Liên Hiệp Quốc quan ngại về việc kết án tù 14 nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam

Liên Hiệp Quốc quan ngại về việc kết án tù 14 nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam

Logo Phủ Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc

Logo Phủ Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc

Thanh Phương
nguồn: RFI

Hôm qua, 11/01/2013, phát ngôn viên Phủ Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc OHCHR đã bày tỏ mối quan ngại về việc tòa án Việt Nam buộc tội và kết án tù 14 nhà hoạtđộng Công giáo và Tin Lành trong phiên xử sơ thẩm ngày 08 và 09/01 vừa qua ở thành phố Vinh.

Trong phiên xử đó, 14 người nói trên bị khép vào tội « hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân », chiếu theo điều 79 Bộ Luật Hình sự, do họ bị cáo buộc là đảng viên đảng Việt Tân, mà chính phủ Việt Nam xem là một tổ chức khủng bố. Ba người lãnh án nặng nhất là Lê Văn Sơn, tức Paulus Lê Sơn, Hồ Đức Hòa và Đặng Xuân Diệu, mỗi người bị tuyên án 13 năm tù giam và 5 năm quản chế. Những người còn lại lãnh án từ 3 đến 8 năm tù giam và từ 2 đến 4 năm quản chế. Chỉ có một người được hưởng án treo.

Trong cuộc họp báo hôm qua tại Genève, phát ngôn viên OHCHR, ông Rupert
Colville ghi nhận rằng : « Mặc dù Việt Tân là một tổ chức đấu tranh ôn hòa
cho cải tổ dân chủ, chính phủ Việt Nam lại xem đây là một ”tổ chức phản
động”. Trong số những người bị buộc tội, không một ai đã tham gia vào những hành vi bạo lực
».

Phát ngôn viên OHCHR cũng bày tỏ quan ngại về việc các bản án đã được tuyên chỉ sau hai ngày xét xử. Theo lời ông Rupert Colville, vụ xử này, cũng như vụ bắt giam luật sư hoạt động nhân quyền Lê Quốc Quân cuối tháng 12 vừa qua, phản ánh xu hướng gia tăng hạn chế quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam, đặc biệt là đối với những người chỉ trích chính phủ. Phát ngôn viên Phủ Cao ủy Nhân quyền LHQ kêu gọi chính quyền Hà Nội xem xét lại việc sử dụng Luật Hình sự để cầm tù những người chỉ trích các chính sách của chính phủ, cũng như xem xét lại toàn bộ những vụ vi phạm quyền tự do ngôn luận và lập hội ở Việt Nam.

Việc kết án tù nặng nề 14 nhà hoạt động Công giáo và Tin Lành đã bị các tổ chức nhân quyền quốc tế và một số nước phương Tây chỉ trích kịch liệt.

Trong thông cáo đưa ra ngày hôm qua, tổ chức Phóng viên không biên giới tuyên bố có thể chứng minh rằng blogger Paulus Lê Sơn, một trong ba người bị kết án nặng nhất, không hề tham gia một hoạt động nào của Việt Tân, khi ở Bangkok trong thời gian từ 25 đến 30/11/2011, đơn giản chỉ là vì lúc đó Lê Sơn dự một khóa huấn luyện do Phóng viên không biên giới tổ chức cho các blogger Đông Nam Á. Đối với Phóng viên không biên giới, rõ ràng là chính quyền Việt Nam đã sử dụng những « chứng cớ ngụy tạo » để kết án những blogger chỉ trích họ. Tổ chức này cực lực phản đối việc kết án Paulus Lê Sơn và bảy blogger khác, đồng thời yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho họ.

Tiếp theo Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội, Bộ Ngoại giao Pháp hôm qua cũng vừa ra tuyên bố « lên án » việc chính quyền Việt Nam kết án tù nặng nề 14 nhà hoạt động Công giáo và Tin Lành. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Pháp Philippe Lalliot nhắc lại rằng : « Chính quyền Việt Nam đã có những quyết định tương tự trong những tháng gần đây ». Đối với ông Lalliot, những quyết định như vậy « vi phạm nghiêm trọng nhân quyền, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội ». Phát ngôn viên
bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh rằng các quyền tự do này được bảo đảm bởi Công ước
Quốc tế về các quyền Chính trị và Dân sự, mà Việt Nam tham gia.

Quốc tế chỉ trích Việt Nam về các án tù đối với 14 thanh niên Công giáo

Quốc tế chỉ trích Việt Nam về các án tù đối với 14 thanh niên Công giáo

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland.

 

Trà Mi-VOA

10.01.2013
nguồn: VOA

Hoa Kỳ và các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới đồng loạt lên án nhà cầm quyền Việt Nam về các mức án lên tới 13 năm tù đối với 14 nhà hoạt động Công giáo trẻ. Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An hôm 9/1 kết tội những thanh niên này ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ vì có liên hệ tới đảng Việt Tân ở hải ngoại.

Những bản án này cùng với việc bắt giữ các blogger khác và một luật sư nhân quyền hôm 27/12 là một phần trong xu hướng nhân quyền hết sức đáng quan ngại của Việt Nam…

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland.

Ngay trong ngày 9/1, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Hà Nội kết án 14 nhà hoạt động vì họ đã thực thi quyền tự do bày tỏ quan điểm của công dân.

Vụ xử hàng loạt các nhà hoạt động Công giáo trẻ diễn ra sau khi Hà Nội bắt giam
nhà bất đồng chính kiến tích cực cổ võ cho tự do tôn giáo và nhân quyền tại
Việt Nam, luật sư Lê Quốc Quân, với cáo buộc tội ‘trốn thuế’ và giữ y án tổng
cộng 22 năm tù đối với blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần bất chấp sự phản đối mạnh
mẽ của thế giới.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ, Victoria Nuland, nhấn mạnh:

“Những bản án này cùng với việc bắt giữ các blogger khác và một luật sư
nhân quyền hôm 27/12 là một phần trong xu hướng nhân quyền hết sức đáng quan
ngại của Việt Nam, khơi dậy những nghi vấn nghiêm túc về các cam kết của Hà Nội
với Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị và với Tuyên ngôn Quốc tế
Nhân quyền.”

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong số các trường hợp mà chính
phủ Hoa Kỳ quan tâm và vẫn đang nêu lên với chính phủ Việt Nam có blogger Điếu
Cày, Tạ Phong Tần, AnhbaSG, và 14 thanh niên Công giáo vừa bị kêu án tổng cộng
hơn 80 năm tù hôm 9/1.

 

14 người Công giáo và Tin Lành bị cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’
(ảnh: thanhnienconggiao).

 

​​14 nhà hoạt động mà nhiều người trong số này là các blogger bị Việt Nam cáo buộc là thành viên hoặc tham gia hoạt động với đảng Việt Tân, một tổ chức chính trị đấu tranh đòi dân chủ cho Việt Nam. Hà Nội cáo buộc Việt Tân là một tổ chức khủng bố, nhưng chính phủ Mỹ nói không có bằng chứng cho thấy Việt Tân cổ xúy bạo động.

Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội kêu gọi Việt Nam phóng thích ngay lập tức các nhà
hoạt động này cùng tất cả các tù nhân lương tâm khác.

Cùng ngày 9/1, đồng Chủ tịch Nhóm Nhân quyền Việt Nam, dân biểu liên bang Hoa
Kỳ Loretta Sanchez, ra thông cáo nêu rõ tình trạng đàn áp nhân quyền tại Việt
Nam là một thách thức với lương tâm của thế giới, khiến quốc tế phẫn nộ và
chứng tỏ Hà Nội không chấp nhận sự bất đồng chính kiến.


Dân biểu Loretta Sanchez.

 

​​​​Dân biểu Sanchez đề nghị chính phủ Mỹ phải hành động ngay lập tức trước thực trạng vi phạm nhân quyền tiếp diễn tại Việt Nam. Bà Sanchez cho biết sẽ tiếp tục kêu gọi Quốc hội Mỹ vận động chính quyền của Tổng thống Barack Obama chống lại sự đàn áp nhân quyền ở Việt Nam.

Các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế nói bản án của 14 thanh niên Công giáo là
hành động chà đạp công lý và nằm trong khuôn khổ chiến dịch đàn áp ngày càng
mạnh tay của Hà Nội đối với quyền tự do bày tỏ quan điểm.

Hội Ân xá Quốc tế cho rằng diễn giải hoạt động của 14 người trẻ này là âm mưu
lật đổ chính quyền là vô căn cứ. Năm ngoái, chính phủ Việt Nam đã tăng cường
trấn áp các tiếng nói chỉ trích nhà nước và các nhà hoạt động ôn hòa. Ân xá
Quốc tế dự đoán với bản án của 14 thanh niên Công giáo đầu năm 2013, xu hướng
này sẽ tiếp diễn trong năm nay.

Theo tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, vụ án của 14 nhà hoạt động
ôn hòa là một bằng chứng thêm nữa chứng tỏ sự chuyên quyền, bạo ngược của Hà
Nội đối với nhân dân và với thế giới khi cho rằng những ai tìm cách bảo vệ
quyền con người là một mối đe dọa cho nhà nước.

Ủy ban Bảo vệ Ký giả CPJ chỉ ra rằng các bản án khắc nghiệt cho thấy mức độ quá
đáng của Việt Nam trong việc sẵn sàng đàn áp giới làm báo độc lập. CPJ kêu gọi
chính quyền Hà Nội đảo ngược phán quyết với 14 nhà hoạt động trẻ và phóng thích
tất cả các nhà báo tự do đang bị cầm tù vì những tội danh giả mạo liên quan đến
an ninh quốc gia.

Theo thống kê năm 2012 của CPJ, Việt Nam xếp thứ sáu trên thế giới trong danh
sách các nước bỏ tù ký giả tệ hại nhất.

 

 

Việt Nam xét xử 14 người Công giáo và Tin Lành

Việt Nam xét xử 14 người Công giáo và Tin Lành

14 thanh niên Công giáo và Tin Lành bị cáo buộc ‘thực hiện các hành động nhằm lật
đổ chính quyền’ (ảnh: thanhnienconggiao)

 

nguồn: VOA Tiếng Việt

08.01.2013

Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An hôm 8/1 đã tiến hành xét xử 14 người, trong đó có 12 người Công giáo. Họ bị chính quyền cáo buộc thực hiện các hành động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Một trong các luật sư tham gia bào chữa, ông Trần Thu Nam cho VOA Việt Ngữ biết
rằng vụ xử hôm 8/1 đã kết thúc phần xét hỏi và đã chuyển sang phần tranh luận.

Luật sư Nam cho biết: “‘Viện Kiểm sát đã phát biểu những lời luận tội của mình và các luật sư đã đưa ra quan điểm. Việc tranh luận tại phiên tòa chấm dứt do hết giờ. ”

Trong khi đó, báo chí trong nước đưa tin, đây là phiên tòa sơ thẩm vụ án hình
sự ‘Hồ Đức Hòa cùng đồng phạm hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân’.

Tờ báo này cũng đưa tin là có hàng trăm Công an tỉnh Nghệ An tham gia bảo vệ
phiên tòa.

Các tin tức trên các trang mạng xã hội cho biết đã xảy ra xô xát giữa người thân các bị cáo và lực lượng an ninh.

Những hình ảnh đăng trên các trang blog cho thấy người nhà của những người bị
đưa ra xét xử đứng đối mặt với các nhân viên bảo vệ bên ngoài tòa án.

Tờ báo dẫn lời cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An gọi 14 người
vừa kể là ‘đường dây tội phạm được tổ chức Tân Việt huấn luyện tại Thái Lan,
Campuchia, Philippines và Mỹ từ năm 2010’.

Luật sư Nam cũng cho biết rằng tất cả các bị cáo đều bị cáo buộc là thành viên
của tổ chức hoạt động ở hải ngoại.

Ông Nam nói: “Luật sư chúng tôi phản bác rất là nhiều. Có 4 luật sư thay
nhau đưa ra quan điểm cho rằng một số bị cáo không tham gia Đảng Việt Tân. Cái
thứ hai là không đủ cơ sở để kết tội các bị cáo đã tham gia đảng Việt Tân. Chưa
đủ chứng cứ và có một số những cái trình tự thủ tục tố tụng còn thiếu và có vi
phạm cho nên Luật sư Hà Huy Sơn thì nói rằng các bị cáo không có tội. Luật sư
Nguyễn Thị Huệ nói bị cáo Sơn không có tội. Còn quan điểm của tôi thì cho rằng là
với những cái chứng cứ trong hồ sơ thì chưa đủ kết tội các bị cáo. Nếu như cần
làm rõ hơn thì cần thiết phải trả lại hồ sơ và bổ sung tất cả các chứng cứ cần
thiết và làm rõ những cái vi phạm tố tụng mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã
vi phạm.”

