CHÚNG CON SẼ NÓI SAO VỀ CHÚA GIÊSU

CHÚNG CON SẼ NÓI SAO VỀ CHÚA GIÊSU

Tuyết Mai

 

Chúng con sẽ nói sao về Chúa Giêsu?

Thương yêu nhân loại bỏ thân mình

Vượt Trời cao để xuống Thế Gian

Làm một phàm nhân trong xác thân yếu đuối

Chỉ duy nhất Ngài không phạm tội.

 Chúng con sẽ nói sao về Chúa Giêsu?

Ngài bỏ Trời cao để sinh xuống trần

Trong hang đá hôi tanh dơ bẩn

Nằm trong chiếc nôi là máng cỏ chất rơm

Chỉ duy nhất Ngài muốn được như thế.

 Chúng con sẽ nói sao về Chúa Giêsu?

Một đứa trẻ thật lạ lùng

Mới 12 tuổi đã tranh luận cùng nhà thông luật

Chứng minh sự hiểu biết và sự việc ở trên Trời

Chỉ duy nhất Ngài làm cho họ phải ngỡ ngàng.

 Chúng con sẽ nói sao về Chúa Giêsu?

Suốt 3 năm ròng Ngài đi Rao Giảng

Chọn 12 tông đồ tiên khởi

Lạ lùng thay chẳng ai từ chối lời mời của Ngài

Chỉ duy nhất vì Ngài là Thiên Chúa.

 Chúng con nói sao về Chúa Giêsu?

Chỉ vì sự Rao Giảng của Ngài

Chỉ vì Ngài giám mạnh dạn lên tiếng

Chỉ trích những phường sống đạo đức giả

Chỉ duy nhất Ngài muốn chứng minh Ngài là Con Thiên Chúa.

 Chúng con nói sao về Chúa Giêsu?

Lạ lùng là vì Ngài từ chối ngai Vua 

Để trở thành một phạm nhân chứng minh tình yêu

Một tình yêu Thiên Chúa rất yêu nhân loại

Chỉ duy nhất vì Ngài muốn Cứu độ tất cả.

 Chúng con nói sao về Chúa Giêsu?

Ngài chọn cái chết thật thương tâm thật khác người

Vì Ngài chẳng làm gì nên tội

Nhưng bị đóng đanh chọn cái chết vì Yêu

Chỉ duy nhất Ngài muốn chứng minh có cuộc sống ở đời sau.

 Ngài chết đi để cho nhân loại hy vọng

Hãy sống theo Lời Chúa và thực thi Lời Chúa

Hãy tin rằng đức tin không có việc làm là đức tin chết

Hãy trung kiên trong Lời chỉ dạy của Ngài

Chỉ duy nhất có Ngài mới có Lời ban sự sống.

 Chỉ duy nhất có Ngài mới là Đường

Là sự sống

Và là sự thật … Amen.

  Y Tá Của Chúa,

Tuyết Mai

09-20-2015

VÌ YÊU MÀ MẸ MARIA SẦU BI MUÔN THUỞ

VÌ YÊU MÀ MẸ MARIA SẦU BI MUÔN THUỞ

Tuyết Mai

Khi Mẹ Maria được Chúa cho sinh ra đời

Mẹ nào có biết những gì ở tương lai

Mẹ được Chúa tuyển chọn trong mọi người nữ

Là được làm Mẹ Con Chúa Trời.

 

Ôi tuyệt vời trọng đại thay ngày Đức Mẹ nhận lời!

Thiên Thần đến truyền tin Mẹ sẽ mang thai

Con Chúa Đức Chúa Trời Mẹ vô cùng bỡ ngỡ

Từ đó Mẹ hiểu rõ ràng thánh ý Chúa.

 

Mẹ mới hiểu được trách nhiệm nặng nề

Là chu toàn bổn phận cùng Xin Vâng

Trong mọi chuyện mà Thiên Chúa định đoạt

Để cho Con Trẻ Giêsu được chào đời.

 

Nhất là Mẹ chịu cực khổ để đi lánh nạn

Vượt đường trường khi bụng chửa dạ mang

Băng suối băng đồi cho đến ngày sanh nở

Mà chẳng có ai đón nhận cho trọ nhờ …

 

Và Mẹ đã sanh Con trẻ Giêsu trong Hang Đá

Hang Đá tanh hôi lạnh lẽo có tuyết phủ dầy

Chí có bò lừa nằm cạnh bên để sưởi ấm

Hài Nhi Con Trời lại thảm thương đến thế hay sao?.

 

Nuôi dấng dạy dỗ Con Trời nào có dễ?

Nhưng không vì thế mà Mẹ chịu thua

Cũng nhờ đêm ngày Thiên Thần thay phiên an ủi Mẹ

Để Mẹ có thể vượt mọi khó khăn trên đời.

 

Ai bảo hướng dẫn Con Trời là dễ?

Khi Con Trời đã lớn và có ơn khôn ngoan

Bỏ ba mẹ mà tự ở lại trong Đền Thờ

Bàn bạc sôi nổi cùng các Thượng Tế

Chứng tỏ Ngài am tường mọi điều ở trên Trời.

 

Nuôi nấng Con Trời nào phải dễ?

Vì cuộc sống của Ngài rày đây mai đó

Bỏ Mẹ hiền để lo việc của Chúa Cha

Dạy dỗ thiên hạ về cuộc sống mai sau trên Nước Trời.

 

Rồi cái ngày ấy đến phải được đến

Con Vua Trời đã bị bắt bị hành xử

Cách dã man mà làm cho Trái Tim Mẹ không ngừng rỉ máu

Vì Con của Mẹ đã được Chúa Trời quyết định phải thế chăng?.

***

Tưởng đã hết cuộc đời Mẹ đã mãn

Nhưng sầu khổ vẫn đeo đẳng Mẹ triền miên

Vì con cái trần gian ngày càng sống trong sa đọa

Ôi lạy Chúa, không Mẹ thì con người rồi sẽ ra sao???.

 

Mẹ sẽ làm sao hỡi đàn con hư hỏng?

Chuỗi Mân Côi đây các con nhận lấy

Là hành trang là sức mạnh vô song

Là sự liên kết Mẹ có thể đưa con về với Chúa.

 

Đây là khí cụ trừ tà

Một khí cụ đánh tan Satan cùng bè lũ

Bảy gãy gông cùm của tham sân si

Của dục vọng cùng mọi điều xấu dữ.

 

Vì các con mà Mẹ Sầu Bi muôn thuở

Nước mắt tuôn nước máu tuôn từng giòng

Các con thấy được Mẹ khóc là vì

Ngày Tận Thế không còn bao xa nữa.

 

Các con hãy dọn lòng, thống hối, ăn năn

Đền mọi tội lỗi để chuẩn bị …

Ngày Chúa Quang Lâm.   Amen.

 

Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

09-15-15

MỪNG SINH NHẬT ĐỨC MARIA MẸ THIÊN CHÚA

MỪNG SINH NHẬT ĐỨC MARIA MẸ THIÊN CHÚA

Chúng con kính chúc Đức Mẹ Chúa Trời
Một ngày lễ sinh nhật hạnh phúc là vì sao?
Vì trên Trời hôm nay tất cả đều dự yến tiệc
Một yến tiệc hoành tráng nhất trong năm.

Từ sự hiện diện của ba ngôi Thiên Chúa
Cho đến tất cả thiên thần của mọi phẩm trật
Các Thánh cùng anh chị em
Chúc tụng mẹ cùng đàn ca múa hát.

Chưa kể những món quà xứng đáng Chúa tặng Mẹ
Cùng những lời chúc tụng đẹp nhất mẹ cần
Vì Mẹ rất xứng đáng được nhận những lời ca tụng đó
Vì Mẹ có tâm hồn rất cao đẹp.

Còn dưới trần chúng con cũng dâng lời chúc tụng Mẹ
Dâng lên Mẹ những đoá hoa lòng
Chứ trần gian không tìm ra gì cho xứng đáng
Để dâng lên Mẹ đâu Mẹ ơi!.

Thế trần chúng con thân phận thật nhỏ bé
Thật mỏng dòn sống nay chết mai
Cả đời chỉ biết sống bám vào Mẹ
Như loài vô dụng chỉ làm hổ người và hổ đời.

Chúng con chỉ có biết làm Mẹ buồn khóc
Khóc cho con người được Chúa tác tạo
Rất đặc biệt và rất thanh cao
Nhưng đã để cho thân xác nó ngấm bùn tội lỗi.

Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Trời!
Xin thương cứu giúp chúng con với
Siêng năng liên lỉ dâng lên Mẹ Kinh Mân Côi
Là món quà xứng đáng nhất mà Mẹ mong mỏi.

Là món quà mà Mẹ có thể
Chuyển chúng lên Chúa Trời thành lời xin lỗi
Xin Chúa chậm giận mà thông cảm mà thương xót
Thay vì quẳng linh hồn chúng con xuống nơi tối tăm.

Lạy Mẹ chỉ có Mẹ là nguồn an ủi
Là nơi nương náu rất bình an
Làm đời sống chúng con được sung mãn
Vì Mẹ sẽ đưa hết thảy chúng con lên Trời với Chúa.

Nơi sẽ cho chúng con cuộc sống viên mãn
Nơi chúng con sẽ gặp lại người thân
Nơi chúng con sẽ sống hạnh phúc luôn mãi
Bên ngôi Cha, ngôi Con và ngôi Thánh Thần.

Chúng con chúc mừng Sinh Nhật Mẹ Maria
Người Mẹ tuyệt vời trong mắt Chúa
Trong mắt chúng con
Cùng mọi tạo vật dưới trần. Amen.

Y Tá của Chúa,
Tuyết Mai
09-08-15

NGƯỜI THỢ ĐIÊU KHẮC

NGƯỜI THỢ ĐIÊU KHẮC

Ông sống tận cuối làng, cô đơn và khó tính.  Không giao du qua lại với ai.  Ngày lại ngày, có việc thì cặm cụi đục đẽo, không việc thì lúi húi chăm sóc miếng vườn nhỏ, trồng dăm bụi sắn, vài luống rau và ít bụi hoa.  Người trong làng thỉnh thoảng ghé đến nhưng thấy bản tính ông ghẻ lạnh nên cũng chẳng ai muốn chơi.  Nguồn thu nhập chính của ông là khắc tượng gỗ.  Danh tiếng ông khá lẫy lừng , nhiều ngôi chùa ở những nơi xa tìm ông để đặt hàng.  Từ những bức tượng Phật Thích Ca uy nghi, to lớn cho đến những pho tượng chỉ bằng nắm tay, ông đều nhận cả.

Một ngày kia có vị Linh Mục đến đặt hàng làm ông ngỡ ngàng.  Đây là lần đầu tiên trong đời điêu khắc của ông có một “ông Cha” giao tiếp với ông, thứ đến là loại hàng này ông chưa từng bao giờ thử qua!

Ông Cha này rất điềm đạm và bình dân, cho ông một cảm giác gần gũi, thân thiện.  Hàng đặt là một tượng Thánh Giá cao tới hai mét rưỡi và chiều ngang một mét chín, nằm trên Thánh Giá này là tượng Chúa Giê-Su cao một mét bảy.

–    Nhưng thưa ông, Chúa Giê-Su là ai, tôi không biết rõ, làm sao tôi có thể khắc đúng như ông đòi hỏi?

Vị Linh Mục thoáng ngẩn người, ông mau chóng lục chiếc cặp đang mang theo người, lấy ra một bức ảnh chịu nạn đưa cho người thợ, ông này cầm lấy ngắm nghía với cặp mắt nhà nghề, giọng đầy phân vân:

–       Thú thật với ông, tôi chưa từng khắc tượng… Chúa!  Từ trước đến nay tôi chỉ khắc tượng Phật, tượng Thần.  Đối với Chúa, tôi cảm thấy xa lạ lắm.  Ông có cái gì về Chúa nữa không để tôi nghiên cứu thêm, chứ bức ảnh này tôi e chưa đủ để giúp tôi có thể lột tả được cái Thần.  Ông biết đấy, tôi đặt cao lương tâm nghề nghiệp…

Vị Linh Mục nhìn ông thợ điêu khắc đầy thiện cảm, ông trao cho người thợ một cuốn sách:

–       Đây là cuốn Kinh Thánh của Đạo chúng tôi, hy vọng ông sẽ biết đầy đủ về Ngài.

***********************

Suốt cả tháng trời, ông thợ miệt mài đọc kỹ cuốn Thánh Kinh và ngắm nghía bức ảnh chịu nạn. Không giống vẻ oai nghiêm của các tượng Thần ông từng khắc, cũng không có vẻ an nhiên tự tại của tượng Phật với những đường nét bệ vệ, tròn trĩnh.  Tượng Chúa là những lồi lõm của một người gầy gầy, với những thương tích khắp người, một người trần truồng để lộ ra những xương sườn và cái bụng lép kẹp, nhất là gương mặt hốc hác, đau đớn của người chịu khổ hình.  Một gương mặt đang trong tư thế ngước lên mà ánh mắt vừa chịu đựng lại vừa khẩn khoản, đầy tin tưởng và hiền lành, không thấy có chút nào của sự oán trách, thù hận!

Ông cứ vừa nghiền ngẫm vừa dò dẫm chạm khắc, ngày làm đêm nghiên cứu.  Ngay cả trong giấc mơ ông cũng thấy gương mặt Người Chịu Nạn bê bết mồ hôi và máu, những thớ thịt co giật trong cơn đau đớn, đôi môi khô nứt tím tái hẳn đi, hai cánh mũi phập phồng trong cơn khó thở!

Ngày qua ngày, ông làm việc miệt mài nhưng rất chậm.  Đôi chân xương xẩu xếp chồng lên nhau của Người Chịu Nạn, bị đóng dính vào Thập Giá tương đối dễ khắc.  Lồng ngực bức tượng nhô cao hiển lộ toàn bộ xương sườn như đang cố hớp lấy không khí khiến cho phần bụng thót lại làm ông thấy khó khắc hơn!  Ngay cả hai bàn tay với những ngón gầy guộc co quắp khiến những sợi gân căng trên cổ tay cũng khiến ông hình dung được sự đau đớn của Người Chịu Nạn!  Hình như không có vị Giáo Chủ của Đạo nào lại khốn khổ như vị này!  Hầu hết các vị đều được vinh quang ngay khi tại thế, Đạo của các vị ấy cũng được truyền bá dễ dàng chứ không bị bách hại như Đạo này!

Mỗi nhát đục ông đều đắn đo cẩn thận.  Độ khó của bức tượng kích thích ông mãnh liệt.  Ông say mê làm việc như chưa bao giờ ông say mê đến thế!  Thỉnh thoảng, ông dừng tay, giở Kinh Thánh ra nghiền ngẫm về Con Người Trên Thánh Giá.  Cứ như trong sách ghi chép lại thì Con Người này có lẽ là Chúa thật rồi!  Ông ta làm phép lạ mà chẳng tốn một tí hơi sức nào cả!  Chỉ một Lời, thế là thành sự!  Như thể ông ta là chủ tể của vũ trụ, là Ông Trời vậy!

Hình như các vị Giáo chủ khác không làm phép lạ nào thì phải?  Các Ngài chỉ dạy dỗ thôi, mà ông này thì dạy dỗ như kẻ có quyền thật sự!  Cái điệp khúc “ Phần Ta, Ta bảo các ngươi…” cứ lặp lại mãi.  Mà những Lời dạy bảo của Người mới cao đẹp, mới thánh thiện làm sao!

Mỗi ngày qua, tác phẩm dần lộ hình, thì trong lòng ông thợ lại càng xốn xang, khắc khoải.  Có một điều gì đó làm ông băn khoăn.  Ông thường hay bỏ dở công việc để đi thăm một người trong làng bị đau ốm, có khi ông nghỉ nguyên một buổi để đi đưa đám một người chết chẳng liên hệ gì với ông! Những đồng tiền làm ra được ông cất kỹ, nay cũng cạn dần theo những lần ông âm thầm đến nhà này, nhà nọ.  Dân làng cũng thấy được sự thay đổi này, họ xầm xì bàn tán đủ điều về ông, có người còn độc miệng cho rằng ông đốc chết (*), nhưng nhìn chung họ dần có cảm tình với ông.

