LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT THẬT BẤT CÔNG?

LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT THẬT BẤT CÔNG?

(Suy tư nhân lễ Lòng Chúa Thương Xót)

 “Em đạo dòng. Đạo từ đời ông cố, ông sơ. Ông nội em là ông trùm cả 20 năm liền. Bà nội em không từ nan một việc gì khi giúp các Đấng. Đến thời Cha Mẹ em cũng đóng góp không biết bao nhiêu là thời gian cho việc nhà Chúa. Vợ chồng em cũng theo gương ấy mà cộng tác đủ các việc nhà thờ…. Nhưng, lắm lúc buồn lắm anh ạ. Nhìn lại cái cảnh nhà mình, không giống ai. Ông xã em với chiếc xe cánh én hơn 20 năm rồi, cọc cạch cọc cạch đi lễ đi làm việc nhà thờ. Có mấy lần bị thiên hạ mời và bị hỏi: “Làm ở nhà thờ lương tháng bao nhiêu mà hăng vậy?”. Thấy mà thương! Mấy đứa nhỏ đi học ở Sài gòn, đứa nào cũng phải tự bươn chải vừa học vừa làm kiếm tiền học phí, tiền ăn, tiền nhà trọ…Tội nghiệp!

 Mấy hôm nay chuẩn bị Lễ Lòng Chúa Thương Xót, có vài người đến nói với chồng em xin cho họ được làm chứng về LCTX trong Đại Hội. Nghe chuyện vài người kể với nhà em, người thì được ơn chữa lành, người trúng đất, người mới mua được đất, người mua được xe…, đủ các thứ mà người ta cho là Lòng Chúa Thương Xót đã thương xót họ. Hầu hết đó là những người mà trong con mắt em họ chẳng ra chi, hoặc là người tân tòng mới theo đạo vài năm mà ra vẻ, hoặc là người đã từng tội lỗi công khai, giang hồ, tai tiếng mà nay đi đâu cũng Chúa Xót Thương, Chúa Thương Xót….

 Trong số những người xin làm chứng, đáng kể nhất là một người tân tòng: một chị, lấy chồng đạo được 9 năm nay. kể rằng: ban đầu, chị đến với LCTX nhờ mấy chị bạn rủ đi đọc kinh và chị đã kêu cầu Chúa như vái tứ phương, cầu may, hên xui. Không ngờ Chúa đã ban cho chị được như ý. Ông bố của chị ghét đạo kinh khủng, đến mức đã không cho chị theo đạo, rồi khi chị có đứa con trai là thằng cu Bin, vợ chồng chị đem con đi rửa tội và mời Ông ngoại sang ăn đầy tháng. Ổng không đến, không cho bà ngoại đến, cấm các cậu các dì đến, còn chửi em thậm tệ: “Mới đẻ, nó có tội gì mà đè nó ra xối rửa”. Từ đó, ổng từ chị luôn. Đến với Lòng Chúa Thương Xót, chị chỉ xin là “nếu bố con có ghét Chúa thì kệ ổng, xin cho ổng đừng ghét con”. Hơn sáu tháng chị van vái cầu may, chị thấy bố thay đổi. Chiều thứ năm tuần thánh 5-4-2012, tự động ổng đến thăm Cu Bin, nay đã 7 tuổi rồi, cho cu Bin 100 ngàn. Ổng nói: “Mai, là ngày Chúa tụi mày chết, rồi nghe nói vài hôm ổng sống lại. Tao qua thăm tụi mày. Cho Cu Bin 100 ngàn nè. Nói với ổng nếu tao có chết, thì cho tao sống lại với”. Thế là chị nghĩ Lòng Chúa Thương Xót đã thương xót chị. Chuyện Ba với Chúa thì chưa biết, nhưng ít là Ba của chị đã đến thăm con, cháu…

 Anh nghĩ xem, có phải thấy mà phát ghét, nghe mà phát ganh, nhìn mà phát điên tiết không! Chúa có Lòng Thương Xót như vậy sao? Thật bất công quá! Em đạo dòng…. Xin Chúa hoài mà chẳng thấy Chúa ban cho điều gì. Còn mấy thứ ngưòi kia….”.

 Thiết nghĩ, trong chúng ta không ít người có lòng ganh tỵ như người kể chuyện trên đây. Có khi phản ứng bất bình với Chúa còn hơn như vậy nữa. Phát ghét, còn đỡ hơn là người thấy người khác được Chúa Xót Thương mà đâm ra thù hận, tìm cách hại người.

 Ước gì mỗi chúng ta đều nhận ra Lòng Chúa đang Thương Xót từng người, và ban ân lộc cho từng người “như mưa xuống trên ruộng người lành, lẫn ruộng kẻ dữ’. Thiên Chúa không bất công nhưng Ngài khôn ngoan và cân nhắc cho con cái Ngài từng chút một, từng việc nhỏ. Ngài luôn dành cho chúng ta những gì tốt nhất theo ý Ngài, không phải tốt nhất theo ý của chúng ta. Mà, ý tốt nhất của Thiên Chúa là “để chúng ta được cứu rỗi”, “để chúng ta được sống đời đời” kẻo uổng công trình trút hết giọt máu, giọt nước cuối cùng để chết đi vì yêu rồi sống lại vì yêu, sống lại để người mình yêu được sống lại.

 Trở lại câu chuyện của chị đạo dòng, thiết tưởng, chị phải nhận ra rằng Chúa đã ban cho cả họ tộc của chị, và cho chồng chị nữa một ơn đặc biệt là sống nghèo hèn thanh thoát trước của cải phù vân, sống cho danh Thiên Chúa cả sáng, cho Nước Thiên Chúa trị đến… là đã sống trước cuộc sống phục sinh ngay trên dương thế này rồi. Như vậy, chắc hẳn sẽ khác với những người đang sống ở trần gian mà không tin có đời sau, không tin sự sống lại,  không dám chắc một cuộc sống mai hậu chứ? Hơn nữa, của cải vật chất Chúa ban cho là để chúng ta sử dụng cho được Nước Trời, được sống đời đời, nào phải để chúng ta hưởng dùng cho thoải mái ở đời này đâu.

 Tôi không dám giải thích gì cho chị, người kể. Nhưng bất ngờ, qua một chị bạn của chị, tôi mới hiểu một nguyên nhân vui vui là: “Người ta lên đời cả rồi, bạn chị, đứa thì Air Blade, đứa thì Atila, đứa còn có chiếc 7 chỗ, còn chị, ngồi sau chiếc cánh én cũ rích mà mắc cỡ…”.

Lạy Chúa, ai trong chúng con cũng có thể giống như chị kia, luôn than thở trách móc Lòng Chúa Thương Xót bất công quá. Xin cho chúng con nhận ra lòng Chúa Xót Thương không bao giờ bất công cả, vì Chúa là Đấng Khôn Ngoan, luôn dành cho mỗi chúng con điều tốt nhất là cho chúng con được phục sinh trong Nước Thiên Chúa.

