MARIA, THẦY DẠY ĐỨC TIN

MARIA, THẦY DẠY ĐỨC TIN

Trong một đan viện nọ, có hai tu sỹ ngồi đàm đạo để cùng giúp nhau thăng tiến về đời sống thiêng liêng.  Họ mở Kinh Thánh ra và cùng nhau chia sẻ.  Đoạn Kinh Thánh được đọc lên, trích trong Tin mừng Luca chương 15, nói về dụ ngôn đứa con hoang đàng.  Câu chuyên khá dài với nhiều tình tiết.  Gấp sách lại, cả hai thinh lặng cầu nguyện và trao đổi.  Một đan sĩ lên tiếng: “Tôi không hiểu tại sao thằng bé này lại bỏ nhà đi hoang.  Nó có một gia đình khá đầy đủ về vật chất.  Hơn nữa, nó còn có một ông bố yêu thương nó hết lòng.  Vậy tại sao nó lại thoát ly gia đình?”  Suy nghĩ một lát, vị đan sĩ kia lên tiếng: “Đứa bé này bỏ nhà đi bụi, vì trong ngôi nhà ấy vẫn vắng bóng một người mẹ.”

May mắn, chúng ta có một người Mẹ tuyệt vời là chính Đức Maria.  Người vừa là hiền mẫu, vừa là Thầy dạy đức tin và cũng là đấng phù trợ chúng ta trong cuộc lữ hành đức tin trần thế.  Mừng lễ Mẹ lên trời hôm nay, Giáo hội cũng nhắc nhớ chúng ta hướng về người mẹ thiêng liêng và tuyệt diệu này. 

Đồng thời, chúng ta cũng nhìn về Đức Maria như là khuôn mẫu đức tin để noi theo.

 Ý nghĩa mầu nhiệm Mẹ lên trời hồn xác

 Năm 1950, Đức Thánh Cha Piô XII đã công bố tín điều này.  Đây là tín lý thuộc đức tin mang tính thần khải và Công giáo.  Giáo hội xác tín chân lý ấy dựa vào nhiều lý chứng.

Trước hết, bởi vì Mẹ là thụ tạo vượt trổi, đã được Chúa giữ gìn khỏi lây nhiễm tội lỗi.  Tội tổ tông không để lại âm hưởng gì nơi Mẹ, đồng thời Thiên Chúa cũng gìn giữ mẹ luôn mãi vẹn tuyền.  Ngay từ ban đầu, Thiên Chúa đã chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế, nên Ngài phó trao cho Mẹ những đặc sủng tương thích với sứ vụ cao cả này.  Thân xác Mẹ cho dù có phải nếm trải sự chết giống như Đức Giêsu, nhưng thân xác vẹn tuyền đó không thể  bị hủy hoại.  Vì vậy Giáo hội xác tín rằng sau khi chết, Mẹ đã được đưa về trời cả hồn lẫn xác.

Thứ đến, cuộc đời của Mẹ đã gắn kết chặt chẽ với Đức Giêsu.  Đức Giêsu đã phục sinh và lên trời.  Mẹ cũng vậy.  Phần thưởng nước trời dành cho Mẹ như một hệ quả tất yếu của sự hiệp thông trọn vẹn với Đức Giêsu.

Đọc lại Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy ngay từ những trang đầu tiên, Kinh Thánh đã nói đến sự chiến thắng của người nữ trên con rắn.  Người nữ đạp dập đầu con rắn và con rắn rình cắn gót chân bà.  Người phụ nữ này là hình tượng chỉ về Hội thánh, về Đức Maria, về những con người sống hiệp thông chặt chẽ với Đức Giêsu trong nhiệm cục cứu độ.  Cũng tương tự, người nữ trong sách Khải Huyền đã chiến thắng con rồng đỏ, cũng ám thị về Đức Maria và về toàn thể Giáo hội.

Giáo hội công bố tín điều này để mời gọi chúng ta hướng về Mẹ như khuôn mẫu đức tin.  Mẹ chính là Thầy dạy Đức tin cho chúng ta.

Thầy dạy đức tin

Sau khi Chúa về trời, Kinh Thánh nói rất ít về Mẹ.  Tin mừng Gioan chỉ tóm gọn trong một câu ngắn: “Từ lúc ấy, môn đệ đem Mẹ về nhà mình (Ga 19,27).  Sách Tông đồ Công vụ chỉ duy nhất một lần nói về sự hiện diện của Đức Maria giữa các tông đồ khi cầu nguyện tại Giêrusalem trong dịp lễ Ngũ Tuần.  Sau đó, Chúa Thánh Thần đậu xuống trên các tông đồ và trên Đức Mẹ (Cv. 1,12).   Như vậy, sau biến cố Phục sinh, Mẹ đã hoàn toàn rút vào trong thinh lặng để suy niệm và cầu nguyện.  Thái độ đức tin này cũng được Thánh Luca tóm kết bằng một câu đơn giản: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng (Lc. 2,19).  Vì vậy, qua phụng vụ hôm nay, Giáo hội cũng mời gọi chúng ta hướng về Mẹ như là Thầy dạy đức tin của mọi tín hữu.

“Phúc cho bà là kẻ đã tin” (Lc. 1,45).  Đây là lời được mặc khải qua miệng bà Elizabeth.  Trước khi chúng ta chiêm ngắm các nhân đức và những đặc phúc nơi Mẹ, chúng ta hãy nhìn về Mẹ như là Thầy dạy đức tin của chúng ta.

Cuộc hành trình đức tin của Mẹ được dàn trải trong suốt cả cuộc sống, từ biến cố truyền tin đến cao điểm là phút giây hiệp thông trọn vẹn với Đức Giêsu dưới chân Thập giá.  Thái độ đức tin đó được thể hiện bằng cách Mẹ luôn tìm kiếm và quy thuận thánh ý Thiên Chúa.  Có lần, khi Chúa Giêsu đang giảng giữa đám đông, Đức Maria chợt đến.  Người ta báo cho Chúa biết là “bà cố” đang đến.  Người trả lời: “Ai là mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành (Mc 3,31-35).  Đức Giêsu gián tiếp đề cao thái độ đức tin nơi Mẹ.  Tính cách làm Mẹ của Ngài hệ tại ở việc biết nghe lời Thiên Chúa và đem ra thi hành.

Mẹ được đem về trời cả hồn lẫn xác là dấu chứng của một cuộc vinh thắng, và đó chính là cuộc chiến thắng trong đức tin.  Trong thư Rôma, thánh Phaolô so sánh Ađam với Đức Kitô (xem chương 5).  Ađam gieo sự tội vào trần gian vì bất tuân, còn Đức Kitô đưa sự giải án tuyên công đến cho con người qua vâng phục.  Cũng như Evà đã liên đới với Ađam trong tội nguyên tổ, thì Đức Maria được sánh ví như Evà mới, đã hiệp thông trọn vẹn với Đức Giêsu để đem ơn cứu độ đến cho con người.  Nhiều thần học gia còn gọi Mẹ là Đấng “Đồng công Cứu chuộc” (Corredemptorist).  Sách Giáo lý Công giáo cũng mời gọi chúng ta hướng nhìn về Mẹ như là Biểu tượng Cánh chung (Eschatological Icon) cho toàn Giáo hội trong cuộc lữ hành trần thế (Giáo lý Công giáo số 972).  Những điều này nói về Mẹ như là khuôn mẫu và Thầy dạy đức tin cho chúng ta.

Ở Đức, trong một vở kịch diễn lại Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, diễn viên trình diễn cảnh Giuđa sau khi phản bội đã ra đi tự vẫn.  Trước khi chết, anh ta thét lên: “Khốn thân tôi, tôi biết chạy đến với ai bây giờ ?”  Nghe vậy, một đứa trẻ ở gần đó nói với mẹ: “Mẹ ơi, sao anh ta không chạy đến với Đức Maria.”

“Trên đời này, không có một kỳ quan nào cao cả và vĩ đại cho bằng trái tim của người mẹ.”  Cũng vậy, chúng ta có Đức Maria là Hiền Mẫu, là Thầy dạy đức tin và cũng là nơi nương náu an toàn nhất trong cuộc lữ hành trần thế hôm nay.

Lm G.B. Trần Văn Hào SDB

ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC

ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC

Lộ Đức là một thành phố nhỏ thuộc miền tây nam nước Pháp, ngày nay được nhiều người trên thế giới biết đến là nhờ cuộc hiện ra của Đức Mẹ Chúa Trời với một em nhỏ cách đây 150 năm vào năm 1858.

1.  Sự Tích Hiện Ra:

LO DUC

Hôm đó là ngày 11 tháng 2 năm 1858, trời mùa Đông ở miền núi, lạnh kinh khủng.  Bernadette Soubirous cùng với 2 bạn khác ra phía rừng cạnh bờ sông Gave để nhặt củi.  Bernadette lúc đó 15 tuổi mà chưa biết đọc biết viết, vì nhà nghèo, em phải làm việc để phụ vào với gia đình.

Sau khi vào tu Dòng, Benadette được học và cô tả lại trong lá thư trình bề trên như sau: “Hôm ấy tôi đi kiếm củi với hai đứa bạn ở bờ sông Gave.  (Khi ra tới bờ sông, hai em kia đi xa hơn, còn Benađette tìm củi quanh hang Massabiel.)  Bất ngờ tôi nghe có tiếng động.  Tôi ngoái nhìn về phía đồng cỏ.  Không thấy cây cối rung động gì cả.  Tôi ngẩng đầu nhìn lên hang.  Tôi thấy một Bà mặc áo trắng (bà còn trẻ lắm, chừng 16, 17 tuổi, mặc áo dài trắng, thắt dây lưng xanh da trời, hai tay chắp lại, đeo tràng hạt trên cánh tay phải.  Bà đẹp vời Benadette tiến lại gần hơn và mỉm cười với em).  Áo bà trắng nhưng thắt lưng lại xanh, và mỗi bên bàn chân có một bông hồng vàng.  Mầu chuỗi hạt của Bà cũng vàng nữa.

Khi thấy như vậy, tôi vội chùi mắt vì tưởng mình lầm.  Rồi thọc tay vào áo, tôi thấy có chuỗi hạt.  Tôi muốn giơ tay làm dấu thánh giá, nhưng không đưa nổi tay lên trán.  Tay tôi rớt xuống.  Còn hình Bà kia thì lại làm dấu thánh giá.  Tay tôi run quá.  Tôi thử làm dấu lại và làm được.  Tôi bắt đầu lần chuỗi.  Hình kia cũng lần chuỗi của Bà, nhưng không hề máy môi.  Tôi lần chuỗi xong thì hình kia cũng biến mất tức thì.

(Khi gặp lại hai đứa bạn kia ) Tôi hỏi hai đứa không thấy gì sao?  Chúng bảo không.  Và chúng hỏi tôi thấy gì vậy, và buộc tôi phải nói cho chúng nghe.  Tôi kể rằng tôi đã thấy một Bà mặc áo trắng, nhưng tôi không biết Bà đó là ai, và không cho chúng được kể lại với ai.  Chúng bảo tôi không nên trở lại đó nữa.  Tôi bảo không.  Đến ngày Chúa nhật, tôi trở lại đó lần thứ hai vì cảm thấy bị thúc đẩy ở trong lòng.

