Nỗi đau của tuổi già-Huy Phương

Huy Phương

Ở đây, chúng Ta không bàn chuyện đau nhức, cao máu, tiểu đường… nữa, vì đã có quá nhiều vị bác sĩ quan tâm tới tuổi già trên đất Mỹ này rồi. Những loại đau trên đã có thuốc và có chính phủ Mỹ trả tiền, nhưng có những thứ đau khác không có thuốc chữa và cũng không ai kê vai gánh vác giùm.

Báo OC Register thứ sáu tuần trước có đăng tin một ông già bị người ta đem bỏ trước cổng một ngôi chùa ở thành phố Westminster. Ông lặng lẽ ngồi trước hiên chùa suốt ngày. Cảnh sát đến mang ông vào bệnh viện tâm thần. Ông không có trong người bất cứ một thứ giấy tờ nào để biết được ông là ai, ở đâu. Ông không nói một lời nào, chỉ biết lặng lẽ, đôi khi cười một mình như một người mất trí. Ông là một người châu Á, Việt Nam cũng chưa chừng, như vậy ông không phải sinh ra ở đây, hay từ trên trời rơi xuống như cô bé Maika trong một tập phim Tiệp Khắc. Vậy là có người chở ông tới và bỏ ông lại đây, không ai ngoài con cái hay thân thích của ông. Lâu nay thỉnh thoảng người ta thấy có những thiếu phụ sinh con rồi đem con bỏ vào thùng rác, nhưng chưa thấy ai đem cha mẹ vứt bỏ ngoài đường. Ông già chỉ cười vu vơ, trí nhớ của ông đã suy kiệt, nếu không ông sẽ đau khổ biết chừng nào?

Trước đây người ta kể chuyện có người chở bà mẹ già bỏ ở cây xăng, tôi không tin, tưởng là chuyện đùa, nhưng bây giờ thực sự lại có người “đem cha bỏ chùa”. Cũng lại câu chuyện của một người già…

Tháng trước, trong một dịp đưa người thân đi Việt Nam, tại quầy vé China Airline ở phi trường Los Angeles tôi đã chứng kiến một cảnh khá đau lòng. Trong khi mọi người đang xếp hàng trình vé, cân hàng thì một bà cụ người Việt cứ loay hoay lúng túng trước quầy vé với các thứ giấy tờ vương vãi, bề bộn trên sàn nhà. Bà ngồi bệt xuống đất hết móc túi này đến túi nọ, vẻ mặt lo lắng. Một nhân viên an ninh phi trường thấy tôi cũng là người Á Đông, ngỏ ý muốn tôi lên giúp bà cụ. Nhân viên quầy vé cho biết bà có vé máy bay, một visa nhập cảnh Việt Nam nhưng không có passport hay thẻ xanh. Tôi giúp bà moi từ đống giấy tờ ra chỉ thấy một cái hộ chiếu của Việt Nam cấp cách đây mười mấy năm khi bà đến Mỹ đã hết hạn và một cái ID của bà do tiểu bang Florida cấp. Bà mới từ Florida đến phi trường LOS mấy giờ trước đây một mình và trình giấy tờ để lên máy bay đi Việt Nam.

Cuối cùng, bà cũng lên được máy bay, nhưng bà sẽ không bao giờ có thể trở lại Florida nữa vì trong tay bà không có pass- port của Hoa Kỳ, không thẻ xanh, không “entry permit”. Đây là trường hợp một bà mẹ già, quê mùa bị con cái “mời khéo” về Việt Nam. Tội nghiệp cho bà đã ngồi trên máy bay năm sáu tiếng đồng hồ để đến phi trường LAX, sắp tiếp tục chặng đường về Việt Nam nhưng không biết là mình không thể trở lại Mỹ và lòng bất nhân của con cái.

Hình ảnh bà già này cứ ám ảnh tôi mãi. Bà vụng về, quê mùa, có lẽ cũng chẳng giúp ích được gì cho con cái mà chỉ thêm gánh nặng.

Thôi để cho bà đi, khi biết mình không trở lại Mỹ được thì chuyện đã rồi.

Tuổi bà có nằm lại trên quê hương cũng phải, sống chẳng giúp ích gì được cho ai, chết ở đây bao nhiêu thứ tốn kém.

Hai vợ chồng sang Mỹ từ hai mươi năm nay, đi làm nuôi con, mua được căn nhà đã pay off.

Khi các con đã có gia đình ra riêng thì ít năm sau ông cụ cũng qua đời.

Thấy mẹ hiu quạnh trong một căn nhà khá 1ớn, mà giá nhà đang lên, các con bàn với mẹ bán nhà đi rồi về ở với các con. Bà mẹ bán nhà, thương con chia đều cho mỗi đứa một ít, còn dăm nghìn dắt lưng, rồi về ở với con. Bà không biết lái xe, không biết chữ nghĩa, cũng không biết trông cháu làm home work, nên cha mẹ chúng phải nhờ người đưa đón. Bà thích nấu ăn, gói bánh, kho cá, nhưng sợ nhà hôi hám, con cái không cho. Lúc đầu thì chẳng sao, lâu dần mẹ thành gánh nặng.

Buổi chiều, đứa con gái xô cửa trở về nhà, thấy mẹ đang gồi xem TV, nó hất hàm hỏi:

-“Có hiểu gì không mà thấy má ngồi coi suốt ngày vậy?”

Có lúc chuông điện thoại reo, đứa con nhấc máy, bên kia không biết ai hỏi gì, trước mặt bà già, nó trả lời nhát gừng:

-“Bả ấy đi khỏi rồi!”

Một bà mẹ khác, ở chung nhà với một đứa con nhưng nhờ một đứa con khác đưa đi bác sĩ.

Xong việc, nó đưa mẹ về rồi lẹ lẹ dọt xe đi làm

Bà già vào tới cửa, móc túi mãi không tìm ra cái chìa khóa nhà. Bà không có chìa khóa, không cell phone, cũng không biết tiếng Anh, bà sợ sệt không dám gõ cửa hàng xóm. Bà ngồi đó, trên bục cửa cho tới chiều, khi đứa con ở chung nhà đi làm về, thì bà đã kiệt sức vì khô nước, phân và nước tiểu đầy mình.

Đời xưa, người ta kể chuyện trong một gia đình, có hai vợ chồng đối xử với ông cha già đã run rẩy của mình tệ bạc, cho cha ăn trong cái “mủng dừa”.

Một hôm hai vợ chồng đi làm về thấy đứa con nhỏ của mình đang hì hục đẽo một cái gáo như thế, được cha mẹ hỏi, nó “thành thật khai báo” rằng “để dành cho cha mẹ lúc về già”.

Đâu phải ai nuôi con cũng nghĩ tới lòng cha mẹ, cũng như nhớ chuyện “trồng đậu có đậu, trồng dưa có dưa”.

Huy Phương

From: Nguyen NThu

Câu Chuyện Buồn Ngày Tạ Ơn – ThanksGiving Day…- Tạp Ghi Huy Phương

Van Pham

Câu Chuyện Buồn Ngày Tạ Ơn – ThanksGiving Day…

Tạp Ghi Huy Phương

Năm rồi, tôi mất hai người bạn. Không phải họ chết thành ma chôn trong nghĩa địa hay thiêu ra tro gửi cho gió ngàn bay. Những người này còn sống, nhưng đối với tôi cũng như gia đình họ, xem như họ đã đi qua một thế giới khác! Năm nay, trong bữa ăn sum họp cuối tháng 11 tại Hoa Kỳ, những người chồng, người cha này không có mặt, vì vậy tôi muốn dành câu chuyện này cho những ngày cận kề của lễ Tạ Ơn.

Phải nói đây là hai người bạn khá thân của tôi, đều sang Mỹ khoảng năm 1990 hay trễ hơn, qua một thời gian tù đày dưới chế độ Cộng Sản khá lâu, thời gian đủ để bù đắp cho họ một cái visa để họ và cả gia đình vào định cư tại Mỹ. Đến Mỹ, một người định cư ở miền cực Đông, chiều chiều có thể hóng gió từ Đại Tây Dương, người kia ở miền cực Tây, buổi sáng cuối tuần, thường rửa chân trên biển Thái Bình, nên chúng ta tạm gọi họ, người này là người bạn miền Đông và người kia là người bạn miền Tây.

Sang đến đây, anh bạn miền Đông tâm sự: “Không có nước Mỹ, thì giờ này con trai tôi đang ôm bình cà-rem ở chợ Cồn, làm sao mà trở thành kỹ sư như hôm nay!” Người bạn miền Tây thường nói nghĩ đến những ngày đạp xe đi giao mối cà phê giữa Sài Gòn nắng gắt, bữa đói bữa no, giờ hạnh phúc được nước Mỹ giang vòng tay đưa cả gia đình anh đến Mỹ.

Sang Mỹ trong vòng hơn mười năm, anh nào cũng khá giả, có một ngôi nhà tươm tất, và mới chục năm trở lại đây, về hưu, ai cũng có đồng lương cao. Tôi không nghĩ là vì hưu cao, người ta có thể sống ung dung, dư dả ở ngoài nước Mỹ, nhưng đó có thể là một lý do tài chánh đã ảnh hưởng đến quyết định trở về Việt Nam của họ. Nếu họ còn độc thân, trơ trọi, mà còn cha mẹ già nơi đất quê hương, sự trở về của họ chắc cũng có lý do thông cảm.

Người bạn miền Đông của tôi, sau khi đi tù về, người vợ đã ra đi, bỏ lại bầy con dại, mà đứa nhỏ nhất mới lên ba tuổi. Trong những ngày ấy, một người đàn bà khác đã nhận kê vai gánh vác cuộc đời vô vọng rách nát của anh. Sang đến Mỹ, anh thành công trong thương mãi, về chiều, có một số lương hưu lớn, có thể sống dư dả đến cuối cuộc đời.

Anh bạn miền Tây của tôi, chân ướt chân ráo đến Mỹ, bắt đầu với một cuộc đời khá vất vả, nhưng may mắn sau đó, làm công nhân trong một hãng lớn, tiếng tăm của nước Mỹ. Các con của anh, ngày nay đều là những người thành đạt.

Đến tuổi về hưu, gia đình họ đều đổ vỡ sau những chuyến đi Việt Nam.

Nơi quê hương ngày trước, người bạn miền Đông gặp một người đàn bà tuy không phải thuộc loại nhan sắc, hay còn tuổi xuân sắc, nhưng chắc chắn là đẹp hơn, trẻ hơn vợ nhà, và lời lẽ hẳn là ngọt bùi, khêu gợi lại những thứ tình yêu thời trẻ dại. Sau một thời gian đắn đo, suy nghĩ, anh xẻ đôi căn nhà hạnh phúc ngày trước, quyết định làm lại cuộc đời bằng cách trở lại quê hương, sống với người đàn bà kia.

Bây giờ bạn bè cũ ở Việt Nam, sáng sáng gặp anh nhúm lửa, pha vợt cà phê đầu ngày, dọn bàn ghế cho khách ngồi theo nghề của nàng, và mỗi ngày, như lời tỏ bày chân thật, cần đến một viên viagra.

Người bạn miền Tây, đến tuổi “tri thiên mệnh” mới gặp người tri kỷ, mới ngộ ra được, thế nào là tình yêu. Để bù vào số tuổi, anh có số tiền. Họ là những người trong giới yêu thích văn nghệ, và người anh gặp hẳn là một nàng Thơ ngày xửa ngày xưa, thế là anh ra đi không trở lại. Tình yêu đâu phải dễ kiếm, thì ra lâu nay, cái thứ anh tưởng là tình yêu, chỉ là một thứ tình nào đó, mãi cuối cuộc đời anh mới được gặp mặt cái gọi là Tình Yêu (viết hoa) đích thực!

Thì ra lâu nay những người bạn của tôi không tìm thấy hạnh phúc. Người ta định nghĩa “hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao, được cho rằng chỉ có ở loài người, nó mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí!”

