‘Cash only!’

‘Cash only!’
Nguoi-viet.com
Tạp ghi Huy Phương

Ở Mỹ, ra khỏi nhà đi mua bán, không mang tiền mặt là chuyện thường, nhưng có một hôm nào đó, rủ bạn đi ăn phở, đến khi ra quầy trả tiền, mới ngớ ra vì mấy chữ “cash only.” “Phép vua thua lệ làng,” đành phải xấu mặt gọi bạn: “Ông có tiền mặt, trả giùm tôi!” “Cash only” có trăm thứ lợi cho chủ nhà hàng, nhưng chẳng tiện chút nào cho khách đi khách đến. Đành rằng thẻ tín dụng cũng là tiền, chi phiếu cũng là tiền, nhưng tiền giấy là tốt nhất.

(Hình minh họa: dayair.org)

Cứ tưởng tượng, một hôm nào đó, vợ chồng đi dự đám cưới ở nhà hàng, trong khi quan khách đều đến tay không, mà mình theo phong cách của những đám cưới thời xưa, khệ nệ khiêng theo một món quà để tặng cô dâu, chú rể thì “quê” hết chỗ nói. Không chỉ nhà trai nhà gái khinh mình ra mặt, mà quan khách chung bàn cũng xầm xì, xem mình như Mán xuống Bolsa. Cũng vì đây là văn hóa “cash only” nên phải là tiền mặt, mà là tiền lớn, tờ trăm có in hình ông Benjamin Franklin, chúng tôi hẳn không chấp nhận giấy bạc $20 kể cả những cái “gift card,” dù là Dior, Channel, Gucci hay hạng thường như Nordstrom, Macy’s.

Nhớ lại hồi xưa, cách đây 50 năm, bạn bè tham dự đám cưới đã “biếu” vợ chồng chúng tôi chừng sáu cây đèn để bàn, năm bộ bình trà, bốn cặp áo gối, hai xấp vải áo dài và quý đồng nghiệp cùng trường góp tiền nhau mua cho một cái đồng hồ Odo có tiếng chuông Westminster gõ mỗi 15 phút làm sốt cả ruột những đêm khó ngủ. Và cũng không thiếu những cặp vợ chồng khách mời, đến… tay không. Nhưng cũng không sao, cái thời buổi ấy “tiền tài còn như phấn thổ,” và cũng không ai đòi hỏi, hay có thông lệ, mừng đám cưới là phải có tiền mặt. Những món quà cưới theo phong tục, thường được đem đến nhà “đôi trẻ” trước ngày vui.

Ở nhà quê, ngày xưa ấy, đi ăn cưới chỉ cần xách cặp bia “BGI-Con Cọp,” chờ chủ nhà đãi khách xong, xin hai cái vỏ chai không về đem trả lại cho “depot.” Chủ yếu là vui, không ai tính chuyện lời, lỗ.

Chính vì cái thời buổi “cash only,” sau mỗi đám cưới, đãi đằng bạn bè, hai họ, cô dâu chú rể còn đủ tiền đi hưởng tuần trăng mật, nên những cặp đôi hay bậc cha mẹ thường tính chuyện lời, lỗ. Có gia đình chạy theo con số khách mời, càng nhiều càng tốt, nhất khi nhà hàng Tàu “khuyến mãi” đạt con số 50 bàn, thì được “free” bánh cưới, rượu champagne.

Những khách dự lễ cưới cũng theo phong tục văn hóa Việt Nam cũng không bao giờ than phiền chuyện “cash only,” vui lòng không những chi tiền, mà còn chịu khó đi “làm tóc” hay nhờ người trang điểm. Đám cưới ngày xưa không bao giờ có nạn cướp tiền mừng, nhưng ngày nay chính vì “văn hóa cash only” nên đã xẩy ra chuyện kẻ gian thừa cảnh đông người, trà trộn trong đám người ăn cưới, cũng áo quần tươm tất, bưng túi tiền mừng đi mất.

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cũng đang chủ trương “cash only!” Tháng Hai, 2015, đại diện Bộ Tư Pháp dự thảo bộ luật hình sự, sửa đổi, giảm hình phạt tù, tăng hình phạt tiền và “cải tạo không giam giữ.” “Cải tạo không giam giữ” vì nhà tù đầy nhóc rồi mà lại phải nuôi cơm, chẳng thà “cash only” cho tiện sổ sách.

Chê chủ tịch tỉnh trên Facebook: Phạt tiền! Uống rượu lái xe: Phạt tiền! Cô giáo xưng hô “mày, tao,” mắng học viên là “vô học”…: Phạt tiền! “Đái đường”: Phạt tiền! Bất hiếu: Phạt tiền! Chồng chửi vợ, hoặc vợ chửi chồng: Phạt tiền! Không xuất trình chứng minh nhân dân khi có yêu cầu: Phạt tiền! Vợ kiểm soát tiền chồng hoặc chồng kiểm soát tiền vợ: Phạt tiền! Không đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú: Phạt tiền! Điều tra, thám tử tư dưới mọi hình thức: Phạt tiền! Bán dâm: Phạt tiền! Mua dâm: Cũng phạt tiền! Làm ma cô: Lại phạt tiền!

Người Việt hiện nay ở trong nước, nghèo nhưng “phú quý sinh lễ nghĩa,” tiền thù tạc, hiếu hỷ ngốn hết 50% tiền lương mỗi tháng. Sinh nhật, tân gia, cưới hỏi, đồng nghiệp bảo vệ luận án, đi thăm người bệnh, đồng nghiệp ngã xe, đẻ con, tứ thân phụ mẫu thủ trưởng qui tiên. Phong kiến, tham ô đẻ ra cái chỉ thị quái đản là “khi có đám ma tứ thân phụ mẫu của cán bộ lãnh đạo (từ phó giám đốc sở trở lên) thì phải thông báo cho toàn ngành, toàn tỉnh” để biết, tức là để góp phong bì tống táng cha ông chúng nó.

“Cho nên không ít người mượn cớ đó để ‘thông báo’ có khuôn dấu đỏ hẳn hoi về cái chết của bố mẹ của mình hay của vợ, gây phản cảm và nghi ngờ về lòng hiếu thảo có mùi ‘cash’ này. Có những đám ma mà anh chị em trong nhà tranh giành nhau để tổ chức!” (vietbao.vn)

Cho nên đám ma, đám cưới lại trở thành một dịp… kinh doanh!

Trước đây, Việt Nam đã có dự án cho thanh niên đến tuổi đi lính đóng tiền để khỏi tòng quân, ai không có tiền đóng thì đóng máu là lẽ đương nhiên. Trên thế giới, chỉ có nhân gian trong XHCN mới có câu “Đồng tiền là tiên, là Phật, là sức bật của lò xo, là thước đo lòng người, là tinh thần của tuổi trẻ, là sức khỏe của người già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý…” Chân lý ấy không bao giờ thay đổi! Trong xứ này, làm gì cũng phải có thủ tục “đầu tiên,” tức là “tiền đâu?”

Thế gian xưa, nói về tình đời, đã có câu “đồng tiền liền khúc ruột.” Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết: “Trong tay đã sẵn đồng tiền, dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì!” Đó là chuyện “chạy án” trong nền tư pháp hay là chuyện “bôi trơn” trong mọi lĩnh vực ở Việt Nam hiện nay. Nghe nói vào Bộ Chính Trị cũng cần “cash,” mà “cash only!” Ở đó cái gì họ cũng có thể bán đi và cái gì cũng mua được (*), nếu không mua được bằng tiền, thì bằng nhiều tiền.

Người đời thường mỉa mai: “Đồng tiền dơ bẩn!” Quả nó dơ bẩn thật, từ khi được phát hành, trước khi đi qua tay bạn, nó được chuyền tay qua nhiều người trong một thời gian dài, từ bàn tay chị bán tôm cá, nơi thắt lưng cô nàng múa cột, chủ lò mổ heo, tay anh chị “drug dealer,” cô nàng bán trôn hay thằng ma cô ở xó đường, nó tanh tưởi, có khi còn mùi máu! Nếu tôi là nguyên thủ quốc gia, tôi sẽ ra lệnh cấm in hình tôi trên tờ giấy bạc, vì tôi sợ những thứ này sẽ dính vào bộ râu của tôi!

Nó dơ bẩn về nghĩa bóng, ở chỗ đồng tiền, làm cho con người táng tận lương tâm, quên điều phải trái, đổi trắng thay đen, chém giết nhau cũng vì mãnh lực của nó.

Đồng tiền dơ bẩn thì phải đem đi rửa, giặt, hy vọng từ đồng tiền bẩn thỉu, người ta có thể có trong tay những đồng tiền sạch, nhưng khốn nỗi việc rửa tiền trong thế giới này là một tội trọng, đồng tiền càng rửa càng dơ bẩn thêm.

Đồng tiền như vậy đó, nhưng ở đâu, ra đường nhớ sờ lại cái ví, và xem lại trong ví có tiền (cash) hay không, rồi hãy lên xe.

(*) Từ rừng núi, đồng bằng, hải đảo
Đến xác thân em bé đứng đường.

Bốn mươi năm thời gian dài quá đủ.

Bốn mươi năm thời gian dài quá đủ.

Tác giả: Phùng văn Phụng

Tạ ơn Trời mỗi sớm mai thức dậy,

Cho con còn ngày nữa để yêu thương. (1)

   *    *    *

Vào đầu năm 1970,  tôi có nhờ Ông Hiệu Trưởng Uông Đại Bằng đề nghị với Nha Khảo Thí để tôi chuyển về trường Lương văn Can, còn được gọi là trường Trung học Tổng Hợp Đô Thị Quận 8, để giữ vai trò Tổng giám thị. Năm đó tôi được 28 tuổi . Ông Uông Đại Bằng và Giám Học Hồ Công Hưng lúc đó hơn tôi chừng vài tuổi.

Thời gian 40 năm hơn nửa đời người cũng là thời gian quá dài  “ biết bao vật đổi, sao dời ” vui mừng cũng có mà đau buồn cũng không ít . Ngày nay nhiều cựu học sinh đã là ông bà nội, ông bà ngoại rồi đã trên dưới 60. Tại sao thời gian dài như thế tình thầy trò, tình bạn hữu của các em cựu học sinh vẫn gắn bó nhau. . Vậy sự gắn bó, liên kết, chia xẻ ngọt bùi với nhau phải có lý do chứ?

Với tuổi đời hiện tại” thất thập cổ lai hy” mới cảm nghiệm được rằng thời gian trôi qua quá mau, đã hiểu được rằng đời người như “ bóng câu qua cửa sổ”. Nhớ lại mới đó mà thấm thoát nay đã già.

Vài ghi nhớ về trường Lương văn Can.

Nhìn lại thời gian qua, trước năm 1975  số giáo sư trong ban giảng huấn khoảng 100 tới nay đã ra đi khoảng 14 người ( 14%),  ban giám thị khoảng 13 và mất khoảng  5 người (gần phân nửa). Trong số học sinh cũng đã có các em lẽ tẻ ra đi với tuổi chưa đầy 60 .

Tại sao hơn bốn mươi năm qua tình thầy trò vẫn đậm đà thấm thiết? Tôi nghĩ là nhờ có tình yêu thương thật sự đã gắn bó với nhau.

Tôi nhớ có lần trong khi tập hợp học sinh chào cờ buổi sáng có một em học sinh bị xỉu tại sân trường và đích thân chính ông Hiệu trưởng Uông Đại Bằng đã chở học sinh này đi nhà thương mà không nhờ nhân viên nào khác trong trường, đủ thấy tấm lòng yêu thương lo lắng cho học sinh của Ông Hiệu trưởng .

Với với số lương hàng tháng cuộc sống của thầy cô lúc bấy giờ cũng tạm đủ sống không thiếu thốn gì. Hơn nữa đa số thầy cô giáo ra trường đi dạy học cũng còn rất trẻ, sống có lý tưởng, nên đã cố gắng làm việc hết lòng, hết khả năng, làm việc đàng hoàng mà còn cố gắng sống đời sống gương mẫu, sợ mang tai tiếng, để làm chứng nhân  cho học trò noi theo, bắt chước.

Ông Hiệu trưởng Uông Đại Bằng trong những năm làm việc không có mang tiếng gì về tiền bạc mà sáng sớm đã thấy ông ngồi trong văn phòng và tối mịt mới rời văn phòng về nhà. Việc thi tuyển vào học trường Lương Văn Can đều do hội đồng thi tổ chức và chấm điểm rất công tâm . Không có việc chạy chọt tiền bạc hay thế lực nào áp đặt .

Ngoài ra tinh thần làm việc cộng đồng cùng nhau chia xẻ khó khăn, nâng đỡ nhau trong công việc cũng đã làm cho tình thầy trò,tình bạn hữu giữa các học sinh với nhau càng yêu thương gần gũi nhau hơn.

Tôi vẫn không quên câu nói như sau : Giá trị của bạn chính là việc bạn đã làm gì, đóng góp gì, chứ không phải vỏ bọc hình thức bạn tốt nghiệp trường nào, có bao nhiêu bằng cấp.

Bằng cấp rất cần thiết nếu bằng cấp ấy là do học tập siêng năng, cần mẫn mà có, do tài năng thật sự mà có, chớ không phải bằng cấp do chạy chọt bằng tiền bạc hay do áp lực quyền hành mà có. Ngoài ra với tài năng thực sự đó cũng chưa đủ, giá trị con người chính là sự đóng góp cho xã hội,  cho tha nhân, làm việc hữu ích cho con người mới là điều quan trọng, phải không ?

Nhà văn Nguyễn Hiến Lê đã đóng góp cho hậu thế gần một trăm đầu sách đủ loại vừa sách học làm người, sách dịch các tác phẩm nổi tiếng của Mỹ, của Pháp, sáng tác đủ loại để giúp cho các bạn trẻ, sinh viên, học sinh học hỏi hiểu biết triết lý Đông Phương, Tây Phương, nền văn minh Âu Mỹ để các bạn trẻ tìm cho mình con đường lý tưởng để sống . Ông có thuật lại ông cùng học chung một lớp với người bạn học rất giỏi luôn luôn đứng đầu lớp, ông không thể nào học hơn người bạn đó được, nhưng rồi thời gian trôi qua ông không còn thấy tin tức, sự đóng góp gì của người bạn đó nữa.

  Đến cuối cuộc đời có gì để tiếc:

Là một người có tài, tác giả truyện Kiều là Nguyễn Du đã viết:

“ Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”

Còn người viết bài này là người tầm thường, không có gì xuất sắc chỉ:

Tạ ơn trời – hôm nay tôi còn sống
Mt còn nhìn, còn đc được Emails
Đi còn vui, đâu đến ni cô liêu.
Thêm kiến thc, thêm t tâm h x !
T ơn các bn gn xa
Hng ngày chia s cùng ta đ điu.
Emails nhn được bao nhiêu
Là bao tình cm thương yêu nng nàn.
* – Cám ơn tất cả các bạn đã cho tôi biết bao kỷ niệm buồn vui, những món quà vô giá mà không sao tôi có thể mua được.

*. – xin cám ơn tất cả … những ai đã đến trong cuộc đời tôi, và cả những ai tôi từng biết mà chưa quen.
* – Cám ơn những thăng trầm của cuộc sống, đã cho tôi nếm đủ mọi mùi vị ngọt bùi, cay đắng của cuộc đời, để nhận ra cuộc sống này thật vô cùng ý nghĩa …

* – Cám ơn những dòng thơ, dòng nhạc, đã giúp tôi tìm vui trong những phút giây chán nản buồn phiền nhất, để quên đi những sầu muộn âu lo, để thấy cuộc đời này vẫn còn có chút gì đó để nhớ, để thương, để vui mà sống .

T ơn Tri mi sm mai thc dy,

Cho con còn ngày na đ yêu thương .(1)

(Sưu tầm trong internet)

Vài kỹ niệm về Hội Phụ Huynh Học Sinh Trường Lương Văn Can (trước năm 1975)

Tôi còn giữ hai quyển kỷ yếu đóng chung thành một tập do cựu học sinh Nguyễn Tấn Luyện từ Canada gởi tới.

Hai cuốn đều có tên là “Trung Học Tổng Hợp Đô Thị Quận 8” Kỷ Yếu 1972-1973 và Kỷ Yếu 1973-1974 . Nhờ hai cuốn này tôi nhớ lại được những hình ảnh, những sinh hoạt của thầy cô và học sinh trong thời gian tôi làm việc tại trường này.

Lúc tôi về trường chỉ có dãy lầu ở bên trái, đối diện với dãy lầu này chỉ là khu đất trống.

Trong cuộc bầu cử ban Quản Trị  Hội Phụ Huynh học sinh và Giáo chức, ông Đỗ Đăng Lợi được bầu làm Hội trưởng còn tôi làm Chánh thơ Ký, ông Nguyễn văn Sinh làm Chánh Thủ Quỹ của Hội.

Tôi còn nhớ Hội Phụ Huynh lo việc xây cất dãy bên phải của trường.

Khi đào mống để xây trường học gặp rất nhiều hòm chôn người chết. Đào chỗ nào cũng đụng hòm do đó bà con mới biết khu này là khu nghĩa địa cũ.

Chủ thầu xây cất phải lo cúng kiến và lo cải táng cho các ngôi mộ đó.  Nhà thầu làm mấy phòng học ở phía sau để có đủ chỗ cho học sinh học, sau đó mới xây dãy bên phải có lầu. Ông Đỗ Đăng lợi rất cẩn thận thường xuyên kiểm soát thât chặt chẻ việc xây cất. Chính ông Lợi và ban Quản trị Hội đã đích thân đến kiểm soát từng giai đoạn xây cất, xem có đủ chất lượng, đúng theo bản vẽ họa đồ không rồi mới cho tiếp tục xây cất.

Mỗi tháng Hội phụ huynh họp một lần, luôn luôn lấy ý kiến đa số các thành viên của Hội.

Xây cất nửa chừng nhà thầu bị lỗ lúc đó công việc đạt được 70, 80 phần trăm. Nhà thầu bỏ trốn vì vật giá gia tăng .

Lúc đó Hội phụ huynh rất có uy tín dưới sự điều hành của ông Đỗ Đăng Lợi và với sự theo dõi của Hiệu trưởng Uông Đại Bằng.

Về phần trợ giúp cho học sinh nghèo Hội cũng thường họp Ban Quản trị Hội để lấy ý kiến xem xét để trợ cấp từng trường hợp một, chỉ trợ cấp cho các em học khá mà gia đình nghèo thật sự.

Suốt mấy năm Ông Đỗ Đăng Lợi làm Hội trưởng (1970-1975) không hề bị mang tai tiếng gì mà mỗi lần họp Đại Hội Phụ Huynh Học sinh rất đông bà con phụ huynh tham dự và bầu cử,  kiểm phiếu công khai không hề có sự sắp đặt nào trước.

Sinh hoạt của Hội Phụ Huynh Học sinh trường Lương văn Can  chấm dứt vào ngày 30 tháng 04 năm 1975.

Không biết có phải vì đặt tình yêu thương lẫn nhau và đã làm việc công tâm, đàng hoàng, không tơ hào, không gian lận, dính líu tiền bạc vì tư lợi thì sẽ được yêu thương dầu  là 40 năm hay 50 năm hay lâu hơn nữa.

Tất cả là tình yêu thương.

Phùng Văn Phụng  

(1) Câu thơ nguyên văn là:

  Cám ơn đời mi sm mai thc dy
Ta có thêm ngày n
a đ yêu thương

 Tác gi nguyên thy ca 2 câu thơ này là 1 thi sĩ lng danh, người Lebanese (Li Băng) 
tên là Kahlil Gibran (1883-1931), tri
ết gia ln lên sinh sng Mỹ .

