httpv://www.youtube.com/watch?v=B1CO_TSgnzc
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam -DuyHan
117 Thánh Tử Đạo Việt Nam Tập 1/6
Chuyện Các Thánh để làm gương sống
httpv://www.youtube.com/watch?v=B1CO_TSgnzc
117 Thánh Tử Đạo Việt Nam Tập 1/6
ANH EM LÀM CHỨNG CHO THẦY
LM Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Trong số 117 vị Tử Đạo Việt Nam, được phong thánh năm 1988, có một phụ nữ duy nhất, mẹ của 6 người con. Đó là bà Anê Lê Thị Thành, còn gọi là bà Đê.
Trước khi là một anh hùng tử đạo, bà đã là một người mẹ hiền gương mẫu. “Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục các con. Chính người dạy chúng tôi đọc chữ và học giáo lý, sau lại dạy cách dự thánh lễ và xưng tội rước lễ.” Đó là lời khai của cô con gái út trước giáo quyền.
Nhà bà Đê là nơi các linh mục trú ẩn. Buổi sáng lễ Phục Sinh năm 1861, quan Tổng Đốc Nam Định cho quân bao vây làng của bà. Bà Đê bị bắt lúc đã 60 tuổi. Bà bị đánh đập tra tấn, bị ép phải chối đạo, bị lôi qua Thánh Giá, bị bỏ rắn độc vào người. Khi con gái đến thăm bà trong nhà giam, đau đớn vì thấy quần áo mẹ loang đầy vết máu, bà đã an ủi con với một niềm lạc quan lạ lùng: “Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?” Sau ba tháng chịu đủ mọi cực hình, người phụ nữ ấy đã hiến đời mình cho Chúa.
Cuộc đời của vị thánh nữ tiên khởi của Việt Nam là một sức nâng đỡ lớn cho chúng ta. Thiên Chúa đã làm điều phi thường nơi một người phụ nữ già nua, yếu đuối. Quan “Hùm Xám” tỉnh Nam Định cũng phải bó tay trước sự yếu đuối kiên vững của bà.
Khôn ngoan và đơn sơ, can đảm chịu đau khổ, bà thánh Đê đã phó mặc cho Chúa đời mình. Bà chẳng lo phải nói gì, phải làm gì trước tòa án, vì sức mạnh của Thánh Thần ở với bà.
Hội Thánh thời nào cũng cần những người dám sống vì đức tin, dám làm chứng cho Chúa trước mặt người đời.
Sống đức tin là một loại tử đạo không đổ máu, không đòi hy sinh mạng sống, nhưng lại đòi hy sinh cả tương lai vững vàng ổn định.
Mỗi ngày, chúng ta thường bị đặt trước những chọn lựa, trước thập giá của Đức Giêsu, y hệt như các vị tử đạo ngày xưa.
Có khi chúng ta đã bước qua thập giá, khi chọn mình, đã chối Chúa bằng chính cuộc sống.
Càng có tự do, ta lại càng dễ sa sút đức tin. Tiền bạc, tiện nghi, khoái lạc vẫn là những thụ tạo gây ra những cuộc bách hại êm ả và khủng khiếp mà cuối cùng chúng ta cũng phải đối diện.
Ước gì chúng ta không để mất đức tin được mua bằng giá máu của bao vị tử đạo, và ước gì chúng ta không ngừng chuyển giao đức tin ấy cho hơn 70 triệu đồng bào trên quê hương.
***********************************
Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi Kitô hữu trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm. Sự hy sinh của các ngài cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt. Dù mang phận người yếu đuối, nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng, các ngài đã chiến thắng khải hoàn. Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài biết can trường sống đức tin của bậc cha anh trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa, biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu bằng một đời hiến thân phục vụ. Ước gì ngọn lửa đức tin mà các ngài đã thắp lên bằng cuộc sống và cái chết, được bừng tỏa trên Tổ quốc Việt Nam. Ước gì máu thắm của các ngài thấm vào mảnh đất quê hương để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái.
LM Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Cuộc công du di tích Thánh Maria Goretti sẽ đi đến tiểu bang đông người Viêt ở Hoa Kỳ
Cuộc công du cuả vị đại sứ lòng Thương Xót.
Cuộc công du của di tích thánh Maria Goretti, vị thánh được phong thánh trẻ nhất cuả đạo Công Giáo và là vị đại sứ đặc biệt của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho năm Thánh Thương Xót, đã sắp hoàn tất chương trình công du qua miền Đông Hoa Kỳ, sẽ kết thúc với ba tiểu bang Louisiana, Texas và Oklahoma, là những tiểu bang đông dân VN. Sau Oklahoma, linh cữu cuả thánh Goretti sẽ bay trở về Ý.
Đây là di hài đầy đủ cuả thành Maria Goretti, toàn thể bộ xương được giữ trong một hình sáp trông như người sống và bảo quản trong một linh cửu bằng kính.
Đã có nhiều đề nghị cho một cuộc công du thứ hai dành cho các tiểu bang miền Tây cuả Hoa Kỳ, nhưng cho tới nay thì hình như chương trình công du đã đầy. Những người Việt tại Hoa Kỳ có lòng mong muốn được kính viếng xác thánh, có lẽ phải bay qua 3 tiểu bang nói trên theo lịch trình đính kèm ở cuối bài.
Mặc dù Hoa Kỳ là nơi mà nhiều cháu chắt (con cháu cuả các em trai) cuả thánh nữ đang sinh sống, nhưng đây là lần đầu tiên Ngài được nghinh tiếp tại Hoa Kỳ (từ tháng 9 cho đến tháng 11, 2015. )
Thánh Nữ Maria Goretti được nhiều người biết đến qua tước hiệu Trinh Nữ Tử Đạo, tuy nhiên điểm nổi bật nhất là, trong cơn đau khủng khiếp trước khi chết, đã có lòng thương xót và tha thứ vô điều kiện cho kẻ giết hại mình. Nhờ vào lòng nhân hậu, thương xót, tha thứ, và khẩn cầu của Thánh nữ, kẻ tội nhân sau này cũng đã được ơn hóan cải.
Thánh Nữ Maria Goretti còn có một biệt danh nữa là “Hay làm phép lạ” (“wonder worker”). Theo lời linh mục Carlos Martins, Gíam đốc Cơ quan Bảo quản Kho Báu Di-Tích các Thánh của Tòa Thánh, thì với trên 160 thánh tích đang được Vatican lưu giữ, di tích cuả Thánh Maria Goretti có thành tích làm nhiều phép lạ nhất.
Tháng 3 năm 2015, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã công bố một năm thánh bất thường của lòng Thương Xót, sẽ bắt đầu từ ngày 08 tháng 12 năm 2015, và di tích của Thánh Maria Goretti đựơc xử dụng như là một nỗ lực của Tòa Thánh để chuẩn bị và cổ động cho năm thánh tuyệt vời này trong đời sống cuả Giáo Hội.
Vì là một vị đại sứ cuả Đức Giáo Hoàng, cho nên người ta thấy có nhiều cấp chính quyền đã tổ chức nghênh tiếp trọng thể. Bộ Nội An Hoa Kỳ (the U.S. Department of Homeland Security) cắt cử 6 nhân viên bảo vệ và ở nhiều thành phố như tại Chicago đã xếp đặt một toán cảnh vệ đứng dàn chào.
Linh mục Martins cho biết cuộc hành hương nhằm nêu cao đức Tha Thứ.
Trong bài giảng lễ khai mạc cuộc hành hương tại Chicago, Cha Martins đã chia sẻ câu chuyện về đức Tha Thứ đó: Ngài mô tả nàng trinh nữ Maria mới 11 tuổi đã bị anh hàng xóm 19 tuổi Alessandro Serenelli đâm dã man tới 14 nhát dao như thế nào, mà Maria vẫn kiên cường không từ bỏ trinh tiết của mình; và rồi một ngày sau đó trong cơn hấp hối vì triệu chứng viêm phúc mạc (peritonitis, màng bụng bị rách), phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật không có thuốc mê để cầm máu trong nội tạng, và dù như thế, Maria đã nói trên giường bệnh, “Tôi tha thứ cho Alessandro Serenelli và muốn anh ấy ở với tôi trên thiên đường mãi mãi.”
Anh Serenelli, tuy nhiên, từ chối sự tha thứ và bị bỏ tù. Sáu năm sau, Maria xuất hiện với anh trong một giấc mơ và đưa cho anh 14 bông hoa kèn trắng, cho 14 vết đâm, và anh ta đã bắt đầu ăn năn.
Bây giờ, Cha Martins cho biết, anh Serenelli một ngày nào đó cũng rất có thể sẽ được công nhận là một vị thánh, vì hành động anh hùng đã chấp nhận sự tha thứ của Maria Goretti và của Thiên Chúa, và tha thứ cho chính mình.
“Anh đã phải sống 62 năm sau khi phạm tội ác khủng khiếp đó, và thế giới đã không bao giờ cho phép anh ta quên nó,” Cha Martins nói.
Serenelli đã kết thúc những ngày cuối cùng của mình làm một tu sĩ khó khăn dòng Phanxicô.
Vì là một đứa con cột trụ cuả gia đình cho nên sau khi Maria qua đời, mẹ cô đã không thể làm ruộng mà chăm sóc cho năm người con trai còn bé, vì vậy ba em trai cuả thánh Maria Goretti đã được cho đi làm con nuôi tại Hoa Kỳ. Hai người đã sống đến tuổi trưởng thành và con cháu của họ đang sống ở nhiều nơi trên nước Mỹ.
Thánh Maria Goretti qua đời năm 1902 cho nên được coi là một vị thánh hiện đại. Cho tới nay thì Ngài giữ danh dự là vị thánh Công Giáo được phong thánh trẻ tuổi nhất, là vị thánh duy nhất có mẹ còn sống để tham dự lễ phong thánh cuả mình. Lúc Ngài được phong thánh năm 1950, thì lòng sùng kính đã lan rộng đến nỗi Thánh lễ phong thánh không thể tổ chức trong thánh đường thánh Phêrô như trước mà phải tổ chức tại quảng trường Thánh Phêrô cho có đủ chỗ đứng.
Tiểu sử Thánh Maria Goretti.
Maria là một cô gái ‘lọ lem’ sinh ra trong cảnh bần cùng. Khi cô được 6 tuổi thì người cha phải bỏ vùng Ancona nghèo khó (phía đông nước Ý) để di chuyển qua Nettuno hấp dẫn hơn ở phía tây. Vùng Nettuno cách Roma khoảng 40 dặm về phía nam.
Khi Maria mới lên chín thì cha cô đã đột ngột chết một cách bi thảm. Lúc này là đứa con gái lớn, Maria phải thay mẹ chăm sóc cho 5 đứa em trong khi bà đi làm việc ở ngoài đồng, và cô cũng phải phụ vào công việc đồng áng với bà thì mới có thể trang trải chi phí tiền ăn tiền ở.
Đây là một thời gian khủng khiếp và đau khổ cho cả gia đình. Đối với Maria thì đặc biệt còn khó khăn hơn nữa bởi vì ngoài những trách nhiệm chăm sóc cho gia đình nói trên, cô còn phải mang thêm gánh nặng nấu ăn và dọn dẹp cho hai người hàng xóm thô lỗ là Giovanni Serenelli và con trai cuả ông là Alessandro. Anh Alessandro là người phụ việc đồng áng cuả mẹ cô.
Cũng trong thời gian này, Alessandro bắt đầu nảy sinh ra những ý nghĩ bất chính về Maria. Anh thường nói ra nhiều điều thô lỗ với cô, làm cho cô phải bỏ chạy. Thế rồi tới giai đoạn anh ước ao tình dục đối với cô, cho dù phải dùng bạo lực.
Sau nhiều tháng rình rập, Alessandro đã tìm được cơ hội bắt gặp Maria ở một mình và anh đã nỗ lực cưỡng hiếp cô. Maria đã chống cự không cho anh vi phạm mình, đến nỗi Alessandro đã tức giận mà dã man đâm cô nhiều nhát dao. Maria qua đời vào ngày hôm sau, đau đớn một cách khủng khiếp vì bị nhiễm trùng ở các vết rách trên màng bụng. Những lời cuối cùng của cô, “Tôi tha thứ cho Alessandro Serenelli … và tôi muốn anh ấy ở với tôi trên thiên đường mãi mãi.”
