Vài Suy Niệm Bất Chợt Về Chúa Jesus Và Mẹ Maria

Vài Suy Niệm Bất Chợt Về Chúa Jesus Và Mẹ Maria

(01/08/2013)

Tác giả : Chu Tất Tiến

nguồn: Vietbao.com

Buổi sáng. Mưa nặng hạt. Những cành đào trụi lá yếu đuối, gầy guộc, như đang run lên, lạnh lẽo. Các đóa hồng hết mùa buồn bã chấp nhận những cánh mong manh rơi lả tả dưới chân. Những bông hoa xứ cũng bạc mầu đi, rũ rượi. Cả khu vườn chìm trong ảm đạm của cơn mưa dầm cuối năm làm cho không gian mang tính chết chóc, u ám đến rợn người.

Chết? Làm người, ai không chết? Cả cây cỏ, muông thú, cho đến núi đá cũng có
ngày bị sụp đổ. Sự sống, sự chết cứ thay nhau luân chuyển. Có những địa danh
nổi tiếng về du lịch trên thế giới đã từng là ngọn núi lửa hừng hực. Có những
vùng hồ nước xanh tươi lại từng là núi non sừng sững cách đây chỉ hơn trăm năm.
Mặt trái đất đảo lộn không ngừng. Cho đến ngày nay, người ta vẫn còn tiếp tục
đào xới dưới mặt đất để tìm ra những thành phố đã bị chôn vùi cả ngàn năm.
Người ta đang đi và sống trên biết bao nóc nhà, sinh mạng của các lớp người
trước mà không hề hay biết rằng mình đang dẫm chân lên biết bao hạnh phúc, khổ
đau, nụ cười, nước mắt, niềm vui của con người. Vũ trụ cứ xoay chuyển lặng lẽ
và vẫn bùng nở lên từng giờ, từng phút. Người ta cũng không để ý rằng ngày hôm
nay, khoảng cách của trái đất và các thiên hà mỗi ngày một xa nhau hơn, vì vũ
trụ vẫn nở lớn lên khủng khiếp. Nếu chỉ viết những con số về khoảng cách không
gian lên mặt giấy và đọc, chắc sẽ có nhiều người điên loạn vì sợ hãi.

Tất cả, từ vật chất đến tinh thần của con người, của vũ trụ đều thay đổi, hủy
hoại, thoái hóa, chỉ có một điều bền vững muôn đời: “Tình Yêu của Thiên Chúa!”
Đọc lại Thánh Kinh chân chính (không phải những sách Thánh mà đời sau, người ta
chế biến cho thích hợp với nhu cầu phổ biến của một số nhân vật), sẽ thấy rằng
Đấng Sáng Tạo vẫn luôn yêu thương con người qua mọi giai đoạn, vẫn cho con
người hạnh phúc, trên hết là “Hạnh Phúc Trí Tuệ” tức là được hiểu biết, thông
thái, được Tiến Hóa mãi trong Trí Tuệ. Càng ngày con người càng tìm ra những
điều mới lạ, và càng hiểu biết thì những người công chính lại càng kính sợ
Thiên Chúa hơn. Con người ngày nay biết thông cảm với những khổ đau của Thiên
Chúa, đại diện là Chúa Jesus, khi phải “xuống thế làm người và ở giữa chúng ta”
nhiều hơn khi trước. Chúa đã hy sinh xuống trần để cứu độ chúng ta thoát khỏi
vòng đau khổ. Những lời dậy của Chúa Jesus đã nâng con người lên một hàng cao
hơn cái tục lụy trần thế tầm thường và thoái hóa liên tục. Để đáp ơn Chúa, con
người đã viết rất nhiều về sự hy sinh của Chúa, nhất là về những nhục hình mà
Chúa phải chịu vì nhân loại, về sự đóng đinh đau đớn, căng da xẻ thịt, về những
mạo gai đâm sâu vào đầu nhức buốt kinh hoàng, về những đòn roi vút vào thân
thể, móc ra từng miếng thịt, hay về mũi đòng đâm suốt trái tim… Máu Chúa đã đổ
đầy trên mặt đất, thấm đen.

Nhưng có ai biết rằng có một nỗi khổ lớn lao hơn hết mà ít ai nhắc đến là nỗi
khổ của Thiên Chúa, Đấng sáng tạo ra muôn vật và con người, lại phải hạ mình
“xuống” để sống chung với tạo vật của Ngài những 33 năm! Tưởng tượng một ông
chủ hãng chế tạo đồ chơi con nít, ngày nào đó phải biến thành chính món đồ chơi
đó, để giúp cho các đồ chơi biết chạy nhẩy tốt hơn…những 33 năm! Thống khổ hơn
cả là trong khi Chúa biết mình là “Chúa tể muôn vật” mà vẫn phải chấp nhận sống
bình thường như mọi vật, ngày qua ngày, ăn uống, sinh hoạt như những tạo vật
của mình, chờ đợi đúng 33 năm để viên mãn ý nguyện của Chúa là hy sinh cho nhân
loại, một nhân loại vô ơn và bội bạc. Những thế kỷ sau này, nhân loại càng xa
rời Chúa, chỉ biết đến quyền lợi, “sex”, tiền, và danh vọng nên tìm mọi cách
giết lẫn nhau hàng loạt, giết tập thể, giết cả một dân tộc, một giống nòi.
Người ta bây giờ nhạo báng Thiên Chúa bằng những khí cụ tinh vi hơn khi Chúa
còn ở thế gian rất nhiều. Đánh Chúa trên màn hình điện ảnh, chửi Chúa qua
Internet, làm nhục Chúa bằng các thứ đồ chơi điện tử, và giết con chiên của
Chúa bằng các vũ khí tinh vi… Nhưng độc ác hơn hết là biến một số tu sĩ yếu
đuối thành “yêu râu xanh” khiến cho các tín hữu khác dần dần mất niềm tin vào
Chúa. Thánh đường dần dần vắng bóng con chiên, cho dù Đức Mẹ, một Thiên Thần
trên Thiên Đàng đã hóa thân xuống thế, thành người nữ tên Maria để hạ sinh
Chúa, hiện nay vẫn còn khóc trên các bức tượng và vẫn làm phép lạ cứu người,
cũng không thấy số tín đồ đông hơn, mà chỉ thấy có nhiều vụ “scandals” trong
nhà thờ xấu xa hơn. Nói về Đức Mẹ, không khỏi không nghĩ đến sự đau khổ của Đức
Mẹ khi biết con trẻ mà mình sinh ra lại chính là Thiên Chúa mà mình thờ phụng,
nên phải hết sức tuân phục chính con của mình rồi phải chứng kiến người con của
mình bị làm ô nhục, bị đòn đánh rách da, phải vác cây thập giá nặng nề, ngã lên
ngã xuống rồi bị lột trần treo lên cây, máu và nước chẩy ra đầm đìa, rồi phải
vĩnh biệt con mình, Chúa của mình, đi vào cõi chết âm u…

Ôi! Những nỗi đau đứt ruột, xé da, tim thắt của Chúa Jesus và Mẹ Maria, có bút
nào diễn tả được, có phim ảnh nào nói lên đầy đủ được? Vậy mà ngày nay, thiên
hạ vẫn trâng tráo làm những nỗi đau ấy cứ dầy lên, tưởng ngập chín tầng trời
bằng những chém giết tàn bạo, bằng sự ghen ghét, đố kị, hận thù luôn muốn tiêu
diệt người khác. Có kẻ còn vác tượng Chúa đi đánh nhau, muốn đập tan lòng tin
tưởng vào tôn giáo khác, muốn máu của người khác tôn giáo đổ ra ngập đường thì
lòng mới thỏa thuê, vui sướng…

Còn biết bao người thật tâm yêu Chúa, thật tâm phụng sự Chúa trong cõi đời ô
trọc này? Hay chỉ yêu Chúa vì lời Chúa hứa: “Hãy xin thì sẽ được. Hãy gõ thì
cửa sẽ mở.” Xin được thì cười vui. Nếu xin không được, thì phẫn nộ, đổ hết tội
cho Chúa…

Ngoài trời, mưa vẫn rơi nặng hạt.

