Thư viết cho con

Thư viết cho con

Nguoi-viet.com

Tạp ghi Huy Phương

Thay vì nhận những lời chúc tụng từ con,
ba muốn dành một khoảnh khắc ngắn ngủi
để cám ơn những gì con đã đành cho ba mẹ.

Câu hỏi con vẫn thường đặt ra với ba, là sang đây, con “không được thành đạt như con cái của bạn bè ba, vậy ba có buồn không?”

 

(Hình minh họa: Jamie Squire/Getty Images)

Hình như ba đã trả lời với con rồi, nhưng hôm nay, nhân ngày Nghiêm Phụ, ba muốn nói với, không những riêng con, mà với tất cả các con, sau này là những đứa cháu của ba nữa.

Về chuyện “thành đạt,” Dale Carnegie đã nói, “Thành công là đạt được những gì mình mong muốn. Hạnh phúc là muốn những gì mình đạt được.” Như vậy thì con đã “thành đạt” rồi. Theo cha mẹ sang đây, bù lại tuổi ấu thơ nhọc nhằn, con chỉ muốn có công ăn việc làm, được một mái ấm gia đình. Ðạt được những mong muốn đó, chắc chắn là hạnh phúc đã đến với con.

Nhưng thói đời, người ta quan niệm thành đạt là:

– Có được bằng cấp cao, có địa vị trong xã hội.

– Phải được nhiều người biết đến vì sự giàu có, sang trọng của mình.

– Phải được xã hội trọng vọng kính nể

– Phải có quyền lực qua quan hệ với những người trong cộng đồng hay trong cả nước.

Khi xã hội trầm trồ về một trường hợp thành đạt, phải hiểu rằng người ấy đỗ đạt cao, có những tước vị như bác sĩ, tiến sĩ, kỹ sư… hay là những thương gia thành công có nhiều công ty, nhà máy, được gọi là triệu phú, đại gia. Người thành đạt phải kéo theo những điều căn bản cần phải có theo họ như một hay nhiều ngôi nhà lớn, đẹp; xe hơi đời mới; những bộ cánh sang trọng; những buổi tiệc tùng xa hoa và những chuyến du lịch đắt tiền.

Không có nó, không ai xem họ là những người thành đạt, vì người thành đạt không thể ở trong một căn apartment nhỏ hẹp hay đi một chiếc xe cũ tồi tàn.

Quan niệm đó được tiếp nối, con cái họ cũng phải được như họ, nếu không, sẽ không được gọi là một gia đình thành đạt, nếu cha là giáo sư đại học mà con làm công nhân trong nhà máy hay lái taxi.

Người ta thường nói, “chỉ có người hèn, chứ không có nghề hèn!” Ba biết, nói để an ủi, chứ xã hội xếp hạng tầng lớp theo nghề nghiệp. Con cứ nhìn một công nhân làm đường có được người ta xem trọng như một vị giám đốc công ty, một ông dân biểu hay một ông bác sĩ không? Trong quân đội cũng vậy, làm sao người ta coi trọng một binh sĩ hơn một tướng lãnh.

Có phải con suy nghĩ và có mặc cảm về sự thành đạt theo quan niệm này phải không?

Trước hết dưới cái nhìn và tấm lòng của những bậc cha mẹ công bình và đạo đức, một đứa con mạnh khỏe, thành đạt hay một đứa con bệnh hoạn, kém may mắn đều được xem như nhau, có khi còn ưu ái hơn.

Ba muốn dông dài kể câu chuyện ngụ ngôn về Ðứa Con Trai Hoang Ðàng (The Prodigal Son) là một trong những câu chuyện trong Kinh Thánh được yêu thích nhất.

Một người kia có hai con trai, đứa con thứ hai muốn nhận lãnh gia tài phần nó trước khi người cha qua đời. Sau khi nhận phần gia tài của mình, đứa con này bỏ nhà ra đi, tiêu xài phung phí, ăn chơi đọa lạc, cho đến lúc tiền bạc khánh kiệt, thậm chí có lúc đói, phải kiếm miếng ăn trong cái máng heo của người lái heo nó giúp việc.

