Viết về một ngày đen tối, với một ước vọng bình minh

Ba’o Nguoi – Viet

April 7, 2024

Kathy Phạm/SGN

Tôi có ký ức tuổi thơ khá loáng thoáng và mờ nhạt về đất nước Việt Nam Cộng Hòa, tuy nhiên những ký ức ít ỏi này vẫn ở mãi trong trí nhớ của tôi cho đến ngày hôm nay.

Tôi còn nhớ rõ vào năm 1975, gần một tháng trước ngày sinh nhật lần thứ chín của tôi, má tôi dự tính mua cho tôi một cái áo mới để đi học và nấu một nồi chè đậu xanh nước dừa để mừng sinh nhật đứa con gái út lên chín tuổi.

Nhưng ngày vui đó không được thực hiện như tôi mong đợi. Lý do vì ngày đó đã xảy ra sự kiện đánh dấu một biến cố lịch sử đau thương cho đất nước và dân tộc Việt Nam: ngày 30 tháng Tư năm 1975. Từ đó cho đến hôm nay, mỗi năm đến ngày sinh nhật, riêng với cá nhân tôi, đều gợi lại những kỷ niệm buồn nhiều hơn vui.

Nhà tôi ở trong khu xóm lao động gần chợ Bàn Cờ. Ba tôi là công chức làm việc tại Phi trường Tân Sơn Nhất. Ba tôi thường xuyên nghe các đài BBC và VOA hàng đêm để biết thêm tin tức thời sự tại Việt Nam và trên thế giới.

Vì là con gái út trong bảy anh chị em, nên tôi thường đeo sát bên Ba và nằm kế bên bộ ván gỗ mỗi khi Ba nghe radio. Tôi còn nhớ rõ, mỗi khi có tình hình chiến sự sôi động tại các chiến trường, như mặt trận Quảng Trị, Huế, Kom Tum, Bình Long, An Lộc, Xuân Lộc…, thì các anh chị lớn tôi đến ngồi nghe ké tin tức cùng Ba, với vẻ mặt lo âu hiện rõ trên khuôn mặt mọi người.

Mùa Hè đỏ lửa 1972 thật sự là một biến động lớn cho gia đình tôi. Anh Hai tôi là sinh viên đang học năm thứ ba Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật Sài Gòn. Vì tình hình chiến sự sôi động tại các tỉnh miền Trung do Cộng quân nổi lên đánh phá, anh phải tạm ngưng việc học, theo lệnh tổng động viên lên đường gia nhập quân đội khóa 6/1972 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Bộ Binh Thủ Đức, năm anh vừa tròn 21 tuổi.

Sau khi khóa huấn luyện kết thúc, má và ba có cho tôi đi theo dự ngày lễ tuyên thệ mãn khóa sinh viên sĩ quan của anh Hai. Tôi còn nhớ trong buổi lễ, các tân sĩ quan đứng nghiêm xếp hàng, với bộ quần áo đại lễ của quân đội thật trang trọng, đẹp và oai hùng. Các anh đứng nghiêm trang dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay trước gió, làm lễ chào quốc ca VNCH, và đọc lời tuyên thệ trung thành với đất nước, với quốc gia dân tộc. Trong niềm tự hào và xúc động, tôi đã hát theo bài Quốc ca VNCH mà tôi đã thuộc lòng và thường xuyên cùng các bạn hát vào dịp lễ chào cờ mỗi sáng thứ Hai đầu tuần tại sân trường tiểu học.

Sau khi ra trường Bộ Binh Thủ Đức, anh Hai đã nhận tờ “Sự Vụ Lệnh” bổ nhiệm về Tiểu đoàn II thuộc Sư Đoàn Công Binh Chiến Đấu. Kể từ sau khi anh Hai vào lính, các dịp Tết của những năm 1973, 1974 và 1975, anh không bao giờ được có mặt ở nhà, giống như lời bài hát “Xuân Này Con Không Về.”

Đơn vị anh phải cắm trại 100% trong dịp Tết. Đôi lúc, khi có được 24 giờ phép về Sài Gòn thăm nhà, lúc nào anh cũng mặc bộ quần áo lính trên người, với nón sắt và cây súng lục trong bao da đeo bên thắt lưng phải, và trên cổ áo anh mỗi bên có một bông mai màu đen. Một lần tôi tò mò hỏi anh rằng: “Sao cổ áo của anh Hai có cặp bông mai đen thui vậy, em thấy người ta đeo bông mai vàng mà?”.

Anh mỉm cười nói: “Đơn vị anh xây dựng các căn cứ quân sự và các cây cầu cho xe nhà binh chạy qua để đưa chiến sĩ ra mặt trận, do làm việc ngoài trời nên bông mai phải được nhuộm đen để không bị mặt trời làm chiếu sáng và tránh bị Việt Cộng bắn lén”. Lúc đó trí óc trẻ thơ của tôi mới hiểu rằng cái bông mai đen hay vàng là có gắn liền với sự sống chết hàng ngày mà anh Hai phải đối diện.

Những khi được về phép, lúc rảnh, anh Hai thường ôm cây guitar hát lại những bài ca quen thuộc, lời lẽ của bài nhạc mà tôi vẫn còn nhớ mãi đến bây giờ, như là “Từ khi anh thôi học, lòng thương biết mấy cho vừa…”, hay “Đất biển mặn nuôi lớn khôn tôi, nên năm 21 tuổi tôi đi vào quân đội…”. Lời bài nhạc đơn giản nhưng thật thiết tha, diễn tả được hết tình cảm, tâm tư của người lính xa nhà.

Một hình ảnh nữa trong trí nhớ là tôi được Ba dẫn đi xem cuộc diễn binh nhân dịp kỷ niệm ngày Quân Lực VNCH năm 1973. Tôi nhìn thấy được hình ảnh trang nghiêm và hào hùng của từng đoàn chiến sĩ VNCH thuộc các binh chủng, trong đó có mặt anh Hai trên đoàn xe Sư Đoàn Công Binh Chiến Đấu diễn hành qua đại lộ Trần Hưng Đạo của Thủ đô Sài Gòn.

Những ngày cuối tháng 4 năm 1975, Ba tôi càng thường xuyên nghe các chương trình radio hơn, từ 7 giờ tối cho đến 11 giờ đêm, để theo sát tin tức chiến sự hàng ngày. Cho đến buổi trưa ngày 30-4-1975, cả nhà tôi đều ngồi bên chiếc radio và sau khi nghe lệnh quân lực VNCH phải buông súng, ba tôi im lặng, hai tay ôm đầu buồn bã, còn má tôi thì nước mắt chảy dài trên khuôn mặt lo âu. Đây cũng chính là lý do tại sao ngày sinh nhật của tôi đã không thể tổ chức như dự tính.

Sau biến cố 30-4-1975, vì ba tôi là công chức VNCH nên bị buộc phải đi “học tập cải tạo tại chỗ” trong vòng ba ngày. Còn anh Hai, lúc đó vừa tròn 24 tuổi, là sĩ quan thiếu úy, thì được chính quyền Việt Cộng thông báo (ma giáo) phải “Đi trình diện, và chuẩn bị lương thực trong vòng 10 ngày để tập trung “học tập cải tạo” ở vùng ngoại ô Sài Gòn.”

Còn các ông già, bà lão, phụ nữ, thanh niên, thiếu nhi cũng phải họp mỗi tuần để gọi là “học tập” đường lối, chánh sách…

Cuộc sống gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, thiếu trước hụt sau. Ba tôi có lúc đi làm cho tiệm điện và có lúc thì làm cho tiệm cơ khí. Má và chị tôi phải bươn chải ra chợ bán chuối chiên, rau cải, để phụ nuôi sống cả gia đình. Má tôi cũng dành ra chút ít tiền để mua đường, đậu, khô mắm… để mỗi năm đi thăm nuôi anh Hai đang “học tập cải tạo” tại các trại tù Suối Máu, Hàm Tân.

Sau ba năm, vào cuối năm 1978, anh Hai được thả về với gia đình vì bị bệnh gần chết. Khi vừa từ trại tù về nhà, lập tức anh được đưa ngay vào bệnh viện Chợ Quán để chữa bệnh. Sau bốn tuần, anh Hai xuất viện về nhà, thân thể vẫn gầy gò với bộ xương biết đi. Nhìn cảnh đó làm cho dòng nước mắt của tôi tự nhiên tuôn trào.

Hơn hai năm sau, năm 1980, anh Hai quyết định đi vượt biên để thoát khỏi cảnh bị kỳ thị và phân biệt đối xử tàn tệ dưới chế độ độc tài Việt Cộng. Rất may mắn, anh đi thoát được sau hai lần vượt biên, và được định cư ở Mỹ theo diện sĩ quan quân lực VNCH. Anh vừa đi làm vừa học lại college ở San Jose, California, anh luôn giúp đỡ gia đình còn ở VN và sau đó bảo lãnh cho cả gia đình định cư tại Mỹ.

Đến nay, anh Hai không còn nữa nhưng anh đã có được hậu duệ là ba đứa con thành đạt, gồm con gái lớn và con trai kế, đều tốt nghiệp MBA cao học quản trị kinh doanh đang làm việc tại thành phố San Jose, còn đứa con trai út vừa tốt nghiệp dược sỹ năm 2019 và đang làm việc cho CVS tại Las Vegas.

Bản thân tôi, sau biến cố 30-4-1975, tôi tiếp tục đi học, nhưng phải học theo cách thức của chế độ Việt Cộng. Việt Cộng tuyên truyền nghe rất lý tưởng, nào là độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc, bình đẳng, giàu mạnh…, nhưng nhìn lại thực tế hoàn cảnh sống của gia đình và mọi người xung quanh, tôi thấy hoàn toàn trái ngược.

Từ những năm đầu thập niên 1980, khi bắt đầu vào học lớp 10 trường trung học Gia Long tại Sài Gòn, sau này bị Việt Cộng đổi tên là Minh Khai, tôi  bắt đầu tìm hiểu và so sánh thế nào là xã hội dân chủ và xã hội độc tài. Tôi may mắn là được nghe kể lại nhiều câu chuyện trước và sau 1975 từ ba, má, các anh chị, người thân quen và bạn bè, cộng thêm nghe tin tức từ BBC, VOA…, cho nên tôi cũng có được những nhận thức căn bản về đời sống.

Sự so sánh về xã hội dân chủ và độc tài càng được chứng minh rõ ràng, khi tôi chứng kiến sự sụp đổ của bức tường Bá Linh tại Đông Đức năm 1989 và sự sụp đổ của cái gọi là “nhà nước công nông đầu tiên của giai cấp vô sản” trên thế giới: Liên Xô – vào năm 1991.

