Gần phân nửa người giàu Trung Quốc muốn rời nước

Nghiên cứu: Gần phân nửa người giàu Trung Quốc muốn rời nước

15.09.2014

Gần một nửa số người giàu Trung Quốc dự định sẽ dọn đến nước khác sinh sống trong vòng 5 năm tới, theo một cuộc khảo sát mới của công ty quản lý tài sản và đầu tư Barclays.

Kết quả cuộc khảo sát hơn 2.000 cá nhân có tài sản ròng cao với tổng trị giá hơn 1,5 tỉ USD cho thấy 47% số người Trung Quốc được hỏi nói họ muốn dọn đi, so với mức trung bình toàn cầu là 29%.

Những lý do hàng đầu mà người Trung Quốc đưa ra là cơ hội giáo dục và việc làm tốt hơn cho con cái (78%), ổn định kinh tế và khí hậu trong lành (73%), và chăm sóc y tế và dịch vụ xã hội tốt hơn (18%). Hong Kong là điểm đến hàng đầu, kế đến là Canada.

Sau Trung Quốc, Singapore là nước thứ hai có nhiều người giàu mong muốn rời đi nhất. Người giàu ở Ấn Độ và Mỹ gắn bó với đất nước của mình nhất, chỉ có 5% và 6% số người được hỏi nói rằng họ sẽ di dời.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là điểm đến hàng đầu cho những người giàu Singapore, với 30% nói rằng họ muốn chuyển đến sống ở Trung Quốc.

Đến cuối năm 2014, châu Á sẽ trở thành thị trường lớn nhất khu vực về số lượng triệu phú. Barlays nói rằng châu Á đã sản sinh ra một thế hệ những người giàu muốn mình và con cái được hưởng nền giáo dục nước ngoài.

Tính di động xã hội cao hơn cũng khiến những cá nhân giàu có chịu dành tiền để hiến tặng khắp thế giới. Đầu tháng này, gia đình ông Gerald Chan, một nhà đầu tư Hong Kong từng theo học ở Đại học Harvard, đã hiến tặng 350 triệu USD cho Trường Y tế Công của Harvard, khoản quyên góp lớn nhất trong lịch sử 378 năm của trường đại học này.

Báo cáo của Barclays cũng cho biết đại đa số người được khảo sát, từng sống ở nhiều nước khác nhau trong cuộc đời họ, về hưu tại nước mà họ sinh ra. Dù thành công về kinh tế là động lực chính cho những người giàu có trong phần lớn quãng đời, cảm xúc và tâm lý là yếu tố chi phối trong giai đoạn sau của cuộc đời, báo cáo cho biết.

Nguồn: wealth.barclays.com, WSJ

500 dân di cư chết đuối gần Malta

500 dân di cư chết đuối gần Malta

Thứ ba, 16 tháng 9, 2014

Chính phủ Malta điều hải quân tham gia cứu trợ

Khoảng 500 người chết đuối sau khi tàu của họ bị tàu khác đâm phải gần Malta hồi tuần trước, theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM).

Hai người Palestine sống sót nói với tổ chức này rằng tàu của họ bị những kẻ buôn người chủ ý đánh chìm.

Họ cho hay chiếc tàu chở họ rời Damietta ở Egypt vào đầu tháng Chín,

IOM nói tại Địa Trung Hải trong năm nay có thể đã có tới hơn 2.500 người chết đuối.

Tin về vụ chìm tàu gần Malta được công bố trong khi có tin một tàu khác chở 250 người cũng chìm ở ngoài khơi Libya.

Trong vụ này, hơn 200 bị cho là thiệt mạng.

‘Giằng co trên tàu’

Người phát ngôn của IOM Christiane Berthiaume nói hai người sống sót trên chiếc tàu chìm ở Malta được cứu lên hôm thứ Năm, một ngày sau tai nạn.

Họ cho biết những kẻ buôn người đã đâm vào tàu chở họ sau khi có giằng co dữ dội trên tàu.

IOM nói tổng cộng có chín người sống sót.

Trên chiếc tàu có người Syria, Palestine, Ai Cập và Sudan.

Tai nạn tàu chở di dân

  • Tháng 3/2009: hơn 200 di dân châu Phi chết chìm ngoài khơi Libya
  • Tháng 10/2013: 366 người, đa số từ Eritrea, chết khi tàu của họ bốc cháy và chìm gần Lampedusa
  • Tháng 8/2014: khoảng 170 người bị cho là chết trong tai nạn tàu ngoài khơi Libya

Các hành khách, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em, được ra lệnh chuyển sang một chiếc tàu khác nhỏ hơn và thiếu an toàn hơn. Khi họ từ chối, những kẻ buôn người đã đánh chìm tàu lớn, theo lời các nhân chứng.

Giới chức Malta chưa đưa ra bình luận gì về vụ tai nạn.

Liên Hiệp Quốc nói hơn 130.000 di dân đã đi thuyền tới châu Âu trong năm nay, tăng hơn nhiều từ con số 80.000 năm ngoái. Italy tiếp nhận hơn 118.000 người di cư.