Chu Tất Tiến,

ngày cuối năm 2012.

 

Lm. Chân Tín: Luồng gió mới – Mầu nhiệm Thiên Chúa làm người (3)

Lm. Chân Tín: Luồng gió mới – Mầu nhiệm Thiên Chúa làm người (3)

Đăng bởi lúc 2:39 Sáng 9/01/13

nguồn:Chuacuuthe.com

VRNs (09.01.2013) – Sàigòn

Mầu nhiệm Thiên Chúa làm người

Trong một chuyến xe lửa ở xứ xa lạ, nếu một người đồng hành  chỉ một đứa trẻ tầm thường đang đùa chơi với chúng bạn trên đường đầy cát bụi và bảo với ta: em bé ấy chính là Đấng Tạo Thành vũ trụ, Đấng muôn dân mong chờ, đấng sẽ giải phóng nhân loại, Đấng mọi người phỉa kính mến phụng thờ, Đấng sẽ xét xử trần gian,chắc chắn chúng ta sẽ nhún vai mỉm cười rồi thản nhiên tiếp tục đọc báo.

Thế nhưng cách đây gần hai ngàn năm, trên đất Do Thái, giữa một đêm giá lạnh, một hài nhi tên là Giêsu đã sinh ra trong hất hủi và nghèo túng, một hài nhi yếu đuối, mỏng manh, cần đến sự che chở của mẹ mình, phỉa bú mớm, ngủ nghỉ như các hài nhi khác. Đến khi khôn lớn Giêsu cungu cung cắp sách đi học, cũng đùa chơi với các trẻ cùng xóm. Lúc thành niên, vì cảnh túng thiếu của gia đình, Giêsu phải theo học nghề thợ mộc để nuôi mẹ nuôi thân. Sau 30 năm, sống một đời sống bình thường như bao nhiêu người khác, Giêsu đã đi rao giảng Nước Trời, triệu tập được một ít đồ đệ , nhưng sau cùng đã bị giới lãnh đạo Do thái nộp cho trấn thủ Roma và lên án tử hình trên
thập tự giá. Nói tóm, xem bên ngoài, Giêsu là một người Do thái trăm phần trăm
giữa những người Do thái khác.

Nhưng Thánh Kinh cho chúng ta hay con người Do Thái ấy chính là Ngôi Lời Thiên Chúa hằng sống: “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời ở cùng Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga,1,1) Người là Đấng tạo thành vạn vật: “Mọi vật do Người mà có, và nếu không nhờ Người, sẽ không có vật nào” (Ga,1,3). Chính Người là sự sống, là ánh sáng trần gian: “Ngôi Lời là sự sáng thật soi chiếu mọi người” (Ga,1,9). Người là Đấng muôn dân mong chờ, là Đấng giải phóng nhân loại, là Đấng xét xử chúng ta, là Đấng chúng ta phải phụng thờ, vì đó là chính “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga,1,14) – Thánh Gioan đã cảm động nói lên sự lạ ấy: “Điều đã có từ đầu, điều chúng tôi đã từng nghe, điều chúng tôi đã từng thấy tận mắt, điều chúng
tôi đã ngắm nhìn và tay chúng tôi đã sờ đến đó là LỜI HẰNG SỐNG. Quả thật SỰ
SỐNG đã tỏ hiện, chúng tôi đã từng thấy, chúng tôi chứng thật và chúng tôi loan
truyền cho anh em SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI hằng có với CHÚA CHA và đã tỏ ra cho chúng tôi. Điều chúng tôi đã từng thấy và từng nghe, chúng tôi loan truyền cho cả anh
em nữa, ngõ hầu anh em được hiệp thông với chúng tôi, nhưng sự hiệp thông của
chúng ta là thông điệp với CHÚA CHA và với, ĐỨC GIÊSU KITÔ con của Người. Những điều này, chúng tôi viết ra, ngõ hầu sự vui mừng của chúng tôi được nên trọn”
(1 Ga 1,4).

Thiên Chúa là người, đã ở giữa chúng ta, nhưng loài người không nhìn nhận: “Người ở trong trần gian, trần gian đã được Người tạo dựng nhưng trần gian lại không biết Người. Người đến giữa dân Người, nhưng dân Người không đón nhận” (Ga,1,10). Vì sao dâ Người không đón nhận? Là vì lời hứa của Thiên Chúa không thực hiện như ý họ: họ mong một đế quốc giàu mạnh, đuổi được quân xâm lăng, nhưng Chúa lại đến trong yếu hèn và nghèo khó. Thiên Chúa hiện diện trong nhân loại, nhưng đối với một số đông, hình như Người không có mặt, vì họ không biết nhận chân tướng của Người. sự vinh hiển của Thiên Chúa thì khác sự vinh hiển do trí óc ta nghĩ ra. Ta không thể nhìn nhận những giá trị của Thiên Chúa, nếu ta cứ bo bo với những tư tưởng hẹp hòi của con người. ta cần phải đưa mắt cao hơn chân trời của ta, để nhìn
lên một chân trời mới, phải bỏ nơi đồng bằng để hưởng cảnh huy hoàng của núi
non hùng vĩ. Ta không thể đi tới Chúa, nếu ta chỉ đi con đường của con người.
ta phải bỏ mình, bỏ đường lối của mình, bỏ ý định của mình. Phải đi sâu vào
trong nơi sâu của cõi lòng, phải từ bỏ những gì kéo mình lại, phải bỏ tất cả
những gì cản trở mình đến với Chúa. Chúng ta chỉ đến với Chúa lúc chúng ta biết
bỏ chỗ chúng ta muốn ở mãi mãi. Quá bám vào con người của mình, vào những cái
mình có, ta sẽ quên sự hiện diện của Chúa, ta sẽ chống đối Chúa, xua đuổi Chúa
và muốn ghiết Chúa. Con Thiên Chúa làm người, đã bị dân mình xua đuổi, đã chết
trên thập giá.

Thiên Chúa làm người ở giữa chúng ta gần 2000 năm nay. Nhưng cũng như dân Do Thái, loài người không đón Chúa, xua đuổi Chúa. Trong giây phút thiêng liêng của đêm Giáng Sinh năm nay, chúng hãy mở rộng lòng để đón Người và tin chắc rằng: “NGÔI LỜI ĐÃ LÀM NGƯỜI Ở GIỮA CHÚNG TA”.

Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

Số 151 – 12/1961

Tận dụng thời gian Chúa dành cho bạn

Tận dụng thời gian Chúa dành cho bạn

TRẦM THIÊN THU

Năm cũ qua, năm mới tới. Chúng ta không biết năm mới sẽ ra sao, và nhiều người không biết dùng 365 ngày như thế nào.

Khi còn trẻ, Lm Marcos Gonzalez, quản xứ Thánh Gioan Chrysostom ở Inglewood (California, Hoa Kỳ) đã thấy chiếc đồng hồ lớn có khắc chữ “Tempus Fugit” ở phía trên.

Lm Marcos Gonzalez cho biết: “Khi tôi hỏi mẹ tôi điều đó là chữ gì, mẹ tôi nói là THỜI GIỜ TRÔI QUA. Tôi ngạc nhiên và hỏi nghĩa là gì. Bà nói: ‘Cuộc đời ngắn ngủi, hãy dùng mỗi ngày cho tốt’. Từ đó, tôi luôn ghi nhớ”.

Lời khuyên đó là lời nhắc nhớ chúng ta mỗi khi năm mới khởi đầu. Tận dụng thời gian Chúa dành cho chúng ta phải là ưu tiên số một.

Lm James Kubicki, Dòng Tên, người phụ trách trang web ApostleshipOfPrayer.org, nói: “Điều quan trọng nhất đối với chúng ta là nhận biết rằng thời gian là điều quý giá nhất mà chúng ta có, chúng ta sống trong thời gian, thế nên khi chúng ta sử dụng thời gian là chúng ta dùng điều quý giá nhất”. Chúng ta nên tự vấn: “Tôi có đang dùng thời gian đúng như Chúa muốn không?”