Đến lần thứ ba, Bà kia mới nói với tôi.  Bà hỏi tôi có bằng lòng trở lại đây trong 15 ngày liên tiếp không.  Tôi bằng lòng.  Bà bảo tôi phải về nói với các linh mục xây một nhà thờ tại chỗ này.  Rồi Bà bảo tôi phải đi uống nước ở suối.  Tôi không thấy có suối nào cả, nên tôi ra đi uống nước ở sông Gave.  Bà bảo tôi không phải ở đó, và Bà lấy ngón tay chỉ cho tôi chỗ suối nước.  Tôi đến, nhưng chỉ thấy một chút nước dơ.  Tôi thò tay xuống nhưng không múc được.  Tôi liền cào đất ra, và tôi đã múc được nước, nhưng tôi lại hất đi ba lần, đến lần thứ bốn tôi mới dám uống.  Thế rồi hình kia biến đi và tôi cũng ra về.

Trong 15 ngày liên tiếp, tôi đã trở lại nơi đó.  Ngày nào tôi cũng thấy hình kia hiện ra, trừ ngày thứ Hai và thứ Sáu.  Bà nói đi nói lại với tôi rằng: “Tôi phải thưa các linh mục xây cho Bà một đền thờ tại đây.  Tôi phải đến rửa ở suối nước, và tôi phải cầu nguyện cho tội nhân trở lại.”

Nhiều lần tôi đã hỏi Bà là ai?  Nhưng Bà chỉ cười.  Rồi bỏ tay thõng xuống, Bà ngước mắt lên trời và bảo tôi Bà là Đấng đầu thai Vô nhiễm.

Trong khoảng thời gian 15 ngày đó, Bà nói với tôi 3 điều bí mật, nhưng bắt tôi giữ kín, không được nói với ai, và cho đến nay tôi vẫn trung thành giữ như vậy.”

2.  Sứ Điêp Đức Mẹ Muốn Nhắn Nhủ Con Cái Người :
“Hãy cầu nguyện cho kẻ có tội”
“Hãy nói với các linh mục xây nhà thờ kính Mẹ ở đây, và để dân chúng đến đây rước kiệu.”

3.  Ta Là Đấng Vô Nhiễm:
Khi linh mục xứ muốn biết tên Bà, Bernadette đã hỏi thì ngày 25 tháng 3 năm 1858, Đức Mẹ xưng mình là: “Ta là Đấng Vô nhiễm Nguyên tội.”  Nhưng Bernadette không hiểu.  Khi cô nói lại với cha xứ ngài mới nhận ra bà lạ đó là Đức Mẹ hiện ra.

Để chứng tỏ Mẹ hiện ra thật, Mẹ bảo Bernadette bới đất chỗ cô qùy để có một giòng nước vọt ra cho cô uống và sau đó chữa mọi thứ bệnh.

Sau này, ĐGM giáo phận đã gửi Bernadette đi tu tại Nevers cách xa Lộ đức cả nửa ngày đường xe.  Bernadette sống rất khiêm tốn ở đây.  Cô bị nhiều xỉ nhục nơi các chị em dòng, bị nhiều bệnh đau đớn cho tới chết, nhưng lúc nào Tràng hạt Mân côi cũng là niềm an ủi của cô.  Chính kinh Mân côi đã là đường lối nên thánh của cô.  (Riêng Bernadette Đức Mẹ đã nói: ” Mẹ không hứa cho con hạnh phúc đời này, nhưng là hạnh phúc đời sau.)

4.  Lộ Đức Ngày Nay:
Đã trở nên một trung tâm hành hương lớn nhất thế giới.  Hàng năm có tới 4 triệu người đến kính viếng và xin ơn Đức Mẹ.  Giáo hội đã đặt lễ kính Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức vào ngày 11 tháng 2 hàng năm.  Từ năm 1992, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chỉ định ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức là Ngày Thế giới cầu cho các bệnh nhân.

5.  Đức Thánh Cha Với Lộ Đức:
Ngày 14 và 15 tháng 8 năm 2004, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viếng Đức Mẹ Lộ Đức.  Đây là chuyến đi để kỷ niệm 150 năm Giáo hội Công giáo tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, là chuyến đi thứ 104 ra ngoài Vatican của Đức Thánh Cha, là lần thứ 7 Người tới nước Pháp.  Lần trước Người tới Lộ Đức vào tháng 8 năm 1997 để dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới.  Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chủ ý viếng nơi Đức Mẹ đã hiện ra với cô thôn nữ Bernadette, và ngày 25 tháng 3 năm 1858, Đức Mẹ xưng mình: “Ta là Đấng Vô nhiễm Nguyên tội”, bốn năm sau khi Đức Thánh Cha Piô IX công bố tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm (1954).  Ngày lễ kính Đức Mẹ Lên Trời, Đức Thánh Cha dâng lễ lúc 10 giờ sáng tại đền thánh.  Sau trưa, Người cầu nguyện âm thầm trước hang đá nơi Đức Mẹ hiện ra.

Sáng 15-9-2008, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã cử hành thánh lễ cho 100 ngàn tín hữu, trong đó có đông đảo các bệnh nhân, tại quảng trường trước Vương cung thánh đường Đức Mẹ Mân Côi ở Lộ Đức.

Đây là thánh lễ lộ thiên thứ 3 và cũng là thánh lễ cuối cùng trong 4 ngày viếng thăm của nước Pháp.

Dưới bầu trời nắng đẹp, các bệnh nhân và người tàn tật, phần lớn ngồi trên xe lăn, ở khu vực trước bàn thờ.  Đồng tế với Đức Thánh Cha còn có hàng trăm Giám mục Pháp và nước ngoài.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha đã giải thích ý nghĩa ngày lễ Đức Mẹ sầu bi, mừng kính ngày 15-9-2009.  Ngài nhận định rằng “ngày nay, Mẹ Maria đang ở trong niềm vui và vinh quang Phục Sinh.  Những giọt lệ của Mẹ dưới chân Thánh Giá đã biến thành một nụ cười mà không gì xóa bỏ được, trong khi lòng từ bi hiền mẫu của Mẹ đối với chúng ta vẫn nguyên vẹn.  Mẹ Maria yêu thương mỗi người con của Mẹ, Mẹ đặc biệt quan tâm đến những người, giống như Con của Mẹ trong giờ Khổ Nạn, đang phải chịu đau khổ; Mẹ yêu thương họ chỉ vì họ là con cái của Mẹ, theo ý muốn của Chúa Kitô trên Thánh Giá.”

Đức Thánh Cha đặc biệt giải thích câu 13 của thánh vịnh 44 trong bài đáp ca của ngày lễ nói tiên tri về Mẹ Maria “Những người giàu có nhất trong dân… sẽ tìm kiếm nụ cười của bà” (TV 44,13).  Ngài nói: “Nụ cười của Mẹ Maria là cho tất cả mọi người chúng ta, và đặc biệt cho những người đau khổ, để họ có thể tìm được qua đó sự an ủi và giảm bớt đau khổ.  Tìm kiếm nụ cười của Mẹ Maria không phải là một điều sùng mộ theo tình cảm hoặc lỗi thời, nhưng đúng hơn đó là một sự diễn tả đúng đắn quan hệ sinh động và có đặc tính nhân bản sâu xa liên kết chúng ta với Đấng mà Chúa Kitô đặt làm Mẹ chúng ta”.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng “Mỗi lần đọc kinh Magnificat là chúng ta được trở thành chứng nhân về nụ cười của Mẹ Maria.  Tại Lộ Đức này, trong cuộc hiện ra của Đức Mẹ ngày thứ tư, 3-3-1858, thánh nữ Bernadette đặc biệt chiêm ngắm nụ cười của Mẹ Maria.  Nụ cười này là câu trả lời đầu tiên mà Bà Đẹp gửi tới Bernadette khi cô bé muốn hỏi danh tánh của Bà”.

Cũng trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói về sự trợ giúp của Mẹ Maria dành cho các bệnh nhân và những người đau khổ, và nói rằng:

“Có những cuộc chiến đấu mà con người không thể một mình đương đầu được, nếu không có ơn Chúa.  Khi lời nói không tìm được những từ thích hợp, ta cần có một sự hiện diện yêu thương: khi ấy chúng ta tìm kiếm sự gần gũi không những của những người ruột thịt và bạn hữu, nhưng của những người gần gũi chúng ta qua liên hệ đức tin.  Ai có thể gần gũi thiêng liêng với chúng ta hơn là Chúa Kitô và Đức Mẹ Vô Nhiễm, Người Mẹ thánh thiện của Ngài?  Hơn ai hết, các Ngài có thể hiểu chúng ta và thấy rõ cuộc chiến đấu cam go chống lại bất hạnh và đau khổ…  Ngoài ra, nơi Mẹ Maria chúng ta cũng được ơn thánh để chấp nhận rời bỏ trần thế này vào thời điểm Chúa muốn mà không chút sợ hãi hay cay đắng.”

Sau cùng, Đức Thánh Cha giải thích về ý nghĩa bí tích xức dầu bệnh nhân và nói rằng: “Ơn thánh thiêng của bí tích này hệ tại đón nhận vào mình Chúa Kitô Y Sĩ.  Nhưng Chúa Kitô không phải là y sĩ theo kiểu thế gian này.  Để chữa lành chúng ta, Chúa không ở bên ngoài đau khổ người ta phải chịu; để thoa dịu đau khổ, Chúa đến ở trong tâm hồn người bị bệnh tật, để cùng chịu và sống đau khổ ấy với họ.  Con người không còn chịu thử thách một mình, nhưng họ trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô Đấng tự hiến dâng cho Chúa Cha; trong tư cách là chi thể của Chúa Kitô chịu đau khổ, người bệnh tham gia vào việc sinh ra thụ tạo mới trong Chúa Kitô”.

“Nếu không có ơn phù trợ của Chúa, cái ách bệnh tật và đau khổ sẽ nặng nề kinh khủng.  Khi lãnh nhận bí tích bệnh nhân, chúng ta không mong muốn mang ách nào khác ngoài ách của Chúa Kitô, trong niềm tin tưởng mạnh mẽ nơi lời hứa của Ngài cho chúng ta, theo đó ách của ngài dễ mang và gánh của ngài nhẹ nhàng (cf Mt 11,30).  Tôi mời gọi tất cả những người sẽ lãnh nhận bí tích bệnh nhân trong thánh lễ này hãy tiến vào niềm hy vọng như vậy.”

Nguyễn Thế Bài

 Langthangchieutim gởi

Ðức Mẹ Lộ Ðức

Ðức Mẹ Lộ Ðức

Buổi sáng ngày 11 tháng 2 năm 1858 tại Lộ Ðức, một thị trấn nhỏ nằm ở miền Nam nước Pháp, trời lạnh như cắt. Cô Bernadette Soubirous cùng với hai người em khác tự nguyện ra phía rừng cạnh bờ sông Gave để nhặt củi. Bernadette vừa lên 15 tuổi. Nhưng cô chưa biết đọc và biết viết. Cô vừa mới cắp sách đến trường của các sơ được một thời gian ngắn để học tiếng Pháp, bởi vì trong miền cô đang ở, mọi người đều nói một thứ thổ ngữ khác với tiếng Pháp. Hôm đó là ngày thứ năm, cô được nghỉ học. Mặc dù bệnh suyễn đang hoành hành, nhưng nghĩ đến cảnh nghèo túng của gia đình, nên Bernadette đã xin phép mẹ được đi nhặt củi.

Bình thường theo dọc bờ sông Gave, có rất nhiều cành cây khô. Nhưng suốt buổi sáng thứ năm đó, dường như chị em của Bernadette không nhặt được bao nhiêu. Bernadette mới lần mò tiến về một hang động gần đó mà dân làng có thói quen gọi là Massabielle. Cô đang loay hoay với công việc nhặt củi, thì kìa từ trong hang: một thiếu nữ cực kỳ diễm lệ xuất hiện. Theo lời mô tả của Bernadette, thì người thiếu nữ chỉ trạc độ 16, 17 tuổi. Bernadette tưởng mình như đang mơ. Cô bước thêm bước nữa. Người thiếu nữ cực kỳ diễm lệ đó chỉ mỉm cười.

