THÁI ĐỘ TỪ BỎ CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ

THÁI ĐỘ TỪ BỎ CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ

Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R

Kn 9, 13-18b; Plm 9b-10.12-17; Lc 14, 25-33

Đời thường, trong cuộc sống, bất cứ cái gì cũng phải trả giá, phải có điều kiện. Ví dụ như muốn mua một món đồ gì đó thì chắc chắn là phải trả tiền cho người bán. Nếu không đủ tiền thì không thể nào mua được cả.

Ngày nay, chúng ta thấy có quá nhiều công trình, nhiều dự án cứ dang dở bởi nhiều yếu tố ngoại cảnh nhưng không thể bỏ qua được yếu tố của tính toán xem công trình có hoàn tất được không và hoàn tất như thế nào. Vì làm liều, vì không có dự toán cẩn thận nên nhiều người rơi vào cảnh bỏ thì thương mà vương thì tội. Đó là những bài học hết sức bình thường và thực tế trong cuộc sống thường nhật của chúng ta.

Trang Tìn mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với người ta rằng họ chỉ có thể bước theo Ngài với những điều kiện của Ngài đưa ra. Những ai muốn thuộc về Chúa Giêsu, thì phải quyết định theo Chúa Giêsu toàn vẹn, theo trọn con đường của Người.

Trước trang tin mừng này là câu chuyện Chúa Giêsu dùng bữa tại nhà một thủ lãnh người Pharisêu. Thánh Luca hôm nay giúp độc giả để ý đến bước tiến của Chúa Giêsu lên Giêrusalem cũng như đến đám đông đang cùng đi với Ngài. Tác giả cho thấy Chúa Giêsu nói về những điều kiện để làm người môn đệ đích thực (14,25-33). Các trình thuật trước đó, ta gặp một lời mời gửi đến mọi người trên mọi nẻo đường, dọc theo bờ rào bờ dậu, đến dự tiệc vương quốc, để “người ta vào đầy nhà cho ta” (c. 23). Và, ở đây Chúa Giêsu thêm một điều kiện kiên quyết  điều kiện phải giữ để được làm môn đệ trong Vương quốc. Để được vào Vương quốc, phải đáp ứng những điều kiện riêng, và phân đoạn 14,25-33 ở trong thế song đối đối nghĩa với phân đoạn 14,15-24. Nhìn lại với ngữ cảnh rộng lớn hơn, là bài tường thuật về hành trình, phân đoạn này với nhiều chi tiết nói về việc bước theo Chúa Giêsu, bước đi đàng sau Người, lên kế hoạch chuẩn bị cho một công trình, một dự án …

Đỉnh điểm của cuộc đời Chúa Giêsu đó chính là hành trình lên Giêrusalem. Trên hành trình này, nhiều người muôn đi theo Chúa, muốn ở lại với Chúa, muốn đồng hành với Chúa vì họ nghĩ rằng khi theo như vậy họ sẽ được quyền năng, được sức mạnh, được lợi lộc theo kiểu trần gian. Họ nghĩ như vậy vì trong hành trình này, họ chứng kiến được nhiều phép lạ Chúa Giêsu làm, thấy được quyền năng thực tế của Chúa. Chúa nhìn thấy lòng của họ nhưng Chúa không muốn họ đi theo Chúa với những kiểu vinh quang của người đời.

Những ai gắn bó thật sự với Chúa Giêsu  thì phải hiểu rằng mình phải đáp ứng những yêu cầu nào của Chúa. Các điều kiện Chúa Giêsu nêu ra không được đề nghị riêng cho một ít người tuyển chọn, nhưng cho tất cả những ai đang đi với Người.

Chúng ta thấy, phải “ghét” cha mẹ, vợ con, anh em, chị em là yêu cầu đầu tiên mà Chúa Giêsu đưa ra. Như vậy, điều răn yêu thương người thân cận đã bị đảo lộn rồi sao? Nghĩa là để đi theo Chúa Giêsu, người ta phải thay thế tình yêu đối với người thân cận bằng sự ghét bỏ đối với họ? Nhưng ý nghĩa của từ “ghét” ở đây nhờ Mt 10,37 đã được làm sáng tỏ: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy”. Điều này có nghĩa là ai muốn đi theo Chúa Giêsu thì phải yêu mến Người hơn tất cả những người khác, kể cả những người gần gũi với mình nhất. Người ấy lại còn phải yêu mến Chúa Giêsu hơn cả chính bản thân mình. Chúa Giêsu yêu cầu người ta dành cho Người một vị trí đặc biệt và duy nhất. Chính tương quan duy nhất với Chúa Giêsu sẽ điều hành mọi tương quan của ta với những người khác.

Trong thực tế, trở ngại lớn nhất của con người không phải là người thân cận hoặc cha mẹ anh chị em, mà là cái tôi, là tính ích kỷ, là tình yêu đối với bản thân mình. Cả cái tôi và cái lớn nhất đời ta đó là sự sống của ta cũng phải nhường bước cho dây liên kết với Chúa Giêsu.

Những ai muốn đi theo Chúa Giêsu, thì phải vác thập giá của chính mình, phải đi theo Người trên con đường thập giá. Chúa Giêsu đã không đi tìm thập giá và đau khổ, y như thể Ngài thích. Nhưng Ngài vác trên mình thập giá và sự đau khổ, đến mất mạng, khi phải đáp ứng điều này hầu giữ được sự vâng phục đến tột cùng với Chúa Cha.

Để theo Chúa đến cùng, Chúa Giêsu khuyên những người đang đi theo Ngài phải cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định làm môn đệ. Trước khi làm điều gì đó, người ta phải ngồi xuống để tính toán, để cứu xét đến không chỉ các đòi hỏi phải thực hiện mà còn nghĩ đến những hậu quả. Nếu bắt tay nhưng không chuẩn bị tính toán kỹ thì sẽ bỏ giở giang vì không có sức đi tới cùng. Những người đi theo Chúa phải xem lại là mình có những sức mạnh và nguồn lực nào.

Ta thấy sau hai điều kiện (cc. 26.27), câu kết này là điều kiện thứ ba, một đòi hỏi triệt để. Chúa Giêsu kêu mời người ta từ bỏ tất cả các của cải vật chất, để có thể làm môn đệ Ngài.

Ai muốn đi theo Chúa Giêsu , phải đặt sự trung thành với thánh ý Thiên Chúa trên tất cả mọi sự. Vì trân trọng ý muốn của Ngài, người ta phải chấp nhận đau khổ, tủi nhục, bị khinh bỉ và tất cả những gì đối lập lại với một cuộc đời thú vị, thậm chí đến chỗ mất mạng sống mình. Hẳn là chúng ta muốn tạo ra một hình thái Kitô giáo vừa tầm với chúng ta, làm chúng ta vui thích. Chúa Giêsu nói với người ta rằng họ chỉ có thể bước theo Người theo những điều kiện của Người. Ai muốn thuộc về Chúa Giêsu, thì phải quyết định theo Chúa Giêsu toàn thể, với trọn con đường của Ngài.

Với tất cả những điều đó, chúng ta thấy những ai muốn làm môn đệ Chúa Giêsu, muốn thực sự làm Kitô hữu, thì cần phải biết các điều kiện được đề ra, và phải suy nghĩ xem mình có khả năng đáp ứng chăng. Nếu dừng lại giữa đường rồi bỏ cuộc, thì chẳng nghĩa lý gì. Chúa Giêsu muốn người ta đi theo Ngài một cách cóý thức và phải có cân nhắc. Những điều kiện đưa ra là những điều kiện cho mọi người muốn bước theo Chúa chứ không dành riêng cho bất cứ một người hay một nhóm, một dân tộc nào Bước theo Chúa Giêsu có nghĩa là tuyệt đối không bám víu vào các của cải vật chất, và phải sử dụng chúng tùy theo tâm tình của người quản lý chứ không phải là chủ.

Tâm tình từ bỏ không dính bén vào của cải vật chất phải ưu tiên hơn những điều khác. Tình yêu đối với Thiên Chúa không phải loại trừ tình yêu đối với loài người, trái lại Ngài buộc con người là phải yêu người như yêu Chúa. Chúa Giêsu muốn chúng ta yêu thương người thân cận. Và tình yêu đối với Người đòi hỏi chúng ta chu toàn ý muốn của Người. Nhưng tương quan với người thân cận phải được qui định bởi tương quan với Chúa Giêsu và phải được tháp nhập vào trong tương quan này. Nếu phải chọn lựa giữa Chúa Giêsu và một người gần gũi với ta, ta phải chọn Chúa Giêsu. Đàng khác, ta phải đào luyện tương quan của mình với người thân cận thế nào để không gây rối cho tương quan của ta với Chúa Giêsu.

Tiêu chuẩn tối hậu của đời sống chúng ta là thi hành ý của Thiên Chúa trên cuộc đời của ta. Người môn đệ của Chúa không được sống ngược lại với ý của Ngài.

Hoặc là đi theo Chúa, hoặc là không chứ không được nửa này nửa kia. Theo Chúa phải theo với thái độ dứt khoát. Đi theo Chúa đòi hỏi sự trung thành và vâng phục như Chúa Giêsu trung thành và vâng phục Cha của Ngài.

Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R

CỦA ĐỜI PHÙ VÂN

CỦA ĐỜI PHÙ VÂN

Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R.

Gv 1, 2 ; 2, 21-23; Cl 3, 1-5.9-11; Lc 12, 13-21

Hơn một lần hay nói đúng hơn là quá nhiều lần mỗi người trong chúng ta đã nhìn, thấy, chứng kiến những người thân thương của chúng ta qua đời. Họ có thể là ông, bà, cha, mẹ, anh chị em hay người thân thuộc, bạn bè, hàng xóm …

Nếu là thân nghĩa ruột thịt, chúng ta sẽ được tận mắt để nhìn nghi thức nhập quan của người đã qua đời.

Khi qua đời, người thân sẽ tắm xác và sẽ tìm một bộ đồ đẹp nhất mặc cho người quá cố. Kèm theo đó là những vật dụng thân thương mà người quá cố hay dùng khi còn sống để bỏ vào trong quan tài theo tâm niệm là để cho người quá cố “sử dụng” hay để “kỷ niệm”. Tất cả và tất cả những gì người qua đời cả cuộc đời lao nhọc khi nằm trong quan tài không được quá khổ cái quan tài. Nghĩa là những gì quý báu thì quý chứ không thể nào bỏ vào trong quan tài chiếc xe, căn nhà … cả. Những cái gì quý như vàng, hột xoàn hay đô la thì chẳng có người sống nào dại đển độ bỏ trong quan tài để vài ba bữa đem đi chôn hay đi thiêu.

Phận người là thế đó nhưng vật chất nó làm cho người ta phải điên đảo, phải tranh giành.

