Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ: Trung Quốc nguy hiểm

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ: Trung Quốc nguy hiểm

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô Đốc Harris, tố cáo Trung Quốc hiếp đáp các nước láng giềng, làm leo thang căng thẳng, dẫn tới nguy cơ đối đầu.

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô Đốc Harris, tố cáo Trung Quốc hiếp đáp các nước láng giềng, làm leo thang căng thẳng, dẫn tới nguy cơ đối đầu.

10.04.2014

Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ chỉ trích thái độ hành xử ‘nguy hiểm’ của Trung Quốc và mô tả chính sách tăng cường quân sự của Bắc Kinh trong khu vực là ‘hung hăng’.

Những lời lẽ mạnh mẽ của Đô Đốc Harry Harris được đưa ra nhân bài diễn văn đọc tại Đài Tưởng niệm Chiến tranh Australia tối ngày 9/4.

Trao đổi với các lãnh đạo quân sự Australia, ông Harrry Harris lên án việc Trung Quốc tự ý lập vùng nhận dạng phòng không bao trùm các khu vực có tranh chấp ở Biển Hoa Đông không cần tham khảo ý kiến các bên.

Đô Đốc Harris cũng tố cáo Trung Quốc hiếp đáp các nước láng giềng, làm leo thang căng thẳng, dẫn tới nguy cơ đối đầu.

Đô đốc Harris nói ông quan ngại trước sự bành trướng quân sự hung hăng, không minh bạch cùng với thái độ ngày càng gây hấn của Trung Quốc trong đó bao gồm các tuyên bố chủ quyền không căn cứ trên luật lệ quốc tế.

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ khẳng định Hoa Kỳ mạnh mẽ phản đối việc giải quyết tranh chấp bằng các hành động áp bức.

Nhân vật quân sự có nhiều ảnh hưởng của Mỹ nhấn mạnh các thách thức này càng nêu bật tầm quan trọng của chính sách chuyển trọng tâm về Châu Á của Washington.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel trong cuộc họp thượng đỉnh quốc phòng Mỹ-ASEAN ở Haiwaii hôm 3/4, đã gửi một thông điệp tới Bắc Kinh qua tuyên bố rằng Hoa Kỳ ngày càng quan ngại về các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và kêu gọi các nước tự chế, minh định chủ quyền thông qua luật lệ quốc tế, và cư xử đúng mực.

Nỗ lực tìm kiếm hộp đen của MH370 sau khi bắt được tín hiệu

Nỗ lực tìm kiếm hộp đen của MH370 sau khi bắt được tín hiệu

Máy bay E-7A Wedgetail thuộc Không quân Hoàng gia Australia cất cánh từ sân bay Perth để tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích, ngày 5/4/2014.

Máy bay E-7A Wedgetail thuộc Không quân Hoàng gia Australia cất cánh từ sân bay Perth để tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích, ngày 5/4/2014.

06.04.2014

Người đứng đầu nỗ lực đa quốc gia tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines cho hay thông tin về việc một chiếc tàu của Trung Quốc hai lần bắt được tín hiệu vào cuối ngày thứ Bảy rất đáng phấn khởi nhưng vẫn chưa xác nhận được điều gì.

Tướng Không quân hồi hưu Angus Houston nói tại một cuộc họp báo hôm Chủ nhật rằng mặc dù những tín hiệu này là những tín hiệu của ‘hộp đen’ ghi dữ liệu phi hành, cho đến giai đoạn này, các giới chức chưa thể xác định được có sự liên hệ nào giữa những tín hiệu đó với chiếc máy bay MH370 bị mất tích.

Ông Houston nói rằng hai chiếc tàu của Australia với các thiết bị kỹ thuật cao sẽ phối hợp với chiếc tàu của Trung Quốc để xác nhận hoặc loại trừ việc những tín hiệu bắt được đó là từ hộp đen của chiếc máy bay mất tích.

Ông Houston nói: “Đây là một đầu mối quan trọng và rất đáng kích lệ, nhưng tôi đề nghị chúng ta phải tiếp tục xem xét thận trọng. Chúng ta đang tìm kiếm trên một đại dương bao la, trong một khu vực vô cùng lớn, và cho đến nay, kể từ lúc chiếc máy bay mất tích, chúng ta có rất ít manh mối cho phép chúng ta thu hẹp phạm vi tìm kiếm lại.”

Thủ tướng Australia Tony Abbott hôm nay nói rằng các đội tìm kiếm đang hy vọng nhưng chưa có cơ sở để tin chắc rằng những tín hiệu đó là từ hộp đen của chiếc máy bay mất tích.

Chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia trên đường bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh đã biến mất hôm 8 tháng 3, tức gần một tháng qua.

Các nỗ lực tìm kiếm tập trung vào một khu vực xa xôi ở nam Ấn Ðộ dương nơi cuộc tìm kiếm trong lòng đại dương bắt đầu từ hôm qua.

Các nỗ lực tìm kiếm đang trở nên cấp bách hơn vì pin trong hộp đen của chiếc máy bay sắp hết.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các láng giềng

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các láng giềng

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera (T) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (P) duyệt qua hàng quân danh dự tại trụ sở Bộ Quốc phòng Nhật ở Tokyo ngày 06/04/2014.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera (T) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (P) duyệt qua hàng quân danh dự tại trụ sở Bộ Quốc phòng Nhật ở Tokyo ngày 06/04/2014.

REUTERS/Alex Wong

Đức Tâm

RFI

Đang công du Nhật Bản, sau cuộc gặp với đồng nhiệm Nhật Bản Itsunori Onodera, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel hôm 06/04/2014, đã nhắc đến tiền lệ Nga sáp nhập vùng Crimée để cảnh báo Trung Quốc không nên có những hành động đơn phương nhằm giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Nhật Bản cũng như với các nước Châu Á khác.

