Ta sống mãi với muôn xuân đầm ấm,

Suy Tư Tin Mừng Tuần thứ 17 thường niên năm C 24/7/2016

               Tin Mừng (Lc 11: 1-13)

Một hôm, Đức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:

Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,

Triều Đại Cha mau đến,

                       xin Cha cho chúng con

ngày nào có lương thực ngày ấy;

xin tha tội cho chúng con,

vì chính chúng con cũng tha

cho mọi người mắc lỗi với chúng con,

và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”

Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: “Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả“; mà người kia từ trong nhà lại đáp: “Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.? Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó. “Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao? “

* * * *

“Ta sống mãi với muôn xuân đầm ấm,”

Trong mây kinh và trong gió nguyện-cầu.

Nào trân-châu, nào thanh-sắc cho mau,

Dâng hết cả, thanh-âm dường tu khí.

Hồn ta đây bất-diệt với Hà sa.”

(Dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

 Mai Tá lược dịch.

Xuân đầm ấm – Gió nguyện-cầu – Thanh-âm dường tu-khí, tất cả khiến hồn người thành bất-diệt. Hồn bất-diệt, để sống mãi với muôn Xuân. Có gió, có mây, có lời kinh nguyện-cầu như Lời Chúa dạy rất hôm nay.

Trình thuật, nay Chúa dạy dân con nhà Đạo khi dấn bước theo Ngài, phải biết cách nguyện cầu với Cha. Nguyện những gì? Cầu ra sao? Mong ngóng điều gì cho mai sau, khi đã nguyện, và đã cầu? Vì thế, môn đệ đã  hỏi Ngài: nên cầu nguyện thế nào cho phải cách? Nói những gì trong lời kinh? Và từ đó, ta có lời kinh “Lạy Cha”, rất hợp ý.

Lời kinh hợp ý, thánh Luca ghi, thường gọn ngắn, chỉ 38 chữ. Ít hơn nội dung trình thuật thánh Mátthêu. Ta hẳn biết, hai bản văn của thánh Luca và Mat-thêu về nguyện cầu, cùng xuất từ một bản gốc.

Nhưng, mỗi thánh sử diễn tả “lời cầu hợp ý Cha”, theo cung cách khác nhau mà vẫn đáp ứng nhu cầu của cộng đoàn mình rao giảng. Tựu trung, văn bản thánh Luca ghi vẫn sớm hơn và sâu sát hơn với thời Chúa sống.

Từ đó đến nay, dân con nhà Đạo vẫn cứ nguyện cầu theo lời dặn của Đức Chúa, vào thánh lễ. Cả vào khi lần chuỗi Mân Côi. Tuy nhiên, điều Chúa dạy hôm nay, không đặt nặng nơi lời kinh; mà, vào thực tế của lời cầu.

Lời cầu “Lạy Cha”, nay không là lời thưa gửi ta có với Chúa. Với Thầy. Hoặc, với vị chánh án, ngồi ở toà. Cũng không là bái lạy/bẩm thưa dâng lên Đấng Hóa Công. Mà, là lời gửi đến người Cha mà ta được phép gọi là “Abba”, Tức, Ba hay Bố. Nguyện cầu đây, là lời trần tình đệ trình lên Cha, như tâm tình của đàn con yêu dấu ngỏ lời cùng đấng bậc sinh thành không chỉ thuộc riêng ai, nhưng hết mọi người. Tức, những người con cùng chung một cha, một bố. Để kêu lên: “Lạy Cha chúng con”, như thế.

Với người Do Thái, tên gọi mỗi người không chỉ đơn thuần nói lên căn cước/lý lịch của một người, thôi; mà là, toàn bộ nhân vị của người ấy, nữa. Ngày xưa, khi trò chuyện thưa gửi với Giavê Thiên Chúa, Môsê đã gạn hỏi danh xưng/tên gọi của Chúa để biết “Người là ai”? Hôm nay cũng thế, khi ghi lại trình thuật thật rõ nét, các thánh sử muốn xác định tính thần thiêng linh thánh của Chúa, nơi Đức Kitô.

Xin cho Triều Đại của Cha mau đến”, là muốn cho Vương Quốc của Chúa mau trở thành hiện thực đối với mọi người. Mong, niềm tin vào Chúa đặt nền tảng trên chân lý. Trên tình thương yêu, đùm bọc, công lý, lẫn tự do. Chú trọng đến phẩm giá, bình an và hài hoà. Cầu, là cầu cho Vương Quốc Nước Trời mau thể hiện. Cầu, là muốn cho thế giới biết cách mà sẻ san sự sống. Sống, cho trung thực. Sống, hợp tác sao cho yêu cầu của mọi người thành hiện thực.

Xin cho Triều Đại Cha mau đến”, là mau thực hiện nơi cộng đoàn. Nhưng, các khiếm khuyết vẫn còn xảy đến với nhiều cộng đoàn yếu kém. Thành thử, nguyện cầu là để “Nước Chúa” đi vào hiện thực nơi cuộc sống của tất cả cộng đoàn, dân nước. Không chỉ một vài cộng đoàn, rất ít oi.

Xin cho chúng con lương thực hằng ngày”, là lời cầu mong được Chúa phú ban “vừa đủ” mọi thứ vật chất, ta cần có hằng ngày. Vật chất ta xin, từ nhu cầu cơm – bánh, cho chí thực phẩm nuôi sống bản thân, rất cần thiết. Lời cầu như thế tuy mang tính vật chất, nhưng là để ta “quẳng gánh lo đi” mà đặt ưu tư cho tương lai mai ngày, ở với Chúa. Để rồi, sẽ đạt trọn “mùa xuân đầm ấm”, sống ngày mai.

Nguyện cầu như thế, là đặt tương lai trong tay Chúa. Là, dành mọi chuyện để Chúa lo liệu. Nguyện cầu, còn là chấp nhận mọi thử thách gửi đến. Thử thách hàm ngụ một nhắn nhủ: hãy cứ lo cho ngày hôm nay, thôi. Tương lai, để Chúa lo.

“Xin thứ tha mọi lỗi lầm của chúng con”, ý là mong được Cha xóa bỏ mọi hệ lụy, quanh lỗi phạm mọi người mắc phải, thời đã qua. Nguyện cầu, là lời cầu rất đích thật, nhưng kết quả chỉ đạt, nếu người người biết thứ tha mọi lầm lỡ mà người khác đã trót phạm, với mình. Lầm lỡ, không chỉ ở những điều mà ta làm cho người khác phiền lòng, mà thôi.

“Xin chớ để chúng con sa cơn cám dỗ”, là cầu cùng Chúa biện hộ cho ta vào giờ xét xử, lúc về sau. Tức, những hệ lụy làm ta ngã gục hoặc trệch ý hướng, tức: không dấn bước theo chân Chúa được.

Khi dạy dân con đồ đệ biết cách mà nguyện cầu cho đích đáng, Đức Kitô nhắc mọi người, một chân lý. Chân lý ấy, tóm gọn nơi lời khuyên: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.” Và: “Ai trong anh em là người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó ư?” (Lc 9-10)

Thoạt nghe, ta tưởng chừng như có nghịch lý, khác thường ở lời Ngài. Nếu Cha trên trời đã chăm lo cho ta đủ mọi điều, thì sao ta lại cứ phải liên tục xin xỏ mãi như thế? Cầu nguyện, như Đức Kitô dạy, không phải là cứ lải nhải như người ở ngoài. Hẳn mọi người đều nắm chắc: Cha chỉ phú ban những gì ta cần, chứ không phải những gì ta muốn hoặc ưa thích. Bởi, điều mọi người ưa thích chỉ là vật chất tạm bợ, chỉ tập trung cho riêng mình, mà thôi.

Cách hay nhất để nguyện cầu, là: hãy tìm hiểu xem mình đang ở vị trí nào trong tương quan với Chúa. Với mọi người. Với thế giới quanh ta. Liên lỉ nguyện cầu -nhưng không phải cứ ê a sớm tối, mà là giúp ta định ra được những gì mình cần xin và cần làm gì.

Và, liên lỉ nguyện cầu, còn giúp ta biết lọc lựa, cả lời kinh. Nguyện cầu, giúp ta làm sáng tỏ giá trị nội tại cũng như hy vọng mình đang có. Có nguyện cầu như thế, ta mới chú tâm đến những gì mình thực cần thiết, để được cứu rỗi. Nguyện cầu, là mong Chúa thực hiện điều mà Ngài muốn ta làm. Làm, đúng theo ý Ngài.

Nói tóm lại, mục đích tối hậu của nguyện cầu, là biết đầm mình trong tương quan với Chúa. Với mọi người quanh ta. Vào với tiệc lòng mến hôm nay, ta sẽ cùng với người anh/người chị trong Hội thánh chung vai sát cánh mà nguyện cầu cho mọi người sẽ mãi mãi ở lại trong tương quan với Cha. Để rồi, cùng với Đức Kitô, ta sẽ thực hiện thánh ý Cha trong mọi hoàn cảnh của đời thường.

Trong tinh-thần ấy, ta hân-hoan bày-tỏ lòng vui sướng hiệp-thông với mọi người anh, người chị trong cộng-đồng dân Chúa, thật phấn-chấn những hát rằng:

 “Hỡi những người thân yêu ơi!

Đây mùa xuân đầm ấm chờ mong một đời.

Cố níu lại ngày yên vui,

Cho nụ cười mặn mà tươi thắm trên môi.

Ta đã có mùa xuân ta chờ đợi.

Muôn tấm lòng rộn vui như nắng mai,

Từ bao năm ta nghe trong diệu-vợi,

Ôi ngờ đâu xuân đã đến hôm nay.”

(Trầm Tử Thiêng & Nhật Ngân – Ta Đã Gặp Mùa Xuân)

Quả là xuân đầm ấm, đang ở trước mắt. Hãy cứ vui. Đã có Xuân Bất Diệt đang ở với ta. Và, “ta sống mãi với muôn Xuân đầm ấm”, xuân miên-trường. Hoan lạc. Xuân nguyện-cầu và thương yêu.

 Lm Richard Leonard sj biên-soạn  – Mai Tá lược dịch.

Cứ Xin Thì Sẽ Được, Cứ Tìm Thì Sẽ Thấy, Cứ Gõ Thì Cửa Sẽ Mở!

Cứ Xin Thì Sẽ Được, Cứ Tìm Thì Sẽ Thấy, Cứ Gõ Thì Cửa Sẽ Mở!

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

 

… Joseph là thanh niên bất toại, tuổi hơn 30. Anh đi bằng hai đầu gối và rất nghèo. Tuy Joseph nghèo của cải nhưng không nghèo niềm tin, lòng hy vọng và nhất là tình yêu thương. Niềm hạnh phúc duy nhất và tràn trề của anh là dành trọn thời giờ để giúp đỡ tha nhân.

Joseph sinh trưởng trong gia đình ở làng nhỏ tại Auvergne (Trung Pháp). Tuổi thơ Joseph trôi qua trong bình lặng nơi khung cảnh gia đình nghèo. Sau khi học xong tiểu học, cậu bé bắt đầu làm việc giúp đỡ cha mẹ.

Không bao lâu sau cảnh thiếu ăn gây ảnh hưởng mạnh trên thân xác gầy còm của cậu bé. Joseph mất dần sức mạnh nơi hai cánh tay: không cầm nổi các vật dụng để làm việc. Cậu cũng không đứng vững nữa. Đến năm 20 tuổi thì Joseph hoàn toàn không sử dụng được đôi chân. Chàng phải bò lết hoặc đi bằng hai đầu gối.

Tàn tật vào lúc 20 tuổi, quả là thử thách nặng nề! Joseph cảm thấy đau đớn khi phải sống nương tựa vào gia đình, trong khi gia đình lại nghèo thật nghèo, cần chàng giúp đỡ một tay. May mắn Joseph là tín hữu Công Giáo nhiệt thành. Chàng sống thật niềm tin của mình. Chàng đặt trọn cuộc đời trong bàn tay Quan Phòng của THIÊN CHÚA. Thêm vào đó, Joseph rất có lòng sùng kính Đức Mẹ MARIA. Và đây là phương thuốc hiệu nghiệm cứu chàng thoát mọi chán nản thất vọng. Chàng lần hột Mân Côi hàng ngày và tìm cách giúp đỡ tha nhân thay vì sống co rút vào nỗi khổ vào cái bất hạnh của chính mình. Chàng cố gắng làm những gì có thể hầu giúp người khác và đỡ gánh nặng cho gia đình. Chàng tự sáng chế hai ống gỗ bao đầu gối và dùng đầu gối đi lại. Nhiều khi chàng đi bằng đầu gối những quãng đường dài đến 8 hay 10 cây số.

