TÌNH YÊU QUAN TRỌNG HƠN PHÉP TẮC

TÌNH YÊU QUAN TRỌNG HƠN PHÉP TẮC

Lữ Khách

Tôi lớn lên trong gia đình có đạo, được giáo dục trong một khuôn khổ, phép tắc “đi thưa, về trình”; nói một câu “dạ, thưa” đến hai ba lần. Tôi giáo dục con cái tôi theo nề nếp này, vì tôi nghĩ đây là phong tục tốt cần phải giữ. Nhưng tôi đã đi quá lố. Tôi coi trọng hình thức lễ nghĩa hơn tình yêu. Tôi thiếu lòng thương xót cho đứa con gầy guộc đang nằm trên giường bệnh, không biết còn đi đứng lại bình thường được hay không…

Ngày đầu vào nhà thương, sau vài giờ truyền nước biển và thuốc, con tôi bị sốt, lạnh run cầm cập, đắp ba bốn cái mềm cũng không đủ ấm. Bác sĩ cho uống Tylenol và chích thêm thuốc cầm đau. Khi cô y tá tiêm thuốc vào cánh tay nhỏ xương xẩu, con tôi la nhói lên vì đau. Mắt con đỏ hoe, rướm nước mắt. Nhìn con lòng tôi quặn đau. Tôi không cầm được nước mắt, để các giòng lệ rơi, tôi cố giữ giọng để trấn an con:

– Con ráng chút nữa, sắp hết thuốc rồi!

Sau gần năm tiếng khi chai thuốc đã cạn, cô y tá mới tháo ống nước biển nơi cánh tay của con ra. Đến lúc này con tôi đã mệt lả người. Khuôn mặt lừ đừ, không thần sắc vì từ khi nhập viện lúc trưa cho đến giờ đã hơn mười giờ đêm, con tôi chưa có gì lót lòng. Chứng bệnh đã làm liệt các dây thần kinh ở đôi chân và đôi tay của con. Người con không khác gì cọng bún mềm, rã rượi. Con tôi chẳng buồn ăn uống và cũng lười trả lời các câu hỏi của tôi. Nếu có trả lời, con chỉ nói cộc lốc một hai câu, quên kềm theo hai tiếng “dạ, thưa”. Khi đó tôi cảm thấy như bị xúc phạm vì con đã thiếu lễ phép. Nhưng khi ý tưởng đó vừa dứt, ý nghĩ khác chợt đến: con bị đau như thế, ăn ngủ không được, làm sao mà nhớ để dạ với thưa. Vô lý! Ngày hôm sau con đã khỏe, ăn uống được chút đỉnh. Mỗi lần nhờ tôi giúp việc gì, con tôi đều lễ phép nói: 

– “Dạ thưa Ba…Cám ơn Ba…”

Đêm về tôi mở lại đoạn phim của ngày hôm qua, trở lại cái khúc tự ái bị xâm phạm. Tôi tìm mọi lý lẽ để bênh vực cho lối suy nghĩ “chính đáng” của mình. Nhưng cũng cùng lúc ấy, lòng tôi bị thổn thức, xốn xang. Tôi mất bình an. Tiếng nói của Thần Dữ gợi lên lòng tự ái, tự kiêu, đem cái truyền thống phép tắc đã có từ nghìn xưa, lôi tôi trở về theo phe nó. Trong lúc lòng tôi đang phân vân chưa biết nghe theo tiếng nói của Thần Lành hay Thần Dữ, thì lời Chúa đến với tôi: “Trên hết mọi sự hãy làm vì đức yêu thương.” Tôi nghe những lời này rất nhiều lần, từ tai này sang tai kia. Nhưng chưa bao giờ tôi dừng lại để cảm nghiệm hay để sống những lời này. Tôi thấy mình thật vô lý khi đòi hỏi nơi con một điều qúa đáng. Đã bao lần tôi nằm co quắp ôm bụng, nhăn nhíu mặt mày vì cơn đau bao tử, tôi có được mấy lời nhã nhặn với vợ con của tôi? Mãi đến hôm nay, tôi mới thật sự thấm hiểu Lời Hằng Sống này. Mới biết rằng bao lâu nay tôi đã đặt sai thứ tự trong cuộc sống. Tình yêu quan trọng hơn hết mọi sự, quan trọng hơn phép tắc ngàn lần!

 Bạn thân mến!

Những biến cố đau thương: bệnh tật, chia ly, chết chóc xẩy ra trong cuộc sống, trong gia đình, cho mỗi người chúng ta không hẳn là một điều xấu nếu được nhìn bằng con mắt đức tin; khi chúng ta biết lắng đọng tâm hồn để tìm thánh ý Chúa qua từng biến cố.

***

Lạy Chúa, cám ơn Chúa đã mở mắt tâm hồn con, giúp con nhận ra chỉ có Tình Yêu là quan trọng nhất, là cao qúi nhất trên cuộc đời này. Xin Chúa gíup con luôn biết khiêm nhường để nhận và sửa sai những lỗi lầm của con, để mỗi ngày con được trở nên giống Cha trên trời là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Amen.

Lữ Khách

Ngọc Nga sưu tầm

NHẬN VÀ CHO

NHẬN VÀ CHO

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.

Khi Đức Giêsu đón nhận năm chiếc bánh và hai con cá, Ngài dâng lời cảm tạ rồi đưa cho các môn đệ của Ngài.  Ngài không trực tiếp đi phát phân bánh và cá cho năm ngàn người đàn ông, mấy ngàn người phụ nữ và các em nhỏ.  Thánh Matthêu thuật lại rằng Đức Giêsu đưa bánh và cá cho các môn đệ và dặn họ thay Ngài đi phân phát bánh và cá cho tất cả mọi người được ăn no nê (Mt 14:19b).

Mời anh chị em cùng tôi thử nhìn ngắm thánh Simon Phêrô đi phát bánh.  Phêrô nhận bánh tình thương và cá ân sủng nơi Đức Giêsu và đi phân phát.  Ngài thấy một cụ già lúc nào cũng chăm chú nghe Thầy mình giảng dạy, chắc cụ là người thèm khát Lời Chúa và là người tốt: “Cụ ăn cho no nghe, cụ cứ dùng thoải mái.”  Ngài vui vẻ đi phân phát và thích thú trong công việc này.  Phêrô gặp một anh chàng đi theo thầy trò mình để xem phép lạ.  Ngài không ưa hắn lắm nhưng cũng đưa bánh và cá cho hắn cho xong việc.  Nhưng anh chàng này lại tham lam đòi nhiều bánh mới chịu, Ngài phải cự thì hắn mới thôi.  Ngài đang chuẩn bị trao bánh cho một người khác thì phát giác tên này là đầy tớ của ông Thượng tế, “Tao dứt khoát không phát cho mày,” Phêrô nghĩ bụng, “Đừng hòng mà mày có một miếng, cho mày chừa để lần sau đừng đi theo bọn tao để lấy tin tức về báo cáo.”  Phêrô thầm nghĩ như vậy và chẳng muốn phát, nhưng Ngài chợt nhớ lời dặn của Thầy mình: “Anh chị em nhớ phân phát cho mọi người ăn no nê nghe.”  Nhớ lời Thầy và cuối cùng Phêrô đã phát.  Một lần nữa Phêrô gặp một ông Pharisêu, Ngài thầm nghĩ tên này thì không cách nào mà phát được, thầy mình nói câu gì thì nó cũng xuyên tạc, nó nói chặn họng, nó là một tên phá rối.  Thầy mình cự với nó không biết bao nhiêu lần, nó là kẻ thù không đội trời chung của mình, thầy mình chưởi nó là đồ cái thứ mồ mả tô vôi thế mà nó cứ chai mặt đi theo để nói xiên nói xẹo, chắc chắn không bao giờ mình phát bánh và cá cho nó.  Nhưng khi Phêrô quay lại bắt gặp ánh mắt đầy tình thương của Thầy và nhớ lại lời dặn dò kỹ lưỡng của Thầy khi trao bánh và cá cho mình: “ Phêrô ơi, anh nhớ phát cho tất cả mọi người, đừng chừa một ai, và hãy cho họ được ăn no nê.”  Phêrô dù không muốn phát bánh tình thương và cá ân sủng cho những người Ngài không ưa, nhưng rồi cũng đã ban phát như ý Thầy mình mong muốn.

********************************

Chúng ta thử hình dung một môn đệ theo Chúa Giêsu, giả sử tên G. chẳng hạn, cũng nhận bánh và cá từ tay thầy.  Nhìn mẩu bánh và cá trên tay, y nghĩ rằng chừng nấy người thì biết phát cho ai, họa may chỉ đủ cho mình dùng, và y cất bánh và cá vào túi.  Vì chỉ nhận và cất đi, nên phép lạ không thể xảy ra.  Phép lạ xảy ra khi người môn đệ đón nhận và biết phân phát, cho đi.  Như biển hồ Galilê và biển chết chẳng hạn, biển hồ Galilê nhận nước từ các đồi núi đổ xuống và nó phân phát nước qua sông Giođan đến biển chết, vì biển hồ Galilê nhận và chuyển nước nên lúc nào cũng có nước mới, và cá mới sống được.  Còn biển chết vì nó chỉ nhận nước từ sông Giođan và giữ lại đó nên trở thành nước ao tù và không tạo vật nào có thể sinh tồn.

Theo trình thuật của Thánh Matthêu, khi các môn đệ nhận bánh và cá từ tay Đức Giêsu để đi phân phát, họ chỉ đón nhận bằng hai tay của mình chứ không dùng thúng để hứng.  Nhưng khi đang phân phát thì họ mới sững sờ chứng kiến phép lạ xảy ra, họ phát hoài mà không hết và các môn đệ ngỡ ngàng!  Phép lạ chỉ xảy ra khi các môn đệ nghe theo lời dặn và hợp tác với thầy để đi phân phát bánh và cá.  Đức Giêsu không nói với họ nhận bánh cá để ăn, nhưng là để phân phát.  Nếu họ chỉ giữ lại để ăn thì phép lạ không thể xảy ra.  Họ đã vâng nghe làm theo Lời Thầy và được cảm nghiệm tình yêu, ân sủng, phép lạ và quyền năng của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, đâu là những chiếc Bánh Ân Sủng và Cá Tình Thương mà Thiên Chúa đã đưa cho bạn và tôi với lời dặn: “Con nhớ đi phân phát cho tất cả người tốt lẫn kẻ xấu được ăn no nê?”  Cái gì cản trở bạn và tôi ban phát Bánh Tình Yêu và Cá Ân Sủng như lòng Chúa mong ước?  Đâu là những cảm nghiệm niềm vui thiêng liêng khi bạn và tôi gạt bỏ ý riêng của mình để làm theo Thánh Ý Chúa?

****************************

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đón nhận Tình Yêu và Ân Sủng của Chúa ban nhưng không và biết lên đường phân phát cho tất cả mọi người, kẻ tốt lẫn người xấu, cho người con thương con mến, cũng như cho người con ghét, con không ưa, như Chúa đã dặn dò khi Chúa trao Bánh Tình Yêu và Cá Ân Sủng cho con.  Con đã đón nhận tình thương và ân sủng Chúa một cách nhưng không, xin Chúa cũng cho con ơn can đảm để quảng đại cho đi không mà tính toán.  Amen!

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.

BIỂN ĐÔNG: TỪ XUẤT HIỆN “ĐƯỜNG LƯỠI BÒ” ĐẾN NAY.

From: Lam Phung
BIỂN ĐÔNG: TỪ XUẤT HIỆN “ĐƯỜNG LƯỠI BÒ” ĐẾN NAY.

(Có tham khảo tài liệu của ông Đỗ Ngọc Uyển, Morgan Hill, California).

Năm 1949, Trung Hoa Dân Quốc (Tưởng Giới Thạch) rút ra Đài Loan, Đảng CSTQ ở lục địa thành lập nước CHND Trung Hoa, sử dụng tiếp bản đồ hình lưỡi bò 11 đoạn do Trung Hoa QG xuất bản tháng 2/1948. Năm 1953, cắt đi một đoạn trong Vịnh Bắc bộ (còn 10 đoạn), sau cắt thêm đoạn nữa thành 9 đoạn hiện nay.

Trong Đại chiến II, Nhật chiếm một số đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa (HS-TS). Tháng 8/1945, Nhật bại trận, quân Nhật rút khỏi VN, ngày 26/8/1945 cũng rút khỏi các đảo chiếm đóng. Lúc này, VN vẫn thuộc quyền Pháp đô hộ, về danh nghĩa Pháp có nhiệm vụ bảo vệ HS-TS. Khi Pháp trả độc lập cho VN, Hiệp ước Élysée ngày 8/3/1949 bàn giao HS-TS cho Chính quyền Quốc gia VN(14/10/1950).

Về phía TQ, với tư cách phe Đồng minh, ngày 27/8/1945, TQ chỉ định Tướng Lư Hán sang giải giới quân Nhật ở Bắc VN và ở lại 3 năm vãn hồi an ninh. Đầu 1946, TQ cử Lâm Tuân và hạm đội đi “tiếp thu” những đảo Nhật bỏ lại ở HS-TS. Không ai biết chính xác những đảo nào Nhật đã chiếm. Một nhân viên thuộc Bộ Địa chất và Khoáng sản TQ tên Bạch Mi Sơ cùng đi đã vẽ một họa đồ tượng trưng bằng hình 11 đoạn, chiếm 80% diện tích biển Đông (cả HS-TS). Khi đoàn về, bản vẽ này được áp dụng in bản đồ đầu tiên, Vụ Biên giới và Lãnh thổ, Bộ Nội vụ TQ xuất bản tháng 2/1948 ghi: “Tác giả: Bạch Mi Sơ (Bộ Địa chất), năm sinh: 1946; nơi sinh: Trung Hoa Dân Quốc; người lập khai sinh “Nam Hải chư đảo vị trí đồ”.

Đường lưỡi bò vẽ tùy tiện, không theo quy ước thiết kế bản đồ, không phóng chiếu hệ thống toạ độ, không chính xác địa lý…, do đó, không có giá trị pháp lý biên giới. Biết điều này, TQ ngụy tạo “giá trị lịch sử”: khẳng định là di sản ngàn đời tổ tiên truyền lại (từ nhà Hán cách hơn hai ngàn năm…), là sự thật lịch sử không thể tranh cãi… Thật ra, bản đồ đó mới chỉ xuất hiện tại TQ cách đây 68 năm.