Gibran

 

 

 

 

 

 

 

Hình Kahlil Gibran

 Xem thêm về Kahlil Gibran:  https://en.wikipedia.org/wiki/Kahlil_Gibran

DSC03342

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả cùng với Giáo sư Trần Nguyên Khôi

Hình chụp trước năm 1975 tại trường Lương văn Can

trong ngày bầu cử Ban Quản Trị Hội Phụ Huynh Học Sinh và Giáo Chức

http://luongvancan.avcyber.com/D_1-2_2-1401_4-12890_5-15_6-1_17-8_14-2_15-2/

Mua lại nước Việt Nam với giá nào?

Mua lại nước Việt Nam với giá nào?
Nguoi-viet.com

Ngô Nhân Dụng

Nhiều độc giả Người Việt đồng ý với đề nghị “Mua lại nước Việt Nam” từ tay đảng Cộng Sản; để họ trả lại cho dân Việt Nam quyền tự mình lo quản trị đất nước mình. Nếu quý vị thấy ý kiến này vô lý, đặt câu hỏi “Tại sao đất nước của mình, mình lại phải mua lại?” thì xin thông cảm. Chúng ta đã thấy cảnh nhiều chủ nhà phải “mua lại” căn nhà của chính mình. Nhà mình cho họ trú ngụ rồi bị chiếm luôn. Ðuổi không ra. Ðòi, không trả. Thưa kiện, không ai xử. Dùng vũ lực càng không được, vì chúng nó du côn hơn mình! Khi một bọn côn đồ lại nắm cả pháp luật trong tay, thì làm sao được? Giải pháp cuối cùng để mời bọn cướp ra khỏi căn nhà mình, là thí cho chúng nó một số tiền. Bao nhiêu người đã phải làm như thế rồi!

Nhưng có độc giả nêu lên nỗi khó khăn: Kiếm đâu ra tiền mà mua lại nước Việt Nam? Bạn TTNV viết: “Dân đen ở Việt Nam (80%) thì trên răng dưới dế, khố rách áo ôm, vốn liếng chỉ có cái mạng cùi! Quan chức, đại gia thì bận lo ‘hốt nhanh, hốt gọn, hốt sạch’ rồi ôm bọc bạc qua Thụy Sĩ (chưa tới được Panama!) Vậy thì lấy cái gì mà ‘mua lại’ đây?”

Một độc giả khác, ký tên Người Buôn Mộng, đưa ra đề nghị người Việt ở nước ngoài phần lớn khá giả hơn đồng bào trong nước hãy gánh lấy việc góp tiền mua lại nước Việt Nam. Theo Người Buôn Mộng thì “hơn ba triệu người Việt ở hải ngoại sẽ đi quyên góp cho đủ 19 tỉ Mỹ kim, để chia tặng đồng đều cho 19 ma đầu trong Chính Trị Bộ mới được bầu lên” với một số điều kiện để họ trả lại nước Việt Nam cho người Việt Nam.

Con số 19 tỷ đô la có lớn quá không? Bạn Người Buôn Mộng đã tính toán, thấy đủ sức kiếm ra. Vì mỗi năm người Việt ở nước ngoài vẫn đem hàng chục tỷ đô la về trong nước! Nhà báo Vũ Kim Hạnh mới viết trên Facebook của cô rằng, “Dòng kiều hối chảy về Việt Nam từ Mỹ khoảng 7-8 tỷ đô la, thì dòng đô la chảy ra cũng không ít.” Nếu chia 19 tỷ cho ba triệu người Việt ở nước ngoài thì mỗi người chỉ góp trên ba ngàn đô la! Những người yêu nước có của sẽ đóng góp gấp đôi, gấp ba, bù cho những người thiếu tiền! Có thể mua được!

Ðề nghị trả giá 19 tỷ rất thực tế, nhưng chúng ta sẽ không cần đến. Thực ra, có thể mua lại đất nước từ tay đảng Cộng Sản mà không cần phải trả tiền mặt. Nghĩa là có thể mua chịu, mua trả góp, giống như ở các xã hội ổn định người ta vay nợ mua nhà vậy. Vậy có thể mua lại nước Việt Nam theo lối trả góp cho đảng Cộng Sản như thế nào?

Xin quay lại với ý kiến của các nhà kinh tế Ba Lan thời 1980. Họ đề nghị mua lại nước Ba Lan từ tay đảng Cộng Sản, sẽ trả tiền cho tất cả các đảng viên Cộng Sản; không trả riêng cho các lãnh tụ trong Bộ Chính Trị hay Trung Ương Ðảng. Dân Ba Lan hứa sẽ trả cho đảng viên Cộng Sản tất số các lợi nhuận mà họ đang được hưởng và sẽ được hưởng nếu vẫn nắm chính quyền. Nghĩa là, dù mất quyền hành nhưng các đảng viên Cộng Sản vẫn hưởng các lợi lộc, lại được bảo đảm hưởng lâu dài, không lo mất.

Như vậy thì cái giá mua lại nước Việt Nam như thế tính ra thành bao nhiêu tiền? Làm sao biết được là giá đắt hay rẻ? Muốn trả lời thắc mắc này, cần tính toán theo lối các ngân hàng: Những món tiền sẽ trả trong tương lai đều có thể tính ngược lại thành một cái giá tương đương trong hiện tại.

Cách tính toán này, trong môn Tài Chánh Học (Finance) gọi là “hiện giá” (present value). Thí dụ, mình có trong tay một trái khoán (giấy nợ), trên đó viết rằng người cầm giấy này sẽ được trả 105 đồng, trong một năm nữa. Nếu lãi suất trong thị trường đang là 5% một năm, thì người ta sẵn sàng trả 100 đồng để mua cái giấy nợ đó. Giá trị 100 đồng này là “hiện giá” của lời hứa trả tiền trong tương lai, tính toán rất giản dị. Khi dân Việt Nam hứa cho các đảng viên Cộng Sản được hưởng lương bổng suốt đời nếu họ bán lại đất nước cho mình, số tiền trả trong tương lai đó cũng có thể tính thành một “hiện giá.” Ðó là cái giá mua lại nước Việt Nam.

Muốn cho dễ hiểu, quý bạn hãy tưởng tượng có một người hứa trả cho bạn 100 đồng mỗi tháng, mãi mãi không bao giờ ngừng, đời con đời cháu vẫn được hưởng. Dòng tiền nhận được trong tương lai đó tương đương với bao nhiêu tiền trong hiện tại? Nói cách khác, quý vị sẵn sàng trả bao nhiêu tiền để mua lời hứa đó? Cái giá này chính là “Hiện Giá.” Hiện giá lớn hay nhỏ tùy theo quý vị nghĩ mình đáng được hưởng lãi suất bao nhiêu. Lãi suất cao hơn thì hiện giá thấp hơn.

Thí dụ, nếu lãi suất là 1% mỗi tháng (như lãi suất trung bình mà các doanh nghiệp ở Việt Nam phải trả bây giờ) thì Hiện Giá của dòng tiền 100 đồng đều đặn này là 10,000 đồng. Tại sao? Giản dị lắm, nếu quý vị vay ai 10,000 đồng với lãi suất hàng tháng là 1% thì quý vị sẽ phải trả chủ nợ 100 đồng mỗi tháng, tức 1% của 10,000 ngàn. Nếu lãi suất cao hơn, thí dụ 2% mỗi tháng, thì hiện giá của dòng tiền 100 đồng mỗi tháng đó chỉ còn là 5,000 đồng. Vì nếu vay ai 5,000 đồng, với lãi suất 2%, mỗi tháng cũng phải trả 100 đồng!

Thực tế hơn, thử tưởng tượng tình trạng một người vay nợ để mua nhà. Vay một số tiền gọi là P đồng (thí dụ, 250 ngàn đồng); hứa trả góp trong n tháng (thí dụ, 25 năm tức là 300 tháng), với lãi suất r% mỗi tháng (thí dụ 5% một năm, chia cho 12). Có thể tính số tiền trả mỗi tháng là M đồng, theo công thức:

M=P nhân với{{r(1+r) lũy thừa{n}} rồi chia cho {(1+r)lũy thừa {n} trừ 1}}}

Với thí dụ trên đây, ngân hàng đã tính ra số tiền M trả mỗi tháng là 1,454 đồng.

Ngược lại, nếu một người nhận được 1,454 đồng đồng đều đặn trong 300 tháng, trong khi lãi suất là 5% một năm, thì “Hiện Giá” của các món tiền tương lai đó là 250 ngàn đồng. Tính toán giống như cho vay số tiền 250 ngàn đồng với cùng lãi suất 5% và thời gian trả góp là 25 năm. Hiện giá này cũng cao hay thấp tùy theo lãi suất trong thị trường cao hay thấp.

Lãi suất phải tính ra sao? Trong thị trường tài chánh, dù cho vay trực tiếp, hoặc mua bán trái phiếu, lãi suất cao hay thấp tùy thuộc số tiền hy vọng nhận được trong tương lai chịu bất trắc, rủi ro nhiều hay ít. Mối rủi ro càng lớn thì lãi suất càng cao, để bù lại cho nỗi bất trắc người đầu tư phải chấp nhận.

Bây giờ trở lại với câu hỏi dân Việt Nam nên trả cho đảng Cộng Sản bao nhiêu tiền để mua lại nước Việt Nam; để dân mình tự lo việc quản trị nước mình, xây dựng dân chủ, phát triển kinh tế, chấm dút tham nhũng, xây dựng lại đạo lý dân tộc và bảo đảm xã hội công bằng? Về phía người bán, đảng Cộng Sản có thể chấp nhận giá cả là bao nhiêu để họ trả lại nước Việt Nam cho dân Việt?

Theo lối các kinh tế gia Ba Lan 30 năm trước, có thể đề nghị cho các đảng viên Cộng Sản, từ Bộ Chính Trị xuống tới các anh chị cán bộ thôn, xã, cam kết cho họ được hưởng tất cả số lương bổng, trợ cấp và quyền lợi về y tế, xã hội, suốt cuộc đời sau này của họ, cho đến khi chết. Tất cả các món tiền đó có thể tính ra thành hiện giá, cho từng đảng viên. Người nắm quyền cao sẽ được hưởng nhiều, cấp thấp sẽ được ít. Nhưng ai cũng có thể tin rằng họ sẽ còn tiền, họ chỉ mất quyền hành sai bảo hoặc bắt giam người khác mà thôi.

Ðổi lại, đảng Cộng Sản sẽ trao trả lại quyền làm chủ đất nước cho hơn 90 triệu người Việt Nam. Dân Việt sẽ bỏ phiếu bầu một Quốc Hội mới, lập chính phủ mới, lo sửa Hiến Pháp và luật lệ để mọi người đều sống trong dân chủ tự do.

Ðộc giả Người Buôn Mộng, ở San Diego, Hoa Kỳ, đã đề nghị diễn tiến việc trao trả quyền hành theo mấy bước sau đây: Thứ nhất, Bộ Chính Trị đồng thanh tuyên bố đảng Cộng Sản Việt Nam là một sai lầm và thảm họa vĩ đại nhất cho nước Việt Nam, sẽ lập tức được giải thể. Thứ hai, quyền “làm chủ, quản trị, và lãnh đạo” nước Việt Nam sẽ được quyết định trong một cuộc bầu cử tự do, phổ thông, do Liên Hiệp Quốc kiểm soát – giống như ở Campuchia hồi năm 1993 vậy.

Ðộc giả TTNV lạc quan, nhắc lại kinh nghiệm dân Tây Ðức “mua lại” Ðông Ðức từ tay đảng Cộng Sản, nhờ thế nước Ðức đã thống nhất. Mai mốt, dân Nam Hàn có thể sẽ mua lại cả Bắc Hàn từ tay gia đình họ Kim.

Tuy nhiên, bài toán trên đây chỉ nói tới tiền bạc, đến giá cả; còn rất nhiều “ẩn số” chưa đề cập tới. Quý vị nào đã trải qua kinh nghiệm “mua lại nhà của chính mình” từ tay các cán bộ chiếm nhà, hoặc quý vị đã sống qua thời kỳ các nước Cộng Sản đổi chủ, xin mời góp thêm ý kiến.

Này người ơi! Ghé bến sang sông,

Chuyện Phiếm đọc trong tuần sau Chúa Nhật 4 Phục Sinh năm C 17/4/2016

 “Này người ơi! Ghé bến sang sông,”

Lên đường đi tới, bõ công em chèo thuyền.

Mừng người đi, tìm thấy Tình Duyên,

Con đường đất nước, nối liền lòng dân.”

Phạm Duy – Con Đường Cái Quan)

(1 Tim 1: 3-6)

Trần Ngọc Mười Hai

Có thể nói, đây là lần thứ hai trong chuỗi ngày dài những phiếm và phiếm, bần đạo lại cứ trích và dẫn những câu hát của nhạc sĩ họ Phạm, tương-tự giòng chảy đầy thương yêu, như sau:

 “Sông Thương ơi! Nước chảy (ý) đôi ba giòng,

Anh về Hà-Nội một lòng…(thương) yêu em!

Sông Thương ơi! Nước đục người đen,

Anh về Thành-phố… không quên cô mình.”

(Phạm Duy – bđd)

Tìm hiểu lý do sao lại có chuyện như thế, có bạn đạo cứ cho rằng: có thể, điều ấy do bởi bần đạo đây sinh ra tại đất “Hà-thành” ngàn-năm-văn-vật, nên mới thế. Có bạn khác, lại vẫn nói: sở dĩ người viết phiếm cứ hay trích-dẫn giòng dân-ca có bát-âm hoặc ngũ-cung rất gần lòng người/lòng mình, như vậy.

Có thể là như thế. Như thế, tức như thể: bạn bè gần/xa lại cứ cho rằng: bầy tôi đây, những muốn kết-duyên Đạo/đời bằng địa-danh hay tên gọi của một cõi rất “lòng người” có yêu thương vần vũ, như “sông Thương nước chảy đôi ba giòng”, như là “giòng thương/yêu” trữ-tình gì đó chăng? Yêu thương “đôi ba giòng”, còn là lòng thòng những là “tình người nhà Đạo” thấy ở Kinh/Sách, mỗi khi  quay về, đến hôm nay.

Cũng có thể, đây là: lời gọi/mời gửi đi khắp chốn để người người quay về với Kinh/Sách rất “sông Thương” có những giòng êm-ả chảy mà bậc thày ở đây đó từng nhắc nhớ. Nhắc và nhớ, bắt đầu bằng “lời cuối” của nhân-vật rất tiếng-tăm ngành vi-tính tên Steve Jobs, như sau:

“Tôi đã đạt đến tột đỉnh của thành công. Trong con mắt người khác, cuộc đời tôi là một biểu tưởng của thành công. Tuy vậy phía sau của công việc tôi có rất ít niềm vui. Tài sản của tôi cuối cùng cũng bình hoá với tôi. Trong lúc này trên giường bệnh viện, hồi tưởng về cuộc đời, những lời khen ngợi, tự cao, tự hào về tài sản nhưng tôi cảm thấy thật vô nghĩa trước tử thần, cái chết.

 Trong bóng tối, khi nhìn ánh đèn màu xanh và tiếng ồn ào của máy dưỡng khí, tôi cảm nghiệm được những hơi thở của tử thần rất gần kề. Bây giờ tôi mới hiểu thấu, nếu một lần bạn đã có tiền đủ cho bạn, bạn hãy đeo đuổi một mục đích khác không liên quan đến tiền bạc. Nên tìm một điều gì quan trọng hơn. Ví dụ như là lịch sử tình yêu nhân loại, nghệ thuật, ước mơ tuổi thơ… Đừng làm nô lệ cho vật chất, giàu sang, vì nó sẽ biến bạn thành một người yếu ớt như tôi.

 Thượng Đế tạo dựng chúng ta để cảm nghiệm được tin yêu trong tim, chứ không phải những ảo tưởng về tiền tài, danh vọng như tôi đã làm trong suốt cuộc đời nhưng không thể đem theo tôi được. Tôi có thể mang theo được những kỉ niệm của yêu thương. Đây mới chính là sự giàu sang sẽ có thể đồng hành với bạn, là sức mạnh, ánh sáng soi sáng cho bạn tiến tới. Tình yêu có thể đi hàng ngàn cây số và chính vì thế cuộc đời không có giới hạn. Đi, tiến đến nơi mà bạn muốn, Cố gắng lên để đạt được những mục đích. Tất cả là ở trong tim và trong lòng bàn tay của bạn.

 Cái giường nào đắt giá nhất trên đời? giường bệnh viện, vì nếu có tiền, bạn có thể mướn tài xe lái xe cho bạn, nhưng không thể dùng tiền để thuê người mang bệnh cho bạn. Mất tài sản mình có thể tìm lại được, có một cái khi đã mất thì không thể tìm lại được: sự sống. Dù đang ở giai đoạn nào trong cuộc đời, cuối cùng, tất cả phải đối diện khi bức màn sự sống kéo xuống.

Làm ơn hãy nâng niu và nhận thức được giá trị tình yêu gia đình, tình yêu bạn đời và tình yêu bạn hữu, gìn giữ sức khỏe cho bạn và chăm sóc đồng bào của bạn.” (Bản dịch của bạn bè trên mạng)

Và, thêm một lời “trần tình” khác cũng từ một bậc thày ở đâu đó, rất Úc Châu như sau:

 “Ngày nay, lại thấy nhiều chiều-hướng quyết quay về học-hỏi những điều hàm-ẩn nội-dung đích-thực của Kinh-thánh hơn là ấp-ủ một số luận-điểm như ta vẫn làm trong quá-khứ. Bởi thế, cũng nên quảng-diễn các luận-điểm cốt-thiết và đích-thực của thời-đại qua đó Kinh thánh được viết, theo đúng nghĩa…” (Lm Kevin O’Shea CSsR, Re-Reading the Bible, ACU hôm 6/9/2008 ở Sydney)

Với nghệ-sĩ ngoài đời, thì sự/việc về với nguồn mạch của Kinh/Sách, được diễn-tả theo cung-cách rất khác biệt. Cung và cách của thể-loại âm-nhạc đi vào lòng người như giòng chảy thân thương của “Cưu Long Giang”, sau đây:

“Cửu Long Giang! Gió về vui trên sóng sông,

Uốn quanh như 9 con rồng, ôm chặt đứa con.

Người từ Tiền giang đi về xa xăm cuối con đường say đắm

Là miền rộng thênh thang…”

(Phạm Duy – bđd)

Là gì đi nữa, “miền rộng thênh-thang” hay chốn miền có những “luận-điểm cốt-thiết và đích-thực” của Sách và Kinh đi nữa, vẫn là những luận-cứ rất nên tìm đọc. Đọc để hiểu, rằng: văn-bản, dù là Kinh/là Sách vẫn có những điều cần tìm-hiểu/học-hỏi xem thực/hư ra sao, như lập-trường của một bậc thày thần-học khác, từng xác-chứng bằng lời lẽ chân-tình sau đây:

“Một trong những điều dị-kỳ rất nực cười của đạo-giáo tân-thời hôm nay, là: việc ký-thác vào sự thật biểu-hiện ra bên ngoài qua một vài hình-thức của Đạo Chúa chuyên chú rao-giảng Tin Mừng thật triệt-để; đồng thời kèm theo tầm nhìn bảo rằng sự thật mang tính khách-quan có thể kiểm-chứng được bằng bất cứ nhà quan-sát vô-tư lâu nay từng đưa dẫn nhiều tâm-hồn người đi Đạo tuân theo sự thật ở bất cứ nơi nào nó dắt đến. Và nơi đến, nhiều lúc lại cũng “xa vời” với Đạo của Chúa rất triệt-để hoặc đầy tính giảng rao.

