SỨC MẠNH GIÁO DỤC HƠN NHIỀU LỜI QUÁT MẮNG -Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.   

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.   

 ĐỐI ĐÁP THÚ VỊ GIỮA HAI CHA CON  

Chỉ là cuộc trò chuyện giữa hai cha con nhưng cha đã dạy con thật nhiều. Những bài học cũng rất thấm thía đối với các bậc làm cha mẹ.

*

Đứa bé 2 tuổi

Một hôm, đầu của cậu bị va vào góc bàn, liền nằm lăn ra sàn nhà, khóc ăn vạ.

Một phút sau, cha đi đến cạnh chiếc bàn và hỏi to:

“Cái bàn đâu rồi, ai làm em đau vậy? Có đau quá không?”

Cậu bé ngừng khóc, hai mắt đẫm lệ ngước lên nhìn cha. Người cha vuốt ve cái bàn và hỏi:

“Ai? Ai làm đau bàn?”

“Con, là con đã va vào nó”.

“Ồ, thì ra là con đã va vào bạn ấy. Vậy sao không nhanh nói lời xin lỗi!”

Cậu bé nước mắt vẫn lưng tròng, nói với chiếc bàn: “Tớ xin lỗi”.

Kể từ đó, đứa trẻ học được cách gánh chịu trách nhiệm.

*

Khi cậu bé 3 tuổi.

Một hôm không hiểu sao vô cớ khóc lớn, người cha hỏi:

“Làm sao mà con khó chịu như vậy?”

“Con không khó chịu”

“Thế tại sao lại khóc!”

“Tại con muốn khóc!”.

Rõ ràng là hư hỏng.

“Chà, con không có ý định khóc, nhưng lại ở đây khóc nháo, điều này sẽ làm phiền chúng ta. Ba sẽ tìm một nơi cho con. Con sẽ khóc một mình thỏa thích, bao giờ khóc đủ thì gọi ba”.

Người cha mở cánh cửa phòng tắm, nói: “Con vào đây, bao giờ khóc xong thì gõ cửa nhé!”

2 phút sau, đứa trẻ gõ cửa gọi: “Ba ơi, con khóc xong rồi!”

“Tốt, khóc khóc xong rồi thì đi ra!”

Đến nay, cậu bé đã 18 tuổi, không còn dùng cảm xúc của mình để thao túng người khác.

*

Con trai 5 tuổi.

Vào buổi tối nọ, hai cha con đi bộ qua cây cầu nhỏ, dòng nước dưới cầu trong vắt có thể nhìn thấy đáy. Đứa trẻ ngước lên nhìn cha: “Ba ơi, dòng sông đẹp quá, con muốn nhảy xuống và bơi”.

Người cha nhìn con, nói: “Chà, ba cũng muốn bơi cùng con. Nhưng chúng ta hãy về nhà thay quần áo đã”.

Về nhà, thay quần áo xong, người cha dẫn con đến trước một chậu nước to:

“Con trai, muốn bơi thì phải cúi ngập mặt trong nước. Con có hiểu không?”

“Vậy thì hãy tập luyện ngay bây giờ xem con có thể lặn trong bao lâu”.

Người cha nhìn vào chiếc đồng hồ.

“Tốt!”.

Đứa trẻ vùi mặt xuống nước, có vẻ rất tự tin.

Chỉ 10 giây sau: “Thôi ba ơi, chết đuối mất, thật khó chịu”

“Đúng rồi. Khi nhảy xuống sông còn có thể khó khăn hơn nữa”

“Ba, chúng ta có thể không đi nữa được không?”

“Được rồi, không đi thì không đi”

Kể từ đó, cậu bé đã học được cách thận trọng và không liều lĩnh, suy nghĩ kỹ trước khi hành động.

*

Cậu bé 6 tuổi.

Một hôm tan học muộn, lúc đi qua cửa hàng McDonald.

“Ba, McDonald!”

“Chà, McDonald! Muốn ăn không?”

“Con muốn ăn!”

“Con trai, một người muốn ăn gì liền ăn, là một người yếu đuối; nếu muốn ăn nhưng kiềm chế không ăn, mới gọi là anh hùng”.

Sau đó hỏi: “Con trai, con muốn trở thành anh hùng hay người yếu đuối?”

“Ba, tất nhiên con muốn trở thành anh hùng!”

“Tốt! Thế anh hùng, bạn muốn ăn gì ở McDonald?”

“Con không muốn ăn nữa!”. Rất chắc chắn.

“Tuyệt, anh hùng! Về nhà thôi”.

Kể từ đó, cậu bé đã học được việc gì nên làm và không nên làm, học được cách kiềm chế những cám dỗ xung quanh.

*

Đứa trẻ 8 tuổi

đã trở nên ngày càng nghịch ngợm.

Cậu đánh lộn với các bạn ở lớp lớn, bị thương ở lưng, về nhà khóc lớn.

“Con bất bình sao?”

“Vâng, rất uất ức!”

“Con tức giận?”

“Vâng, tức giận!”

“Vậy con muốn sẽ làm gì?”. Người cha hỏi lại: “Con có cần ba làm gì đó cho con không?”

“Ba ơi, con muốn tìm một viên gạch, và con sẽ đánh anh ta từ phía sau!”

“Chà, được rồi! Ba sẽ chuẩn bị gạch cho con vào ngày mai”. Cha tiếp tục hỏi: “Còn gì nữa không?”

“Ba ơi, ba lấy cho con một con dao, con sẽ đâm anh ta từ phía sau!”

“Tốt! Cái này càng nhanh hết giận. Ba sẽ đi chuẩn bị luôn”.

Người cha đi lên lầu, để cho con trai có một khoảng thời gian để bình tĩnh lại.

Khoảng 20 phút sau, người cha đi xuống, mang theo một đống quần áo và chăn bông.

“Con trai, con đã quyết định chưa? Là gạch hay dao?”

“Nhưng, ba ơi, ba mang nhiều quần áo và chăn làm gì vậy?”

“Con trai, đây là đề phòng trường hợp: Nếu con đập anh ta bằng gạch, cảnh sát sẽ đưa chúng ta đi. Nếu con sống trong tù khoảng một tháng, chúng ta có thể phải dùng số quần áo này. Nếu con đâm anh ta bằng dao, thì có thể con phải ở nhà tù ít nhất 3 năm, chúng ta phải mang thêm quần áo và chăn, không thì mùa đông sẽ lạnh lắm”.

“Vì vậy, con trai, con đã quyết định? Ba đã sẵn sàng hỗ trợ con!”

“Nhất thiết phải như vậy sao?”

“Là như vậy, pháp luật đã quy định như vậy!”. Người cha nắm lấy cơ hội để giải thích cho con trai.

“Ba, vậy thì chúng ta bỏ qua chuyện đó đi”

“Con trai, con chẳng phải rất tức giận sao?”

“Ba, con không giận nữa. Thực tế, con cũng sai”. Cậu bé xấu hổ đỏ mặt.

“Được rồi, ba ủng hộ con!”

Kể từ đó, đứa trẻ học được cách lựa chọn và cái giá phải trả.

*

Con trai 9 tuổi.

Năm lớp bốn, môn toán học bị điểm kém và cảm thấy không vui.

“Có chuyện gì vậy con? Kỳ thi bị điểm kém nên vẻ mặt như vậy sao”

“Bởi vì giáo viên toán rất đáng ghét, tiết học của cô ấy con không muốn học”

“Ồ, sao lại đáng ghét vậy?”. Người cha quan tâm

“………”, cậu bé nói rất nhiều, “Nói tóm lại, cô ấy không thích con”

“Ồ, những người khác thích con, thì con thích họ; Những người khác không thích con, thì con lại ghét họ. Thế thì con là một người chủ động hay bị động?”

“Là một người bị động!”. Con trai trả lời.

“Là mạnh hay yếu? Là đại nhân hay tiểu nhân?”. Cha tiếp tục hỏi.

“Là một người yếu đuối, một tiểu nhân!”

“Vậy con muốn làm một đại nhân hay tiểu nhân?”

“Con muốn làm một người mạnh mẽ! Ba, con biết rồi: Dù giáo viên có thích con hay không, con vẫn thích cô ấy, tôn trọng cô ấy, chủ động học tập, trở thành một người mạnh mẽ”.

Ngày hôm sau, cậu bé vui vẻ đến trường, bài tập toán làm xuất sắc, cũng đã biết như thế nào là đại nhân, tiểu nhân.

*

Con trai 10 tuổi và chơi game.

Vợ anh đã nhiều lần dạy dỗ, nhưng đứa con không thay đổi.

“Con trai, nghe nói con chơi trò này mỗi ngày?”. Người cha chỉ vào máy tính.

“Vâng”. Cậu bé cúi đầu thừa nhận.

“Con cảm thấy như thế nào sau mỗi lần chơi?”

Mờ mịt, trống rỗng, nhàm chán, tự trách mình, coi thường chính mình”

“Vậy tại sao con vẫn chơi? Không cầm được mình, phải không?”

“Vâng, thưa ba”. Đứa trẻ bất lực.

“Tốt! Ba sẽ giúp con!”. Người cha đến gần chỗ máy tính và đưa cho con trai một cây búa. “Con trai, đập nó đi!”

“Ba!”. Cậu bé bị sốc!

“Cứ đập đi, ba có thể không có máy tính, nhưng không thể sống mà không có con trai!”

Cậu bé khóc, hứa với ba sẽ không chơi game nữa.

