Bóp cổ vợ tới chết, bác sĩ ở San Clemente lãnh ít nhất 15 năm tù

Ba’o Nguoi-Viet

March 15, 2024

SANTA ANA, California (NV) – Bác sĩ chữa trị hiếm muộn ở San Clemente bị kết án 15 năm tù tới chung thân hôm Thứ Sáu, 15 Tháng Ba, vì giết vợ, theo City News Service.

Tháng Mười Hai năm ngoái, bị cáo Eric Scott Sills, 58 tuổi, bị kết tội bóp cổ bà Sausann Stephanie Arsuaga Sills, 45 tuổi, tới chết tại nhà họ ở San Clemente hôm 13 Tháng Mười Một, 2016.

Bị cáo Eric Scott Sills. (Hình: Orange County Sheriff’s Department)

Hôm đó, ông Sills “tát qua tát lại” bà Sills trước khi bóp cổ bà tới chết rồi cố dàn dựng hiện trường như thể bà bị té lầu, bà Jennifer Walker, công tố viên Orange County, cho bồi thẩm đoàn hay tại phiên tòa xét xử. Nhưng luật sư của ông Sills nghi ngờ cuộc điều tra không trung thực, và quả quyết rằng bà Sills, vốn bị bệnh nhức nửa đầu, té lầu và chết vì chấn thương cột sống.

Khi cảnh sát và nhân viên cứu nạn tới nhà ông Sills sáng sớm hôm đó, ông nói với họ là ông thức dậy mà không thấy bà vợ, Biện Lý Cuộc Orange County cho hay.

Ông Sills khai, sau đó, ông thấy vợ nằm chết dưới chân cầu thang, dường như do bị té lầu, theo biện lý cuộc.

Sau khi điều tra và giảo nghiệm tử thi, Tháng Mười Một, 2017, cơ quan công lực Orange County xác định ông Sills giết vợ.

Bác Sĩ Sills là giám đốc y tế trung tâm điều trị hiếm muộn ở Carlsbad – Center for Advanced Genetics. Bà Sills đồng sáng lập trung tâm này.

Tại phiên tòa kết án hôm Thứ Sáu, ông Sills được trừ 93 ngày bị giam. (Th.Long) [qd]


 

Tỷ lệ người Mỹ gốc Á sở hữu nhà tăng kỷ lục

Ba’o Nguoi-Viet

March 11, 2024

ORANGE COUNTY, California (NV) – Tỷ lệ sở hữu nhà đang tăng lên ở các nhóm chủng tộc và sắc tộc, theo dữ liệu của Hiệp Hội Môi Giới Địa Ốc Quốc Gia (NAR), nhưng sự chênh lệch vẫn còn tồn tại.

Theo Realtor Magazine, tỷ lệ sở hữu nhà của người gốc Á và Hispanic (nói tiếng Tây Ban Nha) ở Mỹ đã đạt mức cao nhất mọi thời đại, lần lượt đạt 63.3% và 51.1%, theo thông tin dữ liệu về chủng tộc và mua nhà năm 2024 của NAR.

Nhiều người mua gốc Á và gốc Hispanic cũng dựa vào quà tặng hoặc sự giúp đỡ tài chính từ người thân hoặc bạn bè để trả cho khoản trả trước khi mua nhà. (Hình minh họa: Joe Raedle/Getty Images)

Báo cáo phản ánh dữ liệu năm 2022 (là dữ liệu mới nhất hiện có) cho thấy tỷ lệ sở hữu nhà của các nhóm thiểu số đang gia tăng. Tỷ lệ sở hữu nhà tổng thể ở Mỹ vào năm 2022 là 65.2%.

Kinh tế gia của NAR là Jessica Lautz cho biết: “Việc sở hữu nhà của người thiểu số đã giành được chỗ đứng.” Tuy nhiên, “trong khi những thành quả đạt được đáng được tôn vinh, con đường sở hữu nhà vẫn còn nhiều gian nan đối với những người mua thiểu số.”

Báo cáo cảnh báo khả năng chi trả nhà ở, khả năng tiếp cận tín dụng, nợ vay sinh viên gia tăng và những trở ngại khác tiếp tục thách thức người mua nhà là người thiểu số một cách không cân xứng. Tuy nhiên, người Mỹ gốc Hispanic và gốc Á vẫn có thể đạt được vị thế đáng chú ý, đạt mức tăng tỷ lệ sở hữu nhà lớn nhất trong thập niên qua.

Người Mỹ gốc Hispanic đã tăng 5.4% so với năm 2012, có thêm khoảng 3.2 triệu chủ sở hữu nhà trong thập niên qua. Người Mỹ gốc Á tăng 6.1% so với năm 2012, nghĩa là có thêm gần 1.5 triệu chủ sở hữu nhà.

Tiến bộ và thách thức

Nhìn chung, có 10.5 triệu chủ nhà mới ở Mỹ từ năm 2012 đến năm 2022, với tỷ lệ sở hữu nhà ở Mỹ tăng từ 63.9% lên 65.2% trong thời gian đó, theo dữ liệu của NAR. Tuy nhiên, không phải tất cả các nhóm chủng tộc và sắc tộc đều tốt như nhau.

Rằng tỷ lệ sở hữu nhà của người Mỹ da đen, ở mức 44.1%, tiếp tục tụt hậu so với các nhóm khác. Những thách thức về khả năng chi trả vẫn tồn tại và sự chênh lệch có thể gây áp lực đặc biệt lớn lên các nhóm chủng tộc và sắc tộc.

Ví dụ, ở Colorado, 41% chủ nhà da đen chi hơn 30% thu nhập của họ cho nhà ở so với 24% chủ nhà da trắng. Báo cáo cũng lưu ý rằng ở những nơi như Hawaii và Iowa, khoảng cách về tỷ lệ gánh nặng chi phí của chủ nhà da trắng và da đen lớn hơn 30%.

Lautz cho biết: “Tác động của khả năng chi trả nhà ở và số lượng nhà ở hạn chế là cực kỳ lớn đối với người mua thiểu số vì hơn một nửa trong số họ là những người mua lần đầu, những người phải dựa vào các nguồn thanh toán trước ngoài vốn chủ nhà ở.”

Hơn nữa, khi giá thuê nhà tăng trên toàn quốc, sẽ có ít hộ gia đình thuê nhà có khả năng tiết kiệm để trả trước tiền mua nhà. “Ngay cả trong số những người mua nhà thành công, người thiểu số cũng có số nợ sinh viên cao hơn. Đây cũng là chi phí lớn nhất gây cản trở tiết kiệm, cùng với tiền thuê.”

Báo cáo của NAR cho thấy những người mua nhà da đen báo cáo tỷ lệ nợ vay sinh viên cao nhất, ở mức 41%, với số tiền trung vị (median) kỷ lục là $46,000. 29% người gốc Tây Ban Nha mua nhà cho biết họ mắc nợ vay sinh viên, với số tiền trung vị là $33,300. 

Tổng hợp nguồn thu nhập

Để được sở hữu nhà, những người mua nhà thuộc mọi chủng tộc có thể thấy mua nhà theo nhóm là có lợi. Báo cáo lưu ý rằng 24% người mua nhà da đen, 23% người gốc Á và 22% người gốc Hispanic đã mua nhà cho nhiều thế hệ vào năm 2022, so với chỉ 12% của người da trắng.

