ĐỨC MẸ FATIMA (ĐỨC MẸ MÂN CÔI)

ĐỨC MẸ FATIMA (ĐỨC MẸ MÂN CÔI)
Đức Mẹ Fatima là một trong số nhiều tước hiệu mà giáo hội dành cho Đức Trinh Nữ Maria. Tước hiệu này phát xuất từ việc Đức Mẹ hiện ra 6 lần với 3 em bé chăn cừu làng Fatima (Bồ Đào nha) là Lucia dos Santos, Francisco Marto và Jacinta Marto từ ngày 13.5 tới ngày 13.10.1917.
Tước hiệu Đức Bà Mân Côi cũng được dùng để chỉ Đức Trinh Vương Maria đã hiện ra này. Ba em bé kể rằng, bà đẹp đã đích thân xưng mình là “Đức Mẹ Mân Côi“.  Từ hai tước hiệu trên gộp lại thành: “Đức Mẹ Mân Côi Fatima”
Bối cảnh lịch sử
Năm 1917, Fatima là 1 giáo xứ nông thôn gồm khoảng 2.500 người cư ngụ rải rác trong khoảng 40 thôn xóm. Mọi người đều lao động trên các đồng ruộng. Các trẻ em cũng phải giúp đỡ cha mẹ những việc nhẹ như chăn dắt bò, dê, cừu vv…Phần lớn dân cư đều mù chữ, chỉ có khoảng 10% phụ nữ biết đọc, biết viết.
Các gia đình Dos Santos và Marto cư ngụ trong thôn Aljustrel. Gia đình Dos Santos có 1 bé gái là Lucia, sinh ngày 22.3.1907. Gia đình người em họ Marto có 1 con trai là Francisco Marto, sinh ngày 11.6.1908 và 1 con gái là Jacinta Marto, sinh 11.3.1910. Ba em bé này thường chăn dắt đàn cừu tại bãi cỏ ở triền đồi gọi là «Cova de iria», cách thôn chừng 2 km.
Trong năm 1915, Lúcia, Francisco và Jacinta đã gặp thiên thần hiện ra với chúng ở bãi này. Khi về nhà thuật lại với cha mẹ, chúng bị cha mẹ mắng, cho là đặt chuyện nói láo. Mùa xuân và mùa hè năm 1916, thiên thần lại hiện ra với các em và dạy các em cầu nguyện như sau :
« Lạy Chúa !
Con tin, con thờ lạy
Con trông cậy và con yêu mến Chúa.
Con xin Chúa tha thứ cho những ai không tin, không thờ lạy,không trông cậy,và không yêu mến Chúa. »
Đức Mẹ hiện ra lần đầu
Ngày 13.5.1917, vào lúc trưa, 1 bà mặc áo trắng toát hiện ra với 3 em bé chăn cừu, nói với các em là hãy lần chuỗi, đọc kinh Mân Côi hàng ngày để cầu nguyện cho thế giới chấm dứt chiến tranh, được hòa bình. Trước khi biến đi, Bà bảo 3 em hãy trở lại nơi đây đúng giờ trưa ngày 13 tháng sau.
Jacinta còn qúa nhỏ mới có hơn 6 tuổi nên quên giữ kín , về nhà thuật lại sự việc cho cha mẹ nghe. Tin này loan truyền nhanh khắp làng. Mọi người tỏ ra  không tin. Vị linh mục chính xứ hỏi Lúcia, nhưng cũng không tin. Trong báo cáo gửi lên giám mục cai quản giáo phận Leiria, vị linh mục quản xứ viết : «cần phải xa lánh chuyện này».
Đức Mẹ hiện ra lần thứ hai
Ngày 13 tháng 6, đúng giờ trưa, 3 em lại tới nơi hẹn, theo sau có khoảng vài chục người tò mò đến xem sự thể ra sao. Mọi người lần chuỗi đọc kinh mân côi thì Đức Mẹ lại hiện ra với 3 em, và nhắc lại với Lúcia về tầm quan trọng của việc đọc kinh Mân Côi. Hãy câu nguyện dâng kính «trái tim vô nhiễm Maria», đồng thời Đức Mẹ cũng báo trước cái chết của
2 anh em Francisco và Jacinta : «Mẹ sẽ sớm đưa Francisco và Jacinta về trời, còn con, con sẽ ở lại thế gian một thời gian nữa. Chúa Giêsu muốn dùng con để loan truyền cho mọi người biết ta và yêu mến ta». Đức Mẹ cũng yêu cầu Lucia đi học chữ để dễ loan báo lời Đức Mẹ cho các người khác.
Các người đi theo không nhìn và nghe thấy gì. Họ chỉ nhìn thấy cành cây nhỏ (mà
Đức Mẹ đứng) trĩu xuống dưới 1 sức nặng, rồi đột nhiên bật lên (khi Đức Mẹ biến
đi)
Đức Mẹ hiện ra lần thứ ba
Ngày thứ Sáu 13.7.1917, «bà mặc áo trắng» lại hiện ra với 3 em – có khoảng 4.000 người theo sau. Đức Mẹ vẫn nhắc Lucia việc đọc kinh Mân Côi mọi ngày, để  chiến tranh chóng chấm dứt. Lần này Đức Mẹ tiết lộ cho 3 em “bí mật” gọi là “bí mật Fatima”. (Năm 1942, 2 bí mật đầu đã được công bố, còn bí mật thứ 3 thì mãi tới năm 2000, Giáo Hội mới công bố).
Đức Mẹ hiện ra lần thứ tư
Ngày 10.8.1917, viên chánh tổng – 1 người chống đối hàng giáo sĩ – đòi 3 em Lucia, Francisco và Jacinta tới để tra hỏi, nhưng không có kết quả, nên ông rất bực bội.
Ngày 13.8, có khoảng 18.000 người tới nơi Đức Mẹ hiện ra chờ xem sự lạ. Ông ta
nhốt 3 em vì làm rối loạn trật tự công cộng và tiếp tục tra hỏi, nhưng vẫn hoài công. Rốt cuộc cho đến ngày 15.8, ông ta phải thả 3 em ra.
Chúa nhật 19.8, khi 3 em dẫn đàn cừu tới thả ở bãi Cova de iria, Đức Mẹ lại hiện ra với 3 em, yêu cầu các em nói với mọi người cầu nguyện cho các người tội lỗi mau thống hối và hứa sẽ làm 1 phép lạ cho mọi người tin.
Đức Mẹ hiện ra lần thứ năm
Ngày 13.9, có khoảng 30.000 người tụ họp tại bãi Cova de iria, cầu nguyện cùng với 3 em. Đức Mẹ lại hiện ra với 3 em và cho biết tháng sau, sẽ có Chúa, Đức Mẹ núi Carmêlô, thánh Giuse và Chúa Hài đồng Giêsu sẽ cùng tới.
Đức Mẹ hiện ra lần thứ sáu
Ngày 13.10.1917, mưa như trút nước trên bãi cỏ Cova da Iria. Một đám đông khoảng 70.000 người – kể cả nhiều phóng viên chụp hình và các ký giả tụ tập tại đây lần chuỗi, đọc kinh cầu nguyện. Lúc giữa trưa, Đức Mẹ hiện ra với 3 em và yêu cầu cho xây 1 nguyện đường tại đây để vinh danh Đức Trinh Vương Maria. Đức Mẹ cũng loan báo thế chiến thứ nhất sẽ sớm chấm dứt và yêu cầu những kẻ có tội hãy mau sám hối.
Khi Đức Mẹ biến về trời thì mưa ngưng rơi, mặt trời xuất hiện trên bầu trời xanh biếc. Đám đông đã có thể nhìn thẳng vào mặt trời và thấy mặt trời nhảy múa, tung ra các chùm tia
sáng nhiều màu. Mặt trời từ trên cao lao xuống thấp gần trái đất, khiến đám đông sợ hãi la lên và qùy xuống cầu nguyện. Việc lạ xẩy ra trong khoảng 10 phút, sau đó mọi sự trở lại bình thường. Những người lúc trước quần áo dầm mưa ướt đẫm sau khi mặt trời sa xuống đều khô ráo cả. Hiện tượng này được hầu hết đám đông chứng kiến, và một số người ở
cách đó mấy dặm cũng nhìn thấy.
(Trong thời gian này, các nhà khoa học trên thế giới không hề ghi nhận 1 hiện tượng khác thường nào của mặt trời).
Trong khi đó, riêng 3 em nhìn thấy Thánh Gia, rồi Đức Mẹ Sầu Bị, Chúa Hài Đồng
Giêsu và sau chót là Đức Mẹ núi Carmêlô lần lượt xuất hiện như đã hứa trước với
3 em.
Số phận 3 em chăn cừu
Francisco và Jacinta qua đời sớm trong đợt dịch cúm Tây Ban Nha Francisco mất năm 1919, một năm sau Jacinta mất năm 1920. Cả 2 em đã được ĐGH. Gioan Phaolô II nâng lên hàng đáng tôn kính (venerable) ngày 13.5.1989 và được phong chân phước ngày 13.5.2000. Mộ của 2 em hiện nằm trong lòng Vương cung thánh đường Fatima.
Còn Lucia ngày 24.10.1925 vào tu viện dòng Dorothea ở Pontevedra (Galicia, ở Tây Ban Nha). Năm 1928 khấn lần đầu ở Tuy (Tây ban nha).
Năm 1925 và 1929, Lucia lại được Đức Mẹ hiện ra với mình. Tháng 10.1934, Lucia vĩnh khấn và lấy tên thánh Đức Mẹ Maria Sầu Bi.
Sau nhiều năm điều tra, Đức Giám Mục da Silva, giáo phận Leiria, trong thư mục vụ ngày 13.10.1930 đã công nhận sự kiện Đức Mẹ hiện ra với 3 em nói trên ở Fatima và chính thức cho phép việc tôn sùng Đức Mẹ Fatima.
Lucia được lệnh đã viết các hồi ký về sự kiện trên gồm 4 bản (versions) :
1 bản năm 1935, 1 năm 1937, 1 năm 1941 và 1 đầu năm 1942.
Năm 1946, nhân kỷ niệm 300 năm ngày dâng nước Bồ Đào Nha cho Đức Trinh Nữ Maria, sứ thần tòa thánh là Đức Hồng Y Masella đã đội (vương miện) triều thiên lên tượng Đức Mẹ Fatima, với sự tham dự chứng kiến của khoảng 600.000 tín hữu hành hương. Vương miện này do các phụ nữ Bồ Đào Nha cung hiến để cảm tạ Đức Mẹ đã gìn giữ Bồ Đào Nha trong cuộc thế chiến thứ nhất.
Từ năm 1948, Lúcia vào tu trong đan viện dòng kín Carmêlô ở Coimbra (Bồ Đào
Nha), dưới tên nữ tu Lucia Trái Tim Vô nhiễm nguyên tội.
Lucia từ trần ngày 14.2.2005 ở tuổi 97.
Đúng như lời Đức Mẹ nói với Lucia là:
con còn phải ở lại và nói với mọi người là hãy:
“Hãy Ăn Năn Đền Tội”
“Hãy Tôn Sùng Mẫu Tâm Mẹ”
“Hãy Năng Lần Hạt Mân Côi”
Rồi đây nước Nga sẽ được thoát ách cộng sản vô thần, và chính Chị và chúng
ta đã được chứng kiến những điều này như lời Đức Mẹ hứa.
Thanh Sơn
13.10.2012
Kỷ niệm 95 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima tìm hiều và tóm lược.
Maria Thanh Mai gởi

Hướng về linh địa Fatima

Hướng về linh địa Fatima

 

Khi hiện ra tại Fatima (Bồ Đào Nha), Đức Mẹ đã nhắn nhủ: “Hãy lần chuỗi Mân Côi
hằng ngày… Hãy cầu nguyện nhiều và dâng những hy sinh để cầu cho các tội nhân… Ta là Mẹ Mân Côi. Chỉ có Mẹ mới có thể giúp các con. …Cuối cùng, Trái tim Vô nhiễm của Mẹ sẽ thắng”.

