VƯỜN CÂY DẦU

VƯỜN CÂY DẦU

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Cách đây vài năm, diễn viên Mel Gibson đạo diễn và sản xuất một bộ phim được công chúng đặc biệt hưởng ứng.  Với tựa đề, Cuộc Thương khó của Chúa Kitô, bộ phim khắc họa lại cuộc vượt qua của Chúa Giêsu, từ vườn Cây Dầu cho đến cái chết trên Núi Sọ, tác giả nhấn mạnh đến các đau đớn thể xác của Ngài.  Bộ phim thể hiện sống động từng chi tiết các đau đớn mà một người bị đóng đinh thập giá phải chịu, khi bị đánh, bị tra tấn, và bị sỉ nhục.

Trong khi hầu hết các phái trong Giáo hội tán thưởng bộ phim, cho rằng cuối cùng thì cũng có người làm một bộ phim khắc họa thật về những đau đớn của Chúa Giêsu, thì nhiều học giả Kinh thánh và nhiều ngòi bút thiêng liêng khác lại lên tiếng chỉ trích.  Tại sao lại thế?  Có gì sai khi chiếu một bộ phim dài với chi tiết sống động, những máu me của việc đóng đinh thập giá, vốn thực sự rất hãi hùng?

Có gì sai (hay nhẹ hơn là không hợp) khi đây chính là những gì mà Kinh thánh đã không ghi lại về cái chết của Chúa Giêsu.  Tất cả bốn Tin mừng đều cố gắng không tập trung vào đau đớn thể xác của Chúa Giêsu.  Các mô tả trong Tin Mừng về những đau đớn thể xác của Ngài đều hết sức ngắn gọn: “Họ treo ngài giữa hai phạm nhân.”  Philatô cho “đánh đòn Đức Giêsu rồi giao ngài cho người ta đem đi đóng đinh.”  Tại sao lại rút gọn như thế?  Tại sao không mô tả chi tiết?

Lý do mà các tác giả tin mừng không tập trung vào những đau đớn thể xác của Chúa Giêsu là họ muốn chúng ta tập trung vào một điều khác, cụ thể là những đau đớn trong cảm xúc và tinh thần của Ngài.  Cuộc thương khó của Chúa Giêsu, xét theo chiều sâu thực sự, là một tấn kịch tinh thần, chứ không phải tấn kịch thể lý, là đau khổ của một người đang yêu, chứ không phải đau đớn của một vận động viên.

Do đó, chúng ta thấy khi Chúa Giêsu tiên liệu cuộc khổ nạn của mình, những gì Ngài lo lắng không phải là đòn roi hay mũi đinh đóng vào tay mình.  Mà Ngài đau đớn và lo lắng cho sự cô độc mình sẽ phải đối diện, cho kết cuộc bị những người đã nói yêu mến Ngài phản bội và bỏ rơi, và cho tình cảnh, theo cách diễn đạt của Gil Bailie là, “bị tất cả loại bỏ.”

Như thế cuộc thương khó của Chúa Giêsu rõ ràng là một tấn kịch tình yêu.  Nó bắt đầu với mồ hôi máu đổ ra trong vườn Cây Dầu, và kết thúc với việc mai táng Ngài trong vườn.  Chúa Giêsu đang đổ mồ hôi máu trong vườn, chứ không phải trên đấu trường.  Vậy, việc ở trong vườn, có gì đặc biệt?

Về mặt tượng hình, vườn không phải là nơi trồng rau và dĩ nhiên cũng không phải là nơi trồng hoa.  Vườn là nơi của những người yêu nhau, là nơi cảm nhận hạnh phúc, nơi uống rượu, nơi Adong và Evà đã trần truồng mà chẳng biết, nơi người ta yêu nhau.

Và các tác giả Phúc Âm đặt khởi đầu và kết thúc cuộc thương khó của Chúa Giêsu trong vườn để nhấn mạnh rằng, Chúa Giêsu, một người đang yêu (chứ không phải Chúa Giêsu Vua, Pháp sư, hay Ngôn sứ), đang trải qua tấn kịch này.  Và chính xác tấn kịch này là gì?  Khi Chúa Giêsu đổ mồ hôi máu trong vườn và van xin Chúa Cha đừng bắt Ngài “uống chén này,” thì lựa chọn thực sự của Ngài không phải là: Ta sẽ để mình phải chết hay sẽ dùng đến sức mạnh thần thiêng để cứu mạng mình? Nhưng đúng hơn, lựa chọn của Ngài là: “Ta sẽ chết cách nào?  Ta sẽ chết trong giận dữ, cay đắng, và không tha thứ, hay Ta sẽ chết với một tấm lòng nồng ấm thứ tha?”

Tất nhiên, chúng ta biết Chúa Giêsu đã đi qua tấn kịch này như thế nào, Ngài đã chọn lấy lòng bao dung và tha thứ cho những người hành hình mình, và trong toàn bộ những u ám đó, Ngài vẫn giữ vững những gì Ngài đã giảng dạy trong suốt đời rao giảng, chính là tình yêu, tình thương, và tha thứ sẽ tuyệt đối chiến thắng.

Hơn nữa, những gì Chúa Giêsu đã làm trong tấn kịch tâm hồn này là những gì chúng ta phải noi theo hơn là đơn thuần ngưỡng mộ, vì tấn kịch này cũng hoàn toàn là tấn kịch tình thương trong đời chúng ta với vô vàn cách thể hiện khác nhau.  Cụ thể là:

Đến cuối đời, chúng ta sẽ chết thế nào đây?  Lòng chúng ta sẽ giận dữ, bám víu, bất dung, và cay đắng vì sự bất công của cuộc đời?  Hay, lòng chúng ta sẽ khoan dung, biết ơn, cảm thông, nồng ấm, như tấm lòng Chúa Giêsu khi Ngài thưa với Chúa Cha là xin theo ý Cha đừng theo ý Con?

Hơn nữa, đây không phải là chọn lựa cốt yếu và duy nhất mà chúng ta phải đối diện trong giờ chết, nhưng là chọn lựa chúng ta phải đối diện hằng ngày, nhiều lần mỗi ngày.  Biết bao lần khi va chạm hàng ngày với người khác, với gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, và cả xã hội nói chung, chúng ta đã phải chịu những lạnh lùng, hiểu lầm, bất công, và cả bạo hành chủ ý nữa.  Từ sự lãnh đạm của một thành viên trong gia đình trước lòng tốt của chúng ta, cho đến một lời bình luận ác ý chủ tâm làm tổn thương chúng ta, đến một sự bất công hết sức ở nơi làm việc, đến việc bị thành kiến và xúc phạm, và bàn ăn, nơi làm việc, phòng họp, và cả trên đường, tất cả đều là những nơi chúng ta cảm nghiệm hàng ngày, ít hay nhiều, những gì Chúa Giêsu đã trải qua trong vườn Cây Dầu, cảm giác, bị tất cả loại trừ.  Trong bóng đêm đó chúng ta có đi theo ánh sáng của mình?  Đối diện với những thù ghét đó, chúng ta có theo tiếng gọi của tình yêu hay không?

Đó đích thực là tấn kịch trong Cuộc Thương khó của Chúa Kitô, và ở đó những đòn roi, đinh nhọn không phải là tâm điểm.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Nhờ Mẹ đến với Chúa

Nhờ Mẹ đến với Chúa

TRẦM THIÊN THU

Chuacuuthe.com

140820005

VRNs (21.08.2014) – Sài Gòn – Ngày xưa, tại tiệc cưới Cana, khi thấy họ hết rượu, Mẹ thương họ nên đã xin Chúa Giêsu giúp họ. Nhưng Chúa Giêsu nói: “Mẹ ơi, chuyện đó can gì đến mẹ và con? Giờ của con chưa đến” (Ga 2:4). Dù thấy Con Trai Yêu Dấu nói vậy mà Mẹ vẫn tin tưởng và căn dặn gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2:5). Sáu chum đá đựng đầy nước lã (mỗi chum khoảng 80-100 lít) đã được Chúa Giêsu hóa phép thành rượu hảo hạng. Đó là phép lạ đầu tiên. Điều đó chứng tỏ lời đề nghị của Đức Mẹ rất có hiệu quả, vì thế mà chúng ta cần nhờ Mẹ và qua Mẹ để đến với Chúa Giêsu – Ad Jesum Per Mariam. Đó là cách khôn ngoan tuyệt vời để chúng ta khả dĩ gặp gỡ chính Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta. Đi tới bất cứ nơi nào cũng phải qua ít nhất một con đường, chắc hẳn không có con đường nào an toàn bằng Con-Đường-Mẹ-Maria, trong đó còn chứa cả Tình Mẫu Tử kỳ diệu.

Với cảm thức tâm linh như vậy, Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót (LCTX) TGP Saigon đã tổ chức chuyến hành hương về linh địa La Vang từ ngày 11 tới 19-8-2014.

Năm nay có điều đặc biệt vì là Đại Hội La Vang lần thứ 30 (ba năm một lần). Đại hội năm 2014 có chủ đề “PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH” vì là Năm Phúc Âm Hóa Gia Đình: Gia đình cầu nguyện, Hiệp nhất thủy chung, Bảo vệ sự sống, và Loan báo Tin Mừng.

Điểm đến chính là La Vang, đường xa thăm thẳm và quanh co, các đoàn hành hương đều phải dừng chân nhiều chỗ trên hành trình. Hành hương nhắc nhở chúng ta về chuyến lữ hành trần gian về Nước Trời, đặc biệt là khi kính mừng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Đức Mẹ được đưa về trời qua một “giấc ngủ” (dormition), tức là “chết mà như ngủ”. Ngày 1-11-1950, qua Thông điệp “Munificentissimus Deus” (Thiên Chúa Quảng đại), ĐGH Piô XII đã long trọng công bố tín điều Đức Maria lên trời cả hồn và xác.

Thật hạnh phúc khi chúng ta có được niềm tin Công giáo, niềm tin đó không mơ hồ hoặc ảo tưởng, mà là chắc chắn, đúng như chúng ta vẫn tuyên tín: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”. Chắc chắn đúng như như vậy, vì Chúa Giêsu đã hứa để củng cố niềm tín đó: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu thì anh em biết đường rồi” (Ga 14:2-4).

Đoàn chúng tôi khởi hành từ 5 giờ sáng thứ Hai, 11-08-2014, xe chuyển bánh trực chỉ Phú Yên – nơi có biển Cà Ná và biển Đại Lãnh, nhưng đặc biệt nhất là Nhà Thờ Mằng Lăng (1), nơi sinh của Chân phước Anrê Phú Yên (1625–1644), vị thánh bổn mạng giáo lý viên và giới trẻ Công giáo Việt Nam. Ngài được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong chân phước ngày 5-3-2000.

Sau khi tham dự Thánh Lễ tại Nhà Thờ Mằng Lăng sáng thứ Ba 12-8-2014, đoàn khởi hành đi Đà Nẵng, và ghé thăm Tòa Giám Mục Đà Nẵng vào buổi chiều, sau đó đến nghỉ đêm tại nhà hưu dưỡng của Dòng nữ Thánh Phaolô.

Sáng thứ Tư 13-8-2014, đoàn trực chỉ Thánh Địa La Vang (2). Quảng trị là vùng đất khô cằn sỏi đá, thời tiết khắc nghiệt, nắng cháy da, kèm theo cái nóng bức của gió Lào khiến người ta như ngộp thở. Tuy nhiên, năm nay trời nắng nhẹ nên cái nóng cũng giảm bớt, nhưng so với những nơi khác thì cái nóng bức của Quảng Trị vẫn khiến những giọt mồ hôi đổ ra như tắm. Buổi chiều có mưa nhẹ, dân địa phương gọi đó là Mưa Ngoi – không như mưa phùn, mưa thưa hạt và nhẹ, không đủ ướt áo. Họ cho biết về loại mưa đặc biệt này là những ngày sau có gió nhiều, có thể có giông. Nhưng thật kỳ lạ, ở Đông Hà có mưa lớn nhưng không mưa ở La Vang, nơi có khoảng 200.000 con cái từ khắp nơi về với Mẹ La Vang. Nếu mưa thì hàng trăm ngàn người sẽ cực khổ khi đi lại. Đó là phép lạ chứ đâu xa!

17 giờ ngày 13-8-2014, Đại Hội La Vang lần thứ 30 chính thức khai mạc bằng Thánh Lễ vọng Kính Đức Mẹ Hồn xác lên Trời. Đoàn đồng tế gồm có 10 giám mục và khoảng 150 linh mục.

Nhập lễ là bài thánh ca Nữ Vương Hòa Bình của cố NS Hải Linh. Giai điệu trầm hùng vang dội cả trời La Vang, như dìu đưa mọi người thành tín đến với Đức Maria, Thánh Mẫu Mông Triệu, với niềm hy vọng sẽ được cùng Mẹ về Quê Trời vĩnh hằng.

Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, TGP Saigon, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, nói: “Mẹ Maria cũng đang yêu thương đến La Vang và muốn an ủi chúng ta. Mẹ dạy chúng ta tin vào Thiên Chúa, tin vào những gì Thiên Chúa đã làm và sẽ thực hiện. Thiên Chúa không ngừng tiếp tục ban Chúa Thánh Thần xuống cho chúng ta”.

Năm 2014 là Năm Gia Đình, Đức TGM Leopoldo Girelli nói: “Chiêm ngắm gia đình Thánh Gia, các ngài đã hoàn tất ý định của Thiên Chúa. Các gia đình Kitô hữu phải có khả năng thưa lên như Đức Maria: không phải vì tôi, nhưng để cho ý định Thiên Chúa được thành sự. Chúng ta chiêm ngắm đời sống cầu nguyện rất sâu từ Mẹ, Mẹ cũng do ảnh hưởng từ cha mẹ mình. Vì thế, tôi muốn kêu gọi anh chị em, những bậc cha mẹ, hãy trao cho con cái mình đức tin, một đời sống cầu nguyện. Đức Trinh Nữ Maria, khi hay tin bà Isave thụ thai, Mẹ bỏ công việc của mình để đến giúp đỡ và ở lại với bà 3 tháng. Quý gia đình thân mến, như Mẹ Maria chúng ta loan báo Tin Mừng cho lương dân với một tình yêu xuất phát từ lòng bác ái. Quả thế, Đức Trinh Nữ Maria là mẫu gương của niềm tin, cầu nguyện, yêu thương bác ái. Lạy Đức Mẹ La Vang chúc lành cho anh chị em. Lời nguyện tín hữu cầu cho Hội Thánh, cầu cho mỗi người, mỗi gia đình và cho tất cả những ai đau khổ tinh thần lẫn thể xác”.

Sau đó, 20 giờ có rước kiệu Mình Thánh Chúa. Sau đó là giờ cầu nguyện Lòng Chúa Thương Xót (LCTX).

Ngày 14-8-2014, 6 giờ sáng có Thánh lễ kính Đức Mẹ. 8 giờ 30 có thuyết trình và chia sẻ đề tài “Phúc Âm Hóa Gia Đình”. 14 giờ có thuyết trình và chia sẻ đề tài “Chứng nhân Đức Tin trong Đời sống Gia đình”. 15 giờ 30, đoàn chúng tôi tập trung cầu nguyện tại Đài Chúa Thương Xót tại linh địa La Vang. 20 giờ có chương trình “Canh Thức Bên Mẹ” tại linh đài Mẹ La Vang.

Sáng thứ Sáu 15-8-2014, đúng 6 giờ, rước kiệu Đức Mẹ La Vang, tiếp theo là Thánh Lễ Đại Triều Kính Trọng thể Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, cũng là Bế mạc Đại Hội. Chủ tế là Đức TGM Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng – TGP Huế, Phó Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Đồng tế có Đức TGM Leopoldo Girelli – Đại Diện Tòa Thánh tại Việt Nam, ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, ĐGM Cosma Hoàng Văn Đạt, ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm, ĐGM Giuse Nguyễn Tấn Tước, ĐGM Lôrensô Chu Văn Minh, ĐGM Giuse Đặng Đức Ngân, ĐGM Matthêu Nguyễn Văn Khôi, ĐGM Stêphanô Tri Bửu Thiên, ĐGM Anphong Nguyễn Hữu Long, ĐGM Giuse Châu Ngọc Tri, ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Đệ, ĐGM Giuse Nguyễn Chí Linh, ĐGM Tôma Nguyễn Văn Trâm, và hơn 300 linh mục.

Đầu lễ, Đức TGM Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, TGP Huế, mời gọi cộng đoàn cùng hiệp thông: “Hôm nay chúng ta về với Linh Địa La Vang trong dịp Đại Hội La Vang 30. Về với Mẹ trong những ngày hè oi bức, khí hậu nghiệt ngã, thiếu mọi tiện nghi, ăn chay nằm đất, nhưng chúng ta muốn thưa lên với Mẹ rằng không gì có thể cản trở con cái Mẹ trở về La Vang, mặc dầu phải chấp nhận hy sinh, gian khó vì tình Mẹ yêu con và tình con mến Mẹ. Về với Mẹ trong đại lễ mừng Mẹ được Chúa trọng thưởng hồn xác lên trời, chúng con khẩn khoản cầu xin Mẹ giúp chúng con luôn sống trong vui mừng và hy vọng sẽ được Mẹ đồng hành, nâng đỡ, phù trì, giữa bao thử thách gian nan của cuộc đời, để sau này chúng con sẽ được lên trời với Mẹ. Chúng con chiêm ngắm hình ảnh trong sách Khải Huyền của thánh Gioan, một người nữ ‘mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao’, chính là hình ảnh vinh quang của Mẹ và cũng là hình bóng của Hội Thánh khải hoàn mai ngày trên trời, bên Mẹ”.

Sau Tin Mừng, ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Đệ, GP Thái Bình, đặc trách Ủy Ban Tu sĩ, chia sẻ: “Kính mừng Mẹ Đầy ơn phúc… Mẹ có phúc hơn mọi phụ nữ. Chúa có một chương trình kỳ diệu đối với Đức Mẹ và vì Mẹ đã tin, nên được chúc phúc. Khi Đức Giêsu rao giảng thì có người lên tiếng nói: Thưa Thầy, có Mẹ và anh em Thầy muốn gặp Thầy. Nhưng Đức Giêsu trả lời: Ai là Mẹ tôi, ai là anh em tôi. Đây chính là Mẹ và anh em tôi, đó là những ai tin và thi hành ý Cha tôi, Đấng ngự trên trời, đó là Mẹ tôi, anh chị em tôi. Mỗi gia đình chúng ta được Chúa tiên liệu trong một chương trình kỳ diệu, đó là bảo vệ sự sống. Chúa tuyên bố ai tin và thi hành chương trình kỳ kiệu đó, là Mẹ và anh chị em với Ngài. Ai tin và đón nhận sự sống như là quyền năng của Thiên Chúa, người đó là mẹ và anh chị em với Chúa”.

Sau lời nguyện hiệp lễ, Đức TGM Leopoldo Girelli nói với cộng đoàn hành hương: “Tôi xin Đại diện cho ĐGH Phanxicô mang đến phép lành và lời chúc phúc của ngài cho anh chị em hành hương Đại Hội lần thứ 30 này. ĐGH Phanxicô không chỉ là Giám mục của Rôma, của Âu châu, mà của cả toàn cầu và Á châu nữa. Hôm nay, ngài đang ở tại Hàn Quốc, chắc chắn chúng ta không quên cầu nguyện cho Ngài. Xin cộng đoàn lặp lại với tôi: Xin Đức Mẹ La Vang cầu cho chúng con. Lạy Đức Mẹ La Vang, xin cầu cho ĐGH Phanxicô”.

Thánh lễ kính Đức Mẹ Mông Triệu kết thúc, Đại Hội La Vang 30 cũng khép lại, nhưng ân phúc vẫn đọng lại và âm vang trong lòng của hàng trăm nghìn khách hành hương, đong đầy tâm tình cảm tạ Thiên Chúa và Thánh Mẫu La Vang. Mọi người hân hoan ra về trong bình an của Thiên Chúa giàu lòng thương xót và Đức Mẹ La Vang nhân lành luôn phù hộ các giáo hữu thành tín.

Đức Mẹ là hòm bia, là tư tế, là bàn thờ, là chén thánh, và là nhà tiệc ly. Nguyện xin Đức Mẹ giúp chúng con tìm ra nguồn sống mới để mỗi chúng con sống cuộc sống thánh đức trong Thiên Chúa. Xin Thánh Mẫu La Vang dẫn chúng con tới Chúa Giêsu, Con Yêu Dấu của Mẹ.

Năm nay trời nắng dịu, dù đã trưa nhưng trời La Vang cũng không nắng nóng như mọi năm. Đoàn chúng tôi khởi hành đi Trà Kiệu (3), nơi có sự kiện Đức Mẹ hiện ra năm xưa.

6 giờ sáng thứ Bảy 16-8-2014, đoàn chúng tôi chia tay Trà Kiệu để đến Tòa Giám Mục Quy Nhơn, nơi có Tiểu chủng viện Quy Nhơn (tức là TCV Làng Sông ngày xưa). Tại đây, lúc 15 giờ, đoàn chúng tôi lần chuỗi LCTX. Sau đó, ĐGM Matthêu Nguyễn Văn Khôi đã dâng lễ tạ ơn kính LCTX và làm phép Tượng đài LCTX.

Đến Quy Nhơn, đặc biệt là Ghềnh Ráng, người ta không thể không nói tới thi sĩ Hàn Mặc Tử (4). Ông là thi sĩ Công giáo đầu tiên và có lòng sùng kính Đức Mẹ. Ông có tài mà bạc mệnh, chết vì bệnh phong (cùi) khi mới 28 tuổi – độ tuổi sung sức của đời người. Thơ của ông nổi tiếng không chỉ trong giới Công giáo mà cả người ngoài Công giáo cũng biết đến. Chịu đau khổ vì bệnh tật, nhưng ông vẫn tin yêu Thiên Chúa và Đức Mẹ. Trong thi phẩm “Ave Maria”, ông đã cảm nhận:

Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh,

Run như run thần tử thấy long nhan,

Run như run hơi thở chạm tơ vàng,

Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.

Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn,

Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi…

Bệnh nhân phong rất đau đớn vào những ngày có trăng, trăng càng tỏ thì vi trùng càng rúc rỉa, và họ càng đau nhức. Do đó, thi sĩ Hàn đã rao bán trăng: “Trăng! Trăng! Trăng!… Ai mua trăng, tôi bán trăng cho…” (Trăng Vàng Trăng Ngọc). Chính đau khổ đã tạo nên một Hàn thi sĩ với những tứ thơ bí ẩn và những vần thơ bất hủ, chắc hẳn đó là sự công bằng của Chúa và không ngoài Thánh Ý Chúa.

Sua những ngày “nằm gai” tại linh địa La Vang, đoàn chúng tôi đi “nếm mật” tại Nha Trang ngày Chúa Nhật 17-8-2014 (tham quan chợ Đầm và Nhà Thờ Đá – Nhà thờ Chính tòa Nha Trang), và tại Đà Lạt ngày thứ Hai 18-8-2014 để biết thế nào là “thành phố vừa đi đã mỏi”, thế nào là “đường quanh co quyện gốc thông già” – theo cách mô tả của cố NS Lam Phương trong ca khúc “Thành Phố Buồn”.

Sáng thứ Ba 19-8-2014, đoàn khởi trở về Saigon. Trên đường về, chúng tôi có ghé Nhà thờ Bảo Lộc và lần chuỗi LCTX tại Đài Chúa Thương Xót tại sân trước của nhà thờ này. Cuối cùng, chúng tôi ghé cầu nguyện tạ ơn tại Đài Đức Mẹ An Bình trước khi kết thúc 10 km đường đèo Bảo Lộc: “Tạ ơn Đức Mẹ An Bình – Xin Mẹ chúc lành suốt kiếp nhân gian”.

Cuộc hành hương La Vang kết thúc, nhưng cuộc lữ hành trần gian vẫn tiếp diễn…

Thánh Tâm Chúa Giêsu là Trung Tâm Thương Xót. Có thể nói rằng, người được hưởng LCTX là tướng cướp Dismas – một trong hai tử tội chịu đóng đinh với Chúa Giêsu. Cả đời gian ác, coi trời chỉ bằng nắp bia và coi mọi người là rơm rác, nhưng nhờ sám hối chân thành, tướng cướp Dismas được Chúa Giêsu tha thứ và cho về trời ngay: “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 22:43).

Chúa Giêsu đã cho biết: “Thà rằng trời đất này biến ra không, nhưng Lòng Thương Xót của Cha luôn ấp ủ một linh hồn biết tín thác”. Thật là tuyệt vời và vô cùng hạnh phúc cho các tội nhân chúng ta, nhờ tin mà được cứu độ và được sống. Được cứu độ là được về trời với Đức Mẹ, được hưởng phúc trường sinh để đời đời yêu mến Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong ba đức đối thần (Tin, Cậy, Mến), đức mến quan trọng nhất. Tại sao? Bởi vì đời sau chỉ còn đức mến, không còn đức tin và đức cậy.