Lm Jay Finelli, quản xứ Thánh Linh ở Tiverton, R.I., quản lý trang iPadre.net, nói: “Khi chúng ta trẻ, chúng ta nghĩ mình còn nhiều thời gian. Nhưng thời gian như cát, nó rơi qua các kẽ ngón tay của chúng ta”.

Mặc dù kỹ thuật có thể dùng làm công cụ để học tập, truyền bá Phúc âm và giao tiếp, chúng ta cũng có thể lãng phí thời gian vào các thiết bị hiện đại. Sự thật là nếu chúng ta không nghỉ ngơi và sống cầu nguyện và cân nhắc xem điều gì Chúa muốn, chúng ta chỉ để cho ngày tháng trôi qua mà không dùng thời gian đúng Ý Chúa.

Tác giả Thánh vịnh đã cầu nguyện: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (90:12). Chúng ta cần nhìn vào cuộc đời mình trước, nhất là đời sống tâm linh. Chúng ta đang làm gì cho cuộc đời mình để sống với Thiên Chúa và Đức Kitô? Dành thời gian cho Chúa phải là ưu tiên. Nhưng chúng ta lại thường đặ Ngài ở cuối cùng. Chúng ta thực sự nên dành thời gian cho Chúa vì chúng ta muốn dùng thời gian cho Ngài vì sự sống đời đời.

Dành thời gian cho Chúa là thế nào? Pia de Solenni viết nhận xét trên trang PiadeSolenni.com thế này: “Đó là làm cho Thánh lễ là trung tâm của đời sống. Chúng ta nên coi Thánh lễ là trung tâm điểm và là kiểu mẫu cho cuộc đời mình. Bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc đời chúng ta, chúng ta nên coi đó như diễn biến trong Thánh lễ. Nếu chúng ta có một ngày tồi tệ hoặc một ngày hạnh phúc, chúng ta có thể coi đó là
đau buồn hoặc vinh quang trong Thánh lễ. Cuộc sống và Thánh lễ không là hai thế
giới riêng biệt”.

Lm Finelli đề nghị thêm những cách dành thời gian sống với Chúa Giêsu, chẳng hạn như đọc Kinh thánh, lần Chuỗi Mân Côi, lần Chuỗi Lòng Chúa Thương Xót, đọc sách hạnh các thánh, đọc sách đạo đức,… Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu là tấm gương sáng về việc dùng thời gian một cách khôn ngoan, “Con Đường Nhỏ” của Chị là một triết lý sống.

Đó là cách làm mọi thứ, dù là việc nhỏ nhất, nhưng vẫn làm vì yêu mến Thiên Chúa. Theo đó, chúng ta cũng sử dụng thời gian như vậy. Mọi khoảnh khắc trong cuộc đời chúng ta nên sống vì yêu mến Thiên Chúa. Việc gì cũng trở nên có giá trị nếu làm vì yêu mến Chúa, vì Nước Trời, vì sống đức tin: Cầu nguyện, làm việc nhà, mưu sinh, học
tập, vui chơi, giải trì, nghỉ ngơi, ngủ,…

Chúng ta có thể sống trong sự thánh thiện, và chúng ta sẽ càng ngày càng nhận biết qua mỗi khoảnh khắc quý giá mà chúng ta có để dâng lên Thiên Chúa.

Lm Gonzalez cho biết: “Lúc cuối đời, nhiều người đã hối tiếc vì không cầu nguyện đủ, không dành đủ thời gian cho Chúa, không dành thời gian cho con cái, cha mẹ hoặc người thân. Đó là những điều hối tiếc vì chúng ta không dùng đúng thời gian mà Chúa dành cho mình.

Ngày hôm nay, ngay lúc này, hãy nhìn lại chính mình và cố gắng khắc phục trước khi quá muộn: Thời gian thắm thoắt thoi đưa, nó đi đi mất chẳng chờ đợi ai. Thiên Chúa vẫn đang kiên trì chờ đợi chúng ta, hãy dành thời gian cho Ngài.

Bậc đáng kính Giám mục Fulton Sheen (tác giả viết nhiều sách hay) khuyên: “Không bao giờ chúng ta không có thời gian để suy niệm; người ta càng ít nghĩ về Thiên Chúa thì càng có ít thời gian cho mình. Thời gian để làm điều gì đó tùy vào cách chúng ta đánh giá. Suy nghĩ là cách xác định việc dùng thời gian; thời gian không khống chế
chúng ta suy nghĩ! Vấn đề tâm linh không bao giờ là vấn đề thời gian, mà là vấn
đề suy nghĩ. Không đòi buộc nhiều thời gian để chúng ta nên thánh, mà chỉ cần yêu mến nhiều”.

JOSEPH PRONECHEN

TRẦM THIÊN THU

(Chuyển ngữ từ NCRegister.com)

Đầu năm Dương lịch – 2013

Maria Thanh Mai gởi

THIÊN CHÚA – MỘT HUYỀN NHIỆM

THIÊN CHÚA – MỘT HUYỀN NHIỆM

LỄ HIỂN LINH

Tác giả: Lm. JB. Vũ Xuân Hạnh

nguồn:conggiaovietnam.net

Khi dạy giáo lý cho người lớn, nhất là các đôi bạn chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân, tôi hay hỏi nửa đùa, nửa thật: “Các bạn yêu nhau lắm, đúng không? Yêu đến mức nếu ngày nào không gặp nhau, ta nhớ thương, nhớ tiếc, nhớ da, nhớ diết, nhớ như có ai xé lòng mình, đúng không?”. Tất cả các bạn đều mỉm cười bẻn lẻn. Tôi nói tiếp: “Các bạn yêu nhau  lắm, tưởng như người này hòa trộn trong người kia, nhưng người kia nghĩ gì, bạn có biết không?”. Tất cả trả lời: “thưa không!”.

Mỗi người là một huyền nhiệm. Huyền nhiệm này lớn cho đến mức, dẫu là  tình yêu lứa đôi, một thứ tình yêu tưởng như nên một trong nhau, vậy mà hai người vẫn cứ là hai thế giới xa nhau diệu vợi.

Con người sống với nhau đã là huyền nhiệm dành cho nhau đến vậy, thì chúng ta càng không lạ gì khi Thiên Chúa luôn luôn là huyền nhiệm đối với con người. Lễ  Hiển Linh tức là lễ Thiên Chúa tỏ mình cho dân ngoại. Đại diện dân ngoại là ba nhà đạo sĩ phương Đông. Ba ông nhận ra ánh sao trên bầu trời và vội vã lên đường đi tìm Con Thiên Chúa vừa giáng sinh.

Gọi là Thiên Chúa tỏ mình, nhưng sự tỏ mình qua một ánh sao vẫn cho thấy Thiên Chúa là một huyền nhiệm lớn lao vô cùng. Dẫu ngôi sao trên bầu trời có lạ thường đến đâu, có sáng chói đến mức độ nào, thì sự tỏ mình ấy vẫn mù mờ, vẫn xa xăm đối với nhận thức của con người. Bởi đó, chỉ có ai thao thức tìm kiếm Thiên Chúa, chỉ có trung thành sống đức tin mới có thể nhận ra Thiên chúa đang tỏ mình với cuộc đời nói chung, và cuộc đời của chính mình nói riêng.

Đúng hơn, Thiên Chúa đã tỏ mình, nhưng tự bản chất, Người là huyền nhiệm, nên để nhận ra sự tỏ mình của Thiên Chúa, mãi mãi vẫn cần một điều kiện. Điều kiện đó là lòng thao thức tìm kiếm Thiên Chúa và sống đức tin trung thành. Có như thế, ta mới có thể nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện trong cuộc đời ta, dẫu phải trải qua từng biến cố sướng vui hay hạnh phúc.

Nói đơn giản: Thiên Chúa vẫn đang hiện diện và luôn luôn tỏ mình, chỉ cần bạn thao thức tìm kiếm Người và trung thành sống đức tin, bạn sẽ nhận ra Người.

Ba nhà đạo sĩ đã lên đường tìm kiếm. Bạn cũng sẽ nhận ra Thiên Chúa tỏ mình bằng đời sống đức tin, bằng sự cầu nguyện luôn mãi, bằng tình yêu mà bạn hiến dâng cho Người.

