CHÂN PHÚC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, MỘT NGƯỜI CẦU NGUYỆN

CHÂN PHÚC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, MỘT NGƯỜI CẦU NGUYỆN

22-10-2012                    nguồn: Vietvatican.net

Ngày 31-10-2007, vọng lễ Các Thánh Nam Nữ, nhà xuất bản Fayard bên Pháp phát hành tác phẩm ”J’ai senti battre le coeur du monde” (Tôi cảm nhận nhịp tim đập của thế giới). Cuốn sách là thành quả các trao đổi chuyện trò giữa ký giả Bernard
Lecomte và Đức Hồng Y Roger Etchegaray, người Pháp. Năm ấy Đức Hồng Y 85 tuổi và là Phó Niên Trưởng Hồng Y Đoàn. Xin trích một đoạn ngắn Đức Hồng Y nói về Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1978-2005): một người cầu nguyện (unhomme de prière).

(Đôi hàng giới thiệu về Đức Hồng Y Roger Etchegaray).

Đức Hồng Y Roger Etchegaray chào đời ngày 25-9-1922 tại Espelette thuộc
miền Pyrénées-Atlantiques ở miền Nam nước Pháp, giáp giới với nước Tây Ban Nha.
Thụ phong Linh Mục ngày 13-7-1947, 12 năm sau, Cha Roger được Đức Giáo Hoàng
Phaolô VI (1963-1978) chỉ định làm Giám Mục phụ tá Tổng Giáo Phận Paris. Vỏn
vẹn một năm sau – 1970 – Đức Cha Roger Etchegaray lại được thuyên chuyển về
Tổng Giáo Phận Marseille. Năm 1979 ngài được vinh thăng Hồng Y và 5 năm sau,
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đưa ngài về Roma trao phó nhiệm vụ Chủ Tịch Hội
Đồng Tòa Thánh Công Lý Hòa Bình và COR UNUM Đồng Tâm. Đức Hồng Y Roger Etchegaray chu toàn nghĩa vụ này trong vòng 14 năm từ 1984-1998. Sau đó Đức Hồng Y Roger Etchegaray lại được chỉ định làm Chủ Tịch Ủy Ban Đại Năm Thánh 2000. Có thể nói
trong vòng 20 năm trời (1984-2005) Đức Hồng Y Roger Etchegaray đã sát cánh bên
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cử làm đặc
sứ trong những chức vụ tế nhị vào những thời điểm thảm khốc nhất của vận mệnh
thế giới và của Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ. Đức Hồng Y đã đi đến các vùng có
chiến tranh hoặc xung đột sôi sục khói lửa hận thù như Kosovo, Cuba, Messico,
Haiti, Rwanda, Irak, Trung Quốc và Việt Nam.

Riêng Việt Nam, Đức Hồng Y Roger Etchegaray đã đến đây 3 lần. Lần đầu tiên từ
ngày mồng 1 đến 13-7-1989. Đức Hồng Y viếng thăm Giáo Hội Công Giáo Việt Nam
theo lời mời của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Lần thứ hai – với tư cách đặc sứ
của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II – Đức Hồng Y Roger đến Hà Nội chủ sự Thánh Lễ
an táng Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn (1921-1990) ngày 23-5-1990. Lần
thứ ba, Đức Hồng Y Roger Etchegaray dẫn đầu Phái Đoàn Tòa Thánh chính thức
viếng thăm và thảo luận với các cơ quan chức trách của chính phủ Việt Nam. Cuộc
viếng thăm kéo dài từ ngày mùng 5 đến 14-11-1990.

Xin nhường lời cho Đức Hồng Y Roger Etchegaray nói về Đức Chân Phúc Giáo
Hoàng Gioan Phaolô II.

Vị Giáo Hoàng có ngôn từ cao cả, có cử điệu rộng rãi phong phú ấy trước tiên là
một con người cầu nguyện. Tôi trải qua thời gian 20 năm làm việc cho Đức Giáo
Hoàng và bên cạnh Đức Giáo Hoàng. Nhưng chúng tôi không bao giờ tiến sâu vào
chỗ thân mật, có lẽ do cá tính khác biệt giữa hai chúng tôi. Đức Giáo Hoàng
người Ba Lan trong khi tôi người vùng Basque.