Theo Bộ trưởng Chuck Hagel, « tất cả mọi quốc gia đều cần phải được tôn trọng, cho dù đó là nước lớn hay nhỏ » và « chúng ta thấy một ví dụ minh họa rõ ràng cho việc không tôn trọng, cưỡng bức và hù dọa qua những gì mà Nga đã làm tại Ukraina »

Ông Hagel nhấn mạnh : « Không thể vẽ lại đường biên giới, xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của các quốc gia qua các hành động vũ lực, cưỡng bức và dọa nạt – cho dù đó là những hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương hay các quốc gia lớn ở Châu Âu. Và tôi muốn nói rõ điều đó với Trung Quốc ». Bởi vì là « một cường quốc lớn », thì « Trung Quốc phải có trách nhiệm to lớn ».

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố như trên trước khi ông tới Bắc Kinh ngày 07/04.

Đồng thời, ông Hagel cũng nhắc lại là Hoa Kỳ cam kết đứng bên cạnh đồng minh Nhật Bản trong khuôn khổ hiệp định phòng thủ chung và phạm vi áp dụng của bản hiệp định này bao gồm cả các quần đảo ở biển Hoa Đông, nơi đang có những tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Ông nói : « Chúng tôi kiên quyết chống lại mọi hành động cưỡng chế đơn phương nhằm phủ nhận sự kiểm soát hành chính của Nhật Bản » đối với một vùng lãnh thổ và ông kêu gọi Tokyo và Bắc Kinh giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp lãnh thổ.

Afghanistan bắt đầu bầu cử tổng thống

Afghanistan bắt đầu bầu cử tổng thống

Thứ bảy, 5 tháng 4, 2014

400.000 cảnh sát và binh sỹ được điều động để bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử

Các cử tri tại Afghanistan bắt đầu bỏ phiếu chọn ra tổng thống mới trong cuộc chuyển giao quyền lực dân chủ đầu tiên tại nước này.

Một chiến dịch an ninh với quy mô lớn đang được tiến hành để ngăn cản lực lượng Taliban, vốn trước đó đã tuyên bố sẽ quấy rối cuộc bầu cử.

Tám ứng viên có cơ hội sẽ thay thế ông Hamid Karzai, người phải rời ghế tổng thống sau hai nhiệm kỳ liên tiếp, theo hiến pháp Afghanistan.

Tuy nhiên, không khí cuộc bầu cử cũng đang bị ảnh hưởng bởi vụ nổ súng vào hai phóng viên AP.

Nhiếp ảnh gia người Đức Anja Niedringhaus đã bị sát hại và phóng viên kỳ cựu người Canada, Kathy Ganno, bị thương, sau khi một viên chỉ huy cảnh sát nổ súng vào xe của họ ở thị trấn Khost, nằm phía đông Afghanistan, hôm 4/4.

Cả hai đã làm việc cho AP nhiều năm.

Đây là vụ tấn công mới nhất trong chuỗi hàng loạt vụ tấn công đẫm máu diễn ra trước thềm cuộc bầu cử.

Cử tri ở Kabul bất chấp mưa lớn để đi bầu cử

Các ứng viên sáng giá

Một chiến dịch quân sự với quy mô lớn nhất kể từ khi chính quyền Taliban bị lật đổ hồi năm 2001 đã được tiến hành để bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử, phóng viên BBC tại Kabul, David Loyn, cho biết.

Bất chấp mưa lớn tại thủ đô Afghanistan vào sáng sớm thứ Bảy và những mối đe dọa an ninh, nhiều cử tri, nhất là những người trẻ tuổi, vẫn có mặt ở các điểm bỏ phiếu, phóng viên của chúng tôi cho biết thêm.

Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Độc lập Ahmad Yousuf Nouristani đã kêu gọi tất cả người dân Afghanistan tham gia bỏ phiếu, trong lúc ông bỏ lá phiếu của mình trên sóng truyền hình trực tiếp.

Tình trạng kẹt xe đã gây khó khăn cho việc đi vào thủ đô Afghnistan vào thứ Sáu, với các chốt canh của cảnh sát được dựng lên ở mọi chốt giao thông.

Toàn bộ 400.000 cảnh sát và các binh sỹ ở nước này đã được triển khai để bảo vệ cho 12 triệu cử tri đi bỏ phiếu, nhà chức trách cho biết.

Các quan sát viên quốc tế tỏ ra khá lạc quan rằng các biện pháp an ninh cũng như những hình thức ngăn ngừa gian lận bầu cử sẽ giúp mang lại một cuộc bầu cử công bằng hơn trước đây, phóng viên của chúng tôi nhận định.

Người dân Afghanistan đã bị ngăn gửi tin nhắn trước tối thứ Bảy để ngăn ngừa việc dịch vụ này bị sử dụng để vận động bầu cử vào phút chót.

Trong số tám ứng viên tổng thống hiện nay, có ba người được xem là sáng giá: Các cựu ngoại trưởng Abdullah Abdullah và Zalmai Rassoul, cựu bộ trưởng tài chính, ông Ashraf Ghani Ahmadzai.

Ông Abdullah đã có một chiến dịch vận động bầu cử thành công, ông Ghani có được sự ủng hộ từ giới trẻ ở những khu vực thành thị, trong khi ông Rassoul được cho là người được ông Hamid Karzai tín nhiệm, phóng viên của chúng tôi cho biết.

Tuy nhiên, hiện không có ứng viên nào được trông đợi là sẽ dành được hơn 50% phiếu bầu để chiến thắng tuyệt đối, điều đồng nghĩa với việc nhiều khả năng một vòng bầu cử bổ sung sẽ diễn ra vào ngày 28/5.

Lừa được dùng để đưa thùng phiếu đến những nơi hẻo lánh

Quyết tâm cao

Vào thời điểm bị tấn công, Anja Niedringhaus và Kathy Gannon đang đi cùng đoàn xe của các nhân viên bầu cử, dưới sự bảo vệ của lực lượng an ninh Afghanistan, nhằm phân phát phiếu bầu từ trung tâm Khost tới huyện Tani ở khu vực ngoại ô.

Các nhân chứng cho biết cả hai đang ở trong xe riêng và đang đợi đi qua một chốt canh được canh gác cẩn mật, thì bị một viên chỉ huy cảnh sát nhắm bắn.