Được biết, các bị cáo chưa lên tiếng trong phiên xử hôm nay vì hết giờ. Phiên
xử sẽ tiếp tục vào ngày mai, 9/1.

Việt Tân chưa lên tiếng trước cáo buộc mới nhất đối với họ.

Chính quyền Hà Nội coi Việt Tân là một tổ chức khủng bố, nhưng tổ chức hoạt
động ở hải ngoại này từ trước tới nay luôn bác bỏ tố cáo đó.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế cho rằng Việt Nam tống giam những người bày tỏ
quan điểm một cách ôn hòa, nhưng Hà Nội cho rằng chỉ những người vi phạm pháp
luật mới bị trừng phạt.

Nguồn: VOA’s interview

Nhà thờ Mằng Lăng:

Nhà thờ Mằng Lăng:

Nhà thờ Mằng Lăng thuộc xã An Thạch, huyện Tuy
An, tỉnh Phú Yên,
cách thành phố Tuy Hòa 35km về phía Bắc.

Đây là một trong những nhà thờ cổ nhất ở VN. Vẻ đẹp của công trình 118 năm tuổi này nằm ở lối kiến trúc gô-tích cổ điển với nhiều hoa văn trang trí, nằm ở khung cảnh thanh bình của vùng thôn quê yên ả.

Đây mới dúng nghĩa là cuốn SÁCH HIẾM..

Cuốn sách in đầu tiên bằng chữ quốc ngữ Lm Alexandre de Rhodes fát minh

Du khách từ các tỉnh lân cận Phú Yên, từ Hà Nội, TPHCM, đến Bình Thuận, Gia Lai mỗi lần có dịp đến Tuy Hòa đều muốn ghé nhà thờ Mằng Lăng. Không chỉ vì kiến trúc đẹp mắt, không chỉ vì lớp bụi thời gian phủ  trùm Mằng Lăng từ màu vôi bạc trắng đến từng viên gạch cũ, mà còn bởi nơi đây có bề dày lịch sử với nhiều chứng tích vô cùng đặc biệt. Tại đây đang lưu giữ cuốn sách in đầu tiên bằng chữ quốc ngữ của nước VN, in tại Roma, Italia, năm 1651. Đó là quyển giáo lý Phép giảng tám ngày của Alexandre de Rhodes (người dân địa phương gọi là cha Đắc Lộ) – người khai sinh ra chữ quốc ngữ. Nhà thờ Mằng Lăng còn có một khu hầm được xây trong lòng một quả đồi nhỏ. Du khách đến đây, bước xuống tầng hầm độc đáo này sẽ thấy toàn bộ các chứng tích liên quan đến nhà thờ Mằng Lăng được trưng bày trang trọng: hình ảnh nhà thờ Mằng Lăng từ thuở mới xây dựng và qua hai lần sửa chữa, các bức ảnh, câu chuyện về linh mục Alexandre de Rhodes..

Anh Nguyễn v Thập gởi

Giáo hội Campuchia và Năm Đức Tin

Giáo hội Campuchia và Năm Đức Tin

Huy Hoàng

 

Đức giám mục Olivier Schmitthaeusler

WHĐ (5.1.2013) – Tại Campuchia, người Công giáo chỉ chiếm 1% dân số trong một đất nước có đến 96% người Phật giáo. Nhưng Giáo hội địa phương thật nhỏ bé này cũng mong muốn cử hành Năm Đức Tin.

Một hội nghị về Vatican II và về Giáo hội sẽ được tổ chức tại Phnom Penh từ ngày 5 đến 7 tháng 1-2013 với hơn 400 tham dự viên. Hội nghị sẽ giới thiệu bản dịch các văn kiện Công đồng và Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo bằng tiếng Khmer. 500 bản sẽ được phát hành. Một sứ điệp video của Đức Thánh Cha sẽ được gửi đến Hội nghị vào ngày thứ Hai.

Mục đích của Hội nghị là học hỏi các văn kiện Công đồng để đón nhận nguồn năng lượng mới hầu tái thiết Giáo hội tại Campuchia. Hội nghị diễn ra tại mảnh đất mới được giáo phận Tông Tòa mua lại. Chính nơi đây sẽ xây dựng ngôi Nhà thờ chính tòa mới. Nhà thờ cũ đã bị Khmer Đỏ phá hủy vào năm 1975 dưới thời Pol Pot. Cả những cơ sở của nhà thờ cũng bị tháo dỡ và thay vào đó là một trung tâm thông tin. Mọi thứ đều bị phá huỷ: các tôn giáo, và cả văn hóa

Hội nghị được tổ chức theo ý định của vị Đại diện Tông Tòa của Phnom Penh, Đức giám mục Olivier Schmitthaeusler, một trong các giám mục trẻ nhất thế giới và đã tham dự Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới vừa qua về việc Tân Phúc âm hóa ở Roma. Mục tiêu của Hội nghị là giúp đào tạo các Kitô hữu Campuchia trở thành các nhà lãnh đạo Giáo hội của họ. Đến truyền giáo ở Campuchia từ mười lăm năm qua, Đức giám mục Schmitthaeusler đã khởi đi từ con số không.

Trong bốn năm dưới chế độ Pol Pot, từ 1975 đến 1979, Giáo hội Campuchia đã bị bách hại và tiêu diệt, tài sản bị phá hủy, nhiều linh mục và tu sĩ bị giết. Các nhà truyền giáo đầu tiên trở lại Campuchia vào năm 1989. Đức giám mục Schmitthauesler đã thành lập một trường giáo dục đức tin. Theo Đức cha, những thay đổi ảnh hưởng đến nền kinh tế, xã hội và văn hóa đòi hỏi Giáo hội Campuchia phải tự vấn về cách thức loan báo Tin Mừng.

(Vatican Radio, 4-1-2013)

(Nguồn: WHĐ)

Maria Thanh Mai gởi

Xã Hội Bạo Lực & Sex?

Xã Hội Bạo Lực & Sex?

(01/04/2013)

nguồn:Vietbao.com

Bạn thân,

Đất nước ngày càng kinh dị. Không có vẻ gì như đời thường. Y hệt như trong phim
ảnh căng thẳng, nơi xã hội đen khống chế cả quan quyền và trong đời dân thường.

Có phải đó là bản chất xã hội, khi người trên không ngay chánh thì người dưới
cũng hỗn loạn — có phải đó là nghiệp lực ám cả nước, khi vị vua sáng lập đời
nhà Hồ cho tới cuối đời vẫn không dám mở miệng nói gì về vị hoàng hậu họ Tăng
bị giấu kín bên Tàu và về nàng thiếp trẻ có bầu bị trùm công an hiếp và giết
quăng xác? Thế là, sex và bạo lực bao trùm cả nước tới giờ.

Báo Người Lao Động 2/1/2013 kể chuyện chưa từng thấy:

“Đòi nợ con, hiếp dâm mẹ già 62 tuổi

Thấy Trung tự tiện lục lọi tủ để tìm tiền, bà H. ngăn cản thì bị Trung xô ngã
xuống giường, bóp cổ rồi cưỡng hiếp. Bà H. sau đó tử vong tại bệnh viện do bị
đa chấn thương.

Thượng tá Ngô Đình Thu, Phó trưởng Công an quận Ngũ Hành Sơn – TP Đà Nẵng, ngày 2-1 cho biết đang củng cố hồ sơ để bàn giao nghi phạm Nguyễn Thành Trung (SN 1990, trú huyện Hòa Vang – TP Đà Nẵng) lên công an TP thụ lí vụ án hiếp dâm đặc biệt nghiêm trọng.

Trước đó, vào khoảng 21 giờ tối 24-12, Trung đến nhà anh S. (SN 1994, ở quận
Ngũ Hành Sơn) để đòi số tiền nợ 9 triệu đồng. Không gặp được anh S., Trung chạy
vào nhà lục lọi tủ để tìm tiền. Khi mẹ anh S là bà N.T.H. (62 tuổi) ngăn cản
thì bị Trung xô ngã xuống giường, bóp cổ rồi cưỡng hiếp.

Thực hiện hành vi đồi bại xong, Trung bỏ đi. Nghe bà H. kêu cứu, người dân gần
đó chạy sang đưa bà đi cấp cứu. Đến ngày 31-12, bà H. đã tử vong do gãy đốt
sống 5, 6, thoát dịch tủy đốt sống cổ, tứ chi có nhiều vết thương tích do xô
xát, vùng kín bị tổn thương nặng.

Vào cuộc điều tra, Công an quận Ngũ Hành Sơn đã bắt được Trung. Bước đầu kẻ đồi
bại đã khai nhận toàn bộ vụ việc.”

Và cũng báo Người Lao Động hôm 2/1/2013 kể chuyện:

“Hà Nội: Nữ sinh 14 tuổi bị 5 bạn trai hiếp dâm tập thể

Tin tưởng đi chơi với nhóm bạn trai trước Tết Dương lịch, nữ sinh D.T.V. (14
tuổi, ở Hà Nội) đang học THCS đã bị 5 bạn trai đưa ra cánh đồng để hiếp dâm tập
thể.

Trong báo cáo ngày 1-1-2013, Công an huyện Sóc Sơn – Hà Nội cho biết một vụ
hiếp dâm nghiêm trọng đã xảy ra trên địa bàn huyện trong dịp Tết Dương lịch năm
nay.

Theo đó, tối 28-12, nữ sinh D.T.V (SN 1998, ở huyện Sóc Sơn – Hà Nội), là học
sinh trường THCS Minh Phú, đi chơi cùng nhóm 5 người bạn trai quen biết.

Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, khi về qua cánh đồng thôn Thanh Trí (xã Minh Phú,
huyện Sóc Sơn), nhóm bạn trai ép đưa nữ sinh V. vào chỗ khuất rồi thay nhau
thực hiện hành vi hiếp dâm.

Ngay sau khi nhận được trình báo của gia đình nữ sinh V., Công an huyện Sóc Sơn
đã khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ và bắt cả 5 “yêu râu xanh”
khi chúng trốn ở thị xã Phúc Yên – tỉnh Vĩnh Phúc.”

Đúng là những chuyện chưa từng nghe trong lịch sử. Y hệt như Tiên Đế nhà Hồ,
đời ông cũng đầy chuyện sex và bạo lực trong những kiểu chưa từng xảy ra trong
lịch sử. Lạ vậy.

 

LƯU MANH HÓA TRÍ THỨC

LƯU MANH HÓA TRÍ THỨC
“Không ít trí thức Việt nam dễ dàng bán mình cho những quyền lợi tầm thường và phi pháp.” (Dr. Nikonian)

Nói chung là bán đắt không ai mua thì phải bán rẻ thúi.

TL: Thỉnh thoảng mình được đọc note của một bạn trẻ có nickname là Tiếu Bối, đâu chừng ngoài 20 tuổi. Hôm nay lại được đọc bài này. Nếu tuổi trẻ đã ưu tư những chuyện như thế này của đất nước thì VN vẫn còn hồng phúc lắm…Tự an ủi mình như vậy!