Amen.

PM. Cao Huy Hoàng, 14-4-2012

Nhắc lại vụ ám sát Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II

Nhắc lại vụ ám sát Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II và bức ảnh mới được công bố

Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô đến thăm và tha thứ cho tay súng Mehmet Ali Agca đang bị giam trong tù (bìa tạp chí Time)

TẠI SAO NGƯỜI TÍN HỮU LUÔN HY SINH VÀ THA THỨ ?????
Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
Ngày 1 tháng 5 năm 2011 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Benedict, thay mặt Giáo Hội, đã vinh phong Đức Cố Giáo Hoàng lên bậc Chân Phước. Nhân dịp này, xin giới thiệu bạn đọc một biến cố quan trọng nhất trong xẩy ra trong cuộc đời Đức cố Giáo Hoàng thân yêu chúng ta. Biến cố này xẩy ra vào ngày 13 tháng 5 năm 1981, ngày ngài bị ám sát. Chính ngày đó, ngài đã được cứu sống nhờ sự can thiệp của Đức Maria… 

Vào ngày 13.5.1981, tên khủng bố Mehmet Ali Agca, người Thổ Nhĩ Kỳ, đã cố ý giết chết Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bằng ba phát súng lục trong một cuộc tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô ở Roma. Mãi cho đến hôm nay nguyên nhân vụ ám sát Đức Gioan Phaolô II của Ali Agca vẫn chưa được hoàn toàn giải thích một cách rõ ràng, mặc dù người ta đã biết được rằng Agca thừa hành lệnh của mật vụ Bảo Gia Lợi (Bulgarie).

Sự nghi ngờ cho rằng vụ ám sát Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là được Breschnew, Chủ tịch nhà nước và đảng trưởng Đảng cộng sản Liên Sô, sắp xếp và được cơ quan mật vụ Liên Sô KGB ở Mạc Tự Khoa trao cho mật vụ Bảo Gia Lợi thi hành, đã lan rộng ra liền ngay sau vụ ám sát.

Riêng Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, hiện là TGM của Krakau/Ba Lan, và là vị thư ký lâu năm của Đức Gioan Phaolô II – kể từ khi ngài còn là Tổng Giám Mục Kraukau mãi cho tới hết 26 năm làm Giáo Hoàng -, thì hoàn toàn xác tín rằng: «Nói một cách khách quan thì hoàn toàn không thể tin được là Ali Agca chỉ là kẻ hành động lẻ loi một mình và tất cả mọi sự đều chỉ do một mình y thực hiện mà thôi».

Trong các hồ sơ vụ việc người ta thấy có ghi nhận là bộ An ninh Quốc gia của Đông Đức đã nhận lãnh sứ mệnh tìm cách làm giảm thiểu bớt trách nhiệm cho «cơ quan tuyên truyền của người anh em» Bảo Gia Lợi về việc ám sát Đức Gioan Phaolô II. Tuy nhiên, trên thực tế các sự thú nhận hay các bằng cứ chắc chắn và rõ ràng về vụ ám sát thì mãi cho tới nay người ta vẫn chưa nắm hết được.

Đúng vậy, cho tới nay những lý do thầm kín phía sau vụ ám sát vẫn chưa được giải thích rõ ràng. Chỉ một điều chắc chắn là Bộ chính trị trung ương Liên Sô đã nhiều lần bàn luận về việc «làm sao có thể giải quyết dứt điểm vấn đề Ba Lan». Ông John O. Koehler, một ký giả người Hoa Kỳ, thì khẳng định là ông đã đọc một hồ sơ được viết vào tháng 11 năm 1979, có ghi các chữ ký của các thành phần thuộc Bộ chính trị trung ương của Liên Sô cũ, trong số đó có cả chữ ký của ông Michail Gorbatschow.

Quả vậy, vào tháng 11.1979 chính là lúc ông Gorbatschow đang đảm nhận chức Tổng bí thư của trung ương Đảng cộng sản Liên Sô, nhưng ông lại chưa phải là thành viên của Bộ chính trị trung ương. Những quyết định về các phương thức hành động của cơ quan mật vụ KGB chỉ được một số rất ít các đảng viên cao cấp quyết định mà thôi.

Trong một hồ sơ hiện đang được lưu trữ ở Văn khố quốc gia tại Mạc Tư Khoa có ghi: «Cần phải tận dụng tất cả mọi phương tiện khả dĩ để dẹp tan một khuynh hướng chính trị mới do vị Giáo Hoàng người Ba Lan khởi xướng đang chớm nở, và nếu cần thì phải sử dụng cả những phương tiện thông tin ngụy tạo và làm mất tín nhiệm.»

Còn riêng Đức Gioan Phaolô II chỉ bị trọng thương qua vụ ám sát. Và việc ngài sống sót là cà một phép lạ. Dĩ nhiên, sức khỏe vốn cường tráng trước kia của ngài đã bị ảnh hưởng rất nặng bởi vụ ám sát, khiến ngài phải chịu đau đớn thường xuyên, kéo dài mãi cho tới lúc ngài băng hà năm 2005.

Hai năm sau vụ ám sát, vào ngày 23.12.1983, Đức Gioan Phaolô II đã đích thân vào phòng giam thăm tên khủng bố Ali Agca, nói chuyện với y và nhất là ngài đã tha thứ cho y.

ĐHY Stanislaw Dziwisz tường thuật lại là trong cuộc gặp gỡ và nói chuyện này tại nhà tù, Ali Agca chỉ lặp đi lặp lại với Đức Thánh Cha một câu hỏi duy nhất:

«Tại sao Ngài lại không chết? – Tôi biết chắc chắn là tôi đã nhắm rất trúng đích. Tôi cũng biết rằng phát đạn tôi bắn ra có hiệu quả tàn phá và gây tử thương một cách chắc chắn. Nhưng tại sao Ngài lại không bị tử thương?»

Về phần Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thì hoàn toàn xác tín rằng chính nhờ bàn tay hiền mẫu của Đức Mẹ Fatima che chở nên ngài mới có thể thoát chết một cách lạ lùng như thế. Bởi vì, ngày ngài bị ám sát tại Rôma – ngày 13 tháng 5 (1981) – cũng chính là ngày Đức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ chăn chiên năm xưa tại Fatima, ngày 13 tháng 5 (1917). Hơn nữa, theo Đức Gioan Phaolô II, thì vị Giám Mục mặc áo trắng phải chịu đau khổ nhiều mà Đức Mẹ đã cho ba trẻ trông thấy trong một thị kiến khi hiện ra với ba trẻ tại Fatima, chính là ngài.

