khích, thuyết phục tôi mãi bà nói:
-Học vấn rất cần thiết cho con. Tri thức đưa con đến với thế giới bao la, cho con đời sống vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn. Con thử nghĩ xem, tại sao mẹ đã luống tuổi rồi mà còn đi học, với mơ ước sẽ tốt nghiệp “Medical Assisstant” để biết lối mà chăm sóc cho con một cách khoa học, và mẹ còn mơ ước xa hơn nữa, là được tình nguyện săn sóc những bệnh nhân hoạn nạn, tàn tật ở những nước nghèo đói, khi mẹ có điều kiện và hoàn cảnh cho phép.
Tấm gương hiếu học của mẹ đã nâng đỡ, khuyến khích tôi, nhưng chủ đích cũng vẫn là để làm vui lòng mẹ, nên tôi đã theo mẹ đến trường Mesa College làm thủ tục nộp đơn xin nhập học. Việc đơn từ ở trường, mẹ tôi rành lắm vì bà đã theo học ở Mesa College từ năm trước rồi, tôi không phải lo lắng gì cả đã có mẹ giúp đỡ.
Những năm tháng hai mẹ con tôi theo học ở trường Mesa College tràn đầy thử thách, nhiều lúc tưởng đâu đã phải bỏ cuộc, không kham nổi những vất vả khó khăn, trần ai lắm khi đi học.
Trong diện dân nghèo “low income”, mấy mẹ con chúng tôi chỉ thuê được căn hộ trên lầu của một Apartment. Nên mỗi ngày đi học, mẹ tôi phải thức dậy từ rất sớm, dọn dẹp nhà cửa, lo điểm tâm cho cả nhà, lo nhắc nhở các em gái tôi đừng để lỡ chuyến xe Bus, phải đi học cho đúng giờ ,v.v…
Khi các em gái tôi đã ra khỏi nhà đi học, lúc đó bà mới đem cặp sách của tôi và mẹ xuống dưới lầu, cất bỏ vào trong xe trước, rồi đi trở lại nhà trên lầu, bồng tôi trên hai tay đi ra cửa và đưa chân đá cho cánh cửa đóng khóa lại, rồi khệ nệ bồng tôi xuống thang lầu, đặt tôi vào xe, kéo dây an toàn gài móc vào cẩn thận cho tôi, rồi bà mới ngồi vào ghế tài xế.
Từ nhà tôi, mẹ lái xe chạy khoảng 20 phút thì đến trường. Đậu xe vào parking của trường xong xuôi, bà ra sau xe mở “cốp” xe lên, lôi chiếc xe lăn ra ráp lại cho ngay ngắn, vững chắc, rồi mới mở cửa xe, nghiêng người vào bồng tôi ra, đặt ngồi trên xe lăn và đẩy tôi đến lớp học của tôi, tìm chỗ để xe của tôi vào đâu cho thuận tiện nhất, rồi mẹ mới đi đến lớp của bà.
Trong lớp học, vì hai tay tôi yếu, rất khó khăn “take note”, nên nhà trường trả tiền “work study” cho một sinh viên, giúp tôi ghi chép vào “note book” những lời thầy giảng dậy hay dặn dò làm “home work” ở trang nào, sách nào, và hết buổi học thì đẩy tôi đến lớp kế tiếp hay lên phòng Lab …
Khi tan học, mẹ lại vội vôi vàng vàng chạy đến đón tôi ở phòng Lab hay ở lớp học cuối cùng nào đó. Lại đẩy xe lăn tôi ra Parking, bồng tôi vào xe, cài dây an toàn, đem cất xe lăn vào “cốp” xe và lái về nhà. Về đến nhà, tôi vẫn ngồi trên xe, chờ mẹ tôi đem cặp sách của hai mẹ con lên nhà trước, sau đó mẹ mở sẵn cửa phòng, rồi mới trở xuống xe, ì ạch bồng tôi bước 18 bậc thang lên tầng lầu. Vào trong nhà, đặt tôi lên giường xong, mẹ thường phải thay tã cho tôi ngay. Sau đó hỏi tôi có muốn ăn hay uống gì không để mẹ lấy.
Lo cho tôi tạm xong, mẹ bắt đầu làm việc nhà, làm đủ thứ việc không tên, rồi lại đi học thêm một, hai lớp nữa, còn tôi ở nhà lo làm “home work” và chờ mẹ về lo bữa ăn tối cho cho cả nhà.
Mùa Đông nước Mỹ có nhiều ngày mưa phùn gío rét, tôi muốn nghỉ học ở nhà lắm, nhưng mẹ tôi vẫn cương quyết không bỏ lớp nào, nhất định chịu ướt, chịu lạnh bồng bế tôi lên, xuống thang lầu và đi học rất đúng giờ. Nhằm mùa học không có lớp ban ngày, trùng giờ cho cả hai mẹ con, chúng tôi phải chọn lớp đêm để học. Mùa Đông trời mau tối và ban đêm rất lạnh, có khi mẹ bồng tôi đặt được vào xe rồi, là cả hai mẹ con ngồi run cầm cập, thế mà xe lại phải mở máy lạnh cho kiếng trong xe hết mờ, sáng trong trở lại mới thấy đường mà lái xe về nhà, những lúc ấy mẹ luôn xuýt xoa nói:
-Tội nghiệp con quá, con ráng chịu lạnh một tí mẹ mở lại heat là ấm ngay nhé !
Đâu phải một mình tôi lạnh, mẹ cũng lạnh vậy, nhưng mẹ không lo cho mẹ mà chỉ nghĩ đến con. Mẹ con tôi chịu đựng vất vả như thế trên con đường trau giồi kiến thức. Và mẹ đã tốt nghiệp “Medical Assisstant” hồi tháng 5 năm 1997. Tôi rất hãnh diện về mẹ.