Tháng Mười lại về. Tháng Mười nhắc chúng ta nhớ lại lời khuyên của Đức Mẹ: Ăn
năn đền tội, tôn sùng Mẫu Tâm, siêng năng lần chuỗi Mân Côi.

Chữ Rosary (Chuỗi Mân Côi) nghĩa là “Triều thiên Hoa hồng” (Crown of Roses).
Đức Mẹ đã mặc khải cho một số người biết rằng mỗi lần đọc kinh Kính Mừng là dâng
cho Mẹ một đóa hồng tươi đẹp và lần xong một chuỗi Mân Côi là dâng cho Mẹ một
triều thiên hoa hồng.

Hoa hồng là hoa của các loài hoa, chuỗi Mân Côi là hoa hồng của mọi lòng sùng kính, do đó mà hoa hồng quan trọng nhất. Chuỗi Mân Côi được coi là lời cầu nguyện hoàn hảo vì trong đó có câu chuyện về ơn cứu độ của chúng ta. Qua chuỗi Mân Côi, chúng ta suy niệm các mầu nhiệm Vui, Thương, Mừng của Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Đó là lời cầu nguyện khiêm nhường, khiêm nhường đến nỗi như Đức Mẹ. Đó là lời cầu nguyện chúng ta cùng đọc với Mẹ Thiên Chúa. Với kinh Kính Mừng, chúng ta mời Đức Mẹ cùng cầu nguyện cho chúng ta. Đức Mẹ luôn ban cho chúng ta những điều cần. Đức Mẹ nối kết lời cầu nguyện của Mẹ với lời cầu nguyện của chúng ta. Do đó lời cầu nguyện ấy hữu ích hơn bao giờ hết, vì điều Mẹ xin thì Mẹ đều nhận được, Chúa Giêsu không bao giờ từ chối Mẹ điều gì.

Trong mỗi lần hiện ra, Mẹ luôn mời gọi chúng ta lần chuỗi Mân Côi vì đó là vũ khí mạnh để chống lại ma quỷ, đem bình an thực sự đến cho chúng ta. Qua lời cầu nguyện cùng với Mẹ, chúng ta có thể nhận được tặng phẩm giá trị là biến đổi tâm hồn và hoán cải. Qua lời cầu nguyện hằng ngày, chúng ta xua đuổi nguy hiểm và ma quỷ xa chúng ta và quê hương chúng ta. Chuỗi Mân Côi là lời cầu nguyện lặp đi lặp lại như hai người yêu nhau lặp lại nhiều lần với nhau: “Tôi yêu bạn”.

Trong lần hiện ra ngày 13-7-1917 tại Fatima, Đức Mẹ dạy cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con, xin cứu các linh hồn cho khỏi hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên Thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến Lòng Chúa Thương Xót hơn” (O my Jesus, forgive us our sins, save us from the fires of hell, and lead all souls to Heaven, especially those in most need of Your Mercy).

Phanxicô (Francisco) qua đời ngày 4-4-1919 và Giaxinta (Jacinta) qua đời ngày
20-2-1920. Trước khi giả từ cõi thế, Giaxinta cho biết một ít nhưng đó là những
câu quan trọng. Đây là những lời của Đức Mẹ:

Nhiều linh hồn sa hỏa ngục vì tội xác thịt hơn là vì các lý do khác. Những tội đó xúc phạm Chúa rất nặng. Nhiều cuộc hôn nhân không tốt, họ không làm vui lòng Chúa và không thuộc về Thiên Chúa. Các linh mục phải khiết tịnh, rất khiết tịnh. Họ không được bận rộn với bất cứ thứ gì khác ngoài việc quan tâm Giáo hội và các linh hồn. SỰ BẤT TUÂN CỦA CÁC LINH MỤC ĐỐI VỚI CÁC BỀ TRÊN VÀ ĐỨC  GIÁO HOÀNG LÀ RẤT LÀM MẤT LÒNG CHÚA. Đức Mẹ không thể ngăn cản bàn tay của Chúa Con khỏi trừng phạt thế giới vì nhiều tội trọng.

Hãy nói với mọi người rằng Thiên Chúa ban ân sủng qua Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ
Maria. Hãy bảo họ cầu xin ân sủng từ Mẹ, và Thánh Tâm Chúa Giêsu muốn được tôn
kính cùng với Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ Maria.

Luxia (Lucia) vào Dòng Tiểu muội Thánh Dorothy để học đọc và học viết, sau đó
vào Dòng Coimbra và ở đây cho đến cuối đời.

Ngày 10-12-1925, nữ tu Luxia được thấy Chúa Giêsu Hài Đồng và Đức Trinh Nữ
Maria trong phòng riêng ở tu viện. Đức Mẹ cho bà thấy Trái Tim Mẹ bị gai quấn
xung quanh, rồi Đức Mẹ nói với nữ tu Luxia:

Này con, hãy xem Trái Tim Mẹ bị gai nhọn quấn xung quanh, đó là những người vô
ơn đã đâm vào mỗi khi họ phỉ báng và vô ơn… Con hãy nói với mọi người thế
này:

1. Hãy xưng tội ngày thứ Bảy đầu tháng trong 5 tháng,

2. Rước lễ,

3. Lần chuỗi Mân Côi,

4. Và dành cho Mẹ 15 phút mà suy niệm về 15 Mầu nhiệm Mân Côi, với tâm tình đền
tội, Mẹ hứa giúp họ trong giờ lâm chung bằng những ơn cần thiết để được rỗi
linh hồn.

Trong lần hiện ra ngày 13-7-1917, Đức Mẹ nói: “Mẹ sẽ đến xin thánh hóa nước Nga”. Và Đức Mẹ đã làm điều đó vào ngày 13-6-1929, khi hiện ra với Luxia tại nhà nguyện Dòng Thánh Dorothy, thuộc thành phố Tuy. Luxia nói: “Con đã xin được phép của bề trên và linh mục giải tội cho làm Giờ Thánh từ 11 giờ trưa đến nửa đêm, vào các ngày thứ Năm và thứ
Sáu”.

Đức Mẹ nói với Luxia: “Thời giờ đã đến, điều mà Thiên Chúa yêu cầu Đức thánh
cha, cùng với các giám mục trên thế giới, là dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ, hứa cứu nước Nga bằng cách này. Cũng có nhiều linh hồn mà công lý của Thiên Chúa kết án vì phạm tội xúc phạm đến Mẹ, và Mẹ đã đến yêu cầu đền tội: Hãy hy sinh vì ý này và hãy cầu nguyện”.

Ngày 13-10-1917, khi ba trẻ được bao quanh với khoảng 70.000 người dù trời mưa
như trút, Luxia hỏi Đức Mẹ: “Mẹ muốn gì ở con?”. Đức Mẹ trả lời: “Ta là Mẹ Mân
Côi. Mẹ muốn có một nhà nguyện tại đây để tôn kính Mẹ, và để mọi người cùng lần
chuỗi Mân Côi hằng ngày. Chiến tranh sẽ chấm dứt. Chiến tranh hết thì các binh
sĩ sẽ trở về gia đình”. Luxia hỏi: “Con có thể xin Mẹ chữa lành và hoán cải,
được không Mẹ?”. Đức Mẹ nói: “Một số người thì được, một số người khác thì
không. Điều cần là họ phải xin lỗi vì tội của họ, họ đừng xúc phạm Thiên Chúa
nữa, vì họ đã xúc phạm quá nhiều”. Luxia hỏi: “Mẹ còn muốn gì khác ở con
không?”. Đức Mẹ nói: “Mẹ không muốn gì nữa”.

Những lời đối thoại thật giản dị và dễ thương, nhưng những lời đó như đang xoáy
vào tận đáy lòng chúng ta!

ĐGH Piô XI đã không dâng nước Nga như lời Đức Mẹ yêu cầu Luxia làm, nhưng ngài
đã dâng cả thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, cách riêng nhắc tới nước Nga.
ĐGH Piô XII đã làm điều tương tự vào năm 1942, và sau đó dâng hiến dân tộc Nga
vào năm 1952.

Ngày 13-5-1982, sau 1 năm bị ám sát tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày 13-5-1981, cũng là dịp kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra lần thứ nhất tại Fatima, ĐGH Gioan Phaolô II đã tới linh địa Fatima để tạ ơn Đức Mẹ và gặp nữ tu Luxia (một trong ba trẻ được Đức Mẹ hiện ra). Ngài
tin mình sống sót nhờ sự can thiệp trực tiếp của  Đức Mẹ Vô nhiễm.

Ngày 16-10-2002, qua Tông thư Rosarium Virginis Mariae (nói về chuỗi Mân Côi),
ĐGH Gioan Phaolô II đã chính thức thêm 5 mầu nhiệm mới vào chuỗi Mân Côi: Mầu
nhiệm Sáng.

 

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ TheHolyRosary.org)

Tháng Mân Côi – 2012

Hình ảnh Đức Mẹ khóc ở khắp nơi trên thế giới

Hình ảnh Đức Mẹ khóc ở khắp nơi trên thế giới

Tác giả: Sưu tầm                         nguồn Thanhlinh.net

 

 

“Khiết Tâm Vô Nhiễm Nguyên Tội mà con đang chiêm ngưỡng này đã đổ ra rất nhiều nước mắt. Con hãy tôn vinh và an ủi Trái Tim Tân Khổ của Mẹ bằng việc suy phục Thánh Ý Cha và quảng đại chiến đấu chống lại cái tôi của con”. (trích Thông Điệp Tình Yêu Nhân Hậu của Chúa Giêsu với Hồn Nhỏ).

 

Những hình ảnh Đức Mẹ khóc ở các nơi trên thế giới. Đây là những bản tường trình mà có những hiện tượng được Giáo hội công nhận cũng như chưa được cộng nhận. Thanhlinh.net đăng tải để tham khảo và dành sự phán quyết của Giám mục địa phương.


Đức Mẹ khóc tại New Orlearns 1972

Đức Mẹ khóc tại Equador 1906

Đức Mẹ khóc tại Pittsburght, USA 1973

Đức Mẹ khóc tại Ba Lan 2012

Đức Mẹ khóc tại Úc 2001

Đức Mẹ khóc tại Roma 1994

Đức Mẹ khóc tại Columbia

Đức Mẹ khóc tại Nga 1998

Đức Mẹ khóc tại Massachusettes, USA 1991

Đức Mẹ khóc tại Ontario 2010

Đức Mẹ khóc tại Massachusettes, USA 2004

Đức Mẹ khóc tại Virgina USA 1992

Đức Mẹ khóc tại Medjugorje 2011

Đức Mẹ khóc tại Ecuador 2004

Đức Mẹ khóc tại Romania 2003

Đức Mẹ khóc tại 1953

Đức Mẹ khóc tại New Orlearns 1980

Đức Mẹ khóc tại Bangladesh 2003

Đức Mẹ khóc tại New York USA 1972

Đức Mẹ khóc tại Canada 1984

Đức Mẹ khóc tại Ý 1953

Đức Mẹ khóc tại Tây Ninh Việt Nam
 

Đức Mẹ khóc tại Akita, Japan 1973

Đức Mẹ khóc tại La Salette, Pháp 1846

Đức Mẹ khóc tại Á Căn Đình 2011

Đức Mẹ khóc tại Georgia 2012

Đức Mẹ khóc tại Venezuela, 2003

Đức Mẹ khóc tại Illinois, USA 1994

Đức Mẹ khóc tại Phi Luật Tân 1992

Đức Mẹ khóc tại El Salvador 2008

Đức Mẹ khóc tại New York, USA 1984

Đức Mẹ khóc tại Damacus, Syria 1977

Đức Mẹ khóc tại Venezuela 2007

Đức Mẹ khóc tại Los Angeles, USA 2009

Đức Mẹ khóc tại Rockingham Úc 2002

Đức Mẹ khóc tại Venezuela 2010

Đức Mẹ khóc tại Naju, Đại Hàn 1995

Đức Mẹ khóc tại Paraguay

Đức Mẹ khóc tại Hy Lạp 2003

Đức Mẹ khóc tại Ý 1992

Đức Mẹ khóc tại Ý 1972

Đức Mẹ khóc tại Ohio USA 2011

Đức Mẹ khóc tại Ukraine 2009

Đức Mẹ khóc tại Chí Lợi 2012
 

Đức Mẹ chảy máu tại Baton Rouge, New Orlearns 2012
 

 

Tháng Mân Côi

Tháng Mân Côi

TRẦM THIÊN THU

 

Hằng năm, Giáo hội Công giáo dành Tháng Mười để tôn kính Đức Mẹ Mân Côi. Theo miêu tả của tu sĩ Alan de la Roch, Dòng Đa Minh thế kỷ XV, Đức Mẹ đã hiện ra với thánh Đa Minh năm 1206 sau khi thánh nhân cầu nguyện và sám hối vì đã không thành công trong
việc chống tà thuyết Albigensianism (*). Đức Mẹ đã khen ngài về sự chiến đấu anh dũng của ngài chống lại tà thuyết và trao cho ngài Chuỗi Mân Côi làm vũ khí phi thường, đồng thời giải thích cách sử dụng và hiệu quả của Chuỗi Mân Côi. Đức Mẹ bảo thánh Đa Minh rao truyền Chuỗi Mân Côi cho những người khác.