Từ năm 1991, khi gia đình định cư tại Mỹ, tôi được học hỏi thêm nhiều về các mặt sinh hoạt xã hội tại Mỹ, tôi càng hiểu biết về sự cần thiết của hệ thống xã hội “Tam quyền phân lập”: Lập pháp, Hành Pháp, Tư Pháp, cộng thêm quyền thứ tư là tự do báo chí và ngôn luận. Sự cân bằng và phối hợp của “đệ tứ quyền” giúp cho xã hội các nước được phát triển, trong khi cộng sản luôn phủ nhận và cho rằng bốn quyền nầy chỉ là đồ trang trí ở các nước tư bản mà thôi.

Tôi tin rằng, nếu không có biến cố 30-4-1975, VNCH đã có thể phát triển ngang hàng mọi mặt về kinh tế, chính trị, văn hóa và đời sống xã hội như Nam Hàn ngày nay. Trước và sau năm 1975. Việt Cộng thường tuyên truyền rằng Nam Hàn và VNCH là “tay sai của đế quốc Mỹ” nhưng chỉ hơn 20 năm sau thì chính Việt Cộng lại ve vãn Nam Hàn để xin nhận đầu tư và viện trợ nhân đạo.

Nếu có thể đặt ra câu hỏi cho người Nam Hàn rằng: “Bạn có muốn được thống nhất đất nước Nam và Bắc Hàn theo kiểu của Bắc và Nam Việt Nam vào năm 1975 hay là theo kiểu của Đông và Tây Đức năm 1989?” thì tôi tin rằng câu trả lời sẽ hết sức nhanh gọn là chỉ muốn được theo mô hình năm 1989 của Đức mà thôi.

Hơn 46 năm, kể từ biến cố 30-4-1975, Việt Cộng vẫn gian xảo và tàn ác, dùng bạo lực để cai trị sắt máu đối với nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, ngọn cờ vàng ba sọc đỏ VNCH, tượng trưng cho dân chủ và tự do của người Việt Nam đã và vẫn tồn tại, vẫn tung bay trên khắp các thành phố có cộng đồng Việt Nam sinh sống tại các đất nước dân chủ, từ Âu châu đến Úc châu qua Mỹ châu.

Chúng ta luôn mong ước rằng trong một ngày không xa, VNCH với ngọn cờ chính nghĩa ấy sẽ hội tụ về quê hương Việt Nam để xây dựng một đất nước thật sự có Dân Chủ, Tự Do, Văn Minh, Pháp Quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải.

(Garden Grove, CA, ngày 5 tháng 4, 2021)


 

 Em bé gái trên Đại Lộ Kinh Hoàng của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972

Trung Tá Kimberly M. Mitchell hay chính là
Em bé gái trên Đại Lộ Kinh Hoàng
của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972

Kính chuyển tiếp DĐQGHCTC để gợi nhớ biến cố đau buồn 30-04-1975: “Trung Tá Kimberly M. Mitchell hay chính là Em bé gái trên Đại Lộ Kinh Hoàng của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972”


Em bé gái trên Đại Lộ Kinh Hoàng của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972

Em bé ngày xưa, nay là Trung Tá Kimberly M. Mitchell
Feb 18, 2014
Vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, một em bé 4 tháng tuổi nằm trên xác mẹ trên Đại Lộ Kinh Hoàng; em đang trườn người trên bụng mẹ tìm vú để bú nhưng mẹ đã chết từ bao giờ. Một người lính Quân Cụ chạy ngang, bồng em bé bỏ vào chiếc nón lá rồi chạy qua cầu Mỹ Chánh, trao lại cho một Thiếu úy Thủy Quân Lục Chiến đang hành quân.

Bao năm trôi qua, em bé mồ côi mẹ nay trở thành Trung Tá trong Quân Lực Hoa Kỳ còn người Thiếu úy TQLC sang Hoa Kỳ theo diện HO nay đang định cư tại tiểu bang New Mexico. Hai người vừa gặp nhau sau 41 năm bặt vô âm tín. Ngày Thứ Ba 2 tháng 4, 2013 vừa qua, nhân dịp sang California dự lễ cưới, người Thiếu Úy TQLC này đã kể cho phóng viên Viễn Đông câu chuyện cảm động và ly kỳ ngay tại khách sạn nơi ông đang tạm cư ngụ.

Người Thiếu Úy TQLC tên là Trần Khắc Báo. Vào thời điểm 1972 ông còn độc thân và phục vụ tại Đại Đội Vận Tải Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, được biệt phái sang Phòng 4 của Sư Đoàn làm sĩ quan phụ trách chuyển vận. Vào sáng 1 tháng 5 năm 1972, Thiếu Úy Báo được lệnh cấp trên, cùng một số đồng đội mở cuộc hành quân để giúp di chuyển Tiểu Đoàn 7 TQLC ra khỏi vùng vừa bị thất thủ thuộc tỉnh Quảng Trị vì một số đông quân nhân bị thất lạc không tìm thấy vị chỉ huy của họ. Ngoài ra, ông cũng xin lệnh giúp di tản các Quân, Dân, Cán, Chính khác đang tìm đường chạy về phía nam sông Mỹ Chánh là nơi quân đội VNCH còn đang trấn giữ; ông được cấp trên chấp thuận.

Khi đơn vị ông đến cầu Mỹ Chánh (Quảng Trị) thì nơi đây là phòng tuyến cuối cùng của VNCH để ngăn chặn quân Bắc Việt tràn xuống phía Nam. Ông đã chỉ huy 20 quân xa GMC thực hiện cấp tốc cuộc di tản suốt ngày. Đến khoảng 4 hay 5 giờ chiều ông Trần Khắc Báo nhìn thấy thấp thoáng bên kia cầu còn một người đang ôm chiếc nón lá thất thểu đi qua với dáng điệu hết sức mỏi mệt. Ông định chạy qua giúp người này nhưng vị Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5 TQLC đang trách nhiệm trấn giữ tại đó la lớn:

                                         ông Trần Khắc Báo trong ngày hội ngộ
“Cây cầu tao đã gài mìn, có thể nổ và sẵn sàng phá hủy khi thấy chiến xa Việt Cộng xuất hiện, đừng chạy qua, mày sẽ bị bỏ lại bên đó không về lại được đâu nghe!”
Ông cố nài nỉ:
“Đại Bàng chờ em một chút, cho em cứu người cuối cùng này.”

Và ông chạy đến đưa người này qua cầu. Thấy người này đi không nổi, thất tha thất thểu mà tay còn cố ôm vòng chiếc nón lá, Thiếu Úy Báo nói đùa:

“Đi không nổi mà còn mang theo vàng bạc châu báu gì nữa đây cha nội?”

Người ôm vòng chiếc nón lá nói:
“Em là lính Quân Cụ thuộc Tiểu Khu Quảng Trị, trên đường chạy về đây em thấy cảnh tượng hết sức thương tâm này, mẹ nó đã chết từ bao giờ không biết và nó đang trườn mình trên bụng mẹ nó tìm vú để bú, em cầm lòng không được nên bế nó bỏ vào chiếc nón lá mang đến đây trao cho Thiếu Úy, xin ông ráng cứu nó vì em kiệt sức rồi, không thể đi xa được nữa và cũng không có cách gì giúp em bé này.”

Nói xong anh ta trao chiếc nón lá có em bé cho thiếu úy Báo.

Ngừng một chút, ông Báo nói với chúng tôi:
“Mình là người lính VNCH, mình đã được huấn luyện và thuộc nằm lòng tinh thần ‘Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm’ nên lúc đó tôi nghĩ trách nhiệm của mình là lo cho dân nên tôi nhận đứa bé và nói với người lính Quân Cụ: ‘Thôi được rồi, để tôi lo cho nó, còn anh, anh cũng lo cho sức khỏe của anh, lên GMC đi để chúng tôi đưa anh về vùng an toàn.’”

Sau đó, người sĩ quan TQLC ôm em bé leo lên chiếc xe Jeep chạy về Phong Điền, cách đó khoảng 20 cây số. Trên đường đi, ông Báo cảm thấy rất bối rối vì em bé khóc không thành tiếng vì đói, khát mà ông thì còn là một thanh niên trẻ (lúc đó mới 24 tuổi) chưa có kinh nghiệm gì nên ông hỏi người tài xế, bây giờ phải làm sao? Người tài xế tên Tài trả lời:
“Ông thầy cho nó bú đi! Ông thầy không có sữa thì lấy bi đông nước chấm đầu ngón tay vào nước để vào miệng nó cho nó bú.”

Ông Báo làm theo lời chỉ và em bé nín khóc rồi nằm im cho đến khi ông đưa em vào Phòng Xã Hội của Lữ Đoàn TQLC. Tại đây, gặp Thiếu tá Nhiều, Trưởng Phòng 4 TQLC, ông trao em bé cho Thiếu tá Nhiều và nói:

“Thiếu tá, tôi có lượm một em bé ngoài mặt trận, xin giao cho Thiếu tá.”

Ông này nhìn ông Báo cười và nói:
“Mày đi đánh giặc mà còn con rơi con rớt tùm lum!”

Ông Báo thanh minh:
“Không! Tôi lượm nó ngoài mặt trận; nó đang nằm trên xác mẹ nó.” Thiếu tá Nhiều bảo:

“Thôi, đem em bé giao cho Phòng Xã Hội để họ làm thủ tục lo cho nó.” Sau đó, ông Báo đưa em bé cho một nữ quân nhân phụ trách xã hội. Cô này nói với ông:

“Thiếu úy giao thì Thiếu úy phải có trách nhiệm, vì em bé này ở ngoài mặt trận thì Thiếu úy phải cho nó cái tên và tên họ Thiếu úy nữa để sau này nó biết cội nguồn của nó mà tìm.”

Lúc đó, ông còn độc thân nhưng trong thâm tâm ông vốn nghĩ rằng sau này khi ông cưới vợ, nếu có con gái ông sẽ đặt tên là Bích, nếu con trai ông sẽ đặt tên là Bảo, nên sau khi nghe người nữ quân nhân nói, ông Báo đặt ngay cho em bé cái tên là Trần Thị Ngọc Bích.

Sau đó ông trở về đơn vị và cuộc chiến ngày càng trở nên khốc liệt cho tới tháng 3/1975, đơn vị ông bị thất thủ cùng Lữ Đoàn 2 TQLC ở Huế và ông Báo bị bắt làm tù binh. Mãi đến năm 1981 ông được thả về. Tháng 9/1994 ông được sang định cư tại thành phố Albuqueque, tiểu bang New Mexico…

EM BÉ MỒ CÔI GẶP MAY MẮN
Em bé Trần Thị Ngọc Bích được Phòng Xã Hội Sư Đoàn TQLC đem đến Cô Nhi Viện Thánh Tâm Đà Nẵng giao cho các Dì Phước chăm sóc. Số hồ sơ của em là 899.

Một hôm có ông Trung Sĩ Hoa Kỳ thuộc binh chủng Không Quân phục vụ tại phi trường Đà Nẵng tên là James Mitchell vô Cô Nhi Viện xin nhận một trong các em tại đây làm con nuôi. Em Trần Thị Ngọc Bích may mắn lọt vào mắt xanh của ông James Mitchell và trở thành thành viên của gia đình này từ đó đến nay.