 Thành thử, nếu trên lý-thuyết ta có khả-năng kiểm-chứng được sự thật “khách-quan” của đạo-giáo và rồi thấy rằng: hoá ra, đạo-giáo đang kiểm-chứng lại sai trái một cách có thể kiểm-chứng được, thì sự việc ấy đưa ta đi về đâu?…

 Càng học hỏi sự thật của Kinh Sách về Đạo Chúa, đặc biệt là về Kinh/Sách, bản thân tôi càng nhận ra rằng: “Sự thật” lại đã dẫn đưa tôi về chốn miền nào đó tôi không đi đến… Và tôi đi đến một cảm-nghĩ hiểu rằng Kinh Sách xưa nay không thể là những gì tôi từng nghĩ. Kinh Sách cũng chứa đựng nhiều sai sót. Và nếu là sách mà lại chứa đựng sai sót, thì đó không thể hoàn toàn đúng thật được. Và đây là vấn-đề đối với tôi, do bởi tôi cứ muốn tin vào sự thật, sự thật thần thiêng thánh ái và tôi đã đạt giai-đoạn thấy được rằng Kinh Sách không là sự thật thần thiêng mà lại không có tàn dư. Kinh Sách thật là sách rất con người.

 Nhưng vấn-đề không dừng lại ở đó. Cuối cùng ra, tôi đạt đến tư-duy nhận ra rằng: Kinh Sách không chỉ chứa đựng những sự-không-thật hoặc các lỗi sai sót bất chợt xảy đến mà thôi, nhưng Kinh Sách cũng chứa đựng những gì mà gần như bất cứ ai sống vào thời này có thể gọi đó là sai lầm. Và đó là những gì tôi muốn viết, ở sách này. Hôm nay. (Gs Bart D. Ehrman, Forged, Why the Bible’s Authors Are Not Who We Think They Are, HarperOne 2011 tr. 3-5)

Thoạt nghe những lời trần tình hoặc trần-thuật rất tình người ở trên, hẳn rằng nhiều người lại sẽ nhớ đến Lời Vàng khi xưa Phaolô thá`nh-nhân từng căn-dặn thừa-tác-viên đồng-hành và là đệ-tử thân thương, rằng:

“Khi đi Makêđônia, tôi đã khuyên anh ở lại Êphêsô

để anh truyền cho một số người đừng dạy một giáo lý khác,

cũng đừng chú ý đến những chuyện hoang đường

và những gia phả dài dòng; những cái đó chỉ gây ra tranh luận,

chứ không đóng góp vào kế-hoạch của Thiên-Chúa mà đức tin cho chúng ta biết.

Lời truyền dạy đó phải nhằm đưa tới đức mến phát xuất từ tâm hồn trong sạch,

lương tâm ngay thẳng và đức tin không giả hình.

Vì đi trệch đường lối ấy, một số người đã sa vào tật nói rỗng tuếch.

Họ muốn làm thầy dạy luật, nhưng lại không hiểu cả điều mình nói lẫn điều mình xác quyết.”

(1 Tim 1: 3-6)

Nói như thế, là nói theo bài-bản của những Kinh và Sách, rất công-khai. Nói về những điều hệt như thế, giống như kiểu nói của người ngoài luồng, ở đời, là nói bằng truyện kể dân-gian có những ý và tình như sau:

“…Rất may mắn, tôi đã gặp cậu và được cố vấn nên sau vài lần xin việc bị từ chối khéo, tôi điền đơn tại bệnh viện Montford theo đúng lời cậu chỉ dẫn. Lý lịch khai rất gọn, phần học vấn bỏ trống, không ghi tốt nghiệp đại học VN. Xin làm Pharmacy Attendant, công việc sai vặt trong khoa dược.

 Bà trưởng phòng nhân viên bệnh viện đọc hồ sơ, ngước mắt nhìn tỏ vẻ thương hại rồi nói, được rồi, anh cứ về, khi nào có chỗ trống sẽ gọi phỏng vấn. Vừa định đứng dậy thì bà ra dấu cho tôi ngồi xuống, ngập ngừng… Tôi biết bên hospice, nhà an dưỡng của bệnh nhân cận tử, đang cần một orderly nam, tức y công đàn ông. Nếu anh không ngại tôi sẽ giới thiệu. Đang đói việc, tôi bằng lòng ngay, bất cứ việc gì.

Y tá trưởng của hospice vui mừng đón nhận tôi.

Bà cho biết công việc không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự nhẫn nại hơn bình thường. Chỉ phục vụ một bệnh nhân đặc biệt và khó tính. Gia đình bệnh nhân này là ân nhân của bệnh viện, đã hiến tặng toàn bộ xây cất và các trang thiết bị cho hospice nên tên của người chồng quá cố, “J.D. Steinberg” được vinh danh trên bảng đồng.

 Bà thành thật cho biết đã có 2 nữ y công bị trả lại vì bệnh nhân không hài lòng và thêm một nữ nữa bỏ việc vì không chịu nổi áp lực.

Tuy nhiên lương bổng rất hậu hĩnh. Bệnh nhân này sẵn sàng trả thêm tiền thưởng tương đương với tiền lương của bệnh viện.

Bà muốn thay đổi, đề nghị tuyển nhân viên nam, hy vọng nam có sức chịu đựng tốt hơn nữ.

 Bệnh nhân là bà Steinberg, khoảng gần bảy chục tuổi, bị ung thư buồng trứng, đã di căn, giai đoạn cuối. Đẹp lão, mập mạp, tướng mệnh phụ. Bà tiếp tôi lạnh lùng, sau khi cô chuyên viên trang điểm rút lui. Hỏi vài câu vắn tắt lấy lệ, rồi cho tôi kiếu.

 Quả thật công việc rất nhàn hạ, nhưng không thơm tho. Bác sĩ, y tá thăm bệnh và cho thuốc men theo thời khoá biểu. Cô quản gia kiêm thư ký công ty của gia đình trình diện vào buổi trưa mỗi ngày, đem thức ăn khoái khẩu của bà và quần áo mới. Tôi chỉ giúp bà làm vệ sinh tiêu tiểu buổi sáng, ngay trên giường và đổ phân vào cầu. Buổi chiều, sửa soạn bồn tắm, giúp bà làm vệ sinh thân thể và đẩy xe đưa bà đi dạo. Ngoài ra, chùi rửa phòng, thay bọc trải giường, mang quần áo chăn mền qua phòng giặt ủi…v…v… Thỉnh thoảng ghé mắt xem bà có cần sai bảo gì không. Khẩn cấp thì phải chạy tìm y tá bác sĩ trực.

 Tôi được sắp xếp cho ở góc cuối phòng, ngăn bằng chiếc màn kéo, đủ kê chiếc giường đơn, ghế nằm và bàn viết. Một ngày chỉ thật sự làm việc độ 3 hoặc 4 tiếng, ăn uống ở câu lạc bộ. Thời giờ quá dư thừa nên tôi mượn sách chuyên môn của thư viện đọc, mơ một ngày nào đó sẽ lấy lại được bằng hành nghề.

Một buổi tối, bà rên khò khè đau đớn, tôi chạy lại thì nghe bà quát, đi lấy cho ta cái “donut” ngay. Ta cảm thấy khó chịu quá!

 Tôi cuống quít nói, thưa bà giờ này quá khuya, e không có tiệm bánh donut nào mở cửa, bà có thể chờ đến sáng sớm mai không? Bà nổi quạu, phán, đồ ngu! Xuống bảo y tá trực đưa. Tôi răm rắp chạy báo cáo bà y tá già. Bà cười ngặt nghẽo, đưa cho tôi cái vòng cao su mầu cam trông giống như ruột xe vespa, bảo, đấy, donut là cái này này. Tôi vỡ lẽ, té ra donut cũng là tên gọi của cái vòng đệm cao su, dùng để kê dưới bàn tọa cho êm.

 Mấy ngày sau, khi đã hơi khoẻ, bà ngoắc tôi lại, ra lệnh, ê thằng Tầu con, xuống kêu con nhỏ làm tóc lên chải đầu cho ta. Hôm nay ta có khách lại thăm. Bị chạm nọc nhưng tôi vẫn đủ bình tĩnh, khẽ thưa, xin bà đừng gọi tôi là Tầu con. Tôi đã 36 tuổi rồi và là người Việt Nam không phải Tầu. Trái với sự mong đợi của tôi, bà tỏ vẻ thân thiện, ngồi thẳng dậy, tròn mắt, hỏi lại, Việt Nam? Việt Nam? Con trai của ta chiến đấu ở VN và đã mất tích từ năm 1970, cũng trạc tuổi của mi.

 Tôi đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Ngờ ngợ có sự liên quan tới Bác sĩ John Steinberg mà tôi quen biết khi còn trong quân đội. Kể từ đó, mỗi khi có dịp, tôi gạ gẫm bà kể thêm về người con trai. Bà rất hứng khởi. Sự nghi ngờ ban đầu đã dần dần sáng tỏ. Gom góp các chi tiết và đối chiếu các sự kiện, tôi đã chắc đến 99.99% John Steinberg, con trai của bà, và BS John Steinberg, bạn tôi, là một người bạn quí.

 Theo bà, John là một đứa trẻ có nhiều cá tính ngay từ nhỏ. Thông minh, bướng bỉnh, tinh thần tự lập cao. Nhiều tự ái, nóng tính, hơi cố chấp và đặc biệt xung khắc với cha.

Ông Steinberg muốn hướng chàng thành một doanh gia. John, trái lại, thần tượng BS Albert Schweitzer. Ước vọng trở thành thầy thuốc giỏi, từ bỏ thế giới văn minh, đến các xứ nghèo Phi châu, mang tài năng và nhiệt tâm phục vụ không điều kiện.

 Sau khi tốt nghiệp y khoa Mc Gill, lúc chuẩn bị nội trú chuyên ngành tại bệnh viện Ottawa thì xảy ra một cuộc đấu khẩu dữ dội giữa hai cha con. John giận cha, bỏ qua Mỹ, tình nguyện nhập ngũ. Được huấn luyện quân sự tại Fort Bragg và tu nghiệp chuyên môn tại Womack Army Medical Center NC. Y sĩ Đại uý John Steinberg sau đó được gửi qua Việt Nam, bổ sung toán quân y thuộc liên đoàn 5 lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ, đóng tại Nha Trang.

John vẫn thư từ liên lạc với bà mẹ đều đặn. Cho đến một buổi chiều ảm đạm mùa thu năm 1970, ba sĩ quan đồng ngũ của binh chủng gõ cửa báo tin con bà đã mất tích khi đang thi hành nhiệm vụ, được ghi vào danh sách M.I.A.

Ông Steinberg bị nỗi hối hận dầy vò, tự đổ lỗi cho chính mình, đã đưa đẩy con trai vào chỗ chết. Ông qua đời ba năm sau.

 Thời gian John công tác, tôi đang làm việc tại bệnh xá gia đình binh sĩ cũng đồn trú Nha Trang.

Chúng tôi cùng đi làm dân sự vụ thường xuyên tại các bản thượng hẻo lánh nên quen biết rồi thân nhau. Thỉnh thoảng tụ tập ăn uống nhậu nhẹt tại các quán bờ biển hoặc đi nghe nhạc phòng trà.

 Khi tin John tử trận bay đến phòng làm việc, tất cả ban quân y chúng tôi đều bàng hoàng. John và toán dân sự vụ Việt Mỹ chết bỏ xác khi máy bay trực thăng trục trặc kỹ thuật, đáp tạm xuống bãi đất hẹp gần nhánh sông chảy xiết. B40 bắn rớt ngay lúc vừa cất cánh trở lại. Duy có một y tá VN tên Công thoát hiểm một cách kỳ diệu. Hắn ngụp lặn, bơi ngược dòng nước, băng rừng suốt đêm đến được nơi an toàn.

Quá hoảng loạn trong nỗi kinh hoàng tột độ, y tá Công bị hậu chấn thương nặng, chuyển về khoa tâm thần tổng y viện Cộng Hoà điều trị vài tháng rồi được cho giải ngũ. Hắn vẫn đến xin thuốc an thần và thuốc ngủ đều đặn nên từ đó anh em đổi biệt danh “Công ngủ” thành “Công không ngủ”.

 Những năm cuối của thập niên 70 và đầu thập niên 80, tôi hay lang thang khắp chợ trời. Tình cờ gặp lại “Công không ngủ”. Hắn đã lột xác, trông bảnh bao, da dẻ hồng hào, ra dáng công tử vườn. Hắn khoe buôn bán thuốc tây, thu nhập khấm khá. Hắn bỏ một buổi buôn bán, mời tôi đi nhậu ở tiệm ăn sang trọng trên đường Nguyễn Huệ. Đãi rượu Martell và thuốc thơm ba số. Lúc đã ngà ngà, hắn nhắc lại chuyện cũ. Bật mí tất cả những gì chưa từng bật mí.

Chiếc trực thăng chao đảo vì phi công bị B40 xuyên nát cổ. Đủ loại súng thi nhau nhả đạn, mọi người nhốn nháo chen nhau nhảy xuống. Đạn đan tròng tréo, có người rớt lịch bịch, có người nằm xuống khi chân chưa chạm đất. Bác sĩ Steinberg cùng hắn và vài người nữa chạy thẳng xuống sông. Các người kia bơi theo dòng nước. Ông bác sĩ Mỹ to cồng kềnh, bơi hoặc lặn cũng không ổn nên tìm chỗ ẩn nấp dưới đám lau sậy. Vốn là dân xóm Cồn, giỏi bơi lội, lại nhỏ con nên “Công không ngủ” nhanh như chớp, phóng xuống giữa dòng, vớ một ống sậy dài, ngậm thở, lặn ngược dòng, đánh lạc hướng của nhóm du kích chạy xuôi trên bờ đang truy đuổi từng người. Nghe tiếng súng AK nổ ròn rã, hắn biết những bờ bụi chắc chắn là những mục tiêu bị nhắm bắn. Hắn tự khen mình thông minh, không trốn theo ông bác sĩ cũng không bơi xuôi giòng. Rất có thể nhiều người đã lãnh đủ những tràng đạn vừa qua.

Đợi khi bóng dáng đám du kích đã hoàn toàn mất hút, hắn bơi đến chỗ ông bác sĩ thăm dò. Vùng máu loang lổ đang lan rộng chứng tỏ ông đã trúng đạn. Sờ mũi, vạch mắt, nghe tim, biết ông đã chết, hắn chỉ kịp mở nút gài túi áo trên lấy chiếc ví dầy cộm, lột chiếc đồng hồ trên tay.

Tiếng đám du kích vui cười nghe rõ dần, có lẽ họ trở lại thu nhặt chiến lợi phẩm. Hắn đẩy xác ông bác sĩ ra giữa dòng để gây sự chú ý, giúp hắn có thêm thì giờ lặn ngược dòng trốn càng xa càng tốt.

Nằm ếm dưới nước, chờ trời tối, hắn bước nhanh vào khu cây cối rậm rạp, nhắm hướng sao đi tới. Rạng sáng, hắn gặp một người đàn bà thượng đeo gùi sau lưng, địu con phía trước đi làm rẫy. Hắn bập bẹ vài tiếng thượng học được, xin chỉ đường đến đồn bót gần nhất.

Bài học mưu sinh thoát hiểm, cộng với may mắn cùng sự giúp đỡ của người dân tốt bụng đã đưa hắn trở về bình yên.

Lợi dụng việc sống sót hy hữu sau tai nạn, hắn đã đóng kịch rất khéo, giả bệnh, qua mặt được mọi người và giải ngũ.

 Hắn cho biết trong chiếc ví của ông bác sĩ, ngoài số tiền mặt khá lớn, đủ để hắn sửa sang nhà cửa và mua chiếc xe Honda 90 đời mới, còn có một lá thư, một tấm hình, vài thứ giấy tờ linh tinh.

Hắn cho tôi địa chỉ nếu muốn đến xem. Tôi không có dịp vì còn mải lo chuyện vượt biển.

 Sự sống của bà Steinberg kéo dài hơn ước tính của các bác sĩ. Bà cho là lời cầu nguyện của bà đã được lắng nghe và hy vọng phép mầu nhiệm sẽ đến qua ơn cứu rỗi. Một tuần trước sinh nhật, bà điện thoại cho hai cô con gái lớn nhắc nhở. Năn nỉ các con cháu sẽ đến và ở chơi với bà một buổi. Bà dặn tôi đến ngày đó phải thu dọn căn phòng trống kế bên sạch sẽ, kê thêm bàn ghế và phụ giúp nhà hàng chăm lo phần ẩm thực.

 Tôi chợt có ý nghĩ nhân dịp này sẽ tặng bà một món quà sinh nhật bất ngờ. Đánh điện tín nhờ vợ tôi mang đến “Công không ngủ”, hẹn giờ ra bưu điện nói chuyện điện thoại viễn liên.

Tôi ngỏ ý muốn mua cái ví của BS Steinberg cùng tất cả các thứ trong đó. Thỏa thuận xong giá cả, tôi yêu cầu hắn tạm thời fax ngay cho tôi những thứ có trong chiếc ví.

Ngày hôm sau, chỉ nhận được bản fax của lá thư và tấm ảnh, nhìn không rõ lắm nhưng chữ có thể đọc mò được.

 Tiền thì hắn nhận đủ nhưng chiếc ví không bao giờ được gửi. Về sau nghe chú hắn nói, hắn đang tìm đường vượt biên và cái ví sẽ là lá bùa khi xét ưu tiên định cư Mỹ.

Sau nhiều năm không ai nhận được tin tức về chuyến tầu của hắn. Có lẽ cái ví cũng theo hắn định cư dưới lòng đại dương.

 Buổi sáng sinh nhật, bà dậy thật sớm tuy cả đêm trằn trọc. Người làm tóc, người trang điểm bận tíu tít. Người ta thay cho bà một bộ đầm sang trọng. Trông bà tươi tỉnh, cười nói huyên thuyên, không ai nghĩ rằng đó là một bệnh nhân sắp từ giã cõi trần. Bà nói đã lâu lắm rồi, không thấy mặt mấy đứa cháu ngoại, không biết chúng nó cao lớn thêm và xinh đẹp như thế nào. Bà tưởng tượng sẽ ôm từng đứa, sẽ phủ mưa hôn trên từng phân vuông của những khuôn mặt thiên thần. Sau đó nếu Chúa có bắt đi ngay bà cũng an lòng. Chỉ tưởng tượng thôi mà cảm xúc đã dâng trào trên niềm hạnh phúc ảo.

 Các tiếp viên nhà hàng mang thức ăn bầy biện đẹp mắt, chiếc bánh sinh nhật hấp dẫn đặt giữa bàn. Tất cả kiên nhẫn chờ được phục vụ.

Suốt từ sáng đến quá trưa, bà bồn chồn, đứng ngồi không yên. Vẫn không thấy con cháu xuất hiện. Toàn thể nhân viên hospice không chờ đợi được nữa, bàn nhau tụ tập vây quanh bà, vỗ tay hát bài mừng sinh nhật. Bà gắng gượng ngồi nghe đến câu cuối, xua tay ra dấu mệt mỏi, để nguyên quần áo nhờ tôi đỡ lên giường.

 Cô thư ký lăng xăng lên xuống, liên tục điện thoại khắp nơi, tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra. Buổi chiều, cô trở lại buồn bã báo tin, cả hai gia đình của hai con gái bà đang vui chơi ở Disney World Orlando Florida từ vài ngày nay.

 Bà Steinberg suy sụp tinh thần thấy rõ. Không ăn uống. Đóng cửa, không tiếp bất cứ ai. Tôi trở thành liên lạc viên duy nhất của bà với bên ngoài. Rất khó khăn ép bà uống thuốc đúng giờ.

 Tối hôm đó, cơn đói đánh thức, bà sai tôi mua một tô súp gà và ly sữa. Tôi mua thêm một chiếc bánh chocolate donut và một cây đèn cầy. Bà chỉ húp vài muỗng súp và một phần ly sữa. Tôi mở bao lấy chiếc donut để trên đĩa giấy, thắp cây đèn cầy, bưng về phía bàn ngủ. Run run hát nho nhỏ, happy birthday to you, happy birthday to you, happy birthday to Mrs Steinberg…

 Bà há hốc miệng ngạc nhiên, im lặng vài khoảnh khắc rồi quay mặt vào tường. Tôi ngỡ bà phản ứng giống như khi nghe nhân viên bệnh viện hát chúc mừng trước đó. Ngờ đâu bà quay lại với đôi mắt ướt, giơ hai tay ôm chầm lấy tôi. Líu lưỡi cám ơn, cám ơn. Bà thổi đèn cầy rồi ăn hết chiếc bánh bình dân một cách ngon lành, nói, đây mới chính là cái “donut” mà ta muốn. Bà cám ơn tôi lần nữa, đã cho bà một sinh nhật tuyệt vời và độc đáo.