Tượng trí thức (Thổ Nhĩ Kỳ)
Theo số liệu thống kê cho biết : Cả nước hiện có hơn 9. 000 Giáo Sư, 24.000 tiến sĩ, 101.000 thạc sĩ và 2.700.000 cử nhân đại học [1]. Một con số lý tưởng
cho nền kinh tế tri thức. Việt Nam hiện nay có nhiều điều kiện để trở thành nước có nền kinh tế phát triển như: nguồn lao động trẻ, thuận tiện giao thông, có nhiều loại tài nguyên,….Tuy vậy, nước ta vẫn trong cái vòng luẩn quẩn của nghèo nàn, lạc hậu. Nguyên nhân chính là ở yếu tố con người, do đất nước chúng ta không tôn trọng giá trị con người, không tôn trọng trí thức đích thực. Yếu tố con người chưa được quan tâm thích đáng trong khi nó mới là nhân tố chính cho sự hưng thịnh/ suy yếu của 1 quốc gia.
Một xã hội bảo thủ, trọng thành tích, hám danh sĩ diện với bằng cấp thường đi đôi với sự coi thường sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật đương nhiên sẽ tụt hậu. Và Việt Nam đã và đang tụt hậu. Cũng theo số liệu thống kê cho biết các chuyên gia WB tính toán
“Việt Nam phải mất rất lâu nữa mới đuổi kịp các nước trong khu vực Đông Nam Á: 158 hoặc cũng có thể là 175 năm với Singapore, 95 năm với Thái Lan và 51 năm với Indonesia.” [2]
Vấn đề đầu tư vào giáo dục luôn quyết định hưng, suy của một quốc gia. Nền giáo
dục của Việt Nam và cả xã hội Việt Nam làm nhân tài không có đất dụng võ. Với
bằng cấp tràn lan, làm người Việt ảo tưởng về mình. Mỗi năm chúng ta có rất nhiều kỹ sư, cử nhân, tiến sĩ, giáo sư mới nhưng nền kinh tế của chúng ta lẹt đẹt, èo uột, đất nước chúng ta lạc hậu. Nếu tính từ hàm Thứ trưởng trở lên, số người có trình độ tiến sĩ ở Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản [3]. Và với số lượng hùng hậu GS, TS, Ths, Cử nhân đã nêu trên, một con số lý tưởng cho nền kinh tế tri thức. Nhưng hiện vẫn đốt đuốc tìm lao động chuyên gia, thiếu hẳn những công trình khoa học – sáng tạo – sáng chế được ứng dụng vào thưc tiễn cuộc sống…Trong khi nền kinh tế sản xuất vẫn là nhân công giá rẻ, miệt mài với gia công phụ thuộc, công nghệ thì vẫn đang loay hoay ở trình… “sản xuất mì tôm”.
Người Hàn Quốc họ có quyền tự hào vì họ xây dựng được những sản phẩm mang tính thương hiệu quốc tế như: Sam Sung, Huyndai. Người Nhật có thể vỗ ngực tự hào với Sony, Toyota. Sing có quyền hãnh diện về hàng xuất khẩu điện tử của mình ra khắp thế giới,…Hoàn toàn thiếu một sản phẩm Việt sánh ngang tầm các quốc gia khác trên thế giới.
Thực tế này cho thấy, chất xám Việt đang bị lãng phí. Lãng phí từ khâu đào tạo
(đào tạo quá nhiều GS, TS, Ths giả và dỏm), lãng phí cả khâu sử dựng (Nhân tài
thực sự chưa được tin dùng và sử dụng hợp lý và trọng dụng họ).
Người Việt, trí thức Việt, dân Việt trách móc Xã hội này đôi khi, nhưng nếu nhìn kỹ lại, thì chính họ chính chúng ta tạo nên Xã hội này. Trí thức Việt nói riêng, dân Việt nói chung nhiều lúc đôi khi có xu hướng, chờ đợi mong mỏi một vị minh quân, 1 vị lãnh đạo tài ba xuất chúng nào đấy xuất hiện để đưa lối dẫn đường họ và lãnh đạo đất nước đang tụt hậu này, nhưng họ quên rằng không ai dẵn dắt và không ai hành động tốt hơn họ tự dẫn dắt mình định hướng cho mình. Đã đến lúc cả dân tộc này và giới trí thức Việt cần nhìn thẳng và nhìn thật vào chính mình, nhìn vào thực tế và tự gánh trách nhiệm cũng như vài trò của mình để tự thoát ra cái vòng luẩn quẩn này chứ không phải một ai đó, 1 vị cứu tinh nào đó hay 1 vị minh quân còn ẩn dật đâu đó.
Nghèo, dốt, thua kém người khác chưa hẳn là cái tội. Cái tội là ở chỗ: nghèo, đói, lạc hậu, thua kém người khác nhưng lại không biết, hay biết mà không chịu thừa nhận và tệ hơn là phải phủ nhận mình nghèo bằng mọi giá vì cái sĩ, để rồi không chịu tìm tòi hướng đi, lối thoát cho mình. Và nếu chúng ta không khắc phục được sự yếu kém của đất nước, nạn nhân cũng chính là chúng ta. Chúng ta là nạn nhân của chúng ta.
Bất cứ xã hội nào, trí thức và yếu tố con người mới là yếu tố hàng đầu để đưa
đất nước đi lên. Nước Mỹ phồn vinh với giấc mơ Mỹ và là miền đất Hứa của biết
bao người trên thế giới, Người Hàn Quốc chấp nhận “ăn mày chất xám” ở phương
tây, tinh thần Samurai của Nhật…Sao không để cho trí thức Việt được tự do trong
sáng tạo, tự do trong tư tưởng, tự do trong lựa chọn của mình !? Để họ được
cống hiến !?
Ở một góc độ nào đó, có thể nói và khẳng định rằng, đất nước không phát triển
được như người ta là vì trí thức Việt chưa phát huy hết vai trò và sứ mệnh của
mình. Và lại ở 1 góc độ nào đó, họ bị kiềm kẹp, bị cột, bị trói chặt tư duy, tư tưởng, và cả ý thức hệ, họ cũng muốn sống, muốn cống hiến lắm, muốn được hy sinh nhưng ý thức hệ, sự khác biệt trong tư duy và tư tưởng đã làm cho họ không được chọn, và họ bị cuốn vào vòng xoáy luẩn quẩn của giới trí thức Việt bao đời nay, vòng xoáy của một xã hội mà ngay cả đến trí thức cũng bị đẩy vào con đường “lưu manh hóa”, ở đó nhân phẩm của trí thức bị người khác chà đạp và tự mình chà đạp lên mà sống ,để rồi họ không kịp nhận ra họ vừa là “nạn nhân” mà còn đồng thời là “thủ phạm”. Họ hành hạ nhau và dẫm đạp lên nhau mà sống:
-Một bác sĩ với mức lương èo uột, 3 đồng 3 cọc , chết đói, anh ta tìm đủ cách làm khó bệnh nhân để được nhận “lót tay”. Nhưng khi anh ta sử dụng các dịch vụ khác, anh ta lại bị làm khó lại.
-Một thương gia (doanh nhân) vì chạy theo lợi nhuận và tham đồng tiền bất chính không ngại bán rẻ lương tâm mình sản xuất ra những hàng hóa chất lượng kém, độc hại tới sức khỏe của người tiêu dùng, miễn sao lợi nhuận nhiều, xả chất thải độc hại ra môi trường, nhưng rồi chính anh ta hủy hoại môi trường chung anh ta đang sống trong đó và sẽ ra sao nếu anh ta mua phải những sản phẩm độc hại khác do người khác cũng vì tham lam mà sản xuất ra như anh ta.
-Từ Vụ sập cầu Cần Thơ, cho đến sập cầu cống, hàng loạt công trình thủy điện quốc gia công trình dân sự khác,… những kỹ sư làm việc trên công trình đó đã làm hại hoặc tiếp tay cho người khác làm hại rất nhiều người. Sẽ ra sao nếu như những kỹ sư này đứng dưới công trình của chính họ thiết kế và xây dựng?
-Một nền giáo dục thay vì dạy con người ta cách học, nó chỉ dạy con người ta cách tin và phải đặt niềm tin vào đấy, kết quả tạo ra khg phải 1 thế hệ mà nhiều thế hệ cứ bắt thế hệ nối tiếp sau cứ tiếp tục đặt niềm tin. Bởi lẽ thế hệ này tiếp tục “dẫn dắt” (chăn dắt!?) thế hệ kia.
-Một công chức, phải bỏ ra 1 khoản tiền lớn để mua chạy chức, hối lộ cho người
này, cho cơ quan kia để có cái ghế, cái chức. Khi có cái ghế, cái chức rồi lại quay lưng ra cướp phá, cướp bóc , hạch sách nhũng nhiều người khác để lấy lại những thứ mà mình từng bỏ ra. Và xem điều đó là lẽ đương nhiên và cái vòng luẩn quẩn ấy cứ tiếp diễn!
-Một nhà báo, nhà văn, người cầm bút vì lợi ích cá nhân riêng, có thể nhẫn tâm
bẻ cong ngoài bút, viết láo và viết liều để nhận được những đồng tiền bẩn tưởng
chừng như chỉ làm tổn hại tới người đọc nói riêng và nền văn báo chí văn hóa
nước nhà nói chung nhưng anh ta cũng đang tự biến mình thành trò bỉ ổi và lố
bịch trong mắt người đọc, vì người đọc bây giờ đủ thông minh để nhận biết đâu
đúng, đâu sai. Bởi trước khi hốt bùn để ném vào mặt người khác, thì bàn tay anh
ta cũng đã lấm bùn trước rồi…
Và cứ thế, mỗi người trong xã hội cứ tự hại mình và hại người khác. Có thể nói
trí thức Việt Nam nói riêng và người Việt nói chung vừa tự hại mình và hại
người, nạn nhân của nhau, nạn nhân của định hướng xã hội, nạn nhân của sự lãnh
đạo và dẫn dắt tồi tệ.
Trong một xã hội, khi “sự thật” bị bóp méo, bị bẻ cong Trí thức Việt từ chỗ “người sáng” cũng trở thành “người mù”, người thẳng cũng thành “còng lưng”. Hoặc im lặng, cúi đầu chấp nhận để mà sống yên ổn thay vì cất tiếng nói phản kháng rồi bị vùi dập.
Với mức giá, mức lương hiện tại, Xã hội còn nhiều trí thức không sống được vói
mức lương thực của mình. Người lao động trí thức bị bần cùng hóa và bị đẩy đến
chỗ không còn có thể nghĩ gì khác ngoài việc làm sao kiếm cho đủ tiền để sống.
Đây chính là một trong những lý do làm nên sự tha hóa, biến chất của giới lao
động trí thức, thay vì đầu tư vào nghiên cứu, nâng cao chuyên môn tay nghề,
phát minh ra cái này, khám phá ra cái kia họ lao đầu vào kiếm tiền kiếm sống,
làm sao phải sống được cái đã. Chính điều này dẫn họ tới kết quả làm nhiều việc
trái nghề, trái lương tâm, trái đạo đức xã hội…
Mua quan, bán chức, mua vị trí công tác diễn ra đều đặn trong giới lao động trí thức trong Xã hội để rồi khi lên nắm quyền thì Vua quan thi nhau chia chác, nhũng nhĩu, quan liêu, thằng lên sau thì dốt hơn nhưng lưu manh, khốn nạn hơn thằng trước. Khốn khổ cho một xã hội!
Chưa dừng lại ở đó, Giới lao động trí óc ở Việt Nam không những bị bần cùng hóa
về đời sống vật chất, mà còn bị bần cùng hóa hay tự bần cùng hóa cả về tư duy đời sống tinh thần khác. Hiện tượng này đang thành ra phổ biến : những người, lẽ ra , phải làm việc với sách vở lại rất ít đọc sách, không quan tâm đến các vấn đề xã hội. Họ tự phủ nhận vai trò và trách nhiệm xã hội của họ. Hoặc học nhiều đọc nhiều, có bằng này bằng nọ chỉ để tự hào, để khoe khoang, để lên lớp nhau, để mơn trớn nhau vì cái tính sĩ diện hảo. Và cách người Nga đáp trả: Mày giỏi (giáo dục cao, học giỏi…) sao mày không giàu (sao mày không thể bán chút kiến thức để kiếm tí tiền tiêu cho sang trọng). Có lẽ câu nói đó hơi sống sượng. Nó hơi chợ búa. Nhưng nó chỉ ra một thứ rất đáng nghĩ rằng: nếu như kiến  thức của bạn không mang lại giá trị cho chính bản thân bạn thì bạn cần kiến thức đó làm gì. Để trang trí hả? Để khoe mẽ hả? Nói thẳng ra, nó hơi chợ búa, nhưng đấy là cách nghĩ của một con buôn chứ không phải 1 trí thức.
Mặt khác, một số đông trí thức và tự nhận mình là trí thức lại cố định, cột chặt và để người khác cột, trói chặt tư duy và suy nghĩ của mình bằng những định kiến có sẵn, những quan điểm tâm lý đám đông và những quy luật bất thành văn khác về tư duy và quan điểm của họ . Điều này dẫn đến họ không tự do tư duy, không có tính bức phá không có khả năng phán xét đâu đúng đâu sai, họ chỉ biết nghe, biết chấp nhận những điều từ người khác mớm cho, từ trên đưa xuống không cần phán xét coi nó đúng hay sai, lợi hại ra sao. Sự bần cùng hóa tinh thần là một trong những nguyên nhân khiến giới lao động trí óc ở đây đánh mất sức mạnh, đánh mất khả năng phân biệt đúng sai, phải trái, và khiến họ có thể vi phạm các chuẩn mực đạo đức mà vẫn cảm thấy yên ổn lương tâm. Họ tìm sự yên ổn bằng cách sử dụng các lý lẽ mang tính ngụy biện để bào chữa hoặc hợp pháp hóa cho sự vi phạm đạo đức hay sự vi phạm pháp luật. Họ đã dùng cái sai này để ngụy biện bao che, phủ lấp cái sai khác, trong khi những giải pháp đúng đắn, khoa học đã không được lựa chọn.
Chính sự bần cùng và tự bần cùng hóa về tư duy, đạo đức và tinh thần, đời sống,
trí tuệ đã khiến cho trí thức Việt Nam bị tha hóa nhiều mặt, mất cả năng lực
làm việc trong lĩnh vực chuyên môn của mình, mất luôn cả bản lĩnh văn hóa, cả ý
thức về sự đúng sai, cả phẩm chất đạo đức công dân. Để tự giữ cho mình trong
sạch, chuẩn mực còn khó, nói chi đến chuyện dám đứng lên bảo vệ công lý, bảo vệ
sự thật ! Chính vì thế nhiều người còn chút lương tri họ chấp nhận cắn răng
chiệu đựng và thõa hiệp với cái ác và cái xấu để yên ổn mà sống.
Họ dối trá, tiếp tay cho sự dối trá, họ lừa lọc, tiếp tay cho sự lừa lọc, họ sĩ diện và tiếp tay cho sự sĩ diện. Tất cả nó làm nên dung mạo của nền trí thức bị “lưu manh hóa”.
Đất nước này đã phải trả cái giá quá đắt cho tệ nạn “lưu manh hóa trí thức” này
rồi, bây giờ đã đến lúc chúng ta phải biết tự đứng dậy, dám nhìn thẳng, nhìn
thật vào sự thật, nhìn vào thực tế,… tự bản thân mình thoát ra khỏi cái vòng
luẩn quẩn ấy, đừng tự hại mình và hại người nữa.
[1] Số liệu Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (ĐH New South Wales, Úc) đưa ra.
[2] Tính toán của các chuyên gia dựa trên báo cáo của WB năm 2007
[3]Theo TS Nguyễn Khắc Hùng, nguyên Chuyên viên Đối ngoại, Học viện Hành chính Quốc Gia.
OH, 30/12/2012
Cám ơn Nguyễn Thọ gởi