Tác giả ngày ra trường trên xe lăn
Và tôi cũng tự hãnh diện về mình, khi được nhận mảnh bằng AS “Associate of Art”
ngành “Computer Information Science” vào tháng 6 năm 2000. Mảnh bằng này rất
khiêm tốn, nhỏ bé, nhưng tôi có được nhờ vào tất cả công lao khó nhọc của mẹ. Mẹ đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt cho con niềm tin, niềm tự hào còn có mẹ nâng đỡ ủi an. Ngoài mảnh bằng tôi có được sau 6 năm, (trong khi người bình thường chỉ cần 2 năm) tôi còn học được thêm bài học “vượt gian khó” quý gía, và biết ý thức cần phải học vươn lên trong mọi hoàn cảnh.
Cầm được mảnh bằng AA nhỏ bé trong tay, tôi tự tin và mơ ước đến ngày sẽ cầm được mảnh bằng lớn hơn là BA hoặc BS (4 năm Đại Học) thì căn bệnh “ Muscula Dystrophy” trầm trọng hơn, theo thời gian đã làm teo hết các cơ bắp vùng ngực và lưng, ép phổi tôi teo lại, khiến tôi ngộp và khó thở, nguy hiểm đến tính mạng.
Tôi được đưa ngay vào bệnh viện “SHARP”, bác sĩ trách nhiệm đã khuyên tôi phải chọn một trong hai giải pháp:
1. Không cần sự can thiệp của khoa học, chấp nhận sự rủi ro sẽ đến. Có nghĩa là tôi sẽ chết ngộp bất cứ lúc nào.
2. Phải phẫu thuật, mở một lỗ nơi cổ, đặt ống gắn máy trợ giúp cho sự hô hấp. Như vậy mối nguy hiểm sẽ bớt đe dọa tính mạng và sự sống của tôi sẽ được dài thêm.
Thương mẹ, tôi đã chấp nhận giải pháp thứ hai.
Trước khi mổ, mẹ và tôi đã phải ký giấy chấp nhận mọi tình huống có thể xảy đến với tôi, kể cả tôi sẽ “ngủ” luôn trong ca mổ, không bao giờ thức dậy nữa. Mười giờ sáng ngày ấn định mổ, mẹ đẩy xe lăn đưa tôi đến nhập viện. Mẹ đã cầm hai bàn tay khẳng khiu của tôi, ôm hôn trán tôi trước khi hai bà y tá đẩy tôi vào phòng mổ, còn mẹ được hướng dẫn xuống lầu, đến phòng chờ đợi chờ kết quả ca mổ kết thúc (tốt đẹp hay xấu). Tại phòng chờ đợi, vì lo cho tính mạng của con, mẹ đứng ngồi không yên, đi ra đi vào bồn chồn đếm thời gian từng phút chậm chạm trôi qua như người ngớ ngẩn.
Trong năm tiếng đồng hồ chờ đợi, mẹ tôi không ăn uống gì cả, bà chỉ biết cầu nguyện rồi phó thác và xin vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Rồi cũng tới lúc nghe cô y tá dùng máy phóng thanh gọi mẹ tôi lên lầu. Lên lầu vừa trông thấy tôi, nét mặt mẹ liền rạng rỡ, vì mẹ biết là tôi vẫn còn sống, còn ở lại trần gian với bà, mẹ chưa vĩnh viễn mất con đứa con bất hạnh.
Mắt mẹ rưng rưng lệ nhìn vào cổ tôi, sau khi giảu phẩu đã được đặt vào một ống plastic tròn, to bằng 3 ngón tay chụm lại, trong khi tay mẹ vuốt tóc tôi như chia xẻ, như muốn gánh vác bớt cho tôi những đau đớn mà tôi đang chịu. Hiểu lòng mẹ bao la, tôi cố nén mọi đau đớn, ráng gượng nở nụ cười với mẹ cho mẹ an lòng. Nhưng nụ cười đầu tiên của con dành cho mẹ, sau khi hồi sinh vẫn còn ảnh hưởng thuốc mê, nên không trọn vẹn, không đủ xóa hết những lo âu, sợ hãi của mẹ. Tuy vậy, bao nhiêu mệt mỏi của mẹ như đã tan biến, khi cuộc đời mẹ tưởng đã cạn kiệt hy vọng, lại đong đầy niềm vui và ý nghĩa cuộc sống, khi núm ruột của mẹ vẫn còn đây. Mẹ lại được tiếp tục yêu thương, ấp ủ con trong vòng tay ấm áp,
ngọt ngào tình mẫu tử. Tôi không thể ôm mẹ được, tủi thân nên nước mắt tôi trào ra, không kìm chế được nữa, dù tôi đã tự hứa không bao giờ để mẹ thấy con khóc mà đau lòng. Mẹ ơi, thế là cuộc đời con từ đây phải sống nhờ vào máy móc, và mẹ phải thêm công việc chăm sóc sệ sinh, thay ống, rửa những linh kiện nối từ máy thở vào ống thở đặt nơi cổ họng chuyền qua vòm họng, thay thế cho buồng phổi của con, giúp con duy trì sự sống.
Phần tôi, rất đau đớn vì một vật lạ, luôn nằm nơi cổ họng, nối vào khí quản. Mỗi cử động dù nhỏ đều làm tôi đau đớn khôn cùng và luôn phải nhờ mẹ giúp đỡ. Thân xác tôi như nằm trên bàn chông chịu cực hình. Tôi quá tuyệt vọng vì nỗi đau thể xác, nên tinh thần bấn loạn. Lần này, tôi thực sự không muốn sống nữa, tôi muốn từ gĩa cõi đời, muốn được giải thoát khỏi cực hình. Dù sao tôi cũng đã có 34 năm sống trong vòng tay êm đềm của mẹ, thế là đã quá đủ rồi xin hãy cho tôi trở về với cát bụi. Tôi bày tỏ cùng mẹ ý định này của tôi.