Trong cơn xúc động bồi hồi, như một cái máy, Bernadette đã lôi tràng hạt từ trong túi áo ra và cô bắt đầu đọc kinh Kính Mừng trong ngôn ngữ quen thuộc của cô. Trong ánh sáng chan hòa giữa mùa đông vẫn còn lạnh đó, người thiếu nữ chỉ mỉm cười. Khi Bernadette vừa lần xong chuỗi mân côi, người thiếu nữ làm dấu cho cô tiến lại gần hơn. Nụ cười vẫn chưa tắt trên môi người thiếu nữ. Bernadette say sưa ngắm nhìn và tiếp tục đọc kinh cho đến khi ánh sáng bao trùm người thiếu nữ nhạt dần và tắt hẳn…

Ba ngày sau đó, sau khi đã có những tiếng xì xầm về hiện tượng lạ đó, bà mẹ của Bernadette nghiêm cấm không cho con gái mình trở lại hang Massabielle nữa. Nhưng do một sự thúc đẩy không thể cưỡng bách được, Bernadette đã trở lại chỗ cũ cùng với mấy chị em của cô. Lần này, khi người thiếu nữ mặc áo trắng xuất hiện Bernadette đã mạnh dạn hô lớn: “Nếu người đến từ Thiên Chúa, xin người hãy ở lại”. Người thiếu nữ mỉm cười gật đầu. Ðây là lần thứ hai người áo trắng hiện ra với cô. Lần thứ ba cũng xảy ra như thế vào ngày 18 tháng 2 và liên tiếp trong vòng 15 ngày, Bernadette đã được diễm phúc gặp Ðức Maria hiện ra và tỏ lộ cho cô một danh tánh vô cùng kỳ lạ: “Ta là Ðấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.

Từ nơi cô đang quỳ cầu nguyện mỗi khi Ðức Mẹ hiện ra, một dòng suối nhỏ đã vọt lên có sức chữa trị mọi tật bệnh.

Ðó là nguồn gốc của hang Ðức Mẹ Lộ Ðức. Ngày nay, từng giờ từng phút, khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới tuôn đến để cầu nguyện và xin ơn. Ðến đó, dù tin hay không tin, mọi người đều cảm thấy có một sức mạnh lạ lùng lôi kéo để đốt lên một ngọn nến và quỳ gối cầu nguyện.

Hiện nay, khắp nơi trên thế giới, đều có những hang Lộ Ðức được thiết kế một cách tương tự để nhắc nhớ biến cố này cũng như kêu gọi lòng tôn sùng Mẫu Tâm.

Nhưng có lẽ ai trong chúng ta cũng có một lần mơ ước đến tận nơi để cầu nguyện. Mẹ Maria đã không hiện ra với tất cả mọi người. Phép lạ cũng không hiện ra một cách tỏ tường với tất cả mọi người đến cầu khấn. Ðiều quan trọng không phải là hành hương đến tận nơi Thánh, nhưng chính là sứ điệp mà Mẹ muốn nhắn gửi với chúng ta qua những người được diễm phúc thấy Mẹ hiện ra. Sứ điệp đó vẫn luôn luôn là hy sinh, là phục vụ và nhất là cầu nguyện

11Tháng Hai

Trích sách Lẽ Sống

Anh chị Thụ & Mai gởi

Lễ Mẹ Thiên Chúa

Lễ Mẹ Thiên Chúa

me-la-chia-khoa-thien-quoc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TIẾN TRÌNH TÍN ĐIỀU MẸ THIÊN CHÚA

Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì Con của Mẹ là Thiên Chúa. Mẹ chỉ là Mẹ trong trật tự sản sinh nhân loại, nhưng Con mà Mẹ thụ thai và hạ sinh là Thiên Chúa, nên Mẹ phải được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Tín lý này đã được Phúc âm thánh Luca minh hoạ rõ ràng, và từ thế kỷ II đã được các thánh Giáo phụ Inhaxiô Antiokia, Irênêô, Cyrillô Alexandria, Augustinô, Epiphanô diễn giải sâu rộng để đối phó với lạc thuyết của các bè rối Gnosticism, Docetism. Thánh Gioan Tông đồ loan báo chứng thực rõ ràng rằng ngài đã từng mắt thấy, tai nghe và đụng chạm tới Chúa Giêsu là Ngôi Lời hằng sống đã xuất hiện , vậy mà các bè rối đó vẫn nói Chúa Giêsu chỉ là ảo tượng. Lạc thuyết này muốn phá đổ tự nền tảng công cuộc Cứu chuộc của Chúa Kitô. Vì thế, các Giáo phụ dựa trên tín lý phẩm chức Thiên mẫu của Mẹ Maria để phá tan lạc thuyết này rằng Đức Trinh Nữ không thể là Mẹ nếu không có Con. Và Người không có Con, nếu Chúa Giêsu chỉ là một bóng ma. Giáo phụ Tertulianô bác bỏ Marcion người lạc giáo: “Mục đích phủ nhận thân xác Chúa Kitô, ông chối bỏ việc Người sinh ra. Hay là để chối bỏ việc Người sinh ra, ông phủ nhận thân xác Chúa. Thân xác và sự đản sinh làm chứng lẫn nhau: Không có sự đản sinh thì cũng không có thân xác. Hoặc là không có thân xác thì không có sự đản sinh.

Khi thấy Chúa đi trên mặt biển và khi thấy Chúa hiện ra sau khi Người sống lại, các tông đồ tưởng Người là ma. Nhưng Người đã quả quyết: “Chính Thầy đây!” Như vậy Chúa Giêsu có thân xác thực sự sống động. Mà nếu thân xác Người là thân xác của Thiên Chúa bởi trinh huyết Đức Trinh Nữ Maria, thì Đức Maria phải được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Một thân xác là thân xác của Thiên Chúa lúc hiệp với ngôi Con Thiên Chúa là Thiên Chúa thật như Chúa Cha.

Sang thế kỷ III và thế kỷ IV, các thánh Giáo phụ đều đồng thanh cao rao chúc tụng Mẹ Thiên Chúa. Năm 325, Công đồng Nicêa I (nay là Iznik, bắc Thổ nhĩ kỳ) lên án lạc giáo Ariô, đồng thời định tín Ngôi Lời đồng bản thể với Đức Chúa Cha, và đặt kinh Tin kính (gọi là kinh Tin kính Nicêa đọc trong thánh lễ). Tín điều này chứng minh Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, cùng với tín lý Mẹ Thiên Chúa của các thánh Giáo phụ sẽ mở đường cho tín điều Mẹ Thiên Chúa của Công đồng Ephêsô sau này.

Đến thế kỷ V, trong khi tín lý Mẹ Thiên Chúa đang được các Giáo phụ rao giảng rất minh bạch và phấn khởi, thì Nestoriô, thượng phụ giáo chủ thành Constantinopôli lên tiếng trong các bài giảng phản đối, vì ông chủ trương rằng: Chúa Giêsu có hai bản tính nên có hai ngôi vị. Đức Maria chỉ là Mẹ ngôi vị nhân tính của Chúa Giêsu, nên không phải là Mẹ Thiên Chúa. Năm 430, một hội đồng tại Rôma lên án lạc giáo Nestôriô, và Đức Thánh Celestinô I viết một bức thư khuyến cáo Nestôriô. Nestôriô tâu xin hoàng đế Thêôdôsiô I triệu tập Công đồng Êphêsô năm 431. Nhưng Thánh Cyrillô, Thượng phụ giáo chủ thành Alexandria, được Đức Thánh Celestinô uỷ nhiệm chủ toạ công đồng gồm khoảng 250 giám mục Đông phương, một giám mục Tây phương và một phó tế thành Carthage cùng với ba đặc sứ của Đức Celestinô. Mặc dù sự phản kháng của 68 giám mục tán đồng lạc giáo Nestôriô và sự cản ngăn của Candidianô, sứ giả của hoàng đế Thêôdôsiô, Công đồng vẫn khai mạc ngày 22 tháng 6 tại đền thờ Đức Mẹ tại Êphêsô. Công đồng minh định Chúa Giêsu có hai bản tính nhưng chỉ có một ngôi vị duy nhất là Thiên Chúa. Mẹ Maria là Mẹ thật của Chúa Giêsu nên Mẹ thật là Mẹ Thiên Chúa. Rồi Công đồng long trọng tuyên tín: “Nếu ai không tuyên xưng Emmanuel là Thiên Chúa thật, và do đó Rất Thánh Trinh Nữ là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ sinh ra xác phàm của Ngôi Lời nhập thể, thì mắc vạ tuyệt thông”. Đồng thời, các Nghị phụ ký giấy ra vạ cho Nestôriô: “Vì Chúa Giêsu Kitô bị Nestôriô xỉ nhục, Thánh Công Đồng này đã tuyên bố Nestôriô bị loại trừ khỏi chức phẩm giám mục và khỏi mọi hiệp thông linh mục”.

Tại Công đồng, Thánh Proclô thẳng thắn chống lạc giáo Nestôriô. Và Nghị phụ Giám mục Thêôdôtê Ancyre (446) triệt để ủng hộ Thánh Cyrillô và gắt gao tố cáo buộc tội Nestôriô rối đạo. Trong khi Công đồng đang diễn tiến, Thánh Cyrillô viết cho Giám mục Acaciô Beroea có nói đến năm giáo phụ cũng lên án Nestôriô: Đó là hai Thượng phụ Alexandria là Athanasiô và Thêôphilê, hai Thượng phụ Constantinopôli là Grêgôriô và Atticô. Và vị thứ năm là Thánh Basiliô. Sau này, Nestôriô bị đày vào đan viện Euprépia gần Antiôkia, rồi tại một ốc đảo bắc Aicập cho tới chết trong sự cố chấp và buồn bực.

Ngay chiều hôm đó, toàn dân thành Êphêsô phấn khởi nô nức thắp đuốc tưng bừng, rực sáng, tổ chức một cuộc rước đuốc vĩ đại reo mừng sự vinh thắng của Mẹ Thiên Chúa, và hoan hô các Nghị phụ Công đồng Êphêsô. Họ cũng đem đuốc hộ tống các ngài về đến tận nhà.

Tín điều Mẹ Thiên Chúa do Công đồng Êphêsô long trọng tuyên tín, như một luồng gió xuân tươi mát dịu dàng trào thổi từ Êphêsô sang khắp các miền Alexandria, Constantinopôli, Antiôkia, sang Rôma, khắp Âu châu rồi dần dần ra khắp hoàn cầu. Lòng sùng kính mến yêu Mẹ Maria thêm muôn phần phấn khởi đã được biểu hiện ra nhiều việc sùng mến Mẹ Thiên Chúa: Nhà thờ Đức Mẹ nơi diễn tiến Công đồng Êphêsô đã trở thành Vương cung thánh đường Mẹ Thiên Chúa.

Năm 432, Đức Sixtô III xây cất lại và cung hiến Đền thờ Đức Bà Cả trên đồi Esquilinô tại Rôma mà Đức Liberiô xây cất năm 352 cho Mẹ Thiên Chúa, và nâng lên bậc Vương cung thánh đường.