Kể từ đó, đứa trẻ đã học được nguyên tắc là gì.

*

Không cần dùng đến roi vọt, những đối đáp thú vị, thông minh của các bậc cha mẹ cũng có đủ sức mạnh giáo dục con trẻ vô cùng sâu sắc. Vậy nên, mỗi chúng ta hãy là những ông bố bà mẹ thông minh, dạy con nên người từ những điều nhỏ nhặt nhất.

Theo Tạp Chí Nước Ngoài

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.                                                                                   

From: haiphuoc47 & Nguyen NThu       

Để cho trọn mối duyên – Anmai, CSsR

Thuy Phan

Anmai, CSsR

Lần nọ, dự Lễ ở một nhà thờ bên Xóm Mới, chưa đến giờ Lễ nên tôi đi dạo một vòng thăm khuôn viên nhà thờ. Ở bảng thông báo, thông báo hàng tuần của giáo xứ kèm theo phần rao hôn phối của mấy đôi chuẩn bị nhận bí tích Hôn Phối.

Nhìn vào bảng rao đó thấy có mấy đôi làm tôi khá ngạc nhiên, chú rể cách cô dâu hơn cả chục tuổi. Ngạc nhiên không phải vì cách tuổi mà cô dâu chỉ vừa mới 18. Ngạc nhiên không dừng lại ở mấy đôi này khi tôi nói chuyện với mấy em lễ sinh. Mấy em cho biết tuần vừa rồi ở giáo xứ mới có đám cưới chú rể ngoài 70, cô dâu mới 30 ngoài.

Chuyện hôn nhân, dĩ nhiên là riêng tư và quyền của mỗi người, chẳng ai được quyền xen vào nhưng thấy thực trạng của xã hội về chuyện hôn nhân nên tôi cũng khá ngần ngại. Dĩ nhiên khi cưới nhau chẳng ai muốn cho hôn nhân của mình có vấn đề, đặc biệt với tấm lòng mục tử thì lại càng không muốn cho bất cứ ai phải trục trặt, thế nhưng trong thực tế thì …

Hôn nhân là hành trình dài của cuộc đời và khi bước vào đời sống hôn nhân chỉ có một lựa chọn duy nhất cho hành trình đó bởi đặc tính của Hôn Nhân Công Giáo là đơn hôn và vĩnh hôn. Thế nên, trước khi đi đến quyết định sống chung với nhau, những khóa giáo lý được mở ra để cho đôi hôn phối tiếp cận và học hỏi.

Sống chung với nhau cả đời chẳng phải là chuyện giản đơn bởi lẽ mỗi người mỗi tính cách, mỗi hoàn cảnh, mỗi môi trường sống, mỗi quan niệm, mỗi cái nhìn, mỗi địa vị … Chuyện không giản đơn nhưng có những người xem ra khá xem thường chuyện cả đời như thế này.

Có thể, vì lý do nào đó theo cái nhìn của họ gọi là yêu để đi đến quyết định hôn nhân nhưng chưa hẳn yêu là cưới. Tình yêu xem ra không giản đơn như một số người suy nghĩ.

Ngày nay, nhiều bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân quá vội. Họ đã nhìn tình yêu giản đơn chỉ là điều gì đó dựa vào xác thịt, vào vật chất, vào địa vị, vào cái hào nhoáng bên ngoài.

Ngày nay, không chỉ xã hội mà Giáo Hội phải nghĩ suy, phải đau đầu với tình trạng ly hôn cũng như đổ vỡ càng nhiều trong đời sống hôn nhân gia đình.

Xác thịt, dục vọng : nó là nhu cầu của con người nhưng nó không phải là cùng đích của đời sống hôn nhân. Nó là xác đó nhưng nó lại rất là tinh thần và rất là thiêng liêng và trân quý. Người ta chỉ trao ban cho những ai mà người ta yêu thương thật sự, tin tưởng thật sự và trân quý thật sự. Khi người ta chỉ nhìn ở xác thịt như là cùng đích thì chắc chắn hôn nhân sẽ không bền bởi lẽ con người không sống mãi ở xác thịt vì đến một ngày nào đó chẳng mãi ham muốn bởi áp lực của cuộc sống, của công việc, của tuổi tác. Sức khỏe của con người rồi cũng sẽ hạn chế theo năm tháng. Và, ngày qua ngày, ham muốn của xác thịt, sức khỏe của con người cũng tàn phai. Nếu cưới nhau chỉ dựa vào những điều này thì khi người bạn đời có vấn đề về sức khỏe hay không đáp ứng được nhu cầu thì ta lại chia tay sao ? Như vậy thì bạc bẽo quá.

Vật chất, tiền bạc … : Tất cả những thứ đó cần nhưng nó không phải là cùng đích của đời người và chuyện quan trọng thì tiền bạc, vật chất cũng chỉ là phù vân. Tiền bạc nay còn mai mất chứ chẳng ai quả quyết là nó có mãi. Ở đời, chưa hẳn là có tiền là hạnh phúc. Tiền, đôi khi lại là nguyên nhân dẫn đến bất hạnh cho nhiều gia đình xem ra là giàu có, là thành đạt. Một ngày nào đó, bạn đời của ta thất bại, nghèo khổ ta lại giũ áo ra đi sao ? Như vậy còn gì là nghĩa vợ chồng.

Địa vị, danh vọng … : Dĩ nhiên, trong cuộc sống, ai cũng mong cho mình có một chút danh, chút phận ở đời nhưng nó cũng chẳng phải là căn cốt của cuộc đời này bởi lẽ danh vọng, địa vị nó cũng chỉ là nhất thời trong một khoảng nào đó của cuộc đời. Cưới nhau vì danh vọng, địa vị, chẳng lẽ khi không còn lại bỏ nhau sao ? Nếu như thế thì thật là chán bởi người ta chỉ cưới nhau ở cái danh vọng và địa vị.

Với tất cả những điều đó, nên cần phải tìm hiểu, phải biết và khi chấp nhận thì đôi hôn phối mới đi đến quyết định sống với nhau trọn đời được.

Quá nhiều điều đáng tiếc vẫn đang xảy ra trong cuộc đời.

Có đôi vợ chồng đã qua tuổi trung niên nhưng họ vẫn hiếm muộn. Họ hiểu nhau và cùng đồng cảm với nhau để họ bình an và vẫn sống hạnh phúc. Thế nhưng có đôi hiếm muộn, người vợ đi tìm đứa con bằng cách nào đó một cách nông vội để khi gia đình mới xảy ra một chút chuyện thì người chồng không đủ sức chịu đựng nữa đành phải chia tay. Lỗi một phần ở cô vợ đã không minh bạch cũng như đã không trao đổi thẳng thắn với chồng về đứa con mà cô sẽ mang. Cô cứ nghĩ rằng nó sẽ là nguồn hạnh phúc nhưng nay chồng cô đã quyết định …

Có đôi vợ chồng không kịp hạnh phúc bởi lẽ người vợ còn quá trẻ nhưng vì lý do nào đó đã lấy chồng bằng tuổi ông của mình chứ đừng nói gì đến tuổi bố của mình. Cả sinh lý, tâm lý không thể nào hòa hợp làm sao có được hạnh phúc. Chỉ vì một chút lợi nhuận nào đó mà cô ta bước vào đời sống hôn nhân nhưng cũng nhanh chóng không lâu sau đó cô cũng bước ra khá vội vì hoàn toàn cách biệt.

Có một cô gái chia sẻ với tôi về “người tình” mà cô đang sống chung. Anh ta ngoài 50, đã ly dị vợ và cũng đã có hai con với vợ trước. Cô gái này nhỏ bằng một nửa tuổi của “người tình”. Hỏi ra thì cô không thể nào chia sẻ được những nỗi vui buồn của cuộc sống, chỉ đến với nhau để … Khi tôi mời gọi cô ta chọn cho mình con đường mới hợp với đạo lý và luân lý hơn nhưng cô đã không can đảm bởi lẽ mối quan hệ này đã đem về cho cô mối lợi quá lớn vì “người tình” của cô là một người có chức vị.

Ít ngày gần đây, con bé cháu tuổi mới qua đôi mươi lại thao thức về chuyện gia đình. Cũng dễ hiểu bởi vì lớn lên ai cũng chọn cho mình đời sống gia đình nếu như không chọn đời dâng hiến. Tôi cũng đã cố hết sức mình để khuyên giải và nói những gì cân thiết với cháu nhưng không biết cháu có chịu nghe hay không bởi lẽ lý lẽ của con tim và nhất là khi yêu người ta thường hay mù quáng.

Cũng không phải là phức tạp hóa vấn đề của hôn nhân nhưng cũng không nên đơn giản hóa vấn đề của đời sống gia đình. Khi tiến đến hôn nhân, với người Công Giáo là một bí tích và chỉ lãnh duy nhất có một lần trừ phi người phối ngẫu qua đời. Và, bên cạnh đó cả danh dự, cả lòng tự trọng của họ hàng hai bên chứ không chỉ có hai người như người ta vẫn thường nghĩ nông cạn. Để đi đến quyết định cần phải ngồi lại tính toán, nghĩ suy, chia sẻ để xem con đường phía trước có thể vượt qua hay không ?

Trước khi xây một căn nhà, người ta phải ngồi lại tính toán để xem căn nhà đó có thể hoàn tất hay không ?

Trước khi đi biển người ta cũng phải trang bị những gì cần thiết cho hành trình dài giữa biển sóng lênh đênh.

