Thánh Tông Đồ Philipphê và Giacôbê-Cha Vương

Chúc bình an đến bạn và gia đình. Hôm nay 3/5 Giáo Hội mừng kính trong thể 2 thánh Tông Đồ Philipphê và Giacôbê. Mừng bổn mạng đến những ai chọn các ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

 Thứ 6: 03/05/2024

Thánh Philipphê là người xứ Bethsaida. Ông là một trong những người đầu tiên được Đức Giêsu kêu gọi. Chính ông đã mách cho Nathanael Tin mừng lớn lao này: “Đấng mà sách luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, chúng ta đã gặp. Đó là ông Giêsu, người Nazareth”. Thấy bạn mình còn hoài nghi, ông đã giục: “Cứ đến mà xem”. Nathanael sau khi đã gặp Đức Giêsu và nghe Ngài nói thì đã tin. Philipphê đã xuất hiện nhiều lần trong Phúc âm: Lúc Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều; làm trung gian cho những người ngoại giáo muốn gặp Đức Giêsu. Philipphê cũng là người đã xin Đức Giêsu: “Lạy Ngài, xin chỉ cho chúng con thấy Cha, thế là đủ cho chúng con”. Người ta nghĩ rằng ông đã đem Tin mừng đến cho người Scythen sau ngày lễ Ngũ tuần và chết rất thọ ở Hiérapolis, tại Phrygie.

Còn thánh Giacôbê mà chúng ta mừng kính hôm nay là Giacôbê hậu, con ông Alphê. Gọi là Giacôbê hậu để phân biệt với Giacôbê tiền, là con của ông Dêbêđê. Phân biệt này không mang ý nghĩa gì khác ngoài việc tránh sự nhầm lẫn. Khoa Thánh Kinh còn nghi ngờ không biết có phải Giacôbê hậu này có phải là “anh em của Đức Giêsu” và là tác giả của lá thư Giacôbê hay không? Nhưng Phụng vụ Rôma lại có sự đồng hoá và xác nhận. Trước khi các Tông đồ tản mác mỗi người một nơi, thì họ chỉ định thánh Giacôbê làm Giám mục Giêrusalem. Ngài là linh hồn của cộng đoàn Giêrusalem. Vì ngài đã làm cho nhiều người trở lại với Đức Giêsu nên bị bản án ném đá. Ngài đã chịu tử đạo đang khi quỳ gối cầu nguyện cho tên lý hình đang kết thúc đời Ngài bằng một thanh sắt giáng xuống trên người, trong thời điểm mừng lễ Vượt Qua. (Theo “Tự điển các thánh”, trang 268-269 và trang 159).

Noi gương thánh Philipphê và thánh Giacôbê, bạn có thể trở thành tông đồ của Chúa qua lối sống hằng ngày của mình hôm nay bằng cách làm những việc nhỏ với một con tim chân thành, với một thái độ cởi mở. Đây là một minh chứng hùng hồn và cụ thể nhất cho đức tin của mình đó.

Xin thánh Philipphê và thánh Giacôbê, cầu cho chúng con.

From: Do Dzung

Mai Thảo, Thanh Sử – Hãy Theo Thầy 

Thánh Giuse Thợ-Cha Vương

Tháng 5 rồi bạn ơi! Tháng 5 là tháng hoa dâng kính Đức Mẹ Maria. Giáo Hội dành riêng tháng này để đặc biệt kính mến Đức Maria. Những lúc gian nan nguy khốn cũng như khi được an bình hạnh phúc, bạn luôn biết chạy đến cùng Mẹ để được an ủi, vỗ về, che chở và dâng lời cảm tạ. Trong khi làm công việc hằng ngày, mời bạn dâng lên Mẹ hoa hồng của lòng yêu mến, xin Mẹ dạy cho bạn biết yêu Chúa hết lòng và yêu anh chị em mình như Chúa đã yêu họ vậy. Hôm nay cũng là ngày kính Thánh Giuse Thợ, xin Thánh Giuse cầu bầu cho chúng con.

Cha Vương

Thứ 4: 1/5/2024

Thánh Giuse Thợ: Hiển nhiên là để đối ứng với việc cử hành “Ngày Lao Ðộng” của Cộng Sản mà Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã thiết lập ngày lễ Thánh Giuse Thợ vào năm 1955. Nhưng sự liên hệ giữa Thánh Giuse và ý nghĩa lao động đã có từ lâu trong lịch sử.

Trong nỗ lực cần thiết để nói lên nhân tính của Ðức Giêsu trong đời sống thường nhật, ngay từ ban đầu Giáo Hội đã hãnh diện nhấn mạnh rằng Ðức Giêsu là một người thợ mộc, hiển nhiên là được cha nuôi của Ngài huấn luyện, một cách thành thạo và khó nhọc trong công việc ấy. Nhân loại giống Thiên Chúa không chỉ trong tư tưởng và lòng yêu thương, mà còn trong sự sáng tạo. Dù chúng ta chế tạo một cái bàn hay một vương cung thánh đường, chúng ta được mời gọi để phát sinh kết quả từ bàn tay và tâm trí chúng ta, nhất là trong việc xây đắp Nhiệm Thể Ðức Kitô.

LỜI BÀN: “Sau đó Thiên Chúa đưa người đàn ông vào sống trong vườn Eden, để cầy cấy và chăm sóc khu vườn” (Sáng Thế 2:15). Thiên Chúa Cha đã tạo dựng nên mọi sự và muốn con người tiếp tục công trình tạo dựng ấy. Con người có phẩm giá là qua công việc, qua sự nuôi nấng gia đình, qua sự tham dự vào đời sống sáng tạo của Thiên Chúa Cha. Thánh Giuse Thợ có thể giúp chúng ta tham dự một cách sâu xa vào mầu nhiệm tạo dựng ấy. Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã nhấn mạnh đến điều này khi nói, “Thần khí chan hòa trên bạn và mọi người phát xuất từ con tim của Ðấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người, Ðấng Cứu Ðộ trần gian, nhưng chắc chắn rằng, không người lao động nào được thấm nhuần thần khí ấy một cách trọn vẹn và sâu đậm cho bằng cha nuôi của Ðức Giêsu, là người sống với Ngài một cách mật thiết trong đời sống gia đình cũng như làm việc. Do đó, nếu bạn ao ước muốn đến gần Ðức Kitô, một lần nữa chúng tôi lập lại rằng, ‘Hãy đến cùng Thánh Giuse'” (xem Sáng Thế 41:44).

(Nguồn: Người Tín Hữu online)

CẦU NGUYỆN: Lạy Thiên Chúa tạo thành trời đất, Chúa đã muốn cho con người lao động để tiếp tục công trình của Chúa. Xin nhận lời thánh cả Giuse chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương người để lại là chu toàn nhiệm vụ Chúa đã trao phó hầu được hưởng niềm vui Chúa đã hứa cho tôi tớ trung thành. Chúng con cầu xin… (Lời nguyện nhập lễ)

From: Do Dzung

THÁNH GIUSE GƯƠNG LAO ĐỘNG-Quỳnh An – ST Phong Trần. 

THÁNH GIUSE THỢ- Ts. Trần Mỹ Duyệt

Thánh Giuse, Cha Nuôi Đức Kitô.  Ngài đã sinh sống và nuôi vợ con với đôi tay và sức lao động của chính mình bằng nghề thợ mộc.  Chúa Giêsu lớn lên cũng theo nghề của dưỡng phụ ngài, và đã trở thành một anh thợ mộc: “Đây không phải là ông thợ mộc sao?  Không phải là con bà Maria và anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao?  Chị em của ông không ở đây với chúng ta sao?  Và họ xúc phạm đến Ngài” (Marcô 6:3).   

Dù chỉ là một người thợ mộc bình dân, âm thầm, và nghèo nàn, nhưng theo huyết thống, Thánh Giuse thuộc hoàng tộc David.  Ở vào thời ngài, dòng dõi David tuy không còn lừng lẫy như xưa, Thánh Giuse vẫn cho thấy ngài là người có tâm hồn cao thượng và thánh thiện.  Thánh Kinh kể lại sau khi kết hôn với Maria, do nhận ra Maria có thai, nhưng vì “là người công chính và không muốn công khai tố cáo người bạn mình” (Matthêu 1:19), nên Thánh Giuse đã định tâm lìa bỏ Maria một cách kín đáo.  Hành động của ngài đã khiến Thiên Đàng phải can thiệp.  Thiên thần Chúa đã được sai đến và cho ngài hay con trẻ đó là Con Thiên Chúa, và Con Thiên Chúa đây được hòai thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần.

Sau khi được thiên thần báo mộng, Thánh Giuse đã đón nhận Maria, hoàn thành sứ mạng làm chồng và làm cha của mình một cách hết sức tận tụy, chu đáo, trách nhiệm, và thánh thiện.  Thử thách đầu tiên đến với ngài, cũng theo Thánh Kinh thuật lại, sau khi Chúa Giêsu giáng sinh tại Bethlehem thuộc Judaea, và sau cuộc đón tiếp ba vị Đạo Sỹ, một lần nữa thiên thần lại báo mộng cho ngài đem Đức Maria và Hài Nhi trốn sang Ai Cập để tránh cảnh lùng bắt Hài Nhi của vua Herod.  Và sau cùng, cũng từ Ai Cập, ngài lại được thiên sứ báo mộng đem gia đình trở về Do Thái sau khi Herod băng hà.

