Việt Nam: Cần hủy bỏ mọi cáo buộc và phóng thích nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai

Việt Nam: Cần hủy bỏ mọi cáo buộc và phóng thích nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai

Human Rights Watch

17-9-2016

Cấn Thị Thêu phản đối công an sử dụng bạo lực. Bà mang trên tay bức hình con trai là Trịnh Bá Tư bị côn đồ thân chính quyền tấn công vào tháng Sáu năm 2015. © private.

Nên thương lượng với những người biểu tình đòi đất thay vì bỏ tù họ

(New York) – Hôm nay Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng chính quyền Việt Nam cần hủy bỏ mọi cáo buộc đối với một nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai đang sắp phải hầu tòa vì đã thực hiện các quyền của mình một cách ôn hòa, và trả tự do vô điều kiện cho bà. Vào ngày 20 tháng Chín năm 2016, một tòa án ở Hà Nội sẽ mở phiên tòa xử Cấn Thị Thêu về hành vi “gây rối trật tự công cộng” theo điều 245 bộ luật hình sự vì bà cùng với một số người khác đã tiến hành biểu tình ôn hòa phản đối trưng thu đất đai.

“Mâu thuẫn giữa nông dân và chính quyền trong việc trưng thu đất đai đã trở thành một vấn nạn nghiêm trọng ở Việt Nam trong những năm gần đây,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Chính quyền nên cải cách luật đất đai và cơ chế đền bù, thay vì trừng phạt những người dân bị mất đất.”

Ngày mồng 10 tháng Sáu, chính quyền Hà Nội bắt giữ Cấn Thị Thêu, 54 tuổi, và cáo buộc bà về hành vi “gây rối trật tự công cộng” sau khi bà cùng nhiều người dân phường Dương Nội mang biểu ngữ đến các cơ quan chính phủ ở Hà Nội để khiếu nại về việc trưng thu đất. Bà cũng bị cáo buộc đã kích động người dân phường Dương Nội tẩy chay cuộc bầu cử quốc gia hồi tháng Năm. Sau khi bị bắt, Cấn Thị Thêu đã tuyệt thực hơn 10 ngày.

Hơn một thập kỷ trước, vào tháng Sáu năm 2006, chính quyền địa phương quyết định trưng thu đất nông nghiệp ở phường Dương Nội thuộc quận Hà Đông và chuyển đổi khu vực này thành đất đô thị. Hàng trăm hộ gia đình đã biểu tình phản đối sự thiếu minh bạch trong quá trình trưng thu và đền bù không thỏa đáng cho những gia đình bị mất sinh kế. Chính quyền chỉ có những nỗ lực không đáng kể trong việc thương lượng với người dân địa phương và giải quyết khiếu nại của họ. Vào tháng Tư năm 2014, chính quyền đã sử dụng vũ lực để giải tỏa đất và đánh đập dã man nhiều người phản đối việc giải tỏa.

Bà Cấn Thị Thêu bị bắt ngay tại hiện trường vì chụp ảnh và quay phim quá trình cưỡng chế. Bà bị cáo buộc về tội “chống người thi hành công vụ” theo điều 257 của bộ luật hình sự. Chồng bà, ông Trịnh Bá Khiêm cũng bị bắt và cáo buộc về cùng tội danh nói trên. Tháng Chín năm 2014, cả hai đều bị kết án. Cấn Thị Thêu bị xử 15 tháng tù giam và Trịnh Bá Khiêm 18 tháng (sau đó giảm xuống 14 tháng). Tháng Sáu năm 2015, vào thời điểm Trịnh Bá Khiêm thi hành xong bản án, hàng chục nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai và blogger đã đến Trại giam Số 6 ở tỉnh Nghệ An để chào đón ông. Nhóm này đã bị nhiều người đàn ông mặc thường phục tấn công. Người con trai út của bà Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, bị thương nặng. Tháng Bảy năm 2015, bà Cấn Thị Thêu thi hành xong bản án tại Trại giam Số 5 ở tỉnh Thanh Hóa.

Sau khi ra tù, Cấn Thị Thêu tiếp tục vận động cho các vấn đề về đất đai và môi trường. Bà tham gia các cuộc biểu tình đòi trả tự do cho luật sư nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Văn Đài và cộng sự Lê Thu Hà, yêu cầu chính phủ hủy bỏ điều 88 của bộ luật hình sự có nội dung hình sự hóa các hành vi phê phán chính quyền một cách ôn hòa. Bà tham gia biểu tình phản đối công an bạo hành và tham gia tuyệt thực để ủng hộ tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức.

“Khi Đảng Cộng sản Việt Nam cần sự ủng hộ của nông dân, đảng kêu gọi ‘người cày có ruộng,’” ông Adams nói. “Nhưng giờ đây đảng lại bỏ tù những người cổ vũ đúng khẩu hiệu đó.”

Một xác người đi qua dưới ánh mặt trời

Một xác người đi qua dưới ánh mặt trời

                Phạm Trung Tuyến

15/09/2016

xac-nguoi

Hôm qua, khi mới nhìn thấy bức ảnh cái xác của một người đàn bà bó chiếu buộc sau chiếc xe máy chạy trên đường, tôi đã lặng người đi vì xót xa cho thân phận con người. Rồi sau đó là cảm giác gai người vì nghĩ đến chặng đường 60km từ Thành phố Sơn La về huyện Quỳnh Nhai

Trên hành trình chiếc xe chở xác đi qua, bao nhiêu người đã nhìn thấy tận mắt hình ảnh đó? Đó là một hình ảnh thách thức mọi giá trị sống mà con người chúng ta đã vun đắp, xây dựng qua hàng trăm, hàng ngàn thế hệ.

Nhưng mà chiếc xe máy chở xác người ấy cứ thế mà đi qua bao nhiêu ánh mắt, như một ảo giác, như một điều không thật, như một đoạn phim.

Người nhà của người đàn bà đã chết ấy, người đàn ông đã lái chiếc xe máy với cái xác bó chiếu trên yên xe suốt 60 km ấy, có thể anh ấy chẳng còn nghĩ được gì ngoài sự kết thúc của một quá trình đã rất nhiều khổ đau.