Sau đó, chàng ghi tên làm người canh gác đền thờ Đức Mẹ Orcival. Nhờ công việc này, Joseph nhận rất nhiều an ủi. Nhất là chàng hãnh diện vì được phục vụ Đức Trinh Nữ MARIA, Hiền Mẫu thiên quốc. Đền thánh này hàng năm có nhiều tín hữu hành hương đến khẩn cầu cùng Đức Mẹ MARIA. Nhưng rồi dần dần có người đến gặp Joseph, nhờ anh an ủi hoặc chỉ dạy nhiều điều họ cần biết.

Để giúp đỡ tha nhân cách đắc lực hơn, Joseph dọn đến ở với anh rể và xin đặt điện thoại riêng cho mình. Như thế, anh có thể liên lạc thẳng với các bàn giấy, dịch vụ chuyên môn hầu chỉ dẫn lại cho người khác. Anh nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến trợ cấp xã hội, bảo hiểm v.v. Anh trở thành nhân vật quan trọng. Mỗi ngày, số người đến gặp anh đông hơn đến gặp ông trưởng phòng tòa thị trưởng thành phố.

Anh lắng nghe tâm sự, khó khăn của người khác, rồi anh tìm cách khuyên lơn, an ủi, khiến ai ai cũng cảm thấy thỏa lòng mát dạ. Tất cả những gì người ta mang đến dâng biếu, cảm tạ anh, anh phân phát lại cho người nghèo. Nhưng thường thì anh tiếp khách vào ban chiều, và đôi khi kéo dài đến nửa đêm hoặc hai giờ sáng. Nếu có ai tỏ dấu lo ngại cho sức khỏe, anh chỉ mỉm cười trả lời:

– Nếu như đó là tiếng Chúa gọi tôi thì sao?

Kinh nguyện và nhất là lòng sùng kính Đức Mẹ MARIA gìn giữ bảo trợ Joseph luôn luôn trong trạng thái vui vẻ và tin tưởng phó thác. Anh thật hạnh phúc. Và niềm hạnh phúc này anh thông truyền sang những ai có dịp tiếp xúc, tỏ bày tâm sự với anh. Anh giải thích lý do niềm vui nội tâm sâu xa:

– Không biết tôi sẽ ra sao, nếu tôi không bị tàn tật? Quả thật tàn tật trở thành kho tàng, suối nguồn hạnh phúc. Không bị tàn tật, có lẽ tôi sẽ khốn khổ. Trong khi nhờ tàn tật tôi sống tình trạng nghèo khó, thiếu thốn nhưng bù lại, tôi hạnh phúc và có thể trao hạnh phúc cho người khác.

… “Thế nên Thầy bảo anh em: Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi CHA trên Trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Luca 11,9-13).

(Albert Pfleger, “FIORETTI de la Vierge Marie”, Mambre Editeur-Diffuseur, 1990, trang 92-94)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt, 11/9/2014

Anh chị Thụ & Mai gởi

Chủ Trương 4 Không của đảng Cộng Sản Việt Nam

Chủ Trương 4 Không của đảng Cộng Sản Việt Nam

Thạch Đạt Lang

20-7-2016

H1Khi hệ thống XHCN trên toàn thế giới bị sụp đổ, Liên Xô và các nước Đông Âu như Đông Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Rumania… phải từ bỏ chế độ CS. Chế độ Hà Nội mất chỗ dựa trước đây là Liên Xô.

Hoang mang, lo sợ người dân nổi lên lật đổ chế độ, CS Hà Nội không còn con đường nào khác để cứu đảng, đành phải quay qua qụy lụy cầu cạnh, liên minh với kẻ thù trước đây là đảng cộng sản Trung Quốc, kẻ thù một thời Hà Nội chửi bới, rêu rao với quốc tế là lũ bá quyền, nước lớn.

Nắm được tẩy của chế độ CSVN, Trung Quốc càng ra sức chèn ép đảng cộng sản VN, lèo lái đi theo ước muốn của họ. Để tồn tại và độc quyền lãnh đạo đất nước, cộng sản VN không còn con đường nào khác là áp dụng chính sách 4 KHÔNG: Không thấy, Không nghe, Không biết, Không nói.

Không thấy: Đã gần chục năm nay, hàng trăm tàu đánh cá Việt Nam đã bị tàu Trung Cộng đâm chìm, hàng ngàn ngư dân đã bị thiệt mạng trên biển Đông hay mất trắng tài sản, Chính quyền CSVN vì chủ trương 4 Tốt, Mười Sáu Chữ Vàng, nên đã coi nhẹ vấn đề, không có phản ứng cụ thể trên bình diện ngoại giao với Trung Quốc hoặc nếu có chỉ là những lời lên án yếu ớt, nói cho có chuyện, xoa dịu căm phẫn của người dân.

Không nghe: Dù tiếng khóc than ai oán lẫn tiếng kêu uất ức của hàng ngàn gia đình ngư dân gặp nạn đã vang động cả nước, gây căm phẫn nơi người dân, nhưng đảng CSVN vẫn bình chân như vại, không một lãnh đạo cao cấp nào có bất cứ hành động gì để chứng tỏ đã nghe đến sự việc.

Không biết: Từ đầu tháng 4.2016, khi tin tức cá chết hàng loạt trải dài trên 240 km bờ biển VN từ thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh qua Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, đã lan truyền khắp nơi trên hệ thống báo chí lề đảng cũng như lề dân, tổng bí thư đảng CSVN vẫn thản nhiên dẫn bộ sậu đi thăm nhà máy thép Formosa, thủ phạm gây ra thảm họa, thay vì đi ra bờ biển, đến hiện trường tìm hiểu nguyên nhân của thảm họa, ảnh hưởng đến hàng triệu  người dân lẫn nền kinh tế của đất nước.

Không nói: Tất cả những tin tức nào không có lợi cho đảng, cho chế độ đều bị chặn đứng, phi tang, không được công khai đề cập tới. Từ lúc có thảm họa cá chết hàng loạt đến khi chính phủ Đài Loan chính thức công bố kết quả điều tra, kết án Formosa là thủ phạm, đồng thời Formosa chấp thuận đền bù 500 triệu Mỹ kim, ba người trong tứ đầu chế Trọng, Quang, Ngân vẫn hoàn toàn im lặng, chỉ có Phúc thỉnh thoảng lên tiếng, phát biểu vài câu vô thưởng, vô phạt, không làm rụng cọng lông ai.

Khi Tòa án Trọng tài thường trực PCA (Permanent Court of Arbitration) tuyên bố Philippines thắng trong vụ kiện xóa “đường lưỡi bò” ở biển Đông, cả thế giới hoan nghênh phán quyết, thì lãnh đạo chế độ CSVN chỉ ra lệnh cho báo chí, truyền thông trong nước hụ hợ, ca ngợi một cách yếu ớt, miễn cưỡng. Ngoài viêc cho Lê Hải Bình, phát ngôn viên bộ ngoại giao lên tiếng ủng hộ phán quyết thắng lợi về phía Philippines của tòa PCA, hoàn toàn không có những hành động thiết thực như thiết lập hồ sơ, theo gương Philippines kiện Trung Quốc ra tòa, đòi chủ quyền của mình ở Hoàng – Trường Sa, cũng như phủ nhận đường lưỡi bò chín đoạn mà Trung quốc tự vẽ và ấn định ở biển Đông.

Rồi đến lúc người dân thị xã Kỳ Anh khám phá ra hàng trăm tấn chất thải độc hại chứa trong các thùng phuy, được chôn giấu trong trang trại của các quan chức ủy ban nhân dân Hà Tĩnh, vẫn không thấy lãnh đạo chế độ CSVN lên tiếng hay tuyên bố hoặc có hành động gì.

Báo chí “lề phải” loan tin, các thùng phuy chứa chất thải độc hại đã được chuyên chở về Phú Thọ để xử lý nhưng theo nguồn tin “lề trái” thì chất thải vẫn nằm yên ở trang trại, chỉ có thùng phuy rỗng được đem đi.

Đi xa hơn nữa, chính quyền CSVN còn ra lệnh cho công an, côn đồ… thẳng tay đàn áp, đánh đập dã man, bắt giữ người dân biểu tình ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài, vì sợ hãi những cuộc biểu tình của người dân làm mất lòng lãnh đạo láng giềng khổng lồ hung bạo, gian manh.

Do đó, kêu gọi hay chờ đợi chế độ CSVN thay đổi, nới rộng dân chủ, tự do hơn, hoặc đảng CS sẽ từ bỏ quyền lãnh đạo duy nhất là chuyện hoang đường. Cũng đừng kêu gọi đảng CSVN từ chức, họ có nắm giữ chức vụ nào đâu mà từ?

Hi vọng chế độ CSVN kiện Trung Cộng ra tòa án PCA về chủ quyền ở Hoàng – Trường Sa lại càng mờ mịt, vô vọng hơn. Đó là chưa kể về mặt pháp lý, công hàm của Phạm Văn Đồng ký năm 1958 là bằng chứng rõ ràng nhất CSVN thừa nhận chủ quyền Hoàng – Trường Sa thuộc về Trung Cộng, vì thế, Hà Nội không dám hé miệng hay có một hành động nào trên chính trường quốc tế về chuyện này.

Đừng nghĩ rằng chế độ CSVN không biết thực thi quyền hạn của mình trên công pháp quốc tế về vấn đề biển Đông với thềm lục địa 200 km tính từ bờ biển. Họ không thể làm vì há miệng mắc quai, vì đã lỡ ký những hiệp ước bí mật mà người dân không thể biết.

Kiện tụng, phản đối những hành động hung hãn, xâm lăng của Trung Cộng ở biển Đông, đưa nhau ra PCA chỉ làm lộ liễu hơn khuôn mặt bán nước của chế độ CSVN. Đó chính là lý do mà Dương Khiết Trì đã dám mắng thẳng vào mặt lãnh đạo CSVN từ Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng đến Nguyễn Sinh Hùng, Trương Tấn Sang là lũ con hoang.

Từ sau hiệp ước Thành đô 1990, đảng CSVN đã (gần như) trở thành tay sai của đảng cộng sản Tàu. Một tiếng ho, một cái hắt hơi của Tập Cận Bình cũng khiến cho bộ sậu Tứ đầu chế Trọng, Phúc, Quang, Ngân giật mình, run rẩy, tái mặt.

Lời tuyên bố mới nhất của Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN sau cuộc bầu cử quốc hội bù nhìn của chế độ CSVN cho thấy đảng CSVN coi thảm họa Formosa là nguyên nhân gây ra thất bại của cuộc bầu cử. Điều đó chứng tỏ chưa bao giờ đảng CSVN đặt quyền lợi dân tộc, đất nước trên quyền lợi đảng.

Nói tóm lại, một đất nước bị lãnh đạo, cai trị bởi một đảng phái độc tài, duy nhất, không có đối lập, với những con người không còn lương tri, đạo đức, liêm sỉ, lòng tự trọng, không có tinh thần dân tộc, thiếu học vấn lẫn hiểu biết, kiến thức, lại lệ thuộc ngoại bang nặng nề từ kinh tế đến văn hóa. Chỉ giỏi to họng mị dân, giáo điều, gian dối không ngượng miệng, thì đất nước đó sớm muộn cũng sẽ bị xóa tên trên bản đồ thế giới nếu người dân không vùng lên xóa bỏ chế độ đó đi.

Tuy nhiên, điều này bất khả thi khi dân trí người Việt Nam còn quá thấp sau hơn 70 năm bị cai trị bởi chế độ CS. Mấy trăm ngàn người dân ở bờ biển 4 tỉnh miền trung đang đối diện với cái đói, nghèo ập đến nay mai khi không còn ngư trường hành nghề, không biết phải làm gì để sinh sống, không biết đi đâu để tìm việc, chỉ biết ngồi chờ sự cứu giúp, bố thí nhỏ giọt từ chế độ.