Bà Niedringhaus, 48 tuổi, một nhiếp ảnh gia người Đức từng là thành viên của một nhóm phóng viên được nhận Giải thưởng Pulitzer vì những bài tường thuật ở Iraq, đã tử vong ngay tại chỗ.

Bà Kathy Ganno, 60 tuổi, gốc Canada, người từng đứng đầu văn phòng thường trú của AP tại Afghanistan trong nhiều năm và là phóng viên đặc biệt của hãng thông tấn này trong khu vực, bị trúng hai phát đạn và đã được giải phẫu. Tình hình của bà hiện được cho là đã ổn định.

Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan cho biết sẽ điều tra kỹ lưỡng vụ việc, nhưng cũng cho rằng nhiều khả năng các nạn nhân đã bị hung thủ nhận dạng nhầm.

Khu vực gần với biên giới Pakistan này đã bị phiến quân nhắm vào trong suốt 48 tiếng qua, người phát ngôn Sidiq Siddiqi cho biết.

Tòa nhà được canh gác cẩn mật của Bộ Nội vụ, nơi đặt trụ sở của Ủy ban Bầu cử Độc lập, và khách sạn năm sao Serena, đều đã bị tấn công.

Tuy nhiên, theo phóng viên của chúng tôi, tình trạng bạo lực có vẻ như đã làm tăng cao quyết tâm đi bỏ phiếu của người Afghanistan.

Kết quả kháo sát do Quỹ Bầu cử Tự do và Công bằng tiến hành cho thấy hơn 75% người tham gia lấy ý kiến cho biết họ có ý định bỏ phiếu, mặc dù niềm tin vào hệ thống bầu cử bị cho là đang giảm đi.

Các nước Liên Xô cũ run rẩy trước việc Nga sáp nhập Crimée

Các nước Liên Xô cũ run rẩy trước việc Nga sáp nhập Crimée

Bản đồ các nước thuộc khối Đông Âu và Liên Xô cũ

Bản đồ các nước thuộc khối Đông Âu và Liên Xô cũ

DR

Thụy My

RFI

Sự kiện Nga sáp nhập Crimée làm lãnh thổ của mình đã dội một gáo nước lạnh vào các nước Liên Xô cũ, nơi mà Tổng thống Nga nhận được rất ít sự ủng hộ chính thức. Những quốc gia có vấn đề với các phe ly khai được Nga hỗ trợ thì lên án, còn những nước khác giữ thái độ im lặng quan sát một cách thận trọng.

Hôm thứ Tư 19/03/2014, ông Guiorgui Margvelachvili, Tổng thống Gruzia – quốc gia thuộc Liên Xô cũ nằm ở phía nam Kapkaz và thân phương Tây – đã tuyên bố : « Các sự kiện ở Ukraina là mối đe dọa không chỉ cho sự ổn định trong khu vực, mà còn cho mọi trật tự thế giới ».

Tháng 8/2008, Gruzia đã nếm mùi trận chiến năm ngày với Nga, sau đó điện Kremli công nhận Nam Ossetia độc lập cùng với một lãnh thổ ly khai khác là Abkhazia, và triển khai hàng ngàn binh lính. Tbilissi và các nước phương Tây tố cáo một sự chiếm đóng trên thực tế.

Về phần chính quyền của hai lãnh thổ ly khai này, được Matxcơva chống lưng và không được cộng đồng quốc tế nhìn nhận, đã vỗ tay hoan nghênh việc Nga sáp nhập Crimée, sau khi kiểm soát được bán đảo này bằng các lực lượng thân Nga và tổ chức cuộc trưng cầu dân ý hôm 16/3.

Moldova, quốc gia thuộc Liên Xô cũ với đa số dân nói tiếng Rumani, nằm giữa Rumani và Ukraina, cho biết rất quan ngại kịch bản Ukraina sẽ lặp lại trên lãnh thổ nước mình. Tại phần đất phương Đông của Moldova là Transnistria, cư dân hầu hết là người Nga và Ukraina. Vùng này đã ly khai, với sự ủng hộ của Nga, sau cuộc chiến tranh năm 1992 – một năm sau khi Liên Xô sụp đổ, nhưng không được bất kỳ một quốc gia nào công nhận.

Tổng thống Moldova, Nicolae Timofti tuyên bố: « Có quá nhiều cái chung giữa các sự kiện tại Crimée và tình hình ở Transnistria. Chúng tôi có những thông tin, theo đó có những sự việc cụ thể được tiến hành nhằm gây bất ổn tình hình ».

Chính quyền Nga hôm thứ Năm 20/3 họp về vấn đề « hỗ trợ cho Transnistria ». Cuộc hội nghị này đã được Phó thủ tướng Nga Dimitri Rogozine loan báo từ hôm thứ Ba, Phó thủ tướng Nga lên án nước Ukraina láng giềng đã « quyết định phong tỏa Transnistria trên thực tế ».

Hôm qua tại Washington, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen khẳng việc Matxcơva can thiệp vào Crimée nằm trong một « chiến lược toàn cầu » của Nga.

Tổng thống Noursoultan Nazarbaiev của Kazakhstan – đất nước Trung Á giàu tài nguyên dầu khí và là một trong những đối tác quan trọng nhất của Nga, mà vùng thảo nguyên là nơi đặt sân bay vũ trụ Baikonour và 26% dân số là người Nga – đã giữ im lặng hoàn toàn.

Nhà phân tích Konstantin Kalatchev, trưởng nhóm chuyên gia chính trị khẳng định : « Kazakhstan tỏ ra ngoan ngoãn, chứng tỏ mình vẫn là một đối tác của Nga nhưng tại các vùng mà dân cư người Nga và người Kazakhstan tương đương nhau, hay dân Nga chiếm đa số, các tiến trình nhằm đảo ngược tỉ lệ này đang được tiến hành ».