Kinh Mân Côi có nguồn gốc từ chính Thiên Chúa, từ Kinh thánh, và từ Giáo hội. Không lạ gì khi Chuỗi Mân Côi gần gũi với Đức Mẹ và mạnh mẽ đối với Nước Trời.

Rất nhiều người đã được ơn từ việc lần Chuỗi Mân Côi. Chân phước GH Gioan Phaolô II cũng thường xuyên lần Chuỗi Mân Côi khi ngài đi bách bộ. Nếu xem lại lịch sử, chúng ta thấy có nhiều chiến thắng nhờ Chuỗi Mân Côi. Truyền thống ban đầu đã có chiến thắng
tà thuyết Anbi tại trận Muret năm 1213 nhờ Chuỗi Mân Côi.

Dù không muốn chấp nhận truyền thống đó thì cũng phải chân nhận rằng thánh GH Piô V đã góp phần chiến thắng đội quân Thổ Nhĩ Kỳ vào Chúa Nhật đầu tháng 10 năm 1571. Ngay thời điểm đó có Hội Mân Côi (Rosary confraternities) tại Rôma và những nơi khác. Do
đó, thánh GH Piô V đã truyền phải tôn kính Kinh Mân Côi vào chính ngày đó.

Năm 1573, ĐGH Grêgôriô XIII công bố việc mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi tại các nhà thờ có bàn thờ dâng kính Đức Mẹ Mân Côi. Năm 1671, ĐGH Clêmentô X mở rộng lễ này trên toàn cõi nước Tây Ban Nha. Chiến thắng anh dũng lần thứ hai trên người Thổ Nhĩ Kỳ, những người đã có lần (cũng như người Nga) đe dọa phá hủy văn minh Kitô giáo, xảy ra vào ngày
5-8-1716, khi hoàng tử Eugene đánh bại họ tại Peterwardein (Hungary). Do đó, ĐGH Clêmentô XI mở rộng lễ Đức Mẹ Mân Côi trong toàn Giáo hội.

Lm. William G. Most đã viết trong cuốn “Đức Maria trong Đời sống Chúng ta” (Mary in Our Lives): “Ngày nay, các mối nguy hiểm còn lớn hơn người Thổ Nhĩ Kỳ, không chỉ đe dọa Kitô giáo mà đe dọa cả nền văn minh, Đức Mẹ thúc giục chúng ta trở lại với Chuỗi Mân Côi để được giúp đỡ. Nếu nhân loại đủ số người làm vậy, đồng thời thực hiện các điều kiện khác mà Đức Mẹ đã đưa ra, chúng ta có lý do chính đáng để tin rằng chúng ta sẽ thoát khỏi mọi mối nguy hiểm”.

Nhưng thiết nghĩ chúng ta cần tích cực lần Chuỗi Mân Côi hàng ngày không vì mong được lợi cho mình mà vì lòng yêu mến chân thành. Người Việt Nam có câu: “Mưu sự tại nhân,
thành sự tại thiên”
. Cứ hành động bằng tất cả niềm tin, cậy, mến thì chúng ta không bao giờ phải thất vọng.

Chúng con xin trao phó mọi sự cho Thiên Chúa và Đức Mẹ, xin quan phòng và lo liệu cho chúng con hôm nay và mãi mãi. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(*) Albigensianism: Anbi giáo, một phong trào Kitô giáo được coi là hậu duệ thời trung cổ của Mani giáo (Manichaeism – xem chú thích bên dưới) ở miền Nam nước Pháp hồi thế kỷ XII và XIII, có đặc tính của thuyết nhị nguyên (đồng hiện hữu của hai quy luật đối
nghịch là Thiện và Ác). Thuyết này bị kết án là tà thuyết thời Tòa án Dị giáo (Inquisition).

Manichaeism: Mani giáo, hệ thống tôn giáo nhị nguyên do tiên tri Manes (khoảng 216–276) sáng lập ở Ba Tư hồi thế kỷ III, dựa trên vụ xung đột nguyên thủy giữa ánh sáng và bóng tối, kết hợp với các yếu tố của Kitô giáo ngộ đạo (Gnostic Christianity), Phật giáo (Buddhism), Bái hỏa giáo (Zoroastrianism), và các yếu tố ngoại giáo khác. Thuyết này bị chống đối từ phía Hoàng đế La mã, các triết gia phái tân Platon (Neo-Platonist) và các Kitô hữu chính thống.

nguồn: Maria Thanh Mai gởi

SINH NHẬT ĐỨC BÀ

SINH NHẬT ĐỨC BÀ

 

“Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói:

‘Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng,

Đức Chúa ở cùng bà.'”

(Lu-ca 1:28)

 

Kính mừng Sinh Nhật Đức Bà

Cuộc đời Thánh Mẫu thật là đẹp thay

Diệu huyền không mấy ai hay

Gia đình nghèo khó, rủi may phận người

Hôm nay ngày rất cao vời

Cõi trần nhờ Mẹ sáng ngời niềm vui

Xóa tan tuyệt vọng, tối thui

Khổ đau thần chết đẩy lui hoàn toàn

Giê-su nhập thể huy hoàng

Đêm đông thiên sứ từng đoàn hát ca

Hồng ân kỷ niệm thiết tha

Ma-ri-a hỡi, bao la cửu trùng

Ngôi Hai Cứu-Chúa ở cùng

Phàm nhân hạnh phúc, khắp vùng hân hoan!

 

* Nguyễn Sông Núi

 

(Tv Thánh Gioan Neumann, Dallas, TX,

Sinh Nhật Trinh Nữ Maria, Sept. 9, 2012)

 

 

Về linh địa La Vang

 Về linh địa La Vang

                             tác giả:  Thom. Aq. TRẦM THIÊN THU

 

LA VANG (Quảng Trị, 15-8-2012) – Linh địa La Vang (1) là Trung tâm Thánh Mẫu Quốc gia Việt Nam. Dù chưa một lần đến nhưng chắc hẳn người Việt Công giáo nào cũng đã từng nghe nói và quen với hình ảnh Đức Mẹ La Vang, với trang phục truyền thống Việt Nam là áo dài và khăn đóng, tay bồng Con Trẻ Giêsu. Đặc biệt là linh đài có hình những chiếc nấm. La Vang là nơi không chỉ phải chịu cái nóng như lửa đốt mà còn chịu tang tóc vì lửa đạn một thời chiến cuộc.

Phải nói ngay và phải “thẳng thắn thành thật tự thú” rằng nếu không “dính líu” tới cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót của TGP Saigon thì có thể chẳng bao giờ tôi được đặt chân tới linh địa La Vang (Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị). Rất có thể đó là sự quan phòng của Thiên Chúa – tôi nghĩ vậy.

Không chỉ vậy, tôi còn được biết một số địa danh lịch sử nổi tiếng khác. Trước tiên là nhà thờ Mằng Lăng, nơi có hang tử đạo của Thánh Anrê Phú Yên (vị tử đạo tiên khởi của Giáo hội Việt Nam), với câu nói để đời của vị thánh trẻ này: “Hãy giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến hết đời”. Một chủng sinh trẻ 19 tuổi mà có tư tưởng thật lạ và tuyệt vời biết bao! Một câu nói nhẹ nhàng nhưng đủ sức xoáy vào lòng mỗi người Công giáo, phải suy nghĩ nhiều và phải xem lại chính đức tin tôn giáo của mình.

Rồi tôi còn được biết đến nhưng nơi lịch sử và danh lam thắng cảnh khác như Đức Mẹ Sao Biển, thuộc một dòng nữ ở Nha Trang; Cổ thành Quảng Trị âm thầm; dòng sông Thạch Hãn lịch sử; cầu Tràng Tiền danh tiếng; con đường “Mưa Hồng” của cố NS Trịnh Công Sơn; Đại nội (cổ thành Huế) trầm lặng bên dòng Hương giang trôi lững lờ với khu Văn Lâu; Đan viện Thiên An (Dòng Biển Đức) với những con người ẩn tu trong những vách đá để chiêm niệm Thiên Chúa, sống giản dị, chuyên cần cầu nguyện và miệt mài lao động âm thầm trong sự tĩnh lặng của rừng cây thường xanh trên đồi cao; Cáp treo Bà Nà giữa núi rừng tịch mịch; Nhà thờ Trà Kiệu, nơi Đức Mẹ hiện ra ngày 10 và 11-9-1885 với lời động viên: “Này, Mẹ của các con đây! Đừng sợ!”, và Đền Đức Mẹ Trà Kiệu (đồi Bửu Châu); Nhà thờ chính tòa Nha Trang (Nhà thờ Núi) làm bằng đá, nơi an nghỉ của ĐGM Marcel Piquet (1888-1966), tên Việt Nam là Lợi, với khẩu hiệu: “Ut in omnibus maxime ametur Deus” (Để trong mọi sự Thiên Chúa được hết lòng yêu mến), giám mục tiên khởi của GP Nha Trang và sáng lập Hội dòng Khiết Tâm Đức Mẹ; Tháp Thiên Y Thánh Mẫu với nét kiến trúc độc đáo của người Chàm,… Đúng là một chuyến “đạo đời giao duyên”.

Đoàn chúng tôi tới linh địa La Vang ngày 14-8-2012. Vừa bước xuống xe, cái nắng như đổ lửa hắt vào mặt rát nóng. Núi rừng âm u. Đất sỏi đá khô cằn. Do đó mà con người miền đất này cũng phải vất vả lầm than lắm. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với họ, tôi thấy họ rất thật thà, chân chất, hiền hòa và nói cười xởi lởi. Những đứa trẻ nhìn người qua lại với ánh mắt ngây thơ mà rất lạ, vẫn ẩn chứa điều gì đó sâu thẳm…

Một rừng người trong khu vực linh địa La Vang. Nắng cứ nắng. Mồ hôi cứ chảy. Tay cứ vuốt mồ hôi, nhưng chân vẫn bước và ai cũng nói cười vui vẻ. Càng lúc càng đông khách hành hương đổ dồn về. Dưới chân linh đài lúc nào cũng có nhiều người đứng cầu nguyện.

17 giờ ngày 14-8-2012, Đức TGM Leopoldo Girelli (2), Đặc sứ Tòa thánh, chủ tế thánh lễ khai mạc. Trong bài giảng, ngài nhấn mạnh đến sức mạnh, ý nghĩa và tầm quan trọng của đức tin Kitô giáo trong việc định hướng cuộc đời, biến đổi cuộc sống và việc đóng góp xây dựng một xã hội nhân bản hơn.