Trước khi lập gia đình chẳng lẽ người ta lại nhắm mắt đưa chân.

Cũng chỉ vì một chút gì đó với cái hào nhoáng bên ngoài, cũng chỉ vì một chút gì đó của khoái cảm dục tình, cũng chỉ vì chút gì đó của vật chất cùng địa vị đã làm cho bao gia đình bất hạnh.

Chỉ mong sao những người chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân hãy bình tĩnh, hãy nhẫn nại để tìm hiểu, để trao đổi, để sẻ chia trước khi đi đến quyết định lớn của cuộc đời.

“Khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như khi mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng anh suốt đời em”. Lời hứa xem ra dễ nói khi đám cưới nhưng để cho mối duyên nên trọn vẫn không phải là chuyện giản đơn. Để cho trọn mối duyên cần phải cảm thông, sẻ chia, tha thứ và nhất là đặt trong bàn tay của Thiên Chúa là Vua của Tình Yêu.

Anmai, CSsR


 

KỲ TÍCH CỦA MẸ, ĐẾN BÂY GIỜ TÔI MỚI HIỂU …

Nghệ Lâm Hồng

Tôi còn nhớ vào một lần sinh nhật khi tôi còn nhỏ, bà ngoại tôi đã cho tôi 10.000 đồng để tiêu vặt. Đối với một đứa trẻ con thì 10.000 quả thực là một số tiền rất lớn. Trong lòng tôi khi ấy vô cùng hạnh phúc và sung sướng.

Tôi đã rất cẩn thận và luôn giữ chặt tờ tiền đó trong tay vì sợ để quên ở đâu đó hay sợ người nào đó lấy mất. Nhưng sau một lúc đùa nghịch cùng các bạn, tôi mới phát hiện ra trong tay mình đã trống trơn từ lúc nào không biết.

Tôi rất hoang mang sợ hãi và không dám nói cho bà ngoại tôi biết. Cuối cùng tôi cũng đành phải kể lại việc đó cho mẹ và chờ đợi sự trừng phạt. Tôi vừa kể vừa khóc vì sợ mẹ buồn và trách mắng. Vào thời đó, số tiền ấy đối với một học sinh nhỏ tuổi như tôi thật sự là một số tiền quá lớn.

Mẹ không một lời trách mắng mà chỉ hỏi tôi đã chơi ở những chỗ nào, rồi dắt tay tôi đi khắp nơi tìm kiếm. Tôi không nhớ rõ là đã tìm mất bao nhiêu lâu nhưng cuối cùng đã tìm được 10.000 ẩn trong bụi cỏ, nhưng đó lại là hai xấp tiền lẻ xếp chồng lên nhau.

Tôi đếm đi đếm lại, đúng là 10.000. Tôi thực sự cảm thấy rất kỳ lạ và nói với mẹ: “Mẹ ơi lúc con đánh rơi chỉ là một tờ 10.000 !”

Mẹ tôi nói: “Kệ nó con ạ, dù là một tờ, hai tờ, hay ba, bốn tờ cứ đủ 10.000 là được rồi!” Mẹ cũng hùa theo tôi mà nói: “Thật kỳ lạ ! Sự việc kỳ lạ như thế này, mẹ cũng là lần đầu tiên gặp phải, trên thế giới sao có sự trùng hợp như vậy được cơ chứ? Liệu có phải thổ địa công công biết hôm nay là ngày sinh nhật của con nên đã giúp con không?” Tôi lúc đó vô cùng mừng rỡ nhưng cũng thấy quả thực là khó tin.

Trong suốt những năm tháng mà tôi lớn lên, mỗi lần nhớ đến sự việc 10.000 đó, tôi đều cảm thấy đặc biệt kỳ lạ! Rất nhiều khi gặp một sự việc gì đó không vui, tôi đều nghĩ: “Có lẽ ở sâu bên trong việc mất đi thứ gì đó, sẽ luôn có một thứ khác bằng hình thức khác sẽ quay về bên mình”. Cho nên khi đối mặt với rất nhiều sự tình tôi đều có cái nhìn tương đối rộng mở.

Sau này, khi đã lớn hơn lên, tôi nhớ một lần tại quán ăn của ký túc xá mua cơm, khi ấy tôi rất nghèo khó, tâm trạng không được thoải mái và trong đầu tôi chuyện này lại hiện ra. Bỗng nhiên một ý nghĩ chợt lóe lên trong tôi. “Đúng vậy! Mình thật là ngốc nghếch, một đống tiền lẻ lộn xộn kia, hẳn là mẹ đã tranh thủ lúc mình không chú ý mà nhét vào bụi cỏ.”

Tôi nhớ lại, khi ấy lương của mẹ tôi cũng chỉ hơn một trăm nghìn, mẹ làm công nhân tại nhà máy dệt, phải làm việc theo ca. Tôi lại mồ côi từ bé nên mẹ đành phải gửi ở chỗ bà ngoại. Đối với mẹ, 10.000 lúc ấy cũng là một số tiền không nhỏ.

Cứ nghĩ đến cảnh mẹ tôi vội vội vàng vàng gom hết số tiền lẻ trên người cho đủ 10.000, lại còn phải tranh thủ lúc tôi không để ý mà nhét vào bụi cỏ, đã thế mẹ còn không hề tỏ thái độ khó chịu hay trách mắng. Nghĩ đến đó tôi ngồi trong quán ăn vừa ăn vừa khóc.

Có thể giờ đây mẹ tôi đã quên mất chuyện này rồi, nhưng tôi thì không bao giờ quên được những gì đã diễn ra hôm ấy. Tôi nghĩ rằng, chắc mẹ vì sợ tôi khổ sở và cũng vì sợ bà ngoại biết việc này sẽ thấy buồn phiền nên làm như vậy. Nhưng quả thực việc làm khéo léo này của mẹ đã gieo vào lòng tôi một kỳ tích cho đến tận bây giờ…!

Theo NTDTV – Mai Trà biên dịch


 

Hồng Ân Hôn Phối – Thanh Hoài & Sơn Túi Đỏ | Kỉ Niệm 60 Năm Ngày Lễ Của Thầy Cô – ST: Phạm Đức Huyến

Anh chị quí mến,
    Ngày 3 – 11 – 2024 gia đình tổ chức mừng kỷ niệm
    60 năm Hôn Phối của thày cô Huyến.
    Xin anh chị thêm lời cầu nguyện cho thày cô Huyến.
 

Hồng Ân Hôn Phối – Thanh Hoài & Sơn Túi Đỏ | Kỉ Niệm 60 Năm Ngày Lễ Của Thầy Cô – ST: Phạm Đức Huyến

From: NguyenNThu

HỌC CÁCH CHẤP NHẬN NGƯỜI BẠN ĐỜI

Hoc Lam Nguoi

Chúng ta thường bước vào hôn nhân với hình ảnh lý tưởng về đối phương. Tuy nhiên, theo thời gian, khi sự lãng mạn dần nhường chỗ cho những trách nhiệm hàng ngày, những hành động không như ý bắt đầu xuất hiện, ta dễ dàng cảm thấy thất vọng. Người bạn đời không còn hoàn hảo như ta từng nghĩ, và từ đó, những mâu thuẫn cũng dần nảy sinh.

Học cách chấp nhận không phải là bỏ qua những sai lầm hay chịu đựng mọi thứ. Đó là sự thấu hiểu và nhìn nhận người bạn đời như một con người thật sự, với cả những ưu điểm và khuyết điểm. Bởi lẽ, không ai hoàn hảo và chính chúng ta cũng vậy. Sự chấp nhận xuất phát từ tình yêu, từ lòng bao dung và sự kiên nhẫn với người mình đã chọn gắn bó cả cuộc đời.

Khi bạn học cách chấp nhận người bạn đời, bạn sẽ nhận ra rằng những thói quen nhỏ nhặt đôi khi lại chính là điều làm nên sự khác biệt trong một mối quan hệ. Đó có thể là thói quen nói lớn tiếng mỗi khi hồi hộp hay những lúc quên mất những điều nhỏ nhặt. Thay vì chỉ trích hay so sánh với người khác, hãy nghĩ đến lý do vì sao mình đã yêu họ ngay từ ban đầu. Hãy biết lắng nghe và thấu hiểu, tìm cách để cùng nhau hoàn thiện thay vì tmuốn đối phương thay đổi theo ý mình.

Chấp nhận cũng là học cách tha thứ. Không có mối quan hệ nào không gặp sóng gió, và cũng chẳng có ai không bao giờ mắc sai lầm. Điều quan trọng là sau mỗi lần bất đồng, hai người lại có thể ngồi xuống, lắng nghe và chấp nhận lỗi lầm của nhau. Tha thứ không làm cho mối quan hệ yếu đi, mà ngược lại, nó giúp cả hai trở nên mạnh mẽ và gắn kết hơn.

Cuộc sống hôn nhân hạnh phúc không đến từ việc tìm kiếm một người bạn đời hoàn hảo mà từ việc học cách chấp nhận và trân trọng những gì mình đang có. Đừng cố gắng biến người bạn đời trở thành ai đó mà họ không phải. Hãy yêu thương họ với tất cả những gì họ có, bởi chính sự chân thành và chấp nhận ấy sẽ là chất keo gắn kết hai người, giúp hôn nhân mãi mãi đong đầy yêu thương.

Hãy học cách chấp nhận người bạn đời, vì khi làm được điều đó, bạn không chỉ mang đến bình yên cho chính mình mà còn tạo nên một tổ ấm vững chắc, nơi mà cả hai có thể thoải mái là chính mình, yêu thương và đồng hành cùng nhau.

