Cựu Tổng thống Pháp Sarkozy bị câu lưu

Cựu Tổng thống Pháp Sarkozy bị câu lưu

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bị cảnh sát câu lưu 01/07/2014

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bị cảnh sát câu lưu 01/07/2014

AFP PHOTO / VALERY HACHE

RFI

Sáng sớm hôm nay, 01/07/2014, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã đến trụ sở cảnh sát tư pháp ở Nanterre, (Hauts-de-Seine), ngoại ô Paris để giải thích về vai trò của ông liên quan đến vụ án hối mại quyền thế. Theo nguồn tin tư pháp, ông Sazkozy đã bị câu lưu. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp của Pháp, một cựu Tổng thống bị câu lưu.

Theo luật pháp của Pháp, thời gian câu lưu tối đa là 24 giờ và có thể triển hạn một lần. Tổng cộng là 48 tiếng.

Hôm qua, luật sư Thierry Herzog, đồng thời là luật sư của ông Sarkozy và hai thẩm phán cao cấp đã bị câu lưu trong khuôn khổ cuộc điều tra hối mại quyền thế, vi phạm bí mật điều tra.

Cơ quan chống tham nhũng của cảnh sát tư pháp đang điều tra xem liệu cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, với sự hỗ trợ của luật sư Herzog, có tìm cách có được những thông tin từ một thẩm phán cao cấp về vụ điều tra liên quan đến ông ta và đổi lạị, vị thẩm phán này được hứa sẽ được bổ nhiệm vào một vị trí quan trọng hơn.

Trong khuôn khổ thu thập thông tin tư pháp do cơ quan điều tra tài chính thuộc viện Công tố tiến hành từ ngày 26/02, các nhà điều tra cũng muốn biết làm thế nào ông Sarkozy đã được thông báo một cách bất hợp pháp về việc ông bị tư pháp nghe điện thoại. Biện pháp hiếm thấy này đối với một cựu Tổng thống đã được quyết định hồi tháng Chín trong khuôn khổ một cuộc điều tra khác liên quan đến những cáo buộc về việc chế độ Libya thời Muammar Kadhafi tài trợ cho chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống năm 2007 và ông Sarkozy đã đắc cử năm 2008.

Vị thẩm phán cao cấp bị nghi ngờ dính líu đến chuyện này là ông Gilbert Azibert, luật sư Tòa Phá án. Theo nguồn tin tư pháp, hôm qua, cảnh sát đã bắt vị thẩm phán này tại nhà riêng ở Bordeaux và đưa về câu lưu tại Tổng cục cảnh sát tư pháp ở Nanterre (Hauts-de-Seine), ngoại ô Paris. Còn luật sư Herzog thì tự đến nơi này sáng hôm qua. Ông Patrick Sassoust, một luật sư khác thuộc Tòa Phá án cũng bị câu lưu.

‘Lưỡi Bò’ Trung Quốc phát triển thành 10 đoạn, nuốt gần trọn Biển Đông

‘Lưỡi Bò’ Trung Quốc phát triển thành 10 đoạn, nuốt gần trọn Biển Đông
June 25, 2014

Nguoi-viet.com


BẮC KINH 25-6 (NV) –
Một nhà xuất bản ở Trung Quốc phát hành bản đồ mới của nước này với cái “Lưỡi Bò” có 10 vạch, thay vì 9 vạch như trước đây, chiếm gần hết Biển Đông.

Bản đồ mới của Trung Quốc hình dọc với cái “Lưỡi Bò” mới với 10 đoạn, thay vì 9 đoạn như những bản đồ trước đây. (Hình: Tân Hoa Xã)

Tân Hoa Xã hôm Thứ Tư 25/6/2014 đưa tin một nhà xuất bản bản đồ ở tỉnh Hồ Nam phổ biến tấm bản đồ toàn thể nước Trung Hoa hình dọc bao gồm luôn cả khu vực Biển Đông. Điểm đặc biệt là tại phần biển họ gọi là Nam Hải (Việt Nam gọi là Biển Đông), bản đồ vừa kể vẽ 10 đoạn xác định chủ quyền chiếm gần hết vùng biển này theo hình “Lưỡi Bò.”

Các bản đồ Trung Quốc trước đây theo chiều ngang nên phần bản đồ Nam Hải chỉ là một khung nhỏ nằm về một góc, trên đó có hai quần đảo họ gọi là Tây Sa và Nam Sa mà Việt Nam gọi là Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời, các bản đồ cũ chỉ có 9 đoạn gom lại thành hình “Lưỡi Bò” như cách vẽ có từ thời Tưởng Giới Thạch nắm quyền.

Hôm Thứ Hai 23/6/2013, Lei Yixun (Lôi Nhất Huân) tổng biên tập nhà xuất bản bản đồ tỉnh Hồ Nam tại thành phố Thành Đô họp báo giới thiệu tấm bản đồ mới. Với tấm bản đồ mới này, hình dọc, người ta nhìn thấy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam nằm gọn trong cái “Lưỡi Bò” 10 đoạn này.

Các nước khác, Việt Nam phía tây, Phi Luật Tân phía đông, Indonesia, Malaysia, Brunei phía nam bị cái vạch “Lưỡi Bò” liếm sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS).

“Các đảo ở Nam hải theo những tấm bản đồ truyền thống (cũ) của Trung Quốc được thấy ở trong các ô riêng nên độc giả không thể biết đầy đủ và trực tiếp bản đồ toàn diện Trung Quốc.” Tờ Nhân Dân Nhật Báo ở Bắc Kinh viết. Theo lập luận của tờ báo này, bản đồ cũ với các đảo trên biển Nam Hải giống như  phụ thuộc thay vì là một phần của toàn thể nước Trung Hoa. Bởi vậy bản đồ mới cho người ta nhìn thấy ngay khi mới liếc mắt.

