NGƯỜI YÊU CŨ CỦA BA…!-Truyen ngan hay

Nghệ Lâm Hồng

(Bài sưu tầm)

Tôi hiểu ba thương má nhưng không thể quên người yêu cũ. Có điều, trái tim không thể chứa cùng lúc hai người phụ nữ, nên ba mới thấy chông chênh.

Nghe má nói ba bị tai biến, tôi tức tốc vượt hơn trăm cây số về nhà. May mà tai biến nhẹ, lại được cấp cứu kịp thời nên không để lại di chứng.

Bệnh viện đông người, không khí ngột ngạt làm ba khó chịu. Ba gay gắt má…, sao nước nguội quá, cháo gì lạt nhách, gối kê đầu sao quá mềm…

Ba quạu thì quạu, má vẫn nhỏ nhẹ: “Rồi… rồi, để tôi sửa cho vừa ý ông…!”

Quạu với má vậy thôi, má về nhà mới được nửa buổi, ba đã sốt ruột hỏi tôi:

-Sao má con đi lâu vậy…? Ba với má đó giờ vẫn vậy, xa thì ngóng, gần thì như mặt trăng với mặt trời.

Từ nhỏ, tôi đã chứng kiến ba má thường xuyên cãi cọ. Má da nâu nên ưa mặc quần áo màu nhạt, ba nói đàn bà phải mặc màu tối mới sang. Má uốn tóc ngắn, ba nói đàn bà phải để tóc dài, kẹp hay bới gì cũng quý phái…

Má biết tỏng bụng ba nên mát mẻ: “Người ta” của ông da trắng, dáng cao mới diện kiểu đó, tui bắt chước sao được”. “Người ta” của ba là dì Hiền. Hồi trẻ, ba và dì yêu nhau. Nhà dì chê ba nghèo nên không gả cho ba…!

Nhà bán gạo, nhiều người mua thiếu rồi không trả. Má nói người ta nghèo mới làm vậy, kệ đi, coi như làm phước. Ba thở dài, than:

-Má mày hiền quá, dễ bị người ta gạt…! Má ấm ức:

-Phải lanh miệng, mồm năm miệng mười như “người ta” mới vừa bụng ông chớ gì…!

Lớn lên tôi mới hiểu, ba đuổi bắt thứ gì đó rất mông lung, với hoài mà không tới. Từ vóc dáng tới tính tình của dì Hiền đã đóng khung trong ba thành chuẩn mực của cái đẹp. Vậy nên trong mắt ba, má chưa bao giờ toàn vẹn.

Ba chưa một lần nhắc tên dì Hiền, cũng chưa từng gặp lại sau mấy chục năm xa cách, nhưng tôi vẫn cảm nhận được bóng dáng dì lúc nào cũng đâu đó trong những lần cãi cọ giữa ba với má, trong ánh mắt mênh mang của ba mỗi chiều về…

Người ta hay nói “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”. Chính vì dang dở nên ba mới nhớ, mới thương, mới tự gây sóng gió. Có lần tôi hỏi ba: -Dì Hiền đẹp lắm hả ba…? Ba không trả lời, chỉ cười tủm tỉm, ánh mắt xa xăm như thể đang lạc về quá khứ…!

Tôi nói: “Má không đẹp nhưng có duyên, tính lại hiền, chiều ba hết mực. Ba còn đòi gì nữa…?

Im lặng hồi lâu, ba mới khẽ khàng:

-Chuyện người lớn, con không hiểu đâu…! Tôi hiểu chớ. Tôi hiểu ba thương má nhưng không thể quên dì Hiền. Có điều, trái tim không thể chứa cùng lúc hai người phụ nữ, nên ba mới thấy chông chênh…

Ba nằm viện được năm ngày, tôi xin chuyển viện lên Sài Gòn để khám lại. Bệnh viện lớn càng quá tải hơn ở quê. Tôi trải chiếu để ba nằm cho đỡ mệt. Góc bên kia, giọng một phụ nữ lớn tuổi cứ liên tục kêu rên:

-Bịnh viện gì mà đông phát khiếp”, “Bắt số 225 vầy biết chừng nào tới tui hả trời…! Ông quạt mạnh tay cái coi, khỏe cùi cụi mà làm như sắp chết vậy…!

Ba khều tôi:

-Chắc bà ấy bệnh nhiều nên khó chịu. Số của ba 200 hả con, đổi cho bà ấy để bả khám sớm chút. Tôi nghe lời ba, mang số qua đổi.

Dì ấy thở ì ạch, mặt cau có. Nghe tôi nói đổi số, dì buông gọn lỏn:

-Sao tự dưng đổi, có tiền bạc gì không…?

Anh con trai con bà, bước qua chào ba tôi để cảm ơn. Ba tôi hỏi anh quê ở đâu. Nghe nói người cùng tỉnh, ba nhổm dậy dòm qua.

Hai người cùng sững sờ. Ba lắp bắp: “Là… là… cô Hiền phải không…? Tôi giật thót, quay lại nhìn “kẻ thứ ba” vô hình của má bấy lâu…!”

Dì ấy mập ù, tóc tai xơ xác, “phía trong” thả rông xập xệ… dường như chẳng liên quan gì tới dì Hiền da trắng, tóc dài, dáng cao ráo mà ba hay nhắc bấy lâu. Có lẽ cảm giác của ba cũng bàng hoàng giống tôi nên thăm hỏi vài câu gượng gạo…

Lúc về, tôi chọc ba:

-Gặp “người ta”, mãn nguyện rồi hả ba…? Ba thở dài:

-Thà đừng gặp…!

Từ bữa đó, ba cư xử với má dịu dàng nhỏ nhẹ. Ảo ảnh ba bắt được rồi, cũng chỉ là ảo ảnh thôi, má mới là thực tại của ba. May quá…, cuối cùng ba cũng ngộ ra điều này…!

(Trang Văn Chương Miền Nam )


 

PHỤC THÙ-Truyen ngan

Chiếc xe với bảng số Victoria ngưng lại trước văn phòng điạ ốc của Tuấn. Không cần nhìn kỹ, Tuấn cũng hiểu rõ chủ nhân là người lạ tại cái thành phố nhỏ bé này.
Khi người lạ mặt vừa bước xuống xe, Tuấn nói với cô thư ký đang ngồi đọc sách một cách say mê:


– Cô Hoa, có lẽ mình có khách.
Hoa suýt giật mình, bỏ vội quyển sách vào ngăn kéo, lấy một tờ giấy đặt vào máy chữ giả vờ đánh lách cách.
Người lạ, với tờ báo cặp dưới nách, tiến tới trước cửa kiếng đứng nhìn những tấm hình quảng cáo.
Đó là một người đàn ông mập mạp trong bộ đồ lớn lợt màu, mồ hôi lấm tấm trên trán. Ông ta vào khoảng trên dưới năm mươi tuy nhiên tóc vẫn còn dầy và đen nhánh. Khuôn mặt ông ta hồng hào – có lẽ vì nóng – với đôi mắt ti hí lạnh lùng. Rồi ông ta xô cửa bước vào, liếc nhìn cô thư ký đang bận rộn đánh máy trước khi gật đầu chào Tuấn:
– Ông Tuấn?
Tuấn cười thật tươi:
– Dạ! Mời ông ngồi.
Người đàn ông ngồi xuống, giơ tờ báo lên:
– Tôi thấy có mấy căn nhà trong báo coi cũng tàm tạm.
– Dạ, chúng tôi thường đăng những căn nhà tốt với giá rẻ trên báo này với kết quả rất tốt. Dạ thưa quí danh ông là…
– Tôi là Chiến.
Rồi Chiến móc túi lấy khăn tay ra lau mặt:
– Hôm nay trời nóng quá!
Tuấn lắc đầu chắc lưỡi:
– Dạ, hôm nay trời nóng một cách bất thường. Ở đây trời ít khi nóng lắm. Nhiệt độ trung bình chỉ vào khoảng trên dưới 20 độ… Dạ, mời ông hút thuốc.
– Cám ơn ông, tôi không hút. Tôi muốn coi căn nhà ông quảng cáo trong báo.
– Dạ, thưa ông ông muốn coi căn nào?
– Tôi cũng chưa quyết định… Nhưng có một căn nhà cũ ở gần ngoại ô, có lẽ khá yên tĩnh.
– Dạ thưa chắc là căn nhà màu trắng giá $420,000?
– Dạ đúng.
Tuấn lắc đầu:
– Thành thực mà nói với ông, đây là một căn nhà rất đặc biệt. Đáng lẽ chúng tôi không nhận bán nhưng chủ nhân nhất định năn nỉ và còn tự trả tiền quảng cáo nữa, thành ra….
Chiến ngắt lời:
– Căn nhà đó có gì mà ông gọi là đặc biệt.
Tuấn cười gượng:
– Dạ có lẽ tôi dùng chữ đặc biệt không được chính xác lắm. Đúng ra phải nói là căn nhà đó… mắc quá! Có lẽ ông sẽ không chấp nhận cái giá quá cao như vậy đâu!
– Tại sao?
Tuấn lục tìm trong tập hồ sơ, rút một tấm giấy ra đưa cho Chiến:
– Xin ông coi đây thì rõ.
Chiến cầm tờ giấy ghi một vài chi tiết của căn nhà “Nhà fibro 3 phòng ngủ. Phòng khách, phòng ăn, nhà bếp, phòng tắm và nhà vệ sinh riêng. Đất 12mx32m. Cách ga 5 cây số. Cách trường 8 cây. $420,000”. Bên dưới là ghi chú bằng mực đỏ “Nhà cũ, cần sửa chữa nhiều. Chỉ đáng $250,000”.
Chiến gật gù:
– À thì ra thế! Nhưng tại sao chủ nhân lại đòi cao quá như vậy?
Tuấn nhún vai:
– Có lẽ bà ta tưởng đất của bà là vàng chắc.
Chiến có vẻ ngạc nhiên:
– Chủ nhân là đàn bà? Bà ta ở với ai?
– Từ khi con bà ta chết cách đây khoảng trên ba năm, bà ta ở một mình. Chắc ông không muốn mất thì giờ đâu nhỉ? Ông muốn mua khoảng bao nhiêu, chúng tôi còn nhiều căn rất tốt và rất rẻ.
Chiến có vẻ ngần ngừ:
– Thực ta thì tôi rất thích vị trí của căn nhà này. Có lẽ mình có thể trả giá với bà chủ.
Tuấn lắc đầu:
– Bà ta đòi đúng giá, không bớt một xu.
Chiến lấy khăn lau mồ hôi:
– Hay ta cứ thử tới coi xem sao.
Rồi Chiến đứng dậy:
– Tôi đi bây giờ.
Tuấn có vẻ ngạc nhiên:
– Ông quyết định mua căn nhà đó hay sao?
– Dạ thì cứ tới thử xem sao, có mất mát gì đâu.
Tuấn thở dài, hỏi lại:
– Ông có tới đó ngay bây giờ không? Ông biết địa chỉ không?
– Dạ biết. Tấm bảng của ông cắm ngay sân trước ai mà chả thấy.
– Để tôi điện thoại cho bà chủ. Bà ta tên là Đào.
Mười lăm phút sau Chiến ngừng xe trước căn nhà cũ kỹ. Sân trước cỏ dại mọc đầy, tường nhà tróc sơn loang lổ. Rõ rệt là căn nhà không được chăm sóc từ nhiều năm qua.
Chiến xuống xe, leo lên mấy bực thềm, gõ mạnh vào cánh cửa cũ kỹ. Người đàn bà ra mở cửa ốm yếu và thấp bé với mái tóc bạc phơ. Đôi mắt của bà như sáng lên khi hỏi Chiến:
– Ông là ông Chiến?
– Dạ.
– Chắc ông muốn coi nhà? Ông Tuấn vừa điện thoại cho tôi.
– Dạ.
Bà chủ nhà bước lui vài bước:
– Mời ông vào.
Vừa bước qua ngưỡng cửa, Chiến vừa lấy khăn tay lau mồ hôi:
– Nóng quá!
Bà chủ thản nhiên:
– Tôi có pha sẵn một ít nước chanh để trong tủ lạnh. Chỉ có điều là ông không nên hi vọng là tôi sẽ bớt một xu cho ông.
Trong nhà tối tăm ẩm thấp với những cánh cửa sổ cũ kỹ đóng kín. Đồ đạc trong nhà có lẽ cũng cùng tuổi với chủ nhân. Bà chủ lặng lẽ bước tới ngồi lên cái ghế bành cũ, nét mặt hoàn toàn không cảm xúc.
Chiến nhìn quanh trước khi lên tiếng:
– Tôi vừa nói chuyện với ông Tuấn…
Bà chủ ngắt lời:
– Tôi biết! Chắc ông ta lại nói là căn nhà này không đáng giá $420,000 phải không? Nếu ông không đồng ý, xin ông cứ tự nhiên ra khỏi nhà. Tôi không bớt một xu.
Chiến hắng giọng:
– Dạ, tôi không biết là tôi có nên trả giá hay không. Tuy nhiên mình có thể thảo luận một chút.
Chủ nhân ngửa mình vào lưng ghế:
– Ông muốn thảo luận điều gì xin cứ tự nhiên, nhưng đừng trả giá.
Chiến lại lau mồ hôi ướt đẫm trên mặt:
– Dạ… Tôi là dân buôn bán, còn độc thân. Tôi dành dụm được chút đỉnh và rất thích thành phố này sau khi có dịp đi ngang hồi mấy năm về trước nên tôi có ý định sẽ hồi hưu ở đây. Hôm nay nhân chạy ngang đây, tôi ghé vào văn phòng ông Tuấn hỏi xem ông có căn nhà nào vừa túi tiền hay không và ông ta gởi tôi tới đây. Không hiểu tại sao tôi cảm thấy thích căn nhà này ngay khi vừa bước vào cửa. Bởi thế tôi đề nghị bà nên bán với giá phải chăng.
– Giá phải chăng! Hừ, tôi đã nói ngay từ đầu là không có vấn đề trả giá rồi mà! Nếu ông không trả nổi giá tôi đòi, ông có thể tìm mua nơi khác.
Rồi chủ nhân đứng dậy lạnh lùng:
– Chào ông.
Chiến lúng túng:
– Thưa bà…
Chủ nhân vẫn lạnh lùng:
– Tôi xin nhắc lại là không có vấn đề trả giá. Tôi đã dặn đi dặn lại ông Tuấn hàng trăm lần rồi.
Chiến có vẻ bối rối:
– Thực ra thì… tôi không biết phải nói sao, nhưng… tôi đồng ý trả giá bà muốn.
Chủ nhân nhìn sững Chiến:
– Ông có chắc không?
– Chắc chắn! Tôi có đủ tiền. Nếu bà nhất định muốn bán với giá đó, tôi trả giá đó.
Khuôn mặt chủ nhân như dịu lại, nhưng đôi mắt bà như sáng lên:
– Có lẽ nước chanh đã đủ lạnh rồi. Để tôi lấy mời ông uống một chút cho đỡ khát.
Chiến đang lau mồ hôi khi chủ nhân trở lại với ly nước chanh mát lạnh. Chiến đỡ lấy uống một hơi gần nửa ly.
Chủ nhân lại ngồi xuống cái ghế bành. Lần này bà nói với vẻ trầm ngâm:
– Căn nhà này của gia đình tôi từ hơn một trăm năm nay. Tất cả những người trong nhà, ngoại trừ Long con trai tôi, đều ra đời trong căn phòng nhỏ kế bên nhà bếp. Chỉ có tôi là nhất định sanh Long tại nhà bảo sanh.
Bà chớp chớp đôi mắt, lúc này không còn trong sáng nữa:
– Tôi biết căn nhà này rất cũ. Ông Tuấn nói rằng căn nhà này còn bị mọt ăn nữa. Nhưng tôi vẫn thương căn nhà này. Chắc ông cũng hiểu?
– Dạ!
– Ba của Long mất khi nó mới lên chín. Long bỏ thành phố này lên ở Sydney trái ý muốn của tôi! Nhưng nó cũng giống như các thanh niên thời nay, đầy tham vọng nhưng không biết hướng đi.
Tôi không biết nó làm gì ở Sydney. Nhưng có lẽ nó thành công vì nó gởi tiền cho tôi đều đặn.
Bà đưa tay lên lau mắt:
– Tôi không gặp con tôi trong chín năm trời. Tôi buồn khổ lắm! Nhưng khi nó trở về, tôi còn buồn hơn… Nó về nhà vào lúc nửa đêm, mặt mày hốc hác, già hơn đến năm mười tuổi! Nó về nhà với một cái valise nhỏ màu đen. Khi tôi tính đỡ cho nó, nó hất mạnh khiến tôi suýt té. Tôi đưa nó vào giường như khi nó còn nhỏ, và tôi nghe nó rên rỉ suốt đêm. Sáng hôm sau nó nói rằng nó phải ra khỏi nhà trong vài tiếng đồng hồ để làm một cái gì rất quan trọng. Nó không cắt nghĩa gì thêm, chỉ xách chiếc valise đi. Chiều hôm đó nó trở về tay không, không có cái valise đen.
Đôi mắt Chiến như mở rộng:
– Thế nghĩa là gì?
– Tôi không biết. Nhưng tôi được người ta cho biết… Đêm hôm đó có người vào nhà tôi. Tôi không biết làm sao ông ta vào được. Tôi chỉ biết khi nghe tiếng ồn ào trong phòng con tôi. Tôi lắng nghe xem con tôi bị lôi thôi vì việc gì, nhưng chỉ nghe tiếng la hét và đe doạ… Rồi…
Bà già ngưng lại, đôi vai bà như xệ xuống:
… súng nổ. Khi tôi chạy sang, cửa sổ phòng con tôi mở toang, người lạ đã biến mất, và con tôi… thằng Long của tôi nằm dưới đất… Chết rồi!
Bà lắc đầu:
– Chuyện đó cách đây hơn ba năm rồi. Cảnh sát cho tôi hay rằng con tôi và người lạ mặt dính líu tới một vụ cướp… lên tới bạc triệu. Thằng Long ôm trọn số tiền toan chiếm lấy một mình. Nó giấu trong căn nhà này, mà cho tới bây giờ tôi vẫn không biết ở đâu. Người lạ mặt tới tìm nó đòi phần chia. Khi nó từ chối, ông ta bắn chết nó… thằng Long, con tôi…
Rồi chủ nhà ngước lên, nói thật chậm rãi:
– Đó là lý do tại sao tôi đăng bảng bán nhà đắt gần gấp đôi thực giá, vì tôi biết một ngày nào đó kẻ giết con tôi sẽ trở lại. Một ngày nào đó ông ta sẽ mua căn nhà mục nát này với bất cứ giá nào.
Bà ngưng lại một chút rồi nói bằng một giọng vô cùng thanh thản:
– Tôi chỉ cần kiên nhẫn đợi chờ với một ly nước chanh có pha thuốc độc…
Rồi bà tựa ngửa vào ghế nhìn Chiến với ánh mắt chợt như bừng sáng. Chiến run rẩy đặt cái ly không còn một giọt xuống bàn. Hắn không nghe rõ những lời nói cuối cùng của chủ nhân vì đôi mắt hắn đã trợn trừng, đầu hắn bật ngửa, tuy hắn vẫn cố lẩm bẩm:
– Nước… chanh… của bà… đắng quá!
Ái Khanh