ST


 

Thơ gởi cho cháu ngoại đang học ngành y – Phùng Văn Phụng

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Lúc ông ngoại tốt nhiệp trung học, năm 1962, ông ngoại muốn học ngành y, ba của ông ngoại nói: “Ba còn nhiều đứa em của con, ba không lo cho con nổi vì học y mất tối thiểu là 7 năm” (ở Việt Nam)

Khi con chọn ngành y, con cần phải có tâm, có tấm lòng yêu thương người khác. Vô nursing home hay ở trong nhà thương, nếu gặp người già cả, bịnh hoạn, đau yếu, nhiều khi họ nói những lời khó nghe: nạt nộ, gắt gỏng, thậm chí có khi chửi bới vô lý. Con làm nghề thầy thuốc phải bỏ cái tôi, tự ái, không giận, không để bụng và luôn nói lời dịu dàng với bịnh nhân.

Ưu điểm của nghề y là:

-Sẽ không bao giờ sợ thất nghiệp

-Lương bổng tương đối cao

– Trong sinh hoạt, sống càng đơn giản càng tốt, sẽ dễ dàng mang đến vui tươi, hạnh phúc vì ít nhu cầu.

– Học với Chúa vì Chúa nói: “Hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. (Mt 11,29) (1)

– Luôn luôn nhớ và dùng chữ NHẪN để sống, học tập và làm việc.

-Cũng như luôn có tinh thần lạc quan vì có Chúa- tinh thần lạc quan trong bất cứ hoàn cảnh nào (ngay cả khi thất bại).

Con thấy có những bạn bè học các ngành khác như kỹ sư, chỉ bốn năm, đã ra trường, đi làm kiếm tiền rồi cho nên con cảm thấy mệt mõi khi còn phải học thêm một thời gian nữa phải không?

Con chỉ còn 2 năm rưởi nữa là học xong vị chi con phải mất 10 năm để học xong ngành y, (gián đoạn hai năm vì biến cố covid 19). Nếu sau này con muốn học bác sĩ chuyên khoa con phải mất thêm 3, 4 năm nữa.

Đúng là con gái mà học ngành y thì có vẽ cực nhọc quá, mất tuổi thanh xuân.

Nhưng con sẽ dùng sự hiểu biết về ngành y để xử dụng suốt đời của con.

Chúa ban cho con sự thông minh. Chúa gởi “nén bạc” cho con để con xử dụng nén bạc đó và phát huy nén bạc đó ra, làm lợi cho Chúa và cho tha nhân (Mt 25, 14-30) (2).

Đâu phải ai cũng học nổi ngành y vì cần có trí thông minh (Chúa ban cho) cần có  ý chí, sự kiên nhẫn, chịu khó, ngoài ra học ngành y vừa rất tốn kém và mất nhiều thời gian quá.

Sau này khi chúng ta mất đi, Chúa đâu có hỏi chúng ta có bao nhiêu bằng cấp, chức vụ gì, giàu có cỡ nào. Chúa chỉ hỏi con có yêu mến Thầy không?  Con đã giúp người khác như thế nào?

Kết:

Xin mượn phần “Cuộc Phán Xét Chung” trong Tin Mừng thánh Mát- thêu để kết thúc bài này: Ngày Phán Xét chung Thiên Chúa sẽ  tách người lành và kẻ dữ ra. Người lành, người công chính được hưởng vĩnh phúc đời đời, còn kẻ ác, kẻ dữ sẽ chịu cực hình muôn kiếp. (3)

Ghi chú:

(1) “Hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”.

Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11,29)

(2)TIN MỪNG: Mt 25,14-30

(14) Có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tới riêng của mình đến mà giao phó của cải mình cho họ. (15) Ông cho người này năm nén, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tùy khả năng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, (16) người đã lãnh năm nén lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm nén khác. (17) Cũng vậy, người đã lãnh hai nén gây lời được hai nén khác. (18) Còn người đã lãnh một nén thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. (19) Sau một thời gian lâu dài, ông chủ của các đầy tớ ấy đến và thanh tóan sổ sách với họ. (20) Người đã lãnh nhận năm nén tiến lại gần, đưa năm nén khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm nén, tôi đã gây lời được năm nén khác đây”. (21) Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm, hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (22) Người đã lãnh hai nén cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai nén, tôi đã gây lời được hai nén khác đây”. (23) Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm, hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!”. (24) Rồi người đã lãnh một nén cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. (25) Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu nén bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!”. (26) Ông chủ đáp: “Hỡi tên đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Ngươi đã biết ta gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, (27) thì đáng lý ngươi phải gởi số bạc của ta cho các chủ ngân hàng, để khi ta đến, ta thu hồi của thuộc về ta cùng với số lời chứ!”. (28) Vậy các ngươi hãy lấy nén bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười nén. (29) Vì phàm ai có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa. Còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. (30) Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: Ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.

(3) Tin Mừng: Mt 25, 31-46

“Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái.

“Bấy giờ Đức Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta”.

“Khi ấy người lành đáp lại rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?” Đức Vua đáp lại: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”.

“Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: ‘Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!’

“Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: ‘Lạy Chúa có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?’ Khi ấy Người đáp lại: “Ta bảo thật cho các ngươi biết: những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta’. Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu“.

Phùng Văn Phụng

Ngày 10 tháng 10 năm 2024

Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly. Lc 10:9 – Cha Vương

Ngày Chúa Nhật hạnh phúc trong Chúa Yêu nhé. Hãy cầu nguyện cho nhau.

Cha Vương

CN: 6/10/2024

TIN MỪNG: Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly. Lc 10:9

SUY NIỆM: Đau khổ và hạnh phúc là hai nhân tố luôn tồn tại trong đời sống ơn gọi của mỗi người Kitô hữu. Không ai suốt một đời chỉ gặp điều đau khổ, cũng không ai suốt một đời chỉ nhìn thấy niềm hạnh phúc. Hạnh phúc và đau khổ là hai cái thúng trên đầu của một đòn gánh mà chính bạn là người gánh. Khéo gánh thì nhẹ, không khéo gánh thì nặng. Hôn nhân là một giao ước tình yêu giữa người nam và người nữ, được Thiên Chúa thiết lập ngay từ buổi đầu tạo dựng.

Tin Mừng và Lời Chúa ngày 13 tháng tám 2021 - Vatican News

Chúa Giêsu hôm nay một lần nữa xác quyết luật hôn nhân là đơn hôn và vĩnh viễn, nghĩa là chỉ một vợ, một chồng và không thay đổi, không ly dị. Việc ly dị xảy ra, Chúa bảo, là bởi: “Vì các ông lòng chai dạ đá.” (Mt 19:8) Trong đời sống hôn nhân, một khi lòng của mỗi người trở nên chai đá, vì một lý do nào đó, thì việc gẫy gánh giữa đường không có gì là ngạc nhiên lắm phải không bạn?

Thành thật mà nói có những hôn nhân đầy ắp những ca hành hung, bạo lực, không chung thuỷ, cờ bạc rượu chè, gian dối… thì làm sao gánh nổi. Khi trường hợp này xảy ra thì bạn phải tìm đến sự cố vấn chuyên môn hôn nhân ngay để tìm một giải pháp tốt đẹp cho hai bên. Nếu bạn rơi vào trường hợp, sau khi được sự phê chuẩn của các nhà cố vấn là “vô thuốc chữa” thì cũng phải đành chọn cái xấu thay vì cái xấu nhất.

Thứ Sáu tuần VII Thường Niên- Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ - Giáo Phận Phát Diệm

Đừng vì những gì nhỏ mọn mà đưa ra toà ly dị thì khổ cho con cái và gia đình. Là người kitô hữu, hôn nhân là một ơn gọi, là con đường nên thánh. Vì vậy, chúng ta cần phải ý thức và trân trọng những giá trị cao quý của đời sống hôn nhân, và cố gắng chăm lo tạo lập gia đình thánh thiện. Sự thánh thiện không thể có nếu bạn không có mối quan hệ chặt chẽ với Chúa và cố gắng trao dồi nhân đức. Bác học Thomas Alva Edison (1847-1931, người Mỹ) được coi là một thiên tài, nhưng ông kết luận: “Thiên tài là một phần trăm cảm hứng và chín mươi chín phần trăm mồ hôi. Tôi chưa hề thất bại, mà tôi chỉ tìm ra mười ngàn cách không tác dụng”. Để cho hôn nhân được bền bỉ và hạnh phúc cũng vậy, chỉ có 1 phần trăm là cảm hứng và hưng phấn, còn chín mươi chín phần trăm là mồ hôi. Cậy nhờ ơn Chúa giúp, hãy cố gắng lên bạn nhé.

LẮNG NGHE: Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con ngưòi có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. (Mc 10:6-8)

SỰ GÌ THIÊN CHÚA ĐÃ KẾT HỢP LOÀI NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC PHÂN LY.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin thương bảo vệ gìn giữ từng gia đình là hình ảnh của Thánh Gia, xin chúc phúc cho họ, để họ luôn trung thành và chung thuỷ với nhau suốt đời.

THỰC HÀNH:

Làm một việc nhỏ để phục vụ, giúp đỡ vợ, chồng, cha mẹ trong nhà.