Ngài giải thích: “Để được như thế, Giáo hội cần có sự tự do tôn giáo căn bản để rao giảng và sống đức tin của mình cách công khai. Sống đức tin cách riêng tư hay công khai là thể hiện sự duy nhất của một người vừa là tín hữu vừa là công dân. Một người Công giáo tốt sẽ là một người công dân tốt. Ở đâu có Chúa Kitô hiện diện thì ở đó con người trở nên nhân đạo hơn”. Ngài còn nhắc đến sông Hồng, sông Hương, sông Cửu Long, là những dòng sông “đại diện” các miền Nam, Trung, Bắc, với ý nói về ý chí kiên cường của người Việt Nam nói chung và người Công giáo nói riêng.

Đêm xuống dần. Bước chân người vẫn không ngừng đổ về từ tứ phía. Có những người thức trắng. Tiếng kinh không ngừng vang lên bên linh đài Đức Mẹ La Vang. 20 giờ là phần diễn nguyện ca tụng Đức Mẹ và vọng mừng Đức Mẹ lên trời ngay chân linh đài. Chỗ nào cũng thấy người, chen chân qua rừng-người-hành-hương cũng khó.

6 giờ sáng ngày 15-8-2012, Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (chủ tịch HĐGMVN) chủ tế thánh lễ mừng Đức Mẹ lên trời, cũng là lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương Cung Thánh Đường La Vang với tước hiệu Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu. Đồng tế có Đức TGM Girelli, gần 20 giám mục trong 26 giáo phận, Đan viện phụ Thiên An (Huế), và khoảng 300 linh mục. Khách hành hương tham dự thánh lễ ước tính khoảng hơn 200.000 người, trong đó có khá nhiều người dân tộc thiểu số trong trang phục đặc trưng.

 

Trong bài giảng, ĐGM Giuse Nguyễn Chí Linh, GP Thanh Hóa, nói:“Chưa một ai đã được tạc tượng tạo ảnh nhiều như Đức Maria. Ở Âu châu, không một ngôi làng nhỏ bé nào không có hình tượng Mẹ; trên thế giới, không một thành phố nào không có nhà nguyện hay linh đài tôn vinh Mẹ. Lời kinh được đọc nhiều nhất trên hành tinh, lời kinh chưa bao giờ ngừng nghỉ trong lịch sử Giáo hội, lời kinh của hàng tỉ người Công giáo, chính là lời chào chị thánh Isave dành cho Mẹ: ‘Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà. Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ’. Bài ca được hát nhiều nhất không phải là một bản tình ca lừng danh thế giới, nhưng đáng ngạc nhiên lại là bài ca Magnificat: ‘Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, Thần trí tôi hớn hở vui mừng’, mà tác giả chính là Đức Maria”.

ĐGM Giuse nói tiếp: “Đối với rất nhiều Kitô hữu Việt Nam, một ngày không có Kinh Kính Mừng không phải là một ngày đúng nghĩa, một ngày không có Kinh Lạy Nữ Vương là một ngày trơ vơ chênh vênh, một ngày không có Kinh Mân Côi là một ngày rời rạc không nhựa sống… Tắt một lời, một ngày không có Đức Maria đồng hành thì không phải là ngày”.

Với tâm tình đó, từ ngày Mẹ hiện ra an ủi tín hữu lâm nạn vào cuối thế kỷ 18 (có thể khoảng cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 năm 1789), hàng hàng lớp lớp khách hành hương đã tuôn về La Vang càng ngày càng đông. Họ đã kêu cầu Đức Mẹ và đã được Đức Mẹ nhậm lời. ĐGM Giuse đặt vấn đề: “Những tấm bia tạ ơn dày đặc đàng kia phải chăng là bằng chứng tình Mẹ La Vang luôn dạt dào lai láng?”.

Năm 1958, La Vang đã được chọn làm địa điểm tổ chức Ðại Hội Thánh Mẫu Toàn Quốc, với sự hiện diện của ÐHY Agagianian, Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo, đặc sứ của ĐGH Gioan XXIII (nay là chân phước). Và ngày 22-8-1961, ĐGH Gioan XXIII đã chính thức nâng nhà thờ La Vang lên bậc “Vương Cung Thánh Ðường”.

Cuối bài giảng, ĐGM Giuse Nguyễn Chí Linh cầu nguyện: “Lạy Mẹ Maria, chúng con xin Mẹ hãy viếng thăm để cứu chúng con khỏi hận thù thương đau. Ước gì hôm nay, tại linh địa này, viên đá đầu tiên chúng con đặt xuống cũng là viên đá yêu thương, khởi đầu một tương lai yên ấm thuận hòa cho quê hương đất nước thân yêu chúng con. Amen”.

Khi ĐGM Giuse Nguyễn Chí Linh đang giảng, bỗng dưng giáo dân hướng mắt nhìn lên trời và vỗ tay, khiến ngài phải ngưng bài giảng để ổn định cộng đoàn. Đó là một hiện tượng lạ: Mặt trời xoay với đám mây hồng. Điều này có thể nhắc chúng ta nhớ tới “trời mới, đất mới” mà Thánh Gioan Tông đồ nói trong sách Khải huyền (Kh 21:1). Tuy nhiên, nên lưu ý rằng Giáo hội luôn cẩn trọng về các “sự kiện lạ”. Người ta thường cho rằng ai “thấy” thì người đó tốt lành, còn người “không thấy” thì là người “có vấn đề”. Thật ra người ta rất dễ “ảo tưởng” theo kiểu “đạo đức bình dân”. Nên nhớ rằng việc thấy hiện tượng lạ mà chúng ta nói là phép lạ luôn có điểm đặc biệt: Người thấy “sự kiện lạ” hoặc “phép lạ” đều cương quyết thay đổi cách sống, nghĩa là sống thánh thiện hơn. Nếu không thì chỉ là ảo giác, là ngộ nhận, hoặc là cuồng tín (mà cuồng tín là phi tôn giáo), vì bất kỳ phép lạ nào xảy ra cũng đều có mục đích rõ ràng chứ không “xảy ra cho… vui”. Đừng bao giờ quên điều này: “Đức tin quan trọng hơn phép lạ”

 

Nếu được hỏi “yêu thương là gì” thì chắc rằng ai cũng khả dĩ trả lời một cách tương đối. Nhưng đó chỉ là “định nghĩa”. Yêu thương theo Chúa Giêsu dạy là “yêu người NHƯ chính mình” (chứ Chúa không bắt “thương người HƠN mình), là “thương xót nhau”. Muốn “thương xót nhau” thì phải “từ bỏ chính mình” và “vác thập giá theo Chúa” (x. Mt 10:37-39; Lc 9:23; Lc 14:26-27). Nếu chưa biết sống “mình vì mọi người” (từ bỏ mình) thì chưa “vác thập giá”, mà chưa “vác thập giá” thì chưa yêu thương, nghĩa là chưa thực thi “luật yêu” của Chúa Giêsu.

Hệ lụy này dẫn tới hệ lụy khác. Mừng lễ Đức Mẹ lên trời là chúng ta hy vọng được lên trời: “Xin cho con được thưởng cùng Mẹ trên Nước Thiên Đàng” (thứ 5, mùa Mừng). Làm sao được thưởng khi chưa yêu thương đúng ý Đức Kitô? Thế thì không thể lên trời. Rất rõ ràng. Rất mạch lạc. Rất lô-gích. Yêu thương không chỉ là “định nghĩa” hoặc “nói suông”. Chữ “thương xót” rất hay: “Thương” thì phải “thương” làm sao mà thấy “xót” thì mới là “thương” thật, chỉ cảm thấy “thương” mà chưa thấy “xót” thì chưa phải là “thương”.

Tưởng cũng cần nói thêm: Đứng trước tôi là một phụ nữ trung niên, phụ nữ này vừa tham dự thánh lễ vừa lần hạt. Lần chuỗi Mân Côi là việc cần thiết và tốt lành, nhưng lần chuỗi trong thánh lễ thì lại “không đúng nơi, không đúng lúc”. Nhiều người vẫn thường có “thói quen” này, thiết nghĩ phụ nữ này “nhắc nhở” chúng ta nên “xem lại” cách sùng kính của mình. Không chỉ vừa dự lễ vừa lần chuỗi, phụ nữ kia còn ngước nhìn trời mà miệng vẫn “máy môi”, đặc biệt hơn là còn sử dụng điện thoại liên tục. Chắc chắn cách cầu nguyện và cách làm việc đạo đức như vậy là không hợp lý!

Thánh lễ kéo dài khoảng 90 phút. Sau đó là nghi thức làm phép diện tích đất xây dựng Vương cung Thánh đường Đức Mẹ La Vang. Thật ấn tượng với nghi thức thả bay 27 bức phướn biểu hiện cho 26 giáo phận của Giáo hội Việt Nam và cộng đồng người Việt hải ngoại. Mỗi Giáo tỉnh được biểu hiện một màu khác nhau: màu hồng cho TGP Hà Nội, màu đỏ cho TGP Huế và màu vàng cho TGP Saigon, đặc biệt là một chuỗi Mân Côi lớn được kết từ những chiếc bong bóng và được thả bay lên bầu trời La Vang.

Sau khi chết, Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa và Con Yêu Dấu của Đức Mẹ, đã phục sinh khải hoàn và về ngự bên hữu Chúa Cha, đó là cách Thiên Chúa muốn củng cố đức tin để chúng ta can đảm sống “vượt qua chính mình” và vượt qua mọi nghịch cảnh. Việc Đức Mẹ mông triệu, nói bình dân là Đức Mẹ lên trời, là tái xác tín rằng chúng ta chắc chắn cũng sẽ lên trời – nhưng với điều kiện là phải sống theo lời khuyên Phúc Âm. Đó là điều chắc chắn, không thể tự biện hộ theo bất kỳ lý do nào khác!

Được đặt chân tới linh địa La Vang là “điều may mắn”, là hồng ân, nhưng cũng là một trách nhiệm. Đó là bổn phận cầu nguyện cho những người khác, những người không “may mắn” được đến La Vang, những người không có điều kiện để hành hương về La Vang. Biết nhiều thì khổ nhiều vì trách nhiệm nhiều, biết nhiều là nợ nhiều. Nợ Thiên Chúa và nợ tha nhân. Đó là “nợ tình” và “nợ máu”. Nợ tình với Thiên Chúa và với tha nhân, nợ máu với Đại sư phụ Giêsu!

Ai được đặt chân tới đất La Vang còn mắc một món nợ nữa là nợ Đức Mẹ. Tại sao? Đức Mẹ luôn yêu thương những người kém may mắn thì chúng ta cũng phải noi gương yêu thương của Đức Mẹ. Yêu thương là thương xót. Yêu thương phải được qua ánh mắt, thái độ, cử chỉ, hành động, lời nói và lời cầu nguyện. Dọc đường đi về La Vang có nhiều cảnh đẹp thiên nhiên, nhiều cao tầng, nhiều khu dân cư sầm uất, nhưng vẫn còn nhiều khu dân cư nghèo lắm… Nhưng nhìn tổng thể thì thấy dân Việt Nam còn nghèo khó quá, mà NGHÈO thì luôn kèm theo KHỔ. Chúng ta đang mắc nợ người nghèo: “Không cho kẻ nghèo được chia sẻ của cải thuộc về họ là ăn cắp, là cướp lấy mạng sống của họ. Của cải chúng ta đang nắm giữ, không phải là của chúng ta, nhưng là của họ” (Thánh Gioan Kim khẩu). Đó là công bằng, là công lý! Mà khi nào có công lý thì mới có hòa bình đích thực.

Không ai lại không mắc món nợ yêu thương. Đó là món nợ lớn nhất mà chúng ta phải trả cả đời. Quả thật, ai trả xong món nợ này mới “được thưởng cùng Đức Mẹ trên Nước Thiên Đàng” vậy!

