Tổ chức Ân xá cho biết bắt cóc và tra tấn tràn lan ở miền đông Ukraine

Tổ chức Ân xá cho biết bắt cóc và tra tấn tràn lan ở miền đông Ukraine

Một phần tử ly khai thân Nga với chiếc ruy-băng màu cam St. George đính kèm, đứng gác tại một chốt kiểm soát ở Luhansk, miền đông Ukraine, 8/6/2014.

Một phần tử ly khai thân Nga với chiếc ruy-băng màu cam St. George đính kèm, đứng gác tại một chốt kiểm soát ở Luhansk, miền đông Ukraine, 8/6/2014.

Henry Ridgwell

11.07.2014

LONDON —

Tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế cho biết hàng chục người ở miền đông Ukraine đã bị bắt cóc và tra tấn bởi các nhóm phần tử ly khai vũ trang thân Nga trong những tháng gần đây. Các lực lượng chính quyền Ukraine cũng bị cáo buộc về các vụ lạm dụng.

Nhiều tuần lễ sau khi bị bắt cóc và tra tấn, nhà hoạt động ủng hộ Ukraine Hannah vẫn còn phải băng bó điều trị các vết thương.

Bà đã bị các phần tử ly khai thân Nga bắt cóc từ căn hộ của mình ở Donetsk  và bịt mắt đem đi. Bà Hannah mô tả những gì đã xảy ra.

“Khuôn mặt tôi bị đập nát,” bà nói. “Họ cố đánh tôi ở khắp người, tôi lấy tay che mặt. Rồi họ dùng dao cắt tay, chân tôi.”

Bà Hannah mô tả bà đã bị buộc phải viết một câu khẩu hiệu ly khai trên tường bằng máu của chính mình như thế nào.

Bà nói: “Gã đàn ông hành hạ tôi nói ‘viết bằng máu của mụ trên tường là: Tôi yêu Donbas.’ Và hắn nói nếu mụ không thể làm điều này, nếu mụ hết máu, ta sẽ bắn mụ.”

Theo tổ chức Ân xá Quốc tế, sự việc đau lòng của bà Hannah không phải là duy nhất. Nhà nghiên cứu Denis Krivosheev đã ghi nhận hàng chục các cáo buộc tra tấn bởi các nhóm phần tử ly khai ở miền đông Ukraine.

“Hầu hết, đó là những nhà hoạt động ủng hộ Ukraine, những người khẳng định miền đông là một phần của Ukraine, những người muốn dùng cờ của Ukraine, hô to các biểu tượng của Ukraine. Họ là những mục tiêu đầu tiên. Nhưng cũng có cả những người liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 25/5, thành viên của các ủy ban bầu cử, các nhà quan sát và cả các nhà báo.”

Tổ chức Ân xá cho biết con số các nhà hoạt động ủng hộ Ukraine đào thoát khỏi miền đông và đến thủ đô Kyiv đang gia tăng.

Ông Sasha cho biết ông bị bắt cóc sau khi tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ Kyiv ở Luhansk vào tháng rồi.

“Họ nói với tôi tạm biệt, họ sẽ giết tôi bấy giờ. Một gã cầm súng dí vào đầu tôi và bảo tôi đi thẳng đến hành lang và đừng nói gì. Trong khi tôi đang đi qua hành lang, những người trang bị vũ khí đã ở đó nói tôi ‘tạm biệt, họ sẽ giết mày bây giờ.’”

Tổ chức Ân xá cho biết nhiều nạn nhân bị bắt cóc và tra tấn bây giờ chỉ có thể sống tiếp sau khi được các lực lượng Ukraine giải thoát.

Trong những ngày gần đây, quân đội Ukraine đã giành lại được một số vùng lãnh thổ, buộc các phần tử ly khai thân Nga phải rời khỏi các các cứ điểm ở Slovyansk và Kramatorsk. Nhưng cả quân đội của chính quyền Ukraine và các nhà hoạt động ủng hộ Kyiv cũng đều bị cáo buộc thực hiện các cuộc bắt cóc và tra tấn, mặc dù với quy mô nhỏ hơn nhiều.

Chính quyền Ukraine phải chấm dứt văn hóa miễn trừ trừng phạt, ông Denis Krivosheev của tổ chức Ân xá nói:

“Trên khắp Ukraine, cảnh sát là một lực lượng mà các thành viên thường xuyên chà đạp nhân quyền mà không bị trừng phạt. Và nếu nhà cầm quyền Kyiv thực sự có ý định khôi phục lại các quy định luật pháp và đưa chúng vào trật tự thì đây là nơi mà họ cần phải bắt đầu.”

Công lý có lẽ phải chờ đợi trong khi cuộc xung đột vẫn đang tiếp diễn. Những phần tử ly khai thân Nga đang củng cố lại các địa điểm ở Donetsk và Luhansk. Các nhà phân tích nói bất cứ cuộc giao tranh nào để giành quyền kiểm soát ở các thành phố đó có phần chắc sẽ phải trả giá bằng nhiều sinh mạng.

Thượng Viện Mỹ thông qua nghị quyết kêu gọi TQ rút giàn khoan Hải Dương

Thượng Viện Mỹ thông qua nghị quyết kêu gọi TQ rút giàn khoan Hải Dương

Nghị quyết 412 do thượng nghị sĩ Robert Menendez đề xướng tái khẳng định sự ủng hộ của chính phủ Mỹ đối với quyền tự do hàng hải và việc sử dụng hải phận-không phận ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương theo đúng luật pháp quốc tế

Nghị quyết 412 do thượng nghị sĩ Robert Menendez đề xướng tái khẳng định sự ủng hộ của chính phủ Mỹ đối với quyền tự do hàng hải và việc sử dụng hải phận-không phận ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương theo đúng luật pháp quốc tế

Trà Mi-VOA

11.07.2014

Thượng Viện Hoa Kỳ tối 10/7 thông qua nghị quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và lực lượng ra khỏi vị trí tranh cãi hiện nay ở Biển Đông.