Một này kia, đứa con hoang đàng quyết định trở về với mái ấm gia đình và thưa với cha rằng, “Cha ơi, tôi thật có tội với trời và với cha, không đáng gọi là con của cha nữa; xin cha hãy tha thứ cho con.”

Nhưng trước đó, trông thấy đứa con trở về từ đằng xa, người cha đã chạy đến ôm lấy con, hôn con, khoác cái áo choàng tốt nhất cho con, đeo nhẫn vào tay con, mang giày vào chân con, và sai gia nhân giết bò để ăn mừng đứa con trở về.

Người con trưởng lâu nay ở cạnh cha có vẻ bất bình, thì người cha nói, “Lâu nay ta nghĩ đứa con này như đã chết, mà bây giờ lại sống; nghĩ đã mất mà bây giờ lại thấy được. Có còn gì vui sướng hơn.”

Ba mẹ đã có một đứa con mất, ra đi biền biệt, không bao giờ tìm thấy lại được, nhưng vẫn còn những đứa con khác còn sống ở cạnh, đó chẳng phải là điều an ủi, hạnh phúc của ba mẹ hay sao?

Ngày ba phải vào nhà tù tập trung, mẹ và các con bỗng hụt hẫng, như con thuyền ra biển gãy tay lái, thành ngữ đúng nhất trong lúc này là “nhà không nóc,” gia đình như con thuyền trôi giạt trên biển cả mênh mông, không biết phương hướng, rồi sẽ về đâu!

Mới lên 8 tuổi, tuổi cắp sách đến trường, chưa bao giờ biết đến những nghịch cảnh của cuộc đời, con thấy buồn vì những ngày không có cha, thời gian kéo dài tưởng như vô tận. Con mặc những chiếc áo cũ đã bạc màu của chị con để lại, con mang đôi dép dài hơn bàn chân của con, con chịu đói, thèm những bữa ăn no như ngày xưa, nhưng con thương mẹ hơn mỗi chiều, khi con vụng về lau nước mắt cho mẹ, và gia đình ít khi còn nghe được tiếng cười. Con quay mặt đi khi thấy những gia đình khác còn có cảnh cha con thân mật, nô đùa.

Vì lòng thương mẹ, con đã không ngần ngại, không mặc cảm, lớn mạnh, can đảm ra đời để giúp mẹ. Nhà không có tiền mua than củi, con đã theo bạn bè mỗi ngày ra bến xe than, nơi những chiếc xe từ miền Ðông chở than về vựa, quét hốt những mẩu than vụn rơi rớt trên đường để chiều nay mẹ nhúm được bếp lửa cho bữa cơm (?) vắng bóng cha.

Con có thể bưng rổ khoai luộc đi quanh xóm hay mớ rau muống được bà ngoại mua về, đi rao cùng xóm để đem về cho mẹ một hai đồng bạc lời, để chiều nay gia đình có thêm được một miếng mì luộc, dù không đủ no.

Những ngày đầu khi gia đình được may mắn đến đây, con cũng chưa biết gì với những niềm vui tự do và hạnh phúc của nước Mỹ, suốt ngày ngồi bên chiếc máy may, để cuối tuần kiếm mấy chục bạc giúp gia đình đứng vững.

Chỉ ngần ấy việc làm của con, ba còn mong đợi, đòi hỏi gì nơi con vì con thành đạt hay không thành đạt theo sự suy nghĩ thông thường của người đời.

Ba mong sau này, con cũng đừng đòi hỏi gì nhiều ở nơi các con của con, như thảm kịch xảy ra cách đây vài năm của một gia đình, mà một bà mẹ chỉ muốn con mình trở thành bác sĩ. Hẳn bậc cha mẹ nào cũng mong cho con thành đạt, nhưng ba có một người bạn giao du đã hơn 10 năm, mà hoàn toàn không biết người này có đến hai người con, một là luật sư, một là bác sĩ, trong khi đó, phải cuối tháng này, lễ tốt nghiệp mới được tổ chức, mà trên mặt báo đã có những bậc cha mẹ vội vã chúc mừng con.

Trong bệnh viện cũng như ngoài đời, nếu ai cũng làm bác sĩ thì còn ai lo cho những công việc khác. Dù có thành đạt người ta cũng đừng nên ngẩng mặt quá cao, hay gọi là thất bại, cũng không nên cúi đầu quá thấp. Thái độ nào cũng dễ làm cho người ta vấp té.