 From: giang pham & Nguyen Kim Bang

“THÓT TIM”-Truyen ngan hay

Kimtrong Lam

Hai vợ chồng đi làm về thấy nhà cửa sắp xếp gọn gàng ngăn nắp, cảm thấy rất kỳ lạ. Người vợ phát hiện trên giường ngủ có một phong thư, hai vợ chồng liền mở ra đọc. Bức thư viết:

“ Bố mẹ yêu!

Khi bố mẹ đọc lá thư này, con đã ở một nơi rất xa. Con vô cùng buồn và hối hận, nhưng con vẫn phải quyết định ra đi theo tiếng gọi của tình yêu, con đã 14 tuổi rồi. Anh Tráng, bạn trai mới quen trên face của con cũng không muốn bố mẹ buồn nên bảo con viết lá thư này.

Anh Tráng tuy xăm trổ đầy mình, mặc đồ hippi nhưng thực sự rất đáng yêu và quyến rũ, bạn bè của anh ấy đều như vậy. Nếu bố mẹ gặp anh Tráng nhất định cũng sẽ công nhận điều này.

Anh Tráng tuy hơn con nhiều tuổi, nhưng thưa bố mẹ, 38 tuổi trong xã hội bây giờ cũng đâu phải là quá già. Anh Tráng tuy không có nghề nghiệp, cũng không có tiền, nhưng chuyện đó đâu quan trọng gì, làm sao có thể cản trở tình yêu phải không bố mẹ.

Anh Tráng đã sưu tầm rất nhiều đĩa CD, có xe phân khối lớn, chúng con sẽ cùng nhau đi đến cùng trời cuối đất. Đúng là anh Tráng có rất nhiều bạn gái, nhưng anh bảo con là người anh yêu say đắm nhất, anh sẽ chăm sóc con theo cách của riêng mình.

Anh Tráng là tình yêu và thần tượng trong lòng con. nhưng quan trọng hơn, trong bụng con còn có một sinh linh bé nhỏ của anh Tráng, con còn muốn sinh thật nhiều con cho anh ấy.

Anh Tráng nói với con rằng, Hê rô in không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Anh Tráng dự định sẽ trồng thật nhiều hoa anh túc để tinh chế Hê rô in. Như vậy có thể đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của chúng con, hơn nữa còn có thể bán cho bạn bè của anh Tráng.

Con và anh Tráng sẽ luôn nhớ tới bố mẹ, chúng con sẽ cầu trời khấn phật để bố mẹ khỏe mạnh mỗi ngày, và sẽ cầu chúa xin cho các nhà khoa học nhanh chóng phát minh ra loại thuốc đặc trị vi rút HIV, chữa khỏi bệnh AIDS, anh Tráng hiện rất cần loại thuốc này.

Con xin lỗi vì đã không xin phép mà đã đưa cả em trai đi theo, con sẽ chăm sóc cho em thật tốt. Anh Tráng bảo nó đã 10 tuổi rồi, cần phải được học kỹ năng sống. Một ngày nào đó, con sẽ đưa cả em và các cháu ngoại của bố mẹ trở về.

Yêu bố mẹ mãi mãi!

Ký tên….

P/S: Gửi lại bố mẹ một vật để luôn nhớ đến con, con để trong ngăn kéo bàn học.

Người vợ mặt mày xa xầm, không đứng vững nổi. Người chồng run rẩy bước đến bàn học mở ngăn kéo ra xem. Trong đó có một mảnh giấy ghi:

“ Con chỉ muốn nói với bố mẹ rằng, trên đời có những việc còn quan trọng hơn kiếm tiền, có những chuyện còn tệ hại hơn bảng điểm thi học kỳ của con. Những chuyện trong thư hoàn toàn bịa đặt, con và em đang chơi ở nhà bác Lâm hàng xóm. Xin bố hoặc mẹ hãy ký bảng điểm cho con. Nếu bố mẹ hứa không đánh đòn vì kết quả thi, thì gọi điện sang nhà bác Lâm để con về

Sưu tầm


 

BÊN MỘ CON-Truyen ngan

Lê Khôi – ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ (Nhóm Muôn Chiều)

Tháng 5 năm 1975, miền Nam mất vào tay miền Bắc. Tôi là một sĩ quan thua trận ở phía miền Nam. Ngày 07/05/75 chịu chung số phận của những người thua trận, tôi ra trình diện và được đưa đi cưỡng bức lao động ở những trại tù của phe thắng trận. Khi tôi đi vợ tôi mới 20 tuổi đang mang thai đứa con đầu lòng.

Ba tháng sau từ ngày tôi bước chân vô trại tù thì con tôi ra đời. Chúng tôi đã thỏa thuận nhau từ trước đặt tên con là Dương Lục Bình Hạ Uyên.

Lục bình: để nhớ ngày nước mất đẩy cuộc đời của người dân miền Nam lênh đênh như đám lục bình.

Hạ Uyên: Đôi uyên ương mùa hạ (mùa tôi từ biệt vợ con để đi vào trại giam và con tôi cũng sanh ra vào mùa hạ).

Năm 1976, khi con được gần một tuổi, vợ tôi có ẳm con vào thăm tại Đồng Găng Diên Khánh Khánh Hòa, tôi chỉ nhìn con mà ứa lệ vì không được phép ôm nó vào lòng. Cũng vào tháng 6/1976 họ chuyển tôi ra Trại A30 Tuy Hòa Phú Yên.

Cuộc sống khó khăn sau ngày đất nước rơi vào tay kẻ ác, vợ tôi từ một cô nữ sinh trắng trẻo vừa rời ghế học đường ngày nào giờ trở thành một người mẹ 20 tuổi suốt ngày dầm mình dưới nắng mưa để làm ruộng nuôi con. Khi mẹ ra đồng theo tiếng kẻng hợp tác xã thì Lục Bình lấm lem thường ở nhà chơi một mình.

Một ngày nọ Lục Bình bị tiêu chảy và lên cơn sốt. Vợ tôi mang con đến bệnh xá huyện, ở đây những bác sĩ y tá được tốt nghiệp dưới chế độ Xã Hội Chủ nghĩa chẩn đoán là con tôi bị…sốt rét. Họ điều trị bệnh một đứa bé 3 tuổi nhiễm vi trùng đường ruột bằng cách chích thuốc chống sốt rét!

