Em gọi tên Người, gọi khàn hơi,

Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ Sáu Phục Sinh năm C 24/4/2016

                    Tin Mừng: (Ga 14: 23-29)

 Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng:

Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.

 Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: “Thầy ra đi và đến cùng anh em”. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.”

 “Em gọi tên Người, gọi khàn hơi,”

Dư-âm dội, tâm nhói rã-rời.

                                     Khuya đã tàn dần, bình-minh đến,

                                      Hồn-nhiên lại hẹn, chẳng giữ lời.

                                       Để em hoài-vọng một niềm vui.”

(dẫn từ thơ Niệm Nhiên)

  Mai Tá lược dịch.

Gọi mãi tên Người, em gọi khàn cả hơi. Gọi từ khuya-khoắt tàn dần, chợt bình-minh đến. Gọi hồn-nhiên tên Người, để em về hoài-vọng một niềm vui. Niềm vui hứa tặng, nay Ngài giữ. Giữ trọn Lời, trình-thuật ghi rõ đến hôm nay.

Trình-thuật hôm nay, thánh Gioan-Tin-Mừng nói: Ngài giữ Lời. Ngài giữ lời Ngài đã hứa với hết mọi người. Với, cả đồ-đệ lẫn dân con nhà Đạo ở khắp nơi. Lời hứa ấy thánh-nhân ghi thế này: “Ai yêu mến Thày, thì sẽ giữ Lời Thày. Và, Cha Thày sẽ yêu mến người ấy. Và Cha Thày sẽ ở lại với người ấy.” (Ga 14: 23).

Lâu nay, người đời quan-niệm rằng: Yêu-thương không là cảm-xúc nhè nhẹ, chóng qua; nhưng là động-thái đích-thực xuất-phát từ tâm can con người, chẳng làm sao có thể thương được người nếu không thực-sự biết yêu. Trong ca nhạc kịch “My Fair Lady”, Eliza Doolittle có nói với Giáo-sư Higgins, là: “Chớ nói nhiều về tình-yêu, nhưng hãy xác-chứng.” Và, ai trong chúng ta cũng có thể bắt đầu tiến-trình yêu-đương ngay bây giờ. Đừng để người khác bắt đầu trước.

Với Đức Kitô, tình yêu thương Ngài đề cập, chính là động thái “yêu”. Yêu là tình hoàn chỉnh được thể hiện bằng việc “tuân giữ Lời”. Lời Ngài khuyên, không chỉ giới hạn nơi những ta gọi là “Mười điều răn” hoặc vào “tín lý” của Đạo. Các hành xử mang tính linh đạo ta có xưa nay, dù bao gộp rất nhiều điều, đã chắc gì do “yêu”, mà ra. Yêu là tuân giữ “Lời” của Chúa. Yêu, bao gồm trọn vẹn những gì ta hiểu về Ngài, qua Kinh Thánh.

Lời của Chúa. Việc Ngài làm. Tương quan Ngài vẫn có với con người ở trần gian, nhất nhất đều là “Lời”. Lời, cũng là nguyên tắc Ngài sống. Lời, là giá trị Ngài ban bố; là cách xử sự Ngài thường làm gương. Nhưng, trên hết mọi sự, đó là điều cốt thiết để kiến tạo Vương quốc của Ngài, ở trần gian.Đức Kitô chính là “Lời” của Chúa, bằng xương bằng thịt. Lời Ngài, không chỉ là những gì được biểu lộ ra bên ngoài từ miệng Ngài, mà thôi.

Nhưng, “Lời” Ngài xuất trọn từ cuộc sống của Ngài. Cuộc sống ấy, khởi đầu từ giây phút Hài Nhi Giê-su nằm lạnh run nơi chuồng bò rất hôi ở căn nhà làng Bét-lê-hem. Và, cuộc sống ấy ngang qua chặng đường rao giảng Nước Trời; kéo dài mãi cho đến phút giây tận cùng Ngài, bỏ mình trên thập tự.

Tuân giữ “Lời”, là ôm trọn lấy Ngài, cả khi vui cũng như lúc buồn. Tuân giữ Lời, là đồng hóa với Chúa, biến Lời thành hiện thực trong bối cảnh rất riêng, của đời mình. Có thể nói: “Lời” của Ngài đến với ta từ những hành xử, cùng kinh nghiệm ta có với cộng đồng thân thương, người nhà. Ở nơi đó, Đức Chúa vẫn cứ phán. Từ nơi đây, Chúa vẫn bày tỏ với ta, từng người một.

Chính, ngang qua cộng đồng thân thương nhà Đạo; cộng đồng, với mọi lỗi lầm sơ xuất, luôn xảy đến với rất nhiều lầm lỡ, mà Thần Linh Chúa đang tiếp tục nói. Ngài vẫn tiếp tục soi tỏ cho ta. Ngài soi sáng như đã từng tỏ bày ra với đồ đệ Đức Kitô, thời tiên khởi. Thần Linh Chúa soi sáng và tỏ bày không chỉ qua các vị Giáo hoàng, hàng giáo phẩm hoặc giới giáo sĩ, tu sĩ mà thôi; nhưng qua mỗi người và mọi người.

Bởi, tất cả đều là thân mình của Đức Kitô. Tất cả, từ già đến trẻ, nam nữ có học hay đã bỏ học, bạn bè hoặc kẻ thù nghịch. Không ngoại trừ một ai. Tất cả cần tuân giữ Lời. Cần nghe theo Lời.

Ngày nay, các đấng vị vọng thuộc cộng đồng dân Chúa được thôi thúc hãy biết nghe nhau. Nghe nhau, là lắng tai để ý đến toàn cộng đoàn dân Ngài. Hiến Chế Tông Đồ Giáo Dân, thời Công Đồng Vatican II, có đoạn 10, đã phán quyết: các tầng lớp giáo dân phải “triển khai thói quen đưa mọi vấn đề ra trước cộng đoàn giáo hội. Từ những vấn đề có tính cách riêng tư cá nhân, đến các vấn đề của thế giới và cả những vấn nạn về ơn cứu chuộc con người nữa, để rồi ta cùng nhau tìm hiểu và giải quyết chúng bằng các buổi thương thảo thường kỳ.”

Tuân giữ Lời, là cùng nhau ta thực hiện những việc chung, mà Ngài ủy thác cho hội thánh, ngay từ đầu. Cả những tập tục như: “cắt bì”, ăn đồ dâng cúng ngẫu tượng, kiêng thịt động vật không cắt tiết, tránh gian dâm, tránh đối kháng với các đổi thay như đã đề cập trong sách công vụ tông đồ, đọc hôm nay. Tuân giữ Lời, còn phải hiểu là các quyết định của Hội thánh “vốn được Thần Linh Chúa soi tỏ” có sự đồng thuận của mọi thành viên, là chúng ta. Là Hội rất thánh.

Tuân giữ Lời, còn vì Lời Ngài là Lời ta nghe được từ Đức Kitô. Thầy chính “từ Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy”mà ra (Yn 14: 24). Và, tuân giữ Lời Thầy, là bởi vì: “Đấng Bầu Chữa là Thánh Thần, Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy. Chính Ngài sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ nhắc anh em nhớ mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Yn 14: 26). Và, dựa vào những gì đã và đang xảy đến với Hội thánh, quả nhiên Thánh Thần Chúa vẫn đang dạy ta biết tuân giữ Lời, thời đại này.

Và, vì Thánh Thần Chúa vẫn nói qua Hội thánh, nên rất nhiều thành viên trong cộng đồng dân Chúa, đã sống kinh nghiệm. Kinh nghiệm, biết thân thiện cởi mở để có đổi thay. Thay đổi tự căn bản, ngõ hầu sự thật và việc tuân giữ Lời trong thực tế, đều đi vào hiện thực. Và, thánh Phaolô cũng đã cảnh báo dân con cộng đồng nhà Đạo chớ có theo “đường xưa lối cũ” trở về với tập tục “cắt bì”, như thánh nhân đã có thư cho cộng đoàn (Ga 5: 1-6).

Hội thánh hôm nay, nhiều người vẫn muốn quay ngược kim đồng hồ, trở về với lề lối thói tục, thời đã qua bằng cách áp-dụng nhiều tập-tục cổ xưa. Áp đặt luật lệ trên người khác, như: trở về với thánh lễ bằng tiếng La tinh, là một ví dụ. Nếu cứ tiếp tục như thế, những người ấy sẽ tra tay dẫn dắt hội thánh về cuối đường hầm, không lối thoát. Thực tế, Hội thánh trước tiên là cỗ xe, một phương tiên qua đó các kinh nghiệm về tình thương yêu của Chúa được dàn trải dài rộng, cho toàn thế giới.

Hội thánh sống trung thực với Thánh Thần Chúa, phải tuân giữ Lời Thầy. Biết mở ra với thế giới bên ngoài. Bởi, như nhà thần học nọ từng nói: thế giới nay “đang viết lịch trình giùm Hội thánh.” Thành thử ra, biết lắng nghe tình cảnh của những người không-phải-là-Do thái vừa mới trở lại, Hội thánh nay nhận ra, rằng: Thánh Thần Chúa đang dẫn dắt mình qua nhiều giai đoạn.

Và, một khi Hội thánh trở nên một xã hội đóng kín, ưu việt và riêng lẻ, có những phán đoán không thể đảo ngược được và chỉ muốn ngồi trên số phần còn lại của thế giới, thôi; thì lúc ấy, Hội thánh không còn là Giáo hội do Đức Kitô thiết lập, nữa. Tức, không nghe và không giữ Lời Ngài.

Cùng nhau và từng người một, ta cần đề cao cảnh tỉnh về đường lối tuyệt vời qua đó Chúa sẽ đến với ta, vào thời buổi này. Mỗi ngày, chỉ tặng Chúa một chút thời gian và chỉ cần chịu ngồi lại thêm vài khoảnh khắc nữa, ta sẽ cảm nghiệm được khát vọng to lớn mà chia sẻ tình thương yêu xuất từ bên trong ta, đạt đến Chúa

Từ đó, tình thương sẽ bắt đầu từ chính ta, ra với người ngoài. Thật sự, Chúa vẫn muốn san sẻ với ta nhiều hơn nữa. San sẻ những gì Ngài có. San sẻ, những gì đích thực là Ngài. Và, vấn đề là: phần đông chúng ta ít có khi trao tặng Ngài dù chỉ một cơ hội, ngắn và gọn nhỏ. Xét cho cùng, yêu thương không là một động từ. Mà, đó là con đường ta vẫn chọn con đường hai chiều, dành sẵn với hành trang, để ta đi. Con đường rao truyền Lời của Chúa, có yêu thương đùm bọc rất kiên-cường.

Thực tế tuân giữ Lời hoặc “yêu mến Thầy”, vẫn là kinh nghiệm sống rất bổng trầm theo thời tiết “sáng nắng chiều mưa, trưa ủ giời”. Có những ngày, ta nghĩ mình không thể ngồi lại với Ngài thêm được khoảnh khắc nào, nữa. Vì, đang bị ràng buộc bởi nhiều thứ “công chuyện” rất bận. Dù gì đi nữa, Thầy vẫn ở lại với ta. Và, Thầy vẫn giữ Lời.

Vấn đề còn lại, là: ta sẽ đối xử ra sao với Người yêu dấu đã từng hứa. Và từng giữ Lời

Lm Richard Leonard sj

  Mai Tá lược dịch.

VẺ ĐẸP CỦA NGƯỜI ĐỨNG MỘT MÌNH

VẺ ĐẸP CỦA NGƯỜI ĐỨNG MỘT MÌNH

“Chúa Trời đứng một mình – nhưng quỷ sứ thì trái lại, nó tìm tới hội đoàn, nó nhiều vô kể” Henry David Thoreau

Đứng một mình không dễ.  Không những nó có thể làm ta không được ưa thích, khi một mình, nhà văn Đan Mạch Dorthe Nors viết, chúng ta phải đối diện với cảm xúc của ta, quá khứ của ta, cuộc đời của ta, những vấp váp, sai lầm của ta, ta sẽ cảm thấy mình nhỏ bé.  Cần lòng dũng cảm để không lẩn tránh chúng.  Đổi lại, điều ta nhận được là một sự vững vàng mà không phải bám víu vào sự tung hô của người khác.  Một mình nhưng không cô đơn.  Triết gia thế kỷ 19 Henry David Thoreau viết: “Tôi không cô đơn hơn một cây mao nhị hay bồ công anh trên một đồng cỏ, hay một lá đậu, hay một cây chua me đất, hay một con mòng, hay một con ong nghệ.  Tôi không cô đơn hơn ngôi sao Bắc Đẩu, hay một ngọn gió nam, hay một cơn mưa tháng tư, hay băng tan tháng giêng.”

“Mọi vấn đề của con người xuất phát từ chỗ họ không thể ngồi yên một mình trong phòng” – nhà toán học và triết học Pháp Blaise Pascal đã nói vậy vào giữa thế kỷ 17…

Căn nguyên của các rắc rối, theo ông, là chúng ta luôn tìm cách chạy trốn bản thân.  Không muốn đối diện với chính mình, tâm trí con người luôn lùng sục điều kích thích tiếp theo, như một con khỉ không thể ngừng văng mình tới cành cây trước mặt.  Từ cãi vã với hàng xóm tới xung đột giữa các quốc gia, nhiều điều tệ hại bắt nguồn từ lý do này.

Chạy trốn bản thân

Năm ngoái, câu nói của Pascal được khoa học xác nhận.  Trong một thí nghiệm của Trường đại học Virginia (Mỹ), những người tham gia được yêu cầu ngồi một mình 15 phút trong một căn phòng trống trơn, không có gì cả, ngoài một cái nút.  Nếu bấm nút, họ sẽ bị điện giật.

Lẽ ra khoảng thời gian yên tĩnh này là cơ hội để người ta dừng lại, suy nghĩ, hồi tưởng, mơ màng.  Nhưng với nhiều người, đó là một cực hình, đến nỗi họ tự nguyện bấm nút giật điện bản thân chỉ để có cái gì đó để làm, mặc dù trước khi thí nghiệm bắt đầu, họ đã được thử mức độ điện giật và ai cũng xác nhận là có được trả tiền cũng không muốn bị vậy.

Nếu sống ở đầu thế kỷ 21, chắc hẳn Pascal đã diễn tả khác đi một chút: “Mọi cái tệ hại của con người tới từ chỗ họ không thể rời cái điện thoại thông minh để ngồi yên một mình.”

Chưa bao giờ người ta lại dễ dàng chạy trốn bản thân như bây giờ.  Không cần phải đợi về tới nhà để bật tivi lên nữa, bất cứ lúc nào và ở đâu, chỉ cần một cái gõ lên màn hình điện thoại là người ta sẽ được cuốn ra cái biển âm thanh hỗn độn của mạng xã hội.

Trong các quán cà phê, trên taxi, ở công viên, đâu đâu cũng là những con người toàn thân bất động, trừ một ngón tay cái đẩy lên đẩy xuống, mắt nhìn xuống, mặt vô hồn.  Xác họ ở đó, nhưng hồn họ thì đang xô đẩy trong đám đông nhốn nháo trên mạng.

Túc trực từ sáng tới tối, đám đông này làu bàu, gầm gừ, lê lết từ tường nhà này tới tường nhà kia, từ trang tin này tới diễn đàn nọ, giật status, like, share, còm, kết bạn, theo dõi, block.  Trên mạng, con khỉ tâm trí có vô vàn cành cây để nhảy nhót.

Con người hiện đại không biết phải làm gì với chính mình, và nếu người ta sẵn sàng giật điện bản thân chỉ vì buồn chán thì chúng ta có thể hình dung họ có thể làm những gì với người khác.  Đám đông ưa thích hai trạng thái, một là dạy dỗ, chỉ bảo, ban phát lòng thương; hai là chê bai, giễu cợt, phẫn nộ.