Những người bạn tôi đang sống ở một đất nước mà loài người cơ cực, ai cũng mong tìm đến. Những người bạn tôi đang có một mái ấm gia đình, đời sống cao hơn no đủ là dư dả, vợ không ngoại tình, con không hư hỏng & nhưng như vậy, chưa đủ cho tiêu chuẩn của một thứ gọi là hạnh phúc.

Trong một chừng mực nào đó, có lẽ hai người bạn của tôi tâm đắc với câu nói của George Sand: “Chỉ có một thứ hạnh phúc trên đời, là yêu và được yêu!” Và như vậy, lâu nay họ chẳng hề yêu ai và chưa bao giờ được yêu! Phải chăng thực sự, bạn tôi yêu sắc dục, và được yêu lại vì có tiền. Tôi cũng không ngờ rằng, đến lúc xế chiều, mà ngọn lửa tình yêu của hai người bạn tôi, bùng phát mạnh mẽ đến như vậy!

Lý Ngư trong Nhục Bồ Đoàn, một tác phẩm cổ bên Tàu về sắc dục, đã viết: “Theo lời các nhà nho xưa, thì cái vật dưới eo phụ nữ chính là cánh cửa sinh ra ta, mà cũng là cánh cửa chôn ta!”.

Hai người bạn tôi không thể đem một người đàn bà khác không là vợ mình từ Việt Nam sang định cư tại Mỹ, trước sự chê trách của dư luận và sự quay mặt của gia đình, vậy tốt hơn là trở lại Việt Nam.

Tôi hy vọng rằng, một ngày kia, dù thế nào, hai người bạn tôi cũng không trở lại Mỹ, với một tấm thân tàn tạ để kiếm một chỗ trong bệnh viện hay đủ thuốc men dùng cho một giai đoạn hấp hối.

Đã hai năm, rồi tôi nghĩ đến ngày Lễ Tạ Ơn hôm nay trên đất Mỹ, có hai gia đình quạnh quẽ, buồn phiền và chắc bạn bè, thân thuộc cũng không ai nỡ nhắc lại tên của người bạn tôi đang ở xa. Tôi biết họ cũng như tôi, đã có những ngày tù đày nơi rừng thiêng nước độc, đã có một người vợ khốn khổ, tảo tần xuôi ngược, đã có những đứa con bất hạnh bơ vơ.

Chúng ta tin tưởng gì ở một người lính thất trận, một người đã ngồi trong nhà tù tập trung, đã được thoát ra, còn bất cố liêm sỉ trở lại chốn xưa, vì một thứ gì đó dưới cái eo của đàn bà. Hai người bạn tôi đã quên rất nhiều thứ, trong đó có giá trị của gia đình, đạo lý và những điều ân nghĩa.

Tôi còn nhớ câu nói của MC Nguyễn Ngọc Ngạn: “…Một phần nữa vì người MC lâu đời của Thúy Nga là một cựu tù nhân chính trị, đã viết nhiều sách phê phán chế độ trong nước.” Tôi không đánh giá cao phẩm chất tất cả những người gọi là “cựu tù nhân chính trị!”

Hai người bạn tôi, một người ở miền Tây, một người ở miền Đông, sau thời gian đến Mỹ, ai cũng có viết báo, in sách và đã không tiếc lời lên án chế độ Cộng Sản Việt Nam!

Nỗi Buồn Cuối Đời – Huy Phương

Nỗi Buồn Cuối Đời.

 Huy Phương

Tôi biết trên thế giới Tây phương có nhiều đứa con không dám đi du lịch xa, vì sợ con mèo, con chó hay bầy cá ở nhà không ai cho chúng ăn hay săn sóc, nhưng cha mẹ già thì đã có những nhà dưỡng lão. 
 
Thậm chí trong tình vợ chồng, người vợ còn mạnh khỏe, siêng đi lễ hay lên chùa, nhưng chồng thì cô đơn, trên chiếc xe lăn trong một nhà già quạnh hiu nào đó.

Chúng ta có bao nhiêu lý do để bào chữa, biện minh cho việc bỏ bê cha mẹ già trong một cơ quan y tế, được cho ăn mỗi bữa, áo quần có người giặt, vài ba ngày được đẩy xe vào phòng tắm, trần truồng và được cô y tá hay một nam nhân viên dội nước, xát xà phòng, vo đầu. Những việc săn sóc này dù có mang chút tình người đi nữa thì cũng là những công việc hằng ngày bắt buộc, thương ghét hay xúc động chỉ là những cảm tính vô ích.

Có những đứa con nại cớ bù đầu với công việc ở sở, và việc con cái bếp núc ở nhà nên không có thời gian dành cho cha mẹ già, đành phải đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão. 
 
Gần đây người ta lên tiếng hoan nghênh những người phụ nữ hy sinh lợi tức để ở nhà toàn thời gian chăm nom, săn sóc con cái, nhưng nào có ai nghe chuyện có những đứa con bỏ việc làm vì còn cha mẹ cần sự giúp đỡ lúc về già! 
 
Người ta thường kêu than không có thời giờ, “đầu tắt, mặt tối” nhưng còn có thời gian mua sắm trong các cửa hàng thời trang, mất một hai tiếng đồng hồ trong gym mỗi ngày, năm giờ cho một chương trình ca nhạc ở sòng bài, không tính thời giờ đi về. 
 
Đó là chưa kể thời gian “bắt buộc” phải ngồi trước máy điện toán, vào Facebook, hay trao đổi tin nhắn với bạn bè.

Người ta có thể mỗi năm tổ chức những chuyến du lịch bắt buộc, ra ngoài để mở tầm mắt trước thế giới, nhưng “nhắm mắt” làm ngơ về một lần sắp xếp thời gian đi thăm cha mẹ già.

Ngày xưa một người mẹ nuôi được năm mười đứa con, ngày nay cả năm mười đứa con không nuôi nổi được một mẹ, phải chăng vì vậy mà phải đẩy mẹ vào nhà dưỡng lão, để cho những người xa lạ trông coi. 
 
Ở đây có khi mẹ thiếu ăn, cơ thể mất nước, dơ bẩn trong mớ phân và nước tiểu, bị đối xử tàn tệ, cũng chẳng hề ai biết đến. Ngày xưa “bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn,” không có bậc cha mẹ nào có thể ngoảnh mặt trước cảnh con đói khát hay bị lăng nhục bởi một người khác.

Con biết giờ đây, “một ông già bằng ba đứa trẻ” cha “lẩm cẩm” bước đi, và mẹ phải nương lưng nhờ gậy chống.

Xưa kia khi các con còn thơ ấu, thân xác chưa trưởng thành và tâm hồn con yếu đuối, điều một điều hai vẫn là mẹ. 
 
Một đứa trẻ có thể biết lạnh, biết nóng, biết đói, biết khát, biết đau, nên khóc la, nhưng chóng quên, khóc đó rồi cười đó. Trái lại, một ông già còn biết buồn, biết tủi thân, biết xót xa mà chỉ biết gậm nhấm mang lấy nỗi buồn của riêng của mình, nên tuổi già cũng cần chăm sóc, gần gũi, ân cần như là một đứa trẻ, có khi còn hơn thế nữa!

Thói quen của người đời, người ta thường hỏi nhau có được mấy con, mấy ai quan tâm xem song thân còn hay mất! Đối với cha mẹ, con là tất cả, nhưng đối với con, cha mẹ là một thứ quá khứ cần xếp lại.

Ngày xưa, niềm vui của cha mẹ là nghe tiếng đứa con chập chững bi bô, hay toét miệng cười, ngày nay cha mẹ về già, các con ở xa, chỉ mong nghe tiếng điện thoại reo vui vào những ngày lễ, Tết, và đầu điện thoại bên kia có tiếng nói: “Mẹ ơi!” hay “Mẹ đó hả?” 
 
 Trong cái tổ ấm cúng ngày xưa, và là cái tổ trống hoác ngày nay, khi các con đã đi xa, những cái phòng của các con vẫn để trống, biết đâu có ngày con về thăm bố mẹ. 
 
Con búp bê bằng nhựa, con gấu nhồi bông vẫn còn trên chiếc dương cầm phủ bụi của con gái, tủ sách, nhiều giải thưởng và những lá cờ kỷ niệm của trường đại học vẫn còn gắn trên bức tường trong phòng đứa con trai. 
 
Và ngôi vườn kia, đã đầy lớp lá vàng vào Thu hay phủ tuyết mùa Đông, cái ghế xích đu ngoài vườn ngày trước con thích ngồi, vẫn rung khẽ cùng cơn gió nhẹ.

Nhiều lúc cha mẹ muốn bán ngôi nhà cũ đầy ắp kỷ niệm, nhiều phòng, để đi tìm một cái condo, nhưng cứ nghĩ khi con về, và còn những đứa cháu nữa, sẽ ở đâu?

Cha mẹ Việt Nam tự an ủi, ru mình bằng bốn tiếng “nước mắt chảy xuôi” là mọi chuyện đều cho qua, nhận thức đời sống một phần cũng cho là duyên, là phước. Phải chi cha mẹ như cha mẹ nơi quê người, không hề lưu luyến, bịn rịn, ngay từ lúc đứa con đã trưởng thành rời mái ấm ra đi.

Nhưng có lẽ mọi điều không phải như vậy, dù bên trời Tây hay bên phương Đông. Chúng tôi vừa được xem một đoạn phim rất ngắn kể chuyện một người già cô đơn ở phương Tây.
Những ngày lễ lớn năm nay, cô con gái tin cho biết là cô không về thăm cha được vì bận việc. Ông cụ lủi thủi một mình, cô đơn trong căn nhà nhỏ với những bữa cơm lặng lẽ hàng ngày. Nhưng rồi, cô con gái nhận được tin cha mình qua đời đột ngột, cô thu xếp cùng chồng trở về nhà.

Trên bậc cửa, cô thấy người cha thân yêu của cô hiện ra với tấm lưng còng và mái tóc bạc phơ. Cô bật khóc. Phải chăng vì nghe tin cha chết, cô mới trở về, trong khi còn sống, người cha cần có con, thì không có cô bên cạnh.

Nhưng cũng còn may. Cách đây mười mấy năm ở Paris, vào mùa Hè, có một trận nóng kinh khủng giết hàng trăm cụ già trong nhà dưỡng lão. Nhà nước thông báo cho những đứa con trở về lo chôn cất. Nhưng chúng, nhiều đứa đành xin lỗi, vì đang kẹt trong chuyến du lịch dài ngày ở xa!

Huy Phương

From: Anh Dan & KimBang Nguyen

Trở về quê cũ – TẠP GHI HUY PHƯƠNG….

Van Pham

TẠP GHI HUY PHƯƠNG….

Trở về quê cũ

Hạ Tri Chương, thi sĩ đời Thịnh Đường, xa quê từ nhỏ, lúc trở về đã già, tuy còn giữ giọng nói quê nhà, nhưng lũ trẻ thấy người lạ, bèn hỏi “Khách ở phương nào đến đây?” (Khách tòng hà xứ lai?)

Đối với chúng ta, xa quê gần bốn mươi lăm năm, gần nửa thế kỷ, tính theo đời sống của một con người, thì thời gian này cũng là quá nửa đời người.

Lúc bỏ nước ra đi, dù có hai mươi ba mươi, thì nay trở về cũng đã là một ông già bảy, tám mươi tuổi, tóc đã bạc, trí nhớ không còn minh mẫn như xưa.

Gặp lũ trẻ trong nước ngày nay, dù là ở trên con đường quê hay trong quán cà phê phố thị, cũng không ai đặt câu hỏi: “Khách ở phương nào đến đây?” Vì, lớn lên chúng biết và có nhiều kinh nghiệm về những người tuồng như xa lạ trở về.

Những ông già lạ mặt trở về lối xóm được biết là những “Việt kiều” không cần phải hỏi, nên nếu còn sống, ông Bùi Bảo Trúc có “tưởng tượng mai về khu Ngã Sáu” thì người ta cũng biết ông là ai. Chỉ tiếc rằng: “Tiếng quê nghe vẫn đầy âm cũ, mà cũng lạ tai câu trẻ thơ,” vì ngôn ngữ đã khác hẳn xưa rồi!