Nghe vậy, bà vội vàng ôm chầm lấy tôi, nức nở, nghẹn ngào qua làn nước mắt:
-Con bỏ mẹ đi, mẹ biết sống cùng ai, sống cho ai nữa đây! Con đi rồi còn ai để mẹ nâng giấc ủi an! Ai sẽ cho mẹ những giây phút dịu dàng hạnh phúc và hy vọng dù rất hiếm hoi, để cùng nhau đi hết đoạn đường đời cay nghiệt! Triệu ơi! mất con rồi đời mẹ thành vô nghĩa. Lạc lối về mẹ mất cả ánh sao đêm trông mong hy vọng. Con đừng bỏ mẹ bơ vơ trơ trọi giữa đường đời, vốn đã nghiệt ngã với mẹ con ta. Triệu ơi, hãy vì mẹ con can đảm lên mà sống! Mẹ ẵm bồng con, con an ủi mẹ chúng ta đỡ nâng nhau. Con ơi, đừng bỏ mẹ …
Lời mẹ than vãn làm tim tôi đau nhói, thắt ngặt lại và tôi cũng nức nở như chưa bao giờ được khóc trong đời. Tôi phải sống! Cho dù tôi tàn tật; cho dù tôi đau yếu mang bệnh nan y, nhưng sự hiện hữu của tôi mới làm cho nụ cười còn đọng mãi trên đôi môi mẹ.
Mẹ ở bên con ngày ra trường
Sự sống là cao quí. Cuộc đời dù là bất hạnh, cùng khổ đến đâu cũng đều có ý nghĩa sống, sống vị tha và rất cần đức hy sinh cùng lòng hiếu thảo. Mẹ ơi! Hai hàng lệ của mẹ hoà với nước mắt con, tự làm thành tờ giao ước của hai mẹ con ta, phải đồng lòng gắn bó đời nhau cho đến “khi Chúa thương gọi về”. Thân xác dù tàn tật cũng không được tự ý hủy bỏ.
Tôi phải sống vì mẹ như mẹ đã từng sống vì tôi! Tôi hiểu lòng mẹ tan nát mỗi lúc nhìn tôi và lòng tôi cũng nát tan khi thấy mẹ nước mắt mãi lưng tròng!
Có phải tại vì mẹ đẹp người, đẹp nết nên phải chịu cảnh hồng nhan là đa truân?
Có thật định mệnh đố kỵ muốn làm chết đuối “người trên cạn mà chơi”?
Ôi, định mệnh! Định mệnh sao quá trớ trêu! Định mệnh đã dành riêng cho mẹ những bất hạnh truân chuyên. Từ tuổi 30, mẹ đã phải một thân một mình nuôi dạy bốn đứa con thơ dại, vất vả nhất là chăm sóc đứa con tật nguyền, chăm sóc bà nội nay ốm mai đau, thay cha báo hiếu, lo mộ phần an nghỉ cho bà nội, lo kiếm thêm tiền thăm nuôi, tiếp tế lương thực, thuốc men cho cha trong suốt 10 năm tù cải tạo từ Bắc vào Nam. Mẹ quá vất vả, tảo tần, dãi nắng dầm mưa, bất chấp mọi gian nan, khốn khó, hiểm nguy luôn đe dọa đến tính mạng, vì mẹ phải buôn chui, bán chợ đen, chợ đỏ dưới mắt cú vọ của công an nhân dân, mẹ mới đem lại sự ấm no cho gia đình 6 người, trong hoàn cảnh cả nước ăn bo bo, mì sợi, ngô, khoai thay
cơm gạo, sau ngày miền Nam được “giải phóng”, cha được “đi học” mút mùa.
Ôi! Mẹ hiền của tôi, một người mẹ vất cả đời mà không hề than vãn, mẹ âm thầm tận tụy, cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho gia đình. Qua mẹ, tôi nhớ đến câu danh ngôn: “Thượng đế không thể ở khắp mọi nơi, nên Ngài phải sinh ra những người mẹ”. Và tôi liên tưởng đến Đức Mẹ Maria đã phải chứng kiến những nhục hình tra tấn của quân dữ trước giờ Jesus, con một của Người bị đóng đinh trên thập giá. Còn mẹ tôi, cũng khổ đau không kém gì Mẹ Maria vì mẹ suốt đời phải xót xa nhìn đứa con trai đầu lòng duy nhất của mình, hằng ngày phải chịu khổ hình trong bệnh tật.
Thật không giấy bút nào tả xiết và tôi cũng không đủ khả năng để nói lên được lòng can đảm và sự chịu thương chịu khó, sự kiên trì cùng trái tim đầy ắp yêu thương, nhân hậu của mẹ tôi. Tôi chỉ biết yêu mẹ bằng luỹ thừa tình yêu mẹ mỗi ngày và sống, dù là sống nhờ mẹ và máy móc dây nhợ quanh người.
Có lần tôi những tưởng đã mất mẹ vĩnh viễn, khi bà bị một tai nạn xe hơi rất nặng giữa xa lộ 163, bà bị gãy chân và bể đầu bất tỉnh. Tưởng mẹ tôi đã chết trong xe, người gây ra thảm trạng cho mẹ tôi đã bỏ chạy trốn mất. Ấy thế mà, sau bảy tiếng đồng hồ phẩu thuật, vừa hồi tỉnh, điều mẹ tôi quan tâm đầu tiên là hỏi:
-Triệu đâu? Con tôi vẫn bình yên chứ?
Sau tai nạn đó mẹ tôi lại mang thêm trong chân những chiếc đinh vít inox, mà những lúc trái gió trở trời thường làm mẹ tôi nhức nhối khổ sở lắm. Những lúc ấy, tôi thương mẹ biết chừng nào.