Không bao giờ ngài trao cho tôi những chỉ thị rõ ràng có tính chất bắt buộc
trước mỗi khi tôi lên đường thi hành một nhiệm vụ do ngài sai đi tại một vùng
đất này hay nơi một xứ sở kia ở tận cùng bờ cõi trái đất. Ngài hoàn toàn tin
tưởng nơi tôi. Hay nói đúng hơn, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II luôn luôn đặt
trọn niềm tin tưởng nơi THIÊN CHÚA .. Đây cũng là điểm nổi bật nhất nơi con
người Đức Gioan Phaolô II khiến cho tất cả các cộng tác viên thân cận nhất của
ngài phải ngỡ ngàng thán phục.

Vị Giáo Hoàng từng quyến dũ giới truyền thông bằng nhân cách ”trung gian”, vị
Mục Tử có ngôn từ cao cả, có cử điệu phong phú dồi dào, lại là con người – trước
hết và trên hết – của cầu nguyện. Từ sáng tinh sương đến tối khuya của ngày
tàn, Đức Gioan Phaolô II không bao giờ ngừng cầu nguyện.

Chính ký giả André Frossard (1915-1995) – nếu tôi nhớ không lầm – từng ví Đức
Giáo Hoàng Gioan Phaolô II với một khối cầu nguyện (bloc de prière) sau một lần
ông được diễm phúc tham dự Thánh Lễ do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cử hành
nơi nhà nguyện riêng ở nội thành Vatican.

Tất cả những ai từng cộng tác, từng làm việc chung với Đức Thánh Cha Gioan
Phaolô II, cũng như tất cả những ai từng tháp tùng ngài trong các chuyến công
du mục vụ đều ngạc nhiên thán phục trước khả năng của Đức Giáo Hoàng – ở bất cứ
nơi đâu trong bất cứ hoàn cảnh và trạng huống nào – cũng đều có thể tách rời
khỏi mọi ồn ào huyên náo bên ngoài để lắng đọng vào bên trong và cầu nguyện.
Chính vì lý do này mà đôi lúc Đức Gioan Phaolô II gieo rắc hoảng hốt lo âu cho
những người có trách nhiệm tổ chức các chuyến công du, khi thấy Đức Thánh Cha
Gioan Phaolô II đắm mình trong cuộc chuyện trò thân mật với Đấng Cứu Thế, mặc
cho sự chậm trễ của chương trình đã được hoạch định tỉ mỉ trước từng giây từng
phút!

Tôi còn nhớ trong chuyến Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viếng thăm nước Pháp
lần thứ 5 vào năm 1996 từ ngày 19 đến 22 tháng 9, với trạm dừng đầu tiên là thành
phố Tours. Trong Tu Viện nơi chúng tôi trú ngụ, tôi tình cờ bắt gặp Đức Gioan
Phaolô II, vào sáng sớm thứ sáu 20-9-1996, đang một mình gẫm Đàng Thánh Giá
trong nhà nguyện. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II không bao giờ bỏ qua một ngày
thứ sáu nào mà không Đi Đàng Thánh Giá – dù cho ngài ở bất cứ nơi đâu.

Mỗi khi di chuyển bằng máy bay, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II luôn luôn cầm
tràng hạt Mân Côi trong tay và ngoài những nghi thức ngoại giao ngài bắt buộc
phải chu toàn, hoặc phải trả lời các cuộc phỏng vấn của các ký giả quốc tế tháp
tùng chuyến công du mục vụ mà ngài luôn luôn nhã nhặn thi hành, ngoài tất cả
các việc này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II lại đắm mình trong kinh nguyện.
Ngài không bao giờ nhìn qua khung cửa sổ máy bay để chiêm ngắm cảnh vật. Không
bao giờ. Ngài chỉ thinh lặng cầu nguyện cho đến khi máy bay đáp xuống phi đạo
của đất nước ngài sắp viếng thăm.

… Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Lạy Ba Ngôi Chí Thánh,

chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho Giáo Hội

Đức Chân Phúc Gioan Phaolô II

và biểu dương nơi người

lòng ưu ái của tình phụ tử Chúa,

vinh quang Thánh Giá của Đức KITÔ

và sự huy hoàng của Thánh Thần Tình Yêu.

Khi hoàn toàn phó thác

nơi lòng thương xót vô biên của Chúa

và nơi sự chuyển cầu từ mẫu của Đức Mẹ MARIA

người đã cho chúng con một hình ảnh sống động của Đức GIÊSU

Đấng Chăn Chiên Nhân Lành

và đã chỉ cho chúng con đường nên thánh

như chiều kích thanh cao

của đời sống kitô thường ngày

là con đường duy nhất đạt tới

niềm hiệp thông vĩnh cửu với Chúa.