Đất đai, làng mạc dọc theo bờ biển ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế hiện đã trở nên hoang tàn, vắng lặng. Tầu thuyền đánh cá, ngư cụ, lưới đã bị phơi, treo cùng với gió sương vì ngư dân không còn dám đi biển nữa. Không một sinh vật nào có thể tồn tại trong một môi trường bị nhiễm độc quá nặng nhưng cũng không có một lực nào đủ mạnh để ngăn cản sự hoạt động của Formosa nếu không có sự can thiệp của quốc tế như từ chính phủ Đài Loan hoặc sự nổi dậy của ngư dân 4 tỉnh miền Trung, nơi trực tiếp lãnh hậu quả của Formosa. Các cuộc biểu tình lẻ tẻ cho dù có lên đến hàng ngàn người cũng sẽ bị đàn áp, dập tắt nếu không huy động được sự tham gia của ngư dân bị ảnh hưởng từ thảm họa.

Số tiền bồi thường 500 triệu đô la Mỹ sẽ đến tay người dân được bao nhiêu và bao giờ đến vẫn là một câu hỏi lớn. Đến bao giờ biển ở 4 tỉnh miền trung Việt Nam sẽ hồi sinh cũng là một câu hỏi không có câu trả lời khi chế độ CSVN còn tồn tại, bởi chế độ này không muốn và cũng không đủ khả năng giải quyết tận gốc thảm họa do chính họ gây ra.

Sau khi hiệp định Paris được ký kết ngày 27.01.1973, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu của VNCH có chủ trương 4 KHÔNG để đối phó với người cộng sản : Không liên hiệp thành lập chính quyền với Cộng Sản, Không đầu hàng, Không nhượng bộ đất đai, Không đàm phán, thương lượng.

Ông Nguyễn Văn Thiệu có thể không phải là một tổng thống tài giỏi nhưng xem ra chủ trương của ông rất chính xác và thích hợp để đối phó với người cộng sản trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, thời gian.

Bạo lực và pháp luật

 Bạo lực và pháp luật

Kính Hòa, phóng viên RFA
2016-07-18

000_Hkg8090526.jpg

Cảnh sát giải tán người biểu tình trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội vào ngày 9 tháng 12 năm 2012.

 AFP photo

Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Trong hai ngày 24 và 25 tháng Năm năm 2016, ông Nguyễn Hồng Điệp, trưởng Ban tiếp dân trung ương bị một nhóm dân chúng bao vây tấn công gây thương tích ngay tại trụ sở của Ban tiếp dân trung ương ở Hà nội.

Một số nhà quan sát trong và ngoài nước có ý kiến về việc sử dụng bạo lực của dân chúng cũng nhưng tình trạng pháp luật tại Việt Nam.

Chuyện dân chúng dùng bạo lực chống lại cơ quan công quyền tại Việt Nam là không mới. Vào năm 2013, dân tại xã Kim Bôi của tỉnh Hòa Bình bắt trói năm nhân viên công an để làm áp lực  lên chính quyền giải quyết chuyện đãi vàng trái phép gây ô nhiễm trong địa phương. Điều trớ trêu là năm nhân viên công an này được điều đến để giải quyết chuyện đãi vàng.

Đầu tháng bảy năm 2016, dân chúng khu vực Cồn Sẻ tỉnh Quảng Bình biểu tình chống ô nhiễm môi trường, đã tấn công lực lượng công an. Và nổi tiếng nhất có lẽ là câu chuyện ông Đoàn Văn Vươn dùng súng tự chế tạo bắn vào lực lượng cưỡng chế đất đai.

Một xã hội bạo lực đang thắng thế và cái sự thắng thế này nó bắt đầu từ chính quyền. Chính quyền sử dụng bạo lực với dân, chính quyền đạp lên pháp luật.
– Nhà văn Phạm Đình Trọng 

Bên cạnh việc dùng vũ lực chống chính quyền, dân chúng cũng có khuynh hướng dùng vũ lực với nhau, hoặc là dùng vũ lực để giải quyết những chuyện mà đáng ra pháp luật phải làm. Chẳng hạn như đánh và giết những người trộm vặt, hay chủ nhà trọ ngăn chận không cho công nhân đi làm tại vì công nhân không ở nhà trọ của họ. Nếu căn cứ theo pháp luật của Việt Nam thì những hành động này đều phạm pháp.

Nhà văn Phạm Đình Trọng đưa ra lý do của việc dân chúng sử dụng bạo lực:

“Cái này nó báo động một sự việc nghiêm trọng, đó là một xã hội bạo lực. Một xã hội bạo lực đang thắng thế và cái sự thắng thế này nó bắt đầu từ chính quyền. Chính quyền sử dụng bạo lực với dân, chính quyền đạp lên pháp luật. Pháp luật đó không có tác dụng, bây giờ người ta noi gương chính quyền mà sử dụng bạo lực. Chính quyền dùng bạo lực với dân quá phổ biến và trở thành bình thường. Việc đó trở thành một khuôn mẫu ứng xử của xã hội thì bây giờ người dân người ta cũng ứng xử như thế thôi.”

Quan niệm về pháp luật và sử dụng bạo lực

Lực lượng công an và an ninh vốn rất được coi trọng trong thể chế chính trị cộng sản, và người đặt nền móng cho thể chế này là Lenin có nói rằng phải thực hiện một nhà nước dùi cui để trấn áp các kẻ thù giai cấp của đảng cộng sản.

Theo một thống kê chưa chính thức thì ngân sách của lực lượng an ninh bên Trung Quốc dùng để trấn áp các phản kháng trong nội địa lớn hơn ngân sách của quân đội, lực lượng dùng để bảo vệ đất nước.

Theo các nghiên cứu được thực hiện tại phần Đông Đức sau khi chế độ cộng sản sụp đổ thì có đến 1 trên tám người dân Đông Đức có làm việc dù ít hay nhiều với lực lượng an ninh nước này.

Lực lượng an ninh, công an tại Việt Nam, như mô hình các quốc gia cộng sản khác cũng rất hùng hậu. Sau đại hội toàn quốc vừa qua của đảng cộng cộng sản, rất nhiều vị tướng công an được nắm giữ nhiều quyền lực trong bộ máy chóp bu là Bộ chính trị. Ngoài ra cơ quan công an còn sử dụng một lực lượng có tổ chức rất đông đúc như dân phòng, trật tự, thanh niên xung phong,… thậm chí cả thành phần tội phạm vào công việc trấn áp các lực lượng đối lập. Các lực lượng này đôi khi được các cơ quan tuyên truyền của đảng cầm quyền gọi là lực lượng quần chúng.

Ông Bùi Thanh Hiếu, tức blogger Người Buôn Gió, cho biết là trong những vụ đàn áp, các cơ quan an ninh tỉnh sử dụng các lực lượng đoàn viên thanh niên, còn cấp thấp hơn thì sử dụng nhóm người côn đồ và tội phạm.

Nhiều nhà quan sát tin rằng việc sử dụng lực lượng tội phạm để đàn áp các phong trào đối kháng là có thật, nhưng cơ quan chức năng luôn phủ nhận điều này, và theo ông Phil Robertson, Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế nói với đài RFA rằng rất khó chứng minh cho điều này.

Viễn cảnh một quốc gia không có pháp luật

ad1aef47-a89d-4ef1-8823-2599ae51b4a3.jpg-400.jpg

Anh Lã Việt Dũng tại bệnh viện với vết thương băng trắng trên đầu do bị côn đồ tấn công hôm 10/7/2016. AFP photo

Trong một lần trao đổi với chúng tôi, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng tại Sài Gòn có nói rằng điều trớ trêu là với một lực lượng công an và an ninh hùng hậu, nhưng tình trạng tội phạm tại Thành phố Sài Gòn không giảm đi, mà đôi khi lại phải dựa vào các “Hiệp sĩ đường phố” tình nguyện truy quét tội phạm.

Ông Bùi Thanh Hiếu nói về cái cách mà cơ quan công an trả công những lực lượng mà cơ quan này dùng để trấn áp những hoạt động đối kháng ôn hòa, theo đó những hoạt động tội phạm sẽ được dung dưỡng.

“Các đoàn viên thanh niên hăng hái mà cấp công an thành phố dùng (nhờ) thì sẽ được ghi vào là có thành tích bảo vệ đảng, thành tích thế này, thành tích thế kia. Còn bọn ở cấp dưới, bọn lưu manh giang hồ mà công an phường nhờ vả, thì nếu có hoạt động gì trong địa bàn chẳng hạn như cờ bạc thì sẽ được làm ngơ.”

Nói về tình trạng bất chấp pháp luật đó, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đánh giá rằng nó nguy hiểm, báo hiệu rằng lòng tin trong dân chúng đã mất, tuy nhiên ông cho rằng tình trạng hiện tại vẫn chưa phải là một thay đổi gì lớn:

“Cái mà dân gian vẫn nói là quân hồi vô phèng, hiện nay đã lẻ tẻ nhìn thấy nhưng chưa phải là ở một tình trạng đêm trước của một đổi thay gì cả, tôi chưa thấy cái điều ấy. Nếu nhìn vào người dân thì đại đa số vẫn không phản ứng gì cả, vẫn lặng lẽ mà thôi. Còn khi đã có cái hiện tượng ấy, thì tình trạng nó còn tệ hơn, nhưng hiện nay chưa đến mức ấy. Nhưng cái niềm tin thì người dân coi như đã thiếu một cách trầm trọng rồi.”

Giáo sư Huệ Chi là một trong những người thành lập trang Bauxite Việt Nam nêu lên những tiếng nói phản biện của trí thức trong nước về những vấn đề kinh tế xã hội và chính trị.

Các đoàn viên thanh niên hăng hái mà cấp công an thành phố dùng (nhờ) thì sẽ được ghi vào là có thành tích bảo vệ đảng, thành tích thế này, thành tích thế kia.
– Ông Bùi Thanh Hiếu 

Trong sự kiện có đổ máu tại Cồn Sẻ, Linh Mục Hoàng Anh Ngợi, trong bài trả lời đài RFA cũng cho rằng nguyên nhân của việc đụng độ đầy bạo lực giữa dân chúng và công an cũng là do sự thiếu niềm tin.

“Chính quyền có yêu cầu về ủy ban xã để gặp, nhưng dân nói bây giờ không tin gì vào sự gặp gỡ nên họ không về. Chính quyền bảo nếu vậy thì về nhà thờ; dân cũng nói bây giờ không tin gì vào lời giải thích của chính quyền nữa.”

Trong một lần trao đổi với chúng tôi, nhà bất đồng chính kiến Hà Sĩ Phu có trích lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói về pháp luật trong những năm đầu tiên nắm chính quyền sau năm 1954 là không muốn để luật pháp trói tay hành động của đảng và chính phủ.

Bình luận về hiện trạng luật pháp Việt Nam giáo sư Nguyễn Huệ Chi nói:

Luật pháp thì chưa đứng ra ngoài sự chi phối của chính trị. Nếu như có một nền luật pháp như thế thì tiếng nói của mọi người nó vững vàng hơn vì mình có cái chỗ tựa. Mình có thể đứng khách quan, nhìn mọi vấn đề mà lên tiếng, vì có luật pháp làm chổ tựa cho mình. Nhưng bây giờ thì luật pháp chưa đạt được, vẫn bị chi phối bởi chính trị, cho nên là mọi tiếng nói đều không có chỗ tựa nào cả, nó mù mờ thành ra người dân muốn tìm ở đâu một niềm tin để mà lên tiếng, để mà có ý kiến cũng không có được.”

Trở lại với câu chuyện ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban tiếp dân Trung ương bị dân chúng hành hung, trong bài trả lời phóng viên VTC news được báo Lao Động đăng lại thì ông lo ngại rằng với vị trí thủ trưởng như ông mà còn bị như vậy thì các cán bộ cấp dưới của ông còn bị nguy hiểm tới chừng nào.

Ông Phil Robertson, Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế, thì nói với đài RFA là nếu Việt Nam cứ để tình trạng này tiếp diễn thì có thể Việt Nam sẽ trở thành một đất nước vô luật pháp.

Sài Gòn: Vợ làm thư ký tòa án, chồng nhận tiền ‘chạy án’

Sài Gòn: Vợ làm thư ký tòa án, chồng nhận tiền ‘chạy án’

July 18, 2016

Nguoi-viet.com  

Tòa án Sài Gòn, nơi bà N. đang làm thư ký. (Hình: Người Lao Động)

Tòa án Sài Gòn, nơi bà N. đang làm thư ký. (Hình: Người Lao Động)

SÀI GÒN (NV) – Khi vừa nhận tiền “chạy án” từ bị cáo trong vụ án “cố ý gây thương tích,” chồng một bà thư ký tòa án hình sự Sài Gòn đã bị công an bắt quả tang.