Do đó, đúng một năm sau vụ ám sát (1982), Đức Gioan Phaolô II đã đích thân đi hành hương Fatima để tạ ơn cứu sống của Đức Mẹ và trong dịp này ngài cũng mang theo một trong các đầu đạn mà Mehmet Ali Agca đã bắn vào ngài để dâng kính Đức Mẹ. Và kìa một sự lạ lùng đã làm chính Đức Gioan Phaolô II và tất những người chứng kiến không khỏi sửng sốt và kinh ngạc, là đầu viên đạn mà ngài mang theo kia khi được gắn vào một lỗ hổng duy nhất còn sót lại ở mão triều thiên trên đầu tượng Đức Mẹ Fatima, mà các đoàn thể phụ nữ Bồ Đào Nha đã dâng cúng cho Đức Mẹ vào năm 1946, thì hoàn toàn vừa vặn như thể người ta đã cốt ý làm cái lỗ hổng đó sẵn cho viên đạn vậy.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Và đây là bức ảnh mới được công bố gần đây, cho thấy sự can thiệp nhiệm mầu của Đức Mẹ Maria vào ngày Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô bị ám sát, ngày 13 tháng 5 năm 1981

Chúng ta không hiểu tại sao Đức thánh Cha Gioan-Phaolô II đã muốn cất dấu tấm hình chụp nầy trong nhiều năm. Vatican đã vừa mới công bố tấm hình chụp nầy lần đầu tiên. Tấm hình được một vệ sĩ của Người chụp ngay chính lúc Đức Thánh Cha bị tấn công và đang ngã xuống trong chiếc xe đặc chế (papamobil) của Người. Các bạn có thể nhìn thấy đau đớn hiện trên mặt Người.

Joaquin Navarro Valls, phát ngôn nhân Toà Thánh vào thời gian đó, đã tuyên bố người ta mất nhiều năm để nghiên cứu tấm hình chụp khó tin nầy và tất nhiên là về chất lượng rửa hình, vì khi được chuẩn bị kỹ càng, không ai có thể nhìn rõ ràng bởi vì tấm hình không sáng sủa. Cuối cùng, sau nhiểu kiểm duyệt và tìm tòi, dưới sự kiểm soát của các chuyên gia nhiếp ảnh trên thế giới, họ đã quyết định không hề có “giả mạo’ thuộc thuật nhiếp ảnh và ngày nay họ cho chúng ta món quà đẹp đẽ nầy về Mẹ Thiên Chúa.

Các bạn có thể nhìn thấy Mẹ Thiên Chúa ôm Đức Gioan-Phaolô II trong tay Mẹ.

Lm Nguyễn Hữu Thy

Không thấy mới gọi là tin

Không thấy mới gọi là tin

Ðức tin là gì? Nói một cách cho dễ hiểu thì đức tin nghĩa là tôi tin vào điều mà khoa học và những giác quan không kiểm chứng hoặc không hoàn toàn kiểm chứng được. Ví dụ như tôi tin có Chúa là vì tôi cảm nghiệm có một bàn tay vô hình nào đó luôn che chở phù trì tôi trong cuộc đời, dù rằng tôi không thể chứng minh cho mọi người thấy được điều đó. Tôi tin tôi có linh hồn bất tử bởi vì mỗi khi làm một điều gì xấu, tôi cảm thấy lương tâm áy náy và bất an, trong khi một điều tốt thường đem lai cho tôi một tâm hồn binh an thanh thản. Tôi nghĩ, nếu tôi phải nhìn thấy Chúa, nghe tiếng Chúa nói, đụng chạm đến Ngài y như các môn đệ ngày xưa rồi tôi mới tin, thì đó chưa hẳn là đức tin đúng theo nghĩa của nó. Nếu chính mắt tôi nhìn thấy Chúa hiện ra, tôi nghe lời Chúa nhắn nhủ, và tôi đụng chạm tà áo Ngài thì tôi không còn là tin nữa mà là tôi đã gặp Ngài và biết Ngài.
 
Trong bài Phúc Âm Chúa Nhật Thứ Hai Sau Phuc Sinh, Ông Tôma đòi gặp Chúa Giêsu, nhìn thấy những lỗ đinh, và thọc ngón tay vào cạnh sườn Ngài rồi thì mới tin. Chỉ có vậy mà muôn đời ông bị gán cho một biệt danh là “kẻ cứng tin.” Kể ra thì cũng hơi oan cho ông, vì nếu tôi được đặt vào hoàn cảnh của ông, chưa chắc tôi đã tin mà có khi còn cho các môn đệ là những kẻ dễ bị lừa. Một điều rất quan trọng nơi đức tin của Tôma là lần thứ hai Chúa hiện ra với ông sau tám ngày. Trong lần này,
không những ông tin vào Ðức Kitô, mà ông còn tuyên xưng một niềm tin tuyệt hảo, có giá trị cứu độ, “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi” (Gioan 20:28). Trong bốn Phúc Âm, chỉ có vài người đạt được niềm tin cỡ như Tôma hôm nay: Ðó là lời ông Phêrô tuyên tín “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sông” (Mt, 16:16) và lời thốt lên của viên sĩ quan nhìn lên Chúa chết trên thập giá, “quả thật! người này đúng là Con Thiên Chúa” (Mc, 15:39). So sánh ba lời tuyên tín trên, ta thấy lời của Toma đạt được đỉnh cao vào bậc nhất, “Lạy Chúa tôi! Lay Thiên Chúa của tôi” (Gioan 20:28). Nếu Tôma không “nghi ngờ” một chút nào cả thì chưa chắc ông đạt đến một đức tin như thế. Có thể sau khi ông nghe những lời tường trình về việc Chúa hiện ra và đàm đạo với các môn đệ, ông suy đi nghĩ lại con người Giêsu mà ông theo đuổi bấy lâu nay. Cũng có thể ông bị dằn vặt với đức tin của ông vào Ðức Kitô Phục Sinh. Nhưng chính trong sự suy nghĩ bằng khối óc, sự đắn đo và chiến đấu với niềm tin của ông về Ðức Kitô, mà ông đã đạt được, tiếng Anh gọi là “come to believe,” một niềm tin cao nhất về Ðức Kitô Phục Sinh.
 
Ta nên biết rằng Tin Mừng Gioan thường nhấn mạnh đến dấu lạ và niềm tin đạt được qua những dấu lạ đó. Ðan cử như là trường hợp của ông Nicôdemô đã đàm đạo với Chúa suốt đêm, để rồi ông có cảm tình hơn với Chúa và sau này ông đã bênh vực và táng xác Chúa. Chị phụ nữ Samaria cũng thế, đã lắng nghe và tâm sư với Chúa và rồi đức tin của chi đã triển nở đến độ chạy đi loan báo cho mọi người về Ðức Kitô. Rồi đến anh mù từ thủa mới sinh đã vất vả chiến đấu với niềm tin của mình cho dù bị các niên trưởng và giới lảnh đạo chửi mắng và kết án, và ngay cả cha mẹ cũng từ bỏ anh. Lạ lung thay, anh đã đạt được đỉnh cao của niêm tin vào Chúa Kito đến độ cúi xuống bái lạy Ngài.
 