Nhờ lời chuyển cầu của người,

xin Chúa ban cho chúng con,

tùy theo thánh ý Chúa,

ơn chúng con van nài,

trong niềm hy vọng mãnh liệt

người sẽ sớm được nâng lên hàng Các Thánh của Giáo Hội.

Amen.

(”Pèlerin”, L’Hebdo du Quotidien, n.6518, Jeudi 1er Novembre 2007, trang
32-39)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

TỪ BÈ TAM ĐIỂM ĐẾN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

TỪ BÈ TAM ĐIỂM ĐẾN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Ngày 26-11-1929, sau trận chiến nội tâm ”tàn-khốc”, ông Einar Berrum quyết định gởi thư đến trụ sở hội tam điểm tại Na-Uy, xin rút tên ra khỏi hội.

Thư gửi đi, ông tức khắc tìm được niềm an bình hạnh phúc khôn tả! Cùng ngày đó, ông đến gặp Cha Sở nhà thờ chính tòa Công Giáo Oslo, thủ đô Na-Uy, xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo .. Bốn năm sau, ông lấy giấy ghi lại cuộc trở về với Giáo Hội Công Giáo.

Con đường dẫn tôi đến với Giáo Hội là con đường bình thường. Có lẽ không bao giờ tôi viết lại, nếu không có người xin tôi viết. Và khi chấp nhận lời yêu cầu, cùng lúc tôi muốn bày tỏ lòng yêu mến và ghi ơn Giáo Hội Công Giáo, Mẹ chúng ta.

Tôi sinh năm 1872 tại Osolo và được may mắn lớn lên trong gia đình Kitô. Thân phụ tôi là tín hữu tin lành mộ đạo.

Sau khi mãn bậc tiểu học, tôi được cha mẹ gửi sang Anh quốc, bắt đầu bậc trung học đệ nhất cấp tại trường Thánh Olave ở thành phố York.

Đây là trường học tin lành. Dĩ nhiên người ta nói với chúng tôi về ông tổ tin lành Luther và trình bày cho chúng tôi biết tất cả thành kiến xấu về Giáo Hội Công Giáo và Vị Giáo Hoàng của Giáo Hội này! Chính trong bầu khí bài xích Giáo Hội Công Giáo mà tôi đi vào thế giới của tôn giáo và của văn chương khoa học.

Tôi không bao giờ quên Chúa Nhật đầu tiên tại thành phố York. Hôm ấy tôi bước vào nhà thờ mang tên Thánh Olave, vị thánh người Na-Uy. Đó là nhà thờ Anh giáo. Ban đầu tôi cứ ngỡ mình đang ở trong nhà thờ Công Giáo, vì lúc ấy, tôi chưa thạo tiếng Anh cho lắm..

Lần đầu tiên trong đời, tôi học biết quỳ gối. Và những nghi lễ trang trọng cùng với thánh ca có nhạc cụ đi kèm, nghe thật du dương và thật sốt sắng. Buổi phụng vụ Chúa Nhật ghi vào lòng tôi một ấn tượng tốt đẹp. Từ đó, tôi có thói quen đến nhà thờ này vào mỗi Chúa Nhật để tham dự các nghi lễ phụng vụ.. Sau này, khi trở lại Oslo, tôi cũng thường đến tham dự các buổi cử hành phụng vụ tại nhà thờ Anh giáo. Tôi đến đây không phải vì tâm tình mộ đạo cho bằng bị lôi cuốn bởi nét đẹp của các buổi cử hành. Thế thôi.

Sau khi mãn bậc trung học đệ nhất cấp tại Anh quốc, tôi trở về Na-Uy học tiếp. Đến năm 1908 – tôi 36 tuổi – xảy ra biến cố làm thay đổi cuộc đời. Thân phụ tôi giữ chức vụ cao trong hội tam điểm. Ông muốn các con trai ông phải ghi tên vào hội này. Ngày 24-4-1908, anh em tôi chính thức ghi tên gia nhập hội tam điểm.

Năm 1918, tôi thành hôn với thanh nữ Đan-Mạch sống tại thủ đô Copenhagen. Hiền thê tôi là tín hữu tin lành đạo đức và là phụ nữ trí thức. Nàng say mê văn chương và thích nghe bài giảng hay. Khi thành hôn với tôi, nàng về sinh sống tại tỉnh nhỏ ở Na-Uy. Chỉ có điều duy nhất nàng cảm thấy nhung nhớ, đó là những bài giảng hay trong các nhà thờ tin lành ở thủ đô Copenhagen.