Nói cho con người: Lm. Chân Tín (31)

Nói cho con người: Lm. Chân Tín (31)

Đăng bởi lúc 2:09 Sáng 2/01/13

nguồn:Chuacuuthe.com

VRNs (02.01.2013) – Sàigòn –

Tự do Tôn giáo

(Thư kính gửi Đức Hồng y Phạm Đình Tụng, Chủ tịch HĐGMVN)

Vũng Tàu, ngày 10 tháng 7 năm 1998

Kính thưa Đức Hồng y,

Hôm kỷ niệm 49 năm thụ phong linh mục của Đức Hồng y và của 3 anh em chúng con (6.6.1998), con có điện thoại cho Đức Hồng y dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn. Đức Hồng y có nhã ý mời con ra Hà Nội nhưng con không đi được vì bận dạy giáo lý tân lòng và cũng vì những vết thương ở chân và tay con chưa lành hẳn. Những vết thương này là do “người ta” cố ý gây tai nạn giao thông, trong khi anh Nguyễn Ngọc Lan chở con vào Tân Sơn Nhất để dự đám tang của cụ Nguyễn Văn Trấn thọ 84 tuổi và đã trên 60 tuổi Đảng, đồng thời cũng là người bạn thân của chúng con trong cuộc tranh đấu cho nhân quyền và cho tự do báo chí ở Việt Nam.

Nay con về Vũng Tàu vài hôm, con xin gửi đến Đức Hồng y một vài trăn trở của con, khi đọc những chỉ thị của Bộ Chính trị về công tác tôn giáo, ra ngày 2 tháng 7 vừa qua.

Trước hết, khi đề cập đến tình hình tôn giáo và công tác tôn giáo, Bộ Chính trị nói: “Tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, Đảng và Nhà nước chủ trương và thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo, không tín ngưỡng và không tôn giáo của nhân dân”. Con xin thưa với Đức hồng y: Đây không phải là một nhu cầu của một bộ phận nhân dân nhưng là của đại đa số nhân dân, chỉ có một số nhỏ không tín ngưỡng. Đã là nhu cầu tinh thần của đại đa số thì Đảng và Nhà nước càng phải tạo điều kiện để các tôn giáo phát huy những giá trị tinh thần của đại đa số nhân dân, phải tôn trọng các giáo hội xây dựng đời sống tinh
thần của các tín đồ. Nhưng trong thực tế hiện nay Đảng và Nhà nước gây nhiều
khó dễ cho các giáo hội, hạn chế hoạt động tôn giáo và gây khó khăn cho việc đào tạo các chức sắc và các tu sĩ của các giáo hội, bóp nghẹt các giáo hội bằng cách hạn chế việc chiêu sinh.

Riêng phái Công giáo thì như trong giáo phận Sài Gòn, từ 1975 đến nay có khoảng 250 linh mục qua đời và Nhà nước chỉ chấp thuận 150 tân linh mục. Chính con đã viết thư cho Đức Hồng y Etchegaray ngày 7 tháng năm 1989: “Tự do tôn giáo đích thực mặc nhiên bảo đảm  cho Giáo hội được tự do chọn các giáo sư và các chủng sinh. Thế mà hiện nay, việc tổ chức các chủng viện phải chịu đủ thứ hạn chế, chẳng hạn ấn định tỷ số về các chủng sinh. Việc tuyển chọn chủng sinh và các giáo sư chủng viện phải lệ
thuộc sự chấp thuận của Nhà nước… Hiện nay tại Sài Gòn chúng con có một khóa
tuyển sinh 50 chủng sinh cho 10 giáo phận phía Nam. Thời hạn ấn định cho khóa
này là 6 năm, không có tuyển khóa mỗi năm mà chỉ có mãn khóa đầu. Cụ thể mỗi
giáo phận gửi vào chủng viện 5 chủng sinh. Sau 6 năm, 2 chủng sinh có thể tự ý
xin rút lui, một anh khác có thể không được phong chức vì không hợp nhãn Nhà
nước, một anh khác có thể không đạt tiêu chuẩn của Giáo hội, chỉ còn một chủng
sinh thôi. Trong thời gian đó có biết bao linh mục chết đi vì già, vì bệnh, vì
tai nạn”. (Xem hồ sơ Chân Tín: Nói cho con người. tr.27, nxb Tin Paris,
1993). Thế có nghĩa là từ 1975 đến 1989, không có một khoá đào tạo nào trên
toàn thể Đất nước. Và từ 1989 đến nay có đổi đôi chút nhưng không thấm vào đâu,
như thư của một vị giám mục viết sau hội nghị Thường niên Hội đồng Giám Mục
Việt Nam (tháng 10.1997): “Hội đồng Giám mục Việt Nam chúng ta hôm nay chỉ có
33 vị. Về tuổi tác, đại đa số nay đã già, về sức khỏe hầu hết đều bệnh hoạn,
hoàn cảnh các linh mục cũng không khác nhau bao nhiêu vì việc đào tạo và phong
chức đã bị gián đoạn nhiều năm”. Về vấn đề chủng viện, lá thư ấy nói tiếp:
“Giáo hội Việt Nam trước đây có hàng chục đại và tiểu chủng viện… nhưng hiện
nay chúng ta chỉ có 6 đại chủng viện cho toàn quốc với tổng số 752 chủng sinh.
Cơ sở vật chất thì chật chội, ban giảng huấn thì vừa cao niên vừa thiếu hụt. Từ
lâu, Hội đồng Giám mục đã xin phép mở thêm hai đại chủng viện nữa nhưng đến nay
vẫn chưa được”. (Tin Nhà số 31, tr.13).

Kính thưa Đức Hồng y,

Phải chăng những gì con viết vào năm cho Đức Hồng y Etchegaray thì nay vẫn còn y nguyên. Người ta cố tình giết chết Giáo hội khi không cho phép mở thêm chủng viện đào tạo linh mục và tự do chiêu sinh.

Với những hạn chế như thế mà Bộ Chính trị dám nói: “Chính sách tín ngưỡng tôn giáo của Đảng và Nhà nước đã đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, củng cố niềm tin đối với Đảng và Nhà nước, tạo được tinh thần phấn khởi cho đồng bào tín đồ các tôn giáo… tín đồ các tôn giáo ngày càng yên tâm tin tưởng và hăng say thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước”. Ôi thật mỉa mai!

Tự do in sách tôn giáo cũng chẳng có. Nhà nước đòi áp đặp một số luật về in ấn sách kinh tôn giáo. Mấy ông vô thần và vô tín ngưỡng lại đòi kiểm soát sách tôn giáo thì thật là ngô nghê. Biết gì về Đạo, hiểu gì về Đạo mà đòi kiểm soát về giáo lý của các tôn giáo và các hoạt động nội bộ của tôn giáo.

Chỉ thị của Bộ chính trị còn nêu ra một điều trái ngược với bản chất tôn giáo: “Một số người không phải là nhà tu hành truyền đạo vi phạm pháp luật”. Ta phải nói thẳng: không có quyền lực nào cấm tín đồ của một tôn giáo truyền đạo cho kẻ khác. Đối với đạo Chúa Kitô đó là mệnh lệnh, là một nghĩa vụ tối cao của mỗi tín ngưỡng của mỗi tín hữu phải đem Tin Mừng Cứu độ cho mọi người, chứ không riêng gì người tu hành mới giảng đạo. Nhà nước không có quyền áp đặt hạn chế đó. Hội đồng Giám mục phải lên tiếng chống lại ý đồ của Đảng và Nhà nước. Họ lăm le áp đặt nay mai nhiều luật lệ phá đạo: “Nhà nước chưa kịp thời bổ sung các văn bản hướng dẫn và qui định cụ thể
về các hoạt động tôn giáo. Chính phủ bổ sung nghị định qui định về hoạt động
của tôn giáo, soạn thảo pháp lệnh tôn giáo trình ủy ban thường vụ Quốc hội ban
hành”.

Một vấn đề quan trọng khác là vấn đề các dòng tu, các tu hội. Chỉ thị Bộ Chính trị viết: “Chính phủ có qui định và hướng dẫn cụ thể về hoạt động của các tôn giáo”. Trong vấn đề các dòng tu và tu hội, các bề trên các dòng tu cùng với Hội đồng Giám mục phải có tiếng nói và đưa ra đường hướng để tránh sự lệch lạc của mấy người vô thần duy vật muốn định đoạt sinh hoạt của người tu hành dấn thân phục vụ con người nói chung và con người Việt Nam nói riêng.

 

Ngoài chỉ thị công khai của Bộ Chính trị nói trên còn chỉ thị ngầm qua Ban Tôn giáo trung ương. Trong dịp Hội nghị thường niên của Hội đồng Giám mục Việt Nam vào tháng 10.1997, ông Lê Quang Vịnh, Trưởng Ban Tôn giáo trung ương có đề cập dài dòng về Ủy ban Đoàn kết Công giáo. Giáo sư Đỗ Mạnh Tri gọi là ngôn ngữ gỗ thứ luận điệu cũ rích về chính sách tự do tôn giáo. Đòi hỏi đoàn kết chưa đủ, ông Vịnh còn thêm vào thái độ cha chú, quan lại một cách ngây thơ (để khỏi nói là ngu xuẩn)” (Tin Nhà số 32, tr.11).

Có thể là ông Lê Quang Vịnh dựa vào chỉ thị ngầm của Bộ Chính trị để có thái độ cha chú. Điểm cần nói ở đây có thể là một âm mưu mới của Đảng Cộng sản muốn biến một số linh mục, giám mục làm tay sai trong cái gọi là Ủy ban Đoàn kết Công giáo. Họ không thể tạo ra một giáo hội tự trị như ở Trung Quốc, hoặc một giáo hội quốc doanh. Do đó, họ muốn có những linh mục, giám mục trong Ủy ban Đoàn kết công giáo để chi phối hoạt động của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Họ muốn củng cố lại Ủy ban Đoàn kết đang tan rã để làm một thứ giáo hội quốc doanh ngay trong lòng Giáo hội Việt Nam. Họ có tham vọng “muốn cứu vớt Ủy ban Đoàn kết với bất cứ giá nào” (Đỗ Mạnh Tri, tài liệu đã dẫn) và hơn nữa muốn dùng Ủy ban Đoàn kết để phá hoại Giáo hội Việt Nam từ bên trong.

Trong bài phát biểu về vấn đề “Đảng Cọng sản Việt Nam thật sự tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng”, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu có nói với lãnh đạo các tỉnh, các ban, bộ, ngành trung ương đã về dự đại hội: “Đảng ta thật sự tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, nhân dân ta có quyền theo đạo, đổi đạo, bỏ hoặc không theo đạo. Không một thế lực nào ngăn cản hoặc vi phạm quyền tự do đó”. Nhưng thực tế trong các cơ quan người ta không tôn trọng tự do tín ngưỡng, nhân viên cao cấp và đảng viên phải từ bỏ đạo Công giáo. Ông Tổng bí thư nói thế nghĩa là đảng viên và công chức cao cấp
Chính phủ không phải là nhân dân, thế họ là thứ gì? Như vậy, chính sách tôn
giáo của Đảng Cộng sản vẫn trước sau như một, nghĩa là chống phá tôn giáo, chứ
chưa có gì đổi mới.