Theo báo cáo, những lý do phổ biến nhất để mua một căn nhà dành cho nhiều thế hệ là chăm sóc hoặc dành nhiều thời gian hơn cho cha mẹ hoặc người thân già, tiết kiệm chi phí và muốn có một căn nhà lớn hơn mà tổng hợp từ nhiều nguồn thu nhập có thể cùng nhau mua được nhà.

“Gia đình tiếp tục đóng một vai trò lớn trong việc giúp đỡ người mua tham gia thị trường,” báo cáo của NAR lưu ý.

Nhiều người mua gốc Á và gốc Hispanic cũng dựa vào quà tặng hoặc sự giúp đỡ tài chính từ người thân hoặc bạn bè để trả cho khoản trả trước khi mua nhà, ở mức tương ứng là 26% cho người gốc Á và 14% cho người gốc Hispanic. (Ng.Tr) [kn]


 

 2 dân biểu liên bang ra dự luật cho người dân $2,500 mua sắm

Ba’o Nguoi-Viet

February 27, 2024

WASHINGTON, DC (NV) – Nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa và hỗ trợ sản xuất trong nước, hai dân biểu liên bang, ông Ro Khanna (Dân Chủ-California) và bà Debbie Dingell (Dân Chủ-Michigan), đưa ra dự luật khuyến khích người dân Mỹ mua hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ, theo Newsweek hôm Thứ Ba, 27 Tháng Hai.

Ông Khanna và bà Dingell giới thiệu dự luật này khi đi thăm một số cơ sở sản xuất ở Ann Arbor, Michigan, hôm Thứ Năm tuần trước.

Khách mua sắm tại siêu thị ở Chicago, Illinois, hôm 13 Tháng Hai. (Hình minh họa: Scott Olson/Getty Images)

Dự luật của họ tên “Made in the USA Tax Credit Act,” có mục đích khôi phục nền sản xuất ở Mỹ bằng cách hỗ trợ cho cá nhân $2,500 “tax credit” và cặp vợ chồng $5,000 khi mua hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn “Made in the USA” của Ủy Ban Thương Mại Liên Bang (FTC). Theo trang web FTC, sản phẩm “Made in the USA” phải là sản phẩm được làm “toàn bộ hoặc hầu như toàn bộ” ở Mỹ.

Dự luật này chỉ nhắm tới sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ, tức là doanh nghiệp có dưới 500 nhân viên, theo Cơ Quan Doanh Nghiệp Nhỏ định nghĩa. Dự luật này không tính hàng hóa xa xỉ, thuốc lá, súng và xe hơi.

“Đầu tư cho nền sản xuất ở Mỹ sẽ thúc đẩy sáng tạo, thịnh vượng và tiến bộ,” bà Dingell ra thông cáo báo chí cho hay tuần trước. “Tôi tự hào giới thiệu dự luật ‘Made in the USA’ cùng với Dân Biểu Khanna để khuyến khích người tiêu dùng ủng hộ doanh nghiệp nhỏ của gia đình trong cộng đồng chúng ta, và ưu tiên mua sản phẩm Mỹ.”

Thông qua dự luật này, ông Khanna và bà Dingell muốn giải quyết vấn đề đã làm suy yếu cốt lõi sức mạnh kinh tế và sức sống cộng đồng của Mỹ nhiều năm qua.

Từ năm 1998 tới nay, tình trạng sản xuất sụt giảm ở Mỹ, cộng với nhập cảng tăng, khiến hơn 70,000 nhà máy đóng cửa, bà Dingell cho biết trong thông cáo báo chí. Xu hướng này khiến nhiều người mất việc làm và “làm thủng” toàn bộ các cộng đồng và khu vực từng phát triển thịnh vượng nhờ sản xuất, qua đó, gây hại cho nền kinh tế và làm giảm hy vọng đạt được giấc mơ Mỹ của nhiều người, theo bà Dingell.

“Tôi tự hào giới thiệu dự luật ‘Made in the USA’ cùng với Dân Biểu Dingell,” ông Khanna cho hay trong thông cáo báo chí chung với bà Dingell. “Dự luật này vừa làm cho hàng hóa trở nên dễ mua hơn với người tiêu dùng vừa hỗ trợ doanh nghiệp cũng như người lao động Mỹ.”

Để hội đủ điều kiện nhận tiền mua sắm, cá nhân phải có lương dưới $125,000 một năm và lợi tức đầu tư dưới $20,000, còn cặp vợ chồng khai thuế chung phải có lương dưới $250,000 một năm và lợi tức đầu tư dưới $40,000. Nhằm bảo đảm bắt kịp kinh tế thay đổi, khoản tiền trợ cấp này sẽ được điều chỉnh theo lạm phát mỗi năm.

Dự luật này được trình lên Ủy Ban Thuế Hạ Viện, còn chờ Hạ Viện, Thượng Viện thông qua và cuối cùng là Tổng Thống Joe Biden chuẩn thuận mới chính thức thành luật. (Th.Long) [qd]


 

Cha, đang cai nghiện ma túy, đâm cổ con trai 8 tuổi tới thăm

 Báo Nguoi-Viet

February 18, 2024

SANTA ANA, California (NV) – Cậu bé 8 tuổi được đưa đi bệnh viện sau khi bị cha đâm hai nhát vô cổ bằng tuốc-nơ-vít khi tới thăm cha tại trung tâm cai nghiện ma túy ở Orange County, giới chức loan báo hôm Thứ Năm, 15 Tháng Hai.

Anh Christopher Lee Kearns, 28 tuổi, cư dân Santa Ana, bị cáo buộc đưa đứa con vô phòng và đặt vô lòng để “nói về Thượng Đế” rồi cho biết anh sẽ “gửi nó về Thượng Đế,” Biện Lý Cuộc Orange County ra thông cáo báo chí cho hay.

Anh Christopher Lee Kearns có thể lãnh án tù hơn 15 năm. (Hình minh họa: Storyblocks)

Sau đó, anh Kearns tấn công con trai, vừa đè con xuống giường rồi đâm hai nhát bằng tuốc-nơ-vít và cắt tay đứa bé bằng dao, vừa bịt mũi và miệng cậu bé không cho la hét, theo biện lý cuộc.

Sau khi nghe tiếng cậu bé thét lên, một người khác ở trung tâm đó lôi anh Kearns ra khỏi đứa bé đang chảy máu đầm đìa. Lúc đó, mẹ ruột và cha kế của đứa bé đang ngồi chờ đón bên ngoài.

Anh Kearns bị truy tố hàng loạt tội, trong đó có tội mưu sát, và có thể lãnh án tối đa hơn 15 năm tù nếu bị kết tội, biện lý cuộc cho hay.

Tính tới Thứ Năm, anh Kearns vẫn đang bị giam, tiền thế chân tại ngoại $700,000. Anh sẽ ra tòa ở Santa Ana ngày 1 Tháng Ba.

Con trai anh được đưa vô bệnh viện mấy ngày nhưng không rõ tình trạng ra sao. (Th.Long)


 

Một bà mẹ ở Kansas City nướng con chết trong lò

Ba’o Nguoi-Viet

February 11, 2024

KANSAS CITY, Missouri (NV) – Một bà mẹ ở thành phố Kansas City bị cáo buộc đã giết em bé gái một tháng tuổi bằng cách đưa vào lò nướng, theo hồ sơ tòa án nộp tại Jackson County, Missouri, NBC News loan tin hôm Chủ Nhật, 11 Tháng Hai.