Một Chúa Nhật mùa chay năm 1928, khi trở về nhà, nàng hớn hở nói với tôi nàng vừa tìm ra vị giảng thuyết thật hay, tại nhà thờ Công Giáo thánh nữ Brigitte. Tôi tỏ dấu tức giận và hờn dỗi, vì thấy vợ tự ý đi tìm nhà thờ Công Giáo, với vị giảng thuyết Công Giáo. Dầu vậy, từ đó, chúng tôi đều đặn đến nghe giảng tại nhà thờ này .. Tuy nhiên, hạnh phúc lứa đôi bắt đầu lung lay. Đôi khi chúng tôi còn cãi vả to tiếng với nhau nữa. Trong khi đó, vợ tôi mỗi ngày một đến gần Giáo Hội Công Giáo.

Ngày 2-12-1928, Chúa Nhật Mùa Vọng, sau khi bất bình với nhau về nhiều sự, vợ tôi vẫn cố gắng thuyết phục tôi đi lễ nơi nhà thờ Các Linh Mục dòng Đaminh tại Oslo. Tôi miễn cưỡng nghe lời vợ. Đến nơi, tôi chọn ngồi vào hàng ghế sau cùng. Nhưng thay vì cảm thấy khó chịu, tôi lại cảm thấy lòng thanh thản lạ thường. Vị Linh Mục chủ lễ và giảng hôm đó là
người Pháp. Vậy mà ngài nói rành tiếng Na-Uy, không thể chê được. Thêm vào đó, bài giảng thật hay. Tôi xúc động thật sự.

Năm sau, ngày 4-10-1929, vợ tôi chính thức gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Cuộc chiến nội tâm của tôi còn kéo dài đến ngày 26-11 cùng năm. Sau đó tôi quyết định ra khỏi hội tam điểm và xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Từ đó tôi tận hưởng niềm an bình hạnh phúc thật sự.

(”Stella Maris”, Octobre/1993, trang 30-31).


Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Maria Thanh Mai gởi

ÔI ĐỨC TIN CÔNG GIÁO THẬT TUYỆT ĐẸP!

ÔI ĐỨC TIN CÔNG GIÁO THẬT TUYỆT ĐẸP!

Bà Gaelle là tín hữu Công Giáo Pháp được rửa tội và theo học giáo lý
trong thời niên thiếu. Bà từng đi nhà thờ tham dự Thánh Lễ cho đến khi xưng tội và rước lễ lần đầu. Sau đó thì xa lìa Giáo Hội, tuy vẫn thỉnh thoảng đến nhà thờ vào những dịp lễ lớn cùng với gia đình. Nhưng đó chỉ là hành động tôn giáo hoàn toàn vì ”thói quen”. Không hơn không kém.

Lớn lên đi vào cuộc sống bà thi hành một nghề nghiệp đôi khi nặng chĩu âu lo và đầy xúc động. Cứ mỗi lần như thế bà cảm thấy nhu cầu đẩy cửa bước vào một thánh đường để kín múc nhiên liệu thiêng liêng.

Rồi bà gặp đức lang quân, xuất thân từ một gia đình Công Giáo sống đạo chân thành. Hai vợ chồng có ba con và đều xin rửa tội cho cả ba đứa.

Dòng đời lặng lẽ trôi qua cho đến khi một biến cố đau thương xuất hiện trong đại gia đình. Người anh họ của bà Gaelle đột ngột từ trần sau một tai nạn thảm thương. Mặc dầu đau đớn vô cùng, nhưng Thánh Lễ an táng – do các thân nhân trong gia đình chuẩn bị chu đáo – diễn ra thật đẹp và thật trang trọng. Đặc biệt, chính Đức Tin kiên cường của hiền thê người quá cố là động lực khiến bà Gaelle đặt lại vấn đề tôn giáo của mình. Bà như được mời gọi phải canh tân cuộc sống nội tâm. Bà ngỡ ngàng kêu lên:

– Ôi Đức Tin Công Giáo tuyệt đẹp! Ôi sức mạnh thiêng liêng kỳ diệu đáng quý
biết bao! Tôi thật sự cảm nhận sự hiện diện của THIÊN CHÚA là CHA khoan nhân,
là Đấng từ ái vô biên!