Nghị quyết 412 do thượng nghị sĩ Robert Menendez đề xướng tái khẳng định sự ủng hộ của chính phủ Mỹ đối với quyền tự do hàng hải và việc sử dụng hải phận-không phận ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương theo đúng luật pháp quốc tế, đồng thời kêu gọi giải pháp ngoại giao ôn hòa cho các tranh chấp chủ quyền chồng chéo tại Biển Đông.

Nghị quyết cũng chỉ trích các hành động uy hiếp, dùng võ lực đe dọa nhằm thay đổi nguyên trạng hoặc gây bất ổn ở khu vực.

Nghị quyết đích danh kêu gọi Trung Quốc tránh các hoạt động hàng hải trái với Công ước về các Quy định quốc tế Ngăn ngừa Xung đột Trên biển và trả lại nguyên trạng Biển Đông như trước ngày 1/5, tức trước thời điểm giàn khoan 981 xuất hiện ở khu vực Hà Nội nói thuộc vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng điều hành Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS, nhà hoạt động người Mỹ gốc Việt khởi xướng cuộc tổng vận động ngày 16/7/14 cho nhân quyền-chủ quyền Việt Nam, nói việc thông qua Nghị quyết này có vai trò thiết yếu:

“Nghị quyết này rất quan trọng. Quốc hội Hoa Kỳ là nơi làm chính sách. Được thông qua ở Thượng viện là sự thể hiện chính sách của Hoa Kỳ đối với giàn khoan Hải Dương 981. Thông qua nghị quyết này sớm nhấn mạnh được rằng quốc tế đang áp lực Trung Quốc và phản đối việc Bắc Kinh đưa giàn khoan trái luật vào vùng biển của Việt Nam. Lên tiếng một cách chính thức như vậy từ Hoa Kỳ là điều hết sức quan trọng.”

Bấm vào nghe bài tường trình và phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng

Một ngày trước khi Nghị quyết 412 được thông qua ở Thượng viện, tại Hạ viện Mỹ diễn ra buổi điều trần về vấn đề nhân quyền Việt Nam và Đông Nam Á mà qua đó thành tích nhân quyền Việt Nam đã một lần nữa bị chỉ trích mạnh mẽ.

 

Bắc Triều Tiên đề nghị đàm phán với miền Nam

Bắc Triều Tiên đề nghị đàm phán với miền Nam

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un trên tàu ngầm trong lúc thanh tra Ðơn vị Hải quân 167.

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un trên tàu ngầm trong lúc thanh tra Ðơn vị Hải quân 167.

10.07.2014

Bắc Triều Tiên đề nghị mở các cuộc đàm phán về kế hoạch của Bình Nhưỡng gửi đoàn tham dự Á Vận Hội diễn ra trong năm nay tại Nam Triều Tiên.

Ủy ban Olympic của miền Bắc cho hay các buổi làm việc có thể được tổ chức vào thứ ba tuần sau tại làng biên giới Bàn Môn Điếm.

Bộ Thống Nhất của Nam Triều Tiên chuyên lo về các mối quan hệ với miền Bắc cho biết đang xem xét đề nghị của Bình Nhưỡng và sẽ hồi âm trong ngày hôm nay.

Chưa rõ những điểm cụ thể nào sẽ được mang ra bàn thảo trong các cuộc đàm phán dù vấn đề hậu cần cho phái đoàn Bắc Triều Tiên có thể là một đề tài trong số đó.

Bình Nhưỡng định gửi 150 vận động viên và một tổ cổ động viên tới Á Vận Hội diễn ra ở Incheon vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm nay.

Đây sẽ là lần đầu tiên trong 9 năm qua Bắc Triều Tiên gửi một toán cổ động viên tới một sự kiện thể thao tại Nam Triều Tiên.

Các cổ động viên nhảy múa đồng bộ và mặc trang phục truyền thống Triều Tiên đã trở nên rất quen thuộc ở miền Nam.

Bình Nhưỡng nói phái đoàn hướng tới mục tiêu cải thiện quan hệ song phương vốn đang trắc trở giữa hàng loạt các vụ thử phi đạn gần đây của Bắc Triều Tiên.

Seoul đã khước từ kế hoạch của Bình Nhưỡng nhằm xoa dịu căng thẳng bao gồm yêu sách hủy bỏ các cuộc tập trận giữa Nam Triều Tiên với Hoa Kỳ.

Seoul nói trước tiên Bình Nhưỡng phải chứng tỏ thiện chí sẵn sàng tháo dỡ các chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo bất chấp các biện pháp chế tài của Mỹ.

Căng thẳng thường xuyên bùng phát giữa hai nước láng giềng, vốn vẫn trong tình trạng chiến tranh về mặt kỹ thuật sau cuộc xung đột hồi thập niên 50.

Ngũ Giác Ðài có chiến thuật mới để ngăn chặn TQ ở Biển Đông

Ngũ Giác Ðài có chiến thuật mới để ngăn chặn TQ ở Biển Đông

Hải quân Mỹ, Philippines trong cuộc tập trận chung tại Cavite city, phía tây Manila.

Hải quân Mỹ, Philippines trong cuộc tập trận chung tại Cavite city, phía tây Manila.

10.07.2014

Mỹ đang đề ra những chiến thuật quân sự mới để răn đe âm mưu của Trung Quốc nhằm chiếm trọn Biển Đông. Những chiến thuật mới gồm sử dụng máy bay trinh thám và điều tàu hải quân tới gần các vùng biển có tranh chấp.

Báo The Financial Times nói rằng Ngũ Giác Đài đã tái xét các chiến thuật của Mỹ, tiếp theo sau một loạt hành động xâm nhập và những bước tuần tự của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng, hướng tới kiểm soát các tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới trong vùng biển này. Hàng năm, hàng hóa vận chuyển bằng tàu qua khu vực có tổng trị giá lên tới 5,300 tỉ đôla.

Thách thức đối với quân đội Mỹ là tìm ra những chiến thuật răn đe những động thái kiểu ‘tằm ăn dâu’ của Trung Quốc, mà không leo thang bất cứ cuộc tranh chấp riêng lẻ nào thành xung đột quân sự.