Vậy thì việc Tôma không tin ngay vào những lời các môn đệ không nhất thiết một là điều xấu, cũng như chúng ta nghe về phép lạ này phép lạ kia từ người này hay người nọ. Thỉnh thoảng chúng ta cảm thấy thắc mắc và hơi nghi ngờ về môt điểm nào đó trong việc thực hành đạo. Có lúc chúng ta chứng kiến nhiều biến động trong tâm hồn cũng như trên thế giới như là tai sao người lành gặp đau khổ trong khi kẻ ác cứ sống phây phây và ta tự hỏi “Không biết có Chúa không.? Sao tôi đau khồ qúa?”
 
Những thắc mắc và câu hỏi kiểu như thế trong thử thách không hẳn là xấu, mà có khi lại cần thiết nữa. Ðiều quan trọng là chúng ta vẫn tin vào Chúa và biết cách dùng những ân huệ Chúa ban để hiểu thêm những điều mình tin. Chúa cho chúng ta khối óc và những giác quan thì phải đem ra mà sử dụng. Phải có tinh thần học hỏi, phải suy niệm, đôi lúc cũng phải có sự chiến đấu nôi tâm. Ðức tin phải từng trải và phải chịu đau đớn cũng như Ðức Mẹ dưới chân thập giá; cũng như Abraham đem con một lên núi tế lễ; và như ông Gióp khổ sở vì mất con cái nhà cửa và chịu lở loét bênh tật.  Đặc biệt nhất là như Chúa Giêsu chịu khổ nạn và đau đớn trên thánh gía đến nổi phài thốt lên, “Lạy Chúa tôi; lạy Chúa Trời tôi; sao Chúa bỏ tôi.” 
 
Chắc chắn những nhân vật này có một đức tin rất vững chắc bởi vì họ đã chịu thử thách đến tận cùng và họ đã trở thành những anh hùng của đức tin.  Họ là sự ứng nghiệm của câu ca dao nổi tiếng Việt Nam, “Lửa thử vàng. Gian nan thử đức.”
 
 
 
Lm Trịnh Ngọc Danh

Phúc thay những người không thấy mà tin

           Phúc thay những người không thấy mà tin  (Ga.20;29) 

                                                                                  Fx. Đỗ Công Minh (Gx Lộc Hưng)

         Lạy Chúa,

        Bài Tin Mừng Chúa nhật thứ hai Phục sinh hôm nay, Chúa cho con có dịp soi rọi niềm tin của con vào Thiên Chúa và Hội Thánh Người.

          Đọan Tin mừng thuật lại việc Chúa hiện ra với các tông đồ đã qúa quen thuộc với con. Lời Chúa nói với ông Tô-Ma chúng con vẫn thường nói cho nhau nghe:”Phúc cho kẻkhông thấy mà tin” mỗi khi có ai còn nghi ngờ về một điều nào đó  “khó tin mà có thật “ hôm nay. Rồi chúng con cũng còn mạnh miệng phê phán Tô-Ma ngày ấy là người cứng lòng vì đã có đến 10 người làm chứng Chúa đã sống lại và hiện ra, nhưng ông vẫn không chịu tin, dẫn đến thái độ lên án anh chị em: “cứng lòng như Tô-Ma “.

          Ngày hôm nay, con đang sống trong một xã hội mà ở đó hằng ngày xảy ra biết bao điều giả dối, lừa lọc.Trên các phương tiện truyền thông biết bao tin tức, sự kiện “ảo” được loan báo. Những chiêu quảng cáo hấp dẫn nhưng không có thật diễn ra một cách công khai. Rồi trong quan hệ giữa người với người, bao lời hứa hão của người trên đối với kẻ dưới, những lời thề thốt của người này với người kia không được thực hiện, khiến cho câu nói :”thấy mới tin “ hay :”Nói vậy nhưng không phải vậy” trở thành câu nói quen thuộc trên môi miệng con người thời đại.

          Con có tin Chúa đã sống lại ?

          Con có tin có Chúa thật ?

          Trong đời sống đạo, con tự nhận mình là người tin Chúa, con vẫn tuyên xưng mỗi khi tham dự Thánh lễ Chúa nhật và lễ trọng. Nhưng những lời tuyên xưng ấy nào có ý nghĩa gì nếu cuộc đời con không thay đổi từ sự Phục sinh của Chúa. Lòng tin của con nếu không có những hành động cụ thể đi kèm hầu biến đổi đời con, thay đổi thái độ sống của con, theo gương Chúa, nơi anh chị em đang cùng sống với con, thì dù có được Chúa hiện ra như Người đã hiện ra với TôMa, tận mắt nhìn thấy Chúa, tận tay xỏ vào lỗ đinh nơi bàn tay Chúa chưa chắc con đã sống niềm tin ấy được .

          Xin cho con, trong cuộc sống mỗi ngày luôn biết minh chứng niềm tin của mình. Con thật có phúc vì chưa thấy được Chúa hữu hình, nhưng con tin và chính niềm tin ấy sẽ giải thóat con khỏi mọi sự dữ, giúp con trở nên người con yêu dấu của Chúa.

 AMEN.

RA KHỎI MỒ

                                               RA KHỎI MỒ

                                                 Suy Niệm Lời Chúa CN Phục Sinh 2012

 “Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”

Phêrô và Gioan cũng đến mồ và chỉ thấy còn lại: “những khăn liệm để đó”, “những dây băng nhỏ để đó”, “khăn liệm che đầu cuộn lại để riêng một chỗ”.

Chúa Giêsu đã sống lại và đi ra khỏi mồ. Ngôi mộ trống. Đúng là: “theo Thánh Kinh, thì Người phải sống lại từ cõi chết”. (x.Ga 20, 1-9)

 Đối với các Kitô hữu công giáo hôm nay, thì việc Chúa Giêsu sống lại là một tín điều, buộc phải tin. Nhưng khổ nỗi, điều gì buộc thì cũng không thoải mái cho bằng điều tự nguyện. Vì thế, từ đức tin “buộc phải tin” đến đức tin “tự nguyện tin”, các tín hữu Chúa đã phải trải qua hành trình “sống niềm tin phục sinh”, cảm nhận được niềm vui kỳ diệu, và cuối cùng là tự nguyện tin và tin tuyệt đối.