Trong thời gian ngồi tù, Alessandro đã được Maria hiện ra và tha thứ cho anh. Đó là một hành động của lòng thương xót và tha thứ, hành động đầy tình yêu này đánh động Alessandro và anh bắt đầu ăn năn. Đây là một bước ngoặt cuả đời anh, ân sủng đã thay đổi trái tim anh. Từ thời điểm đó, anh sống một cuộc sống tươi đẹp hơn , chuyển đổi qua sự thánh thiện, cuối cùng đã trở thành một tu sĩ dòng khó nghèo Phanxicô.
Alessandro Serenelli đã qua đời vào ngày 6 tháng 5 năm 1970 tại tu viện Macerata. ‘Thày’ để lại một lời khai như sau, đề ngày 05 tháng 5 1961, như là một di sản tinh thần của chính mình:
“Tôi đã gần 80 tuổi. Tôi sắp kề đất rồi.
“Nhìn lại quá khứ, tôi có thể thấy rằng trong cái đầu cuả tuổi thanh niên, tôi đã chọn một con đường xấu dẫn tới sự hủy hoại chính bản thân mình.
“Hành vi của tôi đã bị ảnh hưởng bởi sách báo, bởi phương tiện truyền thông và bởi các gương mù gương xấu mà phần lớn những người trẻ tuổi đã nương theo mà không hề suy nghĩ. Và tôi đã làm như vậy. Tôi không quá lo lắng.
“Đã có rất nhiều gương quảng đại và tận tình cuả những người ở chung quanh tôi, nhưng tôi không quan tâm đến họ, vì một lực lượng bạo lực mù quáng đã đẩy tôi đi về phía sai trái của cuộc sống.
“Khi tôi 20 tuổi, tôi đã phạm một tội ác đam mê. Bây giờ, chỉ nhớ lại thôi cũng đủ là một cái gì đó khủng khiếp đối với tôi. Maria Goretti, bây giờ là một vị Thánh, là Thiên thần tốt của tôi, đã được đấng Quan Phòng gửi đến cho tôi để hướng dẫn và cứu thoát tôi. Tôi vẫn còn giữ trong lòng những lời quở trách của cô và những lời tha thứ của cô. Cô cầu nguyện cho tôi, cô ấy đã can thiệp cho kẻ giết mình. Qua 30 năm tù.
“Công bình mà nói, tôi đáng phải trải qua tất cả cuộc sống của mình trong tù. Tôi chấp nhận sự kết án vì đó là lỗi của tôi.
“Cô Maria bé nhỏ đã thực sự là ánh sáng của tôi, người bảo vệ tôi;. Với sự giúp đỡ của cô, tôi cư xử tốt trong thời gian 27 năm tù và cố gắng sống một cách trung thực khi một lần nữa tôi được chấp nhận ở giữa các thành viên của các Anh Em của Thánh Phanxicô, các tu sĩ khó nghèo ở vùng Marche đã chào đón tôi với một lòng bác ái cuả các thiên thần vào tu viện của họ như là một người anh em, chứ không phải là một người đầy tớ. Tôi đã sống trong cộng đồng được 24 năm, và bây giờ thì tôi đang bình thản chờ đợi để dự kiến Thiên Chúa, để được ôm lấy những người thân yêu một lần nữa, và để được ở bên cạnh vị Thiên Thần Bản Mệnh của tôi và bà mẹ thân yêu của cô, bà Assunta.
“Tôi hy vọng bức thư này có thể dạy cho những người khác bài học hạnh phúc của những đứa trẻ thơ, cuả việc tránh ác và luôn luôn nương theo con đường chính trực. Tôi cảm thấy rằng tôn giáo với những giới luật của nó không phải chỉ là một cái gì đó mà chúng ta không thể sống mà không có, nhưng đúng hơn là một thực tế thoải mái, một sức mạnh thực sự trong cuộc sống và là sự an toàn duy nhất trong mọi hoàn cảnh, thậm chí kể cả hoàn cảnh cuả những người đau đớn nhất trong đời.”
Ký tên, Alessandro Serenelli.
Phép lạ sau việc phong thánh cho cha mẹ của thánh Teresa Hài Đồng Giêsu
Cô bé Carmen 7 tuổi có một câu chuyện thật phi thường. Nhờ cô bé mà chân phước Louis Martein và Zelie Guerin, cha mẹ của thánh Teresa Hài Đồng Giêsu, sẽ được phong thánh ngày hôm nay, tại Quảng trường thánh Phêrô.
Cô bé nhỏ ở Tây Ban Nha, hồi năm 2008 bị sinh non, khi mới ở trong bụng mẹ có 6 tháng. Bé đã phải đấu tranh để sống trong vài tuần đầu tiên, bởi vì chứng xuất huyết não và nhiều bệnh ngặt nghèo khác.
Nhưng những người thân yêu của bé và nhiều xơ Carmen đã xin lời chuyển cầu của vợ chồng nhà Martin. Và Vatican đã xác nhận việc lành bệnh của bé là một phép lạ.
Cha mẹ của bé Carmen, đã kể câu chuyện này với CNA.
‘Chúng tôi chỉ là một gia đình nữa đón nhận phép lạ này với đôi tay mở rộng. Nhưng chúng tôi và Carmen chỉ là những người bình thường như bao người khác.’
Bé Carmen bây giờ đã được 7 tuổi.
Anh Santos, cha của bé cho biết, ‘Con gái chúng tôi sinh non, khi chỉ mới 6 tháng thai kỳ đầy biến chứng, và các cơ quan của bé chưa phát triển đủ. Các biến chứng phơi bày rõ ràng, chứng xuất huyết não, nhiễm trùng … tình trạng của bé ngày càng xấu đi khiến chúng tôi lo lắng tột cùng.’
Cả hai vợ chồng đều phải trải qua ‘một tình trạng khủng khiếp.’
‘Với một vài bậc cha mẹ phải đối mặt với tình trạng này sẽ có cảm giác bất lực, buồn thảm, tội lỗi và vô vọng … nhưng trước hết, chúng tôi có một con trai 5 tuổi, và phải cố gắng để tình trạng này không tác động đến cháu.’
Các bác sỹ bảo hai vợ chồng hãy sẵn sàng cho trường hợp xấu nhất. Mỗi ngày đều là một ngày trọng đại.
‘Bé Carmen đang ngày càng yếu đi.’ Bé quá yếu đến nỗi, dù đã được 35 ngày tuổi, nhưng cha mẹ của bé không được chạm đến con mình để tránh nhiễm trùng cho bé.
‘Các bác sỹ bảo là họ không thể làm gì thêm được nữa, và lúc đó họ mới cho phép chúng tôi chạm vào bé.’ Cha mẹ bé Carmen cho biết, ‘trong suốt toàn thời gian này, chúng tôi không bao giờ mất đức tin, chúng tôi bám chặt vào đức tin của mình, và điều này giúp chúng tôi rất nhiều.
Với chúng tôi, đức tin là nền tảng gia đình, như thường nói, không có đức tin thì không có hi vọng.’
Carmen bé nhỏ sinh nhằm lễ kính thánh Têrêsa Avila, nên mẹ của bé tìm một tu viện hay nhà thờ có liên hệ với thánh nữ.
‘Chúng tôi thấy câu trả lời cho mình đến qua lời cầu nguyện. Carmen vẫn sống, dù bé rất yếu, vậy nên chúng tôi quyết tâm phải tìm được một địa điểm khác nữa. Rồi tôi tìm kiếm trên Google xem có địa điểm nào để cầu nguyện với thánh Têrêsa không, và ngay lập tức cho ra kết quả là tu viện thánh Giuse và thánh Têrêsa ở thành phố Serra tỉnh Valencia.
Tôi đến đó, vào lúc chiều muộn, và không thể vào được vì đã đến giờ đóng cửa. Vậy nên tôi điện thoại kể cho các xơ dòng Carmen chuyện của bé Carmen và các xơ bảo sẽ cầu nguyện cho bé.’
Xơ cũng nói với anh Santos là nhà anh có thể đến tham dự thánh lễ sáng chúa nhật.
‘Chúng tôi đến đó dự thánh lễ, cầu nguyện và nhanh chóng ra về vì phải chăm bé đang ở trong bệnh viện cách đó 25 dặm.’
Sau 4 hay 5 chúa nhật như vậy, các xơ dòng Carmen bắt đầu gần gũi với vợ chồng anh. Và đây cũng là lúc cha mẹ của thánh Teresa Hài Đồng Giêsu đến trong cuộc đời gia đình bé Carmen.
Louis Martin và Zelie Guerin, kết hôn năm 1858, chỉ 3 tháng sau khi gặp mặt. Hai người sống khiết tịnh trong gần một năm, rồi sau đó bắt đầu có đến 9 mặt con. Bốn bé bị chết khi nhỏ, còn 5 người con gái lớn đi tu.
Gia đình Martin được biết đến vì đời sống mẫu mực thánh thiện của cầu nguyện, chay tịnh và bác ái. Hai vợ chồng thường thăm các người già và mời người nghèo đến dùng bữa với họ tại nhà mình.
Con gái của ông bà, Têrêsa, đi tu dòng Carmen, là Đóa hoa nhỏ Têrêsa Hài đồng Giêsu. Thánh nữ đã viết quyển tự thuật ‘Câu chuyện một linh hồn’ có ảnh hưởng sâu đậm về đường thiêng liêng. Têrêsa được phong thánh vào năm 1925, và được phong làm Tiến sỹ Giáo hội vào năm 1997.
Một người con gái khác trong gia đình, Leonia Martin, cũng được mở án phong thánh vào năm 2015 này.
Còn vợ chồng Martin được phong chân phước năm 2008.
Anh Santos cho biết, ‘Cha mẹ của thánh Têrêsa được phong chân phước vào ngày 19-10, 4 ngày trước khi bé Carmen sinh ra.’
Các xơ Carmen đưa cho cha mẹ bé một vài tấm hình của vợ chồng nhà Martin, một lời kinh và tiểu sử sơ lược về hai vị.
‘Mẹ bề trên bảo chúng tôi rằng có lẽ hai chân phước này, từng chữa lành phép lạ cho một đứa trẻ, cũng có thể giúp cho chúng tôi.
Và ngay đêm đó, chúng tôi bắt đầu cầu nguyện với hai vị.’ Các xơ trong tu viện cũng chung lời cầu nguyện cho Carmen bé nhỏ.
‘Ngày hôm sau, bắt đầu có một loạt thay đổi trong tình trạng của bé.’
Hôm sau, bé Carmen được chuyển đến một bệnh viện khác, và bắt đầu hồi phục thấy rõ. Bé bắt đầu thở mà không cần máy hỗ trợ, và các nhiễm trùng cũng suy giảm. Đến ngày thứ ba, bé được rời phòng chăm sóc đặc biệt, dù vẫn phải mất vài năm để chắc chắn liệu bé có chịu các tác động phụ do chứng xuất huyết não hay không.
Carmen cuối cùng cũng được ra viện ngày 02-01-2009, cùng ngày sinh nhật của thánh Teresa Hài Đồng Giêsu.
Mười lăm ngày sau, thánh tích của hai chân phước Louis và Zelie đến Lerida, Tây Ban Nha. Các xơ dòng Carmen khuyến khích gia đình hãy đến đó.
Và ở đó, họ gặp thỉnh cáo viên cho án phong thánh của vợ chồng nhà Martin, và giải thích về việc chữa lành của con gái mình. Thỉnh cáo viên, bắt đầu điều tra việc này từ tháng 11, 2009.
Cho đến tháng 3, 2015, các thỉnh cáo viên mới xác nhận phép lạ xảy đến cho bé Carmen, và điều này sẽ nâng vợ chồng nhà Martin lên bậc hiển thánh.
Gia đình bé Carmen đón nhận tin vui này vào ngày 18-3, trong dịp lễ hội Fallas de Valencia.