Con tôi yếu ớt chịu không nổi bị xuất huyết đường ruột lên cơn co giật. Một tuần sau thì mất. Đó là tháng giêng năm 1978 con tôi được 3 tuổi và tôi ở tù cũng vừa được 3 năm. Bao hy vọng được nhìn thấy con mình được ôm nó vào lòng đã sụp đổ. Ngày con tôi mất tôi vẫn còn đang trong trại tù tương lai mù mịt không biết ngày nào được thả ra

Ba năm sau ngày Lục Bình mất, năm 1981 được thả về. Tôi ra ngồi trước nấm mộ của con mình. Tôi khóc…

NGỒI BÊN MỘ CON

Đại Chí chiều nay ba trở lại

Cắm nén nhang này trước mộ Uyên

Cảnh cũ giờ đây sau mòn mỏi

lòng ba đau tựa nhát gươm xuyên

 

chiều lên mờ khói nhạt

hoàng hôn ngậm cỏ sầu

não nùng con dế khóc

chim lạc cánh về đâu

 

Lá lìa cành run rẩy

Đảo giữa trời co ro

Nghe dường như con gọi

tiếng não nề ba ơi

 

Ba nhớ làm sao bóng dáng con

Thiếu tình ba thuở lọt lòng son

Hạnh phúc đâu theo người chiến bại

Con chết ba đang ngậm tủi hờn

 

Ba nhớ làm sao đôi mắt Uyên

Sáng như sao sáng giữa trời đêm

Sáng rọi đường ba hằng mơ ước

Một nhát gươm vung chặt xích xiềng

 

Ba chẳng hẹn về con vẫn đợi

Ba năm rồi suốt quãng đời thơ

Đâu biết đi là không trở lại

Là xa cách mãi đến nghìn thu

 

Mẹ nói con thường ra trước sân

Nẻo vắng đường xa dõi mắt trông

Lắng tiếng xe ai ngừng trước ngõ

Có phải ba về với con không

 

Ngục tối từng đêm ba nguyện cầu

Quì xin thượng đế rất nhiệm mầu

Xiềng xích phá tan ba trở lại

cho đời con trẻ bớt sầu đau

 

Trở lại thôn xưa chiều nhạt nắng

Đói khổ lan tràn khắp lối đi

Cổng trước cài then nhà sau vắng

Mộ đã xanh màu cỏ biệt ly

 

Cỏ đã um màu xanh thương nhớ

Bóng hình con trẻ biết tìm đâu

Ba chút tình con nay đã lỡ

Đành hẹn tao phùng ở kiếp sau

Dương Quan

* Người trong hình là vợ tôi đang ẳm Lục Bình trong những ngày đợi tôi về.


 

TÌNH THÔI XÓT XA – Chu Thị Hồng Hạnh -Truyen ngan

Kimtrong Lam

Chu Thị Hồng Hạnh .

Hôm nay là ngày dạm hỏi của anh sau 2 năm ly hôn với chị.

Vẫn biết rằng chia tay nhau rồi ai cũng có quyền bước đi bước nữa…

Vẫn biết rằng chồng cũ của mình sẽ có ngày thành chồng mới của người khác…

Vậy mà sao chị thấy đau quá, đau đến nghẹt thở. Gửi hai con về nhà ngoại, chị đi đến chỗ ngày xưa anh chị thường họ hẹn và ngồi lên ghế đá năm xưa.

13 năm rồi, cây bên hồ giờ cao lớn um tùm, vết khắc tên anh chị trên cây vẫn còn mà giờ người xưa đã đi mất.

3 năm yêu nhau,10 năm vợ chồng hai người như đôi chim quấn quýt tối ngày, hai đứa trẻ lần lượt ra đời là động lực để hai vợ chồng cùng phấn đấu. Anh thăng tiến nhanh chóng nhưng vẫn một lòng một dạ yêu vợ, thương con hết mực. Đối với con gái lớn 9 tuổi, con trai nhỏ 7 tuổi, ba chúng nó là thần tượng lớn nhất trong lòng chúng.

 

Đến một ngày thần tượng sụp đổ cái rầm.

Đêm hôm đó anh phải đi tiếp khách VIP. Rượu uống tràn môi khách đòi đi vui vẻ. Anh tìm cớ để về mà không được, rồi thì điều gì phải xảy ra đã xảy ra. Sáng tỉnh dậy trong khách sạn thấy cả trăm cuộc gọi nhỡ của vợ anh hết hồn. Anh chị là mối tình đầu của nhau nên anh không thể giấu giếm chị bất cứ điều gì. Sau màn xưng tội, thành khẩn nhận lỗi của anh là sự im lặng đáng sợ của chị.

Hằng đêm chị sang phòng các con ngủ và không tài nào nhắm mắt được. Ý nghĩ rằng anh đã ôm ấp người khác, phản bội lại chị khiến chị muốn phát điên. Chị hận anh! Bọn trẻ con ngơ ngác không hiểu sao dạo này mẹ hầu như không nói chuyện với ba. Đến bữa cơm, con chị như mọi khi lại nhanh nhảu gắp vào chén món ăn ba thích thì mẹ nó đay liền.

– Gắp cho nhiều vào! để ba ăn cho có sức đi phục vụ người ta.

Thằng em lanh chanh

– Ai hả mẹ?

Chị buông thõng

– Hỏi ba con ấy

Hai đứa ngơ ngác quay sang nhìn ba cúi mặt xuống, chậm rãi nuốt từng miếng cơm.

Đến một ngày chị lạnh lùng đặt tờ đơn ly hôn trước mặt anh thì anh không chịu nổi nữa, anh khóc như một đứa trẻ và xin chị:

– Không ly hôn có được không em? Anh không thể xa các con được.

Chị cũng khóc

– Có lẽ mình xa nhau sẽ tốt hơn. Mỗi ngày đi ra đi vào, nhìn thấy anh là em lại tức, lại hận. Cứ như thế này em sẽ phát điên lên làm hỏng hết tuổi thơ của các con.

2 năm ly hôn anh dọn đi nơi khác ở, vài ngày lại về nhà chăm sóc các con, kiểm tra bài vở, chăm sóc nhà cửa chu đáo. Rất nhiều lần anh nói với chị cho anh quay lại để các con vui vẻ nhưng chị toàn nín lặng.

Dạo gần đây anh ít đến hơn. Trên Facebook của anh ngoài ảnh chị và các con ra giờ có thêm hình một cô gái xinh xắn, dịu dàng rất giống chị ngày xưa. Người quen, bạn bè nhao nhao vào hỏi ai đó, anh trả lời “Ảnh sưu tầm” và tận tình thả tim, thả like cho từng lời khen. Có lần trên đường đi làm về chị thấy anh chở cô ấy ngang qua, không biết anh nói gì mà cô ấy cười rất vui. Đêm đó chị thức trắng đêm.

Tuần trước, bạn thân của anh gọi điện báo cho chị rằng hôm nay sẽ là ngày anh làm đám hỏi.

Trời tối mịt mù mà chị vẫn cứ ngồi chôn chân bên ghế đá. Mất anh rồi chị mới biết chị yêu anh nhường nào. Vì cái tôi quá lớn, vì hận thù không buông bỏ được nên chị không thể tha thứ cho anh, chứ người đàn ông tử tế, thành đạt như anh lấy đâu chẳng được vợ.

Bỗng nhiên có chiếc áo choàng qua lưng chị, chị ngước khuôn mặt nhòe nhoẹt nước lên nhìn. Là anh

– Anh đi về đi, hôm nay là đám hỏi của anh mà

– Làm gì có đám hỏi nào, cô ấy là em thằng bạn làm cùng cơ quan, anh nhờ nó nói đấy. Anh biết rằng trong lòng em vẫn có anh. Em tha thứ cho anh nhé! Để nhà mình lại bên nhau như ngày xưa.

Chị áp mặt vào ngực anh, nước mắt ràn rụa, khẽ gật đầu.

C.T.H.H


 

CHUYỆN TÌNH ÔNG VƯƠNG HỒNG SỂN…- Soạn giả NGUYỄN PHƯƠNG

 8 SÀI GÒN

Soạn giả NGUYỄN PHƯƠNG

Nhân đọc hai câu thơ của ông Vương Hồng Sển “Khóc em Năm Sadec” làm năm 1988:

* Trăm năm dầu lỗi hẹn hò,

* Chén cơm Bà Chiểu, con đò Sóc Sa

* (Sóc là Sóc Trăng; Sa là Sadec)

Tôi bồi hồi nhớ đến mối tình già của ông Vương Hồng Sển, ông già năm mươi năm mê cải lương và mê cô đào Năm Sadec, người chuyên đóng vai Mạnh Phu Nhơn, Tô Ánh Tuyết, Đổng Trác, Lữ Phụng Thiên… trên sân khấu hát bội và sân khấu Phụng Hảo.

Ông Vương Hồng Sển trong những dịp trà dư tửu hậu, kể những kỷ niệm ngày đầu gặp gỡ, những khó khăn trở ngại và những lúc hạnh phúc nhất trong cuộc đời chồng vợ của ông và bà Năm cho tôi và một số ít nghệ sĩ thân thiết trong Ban kịch Phương Nam nghe khi chúng tôi đến nhà ông ở số 9 đường Nguyễn Thiện Thuật gần chợ Bà Chiểu, Gia Định, để tập kịch thu truyền hình (năm 1967).

Ông Sển cho biết sau khi người vợ thứ hai của ông là bà Dương Thị Tuyết bỏ ông, rồi lấy cái hộp sắt đựng 360 viên hột xoàn từ 3 đến 4 ly của bà Phủ An cho hai vợ chồng ông hưởng gia tài để sang thuyền khác (lấy ông bạn Hà Văn Thân), ông Sển ra tòa ly dị với bà Tuyết xong nên về Saigon ở để kiếm việc làm. Ông ở nhờ nhà của bà Hai Hẩu ở đường Aviateur Garros tức đường Thủ Khoa Huân và ông được nhận cho làm việc ở Viện Bảo Tàng trong Thảo Cầm Viên năm 1948, ăn lương công nhựt, mỗi tháng $1,173.

Ông Sển nhắc lại “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy…”: Tôi quen biết Năm (khi nói đến vợ ông, ông thường gọi là Năm, tức là cái thứ Năm của bà Năm Sadec) lúc năm 1943, khi đoàn hát Phụng Hảo hát Sóc Trăng. Nhà tôi rộng rãi nên tôi rước anh chị em đào kép về nhà tôi ở. Lúc đó có chị Bảy Phùng Há, vợ chồng anh Tư Út (Phạm Văn Đẩu và vợ là Sáu Ngỗng), cô Kim Thoa, cô Thanh Tùng, cô Sáu Ngọc Sương, cô Tường Vi, anh Hai Tiền và Năm đây… Tôi làm công chức, đứng bàn ông chánh tỉnh trưởng Tây nên ở Sadec, tôi cũng thuộc về hạng có máu mặt. Tôi mê coi hát bội, hát cải lương hồi còn đi học trường Tây, giờ đây được dịp gần gũi chuyện trò với những anh chị đào kép hát mà tôi qúy mến thì còn gì thích cho bằng? Bởi vậy trong nhà tôi cứ ba ngày có một tiệc lớn, bảy ngày có tiệc nhỏ theo kiểu Tào Tháo chiêu đãi Quan Vân Trường, Tam nhật tiểu yến, thất nhật đại yến… tôi thật sự mến mộ đặc biệt với Năm đây…

Lúc Năm hát bội thì được giới hát bội nhà nghề đánh giá là thuộc về nhóm Ngũ Châu tức là năm viên ngọc quý: đó là các cô Năm Đồ, cô Cao Long Ngà, cô Ba Út, cô Hai Nhỏ và cô Năm Sadec đây (hồi hát bội có nghệ danh là Năm Nhỏ). Khi qua lãnh vực hát cải lương thì Năm đây đổi nghệ danh là Năm Sadec, Năm cũng được báo chí và khán giả khen tặng là tài danh thinh sắc lưỡng toàn. Tôi chú ý tới Năm là vì lúc đó Năm vừa đẹp, vừa hát hay mà lại là con người chịu khó làm lụng chuyên cần. Mỗi khi tôi bày cuộc tiệc ăn nhậu cho các bạn đào kép thì Năm là người đầu tiên xăn tay áo nhào vô lo việc bếp núc. Khi cuộc tiệc tàn thì Năm xăn tay áo lo thu dọn, rửa chén bát, quét nhà, dọn dẹp như chính là cái nhà của Năm. Lúc đó thì con vợ của tôi, bà Tuyết đó, bả lo đi đậu chến, đi từ sáng tới tối mịt, đứt chến mới mò về, nhà cửa bất biết, thằng chồng no hay đói cũng không hỏi han tới… tôi thương vợ tôi thiệt nhưng mà sao trong lòng hỏng thấy quý bà ta như quý em Năm…

Bà Năm cằn nhằn: “Thôi mà! Chuyện đã mấy chục năm rồi, tuồng cũ rồi mà ông hát hoài sao ông?

– Tuồng cũ nhưng mà tuồng hay, hát hoài coi càng hấp dẫn, đâu có ngán…

– Hồi đó anh chị đều có gia thất riêng (1943), bốn năm sau, ông Tơ bà Nguyệt làm sao mà lấy dây tơ hồng cột gút hai anh chị vậy?– tôi tò mò hỏi vậy!