Tôi có một cô bạn, hồi hương sau nhiều năm xa xứ, đi một chuyến từ Sài Gòn ra Hà Nội. Để tránh mua cái vé xe lửa giá cao Việt Kiều, cô mượn cái “Chứng Minh Nhân Dân” của người nhà bản địa để mua vé “công dân XHCN,” tiết kiệm được mấy chục đồng.

Lên xe lửa, khi người soát vé xem vé, bấm vé cho cô xong, lúc nhận lại tấm vé, cô buột miệng nói hai tiếng: “Cám Ơn.” Soát vé chứ có cho chác, biếu xén gì đâu mà phải cám ơn. Cái này mới mệt, người trong nước đã quên mất hai chữ “cám ơn” lâu rồi. Vậy đây là người ở đâu mới lại?

Người soát vé bèn cười hỏi: “Khách ở phương nào đến đây?” Thôi đúng đây là Việt Kiều hồi hương, phải mua vé khác giá cao hơn, chịu khó đóng thêm mấy chục đồng, chưa phạt cô cái tội gian dối là may rồi!

Ra Hà Nội, cô Việt kiều đói bụng vào quán ăn, cũng còn mang cái giọng “đi xa mới trở về,” cô nói với người bán hàng: “Cho tôi bát bún!” “Hương âm vô cải” nhưng nội dung thì đã thay đổi rồi!

Cô được câu trả lời như tát vào mặt: “Ở đây có bún bán, chứ chẳng có bún cho!”

Lạ đường hỏi thăm, thì được câu trả lời là “Đéo biết!”

Những Hạ Tri Chương thời nay dù đã luống tuổi, tóc đã bạc hồi hương, bỡ ngỡ như thấy mình trẻ lại khoảng năm mươi tuổi khi nghe một thằng oắt con hay một cô gái đáng tuổi cháu ngoại, gọi khách bằng tiếng “mình,” nghe qua có vẻ ngọt ngào thân thiện, nhưng quả là suồng sã. Tiếng đại danh từ “mình” bây giờ vừa nói về ngôi số một, như một người tự giới thiệu trên mục “tìm bạn tri âm” của một tờ báo: “Mình năm nay ba mươi tuổi, tốt nghiệp Đại Học…” mà cũng là ngôi thứ hai “mình ơi” như gọi một người yêu dấu!

Như một mục trên tở báo Phổ Thông của Nguyễn Vỹ ngày xưa.

Người đi xa về, được nghe tiếng “mình” trong ngôi thứ hai này, được hỏi, sau khi kéo ghế ngồi xuống trong một nhà hàng: “Mình ăn gì?” Hay là thân mật hơn như trong gia đình: “Nhà mình có mấy người?”

Ông Hạ Tri Chương nhìn kỹ mặt người đối thoại, không hề thấy quen biết, cũng chẳng phải là bà vợ già của mình đang ở một nơi xa quê hương, thế thì vì sao lũ trẻ, chúng gọi ta bằng “mình?”

Chữ nghĩa bây giờ loạn xạ, mà âm thanh thì xa lạ, nghe chất chua hơn là vị ngọt, chẳng còn phong cách như của Hà Nội một thời. Có lẽ người đi mang theo quê hương, nên lúc trở lại nhà, vẫn giữ giọng nói ấy, chữ nghĩa ấy, phong cách nho nhã, trong sáng ấy, đã bao năm “hương âm vô cải” (tiếng quê vẫn thế).

Người đi xa trở về quê cũ, nói cũng không ai hiểu, mà cũng chẳng hiểu gì ai nói, ngẩn ngơ đoán chừng. Không lẽ cùng quê hương với nhau mà phải cần đến người thông dịch.

“Ôi, chốn quê hương đẹp hơn cả!” Ông già, bà cụ nào mà không nhớ câu nói ấy trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư của một thời niên thiếu. Ai mà không biết chuyện vào mùa Thu, khi cây thay lá, cũng là lúc những con cá hồi trưởng thành, sau một quãng thời gian vùng vẫy ngoài biển lớn, ngược dòng nước để trở về với cội nguồn. Mới đây, nhiều người cũng đã từng nghe câu: “Nếu đi hết biển, con sẽ trở về làng xưa!”

Thế nào chúng ta cũng phải trở về, nhưng không phải là hôm nay!

Trở về khi bạn bè, thân quyến đã không còn ai. Trở về không còn ai là tri kỷ. Trở về khi đất trời trống vắng người xưa, mà những người mới không quen, lũ trẻ thì ngu ngơ xem chúng ta là người lạ lạc loài trên đất mình ngày cũ, hỏi: “Khách tòng hà xứ lai?” (Ông ở xứ nào tới vậy?)

Đó cũng là tâm trạng u hoài, xót xa của Trần Tử Ngang trong “Đăng U Châu đài ca.”

“Ngoảnh lại trước, người xưa vắng vẻ

Trông về sau, quạnh quẽ người sau

Ngẫm hay trời đất dài lâu

Mình ta rơi hạt lệ sầu chứa chan.”

(Bài Ca Trên Đài U Châu *Trần Tử Ngang – Trần Trọng San dịch.)

Trở về chốn cũ để ngậm ngùi.

“Ngước mắt trông lên trời cũng lạ

Nhà ai đây, chứ phải nhà tôi!”

(Trở Về Quê Cũ – Nguyễn Bính)

“Còng lưng hay Gù Lưng Mà Sống!”- TẠP GHI HUY PHƯƠNG

Van Pham

 

 

 

 

 

 

 

 

 

“Còng lưng hay Gù Lưng Mà Sống!”- TẠP GHI HUY PHƯƠNG

Nhà Thờ Đức Bà tại Paris, Pháp (Notre Dame de Paris) trong đại tác phẩm của Victor Hugo có một nhân vật là “Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà”. Bây giờ ở Việt Nam, rất ít người bị gù lưng vì cố tật mà thảy đều bị gù lưng vì thời đại, chẳng qua là vì cúi lưng, lom khom quá độ, lâu ngày biến thành tật, mà không ai biết mình đang bị gù lưng.

Cô Nguyễn Phương Mai là phó giáo sư tiến sĩ chuyên ngành giao tiếp và quản trị đa văn hóa, hiện đang giảng dạy tại Đại Học Khoa Học Ứng dụng Amsterdam, Hòa Lan, cho rằng cô chưa mất niềm tin vào tương lai của chính mình ở Việt Nam, nhưng cô lại nói:

– “Nếu quay trở lại Việt Nam sống và hàng ngày phải đối mặt với những cái khó khăn, những điều chướng tai gai mắt, phải gù lưng mà sống thì chưa chắc tôi đã về, nghĩa là tôi cũng lại mất niềm tin!”

Vậy ai là những người phải “gù lưng mà sống” trong xã hội này?

Dù không sợ, người ta phải khom lưng xuống để tỏ ra mình biết sợ, để được sống còn, sống yên và sống hèn….

Trong đoản văn “Người việt nam hèn hạ” của một người trẻ tuổi có tên Phan Hân (chữ việt nam không viết hoa), đã mô tả xã hội bây giờ là một “cuộc chiến đó là rình mò, là theo dõi, là cấm cản, là kiểm duyệt, là vu cáo, là bắt bớ, là dùi cui, là tù đày, là chết không lý do, là bị bịt miệng tại tòa, là con cháu theo lời lãnh đạo cầm gậy gộc ra ngoài đồng ức hiếp ông bà cha mẹ chòm xóm của mình vì họ đang giữ đất!”

Ai cũng mong có “một ngày yên ổn làm ăn, không bị cán bộ thuế đến nhũng nhiễu, không bị cảnh sát giao thông thổi phạt kiếm ăn, không bị đội dân phòng rượt đuổi, không bị ông chủ đẩy vào toa-lét để sờ soạng, không bị cắt tiền tăng ca, không bị cho ăn cơm thiu ngộ độc, không bị bệnh đột ngột phải vào bệnh viện nằm gầm giường chờ chết…

Vậy thì còn ai dám đứng thẳng?

Cũng có người không biết mình còng lưng, vì nhìn chung quanh, lưng ai cũng còng. Ở đâu cũng nhìn thấy thái độ của kẻ đi xin (dân) và người có quyền ban phát (đảng-chính quyền.) Cái đáng là mình được quyền làm, quyền có thì lại là một thứ ân huệ, mà trong đất nước này ân huệ ban từ trên xuống, cũng không bao giờ ai cho không mà được trả bằng tiền, quà cáp, sức lực và cả nhân cách của con người.

Nhất nhất điều gì người dân cần làm đều phải qua tay nhà cầm quyền, cũng phải xuống xã xin con dấu, như người dân cần vay tiền ngân hàng, trẻ con sinh ra làm giấy khai sinh, hồ sơ đi làm ăn xa, gia đình hộ nghèo đi bệnh viện giải phẫu, xuống xã nhận tiền “hộ nghèo…”

Có hai thứ “còng lưng,” một là còng lương để tồn tại, như lời Nguyễn Tuân: “Tôi sống được là nhờ biết sợ!” Hai là còng lưng vì “sưu cao thuế nặng.” Không khác gì thời thực dân, phong kiến mà ông Lê Văn Cuông – cựu đại biểu Quốc Hội cũng xót xa: “…Mùa sưu thuế hãi hùng ở Hậu Lộc cho thấy đang có sự xuất hiện trở lại của bộ phận cường hào, ác bá thời phong kiến ở nông thôn trong thời kỳ văn minh.”

Nông dân tên Dương, ở Nam Đàn, tỉnh Nghệ An cho biết trong vụ thu hoạch Hè Thu vừa qua gia đình anh phải nộp tất cả 20 loại thuế, trong đó có những loại thuế, phí nhà nước cũng như tỉnh không quy định mà chính quyền huyện, xã lại đề ra và bắt dân phải nộp kiểu “phép vua thua lệ làng.”

Nặng nhất là khoản xây dựng nông thôn mới, mỗi người phải đóng gần 1 triệu/1 năm. Đó là đóng góp nghĩa địa, thu thủy lợi, trả công bảo vệ hoa màu, quỹ thiếu niên nhi đồng, quỹ văn hóa làng-thể thao, quỹ khuyến học, quỹ điện sáng nhà văn hóa, quỹ an ninh xã hội, quỹ an ninh thường xuyên làng, quỹ chữ thập đỏ… Nhiều thứ đóng rõ ràng là phi lý.

Báo chí Việt Nam kể một câu chuyện người dân khốn khổ: “…do không đóng đủ tiền giao thông nông thôn, một chị nông dân đã bị chính quyền thôn, xã đến cưỡng bức bắt con bò mới mua để cày ruộng, sau đó bán cho người khác. Con chị đó đến ngăn thì bị họ đánh, phải đi bệnh viện.”

Ở Hải Lộc, Hậu Lộc “có gia đình còn bị ‘tổ công tác đặc biệt’ bốc mất mấy tấm ván canh.” Tấm ván canh là gỗ mua sẵn dành cho người già chết thì đóng quan tài. Cái thời 31 năm về trước, trương tuần của “Cái đêm hôm ấy… hôm gì?” chỉ trấn lột thóc, để lại cái áo quan cho mẹ nhà văn Phùng Gia Lộc, xem ra vẫn còn nhân đạo hơn bọn cường hào mới bây giờ lấy cả tấm ván canh lo hậu sự của người già.

Thời này trâu bò ra đồng ăn cỏ, vịt xuống ao rỉa cá cũng phải thuế. Bọn cầm quyền nghĩ cách thu thuế, “nhổ lông sao cho vịt khỏi kêu.” Rồi đây đến cái điện thoại cầm tay cũng phải đóng thuế. Việt Nam hiện có 72,300,000 cái cell phone, đứa nào nghĩ ra chuyện “nhổ lông vịt” này quả là siêu đẳng.

Ra đường thì có công an giao thông thổi còi kiếm ăn mỗi ngày, tài xế đi xa thì có B.O.T. chặn đường thu “mãi lộ,” lưng thằng dân chất chồng bao nhiêu thứ thuế, không gù mới là chuyện lạ.