“Cả gia đình chúng tôi đang xuống phố San Vicente ở Valencia, trong lễ Dâng hoa kính Đức Mẹ Che chở, để dâng bó hoa của mình. Đột nhiên, điện thoại reo lên, và sau sáu năm, các thỉnh cáo viên đã cho chúng tôi một tin thật trọng đại.
Một thời khắc rất đặc biệt và quá xúc động, có thể xảy đến trong một thời điểm khác, nhưng lại thật tuyệt khi tin tức đến khi chúng tôi đang ở dưới chân Đức Mẹ.’
Cha mẹ của bé Carmen kể cho bé mọi chuyện về việc bé được chữa lành như thế nào.
‘Với chúng tôi, đây luôn luôn là một phép lạ, và quá tuyệt vời khi chúng tôi có thể thấy bé có phản ứng với mọi sự và đang bình phục. Được trải qua chuyện như thế này thật khác xa với việc được nghe kể. Khi chuyện này xảy đến cho bạn, thì đức tin được tái khẳng định.’
Cha mẹ bé Carmen nói rằng họ là những người có đức tin mạnh mẽ trước khi phép lạ xảy đến, nhưng bây giờ họ còn sống đạo hơn nữa.
Cả gia đình sẽ chứng kiến lễ phong thánh cùng với người thân và bạn bè. Họ ‘hơi căng thẳng và lo lắng’ khi chờ đón thánh lễ phong thánh sẽ diễn ra vào sáng ngày 18-10 theo giờ Vatican [khoảng 5 chiều giờ Việt Nam] Nhưng họ cũng ‘đầy hân hoan.’
Đây là lần đầu tiên Giáo hội phong thánh cho một cặp vợ chồng cùng lúc.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch
TÊRÊSA AVILA
Thánh Têrêsa Avila sống trong thời kỳ nhiều khai phá cũng như nhiều biến động chính trị, xã hội và tôn giáo. Ðó là thế kỷ 16, thời của hỗn loạn và cải tổ. Cuộc đời của thánh nữ bắt đầu với sự cực thịnh của phong trào cải cách Tin Lành, và chấm dứt sau Công Ðồng Triđentinô ít lâu.
Ơn sủng mà Thiên Chúa ban cho Têrêsa mà qua đó ngài trở nên thánh thiện, để lại gương sáng cho Giáo Hội và hậu thế gồm có ba điểm: Ngài là một phụ nữ; ngài là người chiêm niệm; ngài là người tích cực sửa đổi.
Là một phụ nữ, nhưng Têrêsa giữ vững lập trường của mình trong một thế giới “trọng nam khinh nữ” vào thời đó. Ngài là người cương quyết, gia nhập dòng Camêlô bất kể sự chống đối kịch liệt của cha mình. Ngài không phải là một con người chìm trong sự thinh lặng cũng như sự huyền bí. Ðẹp, có tài, giỏi giao tế, dễ thích ứng, trìu mến, can đảm, hăng say, ngài thực sự là một con người. Cũng như Ðức Giêsu, ngài có những mâu thuẫn lạ lùng: khôn ngoan, nhưng thực tế; thông minh, nhưng đi đôi với kinh nghiệm; huyền bí, nhưng là người quyết liệt cải cách. Một phụ nữ thánh thiện, nhưng cũng đầy nữ tính.
Têrêsa là một phụ nữ “vì Chúa”, một phụ nữ của cầu nguyện, kỷ luật và giầu lòng thương. Tâm hồn ngài thuộc về Chúa. Sự hoán cải của ngài không chỉ là một công việc tức thời, nhưng đó là một tranh đấu gian khổ suốt cả đời, bao gồm sự trường kỳ thanh luyện và đau đớn. Ngài bị hiểu lầm, bị đánh giá sai, bị chống đối khi ngài nỗ lực cải cách. Tuy nhiên ngài vẫn tiếp tục, vẫn can đảm và trung tín; ngài chống trả với chính bản thân, với bệnh tật. Và trong cuộc chiến đấu ấy, ngài luôn bám víu lấy Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. Những văn bản của ngài về sự cầu nguyện và chiêm niệm là chính những kinh nghiệm bản thân của ngài: thật mạnh mẽ, thật thiết thực và thanh cao. Một phụ nữ của cầu nguyện, một phụ nữ vì Chúa.
Têrêsa cũng là một phụ nữ “vì tha nhân.” Qua sự chiêm niệm, ngài dành nhiều thời giờ và sức lực để tìm cách thay đổi chính ngài và các nữ tu Camêlô, để đưa họ trở về với những quy tắc ban đầu của nhà dòng. Ngài sáng lập trên sáu tu viện mới. Ngài đi đây đó, viết lách, chiến đấu — luôn luôn để canh tân, để cải tổ. Trong chính bản thân ngài, trong lời cầu nguyện, trong đời sống, trong nỗ lực cải tổ, trong tất cả mọi người ngài gặp, ngài là người phụ nữ vì tha nhân, người phụ nữ làm phấn khởi cuộc đời.
Vào năm 1970, Giáo Hội ban cho ngài một danh hiệu mà người đời đã nghĩ đến từ lâu: Tiến Sĩ Hội Thánh. Ngài là người phụ nữ đầu tiên được vinh dự này.
Ngày nay chúng ta sống trong một thời đại nhiều xáo trộn, thời đại cải tổ và thời đại giải phóng. Các phụ nữ thời đại có thể nhìn đến Thánh Têrêsa như một thách đố. Thúc giục canh tân, thúc giục cầu nguyện, tất cả đều có trong con người Thánh Têrêsa là người đáng khâm phục và noi gương.
Thánh Têrêsa hiểu rõ giá trị của sự đau khổ liên tục (bệnh tật thể xác, không muốn cải tổ, khó khăn cầu nguyện), nhưng ngài đã luyện tập để có thể chịu đau khổ, ngay cả khao khát đau khổ: “Lạy Chúa, hoặc là đau khổ hoặc là chết.” Cho đến gần cuối đời, ngài đã kêu lên: “Ôi lạy Chúa! Thật đúng là bất cứ ai làm việc cho Ngài đều được trả bằng những khó khăn! Và đó thật đáng giá cho những ai yêu mến Ngài nếu chúng con hiểu được giá trị của nó.”
Cha mẹ thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu được phong thánh (18-10-2015)
Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.
(VATICAN CITY, 1-10). Chân phước Martin và Zélie sẽ là đôi vợ chồng đầu tiên đồng thời được phong thánh. Thánh lễ sẽ diễn ra vào ngày 18 tháng 10 năm 2015 tại Vatican. Sự kiện này diễn ra trễ hơn ba tuần so với ngày lễ thánh mừng con gái của hai ngài là thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, tiến sĩ Hội Thánh (ngày 01 tháng 10).
|
Đức Thánh Cha đã phê chuẩn các sắc lệnh cho phép việc phong thánh của ông bà Martin trong kỳ hội đồng giám mục tại Điện Tông Tòa ngày 27 tháng 6.
Ngày 18 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã công nhận một phép lạ của hai ngài.
Sau ba tháng quen nhau, ông Louis Martin và bà Zélie Guérin đã thành hôn (13-7-1858). Họ sống độc thân gần một năm, nhưng cả hai nhận ra ý Thiên Chúa muốn họ sống nghĩa vợ chồng và họ có chín người con. Bốn người chết ngay trong thời thơ ấu, trong khi năm cô con gái còn lại lần lượt vào Dòng Kín và Dòng Thăm Viếng.
Zélie qua đời vì căn bệnh ung thư vào năm 1877 để lại năm cô con gái nhỏ cho Louis chăm sóc: Marie, Pauline, Leonie, Celine, và Têrêsa khi ấy mới lên bốn tuổi. Louis qua đời năm 1894 sau cơn đau đớn vì hai lần đột vào năm 1889, và suốt 5 năm đau bệnh trầm trọng kéo dài.
Cả Louis và Zélie được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI phong chân phước ngày 19 tháng 10 năm 2008.
Việc phong thánh của cặp vợ chồng này sẽ trùng với Thượng Hội Đồng về gia đình được tổ chức vào ngày 4 tới ngày 25 tháng10. Lần gặp gỡ của các giám mục trong ba tuần này sẽ là lần gặp thứ hai và lớn hơn so với hai lần họp như vậy sẽ diễn ra trong suốt năm nay. Như năm 2014, trọng tâm của Hội Đồng Giám Mục năm 2015 là gia đình, với chủ đề: “Ơn gọi và sứ mạng của các gia đình trong Giáo Hội và thế giới hiện đại “
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tôn kính thánh tích Chân Phước Louis và Zélie trước Thượng Hội Đồng 2014 về gia đình, cùng với cặp vợ chồng khác: Chân phước Luigi và Maria Beltrame Quattrocchi.
Công bố tại Tòa án phong thánh hôm thứ bảy rằng Chân phước Louis và Zélie được phong thánh cùng với hai người khác: Chân phước Vincenzo Grossi, một linh mục người Ý là đấng sáng lập hội chị em Tiểu muội và chân phước Mary of the Immaculate Conception (Maria Isabel Salvat Romero), người Tây Ban Nha bề trên tổng quyền của Dòng Các Sơ Thánh Giá.
Chúng ta hãy cầu xin với hai thánh nhân cùng với thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu ban cho mỗi gia đình chúng ta thật nhiều phúc lành của Chúa!
Chuyển ngữ: Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.
Ký Ức về hai ngôi nhà ở Phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội
Sài Gòn–Tuần trước Mừng Lễ thánh Têrêsa, tôi nhớ đến hai ngôi nhà ở phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Năm 1984, lần đầu tiên tôi trở lại Hà Nội sau khi đi biệt 30 năm. Ngày ấy trước Đổi Mới, thành phố xưa không thay đổi mấy, chỉ cũ kỹ hơn và nghèo hơn. Lòng người không biết thế nào, nhưng phố xá còn giữ được cái vẻ yên tĩnh có phần trầm mặc tôi thấy rất gợi cảm. Một ngày cùng bạn bè đi trên phố Nguyễn Thái Học, tôi để ý một ngôi nhà lớn, trên mái có cây Thánh Giá. Ngày ra đi tưởng không bao giờ trở lại, tôi chỉ là một đứa trẻ ngu ngơ, đâu có biết gì về các cơ sở của Hội Thánh. Nay trở về thì đã có nhiều suy nghĩ. Tôi nghe nhiều, đọc nhiều về những gì xảy ra với Giáo Hội sau bức màn Tre, màn Sắt, sau đó lại còn cuộc chiến tranh vô cùng tàn khốc. Tin tức lọt ra ngoài cho thấy Giáo hội Miền Bắc ở vào tình trạng hết sức tiêu điều, xơ xác. Chuyến đi này tôi mong được thấy tận mắt. Và tôi cho rằng một điều học được trong chuyến đi là Đức Tin đã lưu truyền như thế nào trong cảnh ngặt nghèo đó. Tôi hỏi ngôi nhà có Thánh Giá trên mái đó ngày trước là gì vậy, các bạn cho biết đó là Dòng Kín Cát minh xưa. Tôi hơi giật mình: thì ra đây là nơi 80 năm trước thánh Têrêsa đã muốn tìm đến vùi sâu cả cuộc đời mình để thầm lặng hy sinh cầu nguyện cho nhiều người được biết Chúa. Xém chút nữa thi đất mẹ Việt Nam đã đón vào lòng mình một vị thánh lớn.