Người phụ nữ ấy đã chết vì lao phổi, một thứ bệnh của người nghèo, vì tuyệt vọng sau quá trình chạy chữa kéo dài và xin ra viện để về nhà chờ chết, rồi chết trên đường đi.

Người thân của chị có lẽ không bất ngờ về điều đó, anh đưa chị về, theo cái cách mà anh có thể làm, trong khả năng, giản đơn như đặt một dấu chấm trên dòng đời.

Nhưng một xác người đi qua dưới ánh mặt trời suốt cả một hành trình hơn 60 km, trong trạng thái đó, là một hình ảnh không thể bất nhẫn hơn.

Dấu chấm hết cho cuộc đời người đàn bà ấy, dấu chấm cho những tháng ngày kiệt quệ theo đuổi việc cứu chữa người thân của gia đình chị, lại là những dấu hỏi về ý nghĩa cuộc đời những con người đã vô tình nhìn thấy hình ảnh cuối cùng của chị.

Rốt cuộc thì cuộc sống của chúng ta, quá trình làm người của chúng ta có ý nghĩa gì khi thờ ơ nhìn thân xác đồng loại của mình trong trạng thái khốn cùng đi qua như thế?

Bao nhiêu con người đã nhìn thấy hình ảnh đó dưới ánh mặt trời trên suốt hành trình dài 60 cây số? Bao nhiêu cái chép miệng, bao nhiêu cái nhún vai, bao nhiêu ý nghĩ về sự đáng thương, về sự nghèo khó được thầm nhủ trong đầu? Theo thông tin từ bệnh viện thì người phụ nữ ấy đã chết sau khi ra viện, trên đường về nhà.

Bức ảnh chụp cái xác chị trên yên xe máy tại thành phố Sơn La. Như vậy, là người nhà chị đã bó chiếu và buộc xác chị lên xe máy ngay trên đường phố Sơn La, giữa ban ngày.

Bao nhiêu người đã chứng kiến quá trình đó và quay đi? Bao nhiêu tiền cho một chuyến xe để đưa cái xác ấy tử tế trở về nhà? Có thể gia đình người phụ nữ đó quá nghèo để nghĩ tới việc thuê một chiếc xe.

Nhưng bao nhiêu con người chứng kiến sự việc đó, họ đều nghèo tiền bạc, hay nghèo lòng trắc ẩn?

Một người đàn ông chở xác người đi qua dưới ánh mặt trời, lầm lũi suốt hành trình 60 cây số. Đó là một hình ảnh khốn cùng không phải của riêng thân phận người đàn bà đã chết, không phải sự khốn cùng của một gia đình nghèo.

Đó là sự khốn cùng của một xã hội nghèo nàn lòng trắc ẩn, nghèo nàn tính người, nghèo nàn sự sẻ chia.

Người đàn bà ấy chết rồi. Chị không còn cảm thấy đau khổ vì thân phận của mình nữa. Mọi nỗi đau chị đã để lại hết cho cõi nhân gian này, cho những người mà số phận bắt họ phải chứng kiến hình ảnh cái xác của chị được đưa đi như thế.

Người đàn bà ấy đã sống một cuộc sống quá khổ sở rồi, chị đã thoát khỏi cuộc sống ấy rồi, với chị, được đưa về quê bằng xe tang tử tế, hay nằm ngang yên xe máy thực có khác gì nhau?

Chỉ có chúng ta, những người vẫn đang sống nốt  cuộc đời của mình là sẽ phải nghĩ suy về hạnh phúc và khổ đau của tháng ngày trước mắt.

Khánh Ly ‘lần đầu hát lại tại Sài Gòn’

Khánh Ly ‘lần đầu hát lại tại Sài Gòn’ 

BBC

QUANG THANH

Khánh Ly nói Trịnh Công Sơn là “người tôi nhớ nhất khi về lại Sài Gòn”

Danh ca Khánh Ly dành cho BBC Tiếng Việt cuộc phỏng vấn riêng trước đêm diễn “lần đầu tiên tại Sài Gòn sau 30/4/1975”.

Nữ danh ca trình diễn trong chương trình ‘Vòng tay nhân ái – Khánh Ly và bạn hữu’ diễn ra vào đêm 18/9 tại khách sạn Equatorial Saigon.

Bên cạnh Khánh Ly, chương trình còn có sự góp mặt của các ca sĩ Lệ Thu, Tuấn Ngọc, Hồng Vân, Nhật Hạ, Hồng Nhung và Quang Thành.

Khánh Ly dự kiến sẽ hát những tình khúc trước 1975.

Sau chương trình, bà sẽ đóng góp cho quỹ tái thiết Nhà thờ Đức Bà cũng như Trung tâm nuôi dưỡng nghệ sĩ nghèo, nhà hưu dưỡng của Nữ tu Mân Côi…

QUANG THANH

Khánh Ly viếng mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hôm 17/9

Hôm 17/9, trả lời Ben Ngô của BBC Tiếng Việt, danh ca Khánh Ly nói: “Tôi không diễn tả được cảm xúc của mình lúc này.”

“Ngày mai, tôi xem như hành trình ‘Huế – Sài Gòn – Hà Nội‘ của mình trọn vẹn, vì ước nguyện du ca ba miền đã đến được những nơi cần phải đến.”

“Show diễn ngày mai nói muộn cũng không muộn, sớm cũng không sớm.”

“Chúa, Đức Mẹ cho bao nhiêu thì mình có được bấy nhiêu.”

Tôi tin mình không làm được những việc vĩ đại, nhưng tôi đã cố gắng đem lời ca tiếng hát đến gần những số phận không may, góp phần san sẻ những mất mát của họ.

danh ca Khánh Ly

“Tôi nghĩ rằng đời mình do Chúa, Đức Mẹ dẫn dắt, dẫu có gian nan thì tin rằng mình luôn được bình an.”

‘Thanh đạm’

“Hôm nay, tôi vừa đi viếng mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về. Ông Sơn là người tôi nhớ nhất và là một trong những lý do chính khiến tôi muốn trở lại Sài Gòn.”

“Ngày trước, ông dặn tôi sống với một tấm lòng và tôi lúc nào cũng gắng sống theo lời ông.”