From: Do Dzung

********************

Cho Con Trái Tim Của Chúa (Đinh Công Huỳnh) – Trình bày: Ya Suy

 6 tài sản vô giá cha mẹ nên dành tặng con cái, không phải tiền

 Người làm cha làm mẹ đều muốn dành tặng cho con cái những gì tốt nhất. Đây là tình yêu cơ bản nhất của cha mẹ cho con cái. Nhưng ngoài những thứ vật chất bề ngoài này, cha mẹ cũng nên để lại cho con 6 loại của cải không thể mua được bằng tiền.

Vậy thì 6 loại của cải mà các bậc cha mẹ nên dành tặng cho con cái là những gì?

Thứ nhất: Tình thân

Đối với một đứa trẻ mà nói, sự gần gũi, yêu thương của cha mẹ, những người thân trong gia đình luôn là thứ tình cảm ấm áp nhất và sẽ trở thành những ký ức đẹp đẽ nhất trong tuổi thơ của mỗi đứa trẻ.

Có một tâm lý học gia đình từng phỏng vấn rất nhiều thanh thiếu niên từ 15-20 tuổi, hỏi, ấn tượng sâu sắc nhất của các bạn đối với cha mẹ mình là chuyện gì?

Có một người được phỏng vấn thích thú trả lời: “Vào năm 5 tuổi, có một lần tôi và em trai tan học ngồi trên bậc cầu thang, chờ mẹ đến đón chúng tôi. Mẹ tôi ngay từ khi bước vào cổng đã từ xa dang rộng hai cánh tay, mỉm cười chờ đón chúng tôi. Đó là một trong những khoảnh khắc hạnh phúc trong cuộc đời tôi!”

Nhưng cũng có người được phỏng vấn lại nói một cách lạnh lùng: “Ba mẹ tôi suốt ngày chỉ cắm đầu vào điện thoại, họ vốn dĩ không quan tâm đến tôi.”

Bạn có thể tưởng tượng được, hai loại trải nghiệm khác nhau đối với cha mẹ của 2 người nọ sẽ tác động đến cuộc đời họ như thế nào. Thế nên, ba mẹ ơi! Khi ba mẹ có thời gian ở bên cạnh con cái, đừng ngại tạm gác chuyện nhỏ nhặt để cùng với con cái tạo dựng ký ức đẹp đẽ, đừng để lại sự hối tiếc trong lòng đôi bên. Muốn con cái thông cảm với nỗi vất vả của mình, thương yêu gia đình, thì sự gần gũi của cha mẹ là cách làm duy nhất.

Thứ hai: Sự biết ơn

Trong thời hiện đại có rất nhiều người không cảm nhận được hạnh phúc của mình, chỉ hơi không như ý là oán trời oán đất, oán cha mẹ oán người khác, cho rằng tất cả mọi chuyện mà người khác làm cho mình đều là lẽ đương nhiên hết, nhưng thực ra, trên đời, chỉ có cha mẹ mới là người tốt với bạn vô điều kiện, cho bạn mọi thứ mà không đòi hỏi gì hết.

Thế nên, cha mẹ phải biết dạy con biết ơn và trân quý những gì đang có, có như vậy, đứa trẻ mới không trở nên ích kỷ, tư lợi và biết hài lòng với cuộc sống của mình.

Thứ ba: Gần gũi với thiên nhiên

Rất nhiều cha mẹ lo lắng con mình bị thương, luôn gò bó con mình ở trong nhà, nhưng chưa từng nghĩ đến thiên nhiên cũng là môi trường giáo dục tốt nhất. Chẳng thế mà nhà tâm lý học Lý Tử Huân từng nói rằng: “Học 100 tiết khóa học mầm mon không bằng đưa con đi gần gũi với thiên nhiên.”

Thiên nhiên là sân vận động tự nhiên của các trẻ nhỏ, không chỉ có thể mở mang tầm nhìn của trẻ, còn có thể bồi dưỡng tâm lý tò mò của con, nảy sinh lòng thương xót của con đối với sinh mạng của thực vật và động vật, ngoài ra còn giúp con có được trạng thái học tập tốt hơn. Nếu bạn để ý sẽ thấy những đứa trẻ chán học rất có thể là lúc nhỏ được chơi đùa rất ít.

Thứ tư: Yêu thích đọc sách

Đọc sách là một thói quen vô cùng tốt, giúp tăng thêm kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn. Thế nên để nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ, cha mẹ nhất định phải cung cấp cho con không gian đọc sách tốt nhất, thường xuyên đưa con đi đến tiệm sách và thư viện, giúp con yêu thích việc đọc sách. Bản thân cha mẹ cũng phải làm gương cho con bằng cách tự mình rèn luyện thói quen đọc sách.

Nếu như đứa con có thể tìm được một vùng đất yên tĩnh của tâm hồn trong văn chương thì có thể xem đây chính là sự giàu có trong tinh thần mà hiếm ai có được.

Thứ năm: Hiểu biết lịch sử

Đừng ngại đưa con đi tham quan viện bảo tàng để con có thể cảm nhận được không khí lịch sử ở đó. Nhìn thấy những đồ vật, dụng cụ cũ kỹ có từ các niên đại khác nhau được gìn giữ trong khi thế giới không ngừng thay đổi sẽ khiến trẻ cảm nhận sức hấp dẫn của lịch sử. Điều này không chỉ giúp ích cho việc học của con, mà còn có thể làm phong phú trải nghiệm cuộc đời của chúng.

Thứ sáu: Chịu được khổ

Nhà tâm lý học nổi tiếng Maslow từng nói: “Trắc trở đối với đứa con mà nói chưa chắc là chuyện xấu, mấu chốt nằm ở thái độ của nó đối với trắc trở.” Bạn phải biết là, cha mẹ nào cũng không thể cả đời đi theo con cái, càng không thể chăm sóc con cái cả đời. Cho nên nếu hôm nay bạn không nỡ để con phải chịu khổ, tri thức và kinh nghiệm mà con có được sẽ rất ít thì trong tương lai, khả năng chịu khổ của con sẽ càng kém

Thời gian trước thời sự từng đưa tin, hai cha con ở Lạc Dương đi bộ hết 400 km đến Tây An, đứa con 10 tuổi đó vì có cha mình làm gương, hai người vừa lau mồ hôi vừa đi bộ, không ai kêu mệt, cuối cùng chinh phục hết toàn bộ hành trình. Mà đoạn trải nghiệm cuộc đời này sẽ làm mạnh tâm lý trắc trở của con, giúp nó sẽ không dễ dàng đầu hàng khi gặp khó khăn, trắc trở.

Có một câu chuyện rằng, xưa có ba người cha thường xuyên vào trong chùa cầu phúc cho con trai, ngày tháng lâu dần làm cảm động Bồ Tát. Rồi một hôm Bồ Tát hiện lên, cho phép bọn họ từ trong vô số báu vật mỗi người chọn một món, mang về tặng cho con trai. Người cha thứ nhất chọn một cái chén bạc nạm đầy đá quý, người cha thứ hai chọn một chiếc xe ngựa nạm đầy vàng ròng, người cha thứ ba chọn một bộ cung tên bằng sắt.

Tài sản vô số không bằng một nghề trong tay!

Đứa con trai có được chén bạc đắm chìm vào ăn uống, đứa con có được xe ngựa thì thích đi nghênh ngang trên phố, còn đứa con có được cung tên thì suốt ngày ở trong núi săn bắn. Nhiều năm sau, ba người cha đều qua đời. Đứa con thích ăn chơi ngày nọ đem chiếc chén bạc đi bán, tiêu hết tiền, không biết làm gì đành đi ăn xin. Đứa con thích khoe khoang mỗi ngày đều cạo một chút vàng trên chiếc xe ngựa ra tiêu xài, đến khi xe ngựa hết vàng, đành đi làm thuê, làm mướn cho người ta, sống vất vả qua ngày. Còn đứa con được cha tặng cung tên đã luyện được công phu săn bắn tốt, thường xuyên vác con mồi trở về, cả nhà có cái ăn cái mặc.

Đọc xong câu chuyện này, có phải cũng làm bạn hiểu ra chút gì rồi không? 6 loại của cải ở trên, người làm cha làm mẹ, mau để lại cho con bạn đi! Hãy nhớ kỹ: “Tài sản vô số không bằng một nghề trong tay. Một bụng kinh luân, không bằng một ý nghĩ tốt trong tâm.”

Châu Yến (biên dịch)

 From: lucie1937 & NguyenNThu


 

BUÔNG TAY ĐỂ GIỮ CHỒNG – Truyen ngan HAY

 Bùi Mạnh Toàn

Thảo và Hưng yêu nhau hơn 6 năm và cưới nhau hơn 7 năm, có một bé trai đầu lòng và một cặp song sinh long phụng. Chồng Thảo làm xa nhà hơn 3 giờ chạy xe máy nên mỗi cuối tuần anh mới về nhà, Thảo sống cùng bố mẹ chồng. Khi cô có bầu đứa đầu tiên, vợ chồng gom góp tiền xây nhà, mượn thêm vài trăm tiền tiết kiệm và lương hưu của bố chồng nên đã có 1 căn nhà khang trang.

Thời gian đó, qua vài biểu hiện lạ của chồng, Thảo biết anh có bồ nhí. Hôm đó Thảo xin nghỉ nửa ngày đón xe xuống chỗ của chồng và nhờ 1 bác xe ôm theo dõi chồng. 2 ngày sau, Thảo tận mắt thấy chồng chở cô bồ về phòng trọ. Khi ấy cô đang ngồi ở 1 quán cafe đầu hẻm và điện cho chồng, anh nói dối là đang đi nhậu với bạn bè, nhưng khi nghe cô bảo: “Nếu anh còn muốn giữ cái gia đình này thì bước vào quán cafe sau lưng anh, hoặc em cho người mang đơn li hôn và chấm hết, chúng ta không còn gì để nói”.