 Bà vui vẻ trở lại nhanh chóng. Kể đủ mọi chuyện ngày cũ, toàn những chuyện về John. Trong ba người con chỉ có John nhớ sinh nhật của bà, dù đi đâu xa cũng quay về vào ngày ấy. Bà nhất định cho rằng, bằng cách nào đó, chính John đã mượn tôi thực hiện sáng kiến sinh nhật donut.

 Tôi nói có một món quà sinh nhật và trao cho bà chiếc phong bì đựng bản fax của lá thư và tấm hình. Thêm một lần ngạc nhiên thích thú, bà mở ra. Mới lướt qua tấm hình và đọc vài hàng của lá thư, bà thở hổn hển. Những thứ này ở đâu ở đâu ra? Đúng là nét chữ của ta, đây là lá thư ta gửi John cám ơn lời hỏi thăm sức khỏe khi ta bị té gẫy chân và cho biết tình trạng đã ổn định. Làm sao mi có được? Nói ngay, nói ngay! Còn tấm hình mờ nhưng ta biết đó là hình chụp ta và con chó Buddy.

Tôi cho bà biết chuyện thật đời tôi, tất cả những gì tôi nghe về bạn quá cố của tôi, lúc còn sống, lúc lâm nạn và tại sao tôi có được những thứ đó. Bà nhờ tôi kê gối đẩy lưng cao lên. Đọc kinh tạ ơn Chúa. Bà càng tin rằng John đã nhập vào tôi và mang thông điệp của tin mừng đến cho bà. Bà đã mệt lắm rồi. Linh tính những ngày giờ cuối cùng đã điểm, tôi ở lại bên cạnh bà.

 Thấy bà không ngủ, tôi hỏi có cần gọi y tá không? Bà không trả lời, cầm tay tôi đặt lên ngực phía trái tim, cặp mắt lạc thần, nhìn vào hư không, nói lẩm bẩm như người mộng du.

Baby John của mẹ, con có biết 12 năm nay không có ngày nào mẹ ngưng thương nhớ con? Mẹ nhớ từ tiếng con khóc lúc chào đời…, mẹ nhớ lúc con chập chững những bước đi…. Mẹ nhớ những ngày tuyết đổ mẹ dẫn con vào lớp học giao cho cô giáo vườn trẻ, con níu áo mẹ không rời, mẹ phải ở với con suốt buổi rồi đem con về…. Mẹ nhớ những đêm con ho cảm lạnh, mẹ thức trắng đêm ôm ru con ngủ…. Mẹ nhớ…Mẹ nhớ…. Mẹ khóc mừng ngày con tốt nghiệp đại học…. Mẹ tưởng con của mẹ sẽ mãi mãi êm ấm trong vòng tay mẹ. Nhưng con, con… đã đi và đi không trở lại. Lúc sinh thời, cha con nếu có lỗi với con thì cũng chỉ vì yêu con. Hai cha con bây giờ đã xum họp ở thế giới khác, đâu còn giận hờn. Mẹ cũng sắp sửa gặp cha con và con đây. Con ngoan nhé. Mẹ yêu của con. Tôi lặng yên quỳ xuống đầu giường để bà vuốt tóc. Ước gì thật sự là John để bà trút hết nỗi niềm chất chứa bấy lâu và để cho tình mẫu tử thăng hoa.

 Bà chợt tỉnh, nhận ra tôi nhưng vẫn tiếp tục xoa đầu. Ta thấy hình ảnh của John qua con, con cũng là con ta. Bà dí ngón trỏ lên trán tôi, mỉm cười, nụ cười nhân ái nhất nhận được trong đời, mắng yêu, “THẰNG TẦU CON CỦA MẸ”. Chúa ơi! Bà gọi tôi là con và xưng mẹ! Không biết ai xúc động nhiều hơn ai. Có lẽ không phải là bà mà là tôi. Tôi bỗng buột miệng vô thức…Mẹ, Mẹ… rồi á khẩu. Dòng nước mắt tôi chảy, giọt nước mắt bà lăn dài. Cả hai ôm nhau hoà tan trong nước mắt.

 Trưa hôm sau bà lệnh cho cô thư ký mời luật sư gia đình gặp bà thảo luận chuyện quan trọng. Ông đang có việc ở Âu châu nên chỉ nói chuyện qua điện thoại và hứa sẽ đổi vé, bay về trên chuyến gần nhất.

Bác sĩ được triệu đến khẩn cấp. Bà Steinberg yếu dần, bỏ ăn từ chiều hôm trước, môi khô. Nuốt khó khăn. Mũi thuốc morphine giảm đau liều cao chỉ giúp bà thiếp đi một chốc. Đắp thêm chăn, xoa bóp chân tay, vẫn còn lạnh. Bà đã bị ảo giác, mất định hướng thời gian và không gian. Liên tục thì thào gọi tên John. Tôi nắm bàn tay lạnh của bà vuốt nhẹ, khẽ gọi, mẹ ơi! mẹ ơi!.

Bà thở không bình thường nữa, hắt ra rồi bất động. Bác sĩ vạch mắt, rọi đèn pin soi đồng tử, nhìn đồng hồ lắc đầu. Xong một kiếp người!

 Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ mọi người đã có mặt trong phòng. Hai người con gái đi cùng hai luật sư của họ, luật sư gia đình, giám đốc các công ty kinh doanh của gia đình, các đại diện và luật sư của các hội từ thiện, một vài họ hàng thân cận.

 Tất cả yêu cầu luật sư gia đình công bố di chúc. Họ tranh cãi khá lâu, không ồn ào nhưng rất gay gắt. Không đi đến kết quả nên đồng ý giải quyết sau tang lễ.

Nghe thoang thoáng có người đề cập đến tên mình nhưng tôi để ngoài tai vì nghĩ không có gì liên hệ.

Luật sư yêu cầu giải tán để nhân viên nhà quàn làm phận sự. Nhiều người trước khi bước ra khỏi cửa ném cho tôi cái nhìn khó chịu, có người đi ngang tôi với vẻ thù hận ra mặt. Tôi không hiểu tại sao. Không lẽ kỳ thị chủng tộc?

 Những gì xảy ra trong những ngày vừa qua khiến cho tôi chán ngán tình đời. Một quyết định xẹt trong đầu. Đi thật xa. Phải, sẽ đi thật xa để khỏi nhìn thấy những con diều hâu bạc tình bạc nghĩa đang rỉa xác một người đàn bà nhân hậu. Tôi bước vào phòng, đặt một nụ hôn trìu mến trên trán bà mẹ nuôi. Nói nhỏ, lạy mẹ, con đi.

 Tôi về nhà nhét vội vài bộ quần áo vào va li, bỏ lại tất cả đồ đạc, ra bến xe đò Greyhound mua vé đi thẳng Toronto. Cuộc đời lưu lạc bắt đầu từ đó.

 Ông luật sư đãi tôi ăn trưa tại một nhà hàng ở khu phố vắng. Chuyện xảy ra 32 năm trước được giải mật. Khi ông đang ở Paris, bà Steinberg điện thoại, muốn sửa di chúc. Ông chấp hành chỉ thị, thâu băng cuộc đối thoại, soạn thảo văn bản ngay trên chuyến bay khứ hồi. Không may, bà đã không kịp duyệt ký trước khi ra đi.

Các cuộc tranh cãi sau khi bà chết bùng nổ giữa các luật sư. Di chúc chính thức qui định rõ, gia tài được chia làm 3 phần đồng đều, cho 3 người con. Riêng phần của John Steinberg có ghi chú thêm. Vì đã được liệt kê trong danh sách quân nhân mất tích, nên nếu 5 năm sau khi bà mất, vẫn không nhận được tin tức mới, phần này sẽ được chia 50/50. 50% giành cho các cơ quan từ thiện đã chỉ định. 50% sẽ thuộc về 2 người con còn lại.

 Theo bản dự thảo di chúc mới, phần của John được sửa lại, sau 5 năm phần này sẽ được trao cho tôi thay vì chia 50/50 cho các cơ quan từ thiện và 2 người con gái.

 Ông luật sư yếu thế, không thuyết phục được mọi người chấp nhận lời di chúc phi văn bản. Nếu đưa ra toà án phân xử cũng không hy vọng thắng. Kiện cáo có thể kéo dài, sẽ rất tốn kém. Điều quan trọng nhất, người có quyền lợi là tôi thì biệt tích giang hồ, không tìm thấy địa chỉ liên lạc. Bản di chúc cũ được thi hành. “Định mệnh đã an bài”, không thể thay đổi.

Ông trao cho tôi cuốn băng. Giữ lại như một kỷ niệm, ghi nhận tình thương và lòng hào hiệp của bà mẹ nuôi đối với tôi.

– Là triệu phú hụt, cậu có tiếc không?

– Không, không bao giờ. Tôi vẫn nhớ chuyện tái ông thất mã. Trong cái rủi luôn luôn có cái may đền bù. Trong cái may luôn luôn ẩn nấp cái rủi. Nếu lúc đó là triệu phú, nhiều phần đã biến tôi hư hỏng. Tiền không do công sức của mình làm ra là tiền…lèo. Xài tiền lèo thì mình cũng trở thành lèo. Sẽ ỷ lại, không cầu tiến. Vì đã không là triệu phú nên tôi mới là tôi như bây giờ. Bằng lòng với hiện tại.

 Tôi có hai bà mẹ. Bà mẹ da vàng để lại vết tích đậm nét da vàng trên thân xác tôi. Bà mẹ da trắng để lại nhiều dấu ấn khắc sâu trong tâm khảm tôi. Tôi yêu cả hai.

Nếu đến lễ Vu Lan hay Ngày Của Mẹ có ai hỏi tôi, bông hồng hay bông trắng cài áo? Tôi sẽ bảo, vui lòng cài cho tôi hai bông trắng.

-Xin cạn ly mừng cậu có hai bà mẹ trong đời. Chúc cậu đêm nay ngủ thật ngon, sẽ mơ hội ngộ BÀ MẸ TÂY…có con là “thằng Tầu con”. (Truyện ngắn của Nguyễn Cát Thịnh, Bà Mẹ Tây, 1/4/2014)

Nói, bằng truyện kể về nhân-sinh-quan/lập-trường sống của người này người khác, thì như thế. Nói như thế cũng có thể không hài-hoà với đề-tài mình bàn-luận. Nhưng, có nói bằng sách, mách bằng chứng rất lớp-lang, lai-lịch một bài dạy của Kinh Sách, phải nói thêm nhiều điều khác rất khó nói. Bởi, đó chỉ toàn những nói và nói, thôi.

Hôm nay, người viết thấy ít hứng-thú để nói, chỉ muốn về với giòng chảy thi-ca và âm nhạc, bèn hát một đoạn làm câu kết, như sau:

“Này người ơi! Ghé bến sang sông,”

Lên đường đi tới, bõ công em chèo thuyền.

Mừng người đi, tìm thấy Tình Duyên,

Con đường đất nước, nối liền lòng dân.”

(Phạm Duy – bđd)

Hát thế rồi, bây giờ mời bạn và mời tôi, ta cứ tiến bước hân hoan mà sống sao cho xứng hợp danh tánh của một “Kitô-khác” rất thân thương, bình thường, không sai lạc. Tiến bước rồi, hạ hồi sẽ tính.

Trần Ngọc Mười Hai

Nhiều lúc cũng muốn tính

Những chuyện dân-gian bàn luận

Hay chuyện của chính mình

Cũng không xong.

Văn Quang: Những cái chết thầm lặng

Văn Quang: Những cái chết thầm lặng

VienDongDaily.Com

Văn Quang – Viết từ Sài Gòn

Vấn đề tôi nêu ra ở đây thật ra chẳng có gì mới. Đó là những chuyện cũ rích nhưng nó vẫn cứ “đổi mới”. Cách đây chừng 5-7 năm, chuyện thực phẩm bẩn đã rộ lên khiến người dân và khách nước ngoài kinh sợ. Bẵng đi một thời gian, đến nay vấn đề đó lại trở nên nóng hơn bao giờ hết. Mặc dù nhà cầm quyền VN đã cố gắng dẹp tệ nạn này, nhưng chặt đầu này, nó mọc đầu kia. Cái đầu mới lại tinh vi xảo quyệt hơn thủ đoạn cũ, bởi nó chịu “đổi mới”, có “tư duy sáng tạo” còn biện pháp thì cứ cũ mèm nên nó mạnh hơn và nó lại thắng. Các cơ quan có trách nhiệm lại ra sức đuổi theo tiêu diệt nó, nhưng nó chạy như ngựa phi đường xa, còn các quan cứ như cầm đèn chạy trước ô tô. Anh đuổi cứ đuổi, anh ngồi đếm tiền cứ ngồi. Thế thì dân làm sao không chết. Có lẽ chỉ vì cái sự thật kinh hoàng là bệnh ung thư đang lan tràn rất mạnh ở VN trong thời gian vừa qua nên các quan mới nháo nhác đi tìm nguyên nhân phát sinh bệnh. Thật ra đó là thứ bệnh ai cũng biết.

Các công nhân nhập viện tại Trung tâm y tế huyện Chợ Gạo vào ngày 10-3.

Con số người chết vì ung thư ở VN tăng nhanh nhất thế giới
Số liệu mới nhất tại hội thảo “Vì thị trường thực phẩm an toàn” do Hội Tiêu Chuẩn và Bảo Vệ Người Tiêu Dùng Việt Nam tổ chức tại TP Sài Gòn ngày 26/3 vừa qua cho thấy, hằng năm, Việt Nam có khoảng 200.000 ca ung thư mới, với 75.000 ca tử vong, khiến VN trở thành quốc gia có tỷ lệ ung thư ở mức báo động, con số này có xu hướng tăng trong những năm tiếp theo.

Theo báo cáo của Viện Nghiên Cứu Phòng Chống Ung Thư Việt Nam: Nguyên nhân chủ yếu do các loạihóa chất độchại có trong thức ăn hàng ngày. Điều này làm cho Việt Nam là nước có bệnh nhân ung thư nhiều nhất trên thế giới. Một số quốc gia nhỏ chỉ có mấy triệu người dân thôi. Số người chết vì ung thư ở nước ta chỉ trong mấy chục năm có thể bằng cả một quốc gia bị xóa sổ.

Ung thư vú hiện đang trở thành loại bệnh thường gặp nhất ở nữ giới và được dự báo có xu hướng tiếp tục tăng. Lý do là mỗi ngày họ phải sử dụng những chiếc áo ngực Trung Quốc có chứa đủ thứ hóa chất gây bệnh mà không hề hay biết.

Hàng ngày, người dân phải ăn những loại thực phẩm bị tẩm độc bởi những loại hóa chất độc hại từTrung Quốc. Chỉ tính trong năm 2012 đã có hàng ngàn vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc trong nước bị phát hiện và bắt giữ. Trong đó, hầu hết đều có chứa các chất bảo quản gây nguy cơ mắc bệnh ung thư cho người tiêu dùng: táo, khoai tây, lê…

Người tiêu dùng tẩy chay hàng Trung Quốc và lựa chọn thực phẩm trong nước nhưng cũng chẳng được an toàn hơn khi hàng loạt các thực phẩm, hoa quả trong nước được tẩm ướp và chế biến, bảo quản bằng hóa chất như giá đỗ, chuối, đu đủ, cà chua, mít…

Ngay cả những thứ quà vặt cho trẻ em như bim bim, bánh kẹo hay những thứ đồ chơi cho trẻ như thú nhún, cây thông Noel cũng trở nên nguy hiểm đổi với con người bởi bên trong đó là những loại hóa chất trở thành tác nhân gây ra bệnh ung thư. Chỉ trong vòng 5 năm, số bệnh nhân ung thư tăng gấp ba. Chỉ trong năm 2015, người tiêu dùng trên cả nước có thể đã ăn tới 6 tấn chất cấm trong chăn nuôi.
Từ đó đến nay bệnh ung thư vẫn tiếp tục lan tràn. Tại sao?

Hàng chục tấn chất tạo nạc trôi nổi trên thị trường
Theo báo điện tử Vietnam Net, trong khi con số nhập khẩu chất tạo nạc giữa Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn (NN&PTNT) và Bộ Y tế đưa ra “vênh” nhau một trời một vực thì nhiều tấn hóa chất nguy hại này vẫn trôi nổi trên thị trường. (Tức là hai bộ mỗi ông nói một phách).

Tại hội nghị trực tuyến về về vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, tổ chức vào tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, 9 tháng đầu năm 2015 có tới 68 tấn Salbutamol – chất tạo nạc bị cấm trong chăn nuôi, được nhập khẩu vào Việt Nam.
Bộ trưởng Phát đặt nghi vấn các doanh nghiệp nhập khẩu đã nhập lậu chất này và bán ra thị trường một cách bất chính cho người chăn nuôi sử dụng trộn vào thức ăn để vật nuôi siêu nạc, mau lớn.
Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định, 9 tháng đầu năm 2015 mới chỉ cho phép nhập 3,5 tấn Salbutamol và chỉ những công ty có số đăng ký các sản phẩm này còn hiệu lực mới được nhập, nhà máy đạt GMP mới được sản xuất.. Việc nhập khẩu Salbutamol được căn cứ trên nhu cầu thực tế. Do đó, không có chuyện Bộ Y tế cho phép nhập khẩu đến 68 tấn Salbutamol như thông tin đã đưa.

Hai bộ đốp chát, bên nói có, bên nói không, anh dân đen ngơ ngác chẳng biết tin ông nào. Kết luận chất tạo nạc vẫn nhởn nhơ giữa thị trường bán cho người cần mua dù đó loại chất cấm, chỉ sử dụng cho việc cữa bệnh điều trị hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhờ làm cho người bệnh thở dễ dàng hơn. Salbutamol và Clenbuterol nếu tồn dư trong thịt sẽ gây nguy hại cho sức khỏe con người khi đưa vào cơ thể. Còn kháng sinh tồn dư trong thực phẩm làm tăng nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc điều trị cho người. Hiện nay, cả 2 chất tạo nạc này đều bị cấm dùng để trộn vào thức ăn cho gia súc, gia cầm. Tổ chức Lương Nông thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấm sử dụng nhiều năm nay – chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Kết quả giám sát cũng cho thấy, các chất cấm, chất kháng sinh không chỉ bịphát hiện ở thịt lợn mà còn có cả ở thịt gà.

Còn rất nhiều vụ phát hiện chất cấm trên thực phẩm đã bị phanh phui. Ngoài bọn gian thương Tàu tuồn hàng cấm vào VN, chính người Việt cũng nhẫn tâm hại đồng bào mình. Những vụ ngâm tẩm hóa chất độc hại bị phát hiện như thịt trâu tẩm hóa chất độc hại, làm giả thành thịt bò; cà phê làm từ bột đậu nành tẩm hóa chất hương cà phê có khả năng gây ung thư; da heo, mỡ bẩn tẩy trắng bằng hóa chất độc hại; rau tồn dư thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật; heo có chất tạo nạc, uống thuốc an thần. Gần đây, người dân ở Phú Yên sử dụng hóa chất, phẩm màu để nhuộm ruốc theo yêu cầu của thương lái. Việc này đã có từ lâu nhưng chính quyền địa phương và người tiêu dùng nay mới biết!

Tôi chỉ nêu hai thí dụ điển hình đó thôi, bạn đọc có thể hiểu được nỗi nguy rình rập hàng ngày của hầu hết người VN là thế nào.

Như thế người dân ăn gì cũng chết. Còn uống cũng nhiều thứ dễ chết như nhau. Hầu như thức uống nào cũng có thể bị nhuộm xanh nhộm đỏ chứa đầy hóa chất. Thứ mà người dân từ thượng lưu trí thức đến người bình dân ngồi vỉa hè quen dùng hàng ngày là cà phê cũng bị làm giả, bị nhiễm độc nặng. Những hàng quán vỉa hè cũng chứa đầy chất độc, không ai kiểm tra. Người dân vẫn cứ ăn, cứ uống.