 Tin vào Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh không phải là niềm tin nói, niềm tin viết, niềm tin giảng dạy thuyết pháp, niềm tin tranh luận phân tích, càng không phải là niềm tin phong trào hay lễ hội, nhưng là niềm tin được thể hiện bằng chính sự anh dũng dám buông bỏ tất cả, dám hy sinh tất cả, dám chết cả bạc tiền, cả danh dự, cả sự nghiệp, và cả những nhu cầu của cuộc sống thế trần này, để chỉ đổi lấy một sự sống lại ngay lúc này và mai sau. Người ước được sống lại ngay lúc này, là người biết mình đang bị giam hảm, đang mất tự do, đang bị nô lệ thần chết, hay đúng hơn, sống mà như đang chết trong tội lỗi. Người sống mầu nhiệm phục sinh, sống niềm vui phục sinh phải là người được thoát ra khỏi vòng giam hảm, người được tự do, người tinh tuyền trong trắng. Ấy vậy, khi suy gẫm về mầu nhiệm phục sinh, thì “ta hãy xin cho đặng sống lại thật về phần linh hồn”. Cách hành văn câu kinh có vẻ cũ kỹ, nhưng chất chứa một ý nghĩa luôn luôn mới, luôn luôn thời sự cho mỗi chúng ta.

 Bạn và tôi có thể đã nhận bao nhiêu lời chúc mừng, bao nhiêu tin nhắn, cuộc điện thoại, điện thư với nội dung: “Alleluia. Mừng Chúa Sống Lại” hoặc “Alleluia. Happy Easter” trong ngày Đại Lễ Phục Sinh. Nhưng thử hỏi: có ai mừng lễ tôi, mừng lễ bạn mà dám gửi cho chúng ta câu này “Bạn đã sống lại thật về phần linh hồn chưa?” để nhắc nhở chúng ta rằng: chỉ có “sống lại thật về phần linh hồn” mới là niềm vui chính đáng của tôi, của bạn trong ngày Đại Lễ.

Thật đáng tiếc, chúng ta đã và đang Mừng Chúa Sống Lại như một lễ hội, hơn là mừng biến cố sống lại của chính linh hồn mình.

 Này nhé, chúng ta đã qua một mùa chay nhiệm nhặt. Đã qua một tuần thánh sốt sắng buông bỏ mọi thứ ở đời, sốt sắng đến với tòa cáo giải, sốt sắng tham dự phụng vụ và những giờ ngắm…sốt sắng…ủ dột…phiền não…

Hôm nay, Đại Lễ Phục Sinh. Luật Hội Thánh buộc nghỉ việc xác để chúng ta mừng lễ. Nhưng mừng lễ thế nào? Mừng Chúa sống lại và mừng chúng ta được sống lại thật về phần linh hồn chứ?

Hay là mừng lễ như thế này:

Người chuẩn bị con heo quay, người con cầy tơ, người mấy con gà đi bộ hay dăm con vịt…mấy thùng bia, vài lít rượu hoặc ngơm ngã hơn là kiếm một chai Tây cho oách. Người mời thêm vài thân hữu, vài đồng nghiệp, vài người hàng xóm. Cứ nghĩ ăn càng to, khách càng đông thì như vậy là mừng lễ cách long trọng, xứng mặt anh hùng, đúng tầm đại gia hay ra vẻ nghệ sĩ sành điệu nhất. 10g sáng nhập tiệc mừng đại lễ. Cứ chén thoải mái. Tàn tiệc rồi mà chưa bí tỉ thì kéo nhau đi “tăng” hai vừa hát karaoke vừa lai rai thêm vài thùng nữa cho đến hồi vừa nói nói tiếng tây lẫn tiếng tàu, vừa vung tay lẫn đá chân đi hàng hai hàng ba mất thăng bằng. Đã vậy, còn đưa nhau đi “tăng” ba, phòng trà ca nhạc hay quán cà phê ôm nào mờ mờ ảo ảo cho nó sướng cái người. Mừng hết một ngày lễ Phục Sinh, chơi luôn đêm, xả láng sáng về sớm.

Đội quân tín hữu tóc dài cũng không kém. Nghỉ việc xác và mừng lễ Phục sinh lại là cơ hội chứng tỏ mình là phụ nữ mới trong cái xã hội gọi là giải phóng. Mà cụ thể nhất là giải phóng phụ nữ khỏi cái thân phận “trong nhà” để bà cũng được hưởng chế độ “ngoài cửa” khỏi lãng phí một đời hoa. Họ là những người buôn bán. Ai cũng đứng một sạp ở chợ. Mừng lễ, năm bảy chị thuê bao một chiếc 16 chỗ đi dã ngoại Phục Sinh. Ở đó, họ đã hẹn với cũng năm bảy ông cán bộ thuế vụ, công an. Và họ vui chơi thoải mái. Mừng lễ Phục sinh lại là cơ hội giảm thuế, cơ hội làm ăn. Khuya mới về. Như thế là mừng lễ.

Những người hơi có tí tuổi, đã vậy, thì trách chi tuổi trẻ. Quán nhậu nào cũng đông khách, cũng ồn ào. Quán karaoke nào cũng hết phòng, có phòng một cặp, có phòng đôi ba cặp trai gái. Đâu đâu cũng nghe thấy tiếng xe đua inh ỏi, ngửi thấy mùi khói khét, thi thoảng, kinh hồn hơn, lại có vài vụ ẩu đả…

Sáng thứ hai, tuần mới bắt đầu. Mùa phục sinh mới bắt đầu. Và đâu rồi lại cũng vào đấy. Chờ đến sang năm, sẽ mừng lễ to hơn…

 May mắn thay, tôi được nghe kể lại có người ăn mừng lễ cách điệu nghệ hơn nhiều: Sau thánh lễ Phục Sinh, họ về nhà ăn điểm tâm phục sinh với vợ con một tí, rồi hẹn nhau một chuyến đi bất ngờ. Hai ông chở nhau trên chiếc Honda 79 cũ kỷ. Quần áo hơi luộm thuộm lùa thùa nếu không nói là chỉ vừa tươm tất chút nhưng không có vẻ gì là sang trọng cả. Họ vào làng kia, trong hóc núi. Họ định với nhau đóng vai người đi mua củ mì tươi để đến thăm từng nhà trong hóc núi. Ở đó, hai ông đã tìm được những niềm vui Phục Sinh lạ thường: Ít là có 7 gia đình công giáo trong hóc núi. Họ chẳng biết hôm nay lễ Phục Sinh.

-“Lâu rồi, tui không đến nhà thờ vì xa quá, lại chẳng có đứa mô chở đi”.

-“12 năm rồi tui chưa xưng tội ông à. Nhưng tui nghĩ ở mãi trong hóc núi nầy cũng chẳng có cái tội gì ngoài tội không xưng tội”.