Thiết tưởng cũng nên nói thêm một chút: Thật buồn khi thấy có vài người (phụ nữ) đi hành hương nhưng thiếu sự hòa đồng, coi trọng “cái Tôi” quá. Hành hương chứ không là “hành hung”. Đừng lầm lẫn mà chia phe, kết bè với nhau. Thiếu hòa đồng nghĩa là thiếu hy sinh, thiếu hy sinh là thiếu yêu thương, miệng nói mến Chúa mà không yêu người thì là kẻ nói dối (1 Ga 4:20), thiếu yêu thương cũng là không thương xót. Mình không thương xót người khác thì làm sao có thể xin Chúa thương xót? Vậy là đối nghịch. Ai yêu thương thì mới có thể “vác thập giá” và “từ bỏ mình” (Mt 10:37-39; Lc 14:26-27). Từ bỏ mình để vác thập giá tức là từ bỏ “cái Tôi” của mình. Như vậy, từ bỏ mình và vác thập giá liên quan gần gũi với yêu thương, tức là thương xót. Đọc kinh nhiều, lần chuỗi nhiều, xin khấn nhiều,… cũng vô ích, nếu không cố gắng thực hành – tức là sống tình yêu thương, thể hiện lòng thương xót.

Người ta tỏ ra thành kính đến với Đức Mẹ La Vang, xin ơn này hoặc ơn nọ, xin cho mình và người khác, nhưng người ta không “làm ơn” cho người khác, không đâu xa mà chính những người đồng hành với mình, vậy thì làm sao Đức Mẹ có thể ban ơn? Nếu Đức Mẹ ban ơn cho họ, mà họ làm như vậy thì họ “vô tình” lại đổ hết ơn phúc đi rồi! Gương tốt là bài học để chúng ta noi theo, gương xấu cũng là bài học nhưng để chúng ta nên tránh, cố gắng đừng tái diễn điều tương tự.

Dọc đường đi theo hình chữ S, người ta không thể không thấy ít nơi sầm uất, còn quá nhiều người thiếu thốn và nghèo khổ, hãy thương xót họ nếu bạn muốn Thiên Chúa xót thương bạn, đó là thực hành mối phúc thứ Năm trong Tám Mối Phúc: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5:7). Thương xót bằng cả con tim và đôi tay, đừng thương xót bằng miệng!

Nhân dịp này, chúng ta hãy cầu nguyện nhiều cho các Kitô hữu I-rắc, vì họ đang bị bách hại dữ dội. Họ bị tàn sát rất dã man!

Xin tạ ơn THIÊN CHÚA giàu lòng thương xót và ĐỨC MẸ tràn đầy ơn phúc. Xin Thánh Mẫu La Vang đoái thương và luôn cầu thay nguyện giúp cho chúng con, những dân con nước Việt Nam vẫn thiếu thốn đủ thứ, phải chịu nhiều bách hại cả tinh thần và thể lý. Xin Chúa thương cứu các tín hữu I-rắc, và xin Đức Mẹ che chở họ. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(1) Nhà thờ Mằng Lăng thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Giáo xứ Mằng Lăng là nơi sinh của Chân phước Anrê Phú Yên. Với lịch sử gần 120 năm tồn tại, nhà thờ Mằng Lăng được coi nhà thờ cổ nhất tỉnh Phú Yên và là một trong những nhà thờ lâu đời nhất của Việt Nam. Tại đây có hang động lưu giữ thánh tích (mớ tóc) của Chân phước Anrê Phú Yên và cũng là nơi lưu giữ cuốn cuốn “Phép Giảng Tám Ngày” của Lm Alexandre de Rhodes (in năm 1651 tại Roma, Ý), đây là sách bằng chữ quốc ngữ đầu tiên.

(2) Vua Cảnh Thịnh lên ngôi năm 1792. Ông ra chiếu chỉ cấm đạo toàn quốc ngày 17-8-1798, giáo dân phải tìm nơi lánh nạn tại vùng núi Lá Vằng – tức là La Vang. Trong cảnh thiếu thốn, dân lâm bệnh nhiều mà không có thuốc chữa. Họ họp nhau bên gốc cây đa cổ thụ để lần chuỗi Mai Khôi cầu xin Đức Mẹ cứu giúp. Đức Mẹ hiện ra trong ánh sáng ngời rực rỡ, tay bồng Chúa Hài Đồng, có hai thiên thần cầm đèn chầu. Một hôm, Đức Mẹ an ủi và động viên họ chịu đau khổ, cố gắng giữ vững Đức Tin, rồi dạy họ hái lá Vằng ở xung quanh đó mà nấu nước uống (màu như trà, hơi đắng) thì sẽ khỏi các chứng bệnh. Đức Mẹ nói: “Các con hãy tin tưởng, hãy vui lòng chịu đau khổ, hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này, Mẹ sẽ nhậm lời và ban ơn theo ý nguyện”. Đức Mẹ còn hiện ra nhiều lần khác để an ủi và nâng đỡ các giáo dân trốn cơn bách hại đạo. Năm 1972, chiến tranh khốc liệt, gọi là “Mùa Hè Đỏ Lửa”, nhưng đài Đức Mẹ La Vang vẫn không bị bom đạn làm hư hỏng chút nào. Quả là một phép lạ của Đức Mẹ!

(3) Đền thờ Đức Mẹ Trà Kiệu được xây dựng năm 1898 trên Ðồi Bửu Châu, phía đông Trà Kiệu (xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Đền thờ dâng kính Đức Maria với tước hiệu Ðức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, mục đích ghi nhớ sự kiện Ðức Mẹ hiện ra ngày 10 và 11-9-1885 để phù hộ cho giáo hữu nơi đây trong cuộc chiến chống lại Phong trào Cần Vương. Đức Mẹ đã động viên: “Các con chớ lo, này Mẹ đây!”.

Theo truyền thuyết, chữ Trà được lý giải là do người xưa gọi người Chiêm Thành là Chùm Chà, chữ Chà được đọc trại ra là Trà, gợi ý nhắc nhở đó là phần đất xưa của người Chàm. Còn chữ Kiệu, do chữ Kiều đọc trại ra, vì “kiều” nghĩa là người ở xa đến, tức là dân Ðàng Ngoài di cư và lập nghiệp tại đây.

(4) Hàn thi sĩ tên thật là Phêrô Phanxicô Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22-9-1912 tại Quảng Bình, an nghỉ trong vòng tay Đức Maria ngày 11-11-1940 tại Quy Hòa (Quy Nhơn), được cải táng tới vị trí hiện nay ngày 13-2-1959. Lên hết dốc Mộng Cầm sẽ thấy mộ Hàn thi sĩ bên tay phải, bên tay trái là Nhà thờ Núi, cũng là Trung tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu, nơi tôn nghiêm nhưng đầy chất thi ca, có thể cầu nguyện theo thi hứng. Lên cao hơn sẽ thấy khu tư quán với các câu thơ đặc trưng của chàng thi sĩ muốn bán trăng.

ĐỨC MARIA HỒN XÁC LÊN TRỜIš

ĐỨC MARIA HỒN XÁC LÊN TRỜIš

Tác giả:Lm Phêrô Nguyễn Hữu Hạnh

Cùng với toàn thể Hội Thánh, chúng ta long trọng cử hành lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời. Đây là một tin vui lớn cho con cái Mẹ khắp nơi, đồng thời cũng là niềm hy vọng cho mỗi người chúng ta. Giờ đây, chúng ta cùng tìm hiểu tại sao Đức Mẹ lại được Thiên Chúa ban đặc ân cao trọng như vậy và việc Mẹ Maria hồn xác về trời nói gì với chúng ta ngày hôm nay.

Lịch sử Hội Thánh cho chúng ta biết, niềm tin tưởng Đức Maria hồn xác lên trời đã có từ thế kỷ thứ 6. Nhiều nơi trong Giáo Hội đã mừng lễ này với nhiều tên gọi khác nhau như lễ Đức Mẹ ngủ, lễ sinh nhật lên trời của Mẹ. Mãi đến thế kỷ 13 mới có tên là Đức Mẹ Lên Trời. Kinh Thánh không nói gì về những ngày sau hết của Đức Maria. Sau khi Chúa Giêsu về trời, Mẹ cũng rút vào sự âm thầm và cầu nguyện. Mẹ không còn xuất hiện nhưng Mẹ vẫn hiện diện giữa các tông đồ và Hội Thánh để nâng đỡ và khích lệ tinh thần. Theo truyền khẩu, sau khi Thánh Giacôbê tử đạo năm 42, Mẹ Maria lui về sống ở Êphêsô với Thánh Gioan. Mẹ đã qua đời vào khoảng năm 54, thọ 72 tuổi.

Truyền thống lâu đời của Hội Thánh cho rằng, chân lý Đức Maria lên trời cả hồn lẫn xác nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa dựa trên vai trò đặc biệt của Mẹ Maria trong sứ vụ cứu độ của Đức Giêsu con Mẹ. Quả vậy, Thiên Chúa là Đấng vô cùng nhân hậu đã muốn hoàn tất việc cứu độ thế giới bằng cách “sai con mình đến sinh làm con một người nữ” (Gal 4,4-5), người nữ này đã được phát họa trong cựu ước nơi lời hứa chiến thắng con rắn: “Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa giòng giống mi và giòng giống người ấy. Giòng giống ấy sẽ đạp nát đầu mi”. Cuối cùng, sau những đêm dài mong đợi, lời hứa được thực hiện với lời xin vâng của Mẹ Maria. Nói lời xin vâng ấy, Mẹ đã kết chặt đời mình với cuộc đời Đức Giêsu Kitô. Sự liên kết giữa mẹ và con trong công cuộc cứu rỗi được tỏ rõ từ khi Đức Maria thụ thai hạ sinh con một Chúa cho đến chân thập giá trên đồi Canvê. Mẹ đã trải qua những giây phút háo hức đem Chúa đến cho bà Elisabeth và Gioan Tẩy giả, đã trãi qua những vất vả của cuộc sống nơi xứ lạ quê người, những giây phút hoang mang trước lời loan báo của cụ già Simôn, những giây phút lo sợ khi con mình bị người ta chống đối, đe dọa, đòi ném đá, những giây phút đau thương khi con mình bị tra tấn, tù tội và giây phút cắt lòng khi nhìn con tắt hơi trên thập giá. Quả thật, Mẹ đã gắn chặt số phận của Mẹ với số phận Giêsu Con Mẹ. Suy nghĩ theo hướng đó, các Thánh giáo phụ đã đặt những lời sau đây trên môi miệng Đức Giêsu khi đưa Mẹ về trời “Con ở đâu thì Mẹ cũng phải ở đó, Mẹ không bao giờ lìa xa con”. Thánh Gioan Đamascô nhấn mạnh tới mối tương quan giữa sự tham dự vào cuộc khổ nạn và sự tham dự vào số phận vinh quang. Cần phải để cho Đấng đã thấy con mình ở trên thập giá và đã nhận lãnh lưỡi gươm đau khổ vào lòng… được chiêm ngưỡng người con đó ngự bên hữu Chúa Cha trong vinh quang. Dưới ánh sáng của Mầu Nhiệm Phục Sinh, thật xứng hợp để cho người Mẹ được tôn vinh sau khi chết cùng với con mình. Công đồng Vat.II, khi nhắc đến mầu nhiệm Đức Maria lên trời đã lôi kéo sự chú ý đến đặc ân “vô nhiễm nguyên tội”, chính vì được gìn giữ cho khỏi tội nguyên tổ, Đức Maria không thể ở lỳ trong tình trạng chết chóc giống như bao người khác cho đến ngày tận thế. Việc Đức Maria hồn xác lên trời được Thiên Chúa tiền định trong vai trò làm Mẹ Đấng Cứu Thế, được đặc ân vô nhiễm nguyên tội, sự cộng tác vào công trình cứu chuộc loài người. Tất cả như những luận chứng chắc chắn đưa đến việc định tín của Đức Giáo Hoàng Piô 12 vào ngày 1/11/1950: “Đức Trinh Nữ Maria, sau khi mãn cuộc đời dương thế, được đưa về trời cả hồn lẫn xác”.

Việc Đức Maria hồn xác lên trời nói gì với chúng ta ngày hôm nay?

Sự kiện Đức Maria được đưa lên trời cả hồn lẫn xác là một lời tiên báo, là hình ảnh tiên trưng cho cuộc sống lại của chúng ta. Sự kiện ấy có được là nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Đấng quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của ta nên giống thân xác vinh hiển của Người. Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Côrintô đã viết: “Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Mỗi người theo thứ tự của mình, mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người” (1Cr 15, 20-26). Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II kêu gọi các tín hữu: “Đức Maria được đưa về trời, các Thiên Thần hãy vui lên! Hội Thánh hãy vui lên!”. Đối với chúng ta, ngày đại lễ hôm nay giống như ngày lễ Phục sinh kéo dài. Đồng thời, cũng là dấu chỉ và là nguồn hy vọng về cuộc sống muôn đời và ngày sống lại trong ngày sau hết.