Một số yếu tố trong chiến lược mới của Mỹ đã xuất hiện từ hồi tháng Ba, khi Washington điều hai máy bay thám thính bay vào không phận trên bãi Cỏ Mây, một bãi cạn không có người ở trong Biển Đông hiện đang do Philippines kiểm soát.

Máy bay của Mỹ bay ở cao độ thấp để bảo đảm phía Trung Quốc trông thấy họ.

Theo lời một giới chức Ngũ Giác Đài, thì thông điệp Mỹ muốn đánh đi là ‘Hoa Kỳ biết Trung Quốc đang làm gì, rằng các hành động của Bắc Kinh chắc chắn sẽ có hậu quả, và Hoa Kỳ có khả năng, cũng như quyết tâm ngăn cản Trung Quốc thực hiện ý định’.

Tình hình căng thẳng tại Biển Đông, kể cả Việt Nam và Trung Quốc quanh giàn khoan Hải Dương 981, đã làm lu mờ cuộc Đối Thoại Mỹ-Trung về Chiến Lược và Kinh tế tại Bắc Kinh.

Phái đoàn Mỹ do Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew dẫn đầu một mặt tìm cách cải thiện mối quan hệ Mỹ-Trung vốn đã mong manh, trong khi cùng lúc, nêu lên những quan tâm của Mỹ về chính sách bành trướng của Trung Quốc, và các hoạt động tin tặc mà chính phủ Mỹ quy cho một số giới chức quân sự Trung Quốc.

Về phần mình, Trung Quốc bày tỏ sự bất bình về việc Hoa Kỳ tiến hành truy tố các giới chức quân sự Trung Quốc về các hoạt động tin tặc, và quan hệ liên minh giữa Mỹ với các nước Á Châu. Bắc Kinh cho rằng đây là một cách để kiềm chế Trung Quốc.

Nguồn: Financial Times, CNBC

 

Ngân hàng TQ bị cáo buộc rửa tiền

Ngân hàng TQ bị cáo buộc rửa tiền

Thứ năm, 10 tháng 7, 2014

Hai trong số các ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm quy tắc quản l‎ý ngoại hối, trợ giúp chuyển tiền mặt ra khỏi Trung Quốc cho giới nhà giàu muốn định cư ở nước ngoài, Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đưa tin.

Hãng truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đã cáo buộc Bank of China (BOC) “rửa tiền” khi thực hiện các hành vi trên.

Một ngân hàng khác là Citic Bank, vốn được kiểm soát bởi tập đoàn Citic Group được điều hành trực tiếp từ Hội đồng Nhà nước, cũng chịu cáo buộc tương tự.

Tuy vậy, một nguồn tin từ Bưu điện Hoa Nam nói đó không phải là “hoạt động kinh doanh bất hợp pháp”.

“Cả BOC và Citic Bank chỉ có thể thực hiện hoạt động kinh doanh này khi nhận được sự cho phép từ chi nhánh Quảng Châu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc,” một quan chức giấu tên nói với Bưu điện Hoa Nam.

“Nếu có vấn đề gì, thì không phải là về việc nó có hợp pháp hay không, mà là nó được làm như thế nào.”

BOC sau đó đã phủ nhận cáo buộc từ CCTV.

“Ngân hàng Trung Quốc giới thiệu dịch vụ chuyển tiền xuyên quốc gia từ năm 2011, chỉ cho phép chuyển tiền vì mục đích nhập cư hoặc đầu tư tài sản nước ngoài,” BOC được trích trên Bloomberg nói. “Ngân hàng có quy trình xử lý rất nghiêm ngặt.”

‘Đòn bất ngờ’

Vào thứ Tư, CCTV cho chiếu một đoạn hình cho thấy phóng viên điều tra của họ đang được một nhân viên của BOC chi nhánh Quảng Đông chỉ dẫn cách lách luật ngoại hối để chuyển tiền ra nước ngoài.

Chính quyền Trung Quốc chỉ cho phép mỗi cá nhân chuyển đổi tối đa 50 nghìn đô la từ đồng nhân dân tệ mỗi năm.

BOC mở dịch vụ gọi là Youhuitong từ năm 2011 để chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư, trong một nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm quản lý tốt hơn số dự trữ ngoại hối hơn bốn nghìn tỷ đô la và quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.

Bưu điện Hoa Nam cho rằng việc CCTV ‘tấn công’ một ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước là động thái bất ngờ, đặc biệt là sau chỉ thị của cơ quan quản l‎ý báo chí hồi tháng trước cấm truyền thông ‘đưa tin chỉ trích’ các tổ chức thuộc nhà nước nếu không được cho phép. Quy mô và tính nghiêm trọng của cáo buộc cho thấy CCTV đã nhận được sự đồng ý từ chính quyền cấp cao, Bưu điện Hoa Nam viết.

Tổ chức Global Financial Integrity ước tích trong một báo cáo vào năm ngoái là Trung Quốc mất khoảng một nghìn tỷ tiền vận chuyển ra nước ngoài bất hợp pháp từ 2002 đến 2011.

Học giả Ba Lan xác nhận chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa-Trường Sa

Học giả Ba Lan xác nhận chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa-Trường Sa

09.07.2014

Các học giả Ba Lan tham dự cuộc hội thảo tại một đại học ở Warsaw xác nhận chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và lên án những hành động gây hấn mới đây của Trung Quốc trong các vùng biển của Việt Nam.

Theo Vietnamnet, hơn 50 người tham gia buổi hội thảo tại Đại học Almamer ở thủ đô Ba Lan đã lắng nghe báo cáo cập nhật việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Tin ghi 13 học giả Ba Lan đã phát biểu, bày tỏ ý kiến của họ về vấn đề này từ nhiều góc cạnh, và xác nhận rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc về lãnh thổ Việt Nam.

Các học giả này lên án những hành động sai trái của Trung Quốc, là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và đe dọa an toàn hàng hải trên Biển Đông.

Cũng liên quan tới đề tài Biển Đông, hôm qua một giới chức cấp cao của Mỹ nói rằng những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu hết diện tích Biển Đông là “có vấn đề”, và tố cáo Trung Quốc đã làm cho căng thẳng gia tăng trong khu vực.