Biến cố thứ hai góp phần vào việc đưa bà Gaelle trở lại với Giáo Hội Công Giáo là
khi gia đình bà dọn về sống nơi thành phố Orléans cách thủ đô Paris 120 cây số.
Thái độ đón tiếp niềm nỡ của giáo xứ mới như gieo vào lòng bà ước muốn phải đi
xa hơn trên con đường thiêng liêng. Bà liên lạc với một nhóm gồm những người
”tái khởi hành” ở cùng trường hợp như bà để chuẩn bị lãnh bí tích Thêm Sức. Bà
Gaelle kể lại lộ trình thiêng liêng trải qua như sau.

Trong nhóm, mỗi người đều hoàn toàn tự do đặt các câu hỏi. Không ai có mặc cảm bị xét đoán. Nhóm không đông người lắm khiến cho việc trao đổi dễ dàng. Câu hỏi của người này cũng giúp ích cho người kia và chúng tôi cùng tiến bước trong thanh thản an bình. Chúng tôi cũng được nghe giải thích về một số việc thực hành đạo hoặc được làm sáng tỏ về một số kinh đã dọn sẵn. Chẳng hạn đối với tôi, trước đây tôi rất khó đọc Kinh Tin Kính. Giờ đây tôi cảm thấy dễ dàng hơn khi đọc Kinh này. Rồi chúng tôi đọc Kinh Thánh. Nhờ một số văn bản Kinh Thánh,chúng tôi đào sâu ý nghĩa Lời của Đức Chúa GIÊSU KITÔ và tìm cách ứng dụng vào đời sống thường nhật.

Tôi không hối tiếc gì về hành trình trở về với Đức Tin Công Giáo. Hay nói theo ngôn ngữ ngày nay là ”tái khởi hành”! Trái lại tôi cảm thấy thật hài lòng. Bởi vì, khi đi vào hành trình thiêng liêng lúc đã trưởng thành giúp tôi ý thức rõ ràng hơn về Đức Tin của tôi. Chính tôi chọn lựa con đường trở về với Giáo Hội Công Giáo. Nếu tôi làm cuộc hành trình này lúc còn nhỏ tuổi, hẳn sẽ có một hiệu quả khác. Phần tôi năm nay đã 40 tuổi rồi. Tôi ước ao tiếp tục học hỏi và đào sâu về Lời Chúa. Tôi cũng ghi tên tham dự một khóa huấn luyện trong giáo phận.

… Đó là một trường hợp tín hữu Công Giáo Pháp trở về với Đức Tin và việc sống đạo. Thời gian gần đây, Giáo Hội Công Giáo Pháp hân hoan đón rước con số đông đảo các người trưởng thành xin học đạo, lãnh phép rửa tội và gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Lý do nào thúc đẩy họ đi đến quyết định chọn Kitô Giáo? Thưa là vì hầu hết họ cùng có ước nguyện chung về sự sống, về tình yêu và muốn tìm kiếm một ý nghĩa cho cuộc đời.

Người tân tòng không bao giờ nói suông trên lý thuyết. Trái lại, họ đi vào thực tế. Họ kể lại cuộc đời họ. Nếu họ kể lại cuộc đời mình chính vì họ linh cảm rằng, những gì không có lợi lộc vật chất lại ẩn chứa một giá trị khác. Nhưng họ không biết diễn tả ra sao. Họ chưa có thể nói về THIÊN CHÚA và tác động của Ngài trong đời sống của họ. Đây là điều khó khăn vì họ đang ở trong giai đoạn đầu. Họ chờ đợi THIÊN CHÚA tỏ lộ cho họ. Và THIÊN CHÚA dần dần tỏ lộ trong thời gian họ học giáo lý. Có các Linh Mục hướng dẫn và có các người đồng hành với các tântòng để giúp họ tiến đến cuộc gặp gỡ thân tình với Đức Chúa GIÊSU KITÔ.

Một người tháp tùng các tín hữu tân tòng kể lại kinh nghiệm như sau.

Niềm hạnh phúc lớn lao nhất của chúng tôi là tham dự vào tiến trình biến đổi mà Đức Chúa GIÊSU KITÔ tác động nơi mỗi tân tòng. Các khuôn mặt khép kín ban đầu dần dần tiếp nhận ánh sáng cho đến lúc hoàn toàn mở rộng cho tha nhân và cho cuộc sống!
Rõ ràng là có một ”cái trước” và một ”cái sau” của tín hữu tân tòng. Hiệu quả của
ơn thánh Chúa thật tuyệt vời!