Lạy Chúa, xin thương xót và tha thứ những động thái mà chúng con đã thể hiện không đúng Ý Ngài, đồng thời xin giúp chúng con can đảm sống trọn Luật Yêu của Ngài. Lạy Mẹ Maria, xin thương xót và chúc lành cho những người không đủ điều kiện đến linh địa La Vang để tâm sự và bày tỏ nỗi lòng với Mẹ, vì họ nghèo lắm. Mẹ ơi! Xin giúp chúng con biết mau mắn “xin vâng” trong mọi hoàn cảnh và kiên tâm theo bước Anh Hai Giêsu, Con Mẹ, để xứng đáng cùng lên trời và đồng hưởng thiên phúc với Mẹ muôn đời. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

Thom. Aq. TRẦM THIÊN THU

(1) Theo truyền thuyết, dưới thời vua Cảnh Thịnh, nhà Tây Sơn có chính sách chống đạo Công giáo. Để tránh sự trừng phạt của nhà Tây Sơn, nhiều giáo dân vùng Quảng Trị đã chạy lên vùng đất này. Đây là khu vực đồi núi hẻo lánh nên để liên lạc với nhau được thì họ phải “la” lớn, mà “la” lớn thì “vang”. Thế là có tên La Vang.

Một truyền thuyết tương tự về chữ La Vang có từ đặc tính của âm thanh chuyển thành địa danh, người ta nói rằng nơi chốn rừng rú này xưa kia có nhiều cọp beo hại người. Do đó, những người đi rừng nếu ở lại đêm thường phải chia phiên nhau thức canh, thấy động thì “la vang” lên để mọi người đến tiếp cứu.

Cách giải thích khác là khi giáo dân chạy lên vùng đất này thì bị dịch bệnh, lúc đó Đức Mẹ đã hiện ra và chỉ dẫn họ đi tìm một loại lá gọi là “lá vằng” – uống vào sẽ khỏi bệnh. Viết “lá vằng” không dấu thành La Vang.

Truyền thuyết khác cho là địa danh “phường Lá Vắng” đã có từ trước đó, thuộc làng Cổ Vưu, nằm về phía Tây cách đồn Dinh Cát, về sau là tỉnh Quảng Trị, cách 4 cây số, và cách Phú Xuân (Kinh đô Huế) 58 km về phía Bắc.

Đền thờ La Vang được xây dựng năm 1925, hoàn tất dịp Đại hội La Vang IX (1928).

(2) TGM Leopoldo Girelli (sinh 13-31953) hiện đảm nhận nhiều chức vụ ngoại giao của Tòa Thánh tại khu vực Đông Nam Á. Ngài sinh tại Predore, tỉnh Bergamo (Ý), thụ phong linh mục ngày 17-6-1978 thuộc giáo phận Bergamo, tốt nghiệp thần học và gia nhập Học viện Ngoại giao Tòa Thánh sau khi đã học tập xong tại Học viện Giáo hoàng về Giáo hội.

Ngài bước vào ngành ngoại giao Tòa Thánh từ ngày 13-7-1987 và làm việc trong các cơ quan ngoại giao của Tòa Thánh tại Cameroon và New Zealand, Phòng Nội vụ Quốc vụ Khanh, và Khâm Sứ Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, rồi được phong hàm tham tán viên tại đây.

Ngày 13-42006ĐGH Bênêđictô XVI bổ nhiệm ngài làm Sứ thần Tòa Thánh tại Indonesia, hiệu tòa Capreae, được tấn phong giám mục ngày 17-6-2006 do Hồng y Angelo Sodano chủ phong, được kiêm nhiệm Sứ thần Tòa Thánh tại Đông Timor ngày 10-10-2006.

Đến ngày 13-12011, TGM Girelli rời nhiệm tại Indonesia và Đông Timor vì được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore, kiêm Khâm sứ Tòa Thánh tại Malaysia và Brunei, kiêm đại diện không thường trú tại Việt Nam. TGM Girelli là vị đại diện đầu tiên của Tòa Thánh được bổ nhiệm phụ trách Việt Nam từ sau năm 1975.

Ngày 18-6-2011, ngài tiếp tục được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Sau đó không lâu, ngài được nâng từ chức vị Khâm sứ lên chức Sứ thần tại Malaysia khi Tòa Thánh và quốc gia này thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ từ ngày 27-7-2011.

nguồn : Maria Thanh Mai gởi

LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI – SỐNG NHƯ MẸ ĐỂ ĐƯỢC LÊN TRỜI CÙNG MẸ

LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI – SỐNG NHƯ MẸ ĐỂ ĐƯỢC LÊN TRỜI CÙNG MẸ

                                                                                 

                                                                                   Tác giả:  Lm. Anmai, C.Ss.R.

                                                                                   nguồn: conggiaovietnam.net

Kh 11,19a;12,1-6a.10ab; 1Cr 15,20-27; Lc 1,39-56

Ngày còn bé, tôi nhớ trò chơi con nít mà chúng tôi vẫn thường chơi khi có thể. Trò chơi ấy có 2 người đứng nắm tay và giơ cao làm như cái cổng và một đám con nít dắt díu nhau chui qua cái cổng, vừa đi vừa hát :

Thiên đàng địa ngục hai bên,

Ai khôn thì lại, ai dại thì qua.

Đêm nằm nhớ Chúa, nhớ Cha,

Đọc kinh cầu nguyện, kẻo sa linh hồn.

Linh hồn phải giữ linh hồn,

Đến khi mình chết được lên thiên đàng.

Từ bé, tâm thức thiên đàng được gợi lên. Có lẽ ông bà cha mẹ ước ao được lên thiên đàng nên đã gửi gắm tâm tình lên thiên đàng ngay tron trò chơi con nít. Muốn lên thiên đàng thì phải nhớ Chúa nhớ Cha, đọc kinh cầu nguyện và giữ linh hồn.

Thiên đàng là gì ?

Theo giáo lý Công giáo, thiên đàng là nơi ngự trị của Thiên Chúa, Đức Mẹ, các thiên sứ, và các thánh.  Theo giáo lý Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời, Mẹ Đồng trinh “sau khi hoàn tất công việc của Mẹ trên đất, hồn và xác được đem vào thiên đàng vinh hiển”, điều này ngụ ý thiên đàng là nơi ở cho cả phần hồn lẫn phần xác.

Giáo huấn Công giáo về thiên đàng được trình bày trong Giáo lý của Giáo hội Công giáo: “Những ai chết trong ân điển và tình bằng hữu của Thiên Chúa được thanh tẩy hoàn toàn và sống đời đời… Sự sống trọn vẹn này với Thiên Chúa… được gọi là thiên đàng. Đó là mục tiêu tối hậu và là sự ứng nghiệm đầy trọn những khao khát sâu xa nhất của con người, đó là tình trạng phước hạnh tuyệt đối và vĩnh hằng.”

Thiên đàng là nơi chốn dành cho những ai đã được thanh tẩy, người chết trong tội lỗi không được phép vào. “Những ai chết trong ân sủng và tình bằng hữu của Thiên Chúa và được thanh tẩy hoàn toàn sẽ sống đời đời với Chúa Kitô. Họ đời đời giống Thiên Chúa, vì họ “nhìn thấy Ngài” mặt đối mặt.” (Giáo lý Giáo hội Công giáo 1023) “Những ai chết trong ân sủng và tình bằng hữu của Thiên Chúa và được thanh tẩy không trọn vẹn, dù không được chắc chắn sự cứu rỗi đời đời, phải trải qua sự thanh tẩy sau khi chết, cũng sẽ đạt được sự thánh khiết cần thiết để bước vào sự vui thoả của Thiên Chúa.” (Giáo lý Giáo hội Công giáo 1054).

Chưa ai lên Thiên Đàng rồi trở về thế giới này kể chuyện cho mọi người nghe về cuộc sống mới của họ cả. Có người thao thức, suy tư và đưa ra một vài cảm nhận và suy đoán cuả mình về Thiên Đàng. Họ nói ở Thiên Đàng mọi người đều hạnh phúc vì được chia sẻ hạnh phúc với Thiên Chúa Tình Yêu. Ngày đêm họ ngợi ca, chúc tụng, và chiêm ngưỡng thánh nhan của Người.

Hôm nay, chúng ta mừng lễ Mẹ về Trời. Mẹ về Trời cả hồn lẫn xác như đặc ân mà Thiên Chúa trao ban và chúng ta cùng xác tín.

Sách Khải Huyền cho ta thấy hình ảnh người nữ : Đền Thờ Thiên Chúa ở trên trời mở ra, và Hòm Bia Giao Ước xuất hiện trong Đền Thờ. Và có ánh chớp, tiếng sấm tiếng sét, động đất và mưa đá lớn. Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con. Lại có điềm khác xuất hiện trên trời: đó là một Con Mãng Xà, đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện. Đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Rồi Con Mãng Xà đứng chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà. Bà đã sinh được một người con, một người con trai, người con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân. Con bà được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Người.

Người nữ trong Khải Huyền mà chúng ta vừa thấy đó chính là hình ảnh của Mẹ Maria, Mẹ đã được Thiên Chúa cho được hưởng ngai của Ngài. Chúng ta thấy đó, trước khi được hưởng Ngai của Thiên Chúa, người phụ nữ hay nói đúng hơn là Đức Trinh Nữ Maria đã phải chiến đấu với sự dữ và sự ác. Dẫu đối diện với sự dữ và sự ác, Mẹ Maria vẫn tin tưởng, vẫn phó thác cuộc đời của mình trong bàn tay Thiên Chúa với niềm hân hoan.

Mẹ vừa xác tín niềm hân hoan của Mẹ khi Mẹ gặp người chị họ :  

Bấy giờ bà Ma-ri-a nói:

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

thần trí tôi hớn hở vui mừng

vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn,

Người đoái thương nhìn tới;

từ nay, hết mọi đời

sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi

biết bao điều cao cả,

danh Người thật chí thánh chí tôn!

Đời nọ tới đời kia,

Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,

dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,

Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,

người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,

như đã hứa cùng cha ông chúng ta,

vì Người nhớ lại lòng thương xót

dành cho tổ phụ Áp-ra-ham

và cho con cháu đến muôn đời.”

Lời kinh Manificat mà chúng ta đã nghe đi nghe lại quá nhiều lần chỉ muốn nói với chúng ta một tâm tình khiêm hạ và hết sức khiêm hạ của Mẹ Maria. Không chỉ hôm nay Mẹ mới nói nhưng ngày nhận lời truyền của sứ thần, Mẹ đã nói lên cả cuộc đời khiêm hạ của Mẹ bằng hai tiếng xin vâng. Hai tiếng xin vâng này Mẹ không chỉ thưa ở ngày truyền tin nhưng Mẹ xin vâng cho đến cùng dưới chân thập tự.

Quá tuyệt vời với lời xin vâng và ca tụng Thiên Chúa của Mẹ Maria.

Để có được lời xin vâng và ca tụng này phải nói rằng Mẹ Maria đã sống cuộc đời mình chìm đắm trong chiêm niệm và cầu nguyện. Nhờ đời sống chiêm niệm và cầu nguyện mà Mẹ đã nhận ra tất cả những gì mà Mẹ có đều là do ơn Chúa và ơn Chúa là đủ cho Mẹ. Tất cả của cải, vật chất và địa vị trần gian này chẳng là gì cả. Mẹ sống siêu thoát từng giây từng phút trong cuộc đời của Mẹ để rồi Mẹ được hưởng đặc ân ở trên Trời với Chúa.

Như cánh diều, càng nhẹ, càng mỏng thì mới có thể bay cao và bay bổng được. Nếu như con diều nặng thì khó có thể bay và cứ tà tà dưới thấp thôi.

Cuộc đời của chúng ta cũng thế thôi, mau qua chóng tàn và mong manh mỏng dòn. Điều đáng cười là chúng ta cứ ráng vun vén và ky cóp những gì mà chúng ta sẽ mất và không mang theo được những thứ mà chúng ta đã mất công vun vén.

Phải sống làm sao cho nhẹ nhàng thanh thản như Mẹ Maria và phải nhìn ra tất cả những gì mà chúng ta có đều là ơn Chúa để chúng ta khiêm nhường sâu thẳm thì ta mới được hưởng nhan Chúa như Mẹ. Mẹ đã sống một cuộc đời luôn luôn nhớ Chúa nhớ Cha, nhớ cầu nguyện như lời trong trò chơi dân gian mà hồi bé tôi đã chơi.