– Tui nói là số trời, duyên thiên định. Bả hỏng chịu. Bả nói là tại bả ưng tui… Lúc đó, cái năm 1947, tui buồn cho cái thân tui bị vợ cặm sừng, nó bỏ tui… Cái tự ái của thằng đàn ông, tính hỏng thèm lấy vợ nữa… Còn bả thì bả bị thằng chồng nó theo con vợ bé, nó cũng bỏ bả… Tui thì ra tòa chờ tòa tuyên bố cho ly dị, còn bả khi có chồng thì hồi đó nghệ sĩ đâu có làm hôn thơ giá thú chi cho nó tốn tiền mà lại giấy tờ rắc rối. Bởi vậy khi thằng chồng nó quất ngựa chuối truy phong thì cô vợ xách rương ôm trấp kiếm chỗ khác mà sống. Bởi vậy bả hận đàn ông, còn tui hận đàn bà…

– Thôi mà ông! Chuyện cũ nhắc hoài… tui đi lo nấu cơm đây. Nguyễn Phương ở lại ăn cơm canh chua cá kho tộ nghe!

– Tôi: Dạ, cám ơn chị Năm…

– Rồi thì trời xui đất khiến, cái đêm tôi đi coi hát bội gánh Tấn Thành Ban hát ở chùa Dọn Bàn, Dakao, bỗng nhiên tôi gặp lại em Năm trong vai Lữ Phụng Tiên… Khi nghe em hát… Giỏ lá vai mang nhè nhẹ, em xuống giọng “thoàng”… tôi nghe thiệt là mê man trong dạ. Vãn hát rồi tôi chưa chịu về, còn nấn ná ở cửa hậu trường để gặp Năm khen mấy tiếng thì mới đành bụng. Ai ngờ gặp nhau, nói đủ thứ chuyện, tôi dắt chiếc xe đạp, dẫn bộ theo em lại cầu Mac Mahon, em nói em ở xóm Cù Lao nằm bên nầy đường Võ Di Nguy. Đêm đó tôi nhất quyết đi theo cho biết nhà em ở đâu và trong bụng cũng tính khi có dịp thuận tiện thì sẽ lại mời em xuống Chợ Cũ lại tiệm Cao Lâu ăn một bữa cơm Tàu.

– Tới xóm cù lao, muốn vô trong xóm phải đi qua một cái cầu làm bằng các miếng ván như đòn dài bắc cho người ta đi lên đi xuống ghe chài, có chổ kê bằng mấy tấm dalle sắt, cầu bắc đi xiên qua xẹo lại chớ không có thẳng băng một đường từ lộ vô xóm.

Tới đây thì Năm không cho tôi theo qua bên kia cù lao để vô xóm, vô nhà. Tôi tới đây rồi đâu có lẽ chịu về không. Nhứt là thời buổi chiến tranh, lính Pháp đi tuần, gặp chúng nó mà biết tiếng Tây tiếng u cũng dễ… rồi còn một nỗi lo khác nữa, bọn cướp trộm cũng lộng hành và cũng còn phải sợ một nỗi khác nữa là các ông công tác thành về ám sát hay liệng lựu đạn, bởi vậy tôi kèo nài để tôi đưa Năm về tới trước cửa, Năm vô nhà đóng cửa khóa chốt cho an toàn rồi tôi sẽ đạp xe máy về nhà của tôi.

– Năm thấy tôi lo cho Năm chí tình chí cốt vậy, Năm cũng xiêu lòng, nói: “Ừ! Muốn tới cho biết nhà thì tui cho đi theo. Mà điều giao trước, tui ở nhà lá, nghèo lắm, thấy cái nhà dột cột xiêu, trống trước hở sau không được chê à nghen. Nhìn thấy cái nhà rồi là anh trở ra lộ về liền à nghen…

Muốn gặp tui thì tới rạp hát, mua giấy coi hát thì gặp, đừng có tới nhà, kỳ lắm à nghen…”

– Được rồi…được rồi… tôi y hẹn mà…

– Ai mà dè, ông trời đã định trước hết mọi sự rồi. Tôi theo Năm vô tới trong xóm, mới nhìn thấy cái nhà, còn đứng dang ca nhìn trước nhìn sau để ghi nhớ hình dáng cái nhà của Năm và những căn nhà lá kế bên ra sao để ban ngày có tới đây thì tôi kiếm được nhà của Năm liền, khỏi phải hỏi bà con lối xóm, mất công họ dị nghị, lời ra tiếng vào. Bỗng đâu tiếng tu huýt thổi rét rét rân trời, bốn phương tám hướng…

Lính partisan bao vây cả xóm, bắt ra ngồi trước hiên nhà, hai tay để lên đầu, trình giấy laisser – passer cho nó xét. Chỉ huy nhóm lính nầy là một thằng thiếu úy Pháp và hai thằng xét dăng (sergent) người Pháp. Nhờ nói tiếng Tây rốp rốp, tôi bỗng thành ra thông dịch viên tình nguyện cho mấy thằng Tây đó. Nó cũng nể, có người có học ở trong xóm nầy, biết tiếng Pháp nên xét qua loa rồi kéo ra lộ”.

Đã gần 12 giờ khuya, giới nghiêm rồi làm sao mà về nhà đây… Năm cũng biết vậy nên biểu tôi vô nhà ngủ, sáng sớm sẽ về. Mà trong nhà chỉ có một chiếc chõng tre một người nằm, tôi ngủ chung trên chõng đó sao được. Bởi vậy tôi kiếm giấy nhựt trình trải dưới đất, tính dọn một chỗ để ngã lưng qua đêm. Ai dè Năm cười cười: “Bộ tính ngủ ở dưới nền đất thiệt sao? Ngủ như vậy, tới sáng thì bịnh đó”

– Thì cũng ráng chịu, bụng làm dạ chịu, đâu có than van… Tôi trải giấy nhựt trình xong, sửa soạn nằm xuống.

– Năm nói: “Nè, hỏi thiệt, anh có thương tui hông? Có muốn thiệt tâm làm vợ làm chồng với tui hông? Nói thiệt đi…

– Thiệt tình tôi thương Năm, tôi thề…

– Khỏi thề! Lên giường đây ngủ. Anh đàng hoàng hay không đàng hoàng, tui biết liền…

Ông Sển kể tới đó, chúng tôi ôm bụng cười nghiêng ngửa. Bà Năm dọn cơm lên, hỏi: “Nè cái ông già mắc dịch nói bậy gì mà các anh cười dữ vậy?”.

Tôi đỡ lời cho mọi người: “Dạ, ông Năm kể chuyện ông Trượng với Tiên Bửu, chuyện hát cương hồi xưa đó mà…”

– Thôi, lại ăn cơm đi, đừng nghe ổng nói chuyện đời xưa nữa…

Ông Sển vẫn thích nói chuyện đời xưa, ông nhắc:

Hồi 1947, 48, 49, đang hồi chiến tranh Việt Pháp còn sôi động, công tác thành của Việt Minh liệng lựu đạn vô các dancing, quán nhậu, rạp hát vì nơi đó có bóng dáng của lính partisan, lính mã tà, lính rờ sẹt… Anh Năm Bằng, lính rờ sẹt, chồng của cô bé Hoàng Vân, diễn viên đoàn Hậu Tấn – Năm Nghĩa bị ban ám sát VM bắn chết trước cửa rạp hát Thuận Thành Dakao.

Lần khác, anh Thomas, người Việt lai Pháp, ở bên kia cầu Bông, vừa qua khỏi cầu, quẹo lại rạp hát Thuận Thành, bị bắn ngã trọng thương. Chở tới bệnh viện thì chết. Rạp hát bóng Asam (Dakao), tiệm cơm tây La cigalle bị liệng lựu đạn… Còn nhiều vụ bắn lộn, ám sát, liệng lựu đạn nữa nên trước tình hình lộn xộn đó, ông Sển dù đang làm công chức, lương bổng dư sống nhưng đêm đêm ông cũng phải đạp xe đạp hiệu Peugeot đưa vợ ông là bà Năm Sadec đi hát và rước về khi vãn hát.

Ông sợ những tai nạn dọc đường, những bọn cướp cạn và bọn lính Tây đi ruồng bố. Ông biết nói tiếng Tây, lại đang là một công chức nên coi như ông là một bảo đảm cho vợ khỏi bị hoài nghi có dính dáng tới bên kháng chiến.

Bà Năm Sadec tên thật là Nguyễn Kim Chung, sanh năm 1907 (Đinh Mùi) tại Sadec. Cha là ông bầu gánh hát bội tên Nguyễn Duy Tam, gọi là bầu Tam. Bà Năm Sadec được cha dạy hát từ nhỏ, từng hát trên sân khấu nhà. Lúc nổi danh, hát trên sân khấu Bà Ba Ngoạn ở rạp hát Palikao, Chợ lớn, bà Năm Sadec nổi danh là cô Năm Nhỏ, sau qua hát cho gánh hát Bầu Thiềng và vài gánh hát bội khác. Đến khi chuyển qua hát cải lương thì mới dùng nghệ danh Năm Sadec cũng như các bạn cô Ba Trà Vinh, cô Ba Bến Tre, cô Năm Cần Thơ…

Khi hát cho đoàn hát Phụng Hảo, bà Năm Sadec hát vai Mạnh Phu Nhơn trong tuồng Mạnh Lệ Quân thoát hài, bà đã hát khiến cho khán giả khóc mùi mẫn. Khi hát vai Đổng Trác trong tuồng Phụng Nghi Đình, bà làm cho khán giả cười nôn ruột. Khán giả ái mộ nhớ hoài vai bà Phán Lợi trong tuồng Đoạn Tuyệt. Thanh Nga vào vai cô giáo Loan, Việt Hùng vai Thân, thằng chồng khờ và Ngọc Nuôi trong vai Bích, cô em chồng đanh đá. Bà Năm Sadec trong vai bà Phán, không cần có thái độ hầm hừ, những cử chỉ hung dữ, chỉ cần giọng nói ngọt mà đay nghiến đủ cho khán giả thấy rõ tánh chất của một bà mẹ chồng phong kiến, ỷ giàu hà hiếp con dâu. Một hình tượng khắc sâu vào tâm khảm của khán giả, mấy chục năm sau cũng khó quên.

Bà Năm Sadec được mời đóng các vai bà má nông dân, bà Phán, bà Huyện trong các chương trình Thép Súng, chương trình Gia đình Bác Tám và các chương trình của các Ban kịch Kim Cương, Túy Hồng, Thẩm Thúy Hằng, Phương Nam. Khi vào vai hiền hay vai dữ, vai người phụ nữ giàu sang hay bần cùng, vào vai nào bà Năm Sadec cũng diễn tả như mẫu người thật mà chúng ta có nhiều dịp gặp trong cuộc sống. Không bao giờ cường điệu, hát quá lố nhưng không có nghệ sĩ nào diễn hay như bà.

Đối với đồng nghiệp, bà Năm Sadec được sự nể trọng của mọi người. Làm việc luôn luôn đúng giờ, chu đáo và không bao giờ gây khó dễ cho bầu show hay các nghệ sĩ cùng trong một suất hát.

Ngoài tài năng và đức độ của một người nghệ sĩ lão thành đáng kính như bà Năm Sadec, tôi nhớ về bà có một chuyện mà suốt đời tôi không thể nào quên.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, các nghệ sĩ nghe tin loan trên đài phát Thanh là phải đến đăng ký tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon cũ, kế bên Bộ Sắc Tộc ở đường Nguyễn Du, ai không đăng ký sẽ bị cấm hành nghề. Tôi đến vào khoảng 12 giờ trưa, thấy có nghệ sĩ của đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga, đoàn Dạ Lý Hương… các nghệ sĩ lão thành: anh Năm Châu, anh Văn Lâu, Tám Lắm, Bà Năm Sadec, chị Kim Cúc, Kim Lan, Tám Vân, Minh Tơ, Thành Tôn, chị bảy Ngọc Hương…

Ngồi bàn thơ ký ghi chép tên nghệ sĩ đến đăng ký, tôi thấy có anh kép Năm Sơn mà chúng tôi quen gọi là Năm Thịt. Năm Sơn là anh kép hát nằm vùng, bây giờ mới lộ mặt ra. Tôi vừa đăng ký xong, người đi kế tôi là bà Năm Sadec. Khi bà Năm Sadec tới ghi tên thì kép Năm Sơn chận lại, nói: “Chị tố Cộng trong Ban Thép Súng Đài Truyền Hình quân đội Ngụy, chưa bắt giam chị là phước cho chị rồi. Không được đăng ký!”

Bà Năm Sadec như bị một gáo nước dơ dội vô mặt, loạng choạng như muốn té sụm xuống trước bàn viết của tên kép hát nằm vùng đó, mặt bà xanh dờn, đôi môi run run, tôi vội dìu bà bước ra ngoài vì không biết bà sẽ phản ứng ra làm sao, e gặp rác rối. Ra tới trước cửa bà Năm Sadec nói với tôi, giọng nói bình tĩnh trở lại: “Được rồi. Nguyễn Phương về đi. Tôi không sao đâu. Để tôi kiếm xe đi về nhà”.