Lm VŨ XUÂN HẠNH

Mẹ vẫn chờ con

Mẹ vẫn chờ con
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Người ta kể rằng: có một cô gái ở nơi xa về thăm nhà, vừa mới xuống xe đã nhìn thấy mẹ đứng phía trước. Cô gái rất ngạc nhiên vì mẹ cô không hề biết cô sẽ trở về liền hỏi: ”Sao mẹ biết con về vậy?”. Thì ra cuối tuần nào người mẹ cũng ra chỗ này để “đón” cô.

Tâm tư người mẹ luôn như vậy, luôn lấy thường xuyên thành trùng hợp, biến có thành không khiến những đứa con không khỏi ngạc nhiên cũng không đoán trước được. Mẹ thường che dấu tình cảm của mình. Nước mắt của mẹ luôn chảy ngược vào tim khiến con cái không thể thấy nỗi khổ của mẹ mà chỉ thấy sự diu ngọt từ mẹ. Quả đúng như ai đó đã nói:

“Mẹ là dòng suối nước trong

Thơm, ngon, mát, ngọt như lòng mẹ yêu

Mẹ là gió nhẹ ban chiều

Khẽ ru con ngủ cưng chiều con thơ”

Tình mẹ thật mênh mông. Tình mẹ không có bến bờ chỉ có dạt dào tình yêu và tuôn chảy trên cuộc đời con cái. Vì:

Mẹ là biển rộng xanh lơ

Tình thương bát ngát đôi bờ đại dương

Mẹ là mây phủ ngàn phương

Chở che con dại trên đường nắng rơi

Mẹ là tất cả mẹ ơi!”

Là những người con khi đã nhận ơn của mẹ thì luôn mong mỏi được sống bên mẹ. Không chỉ để được mẹ yêu mà còn để phụng dưỡng ơn mẹ. Không chỉ để được mẹ vỗ về mà cả thèm nghe sự la rầy đầy tình yêu nồng nàn của mẹ.

“Con mong bên mẹ từng giây

Con thèm nghe tiếng la rầy mắng yêu

Bên mẹ nắng sớm mưa chiều

Để con săn sóc mẹ yêu suốt đời”

Trong đời sống thiêng liêng chúng ta cũng có một người mẹ thật yêu thương chúng ta. Mẹ cũng đánh đổi cuộc đời mình vì yêu thương chúng ta. Mẹ hy sinh cuộc đời, gác bỏ việc riêng để gánh lấy nhân loại chúng ta. Tình mẹ cũng mênh mông, bát ngát luôn theo sát con mẹ, đó chính là Mẹ Maria.

Với lời xin vâng, Mẹ Maria đã gác bỏ những dự định riêng của đời mình để sẵn lòng thực thi chương trình của Chúa. Dưới cây thập giá, Mẹ một lần nữa đã nói lời xin vâng khi đón nhận nhân loại làm con của Mẹ. Lời Chúa Giê-su đã thưa cùng Mẹ. “Thưa bà, đây là con của bà”. Mẹ đã không khước từ. Dù rằng, dưới cây thập giá lòng Mẹ đang tan nát bởi cái chết người Con yêu. Mẹ tiếp tục xin vâng để lại làm Mẹ nhân loại theo thánh ý Thiên Chúa.

Và hôm nay, Mẹ tiếp tục hiện diện trong cuộc đời từng người con để vỗ về, để yêu thương, để dìu dắt như ngày nào Mẹ đã yêu thương Con Chúa Trời. Mẹ tiếp tục đứng đó trên những đỉnh đồi thương đau của từng người con như Mẹ đã từng đứng bên thập giá để chia sẻ với Con yêu quý của mình. Mẹ vẫn đang đứng đợi con cái về bên Mẹ như bao bà mẹ vẫn mong con sum vầy bên Mẹ để được Mẹ dậy bảo, để được Mẹ vỗ về yêu thương.

Hôm nay, ngày đầu năm mới, Giáo hội mừng lễ Mẹ Thiên Chúa để nhắc nhở cho chúng ta về sự hiện diện của Mẹ Maria vẫn đi bên cạnh cuộc đời chúng ta. Sự hiện diện của Mẹ bên cuộc đời chúng ta qua biết bao ơn lành hồn xác chúng ta lãnh nhận nhờ lời cầu bầu của Mẹ. Biết bao người vẫn được ơn này ơn kia qua lời cầu khẩn của Mẹ. Biết bao người vẫn đang bám vào Mẹ như sự ủi an duy nhất giữa chốn ba đào đầy khó nguy. Và có lẽ, Mẹ Maria vẫn đang chờ những con cái Mẹ biết chạy đến cùng Mẹ mỗi khi khó khăn, biết nương tựa vào Mẹ mỗi khi thất bại, biết cầm lấy tay Mẹ mỗi khi vấp ngã để Mẹ tiếp tục chia sẻ những thăng trầm trong cuộc đời chúng ta.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ thật có phúc vì đã cưu mang Con Thiên Chúa. Mẹ thật diễm phúc vì Mẹ được chọn làm Mẹ Thiên Chúa. Và  hôm nay chúng con cũng thật có phúc vì có Mẹ là Mẹ của chúng con. Chúng con xin cám ơn Mẹ đã nhận chúng con là con của Mẹ để tiếp tục chăm sóc chúng con. Xin cho chúng con luôn biết chạy đến cùng Mẹ mỗi khi gặp những khó khăn. Xin cho chúng con luôn sum vầy bên Mẹ để được Mẹ yêu thương chúc lành. Amen.

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Maria Thanh Mai gởi

TÂM SỰ VỚI CHÚA 2

TÂM SỰ VỚI CHÚA 2

“Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người.”(Gioan 1, 10)

Chúng ta bước vào Mùa Vọng, ngày nào con cũng nhận rất nhiều bài suy niệm về Mùa Vọng, đọc đến không kịp luôn. Con nghĩ rằng Giáng Sinh thường đem đến cho Chúa nhiều nỗi buồn hơn niềm vui, cũng như xưa kia tại Bêlem vậy.  Sau bao nhiêu ngày đường vất vả, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse chẳng được ai cho trọ nhờ.

Ngày nay cũng thế, con rất buồn khi nghĩ đến Chúa còn tiếp tục  bị những người không tin từ chối Chúa, còn đối với những người Kitô Hữu thì sao? Chúa cũng chẳng được người ta đáp trả tình yêu của Chúa gì cho lắm đâu.

Lễ Giáng Sinh đáng lẽ phải là ngày được dành trọn cho Chúa, vậy  mà con người ta lại tục hóa ngày lễ trọng đại này.  Tại nhà thờ có nơi cũng đông người đó, nhưng Chúa có được đón rước trong tâm hồn không hở Chúa?

Ngày 24 người ta thường tổ chức ăn reveillon, nhưng con thì  không, vì tối đó Thánh Gia còn vất vả trên đường phố tìm chỗ trọ cho Hài Đồng Giesu, con thường thức khuya để cầu nguyện và kết hiệp với nỗi đau khổ của Chúa. Đêm đông thật lạnh giá, nhưng lòng người mỗi ngày càng giá lạnh hơn nhiều. Chúa vẫn lang thang đi tìm kiếm tình yêu, và khao khát được yêu lại.

Suy gẫm lời này từ một quyển sách nào đó, con cảm thấy thương  Chúa đến không cầm được nước mắt: “Chúa đã dựng nên trời xanh, cây cối, và Chúa biết trước rằng con người sẽ dùng cây gỗ này để làm thập giá đóng đinh  Chúa đây mà. Chúa cũng dựng nên những bông hoa, bụi gai, và con người cũng sẽ dùng những cây gai này mà làm mão gai nhấn vào đầu Chúa, và trong những sỏi đá có chất sắt, người ta lấy sắt để làm thành đinh đóng chân tay Chúa vào thập giá.”

Chúa ơi, Chúa biết trước tất cả nhưng Chúa vẫn dựng nên con người để rồi… Chúa phải nhận lấy toàn vong ân, và xúc phạm đến Chúa.  Phải rồi, Chúa là “Tình yêu không được yêu lại.”