Chồng cô bước vào quán cafe với 1 khuôn mặt tái mét, lắp bắp không ra tiếng. Thảo chỉ nói mấy câu “Anh có 2 lựa chọn, hoặc kí vào tờ đơn ly hôn này, em chỉ cần 3 đứa con, còn toàn bộ tài sản là của anh. Hoặc anh có 2 tuần để kết thúc mọi việc với cô nhân tình của anh, em coi như chưa từng có chuyện gì xảy ra và đừng bao giờ để lặp lại chuyện này lần thứ 2”.

Hơn 1 tuần sau, Thảo nhận được 1 cuộc điện thoại, cô ta bảo: “Chị có phải là vợ của anh Hưng không? Em là bạn gái của anh ấy, em đang đứng trước cổng công ty chị, chị ra ngoài gặp em 1 lát nhé”. Thảo bảo đầu tuần tôi có nhiều cuộc họp rất bận, để chiều tối về rồi muốn nói gì thì nói . Nhưng cô ta trả lời: “Vậy thì để em về nhà chị đợi vậy, có phải nhà chị ở số…đường…, hiện giờ có 2 ông bà đang trông 2 đứa cháu ở nhà phải không chị?” Thảo giận run người. Lấy lý do nhà có việc gấp để xin phép nghỉ một ngày, điện thoại cho chồng về gấp sau đó đi gặp cô ả.

Cô ta mở cho Thảo xem đoạn video chồng Thảo nói chia tay với cô ta. Chồng cô bảo với cô ta là anh ta lấy Thảo vì tình thương, rằng con trai đầu của cô là kết quả của việc cô đi lang chạ với người đàn ông khác, bố mẹ cô quì lạy van xin anh ta cưới cô. Vì bố mẹ anh quí và thương cô nên anh ta lấy cô chứ không phải vì anh ta yêu cô. Kể từ khi gặp cô ta, anh ta mới biết thế nào là hạnh phúc.

Thảo sốc đến á khẩu, nhưng không cho phép mình khóc. Rồi cô ta bảo Thảo “Chị thương anh Hưng, chị thương em, chị cho bọn em một cơ hội được hạnh phúc, chị đừng làm khổ anh ấy nữa, chị li hôn được không? Anh Hưng vì bố mẹ nên không dám bỏ chị chứ thực sự anh ấy không yêu chị, chỉ có em mới mang lại hạnh phúc cho anh ấy”.

Thảo cười bảo với cô ta rằng: “Ừ, chị cũng có nghe anh Hưng nói về em, chuyện của anh chị thì chị cũng đang chuẩn bị nộp đơn để giải thoát cho anh ấy được sống hạnh phúc. Em cầm tờ đơn này đưa cho anh ấy nhé, chị kí rồi đấy, yên tâm nha, giờ chị mời em về nhà chị cho biết nhà cửa, ông bà cũng dễ chịu lắm”.

Trước khi đưa cô ta về nhà, Thảo chạy qua trường mẫu giáo đón con về. Bố mẹ chồng thấy cô về giữa ngày thì hơi ngạc nhiên, nhưng khi cô bảo có cô bạn ở xa lâu ngày không gặp nên đưa về nhà chơi. Thảo vẫn chuẩn bị cơm trưa, mời nhân tình của chồng ăn. Cô ta nhìn 2 đứa con sinh đôi của cô bảo: “2 bác vất vả quá, tuổi này rồi mà còn phải trông con cho người ta, em nghe anh Hưng bảo mỗi tháng ba mẹ chúng trả cũng được 3 triệu phải không chị?” Thảo cười không ra nước mắt.

Căn giờ chồng gần về tới nhà, Thảo ôm 3 đứa con rồi bảo bố mẹ chồng ra bàn ngồi nói chuyện. Chồng về tới nơi, nhìn cô ta sửng sốt. Cô bảo bố mẹ chồng: “Buổi nói chuyện hôm nay, hi vọng chỉ có 1 mình con nói, đừng ai xen vào, sau đó mọi người muốn nói gì thì nói, con không nghe, chỉ cần 1 trong 4 người đừng lên tiếng, mọi việc kết thúc con không nói gì thêm”.

Thấy bố mẹ chồng tỏ vẻ bất ngờ, cô nói tiếp: “Thưa bố mẹ đây là Hạnh

bạn gái của chồng con, hôm nay cô ấy đến đây là để bảo con li dị chồng để họ có cơ hội được hạnh phúc. Con về làm dâu bố mẹ 7 năm nay, không có điều gì phàn nàn cả, nhưng chồng con bảo, anh ấy lấy con là vì thương hại, vì vâng lời bố mẹ. 3 đứa con của con không phải là con của anh ấy.

Con gửi bố mẹ sổ tiết kiệm, tiền hồi xưa vợ chồng con mượn xây nhà, cộng với tiền lương hưu của bố nhờ con giữ, hơn 600 triệu. Con chỉ xin bố mẹ 1 điều, ngày con cưới, bố mẹ thưa chuyện với bố mẹ con, con bước vào nhà này đàng hoàng thì khi ra cũng phải đàng hoàng, bố mẹ nói chuyện với bố mẹ con cho phải đạo.

Còn anh (cô quay sang chồng) bảo: Anh lấy tư cách gì để thương hại em vậy anh? Hơn 30 tuổi, đã bao giờ anh pha cho bố anh ấm trà chưa? Nấu cho mẹ anh 1 bát mì chưa? Lấy anh bao năm, đẻ cho anh 3 đứa con, nuôi nó lớn từng này, có khi nào anh cầm chổi quét hộ em cái nhà hay rót cho em li nước chưa?

Trước khi đẻ con cho anh, thử hỏi cô bồ anh có vé mà so sánh với em về nhan sắc, ngây thơ trong sáng không? Anh đã quên anh phải vất vả thế nào mới tán tỉnh và rước em về nhà? Anh đã quên anh vui như thế nào khi biết em mang thai Bin? 3 đứa con anh lớn từng này nhưng chưa phải uống một giọt sữa ngoài nào? Mỗi ngày em đều dậy lúc 5 giờ sáng, đi chợ mua đồ tươi về nấu cháo cho con anh, pha trà cho bố anh, đưa đón con đi làm.

Người ta có chồng đỡ đần, còn em, nửa đêm 2 giờ sáng đón taxi đưa con vào viện, 2 tay ôm 2 đứa. Một nách 3 con mọn, cũng đi làm 8 giờ như bất kì ai, phải làm trăm thứ việc đáng lẽ ra người chồng phải làm, thử hỏi có khi nào con tè ra quần mà anh phải thay chưa?

Anh có 2 sự lựa chọn, kí vào lá đơn này, sổ đỏ và toàn bộ tài sản là của anh, cả toàn bộ lương thưởng mấy năm nay em chưa hề đụng vào. Vốn dự định mua đất cho con cái sau này, nhưng em cho anh coi như mừng cưới để anh đi tìm cái anh gọi là hạnh phúc thật sự.

Trước khi li dị, em sẽ ra Ủy ban làm lại giấy khai sinh, hủy tên cha của 3 đứa, làm mẹ đơn thân, nếu họ cần làm chứng thì mong anh giúp, em tin là lương mỗi tháng gần 30 triệu em có thể nuôi 3 đứa nên người. Và em tin con em lớn lên nó cũng hiểu và không cần người cha tạo ra nó nhưng chối bỏ nó.

Hoặc là anh xóa bỏ tờ đơn này và chấm dứt hoàn toàn quan hệ với cô này. Nhưng hãy nhớ 1 điều, em chấp nhận sai lầm này vì con chứ quên và tha thứ thì không bao giờ, và không có lần thứ 2 xảy ra. Anh có 10 phút suy nghĩ, em và con đi dọn đồ, em đã gọi taxi đợi trước cổng rồi, 1 khi em bước ra khỏi căn nhà này thì anh không bao giờ còn cơ hội nữa”.

Sau đó Thảo quay sang cô bồ bảo: “Chị không cần biết chồng chị nói gì với em, nhưng cứ nhìn 3 đứa con chị thì em biết là con ai. Đấy, bố mẹ chồng chị đấy, chồng chị đấy, cả ngôi nhà và toàn bộ tiền bạc tài sản, em cứ lấy đi nhé. Chị tin em có thể chăm sóc được bố mẹ chồng chị và mang lại hạnh phúc cho chồng chị, có khi làm tốt hơn chị.

Nhưng em ạ, hãy cứ sinh 3 đứa con rồi lo cho nó đi, đến khi em tàn tạ, xấu xí rồi 1 ngày đẹp trời như thế này, một cô bồ trẻ trung xinh đẹp nào đó rớt từ trên trời rơi xuống và bảo “Chị hãy li dị chồng cho em và anh ấy cơ hội hạnh phúc” đi rồi xem em có làm được như chị không?

May cho em là gặp chị, gặp người khác, xem người ta có kéo cả dòng họ ra đập cho em một trận, có khi bỏ mạng ở đây rồi đấy? Đời thuở nhà ai, người thứ ba tự cho mình cái quyền đòi người vợ danh chính ngôn thuận được cả pháp luật và xã hội thừa nhận phải nhường chồng cho mình. Chị không nhường chồng cho em mà chị vứt đi, em đến mà nhặt, chị không cần loại chồng tệ bạc như thế này”.