Có con đi học, xin còng lưng thêm tí nữa! Cho con đến trường là một nỗi khổ của cha mẹ phải đóng hàng chục thứ “phí.”

“Mức đóng góp đầu năm dành cho khối học sinh lớp 1 hơn 7.5 triệu đồng với 22 khoản thu: tiền bán trú, tiền ghế, tiền áo đồng phục, tiền sách mua nhà trường, tiền kỹ năng sống, tiền chữ thập đỏ, tiền quỹ đội, tiền học tiếng Anh, tiền quỹ hội cha mẹ học sinh, tiền xã hội hóa giáo dục, tiền ngoại khóa, tiền vệ sinh nhà trường, tiền trông trẻ (dạy buổi chiều,) tiền hỗ trợ nhà bếp, tiền giấy kiểm tra, tiền vệ sinh lớp học, tiền quỹ lớp, tiền phô tô, tiền máy chiếu, tiền điều hòa, tiền bảo hiểm y tế…”

“Lên đến lớp 4, lại thêm các loại tiền đóng: Tiền xã hội hóa, tiền bảo trì máy tính, tiền quỹ hội cha mẹ, tiền thuê trực nhật, tiền vệ sinh trường, tiền nước uống, tiền giấy vệ sinh, tiền hoạt động ngoại khóa, tiền bổ sung đồ dùng bán trú, tiền học buổi chiều và hỗ trợ trông trưa, tiền học kỹ năng sống, tiền quỹ lớp, tiền chữ thập đỏ, tiền quỹ đội, tiền giấy thi… Nhiều gia đình không chịu nổi phải cho con nghỉ học.”

Không biết chính phủ sinh ra để làm gì, và thu thuế để phục vụ ai? Thu thuế để xây dựng đảng, như thế đảng càng mạnh, thì dân càng phải gù lưng hơn nữa! Những ai làm ăn, kinh doanh dưới chế độ Cộng Sản chắc đã biết chuyện nhịn nhục, nói cười cho qua chuyện để chúng ta cùng có lợi, đôi khi phải quên cả nhân cách của mình, có tiền bạc rủng rỉnh, nhưng đêm nằm nghĩ lại có hổ thẹn hay không?

Trong một xã hội, buổi sáng ra khỏi nhà, gặp thằng công an khu vực, trong lòng khinh nó, mà cũng phải chào hỏi. Đến sở làm việc với thằng thủ trưởng dốt nát, tham ô, phe cánh, kinh tởm mà cũng phải thưa dạ, bác cháu, anh em. Buổi chiều không muốn đi nhậu mà cũng phải làm ra vẻ sốt sắng, chén chú, chén anh, cho ra phe mình. Cái thời buổi “thẳng thắn, thật thà, thương thua thiệt,” ai mà dám đứng thẳng lưng, đôi khi phải sống giả dối, quên mình, nên cái lưng gù xuống lúc nào không hay!

Vậy mà người ta không biết quý khi được sống trong một xã hội, mà thấy cái lưng mình còn thẳng!

Sài Gòn và Hà Nội hay “Singapore & Paris Việt Nam”…- Tạp Ghi Huy Phương

Van Pham

Tạp Ghi Huy Phương

Sài Gòn và Hà Nội hay “Singapore & Paris Việt Nam”….

(Văn hóa của kẻ “thắng cuộc với văn hóa của người “thua cuộc”!!!)

Sau khi đi tù về vài năm, khoảng 1985, tôi có mở một tiệm làm hình và tráng phim gia công trên đường Lý Thái Tổ, Sài Gòn. Nhờ vậy, ở đây tôi có dịp tiếp xúc với nhiều người đủ mọi tầng lớp xã hội và ở khắp mọi miền, nhất là dân miền Bắc, sau Tháng Tư, 1975, đổ xô vào Nam kiếm ăn rất nhiều. Vì dù miền Nam sau ngày “giải phóng” đã xuống cấp tột cùng, trông cũng còn khá giả, tươm tất hơn ở miền Bắc sau 20 năm dưới chế độ cộng sản.

Một ngày nọ, tôi gặp một người trung niên miền Bắc, trông mặt mày cũng khôi ngô, nhưng áo quần nhàu nát, làn da xanh mét như người thiếu ăn, anh vào tiệm, ngửa tay ra, nói mấy câu. Nghe giọng nói tôi biết ngay là người này ở ngoài Bắc mới vào, đang hành nghề xin ăn.

Tôi hỏi anh:

– “Tận ngoài Bắc, sao anh vào đây đi ăn xin?”

Không hề ngượng nghịu, anh nói rõ:

– “Vào đây xin 10 người cũng có được 6 người móc túi cho, lại chẳng bao giờ bị chửi bới. Ngoài Bắc, nhất là Hà Nội, thì đừng hòng! Có mà chết đói.”

Ðó là điều tôi nhận ra, như vậy là có sự khác biệt nhau giữa Sài Gòn và Hà Nội. Hà Nội đại diện cho miền Bắc và Sài Gòn phản ánh cho những đặc tính của miền Nam.

Cộng Sản vào không phải làm điện khí hóa cho nông thôn trở thành thành thị, nhưng thật tình đã “nông thôn hóa” thành thị, nên dân Sài Gòn thường trực bị cúp điện, nhiều nơi tìm cách đào giếng để kiếm nước và sẵn sàng bới sân gạch lên để trồng khoai lang cải thiện, hay như ông bạn tôi ở chung cư Thanh Ða, bớt chỗ sinh hoạt để nuôi hai con heo nái trên sân thượng.

Sài Gòn sau thời gian đổi tên, nguyên do chỉ vì cái bến Nhà Rồng chết tiệt, chẳng mấy chốc xuống gần bằng Hà Nội. Bằng Hà Nội hơn, nhất là sau khi họ ồ ạt “vào thành phố” như một câu hát của Trịnh Công Sơn, với những “cửa hàng thịt phụ nữ,” “cửa hàng chất đốt thanh niên” mọc ra. Cái cảnh phơi áo quần trên cửa sổ, treo khăn lông trong “xe con,” nuôi heo, trồng rau ngay trong sân nhà, hay hai anh bộ đội lái xe khác chiều dừng xe ngay giữa lộ để nói chuyện với nhau, bất cần tiếng chửi của thiên hạ.

Mới thoạt nhìn, Sài Gòn bỏ ngỏ và bắt đầu nhếch nhác giống Hà Nội, nhưng sự thật trong gan ruột, hai thành phố đối cực, đối đầu này đang có những điều khác biệt, một bên là “nơi hang ổ cuối cùng và đâu cũng thấy tàn dư Mỹ Ngụy,” và Hà Nội, “thủ đô của lương tri, phẩm giá con người!” Vì vậy mà ngày nay, sau gần 40 năm “thống nhất” người ta còn đi tìm và thấy ra có quá nhiều khác biệt giữa Sài Gòn, Hà Nội.

Cách biệt vì cách đối xử chính trị như vậy, trách sao Sài Gòn và Hà Nội không cách biệt về văn hóa, mặc dầu lúc nào hai bên cũng cho bên kia là “quê hương tù dày!” Tuy vậy, Hà Nội thắt lưng, buộc bụng, tẩy não, “dốc hết hạt gạo, cục muối cho miền Nam đánh Mỹ,” làm sao so được với Sài Gòn “bơ thừa sữa cặn!”

Nói về giáo dục, sau Tháng Tư, 1975, đồng bào và thầy cô giáo miền Nam hẳn đã biết loại văn hóa ăn nói vô lễ, thô tục của lũ trẻ miền Bắc mới vào Nam, vì miền Bắc không có khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” treo trong các lớp tiểu học. Ngày ra Bắc, lên tận Hoàng Liên Sơn, tôi đã trông thấy những nét văn hóa tiêu biểu, được viết bậy lên vách tường nhà trường tiểu học, chưa kịp xóa sạch, nói đến sự quan hệ của ngành công an và giáo dục: “Công An (đ.) Cô Giáo!”

Trên đường làng Cẩm Nhân, Yên Bái, chúng tôi đi ngang một nhà giữ trẻ của hợp tác xã, nghe tiếng trẻ khóc la và tiếng quát của một phụ nữ: “Bố mẹ chúng mày đéo cho lắm vào, để chúng mày làm khổ thân bà!” “Bà” đây là người giữ trẻ của hợp tác xã nông nghiệp, bà có nhiệm vụ giữ trẻ thì khỏi ra đồng như các hợp tác xã viên khác. Liệu lũ trẻ này lớn lên dưới sự chăm sóc của những người này này, ngôn ngữ của chúng sẽ ra sao?

Trên các blog và báo chí trong nước, đề tài “những sự khác biệt giữ Sài Gòn và Hà Nội” tương đối là một đề tài hấp dẫn.

Tôi dẫn một vài ví dụ:

Giao tiếp:

– Ở Sài Gòn, bạn dửng dưng khi thấy cô bán hàng cúi gập người chào bạn.

– Ở Hà Nội, bạn xúc động đến sững sờ khi thấy ai đó nói lời cảm ơn.

Hàng quán:

– Tô hủ tíu mì Sài Gòn được bưng ra với tô được đặt trên chiếc đĩa.

– Bát phở gà Hà Nội được khuyến mại với ngón tay cái của con bé bưng bê!

Ca ve:

– Khi bạn vừa thanh toán xong tiền cho cave…

Cave Hà Nội: “Cho em xin thêm 10 nghìn để còn đi xe ôm về.”

Cave Sài Gòn: “Em bớt cho anh 10 ngàn, lần sau nhớ kiu em nha!”

Nhà sách:

– Hà Nội: Nhân viên hách dịch.

– Sài Gòn: Vào đọc chùa thoải mái, nhất là các em bé, có thể ngồi tại chỗ đọc mà không sợ bị đuổi!

Trong quán ăn:

– Sài Gòn: “Vâng em làm ngay đây.”

– Hà Nội: “Làm gì mà cuống lên thế! Muốn nhanh thì xéo sang hàng khác!”

Bạn bè:

– Hà Nội: Hay để bụng, ghét mà trước mặt vẫn chơi, về nhà nói xấu.

– Sài Gòn: Mau huề, ghét là biến, không chạm mặt!

Nhưng liệu những sự khác biệt này kéo dài được bao lâu nữa? Bây giờ, Sài Gòn và Hà Nội đã bắt đầu đầu giống nhau, ảnh hưởng và bị đồng hóa, vì người Nam ra Bắc thì ít mà người Bắc vô Nam càng ngày càng đông, như một người tên Jor Dan viết trên blog: “Mỗi người có một cách suy nghĩ riêng. Nhưng đa phần chỉ nói yêu Hà Nội, nhưng lại thích được sống ở Sài Gòn. Ca sĩ Hà Nội vào Sài Gòn lập nghiệp nhiều quá còn gì!”

Sau 42 năm bây giờ hai thành phố này đã có những chuyện giống nhau. Ở đâu cũng kẹt xe kinh khủng, và sau một trận mưa, không chỉ ở thành phố “Singapore của bác” mà ở Hà… Paris… cũng lội!

Vô kỷ luật:

Sinh viên:

– Hà Nội: Nhiều em cave trông như sinh viên.

– Sài Gòn: Nhiều em sinh viên trông như cave.

Giao thông:

– Sài Gòn: Bạn có thể vượt đèn đỏ thoải mái.

– Hà Nội: Bạn có thể lượn lờ trước mũi xe hơi.

Chúng ta không hy vọng gì Hà Nội Paris và Sài Gòn Sing sẽ mãi mãi khác nhau vì chúng ngày càng gân hơn. Sự đồng hóa và việc di dân ồ ạt sẽ làm cho Sài Gòn càng ngày càng gần với Hà Nội. Ðiều rõ nhất là Hà Nội trước năm 1954 và Hà Nội bây giờ hoàn toàn khác nhau. Năm 1954, sau Hiệp Ðịnh Geneva, một số người đã mang sự thanh lịch của Hà Thành năm xưa đi xa, để “Hà Lội Paris” ngày nay cho những người mới vào tiếp thu, từ giọng nói đến văn hóa cư xử đã hoàn toàn khác biệt.