Một đối tác tầm cỡ khác là Belarus, đất nước có chế độ độc tài nằm kề Liên hiệp châu Âu, tỏ ra hết sức thận trọng. Trong thông báo hôm qua, Minsk cho biết chỉ muốn tạo « mọi nỗ lực cần thiết để cho quan hệ giữa Ukraina và Nga lại trở nên quan hệ anh em và láng giềng tốt đẹp ».

« Làm thế nào thoát khỏi được một ‘người bạn’ như thế ? » – nhà phân tích chính trị Andrei Klimov tự hỏi. Theo dự đoán của ông, một cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Belarus vào Nga sẽ diễn ra trước năm 2015.

Nga, Belarus và Kazakhstan vào năm 2010 đã thành lập Liên hiệp Thuế quan, mà đến năm 2015 sẽ chuyển thành Liên minh Kinh tế Âu-Á. Đến tháng 9/2013 có thêm Armenia tham gia. Theo ông Klimov : « Nếu Nga cứ tiếp tục chính sách hiện nay, thì coi như đặt dấu chấm hết cho Liên minh Âu-Á ».

Rốt cuộc, sự ủng hộ lại đến từ Tổng thống Armenia Serge Sarkissian. Ông này cho rằng cuộc trưng cầu dân ý ở Crimée là « một ví dụ mới về quyền tự quyết của một dân tộc ».

Láng giềng của Armenia là Azerbaijan cũng đang có tranh chấp lãnh thổ, và cũng muốn giữ hòa khí với Nga nên tỏ ra kín tiếng. Tại Trung Á, các nước Tuskmenistan, Uzbekistan và Tadjikistan đều giữ im lặng. Còn Kirghistan, ban đầu không thừa nhận tổng thống thân Nga bị lật đổ ở Ukraina, đã đợi mất bốn ngày cho đến hôm nay mới chịu nhìn nhận cuộc trưng cầu dân ý ở Crimée là một « thực tế khách quan ».

 

Đức Giáo Hoàng Francis đầu bảng 50 lãnh tụ vĩ đại thế giới

Đức Giáo Hoàng Francis đầu bảng 50 lãnh tụ vĩ đại thế giới
March 20, 2014

nguoi-viet.com


VATICAN CITY (NV)
Tạp chí Fortune hôm Thứ Năm liệt kê Ðức Giáo Hoàng Francis đứng đầu danh sách 50 lãnh tụ vĩ đại nhất thế giới, tuy nhiên theo TODAY.com, Tổng Thống Barack Obama nằm ngoài danh sách này.

Cựu Tổng Thống Bill Clinton đứng hạng năm trong danh sách qua hoạt động “hăng say và không ngừng nghỉ” cho nhiều mục tiêu.

Ðức Giáo Hoàng Francis, vừa được tạp chí Fortune xếp đầu bảng 50 lãnh tụ vĩ đại thế giới. (Hình: Franco Origlia/Getty Images)

Fortune cho biết qua một văn bản: “Tổng Thống Obama không bị loại khỏi danh sách 50 lãnh tụ vĩ đại trên thế giới.”

Tạp chí này thêm rằng, năm nay, ông Obama không đạt được địa vị của 50 cá nhân xuất chúng, chỉ vì ông không đủ tiêu chuẩn lọt vào danh sách này, dành cho những người từng chứng tỏ khả năng lãnh đạo hiếm hoi trong nhiều lãnh vực, hoặc từng chứng tỏ một quá trình lãnh đạo lâu dài.

Ðức Giáo Hoàng Francis được xếp hạng cao nhất qua phong cách vốn gây được sự chú ý và khâm phục chỉ mới trong một năm, hơn hẳn bất kỳ vị tiền nhiệm nào trong suốt nhiều thập niên.

Vừa đánh dấu một năm lên ngôi vị Giáo Hoàng, ngài đã góp tay giúp làm sạch vụ tai tiếng tiền bạc của ngân hàng Vatican, và quan tâm đến vụ lạm dụng tình dục trẻ em của giáo hội.

Ngài cũng tạo một phong thái nổi bật mới qua mẫu mực khiêm cung, theo Fortune, điều chỉ có nơi các lãnh tụ vĩ đại.

Vài tháng trước đây, tạp chí Time cũng xếp hạng Ðức Giáo Hoàng Francis là nhân vật nổi bật nhất trong năm. (TP)

Xin xem thêm:

Tạp chí Fortune: Đức Phanxicô là “Lãnh Tụ Vĩ Đại Nhất Thế Giới” (Vietcatholic.net)

 

Tiếp tục tìm kiếm máy bay mất tích

Tiếp tục tìm kiếm máy bay mất tích

Thứ sáu, 21 tháng 3, 2014

Bốn phi cơ quân sự của Úc, Mỹ và New Zealand đang tham gia tìm kiếm

Cuộc kiếm tìm quốc tế chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines tại phía nam Ấn Độ Dương được tiếp tục trong ngày thứ hai.

Bốn phi cơ quân sự đang tham gia tìm kiếm chiếc máy bay mà khi mất tích có 239 người trên khoang.

Các hình ảnh vệ tinh được công bố hôm thứ Năm cho thấy các vật thể có thể liên quan tới chiếc máy bay này tại phía nam Ấn Độ Dương.

Tuy nhiên, nhà chức trách nói thời tiết xấu đã cản trở nỗ lực tìm kiếm và phải dừng tay khi đêm xuống.

Bốn chiếc máy bay quân sự, trong đó có hai chiếc Orion của Không lực Hoàng gia Australia, đang tham gia kiếm tìm, theo thông cáo của Cục An toàn Hàng Hải Australia (Amsa).

Cùng với đội máy bay này là các tàu biển, tìm trong phạm vi rộng khoảng 23.000 km, cách thành phố Perth của Úc 2.500km về phía tây nam.

Chuyến bay MH370 từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh biến mất hôm 8/3.

Thoạt tiên nó mất liên lạc với kiểm soát không lưu, sau đó biến mất khỏi radar.

Vô cùng tồi tệ

Bốn máy bay trinh sát và sáu tàu biển đang tìm kiếm trong khu vực rộng lớn ở miền nam Ấn Độ Dương, nhưng chưa đạt được kết quả gì vào hôm thứ Năm.