Trong cuộc sống đơn giản, ít ra con cũng đạt được những gì mình mong muốn, đó là hạnh phúc. Ba còn mong muốn gì hơn nơi con.

Hôm nay ngày Lễ Cha, thay vì nhận những lời chúc tụng từ con, ba muốn dành một khoảnh khắc ngắn ngủi để cám ơn những gì con đã dành cho ba mẹ.

Cha của con.

 

Những ‘thiên tài’ bất hiếu

Những ‘thiên tài’ bất hiếu

Nguoi-viet.com


Tạp ghi Huy Phương

Nói về chuyện “bất hiếu” thì trong một bài báo trước đây chúng tôi đã nói chuyện ông cụ thân sinh của ông Hồ Ngọc Nhuận đã nói rằng: “Ðời cha sợ nhất là mất con! Có ba cách mất: một là con theo gánh hát, hai là theo cộng sản, ba là theo Công Giáo!” (Hồi ký – Chương I – trang 8 – XB 2010.) Ông Hồ Ngọc Nhuận không theo gánh hát, cũng không theo đạo Công Giáo, nhưng ông mang tội bất hiếu, quên lời căn dặn của cha mà đi theo cộng sản!

Có một người còn tệ hơn ông Hồ Ngọc Nhuận rất nhiều, về tội bất hiếu là ông nhạc sĩ Phạm Tuyên, tác giả bài hát lừng danh “Như Có Bác Hồ Trong Ngày Vui Ðại Thắng!”

Nhạc sĩ Phạm Tuyên. (Hình: Wikipedia.org)

Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh năm 1930 là con thứ chín của học giả Phạm Quỳnh, người đã bị Việt Minh Cộng Sản giết và chôn trong một khu rừng thuộc làng Hiền Sĩ, Thừa Thiên, năm 1945. Phạm Tuyên là người đã sáng tác hàng chục bài hát ca ngợi ông Hồ và đảng Cộng Sản: Từ Làng Sen, Việt Bắc Nhớ Bác Hồ, Như Có Bác Hồ Trong Ngày Vui Ðại Thắng, Ðảng Ðã Cho Ta Sáng Mắt Sáng Lòng, Suối Lê Nin,… trong đó, bài hát “Như Có Bác Hồ Trong Ngày Vui Ðại Thắng” được đông đảo khán, thính giả thuộc lòng, vì bài hát ngắn, dễ thuộc, lại có điệp khúc lặp đi lặp lại mấy tiếng Việt Nam-Hồ Chí Minh.

Bài hát mà trước đây ông Luật Sư Nguyễn Hữu Liêm ghi lại “Cảm nhận được một dòng điện chạy từ đáy lưng theo xương sống lên trên cổ trên đầu như là khoảnh khắc thức dậy và chuyển mình của năng lực Kundalini,” “khi vừa hết bài quốc ca, mấy chục cô và bà đại biểu từ Pháp đang chạy ùa lên sân khấu, vỗ tay đồng ca bài Như Có Bác Hồ Trong Ngày Vui Ðại Thắng. Tôi nhìn qua các thân hữu Việt kiều từ Mỹ, và ngạc nhiên khi thấy hầu hết – kể cả những người mà tôi không ngờ – đang vỗ tay hào hứng la to, Việt Nam-Hồ Chí Minh!”

Bài hát này, bọn tù “cải tạo” chúng tôi cũng đã thuộc lòng, trong suốt thời gian bị giam cầm phải vỗ tay đồm độp hát cả nghìn lần, và rống lên cái điệp khúc “chống đói:” Việt Nam-Hồ Chí Minh!

Phạm Tuyên đúng là một thiên tài, bài hát của ông nổi tiếng đến đỗi sau Tháng Tư, 1975, đứa trẻ nào ở Sài Gòn cũng thuộc và đã được chúng đổi lời thành “Như có Bác Hồ trong nhà thương… Chợ Quán! Vừa bước ra bị xe cán bể đầu…” và một lời khác: “Như có Bác Hồ trong cầu tiêu đậy nắp” hay “Như có Bác Hồ đang ngồi binh xập xám, ngồi kế bên là ông Nguyễn Cao Kỳ… Việt Nam… Hồ Chí Minh ăn gian… ăn gian… Việt Nam… Hồ Chí Minh ăn gian, ăn gian!”