Truyền thông Việt Nam loan tin, sáng 18 tháng 7, Cảnh Sát Điều Tra, Công An Sài Gòn cho biết, đã bắt quả tang ông Phan Văn Khang (36 tuổi), chồng bà N.T.N., thư ký tòa hình sự, tòa án Sài Gòn đã nhận tiền “chạy án” từ bị cáo Mai Thị Ngọc Vân, người thuộc diện “xóa đói giảm nghèo,” ở quận Tân Bình.

Theo cơ quan điều tra, việc nhận tiền “chạy án” xảy ra tại ngã ba Hoàng Văn Thụ và Lê Văn Sĩ, quận Tân Bình hồi 11 giờ 15, ngày 14 tháng 7. Tại thời điểm này, công an thu giữ trong người ông Khang một túi nylon bên trong có 85 triệu đồng.

Tin báo Tiền Phong cho biết, bà Vân là bị cáo trong một vụ án “cố ý gây thương tích” mà tòa án quận Tân Bình xử sơ thẩm hồi tháng 4 năm 2016, tuyên phạt bà Vân 9 tháng tù nhưng cho tại ngoại vì đang nuôi con nhỏ.

Sau phiên sơ thẩm, bà Vân làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án của tòa án quận Tân Bình. Tháng 6 năm 2016, bà T.T.N, thư ký tòa hình sự, tòa án Sài Gòn, nhận làm thư ký cho vụ án hình sự “cố ý gây thương tích” này.

Suốt một tháng qua, kể từ ngày bà N nhận vụ án đã nhiều lần ép bà Vân, một người phụ nữ thuộc diện “xóa đói giảm nghèo” ở địa phương “lo lót” tiền để hưởng án treo.

Sau nhiều cuộc nói chuyện, từ giá “đề xuất” 120 triệu ban đầu, bà N. dứt giá tiền “chạy án” là 85 triệu đồng và thống nhất giao tiền vào ngày 14 tháng 7. Thỏa thuận xong, bà N. cho số điện thoại của chồng mình là ông Khang để bà Vân liên lạc.

Nhận thấy việc đưa tiền “chạy án” là vi phạm pháp luật, trên đường đến điểm hẹn, bà Vân đến cơ quan công an trình báo sự việc. Khi ông Khang vừa nhận gói tiền từ tay bà Vân thì bị bắt quả tang. Ông Khang khai nhận, do vợ nhờ đi và vừa nhận tiền thì bị bắt.

Phiên tòa phúc thẩm xét xử bà Mai Thị Ngọc Vân về tội “cố ý gây thương tích” theo dự kiến diễn ra chiều ngày 18 tháng 7. (Tr.N)

Những Sự Thật Thú Vị Về Vatican Khiến Bạn Bất Ngờ

Những Sự Thật Thú Vị Về Vatican Khiến Bạn Bất Ngờ

Ai đã đọc “Thiên thần và ác quỷ” của Dan Brown hẳn không thể nào quên quốc gia Vatican đầy bí mật thú vị.

Vatican là quốc gia có chủ quyền nhỏ nhất thế giới, với diện tích 0,44 km2, nằm trong Italy. Quốc gia này chỉ có các con phố mà không có đường cao tốc.
Với nhiều tài liệu quan trọng được viết bằng tiếng Italy, Vatican không có ngôn ngữ chính thức. Cư dân nói tiếng Italy, Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha
Vatican công nhận trên lý thuyết sự sống ngoài trái đất có thể tồn tại và thậm chí đã ra một tuyên bố chính thức. Điều này được cha Jose Funes, trưởng đài thiên văn quốc gia, công bố vào năm 2006.
Tuy nhiên, họ cũng cho biết, dù đó có là dạng sống gì thì cũng được Chúa trời tạo ra.
Không chỉ nhỏ nhất thế giới, đây còn là quốc gia có dân số ít nhất với chỉ khoảng 1.000 người.
Vatican có bưu điện với tem riêng. Điều thú vị là hệ thống thư tín nước này khá phổ biến vì dịch vụ nhanh hơn so với hệ thống của Italy. Ngoài những món đồ lưu niệm, tem bưu điện là một trong những nguồn thu nhập chính của họ.
Trạm radio nằm trong một tòa tháp ở Vatican Gardens phát sóng bằng 20 ngôn ngữ.
Thành Vatican được công nhận là di sản thế giới của UNESCO, là di sản duy nhất gồm trọn vẹn một quốc gia. Người dân Italy có thể ủng hộ 8% tiền thuế hàng năm của mình cho nước này.
Năm 2007, Vatican quyết định trở thành quốc gia không carbon đầu tiên. Họ trung hòa lượng carbon thải ra bằng cách trồng một khu rừng ở Hungary.
Các tài liệu lịch sử tiết lộ Thánh Peter bị đóng đinh ở gần vườn Neronian và được chôn ở chân đồi, ngay dưới bệ thờ chính của nhà thờ mang tên ngài. Các cuộc khai quật diễn ra từ năm 1940 tới năm 1957 đã xác định được ngôi mô có khả năng là của ngài.
Đây là quốc gia với người đứng đầu là giáo hoàng.
Nhà thờ mới được xây dựng trên nền móng của nhà thờ St. Peter đầu tiên phải mất tới 120 năm mới hoàn tất phần thô. Việc trát nề, thêm các tượng điêu khắc, các bức họa và tranh khảm tiếp tục kéo dài thêm 200 năm nữa.
Mái vòm của nhà thờ St. Peter do Michelangelo thiết kế, với chiều cao khoảng 122 m và đường kính hơn 42 m.
Nhà thờ St. Peter có dạng như một cây thập tự, dài 213 m, chỗ rộng nhất lên tới 137 m, với tổng diện tích hần 1.700 m2.
Nghĩa địa dưới nhà thờ là nơi chôn cất các giáo hoàng, trong đó có Thánh Peter (giáo hoàng đầu tiên của Vatican).
Cung điện gồm nhiều tòa nhà nối với nhau, tổng cộng có hơn 1.000 căn phòng. Trong cung điện có các căn hộ, nhà nguyện, bảo tàng, phòng họp và văn phòng chính phủ.
Nhà nguyện Sistine do kiến trúc sư Giovanni dei Dolci thiết kế. Phần trang trí và nội thất do Pier Matteo d’Amelia, Michelangelo, Raphael và những người khác thực hiện trong 60 năm sau khi nhà nguyện xây xong.

Theo Zing.vn

MARIA MAĐALÊNA, BÀ LÀ AI?

MARIA MAĐALÊNA, BÀ LÀ AI?

Mary Ann Getty

MADALENA
Maria Mađalêna có một ảnh hưởng bền bĩ lâu dài, gợi hứng cho nhiều nghệ sĩ, tội nhân lẫn các thánh và cả những môn đệ của Đức Kitô qua nhiều thời đại.  Tiếng tăm này không thể dễ dàng giải thích dựa vào các thông tin về bà trong Kinh Thánh.  Điều Tân Ước nói về bà thật ít ỏi và gây thất vọng, đơn giản chỉ gọi bà là Maria Mađalêna hay Maria thành Magđala, nhưng có một chi tiết nhỏ thật có ý nghĩa và thách đố.  Cả bốn Tin Mừng đều khẳng định bà là môn đệ gương mẫu cho mọi thời đại.
Có điều gì đó bí ẩn và hấp dẫn về người phụ nữ này trong các Tin Mừng.  Một người phụ nữ mà tên riêng không đi kèm với tên một người đàn ông nào khác ngay trong Tân Ước thì đó là điều thật có ý nghĩa.  Khi xếp bà riêng ra thì hoặc bà là một nhân vật ngoại thường hoặc có vấn đề gì ở đây.  Có lẽ chính vì thế mà óc tưởng tượng bình dân đã “điền vào chỗ trống” và gán ghép bà với những phụ nữ khác trong Tân Ước, tạo nên một khối tù mù.  Trước khi xem các Tin Mừng nói gì thì chúng ta hãy xem thử những gì mà các Tin Mừng không hề nói.

Bà không phải là ai 
      Thỉnh thoảng Maria Mađalêna bị đồng hóa cách sai lầm với người phụ nữ xức dầu thơm lên chân Chúa Giêsu.  Sự đồng hóa này lại càng thêm phức tạp bởi vì người ta thường nhầm lẫn câu chuyện xức dầu với một người phụ nữ tội lỗi, một cô điếm.  Và góp phần khiến vấn đề trở nên tệ hại hơn là hình ảnh của Maria Mađalêna và một người phụ nữ bị cáo buộc ngoại tình trong Tin Mừng Thánh Gioan lại nhập nhằng với nhau.
Trong câu chuyện Khổ Nạn, dầu mục đích sử dụng câu chuyện khác nhau, cả bốn Tin Mừng đều nói về một phụ nữ xức dầu thơm chân Chúa Giêsu (Mc 14, 3-9; Mt 26, 6-13), Thánh Marcô và Matthêu đưa trình thuật nói về một phụ nữ vô danh xức dầu cho Chúa Giêsu có ý nói về cuộc mai táng của Ngài.  Lúc ấy Chúa Giêsu đang ở nhà của ông Simon người phung hủi, ở Bêthania gần Giêrusalem.  Thánh Gioan cũng thuật lại câu chuyện xức dầu chân Chúa Giêsu không lâu trước cái chết của Ngài, xác định người phụ nữ là Maria thành Bêthania, bà làm thế để tỏ lòng biết ơn Chúa Giêsu đã làm cho em bà là Lazarô sống lại.  Maria là một tên gọi rất thông dụng và có lẽ chính vì thế mà hai bà tên Maria đã bị hòa lẫn vào nhau trong truyền thống Kitô giáo sau đó.
Thánh Luca kể về một phụ nữ vô danh đã xức dầu chân Chúa Giêsu khi Ngài đang ngồi bàn ăn trong khi đang thực hiện sứ vụ (Lc 7, 36-50) chứ không phải lúc cuối đời.  Lúc ấy Chúa Giêsu đang dùng bữa tối tại nhà ông Simon người Pharisiêu.  Có lẽ Maria Mađalêna đã bị nhầm lẫn với người phụ nữ này bởi vì Maria Mađalêna lần đầu tiên được gọi đích danh trong câu chuyện tiếp liền ngay sau trình thuật xức dầu của Thánh Luca (Lc 8, 2).  Góp phần để tạo thêm nhầm lẫn là người phụ nữ này đôi khi được miêu tả là người tội lỗi công khai (một cái tên thanh tao để gọi nghề làm điếm), người đã đổ nước mắt vì thống hối và hành động vì lòng hối hận.  Thế nhưng người phụ nữ xức dầu chân Chúa Giêsu là một phụ nữ vô danh trong Tin Mừng Thánh Luca, và nếu bà được ghi nhớ chỉ vì “tội lỗi” của mình hơn là tình yêu đưa dẫn đến hành động xức dầu chân Chúa, thì điều đó vừa trái với ý nghĩa của dụ ngôn mà Chúa Giêsu vừa mới nói đến trong dịp này lại vừa không phải là mục đích của Thánh Luca khi kể lại câu chuyện.
Vấn đề càng thêm phức tạp khi có một vài thủ bản Tin Mừng Thánh Gioan (7, 53 – 8, 11) nói về người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình và gán ghép chị này với Maria Mađalêna.  Một truyền thống lâu đời trong văn chương và nghệ thuật Kitô giáo đã vẽ nên một Maria Mađalêna là người tội lỗi ăn năn, sau khi gặp được Chúa Giêsu thì bà đã trải hết phần đời còn lại để khóc than tội lỗi mình.  Thế nhưng các Tin Mừng không hề gán ghép Maria Mađalêna với người phụ nữ tội lỗi, hoặc tệ hơn nữa là một cô điếm.

Các Tin Mừng nói gì
Trong các Tin Mừng Matthêu, Marcô và Luca, bà được gọi là Maria Mađalêna hay “Maria Magđala” (xem Mt 27, 56.61; 28, 1; Mc 15, 40.47; 16, 1,9; Lc 8, 2; 24, 10).  Thánh Gioan gọi bà là “Maria thành Magđala”, một thành phố vô danh trong Kinh Thánh (xem Ga 19, 25; 20, 1.18).  Vài người cho rằng đó là thành phố Magađan (xem Mt 15, 39; Mc 8, 10), một thành phố nằm bên bờ Tây của Biển hồ Galilê, giữa Tiberia và Capharnaum.