Giới chức Mỹ này tháp tùng Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry tới Bắc Kinh để dự cuộc Đối thoại về Chiến lược và Kinh tế với Trung Quốc, một cuộc họp thường niên giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Pháp tấn xã hôm qua dẫn lời giới chức Mỹ nói rằng tình trạng leo thang căng thẳng trong khu vực có liên hệ tới Hoa Kỳ trong tư cách một cường quốc Thái bình dương, một nước có những hoạt động thương mại quan trọng và sử dụng các tuyến hàng hải trong khu vực, và cũng liên quan tới Hoa Kỳ trong tư cách là một nước từ lâu đã bảo đảm ổn định tại khu vực Á Châu-Thái bình dương.

Giới chức Mỹ này không cho biết danh tính nói rằng các cuộc thảo luận với phía Trung Quốc sẽ “rất trực tiếp, bộc trực và có tính cách xây dựng.”

Hoa Kỳ vẫn nhấn mạnh là nước này không về phe nào trong các tuyên bố chủ quyền, nhưng tố cáo Bắc Kinh về những hành động gây bất ổn, và kêu gọi Trung Quốc hãy tôn trọng quyền tự do hàng hải trên các tuyến đường biển quan trọng của thế giới.

Dân Indonesia đi bầu cử tổng thống

Dân Indonesia đi bầu cử tổng thống

Thứ tư, 9 tháng 7, 2014

Khoảng 190 triệu cử tri có đăng ký vừa bắt đầu đi bỏ phiếu bầu tổng thống Indonesia, nền dân chủ lớn thứ ba thế giới.

Họ phải lựa chọn giữa đương kim Thị trưởng Jakarta Joko Widodo và Tướng Prabowo Subianto.

Các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy ủng hộ cho hai ứng cử viên hiện ngang bằng nhau.

Ông Widodo, còn được biết với tên Jokowi, đã dẫn trước trong một số cuộc trưng cầu ý kiến ban đầu nhưng sau đó khoảng cách giữa hai ông đã thu hẹp dần.

Trong những tuần qua, báo chí Indonesia bị cáo buộc là ủng hộ cá nhân một số ứng viên, khiến Tổng thống sắp mãn hạn Susilo Bambang Yudhoyono phải lên tiếng kêu gọi tường thuật cân bằng hơn.

Ông Yudhoyono không thể tranh cử thêm lần nữa vì hiến pháp nước này quy định chỉ được hai nhiệm kỳ.

Giới bình luận cho rằng các cử tri hiện còn đang do dự sẽ có tiếng nói quyết định. Khoảng 1/5 người Indonesia nằm trong diện này, theo một điều tra thực hiện cuối tháng Sáu.

Siết chặt an ninh

Ông Widodo, lãnh đạo đảng Đấu tranh Dân chủ Indonesia (PDI-P), khá được lòng dân chúng.

Ông được giới trẻ cả nông thôn và thành thị ủng hộ, họ xem ông như một chính trị gia “sạch” trong một đất nước vốn bị điều tiếng về tham nhũng.

Bên cạnh đó, ông còn được hỗ trợ của đảng lớn nhất ở Indonesia là đảng Hồi giáo, đảng Thức tỉnh Dân tộc (PKB), và đảng Dân chủ Quốc gia (NasDem).

Ứng cử viên Subianto, từ đảng Phong trào Indonesia Vĩ đại (Gerindra), được xem như một nhà vận động thành công và người quyết đoán với hiểu biết thấu đáo về quốc phòng vì xuất thân là tướng lĩnh.

Tuy nhiên ông đang bị vướng một số cáo buộc về vi phạm nhân quyền trong thời kỳ độc tài Suharto, vốn kết thúc năm 1998.

Trong những ngày cuối của chế độ Suharto, đơn vị quân đội mà ông Subianto chỉ huy bị cho là đã bắt người, tra tấn và giết hại các nhà đấu tranh chống lại Suharto.

Ông Subianto được sự ủng hộ của Golkar, đảng lớn thứ hai ở Indonesia. Ông cũng được đảng Dân chủ (Demokrat) của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono ủng hộ.

Cả hai ứng viên đều sử dụng thông điệp dân tộc chủ nghĩa, nhấn mạnh chống tham nhũng và giải quyết các vấn đề nội địa như hạ tầng và an sinh xã hội, làm nền tảng tranh cử. Tuy nhiên các chủ đề như chính sách việc làm và tăng trưởng kinh tế không được đề cập kỹ.

Trước cuộc bầu, quan chức bầu cử đã chuyển các thùng phiếu tới các điểm bỏ phiếu trên khắp đất nước, dùng thuyền chở chúng tới các đảo, dùng ngựa để tiếp cận các vùng núi và thậm chí dùng trực thăng để thả chúng tại các địa điểm xa xôi.

Ở thủ đô Jakarta chính quyền huy động 22.300 cảnh sát viên để giữ an ninh trật tự.

Kết quả kiểm phiếu chính thức sẽ được công bố ngày 21/7-22/7, nhưng các kết quả sơ khởi tối thứ Tư 9/7 đã có và chúng được cho là khá chính xác.

Tân tổng thống sẽ nhậm chức ngày 20/10 và trong vòng hai tuần sẽ phải lập ra nội các mới.

 

Brazil và World Cup: Thôi thế thì chia tay!

Brazil và World Cup: Thôi thế thì chia tay!
July 08, 2014

Nguoi-viet.com


Nguyễn Văn Khanh

Trên nguyên tắc, một trận banh phải kéo dài 90 phút đồng hồ. Về mặt kỹ thuật, những trận tranh tài giữa các vương quốc bóng tròn thường kết thúc sau 30 phút đá thêm hiệp phụ và đôi khi, thắng bại chỉ được giải quyết bằng những quả phạt đền.