Ngày 4/9/1958, TQ tuyên bố bề rộng lãnh hải 12 hải lý áp dụng toàn lãnh thổ TQ, gồm bờ biển với đất liền, đảo ngoài khơi, đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, các quần đảo: Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa và các đảo khác thuộc TQ. Trên cơ sở này, TQ xác định đường cơ sở lãnh hải, cấm máy bay, tàu bè nước ngoài xâm nhập nếu TQ chưa cho phép.

Từ 5/9 đến 8/9/1951, Hội nghị San Francisco ký kết Hòa ước với Nhật, có đại diện 51 nước tham dự. Ngoại Trưởng Gromyko (Liên Xô) đề nghị trả chủ quyền HS-TS cho TQ. Kết quả: 48 phiếu bác bỏ, có ba phiếu thuận (Liên Xô, Tiệp Khắc, Ba Lan). Nhật bỏ phiếu trắng. Ngày 7/9/1951, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu (Quốc gia VN) tuyên bố HS-TS là lãnh thổ VN, không đại diện nào tại hội nghị phản đối. Ngày sau, Hòa ước được ký kết. Điều 2, đoạn 7 ghi rõ: “Nhật Bản từ bỏ chủ quyền, danh nghĩa và tham vọng đối với các quần đảo Paracel và Spratly” (khoản f). Ông Trần Văn Hữu đã ký Hòa ước này.

Ngày 14/9/1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng (VN Dân chủ Cộng hòa) gửi một công hàm điện báo đến Thủ tướng Quốc vụ viện TQ, đến 21/9/1958, Đại sứ VN DCCH tại TQ Nguyễn Khang trình công hàm lên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao TQ Cơ Bàng Phi: “…Chính phủ nước VN DCCH ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4/9/1958, của CP Nước CHND Trung Hoa, quyết định về hải phận 12 hải lý của TQ. CP Nước VN DCCH tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của TQ trong mọi quan hệ với nước CHND Trung Hoa trên mặt biển…”. (Trong lúc chủ quyền hai quần đảo này chính thức do VN Quốc gia ở phía Nam quản lý. Ngày nay, TQ cho rằng công hàm là bằng chứng cho thấy VN đã công nhận chủ quyền của TQ với HS-TS).

Sau khi ký Hiệp định Paris 1973, Hoa Kỳ rút Hạm đội 7 và thiết bị quân sự ra khỏi HS, không liên quan việc tranh chấp tại đây, Bộ Ngoại giao TQ ra tuyên bố HS-TS là lãnh thổ TQ và tố cáo Việt Nam Cộng hòa chiếm đóng trái phép. Phía VNCH ra tuyên bố đáp trả ngược lại. Trận chiến diễn ra. Do không cân sức, hải quân VNCH đã thất bại. Ngày 19/1/1974, TQ chiếm trọn HS. (Theo tiến sĩ Balazs Szalontai – Hungary: TQ quyết định chiếm quần đảo HS trước khi VNCH sụp đổ – nghĩa là trước khi VN DCCH có thể chiếm).

Ngày 14/3/1988; sau khi thuộc sự quản lý của CHXHCN VN, tiếp tục đánh dấu thất bại của Hải quân QĐND VN ở một số đảo thuộc quần đảo TS trong trận đánh với TQ. Gần tháng sau, tại quần đảo TS, Đại tướng Lê Đức Anh thề: …xin hứa trước đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu, bảo vệ bằng được quần đảo TS – một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng…”.

Trên cơ sở UNCLOS, đường lưỡi bò xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone, EEZ) 4 quốc gia: VN, Brunei, Malaysia và Phillipines. Là quốc gia thành viên UNCLOS, tháng 2/2013, Phillipines nộp đơn kiện TQ tính phi pháp đường lưỡi bò tại Tòa Hòa giải Trọng tài Quốc Tế (thường trực tại The Hague). TQ tuyên bố: bản chất vụ kiện là tranh chấp chủ quyền các thực thể quần đảo TS. Do đó, Tòa án trên không có thẩm quyền xét xử tranh chấp lãnh thổ, TQ không tham gia vụ kiện, không bị ràng buộc quyết định của Tòa. TQ cho rằng họ có đầy đủ chủ quyền lịch sử với các đảo biển Đông và tài nguyên trong đường lưỡi bò.

Sau ba năm thụ lý, ngày 12/7/2016, Tòa án ban hành án lệnh có hai điều luật liên quan sau:

1. TQ không có cơ sở pháp lý đòi chủ quyền lịch sử các nguồn tài nguyên trong đường lưỡi bò, tuyên bố của TQ đi ngược lại Công ước của LHQ về Luật Biển (United Nations Convention On The Law Of The Sea).

2. Cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS cho phép một bên đơn phương khởi kiện bên còn lại ra tòa (Phụ lục VII). Điều này cũng bác bỏ tuyên bố của TQ: “Tòa Trọng tài đượcthành lập theo yêu cầu đơn phương của Manila, không có thẩm quyền xem xét đơn kiện, phán quyết của Tòa này đưa ra là vô giá trị và không có tính chất ràng buộc pháp lý”.
Với phán quyết trên, tranh chấp biển Đông đã được QT hóa, không còn là vấn đề hai bên giải quyết như TQ nói.

Sau án lệnh, TQ bác bỏ phán quyết của Tòa án Hòa giải Thường trực QT (Permanemnt Court of Arbitration), tuyên bố không tuân thủ, trở thành quốc gia ngoài vòng luật pháp QT, không xứng đáng là cường quốc, thành viên của HĐ Thường trực Bảo an LHQ.
Ngày 13/6/2016, TQ ban hành sách trắng bác bỏ phán quyết trên và vẫn khẳng định chủ quyền lịch sử với các đảo ở biển Đông, HS-TS… Bảy hòn đảo mà TQ chiếm là những cồn cát, vỉa đá (rock reef), vỉa san hô (coral reef) nửa nổi nửa chìm hoặc hoàn toàn chìm và chỉ nổi lên khỏi mặt nước khi thủy triều xuống như đảo Gạc-ma (Johnson South Reef). Vì không thể định cư, trồng trọt, chăn nuôi, sinh sống nơi đây, theo UNCLOS, không tính trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Là quốc gia thành viên (state member) UNCLOS, nhưng TQ phớt lờ các nguyên tắc, bồi đắp thành đảo nhân tạo, thiết lập tiền đồn quân sự. Tuy biết phi lý, TQ vẫn đòi có vùng đặc quyền KT 200 hải lý và thềm lục địa ngoài 200 hải lý với các đảo nhân tạo, làm chủ tài nguyên cả khu vực.

Hoa Kỳ theo luật pháp QT đã đưa chiến hạm tuần tra thường lệ ở biển Đông bảo vệ quyền tự do hàng hải, cách bờ biển 2 hải lý chứ không phải 12 hải lý. Khi vào quần đảo TS, chiến hạm tuần tra tiến sát đảo nhân tạo, TQ cho là Hoa Kỳ khiêu khích và gây căng thẳng.

Ngày 2/8/2016, Tòa án Tối cao TQ đưa ra phán quyết 4 điều sau:
1/ Những ai bị bắt khi đang đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của TQ có thể bị tù tới một năm, và vùng biển này bao gồm cả vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng kinh tế đặc quyền và thềm lục địa.

2/ Phán quyết này dựa trên luật pháp TQ và Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).

3/ Các tòa án nhân dân sẽ tích cực thực thi quyền tài phán trong vùng biển chủ quyền TQ, hỗ trợ ban ngành hành chính quản lý biển hợp pháp, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích TQ.

4/ Phán quyết này bảo đảm về pháp lý cho lực lượng chấp pháp nghề cá.

Mặt khác, TQ vận động một số nước trong Asean và các nước khác hưởng lợi từ TQ ủng hộ tuyên bố của họ.

Tiếp tục chờ xem diễn biến vụ việc.

L.P

No automatic alt text available.

‘Bún bò Huế’

‘Bún bò Huế’

Nguoi-viet.com

Một tô bún bò Huế. (Hình: Wikipedia.org)

Một tô bún bò Huế. (Hình: Wikipedia.org)

Tạp ghi Huy Phương

“… Cha mạ ơi! Tụi hắn đem bán cả biển, rừng, đất đai của tổ tiên chưa đủ lòng tham, chỉ còn một món ăn quê hương nghèo khó nghìn đời của mạ tui, tụi hắn còn giành giật cho là tài sản của mình, đăng ký với Cục Sở Hữu Trí Tuệ Ba Đình, ban hành quy chế quản lý và sử dụng, để từ ni, ai bán bún bò Huế thì phải xin phép lũ hắn, mấy thằng ‘cán ngố’ Thừa Thiên-Huế! Răng mà tham lam, độc ác tận mạng rứa Trời! Mả cha cái đồ vô hậu!”

Nếu mạ tôi còn sống, bà sẽ chửi cách Huế như vậy, sau khi nghe tin Ủy Ban Nhân Dân Thừa Thiên-Huế “cưỡng chế” món bún bò Huế đã có tự nghìn xưa. Hơn nữa đối với những người này, những người vô liêm sỉ, phải dùng loa phường, loa khóm mà chửi ra rả suốt ngày như kiểu “chửi mất gà” may ra mới đã nư!

Đối với người Việt Nam, bún bò Huế không phổ biến bằng món phở. Phở là của cả một miền, miền Bắc, không phải của Hà Nội, Hải Phòng hay Hải Dương. Thời còn Tây, người ta đã nói tới phở Bắc rồi, dưới cái tên Tây là “Soup Tonkinoise” để phân biệt những gì của Annam (Trung Kỳ) và Cochinchine (Nam Kỳ). Nhất là sau ngày miền Bắc di cư, chạy nạn Cộng Sản, thì phở Bắc tràn lan trong Nam, đuổi cả món mì, hủ tiếu chạy có cờ. Ngày nay, đã mất chữ “Bắc” rồi, nói đến phở là nói đến Việt Nam hay người Việt, khách ngoại quốc ai ăn rồi cũng muốn trở lại.

Nói chung, bún bò Huế không phát triển phổ biến bằng phở, chẳng qua vì khó nấu và cũng khó ăn, vì bún bò không những cay mà còn đậm mùi sả, mùi ruốc. Bằng chứng là sau này, khi Tổng Thống Mỹ Bill Clinton thăm Việt Nam, người ta mời ông đi ăn phở chưa chẳng ai dám mời ông ăn thử một tô bún bò.

Bún bò là món đặc trưng của thành phố Huế, nơi có sông Hương, núi Ngự, và cầu Trường Tiền, thành ra không ai gọi là bún bò Thừa Thiên. Vượt qua đèo Hải Vân thì đã có món mì Quảng thống trị, đi vô nữa rồi mới có nem Ninh Hòa…

Ngày trước, ở Huế có bún bò CLB Thể Thao, bún bò Nhà Hát Lớn, bún bò Nam Giao, Đà Nẵng có bún bò Tổng Liên Đoàn Lao Động, Pleiku có bún bò Nhà Xác (vì nó nằm trong bệnh viện), Đà Lạt có bún bò Cây Số 4… Không nóng, không cay không phải là bún bò. Tô bún bò nguyên lai không có huyết, không có chả, cũng không ăn với rau, với giá hay với bắp chuối. Những thứ đó ăn kèm theo thì con chi là mùi vị bún bò.

Bún bò Huế còn có một cái tên gọi nữa là “bún bò giò heo.” Nói chữ “bún bò giò heo” thì người ta bỏ chữ Huế đi theo. Cũng nên hiểu “giò” đây là chân hay cẳng, chứ không phải “giò” là “chả” theo cách nói của người Bắc! Người ăn có quyền lựa chọn loại giò: giò khoanh (phần trên có thịt, có xương, có da), giò móng (phần dưới có móng,) gió búp (chỉ có thịt và da).

Cái quê mùa của cách ăn bún bò ngon là chỉ dùng một đôi đũa mà không có muỗng, nghĩa là vừa ăn vừa húp sùm sụp, thỉnh thoảng lại cắn trái ớt nghe cái bụp. Khi một o bán bún bò dừng gánh, múc cho bạn một tô bún, cầm trên tay, không có một cái bàn để tô bún xuống thì làm sao mà dùng muỗng. Cũng là món ăn dùng bún, tôi nghĩ tô bún riêu cua ở quán đầu làng, bên cạnh gốc cây đa của miền Bắc cũng không ai dùng muỗng.

Bây giờ người ta cho lối húp là quê mùa, mất lịch sự nhưng ăn bún, ăn phở mà không húp là mất ngon!

Người Việt Nam có lối ăn canh là phải húp sùm sụp, “Đầu tôm nấu với ruột bầu, chồng chan vợ húp, gật đầu khen ngon!” Người Nam ăn bánh bèo, bánh khọt là phải “húp nước mắm,” thì người Trung ăn bún bò mà dùng muỗng là tô bún mất ngon, phải húp.

Ở đâu cũng có quán bún bò, có tiệm bún bò, nhưng chỉ ở Huế ngày xưa, mới có một “trung đội bún bò gánh” từ An Cựu, mỗi buổi sáng tỏa lên thành phố Huế. Mấy o gánh bún bò phải đi chân đất để vừa đi vừa chạy, nhưng luôn luôn mặc áo dài, đó là đặc tính truyền thống của xứ Huế dù là buôn thúng bán bưng, như những o bán rao bánh bèo, bánh ướt, bánh bột lọc, bán bắp nấu hay những o bán đậu hũ… Một đầu gánh là thúng bún, gia vị, chén bát và cả một cái chậu đựng nước rửa tô (Huế gọi là đọi). Một đầu là nồi bún đang nóng, đặt trên mấy cục gạch có mấy thanh củi đang cháy. Một đầu gióng còn giắt một cái đòn (ghế nhỏ) để người bán hàng có thể ngồi mà múc bún cho khách ăn.

Bún bò gánh được coi là bún bò bình dân, giá rẻ. Ngày xưa còn nhỏ, đã nhiều lần tôi được ăn bún bò gánh chứ chưa bao giờ được bước chân vô tiệm bún bò.