Kính thưa Đức Hồng y,

Trên đây là những trăn trở của một người con Giáo hội Công giáo Việt Nam và cũng chắc là trăn trở của mọi Kitô hữu chân chính, Đức Hồng y và Hội đồng Giám mục Việt Nam cần phải lên tiếng đòi hỏi tự do tín ngưỡng một cách cụ thể, tách riêng trong những vấn đề căn bản của Giáo hội và mong rằng những vấn đề quan trọng ấy cần được công khai hóa, chứ không thể âm thầm gửi cho Nhà nước để rồi lặng lẽ chờ người ta trả lời và không bao giờ có câu trả lời của Nhà nước, như thư của Hội đồng Giám mục gửi cho Nhà nước tháng 10.1997 vừa qua. Cần phải công khai hóa để gây ý thức cho mọi người, để Dân Chúa cùng một lòng đấu tranh cho tự do tín ngưỡng.

 

Kính chúc Đức Hồng y nhiều sức khỏe, sáng suốt và can đảm.

Xin Đức Hồng y chúc lành cho chúng con.

Kính thư,

Lm. Chân Tín

38, Kỳ Đồng, Q.3, Tp.HCM

(TN số 35,1998)

Giới trí thức Trung Quốc kêu gọi cải tổ chính trị để tránh cách mạng bạo động

Giới trí thức Trung Quốc kêu gọi cải tổ chính trị để tránh cách mạng bạo động

Người dân địa phương biểu tình chống dự án xây dựng một tuyến đường cao tốc mới nối Bắc Kinh đến Thẩm Dương, ngày 09/12/2012.

Người dân địa phương biểu tình chống dự án xây dựng một tuyến đường cao tốc mới nối Bắc Kinh đến Thẩm Dương, ngày 09/12/2012.

REUTERS/Petar Kujundzic

Đức Tâm

nguồn: RFI

Một nhóm học giả có tên tuổi tại Trung Quốc đã gửi thư ngỏ cảnh báo ban lãnh đạo đảng Cộng sản về nguy cơ đất nước rơi vào một cuộc « cách mạng bạo động », nếu chính phủ không đáp ứng những đòi hỏi của người dân và không cho phép tiến hành các cải cách chính trị vốn đã bị trì hoãn từ lâu.

Theo Reuters, 73 học giả, viện sĩ hàn lâm, giáo sư tại các trường đại học có danh tiếng, luật gia, trong số này có những người đã nghỉ hưu, nhấn mạnh rằng cải cách chính trị đã không theo kịp cải cách kinh tế.

Bức thư viết: « Nếu các cải cách mà xã hội Trung Quốc đang rất cần … tiếp tục ngưng trệ không có tiến bộ, nạn tham nhũng chính thức và sự bất bình sẽ ngày càng lớn … thì một lần nữa, Trung Quốc lại bỏ lỡ cơ hội để cải tổ một cách hòa bình và sẽ rơi vào tình trạng xáo trộn, hỗn loạn của một cuộc cách mạng bạo động ».

Bức thư ngỏ được lưu hành trên internet từ đầu tháng 12, tuy nhiên, những bài viết trên báo chí Trung Quốc nhắc đến bức thư này đã bị rút xuống.

Theo những người ký tên vào bức thư, chính phủ dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1949, cần phải khuyến khích dân chủ và sự độc lập của hệ thống tư pháp, đẩy mạnh cải cách thị trường.

Ông Hạ Vệ Phương (He Weifang), giáo sư luật pháp ở Đại học Bắc Kinh, một trong những người ký tên vào bức thư, cho rằng các đề nghị trong bức thư là có chừng mực, nhưng đã đến lúc cần phải thực hiện, vào lúc ông Hồ Cẩm Đào chuẩn bị chuyển giao chức Chủ tịch nước cho ông Tập Cận Bình, người vừa được chỉ định làm Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 18 hồi tháng 11 vừa qua. Theo vị giáo sư này, Trung Quốc đang ở thời điểm thay đổi ban lãnh đạo. Người dân hy vọng tiếp tục có những bước tiến nếu tiến hành cải cách hệ thống chính trị.

Trong số những người ký tên vào thư ngỏ có ông Trương Tư Chi (Zhang Sizhi), nguyên là luật sư của Giang Thanh, vợ Mao Trạch Đông, người cầm đầu « Tứ nhân bang », lãnh đạo cuộc Cách mạng Văn hóa Trung Quốc (1966-1976) gây ra một thời kỳ hỗn loạn khủng khiếp tại Trung Quốc.

Vào giữa tháng 12, khoảng 65 học giả, luật sư và các nhà hoạt động nhân quyền cũng đã ký tên vào một thư ngỏ kêu gọi các lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc khai báo tài sản của họ và coi đây là biện pháp cơ bản để chấm dứt nạn tham nhũng.

Sau đại hội Đảng 18, các nhà phân tích tìm kiếm xem có những tín hiệu nào cho thấy là ban lãnh đạo mới có ý định cải cách chính trị hay không, như nới lỏng hơn quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin trên internet, thử nghiệm mô hình dân chủ hoặc trả tự do các tù chính trị. Thế nhưng, Bắc Kinh vẫn không chấp nhận bất kỳ sự đối lập nào với vai trò của đảng Cộng sản, đặt ổn định, tức bảo đảm quyền lãnh đạo của Đảng, lên trên hết. Không hề có tín hiệu khả quan nào theo hướng thông thoáng hơn về chính
trị, cho dù tân Tổng bí thư Tập Cận Bình cố gắng tạo dựng cho mình hình ảnh một
nhà lãnh đạo mềm dẻo, cởi mở hơn so với người tiền nhiệm.

Trong bối cảnh đó, các học giả ký tên kêu gọi cải cách chính trị cảnh báo ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh rằng dân chủ, Nhà nước pháp quyền và sự tôn trọng nhân quyền là một xu thế của thế giới không gì ngăn cản nổi. Bức thư viết: « Lịch sử 100 năm đẫm máu và bạo lực của Trung Quốc – đặc biệt là bài học đau đớn và bi kịch của cuộc Cách mạng Văn hóa trong một thập niên, cho thấy là một lần nữa chúng ta đang đi ngược trào lưu dân chủ, nhân quyền, chính phủ quản lý theo Hiến pháp và pháp luật, người dân sẽ phải hứng chịu thảm họa và không thể có ổn định chính trị và xã hội ».

Đầu tháng 12, một cơ quan trực thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho công bố một bản nghiên cứu, báo động về hố ngăn cách giàu nghèo trong xã hội, mầm mống của sự bất bình và bạo động. Theo đó, tại Trung Quốc, hệ số GINI, thước đo mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập của cải trong xã hội, đã tăng từ 0,421 trong năm 2000 lên 0,61 trong năm 2010.

Hệ số GINI dao động từ 0 – hoàn toàn bình đẳng – đến 1, bất bình đẳng tuyệt đối về giàu nghèo. Theo giới chuyên gia, hệ số GINI 0,6 trong một xã hội không dân chủ, toàn trị, báo hiệu nguy cơ rất cao về bất ổn xã hội.

Hàng chục ngàn dân Hồng Kông xuống đường đòi dân chủ

Hàng chục ngàn dân Hồng Kông xuống đường đòi dân chủ

 
Biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông, ngày 01/01/2013

Biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông, ngày 01/01/2013

REUTERS

Tú Anh

nguồn: RFI

Hôm nay, ngay ngày đầu năm dương lịch 2013, khoảng 50 000 người dân Hồng Kông biểu tình đòi lãnh đạo Hành pháp Lương Chấn Anh từ chức và yêu cầu cải thiện dân chủ 15 năm sau ngày Anh Quốc trao trả về Hoa lục.

Theo AFP, hàng chục ngàn dân Hồng Kông, 50.000 theo ban tổ chức, đã xuống đường vào ngày đầu năm 01/01/2013 lên án lãnh đạo Hồng Kông Lương Chấn Anh « thi hành chánh sách » của Bắc Kinh . Một sinh viên tên Billy Li cho biết « cần phải tiếp tục bày tỏ quan ngại, mặc dù ai cũng thấy tình hình mỗi ngày mỗi nghiêm trọng hơn ». Đoàn biểu tình mang tranh vẽ ông Lương Chấn Anh dưới dạng hồ ly và ác quỷ. Họ hô khẩu hiệu « Hãy trả tức khắc cho nhân dân quyền phổ thông đầu phiếu ».

Ông Lương Chấn Anh được đa số « đại cử tri » trong một Ủy ban 1200 người mà đa số thân Bắc Kinh bầu lên vào tháng ba năm 2012 vào chức lãnh đạo Hành pháp. Đa số người dân Hồng Kông xem cuộc « bầu cử » này thể hiện bàn tay can thiệp của Bắc Kinh vào nội bộ Hồng Kông.

Tuy Hồng Kông tiếp tục duy trì quyền tự do ngôn luận, điều mà người dân Trung Hoa tại Hoa lục không có, nhưng trên thực tế, chính quyền Trung Quốc kiểm soát sinh hoạt chính trị Hồng Kông khiến cho dân bản địa nhiều lần phản kháng qua nhiều hình thức từ biểu tình đến tuyệt thực.

Trong cuộc biểu tình hôm nay, một phát ngôn viên của phong trào phản kháng thuộc Mặt Trận Nhân Quyền Công Dân tuyên bố là họ muốn thúc đẩy ông Lương Chấn Anh từ chức để nhanh chóng được bầu cử tự do.

Bắc Kinh cam kết sẽ cho phép bầu lãnh đạo Hành pháp trực tiếp và tự do vào năm 2017 và bầu cơ quan Lập pháp năm 2020 nhưng nhiều nhà dân chủ Hồng Kông nghi ngờ Trung Quốc nuốt lời hứa như đã từng vi phạm cam kết trong quá khứ.

Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 46

Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Nhân Ngày Hòa Bình
Thế Giới lần thứ 46

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA BIỂN ĐỨC XVI

NGÀY 01 THÁNG GIÊNG NĂM 2013

“PHÚC CHO AI KIẾN TẠO HOÀ BÌNH”

1. Năm mới luôn mang lại cho chúng ta niềm hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn. Trong ánh sáng này, tôi nguyện xin Thiên Chúa, là Cha của nhân loại, ban cho tất cả chúng ta sự hoà thuận và bình an để những khao khát của chúng ta về một đời sống hạnh phúc và thịnh vượng có thể được thành tựu.

Năm mươi năm sau ngày khai mạc Công Đồng Vaticano II vốn là sự kiện giúp chúng ta đào sâu sứ mạng của Giáo hội trong thế giới, chúng ta phấn khởi nhận ra rằng những Kitô hữu, như là Dân Thiên Chúa trong việc bước theo Người và sống giữa lòng thế giới, chúng ta dấn thân vào lịch sử để chia sẻ vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng [1], khi chúng ta công bố ơn cứu rỗi của Đức Kitô và thăng tiến hoà bình cho nhân loại.

Thực tế, thời đại của chúng ta được đánh dấu bởi sự toàn cầu hoá với những khía cạnh tích cực và tiêu cực của nó, cũng như sự tiếp nối của những xung đột bạo lực và những đe doạ của chiến tranh, đòi hỏi một sự dấn thân mới mẻ và mang tính hợp tác trong việc theo đuổi ích chung cũng như sự phát triển của mọi người, và sự phát triển toàn
diện của con người.

Thật đáng báo động khi chứng kiến sự lan tràn của những căng thẳng và xung đột gây ra bởi sự phát triển của sự bất bình đẳng giữa giàu và nghèo, sự lan tràn của não trạng cá nhân và ích kỷ vốn tìm thấy sự biểu hiện của nó trong chủ nghĩa tư bản tài
chính thiếu sự kiểm soát. Bên cạnh những hình thức đa dạng của chủ nghĩa khủng
bố và tội ác quốc tế, hoà bình cũng bị đe doạ bởi trào lưu chính thống và chủ
nghĩa cuồng tín, bóp méo bản chất tôn giáo đích thực, vốn mời gọi cổ võ tình
liên đới và sự hoà giải giữa mọi người.

