Nguyễn Thị Hoàng là một nhà văn, nhà thơ nữ Việt Nam. Bà sinh ngày 11/12/1939 tại Huế. Năm 1957, bà chuyển vào sinh sống ở Nha Trang rồi đến năm 1960 bà vào Sài Gòn học Đại học Văn khoa và Luật nhưng bỏ ngang, không học hết mà lên Đà Lạt dạy học.
Đến năm 1966, bà chuyển sang chuyên tâm viết tiểu thuyết. Cùng với văn xuôi, Nguyễn Thị Hoàng còn tham gia sáng tác thơ và từ đó bà trở thành một người nổi tiếng trong giới văn nghệ chuyên viết về những mâu thuẫn nội tại của giới trẻ Sài Gòn trong suốt thập niên 1960. Nguyễn Thị Hoàng được đánh giá là một trong những nhà văn nữ tài năng thật sự và tên tuổi đã được khẳng định ở miền Nam trước 1975, có sức sáng tác sung mãn nhất, bà viết rất đều tay, văn phong riêng biệt, thắm đẫm cảm xúc. Văn thật như chính cuộc sống của nhà văn… Bà có những tiểu thuyết với giọng văn trau chuốt bóng bẩy và là một trong vài tác giả có sách bán chạy nhất thời đó
Sau 30/4/1975, bà hầu như biến mất khỏi giới nghệ thuật và sống một cuộc sống yên lặng đến tận 1990, khi bà cho ra đời Nhật ký của im lặng. Vào năm 2007, bà lại xuất hiện qua một tùy bút nhan đề “Nghĩ từ thơ Thái Kim Lan” được đăng trên Tạp chí Văn hóa Phật giáo (số xuân Mậu Tý, 12/2007).
Tác phẩm đầu tay của bà có nhan đề Vòng Tay Học Trò được viết dưới bút danh Hoàng Đông Phương. Đây là một tiểu thuyết hiện sinh mô tả vấn đề tình yêu, tình dục giữa một cô giáo tên Tôn Nữ Quỳnh Trâm và học trò Nguyễn Duy Minh được đăng dưới hình thức nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa. Tác phẩm trở thành một trong những tác phẩm gây tranh cãi nhất thời kỳ này, và về sau được tái bản nhiều lần.
Chưa một nhà văn Việt nào được các thế hệ thanh niên say mê và tác phẩm đầu tay đem đến tiếng tăm lẫn sóng gió nhiều như Nguyễn Thị Hoàng. Vòng Tay Học Trò, thập niên 60, đã biểu trưng tâm tình nổi loạn của cả một thế hệ trẻ trong một thời đại bắt đầu làm quen với văn chương ‘‘hiện sinh’’, trong tình yêu và trước xã hội, với khao khát một cách sống độc lập.
Vòng Tay Học Trò là một tiểu thuyết gồm 11 chương, dựa vào những tình tiết có thật giữa cô giáo Tôn Nữ Quỳnh Trâm (Nguyễn Thị Hoàng) và cậu học trò Nguyễn Duy Minh (Mai Tiến Thành). Dĩ nhiên trong tác phẩm này có những đoạn văn được “cường điệu hóa”, những cảnh được “thi vị hóa” và những đối thoại được “tiểu thuyết hóa”. Những chương đầu tiên của Vòng Tay Học Trò được in trên Bách Khoa năm 1964 và sau đó được chính thức xuất bản năm 1966.
Nguyên mẫu của cậu học trò trong “Vòng Tay Học Trò” có nhà ở Ban Mê Thuột và được gia đình gửi sang Đà Lạt để học lớp đệ tam của bậc Trung học Đệ Nhị cấp tại Trường Trung học Trần Hưng Đạo trong khi cô giáo Trâm ( Nguyễn Thị Hoàng ) dạy Đệ Nhất cấp từ năm 1966.