Trong hồi tưởng, những tô bún bò gánh của những ngày xa xưa ấy, sao mà ngon đến thế, mà năm thì mười họa mới được ăn một lần. Tô bún bò gánh quá khiêm nhường, miệng tô thì to mà đít tô thì nhỏ, húp mấy miếng là đã hết. Miếng thịt cắt nhỏ, cái móng heo còn xẻ đôi, thèm thuồng thật nhưng làm gì có được tô thứ hai.

Lớn lên rồi, đi tứ phương, vẫn không thấy tô bún bò nào ngon bằng tô bún bò gánh của o Năm, mụ Ba… trong ngõ ngách dĩ vãng ngày xửa ngày xưa. Có người nói đó là cảm giác không thật, chẳng qua vì ngày xưa đói, nghèo mà thèm ăn, nên cái gì cũng ngon, cũng thơm, đậm đà khua rộn ràng con mắt đói nhìn, lỗ mũi thở sâu và cái lưỡi hít hà.

Có thật vậy không? Xin hãy cho tôi lại những ngày tháng cũ.

Bây giờ không ai còn cho tôi một chút riêng tư, vạt đất sau hè là của nhà nước, ngọn rau, củ sắn là thuộc hợp tác xã, miếng thịt, con cá là đồ quốc doanh. Người ta cưỡng chế cả đất đai, ruộng vườn, ao hồ sông rạch, gọi là cướp ngày có dùi cui, súng đạn. Bây giờ trong văn phòng có máy lạnh, vô công rồi nghề, họp hành cho lắm, mới nẩy ra cái sáng kiến “ích quốc lợi dân,” nghìn năm chưa ai nghĩ ra, là lấy cái món ăn của ông cha làm vật sở hữu của phe đảng mình.

Chỉ là một món ăn dân dã, mà họ tiếm đoạt, coi như đây là một sở hữu trí tuệ, mà họ làm chủ, ai dùng thì phải làm đơn xin phép, như đã từng có những lá đơn xin đi ở tù, xin tạm vắng, xin tạm trú.

Tờ giấy làm ra từ thớ thịt của gỗ rừng, nhưng lá rừng không ghi hết tội ác của họ.

Đây chỉ mới là bún bò Huế, món trí tuệ sở hữu của Ủy Ban Nhân Dân Thừa Thiên-Huế, rồi đây còn bánh canh Nam Phổ, bánh bèo Nam Giao… cho các huyện ủy địa phương mấy nơi này.

“Mạ ơi! Còn một món cơm Âm Phủ, thôi thí cô hồn cho họ luôn cho hợp tình, hợp lẽ, mạ hí!”

Chiều buông trên giòng sông Cửu Long

Chiều buông trên giòng sông Cửu Long
Như một cơn ước mong, ơi chiều.
Về đâu ơi hàng cây gỗ rong,
Nghiêng mình trên sóng sông yêu kiều.
(Phạm Duy – Chiều Về Trên Sông)

(1 Côrinthô 1: 17-18)

 Trần Ngọc Mười Hai

Chiều về đâu không về, sao cứ về trên sông, đến như thế? Nhất thứ là sông Cửu Long những chín con rồng có “ước mong”, có “gỗ rong” “nghiêng mình trên sóng sông (rất) yêu-kiều”.

Buồn đâu không buồn, sao lại “bỗng dưng theo đò ngang quá giang thương chiều” một nỗi buồn, tựa hồ như ca-từ còn hát tiếp ở bên dưới:

“Buồn tôi không vì sao bỗng dưng
Theo đò ngang quá giang thương chiều
Bởi vì thương nhiều nên nhớ (ơ) tình yêu
Bởi vì đời còn nhiều khi là mơ

Bởi vì đời còn nhiều khi thành thơ
Có khi vui lững lờ
Có khi tuôn sầu u
Bởi vì chiều buồn chiều về giòng sông
Bởi vì tình đời nào chỉ thù oán
Hãy cất tiếng ca cho đời thêm (ý) buồn
Hãy cất tiếng ca cho lòng thôi khô héo
Chiều buông trên giòng sông cuốn mau
Thương đời thương lẫn nhau trong chiều.”

(Phạm Duy – bđd)

Vâng. Chiều buồn rất ư là như thế. Thế, có nghĩa: nếu cứ “giang” theo lời ca tiếng hát của nghệ-sĩ, văn-học, thì chắc người đọc và người nghe sẽ cứ thế mà hát mãi những câu ca “bọt bèo”, “mến yêu” như người hát cứ ca hoài ca mãi đến như sau:

 “Về đây bọt bèo muôn khắp nơi.
Vui buồn cho có đôi không nhiều.
Ngày mai sông về quê mến yêu.
Cho trùng dương cũng theo hương chiều.
Bể sầu không nhiều nhưng cũng (ư) đủ yêu..
(Phạm Duy – bđd)

Vâng. Hôm nay, nhờ nghe đi nghe lại bài “Chiều Về Trên Sông” của nhạc sĩ họ Phạm tên Duy mà bầy tôi đây bèn nảy ra ý-định viết về những chuyện buồn xóm nhỏ đọc ở đâu đó, như một cảm-nghiệm ta truyền cho nhau, như sau:

“Truyện là truyện kể về ông bố dượng như thế này:

Ông ấy đã hơn 50 tuổi, lấy mẹ tôi cũng vì muốn tìm người bầu bạn lúc tuổi già. Ông không có điểm gì nội trội ngoài khả năng nấu ăn và tấm lòng chân thật, nhưng khi tiếp xúc với ông, tôi mới thật sự hiểu ra hai chữ “người nhà”.

Sau khi bố tôi mất được ba năm, ông ấy đã đến nhà tôi. So với người cha của tôi, ông ấy tầm thường đến nỗi chẳng có ưu điểm gì đáng để nói đến. Nhưng mà, người mẹ ngoài 50 tuổi cần có một người bầu bạn, mà yêu cầu của người già đã ngoài 50 tuổi đối với một nửa kia rất nhiều khi chỉ cần phẩm cách tốt là được rồi.

Về mặt này ông ấy có đủ điều kiện, bởi ông là người tốt nổi tiếng gần xa, là người thật thà chất phác. Cái hôm gặp gỡ lần đầu tiên với mẹ tôi, ông rất bối rối. Bởi vì ông biết rất rõ rằng mọi phương diện của mình đều không có ưu thế: nhà thì chật hẹp, tiền lương thì ít, chẳng qua chỉ là một công nhân phổ thông nghỉ hưu, hơn nữa nhà của cậu con trai vừa mới kết hôn cũng cần đến sự giúp đỡ của ông.

Nói thật lòng, mẹ tôi cũng chỉ là vì nể mặt người mai mối nên mới quyết định đến gặp ông ấy. Và cuối cùng mẹ đã sinh ra thiện cảm đối với ông bởi tài nghệ nấu nướng của ông.

Sau khi gặp mặt, ông ấy nói: “Bà Lý này, tôi biết điều kiện của bà rất tốt, không thiếu gì cả, thật tôi không có gì đáng để gửi tặng bà. Nhưng dù thế nào, chúng ta cũng hãy thử quen nhau xem sao, chiều nay bà hãy ở lại nhà tôi dùng bữa cơm đạm bạc nhé!”.

Tấm lòng chân thành của ông khiến mẹ tôi không nỡ từ chối, và bà đã ở lại. Ông không để bà động đến một tay, đã làm một bát canh với bốn loại rau, đặc biệt là món bí ngô nấu thịt, mẹ tôi đã ăn ngon đến không nỡ đặt đũa xuống.

Trước khi đi, ông đã nói với mẹ tôi rằng: “Sau này nếu như muốn ăn nữa, thì hãy đến đây. Nhà tôi tuy không khá giả lắm, nhưng chiêu đãi món bí ngô thì không tốn công phí sức chút nào”. Về sau, mẹ tôi lần lượt gặp mấy người lão niên khác nữa, nhưng mà, tuy điều kiện của mỗi người đều tốt hơn ông ấy, nhưng cuối cùng mẹ tôi vẫn chọn ông.

Lý do thật ra cũng được xem là ích kỷ, bà ấy đã phục vụ và chăm sóc ba tôi hơn nửa đời người rồi, lần này bà muốn một lần làm đối tượng được người ta chăm sóc lại. Cứ như vậy, ông ấy và mẹ tôi đã đến với nhau… Người ngoài hay là người nhà?

Hôm đó, ông ấy, mẹ tôi, thêm tôi nữa, còn có gia đình ba người của con trai ông cùng dùng một bữa cơm với nhau. Tôi đặc biệt sắp xếp bữa cơm này trong một khách sạn năm sao sang trọng, trên bề mặt thì thấy là vì để bày tỏ sự coi trọng đối với ông, thật ra là muốn thông qua đó mà thể hiện vai vế của mình.

Khi rời khỏi khách sạn, ông nhẹ nhàng nói với tôi: “Từ nay chúng ta đã là người nhà với nhau rồi, là hai bố con đấy! Sau này nếu con muốn mời bố ăn cơm thì chỉ việc đi đến những quán ăn bên đường là được rồi, ở đó bố sẽ ăn được thoải mái hơn, lòng không bị đau và cũng không thấy tiếc tiền”.

Chính biểu lộ tình cảm chân thành của ông đã làm tổn thương cái tâm hư vinh giả dối của tôi, khiến tôi cảm thấy đấu trí với một người thật thà, giống như một người lớn lấy kẹo để dụ dỗ một đứa con nít vậy, thật là vô sỉ chẳng còn gì để nói nữa.

Ông ấy đã chăm lo cho mẹ tôi rất tốt, bà ấy mỗi lần gặp tôi đều bảo cần phải giảm cân, đó là một giọng điệu hạnh phúc. Ông ấy nấu ăn thật sự rất ngon. Một lần nọ, khi cùng ăn cơm với mọi người, tôi không nhịn được nói với vợ rằng: “Lần sau khi chú Đường làm cơm, em hãy ở bên cạnh mà học hỏi một chút”.Trong sắc mặt của vợ vốn không hề có phần muốn học, trái lại còn có mấy phần tức giận.

Ông vội vàng đứng ra giải vây, ông nói: “Một đời này của bố đều không làm được gì tốt cả, chỉ có chút tài nghệ làm được mấy món ăn, các con đều là những người làm chuyện đại sự, tuyệt đối đừng có học theo ta, nếu như muốn ăn, thì hãy đến đây, đến bất cứ lúc nào cũng được. Làm cơm này, sợ nhất là cơm mình làm không có người ăn”.

Hôm đó khi chúng tôi đi về, ông ấy đã gói rất nhiều đồ do chính tay ông làm bảo chúng tôi mang về, vừa cầm lấy tay tôi vừa nói: “Đừng có khen cơm của bố nấu ngon nữa, nói thật lòng, hễ có người nói đến ưu điểm này thì bố thấy ngại lắm. Một người đàn ông chỉ biết nấu ăn, còn những phương diện khác thì lại không làm được trò trống gì cả, đây đâu thể nói là ưu điểm được”.

Trên đường về nhà, tôi đã kể lại cho vợ nghe những lời này của ông. Cô ấy nói: “Người như ông ta, trời sinh là số phải phục vụ người ta, trời sinh chính là bằng lòng cúi đầu đến sát mặt đất. Mẹ chúng ta có phúc khí, già rồi còn làm một hoàng thái hậu”.

Tôi vừa lái xe, vừa dùng mắt liếc nhìn vợ, cảm nhận sự khinh thường của vợ đối với ông ấy, trong lòng lại không biện giải gì cho ông. Rốt cuộc, ông trước sau vẫn là một người ngoài mà. Xấu hổ. Hôm tôi dọn sang nhà mới, ông ấy và mẹ tôi đã đến nung đáy nồi (một tập tục khi dọn nhà) cho chúng tôi. Ông đã làm theo tập tục nung đáy nồi một cách cẩn thận kỹ càng đâu vào đấy. Nhưng mà, đợi đến lúc ăn cơm, ông lại không xuất hiện trên ghế dành cho bề trên, tìm khắp nơi đều không thấy ông ấy, gọi điện thoại cho ông, cũng là ở trong tình trạng khóa máy.

Dường như đã tính toán kỹ thời gian, khi khách khứa đi hết cả, ông đã quay trở lại, cẩn thận dọn dẹp đống bát đĩa bừa bộn đó, đem những đồ ăn còn thừa lại đựng trong hộp cơm mà ông đã chuẩn bị sẵn, để đem về nhà ăn.

Mẹ không mong ông làm như vậy, cảm thấy tủi thân cho ông, ông nhỏ tiếng nói thầm với bà rằng:

-Buổi tối anh sẽ nấu cơm mới cho em, những cái này anh sẽ tự ăn hết.

Mẹ nói:

-Làm gì mà ngày nào cũng phải ăn cơm thừa rau thừa như vậy chứ? Anh có biết rằng em thấy anh làm như vậy, trong lòng rất khó chịu hay không?

Ông ấy đã an ủi mẹ tôi rằng:

-Em tuyệt đối đừng có thấy khó chịu, để anh nhìn thấy lãng phí như vậy, trong lòng anh mới không dễ chịu. Tiền của Thụ Tán (tên của tôi) đều rất vất vả mà đánh đổi lấy, chúng ta không giúp con nó được gì cả, vậy thì hãy gắng sức tiết kiệm thay cho nó.

Lời của ông khiến cho mẹ tôi day dứt, sau đó bà ấy quyết định nói với tôi. Nghe thấy mẹ nói thay cho ông ấy trong điện thoại, lúc đó cảm giác trong lòng tôi rất phức tạp, đồng thời cũng vì phần phức tạp này của mình mà cảm thấy rất xấu hổ.

Dần dần, thiện cảm đối với ông ấy mỗi lúc một nhiều hơn. Có những lúc, thậm chí có phần ỷ lại, ông ấy vẫn luôn âm thầm làm rất nhiều chuyện cho chúng tôi, thay ống nước bị hư trong nhà, mỗi ngày đưa cháu đến nhà trẻ và rước cháu về nhà, khi mẹ nằm viện ông ấy đã không ngủ không nghỉ mà chăm sóc bà, mãi đến sau khi xuất viện mới nói với chúng tôi.

Chỉ là không ngờ rằng có một ngày, ông cũng ngã bệnh, hơn nữa bệnh còn nghiêm trọng đến thế. Trên đường ông ấy đưa con của tôi đến nhà trẻ đã đột nhiên ngã xuống – bệnh tai biến mạch máu não, bán thân bất toại mà nằm trên giường.