Cà phê tẩm hóa chất chế biến ngay giữa TP Vũng Tàu
Sáng 24-3, Đội CSĐT tội phạm về kinh tế Công an TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã bất ngờ kiểm tra cơ sở rang cà phê tại số 268, đường Trương Công Đinh, TP Vũng Tàu và phát hiện một số lượng lớn cà phê, đậu nành và các phụ gia chưa rõ nguồn gốc xuất xứ. Cơ sở rang cà phê trên do ông Nguyễn Văn Hòa (48 tuổi, ngụ TP Vũng Tàu) làm chủ.
Khi cơ quan công an kiểm tra, phát hiện nhiều bao cà phê, đậu nành nằm la liệt ở dưới sàn nhà cáu bẩn, bụi bám đen sì, các dụng cụ dùng để rang cà phê như chảo, muỗng đều đã chuyển màu và nằm dưới sàn nhà. Thùng để chứa bơ bẩn thỉu, dơ dáy, cơ sở bốc mùi khét lẹt. Một số thùng đã qua sử dụng được chất vào bên trong kho của cơ sở trên đều ghi có xuất xứ từ Trung Quốc.
Chủ cơ sở trên cho biết số cà phê trên được ông mua từ các tỉnh như Lâm Đồng, Đắk Lắk; riêng các phụ gia để tẩm ướp thì được mua tại TP Sài Gòn.

Tại nơi sản xuất ra cà phê cũng làm giả
Phóng viên tờ báoNgười Lao Động giả làm chủ cửa hàng,đi mua 50 kg cà phê bột, chúng tôi tới cơ sở rang xay ở phường Hòa Khánh, TPBuôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Tại đây, nhiều bao cà phê bột đóng sẵn chờ tiêu thụ, ngổn ngang can, lọ đựng hóa chất, nguyên liệu toàn bắp và đậu nành để dưới nền nhà. Theo chủ cơ sở này, mấy ngày qua phải tăng 300% công suất nhưng cũng phải làm tới 29 Tết mới đủ hàng.
Trước đó, cuối tháng 1, Phòng Cảnh sátPhòng chống tội phạm về môi trường của công an tỉnh Đắk Lắk kiểm tra cơ sở chế biến cà phê bột của ông Nguyễn Đình Quang (ngụ xã Hòa Khánh). Xưởng chế biến là ngôi nhà cấp 4 lụp xụp, bụi bặm; nguyên liệu cà phê, bắp, đậu nành và hóa chất để dưới nền xi măng cáu bẩn.
Ông Quang không xuất trình được các giấy tờ liên quan đếnhoạt động sản xuấtcà phê bột nhưng thừa nhận mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 100 kg cà phê bột. Cà phê bột của ông Quang chỉ có 10% cà phê, còn lại là bột bắp, đậu nành rang cháy và các loại hóa chất không rõ nguồn gốc.

Theo Hội Bảo vệngười tiêu dùngĐắk Lắk, qua khảo sát 30 cơ sở chế biến thì có 73,3% cơ sở ngoài cà phê còn dùng thêm đậu nành; 46,7% cơ sở dùng thêm bắp; 6,7% dùng thêm đậu đỏ và 4/27 mẫu cà phê không đạt chất lượng. Tuy nhiên, việc khảo sát chỉ tập trung ở các cơ sở có tên tuổi; còn các cơ sở chế biến chui, nhỏ lẻ thì chắc chắn còn nhiều.

Theo bà Nguyễn Thị Lý,chủ quán cà phêBảo Tàng (đường Lê Duẩn,TP Ban Mê Thuột), hiện rất ít người dùngcà phê nguyên chất dù loại cà phê này chỉ hơn cà phê pha sẵn 3.000 đồng/ly. Trung bình mỗi ngày, quán bán hơn 200 ly, trong đó chỉ khoảng 20-30 ly là cà phê nguyên chất xay pha trực tiếp.
Còn theo chủ mộtdoanh nghiệp xuất khẩu cà phê, hiện sản phẩm cà phê bột của doanh nghiệp chủ yếu phục vụ xuất khẩu chứ không cạnh tranh nổi ởthị trường nội địa. Nguyên nhân là do sản phẩm cà phê bột của doanh nghiệp có hàm lượng cà phê khoảng 80% nên giá cao hơn, không đắng và sệt so với các loại cà phê mà các quán thường bán.

Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Đắk Lắk, cho rằng cà phê bẩn tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Bột đậu nành, bột bắp cháy đen tẩm hóa chất nếu dùng lâu ngày sẽ rất nguy hại.

Nguy hại tới người khác thì mặc kệ, miễn có thêm tiền là cứ làm. Như thế còn dã man hơn cả trộm cướp. Chính ông Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng “Vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ là vấn đề thực thi pháp luật, điều hành của các cấp mà còn là minh chứng của xuống cấp đạo đức xã hội”.
Văn hóa suy đồi, xã hội tham nhũng đầy rẫy là hiện tượng rõ rệt lương tâm đang chết dần. Chẳng cơ quan nào cứu được, xã hội không thay đổi thì đạo đức loạn là đúng.

Sự thật là những cái chết thầm lặng không có tiếng súng kia ngày ngày vẫn âm vang khắp nơi. Chẳng ai quan tâm, còn mải… đếm tiền!

Văn Quang

 01 tháng 4-2016

ĐÁNG TIẾC VÀ ĐÁNG GIẬN !

ĐÁNG TIẾC VÀ ĐÁNG GIẬN !

Lm. VĨNH SANG, DCCT,

Trích EPHATA  688

 Hôm nay ngày 7 tháng 4, Hội Thánh kính nhớ Thánh Gioan Lasan, vị sáng lập “Dòng Sư huynh các trường Công Giáo”, còn gọi là “Trường Chúa Kitô”. Ở Việt Nam các Tu Sĩ Dòng Lasan mở thêm Dòng Nữ Lasan, Trước năm 1975, Dòng Nữ Lasan chỉ có ở Việt nam và Thái Lan. Sau năm 1975 các Nữ Tu Dòng Nữ Lasan đến Hoa Kỳ và thiết lập cộng đoàn tại đây. Đây là một Hội dòng chuyên lo việc giáo dục cho thanh thiếu niên, đặc biệt là các trẻ em nghèo. Tên Dòng Lasan được viết từ tên vị sáng lập Dòng người Pháp là Thánh Gioan Lasan ( Jean-Baptiste de La Salle, 1651 – 1719 ). Các Tu Sĩ Dòng Lasan được gọi là Sư Huynh, ở Việt Nam nhiều người vẫn gọi các vị là Frère ( tiếng Pháp, nghĩa là anh, huynh ), vì họ tuy khấn Dòng nhưng không phải là Linh Mục. Lâu lắm mới có một lần được mừng đúng ngày, vì lễ kính Thánh nhân ( 7 tháng 4 ) thường rơi vào Tuần Thánh hoặc Tuần Bát Nhật Phục Sinh.

Thánh Gioan Lasan có ý tưởng mở trường nghĩa thục dạy miễn phí cho trẻ em nghèo nên quy tụ một số bạn đồng ý chí để thành lập những trường như vậy, với tâm nguyện mọi người vừa điều khiển trường, vừa dạy học, vừa sống luôn trong cộng đồng của các em học sinh. Các Tu Sĩ của Dòng Lasan tuy có khấn dòng, nhưng họ không lãnh nhận Chức Thánh nên họ không phải là Phó Tế hoặc Linh Mục, Giám Mục. Dòng Lasan là Dòng Tu Nam đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo không có Linh Mục. Dòng Lasan được cho là tổ chức đầu tiên trên thế giới áp dụng những phương pháp sư phạm hiện đại. Thí dụ, ngay từ thời sơ khai, Gioan Lasan đã có khái niệm đặt lợi ích học sinh lên trên hết, và cấm thầy giáo không được phạt học trò bằng cách đánh đòn.

Trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam, hệ thống trường do Dòng Lasan tổ chức lan rộng trên nhiều tỉnh thảnh Bắc Trung Nam, và đạt được tin cậy của các vị phụ huynh rất cao. Ở Sàigòn nổi tiếng có trường Lasan Taberd ( Quận 1 ) và Lasan Mossard ( Thủ Đức ) với cơ sở hiện đại, quản lý giáo dục và đội ngũ giảng dạy rất có uy tín, nhiều vị học giả, chuyên gia và giới chức cao cấp trong nhiều lãnh vực tốt nghiệp từ trường này ra. Việc được tuyển vào học trong ngôi trường danh tiếng này không dễ dàng chút nào, ngoài khả năng học tập, thành phần học sinh ở đây đều xuất thân từ các gia đình khá giả vì học phí rất cao. Tuy nhiên với loại gia đình trung trung như chúng tôi thì đã có trường Lasan Hiền Vương ( ngã Sáu ), Lasan Đức Minh ( Tân Định ), phẩm chất giảng dạy không kém Taberd, chỉ khác biệt về môi trường sinh hoạt mà thôi, dĩ nhiên học phí ở hai trường này mềm hơn. Tôi được biết them Trường Mù Lasan Hiền Vương được tổ chức để lo cho các em khiếm thị, Trường Dạy Nghề Đức Minh để giúp người lao động nghèo có nghề nghiệp. Cùng với hệ thống trường Dòng Lasan, các trường học khác của cả Công Giáo lẫn Phật Giáo trên cả nước phải đóng cửa bàn giao lại cho Nhà Nước vào năm 1975, đáng kể ở Sàigòn có các trường nổi tiếng: Nguyễn Bá Tòng 1 và 2, Saint Thomas, Lê Bảo Tịnh, Bồ Đề, Cứu Thế… Các trường đại học có uy tín không kém, có khi hơn cả trường công lập, như Viện Đại Học Đà Lạt, Viện Đại Học Minh Đức, Viện Đại Học Vạn Hạnh… Ở các tỉnh cũng có những trường nổi tiếng không thua gì Sàigòn, như trường Thánh Tâm ( Đà Nẵng ), trường Thiên Hựu ( Huế ), Trường Bùi Chu ( Dốc Mơ, Gia Kiệm ),… Trước năm 75 hệ thống trường tư thục do Giáo Hội thiết lập dày đặc khắp nơi, gần như bên cạnh một Nhà Thờ, dù ở bất cứ nơi đâu đều có một nhà trường trung học, ít nữa cũng là trường tiểu học. Về phẩm chất của giáo dục trước năm 75 ở miền Nam, đăc biệt là ở các trường Công Giáo ra sao ngày nay không cần phải bàn nữa, mọi người đã từng được nghe và nhận thức được sự thật này

Năm 75 người ta phá vỡ hoàn toàn hệ thống giáo dục ở miền Nam thay vào đó là một nền giáo dục mang danh Xã Hội Chủ Nghĩa mà kết quả là thảm trạng hôm nay.

Những con người được đào tạo ra trong nền giáo dục Xã Hội Chủ Nghĩa ít nhiều đã bị thấm

nhiễm những điều không tốt của chủ trương Tam Vô ( vô tổ quốc, vô tôn giáo, vô gia đình ), cho dù con người ấy là ai, dấn thân trong đường hướng nào. Thí dụ về bằng cấp, chúng ta than phiền về bằng giả , bằng mua, bằng thật mà lại học giả…

Tôi có người quen học tiến sĩ, hoàn cảnh không mấy khả giả nhưng anh học rất giỏi và sống

đủng đỉnh nhờ vào nghề viết bài thuê cho các vị học giả mong lấy bằng thật, kết quả là các ông tiến sĩ thuê viết luận văn này khi thời cơ đến, leo được lên ghế lãnh đạo, sẽ cho xã hội những sản phẩm ra sao, sẽ điều khiển các học viện, các viện nghiên cứu như thế nào !?!

Chúng ta đã từng được nghe các vị đi du học, du nhiều hơn là học, khi về cũng được kể là đã du học. Hoặc chúng ta cũng được nghe về các vị đi ra nước ngoài, bon chen ghi danh học một chương trình nào đó, về nước vênh vang bịp người khác cái mác tiến sĩ, xem ra thì chỉ là cái giấy chứng nhận có dự khóa vậy thôi. Cái đáng sợ là những tệ hại kiểu như thế không dừng lại ở bất cứ lãnh vực nào của xã hội chúng ta, nó len lỏi cả vào trong Giáo Hội !

Ông Đinh La Thăng, Bí Thư Thành Ủy thành phố, vừa có những phát biểu gây sóng gió trên các phương tiện truyền thông. Ông nói về “khát vọng đưa thành phố này trở lại vị trí số một” ( trang 1 và trang 2 báo Tuổi Trẻ ra ngày thứ tư 30 tháng 3 ), có nghĩa là thành phố này phải tiến lên dành lại danh hiệu “Sàigòn, Hòn ngọc viễn đông” của hơn 40 năm trước. Trước đó, ông có đề cập đến việc phải chấm dứt nạn cướp giật và lang thang ở thành phố này.  Báo Tuổi Trẻ ngay lập tức mở diễn đàn hiến kế để thực hiện ý muốn của vị Bí Thư. Sau khi suy nghĩ rất nhiều, tôi quyết định không hiến kế, vì nghĩ rằng kế của mình có hiến người ta cũng không dám thực hiện. Kế của tôi liên quan đến 3 mảng quan trọng của đời sống: Xã hội – Giáo dục – Y tế:

– Giao cho các tôn giáo quyền tự do làm công tác xã hội từ thiện, chắc chắn sẽ giảm bớt nạn

cướp giật, móc túi, và chấm dứt cảnh sống lang thang cơ nhỡ…

– Trả lại hệ thống giáo dục cho các tôn giáo được tham gia, trở về với cách thức miền Nam đã thực hiện trước năm 75, cộng thêm phần canh tân theo khuynh hướng hiện đại của các nước đang phát triển trong khu vực…

– Mời gọi các tôn giáo mở lại các cơ sở y tế từ phòng khám đến nhà thương, để các y bác sĩ gốc là các nam nữ Tu Sĩ, là Linh Mục có thể tham gia khám, chữa bệnh, đặc biệt chú ý đến người nghèo…

Tôi nghĩ họ không dám thực hiện nhiều điều ấy, vì vừa rồi có một vị giảng viên đại học tâm sự với tôi: “Con mới có like một bài trên facebook nói về việc ‘nuối tiếc một nền giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa’ thì hôm sau bị gọi lên Phòng Tổ Chức với lời nhắc nhở: lưu ý vấn đề nhạy cảm !”

Không dám nhìn sự thật, còn lâu mới đổi mới ! Thật đáng tiếc và đáng giận !

Lm. VĨNH SANG, DCCT,

7.4.2016

Trung Quốc bác yêu cầu của Việt Nam, không rút giàn khoan 981

 Trung Quốc bác yêu cầu của Việt Nam, không rút giàn khoan 981

Tàu Trung Quốc xịt vòi rồng, không cho vào tàu Việt Nam tiến gần đến khu vực giàn khoan 981 hoạt động ngày 8/5/2014.

Tàu Trung Quốc xịt vòi rồng, không cho vào tàu Việt Nam tiến gần đến khu vực giàn khoan 981 hoạt động ngày 8/5/2014

08.04.2016

Trung Quốc hôm 8/4 bác yêu cầu lần thứ hai của Việt Nam trong năm đòi Bắc Kinh rút giàn khoan và hủy các kế hoạch thăm dò dầu khí tại các vùng biển chưa phân định rõ chủ quyền ở Biển Đông.

Giàn khoan Hải Dương 981 trị giá 1 tỷ đôla của Bắc Kinh từng là tâm điểm căng thẳng ngoại giao Việt-Trung hồi năm 2014 khi Bắc Kinh kéo vào hoạt động trong vùng biển Hà Nội nói thuộc chủ quyền Việt Nam, khơi mào các cuộc biểu tình bạo động bài Trung trên cả nước, khiến nhiều người bị bắt, bị tuyên án và dẫn tới vài trường hợp người Việt trong và ngoài nước tự thiêu phản đối Trung Quốc.

Việt Nam nói từ tối ngày 3/4, giàn khoan này di chuyển vào khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ để tác nghiệp, nơi hai nước Việt-Trung đang đàm phán phân định lãnh hải.

Tại cuộc họp báo hôm qua 7/4, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Hải Bình, tuyên bố ‘Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch khoan giếng và rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực này, không có thêm các hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình và có những đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông’.

Ông Bình nói Việt Nam bảo lưu tất cả các quyền và lợi ích pháp lý đối với khu vực này ‘bằng tất cả các biện pháp hòa bình được luật pháp quốc tế cho phép để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp đó’.

Người phát ngôn cũng cho biết thêm rằng chiều ngày 5/4, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối.

Đáp phản ứng của Việt Nam, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay khẳng định công tác của giàn khoan 981 là hoạt động thăm dò thương mại bình thường nằm trong vùng lãnh hải không có tranh chấp thuộc chủ quyền của Bắc Kinh.

Không nêu đích danh Việt Nam, ông Hồng Lỗi nói ‘Chúng tôi hy vọng bên liên quan có quan điểm khách quan và hợp lý về vấn đề này’.

Hà Nội trong năm nay đã hai lần lên tiếng phản đối hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 ở Biển Đông, lần đầu hồi tháng Giêng, giữa bối cảnh ban lãnh đạo của Việt Nam thay đổi nhân sự mới.

Giới lãnh đạo Việt Nam lâu nay bị chỉ trích là ‘nhu nhược, yếu ớt’ trước những sự lấn lướt ngày càng ‘hung hăng, ngang ngược’ từ Bắc Kinh, yếu tố góp phần làm gia tăng sự bất mãn và mất niềm tin nơi công chúng vào đảng và nhà nước Việt Nam.

Nhiều người trông chờ hành động kế tiếp của Việt Nam sau khi những yêu cầu và phản đối ngoại giao bị Trung Quốc bác bỏ.

Theo Reuters, AP.

Một Bà Mai Khác – S.T.T.D Tưởng Năng Tiến –

Một Bà Mai Khác

 S.T.T.D Tưởng Năng Tiến –

tuongnangtien

RFA

Tôi đang lẽo đẽo theo chân Anh Vũ đi lòng vòng Phnom Penh để tìm hiểu về sinh hoạt tôn giáo, và xã hội của một số người Việt đang sống ở thủ đô Cambodia thì nhận được thư của anh Ngô Thế Vinh. Tác giả Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng biểu tôi chạy lên Nam Lào chụp vài tấm ảnh – nơi vừa khởi công xây con đập Don Sahong – để dùng cho ấn bản tiếng Anh (The Nine Dragons Drained Dry The East Sea In Turmoil) cuốn sách sẽ do Giấy Vụn xuất bản nay mai.

Cùng lúc, anh Trịnh Ngọc Lân và bằng hữu cũng rủ tôi qua Hạ Lào. Qúi anh muốn cùng bà quả phụ Nguyễn Văn Đương đến tận chiến trường xưa, để thắp một nén nhang tưởng niệm người anh hùng đã hy sinh trong cuộc Hành Quân Lam Sơn 719, hơn bốn mươi năm trước.

Dù rất ham đi, ham vui, và dễ dụ, tôi vẫn phải từ chối lời đề nghị thứ hai vì không thể đi hainơi trong cùng một lúc. Hơn nữa, tôi cũng thành thực tin rằng khi công luận đã biết đến tình cảnh khó khăn của bà Trần Thị Mai thì ước nguyện thắp một nén nhang – ở nơi xa xôi – cho người quá vãng sẽ không còn là một việc khó khăn.

Nhờ nán lại Cambodia vài hôm nên tôi và Anh Vũ đã gặp được thêm một bà Mai nữa. Chúng tôi tình cờ nhìn thấy bà đang dạo quanh những bàn ăn ở quán cơm Ba Số Bẩy – trong khu chợ Tô Sanh, ở Nam Vang – để chào mời thực khách mua vé số. Loại số sổ hàng ngày, phát hành từ những tỉnh thuộc Đồng Bằng Sông Cửu Long – Việt Nam.