Nhiều người tìm cách sang châu Âu từ Bắc Phi và Trung Đông trên những chiếc tàu không an toàn và chật chội.

Nhân viên LHQ Andrej Mahecic nói với BBC rằng hơn một nửa số người trên là dân tỵ nạn từ Syria và Eritrea.

Đài Loan không từ bỏ đường lưỡi bò ở Biển Đông

Đài Loan không từ bỏ đường lưỡi bò ở Biển Đông

Bản đồ yêu sách lãnh hải tại biển Đông, trong đó đường lưỡi bò theo yêu sách của Trung Quốc cũng như Đài Loan (vạch đỏ).

Bản đồ yêu sách lãnh hải tại biển Đông, trong đó đường lưỡi bò theo yêu sách của Trung Quốc cũng như Đài Loan (vạch đỏ).

eia.doe.gov

Thanh Hà

Vài giờ sau khi cựu đại diện Hoa Kỳ tại Đài Bắc kêu gọi Đài Loan từ bỏ bản đồ 9 đoạn, bộ Ngoại giao Đài Loan hôm qua (13/09/2014) đã bác bỏ lời khuyên nói trên và khẳng định chủ quyền của Đài Loan ở Biển Đông.

Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Đài Loan bà Anna Kao đã nhấn mạnh : Các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Bãi Macclesfield, quần đảo Đông Sa và hải phận chung quanh các khu vực này là những vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của Đài Loan « xét về mặt lịch sử, địa lý và luật pháp quốc tế ».

Đài Bắc phản ứng như trên sau lời kêu gọi của cựu đại diện ngoại giao Hoa Kỳ tại Đài Loan, William Stanton. Tham dự hội thảo về An ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương và sự quay trở lại của Mỹ, nhà ngoại giao Hoa Kỳ này khuyên Đài Loan không nên căn cứ vào bản đồ đường lưỡi bò 9 đoạn để đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông. Ông cũng khuyên Đài Bắc nên giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, đặc biệt là căn cứ trên Luật biển của Liên Hiệp Quốc.

Dự hội thảo tại Đài Loan, cựu đại diện ngoại giao Hoa Kỳ nói thêm là Washington cũng đã đưa ra kêu gọi tương tự với chính quyền Bắc Kinh để khuyến khích Trung Quốc từ bỏ việc đòi hỏi chủ quyền đối với hơn 80 % diện tích ở Biển Đông.

Đối với những tranh chấp về nghề đánh bắt cá, ông Stanton cho rằng Đài Bắc nên tận dụng phương pháp giải quyết căng thẳng như những gì đã đạt được với Nhật Bản và Philippines. Sau cùng nhà ngoại giao Mỹ nhìn nhận là Washington cần giúp đỡ Đài Loan, quan trọng nhất thuyết phục Thượng Viện phê chuẩn Công uớc Quốc tế Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và khuyến khích Đài Bắc tham gia Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP.

IS ‘hành quyết con tin người Anh’

IS ‘hành quyết con tin người Anh’

Chủ nhật, 14 tháng 9, 2014

Ông David Haines bị bắt cóc khi đang cứu trợ nhân đạo ở Syria

Nhà nước Hồi giáo (IS) vừa tung ra một đoạn video cho thấy dường như họ đang chặt đầu một con tin người Anh.

David Haines, 44 tuổi đến từ thành phố Perth của Úc, một nhân viên của một tổ chức cứu trợ của Pháp, bị bắt có ở Syria hồi năm 2013.

Ông bị các chiến binh của Nhà nước Hồi giáo, những kẻ đã hành quyết hai nhà báo Mỹ, giam giữ.

Đoạn video cũng đưa ra lời đe dọa họ sẽ hành quyết con tin người Anh thứ hai.

Thủ tướng Anh David Cameron đã lên án vụ hành quyết này là ‘chỉ là hành động độc ác’.

Ông Cameron thề sẽ làm mọi việc có thể để truy lùng thủ phạm.

‘Cả gia đình thương yêu’

Gia đình ông Haines nói họ sẽ rất nhớ ông.

Trong một thông cáo do Bộ Ngoại giao Anh đưa ra, ông Mike Haines, em trai nạn nhân, mô tả ông được ‘cả gia đình thương yêu’.

David Haines là cha của hai đứa con.

“David tích cực nhất và nhiệt thành nhất trong công tác cứu trợ nhân đạo. Niềm vui và những mong đợi trong công việc mà ông làm ở Syria đối với tôi và gia đình là điều quan trọng nhất trong tất cả sự việc đau buồn này.”

Mike Haines, em trai Daivd Haines

“David tích cực nhất và nhiệt thành nhất trong công tác cứu trợ nhân đạo. Niềm vui và những mong đợi trong công việc mà ông làm ở Syria đối với tôi và gia đình là điều quan trọng nhất trong tất cả sự việc đau buồn này,” ông Mike Haines chia sẻ.

Thủ tướng Cameron sẽ chủ trì một cuộc họp khẩn cấp. Ông nói việc sát hại một nhân viên cứu trợ vô tội là ‘kinh hoàng và hèn hạ’.