Thân sinh ra ông nhạc sĩ “đại bất hiếu” này là cụ Phạm Quỳnh bút hiệu là Thượng Chi, sinh năm 1892 là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn. Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ quốc ngữ và dùng tiếng Việt – thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp – để viết lý luận, nghiên cứu.

Ông được xem là người chiến đấu bất bạo động cho chủ quyền độc lập, tự trị của Việt Nam, cho việc khôi phục quyền hành của triều đình Huế trên cả ba miền, chống lại sự bảo hộ của Pháp và kiên trì chủ trương chủ nghĩa quốc gia với chính thể quân chủ lập hiến. Năm 1930, Phạm Quỳnh đề xướng thuyết lập hiến, đòi hỏi người Pháp phải thành lập hiến pháp, để quy định rõ ràng quyền căn bản của nhân dân Việt Nam, vua quan Việt Nam và chính quyền bảo hộ.

Ngày 11 Tháng Mười Một, 1932, sau khi Bảo Ðại lên ngôi, ông được triều đình nhà Nguyễn triệu vào Huế tham gia chính quyền, thời gian đầu ông làm việc tại Ngự Tiền Văn Phòng, sau năm 1944 là Thượng Thư Bộ Học (Bộ Trưởng Giáo Dục) và cuối cùng giữ chức vụ Thượng Thư Bộ Lại (Bộ Trưởng Nội Vụ).

Tháng Ba, 1945, Nhật đảo chính Pháp, chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập, ông Phạm Quỳnh về sống ẩn dật ở một biệt thự bên bờ sông đào gần Phủ Cam, Huế.

Khi Việt Minh cướp chính quyền, ông được “gọi đi làm việc” ngày 23 Tháng Tám, 1945 nhưng lại bị đưa vào nhà lao Thừa Phủ, Huế, sau đó bị giết cùng với nguyên Tổng Ðốc Quảng Nam Ngô Ðình Khôi (anh ruột Ngô Ðình Diệm) và Ngô Ðình Huân (con trai của Ngô Ðình Khôi).

Di hài ông được tìm thấy năm 1956 trong khu rừng ở Hiền Sĩ, Thừa Thiên (phía Bắc thành phố Huế 17km), và được cải táng ngày 9 Tháng Hai, 1956 tại Huế, trong khuôn viên chùa Vạn Phước.

Cộng sản thường nói quanh co trong việc giết người, thường đổ tội cho cấp dưới, cho rằng có lệnh cấp tốc chuyển Ngô Ðình Khôi, Phạm Quỳnh và Ngô Ðình Huân ra khỏi Huế để đề phòng những chuyện bất trắc xẩy ra. Nhóm du kích áp tải các ông đến một quãng rừng cách xa Huế (Hiền Sĩ) thì nghe tiếng tàu bay Pháp ầm ì trên đầu, tưởng đâu như tiếng máy bay thả biệt kích, sợ không hoàn thành trách nhiệm áp tải, nên nhóm du kích này đã tự động thủ tiêu cả ba người mà không chờ chỉ thị của cấp trên. Cũng không nghe nói cấp trên lúc bấy giờ là ai.

Các ông Phạm Quỳnh, Ngô Ðình Khôi, Ngô Ðình Huân bị giết như thế nào? “Một người nấp trong bụi cây gần đấy thấy Phạm Quỳnh bị đánh vào đầu bằng xẻng, cuốc rồi mới bị bắn ba phát. Ngô Ðình Khôi không bị đánh chỉ bị bắn ba phát. Ngô Ðình Huân hoảng sợ vùng chạy, bị bắt lại, rồi bị bắn ngay vào đầu. Cả ba bị xô xuống mương rồi vội vàng lấp đất.” Phạm Quỳnh ở dưới cùng, đầu hướng về phía núi, Khôi và Huân nằm đè lên, đầu hướng về phía sông. Khi cải táng, ông Phạm Tuân (con thứ 12 của Phạm Quỳnh, hiện ở Virginia) thấy sọ của thân phụ có một vết nứt ngang như vết cuốc, xẻng đánh mạnh vào, “ba bộ hài cốt nằm chồng chất lên nhau… Hài cốt của thầy tôi rất dễ nhận vì dài và ngay cạnh tôi nhận ra được đôi mắt kính cận.” (phamquynh.wordpress.com/2009/02/18/phụ-lục)