Maria thành Magđala được ghép với một địa danh chứ không phải với tên của bất kỳ người đàn ông nào bên cạnh Chúa Giêsu.  Trong thế giới Tân Ước, người phụ nữ thường gắn liền với chồng, cha, con trai hoặc anh em của họ.  Như vậy, người phụ nữ vô danh đã theo Chúa Giêsu và hiện diện dưới thập giá đơn giản chỉ được gọi là “bà mẹ của các con trai ông Zêbêđê.”  Tên gọi Zêbêđê xuất hiện ở đây không phải vì ông hiện diện dưới chân thập giá cùng với vợ con ông, những người đã theo Chúa Giêsu từ Galilê cho đến Giêrusalem.  Song chính ông được nêu tên chứ không phải bà vợ đầy lòng tin của ông.

Maria thành Nazareth, Maria và Martha thành Bêthania được gắn liền với thành phố quê hương của họ nhưng đồng thời cũng được gắn liền với người đàn ông:  Maria với Giuse, Maria và Martha với Lazarô.  Còn Maria Mađalêna chính là môn đệ và tông đồ của Chúa Giêsu.  Không có hàng chữ nào nói lên vai trò này của bà trong Tân Ước.  Đúng ra, các Tin Mừng chỉ phác họa Chúa Giêsu là người thâu nhận “những người học việc” (“môn đệ”).  Sau thời gian học tập với vị Tôn Sư, các môn đệ này được “sai đi” (ý nghĩa của từ “tông đồ”) để rao giảng và hành động với thẩm quyền của Chúa Giêsu.  Từ các Tin Mừng, chúng ta biết rằng các môn đệ được kêu gọi. Chúa Giêsu dạy các môn đệ rằng họ phải làm nhân chứng, tiếp tục sứ mệnh mà Chúa Giêsu đã khởi đầu.  Các môn đệ được đòi hỏi phải theo Chúa Giêsu và kiên trì cho đến chết.  Họ đã tin và rao giảng sự phục sinh.

Ơn gọi của Maria
Có vài môn đệ được kêu gọi từ bỏ cuộc sống đang đà thuận lợi.  Thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan đã “bỏ mọi sự” mà theo Chúa Giêsu (Mc 1, 18).  Lêvi (hay Matthêu) là người thu thuế đã lập tức đứng dậy đi theo Chúa Giêsu (Mc 2, 13-14; Mt 9, 9).  Những người khác đã bỏ lại bệnh tật và khiếm khuyết của mình và “ơn gọi” của họ thật sự là một phép lạ đúng nghĩa.  Người mù gặp được Chúa Giêsu và được chữa lành.  Kể từ đấy ông đã “đi theo Người trên con đường người đi” (xem Mc 10, 52).  Tương tự như vậy, Maria Mađalêna sau khi được trừ “bảy quỷ,” đã đi theo Chúa Giêsu (xem Lc 8, 2; Mc 16, 9).  Thánh Luca kê tên bà trong số mấy phụ nữ được trừ quỷ và chữa lành bệnh tật đã đi theo Chúa Giêsu từ Galilê đến Giêrusalem, chăm sóc cho Ngài.

Các chứng nhân làm chứng cho điều họ thấy và nghe.  Các môn đệ được kêu gọi làm chứng cho Nước Trời đã đến trong lời nói và hành động của Chúa Giêsu.  Họ được trao ban nhiệm vụ (xem Mt 10; Lc 9 – 10) và được sai đi để làm điều Chúa Giêsu đã làm (Lc 10, 1.3.9).  Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải trở nên đất tốt để “khi nghe Lời Chúa với tấm lòng cao thượng và quảng đại, họ nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả” (Lc 8, 15).  Lời dạy này phù hợp với những miêu tả về Maria Mađalêna, sau khi được trừ quỷ, đã kiên trì và trung thành theo Chúa Giêsu cho đến khi Ngài chết trên thập giá, ngoài ra còn lấy nguồn lợi tức của riêng mình để chăm sóc cho Ngài và các môn đệ khác với tình chân thật và lòng quảng đại.

Theo Thánh Marcô, lời dạy cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ trước cuộc Khổ Nạn là “Hãy tỉnh thức!” (Mc 13, 36).  Họ đã chứng kiến sự đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu và cuối cùng là sự phục sinh của Ngài.  Thế nhưng các tác giả Tin Mừng nhìn nhận rằng các đấng môn đệ nam nhi đã không thể “tỉnh thức” với Chúa Giêsu dầu chỉ một thời gian ngắn ngủi trong Vườn Cây Dầu.  Vậy mà bà Maria Mađalêna và vài phụ nữ khác đã “tỉnh thức” để trông xem cuộc đóng đinh và rồi nán lại để “nhìn xem” xác Ngài được đặt ở đâu.  Thánh Matthêu nói rằng Maria Mađalêna và vài phụ nữ khác đã ra mộ từ sáng sớm ngày Phục Sinh để “trông chừng” ở đấy (xem Mt 27, 55-56.61; 28, 1.8-10).  Họ đã “xem thấy” ngôi mộ trống.  Cuối cùng, theo ba Tin Mừng Nhất Lãm, những phụ nữ này đã nghe sứ điệp phục sinh và về thuật lại cho những người khác.  Họ đã được “sai đi” làm sứ giả hay tông đồ cho các môn đệ khác.

   Chứng nhân và sứ giả
Marcô đã xếp đặt bà Maria Mađalêna và những phụ nữ khác đứng dưới chân thập (Mc 15, 40-41).  Sử dụng Tin Mừng Marcô, Thánh Luca đã đặt ngay tâm điểm sứ vụ của Chúa Giêsu đoạn văn nói về những phụ nữ đi theo Ngài từ Galilê cho đến Giêrusalem để nói lên đức tin và sự kiên trì của họ (Lc 8, 1-3).  Còn theo Thánh Luca, tại Bữa Ăn Tối Cuối Cùng, Chúa Giêsu nhắc đến các môn đệ như là những người cùng đứng với Ngài trong cơn thử thách, “một lòng gắn bó với Thầy giữa lúc gian nan” (Lc 22, 28).  Maria Mađalêna chắc chắn là một trong số người đó.
Bất kỳ khi nào được nêu tên (ngoại trừ Ga 19, 25-27), Maria Mađalêna đứng đầu danh sách những phụ nữ đi theo và hầu hạ Chúa Giêsu.  Trong Tin Mừng Thánh Gioan, các phụ nữ này đã rời bỏ tuyến hậu phương để xuất hiện dưới chân thập giá.  Chỉ trong Tin Mừng Thánh Gioan thì nhóm phụ nữ này gồm có cả “thân mẫu Chúa Giêsu,” cùng với chị của thân mẫu Chúa Giêsu là bà Maria vợ ông Clopas, và Maria Magđala” (Ga 19, 25).  Được sự ttháp tùng của các phụ nữ này cũng như người Môn đệ Chúa yêu (theo chứng từ của Tin Mừng thứ tư), “thân mẫu Chúa Giêsu” đến sát cây thập giá đủ gần để nghe Chúa Giêsu trăn trối mình cho người môn đệ ấy chăm sóc.  Maria Mađalêna cũng đứng gần đấy, chứng kiến cái chết và lắng nghe Ngài như bà đã từng làm trong suốt cuộc đời mình.

Trái hẳn với các môn đệ nam nhi đã bỏ Chúa Giêsu mà chạy trốn, Maria Mađalêna cùng những người đồng hành phụ nữ không chỉ chứng kiến cái chết của Chúa Giêsu mà còn nán lại để xác minh nơi chôn cất.  Và các bà đã quay trở lại ngôi mộ để xức dầu thơm xác Ngài vào lúc sáng sớm sau ngày Sabbath.  Sau khi được Chúa Giêsu hiện ra, Tin Mừng Nhất Lãm nói rằng bà Maria Mađalêna đã đi và nói cho các môn đệ khác biết sự việc đã xảy ra thế nhưng họ không tin phụ nữ (Mc 16, 20; Lc 23, 49).  Dường như các môn đệ không tin vì họ xưa nay vốn chẳng tin chuyện phụ nữ.
Trong Tin Mừng Gioan, Maria Magđala đi ra mồ “từ lúc sáng sớm khi trời còn tối.”  Thấy tảng đá che cửa mồ đã lăn sang một bên, bà chạy đi báo cho Simon Phêrô và Người môn đệ Chúa yêu (Ga 20, 1-2).  Cả ba chạy trở lại ngôi mộ rồi các môn đệ trở về (Ga 20, 9).  Maria vẫn ở lại, khóc lóc (Ga 20, 11).  Cuối cùng, Chúa Giêsu hiện ra và nói chuyện với bà (20, 11-18).  Bà đã về và báo cho các môn đệ rằng: “Tôi đã thấy Chúa” và kể lại những gì Ngài nói với bà (Ga 20, 18).  Trong Tin Mừng Thánh Gioan, không thấy có ám chỉ nào nói rằng Phêrô và những môn đệ khác không tin Maria hoặc bà là một chứng nhân không đáng tin vì là phụ nữ.  Gioan chỉ nói rằng Phêrô và Môn đệ Chúa yêu đã chạy ra mộ đ
nhìn tận mắt, và người môn đệ Chúa yêu đã tin.  Gioan dường như bóng gió rằng Phêrô không tin ngay lập tức.  Maria Mađalên đã thấy chính Chúa Giêsu và lòng tin của bà được khẳng định trong nhiệm vụ được giao là nói cho những người khác biết về sự phục sinh của Chúa.

Vài kết luận 
Các Tin Mừng đã phản ảnh một tranh luận trong xã hội ở thế kỷ đầu tiên về giá trị chứng từ của những người phụ nữ.  Sự chắc chắn và nhất quán của các Tin Mừng về tính đáng tin cậy của những phụ nữ và đặc biệt của Maria Mađalêna cho thấy rằng các cộng đoàn tín hữu của Chúa Giêsu đã có một nhãn quan mới về phụ nữ và chỗ đứng của họ trong một xã hội mới và trong Giáo Hội.  Một cách rất có ý nghĩa, các Tin Mừng đã ghi lại sự thất bại thảm hại của các đấng môn đệ nam nhi trong “giờ khắc” gay cấn nhất, rồi tiếp theo đó là họ đã không tin Maria Mađalêna cùng những phụ nữ khác đã vội vã chạy về loan tin Chúa Giêsu phục sinh cho họ.

         Kinh Thánh thoát thai trong một nền văn hóa gia trưởng phụ quyền.  Trong nền văn hóa như vậy, người ta nói về phụ nữ không mấy tích cực. Để vượt qua bối cảnh này, cần phải thẳng thắn khi nói về các đấng môn đệ nam nhi cư xử như thế nào vào thời khắc cao điểm trong cuộc tự hiến của Đức Giêsu và giải thích vai trò cần thiết của các phụ nữ cũng trong thời điểm ấy. Trong suốt Tân Ước, đặc biệt là các Tin Mừng, hình ảnh tích cực của các phụ nữ vẫn còn là một tiếng nói muốn được giải thích và trả lại tính xác thực.

Maria Mađalêna đã bị đánh giá sai thậm chí bị khinh khi, qua nhiều thế kỷ chúng ta đã đánh mất hoặc bỏ qua vai trò của bà như là người tông đồ đầu tiên.  Mặc dầu các bình luận về bà vẫn còn dè dặt để chỉ nói điều ít nhất, cả bốn Tin Mừng đều đồng ý rằng bà Maria Mađalêna đã ở dưới chân thập giá, nơi ngôi mộ trống và là một trong những chứng nhân đầu tiên về sự phục sinh của Chúa Giêsu.  Bà đã trở thành người mà phụng vụ mùa Phục Sinh gọi là “Apostola Apostolorum” (Tông đồ của các Tông đồ).

Mary Ann Getty

LM Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

From: KittyThiênKim

Đường Lưỡi Bò từ đâu mà ra?

Đường Lưỡi Bò từ đâu mà ra?

