Họp ASEAN căng thẳng vì tranh chấp Biển Ðông

Họp ASEAN căng thẳng vì tranh chấp Biển Ðông
August 08, 2014

Nguoi-viet.com


NAY PYI TAW (NV)
Cuộc họp cấp ngoại trưởng của ASEAN và các đối tác khu vực sẽ căng thẳng vì tranh chấp Biển Ðông, hậu quả của tham vọng bá quyền bành trướng của Bắc Kinh.

Tại thủ đô Nay Pyi Taw của Miến Ðiện, mười nước ASEAN họp riêng trong ngày 8 tháng 8, 2014, rồi sau đó họp chung với các đối tác gồm Úc, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Nam Hàn, Nga, Hoa Kỳ và Liên Âu trong Diễn Ðàn khu vực Ðông Nam Á ( ASEAN Regional Forum) gọi tắt là ARF diễn ra hàng năm.



Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh (phải) của Việt Nam tại hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN ở Miến Ðiện hôm 8 tháng 8, 2014. (Hình: Getty Images)

Dự trù trong các cuộc họp này, Việt Nam, Philippines và Hoa Kỳ sẽ hô hào giảm đối đầu hay gây căng thẳng ở các khu vực tranh chấp trên Biển Ðông. Ðể đạt được mục đích, cần phải dừng ngay các hoạt động xây dựng từ xây cơ sở dinh thự, bến tàu, hay quy mô hơn, hút cát làm đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang làm.

Một bên là những nước tranh chấp như Việt Nam, Philippines, Malaysia với sự ủng hộ của các đối tác, đặc biệt là Hoa Kỳ, một bên là Trung Quốc với sự theo đuôi của Cambodia và một hai nước khác sợ mất lợi lộc kinh tế từ Bắc Kinh. Ðề tài được chú trọng đặc biệt ở kỳ họp này là thúc đẩy giảm căng thảng Biển Ðông, vì thế, sẽ trở thành đề tài nóng giữa những quan điểm đối chọi, theo giới phân tích thời sự quốc tế.

Những hành động ngang ngược gần đây của Bắc Kinh như mang giàn khoan khổng lồ tới vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần Hoàng Sa, hút cát xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa, và mới một ngày trước, báo chí Bắc Kinh loan tin nước này sắp xây dựng hải đăng tại 5 đảo và bãi đá ngầm ở quần đảo Hoàng Sa.

“Hoa Kỳ đang vận động các nước tham dự ARF tuân thủ luật lệ quốc tế để giữ cho tình hình ở Biển Ðông được yên bình.” Ông Carl Thayer, chuyên viên về Việt Nam và Á Châu của Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc đưa nhận xét với thông tấn AFP. “Họ ủng hộ việc dừng lại các hoạt động khiêu khích.”

Tuy nhiên, theo ông Bắc Kinh nhiều phần sẽ giữ lập trường cứng rắn, chống lại sự can dự của Hoa Kỳ.

Phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Russel nói với báo chí ở Hoa Thịnh Ðốn hôm Thứ Năm trước khi Ngoại Trưởng John Kerry tới thủ đô Miến Ðiện rằng trong khi chính sách đối với khu vực Ðông Á của Hoa Kỳ là “không đối địch hay kềm chế Trung Quốc,” các cuộc thảo luận sẽ thẳng thắn nhằm giảm căng thẳng.

Giới phân tích thời sự tin rằng Trung Quốc sẽ bác bỏ các lời kêu gọi dừng các hoạt động xây dựng trên Biển Ðông và cũng chống chế rằng các hoạt động đó không phải là khiêu khích. Bắc Kinh vẫn lập luận là họ có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với gần hết khu vực Biển Ðông dù họ chỉ năm ở hướng bắc, bao gồm tất cả các bãi đá ngầm, nhóm đảo nhỏ gần với các nước khác hơn.

Mối quan hệ gihữa hai nước cộng sản láng giềng Việt Nam và Trung Quốc chùng xuống hẳn sau nhiều năm khăng khít vì Bắc Kinh đưa giàn khoan khổng lồ HD981 tới vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam mò tìm dầu khí, phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Hành động ngang ngược của Bắc Kinh đã tạo ra cuộc đối đầu ngày đêm từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7 vừa qua giữa hai nước.

Rất nhiều chuyên gia quốc tế cũng như không ít người ở Việt Nam tin rằng việc Bắc Kinh rút giàn khoan HD981 không phải là mọi chuyện trở lại bình thường mà chỉ là rút lui chiến thuật của Trung Quốc trước phản ứng bất lợi của dự luận quốc tế và phản ứng của Việt Nam.

Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế và chế độ Hà Nội cũng đã bắn tiếng chuẩn bị tài liệu để kiện nhưng đến nay, người ta vẫn không thấy gì xảy ra từ phía Việt Nam.

Cuối tháng trước, hơn 60 đảng viên đảng CSVN, phần lớn đều là những người có nhiều tuổi đảng và từng nắm nhiều chức vụ quan trọng ký tên chung trong một bức thư kêu gọi nhà nước kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế nhưng không thấy nhà cầm quyền ra một tín hiệu gì. (TN)

 

Kinh tế Trung Quốc vào khúc quanh và có thể lật

Kinh tế Trung Quốc vào khúc quanh và có thể lật
August 06, 2014

Nguoi-viet.com

Hùng Tâm

Muốn hiểu rõ rủi ro của Trung Quốc trong giai đoạn tới, chúng ta cần biết 1) vài định lý kinh tế của mọi quốc gia hay thời đại, rồi 2) đối chiếu với thực tế chính trị của xứ này và rà soát lại 3) xem lãnh đạo Bắc Kinh có thể làm những gì để giải quyết các bài toán kinh tế xã hội tích lũy từ mấy chục năm nay. Kết luận hợp lý của tiến trình này là Bắc Kinh không có nhiều giải pháp, và có làm gì thì cũng đi vào một khúc quanh dễ lật. Trong giới hạn của một bài viết, “Hồ Sơ Người Việt” sẽ cố trình bày một cách đơn giản một thực tế vô cùng phức tạp – đề tài của một cuốn sách!

Bài toán phát triển

Bài toán kinh tế của nhân loại, ở mọi nơi vào mọi thời, là sự khan hiếm. Chúng ta có nhu cầu vượt quá khả năng sản xuất cho nên lúc nào cũng thấy thiếu thốn.

Từ thuở khai thiên lập địa, giải quyết sự thiếu thốn ấy là một tiến trình tự nhiên và được chúng ta mặc nhiên thực hiện hàng ngày hàng giờ mà không biết. Chỉ mới vài trăm năm trở lại, người ta mới tổng hợp những kiến thức về việc giải quyết sự khan hiếm và tìm ra một số nguyên tắc giải thích. Kiến thức đó được gọi là “kinh tế học,” hay đúng hơn, do một phát minh của nhà tư tưởng Adam Smith, “kinh tế chính trị học.”

Thí dụ cụ thể cho tiến trình trừu tượng này là tôi chỉ có 100 đồng, nhưng nếu lập gia đình rồi sinh con đẻ cái thì cần tiêu thụ nhiều hơn khoản lợi tức đó. Hoặc với lợi tức có hạn, tôi không muốn chỉ ăn cơm ăn cháo mà cần thêm thịt cá cho bữa cơm, và thay vì một tháng chỉ có 15 ký gạo tôi ước mơ có thêm ký thịt nên thấy rằng mình bị thiếu thốn.

Cách giải quyết sự thiếu thốn ấy là… không xài hết trăm bạc mà cố dành dụm ba chục của khoản lợi tức đó đem đầu tư để tháng sau hay năm tới thì có thêm lợi tức khả dĩ thỏa mãn nhu cầu. Tôi gọi khoản lợi tức ba chục bạc được tiết kiệm ấy là tư bản. Nếu sử dụng tư bản để giải quyết bài toán khan hiếm ấy mà thành công thì tôi có thể nghĩ đến chữ phát đạt.

Hoàn cảnh của một quốc gia cũng không khác. Tạo ra sự phát đạt ấy là tiến trình phát triển.

Giới nghiên cứu kinh tế có nghiệm thấy rằng nhiều quốc gia đã thành công trong phát triển để thành nước giàu mạnh, “đã phát triển” – developed. Nhưng đa số còn lại thì chưa, vẫn thuộc loại “đang phát triển,” developing. Bí quyết thành công không chỉ là có thể tiết kiệm được 30 đồng, hay 50 đồng, trong số lợi tức trăm bạc để làm tư bản đem đi đầu tư. Bí quyết thành công không chỉ là gia tăng lợi tức, nghĩa là tăng trưởng, mà là sử dụng lợi tức đó để phát triển.

Bí quyết thành công không là số lượng, 30 hay 50% của lợi tức nguyên thủy, mà là cách sử dụng. Ðây là bài toán thuộc về phẩm chất hơn là số lượng. Chữ “chất lượng” nhiều người trong nước đang dùng và ngoài này lười biếng dùng theo phản ảnh sự thiếu hiểu biết về kinh tế hay ngôn ngữ học vì không phân biệt phẩm với lượng!

Một giáo sư kinh tế của Ðại Học MIT, giải Nobel năm 1987, là Robert Solow đã nghiên cứu kinh tế Hoa Kỳ và tìm ra một đặc tính: là trong đà tăng trưởng lợi tức của dân Mỹ thì “sự sáng tạo” đóng góp tới hơn 80%. Phần còn lại, dưới 20%, là do số tư bản đem vào đầu tư.

Xin thêm vài chữ giải thích. Tư bản đưa vào tiến trình đầu tư có thể là hữu hình, như đất đai, máy móc, nguyên liệu hay sức lao động. Nhưng hoàn cảnh sử dụng nguồn tài nguyên đó mới quan trọng. Khái niệm innovation của Solow thuộc về phẩm hơn lượng và dẫn ta đến khái niệm khác, là “tư bản xã hội,” hoặc tư bản vô hình: hệ thống luật lệ, quyền sở hữu, chế độ thuế khóa, quy ước sinh hoạt, tinh thần tín nhiệm trong kinh doanh, nền tảng chính trị, v.v….

Các yếu tố vô hình ấy mới giúp quốc gia sử dụng tư bản hữu hình một cách tốt đẹp, có hiệu năng, hiệu suất, v.v…

Nôm na là nhờ môi trường sáng tạo, dân Mỹ sử dụng 10 đồng tư bản cho đầu tư mà có hiệu năng cao hơn nhiều người huy động đến 30 đồng. Trung Quốc huy động đến 50 đồng mà thiếu môi trường sáng tạo, có loại tư bản xã hội lạc hậu nên sau hơn 30 năm tăng trưởng vẫn là một xứ “đang phát triển.”

Nghiêm trọng hơn thế, còn trôi vào khúc quanh và có thể bị khủng hoảng.

Từ Tần Thủy Hoàng Ðế, Stalin đến Tập Cận Bình

Tần Thủy Hoàng Ðế đã thống nhất nước Tầu, thiết lập chế độ quận huyện, đặt ra quy ước sinh hoạt (một bước cải tiến hệ thống “tư bản xã hội”) và huy động sức dân xây dựng Vạn lý Trường thành nguy nga vĩ đại. Nếu thời đó mà có khoa kinh tế chính trị học, thì công trình xây dựng này được gọi là “đầu tư,” có giải quyết nạn thất nghiệp và tạo ra sự tăng trưởng. Nhưng không bền và sau đó nước Tầu có loạn!

Lãnh đạo Liên Bang Xô Viết thời Chiến Tranh Lạnh, Josef Stalin, cũng có nhả năng huy động tư bản rất mạnh, đưa tài nguyên vô cùng giàu có và lực lượng lao động dồi dào vào đầu tư, với sự chỉ đạo tưởng là hợp lý của hệ thống kinh tế kế hoạch. Y như Tần Thủy Hoàng Ðế, hay Mao Trạch Ðông, hệ thống huy động của nhà nước Xô Viết đã vơ vét tài nguyên quốc dân cho tăng trưởng, và bắn vệ tinh Sputnik lên trời, mà vẫn không có phát triển. Nước Nga vẫn nghèo, dân Nga vẫn khổ và Liên Xô tan rã.

Sau khi Ðặng Tiểu Bình tiến hành cải cách, 35 năm về trước, nước Tầu đã ra khỏi tình trạng bần cùng và loạn lạc thời Mao và có đà tăng trưởng cao hơn trước. Chính thức là 10% một năm trong ba chục năm liền. Lãnh đạo xứ này, từ Ðặng Tiểu Bình đến Giang Trạch Dân rồi Hồ Cẩm Ðào, đã áp dụng một số quy luật của kinh tế thị trường nhưng vẫn nắm độc quyền huy động tư bản.

Lực lượng lao động, nguyên nhiên vật liệu và đủ loại tư bản hữu hình như đất đai, máy móc, hay hạ tầng cơ sở vật chất, đã được nhà nước tận dụng với số lượng kỷ lục – của lịch sử Trung Quốc – và tạo ra sự tăng trưởng về hình thức mà vẫn không có phát triển trong thực tế.

Như nhiều quốc gia khác, nước Tầu đã huy động tư bản cho phát triển với chiến lược gia tăng đầu tư về lượng mà thiếu phẩm, vì tư bản xã hội vẫn bị bó trong tư duy xã hội chủ nghĩa và thiếu các định chế cần thiết cho phát triển. Thiếu cái phần “sáng tạo” mà Solow đã thấy tại Hoa Kỳ.

Hậu quả vô hình về chính trị là tư bản xã hội bị bóp méo, lệch lạc và tạo ra đặc lợi cho những kẻ có đặc quyền, các “nhóm lợi ích. Tham nhũng chỉ là một cách gọi, chứ chế độ độc quyền trưng thu của nhà nước còn đè nén sức tiêu thụ của người dân và dẫn tới sự bất mãn lan rộng. Hậu quả hữu hình về kinh tế là nạn sản xuất thừa chỗ này mà thiếu ở chỗ khác, và hiện tượng bong bóng đầu cơ về gia cư, địa ốc. Quan trọng nhất và càng ngày càng tỏ lộ là những núi nợ khổng lồ.

Nhiều nước “đang phát triển” đã từng bị như vậy. Nhưng Trung Quốc lại khác vì số lượng quá lớn được phân phối quá sai nên gây ra vấn đề về phẩm. Ðấy là bài toán vừa kinh tế vừa xã hội và chắc chắn là chính trị của nhân vật đang lên là Chủ Tịch Tập Cận Bình.

Nan đề của Tập Cận Bình

Các chuyên gia kinh tế và nhiều tổ hợp đầu tư quốc tế đã chỉ ra bài toán của Tập Cận Bình ở mấy con số sau đây.

Kinh tế Trung Quốc vẫn lấy sức đẩy từ đầu tư và ức chế tiêu thụ của các hộ gia đình. Từ nhiều năm qua, tiêu thụ của tư nhân chẳng những không tăng mà còn giảm, tới năm ngoái thì chỉ có 34% của Tổng sản lượng, so với 52% của Nam Hàn, 57% của Ðức, 61% của Nhật và gần 70% của Hoa Kỳ là nơi mà “giới tiêu thụ là vua.”

Lượng đầu tư đến hơn 50% của Trung Quốc lại trút vào các dự án ít giá trị kinh tế, dẫn tới sản xuất thừa, dù có được bút ghi là tăng trưởng thì cũng chỉ là tồn kho ế ẩm, nhà không người ở, phi cảng vắng khách. Không những vậy, từ 2008, trong sáu năm qua, Trung Quốc còn tài trợ đà tăng trưởng đó bằng tín dụng, ào ạt chảy vào khu vực kinh tế nhà nước, các công ty đầu tư của đảng bộ ở địa phương.

Số tín dụng hay dư nợ từ 147% của Tổng Sản Lượng nay đã lên tới 251%. Một công ty đầu tư của Mỹ còn báo riêng cho các thân chủ là tổng số nợ của Trung Quốc, cả công lẫn tư, nay đã vượt 400% của Tổng sản lượng. Trong số này, những khoản nợ xấu được chính thức ước lượng là 1%. Thực tế thì có thể ở mức 25% hay thậm chí 40%. Tức là bằng hoặc còn hơn Tổng Sản Lượng.

Cả nước vay tiền gấp bốn lợi tức để một năm sản xuất ra tám ngàn tỷ đồng mà có thể mất nợ đến 10 ngàn tỷ – là ít. Kinh tế Trung Quốc có thể phá sản hay vỡ nợ vì khối nợ ung thối vĩ đại. Hậu quả sẽ là một vụ khủng hoảng lan ra toàn cầu, còn dữ dội hơn những gì xảy ra cho Hoa Kỳ và Âu Châu sau năm 2008.

Lên cầm quyền từ cuối năm kia, ban hành quyết định cải cách từ cuối năm ngoái (Nghị quyết Ba của hội nghị Ban Chấp Hành Trung Ương vào Tháng Mười Một năm 2013), Tập Cận Bình ý thức được mối nguy trước mặt. Cho nên phải chuyển hướng kinh tế qua khu vực dịch vụ và chế biến cao cấp, gia tăng sức tiêu thụ cho tư nhân, v.v…. và chấp nhận một đà tăng trưởng thấp hơn. Giải pháp khả thể là phải có đà tăng trưởng khoảng 4-5% một năm mà thôi.

Và muốn chủ động chuyển hướng như vậy, phải đánh bung những lực cản xuất phát ngay trong bộ máy đảng và hệ thống kinh tế nhà nước. Nhưng dù đã ráo riết tập trung quyền hành để bẻ tay lái hầu cỗ xe khỏi lao xuống vực – Tập Cận Bình vẫn bất lực.

Kinh tế Trung Quốc vẫn lao vào hướng cũ.

Tháng Tư vừa qua, Quốc Vụ Viện tức là Hội Ðồng Chính Phủ, do Lý Khắc Cường làm tổng lý, đã kín đáo thông báo một số quyết định kinh tế sau đây: 1) gia tăng công chi cho các dự án hỏa xa, chung cư rẻ tiền, và các vùng ngoại ô nhà tôn vách lá để bù vào sự giảm sút tiêu thụ của tư nhân; 2) cắt lãi suất trong một số khu vực nhất định để mở vòi tín dụng; 3) tung tiền chuộc nợ để tránh nạn doanh nghiệp bị phá sản; và 4) giảm thuế cho các doanh nghiệp loại nhỏ và vừa để nâng cao khả năng sản xuất của tư doanh trước sức nặng và trì trệ của hệ thống quốc doanh.

Nói cho dễ hiểu, lãnh đạo Trung Quốc không dám đạp thắng cho cỗ xe chạy chậm hơn hầu bẻ lái qua hướng khác. Ngược lại, họ vẫn châm thêm tín dụng và bảo đảm là kinh tế Trung Quốc vẫn đạt chỉ tiêu tăng trưởng năm nay là 7.5%. Mà bơm thêm tín dụng có nghĩa là chất thêm một núi nợ xấu. Biện pháp kích thích ngấm ngầm và nhẹ nhàng ấy tô điểm cho cái bề mặt là kinh tế vẫn tăng trưởng mà thực tế là đẩy cho cỗ xe chạy nhanh hơn.

Trong khi ấy, Tập Cận Bình ráo riết mở rộng chiến dịch diệt trừ tham nhũng và nắn gân cả thành phần đảng viên đã từng lên tới cấp lãnh đạo. Ông ta có thể đánh vào các trung tâm quyền lực đã gây ra nhiều vấn đề kinh tế nên đang phải cùng lúc giải quyết hai bài toán kinh tế và chính trị. Hai bài toán là hai mặt của một đồng bạc xã hội chủ nghĩa và phải cần cả chục năm sửa đổi thì mới có kết quả. Trong khi đó, khủng hoảng có thể xảy ra trong một vài năm.
Tập Cận Bình có đủ mọi quyền hành, nhưng không có thời giờ.

Kết luận ở đây là gì?

Trung Quốc đang ở vào một khúc quanh cực nguy hiểm, mấy chục năm mới thấy một lần. Lần trước, cách nay 40 năm là vào cao điểm của cuộc Cách Mạng Văn Hóa điên rồ. Nhờ Ðặng Tiểu Bình giỏi xoay trở nên sau năm năm thì đổi loạn thành trị và mua được 30 năm tăng trưởng.

Kinh tế Trung Quốc có những phương tiện lớn lao được đưa vào sản xuất nên gây ấn tượng phát triển mà chỉ có tăng trưởng ở bề mặt. Lý do là thượng tầng chính trị ở trên vẫn có một đảng độc quyền thâu tóm quyền lực. Quyền lực có thể đem lại tiền tài cho một thiểu số, nhưng là những cái vòi của con bạch tuộc đã giam hãm kinh tế và đang dẫn xứ này đến bờ vực. Muốn giải quyết bài toán kinh tế thì phải cải cách về chính trị.

Ðảng Cộng Sản Trung Quốc dùng thành quả kinh tế biện minh cho quyền lãnh đạo độc tôn. Khi thành quả ấy chỉ là chuyện ảo và khủng hoảng bùng nổ thì đảng có thể đổ.

 

Dịch Ebola : Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố tình trạng ‘‘khẩn cấp’’

Dịch Ebola : Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố tình trạng ‘‘khẩn cấp’’

RFI

Tổng giám đốc WHO, bà Margaret Chan và Phó TGĐ Keiji Fukuda trong cuộc họp báo về dịch Ebola tại Genève, 08/08/2014.

Tổng giám đốc WHO, bà Margaret Chan và Phó TGĐ Keiji Fukuda trong cuộc họp báo về dịch Ebola tại Genève, 08/08/2014.

REUTERS/Pierre Albouy

Trọng Thành

Hôm nay 08/08/2014, sau hai ngày làm việc tại Genève, Ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố công nhận dịch bệnh Ebola, đang hoành hành tại miền tây Châu Phi, là « vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu ».

Phát biểu trước báo giới, bác sĩ Margaret Chan, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết Ủy ban khẩn cấp « thống nhất nhận định các điều kiện của một vấn đề y tế toàn cầu hiện đã hội đủ », và để đối mặt với tình hình đang trở nên nghiêm trọng hiện nay, cần một « phản ứng quốc tế có phối hợp » để « ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Ebola trên thế giới ».

Dịch Ebola, còn gọi là dịch sốt xuất huyết Ebola, khiến gần 1.000 người thiệt mạng kể từ đầu năm nay, trên tổng số 1.700 trường hợp mắc bệnh. Theo Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, đây là dịch bệnh « nghiêm trọng nhất » trong vòng bốn thập niên. Đây là lần thứ ba WHO huy động một can thiệp khẩn cấp ở mức độ này. Lần đầu tiên là vào năm 2009 để đối phó với dịch cúm gia cầm Châu Á, và lần thứ hai là vào tháng 5/2014, để ngăn chặn dịch sốt bại liệt tại Cận Đông.

Ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới không giới hạn giao thông hay thương mại quốc tế, nhưng kêu gọi nguyên thủ các nước bị dịch bệnh hoành hành « tuyên bố tình trạng khẩn cấp » « thông báo trực tiếp với toàn thể dân cư » về tình trạng dịch bệnh. Theo Phó tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới phụ trách dịch bệnh, bác sĩ Keiji Fukuda, thời gian cách ly 31 ngày là cần thiết đối với tất cả những ai nhiễm virus.

WHO cũng không yêu cầu cô lập bốn nước đang bị dịch (Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria), để không làm trầm trọng thêm tình trạng kinh tế của các nước này, nhưng yêu cầu kiểm soát chặt các cửa khẩu. Những ai có tiếp xúc với người bệnh, ngoài nhân viên y tế mang đồ bảo hộ, sẽ không được phép đi xa. Những người phục vụ trên các chuyến bay thương mại đến các quốc gia bị dịch bệnh phải trải qua một khóa đào tạo và nhận các thiết bị y tế để tự bảo vệ và bảo vệ hành khách của mình.

Hôm qua, Châu Âu nhận về một người đầu tiên nhiễm Ebola, một nhà truyền giáo người Tây Ban Nha làm việc tại Liberia, ít giờ sau khi hai bệnh nhân trở về Hoa Kỳ. Mỹ tuyên bố nâng báo động y tế lên mức tối đa trước nguy cơ Ebola.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị WHO nhanh chóng cho phép điều trị thực nghiệm

Hiện tại, y tế thế giới hoàn toàn không có biện pháp điều trị nào đối với căn bệnh Ebola gây chết người hàng loạt. Trước nguy cơ đại dịch Ebola, nhiều tiếng nói trong giới chuyên gia đòi hỏi phải cho phép điều trị thực nghiệm với ZMapp (của hãng bào chế Hoa Kỳ Mapp Biopharmaceutical) trên các bệnh nhân nhiễm virus Ebola. Đề nghị này được giáo sư người Bỉ Peter Piot, đồng phát hiện virus này vào năm 1976, khuyến nghị với Tổ chức Y tế Thế giới. Hôm thứ Tư, WHO tuyên bố sẽ tham khảo một nhóm chuyên gia về khả năng sử dụng điều trị thực nghiệm và những rào cản đạo lý y học.

Giáo sư Peter Piot cảnh báo « dịch bệnh sẽ kéo dài trong nhiều tháng… cần tiếp thu bài học từ quá khứ… Một khi bệnh dịch qua đi, sẽ không còn các nỗ lực đầu tư cho việc nghiên cứu về các điều trị và vắc xin ». Giáo sư Peter Piot, vốn đứng đầu cơ quan Sida của Liên Hiệp Quốc, nhắc lại kinh nghiệm năm 1976, khi Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định muốn xây dựng một nhóm can thiệp quốc tế để ngăn chặn dịch bệnh này, nhưng rút cuộc dự định đã không được thực hiện. Vẫn theo bác sĩ Peter Piot, không thể trông đợi kiếm lời từ thuốc trị Ebola, « các dược phẩm phải được miễn phí, vì trong những lần tới dịch bệnh Ebola vẫn sẽ chỉ xảy ra tại các nước nghèo ».

Hôm qua, Cơ quan kiểm dược Hoa Kỳ đã dỡ bỏ một phần các hạn chế đối với điều trị thực nghiệm của hãng Canada Tekmira, mang tên TKM-Ebola. Trị liệu với TKM-Ebola là mục tiêu của một hợp đồng 140 triệu đô la, mà hãng ký kết với Bộ Quốc phòng Mỹ.

 

Nhân quyền tại Miến Điện được mổ xẻ trong hội nghị ASEAN

Nhân quyền tại Miến Điện được mổ xẻ trong hội nghị ASEAN

RFI

Miến Điện : số phận cộng đồng hồi giáo Rohingya vẫn làm quốc tế quan ngại.

Miến Điện : số phận cộng đồng hồi giáo Rohingya vẫn làm quốc tế quan ngại.

Reuters

Thụy My

Miến Điện, nước chủ nhà hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN diễn ra trong tuần này có nguy cơ bị lên án, khi bạo động tôn giáo và vi phạm tự do báo chí đã làm mờ nhạt đi các cải cách thực hiện từ ba năm qua.

Những cải cách chính trị và kinh tế do một chính phủ hầu như dân sự đưa ra từ khi tập đoàn quân sự cầm quyền tự giải tán năm 2011 đã được phương Tây rất hoan nghênh, do đó đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp cấm vận. Nhưng cộng đồng quốc tế gần đây lo ngại trước các vụ bắt bớ nhà báo, và xu hướng dân tộc chủ nghĩa Phật giáo đang lên kèm theo các vụ xung đột đẫm máu giữa người Phật giáo và Hồi giáo.

Các Ngoại trưởng 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ họp lại vào thứ Sáu 8/8 tới tại Naypyidaw, trước khi họp riêng vào thứ Bảy 9/8 với Trung Quốc, Hoa Kỳ và các đối tác quan trọng khác của khối ; rồi đến một hội nghị với toàn thể các quốc gia khách mời vào Chủ nhật 10/8. Các cuộc thảo luận chủ yếu tập trung vào vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển giữa Bắc Kinh và nhiều thành viên ASEAN tại Biển Đông.

Nhưng một số thành viên cũng sẽ nêu ra những câu hỏi về vấn đề nhân quyền đối với nước chủ nhà, nhất là Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ông sẽ kêu gọi chính phủ Miến Điện bảo vệ tất cả mọi công dân và « thiết lập những bảo đảm tốt nhất về nhân quyền và các quyền tự do căn bản ». Danny Russel, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương cho biết như trên.

Sean Turnell, trường đại học Macquarie của Úc nhấn mạnh : « Nhiều cường quốc phương Tây đã nỗ lực rất nhiều cho một sự chuyển đổi thành công của Miến Điện. Các vấn đề như bạo động tôn giáo và vi phạm tự do báo chí đã gây khó khăn cho cố gắng này ».

Các chỉ trích đối với chính phủ Miến Điện có thể được đưa ra trong cuộc họp kín. Tuy nhiên Trung Quốc, vốn đã bị mất đi vị trí một đồng minh không thể thay thế trong thời kỳ tập đoàn quân sự cầm quyền, nhờ đó sẽ có được cơ hội lại đóng vai trò lá chắn cho nước láng giềng.

Từ khi chính quyền quân sự giải thể, hàng trăm tù chính trị đã được phóng thích, kiểm duyệt được bãi bỏ và nhà đối lập Aung San Suu Kyi từng bị quản thúc suốt 15 năm, đã trở thành dân biểu. Nhà nước bị cô lập trước đây nay thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư quốc tế, với nguồn lợi thiên nhiên dồi dào và dân số 60 triệu người.

Nhưng Miến Điện luôn bị ảnh hưởng bởi những trận đánh lẻ tẻ ở miền cực bắc giữa quân đội và phe nổi dậy người thiểu số Kachin, đã ngăn trở kế hoạch ngưng bắn trên toàn quốc với tất cả các phe sắc tộc. Bạo động giữa người Phật giáo và Hồi giáo đã làm trên 250 người chết tại nhiều vùng kể từ năm 2012 cũng gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế.

Bên cạnh đó là bản án 10 năm tù khổ sai dành cho năm nhà báo hồi tháng Bảy vì một bài báo lên án một nhà máy quân sự sản xuất ra vũ khí hóa học. Và theo một nhà ngoại giao phương Tây, gần đến kỳ bầu cử quan trọng năm 2015 mà đảng của bà Aung San Suu Kyi chiếm ưu thế, truyền thông Miến Điện có nguy cơ phải chịu đựng áp lực ngày càng cao.

Ông David Mathieson của Human Rights Watch bình luận : « Tôi nghĩ rằng ông Kerry nhận ra ông đến không phải để ca ngợi vì sẽ khó nói ». Về phía Soe Thein, Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Tổng thống mới đây đã yêu cầu « thông cảm » trước một số cải cách đã không tiến hành như dự kiến. Ông hứa hẹn : « Chúng tôi tiến bước trên con đường dân chủ, và sẽ không quay trở lại ».

Xác nạn nhân Ebola chất đống trong lúc số tử vong gia tăng

Xác nạn nhân Ebola chất đống trong lúc số tử vong gia tăng

Nhân viên y tế khiêng thi thể nạn nhân tử vong vì Ebola tại Kenema, Sierra Leone.

Nhân viên y tế khiêng thi thể nạn nhân tử vong vì Ebola tại Kenema, Sierra Leone.

05.08.2014

Các giới chức Liberia đang chật vật ứng phó với số người chết vì dịch Ebola ngày càng nhiều nhưng chưa được chôn cất tại những cộng đồng có dịch.

Truyền thông địa phương cho biết hệ thống y tế bị quá tải khiến cho nhiều thi thể bị mang vất ở một số cộng đồng và không được mai táng trong vòng nhiều ngày. Một bản tin cho biết có đến 37 xác được phát giác hôm chủ nhật tại một khu vực của thủ đô Monrovia.

Bộ trưởng Thông tin Liberia, ông Lewis Brown, cho đài VOA biết rằng chính quyền cảm thấy bất ngờ trước việc một số cộng đồng không muốn xác nạn nhân Ebola được chôn cất tại cộng đồng của họ.

Ông Brown cho biết Tổng thống Ellen Johnson Sirleaf đã ra lệnh hỏa thiêu xác những người thiệt mạng vì Ebola.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết số tử vong của trận dịch Ebola hiện nay là 887 người, trong đó có 255 người ở Liberia.

Trong khi đó, một chiếc máy bay được thiết kế đặc biệt đã chở một nhà truyền giáo Mỹ nhiễm Ebola ra khỏi Liberia sáng sớm hôm nay.

Bà Nancy Writebol dự kiến sẽ về tới Mỹ xế ngày hôm nay và sẽ được chữa trị tại Bệnh viện Đại học Emory ở thành phố Atlanta cùng với một Bác sĩ Mỹ khác bị nhiễm vi rút nguy hiểm này trong lúc chữa trị bệnh nhân ở Liberia.

Hôm qua, các giới chức của một bệnh viện ở New York cho biết một người đàn ông bị sốt cao và đau bụng đã vào phòng cấp cứu và đã được cách ly ngay.

Họ cho biết bệnh nhân này hồi gần đây đã du hành tới một nước ở Tây Phi đang có dịch và đang được xét nghiệm. Chưa có chi tiết nào khác về người này được công bố.

TQ ‘giương móng vuốt bắt con hổ họ Chu’

TQ ‘giương móng vuốt bắt con hổ họ Chu’

Carrie Gracie

Biên tập viên Trung Quốc

Thứ hai, 4 tháng 8, 2014

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức thông báo điều tra một trong những chính trị gia quyền uy nhất, cựu lãnh đạo an ninh Chu Vĩnh Khang.

Trong động thái chứng tỏ Chủ tịch Tập Cận Bình đã chiến thắng trong trận đấu khó khăn giành quyền chỉ huy tối cao, Tân Hoa xã nói ông Chu sẽ bị điều tra do các vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, một cách nói để ám chỉ tội tham nhũng.

“Không cần biết con hổ to như thế nào, một khi vi phạm pháp luật… và vi phạm luật lệ đảng, con hổ đó sẽ khó có thể thoát được lồng sắt.”

Đây là phán quyết từ cơ quan ngôn luận của đảng, Nhân dân Nhật báo, khi đưa tin về vụ điều tra ông Chu Vĩnh Khang.

Nhưng với sự bẽ bàng của ông ta, chính trị Trung Quốc bước vào giai đoạn chưa từng có. Ông Chu là chính trị gia cấp cao nhất bị làm nhục theo cách này trong nhiều thập niên qua.

Trong giai đoạn đổi mới từ 35 năm qua, có bộ quy tắc không thành văn rằng những người mới lên nắm quyền không tấn công những người đã rời chức, nỗ lực nhằm tránh tình trạng thanh trừng chính trị man rợ trong thời Mao.

Chu Vĩnh Khang nghỉ hưu sau khi điều hành mạng lưới an ninh đầy quyền lực cùng lúc với ông Tập Cận Bình được thăng chức lãnh đạo Đảng năm 2012.

Nhưng với thông báo về vụ điều tra ông Chu, Chủ tịch Tập đã xé bỏ bộ quy tắc dành riêng cho chính giới cấp cao Trung Quốc, và các chính trị gia quyền lực một thời khác đang lo lắng mình có thể là người tiếp theo.

Ông Chu Vĩnh Khang thời còn làm lãnh đạo công an

Biến mất trước công chúng

Chu Vĩnh Khang nổi lên từ một gia đình nghèo và trở thành k‎ỹ sư ngành dầu khí, dần thăng tiến qua các cấp bậc trong đảng để lên nắm công ty dầu khí lớn nhất Trung Quốc rồi sau đó dẫn dắt Tứ Xuyên, tỉnh lỵ có 80 triệu dân.

Đỉnh cao sự nghiệp của ông là chiếc ghế trong đội ngũ chính trị cao nhất của đảng, Ủy viên thường trực Bộ chính trị.

Ngoài ngôi làng ở quê nhà, khó có thể nói ông là người được yêu quý ở Trung Quốc, nhưng tới năm 2012, ông có thể đạt được cái tiếng là người đáng sợ nhất.

Thông báo từ cơ quan thông tấn chính thống của Trung Quốc không ghi rõ chi tiết các cáo buộc đối với ông Chu.

Nhưng nhiều nhà quan sát tin rằng, số phận của ông đã được định đoạt khi người mà ông bảo trợ, Bạc Hy Lai, thất thế sau việc vợ ông liên quan tới vụ sát hại một doanh nhân người Anh đầy tai tiếng.

Rõ ràng là ông Chu Vĩnh Khang đã gặp rắc rối khi bỗng biến mất trước công chúng từ năm ngoái.

Trong những tháng sau đó, tên tuổi ông không được truyền thông Trung Quốc nhắc tới, nhưng lần lượt các đồng minh chính trị của ông, trong ngành dầu khí, ở tỉnh Tứ Xuyên hay trong bộ máy an ninh, đều trở thành con mồi cho chiến dịch chống tham nhũng ngày càng khốc liệt.

Các thành viên gia đình, tài xế, vệ sỹ, và những người được ông bảo trợ cũng bị sa lưới. Thông báo điều tra ông chỉ là vấn đề thời gian.

Vụ xử Bạc Hy Lai khiến nhiều nhân vật sửng sốt

‘Cả hổ lẫn ruồi’

Hệ thống chính trị độc đảng của Trung Quốc thiếu hệ thống bầu cử để có chỗ cho người mới và ý tưởng mới và chiến dịch chống tham nhũng thường được coi là phương thức tiện lợi để lãnh đạo mới khống chế đối thủ và củng cố quyền lực.

Nhưng khi làm nhục một nhân vật cấp cao đến thế, ông Tập Cận Bình đang đánh tín hiệu cho thấy chiến dịch của ông rất khác.

Suốt nhiều năm, các lãnh đạo Đảng Cộng sản đã cảnh báo rằng tham nhũng tràn lan là mối đe dọa lớn nhất đối với sự sống còn của đảng. Khó phóng đại nghi ngờ sâu sắc của dân chúng đối với tầng lớp lãnh đạo.

Khi kinh tế phát triển mạnh, các quan chức cấp cao vơ vét hàng tỷ từ tài sản công, rất nhiều trong số đó giấu của trong các tài khoản và tài sản ở nước ngoài.

Các chỉ trích gia cáo buộc ông Tập là người giả nhân giả nghĩa khi một số người trong gia đình ông trở nên giàu có hơn trong những năm gần đây.

Nhưng tuyên bố quyết tâm trị “cả hổ lẫn ruồi” của ông đã được sự ủng hộ của dân chúng và gửi tín hiệu tới hệ thống đảng và chính quyền rằng ông thực sự nghiêm túc trong việc giải quyết vấn đề tư lợi, đặc biệt là với những ai có thể có ý định cản trở kế hoạch đổi mới kinh tế của ông.

Hàng ngàn quan chức đã bị điều tra và không có dấu hiệu cho thấy chiến dịch này sẽ ngưng lại.

Nhân dân Nhật báo viết hôm 29/07: “Tình hình vẫn dữ dội và phức tạp… Đấu tranh chống tham nhũng sẽ không kết thúc. Lôi được Chu Vĩnh Khang ra không phải là hết. Đây chỉ là một bước, một giai đoạn. Bất kỳ ai tham nhũng cũng sẽ bị trừng phạt.”

Với ông Tập Cận Bình, đây là chiến thắng cá nhân quan trọng. Ông đã kết liễu những nghi ngại về việc liệu ông có thể hạ một trong những “con hổ” lớn nhất này và chứng tỏ mình là người đứng đầu mạnh mẽ không ai địch nổi.

Nhưng một bình luận trên mạng xã hội đưa ra vào đêm có thông báo điều tra rằng liệu ông Chu có thực sự là “vua của bầy hổ hay cũng chỉ là một con hổ thường mà thôi?” Và rất nhiều người Trung Quốc khác đồn đoán về “bầy hổ” còn lại vẫn đang tự do, những cựu lãnh đạo hay lãnh đạo đương chức che chắn cho các đế chế doanh nghiệp tham nhũng của người trong gia đình.

Hơn nữa, thông báo này chẳng có gì là cứu vãn danh tiếng của Đảng cả.

Cú đánh chính trị trọng đại lại chỉ được chuyển tải bằng một dòng ngắn gọn trên các cơ quan thông tấn và truyền thông nhà nước cho thấy người Trung Quốc hay công chúng thế giới vẫn chỉ được phép biết ít ỏi về các vấn đề nội chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Nổ nhà máy ở TQ, hơn 60 người chết

Nổ nhà máy ở TQ, hơn 60 người chết

Thứ bảy, 2 tháng 8, 2014

Nhiều người bị thương phải đứng bên ngoài nhà máy đang cháy để đợi lực lượng cứu hộ

Ít nhất 65 người đã thiệt mạng, hơn 100 người khác bị thương trong vụ nổ một nhà máy ở thành phố Côn Sơn, thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc Tân Hoa xã đưa tin.

Những hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy nhiều người bị bỏng đang đứng chờ được trợ giúp bên ngoài khu tổ hợp nhà máy, nơi những cột khói đen đang bốc lên.

Các nỗ lực cứu hộ đang được tiến hành, trong lúc nhà chức trách điều tra nguyên nhân gây ra vụ nổ.

Đài CCTV của Trung Quốc cho biết nhà máy này là của Zhongrong Plating, công ty chuyên sản xuất phụ tùng ôtô với khoảng 450 lao động.

Các khách hàng của công ty này bao gồm cả tập đoàn General Motors của Hoa Kỳ, CCTV cho biết thêm.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết sự cố xảy ra bên trong một phân xưởng đánh bóng vành xe.

Khoảng 200 công nhân được cho là đang làm việc tại nhà máy vào thời điểm xảy ra vụ nổ.

Hơn 200 công nhân được cho là đã có mặt tại nhà máy vào thời điểm xảy ra vụ nổ

 

Tổng thống Obama, Putin điện đàm về tình hình Ukraine

Tổng thống Obama, Putin điện đàm về tình hình Ukraine

obama putin

obama putin

01.08.2014

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói chuyện qua điện thoại về cuộc khủng hoảng ở Ukraine, và ông Obama nhắc lại ông “quan ngại sâu sắc” về việc Nga gia tăng hỗ trợ cho phe ly khai ở miền đông Ukraine.

Tòa Bạch Ốc hôm thứ Sáu cho biết Tổng thống Obama nhấn mạnh ông mong muốn một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng, và rằng cả hai nhà lãnh đạo “đồng ý để ngỏ các kênh giao tiếp.”

Tòa Bạch Ốc nói ông Obama cũng bày tỏ lo ngại về sự tuân thủ của Nga đối với hiệp ước tên lửa đạn đạo tầm trung ký kết năm 1987 mà Washington nói là Moscow đã vi phạm.

Về phần mình, Điện Kremlin cho hay ông Putin nói với Tổng thống Mỹ trong cuộc điện đàm rằng những chế tài mới nhắm vào Nga ban hành trong tuần này là “phản tác dụng” và sẽ gây ra “thiệt hại nghiêm trọng cho hợp tác song phương và ổn định quốc tế.”

Trước đó trong ngày, vài chục điều tra viên quốc tế đã bắt đầu làm việc địa điểm máy bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi ở miền đông Ukraine.

Các nhà điều tra của Hà Lan và Australia, cùng với các quan chức của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, đã bắt đầu rà soát khu vực giờ được xem là hiện trường án mạng.

Họ sẽ tập trung vào việc thu hồi hàng chục thi thể vẫn còn mất tích cũng như tìm lại tư trang của 298 người thiệt mạng khi máy bay Boeing 777 bị bắn rơi hồi tháng trước.

Cũng trong ngày thứ Sáu, 10 lính nhảy dù Ukraine thiệt mạng trong một cuộc phục kích của quân ly thân Nga gần thị trấn Shakhtarsk, cách nơi xảy ra vụ tai nạn không xa.

Quyền chỉ huy binh chủng lính nhảy dù của Ukraine nói với phóng viên ở Kiev rằng 13 lính nhảy dù khác bị thương và 11 người mất tích.

Chính phủ Ukraine và các nước phương Tây quy trách cho phiến quân về vụ bắn rơi máy bay. Các nhà phân tích Mỹ cho biết chiếc máy bay phản lực có thể đã bị quân ly thân Nga bắn hạ bằng tên lửa do Nga cung cấp. Không có ai sống sót trong vụ tai nạn này.

Quyết thành lập những nước cộng hòa tự trị gần biên giới Nga, quân nổi dậy đã chiến đấu quân đội Ukraine trong suốt ba tháng qua.

 

Giới thân cận hé lộ ‘cuộc sống cô độc, hung hiểm’ của Putin

Giới thân cận hé lộ ‘cuộc sống cô độc, hung hiểm’ của Putin
July 31, 2014

Nguoi-viet.com

MOSCOW, Nga (NV) Hơn một tuần sau vụ chiếc máy bay MH-17 của Malaysia Airlines bị nghi bắn rớt ở Ukraine, thế giới vẫn tập trung sự chú ý vào tổng thống Nga, ông Vladimir Putin.

Mặc dù đóng vai trò lãnh đạo trên sân khấu chính trị thế giới, đời sống của ông vẫn còn đầy bí ẩn.



Tổng Thống Vladimir Putin, với cái nhìn lạnh như băng. (Hình: Alexei Nikolsky/AFP/Getty Images)

Cô Michelle Miller, đặc phái viên của CBS News, trích dẫn bài tường thuật mới đây nhất đăng trên tuần báo Newsweek, cho thấy nhiều hơn về cuộc sống của ông, khắc hẳn những gì công chúng thấy thường ngày.

Trước công chúng, ông Putin được biết qua cái nhìn lạnh như băng, dường như khó xuyên thấu được, không khác với cuộc đời mà ông đang dẫn dắt.

Một thông dịch viên nói với ký giả Ben Judah của Newsweek rằng: “Ông ấy không nói chuyện. Ông cảm thấy không cần phải cười.”

Người thông dịch viên này là một trong hàng chục nguồn thông tin cung cấp cho Newsweek khía cạnh khách của ông Putin mà công chúng chưa được trông thấy bao giờ.

Nhưng những người thân cận của ông lại vừa tiết lộ một vài chi tiết mới về ông, như thông thường mỗi sáng ông ăn điểm tâm trễ, rồi bơi lội một mình.

Trong văn phòng, ông tránh né những gì thuộc kỹ thuật tân kỳ mà chỉ để ý đến hồ sơ in trên giấy tờ và xem tài liệu về mìn bẫy thời Xô Viết.

Nhà báo Judah nói: “Ðiều đó cho thấy một đời sống quái gở, cô độc, hung hiểm, khốn khổ, trong đó ông Putin ít nói chuyện với một ai. Ông hết sức kín đáo.”

Ông luôn bị ám ảnh là cả thế giới đang nói về ông. Các phụ tá cắt sẵn những bài viết đăng trên báo trình cho ông xem vì ông không đụng tới Internet, để ông biết được “người ta chế giễu ông đến chừng nào.”

Khi du hành ra ngoại quốc, ông chỉ ăn thức ăn do nhà bếp của điện Kremlin làm, vốn được gửi đi trước cả tháng. Nói chung là chở theo một máy bay toàn đầu bếp, thợ giặt ủi, hầu bàn, mà không đụng đến những gì của nước chủ nhà.

Ông bám lấy quyền lực từ khi trở thành tổng thống vào năm 2000. Giới thân cận gọi ông là “Tsar,” ám chỉ một nhà cai trị sắt máu thời quá khứ của nước Nga.

Ông Putin đang bị áp lực phải ngưng ủng hộ những phiến quân bị cáo buộc bắn rơi chiếc MH-17 ở phía Ðông Ukraine, nhưng đến giờ phút này, ông vẫn chưa tỏ dấu hiệu đáp ứng các đòi hỏi của Tây Phương. (TP)

 

Hồ sơ cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang

Hồ sơ cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang

Ngô Ngọc Văn

BBC Tiếng Trung

Thứ ba, 29 tháng 7, 2014

Ông Chu Vĩnh Khang trước khi về hưu, tháng 11/2012

Chu Vĩnh Khang từng là một trong chín chính trị gia cao cấp nhất Trung Quốc cho tới năm 2012, nhưng giờ đã thất thế.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin ông đang bị điều tra do “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, thường được dùng để nhắc tới tham nhũng. Thông tin này khép lại các tin đồn trong suốt mấy tháng qua về số phận của ông.

Các bài liên quan

Rất nhiều đồng minh và cộng sự thân cận của ông đã bị cách chức hoặc điều tra do các cáo buộc vi phạm kỷ luật đảng và các tội danh nhẹ hơn khác.

Ông Chu nổi lên từ một kỹ thuật viên ngành dầu khí từ những năm 60 và sau đó phụ trách bộ máy an ninh khổng lồ của Trung Quốc.

Sự xuống dốc của ông một lần nữa cho thấy quyết tâm nhổ rễ đối thủ của mình và làm thanh sạch hình ảnh đảng của chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng cũng gây ra nghi vấn về một hệ thống nuôi dưỡng tham nhũng ở mức chưa từng có.

Chu Vĩnh Khang sinh năm 1942 ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc.

Ông gia nhập Đảng Cộng sản năm 1964 và tốt nghiệp Viện Dầu khí Bắc Kinh năm 1966 với bằng khảo sát địa vật lý và thăm dò.

Ông trải qua 32 năm tiếp đó trong lĩnh vực dầu khí, bắt đầu với vị trí kỹ thuật viên ở mỏ dầu Đại Khánh.

Ông dần được thăng chức và sau đó trở thành tổng giám đốc và bí thư Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (CNPC) vào năm 1998 – ngang với tầm bộ trưởng.

Rất nhiều cấp dưới của ông nay bị điều tra, nổi bật nhất là Tưởng Khiết Mẫn, người từng nắm chức tổng giám đốc và bí thư CNPC năm 2006 – 2013.

‘Thế lực thù địch’

Lưu Hán từng nằm trong danh sách 500 người giàu nhất Trung Quốc

Sau một năm làm việc ở Bộ Đất đai và Tài nguyên với vai trò bộ trưởng và bí thư năm 1998, Chu Vĩnh Khang được bổ nhiệm làm bí thư tỉnh Tứ Xuyên cho tới năm 2002.

Không có nhiều thông tin về những thành tựu của ông trong thời kỳ này, nhưng từ năm 2012, nhiều cấp dưới của ông trong thời kỳ này đã bị cách chức và điều tra, cáo buộc các tội từ vi phạm kỷ luật đảng cho tới nhận hay đưa hối lộ.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng Lưu Hán, một doanh nhân rất giàu có ở Tứ Xuyên, được ông Chu Vĩnh Khang bảo trợ. Ông Lưu bị kết án tử hình hồi tháng Năm do “tổ chức và chỉ đạo tội phạm và giết người kiểu mafia”.

Năm 2002 đánh dấu đỉnh cao sự nghiệp của ông Chu khi ông được chỉ định trở thành thành viên của Bộ Chính trị trong Đại hội Đảng thứ 16; đến cuối năm, ông trở thành Bộ trưởng Công an.

Năm 2007, Chu Vĩnh Khang được nâng lên thành thành viên Ban thường vụ Bộ Chính trị và cũng nhận vai trò phụ trách Ủy ban Chính pháp Trung Ương Trung Quốc.

Công việc của ông bao gồm bình ổn đất nước, và “phòng chống và đấu tranh lại các thế lực thù địch từ bên trong và bên ngoài Trung Quốc”. Quỹ tài chính cho nhiệm vụ này lên tới 700 tỷ Nhân dân Tệ (khoảng 114 tỷ USD), hơn cả quỹ cho quốc phòng.

Mốc chính trong sự nghiệp và cuộc đời

  • 1942

Sinh ra ở Vô Tích, tỉnh Giang Tô

  • 1964

Gia nhập Đảng Cộng sản và làm việc 32 năm trong ngành dầu khí Trung Quốc

  • 1998

Trở thành bí thư Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc

  • 1999

Bổ nhiệm vào chức Bí thư Tứ Xuyên

  • 2002

Bổ nhiệm thành thành viên Bộ Chính trị trong Đại hội Đảng 16; sau đó trở thành Bộ trưởng Công an trong cùng một năm

  • 2007

Thăng chức thành thành viên Ủy ban Thường trực Bộ Chính trị

  • 2012

Cấp dưới của ông Chu bắt đầu bị cách chức và điều tra

  • 3/2012

Xuất hiện cùng Bạc Hy Lai trong kỳ họp Quốc hội

  • 12/2013

Con trai Chu Bình bị bắt giữ vì các tội danh tham nhũng

Là người phải đối phó với tình hình bất ổn ở Tây Tạng và Tân Cương, an ninh cho Olympic Bắc Kinh và ảnh hưởng của “Mùa xuân Ả Rập”, quyền lực của ông Chu lấn sang cả lĩnh vực tòa án, công tố, cảnh sát, dân quân và tình báo.

Các chính sách hà khắc được áp dụng: các nhà bất đồng chính kiến bị đối xử tàn nhẫn và dân khiếu kiện bị quấy nhiễu thường xuyên, với rất nhiều người bị giữ trong các trại giam phi pháp gọi là “hắc giam ngục”.

Đồng minh Bạc Hy Lai

Chu Vĩnh Khang cũng có quan hệ công việc rất thân thiết với chính trị gia thất thế Bạc Hy Lai

Chu Vĩnh Khang cũng có quan hệ công việc rất thân thiết với chính trị gia thất thế Bạc Hy Lai, nay đang trong tù.

Khi ông Bạc còn là Bí thư Trùng Khánh và phát động chiến dịch “hát nhạc cách mạng và đàn áp tội phạm” nhằm đẩy mạnh tên tuổi, ông Chu xuất hiện trong thành phố hồi năm 2010 để khen ngợi lãnh đạo.

Chỉ vài ngày trước khi thông báo cách chức ông Bạc Hy Lai được đưa ra hồi tháng Ba năm 2012, Chu Vĩnh Khang xuất hiện cùng đồng minh trong kỳ họp quốc hội, nói về sự lớn mạnh của kinh tế Trùng Khánh so với các địa phương khác ở Trung Quốc.

Trong phiên xử Bạc Hy Lai vào tháng 08/2013, ông Bạc nói trước tòa rằng ông nhận được chỉ dẫn từ Ủy ban Chính pháp cách giải quyết vụ đào tẩu của ông Vương Lập Quân vào lãnh sự Hoa Kỳ, để bảo vệ bản thân ông.

Lúc đó, ông Chu Vĩnh Khang là chủ tịch ủy ban.

Đoạn thú tội này của ông Bạc không được công bố, nhưng tin rỉ ra ngoài từ những người có mặt trong phiên tòa.

Chu Vĩnh Khang có hai đời vợ, và một trong những người con trai của ông với người vợ đầu tiên, Chu Bình, sinh năm 1972 là nhà điều hành cao cấp ngành dầu khí.

Theo báo Hong Kong, ông Chu Bình bị bắt vào tháng 12/2013 do tội tham nhũng.

Sông Ôn Châu của Trung Quốc biến thành màu đỏ

Sông Ôn Châu của Trung Quốc biến thành màu đỏ

Cuối tuần qua, cư dân tỉnh Ôn Châu, Trung Quốc, thấy nước sông chảy qua thành phố nhuốm một màu đỏ cạch.

Cuối tuần qua, cư dân tỉnh Ôn Châu, Trung Quốc, thấy nước sông chảy qua thành phố nhuốm một màu đỏ cạch.

28.07.2014

BẮC KINH —

Nước sông biến thành màu đỏ tại một thành phố miền đông Trung Quốc trong mấy ngày vừa qua, đã khơi ra những mối lo ngại về một vụ khủng hoảng môi trường nữa ở Trung Quốc. Sự việc này chỉ là vụ mới nhất trong một loạt các vụ lo ngại về môi trường của dân chúng ở Trung Quốc. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Shannon Van Sant gửi về bài tường thuật.

Cuối tuần qua, khi thức dậy cư dân ở tỉnh Ôn Châu, Trung Quốc, thấy nước sông chảy qua thành phố của mình nhuốm một màu đỏ cạch. Một số còn than phiền về mùi khó chịu trong không khí. Cục bảo vệ môi trường địa phương đã điều tra vụ việc và cho biết đã không thấy dấu hiệu nào về chất thải từ các nhà máy dọc theo con sông, kể cả một nhà máy giấy, một công ty làm màu thực phẩm và một công ty sản xuất quần áo.

Bà Ngô Dịch Tú, người theo dõi các vấn đề ô nhiễm nước của tổ chức Greenpeace, nói mặc dầu chưa tìm ra nguyên do việc ô nhiễm nước sông, đó là một dấu hiệu của các vấn đề môi trường ngày càng gây ảnh hưởng đến cư dân thành thị.

Bà Ngô Dịch Tú cho biết: “Tôi nghĩ vấn đề ô nhiễm nước không còn là một vấn đề xa xôi, chỉ có ở nông thôn. Nó ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Ngay cả những người ở các thành phố.”

Ôn Châu còn là một trung tâm tín ngưỡng Cơ đốc giáo ở Trung Quốc và thường được gọi là Jerusalem của Trung Quốc.

Ôn Châu còn là một trung tâm tín ngưỡng Cơ đốc giáo ở Trung Quốc và thường được gọi là Jerusalem của Trung Quốc.

Ôn Châu là một trung tâm thương mại ở duyên hải miền đông Trung Quốc. Ðây còn là một trung tâm tín ngưỡng Cơ đốc giáo ở Trung Quốc và thường được gọi là Jerusalem của Trung Quốc. Sau khi nước sông chuyển sang màu đỏ, một số cư dân đã đăng lên mạng xã hội rằng nước sông màu đỏ cạch là một dấu hiệu của ngày tận thế Armageddon theo Kinh Thánh.

Trong khi sự ô nhiễm sông có thể không phải là dấu hiệu kết thúc thời đại, nhà hoạt động cho môi trường Mã Quân nói nó có nghĩa là một thời điểm cấp thiết trong cuộc chiến của Trung Quốc chống lại nạn ô nhiễm.

Ông Mã Quân nói: “Do đó tôi nghĩ 20 năm sắp tới sẽ rất cấp thiết. Chính phủ cần phải tiến hành các nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm để đem lại một môi trường an toàn và lành mạnh cho thế hệ này.”

Sự thay đổi nước sông là vụ mới nhất trong nhiều sự cố về môi trường ở Trung Quốc. Năm 2012, nước sông Dương Tử đã ngả sang màu đỏ vì chất thải bất hợp pháp do một nhà máy gần đó gây ra, và năm ngoái hơn 2,000 con lợn chết đã được phát hiện nổi lềnh bềnh trên một con sông ở Thượng Hải. Chính phủ Trung Quốc cũng xác nhận mấy trăm nơi gọi là “ngôi làng ung thư,” nơi tỷ lệ người bị ung thư cao một cách bất thường vì ô nhiễm công nghiệp.

Ông Mã nói mỗi năm có hơn 1,700 vụ ô nhiễm nước ở Trung Quốc.

Năm 2012, nước sông Dương Tử đã đổi màu vì chất thải bất hợp pháp từ một nhà máy gần đó.

Năm 2012, nước sông Dương Tử đã đổi màu vì chất thải bất hợp pháp từ một nhà máy gần đó.

Ông Mã cho biết: “Trung Quốc đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng về ô nhiễm nước. Phần lớn các con sông, hồ, và thậm chí các mạch nước ngầm của chúng ta đều bị ô nhiễm. Nhất là tại những vùng đông dân. Sự kiện này đề ra một nguy cơ nghiêm trọng. Có tới 300 triệu cư dân không có nước uống an toàn.”

Hồi đầu năm nay, Thủ tướng Trung Lý Khắc Cường cam kết mở cuộc chiến chống lại ô nhiễm. Các nhà hoạt động cho môi trường nói cuộc chiến đó sẽ tùy thuộc vào việc thực thi các luật lệ hiện hành của Trung Quốc, được cư dân hoan nghênh tại Ôn Châu, nơi 80% nước ở miền ven biển thành phố bị cho là ô nhiễm.

Tư lệnh quân báo Mỹ: Diệt Hamas chỉ làm tình thế nguy hiểm hơn

Tư lệnh quân báo Mỹ: Diệt Hamas chỉ làm tình thế nguy hiểm hơn
July 27, 2014

Nguoi-viet.com

ASPEN, Colorado (Reuters)Một viên chức cao cấp tình báo Ngũ Giác Ðài hôm Thứ Bảy lên tiếng cảnh cáo rằng việc tiêu diệt Hamas chỉ đưa tới việc có các thành phần nguy hiểm hơn thay thế nhóm này, trong khi đưa ra viễn tượng đen tối về tình trạng giao tranh ở khu vực Gaza.



Tướng Michael Flynn, tư lệnh tình báo quân đội Mỹ. (Hình: Alex Wong/Getty Images)

Lời phát biểu của Trung Tướng Michael Flynn, tư lệnh sắp mãn nhiệm của cơ quan quân báo DIA của Mỹ, được đưa ra trong khi các bộ trưởng Israel bày tỏ thái độ cho thấy một thỏa thuận sâu rộng nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài đã 20 ngày ở Dải Gaza là điều khó đạt được.

Có ít nhất 1,050 người ở Gaza, phần lớn là thường dân, đã thiệt mạng, cùng với 42 người lính và ba thường dân ở phía Israel.

Tướng Flynn đả kích Hamas vì sử dụng nguồn tài nguyên và khả năng giới han để xây dựng các hệ thống địa đạo giúp họ gây tổn thất lớn cho phía Israel.

Tuy nhiên, ông cũng nói rằng tiêu diệt Hamas không giải quyết được cuộc chiến.

“Nếu Hamas bị tiêu diệt, chúng ta có thể lại gặp phải một nhóm khác tệ hại hơn nữa. Cả khu vực sẽ gặp phải một nhóm tệ hại hơn,” ông Flynn cho hay trong cuộc họp mang tên “Diễn Ðàn An Ninh Aspen” ở tiểu bang Colorado.

Hiện có khoảng 1.8 triệu người Palestine đang bị cô lập trong khu vực Gaza, nơi tình trạng nghèo khó và thất nghiệp ở khoảng 40%.

Người dân Gaza hy vọng cuộc chiến hiện nay sẽ giúp chấm dứt cuộc phong toả mà Ai Cập và Israel đã đặt ra.

Các giới chức Israel nói rằng bất cứ cuộc ngưng bắn nào cũng phải để cho họ tiếp tục tìm kiếm các địa đạo của Hamas ở vùng biên giới với Gaza.

Lời phát biểu của tướng Flynn về cuộc chiến ở Gaza được đưa ra trong nhận định bi quan về tình hình bất ổn trên khắp khu vực Trung Ðông, kể cả Syria và Iraq.

Ông Flynn nói thẳng, “Liệu sẽ có hòa bình ở Trung Ðông hay không? Chắc là không trong thế hệ tôi.” (V.Giang)