Người Sài Gòn hôm nay sẽ không còn là người Sài Gòn của những ngày tháng cũ, tất cả chỉ còn là chuyện thời gian. Chỉ sợ sau ngày Sài Gòn trở lại tên cũ, chất Sài Gòn sẽ không còn nữa.

Chúng ta yêu Sài Gòn chính là yêu chính chúng ta, cái bóng của dĩ vãng. Muốn Sài Gòn không đổi thay, chính lòng mình phải không thay đổi.

Hình minh họa: – Một xã hội đè lên nhau để chụp giựt…

Cuộn chỉ thời gian – Tạp ghi Huy Phuong

 Cuộn chỉ thời gian

Tạp ghi Huy Phuong

“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy,

Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”

(Kahlil Gibran)

Chuyện gì nhắc chúng ta biết rằng một ngày đã qua: Tiếng đồng hồ báo thức mỗi buổi sáng hay khi chúng ta mở vòi nước để làm vệ sinh khi ra khỏi giường? Chuyện gì nhắc chúng ta một tuần lễ đã qua: Sáng Thứ Bảy này dậy trễ hay có hẹn đưa gia đình đi chơi cuối tuần?

Chuyện gì nhắc chúng ta hai tuần đã qua: Ðến kỳ lãnh check lương hay ngày rằm hay mồng một ăn chay? Chuyện gì nhắc chúng ta một tháng đã qua: Trả các thứ bill nhà, bill điện, bill nước? Chuyện gì nhắc chúng ta sáu tháng đã qua: Vặn đồng hồ lui hay tới một giờ? Chuyện gì nhắc một năm đã trôi qua: Phải chăng là những khúc ca Giáng Sinh rộn ràng và các thương xá giăng đèn kết hoa, và với người Việt là hoa cúc, hoa mai, bánh chưng, bánh tét và những bài hát về Mùa Xuân đã trở lại?

Trọn một năm rồi, hôm nay tôi trở lại văn phòng dịch vụ khai thuế mà cảm thấy như mới đến đây hôm qua, cũng anh chàng khai thuế vui tính, những chồng hồ sơ ngổn ngang, trên vách chiếc đồng hồ tròn chậm rãi đếm giây… Cách đây một năm tôi đã ngồi trên chiếc ghế này, hôm nay tôi lại đến đây. Mùa khai thuế đã tới. Một năm nữa đã qua. Ði khai thuế mỗi năm hẳn lòng ta chẳng có cảm xúc gì, nhưng bạn cứ tưởng tượng, nào ngày con cháu chúng ta tốt nghiệp, nào ngày tan trường, ngày tựu trường, Mùa Thu lá rụng, rồi Mùa Ðông tuyết rơi.

Không những một giờ, một ngày qua rất nhanh, mà một năm, mười năm cũng như phút chốc. Phương Ðông nói: “Thời gian như bóng câu qua cửa sổ” (câu quang quá khích). Ca dao Việt Nam lại nói: “Thời giờ thấm thoắt thoi đưa -Nó đi đi mãi chẳng chờ đợi ai!” Thời gian có những bước đi cố định của nó, nhưng qua chủ quan, nhanh chậm hay dài ngắn lại “tùy người đối diện”, dù Lamartine đã thốt nên lời: “Thời gian ơi, xin hãy ngừng cánh bay.” (Ô temps, suspends ton vol!), cũng như chúng ta vẫn thường than vãn: “Ngày vui qua mau!” Trái lại, Kim Trọng tương tư Thúy Kiều thì một ngày cũng dài bằng ba năm: “Sầu đong càng lắc càng đầy- Ba thu dọn lại một ngày dài ghê!” Người bị gông cùm, lao lý thì “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại.” Phải chăng vì: “Người vui thì than đêm ngắn- Kẻ buồn lại hận canh dài.” Những ngày ở trong tù 35 năm về trước, hằng ngày phải lao động khổ sai vất vả, chúng tôi thấy ngày quá dài, chỉ mong đến lúc có tiếng kẻng “thu dụng cụ” để ra về, kiếm chén khoai lửng dạ và ngã tấm thân gầy guộc mệt nhoài trên chiếc chõng tre. Ðêm là lúc tự do, riêng rẽ một mình thì quá ngắn, vì người tù cảm thấy sợ hãi khi nghe tiếng kẻng đánh thức mỗi buổi sớm mai để thức dậy trước một ngày nữa, vất vả và vô vọng.

Bây giờ đến lúc tóc đã hoa râm, ngoảnh mặt nhìn lại: “Hồng Hồng! Tuyết Tuyết! Mới ngày nào còn chữa biết chi chi!” (Nguyễn Công Trứ), con cháu ngày nào, còn bồng bế nay đã trưởng thành, nghĩ lại “đời người như giấc mộng.” Nghĩ lại, thời hoa niên, rồi chiến tranh, tù đày, lưu lạc quê người cũng qua nhanh. Bây giờ không còn nói chuyện một ngày qua, một tuần qua, một tháng qua, mà nói chuyện mười năm, ba mươi năm, sáu mươi năm qua. Nhìn lại quá khứ, hình như chúng ta đều mang trong lòng nỗi tiếc nuối hơn là vui mừng vì chúng ta đã làm được điều gì đó trong những ngày tháng cũ.

Ai cũng nói được câu “dĩ vãng là lịch sử,” là những điều đã qua, nhưng tất cả văn thơ, âm nhạc đều khóc lóc, thương tiếc những ngày tháng cũ. Người thì xin đi lại từ đầu, người thì gọi ngày xưa là hoa bướm… Hiện tại là món quà Trời cho (Present) nhưng ít ai biết giá trị mà nâng niu nó, để khi nó đã trở thành dĩ vãng mới buồn bã khóc than. Phật Pháp cũng có nói đến: “Quá khứ đã qua, tương lai chưa tới, hãy sống tĩnh thức trong giờ phút hiện tại!”

Ðể biết giá trị của thời gian, phương Tây nói:

“Ðể biết giá trị của một năm, hãy hỏi một sinh viên vừa thi trượt năm cuối.

Ðể biết giá trị của một tháng hãy hỏi một người mẹ sanh non.

Ðể biết giá trị của một tuần hãy hỏi chủ bút của một tuần báo.

Ðể biết giá trị của một giờ, hãy hỏi những người yêu đang chờ đợi gặp nhau.

Ðể biết giá trị của một phút, hãy hỏi người vừa lỡ chuyến tàu.

Ðể biết giá trị của một giây, hãy hỏi người vừa thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.

Ðể biết giá trị của một phần nghìn giây hãy hỏi người vừa nhận huy chương bạc trong cuộc thi Olympic.”

Thời gian đi những bước đều đặn, như tiếng đồng hồ kêu “tic-toc” nhịp từng giây, nó chẳng bao giờ có thể chạy nhanh hơn theo ý ta, hay chậm lại để chờ đợi ai. Trong những chuyện cổ tích của Ðông Âu, ông Tiên cho mỗi con người một “cuộn chỉ thời gian”, chiều dài của cuộn chỉ là chiều dài của mỗi đời người. Ai thấy đời khổ đau thì cứ kéo vội sợi chỉ đi nhanh, ai muốn hưởng hạnh phúc thì kéo cuộn chỉ chậm lại.

Này người bạn già của tôi ơi! Khổ đau hay hạnh phúc, bạn đã kéo “cuộn chỉ đời” bạn, nhanh hay chậm, thì chúng ta chỉ còn lại mươi vòng chỉ nữa thôi. Vì thời gian vẫn trôi đi, nên chúng ta không thể dừng lại, mà vẫn phải tiếp tục kéo sợi chỉ ra khỏi cái lõi của nó, cho đến lúc thở ra hơi thở… cuối cùng. Liệu trong mươi vòng chỉ còn lại này, chúng ta có thể làm gì để bù đắp cho gần cả một “cuộn chỉ đời” dài dằng dặc của những ngày tháng đã qua từ bao lâu nay không?

BÀI HÁT SAU CÙNG – Huy Phương

BÀI HÁT SAU CÙNG

* Huy Phương

Vào ngày 26 Tháng Mười tới đây, cụ William Leo McDougall, 83 tuổi, cư dân Laguna Woods sẽ ra Tòa Thượng Thẩm Santa Ana, California vì tội giết người. Vào ngày 1 Tháng Mười, 2010, trong lúc dưỡng bệnh tại Palm Terrace Healthcare Center, Laguna Woods, sau khi ở bệnh viện về, ông McDougall đã nổi giận vì nghe người bạn chung phòng, ông Nguyễn Văn Mạnh, 94 tuổi, hát một bản nhạc bằng tiếng Việt. Ông McDougall đã dùng một cây gỗ, đánh vào đầu ông Mạnh nhiều lần. Ông Mạnh được xe cấp cứu chở đi bệnh viện, và sau đó tắt thở, vì bị xuất huyết não.

Trước đây trong nursing home, cũng có chuyện một bà cụ đánh một bà cụ khác chung phòng gây thương tích trầm trọng, nhưng trường hợp của cụ Nguyễn Văn Mạnh, mất đi đã để lại nỗi đau xót cho gia đình của cụ và gây nhiều xúc động cho cộng đồng Việt Nam trên đất Mỹ. Tuổi già, bệnh tật, buồn phiền gây ra sự cáu kỉnh đã khiến cho cụ Mc Dougall cầm gậy đánh chết người bạn cùng phòng. Khác văn hóa, ngôn ngữ, sở thích, tôi nghĩ nếu bạn ở chung phòng với một người Ấn Ðộ, bạn cũng không thích gì những bài hát của dân tộc này.

Nhưng điều làm cho tôi buồn, nghĩ đến tuổi già quạnh quẽ trên đất khách, là ông cụ đồng bào của mình, chết chỉ vì đang hát một bài hát tiếng mẹ đẻ, một bài hát Việt Nam. Tôi không biết là ông cụ đang “nghêu ngao” hát bài gì, vì mỗi bài hát đều mang những kỷ niệm riêng tư cho một người, nó khơi dậy cả một quãng đời đã qua. Ðó là một bài dân ca mang âm hưởng quê hương khuất bóng, một bài hát tuổi trẻ khiến cụ nhớ đến thời hoa niên cắp sách đến trường hay một đoạn tình ca “gọi người yêu dấu,” một người đầu gối tay ấp hay một người thương yêu đã “nghìn trùng xa cách.”

Tôi dùng tiếng “nghêu ngao” để nói đến tâm trạng một người lúc buồn hay vui, ngồi hay đi, đứng hát một mình, một bài hát có thể sai vần lạc điệu, nhưng chắc chắn là một bài hát đầy kỷ niệm, đầy thương nhớ đã gây xúc động cho lòng người hát. Những bài hát này không thể dành cho đám đông hay hát cho ai nghe, mà là trong lúc cô đơn nhất, buồn nhất hay hạnh phúc nhất, con người đã hát lên nho nhỏ cho một mình mình nghe và người hát đã đắm mình trong những giấc mơ riêng tư của mình.

Một ông cụ đã 94 tuổi, là người Việt Nam, hẳn ông đã sống qua những nỗi thăng trầm của đất nước. Ông sinh ra và lớn lên dưới thời Pháp thuộc, cũng có thể là đã biết thế nào là chiến tranh, loạn lạc. Giờ này, về già, ông sinh sống tại Mỹ, có nghĩa là, ít nhất một lần, ông phải bỏ quê hương vì nạn cộng sản. Vận nước đã đưa ông đến đây, lúc về già, vì hoàn cảnh phải sống trong nhà dưỡng lão với một người xa lạ, khác biệt tuổi tác, văn hóa, ngôn ngữ. Nếu không lú lẫn, quên quên nhớ nhớ, hẳn lòng ông đã trĩu nặng một nỗi buồn xa quê hương, hiu quạnh trong nhà dưỡng lão, không một bóng người thân.