Lúc nào cũng đắc thắng, họ luôn tin rằng mình đúng và thế giới cần phải biết tới các phát ngôn của mình.  Không trực tiếp làm chết người như đánh trộm chó ở ngoài đời, họ truy lùng và dồn các nạn nhân của mình vào chân tường cho tới khi những người này phải tự tử như cô bé bị lộ video clip, hay phải van xin như cậu thanh niên Hào Anh: “Đừng cho tôi thêm gì nữa.  Xin mọi người cho tôi được sống tự nhiên.”

Năm 2012, một nghiên cứu của Đại học Chicago cho thấy cưỡng lại thèm khát truy cập mạng xã hội còn khó khăn hơn khước từ thức ăn và tình dục.  Sức hấp dẫn của mạng xã hội tới từ chỗ nó cho người ta một không gian để trình diễn.  Ai cũng có công chúng.

Câu của Andy Warhol – một họa sĩ Mỹ nổi tiếng về nghệ thuật đại chúng (pop art): “Trong tương lai, mỗi người sẽ nổi tiếng 15 phút” có thể được bổ sung thêm: “Mỗi người sẽ nổi tiếng với 15 người.”  Mỗi cái like, chia sẻ, bình luận tán thưởng là thêm một mơn trớn cho cái tôi của người đăng tin, một lần nữa khẳng định giá trị, trí thông minh, sự hóm hỉnh của họ, dù đó chỉ là bức ảnh chụp bát bún thang buổi trưa.

Trên mạng xã hội, mỗi người là một ông bầu của chính mình trong công cuộc xây dựng hình ảnh cá nhân.  Chúng ta trở nên kỳ quặc mà không hề biết.

Hãy hình dung cách đây mười năm, trong một buổi họp lớp, một người bỗng nhiên liên tiếp quẳng ảnh con cái, ảnh dã ngoại công ty, ảnh con mèo, ảnh bữa nhậu, ảnh lái ôtô, ảnh hai bàn chân mình, ảnh mình trong buồng tắm, lên bàn – chắc hẳn người đó sẽ nhận được những ánh mắt ái ngại.  Trên Facebook, ái kỷ không những được khuyến khích, nó là mục tiêu chính.

Căn bệnh tâm lý mới nhất của xã hội hiện đại là bệnh “sợ bị bỏ lỡ.”  Qua một đêm, sau một cuộc họp, thậm chí khi vừa làm tình xong, điều đầu tiên người ta làm là vồ lấy cái điện thoại.  Biết đâu vừa có chuyện gì mới xảy ra, ta không thể vắng mặt.

Mà những chuyện như vậy thì vô vàn: học giả thơm hoa hậu, người mẫu ngủ dạng chân, nguyên thủ quốc gia không cài áo vest, các án mạng ly kỳ nối đuôi nhau.

Chiếc điện thoại thông minh đã trở thành một ô cửa nhỏ dẫn người ta thoát khỏi sự buồn chán của bản thân, và cái rung nhẹ báo tin có thông báo mới của nó bao giờ cũng đầy hứa hẹn.  Nhưng càng kết nối, càng online thì cái đám đông rộn ràng kia lại càng làm chúng ta cô đơn hơn.

Chỗ này một cái like, chỗ kia một cái mặt cười, khắp nơi là những câu nói cụt lủn, phần lớn các tương tác trên mạng hời hợt và vội vã.  Càng bận rộn để giao tiếp nhiều thì chúng ta lại càng không có gì để nói trong mỗi giao tiếp.

Ngược với cảm giác đầy đặn, được bồi đắp khi chúng ta đứng trước thiên nhiên hay một tác phẩm nghệ thuật lớn, trên mạng xã hội ta bị xáo trộn, bứt rứt và ghen tị với cuộc sống của người khác như một kẻ đói khát nhìn một bữa tiệc linh đình qua cửa sổ mà không thể bỏ đi.

Đêm khuya, khi các chấm xanh trên danh sách friend dần tắt, người ta cuộn lên cuộn xuống cái newsfeed để hòng tìm được một status bị bỏ sót, một cứu rỗi kéo dài vài giây, một cái nhìn qua lỗ khóa vào cuộc sống của một người xa lạ để làm tê liệt cảm giác trống rỗng.

Bình tâm ở giữa đời thực

MOT MINH

Mê man với nhau trên mạng, chúng ta đang có nguy cơ đánh mất khả năng kết nối với những cái lớn hơn trong cuộc sống, khả năng cảm nhận thế giới.  Thay vì bình tâm ngắm buổi hoàng hôn lộng lẫy, chúng ta điên cuồng tìm những cái lọc khác nhau để chụp mấy chục cái ảnh, rồi bận rộn chọn một cái “đạt” nhất để post lên, băn khoăn nghĩ một lời tựa hấp dẫn.

Thay vì sống trong thế giới thật, người ta bị ám ảnh bởi thế giới ảo.  Không có hình tượng nào thể hiện điều này rõ hơn hình ảnh một bà mẹ trẻ vừa cho con bú vừa lướt web.  Việc post ảnh đứa bé sơ sinh lên mạng trở nên quan trọng hơn việc ngắm nhìn nó bú mẹ và cảm thấy được kết nối với vũ trụ.

Trong tiểu thuyết The Circle, tác giả Dave Eggers vẽ ra một xã hội mà mọi chi tiết, dù nhỏ nhất, của cuộc sống con người đều được chia sẻ trên mạng, và mọi người phấn đấu để trở thành các công dân mạng tích cực nhất.

Họ thức cả đêm để like, bình luận, post, tweet, càng hăng hái thì càng được nhiều điểm, nhiều “bạn”, nhiều lời khen.  Thực tế không quá xa xôi với câu chuyện viễn tưởng này.

Đứng trước bức Mona Lisa ở Bảo tàng Louvre, Paris, tất cả du khách đều nhìn kiệt tác này qua màn hình điện thoại của mình.  Dường như họ chỉ có thể trải nghiệm thế giới thông qua một lớp màng điện tử.  Cái gì không được ghi vào bộ nhớ điện thoại, cái đó không tồn tại.

Người ta đánh đổi mọi riêng tư thầm kín để chạy theo một quá trình tự trình diễn vô tận, không có thời điểm hạ màn, với mục tiêu tạo tối đa sự chú ý của người khác.

Sự chú ý là ôxy, và mỗi cái post là một cố gắng để người ta ngoi lên mặt nước chốc lát, để rồi lại bị làn sóng mới của newsfeed tràn qua nhấn chìm.  Mỗi lần ngoi lên là một lần chống lại cảm giác bị bỏ rơi, bị nằm ngoài cuộc.

Ý nghĩa và sự thành công của một ngày nghỉ, của một chuyến đi, rộng hơn là của cả cuộc đời, được đo bởi số lượng like.

Đã tới lúc chúng ta cần tách ra khỏi đám đông, khước từ chuyên chế của nó.  Người ta chỉ có thể lắng nghe tiếng nói bên trong mình nếu bỏ được ra ngoài sự ồn ào xung quanh.

Chúng ta cần đứng riêng để tìm ra mình, để bảo vệ tư duy độc lập và nuôi dưỡng ý thức trách nhiệm.  Triết gia Soren Kierkegaard coi đám đông là tập hợp những người lẩn tránh sự nhọc nhằn của quá trình phát triển bản thân.  Ma lực của đám đông đã được nhắc tới từ rất sớm.

“Không đi theo đám đông để làm điều xấu” là một câu trong Kinh Thánh.  Không chỉ đơn giản là “không làm điều xấu”, mà cụ thể là “không đi theo đám đông để làm điều xấu.”  Trong một loạt thí nghiệm nổi tiếng của Solomon Asch cách đây 60 năm, người tham gia thí nghiệm ngồi cùng với một số người khác (thực chất là những người đồng mưu với Asch).  Mọi người trong nhóm được yêu cầu so sánh độ dài của một số đường thẳng – một bài tập cho trẻ con.

Tuy nhiên, nếu những người đồng mưu nhất loạt cùng chọn một câu trả lời rõ ràng là sai thì tới 30% trường hợp người tham gia thí nghiệm sẽ từ bỏ đánh giá cá nhân của mình để vào hùa với đám đông.

Trạng thái một mình là cần thiết để phát triển bản sắc và nuôi dưỡng sự sáng tạo.

Ralph Waldo Emerson, nhà thơ lớn của Mỹ thế kỷ 19, viết: “Người gây cảm hứng và dẫn đường cần tách khỏi những người khác, để không phải sống, thở, đọc và viết hằng ngày dưới gông cùm của những ý kiến của họ.”

Một mình không có nghĩa là phải tách khỏi người khác một cách vật lý.  Một mình là một quan điểm sống, một trạng thái tinh thần độc lập, nó không được đo bởi khoảng cách vật lý giữa một cá nhân và những người xung quanh.

Các ẩn sĩ hiện đại không cần thiết phải lên núi.  Họ vẫn ở trong xã hội, yên lặng, quan sát và tìm hiểu thế giới.  Họ tự do trước các con sóng của đám đông để có thể quan tâm tới cộng đồng một cách sâu sắc hơn, đóng góp cho cộng đồng một cách hiểu biết hơn.  Vẻ đẹp của người đứng một mình là vẻ đẹp tự tại, với một niềm vui tự thân.  Một niềm vui mà như nhà tu hành David Steindl-Rast diễn tả, không phụ thuộc vào những điều đang xảy ra.

Nguồn:  Tuổi trẻ cuối tuần

nguồn: langthangchieutim

FORMOSA HÃY LỰA CHỌN ĐI!

FORMOSA HÃY LỰA CHỌN ĐI!

25/04/2016

Tạ Phong Tần

ChuXuanPham_Formosa

 

 

 

 

2 Votes

 

Báo Tuổi Trẻ ngày 25/4/2016 đăng phát biểu của ông Chu Xuân Phàm – Trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội trả lời phóng viên Tuổi Trẻ vào sáng 25/4/2016 về vụ cá chết hàng loạt bờ biển miền Trung Việt Nam: “Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi! Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được…”.

Trước hết, theo lời phát biểu (xem nguyên văn trên báo Tuổi Trẻ và clip) đại diện Formosa đã chính thức thừa nhận việc xả thải của Formosa làm ảnh hưởng xấu đến môi trường biển Việt Nam.

Ai cũng biết khi thằng cướp vào nhà khổ chủ, hắn dí dao (hoặc súng) vào đầu họ và quát: “Muốn sống thì đưa tiền (vàng, kim cương) đây. Một là đưa tiền, hai là cái mạng của mày, mày chọn cái nào. Nhanh lên!”. Phát ngôn của ông Chu Xuân Phàm giống y như việc tên cướp nói với nạn nhân của nó vậy, nhưng còn tệ hơn ở chổ với tên cướp nếu chọn một điều kiện hắn đưa ra thì điều kiện còn lại có thể được đảm bảo vẹn toàn, với Formosa thì chọn điều kiện nào người dân cũng mất cả hai. Bởi lẽ, nếu chọn cá biển, tức môi trường sống, thì cái nhà máy của Formosa vẫn cứ nằm chình ình đó nhờ sự chống lưng của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam (có phép) tiếp tục gây ô nhiễm môi trường như tất cả những nhà máy của Trung Quốc khác trên toàn cõi Việt Nam; nếu chọn nhà máy thép thì trước mắt là mất biển, mà nhà máy thì vẫn là của Formosa chớ có phải của người dân Việt Nam đâu, ai được lợi chớ dân chẳng được cái gì. Coi như đằng nào dân cũng thua trắng tay trên sân nhà của mình.

Điều đáng nói kế tiếp là phát ngôn của đại diện Formosa hết sức ngang ngược, vào nhà người khác rồi đặt điều kiện bảo chủ nhà “chọn”, coi như “căn nhà” đã bị “đánh chiếm toàn bộ”, kẻ lạ đã làm chủ hoàn toàn nên mới có quyền ra lệnh giống tên cướp ở câu chuyện trên.

Còn nói rằng do nước xả là nước ngọt xả ra biển là nước mặn nên cá chết là rất vô lý, chẳng phải khu vực miền Tây Nam bộ mùa nắng nước mặn tràn vào sông làm cho sông trong đất liền trở thành nước lợ, mùa mưa nước sông lại tràn nước ngọt ra biển, nước trong sông ngọt còn nước ngoài cửa biển thì lợ, nhưng có thấy con tôm con cá nào chết hàng loạt do nước biển bị thay đổi độ mặn đâu?

Ngoài cá còn có các sinh vật biển đang sống ở đó, môi trường du lịch nữa, chớ đâu phải thí cho một số tiền để ngư dân chuyển nghề là xong? Người dân Việt Nam là chủ đất nước của mình, chớ không phải là những kẻ ăn xin.

Điều đáng lên án là cá chết trắng bờ biển như vậy mà cơ quan chức năng của phía Việt Nam không hề đem cá xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân chết vì cái gì, hóa chất độc lại là hóa chết gì, mà cứ ngồi đó “suy luận”, thiệt là không giống ai.

Còn đau hơn khi báo Tuổi Trẻ cùng ngày tiếp tục thông tin “Ngày 25/4/2016, bà Nguyễn Thị Ngân, giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình xác nhận bệnh viện này vừa tiếp nhận một bệnh nhân tên Lê Văn Ngẩy (46 tuổi) quê tại Khánh Hòa và khi đến bệnh viện này thì bệnh nhân Ngẩy đã tử vong”. “Theo đó, bệnh nhân Ngẩy được đưa vào bệnh viện này vào khoảng 18g45 ngày 24-4. Khi vào bệnh viện, bệnh nhân đã tắt thở.

Cùng vào với bệnh nhân có một số người làm cùng với anh Ngẩy tại công ty Cổ phần xây dựng và Cung ứng lao động quốc tế (Nibelc) đóng tại huyện Quảng Trạch, Quảng Bình.

Những công nhân này cho biết anh Ngẩy là thợ lặn. Hai ngày trước đó anh Ngẩy có tham gia lặn tại cảng Sơn Dương, Formosa (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để xây dựng đê chắn sóng cho công trình này.

Khi về, anh Ngẩy thấy tức ngực, khó thở nên được đưa vào bệnh viện, sau đó thì tử vong”.

Một đồng nghiệp khác của nạn nhân Lê Văn Ngẩy là ông Nguyễn Thiếu (36 tuổi, quê Khánh Hòa), “đang là thợ lặn biển phục vụ việc xây dựng đê chắn sóng cho cảng nước sâu Sơn Dương (thuộc dự án Formosa, Hà Tĩnh)”.

Trao đổi qua điện thoại, ông Thiếu cho biết mình hiện đang làm thợ lặn thực hiện việc san lấp mặt bằng dưới đáy biển, hỗ trợ việc đổ bê tông. Kể từ ngày phát hiện cá biển chết hàng loạt, ông cùng nhiều người trong tổ lặn đều cảm thấy có dấu hiệu khác thường về sức khỏe sau mỗi ca làm việc.

“Mỗi lần lặn xong, lên bờ là cảm thấy mệt mỏi khác thường lắm. Da thì vàng hẳn lên và thấy choáng váng, tức ngực. Cứ như có thứ gì đó chạy rùng rùng trong người vậy” – ông Thiếu kể.

Báo điện tử Vietnamnet ngày 24/5/2016 cho biết thêm ngoài nạn nhân Lê Văn Ngẩy đã tử cong còn có năm đồng nghiệp khác của ông Ngẩy phải nhập viện vì tình trạng sức khỏe bất thường.