Bà nhận lời mời ngồi chơi, uống nước, nói chuyện “tâm tình” mươi/mười lăm phút. Nhờ thế, chúng tôi mới biết được những nỗi khó khăn trong cuộc đời của một bà Mai khác – bà Nguyễn Thị Mai. Cũng như bà Trần Thị Mai, bà Nguyễn Thị Mai cũng có chồng là một người lính miền Nam đã mất, và cả hai đều đang chia chung một cảnh đời cùng quẫn.

Một bà Mai khác ở Phnom Penh. Ảnh chụp tháng 3 năm 2016

Bà Mai Nguyễn quê ở huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, nơi mà chỉ cần vài giờ xe là đã bước sang xứ khác – xứ Chùa Tháp. Tuy thế, đã lâu lắm rồi bà không trở lại chốn xưa vì không còn thân bằng quyến thuộc gì nơi cố quốc.

Bà Mai đành nhận Cambodia làm mảnh đất dung thân. Quê hương thứ hai – may thay – đủ lượng dung cho một người dân Việt Nam ở bước đường cùng (không chồng, không con, không tiền, không nhà, và không cả manh giấy tùy thân) vẫn sống được lây lất qua ngày. Mặc dù không thể đi nhiều trên đôi chân đã bắt đầu run rẩy, bà Mai còn có thể kiếm được mười lăm/hai mươi ngàn đồng riels mỗi ngày, nghĩa là khoảng trăm hai đến trăm năm mươi Mỹ Kim hàng tháng. Chỉ cần nửa số tiền này cũng đã đủ để thuê được một chỗ tắm rửa, và ngủ nghỉ qua đêm.

  • Ban ngày tôi đi suốt mà, đi mệt thì ngồi, được cái người Miên họ dễ lắm mấy chú à. Họ cho mình ngồi trong quán nghỉ, cho sài cầu tiêu cầu tiểu thoải mái, và có khi còn cho đồ ăn dư luôn nữa.

Lời bà Mai khiến tôi thốt nhớ đến dòng chữ (“Vé Số Không Được Vào Nhà Vệ Sinh”) trong một tiệm cà phê, ở An Giang. Nó cũng giúp tôi hiểu tại sao lại có cả “một đạo quân vé số” xuất hiện ở Nam Vang. Người Miên – xem chừng –  “dễ” hơn người Việt, và “dễ” hơn nhiều lắm!

Ảnh: Đất Việt

Trong khi chuyện trò với chúng tôi, bà Mai hay nhắc đến Chúa và khẳng định nhiều lần: “Chúa chỉ sao thì tui chịu vậy thôi.” Bà khiến tôi tự hỏi ngoài bà Trần Thị Mai và Nguyễn Thị Mai, hiện còn có bao nhiêu bà Mai khác nữa đang “chịu vậy” mà không một lời than van – và cũng chả một ai đoái hoài tới họ – từ nửa thế kỷ qua!

Phải đợi đến mãi thời gian gần đây, mới có những lời kêu gọi “tri ân” và “giúp đỡ” những thương phế binh thuộc QLVNCH. Hai chữ “tri ân” tuy nghe vô cùng trang trọng nhưng sự “giúp đỡ” – xem ra – lại không được nhiều nhặn gì cho lắm, và chỉ có tính cách tượng trưng.  Đối với người sống sót (dù sống trong cảnh tàn phế) còn thế thì nói chi đến những bà quả phụ mà chồng đã chết trận tự lâu.

Cuộc chiến Bắc/Nam kết thúc vào năm 1975. Hơn bốn mươi năm đã trôi qua nhưng công luận – dường như – mới chỉ được nghe nhắc đến tên của năm ba bà quả phụ: Ngụy Văn Thà, Nguyễn Thành Trí, Nguyễn Văn Đương …

Khi nghe hỏi về ước nguyện hiện tại của mình, bà Mai trả lời với ít nhiều bình thản:

  • Tui không có mong ước gì ráo trọi. Bây giờ còn đi bán được ngày nào thì hay ngày đó thôi. Bữa nào cũng phải đi lòng vòng hơi mệt nhưng tui thấy khuây khoả, lúc nào cũng có xấp nhỏ bao quanh, và cả lũ đứa nào cũng sẵn sàng “bán dùm vé ế cho ngoại Mai kẻo tội.” Đêm về thì có sẵn chỗ để nằm, không ai đụng chạm phiền phức gì mình, vậy là được rồi. Chỉ sợ khi chết bỏ xác ở xứ này không ai chôn cất thôi.

Tôi buột miệng:

  • Chết là hết chị ơi, hơi đâu mà lo mấy chuyện lùm xùm sau đó. Mình nằm xuống thì mấy người ở lại buộc phải chôn thôi. Nếu không, cái xác thúi rùm tụi nó chịu đời sao thấu.

Câu nói bạt mạng của tôi, không ngờ, lại được bà chị tán thưởng bằng một nụ cười móm mém. Tuy thế, tận trong ánh mắt của người phụ nữ “nhiều nỗi chuân truyên” này, tôi vẫn thấy (thấp thoáng) một nỗi buồn – không kín.

Tôi không đùa (cũng không dám dở giọng khinh bạc) khi nói về những chuyện liên qua đến thân xác của con người, sau khi đã nhắm mắt kìa đời. Chết là hết, chớ còn khỉ gì nữa!

Tôi dặn con nhiều lần: “Không cần mang tro cốt ra biển làm chi, cứ đổ cha nó hết vào cầu tiểu rồi giựt nước là xong. Nếu làm vậy tụi bay thấy hơi khó coi (hay sợ tiếng đời dị nghị) thì bỏ nhúm tro tàn vào bồn rửa chén, mở nước chẩy ri rỉ qua đêm, là bố cũng tà tà ra tới … biển thôi.”

Khi tao chết chớ mang tao ra biển

Đừng mất công làm chuyện tào lao!

Thế hệ chúng tôi (Ngô Thế Vinh, Trịnh Ngọc Lân, Trần Thị Mai, Nguyễn Thị Mai, Tưởng Năng Tiến …) rồi sẽ qua, và cũng sắp qua rồi. Điều băn khoăn không phải là chúng tôi sẽ chôn cất ở đâu, hay thiêu đốt ra sao mà là kiếp sống bấp bênh và nhếch nhác của những người còn ở lại – những thanh niên thiếu nữ Việt Nam đang “đồng nghiệp” của ngoại Mai, ở Cambodia. Tôi nhìn họ đang tò mò vây quanh thiết bị thu thanh của Anh Vũ, lắng nghe chúng tôi trò chuyện, mà thấy nặng lòng.

Một đồng hương và “đồng nghiệp” trẻ của “ngoại Mai” ở Phnom Penh. Ảnh chụp tháng 3 năm 2016.

Họ đều còn rất trẻ, đều rất hồn nhiên, và (tất nhiên) đều thất học – dù tuổi chỉ khoảng từ 15 đến 20. Các em từ đâu đến, và tại sao lại quanh quẩn trong hàng quán nơi đây thay vì đang ngồi dưới mái trường? Câu trả lời có thể tìm được trong một bài viết ngắn của nhà báo Hữu Danh:

“Ở vùng ĐBSCL, nhiều doanh nghiệp xổ số nộp ngân sách cả ngàn tỉ đồng/năm. Với nhiều địa phương, thu từ xổ số là nguồn thu chính. Để có nguồn thu này, các công xổ số đều dựa vào lực lượng bán vé số dạo. Họ là ai? Là trẻ em, thay vì được đến trường thì áo quần rách rưới, tay cầm xấp vé số đi ‘bán cái rủi may’; là những ông bà lão bảy – tám mươi tuổi, lẽ ra phải được an hưởng tuổi già, vui vầy cùng con cháu thì phải còng lưng mời từng tờ vé số; là những người tật nguyền, khi mà hệ thống an sinh xã hội còn quá kém, phải vừa bò vừa lết ngoài đường, bò lết dưới chân trai thanh gái lịch trong những quán cà phê, nhà hàng để bán từng tờ vé số bằng cách kêu gọi lòng thương…”

Những đồng hương và “đồng nghiệp” trẻ của “ngoại Mai” ở Phnom Penh. Ảnh chụp tháng 3 năm 2016.

Lòng thương (ngó bộ) đã cạn kiệt ở quê hương, nơi mà người bán nhiều hơn người mua, và “bán vé số không được vào nhà vệ sinh” nên không ít kẻ phải lần dò qua đến tận xứ người. Dù không phải là thầy bói, tôi vẫn có thể đoán được là trong lòng bàn tay của tất cả các em đều có đường xuất ngoại nhưng lại thiếu đường may mắn. Số mệnh của cả một thế hệ (e) đã được an bài.

Sẽ còn có thêm vài ba thế hệ kế tiếp đi chào mời vé số (hay thân xác) nơi xứ lạ, nếu dân Việt vẫn giữ thái độ thản nhiên trước những mảnh đời rách nát và vẫn đồng lòng nhắm mắt để cho chế độ hiện hành tiếp tục hoành hành trên đất nước này.

http://danlambaovn.blogspot.com/2016/04/mot-ba-mai-khac.html

Luật báo chí sửa đổi và tự do ngôn luận

Luật báo chí sửa đổi và tự do ngôn luận

Cát Linh, phóng viên RFA
2016-04-08

000_Hkg9064924

Một người dân đang đọc báo đưa thông tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội vào ngày 05 Tháng 10 năm 2013.

AFP photo

Your browser does not support the audio element.

Sáng ngày 5 tháng 4 vừa qua, Quốc hội Việt Nam thông qua luật báo chí sửa đổi với 89% số phiếu tán thành. So với bộ luật cũ, luật báo chí sửa đổi có một số điểm mới như giữ nguyên 13 hành vi bị cấm trong bản dự thảo, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận được quy định cụ thể hơn, và đặc biệt là đề xuất “cấm nhà báo viết trái với quan điểm tờ báo trên mạng xã hội” đã không được đưa vào luật.

Với những thay đổi như thế, liệu luật báo chí sửa đổi có được xem là một tiến bộ về quyền tự do báo chí, ngôn luận ở Việt Nam hay không, và với bộ luật mới này, các cơ quan báo chí, nhà báo có được sự bảo vệ mạnh mẽ hay không?

Điểm lùi của Luật báo chí

Rất nhiều điểm mới trong luật báo chí vừa được thông qua sáng ngày 5 tháng 4 được cho là đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp 2013 về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin. Trong lần trả lời báo chí trong nước vào cuối năm ngoái, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cũng từng nhấn mạnh tinh thần của dự luật rất tiến bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển của báo chí và nhu cầu xã hội thông tin.

Tuy nhiên, không đồng tình với ý kiến này, blogger Trương Duy Nhất, người từng bị kết tội theo điều 258 và đã trả thẻ nhà báo cho biết, tinh thần tiếp thu của Luật báo chí sửa đổi so với những nội dung của dự thảo không được nhiều lắm. Đặc biệt, ông nêu ra một ví dụ cụ thể mà theo ông, đó là một điều phi lý.

“Ví dụ trước đây là nó không quy định cụ thể như thế, là cơ quan báo chí tiếp nhận, trách nhiệm phản ảnh lại ý kiến của bạn đọc, nhân dân. Nhưng bây giờ lại thòng thêm 1 câu là báo chí chịu trách nhiệm đăng tải trả lời những ý kiến góp ý phản biện của người dân phù hợp với tôn chỉ mục đích của tờ báo. Nghĩa là để ràng buộc một số tờ báo. Mà thế nào là phù hợp với tôn chỉ mục đích? Thì tuỳ theo từng tình huống người ta hiểu pháp luật thế nào thì người ta ứng xử khác nhau. Đó cũng là cách để hạn chế các báo chí đăng tải những phản hồi, ý kiến của người dân. Tôi cho đó là điểm lùi của luật báo chí sửa đổi chứ không phải là tiến bộ.”

Một điều đặc biệt, liên quan đến tôn chỉ của cơ quan báo chí đã được bà Nguyễn Thanh Hải, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị không đưa vào luật cấm trong dự thảo Luật báo chí sửa đổi, đó là nội dung cấm phóng viên, nhà báo không được sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền trái với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí.

Tư duy của người soạn luật rất lúng túng trong việc làm thế nào để quản được những luồng mới. Người ta đưa vào nhưng có những cái viết lại không được.
– Nhà báo Trương Duy Nhất

Trước đây, khi trả lời phỏng vấn của báo giới trong nước về các giải pháp khắc phục, hạn chế tác hại của các trang mạng xã hội, mà điển hình là các trang blog nêu quan điểm cá nhân, ông Hà Minh Huệ, Phó chủ tịch thường trực hội nhà báo Việt Nam có đưa ra ý kiến là nên tăng cường vai trò, vị thế của cơ quan báo chí. Nhắc lại điều này, ông Trương Duy Nhất cho biết đó là một cách khống chế các nhà báo “theo luật”.

Tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy đây là quyền tự do ngôn luận của công dân đã được hiến định nên quyết định không thể đưa nội dung này vào Luật báo chí. Với ông Trương Duy Nhất thì ông cho rằng đây là một tín hiệu khả quan.

“Đó cũng là một tín hiệu tốt ít ỏi của luật báo chí sửa đổi.”

Thế nhưng đối với nhà báo Đoàn Vương Thanh, tức Nguyễn Thanh Hà, cựu phóng viên báo TTXVN thì ông không cho rằng Luật báo chí sẽ có một sự thay đổi tích cực.

“Cái gì thay đổi, chứ ở đất nước này nói chung, tôi tin chưa có gì thay đổi cả. luật báo chí cũng thế thôi. Và luật này luật khác, ra vẻ có thay đổi nhưng thực tế vẫn có những điều ràng buộc.”

Những điều ràng buộc mà nhà báo Đoàn Vương Thanh nói đến đã được bà Nguyễn Thanh Hải đề cập đến, đó là “Trường hợp thấy cần thiết phải quản lý những hoạt động trên, cơ quan báo chí có thể quy định nội dung này tại quy chế hoạt động của cơ quan báo chí đó.”

Lúng túng trong cơ chế

000_Hkg10195126-400

Một quầy bán báo lề đường Hà Nội ngày 16 tháng 7 năm 2015. AFP photo

Trong Luật Báo chí sửa đổi 2016 có đưa ra những qui định được cho là các hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí như: xuyên tạc phỉ báng chính quyền nhân dân, gây chia rẽ dân tộc, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm anh hùng dân tộc, tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư cá nhân…

Điều này có vẻ như mâu thuẫn với việc không đưa vào luật mới đề xuất cấm nhà báo viết trái với quan điểm của tờ báo mình làm việc trên mạng xã hội. Nói về điều này, nhà báo Trương Duy Nhất cho biết đây chính là điểm thể hiện sự lúng túng trong cơ chế soạn luật của nhà nước Việt Nam.

“Thực ra trong soạn thảo luật báo chí sửa đổi có nhiều lúng túng lắm. Lúng túng của cơ quan soạn luật trước tình thế báo chí, trước xu hướng phát triển báo chí nhiều hình thức mới mẻ như thế, thì nó đụng chạm, nó không kịp được xu thế như, người ta muốn xiết lại, người ta muốn quản lại. Tư duy của người soạn luật rất lúng túng trong việc làm thế nào để quản được những luồng mới. Người ta đưa vào nhưng có những cái viết lại không được.”

Cái gì thay đổi, chứ ở đất nước này nói chung, tôi tin chưa có gì thay đổi cả. luật báo chí cũng thế thôi. Và luật này luật khác, ra vẻ có thay đổi nhưng thực tế vẫn có những điều ràng buộc.
– Nhà báo Đoàn Vương Thanh

Chính vì vậy, mà ông nói rằng:

“Cho nên thực tế để đạt được những đồng lòng, tiếp nhận của anh em báo chí, cơ quan báo chí thì tôi nghĩ không đáp ứng được nhiều lắm. Lâu nay cũng thế, cách làm luật của mình hay theo cách viết lại chứ không phải sửa luật để cho cởi mới, cho báo chí dân chủ hơn đâu.”

Nhận định này cũng tương đồng với ý kiến của nhà báo lão thành Kha Lương Ngãi, cựu phóng Tổng biên tập báo SGGP, ông nói rằng:

“Đại hội đó họ thắng lợi của phe giáo điều, bảo thủ, 4 kiên định. Họ thắng lợi bằng bạo lực, gian lận. Họ quyết giành thắng lợi để họ tiếp tục độc quyền. Sau đại hội đến giờ họ thể hiện cái độc quyền ngày càng tệ hại hơn. Cho nên chúng tôi không muốn nói gì nữa. để xem họ làm thế nào, họ dẫn dắt đất nước này đi đâu. Từ trước giờ tôi cũng có ý kiến này ý kiến kia, cũng rất là tâm huyết, rất là tình cảm yêu thương nhưng bây giờ thấy là không ăn nhằm gì hết, họ không nghe gì cả.”

Và cũng không khác với nhận định của nhà báo tự do Phạm Chí Dũng trong lần trả lời giới truyền thông hải ngoại gần đây cho rằng “Nhưng với tinh thần Luật Báo chí như thế này, nhiều nhà báo nhà nước đã thất vọng, và tất nhiên giới báo chí độc lập càng thất vọng hơn vì tinh thần được coi là « tự do ngôn luận » đối với báo chí chỉ là khái niệm rất mù mờ, không rõ nghĩa.”

Luật báo chí mới sẽ bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm tới.

Một tình trạng đến hồi bất an

Một tình trạng đến hồi bất an

Sao thế nhỉ? Một chế độ hội họp liên miên, hết Đại hội 12 lại đến Quốc hội XIII họp phiên cuối cùng. Chỉ cốt lên ngai xuống ghế. Trong khi đó trong đời sống xã hội, sự hỗn loạn ngày càng tăng, nhìn đâu cũng thấy và nhìn mặt nào cũng trăm thứ chuyện, sục sôi như nước sắp vỡ bờ. Cứ y như một nước vô chính phủ, không còn ai cầm đầu, trong đó những lực lượng trang bị và có chức năng như công an lại đầu têu cho sự tự tung tự tác, muốn kéo đoàn lũ đến đâu thì kéo, đập phá gì cứ tha hồ. Người dân không còn cách nào khác là đành phải “chịu trận” vì công an sở tại đã làm ngơ, nghĩa là đồng lõa. Thế thì rồi đây bạo loạn bùng phát dân sẽ còn biết nhờ cậy ai? Hay là đất nước này chỉ cần mấy ông bà Bộ chính trị, vài trăm ủy viên trung ương và gia đình con cái tính mạng an toàn, không sứt mẻ gì là được, còn lại thân ai nấy lo, chết đâu chịu đấy; luật pháp có được thực thi hay không bất thành vấn đề?

Họp hành bầu bán liên miên mà đất nước cứ bất an, bạo hành cứ nghiễm nhiên thành một “phong tục”, kinh tế cứ lao dần xuống đáy, thực phẩm độc hại cứ tràn lan, rừng cấm cứ tự tiện phá để xây lâu đài, đất đai của dân cứ quy hoạch rồi cưỡng chế thoải mái, công viên ở thành phố vốn đã lấp hết sông hồ trở nên chật cứng vẫn cứ nhất quyết chiếm dụng để xây khách sạn, đâu đâu cũng bừa bãi và ô nhiễm, hễ bước chân ra khỏi ngõ là có thể mất mạng vì đủ thứ lý do lãng xẹt, ngồi trong nhà cũng bị đám chức năng kéo đến phá nhà…

Thì họp với hành để mà làm gì chứ?