Không muốn trở lại Bethlehem vì sợ người kế vị Herod còn nuôi ý định lùng bắt trẻ Giêsu, Thánh Giuse đã đem gia đình tới định cư tại Nazareth (Matthêu 2:22-23) thuộc Galilee.  Ngài đã sống và làm việc âm thầm ở đây cho đến khi qua đời.  Sự xuất hiện cuối cùng của ngài được thánh sử Luca ghi lại trong biến cố gia đình ngài lạc và tìm thấy trẻ Giêsu lúc bấy giờ đã 12 tuổi trong Đền Thờ (Luca 2:41-49).  Hoàn cảnh, thời gian Thánh Giuse qua đời không được ghi lại, ngoại trừ theo suy luận, nó xảy ra vào trước thời gian Chúa Giêsu công khai sứ mạng rao giảng Tin Mừng và chịu tử hình trên Thánh Giá (Gioan 19:26-27).

Những lý do các nhà giải thích Thánh Kinh dùng để suy đoán về thời gian cái chết của ngài, đó là Thánh Giuse không được nhắc đến trong tiệc cưới Cana, thời gian khởi đầu sứ vụ của Chúa Giêsu.  Ngài cũng không được nói đến trong cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Chúa.  Người hạ xác và mai táng Chúa là Giuse thành Arimathea.  Ngoài ra, Chúa Giêsu cũng không trao Mẹ Ngài cho ai nhưng cho Tông Đồ Gioan, lúc đó đang đứng dưới chân thập giá: “Hỡi Gioan, này là mẹ con” (Gioan 19:27).[1]

Sống nghề thợ mộc

Thánh Giuse được diễn tả như một “tekton” (τέκτων), dịch theo Anh ngữ là người “thợ mộc,” tuy nhiên, từ ngữ này không chỉ gói gọn trong nghề thợ mộc.  Theo tiếng Hy Lạp thì nghề này còn liên quan đến những sản phẩm được làm bằng sắt hoặc đá.

Ở vào thời của Thánh Giuse, Nazareth là một ngôi làng ẩn khuất trong miền Galilee, khoảng 130 Km (81 mi) cách Thành Thánh Giêrusalem, và rất ít được nhắc đến trong những sách vở của người ngoài Kitô giáo, cũng như các tài liệu khác.  Nhân số trong ngôi làng này có vào khoảng 400 người.

Theo một số tài liệu cho rằng cuộc sống của người Nazareth lúc bấy giờ lệ thuộc nhiều vào các tỉnh lân cận, và nhiều nhà sử học tin rằng Thánh Giuse và cả Chúa Giêsu có thể hằng ngày đã phải đi về để làm việc trong ngành tái thiết. [2]

Một trong những thành phố đang phát triển lúc bấy giờ là Sepphoris tiếng Do Thái gọi là Tzipori và tiếng Ả Rập gọi là Saffuriya từ thế kỷ thứ 7.  Trung tâm vùng Galilee, cách 6 Km về phía bắc-tây bắc Nazareth. [3]  Vào thời kỳ của Chúa Giêsu, thành này được phát triển rộng lớn thu hút nhiều nhân công thợ xây.  Cũng theo truyền thống xa xưa cho rằng Đức Maria được sinh ra ở Sepphoris, và cha mẹ ngài là Gioakim và Anna. [4]

Tuy nhiên, phần lớn các nhà nghiên cứu đều cho rằng Thánh Giuse là một người thợ mộc trong làng, những công việc của ngài bao gồm chế tác, sửa chữa những đồ đạc bằng gỗ, đá, và kim loại. [5]  Năm 2019, người viết cũng đã có diễm phúc thăm Nazareth, viếng xưởng mộc của Thánh Giuse ở đây, và rất cảm động về sự nghèo nàn, đơn sơ của gia đình ngài.

Ngày nay Nazareth là một thành phố Ảrập lớn nhất ở Do Thái gồm 30 thánh đường, tu viện cũng như đền thờ Hồi Giáo và các hội trường cổ.  Thống kê năm 2021 cho biết hiện nay Nazareth có khoảng 77.925 dân cư, trong đó 69% là người Hồi Giáo, và 30,9% thuộc Kitô Giáo. [6]

Lòng sùng mộ  

Thánh Giuse được biết đến qua Thánh Kinh là “cha trần thế” của Chúa Giêsu và là chồng của Đức Trinh Nữ Maria.  Ngài là Bổn Mạng Giáo Hội Hoàn Vũ.  Cuộc đời ngài đã được ghi trong Tân Ước, đặc biệt là Phúc Âm Thánh Matthêu và Luca.

Lòng sùng mộ Thánh Giuse được xem như bắt đầu từ Ai Cập.  Theo truyền thống Tây Phương khởi đi từ trước thế kỷ thứ 14, lòng sùng mộ này được phổ biến khi một dòng tu chiêm niệm có tên là Các Tôi Tớ Đức Maria (The Servite Order) mừng lễ kính ngài vào 19 tháng Ba, ngày được cho là  ngày ngài qua đời.  Trong số những người có lòng sùng kính Thánh Giuse là Đức Giáo Hoàng Sixtus IV, người đã phổ biến lòng sùng mộ này tại Roma vào khoảng năm 1479.  Thánh Nữ Teresa D’avila, một nhà thần bí của thế kỷ 16 cũng là người rất có lòng yêu mến Thánh Giuse.

Mặc dù là Bổn Mạng của nhiều quốc gia, năm 1870, Đức Giáo Hoàng Pius IX đã đặt ngài Bổn Mạng Giáo Hội Hoàn Vũ.  Giáo Hội Việt Nam cũng nhận Thánh Giuse là Bổn Mạng.  Năm 1955, Đức Giáo Hoàng Pius XII đã thiết lập lễ kính ngài với danh hiệu Thánh Giuse Thợ vào ngày 1 tháng 5.  Đời sống lao công của Thánh Giuse đã dạy chúng ta rằng ngài làm việc một cách âm thầm cho Chúa Giêsu.  Không chỉ có Thánh Giuse, Mẹ Maria cũng là người chu toàn trách nhiệm mình với lòng yêu mến Thiên Chúa một cách thánh thiện, chăm chỉ, và siêng năng nhất.  Ý nghĩa tôn giáo của Lễ Thánh Giuse Thợ nhằm thánh hóa quan niệm do chủ nghĩa Cộng Sản khi họ chọn ngày này làm ngày Lao Động Thế Giới với một chủ đích thế tục. [7]

Kinh cầu Thánh Giuse      

Lời kinh kết thúc Tông Thư PATRIS CORDE của Đức Phanxicô kỷ niệm 150 năm Thánh Giuse được tôn vinh là Bổn Mạng Hội Thánh.

Kính chào Đấng Gìn Giữ Chúa Cứu Thế,
Bạn Trăm Năm của Đức Trinh Nữ Maria.
Chúa Cha đã trao Con Một của Chúa cho Ngài,
Mẹ Maria đã tin tưởng vào ngài,
Chúa Kitô đã lớn lên thành người cùng với ngài.
Lạy thánh Giuse diễm phúc,
xin cũng hãy tỏ ra ngài là cha của chúng con
và hướng dẫn chúng con đi trên đường đời.
Xin cầu cho chúng con ơn thánh, lòng thương xót và can đảm.
Và xin bảo vệ chúng con khỏi mọi sự dữ. Amen
. [8]

Ts. Trần Mỹ Duyệt

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.britannica.com/biography/Saint-Joseph
  2. https://en.wikipedia.org/wiki/Saint_Joseph
  3. https://en.wikipedia.org› wiki › Sepphoris
  4. https://www.deseret.com› sepphoris-the-ornament-of-th.
  5. https://en.wikipedia.org/wiki/Saint_Joseph

6.https://en.wikipedia.org › wiki › Nazareth

  1. https://www.britannica.com/biography/Saint-Joseph

8.https://www.vaticannews.va/en/prayers/prayer-to-st-joseph.htmlPope Francis, Patris Corde

From: Langthangchieutim


 

 

Thánh Catarina ở Siena, Tiến Sĩ Hội Thánh (1347-1380)-Cha Vương

Một ngày yêu thương nhiều hơn giận hờn ghen ghét nhé bạn. Hôm nay 29/04 Giáo hội mừng kính thánh Catarina ở Siena, mừng quan thầy đến những ai chọn ngài làm bổn mạng.

Cha Vương

Thu 2:  29/4/2024 

Thánh Catarina ở Siena, Tiến Sĩ Hội Thánh (1347-1380). Tên thật là Catarina Benincasa sinh ngày 25 tháng 3 năm 1347 tại Siena, Tuscany, Ý Đại Lợi và là người con út trong gia đình 25 người con. Ngài là một nữ tu Dòng Đa Minh, một nhà huyền bí nồng nhiệt, một chiến sĩ bảo vệ sự thánh thiện của Giáo Hội Công giáo. Ngài sinh sống trong thế kỷ thứ XIV, một thời kỳ mà Giáo Hội đang gặp phải những khó khăn chia rẽ dường như khó mà hàn gắn được.