Tôi, còn có con trai của ông ấy, ban đầu đều rất tích cực đối với việc trị liệu của ông, chúng tôi mong ông mau chóng khỏe lại, vẫn có thể chịu mệt nhọc vất vả mà phục vụ cho chúng tôi giống như trước đây. Nhưng mà, ông đã không bao giờ đứng dậy được nữa. Trước đây ông chỉ biết mỉm cười, không ngờ giờ đây đã biến thành yếu ớt như vậy, lúc nào cũng chảy nước mắt.

Mẹ chăm sóc cho ông, ông khóc; chúng tôi đẩy xe lăn dẫn ông đi chơi vùng ngoại ô, ông khóc; nhiều lần nằm viện, nhìn thấy tiền bị tiêu đi như nước, ông khóc. Cuối cùng có một ngày, ông đã dùng con dao cạo râu ra sức cắt cổ tay của mình. Cấp cứu trong suốt 5 giờ đồng hồ, ông mới giằng co từ trong cõi chết trở về, rất mệt mỏi, cũng rất tuyệt vọng.

Điều thật sự không ngờ rằng, người đầu tiên bỏ ông ấy đi lại chính là con trai của ông. Con trai của ông rất ít khi đến thăm ông, sau này còn không chịu ló mặt ra một lần. Mỗi lần gọi điện thoại anh ta đều nói rằng mình đã đi công tác, trở về sẽ ghé thăm ông.

Điều khiến tôi không ngờ hơn nữa, mẹ tôi vào lúc này cũng nói rằng bà muốn chia tay với ông. Hai người vốn dĩ cũng chưa có chính thức, chỉ là chuyện vỗ mạnh một cái mỗi người mỗi ngả. Mẹ nói với tôi rằng: “Mẹ đã già rồi, không lo nổi cho ông ấy nữa. Mẹ không giúp được gì cho con cả, nhưng cũng không thể lượm một người cha tàn phế về, làm liên lụy con được”.

Đây chính là hiện thực tàn nhẫn. Tôi không muốn để mẹ tôi làm người ác, thế là tôi đành phải nhẫn tâm đóng vai kẻ ác, quyết định tự mình đến nói ra chuyện chia tay này. Tôi nói với ông, người vốn đang nằm trong bệnh viện rằng:

-Chú Đường, mẹ con bệnh rồi.

Nước mắt của ông lại tuôn trào ra như mưa, tôi gắng sức nói ra những lời tàn nhẫn:

-Chú biết đấy, mẹ con cũng đã có tuổi rồi. Những ngày này, bà ấy đối với chú như thế nào, chú cũng đã thấy rồi. Chú tiếp tục chảy nước mắt gật đầu. Tôi lại nói tiếp:

-Chú Đường, chúng con còn phải đi làm nữa, mẹ con sức khỏe lại không được tốt. Chú xem như vậy có được không, sau khi xuất viện, chú hãy về nhà của chú, con sẽ thuê một người đến săn sóc cho chú. Đương nhiên, tiền sẽ do con trả, con cũng sẽ thường xuyên đến thăm chú. Khi nói đến đây, chú không khóc nữa. Chú gật đầu liên hồi, nói một cách cảm kích:

-Nếu được như vậy thì tốt quá, nếu được như vậy thật đúng là tốt quá. Không cần người giúp đỡ, thật sự không cần…

Tôi bước ra đến khuôn viên của bệnh viện lại chảy nước mắt, không rõ đó là cảm giác nhẹ nhõm sau khi được giải thoát, hay là trong lòng có nỗi day dứt không nói thành lời. Tôi đã mời một người giúp việc cho ông ấy, trả trước chi phí trong một năm. Sau đó, tôi lại đến nhà ông ấy, thuê công nhân tu sửa lại nhà của ông một chút, tôi đã cố gắng làm đến trọn nhân trọn nghĩa. Không phải vì ông, chỉ vì an ủi nỗi bất an trong lòng. Cái ngày ông ấy xuất viện trở về nhà, tôi không có đi, mà là bảo tài xế trong đơn vị đến đón ông.

Sau khi tài xế trở về đã nói với tôi rằng:

-Chú Đường nhờ tôi nói tiếng cảm ơn với anh, còn bảo rằng ngay cả con trai ruột của chú, cũng không làm được như vậy.

Những lời này, đã an ủi tôi ít nhiều, khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm phần nào, nhưng loại an ủi này vốn không có duy trì được bao lâu. Ngày xuân lạnh buốt. Ngày tết không có ông ấy ở nhà, chúng tôi thấy có chút buồn tẻ, không còn có một người bằng lòng vùi đầu vào trong nhà bếp, làm đủ các loại món ăn cho chúng tôi.

Chúng tôi ngồi ăn cơm tất niên trong khách sạn năm sao, nhưng lại không cảm nhận được cái hương vị nồng ấm của ngày tết nữa. Con trai trên đường về nhà nói:

-Con muốn ăn món cá chép do ông nội làm.

Vợ tôi nháy mắt ra hiệu cho con trai đừng có nói nữa, nhưng mà, con trai trái lại quậy càng dữ dội hơn:

-Tại sao mọi người lại không để cho ông nội về nhà đón tết, mọi người thật đúng là xấu xa mà!.

Vợ tôi tức giận giáng cho con trai một cái bạt tai thật mạnh. Nhưng cái bạt tai đó giống như là đang đánh vào mặt vậy, khắp mặt sưng lên đau đớn. Một câu nói của con trai, khiến cho điều chúng tôi tự thấy an ủi đều đã sụp đổ tan tành.

Tôi từ trong kính chiếu hậu, nhìn thấy đôi mắt của mẹ cũng đang đỏ hoe. Không nghĩ cũng hiểu, đó là ngày 30 tết buồn tẻ biết mấy. Tôi thấy rất nhớ năm ngoái, cái năm mà ông ấy vẫn còn ở nhà chúng tôi, một gia đình ấm cúng hạnh phúc, luôn được xây dựng trong sự phó xuất lặng lẽ của một người.

Không biết giờ này, chú Đường đang đón tết với ai? Liệu có nhớ đến chúng tôi chăng? Liệu có vì sự vô tâm của chúng tôi mà trong lòng cảm thấy tủi thân?

Về nhà. Sau khi tiếng trống đầu xuân vang lên, tôi lái xe đi đến chỗ của chú Đường. Ông ấy bước những bước chân tập tễnh ra mở cửa cho tôi, nhìn thấy tôi, miệng đang nở nụ cười, trong mắt lại đẫm lệ.

Đi vào ngôi nhà lạnh lẽo của ông, nước mắt của tôi cũng không thể ngăn lại được nữa. Tôi cầm điện thoại lên gọi cho con trai của ông ấy, sau khi mắng chửi cho anh ta một trận, bắt đầu gói sủi cảo cho ông.

Người giúp việc đã về nhà đón tết rồi, trên đầu giường đã chuẩn bị sẵn điểm tâm đủ cho ông ấy dùng đến ngày 15, trong lòng tôi cũng thầm trách mẹ. Những chiếc sủi cảo nóng hổi cuối cùng đã khiến trong nhà ông ấy có được một chút không khí ấm cúng của ngày tết. Chúng tôi cứ ăn một miếng sủi cảo, nước mắt của cả lại lã chã tuôn rơi.Buổi sáng tinh mơ của ngày mùng một, tôi lảo đảo rời khỏi căn nhà của ông, tôi đã uống rượu, đậu xe ngay dưới lầu của nhà ông ấy, một mình đi trên con đường lạnh tanh, trong lòng đầy rẫy thê lương. Điện thoại reo lên, là vợ gọi đến:

-Anh ở đâu vậy hả?

Tôi phát hỏa lần nữa:

-Tôi đang ở trong nhà của một ông lão cô độc, nghe rõ chưa hả? Chúng ta là loại người gì vậy hả?

Khi ông ấy có thể đi lại được, chúng ta lợi dụng người ta; bây giờ ông không cử động được nữa, chúng ta lại gửi trả về. Lương tâm của chúng ta phải chăng đã bị chó ăn mất rồi, vậy mà còn đòi học theo người ta nói nhân nghĩa đạo đức, tôi khinh!

Ở trên đường cái, tôi mắng chửi bản thân mình thật tệ hại, mắng đủ rồi, mắng mệt rồi, tôi không chút do dự mà chạy trở lại, cõng ông ấy trên lưng rồi đi ra bên ngoài. Ông giãy giụa, hỏi tôi:

-Con làm vậy là sao?.

Tôi lấy giọng điệu chắc nịch mà nói với ông rằng:

-Về nhà.

Ông nội mà, chính là để chúng ta yêu thương

Ông ấy đã trở về. Người cảm thấy vui nhất là con trai tôi. Nó vừa ôm vừa hôn ông, luôn miệng đòi ăn món cá chép, đòi ăn món bánh quai chèo, muốn làm thẻ siêu nhân.

Vợ lôi tôi vào trong phòng, hỏi tôi:

-Anh điên rồi sao? Ngay đến cả con trai ông ta còn không lo cho ông ta, anh dẫn ông ta về nhà làm gì vậy?

Tôi không còn nổi nóng nữa, ôn hòa nhã nhặn nói với cô ấy:

-Con trai ông ấy làm chuyện không đúng, đó là chuyện của anh ta, không nên lấy đó làm cái cớ để chúng ta bỏ rơi ông ấy. Anh không yêu cầu em phải xem ông ấy như bố chồng của mình, nhưng mà, nếu như em yêu anh, nếu như em biết nghĩ cho anh, thì hãy xem ông ấy như người nhà, bởi trong lòng của anh, ông ấy chính là người nhà, chính là người thân, bỏ rơi ông ấy thì rất dễ dàng, nhưng không giấu được nỗi day dứt trong tâm. Anh muốn tâm mình được thanh thản một chút, chỉ đơn giản vậy thôi.

Cùng một lời này, khi nói với mẹ, bà nước mắt như mưa, nắm chặt lấy tay tôi nói rằng: Con trai à, mẹ thật không ngờ con lại có tình có nghĩa như vậy.

Tôi nói: Mẹ, mẹ yên tâm đi. Nói hơi khó nghe một chút, cho dù sau này có một ngày, mẹ mà đi trước chú ấy, con cũng sẽ phụng dưỡng chú ấy đến cuối đời, với thu nhập của con hiện giờ, nuôi chú ấy nào là chuyện khó gì? Thêm một người thân, thì có gì không tốt chứ?

Một lúc sau, con trai tôi đi vào xin tôi: Bố ơi, đừng có gửi ông nội về nữa. Sau này, con sẽ chăm sóc ông ấy. Sau này bố già rồi, con cũng chăm sóc bố mà!

Tôi ôm con trai vào trong lòng, trống ngực đập thình thịch, thật may là vẫn chưa quá muộn, còn may chưa để lại một ý nghĩ bất hiếu trong lòng của con.

“Ông nội mà, chính là để cho chúng ta yêu thương, sao lại gửi đi được nữa!”. Tôi mở miệng nói đùa với con trai, để củng cố niềm tin vững chắc cho nó…

Đọc xong, bạn có lĩnh ngộ được đạo lý giản dị trong đó hay không? Thật ra cha mẹ vốn đòi hỏi không nhiều, chỉ là một lời chào hỏi: “Cha, mẹ hôm nay có khỏe không?”, chỉ cần mua một ít thức ăn khuya, nấu một bữa tối đơn giản, trước khi ngủ đắp chăn cho họ, trời lạnh thêm áo ấm, đeo găng tay giúp họ, chỉ những cử chỉ rất nhỏ thôi cũng sẽ khiến họ thấy ấm áp vui vẻ rất lâu.

Có những lúc, tôi thường hay nghĩ: “Tôi mong con cái của tôi sau này sẽ đối xử với tôi thế nào đây?”. Tôi tin rằng, đời người là một vòng tuần hoàn; bây giờ bạn đối đãi với cha mẹ như thế nào, sau này con cái của bạn cũng sẽ đối xử với bạn như vậy.

Bạn thân mến, trên đời này ân tình khó trả nhất chính là ân tình của cha mẹ, mong chúng ta đều có thể lấy tâm hiếu thuận mà chăm sóc cho cha mẹ, lấy tâm cảm ân mà hiếu thuận với cha mẹ!

Sinh mệnh không đòi hỏi chúng ta phải trở thành người tốt nhất, mà chỉ đòi hỏi chúng ta cố gắng hết sức mà thôi! Cây muôn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn tận hiếu nhưng song thân không còn nữa. Chuyện khó chờ đợi nhất trên đời này, chính là hiếu kính cha mẹ, đừng đợi đến khi mất đi rồi mới hối tiếc rằng bản thân ngày trước không biết trân quý…” (Tiểu Thiện chuyển dịch từ Cmoney.tw)

Vâng. Phiếm luận đường dài bao giờ cũng gồm đầy những truyện kể để kể cho nhau nghe. Không cần biết, nhà Đạo mình có thích nghe đọc truyện ấy hay không. Kể truyện ở đây, là để hợp giọng với Đức Phanxicô hôm ấy đã có lời khích-lệ giới trẻ ở Krakow, Ba lan nhân dịp Đại Hội Trẻ ở đây, rằng:

“Hôm ấy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kể cho giới trẻ biết rằng các em được mời gọi không phải để trở thành những củ khoai nằm dài nơi ghế nệm ở phòng khách, sống cuộc sống nhàm chán/tẻ nhạt mà là để lại dấu vết tinh-hoa của mình với lịch-sử và không để ai khác định-đoạt tương-lai của chính mình.

 Tựa hồ trận đấu túc-ầu, cuộc sống “chỉ đưa người chơi bóng vào với lối chơi chủ-động chứ không phải ngả dài trên dãy ghế thưởng-thức, thật êm ấm”. Thế-giới hôm nay đòi hỏi các em đây giữ vững vai-trò chủ-đạo trong lịch-sử, bởi lẽ cuộc sống bao giờ cũng rất đẹp khi ta chọn sống cuộc sống của ta một cách trọn-vẹn và chọn để lại dấu-tích của mình ở trong đó…”

 Nói thế rồi, Đức Giáo Hoàng còn mời gọi mọi người có mặt ngày hôm đó, hãy nắm chặt tay nhau  mà nguyện-cầu trong thinh-lặng, trao về cho Thiên-Chúa cuộc phấn-đấu nội-tâm của chính mình, một phấn-đấu mà mỗi người trong ta vẫn mang nặng trong tâm can của chính mình. Đức Giáo-Hoàng còn cảnh-giác các bạn trẻ thuộc nhóm hành-hương hôm ấy là đừng để mình rơi vào cảnh bại-liệt rút từ sự lẫn-lộn giữa mối phúc-hạnh với “ghế nệm êm-ả”.