Giai đoạn khó khăn nhất cuối cùng cũng đến: Đó là gương mặt Người Chịu Nạn.  Ông đã bỏ nguyên hai ngày để đọc kỹ lại cuộc khổ nạn của Chúa Giê-Su trong cả bốn quyển Tin Mừng.  So sánh, đối chiếu cả bốn quyển để tìm ra những điểm chung, điểm riêng, những nét đặc trưng khả dĩ giúp ông hình dung ra sự khốc liệt của cuộc hành hình mà Chúa Giê-Su phải chịu.  Ông mường tượng ra những cơn đau khiến gương mặt co giật.  Răng nghiến lại?  Ừ, có thể nào răng nghiến lại khi cơn đau cùng cực không?  Miệng có bị méo đi không?  Còn mắt?  Mắt nhắm nghiền hay trợn trừng hoặc lạc thần vì quá sức chịu đựng?  Mồ hôi và máu thì dĩ nhiên rồi!  Một gương mặt đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn.  Tâm hồn dĩ nhiên đau đớn lắm khi Người thốt lên: “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con?” mà tâm hồn này cũng tin tưởng và bình an vì Người đã kêu lên: “Con xin phó thác hồn con trong tay Cha.”  Một gương mặt tội nhân mà sáng chói sự thánh thiện khi Người nguyện rằng: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.”  Một gương mặt hài hòa bao nhiêu là trạng thái mà ông phải cô đọng lại!

Từng nhát đục ông gọt đẽo trong hồn ông, tượng hình dần trên thân gỗ.  Gương mặt Chúa Giê-Su đau đớn với đôi mắt mở lớn đang ngước lên trời trong tâm tình phó thác vâng phục.  Phải rồi, Người đã vâng phục cho đến chết và chết trên Thập Giá đang khi Người uy quyền phép tắc đến thế!  Ai làm gì được Người nếu không phải chính Người tự nguyện chết thay cho nhân loại?  Gương mặt Chúa Giê-Su thánh thiện và khả ái làm ông hài lòng mặc dù mấy hôm nay một cơn đau cứ nhoi nhói trong ngực ông.

Khi ông dừng nhát đục cuối cùng thì ánh sáng cuối ngày cũng vừa lịm tắt.  Ông vui sướng cố dựng Thánh Giá gỗ nặng nề lên cho dựa vào tường rồi mệt mỏi lê bước vào giường.  Đặt mình nằm xuống, ông thiếp đi rất nhanh, không hề mộng mị.

***********************

Tiếng gà gáy sáng làm ông choàng tỉnh giấc, toàn thân khoan khoái sau một giấc ngủ dài làm ông có cảm giác trở lại thuở đôi mươi.  Bên ngoài cửa sổ trời vẫn còn tối nhưng nơi cửa ra vào ánh sáng lại huy hoàng làm ông ngạc nhiên.  Ông chợt nhớ ra chiều qua mình đã ngủ như chết, không tắm rửa, không ăn uống và không cả đóng cửa!

Ông bước xuống giường đi ra cửa và bất chợt khựng lại vì trong sân đang chói loà toàn ánh sáng, một thứ ánh sáng mà ông chưa từng thấy, chính ánh sáng này đã chiếu sáng cửa lớn nhà ông.  Toàn thân ông thấm đẫm thứ ánh sáng huyền diệu này.  Một niềm hạnh phúc ngọt ngào dâng ngập hồn ông, trong mơ hồ ông nhận ra thân thể mình bỗng nhẹ tênh, ánh sáng đưa ông bay lên cao, lên cao mãi…

***********************

Phải đến hai ngày sau dân làng mới phát giác ra ông đã chết dưới chân cây Thánh Giá mà ông vừa hoàn thành, trong tư thế nửa ngồi nửa quỳ, mặt ngước lên và tay ôm chặt chân tượng Thánh Giá.

Sưu tầm

THƯ GỬI MẸ LÊN TRỜI

THƯ GỬI MẸ LÊN TRỜI

Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.

Mẹ Maria kính yêu,

Việc Mẹ được đặc ân lên trời cả hồn và xác là biến cố trọng đại và ý nghĩa cho toàn thể nhân loại. Trọng đại vì đó là phần thưởng tuyệt hảo mà Thiên Chúa đã dành riêng cho Mẹ; ý nghĩa vì Mẹ là người khởi đầu của Hội Thánh viên mãn, là niềm vui và hy vọng lớn lao cho dân thánh trong cuộc lữ thứ trần gian.  Trên quê trời, Mẹ tiếp tục mời gọi chúng con bước theo Thầy Giêsu để mai này chúng con cũng được cùng Mẹ hưởng niềm vui Thiên quốc.  Hôm nay (15/08) cả Giáo Hội chung chia niềm vui này với Mẹ để tán dương Thiên Chúa!

Còn nhớ ngày sứ thần truyền tin, Mẹ đã thưa tiếng “xin vâng” để trở thành Mẹ Thiên Chúa.  Mẹ chấp nhận thánh ý để cùng với Con của Mẹ lao tác trong chương trình cứu độ.  Chiêm ngắm hành trình Mẹ theo chân Thầy Giêsu, Con Mẹ, ai ai cũng nhận ra tình yêu và lòng tín thác tuyệt đối mà Mẹ dành cho Thiên Chúa.  Đúng như lời hát du dương của Mẹ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi!”  Không vui mừng hớn hở sao được bởi Mẹ thật diễm phúc vì hoa trái trong lòng Mẹ là Đấng cứu độ trần gian.  Cả cuộc đời, Mẹ luôn ngân nga tiếng hát ấy với niềm vui thiêng liêng và lòng xác tín thẳm sâu!

Trên dương thế, Mẹ chẳng xa rời Đức Giêsu.  Mẹ và Thầy Giêsu như hình với bóng.  Lúc nào Mẹ cũng quảng đại cộng tác trong công cuộc cứu độ của Thiên Chúa.  Có thể nói Mẹ là đóa hoa hướng dương luôn hướng về ánh Mặt Trời.  Đóa hoa ấy luôn đầy tràn ân phúc vì Đức Chúa ở cùng Mẹ.  Nhờ đó, Thiên Chúa ban cho Mẹ vô nhiễm khi hoài thai, đồng trinh vẹn sạch khi làm mẹ và ơn thăng thiên cả xác lẫn hồn.  Mẹ cũng được gìn giữ khỏi bị hư nát trong mồ giống như Con của Mẹ.  Chúng con hãnh diện lắm, mừng vui lắm khi Mẹ được đưa lên trời cả hồn và xác!  Giờ đây Mẹ biết không, chúng con sung sướng chạy đến với Mẹ để nhờ Mẹ chuyển cầu cho chúng con trước nhan thánh Chúa.

Mẹ ơi!  Đã từ lâu Giáo Hội có những thánh lễ nói về giây phút chấm dứt cuộc đời dương thế của Mẹ đấy.  Mừng với Mẹ vì ai cũng tin rằng lần ra đi của Mẹ phải tốt đẹp, không chút đớn đau.  Rồi dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, ngày 1/11/1950, Đức Piô XII long trọng tuyên bố: “Đức Maria, Mẹ Vô Nhiễm của Thiên Chúa trọn đời đồng trinh, sau cuộc sống trần gian này, đã được phúc vinh quang Thiên đàng cả hồn và xác.”  Mẹ ơi, Ngài còn nói với chúng con rằng: “Chúng ta hãy nài xin Mẹ rất thánh của mọi phần tử của Chúa Kitô mà Ta đã tín thác hiến dâng loài người cho Trái Tim Mẹ.  Ngày nay ở trên trời, thân xác và linh hồn Mẹ toả sáng trong vinh quang, hiển trị cùng với Con của Mẹ.” (“Corporis Mystici”, 29-6-1943).

Trái tim hiền mẫu của Mẹ luôn ước mong từng người con hãy tin yêu Chúa Giêsu.  Mẹ cầu mong chúng con cũng được hưởng niềm vui Thiên Quốc như Mẹ.  Ước gì chúng con luôn được ở trong Trái Tim nhân hiền của Mẹ.  Mẹ ơi!  Chúng con tin rằng thân xác sẽ sống lại trong ngày sau hết.  Nếu tin yêu Chúa Giêsu Kitô, chúng con chắc chắn sẽ được sự sống đời đời, Mẹ nhỉ!  Khi ấy, Mẹ-con mình sẽ trùng phùng vui sướng, hạnh phúc vô bờ!  Hơn nữa, khi chiêm ngắm Mẹ lên trời cả hồn và xác, chúng con còn xác tín rằng: thân xác sẽ được cứu độ.  Cho dẫu cuộc sống gian trần còn nhiều khổ đau thân xác và tâm hồn, nhưng nhờ Mẹ, chúng con sẽ được Thiên Chúa nhận lời đưa vào cuộc sống vĩnh hằng, thưa Mẹ!

Sau cùng, chúng con muốn cùng với Mẹ dâng lời “Ngợi khen” Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa, … Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!”  Chính Người đã ban cho Mẹ nên Hiền mẫu tuyệt vời trên dương thế, nên Đức Mẹ rạng ngời trên Thiên quốc.  Hôm nay và ở đây, Mẹ vẫn đang hát vang bài ca ấy để cầu mong từng người con dù sống dưới trần gian, nhưng hãy hướng tâm trí về Quê Trời.  Nơi ấy Mẹ đang vẫy gọi và cầu nguyện cho mỗi người chúng con!