Sau khi nói xong, Thảo bỏ đi dọn đồ đạc, nhưng chồng cô ôm lấy cô và con bảo: “Anh không thể mất em, xin em cho anh 1 cơ hội sửa lỗi”. Cô bồ ấy cũng rời khỏi nhà tôi trong nước mắt và mất dấu từ đó.

Câu chuyện đã qua hơn 1 năm, không ai nhắc lại nữa nhưng vẫn còn đó 1 nỗi đau cô nhắc mình phải nhớ. Từ đó, bố mẹ chồng cô thương cô hơn, chồng về cũng chịu khó lau chùi nhà cửa, giặt đồ, phụ giúp cô những việc khác. Thật sự, thời gian đầu, chỉ cần chồng đụng vào người, cô cảm giác cực kì ghê tởm, tổn thương. Nhưng vợ chồng là duyên số, họa phúc cùng nhau gánh vác, rồi cũng ổn cả.

Giữ chồng đôi khi buông cũng là 1 cách để giữ vì nếu anh ta thực sự cần vợ con thì anh ta sẽ biết làm thế nào, đừng dễ dàng tha thứ và chấp nhận, kẻo 1 ngày anh ta lại tái phạm. Cho anh ta thêm cơ hội nhưng anh ta không biết trân trọng thì cũng không cần níu.

Sưu tầm


 

VỢ CHỒNG GIÀ – Truyen ngan HAY

Võ Hữu Nhậm

VỢ CHỒNG GIÀ

  1. Con cái phương trưởng ra ở riêng hết chỉ còn ông bà sống trong căn hộ 3 buồng nơi khu tập thế sát bờ sông. Như mọi ngày cơm nước xong, bà dọn dẹp bếp núc, ông lên nhà bật Tivi, pha ấm trà nhân trần thư thả ngồi uống xem mấy chương trình thời sự. Khi bà từ dưới bếp lên, ông rót cốc trà nóng đưa tận tay bà, chuyển kênh phim cho bà xem, rồi họ lặng lẽ theo dõi phim trên truyền hình cho đến khi bà đấm lưng thùm thụp đứng dậy vào ngủ trước. Ông xem thêm chút rồi tắt Tivi kiểm tra cửa rả rồi đi nằm. Ngang qua phòng bà đã thấy bà ngáy pho pho.

Chả biết từ bao giờ họ gọi nhau là ông, là bà thay cho cách gọi anh, em ngọt ngào theo suốt mấy chục năm. Cũng chẳng nhớ từ bao giờ ông bà ra nằm riêng mỗi người mỗi phòng. Chắc tại bà kêu ông ngáy to nhất là hôm nào vui bạn bè uống vài chén rượu. Ông cũng phàn nàn bà có thói quen cứ dọng chân xuống giường thình thịch mỗi khi mỏi. Cái gì mãi rồi cũng thành quen. Đôi khi bà muốn gọi ông là anh như ngày nào cho tình cảm mà thấy ngượng ngùng. Lắm lúc người ngây ngây sốt đắp cả cái chăn dầy vẫn lạnh, ông định qua phòng bà nằm cạnh tìm chút hơi ấm lại lo bà mất ngủ, cũng thôi.

Tối nay, khi bà vừa dưới bếp lên ngồi xuống ghế định xem Tivi thì điện vụt mất. Ông loay hoay bật lửa châm chiếc đèn dầu. Ông bà ngồi đối diện nhau mà chẳng nói lời nào. Không gian tĩnh mịch quá. Nghe rõ cả tiếng gió rì rào ngoài cửa sổ. Bỗng bà bật tiếng:

-Nghe đâu như tiếng con uềnh uôm nó kêu.

Ông nhướn mắt hỏi lại:

-Con gì kêu?

-Con uềnh uôm chứ con gì? Bà dấm dẳng.

-Con ễnh ương chứ. Từ cha sinh mẹ đẻ tôi chưa nghe ai nói con uềnh uôm như bà. Ông gằn giọng.

Thế là họ cãi nhau. Kết quả là sáng hôm sau bà không thấy ông ngồi uống trà bên bàn nữa. Bà lẩm bẩm:”Lại sang thằng cả tá túc chứ gì. Thây kệ”. Trưa bà ngồi ăn cơm một mình thấy chả ngon lành gì. Tối bà ngồi coi Tivi mà chả xem chương trình gì ra đầu ra đũa. Đêm bà nằm nhớ thời có mang thằng lớn. Ông mừng lắm, hỏi bà:

-Em định đặt tên con là gì?

-Anh đặt đi, bà nũng nịu: Tuỳ anh.

Không ngờ khi sinh con trong giấy khai sinh ông thấy tên con được bà đặt là Tuỳ Anh, Nguyễn Văn Tuỳ Anh.

Đến đứa con gái thứ hai, bà hỏi ông đặt tên gì? Ông âu yếm nhìn bà bảo: Tuỳ em. Và kết quả tên đứa thứ hai được ông đặt là Tuỳ Em, Nguyễn Thị Tuỳ Em.

Cả tuần vắng bóng ông nhà cửa trống tuềnh trống toàng làm bà nghĩ lại. Mấy ngày ở với con với cháu cũng thấy vui mà sao lòng ông vẫn như lửa đốt. Cảm giác thiêu thiếu nơi ông cũng làm ông nghĩ lại. Hôm ông quay về, bà đón ông nơi bậu cửa, ông chưa kịp nói điều mình định nói bà đã đon đả:

-Tôi hỏi người ta rồi ông ạ. Nói như ông mới đúng. Là con ễnh ương. Tôi nói sai.

Ông cười gượng gạo:

-Không bà nói mới đúng. Nó là con uềnh uôm. Tôi sai rồi.

Lời qua tiếng lại thế là lại cãi nhau. Tiện khăn gói ông sang nhà cô gái út. Vợ chồng già lại ly biệt thêm lần nữa.

  1. Khi còn trẻ, còn sống trong tình yêu người ta nhìn nhau qua cặp kính màu hồng, lúc nào cũng thấy những điều tốt đẹp, để rồi thêm gần gũi. Khi về già, họ nhìn nhau qua cặp kính của bác sỹ, nhìn đâu cũng thấy vi trùng, để rồi thêm xa cách. Tình yêu và sức khoẻ như năng lượng trong mỗi con người, cùng với năm tháng nó cũng bị tiêu hao đến mòn kiệt. Thôi thì đã là vợ chồng, thời son trẻ sống bên nhau là hưởng thụ thì lúc về già hãy sống bên nhau vì chịu đựng vậy. Vạn vật cũng có thời, con người sao tránh được. Vợ chồng già hết tình còn nghĩa. Hãy xem nghĩa làm trọng. Đấy là tôi tự bảo mình và nhắn nhe với bao cặp vợ chồng già khác nữa để khỏi vô cớ chia lìa nhau trước khi trở về với cát bụi.

Bài viết của : Hùng Lý từ Berlin, Đức.

Ảnh: Vợ chồng già – tác giả bài viết – dạo công viên Berlin mùa thu.


 

Tâm Sự Của Người Vợ Săn Sóc Chồng Bị mất Trí Nhớ – Ngọc Lan.

Kimtrong LamU 70 LVC.

Thức Khuya Mới Biết Đêm Dài.

(Tâm Sự Của Người Vợ Săn Sóc Chồng Bị mất Trí Nhớ) –

Ngọc Lan.

Một ngày đẹp trời, tự dưng người chồng chung sống cùng mình gần một phần tư thế kỷ bỗng nhìn mình và nói, “Chị mới qua Mỹ mà lái xe giỏi quá há!” thì mình cảm thấy như thế nào đây?

Tôi đã sửng sốt. Ngỡ rằng anh nói đùa.

Nhưng đó là sự thật.

Sáu năm qua, kể từ ngày chồng tôi ngã bệnh, vừa là “dementia” – một dạng của bệnh mất trí nhớ Alzheimer, vừa là “Parkinson” dạng cứng đờ người, lại vừa có nước trong não, tôi đã bỏ hẳn việc đi làm để ở nhà chăm sóc cho anh.

Thế nhưng

Điều đau khổ nhất là khi mình làm tất cả mọi chuyện, không còn nghĩ gì được đến bản thân, mà chồng lại không biết mình là ai hết.

***

Cách đây 6 năm, sau khi bị ung thư bàng quang, rồi lại được mổ khi có bướu trong cột sống, ngay dưới thắt lưng, chồng tôi vẫn là một người yêu thích thể thao, nhất là football. Anh thuộc tên tất cả các đội bóng, tên từng cầu thủ, tên những huấn luyện viên, không một trận football nào anh bỏ qua.

Đùng một cái.

Anh không còn ham thích bất cứ thứ gì nữa. Không football, không sách báo, không phim ảnh, không tivi. Anh cứ lái xe đi mà không biết đi đâu. Anh không ăn, không uống. Khi đó tôi vẫn đi làm, anh ở nhà nghỉ hưu non sau thời gian thất nghiệp. Tôi đưa anh đi bác sĩ. Anh bị trầm cảm, bác sĩ bảo vậy, và chuyển sang cho bác sĩ tâm lý.

Hơn một năm trời đi bác sĩ tâm lý, sức khỏe anh không tiến triển.