Sau khi rời khỏi binh chủng Không Quân, ông James Mitchell trở về Hoa Kỳ vào cuối năm 1972. Ông quyết định mang theo đứa con nuôi Trần Thị Ngọc Bích, lúc đó em mới được 6 tháng.

Hai ông bà Mitchell đặt tên Mỹ cho em là Kimberly Mitchell. Em ở tại trang trại của gia đình tại Solon Springs, tiểu bang Wisconsin. Kimberly Mitchell lớn lên tại đây và được bố mẹ nuôi rất thương yêu, coi như con ruột. Em được đi học, tham gia thể thao và vào hội thanh niên. Lớn lên em vừa đi học vừa phụ giúp cha mẹ nuôi bò và làm phó mát. Cái tên Trần Thị Ngọc Bích đã bị quên lãng từ đó, và Kimberly Mitchell cho biết, mỗi khi nghe ai nói gì về Việt Nam, cô thường tự hỏi, Việt Nam là đâu nhỉ?

Khi đã có trí khôn, Kimberly Mitchell nhận thấy mình không phải người Mỹ như bố mẹ, không phải con lai, không phải người Tàu. Cô không biết mình là người nước nào và cứ mang cái thắc mắc đó mãi mà không ai có thể trả lời cho cô.

Một hôm, Kimberly Mitchell đánh bạo hỏi bố:
“Con muốn biết con người gì, nguồn gốc con ở đâu? Tại sao con lại là con bố mẹ?”

Bố nuôi James giải thích cho cô:
“Con là người Việt Nam, bố mẹ xin con từ trong viện mồ côi ở Đà Nẵng, Việt Nam. Nếu con muốn tìm nguồn cội của con, con có thể về Đà Nẵng, may ra tìm được tông tích của gia đình con.”

Ngay từ khi Kimberly còn học lớp ba, bố nuôi em đã muốn sau này cho Kimberly gia nhập Không Quân nhân khi cô được chọn tham dự hội thảo về nghệ thuật lãnh đạo dành cho những học sinh xuất sắc. Nhưng rồi định mệnh xui khiến, cô lại theo Hải Quân. Trong thời gian theo học, Kimberly Mitchell phải bỏ học một năm vì bố nuôi qua đời năm 1991 trong một tai nạn tại trang trại của gia đình. Sau đó cô trở lại trường và tiếp tục học. Năm 1996 cô tốt nghiệp Cơ Khí Hàng Hải và phục vụ trong Hải Quân Hoa Kỳ và hiện nay mang cấp bậc Trung Tá, Phó Giám Đốc Văn Phòng Trợ Giúp Quân Nhân và Thân Nhân tại Ngũ Giác Đài.

Năm 2011, Kimberly Mitchell trở về cố hương với tư cách một nữ Trung Tá Hải Quân, Quân Lực Hoa Kỳ, mong gặp lại người thân. Đến Viện Nuôi Trẻ Mồ Côi Thánh Tâm ở Đà Nẵng, cô may mắn gặp được Sơ Mary, người tiếp nhận cô năm 1972 từ một nữ quân nhân Phòng Xã Hội Sư Đoàn TQLC. Giây phút thật cảm động, nhưng Kimberly chỉ được Sơ Mary cho biết:

“Lúc người ta mang con tới đây, con mới có 4 tháng và họ đặt tên con là Trần Thị Ngọc Bích. Họ nói mẹ con đã chết trên Đại Lộ Kinh Hoàng, con được một người lính VNCH cứu đem đến đây giao cho Cô Nhi Viện rồi đi mất, vì lúc đó chiến tranh tàn khốc lắm.”

Kimberly không biết gì hơn và cô quay trở lại Mỹ. Sau khi đã biết mình là người Việt Nam, thỉnh thoảng cô viết trên website câu chuyện của mình.

GẶP LẠI CỐ NHÂN
Ông Trần Khắc Báo đưa cho chúng tôi xem một số hình ảnh, một số báo tiếng Việt và mấy tờ báo tiếng Anh đăng hình cuộc gặp gỡ giữa gia đình ông và cô Trần Thị Ngọc Bích, và nói:

“Sau khi ra tù Việt Cộng, tôi cũng cố tìm hiểu xem em bé Trần Thị Ngọc Bích nay ra sao, kể cả người lính Quân Cụ năm xưa, nhưng tất cả đều bặt vô âm tín. Một hôm tình cờ tôi đọc được một bài viết của tác giả Trúc Giang trên tờ Việt Báo Hải Ngoại số 66 phát hành tại New Jersey, tác giả kể lại câu chuyện đi Mỹ của một em bé trong cô nhi viện Đà Nẵng mang tên Trần Thị Ngọc Bích. Đọc xong tôi rất xúc động pha lẫn vui mừng, vì có thể 80, 90% cô Ngọc Bích đó là do mình cứu và đặt tên cho cô.”

Sau đó, ông nhờ người bạn tên là Đào Thị Lệ làm việc trong New York Life, có chồng người Mỹ và có em cũng ở trong Hải Quân Hoa Kỳ, liên lạc tìm kiếm Mitchell. Và chính cô Đào Thị Lệ là người đầu tiên trực tiếp nói chuyện với Trần Thị Ngọc Bích đang làm việc tại Ngũ Giác Đài.

Theo ông nghĩ, có thể cô Mitchell bán tín bán nghi, không biết chuyện này có đúng không hay là chuyện “thấy người sang bắt quàng làm họ” như ông cha mình thường nói. Nhưng sau khi nói chuyện với ông Trần Khắc Báo, Mitchell quyết định tổ chức một cuộc hội ngộ trước các cơ quan truyền thông. Cô xin phép đơn vị và mời được 7 đài truyền hình cùng một số phóng viên báo chí từ Washington, D.C cũng như nhiều nơi về tham dự.

Cuộc hội ngộ, theo ông Báo cho biết, hoàn toàn do cô Kimberly Mitchell quyết định, địa điểm là trụ sở Hội Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia New Mexico vào Thứ Sáu, ngày 29.8.2012. Cô đến phi trường vào tối Thứ Năm 28.8, gia đình ông Báo ngỏ ý ra phi trường đón nhưng cô cho cô Đào Thị Lệ biết là cô không muốn gia đình đón ở phi trường cũng như đưa vào khách sạn. Cô muốn dành giây phút thật cảm động và ý nghĩa này trước mặt mọi người, đặc biệt là trước mặt các cơ quan truyền thông, và cô muốn ông Báo mặc bộ quân phục TQLC như khi ông tiếp nhận cô đưa đến Phòng Xã Hội Sư Đoàn TQLC cách nay 41 năm.

ông Trần Khắc Báo và Kimberly Mitchell

GIÂY PHÚT XÚC ĐỘNG

Gia đình ông Trần Khắc Báo gồm vợ và con gái cùng có mặt. Khi ông Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia hỏi cô Kimberly Mitchell:

“Cô đến đây tìm ai?”

Cô trả lời:
“Tôi muốn tìm ông Trần Khắc Báo.”

Vị Chủ Tịch quay sang ông Báo đang mặc quân phục và giới thiệu:

“Đây là ông Trần Khắc Báo.”
Lập tức, Kimberly Mitchell Trần Thị Ngọc Bích tiến lại ôm lấy ông Báo và cả hai cùng khóc nức nở.

Giây phút xúc động qua đi, cô Kimberly hỏi ông Trần Ngọc Báo:
“Ông là người đã cứu mạng tôi, tôi mới có ngày hôm nay; tôi xin cám ơn ông, và bây giờ ông muốn gì ở tôi?”

Ông Trần Khắc Báo nói :
“Thực sự bây giờ tôi chỉ muốn cô nói với tôi một lời bằng tiếng Việt, cô hãy kêu tôi là “Tía”. Vì tất cả các con tôi đều gọi tôi bằng Tía, tôi xem cô cũng như con tôi, tôi chỉ mong điều đó.”
Và Kimberly Mitchell đã gọi “Tía”.

Ông nói với chúng tôi:
“Bấy giờ tôi thực sự mãn nguyện.”

Trả lời các câu hỏi của chúng tôi, ông Trần Khắc Báo cho biết, cô Kimberly chưa lập gia đình và cô có hứa sẽ thường xuyên liên lạc với gia đình ông. Ông có nhắc cô Kimberly điều này, rằng cô không phải là đứa trẻ bị bỏ rơi. Cô đã được những người lính VNCH có tinh thần trách nhiệm cứu sống trên bụng mẹ cô đã chết, và chính ông đã đặt tên cho cô là Trần Thị Ngọc Bích. Ông cũng mong rằng sau này, cô có thể trở lại Quảng Trị, may ra có thể tìm ra tung tích cha cô hoặc người thân của mình. Ông Trần Khắc Báo cũng cho biết, ông mất liên lạc với người lính Quân Cụ từ lúc hai người giao nhận đứa bé đến nay.

Trong cuộc hội ngộ, trả lời câu hỏi của các phóng viên Hoa Kỳ, nữ Trung Tá Kimberly Mitchell cho biết, cô có hai cái may. Cái may thứ nhất là cô được tìm thấy và mang tới trại mồ côi. Cái may thứ hai là được ông bà James Mitchell bước vào trại mồ côi và nói với các Sơ rằng, ông muốn nhận em bé này làm con nuôi.”

Câu chuyện sau 41 năm kết thúc tốt đẹp, cô Trần Thị Ngọc Bích đúng là viên ngọc quý trên Đại Lộ Kinh Hoàng như ý nguyện của người đã cứu mạng em, vì chính cô đã làm vẻ vang cho dân tộc Việt khi cố gắng học hành để trở nên người lãnh đạo xuất sắc trong Quân Lực Hoa Kỳ, một quân lực hùng mạnh vào bậc nhất thế giới.

Người quân nhân binh chủng Quân Cụ và người sĩ quan TQLC Trần Khắc Báo đã thể hiện tinh thần của một quân nhân Quân Lực VNCH, luôn đặt Tổ Quốc – Danh Dự và Trách Nhiệm trên hết.