Lạy Mẹ Maria, trên Thiên quốc, xin Mẹ đoái nhìn đến cuộc sống lữ hành của chúng con.  Xin Mẹ nhắc nhớ chúng con đừng quá mê man với cuộc sống chóng qua mà quên mất thực tại Nước Trời.  Bên ngai tòa Thiên Chúa, xin Mẹ cầu thay nguyện giúp cho chúng con có sức mạnh thần linh để chúng con một lòng tin yêu Thiên Chúa.  Được như thế, chắc chắn chúng con sẽ gặp được Mẹ, để Mẹ dẫn chúng con đến hưởng nhan thánh Chúa.  Amen.

Chúc mừng đặc ân Mẹ được Thiên Chúa đưa lên trời cả hồn và xác!

Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.

THÁNG HOA ĐỨC MẸ

THÁNG HOA ĐC MẸ

Lm. Đoàn Quang, CMC

Là người Công giáo Việt Nam, nhất là những người đã lớn lên trong một xứ đạo miền Bắc, Trung hoặc Nam, có lẽ họ không lạ gì sinh hoạt tôn giáo trong tháng Năm, tháng Hoa Đức Mẹ.

Khi ngàn hoa xanh, đỏ, trắng, tím, vàng nở rộ trong cánh đồng, thì con cái Mẹ cũng chuẩn bị cho những đội dâng hoa, những cuộc rước kiệu, để tôn vinh Mẹ trên trời.  Những điệu ca quen thuộc trìu mến bỗng nổi dậy trong tâm hồn cách thân thương, nhất là bài “Đây Tháng Hoa” của nhạc sĩ Duy Tân với điệu 2/4 nhịp nhàng:

“Đây tháng hoa, chúng con trung thành thật thà.  Dâng tiến hoa lòng mến dâng lời cung chúc.  Hương sắc bay tỏa ngát nhan Mẹ diễm phúc.  Muôn tháng qua lòng mến yêu Mẹ không nhòa.

– Đây muôn hoa đẹp còn tươi thắm xinh vô ngần.  Đây muôn tâm hồn bay theo lời ca tiến dâng.  Ôi Maria, Mẹ tung xuống muôn hoa trời.  Để đời chúng con đẹp vui, nhớ quê xa vời.

– Muôn dân trên trần mừng vui đón tháng hoa về.  Vang ca tưng bừng ngợi khen tạ ơn khắp nơi.  Ánh hồng sắc hương càng tô thắm xinh nhan Mẹ.  Sóng nhạc reo vang tràn lan đến muôn muôn đời”.

Nếu có ai tự hỏi:  Tháng Hoa có từ đời nào?  Do ai khởi xướng?  Gốc tích như thế này:  Vào những thế kỉ đầu, hàng năm, khi tháng Năm về, người Rôma tôn kính sự thức giấc sau mùa đông dài của thiên nhiên bằng những cuộc tổ chức gọi là những ngày lễ tôn kính Hoa là Nữ thần mùa Xuân.  Các tín hữu Công giáo trong các xứ đạo đã thánh hóa tập tục trên.  Họ tổ chức những cuộc rước kiệu hoa và cầu nguyện cho mùa màng phong phú.

Có nơi người ta tổ chức các cuộc “Rước xanh.”  Người ta đi cắt các cành cây xanh tươi đang nở hoa, đưa về trang hoàng trong các nhà thờ và đặc biệt các bàn thờ dâng kính Đức Mẹ.  Các thi sĩ cũng như các thánh đua nhau sáng tác những bài hát, bài giảng ca tụng những ngày lễ đó cũng như ca tụng Đức Mẹ.

Đến thế kỷ 14, linh mục Henri Suzo dòng Đaminh, vào ngày đầu tháng 5, đã dâng lên Đức Mẹ những việc tôn kính đặc biệt và lấy hoa trang hoàng tượng Đức Mẹ.

Thánh Philipe đệ Nêri, cũng vào ngày 1 tháng 5, thích tập họp các trẻ em lại chung quanh bàn thờ Đức Mẹ, để cùng các bông hoa mùa xuân, Ngài dâng cho Đức Mẹ các nhân đức còn ẩn náu trong tâm hồn non trẻ của chúng.

Đầu thế kỷ 17, tại Napoli, nước Ý, trong thánh đường kính thánh Clara của các nữ tu Dòng Phanxicô, tháng Đức Mẹ được cử hành công cộng: Mỗi chiều đều có hát kính Đức Mẹ, ban phép lành Mình Thánh.  Từ ngày đó, tháng Đức Mẹ nhanh chóng lan rộng khắp các xứ đạo.

Năm 1654, cha Nadasi, dòng Tên, xuất bản tập sách nhỏ khuyên mời giáo hữu dành riêng mỗi năm một tháng để tôn kính Đức Mẹ Chúa Trời.

Đầu thế kỷ 19, hết mọi xứ trong Giáo hội đều long trọng kính tháng Đức Mẹ.  Các nhà thờ chính có linh mục giảng thuyết, và gần như lấy thời gian sau mùa chay là thời gian chính thức để tôn kính Đức Mẹ.  Trong việc này linh mục Chardon đã có nhiều công.  Không những ngài làm cho lòng sốt sắng trong tháng Đức Mẹ được phổ biến trong nước Pháp mà còn ở mọi nước Công giáo khác nữa.

– Đức Giáo hoàng Piô 12, trong Thông điệp “Đấng Trung gian Thiên Chúa”, cho “việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ”.

– Đức giáo hoàng Phaolô 6, trong Thông điệp Tháng Năm, số 1 viết:“Tháng Năm là Tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ.  Đó là dịp để “bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng.

Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ các tấm lòng của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt.  Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai tòa rất dồi dào của Đức Mẹ” (Dictionary of Mary, Catholic book Pub. 1985, p. 236).

Một câu truyện cũ đáng ta suy nghĩ:

Ở thành Nancêniô trong nước Pháp, có một gia đình trung lưu.  Vợ đạo đức, chồng hiền lành nhưng khô khan.  Vợ luôn cầu xin Chúa mở lòng cho chồng sửa mình , nhưng chồng cứng lòng mãi.  Năm ấy đầu tháng Hoa Đức Mẹ, bà sửa sang bàn thờ để mẹ con làm việc tháng Đức Mẹ.  Chồng bà bận việc làm ăn, ít khi ở nhà, và dù ông ở nhà cũng không bao giờ cầu nguyện chung với mẹ con.  Ngày lễ nghỉ không bận việc làm thì cũng đi chơi cả ngày, nhưng ông có điều tốt là khi về nhà, bao giờ cũng kiếm mấy bông hoa dâng Đức Mẹ.

Ngày 15 tháng Sáu năm ấy, ông chết bất thình lình, không kịp gặp linh mục.  Bà vợ thấy chồng chết không kịp lãnh các phép đạo, bà buồn lắm, nên sinh bệnh nặng, phải đi điều trị ở nơi xa.  Khi qua làng Ars, bà vào nhà xứ trình bày tâm sự cùng cha xứ là cha Gioan Vianey.

Cha Vianey là người đạo đức nổi tiếng, được mọi người tặng là vị thánh sống.  Bà vừa tới nơi chưa kịp nói điều gì, cha Gioan liền bảo:

– Đừng lo cho linh hồn chồng bà.  Chắc bà còn nhớ những bông hoa ông vẫn đem về cho mẹ con bà dâng cho Đức Mẹ trong tháng Hoa vừa rồi chứ?

Nghe cha nói, bà hết sức kinh ngạc, vì bà chưa hề nói với ai về những bông hoa ấy, nếu Chúa không soi cho cha, lẽ nào người biết được?

– Cha sở nói thêm: Nhờ lời bà cầu nguyện và những việc lành ông ấy đã làm để tôn kính Đức Mẹ, Chúa đã thương cho ông ấy được ăn năn tội cách trọn trong giờ chết.  Ông ấy đã thoát khỏi hỏa ngục, nhưng còn bị giam trong luyện ngục, xin bà dâng lễ, cầu nguyện, làm việc lành thêm cầu cho ông chóng ra khỏi nơi đền tội nóng nảy mà lên Thiên đàng.

Nghe xong lời cha Gioan, bà hết sức vui mừng tạ ơn Đức Mẹ. (Sách Tháng Đức Bà, Hiện Tại xuất bản, 1969, trang 10).