Năm 451, Công đồng Chalceđônia cũng tuyên xưng Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa. Đồng thời, Thánh Pulcheria nữ hoàng Byzantin, kiến thiết hai đền thờ Mẹ Thiên Chúa tại Constantinopôli. Năm 534, Đức Gioan II tuyên nhận Mẹ Maria là Mẹ thật của Thiên Chúa. Năm 553, Công đồng Constantinopôli II tái tuyên nhận tín lý chức phẩm Thiên Mẫu. Từ đó nhiều nhà thờ dâng kính Mẹ Thiên Chúa được xây cất tại Thụy sĩ, Hoà lan, Đức, Anh, và Pháp. Riêng Pháp có năm đền thờ Mẹ Thiên Chúa ở Reims, Coutances, Tours, Poitiers, và Toulouse. Ảnh tượng Mẹ Thiên Chúa cũng được phổ biến khắp nơi, đặc biệt là ảnh Mẹ Thiên Chúa do Thánh Luca minh hoạ. Tới nay rất nhiều hoạ sĩ vẽ ảnh hay nghệ sĩ tạc tượng Mẹ Thiên Chúa với nhiều kiểu, theo nhiều văn hoá dân tộc tuyệt đẹp. Và các Thánh tiến sĩ các nhà thần học, các Đức Giáo hoàng liên tiếp rao giảng và chúc tụng Mẹ Thiên Chúa.

Năm 1215, Công đồng Lateranô IV tuyên nhận Chức phẩm trinh trong Mẹ Thiên Chúa. Năm 1427 trong một bài giảng, Thánh Bênađinô đọc lời cầu nguyện: “Ave Maria Jesus, Sancta Maria, Mater Dei, ora pro nobis”. Câu “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử” được đưa vào kinh do các nữ tu Dòng Đức Bà Tình Thương (Our Lady of Mercy) năm 1514, các đan sĩ Dòng Camaldolesia năm 1515 và Dòng Phanxicô năm 1525. Năm 1568, Đức Thánh Piô V chính thức xác định như chúng ta thường đọc ngày nay.

Công đồng Vatican II (1962-1965) dạy: “Từ muôn đời, Đức Trinh Nữ đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa… Đức Trinh Nữ nhờ ơn huệ và vai trò làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ được hợp nhất với Con Mẹ là Đấng Cứu Chuộc và hiệp nhất với Giáo hội.. Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo hội trên bình diện đức tin, đức ái và hoàn toàn hiệp nhất với Chúa Kitô”.

Nhờ Giáo huấn của Giáo hội và lời giảng dạy của các Thánh Giáo phụ, các Thánh tiến sĩ và các nhà thần học, giáo dân trong khắp Giáo hội mỗi ngày thêm vững tin tín điều Mẹ Thiên Chúa và sốt sắng sùng mến Mẹ.

  1. LỊCH SỬ PHỤNG VỤ

Bên Đông phương, lễ Mẹ Thiên Chúa được mừng đầu tiên tại Giêrusalem ngày 15 tháng 8, quãng năm 428, rồi lan sang Armenia và Gethsemania năm 458. Giáo hội Byzantin mừng vào ngày 26 tháng 12, và Giáo hội Coptic mừng vào ngày 16 tháng Giêng.

Bên Tây phương, tại Rôma, thoạt tiên lễ Giáng sinh cũng là lễ Đức Trinh Nữ là Mẹ Thiên Chúa, vì khi hạ sinh Con Thiên Chúa trong xác thể, Đức Trinh Nữ cộng tác vào việc Thiên Chúa sinh ra Con Một Người từ muôn thuở. Bởi vậy thế kỷ XII, lễ Giáng sinh ban ngày được mừng trọng thể tại đền thờ Đức Bà Cả ở Rôma. Theo Dom Botte, khoảng từ năm 600, lễ Đức Mẹ đầu tiên chính thức trong Phụng vụ Rôma là lễ ngày mồng một tháng Giêng là ngày tuần tám lễ Giáng sinh, nên Đức Bênêđictô XIV ấn định mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép cắt bì. Và lễ Đức Mẹ được dời vào tháng Tám. Nhiều nơi mừng vào Chúa nhật IV mùa Vọng hay ngày 18 tháng 12.

Thế kỷ VII, Giáo hội Tây Ban Nha theo sắc lệnh Công đồng Toleđô năm 656 mừng lễ Mẹ Thiên Chúa ngày 18 tháng 12 trước lễ Giáng sinh tám ngày. Giáo hội Milan mừng Mẹ Maria chịu thai trinh vẹn vào ngày thứ tư bốn mùa tháng 12. Năm 1751, tại Bồ Đào Nha, lễ Mẹ Thiên Chúa được Đức Bênêđictô XIV ban phép mừng vào Chúa nhật thứ nhất tháng 5. Năm 1914, nhiều giáo phận và nhiều dòng tu được mừng vào ngày 11 tháng 10.

Năm 1931, để kỷ niệm 15 thế kỷ Công đồng Êphêsô tuyên tín Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, Đức Piô XI ban hành thông điệp “Lux Veritatis” diễn giải tín lý Nhập Thể, do đó Đức Trinh Nữ Maria trở nên Mẹ Thiên Chúa. Đức Piô XI còn truyền dạy mừng lễ Mẹ Thiên Chúa trong khắp Giáo hội vào ngày 11 tháng 10.

Năm 1962, Đức Gioan XXIII khai mạc Công đồng Vatican II vào chính lễ Mẹ Thiên Chúa ngày 11 tháng 10 để trao phó công cuộc đại sự này trong tay Thiên Mẫu vạn năng của Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ Giáo hội. Trước năm 1969 ngày mồng một tháng Giêng kính Chúa Giêsu chịu phép cắt bì. Năm 1969 trong chiều hướng canh tân Phụng vụ, Đức Phaolô VI đã đổi lễ Mẹ Thiên Chúa sang ngày 1 tháng Giêng.

III. Ý NGHĨA PHỤNG VỤ

Đức Phaolô VI đặt lễ Mẹ Thiên Chúa vào ngày mồng một tháng Giêng đầu năm dương lịch, để tôn vinh Mẹ là Nữ Vương thời gian, cũng như Đức Piô XII đã đặt lễ Mẹ Nữ Vương vào ngày 22 tháng 8 để tôn vinh Mẹ là Nữ Vương không gian.
* Về không gian, Mẹ Maria là ngôi sao sáng soi khắp vũ trụ, làm bừng sáng các tầng trời và chiếu toả các âm phủ (Thánh Bênađô), vì Mẹ cao sang giáp giới tuyến vô biên Thiên Chúa (Thánh Tôma). Là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ được tham dự quyền thống trị với Chúa. Là Mẹ Chúa Kitô Vua vũ trụ, Mẹ được thông phần vương quyền của Người để được tôn phong là Nữ Vương vũ trụ. Mẹ hấp thụ tất cả các ơn Chúa. Ân sủng không nhỏ giọt trên Mẹ, nhưng trào đổ trên Mẹ như một trận mưa dạt dào (Thánh Tôma). Do đó, Mẹ Maria thật là Nữ Vương không gian.

* Về thời gian, Vương quyền của Mẹ Maria đã có trong thánh lệnh muôn đời của Thiên Chúa trước khi đất trời được tạo thành (xem Cn 8:22-29). Trong thời gian, Vương quyền của Mẹ bừng sáng ngay từ thuở ban sơ, qua lời Thiên Chúa tuyên án con Rắn già hoả ngục: “Người Nữ sẽ đạp giập nát đầu mày” (St 3:15). Qua các thời đại, Mẹ vẫn giao chiến chống lại các bè rối, và Mẹ sẽ chiến thắng con Rồng đỏ trong ngày thế mạt (xem Kh 12:1-17). Vương quyền Mẹ sẽ kéo dài vô cùng tận, vì là Mẹ Chúa Kitô, Mẹ được tham dự vương quyền vô tận của Ngài (Lc 1:33) và tham dự thế lực cầu bầu của Ngài . Do đó, Mẹ Maria thật là Nữ Vương thời gian.

Thiên Chúa hằng hữu vô biên siêu thời gian. Ngài nâng Mẹ Maria là một thụ tạo hữu hạn lên, thông ban ưu phẩm siêu thời gian của Ngài để đem thánh lệnh cứu rỗi muôn thuở của Ngài vào thời gian, và do đó, đem Chúa Ngôi Hai hằng hữu siêu thời gian vào thời gian. Thiên Chúa thông ban cho Mẹ ưu phẩm siêu thời gian của Ngài, cho Mẹ được thông phần bản tính phong phú của Ngài, để Mẹ trở nên Mẹ Chúa Kitô, được thông phần bản tính tình yêu của Ngài và trở nên Mẹ các chi thể Chúa Kitô là chính chúng ta (Đức GM Bossuet). Mẹ Maria được Thiên Chúa vô biên ban cho chức phẩm Thiên Mẫu hầu như vô biên, để Mẹ kéo thiên tính vô biên xuống kết hợp với nhân tính hữu hạn. Mẹ trao nhân tính cho Chúa Ngôi Hai siêu thời gian để Người trở thành Con của Mẹ trong thời gian, và để Người thông ban cho Mẹ ưu phẩm siêu thời gian của Người. Thánh Tôma nói: “Vì là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Maria được chức phẩm như vô cùng do sự kiện Chúa là Thiên Chúa vô biên”.

Được tham dự vào ưu phẩm siêu thời gian của Thiên Chúa, Mẹ Maria đã đưa Chúa Ngôi Hai siêu thời gian vào thời gian là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, để Người cứu chuộc chúng ta, làm cho chúng ta được thông phần ưu phẩm siêu thời gian của Người, được trở nên con cái Thiên Chúa, trở nên em Chúa Giêsu và trở nên con của Mẹ.
Lạy Mẹ Maria yêu dấu! Phẩm chức Thiên Mẫu của Mẹ thật cao quí vì là do tác động của tình yêu: Tình yêu vô biên của Thiên Chúa đã tiền định Mẹ là Mẹ Người, một chức phẩm rất mực cao sang. Thánh Bonaventura nói “Chức phẩm Mẹ Thiên Chúa là một ơn lớn lao nhất được ban cho một thụ tạo. Thiên Chúa có thể dựng nên một thế giới lớn hơn, một thiên đàng lớn hơn, nhưng không thể nâng một thụ tạo cao hơn Mẹ Người”. Tình yêu nồng cháy của Chúa Thánh Linh đã làm cho Chúa Ngôi Hai hiện hoá hữu hình trở nên Con của Mẹ để yêu mến và được mến yêu. Tình yêu đặc biệt của Chúa Con đối với Mẹ là tình yêu thảo hiền từ muôn thuở và sẽ vô cùng tận: Chúa Giêsu luôn luôn là Con của Mẹ, và Mẹ mãi mãi là Mẹ của Chúa. Tình yêu duy nhất của Mẹ qua lời “tuân vâng” đã khiến Mẹ lãnh nhận làm Mẹ Chúa Cứu Thế và Mẹ loài người chúng con. Do đó, Mẹ yêu mến Chúa và yêu thương chúng con với tấm lòng Hiền Mẫu luôn luôn nồng thắm dịu êm và đậm đà, và khuyến khích chúng con phải hết tình thiết tha ngoan thảo yêu mến Chúa và Mẹ.

Chức phẩm Thiên Mẫu của Mẹ quả thật do tình yêu, vì tình yêu, và cho tình yêu, từ các tầng trời xuống khắp trái đất, từ muôn thuở tới muôn thế hệ. Do vậy, Mẹ rất xứng đáng được tuyên phong là Nữ Vương không gian và thời gian.

Trong bài giảng khai mạc ba năm chuẩn bị Đại Năm Thánh 2000, Đức Gioan Phaolô II nói: “Khi làm người, Con Thiên Chúa, Ngôi Lời đồng bản thể với Chúa Cha, đã nhận lấy thời gian của chúng ta trong mọi chiều kích và Ngài hướng thời gian về vĩnh cửu. Thực vậy, vĩnh cửu là chiều kích của Thiên Chúa. Khi nhập thể làm người, Con Thiên Chúa cũng chấp nhận trọn vẹn thời gian của nhân loại, với nhân tính của Ngài, để dẫn con người qua mọi chiều kích của thời gian này hướng về vĩnh cửu, và cho con người được tham dự vào cuộc sống thần linh vốn là gia sản đích thực của Chúa Cha, Chúa Con, và Thánh Linh”.