Dự đoán đó được cả thế giới đưa ra trước khi banh lăn trên sân Estadio Mineirao ở Belo Horizonte, trước khi cả trăm triệu người ngồi trước màn ảnh truyền hình để xem trận bán kết giữa ông khổng lồ chủ nhà Brazil và ông khổng lồ Ðức tiêu biểu cho làng banh da Châu Âu. Chẳng ai ngờ trận banh kết thúc chỉ trong vòng 29 phút của hiệp đầu. Cũng chẳng ai tin Brazil lại vỡ trận quá dễ dàng, anh thủ môn Julio Cesar 7 lần lầm lũi vào lưới nhặt banh, trong đó phải kể tới 4 lần bị tung lưới trong thời gian kỷ lục: vỏn vẹn trong vòng 6 phút đồng hồ.



Thủ quân David Luiz (trái) và hậu vệ Thiago Silva của Brazil cùng khóc sau khi kết thúc trận thua Ðức 1-7 tại vòng bán kết World Cup 2014. Trong năm trận trước, Silva là thủ quân, và anh bị cấm đá trận với Ðức vì bị hai thẻ vàng trước đó. (Hình: Robert Cianflone/Getty Images)

Trận mưa banh khởi đầu ở phút 11 khi Mueller đưa chân tạt quả banh để ghi bàn thắng đầu tiên cho đội tuyển Ðức, bàn thắng đó khiến cầu thủ lẫn khán giả Brazil giật mình, nhưng chỉ vài giây đồng hồ sau mọi người lấy lại được bình tĩnh, bảo nhau “chẳng có gì phải lo,” nhắc lại trận đầu vòng bảng đoàn tuyển thủ chủ nhà cũng bị Croatia dẫn trước 1-0 trước khi vùng lên san bằng cách biệt và chiến thắng vẻ vang với tỷ số 3-1.

Lời trấn an này quả có giúp cho những người ủng hộ đội tuyển áo vàng vững tâm, nhưng cũng chỉ được đúng 12 phút đồng hồ, trước khi họ chứng kiến pha dàn xếp tuyệt đẹp của dàn trung ứng và tiền đạo Ðức: bảy chiếc áo đỏ lừng lững như những cỗ xe tăng tiến thật nhanh và thật đều, Kroos đưa banh từ cánh phải vào vùng cấm địa của Brazil, bảy chiếc áo vàng đứng thủ thành không chỉ ngỡ ngàng với đường banh tuyệt chiêu đó, mà còn sửng sốt khi thấy banh từ chân Muller chuyền sang cho Klose, khẩu thần công của nước Ðức không bỏ lỡ cơ hội tung cú sút thật căng. Banh chạm tay thủ môn Cesar văng ra phía trước, Klose không chần chờ bắn phát súng ân huệ, ghi tỷ số 2-0 cho Ðức.

Cả cầu trường im lặng, khán giả khắp thế giới cũng im lặng, không tin những gì xảy ra trước mắt họ. Và những giọt nước mắt bắt đầu rơi trên đất Brazil, những cậu bé và những cô thiếu nữ tiêu biểu cho sức sống của xứ sở với điệu Samba đều nước mắt lưng tròng, bặm môi lại, mắt nhắm nghiền không dám nhìn vào sự thật. Sự thật quá phũ phàng này không dừng ở đó, vì chỉ một phút đồng hồ sau đến lượt Philipp Lahm đưa đường banh thật độc để Kroos nâng tỷ số lên 3-0 cho đội tuyển. Trận bán kết World Cup Brazil 2014 kể như chấm dứt, ước mơ cầm chiếc cúp vô địch ngay tại sân nhà mà người dân Brazil đã nuôi trong suốt 7 năm trời qua bỗng dưng tan thành mây khói. Không còn ai muốn tiếp tục xem trận banh, cũng chẳng thèm chú ý đến bàn thắng thứ tư do công của Kroos, chẳng thèm để ý đến pha công thành và trái banh từ chân Khedira ghi bàn thắng thứ 5 cho Ðức (cầu thủ Ðức cũng không ôm nhau vồn vã mừng chiến thắng như họ đã làm sau những bàn thắng đầu tiên). Nếu có để ý, thì mọi người chỉ đưa mắt nhìn chiếc đồng hồ: mới có 29 phút trôi qua, tức chỉ mới có 1 phần 3 thời gian tranh tài. Ðâu đó có người bảo: “coi như xong, Brazil có đá đến nửa đêm cũng không thể nào lật ngược được tình thế.”

Thất bại này từ đâu đến?

“Ðây là ngày buồn nhất trong cuộc đời tôi” ông huấn luyện viên Luis Filipe Scolari của Brazil trả lời câu hỏi đầu tiên trong cuộc họp báo sau khi trận banh kết thúc. “Thất bại này là lỗi của tôi,” ông nói tiếp, “tôi là người đưa ra chiến lược, tôi sắp xếp cầu thủ, tôi soạn thế trận, không thành công thì tôi phải nhận lỗi.” Trước đó ngay ở một góc sân, anh thủ quân David Luiz cũng nghẹn ngào nói “tôi xin lỗi mọi người dân Brazil. Tôi luôn muốn người dân Brazil tươi cười” ý muốn nói chính anh và các đồng đội cũng chẳng ngờ có ngày hôm nay, không tin có một trận banh kết quả thảm bại như thế. Trước ngày thua Ðức, Brazil đã đá 62 trận ở sân nhà mà chưa thua trận nào, chưa hề bị tung lưới quá 5 quả trong một trận World Cup (thắng Ba Lan 6-5 hồi 1938), và đây cũng là lần đầu tiên Brazil thua trận bán kết World Cup.

Thất bại này từ đâu đến?

“Tôi nghĩ họ chưa chuẩn bị đủ để so giầy với Ðức,” cựu cầu thủ Michael Ballack từng 3 lần đoạt giải cầu thủ xuất sắc nhất của làng bóng nhà nghề Ðức nhận định. “Trận banh này cho thấy Brazil chỉ là một đội tuyển trung bình, và lối đá của họ khiến người xem có cảm tưởng đang xem một trận banh giữa một đội nhà nghề và một đội banh hàng tài tử.” Ðiều đó được dẫn chứng: “đá ngay sân nhà mà Brazil để cho Ðức làm chủ tình thế, để cho Ðức quyết định mức độ nhanh chậm của trận banh. Với lợi thế đó, Brazil không thể nào địch lại với một đội tuyển Ðức vốn dĩ đã quá mạnh.”