Mẹ Hoàng Minh Đức ơi, chúng con yêu thương và kính trọng mẹ vô ngần, vì trong  bất cứ hoàn cảnh nào, mẹ cũng luôn dậy bảo, nhắc nhở anh em chúng con phải biết vâng lời, sống ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, luôn thật thà, khiêm cung, không hiềm tỵ ganh ghét bất cứ ai. Nhờ có mẹ răn dậy cẩn thận như thế nên anh em chúng con, chưa hề biết gian dối hay ganh ghét ai bao giờ.
Mẹ chính thật có trái tim vĩ đại dành của chúng con (và cha nữa). Nhưng cha đã từ chối nhận, đã rũ bỏ mẹ và 4 anh em chúng con ngay sau khi đến được nước Mỹ, trong khi mẹ luôn nghĩ sẽ cùng cha sống đến già, yêu đến già …
Thử hỏi có người nào không âu sầu, khi biết đứa con trai duy nhất, bị mắc căn bệnh nan y, không thể nối dõi tông đường. Mẹ cũng vậy, mẹ rất đau buồn và còn phải nhận thêm cay đắng khi “thuyền tình đã neo bến mới”. Dù đau buồn cay đắng, mẹ vẫn không hề biểu lộ sự giận dữ vì lòng mẹ rất nhân hậu, bao dung. Mẹ đã nói:
– Cha khổ nhiều vì CS rồi, đừng ép buộc cha thêm khổ sinh ra uất ức, la hét,  chưởi rủa khi phải ở lại với chúng ta. Hãy để cha quyết định theo cách tốt nhất mà cha chọn. Nếu từ bỏ mẹ con mình mà cha hạnh phúc, thì hãy chấp nhận.
Tôi biết, mẹ nói vậy là để trấn an anh em chúng tôi và để che dấu cõi lòng tan nát, an phận chấp nhận quyết định của cha. Cách đây không lâu, mẹ nhờ cô bạn mở cho một địa chỉ e-mail, khi được hỏi mẹ chọn “password” là những chữ gì, mẹ đã nói ngay câu “đả đảo ông chồng” rồi mẹ và cô bạn cùng cười vang. Tôi cũng chua xót cười theo và thương mẹ hiền lành chỉ biết hô “đả đảo” khi cha tuyệt tình!
Cha ơi, hai mươi năm đã trôi qua, cha sống có hạnh phúc không, cha có toại nguyện với các em trai khôi ngô, khỏe mạnh “nối dõi tông đường”, cha có cõng các em trên lưng cha, như mẹ đã cõng con nhiều năm tháng trên lưng mẹ. Lưng mẹ êm đềm và ấm áp lắm, không biết lưng cha thế nào, con chưa một lần được cha cõng trên lưng, được vòng tay ôm cổ cha âu yếm, đấy là điều con mãi nuối tiếc. Và bây giờ thì con không còn có thể vòng tay ôm cổ cha được nữa, nếu như cha có về và muốn cõng con, khi hai cánh tay con thịt đã teo biến hết, chỉ còn da bọc lấy xương, lõng thõng và vướng víu khi mẹ tắm rửa, thay quần áo cho con. Khi con xử dụng computer, mẹ phải nhấc cánh tay khẳng khiu của con đặt lên bàn, cầm
mấy ngón tay con đặt trên con chuột (mouse) kéo từng ngón vào vị trí chính xác thuận tiện nhất, để con có thể bấm xử dụng được dễ dàng. Tuy vậy, chốc chốc con lại gọi mẹ ơi, mẹ hỡi để mẹ chạy đến giúp, vì đẩy tới đẩy lui, con “mouse” đã chuồi ra khỏi tay con rồi, mà con không thể tự nắm bắt nó lại được.
Cha ơi, con chợt nhớ đến cha mà viết những dòng chữ này, nếu cha có tình cờ đọc được, xin hiểu lòng con, đứa con trai tàn tật thân xác từ thuở ấu thơ, luôn khao khát tình cha. Bởi vì tình mẹ dù có bao la, cũng không thể phủ trùm thay thế tình cha cho con. Con đã có “Ánh Sao Tình Mẹ”, con cũng muốn có những nốt nhạc cho tình phụ tử, là thật lòng con đấy!
Và hơn tất cả con luôn cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, đã ban cho con đủ sức chịu đựng và “xin vâng” đón nhận mọi khổ đau và cho con còn sống đến hôm nay.
Con xin tri ân nước Mỹ. Vinh danh mẹ. Tạ ơn cha. Cám ơn các em gái Trinh – Trâm
– Bình và các cháu đã chăm ngoan, học giỏi thay anh, thay bác Triệu bù đắp, đóng góp tài sức cho gia đình, cho xã hội. Cám ơn các em rể thủy chung, mạnh mẽ, thẳng ngay như tùng như bách làm cột trụ vững chắc cho gia đình được tràn đầy hạnh phúc, luôn vang tiếng cười.
Con cũng nguyện xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho tất cả mọi người đã đối đãi tử tế với gia đình con, cách riêng là an ủi, giúp đỡ mẹ và con trong hoạn nạn. Đặc biệt cám ơn anh chị Cao Ngô An đã không quản ngại vất vả làm tài xế đưa mẹ đi chợ, giúp mẹ nấu nướng, đưa em đi khám bệnh, đi những nơi cần thiết, từ khi mẹ bị tai nạn xe hơi trên xa lộ, không lái xe được nữa.
Bài viết của Minh Triệu là một tự truyện chân thật và xúc động. Để có bài viết này, tác giả đã vất vả nhiều năm tháng, vì không thể ngồi lâu, và vì chỉ còn xử dụng được một ngón tay duy nhất để gõ phím và bấm mouse.