Thời nào cũng vậy, những nỗ lực khác nhau trong việc kiến tạo hoà bình nhan nhãn trong thế giới  chúng ta chứng minh rằng ơn gọi căn bản của con người là hoà bình. Nơi mỗingười, khao khát hoà bình là một khao khát căn bản, trong một cách thức nào đó, hoà hợp với nỗi khao khát về một đời sống hạnh phúc và thịnh vượng tròn đầy.
Nói cách khác, nỗi khát khao hoà bình liên quan đến một nguyên lý luân lý nền
tảng, nghĩa là liên quan đến nghĩa vụ và quyền lợi nơi sự phát triển của cộng
đồng và xã hội, vốn cũng là một thành phần trong kế hoạch của Thiên Chúa dành
cho con người. Con người được sáng tạo cho sự hoà bình vốn là một qùa tặng của
Chúa.

Tất cả những thao thức trên thúc đẩy tôi chọn chủ đề cho Thông Điệp năm nay từ những lời của Đức Giêsu: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9).

Mối phúc Tin Mừng

2. Các mối phúc mà Chúa Giêsu công bố là những lời hứa. Trong truyền thống Thánh Kinh, mối phúc là một thể loại văn chương liên quan đến những tin tốt lành, một “Tin Mừng”, là chóp đỉnh của một lời hứa. Do đó, các mối phúc không chỉ là những khích lệ về mặt luân lý, cổ võ người ta tuân giữ để thấy trước, thường là trong đời sống mai sau, những phần thưởng hay những vị thế hạnh phúc trong tương lai. Đúng hơn, phúc lành mà các mối phúc nói đến hệ tại ở việc viên mãn của một lời hứa dành cho tất cả những ai để cho mình được hướng dẫn bởi những đòi hỏi của chân lý, công bình và bác ái. Trong con mắt của thế gian, những người tin tưởng vào Thiên Chúa như thế
thường bị xem là kẻ khờ khạo và xa rời thực tế. Tuy nhiên, Chúa Giêsu nói cho
họ rằng, không chỉ ở đời sau nhưng ngay tại đời này, họ sẽ khám phá ra mình là
con cái của Thiên Chúa, và rằng Thiên Chúa đã, đang và sẽ mãi ở bên cạnh họ. Họ
hiểu rằng mình không lẻ loi, bởi vì Thiên Chúa là đồng minh với những con người
dấn thân cho chân lý, công bình và bác ái. Chúa Giêsu, mạc khải Tình yêu của
Chúa Cha, không do dự trao ban chính mình như một sự tự hiến. Mỗi khi chúng ta
đón nhận Chúa Giêsu, Đấng là Thiên Chúa và là con người, chúng ta kinh nghiệm
được niềm vui về một quà tặng lớn lao: sự sẻ chia chính sự sống của Thiên Chúa,
đời sống ân sủng và là lời hứa về sự hiện hữu hạnh phúc tròn đầy. Cụ thể, Đức
Kitô ban cho chúng ta bình an đích thực phát sinh từ một cuộc gặp gỡ đầy tin
tưởng giữa con người với Thiên Chúa.

Mối phúc của Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết hoà bình là một món quà của Đấng Mesia nhưng đồng thời cũng là hoa trái phát sinh từ những nỗ lực của con người. Thực vậy, hoà bình giả thiết về sự mở ra của con người đối với siêu việt. Nó là hoa trái của một món quà hỗ tương, của một sự phong phú mang tính hai mặt. Nhờ vào quà tặng này, một quà tặng có nguồn cội nơi Thiên Chúa, chúng ta có thể sống với và sống
cho người khác. Nền đạo đức của hoà bình là đạo đức của tình liên đới và chia
sẻ. Điều tuyệt đối cần thiết là những nền văn hoá của chúng ta trong thời đại
ngày nay cần vượt qua những hình thức nhân loại học và đạo đức dựa trên những
giả định vốn chỉ mang tính chủ quan và thực dụng, nơi đó mối tương quan đồng
tồn tại được gợi hứng bởi các tiểu chuẩn về quyền lực và ích lợi, phương tiện
trở thành cùng đích chứ không phải ngược lại, văn hóa và giáo dục chỉ đơn thuần
tập trung vào thiết bị, kỹ thuật và hiệu quả.

Điều kiện cần thiết để có hoà bình là sự xoá bỏ chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối và của một giả định về nền luân lý hoàn toàn tự trị vốn không thừa nhận luật luân lý tự nhiên, được Thiên Chúa ghi khắc trong lương tâm của mỗi người nam và người nữ. Hoà bình cần được xây dựng trên sự đồng hiện diện của những thuật ngữ lý trí cũng
như luận lý, được đặt nền tảng trên những tiêu chuẩn vốn không phải do con
người tạo nên, nhưng đúng hơn là do Thiên Chúa. Thánh Vịnh 29 nói rằng: Xin Đức
Chúa ban uy lực cho dân Người, Yavê chúc lành cho dân Người bình an” (câu 11).

Hoà bình: Quà tặng của Thiên Chúa và hoa trái của nỗ lực con người

3. Hoà bình liên quan đến con người xét như toàn thể và nó đòi hỏi sự dấn thân trọn vẹn. Hoà bình với Thiên Chúa là một đời sống được sống theo ý muốn của Ngài. Hoà bình cũng là một sự bình an nội tâm nơi chính mình và hoà bình ngoại tại với tha nhân và với các tạo vật. Trên hết, như chân Phước Gioan 23 đã viết trong thông điệp Hòa Bình Trên Thế Giới (Pacem in Terris), mà chúng ta sẽ kỷ niệm 50 vào những tháng tới, hòa bình đòi hỏi xây dựng trên một sự đồng tồn tại được đặt nền tảng trên chân lý, tự do, bác ái và công bình [2]. Sự khước từ điều làm nên bản chất đích thực của con người trong những chiều kích thiết yếu nhất, trong khả năng nội
tại để biết chân lý và sự thiện, và một cách tối hậu, là khả năng nhận biết
chính Thiên Chúa, sẽ gây nguy hại cho việc kiến tạo hoà bình. Không có chân lý
về con người vốn được Đấng Tạo Hoá ghi dấu trong trái tim con người, tự do và
bác ái trở nên giả tạo, và công bình đánh mất đi nền tảng tồn tại của chính
mình.

Để trở nên người kiến tạo hoà bình đích thực, chúng ta cần phải luôn nhớ về chiều kích siêu việt của mình và phải đi vào một cuộc đối thoại liên lỉ với Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, ngang qua đó chúng ta sẽ khám phá ra ơn cứu chuộc mà Người Con Duy Nhất của Ngài đã mang đến cho chúng ta. Nhờ đó, con người có thể vượt qua được những bóng mờ của sự tiến bộ và sự khước từ hoà bình vốn là tội lỗi trong tất
cả hình thức của nó: ích kỷ, bạo lực, kiêu căng, khao khát quyền lực và thống
trị, thiếu lòng khoan dung, ghen ghét và các cơ cấu bất công.

Thành tựu hòa bình phụ thuộc trước hết vào việc chúng ta nhận ra, nơi Thiên Chúa chúng ta là một gia đình nhân loại. Như Hòa Bình Trên Thế Giới (Pacem in Terris) dạy rằng, gia đình này được cấu trúc bởi các mối tương quan liên vị và các thể chế
vốn được hỗ trợ và được làm sống động bởi cộng đồng “chúng ta”, đòi hỏi một
trật tự luân lý nội tại cũng như ngoại tại, mà trong đó, hợp với chân lý và
công bình, các quyền hỗ tương và các nghĩa vụ tương ứng được chân nhận. Hòa
bình là một trật tự được sống động và hòa hợp bởi đức ái, trong đó chúng ta sẽ
cảm thấy nhu cầu của tha nhân cũng là của chính mình; chúng ta chia sẻ thiện
ích với tha nhân và lao tác cho thế giới cho một sự hiệp thông lớn hơn về những
giá trị tinh thần. Hòa bình là một giá trị đạt được trong tự do, nghĩa là trong
một cách thế phù hợp với phẩm giá của con người, với bản chất của mình như là
những hữu thể có lý trí, con người chịu trách nhiệm cho hành động của mình.[3]

Hòa bình không phải là một giấc mơ hay một điều gì đó không tưởng, nhưng là một điều khả thi. Chúng ta cần nhìn sâu xa hơn, vượt qua những vẻ bề ngoài và các hiện tượng bên ngoài, chúng ta sẽ nhận ra một thực tại tích cực tồn tại trong trái tim con người, vì mỗi người nam và nữ đã được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa và được mời gọi để lớn lên và góp phần vào việc xây dựng một thế giới mới. Chính Thiên
Chúa, ngang qua mầu nhiệm nhập thể của Người Con và công trình cứu chuộc của
Người, đã đi vào lịch sử và đã mang đến một cuộc tạo dựng và một giao ước mới,
giao ước giữa Thiên Chúa và con người (xem Gr 31,31-34), và ngài cũng ban cho
chúng ta một “trái tim mới” và một “thần khí mới” (xem Gr 36,26).

Vì lý do này, Giáo Hội nhận ra một nhu cầu cấp thiết trong việc tái công bố về Chúa Giêsu, là yếu tố đầu tiên và nền tảng của sự phát triển hội nhất nơi con người và cũng là của sự hòa bình. Chúa Giêsu là hòa bình đích thực, là công bình và sự hòa giải của
chúng ta  (x. Ep 2,14; 2Cr 5,18). Người kiến tạo hòa bình, theo mối phúc của Đức
Kitô, là người tìm kiếm thiện ích cho người khác, thiện ích trọn vẹn nơi linh
hồn và trong thân xác, hôm nay cũng như mai sau.

Từ lời dạy này, người ta có thể suy ra rằng, mỗi người và mỗi công đoàn, cho dù thuộc về tôn giáo, nền giáo dục và văn hóa nào đi nữa, tất cả đều được mời gọi để lao tác cho hòa bình. Hòa bình là một sự thành tựu những thiện ích nơi một xã hội trong mọi mức độ khác nhau, ở mức độ cơ sở, trung cấp, quốc gia, quốc tế và toàn cầu. Rõ
ràng, vì lý do này con đường để đạt đến thiện ích chung cũng chính là con đường
phải đi trong việc theo đuổi hòa bình.

Người kiến tạo hòa bình là người yêu mến, bảo vệ và thăng tiến sự sống trong sự toàn vẹn của nó

4. Con đường đạt đến thiện ích chung và hòa bình trên hết cần phải tôn trọng phẩm giá con người trong mọi chiều kích, bắt đầu từ khi thụ thai, thông qua sự phát triển cho đến cái chết tự nhiên của nó. Người kiến tạo hòa bình đích thực phải là người yêu mến, bảo vệ và thăng tiến sự sống con người trong sự toàn vẹn của nó, cá nhân, cộng đoàn và siêu việt. Sự sống trong ý nghĩa trọn vẹn nhất chính là đỉnh cao của hòa bình. Bất cứ ai yêu mến hòa bình thì không thể xem nhẹ những tấn công và tội ác chống lại sự sống.

Những ai không tôn trọng sự sống con người, và hệ quả là, trong số những điều khác, cổ võ việc tự do phá thai, những người này không nhận ra rằng, khi làm như vậy, họ đang theo đuổi một thứ hòa bình giả tạo. Sự chối bỏ trách nhiệm, hạ thấp phẩm giá con người, và thậm chí giết chết những trẻ em vô tội và không có khả năng tự vệ, sẽ
không bao giờ có thể đem lại hạnh phúc và bình an. Thực vậy, làm sao một người
có thể tuyên bố mình đang kiến tạo hòa bình, mang lại sự phát triển toàn diện
cho con người hay bảo vệ môi trường trong khi không bảo vệ những con người yếu
thế nhất, những con người chưa cất tiếng khóc chào đời. Mọi xúc phạm chống lại
sự sống, đặc biệt trong giai đoạn đầu của nó, sẽ gây ra những thiệt hại không
thể sửa chữa được cho sự phát triển, hòa bình và môi trường. Người ta không chỉ
khôn khéo đưa vào luật những quyền và những thứ tự do giả tạo mà, dựa trên nền
tảng của quan điểm giản lược và tương đối về con người, họ còn khéo léo sử dụng
những diễn tả mập mờ nhắm đến việc thăng tiến quyền ủng hộ việc phá thai và
chết êm dịu. Những mánh khóe đó đang đe dọa quyền cơ bản của sự sống.

Cũng cần phải nhìn nhận và thăng tiến cơ cấu tự nhiên của gia đình, là sự kết hợp của một người nam và một người nữ, chống lại những toan tính đồng hóa về mặt pháp lý cơ cấu tự nhiên này với những hình thức hoàn toàn khác biệt; những nỗ lực đồng hóa như thế thực sự làm thương tổn và góp phần làm xáo trộn nền tảng của hôn nhân, che
khuất bản chất đặc biệt và làm lu mờ vai trò của nó trong đời sống xã hội.

