LUẬT SƯ VŨ VĂN MẪU

Image may contain: 1 person, eyeglasses and closeup
Image may contain: 1 person, smiling, suit
No photo description available.
No photo description available.
No photo description available.
+2
Hoang Le Thanh is with Phan Thị Hồng and 2 others.

LUẬT SƯ VŨ VĂN MẪU

(Theo tài liệu Ls. Đoàn Thanh Liêm)

Vũ Văn Mẫu (1914-1998) là một học giả lớn về Luật Việt Nam, một Chính trị gia nổi tiếng trước năm 1975 ở Sài Gòn.

Ông từng là Thượng Nghị sĩ trong Liên danh Hoa Sen, Khối Dân tộc, từng giữ chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao rồi Thủ tướng của Việt Nam Cộng Hòa. Ngoài ra ông còn là Thẩm phán Tòa Thượng thẩm Sài Gòn, Giáo sư Thực thụ Đại học Luật khoa Sài Gòn.

Ông sinh ngày 25-7-1914 tại Hà Nội. Như mọi thanh niên thuộc gia đình danh giá thời bấy giờ, ông được gia đình đưa sang học ở Pháp và tốt nghiệp Đại học Luật khoa Paris, Pháp. Ông tiếp tục theo học tại đây cho đến khi lấy được bằng Thạc sĩ và trở về hành nghề luật tại Hà Nội.

Hồi trước 1945, ông làm Tri huyện Đông Anh, Tỉnh Phúc Yên. Cha vợ ông là Cụ Cử Sen Hồ Hoàng Gia Luận, em trai Tổng Đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu.

Năm 1954, ông cùng gia đình chuyển vào Sài Gòn và tham gia Giảng dạy Khoa Luật tại Đại học Sài Gòn. Ông trở thành Trưởng khoa người Việt đầu tiên của khoa này và được công nhận là một Chuyên gia về Pháp luật Dân sự và Lịch sử.

Sau khi thực hiện Cuộc trưng cầu dân ý miền Nam Việt Nam, 1955, phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, tân Thổng thống Ngô Đình Diệm thành lập Chính phủ và mời ông giữ chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao của Việt Nam Cộng Hòa.

Ông giữ chức vụ này trong 8 năm, từ 1955 đến 1963. Trong cuộc khủng hoảng Phật giáo năm 1963, ông đã từ chức, cạo đầu giống như một nhà sư để phản đối. Khi ông cố gắng rời Việt Nam Cộng Hòa để tham gia một cuộc hành hương đến đất phật Ấn Độ, thì bị bắt và bị quản thúc.

Vốn là một nhà kỹ trị, ông hầu như đứng ngoài mọi biến động của thời cuộc bấy giờ. Tuy nhiên, là một Phật tử với pháp danh Minh Không, ông phản đối những biện pháp đàn áp của chính phủ Ngô Đình Diệm với Phật giáo. Ông cạo trọc đầu và sau đó từ chức Bộ trưởng ngày 22-8-1963 để phản đối hành động tấn công các chùa Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Suốt thời gian biến động miền Nam 1964-1967, ông hoàn toàn không tham gia vì công tác ở Đại sứ ở nước ngoài. Mãi đến khi Tướng Nguyễn Văn Thiệu lên nắm quyền Tổng thống, ông mới được triệu hồi về nước. Ông trở thành Thẩm phán Tòa Thượng thẩm Sài Gòn. Năm 1972, ông tranh cử Thượng nghị sĩ trong liên danh Hoa Sen và đắc cử.

Trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông luôn hoạt động tích cực cho phong trào hòa bình và hòa giải cho dân tộc. Chính vì vậy, khi tướng Dương Văn Minh trở thành Tổng thống, ông được đề cử cho chức vụ Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa với mục đích tham gia thương lượng chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên, ông chỉ ở trong chức vụ chỉ vỏn vẹn được “1 ngày” thì Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ vào tay của quân đội Miền Bắc. Ông phải cùng Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện để tránh đổ máu thêm nữa. Cũng như Tướng Dương Văn Minh, nhà cầm quyền mới tuy thực hiện các biện pháp hạn chế nhưng không quá khắt khe với ông. Sau khi tình hình ổn định, họ cho phép ông được xuất cảnh sang Pháp và định cư ở đây cho đến tận cuối đời.

Ông mất ngày 20-8-1998 tại Paris, thọ 84 tuổi.

Ông là một Học giả lớn về Luật của Việt Nam, uyên thâm cựu và tân học, biết nhiều thứ tiếng như: Anh, Pháp, Hán và là một Giáo sư giảng giải Luật rất hấp dẫn. Tác phẩm của ông còn được René David và John E.C Brierley trích dẫn trong cuốn sách nổi tiếng về luật so sánh Major Legal Systems in the World Today.

XIN NÓI THÊM:

Hơn 50 năm trước, lớp sinh viên tốt nghiệp văn bằng Cử nhân Luật khoa Saigon khóa năm 1958, thì chỉ có chừng 60-70 người. Đây là khóa đầu tiên của Trường Luật khoa Saigon dưới sự điều hành và giảng dạy của các giáo sư Việt nam, mà mới được người Pháp chuyển giao cho bên Việt nam, bắt đầu từ niên khóa 1955-1956.

Vị khoa trưởng tiên khởi lúc đó là Giáo sư Thạc sĩ Vũ Văn Mẫu. Vào thời kỳ Đệ nhất Cộng hòa, thì Giáo sư Mẫu lại còn giữ chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao nữa. Cho nên ông thường đến giảng dạy vào buổi sáng sớm hay buổi chiều, ngoài giờ làm việc của công sở, và lúc nào cũng có vệ sĩ đi theo để bảo vệ an ninh.

Hồi đó, chương trình Ban Cử nhân Luật khoa chỉ học có 3 năm, và hầu như vẫn còn giữ nguyên hệ thống giáo dục của Pháp. Chỉ có hai môn Dân luật và Kinh tế, thì phải học trong cả ba năm, còn các môn khác, thì chỉ học trong một hoặc hai năm mà thôi. Cho đến nay, sau trên nửa thế kỷ, thì hầu hết các vị giáo sư của trường Luật hồi đó đã ra đi về bên kia thế giới rồi. Và hiện theo chỗ tôi được biết, thì chỉ còn hai giáo sư môn kinh tế học vẫn còn sống, mà còn hăng say hoạt động dù đã xấp xỉ ở tuổi cửu tuần rồi, đó là Giáo sư Vũ Quốc Thúc hiện ở Paris nước Pháp và Giáo sư Nguyễn Cao Hách hiện ở San Diego, California.

Tất cả các môn sinh chúng tôi đều biết ơn các Vị Thầy đã rất tận tâm, chu đáo trong việc giảng dạy, hướng dẫn cho lớp hậu sinh có đủ khả năng chuyên môn để nối tiếp được sự nghiệp xây dựng và phát triển quốc gia trong các lãnh vực luật pháp, kinh tế tài chánh, quản trị hành chánh v.v…

Nói chung, thì tất cả các vị giáo sư đều soạn bài rất kỹ, dẫn giảng cho sinh viên rất rành mạch. Vì là bước đầu chuyển ngữ bằng tiếng Việt, nên các giáo sư hay phải “chua thêm” tiếng Pháp, để giúp sinh viên chúng tôi dễ tra cứu, tham khảo nơi sách, tạp chí xuất bản tại Pháp. Và ngay cả các bản án thời trước ở Việt nam, thì cũng đều viết bằng tiếng Pháp. Lớp sinh viên chúng tôi thời đó, thì đều thông thạo tiếng Pháp, nên việc nghiên cứu cũng dễ dàng.

– GS Vũ văn Mẫu thật là uyên bác, thành thạo cả tiếng La tinh và chữ Hán.

– GS Vũ Quốc Thúc giảng bài thật sáng sủa, gọn gàng dễ nhớ, dễ thuộc.

– GS Nguyễn Cao Hách lại còn nghiên cứu nhiều sách báo tiếng Anh và chỉ dẫn cho sinh viên làm quen được với các lý thuyết kinh tế hiện đại mà phần đông là do các tác giả người Anh hay Mỹ đề xướng.

– Luật sư Vũ văn Hiền, thì giảng dạy rất chu đáo, khúc chiết về môn Luật Di sản và Hôn sản trong các gia đình Việt nam, rút từ kinh nghiệm lâu năm hành nghề luật sư suốt từ Bắc vào Nam.

– GS Nguyễn Độ dạy môn Luật Hành chánh và Hình luật, thì cũng rất uyên bác. Bài giảng của ông đề cập nhiều về lý thuyết có tính cách triết học về luật pháp, nên sv phải dày công theo dõi, thì mới có thể thấu triệt hết được.

– Giáo sư Lưu văn Bình dạy môn Luật Hiến pháp và Quốc tế Công pháp ngay vào năm thứ nhất.

– Giáo sư Vũ quốc Thông dạy môn Pháp chế sử vào năm thứ nhất và môn các Định chế chính trị vào năm thứ ba.

– Luật sư Bùi tường Chiểu dậy về Luật Dân sự Tố tụng vào năm thứ ba.

– Luật sư Nguyễn huy Chiểu thì dậy môn Luật Hình sự đặc biệt cũng vào năn thứ 3.

– Giáo sư Lê đình Chân thì dạy môn Tài chính công vào năm thứ ba (Public Finance).

– Môn Quốc tế Tư pháp khá là phức tạp với các vụ Phân tranh Luật pháp (Conflit des lois), thì phải nhờ đến tài năng của giáo sư Vũ văn Mẫu chúng tôi mới có thể lãnh hội rõ ràng được.

Cả bốn Giáo sư Vũ văn Mẫu, Vũ quốc Thúc, Nguyễn cao Hách và Nguyễn Độ đều đã lần lượt kế tiếp nhau giữ chức vụ Khoa trưởng của trường Luật trong nhiều năm, theo như trí nhớ của tôi còn ghi nhận được.

Về phía sinh viên chúng tôi, thì phần đông lúc đó đang ở lứa tuổi hai mươi.

Có một số học cả bên Học viện Quốc gia Hành chánh. Nên số sinh viên học full-time vào năm thứ ba, thì chỉ có chừng 30 người. Số sinh viên lớn tuổi đang đi làm, thì cũng phải chiếm đến trên một phần ba. Người lớn tuổi nhất là hai bác Võ văn Diệu làm ở Nha Ngân sách, và bác Tăng khánh Đáng làm ở Ngân hàng Quốc gia. Năm nay nếu còn tại thế, thì hai bác có thể đã vào tuổi bát tuần rồi. Người sau này giữ chức vụ cao nhất là anh Châu kim Nhân, hồi năm 1971-73 đã làm Bộ trưởng Tài chánh. Có ba người làm Thẩm phán là anh Trần trung Hậu, Dương Lân ở ngạch Tư pháp, và anh Nguyễn cao Quyền bên ngạch Tòa án Quân sự.

Số làm Luật sư thì khá đông, có đến ít nhất là 15 người. Cụ thể như các LS Nguyễn tường Bá, Bùi chánh Thời, Nguyễn công Hoàng, Lê thị Hồng Điểm, Phạm xuân Định, Nguyễn phuợng Yêm, Lê trọng Nghĩa, Nguyễn minh Toàn, Trần thiện Hải, Đoàn văn Lượng, Đỗ Doãn Quế, Lê bạc Xăng, Đoàn Ý, Trần tiễn Tự, Đoàn thanh Liêm. Có ba anh gia nhập ngành Ngoại giao, đó là Nguyễn hữu Trụ, Đỗ quang Năng và Nghiêm Mỹ.

Có đến 7-8 người học lên bậc Tiến sĩ và làm giáo sư Đại học như các Chị Quách thị Nho, Lương mỹ Đức (dạy tại trường Luật Saigon). Riêng anh Cao huy Thuần thì dạy Luật ở bên Pháp và hình như anh Phạm Chung cũng dạy học đâu ở bên Mỹ, nhưng lâu ngày không có tin tức gì về anh ấy cả. Còn các anh Nguyễn quốc Trị (giữ chức vụ Viện trưởng Quốc gia Hành chánh thay thế Giáo sư Nguyễn văn Bông), Lê công Truyền (cũng dạy tại QGHC), Lê Quế Chi (dạy tại trường Luât Saigon), Vũ trọng Cảnh (Viện trưởng Viện Tu nghiệp Quốc gia).

Còn lại, thì một số đi dạy ở trường Sư phạm như anh Vũ ngọc Đại, Bùi văn Hiệp, hay làm viên chức tại các bộ như chị Nguyễn thị Nga ở Bộ Tài chánh, anh Vũ quang Vân ở Bộ Kinh tế, Mai như Mạnh thì làm ở Phủ Tổng ủy Dinh Điền. Tại Ngân hàng quốc gia, thì có anh Ngô vi Bảo. Tại Ngân hàng Việt nam Thương tín, thì có anh Nguyễn đình Thảng. Riêng chị Lê Mỹ Nhan thì làm trong ngành Thư viên v.v…

Trên 50 năm đã trôi qua, với bao nhiêu tang thương đổ vỡ trên quê hương đất nước Việt nam, nhưng cái mối duyên lành, cái tình bạn hồn nhiên, trong sáng giữa các đồng môn chúng ta với nhau, từ cái thời còn chung học dưới mái trường thân yêu tại con “Đường Duy Tân Saigon”, thì vẫn mãi mãi còn là một kỷ niệm thân thương nhất, sâu đậm nhất trong cuộc đời tình cảm của mỗi cá nhân chúng ta vậy.

(Theo tài liệu Đoàn Thanh Liêm).

——————————
Nguồn: Nguyễn Vô
https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=1833725203406216&id=100003062636866

Suy nghĩ về tầm nhìn của chúng ta

 Suy nghĩ về tầm nhìn của chúng ta

(A Reflection on Our Vision)

Ghi nhận của Đoàn Thanh Liêm

* * *

Từ xa xưa, cha ông ta vẫn thường nói : “Người sĩ phu quân tử thì phải biết

nhìn xa trông rộng”, tức là phải cố gắng mà tìm hiểu cho rành mạch sâu sắc

hơn về tình hình chung của xã hội, của đất nước đang biến chuyển ra sao – để

rồi từ đó đề ra được một chương trình hành động sao cho thích hợp với nhu

cầu đòi hỏi của tình thế. Mà nói theo lối văn hoa, thì đó là cái “viễn kiến”.

Ngược lại, thì dân gian cũng bày tỏ sự coi thường đối những kẻ gàn dở,

ngang bướng, tự cao tự mãn – ví họ như lọai “ếch ngồi đáy giếng coi trời

bằng vung”, tức là lọai người có cái nhìn chật hẹp không làm sao mà trông

thấy hết được cái bàu trời bao la rộng mở của không gian thể lý vật chất,

cũng như của vũ trụ tâm linh tinh thần.

Là một người có duyên may được tiếp cận học hỏi với nhiều bậc thức giả

chuyên viên ở trong nước cũng như ngòai nước, tôi xin được chia sẻ với quý

bạn đọc một vài ý kiến sơ khởi mộc mạc về cái tầm nhìn của chúng ta trong

thế kỷ XXI hiện nay qua bài viết có nhan đề “ Suy nghĩ về Tầm nhìn của

chúng ta” (A Reflection on Our Vision) như được trình bày trong mấy điểm

sau đây.

 

I – Quá trình nhận thức vấn đề.

 Để bạn đọc tiện bề theo dõi câu chuyện, tôi xin tường thuật vắn tắt theo thứ

tự thời gian một số điều mình đã tai nghe mắt thấy, đại khái như sau.

 

* Trước tiên, vào năm 1960, trong thời gian tập sự tại Thư Viện Quốc Hội

Mỹ ở Washington, tôi có dịp thấy tại nơi đây có một nhóm nghiên cứu riêng

về “Space Law” (Luật Không gian). Là một chuyên viên nghiên cứu về luật

pháp (legal analyst) cho Quốc Hội Việt Nam thời Đệ nhất Cộng Hòa, tôi thật

sửng sốt trước nhóm nghiên cứu này, bởi lý do là trong giới luật gia ở Việt

Nam hồi đó không hề có một ai mà lại có thể đề cập đến vấn đề mới lạ và

rộng lớn như thế. Nhưng đối với một siêu cường như nước Mỹ, thì quả thật là

họ có khả năng và tầm nhìn rộng lớn để khởi sự công trình nghiên cứu về

lãnh vực “Luật Không Gian” như vậy. Sự kiện này đã khơi gợi cho tôi một

tầm nhìn sâu sắc rộng lớn hơn trong lãnh vực nghiên cứu luật pháp ở Việt

Nam

Vào năm 1964 – 65, Tổng thống De Gaulle cũng đã lên tiếng kêu gọi giới

thanh niên sinh viên nước Pháp là : “Chúng ta cần phải có một tầm nhìn vũ

trụ“ (vision cosmique). Vào giữa thế kỷ XX, thì nước Pháp cũng như nước

Anh không còn là một lọai cường quốc hàng đầu trên thế giới nữa. Tuy vậy,

do trình độ phát triển cao về khoa học kỹ thuật cũng như về văn hóa học

thuật, thì nước Pháp vẫn còn có một tầm ảnh hưởng đáng kể trên trường quốc

tê, vì thế mà nhà lãnh đạo De Gaulle mới phát biểu kêu gọi khuyến khích giới

thanh niên nước Pháp phải có một tầm nhìn rộng lớn bao quát như vậy.

* Cũng trong thời gian đó, thì tại nước ta, các nhà giáo dục ở miền Nam lại

đưa ra chủ trương này : “ Nền giáo dục của chúng ta phải được xây dựng theo

cả ba tiêu hướng – đó là Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng”. Chủ trương này

rõ rệt là theo đúng với trào lưu của thế kỷ XX trên thế giới, nhất là sau cuộc

tàn sát từ 2 cuộc thế chiến 1914 – 18 và 1939 – 45, thì nhiều quốc gia đã cố

gắng tìm cách xây dựng một xã hội theo tinh thần tôn trọng phẩm giá và

quyền con người một cách triệt để hơn. Mà điển hình là sự công bố Bản

Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền do Liên Hiệp Quốc đưa ra tại Paris vào

năm 1948.

* Nhưng sau năm 1975, khi đổi tên nước ta thành “Cộng hòa Xã Hội Chủ

Nghĩa Việt Nam”, thì giới lãnh đạo cộng sản lại nêu khẩu hiệu kêu gọi tòan

thể dân tộc phải : “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa Xã

hội ”. Vào thời gian đó, thì tôi được một anh bạn tên là anh Năm – vốn quen

biết trong giới Phật tử chuyên làm công tác xã hội từ hồi thập niên 1960 – 70

– anh Năm tâm sự với tôi đại khái như sau : “Vấn đề cần thiết cho chúng ta

lúc này, đó chính là cái tầm nhìn phải vừa đủ xa, đủ rộng để có thể từ đó mà

đề ra được một đường hướng tiến bộ thích hợp với những đòi hỏi thực tế mà

cấp bách của thời đại…”

* Vào cuối thập niên 1980, trước khi bị công an cộng sản tại Việt nam bắt

giữ, thì tôi được đọc trên báo chí nước ngòai cái khẩu hiệu được giới trẻ trên

thế giới rất tâm đắc, khẩu hiệu đó viết bằng Anh ngữ chỉ gồm vẻn vẹn có 4

chữ ngắn gọn như thế này : “Think globally – Act locally” ( Suy nghĩ tòan

cuộc – Hành động trong tầm tay).

* Và gần đây, người trong nước còn hay sử dụng từ ngữ “Đó là người vừa

có Tâm, mà lại vừa có Tầm” để đề cao một số nhân vật vừa có cả tâm hồn

nhân hậu và cả trí tuệ sắc bén. Hai tính chất Tâm và Tầm đó cũng tương tự

như nội dung ba phẩm cách “Nhân, Trí, Dũng” mà bất kỳ người Sĩ phu Quân

tử nào cũng phải có được – theo bức thang giá trị truyền thống xưa nay của

dân tộc chúng ta (Our Traditional Values System).

 

II – Những cản trở trong Tầm nhìn của người Việt ở hải ngọai.

Hiện có đến trên 4,5 triệu người Việt sinh sống tại trên 60 quốc gia và lãnh

thổ khắp thế giới. Trong số này, thì riêng tại Bắc Mỹ gồm Canada và Hoa kỳ

đã có đến 2 triệu rồi. Ở Âu châu gồm cả các nước thuộc Tây Âu và Đông Âu,

thì cũng đến con số cả 1 triệu người. Tại Úc châu và các nước thuộc Á châu,

thì cũng đến con số trên 1 triệu người.

Về mặt khách quan, thì phần lớn các nước mà người Việt chúng ta đã chọn

đến định cư sinh sống đều có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, có trình độ

khoa học kỹ thuật cao và nhất là có chế độ chính trị dân chủ, tự do thông

thóang. Nhờ vậy, mà các thế hệ thứ hai, thứ ba là lớp con, lớp cháu của các

gia đình người Việt đã có thể dễ dàng hội nhập sâu sắc vào môi trường văn

hóa xã hội địa phương sở tại. Do đó mà trình độ hiểu biết và tầm nhìn của thế

hệ trẻ Việt nam ở hải ngọai cũng không khác biệt là bao nhiêu so với các bạn

cùng trang lứa thuộc dòng chính của quốc gia nơi cha mẹ mình đã chọn để

cho cả gia đình đến định cư lập nghiệp lâu dài.

Con số trên 500,000 sinh viên tốt nghiệp tại các đại học ngọai quốc trong

mấy chục năm gần đây là một dấu chỉ tích cực rất đáng phấn khởi cho tòan

thể dân tộc chúng ta vậy. Đó quả thật là một nguồn tài nguyên trí tuệ đồi dào

phong phú, một thứ “valuable asset” (tích sản quý giá) trong kho tàng sản

nghiệp cuả cha ông chúng ta trên quê hương đất nước Việt Nam này (Our

National Patrimony).

Có thể ví như khối trên 4 triệu người Việt nam hiện đang định cư lập nghiệp

tại khắp nơi trên thế giới thì như là một đàn cá từ nơi sông hồ chật hẹp trong

nội địa mà nay thóat ra ngòai biển cả mênh mông – thì mặc sức mà “vãy vùng

cho thỏa chí tang bồng”, thi đua nhau đem phát triển tối đa cái khả năng vốn

tiềm ẩn sâu kín trong bản thân mình từ bấy lâu – hầu gặt hái được những

thành tích to lớn như lòng mong ước ấp ủ suốt bao năm trường.

 

* Nhưng riêng đối với một số người tương đối lớn tuổi, thì cái việc hội

nhập, thích nghi với môi trường văn hóa xã hội mới lạ như thế không phải là

một việc đơn giản dễ dàng chút nào – so sánh với trường hợp của lớp con

cháu còn trẻ tuổi. Trong ý nghĩ của lớp người lớn tuổi này, hiện vẫn còn tồn

đọng những lấn cấn với những luyến tiếc về cái hào quang khi xưa của thế hệ

mình, vào cái thời mà họ còn đóng vai trò chủ động trên quê hương đất nước

Việt nam vào những thập niên 1960 – 70. Ta có thể ghi ra một số trở ngại

trong việc hội nhập này như sau :

 

1 – Lối suy nghĩ theo cái ước vọng của riêng mình (Wishful Thinking).