… Ông Phaolô nói với các kỳ mục trong Hội Thánh Êphêxô rằng: ”Anh em hãy
ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm  người coi sóc. Hãy chăn dắt Hội Thánh của THIÊN CHÚA, Hội Thánh Người đã mua bằng Máu của chính mình .. Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho THIÊN CHÚA và cho lời ân sủng của Người, là lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến .. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Đức Chúa GIÊSU đã dạy: ”Cho thì có phúc hơn là nhận”
(Sách
Công Vụ tông đồ 20,28+32+35).

(”Catholiques dans le Loiret”, La vie du diocèse d’Orléans, No 5, Mai 2012,
trang 14-15).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

CẦN PHẢI KÊU VAN THIÊN CHÚA TRỢ GIÚP!

CẦN PHẢI KÊU VAN THIÊN CHÚA TRỢ GIÚP!

                                                           Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt 

 

… Tôi thay đổi. Dù muốn dù không, tôi thay đổi. Tôi thay đổi nơi hình dáng, cách cư xử và tư tưởng. Đúng thế, bởi vì cuộc sống có một điều kiện cơ bản chính xác, đó là mối quan hệ. Thật vậy, không thể nghĩ rằng tôi có thể sống mà không liên hệ với điều gì đó, với người nào đó sống chung quanh tôi. Mỗi một kiểu trao đổi nào đó ở bên ngoài, vẫn khiến tôi phải can dự bằng sự đáp trả, bằng tư tưởng và bằng thái độ tương ứng với con người của tôi. Vậy thì, nếu có thay đổi nào đó liên hệ đến tất cả mọi người thì đáng cho chúng ta phải dành thời giờ để suy tư. Nhưng có sự khác biệt: có những thay đổi đưa con người vào tình trạng khủng hoảng, chẳng hạn như: thay đổi việc làm, thay đổi xứ sở mình đang sống hoặc phải đặt lại vấn đề khi có một biến cố bất ngờ xảy ra. Tôi bị bó buộc phải cố gắng tối đa hầu có thể thích ứng với hoàn cảnh mới, cũng như tìm kiếm một quân bình mới cho chính tôi để đáp ứng với thế giới bên ngoài. Thế là tôi bị mất hướng, xem ra như thể các chắc chắn cổ xưa giờ đây trở thành suy yếu, không còn đáng tin nữa. Bị mất hướng nhưng tôi vẫn hy vọng có các điểm tựa mới hầu giúp tôi được ổn định.

Cách đây vài năm, nếu nhớ không lầm, tôi có đọc một bài báo trong đó có một câu làm tôi suy nghĩ mãi và không bao giờ quên:
– Không ai được cứu rỗi nếu không biết tha thứ!

Khi chúng ta bị rơi vào vòng vây của chính mình hay bị cuốn hút vào các biến cố, hoặc khi xảy đến cho chúng ta điều gì đó làm cho chúng ta bị bấn loạn đảo điên, thì có lẽ, bước đầu tiên chúng ta phải làm là: Tha Thứ!

Tôi muốn nói rằng: Không hẳn chúng ta đã phạm một lầm lỗi nào đó khiến chúng ta phải rơi vào tình trạng hoang mang hoảng sợ. Không phải như vậy. Tôi chỉ muốn nới rộng tư tưởng đi đến chỗ: Hãy thương xót chính chúng ta! Cứ chấp nhận coi như chúng ta bị thua và chúng ta cần trở về tìm kiếm mối quan hệ quân bình với chính mình và với thế giới chung quanh chúng ta.

Đừng từ chối xem như thể đó là những ”chuyện bên ngoài chúng ta”, nhưng phải nhận biết và tái nhận biết cái khủng hoảng khiến chúng ta bị treo lơ lửng trên hố thẳm. Nên chấp nhận là chúng ta cần được giúp đỡ. Vậy hãy xin giúp đỡ và tiếp nhận sự giúp đỡ.

Mỗi khi có một thay đổi làm lo âu bấn loạn thì việc đầu tiên phải làm là thân thưa cùng THIÊN CHÚA. Khiêm tốn nhìn nhận với chính mình rằng sức lực hạn hẹp không cho phép chúng ta có thể thoát ra khỏi những giai đoạn trầm trọng của cơn khủng hoảng. Cần phải kêu van THIÊN CHÚA trợ giúp. Ngài làm được mọi sự và luôn luôn cứu giúp mọi người, không trừ ai.