Ngôi nhà thứ hai trên phố Nguyễn Thái Học có thể coi là láng giềng của Dòng kín Cát minh cũ. Từ chuyến đi năm 1984 ấy, tôi đã quen biết thêm và giữ liên lạc với một nhóm bạn trẻ Hà Nội và được nghe kể chuyện về cô gái ở trong ngôi nhà đó đã gặp Chúa như thế nào. Đó là câu chuyện về một tai họa nhưng, như có lời đã nói, trong họa có phúc. Cô là con của một vị thứ trưởng, một thành phần được hưởng những ưu đãi về mọi mặt giáo dục, sinh hoạt, giao tiếp và tiện nghi vật chất mà tuyệt đại đa số thanh niên Việt Nam không thể mơ tưởng, đặc biệt trong hoàn cảnh thiếu thốn khó khăn của miền Bắc thời ấy. Cuộc sống đang đẹp, tương lai đang hứa hẹn lộng lẫy, tuổi trẻ đang giầu những ước mơ trong tầm tay, bỗng đâu tai họa ập tới. Cô mắc phải căn bệnh không thuốc chữa, tay chân càng ngày càng co quắp lại, phải thở bằng máy, cổ phải đục một đường để đưa khí thở vào phổi, và cứ thế tê liệt đi dần dần tháng này qua năm khác. Có thể hiểu được với cô gái đang phơi phới thanh xuân và với cả gia đình, cái đòn định mệnh ấy nó khủng khiếp ra sao. Có thể mường tượng được những uất nghẹn, phẫn chí, tuyệt vọng… Thế rồi những đồ đệ trẻ của Chúa kín đáo, thầm lặng cũng có mặt trong nhóm bạn bè của Mai Trinh, (cô gái ấy tên là Mai Trinh). Cũng chẳng biết họ đã quen biết nhau thế nào, qua chuyện học hành, sinh hoạt…. Họ đã thì thầm chia sẻ tâm sự bên giường Mai Trinh. Họ chẳng qua những khóa huấn luyện giáo lý viên như ngày nay thường tổ chức, chỉ có tấm lòng thành, có sao nói vậy về ngọn lửa đức tin họ vẫn nuôi trong hồn giữa một môi trường nghịch cảnh. Tới một ngày đức tin ấy đã xuyên qua u ám đi vào lòng Mai Trinh.
Có một phép mầu đã xẩy ra: cô gái đau đớn uất hận trên giường bệnh đã thành một người đầy niềm vui bình an, và niềm vui bình an ấy ở lại với cô không đi nữa. Con sâu đã hóa bướm. Căn phòng và giường bệnh của Mai Trinh trở thành điểm hẹn cho một nhóm bạn trẻ rỉ tai nhau tìm đến chia sẻ nỗi niềm. Sự bình an của Mai Trinh lan ra cả gia đình. Cả ông bố thứ trưởng cũng được cô con gái cảm hóa. Ông cũng đã bị bệnh nặng và được chính con gái dội nước rửa tội cho trước khi qua đời. Tân tòng Mai Trinh đã được ơn làm người loan Tin Mừng của Chúa ngay trong gia đình ruột thịt bằng đời sống chứng nhân.
Trở lại Hà Nội vào đầu thập niên 90, tôi nhờ một bạn trẻ dẫn tôi đi thăm Mai Trinh. Chưa gặp mặt bao giờ, nhưng Mai Trinh nói chuyện rất chan hòa. Hình như chỉ cần chung nhau một hướng nhìn đức tin là người ta có thể nói với nhau rất nhiều điều. Câu nói của bà mẹ Mai Trinh cho tôi ấn tượng đậm đà về cả hai mẹ con. Bà nói: “Bây giờ tôi mừng lắm. Bao lâu cháu còn ở với tôi, tôi sẽ săn sóc cháu với tất cả tình yêu thương. Ngày nào cháu đi, tôi cũng sẽ an lòng, vì tôi biêt cháu đi bình an thanh thoát.”
Hai mẹ con khoe với tôi một bức tượng Đức Mẹ, nói là quà tặng của “bác Trần Xuân Bách”. Hồi đó dư luận xôn xao về việc ủy viên Trần Xuân Bách bị trục xuất khỏi Bộ chính trị. Đối với dân thường thì những việc ở Bộ chính trị lúc nào cũng được bao bọc bởi những tấm màn bảo mật rất thâm cung bí sử. Chỉ nghe loáng thoáng rằng ông Bách muốn làm Gorbatchev Việt Nam. Thất sủng vì bất đồng chính kiến ở mức độ đó trong một chế độ không chấp nhận đa nguyên tư tưởng thì đồng nghĩa với hoạn nạn lớn rồi.
Tìm hiểu thêm tôi lại biết ông quê ở Nam Trực, Nam Định, (hóa ra là đồng hương!). Vùng này mật độ và tỷ lệ dân Chúa khá cao. Trước đây ông lại từng giữ chức trưởng ban tôn giáo vận trung ương. Như vậy có thể đoán Giáo hội đã phải chịu không ít khó khăn dưới tay ông. Nhưng cả đến một người vô thần gộc và quyền thế thì cũng chả tìm được một món quà nào thích hợp để tặng cho Mai Trinh hơn là bức tượng Đức Mẹ. Thế là một lần đi công tác nước ngoài người vô thần xuất phát từ một vùng mộ đạo thỉnh Đức Mẹ về đem vui cho một cô gái từ cõi vô thần mà lại phát hiện ra cánh cửa vào cõi Chúa. Thôi thì cũng là một lẽ đương nhiên, có những hoàn cảnh người ta chỉ còn giữ lại “điều duy nhất cần thiết”.
Tôi biết được thêm một điều: từ ngày chịu phép rửa, đã bốn năm năm rồi, Mai Trinh chưa bao giờ được dự một thánh lễ. Luôn luôn sống với một bộ máy thở, bình oxy cồng kềnh, dây nhợ linh tinh thì đến nhà thờ sao được. Hà Nội những năm đó rất thiếu linh mục, mỗi vị phải phụ trách mấy nhà thờ, chẳng thể cử hành lễ riêng cho ai. Tôi thì lại chẳng có việc gì làm,chỉ có thăm gia đình và đi chơi suốt, chứ không được tham gia mục vụ, đã có cảnh cáo rồi. Về Thái Hà thấy cha già Vũ Ngọc Bích sức đã yếu, mắt đã lòa mà ngày nào cũng bận bịu việc nhà Chúa, nhất là thứ bảy và Chủ nhật, rất muốn đỡ đần Ngài một chút mà cũng đành chịu. Tôi nảy ra ý định hay là dâng một thánh lể bên giường Mai Trinh?
Tôi lên tòa Tổng Giám mục trình bày sự việc và xin phép. Đức Giám mục Phạm Đình Tụng trả lời: “Tôi chỉ ngại cho sự an nguy của cha thôi. Nhưng nếu cha thấy làm được thì cứ làm đi.” Sự an nguy tôi lại không ngại, đã bàn với hai mẹ con Trinh rồi.
Tôi xem lại chương trình đi đây đi đó rồi chọn một ngày thuận tiện. Sáng hôm ấy tôi chỉ đi với một bạn trẻ và một túi đồ lễ đến nhà Mai Trinh. Tôi có tật hay lơ đãng không chú ý đến ngày tháng. Đến bên giường Mai Trinh mở sách lễ ra mới giật mình bỡ ngỡ: “Ô, hôm nay là lễ thánh Têrêsa Hài Đồng!” Mai Trinh chợt reo vui: “Thánh Têrêsa là thánh bổn mạng của con đấy!” Có một niềm vui bỗng nhiên vỡ òa. Bàn tay nào vô hình dẫn dắt chúng tôi vậy? Chúng tôi có định trước đâu? Thoáng cảm thấy thánh Têrêsa ở đâu đây đang mỉm cười. Chúng tôi mắc tội lơ đãng, nhưng chị thánh đã sắp sẵn cho cô em Mai Trinh một món quà lớn mừng lễ Bổn mạng. Ý cầu nguyện từ bao năm xưa của chị cũng là của cả Hội thánh ngày nay vẫn nở hoa trên mảnh đất đã vắng bóng dòng Cát Minh trên phố Nguyễn Thái Học này! Tôi ở lại trong nhà Mai Trinh khoảng một tiếng, nhưng niiềm vui ấy theo tôi cả ngày.
Khoảng ba năm sau, Mai Trinh qua đời. Nhóm bạn trẻ ở Hà Nội xúm nhau lại tổ chức cho Mai Trinh một lễ tang thật ấm cúng, thật “hiệp thông”. Lần đầu tiên tòa Tổng giám mục cho phép cử hành thánh lễ an táng tại tư gia. Tôi ở trong Nam không ra dự được, nhưng các bạn Hà Nội cho xem những tấm ảnh Mai Trinh nằm rất bình an, rất đẹp trên giường đầy những cánh hoa tươi.
Ngày nay kiến trúc cổ của dòng Cát Minh Hà nội (1920) không còn nữa. Chính quyền đã cho phá đi rồi mặc dù tòa Tổng giám mục Hà Nội đã hết sức vận động yêu cầu giữ lại một mảng kiến trúc cổ nào đó mà người Công giáo nhìn về với những tâm tình thiết tha vì nó gắn bó với ký ức thiêng liêng về thánh Têrêsa. Thế gian này, và nhất là xã hội này, đã có quá nhiều tín hiệu về sự vô cảm của nó với những ký ức tâm linh đó.
Trong ngôi nhà gần đấy cũng chẳng còn Mai Trinh nữa, đã đi theo thánh Têrêsa rồi. Những người bạn trẻ của Mai Trinh thì vẫn còn đó, bây giờ đã đứng tuổi cả. Có người là nữ tu Dòng Mến Thánh Giá ở phố Nhà Chung, có người tham gia các công việc ở giáo xứ Hàm Long, có người làm trưởng ca đoàn ở nhà thờ Thái Hà, lại có người lang bạt sang tận nước Mỹ, năm ngoái tôi gặp ở Virginia và vẫn cứ lúi húi làm việc nhà thờ, và còn nhiều người khác nữa tôi không thể quen biết hay nhớ hết. Trong đời thường, họ sống vô danh với xã hội. Nhưng tôi cho rằng không chỉ có gạch đá hay kiến trúc mới tạo nên ký ức tâm linh cho Dân Chúa. Chính họ là những ký ức sống. Những ký ức nhỏ nhoi. Chẳng có gì để ghi vào sử sách, nhưng họp lại thành ra một dòng chảy triền miên, nó kết thành cái tâm, cái tình của người giáo dân trong Hội Thánh Chúa. Tôi nghĩ rằng nên góp phần vun trồng, gìn giữ những ký ức đó trong ngôi vườn Hội Thánh. Đó là lý do tôi ghi lại câu chuyện này.
Một lý do nữa: đây không phải là chuyện riêng lẻ, nó nằm trong một chuỗi rất nhiều chuyện về những cơn “Mưa Hoa Hồng” mà Dân Chúa khắp nơi truyền tụng về thánh nữ Têrêsa Hài Đồng, tạo nên một nét đặc sắc khiến cho bao nhiêu tâm hồn tìm đến với vị thánh rất đơn sơ mà lại rất diệu kỳ này. Từ rất lâu tôi đã muốn giới thiệu và đóng góp vào Ký ức lớn ấy mà mãi vẫn chưa làm. Có lẽ một ngày gần đây, tôi sẽ xin trở lại câu chuyện này, nếu Chị Thánh cho phép…..
Mathêu Vũ khởi Phụng, CSsR
T.B. Vừa định gửi bài về trang Chúa Cứu Thế thì được xem trên truyền hình KTO quang cảnh di cốt của thánh nữ Têrêsa và của song thân Người là hai vị Chân Phước Louis và Zélie Martin được tôn kính đặc biệt trong lễ khai mạc Thượng Hội Đồng Giám mục ở Đền thánh Phêrô, Rôma và sau đó được rước về Đền Đức Bà Cả cho dân Chúa chiêm bái. Thượng Hội Đồng kỳ này bàn về đời sống các gia đình. Hội thánh tại gia là nguồn ân phúc nhưng cũng đang đối diện với nhiều khó khăn thách thức. Đức Thánh Cha Phanxicô và các nghị phụ cầu mong sự hiện diện và hiệp thông của một gia đình thánh giữa Hội Đồng. Xin mong chờ nhiều Mưa Hoa Hồng trên các gia đình năm châu.
Chi Nguyen Kim Bang goi
THIÊN THẦN BẢN MỆNH
Trầm Thiên Thu
Các thiên thần được đề cập hơn 300 lần trong Kinh Thánh, nhưng nhiều người vẫn biết ít về các thiên thần. Thiên thần luôn ở bên chúng ta mà lại bị chúng ta “quên” hoặc “làm ngơ”, đó là Thiên thần Bản mệnh, cũng gọi là Thiên thần Hộ thủ – lễ ngày 2 tháng Mười.