Ông cũng là nhạc sĩ nghiệp dư vinh danh tình mẹ bằng ca khúc “Ánh Sao Tình
Mẹ” Bài hát được đưa lên Youtube gần ba năm qua, hiện đã có hơn 32,000
lượt người coi.
Mời thưởng thức bài “Ánh Sao Tình Mẹ” qua các giọng hát Mai Thiên Vân
và Kim Tử Long.

Tình Mẹ –  Mai Thiên Vân (Minh Triệu)

httpv://www.youtube.com/watch?v=H4Ny-STr9X8&NR=1

Ánh Sao Tình Mẹ – Kim Tử Long

httpv://www.youtube.com/watch?v=UQSo8hSdNA0

Ánh Sao Tình Mẹ – Kim Tử Long – Tân Cổ Giao Duyên

httpv://www.youtube.com/watch?v=jvFMYDeLVQo

Em ơn anh nhiều lắm. San Diego 3/3/11.
nguồn: Chị Xuân Lang gởi

Từ trẻ nhặt rác đến ứng cử viên giải Hòa bình Thiếu nhi Quốc tế

Từ trẻ nhặt rác đến ứng cử viên giải Hòa bình Thiếu nhi Quốc tế
nguồn: VOA

Kesz ngồi đằng sau một cậu bé 5 tuổi lắng nghe một bài học. Kesz bị bỏng nặng hồi 8 năm trước tại một bãi rác ở gần thủ đô Manila
Simone Oredain
17.09.2012
MANILA — Từ đi nhặt rác đến vận động cho quyền trẻ em, một cậu bé xuất thân từ thành phố Cavite gần thủ đô Manila của Philippines đang là một trong 3 ứng cử viên cho giải thưởng Hòa bình Thiếu nhi Quốc tế. Giải thưởng thường niên này ghi nhận những đóng góp đáng kể trong việc đối phó với các vấn đề của trẻ em và dự kiến sẽ được công bố trong tuần này tại thành phố The Hague. Từ Manila, thông tín viên Simone Orendain tường trình về cậu bé 13 tuổi tên Kesz, người sáng lập ra một tổ chức đã giúp hơn 10.000 trẻ em có hoàn cảnh như chính cậu.
Kesz nở nụ cười rạng rỡ trước những đứa trẻ ăn mặc nhếch nhác đang chen chúc ngồi nghe cậu đọc một câu chuyện về một chú chuột đi lên mặt trăng để tìm pho mát. Chúng tụ tập ngồi quanh một chiếc bàn trong trung tâm giữ trẻ chỉ có 1 phòng này ở Barangay Muzon, một cộng đồng nghèo khó ven vịnh Manila.
Kesz và một số tình nguyện viên trẻ tuổi nữa dạy bọn trẻ đọc hiểu, quyền trẻ em, vệ sinh cá nhân và trồng rau.
Kesz nói: “Em nhìn thấy bản thân mình qua những đứa trẻ này. Khi em đi đến những thành phố khác và nhìn thấy lũ trẻ xin ăn trên đường phố, em như thấy hình ảnh của chính mình. Vì thế mà em muốn dốc lòng giúp chúng.”
Từ lúc Kesz mới 2 tuổi cậu đã phải đi xin ăn, ăn cắp vặt và nhặt rác tại bãi rác nơi gia đình cậu sinh sống. Cậu nói ở nhà cậu bị ngược đãi và sau đó cậu bỏ trốn.
Kesz đọc câu chuyện về một chú chuột đi lên mặt trăng để tìm pho mát
​​Một ngày nọ, các thành viên của Câu lạc bộ 8586, một nhóm Kitô hữu vận động cho trẻ em tìm thấy Kesz đang ngủ bên ngoài một cửa hàng tạp hóa. Efren Penaflorida nhớ lại cậu bé 4 tuổi Kesz khắp người đầy ghẻ choàng tỉnh dậy và vội xin tiền.
Anh Penaflorida nói: “Nhưng tất nhiên là chúng tôi không cho tiền. Điều mà tôi và người hướng dẫn của tôi KB làm là mời cậu bé tham dự lớp học xe đẩy mà trong đó chúng tôi cho em thức ăn và một nền giáo dục cơ bản. KB bây giờ là người giám hộ của Kesz.”
Lớp học xe đẩy là một chương trình học tập khác dành cho trẻ em đường phố, một hình thức trường học mini di động có cung cấp bữa ăn và đồ dùng vệ sinh cá nhân.
Người sáng lập Câu lạc bộ 8586, Harnin “KB” Manalaysay, gửi Kesz trở về nhà với cam kết trả tiền học phí cho cậu bé. Nhưng thay vì đi học cậu lại buộc phải đi nhặt rác. Khi Kesz 5 tuổi, cậu bị những người nhặt rác bâu quanh xe chở rác xô ngã vào đống lốp xe đang cháy. Câu lạc bộ 8586 trả chi phí điều trị bỏng cho Kesz nhưng sau đó mẹ Kesz bỏ rơi cậu.