Ông cũng có một cuộc đời như những người khác, có một thời thơ ấu, trung niên, có cuộc sống hôn nhân, có một quãng đời yêu đương, sinh con đẻ cái, làm việc, hạnh phúc hay đau khổ. “Kỷ niệm là cái gối lúc ta về già,” nó có thật làm cho chúng ta cảm thấy êm ái đi vào giấc ngủ, hay đau khổ, dằn vặt suốt cuộc đời ta. Tuổi già chính là thời gian dừng chân đứng lại, để nhìn về quá khứ, với chút ngậm ngùi hay thương tiếc.

Nhu cầu của tuổi thơ chỉ là đời sống vật chất, một đứa trẻ khóc vì đói, khát, vì lạnh hay nóng, tuổi già ngoài những cảm xúc của một đứa trẻ, còn có niềm đau tinh thần, buồn bã, nhớ nhung, tủi thân vì cô đơn và hiu quạnh. Thủ phạm giết người, ông già McDougall chắc chắn đang mang tâm lý buồn bực, bẳn gắt, chán đời của một người già cô độc, chỉ có điều đáng tiếc là ông đã trút nỗi giận dữ đó lên một người bệnh cùng phòng vô tội để đến nỗi gây ra án mạng!

Ðôi khi chăm sóc cho tuổi già còn bận rộn hơn là có “con mọn.” Tuổi già quả đáng cho chúng ta quan tâm săn sóc hơn là trẻ thơ, không phải cho ăn, cho mặc, hay tắm rửa mỗi ngày là đủ, điều này nhà điều dưỡng nào cũng làm được. Trên đời này, mấy ai nghĩ đến cha mẹ già hơn là chăm lo cho con cái của mình, mấy ai đã có suy nghĩ: “Phụ mẫu tại đường, bất khả viễn du” (Còn cha mẹ ở nhà, không nên đi chơi xa.) Ðó là chưa nói đến chuyện có cha mẹ già, mà ca dao Việt Nam đã ví von như “…mít chín cây! Gió Ðông cũng sợ, gió Tây cũng buồn!”

Tòa án Santa Ana sẽ kết tội thủ phạm đã giết ông cụ Nguyễn Văn Mạnh, nhưng thật sự tôi không quan tâm về bản án này, nặng nhẹ như thế nào. Thủ phạm đã 83 tuổi, bản án nhẹ nhất cũng làm cho người này không hề có hy vọng sẽ ra khỏi nhà tù trước khi chết. Sống ở đây hay sống ở trong nhà tù thì có khác gì nhau, kẻ giết người sẽ không có hy vọng trở lại nhà trước khi xuôi tay, thì chết trong nhà tù hay trong nhà dưỡng lão cũng là cái chết.

Từ khi đọc được bản tin này, tôi cũng không hề thắc mắc về gia cảnh, bệnh tật hay đời sống của ông cụ xấu số. Ðiều duy nhất tôi nghĩ đến và muốn tìm hiểu là ông cụ đã hát bài hát gì trước khi ông qua đời. Thủ phạm là một người ngoại quốc không biết tiếng Việt, để cảnh sát lấy lời khai, mà điều này thì có gì là quan trọng đối với họ. Cũng như những nhân chứng, nếu là đồng bào của cụ thì cũng chỉ có mặt tại hiện trường khi cụ đã ngã xuống nên không ai nghe cụ hát bài gì.

Còn tôi, thực sự tôi muốn biết, vào lúc ấy, cụ đã “nghêu ngao” hát bài gì để biết nỗi buồn của cụ ra sao? Nỗi xa vắng người thân, thương nhớ quê hương, nỗi cô đơn buồn bã hay hoài niệm về một quãng đời đã mất! Tôi thương ông cụ, và nghĩ đến tuổi già mai sau của tất cả chúng ta.

Cụ ơi, bài hát đó là bài gì vậy?

Huy Phương.

No Jail for Octogenarian Who Clubbed Rehab Roommate to Death

“A lose-lose situation for all.” William Leo McDougall, 83, killed 94-year-old Manh Van Nguyen in a rehab center.

Rich Kane,Patch Staff

An 83-year-old man was sentenced Friday to lifetime probation with a suspended sentence of 16 years in state prison for murdering his 94-year-old rehabilitation center roommate by repeatedly hitting him in the head with a wooden rod, according to a release from the Orange County District Attorney’s office.

William Leo McDougall, 83, pleaded guilty on Aug. 17 to one felony count of murdering Manh Van Nguyen, with a sentencing enhancement for the personal use of a deadly weapon.

McDougall’s mental state at the time played a large part in determining his sentence, as did the wishes of the victim’s family, McDougall’s lack a of criminal record, his advanced age, and medical condition.

On Oct. 1, 2010, McDougall was sharing a room at Palm Terrace Healthcare Center in Laguna Woods with Nguyen as they both recovered from hip surgeries. That night while lying in bed, McDougall mistakenly believed that his wife was sleeping beside him, and mistakenly thought that his quietly-sleeping roommate, Nguyen, was singing loudly. McDougall became angry and got out of bed to silence the victim, believing that Nguyen was disturbing the defendant’s wife, who in reality was not present.

McDougall took a wooden rod from the closet in their room and hit Nguyen multiple times in the head with the rod. A nurse, who had been approaching the room, reported the incident to staff members, who restrained McDougall.

The victim was taken to the hospital, where he died due to blunt force trauma to the head.

Nguyen’s wife of 58 years and four adult children, who viewed a video interview and confession from the defendant in 2010, submitted a family letter for the court, which says in part, “We got to hear what actually happened to our father … and how he was killed (and most importantly, hearing directly from the person who did it and admitted it). We fully understand nothing can be done now that will bring our father back to us. This is a real tragedy in which all parties involved have suffered tremendous losses and will continue to suffer for years to come. It is indeed a lose-lose situation for all.”

McDougall’s wife submitted a letter for the victim’s family, which says in part, “Our entire family is devastated by what Bill did, which we cannot explain, and nothing could ever justify Bill’s conduct. I can only say that his actions must have been the product of illness … his surgery, old age, or a combination of factors unknown to me. I realize what an unbelievable nightmare this has caused the Nguyen family and the McDougall family … I offer my sincere condolences on behalf of the entire family and ask for forgiveness for Bill, even in spite of the terrible pain he has caused, only because the ‘real’ man I have known for over 58 years is not the one [who has] done this horrible deed.”

The OCDA submitted a sentencing brief, which says in part, “Mr. Nguyen was an honorable 94-year-old man who was very much loved and respected by everybody who knew him, especially his family … Doing the right thing is not always easy. This is most certainly true in this case. As a prosecutor, it is much easier to argue that a defendant convicted of murdering an innocent victim should be sentenced to spend the rest of his or her life in prison. In the vast majority of murder cases, that would be the right and just thing to do. Not in this case. The People’s objective is not to do what’s easy; rather, it is to do what’s right, fair, and just.”

The OCDA continues, “The People’s recommendation [for lifetime probation] in this case is in no way, shape, or form a reflection solely of the value of the life of Mr. Nguyen. If that was the case and the People’s recommendation was to be made solely based on the value of the life of Mr. Nguyen or on the harm that was inflicted upon him and his family, the People’s recommendation would have been a sentence of life in prison. However, as the law dictates, the People’s recommendation is based on the totality of all the circumstances relating to the specific facts of the crime, the victim, and the defendant. This is a tragic case and it has been so since day one.”

WILLIAM LEO MCDOUGALL GETS NO PRISON TIME FOR MURDER–AND THAT’S FINE WITH VICTIM’S FAMILY

MATT COKER | 

From: TU-PHUNG

“Ngày Mai Đã Muộn Rồi” – Huy Phương

“Ngày Mai Đã Muộn Ri” – Huy Phương

Ở thời niên thiếu, chúng tôi đã được xem một cuốn phim tình cảm đen trắng do Ý sản xuất trong một rạp chiếu bóng ở một tỉnh nhỏ miền Trung. Cuốn phim mang tên “Ngày Mai Đã Muộn Rồi,” (Demain c’est trop tard!) liên quan đến việc giáo dục giới tính phù hợp cho giới trẻ. Cuốn phim nêu ra chuyện nếu hôm nay không được chỉnh sửa hay là được làm đúng, ngày mai đã quá trễ, muộn màng.

Tuổi ấy, chúng tôi không hiểu nhiều về tình tiết của câu chuyện, và luận đề cuốn phim đưa ra, nhưng sau này, rất thích lập lại tên của cuốn phim trong nhiều tình huống của cuộc sống. Phải chăng, đừng để đến ngày mai mà muộn màng, những gì làm được hôm nay thì hãy làm.

Bây giờ bước vào tuổi già, bạn đã có bao điều hối hận: phải chi ngày trước mình biết cách yêu thương, định hướng cho bản thân và nỗ lực hơn, biết trân quý bạn đời hơn, biết giáo dục con cái hơn…

Trước khi biết mình qua đời, người sắp chết cũng có bao nhiêu điều phải hối tiếc. Bước qua một năm mới, chúng ta cũng có những điều tự hỏi vì sao đã bỏ phí trong năm qua. Và rồi qua một ngày, có bao giờ bạn thấy hối hận đã không làm việc ấy ngay hôm nay không?

Thời gian cứ trôi đi và chẳng bao giờ dừng lại để chờ đợi ai, cũng chẳng chờ cho chúng ta làm xong việc này hay kết thúc một việc khác. Một ngày qua đi và một ngày không trở lại, và công việc ấy chúng ta không làm hôm nay, sẽ không bao giờ chúng ta có cơ hội thực hiện nữa. Không phải là cứ một đời người, hay một năm, mà một ngày cũng đã là quá muộn!

Bạn tôi đang nằm trong bệnh viện, vừa qua một cuộc giải phẫu khá quan trọng. Tôi có dự định đi thăm người bạn ấy hôm nay, nhưng quen thói lần lữa, giải đãi, lòng hẹn lòng đợi một này nào đó, thật rỗi rảnh sẽ đi thăm bạn. Nhưng cái ngày đó không bao giờ đến, vì chỉ vài ngày sau đó, bạn tôi đã từ giã cuộc đời này, mà tôi thì vẫn chưa thực hiện được cuộc viếng thăm đơn giản ấy, nên lòng ân hận mãi.

Thân bằng quyến thuộc của chúng ta không thiếu gì những người già, đang nằm trong bệnh viện, nhà dưỡng lão, như ngọn đèn cạn dầu trước gió, cần một lần thăm viếng, một cái cầm tay hay một lời nói thân tình. Những người này không còn thời gian để đợi chúng ta, mà chúng ta thì cứ mãi “lòng hẹn lòng!”

Có bao nhiêu bậc cha mẹ già, trên ngưỡng cửa ngôi nhà xưa, ngóng chờ những đứa con trở về một lần thăm viếng. Nhưng rồi thì vì thời gian bận rộn vì công việc làm ăn, cuối tuần còn đưa con đi chơi thể thao, học đàn, học võ; kẹt một chuyến du lịch xa, hay bận rộn vì con chó con mèo, con cá lia thia trong chậu, sợ bỏ đói, không ai chăm sóc.

Thật lòng không biết có ai hối hận không, nhưng đừng để bao giờ phải hối hận.

Giá mà ta làm việc ấy hôm nay, hay tự đặt cho mình một mệnh lệnh: “Hãy làm việc ấy hôm nay!” Ngày không thể không đi và đêm không đến vì việc ấy ta làm chưa xong!

Suốt đời, chúng ta đã bỏ bao nhiêu cơ hội, để làm một việc hay để nói một lời.

Không phải đến bây giờ người ta mới nhắc nhở “Nếu có yêu tôi thì hãy yêu tôi bây giờ. Đừng để ngày mai đến lúc tôi xa người… (*) mà ngày xưa, tình duyên đôi lứa đã một lần muộn màng, vì người con trai đã bỏ đi cơ hội nghìn vàng, để ngậm ngùi suốt đời.

“Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay!

Ba đồng một mớ trầu cay

Sao anh không hỏi những ngày còn không?

Bây giờ em đã có chồng,

Như chim vào lồng như cá cắn câu

Cá cắn câu biết bao giờ gỡ

Chim vào lồng biết thuở nào ra?”