 Bởi như ngài nói: ghế nệm vẫn luôn hứa-hẹn sự êm-ả, thoải-mái và an-toàn trong khi nó chỉ là hình-thức âm-thầm của bại-liệt khiến cho các người trẻ, nam cũng như nữ, cứ trở-thành những người “đờ-đẫn”, đến chóng mặt…

 Đức Giáo-hoàng đã khích-lệ đám người hành-hương nhớ rằng mình không được gọi mời để sống “tẻ-nhạt” với đời và trong đời, nhưng để lại dấu-tích độc-đáo trong cuộc đời. Bởi, khi ta chọn lối sống êm-ả và thoải-mái, là ta sẽ phải trả giá rất cao là mất đi sự tự-do dành cho mình.

 Thay vào đó, ta được mời gọi dấn bước vào con đường đầy tính “khùng-điên” của Thiên-Chúa là đường hối-thúc mọi tín-hữu Đức Ki-tô thực-hiện việc từ-bi/bác-ái bằng cả thân-xác và thần-tính của chính mình. Thiên-Chúa muốn tất cả mọi người chúng ta thấy được rằng: cùng với ta, thế-giới này phải trở nên khác-biệt. Bởi, nếu ta không cống-hiến những gì tốt/đẹp nhất của chính mình, thì thế-giới này sẽ chẳng bao giờ trở nên khác-biệt hết.

 Và, Đức Phanxicô lại cũng kêu mời những người đã trưởng-thành hãy dạy-dỗ cho thế-hệ trẻ biết cách “sống có khác-biệt trong tương-quan đối-thoại, biết trải-nghiệm cuộc sống đa văn-hoá, đừng trở-thành mối đe-doạ cho ai hết nhưng là cơ-hội để mọi người vươn lên.

 Vì thế nên, người trẻ hôm nay sẽ là những người lên án chúng ta nếu ta chọn-lựa cuộc sống như bức tường/thành cứng-ngắc, thứ cuộc sống đầy hận-thù, một cuộc sống chiến-tranh, rất lạnh nhạt. Hãy có can-đảm mà bảo với chúng tôi rằng: xây nhiều cầu nối bao giờ cũng dễ hơn xây tường thành kiên-cố.” (X. Junno Arocho Estevez, Francis Urges Youth: Follow the ‘Path of Craziness’ of our God, The Catholic Weekly 07/8/2016, tr. 28)

Còn nhớ, thánh Phao-lô tông-đồ cũng từng gọi công cuộc giảng-rao tình thương-yêu của Thiên-Chúa như sự điên rồ đối với những người đang hư-đốn, như sau:

“Quả vậy,

Đức Kitô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa,

nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng,

và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo,

để thập giá Đức Kitô khỏi trở nên vô hiệu.

Thật thế,

lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ

đối với những kẻ đang trên đà hư mất,

nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ,

thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa.”

(1 Côrinthô 1: 17-18)

Điều nghịch-lý/nghịch-thường ở cuộc sống hôm nay, là: rất nhiều người cứ trùm chăn êm ả ngả dài trên ghế dựa phòng khách, chứ không hăng-say lao mình vào công-cuộc giảng-rao như ngây như dại theo kiểu bậc thánh-hiền của Đức Chúa.

Thế nên, các đấng bậc nhà Đạo lại vẫn luôn kêu gọi hết mọi người già/trẻ, lớn/bé gái/trai hãy hăng say sống cuộc sống rất điên rồ trong rao-giảng tình-thương-yêu của Thiên Chúa với con người.

Hăng-say/rồ-dại như mô-tả của bậc thánh-hiền chốn nhà Đạo, còn là ảnh/hình về một động-thái phải có trong cuộc sống thường-nhật của mỗi người và mọi người. Hăng-say/rồ-dại, còn là mục-tiêu ta nhắm tới mỗi khi làm việc gì đó cho thế-giời cuộc-đời đang hăng-say/rồ-dại với những chuyện viển-vông, không tưởng chẳng mang lợi ích cho ai hết.

Hăng-say/rồ-dại còn là và phải là thái-độ sống rất “Tri-Thiên-Mệnh” như đề-nghị của một đấng bậc khác Đạo, khác văn-minh, văn-hoá ở trời Đông, là Đức Đạt Lai Lạt Ma, như sau:

“Khi trong tay anh nắm chặt vật gì mà không buông xuống, thì anh chỉ có được mỗi thứ ấy, vật ấy mà thôi. Nhưng, nếu anh chịu buông nó xuống, thì anh mới có cơ-hội chọn-lựa những thứ khác. Thế nên, Tri-Thiên-Mệnh là:

Sức mạnh của trẻ thơ là tiếng khóc. 

Sức mạnh của đàn bà là phẩn nộ. 

Sức mạnh của người ăn trộm là vũ khí. 

Sức mạnh của vua chúa là quyền uy. 

Sức mạnh của kẻ ngu là áp đảo. 

Sức mạnh của bậc hiền trí là cảm hóa. 

Sức mạnh của người đa văn là thẩm sát. 

Sức mạnh của sa môn là nhẫn nhục .”

Bởi chúng ta không thể thay đổi được thế giới xung quanh, nên chúng ta đành phải sửa đổi chính mình, đối diện với tất cả bằng lòng từ bi và tâm trí huệ.

 Ra đời hai tay trắng. 

Lìa đời trắng hai tay. 

Sao mãi nhặt cho đầy. 

Túi đời như mây bay.”

 Thành thật đối diện với mâu thuẫn và khuyết điểm trong tâm mình, đừng lừa dối chính mình. Sự khác biệt giữa con người là do mức tiến hóa khác nhau qua các kiếp sống. Có khi nào ta thù ghét một kẻ kém ta đâu? Suy luận rằng: “vạn vật đồng nhất”, ta sẵn sàng tha thứ cho kẻ khác, vì họ không hiểu biết, không ý thức hành động của mình, vả lại họ và ta nào có khác nhau đâu.

Khi ta hiểu rằng: “nhất bổn tám vạn thù”, ta nhìn vạn vật như chính mình, từ loài người qua loài thú, thảo mộc, kim thạch, và ý thức rằng mọi vật đều có sự sống, đều có Thượng đế ngự ở trong,  ta sẽ cởi bỏ thành kiến, mở rộng lòng thươngđến muôn loài”.

Là con Phật, nếu không nói được những gì Phật nói, hãy im lặng như chánh pháp, đừng nói những lời ác, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, làm tổn hại kẻ khác. Nếu không làm được những gì Phật làm, hãy im lặng và lắng nghe, quán sát, học hỏi những thiện tri thức, đừng vọng động làm những điều thương tổn đến tha nhân”.

Ác khẩu, mãi mãi đừng để nó thốt ra từ miệng chúng ta, cho dù người ta có xấu bao nhiêu, có ác bao nhiêu. Anh càng nguyền rủa họ, tâm anh càng bị nhiễm ô, anh hãy nghĩ, họ chính là thiện tri thức của anh.

Người mà trong tâm chứa đầy cách nghĩ và cách nhìn của mình thì sẽ không bao giờ nghe được tiếng lòng người khác. Khi trong tay anh nắm chặt một vật gì mà không buông xuống, thì anh chỉ có mỗi thứ ấy, nếu anh chịu buông xuống, thì anh mới có cơ hội chọn lựa những thứ khác. 

Nếu một người luôn khư khư với quan niệm của mình, không chịu buông xuống thì trí huệ chỉ có thể đạt đến ở một mức độ nào đó mà thôi.” (Đức Đạt Lai Lạt Ma phát-biểu trong một bài pháp ngắn, nhưng thâm sâu)

 Ngắn, nhưng thâm-sâu, còn là ý-lực của bài hát ta đã trích. Nay, lại sẽ mời bạn và mời tôi, ta sẽ hát thêm và hát mãi lời bài hát “Chiều Về Trên Sông”, có nỗi buồn như sau:

“Chiều buông trên giòng sông Cửu Long”
Như một cơn ước mong, ơi chiều.
Về đâu ơi hàng cây gỗ rong,
Nghiêng mình trên sóng sông yêu kiều.

Buồn tôi không vì sao bỗng dưng.
Theo đò ngang quá giang thương chiều.

Bởi vì thương nhiều nên nhớ (ơ) tình yêu.
Bởi vì đời còn nhiều khi là mơ.
Bởi vì đời còn nhiều khi thành thơ.
Có khi vui lững lờ.
Có khi tuôn sầu u.
Bởi vì chiều buồn chiều về giòng sông.
Bởi vì tình đời nào chỉ thù oán.

Hãy cất tiếng ca cho đời thêm (ý) buồn.
Hãy cất tiếng ca cho lòng thôi khô héo.
Chiều buông trên giòng sông cuốn mau.
Thương đời thương lẫn nhau trong chiều.”

(Phạm Duy – bđd)

 Buồn, nhưng vẫn “thương đời thương lẫn nhau trong chiều”. Thế đó là lời kết đẹp, xin được gửi đến bạn, đến tôi và mọi người, ở trong đời.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn suy nghĩ rất lung

về lời kêu gọi của Đức Giáo Tông hay ai đó

rất an-toàn, cụ-thể, đầy thương mến.

“Trời có mây cao với gió thanh,

Suy Tư Tin Mừng Tuần thứ 22 thường niên năm C 28/8/2016

                                                Tin Mừng: (Lc 14: 1, 7-14)

Một ngày Sabát kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Ngài.

Ngài nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này:

“Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.

Rồi Đức Giêsu nói với kẻ đã mời Ngài rằng:

Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.

 

“Trời có mây cao với gió thanh,

Đất đầy sự nghiệp những tay lành.

Cũng như phơi phới đi vào tiệc,

Bữa tiệc đôi ta, một tâm-tình.”

(Dẫn từ thơ Xuân Diệu)

 Trình thuật hôm nay, thánh Luca không cũng có kể nhưng không chỉ mỗi tiệc về tiệc, về tình mà còn về Vương Quốc Nước Trời. Chính đó, là mục tiêu mà mọi con dân nhà Đạo đều nhắm tới. Về tiệc hôm nay, nhóm Pharisêu vẫn muốn xem Đức Chúa làm những gì, vào ngày Sabát. Và, Chúa có lẽ đã bị chỉ trích, vào lúc Ngài mở lời.

Lời Ngài mở, không nhằm đối đáp với bọn người xấu chỉ muốn hỏi xem Ngài có những hành vi chống lại lề luật không. Lời Ngài, là về dụ ngôn với những ảnh hình, rất thực tế. Thực tế như sự thực đang diễn ra trước mắt gồm các thực khách đến dự. Và một thực tế khác, là: Đức Chúa vẫn ngồi cùng bàn với đủ mọi hạng người: từ kẻ giàu sang quyền thế, đến người nghèo hèn, tội phạm. Ngài đến với hết mọi người. Ngài đến như giọt nắng giọt mưa đổ tưới trên đầu mọi thần dân.

Lời Ngài nói bằng dụ ngôn, nhằm đáp ứng lề lối mà thực khách thời đó vẫn hành xử, khi vào tiệc. “Họ chỉ muốn chọn chỗ nhất mà ngồi.”(Lc 14: 7)  Vào thời buổi này, các buổi tiệc do quan “lớn” khoản đãi, đều có định chỗ trước cho khách ngồi vẫn là chuyện thực tế, rất ý nhị. Các đấng bậc có vai vế quan trọng được xếp chỗ gần chủ nhà. Có tiệc, chủ nhà còn định chỗ bằng cách để thẻ bìa có đề tên.

Lời Ngài tỏ bày hôm nay, đảo lộn mọi trật tự của đời thường. Đức Chúa vẫn thường khuyên dạy: “khi được mời đi ăn, thì đừng ngồi vào chỗ nhất”. Làm theo như thế, kẻ bon chen cạy cục sẽ không tránh khỏi tình trạng khó xử.Và, đôi lúc cảm thấy phẩm giá con người bị xuống thấp. Nếu làm theo đề nghị của Ngài, chắc cũng có người sẽ coi đó như hành động dưới cơ, thiếu tự tin. Tình cảnh này được coi như một tai ương giao tế đến bất ngờ. Nhưng ở đây, khi Đức Giê-su kể dụ ngôn, Ngài không cố ý khuyên ta nên hành xử hoàn toàn từng chữ theo nghĩa đen.

Điều Ngài muốn nhủ, là: ở nơi Vương Quốc Nước Trời, việc chọn chỗ nhất nơi bàn tiệc là chuyện không nên, dễ ngộ nhận. Bởi, ý nghĩa và tinh thần của Vương Quốc Nước Trời không qui vào vị thế xã hội mà thứ đời phàm lúc nào cũng đổi thay. Với nhà Đạo, chuyện quan trọng chỉ nằm ở chỗ: làm sao duy trì được tương quan giữa chúng ta với Chúa, và với mọi người cho tốt đẹp.

Đừng quá bận tâm đến vị thế chỗ ngồi. Hoặc, thứ bậc, địa vị, sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp hoặc giai cấp. Vị thế đích thực trong tương quan với Chúa, không thể cân đo đong đếm bằng nghề nghiệp, chức tước hoặc danh xưng. Nhưng, bằng độ sâu độ dài của tình yêu. Bằng  quyết tâm phục vụ Chúa qua giao tế với người đời, sống quanh ta.

Điều quan trọng khác, không phải là: hỏi xem mọi người nghĩ thế nào về mình, coi mình là ai hoặc đối xử với mình như thế nào. Nhưng, là dựa vào mức độ chăm sóc tỏ bày tình thương yêu của ta đến người khác. Đến cả những người dưng khác họ, nữa.

Thái độ và lối hành xử mà Đức Chúa vẫn khuyên mọi người nên có, lại được củng cố thêm bằng lời thư thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Do Thái, rất rõ ràng: “Anh chị em đã lên núi Sion, tới thành đô Thiên Chúa” (Dt 12: 22).