“Bản đồ Trung Hoa dọc có ý nghĩa quan trọng để cổ võ người dân hiểu hơn về duy trì chủ quyền biển và sự toàn vẹn lãnh thổ.” Một viên chức của nhà xuất bản không nêu tên nói với thông tấn Reuters.

Tuy nhà cầm quyền trung ương ở Bắc Kinh cho một nhà xuất bản ở địa phương thực hiện và công bố bản đồ mới như một cách tránh tiếng, nhưng theo báo Hoa Nam Bưu Báo (SCMP) thì Cục Khảo Sát Địa Dự và Bản Đồ của Trung Quốc đã chấp thuận cho Nhà xuất bản bản đồ tỉnh Hồ Nam thực hiện.

Đưa ra bản đồ mới thách đố Việt Nam và các nước khác, Lee Yunglung, một giáo chức tại đại học Hạ Môn tỉnh Phúc Kiến nói rằng hành động cố ý này “Khẳng định với các nước láng giềng rằng nhà cầm quyền Trung Quốc coi trọng lãnh thổ trên biển ngang như trên đất liền.” Theo báo SCMP tường thuật. “Nó hàm ngụ Trung Quốc dự trù phản ứng về các tranh chấp trên biển với cùng một mức độ cứng rắn như họ đối phó với những người ly khai ở Tây Tạng và Tân Cương.”

Chưa thấy Bộ Ngoại Giao CSVN tại Hà Nội có phản ứng gì đối với cái bản đồ mới này. Mới chỉ thấy TTXVN đưa tin “Trung Quốc phát hành bản đồ nuốt trọn Biển Đông” trong đó viết rằng “Qua những chứng cứ lịch sử về xác lập chủ quyền, Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và coi “đường đứt khúc 9 đoạn” của Trung Quốc thể hiện trên sơ đồ là không có giá trị vì không có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn.”

Hiện các lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam vẫn đối đầu ngày đêm với các lực lượng hải giám, hải cảnh và các lực lượng khác của họ ở khu vực giàn khoan HD981 phía nam quần đảo Hoàng Sa. Khi các tàu của Việt Nam tới gần khu vực là lực lượng Trung Quốc đông đảo hơn, to hơn lao tới ngăn cản và tấn công.

Ngoài giàn khoan HD981, Trung Quốc loan báo sẽ đưa thêm 4 giàn khoan khác xuồng khu vực nhưng chưa biết đích xác chúng sẽ được cắm ở đây. Các nước như Việt Nam và Phi Luật Tân đang cố gắng theo dõi biến động.

Theo nhận định của ông Ian Storey, chuyên viên tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á tại Singapore,  nói với báo Đức Deutsch Welle hôm Thứ Hai vừa qua, chiến lược của Bắc Kinh trên Biển Đông hiện nay là “tạo ra tiền lệ” để trở thành việc đã rồi vì các nước nhỏ phía nam quá yếu, “không có nhiều lựa chọn” để đối phó với các trò ngang ngược của Trung Quốc. (TN)

 

Đối lập Miến Điện hoan nghênh hậu thuẫn của Washington

Đối lập Miến Điện hoan nghênh hậu thuẫn của Washington

Bà Aung San Suu Kyi lần đầu bước vào Quốc hội Miến Điện tại Naypyitaw ngày 2/5/2012.

Bà Aung San Suu Kyi lần đầu bước vào Quốc hội Miến Điện tại Naypyitaw ngày 2/5/2012.

REUTERS/Soe Zeya Tun

Tú Anh

Bộ ngoại giao Mỹ thúc giục Miến Điện, tu chính Hiến pháp, để cho dân chúng quyền tự do bầu lãnh đạo. Hôm nay 17/06, đối lập Miến Điện hoan nghênh lời kêu gọi cải cách bản Hiến pháp mở đường cho bà Aung San Suu Kyi lên làm tổng thống vào năm 2015.

Ngày 16/06/2014 bộ ngoại giao Mỹ kêu gọi chính quyền Miến Điện cải cách bản Hiến pháp để cho người dân có thể tự do chọn người lãnh đạo trong giai đoạn chuyển tiếp tế nhị này.

Bản Hiến pháp hiện hành, do chế độ quân sự trước đây ban hành, loại trừ khôi nguyên Nobel Hòa bình 1991, có chồng là người Anh, ra khỏi cuộc đua giành ghế tổng thống năm 2015.

Với uy tín hiện nay, Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ có nhiều cơ may chiếm đa số tại Quốc hội qua cuộc bầu cử vào năm tới 2015 và do vậy với tư cách lãnh đạo, bà Aung san Suu Kyi, có nhiều khả năng sẽ được dân biểu đồng viện bầu vào ghế tổng thống.

Đáp lại sự ủng hộ của Mỹ, phát ngôn viên đảng đối lập Miến Điện, ông Nyan Win, cám ơn Washington nhưng theo ông thì có nhiều chướng ngại pháp lý trước khi tu chính được bản Hiến pháp.

Mọi đề nghị sửa đổi hiến pháp phải được trên 75% dân biểu chấp thuận. Vấn đề là hiện nay 25% ghế dân biểu nằm trong tay quân đội và một phần khác do đảng cầm quyền kiểm soát.

Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ đã mở chiến dịch vận động chữ ký kiến nghị để sửa đổi các điều khoản phản dân chủ của bản hiến pháp từ gần một tháng nay.

Một Ủy ban Quốc hội đã được thành lập để xem xét và quyết định.