Mừng lễ Mẹ hồn xác lên trời, chúng ta tin tưởng cầu xin Mẹ vì Mẹ là trạng sư bàu chữa chúng ta. Trong cuộc lữ hành trần gian, xin Mẹ luôn là người đồng hành. Xin Mẹ nhắc cho chúng ta đừng ngủ quên trên những giá trị trần thế mà quên đi  quê hương đích thật là sống hạnh phúc bên Chúa và Mẹ. Đức Trinh Nữ Maria không chỉ là mẫu gương cho chúng ta mà Mẹ còn là Mẹ Hằng cứu giúp. Chúng ta hãy tin tưởng chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ, tỏ cho Mẹ nghe những nhọc mệt, những thử thách và gai chông trong cuộc sống để được Mẹ nâng đỡ chở che, hầu mai sau chúng ta cũng được vui hưởng phúc thiên đàng bên Mẹ.

Lm Phêrô Nguyễn Hữu Hạnh dcct

Maria Mẹ đầy ơn phúc

Maria Mẹ đầy ơn phúc

Suy niệm Lễ Vọng Đức Maria Hồn Xác về Trời

(Lc 11, 27-28)

Tác giả: Lm Nguyễn Văn Độ

Kính mừng Maria đầy ơn phúc” (Lc 1, 28 ). Đó là lời đầu tiên của Sứ Thần Gabriel chào Đức Trinh Nữ. Hôm nay từ miệng của một người nữ thích giả đang nghe Chúa Giêsu  giảng cũng cất cao giọng nói : “Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy, và vú đã cho Thầy bú” ( Lc 11, 27 ).

Vâng Đức Maria là đấng đầy ơn phúc, Mẹ là người diễm phúc. Bài Tin Mừng theo thánh Luca Thánh lễ vọng chiều nay được Giáo hội dùng, dìu chúng ta về với tước hiệu Đức Maria đầy ơn phúc. Người việt ta vẫn thường nói : “Phúc đức tại mẫu“, nghĩa là theo quang niêm truyền thống, con cái được thừa hưởng điều tốt lành, may mắn từ người mẹ, do cách ăn ở cư xử, sự gương mẫu, cách giáo dục của người mẹ mà ra. Người mẹ chính là thầy dạy đầu tiên của việc hình thành nhân bản nơi đứa con. Chẳng thế, George Herbert đã viết một câu rằng: “Một bà mẹ tốt thì giá trị hơn cả trăm ông thầy!

Người Do thái cũng vậy, khi Chúa Giêsu đang giảng cho dân chúng, thì từ giữa đám dân chúng, có một phụ nữ vì ngưỡng mộ con người cũng như cách giảng dạy của Chúa Giêsu, bà cho rằng, Thầy tài giỏi như thế này, hẳn là Mẹ Thầy phải là người có phúc lắm, nên bà đã không ngần ngại vượt qua rào cản của chính mình là phục nữ, bà đã cất tiếng nói với Đức Giêsu về Mẹ của Ngài : “Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy, và vú đã cho Thầy bú” (Lc 11, 27).

“Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy” ( Lc 11, 27 )

Đức Maria là người diễm phúc, trước hết vì đã được Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn. “Phúc thay kẻ được Người chọn lấy và cho lại gần, nơi tiền đình của Người, nó sẽ lưu lại! ” (Ps 65,5). Câu này ám chỉ, dân có phúc là dân được Thiên Chúa trị vì, nhất là được Thiên Chúa thiết lập ngai báu vương quốc của Ngài ngay giữa họ; người có phúc là người được Thiên Chúa đến ở cùng, và dĩ nhiên chúng ta nghĩ ngay đến Đức Maria, người diễm phúc như lời Thiên Thần Grabirel chào và nói : “Thiên Chúa ở cùng bà ” (Lc 1, 28 ), lời bà Êlisabeth xác nhận cái phúc của Mẹ : “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc” (Lc 1, 42 ). Phúc của Mẹ trổi vượt trên mọi thần thánh trên trời, Mẹ có phúc vì Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng là Hồng Phúc đã chọn Mẹ, cư ngụ trong dạ Mẹ chín tháng mười ngày, đến khi chào đời, Mẹ đã ôm ấp bú mớm nâng niu… những điều đó đã làm cho vai trò làm mẹ của Đức Maria trở thành mật thiết, gắn liền với cuộc sống của Chúa Giêsu hơn ; không những thế, Chúa Giêsu  còn ở với Mẹ trong suốt nhiều năm và đã vâng phục Mẹ. Giờ đây, Mẹ thật diễm phúc và Mẹ luôn hạnh phúc, Chúa Giêsu Con Mẹ đã phủ đầy vinh quang của Ngôi Lời nhập thể trên Mẹ bên trong cũng như bên ngoài, hạnh phúc của Mẹ vượt quá sự hiểu biết của chúng ta.

Phúc cho vú đã cho Thầy bú( Lc 11, 27 )

Mẹ là người trinh nữ duy nhất đã được vinh dự cưu mang và sinh hạ và dưỡng nuôi Con Một Thiên Chúa Chúa cho trần thế. Người đàn bà khi nghe Chúa Giêsu giảng đã không ngần ngại nói đến những nét đặc trưng và kín đáo của một người mẹ, những gì nơi thân xác mẹ cần cho sự sống của con. Ngoài lòng dạ của thân mẫu Thầy đã cưu mang Thầy, mà còn “vú đã cho Thầy bú mớm” ba năm. Như thế, thân xác và tâm hồn mẹ là cái nôi ru cho con lớn lên. Mẹ vừa cưu mang, vừa lo sinh, lo dưỡng.

Nếu “yêu và được yêu là những điều hạnh phúc nhất trong đời” như kiểu nói của văn hào shakespears, thì Đức Maria là người diễm phúc, vì Mẹ được Chúa yêu thương, chính Mẹ cũng biết dành trọn vẹn tình yêu của mình cho Thiên Chúa. Ngay trong mầu nhiệm lên Trời, Mẹ Maria đã được diễm phúc hưởng nếm ơn phục sinh “hồn xác lên trời” trước bất cứ ai, vì Mẹ chẳng vướng mắc tội truyền. Mẹ hạnh phúc tự nhiên vì cưu mang Con Thiên Chúa trong mầu nhiệm Nhập Thể, nhưng chính Mẹ biết rõ hơn ai: Mẹ hạnh phúc siêu nhiên vì được Tình Yêu Thiên Chúa cưu mang từ thủa đời đời. Mẹ hạnh phúc là như thế đó, và trong hạnh phúc của Mẹ chúng ta tìm thấy hạnh phúc của mỗi người chúng ta.

Mẹ sẵn sàng cưu mang hạnh phúc của mỗi chúng ta

Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa mà Mẹ Maria đã cưu mang và cho bú mớm là Đấng Cứu Độ thế gian, mặc lấy xác phàm nhân loại và thánh hiến với tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Trái đất là bệ dưới chân của Đấng là Hồng Phúc. Nên trong hạnh phúc của Mẹ có hạnh phúc của mỗi người chúng ta. Như Mẹ hiền, khi bồng ẵm Chúa Giêsu Con Mẹ, với vòng tay rộng mở của tình mẫu tử, Mẹ ôm cả nhân loại trong tình yêu của Người Con ấy, “vì nhân loại là chi thể của Thân mình Ngài” (Ep 5,30), và Mẹ không xấu hổ vì được gọi là Mẹ của tất cả những ai được sinh ra trong Chúa Kitô nhờ ơn cứu chuộc của Người. Mẹ được gọi là Evà mới “Mẹ của tất cả chúng sinh” (St 3,20), nhưng trong thực thế, Mẹ là Mẹ của những kẻ chết… Vì Evà cũ đã không thực hành ý định của Chúa cách trung thành, Mẹ là người đã hoàn thành mỹ mãn mầu nhiệm ấy. Cũng như Giáo hội là mẹ của tất cả những ai tái sinh trong đời sống Giáo hội. Giáo hội là mẹ của những người sống làm cho mọi người được sống (Ga 11,25; 5,25s). Khi trao ban sự sống cho trần gian dưới nhiều hình thức, Giáo hội đã trao bao sự sống cho tất cả những ai tìm thấy sự sống của mình trong Đấng Hằng Sống.

Chính vì thế, người mẹ diễm phúc của Chúa Kitô là mẹ chúng ta nhờ mầu nhiệm thân thể này, Mẹ cũng tỏ cho chúng ta biết Mẹ rất ân cần và trìu mến… Và giờ đây chúng ta  “ở trong sự che chở ” của Mẹ “Đấng Tối Cao“, chúng ta “ngụ cung cấm của Ðấng Tối Cao, và trọ dưới bóng của Ðấng Toàn năng; Tôi đã đặt Chúa luôn luôn trước mắt, vì có Người bên hữu, tôi sẽ không lay! ” (Ps 90,1; 16,8). Hơn nữa, vì Vua vinh quang đã ngự nơi Mẹ, với tình mẫu tử hải hà, Mẹ sẽ chia sẻ vinh quang ấy cho chúng ta.

Mẹ hạnh phúc, Mẹ cũng muốn con cái mình hạnh phúc, nên Mẹ dạy : “Người bảo gì các con cứ làm theo” (Ga 2, 5 ). Chúa Giêsu bảo: “Ai nghe và giữ lời Thiên Chúa còn có phúc hơn” ( Lc 11, 28 ). Xin Mẹ giúp chúng con vâng nghe và giữ lời Thiên Chúa, để trở nên những người con diễm phúc của Mẹ.  Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Sức mạnh Chúa Thánh Thần

Sức mạnh Chúa Thánh Thần

Chuacuuthe.com


140602005

VRNs (03.05.2014) – Sài Gòn – Mỗi người Công giáo nên đọc Kinh Thánh và luôn nói về Kinh Thánh. Mỗi ngày hãy đọc vài câu. Kinh Thánh sẽ nói với bạn. Đừng chỉ đọc những câu bạn thích vì thấy “hợp” với bạn, mà hãy đọc tất cả, bất cứ câu nào, càng “khó nghe” càng tốt. Đôi khi chúng ta phải làm điều gì đó dù cảm thấy miễn cưỡng.

Theo chu kỳ Mùa Phục Sinh, vợ chồng tôi bắt đầu đọc sách Công Vụ Tông Đồ hàng ngày. Chúng tôi đọc Kinh Thánh nhiều lần trong cuộc sống, nhưng chưa bao giờ thấy vui với các câu chuyện của Giáo hội sơ khai. Các câu chuyện đầy tính nhân bản, lộn xộn, và thực tế. Các tín hữu thời đó đối mặt với quá nhiều thử thách đối với đức tin của họ và cách sống mới của họ. Các thành phố như bị đảo lộn bởi những người ít học nhưng đầy Thánh Thần. Hãy nhớ rằng họ có là những người như thế trước đó vài tuần? Không. Họ chạy trốn, ẩn náu, nhút nhát, sợ hãi,…

Chúng ta hiểu tại sao Phó tế Stêphanô hiên ngang bảo vệ Đức Kitô trước mặt các vị lãnh đạo Do Thái, không sợ sệt, mạnh dạn nói, và chịu chết.

Chúng ta đọc câu chuyện về Phaolô và Sila trong tù, vừa hát vừa cầu nguyện giữa đêm khuya sau khi họ bị đánh đập. Họ “điên” thật! Có bao giờ bạn thấy một người bị bệnh nặng mà vẫn ca tụng Thiên Chúa? Họ dại dột hay điên khùng? Chắc hẳn chỉ có thể là sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Đó cũng là Chúa Thánh Thần mà chúng ta lãnh nhận khi lãnh nhận Bí tích Thêm sức, vậy tại sao chúng ta sợ hãi như các Tông Đồ xưa? Phải chăng cuộc đời chúng ta trôi nổi vì chúng ta không nhận ra Chúa Thánh Thần?

Tại sao Chúa Thánh Thần được so sánh với lửa?

Nước biểu hiện sự sinh sản và hoa trái của cuộc sống được trao ban trong Chúa Thánh Thần, lửa biểu hiện năng lực biến đổi nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Khi cầu nguyện, Tiên tri Êlia “xuất hiện như ngọn lửa” và “lời lẽ cháy như ngọn đuốc”, đem lửa từ trời xuống hy lễ trên Núi Camêlô. Sự kiện này là “hình ảnh” của Lửa Thánh Thần, Đấng biến hóa những gì ông chạm vào. Ông Gioan Tẩy Giả “đi trước Chúa trong thần khí và sức mạnh của ông Êlia” và tuyên bố Đức Kitô là Đấng “làm phép rửa bằng Lửa và Thánh Thần”. Còn Chúa Giêsu nói về Chúa Thánh Thần: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12:49). Trong hình “lưỡi lửa”, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ vào sáng ngày Lễ Ngũ Tuần và lòng họ đầy Chúa Thánh Thần. Truyền thống Kitô giáo dùng biểu tượng lửa là một trong các hình ảnh diễn tả sự tác động của Chúa Thánh Thần.