Ngay từ khi bảy tuổi, cô đã dâng hiến tâm hồn cho Ðức Kitô. Khi lớn lên cô bày tỏ ý muốn đi tu, nhưng gia đình lại muốn cô kết hôn. Ðể nói lên ý chí quyết liệt của mình, cô đã cắt tóc và sau cùng, với sự đồng ý của cha mẹ, Catarina gia nhập tổ chức Mantellate, là hội phụ nữ có liên hệ đến Dòng Ða Minh, họ mặc áo dòng nhưng sống ở nhà, phục vụ người nghèo và người đau yếu. Cô sống ẩn dật trong một căn phòng nhỏ tại gia đình ở Siena. Trong vòng hai năm liên tiếp cô không bao giờ rời phòng, trừ khi đi xem lễ và xưng tội, và cũng không nói chuyện với một ai ngoại trừ cha giải tội. Trong thời gian này, Catarina tập luyện tinh thần qua lối sống khắc khổ. Sau đó, cô tự phá vỡ đời sống cô độc và bắt đầu hăng say chia sẻ công việc trong nhà, săn sóc người bệnh và giúp đỡ người nghèo. Tuy nhiên cô vẫn dành thời giờ trong thinh lặng và chiêm niệm. Dần dà, người ta nhận thấy dường như Thánh Catarina đọc được tâm hồn của họ và dân chúng thuộc đủ mọi thành phần – giầu và nghèo, tu sĩ và giáo dân, thợ thuyền và lính tráng – bắt đầu tuốn đến với ngài để được khuyên bảo. Từ đó một tổ chức tông đồ giáo dân được thành hình. Các lá thư của ngài, hầu hết là các lời khuyên bảo tinh thần và khuyến khích các người mến mộ, ngày càng được công chúng đón nhận. Ngài có ảnh hưởng rất lớn vì sự thánh thiện hiển nhiên. Tất cả công việc ngài thi hành đều được thúc đẩy bởi ngọn lửa tình yêu. Cuộc sống của ngài luôn ẩn náu trong những vết thương của Chúa Kitô bị đóng đinh. Ngài cảm nhận trong thâm sâu của con tim và trong đức tin của ngài, những thảm họa của Giáo Hội và của xã hội ngài đang sống, vẫn còn tiếp tục đóng đinh Chúa Kitô. Ngài đã làm trung gian để đem lại hòa bình giữa các đô thị và giữa các phe nhóm thù nghịch.

Một vài tuần trước khi chết, ngài đang cầu nguyện trước một bức khảm ở Ðền Thánh Phêrô, ngài trông thấy con thuyền của Thánh Phêrô như rời khỏi bức khảm và đậu trên vai của ngài. Con thuyền xô ngài ngã quỵ và người ta phải khiêng ngài về nhà. Ngài hầu như bất toại cho đến khi từ trần ngày 29 tháng 4  năm 1380, lúc ấy mới ba mươi ba tuổi. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Pius II phong thánh năm 1461, và được coi là một trong những vị thần nghiệm và văn sĩ linh đạo của Giáo Hội. Vào ngày 04 tháng 10 năm 1970, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI tuyên xưng ngài là Tiến Sĩ Hội Thánh. Ngài là người phụ nữ thứ hai (sau Thánh Têrêsa ở Avila) được vinh dự  này. (Tóm lược từ nguồn: Nhóm Tinh Thần) Sau đây là những câu nói của ngài (Nguồn: hddmvn):

❦ Phạm tội là con người, nhưng ngoan cố trong tội là ma quỷ.

❦  Đối với các linh hồn hoàn thiện mọi nơi đều là nguyện đường.

❦ Ta [Thiên Chúa] thương yêu con nhiều hơn con có thể yêu thương bản thân con, và ta ân cần chăm sóc cho con cả ngàn lần hơn con có thể chăm sóc bản thân con.

❦ Con người được tạo dựng nên do tình yêu, để con người sống cho tình yêu.

Câu nào đánh động bạn nhất?

Xin thánh Catarina thành Siena cầu bầu cho chúng con.

From: Do Dzung

      Tình Yêu Thiên Chúa – Vy Oanh  

Thánh Mác-cô-Cha Vương

Chúc bạn và gia đình một ngày tràn đầy sức mạnh và ơn sủng của Chúa. Hôm nay Giáo Hội mừng kính thánh Mác-cô, mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 25/04/2024

Thánh Mác-cô là cháu của thánh Bác-na-ba. Người đã đi theo thánh tông đồ Phao-lô trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất, và theo đến tận Rô-ma. Người cũng là môn đệ của thánh Phê-rô và là thông ngôn của thánh Phê-rô, đã soạn lời giảng của thánh Phê-rô thành sách Tin Mừng. Truyền thống cho rằng người đã sáng lập giáo đoàn A-lê-xan-ri-a. (Nguồn: Kinh Phụng Vụ)

Những gì chúng ta biết về Thánh Mác-cô thì trực tiếp từ Tân Ước. Ngài thường được coi là nhân vật Mác-cô trong Tông Ðồ Công Vụ 12:12 (Khi Phêrô thoát khỏi ngục và đến nhà mẹ của Máccô).

Phao-lô và Bác-na-ba  muốn đưa Mác-cô đi trong chuyến truyền giáo đầu tiên, nhưng vì một vài lý do nào đó, Mác-cô đã ở lại Giêrusalem một mình. Trong cuộc hành trình thứ hai, Phaolô lại từ chối không muốn đem theo Mác-cô, bất kể sự nài nỉ của Bác-na-ba, điều đó chứng tỏ Mác-cô đã làm phật lòng Phao-lô. Sau này, Phao-lô yêu cầu Mác-cô đến thăm ngài khi ở trong ngục, điều đó cho thấy sự bất hòa giữa hai người không còn nữa.

Là Phúc  âm đầu tiên và ngắn nhất trong bốn Phúc  âm, Mác-cô nhấn mạnh đến việc Ðức Giêsu bị loài người tẩy chay trong khi chính Người là Thiên Chúa. Phúc  âm Thánh Mác-cô có lẽ được viết cho Dân Ngoại tòng giáo ở Rô-ma—sau cái chết của Thánh Phê-rô và Phao-lô khoảng giữa thập niên 60 và 70.

Cũng như các thánh sử khác, Mác-cô không phải là một trong 12 tông đồ. Chúng ta không rõ ngài có biết Ðức Kitô một cách cá biệt hay không. Một số sử gia cho rằng vị thánh sử này đã nói đến chính ngài trong đoạn Ðức Kitô bị bắt ở Giệtsimani: “Bấy giờ một người trẻ đi theo Người chỉ khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh, nhưng anh tuột tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng” (Máccô 14:51-52).

Tương truyền thì Mac-cô thành lập Giáo Hội Alexandria (Ai Cập) và chịu tử đạo tại đó năm 68 (bị kéo lê trên đường đá cho đến chết). Thánh tích của ngài được đưa về Venice năm 815. Thành phố Venice, nổi tiếng với quảng trường San Marco, một vương cung thánh đường vĩ đại ở đây được cho là nơi chôn cất thánh nhân. Thánh Mác-cô là quan thầy của thành phố Venice và còn là quan thầy của những người làm nghề gương và các lục sự.

Dấu hiệu của Thánh Mác-cô là con sư tử có cánh, do bởi đoạn Mác-cô diễn tả Gio-an Tẩy Giả như một “tiếng kêu trong hoang địa” (Máccô 1:3), mà các nghệ nhân so sánh tiếng kêu ấy như tiếng sư tử gầm. Ðôi cánh của sư tử là bởi áp dụng thị kiến của Êgiêkien về bốn con vật có cánh cho các thánh sử.

LỜI BÀN: Cuộc đời Thánh Mác-cô đã hoàn tất những gì mà mọi Kitô Hữu được mời gọi để thi hành: rao truyền Tin Mừng cứu độ cho mọi người. Ðặc biệt, phương cách của Thánh Mác-cô là qua sự viết văn. Những người khác có thể loan truyền Tin Mừng qua âm nhạc, nghệ thuật sân khấu, thi văn hay giáo dục con em ngay trong gia đình.

LỜI TRÍCH: Hầu hết những gì Thánh Mác-cô viết đều có đề cập đến trong các Phúc  m khác — chỉ trừ bốn đoạn. Sau đây là một đoạn: “… Chuyện nước trời cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Ðêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Ðất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa” (Máccô 4:26-29).

(Nguồn: Người Tín Hữu)

From: Do Dzung

Thánh George-Cha Vương

Chúc bình an! Hôm nay Giáo Hội mừng kính thánh George, quan thầy của [các chiến binh], nước Anh, Bồ Ðào Nha, Ðức, Aragon, Genoa và Venice. Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 23/04/2024

Người ta thường vẽ hình Thánh George đang giết con rồng để cứu thoát một phụ nữ xinh đẹp. Con rồng tượng trưng cho sự dữ. Người phụ nữ tượng trưng cho chân lý thánh thiện của Thiên Chúa. Thánh George là vị tử đạo can đảm đã chiến thắng sự dữ.