Trước đó đã có thông tin hàng loạt người ăn cá ngộ độc phải nhập viện cấp cứu, tại sao không lấy bệnh phẩm của người bệnh xét nghiệm? Bộ Y tế, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn ở đâu mà im ru bà rù vậy? Pháp y đâu sao không thấy lên tiếng? Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đâu? Hay Bộ trưởng đang bận ngửi lăng quăng? Bận hô hào dân chúng cứ ăn uống thoải mái vì “thực phẩm đều an toàn”? Hay Hội đồng giám định pháp y còn bận thưởng thức “Hậu duệ Mặt Trời” ở xứ nào, còn “hậu duệ” xứ mình mình thì… kệ mẹ nó? Hay Nguyễn Xuân Phúc còn bận “chỉ đạo” đàn áp người dân phản đối dự án của tập đoàn FLC sau khi cướp biển Thanh Hóa xong giờ kéo quân ra Quảng Bình?

Làm Thủ tướng một quốc gia mà hàng tuần sau khi xảy ra sự cố mới nói được một câu “giao UBND các tỉnh liên quan rà soát, thống kê mức độ thiệt hại và đề xuất biện pháp hỗ trợ ngư dân” thì thật là vô trách nhiệm, bất cứ ai cũng làm Thủ tướng được hết, không cần phải là đảng viên ưu tú của đảng cộng sản.

Bây giờ, cứ mở miệng ra là đại diện Formosa một điều “nhà nước”, hai điều “nhà nước”, đủ biết Formosa đang tự đắc cười ngạo nghễ có “nhà nước” chống lưng như thế nào. Nhưng Formosa quên rằng không phải cứ “nhà nước” thì muốn làm gì thì làm, “nhà nước” làm sai thì phải sửa, phải đóng cửa nhà máy, chớ không được đem con ngáo ộp “nhà nước” ra dọa dân. Cứ vào nước khác phi cộng sản mà làm kiểu đó thử xem dân nước đó họ có để cho yên không, nhà nước của quốc gia đó mà không theo ý dân thì chỉ còn đường chạy lên trời mà ở. Chính phủ của họ cũng nhanh chóng vào cuộc ngay chớ không phải như nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cứ ấm a ấm ớ chạy lòng vòng bên ngoài, cho cấp dưới tuyên bố vô tội vạ để kéo dài thời gian. Thái độ phản ứng chậm chạp, làm lấy có của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam khiến cho người ta bắt buộc phải đặt câu hỏi: Đất nước, môi trường sống, người dân quan trọng hơn hay nhà máy Formosa quan trọng hơn? Có gì khuất tất trong vấn đề này? Đằng sau cái giấy phép Formosa là bao nhiêu phầm trăm chia chác nên giờ phải “há miệng mắc quai”, “sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi”?

Hôm nay Formosa Vũng Áng tồn tại ngạo nghễ, ngày mai, ngày kia, tương lai Việt Nam sẽ còn rất nhiều Formosa khác “học tập theo tấm gương” mà cười ngạo nghễ trên đầu dân tộc Việt Nam.

Con đường duy nhất mà người dân Việt Nam phải chọn là tự cứu lấy mình, không phải để tên kẻ cướp vào nhà mình bắt mình phải chọn lựa, mà người dân Việt Nam phải bắt buộc Formosa chọn lựa: Một là sản xuất đảm bảo không ô nhiễm môi trường, Hai là nhổ cái nhà máy đó xéo ngay về cố quốc. Một Chính phủ không dám bảo vệ dân của mình trước thách thức của Formosa thì có xứng đáng vỗ ngực là “đại diện cho dân” nữa hay không? Người dân Việt Nam có quyền đòi hỏi một Chính phủ mà không phục vụ cho dân thì Chính phủ đó hãy cút đi.

Tạ Phong Tần

Khi Vũng Áng trở thành vũng lầy của Đảng

Khi Vũng Áng trở thành vũng lầy của Đảng

“Ông Phàm đã làm bể bí mật của Đảng vì tức tối cá nhân: tại sao cho Formosa khai thác trên vùng biển Vũng Áng mà lại cấm xả thải? Vừa muốn lấy tiền cho thuê biển lại vừa muốn có cá là…sao?  Tội nghiệp ông Phàm, tập đoàn của ông làm việc có trả tiền thuê Vũng Áng cho dân đâu mà lại bảo là họ muốn cả hai? Cái phần tiền thuê đã chạy thẳng vào túi của Đảng còn phần cá của nhân dân thì các ông không được phép đụng vào là đúng rồi còn ca cẩm gì nữa”.

____

Blog RFA

Cánh Cò

25-4-2016

Vũng Áng là cái tên từng đâm thẳng vào tim người dân Hà Tĩnh từ lâu chứ không phải mới đây, khi vụ cá chết hàng loạt bắt đầu từ ngày 6 tháng 4 tại xã Kỳ Lợi sau đó lan sang các xã Kỳ Hà, Kỳ Ninh gây phẫn nộ cho người dân khắp nước. Vũng Áng hiền lành nay chợt bùng lên như một ngọn lửa, không phải thứ lửa được tô vẽ bằng chiếc áo cách mạng, mà ngọn lửa âm ỉ bấy lâu nay gặp chất dẫn cháy đã rực lên thứ ánh sáng lương tâm, thức tỉnh người dân cả nước vốn âm thầm trước mọi nguy biến của dân tộc. Ngọn lửa Vũng Áng không bao lâu nữa sẽ đốt rụi mọi u mê mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang cố lấp liếm che giấu những gì mà họ đã và đang làm cho người dân.

Hơn 250 cây số chiều dài dọc bờ biển 4 tỉnh duyên hải Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế đã chứng kiến hàng chục ngàn tấn cá chết tấp vào bờ. Trong khi báo chí, người dân hớt hải đi tìm nguyên nhân cũng như loan tải những thông tin cần thiết về nhà máy Formosa, nơi bị cho là xả chất thải kịch độc làm môi sinh bị hủy diệt thì Đảng Cộng sản Việt Nam được dẫn đầu bởi ông Nguyễn Phú Trọng cho thấy bất cần sinh mạng cũng như cuộc sống người dân lên tới đỉnh cao nhất của mọi đỉnh cao.

Cá chết hôm nay thì mai đây có thể sẽ được phục hồi bằng hàng tỷ con cá khác theo quy luật sinh tồn của tạo hóa, nhưng cái quan trọng trong biến cố này là hàng loạt các vấn đề như cây kim lâu ngày trong bọc lòi ra cắm sâu vào tay người dân, nhức nhối âm ỉ trước một chính quyền vô trách nhiệm, táng tận lương tâm từ lời nói tới việc làm của bọn tự xưng là đày tớ.

Ngày 22 tháng 4, người đày tớ số má nhất là Nguyễn Phú Trọng vẫn lầm lì như mọi lần, dắt một đoàn đày tớ cộm cán tới thăm và làm việc tại Hà Tĩnh, Vũng Áng nơi đang xảy ra vụ cá chết hàng loạt bắt đầu từ ngày 6 tháng 4 tức là 16 ngày trước. Ông Trọng tới không phải để tìm hiểu vụ cá chết mà để kiểm tra mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khu dân cư mẫu nông thôn mới và tiến độ dự án Formosa.

Báo chí tường trình vụ này mà không có lấy một lời quan tâm của ông Trọng về diễn biến cá đang chết đầy các bờ biển được xem do nhà máy Vũng Áng xả chất thải vào biển gây ra sự cố. Ông Trọng cùng với phái đoàn Đảng của ông ngày hôm sau tiếp tục quan tâm tới một ông tổ cộng sản khác là Hà Huy Tập để ăn mừng ngày sinh thứ 110 của ông cố Tổng này.

Một lần nữa, các ông Nguyễn Phú Trọng, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng ngồi ngây dại trong hội trường, mắt mở to nhìn băng trôn đỏ thắm khắp phòng mà không một lời nhắc nhở cái màu đỏ phủ khắp mọi nơi tại Hà Tĩnh, Vũng Áng cùng các tỉnh miền trung khác. Màu đỏ ấy không phải là màu cờ cộng sản mà là máu cùng nước mắt nhân dân.

Người tại chỗ không thể sinh sống bằng nghể cá còn kẻ ở nơi khác thì nhìn vào đó để thấy rằng tương lai u ám của một Việt Nam bị lệ thuộc quá sâu nặng vào đồng tiền, vào yếu tố nước ngoài do Đảng đang áp đặt lên đất nước mà hệ lụy đầu tiên là mất chủ quyền không cần che dấu.

Những ai bi quan cho rằng nước đã mất vào tay ngoại bang nay có dịp chứng minh lập luận của họ một cách thuyết phục. Chủ quyền quốc gia đã rơi khỏi bàn tay chính phủ, nơi dại diện cho dân chúng, và điều này được báo chí công khai tường thuật không cần lạng lách. Cụ thể nhất là ông Phạm Khánh Ly, vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nói với báo chí rằng phái đoàn của ông không được phép vào Vũng Áng để điều tra vì Khu công nghiệp Vũng Áng có yếu tố nước ngoài nên muốn vào phải có giấy phép của trung ương.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã công khai bảo kê cho tập đoàn Formosa bằng các rào cản hành chánh núp dưới hình thức bảo vệ đầu tư nước ngoài thay vì bảo vệ quyền lợi và an ninh quốc gia.

Bên trong dãy hàng rào kiên cố ấy Formosa còn được bảo vệ bởi một thứ quyền lực kiên cố hơn đó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng đã cho phép Formosa làm nhiều điều vượt khỏi mọi quy tắc thông thường của một đất nước có chủ quyền bởi vì Đảng tự cho mình là đất nước. Cầm tay Formosa chỉ cho tập đoàn này cách vượt thoát mọi con mắt người dân bằng hàng rào sắt chưa đủ, Đảng đã trói tay luôn những cán bộ ăn lương nhà nước thực hành nhiệm vụ của mình vì một lý do rất đơn giản: Formosa trả lương cho Đảng để bảo vệ nó.

Với 97 tỷ cho phép khai thác trong vòng 70 năm, Formosa bấm chặt cặp môi của Đảng bằng đồng tiền rẻ mạt nhưng Đàng vẫn cúc cung tận tụy bảo vệ nó thì người dân có quyền nghĩ đến một đáp án khác: Phải chăng ông Trọng đã lĩnh cả gói lương hưu do Formosa cấp để đích thân tới Vũng Áng chỉ đạo cho người dân tại đây không nên lo lắng về cái họa Formosa?

Vũng Áng, sau gần một tháng tang thương, sáng hôm nay màu trởi trở nên trong veo đến kỳ lạ. Trong veo vì tấm màn bí ẩn xả chất độc vào biển nay đã được vén lên bởi chính người trong cuộc. Nhân vật trong cuộc ấy có lẽ không hiểu lắm cung cách của Đảng Cộng sản Việt Nam làm từ gần trăm năm qua đó là không nói tới, không bình luận và không xác nhận hay phủ nhận việc của nó làm.

Ông Chu Xuân Phàm – Giám đốc đối ngoại Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã phạm sai lầm nghiêm trọng vì qua mặt “đối tác” của nó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Trả lời kênh truyền hình VTC News rằng Hà Tĩnh “không thể được cả hai nên phải lựa chọn, hoặc là nhà máy thép, hoặc là cá tôm”.

Chỉ bằng ấy chữ, ông Chu Xuân Phàm đã làm rơi chiếc mặt nạ dày cộm của Đảng Cộng sản Việt Nam, qua đó người dân thấy rằng Formosa là nơi xả chất thải hủy diệt môi sinh biển là có thật, và cái có thật thứ hai là Đảng đang âm thầm ra sức bao biện cho sự thật này bằng các công bố lững lờ sai trái.

Chỉ một ngày trước khi Chu Xuân Phàm lỡ miệng, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cung cấp thông tin liên quan đến đường ống xả thải nhằm đánh tan nghi vấn là tập đoàn này lắp đặt đường ống xả bất hợp pháp. Ông Tuấn xác nhận “Đường ống xả thải của phía Formosa đi ra biển là được các Bộ ngành cấp phép, chứ không phải là đường ống được lắp đặt lén lút. Trước khi xả thải ra biển, phía Formosa đều phải tuân thủ các quy trình xử lý chất thải một cách chặt chẽ”

Cùng lúc, dàn đồng ca của các tỉnh có cá chết được Đảng cầm cây gậy chỉ huy lên tiếng với lập luận rằng: đã bước đầu xác định cá chết không phải là do dịch bệnh, cũng không phải do nguồn nước bị ô nhiễm. Đến nay tình trạng cá chết đã giảm. Các thông số về môi trường phân tích như nhiệt độ, pH, độ mặn… đều nằm trong giới hạn cho phép.

Ông Phàm đã làm bể bí mật của Đảng vì tức tối cá nhân: tại sao cho Formosa khai thác trên vùng biển Vũng Áng mà lại cấm xả thải? Vừa muốn lấy tiền cho thuê biển lại vừa muốn có cá là…sao?

Tội nghiệp ông Phàm, tập đoàn của ông làm việc có trả tiền thuê Vũng Áng cho dân đâu mà lại bảo là họ muốn cả hai? Cái phần tiền thuê đã chạy thẳng vào túi của Đảng còn phần cá của nhân dân thì các ông không được phép đụng vào là đúng rồi còn ca cẩm gì nữa.

Đóng bài viết này lại, lần đầu tiên không còn buồn như hàng trăm bài viết trước đây. Ít ra dân tôi cũng he hé được đôi mắt của họ một chút để thấy rằng đất nước hôm nay không còn của họ nữa, vậy thì việc gì lại nghe theo cái Đảng đã dâng hiến chủ quyền quốc gia cho ngoại bang, nhất là trong cái cảnh mà Vũng Áng đang trở thành vũng lầy của Đảng?

Đúng hướng: Phải chọn một, chết từ từ hoặc làm nô lệ

Đúng hướng: Phải chọn một, chết từ từ hoặc làm nô lệ

Thứ Hai, 25-04-2016

Người dân Việt bỗng nhiên lắng lại sau vụ cá tôm chết trắng bờ miền Trung khi Giám đốc đối ngoại Formosa Chu Xuân Phàm thẳng thừng trả lời: “Chỉ được chọn một hoặc nhà máy, hoặc tôm cá”.

Những người có tinh thần quan tâm đến vận mệnh đất nước, chủ quyền lãnh thổ và danh dự con người Việt Nam lắng lại mất vài giây để cảm nhận hết sự trắng trợn – nhưng là sự thật – trong câu nói này. Chỉ lắng lại một lúc rồi bùng lên phẫn nộ.

Câu trả lời đầy tính thách thức đất nước này, dân tộc này nói lên nhiều điều.

Tiếng oan dậy đất

Từ cả tháng nay, cá chết đầy biển miền Trung từ Vũng Áng, Hà Tĩnh trở vào Thừa Thiên – Huế và các tỉnh khác. Các bè các thiệt hại hàng tỷ đồng, dân nuôi trồng thủy sản đau đớn nhìn tài sản đội nón ra đi. Ngư dân đưa thuyền lên bờ phơi nắng và nhịn đói. Tại Quảng Bình, hàng loạt người dân ăn cá đã phải vào bệnh viện cấp cứu… Nguy cơ ô nhiễm môi trường đã đến lúc trầm trọng.

cachettrangbe

Cá chết trắng bờ biển miền Trung.

Trầm trọng ở chỗ, cá là loài sinh vật mạnh mẽ, di chuyển năng động và nhanh chóng hòa nhập môi trường còn lăn đùng ra chết, thì các loại sinh vật khác ở môi trường này sẽ ra sao? Những sinh vật, thực vật biển không biết đi, biết chạy thì làm sao tồn tại.

Những tiếng kêu ai oán của người dân không đi đến đâu. Họ vẫn phải đối mặt với nguy cơ về đời sống gia đình, xã hội và môi trường sống bị tiêu diệt mà không biết phải làm sao.

Đâu rồi những chủ trương, đường lối của đảng và nhà nước kêu gọi xây dựng nông thôn mới, đời sống mới cho người dân.

Đâu rồi những cái miệng mở ra là “nuôi con gì, trồng cây gì”, hoặc “kết hợp phát triển tam nông: nông nghiệp, nông dân và nông thôn”… cứ leo lẻo như một bài học thuộc lòng từ mấy ông lãnh đạo đảng và nhà nước?