Từ khi chế độ quân phiệt giải thể vào năm 2011, chính phủ Thein Sein tiến hành nhiều biện pháp cải cách dân chủ nhưng chưa có dấu hiệu phe quân đội chấp thuận từ bỏ đặc quyền chính trị và kinh tế.

Tham vọng của ISIS

Tham vọng của ISIS

Tiến sỹ Nguyễn Phương Mai

Đại học khoa học ứng dụng Amsterdam, Hà Lan

Thứ ba, 17 tháng 6, 2014

Các tay súng ISIS được cho là bắn giết không ghê tay

Thế giới hơn một tuần qua trở nên náo động, thậm chí những trận World Cup cũng không thể làm tạt đi những luồng tin dữ từ Iraq. Tổ chức khủng bố ISIS chiếm được Molsul trong một trận tấn công làm tê liệt quân đội chính quyền, mở rộng vùng chiếm đóng đến tận gót chân thủ đô Baghdad, cướp nhà băng và nhét túi 425 triệu đôla.

Nhiều bản tin vẫn tiếp tục gọi ISIS là một nhánh hoặc một tổ chức trung thành của khủng bố Al-Qaeda. Điều này không những sai mà còn nguy hiểm.

ISIS là ai?

ISIS khởi đầu được thành lập với tên ISI (Islamic State of Iraq – Quốc gia Hồi giáo Iraq) để chống lại chính phủ Iraq theo Hồi giáo Shia và thân Mỹ. Sau rất nhiều chật vật, cuộc khủng hoảng ở Syria nổ ra khiến ISI đổi hướng quyết định tham chiến ở đây, một mũi tên trúng hai đích: vừa tiếp tục được lý tưởng thống nhất cộng đồng Hồi giáo (Sunni) khắp thế giới dưới một thể chế chung, vừa “hợp pháp hóa” chiến tranh vì kẻ thù mới không phải là Mỹ nữa mà là chính quyền phe Hồi giáo Shia của Syria. Cùng với sự chuyển hướng này, tên của ISI đổi thành ISIS (Islamic State of Iraq and Syria – Quốc gia Hồi giáo Iraq và Syria).

Rất ít người biết rằng ISI đã tự động nhập với nhánh Al-Qaida ở Syria mà không hề được phép của người đứng đầu tổ chức Al-Qaida là Al-Zawahiri. Sau một tháng giữ im lặng, Al-Zawahiri đề nghị ISIS rời tổ chức. Lãnh đạo ISIS là Al-Baghdadi không thèm quan tâm, thậm chí ra tay giết luôn người đại diện đàm phán. Cực chẳng đã, vào đầu tháng 2 năm nay, Al-Qaida tuyên bố cắt lìa ISIS khỏi gốc, với lý do được cho là ISIS quá sức man rợ, đến mức một tổ chức khủng bố như Al-Qaida cũng không thể nuốt trôi.

Tuy nhiên, đây chỉ là một lý do. Al-Qaida đương nhiên không thích bị một nhánh đàn em vượt mặt. Thêm nữa, Al-Qaida không muốn ISIS dính mũi vào miếng bánh Syria, giữa tổ chức mẹ và nhánh con có khá nhiều mâu thuẫn về vùng chiếm đóng.

ISIS tiến quân như chẻ tre ở Iraq

Một điều Al-Qaida không ngờ là khi ISIS tách ra, 65% jihadist (chiến binh của Thượng Đế) của Al-Qaida cũng bỏ đi theo ISIS. Trong mắt những kẻ cầm súng vì một lý tưởng tôn giáo thống trị và hợp nhất toàn cầu, ISIS từ một nhánh khủng bố nhỏ bé đã vượt lên trên cơ Al-Qaida và trở thành kẻ cầm cờ tiên phong trong cuộc thánh chiến.

ISIS nguy hiểm như thế nào?

Trước nhất, ISIS hành xử rất hung bạo. Những cuộc xả súng không khoan nhượng vào người đối lập tay không và người dân vô tội khiến ai cũng rùng mình. Là một tổ chức theo Hồi giáo Sunni, ISIS khiến cộng đồng Shia ở Iraq khiếp đảm và tháo chạy. Chủ trương của ISIS với những người chống đối là: “ISIS hay là chết!”

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khiến ISIS trở nên vô cùng nguy hiểm chính là việc tổ chức này không chỉ đơn giản là một nhóm khủng bố thánh chiến với tham vọng toàn cầu như Al-Qaida. ISIS không đánh rồi rút. ISIS đánh và lập nên nhà nước của riêng mình. Điều này khiến cả thế giới bất ngờ vì các tổ chức khủng bố hầu như không có tiền lệ lập quốc. Việc xuất hiện một “quốc gia khủng bố” jihadist state (quốc gia của các chiến binh thánh chiến) là cơn ác mộng không được dự đoán trước.

Nguy hiểm hơn, quốc gia khủng bố này không nằm trong sa mạc mà bao trùm những hố dầu béo bở. Khởi đầu, ISIS chỉ nhận viện trợ từ những quốc gia dầu lửa dòng Hồi Sunni muốn lật đổ chính quyền Syria dòng Hồi Shia. Khi quân đội chính phủ bỏ chạy, ISIS tiếp quản luôn hàng triệu đôla vũ khi tối tân của Mỹ viện trợ. Thử làm một phép so sánh, khi tấn công Tháp Đôi, Al-Qaida là một tổ chức với 30 triệu đô la tiền quỹ, và được coi là giàu có. Hiện nay, túi của ISIS nặng 2 tỷ đôla.