Chúng ta thấy Giáo hội nhiệt thành trong sách Công Vụ Tông Đồ là một ĐGH Phanxicô đã nói về Đại hội Giới trẻ tại Rio: “Cha mong muốn kết quả của Ngày Giới Trẻ là gì? Một sự hỗn độn. Sẽ có điều đó. Sẽ có sự hỗn độn ở đây, tại Rio này ư? Sẽ có! Nhưng cha muốn có sự hỗn độn tại các giáo phận! Cha muốn mọi người phải ra đi! Cha muốn Giáo hội ra các đường phố! Cha muốn tất cả chúng ta chống lại những gì trần tục, máy móc, thoải mái, giáo sĩ trị, khép kín, ung dung tự tại. Các giáo xứ, các trường học, các tổ chức,… hãy ra đi!”.

Lễ Ngũ Tuần là ngày khai sinh Giáo hội. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta chính Ngọn Lửa đã xuống trên các Tông Đồ xưa và đã biến đổi cuộc đời họ.

Nguyện xin Mưa Thánh Linh tuôn đổ trên chúng ta và ban cho chúng ta sự can đảm để dám ra đi và hăng say loan báo Tin Mừng cho mọi người, đồng thời biến đổi chính cuộc đời của chúng ta và mọi người xung quanh chúng ta.

RACHEL ZAMARRON

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ IgnitumToday.com)

XIN VÂNG

XIN VÂNG

http://www.vietcatholicsydney.net/images/picture/17_899_Me-Vo-Nhiem-Nguyen-Toi.jpg

Một linh mục nổi tiếng thánh thiện và nhiệt thành, có kể lại kinh nghiệm khi được mời dự tiệc tại một nhà giáo dân khá giả trong giáo xứ như sau:

Trong suốt bữa tiệc thịnh soạn hôm đó, giữa tiếng cười nói của thực khách, có một điều làm tôi thắc mắc, đó là tiếng nước chảy đâu đó trong nhà. Vì là lần đầu tiên được mời, tôi không dám lên tiếng, chỉ mong sao có người nhà nhận ra tiếng nước chảy đó.

Sau cùng, không thể cầm lòng được, tôi hỏi một người giúp việc. Với nụ cười lịch sự, người này giải thích:

Cách đây khoảng 40 năm, khi người ta đào móng xây nhà và dựng nông trại, tình cờ họ đã khám phá ra mạch nước ngầm. Thế là họ xây một căn phòng ngay bên mạch nước, kế đó họ xây những căn phòng khác ở chung quanh.

Mạch nước ngay trong nhà mình, tư tưởng đó xâm chiếm tâm trí tôi suốt quãng đường về, và tôi đoán ra đâu là bí quyết hạnh phúc của gia đình giáo dân ngoan đạo và tốt lành đó.

***

Câu chuyện trên đây gợi lại trong tâm trí chúng ta lời sứ thần chào Đức Trinh Nữ: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc” (Lc 1,28). Vâng, Mẹ chính là mạch suối tràn đầy thánh ân, mạch suối trong lành tươi mát, mạch suối không bao giờ cạn của Thiên Chúa.

Để chuẩn bị cho Ngôi Hai xuống thế làm người, Thiên Chúa đã dọn sẵn cung lòng Đức Maria trinh khiết vẹn tuyền, xứng đáng cho Con Thiên Chúa ngự đến. Thiên Chúa đã ưu đãi và ban ơn đặc biệt cho Mẹ qua lời sứ thần: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa” (Lc 1,30). Và để bảo đảm cho sự can thiệp đặc biệt này, sứ thần loan báo thêm: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Trinh Nữ, và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Trinh Nữ” (Lc 1,35). Như vậy việc sinh con này hoàn toàn do Thiên Chúa, xác thịt không tham dự vào.

Cuối cùng, thiên thần đã kết thúc sứ điệp Truyền Tin bằng một lời bảo đảm tuyệt diệu: “Vì không việc gì mà Thiên Chúa không làm được” (Lc 1,38).

Và Đức Maria, với tâm tình đầy tin tưởng, vâng phục và phó thác liền thưa: “Xin vâng” (Lc 1,38). Một câu tuy ngắn gọn nhưng đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt thế giới. Một câu đã khai mở kỷ nguyên cứu rỗi. Một câu đã đem lại cho muôn loài niềm hy vọng và bình an.

Với “Uy quyền Đấng Tối Cao”, một thế giới tuyệt vọng trong vòng kiềm toả của tội lỗi, đã hy vọng được ơn giải thoát. Với “Uy quyền Đấng Tối Cao”, một cung lòng trinh nữ không sinh con, đã được dâng hiến để hạ sinh Đấng Cứu Thế. Với “Uy quyền Đấng Tối Cao”, một nhân loại đang sống dưới ách nô lệ của Satan, đã được tự do làm con cái Chúa.

Lời thưa “xin vâng” của Mẹ không chỉ thốt lên một lần để thay cho tất cả, nhưng là tiếng “Xin vâng” liên lỉ trọn cả kiếp người. Từ tiếng “Xin vâng” đầy phó thác và tuân phục vào ngày Truyền Tin đến lời “Xin vâng” trọn vẹn tin yêu và chấp nhận dưới chân thập giá.

***

Lạy Mẹ Maria, việc Mẹ thụ thai cách lạ lùng là dấu hiệu báo trước sứ mạng cao cả của Hài Nhi. Xin cho chúng con biết vâng phục và phó thác cho chương trình nhiệm màu của Chúa. Nhất là, xin Mẹ cho chúng con biết cộng tác với Ơn Chúa để hoàn thành sứ mạng mà Chúa đã giao phó cho mỗi người chúng con. Amen!

Thiên Phúc

Chứng cớ phục sinh

Chứng cớ phục sinh

TRẦM THIÊN THU

Chuacuuthe.com

VRNs (19.04.2014) – Sài Gòn – Ngôi mộ thực sự trống trơn. Chúa Giêsu phục sinh hay thi thể Ngài bị đánh cắp? Chắc chắn có điều bất thường đã xảy ra, vì những người theo Chúa Giêsu không còn khóc thương Ngài, che giấu Ngài, và bắt đầu can đảm rao giảng: CHÚA GIÊSU ĐÃ PHỤC SINH.

14041901

Các nhân chứng đều nói rằng Chúa Giêsu bất ngờ hiện ra với họ trong thân xác như trước khi Ngài chết, trước tiên Ngài hiện ra với các phụ nữ. Trong thế kỷ đầu, các phụ nữ không có quyền gì, số phận lép vế lắm. Thế mà chính Chúa Giêsu lại ưu tiên hiện ra với họ trước, nghĩa là phụ nữ là những người đầu tiên thấy Chúa Giêsu phục sinh. Thật là độc đáo vô cùng. Phụ nữ cũng là những người đầu tiên phát hiện ngôi mộ trống, được nói chuyện với Ngài và đi làm chứng về Ngài.

Sau đó, các tông đồ mới được thấy Chúa Giêsu, và thấy hơn 10 lần. Ngài cho họ xem tay chân và cạnh sườn và bảo sờ thử xem sao. Ngài còn ăn uống với họ, và có lần Ngài hiện ra với hơn 500 người đi theo Ngài.

Học giả John Warwick Montgomery cho biết: “Năm 56 sau công nguyên, tông đồ Phaolô cho biết rằng có hơn 500 người đã được thấy Chúa Giêsu phục sinh và nhiều người trong số đó vẫn còn sống (1 Cr 15:6-8). Điều đó không có nghĩa là các Kitô hữu thời sơ khai có thể dựng chuyện như vậy rồi rao truyền cho những người nhẹ dạ cả tin bằng cách làm ra thân thể Chúa Giêsu” (1).

Các học giả Kinh Thánh Geisler và Turek nói: “Nếu sự phục sinh không xảy ra, tại sao tông đồ Phaolô lại dám đưa ra con số nhiều các chứng nhân như vậy? Nếu không đúng, tông đồ Phaolô sẽ mất uy tín với các tín hữu Côrintô vì ông nói dối trắng trợn” (2).

Tông đồ Phêrô nói với đám đông ở Xê-da-rê về lý do ông và các tông đồ khác đã tin Chúa Giêsu sống lại: “Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Giê-ru-sa-lem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10:39-41).

Học giả Kinh Thánh Michael Green (người Anh) nói: “Những lần Chúa Giêsu hiện ra chính xác như bất cứ thứ gì cổ xưa… Không thể nói rằng những điều đó đã không xảy ra” (3).

Sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô là một sự kiện lịch sử đã thực sự xảy ra, không là huyền thoại như nhiều người vô thần đã nói. Các cuộc nghiên cứu khảo cổ vẫn tiếp tục phát hiện sự chính xác mang tính lịch sử của Kinh Thánh. Ngoài các sách Phúc Âm và sách Công Vụ, còn có những chứng cớ về sự hiện hữu của Chúa Giêsu phục sinh trong các tác phẩm của Flavius Josephus, Cornelius Tacitus, Lucian Samosata, và Tòa án Tối cao Do-thái (Jewish Sanhedrin).

Đây là 7 chứng cớ về sự phục sinh cho thấy Đức Giêsu Kitô đã thực sự trỗi dậy từ cõi chết:

1. Ngôi mộ trống

Ngôi mộ trống có thể là bằng chứng hùng hồn nhất về sự phục sinh của Chúa Giêsu. Có 2 lý do chính được những người không tin đưa ra: Ai đó đã lấy trộm xác Chúa Giêsu, hoặc các phụ nữ và các tông đồ đến không đúng mộ. Người Do-thái và người Rôma không có động cơ để cướp xác, còn các tông đồ quá nhát đảm và phải trốn quân lính Rôma. Các phụ nữ thấy mộ trống và không còn thấy xác Chúa Giêsu, họ biết chắc đó là mộ an táng Chúa Giêsu. Giả sử họ đến không đúng mộ, Tòa án Tối cao Do-thái có thể lấy xác ở đúng mộ để ngăn cản chuyện phục sinh. Vải liệm Chúa Giêsu được xếp gọn gàng trong mộ, kẻ trộm nào cũng vội vàng, không ai lại cẩn thận như vậy. Chính các thiên thần nói rằng Chúa Giêsu đã sống lại.

2. Các nữ chứng nhân đạo đức

Các nữ chứng nhân là bằng chứng rằng Phúc Âm là tài liệu lịch sử chính xác. Nếu được bịa đặt, không tác giả cổ nào lại dùng phụ nữ làm nhân chứng cho sự phục sinh của Đức Kitô. Phụ nữ là giai cấp công dân thứ yếu trong thời đó, chứng cớ của họ không được xem xét ở tòa án. Nhưng Kinh Thánh nói rằng Đức Kitô phục sinh hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na và mấy phụ nữ đạo đức khác. Ngay cả các tông đồ cũng không tin bà Ma-ri-a khi bà nói về ngôi mộ trống. Chúa Giêsu luôn tôn trọng các phụ nữ này, Ngài đề cao họ bằng cách cho họ trở thành nhân chứng đầu tiên về sự phục sinh của Ngài. Các Thánh sử đã kể lại hành động lúng túng này, vì đó là cách nó xảy ra.

3. Các tông đồ can đảm

Sau khi Chúa Giêsu bị đóng đinh, các tông đồ đã trốn biệt trong các phòng khóa chặt cửa, sợ sẽ đến lượt mình bị lôi đi xử tử. Nhưng có sự thay đổi khác thường: Họ đang là những người nhát đảm trở thành những người rao giảng can trường. Bất kỳ ai biết bản chất con người thì đều hiểu rằng con người không thể thay đổi mau chóng như vậy nếu không có sự tác động lớn. Sự ảnh hưởng đó là được thấy Thầy sống lại từ cõi chết. Chúa Giêsu đã hiện ra với họ trong căn phòng còn khóa kín cửa, trên bờ biển Ga-li-lê, và trên núi Ô-liu. Sau khi thấy Thầy phục sinh, tông đồ Phêrô và các tông đồ khác đã ra khỏi phòng và đi rao giảng về Đức Kitô phục sinh, bất chấp mọi nguy hiểm có thể xảy ra với mình. Họ không còn trốn tránh vì họ đã biết sự thật. Cuối cùng, họ hiểu rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhập thể làm người và cứu mọi người thoát khỏi tội lỗi.

4. Biến đổi Giacôbê và những người khác

Cuộc sống biến đổi là một bằng chứng khác về Chúa Giêsu phục sinh. Tông đồ Gia-cô-bê, anh em họ với Chúa Giêsu, đã từng nghi ngờ không biết Chúa Giêsu có là Đấng Mê-si-a hay không. Nhưng sau đó, ông đã trở thành người lãnh đạo can đảm của giáo đoàn Giê-ru-sa-lem, thậm chí còn bị ném đá chết vì đức tin. Tại sao? Kinh Thánh nói rằng vì Đức Kitô phục sinh đã hiện ra với ông. Thật là cú sốc cho người anh em của ông còn sống, sau khi nghe tin này. Tông đồ Gia-cô-bê và các tông đồ khác cũng đều trở thành các nhà truyền giáo hăng say vì họ đã được thấy và chạm vào Đức Kitô phục sinh. Với các chứng nhân như vậy, Giáo hội sơ khai đã phát triển mau chóng, lan rộng từ Giê-ru-sa-lem tới Tây phương, tới Rôma và xa hơn nữa. Gần 2.000 năm qua, những người gặp được Đức Giêsu phục sinh đều thay đổi cách sống.