Hôm nay, chúng ta được nghe lại câu chuyện hài. Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng, chắc có lẽ thấy Chúa Giêsu được ảnh hưởng nhiều trên dân nên có một người đến nhờ Chúa Giêsu chia gia tài cho gia đình của anh ta. Chúa Giêsu nghe như vậy và nói luôn : “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh? “

Không dừng lại ở câu nói đó, Chúa Giêsu nói tiếp :  Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”

Chúa Giêsu quả là dễ thương, sợ người ta chậm tiêu ít hiểu nên cho họ một dụ ngôn : “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu! Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã! Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”

Nghe thì cũng khó nghe đó chứ ! Thế nhưng, khổ một nỗi là cái gì khó nghe thì nó là sự thật.

Chuyện vật chất phù vân chúng ta cũng đã nghe ông Cô-he-lét nói : “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. Quả thế, có người đã đem hết khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công, rồi lại phải trao sự nghiệp của mình cho một người đã không vất vả gì hết. Điều ấy cũng chỉ là phù vân và lại là đại hoạ. Chuyện gì xảy ra cho con người sau bao mối bận tâm và bao gian lao vất vả nó phải chịu dưới ánh mặt trời ?”

Ông than thở tiếp : “Phải, đối với con người ấy, trọn cuộc đời chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền ! Ngay cả ban đêm, nó cũng không được yên lòng yên trí. Điều ấy cũng chỉ là phù vân !”

Quá chính xác ! Chuyện gì sẽ xảy ra sau khi nhắm mắt lìa đời.

Tâm thư của Thánh Phaolô hôm nay về những thú vui trần gian cũng quá hay : “Cứ đến đây, ta sẽ cho ngươi thử hưởng thú vui và nếm mùi hạnh phúc.” Thế nhưng cả cái đó cũng chỉ là phù vân. Tôi nói : “Cười là điên rồ. Vui là vô tích sự.”

Đúng như vậy ! Tất cả cũng sẽ chỉ là phù vân mà thôi.

Như đã nói, ngày mỗi ngày chúng ta thấy, chứng kiến cảnh ra đi của anh chị em đồng loại, của người thân. Thấy, chứng kiến nhưng những hình ảnh nấm mồ hay hủ tro có tác động gì đến ta hay không ? Chắc có lẽ là không bởi lẽ ngày mỗi ngày quanh ta và thậm chí ngay cả bản thân ta cũng vun vén, cũng tích lũy.

Có người thì tích lũy cho mình tiền, có người tích lũy cho mình danh vọng, có người tích lũy cho mình quyền lực, có người tích lũy cho mình chức vị … Tất cả những thứ đó thì ai ai cũng đi tìm và vun vén cả. Thật ra nó cũng là những nhu cầu và ước muốn bình thường của con người bởi lẽ con người vẫn mang trong mình phận người. Thế nhưng, một sự thật thật hơn những nhu cầu đó chính là khi nhắm mắt lìa đời tất cả những gì mà người ta vun vén.

Thi thoảng tôi nghe Trường Vũ hay Ngọc sơn ngân nga :

Sống trên đời này người giàu sang cũng như người nghèo khó.

Trời đã ban cho ta cám ơn trời dù sống thương đau

Mai kia chết rồi trở về cát bụi giàu khó như nhau

Nào ai biết trước số phận ngày sau ông trời sẽ trao

Này nhà lớn lầu vàng son

Này lợi danh, chức quyền cao sang

Có nghĩa gì đâu…sao chắc bền lâu

Như nước trôi qua cầu

Này lời hứa… Này thủy chung

Này tình yêu…chót lưỡi đầu môi

Cũng thế mà thôi

Sẽ mất ngày mai như áng mây cuối trời

Sống trên đời này tựa phù du có đây lại rồi lại mất.

Cuộc sống mong manh xin nhắc ai đừng đổi trắng thay đen

Nào người sang giàu đừng vì tham tiền bỏ nghĩa anh em

Người ơi xin nhớ cát bụi là ta…mai này chóng phai

Người nhớ cho ta là cát bụi trở về cát bụi

Xin người nhớ cho

Khánh Ly cũng diễn tả cái thân phận cát bụi của con người thật ngọt ngào tác phẩm “Cát Bụi” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn :

Để một mai vươn hình hài lớn dậy

Ôi cát bụi tuyệt vời

Mặt trời soi một kiếp rong chơi

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Để một mai tôi về làm cát bụi

Ôi cát bụi mệt nhoài

Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi

Bao nhiêu năm làm kiếp con người

Chợt một chiều tóc trắng như vôi

Lá úa trên cao rụng đầy

Cho trăm năm vào chết một ngày

Mặt trời nào soi sáng tim tôi

Để tình yêu xay mòn thành đá cuội

Xin úp mặt bùi ngùi

Từng ngày qua mỏi ngóng tin vui

Cụm rừng nào lá xác xơ cây

Từ vực sâu nghe lời mời đã dậy

Ôi cát bụi phận này

Vết mực nào xóa bỏ không hay

Phận người là như thế nhưng tại sao ta cứ mãi bám theo những gì mà ta sẽ mất ngày mai.

Tại sao không đi tìm cái kho tàng mà mối mọt không đục khoét, trộm cắp không đào ngạch mà lại cứ mãi mê với cái trần gian hư vô mau qua chóng tàn này.

CHÚT TÌNH RIÊNG

CHÚT TÌNH RIÊNG

Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R.

Ở đời, có những chuyện riêng người ta giữ kín trong lòng chỉ để cho lòng mình biết. Thế nhưng cũng có những chuyện riêng như là kỷ niệm, như là niềm vui người ta muốn gửi đến cho những người thân quen khi có dịp. Kỷ niệm riêng, chút tình riêng ấy sẽ ở lại mãi trong lòng người cảm nhận.

Dăm ba năm trước, khi về chủ sự Lễ Hành Hương Minh Niên tại đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn, Đức Cha Phêrô phụ tá không ngần ngại nói lên tâm tình, nói lên tình riêng của mình. Đức Cha nói rằng Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Kỳ Đồng là nơi rất thân quen từ những ngày còn làm thầy và khi đã lãnh sứ vụ linh mục. Ngài thường lui tới nơi mảnh đất thiêng này và đặc biệt với Núi Đức Mẹ để thủ thỉ, để thỏ thẻ với Mẹ lòng của Ngài. Trở về Đền Đức Mẹ dâng Lễ lại nhớ lại hình ảnh ngày xưa và lại nhớ lại những ơn lành Mẹ trao ban cho Ngài.

Mới đây, Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên – giám mục giáo phận Cần Thơ – cũng trở về Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp để dâng lễ mừng kính Thánh Anphongsô đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế.

Cảm xúc trào dâng, Đức Cha lại gửi đến tâm tình hết sức riêng và hết sức đặc biệt của Ngài : “Ngay từ nhỏ, lúc đó tôi khoảng chừng 8 tuổi. Mỗi lần đi Lễ tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, sau Lễ, mẹ tôi dẫn tôi ra núi Đức Mẹ đọc kinh rất lâu”. Còn nhỏ tôi chẳng hiểu gì nhưng tôi nghĩ rằng mẹ tôi nói với Đức Mẹ : “Mẹ ơi ! Con là người vợ góa, nhiều con thơ, một mình con không làm nổi gì đâu, Mẹ không tiếp sức thì con không làm gì được”.

Đức Cha ngừng lại một chút vì xúc động, tình thương của người con nhớ về mẹ của mình lại trào dâng, ngừng lại hơi nghẹn lời một chút rồi Ngài tiếp : “Mẹ tôi cầu nguyện với Mẹ và rồi Mẹ tôi nuôi các con ăn học. Tôi năm đó 8 tuổi, đứa út mới có 1 tuổi. Mẹ tôi nuôi chúng tôi và chúng tôi, anh em chúng tôi đứa nào cũng biết đọc biết viết. Mẹ tôi cầu nguyện với Đức Mẹ. Đó là bài học cho chính tôi, mỗi khi tôi gặp khó khăn thử thách thì chạy đến Đức Mẹ. Lúc tới đây, trước khi thăm các cha các thầy, tôi đã tới núi Đức Mẹ để cầu nguyện”.

Các đức cha có chút tình riêng với Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nói như thế. Nếu có dịp được nói, tôi cũng sẽ nói như thế này :

Ngày còn bé, chắc cũng vào khoảng 8 tuổi, Dì ruột của tôi ở Gia Kiệm, cứ mỗi lần Dì về Sài Gòn là Dì lại dẫn tôi lên nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Mỗi lần lên nhà thờ Dòng thì Dì lại dẫn tôi quỳ trước ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở cánh trái của nhà thờ. Chẳng biết Dì nòi gì nhưng chỉ thấy Dì cầu nguyện với Đức Mẹ thật lâu. Chưa hết, Dì còn dẫn tôi ra trước núi Đá của Mẹ để cầu nguyện thật lâu.

Khi xem lại hình kỷ niệm của gia đình, chỉ còn được vài tấm hiếm hoi. Có một tấm giá trị đó là hình cưới của ba mẹ tôi. Nhìn trong ảnh lại hình ảnh thân quen hiện ra đó là bức ảnh lưu niệm ngày cưới của ba mẹ tôi được chụp trước núi Đức Mẹ cùng với Cha Eugène Larouche Dòng Chúa Cứu Thế. Lại dính dáng đến Mẹ Hằng Cứu Giúp tại ngôi đền thiêng thánh này.

Không chỉ thế, ông bà ngoại tôi cũng là giáo dân của Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Huế do các cha Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách. Cha Gioan Nguyễn Văn Thính trước khi mất cũng đã cho tôi những kỷ niệm về ông bà ngoại.

Cả cuộc đời cứ ở trong bàn tay của Mẹ Hằng Cứu Giúp thì phải.

Ba mẹ cưới nhau cũng ở ngôi Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp này, tôi khấn dòng cũng tại ngôi Đền này, lãnh sứ vụ linh mục cũng tại ngôi Đền này và … hy vọng chết cũng được chết trong tay của Mẹ ở ngôi Đền này.

Chắc có lẽ không chỉ các đức cha, bản thân tôi nhưng rất, rất nhiều người hơn một lần đến đây với Mẹ và ít nhiều gì đó cũng đã nhận ơn lành của Chúa đến từ Mẹ. Và như thế, tình riêng của mỗi người, ngày mỗi ngày lại sâu lắng, lại trào tràn đến với những ai chạy đến Mẹ.

Ngày này đây, ngày mỗi ngày và hàng giờ, hàng phút mỗi khi cổng Đền Thờ mở, lúc nào cũng có người đến với Mẹ để thỏ thẻ, thủ thỉ tâm tình với Mẹ. Cứ nhìn vào quyển sổ tâm tình với Mẹ ta nhận ra tình riêng của con với Mẹ. Những quyển sổ dày đặc lời xin ơn, lời tạ ơn cũng chưa nói hết tình riêng của những người đến đây. Nhiều và nhiều ơn lành khác mà chỉ người nhận và người trao ban mới biết mà thôi.

Tình riêng với Mẹ là vậy. Con thưa với Mẹ, Mẹ nghe con, Mẹ hiểu con và con yêu Mẹ.

Chút tình riêng cộng lại thành tình yêu lớn tại ngôi Đền Thánh Thiêng này.