“Đây là một hành động độc ác. Trái tim tôi hướng đến gia đình của David Haines. Họ đã thể hiện lòng can đảm và sự ngoan cường phi thường trong hoàn cảnh khó khăn này,” ông Cameron nói.

“Chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng để truy lùng những kẻ sát nhân này và đảm bảo rằng chúng sẽ đối mặt với công lý dù có mất bao lâu đi nữa,” ông nói thêm.

Kẻ hành quyết dường như nói đặc giọng Anh

Bộ Ngoại giao Anh đang kiểm chứng đoạn băng trên vốn được tung ra vào tối thứ Bảy ngày 13/9.

Đoạn băng bắt đầu với cảnh ông Cameron và sau đó là một người đàn ông trông giống như David Haines mặc áo thụng màu cam đang quỳ trước mặt một kẻ đeo mặt nạ tay cầm dao.

Nạn nhân nói trong đoạn băng: “Tôi tên là David Cawthorne Haines. Tôi muốn tuyên bố rằng tôi buộc ông, David Cameron, phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho cái chết của tôi.”

Ông nói ông Cameron đã tham gia vào liên minh với Mỹ chống lại Nhà nước Hồi giáo ‘cũng như người tiền nhiệm của ông là Tony Blair’.

“Điều bất hạnh là chúng ta, những người dân Anh, cuối cùng phải trả giá cho những quyết định ích kỷ của chính quyền chúng ta,” ông nói.

Cộng đồng Hồi giáo lên tiếng

Nhà nước Hồi giáo muốn các nước phương Tây ngừng can thiệp

Kẻ đeo mặt nạ trong đoạn băng, dường như là nói giọng Anh, nói: “Người đàn ông Anh này phải trả giá cho việc ông, Cameron, ông đã hứa sẽ vũ trang cho quân đội Peshmerga (của người Kurd) chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi giáo.”

Anh quốc đã viện trợ súng máy và khí tài cho chính quyền Iraq để giúp họ chiến đấu với IS, Bộ Quốc phòng Anh cho biết.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: “Trái tim chúng tôi hướng về gia đình của David Haines và đến người dân Anh.”

Trong một thông cáo ông nói Mỹ sẽ phối hợp với Anh cũng như ‘một liên minh rộng rãi các nước’ để ‘đưa những kẻ thủ ác ra trước công lý’.

“Đêm nay Mỹ sát cánh cùng người bạn thân thiết và đồng minh của chúng ta trong nỗi đau buồn nhưng kiên quyết,” ông nói.

“Người đàn ông Anh này phải trả giá cho việc ông, Cameron, ông đã hứa sẽ vũ trang cho quân đội Peshmerga (của người Kurd) chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi giáo.”

Kẻ đeo mặt nạ nói trong đoạn băng hành quyết

Ông Ed Miliband, lãnh đạo Đảng Lao động đối lập, nói ông ‘kinh tởm trước vụ sát hại tàn bạo và ghê tởm’ ông Haines.

Ông Qari Asim, giáo sỹ ở thánh đường Hồi giáo Makkah ở thành phố Leeds, nói: “Tấn công vào công dân Anh là tấn công vào nước Anh và chúng tôi lên tiếng với tư cách là một cộng đồng đoàn kết lên án các hành động của bọn khủng bố Isis.”

Ông Sayed Ali Abbas Razawi của cộng đồng Majlis-e-Ulama đại diện cho đa số người Hồi giáo dòng Shia ở Anh và châu Âu nói rằng các chiến binh IS đang núp đằng sau ‘sự giải thích sai về đạo Hồi’ và mô tả những chiến binh này là ‘kẻ ác và kẻ tội phạm’.

Ông Haines bị bắt làm con tin ở làng Atmeh thuộc tỉnh Idlib của Syria hồi tháng Ba năm 2013.

Khi đó ông đang giúp cho tổ chức Acted của Pháp phân phát hàng cứu trợ nhân đạo. Trước đó, ông đã trợ giúp người dân ở Libya và Nam Sudan.

Đoạn băng hành quyết được tung ra chỉ vài giờ sau khi gia đình ông trực tiếp kêu gọi IS hãy liên lạc với họ.

Xin xem thêm:

Một nhân viên thiện nguyện Anh quốc bị ISIS cắt đầu (báo Nguoi-viet.com)

WHO: ‘Số vụ quyên sinh phái Nam cao gấp 3 lần phái nữ ở VN’

WHO: ‘Số vụ quyên sinh phái Nam cao gấp 3 lần phái nữ ở VN’

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Margaret Chan nói rằng phúc trình này là một lời kêu gọi phải hành động để giải quyết một vấn đề y tế công quan trọng

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Margaret Chan nói rằng phúc trình này là một lời kêu gọi phải hành động để giải quyết một vấn đề y tế công quan trọng

05.09.2014

Tổ chức Y tế Thế giới, WHO, vừa công bố một phúc trình đầu tiên của tổ chức này về nạn tự tử và cách thức phòng chống, nói rằng hơn 800,000 người đã chết vì tự tử mỗi năm, nói cách khác là cứ 40 giây lại có một người tự tử trên thế giới.