Những nguyên lý này  vốn không phải là những chân lý đức tin, và nó cũng không đơn thuần là kết quả của quyền về tự do tôn giáo. Chúng được ghi khắc trong bản chất con người, có thể tiếp cận bởi lý trí và chung cho tất cả mọi người. Do đó, những nỗ lực của Giáo hội để thăng tiến chúng không mang đặc nét của niềm tin, nhưng muốn ngỏ
lời với tất cả mọi người, không kể nguồn gốc tôn giáo của họ. Những nỗ lực như
thế càng cần thiết hơn khi những nguyên lý này bị khước từ hay hiểu lầm, vì
điều này tạo nên một sự xúc phạm chống lại chân lý về con người, và gây nên một
thiệt hại nghiêm trọng cho công lý và hòa bình.

Một phương thế quan trọng khác để kiến tạo hòa bình là các hệ thống pháp luật và việc thực thi công lý nhìn nhận quyền được sử dụng nguyên tắc phản kháng lương tâm trước những luật lệ và biện pháp của chính quyền chống lại phẩm giá con người như phá thai và làm cho chết êm dịu. Cũng liên quan đến hòa bình thế giới, một trong những quyền nền tảng của con người là quyền của cá nhân và cộng đoàn đối với tự do
tôn giáo. Vào thời điểm này của lịch sử, điều có tầm quan trọng khẩn thiết là
phải thăng tiến quyền này, không chỉ từ khía cạnh tiêu cực, nghĩa là tự do khỏi – ví dụ, khỏi những ràng buộc và những giới hạn liên quan đến việc chọn lựa tôn giáo – nhưng còn ở khía cạnh tích cực, trong những diễn tả khác nhau của nó, nghĩa là tự do để, ví dụ, tự do để làm chứng và loan báo, thực hiện những hoạt động giáo dục và từ thiện, hiện hữu và hành động như một tổ chức xã hội hợp với những nguyên lý học thuyết và mục đích của nó. Đáng buồn thay, tình trạng áp bức tôn giáo vẫn gia tăng kể cả ở những nước có truyền thông Kitô giáo lâu đời, đặc biệt liên quan đến Kitô giáo và những người mang những dấu hiệu nói lên căn tính tôn giáo của mình.

Những người kiến tạo hòa bình cũng cần nhớ rằng, trong sự phát triển của quan điểm công chúng, những ý thức hệ về tự do cực đoan và chế độ kỹ trị đang cố gắng thuyết phục người ta rằng sự phát triển kinh tế nên được theo đuổi kể cả khi nó phương hại đến trách nhiệm xã hội của một quốc gia và những mạng lưới liên đới của xã hội dân sự, cũng như các quyền và nghĩa vụ mang tính xã hội. Nên nhớ rằng, các quyền và
nghĩa vụ này vốn là nền tảng để hiện thực hóa những quyền và nghĩa vụ khác,
khởi đi từ những quyền dân sự và chính trị.

Một trong những quyền và nhiệm vụ cơ bản nhất đang bị đe dọa trong thế giới ngày nay là quyền làm việc. Lý do là vì sự thừa nhận quyền lợi về tình trạng pháp lý của công nhân đang không ngừng bị xem nhẹ. Vì sự phát triển kinh tế được xem là một yếu tố phụ thuộc hoàn toàn và chính yếu vào những thị trường tự do. Trong khi đó, lực lượng lao động bị coi là một biến số phụ thuộc vào cơ chế kinh tế và tài chính.
Liên quan đến điều này, tôi xác nhận rằng phẩm giá con người và các yếu tố kinh
tế, chính trị và xã hội, đòi hỏi chúng ta tiếp tục “ưu tiên mục tiêu tạo ra việc làm ổn định cho mọi người” [4]. Để thực hiện được mục tiêu đầy tham vọng này, điều kiện tiên quyết là phải đổi mới cái nhìn về lao động, dựa trên những nguyên tắc đạo đức và những giá trị tinh thần vốn xem khái niệm lao động là một thiện ích cơ bản đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Điều này đòi phải nghiên cứu và thực hiện những chính sách can đảm và mới mẻ để mọi người có công ăn việc làm.

Xây dựng thiện ích hòa bình ngang qua một mô hình mới về phát triển và kinh tế

5. Ngày nay, ở nhiều nơi người ta thấy cần một mô hình phát triển mới, cũng như một cách thế tiếp cận mới đối với lĩnh vực kinh tế. Sự phát triển bền vững và hội nhất trong tình liên đới và thiện ích chung đòi hỏi một bậc thang đúng đắn về giá trị và thiện ích, một cấu trúc nhìn nhận Thiên Chúa như là điểm tham chiếu tối hậu của mình. Việc sẵn có các phương tiện và chọn lựa cho dẫu là một điều tốt nhưng chưa đủ. Sự đa dạng các thiện ích cổ võ sự phát triển cũng như sự sẵn sàng của những chọn lựa khác nhau phải được sử dụng nhắm đến việc đảm bảo cho một đời sống tốt, một cách hành xử đúng đắn vốn ý thức về vị trí ưu việt của giá trị thiêng liêng và lời mời gọi lao
tác cho thiện ích chung. Nếu không chúng sẽ đánh mất đi ý nghĩa đích thực của
mình, và cuối cùng là trở nên những thứ ngẫu tượng mới.

Để có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài kinh tế và tài chính hiện nay – vốn đưa đến sự bất bình đẳng ngày càng lớn hơn – chúng ta cần những con người, nhóm người và các thể chế thăng tiến sự sống, cổ võ cho sự sáng tạo của con người. Họ có thể rút ra từ
chính cuộc  khủng hoảng này một cơ hội nhận định và tìm kiếm một mô hình kinh tế
mới. Mô hình kinh tế thịnh hành trong những thập niên gần đây thường tìm kiếm
lợi nhuận và tiêu thụ tối đa, dựa trên nền tảng của não trạng cá nhân và ích
kỷ, nhắm đến việc đánh giá con người chỉ dựa trên khả năng của họ trong việc
đáp ứng những đòi hỏi của cạnh tranh. Nhưng xét trên một quan điểm khác, sự
thành công đích thực và lâu dài chỉ đạt được ngang qua món quà là chính chúng
ta. Vì bên cạnh khả năng tri thức và kỹ năng nghề nghiệp, sự phát triển kinh tế
nhân bản đích thực và “sống động” còn đòi hỏi nguyên tắc nhưng không và lô-gích
của quà tặng hiểu như cách biểu lộ tình huynh đệ [5]. Cụ thể, trong lĩnh vực kinh tế, người kiến tạo hòa bình là người thiết lập nên mối dây công bình và tương trợ lẫn nhau nơi các công ty, công nhân, khách hàng và người tiêu thụ. Họ dấn thân vào hoạt động kinh tế vì thiện ích chung. Họ kinh nghiệm sự dấn thân này như là một điều gì
đó vượt lên trên lợi ích cá nhân mình, vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và
tương lai. Thực thế, họ làm việc không chỉ cho bản thân, nhưng còn để đảm bảo
cho người khác có tương lai và một công việc xứng đáng.

Trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là các quốc gia cần đưa ra các chính sách phát triển nông nghiệp và công nghiệp quan tâm đến sự thăng tiến xã hội và phát triển của các quốc gia lập hiến cũng như dân chủ. Việc tạo ra các cấu trúc đạo đức cho thị trường tiền tệ, tài chính và thương mại cũng là một yếu tố nền tảng và không thể bỏ qua;
những hệ thống này cần được ổn định, phối hợp và kiểm soát tốt hơn để tránh
phương hại đến những người nghèo.

Người kiến tạo hòa bình cũng cần phải tập trung vào cuộc khủng hoảng lương thực, vốn còn nghiêm  trọng hơn cuộc khủng hoảng tài chính. Vấn đề an toàn lương thực luôn là vấn đề trọng yếu của các chính sách quốc tế, như một hệ luận của các cuộc khủng hoảng, vấn đề gia tăng đột biến trong giá cả của các lương thực thiết yếu, những hành vi thiếu trách nhiệm của một vài tổ chức kinh tế, và về phần mình, các chính
phủ và các tổ chức cộng đồng quốc tế thiếu sự kiểm soát cần thiết. Để đối diện
với cuộc khủng hoảng này, những người kiến tạo hòa bình được mời gọi làm việc
với nhau trong tinh thần liên đới, từ mức độ địa phương tới cộng đồng quốc tế,
với mục đích là giúp người nông dân, đặc đặc biệt cho những nông dân nhỏ bé,
thực hiện các công việc của mình trong một cách thức cao quý và bền vững xét từ
quan điểm kinh tế, môi trường và xã hội.

Giáo dục một nền văn hóa hòa bình: vai trò của gia đình và các thể chế

6. Tôi mạnh mẽ xác nhận rằng những người kiến tạo hòa bình được mời gọi để nuôi dưỡng một lòng khao khát dành cho thiện ích chung của gia đình và công bình xã hội đồng thời dấn thân một cách hiệu quả vào lãnh vực giáo dục xã hội.

Không nên phớt lờ hay đánh giá thấp vai trò tiên quyết của gia đình, vốn là tế bào nền tảng của xã hội xét từ quan điểm nhân khẩu học, đạo đức, kinh tế, giáo dục và văn hóa. Ơn gọi tự nhiên của gia đình là thăng tiến đời sống: Gia đình đồng hành với mỗi cá nhân cho đến khi họ trưởng thành và khuyến khích một sự phát triển hỗ tương và
phong phú ngang qua sự chăm sóc và sẻ chia. Cụ thể, gia đình Kitô giáo phục vụ
như là một vườn ươm cho sự trưởng thành của cá nhân theo tiêu chuẩn tình yêu
Thiên Chúa. Gia đình là một trong những chủ thể xã hội không thể thay thế được
trong việc đạt được một nền văn hóa hòa bình. Quyền của các bậc cha mẹ và vai
trò chính yếu của họ trong giáo dục con em mình trong lĩnh vực luân lý và tôn
giáo phải được bảo vệ. Chính trong gia đình mà những con người kiến tạo hòa
bình tương lai, những người thăng tiến nền văn hóa tình yêu và sự sống, được
sinh ra và được dưỡng dục. [6]

Các cộng đoàn tôn giáo cũng dấn thân trong một cách thế đặc biệt trong nhiệm vụ giáo dục hòa bình. Giáo hội tin rằng mình đang chia sẻ trách nhiệm lớn lao này ngang qua sứ mạng Tân Phúc Âm Hóa vốn đặt trọng tâm vào trong việc hoán cải để đến với chân lý và tình yêu của Đức Kitô và, kết quả là sẽ dẫn đến một cuộc tái sinh về luân lý và thiêng liêng nơi các cá nhân và cộng đoàn xã hội. Việc gặp gỡ Đức Kitô khuôn
đúc nên những con người kiến tạo hòa bình, những con người biết dấn thân cho
cộng đồng và vượt qua mọi bất công.

Các thể chế văn hóa, trường học và các trường đại học có một sứ mạng đặc biệt về giáo dục hòa bình. Họ được mời gọi để đưa ra những đóng góp quý giá không chỉ ngang qua việc huấn luyện các thế hệ lãnh đạo tương lai, nhưng còn đổi mới các thể chế công cộng, ở cấp độ quốc gia cũng như quốc tế. Họ có thể góp phần vào những phản tỉnh mang tính khoa học vốn sẽ là nền tảng cho các hoạt động kinh tế và tài chính dựa
trên một nền tảng nhân học và đạo đức vững chắc. Thế giới hôm nay, đặc biệt là
thế giới chính trị, cần được hỗ trợ bởi một lối tư duy mới và một sự tổng hợp
văn hóa mới để có thể vượt qua những phương pháp tiếp cận thuần kỹ thuật và hòa
hợp những khuynh hướng chính trị khác nhau với quan điểm về thiện ích chung.
Thiện ích chung, được xem như là một toàn thể những mối tương quan liên vị tích
cực và có tính cơ cấu trong việc phục vụ cho sự phát triển hội nhất của các cá
nhân và nhóm, chính là nền tảng của một nền giáo dục hòa bình đích thực.