Ông Nguyễn Văn Bồng, một nhân viên cũ của Phạm Quỳnh, cho rằng, “không phải là Việt Minh giết cụ Phạm Quỳnh, mà chính con cháu cụ Nguyễn Hữu Bài đã tìm được cơ hội khử Phạm Quỳnh để trả thù cho cha, về vụ năm ông thượng thư (trong đó có ông Nguyễn Hữu Bài) bị mất chức” khi ông Phạm Quỳnh được trọng dụng.

Nhưng chúng ta cũng biết rằng Nguyễn Hữu Bài có mối thâm giao với gia đình ông Ngô Ðình Khả và đã có lúc muốn gả con gái mình cho ông Ngô Ðình Diệm, không lẽ “người nhà” này lại muốn giết luôn cha con ông Ngô Ðình Khôi? Và nếu con cháu của Nguyễn Hữu Bài (không có tài liệu nào nêu tên) giết Phạm Quỳnh thì vì sao Ủy Ban Khởi Nghĩa tỉnh Thừa Thiên lại làm công tố, kể tội trạng của Phạm Quỳnh như là lời kết của một bản án tử như sau: “Phạm Quỳnh, một tay cộng sự của Pháp ở Ðông Dương, đã bao phen làm cho quốc dân phải điêu đứng. Phạm Quỳnh đã giúp sức cho quân cướp nước làm mê muội dân chúng Việt Nam. Với cái nghề mại quốc cầu vinh, Phạm Quỳnh đã từ một tên viết báo nhảy lên một địa vị cao nhất trong hàng quan lại Nam triều. Phạm Quỳnh lại còn dựa vào thế lực Pháp và địa vị của mình bóc lột, vơ vét tài sản của quốc dân. Mặc dầu chính quyền của giặc Pháp đã bị truất sau ngày đảo chính 9 Tháng Ba, 1945, nhiều triệu chứng, chứng tỏ rằng Phạm Quỳnh chỉ chờ cơ hội rước bọn thực dân Pháp đến làm cho diệt nước chúng ta.” (văn bản gửi Tòa Án Quân Sự Thuận Hóa (tức Huế), đăng trên báo Quyết Thắng Tháng Mười Hai, 1945).

Quyết Thắng là cơ quan tuyên truyền và tranh đấu của Việt Minh Trung Bộ, số 11 ra ngày 9 Tháng Mười Hai, 1945, cũng đã loan tin: “Cả ba tên Việt Gian đại bợm (Ngô Ðình Khôi, Phạm Quỳnh, Ngô Ðình Huân) bị bắt ngay trong giờ cướp chính quyền, 2 giờ (chiều) ngày 23 Tháng Tám và đã bị Ủy Ban Khởi Nghĩa kết án tử hình và đã thi hành ngay trong thời kỳ thiết quân luật.”

Hai người con gái của Phạm Quỳnh thì cảm động khi nghe “cụ Hồ” chối tội: “Trong lúc khởi nghĩa, cũng không sao tránh được sự nhầm lẫn. Rất tiếc khi ấy tôi còn đang ở trên Việt Bắc.” Ai chứ “cụ Hồ” thì ta cũng không lạ gì, “cụ” đã từng chấm nước mắt khi nói về cuộc đấu tố, cải cách ruộng đất ở Bắc Việt, sau khi đã xử tử 15,000 nông dân vô tội (Con số của tuần báo Time ngày 1 Tháng Bảy, 1957).

Thời Việt Minh, gia đình hai ông Phạm Quỳnh và Ngô Ðình Khôi có làm đơn khiếu nại lên Ủy Ban Cách Mạng Lâm Thời thì được đổ vấy cho rằng những việc trước đây thuộc thẩm quyền của Ủy Ban Khởi Nghĩa!

Ðể hợp thức hóa việc giết Phạm Quỳnh, bản án của Ủy Ban Khởi Nghĩa tỉnh Thừa Thiên hoàn toàn là một sự vu vạ, trái ngược với gì Phạm Quỳnh đã chủ trương, giết trước, kể tội sau để bào chữa.