ISIS đang chiến đấu để thành lập nhà nước dòng Sunni ở Iraq và Syria

Chưa hết, nếu chỉ nhìn nhận ISIS như một tổ chức khủng bố đơn thuần cũng có nghĩa là sự thiếu kiến thức và đánh giá quá thấp về tầm nhìn của thủ lĩnh Al-Baghdadi. Là môt tiến sĩ Hồi giáo học, Al-Baghdadi tiếp thu tư tưởng cực đoan Wahhabism và Salafism từ Saudi. Những vùng ISIS chiếm đóng và thành lập quốc gia ngay lập tức được ban bố các đạo luật hà hà khắc của Hồi giáo cực đoan: ăn cắp sẽ bị chặt tay, hàng loạt tội bị đưa vào khung hình phạt xử chết trong đó có tội từ bỏ tôn giáo, phụ nữ phải che kín mặt khi ra đường, ai cũng phải cầu kinh 5 lần một ngày, các lăng tẩm và thánh đường dòng Hồi Shia bị phá bỏ, và âm nhạc bị cấm tuyệt đối ở nơi công cộng.

Thu phục người dân

Cùng với các đạo luật đó, các thành phố chiếm đóng nhanh chóng trở lại tình trạng ổn định và an toàn. ISIS không lặp lại các sai lầm của Al-Qaida mà lập tức trấn an dân chúng, tìm cách thu phục niềm tin của những người không chạy trốn. Tại Mosul, ngay khi quân chính phủ rút chạy, mỗi người dân được cấp một thùng gas miễn phí để nấu ăn. Khi những người dân ở đây băn khoăn làm sao họ có thể tin được ISIS, một jihadist trả lời: “Hãy cho chúng tôi thêm thời gian, chúng tôi sẽ nhanh chóng cung cấp số điện thoại. Khi mọi người cần chúng tôi sẽ lập tức giúp đỡ”.

Nhiều nhà phân tích bất ngờ khi nhận thấy ISIS sở hữu một bộ máy công quyền và dân sự khá hoàn chỉnh gồm tòa án, lực lượng cảnh sát, trường học, và các tổ chức từ thiện. Tại vùng Al-Raqqa, ISIS xây dựng chợ, đường sá, các đường dây điện, trạm xá, bưu điện, bến xe…quản lý khí đốt để đảm bảo phân chia công bằng, cùng hàng loạt các hoạt động cứu trợ từ thiện khác, trong đó có cả những hội chợ cho trẻ con với kem và cầu trượt, các bếp ăn miễn phí cho người nghèo, và đặc biệt là mạng lưới tìm gia đình mới cho trẻ mồ côi.

Quân đội Iraq đã phải tháo chạy trước sự tấn công của ISIS

Trong tình hình nội chiến căng thẳng, ISIS nhận được sự ủng hộ của một phần dân chúng dòng Hồi Sunni khi tạo được sự yên ổn nhất định. Sự cực đoan tôn giáo của ISIS ít nhất cũng có một điểm cộng là thể hiện sự công bằng, điều mà chính quyền độc tài tham nhũng không làm được.

Sự ổn định, công bằng, trong một quốc gia mới yên bình giữa bốn bề khủng hoảng, dù có hạn chế và tạm thời, chính là điều khiến ISIS hoàn toàn khác với các tổ chức khủng bố khác. Sự cực đoan man rợ và việc thành lập quốc gia riêng khiến ISIS trở nên bội phần nguy hiểm.

ISIS sẽ được xử lý thế nào?

Sự lớn mạnh không ngờ của ISIS khiến các kết nối đồng minh bất ngờ thay đổi.

Hiện nay, rất nhiều ánh mắt đổ dồn vào người Kurd. Là một dân tộc dũng mãnh nhưng chịu mất nước, người Kurd sau thế chiến thứ nhất không được thực dân Anh cho lập quốc như đã hứa, mà lãnh thổ bị chia sẻ nằm trải ra trên năm quốc gia khác nhau, trong đó có Iraq. Vùng tự trị của người Kurd luôn an toàn và phát triển, khác hẳn với phần còn lại của Iraq. Những chiến binh người Kurd nổi tiếng thiện chiến với danh hiệu “peshmerga” (kẻ đối đầu với cái chết).

Để thuyết phục người Kurd tham chiến, chính phủ Iraq chắc chắn sẽ phải nhân nhượng các hợp đồng bán dầu, nhất là việc xem xét nhượng lại cho người Kurd thành phố dầu lửa Kirkuk từ xưa vẫn đang tranh chấp.

Mỹ đã phải điều tàu sân bay đến Vùng Vịnh khi cuộc khủng hoảng ISIS nổ ra

Tuy nhiên, sự hợp tác đồng minh bất ngờ nhất có lẽ sẽ đến từ hai kẻ từ xưa tưởng không đội trời chung: Mỹ và Iran.

Iran là quốc gia đầu đàn của Hồi giáo Shia, đồng minh không lay chuyển của độc tài Assad dòng Hồi Shia tại Syria, đương nhiên cũng là đồng minh của chính quyền dòng Hồi Shia tại Iraq.

Mỹ với phương châm không tham chiến, nhưng trong cuộc khủng hoảng ở Syria đã luôn phản ứng tương đối chậm chạm với các diễn biến leo thang quá nhanh tại khu vực. Syria từ một mồi lửa dân chủ kiểu Mùa Xuân Ả Rập đã trở thành địa ngục với sự tham gia và thắng thế của các nhóm khủng bố toàn cầu, đe dọa cả sự an toàn của Mỹ một khi Syria sụp đổ.

Với ISIS, Mỹ và Iran giờ có một kẻ thù chung để bắt tay. Đây sẽ không phải là lần đầu tiên họ hợp tác. Một kẻ thù chung trong quá khứ, Taliban, cũng đã khiến Iran cộng tác với Mỹ vào năm 2002.