Vẫn có một số người không chịu tìm cách suy nghĩ tìm hiểu vấn đề theo lối

khách quan khoa học, mà lại suy nghĩ dựa theo những thành kiến có sẵn hay

theo cái ước vọng chủ quan của mình. Do vậy mà sự hiểu biết về sự việc, về

con người lại thiếu tính chất chính xác. Điển hình như chuyện một số người

vẫn tin là có chuyện vị Đại sứ Pháp ở Saigon hồi năm 1975 – tên là Jean-

Marie Mérillon – viết cuốn Hồi ký có nhan đề là “Saigon et Moi” tường thuật

về những chuyện xảy ra chung quanh ngày 30 tháng 4 năm đó. Thực ra đây là

một bài báo ngụy tạo, hòan tòan bịa đặt ra mấy chuyện vớ vẩn do một người

viết vô trách nhiệm tung ra vào năm 1987. Thế nhưng, một số bà con mình

lại coi chuyện đó là phù hợp với ước vọng của riêng mình, nên đâm ra tin đó

là điều có thật. Mặc dầu chính ông Mérillon – lúc đó là Đại sứ Pháp ở Liên

Xô vào cuối năm 1990 – đã đích thân viết thư trả lời cho Giáo sư nổi tiếng

chuyên về Sư học là Hòang Ngọc Thành rằng : “Bản thân tôi thì không hề

viết một cuốn Hồi ký nào có nhan đề là “Saigon et Moi “ như thế.”

 

2 – Lối nhận định sự việc theo cảm tính (Emotional Reasonning).

Cuộc chiến tranh Quốc Cộng ở Việt nam kéo dài từ cuối thập niên 1940 trong

bối cảnh của Chiến tranh Lạnh giữa hai khối Mỹ và Nga – gây ra bao nhiêu

thảm cảnh cho người dân chúng ta – mà đặc biệt đối với những nạn nhân của

chính sách tàn bạo của đảng cộng sản, thì mối hận thù ân óan vẫn còn rất sâu

đậm, khó mà có thể hàn gắn dẹp bỏ đi được. Vì thế mà mặc dầu qua thế kỷ

XXI, với cuộc chiến tranh lạnh trên thế giới đã chấm dứt từ trên 20 năm nay,

kể từ khi khối Xô Viết bị giải thể, thì vẫn còn nhiều người Việt ở hải ngọai

giữ nguyên cái não trạng của những năm 1950 – 60.

Do vậy, mà họ không chú trọng nhiều đến những đổi thay lớn lao trong cục

diện thế giới – để rồi từ đó mà có sự điều chỉnh lại cái phương thức hành

động khả dĩ thích hợp với tình hình thực tế hiện nay trong bối cảnh của một

thế giới đã tiến bước mạnh mẽ dứt khóat vào giai đọan tòan cầu hóa. Cái lối

nhận định sự việc theo cảm tính như thế quả thật đã trở thành một hạn chế tai

hại cho hiệu năng trong lề lối sinh họat, cũng như trong họat động của chúng

ta trong hiện tại và cả tương lai nữa vậy.

 

3 – Sự thiếu tiếp cận trao đổi với dòng chính trong xã hội sở tại.

Một phần vì do cách biệt ngôn ngữ, một phần vì lối sống quần tụ riêng giữa

các gia đình người Việt với nhau, nên hầu như nhiều người vẫn còn tự cô lập

mình, không chịu hòa nhập với cộng đồng địa phương. Điều này rõ rệt là

đang đi ngược lại với lời nhắc nhủ của cha ông chúng ta từ xa xưa qua câu

ngạn ngữ quen thuộc : “ Nhập gia tùy tục”. Tình trạng này, người Mỹ gọi là

lối sống khép kín, tự cô lập nơi các “Ghetto” – nó ngăn trở kìm hãm cái quá

trình hội nhập êm thắm giữa thế hệ người mới nhập cư vào với dòng chính

của xã hội Mỹ. Mà tình trạng đó cũng làm xa cách thêm cái khỏang cách

ngay trong nội bộ nơi các thế hệ cha mẹ với con cháu trong cùng một gia

đình (Widening Generation Gap) người Việt chúng ta đang cư ngụ làm ăn

sinh sống ở khắp nơi tại hải ngọai nữa.

 

4 – Không chịu nhìn tòan cảnh bức tranh xã hội hiện đại.

Bạn Đỗ Trọng Linh ở San Jose là một người thành công trong ngành Bảo

hiểm và Địa ốc. Nhiều lúc thảo luận trao đổi với tôi, bạn Linh hay nói thế này

: “ Cái khuyết điểm của nhiều người ở hải ngọai là không chịu nhìn cho thật

rõ ràng được cái “big picture” của xã hội quanh mình. Có thể coi đó là một

cái nhìn hời hợt, thiển cận. Vì thế mà không thể đánh giá cho xác thực được

cái môi trường văn hóa xã hội rất đa dạng phức tạp trong thế giới hiện đại –

để mà từ đó đề xuất ra được những hành động hợp lý, hợp thời với hiệu quả

cao trong công việc của cá nhân hay của tập thể mình theo đuổi được. Hậu

quả của lối nhìn thiển cận này là nhiều bà con cứ loay hoay bận rộn và bực

bội với những “ chuyện ruồi bu, vô bổ “ mà không làm sao giải quyết dứt

khóat được tình trạng bế tắc của mình – cũng như tìm ra được cái hướng đi

có tính chất khai phóng tiến bộ cho cả tập thể cộng đồng của mình… “ Tôi

hòan tòan chia sẻ cái lối phân tích vấn đề một cách thông suốt rốt ráo như thế

của anh bạn trẻ này.

 

III – Để tóm lược lại.

 Bài viết lan man đã dài rồi, tôi xin tóm tắt lại với hai điểm như sau :

* 1 – Từ gần 40 năm qua, người Việt chúng ta đã phải rời bỏ quê hương đất

nước để ra đi lập nghiệp sinh sống ở khắp các châu lục trên thế giới. Sau

những vất vả cực nhọc những năm đầu nhập cư trên xứ sở xa lạ, đa số chúng

ta đã bắt đầu xây dựng được một cuộc sống ổn định – và đặc biệt là thế hệ

thứ 2, thứ 3 là lớp con, lớp cháu trong các gia đình đều đã gặt hái được những

thành công đáng kể về nhiều mặt khoa học kỹ thuật chuyên môn, cũng như

về mặt kinh tế, xã hội văn hóa. Nói chung, thì đó là một điểm thuân lợi lớn

lao – trong cái rủi ro chật vật lúc phải trả giá nặng nề để tìm đường chạy

thóat khỏi ách độc tài cộng sản ở trong nước, chúng ta đã được nhiều quốc

gia mở rộng vòng tay đón tiếp và cưu mang các gia đình người tỵ nạn. Nhờ

sự tiếp cứu đày tình nhân đạo cao quý này, mà đa số bà con chúng ta đang

được thụ hưởng những tiện nghi thuận lợi của nếp sống văn minh trong thế

giới hiện đại. Cái ân nghĩa này, chúng ta không bao giờ mà có thể coi nhẹ hay

bỏ quên đi được.

Mặt khác, chúng ta cũng không quên được những bà con ruột thịt đang còn

phải sống dưới chế độ tham nhũng thối nát và độc tài ác nhân ác đức do

người cộng sản gây ra ở bên quê nhà. Thành ra, bất kỳ người Việt nào ở hải

ngọai cũng đều có cả hai cái nghĩa vụ phải góp phần vun đắp cho quê hương

nguyên quán của mình – cũng như cho quê hương mới hiện đang cưu mang

cho mình – như cha ông chúng ta vẫn thường nhắc nhở trong câu : “Ăn cây

nào, rào cây ấy”. Cả hai nghĩa vụ này đều nặng nề, không thể nào sao lãng bỏ

qua bất kỳ một trách nhiệm bổn phận nào được.

Lại nữa, trong thời đại của thế kỷ XXI hiện nay, thì giữa các quốc gia càng

ngày càng gắn bó liên đới với nhau khăng khít chặt chẽ hơn. Do đó, mà

người Việt hiện đang sinh sống ở hải ngọai, thì cần phải cố gắng hòa nhập

thuận thảo hơn vào với xã hội sở tại – để nhờ đó mà mở rộng được một tầm

nhìn khóang đạt rộng rãi hơn vê bối cảnh chính trị xã hội cũng như văn hóa

trên thế giới hầu đề ra được phương thức hành động thích nghi với tình thế

mới – cũng như giúp chúng ta hòan thành tốt đẹp được cả hai nhiệm vụ đối

với quê hương bản quán, cũng như đối với quê hương mới hiện đang hết sức

chăm sóc cưu mang cho mình vậy.

 

* 2 – Trong phần I ở trên, tôi đã ghi ra cái khẩu hiệu “ Think Globally – Act

Locally “ mà giới trẻ trên thế giới rất tâm đắc. Nay để kết thúc bài viết này,

tôi xin được thêm vào khẩu hiệu đó cái vế thứ 3 cũng chỉ gồm có 2 từ ngữ

nữa – như thế này : “ Love Totally “ (Hãy Yêu Thương Trọn Vẹn). Nói khác

đi, mỗi người trong chúng ta cần phải có được một trái tim thật nhân hậu – để

mà sẵn sàng hy sinh nhẫn nại trong công cuộc xây dựng trường kỳ gian khổ –

hầu đưa đất nước và dân tộc ta tới được một cuộc sống tươi đẹp, văn minh

nhân ái xứng đáng với phẩm giá cao quý của mỗi người và của tất cả mọi

người nữa.

Lọai công việc xây dựng tích cực như thế đòi hỏi phải có một đội ngũ những

người có quyết tâm cùng nhau sát cánh thật chặt chẽ ăn ý nhịp nhàng thuận

thảo với nhau – như là một thứ “perfect team” – thì mới mong đạt tới kết quả

lý tưởng tốt đẹp mong muốn được./

 

Westminster California, đầu tháng Bảy năm 2013

Đoàn Thanh Liêm

II – Giáo Dục Giải Phóng Con Người : Nội dung & Ảnh hưởng

II – Giáo Dục Giải Phóng Con Người : Nội dung & Ảnh hưởng

                                                                       Đoàn Thanh Liêm

Trước khi đề cập đến nội dung của chủ trương “Giáo dục Giải phóng Con người” của Paulo Freire, người viết xin được kể sơ lược về cái duyên hạnh ngộ với nhà tư tưởng nổi danh này, xuất thân từ xứ Brazil là quốc gia đông dân nhất của Châu Mỹ La Tinh. Đó là vào cuối năm 1970, trong dịp tham dự một hội nghị quốc tế tại Paris, nhằm thành lập Institut Oecuménique au service du Développement des Peuples ( INODEP = Viện Đại kết Phát triển các Dân tộc), tôi đã được gặp đích thân Paulo Freire là một thuyết trình viên chính của Hội nghị, mà ông cũng còn được bàu là vị chủ tịch của INODEP nữa. Người tầm thước với bộ râu tóc dài đã điểm muối tiêu của người đã bước vào tuổi ngũ tuần, Paulo Freire có lối nói thật say mê sôi nổi, lôi cuốn như là một thi sĩ, mà lại diễn giải quan điểm lý luận của mình với niềm xác tín sâu sắc của một triết gia. Cử tọa gồm nhiều nhân vật đại diện từ khắp năm châu đều chăm chú theo dõi bài nói chuyện quan trọng, mà đày nhiệt tình của ông. Rồi qua năm 1972, lúc tôi đến Geneva để trao đổi gặp gỡ với một số vị tại văn phòng trung ương của Hội Đồng Tôn Giáo Thế Giới (WCC World Council of Churches), thì tôi cũng gặp lại Paulo Freire đang phụ trách về vấn đề giáo dục của tổ chức này.

Mùa hè năm 1971, vào dịp đến tham dự một cuộc hội thảo khác nữa tại Mindanao Philippines, thì tôi thấy sinh viên ở đây chuyền tay bán cho nhau cuốn sách “The Pedagogy of the Oppressed”, ấn bản địa phương đơn giản, chỉ có ruột sách, chứ không có bìa riêng theo kiểu tự làm lấy, cho nên giá rất rẻ, có 2 US$ một cuốn thôi. Và dĩ nhiên là tôi cũng đã mua vài cuốn để đem về cho các bạn ở Việt nam. Chuyện nhỏ này lại càng khiến tôi chăm chú theo dõi tư tưởng và đường lối giáo dục của Paulo Freire suốt từ hồi năm 1970 cho đến nay.

A – Nét chính yếu của tư tưởng và hành động của Paulo Freire.

Có thể nói Paulo Freire luôn nhất quán về cả phần lý thuyết, cũng như thực hành trong đường lối Giáo dục, nhằm giúp khối quần chúng bị áp bức tìm ra cho mình một phương cách cụ thể, hữu hiệu để tự giải thóat khỏi thân phận của người bị áp bức, bị tha hóa do các điều kiện khách quan của môi trường xã hội, cũng như chủ quan nội tại của bản thân mình. Quan điểm của ông có tính chất triệt để, dứt khóat là : Xã hội đương thời ở châu Mỹ La tinh, cũng như ở nhiều nơi khác đều do bao nhiêu bất công, áp bức bóc lột tạo ra nỗi lầm than cơ cực triền miên cho đa số quần chúng nhân dân. Và không khi nào mà giới thống trị lại chịu tự nguyện đứng ra chủ động việc cải thiện các định chế xã hội vốn bảo vệ các đặc quyền đăc lợi cho riêng họ.

Như vậy, chỉ khi nào chính cái đại khối quần chúng là nạn nhân của sự áp bức thống trị tệ hại đó, mà nhất quyết dấn thân vào công cuộc giải phóng kiên trì để tự cứu thóat lấy mình, thì xã hội mới có cơ may được xây dựng tốt đẹp, và con người mới phục hồi được nhân phẩm cao quý cho từng cá nhân được. Nói khác đi, chỉ khi nào chính quần chúng nhân dân mà được thức tỉnh giác ngộ về vai trò làm chủ nhân đích thực của xã hội, và cùng đồng lòng lăn xả vào cuộc tranh đấu giải phóng đó, thì họ mới có được một tương lai tươi sáng viên mãn, như từng mơ ước từ bao nhiêu thế hệ xưa nay.

Với niềm xác tín như thế, Paulo Freire đã nhập cuộc với xã hội quê hương mình, bằng cách phát triển phương thức giáo dục tráng niên, thúc bách cho các học viên cần phải có sự suy nghĩ với thái độ phê phán (critical thinking = conscientization) về hiện trạng xã hội, mà họ là nạn nhân của bao nhiêu áp bức bất công. Và rồi từ đó, chính họ sẽ ra tay hành động, nhằm biến đổi xã hội hủ lậu đó đi (transformative action). Do lối suy nghĩ và hành động cụ thể, cấp tiến như vây, mà ông đã bị phe quân nhân cầm quyền ở Brazil bắt giữ, rồi trục xuất đi ra khỏi nước vào năm 1964.

Trong thời gian sống lưu vong, ông có dịp đúc kết các suy nghĩ và hoạt động của mình, để rồi trình bày trong 2 cuốn sách xuất bản hồi cuối thập niên 1960, và được nhiều người đánh giá rất cao. Đó là cuốn sách đầu tiên có nhan đề  “ Education, the Practice of Freedom”, và đặc biệt là cuốn “The Pedagogy of the Oppressed”. Ta sẽ phân tích chi tiết rành mạch hơn về tác phẩm quan trọng này trong một đoạn sau. Và ông đã kiên trì tiếp tục tìm kiếm trong suốt cuộc đời còn lại, nhất là kể từ ngày được trở về lại quê hương vào năm 1980, để khai triển cho thêm phong phú hơn nữa cái chủ trương giáo dục có tính cách khai phóng và nhân bản cao độ này.

Tác giả Henry A Giroux nhận định về Freire rằng : “ Thực ra, ông là người đã kết hợp được điều mà tôi gọi là cả hai thứ ngôn ngữ phê phán với thứ ngôn ngữ khả thể” (In effect, Freire has combined what I call the language of critique with the language of possibility).

B – Giới thiệu tác phẩm “ Giáo dục của Người bị Áp bức”. 

Trong cuốn sách 160 trang ngắn gọn, xúc tích với chỉ có 4 chương này, Paulo đã phân tích khá rành mạch, dứt khoát về chủ trương kiên quyết không thỏa hiệp với nền thống trị đàn áp, vẫn ngự trị lâu đời trong xã hội đương thời, đặc biệt là tại châu Mỹ La tinh là quê hương bản quán của ông. Và sau khi cuốn sách ấn bản tiếng Anh ra đời vào năm 1970, tác giả lại còn có nhiều dịp trao đổi với các thức giả khắp thế giới, và từ đó ông đã hoàn chỉnh hơn quan điểm và lý luận của mình, như được trình bày trong nhiều cuốn sách và bài báo xuất bản vào thập niên 1980-1990 nữa. Ta có thể tóm gọn tư tưởng của ông trong mấy khía cạnh chính yếu sau đây :

1 / Giáo dục đại chúng cốt yếu là một cuộc đối thoại giữa” người dậy” và “người đi học” ( a dialogue between the educator and the learner), trong đó phải có sự tương kính lẫn nhau giữa hai phía (mutual respect). Paulo Freire đặc biệt phê phán cái lối dậy học “nhồi nhét”, mà ông gọi là “banking concept”, tức là chỉ có người dậy chủ động chuyển mớ kiến thức vào đầu óc của học viên, y hệt như việc ký gửi các số tiền vào nơi chương mục tại ngân hàng (making deposits). Như vậy, thì người học viên hoàn toàn đóng vai trò “thụ động” của một đối tượng, chứ không hề được khuyến khích để chủ động phát huy óc sáng tạo và sự suy nghĩ có tính cách phê phán (critical thinking), để mà có thể tự mình khám phá ra hoàn cảnh bị áp bức của mình và rồi đưa đến một hành động thích đáng.

Thay vào đó, tác giả đề ra cái khái niệm “Giáo dục đặt vấn đề” (problem-posing concept of Education), trong đó cả hai phía người dậy và người học đều cùng hợp tác với nhau trong một quá trình hỗ tương (a mutual process), nhằm cùng nhau khám phá thế giới, và chung với nhau cố gắng vươn tới một mức độ nhân bản viên mãn hơn (their attempt to be more fully human).

2 / Cuộc đối thoại này không phải chỉ nhằm đào sâu sự hiểu biết, mà còn là một phần làm thay đổi nơi thế giới. Tự bản thân, sự đối thoại là một loại hoạt động có tính hợp tác bao gồm sự tôn kính (a co-operative activity involving respect). Quá trình này quan trọng, vì nó giúp tăng thêm sức mạnh cho cộng đồng và đồng thời lại xây dựng nên nguồn vốn xã hội  (enhancing community and building social capital), mà lại đưa dẫn chúng ta đến hành động cho công lý và phát triển nở rộ về phương diện nhân bản (human flourishing) nữa.

Cơ sở cụ thể cho hệ thống giáo dục căn cứ vào sự đối thoại này chính là nơi các“câu lạc bộ văn hóa” (culture circle), trong đó các học viên và người phối trí hợp cùng nhau bàn thảo về những” chủ đề khởi sinh” (generative themes), mà có ý nghĩa trong bối cảnh cuộc sống thực tiễn của người học viên. Các chủ đề này liên hệ tới thiên nhiên, văn hóa, công việc làm và các tương quan xã hội, thì đều được khám phá ra qua sự tìm kiếm chung nhau giữa nhà giáo dục với học viên. Rồi các chủ đề đó được sử dụng làm căn bản cho cuộc đối thoại trong phạm vi sinh họat nội bộ của câu lạc bộ. Từ đó, mà dần dần diễn ra quá trình cấu tạo được ý thức phê phán (critical consciousness) nơi các học viên tham gia, với tư cách là chủ thể của xã hội, mà chính họ đang cùng nhau ra sức xây dựng với quyết tâm của cả tập thể của mình.

 3 / Tính chất độc đáo trong tư tưởng của Paulo Freire chính là việc ông đã khôn khéo tổng hợp đến độ nhuần nhuyễn được kinh nghiệm của những nhà tư tưởng tiền bối, và đem áp dụng vào đường lối giáo dục của ông. Điển hình là phép biện chứng của triết gia Hegel giữa “ông chủ và đày tớ”, thì đã được Freire áp dụng trong lối “giải thóat khỏi các hình thức độc đóan trong giáo dục”(liberation from authoritarian forms of education). Chủ thuyết hiện sinh của Jean Paul Sartre và của Martin Buber, triết gia Do Thái đã giúp Freire đưa ra khái niệm về “ sự tự biến đổi của người bị áp bức để tiến vào trong lãnh vực của tình trạng liên chủ thể tiến bộ” (the self-transformation of the oppressed into a space of radical intersubjectivity). Kể cả thuyết duy vật lịch sử của Karl Marx cũng ảnh hưởng tới quan niệm của Freire về lịch sử tính của các mối quan hệ xã hội (historicity of social relations).

Và chủ trương “Thần học giải phóng” cũng ảnh hưởng rõ rệt đến quan điểm của Freire, khi ông cho là “Tình yêu thương là điều kiện thiết yếu cho một nền giáo dục đích thực”. Rồi quan điểm cách mạng chống đế quốc của Ernest Che Guevara và Frantz Fanon, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Les Damnés de la Terre”, cũng ảnh hưởng đến sự phân tích của Freire về tình trạng trầm đọng (sedimentation) của tư tưởng của giới áp bức thống trị, mà vẫn còn hằn sâu nơi não trạng của chính bản thân lớp người nạn nhân bị áp bức. Và rồi từ đó, ông đã dấn thân hết mình vào công cuộc tranh đấu chống lại chế độ thực dân đế quốc ở khắp mọi nơi.

C – Ảnh hưởng của tư tưởng Paulo Freire trên thế giới.

Có thể nói Paulo Freire là mẫu “con người tri hành hợp nhất” theo lối nói của Vương Dương Minh là nhà tư tưởng nổi danh của Trung quốc ngày xưa. Ông không chỉ đơn thuần là một lý thuyết gia, mà còn là một con người dấn thân hoạt động hết mình cho lý tưởng giải phóng con người. Chủ trương Giáo dục của ông tuy rất cương quyết dứt khoát, triệt để tiến bộ, nhưng đày tính nhân bản ôn hòa, khác hẳn với khuynh hướng quá khích, bạo hành của lớp người cộng sản Marxist tại châu Mỹ La tinh, cụ thể như Che Guevara, Fidel Castro. Vì thế mà đại bộ phận quần chúng nhân dân tại khu vực quê hương ông, vốn theo Thiên chúa giáo, thì đã tiếp nhận tư tưởng của Freire một cách nồng nhiệt, phấn khởi.

Tại Phi châu cũng vậy, trong nhiều dịp đến làm việc tại châu lục này, nhất là tại mấy nước trước đây cũng là thuộc địa của Bồ Đào Nha, như Angola, Mozambique, Guinea Bissau, Paulo Freire đã được đón tiếp một cách rất thân tình trân trọng, bởi lẽ ông cùng chia sẻ cái thân phận của người dân đã từng phải sống dưới sự thống trị hà khắc của các chánh quyền thực dân đế quốc trước kia, cũng như của các chế độ độc tài bản xứ trong giai đoạn độc lập tự chủ hiện nay.

Tại Á châu, ông cũng được đón tiếp tại nhiều nơi như Ấn độ, Papua New Guinea, và có nhiều dịp trao đổi với các giới chức hoạt động trong lãnh vực giáo dục, cũng như hoạt động cộng đồng.

Đã có nhiều quốc gia thiết lập các Viện Nghiên cứu Paulo Freire (Paulo Freire Institute = PFI) nhằm cổ võ và quảng bá tư tưởng của ông về lãnh vực cải cách giáo dục tráng niên, cũng như thúc đảy công cuộc tranh đấu cho công bằng xã hội trên phạm vi toàn cầu. Điển hình như PFI tại Nam Phi, tại Tây Ban Nha, tại Phần Lan, tại đảo quốc Malta, và dĩ nhiên tại Brazil là quê hương của ông.

Riêng tại Mỹ, thì có FPI đặt tại đại học UCLA ở thành phố Los Angeles California. Viện nghiên cứu này được thiết lập năm 2002 và rất hoạt động với việc xây dựng những mạng lưới liên kết giới học giả, nhà giáo,  nhà họat động xã hội, nghệ sĩ và các thành viên của cộng đồng. Thông qua các cuộc gặp gỡ trao đổi thường xuyên, tất cả các thành viên và các thân hữu của Viện FPI đều dồn nỗ lực vào việc xây dựng công bằng xã hội, và sử dụng giáo dục như là một phương tiện để tạo sức mạnh cho khối quần chúng bị áp bức, bị khuất phục tại khắp nơi trên trái đất.