“Không thể đổ lỗi thiếu Neymar” anh Hải, một nhà báo trẻ của Việt Nam chia sẻ cảm nghĩ khi được hỏi ý kiến về trận banh. “Không ai tin kết quả Ðức thắng tới 7-1, ngay cả cầu thủ Ðức cũng chẳng tin họ có thể thắng to đến thế, nhưng dù có cả chục Neymar thì cục diện trận bóng cũng chẳng đổi khác được. Ðội tuyển Brazil ra sân với những cầu thủ cần phải có, nhưng họ thiếu anh nhạc trưởng Di Silva. Anh David Luiz mang số 4 cố gắng đóng tròn vai trò đó nhưng cục diện trận bóng thay đổi quá nhanh, khiến anh ta không thể và cũng chẳng có kinh nghiệm để xoay xở.” Một yếu tố khác nữa: “sau vòng bảng cả thế giới bóng đá chẳng ai nể nang Brazil, trong lúc các cầu thủ Brazil ra sân mà cứ nơm nớp lo mình sẽ thua.” Yếu tố đó “đủ để Ðức trên chân Brazil, dù Brazil đá ở sân nhà, có cả trăm ngàn khán giả reo hò ủng hộ thì cũng chẳng có lợi ích gì.”

Bất kể lỗi do ai gây nên, từ đâu đến, Brazil cũng biết ước mơ chiến thắng đã vuột khỏi tầm tay, hay nói như ông huấn luyện viên Scolari “bây giờ chuyện phải làm là dồn mọi chú tâm cho trận tranh hạng ba” sẽ diễn ra vào ngày thứ Bảy tới đây trên sân Sao Paulo. Còn nhớ trước trận mở màn, ông Scolari có nói “chỉ cần đi 7 bước là đến thiên đàng” (nguyên văn: “seven steps to heaven”), ý nói chỉ cần thắng 7 trận là cầm chiếc cúp vô địch trong tay. Ðội tuyển chủ nhà đã đi được 6 bước thì vấp ngã. Phải nói cho đúng: bước vấp này quá đau, bước ngã này quá nặng, không biết phải mất bao lâu họ mới có thể đứng dậy để làm lại từ đầu?

 

Nhật báo động đối phó siêu bão Neoguri

Nhật báo động đối phó siêu bão Neoguri
July 07, 2014

Nguoi-viet.com

TOKYO, Nhật (AP) – Chính phủ Nhật đang có biện pháp chuẩn bị đối phó với một trận siêu bão, mang theo gió lớn và sóng mạnh, hiện đang tiến gần tới khu vực quần đảo Okinawa ở phía Nam, sau khi kéo ngang qua Philippines mà không đánh vào nơi này.

Một tấm banner đung đưa trong gió tại Naha, Okinawa, Nhật Bản, hôm 7 Tháng Bảy. Giới khí tượng tiên đoán trận bão đánh vào Okinawa sẽ là trận bão tệ hại nhất trong nhiều thập niên. (Hình: Jiji Press/AFP/Getty Images)

Bão Neoguri dự trù tới Okinawa vào sáng sớm ngày Thứ Ba, với sức gió lên tới 198 km/giờ (khoảng 123 miles/giờ) và gió giật tới 270 km/giờ (168 miles/giờ), theo Sở Khí Tượng Nhật. Cơ quan này cho hay trận bão Neoguri có thể là một trong những trận bão lớn nhất từng đánh vào Nhật trong nhiều thập niên qua, tạo sóng cao tới 14 m (khoảng 46 feet).

“Có khả năng bão sẽ mang đến các trận mưa tầm tã và gió mạnh. Xin tránh những hoạt động không cần thiết ngoài trời,” theo giới chức Sở Khí Tượng, ông Satoshi Ebihara, cho hay trong cuộc họp báo.

Cơ quan này cũng đưa ra cảnh báo đặc biệt về gió mạnh dữ dội và nguy cơ lụt lội do thủy triều dâng cao.

Các hình ảnh chiếu trên đài truyền hình cho thấy công nhân ở Okinawa cột nẹp vào các cây dừa để giúp giảm thiểu thiệt hại.

Chính quyền địa phương có phiên họp khẩn cấp và kêu gọi mọi người phải đề cao cảnh giác.

Các bản tin thời tiết cho hay bão đang tiến tới đảo Kyushu rồi sau đó đi ngang qua đảo lớn Honshu. Bão sẽ giảm cường độ nhưng vẫn có thể gây ra đất chuồi và nhiều thiệt hại vì mưa to gió lớn, theo ông Ebihara.

Philippines may mắn thoát khỏi ảnh hưởng ghê gớm của trận bão khi Neoguri đi ngang qua nơi này vào tối ngày Thứ Hai, cách tỉnh Batanes chừng 480 km về phía Ðông. (V.Giang)

 

Biểu tình chống Trung Quốc ở Hong Kong

Biểu tình chống Trung Quốc ở Hong Kong

Thứ hai, 7 tháng 7, 2014

Cuộc biểu tình diễn ra hôm Chủ nhật 6/7 (ảnh của Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng)

Hàng chục người Việt Nam ở Hong Kong xuống đường hôm Chủ nhật 6/7 trong cuộc tuần hành lần thứ tư phản đối chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng nói khoảng 40 người, một số mặc quân phục hải quân và lục quân của Việt Nam, một số phụ nữ mặc áo dài, đã tuần hành từ khu hành chính đặc khu ở Tamar, Admiralty, tới tòa nhà China Resources ở Wan Chai, nơi có văn phòng đối ngoại của Trung Quốc.

Họ mang cờ đỏ sao vàng, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và các biểu ngữ trên đề: “Trung Quốc phải chấm dứt đe dọa cảnh sát biển Việt Nam” và “Hoàng Sa là của Việt Nam”.

Đoàn biểu tình cũng phát quốc ca và các khúc quân hành của Việt Nam qua loa phóng thanh.