Nếu chỉ vì mấy bông hoa mọn dâng kính Đức Mẹ cũng được Đức Mẹ ban ơn cứu rỗi lớn lao như vậy, thử hỏi, những ai trong tháng Năm này tham dự dâng Hoa, rước kiệu, đọc kinh Mân côi, hơn nữa, họ dâng lên Mẹ những hoa tin, cậy, mến, hi sinh, đau khổ, bệnh nạn… chắc sẽ còn được Đức Mẹ ban muôn ơn trọng hơn nữa?  Vì Mẹ thích những bông hoa Xanh của lòng Cậy, hoa Đỏ của Lòng mến, hoa Trắng của lòng trong sạch, hoa Tím của hãm mình, hoa vàng của niềm tin, hoa Hồng của kinh Kính mừng lắm lắm.

Thánh Anphongsô Ligori quả quyết rằng: “Nếu tôi thật lòng yêu mến Mẹ, thì tôi chắc chắn được lên thiên đàng”.

Thánh Bênado diễn tả văn vẻ hơn: “Được Mẹ dẫn dắt, bạn sẽ không ngã.  Được Mẹ che chở, bạn sẽ không sợ.  Được Mẹ hướng dẫn, bạn sẽ an lòng.  Được Mẹ ban ơn, bạn sẽ đạt đích mong chờ”.

Lm. Đoàn Quang, CMC
NS.TTDM tháng 5-08 trg 4

Tìm hiểu gốc tích Tháng Hoa Đức Mẹ

Tìm hiểu gốc tích Tháng Hoa Đức Mẹ

Là người Công giáo Việt Nam, nhất là những người đã lớn lên trong một xứ đạo miền Bắc, Trung hoặc Nam, có lẽ họ không lạ gì sinh hoạt tôn giáo trong tháng Năm, tháng Hoa Đức Mẹ. Khi ngàn hoa xanh, đỏ, trắng, tím, vàng nở rộ trong cánh đồng, thì con cái Mẹ cũng chuẩn bị cho những đội dâng hoa, những cuộc rước kiệu, để tôn vinh Mẹ trên trời. Những điệu ca quen thuộc trìu mến bỗng nổi dậy trong tâm hồn cách thân thương, nhất là bài “Đây Tháng Hoa” của nhạc sĩ Duy Tân với điệu 2/4 nhịp nhàng:

“Đây tháng hoa, chúng con trung thành thật thà. Dâng tiến hoa lòng mến dâng lời cung chúc. Hương sắc bay toả ngát nhan Mẹ diễm phúc. Muôn tháng qua lòng mến yêu Mẹ không nhoà.”

– Đây muôn hoa đẹp còn tươi thắm xinh vô ngần. Đây muôn tâm hồn bay theo lời ca tiến dâng. Ôi Maria, Mẹ tung xuống muôn hoa trời. Để đời chúng con đẹp vui, nhớ quê xa vời.

– Muôn dân trên trần mừng vui đón tháng hoa về. Vang ca tưng bừng ngợi khen tạ ơn khắp nơi. Ánh hồng sắc hương càng tô thắm xinh nhan Mẹ. Sóng nhạc reo vang tràn lan đến muôn muôn đời”.

Nếu có ai tự hỏi: Tháng Hoa có từ đời nào? Do ai khởi xướng? thì câu trả lời cũng không khó khăn gì.

Gốc tích như thế này:

Vào những thế kỷ đầu, hàng năm, khi tháng Năm về, người Rôma tôn kính sự thức giấc sau mùa đông dài của thiên nhiên bằng những cuộc tổ chức gọi là những ngày lễ tôn kính Hoa là Nữ thần mùa Xuân.

Các tín hữu Công giáo trong các xứ đạo đã thánh hóa tập tục trên. Họ tổ chức những cuộc rước kiệu hoa và cầu nguyện cho mùa màng phong phú.

Có nơi người ta tổ chức các cuộc “Rước xanh”. Người ta đi cắt các cành cây xanh tươi đang nở hoa, đưa về trang hoàng trong các nhà thờ và đặc biệt các bàn thờ dâng kính Đức Mẹ. Các thi sĩ cũng như các thánh đua nhau sáng tác những bài hát, bài giảng ca tụng những ngày lễ đó cũng như ca tụng Đức Mẹ.

Đến thế kỷ 14, linh mục Henri Suzo dòng Đaminh, vào ngày đầu tháng 5, đã dâng lên Đức Mẹ những việc tôn kính đặc biệt và lấy hoa trang hoàng tượng Đức Mẹ.

Thánh Philipe đệ Nêri, cũng vào ngày 1 tháng 5, thích tập họp các trẻ em lại chung quanh bàn thờ Đức Mẹ, để cùng các bông hoa mùa xuân, Ngài dâng cho Đức Mẹ các nhân đức còn ẩn náu trong tâm hồn non trẻ của chúng.

Đầu thế kỷ 17, tại Napoli, nước Ý, trong thánh đường kính thánh Clara của các nữ tu Dòng Phanxicô, tháng Đức Mẹ được cử hành công cộng: Mỗi chiều đều có hát kính Đức Mẹ, ban phép lành Mình Thánh. Từ ngày đó, tháng Đức Mẹ nhanh chóng lan rộng khắp các xứ đạo.

Năm 1654, cha Nadasi, dòng Tên, xuất bản tập sách nhỏ khuyên mời giáo hữu dành riêng mỗi năm một tháng để tôn kính Đức Mẹ Chúa Trời.

Đầu thế kỷ 19, hết mọi xứ trong Giáo hội đều long trọng kính tháng Đức Mẹ. Các nhà thờ chính có linh mục giảng thuyết, và gần như lấy thời gian sau mùa chay là thời gian chính thức để tôn kính Đức Mẹ. Trong việc này linh mục Chardon đã có nhiều công. Không những ngài làm cho lòng sốt sắng trong tháng Đức Mẹ được phổ biến trong nước Pháp mà còn ở mọi nước Công giáo khác nữa.

– Đức Giáo hoàng Piô 12, trong Thông điệp “Đấng Trung gian Thiên Chúa”, cho “việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ”.

– Đức giáo hoàng Phaolô 6, trong Thông điệp Tháng Năm, số 1 viết:

“Tháng Năm là Tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp để ” bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng.

Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ các tấm lòng của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt. Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai toà rất dồi dào của Đức Mẹ” (Dictionary of Mary, Catholic book Pub. 1985, p. 236)

Một câu truyện cũ đáng ta suy nghĩ:

Ở thành Nancêniô trong nước Pháp, có một gia đình trung lưu. Vợ đạo đức, chồng hiền lành nhưng khô khan. Vợ luôn cầu xin Chúa mở lòng cho chồng sửa mình , nhưng chồng cứng lòng mãi.

Năm ấy đầu tháng Hoa Đức Mẹ, bà sửa sang bàn thờ để mẹ con làm việc tháng Đức Mẹ. Chồng bà bận việc làm ăn, ít khi ở nhà, và dù ông ở nhà cũng không bao giờ cầu nguyện chung với mẹ con. Ngày lễ nghỉ không bận việc làm thì cũng đi chơi cả ngày, nhưng ông có điều tốt là khi về nhà, bao giờ cũng kiếm mấy bông hoa dâng Đức Mẹ.

Ngày 15 tháng Sáu năm ấy, ông chết bất thình lình, không kịp gặp linh mục. Bà vợ thấy chồng chết không kịp lãnh các phép đạo, bà buồn lắm, nên sinh bệnh nặng, phải đi điều trị ở nơi xa. Khi qua làng Ars, bà vào nhà xứ trình bày tâm sự cùng cha xứ là cha Gioan Vianey.

Cha Vianey là người đạo đức nổi tiếng, được mọi người tặng là vị thánh sống. Bà vừa tới nơi chưa kịp nói điều gì, cha Gioan liền bảo:

– Đừng lo cho linh hồn chồng bà. Chắc bà còn nhớ những bông hoa ông vẫn đem về cho mẹ con bà dâng cho Đức Mẹ trong tháng Hoa vừa rồi chứ?

Nghe cha nói, bà hết sức kinh ngạc, vì bà chưa hề nói với ai về những bông hoa ấy, nếu Chúa không soi cho cha, lẽ nào người biết được?

– Cha sở nói thêm: Nhờ lời bà cầu nguyện và những việc lành ông ấy đã làm để tôn kính Đức Mẹ, Chúa đã thương cho ông ấy được ăn năn tội cách trọn trong giờ chết. Ông ấy đã thoát khỏi hỏa ngục, nhưng còn bị giam trong luyện ngục, xin bà dâng lễ, cầu nguyện, làm việc lành thêm cầu cho ông chóng ra khỏi nơi đền tội nóng nảy mà lên Thiên đàng.