BBC

Một tác giả Trung Quốc, ông Tiết Lực giải thích về Đường Chín Đoạn hình thành ra sao từ thời Tưởng Giới Thạch và cho biết cả chính sách liên quan từng bị Tổng thống Trần Thủy Biển của Đài Loan xóa bỏ.Thế nhưng, trong bối cảnh tranh chấp tại Biển Đông lên cao, Đường Chín Đoạn mà người Việt Nam hay gọi là Đường Lưỡi Bò, lại được Trung Quốc ‘tiếp quản’, và đề cao.

Trả lời trang The Diplomat hôm 06/07/2016, trước ngày phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực (PCA) tháng này, ông Tiết Lực (Xue Li) từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc giải thích ngọn nguồn vụ việc:

“Ý tưởng rằng Đường Chín Đoạn phân định ra vùng nước lịch sử là do Đài Loan đề ra, và sau được đưa vào trong ‘Nam Hải Chính sách Cương lĩnh – Nanhai Zhengce Gangling’ năm 1993.

“Vùng nước lịch sử giống vùng nội thủy nhưng có ý nghĩa pháp lý thấp hơn.”

“Tổng thống Trần Thủy Biển đã bác bỏ chính sách này vào năm 2003 khi ông lên cầm quyền, nhưng Đài Loan chưa bao giờ ra tuyên bố về vùng nước nằm trong Đường Chín Đoạn, nên các vùng nước này vẫn có thể bị cho như là vùng nước lịch sử.”

Image copyrightAFP
Image captionÔng Trần Thủy Biển từng bỏ Chính sách Nam Hải năm 2003

Mơ hồ vì vẽ bản đồ kém?

Ông Tiết Lực nêu quan điểm rằng Đường Chín Đoạn chỉ nên được coi là đường phân định chủ quyền của các hòn đảo vì cách hình thành với các lý do kỹ thuật khiến chúng thiếu chính xác:

“Khi đường này được chính quyền Trung Hoa Dân quốc của Quốc Dân Đảng vẽ ra năm 1947, Trung Quốc không có khả năng đo lường các hòn đảo để xác định mọi địa hình tạo đường phân định cho khu vực hành chính xung quanh.”

“Vì thế, họ vẽ ra đường chạy qua điểm giữa các hòn đảo và vùng đất lân bang để chỉ ra rằng các đảo nằm bên trong đường vẽ ra là lãnh thổ Trung Hoa.”

Image captionCó bản đồ in Đường 11 đoạn nhưng Chu Ân Lai ra lệnh xóa đi hai vạch, còn lại 9

“Đường này nói chung chạy qua điểm trung tuyến giữa các điểm nhô ra nhất của các hòn đảo và địa hình của đất liền xung quanh. Không hề có các vị trí địa lý cụ thể được nêu ra, và những bản đồ mỗi thời in một kiểu lại có chút ít khác biệt về điểm chính xác của đường chín đoạn này.”

Theo ông Tiết Lực, Trung Hoa lục địa sau này đưa Đường Chín Đoạn và Luật lãnh hải năm 1992 và ra công bố ngoại giao khẳng định “chủ quyền không tranh cãi” về các đảo ở biển Nam Trung Hoa và mọi vùng nước xung quanh.

Nhưng theo ông, “đường chín đoạn nên được coi như là ranh giới chủ quyền của các hòn đảo” mà thôi.

Ông cũng giải thích vì sao Trung Quốc cho xây cất trên các bãi đá ở Biển Đông.

“Trung Quốc chỉ làm những gì các nước khác đã làm. Ở quần đảo Nam Sa (Trường Sa), có 50 đảo hiện đang được chiếm giữ thì 29 do Việt Nam, 5 do Malaysia, 8 do Philippines, và 7 do Trung Quốc, và 1 do Đài Loan chiếm.”

Trung Quốc không muốn ở vào vị trí bất lợi nên bắt đầu xây đắp từ 2013, và điều khác biệt là chương trình bồi đắp của Trung Quốc lớn hơn [các nước kia] về tầm vóc, ông nói.

Bản tiếng Trung bài phỏng vấn với ông Tiết Lực được đăng trên trang 21ccom.net.

Ông Tiết Lực, hiện giữ chức chủ nhiệm Ban nghiên cứu chiến lược quốc tế, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, không phải là người đầu tiên và duy nhất trong giới chuyên gia tiếng Trung lên tiếng về tính thiếu chính xác của Đường Chín Đoạn.

Một học giả khác, giáo sư Uông Tranh từ Đại học Seton Hall, Hoa Kỳ, cũng có bài gần đây nói về tính mơ hồ của Đường Chín Đoạn.

Cũng viết trên trang The Diplomat, ông nói ông chưa tìm thấy bất cứ sách nào xuất bản ở Trung Quốc “phân tích cụ thể, đầy đủ và khách quan về cả sự kiện và lịch sử Biển Nam Trung Hoa cũng như quá trình hình thành bản đồ Đường Chín Đoạn và ý nghĩa của nó”.

Image copyrightGETTY
Image captionĐường Chín Đoạn nay chính thức được Trung Quốc tuyên truyền khắp nơi

Hôm 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực tại Hague, Hà Lan đã ra phán quyết chung cuộc vụ Philippines kiện Trung Quốc về Đường Chín Đoạn.

Tòa nói không có bằng chứng lịch sử cho thấy Trung Quốc có thể kiểm soát đặc quyền các vùng biển và nguồn tài nguyên ở Biển Đông.

Trung Quốc nói sẽ không công nhận phán quyết của Tòa và tiếp tục bảo vệ quyền lợi của mình.

Xôn xao clip: Thư sinh áo trắng mắng tay sai thân Tàu

Xôn xao clip: Thư sinh áo trắng mắng tay sai thân Tàu

httpv://www.youtube.com/watch?v=ugkbWPsBuMk


Bạn đọc Danlambao – Đoạn clip ghi lại cảnh một thanh niên trẻ hùng hồn nói lý lẽ với lực lượng công an sắc phục tại Bờ Hồ đang thu hút nhiều sự quan tâm trên các mạng xã hội.

Trước đó, hàng chục người đã bị CA trấn áp và bắt đưa lên xe bus vào sáng ngày 17/7/2016 khi đang tham dự cuộc tuần hành ôn hoà tại Hà Nội nhằm ủng hộ phán quyết Biển Đông của PCA, đồng thời phản đối “đường lưỡi bò” Trung Cộng.
Theo nội dung clip, người thanh niên này lên tiếng phản đối CA vì những việc làm sai trái như: bắt người phi pháp, cấm cản quyền tự do đi lại của người dân.
“Người dân được đi du lịch ở đây. Sao các anh lại có quyền ra đây cấm cản người dân?”, người thanh niên áo trắng nói.
Sau đó, có tiếng một phụ nữ chen vào: “Tóm lại là sợ Trung Quốc chứ gì? Có phải thế không? Hay thế nào?”
Lực lượng CA sắc phục và các dân phòng có mặt tại hiện trường đều tỏ ra im lặng, không dám trả lời những chất vấn của người dân.
Anh thanh niên này hùng hồn nói tiếp:
“Đây, có một người hỏi: Có phải sợ Trung Quốc hay không?” 
 
“Sao các anh không lên tiếng nói đi. Các anh là những chiến sỹ, là những người ăn cơm và mặc áo của dân. Các anh phải có nghĩa vụ bảo vệ người dân chúng tôi!”
Đáp lại, vẫn là những khuôn mặt vô cảm đang cúi đầu im lặng.
Xin được gửi lời khâm phục người thanh niên áo trắng vì sự can đảm của anh. Một lần nữa, đoạn video clip đã khẳng định thêm rằng chính nghĩa thuộc về những người biểu tình yêu nước chống Trung Cộng xâm lăng.
* Video: Facebook DMCS, Pham Van Hai

Trời ơi là trời… Đừng để bị lừa đảo!

Trời ơi là trời… Đừng để bị lừa đảo!

Truong Pham (Danlambao) – Chính phủ Cộng sản ra kế hoạch mượn vàng của dân. Cách thức là vay có giấy biên nhận nợ đàng hoàng.
“Giấy chứng nhận vàng” để lấy vàng thật!
Dân sống sao mà cứ để cho Chính phủ nghĩ là dân vẫn còn ngu, dễ dụ quá sức.
Lấy vàng thật của dân rồi đưa cho dân tờ giấy chứng nhận vàng.
Tờ giấy đó làm được gì hả quý vị? Sau này cầm giấy đi đòi ai?
Nếu quý vị cho tôi vay tiền, vàng và tôi viết giấy biên nhận cho quý vị thì còn có khả thi hơn. Vì nếu tối không trả thì quý vị có thể thưa kiện tôi.
Quý vị cho chính quyền vay thì sau này đi thưa kiện ai???
Tôi khẳng định luôn, ai đưa Chính quyền vàng và lấy tờ giấy biên nhận có con dấu của chính quyền đều là ngu xuẩn.
Có vàng dư chưa biết làm gì thì cứ cất. Chết đấy.
Không phải tôi ghét Cộng sản mà tôi nói vậy mà đó là chiêu trò của Chính quyền cần tiền.
Nhiệm vụ và công việc của một chính quyền đúng nghĩa là không phải tiền mà là quản lý hành chính và an ninh/an toàn, vạch ra các đường lối đúng để dân làm ăn phát tiễn giàu có chứ không phải đi làm kinh tế thay dân.
Dân làm ra tiền thì mới đóng nhiều thuế vào ngân sách, từ đó chính phủ mới đẩy mạnh công trình và dịch vụ công, từ đó tiền lương của “đầy tớ” mới cao hơn được. Ai lại chơi đi vay?
Dân góp hết vàng, tiền, bán hết đất đưa cho Chính phủ làm kinh tế, dân ngồi chơi hưởng lãi. Được không? Chính phủ dám không?
Vinashin, Vinaline, công ty này, công ty kia là lấy tiền của dân đi phá. Phá hết rồi giờ lại giở chiêu trò vay vàng!
Chính quyền không được làm kinh tế nha các bạn. Vay/xin vốn ODA từ nước ngoài thì được. Ai lại đi vay tiền/vàng của dân!!!
Chính phủ vay vàng và sẽ bán để lấy tiền, nhưng Chính phủ không bán cho dân vì bán cho dân là lạm phát. Chính phủ sẽ bán cho nước ngoài để lấy ngoại tệ.
Khi vàng vào tay nước ngoài rồi, vàng đâu nữa mà trả lại cho dân. Lúc đó Chính phủ tìm cách kéo dài nợ cho đến khi bạn già và chết đi, hoặc Chính phủ sẽ trả bằng tiền. Mà tiền là giấy, các bạn làm gì với tiền giấy khi nó lạm phát.
Chính phủ vay vàng mà trả bằng tiền thì lạm phát sẽ tăng vùn vụt là điều đương nhiên.
12.07.2016

Bà nghị sĩ và Tập đoàn Formosa

Bà nghị sĩ và Tập đoàn Formosa

Bài viết sau đây của nhà nghiên cứu Mai Thái Lĩnh, bằng những sự kiện được mô tả chi tiết sẽ cho chúng ta thấy rõ lai lịch và “thành tích” của tập đoàn siêu hạng Formosa trước khi đầu tư vào Việt Nam :
 
– Formosa đã bị tai tiếng rất nhiều vì tội phạm hủy hoại mội trường;
 
– Ngay ở Đài Loan đã nổ ra những cuộc phản đối Formosa dữ dội, ngoài việc bắt đền tiền đã khởi kiện và yêu cầu đóng cửa;
 
– Sự phản đối của dân Đài Loan với tập đoàn Formosa không chỉ đơn thuần về kinh tế và môi trường. Về nguồn gốc Formosa thuộc phái thân Hoa lục độc tài cực đoan, đối lập với đảng Dân Tiến Đài Loan có tính chất thân dân chủ, và bảo vệ môi trường, bảo vệ dân sinh.
 