Người mẹ bị bắt và bị buộc tội trọng tội gây nguy hiểm cho trẻ em cấp độ một, theo hồ sơ nộp hôm Thứ Sáu tại tòa án Jackson County.

(Hình minh hoạ: Patrick T. Fallon/AFP via Getty Images)

Cảnh sát thành phố Kansas City đã đến nhà vào chiều Thứ Sáu sau khi nhận được báo cáo về một “trẻ sơ sinh không còn thở,” hồ sơ toà nêu rõ.

“Quan sát thấy vết bỏng rõ ràng trên cơ thể nạn nhân,” một cảnh sát cho biết trong báo cáo. “Sở Cứu Hỏa Thành Phố Kansas (KCFD) tuyên bố nạn nhân đã chết tại hiện trường.”

Hồ sơ cho biết những nhân viên cấp cứu được biết người mẹ “đi đặt đứa trẻ ngủ trưa và vô tình đặt con vào lò nướng thay vì cũi.”

Ông bà của đứa bé nói với cảnh sát rằng họ đã ra khỏi ngôi nhà mà họ ở chung với con gái vào sáng sớm hôm đó.

Người bà của đứa trẻ nhận được cú điện thoại của con gái, mẹ của đứa trẻ, trong tâm trạng bị cuồng loạn và nói rằng “con đã để em bé vào lò nướng thay vì cũi”.

Hồ sơ tòa án cho biết người ông trở về nhà sau khi người bà gọi điện thoại và nói với ông rằng “có điều gì đó không ổn với đứa bé.”

Ông ngoại nói với các cảnh sát rằng ông ngửi thấy mùi khét trong nhà và phát hiện đứa bé đã chết trong cũi.

Người mẹ của đứa bé nói với ông ngoại rằng cô “đã vô tình cho em bé vào lò nướng.”

Cảnh sát cho biết đã tìm thấy đứa trẻ sơ sinh trên xe tập đi trong phòng khách với “những vết thương do bị phỏng ở nhiều bộ phận trên cơ thể.”

Hồ sơ cho biết, quần áo của đứa bé dường như tan chảy trên tã đang mặc và cảnh sát cũng tìm thấy một chiếc chăn trẻ em có vết cháy.

Cho đến Chủ Nhật vẫn chưa rõ liệu người mẹ có thuê được luật sư hay không.

Nếu bị kết tội, người mẹ này phải đối mặt với án tù từ 10 năm đến chung thân. (MPL) [kn]


 

 Thế giới tính gì trước khả năng trở lại của Donald Trump?

January 23, 2024

Ba’o Nguoi-Viet

Thái Ngọc/SGN

Ngay thời điểm hiện tại, giới ngoại giao thế giới lẫn không ít nguyên thủ quốc gia đã chuẩn bị cho sự trở lại của Donald Trump. Với tất cả những đang diễn ra trên sân khấu chính trị Mỹ và trên đường đua tổng thống, việc Trump tái xuất hiện không phải là dự báo xa vời. Nó là một thực tế rất gần…

Trong thập niên trước cuộc khủng hoảng tài chính lớn năm 2008, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Alan Greenspan đã trở thành một nhân vật hô phong hoán vũ. (Cố) Thượng nghị sĩ John McCain, đảng viên Đảng Cộng hòa của tiểu bang Arizona, từng nhận định về sức mạnh kinh khủng của Alan Greenspan: “Ông ấy sống hay chết không thành vấn đề. Nếu ông ta chết, chỉ cần đỡ ông ta dậy và đeo kính đen cho ông ta.”

Trong hai thập niên Greenspan ngồi ghế chủ tịch, từ 1987 đến 2006, Fed đã đóng vai trò trung tâm trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế dữ dội ở Mỹ. Một trong những lý do tạo nên sự nổi tiếng của Greenspan là cái mà thị trường tài chính gọi là “quyền ấn định của Fed” (Fed put).

Trong “kỷ nguyên” Greenspan, giới đầu tư tin rằng các sản phẩm mới mà giới chuyên gia tài chính tạo ra dù ẩn chứa nhiều rủi ro như thế nào, thì nếu điều gì tồi tệ xảy ra, hệ thống tài chính Hoa Kỳ vẫn có thể tin tưởng vào khả năng giải cứu tài tình của Fed-Greenspan.

“Fed put” đã chứng tỏ được mức độ hiệu quả thực tế: Khi loạt chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp của Wall Street dẫn đến sự sụp đổ của Lehman Brothers, gây ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Bộ Tài chính và Fed đã vào cuộc ngay tức thì để chặn đứng nguy cơ nền kinh tế Mỹ rơi vào cuộc Đại suy thoái lần thứ hai.

“Fed put” đáng được nhắc lại khi xem xét tác động của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024. Các nhà lãnh đạo thế giới bắt đầu nhận ra thực tế, một năm nữa, cựu Tổng thống Donald Trump có thể trở lại Tòa Bạch Ốc. Theo đó, một số chính phủ ngoại quốc đang tính đến mối quan hệ của họ với Hoa Kỳ, trong cái gọi là “Trump put” – kiểu ấn định của Trump, hoặc nôm na là luật chơi của Trump.

Người ta đang duyệt xét lại nhiều thứ, từ quan hệ ngoại giao với Mỹ đến những giao dịch kinh tế. Một số nước thậm chí đang trì hoãn một số đàm phán với Mỹ với mong muốn họ có thể “deal” với Trump; trong khi một số đang thúc đẩy ký kết những “giao kèo” của họ với Joe Biden với ý nghĩ họ sợ Trump phá hỏng nếu Washington chứng kiến sự trở lại của Trump trong Phòng Bầu Dục.

Những tính toán của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc chiến chống Ukraine là ví dụ cụ thể nhất. Dù không ai biết Trump làm gì để có thể chấm dứt cuộc chiến Ukraine “trong một ngày” nhưng có điều gần như chắc chắn rằng, nước Mỹ của Trump sẽ hạn chế hoặc thậm chí ngưng chi tiền cho Ukraine.

Trump khẳng định: “Tôi sẽ nói với [Tổng thống Ukraine Volodymyr] Zelensky, không [viện trợ] nữa. Ông phải thực hiện một thỏa thuận” (“I would tell [Ukrainian President Volodymyr] Zelensky, no more [aid]. You got to make a deal”).

“Make a deal” là “deal” gì và làm thế nào để “make” thì chẳng ai biết.

Cựu Tổng Thống Donald Trump, ứng cử viên tổng thống năm 2024 của đảng Cộng Hòa. (Hình minh họa: Scott Olson/Getty Images)

Phần mình, các đồng minh Ukraine ở Âu Châu đang tính đến một thế giới hỗn loạn khi Trump tái xuất hiện. Quan hệ giữa họ với Washington không chỉ thay đổi mà khối NATO cũng đứng trước nguy cơ tan vỡ. EU đang nhớ đến nhận xét của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel sau một cuộc gặp với Trump: “Chúng ta phải tự chiến đấu vì tương lai của mình.”