Bauxite Việt Nam

“Tổ đặc nhiệm” ngân hàng Techcombank phá nhà dân

Phước Long

(PLO) – Mặc dù tòa án đang thụ lý vụ án, nhưng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vẫn dẫn theo “tổ đặc nhiệm” đến phá nhà dân. Lực lượng công an có mặt lại không xử lý, bỏ mặc tài sản của người dân bị xâm phạm trắng trợn.

clip_image001

Sự việc nói trên diễn ra tại số nhà 756 Quang Trung (phường Phú La, Hà Đông, Hà Nội). Theo ghi nhận của phóng viên, vào khoảng 10h30 sáng ngày 6/4/2016, một số nhân viên ngân hàng Techcombank đã dẫn theo một nhóm người với trang phục gần giống như lực lượng cảnh sát cơ động, trang bị đầy đủ dùi cui, xịt cay, xà beng đến ngôi nhà số 756 để phá cửa khi không có chủ nhân của ngôi nhà này có mặt.

Điều đáng nói, Công an quận Hà Đông và Công an phường Phú La có mặt ngay tại thời điểm đó nhưng lực lượng này chỉ có mặt một lúc rồi cùng nhau lên xe về. Bỏ mặc hiện trường cho nhân viên ngân hàng Techcombank và “tổ đặc nhiệm” tiếp tục phá nhà dân.

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Thế Minh, chủ nhân của ngôi nhà cho biết, đây không phải lần đầu tiên ngân hàng Techcombank dẫn theo “tổ đặc nhiệm” đến gây sức ép, phá nhà.

Trước đó, ngày 20/11/2015, nhân viên ngân hàng Techcombank cũng tổ chức hơn 30 người lạ mặt đến bao vây, dùng vũ lực để chiếm giữ và niêm phong nhà đất cùng toàn bộ tài sản của gia đình tại số 756 Quang Trung. Sự việc trên khiến người dân khu phố vô cùng hoảng loạn và làm tắc nghẽn giao thông trên đường Quang Trung nhiều giờ đồng hồ.

Cũng theo đơn tố cáo của anh Minh, vào hồi 10h ngày 23/12/2015, khi mọi người trong gia đình anh đang họp mặt trong nhà thờ gia đình (liền kề với số 756 Quang Trung) thì bất ngờ có nhiều người lạ mặt xông vào nhà riêng của anh minh.

clip_image002

“Tổ đặc nhiệm” do ngân hàng Techcombank điều động

Nhận được điện thoại của người nhà, anh Minh vội chạy về thì thấy anh Đỗ Quang Tùng là cán bộ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cùng nhiều người khác vào nhà mà không đưa ra bất cứ giấy tờ gì.

Theo những hình ảnh của người dân cung cấp, tất cả những người đi theo anh Tùng đều mặc đồng phục dã chiến màu xanh thẫm có chữ S.W.A.T, trang bị dùi cui điện, dùi cui cao su, lá chắn giống như của lực lượng cảnh sát cơ động.

Tiếp đó, anh Tùng và nhiều người khác lớn tiếng đuổi mọi người ra khỏi nhà số 756 Quang Trung (cũng là địa điểm kinh doanh của gia đình anh Minh).

Do nhà đang có giỗ cũng như lo ngại có việc bất ổn xảy đến với người già và trẻ nhỏ trong gia đình nên em trai anh Minh là anh Đặng Đô Thành đã bình tĩnh đề nghị đóng cửa hàng không tiếp khách. Khi anh Thành đang kéo cửa xuống, thì có 4, 5 người đi theo anh Tùng chặn lại, xô đẩy và dùng dùi cui điện, dùi cui cao su hành hung anh.

Bất ngờ bị đánh đau, anh Thành vội lớn tiếng kêu cứu. Thấy vậy, người nhà anh này là anh Đặng Như Cương cùng anh Minh xông vào can ngăn liền bị những người lạ đi cùng anh Tùng hành hung dã man bằng dùi cui. Anh Minh sau đó bị choáng ngất và được đưa vào Bệnh viện Đa khoa quận Hà Đông cấp cứu.

Khi xảy ra sự việc nói trên, tình trạng khu vực này trở nên rất hỗn loạn, có nhiều người tụ tập để xem làm tắc nghẽn giao thông trên đường Quang Trung (quận Hà Đông).

Sau khi hành hung người nhà anh Minh, anh Đỗ Quang Tùng và những người lạ mặt tiếp tục chiếm giữ trong nhà. Đến 10h15, lực lượng Công an phường Phú La nhận được tin báo đã có mặt thì anh Tùng và những người trực tiếp hành hung các anh Thành, anh Cương và Minh đã lên các xe bỏ đi. Ngay sau đó, vụ việc đã được Công an phường Phú La lập biên bản.

clip_image003

Thông báo số 93a/TBTL-TA của TAND quận Hà Đông về việc đang thụ lý vụ án

Theo tìm hiểu của PV, nguyên nhân sự việc là vào ngày 1/12/2010 vợ chồng anh Minh ký kết với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam Hợp đồng tín dụng số 10789/HĐTD/TH-TN/TCB-SGO.

Số tiền vay theo Hợp đồng là 20.000.000.000 đồng (hai mươi tỷ); thời hạn vay 250 tháng kể từ ngày giải ngân vốn vay lần đầu; lãi suất 17,5%/năm áp dụng cho đến ngày 31/3/2011.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, hai bên đã xảy ra tranh chấp. Sau đó, phía Techcombank đã khởi kiện anh Minh tại Tòa án nhân dân quận Hà Đông. Khi vụ việc tranh chấp đang được tòa án thụ lý thì xảy ra sự việc trên.

Trao đổi về vụ việc này, luật sư Trịnh Xuân Hải (Đoàn luật sư Thái Bình) cho biết: Khi vụ việc tranh chấp đang được tòa án thụ lý giải quyết, nghĩa vụ thanh toán tiền vay của bên vay chưa được tòa án xác định, thì đương sự không được tự ý hành xử trái pháp luật.

Việc làm của Ngân hàng Techcombank không những vượt quyền của tòa án, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự an ninh xã hội, xâm hại đến quyền, lợi ích hợp của gia đình anh Minh về tinh thần, sức khỏe, nơi cư trú.

Như vậy, với những diễn biến như trên, việc tự ý đưa người đến nhà khách hàng để siết nợ của ngân hàng Techcombank có vi phạm pháp luật hay không? Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

P.L.

Nguồn: P.L.

Nguồn: http://baophapluat.vn/ban-doc/to-dac-nhiem-ngan-hang-techcombank-pha-nha-dan-268937.html

Ba lần đổi tiền

Ba lần đổi tiền

Hà Minh Thảo

000_ARP4090005.jpgĐường phố Sài Gòn ngày 13 tháng 5 năm 1975.

AFP photo

Từ ngày 30.04.1975, khi cầm tờ giấy bạc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, người dân Sài gòn, một Thủ đô từng có mỹ danh Hòn ngọc Viễn đông, mang một nỗi buồn mất mát : Đồng tiền Việt Nam Cộng hòa sẽ đi vào dĩ vãng… Việc ‘đổi tiền’ bị đảng Cộng sản đưa vào ngữ vựng ‘cách mạng’ khủng bố người dân Việt như một nỗi kinh hoàng vì đây là một vụ cướp bằng luật do nhà nước ban hành.

Đổi tiền ngày 22.9.1975

Ngày 20.09.1975, bỗng nhiên có tin từ Ban Điều hành ngân hàng Đại Á cho nhân viên biết là không nên về sớm (lúc đó, tại ngân hàng thương mại, chúng tôi không còn bao nhiêu việc để làm) hầu chờ lệnh Ngân hàng Quốc gia… Quá 12 giờ, các nhân viên kế toán được yêu cầu có mặt tại chi nhánh Việt Nam Thương tín Đa kao lúc 12 giờ hôm 21.09.1975 để đi nhận việc mới. Nhận việc ngày Chúa nhật là một điều lạ ? Nhưng chúng tôi tự vấn an nhau ‘Thời cách mạng mà!’.

Đúng giờ định, chúng tôi có mặt đầy đủ nhưng chỉ gặp nhân viên bảo vệ chi nhánh. Ông cho biết chỉ nhận lịnh đón chúng tôi vào chờ mà thôi… Chờ mãi đến gần 15 giờ, đề tài để trò chuyện cũng đã cạn, chúng tôi kéo nhau đi ăn ‘bánh cuốn Tây Hồ’… Từ khoảng 17 giờ, có thể người dân ngửi được mùi ‘biến cố tiền tệ’ sắp bùng nổ : người ta ăn uống tới tấp, nhiều người sẵn sàng trả giá để mua hàng với giá cao khó tưởng tượng. Tiếp theo, đài phát thanh yêu cầu người dân phải về nhà trước 23 giờ để đợi thông báo quan trọng. Lúc 2 giờ ngày 22.09.1975, đài loan tin về quy định đổi tiền và kéo dài thời gian giới nghiêm đến 11 giờ sáng. Thời gian đổi tiền sẽ bắt đầu vào lúc 11 cho đến 23 giờ cùng ngày, tức chỉ có 12 giờ đồng hồ để hoàn thành việc thu và đổi tiền. Thể thức :

– Hối suất : 500 đồng Việt Nam Cộng hòa = 1 đồng Cộng hòa Miền Nam Việt Nam;

– Mỗi gia đình chỉ được đổi 100.000 đồng cũ ra thành 200 đồng mới để tiêu dùng thường nhật. Phần còn lại, Nhà nước giữ lại…

Lúc 6 giờ ngày Đổi tiền, chiến dịch bắt đầu : một xe nhà binh GMC đến đón chúng tôi có ‘đồng chí’ Phường ủy Phường Trần Quang Khải, Quận nhất, đi kèm. Nói chuyện với chúng tôi, ông kể lể công thống nhất đất nước của Đảng và hứa hẹn một tương lai tốt đẹp cho toàn dân. Thấy tôi mỉm cười, ông đưa ‘thẻ vàng’ cảnh cáo : không tin Đảng.

Sau đó, nhóm ‘ngân hàng’ chúng tôi bị chia mỗi người đến một Bàn (đơn vị phụ trách Đổi tiền) để nhận nhiệm vụ Kế toán. Bàn, nơi tôi đến đặt tại một nhà mà chủ đã vượt biên ở đường Nguyễn Văn Thạch. Sau đó, một đồng chí mặc kaki, mang dép râu với nón cối tới và tự giới thiệu là y sĩ bộ đội, Bàn trưởng. Tiếp đến, hai công chức Ngân khố để làm Thủ quỹ : một tiền cũ và một tiền mới. Bàn trưởng, tính tình hiền hậu, mở lời nhờ chúng tôi giúp anh hoàn thành công tác và, vì anh không rõ qui định về Tờ khai gia đình ở Sài gòn thế nào, nên nhờ chúng tôi xem dùm. Anh ‘cử’ tôi làm Thư ký giữ và phát đơn.

Cuối cùng, những ấn phẩm và tiền mới có những trị giá khác nhau cũng được chở tới. Đúng 11 giờ, Bàn Đổi tiền mở cửa tiếp các khách hàng ‘miễn cưỡng’, tôi cảm thấy bị cưỡng bách phải nhận Tờ khai gia đình, xem, trả lại kèm hai mẫu đơn và xin nộp lại khi đã khai xong với số tiền mặt cũ.

Trong số những đồng bào đến đây, tôi tiếp Giáo sư H.T.S, Thầy cũ đã dạy ở Đại học Luật khoa Sàigòn. Ông giải thích nhà ông ở Làng Đại học bị ‘lấy’ và đưa Tờ khai gia đình cho tôi. Không thể để người bị ‘cướp’ bị đến hai lần, tôi nhận văn kiện và nói : ‘Thầy để tôi lo.’ Bao nhiêu đó đủ để nhận biết nhau. Tôi trả hồ sơ cho ông và nói đủ lớn để Bàn trưởng nghe : « Tờ khai gia đình của Thầy có ghi ‘Tạm trú’. Như vậy ‘được rồi và sau khi khai xong, Thầy sớm nộp lại. Chào Thầy ». Cười và bắt tay nhau. Trong số khách đó, có những người đến xin đơn về khai và, sau khi, nghe theo bàn tán thế nào, trở lại xin đơn khác… Thôi thì tiền của người ta (họ không phải là kẻ ‘chấp hữu vô căn’… mà chỉ là nạn nhân chế độ) nên tôi cứ để cho chủ gia đình tự quyết định theo ý.

Khi đồng bào trở lại nộp đơn, tôi đọc xét và ghi sổ kế toán, tiền cũ được Thủ quỹ tiền cũ nhận, đếm đúng với số khai, cắt góc tờ giấy bạc và lưu lại. Sau đó, Thủ quỹ tiền mới giao những tờ giấy bạc mới cho khách và Bàn trưởng ký chung cuộc và trao một bản đơn cho đương sự. Bản kia trao cho tôi để lưu. Xong cho một gia đình. Có vài gia đình thắc mắc, vì nghe các du kích dạy bảo ‘cộng sản sẽ san bằng giàu nghèo’, sao không được lãnh 200 đồng tiền mới như nhà trước. Tôi chỉ trả lời : không có chỉ thị. Thật nghèo mà tin cộng sản !

Các lãnh đạo cao cấp, tại Hà nội, hình như đã không thể thẩm lượng số tiền đang lưu hành tại Việt Nam Cộng hòa cũ, nơi nền kinh tế phồn thịnh hơn Miền Bắc cộng sản nhiều vì, sau ngày 30.04.1975, hàng loạt hàng hóa và vàng bạc từ Sài gòn đã được chở về Hà Nội, kể cả 16 tấn vàng mà ‘người cộng sản’ phao tin ông Nguyễn Văn Thiệu đã chở đi khỏi nước. Cuộc đổi tiền đã kéo dài ba ngày và chỉ mới thanh toán cho mỗi gia đình 200 đồng tiền mới mà thôi.

Xin ghi thêm những điều biết được khi đọc Việt Báo ngày 04.10.2006.

« Ngay sau khi Cộng quân tiến chiếm Sài gòn trưa ngày 30.04.1975, Ban Quân quản các ngân hàng đã tiếp thu Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và các ngân hàng khác ‘với tiền, vàng còn nguyên vẹn là một chuyện ngoạn mục. Việc xử lý sau đó còn ngoạn mục hơn Ừ. Đó là lời ông Lữ Minh Châu, Trưởng ban Quân quản các ngân hàng Sài gòn – Gia định, người tổ chức tiếp quản toàn bộ tiền, vàng của chế độ cũ. Ngoài ra, ông Châu còn xác nhận : Về … 16 tấn vàng vẫn còn nguyên vẹn trong kho của ngân hàng Ừ. Về tiền, ông cho biết : « Toàn bộ tiền và vàng dự trữ trong ngân hàng chúng ta tiếp quản nguyên vẹn cùng với đầy đủ hồ sơ sổ sách. Theo thống kê thì khối lượng tiền trong lưu thông thời điểm đó là 615 tỉ, gồm tiền mặt trong lưu thông 440 tỉ, còn lại nằm trong tài khoản tiền gửi.

Sau khi tiếp quản, tài sản thuộc Ngân hàng Quốc gia được bàn giao toàn bộ cho Ngân hàng Trung ương Chính phủ Cách mạng lâm thời, mang tên Ngân hàng quốc gia miền Nam, do ông Trần Dương làm Thống đốc ». Theo Wikipedia, khi kiểm kê tiếp thu, trong kho hầm sắt Ngân hàng Quốc gia Việt Nam có 1.234 thoi vàng và một số tiền cổ bằng vàng, tức hơn 16 tấn. Đó là tài sản quý kim và tiền tệ của nước Việt Nam Cộng hoà. Sau đó, đến phiên tiền tệ của người dân được cướp đi bởi các cuộc Đổi tiền.

Tuy nhiên, khi ông cho biết ‘Trong kho dự trữ còn có 125 tỉ tiền in theo kiểu mới chưa phát hành, riêng số giấy bạc này được lệnh phải thiêu hủy, vì đó là số giấy bạc mà chính quyền Sài Gòn chuẩn bị để đổi tiền’. Từ ‘đổi tiền’ mà ông nói ở đây không cùng nghĩa vì đó là những tờ giấy bạc có mệnh giá lớn được in chờ ngày phát hành. Ngày phát hành được cơ quan thẫm quyền loan báo trước và, đến ngày đó, Viện phát hành giao lượng giấy bạc này cho các ngân hàng hay những ngân khố để chi trả cho người thụ hưởng hợp pháp đúng định giá. Đồng thời, Viện này cũng có thể chỉ định thu hồi các loại tiền khác để tiêu hủy.

Ngày 25.09.1975, nhân viên tất cả các Bàn đổi tiền được tập họp về vũ trường Maxime cũ để tổng kết. Nhân dịp này, Bí thư Thành ủy khen chiến dịch ‘Đổi tiền’ đã đạt thành quả tốt đẹp hơn cả chiến dịch Hồ Chí Minh (chiếm Miền Nam) vì khi thảo luận chiến dịch này, Bộ Chính trị nắm vững quân số và phương tiện, nhưng khi ‘Đổi Tiền’ thì họ không có đủ số nhân sự động viên cũng như số lượng tiền cũ và công việc. Sau đó, tôi đã làm công tác thống kê.

Các vị ‘đỉnh cao trí tuệ’ muốn có những số liệu tiền mặt của những gia đình mà gia trưởng là các sĩ quan hay công chức đang ‘đi cải tạo’, nhưng khi lập bảng Thống kê, vì các ông đang vắng mặt, các bà đã đứng đơn xin đổi tiền và chỉ ghi nghề nghiệp mình đang làm hay nội trợ. Nhờ đó, tôi cảm thấy nhẹ nhàng…  Sau đó, theo Wikipedia, từ đầu năm 1976, các gia đình có tiền đổi được phép rút 30 đồng mới mỗi tháng, nhưng đến tháng 12/1976 thì trương mục được khóa lại.

Đổi tiền ngày 03/5/1978

Sau khi thống nhất Việt Nam năm 1976, đảng Lao động Việt quyết định xã hội chủ nghĩa hóa nền kinh tế thị trường, theo nghị quyết khóa III, xóa bỏ tư sản thương mại và dân tộc, xây dựng hợp tác xã,… Kỳ Đổi tiền 1978 được quyết định bởi Thủ tướng bởi sắc lệnh số 88 CP ngày 25.04.1978 và khai triển ngày 03.05.1978. Theo đó tiền tệ hiện lưu hành tại hai miền Nam Bắc hết giá trị giao hoán và những ai đang sở hữu tiền cũ này phải đem đổi lấy tiền mới.

Dân thị thành được đổi tối đa:

– 100 đồng cho mỗi hộ 1 người;

– 200 đồng cho mỗi hộ 2 người;

– Hộ trên 2 người thì người thứ 3 trở đi được đổi 50 đồng/người;

– Tối đa cho mọi hộ thành phố bất kể số người là 500 đồng.

Dân quê được phép đổi theo ngạch sau:

– 100 đồng cho mỗi hộ 2 người ;

– Hộ trên 2 người thì người thứ 3 trở đi được đổi 30 đồng/người;

– Tối đa cho mọi hộ dưới quê bất kể số người là 300 đồng.

Số tiền đang có trên mức tối đa phải khai nộp và ký thác vào ngân hàng. Khi cần dùng có lý do chính đáng thì tiền đó có thể rút ra. Một điều buộc nữa là trương chủ phải chứng minh số tiền này là tiền kiếm được bằng sức lao động chân chính.

Đang làm việc tại Phòng Tiền tệ Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, tôi tham gia Kiểm tra Tồn quỹ các cơ quan nhà nước tại Thành phố, đặt tại lầu 10 Ngân hàng Thành phố. Tổ (đơn vị kiểm tra) gồm một Tổ trưởng (tại Tổ chúng tôi: một lãnh đạo Ngân hàng Kiến thiết, vui tính và biết điều), một công an cấp tá giáo điều và chúng tôi hai kế toán.