– Đọc xong, không thể không bật ra câu hỏi: Các cấp lãnh đạo ở Việt Nam khi chấp nhận cho tập đoàn Formosa lập một khu liên hợp công nghiệp, độc quyền vận hành trong 70 năm, tại một vùng hiểm yếu về an ninh như Vũng Áng, các vị có biết những thông tin này không, có biện pháp cảnh giác gì tương xứng không, hay chỉ nhìn thấy một mối lợi trước mắt nào đó? Hay là… còn gì gì nữa, để đến nay đã thành thảm họa, dễ chừng 50 năm nữa chắc gì đã gột rửa xong?
*
 
Bà nghị sĩ và Tập đoàn Formosa
Mai Thái Lĩnh – Ngày 16/6/2016, trong một cuộc họp báo tại Đài Bắc, ba nghị sĩ của Đảng Dân Tiến (hiện đang cầm quyền) đã lên tiếng yêu cầu chính phủ Đài Loan chỉnh đốn hoạt động của các nhà đầu tư ở hải ngoại, vì các cáo buộc cho rằng hàng triệu con cá chết tại Việt Nam là do một nhà máy thép của Tập đoàn Formosa gây ra.
Hình 1: (Từ phải qua trái) Bà Tô Trị Phần, bà Vưu Mỹ Nữ và ông Ngô Côn Dụ. Người thứ tư ngồi kế ba nghị sĩ là Linh mục Nguyễn Văn Hùng (người Việt Nam).
Ba nghị sĩ đó là Tô Trị Phần (Su Chih-fen 蘇治芬) (1), Vưu Mỹ Nữ (Yu Mei-nu 尤美女) và Ngô Côn Dụ (Wu Kun-yu 吳焜裕).
Câu hỏi đặt ra là: tại sao các nghị sĩ Đài Loan này lại quan tâm đến các ngư dân Việt Nam? Và tại sao cách đây không lâu, tập đoàn Formosa vẫn hùng hồn tuyên bố chuyện cá chết tại Việt Nam là do “thủy triều đỏ”, không liên quan gì đến nhà máy thép của Formosa Hà Tĩnh, vậy mà từ sau cuộc họp báo đó, Chủ tịch Formosa Hà Tĩnh đã thay đổi thái độ, thừa nhận cá chết là do chính họ?
Hãy thử lý giải hiện tượng này bằng cách tìm hiểu mối liên hệ giữa nhân vật quan trọng nhất trong buổi họp báo (bà Tô Trị Phần) với Tập đoàn Formosa, thông qua một số tài liệu nghiên cứu và tin tức trên báo chí Đài Loan.
 
Bà Tô Trị Phần là ai?
Bà Tô Trị Phần (Su Chih-fen 蘇治芬) xuất thân từ một gia đình rất nổi tiếng tại Đài Loan, mặc dù ở ngoại quốc người ta ít biết đến. Cha bà là Tô Đông Khải (Su Tung-chi 蘇東啟) – một nhân sĩ nổi tiếng tại huyện Vân Lâm (Yunlin), ở trung-tây đảo Đài Loan. Ông đã từng theo học tại Đại học Meiji (Nhật Bản) và vào đầu thập niên 1960 là nghị viên hội đồng tỉnh Đài Loan. Năm 1960, xảy ra vụ án Lôi Chấn (Lei Chen 雷震). Lôi Chấn nguyên là một trí thức ở đại lục, theo chân quân đội Quốc Dân Đảng (QDĐ) đến Đài Loan sau khi cộng sản chiếm được đại lục. Ông là người sáng lập và phát hành tạp chí Trung Hoa tự do vào năm 1950. Mặc dù là đảng viên QDĐ, cố vấn của Tưởng Giới Thạch, nhưng do lập trường ủng hộ dân chủ của tờ báo, ông đã làm phiền lòng nhà độc tài. Đầu tháng 9 năm 1960, ông bị bắt giam và kết tội phản quốc với bản án 10 năm tù theo lệnh của Tưởng Giới Thạch. Tờ tạp chí cũng bị đóng cửa từ đó.
Một vài trí thức nổi tiếng đã ký kiến nghị yêu cầu chính phủ trả tự do cho Lôi Chấn nhưng không thành công; trong số những người ký kiến nghị có chính trị gia Tô Đông Khải. Một năm sau (1961), hàng trăm nhà hoạt động tại Đài Loan bị bắt, trong đó có ông Tô. Ông bị kết tội âm mưu nổi loạn chống chính quyền và lãnh án tử hình (2). Bà vợ của ông là Tô Hồng Nguyệt Kiều (Su Hung Yueh-chiao 蘇洪月嬌) cũng bị bắt, sau đó bị kết án tù chung thân. Mãi đến năm 1976, dưới thời Tưởng Kinh Quốc, sau 15 năm ngồi tù bà Tô Hồng mới được trả tự do. Theo Linda Gail Arrigo, sau khi được ra khỏi tù, bà ứng cử vào hội đồng địa phương và trúng cử. Chính quyền QDĐ tìm cách gây khó dễ, nhưng sau đó không thể loại bỏ bà ra khỏi chức vụ dân cử (3). Gia đình họ Tô tại Vân Lâm trở thành một trong những hạt nhân địa phương đầu tiên góp phần quan trọng vào việc hình thành đảng đối lập lớn nhất tại Đài Loan vào năm 1986 – Đảng Dân chủ Tiến bộ, thường gọi tắt là Đảng Dân Tiến (tên trong tiếng Anh là Democratic Progressive Party, viết tắt là DPP).
Khi cha mẹ bị bắt giam, bà Tô Trị Phần mới lên 8 tuổi. Những nỗi đau mà gia đình bà phải gánh chịu đã thúc đẩy bà tham gia vào hoạt động chính trị. Bà bắt đầu nổi tiếng trên chính trường khi trúng cử chức vụ huyện trưởng Huyện Vân Lâm (Yunlin) vào cuối năm 2005. Vào lúc này, Đảng Dân Tiến đã nắm được chức vụ Tổng thống hơn một nhiệm kỳ và bước vào nhiệm kỳ thứ hai. Đảng Dân Tiến bước vào một giai đoạn khó khăn vì tuy nắm được quyền hành pháp nhưng tại Viện Lập pháp, Quốc Dân Đảng nắm đa số ghế. Trong cuộc bầu cử địa phương năm 2005, QDĐ thắng lớn: QDĐ thắng tại 14/23 thành phố và huyện, trong khi Dân Tiến trước đây nắm được 9 thành phố và huyện, nay chỉ còn nắm được 6 địa phương – trong đó có huyện Vân Lâm và huyện Gia Nghĩa (Chiayi). Huyện trưởng tại hai huyện này là bà Tô Trị Phần và ông Trần Minh Văn (Chen Ming-wen 陳明文).
Vụ án tham nhũng của cựu Tổng thống Trần Thủy Biển và gia đình là sự kiện lớn nhất trong giai đoạn này. Ngày 20/5/2008, chỉ một giờ sau khi rời khỏi chức vụ tổng thống (nghĩa là mất quyền miễn tố), ông Trần Thủy Biển lập tức bị bắt giữ và hạn chế quyền đi lại (lấy cớ là có thể bỏ trốn ra nước ngoài) vì bị cáo buộc các tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Vụ án này kéo dài hơn hai năm, đến tận tháng 11 năm 2010, với phán quyết cuối cùng của Tòa án Tối cao: ông Trần Thủy Biển và vợ ông là bà Ngô Thục Trân (Wu Shu-jen 吳淑珍) bị kết án tù (17 năm rưỡi) và phải nộp phạt 154 triệu Đài tệ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đài Loan, một nguyên thủ quốc gia bị án tù.
Ngày 4/11/2008, lợi dụng vụ án tham nhũng của Trần Thủy Biển đang ở thời kỳ cao điểm, cơ quan công tố đã bắt giữ và thẩm vấn bà Tô Trị Phần – huyện trưởng huyện Vân Lâm, vì cho rằng bà đã nhận hối lộ 5 triệu Đài tệ (tương đương 151 ngàn đô-la Mỹ) để thông qua một dự án xây dựng một hố chôn rác (landfill construction project). Việc bắt giữ này đã gây phẫn nộ trong người dân tại địa phương. Các đảng viên Dân Tiến lên án cơ quan công tố vì cho rằng họ chịu sự chỉ đạo từ phía chính phủ (của QDĐ) để nhân cơ hội này bức hại các đảng viên Dân Tiến – nhất là những người có uy tín tại địa phương như bà Tô Trị Phần (huyện trưởng Vân Lâm) và ông Trần Minh Văn – huyện trưởng huyện Gia Nghĩa.
Hình 2: Bà Tô trị Phần đang giơ cao hai tay bị còng để phản đối khi bị đưa lên một xe cảnh sát đến cơ quan công tố để thẩm vấn (Ảnh chụp ngày 10/11/2008) 
Các công tố viên đòi kết tội bà Tô bằng một bản án 15 năm tù và 8 năm bị tước quyền công dân (có lẽ để bà không thể nào tiếp tục sự nghiệp chính trị), thế nhưng qua hai lần xét xử, tòa án đã tha bổng bà Tô Trị Phần. Vì cơ quan công tố không chịu bỏ cuộc, tiếp tục kháng cáo nên mãi đến giữa tháng 1 năm 2012, Tòa án Tối cao mới ra phán quyết chung thẩm bác bỏ toàn bộ các cáo buộc của phía công tố, trả lại sự trong sạch cho bà Tô (4). Điều an ủi đối với bà Tô là trong kỳ bầu cử địa phương năm 2009, bà tiếp tục trúng cử chức vụ huyện trưởng. Và chính trong nhiệm kỳ thứ hai này, bà huyện trưởng Tô Trị Phần đối đầu với tập đoàn hóa dầu “khổng lồ” Formosa.
Để có thể hiểu rõ hơn về một huyện, cũng cần nói thêm đôi điều về cách phân chia hành chính của Đài Loan. Thời gian đầu Đài Loan được chia thành hai tỉnh Đài Loan và Phúc Kiến, nhưng tỉnh Phúc Kiến chỉ bao gồm hai quần đảo Kim Môn và Mã Tổ, còn lại đều thuộc tỉnh Đài Loan. Từ năm 1967 đến nay, có 6 thành phố lần lượt trở thành thành phố đặc biệt (special municipalities, 直轄市 trực hạt thị) trực thuộc trung ương: Đài Bắc (Taipei), Cao Hùng (Kaohsiung), Tân Đài Bắc (New Taipei), Đài Trung (Taichung), Đài Nam (Tainan) và Đào Viên (Taoyuan). Tỉnh Đài Loan chỉ bao gồm 3 thành phố thuộc tỉnh (provincial cities, 市 thị) và 11 huyện (counties, 縣 huyện). Vân Lâm là một huyện, đứng đầu là huyện trưởng (magistrate, có khi gọi là commissioner).
Cuộc đối đầu giữa bà huyện trưởng và Tập đoàn Formosa:
Tập đoàn Formosa (tên đầy đủ là Formosa Plastics Group – Tập đoàn Nhựa Formosa, thường viết tắt là FPG) khởi công xây dựng khu công nghiệp Mạch Liêu (Mailiao 麥寮) tại huyện Vân Lâm từ năm 1994, và bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1999. Đó là một tổ hợp công nghiệp khổng lồ được xây dựng trên một diện tích khoảng 2.600 hec-ta, với 61 nhà máy (dữ liệu năm 2014). Hạt nhân của khu công nghiệp hóa dầu này là nhà máy naphtha cracker số 6 (sử dụng naphtha để sản xuất ra ethylene – một hóa chất được sử dụng nhiều nhất trong ngành hóa dầu). Gọi là “nhà máy naphtha cracker số 6” nhưng thực chất là ba nhà máy được lần lượt xây dựng, nhà máy thứ ba hoàn thành vào năm 2007. Tổng công suất của cả ba nhà máy là 2,9 triệu tấn ethylene/năm, chiếm 75% sản lượng ethylene của Đài Loan (dữ liệu 2010). Nhà máy naphtha cracker số 6 được các nhà khoa học đánh giá là “tác nhân gây ô nhiễm môi trường lớn nhất tại Đài Loan”. Trong bài viết này, tôi tạm gọi nhà máy naphtha cracker là “nhà máy NC”.
Ngày 7 tháng 7 năm 2010, một đám cháy đã xảy ra sau vụ nổ tại một phân xưởng của nhà máy NC nhỏ nhất trong 3 nhà máy NC tại Mạch Liêu (công suất 700 ngàn tấn/năm) khiến cho nhà máy phải ngừng hoạt động. Ba tuần lễ sau đó, ngày 25/7, một đám cháy thứ hai lại xảy ra tại một phân xưởng khác của nhà máy này. Qua ngày hôm sau, đứng ở phía bắc cảng Đài Trung, cách đó hơn 70 km, người ta vẫn còn nhìn thấy cột khói đen của đám cháy.
Thật ra, cháy nổ vẫn xảy ra thường xuyên tại khu công nghiệp hóa dầu Mạch Liêu của Formosa. Chỉ tính riêng trong năm 2009, đã xảy ra tổng cộng 11 vụ cháy nổ tại khu công nghiệp này, khiến cho tin cháy nổ trở thành quen thuộc tựa như tai nạn ô-tô. Nhưng hai vụ cháy nổ lớn liên tiếp xảy ra chỉ trong vòng chưa đầy một tháng đã khiến cư dân trong vùng bàng hoàng. Hàng trăm cư dân tại Mạch Liêu đã tụ tập trước cổng của nhà máy NC, một số đeo mặt nạ có chữ “độc (毒) để phản đối Formosa – thủ phạm gây ra ô nhiễm môi trường.
Đám cháy âm ỉ suốt 36 giờ đã gây thiệt hại cho ngành nuôi trồng thủy sản cũng như nông nghiệp tại địa phương. Tại một nông trại nuôi 300 ngàn con vịt – trong đó có 6 ngàn con vịt con, chỉ trong một đêm gần 2 ngàn con vịt con đã chết. Người ta ngờ rằng nguyên nhân của tình trạng này là do tro than và mưa a-xít mà đám cháy gây ra đã làm ô nhiễm nguồn nước.
Sáng ngày 28/7, bà Thái Anh Văn (Chủ tịch Đảng Dân Tiến) đã đến huyện Vân Lâm để thanh tra sự thiệt hại đối với ngành thủy sản tại đây. Tháp tùng bà có bà huyện trưởng Tô Trị Phần. Các nông dân đã cho bà Thái Anh Văn xem những con nghêu, con sò (clams) đã chết – bị ngả sang màu nâu hay đen, có lẽ do nước bị ô nhiễm. Chủ tịch Thái nói rằng hai tai nạn công nghiệp liên tiếp không chỉ gây ra thiệt hại cho các nhà nuôi trồng thủy sản ở gần nhà máy NC số 6 mà còn gây thiệt hại lớn lao cho môi trường, vượt quá quyền hạn của chính quyền địa phương (5).
Ngày 29/7, bà Tô Trị Phần (huyện trưởng Vân Lâm) đã đích thân tham gia một cuộc biểu tình phản đối tại Đài Bắc. Cùng với các cư dân địa phương và các chính trị gia, bà quỳ gối trước trụ sở của Viện Hành pháp (tức Chính phủ Đài Loan) để bày tỏ sự phản đối các chính sách của chính quyền trung ương trong lĩnh vực công nghiệp và bảo vệ môi trường. Hành động này đã kích thích sự quan tâm và tranh luận rộng rãi trên toàn quốc. Ngày hôm sau (30/7) Thủ tướng Ngô Đôn Nghĩa (Wu Den-yih ) sau khi đích thân đến thị sát tại nhà máy, đã tuyên bố nhà máy bị cháy nổ phải lập tức đóng cửa và chỉ được phép mở lại sau khi chính quyền trung ương đã kiểm tra mức độ an toàn. (6)
Cơ quan quản lý môi trường của Đài Loan – Cục Bảo vệ Môi trường (Environmental Protection Administration, EPA) đã quyết định phạt Formosa 1 triệu Đài tệ ($NT), tương đương 31.000 đô-la Mỹ (31,000 $US), mức phạt cao nhất theo quy định của luật pháp. Đây là một mức phạt “quá nhẹ” dưới con mắt của các nhà đấu tranh bảo vệ môi trường. Họ cho rằng EPA thực ra chỉ là một cơ quan “đóng dấu” (rubber stamp) thừa hành lệnh của cơ quan hành pháp trung ương – vốn luôn chủ trương “ủng hộ phát triển công nghiệp mà xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường”.
Ngày 17/8/2010, sau khi các cuộc thương thảo về tiền bồi thường giữa cư dân địa phương và tập đoàn Formosa không đạt được thỏa thuận, hàng ngàn cư dân đã tức giận, kéo nhau chặn tất cả ba con đường chính dẫn đến tổ hợp hóa dầu của Formosa tại Mạch Liêu. Sử dụng còi và loa phóng thanh, đám đông giận dữ đã vây hãm tổ hợp, đòi hỏi tập đoàn phải trả cho cư dân 1,8 tỷ Đài tệ (NT$ 1.8 billion) – tương đương 53 triệu đô-la Mỹ, vì đã làm ô nhiễm khu vực và gây nguy hại đến sức khỏe của họ. Họ cũng yêu cầu công ty hứa di chuyển nhà máy đi chỗ khác trong thập niên này. Gần 1000 cảnh sát và ít nhất ba công tố viên đã được gửi đến hiện trường trong một nỗ lực để giải tỏa đường cho các nhân viên công ty và ngăn ngừa các hoạt động bất hợp pháp. Đã có đụng độ nhẹ giữa hai bên mặc dù không có thương vong. Cảnh sát đã ra lệnh bắt 7 người lãnh đạo cuộc biểu tình, nhưng sau khi thẩm vấn đã phóng thích họ mà không buộc tội hoặc yêu cầu đóng tiền bảo lãnh.
Hình 3: Cư dân biểu tình trước cổng khu tổ hợp Mạch Liêu 
Về phía tập đoàn, đại diện của Formosa nói không thế chấp nhận đòi hỏi của những người biểu tình, và công ty sẽ cung cấp không hơn 500 triệu Đài tệ ($NT) tiền bồi thường. (“Mailiao protestors block access to FPG plant”, Taipei Times Aug 18, 2010)
Hình 4: Cảnh sát bảo vệ cổng nhà máy NC số 6 tại Mạch Liêu. 
Vì chưa nguôi cơn giận, sáng hôm sau (18/8), dưới sự lãnh đạo của một “hội tự-cứu” tại địa phương (7), những người biểu tình đã ngăn chận một con đường vào khu tổ hợp công nghiệp, gây ra ách tắc trên một quãng đường dài 3km. Cảnh sát đã phải tạo thành một “bức tường người” để mở đường cho khu công nghiệp hóa dầu hoạt động. (“Residents block access to FPG plant for a second day”, Taipei TimesAug 19, 2010).
Theo tài liệu của Yi-En Tso, mãi đến ngày 2/9/2010, các cuộc thương thảo về bồi thường mới đạt được thỏa thuận. Về phía Formosa, tập đoàn đồng ý kiểm tra sức khỏe miễn phí thông qua Bệnh viện Chang Gung – một bệnh viện tư thuộc quyền sở hữu của tập đoàn. Ngoài ra, tập đoàn sẽ trả tiền bồi thường 250 triệu Đài tệ trong năm đầu tiên, và kể từ năm thứ hai mọi cư dân tại Mạch Liêu sẽ được nhận tiền bồi thường hàng năm 7.200 Đài tệ (7,200 NT$).
(Còn tiếp)
_____________________________________
Chú thích:
(1) Trong sách báo tiếng Anh hiện nay, tên bà Tô Trị Phần được phiên âm là Su Chih-fen, hoặc Su Chih-feng. Tôi dựa vào cách ghi trên chính trang Facebook của bà.
(2) Hannah Pakula, The Last Empress: Madame Chiang Kai-shek and the Birth of Modern China, Simon and Schuster, 2009, p. 625. Về việc ông Tô Đông Khải có bị hành quyết haykhông , Pakula nói “có lẽ” đã bị hành quyết, có tác giả khẳng định “đã hành quyết một năm sau đó”, nhưng lại có tác giả cho rằng đã chuyển thành án tù chung thân.
(3) Linda Arigo, “Social Origins of Taiwan’s Democratic Movement”, 1981:
(4) Tương tự là trường hợp của Trần Minh Văn, huyện trưởng huyện Gia Nghĩa (2001-2009). Ông cũng được Tòa án tha bổng. Hiện nay, ông là nghị sĩ của Viện Lập pháp khóa 9, và được coi là một nhân vật lãnh đạo sáng giá của Đảng Dân Tiến.
(5) “Cai Ying-wen Consoled Southern Aquaculture Farmers suffered from the Sixth Naphtha Cracker Plant Fire”, 2010-07-28:
(6) Yi-En Tso, David A. McEntire, “Emergency Management in Taiwan: Learning from Past and Current Experiences”, In David McEntire (Ed.) Comparative Emergency Management: Understanding Disaster Policies, Organizations, and Initiatives from Around the World, FEMA, DHS, 2011.
(7) Hội tự cứu (self-help association) là một hình thức của nhóm lợi ích (interest group) tại Đài Loan. Từ thập niên 1980, nông dân thường tập hợp trong các hội tự cứu để hợp sức đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho chính bản thân và gia đình họ.