Thật ra Trump không phải là người Mỹ duy nhất đặt ra câu hỏi tại sao một cộng đồng Âu Châu có dân số gấp ba lần Nga và GDP hơn chín lần lại phải phụ thuộc vào Washington để bảo vệ họ.

Trong một cuộc phỏng vấn với tổng biên tập tờ The Atlantic Jeffrey Goldberg vào năm 2016, Tổng thống Barack Obama đã chỉ trích người Âu Châu (lẫn nhiều nước khác) là “free riders”. Hiểu theo định nghĩa phổ biến thì “free riders” nôm na là những kẻ “dựa dẫm kẻ khác và xài tiền chùa” (“people, entities, or provisions that benefit from the actions of another entity without contributing”).

Nhưng Trump đã đi xa hơn. Ông không chỉ muốn EU ngưng xài tiền chùa. Ông không muốn chơi với EU. Theo John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Trump, Trump từng huỵch toẹt: “Tôi cóc quan tâm đến NATO” (“I don’t give a shit about NATO”), trong một cuộc họp năm 2019 trong đó Trump thật sự nghiêm túc bàn về việc rút Mỹ hoàn toàn khỏi NATO.

Sau hai năm cố thuyết phục Trump về tầm quan trọng của các quốc gia đồng minh, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis chua chát kết luận rằng sự khác biệt của ông với tổng thống sâu sắc đến mức ông không thể làm việc với Trump và cuối cùng phải từ chức.

Thời điểm hiện tại, trang web tranh cử của Trump tiếp tục nhấn mạnh việc “đánh giá lại một cách căn bản về mục đích và sứ mệnh của NATO”. Một số nguyên thủ Âu Châu bây giờ thậm chí trì hoãn kế hoạch gửi xe tăng và đạn pháo tới Ukraine vì cho rằng họ có thể cần đến để tự bảo vệ một khi nước Mỹ của Trump không “phụ” chi tiền giúp Âu Châu phòng thủ trước Nga.

Khả năng trở lại Tòa Bạch Ốc của Trump cũng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến loạt kế hoạch chống biến đổi khí hậu, thể hiện rõ ở Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP28 vừa kết thúc ở Dubai (tổ chức từ ngày 30 Tháng Mười Một đến 13 Tháng Mười Hai 2023).

Trong khi Joe Biden làm hết sức có thể để giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch thì giới sản xuất dầu hỏa, khí đốt và than đá đang háo hức trước viễn cảnh Trump – người luôn ủng hộ nhiên liệu hóa thạch – quay lại.

Ấn Độ, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ ba, đang ăn mừng tốc độ tăng trưởng kinh tế nhờ chương trình năng lượng quốc gia với trọng tâm là công nghiệp than. Trung Quốc – từng tự hào là nhà sản xuất số một thế giới về năng lượng tái tạo “xanh”, với việc lắp số pin mặt trời chỉ trong năm 2023 nhiều hơn số pin mà Mỹ lắp trong năm thập niên qua – hiện cũng xây dựng số nhà máy than mới nhiều gấp sáu lần so với phần còn lại của thế giới.

Nhiệm kỳ thứ hai của Trump gần như chắc chắn chứng kiến một “trật tự thương mại thế giới mới”. Chính xác hơn là sự rối loạn. Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức năm 2017, Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Những tuần tiếp theo chứng kiến ​​sự kết thúc của các cuộc thảo luận bàn về việc tạo ra một hiệp định tương tự ở Âu Châu cũng như các hiệp định thương mại tự do khác. Sử dụng thẩm quyền đơn phương mà Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 trao cho cơ quan hành pháp, Trump đã áp đặt mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu trị giá $300 tỷ của Trung Quốc.

Trong chiến dịch tranh cử hiện tại, Trump tự gọi ông là “Tariff Man”. Trump hứa áp đặt mức thuế phổ quát 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả quốc gia; ăn miếng trả miếng với các quốc gia đánh thuế cao đối với hàng hóa Mỹ; áp dụng chính sách trả đũa đích đáng, “máu trả bằng máu, thuế đáp lại thuế” (“an eye for an eye, a tariff for a tariff”).

Trump nói, hiệp ước hợp tác với các nước Châu Á-Thái Bình Dương do chính quyền Biden đàm phán, trong Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương hướng tới thịnh vượng (Indo-Pacific Economic Framework for Prosperity) sẽ “được khai tử ngay ngày đầu tiên” (“dead on day one”).

Với Trung Quốc, một trong những động thái đầu tiên của Trump là hủy bỏ quy chế “quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn” mà Trung Quốc được cấp vào năm 2000 trước khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Mục tiêu của Trump là “loại bỏ sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong tất cả lĩnh vực quan trọng”, trong đó có điện tử, thép và dược phẩm.

Trong lịch sử, có những thời điểm sự khác biệt giữa Đảng Dân Chủ và Cộng Hòa về chính sách đối ngoại quan trọng nói chung là gần như không đáng kể. Tuy nhiên, trong thập niên này, từ khi xuất hiện Donald Trump, nước Mỹ đã khác. Dân Chủ và Cộng Hòa là kẻ thù không đội trời chung. Cả hai đánh nhau một mất một còn.

Điều tai hại là sự hỗn loạn chính trị của Mỹ khiến thế giới ngày càng không tin vào Mỹ. Uy tín chính trị Mỹ ngày càng tuột dốc không phanh. Bầu cử 2024 đang vào giai đoạn nóng. Cả thế giới đang theo dõi nước Mỹ, với sự chán ngán, hoài nghi và thất vọng.


 

Kẻ bạo loạn Quốc Hội gốc Louisiana từng bắn chết thường dân ở Iraq

Ba’o Nguoi-Viet

January 22, 2024

BATON ROUGE, Louisiana (NV) – Một cựu quân nhân Lục Quân Mỹ, từng bị kết tội ngộ sát vì bắn chết một thường dân bị còng tay ở Iraq và sau đó bị buộc xuất ngũ, đã bị bắt hôm Thứ Hai, 22 Tháng Giêng, với cáo buộc tấn công các cảnh sát Quốc Hội Mỹ bằng dùi cui trong cuộc bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng, 2021, theo AP.

Nghi can Edward Richmond Jr., 40 tuổi, ở Geismar, Louisiana, đội mũ bảo hiểm, miếng đệm vai, kính bảo hộ và dán cờ bang Louisiana trên ngực khi tấn công cảnh sát trong một đường hầm bên ngoài toà nhà Quốc Hội vào ngày 6 Tháng Giêng, 2021, theo báo cáo của FBI.

Hình ảnh nghi can bạo loạn Edward Richmond Jr. tại trụ sở Quốc Hội ngày 6 Tháng Giêng, 2021. (Hình: DOJ)

Đương sự Richmond bị bắt ở Baton Rouge, Louisiana và dự trù sẽ trình diện tại toà vào Thứ Ba, 23 Tháng Giêng, để nghe các cáo buộc bao gồm gây rối trật tự dân sự và hành hung, chống cự hoặc cản trở cảnh sát bằng hung khí.

Một tòa án quân sự kết án Richmond, khi mới 20 tuổi, về tội ngộ sát và tuyên ba năm tù vì giết một thường dân Iraq đang bị còng tay gần Taal Al Jai vào Tháng Hai, 2004.