Việc Trung Quốc chuyển giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã khơi lên một làn sóng biểu tình chống Trung Quốc ở trong nước và trong cộng đồng Việt kiều trên thế giới.

Một số cuộc biểu tình chuyển thành bạo lực, làm ít nhất bốn người Trung Quốc thiệt mạng.

Một người trong ban tổ chức cuộc tuần hành ở Hong Kong hôm 6/7, bà Annie Mo Pak-fung, nói với Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng: “Chúng tôi muốn nói với tất cả mọi người rằng các quần đảo [Hoàng Sa và Trường Sa] thuộc về Việt Nam”.

“Chính phủ Trung Quốc rất ngạo ngược, chúng tôi chỉ muốn hòa bình trong lãnh hải của chúng tôi.”

Lần đầu tiên người Việt ở Hong Kong xuống đường là vào tháng Năm, ngay sau sự kiện giàn khoan 981. Sau đó đã có tiếp hai cuộc tuần hành, một cuộc vào ngày 4/6 là ngày kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn.

Chống buôn người: Việt Nam chưa đáp ứng những tiêu chuẩn tối thiểu

Chống buôn người: Việt Nam chưa đáp ứng những tiêu chuẩn tối thiểu

Nghe (16:01)

VOA

Thanh Phương

Trong bản Báo cáo Tình hình Buôn người năm 2014, vừa được công bố ngày 20/06/2014, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn xếp Việt Nam vào Danh sách loại 2 ( TIER 2 ), vì chính phủ Việt Nam bị xem là « chưa tuân thủ đầy đủ những tiêu chuẩn tối thiểu, tuy nhiên cũng đã có những nỗ lực đáng kể nhằm xóa bỏ nạn mua bán người. »

Hãng tin AFP ngày 26/06 vừa qua đã có một bài nói về nạn buôn phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc để làm vợ, nhằm đáp ứng nhu cầu của một quốc gia mà chính sách một con đã dẫn đến tình trạng trai thừa gái thiếu một cách trầm trọng, khiến nhiều đàn ông không kiếm được vợ. Rất nhiều phụ nữ Việt Nam vẫn tiếp tục là nạn nhân của những đường dây buôn người, nhắm vào những cộng đồng dân cư nghèo ở các tỉnh miền núi giáp biên giới Việt Trung.

AFP nêu trường hợp của một cô gái 16 tuổi, với tên được đổi là Kiab để giấu danh tính của cô. Kiab đã bị chính người anh ruột lừa bán làm vợ cho một người Trung Quốc. Sau khi sống một tháng trong « gia đình chồng », Kiab đã trốn thoát được. Cảnh sát Trung Quốc đã gởi trả Kiab về Việt Nam và hiện nay cô sống cùng với khoảng 10 phụ nữ khác trong một trại ở Lào Cai, do Nhà nước lập ra cho những nạn nhân của các đường dây buôn phụ nữ.

Theo số liệu thống kê của chính quyền Việt Nam, trong năm 2013 đã có gần 1000 phụ nữ là nạn nhân của các đường dây này, trong đó 70% là đưa sang Trung Quốc. Theo lời ông Michael Brosowski, thuộc tổ chức Blue Dragon Children ( đã giải cứu 71 phụ nữ ở Việt Nam từ năm 2007 ), các phụ nữ này bị bán với giá có thể lên tới 5000 đôla để làm vợ hoặc bán vào các ổ mãi dâm.

Trong bản Báo cáo Tình hình Buôn người năm 2014, vừa được công bố ngày 20/06/2014, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn xếp Việt Nam vào Danh sách loại 2 ( TIER 2 ), vì chính phủ Việt Nam bị xem là « chưa tuân thủ đầy đủ những tiêu chuẩn tối thiểu, tuy nhiên cũng đã có những nỗ lực đáng kể nhằm xóa bỏ nạn mua bán người. »

Bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc lại rằng Việt Nam là quốc gia xuất phát của nhiều nam giới, phụ nữ và trẻ em bị mua bán vì mục đích tình dục hoặc bị cưỡng ép lao động trong nước và nước ngoài. Việt Nam là quốc gia có nhiều nam giới và phụ nữ di cư ra nước ngoài lao động thông qua con đường tự túc hoặc thông qua các công ty xuất khẩu lao động nhà nước, tư nhân và cổ phần.

Sau đó, một số người đã bị cưỡng ép lao động trong các ngành xây dựng, đánh bắt thuỷ sản, nông nghiệp, khai thác mỏ, khai thác gỗ, chế tạo, và một số ngành khác, chủ yếu tại Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Lào, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và Nhật Bản, và ở mức độ thấp hơn là tại Trung Quốc, Thái Lan, Cambốt, Indonesia, Anh, Cộng hoà Séc, Đảo Síp, Pháp, Thuỵ Điển, Trinidad và Tobago, Costa Rica, Nga, Ba Lan, Ukraina, Libya, Ả Rập Xêút, Jordani và một số quốc gia khác ở châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi.

Cũng theo báo cáo Tình hình buôn nguời 2014 của Bộ Ngoại giao Mỹ, phụ nữ và trẻ em Việt Nam tiếp tục bị bán sang các nước ở châu Á vì mục đích cưỡng ép tình dục, đặc biệt là Trung Quốc, Cam Bốt, Malaysia, và Nga. Nhiều nạn nhân người Việt của việc buôn bán tình dục cũng đã được tìm thấy ở Ghana. Một số phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Macao, Singapore hay Hàn Quốc để thành hôn với người nước ngoài thông qua môi giới, sau đó đã bị cưỡng ép phục vụ trong gia đình, hành nghề mại dâm, hoặc cả hai.

Bảo cáo nhắc lại rằng, « làm công trừ nợ, thu giữ hộ chiếu, và dọa nạt bị trục xuất là những thủ đoạn thường được dùng để bắt các nạn nhân Việt Nam phải phục vụ ». Các mạng lưới tội phạm có tổ chức của Việt Nam và Trung Quốc đã đưa những người dân Việt Nam, chủ yếu là trẻ em, sang Vương quốc Anh và Đan Mạch, buộc họ làm việc trong các trang trại trồng cần sa.