Bí quyết để lên thiên đàng phải chăng là luôn luôn nhớ Chúa nhớ Cha và cầu nguyện ?

Chỉ trong đời sống cầu nguyện và kết hiệp với Chúa để lòng nhẹ lòng với của cải thế gian. Có như thế chúng ta mới có thể được lên thiên đàng sau khi hoàn tất cõi tạm này.

 

Tác giả:  Lm. Anmai, C.Ss.R.

Đức Maria trong các tôn giáo khác

Đức Maria trong các tôn giáo khác

 

Tháng 12-2003, Đức Mẹ xuất hiện trên bìa 3 tạp chí lớn của Tin lành với hơn 500.000 bản.

Các bài viết ở cả 3 tạp chí kia đều đồng ý rằng các tín đồ Tin lành đã không chú ý Đức Mẹ quá lâu, và đó là đỉnh điểm để các tín đồ Tin lành tái nhận biết vị trí của Đức Mẹ trong đạo Tin lành. Thật vậy, càng ngày càng có nhiều người ngoài Công giáo bắt đầu phát hiện vị trí của Đức Mẹ trong tôn giáo của mình.

Nhiều sách về Đức Mẹ đã được các học giả Tin lành viết, nhiều cuốn cổ vũ người Tin lành nhìn sát hơn vào Đức Mẹ. Nhiều câu chuyện về các Phật tử và những người ngoài Công giáo đã đến viếng Đền Đức Mẹ Lộ Đức. Mặt khác, các tín đồ Hồi giáo cũng rất tôn trọng Đức Mẹ. Thật vậy, Đức Mẹ được nói đến nhiều lần trong kinh Koran, sách thánh của Hồi giáo, nhiều hơn cả trong Kinh thánh!

Đức Mẹ là chủ đề trong nhiều cuộc thảo luận đại kết (ecumenical discussions) – những cuộc thảo luận giữa các thần học gia Công giáo, các học giả Tin lành, Hồi giáo, và các tôn giáo khác với mục đích tìm ra những “điểm chung” giữa các tôn giáo. Tháng 6-2001, sau khi trở về từ hội nghị liên tôn được tổ chức tại Lộ Đức, ĐHY Francis Arinze, lúc đó là chủ tịch Hội đồng Đối thoại Liên tôn, nói rằng Đức Mẹ là khởi điểm để giới thiệu sứ điệp Kitô giáo cho các tín đồ của các tôn giáo khác. Các tham dự viên hội nghị này là các đại biểu Công giáo, Chính thống giáo, Anh giáo, Tin lành Lutheran và các thần học gia. ĐHY Arinze giải thích: “Chúng ta phải tạ ơn Chúa về ý nghĩa tích cực về Mẹ Maria đối với các tôn giáo khác”.

Đức Mẹ có vị trí nào trong các tôn giáo khác, nhất là trong Hồi giáo và Tin lành? Đức Mẹ có vị trí nào trong tương lai? Có cơ hội nào, dù xa, cho các tôn giáo lớn cùng kết hợp dưới áo Đức Mẹ?

 

 

Đức Mẹ và Hồi giáo

Nhiều người Công giáo không biết rằng Đức Mẹ rấ được các tín đồ Hồi giáo yêu mến và tôn kính. Đức Mẹ là phụ nữ duy nhất được nhắc tên 34 lần trong kinh Koran – hơn cả số lần trong Kinh thánh! Có cả một chương “Mẹ Maria” (Mariam), và được các tín đồ Hồi giáo diễn tả là chương hay nhất trong toàn bộ kinh Koran. Chương III trong kinh Koran la chương Imran, theo tên của Thân phụ Đức Mẹ.

Kinh Koran nói về việc Đức Mẹ dâng mình trong Đền thờ Giêrusalem, về lễ tẩy trần, về cuộc truyền tin, về sự trinh thai và về việc sinh Chúa Giêsu. Đức Mẹ được Hồi giáo nhận biết và tôn kính là người được thánh hóa và cao trọng nhất trong các phụ nữ, và là sự hoàn hảo tâm linh:“Các thiên thần nói: ‘Lạy Mẹ Maria! Thiên Chúa đã chọn Mẹ và thanh tẩy Mẹ – chọn Mẹ hơn hẳn các phụ nữ ở mọi quốc gia. Lạy mẹ Maria! Xin thờ lạy Thiên Chúa: Xin phủ phục, và quỳ gối (khi cầu nguyện) với những người cùng quỳ gối” (Koran 3:42-43).

Thật vậy, điều ngạc nhiên đối với nhiều người Công giáo là Hồi giáo chấp nhận “sự đồng trinh trọn đời” của Đức Mẹ, gián tiếp có nghĩa là Vô nhiễm Nguyên tội – hai tín điều chính về Đức Mẹ. Trong kinh Koran, Đức Mẹ được nhận biết là thụ tạo duy nhất không mắc Tội Tổ Tông từ trước khi làm người, được giữ khỏi mọi tội suốt cả đời. Chúng ta đọc lời cầu nguyện của Đức Mẹ trong kinh Koran: “Lạy Chúa, con dấn thân phục vụ Ngài từ trong lòng con. Xin Ngài thương nhận. Chỉ mình Ngài lắng nghe và thấu suốt mọi sự”. Và khi Đức Mẹ sinh Chúa Con, Đức Mẹ nói: “Lạy Chúa, con được gọi là mẹ của Người. Xin bảo vệ con và con cháu khỏi Satan… và xin Con Chúa chấp nhận con” (Koran 3:35-37).

Ở phần khác, kinh Koran nói: “Thiên thần nói: ‘Hỡi Cô Maria, Allah đã chọn Cô và thanh tẩy Cô. Ngài đã chọn Cô hơn hẳn các phụ nữ khác. Hỡi Cô Maria, hãy tận hiến cho Thiên Chúa” (Koran 3: 42-43). Kinh Koran nói về sự đồng trinh của Đức Mẹ: “Đối với các tín hữu, Thiên Chúa thiết lập một tấm gương… Maria… người đã giữ mình đồng trinh và nơi cung lòng ấy, chúng ta hít thở Chúa Thánh Thần; Đấng đã làm Mẹ tin Lời Chúa và Kinh thánh, đồng thời rất đạo hạnh” (Koran 66:11-12).

Đức Mẹ và đạo Tin lành

“Đức Kitô có là người duy nhất được tôn thờ? Hoặc Mẹ Thiên Chúa không được tôn kính? Đây là phụ nữ đã đạp đầu con rắn. Hãy nghe chúng tôi. Vì Chúa Con không từ chối điều gì”.

Đó là câu nói của Martin Luther, nhà cải cách Tin lành hồi thế kỷ XVI, thành lập phong trào Tin lành và ly khai với Công giáo. Đó là câu nói trong bài giảng cuối cùng của Luther tại Wittenberg hồi tháng 1-1546, vài tháng trước khi ông qua đời. Điều đó cho thấy rằng ông Luther tôn sùng Đức Mẹ cả đời.

Càng ngày càng có nhiều học giả Tin lành xuất bản các phát hiện của họ về lòng sùng kính Đức Mẹ của những người thành lập đạo Tin lành – Martin Luther, John Calvin, và Ulrich Zwingli. Trong ba người này, Martin Luther là người sùng kính Đức Mẹ nhất và đức tin của họ vẫn phù hợp với giáo lý Công giáo – một tiếng kêu từ việc kết án gay gắt về những gì liên quan Đức Mẹ nơi nhiều người Tin lành chính thống (fundamentalist Protestants) và các Kitô hữu Tái sinh (Born Again Christians) ngày nay. Các tín đồ Tin lành đã bị bỏ lại phía sau về việc dạy rằng bất kỳ điều gì liên quan Đức Mẹ đều ngược với Tin lành, và bất cứ điều gì liên quan Đức Mẹ đều làm giảm việc tôn thờ Đức Kitô. Nhưng có bằng chứng đủ để nói rằng các nhà cải cách Tin lành không bao giờ có ý “chống Đức Mẹ” (anti-Marian).

Nhiều học giả Tin lành đồng ý rằng Martin Luther sùng kính Đức Mẹ cả đời, cũng như niềm tin của ông trong các giáo huấn chính yếu về Đức Mẹ. Thật vậy, Martin Luther tin mọi giáo lý về Đức Mẹ – Mẹ Thiên Chúa, trọn đời đồng trinh, lên trời, và ngay cả việc vô nhiễm nguyên tội.

Chính Luther đã viết và tin Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội – 300 năm trước khi Giáo hội Công giáo chính thức tuyên bố tín điều này vào năm 1854! Đây là cách hiểu của Luther về Vô nhiễm Nguyên tội: “Nhưng quan niệm khác, nghĩa là sự truyền thụ của linh hồn, đó là điều được tin thích hợp và đạo đức, là không có tội, để khi linh hồn được truyền thụ, Đức Mẹ cũng được tẩy sạch khỏi tội nguyên tổ và được trang điểm bằng những Ơn Chúa để nhận linh hồn thánh thiện đã được truyền thụ. Và như vậy, trong chính lúc Đức Mẹ bắt đầu sống thì Đức Mẹ đã không nhiễm tội…”

Trong cuốn “Against the Roman Papacy: An Institution of the Devil” (Chống lại Giáo hoàng Rôma: Tổ chức của Ma quỷ), xuất bản năm 1545 (một năm trước khi qua đời), Luther đã nói tới“… Đức Maria đồng trinh, không nhiễm tội và không thể phạm tội mãi mãi”. Như vậy, ngay lúc bị coi là chống lại giáo hoàng, Luther vẫn không bào giờ lung lay niềm tin về vấn đề Vô nhiễm Nguyên tội của Đức Mẹ.

Một số học giả nổi bật của Tin lành cũng đồng ý rằng cả đời ông Luther vẫn tin Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Trong số các học giả đó là Arthur Carl Piepkorn, Eric Gritsch, Jaroslav Pelikan, kể cả 11 học giả theo Tin lành Lutheran thuộc Ủy ban Đối thoại Tin lành Lutheran và Công giáo (Lutheran-Catholic Dialogue Committee).

Về vấn đề Đức Mẹ lên trời cũng tương tự, tín điều được công bố trong thế kỷ XX, nhưng từ thế kỷ XVI, Luther đã tin là“tư tưởng đạo hạnh và vui lòng”. Về thiên chức Mẹ Thiên Chúa, Luther viết: “Đức Mẹ được mời gọi không chỉ là Mẹ của nhân loại, mà còn là Mẹ Thiên Chúa… Chắc chắn Mẹ Maria là Mẹ của Thiên Chúa thật”.

Về niềm tin cả đời ông Luther đối với sự đồng trinh trọn đời của Đức Mẹ, ông viết: “Vấn đề đức tin là Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và vẫn đồng trinh”.

Khác với Martin Luther, John Calvin không khen Đức Mẹ như Martin Luther, dù ông không phủ nhận tầm quan trọng và sự nổi trội của Đức Mẹ trong lĩnh vực đức tin. Cũng như Martin Luther, John Calvin tin Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và trọn đời đồng trinh: “Bà Elidabét gọi Maria là mẹ Thiên Chúa, vì sự duy nhất của con người có hai bản tính của Đức Kitô, Đức Mẹ có thể nói rằng con người hay chết được tạo nên trong cung lòng Đức Mẹ cũng là Thiên Chúa vĩnh hằng”.

Đây là một số tài liệu mà Calvin nói về Đức Mẹ:

– “Không thể phủ nhận việc Thiên Chúa đã chọn và tiền định Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa Ngôi Con, và được ban cho sự kính trọng cao nhất”.

– “Tới ngày nay, chúng ta không thể hưởng phúc lành nơi Đức Kitô nếu không nghĩ đồng thời Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ sự cao trọng, theo ý của Đức Mẹ chấp nhận là Mẹ của Con Một Thiên Chúa”.

Tài liệu của Ulrich Zwingli:

– “Tôi đánh giá cao Mẹ Thiên Chúa, trọn đời đồng trinh và vô nhiễm nguyên tội”.