Vẫn còn đó, cái Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 16 tháng 08 năm 2013 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 nêu rõ: Nuôi trồng thủy sản: Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững…

danbingodoccabienQuangbinh

Hàng loạt người dân Quảng Bình bị ngộ độc cá biển.

Rồi thì là “có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ, quy trình nuôi sạch, tiết kiệm tài nguyên nước, thân thiện với môi trường, công nghệ xử lý chất thải trong nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ cải tạo, xây dựng hệ thống xử lý chất thải đối với các vùng nuôi, sản xuất giống thủy sản tập trung… Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến thủy sản xây dựng và áp dụng công nghệ xử lý chất thải, nước thải và kiểm soát ô nhiễm môi trường; ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường phục vụ sản xuất sạch hơn trong lĩnh vực chế biến thủy sản” – Nghe nói hay và đẹp làm sao.

Nhưng khi người nuôi trồng thủy sản gặp hoạn nạn, thì gần cả tháng không thấy chính phủ và nhà nước can thiệp gì cho họ.

Án ngờ lòa mây

Vấn đề lại là ở chỗ, cho đến nay, sau cả tháng trời, một đất nước với hàng ngàn hàng vạn tiến sĩ, bộ nọ, ngành kia với 30% công chức sáng cắp ô đi tối cắp về như tổng kết của ông Thủ tướng hiện nay… không thiếu một nhân viên quét rác nào, vẫn không hiểu được vì sao cá chết.

Mà hàng ngũ “trí thức XHCN” có ít đâu. Thậm chí, cả hệ  thống đào tạo tiến sĩ với những lò đào tạo trung bình mỗi ngày 1 tiến sĩ vẫn không có một sản phẩm nào của những cái lò ấy biết tại sao cá chết, cứ mặc kệ mấy ngư dân vật lộn với cuộc sống và câu hỏi trong độc hại chết người.

Nhiều người đã phân tích rõ rằng: việc cá đã chết hàng loạt, đó là thảm họa môi trường hết sức nặng nề, không chỉ với loài cá mà là các loại động, thực vật khác. Ông PGĐ Sở NN & PTNT Quảng Bình Trần Đình Du, sau khi mổ xẻ, phân tích những con cá chết, đã khẳng định rằng cá chết do nhiễm độc. Bởi tất cả từ bên ngoài đến nội tạng cá không hề có những giập vỡ hoặc các hiện tượng dịch bệnh.

Sự oan uổng của người dân đã thấu tận trời xanh, báo chí vào cuộc mổ xẻ ồn ào, người dân lo ngay ngáy về nạn phá hủy môi trường sống của đất nước, dân tộc này.

Nhưng qua đó ta thấy gì?

Điều rõ nhất là sự thờ ơ của hệ thống “đảng, nhà nước, chính quyền nhân dân” mệnh danh là “của dân, do dân, vì dân” trước nguy cơ của không chỉ một vùng, mà là cả khu vực rộng lớn.

Báo Dân Trí cho biết, lãnh đạo Hà Tĩnh đã “tàng hình” trước nỗi đau này của người dân, lo chuyện bầu bán, ghế mâm… và người dân kêu trời rằng “Họ bỏ mặc chúng tôi”, “Chắc phải đợi dân chết rồi mới vào thị sát”.

dangngocsonn

Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Tỉnh Hà Tĩnh: Dân cứ thoải mái ăn cá và tắm biển Vũng Áng.

Thậm chí, ngay sau khi Bộ NN& PTNT vừa ra công văn cấm ăn cá nhiễm độc, Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Hà Tĩnh, sau một thời gian lặn mất tăm, đã lên báo chí kêu gọi người dân: cứ thoải mái ăn cá và tắm biển Vũng Áng. Một người dân đã gọi điện mời ông ta nhận cá về cho gia đình ăn và tắm biển rồi đưa lên mạng như ông ấy kêu gọi dân. Nhưng, đến giờ này chưa thấy ông đâu.

Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải nói, trong trường hợp chưa xác định được độc tố khiến cá chết, thì việc lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh khuyên người dân cứ yên tâm ăn cá, tắm biển là “không có kỹ năng sống và thiếu chuyên môn về khoa học”.

Còn ở trung ương, gần một tháng sau khi hiện tượng cá chết đồng loạt, TBT Đảng Nguyễn Phú Trọng vào Hà Tĩnh, đến Công trình Formosa –  một khu đất được mệnh danh là “Tô giới của Tàu” biệt lập đến mức ngay cả Vụ phó vụ nuôi trồng Thủy sản cũng không được vào vì “có yếu tố nước ngoài”.

Ông ta đến mang theo nỗi hy vọng của người dân về sự quan tâm của đảng và nhà nước, bởi ông ta tự nhận là người lãnh đạo cao nhất “được dân giao phó”(?).

Nhưng, ông ta đến, rồi đi, cạy răng không nói nửa lời về thảm họa dân đối mặt. Ông ta bình thản bước qua vùng của những người dân với cuộc sống đang bị đe dọa hàng ngày.

Ông ta quay mặt bước qua những thân phận bệnh nhân đang nằm la liệt trong bệnh viện vì ngộ độc cá biển.

Ông ta cười tươi, hý hửng với công trình Fomosa với cỡ hai sư đoàn quân của “bạn vàng” đang có mặt tại Fomosa.

Rõ ràng mặt ấy, mặt này chứ ai?

Lẽ ra, trước những thảm họa môi trường, điều cần thiết nhất, là tìm ra nguyên nhân sớm nhất, tích cực nhất để hạn chế hậu quả. Trước hết là cần nghi ngờ và kiểm tra ngay nguồn nghi ngờ gây ô nhiễm.

Thế nhưng, mấy ông lãnh đạo được hỏi, thì câu trả lời là “không biết” vì đây là khu vực “nước ngoài”.

Cho đến khi người dân tự đi lặn mò tìm nguồn ô nhiễm là đường ống dẫn nước thải thẳng ra biển của khu “Tô giới Formosa” hàng ngày xả lượng nước khổng lồ ra đáy biển bằng đường ngầm. Ngư dân khẳng định đường nước này đã xả thải từ sau tết và họ đã tận mắt chứng kiến nó xả nước thải từ trước đó rất lâu. Cho tới ngày 22-4, Formosa vẫn khẳng định chưa hề xả thải ra biển qua đường ống chìm dài tới 1,5km. Cả nước giật mình để ý đường ống ngầm này là gì?

Khi đó, quan chức nhà nước vội thanh minh: đấy là đường ống có phép, đúng quy trình.

Khi báo chí tìm ra rằng Formosa đã nhập về 300 tấn chất cực độc để sử dụng thời gian qua rồi thải ra biển, thì hệ thống nhà nước vẫn coi như chuyện nhỏ và không biết, mặc mấy ông đưa chất độc về thanh minh, thanh nga là chẳng hại gì.

Còn phía những người Việt Nam làm việc tại đó, họ sẵn sàng trả lời: “Nước thải đã được xử lý đúng quy trình” – lại cái quy trình(?). Dân càng hoang mang hơn.

Thậm chí một số quan chức, với học vị học hàm tiến sĩ, giáo sư còn ngồi nghĩ ra rằng: cá chết là do “đau đầu” bởi tiếng động. Có lẽ nên đưa câu chuyện này vào sách giáo khoa, mục sáng tác truyện tiếu lâm(!)

Thế rồi, một đoàn của chính phủ gồm mấy bộ cũng được thành lập để vào kiểm tra và việc kiểm tra này được thông báo trước có… 4 ngày. Trong khi nước biển vẫn trôi, nước sông vẫn chảy, chất độc vẫn cứ hòa tan và lan đi… và trong khu “Tô giới” họ làm gì thì đó là việc của họ.

Người dân nghe tin này, cười nửa miệng: Bốn ngày? Cần gì nhiều thế, thường thì những hành động lén lút nếu có, chỉ cần vài ngày cũng đủ phi tang chứ cần gì lâu thế cho họ căng thẳng ra làm gì.

Thế rồi, hôm nay như một tin vui cho đoàn cán bộ kiểm tra: ông Giám đốc đối ngoại Formosa chẳng cần giấu diếm hoặc loanh quanh gì nữa, huỵch toẹt trước Đài truyền hình rằng: chỉ có một lựa chọn, hoặc nhà máy, hoặc tôm cá, môi trường. Thậm chí, ông ta còn lý luận: tại sao lại không tiếc những mảnh ruộng lúa tươi tốt, lại tiếc cái tôm, cá thủy sản… Sở dĩ là tin vui, vì đỡ mất công điều tra chi cho mệt.

Như vậy có nghĩa là ông ta nói thẳng: tôm, cá, biển chết, không ruộng vườn tươi tốt… nghĩa là môi trường bị hủy hoại, là cái phải chọn lựa cho việc bán đất bán biển cho Tàu vào đây. Đơn giản thế đỡ phải thắc mắc.

Nói cách khác là cách ông ta thú nhận: tao đấy, tao đổ xả nước thải vào đấy, tôm cá chết chứ người chết cũng cứ vậy mà chấp nhận đi nhé. Được cái này, phải mất cái kia.

Đúng hướng?

Khi ông Nguyễn Phú Trọng vào Hà Tĩnh, câu nói mà người ta nghe được từ ông là: Hà Tĩnh đã đi đúng hướng.

Trongluthamhatinh

Nguyễn Phú Trọng, TBT Đảng thăm Formosa rồi… về.

Vậy hướng đó là hướng nào?

Một khu vực, rộng lớn, nằm ở vị trí tử huyệt về an ninh, quốc phòng được giao cho Tàu 70 năm, được bao quanh bằng mọi biện pháp cẩn mật bất khả xâm phạm và những đường ngầm ra biển, với đội quân người Tàu khoảng 2 sư đoàn. Nên nhớ rằng, cách đó chỉ 300 km, nghĩa là cách 4 giờ tàu biển, là căn cứ Tam Á, căn cứ quân sự lớn nhất của Tàu.

Cũng nên nhớ rằng, đoạn Vũng Áng, là đoạn gần hẹp nhất theo bề rộng đất nước, nghĩa là khi bị ngăn cách, thì nửa đất nước Việt từ đó trở ra sẽ rất dễ biến thành một loại như Criema của Ucraina đã gia nhập Nga cách đây 2 năm.

Một khu công nghiệp khổng lồ được đầu tư ở nơi này, mà bất chấp môi trường bị hủy hoại, mạng sống người dân bị đe dọa, thì sự phát triển nếu có, cũng chỉ là sự phát triển tiêu diệt mà thôi.

Đến đây, ta chợt nhớ câu Kiều, của một Đại thi hào Hà Tĩnh – Nguyễn Du:

Phép công chiếu án luận vào .
Có hai đường ấy muốn sao mặc mình.
Một là cứ phép gia hình,
Một là lại cứ lầu xanh phó về.

Và người dân Việt chỉ được chọn một trong hai khả năng: Chết từ từ, hoặc làm nô lệ.

Video tổng hợp từ báo chí về vụ việc:

Hà Nội, ngày 25/7/2016

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Xem thêm:

https://www.youtube.com/watch?v=Be7G1V4fj5Y

Nguyên nhân Thảm họa môi trường Vũng Áng, Hà Tĩnh – Formosa

Sau 41 năm Việt cộng toàn trị, Việt Nam như con cá nằm trên thớt

Sau 41 năm Việt cộng toàn trị, Việt Nam như con cá nằm trên thớt

Kông Kông

24-4-2016

Năm 1995, lần đầu tiên xảy ra vụ án môi trường, việc công ty Vedan xả nước thải ra sông Thị Vải hủy hoại thủy sản. Lúc đó, để dẹp việc kiện tụng có thể làm ảnh hưởng đến “chủ trương của đảng” là kêu gọi tư bản nước ngoài đổ vốn vào khai thác, nên triều đại Nguyễn Tấn Dũng đẻ ra luật “cấm khiếu nại tập thể”! Họ muốn xé lẻ người dân nghèo thấp cổ bé miệng mà sinh kế duy nhứt là từ dòng sông, để tiêu diệt từ trứng nước mầm mống “chống lại chủ trương của đảng”! Nhưng họ đã thất bại trước phản ứng dữ dội của toàn xã hội nên người dân Thị Vải vượt qua được gian nan, để cuối cùng nhận được bồi thường.

Từ đó ý thức về việc phải bảo vệ môi trường sống và quyền được sống trong xã hội hình thành.

Tiếp theo là phản ứng của giới trí thức, qua nhiều phản biện khoa học, với dẫn chứng cụ thể, về hiểm họa và tai ương cho đất nước khi chủ trương cho khai thác boxit Tây Nguyên để thỏa mãn nhu cầu đói nguyên liệu của Tàu cộng. Nhưng mọi phản biện đều bị bỏ ngoài tai, vì đó là “chủ trương lớn của đảng” như lời ông Thủ tướng tuyên bố lúc bấy giờ.

Thành quả của “chủ trương lớn của đảng” ngày đó đang hiện ra rõ như giữa ban ngày, là đang phải bù lỗ về kinh tế. Còn về hiểm họa môi trường và về an ninh quốc phòng thì vẫn đang lơ lửng. Những hồ đang chứa chất thải vẫn thường bị rò rỉ và đang là những quả bom nổ chậm, chờ một ngày nào đó khi có biến động thì kẻ thù sẽ cho nổ tung để tràn xuống miền hạ lưu! Miệt Đồng Nai và thành phố đông dân nhứt mang tên họ Hồ, là “trái tim” kinh tế cả nước, sẽ rối loạn!

Vụ rối loạn cũng đã được thử nghiệm “thành công” mấy năm trước đây, khởi đầu bùng nổ từ các hãng xưởng ở Bình Dương rồi nhanh chóng lan đến Vũng Áng trong lúc phản ứng của chế độ lúc đó là gần như tê liệt, hoàn toàn thụ động!

Bây giờ đến lượt đặc khu kinh tế tự trị Vũng Áng. Người Tàu lại “dạy cho Việt Nam thêm một bài học”! Hàng ngàn tấn cá biển bỗng dưng chết đột ngột chỉ trong vòng hơn 2 tuần lễ, chạy dài những 250 km từ Vũng Áng đến Thừa Thiên, Huế theo dòng thủy lưu. Vụ nầy đã được ngư dân Nguyễn Xuân Thành, phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh phát hiện và báo cáo chi tiết trước đó cho cơ quan nhà nước. Đó là hệ thống xả thải của Formosa được chôn ngầm dưới đáy biển, dài 1km 500 và rộng cỡ hơn 1 mét 10.

Ngay vào lúc nầy, các giới chức có trách nhiệm về tài nguyên môi trường, chưa ai dám xác định nguyên nhân và nơi xuất phát, cho dù có chứng cớ khả tín đi nữa thì, theo thói thường, cũng cần phải nghe ngóng và chờ đợi “lệnh trên”! Vì, nếu vô tình nói ra có thể nguy hiểm đến bản thân, điều mà không một quan chức nào dám nhận lãnh trách nhiệm. Câu chữ chỉ có thể úp úp mở mở, đó là “khu tự trị có liên quan đến yếu tố nước ngoài” nên cơ quan kiểm tra phải chờ lệnh của Trung ương!

Nhưng Trung ương là ai mà vô tình trùng hợp với chuyến đi thị sát ngay tại Hà Tĩnh của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng? Và chính ông Nguyễn Phú Trọng cũng giả ngơ như chưa hề được báo cáo, nên đành phải dựa theo kiểu nói của dân gian, đó là “thói vô cảm”!