Nữ danh ca nói thêm: “Bên cạnh ông Sơn, tôi còn muốn thực hiện ý nguyện của chồng tôi trước khi mất là đến gần những người không may mắn, giúp họ có được nụ cười trên môi.”

“Ơn trên cho tôi còn khỏe để đi theo chương trình ‘Vòng tay nhân ái’ đến những nơi mà người ta bỏ quên, không ai nghĩ tới”.

“Hành trình đó một mình tôi không dám làm nếu không có sự giúp sức của ca sĩ Quang Thành, bà Xuân Hòa – chủ phòng trà Tiếng Xưa và những anh chị em ca sĩ, Công giáo, Phật giáo khác.”

FACEBOOK QUANG THANH

Danh ca Khánh Ly trong một chuyến đi từ thiện tại Việt Nam

Trả lời câu hỏi: “Bà nghĩ gì về những ý kiến phản đối bà quay trở về hát tại Sài Gòn”, danh ca đáp: “Ở đâu, thời nào cũng vậy, có người ủng hộ và cũng có những người không thích mình.”

“Tôi tin mình không làm được những việc vĩ đại, nhưng tôi đã cố gắng đem lời ca tiếng hát đến gần những số phận không may, góp phần san sẻ những mất mát của họ.”

Trong cuộc phỏng vấn với BBC Tiếng Việt, Khánh Ly cũng bày tỏ mong muốn “những ca khúc ‘Da vàng’ của Trịnh Công Sơn sớm được cất lên trở lại trên quê hương”.

Bà cũng cho hay: “Cuộc sống của tôi bây giờ thanh đạm, ăn khoai sắn không phải vì nghèo mà muốn sống đời nhẹ nhàng”.

“Ở tuổi 72, tôi cũng muốn ngỏ lời xin lỗi đến những ai cảm thấy tôi đã làm gì phật ý họ”, danh ca Khánh Ly nói với BBC.

Đường ống nước Sông Đà: 6 năm, 1,500 tỷ, vỡ 19 lần

Đường ống nước Sông Đà: 6 năm, 1,500 tỷ, vỡ 19 lần

Nguoi-viet.com

Hiện trường đường ống cấp nước sông Ðà trong một lần vỡ trước đây. (Hình: báo Tiền Phong)

HÀ NỘI (NV) – Ðây là lần thứ 19 “công trình vàng” đường ống nước sạch sông Ðà bị vỡ, khiến cả trăm ngàn hộ dân ở thành phố Hà Nội bị cắt nước, người dân ngao ngán.

Báo Tiền Phong loan tin, khoảng 20 giờ ngày 14 tháng 9, đường ống nước sạch sông Ðà tiếp tục bị bục vỡ, khiến việc truyền tải nước sạch cho cả trăm hộ dân ở Hà Nội bị gián đoạn.

Theo đại diện công ty nước sạch Vinaconex (Viwasupco), trong quá trình duy tu bảo trì định kỳ hệ thống cấp nước, Viwasupco đã phát hiện ra việc vỡ ống tại điểm xung yếu nằm trên hệ thống truyền tải đoạn ống dẫn nước sạch sông Ðà qua đại lộ Thăng Long.

Trong khoảng 6 năm vận hành đến nay, đây đã là lần thứ 19 “công trình vàng” với vốn đầu tư 1,500 tỉ đồng này bục vỡ, hư hại. Lần vỡ gần đây nhất vào ngày 11 tháng 7 ở đoạn qua huyện Thạch Thất, Hà Nội, khiến khoảng trên 100,000 hộ dân ở các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Ðông,… bị mất nước nhiều giờ.

Dự kiến trong ngày 15 tháng 9 đoạn ống bị vỡ sẽ sửa chữa xong. Tuy nhiên, như những lần gặp sự cố trước đây, phải mất từ 1-2 ngày áp lực nước trên đường ống mới có thể phục hồi trở lại.

Trước sự mập mờ về việc xử phạt trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan, nói với báo Tiền Phong, ông Nguyễn Ðức Chung, chủ tịch thành phố Hà Nội cho biết, sau khi Bộ Công An điều tra vụ việc theo ủy quyền của Viện Kiểm Sát Tối Cao, hiện đã giao Viện Kiểm Sát thành phố khởi tố và tới đây tòa án thành phố sẽ xét xử. “Người dân hãy chờ đón kết quả phiên tòa, xem 9 bị can bị khởi tố và những người liên quan sẽ bị xử phạt ra sao,” ông Chung nói. (Tr.N)

Thay đổi tư duy quản lý đất đai

 Thay đổi tư duy quản lý đất đai

Nam Nguyên, RFA
2016-09-16

RFA

 danoan-622.jpg

Những oan ức được viết lên biểu ngữ, trang phục tố cáo những việc làm sai trái của chính quyền địa phương.

by Nguyễn Tường Thụy

Thay đổi tư duy quản lý đất đai

Mọi người được phép tích tụ ruộng đất, câu chuyện thần tiên đi ngược lại chủ trương phân chia ruộng đất và hạn điền mà Nhà nước Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện trong hơn 60 năm qua, nay có dấu hiệu chuyển biến.

Chiến lược phát triển nông thôn

Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát đi tín hiệu này qua phát biểu của ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương tại Hội nghị Phát triển Doanh nghiệp Nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, được tổ chức hôm 8/9 tại Hà Nội.

Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào tối ngày 15/9/2016, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, từ Hà Nội phát biểu:

“Trước đây đã nói nhiều về việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, bây giờ Chính phủ nhấn mạnh rất nhiều đến vấn đề gọi là chuyển đổi mô hình quản lý của Nhà nước sang mô hình gọi là Nhà nước kiến tạo, Nhà nước xây dựng.

Thế thì đây chính là lúc để Chính phủ xem xét tạo nên những chính sách đột phá, trong đó đặc biệt có mảng đất đai. Tất nhiên là thay đổi luật không phải dễ dàng và nhanh chóng được nhất là Luật Đất đai vừa mới sửa đổi, nhưng mà những chính sách đột phá có lẽ phải bắt đầu từ bây giờ, để trong tương lai có thể điều chỉnh những điều quan trọng về đất đai.”