Nghe xong lời cha Gioan, bà hết sức vui mừng tạ ơn Đức Mẹ.(Sách Tháng Đức Bà, Hiện Tại xuất bản, 1969, trang 10).

Nếu chỉ vì mấy bông hoa mọn dâng kính Đức Mẹ cũng được Đức Mẹ ban ơn cứu rỗi lớn lao như vậy, thử hỏi, những ai trong tháng Năm này tham dự dâng Hoa, rước kiệu, đọc kinh Mân côi, hơn nữa, họ dâng lên Mẹ những hoa tin, cậy, mến, hi sinh, đau khổ, bệnh nạn…chắc sẽ còn được Đức Mẹ ban muôn ơn trọng hơn nữa? vì Mẹ thích những bông hoa Xanh của lòng Cậy, hoa Đỏ của Lòng mến, hoa Trắng của lòng trong sạch, hoa Tím của hãm mình, hoa vàng của niềm tin, hoa Hồng của kinh Kính mừng lắm lắm.

Thánh Anphongsô Ligori quả quyết rằng: “Nếu tôi thật lòng yêu mến Mẹ, thì tôi chắc chắn được lên thiên đàng”.

Thánh Bênado diễn tả văn vẻ hơn:

“Được Mẹ dẫn dắt, bạn sẽ không ngã. Được Mẹ che chở, bạn sẽ không sợ. Được Mẹ hướng dẫn, bạn sẽ an lòng. Được Mẹ ban ơn, bạn sẽ đạt đích mong chờ”.

(Lm. ĐoànQuang, CMC NS.TTDM tháng 5-08 trg 4)

CÁCH HIỆN DIỆN CỦA ĐẤNG PHỤC SINH

CÁCH HIỆN DIỆN CỦA ĐẤNG PHỤC SINH

GM Vũ Duy Thống

Một trong những địa danh được nhắc đến nhiều nhất vào Mùa Phục Sinh, đó là ngôi làng Emmaus.  Mặc kệ các nhà khảo cổ với những công trình tìm kiếm xem ngôi làng đó nằm ở đâu trên thực tế địa lý.  Mặc kệ các nhà chú giải với những phân tích chi li xem địa danh Emmaus hợp bởi chữ gì và có nghĩa gì.  Mặc kệ các nhà hội họa với những cảm hứng khơi nguồn đã khéo tô điểm Emmaus nên một kiệt tác như bức họa nổi tiếng của Rembrandt.  Mặc kệ tất cả.  Người tín hữu chỉ có một cảm tình tốt đẹp là xem Emmaus như một địa chỉ tinh thần không thể quên được.  Bởi lẽ khởi đi từ đó, Đấng Phục sinh đã ưu ái cho thấy Ngài luôn có mặt bên cạnh con người và vẫn muốn hiện diện thường xuyên cho cuộc sống con người.  Khởi đi từ địa chỉ tinh thần ấy, người ta thấy ít ra có ba cách hiện diện của Đấng Phục sinh:

1) Đấng phục sinh có mặt trong những bước đồng hành chia sẻ

Bối cảnh của bài Phúc Âm là những ngày tiếp theo biến cố Phục sinh.  Hoàn cảnh của các môn đệ thật là bi đát.  Họ là người theo Chúa từ những ngày đầu cuộc sống công khai, những mong được tả hữu vinh quang khi Đấng Messia chinh phạt thế giới.  Nào ngờ Thầy mình lại chọn lấy con đường khác để cứu độ.  Ngài đã bị giết, bị chôn vùi trong huyệt đá.  Và lưu ảnh cuối cùng họ có về Thầy mình, đó chính là ngôi mộ hoàn toàn trống rỗng.  Vỡ mộng, thất vọng, cô đơn, họ như những môn sinh “chữ thầy lại trả cho thầy, trở về làng cũ học cầy cho xong”.

Mà đâu có xong.  Chính lúc tưởng chừng trống vắng không gì có thể lấp đầy được, Đấng Phục sinh đã âm thầm hiện diện bên họ, trong dáng dấp của một người khách lạ, trong thân quen của những bước đồng hành và trong ân cần của những lời thăm hỏi rất đỗi bình thường.  Ngay trong Phúc Âm hôm nay, liền sau biến cố Emmaus, khi hai môn đệ đang kể lại Chúa Giêsu ở ngôi thứ ba, thì Ngài đã tự bao giờ “đứng giữa” câu chuyện ở ngôi thứ hai để chào hỏi đối thoại ủi an.

Vâng, Đấng Phục sinh là như thế.  Tưởng vào trong vinh quang là bắt đầu nẻo đời xa cách, nào ngờ lại là lúc Ngài la cà thân thiện với con người hơn cả bao giờ.  Thiên Chúa đã gần gũi với đời người, cho con người trở nên phần đời của Thiên Chúa.  Chính khi đời người xem ra trống vắng nhất, Đức Kitô vẫn hiện diện đồng hành chia sẻ, để rồi khi con người biết chia sẻ cuộc sống cho nhau thì Ngài vẫn có đó trong sức mạnh đồng hành.

2) Đấng phục sinh có mặt bằng những lời củng cố tin yêu

Tâm trạng của các môn đệ hôm nay trong Phúc Âm cũng vẫn là thất vọng ê chề.  Sau lưng họ là Giêrusalem đen tối, trước mặt họ là những nơi xa cũng chẳng sáng sủa gì.  Quá khứ vừa mới khép lại, tương lai chưa kịp mở ra.  Chới với, chao nghiêng.  Nhưng chính lúc ấy, Đấng Phục sinh có mặt, bằng lời Thánh Kinh sống động và hóa giải, Ngài thanh luyện các môn đệ khỏi những tình cảnh thất vọng sợ sệt và đặt họ vào một đà sống mới.

Lời Chúa chính là lời hiện diện của Đấng Phục sinh.  Nhưng tất cả còn tùy thuộc vào cách đón nhận của ta.  Sẽ không có mặt của Đấng Phục sinh nếu ta chỉ coi lời Chúa như vật phẩm điểm trang, dẫu có kính cẩn ghi chép, trân trọng giữ gìn, đeo chặt trên trán như thói quen của mấy ông biệt phái.  Sẽ không có mặt của Đấng Phục sinh nếu ta chỉ xem lời Chúa như thứ lá chắn bung xung cho một mưu đồ, nghĩa là coi lời Chúa như phương tiện để tô vẽ lên mưu lợi riêng tư.  Nhưng sẽ là một hiện diện thường xuyên ở bất cứ đâu cho bất cứ ai, nếu lời Chúa được thực thi chân thành trong đời sống.

Hai môn đệ đi làng Emmaus đã thấy ấm lòng khi nghe lời Chúa.  Các môn đệ ở lại Giêrusalem trong Phúc Âm hôm nay cũng thấy phấn khởi khi được Chúa soi sáng củng cố và đặt vào tin yêu hy vọng của đời chứng nhân.  Nếu mỗi tín hữu hiểu và sống lời Kinh Thánh, họ cũng sẽ cảm nhận được sự hiện diện của Đấng Phục sinh như những ý lực trong ngày sống, như một sức mạnh để vươn lên, cho dẫu sống chứng nhân cũng là sống với Đức Kitô trên đường thương khó.

3) Đấng phục sinh có mặt giữa những tấm bánh bẻ ra cho đời

Nếu có phút giây nào để lại ấn tượng mạnh nhất trong bài Phúc Âm, đó phải là lúc Chúa Giêsu hỏi các môn đệ xem có gì ăn không, rồi Ngài lại tự nhiên ăn cá và mật ong trước bao cặp mắt sững sờ của họ.  Ngài hỏi thức ăn không phải vì Ngài đói và Ngài ăn không phải vì cơ thể Ngài cần.  Đấng Phục sinh mà không một định luật vật lý nào có thể ngăn cản được như trong việc Ngài thoắt hiện thoắt đi đâu cần phải có thực phẩm nhân gian để mà tồn tại.  Đấng Phục sinh có mặt giữa con người không giống như kẻ hồi sinh sau tai nạn để cần phải bổ dưỡng bù trừ theo kiểu “ăn giả bữa.”  Nhưng, nếu qua việc Chúa Giêsu bẻ bánh, hai môn đệ đi làng Emmaus đã nhận ra Thầy mình, thì qua việc ăn uống này Đấng Phục sinh đã củng cố lòng tin vốn đang chao đảo hoang mang của họ.