Có người hối hận để mất một cuộc tình, nhưng cũng có người đánh lỡ mất cả cuộc đời, để rồi than thở:

“Đến nay tôi hiểu thì tôi đã

Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!” (TTKh.)

Richard Templar là một tác giả người Anh, người đã viết nhiều cuốn sách về con đường thành công trong cuộc sống. Ông chia sẻ “con đường dẫn đến thành công” của mình trong một loạt sách, trong đó 100 quy tắc đơn giản được trình bày để đạt được thành công, trong kinh doanh, tiền bạc hoặc cuộc sống nói chung. Và “quy tắc của cuộc sống” của Richard Templar là “đừng để qua ngày mai!”

Người ta thường hẹn trong ngày mai sẽ làm công việc dự định hôm nay, nhưng đối với nhà thơ Norma Cornett Marek lại khác: “Ngày Mai Không Bao Giờ Đến!” đó cũng là tựa đề bài thơ của bà. “Nếu ta đang chờ ngày mai đến thì tại sao lại không làm điều đó ngày hôm nay? Vì nếu ngày mai không bao giờ đến, thì chắc chắn ta sẽ hối tiếc suốt phần đời còn lại của mình!”

Không ai biết đây là lần gặp gỡ cuối cùng, một lời nói giã biệt, vì không một ai, trong chúng ta, trẻ hay già, đoan chắc rằng, họ sẽ sống qua hôm nay, để ngày mai thấy mặt trời lên! Trên trái đất này, đêm nay có những người cũng lên giường như chúng ta, nhưng ngày mai, họ không còn thức trở dậy!

Đó chính là ân huệ của cuộc đời chứ không phải là một chuyện đương nhiên: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương!

Xin đừng để quá trễ, hãy nói với ai đó một lời yêu thương hôm nay. Hãy nói một lời xin lỗi. Hãy nói một lời cám ơn. Nếu ai cũng nghĩ rằng hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc sống để hành động, để yêu thương, để dịu dàng với nhau…thì cuộc đời này đẹp biết bao nhiêu!

Xin hãy làm điều đó hôm nay. Ngày mai đã muộn rồi!

From: Tu-Phung

Bữa Ăn Một Mình – Tạp Ghi Huy Phuơng

Tạp Ghi Huy Phuơng,

***

Bữa Ăn Một Mình

Hiện nay tôi đang sống với gia đình cô con gái út. Cháu có một gái đã trưởng thành sống ở tiểu bang khác và một cháu trai đang học năm cuối của trung học. Chồng cháu thỉnh thoảng phải đi làm xa. Hai vợ chồng tôi đã đến tuổi già gần đất xa trời, nên thời khắc biểu của những thành viên trong gia đình rất khác nhau, nên ít khi chúng tôi ngồi lại cạnh nhau cùng ăn chung một bữa cơm.

Buổi sáng thức dậy trễ, thì con cái đã đi làm, cháu đã đến trường, vợ thì luẩn quẩn ở sau khu vườn nhỏ, đành ngồi ăn sáng một mình. Buổi tối, thấy cơm canh đã sẵn sàng nhưng chưa thấy ai sẵn sàng cùng ăn với mình. Gọi vợ thì vợ bảo:

-“Ông cứ ăn đi, tôi mới ăn củ khoai, còn ngang bụng!” Gọi con thì con thưa: “Ba cứ dùng cơm đi, con đang bận tay!” Ðứa cháu thì khi hiện khi biến, chẳng mấy khi gặp mặt, có khi ăn ở trong bếp hay đem phần ăn lên phòng riêng để có sự tự do một mình.

Tôi muốn có những bữa ăn đông người, vui vẻ, có tiếng cười nói rộn ràng, nhưng thường là phải ăn những bữa ăn một mình. Bữa ăn một mình thì đâu cần đến mâm bàn dọn ra ngay ngắn, tươm tất, mà sao cũng cho xong một bữa ăn. Một tô cơm trộn thức ăn, và một cái muỗng, ngồi trước máy computer hay trước máy truyền hình.

Bạn có nghĩ một bữa ăn như thế có dễ tiêu hoá, có lợi cho sức khoẻ hay không? Và một bữa ăn như thế có buồn không?

Tôi không bao giờ quên được những bữa ăn gia đình thời thơ ấu. Tất cả mọi người trong gia đình đều chờ nhau vào mâm cơm một lượt, dù là buổi sáng giờ trưa hay bữa chiều tối. Bữa cơm có cả ông bà nội, cha mẹ, cả anh chị cùng mấy đứa em nhỏ, kể cả thành viên nhỏ bé của đại gia đình là con mèo vàng luẩn quẩn chờ miếng ăn trong lòng bà nội tôi.

Rồi thời gian qua đi, kẻ còn, người mất, gia đình mỗi người một nơi. Tôi lớn lên, tạo lập một gia đình nhỏ, có những bữa ăn sum họp gia đình, nhưng không quên được những người đã đi xa, không còn hiện diện trên cuộc đời này nữa.

Rồi chiến tranh, tù đày, xô đẩy con người mỗi người đi mỗi hướng.

Trong một trại tù nào đó, trên cái chõng tre tập thể, hay bữa trưa ngoài bìa rừng, tôi ngồi dùng đũa đếm những hạt ngô bung, xót xa nhớ đến những bữa cơm gia đình. Khi tôi từ nhà tù trở về, thì bữa cơm không còn là bữa cơm nữa. Con tản mát, vợ chạy gạo mỗi ngày, nồi cơm lạnh lẽo trên bếp, ai thấy thì ăn.

Thời Cộng Sản vào nhà, không còn hai chữ “sum họp,” cũng chẳng còn câu “ngồi lại với nhau.”

Ra hải ngoại, thì cái văn hoá “bữa cơm gia đình” cũng đã mờ nhạt. Ly cà phê bữa sáng trên xe, cái hamburger cùng ly coke vào giờ lunch và những buổi tối về nhà trong giờ giấc trước sau không đồng nhất. Phải chờ đến những ngày Lễ Tết, sinh nhật, cha con, anh chị em họa hoằn mới có dịp ngồi lại trong những bữa tiệc cuối tuần.

Các bạn còn trẻ có lẽ chưa cảm nhận được nỗi buồn khi phải ngồi ăn một mình. Thức ăn có ngon đến đâu, bổ dưỡng đến đâu mà không “dịch vị” của tiếng cười, niềm vui, chỉ còn “gia vị” của cô đơn, buồn nản, thì bữa ăn ấy chỉ còn là bổn phận ăn để sống. Chính các vị y sĩ cũng đã khuyên người già “ăn uống phải có bạn, nên ăn chung với gia đình hay con cháu. Về phần con cháu, cũng không nên để cho cha mẹ mình ăn uống trong cô đơn buồn tẻ, vì khi ăn một mình, sẽ kém vui, và ăn ít đi, không tốt cho sức khoẻ. Sự cô đơn sẽ làm miếng ăn thêm cay đắng.”

Rõ ràng là tâm lý đã tác dụng vào sinh lý. Dù đau yếu, suy kiệt, mòn mỏi nhưng tôi vẫn nghĩ rằng những người sống chung với con cháu, hay còn vợ chồng có khả năng sống lâu hơn là những ông bà cụ già hiện đang sống một mình trong những căn phòng lạnh lẽo của những căn “nursing home.”

Trong nhà dưỡng hưu, tôi đã thấy những bữa cơm gọn gàng trong những cái khay nhỏ do nhà bếp đưa đến tận giường, để cả giờ nguội lạnh mà các ông bà vẫn chưa muốn ăn.

Tôi đã đến thăm nhà thơ Nguyễn Chí Thiện lẻ loi trong căn nhà già ở Santa Ana lúc ông chưa vào bệnh viện. Lúc ấy vào buổi xế trưa, mà từ sáng đến giờ, nồi cơm điện còn nguyên chưa được xới ra trên bếp, thức ăn còn để lạnh ngắt trong tủ lạnh. Ông thú nhận là ông không muốn ăn, mà chỉ ăn vì “nghĩa vụ,” một nghĩa vụ nặng nề! Chung quy cũng vì nỗi buồn cô đơn, thui thủi một mình.

Keith Ferrazzi, tác giả cuốn sách “Ðừng bao giờ đi ăn một mình (Never eat alone) không nói về sự cô đơn mà nói về sự giao tiếp đưa đến sự thành công và hạnh phúc cho cuộc sống. Chúng ta không bàn đến chuyện “ăn một mình” theo lối này.

Ðã đi hết một chặng đường dài, đã lo toan cho mọi thứ, nhưng cuối cùng tuổi già cô độc bên mâm cơm, lặng lẽ một mình. Những bậc cha mẹ già không mong con tặng quà, phải chi con ghé nhà thăm, ngồi ăn với cha hay mẹ một bữa cơm, nói cười như thuở ấu thơ

Nỗi đau của tuổi già – Huy Phương

Nỗi đau của tuổi già

Huy Phương

Ở đây, chúng Ta không bàn chuyện đau nhức, cao máu, tiểu đường… nữa, vì đã có quá nhiều vị bác sĩ quan tâm tới tuổi già trên đất Mỹ này rồi. Những loại đau trên đã có thuốc và có chính phủ Mỹ trả tiền, nhưng có những thứ đau khác không có thuốc chữa và cũng không ai kê vai gánh vác giùm.

Báo OC Register thứ sáu tuần trước có đăng tin một ông già bị người ta đem bỏ trước  cổng một ngôi chùa ở thành phố Westminster. Ông lặng lẽ ngồi trước hiên chùa suốt ngày. Cảnh sát đến mang ông vào bệnh viện tâm thần. Ông không có trong người bất cứ một thứ giấy tờ nào để biết được ông là ai, ở đâu. Ông không nói một lời nào, chỉ biết lặng lẽ, đôi khi cười một mình như một người mất trí. Ông là một người châu Á, Việt Nam cũng chưa chừng, như vậy ông không phải sinh ra ở đây, hay từ trên trời rơi xuống như cô bé Maika trong một tập phim Tiệp Khắc. Vậy là có người chở ông tới và bỏ ông lại đây, không ai ngoài con cái hay thân thích của ông. Lâu nay thỉnh thoảng người ta thấy có những thiếu phụ sinh con rồi đem con bỏ vào thùng rác, nhưng chưa thấy ai đem cha mẹ vứt bỏ ngoài đường. Ông già chỉ cười vu vơ, trí nhớ của ông đã suy kiệt, nếu không ông sẽ đau khổ biết chừng nào?

Trước đây người ta kể chuyện có người chở bà mẹ già bỏ ở cây xăng, tôi không tin, tưởng là chuyện đùa, nhưng bây giờ thực sự lại có người “đem cha bỏ chùa”. Cũng lại câu chuyện của một người già…

Tháng trước, trong một dịp đưa người thân đi Việt Nam, tại quầy vé China Airline ở phi trường Los Angeles tôi đã chứng kiến một cảnh khá đau lòng. Trong khi mọi người đang xếp hàng trình vé, cân hàng thì một bà cụ người Việt cứ loay hoay lúng túng trước quầy vé với các thứ giấy tờ vương vãi, bề bộn trên sàn nhà. Bà ngồi bệt xuống đất hết móc túi này đến túi nọ, vẻ mặt lo lắng. Một nhân viên an ninh phi trường thấy tôi cũng là người Á Đông, ngỏ ý muốn tôi lên giúp bà cụ. Nhân viên quầy vé cho biết bà có vé máy bay, một visa nhập cảnh Việt Nam nhưng không có passport hay thẻ xanh. Tôi giúp bà moi từ đống giấy tờ ra chỉ thấy một cái hộ chiếu của Việt Nam cấp cách đây mười mấy năm khi bà đến Mỹ đã hết hạn và một cái ID của bà do tiểu bang Florida cấp. Bà mới từ Florida đến phi trường LOS mấy giờ trước đây một mình và trình giấy tờ để lên máy bay đi Việt Nam.