Đoạn cuối truyện kể hôm nay, Chúa hướng thẳng về phía người thủ lãnh nhóm Pharisêu. và bảo họ: “Khi các ông đãi khách ăn trưa ăn tối, thì đừng mời bạn bè, hay bà con láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại các ông”. (Lc 14: 12)

Thời buổi này, lời nhủ của Chúa có thể áp dụng cho các vị có chức, có tiền. Cả trong Đạo, lẫn ngoài đời ta chỉ nên mời những người nghèo khó, thân cô thế cô, những người không có khả năng tham dự bất cứ bữa tiệc nào. Dù linh đình hay thanh bạch hoặc chỉ nên mời mọc những người không có khả năng mời trở lại. Hoặc, những người không có ý định mua chuộc, hay tham ô, nhũng lạm. Tức, họ chẳng làm gì có sức có quyền để ta nhờ vả, thăng tiến bản thân trong thang cấp cầm quyền.

Điều mà trình thuật nay muốn nói, là: hãy hoạt động để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Xã hội mang hình vòng cung, hay quả cầu. Trong vòng cung trái cầu ấy, không ai ở quá cao. Cũng chẳng có người ở nơi rốt hết. Tức là, mọi người đều có quyền lợi đồng đều, như nhau. Mọi người đều ở vị thế tương đối khá, để có thể san bớt cho những người còn thiếu thốn, nợ nần. Và, nếu đặt một bàn tròn ở giữa, thì mọi người đều có thể với tay chung phần, dự tiệc vui không thua kém ai. Bữa tiệc mà trong đó mọi người đều ngang phần. Đó là Nước Trời ở trần gian.

Có lẽ, sẽ có người cho đây là chuyện viển vông, không tưởng. Chỉ là chuyện viển vông, nếu nghĩ rằng chuyện ấy sẽ xảy đến ngày một ngày hai. Hoặc, vào thế hệ kế tiếp. Thế nhưng, xã hội như thế là Nước trời đích thực, ta có thể bắt đầu trước nhất với mái ấm gia đình mình. Sau đó, lan tỏa ra từng nhóm nhỏ mà ta đang sinh hoạt, chung sống. Cộng đoàn giáo xứ tại địa phương là ví dụ rất cụ thể cho xã hội ấy. Một Nước Trời ở trần gian. Một xã hội có thể thực hiện được.

Vào Tiệc Thánh, ta vẫn thực hiện điều này khi san sẻ bánh và rượu đã thành Mình Máu Chúa. San sẻ thực phẩm nuôi sống linh hồn và cũng san sẻ chuyện trò tâm giao với nhau bên bàn tiệc của lòng mến, agapè.

Vào thời tiên khởi, cộng đoàn các thánh vẫn làm thế. Và ngày nay, nhiều nơi trong các giáo xứ, người đồng Đạo vẫn sống như thế. Đó là điều Chúa muốn mọi người thực hiện. Ai làm rồi, thì cứ tiếp tục. Đó là thực trạng của Hội thánh hôm nay. Đó là Nước Trời ở đây. Bây giờ. Là, tình huống rất Đạo. Là, bữa tiệc rất phải lẽ hợp với Đạo. Đạo của Chúa. Đạo làm người.

 Lm Richard Leonard sj biên-soạn  –

Mai Tá lược dịch.

Căn bệnh hiểm nghèo

Căn bệnh hiểm nghèo

Có một vị phú ông giàu có mặc dù tuổi chưa cao nhưng lại mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo. Ông cảm nhậnđược rằng bản thân mình không còn ở lại nhân gian được bao lâu nữa nên trong lòng vô cùng thống khổ, sợ hãi.

Một thời gian sau, ông tìm đến một vị đạo sĩ cao tuổi sống ẩn cư trên một ngôi chùa cổ. Vị đạo sĩ sau khi nghe phú ông giãi bày, liền nói: “Bệnh này của thí chủ, ngoại trừ một phương pháp này ra thì không thuốc nào có thể chữa trị được. Ta sẽ cho thí chủ ba phong thư, bên trong là ba thang thuốc. Thí chủ về nhà mở từng thang thuốc ra và làm theo, làm xong thang thứ nhất thì mở tiếp thang thứ hai và làm theo lời chỉ dẫn trong đó.”

Phú ông giàu có vui vẻ cảm tạ vị sư già rồi ra về.

Về đến nhà, phú ông liền mở phong thư đựng thang thuốc thứ nhất ra. Ông bất ngờ, bởi bên trong chỉ vẻn vẹn là một dòng chữ: “Thí chủ hãy đến bờ biển trong 21 ngày và mỗi ngày nằm trên bãi cát đó 30 phút!”

Phú ông đọc xong, trong lòng nửa tin nửa ngờ, nhưng vì không còn cách nào khác nên đành làm theo lời chỉ dẫn. Kết quả là mỗi ngày ông đều nằm trên bãi biển đó hơn hai giờ đồng hồ. Lúc này, ông chợt hiểu ra rằng, mỗi ngày trước đây của ông đều trôi qua trong bộn bề công việc, tìm kiếm tiền bạc và danh vọng. Ông nào có thời gian nằm nghe sóng vỗ, nghe tiếng chim hải âu như thế này. Trong lòng ông cảm thấy vô cùng khoan khoái và thoải mái.

Sang ngày thứ 22, phú ông lại mở tiếp thang thuốc thứ hai ra và thấy trên đó viết: “Thí chủ hãy tìm 5 con cá hoặc con sò trên bãi cát và thả chúng về biển, liên tục trong 21 ngày.” Vị phú ông trong lòng tràn đầy hoài nghi nhưng vẫn kiên trì làm theo lời chỉ dạy. Hàng ngày ông đều tìm được những chú cá con hay tôm nhỏ bị dạt vào bờ và thả chúng về với biển. Mặc dù không hiểu lý do của việc làm này nhưng trong lòng ông không khỏi cảm động khi nhìn chúng quẫy đuôi bơi vào biển sâu.

Ngày 43 vừa tới, phú ông mở thang thuốc thứ ba ra và chăm chú đọc dòng chữ viết trên đó: “Thí chủ hãy tìm một cành cây, rồi viết lên cát những oán hận và bất mãn của mình lên đó!” Phú ông mỗi ngày đều viết những oán hận và bất mãn của mình lên bờ

cát, nhưng chẳng bao lâu thì sóng biển lại dâng cao và cuốn những dòng chữ mà ông viết trên cát ấy đi. Vị phú ông đột nhiên hiểu ra một điều gì đó và ông bật khóc.

Chẳng bao lâu sau, phú ông trở về nhà với cảm nhận toàn thân khoan khoái, thực sự nhẹ nhàng và tự tại, thậm chí lúc này ông còn quên hết nỗi sợ hãi về cái chết như trước đây.

Phú ông lại tìm đến vị đạo sĩ để tạ ơn. Vị đạo sĩ mỉm cười và nói: “Thí chủ có biết không? Nguyên lai, con người ta bởi vì không học được ba việc cho nên luôn cảm thấy không khoái hoạt, hạnh phúc!”

Phú ông hỏi lại vị đạo sĩ: “Thỉnh ngài chỉ rõ, đó là ba việc gì?”

Vị đạo sĩ nhìn vào khoảng không trước mặt và nói:

“Đó chính là người ta bị cuốn vào vòng xoáy danh lợi, tiền bạc mà quên mất nghỉ ngơi. 

Thứ hai, phải biết cho đi, phó xuất đi thì người ta mới nhận lại được hạnh phúc. 

Thứ ba, sống trên đời phải biết buông bỏ, đừng giữ khăng khăng những điều không nên giữ như tâm oán hận, bất mãn…”

Tham lam chính là một loại độc dược, dục vọng, ham muốn của con người luôn là không có điểm dừng. Khi người ta có cuộc sống ổn định rồi, lại có tâm muốn truy cầu sự nhàn nhã, có cuộc sống nhàn nhã rồi lại muốn được hưởng thụ những vật phẩm xa xỉ. Chỉ cần lòng tham, ham muốn của con ngời không có điểm dừng là con người mãi mãi không thể thực sự vui vẻ, hạnh phúc. Chúng ta thường nghe câu triết lý nhân sinh rằng, người biết đủ, biết hài lòng thường vui vẻ khoái hoạt.

Quý trọng hết thảy những điều mà bạn đang có trong hiện tại, bạn sẽ phát hiện ra rằng, mình đang là người giàu có nhất!

Mai Trà biên dịch ( ĐKN )

 Chị Helen Hương Nguyễn gởi

NẾU CHỌN THÌ GIÚP NGƯỜI TRONG NHÀ TRƯỚC HAY NGƯỜI NGOÀI TRƯỚC?

NẾU CHỌN THÌ GIÚP NGƯỜI TRONG NHÀ TRƯỚC HAY NGƯỜI NGOÀI TRƯỚC?

 Tuyết Mai

Có cha mẹ nào mà bỏ mặc con cái mình sống ra sao thì sống nhưng lại rất siêng để bỏ nhà cửa mà đi giúp đỡ người ngoài khi chúng ta chẳng khá giả gì, lại có con trong tình trạng luôn túng quẩn và luôn bệnh tật?.

Thưa rằng trong trường hợp có cha mẹ đã về hưu, không dư giả như người ta thì thưa rằng chúng ta phải chọn giúp đỡ con cái, cháu chắt của mình trước tiên và sau mới đến người ngoài, thưa có phải?.    Bởi nếu chúng ta bỏ bê chúng con cái thì có thể chúng sẽ trở thành kẻ vô gia cư, sống ăn nhờ vào lòng thương hại của mọi người.   Rồi thì có thể sẽ vướng vào vòng lao lý, tù tội do đói quá thì làm càn, làm bậy để kiếm cơm sống cho qua ngày.

Gia đình chúng tôi hiện có con gái lớn cháu không sống một cuộc sống bình thường như những cháu gái khác.   Có nghĩa cháu rất yêu cuộc sống tự do của thiên nhiên, của núi rừng, của hoang dã và của người nghèo khổ đang sống ở khắp nơi.   Bởi cháu yêu hết mọi người nên cũng dễ bị người lợi dụng.   Cháu yêu nhất trẻ con bị tật nguyền, bị bệnh bẩm sinh và sống lang thang ở khắp nơi.

Cả đời từ lúc cháu lọt lòng mẹ đã bị bệnh trong thân xác và bệnh nhẹ trong cái đầu nên ảnh hưởng trên cháu rất nhiều trong chuyện học hành.   Ấy thế mà Thiên Chúa đã ban cho cháu có sức khoẻ để hằng ngày làm việc chăm sóc cho trẻ em tật nguyền và rất yêu thương chúng tuy dù rất thường cháu bị chúng đánh cho cũng đau lắm do những đứa nhỏ tuổi nhưng có thân xác cao to vì chúng có biết gì đâu.

Vợ chồng chúng tôi thường an ủi lẫn nhau là thây kệ cháu tuy dù cả mùa hè này cháu có đi làm bán thời gian (part time) nhưng cũng không đủ cho cháu trang trải những thứ rất căn bản (rất basic).   Cứ cạn xăng thì cháu về nhà mượn bố thẻ để đổ xăng và ngày nào cũng về nhà cha mẹ để ăn uống.   Làm cha mẹ có con như thế thì phải thương yêu, phải giúp đỡ chớ lòng dạ nào mà làm ngơ cho được tuy dù cháu đã 28 tuổi đầu rồi còn gì.

Nên trong trường hợp của chúng tôi thì không có sự lựa chọn mà phải tiếp tục trợ giúp cho con cái khi chúng CẦN.   Vì nếu chúng ta bỏ bê con cái mặc kệ chúng mà thiết tha với người ngoài đời thì có thể chúng ta sống không đầy đủ với trách nhiệm làm cha làm mẹ như mẹ thánh Têrêsa Calcutta khuyên dạy chúng ta rằng: “Trước tiên chúng ta hãy có trách nhiệm cùng bổn phận đối với nhau trong gia đình, kế đến là chòm xóm láng giềng rồi sau mới đến những người ở xa hơn”.   Amen.

Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

19 tháng 8, 2016

DI CHÚC của một người

Hạnh phúc ở đâu ?

 Hạnh phúc nằm ở đôi môi của bạn đấy.

 Một đôi môi biết mỉm cười và biết nói lời yêu thương chính là cửa ngõ dẫn đến hạnh phúc an nhiên của con người. Nếu bạn chỉ biết than vãn, chỉ biết oán trách những trớ trêu của cuộc đời, chỉ biết dùng lời nói để chê bai, mỉa mai, công kích người khác thì đừng hỏi “Vì sao tôi không thấy hạnh phúc”.

 Hãy nói về những yêu thương tốt đẹp, hãy mỉm cười với cuộc sống xung quanh, hãy dành những lời ngọt ngào cho những người bạn yêu quý và bạn sẽ thấy hạnh phúc nảy nở từ đôi môi.

Vào Thứ Năm, ngày 25 tháng 8 năm 2016, BachDuyen đã viết:

DI CHÚC của một người

 

Có một ngày … khi tôi nằm bất động

Trên chiếc giường nệm trắng ở Nhà thương

Và lắc đầu , bác sĩ nói : _ vô phương ! …

Là khi đó đời tôi đành … chấm dứt  !

 

Thế  là hết , tôi hòan tòan phải mất

Mọi tính toan , kế họach của tương lai

Bao công lao , danh vọng lẫn tiền tài

Và tất cả người thân yêu … _ vĩnh biệt  !

 

Vào lúc đó , xin mọi người đừng tiếc

Đừng cố công … gắn máy móc vào tôi

Đừng truyền sinh nhân tạo , cố vãn hồi …

Và đừng gọi đây là Giường tôi Chết  !

 

Xin hãy lấy xác thân tôi cho hết

Hãy gọi là : Giường Sự Sống tiếp liên

Bộ phận nào còn tốt , giúp tôi quyên

Để giúp ích cho nhiều người vui sống !

 

_ Hãy lấy mắt cho người đang ước vọng

Được một ngày nhìn thấy đứa con xinh

Hay tình yêu trong ánh mắt vợ hiền

Để hạnh phúc được nhân lên gấp bội !

 

_ Hãy lấy trái tim tôi đem chuyển đổi

Cho một người mệt mỏi với bệnh tim

Đã bao năm , bác sĩ mãi kiếm tìm

Cùng máy móc luôn đeo bên … cấp báo !