– “Thật thích hợp khi Chúa Con nên có một Người Mẹ Thánh”.

– “Loài người càng tôn thờ và yêu mến Chúa Kitô thì càng nên tôn kính và yêu mến Đức Mẹ”.

Do đó, sùng kính Đức Mẹ là phần cơ bản của Tin lành. Các Giáo hội Tin lành Lutheran vẫn giữ ảnh tượng Đức Mẹ, và thậm chí hạn chế sùng kính Đức Mẹ (như kinh Ave Maria và Magnificat), dù gần 100 năm sau khi Luther qua đời. Giáo hội Lutheran dạy đề cao Đức Mẹ đồng trinh là mẫu gương nhân đức của các Kitô hữu.

Việc sắp xếp các “yếu tố ẩn giấu” này về lòng sùng kính Đức Mẹ và tinh thần của những người sáng lập Tin lành có thể là lý do để mới đây có nhiều sách của Tin lành kêu gọi tái khám phá Đức Mẹ. Một học giả Tin lành còn “đi xa” hơn và nói rằng: “Đã đến lúc người Tin lành về nhà.

 

 

Đức Mẹ đối với các quốc gia

Có thể ngày đó không bao giờ đến khi nhiều tôn giáo sẽ phá bỏ các rào chắn giáo lý kết hợp. Các bất đồng cơ bản về các giáo huấn chủ yếu sẽ có thể không bao giờ được vượt qua. Chẳng hạn, người Công giáo sẽ không bao giờ thỏa hiệp việc tin có Thiên tính của Chúa Giêsu Kitô, còn Hồi giáo sẽ không bao giờ nâng cao thân phận của Chúa Giêsu khỏi vị trí chỉ là một “tiên tri vĩ đại” của Thiên Chúa.

Nhưng có thể có một mẫu số chung giữa các tôn giáo để có thể là nền tảng của cuộc đối thoại lâu dài vào một ngày nào đó, để tạo sự kết hợp giữa các tôn giáo mà chúng ta thấy ngày nay. Đức Mẹ là Lady of All Nations (Đức Mẹ của mọi quốc gia).

Hồi giáo duy trì việc đánh giá cao và tuyên bố Đức Mẹ là người cao trọng nhất. Tin lành bắt đầu nhận biết vị trí của Đức Mẹ trong tôn giáo của họ. Thậm chí có người của các tôn giáo không độc thần như Phật giáo cũng đang coi Đức Mẹ là chứng cớ đã được các Phật tử tường trình tại Đền Đức Mẹ Lộ Đức. Tại các hội nghị đại kết liên tôn, Đức Mẹ càng ngày càng là khởi điểm của việc đối thoại.

Đức Mẹ đã vượt qua mọi rào cản giáo lý, là ánh sáng soi vào nơi thâm sâu nhất và tối tăm nhất của bóng tối. Đức Mẹ là dấu hiệu của sự kết hợp, không bao giờ chia rẽ chúng ta.

Thật vậy, dù tôn giáo nào hoặc giáo phái nào, mọi người đều thấy dễ chấp nhận là Người Mẹ tốt nhất trong lịch sử (Best Mother in all history) – đạo hạnh nhất, kính sợ Chúa nhất, mạnh mẽ nhất, và sùng kính nhất.

Điều này chính xác vì “cương vị làm mẹ” của Đức Maria mà Mẹ có thể được gọi là “Mẹ của các dân tộc”, Người Mẹ đã được Đức Kitô trao ban cho nhân loại, khi Ngài bị treo trên Thập giá: “Đây là mẹ của con”(Ga 19:27).

Có lần ông Luther nói: “Việc tôn kính Đức Maria được khắc ghi sâu đậm trong trái tim con người”. Ý nghĩa của các từ ngữ mà ông Luther đã dùng rõ ràng: Trong sâu thẳm của mọi tâm hồn, dù tôn giáo nào hoặc dù dân tộc nào, đều được ghi khắc sự khao khát tự nhiên và tình yêu tự nhiên đối với Người Mẹ của các quốc gia, một ngày nào đó, nhờ lời cầu nguyện của chúng ta, sẽ quy tụ mọi con cái dưới bóng Mẹ.

TRẦM THIÊN THU 

(Chuyển ngữ từ all-about-the-virgin-mary.com)

nguồn: Từ Maria Thanh Mai gởi

Chân dung Mẹ Maria

Chân dung Mẹ Maria

                                                               Lm Jos Tạ duy Tuyền

                                                                                             Sáng 14/08/12

VRNs (14.08.2012) – Đồng Nai – Văn chương Việt Nam thường diễn tả hình ảnh về người mẹ thật mộc mạc chất phác, đơn sơ và giản dị. Người mẹ Việt Nam luôn gắn bó với ruộng rẫy nương dâu, nơi đồng chua nước mặn, ăn mặc giản dị nâu sồng, không phấn sáp xa hoa, mà tâm hồn hiền hòa, đôn hậu. Những bà mẹ sống cuộc đời bình lặng như mặt nước hồ thu, nhưng vẫn giữ tiết kiên trung, cao cả. Chính những bà mẹ ấy đã đem những giọt mồ hôi tưới mát ruộng đồng, làm đẹp cuộc đời và đẹp cả quê hương:

Mẹ Việt Nam không son, không phấn,
Mẹ Việt Nam chân lấm, tay bùn,
Mẹ Việt Nam không mang nhung gấm,
Mẹ Việt Nam mang tấm nâu sồng”.
(Phạm Duy, Trường ca Mẹ Việt Nam)

Hình ảnh của người mẹ Việt Nam thật cao đẹp, công ơn của mẹ đối với con thật bao la. Công ơn ấy đã được khắc ghi sâu đậm vào tâm não của con, bộc phát thành những lời ca, tiếng nhạc hết sức dạt dào:

“Rủi mai này mẹ hiền mất đi, thì con côi…
Như đóa hoa không mặt trời
Như tuổi thơ không nụ cười
Như đời mình không lớn khôn thêm
Như bầu trời thiếu ánh sao đêm.
Mẹ là dòng suối dịu hiền.
Mẹ là bài hát thần tiên,
Là bóng mát trên cao, là mắt sáng trăng sao
Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối.
Mẹ là lọn mía ngọt ngào,
mẹ là nải chuối, buồng cau,
Là tiếng dế đêm thâu, là nắng ấm nương dâu,
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời”.

Vâng, khi nói về người mẹ trần thế chúng ta thường nói đến công lao trời bể, những hy sinh trải rộng suốt dọc dài cuộc đời của mẹ, thế nhưng, còn người Mẹ thiên quốc thì sao? Xem ra ít ai nhìn thấy những đắng cay mà Mẹ phải chịu trong đời, sau lần thưa xin vâng ấy! Chúng ta quá đề cao ân sủng của Chúa nơi Mẹ mà quên rằng: Mẹ chỉ được ơn phước đó nhờ đời sống luôn nở hoa yêu thương, hoa hy sinh, hoa khiêm nhường, hoa bác ái trong đời sống thường ngày của Mẹ, đến nỗi từ trời cao Thiên Chúa đã nhìn thấy Mẹ “hằng đẹp lòng Thiên Chúa”.

Thực vậy, Mẹ hằng đẹp lòng Chúa qua cung lòng thanh khiết không vấn vương tội lỗi, rất xứng đáng nên cung điện cho Con Chúa Trời ngự trị

 Mẹ hằng đẹp lòng Thiên Chúa khi Mẹ từ bỏ con đường riêng của mình để thưa xin vâng cho ý Chúa được thực hiện.

Mẹ hằng đẹp lòng Chúa khi Mẹ vội vã băng đồi lội suối, thăm viếng và phục vụ bà chị họ, sinh con trong lúc tuổi già.

Mẹ hằng đẹp lòng Thiên Chúa khi tiếp tục xin vâng trong mọi hoàn cảnh thiếu thốn cùng cực nhất: sinh con trong nghèo khó, chốn chạy qua Ai Cập, trở về Nagiaret với đôi tay tần tảo may vá thêu thùa.

Mẹ hằng đẹp lòng Chúa khi Mẹ đồng công thưa xin vâng với thánh ý Chúa Cha qua cái chết Cứu độ của Chúa Giê-su con Mẹ.

Vâng, Mẹ Maria với tư cách là người mẹ trần thế, mẹ cũng trải qua những gian truân, vất vả để nuôi con khôn lớn như bao bà mẹ khác. Mẹ Maria cũng trải qua những tháng ngày tần tảo một nắng hai sương để gồng gánh gia đình đi qua những thăng trầm của dòng đời. Mẹ Maria còn đau khổ hơn bao bà mẹ khác vì con của Mẹ luôn phải đối đấu với nghi nan và nhất là không ai khổ bằng Mẹ, một người mẹ đau khổ phải ôm thân xác tả tơi, bất động của con yêu quý vào lòng với nỗi niềm xót xa, mà cha ông ta diễn tả rằng: “Lá vàng còn ở trên cây lá xanh rụng xuống trời chăng hỡi trời?”.

Hôm nay chúng ta chiêm ngắm Mẹ được Chúa đưa cả hồn và xác về trời. Đây là phần thưởng mà Thiên Chúa đã tặng ban cho Mẹ sau một  đời nỗ lực sống theo thánh ý Chúa. Đây là vinh quang mà Mẹ nhận lãnh sau hành trình dương thế luôn lắng nghe và thực thi thánh ý Chúa.

Mừng Mẹ về trời cũng là dịp nhắc nhở chúng ta hãy noi gương bắt chước Mẹ trên con đường tìm kiếm và thực thi ý Chúa. Mừng Mẹ về trời để giúp chúng ta hiểu rằng những khốn khó, gian truân đời này chẳng là gì so với hạnh phúc vĩnh cửu trên quê trời.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là người có phúc vì Mẹ luôn tin tưởng vào Thiên Chúa và sống cho thánh ý Chúa. Xin Mẹ giúp chúng con cũng tìm được cõi phúc như Mẹ khi buông mình trong sự tín thác vào Thiên Chúa quan phòng và mau mắn thi hành thánh ý Chúa với trọn niềm mến yêu. Amen

Lm Jos Tạ duy Tuyền

 

Đức Mẹ đã được vinh danh tại Thế Vận Hội Luân Đôn 2012

Đức Mẹ đã được vinh danh tại Thế Vận Hội Luân Đôn 2012

                                                                          Nguyễn Long Thao

                                                                                                         8/11/2012


 

London, England, 10/08/ 2012. –

 Những ai có dịp theo dõi chương trình truyền hình của hệ thống NBC tại Hoa Kỳ vào ngày 10 tháng 8 năm 2012 đều thấy cảnh nữ lực sĩ người Ethiopia, Meseret Defar, đã biểu lộ đức tin của mình ngay sau giây phút vượt qua lằn ranh cuối để chiếm huy chương vàng trong cuộc thi chạy 5000m tại Thế Vận Hội Mùa Hè 2012 tại Luân Đôn.

Khi được biết mình thắng huy chương vàng trong cuộc tranh tài Thế Vận Hội, các lực sĩ thường biểu lộ xúc động của mình bằng cách ôm mặt khóc. 

Nhưng nữ lực sĩ Meseret Defar đã biểu lộ cách khác. Nàng lấy hình Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp để sẵn trong áo chạy đua, úp lên mặt mình, hôn hình Đức Mẹ. Nàng khóc với Đức Mẹ và thành khẩn cảm ơn Mẹ. Nàng đã đưa hình Đức Mẹ cho các ống kính truyền hình ghi hình Đức Mẹ như một cử chỉ vinh danh Mẹ Hằng Cứu Giúp

Nữ lực sĩ Meseret Defar là người Kitô Giáo, nàng đã phó thác cuộc tranh tài của mình vào quyền năng của Chúa. Khi Uỷ Ban Thế Vận Hội giới thiệu về nàng, ống kính truyền hình cho thấy nàng đeo ảnh Thánh Giá và trước khi chạy đua, nàng đã làm dấu Thánh Giá và thầm thĩ cầu nguyện.