Không ai được cứu rỗi nếu không biết tha thứ!

Thật vậy! Tha Thứ là ngôn ngữ của THIÊN CHÚA, là phương tiện Ngài ban cho để nói với chúng ta và nói với người khác. Hãy tìm nương ẩn nơi niềm tin vào THIÊN CHÚA trong những lúc gặp gian nan thử thách, giống y như thể là chúng ta trở về Nhà Cha. Xin Chúa ban cho chúng ta thoáng trông thấy ánh sáng mà trước đó chúng ta không còn trông thấy nữa, mặc dầu ánh sáng luôn luôn ở đó. Ngay trong những hoàn cảnh thay đổi khốn khổ nhất, xem ra không còn có hy vọng nào nữa, vẫn có một chút ánh sáng mặt trời len lỏi vào. Chẳng hạn như một cử chỉ nhỏ nhặt, một đóa hoa, một nụ cười, một tư tưởng. Hoặc dưới bất cứ hình thức nào khác. Điều quan trọng là phải quyết định mở rộng cửa để cho ánh sáng tràn vào nhà. Nên luôn luôn ghi nhớ rằng chúng ta không hứng chịu một thay đổi nhưng là sống một thay đổi. Và phải luôn luôn tha thứ như chính THIÊN CHÚA luôn luôn tha thứ cho chúng ta.

Chứng từ của nữ tu Maria Giacomina Stuani thuộc Đan Viện Agostiniano Thánh Nữ Rita thành Cascia (Trung Ý).

… Khi đến nơi gọi là ”Đồi Sọ”, họ đóng đinh Đức Chúa GIÊSU vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Đức Chúa GIÊSU cầu nguyện rằng: “Lạy CHA, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Luca 23,33-34) .. Được đầy ơn Thánh Thần, ông Têphanô đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang THIÊN CHÚA và thấy Đức Chúa GIÊSU bên hữu THIÊN CHÚA. Ông nói: “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu THIÊN CHÚA”. Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông, rồi lôi ông ra ngoài thành mà ném đá. Họ ném đá ông Têphanô, đang lúc ông cầu xin rằng: “Lạy Đức Chúa GIÊSU, xin nhận lấy hồn con”. Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này”. Nói thế rồi, ông an nghỉ (Công Vụ 7,55-60).
 
(”Dalle API alle ROSE”, Bimestrale Del Monastero Agostiniano Santa Rita Da Cascia, Gennaio-Febbraio 2012, Nr.1, trang 31-33)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt 

Nguồn : vietvatican.net

Maria Thanh Mai gởi

CHÍNH ĐỨC TIN HƯỚNG DẪN ĐƯỜNG ĐI NƯỚC BƯỚC CỦA TÔI

CHÍNH ĐỨC TIN HƯỚNG DẪN ĐƯỜNG ĐI NƯỚC BƯỚC CỦA TÔI

trích: vietvatican.net

… Từ một năm qua bà Claudette Serafino – góa phụ Công Giáo 52 tuổi – là nhân viên thiện nguyện của Hội chăm sóc hòa-hoãn (Association des soins palliatifs) các bệnh nhân giai đoạn cuối đời. Ngoài việc thăm viếng các bệnh nhân ở giai đoạn cuối đời bà Claudette cũng viếng thăm các thân chủ của dưỡng đường Thánh nữ Elisabeth ở Marseille miền Nam nước Pháp. Phần đông các thân chủ này là những người tàn tật với đủ loại khuyết tật tâm linh và thể xác khác nhau. Đôi khi có những người suốt ngày không mở miệng nói lời nào.

Với tất cả các bệnh nhân và người khuyết tật đau khổ, bà Claudette chỉ mong ước mang đến cho họ niềm vui hài hước, tâm tình lắng nghe, hoặc đôi khi chỉ là sự hiện diện trìu mến. Và nhất là, bà âm thầm cầu nguyện cho tất cả mọi người. Bà tâm sự: Chính Đức Tin Công Giáo hướng dẫn đường đi nước bước của tôi. Tôi không bao giờ nói với các bệnh nhân về tôn giáo nhưng chỉ tìm cách thông truyền cho họ điều chính yếu: Niềm Hy Vọng. Ngoài ra tôi cũng tháp tùng một số bệnh nhân ra đi về thế giới bên kia. Trong các trường hợp này, tôi cố gắng tối đa làm sao cho cuộc chuyển tiếp từ đời này sang đời sau được diễn ra trong an bình thanh thản.