 

_ Xin hãy lấy máu tôi truyền tiếp máu

Cho một chàng trai trẻ mới đụng xe

Để anh ta còn có thể lắng nghe

Và vui sống bên đàn em nhỏ dại  !

 

_ Hãy lấy thận cho người đang khổ mãi

Lệ thuộc vào máy lọc máu quanh năm

Nhớ người thân , cũng chẳng thể đi thăm

Thời khóa biểu … hàng tuần không thay đổi !

 

_ Lấy xương cốt , thịt tôi đem ráp nối

Mang cơ may cho đứa trẻ tật nguyền

Được đổi đời , được chạy giỡn huyên thuyên

Được góp sức góp tài cho xã hội !

 

_ Hãy khảo sát … não tôi _ vừa hấp hối

Có thể nào chữa nổi được cho ai  ?!

Hãy giúp cho một bé gái điếc tai

Hay một bé trai câm thèm ca hát !

 

_ Rồi những thứ tôi còn trên thân xác

Đã hư rồi hay chẳng giúp được chi

Xin quý vị hãy giúp đốt thiêu đi

Đem tro bụi : làm phân cho hoa dại !

 

_ Nếu cứ phải đem tôi chôn , lấp lại

Thì mọi người hãy vùi lấp dùm tôi  :

Bao sai lầm , mưu chước quá tanh hôi

Bao thành kiến , bất hòa hay ghen ghét ! …

 

_ Bao tội lỗi tôi xin người trao hết

Giúp dùm tôi … trả lại Quỷ Sa Tăng

Còn Linh hồn tôi thổn thức , ăn năn

Xin hãy giúp … mang trao cho Thượng Đế  !

 

Sưu tầm

Bạch Yến Lý gởi

Đau khổ và Sự chết

 Đau khổ và Sự chết

Dongten.net

      Đau khổ và sự chết, một thực tại hiển nhiên mà không ai dám chối cãi, nhưng tâm lý chung thì ai cũng sợ và muốn quên nó. Chân lý hiển nhiên nhất lại là chân lý dễ quên nhất, để đến khi con người đối diện với sự chết thì mới giật mình tỉnh thức, như một khẩu ngữ trong dân gian: “chưa thấy quan tài thì chưa đổ lệ”. Đau khổ và Sự chết gắn liền với nhau như hình với bóng, nó là mối dây hệ lụy với nhau như nhân với quả hoặc như quả với nhân. Vậy con người nói chung nhìn vào đau khổ và sự chết như thế nào, nó có ý nghĩa và giá trị ra sao, cũng như con người cần phải chấp nhận đau khổ và sự chết bằng cách nào?

Alzheimer's patient in an emergency room near death while suffering from pneumonia
Alzheimer’s patient in an emergency room near death while suffering from pneumonia

NHẬN THỨC CHUNG CỦA CON NGƯỜI

Với cách nhìn nhận thông thường, chết là một cuộc vĩnh biệt đơn độc và hãi hùng nhất. Không ai có thể đau khổ và chết thay cho nhau, cho dù đó là người thân yêu nhất. Các triết gia xưa nay đều mải miết đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Con người từ đâu đến và đi về đâu? Tại sao con người lại đau khổ và phải chết? Nhiều triết thuyết ra đời để lý giải cho câu hỏi này. Những triết thuyết mang chữ “duy” không giải đáp rốt ráo về nguyên lý của sự chết. Những thuyết không tìm ra ý nghĩa đích thực của đau khổ và sự chết thì thấy cuộc đời chỉ toàn bế tắc, có muôn vàn  mâu thuẫn và xáo trộn. Khi con người không nhận thức đúng đắn về nó thì tất nhiên họ chỉ lao vào danh  lợi, lao vào sự tranh chấp để được thỏa mãn những khát vọng thống trị và hưởng thụ, hoặc khinh thường sự sống đi đến sự khắc kỷ lệch lạc mất quân bình. Dù là tổng thống, là tỉ phú hay ăn mày thì cũng chỉ là kiếp người, để khi đối diện với sự chết cũng phải run giùng sợ hãi trở về tay không với bao tiếng khen chê, tốt xấu hay đáng nguyền rủa.

Đời được gắn liền với nước mắt:”Thoắt sinh ra thì đà khóc choé / Trần có vui sao chẳng cười khì” (Nguyễn Công Trứ) – ngay từ lúc sinh ra là đã phải đối diện với đau khổ rồi. Có lẽ không có sách nào suy xét, phân tích kỹ lưỡng và sâu sắc về đau khổ của con người cho bằng “Tứ Diệu Đế” trong kinh điển nhà Phật, nó xoay quanh một kiếp sống trong “Sinh-lão-bệnh-tử”, để rồi phải kết luận bằng một câu bất hủ: “Nước mắt chúng sinh nhiều hơn đại dương”. Con người luôn luôn gặp đau khổ hằng ngày, trong mọi nơi mọi lúc, và đau khổ tột cùng là sự chết. Đau khổ do mình bị lầm lỡ, do con người làm khổ lẫn nhau, do không được như ý muốn, do bị chia lìa người thân yêu, do tính toán thất bại, thất vọng, do bị hiểu lầm, bị phản bội, do tai nạn, do Tham-Sân-Si hoành hành… Đau khổ do nghèo đói, bệnh tật, thiên tai, động đất, chiến tranh, do quy luật sinh tồn, luật đào thải, do muôn vàn những khắc nghiệt của nhiều sự dữ đang hiện diện.

Có sống được trăm tuổi cũng chẳng ra sao: Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy / cảnh phù du trông thấy cũng nực cười (C.B.Quát).  Như Hoàng đế Napoleon bị đày ở đảo St. Helena, chỉ có con rùa làm bạn với ông, cuối đời ông thốt lên: “Ôi nước Pháp ! Ôi Josephine”. Đau khổ dẫn ông về cõi ngàn thu. Cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của ông đã tiêu ma. Lev Tolstoi, nhà qúy tộc, đại văn hào Nga, chết trên bãi tuyết, trong túi ông có mảnh giấy ghi câu: “Đừng để tôi gặp mặt vợ tôi”. Ôi thảm thương biết bao! Cũng như vua Salômôn, một Hoàng đế giàu sang, quyền thế, khôn ngoan và được toàn dân kính trọng, khi về cuối đời đã phải thốt lên: “phù vân, quả là phù vân, tất cả chỉ là phù vân – Vanitas vanitatum, ommia, vanitas”(GV 1, 2-3). Salômôn đã cảm nghiệm được cuộc đời chỉ có đau khổ và tất cả chỉ là ảo vọng, ông đã “ngộ” ra chân lý đời đời.

Xưa nay, con người  tìm đủ cách để chấp nhận hoặc để giải thoát đau khổ. Đạo gia Á đông đã thấy quy luật tổng quát và tương đối: “Hữu sinh tất hữu diệt; Hữu thành tất hữu huỷ”, và “Thuận thiên tri thiên mệnh”. Đức Phật muốn giải thoát chúng sinh qua biển khổ bằng cách tiêu diệt mọi ước muốn (diệt dục) để vào Niết Bàn, vì Ngài thấy rằng sự vật, sự việc ở đời chỉ là “giả huyễn”, để rồi sinh sinh tử tử nối tiếp nhau trong một đại dương đầy nước mắt do bị nô lệ vào dục vọng. Trang tử nhìn cuộc sống hư hư thực thực, ông thấy mình là bướm rồi lại thấy bướm là mình. Khi vợ chết, Trang tử lấy đàn ra gảy, ông thấy có cũng như không và không cũng như có. Lão tử lại thấy cuộc sống đầy rẫy những mầm loạn trong cái mê muội, nên ông chống lại mọi ý chí đấu tranh để chủ trương một đạo “vô vi”, tìm đến một lẽ sống tự nhiên về đạo an tịnh, để sống cũng như chết, mọi sự không thể tác động để gây đau khổ cho con người. Còn Khổng tử thì chủ trương một lối sống thực tế rất nhân bản và cao đẹp, một lối sống quân tử, vì “quân tử bất ưu bất cụ” (người quân tử không buồn lo, không sợ) và “quân tử thản đãng đãng” (người quân tử có sự bằng an thanh thản lồng lộng), nhờ đó tạo nên một trật tự mang lại an hoà cho con người và xã hội. Hiền triết Sorcates suốt đời tranh đấu cho sự thật, mong muốn cho con người thoát khỏi mê muội bằng cách “hãy tự biết mình”, ông rất thản nhiên trước đau khổ và sự chết. Ông tình nguyện (bị ép) uống thuốc độc rồi nhìn cái chết đến từ từ như nhìn một công việc đến hồi kết thúc phải có trong cái quy luật của nó.

Và dĩ nhiên, còn nhiều cá nhân, tín ngưỡng, tôn giáo từ đông tây kim cổ có những quan điểm hoặc niềm tin khác nhau về đau khổ và sự chết qua những ý niệm với nhãn quan riêng biệt.

ĐAU KHỔ VÀ SỰ CHẾT CÓ Ý NGHĨA VÀ GIÁ TRỊ KHÔNG

Con người đã tốn rất nhiều nước bọt và giấy bút để bàn về vấn đề này, nhưng đề tài vẫn không có đoạn kết. Xét rằng con người hầu như bất lực để hiểu thấu hay ít ra cũng không thể nói về nó một cách rốt ráo, dù rằng qua lịch sử, nhiều triết thuyết, nhiều tôn giáo đã tung hứng đủ lý lẽ để lý giải về vấn nạn này. Con người chỉ biết rằng nó đang hiện diện, như một chân lý không thể chối cãi. Người ta chưa biết rằng hai với hai là bốn từ đâu mà có, hoặc như bóng tối xuất hiện vì không có ánh sáng, đau khổ hiện diện vì thiếu hạnh phúc, sự dữ có mặt vì vắng bóng sự thiện… Nào ai có thể chứng minh được nó từ đâu mà có? Nó xuất hiện với mục đích gì? Có phải để tàn phá hay hủy diệt, hoặc để tồn tại và phát triển? Để làm quân bình như trong quy luật đào thải? Và muôn vàn vấn nạn trong những chuyện tương tự.

Con người nhận thấy rõ rằng, quy luật sinh tồn, quy luật đào thải là vô cùng khắc nghiệt, sinh muôn vàn đau khổ và sự chết cho mọi sinh vật. Ngay cả vũ trụ được ổn định cũng nhờ tiếng nổ vĩ đại làm vỡ tung khối hỗn mang (Big Ben), và thiên nhiên cũng chẳng khác: Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàn. Mỗi bước chuyển tiếp là một cơn đau đớn, trong cái đã đến, đang đến và sẽ đến. Từ vi sinh vật, côn trùng, thú vật cho tới con người đều nằm trong quy luật sát phạt này. Nhưng đặc biệt, ai cũng nhận thấy rằng quy luật này rất hợp lý và hữu ích, vì nếu chỉ có yên lặng trong sự tĩnh mịch thì đồng nghĩa với sự chết, chẳng sản sinh ra được điều gì. Cá lớn nuốt cá bé, sinh vật này giết sinh vật kia để sống, nhờ thế hệ sinh thái mới được quân bình. Ai cũng thấy rằng, muốn đạt được điều gì tốt, phải vượt qua những khó khăn thử thách. Mỗi cá nhân muốn đạt được ước mong nào thì buôc phải trải qua gian nan thử thách, sau đó mới gặt hái được hạnh phúc của điều mà mình đã trả giá (ai nên khôn không khốn một lần). Người giàu có, người thành công hay thành đạt thì buộc phải chiến đấu qua gian khổ. Thế giới được nhiều thành quả và tốt đẹp như hôm nay, chính nhờ vào bao cố gắng, bao gian nan, bao đau khổ của nhiều cá nhân, của những cộng đồng tập thể qua nhiều thế hệ…

Nếu không có đau khổ, chắc rằng con người không cần cải thiện để bất chấp tất cả, sẽ tự bị hủy diệt, vì đâu còn lý do để khắc phục và xây dựng nữa. Nhất là không có đau khổ và sự chết thì con người sẽ mặc sức sống theo thú tính để thỏa mãn mọi ngạo mạn của mình, tất cả dục vọng nơi con người sẽ ngự trị, và như thế con người trở thành nô lệ, tàn sát lẫn  nhau, và như thế lại có sự nghịch lý không thể chấp nhận được.

Song song với nó là những dục vọng nơi con người, mà nhà Phật cho rằng đây là nguyên nhân chính tạo nên mọi nghiệp, mọi kiếp. Những thất tình (hỉ, nộ, ái, ố, ai, cụ, dục), lục dục-lục tặc (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) dẫn con người đến đau khổ và sự tiêu ma.

Quy luật sinh tồn và đào thải từ đâu mà ra, cũng như dục vọng nơi con người từ đâu mà có? Có thể nói đó là một bí nhiệm. Bí nhiệm như ánh sáng và bóng tối từ đâu. Chỉ biết chắc rằng quy luật mâu thuẫn luôn phải có thì mới sản sinh ra được điều kỳ diệu, nó nương tựa và đun đẩy nhau để phát triển (âm thịnh dương suy và dương thịnh âm suy). Đối cực này giải nghĩa và làm rõ cho đối cực kia chứ không thể lý giải hơn được. Triết lý Á đông nhận rằng đây là sự khiếm khuyết của trời đất nhưng lại mang được ý nghĩa để chấp nhận cặp đối lập trong niềm lạc quan tích cực. Nếu đứng ở góc độ lý trí con người, thì Đức Phật được xưng tụng là đại trí, Khổng tử là “vạn thế sư biểu”, Lão tử có trí huệ nhìn xuyên suốt được mọi quy luật để  thấy được cái “Đạo” là nguyên ủy và cứu cánh của mọi sinh vật, dù rằng bản thể của “Đạo” chưa ai giải thích và hiểu thấu được… Con người suy tư chỉ biết rằng đau khổ và sự chết bởi chính cặp mâu thuẫn mà ra, chứ không nhất thiết phải giải thích, càng không thể giải thích hơn được nữa, “ra sống thì vào chết; vào chết thì ra sống” (Lão) chính là vậy. Cũng như“Vật cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu” (kinh dịch) là như thế.