Thông tin của cấp cao nhứt, mới nhứt được báo chí vừa đăng tải, là ông Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, khi tổ chức họp với các lãnh đạo Hà Tĩnh, cho biết là “có thể hợp tác quốc tế để tìm ra nguyên nhân”! Đấy là chỉ nói đến “tìm nguyên nhân” không thôi (!) nhưng hệ lụy là vùng nước biển bị ô nhiễm và thủy sản bị tiêm nhiễm sẽ đến từng bữa ăn, từng gia đình sẽ tác hại đến sức khỏe bao nhiêu triệu người, mãi đến bao giờ? Và trách nhiệm của đảng và nhà nước đến đâu?

Như vậy thì còn lâu mới có kết quả điều tra trong lúc chuyện trước mắt là hàng trăm ngàn ngư dân thất nghiệp và xã hội hoang mang tột cùng! Với kiểu mua thời gian như thế thì “thủ phạm” đã có trăm ngàn phương thức để phi tang (nếu có thủ phạm chứ không phải do thiên nhiên)! Mà phần chắc chắn là có thủ phạm! Và phải chăng chính chế độ đang chủ trương để ngỏ, tạo điều kiện cho thủ phạm có đủ thời gian giải quyết, vì đây là dự án đầu tư thuộc loại lớn nhứt “có yếu tố nước ngoài”, có liên quan đến đặc quyền đặc lợi của vô số quan chức cỡ chóp bu nên chính đặc khu kinh tế nầy cũng đã từng yêu cầu để được lập làng tự trị cho công nhân của họ, kể cả lập chùa để lễ bái.

Câu hỏi là tại sao không thể vào kiểm tra ngay hệ thống nước thải của Farmosa vì đây là vấn đề vô cùng quan trọng liên quan đến sức khỏe của hàng triệu người? Riêng Farmosa, nếu chắc chắn không có điều gì mờ ám, thì chính họ phải mở cửa mời vào kiểm tra ngay để giải tỏa mọi ngờ vực chứ không phải chỉ họp báo nói qua loa!

Điều bất hạnh cho người Việt Nam là đây không phải lần đầu có “sự cố”, mà cách giải quyết của chế độ từ trước đến nay vẫn luôn luôn chạy theo biến cố, họ chủ trương giải thích và giải thích, cho dù càng giải thích càng rối mù, càng ngụy biện, để rồi thực tế là “mất trâu mới lo làm chuồng”!

Một thí dụ khác, như vụ đồng bằng sông Cửu Long, là vựa lương thực của Việt Nam, bị ngập mặn nghiêm trọng vì thiếu nước ngọt nên nhà nước phải xin Tàu cộng xả đập từ thượng nguồn để cứu hạn, trong lúc trước kia khi hội thảo về sông Mê Kông thì không dám nêu vấn đề cụ thể hoặc vì dốt nát, hoặc vì sợ phật ý đàn anh, cho dù trước đó đã được cá nhân ông Ngô Thế Vinh báo động đỏ khi ông một thân một mình lặn lội điều tra tận gốc ở đầu nguồn và tường trình với một tựa đề vô cùng khẩn thiết, đó là Mê Kông Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng!

Như vậy thì chưa cần nói đến việc Tàu cộng đang cướp các hải đảo, lập thành căn cứ quân sự sẽ rất dễ dàng tấn công Việt Nam từ phía biển. Chưa nói đến việc tàn sát ngư dân Việt Nam để uy hiếp họ rời bỏ trường đang tiếp tục xảy ra. Chưa nói đến cuộc chiến của ngư dân (và giả dạng ngư dân) của Tàu cộng được công khai hỗ trợ tài chính để càn quét bờ biển Việt Nam. Chưa cần nói đến tình trạng kinh tế Việt Nam bi đát khi mà tiền nợ công đã ngốn đến hơn 62,2% GDP như báo cáo của chính phủ trước Quốc hội tháng 3/2016.

Chưa nói đến sự lệ thuộc kinh tế gần như hoàn toàn vào Tàu cộng. Cũng chưa cần nói đến việc Tập Cận Bình mặc quân phục thị sát cơ quan quân sự đầu não lo về biển Đông… như là chỉ dấu “không khoan nhượng”, sẵn sàng “chiến tranh”…

Vì tất cả việc mai phục của Tàu cộng trên nội địa Việt Nam như đã hoàn tất, chỉ chờ dịp sẽ ra tay! Dịp đó có thể là lúc có biến động quân sự với Mỹ. Lúc đó Việt Nam như con cá nằm trên thớt, Tàu cộng sẽ thanh toán nhanh để tránh hậu quả lớn!

Ông Nguyễn Phú Trọng đã có biệt danh là “Trọng Lú” từ trước khi nhận chức Tổng Bí thư do người miền Bắc phong tặng nhưng gần đây, khi hạ bệ được triều đại Nguyễn Tấn Dũng sau gần 2 thập niên trị vì một cách êm thấm, nhiều người đã hỏi ngược lại là “Trọng đâu có lú ?”

Nhưng thực tế nội bộ các đảng cộng sản đều giống nhau. Bản chất của họ là soi bói, giành giựt địa vị vì lợi ích phe nhóm. Do đó họ không lú với nhau. Nhưng tiến trình dân chủ văn minh thế giới thì họ không thể theo kịp, hoặc không cần biết, vì chủ chủ trương của họ là bảo vệ đảng. Đây là chủ trương cốt lõi. Sự tồn vong đảng với họ là trên hết! Chính yếu tố nầy đã thể hiện khá rõ qua một số phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng mà hầu hết người bình thường đều cho là rất kỳ cục! Ví dụ như câu nói mới nhất sau Đại hội 12, khi ông được chọn tiếp tục giữ chức Tổng Bí thư, là “dân chủ đến thế là cùng”!

Cũng vì thế nên ông Nguyễn Phú Trọng không hề thấy Tàu cộng cũng đang trên đà giẫy chết! Khi Tập Cận Bình phải trưng bộ quân phục đi thị sát chính là lúc muốn biểu dương sức mạnh súng đạn để che đậy yếu kém về chính trị trong nội bộ. Tập muốn ra oai với Mỹ nhưng, tự nó, cũng ra oai với đàn em, là Việt Nam, “chớ dại ngã theo Mỹ thì sẽ bị thanh trừng” tức khắc!

Vì thế ông Nguyễn Phú Trọng không lú về việc thanh toán nội bộ nhưng lú với dòng thác cách mạng Dân chủ thế giới. Nên, nếu cộng sản Tàu mới chỉ mấp mé bờ sụp đổ thì chắc chắn cộng sản Việt Nam đã phải trả giá đắt gấp bội, vì tội vừa ngoan cố vừa nợ máu xương đã gây ra cho dân tộc.

Nên cái lú vẫn còn nguyên. Đây chính là cái lú cốt lõi!

Núi nợ chính phủ lủng túi ngân sách

Núi nợ chính phủ lủng túi ngân sách

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2016-04-22

Ảnh minh họa chụp ở Hà Nội trước đây.

AFP

Your browser does not support the audio element.

Những số liệu thống kê ở Việt Nam trong thời gian dài nhảy múa ngoạn mục và thông thường khi phải báo cáo Quốc hội, chính phủ đưa ra những con số tuy không hẳn là đẹp, nhưng luôn nằm trong giới hạn qui định và ngưỡng an toàn.

Ngân sách luôn luôn thâm thủng và bội chi

Giới quan sát cho rằng Việt Nam đang có xu hướng tiến tới gần sự thật hơn, về mặt số liệu kinh tế tài chính đã bắt đầu có những con số bớt màu hồng. Ngày 20/4/2016 báo điện tử Thời báo Kinh tế Saigon đưa tin sớm về một số nội dung Báo cáo kinh tế vĩ mô quí I năm 2016 của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. Theo đó, nghĩa vụ trả nợ công năm 2015 của chính phủ lên tới 418.400 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 29,9% tổng thu ngân sách nhà nước.

Tỷ lệ trả nợ gần 30% tổng thu ngân sách, vượt quá xa ngưỡng an toàn 25% theo qui định và đến sớm hơn ba năm, so với dự báo của chính phủ cũ đưa ra vào tháng 3/2016 vừa qua. Lúc đó Bộ trưởng tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo Quốc hội, phải đến năm 2018 -2019 nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của chính phủ mới tăng lên tới mức 30% tổng thu ngân sách.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế ở Hà Nội nhận định:

Theo Báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nghĩa vụ trả nợ 2015 lên tới 418.000 tỷ đồng. Từ đó cảnh báo cho thấy vấn đề  nợ công rất là lớn và nếu không có biện pháp xử lý tốt trong những năm tới, thì chắc chắn sẽ dẫn tới chỗ vỡ nợ…
-TS Ngô Trí Long

“Theo Báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nghĩa vụ trả nợ 2015 lên tới 418.000 tỷ đồng. Từ đó cảnh báo cho thấy vấn đề  nợ công rất là lớn và nếu không có biện pháp xử lý tốt trong những năm tới, thì chắc chắn sẽ dẫn tới chỗ vỡ nợ…”

Theo PGS-TS Ngô Trí Long, thực chất ngân sách luôn luôn thâm thủng và bội chi. Trong năm 2015 Quốc hội cho phép bội chi 5%, nhưng đã lên tới 6,1% và có thể hình dung một cách đơn giản. Ông nói:

“Làm không đủ ăn, chi luôn luôn lớn hơn thu, có nghĩa là bản thân không có khả năng tự trang trải chi tiêu của mình thì đừng nói tới vấn đề trả nợ. Nghĩa vụ trả nợ 418.000 tỷ đồng là con số rất lớn, cho nên đây là sự báo động đối với vấn đề nợ công, đồng thời là cảnh báo đối với kỷ luật tài chính ngân sách, cũng như cách làm ăn của các cấp quản lý chi tiêu ngân sách hiện nay.”

Về mặt chính thức Việt Nam nhìn nhận mức bội chi ngân sách 6,1%. Tuy vậy đánh giá từ nguồn khả tín khác cho thấy con số còn cao hơn nhiều. SaigonTimes Online trích số liệu của IMF Quỹ Tiền tệ Quốc tế, trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới, IMF tính toán năm 2015 thâm hụt ngân sách của Việt Nam lên tới 6,9%. Còn nợ công đến năm 2020 sẽ ở mức 68% GDP vượt trần nợ qui định là 65%.

Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý I năm 2016 của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của chính phủ tăng rất nhanh là vì, trong giai đoạn 2010-2012, Chính phủ thiếu tiền nên đã vay nợ ngắn hạn rất nhiều, chủ yếu bằng trái phiếu chính phủ kỳ hạn 1-2 năm.

Được biết, Chính phủ Việt Nam trải qua giai đoạn tiến thoái lưỡng nan trong những năm từ 2011-2013 vào lúc Tập đoàn Vinashin sụp đổ làm thất thoát 84.000 tỷ đồng tương đương hơn 4 tỷ USD theo thời giá. Trước đó Vinashin từng được chính phủ cho vay 750 triệu USD từ nguồn trái phiếu phát hành quốc tế. Ngoài ra Vinashin còn vay 600 triệu USD khác ở nước ngoài. Khi Vinashin sụp đổ mất khả năng thanh toán, Chính phủ bị kiện và đã phải loay hoay một thời gian để thoát khỏi trách nhiệm này. Trong giai đoạn u tối đó, Chính phủ Việt Nam đã ồ ạt phát hành  phiếu ngắn hạn để lấy tiền trả nợ, bù đắp thâm hụt ngân sách với mức chi thường xuyên quá cao.

Rủi ro phát hành trái phiếu chính phủ

Mạng tin Dân Trí  ngày 18/11/2015, trích lời ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài chính vào thời điểm đó, xác nhận Việt Nam đã trải qua những giai đoạn rất khó khăn trong vấn đề huy động vốn để bù đắp bội chi và trái phiếu Chính phủ. Ông Bộ trưởng cho biết từ 2011-2013, Chính phủ đã vay 64.000 tỷ đồng, lãi suất bình quân 10,5%/năm, cao nhất chịu lãi 13,2% và thấp nhất cũng tới 8,4%. Do vậy, Chính phủ đặt ưu tiên phải nhanh chóng tái cơ cấu lại những khoản nợ phải trả đến hết quý I/2016. Vẫn theo lời ông Đinh Tiến Dũng, giai đoạn 2011-2016, tổng cộng Chính phủ Việt Nam phát hành 395.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ. Lượng trái phiếu này tăng gấp ba lần của giai đoạn 2006-2010, gây áp lực rất lớn lên nợ công.

000_Hkg10180221=622

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 16/05/2015.

Trong dịp trả lời chúng tôi, bà Phạm Chi Lan chuyên gia kinh tế ở Hà Nội, phân tích những ảnh hưởng của việc Chính phủ tận dụng việc phát hành trái phiếu  ngắn hạn ở trong nước. bà nói”:

“Chính phủ cứ phải huy động vốn trong xã hội bằng cách bán trái phiếu, lấy tiền bù phần thiếu hụt ngân sách chi cho đầu tư công, thu ngân sách bị ảnh hưởng rất nhiều do tình hình kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp. Khi phát hành trái phiếu chính phủ như vậy sẽ có những rủi ro, ví dụ huy động ngắn hạn thì nhiều khi chưa kịp làm gì đã đến thời hạn phải trả nợ rồi, lãi suất vay bằng đồng VN cũng cao hơn vay ngoại tệ ở bên ngoài. Hơn nữa khi chính phủ đứng ra vay nhiều như vậy, thì số tiền vốn cho xã hội cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận được, sẽ lại càng khó khăn hơn. Các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam đa số vẫn phản ánh là tiếp cận tín dụng rất khó khăn.”

Theo SaigonTimes Online Trong Báo cáo kinh tế vĩ mô quí I năm 2016 các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cơ quan hàng đầu của Chính phủ về tham vấn hoạch định chính sách, các chuyên gia cảnh báo, chính phủ vay nợ ngắn hạn nhiều, chủ yếu bằng trái phiếu kỳ hạn ngắn từ 1 tới 2 năm. Tạo ra áp lực rất lớn đối với ngân sách nhà nước, nếu phát hành trái phiếu chính phủ không đạt mục tiêu đề ra.

Trên thực tế, theo các chuyên gia, Việt Nam từng đối diện rủi ro kỳ hạn và mất khả năng thanh toán tạm thời. Do vậy Bộ Tài chính đã từng vay Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỷ đồng và phát hành 1 tỷ USD trái  phiếu riêng cho Vietcmbank trong năm 2015.

Trong bài Bức tranh Ngân sách được Kinh tế Saigon Thời báo đưa lên mạng cuối tháng 1/2016, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn thuộc Chương trình Giảng dậy Kinh tế Fulbright Saigon mô tả điều gọi là hiện tượng vung tay quá trán trong chi tiêu ngân sách, đặc biệt ở cấp ngân sách địa phương, nơi được phân cấp một nửa ngân sách quốc gia, nhưng tính kỷ cương, kỷ luật tài khóa hết sức lỏng lẻo và có nhiều bất cập.

TS Tuấn đưa ra cơ cấu chi tiêu ngân sách với tỷ lệ chi thường xuyên lên đến 80% tổng chi ngân sách, phần còn lại chưa tới 20% dành cho đầu tư phát triển chưa kể chi trả nợ. Trước đây các chuyên gia khác cho rằng chi thường xuyên khoảng 70% phần còn lại để trả nợ và chi đầu tư phát triển.