Phúc trình của Tổ chức Y tế Thế giới còn cho hay là khoảng 75% các vụ quyên sinh xảy ra tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Báo Thanh niên hôm nay cũng trích dẫn phúc trình của Tổ chức Y tế Thế giới nói rằng con số đàn ông Việt Nam tự tử cao gấp 3 lần phụ nữ. Tờ báo nói rằng nói chung, các vụ quyên sinh tại Việt Nam đã giảm hơn 12% trong giai đoạn từ năm 2000 tới năm 2012.

Con số phụ nữ Việt Nam tự tử giảm 20% trong cùng kỳ. Theo báo Thanh niên, nguyên nhân chính dẫn đến quyết định tự tử là do các vụ xung đột trong gia đình, cũng như những khó khăn trong cuộc sống, nghề nghiệp và tình yêu.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ đàn ông chết vì tự tử nhiều hơn phụ nữ gấp 3 lần cũng xảy ra tại các nước giàu có. Thành phần đặc biệt có nguy cơ quyên sinh cao là đàn ông từ 50 tuổi trở lên.

Trên thế giới, khu vực nơi xảy ra nhiều vụ quyên sinh nhất là Đông Nam Á, trong khi Ấn Độ là nơi có số tự tử cao nhất trong năm 2012.

Tổng giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới Margaret Chan được trích lời nói rằng “Phúc trình này là một lời kêu gọi phải hành động để giải quyết một vấn đề y tế công quan trọng vốn từ lâu đã bị coi là một đề tài cấm kỵ.”

Phúc trình này được Tổ chức Y tế Thế giới công bố trước Ngày Phòng Chống Tự Tử Thế giới, rơi vào ngày 10 tháng 9 hàng năm.

Nguồn: WHO, Thanh Nien, AFP

Định chế Lạt Ma hóa thân ‘‘đã hết thời’’

Định chế Lạt Ma hóa thân ‘‘đã hết thời’’

Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh đạo tinh thần Tây Tạng.

Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh đạo tinh thần Tây Tạng.

Reuters

Trọng Thành

Trả lời báo Đức, ngày 07/09/2014, lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, tuyên bố ông muốn là nhà lãnh đạo tâm linh cuối cùng của định chế Lạt Ma hóa thân. Việc từ bỏ định chế Lạt Ma hóa thân có thể là một giải pháp cho phép Tây Tạng gia tăng dân chủ hóa và thoát khỏi ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Nói chuyện với báo Đức « Welt am Sonntag », ấn bản Chủ nhật của nhật báo « Die Welt », Đức Đạt Lai Lạt Ma nói : « Định chế Đạt Lai Lạt Ma tồn tại đã gần 5 thế kỷ. Truyền thống này có thể chấm dứt với vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 rất được yêu mến ». Theo lời thuật của tờ báo, với nụ cười, lãnh tụ Tây Tạng 79 tuổi giải thích : « Giả như vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 15 xuất hiện và gây ảnh hưởng xấu trên cương vị này, thì toàn bộ định chế Đạt Lai Lạt Ma sẽ bị khinh rẻ ».

Giải Nobel Hòa bình hiện đang sống lưu vong nhấn mạnh : « Định chế Đạt Lai Lạt Ma quan trọng chủ yếu vì (nắm được) quyền lực chính trị. Trong khi đó, tôi đã hoàn toàn từ bỏ quyền lực vào năm 2011, lúc tôi quyết định về nghỉ ». Ông khẳng định rõ : « Định chế Đạt Lai Lạt Ma đã hết thời ».

Theo nhiều nhà quan sát, ngay từ những năm 1990, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 Tenzin Gyatso đã có những bước chuẩn bị để « dân chủ hóa » triệt để định chế chính trị-tâm linh của chính quyền Tây Tạng lưu vong, đặc biệt với việc để cho cộng đồng bầu ra nhà lãnh đạo chính trị, tách sinh hoạt tôn giáo khỏi hoạt động chính trị. Tháng 3/2011, Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 chính thức từ bỏ cương vị lãnh đạo chính trị.

Định chế tiếp nối quyền lực chính trị và tôn giáo tại Tây Tạng thông qua sự hóa thân của Đạt Lai Lạt Ma qua các thế hệ bắt đầu vào khoảng thế kỷ XVII, khi Tây Tạng còn phụ thuộc vào đế chế Mông Cổ. Đứng đầu định chế này là Đạt Lai Lạt Ma, người nắm cả quyền hành thế tục lẫn uy quyền tâm linh. Tuy nhiên, một nhân vật quan trọng có vai trò quyết định trong quá trình này là Ban Thiền Lạt Ma. Đây chính là người lãnh đạo cuộc tìm kiếm một « hóa thân » mới của Đạt Lai Lạt Ma, sau khi « hóa thân » trước qua đời.