Muốn sản xuất lớn phải có diện tích đất đai lớn, nếu hạn điền như hiện nay thì không thể nào làm lớn được.
GS Võ Tòng Xuân, Cần Thơ

Cần sửa Luật Đất đai

Báo SaigonTimes Online trích lời ông Nguyễn Văn Bình nói rằng mô hình kinh tế hộ giúp Việt Nam thoát cảnh đói ăn trở nên khá giả hơn, nay đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Bây giờ nông nghiệp Việt Nam phải chuyển qua sản xuất hàng hóa lớn để tham gia vào thị trường và chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Nguyễn Văn Bình khẳng định là trong thời gian sớm nhất Ban kinh Tế Trung ương cùng các Bộ ngành hữu quan sẽ đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông qua hai chủ trương lớn là tích tụ ruộng đất và đẩy mạnh kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp.

Cảnh nhân dân ngồi chờ bên ngoài các cơ quan nhà nước

Cảnh nhân dân ngồi chờ bên ngoài các cơ quan nhà nước

Cho phép tích tụ ruộng đất thì cần phải sửa Luật Đất đai, đây là phản ứng tích cực của Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp nổi tiếng trên báo mạng Một Thế Giới ngày 14/9/2016.

Vị Giáo sư gắn bó với đồng bằng sông Cửu Long nói với nhà báo, xin trích nguyên văn:

“Muốn sản xuất lớn phải có diện tích đất đai lớn, nếu hạn điền như hiện nay thì không thể nào làm lớn được. Mà chỉ khi sản xuất lớn mới cơ giới hóa được, mới nâng cao năng suất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Qua đó, nông nghiệp Việt Nam mới có được thương hiệu, mới có được những sản phẩm thống nhất, đặc trưng và thúc đẩy công nghiệp hóa nông nghiệp, nâng cao đời sống của người nông dân.”

Những vấn đề cốt lõi

Nhận định về sự thay đổi quan trọng trong quan niệm đất đai của giới chức cao cấp của Đảng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Hóa phát biểu:

“Tích tụ ruộng đất ở Việt Nam không giống như các nước Âu Mỹ bởi vì đất đai họ rộng và tài nguyên nó khác. Việt Nam đặt ra vấn đề tích tụ ruộng đất tuy nhiên phải từng bước một.

Từ trước đến nay chưa có chính sách như thế thì bây giờ phải sửa đổi. Tất cả những văn bản pháp quy có liên quan đến ruộng đất, vấn đề sở hữu, vấn đề canh tác rồi là việc chuyển đổi quyền sở hữu đó như thế nào, hay sử dụng như thế nào.

Việt Nam hiện nay chỉ có quyền sử dụng chứ không có quyền sở hữu đất đai. Thế cho nên phải sửa đổi Hiến pháp cũng như các chính sách, tôi nghĩ tuyên bố là một đàng, còn làm được vấn đề đó lại là một giai đoạn dài và cần sửa đổi hàng loạt chính sách có liên quan đến ruộng đất, cũng như đến sở hữu và sử dụng ruộng đất tiếp theo.”

Tuyên bố là một đàng, còn làm được vấn đề đó lại là một giai đoạn dài và cần sửa đổi hàng loạt chính sách có liên quan đến ruộng đất.
TS Vũ Văn Hóa, Hà Nội

Trên báo chí, TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn nhiều lần nhấn mạnh muốn tích tụ được đất đai thì phải giải quyết được 3 vấn đề cốt lõi.

Trao đổi với chúng tôi, ông nhấn mạnh tới điều rất quan trọng để tạo nên một nền nông nghiệp mới có năng suất cao hơn, có hiệu quả cao hơn, hướng vào giá trị gia tăng và phát triển bền vững, là phải thay đổi các điều kiện để tổ chức sản xuất nông nghiệp. TS Đặng Kim Sơn giải thích:

“Thứ nhất phải rút được lao động ra khỏi nông thôn. Phải đưa được đông đảo đội ngũ lao động trong nông nghiệp tham gia vào lao động phi nông nghiệp, nhưng mà trên vị thế rất là sẵn sàng, trên một vị thế rất cân bằng để mà họ có thể tham gia vào thị trường lao động chính thức.

Thứ hai khi đã rút được nhiều lao động ra khỏi nông thôn rồi thì phải tích tụ đất đai lại vào tay những người biết làm ăn, những người có điều kiện làm ăn.

Trên cơ sở đó khi mà trang trại rộng hơn lớn hơn và nông dân có điều kiện để gắn bó với nhau thành các hợp tác xã, thì lúc đó mới có điều kiện để kéo các doanh nghiệp càng nhiều càng tốt từ các lĩnh vực khác đầu tư vào nông nghiệp nông thôn và tạo điều kiện cho ngay bản thân những người làm ăn giỏi ở nông thôn khởi nghiệp, chuyển sang làm ăn kinh doanh phi nông nghiệp.

Có như thế mới tạo ra được thị trường kết nối được sản xuất trong nông nghiệp Việt Nam với thị trường trong nước và thị trường thế giới, mới có thể đưa được nghề mới vào, mới có thể tạo ra nguồn đầu tư mới, nguồn vốn quan trọng mà đủ sức tạo sức bật mới cho nông nghiệp.”

Đã mất 20 hơn năm

Với chính sách ruộng đất của Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa, Việt Nam hiện nay có hơn 14 triệu nông dân với 70 triệu thửa ruộng, diện tích canh tác trung bình toàn quốc chỉ khoảng 1.000 mét vuông đầu người.

Miền Bắc và miền Trung rất ít đất, một gia đình nhiều nhân khẩu có thể có những mảnh ruộng nhỏ bé và không liền kề. Tình hình ở miền Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long có khá hơn, nhưng đại đa số hộ nông dân có diện tích canh tác dưới 1 héc ta tức dưới 10.000 mét vuông.

Khi phát tín hiệu là Đảng sẽ cho phép tích tụ ruộng đất, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tự bạch rằng, Việt Nam đã chậm trễ hơn 20 năm, khi tiếp tục duy trì mô hình phát triển nông nghiệp trên nền tảng kinh tế hộ.

Theo lời ông Bình, từ những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam đã tự túc lương thực và còn dư để xuất khẩu hàng triệu tấn mỗi năm.

Sự chậm trễ vừa nêu dẫn tới hậu quả ngày nay là nông dân vẫn nghèo dù không đói và tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp hầu như đã tới ngưỡng, không những không tăng mà đang suy giảm, nhất là khi đối diện thiên tai, biến đổi khí hậu.