Các thiên thần là các “đặc phái viên” (God’s emissaries) của Thiên Chúa, luôn ở bên chúng ta, mọi nơi và mọi lúc, để canh chừng chúng ta, bảo vệ chúng ta, chiến đấu thay chúng ta.
Năm 1985, sau khi thị kiến Thiên thần Bản mệnh, chị Vassula Ryden đã viết một cuốn sách về Thiên thần Bản mệnh, cuốn “Heaven is Real, But So is Hell” (Thiên Đàng Có Thật, mà Hỏa Ngục cũng Có Thật), phát hành ngày 16-3-2013, thuộc loại “bestseller” (bán chạy như tôm tươi). Chị đã chia sẻ với hàng triệu người tại 80 quốc gia. Sách của chị được dịch ra 40 thứ tiếng. Trang Facebook của chị là “Jesus Is Returning” (Chúa Giêsu sẽ trở lại) đã có hơn 1 triệu lượt ghé thăm, trang Twitter của chị được hơn 200.000 lượt ghé thăm.
Đây là 9 điều chị chia sẻ về các thiên thần:
1. Thần tốt nhiều hơn thần xấu – Đạo binh thiên thần tốt lành của Thiên Chúa nhiều hơn hẳn về quân số và mạnh hơn hẳn so với tà binh. Ma quỷ tức giận vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta và nên chúng tìm mọi cách để hủy hoại chúng ta. Tuy nhiên, chúng phải chịu “bó tay”.
2. Thiên thần nguyện giúp cầu thay – Vũ khí lợi hại nhất mà chúng ta phải sử dụng trong cuộc chiến tâm linh là cầu nguyện. Chúng ta may mắn vì Thiên thần Bản mệnh luôn cầu thay nguyện giúp cho mỗi chúng ta. Thiên thần Bản mệnh cầu nguyện cho chúng ta thay lòng đổi dạ và biết trở về với Thiên Chúa, giải hòa với Ngài sau khi chúng ta “nổi loạn”.
3. Thiên thần Bản mệnh luôn cận kề – Thiên thần Bản mệnh giống như “lính gác”, không bao giờ rời xa chúng ta. Dù chúng ta đi đâu hoặc làm gì, Thiên thần Bản mệnh vẫn theo dõi, đồng thời Thiên thần Bản mệnh cũng vẫn luôn hiện diện trước Tôn Nhan Thiên Chúa.
4. Thế giới tâm linh bao quanh chúng ta – Xung quanh chúng ta có cả thiên thần và ma quỷ, ảnh hưởng mọi lúc trong cuộc đời chúng ta.
5. Cuộc chiến rất dữ dội – Có những cuộc chiến tâm linh xảy ra trong cuộc đời chúng ta, chính chúng ta vẫn tham chiến dù chúng ta có ý thức hay không.
6. Không phải các thiên thần đều tốt – Các thiên thần sa ngã là ma quỷ. Luxiphe và các ác thần bị Tổng lãnh Thiên thần Micae và các thần lành xua đuổi vì đã dám phản nghịch chống lại Thiên Chúa. Ma quỷ luôn tìm các cám dỗ và hủy diệt con cái của Thiên Chúa, chúng ngăn cản để Ý Chúa không được thực hiện trên thế gian này.
7. Thiên thần bảo vệ chúng ta – Thiên thần bản mệnh bảo vệ chúng ta khỏi sự ác. Một đêm nọ, chị Ryden thấy con rắn (ma quỷ) muốn hại chị. Thiên thần Bản mệnh liền triệt hạ con rắn.
8. Thiên thần muốn tốt cho chúng ta – Khi Thiên thần Bản mệnh đến thăm chị Ryden, ngài cho chị biết tình trạng tội lỗi của chị. Chị cảm thấy hổ thẹn lắm. Chị buộc phải nhìn vào nội tâm và thấy những gì Thiên Chúa cũng thấy. Thiên thần Bản mệnh an ủi chị, muốn chị trở về với Thiên Chúa, và Thiên thần Bản mệnh cho biết sẽ cầu xin Chúa cho chị.
9. Thiên thần và ma quỷ cùng hiện hữu – Một trong các mưu mô thâm độc nhất của ma quỷ là giả vờ như không hiện hữu. Nhiều người không muốn nhắc tới ma quỷ, nhưng ma quỷ là có thật, chúng có thể ảnh hưởng tới chúng ta.
Lòng sùng kính các Thiên thần Bản mệnh bắt đầu phát triển từ khi bắt đầu có truyền thống tu trì. Thánh Bênêđictô thúc đẩy việc này cùng với Bernard Clairvaux, nhà cải cách hồi thế kỷ XII và nhà hùng biện về Thiên thần Bản mệnh. Lòng sùng kính các thiên thần có từ hồi đó.
Lễ kính các Thiên thần Bản mệnh được cử hành lần đầu hồi thế kỷ XVI. Năm 1615, ĐGH Phaolô V thêm lễ này vào lịch Công giáo Roma.
Trầm Thiên Thu
(Chuyển ngữ từ Beliefnet.com)
CHA THÁNH PIÔ
Cha thánh Piô sinh ngày 25-05-1887 tại
Năm 1903, ngài vào dòng Phanxicô. Một năm sau nhận tu phục Dòng Phanxicô Capucinô và có tên mới là Piô. Pietrelcina, được gọi tên là Francesco Forgione. Ngài lớn lên trong một gia đình Công giáo đạo đức. Lúc
khoảng 6, 7 tuổi, ngài đã có được sự liên kết rất đặc biệt với Thiên Chúa. Ngài thường trò chuyện với Thiên Chúa ở nơi đồng vắng. Từ thuở nhỏ, ngài có thói quen rất tốt lành là sốt mến cầu nguyện. Ngài nhìn ngắm Chúa Giêsu trên Thánh giá và thân thưa cùng Chúa cho mình được chia sẻ những đau đớn với Chúa.
Ngài được phong chức linh mục và được chuyển đến một số nơi. Đến năm 1916, ngài được chuyển đến San Giovanni Rotondo và đã ở đây suốt 52 năm. Cha được mọi người ngưỡng mộ vì lòng yêu mến nhiệt thành đối với Chúa Giêsu, Mẹ Maria và được coi như là một nhà thần bí vĩ đại thời hiện đại.
Cha Pio xuất thân từ nhà nghèo nên ngài rất yêu mến người nghèo. Cha ao ước có được bệnh xá để sau cuộc chiến sẽ cứu chữa những thương binh trở về, và cha cũng đã được toại nguyện do tin tưởng mãnh liệt vào Đức Maria ban ơn cứu giúp.
Cha Pio có nhiều kinh nghiệm về những khả năng siêu nhiên với các phép lạ kèm theo: nhìn thấu suốt tâm hồn con người, nói tiên tri, ở hai nơi cùng một thời điểm, hương thơm đời sống thánh thiện, biết biện phân các thần khí, ngủ ít nhưng vẫn sống được, chữa người ta khỏi bệnh cách lạ lùng, được Chúa Giêsu và Mẹ Maria đến thăm, nhất là hằng ngày được rước lễ với Thiên thần bản mệnh của mình.
Một trong những ân huệ siêu nhiên nổi tiếng nhất của ngài là được Chúa ghi Năm Dấu Thánh trên thân xác vào năm 1918 khi ngài cầu nguyện trước Thánh giá. Những vết thương đã gây cho ngài rất nhiều đau đớn và cũng rất nhiều ân ban kỳ diệu. Trong cuốn sách “Cuộc đời cha Piô” có kể lại rằng:
“Cái yên tĩnh của ban đêm đã bao trùm tu viện khi Cha Piô còn ngồi giải tội cho các thầy. Đó là ngày 5 tháng Tám 1918, là ngày ngài không thể quên được vì nó bắt đầu sự thống khổ đặc biệt của ngài.
Ngài giật mình kinh hãi khi thấy một người lạ tay cầm thanh kiếm dài và mỏng đứng ngay trước mặt. Thân thể như tê liệt, ngài không thể cựa quậy và mắt trừng trừng theo dõi mũi kiếm mà từ đó phát ra những tia lửa. Đột nhiên, ngài thất thanh kêu lên một tiếng lớn khi thanh kiếm như xuyên qua linh hồn ngài. Không biết làm sao mà ngài lấy lại được bình tĩnh và giải tán các thầy đang chờ xưng tội. Suốt đêm đó và qua một ngày và một đêm hôm sau, thân thể ngài yếu dần vì như có lưỡi kiếm bằng lửa đang cắt thân thể ngài ra từng mảnh.
Hơn một tháng trôi qua, sau khi làm lễ vào sáng thứ Sáu, ngày 20 tháng Chín, sự kinh hoàng và thống khổ của ngài đến tột đỉnh ngoài sức chịu đựng của con người. Tuy nhiên, cơn ác mộng đó bắt đầu trong một giây phút thật bình thản và yên lặng. Ngài cảm thấy buồn ngủ, như thể ngài ngủ say đến độ không còn biết gì cả. Cái cảm giác kỳ lạ thấm dần qua từng sớ thịt và hầu như làm ngài mê đi.
Và rồi, vị khách bí ẩn đã đến trong giấc mộng êm đềm, và chính lúc đó các giọt máu từ tay, chân và cạnh sườn của vị khách bắt đầu chẩy ra và đọng lại thành vũng trên sàn nhà. Ngay lập tức cái êm đềm của Cha Piô tan biến và tim ngài bắt đầu đập mạnh như muốn vỡ tung lồng ngực trong cái thân thể bất động. May mắn thay, tất cả dịu lại một cách thật bất ngờ cũng như khi xuất hiện, và thân thể mềm nhũn của ngài khụy xuống vũng máu.
Ngài mở mắt, những giọt nước lăn dài trên khoé mắt. Cơ thể ngài bắt đầu có cảm giác và ngài nhận thấy tay trái của mình đang run rẩy. Ngài cố nhấc chân lên và ngay lập tức cái đau âm ỉ trở thành nhói buốt đâm vào tay, chân và cạnh sườn ngài. Ngài chống khủy tay ngẩng đầu dậy và nhìn vào đôi tay run lẩy bẩy. Hai bàn tay đầy máu. Nhìn vào thân thể, ngài thấy một bên áo dòng ướt đẫm. Đôi mắt ngài tiếp tục nhìn xuống. Và đôi chân ngài cũng đỏ máu. Toàn thân ngài run lên vì sợ hãi. Ngài muốn cất tiếng kêu cứu nhưng cổ họng như nghẹn lại, và ngài há hốc mồm để thở.
Cơn ác mộng tiếp diễn. Có một động lực nào như giục ngài đứng dậy, đi về phòng trước khi các linh mục trong tu viện trở về và có thể bắt gặp. Ngài cố nhấc mình lên, và thân thể quặn đau theo từng bước. Không hiểu làm sao mà ngài có thể lết qua cái hàng lang dài để về đến phòng. Ngài ngã vật xuống giường trong đau đớn và sợ hãi.
Ngài rên rỉ, “Xin giúp con. Xin Chúa giúp con để hiểu.”
Hơi thở ngài đã đều hòa, nhưng cơn đau vẫn mãnh liệt. Khi đưa tay sờ vào cạnh sườn, ngài cảm thấy vết máu trên áo dòng ngày càng lan rộng, như bị xuất huyết tự bên trong. Đôi mắt mở to vì sợ hãi, ngài ngồi dậy và xem xét vết máu trên áo, tự hỏi không biết mình có chết vì vết thương này hay không.
Ngài cầu xin, “Xin đừng để con khiếp sợ.”
Những giây phút chậm chạp trôi qua. Từ từ ngài lấy lại bình tĩnh và xem xét các vết thương. Không nghi ngờ gì cả, đó là những vết thương thật. Đó không phải là ác mộng hay ảo giác. Bắt đầu ngài nhận ra sự thật. Ngài được in năm dấu thánh là những vết thương có hình dạng và vị trí giống như các vết thương của Đức Kitô.