Lạy Chúa Giesu! Tình Yêu Vô Cùng của Chúa đã được con đáp trả ra sao?

·      Con có nghe tiếng Chúa gọi và sẵn sàng vui lòng đáp lại lời mời gọi của Chúa chăng?

·      Phải chăng con đã hâm hở chạy đến mở cửa khi Chúa gõ hay là con đã để Chúa chờ đợi?

·      Con có sống trong tâm tình tri ân khi nhận lãnh dồi dào ân sũng Chúa chăng?

·      Chúa ơi, trong ngày sống của con, bao nhiêu lần con hướng lòng và nghĩ về Chúa?

Lạy Chúa Giesu yêu quý, nếu bây giờ Chúa hỏi con: “Con có muốn  an ủi Thầy không?” Con trả lời với Chúa rằng: “Dạ, con muốn lắm!”

Xin Mẹ Maria hãy giúp con  giữ lời hứa này với Chúa, con sẽ cố gắng hết mình để ủi an Chúa và ở bên Chúa.  Nhưng xin Chúa hãy cầm tay con và đừng để con xa rời Chúa bao giờ.

Thế gian không muốn nhận biết Chúa, nhưng chúng con nhận biết Chúa và hiểu rằng từ cái chết, chúng con được Chúa làm cho sống lại bằng cái chết nhục nhã của Chúa trên Thập Giá.

Lay Chúa Giêsu, cảm tạ Chúa vô cùng. Con yêu mến Chúa.

MenYeuGiesu (TSVCNNB 4)

Maria Thanh Mai gởi

TẤM PHÔNG VÀ BỨC TRANH CÓ TÊN GỌI MARIA

LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI 8/12

TẤM PHÔNG VÀ BỨC TRANH CÓ TÊN GỌI MARIA

 

“ Mừng vui lên, hỡi đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc.1,28)

Tín điều Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội được Giáo Hội chính thức công bố ngày 8/12/1854 dưới triều đại Đức Giáo Hoàng Piô IX, kế đến, chính môi miệng Mẹ Maria đã xác quyết khi hiện ra với thánh nữ Bernadette tại Lộ Đức vào ngày
25/3/1858. Mẹ đã phán: “Ta Là Đấng Vô Nhiễm Thai”.

Mẹ Maria là một trong muôn vàn thụ tạo do Thiên Chúa sinh dựng, nhưng Thiên Chúa đã ban tặng cho Mẹ nhiều đặc ân: Mẹ Thiên Chúa, Nữ Vương Thiên Đàng, Nữ Vương Hòa Bình, Mẹ của chúng sinh…Riêng đặc ân Vô nhiễm Thai là đặc ân khởi đầu, nhờ đặc ân Vô Nhiễm Thai mà cung lòng của Mẹ đã trở nên cao sang, thanh khiết, vẹn tuyền, cung lòng của Mẹ đã trở nên ngôi đền thờ Thiên Chúa ngự qua biến cố Truyền Tin và mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa.

Đặc ân Vô Nhiễm Thai mà Mẹ Maria lãnh nhận từ Thiên Chúa được nằm trong chương trình cứu độ mà Ngài đã hứa ban sau khi con người nhân loại đầu tiên là ông A-dong và bà E-va lỗi nghịch cùng Thiên Chúa nơi vườn Địa Đàng, trình thuật sách Sáng Thế sau đây đã minh chứng điều ấy: “Đức Chúa phán với con rắn: Ta sẽ gây mối thù giữa ngươi và người phụ nữ, giữa dòng giống  ngươi và dòng giống người ấy, dòng giống người ấy sẽ đạp vào đầu ngươi, cònngươi sẽ tìm cách cắn gót chân  người” (St.3,15). Dòng giống người phụ nữ mà sách Sáng Thế mô tả không ai khác, đó chính là  Đức Trinh Nữ Maria.

Vâng! Khởi đi từ ý muốn và Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa mà Mẹ Maria đã được Thiên Chúa sủng ái và ban tặng nhiều đặc ân, lời chào của Sứ Thần trong ngày Truyền Tin đã minh chứng điều ấy: “ Mừng vui lên, hỡi đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc.1,28), như lời minh định của thánh Phaolô: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng
ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn
vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo
thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người ta trở nên tinh tuyền, thánh thiện…” (Ep.1,3-4).

Có thể nói, cuộc đời của Mẹ Maria được ví như tấm phông tuyệt mỹ. Tấm phông có tên gọi Maria được dệt bằng những sợi tơ vàng, sợi tơ yêu thương dưới bàn tay điêu luyện của người thợ dệt là Thiên Chúa, để rồi từ tấm phông ấy, một lần nữa Thiên Chúa, Người họa sỹ đại tài đã dùng những gam màu sáng tối, đậm lợt, những đường cong và thẳng đan xen nhau, những nét vẽ điêu luyện tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp. Bức tranh ấy diễn tả tình yêu của Thiên Chúa, diễn tả hồng ân Cứu Độ mà Thiên Chúa muốn trao ban cho con cái loài người một cách nhưng không. Vâng! Thiên Chúa, Ngài đã dệt, đã vẽ trên tấm phông có tên gọi là Maria để thực hiện lời hứa của Ngài với toàn thể con cái loài người như ngôn sứ Isaia đã trình thuật: “ Ta đã nhận lời ngươi vào thời ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày ta cứu độ. Ta đã gìn giữ ngươi, đặt ngươi làm giao ước giữa ta với dân, để phục hồi xứ sở, để chia lại những gia sản đã bị tàn phá…”(Is.49,8).

Thiên Chúa, Ngài đã phác họa những gì trên tấm phông mang tên Maria? Xin thưa! Thiên Chúa vẽ một Trái Tim thanh khiết, tinh tuyền, không tỳ ố ngay khi tấm phông có tên gọi Maria được hình thành nơi cung lòng của bà An-na; trong ngày Sứ thần Truyền tin, Ngài phác họa những từ Tín Thác, Khiêm Nhường Xin Vâng; Ngài vẽ hai chữ Hạnh phúc Bình An nơi máng cỏ Belem khi Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần; Ngài tô đậm hai chữ Yêu Thương và Phục Vụ nơi nhà bà Êlisabet, nơi tiệc cưới Cana; trên đỉnh đồi Can-vê Ngài vẽ những đường cong và thẳng đan xen nhau kết nên hai chữ Thinh LặngChịu Đựng; qua biến cố Phục Sinh, Ngài vẽ những nét đậm với hai chữ Vui Mừng và Hy Vọng . Cuối cùng, Ngài vẽ hình lưỡi lửa trong ngày lễ ngũ tuần, ngày khai sinh ra Giáo Hội trần thế. Thiên Chúa rất hài lòng sau khi thực hiện nét vẽ cuối cùng trên tấm phông có tên gọi Maria, không những thế, Ngài còn ban tặng bức tranh ấy cho toàn thể nhân loại như một bảo chứng của tình yêu.

Vâng! Dưới bàn tay điêu luyện của Thiên Chúa, tấm phông  có tên gọi Maria giờ trở thành một bức tranh tuyệt tác. Bức tranh ấy được treo một cách trang trọng nơi tòa nhà của Thiên Chúa, trở thành điểm nhấn, trở thành  vườn hoa muôn màu, muôn sắc nơi vườn thượng uyển; trở thành tấm gương phản chiếu hình ảnh và tình yêu của Thiên Chúa một cách rõ nét, là tấm gương soi cho tất cả những ai tin nhận Thiên Chúa, và nhất là trở thành ánh sao dẫn đường cho những ai đang lần mò đi trong đêm tối của niềm tin, những tâm hồn khát khao đi tìm chân lý, tìm kiếm Thiên Chúa nơi cuộc sống dương gian.