Khi phát hành trái phiếu chính phủ như vậy sẽ có những rủi ro, ví dụ huy động ngắn hạn thì nhiều khi chưa kịp làm gì đã đến thời hạn phải trả nợ rồi, lãi suất vay bằng đồng VN cũng cao hơn vay ngoại tệ ở bên ngoài.
-Bà Phạm Chi Lan

Trả lời chúng tôi, PGSTS Ngô Trí Long bày tỏ sự âu lo về bài toán ngân sách của Việt Nam, khi mà phần chi thường xuyên quá nhiều với bộ máy cồng kềnh, trong khi phần chi cho đầu tư có xu hướng giảm. Chi cho đầu tư phát triển là đặc biệt quan trọng vì nó ảnh hưởng tăng trưởng nền kinh tế. Nếu như năm 2007-2008 chi đầu tư từ 31-32%, thì đến 2014-2015 chi đầu tư chỉ khoảng 16-16,5%. PGS-TS Ngô Trí Long tiếp lời:

“Ở đây thấy sự cảnh báo, báo động ở chỗ chỉ số rủi ro tín dụng của Việt Nam đang ở mức cao. Theo đánh giá của cơ quan chức năng Ủy ban Giám sát tài chính hồi tháng 4/2015 thì đã lên tới 290 điểm, trong khi đó tình trạng Hy Lạp vỡ nợ là 320 điểm. Thế thì khoảng cách đến vỡ nợ như Hy Lạp là không còn xa…một vấn đề hết sức quan trọng hiện nay là chi đầu tư rất ít còn chi thường xuyên quá lớn, thực chất ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế… Đây là một vấn đề đáng quan ngại cho thế hệ lãnh đạo mới của Việt Nam.”

Theo lời PGS-TS Ngô Trí Long, quan ngại lớn nhất đối với Việt Nam hiện nay là vấn đề tốc độ tăng nợ công cao, bội chi ngân sách luôn luôn thâm thủng lớn và vấn đề phân hóa khoảng cách giàu nghèo rất rõ. Chính phủ tiền nhiệm cũng đã đề ra rất nhiều biện pháp như, thắt chặt chi tiêu, kỷ luật tài chính phải đảm bảo. Nhưng thực chất giữa lời nói và hành động không đi đôi với nhau. Thậm chí có những phương tiện truyền thông đưa ra những thông tin có tính chất ru ngủ, đây là vấn đề nguy hiểm.

PGS-TS Ngô Trí Long hy vọng Chính phủ mới sẽ có những biện pháp cụ thể như, xiết chặt đầu tư công, không đầu tư dàn trải, tính toán hiệu quả trong đầu tư công…Nhưng điều quan trọng nữa, theo lời ông, Chính phủ mới phải làm sao huy động được mọi nguồn lực xã hội, xã hội hóa đầu tư phát triển huy động từ các nhà đầu tư trong ngoài nước, chú ý vấn đề thẩm tra giám sát, là những yếu tố quan trọng để vượt qua tình trạng kinh tế khó khăn hiện nay.

PGS-TS Ngô Trí Long nhấn mạnh tới vấn đề xác định kinh tế tư nhân là động lực hết sức quan trọng, cho dù Đảng và Nhà nước chủ trương kinh tế Nhà nước làm chủ đạo. PGS-TS Ngô Trí Long kết luận:

“Biện pháp đã đưa ra nhiêu rồi, nhưng vấn đề hành động và sự quyết tâm như thế nào là vấn đề quan trọng. Chính phủ mới cần làm sao tạo niềm tin cho công chúng và các nhà đầu tư… Nhưng vấn đề quan trọng hàng đầu là phải làm trong sạch bộ máy, chống tham nhũng một cách cương quyết và cụ thể…”

Các số liệu mới về chỉ số kinh tế được báo chí đưa ra, cho thấy Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lãnh đạo sẽ phải giải quyết những khó khăn quá lớn từ Chính phủ trước để lại.

Báo cáo Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam hợp tác soạn thảo đã chỉ ra rằng, chỉ có cải cách thể chế kinh tế và chính trị mới có thể giúp Việt Nam vượt qua khó khăn và vươn lên.

Tản mạn Tháng Tư

Tản mạn Tháng Tư

“Xin nguyện cầu cho một ngày thống nhất đích thực. Ngày đó người dân cả nước nắm tay nhau không có phân biệt, không thù hận. Chỉ như thế mới có thể làm phai mờ ngày 30 tháng Tư trong lòng mỗi chúng ta”.

____

FB Thiêm Võ

23-4-2016

Tạp bút – Caubay

Những kẻ mang tên ngày. Nguồn: internet

Tháng Tư lại về, năm nay nơi tôi ở có vài cơn mưa nhẹ đổ về bất chợt làm tôi nhớ cơn mưa Sài Gòn ngày ấy. Những ngày cuối tháng Tư năm 1975, trời Sài Gòn u ám, mưa lất phất nhẹ trong cái xôn xao, hỗn loạn của một thành phố đang hồi vô chủ. Nỗi sợ hãi, bi thương, tiếc nuối trong lòng người lan tỏa vào không gian. Rờn rợn như cái rùng mình cuối cùng của một sinh vật trước khi đi vào cõi chết. Thành phố như một ổ kiến bị phá vỡ. Con hẻm nhỏ khu nhà tôi có đông người hơn từ cả tháng qua, đồng bào tỵ nạn từ miền Trung vào, từ Tây nguyên tràn xuống. Nhốn nháo, vội vã và nỗi âu lo hiển hiện trên khuôn mặt mỗi người. Người ta lui tới tìm nhau thì thầm, bịn rịn. Đồng thời bạn bè, chòm xóm cũng bắt đầu trao nhau ánh mắt thăm dò và cái mầm nghi kỵ đã đâm chồi.

Sáng ngày 30 tháng Tư tiếng súng nổ đì đùng. Vài người lính miền Nam chạy vào trong hẻm cởi bỏ quân phục… Ngoài đường phố, những người hơi bạo gan và hiếu kỳ đứng hai bên nhìn đoàn xe tăng Liên Xô phủ đầy lá, mang cờ đỏ sao vàng và cờ nửa xanh nửa đỏ nghiến lên những tiếng kêu đầy hăm dọa trên mặt đường. Xung quanh vài chiếc xe gắn máy chạy theo phất cờ, cánh tay họ đeo băng đỏ, nét mặt “hồ hởi, khẩn trương”. Người trên xe là bộ đội Việt cộng với vẻ mặt còn ngỡ ngàng đến ngờ nghệch và những kẻ lăn xăn chạy theo là người của thời cuộc, bọn nằm vùng và cả những kẻ mang tên ngày – bọn người “30 Tháng Tư”. Đó là lần đầu tiên tôi đối diện với Việt cộng còn sống. Việt cộng, cũng là đồng bào của tôi, mà như có cái gì rất xa lạ, bí hiểm, man man rợ rợ của rừng thiêng chết chóc.

Đó là một kết thúc và cũng là một bắt đầu. Kết thúc của một xã hội tự do dẫu từng ngày phải trải qua chiến tranh đầy máu lửa và bắt đầu những thảm kịch đầy nước mắt. Phỏng tôi có cần phải nhắc lại từng thảm cảnh đó và có đủ giấy mực để ghi lại hay không? Thảm kịch liên tục xảy ra trên đất nước chúng ta 41 năm qua và hôm nay hậu quả của nó đã trực tiếp ảnh hưởng lên mọi người. Phía này phía kia, ai cũng là nạn nhân. Nạn nhân của mất mát, ly tán, tù tội, đọa đày. Nạn nhân của sự ngu muội, sa đọa, chai mòn lương tâm…

Một chút hồi tưởng lại những ngày xa xưa. Ngày đó, cũng như hầu hết những người trẻ khác, tôi cũng mang nhiều hoài bão. Hoài bão lớn nhất là một ngày hết chiến tranh, đất nước thống nhất trong tự do, thương yêu, đoàn kết và nhân tài cả nước sẽ sánh vai nhau góp phần xây dựng tổ quốc. Tôi mơ một ngày kia nước mình sẽ văn minh, giàu mạnh như nước Nhật, nước Mỹ… Trong cảnh hừng hực của chém giết và hận thù, ước mơ của tôi chỉ là điều xa vời, nhưng đó là sự thực mà tôi nghĩ không chỉ có ở riêng tôi.

Tôi tin rằng do những năm dài chiến tranh, ngày 30 tháng 4 năm 1975 trong tận cùng trong đáy lòng của mỗi người dân Việt vẫn có không gian cho một tiếng thở phào nhẹ nhõm. Với người dân Miền Nam, chiến tranh đã hết; cái đang đến dù mơ hồ, bấp bênh, đe dọa nhưng bóng ma bất ổn, chết chóc đã đi qua. Thôi thì lịch sử đã sang trang và hãy cố hy vọng cho một ngày mới, niềm hy vọng ấu trĩ, mong manh của người chờ phép lạ.

Nhưng rồi những gì đã xảy ra như mọi người đều thấy. Thay vì là ngày thống nhất, ngày 30 tháng Tư chỉ ghi thêm một dấu mốc đau lòng trong lịch sử dân tộc. Làm sao gọi là thống nhất được khi mọi thứ chưa qui về một mối. Về mặt lãnh thổ, hải đảo vẫn còn trong tay giặc, biên giới đất liền bị mất thêm và về mặt nhân tâm, lòng người vẫn còn ngăn cách. Giấc mơ về một đất nước hòa bình, hàn gắn, đoàn kết, xây dựng đã không tới. Thay vào đó là đọa đày, phân biệt, khủng bố. Dù không còn tiếng súng nhưng tiếng kêu khóc oan khuất trải dài khắp nước mỗi ngày, kéo dài cho đến tận hôm nay.

Người ta thường truyền nhau câu nói của ông Võ Văn Kiệt khi về hưu, rằng “ngày 30 tháng Tư có cả triệu người vui và cả triệu người buồn”. Cả triệu người buồn thì dĩ nhiên rồi, dẫu nay có người đã quên đi, một cách vô tình hay cố ý. Nhưng trong số những người vui, có bao nhiêu người vẫn cứ vui nếu qua năm tháng họ biết được sự thực của quá khứ? Có người nào có lòng trăn trở về thực trạng của đất nước hôm nay mà vẫn cứ vui? Tôi tin con số đó rất nhỏ nhoi, chỉ giới hạn trong những người mất nhân tính.

Hôm nay tôi là một trong số những người may mắn, sự may mắn có phần chua chát của một kẻ đã thoát được ra khỏi quê hương mình. Đời sống của tôi trên xứ người đã ổn định, dù vậy trong lòng tôi vẫn không. Tôi ray rức về thực trạng nước nhà, chỉ đơn thuần vì tôi là người Việt Nam. Đất nước tôi là một phần của cuộc đời tôi vì thế tôi không thể nào thờ ơ khi nghĩ về. Tôi tin rằng tình cảm ấy xuất phát từ nền giáo dục mà tôi hấp thụ từ tấm bé. Tôi yêu đất nước tôi một cách tự nhiên, không mưu cầu và toan tính nào cho cá nhân. Không có gì to tát hay khoa trương khi nói lên điều này.

Bây giờ là những ngày cuối tháng Tư năm 2016, niềm ray rức ấy lại về như sự tuần hoàn của máu. Những ngày này, người tỵ nạn ở hải ngoại hoài niệm về một đại tang, người trong nước tiếp tục oằn mình dưới sự áp bức của cường quyền. Chắc rằng ngày 30 tháng Tư năm nay rồi cũng sẽ như 41 năm qua. Trong nước nhà cầm quyền cộng sản lại tổ chức ăn mừng chiến thắng, ngoài nước đồng bào sẽ tổ chức tưởng niệm ngày Quốc hận… Phải làm gì để ngày 30 tháng Tư đi vào lịch sử mà không trở về hằng năm dằn vặt chúng ta? Ai là người sẽ xoa dịu vết thương này trong lòng dân tộc? Thực tế cho thấy nhà cầm quyền cộng sản không có đủ lương tri để làm điều đó. Thế thì phần còn lại là của tất cả chúng ta, những người con nước Việt trong và ngoài nước.

Nhưng làm gì, với ai, sức lực nào… là những câu hỏi mà tôi thường gặp, tuy cay đắng nhưng rất thực tế. Là một người dân không tham gia tổ chức chính trị nào, tôi cũng mơ hồ về một câu trả lời, chỉ biết chắc một điều như nhạc sĩ Việt Khang đã viết: “Tôi không thể ngồi yên khi nước Việt đang ngả nghiêng”. Xin hãy đừng bàng quan, hãy làm một điều gì đó dù nhỏ nhoi cho đất nước, cho đồng bào. Xin nguyện cầu cho một ngày thống nhất đích thực. Ngày đó người dân cả nước nắm tay nhau không có phân biệt, không thù hận. Chỉ như thế mới có thể làm phai mờ ngày 30 tháng Tư trong lòng mỗi chúng ta.

San Diego, 4-22-2016

Vũng Áng là “lãnh thổ” của Trung Quốc?

Vũng Áng là “lãnh thổ” của Trung Quốc?

 Thùy Linh

Một khu công nghiệp nằm trên đất Việt Nam lại ngang nhiên xả nước thải thẳng ra biển khiến cá chết hàng loạt, ngư dân Việt Nam điêu đứng. Nghịch lý là đại diện cơ quan chức năng lại phát biểu rằng: “Đoàn công tác không vào kiểm tra tại KCN Vũng Ánh vì đây là KCN có yếu tố nước ngoài, đoàn công tác không có thẩm quyền, chức năng kiểm tra tại khu vực này”. Chuyện gì đang xảy ra trên mảnh đất miền Trung?

Cá biển chết hàng loạt và trôi dạt vào bờ do ngộ độc, cả ngư dân và người lái buôn tại các tỉnh miền Trung chỉ biết “ôm nhau khóc ròng” vì không ai dám mua cá, bán không được mà ăn cũng không xong do độc tố quá cao. Con đường sống của người dân dường như đi vào ngõ cụt bởi hành động hủy hoại môi trường vô tội vạ của các nhà đầu tư tại KCN này.

Lạ một điều rằng, trước thông tin cá chết hàng loạt vì nước biển ô nhiễm nặng, đoàn công tác lại không thể vào KCN Vũng Áng kiểm tra và lập biên bản vì … “KCN có yếu tố nước ngoài, đoàn không có thẩm quyền” – như chia sẻ của ông Phạm Khánh Ly, Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản, Bộ NN&PTNT.

Ông Ly thông tin thêm: “Chúng tôi vào làm việc với Sở Nông nghiệp PTNT tỉnh Hà Tĩnh với tư cách là cơ quan quản lý theo ngạch dọc. KCN Vũng Áng bao gồm nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng và KCN Formosa có yếu tố nước ngoài nên cần thành lập đoàn công tác liên ngành, có chỉ đạo của Thủ tướng thì mới tiến hành kiểm tra được”.

clip_image001

Ảnh chụp Google Earth thời điểm ngày 19/4/2015 ở độ cao 698m cho thấy, kênh nước thải chảy thẳng ra biển từ khu gang thép Formosa Vũng Áng (Ảnh FB Hào Song Trần)

clip_image003

Ảnh chụp Google Earth thời điểm ngày 19/4/2015 ở độ cao 3.38km (Ảnh FB Hào Song Trần)

clip_image005

Hình ảnh Google Earth thời điểm ngày 19/08/2015 ở độ cao >3km dễ dàng nhìn thấy nước thải xả thẳng ra biển từ các kênh lộ thiên (thời điểm đường hầm chưa xây xong). (Ảnh FB Hào Song Trần)

Pháp luật quy định rõ, bất kỳ cá nhân nào hoạt động trên đất Việt Nam cũng phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Thế nhưng, một doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh và đầu tư trên đất Việt Nam lại ngang nhiên xả nước thải, hủy hoại môi trường sinh thái như thế mà đoàn cán bộ lại không thể vào kiểm tra? Tại sao ngay trên lãnh thổ Việt Nam lại có cứ điểm nước ngoài “không thể xâm phạm” như thế? Ai đã đặt ra “luật rừng” là phải có chỉ đạo của Thủ tướng mới được tiến hành kiểm tra Vũng Áng?