Ở Việt Nam không chỉ thị trường đất đai chưa hoàn chỉnh mà cả thị trường lao động cũng chưa hoàn chỉnh. Đây là hai chân phải đi song song trong quá trình đổi mới chính sách đất đai.
TS Đặng Kim Sơn

Khi nào nông dân chịu bỏ đất?

Khi vấn đề tích tụ ruộng đất được đặt ra với ưu tiên cao, giới đảng viên bảo thủ e ngại trở lại thời kỳ nông dân không ruộng và chế độ địa chủ thuê tô.

Điều này đã được ông Nguyễn Văn Bình trấn an tại Hội nghị phát triển Nông nghiệp ngày 8/9/2016 vừa qua. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định phải tích tụ được ruộng đất mà vẫn bảo đảm được quyền lợi của người nông dân.

Trên báo mạng Một Thế Giới, Giáo sư Võ Tòng Xuân nhấn mạnh rằng, Nhà nước cần phải hoàn thiện luật, tích tụ ruộng đất để sản xuất chứ không phải đầu cơ, tích trữ, lạm dụng quyền sở hữu, sử dụng đất. Theo đó, cần phải cấm tích tụ ruộng đất theo kiểu bắt bí, ép buộc để mua rẻ đất, lập dự án treo, phân lô bán nhằm làm giàu bất chính vì lợi ích của một nhóm người nào đó.

Trả lời chúng tôi, TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn nhận định:

“Điều lo ngại chính của những nhà hoạch định chính sách là những trường hợp tích tụ đất vào tay người sử dụng đất có hiệu quả. Nhưng trong khi đó lại không tạo được việc làm cho những người đã giao đất đi, không có sinh kế hợp lý cho những người này và có thể làm tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc giảm thu nhập của người nông dân.

Thay vì sản xuất nhỏ bây giờ tập trung sản xuất lớn, nhưng mà những người lao động rút ra khỏi đất đai phải được đào tạo nghề, phải được vay vốn, phải được hướng dẫn kỹ thuật, phải được tạo ra việc làm ở những lãnh vực phi nông nghiệp có thu nhập ổn định.

Làm thế nào mà hai việc ấy diễn ra song song được thì câu chuyện ấy mới là an toàn. Điều lo ngại là điều kiện ràng buộc về tốc độ của quá trình tích tụ đất đai nó bị phụ thuộc rất nhiều nữa là phần của thị trường lao động.

Ở Việt Nam không chỉ thị trường đất đai chưa hoàn chỉnh mà cả thị trường lao động cũng chưa hoàn chỉnh. Đây là hai chân phải đi song song trong quá trình đổi mới chính sách đất đai. ”

Rõ ràng Việt Nam đã quá chậm và thiếu chuẩn bị trong công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt kinh tế nông nghiệp. Giới chuyên gia cho rằng chặng đường phía trước còn xa để tới được cuộc đổi mới đột phá về tích tụ ruộng đất.

Nhưng theo TS Đặng Kim Sơn, người dân rất năng động họ đã tự mình tìm ra phương cách riêng để thực hiện việc tập trung đất đai sản xuất lớn, thí dụ như mô hình cánh đồng lớn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hay sự kiện ở miền Bắc, người dân gom đất lại và cho người có điều kiện làm ăn thuê, người cho thuê nhận được tiền thuê đất hay hoa màu tương đương với lợi tức mà trước kia họ tự canh tác.

Vẫn theo TS Đặng Kim Sơn, trong khi chờ đợi khung pháp luật hoàn thiện, người nông dân dù chỉ có quyền sử dụng đất, không có quyền sở hữu đất nhưng họ vẫn hành xử với đất và đầu tư vào đất như là những người chủ thực sự.

Tàu chở bùn bô xít vào Formosa Việt Nam

 Tàu chở bùn bô xít vào Formosa Việt Nam

 BBC

FB NGUYEN HOANG THANH TAM

Giới chức Hà Tĩnh nói đang chờ lấy mẫu kiểm nghiệm lượng bùn bô xít mà tàu chở từ Trung Quốc tới cảng Sơn Dương ở tỉnh này cho công ty Formosa.

Ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Hà Tĩnh, nói với BBC hôm 16/9 rằng nhóm công tác của sở này hiện có mặt ở cảng Sơn Dương để chờ lấy mẫu sau khi tàu bốc hàng xong.

“Bước đầu xác định đây là bùn bô xít”, ông Đinh cho hay – “Tuy nhiên cần kiểm nghiệm mới có thể xác định chính xác là loại gì, thành phần thế nào và có thuộc loại cấm hay không”.

Ông không xác nhận khối lượng chất bùn này, mà có nguồn tin nói là khoảng 150-160 tấn.

Được biết chiếc tàu chở bùn bô xít cùng một số mặt hàng khác tới Hà Tĩnh xuất phát từ cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc.

Tàu này cập cảng Sơn Dương chiều thứ Năm 15/9.

GETTY

Formosa đã xin lỗi về thảm họa môi trường 4/2016

Phòng Cảnh sát môi trường (PC49) Công an Hà Tĩnh khi kiểm tra đã phát hiện lượng chất bùn và yêu cầu giữ tàu để tiếp tục điều tra.

Formosa là công ty vừa bị kết luận xả thải ra biển gây thảm họa cá chết hàng loạt ở miền Trung Việt Nam vào tháng 4/2016.

Thảm họa môi trường cá chết đã khiến nhiều người dân xuống đường biểu tình trong suốt hai tháng dài trước khi chính phủ Việt Nam công bố nguyên nhân gây ra sự việc.

Formosa chấp nhận bồi thường 500 triệu đôla nhưng hiện chưa rõ chi tiết.

Hồi tháng Bảy, công ty này cũng bị phát giác đã chôn 100 tấn chất thải công nghiệp trong một trang trại địa phương. Cũng chưa rõ vụ này đã xử lý ra sao cho dù Bộ Tài nguyên và Môi trường nói sẽ xử lý nghiêm nếu có vi phạm pháp luật.