Cuộc đời Thánh George thì đầy những huyền thoại đến nỗi thật khó để phân biệt thực hư. Người ta cho rằng Thánh George xuất thân từ Cappadocia thuộc Tiểu Á, là một sĩ quan trong đạo quân của Hoàng Ðế La Mã Diocletian (245 – 313), và là người được Hoàng Ðế mến mộ.

Lúc bấy giờ, Diocletian là người ngoại đạo và thù ghét Kitô Giáo. Ông giết bất cứ Kitô Hữu nào mà ông gặp. Thánh George là một Kitô Hữu can đảm, một người lính đích thực của Ðức Kitô. Không sợ hãi, ngài đến gặp Hoàng Ðế và nghiêm nghị quở trách sự tàn ác của ông. Sau đó ngài từ bỏ địa vị trong quân đội La Mã. Vì lý do đó ngài bị tra tấn bằng mọi cách khủng khiếp nhất và sau cùng bị chém đầu.

Sự can đảm và hăng hái tuyên xưng đức tin của Thánh George đã đem lại niềm phấn khởi cho các Kitô Hữu thời ấy. Nhiều bài hát và bài thơ đã được sáng tác về vị tử đạo này. Ðặc biệt, các quân nhân là những người sùng kính ngài.

Ngài được phong thánh năm 494, Ðức Giáo Hoàng Gelasius tuyên xưng ngài là một trong những người “mà tên tuổi thật xứng đáng để người đời kính trọng, và chứng từ tử đạo của ngài đáng để dâng lên Thiên Chúa.”

Lời Bàn: Tất cả chúng ta đều có những “con rồng” để khuất phục. Nó có thể là sự kiêu ngạo, sự nóng giận, sự lười biếng, sự tham lam, hoặc bất cứ gì khác. Hãy biết rằng chúng ta chiến đấu những “con rồng” đó với sự trợ giúp của Thiên Chúa. Và rồi, chúng ta có thể tự hào mình là chiến sĩ đích thực của Ðức Kitô.

Lời Trích: “Mỗi khi nhìn đến đời sống của những người đã trung tín theo Ðức Kitô, chúng ta lại có thêm một lý do nữa để phấn khởi tìm kiếm Thành Thánh tương lai” (Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội, 50)

Thánh George, cầu cho chúng con.

From: Do Dzung        

 Đời Con Có Chúa – Lm Duy Thiên – Nhóm Cadillac 

THÁNH NỮ MARIA FAUSTINA KOWALSKA

 

Thánh Nữ Maria Faustina Kowalska ngày nay được khắp thế giới biết đến với tước hiệu “Tông Đồ Lòng Thương Xót Chúa” là một vị thánh được các nhà thần học kể vào số những nhà thần bí trỗi vượt trong Giáo Hội.

Chị là người thứ ba trong số mười người con của một gia đình nông dân nghèo khó nhưng đạo đức tại Glogow Iec, một làng quê nằm giữa đất nước Ba Lan.  Khi được rửa tội tại nhà thờ giáo xứ Swinice Warckie lân cận, chị đã được nhận tên “Helena.”  Ngày từ thời thơ ấu, Helena đã nổi bật với đời sống đạo hạnh, yêu thích cầu nguyện, chăm chỉ, vâng lời, và hết lòng thương cảm trước nỗi khổ đau của tha nhân.  Helena được đi học trong thời gian chưa đầy ba năm, và đến năm 14 tuổi, chị đã phải rời bỏ mái ấm gia đình để mưu kế sinh nhai, giúp đỡ cha mẹ bằng công việc phụ giúp việc nhà tại thành phố Aleksandrow và Lodz kế cận.

Khi mới lên bảy tuổi (hai năm trước khi rước lễ lần đầu), Helena đã cảm nhận trong tâm hồn lời mời gọi theo đuổi đời sống tu trì.  Sau đó, chị đã ngỏ ý muốn với cha mẹ, nhưng hai vị đều dứt khoát không đồng ý cho chị vào sống trong tu viện.  Trước hoàn cảnh như thế, Helena đã cố bóp nghẹt lời mời gọi trong tâm hồn.  Tuy nhiên, quá xao xuyến vì một thị kiến về Chúa Kitô tử nạn và những lời trách cứ của Người: “Cha còn phải chịu đựng con cho đến bao giờ, con còn phụ rẫy Cha cho đến bao giờ nữa đây?” (NK9 – Nhật Ký 9), Helena bắt đầu tìm cách để xin vào một tu viện.  Chị đã gõ cửa không ít tu viện, nhưng không được nơi nào đón nhận.  Cuối cùng, vào ngày 1 tháng 8 năm 1925, Helena đã được bước qua ngưỡng cửa của dòng Đức Mẹ Nhân Lành ở phố Zytnia tại Warsaw.  Trong Nhật ký, chị có viết: “Dường như tôi đã bước vào cuộc sống thiên đàng.  Một lời kinh đã trào dâng từ tâm hồn tôi, một lời kinh tạ ơn.” (NK17).

Tuy nhiên, vài tuần lễ sau đó, chị bị cám dỗ mãnh liệt, muốn chuyển sang một dòng khác để có nhiều thời giờ hơn cho việc cầu nguyện.  Chính lúc ấy, Chúa Giêsu đã tỏ cho chị thấy các thương tích và thánh nhan tử nạn của Người và phán: “Chính con gây cho Cha nỗi đau đớn này nếu như con rời bỏ tu viện.  Đây là nơi Cha đã gọi con, chứ không phải một nơi nào khác; và Cha đã dọn sẵn nhiều ơn thánh cho con” (NK19).

Khi vào dòng, Helena được nhận tên Maria Faustina.  Chị đã sống thời kỳ năm tập trại Cracow, và cũng tại đây, trước sự chứng kiến của đức giám mục Stanislaus Rospond, chị đã tuyên lời khấn tạm lần đầu, và năm năm sau, tuyên giữ trọn đời ba lời khấn thanh tịnh, khó nghèo và vâng phục.  Chị được cắt cử làm một số công tác tại các tu viện của dòng; hầu hết thời gian là ở Cracow, Plock, và Vilnius, với các công tác làm bếp, làm vườn, và coi cổng.

Tất cả những cái vẻ bên ngoài ấy không làm hiện lộ một cuộc sống thần hiệp phong phú ngoại thường nơi chị dòng Faustina.  Chị sốt sắng chu toàn các phận sự, trung thành giữ trọn luật dòng, sống đời sống nội tâm và giữ thinh lặng, trong khi đó vẫn sống trong sự tự nhiên, vui tươi, đầy nhân ái và yêu thương người chung quanh một cách vô vị lợi.

Chúa Giêsu đã uỷ thác cho chị nữ tu đơn sơ, kém học, nhưng can trường và tín thác vô hạn này một sứ mạng cao cả là rao truyền sứ điệp Lòng Thương Xót của Chúa cho thế giới, Người đã phán với chị, “Cha sai con đem tình thương của Cha đến cho toàn thế giới.  Cha không muốn đoán phạt, nhưng muốn chữa lành và ghì chặt nhân loại đau thương vào Trái Tim lân tuất của Cha.” (NK 1588).  “Con là thư ký của Lòng Thương Xót Cha.  Cha đã tuyển dụng con làm nhiệm vụ ấy trên đời này và ở đời sau” (NK 1605) … “Nhiệm vụ và công tác suốt đời con là tiếp tục làm cho các linh hồn được biết về Lòng Thương Xót lớn lao của Cha dành cho họ, và kêu gọi họ hãy tín thác vào Lòng Thương Xót vô tận của Cha.” (NK 1567).

Sứ Mạng Của Thánh Nữ Faustina

Sứ mạng chính yếu của chị thánh là nhắc nhở cho chúng ta về những chân lý đức tin ngàn đời nhưng dường như đã bị lãng quên về tình yêu thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại, và truyền đạt cho chúng ta những hình thức mới mẻ của việc tôn sùng Lòng Thương Xót, ngõ hầu làm hồi sinh cuộc sống thiêng liêng trong tinh thần tin tưởng và nhân ái của Kitô giáo.

Bức Hình Chúa Giêsu Thương Xót.  Kiểu dáng bức hình được tỏ ra trong cuộc thị kiến của chị Faustina, ngày 22 tháng 2 năm 1931, trong phòng tư của chị tại tu viện Plock.  Chị ghi lại lời Chúa truyền trong Nhật ký, “Hãy vẽ một bức hình theo như mẫu con nhìn thấy, với hàng chữ: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa” (NK47).  “Cha muốn bức hình này, bức hình được con vẽ bằng một cây cọ, sẽ được làm phép trọng thể vào Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh; Chúa Nhật đó sẽ là ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Cha” (NK 49).