Nhìn lại vụ xả chất thải ra sông Thị Vải của công ty Vedan, 100% vốn đầu tư Đài Loan, đã được Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hiện năm 2008, vi phạm luật về bảo vệ môi trường Việt Nam. Khi đó, lực lượng chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” và buộc Vedan chịu phạt và bồi thường thiệt hại cho người dân. Tại sao chúng ta có thể “thẳng tay” đối với công ty Vedan mà KCN Vũng Áng lại là ngoại lệ? Có điều gì mờ ám ở dự án này? Liệu có “ông lớn” nào đang chống lưng đằng sau hay không? Hay các dự án của Trung Quốc thì không cần tuân theo luật pháp Việt Nam?

clip_image007

Cá chết hàng loạt trôi dạt vào bờ mà các cấp chính quyền “bất lực” ư?

Nội dung Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam ban hành ngày 23/08/1993 chỉ công nhận “quyền bất khả xâm phạm” đối với các cơ quan đại diện Ngoại giao của nước ngoài. Chúng ta lại có trường hợp ngoại lệ ư? Đây có được xem là “vi hiến” hay không?

Chưa kể, Điều 69 Luật Đầu tư 2014 quy định rõ: “Cơ quan quản lý nhà nước phải tiến hành “giám sát, đánh giá mục tiêu, sự phù hợp của dự án với quy hoạch và chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận, tiến độ đầu tư, việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai, tài nguyên khác theo quy định của pháp luật”.

Phải chăng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Bộ NN&PTNT và Sở Nông nghiệp PTNT tỉnh Hà Tĩnh không phải là “cơ quan quản lý nhà nước” theo điều luật này? Đáng lẽ ngay từ đầu, khi chuẩn bị cấp phép đầu tư dự án, chúng ta phải kiểm tra và đặt trạm quan trắc môi trường từ các nhà máy ra biển Đông; chưa kể lên lịch kiểm tra định kỳ hàng năm. Tại sao lại xảy ra hệ lụy hủy hoại môi trường không thể kiểm soát như thế? Ai sẽ chịu trách nhiệm khi cuộc sống của người dân vì thế nào lâm vào khốn cùng, môi trường bị hủy hoại?

clip_image008

Ảnh chụp từ Google cũng thấy rõ đường dẫn xả thải lộ thiên (khoanh tròn màu đỏ). Tại sao các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa vào cuộc xử lý? Có điều gì mờ ám đằng sau KCN này?

Nếu doanh nghiệp nước ngoài biến khu vực đầu tư của mình thành cứ điểm “bất khả xâm phạm” gây hại môi trường, làm hại cuộc sống người dân như thế thì có cần “trải thảm đầu tư” chào đón họ không? “Yếu tố nước ngoài” ở đây là gì?

Đã có những cửa hàng chỉ dành riêng cho người Trung Quốc, cấm người Việt; đã có những “làng Trung Quốc” chỉ sử dụng bảng hiệu viết bằng tiếng Trung Quốc mọc lên nhan nhản khắp mảnh đất hình chữ S do hệ lụy từ các dự án đầu tư mà Trung Quốc làm chủ; bây giờ đến chuyện các cơ quan chức năng “không có quyền” vào kiểm tra tại Vũng Áng… Phải chăng, chúng ta đã mất “chủ quyền” ngay trên chính lãnh thổ Việt Nam?

T. L.

Nguồn: http://trandaiquang.org/vung-ang-la-lanh-tho-cua-trung-quoc.html

Dấu Tay Trung Quốc Hay Vết Bẩn Trung Hoa

  Dấu Tay Trung Quốc Hay Vết Bẩn Trung Hoa

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến –

tuongnangtien's picture

tuongnangtien

RFA

Hễ cứ vô mạng là tôi lại nghe blogger Lê Anh Hùng đang la làng về một vụ gì đó, và toàn là những vụ động Trời:

“Chuyện chỉ có ở VN: Dự án nhiệt điện hàng tỷ USD được giao cho một công ty chuyên doanh…mực in!!! Suốt bao năm qua, người Việt Nam đã quá bội thực với những thông tin lặp đi lặp lại như tập đoàn X của Trung Quốc được chọn làm tổng thầu dự án nhiệt điện A, công ty Y của Trung Quốc ký hợp đồng làm tổng thầu dự án thuỷ điện B hay liên danh nhà thầu Trung Quốc Z làm tổng thầu dự án nhà máy xi-măng C, v.v. và v.v. Vì thế, dường như bất kỳ tin tức gì về việc một công ty nước ngoài nào đó không phải của ‘nước lạ’ được giao thực hiện một dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia cũng đều đem đến cho công chúng Việt Nam ít nhiều cảm giác phấn chấn.

Tuy nhiên, cũng đã không ít lần, khi chưa kịp tiêu hoá hết cái sự phấn chấn hiếm hoi đó, dư luận đã phải ngã ngửa vì những sự thật trần trụi về những công ty nước ngoài kia bị phơi bày. Và lần này cũng y như vậy.

Theo phần giới thiệu trên website công ty thì Toyo Ink được thành lập ngày 7/2/1979. Và từ đó đến nay, công ty này chỉ chủ yếu sản xuất mực in, vật liệu in và phẩm màu; buôn bán, xuất nhập khẩu mực in và thiết bị in… Nghĩa là, trong suốt thời gian tồn tại 37 năm của mình, Toyo Ink chưa hề có bất kỳ hoạt động sản xuất, kinh doanh nào liên quan đến ngành điện lực nói chung và nhiệt điện than nói riêng. Danh sách đối tác của Toyo Ink cũng toàn những công ty chuyên về mực in và thiết bị in ấn. (Ink trong Tiếng Anh có nghĩa là mực.) …

Một công ty chuyên về mực in, doanh số mỗi năm vỏn vẹn vài chục triệu USD, lợi nhuận hơn một triệu USD, mà lại được giao thực hiện một dự án thuộc một lĩnh vực hoàn toàn lạ lẫm với họ là nhiệt điện than, với tổng mức đầu tư lên tới 3,5 tỷ USD, tức hơn… 160 lần doanh thu hàng năm của chủ đầu tư. Xem ra trên thế gian này, những chuyện lạ đời như vậy chỉ có thể xẩy ra ở Việt Nam.”

Quả nhiên đây là “chuyện lạ đời” nhưng không “chỉ có thể xẩy ra ở Việt Nam” đâu. Bên Lào cũng y như vậy đó:

“Theo tạp chí The Diplomat [Sep 04, 2015] Quốc Hội Lào đã chính thức thông qua Dự án Đập Don Sahong, một dự án từ bấy lâu gây rất nhiều tranh cãi. Dự trù ban đầu con đập được Công ty Xây dựng Mã Lai MegaFirst khởi công vào cuối năm nay 2015…

Trong một bức thư ngày 2 tháng 2, 2015 của International Rivers Network / IRN Mạng Lưới Sông Quốc Tế gửi tới Sinohydro International Corporation bày tỏ quan điểm của tổ chức IRN chống lại Dự án Đập Thuỷ điện Don Sahong do những ảnh hưởng tác hại môi trường và xã hội trên dòng chính Sông Mekong.

Đoạn thư viết tiếp: “Chúng tôi được biết Sinohydro International được đấu thầu phần EPC/ Engineering Procurement Construction / thiết kế, quản lý và xây dựng cho Dự án Don Sahong, sự kiện ấy khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm về mối liên hệ của Trung Quốc tới Dự án này. Chúng tôi nhận định rằng Sinohydro, một tổ hợp của Nhà nước Trung Quốc khi ký một hợp đồng liên quan tới triển khai dự án, điều ấy sẽ can thiệp vào tiến trình thương thảo. Đây chính là thời điểm vô cùng nhậy cảm cho toàn vùng đối với cái giá phải trả cho việc phát triển thuỷ điện trên Sông Mekong. Chúng tôi hy vọng Sinohydro sẽ hỗ trợ cho những cuộc thảo luận về sự cần thiết có thêm những cuộc nghiên cứu khoa học, và trên hết là sự tôn trọng những quyết định và các yêu cầu chính thức từ các chính phủ Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam”.

Như vậy bức màn của sự thật đã được vén lên: MegaFirst của Mã Lai chỉ là nhóm chủ thầu đầu tư/ Investor vào Don Sahong, một công ty không có kinh nghiệm xây dựng hay điều hành nào về thuỷ điện nên rõ ràng họ làm một bình phong / một lá chắn cho Sinohydro đứng phía sau, thực hiện phần kỹ thuật xây đập bất chấp tác hại ra sao đối với dân cư trong lưu vực.

Ai cũng biết Sinohydro International là một công ty quốc doanh khổng lồ xây đập trên toàn cầu của Trung Quốc, được xem là lớn nhất thế giới nhưng cũng đã từng mang rất nhiều tai tiếng về những con đập gây ra những tác hại môi sinh. Và có thể nói mà không sợ sai lầm Don Sahong sẽ là một con đập Made in China…” (Ngô Thế Vinh, “Đập Thủy Điện Don Sahong In Đậm Dấu Tay Trung Quốc” – VOA Jan. 10, 2015.)

Tôi chưa bao giờ có hân hạnh được gặp mặt nhà văn Ngô Thế Vinh. Giữa tôi và ông cũng không có giao tình đậm/lạt gì ráo trọi. Chúng tôi chả qua (và chả may) cùng phải lòng một thiếu phụ – một người đàn bà đã có tuổi, có chồng, và có rất nhiều con – nên cả hai đều đau khổ (triền miên) vì một mối tình vô vọng. Đồng bệnh tương. Bởi vậy, nên thỉnh thoảng chúng tôi cũng có lai rai email qua lại để an ủi nhau (chút đỉnh) trong những lúc cô quạnh quá thôi.

Tháng rồi hay tin tôi đang lông bông ở Phnom Penh nên ông anh nhắn nhủ: Đã thất tình rồi mà còn ở không thì buồn chịu sao cho thấu, và rượu đâu mà giải sầu cho đủ. Rảnh chạy tới chỗ tụi nó vừa khởi công xây cái đập Don Sahong chụp dùm mấy tấm hình, làm bằng chứng là có “dấu tay của tụi Tầu” nha.

Cái ông Ngô Thế Vinh này thiệt là quá rảnh và bao la hết biết luôn. Suốt đời chỉ bận tâm về những chuyện biển rộng sông dài không hà. Tui cũng rảnh luôn và rảnh lắm nhưng đi Lào thì nói nào ngay là có thấy hơi lạnh cẳng. Qua thủ đô Vientiane uống vài thùng bia chơi thì được, chớ xuống tuốt Hạ Lào sao thấy ngại quá chừng.

Nam Lào núi rừng trùng điệp và hoang vu lắm. Voi/cọp, beo/báo, rắn/rít, muỗi/mòng … (tùm lum) thấy ghê chết mẹ. Đã vậy, tui lại không biết nói và không biết viết chữ Lào. Nửa chữ cũng không.

Còn phân vân chưa biết tính sao thì may thay gặp ngay một ông bạn đồng nghiệp trẻ, thông tín viên thường trú của RFA tại Bangkok, đang đi làm phóng sự về cuộc sống của những người Việt bán vé số ở Cambodia. Thằng cha này (nghe đâu) tiếng Thái và tiếng Lào rành dữ lắm nên tôi liền nhào tới, tay bắt mặt mừng.

Anh Vũ – rõ ràng – là một tên rất ham đi, ham vui và dễ dụ nên tôi chưa nói dứt lời mà đương sự gật đầu lia lịa. Thế là hai thằng hăm hở (và hớn hở) đi liền.

Thác Khone Phapheng. Ảnh chụp ngày 19 tháng 3 năm 2016

Từ Miên, chúng tôi băng qua Lào bằng cửa khẩu Stung Treng. Tới địa phận Pakse, theo đường 13, đi khỏi thác Khone Phapheng chút xíu là thấy mũi tên rẽ trái vào bản VeunKham.

Ảnh chụp ngày 19 tháng 3 năm 2016

Chúng tôi nhờ may, chớ không phải hay, nên được một người dân địa phương chỉ lối vào nơi đang làm con đập Don Sahong. Đây là một con dốc rộng, mới khai phá chưa lâu, có chỗ rải sỏi chỗ không, đường đất gập ghềnh và bụi đỏ đóng dầy dưới ánh nắng chói chang.

Thêm một điều may nữa là chúng tôi đến nơi vào ngày trưa cuối tuần, công nhân nghỉ việc, và lịch nổ mìn ghi là từ 4:30 đến 6:00 chiều … nên công trường vắng vẻ.

Thời Biểu Nổ Mìn. Ảnh chụp ngày 19 tháng 3 năm 2016

Don Sahong mới khởi công hồi đầu năm nên chung cư của công nhân vẫn còn thấy dán những câu đối Tết tiếng … Tầu.

  • Mấy chữ này nghĩa là gì hả anh? Anh Vũ hỏi với đôi chút nghi ngại.

Ảnh chụp ngày 19 tháng 3 năm 2016

Tôi hơi đỏ mặt nhưng may là trời đang nóng hừng hực nên thằng chả không hay. Hồi đêm, nằm ở Muong Khone, tôi mới “nổ” là mình tốt nghiệp cao học văn khoa (ban Việt Hán) và là học trò ruột của danh sư Trần Trọng San. Tôi “nổ” quá lớn khiến chính mình cũng bị ù tai và còn hơi choáng váng nên đành phải quấy quá cho qua chuyện:

  • Thì đại khái là “vui xuân không quên nhiệm vụ” và “mừng xuân tăng gia sản xuất” thôi chớ có mẹ gì đâu…mà cũng hỏi (*).

Ảnh chụp ngày 19 tháng 3 năm 2016

Lần dò hồi lâu rồi chúng tôi cũng tìm được đúng cái mà anh Ngô Thế Vinh muốn có trong tay: Tấm bảng cảnh báo với tên SINOHYDRO ghi rành rành bên góc phải, cùng những hàng chữ – tiếng Lào, tiếng Anh, và tiếng Hoa – viết bằng cái thứ ngôn từ (thô lỗ và đe nẹt) chỉ thấy ở những nơi mà quyền sống, cũng như mạng sống, của người dân chả có nghĩa lý gì:

  • Entering Without Permission Will Be Punished And Prosecuted.
  • Tresspassers will Take All Responsibilities And Losses.

Tấm bảng này khiến tôi chợt nhớ đến lời lẽ “nhã nhặn” trong bức thư của Mạng Lưới Sông Ngòi Quốc Tế, cùng với một tiếng thở dài – cố nén: “Chúng tôi hy vọng Sinohydro sẽ hỗ trợ cho những cuộc thảo luận về sự cần thiết có thêm những cuộc nghiên cứu khoa học, và trên hết là sự tôn trọng những quyết định và các yêu cầu chính thức từ các chính phủ Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam.”

Ảnh chụp ngày 19 tháng 3 năm 2016 

Còn “hy vọng” với “thảo luận” cái mẹ gì nữa, hả Giời? Tụi nó đã đè con người ta ra, đâm thọc cho tan nát hết trơn rồi kìa. Người Trung Hoa đủ “nhẫn tâm” để biến đất nước của chính mình thành một cơ xưởng sản xuất hàng hoá rẻ tiền cho toàn thể nhân loại, bất chấp mọi tác hại về môi sinh. Nói với họ về những thảm hoạ môi sinh xẩy ra ở những nơi xa xôi, tận đâu đâu đó, làm chi cho nó phí thời giờ.

Nhắm đã đủ số ảnh cần thiết theo yêu cầu của anh Ngô Thế Vinh, và sợ  trước sau gì cũng bị an ninh công trường phát hiện nên tôi lấy cái sim trong máy hình ra dấu kỹ. Tôi muốn “rút” lẹ nhưng Anh Vũ vẫn còn cứ nấn ná, cố phỏng vấn cho bằng được ba mẹ con bà chủ quán (cái quán nước duy nhất) bên đường để thực hiện bài phóng sự (“Kẻ Dấu Mặt Tại Đập Thủy Điện Don Sahong”) theo dự tính của anh.