KITÔ GIÁO CHẤP NHẬN ĐAU KHỔ VÀ SỰ CHẾT BẰNG CÁCH NÀO

Như trên đã đề cập đến sự nhận thức và quan điểm của con người xuyên qua những cảm nhận và lý lẽ trong triết lý, trong đạo học cũng như trong những sắc thái của tôn giáo Á đông. Dù sao ta cũng nên nhìn nhận tính chất ưu việt từ trong các tôn giáo, vì chỉ có tôn giáo mới có đủ uy tín và thế giá để xác nhận những vấn đề thuộc tâm linh như việc chấp nhận đau khổ và sự chết bằng niềm tin nào đó, nhờ vào đấy biến nó thành niềm vui cho cuôc sống, còn hơn thế nữa, là tìm được hạnh phúc trong chính cái đau khổ và sự chết.

Dù chủ quan hay khách quan (theo niềm tin tự nhiên hay lý trí phân tích), nếu tìm hiểu kỹ lưỡng, ta nhận thấy rằng, đức tin trong Kitô giáo rất coi trọng giá trị của đau khổ và sự chết. Coi đây là một ân huệ, một phúc lộc của Thiên Chúa ban cho con người. Đau khổ và sự chết là hậu quả của tội lỗi: “lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta là cái chết” (Rom 5, 12).Nhưng chính nhờ đau khổ, cái chết và sự phục sinh, Đức Kitô đã biến nó thành hy vọng, thành niềm vui, thành niềm hoan lạc trong sự sống đời đời cho tất cả nhũng ai theo Người: “Ai muốn theo thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt, 24). Trong niềm tin, qua đau khổ và sự chết, chắc chắn con người sẽ được vinh quang và hưởng phúc lạc đời đời, vì “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống minh, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”.(Ga 12,24-25).Trong cựu ước, ông Giop là người đau khổ tột cùng khó ai có thể chịu đựng được, nhưng ông vẫn vui lòng chấp nhận nó trong niềm tin yêu vững bền:  “Thân trần truồng sinh ra từ lòng mẹ. Tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Chúa đã ban cho, Chúa lại lấy đi. Xin chúc tụng danh Chúa (G 1:21), và kết quả là ông  gặt hái được những thành quả mỹ mãn không ngờ được.  Bởi vậy một trong những điều kiện để đo lường sự thánh thiện trong đạo Chúa là xem người đó có bằng lòng chịu đau khổ hay không. Thiếu điều kiện này là chưa thể bảo đảm được sự thánh thiện.

Đau khổ và sự chết không ai có thể trốn tránh và chống lại nó, nếu chống lại, con người sẽ trở nên trống rỗng trong mọi sự, vì:“Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa” ( 1 Cr 1, 18). Khi chống lại đau khổ, con người chỉ tìm cách ngủ yên trong cái vỏ ốc để bảo vệ cho mình được thoải mái, tránh mọi phiền phức bất cứ từ đâu đến. Lúc đó con người biến thành ích kỷ vô cùng, là điều nguy hiểm dẫn con người đến sự hư mất.

Người Kitô hữu dễ dàng chấp nhận những đau khổ và sự chết nhờ tin vào Đức Kitô và biết được mục đích cuộc sống ở trần gian này để làm gì (Sinh Ký Tử Quy là như vậy). Nếu con người bám vào tiền tài, danh vọng và chạy theo nó thì sẽ mắc vào sự mù tối (vô minh) tai hại, lúc đau khổ và thần chết đến, họ sẽ vô cùng hoảng hốt kinh hãi.

Sự sống đời đời nếu sánh với đời này thì như thánh Giacôbê nói: “Đời người chỉ như một chút hơi nước bay đi rồi biến mất”. Bởi vậy không lạ gì các thánh rất coi thường danh lợi thế gian, các ngài coi đau khổ và sự chết đời này là một phương tiện cần thiết quý báu để đến được cõi hoan lạc viên mãn. Thật cũng không lạ gì có bao vị thánh sung sướng chịu chết vì đạo, các ngài biết rõ”Quê hương chúng ta ở trên trời”(Pl3,20). Vì thế, chết là thay đổi chứ không mất đi, được biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác tốt hơn, hoàn hảo hơn, có được hạnh phúc bất diệt : “Tôi nói anh em biết mầu nhiệm này là, không phải tất cả chúng ta sẽ chết, nhưng tất cả chúng ta sẽ được biến đổi”(1 cr 15, 51).

Đức tin của người Kitô hữu vượt trên lẽ thường tình đến nỗi người ta nhận thấy một sự nghịch lý : “khi Chúa thương gọi con về, lòng con hân hoan như trong một giấc mơ”. Đó là nhờ Đức Kitô đã dành cho những ai tin và sống trong người. Đau khổ và sự chết trở thành một bí nhiệm nên “bất khả tri”, như bác học Newton nói: “Điều tôi biết như giọt nước, điều tôi chưa biết như đại dương”.  Thiên Chúa đã gieo vào lòng con người những mối cảm thức tư duy để ít nhiều con người có thể cảm nghiệm được về đau khổ mang lại ơn ích và sinh ơn cứu rỗi cho họ, dù rằng nó khá mơ hồ và mênh mang. Khi cảm nhận được giá trị của nó thì đau khổ và sự chết trở thành vui mừng, vì được thanh lọc nên tinh tuyền và là giờ được huởng kiến Thiên Chúa là đấng toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ, toàn ái, gốc của mọi hạnh phúc. Thánh nhân đều nhận thấy như thế, như Thánh Têrêsa Avila mỗi khi nghe thấy đồng hồ đổ một giờ qua đi là ngài cảm thấy sung suớng vì giờ chết lại gần hơn để về với Chúa. Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu cũng vậy, ngài nói:”với ý nghĩ được chết, tôi sung sướng lắm”.

Nếu con người nhìn nhận được giá trị, và nhất là có được niềm tin vào một Đấng là nguồn của sự thiện, là cứu cánh thông qua đau khổ và sự chết, thì chắc rằng con người sẽ được thanh thản trước cuộc sống trong bất cứ hoàn cảnh hay tình huống nào. Khi đó con người đã được giải thoát và tìm được hạnh phúc ngay từ cuộc sống đời này rồi. Nếu không nó sẽ làm cớ vấp phạm cho con người, để rồi đau khổ trở thành án phạt, từ đau khổ này chồng chất lên đau khổ khác, cho đến lúc phải quằn quại trong sự chết để chấm dứt một kiếp sống nô lệ và đọa đày.

Chung quy, người có đức tin và theo chân Đức Kitô thì dễ dàng đón nhận đau khổ và sự chết bằng niềm lạc quan và hy vọng, trong an bình và thanh thản.

Hàn Cư Sĩ

Giác Ngộ

  Giác Ngộ

Msgr. Petrus Nguyển Văn Tài

Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?”… Lời thách thức này của Tin Mừng đã khiến cho một vị giáo sư  trẻ tuổi bỏ tương lai đầy hứa hẹn, bỏ tất cả để chỉ còn đeo đuổi một mục đích duy nhất trong cuộc đời: sự sống đời đời của chính mình và của người đồng loại.

Vị giáo sư trẻ tuổi đó chính là Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng của các xứ truyền giáo, mà hôm nay Giáo Hội kính nhớ… Chưa tròn 25 tuổi, Phanxicô đã nổi tiếng như một giáo sư triết học tài ba tại đại học Paris . Giữa lúc danh vọng đang đến, Phanxicô Xaviê đã nhận được những lời thách thức trên đây từ người bạn thân Inhaxiô Loyola.

Không còn chống cưỡng lại với lời Chúa, Phanxicô Xaviê đã đến Montmartre để cùng với Inhaxiô sống đời khó nghèo, khuyết tịnh và phục vụ tông đồ, theo những chỉ dẫn của Ðức Thánh Cha.

Năm 1537, nghĩa là 3 năm sau khi đã tuyên khấn, Phanxicô lãnh chức linh mục. Từ Italia, ngài sang Lisboa của Bồ Ðào Nha để lên đường đi truyền giáo tại Ấn Ðộ. Trong 10 năm ngắn ngủi, Phanxicô Xaviê đả rảo bước đi khắp nơi để đem Tin Mừng đến cho dân tộc Nhật Bản, Mã Lai và Ấn Ðộ. Cuộc sống của ngài là một chia sẻ cảm thông sâu xa với những người nghèo khổ nhất… Chưa đạt được giấc mơ đặt chân đến Trung Hoa và Việt Nam, thánh nhân đã qua đời trong kiệt sức, tại một hải đảo cách Hồng Kông 100 cây số. Bị những người lái buôn Bồ Ðào Nha bỏ rơi trên bãi cát, thánh nhân đã qua đời trong sự trơ trụi nghèo nàn.

Danh vọng, tiền tài, ngay cả sức khỏe… tất cả đều được đốt cháy để tìm được niềm vui đích thực cho tâm hồn và mang niềm vui đó đến với mọi người: đó là sứ điệp mà thánh Phanxicô Xaviê đã để lại cho tất cả chúng ta…

“Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột”… Có lẽ người ta thường dùng câu nói trên đây không những để nói lên tính cách tương đới của đau khổ, mà còn để nói lên ngay cả sự tương đới của hạnh phúc.

Sau những tháng năm ăn độn, ăn rau, những người nghèo có thể hớn hở reo vui khi được bữa cơm trắng với chút thịt cá. Sau những tháng năm tù đày, một người vừa mới được phóng thích sẽ reo hò sung sướng khi được đi lại tự do, khi được thở không khí trong lành…

Những người giàu có, ngày nào cũng yến tiệc linh đình sẽ thèm khát đôi chút cá kho, mắm cà của người nghèo khổ… Những đứa trẻ giàu có ở đô thị có lẽ sẽ thèm khát những giây phút được cưỡi trâu hay tắm ao của những chú bé nghèo ở nhà quê…

Tựu trung, vấn đề cơ bản nhất của con người vẫn là đi tìm hạnh phúc. Và cuối cùng, sau những miệt mài tìm kiếm, ai cũng nhận thấy rằng mình sẽ không bao giờ đạt được hạnh phúc đích thực và trường cửu trên trần gian này. Kẻ đứng ở núi này sẽ luôn nhìn sang núi nọ…

Chúa Giêsu đã đề ra cho chúng ta một bí quyết của hạnh PhúcAi muốn cứu mạng sống mình, sẽ mất và ai mất  mạng sống mình vì Ta sẽ gặp lại… Chỉ có một niềm vui đích thực đó là sống trọn vẹn cho Chúa. Chỉ có một điều quan trọng nhất trong cuộc sống: đó là lắng nghe lời Chúa.

Msgr. Petrus Nguyển Văn Tài

Anh chị Thụ & Mai gởi

TRÁCH NHIỆM

TRÁCH NHIỆM

Thiên Phúc

Có một ông phú hộ rất khô đạo, thường hay nói với người vợ mỗi sáng Chúa nhật khi bà và các con sửa soạn đi lễ:

– Em hãy đến nhà thờ dự lễ và cầu nguyện cho anh với nhé.

Mỗi lần gặp gỡ bạn bè nói về chuyện đạo, ông thường khoe với họ là ông không cần đến nhà thờ, cũng không cần phải đọc kinh dự lễ, vì đã có vợ ông dự lễ, đọc kinh và cầu nguyện cho cả hai rồi.

Ngày tháng trôi qua, một hôm ông nằm mơ thấy ông và vợ đứng xếp hàng trước cửa thiên đàng đợi đến lượt mình bước vào. Cửa trời mở ra và mọi người tuần tự vui vẻ tiến vào. Khi đến lượt ông thì thiên thần giữ cửa làm hiệu cho ông dừng lại. Thiên thần quay sang mỉm cười nói với vợ ông:

– Chị hãy vào thiên đàng thay cho cả chồng chị nữa!

Thế là chỉ có vợ ông tiến vào còn ông thì phải bơ vơ đứng ngoài. Vừa tủi thân vừa tức giận đã làm cho ông thức giấc. Ông không dám thuật lại giấc mơ cho vợ, nhưng điều làm cho bà vợ ngạc nhiên hơn cả là sáng Chúa nhật hôm đó, thay vì nói với bà như thường lệ, người phú hộ đến gần vợ và nói bên tai bà:

– Từ hôm nay, anh sẽ cùng với em đến nhà thờ dự lễ và cầu nguyện cho chính anh nữa.

 ***

Giây phút hiện tại chính là thời điểm Thiên Chúa đi vào cuộc đời ta và qua ta đi vào lòng thế giới. Thế nhưng Thiên Chúa không thể đi vào cuộc đời ta nếu không có sự đồng ý của ta. Thánh Augustino đã nói: “Khi tạo dựng nên ta, Thiên Chúa không cần hỏi ý kiến của ta, nhưng Người không thể cứu rỗi ta nếu ta không cộng tác với Ngài”.

Điều đó nói lên trách nhiệm của mỗi người về niềm hạnh phúc và phần rỗi cá nhân. Vốn biết rằng “không ai là một hòn đảo”, cũng không ai có thể sống riêng rẽ một mình. Việc tốt cũng như hành động xấu của người này có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đối với người kia. Thế nhưng, không phải vì thế mà chúng ta có thể ỷ lại vào việc lành phúc đức của người khác để trốn trách nhiệm của mình.

Mỗi giây phút hiện tại sẽ lần lượt qua đi mà không bao giờ trở lại. Mỗi người chúng ta đang đứng trước tương lai của mình, đang đối diện với vận mệnh mà Thiên Chúa đã trao tặng. Chúng ta phải sáng suốt lựa chọn sự sống hay cái chết, hạnh phúc bất diệt hay thú vui tạm bợ, Thiên Chúa và tình yêu hay cái tôi và tính ích kỷ.

Tất cả tuỳ thuộc vào sự lựa chọn của ta. Không ai có thể sống thay cho ta hoặc chết thay cho ta. Thánh Phaolô đã viết: “Mỗi người trong chúng ta sẽ phải trả lời về chính mình trước mặt Thiên Chúa” (Rm 14, 12). Phải chấp nhận sự thật này là mỗi người chỉ sống một lần và chết cũng chỉ một lần. Ta phải chủ động chứ không thể đề cử ai thay thế ta được.

***

Lạy Chúa, xin giúp con xác tín rằng chính con phải lo phần rỗi con, không ai có thể sống đạo thay con. Chính con phải tuyên xưng lòng tin bằng đời sống và việc làm của con, để qua con, người khác sẽ nhận biết Chúa, và cảm nghiệm tình thương cứu độ của Ngài. Amen 

Thiên Phúc

Anh chị Thụ & Mai gởi