5. Đám đông

Đám đông hơn 500 người đã cùng nhau tận mắt thấy Chúa Giêsu phục sinh (1 Cr 15:6-8). Thánh Phaolô nói rằng đa số họ còn sống khi ông viết lá thư đó, khoảng năm 55 sau công nguyên. Chắc chắn họ nói với người khác về “sự lạ” này. Ngày nay, các tâm lý gia nói rằng không thể có số đông người như vậy mà chỉ là ảo giác cộng đồng. Các nhóm nhỏ cũng thấy Chúa Giêsu phục sinh, chẳng hạn như các tông đồ, ông Clê-ô-pa và người bạn đồng hành. Họ cùng thấy một sự việc, còn trường hợp các tông đồ, họ còn sờ vào Chúa Giêsu và xem rõ các vết thương của Chúa Giêsu, rồi tận mắt thấy Ngài ăn uống nữa. Không thể nào là ảo giác, vì sau khi Chúa Giêsu lên trời, họ mới không còn gặp lại Ngài.

6. Phaolô trở lại

Cuộc trở lại của Thánh Phaolô là bằng chứng mạnh mẽ về việc biến đổi cuộc đời mau chóng. Là Sao-lê cùa thành Tác-sô, ông là người bắt đạo dữ dội. Khi Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với ông trên đường Đa-mát, ông trở thành nhà truyền giáo của Kitô giáo. Ông chịu 5 lần đánh bằng roi, 3 lần đánh đập, 3 lần đắm tàu, 1 lần bị nén đá, chịu nghèo nàn và bị chế nhạo. Cuối cùng, hoàng đế Nê-rô của Rôma đã chặt đầu Phaolô vì tội không chịu bỏ niềm tin vào Đức Kitô phục sinh. Điều gì khiến Phaolô chịu cực hình như vậy? Các Kitô hữu tin rằng cuộc trở lại của Phaolô là nhờ ông đã gặp được Đức Kitô phục sinh.

7. Người ta dám chết vì Chúa Giêsu

Vô số người đã dám thí mạng vì Chúa Giêsu, chắc chắn sự phục sinh của Chúa Giêsu là một sự kiện có thật trong lịch sử. Truyền thống nói rằng có 10 tông đồ trong Nhóm Mười Hai đã tử đạo vì Đức Kitô phục sinh. Hàng trăm, hàng ngàn Kitô hữu thời sơ khai đã chịu chết tại đấu trường Rôma và tại các nhà lao tù vì họ vững tin vào Đức Kitô phục sinh. Ngày nay, người ta cũng vẫn bị bách hại vì tin vào Đức Kitô phục sinh. Rất nhiều vị tử đạo đã chết ở nhiều nơi suốt gần 2.000 năm qua, vì họ vững tin rằng Chúa Giêsu sẽ ban cho họ sự sống đời đời.

TRẦM THIÊN THU

(Chuyển ngữ từ Y-Jesus.com và Christianity.about.com)

______________________________

(1) John W. Montgomery, Lịch sử và Kitô giáo (Downers Grove, ILL: InterVarsity Press, 1971), 78.

(2) Norman L. Geisler và Frank Turek, Tôi Không Đủ Tin Để Là Người Vô Thần (Wheaton, IL: Crossway, 2004), 243.

(3) Michael Green, Thập Giá Trống Trơn Của Chúa Giêsu (Downers Grove, IL: InterVarsity, 1984), 97, trích dẫn trong John Ankerberg và John Weldon, Biết Sự Thật Về Sự Phục Sinh (Eugene, OR: Harvest House), 22.

THIÊN CHÚA Ở CÙNG MẸ – MẸ Ở CÙNG CHÚNG CON

THIÊN CHÚA Ở CÙNG MẸ – MẸ Ở CÙNG CHÚNG CON

Lm. LÊ QUANG UY, DCCT, 1.8.2013

Trích EPHATA 574

Những năm sau 75, ở miền Nam có thể nói gần như gia đình nào cũng có ít nhất một người phải đi cải tạo do làm việc cho chế độ cũ, hay bị bắt giam vì đi buôn đường dài hoặc vượt biên, và như vậy là quanh năm, luôn luôn có những người mẹ, người vợ, người em gái nào đó đang ruổi rong trên những chặng đường dài để thăm nuôi con, thăm nuôi chồng hay anh trai. Lắm khi không có giấy báo cũng cứ đi với một chút hy vọng mong manh được nhìn thấy mặt người thân, không được thì gửi vào mấy giỏ bàng đựng cây thuốc lá, vài tán đường mía, mấy lạng chà bông và hũ mắm ruốc.

Nhà tôi có ông anh cải tạo tập trung ở Z30C. Đều đặn hàng tháng, mẹ tôi lại chắt bóp từ những đồng lẻ bán đá cục, yaourt, nước mắm, vay thêm một ít nữa, đủ để đi thăm nuôi con. Đến ngày hẹn, quá nửa đêm, tôi chạy chiếc Mobylette cọc cạch đưa mẹ ra góc đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1. Mùa khô hay mùa mưa thì gió khuya cứ luôn se lạnh, hình như lại càng se lạnh hơn vì người ta dạo ấy thiếu ăn, thiếu ngủ, và thiếu mặc, trong lòng lại trĩu nặng những buồn thương. Khoảng hơn chục người đàn bà tội nghiệp loay hoay lụm cụm với nhau giữa những giỏ bàng và bao bị chật căng đồ thăm nuôi, ai cũng ít lời ít điều vì còn phải dành sức cho cả hành trình còn dài…

Khoảng 1g rưỡi, chiếc xe than xịch đến, mọi người như thể đã thạo việc lắm rồi, phụ một tay với bác tài và chú lơ để chất hàng lên. Tôi đứng đó nhìn mà không thể giúp gì được, mẹ tôi bảo: “Cậu cứ về đi để đấy tôi lo, quen rồi !” Và thật nhanh, chuyến xe vội vã khởi hành, chú lơ lấy cái vồ vỗ đùng đùng năm sáu cái vào thùng than đeo ở đuôi xe, lửa xoè ra, hơi nóng phừng phừng, động cơ hộc lên mấy tiếng mệt nhọc và xe bắt đầu lăn bánh. Bóng dáng chiếc xe đen đủi xừng xững lao đi vào giữa những ánh đèn đêm vàng ệch của phố vắng…

Sau những chuyến đi thăm nuôi ông anh như thế, xập tối về lại nhà bình an, mệt thì mệt, bao giờ mẹ tôi cũng có một câu chuyện để kể cho các con nghe, về ông anh ở trại cải tạo lúc này khoẻ hay yếu, về mấy anh CA lịch sự hay hỗn xược, về các tai nạn bà gặp thấy trên đường… Nhiều chuyện vui vui, nhiều chuyện cũng bực mình lắm, nhiều chuyện lại làm cho người ở nhà bị buồn lây cái buồn của người đi.

Nhưng tôi nhớ nhất một lần mẹ kể:

Đi chung với nhau mấy chuyến rồi, nhưng các bà các chị đi thăm nuôi vẫn chưa thân nhau, chẳng ai buồn nói năng gì. Hôm ấy, trời tự dưng trở rét. Xe than nóng thì nóng đấy, nhưng chỉ thấy ấm khi xe phải tạm dừng thôi chứ lúc đang lao đi thì gió tạt hết hơi nóng về đuôi xe, các bà các chị ngồi trong thùng xe cứ phải chịu rét căm căm, dần dần ngồi sát lại với nhau hơn.

Thế rồi bất giác mẹ tôi thì thầm: “Kính mừng Maria đầy ân phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà…” Chỉ thì thầm thôi, vì cũng tế nhị, trên xe may ra chỉ vài người có Đạo. Không ngờ được một lúc thì tiếng thì thầm chuyển lên thành tiếng rì rầm. Mẹ tôi nghĩ: Ồ vậy là lần chuỗi chung được rồi đấy, nhưng chắc cũng vừa vừa, còn phải để mấy bà bên lương người ta… tranh thủ ngủ nữa chứ !

Lại thêm một lúc nữa, đến chục thứ ba, thứ tư, thì lạ thay, tiếng đọc kinh rộn hẳn lên, hình như cả xe mọi người đã cùng đọc đều đều, rập ràng, nhất là khi đọc các kinh Kính Mùng. Mẹ tôi còn bình luận thêm là bầu khí trong thùng xe có vẻ còn vui hẳn lên là đàng khác. Và chuyện lạ tiếp theo là chuyến xe ấm áp hẳn lên, dù bên ngoài trời buốt lạnh.

Mẹ tôi ngạc nhiên lắm, nghĩ trong đầu: Hay nhỉ, hoá ra cả xe lần này lại toàn là dân Công Giáo sao ? Ai cũng đọc kinh ngon lành nhất là kinh Kính Mừng. Đến đoạn phải xướng thứ mấy thì ngắm, lúc đầu mẹ tôi chỉ lẩm nhẩm, bây giờ thì mẹ xướng lên rành rọt cho cả xe cùng nghe…

Đến khi hết chục thứ năm rồi, tự dưng mẹ tôi không thấy nhiều người đọc theo nữa, chỉ còn mẹ và lác đác vài người cùng “Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành…” Mẹ tôi ngoái nhìn mọi người qua những ánh đèn đường lọt vào trong xe quét loang loáng từng đợt, khuôn mặt ai cũng đều thành kính chăm chú lắng nghe ! Mẹ tôi lại bắt bài hát: “Mẹ ơi bao người lạc bước lưu đày…” thì vẫn chỉ thấy vỏn vẹn mấy người hát thôi, số còn lại im lặng thật trân trọng, như muốn nuốt lấy từng lời bài Nguyện Ca với Mẹ Maria.

Xong ván kinh, mẹ tôi mỉm cười với một chị còn trẻ ngồi đối diện, hỏi thăm: “Nhà cô ở Giáo Xứ nào thế ?” Chị ta ngơ ngác không hiểu. Bà ngồi kế bên thấy vậy mới bảo: “Cụ ơi, chắc cô này cũng giống tôi, tôi không phải người bên Đạo !” Nhiều cô nhiều bà khác nữa cũng nhao nhao lên vui vẻ: “Cháu cũng thế…”, “Tôi thờ Phật…”, “Còn tôi thì theo đạo ông bà, cụ ạ !”

Mẹ tôi tròn xoe mắt: “Ơ hay, nhưng sao ban nãy các bà các cô đọc kinh lần chuỗi kính Đức Mẹ của bên Đạo chúng tôi giỏi thế ?” Một bà như thể đại diện tất cả trả lời: “Thú thật với cụ là tôi không thuộc kinh nào bên Đạo cả, nhưng nghe bà đọc đi đọc lại nhiều lần, tự dưng tôi lẩm nhẩm đọc theo rồi thuộc lòng lúc nào không biết. Vâng, thuộc lòng mà vẫn không hiểu gì lắm, cụ ạ, nhưng sao cứ đến đoạn “cầu cho chúng con là kẻ tội, khi nay và trong giờ lâm tử” là tôi lại thấy ấm lòng, nước mắt ứa ra và nghĩ chắc là mình cũng được Đức Mẹ của bên Đạo thương nhiều lắm !”

Sau lúc hàn huyên ấy, mọi người như thân với nhau hơn, móc trong túi ra, người khoanh cơm nắm, người nửa ổ bánh mì không, các bà lớn tuổi còn mời nhau ăn miếng trầu, chuyện trò vui vẻ cứ như là có họ hàng bà con với nhau vậy ! Chuyến xe từ trại về, cái chị trẻ trẻ còn nhắc: “Bác ơi, mình lại đọc kinh nữa đi bác…” Và dọc đường Hàm Thuận – Sàigòn, gặp một tai nạn xe chết người, mẹ tôi còn xin mọi người cùng đọc thêm cho hai người chết tức tưởi ấy 3 kinh Kính Mừng, rồi còn: “Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ…”

Mẹ tôi kết thúc câu chuyện: “Đấy các cô cậu xem, tôi không bịa đâu nhé, từ lúc mọi người trên xe cùng nhau đọc kinh lần chuỗi, rõ ràng không còn thấy rét lạnh nữa, chuyến về cũng không ai thấy bực mình, buồn lo, chán nản hay mệt rũ ra như những lần đi thăm nuôi trước !”

Vâng, tôi biết bà mẹ già đạo đức chân chất của tôi chẳng bao giờ bịa chuyện. Cụ luôn có cái xác tín rất… trực giác, không lý luận, không thần học cao xa chi cả. Tôi ngộ ra vấn đề không phải là một thứ ảo giác tâm lý hay một thứ ám ảnh tập thể chi cả, đơn giản chỉ là Lòng Tin thuần phác của những con người đang phải chịu nhiều đau khổ đã gặp được lòng chạnh thương từ ái hay cứu giúp của Mẹ Maria.