VN ‘truy nã quốc tế’ Trịnh Xuân Thanh

 VN ‘truy nã quốc tế’ Trịnh Xuân Thanh

BBC

AFP

Ông Trịnh Xuân Thanh từng giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị của Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC)

Bộ Công an Việt Nam ngày 16/9 ra quyết định truy nã ông Trịnh Xuân Thanh, người đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản.

Thông cáo của Bộ Công an Việt Nam nói việc truy nã liên quan vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (Tổng công ty PVC).

Quyết định khởi tố ông Thanh, cùng lệnh bắt tạm giam và khám nhà ông Thanh được đưa ra hôm 16/9.

Bộ Công an Việt Nam nói “sau khi xác định” ông Thanh bỏ trốn, công an ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế.

Hôm 15/9, trong diễn biến liên quan, ông Vũ Đức Thuận, nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PVC, bị bắt.

Cùng bị bắt với ông Thuận còn có ba người khác.

Khai trừ Đảng

Trước lúc tin truy nã được loan báo, truyền thông Việt Nam còn đưa tin vào chiều ngày 16/9, tại Hậu Giang, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã triển khai quyết định khai trừ Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Trong tháng qua, đã có nhiều tin đồn ông Thanh đã ở nước ngoài, trong lúc Tỉnh ủy Hậu Giang và gia đình được dẫn lời nói không biết ông đang ở đâu.

Ông Trịnh Xuân Thanh, sinh năm 1966, từng làm Tổng giám đốc rồi Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) cho đến 2013.

Sau đó, ông được luân chuyển về Bộ Công thương trước khi về làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang năm 2015.

Tháng Sáu 2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ làm rõ việc ông Trịnh Xuân Thanh đi xe Lexus LX570 là xe tư, nhưng gắn biển xanh.

Ông cũng bị điều tra về tình trạng thua lỗ ở PVC giai đoạn 2011-2013.

Tháng Bảy, ông bị hủy tư cách đại biểu Quốc hội.

Phỏng vấn ĐGM Phaolô Nguyễn Thái Hợp về môi trường biển ô nhiễm Miền Trung và hướng giải quyết ra sao?

Phỏng vấn ĐGM Phaolô Nguyễn Thái Hợp về môi trường biển ô nhiễm Miền Trung và hướng giải quyết ra sao?

httpv://www.youtube.com/watch?v=1KOFV1mpZAI

LM Trần Công Nghị, Giám đốc VietCatholic Network, hôm nay đã có cuộc phỏng vấn với Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, giám mục giáo phận Vinh về tình hình môi trường biển nhiễm độc Miền Trung.

Trước tiên Linh mục Giám đốc gửi lời chào thăm Đức Cha Phaolô và hiệp thông với giáo phận Vinh trước những khó khăn và thảm trạng môi trường mà giáo phận Vinh đang phải gánh chiụ.

Linh mục giám đốc cho biết hiện nay giáo dân cũng như đồng bào Việt Nam ở hải ngoại hướng nhìn về tổ quốc với đầy những âu lo sau những biến động kinh hoàng về môi trường ô nhiễm ở miền Trung.

Linh mục nhận định rằng: Trước những cuộc tuần hành hòa bình để đưa ra những yêu cầu chính đáng của người dân trong giáo phận Vinh, là nơi chịu những thiệt hại về môi sinh nặng nhất trong vụ Formosa; và thái độ xuyên tạc, vu cáo của các phương tiện truyền thông nhà nước Việt Nam đối với anh chị em giáo dân và đặc biệt là đối với cá nhân Đức Cha, mọi người hết sức quan ngại.

Và Linh mục giám đốc cảm ơn Đức Cha giáo phận Vinh đã dành thì giờ trả lời cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.

Sau đây là những câu hỏi của Linh mục Trần Công Nghị với Đức Cha Nguyễn Thái Hợp:

  1. Thưa Đức Cha, dù ở xa ngàn dặm chúng con cũng có thể hình dung ra được tình trạng bế tắc của các ngư dân đã mất hết ngư nghiệp, đi đánh bắt cá về không ai mua, làm muối cũng không có nơi tiêu thụ. Xin Đức Cha cho chúng con biết thêm những thông tin cập nhật về tình trạng khó khăn mà người dân trong vùng đang phải đương đầu.
  2. Thưa Đức Cha, bên cạnh những khó khăn về mặt kinh tế của người dân bốn tỉnh miền Trung, âu lo của nhiều người là khả năng nhiễm độc tố ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân trong vùng và trên một bình diện rộng lớn hơn. Đức Cha nghĩ sao về quan ngại này, thưa Đức Cha?
  3. Trước những khó khăn như thế, vậy mà mới đây các quan chức chính quyền lại muốn đánh lừa dân chúng, nói rằng nước biển sẽ tự làm sạch! Và còn đi tắm biển nữa để cho dân biết rằng hết nguy hại rồi… Thực là hoang tưởng! Đức Cha nhận định thế nào về hướng giải quyết của nhà cầm quyền Việt Nam, thưa Đức Cha?
  4. Có những thông tin trái chiều về số tiền bồi thường của Formosa, Đức Cha có thể soi sáng cho chúng con hiểu thêm về vấn đề này không? Theo Đức Cha, hướng giải quyết hợp tình, hợp lý về vấn đề này là gì?
  5. Đức Cha đã và đang can đảm lên tiếng kêu đòi công lý và hòa bình cho anh chị em giáo dân của mình. Chúng con rất thán phục Đức Cha. Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm mời gọi chúng ta đừng vô cảm trước tiếng kêu của người nghèo, đừng ngoảnh mặt làm ngơ trước nỗi đau của người khác. Nhưng chúng con biết là ở Việt Nam các phương tiện truyền thông thường xuyên tạc câu nói của Đức Bênêđíctô thứ 16, “Người Công Giáo tốt là người công dân tốt” với một thâm ý rõ rệt là muốn đẩy lui tôn giáo vào sâu trong chiều kích cá nhân, không quan tâm tới đời sống xã hội và quốc gia, không ưu tư gì tới sự lành mạnh của các cơ chế dân sự và tối hậu là im lặng trước những sai trái của chế độ. Chúng con rất mong được nghe ý kiến của Đức Cha rõ ràng và dứt khoát về vấn đề này.
  6. Theo thói quen cố hữu, “người ta” thường vu cáo những ai dám lên tiếng đấu tranh cho người nghèo, và cho nhân quyền. Xin Đức Cha cho biết tình trạng các linh mục hay các giáo của Đức Cha đang dân dấn thân nói lên sự thật và tranh đấu cho công lý hiện có đang gặp những khó khăn nào từ phía chính quyền không?
  7. Đức Cha hay giáo phận Vinh có nhận được sự ủng hộ tinh thần hay vật chất nào không?

Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/189988.htm

Nguyên tổng giám đốc PVC Vũ Đức Thuận bị bắt giam

 Nguyên tổng giám đốc PVC Vũ Đức Thuận bị bắt giam

RFA

vtc.vn.jpg

Ông Vũ Đức Thuận trong thời gian còn tại chức năm 2011.

 Photo courtesy of vtc.vn

Một cựu quan chức của Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam – PVC, ông Vũ Đức Thuận bị Cơ quan Cảnh sát Điều Tra thuộc Bộ Công An khởi tố bị can và ra lệnh bắt giam khẩn cấp, cùng khám xét.

Các lệnh liên quan được cơ quan chức năng Việt Nam ký vào ngày hôm qua và ông Vũ Đức Thuận bị cáo buộc ‘cố ý làm trái qui định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’ theo điều 163 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Ông Vũ Đức Thuận cùng với nhân vật đang bị đảng Cộng sản Việt Nam truy tìm cũng như bị khai trừ khỏi đảng là Trịnh Xuân Thanh là hai lãnh đạo chủ chốt của PVC lúc tổng công ty này thua lỗ hơn 3200 tỷ đồng.

Biện pháp đối với hai ông Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận như vừa nêu được giới quan sát cho là nằm trong kế hoạch bài trừ tham nhũng mà ông tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đang tiến hành.

Em Alexandria Huynh:Thần đồng VN ở tuổi 17 vào học tiến sĩ ở đại học Harvard

Em Alexandria Huynh:Thần đồng VN ở tuổi 17 vào học tiến sĩ ở đại học Harvard

English version: Nguồn anh ngữ :

http://www.calstatela.edu/univ/ppa/newsrel/grad10-youngest.htm

 Thần đồng VN ở tuổi 17 vào học tiến sĩ ở đại học Harvard


than-dong

Trường Đại Học Cal State L.A. cho Vietnamese Daily biết em Alexandria Huynh, một sinh viên gốc Việt vừa ra trường năm nay được trường đại học danh tiếng Harvard nhận vào học chương trình tiến sĩ y khoa với học bổng toàn phần ở tuồi 17.

Em Alexandria Huynh vào đại học lúc mới tuổi 13 qua chương trình dành cho các sinh viên vào đại học sớm trước tuổi (University’s Early Entrance Program), em Alexandria Huynh mới ra trường năm nay với bắng cử nhân sinh học hạng ưu. Cal State L.A. còn cho biết Alexandria Huynh là một sinh viên ra trường với bằng cử nhân trẻ nhất từ xưa đến nay của trường.

Em Alexandria Huynh không chỉ được trường Harvard chấp nhận vào học chươnh trình tiến sĩ mà còn có các trường danh tiếng khác như Đại học Yale và Đại học Pennsylvania cũng chấp nhận em.

Em Alexandria Huynh sẽ vào học ở Harvard mùa thu này với một học bổng toàn phần. Đây là niềm hãnh diện và tự hào của người Việt khắp nơi.

Du Lê

Nguồn anh ngữ :

http://www.calstatela.edu/univ/ppa/newsrel/grad10-youngest.htm

Anh Kim Nguyễn gởi

Quấn chiếu chở thi thể về nhà bằng xe máy, cần lắm một lời xin lỗi!

 Quấn chiếu chở thi thể về nhà bằng xe máy, cần lắm một lời xin lỗi!

Ngày đăng: 15/09/2016

Dongtenvietnam

can-lam-mot-loi-xin-loi

Hình ảnh khiến dư luận xôn xao trên mạng xã hội. Nguồn: tuoitre.vn

Chị Lò Thị P thương mến,

Hôm nay báo chí đưa tin cảnh đau lòng về sự ra đi của chị. Đau lòng vì chúng tôi nhìn hình thi thể của chị được quấn chiếu chở về nhà bằng xe máy. Hình ảnh ấy để lại nỗi đau thương và nhiều uẩn khúc vì đâu chị lại chịu cảnh bi đát như thế? Trên hết, lúc này chúng tôi cầu nguyện cho linh hồn chị thật nhiều. Mong chị được nghỉ yên nơi vĩnh hằng!

Là vợ của một người chồng đã chết vì căn bệnh HIV, chị đến bệnh viện trong tình trạng suy kiệt rất nặng, không đi đứng được, thậm chí gọi thì hiểu nhưng không nói được. Là bệnh nhân 40 tuổi, chị chỉ nặng 32 kg… Là người nghèo, dĩ nhiên chị không thể đến những bệnh viện sang trọng để điều trị dưỡng bệnh. Do đó, chị được người nhà đưa đến Bệnh viện Lao và bệnh phổi Sơn La cách nhà chị khoảng hơn 100km.

Trước hình ảnh thi thể của chị trên xe máy, Bộ Y tế đã vào cuộc để xác minh xem lỗi thuộc về bệnh viện hay người nhà chị. Ông giám đốc Bệnh viện này cho rằng: “Thời điểm ra viện, bệnh nhân P. có mạch, huyết áp, tri giác bình thường, đi và nói được. Vì thế bệnh viện cho ra viện chứ không phải vô cảm. Chúng tôi cũng hỏi đến 4 lần là có cần xe không thì gia đình nói không mà đi xe ôm. Tuy nhiên sau này chúng tôi mới biết bệnh nhân tử vong sau khi rời bệnh viện 30km.”

Trong khi đó, anh chị là ông Muôn nói rằng: “Thời điểm ra viện chị P. rất yếu, phải dìu mới đi được, chỉ nói được thều thào là ‘cho em về nhà’.” Tại sao bệnh viện không cho xe cứu thương đưa chị về nhà? Anh chị bảo ông không có tiền và cũng không biết việc này, bệnh viện cũng không thông báo, nên ông đành thuê xe ôm. Trên đường về nhà được 30 km thì chị ra đi…! Không có tiền thuê xe, anh chị đành cuốn thi thể chị trong mảnh chiếu và chở chị về nhà bằng xe máy. Do để hở chân của chị nên người dân chụp được hình ảnh đau lòng này.