Kesz cho biết: “Mẹ em nói ở với Câu lạc bộ 8586 tốt hơn vì em sẽ được chăm sóc.
Bà ấy cũng nói em là người gây xui xẻo cho bà ấy.”
Dưới sự dìu dắt của Manalaysay và những người hướng dẫn khác, vận hạn của Kesz
đã thay đổi. Cậu bé 6 tuổi trở thành học sinh xuất sắc. Khi cậu vừa tròn 7 tuổi, Kesz đã ước một điều ước quan trọng vào dịp sinh nhật của mình.
Kesz nói thêm: “Em ước rằng trẻ em nghèo khó cũng nhận được những thứ mà em đã
nhận được.”
Kesz nói cậu muốn trẻ em nghèo có những thứ như dép xỏ ngón, đồ chơi và bánh kẹo, những thứ mà cậu từng có. Đây là khởi đầu cho sứ mệnh đầy tham vọng của Kesz. Những món quà mà Kesz ước vào sinh nhật mình hàng năm giờ đây có thêm quần áo, đồ dùng vệ sinh cá nhân và một thông điệp giản đơn gửi đến cho bọn trẻ, rằng đừng đánh mất hy vọng bởi vì chính các em cũng có thể đảo ngược lại cuộc đời của mình.
Khi chương trình được nhân rộng, Kesz và một nhóm những tình nguyện viên trẻ tuổi bắt đầu dang tay giúp đỡ đến hàng ngàn trẻ em nghèo khó ở Manila. Mùa xuân năm rồi, tổ chức Campioning Community Children vươn ra ngoài Philippines để đến với trẻ em cơ nhỡ ở Indonesia.
Klarence Baptista, một giám sát viên tình nguyện 22 tuổi, nói nguyên tắc làm việc của Kesz quả là phi thường.
Cô Baptista nói “Kesz giống như một thứ ánh sáng soi đường và truyền cảm hứng cho những người xung quanh chỉ đơn giản bằng cách giúp đỡ người khác.”
Nhưng quá khứ khó khăn vẫn đeo đuổi Kesz. Sau khi cậu được đề cử giải thưởng Hòa bình, Kesz bắt đầu nhận được những lời đe dọa tống tiền vì được giới truyền thông để ý tới. Sự việc này khiến cậu phải lánh xa công chúng và chỉ sử dụng tên “Kesz” thay vì tên họ đầy đủ để bảo vệ danh tính của mình.

Super model Aimee Mullins

Super model Aimee Mullins

Aimee Mullins nổi lên như một hiện tượng khác biệt trong làng mẫu với đôi chân… cụt. 
Người ta thường tâm niệm rằng người phụ nữ phải sở hữu làn da sáng mịn, khuôn mặt hoàn hảo, vóc dáng gợi cảm và đôi chân dài miên man thì mới “dám” mơ ước trở thành siêu mẫu đắt giá của thế giới. Thế nhưng, Aimee Mullins nổi lên như một hiện tượng khác biệt trong vương quốc thời trang với đôi chân… cụt.

 

Aimee Mullins, 35 tuổi với đôi chân giả.

Aimee Mullins, 35 tuổi, hiện là một nữ diễn viên, người mẫu và là vận động viên Olympic. Được biết cô đã bị cắt bỏ 2 chân từ khi 11 tuổi. Aimee lớn lên ở Allentown, bang Pennsylvania, cha là công nhân nhà máy, mẹ là nhân viên tiếp tân tại bệnh viện.

Cô phải ngồi xe lăn từ 5 tuổi và gần như tuyệt vọng khi bị cắt bỏ đôi chân chỉ 6 năm sau đó. Mọi thứ đều trở nên khó khăn với Aimee Mullins. Cô luôn bị mặc cảm về thân phận của mình, thế nhưng, cô tự nhủ lòng phải chứng minh cơ thể mình có thể làm được nhiều điều có ích và phải tạo sự khác biệt. Aimee Mullins cố gắng học hành chăm chỉ và ở tuổi “bẻ gãy sừng trâu” 17, cô vượt qua 39.000 ứng viên kỳ cựu và trở thành 1 trong 3 học sinh giành được xuất học bổng danh giá của trường đại học Georgetown– trường mà Bill Clinton từng theo học. Đặc biệt hơn, khi tốt nghiệp, cô còn được mời làm việc như một nhà phân tích tình báo tại Lầu Năm Góc và trở thành người phụ nữ duy nhất làm việc trong cục tình báo cấp cao này.