Các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam, hầu hết là các đơn vị thành viên của các công ty nhà nước, và các nhà môi giới lao động trung gian không có giấy phép hoạt động, đôi khi đã bắt người lao động phải đóng những khoản phí vượt quá mức quy định của pháp luật để được đi xuất khẩu lao động. Kết quả là người lao động Việt Nam phải gánh chịu những khoản nợ cao nhất trong số những lao động người châu Á, và họ rất dễ rơi vào cảnh bị cưỡng ép lao động, bao gồm việc phải làm công trừ nợ.

Sau khi đến nước tiếp nhận lao động, một số người mới nhận ra rằng họ bị bắt buộc phải làm việc trong những điều kiện tồi tàn, được trả lương rất ít hoặc không được trả lương, bất chấp những khoản nợ đang đè nặng trên vai, cũng như không được tiếp cận với kênh trợ giúp pháp lý đáng tin cậy nào.

Theo bộ Ngoại giao Mỹ, báo cáo của các tổ chức phi chính phủ và của chính phủ cho thấy những kẻ buôn người ngày càng nhắm đến các nạn nhân ở những vùng sâu vùng xa, là nơi mà mức độ nhận thức của người dân và chính quyền về nạn buôn người còn thấp. Các tổ chức phi chính phủ cho biết các đối tượng mua bán người đang tăng cường sử dụng Internet để dụ dỗ các nạn nhân, dẫn đến số lượng những người Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu ở thành thị trở thành nạn nhân của những vụ mua bán người cũng ngày càng tăng.

Theo cuộc khảo sát năm 2012 do tổ chức UNICEF tài trợ về vấn đề bóc lột tình dục trẻ em vì mục đích thương mại, Việt Nam là điểm đến của du lịch tình dục trẻ em, mà những kẻ mua dâm chủ yếu là những người đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Anh, Úc, Châu Âu và Hoa Kỳ.

Xuất phát từ những thực tế nói trên, báo cáo của bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra một số khuyến nghị với chính phủ Việt Nam, mà đầu tiên là phải sử dụng các quy định trong luật mới về Phòng chống Mua bán người để « kiên quyết » truy tố tất cả các hình thức mua bán người và kết án và xử phạt những kẻ buôn người, đặc biệt trong những vụ cưỡng bức lao động.

Trả lời phỏng vấn RFI về bản báo cáo nói trên, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành tổ chức BPSOS, tại bang Virginia, Hoa Kỳ, cho rằng lẽ ra bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phải xếp Việt Nam ở thứ bậc thấp hơn, tức là hạng 3, thay vì hạng 2, vì, theo ông, chính phủ Hà Nội chưa thật sự quyết tâm bài trừ tệ nạn buôn người, thậm chí đứng đằng sau nhiều vụ buôn người. Sau đây mời quý vị theo dõi bài phỏng vấn với ông Nguyễn Đình Thắng:

TS Nguyễn Đình Thắng, Virginia, Hoa Kỳ

 

27/06/2014

 

Nghe (11:23)

 

 

 

 

Trung Quốc lập tòa án đặc biệt xử các vụ gây ô nhiễm

Trung Quốc lập tòa án đặc biệt xử các vụ gây ô nhiễm

Hệ quả trên môi trường của công nghiệp phát triển bừa bãi. Ảnh chụp trên một cánh đồng ở Hồ Nam, ngày 04/06/2014.

Hệ quả trên môi trường của công nghiệp phát triển bừa bãi. Ảnh chụp trên một cánh đồng ở Hồ Nam, ngày 04/06/2014.

REUTERS/Jason Lee

Thụy My

Tòa án tối cao Trung Quốc hôm nay 03/07/2014 thông báo vừa thành lập một tòa án đặc biệt chuyên xét xử các vụ án về môi trường, trong lúc Bắc Kinh đang cố gắng đưa ra những biện pháp xoa dịu công chúng hiện rất bất bình trước mức độ ô nhiễm tăng vọt.

Ba thập kỷ công nghiệp hóa nhanh chóng và bừa bãi đã gây thiệt hại nặng nề cho môi trường, khiến các lãnh đạo cộng sản phải đối phó với sự phẫn nộ của dân chúng, biểu thị qua số lượng các cuộc biểu tình ngày một tăng lên.

Các nghiên cứu mới đây cho thấy gần hai phần ba diện tích mặt đất Trung Quốc bị ô nhiễm, và 60% lượng nước ngầm bị nhiễm bẩn không thể uống được. Chưa nói đến bầu không khí bị ô nhiễm trầm trọng, thường xuyên tạo ra nạn khói mù, nhất là tại các đô thị lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải.

Tòa án môi trường vừa được thành lập sẽ có chi nhánh ở các địa phương, chuyên phụ trách các vụ ô nhiễm không khí, nước và đất, bảo vệ hầm mỏ và các nguồn tài nguyên thiên nhiên như các khu rừng, sông ngòi…Tôn Quân Công (Sun Jungong), phát ngôn viên của tòa án đặc biệt này trong cuộc họp báo cho biết như trên.

Trịnh Học Lâm (Zheng Xuelin), chủ tịch « Tòa án môi trường » độc đáo này nói thêm : « Các tòa án muốn xử lý những vụ liên quan đến các trường hợp gây ô nhiễm nhưng lại không dám vì bị chồng chéo ». Theo ông, từ 2011 đến 2013 mỗi năm có dưới 30.000 vụ liên quan đến môi trường được đưa ra xử, so với số lượng bình quân 11 triệu vụ hàng năm. Các chính quyền địa phương thường coi tăng trưởng kinh tế là mục tiêu hàng đầu.

Thủ tướng Lý Khắc Cường hồi tháng Ba đã loan báo rằng Bắc Kinh « khai chiến » với ô nhiễm. Một loạt các biện pháp đã được đưa ra, nhưng vấn đề là việc thực thi như thế nào. Không có lịch trình tiến hành cụ thể, và các luật lệ về môi trường tuy gần đây đã cứng rắn hơn, nhưng chỉ được áp dụng một phần.