Formosa & sự im lặng khó hiểu của các cơ quan chức năng

Formosa & sự im lặng khó hiểu của các cơ quan chức năng

Mẹ Nấm (Danlambao) – Tính đến nay gần trọn một tuần người dân và báo chí vào cuộc phát hiện các địa điểm chôn lấp chất thải đưa về từ nhà máy Formosa tại Hà Tĩnh. Các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Đưa Tin, Vietnamnet… tập trung đưa tin hàng ngày, riêng báo Tài Nguyên Môi Trường – cơ quan ngôn luận của Bộ TNMT im lặng sau khi trích dẫn vài phát biểu an toàn của Phó thủ tướng và Bộ trưởng đầu ngành.

Sáng 18/7/2016, báo Thanh Niên đưa tin “Phát hiện thêm 10 điểm chôn trộm chất thải của Formosa”(1). Trả lời vấn đề này, ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: sự cố chôn lấp chất thải của Formosa là một bài học rất lớn đối với Hà Tĩnh và để giải quyết vấn đề này phải cần một quá trình lâu dài.“Chúng tôi đã phải trả một cái giá không tính toán được liên quan đến vấn đề môi trường môi sinh, dư chấn tâm lý của người dân, thiệt hại cả tinh thần, vật chất”

Thật ra, các lãnh đạo và các quan chức không ai phải trả giá gì cho sự quan liêu, thiếu trách nhiệm và tính tham lam vô độ của các cá nhân, tổ chức đã tiếp tay cho Formosa đầu độc môi trường. Người phải trả giá bằng sức khỏe, bằng những mối lo ngại sẽ bị ảnh hưởng trong tương lai là nhân dân – những người đang sống chung với thảm họa. Tháng 4, cá chết biển chết, người lay lắt vì mất nghề, vì bỏ biển. Chưa có một động thái xử lý rõ ràng và hướng khắc phục hậu quả nặng nề đã xảy ra thì các sai phạm lần lượt bị báo chí phơi bày.

Theo công bố của ông Trần Hồng Hà – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường thì nhà máy thép Formosa đã mắc phải 53 vi phạm trong quá trình cho chạy thử nghiệm. Không có thêm thông tin cụ thể gì về các điểm vi phạm này.

Quá trình xử lý Formosa vẫn đang được chia thì tương lai, nghĩa là “sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên ở đây, với thỏa thuận đền bù 500 triệu đô la, đại diện chính phủ Việt Nam đã đứng ra kêu gọi nhân dân “khoan hồng” cho kẻ hủy diệt.

Đến nay, sau hàng loạt tình tiết mới, chưa thấy đại diện của cơ quan chức năng nào đứng ra phát biểu.

Tại sao các cơ quan chức năng im lặng?

Câu hỏi này có lẽ không quá khó để trả lời.

Xin mượn lời Người Quan Sát trong bài viết “Formosa nhận lỗi, đảng nhận tiền – nhân dân nhận thảm họa” để nhắc chúng ta nhớ và biết mình phải làm gì:

“Formosa nhận lỗi nhưng chưa nhận tội. Cũng không cho biết trong những lỗi đó đã thải xuống biển những chất độc gì và hàm lượng bao nhiêu. Đảng nhận tiền nhưng không biết những thiệt hại đối với môi trường đến kinh tế, sức khoẻ và đời sống của người dân nghiêm trọng ra sao. Đảng cũng cương quyết không nhận lỗi lẫn nhận tội khi đã biết rõ nguyên nhân cá chết cả tháng trước, nhưng vẫn phớt lờ để ngư dân ra biển, vẫn không một cảnh báo chính thức về hiểm họa tiêu thụ thức ăn hải sản có nguy cơ nhiễm độc. Chỉ có người dân là đóng vai trò nạn nhân lẫn khán giả và nhận thảm họa trong bi kịch Cá Chết Formosa.” (2)

Đừng im lặng, hãy lên tiếng yêu cầu khởi tố các cá nhân liên quan đến thảm họa môi trường mang tên Formosa.

18.7.2016

Mẹ Nấm