Vòng Tay Học Trò trở thành một trong những best seller khi vừa xuất bản và được dư luận người đọc đương thời chú ý. Nhiều ý kiến phê phán tác phẩm này có nội dung “vô luân” do viết về quan hệ tình cảm giữa một cô giáo trẻ và cậu học trò đệ nhị cấp cùng trường nhưng trên thực tế cô giáo Trâm chỉ dạy đệ nhất cấp còn anh học trò Minh đang học năm cuối lớp Đệ Nhị A (trong Vòng Tay Học Trò, Thành học Đệ Nhất A).
Dưới ngòi bút của Nguyễn Thị Hoàng, cô giáo Trâm được mô tả là đã từng có một cuộc sống rất “hiện sinh” tại Sài Gòn hoa lệ. “Một tuần như có cả bảy ngày chủ nhật. Một năm vui chơi chỉ như một mùa hè. Nàng thấp thoáng khắp nơi, từ những đám phong lưu phá sản bằng ăn chơi đủ điệu cho đến những bọn nhỏ tuổi bất chấp cuộc đời, hối hả sống, vội vàng yêu, hăng hái nhập cuộc mê cuồng theo kẻ lớn”.
Đối với Trâm cũng như Nguyễn Thị Hoàng, tình yêu mà họ cần không phải là thứ tình “hai chiều”, họ chỉ “yêu” tình yêu của họ mà không cần biết đến phía bên kia. Họ là típ phụ nữ thích làm collection về tình yêu. Thế cho nên, những người tình dù có yêu họ thắm thiết nhưng đến một lúc nào đó họ cũng lạnh lùng chia tay để tìm một đối tượng khác cho “bộ sưu tập tình yêu”.
Người phụ nữ thường chưng diện để kẻ khác chiêm ngưỡng, nhất là để thu hút sự chú ý của đàn ông. Ở một loại phụ nữ thứ hai, họ lại quan niệm làm đẹp chỉ để phục vụ cho chính bản thân mình. Cô giáo Trâm thuộc loại thứ hai, cộng thêm với quan niệm yêu chỉ để là giàu cho bộ sưu tập tình cảm của mình. Những người như cô thuộc loại “vị kỷ”. Hóa ra cô giáo Trâm, hay Nguyễn Thị Hoàng, là một típ phụ nữ rất khó để đàn ông chinh phục, trừ khi chính cô ta… bị khuất phục.
Nguyễn Thị Hoàng cho biết :“Truyện mình viết thường là truyện tình bế tắc và đi xuống. Trong đó những vai nữ bao giờ cũng khát khao đi tìm một đời sống thật của mình, nghĩa là tìm kiếm chính mình. Những nhân vật nữ lang thang bất định, và xa rời với phận sự gia đình. Chất liệu lấy từ những năm bất ổn lênh đênh trong cuộc đời đã qua của mình, đôi khi được ráp nối với những câu chuyện thời sự, cộng với một phần tưởng tượng, phóng tác, vẽ vời… rồi ráp thành chuyện. Không biết bên đàn ông thì sao, chứ cánh đàn bà thường mắc phải cái này là có những nét của nhân vật hoặc chính, hoặc phụ, thế nào cũng hắt bóng cá tính thói quen, đường nét và vóc dáng của tác giả. Riêng về Vòng Tay Học Trò, nếu bảo đó là thực thì cũng không hẳn là thực mà bảo là không thực thì… cũng chẳng phải là thế. Dư luận trộn lẫn tiểu thuyết của mình với đời sống thật. Cũng vì thế mà có những tiếng ác ý lao xao về đời sống của mình. Cho nên chỉ có cách là… phải thản nhiên.
Nhân vật nguyên mẫu Mai Tiến Thành trong Vòng Tay Học Trò sau này đi lính, sau năm 1975 bị cầm tù và sau đó vượt biên. Mai Tiến Thành đã qua đời tại Hoa Kỳ năm 2008…
Hoài Nguyễn.