Những ai đến với Mẹ chắc chắn sẽ không phải về tay không bởi lẽ lòng Mẹ bao la như mây trời và mênh mông như biển lớn.

Lm. Anmai, C.Ss.R.

HẠNH PHÚC KHÔNG TRỌN ĐẦY

HẠNH PHÚC KHÔNG TRỌN ĐẦY

Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R.

Ở đời, ai cũng mong đi tìm và sống hạnh phúc. Khi tìm thấy và sống hạnh phúc rồi thì ai cũng mong cho mình được hạnh phúc tròn đầy. Mong vẫn là mong và trong ước mong có người đạt được nhưng có người vẫn chơi vơi khi hạnh phúc chưa trọn vẹn.

Bén duyên, tôi biết hai anh em nhà nọ từ gần hai chục năm nay ở Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Biết họ bởi lẽ cứ đến giờ hành hương kính Đức Mẹ thì hai anh em đã có đó trước tôi. Thời gian trôi cứ vẫn trôi, hai anh em vẫn ngày mỗi ngày đến với Mẹ và đặc biệt không bỏ ngày thứ Bảy kính Mẹ bao giờ cả.

Trước khi biết là anh em tôi cứ nghĩ là cặp đôi đạo đức nhưng khi hỏi ra mới biết họ là hai anh em ruột chứ không phải là vợ chồng như tôi nghĩ. Tôi vội vàng xin lỗi họ bởi sự nhầm lẫn và kém cõi của tôi.

Lễ xong, hai anh em cứ quấn quýt bên hang đá Mẹ ở góc nhà thờ. Từ khi Mẹ Sầu Bi được đặt ở phòng hài cốt thì hai anh em lại tiến sâu vào trong để cầu nguyện với Mẹ, cầu nguyện cho các linh hồn.

Bén duyên thêm tí nữa tôi biết gia cảnh của hai anh em.

Giọng trầm buồn của người anh trải lòng về gia đình.

Hai anh em đều mất cả cha lẫn mẹ. Giờ thì hai anh em sống đùm bọc nhau.

“Cha biết không ? Ba con ngày xưa đi học tập … ở trong trại đói khổ và bệnh tật … sau đó người ta đưa ba con về. Về nhà không được bao lâu thì ba con mất vì di chứng của bệnh tật ở trong trại cải tạo. Khi ba con đi học tập về, nhà con nghèo kinh khủng. Con không muốn nhớ lại những ngày đó vì quá khổ. Sau đó, bác con cho con mượn tiền và mua nhà. Lúc đó con mua được căn nhà mặt tiền ở quận I. Sau 3 tháng, con bán lại và được phần lãi rất cao. Con gửi lại phần vốn cho bác và phần lãi đó có thể giúp cho gia đình con sống ổn định cho đến ngày hôm nay. Gia đình con vừa ổn định một chút thì Mẹ con bị ung thư máu và cũng mất luôn. Hai anh em con buồn lắm. Nỗi buồn cứ day dứt mãi cho đến ngày hôm nay, nhất là mỗi khi đêm về, hai anh em chúng con nhớ ba mẹ lắm. Đến giờ ba con mất hai chục năm, mẹ con hơn mười năm nhưng vẫn còn buồn. Nỗi buồn cứ day dứt mãi với anh em chúng con cho đến ngày hôm nay vẫn chưa hết …

Giờ hai anh em chúng con dù có cuộc sống ổn định nhưng vẫn nhớ ba mẹ lắm. Phận mồ côi mà cha. Giờ thì đời sống kinh tế ổn định nên hai anh em chúng con ngày nào cũng đi nhà thờ. Tạ ơn Chúa đã cho anh em chúng con được như vậy …

Nhiều người nói cha mẹ mất sớm như vậy thì con cái cũng sẽ như thế … sẽ chết sớm như cha mẹ …”

Nghe xong tâm tình này, tôi nói ngay với anh rằng sống chết tất cả đều nằm trong sự quan phòng của Chúa chứ chẳng ai có thể cũng như định được ngày sống của mình cả. Tất cả chỉ có Chúa biết mà thôi nên đừng bận tâm lo lắng làm chi.

Trong tâm sự của mình, anh không ngớt lời tạ ơn Chúa bởi vì nhờ ơn Chúa hai anh em của anh mới có được như ngày hôm nay. Và, cứ mãi day dứt nhớ đến ba mẹ của họ dù ba mẹ của họ khuất cũng đã khá lâu.

Nghe anh chia sẻ, tôi cũng chung chia với anh :

“Anh biết không, mình cũng thế ! May mắn cũng không đến với mình trọn vẹn. Khi gia đình tương đối ổn định thì Mẹ mất. Mẹ mình mất cách đây gần hai mươi năm cũng vì chứng bệnh ung thư. Giờ đây, mỗi khi nhớ đến thì không dám nhớ lâu bởi lẽ nhớ đến Mẹ là hai hàng nước mắt nó cứ trào ra. Bây giờ có chiếc xe tay ga để đi tới đi lui lại càng nhớ Mẹ. Ngày xưa chở Mẹ đi khám bệnh bằng con dame cà tàng. Giờ có xe ga nhưng không còn Mẹ để chở …”

Còn nhiều điều muốn chia sẻ thêm với anh nhưng đợi lần sau.

Cuộc trao đổi kết thúc, hình ảnh hai anh em mồ côi vẫn còn đâu đó bên tôi.

Cũng chẳng dám nói là tội nghiệp họ nhưng thấy cuộc sống hiện tại của hai anh em có cái gì đó. Tình yêu, nỗi nhớ da diết về đấng sinh thành của hai anh em đã làm cho hai anh em cứ hụt hẫng, cứ chênh vênh. Xét về đời sống vật chất, cơm áo gạo tiền thì hai anh em không phải bận tâm như nhiều người khác nhưng về tình yêu thương cha mẹ và một gia đình đầm ấm như bao nhiêu gia đình khác lại là mơ ước quá xa vời với hai anh em. Giờ họ có tất cả, họ đầy đủ tất cả, họ chỉ thiếu có một điều : thiếu cha thiếu mẹ.

Cha mẹ phải chăng là gia tài quý giá nhất và lớn nhất mà chẳng có gì thay thế được để rồi những ai dù giàu dù nghèo về vật chất nhưng còn cha đủ mẹ quả là hạnh phúc nhất của cuộc đời.

Cuộc đời vẫn còn đó những chênh vênh.

Những ai đang có hạnh phúc trong tay hãy nguyện xin hạnh phúc đó được mãi tròn đầy trên cuộc đời mình.

Những hai đang dở dang với hạnh phúc hãy chia sẻ, cảm thông với nhau để lấp đầy những khoảng trống trong cuộc đời đã bị mất hầu vơi đi một chút nào đó những mất mát của cuộc đời.

Anmai, CSsR

CÂU CHUYỆN NGƯỜI QUẢN LÝ

CÂU CHUYỆN NGƯỜI QUẢN LÝ

Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R

Con người, khi bước ra khỏi cuộc đời này, đặc biệt trong giờ lâm tử, giờ hấp hối ai cũng muốn ra đi một cách thanh thản không vướng bận, không nợ nần ai để cho nhẹ cõi lòng. Nhẹ hay không nhẹ cũng do cách quản lý tài sản của mình khi còn sống. Nếu như ta biết cách vun vén, biết cách xử lý thì ắt hẳn ta sẽ không còn nợ nần ai và nếu hay hơn nữa thì người khác sẽ nợ ta chứ ta không nợ họ.

Câu chuyện người quản lý trong Tin Mừng theo Thánh Luca chương 16 từ câu 1 đến câu 8 mà người ta thường đặt tên cho đó là câu chuyện của “người quản lý bất lương”.

Những bài học về Nước Trời, Thầy Giêsu không chỉ dùng những hình ảnh, những câu chuyện, những nhân vật tốt mà Thầy còn dùng cả những câu chuyện nói được là không tốt gì cho lắm. Và khi dùng đến những câu chuyện, những hình ảnh, những nhân vật không tốt, Thầy Giêsu không cố ý cho các môn đệ bắt chước sống theo thái độ xấu nhưng để làm nổi bật một đặc tính nào đó và khuyên các đồ đệ hãy làm điều tốt với cùng một đặc tính như vậy.

Trong Mt 10,16 Thầy Giêsu đã dùng đến hình ảnh con rắn để khuyên các đồ đệ hãy khôn ngoan như con rắn; và trong Phúc Âm thánh Mátthêu chương 24, Thầy Giêsu so sánh mình với hình ảnh kẻ trộm đến ban đêm vào giờ chủ nhà không ngờ. Chúa không đề cao nếp sống của con rắn hay của tên ăn trộm, mà chỉ muốn nói đến đặc tính lanh lợi của con rắn để tránh những cạm bẫy và nhắc đến sự việc Chúa đến một cách bất ngờ như kẻ trộm, để kêu gọi các đồ đệ hãy tỉnh thức sẵn sàng luôn luôn.

Thời của Thầy Chúa Giêsu, tại vùng đất Palestina, những người sống về nghề quản lý tài sản cho người giàu là những kẻ có toàn quyền sắp đặt việc kinh doanh tài sản của ông chủ, miễn sao được lợi cho ông chủ. Và người quản lý được chia phần trong khoản lời kiếm được. Trong dụ ngôn Thầy Giêsu kể, sau khi biết rõ là ông chủ sẽ sa thải mình do những lỗi lầm đã phạm, người quản lý dùng quyền của mình mà bớt xuống số nợ và dĩ nhiên, khi làm như thế anh sẽ chịu thiệt thòi, vì tiền lời không còn nhiều và sẽ được chia lời với ông chủ ít đi. Nhưng anh chấp nhận chịu thiệt thòi như vậy trong hiện tại để có lợi khác là tình bằng hữu của những người mắc nợ ông chủ. Họ sẽ giúp lại anh sau đó khi anh mất việc. 

Và đây chính là thái độ khôn ngoan của người đầy tớ bất trung. Ở câu cuối cùng của dụ ngôn: “Con cái tối tăm khôn ngoan hơn con cái sự sáng” nhấn mạnh đến ý nghĩa chính của dụ ngôn. Thầy Giêsu không nhắm đề cao người quản lý gian ngoan sắp bị ông chủ cho nghỉ việc, nhưng chỉ nhắm nhấn mạnh đến những cố gắng toan tính của người quản lý sao cho có lợi cho cuộc sống vật chất của mình.

Trong cuộc sống thường nhật, chẳng ai dám cho mình là hay trong chuyện quản lý tiền bạc và cả quyền lực. Có lúc đầy túi tiền và quyền lực hết sức mãnh liệt ở trong tay nhưng cũng có lúc thèm một bữa cơm đạm bạc cũng không có và muốn làm một người bình thường cũng chẳng ai cho. Những kinh nghiệm sống đó không còn ở trang Tin Mừng của Thầy Giêsu, trong lý thuyết nữa nhưng diễn ra mỗi ngày trong dòng chảy của cuộc đời.