THANH PHONG
Nguồn: THỜI BÁO (The Vietnamese Newspaper)

From: giang pham & Kim Bang Nguyen


 

PHỤC THÙ-Truyen ngan

Chiếc xe với bảng số Victoria ngưng lại trước văn phòng điạ ốc của Tuấn. Không cần nhìn kỹ, Tuấn cũng hiểu rõ chủ nhân là người lạ tại cái thành phố nhỏ bé này.
Khi người lạ mặt vừa bước xuống xe, Tuấn nói với cô thư ký đang ngồi đọc sách một cách say mê:


– Cô Hoa, có lẽ mình có khách.
Hoa suýt giật mình, bỏ vội quyển sách vào ngăn kéo, lấy một tờ giấy đặt vào máy chữ giả vờ đánh lách cách.
Người lạ, với tờ báo cặp dưới nách, tiến tới trước cửa kiếng đứng nhìn những tấm hình quảng cáo.
Đó là một người đàn ông mập mạp trong bộ đồ lớn lợt màu, mồ hôi lấm tấm trên trán. Ông ta vào khoảng trên dưới năm mươi tuy nhiên tóc vẫn còn dầy và đen nhánh. Khuôn mặt ông ta hồng hào – có lẽ vì nóng – với đôi mắt ti hí lạnh lùng. Rồi ông ta xô cửa bước vào, liếc nhìn cô thư ký đang bận rộn đánh máy trước khi gật đầu chào Tuấn:
– Ông Tuấn?
Tuấn cười thật tươi:
– Dạ! Mời ông ngồi.
Người đàn ông ngồi xuống, giơ tờ báo lên:
– Tôi thấy có mấy căn nhà trong báo coi cũng tàm tạm.
– Dạ, chúng tôi thường đăng những căn nhà tốt với giá rẻ trên báo này với kết quả rất tốt. Dạ thưa quí danh ông là…
– Tôi là Chiến.
Rồi Chiến móc túi lấy khăn tay ra lau mặt:
– Hôm nay trời nóng quá!
Tuấn lắc đầu chắc lưỡi:
– Dạ, hôm nay trời nóng một cách bất thường. Ở đây trời ít khi nóng lắm. Nhiệt độ trung bình chỉ vào khoảng trên dưới 20 độ… Dạ, mời ông hút thuốc.
– Cám ơn ông, tôi không hút. Tôi muốn coi căn nhà ông quảng cáo trong báo.
– Dạ, thưa ông ông muốn coi căn nào?
– Tôi cũng chưa quyết định… Nhưng có một căn nhà cũ ở gần ngoại ô, có lẽ khá yên tĩnh.
– Dạ thưa chắc là căn nhà màu trắng giá $420,000?
– Dạ đúng.
Tuấn lắc đầu:
– Thành thực mà nói với ông, đây là một căn nhà rất đặc biệt. Đáng lẽ chúng tôi không nhận bán nhưng chủ nhân nhất định năn nỉ và còn tự trả tiền quảng cáo nữa, thành ra….
Chiến ngắt lời:
– Căn nhà đó có gì mà ông gọi là đặc biệt.
Tuấn cười gượng:
– Dạ có lẽ tôi dùng chữ đặc biệt không được chính xác lắm. Đúng ra phải nói là căn nhà đó… mắc quá! Có lẽ ông sẽ không chấp nhận cái giá quá cao như vậy đâu!
– Tại sao?
Tuấn lục tìm trong tập hồ sơ, rút một tấm giấy ra đưa cho Chiến:
– Xin ông coi đây thì rõ.
Chiến cầm tờ giấy ghi một vài chi tiết của căn nhà “Nhà fibro 3 phòng ngủ. Phòng khách, phòng ăn, nhà bếp, phòng tắm và nhà vệ sinh riêng. Đất 12mx32m. Cách ga 5 cây số. Cách trường 8 cây. $420,000”. Bên dưới là ghi chú bằng mực đỏ “Nhà cũ, cần sửa chữa nhiều. Chỉ đáng $250,000”.
Chiến gật gù:
– À thì ra thế! Nhưng tại sao chủ nhân lại đòi cao quá như vậy?
Tuấn nhún vai:
– Có lẽ bà ta tưởng đất của bà là vàng chắc.
Chiến có vẻ ngạc nhiên:
– Chủ nhân là đàn bà? Bà ta ở với ai?
– Từ khi con bà ta chết cách đây khoảng trên ba năm, bà ta ở một mình. Chắc ông không muốn mất thì giờ đâu nhỉ? Ông muốn mua khoảng bao nhiêu, chúng tôi còn nhiều căn rất tốt và rất rẻ.
Chiến có vẻ ngần ngừ:
– Thực ta thì tôi rất thích vị trí của căn nhà này. Có lẽ mình có thể trả giá với bà chủ.
Tuấn lắc đầu:
– Bà ta đòi đúng giá, không bớt một xu.
Chiến lấy khăn lau mồ hôi:
– Hay ta cứ thử tới coi xem sao.
Rồi Chiến đứng dậy:
– Tôi đi bây giờ.
Tuấn có vẻ ngạc nhiên:
– Ông quyết định mua căn nhà đó hay sao?
– Dạ thì cứ tới thử xem sao, có mất mát gì đâu.
Tuấn thở dài, hỏi lại:
– Ông có tới đó ngay bây giờ không? Ông biết địa chỉ không?
– Dạ biết. Tấm bảng của ông cắm ngay sân trước ai mà chả thấy.
– Để tôi điện thoại cho bà chủ. Bà ta tên là Đào.
Mười lăm phút sau Chiến ngừng xe trước căn nhà cũ kỹ. Sân trước cỏ dại mọc đầy, tường nhà tróc sơn loang lổ. Rõ rệt là căn nhà không được chăm sóc từ nhiều năm qua.
Chiến xuống xe, leo lên mấy bực thềm, gõ mạnh vào cánh cửa cũ kỹ. Người đàn bà ra mở cửa ốm yếu và thấp bé với mái tóc bạc phơ. Đôi mắt của bà như sáng lên khi hỏi Chiến:
– Ông là ông Chiến?
– Dạ.
– Chắc ông muốn coi nhà? Ông Tuấn vừa điện thoại cho tôi.
– Dạ.
Bà chủ nhà bước lui vài bước:
– Mời ông vào.
Vừa bước qua ngưỡng cửa, Chiến vừa lấy khăn tay lau mồ hôi:
– Nóng quá!
Bà chủ thản nhiên:
– Tôi có pha sẵn một ít nước chanh để trong tủ lạnh. Chỉ có điều là ông không nên hi vọng là tôi sẽ bớt một xu cho ông.
Trong nhà tối tăm ẩm thấp với những cánh cửa sổ cũ kỹ đóng kín. Đồ đạc trong nhà có lẽ cũng cùng tuổi với chủ nhân. Bà chủ lặng lẽ bước tới ngồi lên cái ghế bành cũ, nét mặt hoàn toàn không cảm xúc.
Chiến nhìn quanh trước khi lên tiếng:
– Tôi vừa nói chuyện với ông Tuấn…
Bà chủ ngắt lời:
– Tôi biết! Chắc ông ta lại nói là căn nhà này không đáng giá $420,000 phải không? Nếu ông không đồng ý, xin ông cứ tự nhiên ra khỏi nhà. Tôi không bớt một xu.
Chiến hắng giọng:
– Dạ, tôi không biết là tôi có nên trả giá hay không. Tuy nhiên mình có thể thảo luận một chút.
Chủ nhân ngửa mình vào lưng ghế:
– Ông muốn thảo luận điều gì xin cứ tự nhiên, nhưng đừng trả giá.
Chiến lại lau mồ hôi ướt đẫm trên mặt:
– Dạ… Tôi là dân buôn bán, còn độc thân. Tôi dành dụm được chút đỉnh và rất thích thành phố này sau khi có dịp đi ngang hồi mấy năm về trước nên tôi có ý định sẽ hồi hưu ở đây. Hôm nay nhân chạy ngang đây, tôi ghé vào văn phòng ông Tuấn hỏi xem ông có căn nhà nào vừa túi tiền hay không và ông ta gởi tôi tới đây. Không hiểu tại sao tôi cảm thấy thích căn nhà này ngay khi vừa bước vào cửa. Bởi thế tôi đề nghị bà nên bán với giá phải chăng.
– Giá phải chăng! Hừ, tôi đã nói ngay từ đầu là không có vấn đề trả giá rồi mà! Nếu ông không trả nổi giá tôi đòi, ông có thể tìm mua nơi khác.
Rồi chủ nhân đứng dậy lạnh lùng:
– Chào ông.
Chiến lúng túng:
– Thưa bà…
Chủ nhân vẫn lạnh lùng:
– Tôi xin nhắc lại là không có vấn đề trả giá. Tôi đã dặn đi dặn lại ông Tuấn hàng trăm lần rồi.
Chiến có vẻ bối rối:
– Thực ra thì… tôi không biết phải nói sao, nhưng… tôi đồng ý trả giá bà muốn.
Chủ nhân nhìn sững Chiến:
– Ông có chắc không?
– Chắc chắn! Tôi có đủ tiền. Nếu bà nhất định muốn bán với giá đó, tôi trả giá đó.
Khuôn mặt chủ nhân như dịu lại, nhưng đôi mắt bà như sáng lên:
– Có lẽ nước chanh đã đủ lạnh rồi. Để tôi lấy mời ông uống một chút cho đỡ khát.
Chiến đang lau mồ hôi khi chủ nhân trở lại với ly nước chanh mát lạnh. Chiến đỡ lấy uống một hơi gần nửa ly.
Chủ nhân lại ngồi xuống cái ghế bành. Lần này bà nói với vẻ trầm ngâm:
– Căn nhà này của gia đình tôi từ hơn một trăm năm nay. Tất cả những người trong nhà, ngoại trừ Long con trai tôi, đều ra đời trong căn phòng nhỏ kế bên nhà bếp. Chỉ có tôi là nhất định sanh Long tại nhà bảo sanh.
Bà chớp chớp đôi mắt, lúc này không còn trong sáng nữa:
– Tôi biết căn nhà này rất cũ. Ông Tuấn nói rằng căn nhà này còn bị mọt ăn nữa. Nhưng tôi vẫn thương căn nhà này. Chắc ông cũng hiểu?
– Dạ!
– Ba của Long mất khi nó mới lên chín. Long bỏ thành phố này lên ở Sydney trái ý muốn của tôi! Nhưng nó cũng giống như các thanh niên thời nay, đầy tham vọng nhưng không biết hướng đi.
Tôi không biết nó làm gì ở Sydney. Nhưng có lẽ nó thành công vì nó gởi tiền cho tôi đều đặn.
Bà đưa tay lên lau mắt:
– Tôi không gặp con tôi trong chín năm trời. Tôi buồn khổ lắm! Nhưng khi nó trở về, tôi còn buồn hơn… Nó về nhà vào lúc nửa đêm, mặt mày hốc hác, già hơn đến năm mười tuổi! Nó về nhà với một cái valise nhỏ màu đen. Khi tôi tính đỡ cho nó, nó hất mạnh khiến tôi suýt té. Tôi đưa nó vào giường như khi nó còn nhỏ, và tôi nghe nó rên rỉ suốt đêm. Sáng hôm sau nó nói rằng nó phải ra khỏi nhà trong vài tiếng đồng hồ để làm một cái gì rất quan trọng. Nó không cắt nghĩa gì thêm, chỉ xách chiếc valise đi. Chiều hôm đó nó trở về tay không, không có cái valise đen.
Đôi mắt Chiến như mở rộng:
– Thế nghĩa là gì?
– Tôi không biết. Nhưng tôi được người ta cho biết… Đêm hôm đó có người vào nhà tôi. Tôi không biết làm sao ông ta vào được. Tôi chỉ biết khi nghe tiếng ồn ào trong phòng con tôi. Tôi lắng nghe xem con tôi bị lôi thôi vì việc gì, nhưng chỉ nghe tiếng la hét và đe doạ… Rồi…
Bà già ngưng lại, đôi vai bà như xệ xuống:
… súng nổ. Khi tôi chạy sang, cửa sổ phòng con tôi mở toang, người lạ đã biến mất, và con tôi… thằng Long của tôi nằm dưới đất… Chết rồi!
Bà lắc đầu:
– Chuyện đó cách đây hơn ba năm rồi. Cảnh sát cho tôi hay rằng con tôi và người lạ mặt dính líu tới một vụ cướp… lên tới bạc triệu. Thằng Long ôm trọn số tiền toan chiếm lấy một mình. Nó giấu trong căn nhà này, mà cho tới bây giờ tôi vẫn không biết ở đâu. Người lạ mặt tới tìm nó đòi phần chia. Khi nó từ chối, ông ta bắn chết nó… thằng Long, con tôi…
Rồi chủ nhà ngước lên, nói thật chậm rãi:
– Đó là lý do tại sao tôi đăng bảng bán nhà đắt gần gấp đôi thực giá, vì tôi biết một ngày nào đó kẻ giết con tôi sẽ trở lại. Một ngày nào đó ông ta sẽ mua căn nhà mục nát này với bất cứ giá nào.
Bà ngưng lại một chút rồi nói bằng một giọng vô cùng thanh thản:
– Tôi chỉ cần kiên nhẫn đợi chờ với một ly nước chanh có pha thuốc độc…
Rồi bà tựa ngửa vào ghế nhìn Chiến với ánh mắt chợt như bừng sáng. Chiến run rẩy đặt cái ly không còn một giọt xuống bàn. Hắn không nghe rõ những lời nói cuối cùng của chủ nhân vì đôi mắt hắn đã trợn trừng, đầu hắn bật ngửa, tuy hắn vẫn cố lẩm bẩm:
– Nước… chanh… của bà… đắng quá!
Ái Khanh