Hai chiếc Orion là của Úc còn hai chiếc kia là của Mỹ và New Zealand.

Cơ trưởng của một trong hai chiếc AP-3C Orion khi quay trở lại căn cứ từ khu vực tìm kiếm cho hay rằng thời tiết tại nơi đó “vô cùng tồi tệ”, sóng to và gió lớn.

Sáng thứ Năm, Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein đã mô tả việc phát hiện ra các mảnh vỡ trên hình ảnh vệ tinh hôm 16/3 là “manh mối có thể tin được”.

Chính quyền Úc cho hay vật thể lớn nhất có thể dài tới 24m.

Một số địa điểm phát hiện ra các vật thể có khả năng là mảnh vỡ máy bay đã được điều tra kể từ khi chiếc máy bay mất tích nhưng không mang lại kết quả gì.

Các nhà điều tra cũng xác định hai khu vực hành lang tìm kiếm, một ở phía bắc và một ở phía nam, được cho là máy bay có thể bay tới trong khoảng thời gian bảy tiếng đồng hồ từ khi cất cánh.

Điều này dựa vào các tín hiệu yếu ớt mà máy bay phát tới một vệ tinh mỗi giờ sau khi hệ thống liên lạc đã bị tắt.

Malaysia nói đã huy động 18 tàu, 29 máy bay và sáu trực thăng đi theo tàu để tìm kiếm trong cả hai khu vực.

Úc tìm thấy mảnh vỡ nghi là của MH370

Úc tìm thấy mảnh vỡ nghi là của MH370

Thứ năm, 20 tháng 3, 2014

Amsa

Hình ảnh vệ tinh cho thấy mảnh vỡ có thể từ máy bay MH370

Hai mảnh vỡ nghi là của chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã được tìm thấy ngoài khơi phía Tây nước Úc, thủ tướng nước này Tony Abbott cho biết.

Ông Abbott nói những vật thể được nhìn thấy qua hình ảnh vệ tinh.

Một máy bay Orion đã được điều tới khu vực này để tìm kiếm, Thủ tướng Abbott phát biểu trước Quốc hội Úc.

‘Rất khó tìm’

“Cơ quan An toàn Hàng hải Úc (Amsa) đã nhận được thông tin dựa trên hình ảnh vệ tinh cho thấy có vật thể có khả năng liên quan đến việc tìm kiếm hiện nay,” ông Abbott nói.

“Sau khi các chuyên gia phân tích hình ảnh, hai vật thể tình nghi đã được xác định,” ông nói thêm.

Tuy nhiên, ông Abbott cũng cảnh báo rằng việc tìm các vật thể này sẽ rất khó khăn và có thể chúng không liên quan gì đến chiếc máy bay.

Một số lần các phương tiện tìm kiếm đã nhìn thấy một số vật thể khả nghi nhưng cho đến nay không có cái nào chính xác cả.

“Đây là một phương hướng, đây có là manh mối tốt nhất hiện nay. Nhưng chúng tôi cần phải đến nơi, tìm ra chúng, nhìn thấy và đánh giá chúng để xem chúng thật sự có ý nghĩa hay không.”

John Young, người đứng đầu Cơ quan An toàn Hàng hải Úc

Amsa nói các vật thể này được xác định là ở cách thành phố Perth khoảng 2.500 cây số về phía tây nam.

Các vật thể này có kích thước ‘tương đối lớn’, ông John Young, người đứng đầu Amsa cho biết. Vật thể lớn nhất có kích thước khoảng 24 mét, ông nói thêm.

“Các chỉ dấu mà tôi thấy là chúng có kích thước tương đối lớn và có lẽ bị phủ đầy nước và trồi lên sụt xuống trên mặt biển”.

“Đây là một phương hướng, đây có là manh mối tốt nhất hiện nay. Nhưng chúng tôi cần phải đến nơi, tìm ra chúng, nhìn thấy và đánh giá chúng để xem chúng thật sự có ý nghĩa hay không,” ông nói.

Ông cũng cảnh báo rằng tầm nhìn hạn chế ở vùng biển này có thể gây khó khăn cho việc tìm kiếm.

Phía Úc đã thông báo với giới chức Malaysia về diễn biến này vào sáng ngày 20/3.

“Chúng tôi theo sát từng manh mối và lần này tôi hy vọng rằng kết quả sẽ tích cực,” Bộ trưởng Giao thông tạm quyền Hishammuddin Hussein nói.

FBI vào cuộc

“Chúng tôi nhận thấy mức độ hợp tác của Chính phủ Malaysia là rất mạnh mẽ.”

Phát ngôn nhân Nhà Trắng Jay Carney

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang trợ giúp chính phủ Malaysia tìm kiếm chuyến bay MH370 hiện đã mất tích gần được hai tuần lễ.

Các nhà điều tra Mỹ được tin rằng đang giúp chính quyền Malaysia nghiên cứu mô hình mô phỏng bay được lấy tại nhà cơ trưởng của chuyến bay MH370.

Vị cơ trưởng này được cho là đã xóa một số dữ liệu khỏi khỏi máy tính của mô hình.

Thông qua văn phòng pháp lý của mình ở Kuala Lumpur, FBI ‘tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng có liên quan của Malaysia và tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Malaysia trong việc điều tra chuyến bay mất tích,’ một thông cáo của FBI hôm 12/3 cho biết.

Tuy nhiên, cơ quan này không bình luận về các chi tiết của cuộc điều tra cũng như những thông tin mà giới chức Malaysia đã cung cấp.

Cũng trong hôm 12/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết nước ông ‘đã triển khai tất cả lực lượng hiện có để tham gia tìm kiếm’.

Úc dẫn đầu nỗ lực tìm kiếm ở hành lang phía nam

Trước đó, phát ngôn nhân Nhà Trắng Jay Carney cho biết Malaysia cũng đã trao đổi với các cơ quan điều tra tai nạn hàng không và giao thông của Mỹ.

“Chúng tôi nhận thấy mức độ hợp tác của Chính phủ Malaysia là rất mạnh mẽ,” ông nói.