Lợi ích quốc gia là bàn đẩy để bản đồ đồng minh thay đổi, cùng chống lại ISIS với tư cách là một thế hệ khủng bố hoàn toàn mới và nguy hiểm gấp nhiều lần.

Kiểu cách văn hóa tiêu biểu của dân Nhật tại World Cup

Kiểu cách văn hóa tiêu biểu của dân Nhật tại World Cup
Monday, June 16, 2014

Nguoi-viet.com

RECIFE, Brazil – Đội tuyển Nhật Bản để thua 1-2 trước Ivory Coast dù đã mở tỷ số trước bằng bàn thắng của tiền vệ Honda. Đây là kết quả đáng buồn cho một trong ba đại diện của Châu Á ở World Cup 2014,  và tất nhiên cho những cổ động viên từ Nhật đến Brazil để cổ vũ đội nhà.

Đội tuyển Nhật cúi đầu tạ lỗi làm thất vọng khán giả và ủng hộ viên trên khán đài, sau trận thua Ivory Coast mặc dầu đã mở được  tỷ số trước, tại sân  Arena Pernambuco, Recife, tối Thứ Bảy 14 tháng 6. (Photo by Clive Rose/Getty Images)

Tuy nhiên sau khi mãn trận đấu trên sân Arena Pernambuco thành phố Recife, cổ động viên Nhật vẫn tự nguyện ở lại một khoảng thời gian dọn dẹp chỗ ngồi rồi mới ra về. Đây là hành động hoàn toàn tự nguyện dù công việc này thuộc trách nhiệm ban quản lý sân vận động. Những cổ động viên nam nữ Nhật Bản xách  túi plastic lớn lượm rác trên hàng ghế và các lối đi lên khán đài,  gây ấn tượng mạnh về phong cách  của cổ động viên Nhật Bản tại sân World Cup.

Trước đó, toàn thể đội tuyển Nhật đã xếp hàng trên sân cỏ cúi đầu xin lỗi  ủng hộ viên và người hâm mộ  khi để thua ngược Ivory Coast.

Những hình ảnh  thể hiện trình độ văn minh văn hóa như vậy người ta chỉ có thể tìm thấy ở dân tộc Nhật. (HC)

 

Taliban chặt ngón tay ai đi bỏ phiếu

Taliban chặt ngón tay ai đi bỏ phiếu

Thứ hai, 16 tháng 6, 2014

Những cử tri Afghanistan bị cắt đứt ngón trỏ

Phiến quân Taliban đã chặt ngón trỏ của 11 người dân Afghanistan đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống vòng một hôm thứ Bảy ngày 14/6, các quan chức nước này cho biết.

Vụ việc xảy ra ở tỉnh miền tây Herat, phát ngôn nhân cảnh sát Raoud Ahamdi cho biết.

Trước đó, Taliban đã cảnh báo người dân Afghanistan không được đi bỏ phiếu.

Hai ứng viên tranh cử là cựu Ngoại trưởng Abdullah Abdullah và cựu Bộ trưởng Tài chính Ashraf Ghani Ahmadzai.

Cả hai ông đều cam kết cải thiện quan hệ với phương Tây và sẽ ký một hiệp ước an ninh bị trì hoãn cho phép gần 10.000 quân Mỹ ở lại đất nước này thêm hai năm nữa.

Cuộc bỏ phiếu hôm 14/6 được mô tả là ‘tương đối yên bình’ mặc dù có một loạt vụ tấn công của Taliban mà giới chức cho biết khiến cho hơn 50 người thiệt mạng.

“Bằng lá phiếu của mình, người dân Afghanistan đã đánh bại những kẻ cổ súy khủng bố và bạo lực.”

Jan Kubis, đại diện đặc biệt của Liên Hiệp Quốc ở Afghanistan

Trong số các nạn nhân có năm nhân viên bầu cử thiệt mạng khi xe của họ bị trúng bom đặt bên đường ở tỉnh Samangan.

Phái bộ hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc ở Afghanistan đã lên án vụ chặt ngón tay ở tỉnh Herat.

“Cũng giống như hàng triệu công dân Afghanistan khác, những người dân này đang thực hiện quyền cơ bản của họ là quyết định con đường tương lai của đất nước bằng con đường bầu cử chứ không phải bằng bạo lực và ức hiếp,” ông Jan Kubis, đại diện đặc biệt của Liên Hiệp Quốc ở Afghanistan, nói.

“Bằng lá phiếu của mình, người dân Afghanistan đã đánh bại những kẻ cổ súy khủng bố và bạo lực.”

Ủy ban Bầu cử Độc lập cho biết con số thống kê ban đầu cho thấy hơn bảy triệu người dân Afghanistan đã bỏ phiếu hôm 13/6, chiếm khoảng 60% trong số 12 cử tri đủ điều kiện đi bỏ phiếu ở đất nước này.

Video -Lời Đức Giáo Hoàng nhắn nhủ WorldCup

Video -Lời Đức Giáo Hoàng nhắn nhủ WorldCup

Dòng Tên Việt Nam

Trước giờ khai mạc trận đấu World Cup 2014, vì không thể hiện diện trực tiếp nên Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi một video về những lời nhắn nhủ của ngài tới World Cup. Nội dung những lời phát biểu đó như thế nào, xin mời chúng ta cùng xem đoạn video sau để biết rõ:

httpv://www.youtube.com/watch?v=cP5qwfMG2Y4&list=PLosRt-84-9uQpGtGu3wlbuDX2YT8JetLq

Vẫn còn 168 triệu lao động trẻ em trên thế giới

Vẫn còn 168 triệu lao động trẻ em trên thế giới

Chuacuuthe.com

VRNs (13.06.2014) – Sài Gòn – Hôm 12.06, là Ngày Thế giới chống Lao động trẻ em, vẫn còn phổ biến trên thế giới. Có 168 triệu lao động trẻ em trên thế giới, với khoảng 85 triệu tham gia vào một số hình thức tồi tệ nhất của lao động trẻ em gồm có nô lệ, buôn bán, gán nợ, mại dâm và công việc nguy hiểm khác thậm chí đặt chúng vào nguy cơ tử vong.