Tâm trí ngài từ từ mở ra với thực tại, và cảm thấy khuây khỏa khi biết rằng các vết thương đó không nguy hiểm đến tính mạng. Nước mắt ngài tuôn tràn, và cảm tạ Thiên Chúa…
Giáo Hội ghi nhận có khoảng 290 người được Chúa ban cho năm dấu thánh. Vị thánh nổi tiếng của thời đại là Thánh Phanxicô Assisi, sáng lập dòng Phanxicô. Thánh Phanxicô, khi là thầy sáu, được in năm dấu thánh vào ngày 17 tháng Chín 1224, trên núi Alvernia trong rặng Appenine, hai năm trước khi ngài chết.
Những vết thương của cha Piô có mùi thơm nồng nàn của hoa tím, hoa huệ tây và hoa hồng. Trong lịch sử các thánh, sự kiện có mùi thơm thì không gì mới mẻ. Tay Thánh Đa Minh phát ra mùi thơm khi dân chúng hôn tay ngài, và Thánh Helena phát ra mùi thơm khi ngài rước lễ. Một số thân thể các thánh phát ra mùi thơm sau khi chết, như trường hợp của Thánh Coletta, Thánh Joseph Cupertino, và Thánh Martin de Porres. Bất cứ ai đang trong tình trạng mắc tội trọng, Thánh Philip Rôma đều ngửi thấy mùi hôi thối khi ngài đến gần, mặc dù thân thể người đó rất sạch sẽ.
Trong trường hợp của Cha Piô, mùi thơm nói lên sự hiện diện an ủi của cha. Đó là để khuyến khích, chú ý đến điều nguy hiểm ngay lập tức, hay nhớ đến sự hiện diện, sự khuyên bảo và sự hướng dẫn của cha. Nhiều người nhận ra mùi thơm đó một cách riêng biệt, không phải ai ai cũng nhận thấy cùng một lúc.”
Vì sự thánh thiện và ân huệ lớn lao Chúa ban cho cha Piô, nên ma quỷ đã huy động cuộc chiến dữ dội chống lại cha thánh trong suốt cuộc đời của ngài. Chúng tấn công thân xác ngài bằng những vết cắt, vết thâm tím và những dấu bị thương hữu hình khác.
Tất cả những ai được cha Piô giúp đỡ đều tôn kính ngài. Cha thánh hết sức tận tâm đối với các linh hồn trong luyện ngục, có lần ngài nói: “Nhiều linh hồn đã chết ở trong luyện ngục hơn những linh hồn còn đang sống. Họ đã đến ngọn đồi này để chờ được tham dự thánh lễ và xin tôi cầu nguyện.”
Cả đời cha Piô tận tụy giải tội cho các tín hữu và xin được nhiều ơn lành cho nhiều người.
Cha thánh qua đời lúc 2 giờ 30 sáng ngày 23-9-1968, đang khi tay vẫn nắm chặt chuỗi Mân Côi và thốt lên tên cực trọng “Giêsu Maria”, trong phòng số một của tu viện San Giovanni Rotonodo, phía nam Italia. Xác cha Pio được bỏ trong một hòm bằng kẽm bọc gỗ sau đó được thay thế bằng một hòm bằng kim loại và có gắn tấm kính để cho giáo dân có thể trông thấy ngài.
Chiều ngày 26-9-1968, quan tài cha Pio đã được rước qua các đường chính của thị trấn San Giovanni Rotondo với sự tham dự của 100.000 người.
Ban tối quan tài được đưa xuống hầm nhà thờ Đức Mẹ Ban Ơn để an táng trong huyệt đào ngay trong nền nhà thờ. Phía dưới chiếc quan tài có đề “Francesco Forgione sinh tại Pietrelcina ngày 25-5-1887, qua đời tại San Giovanni Rotondo ngày 23-9-1968.”
Từ ngày đó trở đi, cứ vào ngày 22 tháng 9 hằng năm tín hữu khắp nơi lại hành hương về thị trấn San Giovanni Rotondo để tham dự đêm canh thức kỷ niệm ngày cha Pio qua đời.
Ngày 23-9-1969, Đức Cha Cunial, Tổng Giám Mục Manfredonia cho phép dòng Capucino hèn mọn mở cuộc điều tra liên quan tới vị tôi tớ Chúa.
Tiến trình án phong chân phước được khởi sự ngày 20-3-1983.
Trong dịp hành hương San Giovanni Rotondo ngày 25-5-1987, Đức Gioan Phaolô II đã giới thiệu cha Piô với thế giới như là mẫu gương của linh mục. Từ đó trở đi tín hữu đến hành hương đông một cách ngoại thường. Người ta phổ biến sách báo viết về cha Pio, lấy tên cha Pio đặt cho các đài kỷ niệm và đường phố, hay trường học hoặc nhà thương. Năm 1990, kết thúc các tìm hiểu cuộc đời cha Pio.
Năm 1997, các cố vấn của Bộ Phong Thánh đồng thanh chấp nhận các nhân đức anh hùng của vị tôi tớ Chúa. Và sau khi có phép lạ được thừa nhận, ngày 2-5-1999, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã phong chân phước cho cha Pio, trong thánh lễ trọng thể cử hành tại thềm đền thờ thánh Phêrô, với sự tham dự của gần 400.000 tín hữu.
Vào năm 2001, ủy ban bác sĩ thừa nhận phép lạ khỏi bệnh tức khắc của em Matteo Coltella, bị sưng màng óc cấp tính là hiện tượng không thể giải thích được trên bình diện khoa học.
Năm sau đó, Giáo Hội thừa nhận đó là phép lạ và ngày 16-6-2002, Đức Gioan Phaolo II đã chủ sự lễ phong hiển thánh cho cha Pio. Hai năm sau đó đền thánh mới được khánh thành tại San Giovanni Rotondo.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
THÁNH GIOAN MARIA VIANNEY, LINH MỤC
Thánh Gioan Maria Vianney, sinh ngày 8 tháng 5 năm 1786 tại Lyon nước Pháp và sau bao nhiêu khó khăn gian khổ, Gioan Maria Vianney được chịu chức linh mục và được giao phó nhiệm vụ làm cha sở họ Ars, một giáo xứ vừa nghèo vừa khô khan nguội lạnh. Cha Gioan Maria Vianney đã lãnh nhận giáo xứ này với tinh thần vâng phục cao độ. Ngài quả là vị mục tử gương mẫu. Cuộc đời của ngài là cuộc đời chỉ biết lo cho việc loan báo Lời Thiên Chúa, giải tội, cầu nguyện và hãm mình. Có nhiều lúc, khuôn mặt ngài rạng rỡ khác thường, nhờ tình yêu bắt nguồn từ bí tích Thánh Thể mà ngài đem hết lòng sốt sắng để vừa cử hành, vừa thờ phượng.
Khi mới 8 tuổi ngài mới học đọc và biết viết. Vì nhà nghèo nên được cha sở nuôi dạy, và sau đó đã đưa ngài vào chủng viện. Vào trong chủng viện ngài không học được gì cả.
Ngày kia, một giáo sư thần học, thừa lệnh Đức Giám mục đến khảo sát Vianney xem có đủ khả năng học vấn để tiến tới chức Linh mục không. Nhưng Vianney không thể trả lời câu nào.
Nổi nóng, vị giáo sư đập bàn, nói: “Vianney, anh dốt đặc như con lừa! Với một con lừa như anh, Giáo Hội hy vọng làm nên trò trống gì!”
Vianney khiêm tốn bình tĩnh trả lời: “Thưa thầy, ngày xưa Samson chỉ dùng một cái xương hàm con lừa mà đánh bại 3000 quân Philitinh. Vậy với cả một con lừa này, chẳng lẽ Thiên Chúa không làm được việc gì sao?”
Cuộc cách mạng 1789 bùng nổ khiến thầy Vianney phải bỏ dở việc học. Nhưng sau đó thầy tìm hết cách để tự học dưới sự dìu dắt của cha xứ. Nhưng khổ thay, học mấy cũng chẳng nhớ. May lúc ấy địa phận gặp phải cảnh khan hiếm linh mục nên Vianney được bề trên gọi về để khảo hạch. Và lẽ dĩ nhiên là lần nào Vianney cũng trượt.
Vianney không nản lòng, cứ tiếp tục học. Cuối cùng, bề trên thấy thầy bền chí quá bèn gọi cha xứ đến để hỏi về thầy:
– Thầy có lòng đạo đức không?
– Thưa có.
– Thầy có kính mến phép Thánh Thể?
– Thưa có.
– Thầy có siêng năng lần hạt không?
– Thưa có.
Cha chính quyết định: “Thôi, cho thầy chịu chức vì thầy bền chí, chứ nếu cứ khảo hạch mãi thì không bao giờ đỗ được.”
Như vậy thầy Gioan Maria Vianney được làm Linh mục là nhờ “phép chuẩn.” Vì tuy học hành kém cỏi, đầu óc mù tịt, nhưng nhờ có lòng đạo đức và sự bền chí mà ngài đã được thụ phong Linh mục. Nhưng khi làm Linh mục rồi, Chúa đã ban cho ngài rất nhiều ơn đặc biệt đề cứu các linh hồn, đến nỗi một lần kia, quỷ Satan đã phải nói với ngài: “Nếu trên thế giới có hai đứa như mày thì bọn tao đành phải thất nghiệp mất.”
Nhìn vào “cuốn tự điển cuộc sống” của thánh Vianney, người ta đọc thấy toàn là những chữ: ăn chay, hãm mình, đền tội, khổ hạnh… Nhìn vào gương mặt của ngài, người ta cũng gặp thấy toàn là những nét: gian truân, khắc khổ, lao nhọc, đau thương… Thế nhưng, trong con người ấy lại chói ngời một quả tim luôn tươi vui, từ ái và yêu thương đối với hết mọi người.
Hàng ngày, vào khoảng 12 giờ, cha Vianney rời nhà thờ và trở về nhà xứ để ăn trưa. Đến một giờ, ngài lại vào toà giải tội và ngồi ở đó mãi cho đến tối. Trong khoảng thời gian nghỉ ngơi vắn vòi ấy, cha Vianney phải tranh thủ để làm bao nhiêu công việc. Thường khi ăn cơm bao giờ ngài cũng đứng, vì ngồi thì sợ sẽ kéo dài giờ ra. Vừa ăn xong, ngài vội đi thăm các trẻ mồ côi, các em mẫu giáo… Ai cũng thấy ngài vui tươi âu yếm và sung sướng giữa những tâm hồn đơn sơ ấy. Từ giã các em, ngài rảo bước đến nhà các kẻ ốm liệt; gặp ai dọc đàng, ngài cũng ủi an thăm hỏi. Các gia đình đều mong cha sở đến thăm, vì đối với họ, dường như nơi ngài tàng ẩn một niềm vui không bao giờ cạn. Lúc trở lại nhà thờ ngài thường trao đổi một vài lời vắn tắt, có lúc rất dí dỏm, hài hước với các khách hành hương đang đứng trước sân nhà thờ chờ đến lượt vào toà xưng tội.
Lần nọ, cha Vianney gặp một bà trong xứ đến chào ngài. Biết rõ bà là người thật lắm mồm lắm mép, ăn nói huyên thuyên suốt ngày, ngài liền hỏi:
– Trong suốt năm, có tháng nào con nói ít hơn mọi tháng không?
Bà ta bỡ ngỡ, ấp úng thưa:
– Thưa cha, con thì quen thói rồi, tháng nào cũng nói như nhau cả.
– Không, có một tháng con nói ít hơn, con biết tháng nào không?
Bà ấy ngẩn ngơ:
– Tháng nào thưa cha?
– Tháng Hai dương lịch, vì tháng đó chỉ có 28, 29 ngày thôi.
Ai nấy cười phá lên. Ngài vội vã bước vào toà giải tội.
Lần khác, cha Vianney thấy ở trước sân nhà thờ có một quầy hàng bán chuỗi, tượng ảnh và có cả hình của ngài nữa. Ngài bèn dừng lại, cầm lấy tấm hình của mình đưa lên cao cho mọi ngài xung quanh coi và nói:
– Thiên hạ dại dột thật. Cái hình nhăn nheo như con khỉ khô thế này mà cũng phải mua mất một đồng quan!