 From: giang pham & Nguyen Kim Bang

VƯƠNG QUYỀN CỦA MẸ-Lm. Minh Anh, Tgp Huế

“Triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận!”.

Nữ hoàng Mary, Scotland, rất được yêu mến, thường đi thăm dân chúng mà không cần ai tháp tùng. Chiều kia, trời sắp mưa, bà ghé một ngôi nhà, nói với cô chủ, “Cô có thể cho tôi mượn chiếc ô, tôi sẽ trả vào ngày mai?”. Cô chủ trao cho người lạ chiếc ô mà cô định vứt đi. Hôm sau, có tiếng gõ cửa; người phụ nữ ra mở, một cận vệ hoàng gia xuất hiện, “Nữ hoàng nhờ tôi cảm ơn cô đã cho bà mượn cái này”. Cô chủ sững sờ; sau đó, bật khóc, “Ôi, tôi đã bỏ lỡ một cơ hội, đã không trao cho Nữ hoàng cái tốt nhất!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Không ít lần chúng ta bỏ lỡ “không trao cho Nữ Hoàng cái tốt nhất”. Nữ Hoàng ở đây là Đức Maria, Trinh Nữ Vương, hôm nay Giáo Hội mừng kính. Trong vinh quang hồn xác lên trời, Mẹ đã trở nên ‘thành quả tối hậu’ của công trình cứu độ. Mẹ vô cùng diễm lệ; đồng thời, rất quyền thế với ‘Vương Quyền của Mẹ!’, vì Mẹ là Thánh Mẫu của Đấng mà “Triều đại Người sẽ vô cùng vô tận!”.

Thánh Kinh trình bày Chúa Kitô như một vị Vua, nên mẹ Ngài là Hoàng Thái Hậu. Chúa Kitô là Vua với tư cách Thiên Chúa; và Mẹ Ngài là Nữ Vương bởi “huyết thống thiêng liêng” trong tư cách Mẹ Thiên Chúa. Mẹ là Nữ Vương bởi Mẹ là Đấng Đầy Ân Sủng, chỉ sau Chúa Con; là Nữ Vương bởi sự lựa chọn duy nhất của Chúa Cha. Nếu một người có thể trở thành vua hoặc nữ hoàng theo sự lựa chọn của con người, thì danh hiệu và ‘Vương Quyền của Mẹ’ sẽ lớn hơn biết bao khi đó là sự lựa chọn của chính Thiên Chúa!

Đức Phanxicô đưa ra ba trích dẫn Thánh Kinh nói lên ‘Vương Quyền của Mẹ’. Trước hết, các lời tiên tri về Đấng Cứu Thế, Đấng Messia, Đấng Kitô trong Cựu Ước xem ra đều nói đến một vị Vua như một danh tính được ban. “Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta. Người gánh vác quyền bính trên vai… sẽ mở rộng vương quyền cho ngai vàng và vương triều Đavít” – Isaia. Thứ đến, trong Tân Ước, ‘Vương Quyền của Mẹ’ được tìm thấy trước hết trong trình thuật Truyền Tin, “Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người!”; “Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời” – Luca. Sau cùng, vương vị của Maria được thấy trong thị kiến vĩ đại “Một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên 12 ngôi sao” – Khải Huyền; chương 12 miêu tả Maria là Nữ Hoàng – Mẹ mới trong Vương Quốc – chia sẻ quyền cai trị vũ trụ của Con.

Anh Chị em,

“Triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận!”. Đức Maria là Mẹ của Đấng vô cùng vô tận đó, nhưng cũng là Mẹ của mỗi người chúng ta. “Đức Trinh Nữ Maria đáng được gọi là Nữ hoàng, không chỉ vì vai trò làm mẹ thiêng liêng của ngài, mà còn vì Thiên Chúa muốn ngài có một vai trò đặc biệt trong công cuộc cứu rỗi đời đời của chúng ta!” – Pio XII; “Vương quyền của Đức Maria không phải là một cái gì thuộc về của cải hay quyền lực mà là một sự phục vụ tình yêu” – Bênêđictô XVI; “Hãy gõ cửa Đức Maria!” – Phanxicô. Tổng Giám mục Fulton J. Sheen thường nói một cách hài hước rằng, “Chúa sẽ chào đón một người trên thiên đàng bằng những lời này: ‘Mẹ tôi nói rất tốt về bạn!’”. Vì thế, bạn và tôi đừng bao giờ bỏ lỡ “không trao cho Nữ Hoàng cái tốt nhất!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con là ‘con Trời’, ‘con của Nữ Hoàng’. Đừng để con sống vật vờ, cầu bơ cầu bất! Cho con sống xứng với phẩm vị con trai con gái rất yêu dấu của Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp Huế)

From: KimBang Nguyen


 

KHI BẠN CHẾT ĐI-Ha Nguyen Thu  

Những câu chuyện Nhân Văn

Ha Nguyen Thu  

Thi Thien

Đừng lo lắng về thân thể của bạn… người thân của bạn sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết tùy theo khả năng của họ.

Họ sẽ cởi quần áo của bạn, tắm rửa, mặc quần áo cho bạn, đưa bạn ra khỏi nhà và đưa bạn đến địa chỉ mới.

Nhiều người sẽ đến dự đám tang của bạn để “nói lời tạm biệt”. Một số sẽ hủy bỏ các cam kết và thậm chí bỏ lỡ công việc để đến dự đám tang của bạn.

Đồ đạc của bạn, ngay cả những thứ bạn không muốn cho mượn, sẽ bị bán, cho đi hoặc đốt cháy.

Chìa khóa, dụng cụ, sách, giày, quần áo của bạn… Và hãy yên tâm rằng thế giới sẽ không dừng lại vì bạn. Nền kinh tế sẽ tiếp tục.

Trong công việc của bạn, bạn sẽ bị thay thế. Người có năng lực tương đương hoặc tốt hơn sẽ thay thế vị trí của bạn.

Tài sản của bạn sẽ thuộc về những người thừa kế của bạn…. Và đừng nghi ngờ rằng bạn sẽ tiếp tục bị trích dẫn, phán xét, chất vấn và chỉ trích vì những điều nhỏ nhặt và lớn lao mà bạn đã làm trong cuộc sống.

Những người chỉ biết đến bạn qua vẻ bề ngoài sẽ nói; Đàn ông hay đàn bà tội nghiệp!

Những người bạn chân thành của bạn sẽ khóc trong vài giờ hoặc vài ngày, nhưng sau đó họ sẽ trở lại cuộc sống vui vẻ và cười đùa bình thường.

Những con vật của bạn sẽ được cho đi và sẽ mất thời gian nhưng chúng sẽ quen với người chủ mới.

Những bức ảnh của bạn sẽ được treo trên tường hoặc lưu lại trên một món đồ nội thất trong một thời gian, nhưng sau đó có thể chúng sẽ được cất giữ ở đáy ngăn kéo. Và chúng ta sẽ chỉ sống trong ký ức của những người yêu thương chúng ta.

Người khác sẽ ngồi trên ghế của bạn và ăn tại bàn của bạn.

Nỗi đau sâu sắc trong ngôi nhà của bạn sẽ kéo dài một tuần, hai, một tháng, hai, một năm, hai… Rồi bạn sẽ được thêm vào những kỷ niệm và rồi, câu chuyện của bạn kết thúc.

Nó kết thúc ở giữa con người, nó kết thúc ở đây, nó kết thúc ở thế giới này.

Nhưng hãy bắt đầu câu chuyện của bạn trong thực tế mới… trong cuộc sống sau khi chết.

Cuộc sống của bạn, nơi bạn không thể di chuyển với những thứ từ đây bởi vì khi bạn rời đi, chúng đã mất đi giá trị mà chúng có.

Thân hình

Sắc đẹp

Vẻ bề ngoài

Họ

An ủi

Tín dụng

Tình trạng

Chức vụ

tài khoản ngân hàng

Trang chủ

Xe hơi

Nghề nghiệp

Tiêu đề

Bằng cấp

Huy chương

Cúp

Bạn

Địa điểm

Vợ chồng

Gia đình…

Trong cuộc sống mới, bạn sẽ chỉ cần tinh thần của mình. Và giá trị bạn tích lũy được ở đây sẽ là tài sản duy nhất bạn có ở đó.

Vận may đó là thứ duy nhất bạn mang theo bên mình và nó được tích lũy trong suốt thời gian bạn ở đây. Khi bạn sống một cuộc sống yêu thương người khác và hòa bình với hàng xóm, bạn đang tích lũy vận may tinh thần của mình.

Đó là lý do tại sao bạn nên cố gắng sống trọn vẹn và hạnh phúc khi còn ở đây vì “Từ đây bạn sẽ không lấy những gì bạn có mà chỉ lấy những gì bạn đã cho”.