Ngòai ra, cũng còn phải kể đến các Diễn Đàn Paulo Freire ( bi-annual PF Forums) được tổ chức mỗi năm 2 lần, nhằm mở rộng và nâng cao sự nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm của những thức giả vốn theo đuổi đường lối giáo dục tiến bộ do Paulo Freire đã dày công khai phá từ trên nửa thế kỷ nay.

D – Thay lời kết luận.

Có thể nói Paulo Freire là một con người tòan diện, vừa có trình độ suy tư lý luận rất thâm hậu, mà cũng vừa là con người dấn thân họat động suốt đời, không bao giờ mệt mỏi. Ông được quần chúng mến phục, không những do các tác phẩm sâu sắc về triết lý giáo dục, về phương pháp vận động khích lệ cho tầng lớp người bị áp bức bóc lột, mà còn vì cái nhân cách sáng ngời, cái tinh thần khiêm cung hòa ái, và nhất là vì tấm lòng tha thiết yêu mến tột cùng đối với nhân quần xã hội nữa.

Quả thật, Paulo Freire là một tiêu biểu rất xứng đáng, là niềm tự hào cho tầng lớp sĩ phu trí thức của xứ Brazil, cũng như của tòan thể châu Mỹ La tinh vậy./

California, Tiết Trung Thu Canh Dần 2010

Paulo Freire và chủ trương “Giáo Dục Giải phóng Con người”

Paulo Freire và chủ trương “Giáo Dục Giải phóng Con người”

( Paulo Freire : 1921 – 1997)

Đoàn Thanh Liêm

* * *

Paulo Freire sinh năm 1921 tại Brazil. Ông học Luật và Triết học, nhưng lại dấn thân vào công cuộc giáo dục đặc biệt cho giới tráng niên, nhằm gây ý thức cho đại chúng phải mạnh dạn tự giải thoát mình ra khỏi tình trạng áp bức nặng nề, tàn bạo của xã hội đương thời. Vì có tư tưởng và hành động cấp tiến như vậy, nên ông bị giới quân nhân cầm quyền bắt buộc phải sống lưu vong ở nước ngoài, từ năm 1964, mãi cho đến năm 1980, ông mới có thể trở về quê hương mình được.

Tại nước Chi lê, ông đã làm việc cho tổ chức văn hóa Unesco của Liên Hiệp Quốc, và Viện Cải cách Ruộng đất của chánh phủ Chi lê. Ông còn được mời tới làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu về Phát triển và Biến đổi xã hôi thuộc đại học Harvard ở Mỹ (Center for Studies in Development and Social Change). Rồi sau này làm giám đốc chương trình giáo dục của Hội đồng Tôn giáo Thế giới (World Council of Churches) tại Geneva, Thụy sĩ.Năm 1970, ấn bản tiếng Anh “The Pedagogy of the Oppressed” (Giáo dục của Người bị Áp bức) của Paulo Freire đã gây một tiếng

vang lớn trong giới giáo dục và hoạt động xã hôi khắp thế giới. Sau trên 40 năm, thì đã có hàng triệu cuốn được phổ biến rộng rãi qua nhiều lần tái bản, và hàng mấy chục bản dịch ra các thứ tiếng khác nữa. Ông là người đã cổ võ cho ý niệm “ Conscientizacao’ nguyên văn tiếng Bồ đào nha, mà bây giờ đã trở thành thông dụng khắp thế giới với tiếng Anh là “Conscientisation” (= Consciousness Raising, Critical Conciousness). Ta có thể diễn tả ý niệm này là : Sự thức tỉnh Ý thức và Suy nghĩ có tính cách phê phán. Quả thật, chủ trương giáo dục có tính chất cách mạng triệt để của ông đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các phong trào giáo dục và xã hội cùng khắp thế giới. Và tư tưởng triết học của ông cũng ảnh hưởng đến nhiều ngành học thuật như thần học, xã hội học, nhân chủng  học, sư phạm, ngữ học thực hành và nghiên cứu văn hóa (applied

linguistics & cultural studies). Có thể nói : Paulo Freire là một nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất về bộ môn giáo dục vào cuối thế kỷ XX ( the most influential thinker  about education).

Bài viết này nhằm giới thiệu tư tưởng độc đáo và dứt khoát của  ông. Đồng thời cũng lược qua về ảnh hưởng của tư tưởng này  trong thế giới hiện đại, đặc biệt là tại các quốc gia vốn xưa kia là

thuộc địa của thực dân Tây phương ở Châu Mỹ La tinh, Châu Phi và Châu Á. Để bạn đọc có thể dễ dàng theo dõi quá trình hình thành và phát triển tư tưởng của Paulo Freire, là một nhân vật tiêu biểu của trào lưu thức tỉnh và vận động xã hội tại Châu Mỹ La tinh là quê hương của ông, người viết xin được dàn trải việc trình bày  trong 2 bài như sau :

Bài 1 / – Bối cảnh văn hóa xã hội của Châu Mỹ La tinh vào cuối thế kỷ XX.

Bài 2 / – Cốt lõi chủ trương “Giáo dục giải phóng” & Ảnh hưởng trong thế giới hiện đại.

I – Bối cảnh văn hóa xã hội của Châu Mỹ La tinh (bài 1).

Châu Mỹ La tinh (Latin America) là khu vực nằm ở phía nam của  nước Mỹ, mà xưa kia hầu hết đều là các lãnh thổ nằm dưới sự cai  trị của hai nước Tây ban nha và Bồ đào nha. Hiện nay khu vực này có chừng 30 nước với tổng số dân là trên 560 triệu. Chỉ có Brazil với dân số trên 190 triệu là nói tiếng Bồ đào nha. Còn lại, thì tất cả đều nói tiếng Tây ban nha. Trừ một số rất nhỏ xưa kia là thuộc địa của Pháp, Anh, Hòa lan, thì vẫn còn nói tiếng như tại “mẫu quốc”

cũ của họ.Có tới 70% dân chúng trong khu vực theo đạo Thiên chúa giáo La mã (Roman Catholic). Và chừng 15% theo đạo Tin lành.

A – Tình trạng bất ổn trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

 Kể từ thập niên 1960 trở đi, khu vực này đã trải qua nhiều biến động về chính trị kinh tế, cũng như về mặt văn hóa xã hội thật sôi  động, nhiều khi đưa đến những tranh chấp tàn bạo đẫm máu, do các chế độ độc tài thiên hữu, quân phiệt hay thiên tả gây ra. Nhiều cuộc đảo chính đã liên tục xảy ra, khiến cho xã hội luôn bất ổn định, và chế độ độc tài quân phiệt dễ có cơ hội được củng cố, và người dân bị dồn vào thế bị động, không thể hợp nhau góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển quốc gia được. Lại nữa, vào giữa thời chiến tranh lạnh, nên phía Liên Xô đã tìm

nhiều cách để gây ảnh hưởng của chủ thuyết cộng sản tại đây; điển hình là tại Cuba từ khi Fidel lên nắm chánh quyền năm 1959 và đã ngả hẳn về phía Liên Xô. Chúng ta hẳn đều còn nhớ việc Liên Xô  cho đem thiết trí lọai hỏa tiễn tại Cuba nhằm hướng vào nước Mỹ, khiến xúyt gây nên cảnh chiến tranh giữa hai siêu cường Nga-Mỹ vào năm 1962, trước sự đối đầu nẩy lửa của hai lãnh tụ Khruschev và Kennedy.Mà phía Mỹ, thì cũng tìm mọi cách can thiệp nhiều khi rất nặng

tay tàn bạo, để bảo vệ toàn thể khu vực được gọi là“cái sân sau” (backyard) của riêng nước Mỹ; điển hình như có bàn tay của CIA trong việc lật đổ chế độ thiên tả của Tổng thống Salvador Allende tại Chi lê năm 1973. Rồi sau này vào thập niên 1980, thì phe Sandinista khuynh tả đã lên nắm được chánh quyền ở Nicaragua, với sự trợ giúp đắc lực của Cuba cộng sản cũng như của Liên Xô. Và chánh quyền Mỹ dười thời Tổng thống Reagan đã ra tay can thiệp mạnh bạo, để giúp phe đối lập Contras lập lại thế cờ tại đây. Đại khái đó là vài nét đại cương về ảnh hưởng của chiến tranh lạnh tại khu vực Châu Mỹ La tinh, từ hồi thập niên 1960 cho đến khi khối Liên Xô bị tan rã kể từ 1990.

B – Sự nhập cuộc của Giáo hội Công giáo La mã.

Về phía Thiên chúa giáo, thì do ảnh hưởng của tinh thần đổi mới của Công đồng Vatican 2, trong giới tu sĩ và giáo dân tại khu vực đã có sự chuyển biến rất mạnh mẽ trong sự nhận thức, cũng như trong hành động của Giáo hội công giáo. Điển hình như trường hợp của Tổng giám mục Helder Camara của Brazil; ông là người rất năng động trong việc phục vụ và tranh đấu cho khối đa số nghèo túng, đến nỗi bị chụp mủ là “vị giám mục đỏ” (the red bishop). Ông nói chua chát như sau : “Khi tôi cho người nghèo ăn,  thì người ta gọi tôi là một ông thánh. Khi tôi hỏi tại sao người nghèo lại không có thực phẩm, thì người ta gọi tôi là một người cộng sản!” Giám mục Camara và cầu thủ Pele’ là hai người xứ Brazil mà được biết đến nhiều nhất trên thế giới.

Lại có trường hợp vị Giám mục cấp tiến Oscar Romero ở nước El Salvador, ông còn bị chánh quyền cho dùng tay chân ám sát, ngay giữa lúc ông đang cử hành thánh lễ an táng cho bà mẹ của một người bạn vào năm 1980. Và đã có đến 250,000 người đến tham dự lễ an táng của vị mục tử kiên cường này, mà họ coi như là một vị thánh tử đạo (Martyr).Cũng tại El Salvador, vào cuối năm 1980 đã xảy ra việc sát hại 4 nữ tu người Mỹ, do bàn tay của nhân viên công lực nhà nước. Sự kiện này đã gây sự phẫn nộ tột cùng của báo chí và công luận nước Mỹ, đến độ tạo thành áp lực buộc chánh phủ Mỹ phải có biện pháp răn đe mạnh mẽ đối với chánh quyền tàn bạo của El Salvador. Cũng phải kể thêm về trường hợp của vị linh mục Camilo Torres ở nước Colombia, ông là một tu sĩ cấp tiến, được đào tạo tại đại học  công giáo nổi tiếng Louvain bên nước Belgium ở Âu châu. Vì áp lực nặng nề từ phía chánh quyền Colombia, ông phải thóat ly theo

hẳn phe du kích chống chánh phủ, và đã bị hạ sát vào năm 1966 trong một cuộc đụng độ với quân đội. Tên tuổi của Camilo Torres, cũng như của Che Guerava bị hạ sát năm 1967 tại Bolivia, thì đã trở thành một huyền thoại lôi cuốn giới trẻ trong toàn thể khu vực Châu Mỹ La tinh từ trên 40 năm nay.

Nhân tiện, cũng cần phải ghi lại cái thủ đọan cực kỳ độc ác là “làm mất tích” (disappearance), bằng cách thủ tiêu những người chống  đối, mà cơ quan an ninh tại nhiều nước trong khu vực sử dụng, để  đàn áp phong trào tranh đấu cho dân chủ tự do tại các nước này.

Điển hình là tổ chức Các Bà Mẹ có con bị mất tích ở Argentina, đã liên tục trong nhiều năm tháng đến tụ hợp với nhau tại một quảng trường Plaza de Mayo trong thành phố thủ đô, để đòi hỏi chánh quyền phải cho công bố về các vụ mất tích này. Các tổ chức tranh đấu bảo vệ nhân quyền quốc tế như Hội Ân xá Quốc tế (Amnesty International) cũng đã thâu thập được khá nhiều chứng từ về các trường hợp “ người bị mất tích” (disappeared persons) tại nhiều  quốc gia trong vùng, mà có nơi con số này lên tới nhiều ngàn người. Rõ ràng chế độ độc tài nào dù theo phe tả như cộng sản, hay theo phe hữu như chế độ quân phiệt, thì cũng đều tàn bạo độc ác

như thế cả.

C – Nền Thần học Giải phóng.

Châu Mỹ La tinh này lại còn là nơi phát sinh một trào lưu tư tưởng đặc biệt sôi nổi sinh động, đó là nền “Thần học giải phóng” ( Liberation Theology). Đó là cả một phong trào của các giáo sĩ và

giáo dân phản ứng không khoan nhượng trước thực trạng xã hội đày rẫy bất công áp bức, bóc lột trong xã hội các quốc gia trong khu vực. Họ lục tìm trong Kinh thánh và trong Giáo huấn chân

truyền của Giáo hội công giáo từ xưa nay, để xây dựng được một  nhận thức đứng đắn, trung thực về vai trò dấn thân nhập cuộc của  Giáo hội trong công trình giải thoát con người và xã hội khỏi các  định chế chính trị xã hội hủ lậu, phản động và vô luân trong xã hội đương thời. Trừ một số nhỏ thiên về phía marxist cộng sản quá khích, còn đa số giáo sĩ và giáo dân đều giữ vững lập trường tranh đấu ôn hòa, bất bạo động của tôn giáo.

Hệ thống tư tưởng tiến bộ này luôn được sự hưởng ứng của quần chúng giáo dân và giới chức sắc của giáo hội, mà tiêu biểu sáng ngời nhất là “Hội Đồng Giám mục Châu Mỹ La tinh (CELAM = the Latin American Episcopal Conference). Dưới sự thôi thúc của những vị lãnh đạo năng nổ, nhiệt tình như Helder Camara, Hội Đồng này đã biểu quyết thông qua chủ trương rất tiến bộ là : “ Giáo hội phải dứt khoát chọn lựa đứng về phía người nghèo” ( The Church’s Option for the Poor).

D – Vai trò của giới trí thức và văn nghệ sĩ.

Trong khi đó, thì giới hàn lâm đại học (Academia), cũng như giới văn nghệ sĩ, đều sôi nổi góp phần vào công cuộc dấn thân phục vụ xã hội, mà điển hình là sự đóng góp thật là vĩ đại của Paulo Freire với chủ trương “Giáo dục Giải phóng Con người” như đã được trình bày rất khúc chiết trong cuốn “Pedagogy of the Oppressed”. Ta sẽ đề cập chi tiết về tư tưởng này trong một bài sau.Cũng cần phải ghi thêm về ảnh hưởng của phong trào trí thức tả phái phát xuất từ Âu châu, đặc biệt là từ thập niên 1950, đối với tư tưởng và hành động của học giới và văn nghệ sĩ tại Châu Mỹ La tinh. Khuynh hướng “Bài Mỹ” (Anti-Americanism) từ Âu châu đã làm tăng thêm sự hậm hực, ân óan vốn có sẵn từ lâu đời đối với sự thống trị và khuynh lóat của chánh sách bá quyền (hegemony) của nước Mỹ đối với tòan thể các quốc gia và lãnh thổ yếu thế, mà lại bị chia rẽ, phân tán ở phía Nam bán cầu (hemisphere). Lâu lâu, người ta vẫn nghe thấy dân chúng tại đây hô thật to cái khẩu hiệu “Yankees, Go Home” (Người Mỹ, Hãy Cút Đi!) mỗi khi có phái

đòan cao cấp của Mỹ đi qua một số thành phố lớn. Điển hình là vụ phản đối rầm rộ, đến độ xô xát bạo hành đối với Phó Tổng thống Nixon của Mỹ trong chuyến viếng thăm Nam Mỹ vào năm 1958. Lại nữa, chánh phủ Mỹ vì luôn bênh vực che chở cho giới tài phiệt Mỹ làm ăn buôn bán khai thác tại các nước trong khu vực, nên đã cho thiết lập và ủng hộ các chánh quyền cực hữu, độc tài mà được đặt tên một cách mỉa mai là “Banana Republics”, vì chuyên làm tay sai cho các đại gia chuyên môn khai thác trồng chuối để xuất cảng về Mỹ, hoặc khai thác các nguồn lợi thiên nhiên khác, để thu về được một số lợi nhuận khổng lồ cho các tập đòan kinh tế có độc

quyền khai thác, mà điển hình là United Fruit.

Trước tình trạng bất ổn căng thẳng như thế, ta không lạ gì với sự chống đối quyết liệt như của những lãnh tụ mới đây như Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela đối với nước Mỹ. Và qua đó, chúng ta có thể hiểu rõ thêm về phản ứng dứt khóat và triệt để của giới trí thức như Paulo Freire trong bối cảnh chung của khu vực Châu Mỹ La tinh vậy./

( Bài 2 : Giáo dục Giải phóng : Nội dung và Ảnh hưởng)

Chuyện về chị Ba Sen của tôi

Chuyện về chị Ba Sen của tôi

Đòan Thanh Liêm

Gia đình tôi rất đông anh chị em, có đến tất cả là 11 người gồm 3 anh em trai

và 8 chị em gái. Chúng tôi gốc gác ở miền quê, thuộc tỉnh Nam Định trong

vùng đồng bằng sông Hồng ngòai Bắc. Vì họ hàng bên họ nội cũng như bên

họ ngọai đều sinh sống trong một ngôi làng hay vài ba làng kế cận, nên bà

con rất gần gũi gắn bó với nhau.

Bà chị cả là chị Chắt bị bệnh câm điếc từ nhỏ, nên mọi việc trong nhà đều do

người chị thứ ba là chị Sen cáng đáng giúp đỡ cha mẹ để chăm sóc lũ em

nhỏ như tôi. Vì thế mà chị không được đi học nhiều, chỉ cỡ vài ba năm theo

học ở trường làng mà thôi. Mẹ tôi kể là từ nhỏ chị Sen rất tháo vát, biết lo

lắng mọi việc trong nhà đâu ra đó. Chị hơn tôi đến trên một con giáp, nên

ngay từ tấm bé tôi có sự quyến luyến với người chị dịu hiền này, với bao

nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ trong khung cảnh đồng quê êm ả nơi xóm làng có lũy

tre xanh bao bọc xung quanh. Chị tôi mất tại Mỹ năm 1993 vào tuổi 75, giữa

lúc tôi còn đang bị giam giữ tại nhà tù Hàm Tân, Phan Thiết.

Nay sắp đến ngày giỗ năm thứ 17, tôi muốn ghi lại một số kỷ niệm thân

thương với chị là người tôi luôn luôn yêu mến quý trọng. Chị tôi lập gia đình

sớm với anh Tống Huy Chỉnh, nên mấy cháu lớn cuả anh chị cũng không

thua kém về tuổi tác là bao nhiêu so với tôi. Vì thế chị hay rủ tôi khi nào

rảnh rỗi như vào các kỳ nghỉ hè, không phải đi học, thì đến ở nhà chị và chơi

với mấy cháu. Chị lại làm món ăn rất khéo và mau lẹ gọn gàng, nên tuổi nhỏ

còn ham ăn ham chơi, tôi rất thích được đến ở nhà chị chỉ cách xa nhà cha

mẹ tôi chừng 5-6 kilomet thôi.

Chị rất tháo vát năng nổ và có nhiều sáng kiến trong lối sắp xếp công việc

làm ăn kinh doanh. Nhận thấy anh rất khéo tay, nên ngay từ hồi còn ở thị xã

Bùi chu lúc vưà mới thành lập, chị đã bày vẽ ra chuyện chế biến và buôn bán

nữ trang bằng vàng là các thứ mà người dân quê thường rất ưa chuộng để cất

giữ làm vốn liếng, mà khi cần thì có thể dễ dàng đem bán đi. Và đến khi di

cư vào Nam năm 1955, chị cũng tìm cách mở lại hàng vàng ở khu Ngã Ba

Ông Tạ là nơi có rất đông người Bắc tới định cư. Tiệm vàng này có tên là

Trường Nguyên, nên mọi người mới gọi anh chị tôi là “Ông Bà Trường

Nguyên”.

Hồi đó tôi còn đang học ở trường Luật Saigon, vào các ngày nghỉ tôi

thường về ở với chị, nhiều hơn hồi xưa ở ngoài Bắc nữa. Vì lúc này cha mẹ

tôi đều đã qua đời ở ngoài Bắc, nên lũ em còn nhỏ tuổi chúng tôi phải phân

tán chia nhau ra mà tá túc tại nhà các anh chị lớn, mà đã có nhà riêng đủ

rộng rãi để chứa chấp các em. Chị luôn khích lệ cổ võ cho tôi trong chuyện

học hành thi cử. Nhờ vậy mà tôi đã học xong hết cấp đại học.

Tôi rất nhớ những chuyện chị tâm sự với tôi. Điển hình như lúc tôi ngồi tại

quầy bán hàng vàng với chị, thì có lần chị nói : “Em có biết không, làm cái

nghề buôn bán này, thì có nhiều cám dỗ để mà tham lam, gạt gẫm khách

hàng hầu kiếm lợi tối đa cho mình. Như vậy là phạm tội lường gạt, là “lỗi

đức công bằng”. Riêng một mình chị thì phạm tội để có thêm tiền cho chồng

con ăn xài. Như vậy là cả nhà được hưởng lợi, mà riêng chị thì mắc tội để

sau này bị vướng mắt trước tòa phán xét nghiêm ngặt của Chúa. Do đó mà

chị phải cảnh giác, không làm chuyện lừa gạt khiến gây thiệt hại cho thân

chủ khách hàng…” Lời chị nói như thế đó càng làm cho tôi nhớ lại điều mà

mẹ tôi thường hay nhắc nhủ chúng tôi về bổn phận của con nhà có đạo là

phải giữ “đức công bằng”. Bà cụ nói : “ Chúng con phải hết sức tránh, không

được để cho mình phạm lỗi đối với bà con, vì làm điều gian dối khiến gây

thiệt hại cho họ. Đó còn là cái tội trước mặt Chúa nữa…”

Dịp khác, chị còn nói : “ Đứa trẻ chỉ có thể lớn lên được, đó là nhờ ở tình

yêu thương ấp ủ trong cái nôi êm ấm của gia đình bằng tình yêu thương của

cha mẹ, của các anh chị em và bà con họ hàng nội ngoại …” Điều bà chị của

anh nói rõ ràng là “ do kinh nghiệm bản thân, chứ không phải là do sách vở

mà trích dẫn ra “ : Đó là nhận xét của chị bác sĩ Olivette người Bỉ nói với

tôi, khi tôi nhắc lại câu nói trên do chị Ba tâm sự với tôi vào năm 1969-70 ở

Saigon, lúc chính vợ chồng tôi cũng đã có mấy đứa con rồi.

Tôi thấy anh chị suốt đời đã rất thuận thảo và đồng lòng hợp ý chăm sóc rất

chu đáo cho các cháu, cũng như là lo lắng bảo bọc lũ em như chúng tôi.

Điểm đặc biệt tại nhà anh chị là vì bận rộn với chuyện kinh doanh làm ăn,

phải vắng nhà, thì anh chị giao toàn quyền cho Cô Đoán như là một vị

“Quản gia”, để quán xuyến mọi việc trong nhà, nhất là lo trông coi mấy cháu

nhỏ. Cô được sự tín nhiệm hoàn toàn trong mọi việc nội trợ, đến nỗi mà mấy

cháu nhỏ phải nói với tôi : “ Tụi cháu sợ Cô Đoán la rày, hơn là sợ bố mẹ

chúng cháu “. Sự đối xử tế nhị như thế làm cho Cô Đoán thật cảm phục.