  1. Ý NGHĨA LỜI CHÚA TRONG THÁNH LỄ

Bài đọc I: Dân số 6:22-27.

Sách này được chọn làm Bài đọc I lễ Mẹ Thiên Chúa vì hai lý do:
1. a) Nhờ mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta được ba lời chúc lành của Chúa Cha (Ds 24, 25, 26);

  1. b) Chúa Con phản ảnh vinh quang Chúa Cha (Dt 1:3);
  2. c) Thánh Linh tỏ ra Chúa Con và chương trình muôn đời của Thiên Chúa (Ga 14:26; 15:26-27; 16:13-15).
  3. Lễ Mẹ Thiên Chúa trùng ngày đầu năm. Người ta chúc mừng nhau mọi phúc lành.

    Bài đọc II: Galata 4:4-7.

Thánh Phaolô trực tiếp nói về Đức Mẹ Maria. Câu 4: “Con Thiên Chúa được sai đến và sinh bởi người nữ” lược tóm lịch sử Cứu rỗi. Lý do là:

  1. Để cứu chuộc những người ở dưới Luật, Con Thiên Chúa cho ta được quyền nghĩa tử của Thiên Chúa.
  2. Thiên Chúa sai Thánh Linh Con Chúa đến trong lòng chúng ta, để chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha, nên chúng ta không còn là nô lệ, nhưng là con, là thừa kế của Người. Thánh Phaolô cho chúng ta thấy rõ chương trình Cứu rỗi của Chúa nhờ Mẹ Maria là Mẹ Đấng Cứu Thế.

Phúc âm: Luca 2:16-21.

Phúc âm trình chiếu cảnh Bêlem trong đêm Giáng sinh để cho thấy Đức Maria là Mẹ Đức Kitô là Thiên Chúa: Được các thiên thần hiện ra loan báo tin mừng Chúa Giáng sinh, các mục đồng hối hả đi tìm gặp Maria và Giuse cùng Hài Nhi nằm trong máng cỏ (2:16). Các mục đồng được loan áo tin mừng đầu tiên vì họ là hạng người hèn kém trong xã hội Do thái thời đó, nhưng tâm hồn họ đơn thật an vui. Họ đã đến, đã gặp gỡ Chúa Hài Nhi, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse. Họ hiểu được lời thiên thần loan báo. Họ đã loan báo tin mừng cho mọi người và vui mừng tôn vinh Thiên Chúa vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe (2:17-21).

L.m. Phêrô, CMC

Anh chị Thụ & Mai gởi

NGUỒN GỐC LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI


NGUỒN GỐC LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

Lễ Mẹ hồn xác lên trời là lễ cổ xưa nhất trong các ngày lễ kính Đức Mẹ được cử hành trong toàn thể Giáo hội.  Toàn thể ở đây được hiểu là bao trùm cả Giáo hội Đông phương, Công giáo lẫn Chính Thống giáo.

Theo truyền thống của Giáo hội Đông phương dành 15 ngày đầu tháng 8 để chuẩn bị cuộc lễ và 15 ngày cuối để tạ ơn.

DUC ME HXLT

Trong những thế kỷ đầu, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời được gọi là lễ Đức Mẹ an giấc.  Ngày lễ đã được mặc cho tất cả sự trang trọng kể từ năm 1950 khi Đức Cố Giáo Hoàng Piô XII định tín việc Đức Mẹ được cất nhắc về trời cả hồn lẫn xác.  Với tín điều này, Giáo hội chỉ công bố long trọng một chân lý vốn đã được các tín hữu Kitô tin từ ngàn xưa tôn kính.  Chân lý đó là: “Thân xác của Người phụ nữ đã trao ban thể xác cho Con Thiên Chúa đã không phải chịu định luật của sự thối rữa.”

Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời không những là lễ cổ xưa nhất về Đức Mẹ.  Nhưng ngày 15-8 hằng năm còn có một ý nghĩa rất đặc biệt.  Đa số ngày tháng của các ngày lễ trong Kitô giáo đều bắt nguồn từ những ngày lễ ngoại giáo.  Lễ Giáng sinh chẳng hạn, không gì khác hơn là lễ của thần mặt trời của đế quốc La-mã được rửa tội lại theo Kitô giáo mà thôi.

Đây không phải là trường hợp của Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.  Đế quốc La-mã vốn dành ngày đầu tháng tám để tôn vinh hoàng đế.  Trong khi đó lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời được cử hành vào ngày 15-8.  Như vậy lý do chọn ngày 15-8 để cử hành lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời không bắt nguồn từ đế quốc La-mã, mà từ chính Giêrusalem cổ.

Trước thời hoàng đế Constantinope, trong ngày này đã diễn ra một cuộc lễ trong nhà thờ, trên núi cây dầu tại Jerusalem.  Truyền thống đã gọi lễ này là lễ Đức Mẹ an giấc.

Trong đế quốc La-mã ngoại đạo, không có bất cứ nguồn gốc nào về ngày lễ này đã đành, mà kể từ đó về sau cũng chẳng có đế quốc nào xóa bỏ, hay thay thế được lễ này.  Những cố gắng vô ích của một hoàng đế Napoléon của Pháp là một bằng chứng.

Ngày 15-8-1769 tại Ajaccio đảo Corse chào đời một đứa bé mà cha mẹ đã đặt cho một tên hiếm có là Napoléon.  Nếu ngày 15-8-1637 vua Louis XIII đã ban hành một sắc lệnh để đặt toàn nước Pháp dưới sự che chở của Mẹ Maria, thì năm1806 sau khi đã đăng quang làm hoàng đế của nước Pháp và khắp Âu Châu.  Napoléon tước đoạt mọi danh dự dành cho Mẹ Thiên Chúa, để biến thành một ngày lễ dành riêng cho ông.

Sinh trùng vào ngày 15-8, Napoléon bắt toàn dân nhớ đến ngày sinh của ông là điều dễ hiểu, là ngày được cha mẹ đặt tên cho là Napoléon.  Ông đã cố lục lọi trong danh sách các thánh trong Giáo hội tìm cho bằng được một vị thánh có tên là Napoléon.

Với sự đồng ý của một vị giám mục cung đình, ông đã tìm được mục danh sách các vị tử đạo Rôma, trong đó có một vị tên là Néopoli.  Không rõ do những lèo lái như thế nào mà cuối cùng cả triều đình của ông đều đồng thanh nhận á thánh Néopoli với tên gọi Napoléon của ông.  Vậy là ngày 15-8 không những là ngày sinh nhật của ông mà còn là ngày lễ bổn mạng của ông nữa.

Danh dự đã dành cho Mẹ Thiên Chúa được ông hoàng đế này đương nhiên chiếm đoạt.  Tại Roma, Đức Giáo Hoàng Piô VII tuyên bố rằng: “Việc quyền bính thế tục thay thế việc tôn kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời bằng việc tôn kính một vị thánh không có tên trong lịch Phụng vụ là điều không thể chấp nhận được.”

Đây là một hành động xen lấn không thể dung thứ và chấp nhận được, không thể lấy thế quyền thay cho thần quyền.  Nhưng vì những hành động của bạo chúa Napoléon quá tàn nhẫn, cho nên bức kháng thư đã không được công bố.  Tột cùng hành động ngang ngược của Napoléon là ra lệnh đưa Đức Giáo Hoàng về giam giữ tại Fontainebleau bên Pháp.

Dĩ nhiên, rồi cuối cùng Trái Tim Mẹ vẫn thắng, sự cáo chung của đế quốc do Napoléon dựng nên cũng chấm dứt việc chiếm đoạt danh dự dành cho Mẹ Maria.  Vị thánh Napoléon được Napoléon tự phong cũng tự ý rút lui để trả ngày 15-8 lại cho Mẹ Thiên Chúa.  Điều kỳ diệu mà Mẹ Maria đã thực hiện là việc tôn kính vị thánh Napoleon do những kẻ dua nịnh bịa đặt ra hơn là đòi hỏi của lịch sử đã để lại một hậu quả không lường được.  Đó là kể từ ngày đó 15-8 hằng năm đã biến thành một ngày lễ buộc trên toàn nước Pháp.

Trên đây là một trong những ví dụ cho thấy những sự vụng về kỳ lạ của lịch sử, qua đó người ta thấy được sự hiện diện kín đáo nhưng vô cùng hữu hiệu của Mẹ Thiên Chúa.  Kẻ quyền thế muốn tước đoạt danh dự của Mẹ Maria đã bị hạ xuống khỏi tòa cao, như Mẹ đã tiên báo trong kinh Magnificat.

Ngày nay sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, nước Pháp vẫn tiếp tục đóng cửa nghỉ ngày 15-8 để tôn vinh Mẹ Maria.  Danh vọng hão huyền mà một hoàng đế Napoléon đeo đuổi bằng cách hạ bệ Mẹ Thiên Chúa đã không kéo dài quá tám năm.  Kể từ tháng 3-1814 sau khi hoàng đế Napoléon thoái vị và bị đày ra đảo Sante Hélène để sống những ngày còn lại của ông.  Trong ăn năn sám hối, tên tuổi của ông vẫn được tiếp tục nhắc đến như một thiên tài cũng có, mà như một kẻ ngông cuồng thì nhiều hơn.

Trong khi đó Mẹ Maria vẫn tiếp tục ngự trị trong lòng người dân Âu châu, mặc dù họ có muốn tục hóa đến đâu đi nữa, thì trong lịch sử hàng năm của họ vẫn còn những dấu ấn không bao giờ tàn phai của Mẹ Thiên Chúa.  Mãi mãi như Mẹ đã tiên báo trong kinh Magnificat: “Từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi là người có phúc.”

Sưu tầm

From: Langthangchieutim

NHẬN DIỆN ĐỨC KITÔ

NHẬN DIỆN ĐỨC KITÔ

 ĐTGM Ngô Quang Kiệt

DUC KITO

Đức Kitô là ai?  Đó là câu hỏi sẽ còn làm nhiều người thuộc nhiều thế hệ băn khoăn thắc mắc.  Có rất ít người, kể cả những môn đệ thân tín, dù đã quyết tâm theo Người, thực sự hiểu Người cho đúng.

“Mesiah” trong tiếng Do thái và “Kitô” trong tiếng Hi lạp có nghĩa là Đấng Được Xức Dầu.  Là Đấng được Thiên Chúa sai đến.  Là Đấng dân Do Thái mong đợi.  Nhưng Đấng Kitô thực sự như thế nào, sẽ sống như thế nào và sẽ làm gì thì vẫn còn trong vòng mơ hồ.  Tuy nhiên đa số người Do Thái ước mơ Đấng Kitô đến để khởi đầu một thời kỳ mới, đưa nước Do Thái lên vị trí bá chủ thế giới.  Người sẽ trở thành vị Chúa Tể thống trị khắp địa cầu.