Hướng về Mẹ Maria với tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, trước tiên ta cảm tạ Thiên Chúa đã ban tặng cho ta một người Mẹ thanh khiết, vẹn toàn, một tấm gương phản chiếu tình yêu của Thiên Chúa, ta cảm tạ Thiên Chúa đã giúp ta cảm nhận được sự hiện diện của Ngài trong mọi biến cố vui buồn của cuộc sống ngang qua Mẹ Maria, ta xin Chúa tháp nhập con người và cuộc đời ta lên tấm phông có tên gọi Maria. Với tấm lòng con thảo, ta xin Mẹ giúp ta trở thành tấm phông để qua tấm phông là chính con người và cuộc đời của ta, Thiên Chúa sẽ vẽ những nét đẫm lợt, sáng tối theo Thánh Ý của Ngài, như Ngài đã thực hiện nơi cuộc đời của Mẹ Maria.

Trên bước đường lữ thứ trần gian, còn đó những cám dỗ, những lời mời gọi ngọt ngào của quyền lực sự dữ; còn đó những thách đố, khổ đau do bệnh tật, đói nghèo, do bất hòa chia rẽ; còn đó những vô cảm đối với Chúa và với nhau, tất cả những điều đó dễ làm trái tim và con người của ta trở nên hoen ố, trở thành những làn roi, thành những gai nhọn và đinh sắt đóng vào thân mình của Đức Kitô, trở thành những vết nhơ trên bức tranh mà Thiên Chúa đã vẽ nơi tấm phông có tên gọi Maria. Với thân phận yếu đuối và mỏng dòn, ta xin Mẹ Maria qua tràng chuỗi Mân Côi, để nhờ Mẹ và trong Mẹ ta đón nhận sức mạnh và phúc lành từ nơi Thiên Chúa, nhờ sức mạnh và phúc lành của Thiên Chúa ta mới có thể chống trả chước cám dỗ, ta mới có được sự bình an đích thực và nhất là sự sống bất diệt được khởi đi từ Thiên Chúa.

Giữa mối tương quan gia đình trần thế, ta xin Mẹ Maria giúp ta trở thành những tấm phông, những họa sỹ như lòng Chúa ước mong. Nhờ ơn Chúa tác động và qua sự dẫn dắt của Mẹ Maria, ta cùng vẽ, cùng phác họa cho nhau những nét chữ yêu thương, tha thứ, đồng cảm và sẻ chia, nhờ những gam màu tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa, những gam màu hiến thân và phục vụ mà tấm phông là chính cuộc đời của ta và của nhau sẽ trở thành những bức tranh sinh động, bức tranh diễn tả tình yêu của Thiên Chúa, của Mẹ Maria. Qua bức tranh của ta và của nhau mà nhiều người nhận ra khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa, Đấng là Cha, Đấng luôn yêu thương hết thảy mọi người, nhất là những người chưa biết và chưa tin nhận Thiên Chúa. Đặc biệt trong Năm Thánh Đức Tin, ta được mời gọi tuyên xưng, sống và làm chứng cho niềm tin của mình giữa lòng thế giới.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội! Xin thương và giúp con biết noi gương Mẹ tận hiến cuộc đời cho Chúa, để nhờ ơn Chúa giúp, con dần trở thành tấm phông mà Thiên Chúa sẽ vẽ, sẽ tạo nên bức tranh như lòng Ngài ước mong. Amen.

Sài Gòn, ngày 07/12/2012

Antôn Lương Văn Liêm

Maria Thanh Mai gởi

Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội

Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội

Ngày 8/12

Lm. Nguyễn Văn Trinh

Tín điều về “Đức Trinh Nữ Maria ngay từ thuở ban đầu đã được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ”, qua thời gian càng ngày càng rõ rệt.

Thánh Kinh không chỗ nào nói rõ điểm này cả, nhưng Hội Thánh qua thời gian (Thánh Truyền) đã hiểu những lời Thánh Kinh và giải thích: Đức Trinh Nữ Maria là thụ tạo trong sạch nhất và có thể nói “thành công” nhất của Thiên Chúa. Đức Trinh Nữ Maria được ví như Eva Mới, không vương nhiễn đến tội và trở thành “Mẹ của chúng sinh”.

Dù vậy chúng ta phải nắm vững :

1. Đức Maria cũng được sinh ra một cách bình thường như mọi người khác.

2. Đức Maria được hưởng hồng ân lớn lao này là nhờ Đức Giêsu Kitô, qua công nghiệp cứu độ của Người là chết trên thập giá.

Về Phụng Vụ, chúng ta đã thấy có những thánh lễ tôn kính Mẹ Vô Nhiễm từ thế kỷ thứ IX, bắt đầu từ Constantinople tràn sang miền Nam Ý và Sicile. Nhưng rõ nét nhất là thánh Anselmô thành Canterburry đã du nhập thánh lễ này vào giáo phận của ngài.

Vào năm 1476 Đức Giáo Hoàng Sixtus IV, xuất thân từ dòng Anh Em Hèn Mọn, đã đem thánh lễ này vào Giáo Hội La Mã.

Ngày 8.12.1854 Đức Giáo Hoàng Piô IX trong Thông Điệp “Ineffabilis Deus” đã long trọng công bố tín điều “Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội” cho toàn thể Hội Thánh Công Giáo.

Maria Thanh Mai gởi

Hướng về linh địa Fatima

Hướng về linh địa Fatima

 

Khi hiện ra tại Fatima (Bồ Đào Nha), Đức Mẹ đã nhắn nhủ: “Hãy lần chuỗi Mân Côi
hằng ngày… Hãy cầu nguyện nhiều và dâng những hy sinh để cầu cho các tội nhân… Ta là Mẹ Mân Côi. Chỉ có Mẹ mới có thể giúp các con. …Cuối cùng, Trái tim Vô nhiễm của Mẹ sẽ thắng”.

Tháng Mười lại về. Tháng Mười nhắc chúng ta nhớ lại lời khuyên của Đức Mẹ: Ăn
năn đền tội, tôn sùng Mẫu Tâm, siêng năng lần chuỗi Mân Côi.

Chữ Rosary (Chuỗi Mân Côi) nghĩa là “Triều thiên Hoa hồng” (Crown of Roses).
Đức Mẹ đã mặc khải cho một số người biết rằng mỗi lần đọc kinh Kính Mừng là dâng
cho Mẹ một đóa hồng tươi đẹp và lần xong một chuỗi Mân Côi là dâng cho Mẹ một
triều thiên hoa hồng.

Hoa hồng là hoa của các loài hoa, chuỗi Mân Côi là hoa hồng của mọi lòng sùng kính, do đó mà hoa hồng quan trọng nhất. Chuỗi Mân Côi được coi là lời cầu nguyện hoàn hảo vì trong đó có câu chuyện về ơn cứu độ của chúng ta. Qua chuỗi Mân Côi, chúng ta suy niệm các mầu nhiệm Vui, Thương, Mừng của Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Đó là lời cầu nguyện khiêm nhường, khiêm nhường đến nỗi như Đức Mẹ. Đó là lời cầu nguyện chúng ta cùng đọc với Mẹ Thiên Chúa. Với kinh Kính Mừng, chúng ta mời Đức Mẹ cùng cầu nguyện cho chúng ta. Đức Mẹ luôn ban cho chúng ta những điều cần. Đức Mẹ nối kết lời cầu nguyện của Mẹ với lời cầu nguyện của chúng ta. Do đó lời cầu nguyện ấy hữu ích hơn bao giờ hết, vì điều Mẹ xin thì Mẹ đều nhận được, Chúa Giêsu không bao giờ từ chối Mẹ điều gì.

Trong mỗi lần hiện ra, Mẹ luôn mời gọi chúng ta lần chuỗi Mân Côi vì đó là vũ khí mạnh để chống lại ma quỷ, đem bình an thực sự đến cho chúng ta. Qua lời cầu nguyện cùng với Mẹ, chúng ta có thể nhận được tặng phẩm giá trị là biến đổi tâm hồn và hoán cải. Qua lời cầu nguyện hằng ngày, chúng ta xua đuổi nguy hiểm và ma quỷ xa chúng ta và quê hương chúng ta. Chuỗi Mân Côi là lời cầu nguyện lặp đi lặp lại như hai người yêu nhau lặp lại nhiều lần với nhau: “Tôi yêu bạn”.

Trong lần hiện ra ngày 13-7-1917 tại Fatima, Đức Mẹ dạy cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con, xin cứu các linh hồn cho khỏi hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên Thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến Lòng Chúa Thương Xót hơn” (O my Jesus, forgive us our sins, save us from the fires of hell, and lead all souls to Heaven, especially those in most need of Your Mercy).