Đấng Phục sinh ăn trước mặt các môn đệ.  Đó là một khoảnh khắc đầy ấn tượng, nhưng đã làm nên lý chứng phục sinh và ý nghĩa cuộc đời, bởi có Ngài hiện diện, nên thôi hết buồn sầu để mở ra một lối sống mới trong niềm vui.  Thảo nào các môn đệ hôm đó đã nhận lệnh lên đường làm chứng về những gì các ông đã thấy đã hiểu đã tin.

Nếu có lần nào ta chiêm ngắm Chúa Kitô như tấm bánh bẻ ra để xây dựng một thế giới mới, thì có lẽ một cách vô thức ta đã quy chiếu vào khoảnh khắc bất ngờ này.  Và nếu đúng như thế thì qua việc rước Mình và Máu Đức Kitô hôm nay, ta cũng được mời gọi để trở nên những tấm bánh, những mẩu cá, những tảng mật ong sống động biết chia sẻ nâng đỡ, vun đắp chung xây cuộc sống tốt lành tại địa bàn dân cư nơi mình sinh sống.

Ba cách hiện diện nghe như quen mà vẫn cứ lạ, nghe như gần gũi mà vẫn cứ rời xa.  Cảm tưởng quen quen lạ lạ gần gần xa xa ấy có là vì Đức Kitô Phục sinh có mặt, nhưng không hữu hình như xưa để dễ dàng mắt thấy tai nghe nữa, mà đã hiện diện vô hình chỉ gặp được bằng tin yêu hy vọng.  Và thường thì vì ta quá vô tình không nhận ra Ngài trong những khuôn mặt cuộc đời, tình huống của ta và của những người quanh ta.  Nhưng hiện diện của Đấng Phục sinh không phải là một hiện diện thụ động chỉ để ta tìm gặp, mà còn là một hiện diện chủ động khi ta biết tích cực đồng hành chia sẻ, cũng như gieo lời Chúa vào môi trường sống, rồi từng ngày nỗ lực âm thầm trở nên những tấm bánh “ăn được” cho người lân cận.

Qua thánh lễ này, ta được đồng hành bên nhau, được chia sẻ lời Chúa và được rước lấy Thánh Thể. Xin cho đời ta được đổi mới nơi địa chỉ Emmaus tinh thần này, để tới phiên ta cũng sẽ trở thành địa chỉ tinh thần mới cho cuộc sống hôm nay.

GM Vũ Duy Thống

ĐƯỢC GẶP CHÚA TRÊN ĐƯỜNG EMMAUS

ĐƯỢC GẶP CHÚA TRÊN ĐƯỜNG EMMAUS
Tuyết Mai

Đường Emmaus đây cũng có nghĩa là đường đời, đường lữ thứ ở Trần Gian mà ai ai cũng phải trải qua, chỉ có khác nhau ở giai đoạn ngắn, dài mà chúng ta sống ở trên đời này mà thôi.   Mà hễ là con cái Chúa ai đã được gặp Thầy Giêsu hẳn người ấy vui mừng khấp khởi như bắt được viên ngọc quý, về tìm bán hết mọi thứ để mua cho được thửa ruộng có viên ngọc quý ấy!.

Thường ai đã may mắn tìm gặp được Chúa Giêsu và mãi đến hôm nay vẫn được Ngài cùng đồng hành trên con đường Emmaus thì thích giới thiệu, chia sẻ về Ngài cho mọi người cùng được biết với và cách thức để nhận biết về Ngài cách rõ rệt chứ không như hai môn đệ tuy có Chúa đi cùng bên nhưng vì để cho sự đời nó che mờ hai con mắt.   Mà cách thức duy nhất là hãy tập từ bỏ dần những đam mê thú trần rất dễ làm mất linh hồn sống đời của một người.

Xưa Chúa Giêsu chỉ có vỏn vẹn một món quà giá trị nhất trên trần đời mà Ngài luôn ban tặng, chúc phúc cho các tông đồ của Ngài ấy là “Bình an cho các con” trong suốt thời gian mà Ngài sống chung với các ông.   Thật cuộc sống của các tông đồ ấy chẳng khác nào đàn gà con luôn được có mẹ chăm sóc cách chu đáo, tận tình, yêu thương và chẳng một vướng bận trên đời.   Chỉ có thỉnh thoảng các tông đồ có bàn với nhau chuyện đời thì có sự ganh nhau không nhỏ qua việc ai trong họ sẽ được làm lớn nhất trên Nước Trời.   Mà đó cũng là lẽ rất bình thường vì các tông đồ họ cũng chỉ là con người tầm thường còn mang nặng tánh tham, sân, si …

Nói chung thì các tông đồ của Chúa Giêsu cũng rất ngoan ngoãn vì đã từ bỏ tất cả mà theo Chúa để được Chúa dẫn dắt, hướng dẫn, dạy bảo, không một ngày bị đói khát mà ngược lại các ông còn được đóng góp với Ngài vào phần thánh đức, tích đức qua việc luôn luôn được ở cạnh bên để nghe Chúa Giêsu giải thích cặn kẽ, rõ rệt về Nước Trời và ý nghĩa của những dụ ngôn.   Cùng làm việc giúp đỡ, chia sẻ cho người nghèo khổ.

Được chứng kiến Chúa Giêsu chữa lành cho rất nhiều người bị bệnh lạ mà từ xưa đến nay chưa ai từng làm được giống như thế bao giờ … Như Chúa chữa lành cho người mù được thấy, người cùi hủi được sạch, người hoại huyết được lành ngay, người què và khuyết tật được đi đứng bình thường và người chết được sống lại, v.v…

Thưa sống ở trên đời nhất là ở lứa tuổi còn “Ngựa non háu đá” thì cũng khó mà gặp được Chúa lắm và cũng là con số rất đông cho các cháu đang đi tu.   Nhất là các cháu muốn đi tu nhưng còn đang đứng ở ngã ba đường chưa có quyết định hay không nhất quyết chứ nếu đã có ơn gọi thì sự đi tìm hiểu dòng nào cho thích hợp với mình hơn thì là cái lẽ đương nhiên phải nên tìm hiểu thôi.

Ai trong chúng ta nếu có lòng cương quyết “muốn” thì đều sẽ được mãn nguyện trong mọi lãnh vực, mọi điều và mọi việc ở trên Trần Gian hẳn sẽ không khó để đến được sự thành công, sự gặt hái nếu chúng ta giữ vững lập trường, can đảm, kiên nhẫn và mạnh dạn bước tới với dự tính đã được thành hình.   Chỉ trừ những ai nóng không ra nóng, lạnh không ra lạnh thì mới không gặp được Chúa hay tận trong thâm tâm người ta không muốn được gặp Chúa nhất là ngay liền bây giờ, thưa có phải?.

Nên có rất nhiều người hiện đang sống một cuộc sống rất nông nổi, nông cạn, vô cảm, vô lương tâm và rất tội lỗi.   Họ chỉ muốn được gặp Chúa ở giờ sau hết như người trộm lành được Chúa Giêsu hứa cho anh lên Trời liền ngay khi Chúa lên Trời.   E rằng chẳng ai trong chúng ta lại được may mắn như anh trộm lành ấy đâu mà rồi phải vào ở Luyện Ngục khi mà thời giờ thì trôi qua rất chậm, rất nóng so với cái nóng khắc nghiệt và thời gian ở Trần Gian này … Trong đau khổ, trong tiếng khóc lóc thở than mà ngày ra khỏi đó chẳng ai được biết!.

Do đó sự ao ước để được gặp Chúa thiết nghĩ chúng ta hết thảy nên thực thi Lời Chúa dạy là “Kính Chúa và yêu người” là đã sống trọn lề luật yêu thương của Chúa.   Amen.

** Xin bấm vào mã số để nghe và hát:
https://www.youtube.com/watch?v=MyY5rOuNCts
(Kính Chúa Yêu Người)

Y Tá của Chúa,
Tuyết Mai
04-08-15
————————–
Kính Chúa Yêu Người
(Cảm tác Lời Chúa CN 7TN, Năm A)

Trước tiên ta phải thờ Chúa
Vì Người chính thật là Vua vũ hoàn
Người, Đấng quyền năng vẹn toàn
Người càng vinh hiển Người càng thiết tha

Người có trái tim bao la
Người yêu nhân loại hơn ta yêu Người
Người tác tạo nên con người
Người cho hình dáng giống Người tạc in

Người tạo trời đất muôn hình
Bao la hùng vĩ cùng loài sinh linh
Người ban nhân loại Con mình
Làm giá cứu chuộc hy sinh cứu đời

Người dạy sống ở trên đời
Giới Răn phải giữ Lời Người phải tuân
Thánh Ý Chúa phải xin vâng
Ba đào sóng gió xin dâng lên Người

Cuộc đời ngắn ngủi người ơi!
Sống theo Lời Chúa Nước Trời của ta
Yêu nhau đối xử thực thà
Yêu nhau như thể người nhà của nhau

Đừng nên tranh chấp dành nhau
Đừng nên chống cự hãy mau làm hòa
Đừng nên dắt nhau ra tòa
Mà hãy phân xử hãy hòa trước đi

Kẻo bị người ta điệu đi
Ngồi tù chẳng biết có khi được về?
Chớ cười người chớ khinh chê!
Chớ nên kết án theo bè vu oan!