Sau đó Richmond bị buộc xuất ngũ.

Trong vụ giết thường dân Iraq này, ban đầu đương sự bị buộc tội giết người không chủ ý, có mức án tối đa là chung thân. Nhưng hội đồng gồm năm sĩ quan và năm binh sĩ đã giảm nhẹ tội danh xuống còn ngộ sát.

Hồ sơ quân đội cho biết nghi can Richmond đã bắn vào sau đầu Muhamad Husain Kadir, một người chăn bò, từ khoảng cách khoảng 6 feet sau khi người đàn ông này vấp ngã.

Richmond khai không biết nạn nhân Kadir bị còng tay và tin rằng người đàn ông Iraq sẽ làm hại một đồng đội.

FBI cho biết, trong cuộc bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng, cảnh quay từ camera gắn trên người đã ghi lại cảnh nghi can Richmond liên tục tấn công các cảnh sát Quốc Hội bằng dùi cui đen trong một đường hầm ở Điện Capitol.

Cảnh sát đã phải vật lộn trong nhiều giờ để ngăn chặn đám đông những người ủng hộ Donald Trump tiến vào Quốc Hội qua lối vào đường hầm.

Theo bản khai của FBI xác định nghi can Richmond đã đến Washington DC, cùng với một số người khác để làm “đội bảo vệ” cho các cuộc biểu tình được lên kế hoạch vào ngày 6 Tháng Giêng.

Hơn 1,200 người bị buộc tội liên quan đến bạo loạn ở Quốc Hội. Khoảng 900 người đã nhận tội hoặc bị kết án sau các phiên tòa.

Theo dữ liệu do hãng tin AP tổng hợp, hơn 750 người đã bị kết án, trong đó gần 500 người phải nhận án tù. (MPL) [kn]


 

 Kỷ lục 20 triệu người ghi danh Obamacare

Ba’o Nguoi-Viet

January 11, 2024

WASHINGTON, DC (NV) – Khoảng 20 triệu người, một con số kỷ lục, ghi danh bảo hiểm y tế trong năm nay qua chương trình Obamacare, theo NBC News.

Chính quyền Mỹ vào sáng Thứ Tư, 10 Tháng Giêng, thông báo có 20 triệu người đã ghi danh bảo hiểm y tế Obamacare, vài ngày trước khi thời gian ghi danh sẽ kết thúc vào ngày 16 Tháng Giêng.

Nhân viên giải thích ghi danh Obamacare với khách hàng. (Hình minh họa: Joe Raedle/Getty Images)

Đương nhiên, kết quả này người dân Mỹ sẽ được Tổng Thống Joe Biden cập nhật thường xuyên trong những cuộc vận động tranh cử sắp tới. Trong khi đó, cựu Tổng Thống Donald Trump, ứng cử viên dẫn đầu của đảng Cộng Hòa, thề hủy bỏ chương trình Obamacare nếu đắc cử.

Năm ngoái, 2023, cũng ghi nhận số người ghi danh kỷ lục, 16.3 triệu.

Số lượt người ghi danh tăng vọt sau khi ông Biden nhậm chức, đi kèm với việc đảng Dân Chủ tung ra một loạt chính sách giảm thuế giúp hàng triệu người Mỹ tiếp cận với các chương trình bảo hiểm y tế giá thấp.

“Chúng ta phải dựa trên tiến trình này và duy trì mức phí bảo hiểm y tế giá thấp hơn này vĩnh viễn,” Tổng Thống Biden tuyên bố. “Nhưng những người Cộng Hòa cực đoan đã ngăn chặn những nỗ lực này ở mọi khía cạnh.”

Chính quyền liên bang đã làm việc với các tổ chức phi lợi nhuận trên khắp đất nước, bao gồm cả các cộng đồng chủ yếu là người da đen và người Latino, như ở miền Nam Florida, để thu hút những người mới ghi danh.

Chính quyền cũng đã đầu tư thêm hàng triệu đô la vào việc thuê những người hướng dẫn giúp mọi người ghi danh, một chương trình bị hủy bỏ dưới thời ông Trump.

Thời hạn ghi danh Obamacare kết thúc vào ngày 16 Tháng Giêng, nhưng những người bị loại khỏi Medicaid có thể đủ điều kiện ghi danh cho đến cuối Tháng Bảy. (MPL) 


 

Ngày 6 tháng 1 đã cho tôi thấy rõ điều gì

 Ba’o Tieng Dan

The Atlantic

Tác giả: Nancy Pelosi

Nguyễn Bình Phương, biên dịch

7-1-2024

Ảnh: Nancy Pelosi, cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ. Nguồn: Wikimedia

Ngày 6 tháng 1 là ngày được luật pháp Hoa Kỳ quy định để Quốc hội kiểm phiếu đại cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống. Đây là một dịp đầy kịch tính với những yêu cầu cụ thể: Sự an toàn của những chiếc hộp gỗ chứa chứng chỉ Cử tri đoàn của các tiểu bang; thời điểm diễn ra phiên họp lưỡng viện Quốc hội, được triệu tập lúc 1 giờ chiều; các quy tắc chính xác quy định rằng cuộc tranh luận về sự phản đối việc kiểm phiếu nếu có, sẽ diễn ra “rõ ràng và chính xác”.

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2021, con gái tôi là Alexandra đã đưa hai cậu con trai đến Điện Capitol để chứng kiến sự kiện lịch sử chuyển giao quyền lực một cách ôn hòa này. Các cháu ngoại tôi đã chứng kiến lịch sử ngày hôm đó, tiếc là không phải lịch sử mà mọi người mong đợi.

Cựu tổng thống từ lâu đã dự định hủy bỏ kết quả bầu cử, gieo rắc nghi ngờ về kết quả ngay cả trước khi những lá phiếu được bầu và rồi tranh tụng tại tòa về kết quả. Vì vậy, trước phiên họp chung, chúng tôi đã chuẩn bị cho khả năng xảy ra chuyện phản đối kết quả Cử tri đoàn của các thành viên Cộng hòa trong Quốc hội. Rõ ràng là kết quả từ Arizona, Nevada, Georgia, Pennsylvania, Michigan và Wisconsin sẽ là mục tiêu bị tấn công. Dân biểu Jamie Raskin của Maryland đã lên chiến lược với các thành viên Quốc hội từ các bang đó về cách chúng ta sẽ đối phó và đánh bại những phản đối tại Hạ viện, dựa trên dữ kiện và luật pháp.

Phiên họp chung ngày 6 tháng 1 được Phó Tổng thống triệu tập vào lúc một giờ. Sự phản đối đầu tiên của đảng Cộng hòa xảy ra với kết quả từ tiểu bang Arizona. Vào giữa cuộc tranh luận đó, vào khoảng 2:15 chiều, nhân viên an ninh của tôi chạy đến ghế Chủ tịch và nói với tôi rằng, tôi phải rời đi ngay lập tức. Chúng tôi rời đi quá nhanh đến nỗi thậm chí tôi không có thời gian mang theo điện thoại di động.