4

Theo tờ PeninsulaMetropolis Daily cho biết, một bé gái 16 tuổi người dân tộc Yi đã được gửi trả về làng mình ở tỉnh Tứ Xuyên sau khi thanh tra lao động tìm thấy cô và một số lao động vị thành niên khác trong một nhà máy ở Đông Quan, Quảng Đông. Cô cho biết trước đây cô làm việc tại một nhà máy ở Thâm Quyến. Họ đã phải làm việc hơn 12 giờ một ngày và không được phép nói chuyện hoặc kiểm tra tin nhắn điện thoại di động trong giờ làm việc. Họ được trả 12 nhân dân tệ (gần 1,5 euro) một giờ, trong đó có 3 tệ là tiền hoa hồng cho các đại lý đã môi giới việc làm.

Tiến sĩ Liu Kaiming, giám đốc Viện Contemporary Observation, cho biết: “Chính quyền trung ương không có số liệu thống kê công khai. Tại các tỉnh miền Trung và miền Tây, tỷ lệ bỏ học của các học sinh trung học cơ sở có thể cao gần 10 phần trăm”.

Mới hôm thứ Tư 11/06, Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến ​​chung chủ đề “kính sợ Thiên Chúa”, đã lên tiếng mạnh mẽ tệ nạn khai thác lao động trẻ em: “Hàng triệu trẻ em bị buộc phải làm việc trong điều kiện tồi tệ, sống trong tình trạng nô lệ và bị khai thác, lạm dụng, ngược đãi và phân biệt đối xử.” “Tôi thiết tha hy vọng cộng đồng quốc tế có thể gia tăng bảo trợ xã hội cho trẻ vị thành niên để diệt trừ tai họa này. Chúng ta phải canh tân sự dấn thân của chúng ta, đặc biệt là các gia đình, để đảm bảo mọi trẻ em đều được phát triển về nhân phẩm và sức khỏe. Tuổi thơ hồn nhiên sẽ giúp cho trẻ em có cái nhìn tự tin về cuộc sống và tương lai”.

Tuy nhiên, ngày nay, Ấn Độ có khoảng 10 triệu lao động trẻ em, là con số nạn nhân lớn nhất. Các nhà thầu hoạt động công khai khi buôn bán người và các gia đình, đưa các em đi làm việc trong các ngành công nghiệp vải, gạch và các ngành khác nuôi dưỡng nền kinh tế Ấn Độ. Nhiều câu chuyện do những em được giải cứu hay trốn thoát kể lại được phổ biến rộng rãi và kinh khủng. Những lao động trẻ này bị nhốt trong các bức tường của sự sợ hãi và bị đe dọa nếu dám trở về làng.

Hơn một thập kỷ sau khi một loạt các công ty sô-cô-la nổi tiếng hứa với Quốc hội Mỹ sẽ xóa bỏ nạn lao động trẻ em tại các trang trại ca cao ở Bờ Biển Ngà, trẻ em vẫn đang làm việc một cách công khai, thường xuyên bị buôn bán phải sống xa gia đình.

Các số liệu mới nhất của ILO ước tính có khoảng 168 triệu lao động trẻ em trên toàn cầu, với khoảng 85 triệu tham gia vào một số hình thức tồi tệ nhất, như làm nô lệ, bị buôn bán và gán nợ, mại dâm và những công việc nguy hiểm khác đặt trẻ em vào nguy cơ bệnh tật, chấn thương, thậm chí tử vong.

Chúng tôi đã đưa ra các dự án cho hai khu vực khác nhau. Ví dụ, ở Campuchia và Ấn Độ, việc phục hồi chức năng của lao động trẻ em bao gồm việc cung cấp những hướng dẫn, giáo dục, các kỹ năng sống và đào tạo nghề. Một mạng lưới đã được thành lập để nâng cao nhận thức về vấn đề này và thúc đẩy quyền trẻ em. Vấn đề hỗ trợ sinh kế đã được cung cấp dưới dạng các dịch vụ tài chính vi mô.

Hoàng Anh

 

Tám nghệ sĩ ba-lê Cuba đào thoát sang Mỹ

Tám nghệ sĩ ba-lê Cuba đào thoát sang Mỹ

Đoàn múa ba-lê Cuba. Ảnh minh họa.

Đoàn múa ba-lê Cuba. Ảnh minh họa.

Reuters

Thụy My

Tám diễn viên của Nhà hát Ba-lê quốc gia nổi tiếng của Cuba nhân chuyến biểu diễn tại Puerto Rico đã đào thoát sang Mỹ. Hãng thông tấn AFP hôm nay 10/06/2014 dẫn lời thân nhân của của một nghệ sĩ ba-lê cũng như các nguồn tin khác cho biết như trên.

Ông Jorge Luis Sanchez, cha của một trong số các nghệ sĩ ba-lê đào thoát nói với báo chí địa phương tại Puerto Rico : « Chúng tôi biết rằng có tám diễn viên đã quyết định không trở về Cuba. Một số đã đến Miami và số khác đang ở Puerto Rico, chờ đợi ra đi ».