Các người chung quanh được dịp cười bể bụng vui vẻ. Cha Vianney cũng cười theo, trả tấm ảnh lại rồi bước vào nhà thờ.
Về sau, Vianney đã trở thành một vị thánh thời danh, thu hút nhiều tâm hồn trở về với Chúa.
Đời sống thánh Gioan Maria Vianney quả là một tấm gương hy sinh vì Chúa và các linh hồn, đúng như lời thánh nhân thường nói: “Hạnh phúc cho một vị linh mục được chết kiệt sức vì phục vụ Chúa và các linh hồn.” Hạnh phúc ấy đã đến với thánh Gioan Maria Vianney vào ngày 2 tháng 8 năm 1859. Thánh nhân lãnh nhận Bí tích Xức dầu bệnh nhân và Bí tích Thánh Thể, ngài cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa quảng đại quá khi con không đến với Chúa được, thì Chúa đến với con.” Ngày 4 tháng 8 năm 1859, khi vị linh mục đọc kinh cầu nguyện cho người hấp hối đến câu: “Xin các thiên thần Chúa đến rước linh hồn Gioan vào thành thánh Giêrusalem”, thánh nhân trút hơi thở cuối cùng một cách êm ái. Ngài hưởng thọ 73 tuổi; làm cha sở họ Arc được 41 năm.
Tin thánh Gioan Maria Viannê qua đời đã lôi kéo cả một biển người đổ xô về giáo xứ Arc. Đoàn người đông đảo đã đi qua trước xác thánh nhân suốt 48 tiếng đồng hồ.
Đức Giám mục giáo phận đã đến chủ sự Thánh lễ an táng và giảng thuyết: ngài nhấn mạnh rằng bao thế kỷ mới được thấy một cuộc đời linh mục như Thánh Gioan Maria Vianney. Thánh nhân được an táng trong nhà nguyện thánh Gioan Tẩy Giả, bên cạnh toà giải tội mà người ta đã gọi là “phép lạ lớn nhất ở Arc”.
Từ ngày ấy, biết bao nhiêu Hồng Y, Giám mục, linh mục đã đến quỳ cầu nguyện và đặt những cái hôn thành kính lên viên đá mộ thánh nhân. Ngày 31 tháng 5 năm 1925, thánh Gioan Maria Vianney được tuyên Hiển Thánh; và năm 1929, thánh nhân được đặt làm thánh bổn mạng các linh mục chính xứ trên toàn thế giới.
Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, Chúa đã làm cho thánh linh mục Gioan Maria nên một tấm gương tuyệt vời về lòng tận tụy hy sinh của một người mục tử. Vì lời thánh nhân chuyển cầu, xin cho chúng con hằng noi theo lòng bác ái của ngài mà cố gắng đem nhiều anh em về với Đức Kitô để muôn đời cùng nhau hưởng nguồn vinh phúc.
Bị bệnh gan nặng nhưng tâm hồn đầy thanh thản, bình yên, cha thánh I Nhã lìa đời ngày 31 tháng 7 năm 1556 trong căn phòng tĩnh lặng chỉ có chính cha với Thiên Chúa.
Lúc sinh thời, cha I Nhã Loyola tha thiết ước mong đem đến cho mọi người tin mừng về Thiên Chúa và để mọi người nhận biết rằng Thiên Chúa thương con người, đã sai Con Một yêu dấu của Ngài làm người. Tin Mừng về Chúa Kitô bị đóng đinh chết và sống lại để giải thoát, kêu gọi loài người trở về sự thánh thiện nguyên thủy và mời gọi con người sống mãi với Thiên Chúa. Giáo Hội cũng chỉ loan báo tin mừng này, nhưng cha I Nhã, dựa vào kinh nghiệm bản thân, có một phương thế đặc biệt để giúp nhiều người nhận thấy Tin Mừng như một kinh nghiệm bản thân.
Chính cha I Nhã có kinh nghiệm nhận thấy Thiên Chúa một cách sống động, thân tình, không thể nghi ngờ được. Kinh nghiệm của cha I Nhã không phải là hình ảnh Chúa hiện ra, hoặc nước mắt sốt sắng hay là một cảm giác lạ lùng khác mà là kinh nghiệm nhận thấy Thiên Chúa hiện diện một cách yên lặng và thật gần gũi. Một kinh nghiệm khác hẳn với lối suy tư và lý thuyết sâu xa về Thiên Chúa. Cũng khác với lòng hăng hái dấn thân làm việc tông đồ, kinh nghiệm của cha là một sự gặp gỡ giữa chính mình và Thiên Chúa, trong sâu xa thanh tịnh của cõi lòng, nơi chúng ta cảm thấy bình an, vui sướng, tràn đầy sức sống và tình yêu, là kinh nghiệm gặp Thiên Chúa và bắt đầu từ bỏ chính mình để nhường chỗ cho Thánh Ý và Tình Yêu của Ngài.
Kinh nghiệm này của thánh I Nhã bắt nguồn từ một vết thương ngài bị nơi đầu gối trong một cuộc chiến xảy ra ở thành Pamplona vào năm 1521 giữa quân Pháp và quân Tây Ban Nha. Lúc ấy, I Nhã là một sĩ quan rất trẻ và anh dũng của hoàng đế Tây Ban Nha. I Nhã đã đôn đốc, nâng đỡ tích cực tinh thần binh sĩ của mình, một lực lượng bé nhỏ, để kháng cự và đương đầu với quân Pháp đang bủa kín, bao vây thành. Bị thương nặng, I Nhã trở về Loyola, nơi mà 30 năm trước, I Nhã, con út của một đại chủ vùng Loyola (miền bắc Tây Ban Nha) chào đời. Trong suốt 6 tháng trời dưỡng thương, I Nhã rất yếu, thập tử nhất sinh nhiều lần. Trôi theo tháng ngày dưỡng bệnh, các kế hoạch cũ của I Nhã bắt đầu lung lay. I Nhã là một chàng thanh niên hào hoa, khoáng đạt, tràn tinh thần hiệp sĩ, đầy tham vọng. Mặc dù song thân muốn I Nhã trở thành linh mục nhưng I Nhã lại có kế hoạch khác: tham vọng của I Nhã lớn lắm: I Nhã thích ăn chơi hơn là đọc kinh, lãnh nhận các bí tích hoặc tuân giữ các giới răn của Chúa.
Ở Loyola và Manresa, năm 1521 và 1522, I Nhã bắt đầu kết thân với Thiên Chúa. Tình thân mới đã mở mắt I Nhã và, nhờ kinh nghiệm nội tâm, I Nhã bắt đầu hiểu giá trị của các bí tích, lòng sùng kính Ðức Mẹ, mục đích các diều răn Thiên Chúa. Ngay từ bước đầu trên đường về nhà CHA, Chúa Giêsu là hình ảnh vẹn toàn của Chúa CHA đã giúp I Nhã hiểu tình yêu Thiên Chúa dành cho thế gian và chính mình. Suốt cuộc sống, cha I Nhã luôn luôn biết tìm hiểu và cảm mến Thiên Chúa mênh mông, bao la qua cử chỉ nho nhỏ, đơn sơ trong cuộc sống Chúa Giêsu. I Nhã tìm thấy Thiên Chúa bằng cách tìm hiểu và thương mến bước theo chân Chúa Giêsu Nazareth, con của Mẹ Maria. Ðức Mẹ dẫn I Nhã đến với Chúa Giêsu. Ðể kết thân với Chúa Giêsu cũng như mỗi lần muốn đạt tới một ơn tối quan trọng (ba lời tâm sự trong Tuần 1, lời tâm sự Hai Cờ Hiệu…) cha I Nhã đã khẩn cầu với Ðức Mẹ trước.
Năm 1524, I Nhã ngồi chung lớp với các trẻ em để học La ngữ và can đảm bắt đầu bước trên đường trở thành linh mục. Muốn có một căn bản vững chắc về thần học, I Nhã sang Ba-Lê là trung tâm văn hóa nổi danh nhất Âu Châu thời ấy và học đến năm 1535, I Nhã tốt nghiệp hai cấp bằng cử nhân triết học và cao học thần học. Sau một năm chuẩn bị sốt sắng, ngài thụ phong linh mục và làm lễ mở tay năm 1536. Cha I Nhã xác tín rằng mọi người đều có thể gặp Thiên Chúa một cách thân tình. Cha dùng các khóa cấm phòng theo phương pháp Linh Thao để hướng dẫn các vị giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân nam nữ. Trong các khóa Linh Thao, cha giúp họ mở lòng lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa. Trong Linh Thao, họ trở về với Thiên Chúa và bắt đầu bước theo Chúa Giêsu như người bạn đường chí ái.
Trong số các thầy cùng học tại đại học Ba-Lê, có một nhóm nhỏ dấn thân theo cha I Nhã. Năm năm sau, nhóm này thành lập dòng Tên (dòng Chúa Giêsu). Người thanh niên hiệp sĩ, tự ái cao ngạo I Nhã xưa, nay bắt đầu theo chân Thầy, nghèo và khiêm nhường. Dòng của cha I Nhã cũng theo nếp sống nghèo, khiêm nhường, xa quyền thế ngoài đời và quyền thế trong Giáo Hội. Sinh ra trong một gia đình giàu có, qúy phái, quen biết với nhiều người có địa vị cao sang, cha I Nhã có thể được phong chức cao trong Giáo Hội, nhưng ngài không bị ảnh hưởng của quyền thế cao trọng, chức bậc giàu sang lôi cuốn. Cha luôn luôn theo Chúa Giêsu: nghèo và khiêm nhường. Ðây là một nét của dòng Tên, hiện tại xem ra hơi thiếu. Có rất nhiều hình thức quyền thế: tiền bạc, bằng cấp cao, thế lực chính trị, ảnh hưởng… Chúng ta dễ bị tham quyền và lấy cớ cần một chút phương tiện và quyền thế mới để có thể rao giảng Tin Mừng. Trong khi Chúa Giêsu chỉ xử dụng quyền của sự thật và tình thương, và đã cứu chuộc chúng ta nhờ sự yếu đuối của thập giá.
Cha I Nhã kính nể và thương mến Hội Thánh. Ngài luôn luôn phục vụ và bênh vực Hội Thánh, nhất là trong thời các giáo phái Tin Lành cảm thấy bất mãn và tách khỏi Giáo Hội Công Giáo. Năm 1540, Ðức Giáo Hoàng Phaolô III chuẩn nhận dòng Tên để phục vụ Giáo Hội dưới quyền chỉ huy của Ðức Thánh Cha. Cha I Nhã luôn luôn muốn phục vụ và sống trong lòng Giáo Hội (xem các nguyên tắc sống trong lòng Giáo Hội) nhưng cha không chịu nịnh bợ những người cầm quyền trong Giáo Hội. Cha phục vụ và thương mến Giáo Hội được Chúa Giêsu lựa chọn và sai đi để mang Tin Mừng cứu rỗi đến mọi người. Ðối với cha I Nhã các giáo dân, cũng như chủ chiên là nhiệm thể của Chúa Giêsu và Chúa Giêsu là đầu. Như thánh Phaolô, cha I Nhã tin rằng Giáo Hội, nhờ Chúa Thánh Thần, là cô dâu duyên dáng, tinh tuyền, chung thủy của Chúa Giêsu.
Vì mến Giáo Hội và mong Giáo Hội chu toàn sứ mệnh đem Tin Mừng đến với nhân loại, cha I Nhã luôn luôn mang tinh thần canh tân đến các cộng đoàn. Cha bị nhiều linh mục và giáo sĩ nhìn với cặp mắt nghi ngờ, ghen ghét. Cha bị đại diện của Giáo Hội bắt giam tù ở Alcala và Salamanca. Tại La Mã cha cũng bị vài giáo phẩm cao cấp ghét thậm tệ. Trong tinh thần canh tân, cha I Nhã có nhiều sáng kiến mới. Cha luôn luôn muốn đáp ứng những nhu cầu cấp bách của đồng loại: năm 1538 cha mở phòng ăn tại La Mã cho hàng trăm nguời nghèo ăn mỗi ngày để thoát nạn đói. Mở một cư xá đặc biệt để đón nhận các cô gái hoang đàng, muốn trở về xây dựng lại cuộc sống. Cha mở lớp huấn nghệ ngay trong thành phố và giúp họ chuẩn bị trở về với đời để trở nên người đàng hoàng hữu ích. Cha mở cư xá cho người Do Thái và Hồi Giáo muốn học đạo Công Giáo.