 

Tuy nhiên, Aimee Mullins đã từ bỏ các xuất học bổng có giá trị, từ bỏ 1 công việc có thể đảm bảo cho cuộc sống và chuyển sang lĩnh vực thể thao, dường như cô muốn chứng minh với thế giới rằng, đôi chân cô có thể tạo nên điều phi thường. Giấc mơ thành hiện thực, năm 1996 ở Atlanta, cô lập kỷ lục thế giới về bước chạy nước rút 100m, 200m và kỷ lục Paralympic cho bước nhảy dài chỉ với đôi chân giả bằng sắt nặng nề.
 

 
 
Năm 1996 ở Atlanta, Aimee Mullins lập kỷ lục thế giới về bước chạy nước rút 100m, 200m và kỷ lục Paralympic cho bước nhảy dài chỉ với đôi chân giả bằng sắt nặng nề.

 
Không chỉ dừng lại ở thể thao, Aimee Mullins thử sức ở mọi lĩnh vực và lấn sân sang giải trí. 12 năm về trước, cô đã từng trở thành 1 nàng thơ cho nhãn hiệu Alexander McQueen. McQueen đã thay thế chân dưới của cô bằng một đôi giày gỗ chạm trổ khá tinh vi và cầu kỳ. Khi Aimee sải bước trên sàn catwalk tại tuần lễ thời trang London năm 1998, nhiều người khen ngợi cô thật sự rất hấp dẫn. Nhưng khi tin tức bị rò rỉ, McQueen bị phản ứng dữ dội và bị cáo buộc là trình diễn thời trang quái nhân. Kể từ đó, Aimee Mullins bị gắn mác là “siêu mẫu khuyết tật” mới của làng thời trang. Tuy nhiên, cô rất hãnh diện về danh hiệu này, Aimee chia sẻ: “Điều làm cho phụ nữ đẹp là sự khác biệt, tôi đã thầm cảm ơn Chúa vì điều bất thường của mình, nó làm cho tôi trở nên đặc biệt hơn”.

 

 

 

 
Khi Aimee sải bước trên sàn catwalk tại tuần lễ thời trang London năm 1998 tại show diễn của Alexander McQueen, với đôi giầy gỗ chạm trổ tinh vi.

 
Không chỉ dừng lại ở đó, cô còn là một diễn viên xuất sắc và đã từng được khen ngợi rất nhiều, khi đảm nhiệm vai nữ chính trong bộ phim Cremaster 3 của đạo diễn Matthew Barney. Đầu năm 2011, Aimee được mời làm đại sứ toàn cầu của nhãn L’Oréal Paris cùng với những mỹ nhân của kinh đô điện ảnh thế giới như: Jennifer Lopez, Beyoncé, Eva Longoria và Cheryl Cole.

 

 

Đầu năm 2011, Aimee được mời làm đại sứ toàn cầu của nhãn L’Oréal Paris cùng với những mỹ nhân của kinh đô điện ảnh thế giới như: Jennifer Lopez, Beyoncé, Eva Longoria và Cheryl Cole. 


 

 

 

Với gương mặt đẹp và nghị lực phi thường, Aimee được xem là biểu tượng khác lạ của giới người mẫu.

 
Chia sẻ quan điểm về hạnh phúc, Aimee cho biết:
“Cuộc sống và hạnh phúc hay không là do bạn quyết định và theo quy tắc của riêng bạn, không ai quyết đinh nó thay bạn”.

 

 

 

 

 

Một câu chuyện về lòng kiên trì

Một câu chuyện về lòng kiên trì
Tôi là cựu giáo viên dạy nhạc tại một trường tiểu học ở DeMoines. Tôi luôn kiếm được lợi tức từ công việc dạy đàn dương cầm _ đó là một công việc mà tôi đã làm suốt 30 năm qua. Trong thời gian đó, tôi đã gặp nhiều trẻ em có những khả năng về âm nhạc ở nhiều cấp độ khác nhau. Tôi chưa bao giờ có hứng thú trong việc có học sinh thuộc dạng “cần nâng đỡ” mặc dù tôi đã từng dạy một vài học sinh tài năng. Tuy nhiên tôi cũng dành thì giờ vào những học sinh mà tôi gọi là “trơ nhạc”. Một trong những học sinh đó là Robby.