Năm 1995, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã chỉ định một cậu bé 6 tuổi làm hóa thân thứ 11 của Ban Thiền Lạt Ma, nhằm chuẩn bị trước cho việc tìm người kế vị. Tuy nhiên, chỉ ba ngày sau, chính quyền Trung Quốc đã bắt cóc người được chỉ định. Cũng cùng năm đó, Bắc Kinh chọn một cậu bé khác (cùng tuổi và cùng làng với cậu bé kể trên) làm Ban Thiền Lạt Ma tương lai. Theo chính quyền Trung Quốc, ông Gyancain Norbu được coi là Ban Thiền Lạt Ma « chính thức » thứ 11 của Tây Tạng. Tuy nhiên, Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng không thừa nhận người này.

Tháng 07/2011, trả lời phỏng vấn của kênh truyền thông NBC Hoa Kỳ, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, đã tuyên bố sẽ đích thân chủ trì việc lựa chọn người kế nhiệm. Tiếp đó, trong chuyến công du Úc hồi tháng 6/2013, Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố không loại trừ khả năng một vị nữ tu kế vị.

Tuyên bố hôm qua của nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng càng khẳng định thêm ông muốn từ bỏ hẳn một truyền thống xa xưa của dân tộc mình, để mở cửa cho quá trình dân chủ hóa và cũng là cách để thoát hoàn toàn khỏi ảnh hưởng của Bắc Kinh, muốn tiếp tục dùng truyền thống « lạt ma hóa thân » chi phối người Tây Tạng.

Chấm dứt truyền thống Lạt Ma hóa thân không có nghĩa là chấm dứt các truyền thông tâm linh Tây Tạng nói chung. Năm 2012, báo chí từng đăng tải phát biểu của Đức Đạt Lai Lạt Ma, theo đó, nhiều sư tăng trẻ tuổi có thể trở thành các lãnh đạo tâm linh của Phật giáo Tây Tạng.

Sinh viên Hong Kong kêu gọi bãi khóa

Sinh viên Hong Kong kêu gọi bãi khóa

Thứ sáu, 5 tháng 9, 2014

Nhóm lãnh đạo sinh viên đã họp bên bản sao tượng Nữ thần Dân chủ đặt trong khuôn viên trường Đại học Hong Kong

Hội sinh viên Đại học Hong Kong vừa ra lời kêu gọi, theo đó thúc giục sinh viên ở vùng lãnh thổ này xuống đường biểu tình phản đối các kế hoạch cải tổ chính trị hạn chế của Trung Quốc đối với Hong Kong.

Bắc Kinh gần đây đã ra quyết định khước từ việc trao cho Hong Kong quyền thực hiện bầu cử phổ thông đầu phiếu thực sự.

Lời kêu gọi nêu ra ba điểm. Thứ nhất, các công dân phải được quyền đề cử ứng viên cho kỳ bầu cử người đứng đầu đặc khu hành chính này vào năm 2017.

Thứ nhì, Hội sinh viên nói Hội đồng Lập pháp cần phải bác bỏ kế hoạch bầu cử không đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ ba, cần phải áp dụng các bầu cử phổ thông đầu phiếu bắt đầu từ kỳ bầu chọn Hội đồng Lập pháp trong năm 2016.

Lời kêu gọi của Hội sinh viên thúc giục các giáo viên hãy ủng hộ sinh viên trong hoạt động bãi khóa bằng các hình thức không trừng phạt sinh viên, kết hợp hoạt động với các giáo viên công và thậm chí hãy cùng tham dự vào hoạt động của sinh viên.

Hơn 200 sinh viên từ Đại học Hong Kong đã đồng ý sẽ bắt đầu tẩy chay lớp học trong vòng một tuần, bắt đầu từ 22/9.

“Chúng tôi bãi khóa như một hình thức đưa ra tối hậu thư cho chính quyền, để họ lắng nghe ý kiến của chúng tôi”

Chủ tịch Hội sinh viên Đại học Hong Kong, Yvonne Leung

Quyết định của Hội sinh viên được đưa ra trong lúc một nhà tài trợ tài chính lớn cho phong trào dân chủ muốn chiếm lĩnh các đường phố tại Hong Kong nói việc cắt bỏ cột báo lâu đời của ông là vì động cơ chính trị.

Các nhà hoạt động tại vùng cựu thuộc địa của Anh nói hy vọng của họ về một nền dân chủ thực sự đã bị nghiền nát sau tuyên bố của Trung Quốc hôm Chủ Nhật, theo đó nói vị lãnh đạo tiếp theo của thành phố sẽ được chọn lựa từ danh sách do một ủy ban thân Bắc Kinh đưa ra.

Liên minh các nhóm dân chủ nói họ quyết thực hiện một “kỷ nguyên bất tuân dân sự” để chống lại quyết định trên, và kêu gọi người dân Hong Kong hãy phong tỏa các đường phố chính ở khu quận tài chính trong thành phố.

Lời kêu gọi bãi khóa của Hội sinh viên tuy nhiên sẽ vẫn cần phải được sự thông qua của các nhóm sinh viên và các hội sinh viên vào hôm thứ Bảy này, các lãnh đạo nhóm nói.

“Chúng tôi bãi khóa như một hình thức đưa ra tối hậu thư cho chính quyền, để họ lắng nghe ý kiến của chúng tôi,” chủ tịch Hội sinh viên Đại học Hong Kong Yvonne Leung nói với hãng tin AFP.