Không những đối với con ruột, mà ngay cả đối với các con dâu, con rể, thì

chị cũng đối xử rất ngọt ngào, hiền dịu. Cháu Hà là con dâu trưởng nhiều lần

tâm sự với tôi : “ Cháu chưa thấy một bà mẹ chồng nào mà lại đối xử với

con dâu tốt đẹp, tươm tất như mẹ của anh Hiền chồng cháu”. Cháu Hưng là

con trai út, thì cũng tâm sự : “ Cháu đi tìm người con gái nào mà có được

đức tính như mẹ của cháu, thì mới có thể xin cưới cô ta làm vợ được. Nhưng

mà, cháu kiếm hoài vẫn chưa gặp được người nào nết na, dịu hiền như mẹ

cháu cả. Thật là khó đấy! “

Còn luật sư Đỗ Xuân Hòa, thì cũng thường nói : Ít có bà cụ nào mà có sự

khôn ngoan chín chắn và có tấm lòng nhân hậu dịu dàng như bà cụ Trường

Nguyên. Luật sư Hòa có bà xã nhận chị tôi là “ người đỡ đầu khi chị gia

nhập đạo công giáo”, nên hai anh chị thường có dịp lui tới thăm nom gặp gỡ

với gia đình chị tôi. Vì thế mà cả hai vợ chồng rất gắn bó với toàn thể gia

đình. Luật sư Hòa còn nói rõ : “ Mọi việc trong nhà, thì hầu hết là do bà cụ

sắp xếp, tổ chức đâu ra đấy. Mà ông cụ thường luôn thuận thảo, tán đồng

theo ý kiến rất xác đáng có tình có lý của bà, nhờ vậy nên công việc đều êm

xuôi “thuận chèo mát mái” cả.

Cụ thể là nhờ tính cương quyết, kiên trì của chị mà toàn bộ gia đình mới có

thể đi thoát khỏi chế độ cộng sản vào năm 1975. Chị đã lo bố trí ghe thuyền

tươm tất để tất cả gia đình và một số bà con khác có thể êm thắm ra khơi tại

bãi biển Vũng Tàu, đúng vào lúc miền Nam sụp đổ vào tay quân đội cộng

sản vào ngày 30 Tháng tư oan nghiệt năm đó. Tôi vẫn còn nhớ lúc gặp chị

vào cuối tháng Tư năm 1975 tại xưởng làm nước mắm của chị tại khu Bến

Đá Vũng Tàu, thì chị dặn tôi : “Em ở Saigon ráng thu xếp đưa gia đình di tản

đi thôi. Người trí thúc như em, thật khó mà sống với cộng sản được. Cái

chuyện “cha chung không ai khóc” khiến cho nền kinh tế tập trung kiểu

cộng sản mỗi ngày một lụn bại, làm dân chúng đói khổ lầm than mà thôi!”

Để chị yên tâm, tôi cũng nói là em có thể kiếm máy bay cho cả gia đình đi từ

Saigon cho tiện, vì các cháu còn nhỏ dại. Và đó là lần sau cùng hai chị em

chúng tôi gặp nhau.

Vì anh chị đều tận tâm chăm sóc dìu dắt lũ con như thế, nên các cháu đều

thành đạt về nghề nghiệp, cũng như noi theo được tấm gương đạo hạnh tốt

lành của cha mẹ. Đặc biệt là các cháu đều tham gia rất tích cực vào các loại

công tác xã hội từ thiện, cũng như công việc xây dụng của giáo hội công

giáo. Điển hình như cháu Hồng Vân là trưởng nữ và chồng là bác sĩ Nguyễn

Duy Thuần, khi còn sinh tiền làm ăn ở bên Texas, thì cả hai vợ chồng đã hết

sức góp phần yểm trợ cho các giáo phận ở ngoài Bắc và được Đức Hồng Y

Phạm Đình Tụng công khai tán dương công đức vào lúc cháu Vân Thuần

qua đời vì bạo bệnh.

Riêng về phần anh, thì Chúa đã cho anh sống tới tuổi thọ khá cao. Năm 2009

này, anh đã bước qua tuổi 95, kể là vào loại “thượng thọ” được rồi. Mà anh

vẫn còn minh mẫn sáng suốt. Anh vẫn thường kể lại về những kỷ niệm thật

tươi đẹp với chị trong suốt bao nhiêu năm chung sống với nhau. Và bây giờ

các cháu đều trưởng thành chững chạc, sinh hoạt thuận thảo quây quần với

nhau trên đất Mỹ. Các cháu đều hết lòng biết ơn cha mẹ đã hy sinh trọn cuộc

đời để vun đắp cho các cháu trở thành người có nhân cách thanh cao, có

nghề nghiệp đàng hoàng, và nhất là có lòng đạo hạnh và niềm tin sắt đá

vững vàng. Rõ rệt đây là trường hợp “Cha mẹ hiền lành để đức cho con”.

Về phần bản thân mình là người em của chị, tôi thật tự hào là có được một

người chị vừa nết na đạo hạnh, vừa có tài ba để xây dựng được một gia đình

yên vui hạnh phúc với lũ con, cháu và chắt thật là đông đúc, mà lại rất thuận

hòa yêu thương gắn bó mật thiết với nhau. Chị tôi chẳng phải là một bậc nữ

lưu tài ba nổi tiếng ngoài xã hội ; chị chẳng có công trạng lớn lao đáng kể gì

đối với làng quê, đối với quốc gia, để mà được tung hô ca tụng. Mà chị chỉ

là một phụ nữ bình thường, là một người mẹ, một người chị suốt cả cuộc đời

chỉ biết hoạt động bên trong ngưỡng cửa của gia đình. Nhưng rõ rệt là chị đã

để lại một tấm gương sáng ngời với một nhân cách cao quý, một tinh thần hy

sinh tận tụy cho gia đình nhỏ của riêng mình, cũng như cho cả đại gia đình

bên nội và bên ngoại của các cháu. Chị là người đã giữ mãi được cái ngọn

lửa yêu thương nồng ấm của truyền thống gia phong gia đạo, do cha mẹ

chúng tôi truyền lại. Từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, tôi đã học hỏi

được biết bao nhiêu điều tốt đẹp quý báu nơi chị.Tôi thật biết ơn chị và cũng

phấn khởi với chị xuyên qua những điều cao quý như thế đó.

Tôi luôn tưởng nhớ về chị với tấm lòng yêu thương quý trọng của một

người em nhỏ trong gia đình. Và tôi cũng luôn cố gắng để xứng đáng với

người chị tuyệt vời của mình nữa./

California, Tháng 12 Năm 2009

Đoàn Thanh Liêm

Nỗi khó xử của Giáo sư Lý Chánh Trung

Nỗi khó xử của Giáo sư Lý Chánh Trung

 Đòan Thanh Liêm

 Cũng như Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung là giáo sư dậy môn Triết học

tại các Đại học ở miền Nam Việt nam trước năm 1975. Vì cả hai người đều

có tên là Trung, nên để phân biệt thì bà con thường gọi là Trung Lý, Trung

Nguyễn. Trung Lý thì viết ít, nhưng các bài nhận định thời sự đày tràn nhiệt

huyết của ông được nhiều giới trẻ hồi đó rất hâm mộ. Còn Trung Nguyễn thì

lại là một nhà biên khảo nổi tiếng với nhiều tác phẩm được phổ biến khá

rộng rãi trước 1975. Cả hai ông đều xuất thân từ trường đại học Louvain nổi

tiếng ở nước Belgique hồi đầu thập niên 1950. Nói chung, thì cả hai ông

giáo sư này là những trí thức có đầu óc cởi mở tiến bộ, chịu ảnh hưởng của

“phe tả, không cộng sản” ở Âu châu sau thế chiến, và không có mấy thiện

cảm với chính sách của người Mỹ ở Việt nam. Cả hai ông còn là thành viên

họat động của Phong trào Trí thức Công giáo Pax Romana, thời Đệ nhất

Cộng hòa, cùng với các Bác sĩ Nguyễn Văn Ái, Nguyễn Văn Thơ, Luật sư

Nguyễn Văn Huyền, các Giáo sư Phạm Thị Tự, Phó Bá Long, Trần Long,

các chuyên gia kinh tế Lâm Võ Hòang, Anh Tôn Trang, kỹ sư Võ Long Triều

v.v…

Lại nữa, có hai Dân biểu trẻ tuổi, năng động, người miền Nam với lập

trường đối lập với phe đa số thân chánh quyền của Tổng thống Nguyễn Văn

Thiệu mà hay được báo chí nhắc đến, thì cũng có tên là Chung, đó là Lý

Quý Chung và Nguyễn Hữu Chung. Đọc lên, thì tên Chung nghe cũng tương

tự như tên Trung, nên nhiều người khó phân biệt được. Cả hai ông Chung

này cũng vừa qua đời cách nay mấy năm rồi : Nguyễn Hữu Chung thì mất ở

Canada, còn Lý Quý Chung thì mất ở Saigon.

Lý Chánh Trung, ngòai việc đi dậy học lại còn làm việc lâu năm tại Bộ Quốc

gia Giáo dục với các chức vụ Công cán Ủy viên, Giám đốc Nha Trung học

và làm cả Đổng Lý Văn Phòng tại bộ này. Vào thời Đệ nhị Cộng hòa, ông

còn hay viết bài cho các nhật báo, tạp chí có khuynh hướng đối lập với

chánh quyền Nguyễn Văn Thiệu. Là người xuất thân từ miền Trà Vinh –

Vĩnh Bình, ông Trung Lý sát cánh gần gũi với “ Nhóm Liên Trường” của

các nhà họat động chính trị xã hội của miền Nam trước năm 1975. Và một

bộ phận không nhỏ của Nhóm Liên Trường này đã vận động cho “giải pháp

Dương Văn Minh” để thay thế cho chánh quyền Nguyễn Văn Thiệu.

Sau năm 1975, thì Lý Chánh Trung được cử làm Phó chủ tịch Hội Trí thức

Yêu nước và đặc biệt được sắp xếp ra tranh cử chức vụ Đại biểu Quốc hộ

tại một đơn vị bàu cử ở Saigon. Ông còn điều hành một văn phòng thường

trực của Đòan Đại biểu Quốc hội , tọa lạc tại đường Thống Nhất, nơi căn

nhà của vị mục sư phụ trách Nhà Thờ Tin Lành của những người nói tiếng

Pháp (Eglise Réformée de Langue Francaise). Vào hồi đầu thập niên 1980,

ông sát cạnh với cánh miền Nam để đòi hỏi cho có chánh sách phù hợp hơn

với người dân Nam bộ, mà sau này nổi bật nhất là “Nhóm Câu lạc bộ Kháng

chiến” do các đảng viên kỳ cựu như Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng… lãnh đạo.

Và trong những năm tháng cộng tác với chánh quyền cộng sản sau năm

1975, ông Lý Chánh Trung đã gặp phải nhiều điều phiền phức khó xử, mà

điển hình là một số sự việc được mô tả như sau đây.

 

1/ “Triết học Mác Lênin là môn chẳng ai muốn học, mà cũng chẳng ai muốn

dậy”.

Vào năm 1988, báo Tuổi Trẻ có đăng một bài báo gây chấn động dư luận ở

miền Nam, đó là bài viết của Giáo sư Lý Chánh Trung có nội dung đại khái

như trên. Ông viết đại ý như sau : Là một nhà giáo dậy môn triết học đã lâu,

ông thấy hiện nay cái môn Triết học Mác Lênin đang được giảng dậy ở các

trường Trung cũng như Đại học ở Việt nam thì là điều áp đặt miễn cưỡng,

học trò chẳng ai muốn học, mà thầy giáo cũng chẳng ai thực sự còn muốn

dậy nữa. Lời phát biểu này quả là một trái bom nổ, phủ nhận hòan tòan cái

lối giáo dục “giáo điều, nhồi sọ “ cứng nhắc của người cộng sản.

Một ông cụ ngòai tuổi 70 mà đã rất phấn khởi khi được đọc bài báo này. Cụ

đã trao cho tôi một số tiền nhỏ và nhờ tôi gửi đến vị giáo sư tác giả bài báo.

Cụ nói với tôi : “Tôi chưa bao giờ quen biết với giáo sư Trung, nên phải cậy

nhờ đến ông vốn là chỗ thân quen lâu ngày với giáo sư, để trao đến tay tác

giả món quà nhỏ này, vốn chỉ là tượng trưng cho sự quý mến và khâm phục

của một ông già đã vào tuổi thất thập đối với vị giáo sư đã có sự can đảm nói

lên tiếng nói lương tâm như vậy…” Và tôi đã làm theo lời của vị bô lão này,

để trao tận tay cho giáo sư Trung nơi văn phòng của ông tại đường Thống

Nhất như đã ghi ở trên.

Nghe tôi trình bày, anh Trung đâm nghi ngờ và nói : “Món tiền này là của

chính anh có ý muốn tặng riêng cho tôi. Chứ làm gì mà lại có một ông cụ già

lạ hoắc nào rút bóp đem tặng tiền bạc cho tôi?” Tôi phải trả lời : “Anh

Trung, chúng ta quen biết nhau từ mấy chục năm rồi, việc gì mà tôi phải bày

ra cái trò này đối với một người bạn thân thiết của mình, để làm gì cơ chứ?

Anh không nên đa nghi như Tào Tháo ấy. Ông cụ là người đáng kính, là

người đồng hương đáng bậc vị anh cả của tôi. Cụ tuy chưa bao giờ gặp gỡ

anh, nhưng qua bài báo này, cụ cảm phục và muốn bày tỏ tấm lòng quý mến

đối với anh vậy thôi. Đó là tiêu biểu cho số quần chúng nhân dân tại thành

phố Saigon này, tôi nghĩ anh là một người Đại biểu Quốc hội, anh phải nhận

ra và trân quý đến cái tình cảm chân thật, sâu sắc như thế này chứ?…”Và rút

cục, anh Trung đã hoan hỉ tiếp nhận món quà và nhờ tôi gứi lời cảm ơn vị ân

nhân.

Ông cụ nay đã quy tiên từ lâu, nên bây giờ tôi có thể nêu danh tánh của

cụ.Đó là cụ Đinh Văn Năm, nguyên trước năm 1954 cụ đã giữ chức vụ Phó

Tỉnh trưởng Tỉnh Bùi chu, mà người dân địa phương đều biết đến và mến

chuộng đức độ và sự tận tâm phục vụ của cụ cả trong việc đời, lẫn việc đạo.

 

2/ “ May mà bây giờ có sự Đổi mới rồi, nếu không thì mình đã bị mất cái

đầu đi rồi”.

Vào đầu năm 1989, có tin đồn là ông Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có rày

rà, ám chỉ giáo sư Lý Chánh Trung sao đó, ông nói đại ý như : “Có một số

người trước đây là đồng minh với chúng ta trong cuộc chiến đấu chống đế

quốc, thực dân. Nhưng bây giờ họ lại có lập trường khác, làm cản trở sự

nghiệp xây dựng đất nước của ta v.v…” Nghe vậy, tôi có đến gặp anh Trung

và nói ngay : “Tôi nghe thiên hạ đồn rằng bây giờ ông bạn giáo sư đang bị

“rét”, vì bị Tổng bí thư ” xát xà bông” làm sao đó. Sự thực ra sao vậy?” Anh

Trung liền trả lời : “Quả là bây giờ có sự Đổi mới rồi, chứ nếu không, thì

mình bị “ lấy mất cái đầu đi rồi” đấy! Nói xong anh bèn rút từ ngăn kéo ra

bức thư viết tay của ông Nguyễn Van Linh gửi cho anh và trao cho tôi. Bì

thư cũng như giấy viết đều là của một khách sạn ở Ấn Độ, nơi mà Tổng bí

thư mới đi thăm vào năm 1988. Bì thư cũng như lá thư đều được viết bằng

tay, nắn nót cẩn thận, có đề “ Xin gửi Anh Lý Chánh Trung (Nhờ các Anh

Thành Ủy chuyển giao). Nội dung bức thư hòan tòan có tính cách trấn an,

xoa dịu do ông Nguyễn Văn Linh gửi riêng đến với Lý Chánh Trung. Anh

Trung giải thích : “Đây là thư hồi âm của ông Linh gửi cho mình, vì trước đó

mình đã gửi thư cho ông ấy, nêu thắc mắc về sự ám chỉ trong bài nói chuyện

với cán bộ đảng viên, mà có liên hệ đến mình. Sự việc như vậy, kể như đã

tạm yên, thiết nghĩ chẳng cần phải bận tâm thắc mắc gì thêm nữa…”

 

3/ “Các anh định bắt tôi ư?”

Tháng Tư năm 1990, tôi bị công an bắt và đưa vào trại tạm giam trong khu

Tổng Nha Cảnh sát cũ. Đó là trong vụ càn quét bắt giữ các cán bộ đảng viên

nòng cốt như Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Đỗ Trung Hiếu …, và bắt quản chế

linh mục Chân Tín, giáo sư Nguyễn Ngọc Lan… Trong suốt 3 tháng điều

tra, người phụ trách thẩm vấn tôi là Đại tá Quang Minh (tên thật là Ngô Văn

Dần). Có lần ông Quang Minh cho tôi biết là ông có đến tận nhà các anh Lý

Chánh Trung, Ngô Công Đức để cật vấn họ về họat động liên quan đến âm

mưu đòi “đa nguyên, đa đảng” sao đó. Ông kể lại : Ông Lý Chánh Trung có

ý thách thức tôi với câu hỏi rằng “Các anh định bắt tôi ư?” Tôi phải trả lời

rằng :”Nếu cần phải làm điều đó, thì chúng tôi vẫn có thể “rút lại cái quyền

bất khả xâm phạm của người đại biểu Quốc hội như anh đang nắm giữ hiện

nay được lắm chứ”. Ông Quang Minh mô tả là cuộc trao đổi giữa hai người

lúc đầu khá căng thẳng, gay gắt; nhưng về sau thì cũng ổn thỏa êm diụ thôi.

Chỉ có Ngô Công Đức, thì ông ta nói hơi sỗ sàng, đại khái ông Đức nói :

“Tôi có 2 điều không ưa : đó là tôi không ưa thích mấy người công an, và tôi

cũng không ưa thích người Bắc kỳ”. Tôi phải giải thích với ông Đức là “Phải

tốn biết bao xương máu, bây giờ nước nhà mới thống nhất. Thái độ kỳ thị

Nam/Bắc của ông như vậy là đi ngược lại với chiều hướng đòan kết, thống

nhất của tòan thể dân tộc chúng ta…”

 

4/ “Anh Trung Lý bây giờ bị lẫn mất rồi”

Đó là lời mô tả của anh chị Phó Bá Long nói với tôi vào giữa năm 2008, lúc

tôi đến thăm và ở lại nhà anh chị tại Virginia. Anh Long kể lại là vào năm

2007, anh chị có về Việt nam thăm lại bà con, bạn hữu. Và anh có đến thăm

gia đình Lý Chánh Trung vẫn ở căn nhà cũ tại khu Làng Đại học Thủ Đức

gần với xa lộ Biên hòa. Ban bè lâu ngày mới gặp nhau, nên có dịp tâm sự

nhiều. Thế mà anh Trung đã quên lãng rất nhiều, đến nỗi đi ra khỏi nhà

không xa bao nhiêu, mà anh cũng quên luôn lối trở về nhà nữa. Năm nay anh

Trung mới chỉ cỡ 83-84 tuổi thôi à!

Mấy tháng trước đây, thì Lý Tiến Dũng lại bị mất chức Tổng biên tập báo

Đại Đòan Kết của Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Dũng

chính là con trai trưởng của Lý Chánh Trung. Cháu đã đi bộ đội tham gia

chiến đấu ở Cambodia trên 20 năm trước và sau này gia nhập ngành báo chí

của chánh quyền cộng sản. Nhưng có lẽ cũng vì tiếp nối cái tinh thần khí

phách của cha mình, mà Dũng đã có đường lối thông thóang không phù hợp

với chánh sách “xiết chặt tự do ngôn luận của đảng cộng sản”, cho nên mới

bị lọai bỏ khỏi chức vụ như vậy chăng?

Như vây là về cuối đời, lúc đã về nghỉ hưu rồi, ông bạn giáo sư của chúng

tôi vẫn còn gặp điều khó xử nữa, xuyên qua cái vụ việc bị cất chức của con

trai Lý Tiến Dũng này vậy.

Và để tóm tắt lại, xuyên qua trường hợp của giáo sư Lý Chánh Trung như

đã trình bày sơ lược trong bài này, chúng ta có thể ghi nhận rằng : Con

đường hợp tác với người cộng sản ở Việt nam quả thật vẫn đày dãy chông

gai, trắc trở và bạc bẽo lắm vậy đó !

California, Tháng Chín 2009

Đòan Thanh Liêm

Niềm vui trong thời đại đa chủng tộc, đa văn hóa.

Niềm vui trong thời đại đa chủng tộc, đa văn hóa.

Ghi nhận của Đoàn Thanh Liêm

* * *

Đối với một cá nhân mỗi người, thì cuộc sống trên dương thế này đều có

những niềm vui xen lẫn với những nỗi buồn. Đối với một tập thể dân tộc

cũng vậy, lịch sử của quốc gia nào thì cũng đày dãy những vinh quang rực rỡ

huy hoàng, xen lẫn những nhục nhằn đen tối u buồn. Điều này cũng có thể áp

dụng cho tình hình chung của nhân lọai cùng sinh sống chung với nhau trên

hành tinh trái đất này – mà hiện đang chứa đến 7 tỉ con người chen chúc trong

nhiều quốc gia và lãnh thổ khác nhau.

Nói chung, thì trong một thế kỷ gần đây nhân lọai đã gặt hái được những tiến

bộ vượt bậc về nhiều phương diện – đặc biệt là về khoa học kỹ thuật, về kinh

tế thương mại, cũng như về văn hóa tinh thần. Về mặt khoa học kỹ thuật cũng

như về kinh tế thương mại, thì thế giới chúng ta đã có những thành tựu lớn

lao vĩ đại – như đã được ghi lại qua những con số thống kê khách quan và

chính xác – mà ai cũng có thể kiểm chứng được một cách dễ dàng. Vì thế

nên người viết thấy không cần phải trưng dẫn các chi tiết có tính cách vật

chất định lượng đó ra ở đây nữa.

Mà bài viết này chủ yếu nêu ra những tiến bộ về mặt chính trị cũng như về

văn hóa tinh thần trong khỏang thời gian 70 năm gần đây – kể từ sau năm

1945 lúc chấm dứt thế chiến thứ hai cho đến ngày hôm nay sắp bước sang

năm 2015. Nói chung, thì những thành quả tích cực vô cùng ngọan mục về

nhiều phương diện đó làm cho chúng ta có thể lạc quan, vui mừng và thêm

tin tưởng ở một tương lai tốt đẹp tươi sáng hơn cho nhân lọai hiện nay đang ở

vào những năm đầu của thế kỷ XXI.

 

I – Thế giới đang mỗi ngày một tiến bộ thêm mãi về các mặt độc lập tự chủ,

bình đẳng và hoà bình – trong đó phẩm giá và quyền con người của mỗi cá

nhân được đề cao tôn trọng hơn.

A / Chỉ trong có chừng 40 năm đầu của thế kỷ XX, mà đã xảy ra hai cuộc thế

chiến tàn khốc là chiến tranh 1914 – 18 và liền theo đó là chiến tranh 1939 –

  1. Ấy thế, mà từ 1945 đến nay tức là đã qua 70 năm, thì lại không hề có một

cuộc chiến tranh thế giới nào nữa.

Mặc dầu có tình trạng “chiến tranh lạnh” nhiều lúc rất căng thẳng gay cấn

giữa hai khối Tư bản và Cộng sản khởi sự ngay từ sau năm 1945 lúc thế

chiến thứ hai chấm dứt – thì may mắn sao, đã không có một cuộc đổ máu tàn

sát nào giữa hai siêu cường Nga, Mỹ. Và từ thập niên 1990 với sự xụp đổ của

Liên bang Xô viết, thì chiến tranh lạnh đã không còn là mối đe dọa cho nền

hòa bình trên thế giới nữa.