Hai luồng sáng là nét nổi bật trong bức hình Chúa Kitô.  Chính Chúa Giêsu khi được hỏi về ý nghĩa bức ảnh đã giải thích: “Luồng sáng màu lam nhạt tượng trưng Nước làm cho linh hồn nên công chính.  Luồng sáng màu đỏ tượng trưng Máu là sức sống của các linh hồn… Phúc cho linh hồn nào cư ngụ trong nơi nương náu của họ” (NK 299).  Bí tích Thánh Tẩy và bí tích Hòa Giải thanh tẩy linh hồn, còn bí tích Thánh Thể làm cho linh hồn được nên giàu có sung túc.  Như vậy, hai luồng sáng tượng trưng cho các bí tích thánh thiện ấy và tất cả những ân sủng của Chúa Thánh Thần, Đấng trong Thánh kinh được biểu thị bằng nước, cũng như giao ước mới giữa Thiên Chúa và nhân loại trong bửu huyết Chúa Kitô.  Theo ý Chúa Kitô, bức hình phải mang dòng chữ “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa.”  Người còn tuyên bố, “Đó sẽ là một vật nhắc nhở về các yêu sách của Lòng Thương Xót Cha, bởi vì dù mạnh mẽ đến mấy, đức tin cũng chẳng ích gì nếu thiếu việc làm kèm theo” (NK 742)

Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa.  Lễ này được đặt cao nhất trong tất cả những yếu tố của việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa được mạc khải cho thánh nữ Faustina.  Chúa Giêsu đã yêu cầu thiết lập lễ này lần đầu tiên tại Plock vào năm 1931, khi Người tỏ ý muốn về việc vẽ bức hình: “Cha ước ao có một lễ kính thờ Lòng Thương Xót của Cha.  Cha muốn bức hình này, bức hình được con vẽ bằng một cây cọ, sẽ được làm phép trọng thể vào Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh, Chúa Nhật đó sẽ là ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Cha” (NK 49).

Tầm mức cao quý của ngày lễ này được đo lường bằng mức độ những lời hứa trọng đại mà Chúa đã gắn liền với dịp lễ: Chúa Giêsu đã phán, “…bất kỳ ai đến với Nguồn Mạch Sự Sống sẽ hoàn toàn được xóa sạch tội lỗi và hình phạt” (NK 300), và “Trong ngày hôm ấy, lượng thương xót dịu hiền thẳm sâu của Cha sẽ được khai mở.  Cha trào đổ cả một đại dương ân sủng xuống cho các linh hồn tìm đến với nguồn mạch xót thương của Cha.  Người nào xưng tội và chịu lễ sẽ được lãnh nhận hồng ân thứ tha mọi tội lỗi và hình phạt.  Ngày hôm ấy, mọi chốt ngăn những nguồn thác ân sủng đều được tháo mở.  Đừng linh hồn nào sợ đến bên Cha, cho dù tội lỗi họ có đỏ thắm như điều” (NK 699).

Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót Chúa.  Chuỗi kinh này Chúa Giêsu đã dạy cho Thánh Faustina tại Vilnius vào các ngày 13 và 14 tháng 9 năm 1935, như một lời kinh đền tạ hầu làm nguôi cơn nghĩa nộ của Thiên Chúa (NK 474-476).

Những ai đọc chuỗi kinh này sẽ dâng lên Thiên Chúa Cha “Mình và Máu Thánh, linh hồn và thần tính” của Chúa Giêsu Kitô để đền vì tội lỗi của mình, của người thân, và của toàn thế giới.  Bằng việc liên kết với hy tế của Chúa Giêsu, họ kêu nài tình yêu vô cùng của Thiên Chúa Cha trên trời dành cho Con Một, và trong Người, dành cho toàn thể nhân loại.

Không chỉ những người đọc chuỗi kinh này, mà cả những người hấp hối cũng được lãnh nhận các ơn này, khi có người khác đọc kinh nguyện này bên giường của họ.  Chúa đã hứa: “Khi chuỗi kinh này được đọc bên giường người hấp hối, cơn nghĩa nộ Thiên Chúa sẽ dịu xuống, lượng nhân từ vô biên sẽ bao phủ linh hồn ấy” (NK 811).  Lời hứa tổng quát là: “Cha vui lòng ban mọi điều họ nài xin Cha bằng việc lần chuỗi kinh ấy” (NK 1541). “…nếu những điều con xin phù hợp với thánh ý Cha” (NK 1731).

Trong một dịp khác, Chúa Giêsu đã phán: “…bằng việc đọc chuỗi kinh, con sẽ đem nhân loại đến gần Cha hơn” (NK 929) và: “Linh hồn nào đọc chuỗi kinh này sẽ được Lòng Thương Xót Cha ấp ủ trong suốt cuộc sống, và nhất là trong giờ chết’ (NK 754).

Giờ Thương Xót Vô Biên.  Trong những hoàn cảnh không được ghi lại đầy đủ trong Nhật ký, vào tháng 10 năm 1937, tại Cracow, Chúa Giêsu đã mời chị thánh hãy tôn vinh giờ chết của Người: “…mỗi khi nghe đồng hồ điểm ba giờ, con hãy dìm mình hoàn toàn trong Lòng Thương Xót của Cha để thờ lạy và tôn vinh; con hãy kêu nài quyền toàn năng Lòng Thương Xót Cha cho toàn thế giới, nhất là cho các tội nhân đáng thương; vì vào giờ phút ấy, lượng tình thương được mở ra cho mọi linh hồn” (NK 1572).

Chúa Giêsu cũng xác định những lời nguyện này rất phù hợp với hình thức tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa: “… con hãy cố gắng hết sức – miễn là bổn phận cho phép – để suy ngắm Đàng Thánh Giá trong giờ ấy; nếu không thể suy ngắm Đàng Thánh Giá, ít là con hãy vào nhà nguyện một lúc để thờ lạy Thánh Thể, Trái Tim đầu lân tuất của Cha; và giả như cũng không thể vào nhà nguyện, con hãy dìm mình vào sự cầu nguyện ở bất cứ nơi đâu trong một lúc ngắn ngủi” (NK 1572).

Linh mục Giáo sư Rozycki đã liệt kê ba điều kiện để lời cầu nguyện được dâng lên trong giờ phút ấy được Chúa nhậm lời:

1.Phải thưa lên với Chúa Giêsu

2.Phải được đọc vào lúc 3 giờ chiều.

3.Phải cậy nhờ đến giá trị và những công nghiệp cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu đã hứa: “Trong giờ ấy, con xin được mọi sự cho chính con và những linh hồn được con cầu nguyện: đó là giờ ân sủng cho toàn thế giới – Lòng Thương Xót vinh thắng phép công thẳng” (NK 1572).

Truyền bá việc tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa.  Khi bàn đến những yếu tố thiết yếu của việc tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa, cha Rozycki cũng coi việc truyền bá là một trong các yếu tố việc tôn sùng ấy, vì Chúa Kitô đã dành một số lời hứa cho việc này: “Linh hồn nào truyền bá việc sùng kính Lòng Thương Xót Cha, Cha sẽ bảo bọc họ suốt đời như mẹ hiền đối với con thơ, và đến giờ lâm tử của họ, Cha không phải là thẩm phán, nhưng là Đấng Cứu Chuộc đầy lân tuất với họ” (NK 1075).  Chúa Kitô muốn những ai thờ phượng Người hãy thực hiện mỗi ngày ít nhất một hành vi đức ái với người lân cận.

Việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa hướng đến mục tiêu canh tân đời sống đạo đức trong Giáo hội trong tinh thần tín thác và nhân ái của Kitô Giáo.  Sứ mạng của thánh nữ Faustina có một nền tảng vững chắc trong Thánh Kinh và giáo huấn Giáo hội; nhất là phù hợp một cách tuyệt vời với tông huấn Dives in misericordia (Thiên Chúa Giàu Lòng Xót Thương) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Cracow, tháng 12 năm 1991

Nữ tu M. Elizabeth Siepak, ZMBM


 

Thánh Phanxica Rômana (Francoise) quả phụ nữ tu (1384–1440).- Cha Vương

Chúc bạn và gia quyến cuối tuần an lành. Mình xin cáo lỗi mấy ngày nay điện thoại bị hư không gởi bài được.