Sinh viên từ Đại học Hong Kong đã họp tại nơi đặt bức tượng sao chép “Nữ thần Dân chủ” đặt tại khu học xá của trường, biểu tượng nhắc nhở mọi người nhớ tới phong trào do sinh viên dẫn đầu tại Bắc Kinh đã bị đàn áp tàn nhẫn hồi 25 năm trước.

Bức tượng gốc vốn được chọn làm nơi tụ tập của những người đòi dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn đã bị phá hủy trong cuộc đàn áp.

Trung Quốc mở tuyến du lịch mới tới Hoàng Sa

Trung Quốc mở tuyến du lịch mới tới Hoàng Sa

03-09-2014

Tàu du lịch Coconut Princess

Tàu du lịch Coconut Princess của Trung Quốc

Source sanya.hinews.cn

Trung Quốc vừa bắt đầu khai thác một tuyến đường du lịch mới tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hôm 2/9, Reuters dẫn tin từ Tân Hoa Xã cho hay.

Con tàu du lịch Coconut Princess bắt đầu chuyến hành trình 4 ngày từ thành phố Tam Á, thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Quốc, tới Hoàng Sa hôm qua. Các du khách sẽ thăm ba hòn đảo ở đây, chơi bóng chuyện, bơi lặn, câu cá và chụp ảnh cưới.

Tháng 4 năm ngoái, Trung Quốc mở tuyến đường du lịch từ Hải Khẩu, cũng ở Hải Nam, tới Hoàng Sa. Tuyến Tam Á – Hoàng Sa được cho là ngắn hơn và sẽ thay thế.

Tháng trước, Trung Quốc cho biết sẽ xây hải đăng ở 5 đảo nhỏ trên Biển Đông, bao gồm bán đảo Hoàng Sa.

Việt Nam và Trung Quốc vốn căng thẳng về những tranh chấp trên Biển Đông, nơi Trung Quốc khẳng định chủ quyền tới 90% bao gồm quần đảo Hoàng Sa.

Phản ứng về việc nhóm Nhà Nước Hồi Giáo chặt đầu nhà báo Mỹ Sotloff

Phản ứng về việc nhóm Nhà Nước Hồi Giáo chặt đầu nhà báo Mỹ Sotloff

Ảnh ký giả Steven Sotloff trích từ video

Ảnh ký giả Steven Sotloff trích từ video

02.09.2014

Nhóm cực đoan Nhà Nước Hồi Giáo hôm thứ Ba vừa công bố một video cho thấy việc chặt đầu con tin thứ hai của Mỹ, nhà báo Steven Sotloff.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Jen Psaki hôm thứ Ba nói các giới chức đang kiểm tra tính xác thực của video trên. Nếu xác thực, bà Psaki nói, “chúng tôi thấy kinh tởm”.

Các hình ảnh được đưa ra sau việc công bố video vụ chặt đầu khủng khiếp nhà báo tự do Mỹ Jim Foley vào tháng trước.

Trong video mới nhất, kẻ giết người nói với Tổng thống Barack Obama rằng cái chết của ông Sotloff là để trả đũa cho các vụ không kích của Hoa Kỳ chống lại các phần tử chủ chiến.

Chiến binh này nói “khi phi đạn của ông tiếp tục giáng xuống trên người của chúng tôi, con dao của chúng tôi sẽ tiếp tục chặt đầu người của ông”.

Anh ta còn đe dọa lấy mạng của con tin người Anh David Cawthorne Haines.

Thủ tướng Anh David Cameron gọi vụ giết ông Sotloff là “kinh tởm và đáng khinh bỉ”.

Nhà Nước Hồi Giáo đã chặt đầu một nhà báo Mỹ khác vào tháng rồi, ông James Foley và cũng đăng tải vụ giết người tàn bạo lên internet.

Phát ngôn viên của gia đình ông Sotloff nói đã biết về đoạn video và rất đau buồn.

Sau vụ giết ông Foley, mẹ của ông Steven Sotloff, bà Shirley đã trực tiếp kêu gọi thủ lĩnh của Nhà Nước Hồi Giáo Abu Bakr al-Baghdadi phóng thích con bà. Bà nói ông Sotloff không nên bị trả giá cho các chính sách của Hoa Kỳ ở Iraq.

Hoa Kỳ đã hợp tác với chính quyền Iraq thực hiện các cuộc không kích chống lại Nhà Nước Hồi Giáo kể từ đầu tháng 8.

Ông Sotloff đã bị bắt tại Syria vào tháng 8 năm 2013, khoảng một năm sau khi ông Foley bị bắt làm con tin.

Ông Sotloff làm việc cho các tạp chí Time và Foreign Policy.

Phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài, chuẩn đô đốc John Kirby hôm thứ Ba cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực hiên các cuộc không kích để dập tắt khả năng của nhóm Nhà Nước Hồi Giáo đe dọa con người và cở sở vật chất của Hoa Kỳ, hoặc hỗ trợ viện trợ nhân đạo hơn nữa cho những người bị nhóm cực đoan bức hại.

Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm thứ Ba nói họ có bằng chứng các phần tử chủ chiến Hồi giáo đang thực hiện một chiến dịch có hệ thống trong việc thanh trừng sắc tộc ở miền Bắc Iraq, thực hiện các tội ác chiến tranh, bao gồm giết người hàng loạt và bắt cóc.

Biển Đông : Trung Quốc biến sáu bãi đá ngầm ở Trường Sa thành đảo nhỏ

Ảnh vệ tinh chụp cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa, Biển Đông.

BIỂN ĐÔNG – TRUNG QUỐC

Biển Đông : Trung Quốc biến sáu bãi đá ngầm ở Trường Sa thành đảo nhỏ

Theo tờ Want China Times của Đài Loan hôm nay 02/09/2014, Bắc Kinh đã dấn thêm một bước mới trong chiến dịch tích cực xâm lấn để tìm cách khẳng định chủ quyền tại Biển Đông. Ảnh chụp vệ tinh cho thấy sáu rạn san hô ở quần đảo Trường Sa đã được biến thành các đảo nhỏ nhờ việc cải tạo hạ tầng trong sáu tháng qua.

Quân kháng chiến Iraq đẩy lùi IS

Quân kháng chiến Iraq đẩy lùi IS

Thứ ba, 2 tháng 9, 2014

Người dân ở Amerli đang ăn mừng sau khi phá được vòng vây của IS

Lực lượng dân quân Hồi giáo dòng Shia và binh lính người Kurd đang tiếp tục đà tiến quân trước các chiến binh của Nhà nước Hồi giáo (IS) sau khi phá vỡ vòng vây ở Amerli ở miền bắc Iraq.

Khi phóng viên BBC vào nơi này hôm thứ Hai ngày 1/9, họ đã chứng kiến người dân phải chịu đựng hơn hai tháng bị bao vây.

Liên quân cũng đã giành được căn cứ địa Suleiman Beg của phiến quân.

Trong lúc này, tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết họ đã phát hiện những bằng chứng mới cho thấy Nhà nước Hồi giáo đã tiến hành chiến dịch thanh lọc sắc tộc ở miền bắc.

Chiến sự ở Iraq đã leo thang dữ dội trong những tháng gần đây.

IS đã buộc phải lui quân trước cuộc phản công mới nhất ở gần Amerli.

‘Tội ác đáng khinh’

“Nhà nước Hồi giáo đang có những hành động tội ác đáng khinh và đã biến những vùng nông thông ở Sinjar (miền bắc Iraq) thành những cánh đồng giết người đẫm máu trong chiến dịch tàn bạo của họ nhằm quét sạch mọi dấu vết của người Hồi giáo phi Ả Rập và phi Sunni,” bà Donatella Rovera, cố vấn cao cấp của Ân xá Quốc tế ở Iraq, nói.

Liên Hiệp Quốc đang cử người đến Iraq để điều tra về những ‘hành động vô nhân đạo ở một quy mô không thể ngờ’.

Cư dân Amerli đối diện với đe dọa bị thảm sát vì kháng cự IS. Phóng viên BBC Gabriel Gatehouse đã vào thị trấn này hôm 1/9 và đã nhìn thấy những người dân hạnh phúc khi được đoàn tụ với gia đình.

“Nhà nước Hồi giáo đang có những hành động tội ác đáng khinh và đã biến những vùng nông thông ở Sinjar (miền bắc Iraq) thành những cánh đồng giết người đẫm máu trong chiến dịch tàn bạo của họ nhằm quét sạch mọi dấu vết của người Hồi giáo phi Ả Rập và phi Sunni.”

Bà Donatella Rovera, cố vấn cao cấp của Ân xá Quốc tế ở Iraq

Họ nói rằng họ sẽ phải làm rất nhiều việc để đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Các chiến binh Shia đã bắn chỉ thiên để ăn mừng việc phá được vòng vây ở Amerli.

Phóng viên của chúng tôi cho biết vẫn còn những ổ kháng cự của IS trong khu vực. Điều này có nghĩa là việc di chuyển tới thị trấn này vẫn còn nhiều trở ngại.

Ông Nouri Maliki, thủ tướng sắp ra đi của Iraq, đã đến thăm Amerli hôm 1/9.

Ông nói: “Kẻ thù của chúng ta đang rút lui và lực lượng của chúng ta với sự yểm trợ của các tay súng tình nguyện đang tiến quân về dọn sạch các thị trấn khác.”

IS bị tố cáo đã có những hành động ‘vô nhân đạo’ đối với những người có tôn giáo khác

Quân đội Peshmerga của người Kurd đã giương cờ của họ ở thị trấn Suleiman Beg hôm 1/9.

Hãng tin AFP cho biết thị trấn Yankaja gần đó cũng bị bao vây.

Trong lúc này, người dân Amerli đang xếp hàng để nhận hàng cứu trợ sau hai tháng không có nhu yếu phẩm.

‘Chiến thắng lớn nhất’

Các phóng viên cho biết đây là chiến thắng lớn nhất của liên quân Iraq và người Kurd trước IS trong những tháng gần đây.