Chính vì thế, hôm nay Chúa Giêsu muốn các môn đệ hiểu Người cho đúng.  Thoạt tiên Chúa hỏi các ông về luồng dư luận.  Nhất là sau phép lạ hóa bánh ra nhiều.  Quả nhiên mọi người đều công nhận Chúa Giêsu là một tiên tri vĩ đại.  Nhưng chưa có ai dám quả quyết Người là Đấng Kitô.  Chúa hỏi thêm về ý kiến của các môn đệ thân tín.  Phêrô đại diện anh em tuyên xưng: “Thày là Đấng Kitô của Thiên Chúa.”  Chúa Giêsu hài lòng về lời tuyên xưng ấy.  Tuy nhiên khi tuyên xưng, Phêrô vẫn chưa thật sự hiểu Đấng Kitô có nghĩa là gì.  Có lẽ ông còn chịu ảnh hưởng của đám đông nghĩ đến một Đấng Kitô oai nghi, vinh quang và quyền lực.  Vì thế Chúa Giêsu đã phải giải thích cho các môn đệ hiểu biết con đường của Người.

 

Trước hết, Chúa Giêsu “nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.”  Không được nói cho họ biết Người là Đấng Kitô.  Vì họ chưa hiểu Đấng Kitô là gì.  Họ có thể tôn vinh Người lên làm vua.  Như họ đã muốn làm thế sau khi Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều.  Như thế là sai đường lối của Chúa.  Và có thể làm hỏng kế họach của Chúa.

 Sau đó Chúa bày tỏ cho các môn đệ biết con đường thực sự mà Đấng Kitô phải đi là con đường đau khổ: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”  Đó là con đường tủi nhục.  Con đường khổ nạn.  Con đường chết chóc.  Nhưng sau tủi nhục sẽ đến vinh quang.  Sau khổ nạn sẽ là hạnh phúc.  Sau chết chóc là phục sinh.  Đó không phải là con đường vinh quang trần thế, nhưng là con đường nhỏ hẹp thiêng liêng.  Nhưng đó chính là con đường dẫn đến hạnh phúc đích thực.

Rồi Chúa nói với các môn đệ: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.  Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”  Muốn theo chân Chúa, các môn đệ không thể đi con đường nào khác con đường của Chúa.  Phải đi vào con đường hẹp để dẫn đến Nước Trời.  Đi vào con đường đau khổ để đến vinh quang.  Vượt qua cái chết để đến sự sống.

Bây giờ ta đã hiểu Đấng Kitô thực sự là gì.  Bây giờ ta đã hiểu con đường của Đấng Kitô phải đi là con đường nào.  Và ta cũng đã hiểu muốn theo Chúa ta phải đi vào con đường nào.  Nhận diện Đấng Kitô đã khó.  Đi vào con đường của Người còn khó hơn.  Ta hãy xin Chúa ban cho ta được sức mạnh để đi theo con đường Chúa đã đi.  Chính con đường đó dẫn ta đến hạnh phúc đích thực.

 ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Langthangchieutim gởi

MUÔN HOA DÂNG MẸ

MUÔN HOA DÂNG MẸ

Tháng Năm tươi thắm muôn hoa,
Vàng hồng trắng đỏ, đậm đà sắc hương.
Lòng thành, tin cậy mến thương,
Trước nhan thánh Mẹ, khiêm nhường tiến dâng.

DUC ME

Mỗi dịp tháng năm về, các Nhà thờ rộn rã mùa dâng hoa kính Đức Mẹ.  Phụng vụ Mùa Hoa tưng bừng nhộn nhịp với nhiều thể loại phong phú Rước hoa và Dâng hoa tuỳ mỗi tập quán mỗi đặc trưng văn hóa địa phương.  Những bài ca dâng Mẹ ngân nga khắp nơi.  Ca khúc “Đây Tháng Hoa” của Nhạc sĩ Duy Tân, có lẽ ai cũng thuộc lòng.

Đây tháng hoa, chúng con trung thành thật thà.  Dâng tiến hoa, lòng mến dâng lời cung chúc.  Hương sắc bay, tỏa ngát nhan Mẹ diễm phúc.  Muôn tháng qua, lòng mến yêu Mẹ không nhòa.

– Đây muôn hoa đẹp còn tươi thắm xinh vô ngần.  Đây muôn tâm hồn bay theo lời ca tiến dâng.  Ôi Maria, Mẹ tung xuống muôn hoa trời.  Để đời chúng con đẹp vui, nhớ quê xa vời.

– Muôn dân trên trần mừng vui đón tháng hoa về.  Vang ca tưng bừng ngợi khen tạ ơn khắp nơi.  Ánh hồng sắc hương càng tô thắm xinh nhan Mẹ.  Sóng nhạc reo vang tràn lan đến muôn muôn đời.

Nói tới hoa là nghĩ về một kỳ công của Thiên Chúa.  Hoa muôn màu muôn sắc, hoa tươi xinh, hoa thơm ngào ngạt.  Hoa tô thắm vũ trụ nên xinh tươi.  Hoa mời gọi ong bướm đến hút mật.  Hoa khoe sắc thắm, nhoẻn cười với con người.  Lời của hoa thật dịu huyền giữa thiên nhiên.  Hoa hòa vào lòng người dâng lời cảm tạ Thiên Chúa.

Loài hoa nào cũng đẹp.  Loài hoa nào cũng gởi cho ta một sứ điệp yêu thương. “Hoa Hướng Dương biểu trưng cho mặt trời toả sáng, sưởi ấm lòng người.  Hoa Mười Giờ gởi ta một tình yêu thuỷ chung, son sắt.  Dù đời em chỉ toả sáng lúc mười giờ, nhưng trọn đời em vẫn yêu thương.  Thật vấn vương khi nhắc đến loài Hoa Phượng.  Loài hoa gợi ta nhớ lại những phút giây vui đùa trên sân trường thuở nhỏ, một tuổi thơ mơ tiên, hồn nhiên, trong trắng, thơ ngây, tuổi ô mai, tuổi vấn vương, tuổi học trò.  Màu hoa tươi tắn là tình yêu chan chứa cho cuộc đời khô cằn nắng cháy và cũng là ước nguyện, sức sống cho tương lai.  Hoa Lưu Ly là lời tha thiết yêu thương “xin đừng quên tôi.”  Cuộc đời là muôn đời liên kết “xin đừng quên tôi” hỡi người tôi yêu!  Đó phải chăng là những ai còn nhớ và những ai đã quên, nhất là khi ta vắng mặt sau cuộc đời trần thế.” (Sứ điệp loài hoa, trg 11.)

Hoa đã trở thành bạn thân thiết với con người.  Khi vui người ta tặng hoa để chúc mừng nhau.  Khi buồn người ta cũng trao gởi lẳng hoa như trao gởi tấm lòng đồng cảm thân thương.  Hoa khích lệ lòng người.  Hoa hướng con người nhớ tới Đấng tạo hoá đã xoay vần vũ trụ bốn mùa xinh tươi.  Hoa mơn man lòng người đau khổ.  Hoa khích lệ những ai thất bại.  Hoa chúc mừng những ai chiến thắng.  Hoa ca vang kỳ công kiệt tác của Thiên Chúa.  Đôi khi, chỉ một cánh hoa đủ trào dâng lòng mến của Thánh Têrêxa Hài Đồng.  Nhiều lần, một dàn hoa làm tâm hồn Thánh Phanxicô ngây ngất tình Chúa.

Lắng nghe tiếng nói huyền diệu của hoa, Thánh Bênađô biết được tâm trạng của hoa.  Chẳng hạn, hoa Hồng giàu lòng yêu mến.  Hoa Huệ biểu tượng đức Khiết trinh, hoa Tím là duyên đức đoan trang khiêm tốn.  Thánh nhân ca ngợi các nhân đức Đức Mẹ qua ý nghĩa các loài hoa.  Hoa Hồng đức mến, hoa Huệ đức Khiết trinh, hoa Tím đức Khiêm nhường.  Đức Mẹ là hoa Huệ khiết trinh.  Đức Mẹ là hoa Hồng yêu mến.  Hương thanh khiết và tình yêu của Mẹ đã làm cho mùa xuân trần gian được hồi sinh. Ơn cứu độ được ban tặng cho trần đời nhờ hoa lòng của Mẹ hằng đẹp lòng Thiên Chúa.
Sứ Thần Gabriel đã cung kính thưa với Mẹ rằng: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng bà!” (Lc 1, 28).  “Ðấng đầy ơn phước” là tên gọi đẹp nhất của Mẹ Maria, tên gọi mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ, để chỉ cho biết rằng từ muôn thuở và cho đến muôn đời, Đức Mẹ được yêu thương, được Thiên Chúa tuyển chọn.  Đức Mẹ tuyệt đẹp vì không vương vấn tội, vẻ đẹp của sự thánh thiện vô tỳ tích, một vẻ đẹp không chỉ do con người nỗ lực thanh tẩy mà còn do ân sủng Thiên Chúa trao ban.
Tháng Năm về, mỗi lần thưởng thức hương hoa, ta hãy hướng về Đức Mẹ, xin Mẹ tỏa hương thiên đàng của người, ấp ủ ta thành những đóa hoa tươi thắm của Mẹ.  Mỗi khi hái hoa dâng tiến Đức Mẹ, ta hãy mượn hương sắc và lời huyền diệu của hoa để ca tụng hoặc cầu xin người.  Dâng hoa Hồng, xin Mẹ cho ta được yêu mến Mẹ nhiều hơn.  Dâng Hoa Huệ, ta ca ngợi đức khiết trinh của Mẹ.  Xin Mẹ lấy hương huệ trinh nguyên của hồn Mẹ ướp hồn ta nên trong trắng.

Tháng Năm về, mỗi tín hữu yêu mến Hoa Mân Côi cách đặc biệt hơn.  Hoa Mân Côi là sứ điệp Yêu Thương, sứ điệp Ơn Cứu Độ, là kinh nguyện Phúc Âm được kết dệt từ các mầu nhiệm chính trong đạo: Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, Mầu Nhiệm Cuộc Đời Dương Thế, Vượt Qua và Thăng Thiên, được suy gẫm qua 20 Mầu Nhiệm “Hoa Mân Côi”: Năm Sự Vui, Năm Sự Sáng, Năm Sự Thương, Năm Sự Mừng.

Mỗi khi cất lên lời kinh: Kính mừng Maria đầy Ơn Phước… là chúng ta kết thành Hoa Mân Côi kính dâng Mẹ.  Từ trời cao, Đức Mẹ mừng vui và ban muôn ơn lành cho đoàn con cái sốt mến thành tâm hướng về Mẹ.

Ở thành Nancêniô bên nước Pháp, có một gia đình trung lưu.  Vợ đạo đức, chồng hiền lành nhưng khô khan.  Vợ luôn cầu xin Chúa mở lòng cho chồng sửa mình, nhưng chồng cứng lòng mãi.

Năm ấy, đầu tháng Hoa Đức Mẹ, bà sửa sang bàn thờ để mẹ con làm việc tháng Đức Mẹ.  Chồng bà bận việc làm ăn, ít khi ở nhà, và dù ông ở nhà cũng không bao giờ cầu nguyện chung với mẹ con.  Ngày lễ nghỉ không bận việc làm thì cũng đi chơi cả ngày, nhưng ông có điều tốt là khi về nhà, bao giờ cũng kiếm mấy bông hoa dâng Đức Mẹ.

Ngày 15 tháng 6 năm ấy, ông chết bất thình lình, không kịp gặp linh mục.  Bà vợ thấy chồng chết không kịp lãnh các phép đạo, bà buồn lắm, nên sinh bệnh nặng, phải đi điều trị ở nơi xa.  Khi qua làng Ars, bà vào nhà xứ trình bày tâm sự cùng cha xứ là cha Gioan Maria Vianey.

Ngài là người đạo đức nổi tiếng, được mọi người xem là vị thánh sống.  Bà vừa tới nơi chưa kịp nói điều gì, cha Vianey liền bảo:

– Đừng lo cho linh hồn chồng bà.  Chắc bà còn nhớ những bông hoa ông vẫn đem về cho mẹ con bà dâng cho Đức Mẹ trong tháng Hoa vừa rồi chứ?