Cuối cùng, bà cũng lên được máy bay, nhưng bà sẽ không bao giờ có thể trở lại Florida nữa vì trong tay bà không có pass- port của Hoa Kỳ, không thẻ xanh, không “entry permit”. Đây là trường hợp một bà mẹ già, quê mùa bị con cái “mời khéo” về Việt Nam. Tội nghiệp cho bà đã ngồi trên máy bay năm sáu tiếng đồng hồ để đến phi trường LAX, sắp tiếp tục chặng đường về Việt Nam nhưng không biết là mình không thể trở lại Mỹ và lòng bất nhân của con cái.

Hình ảnh bà già này cứ ám ảnh tôi mãi. Bà vụng về, quê mùa, có lẽ cũng chẳng giúp ích được gì cho con cái mà chỉ thêm gánh nặng.

Thôi để cho bà đi, khi biết mình không trở lại Mỹ được thì chuyện đã rồi.

Tuổi bà có nằm lại trên quê hương cũng phải, sống chẳng giúp ích gì được cho ai, chết ở đây bao nhiêu thứ tốn kém.

Hai vợ chồng sang Mỹ từ hai mươi năm nay, đi làm nuôi con, mua được căn nhà đã pay off.

Khi các con đã có gia đình ra riêng thì ít năm sau ông cụ cũng qua đời.

Thấy mẹ hiu quạnh trong một căn nhà khá 1ớn, mà giá nhà đang lên, các con bàn với mẹ bán nhà đi rồi về ở với các con. Bà mẹ bán nhà, thương con chia đều cho mỗi đứa một ít, còn dăm nghìn dắt lưng, rồi về ở với con. Bà không biết lái xe, không biết chữ nghĩa, cũng không biết trông cháu làm home work, nên cha mẹ chúng phải nhờ người đưa đón. Bà thích nấu ăn, gói bánh, kho cá, nhưng sợ nhà hôi hám, con cái không cho. Lúc đầu thì chẳng sao, lâu dần mẹ thành gánh nặng.

Buổi chiều, đứa con gái xô cửa trở về nhà, thấy mẹ đang gồi xem TV, nó hất hàm hỏi:

-“Có hiểu gì không mà thấy má ngồi coi suốt ngày vậy?”

Có lúc chuông điện thoại reo, đứa con nhấc máy, bên kia không biết ai hỏi gì, trước mặt bà già, nó trả lời nhát gừng:

-“Bả ấy đi khỏi rồi!”

Một bà mẹ khác, ở chung nhà với một đứa con nhưng nhờ một đứa con khác đưa đi bác sĩ.

Xong việc, nó đưa mẹ về rồi lẹ lẹ dọt xe đi làm

Bà già vào tới cửa, móc túi mãi không tìm ra cái chìa khóa nhà. Bà không có chìa khóa, không cell phone, cũng không biết tiếng Anh, bà sợ sệt không dám gõ cửa hàng xóm. Bà ngồi đó, trên bục cửa cho tới chiều, khi đứa con ở chung nhà đi làm về, thì bà đã kiệt sức vì khô nước, phân và nước tiểu đầy mình.

Đời xưa, người ta kể chuyện trong một gia đình, có hai vợ chồng đối xử với ông cha già đã run rẩy của mình tệ bạc, cho cha ăn trong cái “mủng dừa”.

Một hôm hai vợ chồng đi làm về thấy đứa con nhỏ của mình đang hì hục đẽo một cái gáo như thế, được cha mẹ hỏi, nó “thành thật khai báo” rằng “để dành cho cha mẹ lúc về già”.

Đâu phải ai nuôi con cũng nghĩ tới lòng cha mẹ, cũng như nhớ chuyện “trồng đậu có đậu, trồng dưa có dưa”.

Huy Phương

From: NguyenNThu

Không Phàn Nàn – Huy Phương

Không Phàn Nàn – Huy Phương

Trong đời sống, đã biết bao lần chúng ta phàn nàn. Buổi sáng đi làm kẹt xe. Đến sở gặp đồng nghiệp ăn nói vô duyên, mếch lòng. Ông chủ mặt mày khó chịu, gắt gỏng. Về nhà vợ than phiền chuyện cơm áo. Con cãi lời, hỗn láo. Cánh tay đau nhức khó ngủ.

Nói chung hữu thân thì hữu khổ. Nhưng khi còn có việc làm, thì mới có đồng nghiệp, có ông thủ trưởng. Còn có xe để bị kẹt, còn có vợ để nghe mè nheo, còn có con để chê là nghịch tử. Còn có cánh tay để đau nhức. Trên đời này rất nhiều người không có gì, kể cả hai cánh tay, và sự thật là có người bất hạnh, không có luôn cả hai chân nữa.

Ít người cho mình có một đời sống hạnh phúc hoàn toàn. Không bất mãn chuyện này thì cũng khổ vì chuyện kia. Mỗi cuộc đời có bao nhiêu chuyện bất như ý, mỗi ngày có bao nhiêu giờ phút bực mình, đáng cho ta phàn nàn, than vãn!

Anh họ tôi có con trai sợ vợ, để vợ lấn lướt tìm cách đuổi cha mẹ chồng ra khỏi nhà, mà không có được một phản ứng gì. Tuy không đến nỗi lâm thảm cảnh của người vô gia cư, nhưng vợ chồng anh thất vọng, buồn bã đến nỗi mang chứng trầm uất, nhiều khi tỏ thái độ không thiết tha đến cuộc sống nữa. Ví như, trường hợp của một gia đình khác, đứa con trai ngay từ hồi còn bé bị té từ trên giường cao hai tầng xuống, tổn thương não bộ, phải sống đời thực vật từ nhỏ đến nay đã gần 40 tuổi, khổ đau là chừng nào. Trong khi anh chỉ có một thằng con bất hiếu, sợ vợ, nhưng anh cũng có khả năng thuê được nhà ở, có chiếc xe đi, lại còn có chị bên cạnh trong tuổi già, cuộc đời đâu đến nỗi bi đát.

Ông bạn già tôi, hơn ba mươi năm về trước, gửi đứa con trai vị thành niên, theo một người bạn đi vượt biên. Sang đến đảo, người bạn đổi tên đổi họ con anh, nhận là con mình. Khi gia đình anh sang định cư tại Mỹ, thì con anh đã lớn, tốt nghiệp đại học, nhưng đã trở thành đứa con của một gia đình khác, xem người đưa mình vượt biển là mẹ và cũng không còn biết người bạn tôi là ai. Vợ chồng người bạn tôi coi đây là một biến cố lớn lao trong đời, canh cánh bên lòng mỗi khi nghĩ đến chuyện mất con, đứa con mình đã tốn công sinh dưỡng, bây giờ xem mình như là những người xa lạ. Thật ra thì, bạn tôi không hề mất con, đứa con mình sinh ra, vẫn còn đó, mạnh khỏe, bình an, thành đạt, có một mái gia đình êm ấm. Có khác chăng là quan niệm “con tôi,” “vật sở hữu của tôi” nay vì nó thuộc về người khác, nên nó làm cho tôi đau khổ.

Tôi nhắc lại một chuyện cũ, vợ chồng ông bạn tôi sang Mỹ, nhà có mỗi hai cô con gái thì lớn lên, một cô lấy chồng Mỹ, một cô lấy chồng Trung Đông. Bạn tôi có hai ông rể giỏi giang, những đứa cháu xinh dẹp, dễ thương, nhưng lòng luôn luôn phiền muộn, thường mỗi khi nói đến chuyện con cái, gia đình, thì y như là khơi lại mối thương tâm, khiến bạn tôi không vui, tỏ ra bất mãn với hoàn cảnh. Rất nhiều gia đình sau Tháng Tư, 1975 có con gái mất tích giữa đại dương ngày vượt biển, phải chi được đổi lấy một hoàn cảnh của người bạn kia, thì gia đình họ sẽ vui sướng hạnh phúc bao nhiêu!

Em tôi sang Mỹ chậm, con cái không có cơ hội và cũng thiếu may mắn trong chuyện học hành, lớn lên, đứa thì làm công nhân hãng xưởng, đứa thì bưng phở trong nhà hàng, đứa thì chạy xe hàng xuyên bang. Nhìn quanh bạn bè, con ai cũng thành đạt, ông em sinh ra tự ti mặc cảm, tránh xa thiên hạ, không muốn giao thiệp với ai, không muốn nói đến chuyện gia đình. Những đứa con gia đình này, không có tội lỗi gì, cũng không cần phải mang mặc cảm như bố. Bao nhiêu người chết sông, chết biển, mình mang được cả gia đình trọn vẹn sang đây, ai cũng có công ăn việc làm ổn định, sống lương thiện, không vướng trộm cắp, ma túy. Bao nhiêu người mơ ước có cuộc đời như mình mà không được.

Có ông bạn gặp bà vợ lắm điều, không hợp ý, ông vò đầu bứt tai than khổ, tưởng như đang sống dưới mấy tầng địa ngục. Nghĩ lại, có người vợ mất sớm, thân già vò võ một mình, quạnh hiu biết chừng nào. Có người thì vợ đau yếu, vào ra bệnh viện, thập tử nhất sinh, giờ lại phải vào nhà dưỡng lão, ông phải vất vả vào ra hàng ngày. Còn có vợ bên mình, không còn ngọt bùi như thời xuân sắc, nay dù có điều bất như ý, thì cũng còn có nhau, bao nhiêu người mơ ước cảnh đời này mà không được.

Khi người ta bất như ý, người ta có thói quen oán Trời trách Đất. – “Trời ơi sao tôi khổ thế này?”- “Sao Ông Trời bất công quá vậy!”- “Thật là Ông Trời không có con mắt!”- “Ông Trời ơi, xuống mà coi nè!”

Cam chịu bình thản, thì người theo đạo Phật tin vào Nhân Quả và cái Nghiệp. Đời này thấy mình sao thì biết kiếp trước mình ăn ở làm vậy! Người Công Giáo thì tin đã có Chúa an bài, là do ý Chúa, chết cũng là do Chúa gọi về!

Người bình dân thường đổ cho tại cái số, giàu nghèo, no đói, sướng khổ đều do số Trời định, khi đã được Nam Tào, Bắc Đẩu ghi sổ rồi, thì “có chạy Trời cũng không khỏi,” cứ an phận thủ thường, ung dung tự tại mà sống!

Xin kể một chuyện bên Tàu: Đức Khổng Tử đi chơi núi Thái Sơn, gặp ông Vinh Khải Kỳ ngao du ngoài đồng, mặc áo cừu, thắt lưng dây, tay gẫy đàn cầm vừa đi vừa hát.

Đức Khổng Tử hỏi: “Tiên sinh làm thế nào mà thường vui vẻ như thế?”

Ông Vinh Khải Kỳ nói: “Trời sinh muôn vật, loài người quý nhất mà ta được làm người. Trong loài người đàn ông quý hơn đàn bà mà ta được làm đàn ông.  Người ta sinh ra có đui què, non yểu mà ta hoàn toàn khỏe mạnh, nay đã chín mươi tuổi. Đó là ba điều đáng vui, có gì mà phải lo buồn”.

Lại xin kể một chuyện bên Tây: Từ đầu năm đến nay, hàng chục người đã thiệt mạng khi tìm cách vượt qua sông Rio Grande, nơi mực nước dâng lên cao nhất trong 20 năm qua, để tìm cách đến Mỹ.

Đoàn “caravan di cư” bất hợp pháp hơn 7,000 người áp sát biên giới Mỹ. Trạm biên phòng Del Rio ở Texas hôm tuần qua đã báo cáo, chỉ từ Tháng Sáu tới nay họ bắt giữ hơn 1,000 người Haiti.

Mới đây lại thêm một bức ảnh chấn động lương tâm thế giới ghi lại cảnh tượng một người cha và con gái người El Salvador bị chết đuối, nằm úp mặt xuống nước tại bờ sông Rio Grande ở biên giới Mỹ – Mexico khi tìm cách bơi qua sông. Họ là những người đang tìm cách đến Mỹ và hy vọng sống được trên đất Mỹ, như chúng ta.

Liệu chúng ta có nên phàn nàn nữa không?

(Huy Phương)