Fb Luyen Bui


 

THÁNH NỮ MARIA FAUSTINA KOWALSKA

 

Thánh Nữ Maria Faustina Kowalska ngày nay được khắp thế giới biết đến với tước hiệu “Tông Đồ Lòng Thương Xót Chúa” là một vị thánh được các nhà thần học kể vào số những nhà thần bí trỗi vượt trong Giáo Hội.

Chị là người thứ ba trong số mười người con của một gia đình nông dân nghèo khó nhưng đạo đức tại Glogow Iec, một làng quê nằm giữa đất nước Ba Lan.  Khi được rửa tội tại nhà thờ giáo xứ Swinice Warckie lân cận, chị đã được nhận tên “Helena.”  Ngày từ thời thơ ấu, Helena đã nổi bật với đời sống đạo hạnh, yêu thích cầu nguyện, chăm chỉ, vâng lời, và hết lòng thương cảm trước nỗi khổ đau của tha nhân.  Helena được đi học trong thời gian chưa đầy ba năm, và đến năm 14 tuổi, chị đã phải rời bỏ mái ấm gia đình để mưu kế sinh nhai, giúp đỡ cha mẹ bằng công việc phụ giúp việc nhà tại thành phố Aleksandrow và Lodz kế cận.

Khi mới lên bảy tuổi (hai năm trước khi rước lễ lần đầu), Helena đã cảm nhận trong tâm hồn lời mời gọi theo đuổi đời sống tu trì.  Sau đó, chị đã ngỏ ý muốn với cha mẹ, nhưng hai vị đều dứt khoát không đồng ý cho chị vào sống trong tu viện.  Trước hoàn cảnh như thế, Helena đã cố bóp nghẹt lời mời gọi trong tâm hồn.  Tuy nhiên, quá xao xuyến vì một thị kiến về Chúa Kitô tử nạn và những lời trách cứ của Người: “Cha còn phải chịu đựng con cho đến bao giờ, con còn phụ rẫy Cha cho đến bao giờ nữa đây?” (NK9 – Nhật Ký 9), Helena bắt đầu tìm cách để xin vào một tu viện.  Chị đã gõ cửa không ít tu viện, nhưng không được nơi nào đón nhận.  Cuối cùng, vào ngày 1 tháng 8 năm 1925, Helena đã được bước qua ngưỡng cửa của dòng Đức Mẹ Nhân Lành ở phố Zytnia tại Warsaw.  Trong Nhật ký, chị có viết: “Dường như tôi đã bước vào cuộc sống thiên đàng.  Một lời kinh đã trào dâng từ tâm hồn tôi, một lời kinh tạ ơn.” (NK17).

Tuy nhiên, vài tuần lễ sau đó, chị bị cám dỗ mãnh liệt, muốn chuyển sang một dòng khác để có nhiều thời giờ hơn cho việc cầu nguyện.  Chính lúc ấy, Chúa Giêsu đã tỏ cho chị thấy các thương tích và thánh nhan tử nạn của Người và phán: “Chính con gây cho Cha nỗi đau đớn này nếu như con rời bỏ tu viện.  Đây là nơi Cha đã gọi con, chứ không phải một nơi nào khác; và Cha đã dọn sẵn nhiều ơn thánh cho con” (NK19).

Khi vào dòng, Helena được nhận tên Maria Faustina.  Chị đã sống thời kỳ năm tập trại Cracow, và cũng tại đây, trước sự chứng kiến của đức giám mục Stanislaus Rospond, chị đã tuyên lời khấn tạm lần đầu, và năm năm sau, tuyên giữ trọn đời ba lời khấn thanh tịnh, khó nghèo và vâng phục.  Chị được cắt cử làm một số công tác tại các tu viện của dòng; hầu hết thời gian là ở Cracow, Plock, và Vilnius, với các công tác làm bếp, làm vườn, và coi cổng.

Tất cả những cái vẻ bên ngoài ấy không làm hiện lộ một cuộc sống thần hiệp phong phú ngoại thường nơi chị dòng Faustina.  Chị sốt sắng chu toàn các phận sự, trung thành giữ trọn luật dòng, sống đời sống nội tâm và giữ thinh lặng, trong khi đó vẫn sống trong sự tự nhiên, vui tươi, đầy nhân ái và yêu thương người chung quanh một cách vô vị lợi.

Chúa Giêsu đã uỷ thác cho chị nữ tu đơn sơ, kém học, nhưng can trường và tín thác vô hạn này một sứ mạng cao cả là rao truyền sứ điệp Lòng Thương Xót của Chúa cho thế giới, Người đã phán với chị, “Cha sai con đem tình thương của Cha đến cho toàn thế giới.  Cha không muốn đoán phạt, nhưng muốn chữa lành và ghì chặt nhân loại đau thương vào Trái Tim lân tuất của Cha.” (NK 1588).  “Con là thư ký của Lòng Thương Xót Cha.  Cha đã tuyển dụng con làm nhiệm vụ ấy trên đời này và ở đời sau” (NK 1605) … “Nhiệm vụ và công tác suốt đời con là tiếp tục làm cho các linh hồn được biết về Lòng Thương Xót lớn lao của Cha dành cho họ, và kêu gọi họ hãy tín thác vào Lòng Thương Xót vô tận của Cha.” (NK 1567).

Sứ Mạng Của Thánh Nữ Faustina

Sứ mạng chính yếu của chị thánh là nhắc nhở cho chúng ta về những chân lý đức tin ngàn đời nhưng dường như đã bị lãng quên về tình yêu thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại, và truyền đạt cho chúng ta những hình thức mới mẻ của việc tôn sùng Lòng Thương Xót, ngõ hầu làm hồi sinh cuộc sống thiêng liêng trong tinh thần tin tưởng và nhân ái của Kitô giáo.

Bức Hình Chúa Giêsu Thương Xót.  Kiểu dáng bức hình được tỏ ra trong cuộc thị kiến của chị Faustina, ngày 22 tháng 2 năm 1931, trong phòng tư của chị tại tu viện Plock.  Chị ghi lại lời Chúa truyền trong Nhật ký, “Hãy vẽ một bức hình theo như mẫu con nhìn thấy, với hàng chữ: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa” (NK47).  “Cha muốn bức hình này, bức hình được con vẽ bằng một cây cọ, sẽ được làm phép trọng thể vào Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh; Chúa Nhật đó sẽ là ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Cha” (NK 49).

Hai luồng sáng là nét nổi bật trong bức hình Chúa Kitô.  Chính Chúa Giêsu khi được hỏi về ý nghĩa bức ảnh đã giải thích: “Luồng sáng màu lam nhạt tượng trưng Nước làm cho linh hồn nên công chính.  Luồng sáng màu đỏ tượng trưng Máu là sức sống của các linh hồn… Phúc cho linh hồn nào cư ngụ trong nơi nương náu của họ” (NK 299).  Bí tích Thánh Tẩy và bí tích Hòa Giải thanh tẩy linh hồn, còn bí tích Thánh Thể làm cho linh hồn được nên giàu có sung túc.  Như vậy, hai luồng sáng tượng trưng cho các bí tích thánh thiện ấy và tất cả những ân sủng của Chúa Thánh Thần, Đấng trong Thánh kinh được biểu thị bằng nước, cũng như giao ước mới giữa Thiên Chúa và nhân loại trong bửu huyết Chúa Kitô.  Theo ý Chúa Kitô, bức hình phải mang dòng chữ “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa.”  Người còn tuyên bố, “Đó sẽ là một vật nhắc nhở về các yêu sách của Lòng Thương Xót Cha, bởi vì dù mạnh mẽ đến mấy, đức tin cũng chẳng ích gì nếu thiếu việc làm kèm theo” (NK 742)

Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa.  Lễ này được đặt cao nhất trong tất cả những yếu tố của việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa được mạc khải cho thánh nữ Faustina.  Chúa Giêsu đã yêu cầu thiết lập lễ này lần đầu tiên tại Plock vào năm 1931, khi Người tỏ ý muốn về việc vẽ bức hình: “Cha ước ao có một lễ kính thờ Lòng Thương Xót của Cha.  Cha muốn bức hình này, bức hình được con vẽ bằng một cây cọ, sẽ được làm phép trọng thể vào Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh, Chúa Nhật đó sẽ là ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Cha” (NK 49).

Tầm mức cao quý của ngày lễ này được đo lường bằng mức độ những lời hứa trọng đại mà Chúa đã gắn liền với dịp lễ: Chúa Giêsu đã phán, “…bất kỳ ai đến với Nguồn Mạch Sự Sống sẽ hoàn toàn được xóa sạch tội lỗi và hình phạt” (NK 300), và “Trong ngày hôm ấy, lượng thương xót dịu hiền thẳm sâu của Cha sẽ được khai mở.  Cha trào đổ cả một đại dương ân sủng xuống cho các linh hồn tìm đến với nguồn mạch xót thương của Cha.  Người nào xưng tội và chịu lễ sẽ được lãnh nhận hồng ân thứ tha mọi tội lỗi và hình phạt.  Ngày hôm ấy, mọi chốt ngăn những nguồn thác ân sủng đều được tháo mở.  Đừng linh hồn nào sợ đến bên Cha, cho dù tội lỗi họ có đỏ thắm như điều” (NK 699).

Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót Chúa.  Chuỗi kinh này Chúa Giêsu đã dạy cho Thánh Faustina tại Vilnius vào các ngày 13 và 14 tháng 9 năm 1935, như một lời kinh đền tạ hầu làm nguôi cơn nghĩa nộ của Thiên Chúa (NK 474-476).

Những ai đọc chuỗi kinh này sẽ dâng lên Thiên Chúa Cha “Mình và Máu Thánh, linh hồn và thần tính” của Chúa Giêsu Kitô để đền vì tội lỗi của mình, của người thân, và của toàn thế giới.  Bằng việc liên kết với hy tế của Chúa Giêsu, họ kêu nài tình yêu vô cùng của Thiên Chúa Cha trên trời dành cho Con Một, và trong Người, dành cho toàn thể nhân loại.

Không chỉ những người đọc chuỗi kinh này, mà cả những người hấp hối cũng được lãnh nhận các ơn này, khi có người khác đọc kinh nguyện này bên giường của họ.  Chúa đã hứa: “Khi chuỗi kinh này được đọc bên giường người hấp hối, cơn nghĩa nộ Thiên Chúa sẽ dịu xuống, lượng nhân từ vô biên sẽ bao phủ linh hồn ấy” (NK 811).  Lời hứa tổng quát là: “Cha vui lòng ban mọi điều họ nài xin Cha bằng việc lần chuỗi kinh ấy” (NK 1541). “…nếu những điều con xin phù hợp với thánh ý Cha” (NK 1731).

Trong một dịp khác, Chúa Giêsu đã phán: “…bằng việc đọc chuỗi kinh, con sẽ đem nhân loại đến gần Cha hơn” (NK 929) và: “Linh hồn nào đọc chuỗi kinh này sẽ được Lòng Thương Xót Cha ấp ủ trong suốt cuộc sống, và nhất là trong giờ chết’ (NK 754).