Cách đây không lâu, chúng ta thấy một nghệ sĩ nổi tiếng đã rơi vào tình cảnh nợ nần. Anh chia sẻ : “Bất động sản đóng băng nên tôi bị đóng đinh”

Cũng vì muốn có tiền, anh đầu tư kinh doanh nhưng đáng tiếc rằng mọi việc không xảy ra như anh tưởng. Anh chia sẻ thêm : “Thời buổi kinh tế khó khăn, doanh nghiệp làm ăn nợ nần là bình thường. Hãy cảm thông, chia sẻ với chúng tôi”.

Và gần đây nhất, một ca sĩ cũng tên tuổi  “đã đi đến đường cùng” vì nợ. Chị thừa nhận do kinh doanh thua lỗ, số nợ đã lên tới hàng tỷ đồng. Tuy con số không quá lớn, nhưng đối với một người nghệ sỹ đang ở chặng cuối của sự nghiệp như chị và đúng vào giai đoạn “show diễn khan hiếm” như hiện tại thì đó cũng là điều đáng ngại.

Vẫn còn may mắn hơn bao nười khác, hai nghệ sĩ này đã được bạn bè có lòng tốt đứng ra thay lời muốn nói cho họ. Hơn thế nữa, có những người có lòng tốt đã bỏ tiền ra để cứu họ trong khi họ gặp bế tắt.

Những tấm lòng này hiển nhiên được mở ra vì lòng cảm thông của tình người. Để được bạn bè, người thân “giải vây” trong lúc rơi vào tình trạng bế tắt chắc có lẽ do cách sống của họ, do khi còn tiền, còn vật chất họ đã chia sẻ cho người khác chứ không khư khư giữ cho riêng mình. Chính vì hiểu lòng của những người này nên nhiều người đã chung ta góp sức gỡ khó khăn.

Những câu chuyện rất thực và quá thực trong đời thường.

Dù lớn, dù bé, dù là thường dân hay quyền cao chức trọng, ta cũng chỉ là những người quản lý nó mà thôi. Nói chính xác hơn ta cũng chỉ là người quản lý tạm bợ bởi vì đến một lúc nào đó ta cũng phải nhắm mắt xuôi tay để trả lại tất cả tài sản, quyền lực mà trước đây ta có trong tay.

Chẳng có ai lột da sống đời và chẳng có ai giữ mãi tiền bạc và quyền lực trong tay cả. Một ngày nào đó ta sẽ chẳng còn gì cả ngoài căn phòng quạnh hiu bên trong chỉ có chiếc giường đơn giản nằm đó chờ … chết. Cuối đời, ai cũng như ai, dù sang hay giàu. dù nghèo hay hèn, dù quyền lực hay là bần dân khổ ải cũng chỉ nằm trong chiếc quan tài mà thôi.

Bớt chút thời gian để đến những viện dưỡng lão, những nhà hưu dưỡng … ta sẽ thấy bộ mặt thật của cuộc đời. Có những người từng một thời vang bóng, có những người từng một thời cao sang quyền quý và quyền lực trong tay nhưng cuối cùng cũng gia tài chỉ còn lại chiếc xe lăng hay chiếc giường được thiết kế tiện dùng cho người nằm liệt.

Nhìn cuộc đời rất thực như thế để ta cũng biết cách dùng những của cải, vật chất, quyền lực mà ta đang có trong tay để khi ta mất nó, ta về già, ta về với đất bụi cho lòng ta được thanh thản.

Lời mời gọi, bài học mà Thầy Giêsu vẫn còn văng vẳng bên tai ta. Những bài học, những lời mời gọi này tưởng chừng là cũ nhưng nó vẫn mới và vẫn còn giá trị cho mọi lúc mọi thời. Chuyện quan trọng là ta có nhớ để ta niệm, ta suy và ta áp dụng vào trong đời thường của ta hay không mà thôi.

Đừng để cho những bài học mà Thầy Giêsu đi qua đời ta một cách vô nghĩa. Và, hơn tất cả là đừng để những của cải, quyền lực mà Chúa trao cho ta nó làm hại đời của ta, nó làm ta mất tình mất nghĩa với anh em đồng loại và nhất là mất tình mất nghĩa với Chúa.

Anmai, CSsR

NHỮNG NGƯỜI SAMARIA THỜI ĐẠI

NHỮNG NGƯỜI SAMARIA THỜI ĐẠI

Anmai, CSsR

Lời Chúa : một số người mang tâm trạng rằng “biết rồi ! Khổ lắm nói mãi !”.

Vâng ! Đúng là biết rồi khổ lắm nói mãi ! Nhưng nếu để tâm lắng đọng tâm hồn lại ta sẽ thấy Tin Mừng vẫn mới, mới mỗi ngày, mới mỗi giờ, mới mỗi phút, mới mỗi giây trong thực tại của cuộc sống.

Câu chuyện Chúa Giêsu đáp lời cho người thông luật trong trang Tin Mừng theo Thánh Luca chương 10, 25-37 thật hay. Câu chuyện đó vẫn mới, vẫn mới trong cuộc đời và câu chuyện đó vẫn chất vấn lòng, chất vấn lương tâm của chúng ta.

Thích thú, thấm thía và tâm đắc với câu chuyện mà người ta thường gọi là người Samaria nhân hậu này.

Thật khó để chia sẻ chứ không phải đơn giản. Đâu phải mình muốn nói gì thì nói bởi lẽ ngôn hành bất nhất và đôi khi suy nghĩ chưa tới nên cũng chẳng dám nói. Hôm nay, đụng chạm tới những gì rất thật trong đời thường nên chia sẻ.

Câu chuyện mà tôi thấy, tôi gặp, tôi chứng kiến ngày mỗi ngày đó là ngay cạnh bên tôi. Có nhiều người không phải là bị cướp như nạn nhân kia trong tin Mừng Luca. Họ cũng chẳng phải là những người đi từ Giêrusalem về Giêrikhô như nạn nhân kia. Họ là ai ? Xin thưa, họ là những người trở về từ khắp mọi miền của đất nước, thậm chí từ những vùng truyền giáo xa xăm ở ngoài nước trở về. Họ là những người dành cả cuộc đời dài để phục vụ anh chị em đồng loại, phục vụ anh chị em dân tộc thiểu số, phục vụ đồn điền, phục vụ những em học sinh … nay không phải bị cướp mà bị giới hạn của sức khỏe, của tinh thần nên cần băng bó, chữa lành, trợ giúp khi tuổi về chiều.

Họ là những người như thế, giờ đây đôi tay không còn vững để tự đưa cơm vào miệng nữa mà phải có bàn tay ai đó tay đỡ tay nâng. Có người giờ đây không còn khả năng ăn bằng miệng nữa mà phải cho thức ăn vào ống để đưa vào bao tử để sống những chuỗi ngày còn lại. Có người nằm đó sống đời sống thực vật gần hai chục năm trời … Họ nằm đó bất động hay đi lại một cách hết sức khó khăn thậm chí vệ sinh cá nhân cũng buông tay cho người khác giúp.

Bỗng dưng giữa những con người tàn hơi yếu sức đó lại có những người “samari” tự đâu Thiên Chúa gửi đến. Trong niềm tin, tôi tin là như vậy. Họ chẳng có họ hàng máu mủ gì với những tu sĩ linh mục thừa sai già yếu cả. Ấy vậy mà họ đã hy sinh sức khỏe, thời gian và nhất là cả tấm lòng để phục vụ những người đó.

Có những đêm về và nhất là những ngày này, thầy già nằm cạnh phòng thở gấp, thở vội, thở khó và những cơn ho kéo dài mệt mỏi nhưng những người đó vẫn sát bên với thầy. Có lẽ chẳng ai để ý và cũng chẳng ai muốn để ý đến đâu đó ở góc phòng của tu viện lại là những con người nằm đó tàn hơi yếu lực. Ở những căn phòng ấy, những người “samari” đâu đó đi ngang qua thấy thương và ở lại. Không chỉ đi công việc và hứa sẽ quay lại thanh toán nhưng họ ở lại, ở lại cho đến cuối cuộc đời.

Có những người “samari” thời đại quá nhân hậu. Nhân hậu đến mức ngoài sức tưởng tượng của ta. Họ đã hy sinh cả tuổi xuân, họ để lại ở nhà cả vợ, cả con của họ để ở bên những người mà chẳng có họ hàng máu mủ gì với họ cả. Có về nhà chăng cũng chỉ là thăm vội người thân một tí rồi lại trở về chăm sóc người già lão bệnh tật. Có người chẳng dám rời cha “của mình” nửa bước vì sợ người khác chăm sóc không cẩn thận. Hay là chỉ cần cha già ho mạnh một tí là chạy cuống cuồng lên và cái miệng cứ oai oái lên làm như không ai lo cho cha già vậy. Cũng vì thương cha già nên đôi khi cáu gắt với những người chung quanh. Cũng dễ hiểu vì người “samari” đó đã hết lòng với cha già đau yếu.

Chuyện những người Samaria thời đại mà tôi gặp thường ngày không chỉ ở gần tôi nhưng còn ở nhiều nơi trong nhiều nẻo đường của cuộc sống.

Những người Samari nhân hậu đó tôi bắt gặp trong các bệnh viện như Phạm Ngọc Thạch, Ung Bướu, 115 và nhiều bệnh viện nữa.

Ở viện Phạm Ngọc Thạch, có nồi súp từ thiện cho những con người nghèo khổ đau bệnh. Trong đó cũng có nhóm người cứ chiều đến là tự nguyện đến tắm rửa, lau chùi cho những bệnh nhân vô gia cư và cũng không còn người thân cận. Ở trung tâm ung bướu thì có nồi súp ngày nào cũng được nấu lên để chia sẻ bữa no bữa đói cho những người nghèo … ở bệnh viện 115 cũng vậy, vẫn thấy những phần cơm, phần cháo chờ sẵn để chia cho những người nghèo cần đến.

Những người Samaria thời đại vẫn hiện diện và sống với những bà lão neo đơn tuổi giả cô quạnh ở nhà dưỡng lão Bình Lợi, Tân Thông, Phước Tỉnh … hay cưu mang người bệnh như Nhà Cỏ, Cầu Dừa … mà tôi có dịp thăm viếng …

Nhiều và nhiều người Samari khác ngày đêm chung chia với những người nghèo và bất hạnh. Họ không nói và họ chỉ làm và làm thôi.

Những người Samari này phải chăng là những người thực thụ đi tìm Nước Thiên Chúa, đi tìm sự sống đời đời một cách thiết thực nhất trong đời sống phục vụ yêu thương của họ.

Xin cho góp một lời cảm ơn những anh chị em Samaria thời đại mà tôi có một lần quen biết, nhờ cậy và đặc biệt là những anh chị em Samaria thời đại đang ngày đêm chăm sóc những anh em đau yếu bệnh tật tàn hơi của chúng tôi.

Cảm ơn anh chị em rất nhiều bởi lẽ không có sự hiện diện, sự trợ giúp của anh chị em thì chúng tôi và chính bản thân tôi cũng không làm được gì.

Chuyện người Samari hôm nay ta nghe, ta đọc có phần nào thức tỉnh lòng ta hay không ? Hay là cứ nghe cho có nghe, cứ đọc như cứ đọc như một cái máy vậy ?