-“Dạ, em đã trốn vào ở đây để làm rẫy được 3 năm rồi. Ban ngày, một mình với trời đất thiên nhiên, ban đêm, một mình với Chúa. Em không về dự lễ ở Giáo Xứ em, sinh dịp cho họ nguyền rủa em mà mang tội. Thỉnh thoảng về nhà thờ Chánh Tòa Phan Thiết xưng tội, dự lễ, rồi lại trở vào đây. Năm nay không dự lễ Phục Sinh được vì chị hàng xóm người lương,  bên cạnh nhà em kìa, đang hấp hối”.

 Có thể bạn còn nhiều cách mừng lễ hay hơn, đẹp hơn, nhưng thiết nghĩ không có cách nào tuyệt vời hơn là sống lại với Đức Kitô, cùng Đức Kitô ra khỏi mồ. Vâng, vì niềm vui Phục sinh đã được chuẩn bị từ một mùa chay thành tâm sốt sắng, một tuần thánh thánh thiện là để đi đến quyết định “ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn”.

Vậy như Chúa Giêsu đã sống lại thật và đi ra khỏi mồ, mỗi tín hữu Chúa mừng Đại Lễ Phục Sinh của Chúa cũng chính là mừng cho mình có những quyết tâm sống lại và ra khỏi mồ, quyết tâm không trở lại nằm trong những nấm mồ tội lỗi nữa.

Ra khỏi mồ, và không bao giờ trở lại nấm mồ ích kỷ, tham lam đã từng chôn chặt đời mình chung với những bó tiền vô nghĩa chất đống chẳng sinh ích lợi gì cho phần rỗi đời mình.

Ra khỏi nấm mồ dững dưng hờ hững từng chôn chặt đời mình trong tối tăm làm cho đôi mắt mình không thể ngó ra ngoài cái ngục tù kinh khủng ấy để nhìn thấy được bao nỗi đọa đày của nhân gian.

Ra khỏi nấm mồ vô cảm vô tâm từng chôn chặt con tim mình như con tim đóng băng lạnh lùng không có chỉ một chút lòng trắc ẩn, thương người.

Ra khỏi những nấm mồ nhơ nhớp dưới dáng vẻ sang trọng tiện nghi của những khách sạn, nhà hàng, sàn nhảy, từng giam hảm đời mình trong thú vui nhục dục.

Ra khỏi nấm mồ kiêu căng tự phụ để có thể nhận ra mình là hạt bụi tiểu tốt vô danh…

Hãy tưởng tượng, hãy hình dung, và hãy nhận thực ra rằng chúng ta đang sống trong những nấm mộ khi ta hãy đang còn sống.

Và hãy nhớ cho rằng sống niềm tin và niềm vui phục sinh là khẩn trương ra khỏi những nấm mồ ấy, và không bao giờ trở lại nữa.

Vâng, nấm mồ đời tôi, nấm mồ đời bạn, không là những nấm mồ trong tương lai như những nấm mồ hiện tại ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa, hay nghĩa trang Giáo Xứ của tôi của bạn -trong đó, thân xác con người đang thối vữa, đang tan biến thành cát bụi chóng vánh, may ra, còn lại cái hộp sọ ghê rợn và vài chiếc xương khô mòn phai dần theo thời gian, năm tháng, nhưng là nấm mồ tội lỗi ngay hôm nay đang chôn chặt linh hồn mình. Nấm mồ cứ đầy hơn, cửa mồ mỗi kiên cố hơn, khi chúng ta bằng lòng để cho tội lỗi ngập ngục, khống chế.

 Hãy anh dũng bước ra khỏi mồ.

“Thứ năm thì gẫm, Đức Chúa Giêsu sống lại. Ta hãy xin cho đặng sống lại thật về phần linh hồn”.

 Nguyện xin ơn Phục Sinh của Chúa Giêsu giúp chúng con anh dũng đi ra khỏi những nấm mồ tội lỗi, để chúng con “đặng sống lại thật về phần linh hồn” và được hân hoan niềm vui phục sinh ngay khi còn sống trên dương gian này . A men.

        PM. Cao Huy Hoàng, 08-4-2012

                       

 

Tại sao phải cầu nguyện?

 

 
“Bạn không thể nói yêu một người mà bạn không hề nghĩ đến người đó, tâm sự với người đó, và chứng tỏ tình yêu của mình qua hành động đối với người đó!”
 
Bạn thân mến,
 
Sau khi bài viết “Cầu Nguyện Như Thế Nào?” được gởi đi, thì có một bạn email hỏi tôi là:
“Khi cầu nguyện thì mình nên nói những gì?” Câu hỏi này làm tôi liên tưởng đến một câu chuyện khá thú vị mà tôi xin chia sẻ với quý bạn như sau:
 
Hồi đó tôi khoảng độ 9, 10t, rất tinh nghịch, tò mò, và hay chọc phá người khác. Gần nhà tôi có một công viên, và cứ khoảng chập tối, thì có nhiều cặp tình nhân đến đó ngồi tâm sự hay tán tỉnh gì đó. Vì tôi tò mò muốn biết họ nói với nhau những gì, nên tôi mới rủ thêm một thằng bạn cũng trạc tuổi với tôi, lén ra ngồi sau một cặp tình nhân để rình nghe lén họ nói chuyện với nhau. Chúng tôi còn bàn tính với nhau là sẽ đốt một viên pháo đại trước khi “rút quân” để cho “địch” hốt hoảng khỏi “truy nã” và chúng tôi dễ bề tẩu thoát. Lần đầu tiên chúng tôi nghe họ nói những chuyện mà chúng tôi chưa từng được nghe, và tôi thấy cũng hơi lạ và ngồ ngộ. Nhiều khi tôi cũng thấy buồn cười nhưng phải ráng nhịn. Quay qua thằng bạn, tôi thấy nó cũng đang lấy tay bịt miệng để khỏi cười thành tiếng. Trong lúc 2 đứa chúng tôi đang hồi hộp nín thở vì câu chuyện đang “hấp dẫn”, thì đột nhiên thằng bạn “phải gió” của tôi nó hắt xì một cái thật to, thế là 2 chúng tôi phải bỏ chạy….. mất dép!
 
Tôi nghĩ là nếu tôi lén ghe nhiều cặp khác nhau thủ thỉ, thì tôi cũng sẽ được nghe những lời tâm sự khác nhau. Trong vấn đề cầu nguyện cũng vậy, không ai cầu nguyện giống ai, vì cách tỏ tình mỗi người mỗi khác.
 
Trở lại vấn đề cầu nguyện, như tiêu đề của bài viết, thì cầu nguyện không phải là một việc nên làm, nhưng là một việc phải làm! Đó là điều răn thứ nhất trong 10 điều răn của Thiên Chúa: “Phải thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự.”
Nếu tôi nói tôi kính mến Chúa, mà tôi lại không cầu nguyện cùng Chúa, thì tôi là một kẻ nói dối. Có lẽ bạn cũng đồng ý với tôi về điểm này?
 