Tôi nói: “Ở đây khó kiếm xe lắm. Để tôi chở chị về nhà nghỉ cho khoẻ”. Tình cờ, nhìn vô nơi các nghệ sĩ đăng ký, tôi thấy anh Năm Châu, chị Kim Cúc, Kim Lan, anh Thành Công, anh Chín Sớm, soạn giả Mộc Linh ra về, mắt nhìn xuống đất… Tôi nói: Chị Năm coi kìa, anh Năm Châu, chị Kim Cúc, ca sĩ Thành Công…

Bà Năm nhìn theo tay tôi chỉ, cười buồn: “Tôi thì không sao, mấy người đó chắc sẽ khổ. Anh Năm Châu bị họ ghim vì anh lập gánh hát Ánh Chiêu Dương, được ông Hồ Văn Châm, Bộ Thông Tin Chiêu Hồi giúp đỡ tiền bạc…”

Sau đó mấy tháng, tôi được biết anh Năm Châu bị mời đi học tập kiểm thảo tập trung trong tòa tỉnh trưởng Gia định trong ba tháng. Ca sĩ Thành Công, soạn giả Mộc Linh, Chín Sớm bị đi học tập cải tạo 7 năm ở trại cải tạo Hàm Tân.

Theo các bạn của tôi kể lại, năm 1986, khi ông Nguyễn Văn Linh tuyên bố cởi trói cho văn nghệ sĩ thì bà Năm Sadec mới được mời vô Đồng Tháp Mười đóng phim, trong vai bà già nông dân. Bà đóng được ba phim ở Nha Mân, Sadec, nơi chôn nhau cắt rún của bà và ở Đồng Tháp Mười bà đóng phim Phù Sa trong mùa nước nổi, giữa nắng lửa và muỗi mòng, hai ngày sau khi bà hết đóng phim, bà trở về Saigon và chết vì kiệt sức. Khi bà mất, không có ai thông báo cho nghệ sĩ biết để đi viếng, phúng điếu, tiễn đưa bà. Chỉ có những người trong xóm của bà và các bạn nghệ sĩ làm phim chung với bà, biết bà mất, đến tiễn đưa.

Bà cũng không được quàn ở nhà Hội Nghệ Sĩ ở đường Cô Bắc, không được chôn ở nghĩa trang nghệ sĩ ở Gò Vấp. Ông Vương Hồng Sển di quan của bà, đem về chôn cất ở Nha Mân, quê hương của bà.

Trong bài điếu văn của ông Vương Hồng Sển khóc vợ, có đoạn kết như sau:

* Trăm năm gì nữa? Muôn thuở là đây;

Trời quên mất đời còn một lũ, quyết thư hùng vì ấn tướng ngôi vua;

Bà đi rồi, tôi khổ muôn phần, sống cô độc giữa bình xưa lọ cổ;

Thôi, thôi;

Bà vào cửa hư vô bất diệt, nhớ đến thăm Năm Phỉ, Bảy Nhiêu;

Tôi đợi tin Bắc Đẩu, Nam Tào, sẽ tìm đến Năm Chung, Tư Bốn.

Ô hô!

Đây sầu riêng, đây vú sữa, của chồng công vợ, kẻ mất người còn, nghẹn ngào dâng một lễ đơn sơ;

Đây rượu cúc, đây hương trầm, kẻ mất người còn, đau đớn khóc ngàn thu vĩnh biệt.

Hỡi ôi, Thương thay; Có linh xin hưởng.

Bà Năm Sadec sinh năm 1907, mất năm 1988.

Ông Vương Hồng Sển sinh năm 1902, mất năm 1996.

Kính nhớ anh chị Vương Hồng Sển & Nguyễn Kim Chung (Năm Sadec).

Soạn giả NGUYỄN PHƯƠNG

03/2018


 

Con Mỹ Gốc Việt-Trần kiêm Đoàn-Truyện ngắn

Hình minh họa

Trần kiêm Đoàn

– Tên họ cháu là gì?

– Tony Nguyễn.

– Vậy cháu là người Mỹ gốc Việt (Vietnamese American) ?

– Không, tôi là người Mỹ (American).

– Không có ai là người Mỹ “ròng” tại xứ Hoa Kỳ nầy cả. Chỉ có người Da Đỏ thường được xem là người Mỹ Nguyên Gốc (Native American) ở đây thôi. Nhưng thực ra họ cũng là người xứ khác đến đây sớm nhất mà thôi. Đây là đất nước hợp chủng nên mỗi dân tộc trước khi thành người công dân Mỹ đều có tên xứ gốc của mình đứng ở đằng trước như người Mỹ gốc Nhật, người Mỹ gốc Hoa, người Mỹ gốc châu Phi, người Mỹ gốc Anglo…

– Tôi không cần biết chuyện của người khác. Tôi chỉ biết tôi là người Mỹ.

– Không thể được. Theo luật pháp, cháu không có quyền chọn lựa mà phải xác nhận mình là người Mỹ gốc Việt.

– Tôi không quan tâm luật pháp gọi tôi là giống dân gì. Tôi chỉ biết tôi là người Mỹ. Chấm hết!

Thằng bé 16 tuổi, nhưng trông tướng mạo già dặn như trên 20 tuổi. Nó nói tiếng Anh, không hề chêm một âm lai Việt, ngay cả khi nói đến họ Nguyễn của mình, nó cũng phát âm “Uyn” theo kiểu người Mỹ phát âm chữ “win”. Nó có vẻ hoàn toàn dị ứng với hết thảy những gì liên quan đến Việt Nam.

Suốt 18 năm làm việc cho chương trình “CPS” (Children’s Protective Services: Bảo Vệ Thiếu Niên) với nhiệm vụ điều tra cho tòa án Con Mỹ Gốc Việt…- Trần Kiêm Đoàn ề hành động phạm pháp ngược đãi con em của cha mẹ hay người nuôi dưỡng – theo luật pháp Mỹ – đây là lần đầu tôi gặp một thiếu niên Việt Nam cứng đầu và bất chấp đến như thế. Theo hồ sơ tòa án mà tôi được phân công điều tra và giải quyết, Tony Nguyễn là một thiếu niên “nạn nhân” của trường hợp bị cha mẹ “hành hạ, ngược đãi”. Đây là một gia đình Việt Nam định cư tại Mỹ đã trên hai mươi năm.

Chỉ có Tony sinh tại Mỹ và là con út trong một gia đình có 5 anh chị em, bốn người con lớn đều thành đạt. Tony muốn tự do cá nhân theo kiểu Mỹ; trong lúc cha mẹ lại muốn giáo dục con cái theo truyền thống Việt Nam bằng cách dùng những biện pháp nghiêm khắc “truyền thống” như la mắng thậm tệ, cấm cản khắt khe, yêu cho roi cho vọt… Sự xung đột văn hóa âm thầm nhưng mãnh liệt đã tạo ra những ngăn cách thế hệ và những khủng hoảng tâm lý. Lăng kính tiêu cực và chối bỏ mỗi ngày một đậm khi nhìn nhau. Cha mẹ kết tội con là “đồ Mỹ hóa”.

Trong lúc con cái phản ứng lại, xem cha mẹ như “lỗi thời, còn quá Việt Nam”. Tình cảm kết tụ bằng hiểu nhau và chia sẻ sẽ thành linh động và yêu thương. Cảm xúc chồng chất bằng khước từ và bảo thủ sẽ thành đóng băng và xung đột. Đang giữa năm học lớp mười, Tony bỏ nhà ra đi, gia nhập băng đảng “Asian Blood” và bị bắt khi đang xung trận đấu đá, thanh toán nhau với các băng đảng khác.

Tony bị đưa vào nhà tù thiếu nhi, đợi tòa án thiếu nhi điều tra và chờ ngày xử án.

Theo thủ tục cơ bản, tôi phải tiếp xúc với cả hai phía nạn nhân và can phạm. Thông thường trong một hồ sơ “trẻ em bị ngược đãi” thì cha mẹ hay người nuôi dưỡng là can phạm và đứa trẻ bị hành hạ là nạn nhân. Nhưng trong hồ sơ nầy, Tony vừa là nạn nhân vì bị cha mẹ ngược đãi trong gia đình, vừa là can phạm vì theo băng đảng gây bạo động ngoài xã hội.

Lần đầu tiếp xúc với Tony trong văn phòng phỏng vấn, tôi không ngạc nhiên vì chẳng lạ gì với tính cách thường làm ra vẻ “hảo hớn” của thiếu niên Mỹ vì biết rằng luật pháp xứ nầy bảo vệ thanh thiếu niên quá mức cần thiết. Điều làm tôi băn khoăn là thái độ quay lưng chối bỏ quyết liệt nguồn cội của mình. Với tâm trạng đó, hôm sau tôi đến nhà gặp cha mẹ của Tony.

Ông bà Nguyễn ở độ tuổi ngoài năm mươi. Gia đình trên mức trung lưu với nhà cửa khang trang và công việc làm ăn ổn định. Nói về trường hợp cậu con út Tony, ông Nguyễn phản ứng đầy giận dữ. Ông chỉ vào bốn khung ảnh lồng bằng cấp bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, kỹ sư của bốn người con lớn treo ở phòng khách như một bảo chứng điển hình cho khả năng làm cha mẹ đúng đắn của ông bà. Trong lúc bà Nguyễn khóc rấm rức, than thở nhớ thằng con út “đứt ruột đứt gan”!

Nhu cầu công việc và nguyên tắc thu thập dữ kiện không cho phép tôi đi xa hơn những vấn đề cần biết mà chỉ xoáy vào trọng tâm về cách dạy con trong gia đình ông bà Nguyễn có hay không những điều sai trái trên căn bản luật pháp Hoa Kỳ. Ông Nguyễn vẫn khăng khăng cho rằng, cách dạy con “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” áp dụng với đứa con út “Mỹ con” của ông là đúng. Theo ông, nếu cách dạy con của ông sai thì tại sao các con lớn của ông đều thành tài, ra trường là bác sĩ, kỹ sư. Vì không ở trong vị thế tham vấn, nên tôi chỉ ghi nhận lời xác định của ông đối với Tony để cho tòa án xét xử và phán quyết.

Những lần sau gặp và nói chuyện với Tony, tôi biết thêm những điều thú vị rằng, cậu bé nói được tiếng Việt kha khá và thích nhạc Việt vì được bà ngoại chăm sóc và nuôi lớn suốt thời hoa niên trong khi cha mẹ suốt ngày bận bịu với công việc làm ăn.

Những đứa trẻ thuộc thế hệ thứ hai của những gia đình di dân trên đất Mỹ thường nhìn về quê hương nguồn cội của mình qua hình ảnh cha mẹ. Ông Nguyễn đóng vai trò then chốt trong gia đình là “bóng dáng quê hương” trước mắt đứa con gốc Việt sinh ra trên đất Mỹ. Bởi vậy, khi ông Nguyễn trở thành “kẻ ngược đãi” trước mắt Tony thì phản ứng chống đối và tâm lý chối bỏ người cha đã lan tỏa làm mờ mịt cội nguồn.

Chuyện tòa án, luật pháp, nguyên tắc… là những quy ước xã hội. Nhưng bên cạnh trách nhiệm hành xử một vụ việc theo quy ước như những chuyên viên đồng sự người Mỹ, tình cảm Việt Nam vẫn thường xuyên cựa quậy trong tôi. Tâm hồn người cha Việt Nam nửa đời đất khách và đứa con sinh ra ở Mỹ đều được tưới tẩm trong mỗi nền văn hóa Đông Tây. Muốn chung sống hòa hợp cần mở lòng chấp nhận sự khác biệt của nhau. Tôi đã đem điều tâm cảm nầy làm phương tiện hóa giải sự xung đột giữa ông Nguyễn và Tony.

Lễ Tạ Ân – Thanksgiving, với bốn ngày nghỉ liên tục –  là thời điểm mang ý nghĩa sum họp, đoàn tụ gia đình thiêng liêng nhất trong năm đối với người Mỹ. Trường hợp gia đình ông Nguyễn đã được giải quyết. Ông bà Nguyễn bị phạt theo luật định về tội “ngược đãi” con cái. Tony bị đưa vào trại Giáo dục Thiếu niên (Boys Ranch). Hồ sơ tạm đóng trong hệ thống công quyền Mỹ nhưng vẫn còn mở trong lòng tôi, tấm lòng của một người Việt Nam sống xa quê hương nhưng không xa tình tự dân tộc.Tôi đã chọn thời điểm nầy làm chiếc cầu nối giữa hai cha con ông Nguyễn.

Chiều Thanksgiving trời lạnh và mưa phùn lất phất, tôi lái xe chở bà ngoại của Tony đến Boys Ranch cách Sacramento chừng 50 cây số. Khu trại nằm lặng lẽ trong mưa ẩn sau rừng sồi già cỗi. Toàn cảnh vắng vẻ vì hầu hết các thiếu niên trại viên đã được gia đình bảo lãnh về nhà ăn lễ Tạ Ân. Người quản đốc trại, cũng là bạn quen lâu ngày trong công việc, đưa chúng tôi vào khu nhà ngủ của trại viên. Cuối hành lang xa hun hút là phòng của Tony.