Cõi lòng, hành động của chúng ta như thế nào chỉ mình Chúa biết mà thôi.

Ta có mặc lấy lòng của người Samaria hay là ta sống theo kiểu của thầy tư tế hay thầy Lêvi vẫn là lời mời gọi tự do Chúa mời chúng ta.

Anmai, CSsR

Tượng

Tượng

Tác giả: Anmai, CSsR

Nét đẹp văn hóa, nét đẹp của lòng người dành cho những người có công với tổ quốc, với dân tộc đó là tạc tượng của những người có công đó để như là ghi ơn, nhớ ơn của họ. Khi bức tượng được tạc xong người ta sẽ tìm vị trí đẹp để đưa bức tượng đó vào để cho mọi người đi qua chiêm ngưỡng, ngắm nhìn, ghi ơn.

Ngày 9 tháng 7 vừa qua, trong khu vườn Vương Cung Thánh Đường Buenos Aires – nơi mà trước đây Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio đã cai quản trước khi trở thành vị Giáo hoàng của Mỹ Châu Latin đầu tiên trên thế giới – xuất hiện bức tượng chân dung ĐGH Phanxicô. Bức tượng chân dung này do nghệ sĩ Fernando Pugliese thiết kế. Khi hay tin như vậy, Đức Thánh Cha đã gọi điện thoại cho những vị cai quản Thánh Đường phải gỡ bỏ ngay lập tức bức tượng chân dung của Ngài ra khỏi khu vườn.

Dĩ nhiên những người có thành ý tạc tượng Đức Thánh Cha cũng do lòng thành kính và ngưỡng mộ của Ngài nhưng họ không ngờ rằng họ đã làm phật lòng của người được tạc. Họ quên rằng một Phanxicô khó nghèo thời đại đang sống giữa họ. Họ vì nhiệt thành quá nên quên tấm lòng của người thay mặt Chúa hướng dẫn Hội Thánh. Phần Đức Thánh Cha, chắc có lẽ Ngài rất khó chịu nên ra lệnh gỡ bỏ ngay bức tượng. Khó chịu bởi lẽ quan niệm sống của Ngài rất rõ ràng, lập trường sống của Ngài rất rõ ràng về Giáo Hội, và đặc biệt là một Giáo Hội của những con người nghèo.

Những bài học giản đơn từ Đức Thánh Cha Phanxicô đã, đang và sẽ được chuyển tải đến trong Giáo Hội bằng cách này cách khác, bằng những nẻo đường nhân sinh của cuộc đời.

Trong khi giữa cuộc đời này, người ta vẫn vội vàng, vẫn ganh đua nhau để làm điều gì đó được nổi tiếng, được thành công để nhân loại ghi ơn nhớ đời. Ấy vậy mà Phanxicô – một Giáo Hoàng của người nghèo – đã làm ngược lại. Không chỉ bằng lời nói nhưng cả một tinh thần mạnh mẽ, triệt để về lối sống khó nghèo và khiêm hạ ngày mỗi ngày được diễn tả trên cuộc đời của Đức Thánh Cha.

Một lần nữa, câu chuyện bức tượng Đức Thánh Cha bị tháo dỡ là bài học cho mỗi người chúng ta.

Trong cuộc sống, nhiều lần nhiều lúc chúng ta đã quên đi thần tượng duy nhất và chỉ có một mà thôi đó chính là Thiên Chúa. Thế nhưng trong thực tại cuộc sống, ta có tôn sùng Thiên Chúa là Chúa, là Chủ cuộc đời của ta hay ta lại đi tìm cho mình những ông thần, những ông chúa của quyền lực, của vật chất, của địa vị, của danh vọng.

Và, đôi khi ta mong người khác tạc cho ta những bức tượng thật lớn, bia ghi công thật dài và những bài sớ ca tụng về những kỳ công ta đã thực hiện. Với tất cả những gì ta có, tất cả những gì ta làm âu cũng là ân huệ nhưng không mà Thiên Chúa ban cho ta. Thế nên, đừng để cho bất cứ ai tạc tượng hay ghi công cuộc đời của mình cả. Có chăng hãy tạc tượng, hãy ghi công Thiên Chúa là Đấng là Chúa, là Chủ cuộc đời của ta.

Có những người chưa chết nhưng đã được dựng lên bức tượng như đã dựng nên tượng của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Có những người chưa kịp chết nhưng người ta đã viết một tiểu sử thật dài để ca ngợi công ơn của những người đó.

Có những người chưa được chết mà người ta đã xây lăng tẩm và đã tạc bia đá thật lớn để ghi công.

Tất cả những điều đó sẽ rất đẹp, rất tốt với thế gian, với người đời nhưng với Thiên Chúa thì lại khác. Thiên Chúa biết rõ từng người một của chúng ta.

Chuyện quan trọng là ta có được một chỗ nào trong cung lòng của Thiên Chúa hay không mà thôi. Chuyện quan trọng là ta có được Thiên Chúa ghi tạc hình ảnh của ta vào cung lòng của Ngài hay không mà thôi. Và chuyện quan trọng là khi ta nhắm mắt lìa đời ta có được hưởng nhan Thánh của Ngài hay không mà thôi.

Sống trên đời, không hệ tại ở giàu hay nghèo, sang hay hèn, giáo hoàng hay không giáo hoàng, linh mục hay không linh mục. Chuyện quan trọng là ta có được hưởng ơn cứu độ mà Thiên Chúa trao ban hay ta khước từ ơn cứu độ từ nơi Thiên Chúa mà thôi.

Anmai, CSsR

Tìm sự sống đời đời

Tìm sự sống đời đời

Tác giả: Anmai, CSsR

Mỗi người có một suy nghĩ, một cái nhìn về cuộc đời. Có những người đi tìm vinh quang chóng qua ở cõi tạm nhưng cũng có những người đi tìm sự sống đàng sau cái chết, đàng sau sự sống hiện tại.

Hôm nay, chúng ta nghe một người thông luật chất vấn Chúa Giêsu : : “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”.

Chúa Giêsu không trả lời câu hỏi của ông, Chúa Giêsu lại hỏi : “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? “. Nhanh mồm nhanh miệng, ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.”

Nghe ông nói rất chính xác và Chúa Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

Tiếp đoạn thoại của Chúa Giêsu với người thông luật, Thánh Luca thuật lại cho chúng ta về dụ ngôn người Samari nhân hậu (29-37)

Con đường đi từ Giêrusalem xuống Giêrikhô băng qua sa mạc. Đây là đoạn đường không an toàn, thường xuyên bị các đám cướp tấn công. Một người vô danh, không rõ địa vị, nòi giống, quốc tịch và tôn giáo, đã rơi vào tay bọn cướp. Ông bị đánh nhừ tử, rồi bị bỏ mặc bên vệ đường giở sống giở chết: đây là một tình cảnh hết sức quẫn bách. Nói rằng một con người ở trong tình cảnh ấy cần được giúp đỡ, và ai giúp đỡ người ấy là thân cận của người ấy, điều này thật rõ ràng trước mắt mọi người. Thầy tư tế và thầy Lêvi đã thấy con người nằm đó dở sống dở chết, nhưng đã sang bên kia đường mà tiếp tục bước đi. Sự bận tâm đến sự an toàn và sự tiện nghi thì mạnh hơn lòng đồng cảm đối với người bị nạn. Lối xử sự của người Samari khác hẳn. Ông hành động cách gương mẫu, ông đẩy mọi sự khác vào bình diện thứ hai và chỉ còn thấy tình trạng cần kíp của con người đang nằm trên đường dở sống dở chết. Ông đau lòng trước tình cảnh đáng thương, ông tìm mọi cách để kéo anh ta ra khỏi tình trạng nguy kịch càng nhanh càng tốt. Ông đã tận dụng tất cả những gì ông có để cứu giúp người bị nạn (dầu, rượu, con lừa, bạc).

Chúa Giêsu đã cố ý chọn mẫu người bị nạn là người Samari. Hạng người lạc đạo ấy, không hể có kiến thức của nhà luật học, cũng không có phẩm cách của vị tư tế hay thầy Lêvi, lại tỏ ra hết sức nhân ái và đạo đức. Ông đã thực hành hai điều răn lớn của Cựu Ước về dức mến. Do đó, chính ông mới đáng được gọi là người Ít-ra-en chân chính.

Chúa Giêsu cho thấy rằng không thể vạch ra một giới hạn trong tình yêu thương đồng loại. Chúa Giêsu cũng không đặt ra những tiêu chí, xác định một con số giới hạn gồm những kẻ mà ta phải yêu thương. Như trong nhiều bài dạy khác, Ngài luôn mở rộng tầm nhìn cho con người về lòng bác ái, về tình yêu thương.

Nghe xong câu chuyện, vị thông luật hồ hởi hỏi : “Ai là người thân cận của tôi, kẻ mà tôi phải yêu thương?”.

Chúa Giêsu lại hỏi ngược lại người thông luật : “Ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?”. Như thế, Chúa Giêsu đã đảo ngược cái nhìn bình thường của người đời. Dụ ngôn và câu hỏi của Chúa Giêsu chính là lời đáp trả về vấn nạn sự sống đời đời của người thông luạt.

Sau khi minh giải bằng câu chuyện hết sức thực tế, giản đơn và dễ hiểu, Chúa Giêsu mời gọi ông ta :  “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (c. 37).

Chúng ta thấy ông thông luật này cũng hay. Ông bận tâm về sự sống đàng sau cái chết. Có những chẳng hề quan tâm tìm biết là sau cái chết, sự sống có tiếp tục chăng và chuyện này xảy ra như thế nào. Nhiều người quá bận lòng với nhiều chuyện bận bịu với cuộc sống hiện tại rồi, nên không muốn nặng lòng với những mối bận tâm về sự sống đời đời. Đàng khác, người ta không biết được gì chắc chắn. Nhiều người trong chúng ta vẫn luôn tìm cách thỏa mãn các nỗi niềm chờ mong của mình trong đời sống hiện tại, chứ không quan tâm đến một sự sống đời đời.

Nếu sống và mang thái độ đó trong tâm trí nghĩ suy thì Chúa Giêsu đánh giá là “ngu” (Lc 12,13-21).

Với Chúa Giêsu, sự sống đời đời là một thực tại quyết định ngay ở đời tạm này. Giả như  không có sự sống đời đời, nếu không có trách nhiệm trước Thiên Chúa hằng sống, thì rốt cuộc người ta hành xử như thế nào với người bị nạn chẳng có gì phải bận tâm, phải nặng lòng.

Qua câu chuyện người bị nạn này, chúng ta không có quyền suy nghĩ và nói rằng người thân cận của chúng tai có thể còn là người bà con gần với chúng ta; người cư ngụ cùng đường phố với chúng ta; người cùng làm việc trong một xí nghiệp với chúng ta; người có thiện cảm với chúng ta, v.v.”.