Thất bại trong việc lật ngược kết quả bầu cử tại tòa án hoặc tại Quốc hội, tổng thống đã dùng đến biện pháp dấy loạn tại Điện Capitol. Một đám đông bạo lực — bị kích động bởi cuộc biểu tình “Ngăn chặn Trộm cắp” (Stop the Steal) do cựu tổng thống tổ chức — đã kéo đến Điện Capitol, vượt qua hàng rào cảnh sát bên ngoài và tiến tới nhiều lối vào tòa nhà. Đập vỡ cửa sổ và phá cửa ra vào, họ xông vào bên trong, tìm cách cản trở quá trình chuyển giao quyền lực một cách ôn hòa.

Hơn 2.000 kẻ bạo loạn đã tiến vào bên trong tòa nhà. Một số người trong đám đông đã hét lên “Hãy treo cổ Mike Pence” – tức giận vì phó tổng thống đã từ chối tuân theo mệnh lệnh quái đản của cựu tổng thống nhằm lật ngược kết quả bầu cử. Cùng lúc đó, một đám đông khổng lồ tụ tập bên ngoài văn phòng của tôi và hô vang “Nancy, Nancy, Nancy”, thậm chí còn la hét muốn bắn một viên đạn vào đầu tôi.

Tôi rất nể phục lòng can đảm của Cảnh sát Điện Capitol và Cảnh sát Thủ đô, bảo vệ ngôi đền dân chủ của chúng ta và bảo vệ những người dân bên trong. Đáng buồn thay, 140 cảnh sát đã bị những kẻ bạo loạn gây thương tích. Nhiều người chịu những vết sẹo lâu dài về thể chất và tinh thần. Một số sĩ quan sau đó đã mất mạng.

Tôi lo sợ cho những anh hùng thực thi pháp luật đó, cũng như lo sợ cho các thành viên của mình, các nhân viên quốc hội, những nhân công làm việc tại Điện Capitol, giới báo chí và những người khác hiện diện ngày hôm đó. Những câu chuyện của họ thật đau lòng — và thể hiện lòng dũng cảm phi thường.

Vì COVID, không phải tất cả các thành viên đều có thể tham gia trực tiếp tại phòng họp của Hạ viện. Dân biểu Jason Crow của Colorado đang ở trong phòng trưng bày cùng một nhóm dân biểu và các nhà báo vào lúc tòa nhà bị xâm nhập. Từng là Biệt động quân, anh ta lập tức hành động, bảo họ bỏ lại đồ đạc, nằm rạp xuống sàn và bò về phía một ô cửa an toàn nơi có lối thoát. Khi đám đông bên ngoài đập cửa – một số người nói rằng nó nghe như tiếng búa nện – anh ta thậm chí còn chuẩn bị cho họ sử dụng những cây bút làm vũ khí nếu cần. Tất nhiên, Jason là người cuối cùng rời khỏi phòng trưng bày.

Tôi được nghe lại một cách chi tiết đến đau lòng về những gì nhóm nhân viên của riêng tôi đã phải chịu đựng vào ngày hôm đó. Những nhân viên trẻ này – một số người có tinh thần công dân và yêu nước nhất mà bạn có thể gặp – suýt phải đối mặt với những kẻ bạo loạn. Trong hai tiếng rưỡi, họ thu mình trong một phòng họp nhỏ sau cánh cửa khóa và vật chắn, đèn tắt và hoàn toàn im lặng. Khi những kẻ man rợ cố gắng xông vào, nhân viên của tôi buộc phải liên tưởng đến khả năng họ có thể không bao giờ gặp lại những người thân yêu của mình nữa.

Các lãnh đạo của Quốc hội được đưa đến Fort McNair. Khi rời Điện Capitol, tôi liên tục hỏi liệu Vệ binh Quốc gia có được triệu tập hay không, một thẩm quyền dành riêng cho nhánh hành pháp. Trong khi thống đốc của mọi tiểu bang có quyền huy động Lực lượng Vệ binh Quốc gia của riêng họ thì Lực lượng Vệ binh Quốc gia của Thủ đô nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Quốc phòng — và tận cùng là của tổng tư lệnh.

Khi tôi đến Fort McNair, rõ ràng là chưa có ai triển khai Lực lượng Vệ binh Quốc gia đến Điện Capitol. Khi Thượng nghị sĩ Chuck Schumer cùng tôi xem truyền hình đưa tin về cuộc nổi dậy đang diễn ra, chúng tôi bắt đầu thực hiện các cuộc gọi khẩn cấp tới chính quyền.

Tôi đã liên lạc với Bộ trưởng Lục quân Ryan McCarthy, và nhận ra ông quá sức bình thản. Đáp lại lời khẩn cầu tiếp cứu của chúng tôi, ông ta nói: “Thôi, tôi phải báo cáo với sếp. Điều đó cần có thời gian. Tôi không biết chúng tôi có thể làm gì”. Một câu trả lời thật kinh hoàng.

Trong khi Ngũ Giác Đài tỏ ra lề mề, Chuck, Dân biểu Steny Hoyer và tôi đã gọi điện cho các thống đốc tiểu bang Virginia và Maryland để yêu cầu họ giúp đỡ. Lực lượng công lực và Vệ binh Quốc gia Virginia bắt đầu đến Thủ đô vào khoảng 3:15 chiều, và Maryland cũng hợp tác.

Chuck, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, và tôi sau đó liên lạc với cấp trên của Ryan McCarthy, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller, để xin thêm quân tiếp viện. Mitch khẩn khoản rằng Lực lượng Vệ binh Quốc gia “cần đến đó thật nhanh chóng, bạn hiểu không?” Tôi yêu cầu một câu trả lời: “Cứ giả dụ là Ngũ Giác Đài hoặc tòa Bạch Ốc hoặc một thực thể nào khác đang bị bao vây”. Tuy nhiên, Miller vẫn trì hoãn.

Vài giờ sau, Điện Capitol cuối cùng đã được phục hồi an ninh. Mặc dù có đề nghị rằng chúng tôi tiếp tục buổi chứng nhận kết quả bầu cử từ Fort McNair vì lý do an ninh, nhưng chúng tôi vẫn giữ mục tiêu là quay trở lại Điện Capitol vào đêm hôm đó để hoàn thành việc kiểm phiếu. Cả thế giới đã chứng kiến nọc độc “Stop the Steal” (“Ngăn chặn Trộm cắp”) hèn hạ mà tổng thống đang thúc đẩy và chuyện bạo động mà nó đã gây ra. Điều quan trọng là chúng tôi phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình tại Điện Capitol của Hoa Kỳ để người dân Mỹ, cũng như thế giới có thể nhìn thấy.

Khoảng 9 giờ tối, tôi quay lại ghế Chủ tịch, cầm búa (*) và ra lệnh cho Hạ viện tái họp. Tôi đọc một tuyên bố ngắn gọn: “Những kẻ đã hả hê tham gia vào việc xúc phạm ngôi đền dân chủ này của chúng ta… công lý sẽ được thực thi”. Và tôi đã thề rằng Quốc hội sẽ “là một phần của lịch sử cho thế giới thấy nước Mỹ được tạo nên như thế nào.”