Phe kháng cự IS cho biết Iran có vai trò trong các chiến dịch của họ gần đây. Theo đó, Iran đã cung cấp vũ khí và giúp huấn luyện quân sự.

Khoảng 15.000 người Turkmen theo Hồi giáo dòng Shia đã cầm cự ở Amerli và Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ lo ngại sẽ có thảm sát nếu IS chiếm được nơi này.

Quân đội Iraq đang giành một số thắng lợi trước IS

Ân xá Quốc tế cho biết họ đã thu thập bằng chứng cho thấy một số vụ thảm sát đã xảy ra ở Sinjar hồi tháng Tám. Hai trong số những vụ thảm sát đẫm máu nhất đã xảy ra khi các chiến binh IS tấn công làng mạc và giết chết hàng trăm người hôm 3/8 và 15/8.

“Các chiến binh IS đã bắt những người đàn ông và trẻ em trai thậm chí cỡ 12 tuổi, đưa họ đi và bắn họ,” Ân xá Quốc tế cho biết.

“Không có mệnh lệnh gì cả. Bọn chúng (các tay súng IS) chỉ nhét đại cho đầy người vào các xe,” một người sống sót trong các vụ thảm sát nói với Ân xá Quốc tế.

Hôm 1/9, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã đồng ý triển một nhóm công tác khẩn cấp để điều tra về các tội ác mà IS bị cáo buộc.

Người Yazidi đã bị IS đối xử hết sức tàn tệ. Nhiều người đàn ông không chịu cải sang đạo Hồi đã bị hành quyết trong khi phụ nữ và trẻ em gái bị biến thành nô lệ phục vụ cho các chiến binh IS.

Bắc Kinh chống quyền tự do ứng cử lãnh đạo Hồng Kông

Bắc Kinh chống quyền tự do ứng cử lãnh đạo Hồng Kông

Khẩu hiệu "bất phục tùng" được dựng lên gần khu trung tâm tài chính Hồng Kông ngày 31/08/2014.

Khẩu hiệu “bất phục tùng” được dựng lên gần khu trung tâm tài chính Hồng Kông ngày 31/08/2014.

REUTERS/Bobby Yip

Tú Anh

Đúng như tiên liệu, chế độ Trung Quốc không cho người dân Hồng Kông tự do ra tranh cử chức vụ lãnh đạo hành pháp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc với vai trò bù nhìn thông qua các quyết định của đảng Cộng sản buộc các ứng cử viên tranh ghế lãnh đạo Hồng Kông phải là người « yêu nước » và được « chọn lọc ».

Tình hình Hồng Kông có nguy cơ căng thẳng thêm .Theo AFP, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc mà thực chất chỉ là văn phòng tiếp thu các quyết định của ban lãnh đạo đảng Cộng sản hôm nay 31/08/2014 ra tuyên bố : chấp thuận bầu cử lãnh đạo hành pháp Hồng Kông năm 2017 theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, trực tiếp. Tuy nhiên, Bắc Kinh đặt điều kiện chỉ có người « yêu nước » phải hiểu là « yêu đảng Cộng sản » mới được ứng cử.

Phong trào bất phục tùng công dân Occupy Central cho biết sẽ tung ra những đợt biểu tình phản kháng, gây tê liệt trung tâm tài chính. Trung Quốc không xem thường đe dọa này. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Sebastien Ricci phân tích :

Hồng Kông, với 7 triệu dân, lớn gấp 10 lần Paris nhưng chỉ bằng đầu đũa so với Hoa lục. Là lãnh thổ của Trung Quốc nhưng Hồng Kông theo một quy chế tự trị đặc biệt : có tiền tệ riêng, luật pháp riêng và chính phủ riêng. Lãnh đạo hành pháp Hồng Kông lần đầu tiên sẽ được bầu theo lối phổ thông đầu phiếu, trực tiếp vào năm 2017. Cho đến nay, chức vụ lãnh đạo này do một ủy ban gồm 200 đại cử tri đã được chọn lọc kỹ, bầu lên.

Tuy nhiên cần phải thận trọng vì Bắc Kinh nói đến bầu cử tự do nhưng lại đặt một loạt điều kiện. Ứng cử viên không được quá ba người, tất cả phải là người « yêu nước », phải hiểu là ủng hộ đảng Cộng sản Trung Quốc. Với tiêu chí tùy tiện này, chính quyền Trung Quốc có thể loại trước những ứng cử viên mà họ không thích.

Lập tức, phong trào bất phục tùng công dân đe dọa chiếm đóng trung tâm thành phố nếu Trung Quốc không thực hiện lời cam kết cải cách dân chủ thật sự tại Hồng Kông. Bắc Kinh không giấu sự lo ngại. Hơn 7000 cảnh sát đã được huy động và nhiều xe thiết giáp đã xuất hiện trên đường phố. Những hình ảnh này làm sống lại cơn ác mộng Thiên An Môn tháng 6 năm 1989 khi quân đội Trung Quốc đàn áp phong trào đòi dân chủ trong biển máu“.