Phanxicô (Francisco) qua đời ngày 4-4-1919 và Giaxinta (Jacinta) qua đời ngày
20-2-1920. Trước khi giả từ cõi thế, Giaxinta cho biết một ít nhưng đó là những
câu quan trọng. Đây là những lời của Đức Mẹ:

Nhiều linh hồn sa hỏa ngục vì tội xác thịt hơn là vì các lý do khác. Những tội đó xúc phạm Chúa rất nặng. Nhiều cuộc hôn nhân không tốt, họ không làm vui lòng Chúa và không thuộc về Thiên Chúa. Các linh mục phải khiết tịnh, rất khiết tịnh. Họ không được bận rộn với bất cứ thứ gì khác ngoài việc quan tâm Giáo hội và các linh hồn. SỰ BẤT TUÂN CỦA CÁC LINH MỤC ĐỐI VỚI CÁC BỀ TRÊN VÀ ĐỨC  GIÁO HOÀNG LÀ RẤT LÀM MẤT LÒNG CHÚA. Đức Mẹ không thể ngăn cản bàn tay của Chúa Con khỏi trừng phạt thế giới vì nhiều tội trọng.

Hãy nói với mọi người rằng Thiên Chúa ban ân sủng qua Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ
Maria. Hãy bảo họ cầu xin ân sủng từ Mẹ, và Thánh Tâm Chúa Giêsu muốn được tôn
kính cùng với Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ Maria.

Luxia (Lucia) vào Dòng Tiểu muội Thánh Dorothy để học đọc và học viết, sau đó
vào Dòng Coimbra và ở đây cho đến cuối đời.

Ngày 10-12-1925, nữ tu Luxia được thấy Chúa Giêsu Hài Đồng và Đức Trinh Nữ
Maria trong phòng riêng ở tu viện. Đức Mẹ cho bà thấy Trái Tim Mẹ bị gai quấn
xung quanh, rồi Đức Mẹ nói với nữ tu Luxia:

Này con, hãy xem Trái Tim Mẹ bị gai nhọn quấn xung quanh, đó là những người vô
ơn đã đâm vào mỗi khi họ phỉ báng và vô ơn… Con hãy nói với mọi người thế
này:

1. Hãy xưng tội ngày thứ Bảy đầu tháng trong 5 tháng,

2. Rước lễ,

3. Lần chuỗi Mân Côi,

4. Và dành cho Mẹ 15 phút mà suy niệm về 15 Mầu nhiệm Mân Côi, với tâm tình đền
tội, Mẹ hứa giúp họ trong giờ lâm chung bằng những ơn cần thiết để được rỗi
linh hồn.

Trong lần hiện ra ngày 13-7-1917, Đức Mẹ nói: “Mẹ sẽ đến xin thánh hóa nước Nga”. Và Đức Mẹ đã làm điều đó vào ngày 13-6-1929, khi hiện ra với Luxia tại nhà nguyện Dòng Thánh Dorothy, thuộc thành phố Tuy. Luxia nói: “Con đã xin được phép của bề trên và linh mục giải tội cho làm Giờ Thánh từ 11 giờ trưa đến nửa đêm, vào các ngày thứ Năm và thứ
Sáu”.

Đức Mẹ nói với Luxia: “Thời giờ đã đến, điều mà Thiên Chúa yêu cầu Đức thánh
cha, cùng với các giám mục trên thế giới, là dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ, hứa cứu nước Nga bằng cách này. Cũng có nhiều linh hồn mà công lý của Thiên Chúa kết án vì phạm tội xúc phạm đến Mẹ, và Mẹ đã đến yêu cầu đền tội: Hãy hy sinh vì ý này và hãy cầu nguyện”.

Ngày 13-10-1917, khi ba trẻ được bao quanh với khoảng 70.000 người dù trời mưa
như trút, Luxia hỏi Đức Mẹ: “Mẹ muốn gì ở con?”. Đức Mẹ trả lời: “Ta là Mẹ Mân
Côi. Mẹ muốn có một nhà nguyện tại đây để tôn kính Mẹ, và để mọi người cùng lần
chuỗi Mân Côi hằng ngày. Chiến tranh sẽ chấm dứt. Chiến tranh hết thì các binh
sĩ sẽ trở về gia đình”. Luxia hỏi: “Con có thể xin Mẹ chữa lành và hoán cải,
được không Mẹ?”. Đức Mẹ nói: “Một số người thì được, một số người khác thì
không. Điều cần là họ phải xin lỗi vì tội của họ, họ đừng xúc phạm Thiên Chúa
nữa, vì họ đã xúc phạm quá nhiều”. Luxia hỏi: “Mẹ còn muốn gì khác ở con
không?”. Đức Mẹ nói: “Mẹ không muốn gì nữa”.

Những lời đối thoại thật giản dị và dễ thương, nhưng những lời đó như đang xoáy
vào tận đáy lòng chúng ta!

ĐGH Piô XI đã không dâng nước Nga như lời Đức Mẹ yêu cầu Luxia làm, nhưng ngài
đã dâng cả thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, cách riêng nhắc tới nước Nga.
ĐGH Piô XII đã làm điều tương tự vào năm 1942, và sau đó dâng hiến dân tộc Nga
vào năm 1952.

Ngày 13-5-1982, sau 1 năm bị ám sát tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày 13-5-1981, cũng là dịp kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra lần thứ nhất tại Fatima, ĐGH Gioan Phaolô II đã tới linh địa Fatima để tạ ơn Đức Mẹ và gặp nữ tu Luxia (một trong ba trẻ được Đức Mẹ hiện ra). Ngài
tin mình sống sót nhờ sự can thiệp trực tiếp của  Đức Mẹ Vô nhiễm.

Ngày 16-10-2002, qua Tông thư Rosarium Virginis Mariae (nói về chuỗi Mân Côi),
ĐGH Gioan Phaolô II đã chính thức thêm 5 mầu nhiệm mới vào chuỗi Mân Côi: Mầu
nhiệm Sáng.

 

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ TheHolyRosary.org)

Tháng Mân Côi – 2012

Hình ảnh Đức Mẹ khóc ở khắp nơi trên thế giới

Hình ảnh Đức Mẹ khóc ở khắp nơi trên thế giới

Tác giả: Sưu tầm                         nguồn Thanhlinh.net

 

 

“Khiết Tâm Vô Nhiễm Nguyên Tội mà con đang chiêm ngưỡng này đã đổ ra rất nhiều nước mắt. Con hãy tôn vinh và an ủi Trái Tim Tân Khổ của Mẹ bằng việc suy phục Thánh Ý Cha và quảng đại chiến đấu chống lại cái tôi của con”. (trích Thông Điệp Tình Yêu Nhân Hậu của Chúa Giêsu với Hồn Nhỏ).

 

Những hình ảnh Đức Mẹ khóc ở các nơi trên thế giới. Đây là những bản tường trình mà có những hiện tượng được Giáo hội công nhận cũng như chưa được cộng nhận. Thanhlinh.net đăng tải để tham khảo và dành sự phán quyết của Giám mục địa phương.