Cha I Nhã có tinh thần uyển chuyển, đầy óc sáng tạo để đáp ứng với nhu cầu mới, đồng thời ngài có một tinh thần sâu xa, vững chắc: nuôi dưỡng phát triển đời sống nội tâm; xét mình, nguyện ngắm Kinh Thánh, sùng kính Ðức Mẹ, vâng phục Ðức Giáo Hoàng, có tinh thần khó nghèo, lòng khiêm nhường. Trên hết, ngài muốn là bạn đồng hành của Chúa Giêsu, phục vụ Chúa và đáp lại các nhu cầu tinh thần của tha nhân.
Julian Élizaldé Thành, SJ
http://www.donghanh.org
Xem thêm:
THÁNH GIACÔBÊ TÔNG ĐỒ
Thánh Giacôbê, quê quán tại Bethsaida, là con ông Giêbêđê và là anh em với thánh Gioan. Ngài là một trong ba Tông đồ, ngoài những biến cố quan trọng trong cuộc đời công khai của Chúa, còn được phúc chứng kiến sự kiện biến hình trên núi Tabor và thảm cảnh trong vườn Cây Dầu. Lòng nhiệt thành của hai anh em đã khiến Chúa đặt cho cái tên là ‘Con Sấm Sét’.
Thánh Giacôbê đã tiến hành công cuộc tông đồ tại Giuđêa và Samaria. Theo truyền tụng, thánh nhân đã đến rao giảng Phúc Âm tại Tây Ban Nha. Khi trở lại Palestine vào năm 44, ngài đã trở thành vị Tông Đồ đầu tiên được phúc tử vì đạo dưới thời vua Hêrôđê Agrippa. Thi hài thánh nhân được cải về Santiago de Compostela bên Tây Ban Nha, và nơi đây đã trở thành một trong những nơi hành hương nổi tiếng thời Trung Cổ, và là một đền thánh đức tin cho toàn thể Châu Âu.
Uống chén của Chúa
Khi đang đi dọc theo bờ biển Galilê, Chúa Giêsu nhìn thấy Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, đang vá lưới, Người đã gọi họ, và đặt cho tên là Boannerges, nghĩa là “con của sấm sét”.
Mọi sự bắt đầu khi một số ngư phủ trên biển hồ Tibêria được Chúa Giêsu thành Nagiarét mời gọi theo Người. Họ đã đáp lời mời gọi của Chúa Giêsu, đi theo, và sống với Người gần ba năm trời. Họ đã chia sẻ đời sống thường nhật của Chúa Giêsu, làm chứng nhân cho những lời cầu nguyện, cũng như lòng nhân lành và quyền năng của Người dành cho các tội nhân và những người đau khổ. Họ chăm chú lắng nghe lời Chúa, những lời họ chưa từng bao giờ được nghe.
Suốt ba năm chung sống với Chúa, các Tông Đồ cảm nghiệm một thực tại rồi ra sẽ chiếm đoạt họ mãi mãi, đó là cuộc sống với Chúa Giêsu. Đó là một kinh nghiệm phá vỡ nếp sống trước kia của họ; họ phải từ bỏ mọi sự – gia đình, nghề nghiệp, và tài sản của họ – để đi theo Người. Tóm lại, họ đã được dẫn vào một con đường sống hoàn toàn mới mẻ.
Một ngày nọ, Chúa Giêsu mời gọi Giacôbê đi theo Người. Giacôbê là anh của Gioan, và là con của bà Salômê, một phụ nữ đã dùng tài sản để giúp Chúa Giêsu và sau cùng cũng có mặt trên núi Canvê. Giacôbê đã biết Chúa Giêsu trước khi được Chúa gọi. Cùng với Phêrô và em trai mình, Giacôbê được Chúa Giêsu yêu thương cách riêng. Ngài là một trong ba vị được chứng kiến biến cố Biến Hình trên núi Tabor. Ngài cũng có mặt khi Chúa cho con gái ông Giairô sống lại, và là một trong ba Tông Đồ cùng đi với Chúa Giêsu vào vườn Cây Dầu lúc khởi đầu cuộc Thương khó.
Phúc Âm ngày lễ thánh Giacôbê kể cho chúng ta một biến cố lạ lùng trong đời Ngài. Chúa Giêsu loan báo về cuộc Khổ nạn và cái chết sắp đến của Người: “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp vào tay các trưởng tế và ký lục, họ sẽ kết án tử và giao nộp Người cho dân ngoại chế nhạo, chúng sẽ đánh đòn và đóng đinh Người vào thập giá. Nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại”. Chúa cảm thấy cần chia sẻ những tâm tình sâu lắng nhất đang chất chứa trong lòng cho các môn đệ. Khi ấy, bà mẹ của các con ông Giêbêđê cùng với hai con đến gặp Chúa Giêsu, và bà bái lạy và kêu xin Người một điều: Bà xin Chúa dành cho các con của bà hai chỗ ưu tiên trong nước vinh quang của Người sắp đến. Chúa Giêsu quay sang hai anh em và hỏi họ có thể chia sẻ số phận với Người không. Chúa đề nghị họ hãy uống chung chén của Người. Thời xưa, việc trao chén mình cho ai uống là một dấu chỉ của tình thân hữu. Các vị liền đáp: “Thưa được!” Những lời ấy nói lên một tấm lòng thuần thục và quảng đại. Những lời ấy phản ánh thái độ của mọi người trẻ và của mọi tín hữu thành tâm, nhất là của những ai sẵn sàng làm tông đồ để loan báo Tin Mừng. Chúa Giêsu đã chấp nhận lời đáp quảng đại ấy và phán bảo: ‘Chén của Ta, các con cũng sẽ uống”, các con sẽ chia sẻ những đau khổ của Ta, các con sẽ hoàn tất cuộc Khổ nạn của Ta nơi thân xác các con. Không bao lâu sau đó, vào năm 44, Giacôbê đã bị xử trảm tử vì đạo. Còn Gioan đã chịu bách hại đủ kiểu trong cuộc đời trường thọ của Ngài.
Kể từ khi Chúa Kitô cứu chuộc chúng ta trên thập giá, tất cả đau khổ của các tín hữu là cùng uống chén của Chúa Kitô qua việc chia sẻ cuộc Thương khó, Tử nạn, và Phục sinh của Người. Nhờ đau khổ, một cách nào đó, chúng ta hoàn tất cuộc Khổ nạn của Chúa, và kéo dài trong thời gian với những hoa trái của công cuộc ấy. Những đau khổ nhân loại chỉ mang ý nghĩa cứu độ khi được liên kết mật thiết với sự khổ nhục Chúa Giêsu đã chịu. Với lòng nhân lành, Chúa đã cho chúng ta chia sẻ chén đắng của Người. Trước những khó khăn, bệnh tật hoặc đau khổ của chúng ta, Chúa Giêsu cũng nêu lên một câu hỏi: “Con có thể uống chén của Ta không?” Nếu hợp nhất với Chúa, chúng ta sẽ tích cực đáp lại và chịu đựng tất cả những gian khổ về phương diện nhân loại vì danh Người. Trong sự hợp nhất với Chúa Kitô, ngay cả những đau đớn và thất bại của chúng ta cũng sẽ biến thành niềm vui và bình an. Cuộc cách mạng vĩ đại của Kitô giáo chính là việc đã biến đau khổ thành đau khổ hiệu quả, biến một điều xấu thành một điều tốt. Chúng ta đã tước thứ vũ khí này của ma quỉ, và với thứ vũ khí này, chúng ta có thể đạt được sự sống vĩnh cửu.
Đừng chán nản trước những khuyết điểm bản thân – Hãy tìm sức mạnh nơi Chúa
Từ lúc Giacôbê bày tỏ những tham vọng không được cao thượng của Ngài cho đến khi được chịu tử vì đạo là một cuộc biến chuyển nội tâm lâu dài. Sự nhiệt thành của Ngài trước kia chống lại những người Samaria không muốn tiếp đón Chúa Giêsu – dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem – nhưng về sau đã biến nên lòng nhiệt thành vì các linh hồn. Từng bước một, tuy không làm mất cá tính hăng hái, nhưng Giacôbê biết rằng nhiệt tâm vì quyền lợi Thiên Chúa không thể dính dáng đến bạo lực hoặc chua chát. Chỉ có vinh quang Thiên Chúa là khát vọng duy nhất xứng đáng mà thôi. Thánh Clêmentê thành Alexandria kể lại khi vị tông đồ nước Tây Ban Nha được điệu ra trước tòa xử, thần thái của ngài liêm chính đến độ kẻ tố cáo ngài sau đó đã đến xin ngài tha lỗi. Thánh Giacôbê suy tư… và sau đó ôm hôn kẻ tố cáo mình, và nói: “Anh hãy bình an”. Hai người sau đó cùng được lãnh nhận triều thiên tử đạo.
Khi suy niệm về cuộc đời thánh Giacôbê tông đồ, chúng ta được lợi rất nhiều khi nhìn thấy những khuyết điểm của Thánh nhân cũng như của các Tông đồ khác. Các Ngài không can trường, không khôn ngoan, mà cũng chẳng đơn sơ. Chúng ta thấy các ngài đôi khi rất ham hố, hay tranh cãi, và thiếu đức tin. Tuy nhiên, thánh Giacôbê là vị Tông đồ đầu tiên được tử đạo. Như thế, hiển nhiên là sự phù trợ của Thiên Chúa cũng có thể thực hiện những phép lạ nơi chúng ta. Ngày nay trên thiên quốc, thánh Giacôbê ắt phải tri ân Thiên Chúa rất nhiều vì đã hướng dẫn ngài trên con đường khác với con đường ngài đã mơ tưởng trước đó. Thiên Chúa là Đấng tốt lành, vô cùng khôn ngoan, và đầy yêu thương vượt quá trí tưởng của chúng ta. Trong nhiều trường hợp, Người không ban cho chúng ta những điều chúng ta xin, nhưng đó lại là điều thích hợp và lợi ích nhất cho chúng ta.
Theo các trình thuật Phúc Âm, như các Tông đồ, Giacôbê cũng có những khuyết điểm rõ ràng và không thể chối cãi. Tuy nhiên, bên cạnh những khiếm khuyết ấy, thánh nhân cũng có một tâm hồn và một con tim vĩ đại. Chúa Giêsu lúc nào cũng nhẫn nại với Ngài cũng như với các Tông đồ khác. Thầy Chí Thánh cho các ngài thời gian để hấp thụ những bài học mà Người đã dùng sự khôn ngoan và tình thương để truyền dạy cho họ. Thánh Gioan Kim khẩu viết: “Chúng ta hãy xét Chúa đặt câu hỏi tương tự như một lời mời gọi và một lời kích lệ như thế nào. Chúa không nói: ‘Ngươi có thể chịu thất bại được không? Ngươi có dám chịu đổ máu không?’ nhưng Chúa lại hỏi: ‘Ngươi có thể uống…’ Để khích lệ họ, Chúa còn thêm: ‘… chén Ta sẽ uống hay không?’ Tưởng nghĩ đến việc uống chính chén của Chúa đã đưa các Tông đồ đến sự đáp ứng quảng đại hơn. Chúa Giêsu gọi cuộc Khổ nạn của Người là ‘phép rửa’ để nhấn mạnh những đau khổ của Người sẽ là nguyên nhân cho cuộc thanh tẩy toàn thế giới.”
Chúa cũng đang mời gọi chúng ta. Ước chi chúng ta đừng đầu hàng sự chán nản khi những khuyết điểm và yếu đuối của chúng ta trở nên rõ rệt. Nếu chúng ta đến với Chúa Giêsu để xin phù giúp, Người sẽ ban cho chúng ta ơn can đảm để tiếp tục trung thành dấn bước, bởi vì Chúa luôn nhẫn nại và cho chúng ta thời giờ cần thiết để cải thiện.
Sưu tầm