Con số chính xác các nghệ sĩ bỏ trốn không được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington cũng như cơ quan hải quan và nhập cảnh Mỹ tại San Juan chính thức xác nhận. Một đài truyền hình Miami chiếu cảnh ba diễn viên của đoàn ba-lê tại sân bay Miami, tự giới thiệu tên là Ignacio Galindez, Raysel Cruz và Monica Gomez.

Puerto Rico là lãnh thổ Thịnh vượng chung thuộc Hoa Kỳ nhưng chưa hợp nhất vào Mỹ, người dân đa số nói tiếng Tây Ban Nha. Tại đây người ta có thể xin đi Mỹ tị nạn, và dễ dàng đi đến Miami hay các tiểu bang khác.

Ông Raul Lopez Badillo, giám đốc phụ trách vòng trình diễn của Nhà hát Ba-lê Cuba nói rằng ông không rõ trong số các nghệ sĩ đến Puerto Rico, tuổi đời từ 25 tuổi trở xuống, có chọn lựa ở lại đây hay không.

Đoàn vũ công Cuba đến San Juan lần này có trên 50 người, trong đó có cả vị giám đốc lâu năm, diễn viên huyền thoại Alicia Alonso, năm nay đã 92 tuổi. Bà từ New York trở về Cuba ngay sau cuộc cách mạng của Fidel Castro năm 1959. Nhà hát nổi tiếng do bà Alicia Alonso thành lập trong nhiều thập kỷ là trung tâm của hoạt động giao lưu văn hóa trong thời kỳ chiến tranh lạnh của quốc gia cộng sản duy nhất tại châu Mỹ.

Sau cái chết thảm khốc của Farzana, trò “giết con vì danh dự gia đình” lại tái diễn tại Pakistan

 

Sau cái chết thảm khốc của Farzana, trò “giết con vì danh dự gia đình” lại tái diễn tại Pakistan

Nguyễn Việt Nam

6/8/2014

 

Saba Maqsood trước khi bị bắn
Nạn nhân sau khi bị cha, và chú mình bắn

Radio Vatican cho biết một phụ nữ Pakistan sống sót sau một cuộc tấn công của những người thân trong gia đình nói với Reuters hôm thứ Sáu mùng 6 tháng Sáu rằng cô lo sợ cho cuộc sống của mình và kêu gọi chính quyền Pakistan bảo vệ.

Saba Maqsood, 19 tuổi, đã sống sót sau khi bị cha, chú, anh trai và dì cô bắn nhiều phát súng và sau đó bị ném vào một con kênh hôm thứ Ba mùng 3 tháng Sáu. Vụ này xảy ra chỉ một tuần sau cái chết bi thảm của cô Farzana Parveen, người đã bị cha, anh em trai, và người được gia đình hứa gả đánh đập và ném đá cho tới chết hôm 27 tháng 5 ngay trước tiền đình toà án tối cao Pakistan tại Lahore. Nơi cô Maqsood bị bắn cũng chỉ cách chỗ cô Farzana bị giết chỉ có 70km!

Cũng giống như cô Farzana, Maqsood đã làm gia đình tức giận khi kết hôn với người đàn ông mà mình yêu thương cách đó vài ngày ở thành phố Gujranwala trong bang Punjab. Trong xã hội Hồi Giáo Pakistan, hành động này được xem là thách thức những thành phần bảo thủ của Pakistan, nơi phụ nữ được dự kiến phải đồng ý với những cuộc hôn nhân được dàn xếp trước.

Những phát súng do cha và chú cô bắn đã làm nát bên má trái cô và làm cánh tay phải của cô bị thương nặng. Sau đó, cha, chú, anh trai và dì cô đã ném cô xuống con kênh của thành phố Hafizabad trước khi bỏ đi.

Sau ít phút bị ngâm trong nước Maqsood tỉnh lại và cố bơi vào bờ. Hai người qua đường đã giúp đưa cô đến nhà thương.

Saba Maqsood kể lại tại nhà thương với các ký giả như sau:

“Sau khi đưa tôi đến đó, họ bắn tôi. Phát súng đầu tiên trúng vào má tôi. Phát tiếp theo trúng tay. Họ nghĩ rằng tôi đã chết, nhưng tôi đã không chết. Tôi bị ngất đi, nhưng còn sống. Họ bỏ tôi vào bao bố, cột miệng bao lại, và ném tôi ở trong bao bố xuống con kênh. Họ nghĩ rằng tôi đã chết, nhưng tôi chưa chết”.

Vụ giết người vì danh dự gia đình trước đó đã thu hút sự lên án mạnh mẽ của quốc tế. Ngay cả Liên Hiệp Quốc cũng lên án vụ này vì nó quá dã man, lại xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật và giữa chốn thị tứ đông người. Chính vì thế, nhà cầm quyền Pakistan đã điều động cảnh sát đến nhà thương bảo vệ mạng sống cho cô Maqsood.

Luật Umdat al- Salik của Hồi Giáo chương 1, triệt 1 và triệt 2, quy định “người cha hay người mẹ có quyền giết chết con cái hay cháu chắt mình vì danh dự gia đình”. Ủy ban Nhân quyền của Pakistan, cho biết là trong năm 2013 đã có 869 phụ nữ bị giết vì danh dự gia đình. Thông thường, những người phụ nữ phạm tội ngoại tình, hay có thai trước hôn nhân, hay không theo những hôn ước đã được dàn xếp bị xem là làm mất mặt gia đình và bị buộc uống thuốc độc chết.