Cơ quan đầu tiên mà Tổ kiểm tra tiếp là Trường đại học Y khoa. Sổ sách kế toán và tồn quỹ phù hợp qui định Ngân hàng Thành phố, nhưng hơi cao. Lý do mà mọi người điều biết : Tiền mặt không được giữ tại cơ quan quá định mức, nhưng khi cần thì Ngân hàng không có đủ để cung ứng. Sau đó, khi làm việc với một đơn vị quân báo và tìm thấy những số tiền mặt được dùng để chi trả cho việc may quân phục đen. Tổ trưởng đặt câu hỏi và được trả lời là để giả lính Khmer đỏ và xâm nhập và Cam bốt. Lúc đó, Khmer đỏ thỉnh thoảng tấn công Việt Nam và giết người Việt và Việt Nam chuẩn bị đánh vào Cam bốt năm 1979.

Cơ quan mà việc kiểm tra kéo dài và khó khăn nhứt là Trường Đảng, đặt tại Trường Bộ binh Thủ đức cũ. Khi tiến hành kiểm tra, vài thành viên Trường Đảng đã đưa cao tay cho thấy họ có súng…

Sau một ngày làm việc không kết quả, hôm sau, trước khi bắt đầu, Trưởng đoàn cho biết : tối hôm qua, Đảng ủy Trường đã họp và quyết định nói thật…

Khi kiểm tra sổ kế toán, tôi thấy ngay có nhiều trang không có số cộng từ trên xuống không có, nhưng có số mang sang trang sau. Tôi hỏi tại sao như vậy ? Trong khi một cô kế toán ‘sếp’ đang cố gắng giải thích thì cô kế toán kia nhỏ nhẹ ‘ba em đi học tập’ khiến tôi nghĩ đến tình chiến hữu (dù là quân nhân, cảnh sát hay công chức cũng phụng sự Tổ Quốc  Việt Nam Cộng hòa). Do đó, tôi khuyên hai cô phải làm thế nào để đúng, nhưng rồi xếp sổ lại. Cơ quan ‘Khám Chí hoà’ cũng có những vi phạm, nên giờ cơm trưa, Tổ trưởng và Trung tá công an được mời về ăn. Buổi chiều, sau khi làm Biên bản kiểm tra tồn quỹ, trong khi tôi đánh máy năm bản, Trưởng đoàn nhà tù mời các thành viên Tổ uống bia. Tôi từ chối. Mang bia đến, nhưng không có ly, nên phải đến nhà bếp mượn để uống khiến thành viên các Tổ khác biết. Rồi vì ghen ghét không được uống bia, nên họ đã họp toàn thể các Tổ để tố quê nhau…

Đổi tiền ngày 14.9.1985

Ngày 12-9-1985, báo Tuổi Trẻ đăng tại trang nhất: ‘Bẻ gãy thủ đoạn tung tin đổi tiền của gian thương’và đã viết: ‘Với sự tăng cường hiệu lực của bộ máy chuyên chính vô sản mọi hậu quả tin đồn phải được thanh toán triệt để’. Thế rồi, sáng 14.09.1985, hệ thống loa phóng thanh đường phố loan tin Đổi Tiền. Đó là sự khác biệt giữa biện pháp do cộng sản chủ trương và những sự Đổi Tiền ở những nước dân chủ mà chúng ta đã xem khi bắt đầu bài này. Trước cướp đó, Phan Văn Khải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Khải viết báo biện luận ‘Đổi tiền là vì lợi ích của nhân dân lao động’.

Vì đang hành nghề cho doanh nghiệp tư nhân, nên tôi không bị buộc phải tham gia Đổi tiền lần này.

Những vong linh tù cải tạo trại Ba Sao

Những vong linh tù cải tạo trại Ba Sao

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2016-04-07

 

Tấm bia thờ 626 tù cải tạo miền Nam chết ở Ba Sao, Hà Nam.

Photo by Pham Thanh Nghiên

Your browser does not support the audio element.

Ba Sao, nhà tù lớn ở Nam Hà, miền Bắc Việt Nam, nơi sau 30 tháng Tư 1975 nhiều sĩ quan và công chức miền Nam, mà chế độ mới gọi là tù cải tạo, đã qua đời trong những ngày tháng kham khổ nhọc nhằn nơi đây.

Một cựu tù chính trị Việt Nam hiện sống tại Pháp, đã nhắn với cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên:

Có một tấm bia thờ những người tù đã chết ở trại Ba Sao, Nam Hà. Nghe nói tấm bia được đặt trong một ngôi chùa ở miền Bắc. Ngoài tấm bia ra còn có một am thờ những người tù này, được dựng ngay khu đất thuộc trại giam. Người làm tấm bia này là một cựu giám thị nhà tù Ba Sao. Em cố gắng đi tìm các anh ấy nhé.

Chính lời nhắn tha thiết “đi tìm các anh ấy nhé” đã thôi thúc cô Phạm Thanh Nghiên lên đường, tìm kiếm, nhìn thấy rồi trở về với cảm xúc thể hiện qua bài Ba Sao Chi Mộ:

Thực ra thì tôi có thông tin này từ mùa hè năm ngoái khi tôi chưa hết án quản chế. Nhưng vì tôi cần tìm hiểu thêm và sau đó hết án tù nhà, đi lại dễ dàng hơn là tôi đi để tìm hiểu sự thực về thông tin mà người anh đồng tù đã cung cấp cho tôi.

Và thực ra bước đường tìm kiếm cũng không quá là vất vả, tôi cũng đi một vài ngày. Đến bây giờ phải cám ơn Chúa cám ơn Phật vì có lẽ tôi là người may mắn để mà tìm đến địa chỉ ngôi chùa không chính xác. Tôi phải xin lỗi là những thông tin cụ thể hơn thì tôi không thể chia sẻ được vì lý do tế nhị cũng như an toàn an ninh cho những người cung cấp tin cho tôi. Điều này tôi cũng đã viết trong phần một của bài Ba Sao Chi Mộ, ngay cả tên của các nhân vật họ cũng yêu cầu tôi phải thay đổi. Họ sợ đến mức độ như thế nhưng trong sự sợ hãi đó thì họ cũng cứ cho mình thông tin, đấy là điều tôi cho rằng rất là đáng quí.

Một điều nữa là ngay như giới tính của viên giám thị cũng như tên chùa và tấm bia thì tôi cũng nói một cách chung chung thôi. Ngay cả điều này cũng để cho thấy mức độ tế nhị, thậm chí là nghiêm trọng, mà một vài người đánh giá rằng đây là chuyện bí mật. Nhưng những thông tin mà tôi đưa ra trong bài Ba Sao Chi Mộ là có thật.

Và cũng thật khó để có thể diễn tả hết tâm trạng, cô Phạm Thanh Nghiên kể tiếp, khi được chỉ cho thấy một tấm bia khiêm nhường tại một góc khuất trong căn  phòng linh của nhà chùa:

Họ sợ đến mức độ như thế nhưng trong sự sợ hãi đó thì họ cũng cứ cho mình thông tin, đấy là điều tôi cho rằng rất là đáng quí.
– Phạm Thanh Nghiên

Khi bước chân vào nhà linh tôi cũng không tránh được cái cảm giác hơi rờn rợn hơi sợ hãi một chút. Ban đầu thì rất khó tìm vì không có hình ảnh. Trong hình dung của tôi chắc tấm bia rất lớn, tôi cứ tìm kiếm tấm bia như trong trí tưởng tượng của mình thôi, nhưng khi vị sư tìm thấy và chỉ cho tôi, khi tôi ngước mắt lên nhìn thì lập tức hai hàng nước mắt của tôi ứa ra. Một tấm bia không có tên, chỉ có giòng chữ 626 người đã tử vong tại Ba Sao giai đoạn 1975-1988. Phải nói một cảm giác như mình vừa tìm thấy một điều gì rất là thiêng liêng. Như tôi nói trong bài viết, đó là những người tôi khẳng định tất cả đều là quân nhân cán chính từng phục vụ trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa chứ không dính dáng gì đến những người cộng sản hay những người dân thường cả.

Tôi cảm tưởng như có một mối giao cảm, một mối dây liên hệ nào đó mang tính tâm linh giữa tôi, một con nhóc sinh sau năm ’75, với những người đã bảo vệ một chế độ mình đã từng hiểu lầm rằng đó là một chế độ xấu xa, chế độ gọi là ngụy. Tôi cảm nhận được sự thiêng liêng và sự ấm áp, nói thật tôi chưa bao giờ trải qua cái cảm giác như thế nên diễn tả bằng lời cũng rất là khó.

Lòng tốt vẫn còn…

Bằng những ngón tay run rẩy lập cập vì xúc động, cô Phạm Thanh Nghiên đã chụp được hình ảnh tấm bia rồi cất giữ nó như một bảo vật. Với cô, chuyện càng khó tin hơn nữa khi biết một trùm cai tù, tức quản giáo hoặc giám thị trại giam Ba Sao, Nam Hà, đã dựng tấm bia và một am thờ những người của bên kia chiến tuyến.

400

Những bình tro cốt của 14 tù cải tạo mang từ Ba Sao về một nhà thờ ở Sài Gòn. Hình do VAF cung cấp.

Theo lời vị trụ trì thuật lại với cô Phạm Thanh Nghiên, cách đây vài năm có một Phật tử đưa một cựu giám thị trại tù Ba Sao đến chùa. Người giám thị này trao cho sư một danh sách gồm 626 người tù đã chết trong trại Ba Sao từ 1975 cho đến 1988, ngỏ ý muốn làm một tấm bia đặt trong chùa để 626 vong linh này được hương khói tử tế.

Đây không phải ngôi chùa đầu tiên mà họ đến gõ cửa xin đặt bia. Trước đó, các chùa trước đều tìm cách thoái thác vì sợ. Nỗi sợ của những người tu hành là nếu giữ một danh sách toàn “sĩ quan ngụy” và công khai đặt tấm bia thì e chùa sẽ bị lắm phiền phức.

Được hỏi có cách nào liên lạc với người Phật tử và viên cựu giám thị trại giam Ba Sao, vị sư trả lời là rất khó vì sau khi làm xong tấm bia thì người quản giáo không bao giờ trở lại chùa, ngay cả người đưa viên giám thị đến cũng vắng bóng.

Về cái am thờ 626 người đã chết, vị sư cho cô Phạm Thanh Nghiên biết có nghe nói là nằm trong một khu đất thuộc trại giam Ba Sao nhưng chưa bao giờ đến thăm.

Chỉ người giám thị hoặc người Phật tử mới biết chỗ mà đưa tới, khẳng định của sư khiến cô Phạm Thanh Nghiên hiểu ra sự mịt mù của vấn đề. Cô vẫn gắng xin được xem qua danh sách 626 người tù đã chết nhưng sư nói rằng người trông coi sổ sách đi vắng nên hẹn cô hôm khác trở lại:

Lần khác tôi đến chùa thì sư đi vắng, tôi gọi điện thì thầy nhận ra giọng tôi ngay, thầy thông báo rằng rất tiếc vì chùa đã hóa đã đốt đi trong dịp rằm tháng Bảy lễ Vu Lan vì nghĩ rằng để cũng chẳng làm gì cả.

Vị sư báo tin xong thì vội vàng gác máy, để lại một Thanh Nghiên với cảm giác hụt hẫng cùng cực:

Tôi nghĩ rằng dù như thế nào thì vẫn có phần trăm nào đó của sự hướng thiện trong con người của người cai tù này. Mặc dù cái xã hội cái ác được lên ngôi thì cái thiện vẫn cứ nẩy mầm.
– Phạm Thanh Nghiên

Tôi thấy mọi sự trước mắt mình như tối sầm lại bởi vì tôi đã rất là mong chờ đến ngày hẹn để đến lấy danh sách. Chưa bao giờ tôi có cảm giác thất vọng kinh khủng khi đã không hoàn thành cái mục tiêu, cái nhiệm vụ mà mình đặt ra cho chính mình. Đối với họ thì để chẳng làm gì cả nhưng đối với chúng ta thì nó là vô giá. Tôi tin chắc một điều nó sẽ là một bằng chứng lịch sử sau này về những đau thương mà người dân Việt Nam nói chung cũng như những cựu quân nhân cán chính Việt Nam Cộng Hòa nói riêng bị bách hại. Nói thật là trong phút chốc đó tôi cảm thấy mọi sự trước mắt mình như sụp đổ.

Khi tôi trấn tĩnh lại thì tôi không tin, tôi không tin rằng cái danh sách ấy đã bị đốt đi. Thời gian tới tôi sẽ vẫn cố gắng để có được cái danh sách đó trong khả năng có thể. Nếu như họ cứ khăng khăng thì tôi không làm cách nào được nhưng tôi vẫn cứ hy vọng.

Con số 626 tù cải tạo miền Nam chết vì bệnh tật, đau khổ và đói khát trong trại tập trung Ba Sao ở Nam Hà trên thực tế có thể cao hơn. Cựu quân nhân miền Nam Nguyễn Đạc Thành, năm 1979 từ trại 9 Yên Bái trên biên giới phía Bắc được chuyển xuống trại tù Nam Hà, gọi là Ba Sao:

Trại Ba Sao chia ra nhiều khu, khu A dành cho cấp tướng, cấp bộ trưởng hay tổng trưởng. Khu B dành cho sĩ quan cấp tá, khu C dành cho tù hình sự.

Trại Ba Sao gọi là khó khăn nhất, hắc ám nhất của công an. Nói tới Ba Sao là người miền Bắc đã rất là sợ. Con số 626 có thể còn hơn nữa chứ không ít hơn đâu bởi vì việc quản lý ăn uống rất khó khăn, không được nấu nướng hay là gì cả cho nên anh em kiệt sức rất nhiều, binh hoạn chết chóc đương nhiên xảy ra. Trại này rất lớn, còn có 3 cái nghĩa địa nữa và con số tù chết có lẽ là hơn số 626 đó rất nhiều.

Họ được chôn ở đâu?

Tuy nhiên, vẫn lời ông Nguyễn Đạc Thành, phần đông tù cải tạo không chết trong trại Nam Hà mà chết tại trại Mễ. Trại Mễ nằm trên một khu vực có tên là Cánh Đồng Mễ, chạy từ Nam Định ra Phủ Lý, nơi những tù bị bịnh từ Ba Sao được chuyển ra mà nếu chết thì được chôn tại đây.

400-1

Danh sách 126 người chết tại trại tập trung Ba Sao. Hình do VAF cung cấp

Năm 2007, sau khi đã định cư tại Hoa Kỳ, ông Nguyễn Đạc Thành sáng lập VAF Sáng Hội Việt Mỹ, vận động chính giới Hoa Kỳ cũng như giới chức Việt Nam để xin về bốc mộ đồng đội chết trong những trại tập trung như Làng Đá, Ba Sao và những nơi khác.

Tôi đã đến Cánh Đồng Mễ và đã thấy cảnh hoang tàn ở đó rồi. Người ta cắt một phần của cánh đồng nghĩa địa này bán cho một công ty hóa chất.

Năm 2009, con của ông trung tá Cao Kim Chẩn chết tại Nam Hà, em Cao Kim Minh, đã ra ngoài Nam Hà để bốc mộ cha. Số mộ của ba em là 49, em gởi cho tôi cái danh sách 126 tù cải tạo tại Cánh Đồng Mễ này. Sau đó tôi lập tức ra Nam Hà, đi tìm cái nghĩa địa trên Cánh Đồng Mễ này.

Song song đó thì tôi được quen biết với con của đại tá cảnh sát Tôn Thất Dẫn. Chị Trinh con của đại tá Dẫn đã đi ra ngoài trại Nam Hà để xin bốc mộ cha, trại đã chỉ ra cái nghĩa địa ở Cán Đồng Mễ.

Cô ấy ra ngoài nghĩa địa thì mới thấy chính quyền địa phương đã cắt một phần nghĩa địa để bán cho công ty hóa chất. Tại đây cô hỏi thì ban giám đốc công ty hóa chất cho biết họ đã bốc tất cả những ngôi mộ trong phần đất của họ, mỗi một hài cốt bỏ vào trong một cái hũ sành.

Cần biết vì có cả mộ thường dân trong nghĩa địa của Cánh Đồng Mễ nên những cái tiểu sành đựng hài cốt tù cải tạo được đánh dấu riêng và được chôn trong một ngôi mộ chung.

Từ Sài Gòn, chia sẻ với Thanh Trúc về việc liên quan, con gái cố đại tá cảnh sát Tôn Thất Dẫn cho biết trong hai mươi mấy cái tiểu sành chị tìm thấy trên Cánh Đồng Mễ và đưa qua xét nghiệm thì 14 cái được xác nhận là hài cốt tù cải tạo, trong đó một cái là hài cốt thân phụ của chị.

Chị Trinh đã xin phép đưa tất cả 14 hũ hài cốt này về Nam, an vị trong một nhà thờ ở Sài Gòn.

Đó là những chi tiết về quân dân cán chính miền Nam đã nằm xuống tại trại tù Ba Sao ở miền Bắc sau năm 1975. Không ai rõ con số 126 người xấu số ở Ba Sao mà VAF Sáng Hội Việt Mỹ thu thập được có nằm trong danh sách 626 người tù tử vong Ba sao mà cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên mong muốn tìm ra hay không.

Tại sao một giám thị Ba Sao lại tìm đến một ngôi chùa để lập bia thờ 626 vong hồn tù cải tạo chết trong trại, cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên nói rằng điểm duy nhất cô có thể lý giải là:

Không có lý do gì để người giám thị làm như vậy cả, chưa kể tính chất nhạy cảm và nguy hiểm nữa. Lý giải bằng tâm linh thì tôi cho rằng có thể có một biến cố nào khiến vị cai tù này làm được cái việc như thế. Tôi nghĩ rằng dù như thế nào thì vẫn có phần trăm nào đó của sự hướng thiện trong con người của người cai tù này. Mặc dù cái xã hội cái ác được lên ngôi thì cái thiện vẫn cứ nẩy mầm.

Trả lời câu hỏi tương tự, cựu tù chính trị Nguyễn Đạc Thành, giám đốc VAF Sáng Hội Việt Mỹ, từng về Việt Nam bốc mộ và cải táng hơn 500 bộ hài cốt tù cải tạo miền Nam từ Nam ra Bắc, nêu thí dụ hiếm hoi về một cán bộ mà ông dấu tên, một người có lòng mà ông và bạn đồng tù không thể quên khi còn ở trại 9 Yên Bái:

Tôi cảm nhận được sự thiêng liêng và sự ấm áp, nói thật tôi chưa bao giờ trải qua cái cảm giác như thế nên diễn tả bằng lời cũng rất là khó.
– Phạm Thanh Nghiên

Trong thời gian ở tù thì rất nhiều quản giáo và nhiều vệ binh rất tàn ác nhưng cũng có một vài vị có lương tâm. Tôi nói thí dụ một cán bộ ở trại 9 đã khóc khi thấy chúng tôi bị giam cầm một cách khắc nghiệt như thế này. Ông đã lén cho chúng tôi đào trộm sắn để ăn để có thể hồi sức lại.

Cái thứ hai nữa là khi mà ông chuyển chúng tôi về trại giam Nam Hà thì ông quay mặt vào tường ông khóc. Tôi nói cái này chắc chắn anh em trong trại 9 không ai phản đối hết, ông đã thương và che chở chúng tôi, chúng tôi đã phục hồi lại được ở trại 9 để về Nam Hà ở tù tiếp.

Theo tôi nghĩ người quản giáo đó đã làm một việc rất nguy hiểm, nếu bị phát giác họ sẽ bị mất việc. Đó là tình cảm của riêng họ đối với anh em tù cải tạo mà thôi, tôi nghĩ là có chứ không phải không có.

Đích xác bao nhiêu người tù cải tạo miền Nam đã bỏ mạng trong trại Ba Sao ở Nam Hà nói riêng là bài toán chưa có đáp số. Chỉ biết thầm lặng cảm ơn những tấm lòng nhân ái từ người quản giáo nào đó ở Ba Sao, của vị sư thầy nào đó ở một ngôi chùa nhỏ ngoài Bắc mà có ngày cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên sẽ đưa quí vị cũng như Thanh Trúc đến như đã hứa.

Xin hãy cùng Thanh Trúc cầu xin mọi điều bình an đến cho những người có trái tim nhân hậu.