Ngược dòng thời gian, cách đây đúng 5 năm, hiền phu tôi, lúc ấy mới 54 tuổi và là tài xế xe car, đang đong đầy sinh lực và sức khoẻ bỗng bị một chứng ung thư quật ngã. Anh qua đời chỉ vỏn vẹn sau ba tháng lâm trọng bệnh. Trong thời gian hiền phu tôi nằm liệt giường, đều đặn mỗi ngày có bác sĩ đến tận nhà chăm sóc anh và giúp thoa dịu nỗi đau đớn. Nếu không có sự hiện diện tốt lành trìu mến của vị bác sĩ, chắc hẳn tôi cũng bị quật ngã và ra đi theo chồng về thế giới bên kia!

Nhưng trước đó rất lâu, vào năm lên 15 tuổi, tôi đã bị đau nơi hai khuỷu tay và nơi đầu gối khiến cho chân đi không vững, dễ bị lảo đảo hoặc bị té! Ngoài kinh nghiệm về bệnh tật, sau cái chết của chồng, tôi còn hiểu thế nào là nỗi cô đơn, mặc dầu vẫn có sự hiện diện dấu ái của ba đứa con. Thêm vào đó, nỗi lo âu về bệnh tật vẫn còn lẩn quẩn trong gia đình. Bởi vì, một trong ba đứa cháu của tôi bị một con vi-khuẩn tàn phá hồng huyết cầu.

Chính các kinh nghiệm về bệnh tật và nỗi cô đơn đã thúc đẩy tôi đi đến quyết định dành một số giờ trong tuần để làm công tác thiện nguyện. Tôi đến nhà thương nơi khu vực dành cho những bệnh nhân ở giai đoạn cuối đời và đến dưỡng đường Thánh nữ Elisabeth với đủ hạng người mang đủ thứ khuyết tật khác nhau. Tôi mang đến cho họ nụ cười, chia sẻ nỗi khổ đau với họ và gieo rắc niềm hy vọng.

… Một nữ bệnh nhân là bà Mireille mắc chứng ung thư toàn diện đã nói về bà Claudette Serafino như sau.

Bà Claudette biểu lộ một sự nhẫn nại bao la. Bà lắng nghe hết mọi nỗi khổ đau của chúng tôi. Bà mang đến cho tôi một sự hiện diện tại một nơi chốn và vào một thời điểm mà tôi cần đến hơn bao giờ hết! Khi một người nằm yên suốt ngày trên giường bệnh giống như tôi và biết chắc chắn mình không bao giờ có cơ may xuất viện, thì người ấy thật sự cảm thấy cuộc đời bị vứt đi! Trong một hoàn cảnh đau thương như thế mà có một phụ nữ dành thời giờ đích thân đến thăm viếng ủi an thì quả thật đáng giá nghìn vàng! Bà Claudette có thể dành thời giờ để đi làm kiếm tiền và săn sóc những người thân yêu. Nhưng bà không so đo tính toán. Bà dành thời giờ để viếng thăm tôi y như thể đó là chuyện rất tự nhiên của một tình nghĩa không biên giới. Đức lang quân của tôi cũng thường xuyên viếng thăm tôi khiến tôi thật cảm động. Bởi vì tôi nghĩ rằng trong hoàn cảnh tang thương rách nát của tôi, anh không còn muốn đến thăm tôi nữa! Nhưng không phải như vậy! Anh đến thăm tôi. Rồi bà Claudette cũng đến thăm tôi. Và mỗi lần có sự hiện diện của một trong hai người này, tôi cảm thấy được khoẻ khoắn hơn.

… “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây; một thời để nhổ cây: một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng; một thời để khóc lóc, một thời để vui chơi; một thời để than van, một thời để múa nhảy; một thời để quăng đá, một thời để lượm đá; một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn; một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất; một thời để giữ lại, một thời để vất đi; một thời để xé rách, một thời để vá khâu; một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng; một thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến, một thời để làm hòa” (Sách Giảng Viên 3,1-8).

(”OMBRES & lumière”, Revue Chrétienne Des Personnes Malades Et Handicapées, De Leurs Familles Et Amis, No 185, Janvier-Février 2012, trang 44-45)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt