Bắc Kinh chống quyền tự do ứng cử lãnh đạo Hồng Kông

Bắc Kinh chống quyền tự do ứng cử lãnh đạo Hồng Kông

Khẩu hiệu "bất phục tùng" được dựng lên gần khu trung tâm tài chính Hồng Kông ngày 31/08/2014.

Khẩu hiệu “bất phục tùng” được dựng lên gần khu trung tâm tài chính Hồng Kông ngày 31/08/2014.

REUTERS/Bobby Yip

Tú Anh

Đúng như tiên liệu, chế độ Trung Quốc không cho người dân Hồng Kông tự do ra tranh cử chức vụ lãnh đạo hành pháp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc với vai trò bù nhìn thông qua các quyết định của đảng Cộng sản buộc các ứng cử viên tranh ghế lãnh đạo Hồng Kông phải là người « yêu nước » và được « chọn lọc ».

Tình hình Hồng Kông có nguy cơ căng thẳng thêm .Theo AFP, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc mà thực chất chỉ là văn phòng tiếp thu các quyết định của ban lãnh đạo đảng Cộng sản hôm nay 31/08/2014 ra tuyên bố : chấp thuận bầu cử lãnh đạo hành pháp Hồng Kông năm 2017 theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, trực tiếp. Tuy nhiên, Bắc Kinh đặt điều kiện chỉ có người « yêu nước » phải hiểu là « yêu đảng Cộng sản » mới được ứng cử.

Phong trào bất phục tùng công dân Occupy Central cho biết sẽ tung ra những đợt biểu tình phản kháng, gây tê liệt trung tâm tài chính. Trung Quốc không xem thường đe dọa này. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Sebastien Ricci phân tích :

Hồng Kông, với 7 triệu dân, lớn gấp 10 lần Paris nhưng chỉ bằng đầu đũa so với Hoa lục. Là lãnh thổ của Trung Quốc nhưng Hồng Kông theo một quy chế tự trị đặc biệt : có tiền tệ riêng, luật pháp riêng và chính phủ riêng. Lãnh đạo hành pháp Hồng Kông lần đầu tiên sẽ được bầu theo lối phổ thông đầu phiếu, trực tiếp vào năm 2017. Cho đến nay, chức vụ lãnh đạo này do một ủy ban gồm 200 đại cử tri đã được chọn lọc kỹ, bầu lên.

Tuy nhiên cần phải thận trọng vì Bắc Kinh nói đến bầu cử tự do nhưng lại đặt một loạt điều kiện. Ứng cử viên không được quá ba người, tất cả phải là người « yêu nước », phải hiểu là ủng hộ đảng Cộng sản Trung Quốc. Với tiêu chí tùy tiện này, chính quyền Trung Quốc có thể loại trước những ứng cử viên mà họ không thích.

Lập tức, phong trào bất phục tùng công dân đe dọa chiếm đóng trung tâm thành phố nếu Trung Quốc không thực hiện lời cam kết cải cách dân chủ thật sự tại Hồng Kông. Bắc Kinh không giấu sự lo ngại. Hơn 7000 cảnh sát đã được huy động và nhiều xe thiết giáp đã xuất hiện trên đường phố. Những hình ảnh này làm sống lại cơn ác mộng Thiên An Môn tháng 6 năm 1989 khi quân đội Trung Quốc đàn áp phong trào đòi dân chủ trong biển máu“.

 

Xe thiết giáp Trung Quốc thị uy trên đường phố Hồng Kông

Xe thiết giáp Trung Quốc thị uy trên đường phố Hồng Kông

RFI

Biểu tượng của quân đội Trung Quốc tại trung tâm thương mại Hồng Kông, ngày 01/08/2014.

Biểu tượng của quân đội Trung Quốc tại trung tâm thương mại Hồng Kông, ngày 01/08/2014.

REUTERS/Tyrone Siu

Mai Vân

Người dân Hồng Kông vào hôm nay 29/08/2014 đã bị chấn động mạnh khi biết tin là quân đội Trung Quốc đã cho xe bọc thép di chuyển trên đường phố ngay tại khu vực trung tâm thành phố. Phong trào đòi dân chủ tố cáo một hành vi « phô trương lực lượng » trong bối cảnh căng thẳng đang diễn ra.

Hãng tin Pháp AFP trích dẫn báo Hồng Kông Apple Daily hôm nay, cho biết là đã có ít nhất 4 chiếc xe bọc thép của quân đội Trung Quốc di chuyển vào sáng sớm hôm qua, 28/08, trên các con phố lớn ở khu Cửu Long/Kowloon. Những hình ảnh truyền trên mạng Twitter cho thấy là bên trên những chiếc xe này đều có ổ súng đại liên.

Phe đòi dân chủ ở Hồng Kông hôm nay tố cáo một sự phô trương lực lượng nhằm hù dọa người Hồng Kông. Trả lời hãng tin Pháp, nữ dân biểu Mao Mạnh Tĩnh (Claudia Mo) giải thích : « Đây là một sự hù dọa người dân Hồng Kông đang chuẩn bị các hành động ‘bất phục tùng dân sự’ trên quy mô lớn ».

Phong trào dân chủ Hồng Kồng tiếp tục đối đầu với Bắc Kinh trên thể thức bầu lãnh đạo thuộc địa cũ của Anh, với viễn ảnh cuộc bầu cử lãnh đạo mới năm 2017.

Họ muốn lãnh đạo Hồng Kông phải được chọn theo thể thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp thực thụ, không chọn lọc trước ứng của viên. Bắc Kinh công nhận thể thức phổ thông đầu phiếu, nhưng cho rằng chỉ những người “yêu nước” mới được phép ứng cử, điều mà giới dân chủ Hồng Kông không chấp nhận.

Đến nay thì lãnh đạo Hồng Kông được một Ủy ban thân Bắc Kinh bình chọn.

Ủy ban Thường trực Quốc hội Trung Quốc xem xét vào tuần này báo cáo trên vấn đề này do chính lãnh đạo Hồng Kông đệ trình. Một cuộc biểu tình lớn đuợc dự kiến tại Hồng Kông vào ngày Chủ nhật 31/08 nhân cuộc họp của Ủy ban nói trên.

 

Báo Trung Quốc đòi trừng trị giới dân chủ Hồng Kông

Báo Trung Quốc đòi trừng trị giới dân chủ Hồng Kông

RFI

Bắc Kinh huy động thanh niên biểu tình tại Hồng Kông ủng hộ chính quyền Trung Quốc - REUTERS /Tyrone Siu

Bắc Kinh huy động thanh niên biểu tình tại Hồng Kông ủng hộ chính quyền Trung Quốc – REUTERS /Tyrone Siu

Tú Anh

Một tờ báo nhà nước Trung Quốc hôm nay 26/08/2014 đã kêu gọi dùng “hành động thực thi pháp luật” nhắm vào những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông. Lời kêu gọi được đưa ra vào lúc một ủy ban lập pháp Trung Quốc sẽ xem xét trong tuần này việc cải cách bầu cử ở thuộc địa cũ của Anh.

Đầu tháng Bảy vừa qua, hơn 500.000 người đã xuống đường tại Hồng Kông đòi hỏi quyền được tự do lựa chọn người lãnh đạo kế tiếp của vùng lãnh thổ này vào năm 2017, qua hình thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp.

Những người chịu trách nhiệm chiến dịch ủng hộ dân chủ mang tên “Occupy Central” – tức là “chiếm lĩnh khu Trung tâm thành phố ” đã đe dọa sẽ huy động hàng ngàn người để làm tê liệt khu vực thương mại của Hồng Kông.

Tờ báo Trung Quốc Global Times hôm nay đã đòi có biện pháp mạnh đối với những người đòi dân chủ. Tờ báo nổi tiếng với giọng điệu dân tộc chủ nghĩa cho rằng :

“Nếu các hoạt động đó là một mối đe dọa gây chấn động tại Hồng Kông và tiếp tục gia tăng (…), thì chính phủ Hồng Kông bắt buộc phải có biện pháp cưỡng chế”.

Theo Hoàn cầu Thời báo, chính quyền cần phải xóa tan những “ảo tưởng không thực tế” của người biểu tình ủng hộ dân chủ và đánh vào các thành phần tích cực nhất trong phong trào này để “buộc họ phải trả giá cho các hành vi hung hăng và khiêu khích”.

Hiện nay, lãnh đạo của Hồng Kông, một vùng lãnh thổ Trung Quốc được hưởng quyền tự trị rộng rãi, được một hội đồng mà đa số thành viên thuộc diện thân Bắc Kinh bầu lên. Chế độ phổ thông đầu phiếu trực tiếp ở Hồng Kông đã được Trung Quốc công nhận, nhưng Bắc Kinh đã cảnh cáo rằng chỉ có các ứng cử viên “yêu nước” mới được đề cử, gây nên sự phản đối mạnh mẽ ở Hồng Kông.

Tờ Global Times hôm nay còn kêu gọi chính quyền từ chối “bất kỳ một sự thỏa hiệp nào”, cho rằng “Không được để cho Hồng Kông rơi vào phạm vi ảnh hưởng của Phương Tây”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc trong tuần này sẽ xem xét báo cáo về vấn đề này, do lãnh đạo đương nhiệm Hồng Kông đệ trình.

Kể từ khi được giao trả về Trung Quốc vào năm 1997, cựu thuộc địa của Anh Quốc vẫn được hưởng một hệ thống chính trị và pháp lý khác với Lục Địa, và một sự tự do hoàn toàn không có tại Trung Quốc. Thế nhưng người Hồng Kông ngày càng lo ngại về gọng kềm càng lúc càng chặt của Bắc Kinh.

Palestine, Israel đạt thoả thuận ngừng bắn

Palestine, Israel đạt thoả thuận ngừng bắn

Người Palestine vui mừng sau khi thỏa thuận ngưng bắn ở Dải Gaza được loan báo, 26/8/14

Người Palestine vui mừng sau khi thỏa thuận ngưng bắn ở Dải Gaza được loan báo, 26/8/14

Edward Yerenian

26.08.2014

CAIRO—

Ai Cập đã làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và các nhóm chiến binh Palestine ở Gaza sau bảy tuần lễ giao tranh làm thiệt mạng gần 2.200 người. Thông tín viên Edward Yeranian tường thuật cho VOA từ Cairo.

Loan báo về thỏa thuận ngừng bắn lâu dài ở Gaza đã được thực hiện bởi người đứng đầu chính quyền Palestine, ông Mahmoud Abbas, từ trụ sở của ông tại thành phố Ramallah của Bờ Tây.

Ông nói rằng lãnh đạo Palestine đã đồng ý với lời kêu gọi của Ai Cập cho một lệnh ngừng bắn hoàn toàn và vĩnh viễn theo đòi hỏi và nhu cầu của người dân Palestine ở Gaza và để tái kiến thiết những gì đã bị tàn phá”.

Ông Abbas tiếp tục cám ơn Ai Cập và tổng thống nước này vì những nỗ lực để ngăn chặn đổ máu và sự tàn phá trên diện rộng ở Gaza.

Ngoại trưởng Ai Cập cho biết Israel đã “đồng ý cho phép viện trợ nhân đạo vào Gaza” như là một phần của hiệp định. Hiện chưa rõ liệu những yêu cầu của Palestine về mở cửa biên giới hay mở rộng vùng lãnh hải của Gaza có nằm trong thỏa thuận hay không.

Theo hiệp định, các bên lâm chiến mở ra các cuộc đàm phán trong vòng một tháng về những vấn đề tranh chấp, bao gồm yêu cầu của Israel là Hamas phải giải giáp và phía Palestine đòi hỏi việc chấm dứt hoàn toàn việc phong tỏa đã kéo dài nhiều năm.

Tại Gaza, người Palestine bấm còi xe và bắn chỉ thiên để ăn mừng việc khởi sự lệnh ngừng bắn.

Phát ngôn viên Hamas Sami Abu Zhuri khẳng định hiệp định là một “chiến thắng” của nhóm này.

Ông nói nhóm của ông “chiến thắng” trong cuộc chiến với Israel bởi vì người Israel, theo lời ông, đã không thể bảo vệ cho người dân của họ, những người bị buộc phải ẩn nấp hay trốn chạy dưới sự tấn công và ông khẳng định Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là một sự thất bại vì hoạt động ở Gaza “đã không đạt được gì”.

Thính giả đã vỗ tay khi ông Abu Zhuri tuyên bố là người Israel bây giờ có thể trở về nhà khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, với sự cho phép của Hamas và không phải nhờ vào ông Netanyahu.

Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukri nói quốc gia của ông hy vọng thỏa thuận ngừng bắn sẽ giúp đạt được “nguyện vọng của người dân Palestine và sẽ tăng cường sự lãnh đạo của Palestine và hướng tới hòa bình trong khu vực”.

Kể từ khi giao tranh bắt đầu vào ngày 8 tháng 7, hơn 2.100 người Palestine đã thiệt mạng, hầu hết là thường dân, trong lúc Israel có 68 người chết, tất cả là thường dân ngoại trừ 4 binh sĩ.

Nhà báo Mỹ bị bắt cóc ở Syria được tự do

Nhà báo Mỹ bị bắt cóc ở Syria được tự do
August 24, 2014

Nguoi-viet.com
DAMASCUS, Syria (NV) – Một nhà báo người Mỹ bị phiến quân Hồi Giáo bắt cóc và giam giữ gần hai năm qua ở Syria vừa được tự do hôm Chủ Nhật, theo một bản tin của đài truyền hình CNN.


Nhà báo Peter Theo Curtis lúc sắp được tự do. (Hình: AP Photo)

Nhà báo Peter Theo Curtis, 45 tuổi, được biết bị nhóm al-Nusra Front, một nhóm phiến quân ở Syria có liên hệ với al-Qaeda, bắt cóc hồi Tháng Mười, 2012.

“Tôi vô cùng biết ơn những người đã vận động, đã trở thành bạn hữu, và bỏ không biết bao nhiêu công sức để giúp đỡ chúng tôi trong nhiều tháng qua,” bà Nancy Curtis, mẹ của nhà báo nêu trên, được CNN trích lời nói. “Xin nhớ rằng chúng tôi không bao giờ quên ơn quý vị.”

Theo CNN, Liên Hiệp Quốc nói rằng nhà báo Peter Theo Curtis được trao trả cho các lực lượng gìn giữ hòa bình của tổ chức quốc tế này ở Golan Heights, vùng đất của Syria hiện do Israel chiếm đóng.

Nhà báo này sau đó được khám sức khỏe ngay lập tức.

Bà Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, nói rằng nhà báo này đã được an toàn, không còn ở Syria nữa, và sẽ sớm đoàn tụ với gia đình, cũng theo CNN.

Trong khi đó, Hoa Kỳ không liên quan đến việc thương thuyết cho sự tự do của nhà báo này, nhưng biết có những cố gắng riêng tư để tìm sự tự do cho ông, theo CNN, dựa trên phát biểu của hai giới chức an ninh Mỹ.

Hai giới chức này không rõ liệu có tiền chuộc trong vụ này hay không, vẫn theo CNN.

Vụ nhà báo Peter Theo Curtis được trả tự do xảy ra chỉ năm ngày sau khi một nhà báo Mỹ khác, James Foley, bị nhóm phiến quân Hồi Giáo ISIS cắt đứt cổ trong một băng video được tung lên mạng, làm bàng hoàng cả thế giới.

“Rõ ràng, sau sự kiện rùng rợn đó, tất cả chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm khi biết nhà báo Curtis được tự do và trở về nhà sau một thời gian dài bị nhóm al-Nusra Front bắt giữ,” CNN trích lời ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry, nói qua một tuyên bố.

CNN cho biết có hai băng video có vẻ được thu hình vào giai đoạn nhà báo Mỹ sắp được thả. Trong một video, nhà báo này bị dí súng vào đầu và nói rất nhanh tên của mình, ngày tháng năm, và nói ông là một nhà báo ở Boston, Massachusetts.

Ông là một tác giả và là phóng viên tự do với bút hiệu Theo Padnos, sinh ra tại Atlanta, Georgia, và tốt nghiệp đại học Middlebury College ở Vermont.

Ông Curtis cũng tốt nghiệp tiến sĩ văn chương tại đại học University of Massachusetts, nói thông thao tiếng Pháp và tiếng Ả Rập, theo gia đình cho CNN biết. Ngoài ra, ông cũng nói được tiếng Ðức và tiếng Nga. (Ð.D.)

Nhóm Hồi giáo nổi dậy ở Syria phóng thích một ký giả Mỹ (VOA)

Hải quân Ý cứu vớt 3500 thuyền nhân trong hai ngày

Hải quân Ý cứu vớt 3500 thuyền nhân trong hai ngày

RFI

Tính từ đầu năm, hơn 100.000 di dân đã cập bến nước Ý - AFP / MARINA MILITARE

Tính từ đầu năm, hơn 100.000 di dân đã cập bến nước Ý – AFP / MARINA MILITARE

Tú Anh

Hải quân Ý đã cứu vớt được 3500 thuyền nhân vượt biển từ thứ Sáu đến hôm nay. Hàng ngàn người lợi dụng thời tiết tốt và bạo loạn tại Lybia để vượt biển trong hai ngày cuối tuần. Từ đầu năm, hơn 100.000 di dân đã tới được nước Ý sau hàng loạt vụ đắm tàu cuối năm 2013 với hàng ngàn người chết và mất tích.

73 người sống sót đói khát bên cạnh 18 tử thi : đó là số phận của một con thuyền từ Lybia vượt biển sang Ý bị hư máy mà chiếc tàu tuần tra Sirio phát hiện và cứu trợ. Trước đó vài giờ, Sirio vớt được 99 di dân đi tìm đất hứa tại châu Âu. Người sống sót cho biết thêm có 8 di dân bị mất tích trên biển.

Cũng trong ngày hôm nay 24/08/2014, chiến thuyền Fenice cứu được 215 thuyền nhân trong số này có 38 trẻ em. Hải thuyền San Giusto vớt 900, Forillo 500, Fasan 1.373, tổng cộng 3.500 thuyền nhân đàn ông, đàn bà, trẻ con phần đông là người Liban và Syria trong điều kiện kiệt lực vì đói khát.

Sau hàng loạt vụ đắm tàu và hàng ngàn tử thi trôi dạt vào bờ biển đảo Lambadusa gây chấn động công luận hồi mùa thu năm ngoái, chính phủ Ý tiến hành một chiến dịch đặt tên là Mare Nostrum (tên La Tinh của Địa Trung Hải) để cứu người từ Phi Châu vượt biển.

Hôm thứ sáu, một chiếc tàu bằng gỗ chở 170 thuyền nhân vượt biên đã mất tích trong lãnh hải Libya. Bộ trưởng Nội vụ Ý Angelino Alfano, một lần nữa, kêu gọi Châu Âu hành động nahnh chóng và dứt khoát hỗ trợ nước Ý trong nỗ lực nhân đạo này.

Theo Phủ Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, hơn 100.000 người đã đến được Ý trong 7 tháng đầu năm nay. Một phần đi sang các quốc gia châu Âu khác.

 

LHQ: Đã có hơn 191.000 người chết vì cuộc xung đột ở Syria

LHQ: Đã có hơn 191.000 người chết vì cuộc xung đột ở Syria

Chuacuuthe.com

VRNs (24.08.2014) – Sài Gòn – Reuters dẫn một báo cáo của LHQ cho biết hôm thứ Sáu, hơn 191.000 người đã thiệt mạng trong ba năm đầu tiên của cuộc nội chiến ở Syria.

Giám đốc cơ quan nhân quyền của LHQ cũng đã quở trách các quốc gia hàng đầu vì không ngăn chặn những cuộc xung đột trên thế giới mà bà cho là “thảm họa của con người hoàn toàn có thể tránh được.”

Theo hãng tin CNN nhận định trước đó, các cuộc khủng hoảng mới nổi lên ở Trung Đông và Đông Ukraine đang làm phân tán sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với Syria, một trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất lịch sử.

Xét về quy mô và mức độ ác liệt, cuộc xung đột ở Syria hơn hẳn các cuộc xung đột khác đang xảy ra ở Trung Đông và Ukraine. Cuộc xung đột này được bắt đầu với các cuộc biểu tình ôn hòa chống lại chế độ Tổng thống Bashar al-Assad vào tháng 3 năm 2011.

Cao ủy Nhân quyền của LHQ Navi Pillay cho biết, tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột ở Syria, bao gồm chính phủ, quân đội, cảnh sát, các chiến binh Hồi giáo và các nhóm đối lập khác, vẫn đang vi phạm tội ác chiến tranh.

140823015

Trước đó trong một tuyên bố, bà Pillay kêu gọi các cường quốc “có biện pháp nghiêm túc để ngăn chặn cuộc chiến và ngăn chặn những tội ác” đã quá lâu bằng cách “ngừng cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự khác.”

Báo cáo từ văn phòng Geneva của bà dựa trên dữ liệu từ bốn nhóm phiến quân và chính phủ Syria. Họ đã kiểm tra chéo để loại bỏ sự trùng lặp và không chính xác, bao gồm cả các trường hợp tử vong không do bạo động hoặc nạn nhân sau đó được tìm thấy vẫn còn sống.

Báo cáo cho biết, ít nhất có 191.369 người đã thiệt mạng trong ba năm xung đột ở Syria, riêng năm ngoái đã có khoảng 62.000 người – cả dân thường và chiến binh – đã thiệt mạng.

Bà Pillay nói thêm, con số này đã tăng hơn gấp hai lần số người thiệt mạng trong tài liệu hôi năm trước và có lẽ vẫn còn là một ước tính thấp.

Phát ngôn viên Rupert Colville của bà Pillay còn cho biết trong một cuộc họp báo ở Geneva, có khoảng 5.000 đến 6.000 người bị giết hàng tháng.

Số lượng các vụ giết người được ghi nhận cao nhất ở ngoại ô tỉnh Damascus, Aleppo và Homs.

Pv.VRNs lược dịch

Macao tổ chức trưng cầu dân ý đòi dân chủ

Macao tổ chức trưng cầu dân ý đòi dân chủ

RFI

Lãnh đạo hành pháp Macao không do dân bầu trực tiếp, mà do một ủy ban 400 đại cử tri thân Bắc Kinh, đề cử - DR

Lãnh đạo hành pháp Macao không do dân bầu trực tiếp, mà do một ủy ban 400 đại cử tri thân Bắc Kinh, đề cử – DR

Tú Anh

Sau Hồng Kông, đến lượt người dân Macao thách thức Bắc Kinh. Kể từ hôm nay chủ nhật 24 đến thứ bảy 30/08/2014, các nhóm dân chủ Macao tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý bán chính thức, động viên 640.000 dân địa phương đòi Trung Quốc chấp nhận quyền tự do lựa chọn người lãnh đạo trong cuộc bầu cử 2019.

Cũng như Hồng Kông từ năm 1997, Macao là nhượng địa cũ do Bồ Đào Nha trao trả cho Trung Quốc vào năm 1999. Macao được hưởng quy chế chính trị khác với Hoa lục. Cũng như Hồng Kông, quyền tự do phát biểu tại Macao được pháp luật bảo đảm nhưng lãnh đạo hành pháp không do dân bầu trực tiếp mà qua sự « đề cử » của một ủy ban 400 đại cử tri thân Bắc Kinh.

Các nhóm dân chủ muốn chấm dứt tình trạng bất công này. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Jean Scheubel phân tích :

Cuộc trưng cầu dân ý,bị chính quyền Macao tuyên bố « phi pháp », không có đủ trọng lượng như cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6 tại Hồng Kông. Những người chủ xướng muốn lập ra những phòng phiếu nhưng tư pháp Macau không chấp thuận. Do vậy, các thành viên tổ chức lấy ý kiến dân chúng ngay trên đường phố với máy điện toán cầm tay thay thế thùng phiếu và lá phiếu.

Câu hỏi như sau : lãnh đạo hành pháp, nhân vật số một của Macao cần phải được bầu theo lối phổ thông và trực tiếp hay không ? Cho đến bây giờ, việc chọn lãnh đạo hành pháp Macao diễn ra theo lối gián tiếp. Một ủy ban bầu cử gồm 400 ủy viên phát xuất từ giới nghề nghiệp hay xã hội chỉ định. Theo các nhà dân chủ thì để công bằng, tất cả công dân Macao đều phải được quyền bỏ phiếu.

Cách Macao 30 cây số, Hồng Kông đã được Bắc Kinh « hứa » cho phép từ năm 2017. Nhưng ở Macao, không một dự án cải cách chính trị nào được dự kiến. Cũng phải nhìn nhận rằng Macao nhỏ hơn Hồng Kông, chỉ bằng một phần bốn mươi diện tích và chỉ bằng 1/13 dân số. Sự nghi ngờ của công luận đối với chính quyền cũng ít hơn và Bắc Kinh chưa bao giờ bị áp lực mạnh.

Kết quả trưng cầu dân ý tại Macao sẽ được công bố vào ngày 31/08/2014, ngày bầu chủ tịch hành pháp Macao mà ứng cử viên duy nhất không ai khác hơn là chủ tịch mãn nhiệm Fernando Chui.

Cảnh sát Macau trấn dẹp cuộc biểu tình trưng cầu dân ý

RFA

24-08-2014

Bốn người bị bắt giữ tại Macau sáng nay khi cảnh sát ra tay trấn dẹp một cuộc trưng cầu dân ý bắt đầu hôm nay và dự định kết thúc vào ngày 30/8 tới đây.

Một trong những người tổ chức là ông Jason Chao nói rằng cảnh sát đã tịch thu các thiết bị như ipad mà người ta dùng để bỏ phiếu trên mạng.

Cảnh sát Macau chưa xác nhận tin này.

Các nhà hoạt dân chủ định tổ chức cuộc trưng cầu dân ý này nhằm hỏi ý kiến người dân về mô hình bầu người đứng đầu ngành hành pháp ở cựu thuộc địa Bồ Đào Nha này.

Hồi 2h ngày hôm nay những nhà tổ chức cho hay đã có 1300 người bỏ phiếu. Nhưng sau khi nhà cầm quyền ngăn chận như thế không rõ là cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tiếp tục hay không.

Văn phòng đại diện của Hoa lục ra tuyên bố nói rằng cuộc trưng cầu dân ý là bất hợp pháp và không có giá trị.

Macau được trao trả về cho TQ vào năm 1999 và giống như Hồng Kong, người đại diện lãnh thổ này được một ủy ban gồm nhiều người thân Hoa lục chọn ra.

Hồi tháng năm 2000 người dân Macau đã xuống đường chống lại một đạo luật cho phép các bộ trưởng của chính phủ giữ nhiều quyền lợi sau khi về hưu.

Ở cựu thuộc địa Anh Hong kong thì cũng đã diễn ra một cuộc trưng cầu dân ý tương tự vào tháng sáu năm nay có đến gần 800,000 người tham gia.

 

Trung Quốc : Một tử tù được trả tự do sau sáu năm chờ bị hành quyết

Trung Quốc : Một tử tù được trả tự do sau sáu năm chờ bị hành quyết

RFI

Tử tù Niệm Bân vừa được trả tự do ngày 22/08/2014.

Tử tù Niệm Bân vừa được trả tự do ngày 22/08/2014.

DR

Thụy My

Bị kết án tử hình cách đây sáu năm vì tội giết hai người, một tù nhân Trung Quốc hôm nay 22/08/2014 được tòa án kết luận vô tội. Đây là trường hợp hiếm hoi được trắng án, và theo các tổ chức phi chính phủ, đã cho thấy những bất hợp lý trong hệ thống tư pháp nước này.

Tù nhân Niệm Bân (Nian Bin), vào thời điểm đó là chủ một quầy hàng trên đường phố, bị kết tội đã đầu độc hai trẻ em láng giềng, bị chết vì thuốc chuột. Năm 2008 ông bị kết án tử hình, và bị giam giữ từ đó đến nay.

Nhiều đơn kháng án đã bị bác, các luật sư của bị cáo nhấn mạnh đến việc thiếu chứng cớ và khẳng định công an đã tra tấn để bức cung. Mãi đến hôm nay, tòa án Phúc Kiến mới công nhận bị cáo vô tội. Ra lệnh trả tự do cho Niệm Bân, năm nay 38 tuổi, tòa án giải thích : « Không có bất kỳ bằng cớ nào trong vụ này có thể kiểm tra được một cách thỏa đáng ».

Việc được trắng án như vậy là điều hết sức hiếm hoi tại Trung Quốc, quốc gia có chế độ tư pháp được đảng Cộng sản kiểm soát chặt chẽ. Trên 99,9% nghi can phải ra tòa năm ngoái đều bị lãnh án, theo các thống kê chính thức.

Số vụ hành quyết hàng năm tại Trung Quốc được giữ bí mật, nhưng theo một số ước tính độc lập thì khoảng 3.000 tử tù đã bị thi hành án trong năm 2012, cao hơn tất cả các quốc gia trên thế giới cộng lại. Các tổ chức phi chính phủ nhấn mạnh, việc sử dụng vũ lực để bức cung và các thủ tục vội vã của công an thường dẫn đến nhiều trường hợp oan sai.

Luật sư Tư Vĩ Giang (Si Weijiang) của ông Niệm trên một tiểu blog cho biết : « Chúng ta có thể hy vọng trường hợp Niệm Bân được trắng án sẽ giúp nhiều bản án bất công khác được xem xét lại ». Ông nhấn mạnh đến những khổ nhọc của gia đình tù nhân này trong suốt sáu năm trời.

Tổ chức Amnesty International hoan nghênh việc trả tự do cho Nian, trong lúc vẫn cho đây là «một lời cảnh báo mới, và sự cần thiết phải chấm dứt tất cả các vụ hành quyết, bãi bỏ án tử hình trên toàn quốc ».

Đã rất nhiều làn báo chí Trung Quốc loan tải các trường hợp tử tù được nhìn nhận là vô tội sau khi đã hành quyết xong, đôi khi do nạn nhân bị cho là do họ sát hại lại được phát hiện vẫn còn sống khỏe.

Tháng 11/2013, Trung Quốc đã hứa hẹn sẽ rút bớt các tội danh có khung hình phạt tử hình. Các cải cách năm 2007 cũng đòi hỏi mọi bản án tử hình phải được Tòa án tối cao chuẩn y, nhờ đó các vụ hành quyết đã giảm hẳn, theo một số tổ chức phi chính phủ.

Nhân viên cứu trợ Mỹ xuất viện sau khi khỏi bệnh Ebola

Nhân viên cứu trợ Mỹ xuất viện sau khi khỏi bệnh Ebola

Bác sĩ Kent Brantly và bà Nancy Writbol đã được điều trị khỏi bệnh Ebola tại bệnh viện Emery ở Atlanta.

Bác sĩ Kent Brantly và bà Nancy Writbol đã được điều trị khỏi bệnh Ebola tại bệnh viện Emery ở Atlanta.

21.08.2014

Một trong hai nhân viên cứu trợ người Mỹ bị nhiễm virus Ebola hôm nay đã xuất viện ở Atlanta.

Một nhóm cứu trợ cho hay bác sĩ Kent Brantly đã hồi phục hoàn toàn.

Bệnh viện Emery, nơi bác sĩ Kent Brantly và bà Nancy Writebol được chữa trị cho dùng thuốc thử nghiệm ZMapp, dự định mở cuộc họp báo hôm nay để loan báo về trường hợp của hai nhân viên cứu trợ này.

Hai người mắc phải Ebola trước đây trong tháng khi công tác tại Liberia, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất bởi đợt bùng phát dịch Ebola tệ hại nhất từ trước tới nay.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết có 1.350 người đã thiệt mạng ở Tây Phi vì dịch bệnh này, trong đó có 576 ca tử vong từ Liberia.

Các giới chức Liberia đã chỉ thị cách ly hai  khu vực ngoại ô của thủ đô với hy vọng khống chế dịch bùng phát.

Khi người Việt là nạn nhân của thực phẩm Trung Quốc

Khi người Việt là nạn nhân của thực phẩm Trung Quốc

Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2014-08-19

08192014-hangtrungquoc-vh.mp3

000_Hkg2105311.jpg

Những phụ nữ Việt Nam đang vận chuyển trái cây Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh ở Bắc Lạng Sơn.

AFP photo

Những vụ tai tiếng về thực phẩm Trung Quốc có thể bắt gặp hàng ngày hàng giờ thượng vàng hạ cám từ trái cây, đồ ăn, trứng, sữa, thịt… cho tới gạo, muối, rượu, dầu ăn… nếu chỉ cần đánh cụm từ “hàng hóa độc hại của Trung Quốc” hay “đồ ăn bẩn của Trung Quốc” vào google, thì người ta có thể có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn những mặt hàng như: đậu phụ thối ngâm nước phân, dầu ăn tái chế từ nước thải, sữa gây sỏi thận, trứng gà làm từ cao su, nước tương làm từ tóc, bánh bao nhân giấy độc hại…

Quả thực dù trí tưởng tượng có giàu đến mấy, người ta cũng khó hình dung được sự độc hại và giả tạo mà nhiều sản phẩm của Trung Quốc làm ra không ngoài mục đích kiếm lời bất chính và sức khỏe của người tiêu dùng xếp xuống cuối bảng.

Nhưng điều trớ trêu thay là những đồ ăn, đồ uống “Made in China” ấy lại vẫn ngày đêm được tuồn ra thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài ngoại lệ. Chia sẻ vì sao người Việt không mặn mà với những đồ ăn hay trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc, chị Châu hiện đang sinh sống ở Sài Gòn cho biết:

Nói về mặt đồ ăn, tôi rất ngại khi mua sản phẩm đó, tất cả các loại không riêng gì loại trước khi chế biến hay là loại mua về mình phải chế biến, tất cả các sản phẩm đó rất ngại. Trước đây, mọi chuyện đối với tôi đơn giản thôi, có thể sản phẩm đó chỉ Trung Quốc mới có, còn các nước khác họ không có, nhưng sau này vì những thông tin đại chúng sản phẩm của Trung Quốc thường xuyên có những sự cố cho nên mình rất ngại, mình không biết sản phẩm mình mua có thật giống như người ta nói hay không.

Theo chị Châu không chỉ có chị và các thành viên trong gia đình chị nói “không” với đồ ăn Trung Quốc mà bè bạn tại công sở của chị cũng ngày càng có nhiều quay lưng lại với thực phẩm xuất xứ từ nước này.

” Bây giờ đi ra chợ khi chọn mua các sản phẩm rau củ quả trông rất là tươi ngon nhưng tôi không bao giờ mua đồ của Trung Quốc, bởi thực tế là họ rất hay ngâm tẩm các hóa chất độc hại để giữ cho hoa quả được lâu…
– Chị Kim”

Cũng giống với chị Châu, chị Uyên, một cô giáo dạy học đang sinh sống ở Sài Gòn cũng đồng tình với quan điểm “chỉ nghe thấy hàng của Trung Quốc là tránh”:

Kinh nghiệm của mình về chuyện sử dụng hàng Trung Quốc không tin cậy là vì chất lượng, thứ nhì là vì mình không thích họ nên mình cũng không dùng luôn. Trước đây mình sử dụng rất vô tư, trái cây mình ăn mình nghĩ là bổ còn bây giờ thì rất khác rồi, ăn mà rất đắn đo vì mình không biết là mình đang ăn cái gì.

Mình nghe nói quá nhiều về trái cây Trung Quốc, thành ra bây giờ tránh không mua, những thứ gì mình nghĩ có thể là của Trung Quốc là mình tránh không mua mặc dù trái cây không có ghi hẳn là của Trung Quốc hay không vì ở VN mình rất nhiều món không ghi xuất xứ, mình thấy có “nguy cơ” của Trung Quốc là mình không dám ăn. Trước đây có thể mua những thứ như nho cam lê còn bây giờ chỉ ăn những thứ của VN như mãng cầu, ổi… với lại đó là những thứ mình thấy chứ còn có rất nhiều thứ mình không thấy được thì biết làm sao?

Băn khoăn “không biết làm sao” của chị Uyên có lẽ cũng là những trăn trở của rất nhiều những người tiêu dùng phải nhắm mắt mà ăn vì thực phẩm, đồ ăn của Trung Quốc hầu như tràn lan khắp thôn cùng ngõ hẻm Việt Nam.

Mặc dù chưa có một số liệu thống kê nào cho thấy lượng hàng giả, hàng kém chất lượng hay độc hại Trung Quốc tác động đến sức khỏe cộng đồng thế giới nói chung và người Việt Nam nói riêng, nhưng những lời cảnh báo của chính giới chức tại Trung Quốc đã phần nào cho thấy rõ tính chất độc hại từ sản phẩm của nước họ. Phát biểu trên Nhân Dân Nhật Báo số ra tháng 4/2011, cựu thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo không ngần ngại cho rằng: “tất cả những vụ bê bối an toàn thực phẩm nghiêm trọng đủ để cho thấy sự suy giảm đạo đức và liêm chính trong kinh doanh đã trở thành vấn đề nghiêm trọng.” Trong khi đó một vị luật sư tại TQ lý giải nguyên do chính là tâm lý kiếm lời bằng bất kỳ giá nào và không cần quan tâm tới tác hại đến người tiêu dùng, đồng thời, ông này cũng chỉ ra đó là sự quản lý kém cỏi, thậm chí bất lực của chính phủ Hoa Lục.

Điều trớ trêu là những đồ ăn độc hại của Trung Quốc không chỉ Việt Nam hay các quốc gia khác phải hứng chịu, mà chính người dân của nước họ cũng đang phải đối đầu. Theo một kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu an toàn dược phẩm và thực phẩm Thượng Hải hồi năm 2012, có tới gần 75% chính người tiêu dùng bản địa Trung Quốc không yên tâm khi sử dụng thực phẩm của chính nước họ và gần 30% cho rằng đồ ăn được làm ra từ Trung Quốc “cực kỳ không an toàn.”

Phản ứng của người dân

Quay trở lại với câu chuyện trong nước, khi đặt câu hỏi “anh/hoặc chị sẽ phản ứng ra sao khi gặp thực phẩm của Trung Quốc?” chị Kim hiện đang sinh sống ở Hà Nội đánh giá:

Tôi bây giờ mà đi ra chợ khi chọn mua các sản phẩm rau củ quả trông rất là tươi ngon nhưng tôi không bao giờ mua đồ của Trung Quốc, bởi thực tế là họ rất hay ngâm tẩm các hóa chất độc hại để giữ cho hoa quả được lâu, nhiều khi thắp hương từ mùng một mà đến tận 12-13 mà hoa quả vẫn còn tươi nguyên, chứng tỏ họ phải ngâm tẩm các hóa chất, mà đã là hóa chất đưa vào cơ thể độc hại, cho nên tôi không bao giờ mua hoa quả của Trung Quốc, mặc dù rất đẹp mã.

Tuy nhiên, chị Kim cho rằng chuyện tránh mua hàng Trung Quốc của chị chỉ dựa trên đồn đãi và kinh nghiệm bản thân, chứ chị không cực đoan như nhiều bạn bè của chị, vì với họ dù “Made in China” ở bất kỳ thứ gì họ cũng không đụng tới.

Vậy lý do vì sao mà những hàng hóa độc hại, kém chất lượng của Trung Quốc vẫn có đất sống khi thâm nhập vào Việt Nam? Chị Châu nhận xét bởi giá thành các sản phẩm quá rẻ và dù đôi khi biết là độc hại, nhưng vì gia cảnh nghèo túng, nên người ta vẫn phải chấp nhận “nhắm mắt” mà mua:

” Nếu nhìn ra ngoài xã hội, bạn sẽ thấy rất nhiều người vẫn sử dụng và họ không có suy nghĩ đắn đo nào hết vì giá thành rất rẻ…
– Chị Châu”

Nếu nhìn ra ngoài xã hội, bạn sẽ thấy rất nhiều người vẫn sử dụng và họ không có suy nghĩ đắn đo nào hết vì giá thành rất rẻ, giá thành rẻ như vậy người ta mới có thể ăn được, mới có thể mua được, nếu cao cấp hơn người ta sẽ không mua nổi. Những người lao động ở đây nghèo lắm, không bao giờ người ta nghĩ là người ta mua được cho con họ một trái táo đâu, nhưng bây giờ bạn thấy đó, táo bây giờ được bầy bán tràn lan, 10 -20 ngàn một ký lô 4-5 trái, vậy người ta mới có cơ hội mua và họ ăn bình thường.

Tuy vậy, nếu nhìn sâu hơn vào vấn đề thì có lẽ để hàng bẩn, hàng độc của Trung Quốc có thể tồn tại được lại nằm ở hệ thống quản lý chất lượng từ cấp trung ương, kiểm duyệt chất lượng cho tới hệ thống phân phối và chính lương tâm người bán hàng tiếp tay ở các địa phương VN:

Tôi nghĩ là cơ quan quản lý trung ương của mình nói chung còn để có nhiều kẽ hở, hay trên cửa khẩu, bộ phận xuất nhập khẩu thì nhiều khi làm việc không thể sát sao hết được bởi lượng hàng vào, hàng ra xuất khẩu, nhập khẩu rất là nhiều cho nên nhiều khi họ làm việc không thể chỉn chu hết được. Thế rồi, đường thương lái tiểu ngạch cũng thế họ đưa hàng vào mà không qua kiểm duyệt. Tôi nói thật, ở bộ phận phân phối của mình, những người trực tiếp lấy hàng bán cho bà con nhân dân, có thể là siêu thị hay các nhà tiểu thương người ta chỉ bán những hàng có lợi nhuận cho họ thôi và làm cho chính những người tiêu dùng là nạn nhân vì sử dụng những hàng không tốt đưa vào cơ thể mình. Nói chung là chúng tôi rất là bất bình trong chuyện này.

Có lẽ vấn đề an toàn thực phẩm vẫn còn là những câu chuyện dài, chỉ biết rằng để tránh trở thành nạn nhân, người tiêu dùng chỉ còn cách tự bảo vệ mình và hãy nói “không” trước khi quá muộn.

Quân đội Kurdistan thông báo chiếm lại đập Mossul

Quân đội Kurdistan thông báo chiếm lại đập Mossul

RFI

Đập thuỷ điện Mossul, đã được quân Kurdistan chiếm lại ngày 17/8/2014.

Đập thuỷ điện Mossul, đã được quân Kurdistan chiếm lại ngày 17/8/2014.

AFP PHOTO/ HO / Welayat Nineveh Media Office

Tú Anh

Được không quân Mỹ yểm trợ, các cánh quân người Kurdistan đã tái chiếm đập thủy điện lớn nhất Irak. Tổng thống Mỹ thông báo với Quốc hội tiến hành các phi vụ oanh kích tại Irak. Anh Quốc cũng loan báo trợ giúp Irak « lâu dài và không chỉ giới hạn trong lãnh vực nhân đạo ». Chiến binh Hồi giáo cực đoan bị phản công tại nhiều nơi.

Đập thủy điện Mossul, nơi cung cấp nước và điện cho phần lớn lãnh thổ bắc Irak đã được lực lượng Kurdistan chiếm lại sau hai ngày phản công.

Trong những ngày gần đây, lực lượng thánh chiến Nhà nước Hồi giáo đánh bật quân đội Irak ra khỏi một số mục tiêu chiến lược như đập thủy điện Mossul và một số mỏ dầu hỏa. Kiểm soát được những nơi này, Nhà nước Hồi giáo có khả năng gây lũ lụt các thành phố hạ nguồn trong đó có thủ đô Bagdad hoặc cắt đứt nguồn điện lực làm tê liệt sinh hoạt của đông đảo dân chúng và chính phủ Irak cũng như các cơ quan ngoại giao quốc tế trong đó có sứ quán Mỹ.

Lập tức Tổng thống Mỹ ra lệnh cho Trung tâm hành quân tại Cận đông và Afghanistan yểm trợ cho lực lượng Kurdistan tái chiếm đập thủy điện Mossul. Nhà trắng thông báo với Quốc hội, chỉ trong hai ngày cuối tuần , máy bay Mỹ đã oanh kích 23 lần vào vị trí của phe thánh chiến.

Theo AFP, chính quyền Kurdistan cũng như phát ngôn viên quân đội Irak tuyên bố đập thủy điện chiến lược đã được « giải phóng ». Trên chiến trường, phe thánh chiến bị phản công tại nhiều nơi. Quân Kurdistan chiếm lại hai thành phố có đa số dân theo đạo Thiên chúa cách Mossul 30 cây số. đây là lần đầu tiên chiến binh Kurdistan tiến gần thành phố Mossul nơi bị phe thánh chiến cực đoan chiếm giữ từ tháng Sáu.

Phía tây Irak, trong tỉnh Al Anbar, lực lượng thánh chiến cũng bị một liên minh người theo hệ phái Suni, phối hợp với an ninh Irak, phản công và chiếm lại được khu vực phía tây của thủ phủ Ramadi.

Dường như tây phương bắt đầu một chiến dịch yễm trợ lâu dài cho lực lượng Kurdistan và cho quân đội Irak phản công trên bộ. Viếng thăm một đơn vị không quân trấn đống tại đảo Chypre trong vùng Địa Trung hải, bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon tuyên bố với các phi công và quân nhân của không lực Anh là Luân Đôn cùng Liên Hiệp Châu Âu quyết tâm ủng hộ chính phủ Irak tấn công loại khủng bố cực đoan của Nhà nước Hồi giáo. Nhiệm vụ này có thể kéo dài nhiều tháng và « không giới hạn ở lãnh vực trợ giúp nhân đạo ».