Nghe cha nói, bà hết sức kinh ngạc, vì bà chưa hề nói với ai về những bông hoa ấy, nếu Chúa không soi cho cha, lẽ nào người biết được?

– Cha Vianey nói thêm: Nhờ lời bà cầu nguyện và những việc lành ông ấy đã làm để tôn kính Đức Mẹ, Chúa đã thương cho ông ấy được ăn năn tội cách trọn trong giờ chết.  Ông ấy đã thoát khỏi hỏa ngục, nhưng còn bị giam trong luyện ngục, xin bà dâng lễ, cầu nguyện, làm việc lành thêm cầu cho ông chóng ra khỏi nơi đền tội nóng nảy mà lên Thiên đàng.  Nghe xong lời cha Vianey, bà hết sức vui mừng tạ ơn Đức Mẹ.  (trích từ: Sách Tháng Đức Bà, Hiện Tại xuất bản, 1969, trg 10).

Chỉ có mấy bông hoa nhỏ dâng kính Đức Mẹ mà người đàn ông khô khan ấy cũng được Đức Mẹ ban ơn cứu rỗi lớn lao như vậy.  Trong cuộc hành hương nội tâm hay lữ hành nơi dương thế, chúng ta tin có Mẹ Maria luôn cầu bầu che chở, yêu thương nâng đỡ.  Chúng ta nhìn lên Mẹ như mẫu gương của bậc thầy lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa.  Hãy luôn vững lòng cậy trông với niềm tin yêu.  Đức Mẹ hằng yêu thương phù trợ mỗi người chúng ta.
Trong tháng Năm này, chúng ta tham dự những buổi dâng Hoa, rước kiệu, lần hạt Mân Côi… dâng lên Mẹ những hoa tin, cậy, mến, hi sinh, đau khổ, bệnh tật… chắc sẽ được Đức Mẹ ban nhiều ơn lành.  Mẹ thích những bông hoa Xanh của lòng cậy, hoa Đỏ của lòng mến, hoa Trắng của lòng trong sạch, hoa Tím của hy sinh hãm mình, hoa Vàng của niềm tin, hoa Hồng của tình yêu sắt son chung thủy.

Xin dâng lên Mẹ hoa Trắng của sự trinh trong, xin Mẹ giúp chúng con gìn giữ tâm hồn luôn trong trắng, thánh thiện.  Xin dâng lên Mẹ hoa Xanh của niềm cậy trông và hy vọng, xin đừng để chúng con thất vọng chùn bước trước bất cứ khó khăn nghịch cảnh nào của cuộc sống.  Xin dâng lên Mẹ hoa Vàng của niềm tin kiên vững, xin Mẹ dạy chúng con sống phó thác tin tưởng vào tình thương và sự quan phòng của Chúa như Mẹ.  Xin dâng lên Mẹ hoa Hồng của lòng yêu mến, xin Mẹ dạy chúng con biết yêu Chúa hết lòng và yêu anh chị em mình như Chúa đã yêu chúng con.  Xin dâng lên Mẹ hoa Tím của những đau khổ, bệnh tật, thất bại, xin Me dạy chúng con biết vui lòng chấp nhận Thánh Giá Chúa gởi đến để trung thành bước theo Đức Kitô, Con của Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, những đoá hoa lòng đơn sơ, chân thành nhưng đượm tình yêu mến, chúng con xin dâng lên Mẹ, xin Mẹ thương nhận lấy và chúc lành cho chúng con.  Amen!

LM Giuse Nguyễn Hữu An

MẸ THIÊN CHÚA MẸ NHÂN LOẠI

MẸ THIÊN CHÚA MẸ NHÂN LOẠI

Tuyết Mai

Chúng ta con cái dưới trần cộng lại cũng không sao tả hết sự thánh thiện, tốt lành và sáng ngời của Mẹ Maria nhất là tình yêu thương Mẹ dành cho con cái của Mẹ thì luôn bao la diệu vợi.

Thiên Chúa tác tạo ra Mẹ cách riêng rất đặc biệt là Mẹ vô nhiễm nguyên tội, tuyệt hảo cùng tuyệt vời rất xứng đáng để làm Mẹ Thiên Chúa nên Người rất yêu thương, trân quý, chìu chuộng và rất nâng niu có nghĩa không gì Mẹ khẩn cầu mà Thiên Chúa làm ngơ cho được.   Cũng do đó mà Mẹ Maria của chúng ta Mẹ rất nhọc lòng và đau khổ với đàn con hư hỏng tội lỗi của Mẹ.

Chớ thì con cái của Mẹ dưới trần có phải đang chém giết lẫn nhau đấy không?.   Chớ thì bao nhiêu thai nhi hằng năm cứ bị cha mẹ chúng giết chết mà ngay cả một tiếng khóc chào đời cũng không được nghe thấy đấy không?.   Rồi thì con người dần làm cho trái đất ngày một biến dạng, xấu đi vì thải ra vô số độc tố mà con người ngày càng bị nhiễm nhiều chứng bệnh lạ mà khoa học chưa kịp tìm ra được loại thuốc để trị liệu hay hủy diệt được những vi khuẩn ung thư rất mới mẻ này.

Nhưng dẫu sao thì ai ai cũng chỉ có một đời để sống và để chết, cái quan trọng là Linh Hồn sống đời của chúng ta kìa mới là đáng kể như ngay hiện nay có ai tưởng tượng được con số Linh Hồn hiện đang bị giam cầm nơi Luyện Ngục là bao nhiêu mà không là nhiều nhiều lắm, thưa có phải?.

Hầu hết người Kitô hữu chúng ta đều hiểu được rằng không gì quan trọng và thiết yếu cho bằng là có được sự sống ở đời sau và là đến được một thế giới mới nơi không còn có Sinh, bệnh, lão, tử và càng không có những thân xác có giòi bọ hay vi khuẩn làm cho ta chết nữa được.

Ôi sung sướng là nhường bao khi tất cả chúng ta đều có được người Mẹ luôn luôn bảo bọc con cái của mình.   Do đó mà chúng ta rất cần tôn sùng và siêng năng chạy đến cùng Mẹ liên, để được Mẹ yêu thương gìn giữ xác hồn cho đến giờ lâm tử.   Nhưng cái khổ trong nhiều người chúng ta là hiện đang cố gắng để tích góp mà quên sống cuộc sống ngay lành.

Mà người thích tích góp của cải thì lại đi ngược với đường lối dạy dỗ của Thiên Chúa vì người khổ công tích góp của cải thường sống xa Chúa xa Mẹ, dị ứng với Giới Răn sống yêu thương của Thiên Chúa mà chúng quỷ dữ xui khiến cho chúng ta chọn cách sống ấy và chúng đã thành công!?.

Chúng ta là những con người vô cùng may mắn vì có được Mẹ Maria là Mẹ rất yêu dấu của chúng ta và vì Mẹ luôn làm phép lạ để nhắc nhở con cái Mẹ là Mẹ luôn có mặt và luôn ở gần bên nhất là những con cái siêng năng đọc kinh Mân Côi.   Càng đọc nhiều thì Mẹ càng biết con cái Mẹ hiện đang ở đâu, được Mẹ nối kết và đem chúng ta đến gần bên Thiên Chúa hơn.   Amen.

Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

Tháng 10 Kính Đức Mẹ Mân Côi

 Tháng 10 Kính Đức Mẹ Mân Côi

Tháng 10 được dành để tôn kính Đức Mẹ Mân Côi.  Ngày 7 tháng này được giáo hội mừng kính Đức Mẹ Mân-côi.

Theo miêu tả của tu sĩ Alan de la Roch, Dòng Đa Minh (Dominic) thế kỷ XV, Đức Mẹ đã hiện ra với thánh Đa Minh năm 1206 sau khi thánh nhân cầu nguyện và sám hối vì đã không thành công trong việc chống tà thuyết Albigensianism (*).

Đức Mẹ đã khen ngài về sự chiến đấu anh dũng của ngài chống lại tà thuyết và trao cho ngài Chuỗi Mân Côi làm vũ khí phi thường, đồng thời giải thích cách sử dụng và hiệu quả của Chuỗi Mân Côi.  Đức Mẹ bảo thánh Đa Minh rao truyền Chuỗi Mân Côi cho những người khác.

HOLY ROSARY OF VIRGIN MARY

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Kinh Mân Côi có nguồn gốc từ chính Thiên Chúa, từ Kinh thánh, và từ Giáo hội.  Không lạ gì khi Chuỗi Mân Côi gần gũi với Đức Mẹ và mạnh mẽ đối với Nước Trời.   Rất nhiều lần Đức Mẹ hiện ra đều cho thấy tay Mẹ cầm chuỗi tràng hạt Mân Côi.

Rất nhiều người đã được ơn từ việc lần Chuỗi Mân Côi.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng thường xuyên lần Chuỗi Mân Côi khi ngài đi bách bộ.  Nếu xem lại lịch sử, chúng ta thấy có nhiều chiến thắng nhờ Chuỗi Mân Côi.  Truyền thống ban đầu đã có chiến thắng tà thuyết Anbi tại trận Muret năm 1213 nhờ Chuỗi Mân Côi.

Dù không muốn chấp nhận truyền thống đó thì cũng phải chân nhận rằng thánh Giáo-hoàng Piô V đã góp phần chiến thắng đội quân Thổ Nhĩ Kỳ vào Chúa Nhật đầu tháng 10 năm 1571.  Ngay thời điểm đó có Hội Mân Côi (Rosary confraternities) tại Rôma và những nơi khác.  Do đó, thánh Giáo-hoàng Piô V đã truyền phải tôn kính Kinh Mân Côi vào chính ngày đó.

Năm 1573, Đức Giáo-hoàng Grêgôriô XIII công bố việc mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi tại các nhà thờ có bàn thờ dâng kính Đức Mẹ Mân Côi.

Năm 1671, Đức Giáo-hoàng Clêmentô X mở rộng lễ này trên toàn cõi nước Tây Ban Nha sau chiến thắng anh dũng lần thứ hai trên người Thổ Nhĩ Kỳ, những người đã có lần (cũng như người Nga) đe dọa phá hủy văn minh Kitô giáo, xảy ra vào ngày 5-8-1716, khi hoàng tử Eugene đánh bại họ tại Peterwardein (Hungary).

Do đó, Đức Giáo-hoàng Clêmentô XI mở rộng lễ Đức Mẹ Mân Côi trong toàn Giáo hội.  Từ ngày ấy đến nay, giáo-hội hoàn vũ đặc biệt kính Đức Mẹ Mân Côi vào tháng 10 và tất cả mọi tín hữu có thói quen đua nhau đọc kinh Mân-Côi trong tháng này.

Lm. William G. Most đã viết trong cuốn “Đức Maria trong Đời sống Chúng ta” (Mary in Our Lives) như sau :

      “Ngày nay, các mối nguy hiểm còn lớn hơn người Thổ Nhĩ Kỳ, không chỉ đe dọa Kitô giáo mà đe dọa cả nền văn minh, Đức Mẹ thúc giục chúng ta trở lại với Chuỗi Mân Côi để được giúp đỡ.  Nếu nhân loại đủ số người làm vậy, đồng thời thực hiện các điều kiện khác mà Đức Mẹ đã đưa ra, chúng ta có lý do chính đáng để tin rằng chúng ta sẽ thoát khỏi mọi mối nguy hiểm”.

Nhưng thiết nghĩ chúng ta cần tích cực lần Chuỗi Mân Côi hàng ngày không những vì mong được lợi cho mình, cho gia đình, cho giáo-hội và cho thế giới…mà trước tiên vì lòng yêu mến Chúa và Mẹ Maria chân thành.