Rõ ràng là là thằng cha điếc không sợ súng. Cũng phần lỗi do tôi. Đáng lẽ tôi nên báo cho ông bạn đồng hành hay rằng mới cách đây hai tháng, vào hôm 24 tháng Giêng, Lào đã bắt giữ hai nhà hoạt động môi sinh Cambodia – hai anh em sinh đôi Chum Huot và Chum Hour – khi mon men đến Don Sahong để chụp mấy tấm hình. Họ là người địa phương nên dù gì cũng còn có gia đình, dân làng, và chính phủ của mình bênh vực. Còn chúng tôi chỉ là hai thằng ma cà bông, khi khổng khi không, như từ trên trời rơi xuống cái chỗ (lành ít dữ nhiều) này.

Huot and his brother were detained on Sunday while attempting to photograph the dam’s construction. Note and photo: RFA

Tôi lại bị bệnh suyễn kinh niên, đi đâu cũng phải thủ cái ống xịt thuốc (inhaler) trong túi. Sáng nay loay hoay sao đó nên quên mẹ nó ở khách sạn rồi. Tui vốn nhát nên nóng như hơ. Tụi nó mà túm được thì nếu không lôi thôi lớn (e) cũng lôi thôi lắm.  May quá, cuối cùng, Anh Vũ cũng “tác nghiệp” xong. Tôi thở phào nhẹ nhõm:

  • Nói cái đéo gì lắm thế?
  • Người ta than thở nghe tội lắm anh ơi nên em bỏ đi liền không tiện. Họ nói sự yên tĩnh thanh bình của cả vùng này đang bị phá vỡ bởi tiếng mìn phá đá, và tiếng máy móc thi công… Không chỉ con người ở đây cảm thấy bất ổn, mà kể cả con cá dưới sông hay con chim trên cây cũng dần bỏ đi nơi khác…
  • Ủa, bộ vẫn còn có nơi nào khác để đi sao?
  • !!!
    Tưởng Năng Tiến

(*) Mấy hôm sau, Tiến Sĩ Trần Huy Bích cho chúng tôi biết hai câu đối này có nghĩa như sau:
Nghênh xuân tiếp phúc nhân tài vượng
Hòa mục gia đình sự nghiệp hưng

Tháng Tư… thù hận

Tháng Tư… thù hận

Tạp Ghi Huy Phương

Nguoi-viet.com

Mới đọc qua nhan đề bài tạp ghi hôm nay, xin quý vị bình tĩnh, chớ có la lên: “Bây giờ mà nói chuyện thù hận, hãy xóa bỏ hận thù, quên đi quá khứ và cùng nhau hướng về tương lai, bắt tay cùng nhau xây dựng đất nước!” Câu nói này do bên thắng trận, nói đi nói lại đã nhiều lần, trở thành một câu nói sáo mòn, nghe như vô nghĩa. Ngày 30 tháng 4 lại đến, những người thua trận đã chịu bao nhiêu cảnh nghiệt ngã, đau xót, tha thứ mà không quên, khó quên thì dễ gì một sớm một chiều mà tha thứ.

Giết người buông súng.

Loài sói lang trên rừng mà biết nói chuyện nhân nghĩa, tay còn dính máu mà nói chuyện hãy bỏ qua hận thù. Mỗi năm, đến ngày 30 tháng 4, những kẻ thắng trận lại khua chiêng, đánh trống, duyệt binh, bắn pháo bông ăn mừng, và nói những điều nhân nghĩa khó nghe. “Lòng nhân ái làm nên 30 tháng 4, 1975!” Đó là câu nói của Tướng Lê Đức Anh, người đã từng là bộ trưởng Quốc Phòng và chủ tịch nước CSVN. Tuyên bố với báo chí, y đã giải thích thêm:

“Không hề có cuộc trả thù ‘tắm máu’ nào, đội quân và bộ máy chính quyền Sài Gòn tan rã tại chỗ nên các đô thị của miền Nam hầu như nguyên vẹn, không bị tàn phá. Kết thúc chiến tranh có người thắng kẻ thua nhưng không hề có sự trả thù và phục thù gay gắt.” Và:“ Việt Nam (Cộng Sản) là một dân tộc hiền hậu và vị tha…”

Tôi có một người anh họ là Đại Tá Lê Khắc Duyệt, nguyên giám đốc Công An Trung Nguyên và Cao Nguyên Trung Phần dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Sau năm 1963, ông được thuyên chuyền về Tổng Nha Cảnh Sát, và những ngày cuối cùng ông đặc trách công việc của cơ quan Interpol tại Việt Nam. Trước ngày 30 tháng 4, ông cũng như bao người khác nghe lời đường mật qua thông cáo của Chính Phủ Cộng Hòa Lâm thời miền Nam Việt Nam: “Quân đội bỏ súng về quê!” có xe đến nhà rước lên phi trường, nhưng ông không đi. Sau đó, ông đi trình diện “học tập” đúng ngày như bao nhiêu công chức cao cấp khác của miền Nam.

Trong thời gian ông đang ở trong trại cải tạo, một người bà con đi tập kết từ năm 1954 trở về, tốt bụng đã nói chuyện với gia đình ông Duyệt:

– Những công chức cao cấp miền Nam giữ những chức vụ như anh, trước sau gì bọn chúng cũng giết. Nghe nói chúng sẽ đưa một số sĩ quan và viên chức cao cấp, nhất là giới tình báo ra Bắc. Vậy gia đình nên tìm cách vận động, chạy chọt để anh khỏi phải ra Bắc. Đằng nào cũng chết, nhưng nếu anh ở lại trong Nam, chị và các cháu còn có thể đem xác về chôn cất hương khói, còn như ra Bắc, thì chết xong, bọn nó vùi dập đâu đó, không biết đâu mà tìm.

Gia đình ông Duyệt nghe lời chỉ dẫn của người bà con, đã tìm đủ mọi cách “trải vàng” cho ông khỏi có tên trong danh sách những người được chở ra Bắc bằng máy bay C.130

vào một đêm cuối năm 1976. Nhưng ba tháng sau, ở trại Long Thành, ông bị một cơn cảm nhẹ, trại có nhã ý chích cho ông một mũi thuốc. Sau mũi thuốc này, ông bất tỉnh, không thở được, trại “khoan hồng” chuyển cho ông về bệnh viện Hồng Bàng, và ông qua đời một hôm sau đó. Gia đình đời đời nhớ ơn ông “cách mạng” này, đúng như lời chỉ dẫn thân nhân “có xác” của ông để mang về chôn cất. Thật ra mấy ai hiểu biết gì về Cộng Sản, ngay cả những người ở trong ngành tình báo, phản gián!

Những viên chức tình báo cao cấp sau đây đưa ra Bắc đã bị Việt Cộng giết trong tù:

1.Chuẩn Tướng Bùi Văn Nhu, phó tư lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, người thay thế Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình làm tư lệnh.

2.Đại Tá Dương Quang Tiếp, thuộc BTL Cảnh Sát Quốc Gia, phụ tá An Ninh Tình Báo Ban Liên Hợp Quân Sự 4 Bên và 2 Bên.

3.Đại Tá Nguyễn Xuân Học, trưởng Khối Phản Tình Báo đặc trách An Ninh Tình Báo – Phản Gián Nha An Ninh Quân Đội.

4.Đốc Sự Nguyễn Phát Lộc, giám đốc Nha Nghiên Cứu, người thay thế Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình làm đặc ủy trưởng Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo.

5.Ông Nguyễn Kim Thúy, giám đốc Nha Nghiên Cứu Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo.

Những viên chức tình báo cao cấp này khi đưa ra Bắc, đã bị đưa đi nhiều trại tù khác nhau, nhưng cái chết của họ giống nhau: được gọi đi “làm việc,” khai báo tội lỗi, và sau đó được trại “bồi dưỡng” một tô phở, ăn xong tô phở về đến trại, bị hộc máu chết ngay trong đêm đó.

Cộng Sản ở đâu cũng vậy, chữa bệnh thì không giỏi, nhưng đầu độc là “nghề chuyên môn của chàng.”

Ở trong Nam, Việt Cộng “không đánh người chạy đi, nhưng giết người chạy lại!” Họ xử bắn những người lính đã buông súng đầu hàng, xử tử ngay cả những viên chức Xã, Ấp, trung đội trưởng Nghĩa Quân, trong đó Hậu Nghĩa (Nam) và Quảng Ngãi (Trung) là hai tỉnh chịu sự trả thù tàn khốc nhất. Ở Quảng Ngãi, Thiếu Tá Hai, một tiểu đoàn trưởng địa phương Quân, bị treo ngược lên ở chợ Tịnh Châu, quận Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, và mọi người dân đi qua đều bị Việt Công bắt cầm dao đâm vào người ông cho đến khi chết, chết rồi còn bị đâm tiếp. Nhiều nhân viên đảng phái, như Quốc Dân Đảng được gọi riêng đi “học tập” trong đêm cuối cùng tất cả đều bị chôn sống.

Toàn bộ nhân viên cảnh sát xã Trung Lập, Củ Chi, tỉnh Hậu Nghĩa đều bị xử tử. Nhiều viên chức cấp thấp ở tỉnh này như Trung Sĩ CS Tạ Văn Phúc, Cuộc Tân An Hội bị chặt đầu tại Phú Hòa Đông, Trung Sĩ CS Đặc Biệt Củ Chi Nguyễn Văn Chấp, bị tra tấn bằng cách dội nước sôi cho đến chết.

Ở Kiến Hòa, Đại Úy Nguyễn Xuân Thìn, phó trưởng Ty An Ninh Quân Đội ngày 30 tháng 4 cũng đã bị bắn và thả trôi sông.

Hầu hết những sĩ quan đặc trách tình báo, hay “Trưởng F đặc biệt” đều bị trả thù triệt để. Trung Tá Trương Văn Tỷ, Thiếu Tá Hồ Văn Còn, Thiếu Tá Phan Tấn Ngưu (Tây Ninh) Đại Uy Lữ Kim Ba (Ba Xuyên) chuyên viên Tình Báo Phạm Gia Đại (Tòa Đại Sứ Mỹ)… đều nhận bản án thù hận 17 năm trời ròng rã.

Đây chỉ là những tin tức hạn chế trong trăm nghìn trường hợp “hiền hậu, vị tha” mà những người Cộng Sản Việt Nam đã dành cho “anh em” miền Nam thất trận, còn bao nhiêu tội ác có nhân chứng trong nước, nhưng dưới chế độ này, họ đành câm nín mang theo cho đến khi chết.

Trong một cuộc chiến, khi hai bên coi nhau như kẻ thù, đều muốn tìm hết khả năng và dùng mọi phương tiện để tiêu diệt nhau, nhưng khi đã ngưng tiếng súng, có bên thắng bên thua, trong tinh thần mã thượng, không thể dùng sức mạnh để truy lùng, tiêu diệt những kẻ yếu thế như trường hợp đảng Cộng Sản Việt Nam đã làm. Như vậy, có thể dùng những danh từ hoa mỹ như “nhân ái,” “ hiền hậu,” “ vị tha” để mô tả những hành động ghê tởm này không?

“Không hề có sự trả thù và phục thù gay gắt” thì làm sao trong một trại tù như Ba Sao, Nam Hà, từ 1975 cho đến 1988 lại có 626 người tù từ miền Nam ra, đã chết vì đói, bệnh và làm việc kiệt lực.

Một chế độ không dạy con người thù hận, làm sao có thể có những sự trả thù ghê gớm đến mức như vậy? Một cuộc chiến đã ngưng tiếng súng rồi, sao còn gọi nhau “máu kêu trả máu – đầu kêu trả đầu!”(Tố Hữu)

Những người sống bằng nhân nghĩa lại có “đức tính” mau quên, và những bài học hận thù viết bằng chữ máu, thì chẳng bao giờ thuộc.

(*)Theo lời vị trụ trì thuật lại với cô Phạm Thanh Nghiên, cách đây vài năm có một Phật tử đưa một cựu giám thị trại tù Ba Sao đến chùa. Người giám thị này trao cho sư một danh sách gồm 626 người tù từ miền Nam chết trong trại, ngỏ ý muốn làm một tấm bia đặt trong chùa để 626 vong linh này được hương khói tử tế. Danh sách này sau đó đã bị ông thầy thiêu hủy!

Hôm nay cá chết. Và ngày mai.

 Hôm nay cá chết. Và ngày mai.

Phạm Đình Trọng

Muốn nuốt chửng vĩnh viễn dải đất Việt Nam thì phải xóa sổ dân tộc Việt Nam. Gần ngàn năm đô hộ xứ Giao Chỉ, Đại Hán âm thầm và quyết liệt loại trừ dân tộc Việt bằng đồng hóa và đã thất bại.

Dù bị hòa máu, pha loãng dòng máu Việt trong dòng máu Hán. Dù kẻ sĩ, tinh hoa người Việt bị giết, bị bắt đưa về phương Bắc. Dù văn bia điển tích gốc gác người Việt bị đập, gia phả bị đốt, bị vơ vét đưa đi mất tích. Dù bao nhiêu thế hệ người Việt nối tiếp nhau phải học lễ nghi, phong tục, văn hóa Đại Hán. Nhưng văn minh sông Hồng ở ca dao, tục ngữ, ở lời hát ru của mẹ, ở câu chuyện cổ tích của bà, ở lịch sử dân tộc, ở huyết thống ông cha, ở khí thiêng sông núi đã lặn trong máu người Việt không bao giờ phôi phai. Văn minh sông Hồng không chói lọi nhưng đặc sắc và bền bỉ vẫn song song tồn tại cùng nền văn minh Đại Hán. Nền văn minh sông Hồng còn, dân tộc Việt Nam còn.

Thời tối tăm mông muội đã không thể đồng hóa. Trong ánh sáng văn minh, trong kỉ nguyên công nghệ và tin học, trong thế giới phẳng càng không thể thôn tính bằng đồng hóa. Nung nấu tham vọng “Bình thiên hạ” của những hoàng đế Đại Hán, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình không thể đi lại con đường loại bỏ người Việt bằng đồng hóa, bằng cái chết tâm hồn thì phải loại bỏ người Việt bằng cái chết thể xác.

Mao Trạch Đông dùng ý thức hệ giai cấp kích động những người cộng sản Việt Nam đẩy dân tộc Việt Nam vào những cuộc chiến tranh liên miên. Hết “đánh Mĩ đến người Việt cuối cùng”, “đánh cho Mĩ cút”, lại người Việt giết người Việt, “đánh cho ngụy nhào”. Rồi người Việt truy bức, đấu tố, hãm hại người Việt ngay trên đất Việt và người Việt truy đuổi người Việt đến cùng trời cuối đất. Nước Việt tan hoang. Người Việt, kẻ chết thây rải kín đất, mộ bia nghĩa trang liệt sĩ trắng xóa khắp nước. Kẻ sống li tán tan tác khắp năm châu bốn biển.

Mao Trạch Đông diệt người Việt bằng chiến tranh bằng cái chết tức thì. Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình diệt người Việt bằng chất độc trong miếng ăn, trong nước uống, trong đồ dùng làm người Việt tuyệt tự không thể sinh sản và mần bệnh hiểm lặn vào cơ thể mang cái chết chậm đến không thể chữa chạy!

Nhìn hình ảnh xác cá biển chết rải trắng trải dài hàng trăm kilomet lập lờ mép nước biển từ Hà Tĩnh đến tận Quảng Nam do chất độc China tháo xuống biển từ Vũng Áng, Hà Tĩnh, mảnh đất nhượng dài hạn hơn nửa thế kỉ cho người Tàu tôi lại nghĩ đến ngày mai của những người Việt Nam mang mần bệnh do nhiễm chất độc China đang sống lay lắt trên khắp dải đất Việt Nam.

Ôi, có phải số phận con cá ở dải biển miền Trung hôm nay là số phận người dân Việt ngày mai?

P.Đ. T.

Tác giả gửi BVN.