Chỉ tiếc là ông mất đi, để lại cho đời một đứa con khá bất hiếu. Cha ông bị chết thảm thương, chôn vùi trong một xó rừng, ông lại cam tâm chuyên viết nhạc nịnh hót ông Hồ và đảng. Có công làm thơ ca tụng “bác” và đảng như Tố Hữu còn leo đến chức phó thủ tướng, còn Phạm Tuyên cũng có những bài nhạc “hết lời” nhưng danh vọng chỉ tới chủ tịch Hội Âm Nhạc Hà Nội, làm ủy viên thường vụ Ban Chấp Hành Hội Nhạc Sĩ Việt Nam từ năm 1963 đến năm 1983, chứ không được là ủy viên Bộ Chính Trị như Tố Hữu (1980). Ðiều đó chắc Phạm Tuyên cũng biết vì gốc gác của ông là con “Việt gian” Phạm Quỳnh chứ không phải ba đời bần cố nông.

Có người biện hộ cho Phạm Tuyên cho rằng “theo thời thì phải thế!” nhưng có phải ai lỡ ở lại miền Bắc với cộng sản cũng “hồ hởi” “phấn khởi” ca tụng Bác và đảng như thế không, nhất là gia tộc ông đang có một mối oan cừu với Việt Minh Cộng Sản.

Người đời thường nói: “Năm ngón tay có ngón ngắn ngón dài,” nay học giả Phạm Quỳnh có tới 13 người con, không may có một đứa con là Phạm Tuyên, thuộc loại “thiên tài… đại bất hiếu!” Người cộng sản hình như chỉ biết đảng mà ít biết đến cha mẹ!

Trong bản nhạc “Ðảng Ðã Cho Ta Sáng Mắt Sáng Lòng!” Phạm Tuyên đã reo vui, ca ngợi: “Ðảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng! Ðảng ta ơi, cám ơn người dạy dỗ.” Chỉ tiếc rằng, thân phụ ông đã chết oan khuất dưới bàn tay của đảng, không biết gia đình này có ngày giỗ cha hay không?

 

‘Hội chứng Việt Nam’

‘Hội chứng Việt Nam’
Sunday, March 30, 2014

Nguoi-viet.com
Tạp ghi Huy Phương

Nhan đề “Ngậm Ngùi Tháng Tư” trên bìa cuốn sách của tôi, đã khiến cho một người bạn, khi cầm cuốn sách này trong tay, đã nói thẳng với tôi: “Tôi không hiểu vì sao mấy ông cứ tiếc nuối dĩ vãng, mà không đoạn tuyệt nó đi để sống với hiện tại. Cái này là cái người ta nói là ‘hội chứng Việt Nam’ (hay hội chứng chiến tranh Việt Nam).”

Tôi không muốn trả lời câu hỏi của người bạn, vì tôi biết ông bị ám ảnh bởi câu chuyện “Hội chứng chiến tranh Việt Nam” trên báo chí Mỹ hơn là chính bản thân ông cũng như tôi, những người Việt Nam đã qua một cuộc chiến tranh dài trên đất nước, nhưng hiện nay đang có một sống bình thường trên đất Mỹ.

(Hình minh họa: David McNew/Getty Images)

Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, một số cựu chiến binh Mỹ trở về nhà, vẫn còn mang nỗi ám ảnh tâm lý được đặt tên là “Hội chứng chiến tranh Việt Nam.” Theo chính phủ Mỹ, có 15% cựu chiến binh Mỹ từ Việt Nam trở về bị rối loạn tâm thần vì những ám ảnh trong thời gian họ đã tham chiến, đưa đến việc có nhiều người tự sát.

Năm 1967, trong thời gian theo một khóa học tại Mỹ, tôi được dịp theo một sĩ quan “sponsor,” gốc Texas, đã có thời gian là cố vấn Thiết Giáp cho VNCH tại Pleiku đến thăm một dân biểu thuộc địa hạt của ông tại văn phòng Hạ Viện Hoa Kỳ tại Washington, DC. Vị dân biểu này đã không kiêng dè, trước sự có mặt của tôi, đã nói với người sĩ quan quen biết của ông: “I don’t know why we are there!” (Tôi không hiểu vì sao chúng ta lại có mặt ở đó!) (Việt Nam). Khi một vị dân cử đã “không hiểu” như vậy, làm sao người lính viễn chinh trở về quê hương được đón tiếp như những anh hùng!