Đức Mẹ khóc tại New Orlearns 1972

Đức Mẹ khóc tại Equador 1906

Đức Mẹ khóc tại Pittsburght, USA 1973

Đức Mẹ khóc tại Ba Lan 2012

Đức Mẹ khóc tại Úc 2001

Đức Mẹ khóc tại Roma 1994

Đức Mẹ khóc tại Columbia

Đức Mẹ khóc tại Nga 1998

Đức Mẹ khóc tại Massachusettes, USA 1991

Đức Mẹ khóc tại Ontario 2010

Đức Mẹ khóc tại Massachusettes, USA 2004

Đức Mẹ khóc tại Virgina USA 1992

Đức Mẹ khóc tại Medjugorje 2011

Đức Mẹ khóc tại Ecuador 2004

Đức Mẹ khóc tại Romania 2003

Đức Mẹ khóc tại 1953

Đức Mẹ khóc tại New Orlearns 1980

Đức Mẹ khóc tại Bangladesh 2003

Đức Mẹ khóc tại New York USA 1972

Đức Mẹ khóc tại Canada 1984

Đức Mẹ khóc tại Ý 1953

Đức Mẹ khóc tại Tây Ninh Việt Nam
 

Đức Mẹ khóc tại Akita, Japan 1973

Đức Mẹ khóc tại La Salette, Pháp 1846

Đức Mẹ khóc tại Á Căn Đình 2011

Đức Mẹ khóc tại Georgia 2012

Đức Mẹ khóc tại Venezuela, 2003

Đức Mẹ khóc tại Illinois, USA 1994

Đức Mẹ khóc tại Phi Luật Tân 1992

Đức Mẹ khóc tại El Salvador 2008

Đức Mẹ khóc tại New York, USA 1984

Đức Mẹ khóc tại Damacus, Syria 1977

Đức Mẹ khóc tại Venezuela 2007

Đức Mẹ khóc tại Los Angeles, USA 2009

Đức Mẹ khóc tại Rockingham Úc 2002

Đức Mẹ khóc tại Venezuela 2010

Đức Mẹ khóc tại Naju, Đại Hàn 1995

Đức Mẹ khóc tại Paraguay

Đức Mẹ khóc tại Hy Lạp 2003

Đức Mẹ khóc tại Ý 1992

Đức Mẹ khóc tại Ý 1972

Đức Mẹ khóc tại Ohio USA 2011

Đức Mẹ khóc tại Ukraine 2009

Đức Mẹ khóc tại Chí Lợi 2012
 

Đức Mẹ chảy máu tại Baton Rouge, New Orlearns 2012
 

 

Tháng Mân Côi

Tháng Mân Côi

TRẦM THIÊN THU

 

Hằng năm, Giáo hội Công giáo dành Tháng Mười để tôn kính Đức Mẹ Mân Côi. Theo miêu tả của tu sĩ Alan de la Roch, Dòng Đa Minh thế kỷ XV, Đức Mẹ đã hiện ra với thánh Đa Minh năm 1206 sau khi thánh nhân cầu nguyện và sám hối vì đã không thành công trong
việc chống tà thuyết Albigensianism (*). Đức Mẹ đã khen ngài về sự chiến đấu anh dũng của ngài chống lại tà thuyết và trao cho ngài Chuỗi Mân Côi làm vũ khí phi thường, đồng thời giải thích cách sử dụng và hiệu quả của Chuỗi Mân Côi. Đức Mẹ bảo thánh Đa Minh rao truyền Chuỗi Mân Côi cho những người khác.

Kinh Mân Côi có nguồn gốc từ chính Thiên Chúa, từ Kinh thánh, và từ Giáo hội. Không lạ gì khi Chuỗi Mân Côi gần gũi với Đức Mẹ và mạnh mẽ đối với Nước Trời.

Rất nhiều người đã được ơn từ việc lần Chuỗi Mân Côi. Chân phước GH Gioan Phaolô II cũng thường xuyên lần Chuỗi Mân Côi khi ngài đi bách bộ. Nếu xem lại lịch sử, chúng ta thấy có nhiều chiến thắng nhờ Chuỗi Mân Côi. Truyền thống ban đầu đã có chiến thắng
tà thuyết Anbi tại trận Muret năm 1213 nhờ Chuỗi Mân Côi.

Dù không muốn chấp nhận truyền thống đó thì cũng phải chân nhận rằng thánh GH Piô V đã góp phần chiến thắng đội quân Thổ Nhĩ Kỳ vào Chúa Nhật đầu tháng 10 năm 1571. Ngay thời điểm đó có Hội Mân Côi (Rosary confraternities) tại Rôma và những nơi khác. Do
đó, thánh GH Piô V đã truyền phải tôn kính Kinh Mân Côi vào chính ngày đó.

Năm 1573, ĐGH Grêgôriô XIII công bố việc mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi tại các nhà thờ có bàn thờ dâng kính Đức Mẹ Mân Côi. Năm 1671, ĐGH Clêmentô X mở rộng lễ này trên toàn cõi nước Tây Ban Nha. Chiến thắng anh dũng lần thứ hai trên người Thổ Nhĩ Kỳ, những người đã có lần (cũng như người Nga) đe dọa phá hủy văn minh Kitô giáo, xảy ra vào ngày
5-8-1716, khi hoàng tử Eugene đánh bại họ tại Peterwardein (Hungary). Do đó, ĐGH Clêmentô XI mở rộng lễ Đức Mẹ Mân Côi trong toàn Giáo hội.

Lm. William G. Most đã viết trong cuốn “Đức Maria trong Đời sống Chúng ta” (Mary in Our Lives): “Ngày nay, các mối nguy hiểm còn lớn hơn người Thổ Nhĩ Kỳ, không chỉ đe dọa Kitô giáo mà đe dọa cả nền văn minh, Đức Mẹ thúc giục chúng ta trở lại với Chuỗi Mân Côi để được giúp đỡ. Nếu nhân loại đủ số người làm vậy, đồng thời thực hiện các điều kiện khác mà Đức Mẹ đã đưa ra, chúng ta có lý do chính đáng để tin rằng chúng ta sẽ thoát khỏi mọi mối nguy hiểm”.

Nhưng thiết nghĩ chúng ta cần tích cực lần Chuỗi Mân Côi hàng ngày không vì mong được lợi cho mình mà vì lòng yêu mến chân thành. Người Việt Nam có câu: “Mưu sự tại nhân,
thành sự tại thiên”
. Cứ hành động bằng tất cả niềm tin, cậy, mến thì chúng ta không bao giờ phải thất vọng.

Chúng con xin trao phó mọi sự cho Thiên Chúa và Đức Mẹ, xin quan phòng và lo liệu cho chúng con hôm nay và mãi mãi. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(*) Albigensianism: Anbi giáo, một phong trào Kitô giáo được coi là hậu duệ thời trung cổ của Mani giáo (Manichaeism – xem chú thích bên dưới) ở miền Nam nước Pháp hồi thế kỷ XII và XIII, có đặc tính của thuyết nhị nguyên (đồng hiện hữu của hai quy luật đối
nghịch là Thiện và Ác). Thuyết này bị kết án là tà thuyết thời Tòa án Dị giáo (Inquisition).

Manichaeism: Mani giáo, hệ thống tôn giáo nhị nguyên do tiên tri Manes (khoảng 216–276) sáng lập ở Ba Tư hồi thế kỷ III, dựa trên vụ xung đột nguyên thủy giữa ánh sáng và bóng tối, kết hợp với các yếu tố của Kitô giáo ngộ đạo (Gnostic Christianity), Phật giáo (Buddhism), Bái hỏa giáo (Zoroastrianism), và các yếu tố ngoại giáo khác. Thuyết này bị chống đối từ phía Hoàng đế La mã, các triết gia phái tân Platon (Neo-Platonist) và các Kitô hữu chính thống.

nguồn: Maria Thanh Mai gởi

SINH NHẬT ĐỨC BÀ

SINH NHẬT ĐỨC BÀ

 

“Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói:

‘Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng,

Đức Chúa ở cùng bà.'”

(Lu-ca 1:28)

 

Kính mừng Sinh Nhật Đức Bà

Cuộc đời Thánh Mẫu thật là đẹp thay

Diệu huyền không mấy ai hay

Gia đình nghèo khó, rủi may phận người

Hôm nay ngày rất cao vời

Cõi trần nhờ Mẹ sáng ngời niềm vui

Xóa tan tuyệt vọng, tối thui

Khổ đau thần chết đẩy lui hoàn toàn

Giê-su nhập thể huy hoàng

Đêm đông thiên sứ từng đoàn hát ca

Hồng ân kỷ niệm thiết tha

Ma-ri-a hỡi, bao la cửu trùng

Ngôi Hai Cứu-Chúa ở cùng

Phàm nhân hạnh phúc, khắp vùng hân hoan!

 

* Nguyễn Sông Núi

 

(Tv Thánh Gioan Neumann, Dallas, TX,

Sinh Nhật Trinh Nữ Maria, Sept. 9, 2012)