 
Cầu nguyện Là gì?
 
Trước khi nói về vấn đề phải cầu nguyện, tôi xin được giải thích cầu nguyện là gì. Vì nếu chúng ta không hiểu cầu nguyện là gì, thì chúng ta cũng không thể hiểu tại sao chúng ta phải cầu nguyện. Tôi thường được nghe nhiều người giải thích:  “Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Chúa”. Lời giải thích tuy ngắn gọn, nhưng rất mơ hồ, và không giúp ích được gì cho người ta biết cầu nguyện thế nào cho đúng. Nếu nói “cầu nguyện là tâm sự với Chúa”, thì có lẽ dễ hiểu và đúng nghĩa hơn, vì cầu nguyện không phải chỉ là độc thoại, chỉ có ta nói chuyện với Chúa, nhưng ta cũng phải lắng nghe Ngài nói với ta (qua Kinh Thánh và qua những biến cố trong
cuộc đời).
 
Theo như Kinh Thánh đã dạy, thì cầu nguyện là:
 
a)  Chúc tụng, ngợi khen, tôn vinh Thiên Chúa như trong Kinh Lạy Cha và Kinh Sáng
      Danh, và lắng Nghe Lời Chúa như Chúa Cha đã phán khi Chúa Giêsu biến hình trên
      núi Tabore: “Đây là Con Ta yêu dấu, các con hãy lắng nghe Lời Người!”  (Mc. 9:7)  
 
b) Tạ ơn, và xin ơn như trong Kinh Lạy Cha.
 
     Trong trường hợp cầu nguyện cùng Đức Mẹ cũng vậy, trong phần 1 của Kinh Kính
     Mừng, chúng ta chúc tụng, tôn vinh và ngợi khen Mẹ, và phần 2 của Kinh Kính Mừng
     là chúng ta cầu xin Mẹ cầu bầu cho chúng ta.
 
 
Có nhiều lý do mà chúng ta phải cầu nguyện, nhưng tôi chỉ xin được chia sẻ với quý bạn một ít lý do căn bản và thiết yếu như sau:
 
1)      Cầu nguyện để khỏi bị cám dỗ và thoát khỏi sự dữ.
2)      Cầu nguyện là thể hiện lòng tin, cậy, mến một cách thiết thực nhất.
3)      Cầu nguyện là thể hiện sự công bằng.
4)      Cầu nguyện là điều kiện thiết yếu để nên thánh.
5)      Cầu nguyện là trở nên giống Chúa Kitô.
 
 Cầu nguyện để khỏi bị cám dỗ và thoát khỏi sự dữ.
 
Nếu quý bạn theo dõi hằng ngày trên báo chí, truyền hình và trên Internet,  quý bạn thấy là khắp nơi trên thế giới, kể cả những nước tân tiến như Anh, Mỹ, Pháp, Ý, Nhật, v.v…. đều xảy ra những thiên tai, nhân tai, bạo loạn, ngộ độc, bệnh tật, scandals, v.v… GHCG bị bách hại từ những thế lực trần thế, từ những tổ chức bí mật, từ những tổ chức công khai với những chiêu bài “tự do”, “bình đẳng”, “nhân quyền”, “từ thiện bác ái”, v.v… và đau buồn hơn nữa, là chính những người trong GH lại bách hại GH nhiều nhất và gây nên những sự hoang mang cho đoàn chiên của Chúa! Nếu như chúng ta không cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ và để thoát khỏi mọi sự dữ, thì chúng ta làm sao tránh khỏi những nguy hiểm đang rình rập khắp nơi?
 
“Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến, và để có thể đứng vững trước mặt Con Người.” (Lc. 21:36)
 
“Anh  em hãy tỉnh thức mà cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ, vì tinh thần thì nhanh nhẹn, nhưng thể xác thì nặng nề”. (Mc. 14: 38)
 
Các môn đệ hỏi Chúa Giêsu: ”Tại sao chúng con lại không thể trừ quỷ đó được?” Chúa Giêsu đáp: ”Loại quỷ đó không thể trừ được, nếu không cầu nguyện và ăn chay.” (Mc. 9,20-29).
 
Cầu nguyện và ăn chay có thể có thể ngăn ngừa được chiến tranh, thiên tai, bệnh tật, và nhiều sự dữ khác. Bởi nhiều người không nghe lời khuyên của Mẹ Fatima, nên thế ngày nay mới lâm vào tình trạng “văn minh sự chết”. 
 
 Cầu nguyện là thể hiện lòng tin, cậy, mến một cách thiết thực nhất.
 
Nếu chúng ta không cầu nguyện, có nghĩa là chúng ta không tin rằng Thiên Chúa là Cha của chúng ta; hoặc nói cách khác, là chúng ta không cần Thiên Chúa! Chúng ta tin vào chính mình hơn là chúng ta tin vào Ngài. Theo thời gian. Chúng ta có thể mất đức tin lúc nào mà chúng ta cũng không hay. Đức tin được tăng trưởng qua sự cầu nguyện. Nếu không cầu nguyện, đức tin  dễ bị thoái hóa (yếu dần), hoặc biến hóa (lạc giáo). “Thầy bảo các con: hãy xin và sẽ được ban cho, hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gõ cửa thì sẽ được mở. Bời vì ai xin thì nhận được, và ai tìm thì sẽ thấy và ai gõ thì sẽ được mở” (Lc. 11,9-10).
 
Khi chúng ta muốn xin sự giúp đỡ của người khác, thì chúng ta hy vọng là người đó sẽ giúp chúng ta. Nếu chúng ta không hy vọng là người đó có thể giúp chúng ta, thì chúng ta không dại gì mất công và mất thì giờ để cầu xin người đó. Đối với Thiên Chúa cũng vậy, khi chúng ta cầu nguyện xin Chúa giúp chúng ta, thì chúng ta cũng hy vọng là Chúa sẽ ban cho chúng ta, nếu chúng ta cầu xin với niềm xác tín, và những điều chúng ta xin là chính đáng và đẹp lòng Ngài.
 
Nếu bạn yêu ai, thì bạn mới tâm sự với người đó. Trừ khi chúng ta cầu nguyện theo thói quen, Chúng ta sẽ cảm thấy cầu nguyện là một niềm hạnh phúc, vì chúng ta được tâm sự với Người Cha và Người Mẹ tuyệt hảo và yêu thương chúng ta nhất. Bằng chứng là có những vị thánh,
như thánh Đa Minh, thân ngài bay bổng lên không trung khi ngài cầu nguyện. Ngài có thể
cầu nguyện suốt đêm trước Thánh Thể mặc dù sau một ngày dài làm việc mệt nhọc, vì ngài cầu nguyện với tất cả niềm tin, cậy, mến một cách trọn hảo.
 