Robby đã 11 tuổi khi mẹ cậu thả vào lớp trong bài học dương cầm đầu tiên. Tôi thích những học sinh (đặc biệt là những cậu bé) bắt đầu ở lứa tuổi nhỏ hơn, và nói điều đó với Robby. Nhưng Robby nói rằng mẹ cậu luôn luôn mơ ước được nghe cậu chơi dương cầm. Vì vậy tôi đã nhận cậu vào học. Thế là Robby bắt đầu những bài học dương cầm đầu tiên và tôi nghĩ rằng đó là sự cố gắng vô vọng. Robby càng cố gắng, cậu càng thiếu khả năng cảm thụ âm nhạc cần thiết để tiến bộ. Nhưng cậu rất nghiêm túc trong việc ôn lại những bài học và những bản nhạc sơ đẳng mà tôi yêu cầu cất cả các học sinh của mình đều phải học. Sau nhiều tháng ròng rã, cậu miệt mài cố gắng và tôi vẫn cứ lắng nghe và cố động viên cậu. Cứ hết mỗi bài học hàng tuần, cậu luôn nói: “Một ngày nào đó mẹ em sẽ đến đây để nghe em chơi đàn”. Nhưng điều đó dường như vô vọng. Cậu không hề có một năng khiếu bẩm sinh nào. Tôi chỉ thấy mẹ cậu (một phụ nữ không chồng) ở một khoảng cách khá xa khi thả cậu xuống xe và chờ cậu trong một chiếc xe hơi cũ mèm khi đến đón cậu. Bà luôn vẫy tay và mỉm cười nhưng không bao giờ ở lại lâu.
Thế rồi một ngày nọ Robby không đến học nữa, tôi định gọi điện cho cậu nhưng thôi, bởi vì cậu không hề có chút năng khiếu nào, có lẽ cậu đã quyết định theo đuổi một con đường khác. Tôi cũng vui khi cậu không đến nữa. Cậu làm cho sự quảng bá trong việc dạy dỗ của tôi mất ưu thế! Vài tuần sau đó, tôi gởi đến nhà những học sinh của mình các tờ bướm thông báo cho buổi diễn tấu sắp tới. Trước sự ngạc nhiên của tôi, Robby (cũng đã nhận một tờ bướm) hỏi xem cậu có được tham dự biểu diễn hay không. Tôi bảo với cậu, buổi diễn chỉ dành cho học sinh đang học, vì cậu đã thôi học nên cậu sẽ không đủ khả năng thực hiện. Cậu nói rằng mẹ cậu đang ốm và không thể chở cậu đi học nữa, nhưng cậu vẫn luôn luyện tập. “Cô Hondorf… cô cho em diễn một lần thôi…”, cậu nài nỉ. Tôi không hiểu điều gì đã xui khiến tôi cho phép cậu chơi trong buổi trình tấu đó. Có thể là cậu đã tha thiết quá, hoặc là một điều gì đó trong tôi đã bảo mách tôi rằng điều đó là đúng.
Đêm biểu diễn đã đến. Trong hội trường đông nghịt những phụ huynh, bạn bè và họ hàng. Tôi bố trí cho Robby ở cuối chương trình trước khi tôi xuất hiện để kết thúc và cảm ơn những học sinh đã trình diễn. Tôi nghĩ rằng tất cả những rủi ro mà cậu có thể gây ra cũng là lúc kết thúc và nếu có bề gì thì tôi cũng có thể “chữa cháy” cho sự biểu diễn yếu kém của cậu bằng tiết mục “hạ màn” của tôi. Và buổi biểu diễn trôi qua không một trở ngại nào. Những học sinh đã luyện tập nhuần nhuyễn và trình bày rất tốt. Thế rồi Robby bước ra sân khấu. A? quần cậu nhàu nát và mái tóc như tổ quạ.
“Tại sao cậu lại không ăn vận như những học sinh khác nhỉ? Tôi nghĩ “Tại sao ít ra mẹ cậu lại không chải tóc cho cậu vào cái đêm đặc biệt như thế này chứ?”
Robby mở nắp đàn lên và bắt đầu. Tôi ngạc nhiên khi thấy cậu tuyên bố rằng cậu chọn bản Concerto số 21 cung Đô trưởng của Mozart. Tôi hoàn toàn bất ngờ khi nghe những gì tiếp theo đó. Những ngón tay của cậu lấp lánh, nhảy múa trên những phím ngà. Cậu đã chơi những giai điệu từ nhẹ nhàng êm dịu đến hùng tráng… thật có hồn và đầy điêu luyện trong sự phối âm tuyệt diệu của nhạc Mozart. Chưa bao giờ tôi nghe một đứa trẻ ở tuổi ấy trình bày nhạc Mozart hay đến thế. Sau 6 phút rưỡi cậu đã kết thúc trong một âm thanh huy hoàng mạnh mẽ và mọi người đều đứng lên vỗ tay. Không nén được lệ tràn trong mắt, tôi chạy lên sân khấu và vòng tay ôm lấy Robby trong hạnh phúc: “Cô chưa bao giờ nghe em chơi hay như thế Robby ạ. Làm sao em có thể làm được điều đó?”. Robby giải thích qua chiếc micro “Thưa cô Hondorf… cô có nhớ là em đã kể rằng mẹ em đang ốm? Thực ra, mẹ em đã bị ung thư và qua đời sáng nay. Mẹ em bị điếc bẩm sinh vì vậy đêm nay là đêm đầu tiên mẹ em nghe thấy em đàn. Em muốn làm điều gì đó thật là đặc biệt”.
Tối hôm ấy, trong hội trường không đôi mắt nào không nhỏ lệ. Khi những người ở Trại Xã Hội đưa cậu từ sân khấu trở về trại mồ côi tôi nhận thấy mắt họ đỏ và sưng mọng. Tôi chợt nghĩ, đời tôi nhiều ý nghĩa biết bao khi đã từng nhận một học sinh như Robby. Không, tôi chưa bao giờ nhận một học sinh nào “cần nâng đỡ”, nhưng đêm đó tôi trở thành người được nâng đỡ bởi Robby. Cậu là thầy của tôi và tôi chỉ là một học trò. Bởi vì cậu đã dạy cho tôi ý nghĩa của sự kiên trì, của tình yêu và niềm tin trong chính con người của chúng ta và điều đó có thể tạo ra cho người khác một cơ hội mà chúng ta không biết vì sao. Điều này càng đặc biệt ý nghĩa hơn khi sau này tôi biết Robby bị chết trong vụ nổ bom điên rồ tại tòa nhà Alfred P. Murrah Federal ở thành phố Oklahoma vào tháng 4 năm 1995 nơi cậu đang biểu diễn.
S.T.
( Từ Reader’s Digest)
từ: Nguyễn Phi Phượng gởi