Tổng thống Israel và Palestine cùng cầu nguyện tại Vatican

Tổng thống Israel và Palestine cùng cầu nguyện tại Vatican

Đức Giáo hoàng Phanxico (giữa), cùng hai vị tổng thống Israel Shimon Peres (T) et Palestine Mahmoud Abbas, cùng cầu nguyện cho hòa bình trong ngày 08/06/2014.

Đức Giáo hoàng Phanxico (giữa), cùng hai vị tổng thống Israel Shimon Peres (T) et Palestine Mahmoud Abbas, cùng cầu nguyện cho hòa bình trong ngày 08/06/2014.

REUTERS/Max Rossi

RFI

Lần đầu tiên, tổng thống Israel và Palestine cùng cầu nguyện bên cạnh Đức Giáo hoàng Phanxico trong ngày hôm qua 08/06/2014 tại Vatican. Cách đây hai tuần, Ngài đã có lời mời hai vị nguyên thủ đến Vatican nhân chuyến công du Trung Cận Đông.

Từ Roma, thông tín viên Antoine-Marie Izoard cho biết thêm chi tiết :

” Ở Bethlehem, Đức Giáo hoàng Phanxico đã gây nhiều ấn tượng khi dừng xe trước bức tường ngăn cách của Israel, nhưng đồng thời Ngài còn ôm chặt trong vòng tay hai người bạn gốc Achentina: một Do Thái và một Hồi giáo ngay trước bức tường Phương Tây. Ông cũng đã gây ngạc nhiên khi lên tiếng mời tổng thống Israel và Palestine đến Vatican cùng cầu nguyện cho hòa bình.

Từ lời nói đến hành động… Shimon Peres và Mahmoud Abbas đã gặp lại nhau tại thánh địa của Đức Giáo hoàng : trong khung cảnh điền viên của vườn hoa tòa thánh Vatican, khi hoàng hôn buông xuống, Đức Giáo hoàng Phanxico chủ tế lễ cầu nguyện cho hòa bình, kéo dài hai tiếng, cùng với các tín đồ Do Thái giáo, Công giáo và Hồi giáo.

Như hiểu rõ tình hình phức tạp của vùng Trung Đông phức tạp và các cuộc thương lượng hầu như đi vào ngõ cụt, Đức Giáo hoàng đã có những cử chỉ ngoại giao. Ngài tỏ vẻ rất hạnh phúc trước những cử chỉ thân thiện giữa hai nguyên thủ Israel và Palestine. Vatican hy vọng rằng những cái vỗ vai hay bắt tay nhau giữa Shimon Peres và Mahmoud Abbas sẽ làm nẩy sinh khát vọng hòa bình.

Trước hai vị tổng thống, Đức Giáo hoàng kêu gọi : « Để có hòa bình, cần phải có sự can đảm, hơn là gây ra chiến tranh ». Ngài còn thổ lộ với hai vị nguyên thủ rằng « con cái » trong khu vực còn yêu cầu họ « dỡ bỏ những vách ngăn thù hằn, theo đuổi con đường đối thoại và hòa bình ».

Đương nhiên là bằng những cử chỉ và lời lẽ mạnh mẽ đó, Đức Giáo hoàng Phanxico đang gợi nhắc rằng chính Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã góp phần làm sụp đổ bức tường Berlin “.

 

Tổng thống Ukraina Porochenko tuyên thệ nhậm chức

Tổng thống Ukraina Porochenko tuyên thệ nhậm chức (RFI)

Tổng thống đắc cử Ukraina, ông Petro Poroshenko trong lễ tuyên thệ nhậm chức tại Quốc hội ở Kiev ngày 07/06/2014.

Tổng thống đắc cử Ukraina, ông Petro Poroshenko trong lễ tuyên thệ nhậm chức tại Quốc hội ở Kiev ngày 07/06/2014.

REUTERS/Anastasia Sirotkina

Thanh Phương

Hôm nay, 07/06/2014, tân Tổng thống Ukraina Petro Porochenko đã chính thức nhậm chức. Trong bài diễn văn nhậm chức đọc trước Quốc hội, ông Porochenko cam kết sẽ duy trì toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraina và đưa đất nước tiến tới gia nhập Liên Hiệp Châu Âu.

Ngỏ lời với người dân vùng công nghiệp Donbass, vùng nói tiếng Nga mà phần lớn hiện đang bị quân ly khai thân Nga chiếm đóng, ông Porochenko hứa sẽ thi hành chính sách phân cấp lập quyền và bảo đảm cho họ được tự do sử dụng tiếng Nga. Ông tuyên bố sẽ sớm đến thăm vùng này.

Tuy nhiên, tân Tổng thống Ukraina nhìn nhận rằng không thể tái lập hòa bình cho Ukraina nếu không bình thường hóa quan hệ với Nga. Nhưng ông Porochenko khẳng định quy chế của vùng Crimée, mà đã bị Nga sáp nhập, cũng như đường lối thân Châu Âu của Ukraina là những vấn đề « không thể thương lượng được ». Tổng thống Ukraina cho biết là khi gặp tổng thống Putin bên lề các buổi lễ kỷ niệm 70 năm cuộc đổ bộ của quân đồng minh lên Normandie hôm qua, ông đã nói rõ : « Crimée đã, đang và sẽ vẫn là lãnh thổ Ukraina ». Các dân biểu Ukraina đã đứng dậy vỗ tay nhiệt liệt tuyên bố này của ông Porochenko.

Tổng thống Ukraina cũng hứa sẽ nhanh chóng ký kết vế kinh tế của hiệp định liên kết với Liên Hiệp Châu Âu và thiết lập một chế độ miễn visa cho công dân Ukraina. Đối với ông Porochenko, đây sẽ là bước đầu tiên tiến đến việc Ukraina gia nhập Liên Hiệp Châu Âu.