Cuộc chiến Việt Nam đã gây chia rẽ trong nhân dân Mỹ, ngay cả Quốc Hội cũng không đồng tình, phong trào phản chiến nổi lên khắp nơi. Những điều đó chưa hề xảy ra sau Thế Chiến 2 và Chiến Tranh Triều Tiên.

Những người lính Mỹ sau khi trở về mang thương tật thể xác và ý chí mệt mỏi, mất lòng tin vào đất nước, sống không có mục đích. Thất nghiệp, ma túy, không gầy dựng được mái ấm gia đình nhiều cựu chiến binh đã trở thành những kẻ không nhà.

Chiến binh Mỹ là những người đang tuổi thanh Xuân, sống trong một đất nước thanh bình, yên ổn, no ấm, chưa hề nghe tiếng bom đạn, chắc chắn phải ngỡ ngàng khi được đưa đến một chiến trường xa xôi vùng nhiệt đới với những trận chiến khốc liệt, ở một hoàn cảnh văn hóa, ngôn ngữ xa lạ, và nhất là thanh niên Mỹ không phải ai cũng biết đến lý tưởng vì sao họ phải đến đây! Một phần cũng chính phong trào phản chiến đã gây cho người cựu chiến binh những mặc cảm về những ngày đi chiến đấu ở ngoài đất nước của mình.

Ðôi khi người ta dùng “hội chứng Việt Nam” như là một cái cớ để bào chữa cho tội ác. Khoảng năm 1982, tại tiểu bang New York, một thiếu nữ Việt Nam, buổi chiều trở về ngôi nhà cũ để lấy thư, đã bị một cựu chiến binh Mỹ tấn công và hiếp dâm. Ra tòa bị cáo được trắng án vì y khai rằng, y bị ám ảnh người thiếu nữ này là nữ một cán binh Việt Cộng.

Nhưng không phải cựu chiến binh Hoa Kỳ nào cũng mang nặng “hội chứng Việt Nam.” Thượng Nghị Sĩ John McCain là một trường hợp điển hình. Máy bay ông bị bắn rơi tại Hà Nội, bị gãy hai tay và một đùi. Trong nhà tù Cộng Sản, ông bị đánh đập, đối xử tàn tệ, trong hơn 5 năm bị giam cầm, ông đã chịu 2 năm biệt giam. Trở về Mỹ năm 1973, ông phải vào bệnh viện và chống nạng trong một thời gian dài, gia đình đổ vỡ… nhưng cuối cùng ông đã trở thành thượng nghị sĩ và đã hai lần tranh cử tổng thống. Cũng trở về từ Việt Nam, Trung Úy John Kerry đã thoát khỏi “hội chứng Việt Nam,” trở thành thượng nghị sĩ, ứng cử viên tổng thống, rồi ngoại trưởng.

Chúng ta không thể đem điều gọi là “hội chứng Việt Nam” để gán ép cho những cựu chiến binh VNCH. Họ lớn lên trong một đất nước chiến tranh, từ thuở nhỏ đã nghe tiếng bom đạn, thấy sự tàn ác của những người Cộng Sản, từ thời Việt Minh “cắt cổ, mổ bụng” đến cuộc đấu tố địa chủ, bước tới cuộc thảm sát Mậu Thân, nào là chuyện giật mìn xe đò, pháo kích vào trường học… nên chuyện cầm súng chống lại cuộc xâm lăng của Cộng Sản Bắc Việt là một điều tất yếu, không có con đường nào khác. Có thảm trạng đau lòng xót xa nào gây ấn tượng như cuộc lui binh Tháng Ba, 1975, những ngày tháng tù đày chết mòn nơi chốn rừng thiêng nước độc, những thảm cảnh gia đình đổ vỡ tan nát, chia lìa sau khi miền Nam thất thủ, những cuộc vượt biển chết chóc kinh hoàng, nhưng rút cuộc con người Việt Nam vẫn can trường đứng lên, không ai điên loạn, cũng không ai ra nằm đường.