Cha Vương

Hôm nay 09/3 Giáo Hội mừng kính thánh Phanxica Rômana (Francoise) quả phụ nữ tu (1384–1440). Thánh nữ Francoise (Francesca di Bussi di Leoni) được gọi là người Rôma hay là người “rất Rôma trong số các vị thánh”, chỉ vì Bà được sinh ra trong một gia đình quí tộc Rôma và sống suốt đời tại đây, vào lúc Giáo Hội Đông Phương ly khai khỏi Giáo Hội Tây Phương (1378-1417) và bệnh dịch tàn phá thành phố vào năm 1413-1414. Được rửa tội và thêm sức tại đại thánh đường Saint-Agnès, kết hôn vào lúc 13 tuổi với quận công Lorenzo Ponziani, có được 3 người con. Francoise sống với chồng 37 năm, cho đến lúc ông qua đời. Bà thật là một mẫu gương làm vợ và làm mẹ. Dù rất tất bật trong gia đình, Francoise cùng với chị dâu và cũng là bạn Vanozza, thích cầu nguyện, thực hành sám hối, viếng nhà thờ và các nhà thương, để chăm sóc người nghèo và bệnh nhân. Theo Hạnh thánh, Bà luôn làm sự lành để đối lại sự ác, luôn tạo việc thiện cho những người nói xấu, phê bình và chăm chít đời sống của Bà. Khi chồng qua đời, Francoise bỏ lâu đài Transtévère để chia sẻ đời sống với các Người “Tận hiến cho Đức Maria – Oblates de Marie” mà Bà tập họp lại, theo luật Dòng thánh Bênêđicto, trong nhà Tor de’ Specchi tại Rôma. Các Bà đạo đức này sống cuộc đời khổ hạnh và phục vụ các công việc bác ái. Được Thiên Chúa ban cho nhiều hồng ân đặc biệt, ngất trí và thị kiến, Francoise sống rất mật thiết với Thiên thần giữ mình của Bà. Bà qua đời ngày 09.03.1440 khi đến nhà người con Battista đang đau. Những lời cuối cùng Bà nói với những người con tinh thần của Bà: “Hãy trung thành cho đến lúc chết. Satan sẽ tấn công các chị cũng như đã tấn công tôi, nhưng không có thử thách nào dữ tợn cả, nếu chúng ta trung thành với Chúa Kitô.” Được phong thánh vào năm 1608, Bà được chọn làm thánh quan thầy của các Bà đã lập gia đình, các Bà góa và các người lái xe. Mỹ thuật trình bày Bà cùng với Thiên thần giữ mình và mang một thúng thực phẩm.

 Thông điệp và tính thời sự

Người Rôma rất kính trọng thánh nữ Francoise vì đã có “một đời sống gương mẫu trong hôn nhân, sau đó là đời sống của một nữ tu”; vì thế chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta theo gương thánh nữ Francoise, trung thành phục vụ “trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.”

a.Trong đời sống hôn nhân và gia đình, Francoise đã biết những thử thách: cái chết của 2 người con còn nhỏ, lâu đài bị cướp phá và mất của cải, chồng bị thương nặng và bị lưu đày, con trai bị bắt làm con tin…Dù vậy, Bà không bị lay chuyển, luôn trung thành với chồng, Bà đã đáp ơn gọi làm vợ và làm mẹ một cách trung thành như trong các công tác bác ái giữa một thành phố bị chiến tranh và ghẻ chóc thử thách. Ngay trong lâu đài bị cướp phá, Bà lập một nhà thương, và khi tài sản không còn nữa, Bà đi ăn xin để giúp người nghèo và bệnh nhân.

b.Sự phong phú nội tâm thúc đẩy Bà đến với kẻ khác, và đồng thời rất nhiều người được lôi kéo đến với Bà.

Hạnh sử thánh Francoise Romaine được Phụng Vụ Giờ Kinh trích dẫn có ghi:

– “Thiên Chúa không chọn Bà để Bà trở thành một vị thánh cho chính mình, nhưng để Bà phục vụ cho những ân sủng mà Thiên Chúa ban cho Bà, để cứu giúp tinh thần và thể xác người đồng loại.”

– “Thiên Chúa đã gia ân cho thánh nữ Francoise với một sự dễ thương mà mọi người khi tiếp xúc với Bà, có thể cảm nghiệm tình yêu của Bà và sẵn sàng theo lời chỉ dẫn của Bà.”

– Tinh thần bác ái là động lực cho thánh nữ, thúc đẩy Bà đi tìm các bệnh nhân đem về nhà mình hay đến các nhà thương: “Bà làm giảm cơn khát, dọn giường, băng bó các vết thương cho họ…”

– Thánh nữ lo lắng việc chăm sóc tinh thần của bệnh nhân. Người ta thấy Bà đi tìm các linh mục và dẫn các ngài đến với bệnh nhân đã được chuẩn bị để lãnh nhận các bí tích sám hối và Thánh Thể.

c. Sứ điệp của thánh nữ Francoise đưa đến cho mọi người hôm nay, có thể tóm lại trong câu đáp của Phụng Vụ Giờ Kinh:

– Chỉ có tình yêu mới có những hoa trái công chính.

– Hãy để cho tình yêu theo đuổi trong anh em những công trình của nó.

– Hãy mở mắt ra cho ánh sáng tình thương.

Cố gắng noi gương thánh nhân một ít để sống tốt lành hơn nhé.

From: Do Dzung

https://www.youtube.com/watch?v=BgiDKELJ7ag

HÃY ĂN NĂN SÁM HỐI – ST: LINH MỤC BÙI NINH – CA SĨ GIA HIẾU

Thánh Phao-lô Mi-ki và các bạn, tử đạo – Cha Vương

Chuẩn bị đón Tết chưa? Chúc bạn và gia đình một ngày thật hạnh phúc trong yêu thương nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 06/02/2024

Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Phao-lô Mi-ki và các bạn, tử đạo. Ngày 5 tháng 2 năm 1597, hai mươi sáu Ki-tô hữu đã bị đóng đinh thập giá ở Na-ga-xa-ki (Nhật Bản). Trong số đó có những nhà truyền giáo từ châu Âu đến như các tu sĩ dòng Tên và dòng Phan-xi-cô, nhưng còn có cả các tu sĩ Nhật Bản, như thánh Phao-lô Mi-ki (sinh khoảng năm 1564/1566) và mười bảy giáo dân gồm: các giáo lý viên, các người thông ngôn, hai bác sĩ, và cả các trẻ em nữa. Tất cả đều tươi cười, nhiều người còn ca hát khi chịu chết để làm chứng cho Chúa Ki-tô. Sau đây là đoạn trích truyện tử đạo của thánh Phao-lô Mi-ki và các bạn do một tác giả cùng thời thuật lại.

Thật là kỳ diệu khi thấy các vị tử đạo bị treo trên khổ giá mà tất cả đều một niềm kiên trung theo lời cha Pa-xi-ô và cha Rót-ri-ghê lần lượt khuyên bảo. Cha đặc uỷ vẫn ở yên dường như bất động, mắt đăm đăm nhìn trời. Để cảm tạ lòng nhân từ của Chúa, thầy Mác-ti-nô hát mấy thánh vịnh kèm theo câu : Trong tay Ngài, lạy Chúa. Thầy Phan-xi-cô cũng lên tiếng dõng dạc tạ ơn Thiên Chúa. Thầy Gun-xan-vô thì cất cao giọng đọc kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng.

Phao-lô Mi-ki, người anh em của chúng tôi, khi thấy mình ở nơi cao trọng hơn hết mà trước kia chưa bao giờ được ở, trước tiên đã nói cho những người đứng chung quanh biết mình là người Nhật và thuộc dòng Tên, mình chết vì loan báo Tin Mừng và tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân cao cả đó, rồi thêm những lời sau đây : “Đã đến lúc này, tôi thiết tưởng không ai trong quý vị lại tin rằng tôi muốn che giấu sự thật. Vậy tôi xin tuyên bố cùng quý vị là không có con đường nào đưa tới ơn cứu độ, ngoài con đường các Ki-tô hữu đang đi. Vì con đường đó dạy tôi tha thứ cho kẻ thù và mọi người đã xúc phạm đến tôi, nên tôi vui lòng tha thứ cho nhà vua và mọi người đã gây ra cái chết cho tôi, và tôi xin họ hãy ao ước đón nhận bí tích Thánh Tẩy của người Ki-tô hữu.”

Rồi đưa mắt nhìn các bạn, người khuyến khích họ trong cuộc chiến đấu cuối cùng này. Trên nét mặt mọi người thấy rạng rỡ một niềm vui, nhất là niềm vui trên gương mặt Lu-y.

Khi một Ki-tô hữu nói lớn với người rằng chẳng bao lâu nữa người sẽ ở trên thiên đàng, thì các ngón tay và toàn thân người biểu lộ niềm vui chan chứa, khiến ai nấy đều đưa mắt nhìn người.

An-tôn, ở bên cạnh Lu-y mắt đăm đăm nhìn trời, sau khi kêu tên cực trọng Giê-su, Ma-ri-a, thì xướng thánh vịnh đã học được trong lớp giáo lý ở Na-ga-xa-ki : Hỡi tôi tớ Chúa, hãy dâng lời ca ngợi. Quả vậy, trong lớp đó, để dạy giáo lý, người ta cho các trẻ em học thuộc lòng một số thánh vịnh.

Sau hết, người thì lặp lại nhiều lần “Giê-su, Ma-ri-a” với nét mặt bình thản, người thì khuyên bảo những kẻ đứng chung quanh sống sao cho xứng danh Ki-tô hữu. Với những hành vi tương tự, các ngài tỏ ra sẵn sàng chịu chết.

Bấy giờ, theo thói quen của người Nhật, bốn đao phủ rút kiếm ra khỏi bao: thấy cảnh tượng khủng khiếp đó, mọi tín hữu kêu lên: “Giê-su, Ma-ri-a”, tiếng khóc than thảm thiết tiếp theo sau vang lên thấu tận trời. Trong khoảnh khắc, các đao phủ đã kết liễu cuộc đời mỗi vị bằng một hay hai nhát kiếm.

Bạn đã và đang làm gì để làm chứng nhân cho Chúa Giê-su Ki-tô trong môi trường sống của bạn?

From: Do Dzung

Anh Hùng Tử Đạo. Sáng tác: Hồ Khanh & Minh Hương. Ca Trưởng Thanh Tùng 

Thánh Agata Sicilê (c. 235?-251), đồng trinh tử đạo.- Cha Vương

Chúc một ngày thật ấm áp bên Chúa và người thân yêu nhé! Hôm nay 5/2, Giáo Hội mừng kính Thánh Agata Sicilê (c. 235?-251), đồng trinh tử đạo. Đặc biệt là qua lời chuyển cầu của thánh nhân nhiều bệnh nhân bị ung thư vú đã được chữa lành. Vậy hôm nay mời bạn hãy dành thời gian để cầu nguyện cho những ai đang mắc bệnh liên quan đến vú.

Cha Vương

Thứ 2: 05/02/2024

Cũng như trường hợp của Thánh Agnes, vị đồng trinh tử đạo thời Giáo Hội tiên khởi, chúng ta không có dữ kiện lịch sử chắc chắn về Thánh Agata, ngoại trừ sự kiện ngài chịu tử đạo ở Catania  trong thời kỳ cấm đạo của hoàng đế Rôma là Decius năm 251.

Theo truyền thuyết, ngài sinh trưởng năm 235 tại Catania, Sicily (nước Ý) trong một gia đình giầu có. Khi còn trẻ, ngài đã tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, và từ chối bất cứ lời cầu hôn nào. Một trong những người say mê ngài là Quintian, là người có địa vị cao trong xã hội nên nghĩ rằng có thể ép buộc thánh nữ. Biết ngài là Kitô Hữu nên ông ra lệnh bắt giữ và đưa ra xét xử – bởi chính ông. Hy vọng rằng vì sợ hãi sự tra tấn và cái chết, thánh nữ sẽ đành phải trao thân cho ông, nhưng ngài nhất quyết tin tưởng vào Thiên Chúa, và cầu nguyện rằng: “Lạy Ðức Kitô Giêsu, là Chúa mọi sự! Ngài đã thấy lòng con, Ngài biết con muốn gì. Xin hãy làm chủ toàn thể con người của con – chỉ mình Chúa mà thôi. Con là chiên của Ngài; xin giúp con vượt qua sự dữ một cách xứng đáng.”

Sau đó, Quintian tống Agata vào nhà gái điếm lấy cớ ngài là người Công Giáo với hy vọng ngài sẽ thay đổi ý định. Sau một tháng bị đánh đập và xỉ nhục, Quintian lại đưa ngài ra xét xử, nhưng Agatha vẫn không lay chuyển, vẫn can đảm tuyên xưng rằng chỉ một mình Chúa Giêsu mới có thể ban cho ngài sự tự do. Quintian lại tống ngài vào ngục thay vì nhà gái điếm. Và khi ngài tiếp tục tuyên xưng đức tin nơi Chúa Giêsu, Quintian ra lệnh tra tấn. Ðể trả thù, bạo quan hạ lệnh nướng ngài trên giường sắt. Sau đó, người ta lại tống giam thánh nữ. Tương truyền thì trong đêm đó, thánh Phêrô đã hiện ra và chữa lành cho ngài. Dù bị quan trấn Quintian nhiều lần dụ dỗ, ngài vẫn một lòng trung kiên với đạo Chúa. Dù đau đớn lăn lộn trên than hồng và mảnh chai nhọn, ngài vẫn tin cậy vào Chúa, Ðấng sẽ cứu linh hồn ngài. Chính cử chỉ của thánh nữ khiến cả thành phố náo động, Quintian sợ dân nổi loạn nên truyền giam thánh nữ trong ngục.

Ngài đã chết rũ tù ngày 25 tháng 2 năm 251 tại Catania, Sicily. Trước khi chết, ngài cầu nguyện: “Lạy Chúa, là Ðấng dựng nên con, Ngài đã gìn giữ con từ khi còn trong nôi. Bởi tình yêu thế gian Ngài đã dẫn dắt con và ban cho con sự kiên nhẫn để chịu đựng đau khổ. Xin hãy nhận lấy hồn con.”

Thánh nữ đã làm nhiều phép lạ như che chở thành Catania khỏi hiểm họa núi lửa Etna. Ngay từ thời đó, người ta đã cầu khẩn và cậy trông vào sự cầu bầu của thánh nữ. Ngài được coi là quan thầy của xứ Palermo và Catania, và được chọn làm quan thầy các bà vú nuôi và cũng được cầu khẩn khi bị tai nạn vì lửa và vì bệnh nhủ bộ.

(Nguồn: Người Tín Hữu )

Lạy Chúa, thánh nữ A-ga-ta đã luôn luôn làm đẹp lòng Chúa, vì vừa sống cuộc đời kiên trinh, vừa can trường hy sinh tử đạo. Xin nhận lời thánh nữ chuyển cầu cho chúng con được ơn tha thứ. Chúng con cầu xin nhờ danh Chúa Ki-tô Chúa chúng con. A men. (Lời nguyện, Lễ nhớ)

From: Đỗ Dzũng

Niềm Tin Kiêu Hùng – Anna Trần Thanh Huyền / Nhạc Thánh Ca 


Thánh Blase (Biagio)-Cha Vương

Thánh Blase (Biagio)

Mến chào bình an đến bạn và gia đình nhé. Hôm nay Giáo hội mừng kính Thánh Blase (Biagio), mời Bạn suy niệm về đời sống nhân đức của Ngài.

Cha Vương

Thứ 7: 03/02/2024

Chúng ta biết nhiều về sự sùng kính của Kitô Hữu đối với Thánh Blase hơn là tiểu sử của ngài. Trong Giáo Hội Ðông Phương, ngày lễ kính ngài được coi là một ngày lễ lớn. Công Ðồng Oxford, vào năm 1222 đã cấm làm việc xác trong ngày lễ Thánh Blase (hay còn gọi là Thánh Biagio). Người Ðức và người Ðông   u rất kính trọng thánh nhân, và trong nhiều thập niên, người Công Giáo Hoa Kỳ thường chạy đến với thánh nhân để xin chữa bệnh đau cổ họng.

Chúng ta được biết Ðức giám mục Blase chịu tử đạo năm 316 ngay trong giáo phận của ngài ở Sebaste, Armenia. Mãi cho đến 400 năm sau mới có huyền thoại viết về ngài. Theo đó, Thánh Blase là một giám mục tốt lành, làm việc vất vả để khuyến khích giáo dân sống lành mạnh về tinh thần cũng như thể xác.

Mặc dầu chỉ dụ Toleration, năm 311, đã cho phép tự do tôn giáo ở Ðế Quốc Rôma hơn năm năm, nhưng ở Armenia, việc bách hại vẫn còn dữ dội. Hiển nhiên là Thánh Blase buộc phải rời bỏ giáo phận và sống trong rừng núi. Ở đó ngài sống trong cô độc và cầu nguyện, làm bạn với thú rừng.

Một ngày kia, có nhóm thợ săn đi tìm thú dữ để dùng trong đấu trường và tình cờ họ đã thấy hang động của Thánh Blase. Từ kinh ngạc cho đến sợ hãi, họ thấy vị giám mục đi lại giữa đám thú dữ một cách điềm tĩnh để chữa bệnh cho chúng. Nhận ra ngài là giám mục, họ bắt ngài về để xét xử. Trên đường đi, ngài ra lệnh cho một con sói phải thả con heo nó đang cắn giữ vì đó là của người đàn bà nghèo. Khi Thánh Blase bị giam trong tù và bị bỏ đói, người đàn bà này đã đền ơn ngài bằng cách lẻn vào tù cung cấp thức ăn cho thánh nhân.

Ngoài ra, truyền thuyết còn kể rằng, một bà mẹ có đứa con trai bị hóc xương đã chạy đến ngài xin cứu giúp. Và sau lời truyền của Thánh Blase, đứa bé đã khạc được chiếc xương ra khỏi cổ.

Agricolaus, Thủ Hiến xứ Cappadocia, tìm mọi cách để dụ dỗ Thánh Blase bỏ đạo mà thờ tà thần. Lần đầu tiên từ chối, ngài bị đánh đập. Lần kế tiếp, ngài bị treo trên cây và bị tra tấn bằng chiếc lược sắt cào vào thân thể. Sau cùng ngài bị chém đầu năm 316. Người được tôn kính như quan thầy các thợ chải len, những người bị đau cuống họng.

(Nguồn: Người Tín Hữu online)

Sau đây là Kinh cầu Thánh Blase được dùng để khẩn cầu cho những ai mang bệnh của cổ họng: “Qua lời cầu bầu của Thánh Blase, là giám mục và là vị tử đạo, xin Thiên Chúa chữa con khỏi bệnh tật của cổ họng và khỏi mọi sự dữ. Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần” (Kinh cầu Thánh Blase). Xin Thánh Blase, cầu cho chúng con.

From: Đỗ Dzũng

XIN CHÚA CHỮA LÀNH CON || ST: HUỲNH MINH KỲ || Trình bày: Triệu Ngọc Yến 


Maximilianô Maria Kolbe – Vị thánh chết thay cho bạn tù

KHIÊM NHƯỜNG ĐỨNG LÊN!

Thánh Maximilianô Maria Kolbe chào đời vào ngày 7 thánh 1 năm 1894, tại Zund-Wola, thuộc nước Ba lan. Bố mẹ đặt tên là Raymond. Ngay từ nhỏ, khi được cha mẹ hỏi, ngài trả lời, “Con tha thiết cầu xin với Ðức Mẹ để biết tương lai của con. Và Ðức Mẹ đã hiện ra, tay cầm hai triều thiên, một mầu trắng, một mầu đỏ. Ðức Mẹ hỏi con có muốn nhận các triều thiên ấy không – mầu trắng là sự thanh khiết, mầu đỏ là sự tử đạo. Con trả lời, “Con muốn cả hai.” Ðức Mẹ mỉm cười và biến mất.” Sau biến cố đó, cuộc đời của Maximilianô Kolbe không còn giống như trước.

Năm 1907, thánh nhân nhập dòng Phansinh và lấy tên là tu huynh Maximilian. Ngài được gởi sang Rôma để học triết học và thần học. Kolbe thụ phong linh mục vào năm 1918. Sau khi trở về Ba lan, ngài thành lập đội Đạo binh Đức Mẹ Vô Nhiễm. Năm 1927, cha Kolbe thành lập hội “Thành đô Đức Mẹ Vô Nhiễm”. Hội này phát triển và lan rộng tại Ba Lan và nhiều nước khác. Ngài phát hành tờ Hiệp Sĩ của Ðức Vô Nhiễm, được đặt dưới sự phù hộ của Ðức Maria để rao giảng Phúc Âm cho mọi dân tộc. Ðể thực hiện công việc ấn loát, ngài thành lập “Thành Phố của Ðức Vô Nhiễm” – Niepolalanow – mà trong đó có đến 700 tu sĩ Phanxicô làm việc

*****

Năm 1939, Ðức Quốc Xã xâm lăng Ba Lan. Thành phố Niepolalanow bị dội bom. Cha Kolbe và các tu sĩ Phanxicô bị bắt, nhưng sau đó chưa đầy ba tháng, tất cả được trả tự do, vào đúng ngày lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Vào năm 1941, ngài bị bắt một lần nữa. Mục đích của Ðức Quốc Xã là thanh lọc những phần tử tuyển chọn, là các vị lãnh đạo. Cuộc đời Cha Kolbe kết thúc trong trại tập trung Auschwitz.

Vào ngày 31 tháng Bảy 1941, có một tù nhân trốn thoát. Sĩ quan chỉ huy trại bắt 10 người khác phải chết thay. Hắn khoái trá bước dọc theo dãy tù nhân đang run sợ chờ đợi sự chỉ định của hắn như tiếng gọi của tử thần. “Tên này.” “Tên kia.” Có những tiếng thở phào thoát nạn. Cũng có tiếng nức nở tuyệt vọng.

Trong khi 10 người xấu số lê bước về hầm bỏ đói, bỗng dưng tù nhân số 16670 bước ra khỏi hàng. “Tôi muốn thế chỗ cho ông kia. Ông ấy có gia đình, vợ con.”

Cả một sự im lặng nặng nề. Tên chỉ huy sững sờ, đây là lần đầu tiên trong đời hắn phải đối diện với một sự can đảm khôn cùng.

– “Mày là ai?”

– “Là một linh mục.” Không cần xưng danh tính cũng không cần nêu công trạng.

Và Cha Kolbe được thế chỗ cho Trung Sĩ Francis Gajowniczek.

Trong “hầm tử thần” tất cả bị lột trần truồng và bị bỏ đói để chết dần mòn trong tăm tối. Nhưng thay vì tiếng rên xiết, người ta nghe các tù nhân hát thánh ca. Vào ngày lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15 tháng 8) chỉ còn bốn tù nhân sống sót. Tên cai tù chấm dứt cuộc đời Cha Kolbe bằng một mũi thuốc độc chích vào cánh tay. Sau đó thân xác của ngài bị thiêu đốt cũng như bao người khác.

Cha được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh năm 1981.

Thánh Maximilian nói rằng chúng ta sa ngã để chúng ta biết học cách sống khiêm nhường. Đây là điểm chính yếu vì lòng kiêu ngạo là kẻ thù số một của linh hồn, và dù chúng ta có vẻ tiến bộ trong đời sống tâm linh như thế nào, đó vẫn chỉ là ảo tưởng nếu chúng ta kiêu ngạo và tự mãn. Đầu tiên, chúng ta phải học cách sống khiêm nhường trước khi chúng ta có thể thực sự tiến bộ trên đường thánh thiện.

Vấn đề là, nếu chúng ta chiến thắng chính mình bằng ý chí mạnh mẽ, chúng ta sẽ dễ tự mãn và hóa kiêu ngạo. Chúng ta không biết chúng ta yếu đuối và cần được chữa lành thế nào và chúng ta phải lệ thuộc vào ân sủng của Thiên Chúa như thế nào, ngay cả trong những điều nhỏ nhoi thôi.

Tái phạm tội, rồi tỉnh ngộ, chúng ta có thể làm như vậy. Cảm thấy khiêm nhường sau mỗi lần phạm tội có thể là điều tốt nếu điều đó làm cho chúng ta biết lệ thuộc vào Đức Maria, và qua Đức Mẹ, chúng ta có thể đến với Chúa Giêsu. Thánh Maximilian và Thánh Gioan Phaolô II đều biết phó thác cho Đức Mẹ.

Cha M.Kolbe trở nên biểu tượng của tự do Tin Mừng, của sự thiện chiến thắng cái ác trong bối cảnh thế kỷ XX với mọi biến động, trong đó có hai cuộc chiến tranh thế giới khốc liệt và sự xuất hiện của hệ thống toàn trị cộng sản, như sự kéo dài của bạo tàn, hận thù và tuyệt vọng.

Viên cai ngục sững sờ trước giá trị cao cả của Tin mừng mà cha bộc lộ công khai cách hiên ngang. Lần đầu tiên, việc áp giải cha vào phòng hơi ngạt không còn mang tính ghê rợn, chết chóc, mà như cuộc khải hoàn. Cha không đi trong nỗi oán hận, giữa sự nguyền rủa sự tàn bạo của các tù nhân, hoặc trong nỗi vui phớt qua của các tù nhân khác, vì chưa đến lượt mình.

Cha M.Kolbe tự nguyện hiến mạng sống mình, chọn cái chết thay cho người bạn tù, như thế, ngài ở trên cái chết, cái chết không còn quyền gì đối với ngài.

Ngài không khinh chê sự sống nhưng làm vinh danh Đấng có quyền năng trên cả sự chết lẫn sự sống, Đấng sẽ ban cho ngài sự sống đích thật và ngài vĩnh viễn được thuộc về Đấng ấy, Đức Giêsu Kitô.

Hình ảnh thật hiên ngang đi giữa những tù nhân đến phòng hơi ngạt, cha M.Kolbe cho thấy Thiên Chúa vẫn đang hiện diện, dù là trong cái “hỏa ngục trần gian”, dù là trong những hoàn cảnh bi thảm nhất, tuyệt vọng nhất, trong những tù nhân không còn hình dạng con người và ngay cả giữa những tên Phát xít tàn ác kia.

Và ta thấy mỗi bước chân cha đi qua ghi lại dấu tích của một tình yêu hiến mình, cao cả, khơi lên niềm hy vọng cứu thoát đặt nơi Thiên Chúa, làm dịu êm, tươi mát những tâm hồn cằn cỗi, trong kiếp sống bị đày đọa, kiếp sống mà cha cũng đang sống. Cha đã xóa mình đi để hé rạng một chân trời mới, không còn cái tôi ích kỷ làm trung tâm, không còn dính bén cái sống và sợ hãi cái chết, những sự đời này chỉ là tạm bợ, phải nhường chỗ, phải được thay thế cho sự vĩnh cửu của Thiên Chúa, Đấng mà cha hùng dũng tiến đến trong tư cách là một người phục vụ. Đó là ngày áp lễ Đức Mẹ Mông Triệu 1941.

Và mỗi người chúng ta hãy theo lời khuyên của Thánh Maximilian và đừng bao giờ thất vọng dù khi ta vẫn tiếp tục phạm tội trọng. Thất vọng là tội duy nhất mà Thiên Chúa không thể tha thứ. Hãy cố gắng học sống khiêm nhường và sẵn sàng đón nhận ân sủng mà Thiên Chúa gởi cho ta. Hãy duy trì sống trong ân sủng và kiên nhẫn trông cậy vào Thiên Chúa. Ngài sẽ giải thoát bạn khỏi thời gian khó khăn.

Lm. Huệ Minh