Quanh câu chuyện đau đớn của chị, người dân không khỏi băn khoăn: “bệnh viện hay gia đình chị đúng? Ai hợp tình, ai đúng lý!?” Trước khi có câu trả lời, hẳn là cần lắm một lời xin lỗi chân thành gửi đến chị. Mong chị thứ lỗi cho những điều đáng tiếc đã xảy ra với chị. Chỉ thầm ước sao trên đất nước mình vắng bóng những câu chuyện não lòng như thế! Để mỗi ngày, chúng ta đối xử với nhau xứng đáng với nhân phẩm của một con người. Dù giàu sang hay nghèo hèn, khỏe mạnh hay ốm đau, chúng ta đều là con người cần được yêu thương và trợ giúp, được chăm sóc và tôn trọng, chị nhỉ!

Chúng tôi tiếp tục cầu nguyện cho chị được nghỉ yên trên Thiên Quốc.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ 

bình luận

Phạm Công Thạnh ·

Hóc Môn, Hồ Chí Minh, Vietnam

cái khẩu hiệu ” lương y như từ mẫu” đã bị tháo gỡ và vứt bỏ hết rồi, vào BV nếu bạn không có tiền tạm ứng, thì có ai cứu bạn họ vô tâm vô cảm hết rồi. người nhà của chị đã ngậm ngùi làm theo cách của những người nghèo, và rồi chị cũng an lòng thôi, bằng lòng với số phận kiếp nghèo thà chết ngoài đường xác nằm trên xe máy, còn hơn nếu chị chết trong BV thì bao nhiêu thủ tục mà người nhà chị phải chạy theo phải ký những cam kết mà họ không muốn, rồi những dịch vụ chuyển xác mai táng nhảy vào. Tiền đâu để trang trải

Hop Nguyen ·

Làm việc tại MOL (company)

Lậy Chúa xin đừng để trái tim chúng con trở nên chai đá, xin cho chúng con biết rung cảm trước mỗi sự việc xảy ra xung quanh con.

CHI TIẾT CUỘC CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT QUA LỜI KỂ CỦA NHÀ THƠ HỮU LOAN:

Image may contain: 2 people
Bùi Quang MinhFollow

 CHI TIẾT CUỘC CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT QUA LỜI KỂ CỦA NHÀ THƠ HỮU LOAN:

Lúc đó còn là chính trị viên của tiểu đoàn, tôi thấy tận mắt những chuyện đấu tố. Là người có học, lại có tâm hồn nghệ sĩ nên tôi cảm thấy chán nản quá, không còn hăng hái nữa. Thú thật, lúc đó tôi thất vọng vô cùng.

Trong một xã thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá, cách xa nơi tôi ở 15 cây số, có một gia đình địa chủ rất giàu, nắm trong gần 500 mẫu tư điền.

Trước đây, ông địa chủ đó giàu lòng nhân đạo và rất yêu nước. Ông thấy bộ đội sư đoàn 304 của tôi thiếu ăn, nên ông thường cho tá điền gánh gạo đến chỗ đóng quân để ủng hộ. Tôi là trưởng phòng tuyên huấn và chính trị viên của tiểu đoàn nên phải thay mặt anh em ra cám ơn tấm lòng tốt của ông, đồng thời đề nghị lên sư đoàn trưởng trao tặng bằng khen ngợi để vinh danh ông.

Thế rồi, một hôm, Tôi nghe tin gia đình ông đã bị đấu tố. Hai vợ chồng ông bị đem ra cho dân xỉ vả, rồi chôn xuống đất, chỉ để hở hai cái đầu lên. Xong họ cho trâu kéo bừa đi qua đi lại 2 cái đầu đó, cho đến chết. Gia đình ông bà địa chủ bị xử tử hết, chỉ có một cô con gái 17 tuổi được tha chết nhưng bị đuổi ra khỏi nhà với vài bộ quần áo cũ rách. Tàn nhẫn hơn nữa, chúng còn ra lệnh cấm không cho ai được liên hệ, nuôi nấng hoặc thuê cô ta làm công. Thời đó, cán bộ cấm đoán dân chúng cả việc lấy con cái địa chủ làm vợ làm chồng.

Biết chuyện thảm thương của gia đình ông bà địa chủ tôi hằng nhớ ơn, tôi trở về xã đó xem cô con gái họ sinh sống ra sao vì trước kia tôi cũng biết mặt cô ta. Tôi vẫn chưa thể nào quên được hình ảnh của một cô bé cứ buổi chiều lại lén lút đứng núp bên ngoài cửa sổ, nghe tôi giảng Kiều ở trường Mai Anh Tuấn.

Lúc gần tới xã, tôi gặp cô ta áo quần rách rưới, mặt mày lem luốc. Cô đang lom khom nhặt những củ khoai mà dân bỏ sót, nhét vào túi áo, chùi vội một củ rồi đưa lên miệng gặm, ăn khoai sống cho đỡ đói. Quá xúc động, nước mắt muốn ứa ra, tôi đến gần và hỏi thăm và được cô kể lại rành rọt hôm bị đấu tố cha mẹ cô bị chết ra sao. Cô khóc rưng rức và nói rằng gặp ai cũng bị xua đuổi ; hằng ngày cô đi mót khoai ăn đỡ đói lòng, tối về ngủ trong chiếc miếu hoang, cô rất lo lắng, sợ bị làm bậy và không biết ngày mai còn sống hay bị chết đói.

Tôi suy nghĩ rất nhiều, bèn quyết định đem cô về làng tôi, và bất chấp lệnh cấm, lấy cô làm vợ.

Sự quyết định của tôi không lầm. Quê tôi nghèo, lúc đó tôi còn ở trong bộ đội nên không có tiền, nhưng cô chịu thương chịu khó, bữa đói bữa no…

Cho đến bây giờ cô đã cho tôi 10 người con – 6 trai, 4 gái – và cháu nội ngoại hơn 30 đứa…

(Nguồn: Xuân Bình Nguyễn)