Chúa Giêsu không chấp nhận những giới hạn cho tình yêu thương đối với người khác. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải giúp đỡi bất cứ ai xuất hiện trên đường chúng ta đi đang ở trong tình trạng quẫn bách. Khi ấy không cần phải suy nghĩ đắn đo rằng họ có phải là người ta phải lo hay không.

Muốn thực sự giúp đỡ người lâm nạn, người ta phải dấn thân vào trọn vẹn. Việc ấy có thể làm cho ta phải mất thì giờ, tốn phí tiền bạc, gây phiền toái, làm xáo trộn sự yên tĩnh cũng như chương trình, thậm chí có thể kèm theo một nguy hiểm cho mình nữa. Nhưng đấy chính là thực sự yêu thương người thân cận, một tình yêu đưa đến sự sống đời đời. Như thế, phải luôn mở mắt và có trái tim sẵn sàng để nhận ra được rằng ai đang thật sự cần được tôi giúp đỡ và tôi phải giúp đỡ người ấy thế nào. Hôm nay trên đường đời, vẫn còn có vô số “kẻ cướp”, nên sẽ còn vô số người rơi vào tay “kẻ cướp”, nằm trên đường ta đi, và chờ đợi ta trợ giúp.

Tác giả: LM Anmai, CSsR

TÌNH MẸ – TÌNH CHA

TÌNH MẸ – TÌNH CHA


Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R.

Kho tàng tục ngữ ca dao Việt Nam có câu : Một mẹ nuôi được mười con. Câu nói như diễn tả tình Mẹ thật bao la, thật to lớn. Và, người ta ví von, so sánh cái thực tế của lòng Mẹ đó thêm một vế nữa là mười con không lo cho được một mẹ.

Chiều tà, công việc vừa xong, trên đường về ghé thăm gia đình người thân quen. Trong tâm sự buồn, người con rể cho biết bà cụ giờ đây sức khỏe đã xuống và đã phải vào nhà thương để dưỡng thương trong tuổi già sức yếu. Bà ở ngoại quốc và bà đã hưởng phần bảo hiểm nhưng phải đóng thêm một phần cho bệnh viện. Viện phí chia đều cho đầu người trên các con khoảng 150 đô la 1 tháng. Mấy người con dường như từ chối bởi lẽ đưa ra lý do xem chừng như hợp lý. Người anh cả đã đảm nhận phần lo cho mẹ dù anh chị em đã từ chối. Gia đình người con út thân quen mà tôi ghé thăm tuy ở lại quê nhà và cũng gánh vác phần nặng nề lo cho gia đình, lo cho con cái nhưng cũng không nỡ chối từ phần sẻ chia đóng góp.

Người con rể bộc bạch : “Cha ơi ! Ai không đóng thì kệ, tụi này vẫn đóng. Bà đâu còn bao nhiêu lâu đâu mà tính toán”.

Tâm tình của hai vợ chồng người con út quả là hay. Dẫu điều kiện sống ở quê nhà đang rơi vào phần chật vật do kinh tế đang xuống nhưng hai vợ chồng người con út vẫn sẵn lòng với bà cụ. Trong khi đó những người còn lại đều ở ngoại quốc cả. Dĩ nhiên họ có lý do riêng để từ chối phần đóng góp của họ nhưng nó thấy nó làm sao đó.

Lần nọ, hỏi thăm sức khỏe của ông bà cố kia thì được biết là ông bà năm nay ngoài tám mươi cả. Hai ông bà cũng hom hem bệnh tật nhưng thui thủi với nhau cô quạnh trong căn nhà vắng vẻ. Người con trai út cho biết là ông bà cố có mười đứa con. Ban ngày thì người chị gái đến nhà ông bà để bán hàng và nấu cơm. Tối đến thì lại về nhà. Người con làm linh mục thì thi thoảng tạt ngang nhà thăm ông bà tí. Con cháu quá nhiều nhưng chẳng có đứa nào chịu đến ngủ đêm để canh chừng hai ông bà cả.

Nghe xong cũng chạnh lòng. Dẫu biết rằng ông bà cũng khó tính tăng theo thời gian khi tuổi đà quá lớn. Dẫu biết rằng con cháu thuộc hai, ba thế hệ khác nhau nhưng không phải vì thế lại để ông bà trong cô quạnh. Nửa đêm nửa hôm huyết áp lên đột ngột và lỡ có chuyện gì thì ai sẽ là người lo cho ông bà. Cũng dĩ nhiên là ai cũng có lý do  riêng để từ chối chuyện ngủ đêm coi sóc ông bà nhưng lẽ nào lũ cháu đàn con đó không lên lịch đủ để chia nhau mỗi ngày một người đến để ngủ trực đêm với hai ông bà.

Cũng chuyện ông bà cha mẹ, nhớ lại lần kia ở Viện Tim để giúp cho một cha trong nhà. Cùng chung phòng bệnh với cha có hai vợ chồng già nằm cạnh. Hỏi thăm bà cho biết là ông ra Huế chơi, bỗng dưng bị té và đưa vào Sài Gòn ngay để chữa trị. Vào bệnh viện X bác sĩ cho biết ông phải đặt stent mạch vành cho ông. Chi phí đặt khá cao. Ở bệnh viện X đặt rẻ hơn một tí nhưng không có bảo hành. Nghe đâu Viện Tim làm tốt hơn nhưng đắt hơn một tí. Nghe thế, 4 đứa con xúm lại chia nhau mỗi người một phần và chuyển ông qua Viện Tim để chữa cho ông.

Bà mẹ nói : “Bốn đứa con tui nó thấy ba nó như vậy và tự động góp lại với nhau mỗi đứa mấy chục triệu để cùng lo cho ông. Tụi nó nói mắc một chút nhưng bảo đảm cho ba …”.

Chào bà sau khi trò chuyện với bà về bệnh tình của ông.

Trên đường về lại nhà dòng hôm ấy, lòng của mấy người con và hình ảnh của mấy người con của ông cụ đẹp làm sao đó dẫu rằng tôi không biết họ là ai. Nghe tin ba đau như thế và đã sẻ chia với nhau để lo cho ba thật tươm tất.

Gần đây nhất, một cụ già đã cao tuổi phải mổ khớp gối để cho bà được đi lại bình thường. Nhà thì neo đơn và vắng vẻ. Chỉ có 2 vợ chồng người con gái duy nhất lo lắng cho bà. Trong hoàn cảnh neo người đơn chiếc cộng với trăm công ngàn việc nơi công sở nhưng hai vợ chồng cùng chung tay lo lắng cho bà với chi phí mổ không phải là thấp. Trong những ngày nằm bệnh. Hai vợ chồng đã dành cho bà những gì tốt đẹp nhất có thể để lo cho bà. Giờ đây bà bình phục và có thể từng bước từng bước đi lại. Có hôm bà bắt taxi cùng đi đến cả … chợ Tân Định để sắm vải may đồ.

Dĩ nhiên là hai vợ chồng cũng phải còn lo trăm công ngàn thứ nhưng tình cha nghĩa mẹ nó lớn hơn cả những cái bận tâm đó. Trong suy nghĩ của họ. tình cha nghĩa mẹ lớn lắm và chắc chắn rằng ba mẹ cũng đã một đời lo cho con cái nên nay bằng mọi giá họ lo lại cho cụ.

Vẫn là sự tự do lựa chọn của mỗi người khi đứng trước tình trạng tật bệnh của cha mẹ khi đã tuổi già sức yếu. Dĩ nhiên ai cũng có lý do riêng và xem chừng ra hợp lý để từ chối hay dè dặt khi phải bỏ thời gian, công sức, tiền của ra lo cho cha mẹ. Dù lý gì đi chăng nữa, lẽ gì đi chăng nữa vẫn không bằng cái lý cái lẽ của đạo lý con người.

Ngày hôm nay ta được như thế này, ta có như thế kia là nhờ ai ? Phải chăng là tự trên trời rơi xuống hay tự bàn tay của cha mẹ nuôi ta từ ngày còn thơ bé.

Hãy làm điều gì đó cho cha cho mẹ khi các ngài còn sống để kẻo khi các ngài ra đi ta không phải ngậm ngùi nuối tiếc

Anmai, CSsR

Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R.

VINH QUANG ?

VINH QUANG ?

Anmai, CSsR

Con người khi bước vào trần gian này, còn bé thì chỉ lo chơi, lo ăn, lo học chứ chẳng nghĩ gì đến danh và đến phận. Lớn lên một tí, khi bước vào đời, dần dần theo năm tháng, con người lại đi vào cái vòng danh lợi quanh quanh để tìm chút danh chút phận gì đó ở đời.

Ước mơ, hoài bão có danh có phận trong cuộc đời cũng là ước mơ hợp tình hợp lẽ thôi bởi lẽ là người thì ai cũng mong thế. Thế nhưng mà cái vinh quang, cái danh dự mà ta có được nó đến tự đâu thì ta cũng nên xét lại.

Thi thoảng, cha anh trên cũng khá xa lớp. Năm nay anh cũng có “tí tuổi”, anh được trao gửi để giúp cho những mầm non của nhà dòng. Thi thoảng có dịp gặp nhau anh em lại hàn huyên tâm sự. Gặp anh, anh truyền cho những cảm nghiệm sống trầm lắng và bước đường khá dài trong đời tu trong những môi trường anh đã đi qua.

Thời còn trẻ, anh đi thanh niên xung phong, lớn lên vào nhà tu. Ở đâu cũng có chung có đụng, có va, có chạm để rồi những lần chung đụng, những lần va chạm ấy là bài học lớn cho đời của anh.

Khá nhiều lần, anh chia sẻ về những lần lên lớp của anh. Anh kể rằng : “Mình hay nói với mấy đứa nhỏ là phải cẩn thận. Bởi vì ngay từ bé, chúng cứ thứ Hai đầu tuần đều hát rất to câu này : “Đường vinh quang xây xác quân thù”. Mình dặn mấy đứa là làm gì thì làm, sống trong nhà tu, cố gắng đừng kiếm vinh quang bằng con đường xây xác anh em”.

Anh kể lại tâm tình khi anh lên lớp đó như nhắc nhớ tôi rằng đừng bao giờ kiếm vinh quang bằng con đường xây xác anh em cả.

Lời anh dặn vẫn còn đó vì lẽ trong cuộc sống, tôi phần nào cũng nếm được những cái vinh quang mà người ta có đó đã xây xác anh em đồng loại của mình. Không phải xây xác một cách bình thường mà là một cách mãnh liệt và bất chấp. Người ta đi tìm vinh quang cho người ta bằng mọi giá, kể cả tán tận lương tâm và che đậy sự thật.

Tối nay, lang thang xem tin tức, bỗng dưng thấy có vị đại biểu tên là Huỳnh Thành, không biết vị đại biểu này có lòng yêu mến Chúa Giêsu hay là đã có cơ duyên nào đó bắt gặp tâm tình của Giêsu hay chăng mà ông đã đề nghị cần thay lời  “Đường vinh quang xây xác quân thù” bằng nội dung khác.