Kính Kính Mừng khởi đầu với ý nghĩa “Thiên Chúa ở cùng Mẹ”. Kính Kính Mừng lại kết thúc với ý nghĩa “Mẹ ở cùng chúng con”.

Từ sau khi nghe chuyện mẹ tôi kể, lại đi tu trong DCCT như vậy cũng đã được hai mươi lăm năm rồi, tôi cũng dần bỏ đi cái lý trí duy chứng ương ngạnh, mềm lòng ra, và xác tín “Thiên Chúa ở cùng Mẹ – Mẹ ở cùng chúng con” để biết tập cầu nguyện với Mẹ bằng chuỗi Mai Khôi, điều lâu nay tôi vẫn có ý coi thường, chỉ là chuyện của mấy cụ già nhà quê như mẹ của tôi, chuyện đàn bà ấy mà…

Lm. LÊ QUANG UY, DCCT, 1.8.2013

MẸ TỪ BIỆT CÕI THẾ

MẸ TỪ BIỆT CÕI THẾ

Ba ngày trước khi Mẹ từ trần, các Tông Đồ và Môn Đệ đã tụ họp đông đủ tại Jêrusalem trong mái ấm nhà Tiệc Ly. Thánh Phêrô đến trước nhất, đến Phaolô rồi đến các Tông Đồ khác. Mẹ tiếp đón các Ngài bằng một tình thương hiền ái, Mẹ xin các vị ban phép lành trong xúc động. Mẹ từ giã từng Môn Đệ, từng Tông Đồ và chung tất cả những người tham dự, rồi Mẹ đứng lên và nói với các Tông Đồ rằng:

“Hỡi các con yêu dấu, các con là Thầy của Mẹ, Mẹ thiết tha yêu thương các con trong Con Chí Thánh của Mẹ. Theo ý Người, Mẹ sắp sửa về trời, nhưng ở đó, Mẹ hứa sẽ ấp ủ các con trong Trái Tim Mẹ như một người Mẹ. Xin các con hãy cố gắng làm vinh danh Chúa và truyền bá đức tin. Các con hãy giữ lời Con Chí Thánh Mẹ, hãy tưởng niệm cuộc sống và cái chết của Người, hãy thực hành giáo lý của Người, hãy yêu mến Giáo Hội. Các con hãy yêu thương nhau trong mối dây Đức Ai hòa thuận. Còn con, hỡi Phêrô, Mẹ xin trao phó cho con Gioan và tất cả mọi người.”

Lời đó như mũi tên lửa xuyên cắm vào tâm hồn mỗi người hiện diện. Ai cũng tê tái đau khổ trào lệ xuống tay Mẹ yêu dấu của mình. Một lúc sau Mẹ khuyên mọi người im lặng cầu nguyện với Mẹ. Nhà Tiệc Ly ngập đầy hương thơm thiên quốc. Một ánh sáng chói lọi từ nhà phát ra, ai ai cũng nhìn thấy. Mẹ cúi mình trên chiếc sạp gỗ nhỏ, chắp tay lại, mắt nhìm cắm vào Chúa Giêsu, Trái Tim Mẹ cháy bừng lên trong tình yêu mến Chúa. Các Thiên Thần hát lên những bản tình ca diễm lệ. Mẹ thốt lên lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên cây Thánh Giá “Con phó Linh Hồn con trong tay Cha.”

Mẹ nhắm mắt, tắt thở. Mẹ đã tắt thở vì tình yêu Chúa mãnh liệt, không còn phép lạ nào ngăn cản nữa, nên đã phá vỡ những ràng buộc của thân xác, chứ không phải một suy nhược bệnh tật hay tai nạn nào. Mẹ sống nhờ phép lạ. Phép lạ ngừng, Mẹ đi vào cõi chết !

Linh Hồn nguyên tuyền của Mẹ từ giã Thân Xác Trinh Vẹn của Mẹ, và ngay lúc đó, Mẹ được tôn lên ngai trong một vinh quang khôn tả. Tại nhà Tiệc Ly, mọi người nghe được tiếng nhạc thiên quốc xa dần trong không gian. Đoàn Thần Thánh tháp tùng đã đi theo Chúa Giêsu và Mẹ lên trời.

Thân xác Mẹ là Cung Thánh của Thiên Chúa ngự trị, mặc một vẻ lộng lẫy chói ngời, và tỏa hương thơm thánh thoát. Các Tông Đồ buồn nhưng thanh thoát hân hoan trước những việc lạ lùng vô songấy. Tất cả đều như ngây ngất một lúc dài, rồi mới bắt đầu hát lên được bài thánh ca mừng Mẹ.

Mẹ qua đời vào ngày thứ Sáu, lúc 3 giờ chiều, ngày 13 tháng 8 năm 55 sau Chúa Giáng Sinh. Năm ấy Mẹ được 70 tuổi kém 16 ngày.

Các Tông đồ lấy áo quan đem vào bên giường Mẹ, hai Ngài kính cẩn nương thi thể Mẹ đặt vào áo quan. Ánh ngời chói giảm đi mãi cho tới lúc mọi người nhìn thấy gương mặt Mẹ và đôi tay. Các Tông Đồ khiêng Xác Thánh Mẹ qua phố Jêrusalem đến mồ. Có hàng ngàn hàng vạn các Thiên Thần từ trời xuống đưa xác Mẹ. Thánh Phêrô và Gioan đặt xác Mẹ vào trong mồ, với niềm tin kính và dễ dàng như khi đặt vào áo quan. Các Ngài lăn tảng đá lớn lấp cửa mồ theo phong tục. Lễ an táng xong,

Các Thánh trở về trời, nhưng các Thiên Thần hầu cận vẫn còn ở lại tiếp tục tấu nhạc cho tới khi dân chúng giải tán hết.

MẸ VINH QUANG HỒN XÁC VỀ TRỜI

Linh hồn rất Thánh Mẹ đã hưởng phúc trên Thiên Đàng 3 ngày, Thiên Chúa tỏ cho các Thần Thánh biết quyết định hằng hữu của Ngài, là phục sinh cho Xác Thể đáng kính của Mẹ. Tới lúc đó, Chúa Giêsu từ trời đem linh hồn Mẹ xuống mồ thánh của Mẹ, giữa muôn vàn Thiên Thần, Các Thánh, các Tổ Phụ và các Tiên Tri. Đến mồ thánh, Chúa phán :

Mẹ của Cha đã được dựng thai Vô Nhiễm, Cha đã mặc lấy nhân tính từ nơi bản thể Vô Nhiễm ấy. Thể Xác Cha là Thể Xác của Mẹ. Mẹ cũng đã đồng công vào mọi công trình cứu chuộc của Cha, nên Cha phải phục sinh cho Mẹ để Mẹ nên giống Cha mọi sự .”

Toàn thể Các Thánh đều ca tụng, tán dương trước lời công bố của Chúa Giêsu. Tức thì linh hồn vinh hiển của Mẹ vào lại thân xác đồng trinh của Mẹ, trả lại sự sống và tất cả mỹ lệ cho thân xác ấy mà không hề chạm đến tảng đá che cửa mồ. Hôm đó là ngày Chúa Nhật 15 tháng 8, liền sau nửa đêm Xác Thánh Mẹ ở trong mồ 30 giờ, như Xác Thánh của Chúa.

Một cuộc cung nghinh trang trọng đầy hoan lạc không thể tả được, giữa các Thần Thánh rước Mẹ về Thiên Đàng cả hồn lẫn thể xác. Chúa Cha ra tiếp đón Mẹ với một cuộc tiếp đón thỏa lòng nhất. Chúa Cha phán “Con yêu dấu, Con hãy lên hưởng vinh quang hơn hết các thụ tạo” Mẹ chìm ngập trong đại dương vô cùng của Thần Tính Thiên Chúa. Chúa Cha lại phán : “Maria nữ tỳ của Chúng Ta, Con đã làm cho Chúng Ta thỏa lòng. Con có toàn quyền trên Vương Quốc Chúng Ta, và được tôn phong làm Chủ Mẫu, làm Nữ Vương độc nhất của Thiên Quốc

Ba Ngôi Thiên Chúa đặt trên đầu Mẹ một Vương Miện Vinh Quang cực kỳ lộng lẫy, rạng chiếu luồng sáng tuyệt kỳ. Cùng lúc ấy từ ngai Chúa phán ra : “Hỡi người Con chí ái, Vương Quốc của Ta là Vương Quốc của Con, Con là Chủ Mẫu, là Nữ Vương các loài thụ tạo. Từ ngai cao cả này Con sẽ thống trị toàn thể thụ tạo, hỏa ngục, trần gian và thiên đàng. Mọi loài đều phải phục tùng Con. Chúng Ta trao ủy cho Con quyền bính Thần Linh của Chúng Ta, để Con nâng đỡ, bảo trợ và làm Mẹ hết mọi người công chính và là Mẹ Giáo Hội chiến đấu trần gian .”

Trong lúc ở Thiên Đàng xẩy ra sự kiện vinh quang đó, thì ở trần gian, nơi phần mộ của Mẹ. Thánh Phêrô và Gioan nhận thấy tiếng nhạc Thần Trời đã ngưng, nhờ ánh sáng Thánh Linh soi dẫn, các Ngài kết luận: “Mẹ đã phục sinh và lên trời cả hồn cả xác .”

Tảng đá che lấp cửa mồ được cất ra, mọi người chỉ còn thấy trong mồ chiếc áo còn nguyên trạng thái khi liệm. Thánh Phêrô nâng chiếc áo lên rồi quỳ xuống, tỏ lòng tôn kính tin phục Mẹ đã phục sinh và lên Trời.

Trích Truyện Cuộc Đời Của Đức Mẹ

do Tác giả Thánh nữ Maria Agrêđa tường thuật

From: ngocnga_12 & Anh chị Thụ Mai gởi

Lm. Chân Tín: Luồng gió mới – Chân dung Đức Mẹ (37)

Lm. Chân Tín: Luồng gió mới – Chân dung Đức Mẹ (37)

Đăng bởi lúc 2:05 Sáng 12/02/13

nguồn:chuacuuthe.com

VRNs (12.02.2013) – Sàigòn

Chân dung Đức Mẹ

Cách đây mấy tháng, một anh bạn tinh nghịch hỏi tôi: “Có phải Cha thích ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp phải không?”. Tôi vui vẻ đáp: “Lẽ dĩ nhiên rồi”.  Và đón được ý nghĩ của ông bạn, tôi nói tiếp: “Nhưng xin ông bạn chớ nên cho rằng tôi thích ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp hơn cả chỉ vì tôi là tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế và là chủ nhiệm một tờ nguyệt san mang tên Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đâu nhé”.

Trên phương diện lịch sử và mỹ thuật, thì ảnh Đức Mẹ hằng Cứu Giúp
đứng vào bậc nhất, vì ảnh ấy họa lại bức ảnh Đức Mẹ chỉ đường (Hodegetria), tức
là ảnh cổ kính nhất trong Giáo hội đã được tôn kính ở Constantinople, như bạn
Thanh Dũng sẽ nói trong số báo này. Mặc dầu chúng ta không biết được khuôn mặt
Đức Mẹ ra sao, như lời thánh Augustin đã nói về thế kỷ thứ tư: “Chúng tôi không
được biết gì về khuôn mặt của Nữ Trinh Maria” (De Trin. VIII,5,7), nhưng khuôn
mặt hình trái xoan của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp có những nét rất Á Đông và tuyệt
đẹp, khiến nhiều nhà nghệ sĩ lừng danh đã không hết lời ca ngợi.

Nhưng trên phương diện đức tin và thần học, bức ảnh ấy là một tuyệt tác diễn tả chân dung tinh thần của maria cách trung thành hơn hết. Mỗi nét đều nói lên sứ mạng cao cả của Maria.

Trước tiên bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nêu cao chức làm Mẹ Thiên
Chúa. Trên nền vàng tượng trưng vinh quang thiên đàng, nổi lên hình bán thân
của Đức Mẹ. Nhưng Mẹ Maria không đứng một mình. Với Mẹ có cả Chúa Giêsu. Ở phía trên có mấy chữ Hy Lạp: “Mẹ Thiên Chúa”. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và tất cả vinh
quang, tất cả những đặc ân khác của Mẹ đều bắt nguồn từ Chúa Kitô. Nơi Mẹ, tất
cả đều hướng về Chúa Kitô. Chúa Kitô là trung tâm của Mẹ. Vì thế lòng sùng kính
của ta đối với Mẹ Maria cũng nhằm một mục đích: Đức Kitô, Vị Cứu tinh và Trung
gian độc nhất giữa Thiên Chúa và loài người.