Hạ viện tiếp tục tranh luận về sự phản đối trên kết quả của Arizona, đang diễn ra trước khi chuyện kinh hoàng kia ập đến. Ngay cả sau khi trải qua việc tự lập rào phòng thủ trong văn phòng của mình, trốn chui dưới bàn ghế và chứng kiến quá nhiều đau đớn và tổn thương, đại đa số đảng viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện vẫn bỏ phiếu chống lại kết quả bầu cử ở Arizona—bao gồm Kevin McCarthy và Steve Scalise, những người đã lắng nghe tại Fort McNair khi Mitch, Chuck và tôi cầu xin Lực lượng Vệ binh Quốc gia.

Rất may, 303 Dân biểu Hạ viện đã bỏ phiếu chống lại sự phản đối và nó đã thất bại. Bạn có thể tin được không, kế đến đảng Cộng hòa lại quyết định đưa ra thách thức đối với kết quả từ Pennsylvania. Thượng viện bác bỏ phản đối của Pennsylvania mà không cần tranh luận, nhưng Hạ viện phải trải qua thêm hai giờ tranh luận trước khi cuối cùng bỏ phiếu bác bỏ được phản đối đó.

Khuya hôm đó, Phó Tổng thống Pence chính thức ghi nhận số phiếu bầu từ tất cả các bang và tuyên bố Joe Biden là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Khi chúng tôi cùng đứng ở bục phát biểu tại Hạ viện trong phiên họp chung, tôi đã cảm ơn và khen ngợi Pence vì đã can đảm làm những điều đúng đắn, vì đã tôn trọng lời tuyên thệ nhậm chức của ông ấy là “ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ”. Tôi cũng ghi nhận lòng dũng cảm và sự cam kết của các thành viên và nhân viên, những người đã quay trở lại phòng họp vào đêm hôm đó và ở lại cho đến khoảng 4 giờ sáng, là lúc chúng tôi hoàn tất phiên họp ngày 6 tháng 1.

Tôi vẫn nhớ như in, lần đầu tiên tôi nhìn thấy Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ. Lúc đó tôi 6 tuổi và gia đình tôi đang trên đường tới Washington để chứng kiến bố tôi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ năm tại Quốc hội. Khi chúng tôi gần đến nơi, các anh trai tôi cười rạng rỡ khi nói: “Nancy, nhìn, nhìn kìa, Điện Capitol kìa!” Và nó đây: Một mái vòm trắng lộng lẫy, cao chót vót và uy nghi, tỏa sáng dưới ánh mặt trời.

Nhưng quan trọng hơn vẻ đẹp của tòa nhà là sự uy nghi của những gì nó thể hiện. Từ lâu được coi là biểu tượng của tự do và dân chủ trên toàn cầu, mái vòm Điện Capitol được xây dựng bởi Abraham Lincoln giữa cuộc Nội chiến. Khi một số người đề nghị ông dừng xây dựng để tiết kiệm thép và nhân lực cho chiến tranh, Lincoln đã nói không. Ông biết rằng việc hoàn thiện tòa nhà mái vòm sẽ thể hiện sức mạnh và quyết tâm của nước Mỹ.

Ngày 6 tháng 1 là một thời điểm hiểm nghèo khác đối với nền dân chủ của chúng ta. Đó không đơn thuần là một cuộc tấn công vào tòa nhà Điện Capitol mà còn vào tấn công vào Hiến pháp của chúng ta. Và một số người thực hiện cuộc tấn công dưới mái vòm của Lincoln đã mang theo lá cờ của Liên minh miền Nam. Nhưng trong đêm đen tối đó, Quốc hội lại một lần nữa thể hiện sức mạnh và quyết tâm của nước Mỹ. Bây giờ, ba năm sau, chúng ta được kêu gọi làm điều tương tự.

Mối đe dọa đối với nền dân chủ của chúng ta là có thật, hiện hữu và cấp bách. Dụ ngôn ngày 6 tháng 1 nhắc nhở chúng ta rằng, các thể chế dân chủ quý giá của chúng ta chỉ mạnh mẽ khi có lòng can đảm và sự dấn thân của những người được phó thác để gìn giữ chúng. Tất cả chúng ta đều có chung trách nhiệm bảo vệ nền dân chủ Mỹ, nền dân chủ mà Lincoln gọi là “niềm hy vọng tốt nhất cuối cùng trên trái đất”.

______

Ghi chú của Tiếng Dân: (*) Chiếc búa mà bà Pelosi nói tới trong bài, tương tự như chiếc búa của thẩm phán tòa án, là biểu tượng quyền lực của chủ tịch Hạ viện hay thẩm phán tòa án.


 

 3 người bị bắt ở Florida liên quan tới bạo loạn Quốc Hội

 Ba’o Nguoi-Viet

January 6, 2024

GROVELAND, Florida (NV) – Cơ Quan Điều Tra Liên Bang (FBI) bắt được ba bị cáo trong vụ bạo loạn Quốc Hội hôm Thứ Bảy, 6 Tháng Giêng, đúng kỷ niệm ba năm sự kiện lịch sử này, FBI loan báo, theo CBS News.

Ba bị cáo Jonathan Daniel Pollock, Olivia Michele Pollock và Joseph Daniel Hutchinson III bị FBI bắt ở Florida sau thời gian dài truy nã.

Ủng hộ viên cựu Tổng Thống Donald Trump xô xát với cảnh sát và bảo vệ để cố xông vô Quốc Hội hôm 6 Tháng Giêng, 2021, ở Washinton, DC. (Hình minh họa: Roberto Schmidt/AFP via Getty Images)

Bị cáo Jonathan Pollock, 23 tuổi, bị cáo buộc tấn công hàng loạt cảnh sát viên bằng vũ khí sát thương vào ngày bạo loạn 6 Tháng Giêng, 2021. Anh Pollock bị truy nã từ Tháng Chín, 2022, theo thông báo của FBI.

Bị cáo Olivia Pollock, chị của anh Pollock, và bị cáo Hutchinson từng bị bắt năm 2021 sau khi bị truy tố tội tấn công nhân viên công lực và nhiều tội khác. Tháng Ba năm ngoái, cả hai tháo thiết bị theo dõi đeo ở cổ chân rồi bỏ trốn trước khi chuẩn bị hầu tòa, CBS News đưa tin trước đây.

Ba bị cáo này bị bắt khi đặc vụ FBI ở Tampa thi hành lệnh bắt giữ của liên bang tại trang trại ở Groveland, Florida, sáng sớm Thứ Bảy, FBI ra thông báo cho hay.

FBI không nói rõ họ bắt được ba người này như thế nào, hay lý do FBI biết ba bị cáo ở đó.

Cả ba sẽ ra tòa liên bang ở Ocala, Florida, Thứ Hai tuần tới, theo FBI.

FBI vẫn đang truy nã hơn 80 người bị nghi dính líu tới vụ bạo loạn Quốc Hội, ông Matthew Graves, công tố viên liên bang ở Washington, DC, nói với CBS News.

Tính tới nay, hơn 1,200 người bị truy tố liên quan tới vụ bạo loạn, theo hồ sơ tòa án mà CBS News đọc được. Trong số bị cáo đó, hơn 700 người nhận tội và hơn 100 người bị kết tội. (Th.Long)


 

Bệnh viện ở Mỹ lại bắt buộc đeo khẩu trang ngừa COVID-19

Ba’o Nguoi – Viet

December 28, 2023

NEW YORK, New York (NV) – Bệnh viện ở nhiều nơi khắp nước Mỹ, trong đó có California, bắt buộc đeo khẩu trang trở lại để ngừa COVID-19 và những bệnh hô hấp khác, theo Newsweek hôm Thứ Năm, 28 Tháng Mười Hai.