Khi chúng ta cầu nguyện cho một linh hồn trở lại, thì cả Thiên Đàng vui mừng. Đó là chúng ta thể hiện lòng yêu mến đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân một cách thiết thực nhất. Còn gì cao quý hơn, khi chúng ta cầu nguyện cho những kẻ thù ghét và ngược đãi mình? Chỉ khi chúng ta ở trong Chúa, và Chúa ở trong chúng ta, thì chúng ta mới làm được những điều đó.
 
Tôi bảo các ông: Cũng vậy, trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải, hơn là vì chín mươi chín người công chính, những kẻ không cần phải ăn năn (Lc.15:7)
 
“Các con hãy yêu thương kẻ thù địch, làm ơn cho những người ghét chúng con, chúc lành cho những người nguyền rủa các con, cầu nguyện cho cả những người vu cáo chúng con…”
(Lc. 6: 27-28).
 
“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em.”
(Mc. 5,44)
 
 Cầu nguyện là thể hiện sự công bằng.
 
Theo như kinh nghiệm của tôi, thì khi tôi được ơn hoán cải, là không phải do tôi, mà do những lời cầu nguyện của nhiều người khác mà tôi cũng không biết những người đó là ai. Một con chim bị nhốt vào lồng thì tự nó không thể nào thoát ra được. Bởi vậy, khi chúng ta cầu nguyện, thì chúng ta cũng phải cầu nguyện cho những người đã cầu nguyện cho chúng ta, mặc dù chúng ta không biệt họ là ai. GHCG là GH thông công, nên mọi người cũng cầu nguyện cho nhau, và đó là luật công bằng: được nhận thì cũng phải cho đi.
 
 Cầu nguyện là điều kiện thiết yếu để nên thánh.
 
Bạn không thể nên thánh nếu bạn không thích cầu nguyện! Đối với các thánh nhân, các ngài
rất hạnh phúc khi cầu nguyện. Các ngài muốn có cơ hội để được cầu nguyện. Nếu chúng ta nói “phải cầu nguyện”, thì đó chỉ là cầu nguyện một cách tiêu cực. Chỉ khi nào chúng ta thích được cầu nguyện, thì chúng ta mới có hy vọng trở nên thánh, nghĩa là chúng ta đã tìm được Nước Trời ở nơi trần thế này.
 
 Cầu nguyện là trở nên giống Chúa Kitô.
 
Trước khi Chúa Giêsu đi rao giảng, thì Ngài bắt đầu bằng 40 ngày đêm ăn chay cầu nguyện và chịu ma quỷ cám dỗ. Mặc dù Thánh Kinh không đề cập tới Ngài nhiều trước khi Ngài bắt đầu sứ mạng của Ngài, chắc chắn là Ngài cũng rất thường cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha. Trong thời gian 3 năm rao giảng, Kinh Thánh nhiều lần có đề cập tới việc cầu nguyện của Chúa Giêsu. Ngài cầu nguyện sáng tối, và có khi Ngài thức suốt đêm để cầu nguyện.
 
“Sáng sớm hôm sau khi trời hãy còn tối, Chúa Giêsu thức dậy ra khỏi nhà. Ngài đến một nơi vắng vẻ và cầu nguyện ở đó” (Mc. 1,35).
 
“…Và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.” (Lc 6,12)
 
Nếu bạn yêu một người nào, thì bạn cũng muốn trở nên giống người đó. Bạn thích những gì người yêu thích: “yêu nhau yêu cả đường đi”. Nếu bạn yêu mến Chúa Giêsu, thì bạn cũng
muốn trở nên giống Ngài. Bạn không thể trở nên giống Ngài nếu bạn không có sự liên hệ mật thiết với Ngài qua sự cầu nguyện. Có khi chúng ta nói yêu Chúa Giêsu, nhưng chúng ta chỉ
thích nhìn những phép lạ Người làm, thích nghe những Lời Người giảng dạy, và thích chiêm ngắm khi Ngài lên Trời, nhưng chúng ta không thích thấy Ngài ăn chay cầu nguyện, không thích thấy Ngài đánh đuổi các con buôn trong đền thờ, không thích nghe Ngài lên án quở trách những người luật sỹ và Pharixieu, không thích thấy Ngài vác thập giá và chịu chết treo trên thập giá. Chúng ta không muốn mình phải trở nên giống Chúa, nhưng chúng ta muốn Chúa phải trở nên giống mình. Chúng ta không muốn tuân phục GH, nhưng chúng ta muốn GH phải theo ý riêng của chúng ta. Những trường hợp đó, chắc chắn là chúng ta không cầu nguyện, hoặc chúng ta cầu nguyện không đúng, không đẹp lòng Chúa, vì chúng ta  không muốn vâng theo ý Chúa, nhưng chúng ta  muốn Chúa theo ý chúng ta.
 
 Cầu nguyện phải đi đôi với việc làm, sự hy sinh (ăn chay hãm mình), và lòng tin cậy mến.
 
“Không phải những người thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng là những người thi hành ý muốn của Cha Thầy, là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt. 7,21).
 
Nếu bạn yêu một người, mà bạn chỉ có nói mà không chứng minh bằng việc làm cụ thể đối với người đó, thì người đó sẽ nghĩ gì về bạn? Con người ta khôn lanh hơn ma quỷ ở chỗ là: “những gì tốt là do mình làm ra, còn những gì xấu là do ma quỷ”. Nhiều khi ma quỷ cũng bị oan ức lắm, nhưng xét cho cùng thì nó cũng đáng thôi! Nhiều khi chúng ta cho rằng những của cải chúng ta có được là do công lao khó nhọc của chúng ta làm ra. Nhưng chúng ta quên mất một điều, là nếu Chúa không ban cho chúng ta tài năng sức lực, thì chúng ta cũng không có được những của cải đó. Nhiều khi chúng ta đem của cải giúp đỡ những người nghèo khó mà không vì tình yêu mến Chúa, thì cũng chẳng khác gi chúng ta, nói theo kiểu dân gian,  “mượn hoa cúng Phật”. Những gì chúng ta có riêng ta để dâng lên Thiên Chúa chính là tấm lòng tin yêu, những sự hy sinh hãm mình, chịu đựng những đau khổ và nghịch cảnh trong cuộc sống, và sự quan tâm tới tha nhân.
 
Hy vọng những sự chia sẻ của tôi, không phải chỉ là một mớ lý thuyết, nhưng là những kinh nghiệm và cảm nghiệm của cả một đời người, có thể giúp cho những bạn trẻ tìm được hạnh phúc thật sự ngay giữa trần thế đầy chông gai và thử thách này…!
 
Cám ơn quý bạn đã cùng tôi chia sẻ, và xin Chúa chúc lành cho qúy bạn và những người thân!
 
San Jose, ngày 7, tháng 7, năm 2011
 
Joseph V. Bùi