Một quan chức thực thi pháp luật của Mỹ nói với hãng tin Anh Reuters rằng giới chức Malaysia đã cung cấp cho FBI các dữ liệu mà cả hai phi ông của chuyến bay MH370 lưu trữ, bao gồm một ổ cứng gắn với mô hình mô phỏng bay của cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah được tìm thấy tại nhà ông

Tuy nhiên vị quan chức này cũng nhấn mạnh rằng không có gì đảm bảo cuộc điều tra của FBI sẽ tìm ra manh mối nào.

Người đứng đầu lực lượng cảnh sát Malaysia Khalid Abu nói một số dữ liệu trên ổ cứng này đã bị xóa hôm 3/2 và rằng các nhà điều tra đang tìm cách khôi phục lại các dữ liệu này.

Quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein nhấn mạnh rằng vị cơ trưởng này vẫn được xem là vô tội cho đến khi có đủ chứng cứ kết luận là có tội và rằng thân nhân của ông đang hợp tác với nhà chức trách.

Việc xóa dữ liệu cũng không phải là điều gì đáng nghi, ông nói thêm, nhất là khi để cho trống bộ nhớ.

Cuộc xâm lăng êm thấm nhất của Nga’

Cuộc xâm lăng êm thấm nhất của Nga’

John Simpson

BBC News

Thứ năm, 20 tháng 3, 2014

Việc sát nhập Crimea là cuộc xâm lược êm thấm nhất của thời hiện đại.

Nó đã kết thúc trước cả khi thế giới kịp nhận ra là nó bắt đầu.

Và cho tới khi một nhóm tay súng thân Nga tấn công căn cứ quân sự nhỏ của quân đội Ukraine ở Simferopol làm một người chết và một người bị thương, mọi chuyện diễn ra mà hoàn toàn không có đổ máu.

Trong nhiều ngày của tháng Hai, hàng ngàn binh lính tăng viện đã lặng lẽ tới các căn cứ quân sự ở Crimea mà Nga được phép sử dụng theo hiệp ước với Ukraine.

Những “người tình nguyện” dân sự cũng tiến vào.

Kế hoạch diễn ra bí mật và thành công toàn diện.

Dấu hiệu rõ ràng đầu tiên về chuyện Crimea bị thôn tính xuất hiện hôm 28/2 khi các điểm kiểm soát được lập ra tại Armyansk và Chongar – hai tuyến đường bộ chính nối Ukraine và bán đảo Crimea.

Những đường nối này được kiểm soát bởi các tay súng mặc đủ loại đồng phục: quân đội Ukraine, cảnh sát Ukraine, các đồ ngụy trang không kèm phù hiệu. Một số mặc đồ dân sự.

Khi tôi toan vượt qua chốt Armyansk hôm thứ Bảy 1/3 cùng với một người quay phim của BBC, những người đứng gác có thái độ thù nghịch và đe dọa.

Họ lấy mất các túi đựng áo giáp của chúng tôi từ thùng để đồ của taxi và sừng sộ kiểm tra va ly, lôi tất cả mọi thứ ra và đánh rơi vài đồ trên đường.

Họ đưa người quay phim của chúng tôi đi và lấy luôn các thẻ ghi hình của camera cùng cả pin.

Quốc hội Crimea ủng hộ việc về với Nga

Họ biết họ cần tìm gì. Bên vệ đường cũng có những túi đựng áo giáp của những phóng viên toan vượt qua điểm kiểm soát trước chúng tôi.

Những người đóng chốt chặn tất cả mọi người lại trừ người địa phương.

Tôi thấy khó biết chuyện gì đang diễn ra.

Chỉ tới khi một trong số họ, người mặc sắc phục cảnh sát, nói “Chào mừng đến với Nga” thì tôi hiểu – có thể họ mặc sắc phục Ukraine nhưng họ nhận lệnh của Moscow để phong tỏa Crimea.

Sang ngày hôm sau, Chủ Nhật 2/3, mọi việc kể như xong.

Ukraine cũng đã lập các chốt chặn ở biên giới

Thế giới bên ngoài vẫn chờ tàu chiến của Nga tới và chiếm Crimea.

Nhưng nó đã âm thầm xảy ra rồi.

Hôm Chủ Nhật và thứ Hai, các căn cứ quân sự của Ukraine bị những người lính trông dữ dằn chiếm.

Họ mang những vũ khí hiện đại nhất của Nga nhưng trang phục của họ không mang phù hiệu, quân hiệu hay quân hàm.

Cùng ở bên họ là những “người tình nguyện” – thường là những đàn ông già hơn, nhiều người có vẻ tới từ Nga.

Một số người mang quân phục không đầy đủ trong khi những người khác mặc thường phục.

Họ xếp hàng bên ngoài doanh trại quân đội Ukraine và không cho ai tới gần.

Có lẽ họ là lính dự bị của Nga. Đó là những người dữ dằn và hung hăng nhưng họ tuân lệnh thượng cấp.

Nhiều người rõ ràng là nghiện rượu nặng và khi đêm xuống họ chẳng giấu diếm gì họ đang say.

Tuy nhiên, họ giữ kỷ luật. Không có chuyện cướp bóc và cho dù họ có thái độ đe dọa họ không tấn công dân thường.

Trong những ngày sau đó, những nhóm khác xuất hiện.

Đây là những người tình nguyện thật và họ tới từ Moscow để tham gia điều mà họ gọi là giải phóng Crimea.

Tôi nói chuyện với ba thành viên của nhóm dân tộc cực đoan.

Tất cả họ đều tới từ Moscow và họ đều có kế hoạch đi từ Crimea tới hai thành phố có nhiều người nói tiếng Nga Kharkiv và Donetsk.

Tại sao? Để tỏ tình đoàn kết, ông nói.

Sau đó tôi còn gặp một nhóm bảy hay tám người đi xe máy, mặc đồ da và mang biển đề chức vụ – chủ tịch, phó chủ tịch và các chức khác.