Góp ý cho điều 13 (chương 1) dự thảo sửa đổi Hiến pháp ngày 4/6, đại biểu Huỳnh Thành cho rằng giai điệu quốc ca hào hùng rất phù hợp và đi vào lòng người, nhưng nên thay lời cho phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Không biết có đổi, có thay hay không nhưng ông đã can đảm nói lên tiếng lòng của mình. Chắc có lẽ ông cũng đã nghiệm được sự đau đớn của đồng loại là vinh quang của một người hay của một nhóm người nào đó.

Vinh quang mà Chúa Giêsu mời gọi cách riêng cho những ai theo Chúa không phải vinh quang theo kiểu thế gian vẫn tìm. Vinh quang của Chúa Giêsu đó chính là thập giá. Với thế gian, thập giá là điên rồ nhưng với Thiên Chúa lại là vinh quang. Vương miện của Chúa Giêsu chính là mão gai, ngai vàng của Chúa Giêsu chính lại là cây gỗ giá. Thế nhưng chính từ vòng gai nhọn và cây gỗ giá đó chính lại là nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian để rồi những ai tin vào Đấng Cứu Độ trần gian thì được cứu.

Hóa ra là cái vinh quang mà con người vẫn ngày đêm mày mò đi tìm ở cái địa vị quyền cao chức trọng đó cũng chỉ là vinh quang của thế gian mà thôi.

Ít ai nghĩ đến và cũng ít ai dám nghĩ đến như Thánh Anphongsô. Trong tác phẩm Chân Lý Đời Đời, thánh Anphongsô không ngần ngại nói thẳng cho con người về cái thân phận mà chỉ sau 3 ngày thì giòi bọ nó bâu. Dù giàu sang phú quý nhưng khi nằm xuống và chôn trong lòng đất thì con người cũng chỉ là mồi cho giòi bọ mà thôi.

Ở đời, mấy ai được vinh quang như Anphongsô nhưng : Thế gian ơi, ta biết mi rồi ! Và từ ngày ấy, Ngài đã rời bỏ pháp đình chỉ để đi tìm vinh quang của Thiên Chúa mà thôi. Từ bỏ vinh quang thế gian, Anphongsô đã được hưởng vinh quang thật mà Thiên Chúa hứa cho những ai đi theo Ngài.

Hôm nay, một lần nữa nghe một người nhắc đến việc sửa đổi “Đường vinh quang xây xác quân thù” lại một lần nữa nhắc tôi về vinh quang.

Dĩ nhiên trong cuộc sống ai cũng muốn vinh quan nhưng đừng chỉ vì một chút lợi danh để đi tìm vinh quang bằng việc xây xác anh em của mình.

Ngày mỗi ngày, mở mắt ra ta đều thấy được biết bao nhiêu xác của anh em phải nằm xuống để cho vinh quang của một người và một nhóm người được tỏa sáng.

Là người kitô hữu, là người môn đệ chân chính và đích thực của thầy Chí Thánh Giêsu chắc có lẽ không có con đường nào khác là con đường thập giá mà Thầy mình đã đi. Nếu không đi theo con đường thập giá thì kitô hữu chỉ là một cái nhãn, một cái mác mà người ta gắn vào bao bì cho thêm phần bắt mắt mà thôi. Thực chất bên trong như thế nào mới là điều quan trọng.

Giật mình chợt nhìn ra mình là người môn đệ đang đi theo con đường của Thầy Chí Thánh Giêsu để rồi đừng đi tìm vinh quang của thế gian, vinh quang phù vân, vinh quang hão huyền. Tất cả những vinh quang đó dù cho có đi chăng nữa nhưng nó cũng trở về với cát bụi mà thôi. Sống ở đời, căn cốt là vinh quang Thiên Chúa chứ không phải là vinh quang của người đời.

Xin những ai đang muốn xây pháo đài vinh quang của mình thì cứ xây nhưng xin đừng xây xác anh em đồng loại của mình. Vinh quang của mình mà xác hại anh em đồng loại thì đau lắm.

Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa, mọi sự khác Ngài sẽ ban cho

Anmai, CSsR

NIỀM TIN SỐNG LẠI TỪ CÕI CHẾT

NIỀM TIN SỐNG LẠI TỪ CÕI CHẾT

Chúa nhật X TN năm C

1 V 17, 17-24; Gl 1. 11-19; Lc 7, 11-17

Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R.

Con người được Thiên Chúa dựng nên là để sống và sống hạnh phúc. Ngài không làm ra cái chết. Chính vì thế mà sự chết luôn luôn đi ngược lại bản năng và ước vọng của con người và luôn làm cho họ hoảng sợ. Ngày Chủ nhật là cơ hội tốt để đánh thức niềm tin Ki tô của chúng ta bởi khi cử hành sự Phục sinh của Đức Ki tô, chúng ta tường niệm Ngài đã chiến thắng sự chết để dành lại sự sống cho chúng ta.

Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen.

Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng về niềm tin của chúng ta về sự sống lại của con người là như thế. Thiên Chúa Hằng Sống ! Thiên Chúa hiện sống, Thiên Chúa hằng sống để rồi những ai tin vào Thiên Chúa cũng sẽ được hưởng vinh quang trong Nước của Thiên Chúa.

Thiên Chúa Hằng Sống và Ngài quyền năng trên tất cả muôn vật muôn loài, Thiên Chúa là chủ con người, là chủ của sự sống này.

Trải qua dòng chảy lịch sử cứu độ, niềm tin vào Thiên Chúa Hằng Sống và là chủ của sự sống được xác tín, được tuyên xưng trên môi miệng của các ngôn sứ, của những người tin Chúa, của những người nói lời Thiên Chúa….

Ông Gióp là một người giàu có và có lòng kính sợ Thiên Chúa, nhưng rồi bao nhiêu tai nạn dồn dập đã xảy ra trên đời sống ông: con chết, tài sản tiêu tan và chính ông mắc phải một chứng nan y không thuốc thang nào chữa trị được. Vợ ông trước hoàn cảnh đó chẳng những không thông cảm lại còn lên tiếng chế nhạo, còn những người bạn thì cho rằng ông tội lỗi đầy mình nên mới nên nông nỗi đó. Trong hoàn cảnh đau khổ và cô đơn tột cùng, ông Gióp đã thốt lên, bày tỏ niềm tin của ông nơi Thiên Chúa.

Tôi biết rằng Ðấng Cứu Chuộc tôi vẫn sống, đến lúc cuối cùng Ngài sẽ đứng trên đất. Sau khi da tôi tức xác thịt nầy đã bị tan nát, bấy giờ ngoài xác thịt tôi sẽ xem thấy Ðức Chúa của tôi

Ðây là câu nói đầy hy vọng vì hai lý do: Thiên Chúa là Ðấng hằng sống và có đời sống sau khi chết. Dù trong hoạn nạn, bệnh tật và tang tóc, ông Gióp biết rằng Thiên Chúa là Ðấng hằng sống. Ông gọi Ngài là Ðấng Cứu Chuộc hàm ý chính Chúa là Ðấng giải cứu cả hồn lẫn xác. Và cũng chính niềm tin tưởng nơi cuộc sống đời sau giúp ông có thể thốt lên câu nói sau: “Sau khi da tôi tức xác thịt nầy đã bị tan nát, bấy giờ ngoài xác thịt tôi sẽ xem thấy Ðức Chúa của tôi.” Ngoài xác thịt tôi sẽ xem thấy Ðức Chúa của tôi đó chính là niềm tin và hy vọng của người tin Chúa. Chúa sống và chúng ta sẽ được cùng sống với Chúa.

Lời của một con người đau khổ là ông Gióp cho chúng ta thấy rằng sự sống chúng ta đến từ Thiên Chúa. Chúa ban cho, Chúa cất đi, tất cả nằm trong tay Ngài. Nhưng Thiên Chúa không phải là Ông Trời oái oăm chúng ta thường than trách. Ngài là Ðấng yêu thương, dẫn dắt, thử rèn để chúng ta nên người. Ngài là Ðấng sống và niềm tin của chúng ta nơi Chúa sẽ đưa chúng ta đến chỗ sống với Chúa đời đời.

Với ngôn sứ Isaia thì Isaia công bố rằng : Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế. Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xoá sạch nỗi ô nhục của dân Người. Đức Chúa phán như vậy. (Is 25, 6-8).

Quyền năng của Thiên Chúa làm chủ sự sống hôm nay chúng ta thấy được qua ngôn sứ Êlia.

Ngôn sứ Êlia phục sinh con gái bà góa Sarépta hôm nay chúng ta vừa được nghe lại (1V17,17-24), hay tiên tri Êlisê cứu sống con trai bà Sunamita (2V4,18-37) phải khẩn cầu quyền năng của Thiên Chúa trước khi ra tay làm phép lạ. Quyền năng diệu kì đó cho thấy Chúa Giêsu chính là Chúa của sự sống.

“Thiên Chúa không làm ra cái chết” : Không chỉ là chết thể xác mà còn cả cái chết thiêng liêng đưa con người vĩnh viễn rời xa Thiên Chúa. Cuộc sống sau cái chết không phải là niềm tin được tất cả mọi người chấp nhận: người Pharisêu thì tin, còn người Sađukêô thì không. Nói chung, người ta vẫn tin rằng số phận của tất cả mọi người sau cái chết đều giống nhau, đó là một cuộc sống ở âm phủ xa cách Thiên Chúa. Phần thưởng và hình phạt diễn ra ngay ở đời nầy: sống lâu, đông con nhiều cháu, giàu sang. Sách Khôn ngoan khẳng định một cách chắc chắn phần thưởng là cuộc sống với Thiên Chúa dù không nói đến sự sống lại của thân xác. Bài tin mừng cho chúng ta thấy Chúa Giê su là Chúa của sự sống khi phục sinh người con trai duy nhất của bà góa.

“Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ.”, đó là lời hứa của Đức Giêsu, một lời hứa đem lại niềm hy vọng cho biết bao người qua muôn thế hệ. Các tông đồ thấy dấu lạ nước hoá thành rượu ở Cana thì đã tin vào Đức Giêsu. Những người Do thái khi thấy Đức Giêsu mở mắt người mù từ thuở mới sinh và hôm nay họ lại chứng kiến việc Đức Giêsu làm cho Lazarô sống lại, thì cũng đã tin vào Người. Và chính nhờ tin vào Đức Giêsu, biết bao nhiêu người đã có đủ can đảm, để vượt qua mọi thử thách, đau khổ trong cuộc sống hàng ngày. Còn chúng ta hôm nay thì sao? Mỗi ngày chúng ta cũng đang chứng kiến biết bao nhiêu là dấu lạ Thiên Chúa đang thực hiện quanh ta, thế nhưng chúng ta có tin không?

Nếu ta có được một niềm tin vào Thiên Chúa, thì những cách ứng xử trong cuộc đời ta sẽ mang một dáng dấp khác hẳn. Ta không phải là những người lúc nào cũng sợ tương lai, hoặc chỉ sống cho hiện tại. Cuộc sống hằng ngày của tôi sẽ mang một nét đặc biệt khác, trong viển tượng vượt qua, từ một “giấc ngủ” Chúa Giêsu sẽ đánh thức ta một ngày nào đó. Ta sẽ có một niềm xác tín khác và một sự bình an thanh thản lớn hơn trong tâm hồn.