Giờ Thương Xót Vô Biên.  Trong những hoàn cảnh không được ghi lại đầy đủ trong Nhật ký, vào tháng 10 năm 1937, tại Cracow, Chúa Giêsu đã mời chị thánh hãy tôn vinh giờ chết của Người: “…mỗi khi nghe đồng hồ điểm ba giờ, con hãy dìm mình hoàn toàn trong Lòng Thương Xót của Cha để thờ lạy và tôn vinh; con hãy kêu nài quyền toàn năng Lòng Thương Xót Cha cho toàn thế giới, nhất là cho các tội nhân đáng thương; vì vào giờ phút ấy, lượng tình thương được mở ra cho mọi linh hồn” (NK 1572).

Chúa Giêsu cũng xác định những lời nguyện này rất phù hợp với hình thức tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa: “… con hãy cố gắng hết sức – miễn là bổn phận cho phép – để suy ngắm Đàng Thánh Giá trong giờ ấy; nếu không thể suy ngắm Đàng Thánh Giá, ít là con hãy vào nhà nguyện một lúc để thờ lạy Thánh Thể, Trái Tim đầu lân tuất của Cha; và giả như cũng không thể vào nhà nguyện, con hãy dìm mình vào sự cầu nguyện ở bất cứ nơi đâu trong một lúc ngắn ngủi” (NK 1572).

Linh mục Giáo sư Rozycki đã liệt kê ba điều kiện để lời cầu nguyện được dâng lên trong giờ phút ấy được Chúa nhậm lời:

1.Phải thưa lên với Chúa Giêsu

2.Phải được đọc vào lúc 3 giờ chiều.

3.Phải cậy nhờ đến giá trị và những công nghiệp cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu đã hứa: “Trong giờ ấy, con xin được mọi sự cho chính con và những linh hồn được con cầu nguyện: đó là giờ ân sủng cho toàn thế giới – Lòng Thương Xót vinh thắng phép công thẳng” (NK 1572).

Truyền bá việc tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa.  Khi bàn đến những yếu tố thiết yếu của việc tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa, cha Rozycki cũng coi việc truyền bá là một trong các yếu tố việc tôn sùng ấy, vì Chúa Kitô đã dành một số lời hứa cho việc này: “Linh hồn nào truyền bá việc sùng kính Lòng Thương Xót Cha, Cha sẽ bảo bọc họ suốt đời như mẹ hiền đối với con thơ, và đến giờ lâm tử của họ, Cha không phải là thẩm phán, nhưng là Đấng Cứu Chuộc đầy lân tuất với họ” (NK 1075).  Chúa Kitô muốn những ai thờ phượng Người hãy thực hiện mỗi ngày ít nhất một hành vi đức ái với người lân cận.

Việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa hướng đến mục tiêu canh tân đời sống đạo đức trong Giáo hội trong tinh thần tín thác và nhân ái của Kitô Giáo.  Sứ mạng của thánh nữ Faustina có một nền tảng vững chắc trong Thánh Kinh và giáo huấn Giáo hội; nhất là phù hợp một cách tuyệt vời với tông huấn Dives in misericordia (Thiên Chúa Giàu Lòng Xót Thương) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Cracow, tháng 12 năm 1991

Nữ tu M. Elizabeth Siepak, ZMBM


 

“THÓT TIM”-Truyen ngan hay

Kimtrong Lam

Hai vợ chồng đi làm về thấy nhà cửa sắp xếp gọn gàng ngăn nắp, cảm thấy rất kỳ lạ. Người vợ phát hiện trên giường ngủ có một phong thư, hai vợ chồng liền mở ra đọc. Bức thư viết:

“ Bố mẹ yêu!

Khi bố mẹ đọc lá thư này, con đã ở một nơi rất xa. Con vô cùng buồn và hối hận, nhưng con vẫn phải quyết định ra đi theo tiếng gọi của tình yêu, con đã 14 tuổi rồi. Anh Tráng, bạn trai mới quen trên face của con cũng không muốn bố mẹ buồn nên bảo con viết lá thư này.

Anh Tráng tuy xăm trổ đầy mình, mặc đồ hippi nhưng thực sự rất đáng yêu và quyến rũ, bạn bè của anh ấy đều như vậy. Nếu bố mẹ gặp anh Tráng nhất định cũng sẽ công nhận điều này.

Anh Tráng tuy hơn con nhiều tuổi, nhưng thưa bố mẹ, 38 tuổi trong xã hội bây giờ cũng đâu phải là quá già. Anh Tráng tuy không có nghề nghiệp, cũng không có tiền, nhưng chuyện đó đâu quan trọng gì, làm sao có thể cản trở tình yêu phải không bố mẹ.

Anh Tráng đã sưu tầm rất nhiều đĩa CD, có xe phân khối lớn, chúng con sẽ cùng nhau đi đến cùng trời cuối đất. Đúng là anh Tráng có rất nhiều bạn gái, nhưng anh bảo con là người anh yêu say đắm nhất, anh sẽ chăm sóc con theo cách của riêng mình.

Anh Tráng là tình yêu và thần tượng trong lòng con. nhưng quan trọng hơn, trong bụng con còn có một sinh linh bé nhỏ của anh Tráng, con còn muốn sinh thật nhiều con cho anh ấy.

Anh Tráng nói với con rằng, Hê rô in không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Anh Tráng dự định sẽ trồng thật nhiều hoa anh túc để tinh chế Hê rô in. Như vậy có thể đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của chúng con, hơn nữa còn có thể bán cho bạn bè của anh Tráng.

Con và anh Tráng sẽ luôn nhớ tới bố mẹ, chúng con sẽ cầu trời khấn phật để bố mẹ khỏe mạnh mỗi ngày, và sẽ cầu chúa xin cho các nhà khoa học nhanh chóng phát minh ra loại thuốc đặc trị vi rút HIV, chữa khỏi bệnh AIDS, anh Tráng hiện rất cần loại thuốc này.

Con xin lỗi vì đã không xin phép mà đã đưa cả em trai đi theo, con sẽ chăm sóc cho em thật tốt. Anh Tráng bảo nó đã 10 tuổi rồi, cần phải được học kỹ năng sống. Một ngày nào đó, con sẽ đưa cả em và các cháu ngoại của bố mẹ trở về.

Yêu bố mẹ mãi mãi!

Ký tên….

P/S: Gửi lại bố mẹ một vật để luôn nhớ đến con, con để trong ngăn kéo bàn học.

Người vợ mặt mày xa xầm, không đứng vững nổi. Người chồng run rẩy bước đến bàn học mở ngăn kéo ra xem. Trong đó có một mảnh giấy ghi:

“ Con chỉ muốn nói với bố mẹ rằng, trên đời có những việc còn quan trọng hơn kiếm tiền, có những chuyện còn tệ hại hơn bảng điểm thi học kỳ của con. Những chuyện trong thư hoàn toàn bịa đặt, con và em đang chơi ở nhà bác Lâm hàng xóm. Xin bố hoặc mẹ hãy ký bảng điểm cho con. Nếu bố mẹ hứa không đánh đòn vì kết quả thi, thì gọi điện sang nhà bác Lâm để con về

Sưu tầm


 

TUỔI XẾ CHIỀU – NHỮNG ĐIỀU SUY NGẪM

Bùi Mạnh Toàn

Rồi ai cũng phải về với cát bụi, có ai sống mãi trên nhân thế này đâu. Và thời gian càng ngày càng ngắn lại, sức khỏe càng ngày càng yếu đi.

Sao không bắt tay làm ngay những điều mình mong ước, sao không đi đến ngay những nơi mà ta thích thú, sao không sắm ngay những vật mà ta từng mơ tưởng khi trong túi vẫn đủ tiền.

Sao không chào mọi người bằng cái vẫy tay, bằng một nụ cười bởi nhiều khi đó là lần đầu tiên ta gặp họ nhưng có thể cũng là lần cuối cùng bởi không còn duyên gặp lại,

Tuổi già nên tạo cho mình một đam mê sáng tạo: chụp hình, vẽ tranh, nặn tượng, làm gốm, làm vườn, trồng cây, viết văn, làm thơ. Có năng lực hơn thì ta viết nhạc, ngâm nga những câu hát vui vẻ. Rồi đi đây đi đó…Tất cả trở thành gia vị cho cuộc sống mà thời trẻ bận rộn với manh áo, miếng cơm, lo âu cuộc sống ta không thực hiện được. Gắng đọc sách, đọc báo, vào mạng, viết mail để rèn luyện trí nhớ. Sống lâu mà chẳng nhớ gì, chẳng biết gì đang xảy ra cũng phí một quãng đời.

Đoạn đường trước mặt của mọi người ngày càng ngắn lại, sao không thể tha thứ, bao dung cho nhau những tỵ hiềm, những đụng chạm của một thuở. Sao không siết tay nhau khi còn sống.Sao không kiếm miếng ngon để thưởng thức hương vị của cuộc đời khi túi còn đủ tiền để trả cho món ăn ngon, đã đến lúc không nên hà tiện, keo kiệt để làm khổ thân mình, bởi khi ta mất đi mà vẫn còn tiền cũng là điều bất hạnh.

Nếu con cháu ngoan hiền thành đạt, có tình cảm với ta, có chăm sóc, thăm hỏi ta cũng là điều hạnh phúc. Bằng không, nếu chúng quên tình cảm gia đình, thì cũng đừng lấy điều đó làm buồn mà thất vọng.

Con cái muốn đi theo con đường nào, chọn ngành nghề gì, yêu ai và muốn lập gia đình với ai, ta chỉ nên khuyên nhủ, định hướng, không nên bắt chúng phải theo ý ta, sống vì ta. Bởi chúng có cuộc đời riêng của chúng và chúng ta chắc chắn sẽ không sống mãi với chúng nên phải để chúng quyết định đời mình.

Cũng không nên quá tin tưởng vào con cái mà giao hết số tiền dành dụm suốt cuộc đời cho chúng. Vì đó là mở đầu cho những bất hạnh mà ta phải chịu đựng sau này. Nếu khi đến tuổi mà cứ ôm khư khư các cháu, ta đã phí phạm thời gian còn lại ngắn ngủi của mình.

Người biết lo xa là khi tuổi trung niên đã chuẩn bị cho tuổi già, chuẩn bị để khỏi lệ thuộc vào con cái về vật chất, được như thế những ngày của tuổi già không phải trông mong vào những đồng tiền chu cấp của các con, được thoải mái và tự do trong sinh hoạt. Nếu đã không có lương hưu, không có tiền trong tay thì thật sự bất hạnh. Luôn phải nhìn sắc mặt các con mà sống, cuộc sống càng ngày càng tệ hại. Đứa có hiểu thì đỡ, đứa bất hiếu thì …

Người ta bảo tuổi già buồn, nhưng thật ra nếu biết cách sống và có sức khỏe, tuổi già là tuổi vui. Đó là tuổi đã làm xong những phận sự, chẳng còn nhiều trách nhiệm với cuộc đời, mọi lo toan cũng chẳng còn mấy chút. Giàu cũng giàu rồi, nghèo cũng nghèo rồi, chẳng còn sức lực và thời gian để thay đổi số mệnh.