Tiếng nhạc Việt “Xuân nầy con không về” vẳng ra từ căn phòng nhỏ nghe như âm hưởng lạc loài từ một không gian quá khứ. Từ bên ngoài khung cửa nhìn vào, hình ảnh Tony ngồi gục đầu trên chiếc bàn nhỏ cạnh cái Ipod đang phát ra lời hát Việt làm tôi nao nao. Từ phía sau, bỗng vang lên tiếng kêu thảng thốt đầy xót xa và thương cảm của bà ngoại lâu ngày không gặp cháu:

– Tony, con ơi! Ngoại đây nì!

Thằng bé ngạc nhiên đứng lên, quay đầu ra và bắt gặp ngay bà ngoại đang dang tay ùa tới ôm cháu. Tiếng kêu mừng rỡ và cảm xúc không còn khoảng trống cho một sự đắn đo ngăn trở. Tên du đảng hè phố Mỹ chợt hiện nguyên hình là đứa bé Việt Nam cả một thời thơ ấu được thấm đẫm tình yêu gia đình trong tiếng ru của bà ngoại. Nước mắt lưng tròng, nó thốt lên bằng tín hiệu trái tim:

– Ngoại!

Người quản đốc và tôi lãng ra ngoài phòng tiếp tân.

Theo sự dàn xếp trước với ông bà Nguyễn và gia đình, tôi bảo lãnh cho Tony về nhà năm ngày trong dịp lễ Tạ Ân. Khi chiếc xe rẽ vào sân trước vừa dừng lại, ông bà Nguyễn và cả gia đình ùa ra ôm chầm Tony. Trong phòng khách sáng lên với hoa đèn có đủ mặt gia đình, ông Nguyễn ôm vai Tony, với một chút khó khăn nhưng đầy thương yêu và quyết đoán, ông nói như chưa từng nói với con mình trong quá khứ:

– Ba xin lỗi con. Ba mẹ và cả nhà ai cũng thương con hết, con biết không?

Thằng bé cúi đầu, nói tiếng Việt như lần đầu biết nói:

– Dạ. Con xin lỗi ba mẹ…

Khi tôi khéo léo kiếu từ để trả lại không khí đầm ấm đoàn tụ của gia đình, Tony ngập ngừng, nói với:

– Bác ơi! Bác xin cho con về nhà. Con muốn đi học lại.

Môi trường xã hội như phương Tây, cha mẹ dạy con theo cách của mình như ông bà Nguyễn, hệ thống bảo vệ và giáo dục thanh thiếu niên như Hoa Kỳ là hình ảnh một “dĩa xà lách văn hóa” nhìn thì đẹp nhưng chưa chắc đã là ngon hay có khi khó nuốt nếu không cùng khẩu vị. Tony cũng như hàng vạn những người trẻ tuổi Việt Nam lớn lên nơi xứ người, mỗi ngày một xa lạ dần với nguồn cội. Đã có người ví người Việt tha hương cũng mang tâm sự của đàn cá Hồi, cứ năm năm theo sự luân chuyển của suối nguồn tự tại, bản năng tự nhiên lại thôi thúc quay về nguồn cội. Thác ghềnh, gió to, sóng dữ và những gian nguy sinh tử chờ chực khắp nơi trên đường về không ngăn được động lực sinh tồn vô hình vươn dậy.

Mùa Thanksgiving nơi xứ người, nghĩ về quê hương nguồn cội, mình lại lẩn thẩn tự hỏi mình đã ở đâu từ bốn nghìn năm trước và sẽ về đâu qua bốn nghìn năm sau. Dẫu là hư vô hay luân hồi chuyển hóa, lẽ đâu sự có mặt hôm nay lại chỉ là một cuộc tình cờ.

Trần kiêm Đoàn


 

Nhát đục cuối cùng – vo danh

Câu chuyện cảm động đầy ý nghĩα nhân văn sαu sắc

Ông sống tận cuối làng, cô đơn và khó tính. Không giαo du quα lại với αi.

Ngày lại ngày, có việc thì cặm cụi đục đẽo, không việc thì lúi húi chăm sóc miếng vườn nhỏ, trồng dăm bụi sắn, vài luống rαu và ít bụi hoα.

Người trong làng thỉnh thoảng ghé đến nhưng thấy bản tính ông ghẻ lạnh nên cũng chẳng αi muốn chơi.

Consonno (Olginate) - 2020 All You Need to Know BEFORE You Go (with ...

Nguồn thu nhậρ chính củα ông là khắc tượng gỗ. Dαnh tiếng ông khá lẫy lừng , nhiều ngôi chùα ở những nơi xα tìm ông để đặt hàng. Từ những bức tượng Phật Thích Cα uy nghi, to lớn cho đến những ρho tượng chỉ bằng nắm tαy, ông đều nhận cả.

Một ngày kiα có vị Linh Mục đến đặt hàng làm ông ngỡ ngàng. Đây là lần đầu tiên trong đời điêu khắc củα ông có một “ông Chα” giαo tiếρ với ông, Thứ đến là loại hàng này ông chưα từng bαo giờ thử quα! Ông Chα này rất điềm đạm và bình dân, cho ông một cảm giác gần gũi, thân thiện.

Hàng đặt là một tượng Thánh Giá cαo tới hαi mét rưỡi và chiều ngαng một mét chín, nằm trên Thánh Giá này là tượng Chúα Giêsu cαo một mét bảy. – Nhưng thưα ông, Chúα Giêsu là αi, tôi không biết rõ, làm sαo tôi có thể khắc đúng như ông đòi hỏi?

Vị Linh Mục thoáng ngẩn người, ông mαu chóng lục chiếc cặρ đαng mαng theo người, lấy rα một bức ảnh chịu пα̣п đưα cho người thợ, ông này cầm lấy ngắm nghíα với cặρ mắt nhà nghề, giọng đầy ρhâп vân:

-Thú thật với ông, tôi chưα từng khắc tượng… Chúα! Từ trước đến nαy tôi chỉ khắc tượng Phật, tượng Thần. Đối với Chúα, tôi cảm thấy xα lạ lắm. Ông có cái gì về Chúα nữα không để tôi nghiên cứu thêm, chứ bức ảnh này tôi e chưα đủ để giúρ tôi có thể lột tả được cái Thần. Ông biết đấy, tôi đặt cαo lương tâm nghề nghiệρ…

Vị Linh Mục nhìn ông thợ điêu khắc đầy thiện cảm, ông trαo cho người thợ một cuốn sách: – Đây là cuốn Kinh Thánh củα Đạo chúng tôi, hy vọng ông sẽ biết đầy đủ về Ngài.

Suốt cả tháng trời, ông thợ miệt mài đọc kỹ cuốn Thánh Kinh và ngắm nghíα bức ảnh chịu пα̣п. Không giống vẻ oαi nghiêm củα các tượng Thần ông từng khắc, cũng không có vẻ αn nhiên tự tại củα tượng Phật với những đường nét bệ vệ, tròn trĩnh.

Tượng Chúα là những lồi lõm củα một người gầy gầy, với những tҺươпg tích khắρ người, một người trần truồng để lộ rα những xương sườn và cái bụng léρ kẹρ, nhất là gương mặt hốc hác, đαu đớn củα người chịu khổ hình.

Một gương mặt đαng trong tư thế ngước lên mà ánh mắt vừα chịu đựng lại vừα khẩn khoản, đầy tin tưởng và hiền lành, không thấy có chút nào củα sự oán trách, thù hận! Ông cứ vừα nghiền ngẫm vừα dò dẫm chạm khắc, ngày làm đêm nghiên cứu.

Ngαy cả trong giấc mơ ông cũng thấy gương mặt Người Chịu Nạn bê bết mồ hôi và мάu, những thớ thịt co giật trong cơn đαu đớn, đôi môi khô nứt tím tái hẳn đi. hαi cάпh mũi ρhậρ ρhồng trong cơn khó thở!

Ngày quα ngày, ông làm việc miệt mài nhưng rất chậm. Đôi chân xương xẩu xếρ chồng lên nhαu củα Người Chịu Nạn, bị đóng dính vào Thậρ Giá tương đối dễ khắc. Lồng ngực bức tượng nhô cαo hiển lộ toàn bộ xương sườn như đαng cố hớρ lấy không khí khiến cho ρhần bụng thót lại làm ông thấy khó khắc hơn!

Jesus On Cross Easter Free Stock Photo - Public Domain Pictures

Ngαy cả hαi bàn tαy với những ngón gầy guộc co quắρ khiến những sợi gân căng trên cổ tαy cũng khiến ông hình dung được sự đαu đớn củα Người Chịu Nạn! Hình như không có vị Giáo Chủ củα Đạo nào lại khốn khổ như vị này!

Hầu hết các vị đều được vinh quαng ngαy khi tại thế, Đạo củα các vị ấy cũng được truyền bá dễ dàng chứ không bị bách Һại như Đạo này! Mỗi nhát đục ông đều đắn đo cẩn thận. Độ khó củα bức tượng ҟícҺ tҺícҺ ông mãnh liệt.

Ông sαy mê làm việc như chưα bαo giờ ông sαy mê đến thế! Thỉnh thoảng, ông dừng tαy, giở Kinh Thánh rα nghiền ngẫm về Con Người Trên Thánh Giá. Cứ như trong sách ghi chéρ lại thì Con Người này có lẽ là Chúα thật rồi!

Ông ta làm ρhéρ lạ mà chẳng tốn một tí hơi sức nào cả! Chỉ một Lời, thế là thành sự! Như thể ông tα là chủ tể củα vũ trụ, là Ông Trời vậy! Hình như các vị Giáo chủ khác không làm ρhéρ lạ nào thì ρhải?

Các Ngài chỉ dạy dỗ thôi, mà ông này thì dạy dỗ như kẻ có quyền thật sự! cái điệρ khúc “ Phần Tα, Tα bảo các ngươi…” cứ lặρ lại mãi. Mà những Lời dạy bảo củα Người mới cαo đẹρ, mới thánh thiện làm sαo!

Mỗi ngày quα, tác ρhẩm dần lộ hình, thì trong lòng ông thợ lại càng xốn xαng, khắc khoải. Có một điều gì đó làm ông băn khoăn. Ông thường hαy bỏ dở công việc để đi thăm một người trong làng bị đαu ốm, có khi ông nghỉ nguyên một buổi để đi đưα đám một người cҺết chẳng liên hệ gì với ông! Những đồng tiền làm rα được ông cất kỹ, nαy cũng cạn dần theo những lần ông âm thầm đến nhà này, nhà nọ.

Dân làng cũng thấy được sự thαy đổi này, họ xầm xì bàn tán đủ điều về ông, có người còn ᵭộc miệng cho rằng ông sắρ cҺết, nhưng nhìn chung họ dần có cảm tình với ông.

Giai đoạn khó khăn nhất cuối cùng cũng đến: Đó là gương mặt Người Chịu Nạn. Ông đã bỏ nguyên hαi ngày để đọc kỹ lại cuộc khổ nan của Chúα Giêsu trong cả bốn quyển Tin Mừng. So sánh, đối chiếu cả bốn quyển để tìm ra những điểm chung, điểm riêng, những nét đặc trưng khả dĩ giúρ ông hình dung ra sự khốc liệt củα cuộc hành hình mà Chúα Giêsu ρhải chịu.

Ông mường tượng rα những cơn đau khiến gương mặt co giật. Răng nghiến lại? ừ, có thể nào răng nghiến lại khi cơn đαu cùng cực không? Miệng có bị méo đi không? Còn mắt? Mắt nhắm nghiền hay trợn trừng hoặc lạc thần vì quá sức chịu đựng?

Mồ hôi và мáu thì dĩ nhiên rồi! Một gương mặt đau đớn cả thể ҳάc lẫn tâm hồn. Tâm hồn dĩ nhiên đαu đớn lắm khi Người thốt lên: “ Lạy Chα, sao Chα nỡ bỏ con?” mà tâm hồn này cũng tin tưởng và bình an vì Người đã kêu lên:

“ Con xin ρhó thác hồn con trong tαy Chα”. Một gương mặt tộι nhân mà sáng chói sự thánh thiện khi Người nguyện rằng: “Xin Chα thα cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Một gương mặt hài hòα bαo nhiêu là trạng thái mà ông ρhải cô đọng lại!

Từng nhát đục ông gọt đẽo trong hồn ông, tượng hình dần trên thân gỗ. Gương mặt Chúα Giêsu đαu đớn với đôi mắt mở lớn đαng ngước lên trời trong tâm tình ρhó thác vâng ρhục. Phải rồi, Người đã vâng ρhục cho đến cҺết và cҺết trên Thậρ Giá đαng khi Người uy quyền ρhéρ tắc đến thế!

Passion Of The Christ Wallpapers - Wallpaper Cave

Ai làm gì được Người nếu không ρhải chính Người tự nguyện cҺết thαy cho nhân loại? Gương mặt Chúα Giêsu thánh thiện và khả ái làm ông hài lòng mặc dù mấy hôm nαy một cơn đαu cứ nhoi nhói trong ngực ông.