Một khoa sư phạm cho những người kiến tạo hòa bình

7. Cuối cùng, chúng ta thấy cần phải đề nghị và thăng tiến một khoa sư phạm về hòa bình. Điều này đòi hỏi một đời sống nội tâm phong phú, những quan điểm luân lý rõ ràng và giá trị, cùng với những thái độ và lối sống thích hợp. Những hoạt động kiến tạo hòa bình thường kéo theo những thành tựu về thiện ích chung; những hoạt động này tạo ra những lợi ích cho hòa bình và dưỡng nuôi nó. Những suy nghĩ, lời nói và cử chỉ hòa bình thường tạo ra một tâm thức và một nền văn hóa hòa bình cùng với một bầu khí tôn  trọng, yêu thương và thân ái. Vì vậy, cần dạy người ta biết yêu thương nhau, nuôi dưỡng hòa bình và sống cách nhân từ chứ không chỉ bao dung. Một sự khích lệ căn bản đối với thái độ sống này là “nói không với hận thù, nhận ra những
bất công và chấp nhận những lời xin lỗi cho dù không tìm kiếm nó, và cuối cùng
là biết thứ tha” [7]. Trong cách thức này, những lỗi lầm và những thù hận có thể được nhận ra trong chân lý, để cùng nhau đi đến sự hòa giải. Điều này cũng đòi hỏi phải không ngừng lớn lên trong khoa sư phạm tha thứ. Thực vậy, sự dữ chỉ có thể vượt qua nhờ sự thiện, và công bình chỉ có thể tìm thấy ngang qua việc bắt chước Thiên Chúa là Cha yêu thương tất cả con cái mình (xem Mt 5, 21-48). Đây chắc chắn là một tiến trình lâu dài, vì nó giả thiết một sự tiến triển thiêng liêng, một nền giáo dục về những giá trị cao quý và một cái nhìn mới về lịch sử nhân loại. Cũng cần biết từ bỏ thứ bình an giả tạo mà những ngẫu tượng thế gian hứa ban, cùng với những nguy hiểm luôn đi kèm với nó. Thứ bình an giả tạo này chỉ làm lu mờ lương tâm và đưa người ta đến một
lối sống ích kỷ và dửng dưng. Trái lại, khoa sư phạm về hòa bình ám chỉ đến
hoạt động, tình yêu thương, sự liên đới, lòng can đảm và sự kiên định.

Chính Chúa Giêsu là hiện thân cho tất cả thái độ sống này trong đời sống của Ngài, thậm chí Ngài đã tự hiến mình, đến nỗi từ bỏ chính mạng sống mình (xem Mt 13,39; Lc 17,33; Ga 12,25). Ngài đã hứa với các môn đệ rằng sớm muộn gì họ cũng khám phá ra những điều tuyệt diệu mà tôi đã nói ở trên, nghĩa là Thiên Chúa ở trong thế giới và
Thiên Chúa của Chúa Giêsu là Đấng luôn hiện diện với con người. Ở đây, tôi muốn
nhắc lại lời cầu nguyện, lời nguyện xin Thiên Chúa biến chúng ta thành những
khí cụ bình an của Ngài, để chúng ta có thể mang tình yêu đến nơi hận thù, đem
tình thương đến với người đau khổ, chân lý đức tin vào chốn lỗi lầm. Về phần
mình, chúng ta hãy cùng chân phước Gioan 23 cầu xin Thiên Chúa soi sáng cho các
vị lãnh đạo, để ngoài việc quan tâm đến lợi ích vật chất của dân tộc mình, họ
còn biết đảm bảo cho người dân món quà quý giá là sự bình an, phá vỡ những bức
tường chia cắt, đẩy mạnh mối dây yêu thương lẫn nhau, lớn lên trong sự hiểu
biết và sẵn sàng thứ tha cho kẻ làm hại mình. Nhờ đó, ngang qua sức mạnh và
thần hứng của Thiên Chúa, mọi người dân trên trái đất sẽ kinh nghiệm được tình
huynh đệ, và sự hòa bình mà họ hằng mong mỏi, sẽ nở hoa và cư ngụ giữa
họ. [8]

Với lời nguyện này, tôi muốn bày tỏ niềm hy vọng của mình rằng tất cả mọi người sẽ trở thành người kiến tạo hòa bình đích thực, nhờ đó thành đô của nhân loại sẽ lớn lên trong sự hòa hợp huynh đệ, trong thịnh vượng và hòa bình.

Từ Vatican 8 tháng 12 năm 2012

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

——————————————————————————————–

[1] Xem, Công Đồng Vaticano II, Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, Gaudium Et Spes, số 1.

[2] Xem Thông điệp Hòa Bình Trên Thế Giới (Pacem in Terris), 11 tháng
4 năm 1963: AAS 55(1963), 265-266.

[3] Xem, Ibid.: AAS 55 (1963), 266.

[4] Biển Đức XVI, Thông Điệp Đức Ái Trong Chân Lý (29 – 06 -2009), 32: AAS 101 (2009), 666-667.

[5] Xem ibid, 34 và 36: AAS 101 (2009), 668-670 và 671-672.

[6] Đức Gioan Phaolo II, Sứ Điệp Nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới Năm 1994 (3 tháng 12 năm 1993) AAS 86 (1994), 156-162.

[7] Đức Thánh Cha Biển Đức, Bài Nói trong cuộc gặp với các thành viên chính phủ
Lenbanon (15 tháng 9 năm 2012) báo Quan Sát Viên Roma (16-9-2012), trang 7.

[8] Xem Thông điệp Hòa Bình Trên Thế Giới (Pacem in Terris), 11 tháng
4 năm 1963: AAS 55(1963), 304.

Maria Thanh Mai gởi

Người chuyển
dịch:

Minh
Triệu, S.J.

Nguồn:  RV

Lời Chủ Chăn Tháng 01/2013

Lời Chủ Chăn Tháng 01/2013

Tòa TGM Thành phố HCM

Mừng Xuân và Năm Quý Tỵ
(Hướng đến sống tròn đầy hồng ân đức tintrước những thách đố của xã hội hôm nay)
Thưa anh chị em, linh mục, tu sĩ,

giáo dân, trong gia đình giáo phận,

Mở. Hành trình 15 năm. Năm Quý Tỵ sắp đến, đánh dấu 15 năm tôi đồng
hành với gia đình giáo phận, chia sẻ vui buồn, lo âu và hy vọng với anh chị em
trong Thành phố. Nơi đó, một mặt, sau năm 1975, gia đình giáo phận cùng nhiều
người đã phải gánh chịu nhiều mất mát, mất của cải vật chất, mất những quyền tự
do của con người; mặt khác, hôm nay là thời tự do của kinh tế thị trường, tự do
cạnh tranh sinh tử, tự do chạy đua hưởng thụ duy vật chất. Những tự do đó vừa
mở đường cho sự phát triển kinh tế, vừa làm cho hố sâu phân cách giàu nghèo
ngày càng thêm sâu thẳm, làm cho đời sống tinh thần cùng phẩm vị con người ngày
càng bị sa mạc hóa, càng trở nên khô cằn. Mười lăm năm đồng hành với anh chị em
cũng là 15 năm hành trình đức tin của tôi với những nỗ lực không ngừng sống
theo Lời Chúa dạy cùng sự Khôn Ngoan của Ngài, nhằm đáp lại những thách đố gay
go của xã hội thành phố đông dân và đầy phức tạp này. Nhìn lại hành trình đó,
tôi muốn chia sẻ với anh chị em những cảm nhận từ lòng tin của mình.
1. Có Chúa luôn đồng hành. Mười lăm năm sống trong thành phố này,
nhờ ánh sáng đức tin, tôi cảm nhận Chúa Giêsu luôn đồng hành với chúng ta, như
sau khi phục sinh Ngài đã đồng hành với hai môn đệ làng Êmau cùng phục hồi niềm
tin và hy vọng của hai ông. Đồng hành với chúng ta, Chúa Giêsu Phục Sinh cũng
đã và đang giúp chúng ta vượt qua những mất mát, khổ đau, khó khăn trong cuộc
đổi đời, và mở rộng lòng đạo chia sẻ cho nhau hồng ân đức tin Chúa thương ban
cho mọi người. Vì thế, trước những thách đố của xã hội, tôi luôn trông cậy vào
Ngài, lắng nghe Lời Ngài và ghi tạc vào lòng, đưa ánh sáng Chân Lý cùng Tình
Yêu của Ngài vào trong suy nghĩ và hành động hàng ngày. Nhờ đó, trong gian
truân thử thách, tôi cảm nhận chính Chân Lý và Tình Yêu của Ngài luôn dẫn dắt
bản thân yếu kém của tôi vượt qua mọi nỗi sợ hãi hoảng hốt. Chính hồng ân đức
tin của Ngài giúp tôi kiên tâm cầu nguyện, từ tốn thi hành chức vụ, và lòng dạ
thanh thản phục vụ cho sự sống cùng phẩm vị của mọi người.
2. Có Chúa luôn dìu dắt. Thứ đến, tôi cảm nhận Thánh Thần của
Chúa Phục Sinh vẫn đang ban ơn canh tân đổi mới lòng trí và mở rộng tầm nhìn
của tôi, tăng thêm khả năng đáp lại những thách đố của xã hội thời kinh tế thị
trường. Vì thế tôi luôn cố gắng cộng tác với Ngài, dẫn dắt gia đình giáo phận,
không chạy theo cánh hữu hay cánh tả trong cuộc đấu tranh loại trừ nhau để tồn
tại, song dõi theo bước Chúa Giêsu yêu thương và phục vụ, khiêm tốn hòa nhập
vào truyến thống văn hóa, tìm nơi đó hạt mầm Lời Chúa, sử dụng những hạt mầm đó
xây đắp nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương cho xã hội hôm nay. Tôi xác
tín đó là cách Chúa Giêsu cùng Giáo Hội của Ngài phục vụ cho Tin Mừng cứu độ,
và yêu thương mở đường cho mọi người đi đến nguồn sống mới trong Nước Chúa là
Nước chân thật, yêu thương và bình an.
3. Lấy tình yêu đáp trả tình yêu. Trước những thách đố của một xã hội luôn phải chống chọi với tình trạng bị phân hóa nhiều mặt, tôi nhận thấy rằng, nhờ sự dìu dắt của Chúa Giêsu và Thánh Thần của Ngài, cùng sự trợ lực của Thánh Maria và các thánh Tử Đạo Việt Nam, nhiều người trong gia đình giáo phận, thay vì khép mình trong bản năng tự vệ để sinh tồn và hưởng thụ, ngày càng mở rộng lòng nhân cùng lòng đạo, lấy tình yêu đáp trả tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi người, người tin và người không tin, người thiện tâm  và người vô tâm, người giàu và người nghèo, cách riêng người lâm cảnh cùng khổ, sống bên lề xã hội.
4. Xây giếng nước đầu làng. Sau cùng, trong thành phố đông dân này, tôi nhận thấy rất nhiều người cần đến nguồn nước hằng sống của Chúa Giêsu để giải cơn khát thâm sâu của lòng mình, để sống xứng với phẩm vị làm người. Đối diện với nhu cầu đó, mọi người công giáo đồng trách nhiệm. Do đó, tôi cảm thấy có bổn phận tạo điều kiện cho mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn công giáo : – trở nên giếng nước đầu làng, nơi đó có Chúa Giêsu hiện diện và cung nguồn nước trong lành cho mọi người; – thứ đến là trở nên sứ giả Tin Mừng, chia sẻ niềm vui, niềm tin và hy vọng cho thân hữu cùng bà con láng
giềng. Trong khi thi hành nhiệm vụ mục tử đó, tôi vui mừng thấy có sự đồng tình
và hợp lực của hàng linh mục, các dòng tu, cùng các tổ chức giáo dân trong giáo
phận.
Kết. Nhân dịp Xuân về, chúng ta hãy hợp lòng chung lời tạ ơn Thiên Chúa là Cha giàu lòng từ bi nhân hậu, đã luôn yêu thương, chăm sóc, dẫn dắt gia đình giáo phận
vượt qua mọi khó khăn, đi đến nguồn sống mới là Chúa Giêsu Kitô. Cùng với tâm
tình cảm mến tạ ơn Thiên Chúa, tôi xin bày tỏ lòng chân thành biết ơn đối với
mọi người, mọi cộng đoàn, mọi tổ chức trong giáo phận. Cám ơn 15 năm trước đã
mở rộng lòng đón nhận tôi vào gia đình giáo phận. Cám ơn suốt 15 năm qua đã
chung sức thi hành sứ vụ phục vụ cho Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, và chung lòng mở
đường cho mọi người đi đến nguồn sống mới, nguồn sống dồi dào chan hòa ánh sáng
chân lý, yêu thương và bình an. Cám ơn và cầu chúc cho mọi gia đình, mọi cộng
đoàn, mọi tổ chức, Một Mùa Xuân an lành cùng Một Năm Mới đầy phúc thật.
Gioan B. Phạm Minh Mẫn

Hồng Y Tổng Giám mục

Maria Thanh Mai gởi