Như vậy, quả thật là chúng ta đang được hưởng thụ một tình trạng hòa bình

an lạc tương đối lâu dài trong thế giới hiện nay vậy.

B / Về mặt quan hệ giao tiếp giữa các quốc gia, thì rõ rệt đã có một sự nở rộ

của phong trào nhiều dân tộc khắp các châu lục Á, Phi và Mỹ La tinh dành lại

được quyền tự chủ, độc lập và bình đẳng của mình thóat khỏi sự kềm kẹp của

các nước thực dân đế quốc xuất phát từ Âu châu. Và tổ chức Liên Hiệp Quốc

mỗi ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong sứ mệnh giữ vững được

mối thuận thảo giữa các dân tộc vốn xưa kia thường có sự hiềm khích xung

đột với nhau.

Khởi sự vào năm 1945, thì Liên Hiệp Quốc (LHQ) chỉ mới có 51 quốc gia là

thành viên, mà ngày nay con số quốc gia thành viên đã lên tới 193. Đó là một

sự tiến bộ cực kỳ quan trọng trong đời sống chính trị của chung mọi dân tộc

trên thế giới ngày nay vậy.

Cũng nên ghi nhận sự kiện là một số nhân vật từ Á châu đã từng đảm nhiệm

chức vụ Tổng Thư Kí LHQ, như U Thant trước đây và Ban Ki Moon bây giờ.

Đại sứ Kishore Mahbubani từ Singapore cũng đã từng giữ chức vụ Chủ tịch

Hội Đồng Bảo An LHQ.

Đó là chưa kể đến những cuộc hội họp gặp gỡ rất lớn hàng năm của Diễn

Đàn Kinh Tế Thế Giới (WEF = World Economic Forum) và của Diện Đàn

Xã Hội Thế Giới (WSF = World Social Forum) v.v…

C / Trong hầu hết các quốc gia, thì các tổ chức phi chính phủ (NGO = Non-

Governmental Organizations) càng ngày càng phát triển cả về mặt số lượng,

cả về mặt hiệu quả công tác phục vụ xã hội – trong nội bộ mỗi quốc gia, cũng

như trên phạm vi quốc tế. Các NGO này là nòng cốt tạo thành khu vực Xã

hội Dân sự (XHDS = The Civil Society). Vì thế, mà ta có thể nói rằng các

NGO hợp thành XHDS như vậy, thì được coi như các Tác nhân không phải

là Nhà nước (Non-State Actors) với vai trò mỗi ngày càng quan trọng hơn,

nhất là trong lãnh vực bang giao quốc tế.

Có thể nói các NGO đã tạo thành một thứ Quyền Lực Mềm (Soft Power)

mỗi ngày một thêm vững chắc tại nhiều quốc gia ngày nay. Và thông qua các

NGO này, quần chúng nhân dân có thêm nhiều cơ hội thuận tiện dễ dàng – để

cùng tham gia vào công cuộc cải thiện môi trường sinh sống cụ thể trong tầm

tay với của mình. Nói cách khác, đó là một hình thức sống động của một nền

Dân chủ Tham gia vậy (The Participatory Democracy).

Nhiều quốc gia lại còn cấp cho các NGO quy chế “được miễn thuế” (tax-

exempt) – để khuyến khích người dân nào mà cung cấp tiền bạc cho các NGO

đó, thì họ được trừ vào khỏan tiền thuế để khỏi phải nộp cho ngân sách nhà

nước. Nhờ vậy, mà người dân hăng hái tham gia yểm trợ cho các NGO.

Hơn nữa, khu vực Xã hội Dân sự Toàn cầu (The Global Civil Society) mỗi

ngày thêm phát triển và họat động rất phong phú khởi sắc – nhờ được sự hỗ

trợ lớn lao về tài chánh của giới doanh nghiệp, về trí tuệ của giới hàn lâm đại

học, cũng như về tinh thần của các tôn giáo.

D / Riêng về mặt Bảo vệ Nhân quyền, thì càng ngày các tổ chức tranh đấu

nhằm tôn trọng Phẩm giá và Quyền Con Người càng mở rộng phạm vi họat

động khắp nơi. Các tổ chức này đã thực sự đóng được vai trò làm Đối trọng

(Counterbalance) đối với các chánh quyền nhà nước – mà thường có khuynh

hướng lạm quyền hay cấu kết với giới tài phiệt để bóc lột và đàn áp người

dân. Những tổ chức như Amnesty International, Human Rights Watch,

Reporters Sans Frontieres v.v… đã và đang mỗi ngày thêm tích cực trong sứ

mệnh phát huy và bảo vệ Nhân Quyền.

Cũng cần phải ghi thêm rằng : Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền do

Liên Hiệp Quốc công bố vào năm 1948 cùng với hai văn kiện tiếp theo được

thông qua năm 1966 – là Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị và

Công ước Quốc tế về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa – đã tạo thành một

cơ sở pháp lý thật vững chắc trên quy mô toàn cầu cho công cuộc tranh đấu

Nhân quyền ngày nay.

Quả đúng như lời phát biểu rất hùng hồn ở Paris vào năm 1948 của vị Cựu

Đệ Nhất Phu Nhân nước Mỹ là Bà Eleanor Roosevelt : “Bản Tuyên Ngôn

Quốc Tế Nhân Quyền có thể được coi như là một Đại Hiến Chương cho nhân

lọai ngày nay vậy” (Magna Carta for mankind in our modern time).

 

II – Các sắc dân thiểu số không còn bị chèn ép khinh rẻ miệt thị như xưa nữa.

Cái tình trạng “Kẻ mạnh khỏe hà hiếp người yếu thế”, “Kẻ khôn ngoan lợi

dụng gạt gẫm người khù khờ” là chuyện thường xảy ra trong xã hội lòai

người. Đến nỗi mà từ xưa, người La mã đã có câu tục ngữ : “Con người đối

xử với nhau như lang sói” (Homo homini lupus).

Cụ thể như ngay trong nước ta, thì từ lâu vẫn xảy ra tình trạng người sắc tộc

Kinh là đa số chiếm đến 86% dân số toàn quốc lại đi lấn ép giành giật khai

thác đất đai của những sắc dân thiểu số vốn định cư lâu đời ở khu rừng núi tại

vùng cao nguyên. Vì thế mà vào năm 1964, các sắc dân này đã quy tụ với

nhau để lập thành Phong trào Fulro nhằm tranh đấu chống lại sự khai thác bất

công áp bức đó. Fulro là chữ viết tắt bằng tiếng Pháp : Front Uni pour la

Libération des Races Opprimées (= Mặt trận Thống nhất Giải phóng các Dân

tộc bị Áp bức).

 

A / Vẫn còn nhiều vụ tranh chấp vì lý do chủng tộc.

Tuy từ năm 1945 đến nay, không xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới nào, thì

lại có đến hàng trăm những cuộc xung đột vũ trang tại rất nhiều quốc gia và

lãnh thổ trên khắp thế giới. Các nhà nghiên cứu đã hợp nhau làm bảng tổng

kê các cuộc chiến tranh cục bộ địa phương này và đưa ra một con số thống kê

rằng : Tổng số các nạn nhân bị thiệt mạng trong biết bao nhiêu cuộc chiến

tranh dù với quy mô hạn chế như thế đã lên tới con số kinh khủng vượt qua

số nạn nhân của cả hai cuộc thế chiến gộp lại!

Mà phần lớn là bắt nguồn từ những cuộc tranh chấp mâu thuẫn vì lý do chủng

tộc (racial conflict). Đúng như lời phát biểu rất chính xác của vị Giáo sư danh

tiếng ở Pháp là Raymond Aron đã viết từ 50 năm trước là : “Không phải là

chuyện tranh đấu giai cấp, mà là tranh chấp chủng tộc” (Ce n’est pas la lutte

des classes, mais c’est la lutte des races). Điển hình như các cuộc chiến tranh

ở Mindanao Philippines, ở Bosnia, Kosovo thuộc Liên bang Nam Tư cũ hay

cuộc diệt chủng ở Rwanda Phi châu hồi giữa thập niên 1990 gần đây thôi.

 

B / Sự nhập cuộc của Tôn giáo và Đại học.

Trước tình trạng chém giết sát phạt nhau tại nhiều địa phương như thế, mà

gần đây đã có sự hợp tác chặt chẽ giữa các Tôn giáo và các Đại học để góp

phần vào những công việc cụ thể như “ Trung gian Hòa giải”,“Chuyển biến

Tranh chấp” và “Xây dựng Hòa bình”. (Mediation – Conflict Transformation

– Peacebuilding) tại các địa phương đang bị xâu xé tàn phá bởi chiến cuộc.

Điển hình như tại Đại học Eastern Mennonite University (EMU) ở Virginia,

thì có cả một chương trình bậc cao học về môn Chuyển biến Tranh chấp (MA

program in Conflict Transformation) và còn có cả Viện Xây dựng Hòa bình

mùa Hè (SPI = Summer Peacebuilding Institute) quy tụ rất nhiều giới họat

động xã hội từ khắp nơi trên thế giới đến trao đổi học hỏi kinh nghiệm họat

động trong lãnh vực cụ thể như “Hàn gắn chấn thương” do chiến cuộc gây ra

(Trauma healing), “Điều giải tranh chấp’ (Mediation) v.v…

Lại còn có những tổ chức tình nguyện đi đến tận những nơi đang có tranh

chấp để tìm cách hòa giải giữa hai bên đối nghịch nhằm tránh được việc sử

dụng bạo lực – điển hình như các Đoàn Xây dựng Hòa bình Thiên chúa giáo

(CPT = Christian Peacebuilder Teams).

 

C / Một số nhân vật tiêu biểu trong cuộc tranh đấu cho người thiểu số ở Mỹ.

* Tại nước Mỹ, ngay từ thập niên 1950 vị mục sư Martin Luther King đã tận

tình dấn thân nhập cuộc với người da đen để tranh đấu cho Dân quyền (Civil

Rights) của tầng lớp người Mỹ gốc Phi châu vốn từng bị đối xử tàn tệ và bị

kỳ thị khinh rẻ – đặc biệt là tại các tiểu bang ở khu vực miền Nam nước Mỹ.

Mặc dù bị bắt giữ tù đày nhiều lần, Luther King vẫn kiên trì sát cánh với các

chiến hữu trong cuộc tranh đấu cho một ly tưởng cao đẹp của thế hệ con cháu

những người nô lệ xưa kia. Ông được cấp phát Giải thưởng Nobel về Hòa

bình vào năm 1964. Nhưng tiếc thay, vào năm 1968 ông bị một kẻ cuồng tín

sát hại lúc mới ở vào tuổi 39 còn quá trẻ.

Martin Luther King được toàn thế giới kính phục vì chủ trương bất bạo động

mà lại kiên cường tranh đấu cho Dân quyền. Rõ ràng ông đã để lại một hình

ảnh tuyệt vời của người chiến sĩ hy sinh trọn vẹn cho Phẩm giá và Quyền

Con Người tại nước Mỹ vào giữa thế kỷ XX.

* Một nhân vật khác cũng được sự kính trọng và yêu mến của nhân dân nước

Mỹ, đó là Cesar Chavez. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo gốc

Latino, Cesar đã tận tình tranh đấu cho quyền lợi chính đáng của những

người lao động tại các nông trại ở khu vực miền tây nước Mỹ – đặc biệt là ở

tiểu bang California. Ông tham gia lãnh đạo tổ chức United Farm Workers

(UFW =Hiệp hội Thống nhất Công nhân Nông trại) nhằm đòi hỏi giới chủ

nhân nông trại trại phải bảo đảm trả lương sòng phẳng và tạo điều kiện làm

việc thỏai mái cho giới công nhân phần đông thuộc nhóm thiểu số gốc

Latino, đặc biệt là từ nước Mexico sát liền với Hoa Kỳ (mà thường được gọi

là Chicanos).

Cũng giống như Martin Luther King, Cesar Chavez triệt để theo đuổi chủ

trương bất bạo động của Mahatma Gandhi trong cuộc tranh đấu trường kỳ

của mình. Ông mất tại Arizona vào năm 1993 ở độ tuổi 66.

Thành phố Los Angeles ở California đã vinh danh Martin Luther King và

Cesar Chavez bằng cách đặt tên các ông cho hai đại lộ chính yếu của mình.

 

III – Các nền văn hóa khác biệt càng bổ túc cho nhau để tô điểm cho cuộc

sống con người hiện nay thêm phong phú tươi đẹp viên mãn.

Hồi xưa người Tàu thường coi mình văn minh tiến bộ vượt trội hơn tất cả các

dân tộc khác mà họ gọi chung là “một lũ man di, mọi rợ”với một giọng điệu

miệt thị kẻ cả. Sau này, từ thế kỷ XIX trở đi, thì người Tây phương cũng tự

gán cho mình cái sứ mệnh đi mở mang khai hóa giúp đỡ các dân tộc khác

(mission civilisatrice) ở Phi châu, Á châu và châu Mỹ Latinh – chủ ý để biện

minh cho hành động đi xâm chiếm các thuộc địa của họ.

Ngày nay ở vào thế kỷ XXI, cái não trạng hủ lậu cực đoan quá khích đó đã bị

xóa tan lọai bỏ hết rồi. Và giữa các dân tộc trên thế giới đã có sự thông cảm,

liên đới và quý trọng lẫn nhau một cách chân thành sâu sắc hơn. Quá trình

nhận thức và chia sẻ tình cảm thân ái như thế rõ ràng là một sự tiến bộ đi lên

của xã hội loài người chúng ta. Chiều hướng tích cực đó là điều không một ai

mà lại có thể làm đảo ngược lại được nữa vậy (an irreversible processus).

 

A / Sản phẩm đa văn hoá.

 Thế hệ chúng tôi là những người được sinh ra vào khỏang 10 – 15 năm trước

khi thế chiến thứ hai chấm dứt vào năm 1945. Từ trong gia đình, cũng như từ

học đường, chúng tôi được hướng dẫn chu đáo về nhiều mặt, đặc biệt về luân

lý đức dục. Cụ thể như được học những câu “tiên học lễ, hậu học văn”, “ăn

quả nhớ kẻ trồng cây”, “ nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước

phải thương nhau cùng” v.v… Những bài đọc trong cuốn “Luân lý giáo khoa

thư” quả thật đã in đậm nét trong tâm khảm của lớp thiếu niên chúng tôi –

cùng với vô vàn vô số những câu ca dao tục ngữ là đúc kết từ những kinh

nghiệm quý báu của cha ông chúng ta qua bao nhiêu thế hệ của những bậc

tiền bối đáng kính đáng trọng.

Rồi lên bậc Trung học, chúng tôi được tiếp cận với văn hóa của Pháp với tất

cả những tinh hoa của nền khoa học kỹ thuật hiện đại và của nền học thuật tư

tưởng tích lũy từ thời đại Hy lạp & La mã cả mấy ngàn năm trước.

Và khi theo lên bậc Đại học vào thập niên 1950 – 60, chúng tôi lại được tiếp

thu thêm những tiến bộ trong văn hóa của Mỹ đang ở vào giai đọan phát triển

rực rỡ – đặc biệt là cái phong cách cởi mở thông thóang và năng động trong

các hình thái sinh họat xã hội thường ngày.

Nói vắn tắt lại, thế hệ chúng tôi là những người thật may mắn vì được đào tạo

và thấm nhuần bởi cả ba nền văn hóa : văn hóa truyền thống dân tộc – văn

hóa nhân bản của Pháp – văn hóa thực dụng của Mỹ. Có thể nói vắn tắt được

rằng : Chúng tôi đích thực là một thứ “sản phẩm đa văn hóa” vào cuối thế kỷ

XX bước qua thế kỷ XXI vậy (a multicultural product)

 

B / Thế hệ lớp cháu được sinh ra tại các nước Âu Mỹ.

 Thế hệ thứ ba là lớp cháu của chúng tôi, thì hầu hết là được sinh ra tại các

nước Âu Mỹ. Nhờ vậy mà các cháu được tiếp nhận một nền giáo dục thật tiến

bộ về khoa học kỹ thuật cũng như về khoa học nhân văn. Rõ ràng là các cháu

đã có đủ điều kiện thuận lợi để mà có thể hội nhập êm thắm vào với dòng

chính của xã hội sở tại hầu kiến tạo được cho mình một nếp sống văn minh

an hòa thư thái trong thế giới hiện đại.

Chỉ có một điều chúng tôi phải quan tâm lo ngại. Đó là các cháu dễ mắc phải

cái khuyết tật gọi là “mất gốc” (uprooted) – bởi lý do là ít hiểu biết về nguồn

cội văn hóa tinh thần của cha ông mình và cũng ít quan tâm đến những vấn

đề liên hệ đến tương lai đất nước Việt nam nữa. Đó là “cái mặt trái của tấm

huy chương” – được về mặt này, thì lại mất về mặt khác vậy.

Cái thách đố này đòi hỏi chúng ta phải luôn cảnh giác để cùng với nhau tìm

ra được một giải pháp thỏa đáng cho sự khiếm khuyết bế tắc đó.

 

IV – Để tóm lược lại.

 Bài viết đến đây kể đã khá dài rồi, tôi xin được tóm lược lại trong mấy điểm

ngắn gọn như sau :

1 – Nhìn một cách tổng quát, thế giới hiện nay ở thế kỷ XXI đang có một

triển vọng tương đối tươi sáng tốt đẹp hơn – với sự thông cảm và bao dung

hòa ái giữa các dân tộc, sự hợp tác chân thành trong công cuộc xây dựng nền

hoà bình ổn định, cũng như trong cố gắng tích cực phát triển sự thịnh vượng

kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Đó là điều khiến chúng ta lạc quan với chính

bản thân mình và cũng an tâm cho tương lai của thế hệ con cháu mình.

2 – Ý thức về Phẩm giá và Quyền Con Người mỗi ngày được nâng cao và

phổ biến rộng rãi hơn mãi – khiến cho thế hệ trẻ nô nức hăng say nhiệt tình

trong sự dấn thân nhập cuộc tranh đấu nhằm thực hiện công bằng xã hội và

kiến tạo một không gian xã hội thông thóang tự do thỏai mái hơn nữa. Nhờ

vậy mà cuộc sống luôn có được một ý nghĩa cao đẹp hơn, một động cơ hấp

dẫn lôi cuốn hơn.

3 – Nhờ có nhiều cơ hội thường xuyên tiếp cận và sát cánh với nhau trong

những việc làm cụ thể, thiết thực – mà những hàng rào ngăn cách, những

thành kiến ngộ nhận, những ác cảm miệt thị xưa kia trong xã hội đã bị xóa bỏ

lọai bớt đi rất nhiều. Rõ ràng là thời đại hiện nay của chúng ta đang có những

điều kiện thuận lợi nhất để có thể xây dựng và duy trì được một nếp sống

thắm đượm tinh thần nhân bản đích thực và lòng nhân ái bao la viên mãn cho

tất cả mọi người hiện có mặt trên hành tinh trái đất này.

Đích thực đó là một thành quả kỳ diệu kết tụ tích lũy được từ bao nhiêu nỗ

lực kiên trì của nhiều thế hệ con người.

Và đây cũng là bước đầu của quá trình thực hiện được cái điều lý tưởng mà

cha ông chúng ta đã bao đời từng mơ ước vậy./

 

Costa Mesa California, Tháng 11 Năm 2014

Đoàn Thanh Liêm

Mạn đàm về Đại học Việt Nam

Mạn đàm về Đại học Việt Nam

    Đoàn Thanh Liêm & Phạm Xuân Yêm

Bài này viết ra như một tiếp nối so với những gì mà GS Hoàng Tụy đã từ lâu nhận xét, đặc biệt câu sau đây trích trong Kỷ Yếu Sĩ phu Thời nay [1]: Thật ra, giáo dục và khoa học của ta không chỉ tụt hậu mà đi lạc ra ngoài con đường chung của thế giới, hết sức ‘không giống ai’ và đó là nguồn gốc của mọi vấp váp, khó khăn khi hội nhập nếu không kịp chấn chỉnh.”

1- Triết học không phải là một giáo điều

Đại cương, sinh viên ngành triết học được hướng dẫn về phương pháp suy luận và cách thức đặt vấn đề nhằm tìm hiểu sự thật trong cuộc sống nội tâm, cũng như khám phá ra những quy luật vận hành của xã hội, của vũ trụ nhân sinh. Triết học cũng trình bày cho sinh viên hiểu biết được lịch sử phát triển về tư duy và nhận thức của con người, nhờ vào những tìm kiếm nhẫn nại không ngừng của các triết gia tại Đông cũng như Tây phương, liên tục từ biết bao năm trường. Nói chung, môn triết học cung cấp cho chúng ta một chân trời luôn mãi mở rộng, một viễn tượng toàn cầu, một tầm nhìn thật là bao quát và thông thoáng. Đó là kim chỉ nam, tấm bản đồ giúp cho con người hướng thượng để đi tới mãi trong cuộc hành trình lâu dài của mỗi cá nhân, cũng như của toàn thể cộng đồng nhân lọai, mà không sợ bị lạc lối trong cái mê hồn trận của cuộc sống mỗi ngày một thêm phức tạp xáo động trong xã hội ngày nay.

Cũng như môn khoa học tự nhiên, triết học là cả một kho tàng kiến thức vô cùng phong phú và quý báu mà nhân lọai đã tích lũy được, trải qua bao nhiêu thế hệ tìm kiếm, phân tích và đãi lọc thành những sản phẩm tinh hoa của trí tuệ con người, không phân biệt sắc tộc, màu da hay khuynh hướng chính trị, học thuật và tôn giáo nào. Và như vậy, việc giảng dậy môn triết học không bao giờ chỉ tập trung, đóng khung chật hẹp vào một triết thuyết độc tôn duy nhất nào, mà trái lại cần phải giới thiệu cho các sinh viên tìm hiểu được nhiều trường phái triết học, các lý thuyết cổ xưa cũng như hiện đại của các nhà tư tưởng kiệt xuất của nhân lọai từ Đông sang Tây, Bắc xuống Nam.

Xin trích dẫn mấy dòng ngắn ngọn sau đây về sự tương đồng cũng như khác biệt giữa khoa học và triết học [2]:

Triết học nghiêm túc giống khoa học đích thực ở hai điểm:

1- đều dựa vào một số nguyên lý. Những nguyên lý này, ta chỉ có thể tán thành hay không, không chứng minh tuyệt đối, vĩnh viễn được. Do đó phát triển khoa học hay triết học đều đòi hỏi ý thức tự do và sáng tạo.

2- trên cơ sở đó, đòi hỏi một kiểu suy luận khắt khe, chặt chẽ, nhất quán xuyên qua những bộ ngôn từ tương xứng. Thiếu ngôn ngữ khoa học, không thể tiếp thu và phát triển tư duy khoa học. Thiếu ngôn ngữ triết học “cho ra hồn”, không thể tiếp thu và phát triển tư duy triết.

Triết học và khoa học khác nhau ở hai điểm :

1 – Giá trị của lý thuyết khoa học được xác định bằng thử nghiệm : ứng dụng nó thì hành động đạt được kết quả đã dự đoán. Lý thuyết khoa học đúng hay sai là phải do thực nghiệm kiểm chứng được hay không.

2 -Giá trị của triết thuyết được xác định qua nghiệm sinh của con người ở đời. Có thể bỏ mạng mà vẫn đáng sống.

Cả hai đều cần thiết để làm người. Nếu chua thêm được tí ti văn nghệ trong cuộc sống thực thì tuyệt.