Họ cũng từ Moscow tới và cũng định đi Kharkiv và Donetsk.

“Thật là một ngày tuyệt vời,” vị “chủ tịch” nói.

Nhưng cũng có những người chỉ muốn tham gia để góp vui.

Việc sáp nhập Crimea được ủng hộ tại Nga

Hoàn toàn không có dấu hiệu gì chứng tỏ chính phủ Nga cử họ tới.

Trong thời hiện đại, Moscow đã có ba cuộc xâm lược lớn: Hungary hồi tháng 11/1956, Czechoslovakia trong tháng 8/1968, khi hai chính phủ cộng sản có những xu hướng thân phương Tây nguy hiểm; và Afghanistan hồi năm 1979 khi chính phủ thân Cộng sản đang bên bờ vực sụp đổ.

Đó là những chiến dịch lớn và thô bạo với số lượng lớn xe tăng, đôi khi là sự đổ máu lớn.

Vụ chiếm Crimea hoàn toàn khác. Đây là sự đột nhập chứ không phải xâm lược.

Và không giống như ở Hungary, Czechoslovakia và Afghanistan, phần lớn dân số địa phương chào đón [sự đột nhập] này.

Theo một đối thủ có tiếng của ông Putin, cuộc bỏ phiếu ở Crimea để gia nhập Liên bang Nga là “trưng cầu dân ý dưới họng súng Kalashnikov”.

Nhưng không phải vậy. Kết quả là điều mà đại đa số người nói tiếng Nga ở Crimea thực sự muốn và không cần phải có Kalashnikov trên đường phố.

Những người muốn giữ Crimea là một phần của Ukraine quá sốc và sợ nên không dám chống lại.

Toàn bộ chiến dịch được lên kế hoạch và thực hiện rất thông minh.

Nhưng cũng không nghi ngờ gì về chuyện đây là cuộc đảo chính nhanh chóng, đáng kể và gần như không đổ máu.

LHQ : Quá trình chuyển tiếp chính trị tại Miến Điện còn « mong manh »

LHQ : Quá trình chuyển tiếp chính trị tại Miến Điện còn « mong manh »

Ông Tomas Ojea Quintana, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về nhân quyền tại Miến Điện, tại cuộc họp báo tại sân bay quốc tế Rangoon, 19/02/2014

Ông Tomas Ojea Quintana, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về nhân quyền tại Miến Điện, tại cuộc họp báo tại sân bay quốc tế Rangoon, 19/02/2014

REUTERS/Soe Zeya Tun

Anh Vũ

RFI

Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Miến Điện nhận định quá trình chuyển tiếp dân chủ ở đất nước này vẫn còn « mong manh », đồng thời, ông kêu gọi bảo đảm thỏa thuận ngưng bắn được ký với các sắc tộc thiểu số.

Trong bản báo cáo được công bố hôm nay, 13/3/2014, ông Tomas Ojea Quintana, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc theo dõi tình hình Miến Điện từ 5 năm qua, nhấn mạnh : « Quá trình chuyển tiếp dân chủ vẫn còn chập chững và mong manh ».

Mặc dù ca ngợi các cải cách đã và đang được chính quyền thực thi, đặc biệt là việc trả tự do cho hơn 1100 tù nhân lương tâm từ năm 2011 và các quyết định nới rộng các quyền tự do ngôn luận, nhưng đại diện Liên Hiệp Quốc vẫn đánh giá là chưa đủ cho tiến trình dân chủ hoá đất nước. Theo ông Quintana, tại Miến Điện, cho đến giờ « quân đội vẫn giữ vai trò chủ đạo trong đời sống và các thiết chế. Ngoài ra người ta chưa thể nói Miến Điện đã có một Nhà nước pháp quyền ». Những hiện tượng như tra tấn tù nhân, đối xử bất bình đẳng một cách có hệ thống vẫn tồn tại trong cộng đồng dân cư ở một số vùng.

Trong bản báo, một lần nữa đặc phái viên Liên Hiệp Quốc khẳng định lại rằng, các hành động vi phạm nhân quyền nhắm vào thiểu số dân Rohingya theo Hồi giáo ở tiểu bang Rakhin có thể được coi như « tội ác chống nhân loại ».

Đại diện Liên Hiệp Quốc về Miến Điện khuyến cáo cần phải bảo đảm lệnh ngừng bắn và các thỏa thuận chính trị với những nhóm sắc tộc thiểu số để Miến Điện xây dựng được một xã hội đa tôn giáo, đa sắc tộc. Ông cũng yêu cầu chính quyền Miến Điện ấn định một lịch trình cụ thể, nhanh chóng đi tới các cuộc thương lượng chính trị.

Các vụ tấn công chết người nhắm vào người Hồi giáo diễn ra ở nhiều nơi đã làm tổn hại hình ảnh của một đất nước đang có những cải cách dân chủ ngoạn mục từ sau khi ra khỏi chế độ độc tài quân sự năm 2011.

Làn sóng bạo lực nổ ra trong các vụ xung đột giữa cộng đồng người theo Hồi giáo và Phật giáo tại tiểu bang Rakhin, miền tây đất nước này từ năm 2012 đã làm ít nhất 250 nghìn người thiệt mạng và khoảng 140 nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.

 

Biểu tình tiếp diễn ở Venezuela

Biểu tình tiếp diễn ở Venezuela

Thu năm, 13 tháng 3, 2014

Venezuela đã trong tình trạng hỗn loạn trong một tháng qua

Ba người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình mới ở Venezuela, lần này là ở thành phố miền Trung Valencia.

Một cảnh sát và hai người đàn ông bị bắn chết trong hai vụ việc riêng rẽ.

Ở thủ đô Caracas, những người ủng hộ và chống đối chính phủ đều xuống đường trong các cuộc biểu tình đối chọi nhau.

Những cuộc tuần hành này đánh dấu một tháng kể từ khi phong trào biểu tình phản đối chính phủ bùng phát hôm 12/2.

Tổng cộng 25 người được cho là đã thiệt mạng.