Khi ông dừng nhát đục cuối cùng thì ánh sáng cuối ngày cũng vừα lịm tắt. Ông vui sướng cố dựng Thánh Giá gỗ nặng nề lên cho dựα vào tường rồi mệt mỏi lê bước vào giường. Đặt mình nằm xuống, ông thiếρ đi rất nhαnh, không hề mộng mị.

Tiếng gà gáy sáng làm ông choàng tỉnh giấc, toàn thân khoαn khoái sαu một giấc ngủ dài làm ông có cảm giác trở lại thuở đôi mươi. Bên ngoài cửα sổ trời vẫn còn tối nhưng nơi cửα rα vào ánh sáng lại huy hoàng làm ông ngạc nhiên.

Ông chợt nhớ rα chiều quα mình đã ngủ như cҺết, không tắm rửα, không ăn uống và không cả đóng cửα! Ông bước xuống giường đi rα cửα và bất chợt khựng lại vì trong sân đαng chói loà toàn ánh sáng, một thứ ánh sáng mà ông chưα từng thấy, chính ánh sáng này đã chiếu sáng cửα lớn nhà ông.

Toàn thân ông thấm đẫm thứ ánh sáng huyền diệu này. Một niềm hạnh ρhúc ngọt ngào dâng ngậρ hồn ông, trong mơ hồ ông nhận rα thân thể mình bỗng nhẹ tênh, ánh sáng đưα ông bαy lên cαo, lên cαo mãi…

Phải đến hαi ngày sαu dân làng mới ρhát giác rα ông đã cҺết dưới chân cây Thánh Giá mà ông vừα hoàn thành, trong tư thế nửα ngồi nửα qùγ, mặt nhìn lên Thάnh Giά.

Embraced in the Hug of Jesus Christ. | Letter from heaven, Jesus ...

Ông già thợ điêu khắc đã đến đích của tình yêu mà ông tìm thấy và mong đợi!

 


NẾU LÀ MẸ ANH! – Hiếu Phạm

Kimtrong Lam

Hiếu Phạm

Vừa mở cửa căn hộ, nó đã kêu toáng lên:

Chồng ơi! Em đã về rồi nè. Chồng nó vui vẻ:

Ờ, em đã về đấy à? Nhà mình có khách đấy, em vào rửa tay rồi ăn cơm, anh nấu xong rồi!

Bỗng nó nhìn thấy đôi dép nhựa cũ cáu bẩn , cùng cái túi xách đựng đồ bề ngoài rách rưới để kế bên tường.

Nó lên giọng:

Cái này là cái gì đây thế?

Chồng nó để ngón tay lên miệng, mặt nghiêm túc:

Em nói nhỏ thôi, Mẹ mới đi xe lên còn mệt đấy!

Nó thét lên nghe chát chúa:

Anh giỏi lắm, nhà mình đã nhỏ rồi còn đưa lên chứa mấy cái thứ bån thỉu dơ dáy này, sao không ở dưới mà lên đây làm gì? Sao không ở nhà họ hàng mà lại tới đây? Tôi là tôi không chịu đâu đó!

Anh chồng nhẹ nhàng :

Thì thỉnh thoảng cũng để Mẹ lên chơi với vợ chồng mình ít hôm chứ, em lạ thật! .

Anh chồng cố nói cho nó hiểu, mà nó đâu cần nghe:

Đúng là mất hứng, anh nấu thì mẹ con nhà anh ăn đi, tôi không ăn đâu, tôi ra ngoài ăn đây!

Và …nó quay lưng đi còn đá vào cái túi xách và đôi dép vô tội :

Anh lo mà dọn dẹp cho sạch đi, rồi vô mà giặt giũ chứ bån là tôi không thích đâu đó!

Bỗng dưng .. Mẹ đẻ nó từ trong phòng bước ra. Nó trợn tròn con mắt :

Mẹ! Mẹ lên lúc nào mà không báo trước cho con biết?

Rồi nó trách chồng :

Sao anh không nói là Mẹ em? Em cứ tưởng …là Mẹ anh?

Bà giơ tay táng cho nó một cái tát mạnh cháy má:

Trời ơi là trời, mày là con của tao đây sao? Cái thứ bất hiếu. Lâu nay tao chỉ nghe người ta nói, tao không tin. Bây giờ thì mắt tao thấy, tai tao nghe ….Nhục nhã lắm, vô phúc cho nhà tao đã đẻ ra đứa con táng tận lương tâm như mày. Đồ bất hiếu!

Rồi bà ngã xuống …

Nó kêu lạc cả giọng:

Mẹ ơi , con xin lỗi!

Chồng nó gạt nó ra và ẵm bà đi bệnh viện cấp cứu. Mắt anh quắc lên:

Cô tránh ra!

Anh quay lưng bước đi!

Nó đứng đó, hai tay buông thõng rồi đổ ụp xuống!


 

TÔI XÉM LÀM KÉP CẢI LƯƠNG – Tiểu Tử-Truyện ngắn

– Tiểu Tử –

   Hồi thời trước, tôi mê cải lương “hết biết”! Lúc đó, tôi làm việc ở hãng dầu Nhà Bè, vậy mà chiều nào tôi cũng lái xe lên hãng dĩa hát Hoành Sơn (ở tuốt trên đường đi Tân Sơn Nhứt!) để coi đoàn Thủ Đô tập tuồng!

    Anh Ba Bản − chủ hãng dĩa hát Hoành Sơn − gọi điện thoại xuống Nhà Bè cho tôi “Anh mới lập gánh đặt tên là Thủ Đô hiện đang tập tuồng ở hãng dĩa. Chừng tập xong, mình sẽ ra mắt bà con mộ điệu với lần đầu tiên cải lương có sân khấu đại vĩ tuyến khác lạ coi chơi! Chú lên phụ coi tập tuồng, nghen!”. 

  Anh Ba nói như vậy bởi vì ảnh biết tôi… “có máu nghệ sĩ”! Vậy là chiều chiều tôi lái xe lên hãng dĩa coi tập tuồng …

Tuồng đang tập mang tên “Tiếng Trống Sang Canh”, nghe rặt mùi cải lương! 

  Bên “giàn” kép có Út Trà Ôn, Hoàng Giang, Ba Vân. Bên phía đào có Thanh Thanh Hoa, một đào trẻ. Giàn đờn có Năm Cơ đờn kìm, Ba Kim đờn cò … cũng rơm ớn!

   Coi tập tuồng riết rồi tôi “lậm” nặng: tôi muốn đi học ca để… làm kép cải lương! Vậy là tôi hỏi thăm mấy tay đờn kể trên, họ chỉ thầy Văn Vĩ!

  Thầy nầy đui nhưng có ngón đờn ghi-ta xuất thần! Tôi đã nghe danh Văn Vĩ từ lâu nên tôi phấn khởi “mò” đi thọ giáo!

  Tôi đến xóm nhà thầy Văn Vĩ “một ngày đẹp trời” (Nói cho … văn vẻ, đúng điệu nghệ cầm ca!). Sợ người ta để ý, tôi để xe ở xa đi bộ vào.

   Sau “màn” xã giao, thầy hỏi: “Anh tên gì, làm nghề gì, ở đâu?”. Tôi trả lời: “Tôi tên Nam làm thơ ký hãng dầu Nhà Bè”. 

  Hỏi: “Anh muốn học ca vọng cổ. Vậy chớ anh có biết ca sơ sơ không? Có đem bài gì theo không?”. 

  Trả lời: “Tôi cũng biết ca sơ sơ, nhờ nghe dĩa rồi bắt chước. Tôi có đem bài Tự Đức Khóc Bằng Phi”. (Hồi thời đó người ta in vọng cổ mỗi bài một cuốn lớn cỡ bằng hai bàn tay, chỉ có mấy trương, rất tiện cho giới bình dân mang theo để ngân nga bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào!). 

  Thầy nói: “Đâu? Anh làm vài câu nghe coi!”. Không do dự, tôi rút bài ca mở ra hát:

  “Bằng phi ơi! … Đập cổ kính ra tìm lấy bóng, xếp tàn y lại để dành hơi. Lệ Chi Viên tàn xác hoa rơi, nơi gác phượng đành xa người tri kỷ.

Ném bút nghiên xuống dòng Hương Thuỷ bởi trẫm từ đây đã cạn ý thơ… sầu…”

   Thầy mỉm cười: “Thôi, được, tôi sẽ dạy anh!”.

Nghe vậy, tôi mừng “hết lớn”! Bởi vì mấy người ở gánh Thủ Đô nói thầy Văn Vĩ khó tánh lắm, không phải ai ổng cũng dạy đâu! Ổng không “coi chân coi cẳng” được, nhưng ổng nghe giọng nói, cách phát âm phát ngôn, nhứt là để ý coi khi hát thử có để tâm hồn vô từng chữ từng câu không?… v.v … 

  Thầy nhận tôi làm “đệ tử”, còn nói: “Anh có giọng ca xài được!”. Đó là lần đầu tiên tôi được người khác khen, lại là một người “rành điệu nghệ”! Cho nên, hôm đó tôi lái xe về Nhà Bè mà miệng cứ ơi ới “Bằng phi ơi!”… nghe không thảm não mà trái lại còn có vẻ hào hứng!

    Từ đó, tôi lên học ca mỗi chiều thứ tư và thứ bảy. Thầy dạy kỹ lắm, giải nghĩa và lập đi lập lại về cái “song lang” – Dụng cụ để gõ nghe cái cóc khi đến nhịp chót của câu ca. Trong vọng cổ, người ca tự do sắp xếp câu ca chớ không phải theo từng nốt nhạc như bên tân nhạc. Và người đờn cũng tự do “phăng” theo xúc động của mình. Điều quan trọng là khi đến nhịp song lang, người ca và người đờn cùng xuống đúng nốt nhạc ấn định.

   Nếu không, nghĩa là tới trước hay sau song lang, người ta nói “rớt song lang”, mà rớt song lang là … kẹt lắm đó! Khách mộ điệu bốn phương không chấp nhận đâu! Có người nóng tánh còn… phang cho vài lời ê mặt! Cho nên, thầy Văn Vĩ “kềm” nhịp song lang cho tôi dữ lắm đến nỗi vô hãng làm việc, nghe một tiếng “cóc” ở đâu là tôi giựt mình nhìn quanh! Để thấy con đường học làm ca sĩ cổ nhạc của tôi cũng đầy… gai gốc!

   Khi tôi đã vững song lang, anh Vĩ (lúc nầy “thầy” biểu tôi gọi ổng bằng “anh” vì ổng và tôi cùng một tuổi!) nói: “Anh có tật ca lòn!”. 

Hỏi: “Ca lòn là gì?”. 

Trả lời: “Nghĩa là đang ca giọng đàn ông anh lòn qua giọng đàn bà!”. 

  Rồi ảnh vỗ vỗ vào cây ghi-ta: “Anh nghe nè”. 

  Ảnh đờn, vừa đờn vừa nói: “Đây là dây đàn ông”. Ngừng một chút rồi đờn tiếp: “Còn đây là dây đàn bà”.

Tiếng đờn nghe khác thiệt! Ảnh nói: “Anh đang ca dây đàn ông tự nhiên rồi lòn qua dây đàn bà làm thằng cha đờn chới với vì nó vẫn tiếp tục dây đàn ông! Ca và đờn lỏn chỏn, nghe không ra cái giống gì hết! Anh hiểu chưa?”. 

  Tôi đang phân vân không biết phải làm sao thì ảnh nói tiếp: “Anh có giọng ca mùi quá, mà chỉ vì kẹt cái vụ lòn rồi bỏ uổng lắm! Để tôi gò lại giọng cho anh vài lần là hết, hè!”. 

  Vậy là ảnh… “gò”, bắt tôi ca tới ca lui, chỗ nào tôi bắt đầu “đâm” ngang ngang, ảnh la “Nó đó! Nó đó!”, tôi vội kềm giọng lại ca tự nhiên như từ hồi đầu! 

 Nhờ được gò… “hết nước” như vậy nên qua cuối tuần sau ảnh nói: “Giờ thì anh ca ngọt rồi đó, nghe lọt lỗ tai!”.

Ngừng một chút như để suy nghĩ rồi ảnh nói tiếp:

“Tụi mình ráng o cái giọng của anh chừng đôi tháng là lên đài và vô dĩa được! Bảo đảm!”. Lại ngừng một chút rồi mới tiếp: “Ca mùi cỡ anh lên đài và vô dĩa chừng năm bảy tháng là anh sắm xe Huê Kỳ hà!”. 

   Nói xong, ảnh cười sung suớng, nên tôi nghĩ là ảnh nói thiệt. Và tôi tin! Hôm đó, lái xe về Nhà Bè tôi ca bài “Đường Về Quê Ngoại” sao mà nghe như có một người nào khác đang ca vậy! Ngâm câu dẫn nhập thiệt là rã rời, kéo dài đến khi xuống hò thì thiệt là mùi rệu!