Vậy mà từ lâu rồi, theo Trần Đức Thảo : “ở Việt nam không có triết học, mà chỉ có chính trị”, nền giáo dục Việt Nam lại đặt nội dung giáo dục ý thức hệ Marx-Lenin làm trọng tâm. Trẻ vào mẫu giáo đã nghe những bài hát chính trị. Người soạn sách giáo khoa nhiều khi cũng cố lồng chính trị vào, coi đó là một thành tích [3]. Việc giảng dậy môn triết học Marx Lenin tại các trường ở Việt nam từ mấy chục năm nay là một hạn chế khiên cưỡng, sinh viên phải học tập duy nhất có một học thuyết mà không được tiếp cận trên cùng một bình diện cả một vườn hoa tư tưởng muôn màu muôn sắc của nhân lọai. Rõ ràng là triết học do Karl Marx khởi xướng từ trên 150 năm nay và sau đó bổ xung bởi Lenin đã và tiếp tục là một đóng góp đáng kể cho nhân lọai, tuy nhiên nó không phải là một đường lối tư tưởng duy nhất, tuyệt đối và vĩnh viễn. Như vậy, thì lại càng không thể đem học thuyết này mà áp đặt trên quần chúng học sinh, sinh viên, buộc thế hệ thanh niên phải chấp nhận nó như một giáo điều chính thức của quốc gia. Sự áp đặt như vậy nào có khác chi việc thiết lập một thứ quốc giáo độc quyền, độc tôn trên toàn thể dân tộc?

Qua sự trình bày trên, thiết nghĩ ta cần phải dứt khoát thay đổi lề lối và nội dung của việc giảng dậy môn triết học hiện nay. Cụ thể trong thời buổi hội nhập này là nên áp dụng các phương thức phổ quát trên thế giới, đó là hướng dẫn cho sinh viên nâng cao tầm nhận thức và trình độ hiểu biết rộng rãi, thấu đáo hơn mãi về lịch trình tiến triển của tư duy loài người từ xưa đến nay, thông qua những tìm kiếm vô cùng phong phú và kiên trì của biết bao lớp nhà tư tưởng ưu tú vĩ đại của nhân lọai. Chứ không phải chỉ đóng khung hạn hẹp trong bất kỳ một học thuyết duy nhất nào. Khác nào xưa kia thời quân chủ phong kiến hàng ngàn năm bên Đông Á, học thuyết cửa Khổng sân Trình đã thống trị tư duy thần dân. Cũng như Cơ đốc giáo với giả thuyết điạ tâm sai lầm bên Âu châu đã đưa Giordano Bruno lên dàn hỏa thiêu (1600) và Galileo Galilei (1633) phải quỳ gối tự chối bỏ tác phẩm nền tảng của Khoa học hiện đại như Vật lý, Cơ học, Thiên văn. Điển hình gần đây hơn là thời Stalin đã dùng quyền lực chính trị để áp đặt lý thuyết về di truyền của Lysenko, gây tai hại trầm trọng cho nền khoa học của Liên Xô vào giữa thế kỷ XX vậy. Cũng vậy giáo điều quốc xã thời phát xít Đức đã đẩy lùi nền khoa học Âu châu trong bao năm.

Chúng ta hãy lắng nghe ý kiến sau đây [4]:

Tôi đề nghị chúng ta vẫn giữ học thuyết Marx – Lenin, nhưng chúng ta không chỉ biết và vận dụng duy nhất học thuyết Marx-Lenin, mà cần phải biết và vận dụng những học thuyết tinh hoa của nhân loại như chúng ta bắt đầu làm từ khi đổi mới. Từ đó Đảng ta mới phát huy được dân chủ, tự do trong Đảng, trong nhà nước và trong xã hội ta. Vì chỉ có dân chủ tự do mới có thể có điều kiện thật sự cho sự phát triển vững mạnh, mới có sức mạnh vô địch để vượt qua mọi khó khăn thử thách, bảo vệ được thành quả của Cách mạng và không ngừng đưa Cách mạng Việt Nam tiến lên phía trước cùng với bạn bè năm châu bốn biển ”.

Các nước tư bản họ cũng làm như vậy. Họ vẫn nghiên cứu và giảng dạy chủ nghĩa Mác-Lênin ở các trường đại học. “ Giữ học thuyết Marx – Lenin ” không phải để tôn sùng và mù quáng vâng theo mà có chăng chỉ để gạn đục khơi trong, để ôn cũ biết mới .

Điểm son của triết lý giáo dục tiến bộ trên thế giới là sự bao dung, tôn trọng và bàn cãi tự do những tư tưởng, văn hóa, chính kiến, tín ngưỡng khác nhau, chúng bổ túc cho nhau. Tư duy độc lập, phê phán, phản biện, tự vấn không ngừng là những yếu tố quyết định của một nền giáo dục tiến bộ và phổ quát. Không thể áp đặt một hệ tư tưởng bất luận nào đó – cho dù ưu việt đến mấy trong một thời – lên sự nghiệp giáo dục đào tạo con người. Nó chỉ kìm hãm tư duy sáng tạo. Triết lý giáo dục công lập ở Pháp dựa trên hai nền tảng : nhà trường thế tục và cộng hòa. Nhà nước tôn trọng và trung lập đối với mọi tín ngưỡng, chính kiến, tư tưởng, nhân sinh quan, triết học. Nhà trường là nơi hòa trộn mọi thành phần, không phân biệt nguồn gốc, chủng tộc, giai cấp xã hội của học sinh.

2- Nhân sự giảng dạy và nghiên cứu

Đại học, nơi tụ hội những tinh hoa của xã hội, mặc nhiên có vai trò làm gương mẫu cho mọi sinh hoạt. Nó phải là một môi trường lành mạnh, đạo đức để phục hồi và củng cố niềm tin của tuổi trẻ. Sự nghiệp của đại học là khai sáng tư duy, là đào tạo chất lượng cao về tri thức tổng quan và chuyên ngành. Những tiêu cực như giả dối, nạn dỏm trong nhân sự phải tuyệt đối vắng mặt, thày ra thày, trò ra trò. Đó là điều kiện tiên quyết của nền giáo dục nói chung mà đại học đi tiên phong. Người sinh viên phải được hưởng quyền nổi loạn trong học thuật. Họ có quyền tụ tập để tranh luận học thuật dưới mọi hình thức và về bất cứ chủ đề nào [5].

Đội ngũ nhân sự giảng dạy đại học cần phải có trình độ tiến sĩ theo tiêu chuẩn quốc tế, số lượng tiến sĩ đủ tiêu chuẩn này hiện nay quá nhỏ so với số sinh viên, hiện tượng thạc sĩ dạy cử nhân cần phải giảm đi đến mực tối thiểu. Chuyển giao tri thức chuyên môn cho sinh viên chỉ là một trong hai nhiệm vụ chính của giảng viên đại học, điều quan trọng không kém là nghiên cứu khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế để cập nhật thường xuyên tri thức chuyên môn, đào sâu tăng trưởng kiến thức và tìm tòi sáng tạo. Tiến sĩ chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ để thành giảng viên đại học, chức vụ này đòi hỏi một thời gian ‘sau tiến sĩ ‘(postdoc) khá gian nan để đạt tới sự độc lập chín chắn trong quá trình giảng dạy và khám phá, mở rộng trao đổi với các môi trường khác nhau để sàng lọc, đua tranh lành mạnh nhưng gay gắt. Tiêu chuẩn quốc tế được hiểu theo nghĩa sau đây:

(a) công trình khảo cứu khoa học đăng trên các tạp chí đẳng cấp quốc tế (hầu hết bằng tiếng Anh mà ISI thu thập). Trong hàng chục ngàn tạp chí của ISI, có nhiều cái cũng chỉ vừa phải về chất lượng, vậy có lẽ nên linh động hơn, đừng thái quá về vai trò quyết định của ISI. Trong mỗi ngành chuyên môn, ai cũng rõ cấp bậc nọ kia (xếp loại theo impact factor cao là một thí dụ) của các tạp chí để tự mình chọn mặt gửi vàng đến các tạp chí với hệ thống bình duyệt và phản biện nghiêm túc. Mỗi ngành nghề chuyên hẹp chỉ có chừng vài chục tạp chí đủ chất lượng cao mà ta cần tập trung vào đó.  (b) số lần trích dẫn (hay/và H index) các công trình khoa học bởi đồng nghiệp khắp thế giới, (c) sách giáo trình cao học phát hành bởi các nhà xuất bản uy tín (d) báo cáo trong hội nghị quốc tế và sự giao lưu thường xuyên với các cơ quan giảng dạy-nghiên cứu trên thế giới, (e) sự nghiệp đào tạo các nghiên cứu sinh và tiến sĩ, (f) đối với các ngành khoa học ứng dụng, văn bằng sáng chế và cộng tác với các công ty kỹ nghệ mang lợi nhuận cho cơ quan.

Ðó là ít nhiều hành trang thông thường của nhân viên giảng dạy-nghiên cứu của một đại học chuẩn mực quốc tế mà nền đại học cần đạt tới. Qua các tiêu chí  (a) – (f), ta thấy rõ sự liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và giảng dạy, sự thăng chức thăng ngạch trong mỗi hàm nên tùy thuộc chủ yếu vào các công trình nghiên cứu khoa học. Cũng như ở nhiều nước phát triển cao, tổng số giờ giảng dạy trong một năm của giáo sư đại học ở Pháp chỉ có khoảng 130 giờ để thấy rõ tầm quan trọng mà họ phải bỏ hết thời gian còn lại làm nghiên cứu. Vì thế họ mang tên gọi là nhân viên giảng dạy-nghiên cứu (enseignant-chercheur).

Chương trình dài hạn đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế (bằng cách tuyển chọn sinh viên tài năng gửi đi soạn cao học, tiến sĩ và hậu tiến sĩ ở các nước khoa học tiền tiến) một đội ngũ mới giảng viên đại học để tiếp nối dần thế hệ trước, phải là ưu tiên hàng đầu của nền đại học. Đội ngũ nhân viên giảng dạy cần được coi là trọng tâm của mọi sinh hoạt trong đại học, ban quản lý chỉ có nhiệm vụ duy nhất là hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi sao cho được tối ưu hai sự nghiệp chính của giảng viên là chuyển giao tri thức và nghiên cứu khám phá. Ngoài ra vai trò quan trọng của hai môn Lịch sử Đảng và Triết học Mác- Lê khoảng 15% trong học trình của các ngành khoa học tự nhiên là điều hoàn toàn khác lạ với tiêu chuẩn quốc tế. Nên coi môn trước nằm trong kiến thức chung của triết học nhân loại và môn sau trong lịch sử  thăng trầm quốc gia. Trong hồ sơ các sinh viên trong nước sang ghi tên du học về ngành khoa học tự nhiên, hai môn kể trên có hệ số tính điểm khá cao chẳng thua các hệ số về toán, lý, hoá, sinh, ngoại ngữ. Ở các nước phát triển, không đâu có hai môn bắt buộc này trong học trình của các ngành khoa học tự nhiên. Nhiều bạn bè trên thế giới đã mất công sức giải bầy với đồng nghiệp và bộ máy hành chính của đại học mình khi họ xét hồ sơ tuyển chọn sinh viên Việt Nam sang du học. Ðể so sánh công bằng với sinh viên các nước khác trong việc tuyển chọn vào đại học, hai môn ‘không khoa học tự nhiên’ này bị loại bỏ tự động, làm lãng phí thời gian tiền của.

Rồi chuyện học hàm học vị nhiêu khê của hệ thống giáo dục hiện nay; nhiều người có học vấn thật bị đứng vào chỗ văn hoá giả tạo, và ngược lại. Chức giáo sư, phó giáo sư đại học cần phải hiểu theo những tiêu chuẩn phổ quát quốc tế, đó chỉ là chức vụ để giảng dạy-nghiên cứu với trách nhiệm cụ thể trong các đại học, chứ không phải là phẩm hàm quí tộc hình thức để quản lý hay hoạt động ngoài môi trường đại học. Nguyên tắc để xác nhận hai khả năng giảng dạy-nghiên cứu nói trên cần giản dị, minh bạch, không gây khó khăn bởi những thủ tục hành chính xa lạ với chất lượng nghiêm túc.

Ngoài vấn đề đội ngũ giảng dạy ra, quy chế tự chủ và tự do trong môi trường học thuật, chính sách đãi ngộ và đồng lương tương xứng, hướng nghiên cứu và phương pháp đào tạo, mở rộng cộng tác (theo hợp đồng dài ngắn hạn) với các cơ quan và chuyên gia nước ngoài là những điều vô cùng quan trọng cần thực hiện để đảm bảo cho sự thành công của đại học chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế. Sự liên kết mật thiết giữa Đại học và viện Khoa Học & Công Nghệ (VAST) nên phát huy tận lực, cơ chế hành chính của hai cơ quan cần điều hòa ra sao để hai bên cùng có lợi trong sự nghiệp nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Đó là điều mà các nước khoa học tiền tiến đã từ lâu thực hiện.

Tăng cường và xây dựng nhanh chóng cơ sở vật chất, phòng làm việc thường trực của nhân viên giảng dạy-nghiên cứu, thư viện phong phú với sách giáo trình và tạp chí khoa học quốc tế, máy tính và truy cập internet, cư xá cho sinh viên thuê giá rẻ, học bổng trợ cấp sinh viên chăm chỉ tài năng mà gia cảnh thiếu thốn.

Với hàng ngàn vạn tuổi trẻ trong và ngoài nước đang thành công tốt đẹp trong nhiều lãnh vực trên trường quốc tế, chúng ta tin tưởng rằng khi có môi trường thuận lợi, con người Việt còn có thể vươn cao hơn nữa. Thí dụ tượng trưng, trong các cựu sinh viên sang du học ở Pháp khoảng hơn mươi năm nay gần đây, một số đã trở thành giảng sư các Đại học hay nghiên cứu viên của Trung tâm Quốc gia Khảo cứu Khoa học (CNRS). Ðó là tiềm năng chất xám quý báu của dân tộc ta, chất xám ấy lại mang thêm một đặc điểm nữa mà hiếm các quốc gia khác có được, đó là sự phong phú đa dạng của các thành phần đến từ nhiều chân trời văn hóa khác nhau nhưng bổ túc cho nhau, từ Ðông qua Tây Âu, từ Bắc đến Nam Mỹ, Đông Bắc đến Tây Nam Á, Úc, được thử thách chọn lọc theo tiêu chuẩn quốc tế. Lại thêm biết bao tài năng, đặc biệt với thế hệ thứ hai, nằm trong cộng đồng ba triệu người Việt ở nước ngoài sinh hoạt trên khắp năm châu.

Thực ra vấn đề xuất cảng rồi sớm muộn trở thành giao lưu chất xám đã xảy ra từ lâu rồi ở các nước lân cận Việt Nam. Do lòng gắn bó với cội nguồn, môi trường hoạt động thoải mái thoáng đãng và chính sách đãi ngộ thích ứng ở các nước đó, phần đông các nhân tài đã trở về cố hương đóng góp cho sự phát triển kỳ diệu của nước họ, trong đó các đại học và viện công nghệ mang tầm quốc tế giữ vai trò không nhỏ.

Người viết tâm tình với lòng thành là nền đại học Việt Nam không thể không đạt tới chuẩn quốc tế, vấn đề chỉ là thời gian khoảng mươi năm. Nó đến sớm hay muộn là ở trong tay chúng ta từ chính quyền đến người dân hữu trách, và lời chúc đầu năm là chúng ta sẽ thành công nhanh hơn và trội hơn ước tính.

Tham khảo

[1] Kỷ Yếu Sĩ phu Thời nay, nxb Tri Thức (2008) Hà Nội, trang 161

[2] Phan Huy Đường, Tạp chí Tia Sáng (2010),

http://amvc.free.fr/PHD/LangThangChuNghia/TrietHoc-KhoaHoc.htm

[3 ] Trong cuốn giáo trình “Nhiệt động lực học và Vật lý thống kê, nxb Đại học Quốc gia Hà Nội (1996), ngay ở trang 11, tác giả, một nhà vật lý, viết: Như Lenin đã chỉ rõ “ Khái niệm nhân quả của con người …”, điều chẳng liên đới chút nào đến toàn bộ nội dung cuốn sách.

[4] Nguyễn Văn An, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên trưởng Ban Tổ chức TƯ Đảng, nguyên Chủ tịch Quốc hội qua những trả lời phỏng vấn “ Tuần Việt Nam ” ngày 12 tháng 12 năm 2010.

[5] Phạm Anh Tuấn, hội thảo “Sự xuống cấp văn hóa và đạo đức trong xã hội ngày nay” do Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh tổ chức ngày 27.11.2010 tại Hà Nội.

http://boxitvn.wordpress.com/2010/11/30/khi-tm-h%E1%BB%93n-con-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-b%E1%BB%8B-t%C6%B0%E1%BB%9Bc-do%E1%BA%A1t/

Đoàn Hòa bình Mỹ đã bước vào tuổi 50 (The US Peace Corpsat its 50 th)

Đoàn Hòa bình Mỹ đã bước vào tuổi 50 (The US Peace Corpsat its 50 th)

Anniversary 1961 – 2011)

 Bài viết của Đoàn Thanh Liêm

Được thiết lập vào năm 1961, ngay trong những ngày đầu của

nhiệm kỳ Tổng thống John F Kennedy, đến năm 2011 này Đòan

Hòa bình đang hân hoan tổ chức kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50,

thông qua rất nhiều chương trình sinh họat trong các lãnh vực

chính trị, xã hội và văn hóa nghệ thuật. Tính ra, trong vòng 50 năm

qua, đã có tổng cộng trên 200,000 thanh niên sinh viên Mỹ tự

nguyện tham gia phục vụ trong khuôn khổ họat động của Đòan

Hòa bình tại 139 quốc gia trên khắp thế giới.

Qua nửa thế kỷ với biết bao đổi thay, mà Peace Corps vẫn trung

thành với ý hướng căn bản đã được xác định ngay từ thuở ban đầu,

đó là góp phần xây dựng hòa bình và tình thân hữu trên thế giới,

thông qua 3 mục tiêu đơn giản, mà cũng thật lớn lao như sau:

1/ Giúp nhân dân các quốc gia liên hệ trong việc đào tạo chuyên

môn;

2/ Giúp nhân dân các nước hiểu rõ hơn về dân tộc Mỹ; và

3/ Giúp người dân Mỹ hiểu biết rõ hơn về các dân tộc khác.

Năm 2011, Peace Corps cũng đặc biệt tưởng nhớ đến công lao vĩ

đại của vị Giám đốc tiên khởi của mình, đó là Luật sư Sargent

Shriver, người em rể của Tổng thống Kennedy và là thân phụ của

Maria Shriver cựu Đệ nhất Phu nhân của California. Ông vừa qua

đời vào tháng Giêng 2011 ở tuổi thọ 95.

Nhằm cung ứng đến quý bạn đọc những chi tiết đáng ghi nhớ của

Peace Corps, người viết đã tham khảo nhiều thông tin trên Internet

và đặc biệt là tìm đọc trong cuốn sách mới nhất do nhà xuất bản

Beacon Press phát hành vào đầu năm 2011 của tác giả Stanley

Meisler, dưới nhan đề

When The World Calls – The Inside Story of The Peace Corps

And Its First Fifty Years. (Khi Thế giới Kêu gọi – Câu chuyện

bên trong của Đòan Hòa bình và Năm mươi Năm Đầu tiên của

Đoàn). Cuốn sách dài 272 trang, bìa cứng.

I – Sự nô nức hăng say phấn khởi của thanh niên Mỹ.

Thanh niên Mỹ đã thật sự sôi nổi nô nức trước lời kêu gọi hùng

hồn của Tổng thống Kennedy trong bài diễn văn nhậm chức vào

tháng Giêng năm 1961, lời kêu gọi bất hủ đó như sau : “Các bạn

đừng hỏi quốc gia có thể làm gì cho bạn, mà hãy hỏi bạn có thể

làm gì cho quốc gia của bạn” (Ask not what your country can do

for you, ask what you can do for your country). Và họ đã đua nhau

tự nguyện gia nhập Đoàn Hòa bình để đi đến phục vụ tại các quốc

gia xa lạ ở Phi châu, Á châu,châu Mỹ Latinh… Họ phải học nói

được ngôn ngữ của nước sở tại và nhất là phải sống trong những

điều kiện cực kỳ thiếu thốn khắc nghiệt của người dân địa phương.

Nhưng với tính tình hồn nhiên cởi mở của tuổi trẻ, với tấm lòng

hăng say nhiệt thành theo đuổi lý tưởng phục vụ nhân quần xã hội,

phần đông những thanh niên Mỹ này đã lần hồi vượt qua được mọi

thử thách, và tạo được sự thông cảm quý mến của các dân tộc nơi

họ sinh sống qua sự tự nhiên chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân

cũng như kiến thức và kỹ năng chuyên môn.

Khởi đầu với con số 3,000 đòan viên, Peace Corps từ năm 1964 trở

đi mỗi năm đã có đến trên 10,000 thiện nguyện viên, và con số

mấy năm gần đây từ 2003 đến 2009 trung bình ở vào khỏang gần

8,000 đòan viên.

II – Một số trường hợp điển hình ngộ nghĩnh tại miền đất xa xôi.

1/ Ông “Tổng thống Peace Corps”. Năm 1964, cô Nancy Deeds

được một gia đình người xứ Peru, Nam Mỹ cho ở chung trong nhà

tại làng đánh cá Chimbote phía bờ biển Thái bình dương. Cậu bé

Alejandro Toledo con trai chủ nhà có dịp học thêm tiếng Anh bằng

cách dậy tiếng Tây ban nha cho Nancy. Ít năm sau, cậu được qua

Mỹ học và được Nancy giúp đỡ hướng dẫn lúc học ở San

Francisco. Và với sự cố gắng phi thường cậu đã thành công với

bằng cao học và tiến sĩ về môn kinh tế học. Toledo đã lần lượt làm

việc cho Liên hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới, Đại học Harvard,

Đại học Waseda ở Nhật và làm cố vấn kinh tế cho chính phủ nước

Peru… Vào năm 2000, ông còn được bầu vào chức vụ Tổng thống

của nước Peru nữa. Trong dịp gặp gỡ với giới lãnh đạo Peace

Corps tại Washington, Tổng thống Toledo đã xác nhận: “Một mảng

lớn con đường tôi trải qua – từ việc học tập và đi ra khỏi cái làng

tồi tàn Chimbote – thì Peace Corps đều có liên hệ với những

chuyện đó… Quý vị đều có trách nhiệm cho cái ông Tổng thống

này!”

2/ Những y tá người Mỹ của Peace Corps tại Afghanistan đã hết

sức tận tâm săn sóc bênh nhân địa phương, đến nỗi đã tạo được sự

chuyển biến rõ rệt trong lề lối phục vụ của các y tá bản xứ, vốn

xưa nay ít bị xúc động trước nỗi đau đớn bất hạnh quá dồn dập

trong đời sống thường ngày của đồng bào mình.

Alice O’Grady là một trong nhóm Peace Corps đầu tiên đến dậy

học ở xứ Ghana Phi châu từ năm 1961. Năm 1968 cô trở lại dậy

môn khoa học tại đây trong 4 năm. Năm 2008 Alice trở lại thăm

Ghana, thì được các học viên cũ – nay đã là những bác sĩ, kỹ sư rất

thành đạt – họ góp tiền lập một quỹ học bổng lấy tên cô giáo

“Alice O’Grady” để giúp cho thế hệ đàn em có cơ hội học tập tốt

hơn, và họ còn gửi vé may bay mời cô qua tham dự lễ trao học

bổng cho sinh viên đầu tiên được trúng giải. Trong buổi lễ trao học

bổng này, các cựu học viên đã hết lòng ca tụng “sự tận tâm, kỷ luật

và hăng say của cô giáo O’Grady là người đã nhóm lên ngọn lửa

say mê kiến thức khoa học cho lớp môn sinh của cô trên 40 năm

trước…”

3/ Niên lịch của Nhóm Cựu Thiện Nguyện Viên Peace Corps ở

Madison, Wisconsin.