Nhiều vụ bạo lực

Ông Miguel Cocchiola, thị trưởng Valencia, người thuộc phe đối lập, cho biết thành phố của ông đã chứng kiến một vài vụ bạo lực trong ngày.

Một người đàn ông 42 tuổi đang sơn nhà thì bị các lực lượng dân quân thân chính chính phủ đi xe máy bắn vào đầu, ông Cocchiola nói.

Một sinh viên 20 tuổi cũng bị một nhóm thân chính phủ có tên là ‘colectivos’ bắn chết ở Valencia, vị thị trưởng này cho biết.

“Phải thay đổi chính quyền càng sớm càng tốt: đó là điều chúng tôi đề xuất, rất rõ ràng.”

Maria Corina Machado, nghị sỹ đối lập Venezuela

Nạn nhân còn lại là Đại úy Ernesto Bravo Bracho. Chính phủ Venezuela cáo buộc ông này bị ‘những kẻ khủng bố’ sát hại.

Trong lúc này, phe đối lập đang biểu tình trên đường phố ở đông Caracas – một cứ điểm của lực lượng chống chính phủ. Họ lên án ‘sự tàn bạo của cảnh sát’ và tình trạng khủng hoảng kinh tế.

Họ kêu gọi trả tự do cho hàng chục nhà hoạt động đang bị cầm tù.

Những người biểu tình đã ném gạch đá và bom xăng vào cảnh sát. Cảnh sát đáp trả bằng hơi cay. Một vài người bị thương.

Ngoài ra cũng có biểu tình trên các thành phố khác của Venezuela.

Trong khi đó, hàng người ủng hộ viên của chính quyền đã cùng Tổng thống Nicolas Maduro ‘tuần hành vì hòa bình’ ở thủ đô Caracas.

Trước đó, ông Maduro nói rằng ông đã làm thất bại âm mưu lật đổ chính phủ của cánh hữu.

‘Thay đổi chế độ’

Những người biểu tình phản đối tình trạng khủng hoảng kinh tế ở Venezuela

“Trước thời của Tổng thống Chavez không ai có được những gì mà chúng ta có hiện nay: chăm sóc y tế, giáo dục và thực phẩm,” Marcos Alcayo, một người ủng hộ chính quyền nói với hãng tin Anh Reuters.

Cố Tổng thống Hugo Chavez đã qua đời vì ung thư một năm trước sau hơn 14 năm cầm quyền.

Một cuộc bầu cử tổng thống đã được tổ chức hồi tháng Tư năm ngoái. Người được ông Chavez lựa chọn, phó Tổng thống Maduro đã đánh bại lãnh đạo đối lập Henrique Capriles với chênh lệch sát sao.

Bà Maria Corina Machado, nghị sỹ đối lập và là một trong các lãnh đạo biểu tình, nói với BBC rằng Venezuela đang ngày càng đồng thuận về việc thay đổi chế độ.

“Phải thay đổi chính quyền càng sớm càng tốt: đó là điều chúng tôi đề xuất, rất rõ ràng,” bà Corina nói.

Tuy nhiên bà bác bỏ lập luận cho rằng thay đổi một chính phủ do dần bầu là đồng nghĩa với đảo chính.

“Chúng tôi muốn tiến về phía trước, nhưng trong khuôn khổ Hiến pháp và bằng các biện pháp hòa bình,” bà nói.

Về phần mình, ông Maduro cáo buộc các ‘phần tử cánh hữu’ ở Mỹ, Venezuela và các nước Mỹ Latin khác đứng sau âm mưu đảo chính ông.

Hồi tuần trước, Chính phủ Venezuela đã trục xuất Đại sứ Panama và ba nhà ngoại giao khác với cáo buộc họ âm mưu ‘lật đổ chính phủ’ của ông.

Nga chiếm thêm các căn cứ ở Crimea

Nga chiếm thêm các căn cứ ở Crimea

Các xe thiết giáp chở binh sĩ mà người ta tin là binh sĩ Nga trên một con đường gần thành phố cảng Sevastopol trên bán đảo Crimea 10/3/14

Các xe thiết giáp chở binh sĩ mà người ta tin là binh sĩ Nga trên một con đường gần thành phố cảng Sevastopol trên bán đảo Crimea 10/3/14

10.03.2014

Nga, hôm thứ Hai, cáo buộc các nhà hoạt động cực hữu ở Ukraina và chính phủ thân Tây phương ở Kyiv gây ra tình trạng hỗn loạn ở đông Ukraina nơi có dân nói tiếng Nga, trong khi các lực lượng thân Nga tiếp tục chiếm các căn cứ của Ukraina trên bán đảo Crimea.

Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu tên tổ chức cực hữu Right Sector, đồng thời cáo buộc các chính phủ Tây phương làm ngơ trước các vụ bạo động.

Tuyên bố được đưa ra khi Bộ Quốc phòng Ukraina cho biết các tay súng mặc đồng phục bao vây và chiếm một căn cứ hải quân ở Chernomorskoye, và một quân y viện ở Simferopol.

Báo The New York Times cho biết cảnh sát đã cắt ngang cuộc phỏng vấn của phóng viên với một người đàn ông địa phương, đe dọa phóng viên của báo này cũng như tịch thu các ghi chép của họ.

Thứ Tư tới đây thủ tướng lâm thời Ukraina Arseniy Yatsenyuk, sẽ hội kiến với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Tòa Bạch Ốc. Một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc đưa ra hôm thứ Hai nói rằng chuyến đến thăm của ông Yatsenyuk sẽ nêu bật sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Hoa Kỳ đối với nhân dân Ukraina, và các cuộc thảo luận sẽ bao gồm vấn đề viện trợ kinh tế và việc chuẩn bị cho các cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào tháng 5 ở Ukraina.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hôm thứ Hai, kêu gọi Nga chứng minh cho thấy họ sẵn sàng hợp tác với những đề nghị ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraina. Phát ngôn viên Jen Psaki cũng nói rằng Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry có thể sẽ gặp nhân vật đối nhiệm Nga Sergei Lavrov trong tuần này, nêu ông tin rằng Moscow sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán có thực chất.