Là Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria còn là Mẹ của chúng ta, Mẹ của đoàn người được  cứu rỗi, Mẹ của Giáo hội, đúng với tước hiệu mà Đức Phaolô VI đã tuyên bố trong Công đồng Vatican II: Trước hình cụ tử nạn do hai thiên thần dâng lên, Chúa Giêsu run sợ, như ngài sẽ run sợ một ngày kia trong vườn cây dầu. Phần Đức Mẹ, tâm hồn Mẹ tràn ngập đau thương đến trào ra nơi đôi khóe mắt đầy u buồn. Nhưng Mẹ không có một cử động nào để ngăn cản cuộc tử nạn của Con. Mẹ chấp nhận mọi khổ đau, Mẹ cùng chịu tử nạn trong tâm hồn với Chúa Giêsu để chúng ta được cứu rỗi.

Là Mẹ giáo hội, Mẹ Maria luôn chăm nom đến Giáo hội, chăm nom đến
mỗi con người, để đưa tất cả về với Chúa Kitô. Vì thế Mẹ xứng đáng mang tước
hiệu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp: Đôi mắt dịu hiền của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp không nhìn về Chúa Giêsu, nhưng nhìn về chúng ta, an ủi, nâng đỡ ta. Cái nhìn âu yếm và
đau buồn của Mẹ đã sưởi ấm bao tâm hồn, đã lay tỉnh bao đứa con hoang đàng. Mắt
Mẹ hướng về chúng ta, nhưng tay Mẹ nắm chặt lấy hai tay của Chúa Kitô. Nắm
chặt, không phải để cản ngăn Chúa trừng phạt loài người, nhưng là để đón nhận
tất cả ân huệ của Chúa Cứu Thế. Đón nhận cho Mẹ một cách dồi dào và đón nhận
cho con cái của Mẹ.

Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo hội, Mẹ Hằng Cứu Giúp, đó là ba điểm son của bức chân dung mà Thiên Chúa đã dùng để đưa mọi người về với Đức Maria và sau cùng, về với Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc của Đức Mẹ và của chúng ta.

 

Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp


Số 203-4/1966

Tràng chuỗi Mân Côi đã cứu rỗi bà cụ 98 tuổi

Tràng  chuỗi Mân Côi đã cứu rỗi bà cụ 98 tuổi

Lm Nguyễn Hữu  Thy

Các Kitô hữu khắp nơi trên thế giới đã hằng ngày sốt sắng dâng lên Mẹ Maria Tràng
Chuỗi Mân Côi, những lời Kinh mà chính Thiên Chúa Cha đã truyền cho Sứ Thần
Gabriel công bố, để tỏ lòng tôn sùng và biết ơn Mẹ. Vâng, vì đức tin mạnh mẽ và
lòng tin tưởng phó thác tuyệt đối của Mẹ vào sự quan phòng đầy yêu thương của
Thiên Chúa, Mẹ đã thưa „xin vâng“, Mẹ đã hoàn toàn tự nguyện hy sinh
cộng tác vào chương trình cứu chuộc nhân loại của Thiên Chúa. Nhờ thế, Ngôi Hai
Thiên Chúa mới có thể nhập thể làm người và cũng nhờ thế, toàn thể nhân loại
mới được hòa giải với Thiên Chúa và được cứu rỗi.

Dĩ nhiên, mục đích chính và trực tiếp của Kinh Mân Côi là nhằm tôn thờ Đức
Kitô, chứ không phải Mẹ Maria. Vì khi đọc Kinh Mân Côi, các tín hữu suy ngắm 20
mầu nhiệm cuộc đời cứu thế của Đức Kitô – 5 Sự Vui, 5 Sự Sáng, 5 Sự Thương và 5
Sự Mừng – mà trong đó Mẹ Maria giữ một vai trò trọng yếu, mang tính cách quyết
định, họ sẽ khám phá được tình yêu vô biên của Thiên Chúa ban cho nhân loại qua
Đức Kitô, Con Một của Người. Và chính sự tôn thờ Thiên Chúa, lòng biết ơn và
cảm tạ Đức Kitô qua Kinh Mân Côi của các tín hữu là chính sự tôn vinh làm đẹp
lòng Mẹ Maria nhất, vì mục đích duy nhất đời Mẹ là tôn thờ và làm sáng danh
Thiên Chúa. Đàng khác, Kinh Mân Côi là lời kinh được bắt nguồn trong Kinh
Thánh.

Trong Tông thư Marialis Cultus thời danh của Ngài, ĐTC Phaolô VI khẳng định
rằng: „Tràng chuỗi Mân Côi là một lối cầu nguyện theo Phúc Âm“ và ĐTC
Gioan Phaolô II còn cụ thể hơn: „Thực ra việc lần hạt Mân Côi không gì khác
hơn là cùng Mẹ Maria chiêm ngắm Thánh Nhan Đức Kitô
.“ Bởi vậy, chính ĐTC
Gioan Phaolô II đã đánh giá: „Kinh Mân Côi là một lời kinh đơn sơ, nhưng đẹp
và sâu xa nhất
“. Còn nhà thần học Karl Rahner thì nhận định rằng: „Kinh
Mân Côi là con đường ngắn nhất và chắc chắn nhất, dẫn chúng ta tới cùng Thiên
Chúa.“
Nói cách khác, Kinh Mân Côi là con đường chắc chắn dẫn tới sự cứu
rỗi. Suốt dòng lịch sử trên 2000 năm của Giáo Hội đã minh nhiên chứng nhận điều
đó. Ở đây chúng tôi xin trích câu chuyện kể có thật của cha Gereon Goldmann
OFM, một nhà truyền giáo lâu năm tại Nhật Bản như sau:

Tại khu ngoại ô „Cầu Gỗ“ của thủ đô Tokyo có khoảng 500.000 dân sinh sống và
trong số đó có vài ba trăm tín hữu Công Giáo thuộc giáo xứ St. Elisabeth. Khu
ngoại ô „Cầu Gỗ“ vốn được coi là một trong những khu phố nghèo nhất của thủ đô
Tokyo rộng lớn với dân số 13 triệu người. Khắp khu ngoại ô này hầu hết các nhà
đều làm bằng gỗ và thấp nhỏ. Khu ngoại ô này là cả một viện dưỡng lão khổng lồ,
được chăm sóc về mặt y tế một cách khá chu đáo. Trong số các vị cao niên sống ở
đây, mà đa số đã phải nằm liệt giường từ nhiều năm hay từ hằng chục năm rồi, có
một số nhỏ là người Công Giáo.

Hàng tháng tôi đến thăm các ông bà cụ người Công Giáo và mang Mình Thánh Chúa
cho họ hai lần. Một hôm vào khoảng 2 giờ sáng máy điện thoại nhà tôi reo. Đó là
cú điện thoại của cô y tá điều dưỡng trực, cô báo cho tôi hay là tôi phải đến
gấp, vì ở ngôi lều số 8 có người đang hấp hối và rất mong muốn gặp tôi.

Thế là tôi lấy xe máy và mang theo dầu thánh chạy đến viện dưỡng lão ngay lập
tức. Người canh cổng quen biết tôi nên liền mở cổng cho tôi vào. Cô y tá điều
dưỡng cũng đã chờ tôi sẵn ở lối vào. Tôi liền hỏi cô người hấp hối nằm ở đâu và
tôi cứ đinh ninh là một ông cụ người Công Giáo mà tôi thường đến thăm viếng.
Nhưng cô y tá trả lời: „Không phải ông cụ người Công Giáo muốn gặp cha,
nhưng là một bà cụ khác
.“ Nghe cô y tá nói, tôi cứ tự thắc mắc mãi, vì theo
tôi biết thì tại ngôi lều số 8 đâu có bà cụ già nào là người công Giáo. Cô y ta
dẫn tôi tới giường một bà cụ mà trước đây mỗi lần tôi tới viện dưỡng lão bà đều
đăm đăm nhìn tôi như muốn trao đổi với tôi điều gì đó.

Nhìn bà cụ tôi đoán biết bà không thể qua được, tuy nhiên bà cụ vẫn còn đủ sức
nói chuyện rất rõ ràng, dù rằng bà chỉ nói một cách chậm rãi mà thôi. Từ trên
80 năm qua, bà cụ luôn cầu xin Chúa cho bà trước khi chết được gặp một Linh mục
Công Giáo và hôm nay tôi là một Linh mục Công Giáo đang đứng trước mặt bà.

Tôi liếc nhìn tấm bảng ghi tên tuổi của bà cụ treo ở đầu giường, tôi biết được
bà cụ đã 98 tuổi. Tôi liền hỏi bà là tại sao bà lại muốn gặp vị Linh mục Công
Giáo. Sau một lúc lâu với những câu nói cắt quảng, bà cụ kể tiểu sử đời bà. Bà
từng là một nữ học sinh của một trường Công Giáo. Tại trường bà đã được một nữ
tu dạy trong suốt ba năm trời. Và khi bà 17 tuổi bà đã được chịu phép Rửa Tội
gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Bà nói: „Con đã được nhận lãnh nước thánh và
tiếp sau đó là bánh thánh của Chúa
.“ Nhưng sau đó, bà lập gia đình, và theo
truyền thống xưa kia ở Nhật thì việc lập gia đình là do gia đình dàn xếp, cha
mẹ đặt đâu con ngồi đó. Và chồng bà là một thầy Sãi coi giữ một ngôi chùa ở
trên miền núi cao hẻo lánh. Thế là bà phải sống trong ngôi chùa, hằng ngày lau
dọn trong chùa, chăm sóc các ngôi mộ và trong ngày cầu siêu cho các vong linh
bà phải chu tất công việc hương khói. Chồng bà biết bà là người Công Giáo nên
ông vẫn để bà được tự do đi nhà thờ, nhưng ở khắp miền đó không hề có ngôi nhà
thờ nào cả. Và sau đó bà sinh con, nhưng chẳng bao giờ bà có thể đi nhà thờ
được. Và cuộc đời bà cứ trôi qua như thế trong suốt 70 năm trời. Sau đó, lần
lượt chồng bà và tất cả các con bà đều qua đời, và một vị Sư khác đến trụ trì
ngôi chùa nên bà bó buộc phải rời bỏ ngôi chùa và đến ngụ tại viện dưỡng lão
này.

Tôi hỏi bà là trong bao nhiêu năm dài như thế có khi nào bà nghĩ đến Thiên Chúa
của các Kitô hữu không thì bà đăm đăm nhìn tôi một cách lạ thường và cố sức đưa
cánh tay phải khẳng khiu ra khỏi tấm mền đang đắp trên người bà, giơ lên cho
tôi xem Tràng chuỗi Mân Côi bà đang cầm trong tay. Bà nói: „Trong bao nhiêu
năm trời, chưa một ngày nào mà con không mang Chuỗi tràng hạt Đức Bà trên
người, hoặc con cầm trong tay hay bỏ trong túi, hằng ngày và nhiều lần trong
ngày con đã lần hạt Mân Côi. Con đã hằng ngày lần hạt Mân Côi cầu Chúa cho con
trước khi chết được gặp một vị Linh mục Công Giáo để ngài mang cho con bánh thánh
của Chúa
.“

Nói xong, bà cụ bắt đầu cầu nguyện. Bà đọc Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng
Maria. Trong khi bà cụ cầu nguyện như thế thì tôi liền ban Bí tích Xức Dầu cho
bà, vì xem chừng sự sống của bà không còn kéo dài bao lâu nữa, chỉ còn được
tính bằng phút bằng giây mà thôi. Quả thật, khi tôi chưa hoàn tất các nghi thức
Xức Dầu, thì bà cụ trong khi đang lâm râm cầu nguyện Tràng chuỗi Mân Côi đã nhẹ
nhàng trút hơi thở cuối cùng trong an bình. Chắc chắn linh hồn bà đã được Mẹ
Maria sai các Thiên Thần đón về Trời để thưởng công cho lòng trung thủy gắn bó
của bà với Mẹ qua Tràng chuỗi Mân Côi.

Câu chuyện bà cụ già người Nhật Bản trên đây đã hùng hồn khẳng định rằng „chưa
hề có ai cầu khẩn Mẹ Maria mà Mẹ không nhận lời và để ra về tay không“. Vâng,
Mẹ Thiên Chúa sẽ không bao giờ quên sót bất cứ ai luôn gắn bó với Mẹ bằng Tràng
chuỗi Mân Côi. Mẹ sẽ cứu vớt họ khỏi bị hư mất đời đời. Lời hiệu triệu năm xưa
của Mẹ tại Fatima „Các con hãy siêng năng lần hạt Mân Côi“ vẫng còn vang
vọng mãi trong mọi tâm hồn.

„Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay
và trong giờ lâm tử. Amen“

( Trích trong: Die schönsten Mariengeschichten, Heft 16, Miram-Verlag
Jestetten
)

Anh chị Thụ & Mai gởi