Sau khi hết thời hạn phục vụ ở ngọai quốc, các thiện nguyện viên

trở về Mỹ thường tụ họp lại với nhau thành từng Nhóm Ái hữu, để

ôn lại những kỷ niệm và còn tìm cách phát triển và củng cố những

mối liên hệ thân thiết với các bạn từ những khu vực mà họ làm

việc, thông qua vô số những dự án nho nhỏ về giáo dục, về cải tiến

dân sinh tại các địa phương. Các nhóm Ái hữu này gia nhập tổ

chức National Peace Corps Association mà hiện nay có đến khoảng

30,000 thành viên (Hiệp hội quốc gia Peace Corps).

Riêng Nhóm Cựu Thiện nguyện viên ở thành phố Wisconsin lại có

một sáng kiến độc đáo là kêu gọi các bạn trên tòan quốc gửi hình

ảnh sinh họat tại các quốc gia để nhóm thực hiện cuốn lịch mỗi

năm và đem bán để gây quỹ giúp một số công trình tại các địa

phương. Trong loại niên lịch này, có nhiều chi tiết đáng chú ý, điển

hình như January 6 là Maroon Day ở Jamaica, April 27 là Lễ Độc

lập xứ Togo, July 13 là Jagannah Festival ở Ấn độ, và November 9

là Sinh nhật của Sargent Shriver. Kể từ năm 1988 đến nay, số thu

nhập từ việc bán các niên lịch này đã lên tới tổng cộng gần 1 triệu

US dollar. Và trong năm 2008, số tiền thu nhập được sử dụng để

mua máy quay roneo cho trường Tubman ở Liberia, xây dựng 15

nhà vệ sinh tại Cộng hòa Dominica, giúp đào tạo nữ hộ sinh tại

Moroco, bảo trợ câu lạc bộ chơi cờ ở Bolivia và yểm trợ một phần

cho 65 dự án nhỏ ở các nơi khác.

III – Peace Corps giữa thời kỳ chiến tranh lạnh.

Trong các thập niên 1960, 70 và 80, giữa thời kỳ chiến tranh lạnh

đoàn viên Peace Corps ở nhiều nước thường gặp khó khăn do sự

tuyên truyền chống Mỹ của phe cộng sản. Cụ thể như vào năm

1961, chuyện tấm bưu thiếp của cô Margery Michelmore gốc từ

Boston gửi cho người bạn trai, trong đó cô mô tả về chuyện người

dân Ghana nấu ăn ngòai phố, buôn bán ngòai đường và cả đi vệ

sinh ở ngòai đường nữa. Tấm postcard này không hiểu làm sao lại

rơi vào tay người khác ở Ghana và liền bị sao chụp thành nhiều

bản để tung ra cho giới sinh viên học sinh ở thủ đô Accra. Từ đó

mà đã gây ra cả một chiến dịch rất mãnh liệt tố cáo “đế quốc Mỹ”

với lời hô hào vang dội khắp nơi “Yankees, go home” ( người Mỹ,

hãy cút về nước).

Tuổi trẻ vốn ngây thơ, hồn nhiên, nên các đoàn viên Peace Corps

tuy tự nguyện đi phục vụ tại nước ngoài, nhưng vẫn giữ tinh thần

độc lập, không muốn để cho mình trở thành “công cụ của chính

sách ngọai giao của chính quyền Mỹ”. Vì thế mà có sự đối kháng

căng thẳng trong mối liên hệ giữa Peace Corps và giới lãnh đạo

chính phủ Mỹ ở Tòa Bạch ốc. Điển hình như mấy trường hợp sau

đây:

1/ Phản đối việc quân đội Mỹ xâm chiếm Cộng hòa Dominica.

Năm 1965, nhân cuộc nội chiến tại địa phương, chính quyền

Johnson đã phái quân đội đổ bộ lên đảo quốc Dominica. Một số

đoàn viên Peace Corps đã không chịu di tản theo lệnh của tòa Đại

sứ, ở lại chăm sóc các nạn nhân tại thành phố thủ đô Santo

Domingo, và họ còn tỏ ra có thiện cảm với “phe nổi dậy” mà bị

chính quyền Mỹ đang tìm cách dẹp bỏ. Thái độ ngoan cường bất

tuân mệnh lệnh của các đoàn viên này đã làm Tổng thống Johnson

hết sức giận dữ và rút cuộc đã bắt đầu tìm cách thay thế cả vị Giám

đốc đày uy tín Sargent Shriver nữa. Sự kiện này chứng tỏ Peace

Corps tuy do chính phủ Mỹ lập ra và tài trợ, nhưng tổ chức này vẫn

giữ được vị thế độc lập riêng biệt của mình, chứ không chịu răm

rắp đứng trong khuôn khổ chật hẹp của nền ngọai giao Mỹ. Đây rõ

rệt là một đơn vị thuộc khu vực xã hội Dân sự, chứ không phải là

một cơ sở thuộc chính quyền Nhà nước.

2/ Peace Corps cũng không chịu qua Việt Nam và Lào

Đầu năm 1966, Tổng thống Johnson yêu cầu giới lãnh đạo Peace

Corps phải nghiên cứu việc đưa các đoàn viên sang công tác ở Lào

và Việt Nam. Nhưng sau chuyến đi khảo sát tình hình tại chỗ của

hai nhân viên đặc trách về khu vực Viễn Đông, Peace Corps đã

quyết định không tiến hành chương trình hoạt động tại hai quốc gia

này, bất kể chỉ thị của vị Tổng thống đầy quyền uy lúc đó. Cũng có

thể là vì hồi đó tại Việt nam đã có Đòan Thanh niên Chí nguyện

Quốc tế (IVS = International Voluntary Service) đã từ Mỹ đến họat

động sẵn từ năm 1957 rồi, nên Peace Corps xét thấy nên dành ưu

tiên cho những quốc gia khác chăng.

Đàng khác, nhiều đoàn viên Peace Corps lại còn tham gia tích cực

vào phong trào chống đối cuộc chiến tranh Việt Nam mỗi ngày một

sôi nổi lan rộng khắp nước Mỹ hồi cuối thập niên 1960 nữa. Và vì

sự chống đối này, mà Tổng thống Nixon rất giận dữ đến nỗi muốn

tìm cách dẹp bỏ cả Peace Corps đi. Nhưng vì sau năm 1972, ông

bị rắc rối nặng nề với chuyện Watergate, nên đã không thể làm gì

với ý muốn dẹp bỏ tổ chức này được nữa.

Tại nhiều quốc gia khác ở Phi châu, cũng như ở châu Mỹ Latinh,

các đoàn viên Peace Corps cũng gặp phải những khó khăn tương tự

phát xuất từ thái độ bài Mỹ và nhất là do ảnh hưởng của những

lãnh tụ marxist quá khích như Fidel Castro, Ché Guevara… Nhưng

kể từ khi cuộc chiến tranh lạnh chấm dứt và sau khi Liên Xô giải

thể vào đầu thập niên 1990, Peace Corps đã có thể họat động tương

đối êm thắm thoải mái hơn lúc ban đầu vào thập niên 1960 – 70 rất

nhiều.

Ngân sách của Peace Corps vào năm 2010 vừa được Quốc hội Mỹ

thông qua đã lên tới 400 triệu dollar, nhiều hơn con số 373 triệu mà

Tổng thống Obama đề nghị với Quốc hội. Sự kiện này chứng tỏ

Peace Corps vẫn còn giữ được tín nhiệm lớn lao trong công luận

của nước Mỹ ngày nay vậy.

IV – Nhận định tổng quát về Peace Corps trong nửa thế kỷ qua.

Peace Corps được đánh giá là một thành tựu lâu bền đáng kể nhất

của chính phủ do Tổng thống Kennedy lãnh đạo. Chương trình này

được đa số người dân Mỹ ủng hộ tán thành và đã liên tục phát triển

và hoàn thiện cho đến ngày nay qua thế kỷ XXI.

1/ Giới truyền thông báo chí Mỹ vốn chuyên môn xét nét moi móc

những sai sót của chính quyền và không ngớt chỉ trích các nhân vật

trong giới lãnh đạo xã hội được coi như là những khuôn mặt của

công chúng (public figures). Nhưng nói chung, họ lại có thiện cảm

với việc làm của những thiện nguyện viên trẻ tuổi của Peace Corps

trên khắp thế giới, và họ đã mô tả khá chi tiết về các thành tựu và

ảnh hưởng của Peace Corps tại các quốc gia nơi Peace Corps có

chương trình hoạt động.

2/ Và giới báo chí tại các quốc gia địa phương nói chung cũng đều

đánh giá cao họat động của Peace Corps và đặc biệt là tác phong

cởi mở hòa nhã và hăng say phục vụ của các thiện nguyện viên.

Sự phản ánh dư luận báo chí ở Mỹ cũng như trên thế giới như thế

rõ ràng đã chứng minh được rằng Peace Corps đã đạt được mục

tiêu chính yếu của mình đã đề ra lúc khởi đầu, đó là : “Giúp cho

các dân tộc trên thế giới hiểu rõ hơn về người Mỹ”.

Tại quê quán và các đại học xuất phát của các thiện nguyện viên,

Peace Corps cũng đều nhận được sự yểm trợ và cảm tình rất bền

vững và các báo chí truyền thông địa phương cũng liên tục theo

dõi mọi công việc của thiện nguyện viên vốn là cư dân hay đồng

song với họ. Đó là một sự gắn bó liên kết chặt chẽ trong các cộng

đồng địa phương, nơi bản quán hay nơi trường học thân thương

yêu quý năm xưa (alma mater) của các thiện nguyện viên. Và như

vậy là Peace Corps đã “Giúp người dân Mỹ hiểu biết hơn về thế

giới” như là một mục tiêu đã được đưa ra lúc ban đầu.

3/ Con số đồ sộ của trên 200,000 Cựu Thiện nguyện viên đã là một

lực lượng tinh thần vĩ đại góp phần thật đáng kể trong việc làm

thay đổi nếp suy nghĩ và tình cảm của dân tộc Mỹ trước một thế

giới bao la rộng lớn với tất cả sự phong phú về văn hóa, lịch sử

phong tục, ngôn ngữ và với một tiềm năng vô biên của các quốc

gia đang vươn lên trên trường quốc tế ngày nay ở thế kỷ XXI.

Nhân tiện cũng xin ghi ra một số nhân vật nổi bật xuất thân từ

hàng ngũ của các Thiện nguyện viên Peace Corps. Về mặt chính

trị, thì có 2 Thương nghị sĩ Liên bang, đó là Paul Tsongas của

Massachusetts (công tác ở Ethiopia), và Chris Dodd của

Connecticut ( công tác ở Cộng Hòa Dominica). Rồi đến rất nhiều

Dân biểu Liên bang, điển hình như: Mike Honda của California (El

Salvador), Thomas Petri của Wisconsin (Somalia), Tony Hall của

Ohio (Thailand), Mike Ward của Kentucky (Gambia), James Walsh

của New York (Nepal)… Các Thống đốc Jim Doyle của Wisconsin

(Tunisia), Bob Taft của Ohio (Tanzania). Cũng như các Thị trưởng

của Pittsburgh, San Angelo, Texas và Urbana, Illinois. Hai chục vị

Đại sứ xuất thân từ Peace Corps, điển hình như Christopher Hill

(Cameroon) là thương thuyết viên chính về năng lượng hạt nhân

với Bắc Triều Tiên, và Robert Gelbard là Đại sứ tại Bolivia từ

1988 đến 1991 rồi làm Phụ tá Bộ trưởng Ngọai giao từ năm 2009;

ông này hồi thập niên 1980 đã từng phục vụ trong đoàn Peace

Corps ở Bolivia.

Về số nhà văn, nhà báo xuất thân từ Peace Corps, thì cũng có rất

nhiều, mà điển hình nhất là: Paul Theroux (Malawi), Peggy

Anderson (Togo), Peter Hessler (China), Chris Matthews của

MSNBC (Swaziland), Karen De Witt của ABC News (Ethiopia),

Al Kamen của Washington Post (Dominican Republic)…

Riêng trong số người Mỹ gốc Việt thì phải kể đến tên tuổi của anh

Bùi Văn Phú hiện dậy học và viết báo tại Bắc California. Sau khi

tốt nghiệp Đại học Berkeley vào đầu thập niên 1980, anh Phú đã

gia nhập Peace Corps và được cử đi dậy môn vật lý tại Togo Phi

châu là cựu thuộc địa của Pháp, nên anh Phú lại được dịp học thêm

tiếng Pháp để làm việc tại đây từ năm 1983 đến 85. Sau này cũng

còn nhiều sinh viên gốc Việt Nam cũng gia nhập Peace Corps như

anh Phú nữa. Người viết sẽ tìm hiểu chi tiết thêm về các Thiện

nguyện viên gốc Việt và sẽ trình bày trong một dịp khác vậy.

California, tháng Tám 2011

 Đoàn Thanh Liêm

Hình: Anh Bùi Văn Phú những ngày làm tình nguyện viên của

Peace Corps ở Togo, Phi châu

Ủy Hội Venice vừa tròn 20 tuổi .

Ủy Hội Venice vừa tròn 20 tuổi .

(The Venice Commission 1990 – 2010)

Đòan Thanh Liêm

Vào ngày 10 tháng Năm 1990, sau khi bức tường Berlin xụp đổ, thì 18

quốc gia thuộc Hội Đồng Âu châu (Council of Europe) đã quyết định

thành lập một cơ cấu chuyên môn mệnh danh là “ Ủy Hội Âu châu Xây

dựng Dân chủ thông qua Luật pháp” (The European Commission for

Democracy through law). Ủy hội này thường cũng được gọi là Ủy hội

Venice, vì lý do thường hội họp tại thành phố Venice của nước Italia.

Mục đích ban đầu của Ủy hội là nhằm giúp đỡ các quốc gia vừa thóat

khỏi các chế độ độc tài tòan trị xây dựng được những bản Hiến pháp và

các đạo luật căn bản khác sao cho thích hợp với các tiêu chuẩn của Hội

đồng Âu châu : đó là Dân chủ, Nhân quyền và Nền Pháp trị (the rule of

law). Đây là một cơ quan tư vấn về các vấn đề liên hệ đến Luật Hiến

pháp, mà thành phần gồm các chuyên gia được bổ nhiệm trên cơ sở kinh

nghiệm của họ trong các định chế dân chủ, hay sự đóng góp của họ vào

trong lãnh vực tăng cường luật pháp và khoa học chính trị.

Hầu hết các quốc gia “ cựu cộng sản” mới gia nhập vào Hội đồng Âu

châu trong thập niên 1990, thì đều được Ủy hội giúp đỡ trong việc sọan

thảo Hiến pháp của mỗi nước và chuẩn bị để được chấp thuận gia nhập

vào làm một thành viên của Hội đồng.

Ngòai những bản văn Hiến pháp ra, Ủy hội Venice cũng quan tâm đến

những khía cạnh khác của quá trình dân chủ hóa, cụ thể như việc cải tổ

ngành lập pháp, cải tổ tư pháp, việc thiết lập tòa án hiến pháp cùng lề lối

điều hành, chế độ liên bang và khu vực địa phương, và cả việc chuẩn bị

pháp chế mới về bàu cử, và những luật lệ nhằm bảo vệ các sắc dân thiểu

số. Ủy hội cũng tập chú vào việc tìm kiếm những phương cách pháp lý

nhằm giải quyết những tranh chấp về chính trị có nguồn gốc từ sự mâu

thuẫn chủng tộc.

Ủy hội cũng thường thực hiện những cuộc nghiên cứu đối chiếu về

những vấn đề pháp lý hiện hành, và tổ chức các “ seminars UniDem”

(Universities for Democracy) và các khóa huấn luyện riêng về những đề

tài có tính cách quan trọng đối với các nước tham dự viên.

Từ ngày thành lập, Ủy hội đã được khắp quốc tế thừa nhân như là trung

tâm quy chiếu (reference) cho các tiêu chuẩn cao về dân chủ ở Âu châu.

Ủy hội đã đóng góp hàng mấy trăm những ý kiến và phát triển hàng mấy

chục những nghiên cứu, bô luật và bản hướng dẫn về vô số đề tài của

luật Hiến pháp. Với sự gia nhập của Mexico và Tunisia vào năm 2010

mới đây, thì Ủy hội hiện có 57 quốc gia là thành viên thực thụ, kể cả số

quốc gia thành viên không nằm trong Âu châu; với khả năng phục vụ về

chuyên môn cho 1300 triệu người dân. Từ năm 2002, Tòa Án Âu châu

về Nhân quyền (European Court of Human Rights –ECtHR) thường xin

Ủy hội cho ý kiến về pháp lý, và đã thỉnh ý Ủy hội trong hơn 45 vụ án.

Ủy hội cũng còn đóng vai trò nòng cốt trong việc thiết lập Hội nghị

Quốc tế về Công lý Hiến định (the World Conference on Constitutional

Justice) nhằm khai mở hệ thống án lệ tòan cầu về Nhân quyền, và tính

cách độc lập của ngành tư pháp trên khắp thế giới.

Năm 2004, Ủy hội đã cho xuất bản một bộ sách gồm 2 cuốn dày tới

2,000 trang với đày đủ tòan văn các bản Hiến pháp của 46 quốc gia

thuộc Âu châu. Bộ sách có nhan đề chính là :“ Constitutions of Europe”

với phụ đề là “ Texts collected by the Council of Europe Venice

Commission”. Đây là bộ sách đày đủ nhất về hiến pháp của các nước Âu

châu, mà được cập nhật hóa cho đến năm 2002, đặc biệt là của các quốc

gia cựu cộng sản, kể cả Cộng hòa Liên bang Nga hiện nay vào đầu thế

kỷ XXI.

Nhân tiện cũng xin lưu ý về sự khác biệt giữa tổ chức Hội đồng Âu châu

( Council of Europe CE) hiện có 47 quốc gia hội viên, thì khác với tổ

chức Liên Hiệp Âu châu (European Union EU) mà hiện mới có 27 quốc

gia thành viên.

Nhằm đánh dấu 20 năm ngày thành lập, Ủy hội Venice đã quyết định sẽ

tổ chức một buổi lễ Kỷ niệm thật long trọng vào ngày 5 tháng Sáu 2010

săp tới tại thành phố Venice, với sự tham dự của các nhà Lãnh đạo Quốc

gia và nhiều nhân vật cao cấp khác. Khi được giới truyền thông báo chí

phỏng vấn vừa đây, Vị Chủ tịch của Ủy hội là Gianni Buquichio đã phát

biểu trong một tinh thần phấn khởi lạc quan, đại khái như sau : “ Mối

thử thách đối với chúng ta ngày nay, đó chính là phải củng cố cho vững

chắc được cái nền tảng của tương lai dân chủ tại Âu châu và còn đi xa

hơn nữa, bằng cách bắt rễ thật chặt xã hội chúng ta vào với những giá trị

của di sản hiến định truyền thống của Âu châu, mà chúng ta sẽ tiếp tục

củng cố và phát triển hơn mãi.”

Trải qua mấy thế kỷ chiến tranh đẫm máu và tranh chấp căng thẳng liên

tục tại khắp các vùng đất thuộc Âu châu, cũng như phải gánh chịu hai

nền độc tài khắc nghiệt, tàn bạo của Đức quốc xã và của cộng sản mới

đây trong thế kỷ XX, lúc này Âu châu mới bắt đầu có cơ duyên phục hồi

lại được nền Dân chủ Đa nguyên, Tinh thần Tôn trọng Nhân quyền và

các Tự do nền tảng, cũng như nền Pháp trị.

Và trong 20 năm qua, với sự ra đời của Ủy hội Venice, cũng như nhiều

định chế văn hóa xã hội cũng như chính trị khác nữa, thì người Âu châu

cũng như người ở những châu lục khác trên thế giới đã bắt đầu thấy

được một niềm hy vọng tràn đày lạc quan về một thế giới trật tự hơn, an

hòa hơn và nhân ái hơn nữa vậy./

Washington DC, Mùa Xuân Canh Dần 2010

 Đòan Thanh Liêm

Trở về Mái Nhà Xưa nơi Thư Viện Quốc Hội Mỹ

Trở về Mái Nhà Xưa nơi Thư Viện Quốc Hội Mỹ

Bút ký của Đoàn Thanh Liêm

*     *     * Năm 1960, hồi làm chuyên viên nghiên cứu luật pháp tại văn phòng Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa ở Saigon, thì tôi được cử đi học tập tu nghiệp và quan sát tại những cơ sở thuộc Quốc Hội Mỹ ở thủ đô Washington DC. Tại đây, tôi được hướng dẫn đến học tập trong thời gian dài với cơ sở gọi là “Legislative Reference Service” (LRS = Sở Tài Liệu Lập Pháp) nằm trong tòa nhà được gọi là Jefferson Building của Thư Viện Quốc Hội Mỹ (Library of Congress = LOC).

Vào năm 1960, dưới trào Tổng thống Eisenhower, thủ đô nước Mỹ thật là thanh bình êm ả, đường phố sạch sẽ xinh đẹp tươi vui hết chỗ nói. Và riêng đối với một thanh niên đã từng phải trải qua cuộc chiến tranh tàn khốc nơi miền quê đất Bắc hồi đầu những năm 1950 – thì Washington có thể được coi như là một thứ bồng lai tiên cảnh, một thiên đường dưới thế gian này vậy.

Nhà tôi ở trọ nằm trong khu Tây Bắc gần với Tòa Bạch Ốc, nên ngày ngày phải đi xe bus để đến LOC tọa lạc tại phía Đông Nam của trụ sở Quốc Hội chiếm một khỏang diện tích khá rộng trong một khu đồi gọi là Capitol Hill. Vào những ngày mát mẻ đẹp trời, tôi có thể thả bộ đi hết chừng hơn một giờ qua nhiều dãy phố ở downtown, thì cũng đến được khu vực Điện Capitol. (Người Mỹ viết chữ “US Capitol” hay là “Capitol Building” là để chỉ Điện Capitol – Trụ sở của Quốc Hội Liên Bang)

Ở vào độ tuổi 25 – 26, vốn tính tò mò hiếu học tôi say mê quan sát học hỏi tìm kiếm theo sát với sự hướng dẫn của các vị đàn anh trong ngành nghiên cứu luật pháp của LOC. Và vào buổi chiều tối thì còn đi học thêm về chuyên môn luật pháp tại trường Luật của đại học George Washington University (GWU Law School) cũng ở gần nhà mình ở, nên có thể đi bộ mà tới lui dễ dàng được.

Nói chung thì sau thời gian 6 tháng du học tu nghiệp tại Washington DC, tôi thu thập được một số kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn thật là bổ ích cho việc nghiên cứu luật pháp của mình. Đàng khác, thành phố thủ đô Washington nói chung và Thư Viện Quốc Hội Mỹ nói riêng đã để lại trong tôi một kỷ niệm thật đẹp đẽ dễ thương, một ấn tượng sâu sắc kỳ thú và duyên dáng vô cùng. Đó là từ cái thời kỳ năm 1960 – 61 mà cách nay đã trên nửa thế kỷ.

Nhưng quả thật là tôi có cái duyên bền bỉ tái hồi với Washington và LOC rất nhiều lần – đặc biệt là kể từ năm 2000 cho đến nay là năm 2014. Dưới đây tôi xin lần lượt tường thuật chi tiết hơn về một ít công chuyện gần đây của riêng mình tại khu vực Đồi Capitol danh tiếng này.

I – Mái nhà LOC ngày trước thì nay đã gồm đến ba tòa nhà thật đồ sộ.

Hồi năm 1960, thì LOC chỉ gồm có mỗi một tòa nhà lớn gọi là Jefferson Building được xây cất từ thế kỷ XIX. Mà đến năm 2000, khi trở lại thăm viếng nơi đây, thì tôi thấy LOC đã có thêm 2 tòa nhà thật lớn lao đồ sộ và thật hiện đại nữa, nhà nào cũng cao đến 7 – 8 tầng lầu – đó là Madison Building và Adams Building cũng kề sát với Jefferson Building. Cả ba tòa nhà này đều có đường hầm ăn thông với nhau, nên việc di chuyển lui tới của các nhân viên với nhau thì thật là thuận tiện.