(*) Albigensianism: Anbi giáo, một phong trào Kitô giáo được coi là hậu duệ thời trung cổ của Mani giáo (Manichaeism – xem chú thích bên dưới) ở miền Nam nước Pháp hồi thế kỷ XII và XIII, có đặc tính của thuyết nhị nguyên (đồng hiện hữu của hai quy luật đối nghịch là Thiện và Ác). Thuyết này bị kết án là tà thuyết thời Tòa án Dị giáo (Inquisition).

Manichaeism: Mani giáo, hệ thống tôn giáo nhị nguyên do tiên tri Manes (khoảng 216–276) sáng lập ở Ba Tư hồi thế kỷ III, dựa trên vụ xung đột nguyên thủy giữa ánh sáng và bóng tối, kết hợp với các yếu tố của Kitô giáo ngộ đạo (Gnostic Christianity), Phật giáo (Buddhism), Bái hỏa giáo (Zoroastrianism), và các yếu tố ngoại giáo khác. Thuyết này bị chống đối từ phía Hoàng đế La mã, các triết gia phái tân Platon (Neo-Platonist) và các Kitô hữu chính thống.

Sưu Tầm và Tổng Hợp từ bài của Trầm Thiên Thu

KINH MÂN CÔI SẼ ĐẢM BẢO LINH HỒN

KINH MÂN CÔI SẼ ĐẢM BẢO LINH HỒN

Tuyết Mai

Thường thì chúng ta ai nấy rất lơ là với linh hồn sống đời của mình mà chỉ tha thiết tìm có những của chóng qua, chóng tàn, chóng teng sét và nuôi cho béo cái tấm thân hay chết này, thưa có phải?.

Ai cũng hiểu rằng cuộc sống Thế Gian chỉ là tạm bợ nhưng vì cớ gì mà chúng ta luôn sợ và phải bám rịt vào nó? Thưa có phải vì quỷ Satan và bè lũ của chúng luôn muốn chiếm được linh hồn của chúng ta cách dễ dàng là chỉ cần ban phát cho chúng ta những của ăn chóng chết như ở VN hiện nay?.

Có phải vì chúng ta chịu khó cầy ngày không đủ tranh thủ cầy đêm để cho bằng chị bằng em?.   Nào là cho có Iphone6, lap top, xe xịn, tậu nhà một tầng ở cũng đủ nhưng phải cố gắng để cho lên mấy tầng để khoe sự giầu có của mình, v.v… Thì thử hỏi thời giờ đâu mà chúng ta dành cho Chúa cho Mẹ và thời giờ đâu để đọc kinh Mân Côi?.

Thử hỏi xem căn nhà tâm hồn của từng người chúng ta thì nó nhìn giống như gì nhỉ? Nó có nhìn giống như bị bỏ hoang? Màng nhện giăng đầy, chuột bọ, gián và mối mọt chúng tha hồ gặm nhấm?.   Và rồi chẳng mấy chốc căn nhà tâm hồn của chúng ta sẽ sẽ đổ sập cách tan tành, không thể sửa chữa và có thể chết bất đắc kỳ tử được?.

Thế thì có một lúc nào đó chúng ta hết thảy cần phải suy nghĩ và nhìn cách trung thực xem chúng ta có cần lắm để nhìn lại căn nhà tâm hồn của chúng ta hay không? Kẻo nó quá muộn màng và hối không kịp.

Ấy, tháng 10 đã về nhắc nhở hết thảy con cái Mẹ Maria ở khắp cùng hãy trở về cùng Mẹ và Thiên Chúa kẻo sự mê đắm những gì thuộc về Thế Gian, của quỷ Satan mà Nó giống như một con nhện khổng lồ   giăng lưới bắt cột được từng người chúng ta cách quá dễ dàng.   Rồi nó cứ từ từ, ung dung, đủng đỉnh chớ nó không gấp gáp để ăn được miếng thịt tươi mà nó biết rằng miếng mồi ngon ấy chẳng có thể thoát được.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ Mân Côi! Xin thương giúp chúng con là những người con ngu khờ, rất yếu lòng và rất dễ bị dụ.   Xin nhắc nhở chúng con ngày cũng như đêm siêng năng hơn trong việc đọc kinh Mân Côi.   Chỉ duy nhất có thế thì linh hồn chúng con mới có hy vọng được Cứu Rỗi và được sống mãi muôn đời bên Thiên Chúa là Cha, là Con và là Thánh Thần.   Cùng Mẹ Maria rất dấu yêu trên Thiên Đàng.   Amen.

** Xin bấm vào mã số để nghe và hát:
https://www.youtube.com/watch?v=Q2Lv3e3kPzY
(Mẹ Maria, Mẹ Mân Côi)

———————————————-

Mẹ Maria, Mẹ Mân Côi

Lậy Mẹ Maria, Mẹ Nữ Vương!

Chúng con Kính Chào Mẹ!

Tháng Năm Tháng Hoa Đức Mẹ

Con gởi về Mẹ đôi lời kính yêu

Con yêu mến Mẹ thật nhiều

Sao bằng tình Mẹ sớm chiều yêu con

Tình Mẹ cao cả sắt son

Chỉ mong con cái bình an tâm hồn

Dẫu cuộc đời có trôi nổi có bấp bênh

Nhưng con có Mẹ không hề bận tâm

Dầu con chẳng nói thành lời

Có chăng chẳng phải để đời khen con

Mẹ biết con mãi yêu Mẹ!

Tất cả mọi giờ trong ngày của con,

Con vẫn tơ tưởng ngóng về Mẹ luôn

Cuộc đời con bơ vơ từ tấm bé,

Không nhờ ơn Mẹ, nuôi dưỡng con tháng ngày

Làm sao con có, được ngày hôm nay!?

Mẹ yêu con cả sớm chiều

Mẹ theo con suốt cuộc đời của con

Công Cha như núi thái sơn

Nghĩa Mẹ như nước Trên Trời chảy tuôn

Một lòng thờ Chúa tưởng Cha

Ngày đêm chạy đến bên Mẹ nỉ non

Nhờ Mẹ nguyện giúp dùm con

Mai sau diện kiến Tôn Nhan Chúa Trời

Mẹ ơi, tình Mẹ bao la ngút trời

Làm sao nói hết những lời Tạ Ơn

Tháng Năm là Tháng Hoa thiêng

Con dâng lên Mẹ Chuỗi Mân Côi thánh thiện

Mai sau nếu con được về Trời

Là nhờ Ơn Mẹ đỡ lời cho con

Mẹ hằng luôn bênh vực bao che

Bao nhiêu lỗi tội một đời con chất chồng

Cũng là nhờ con nhớ Mân Côi sớm tối

Mẹ ơi! Giờ con còn ở trần gian

Băn khoăn bao nỗi gian truân khốn cùng

Mẹ ơi, hãy thương con cùng

Mẹ thương, trợ giúp, con cưng của Mẹ

Bao nhiêu cám dỗ và thử thách

Mẹ là khiên thuẫn bảo vệ chở che con

Không muốn mai sau con mất linh hồn

Ngày càng xa Chúa nỡ nào Mẹ làm ngơ?

Mẹ ơi! Mẹ hỡi! Mẹ ời!

Con yêu mến Mẹ muôn đời Mẹ ơi!

Con mừng vì Mẹ không giống Mẹ trần gian

Chẳng hề đi đâu hết!

Muôn đời Mẹ mãi ở gần con

Chúng con cảm Tạ Mẹ!

Ngàn đời chúng con tạc ghi.

Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

10-08-2015

Ðức Mẹ làm Gương việc Cầu Nguyện!

Ðc M làm Gương vic Cu Nguyn!

 Ðời Ðức Mẹ là đời cầu nguyện liên lỉ. Lúc thức lúc ngủ, khi vui khi buồn, không lúc nào Ðức Mẹ thôi hướng lòng trí về Thiên Chúa.

CAU NGUYEN

Hồi lên 3 tuổi, Người dâng mình trong đền thờ cho dễ đọc kinh cầu nguyện đêm ngày. Khi Sứ thần truyền tin cũng là lúc Ðức Mẹ đang cầu nguyện. Lúc Chúa Giêsu sống lại đến yên ủi Ðức Mẹ thì cũng là lúc Người đang cầu nguyện. Lại khi Chúa …

Thánh Thần hiện xuống thì Ðức Mẹ cũng đang cùng các tông đồ cầu nguyện nữa.

Thánh Augustinô nói: “Cầu nguyện là chìa khóa mở cửa thiên đàng”. Thánh Anphongso Ligoriô lại quả quyết: “Ai cầu nguyện, sẽ được rỗi linh hồn, ai không cầu nguyện, thì dễ mất linh hồn.” Bà thánh Têrêsa mẹ nói: “Ai không cầu nguyện thì tự mình đi xuống hỏa ngục, không cần ma quỉ nào đẩy nó vào”. Vậy, ta muốn cứu linh hồn mình thì phải noi gương Ðức Mẹ mà cầu nguyện. Cầu nguyện liên, cầu nguyện sốt sắng và theo ý ngay lành.

Buổi sáng ta hãy cầu nguyện, vì lời nguyện lúc này như là của nuôi linh hồn mạnh sức chiến đấu cùng ma quỉ và lập công. Buổi tối, trước khi ngủ ta hãy ép mình đọc kinh để cảm tạ Chúa đã ban ơn giúp sức ta làm việc cả ngày và cũng để xin Người gìn giữ hồn xác ta ban đêm nữa.

Lại mỗi khi gặp khốn khó như: Lúc đau yếu, khi bị ma quỉ cám dỗ khuấy khất, ta hãy đem lòng lên cùng Chúa và Ðức Mẹ. Cầu xin Người thêm sức cho ta được dùng mọi dịp để lập công.

Ôi! Biết bao người giáo hữu ngày đêm bê tha tội lỗi, mê tham của cải, công việc thế tục, lòng trí ra khô khan nguội lạnh không mấy khi nhớ đến Chúa. Ta hãy xét xem đã bao lần ta quên lãng việc đọc kinh cầu nguyện?. Ta hãy thực tình ăn năn và xin Chúa thứ tha.

Lạy Ðức Mẹ, xin Ðức Mẹ giúp chúng con noi gương Mẹ mà siêng năng đọc kinh lần hạt, để đời chúng con được tươi đẹp hơn mà sau này những kinh ấy sẽ kết thành triều thiên cho chúng con trên thiên đàng.

Thánh Tích
Hãy luôn chạy đến cùng Đức Mẹ

Hãy luôn chạy đến cùng Đức Mẹ, đó là câu tóm kết tất cả khoa thần học của Thánh Anphongsô, vị tiến sĩ Hội thánh, đó là trung tâm học thuyết tu đức của thánh nhân vậy.
Khi người đến tuổi già, không còn đủ trí nhớ để nhớ mình đã lần hạt Mân côi chưa, người vẫn hỏi thầy dòng coi bệnh:

– Hôm nay tôi đã lần hạt chưa thầy?

Một hôm thầy ấy nói với người:
– Thưa cha, bao nhiêu tràng hạt cha đã đọc dư ra hôm nay, con xin cha nhường tất cả cho con.

Đấng thánh liền tỏ vẻ mặt nghiêm trang và nói:
– Thầy đừng đùa, thầy không biết rằng phần rỗi đời đời của tôi là nhờ ở tràng hạt Mân côi ư?”

Đó là sự thật tỏ rõ như ban ngày: “Nếu ta luôn luôn chạy đến cùng Đức Mẹ, chắc chắn thế nào ta cũng rỗi linh hồn và nên thánh”.

KinhChaoMe DayOnPhuc