Bệnh viện ở thành phố New York bắt buộc đeo khẩu trang trở lại sau khi dữ liệu Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) tính tới ngày 16 Tháng Mười Hai cho thấy số người mắc COVID-19 tăng lên ở tiểu bang New York.

Nhân viên y tế đeo khẩu trang trong bệnh viện Oakbend Medical Center ở Richmond, Texas. (Hình minh họa: Mark Felix/AFP via Getty Images)

Giới chức bệnh viện ở New York cho hay số người vô bệnh viện vì COVID-19 ở nhiều quận hạt, như Suffolk và Nassau, tăng tới mức phải ban hành lại quy định đeo khẩu trang. Số người vô bệnh viện vì COVID-19 ở cả Suffolk County lẫn Nassau County đều tăng 33.2% trong tuần lễ trước ngày 16 Tháng Mười Hai.

Tại Kings County, số người vô bệnh viện vì COVID-19 ở Brooklyn tăng 24.8%. Ông Elias Youssef, giới chức y tế quận hạt này, cho hay con số đó “bắt đầu từ từ tăng lên sau lễ Tạ Ơn.”

Cơ Quan Y Tế và Bệnh Viện Thành Phố New York loan báo sẽ ban hành lại quy định đeo khẩu trang ở bệnh viện.

Tình hình ở Illinois cũng tương tự. Ít nhất 14 quận hạt ở tiểu bang này đang nằm trong danh sách những nơi có tỉ lệ người vô bệnh viện vì COVID-19 tăng “cao.”

Hôm 14 Tháng Mười Hai, Cơ Quan Y Tế Illinois (IPDH) cho biết họ “đang khuyến cáo cơ sở y tế gia tăng biện pháp phòng ngừa bệnh hô hấp lây lan.”

IPDH cho hay họ “ủng hộ CDC khuyến cáo đeo khẩu trang khắp cơ sở y tế ở những quận hạt” có tỉ lệ bệnh nhân nằm bệnh viện vì COVID-19 cao.

IPDH lưu ý đeo khẩu trang không chỉ ngừa COVID-19 mà còn ngừa cúm và RSV (virus hợp bào hô hấp).

Một số quận hạt ở Illinois, như Carroll và Jo Daviess, có số người vô bệnh viện vì COVID-19 tăng 73.1% trong tuần lễ trước ngày 16 Tháng Mười Hai.

Nhân viên UW Health, hệ thống bệnh viện và phòng mạch ở Illinois và Wisconsin, cho biết mùa Giáng Sinh vừa qua là mùa COVID-19 lây lan nặng nhất mấy năm nay.

“Sau ngày Giáng Sinh, tôi chưa bao giờ thấy đông như vậy, có thể nói đông nhất trong dịch COVID-19,” ông James Cole, giám đốc y khoa UW Health, nói với đài truyền hình địa phương WIFR. “Chúng tôi chưa bao giờ thấy nhiều bệnh nhân nằm phòng cấp cứu trong bệnh viện ở thành phố Belvidere như vậy.”

UW Health loan báo bắt buộc đeo khẩu trang ở nhiều cơ sở của họ.

Ở California, Yolo County cũng khuyến cáo cư dân bắt đầu đeo khẩu trang nơi công cộng và chích ngừa COVID-19. Giới chức quận hạt này ra thông cáo báo chí cho biết “vì bệnh hô hấp đang tăng lên trong cộng đồng” nên cư dân nên cân nhắc đeo khẩu trang “nơi đông đúc, bên trong nhà.”

“Chương trình theo dõi nước thải của chúng tôi phát giác COVID-19 và RSV tăng cao,” bà Aimee Sisson, giới chức y tế Yolo County, cho hay. “Tôi khuyên mọi người trong cộng đồng có biện pháp tự phòng ngừa, như đeo khẩu trang loại tốt ở nơi bên trong nhà.

“Ngoài ra, ai chưa chích ngừa COVID-19 mũi mới nhất, chích ngừa cúm hằng năm, và chích ngừa RSV, tôi hết sức khuyên chích ngừa – bây giờ chưa quá trễ,” bà Aimee Sisson khuyên.

Số người vô bệnh viện vì COVID-19 ở Yolo County tăng 20.6% trong tuần lễ trước ngày 16 Tháng Mười Hai.

Một số quận hạt vùng Bay Area của California, như Contra Costa, Sonoma, Alameda và San Mateo, cũng bắt buộc nhân viên y tế đeo khẩu trang trong bệnh viện, theo báo San Francisco Chronicle.

Santa Clara County và Marin County bắt buộc cả bệnh nhân lẫn người đi thăm đeo khẩu trang ở cơ sở y tế. (Th.Long) [qd]


 

Trump quyết thay thế ObamaCare bằng chương trình y tế riêng của mình

Ba’o Nguoi-Viet

December 26, 2023

WASHINGTON, DC (NV) – Hôm Thứ Hai, 25 Tháng Mười Hai, cựu Tổng Thống Donald Trump thề quyết sẽ thay thế Đạo Luật Chăm Sóc Sức Khỏe Đại Chúng, được biết đến qua tên gọi là chương trình y tế ObamaCare, bằng một chương trình y tế khác do chính ông lập ra mà ông cho là “tốt đẹp hơn nhiều,” lặp lại lời thúc giục dứt bỏ chương trình y tế đang rất phổ thông hiện nay và đang được hằng triệu người dân Mỹ sử dụng.

“Obamacare quá tốn kém, và hơn nữa đó là chương trình chăm sóc y tế không tốt gì,” ông Trump, ứng cử viên tổng thống hàng đầu của Đảng Cộng Hòa, viết qua một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social của ông.

“Tôi sẽ lập ra một chương trình tốt đẹp hơn và ít tốn kém hơn để thay thế! Dân chúng sẽ sung sướng với chương trình đó chứ không buồn vì nó đâu!”

Pedro Rojas cầm bảng mời gọi ghi danh bảo hiểm ObamaCare hôm 5 Tháng Hai, 2015 ở Miami, Florida (Hình: Joe Raedle/Getty Images)

Trong khi tấn công luật bảo hiểm sức khỏe cột mốc của Tổng Thống Obama, từng là một thông điệp chính trị khiến các cử tri Cộng Hoà phải nhìn nhận, đạo luật này hiện đang được sự ủng hộ đáng kể trên toàn quốc, với tỷ lệ 60 phần trăm người Mỹ coi là một luật chăm sóc sức khỏe tốt đẹp.

Sau năm lần, bảy lượt thất bại trong nỗ lực “dẹp bỏ và thay thế” tại Quốc Hội cùng với một số thất bại trước tòa án, đa số trong phe Cộng Hoà đã bỏ cuộc về chuyện này, và thay vào đó chú trọng tới những vấn đề như kinh tế và tội phạm.

Bị nhiều áp lực quá, ông Trump bèn cố rút lại ý kiến của mình, bảo rằng, “Tôi đâu có muốn hủy bỏ ObamaCare, tôi chỉ muốn thay thế chương trình đó với một chương trình chăm sóc sức khỏe tốt đẹp hơn nhiều mà thôi.” (TTHN)