Lắng nghe lời Chúa hôm nay, chớ gì ngay từ giờ phút này, mỗi người chúng ta xác tín hơn vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Chúng ta hãy quyết tâm gắn bó với Chúa nhiều hơn qua việc siêng năng và sốt sắng tham dự Thánh lễ và hiệp lễ, để nhờ có Đức Giêsu trong mình, mỗi người chúng ta cũng sẽ nhận được sự sống muôn đời, như lời Ngài đã hứa. Amen.

Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R.

ƠN BÌNH AN

ƠN BÌNH AN

Chúa nhật VI PS năm C

Cv 15, 1-2.22-29; Kh 21, 10-14.22-23; Ga 14, 23-29

Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R.

Con người, khi sinh ra, chẳng mang gì theo vào trần gian cả. Sinh ra, lớn lên trong vòng tay cha mẹ, được cho bú mớm, cưu mang và cho bước vào đời. Bước vào đời bươn chải và bắt đầu có trong tay những gì mình đã tạo dựng. Ao ước nhỏ bé, đơn sơ, căn bản của con người đó là đủ ăn đủ mặc. Ai cũng mơ ước như thế nhưng thử hỏi con người có dừng lại mơ ước đó hay không ? Không ! Hiếm có ai bằng lòng với những gì mình đã có và đang có để rồi lòng không bình an. Vì không bình an nên con người đi tìm cái gì đó lấp đầy cho khắc khoải của mình.

Đơn giản nhất, gần nhất mà chúng ta có thể thấy đó là ông bà nguyên tổ Ađam – Evà. Chúa cho hai ông bà được hưởng dùng tất cả trong vườn địa đàng nhưng rồi hai ông bà đâu thỏa mãn, đâu bằng lòng với những gì mình đang có và đã có trong tay. Cũng chính từ cái cảm xúc không đủ đó hai ông bà muốn thoát khỏi bàn tay của Thiên Chúa và đi tìm quyền lực qua lời dụ dỗ của con rắn : “Chẳng chết chóc gì đâu bà ơi, nếu Chúa biết ngày nào bà ăn trái đó, bà sẽ là một thần linh khôn ngoan biết điều tốt, điều xấu”.

Chúng ta quá biết cái kinh nghiệm của ông bà nguyên tổ : Evà nhìn trái cây thì thấy đẹp mắt và ngon. Bà liền đưa tay hái ăn và đưa cho chồng cùng ăn. Khi họ vừa ăn thì mắt họ mở ra, và họ biết điều tốt điều xấu đúng như lời Thiên Chúa phán. Họ mắc cở chạy tìm lá che thân vì thấy mình trần truồng. Họ đã phạm tội không vâng lời Thiên Chúa.

Kinh nghiệm ấy cứ trải dài trong lịch sử cứu độ. Khi con người đánh mất Thiên Chúa thì khi ấy con người bất an.

Thiên Chúa ở với con người để ban bình an cho con người nhưng con người luôn gạt Thiên Chúa ra khỏi đời của mình.

Còn nhớ trong hành trình sa mạc, con người đã dựng nên con bò vàng để thờ lạy nhưng rồi cũng trở về trạng thái bất an. Con người đi tìm cho mình đủ thứ thần minh để bám víu nhưng chỉ mình Chúa mà thôi. Cứ như thế, cứ như thế con người mãi đi tìm cho mình sự bình an nhưng họ càng bất an khi loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời của họ.

Thiên Chúa đã chạnh thương con người, đã gửi Hoàng Tử Bình An chính là người con yêu dấu của mình đến với trần gian và ở với trần gian.

Chúa Giêsu đến trần gian để loan báo một Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Tin Mừng cho những ai đi tìm Thiên Chúa và cho những ai muốn sống trong vương quốc của Thiên Chúa.

Sống trong và sống với phận người và trao ban Tin Mừng cho con người nhưng con người vẫn trơ trơ ra như đá và cuối cùng đã loại Hoàng Tử Bình An ra khỏi cuộc đời của mình.

Chúa Giêsu đã bị đóng đinh, đã bị giết và đã sống lại.

Trang Tin mừng theo Thánh Gioan hôm nay thuật lại cho chúng ta lời của Chúa Giêsu hết sứcd dễ thương : “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con, Thầy ban cho các con  không như thế gian ban tặng”(Ga 14, 27).

Tuyệt vời ! Bình an của Thầy không như bình an của thế gian, bình an của thế gian cũng chỉ là bình an tạm bợ và chóng qua.

Biết bao nhiêu người giàu có, sung túc giữa thế gian nhưng sau khi đã cảm nếm được sự bình an khi có Chúa ở cùng thì cuộc đời họ thay đổi.

Đơn giản nhất và gần nhất nơi Chúa Giêsu đó là các môn đệ. Cuộc đời của các môn đệ có đó người giàu kẻ nghèo, người thu thuế, người dân chài … và khi theo Chúa rồi họ cảm nhận sự bình an thật sự và nhất là khi Chúa lại ban bình an cho họ.

Các môn đệ đã dám liều mạng sống của mình cho thế gian để luôn được ở bên Chúa và luôn được ở trong Chúa. Khi và chỉ khi ở trong Chúa thì lòng của các môn đệ mới bình an đủ.

Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,

hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn.

Ơn cứu độ tôi bởi Người mà đến,

duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi,
là thành luỹ chở che : tôi chẳng hề nao núng.

Tới bao giờ các ngươi còn xúm lại
để xông vào quật ngã một người?
Hắn đã như bức tường xiêu đổ,
như hàng rào đến lúc ngả nghiêng.

Con người ấy, chúng chỉ mưu hạ bệ,
chúng thoả lòng vì đã nói dối nói gian.
Miệng thì chúc phúc cầu an,
mà lòng nguyền rủa chứa chan những lời.

Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn.
Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến,

duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi,
là thành luỹ chở che : tôi chẳng hề nao núng. (Tv 62, 2-7)

“Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ

Trong con hồn lặng lẽ an vui

Cậy vào Chúa, Israen ơi

Từ nay đến mãi muôn đời muôn năm” (Tv 130,1-3).

Và như thế, những ai cảm thấy có Chúa là nguồn bình an thật sự thì cuộc đời của họ sẽ đổi khác, họ sẽ chẳng cần bám víu vào nhưng vinh hoa mau qua chóng tàn ở trần gian này.

Với Augustinô, cả cuộc đời ngài Cuộc đời của thánh Augustinô là một cuộc đời tìm kiếm; tìm kiếm bằng chính kinh nghiệm bản thân của mình cũng như tìm kiếm qua sách vở, suy tư. Tuy trải qua cuộc đời khá phóng đãng, nhưng ta nhận thấy tâm hồn của Augustinô cũng rất bén nhạy, rất “mở”, rất “mềm” hầu có thể để cho Chân Lý soi tỏ. Chúng ta nhận thấy nhiều lần, do nhiều biến cố khác nhau, chẳng hạn người bạn qua đời, qua việc đọc Cicéro, đọc Plotin, việc gặp Ambrôsiô…lòng Augustinô đã rung lên xao xuyến…Chính cuộc tìm kiếm không ngừng, tìm kiếm trong thái độ mở đã đưa Augustinô đến với Chân Lý đích thực. Cuộc đời đó có thể đúc kết lại trong chính châm ngôn của ngài: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con vì Chúa, nên tâm hồn con xao xuyến mãi cho tới khi nào nghỉ yên trong Chúa mà thôi!”

Với Anphongsô, Ngài đã thành đạt theo nghĩa xã hội, song không lấy đó làm mãn nguyện và đã dứt bỏ nó. Ngài là con nhà quyền quý, giàu sang; đỗ đạt cao: lấy được cả hai bằng tiến sĩ luật cả đạo lẫn đời, danh tiếng lẫy lừng. Thế nhưng, năm 1723, ngài từ bỏ tất cả, từ giã chốn pháp đình, là nơi đại diện cho công lý nhưng đầy dẫy bất công và dối gian, để bước theo một tiếng gọi, tiếng gọi của Thiên Chúa hầu đi vào chiều sâu của đời sống nội tâm, đời sống thật của một con người thật hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và thuộc về tha nhân.

Với Phanxicô, Đề kháng lại nghề nghiệp kinh doanh cũng như khát vọng giàu sang của người cha, cậu bé bộc lộ nỗi đam mê dành cho sách vở. Francis nổi tiếng trong vòng bạn bè nhờ tửu lượng cao và giao du rộng, đa phần là với con cái của giới quý tộc. Ngay từ những ngày này, Francis đã tỏ ra thất vọng đối với thế giới cậu đang sống, thể hiện qua cách xử sự của công tử Francis khi gặp một người hành khất. Francis dành nhiều thời gian sống trong cô độc, nài xin sự soi dẫn từ Thiên Chúa. Dần dà, Francis tìm đến chăm sóc những người mắc bệnh phong, căn bệnh bị xã hội thời ấy xa lánh, đang sống trong những trại phong gần nhà. Khi hành hương đến La Mã, Francis ngồi bên cửa các nhà thờ để hành khất cho những người nghèo.

Thế đấy ! Tất cả sự vinh hoa phú quý ở đời này chẳng là gì cả đối với Augustinô, Anphongsô, Phanxicô và nhiều và rất nhiều vị thánh nữa. Tất cả cần nhất đó chính là sự bình an từ Thiên Chúa, từ Chúa Giêsu su như Chúa Giêsu nói với các môn đệ :”Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con, Thầy ban cho các con  không như thế gian ban tặng”(Ga 14, 27).

Chúa Giêsu nói đến một sự bình an khác, bình an nội tâm của con tim, của con người với chính mình và với Thiên Chúa. Điều này thật rõ ràng nơi lời nói mà Đức Giêsu thêm vào liền theo đó trong đoạn văn này của thánh Gioan : “Các con đừng xao xuyến, cũng đừng sợ hãi”. Đây là sự bình an nền tảng nhất. Không có sự bình an này, thì không bình an nào khác có thể tồn tại.

Đức Giêsu có thể ban bình an cho các Môn đệ bởi vì chính Người sở hữu sự bình an : “Thầy ban cho các con sự bình an của Thầy”. Bình an là sự hiệp thông với Thiên Chúa. Khi Đức Giêsu hiệp thông hoàn toàn với Thiên Chúa, Người có thể ban cho ta ơn bình an. Chúng ta có thể ban sự bìn an nào nếu không phải là sự bình an của chúng ta ? Người Kitô hữu có ơn gọi đem lại bình an. Nhưng khổ nỗi, thay vì chúng ta đem lại bình an cho người khác, chúng ta bắt họ chịu đựng sự bất an và bất hạnh của chúng ta.

Sự bình an thực sự chỉ có khi chúng ta nép mình vào lòng Chúa và chọn Chúa là gia nghiệp của đời mình.

“Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ

Trong con hồn lặng lẽ an vui

Cậy vào Chúa, Israen ơi

Từ nay đến mãi muôn đời muôn năm” (Tv 130,1-3).

Lm. Anmai, C.Ss.R.