Vào buổi trưa, tôi thường tới dùng bữa tại phòng ăn rất rộng lớn chiếm cả một tầng lầu cao tại Madison Building. Nơi đây, thực khách có thể dễ dàng nhìn thấy máy bay lên xuống tại phi trường Reagan ở phía bên kia sông Potomac – quang cảnh trông thật nhộn nhịp và thóang đãng.

Cơ sở vật chất thì vĩ đại như vậy, còn về công trình do LOC đảm nhiệm thực hiện, thì thật là bao quát nhiều lãnh vực mà phải viết cả một cuốn sách họa may mới trình bày cho độc giả có được một khái niệm tương đối chính xác về cái định chế văn hóa lớn vào bậc nhất của thế giới và là niềm tự hào của nước Mỹ. Vì thế, ở đây tôi chỉ xin ghi lại một vài chuyện riêng tư của mình mà có liên hệ đến mấy người bạn là những chuyên viên sáng giá tại một bộ phận trong cơ sở này mà thôi.

LOC quá đông nhân viên, tổng cộng lên đến trên 4,000 người được phân bố ra thành hàng trăm đơn vị ban ngành chuyên biệt. Nhưng riêng tôi, thì gần đây vì nhu cầu nghiên cứu nhỏ nhoi hạn chế của mình, tôi chỉ lui tới có mấy phòng trong Madison Building để tham khảo tài liệu và thăm viếng chuyện trò trao đổi với một số chuyên viên gọi là Legal Analyst làm việc trong một bộ phận gọi là Law Library. Tôi đã có dịp viết về chuyện này trong mấy bài trước đây rồi, nên thấy không cần nhắc lại các chi tiết đó ở đây nữa.

II – Những người bạn thân thiết trong Trung Tâm Nghiên Cứu Luật Pháp Tòan Cầu (The Global Legal Research Center).

1 – Chị Elisabeth Moore phụ trách Kho Tài Liệu có tên gọi là : “The Global Legal Resource Room”.

Elisabeth ở vào độ tuổi 50, người tầm thước mà bặt thiệp. Chị là người rất tận tình hỗ trợ cho tôi trong việc tìm kiếm tài liệu chuyên môn về luật pháp. Phòng của chị chứa đựng khá nhiều tài liệu luật pháp của các nước trên thế giới. Chị có nhiệm vụ sưu tầm lưu trữ và cung ứng ưu tiên cho các chuyên viên của Legal Research Center trong Law Library. Elisabeth cho biết chị theo tôn chỉ xây dựng hòa bình của tôn giáo Quaker. Chị sống và làm việc nhiều năm với Thư viện ở New Orleans và góp phần mau chóng khôi phục sinh hoạt của ngành thư viện tại đây sau vụ bão Katrina.

Hiện chị sinh sống gần thành phố Annapolis Maryland để được gần gũi với con cháu, mà vì thế mỗi ngày phải đi chuyến xe bus riêng biệt mất đến cả giờ mới đến được sở làm. Mỗi lần ghé đến Madison Building, thì người tôi đến nhờ vả đầu tiên, thì chính là chị Elisabeth này đấy.

2 – Peter Roudik, Director of The Global Legal Research Center.

Peter Roudik cỡ ngòai 50 tuổi là người gốc Nga. Chúng tôi quen biết thân thiết với nhau dễ đến 7 – 8 năm nay. Peter cho tôi biết nhiều về hiện tình xã hội ở Nga và một số quốc gia mà đã tách rời khỏi Liên Xô từ vài chục năm nay. Peter là một luật gia chuyên nghiên cứu về ngành Luật pháp đối chiếu và đã làm việc tại Law Library từ trên 15 năm, được xếp vào ngạch Senior Legal Analyst. Và gần đây được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Luật pháp Tòan cầu.

Gặp lại Peter hồi đầu tháng Năm, tôi đùa bỡn hỏi anh : “Chuyện ở Ukraine bây giờ ra sao rồi?” Anh biết tôi đùa giỡn, nên chỉ cười trừ; và dĩ nhiên là tôi cũng không nói gì thêm về chuyện này nữa.

3 – Luật sư Sayuri Umeda là Senior Foreign Law Specialist.

Sayuri Umeda vào độ tuổi 40, chị học luật và làm luật sư ở Nhật một thời gian. Rồi qua Mỹ học tiếp bậc cao học về Luật tại GWU, nơi tôi đã theo học năm 1960. Ông xã của chị là một giáo sư người Mỹ hiện cũng dậy về môn luật tại GWU. Sayuri là một chuyên viên cao cấp về luật pháp của Nhật và một số quốc gia khác ở Á châu, trong đó có ba nước Đông Dương. Tôi đang đợi Sayuri gửi cho tôi các bài nghiên cứu của chị về luật pháp tại Việt nam hiện nay.

Dịp này, tôi gửi cho Sayuri bài tôi mới viết về vụ án chính trị của tôi ở Việt nam đầu thập niên 1990 và cả Bản Tường trình về Tình hình Nhân quyền ở Việt nam trong năm 2013 do Mạng Lưới Nhân Quyền VN vừa mới cho phổ biến. Sayuri tỏ vẻ chú ý đến những vấn đề được trình bày trong các tài liệu này.

4 – Luật sư Laney Zhang là Foreign Law Specialist.

Laney Zhang là người trẻ nhất so với 3 người trên đây, chỉ mới ngòai 30 tuổi. Cô học luật ở Trung quốc rồi sau được học bổng qua học bậc Cao học ở Mỹ. Với khả năng chuyên môn cao và tính tình năng động tháo vát, Laney đã hòan thành được nhiều bài nghiên cứu về các vấn đề luật pháp ở Trung quốc ngày nay. Các bài này đã được phổ biến rộng rãi trên các website và được sự phản hồi thuận lợi của giới thức giả trong ngành nghiên cứu luật pháp.

Tại Law Library này, tôi còn thấy mấy chuyên viên khác cũng là người Trung hoa, nhưng tôi chưa có dịp quen biết hay trao đổi chuyện trò với họ. Đối với tôi, Laney tỏ ra có mối thiện cảm như giữa những người hàng xóm láng giềng sống gần gũi nhau mà cụ thể là tôi hay nhắc đến cái chuyện ông nội của tôi xưa kia là một ông đồ dậy chữ Hán – mà rất tiếc là vì ông cụ mất sớm lúc tôi mới được 5 – 6 tuổi, nên đã không được học chữ Hán. Mà thay vào đó, tôi lại được học tiếng Pháp và tiếng La tinh. Laney cười nói : Ông học tiếng Pháp, La tinh rồi cả tiếng Anh, thì rất có lợi cho việc nghiên cứu luật pháp.

Nói chung, thì đây tòan là các chuyên viên đày tài năng, ai nấy đều say mê yêu thích cái nghề nghiên cứu luật pháp và họ được cơ quan cung ứng cho đủ thứ tài liệu tham khảo – mà ít có cơ sở nào khác lại có thể thu thập cho thật đày đủ nếu đem so sánh với kho tư liệu khổng lồ của LOC.

Khi nghe tôi nói là tôi đã từng đến học hỏi tại LOC từ năm 1960 – 61, thì ai nấy đều lác mắt, họ nói : “Năm đó, thì chúng tôi chưa được sinh ra trên cõi đời này!” Nhưng rõ rệt đây là những “hậu sinh khả úy, mà cũng khả ái nữa”. Và mỗi lần ghé thăm Law Library để tìm kiếm tài liệu nào, thì tôi thật phấn khởi vui mừng vì gặp lại được những đồng nghiệp Legal Analyst vừa trẻ tuổi, dễ thương mà cũng vừa rất tài ba nữa.

Về thăm lại Mái Nhà Xưa mà gặp được những con người dễ mến như thế ấy, thì quả thật đó là một niềm vui kỳ thú và sự an ủi rất lớn lao vậy./

Thành phố Baltimore Maryland ngày 15 tháng Năm 2014

Đoàn Thanh Liêm

Câu chuyện Nhân Quyền tại Washington Giữa Mùa Lễ Hội Hoa Anh Đào năm 2013.

Câu chuyện Nhân Quyền tại Washington Giữa Mùa Lễ Hội Hoa Anh Đào năm 2013.

Ghi nhận của Đoàn Thanh Liêm

 * * *

Sau một tuần lễ ở thành phố Baltimore tiểu bang Maryland, tôi đã trở lại

Washington vào hai ngày 10 và 11 tháng Tư – để tham dự vào công cuộc

vận động Nhân quyền cho Việt nam tại Quốc Hội Mỹ và tại Ủy Ban Tự

Do Tôn Giáo. Cuộc vận động thật quy mô này do tổ chức BPSOS (Boat

People SOS) với nhân vật chủ chốt là Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng phát

động và dự trù kéo dài trong hai năm 2013 – 2014.

Trời nắng đẹp, lại vào đúng lúc Hoa Anh Đào nở rộ, nên trên khắp các

nẻo đường thành phố chỗ nào cũng thấy các đòan khách thập phương tấp

nập lui tới ngắm cảnh, chụp hình – nét mặt người nào cũng vui tươi phấn

khởi. Nhân viên phụ trách cho biết Lễ Hội Mùa Hoa Anh Đào (The

National Cherry Blossom Festival) kéo dài từ giữa tháng Ba đến tháng

Tư có thể thu hút đến con số hàng triệu du khách đến thăm viếng thành

phố Washington lịch sử này.

So với mọi năm, thì vào giữa tháng Ba năm 2013 này trời trở lạnh bất

thường – nên hoa Anh Đào nở muộn. Vì thế mà phần đông các chị em

nữ sinh Trưng Vương từ xa về tham dự Đại Hội Tòan Cầu được tổ chức

trong ba ngày 22, 23 và 24 tháng Ba – đã không được ngắm hoa như

lòng ước ao mong muốn. Trong khi tôi, thì nhân cái vụ vận động Nhân

quyền nói trên lại được dịp thưởng ngọan cả một rừng hoa tưng bừng nở

rộ – tô điểm thêm khởi sắc cho khung cảnh vốn đã xinh tươi hài hòa êm

dịu của vùng thủ đô nước Mỹ. Xin mời bạn đọc cùng đi ngắm cảnh và

theo dõi chuyện vận động Nhân quyền tại Washington vào mùa Xuân

năm 2013 này.

 

I – Tại khu vực Tidal Basin và công viên trước Điện Capitol.

Vào ngày thứ Năm 11/4 lúc 6 giờ sáng, anh Nguyễn Quốc Khải đã chở

tôi đến khu vực Tidal Basin (Đầm Thủy Triều) nơi sát với Đài Tưởng

niệm Tổng thống Jefferson (Jefferson Memorial). Trời còn mờ tối, ấy thế

mà đã có rất nhiều xe đậu dọc theo bờ sông Potomac và bà con lũ lượt

kéo nhau đi với máy ảnh các lọai để chuẩn bị chụp phong cảnh cả một

rừng cây Anh Đào đang ở độ nở mãn khai – tập trung nhiều nhất trong

chu vi dài đến ba bốn dặm của cái Đầm ăn thông với con sông Potomac

là ranh giới giữa Washington với tiểu bang Virginia.

Tôi đã lững thửng thả bộ suốt 3 tiếng đồng hồ xung quanh Tidal Basin

này, luôn tiện còn ghé thăm Đài Tưởng niệm Tổng thống Franklin

Delano Roosevelt (FDR) cùng với Đệ Nhất Phu nhân Eleanor và Đài

Tưởng niệm Mục sư Martin Luther King. Các lời phát biểu lịch sử của

cả hai vị danh nhân này được khắc họa thật rõ nét trên các bức tường

quanh Đài Tưởng niệm – quả thật người Mỹ đã rất lấy làm tự hào và tỏ

lòng kính trọng đối với những nhân vật xuất chúng như vậy ngay trong

những năm vào giữa thế kỷ XX gần đây thôi.

Các người bạn ưa thích nghệ thuật chụp ảnh như chị Như Lan bà xã của

anh Chánh án Nguyễn Văn Thành hay anh Nguyễn Quốc Khải, thì cho

biết là phải tranh thủ mà chụp ảnh trước lúc mặt trời lên cao – như vậy

mới có thể có hình ảnh đẹp được. Dọc lối đi theo chu vi của Đầm, tôi

thấy các nhiếp ảnh gia tài tử bố trí la liệt những máy hình gắn chặt trên

chân đỡ máy để chụp liên tục nhiều tấm ảnh dưới những tàng cây chi

chít những hoa màu trắng tinh hay màu phớt hồng. Có người còn chụp

riêng một vài cánh hoa lẻ loi mọc từ trong thân cây nữa, có lẽ họ cho là

mấy cánh hoa hiếm hoi đó mới thật là độc đáo chăng?

Bữa hôm trước là cỡ 8 giờ sáng ngày thứ Tư 10/4, lúc vừa từ nhà ga

Union Station đi tới khu công viên ở hướng Bắc của Điện Capitol trụ sở

Quốc Hội – tôi đã thật ngây ngất trước những cụm cây Anh Đào đang rộ

nở những chùm hoa dày đặc với cánh mỏng như tơ lụa và màu hồng lạt.

Từng cụm cây xen kẽ với những cây thông xanh ngắt và cả với những

cây sồi, cây phong vẫn còn khẳng khiu trụi lá – cảnh tượng trái nghịch

đó lại càng làm tăng vẻ cao quý của lọai hoa được du nhập mãi từ nước

Nhật vào nơi đây đã trên một thế kỷ nay. Tính chất đa dạng sinh học thật

là rõ nét nơi vùng thủ đô này.

Sau không bao lâu, tôi lại gặp các anh Đỗ Như Điện, Hùynh Hữu Thuận

cũng mới từ thành phố San Diego California đến để tham dự cuộc Họp

Báo ngòai trời ngay dưới bậc thềm của Trụ sở Hạ Nghị Viện phía góc

đường Independence và First street khu Đông Nam của Capitol. Vì chưa

đến giờ khai mạc cuộc Họp báo, chúng tôi đã tranh thủ chụp một số hình

kỷ niệm nơi công viên kỳ thú này.

Anh Điện mang theo một số ấn bản tiếng Anh của “ Báo cáo về Tình

hình Nhân quyền tại Việt nam trong năm 2012” – mà Mạng Lưới Nhân

Quyền VN cho phổ biến vào ngày 11 tháng Tư trong một cuộc Họp Báo

ở California. Tài liệu này đã được trao tận tay cho một số Dân biểu và

giới báo chí truyền thông

 

II – Hai ngày Hội Họp liên miên.

Phái đòan do Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng tổ chức mời gọi gồm đến vài

chục người thuộc giới Tôn giáo như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành,

thuộc Sắc tộc Thiểu số như Hmong, Montagnard và Đại diện của Mạng

Lưới Nhân Quyền v.v… Phải nói ngay rằng trong hai ngày 10 và 11

tháng Tư này, phái đòan đã phải làm việc rất căng thẳng theo sự sắp xếp

thật sít sao của Ban Tổ chức với các văn phòng và cơ quan tiếp đón.

1 – Chỉ riêng trong một ngày 10/4 thôi, thì bà con trong phái đòan đi vận

động đã phải tham dự liền liền ba cuộc sinh họat như sau :

– Thứ nhất là cuộc Họp Báo ngòai trời trong công viên sát bậc thềm của

trụ sở Hạ Nghị Viện đã khai mạc vào đúng 10.45 AM. Dân biểu Chris

Smith là người chủ trì đã phát biểu khởi đầu và lần lượt giới thiệu với

giới truyền thông báo các diễn giả Việt nam là Cựu Dân biểu Cao Quang

Ánh, Hòa Thượng Thích Giác Đẳng, Hòa Thượng Thích Viên Lý, Mục

sư Nguyễn Minh Thắng, Kỹ sư Đỗ Như Điện, Tiến sĩ Nguyễn Đình

Thắng – để trình bày về tình trạng vi phạm Nhân quyền ở Việt nam hiện

nay. Trong vòng chưa đày một giờ, các diễn giả này đã thu hút được sự

chú ý của các ký giả đại diện những cơ sở truyền thông lớn ở Mỹ và chi

tiết của cuộc Họp Báo đã được phổ biến rộng rãi ngay vào buổi chiều tối

ngày hôm 10/4 đó.

– Tiếp theo là cuộc Trao đổi với các chuyên viên là Phụ tá của Tiểu ban

Nhân quyền thuộc Ủy ban Ngọai vụ diễn ra tại Tòa nhà Rayburn của Hạ

Nghị Viện. Buổi Sinh họat này kéo dài từ 12.00 đến 13.00 Giờ – để phía

đại biểu Việt nam thông báo chi tiết hơn về tình trạng vi phạm Nhân

quyền ở Việt nam – nhằm giúp cho việc chuẩn bị cho buổi Điều trần mở

rộng cho công chúng (Public Hearing) sẽ diễn ra tại phòng họp của Ủy

ban Ngọai vụ vào ngày hôm sau 11/4. Các chuyên viên của Quốc Hội

đều tỏ ra thông hiểu rành rẽ về tình hình chính trị xã hội ở Việt nam, nên

cuộc trao đổi đã diễn ra trong bàu không khí rất cởi mở thông cảm về cả

hai phía Việt và Mỹ.

– Phái đòan cùng nhau xuống ăn trưa tại Phòng ăn dưới tầng hầm của

Rayburn Building – ai nấy chọn đồ ăn và thanh tóan theo lối self-service

Và đến 3.00 PM, phái đòan lại di chuyển đến trụ sở của Ủy Ban Tự Do

Tôn Giáo (USCIRF = US Commission on International Religious

Freedom) để trao đổi với giới lãnh đạo của cơ quan này. Chủ tịch

USCIRF là Bà Katrina Lantos Swett và Tiến sĩ Scott Flipse là Phó Giám

Đốc đã trao đổi thảo luận với phái đòan trong hai giờ liền và các đại biểu

đã có dịp trình bày cặn kẽ hơn về khía cạnh đàn áp các tu sĩ, tín đồ cũng

như hạn chế sinh họat tôn giáo ở Việt nam. Lãnh đạo USCIRF đã tỏ ra

rất thông cảm với tình trạng khó khăn ngặt nghèo của các tổ chức tôn

giáo dưới chế độ độc tài khắc nghiệt của chính quyền cộng sản ở Việt

nam từ nhiều năm nay. Nhân tiện, cũng xin ghi là Bà Katrina chính là ái

nữ của Cố Dân biểu nổi danh Tom Lantos (1928 – 2008).

2 – Phiên Điều trần trước Tiểu Ban Nhân Quyền vào ngày 11/4.

Đây mới là buổi Điều trần có quy mô nhất trong lọat sinh họat của hai

ngày vận động này tại Quốc Hội Mỹ. Dân biểu Chris Smith, Chủ tịch

Tiểu ban Nhân quyền một lần nữa đã chủ trì phiên họp được diễn ra tại

văn phòng của Ủy ban Ngọai vụ – với sự tham dự của 6 Dân biểu trong

đó có cả Dân biểu Ed Royce Chủ tịch Ủy ban Ngọai vụ vốn là một nhân

vật quen thuộc của cộng đồng người Việt tại miền Nam California. Các

Dân biểu được vị chủ tọa mời phát biểu trước, rồi mới đến phần Điều

trần của đại diện phái đòan Việt nam.

Nói chung, các Dân biểu đều xác nhận tình trạng vi phạm Nhân quyền

do chính quyền Hanoi gây ra. Đặc biệt Nữ Dân biểu Karen Bass đại diện

đơn vị 37 California còn nhắc đến các báo cáo đáng tin cậy của các tổ

chức Amnesty International, Human Rights Watch và của Mạng Lưới

Nhân Quyền Việt nam đều ghi nhận rõ ràng các vi phạm này.

Tiếp theo là đến phần trình bày của phái đòan Việt nam với các đại diện

là Cựu Dân biểu Cao Quang Ánh, Giáo sư Võ Văn Ái, Tiến sĩ Nguyễn

Đình Thắng và đặc biệt là hai nhân chứng Danh Hui (về nạn Buôn

Người tại nước Nga) và Trần Thanh Tiến (về sự đàn áp tại giáo xứ Cồn

Dầu). Hai nhân chứng này phát biểu bằng tiếng Việt và được Tiến sĩ

Thắng dịch ra Anh ngữ rất chính xác. Cả hai người đều đưa ra được

những chứng từ cụ thể về sự đối xử tàn ác rất thương tâm đối với các

nạn nhân – đo đó mà có sức thuyết phục cao độ đối với cử tọa.

Hai bức ảnh phóng lớn về cảnh Linh mục Lý bị bịt miệng trước Tòa án

và về nạn nhân Nguyễn Thành Năm bị tra tấn đến chết ở Cồn Dầu – đã

được đưa ra để minh họa cho sự chà đạp nhân quyền ở Việt nam hiện

nay.

Người phát biểu cuối cùng trong buổi Điều trần này là ông John Sifton

đặc trách văn phòng Đông Nam Á của Human Rights Watch – ông

Sifton cũng xác nhận có sự vi phạm trầm trọng về nhân quyền ở Việt

nam trong những năm gần đây – chứng từ này có giá trị bổ túc rất vững

vàng cho lời trình bày của các nhân chứng Việt nam.

 

III – Để tóm lược lại.

 Đang là Mùa Xuân, khí hậu tại Washington thật mát mẻ dịu dàng với

nắng nhẹ chan hòa và hoa Anh đào đang độ nở mãn khai. Khắp công

viên trước điện Capitol lúc nào cũng tấp nập các nhóm du khách viếng

thăm – mà cũng còn là cử tri từ các địa phương đến thăm vị đại diện dân

cử của mình. Trước cửa các văn phòng của Hạ Nghị Viện, luôn luôn có

nhiều người như chúng tôi xếp hàng để được vào gặp gỡ thăm viếng hay

hội họp với các Dân biểu. Quang cảnh thật là sinh động phấn khích.

* Nói chung, cuộc vận động Nhân quyền của phái đòan Việt nam trong

hai ngày 10 – 11 tháng Tư năm 2013 tại Quốc Hội Mỹ đã gây được một

ấn tượng tốt nơi các vị Dân biểu. Và điều đáng ghi nhất là phát biểu của

vị Chủ tọa phiên Điều trần chính là Dân biểu Chris Smith, người có

thâm niên kỳ cựu – đại diện đơn vị 4 tiểu bang New Jersey liên tục từ

năm 1980 . Ông Chris Smith đã nói dứt khóat không úp mở rằng : “Cần

phải đặt Việt nam vào lại danh sách CPC” (đó là danh sách các quốc gia

cần quan tâm đặc biệt vì sự vi phạm trầm trọng về Nhân quyền =

Countries of Particular Concern).

* Tuy đây mới chỉ là bước đầu trong tiến trình vận động kéo dài suốt hai

năm 2013 – 2014, việc làm của phái đòan VN lần này đã tỏ ra được sự

chú ý thuận lợi của giới dân cử cũng như giới truyền thông báo chí.

Trong thành phần phái đòan kỳ này, thì giới am hiểu tình hình sinh họat

tại Quốc Hội Mỹ đã có sự ghi nhận rằng : Cựu Dân biểu Cao Quang Ánh

cùng với Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng rõ ràng là hai nhân vật đã gây

được sự tin tưởng và mối thiện cảm đáng kể nơi một số Dân biểu – đặc

biệt là với Dân biểu Chris Smith vốn từ lâu đã từng được coi như là một

“người bạn tốt” của lớp người tỵ nạn chính trị Việt nam tại Hoa Kỳ.

* Với cái đà tiến triển trong công cuộc vận động rộng rãi như thế, chúng

ta có quyền tin tưởng được nơi sự thắng lợi tất yếu của chính nghĩa Tự

do, Dân chủ và Nhân quyền của tòan thể nhân dân Việt nam chúng ta

trong tương lai không bao xa nữa vậy./

Baltimore Maryland ngày 14 tháng Tư 2013

Đoàn Thanh Liêm