Cho đến ngày sinh nhật anh cách đây 6 năm, anh bị ói, tôi chở anh vào cấp cứu. Sau hai ngày ở bệnh viện ra, trên đường về nhà, anh nhìn tôi và nói, “Chị mới qua Mỹ mà lái xe giỏi quá há!” Tôi sửng sốt, ngỡ rằng anh nói đùa.

Nhưng khi anh cứ kêu tôi bằng “chị ba” và tỏ ra không hề biết tôi là ai, tôi lờ mờ hiểu ra mọi thứ. Thế giới gần như sụp đổ dưới chân tôi.

Bác sĩ chụp hình, làm các xét nghiệm, cho biết trong đầu anh có nước. Anh lại được chẩn đoán bị chứng mất trí “dementia” – một dạng của bệnh mất trí nhớ Alzheimer.

Anh không còn biết tự chủ trong vấn đề đi vệ sinh, tiểu tiện nữa. Có những ngày tôi đi làm về, mùi nước tiểu, mùi phân nồng nặc khắp nhà. Từ trên giường, ra đến sofa, phân anh trây trét đầy hết. Tôi phải đi lau, đi dọn.

Rồi anh lại mắc thêm chứng bệnh “Parkinson” dạng “freezing,” cả người anh đông cứng lại khi bị ai chạm vào. Lúc đó, anh không di chuyển, không xê dịch được, mình phải lôi, phải kéo không khác gì một bao gạo. Anh không thể tự giữ thăng bằng cho mình. Không thể ngồi vững, không thể đi. Lúc ngã ra, anh không thể xoay trở để tự ngồi dậy.

Bác sĩ nói bệnh anh không thể chữa trị.

Tôi đưa anh về nhà để tự mình chăm sóc cho anh.

***

Ba tháng sau đó, bất kể mưa nắng, tôi tập đi cho anh, từ trong nhà, ra đến ngoài sân. Anh có thể bước đi được, tuy không nhiều. Nhưng sợ nhất vẫn là những khi anh ngã. Bởi, anh như một bao gạo, không thể điều khiển được não của mình, để có thể lay chuyển, nương theo sự giúp đỡ của người khác. Anh không thể vịn vào tôi để từ từ đứng lên. Tôi kê chiếc ghế bên này, kê thêm ghế bên kia. Đỡ anh tựa đằng này. Nâng anh phía đằng kia. Bằng mọi cách phải nâng được anh đứng lên. Tôi sợ lắm, những lúc như thế.

Có những khi đang tắm cho anh, anh đi tiêu ngay lúc đó, tôi phải đưa tay hứng để bỏ vào bồn cầu, còn hơn là lênh láng trong bồn tắm.

Có những lúc vừa tắm xong, đang lau mình cho anh, anh tiểu thẳng vào mặt tôi.

Tôi không còn nước mắt để khóc nữa, dù có những lúc tôi rất muốn khóc. Từ ngày anh bệnh, tôi bỏ hết mọi thú vui của mình, không shopping, không bạn bè, không phim ảnh. Tôi thấy mình như một con điên. Nỗi buồn chán vây kín chung quanh. Những lúc bận rộn với anh, với việc dọn dẹp, tôi không có thời gian suy nghĩ.

Nhưng khi dứt việc, tôi chui vào một góc, khóc cho phận mình.

Có lúc lái xe trên đường, tôi muốn lao xe đâm đầu vào đâu đó để kết thúc cuộc đời.

Bởi lẽ

Mờ mịt quá, tương lai trước mắt tôi.

Tôi không có bạn để tâm sự những u uất.

Tôi không có con để san sẻ những buồn đau.

Có lúc tôi muốn gào lên, muốn hét lên. Như một cách giải tỏa những uất ức nhọc nhằn đó, bác sĩ khuyên tôi nên làm vậy, nếu không tim tôi sẽ vỡ.

Nhưng khi tôi la lên, thì cả người anh lại đông cứng, không thể nào lay chuyển, mắt anh nhìn tôi như hỏi, “Chuyện gì vậy?”

Tôi lại phải dịu dàng, “Anh ngồi xuống đi, em đỡ anh đây, anh không té đâu,” “Anh ráng xoay qua đây thì em mới tắm cho anh được”… Chăm sóc một đứa bé bị bệnh, chăm sóc một người lớn bị ung thư, có lẽ còn dễ hơn rất nhiều so với chăm sóc một người bệnh mất trí nhớ cộng thêm Parkinson như anh. Bởi lẽ, họ hiểu mình nói gì, họ biết mình đau gì. Và hơn hết, họ còn điều khiển được trí não mình

Còn anh, anh không biết gì hết. Anh không nói gì hết. Anh chỉ cười những khi tôi dịu giọng. Và anh “khóa chặt” người mỗi khi sợ hãi.

***

Có những người bạn Mỹ đề nghị họ đến trông chừng anh chừng vài tiếng để tôi có thể ra ngoài đi chơi cho khuây khỏa. Nhưng tôi không thiết. Bởi lẽ, đi ra ngoài nhìn người ta vui vẻ, hạnh phúc, trở về nhà đối diện với thực tại, tôi chỉ càng cảm thấy chán chường hơn.

Tôi cũng từng muốn đưa anh đi đây đi đó, nhưng những kinh nghiệm đau thương từng xảy ra khiến tôi phải chùng bước.

Tôi vẫn nhớ khi anh chưa bệnh nặng như bây giờ, tôi chở anh đi Las Vegas coi chương trình Paris By Night 100. Sau đó, tôi đưa anh đến ngồi chơi ở một máy kéo, chỉ anh cách nhấn nút. Rồi anh ói. Cả người anh dính đầy chất bẩn. Tôi đưa anh vào nhà vệ sinh để chùi rửa. Thế nhưng khi đó tôi không biết mình phải làm thế nào khi một bên là nhà vệ sinh nam, một bên nhà vệ sinh nữ. Tôi không thể vào bên nam, tôi cũng không thể đưa anh qua bên nữ. Tôi dặn anh đứng yên một chỗ, tôi chạy vào lấy giấy ra lau cho anh.

Thế nhưng tôi vừa quay đi, anh cũng đi theo. Người lao công la lên bảo anh phải đi ra. Tôi giải thích, nói anh đứng yên, nhưng anh có hiểu gì đâu.

Không còn cách nào khác, tôi đưa anh ra xe để về khách sạn tắm rửa cho anh. Tuy nhiên cả người anh đông cứng lại, không nhúc nhích. Tôi phải lôi anh đi. Cố mà lôi anh đi. Người ta nhìn vào tôi, lạ lẫm. Đến thang máy, tôi phải chờ người ta đi hết, rồi mới đến tôi và anh bước vào, vì thật sự là hôi lắm.

Một chuyến đi như vậy, có thể nào là vui không?

Tôi vẫn nhớ lần đám cưới cháu anh. Tôi muốn đưa anh đi cùng để anh vui. Tôi cũng muốn mình được mặc áo dài trong ngày hôm đó. Và tôi may một chiếc áo dài thật đẹp.

Sáng ra, tôi phải chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cho anh, tắm rửa, mặc tã, thay đồ vest, và mang anh ra xe ngồi trước khi tôi trở vào chuẩn bị thay quần áo cho mình. Bởi lẽ, anh không thể ngồi lên xe một cách bình thường dễ dàng như mọi người. Anh vịn cửa xe, nhưng để nhấc được chân trái lên xe mà tôi phải vừa nói, vừa giúp nhấc chân anh lên. Rồi anh chỉ có thể ghé một phần tư mông ngồi vào ghế. Anh không thể tự mình nhích vào trong để kéo chân phải lên tiếp. Lúc đầu tôi không biết cách, tôi đi qua ghế người lái để lôi anh vào, nhưng mà anh nặng hơn tôi rất nhiều. Tôi không lôi nổi. Tôi phải dùng nhiều cách mới có thể để anh ngồi gọn vào trong trước khi cánh cửa xe đóng lại.

Tôi cũng thay được chiếc áo dài mà tôi mơ ước để chở anh đến nhà nhóm họ.

Anh gặp mọi người, anh vui. Anh cười. Người ta thấy anh cười, họ cũng vui theo.

Trước khi từ nhà cháu đến nhà hàng dự tiệc, tôi biết mình cần chuẩn bị trước việc thay tã cho anh. Khi đưa anh vào nhà vệ sinh rồi, tôi mới nhận ra rằng chiếc áo dài của mình bây giờ không còn phải để diện làm đẹp nữa mà nó trở nên vướng víu cho tôi trong việc chăm sóc anh.

Tôi phải cởi hết quần áo mình ra, rồi mới cởi hết đồ anh ra thì mới có thể lau rửa cho anh được.

Rồi lại đưa anh ra xe. Trời mưa lất phất. Anh đâu thể như người khác có thể ngồi nhanh vào trong. Anh ướt. Tôi cũng ướt. Tôi chợt nhận ra, mình làm đẹp để làm gì đây?

***

Chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện bỏ cuộc trong việc chăm sóc anh, dù tôi biết mình không có hy vọng gì hết. Nhưng thật sự tôi cảm thấy mệt mỏi lắm. Tôi sẽ vẫn tiếp tục lo cho anh, đến ngày tôi không còn có thể làm được nữa.

Tôi sắp bước vào tuổi 60, tôi có còn gì đâu, một mai khi anh không còn nữa.

Người ta nói sau cơn mưa trời lại sáng. Nhưng cơn mưa đời tôi không biết khi nào mới tạnh đây?

Ngọc Lan

(Ghi lại theo lời tâm sự của chị Nga Nguyễn, cư dân thành phố San Diego, miền Nam California)