Chúng ta đã có những người bạn chịu cảnh tù đày 13, 18, 23 năm, đói khát, đau ốm, mòn mỏi, đến Mỹ vẫn gia nhập sinh hoạt cộng đồng, làm việc tất bật từ hai ba mươi năm nay, để nuôi con ăn học và gia đình có được cuộc sống ổn định hạnh phúc ngày hôm nay.

Chúng tôi đã tiếp xúc với những vị bác sĩ tâm thần hai vùng Nam Bắc California, là nơi có nhiều thuyền nhân và cựu tù nhân chính trị định cư đông nhất, thì không thấy có triệu chứng tâm thần trong hai giới này. Một số rất ít được hưởng tiền trợ cấp “disability” về bệnh tâm thần trong cộng đồng Việt Nam vẫn có một đời sống bình thường, không có triệu chứng điên loạn làm ảnh hưởng đến xã hội và chương trình y tế.

Cách đây nhiều năm, tại miền Ðông Hoa Kỳ, một lần nữa, “hội chứng Việt Nam” được dùng như một luận cứ bào chữa cho một bị can, cựu quân nhân, tù “cải tạo” VNCH đã dùng dao giết vợ. Ra trước tòa, luật sư của bị cáo, đã khôn khéo dùng “hội chứng chiến tranh Việt Nam,” bào chữa rằng bị cáo luôn luôn bị ám ảnh vì thời gian bị áp bức, đày đọa trong tù, nên khi ông cầm dao giết vợ, ông có sự hoang tưởng đang giết một tên nữ cán bộ trong trại tù vì quá phẫn uất. Kết quả là người cựu quân nhân này được tha bổng. Tôi cho rằng đây là một luật sư giỏi biết lợi dụng cái “hội chứng” của những người cựu quân nhân Mỹ để thuyết phục bồi thẩm đoàn và cũng nhờ án lệ của một vụ tương tự. Trong cộng đồng Việt Nam lâu nay chưa thấy một trường hợp thứ hai liên quan đến “hội chứng Việt Nam” như thế xảy ra như rượu chè, ma túy, đốt nhà, giết người, tự tử hay phải ra nằm đường.

Còn như chuyện một người vượt biển, một người “tù cải tạo,” một người cựu quân nhân, ngày nay được ra nước ngoài vẫn chưa quên được những ngày tháng cũ. Lẽ cố nhiên có mất mát, có cay đắng thì người ta sẽ nhớ lâu hơn. Một người có con mất tích trên biển, một người tù mang những vết thương, bệnh tật chưa lành, một cựu chiến binh trong chiến trận, đã bỏ anh em, bạn bè lại. Nếu vào những dịp đáng nhớ, chúng ta có cử hành những buổi lễ, làm lễ tưởng niệm cho những người đã khuất, hoặc dù có kể lể khóc than đi nữa, thì điều đó có làm gì hại cho ai, và đâu có thể gọi là một hội chứng, là hội chứng Việt Nam, hay hội chứng chiến tranh Việt Nam.

Người ta nói có những điều có thể tha thứ nhưng không thể quên. Chúng ta cũng đừng trách thực tế nhiều người không thể quên và cũng không thể tha thứ!

Bạn khuyên sao không đoạn tuyệt với quá khứ để sống với hiện tại. Chỉ có những người điên loạn và những người lú lẫn mới không có quá khứ, và những người này trong xã hội chúng ta cũng chỉ là thiểu số nhỏ nhoi không đáng kể.

Tôi không nhớ ai đã nói câu: “Ðọc lịch sử như bóc một củ hành, càng đọc càng chảy nước mắt!” Năm nào vào Tháng Tư, ít nhiều tư liệu lịch sử cũng tình cờ hiện ra dưới mắt chúng ta. Dù ít hay nhiều nó cũng gây xúc động trong lòng bạn, là con người có tình cảm, biết yêu thương nhưng cũng có căm ghét, không phải là những con người dửng dưng, vô cảm.

Quên hay chưa quên thì mỗi người trong chúng ta, mỗi năm đến Tháng Tư, cũng phải nhớ rằng: “Tôi là ai và vì sao tôi đến đây?”