Trước khi cuộc đua, nhà bình luận thể thao của hệ thống truyền hình NBC cho biết 3 vận động viên người Kenya và 2 tay đua khác người Ethiopia, nhất là cô Tirunesh Dibaba là đối thủ sừng sỏ nhất có nhiều cơ hội thắng huy chương vàng.Tuy nhiên, Cô Defar đã đoạt huy chương vàng trong cuộc chay đua 5000m với thành tích 15 phút 04 giây 24 sao (15:04:24). Huy chương Bạc về tay cô Vivian Cheruiyot người Kenya và huy chương đồng về tay cô Dibaba, người Ethiopia.

Tưởng cũng nên nói thêm về thành tích chạy đua của cô Defar: Cô đã hai lần vô địch thế giới trong môn chay đua 3000m. Ở cự ly 5000m, tại Hy Lạp năm 2004 cô đoạt huy chương vàng và ở Bắc Kinh năm 2008 cô đoạt huy chương đồng.

Vào năm 2006, ở cự ly 5000m, cô đã phá kỷ lục thế giới với thời lượng 14 phút 24 giây 53 sao

Nguyễn Long Thao

Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời

**~* Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời *~**
                                                          (Thơ và Nhạc của Tuyết Mai)
Mẹ nhân loại của chúng con ơi! Quả tuyệt diệu thay!
Quả nhân đức tuyệt vời của Mẹ thay!
Quả Mẹ đáng được Thiên Chúa Cha,
Tác tạo và yêu thương cách riêng,
Quả Mẹ đáng được Thiên Chúa Cha,
Chọn làm Mẹ của Thiên Chúa Con Giêsu,
Là Chúa Con duy nhất của Đức Chúa Cha,
Đấng muôn đời quyền năng của trên Trời và dưới đất.

Không ngày Lễ Nào của Mẹ lại quan trọng cho bằng,
Hạnh phúc cho bằng Mẹ được Thiên Chúa đón Mẹ trở về,
Một Nơi mà Mẹ sẽ muôn đời được ở cạnh Ba Ngôi Thiên Chúa.
Mẹ sẽ muôn đời không xa cách Chúa Con Giêsu của Mẹ nữa!
Mẹ sẽ muôn đời được ấm áp bên tình yêu vô cùng và vô tận, Của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Mẹ Maria của chúng con ơi!
Chúng con là con cái Mẹ trên khắp cùng trái đất,
Hết thảy chúng con muốn được cùng chung vui với Mẹ,
Trong ngày vui trọng đại của Mẹ.
Vì Mẹ được Thiên Chúa tưởng thưởng,
Vì hết thảy trên Trời, Từ Ba Ngôi Thiên Chúa,
Toàn thể các đạo binh, Các tổng lãnh Thiên Thần,
Triều Thần, Quản Thần,
Các Thánh Nam Nữ,
Cùng tất cả anh chị em chúng con trên Trời.
Đang nôn nao trông chờ để được chào đón Mẹ.

Mẹ có nghe tiếng chúng con đang cùng hợp dâng lên Mẹ
Những ca khúc vui tươi,
Những vũ điệu nhẹ nhàng, và
Những Lời Kinh có giai âm điệu trầm bổng,
Cùng khí cụ nhịp nhàng hòa theo tiếng hát xướng
Của chúng con không!?

Chúng con là con cái Mẹ cùng khắp nơi trên địa cầu!
Xin được dâng lên Mẹ tất cả tấm chân tình,
Của những đứa con đau yếu đang rất cần đến Mẹ,
Vì chúng con có mỗi một Mẹ,
Vì thiếu vắng Mẹ chúng con biết bám víu vào ai!?
Vì thiếu vắng Mẹ chúng con biết cậy nhờ ai!?
Vì thiếu vắng Mẹ chúng con biết nương nhờ ai đây!?

Mẹ ơi! Hãy luôn thương hãy ghé mắt đến chúng con Mẹ nhé!
Không bao giờ chúng con có thể sống thiếu Mẹ được đâu!
Bởi không có Mẹ chúng con sẽ không có người dậy dỗ.
Bởi không có Mẹ chúng con sẽ cấu xé lẫn nhau.
Bởi không có Mẹ chúng con sẽ vô cùng có cơ nguy.
Bước vào con đường của nguy hiểm của chết chóc.

Bởi chúng con như đàn gà con khờ dại,
Thiếu vắng Mẹ chúng con sẽ tan tác lạc mất Mẹ ơi!
Xin Mẹ đừng bỏ chúng con đi lâu Mẹ nhé!
Nếu có thể được, Mẹ xin phép Chúa cho được trở về,
Cùng chung sống với chúng con.
Hay ít nhất thỉnh thoảng hãy về lại thăm chúng con.
Vì chúng con chưa được trưởng thành!?
Vì chúng con đã quen sống trong hư hỏng,
Trong sự ỷ lại vì luôn có Mẹ bên cạnh.
Nay Chúa gọi Mẹ về Trời chúng con cũng buồn lắm Mẹ ơi!

Biết khi nào chúng con mới được đoàn tụ lại với Mẹ được đây!?
Để hưởng mọi phúc vinh và sự sống muôn đời!?
Biết đến khi nào. … biết đến khi nào!??

Mẹ Maria ơi!
Chúng con luôn là những đứa con yếu đuối,
Trong ngày Trọng Đại và vui vẻ của Mẹ,
Chúa ban cho Mẹ Hồn Xác được Lên Trời.
Chúng con chẳng có gì đáng để dâng lên Mẹ!?
Ngoài tấm lòng chân thật và tâm hồn rách nát của chúng con.
Để Mẹ hiểu rằng chúng con luôn cần đến Mẹ.
Dẫu biết rằng bây giờ Mẹ không còn ở với chúng con nữa!
Chẳng phải bằng xương bằng thịt,
Nhưng mắt Mẹ vẫn mãi dõi trông chừng chúng con.
Nhất là những đứa con có nhu cầu.
Nhất là những đứa con không cha không mẹ,
Tật nguyền khốn khổ, thiếu thốn tình thương, suốt cả một đời.
Là những đứa con sống lạc loài giữa chợ đời,
Thiếu thốn đủ mọi thứ mọi điều.
Lại còn bị xã hội khi dể, coi rẻ, và đuổi xua.

Chúng con toàn thể con cái nhân loại của Mẹ!
Chúc Mẹ Maria mãi mãi luôn luôn tuyệt vời,
Trong tình yêu hải hà của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Để Mẹ luôn được Chúa thương.
Để Mẹ cùng xin với Chúa cho tất cả chúng con,
Cũng được thứ tự về Trời,
Cùng được hưởng cuộc sống hạnh phúc miên viễn
Muôn đời bên Mẹ, Mẹ ơi!. Amen.

** Xin bấm vào mã số dưới đây để hát theo:

     http://www.youtube.com/watch?v=1bY2LtsyP9M

*** Để cảm tạ, ngợi khen, và tôn vinh Thiên Chúa là Cha chung của tất cả chúng ta, tôi chân thành mời anh chị em hãy dùng những bài hát của tôi đem đến những phương trời xa để làm Sáng Danh Thiên Chúa.

Y Tá Của Chúa,

Tuyết Mai

LÒNG TIN

 

                                    LÒNG TIN

                                                                                               Đaminh Nguyễn Ngọc Hiên

http://translate.google.com/translate?hl=en&sl=vi&tl=en&u=http%3A%2F%2Fkeditim.net

       Thứ bảy, ngày 7 tháng 7 năm 2012, một ngày nắng đẹp như bao ngày thứ bảy khác…

       Tôi đang lúi húi trong phòng áo Nhà thờ, có ba người hớt hơ hớt hải đến gặp tôi, nhìn hai người phụ nữ với một cháu gái khoảng chừng 14 tuổi, tôi đoán chừng có việc chi hệ trọng đây. Chị trẻ tuổi hơn rụt rè lên tiếng :

-Thưa Cha, tụi con muốn gặp Cha để trình bày một việc…

Tôi vội vàng đính chính:

-Thưa chị, chị nhầm rồi, tôi chỉ là người giúp việc trông coi Nhà thờ ở đây thôi, các chị có điều gì xin trình bày, tôi sẽ nói thưa lại với Cha vì các Ngài không có ở đây.

       Nhìn nét mặt vừa lo lắng vừa xa lạ của ba người, tôi mời họ ngồi vào bàn nước cạnh mái hiên Nhà thờ và họ kể câu chuyện như sau:

-Thưa chú, tụi con là người không có đạo, chị đây là Phật tử, vừa rồi con của con bị một thanh niên tên là Hiếu 17 tuổi, chết nhập vào nó- chị nói và chỉ vào bé gái. Cháu đưa nó đi khắp nơi để chạy chữa nhưng không hiệu quả, có người mách bảo đưa đến đài Đức Mẹ, chúng con vội vàng đưa cháu đi và Đức Mẹ đã chữa lành cho cháu, hồn anh thanh niên kia đã xuất khỏi con của cháu, trước khi ra khỏi anh ta cho biết anh là người Công giáo, linh hồn còn mắc tội nên chưa được siêu thoát, anh ta nhờ mọi người cầu nguyện cho anh ta…con nhờ chú nói với Cha xin Chúa tha thứ cho anh ta…

       Nói xong chị này xin một phong bì và bỏ tiền vào xin lễ rồi đưa cho tôi, tôi hỏi anh ấy có nói tên Thánh là gì không? Chị ta trả lời con sợ quá nên không dám hỏi gì,với lại con không phải là người trong đạo nên không biết.

       Tôi quay sang hỏi cháu gái, cháu có biết việc này như thế nào kể cho bác nghe, cháu lắc đầu và nói:con không biết gì hết, con bị bất tỉnh không biết bao lâu, sau đó tỉnh lại thấy mình đang đứng ở đài Đức Mẹ…tôi hỏi thêm cháu tên gì? học lớp mấy, trường nào?cháu trả lời rất mạch lạc.

       Tôi nhận giúp chị chiếc phong bì để chiều nay chuyển cho Cha dâng Thánh lễ cầu cho một linh hồn không biết tên Thánh, chỉ biết tên là Hiếu.

      Câu chuyện còn dài nhưng tôi tạm dừng ở đây,chợt nhớ trong tuần qua rất nhiều bài Phúc Âm nói về “Lòng tin”,nhất là lòng tin của viên Đại đội trưởng,của người đàn bà bị băng huyết…cả sự trừ quỷ của Chúa Giêsu…được Linh mục chia sẻ thật thấm thía…

      Rồi tôi ngẫm lại, nhiều người tin Chúa tin Mẹ nhưng không biết chạy đến cùng Mẹ, trái lại nhiều người bên ngoại kể tôi nghe hằng ngày, họ được ban ơn của ĐứcMẹ, của Thánh cả Giuse vì họ biết chạy đến kêu cầu với lòng xác tín chân thành xuất phát từ trong lòng họ…và họ vẫn thường lui tới với một bó hoa tươi, một nén hương tạ ơn bằng cách của họ.

     Còn những người Công giáo thì sao? Có người hỏi tôi: “Đài Đức Mẹ, đài Ông Thánh nào linh nhất để họ đến cầu xin”.Tôi chỉ cho họ:” Đấy! tại Giáo họ Giuse có cả hai nơi linh thiêng sao chị không không đến?”chợt nghĩ câu tục ngữ:” Bụt nhà không thiêng”…thiêng hay không do lòng tin được tín thác, bởi lẽ chúng ta chỉ có một Chúa, một Mẹ mà thôi.

     Thánh lễ chiều thứ bảy hôm nay sao thật ấm lòng khi nghe Cha chủ tế dâng lời cầu nguyện cho một linh hồn chỉ có tên thật ngoài đời, do một người ngoại đạo xin, tôi tự xét lại lòng mình, có mấy lúc mình nhớ đến các linh hồn của người thân mình, trừ ngày giỗ để xin lễ cho họ.Tối nay tôi sẽ đọc kinh cầu cho các linh hồn…

                                                                                  Đaminh Nguyễn Ngọc Hiên