Yêu thù địch cả kẻ gian
Ai ghét bỏ, ta làm lành với họ
Cả kẻ vu khống bắt bớ
Hãy yêu thương hãy xóa bỏ hận thù

Để Cha ta, Đấng nhân từ
Trên Trời hằng luôn tha thứ yêu thương
Mỉm cười vì Người độ lượng
Cả Con Cha là tấm gương sáng ngời

Nguyện xin Thánh Linh Chúa Trời
Phù trợ nâng đỡ cuộc đời chúng con
Sớm hôm kinh nguyện véo von
Luôn sống bác ái thi ơn giúp đời

Để được kính Chúa yêu người
Giới Răn ta giữ được Người thưởng ban
Dẫu cho sống trong cơ hàn
Bình An bên Chúa cũng thành Giấc Mơ

Cuộc đời quả là giấc mơ
Sáng ngày ca hát ầu ơ ví dầu
Thiên Đàng chừ biết ở đâu?
Sống sao nên thánh dắt nhau cùng về

Quê Trời chẳng có ai chê
Nhưng sao lắm kẻ không mê tìm về?
Trần gian làm họ u mê?
Say sưa chìm đắm đam mê thú trần

Bởi chìm đắm hại bản thân
Hại chính mình, hại người thân, xã hội
Mất linh hồn mất cả Tôi
Chỉ vì hào nhoáng quỷ lôi vào tròng

Cả cuộc đời kể đi đong
Nếu không hối cải đừng mong có ngày
Nếu tin có Chúa có Thầy
Như Phê rô đắm cần tay của Ngài

Có Chúa hy vọng ngày mai
Anh em hết thảy đổi thay trong ngoài
Tâm hồn mạnh mẽ sống hoài
Kết hợp với Chúa, đồng loại hỉ hoan

*** Để cảm tạ, ngợi khen, và tôn vinh Thiên Chúa là Cha chung của tất cả chúng ta, tôi chân thành mời anh chị em hãy dùng những bài hát của tôi để hát, đem đến tận phương trời xa, để làm Sáng Danh Thiên Chúa.

Phải rửa chân cho nhau

Phải rửa chân cho nhau

Thứ năm Tuần Thánh

(ngày mai 2 tháng 4)

Dongten.net

LỜI CHÚA:  Ga 13, 1-15

1 Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.

2 Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su.3 Đức Giê-su biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa,4 nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng.5 Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.
6 Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao? “7 Đức Giê-su trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.”8 Ông Phê-rô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu! ” Đức Giê-su đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.”9 Ông Si-môn Phê-rô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.”10 Đức Giê-su bảo ông: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu! “11 Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch.”

12 Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không?13 Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa.14 Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.15 Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.

SUY NIỆM

Người biết mình sắp qua đời thường để lại di chúc cho con cái.
Di chúc nói lên ước nguyện, lời nhắn nhủ hay lệnh truyền của người sắp ra đi.
Có thể nói Thầy Giêsu khi biết cuộc Khổ Nạn gần đến
cũng đã để lại một di chúc kép cho các môn đệ dấu yêu :
Ngài đã rửa chân cho các môn đệ và nhất là Ngài đã lập bí tích Thánh Thể.
Thứ Năm Tuần Thánh là ngày chúng ta đặc biệt nhớ đến di chúc ấy.
Sống di chúc của Chúa Giêsu là cách biểu lộ tình yêu đối với Ngài.

Có nhiều điểm giống nhau nơi việc Rửa chân và lập Bí tích Thánh Thể.
Cả hai đều là những cử chỉ Thầy Giêsu làm lúc cận kề cái chết.
Cả hai đều được làm trong bầu khí một bữa ăn tối gần lễ Vượt Qua.
Vào lúc cuối đời, sau bao năm tận tụy với sứ mạng phục vụ,
Thầy Giêsu muốn gói ghém trong hai cử chỉ đơn giản ấy lễ hiến dâng đời mình.
Cả hai đều tượng trưng cho cái chết tự hạ trên thập giá.
Rửa chân đòi Thầy phải cúi xuống rất sâu, phải trở thành tôi tớ phục vụ.
Rửa chân là điều mà tôi tớ không hẳn phải làm cho chủ,
thì bây giờ Thầy làm cho trò.
Cái chết trên thập giá là sự phục vụ cao nhất được diễn tả qua việc rửa chân.
Bí tích Thánh Thể còn diễn tả cách tuyệt vời hơn cái chết hy sinh ấy.
Trong bí tích này, tấm bánh trở nên Mình Thầy bị bẻ ra và trao đi.
Rượu trở nên Máu Thầy, Máu sẽ bị đổ ra cho muôn người trên thế giới.

Trong cả hai biến cố Rửa chân và Bí tích Thánh Thể,
Thầy Giêsu đều mời các môn đệ tham dự cách tích cực.
Tham dự vào cái chết của Thầy bằng cách để cho Thầy rửa chân,
hay tham dự bằng cách ăn uống Mình và Máu Ngài.
Hai biến cố trên không phải là chuyện chỉ xảy ra một lần bởi Thầy Giêsu.
Thầy mời các môn đệ cũng làm như Thầy, và lặp đi lặp lại những cử chỉ đó.
“Anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14).
“Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy (Lc 22, 19).
Cúi xuống phục vụ tha nhân và lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể
sẽ giúp chúng ta tham dự vào cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu.

Muốn ở lại trong tình thương của Thầy Giêsu,
cần giữ lệnh Thầy truyền (Ga 15, 10).
Mà “đây là lệnh truyền của Thầy, anh em hãy yêu thương nhau
như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12).
Hơn nữa, Thầy Giêsu còn cho ta một cách khác để ở lại trong Thầy :
“Ai ăn Thịt và uống Máu tôi, thì ở lại trong tôi,
và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56).

Thứ Năm Tuần Thánh là ngày lễ của Tình Yêu theo đúng nghĩa nhất.
Yêu là cúi xuống phục vụ, yêu là bẻ đời mình cho tha nhân như Thầy Giêsu.
Ước gì chúng ta được ở lại trong tình yêu của Giêsu nhờ biết yêu.

LỜI NGUYỆN

Lạy Thầy Giêsu,
khi Thầy rửa chân cho các môn đệ
chúng con hiểu rằng Thầy đã làm một cuộc cách mạng lớn.
Thày dạy chúng con một bài học rất ấn tượng
khi Thầy bưng chậu nước, bất ngờ đến với các môn đệ trong bữa ăn,
khi Thầy cúi xuống, dùng bàn tay của mình để rửa chân rồi lau chân cho họ.
Chắc Thầy đã nhìn thật sâu vào mắt của từng môn đệ và gọi tên từng người.
Giây phút được rửa chân là giây phút ngỡ ngàng và linh thánh.

Lạy Thầy Giêsu,
thế giới chúng con đang sống rất thấm bài học của Thầy.
Chúng con vẫn xâu xé nhau chỉ vì chức tước và những đặc quyền, đặc lợi.
Ai cũng sợ phải xóa mình, quên mình.
Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi bất chấp lương tri và lẽ phải.
Khi nhìn Thầy rửa chân, chúng con hiểu mình phải thay đổi cách cư xử.
Không phải là ban bố như một ân nhân, nhưng khiêm hạ như một tôi tớ.
Từ khi Thầy cúi xuống rửa chân cho anh Giuđa, kẻ sắp nộp Thầy,
chúng con thấy chẳng ai là không xứng đáng cho chúng con phục vụ.

Lạy Thầy Giêsu,
Thầy để lại cho chúng con một di chúc bằng hành động.
Thầy đã nêu gương cho chúng con noi theo,
để rửa chân chẳng còn là chuyện nhục nhã, nhưng là mối phúc.
Xin cho chúng con thấy Thầy vẫn cúi xuống trên đời từng người chúng con,
để nhờ đó chúng con có thể cúi xuống trên đời những ai khổ đau bất hạnh.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J