   Thằng cha “Kép Cải Lương” trong tôi hình như đang bắt đầu … rửa chưn, bởi vì đường lên đài phát thanh không còn xa bao nhiêu … 

   Bây giờ, khi tôi tập ca, hàng xóm lại ngồi chồm hổm trong sân xi-măng trước nhà nghe ca. Mới đầu còn một hai người. Về sau, có cả mươi nguời là ít! Tôi có nói cho anh Vĩ, ảnh nói họ có xin phép ảnh. Được một điều là họ không làm ồn và khi tôi “xuống hò”, họ vỗ tay như trong rạp hát!

Thiệt là khích lệ!

    Chiều thứ bảy đó, như thường lệ, tôi đến nhà anh Văn Vĩ để luyện giọng và dượt bài ca (bây giờ không còn nói “đi học ca” nữa, “vô nghề” được rồi nên đổi cách gọi!). Bước vô nhà, tôi vừa nói “Chào anh” là bị ảnh “phang” ngay bằng một giọng hằn học: “Đi ra! Không có vô nhà tôi! Đi ra!”. Ngạc nhiên, tôi nói: “Tôi mà anh!”. Lại giọng hằn học: “Không anh em gì hết! Đi ra!”.

Càng ngạc nhiên thêm:

– Ụa? Sao vậy?

– Đi ra! Anh khinh tôi quá mà! Đi ra!

– Tôi đã làm gì mà anh giận dữ vậy?

– Còn hỏi nữa! Anh coi tôi không ra gì hết! Đi ra!

– Trời Đất! Có bao giờ tôi dám khinh anh đâu, anh Vĩ! Tôi thề …

– Thôi! Đừng thề thốt! Anh nói anh làm thơ ký hãng dầu Nhà Bè là anh nói láo! Anh thấy tôi đui mù nên coi không ra gì phải không?

Tôi đang tìm cách phân trần thì ảnh tiếp:

– Con nhỏ ở của ông kỹ sư Thêm làm việc ở hãng dầu Nhà Bè hôm qua lên xin học hát.

   Tôi hỏi nó có biết anh Nam thơ ký hãng dầu không? Nó nói biết, mà anh không phải là thơ ký mà là phó giám đốc lận! Anh nói láo với tôi rõ ràng! Đi ra!

– Tôi đâu dám khi anh, anh Vĩ! Tôi sợ nói ra chức tước, anh không nhận dạy tôi! Cho là tôi giỡn mặt với anh. Thiệt tình tôi xin lỗi!

– Đi ra!

  Lần nầy, giọng anh thật gay gắt! Tôi thở dài, nói

“Chào anh” rồi bước đi mà không dám nhìn lại, sợ trào nước mắt … 

   Về Nhà Bè, tôi gọi điện thoại kể chuyện cho anh Ba Bản gánh Thủ Đô. Ảnh an ủi: “Tại cái số, chú à! Cái số của chú là làm xếp hãng dầu chớ đâu có làm kép cải lương!”. Rồi ảnh cười hề hề:

“Thôi! Chiều chiều lên đây coi tập tuồng đi!

   Đang tập Chiếc Áo Ân Tình nè. Chừng tập xong mỗi buổi, nếu chú có hứng, tôi biểu giàn đờn ngồi lại cho chú ca. Còn chú muốn vô dĩa thì bước qua hãng dĩa, mấy đứa nhỏ nó lo cho chú. Chịu không?”. 

  Tôi “Dạ” rồi gác máy, nhìn qua cửa kiếng thấy hình ảnh quen thuộc của cái hãng dầu mà tôi đã phục vụ trên mười hai năm, gắn bó đến như vậy mà tôi còn muốn gì nữa? Tôi cầm điện thoại gọi lại anh Ba Bản:

– Chiều mai em lên anh.

– Đọ! Phải vậy chớ! Mừng cho chú!

Tôi nói “Cám Ơn” mà nghe vui trong lòng: may cho tôi, tôi chỉ… “xém” làm kép cải lương.


 

Chuyện diệu kỳ về con khỉ đột có lòng biết ơn…Truyện ngắn có thật

Vanhoa Nguyen – Những Câu Chuyện Ý Nghĩa Thú Vị

Nuôi 1 con khỉ đột rồi thả về tự nhiên, 5 năm sau người đàn ông bất chấp đi tìm lại và cái kết ngoài tưởng tượng.

Liệu con vật có nhận ra người đàn ông đã từng nuôi dưỡng nó những năm đầu đời không? Hay nó sẽ coi người đàn ông là 1 kẻ xâm phạm lãnh thổ và tấn công anh ta.

Những sự thật đáng yêu về các loài động vật có thể bạn chưa biết / Khám phá loài động vật có ‘cú đấm mạnh nhất thế giới’ .

Damian Aspinall là một doanh nhân kiêm nhà bảo tồn động vật học người Anh, người đã có công nuôi dưỡng và thả về tự nhiên khoảng 50 con khỉ đột ở Gabon – 1 quốc gia ở Trung Phi. Trong số những con khỉ đột được lớn lên dưới bàn tay chăm sóc của Damian, có 1 con tên là Kwibi.

Mặc dù Damian và Kwibi vô cùng thân thiết, nhưng anh biết, anh không thể giữ nó mãi bên mình, Kwibi phải trở về với thế giới tự nhiên và cuộc sống theo bản năng của nó. Vì thế, khi Damian biết Kwibi có thể tự chăm lo cho bản thân mình, anh đã thả nó về với rừng xanh.

Damian đã chăm sóc cho nhiều con khỉ đột, trong đó có Kwibi từ khi chúng còn nhỏ xíu.

Năm năm sau, Damian muốn đến 1 khu rừng ở Goban, nơi Kwibi, lúc này đã là 1 chàng khỉ đột trưởng thành 10 năm tuổi, sống cùng gia đình riêng của mình để gặp lại nó.

Tuy nhiên, trước chuyến đi, nhiều người cảnh báo anh không nên đến, vì 5 năm trôi qua, giờ Kwibi đã là 1 con khỉ đột hoang dã, rất có thể nó sẽ không nhận ra anh, thậm chí sẽ tấn công vì coi anh là kẻ xâm phạm lãnh địa của nó. Với kích thước và sức mạnh của mình, nó có thể gây nên những vết thương khủng khiếp cho Damian, thậm chí lấy mạng của anh.

Ngoài ra, 2 người gần nhất từng vào rừng gặp Kwibi đã bị nó tấn công. Đây cũng là 1 thông tin đáng lo ngại.

Giờ đây, Kwibi đã là 1 con khỉ đột trưởng thành, to lớn và có thể gây nguy hiểm cho con người.

Song bỏ ngoài tai những lời can ngăn, Damian vẫn quyết định lên đường, tiến sâu vào 1 khu rừng ở Gabon để gặp lại Kwibi. Anh ngồi trên thuyền, nôn nóng muốn gặp lại Kwibi, vừa giống như 1 người bạn cũ, vừa giống như 1 đứa con mà lâu rồi anh chưa được thấy mặt.

Ngồi trên thuyền, anh lớn tiếng gọi Kwibi, hy vọng nó sẽ nhận ra giọng nói của anh. Nhưng nhiều giờ trôi qua, vẫn chưa có dấu hiệu gì của con vật. Rồi đột nhiên, 1 bóng đen xuất hiện từ trong rừng. Đó chính là Kwibi, con khỉ đột đã không gặp Damian trong 5 năm trời.

Nghe thấy tiếng gọi của Damian, nó tiến gần hơn tới mép nước.

Damian nhảy lên bờ, dù cũng không dám chắc Kwibi sẽ phản ứng như thế nào. Dĩ nhiên, một vài người đàn ông cầm dao phát quang bụi rậm cũng đứng cạnh đó, đề phòng việc con vật bất ngờ trở nên hung hãn.

Bất chấp tất cả, Damian đến ngồi cạnh Kwibi, giao tiếp với nó theo cách riêng của anh.

Nhưng Damian, không có chút sợ hãi nào, quyết định đến ngồi cạnh nó. Rồi anh vặt 1 cái lá cây, nhai nhai rồi bỏ vào mồm Kwibi. Dường như đó là cách giao tiếp quen thuộc mà chỉ có anh và nó mới hiểu. Rồi đột nhiên, Kwibi nhìn chăm chú vào mắt Damian với sự trìu mến. Dường như nó đã nhớ ra anh là ai. Dù nhiều năm qua đi, nó vẫn chưa quên anh và không ngừng yêu thương anh. Đến lúc này, Damian mới biết chắc rằng mọi chuyện đã ổn.

Phản ứng và cái ôm đầy yêu thương của Kwibi khiến Damian mỉm cười vì quá hạnh phúc.

Kwibi bắt đầu hành xử không giống cách của 1 con khỉ đột đầu đàn, mà như 1 đứa con nũng nịu cha nó. Nó vòng tay ôm ấp Damian như ngày còn thơ bé, lúc nó được Damian chăm sóc. Người đàn ông không giấu được nụ cười hạnh phúc. Con khỉ đột còn như muốn “giới thiệu” Damian với những con khỉ đột cái trong đàn, “vợ” của nó.

Cả hai cứ thế ngồi đến khi mặt trời lặn, Kwibi cứ ôm ghì lấy Damian, không muốn cho anh rời đi. Nhưng cuối cùng, anh vẫn phải trở về chỗ cắm trại trước khi trời tối. Và một cảnh tượng không thể tin nổi đã xảy ra, khiến nhiều người rơi nước mắt.

Kwibi đã đuổi theo thuyền của Damian. Nó cứ đi bộ dọc bờ sông cho đến tận chỗ cắm trại của Damian, không để anh biến khỏi tầm mắt. Rồi cứ thế, Kwbi cùng gia đình của nó dừng lại đúng ở vị trí đối diện nơi Damian ngủ qua đêm.

Kwibi đã ngồi cả đêm ở bờ sông, chờ để gặp lại Damian vào sáng hôm sau.

Sáng hôm sau, khi Damian xuống sông để tắm, anh đã thấy Kwibi ngồi ở bờ sông đối diện, hóa ra nó đã ở đây suốt đêm không rời đi, chỉ để chờ anh thức dậy, như để nói lời chào tạm biệt và cảm ơn với người đàn ông đã hết lòng chăm sóc cho nó suốt thời thơ ấu.

Cuộc gặp gỡ xúc động sau 5 năm giữa khỉ đột Kwibi và “bố Damian” – người đã yêu thương và cưu mang nó khi còn nhỏ đã khiến cộng đồng mạng tuôn trào cảm xúc. Riêng đoạn clip về cuộc gặp gỡ do We Love Animals đăng tải cũng đã thu về gần 25 triệu lượt xem. Nhiều người thừa nhận họ đã không thể không bật khóc và đoạn phim tài liệu là 1 trong những điều tuyệt vời nhất về thế giới tự nhiên mà họ đã từng xem, chân thật và sống động hơn bất cứ 1 tác phẩm nào của Hollywood mô tả sợi dây gắn kết giữa con người và động vật.

Nó cũng là bằng chứng cho chúng ta thấy, không chỉ con người, mà động vật cũng hiểu thế nào là tình yêu và lòng biết ơn. Dù thời gian có trôi qua, những tình cảm tốt đẹp ấy vẫn không mất đi và cũng là điều khiến cho thế giới này trở nên đáng sống hơn.

Sưu tầm

My Lan Phạm


 

Tấm lòng của người đàn bà bán ve chai-Truyen ngan

Kim Dao Lam

Fb Hương Nguyễn

Một người đàn bà bán ve chai bước vào quán với bao gạo và chai dầu ăn. Chị mang ơn quán cơm này vì đã cứu chị rất nhiều bữa đói. Chị nghèo khó nhưng không quên ơn, gom góp từng đồng, cuối năm, chị dành mua 1 bao gạo và 1 chai dầu tặng lại quán để có thể giúp thêm những người khốn khó khác”.

Có lẽ đó là một trong những bức ảnh đẹp nhất về chân dung con người, trong hoàn cảnh đảo điên nhuộm nhoạm của xã hội ngày nay. Tôi cứ ngắm mãi khuôn mặt chị, đó là một người đàn bà chắc chắn đã trải qua rất nhiều khó khăn, đói khát. Một khuôn mặt điển hình của những người lao động vất vả ngoài đường.

Vậy mà trong khoảnh khắc ấy, chị thật đẹp. Vẻ đẹp tỏa ra từ bên trong, từ hành động cao cả, nghĩ đến người khác, những người khó khăn hơn mình, nên dù nghèo, chị vẫn gom nhặt từng đồng tiền lẻ để mua bằng được một bao gạo con con, một chai dầu ăn mang đến quán.

Trong cái thời buổi đồng tiền lên ngôi, tình người lạnh lẽo, lối sống ích kỷ lan tràn thì tấm lòng của người đàn bà bán ve chai lại càng đẹp hơn bao giờ hết. Nó cho thấy dù chị nghèo khó thật đấy, nhưng chị giàu có hơn vạn lần người khác, những người chưa một lần chìa tay ra san sẻ cho đồng loại.

Vinh Phan