Đau khổ, lo âu hay hạnh phúc, hoan hỉ đều do tâm ta mà ra. Cuối con đường của cuộc sống, an lạc, an nhiên mà đi, chăm sóc bản thân, chấp nhận cái đích cuối cùng của loài người, không âu lo, chẳng sợ hãi cái chết, hãy xem cuộc đời chẳng có gì là quan trọng nữa và tận hưởng nó đến giây phút cuối cùng, âu đó chính là con đường hạnh phúc. -/-

* Huỳnh Minh Hằng ( sưu tầm và bổ sung thêm )


 

 S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Tâm Thanh

 Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả:  Tưởng Năng Tiến

Tôi nhặt được cụm từ “Kho Trời đã khoá” trong truyện ngắn (Chân Dung Một Cô Gái Việt Nam) của Tâm Thanh. Người kể chuyện tên Diễm, sinh ra tại Na Uy, và làm việc như một thông dịch viên (on call) cho sở cảnh sát di trú tại thủ đô Oslo. Nhân vật chính tên Vân, bị bắt giữ về tội ăn cắp và nhập cư bấ́t hợp pháp. Đoạn kết như sau:

“Xin cô nghe đây,” cô cảnh sát mở đề cho một cuộc thẩm vấn cuối cùng. “Cô không đủ lý do xin tị nạn, cộng thêm việc phạm pháp, cô không có con đường nào khác ngoài đường trở về nơi cô đã ra đi.”

 “Thế thì trả tôi về Ðức.”

 “Tại sao lại Ðức? Cô đi từ Việt Nam mà!”

 “Tôi từ bên Ðức sang…”

 “Trong hai lần thẩm vấn trước đây cô nói từ Việt Nam, đi bộ sang Trung Quốc rồi sang Nga. Bây giờ lại nói từ Ðức sang. Lời nào là thật?” 

“Cái thai lày của một thằng Ðức”.

 “Nhiều lần chúng tôi đã hỏi cha của thai nhi là ai, cô đều nói là không biết.”

 “Không biết… thật đấy. Nói chung nà đêm không thấy mặt”.

 “Dù cô không biết gì hết, không biết mặt người ngủ chung, không biết mình là ai, không biết cha mẹ là ai, không biết từ đâu tới, chúng tôi vẫn có cách tìm ra cô là ai. Và chúng tôi sẽ liên lạc với tòa đại sứ Việt Nam cấp giấy cho cô về Việt Nam”.

 “Lói thật cũng chết, lói dối cũng chết…” người tù nói nhanh, rồi lại vội nói “Chị đừng dịch cho ló nghe nhá!” 

“Cô ấy nói gì?” thấy Diễm không dịch câu nói của người đối thoại, cô cảnh sát hỏi. 

“Cô ấy đổi ý, không muốn tôi dịch câu vừa nói.” 

Cô cảnh sát nhỏ giọng nói với người đàn bà mang thai:  “Xin cô cộng tác với chúng tôi để tiến hành cho sớm việc hồi hương …

 Người mẹ đặt cả hai tay lên bụng, cúi xuống lẩm bẩm:  “Con tôi sinh trong tù à?”

Diễm cảm thấy xót xa trong lòng… Diễm nghĩ đến thân phận chính mình – sở dĩ mình sống nhởn nhơ được, buổi sáng đứng bán nhà thuốc tây, buổi chiều đi nhảy aerobic, lâu lâu đi thông dịch lấy ngoại tài mua son phấn không cần ăn cắp… là vì cha mẹ mình đã chọn được con đường đúng ý nguyện: tới một nơi có thể lương thiện mà sống được.

Không, không phải cha mẹ chọn. Ðó là Trời ban. Ba chục năm nay, bây giờ ‘Kho Trời’ đã khóa. Nếu cha mẹ nàng chậm chân, không chừng giờ này Diễm cũng là một người mở miệng bằng câu không biết, và không từ làm bất cứ việc gì để sinh tồn.

So với lúc “Kho Trời chưa khoá” thì hiện trạng của bà Vân, xem chừng, khắc nghiệt hơn hồi “ba chục năm” xưa nhiều lắm. Ở thời điểm trước, khi miền Nam vừa “được hoàn toàn giải phóng,” những cô gái ở vùng đất này đều có lời giao ước (rõ ràng) trước khi thuyền ra cửa biển: “Một là con nuôi má, hai là con nuôi cá, ba là má nuôi con.”

Bây giờ thì thân mẫu của bà Vân, nếu có, phải đi thăm nuôi cả con lẫn cháu vì tội vượt biên trái phép. Đứa cháu mà chính mẹ nó cũng không biết “thằng bố” là ai vì “nói chung nà đêm không thấy mặt.” Tình cảnh của bà Vân, tuy vậy, vẫn chưa đến nỗi nào – so với nhiều người đồng hương khác – theo tường thuật của nhà báo Vũ Ngọc Yên:

“Vào ngày 23.10.2019 một thông tin chấn động thế giới khi chiếc xe container chở hàng chứa 39 thi thể người nhập cư bị phát hiện ở Essex, miền Đông Anh, cách thủ đô London 30km. Nhiều thông tấn xã quốc tế loan tin trong số nạn nhân có người Việt Nam.”

Hai hôm sau, 10/25/2019, blogger Nguyễn Hữu Vinh (RFA) cho biết thêm chi tiết:

“Khi việc điều tra của cảnh sát Anh chưa chấm dứt, thì trên mạng rộ lên thông tin về một tin nhắn của một cô gái nhắn về cho mẹ tại Thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Tỉnh Hà Tĩnh. Cô gái cho biết tên là Phạm Thị Trà My, ở số nhà 1, Ngõ 2, Đường Đặng Dung, Thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Tỉnh Hà Tĩnh. Trong tin nhắn mà gia đình nhận được, cô gái nói rằng: ‘Con đi nước ngoài không thành, con thương bố mẹ nhiều. Con chết vì không thở được…”

Lời cuối của cô Phạm Thị Trà My lại khiến tôi nhớ đến một mẩu đối thoại (giữa hai người Việt đồng cảnh, từ hai phòng giam sát cạnh nhau, tại một nhà tù nào đó ở Âu Châu) trong một truyện ngắn khác của Tâm Thanh:

Tuyết ho, tôi xót ruột. Ho xong, nó nói:“Em mơ còn nằm trong cái xe thùng chở em sang đây. Ðứa con gái nằm ngay bên cạnh em chết ngạt.”

 “Chết!?”

“Chết. Bị nhốt trong thùng xe hai ngày hai đêm. Khi bọn đầu gấu mở cửa xe ra, thấy bốn người chết từ bao giờ. Con ấy thân với em nhất. Chúng em đã từng chia phiên nhau kề mũi vào cái lỗ nhỏ để thở.

Thương hại nó hay nhường cho em thở lâu hơn. Dọc đường nó cứ đòi về, không muốn đi nữa. Nhưng em biết về thế nào được với bọn đường dây. Nó mà sống sót cũng bị đường dây hành tới chết về cái tội đòi về… Anh có nghe không đấy?”

“Nghe rõ cả.”

“Nó nói khổ đều quanh năm chịu được, dồn vào một ngày thì chết. Anh nghĩ có đúng không?”

“Chắc đúng.”

“Mẹ nó bán ruộng, bán vườn để chung tiền cho nó đi, cứ mong nó mang đôla về chuộc đất, xây nhà như những người có thân nhân Việt kiều. Bây giờ nó chết, chưa kịp nhìn thấy tờ đôla xanh. Trước khi chết nó tựa vai em lầm bầm ‘Mẹ ơi! Con không muốn làm Việt kiều. Con muốn về nhà. Con muốn cơ cực ở nhà với mẹ suốt đời.’ Giọng nó như đứa trẻ con ba tuổi.” (“Người Rơm” – Diễn Đàn Thế Kỷ 1/7/2010).

Tâm Thanh qua đời ngày 9 tháng 4 năm 2015. Trước đó một năm, hôm 3 tháng 5 năm 2014, thân hữu tại Oslo đã tổ chức Ngày Văn Hóa Việt Nam để vinh danh những tác phẩm của ông. Bức thư ngắn ngủi ông gửi đi trong ngày hôm đó có đoạn sau:

“Tôi đang nằm bệnh viện khi viết những dòng này. Vâng, tôi bị ung thư tụy tạng trong thời ký tái phát. Từ hơn năm nay trên giường bệnh, tôi chỉ có một nỗ lực duy nhất: trở thành trẻ thơ để trở về với Thượng Đế. Tuy nhiên đôi khi tôi cũng suy nghĩ một chút về việc viết lách. Xin cho phép tôi nói ra tiêu chí văn chương của mình: Bản chất văn chương là hư cấu. Khi viết tôi bịa đặt hoàn toàn; nhưng khi sống, tôi ráng không phản bội những điều mình viết, dù một chữ…”

Cái chất “hư cấu” trong văn chương của Tâm Thanh khiến tôi vô cùng kinh ngạc. Ông dự liệu được cái thảm hoạ mà đồng bào của mình sẽ bị gánh chịu: “Anh giúp chúng ta hiểu đời hơn, báo trước cho chúng ta những bất trắc, những ngộ nhận, những mất mát không thể tránh khỏi trong đời sống, nghĩa là giúp chúng ta biết vui mà không mù quáng, cũng như biết buồn mà không bi lụy.” Nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã viết như thế về tác phẩm của Tâm Thanh, trước khi cả hai ông (đều) đi về cõi vĩnh hằng.


 

Lễ lòng Chúa Thương Xót-Cha Vương 

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ lòng Chúa Thương Xót, chúc bạn và gia quyến một ngày tràn đầy tình yêu và ân sủng của lòng Chúa Thương Xót nhé.

Cha Vương 

CN: 07/04/2024

TIN MỪNG: Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20:22-23)

SUY NIỆM: Dù bạn có là người như thế nào đi chăng nữa, dù bạn có phạm tội tày trời, lòng thương xót của Chúa đối với bạn bao la vô ngần. Chúa không bao giờ bỏ rơi bạn! Ngài luôn nghĩ đến bạn cho dù trong trái tim bạn không hề nghĩ đến Chúa. Chúa vẫn yêu thương bạn cho dù bao lần bạn đã xúc phạm đến Chúa. Thánh Phaolô nói: “ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm  5:20b) Chúa sẵn sàng ra đi tìm kiếm bạn cho dù bạn luôn tìm cách trốn chạy, muốn xa lìa Chúa. “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rm 5:8) Đối với lòng thương xót của Chúa bạn chỉ là một giọt nước trong biển cả. Vậy bạn hãy chỗi dậy mỗi khi sa ngã, chạy đến Ngài với niềm xác tín vào lòng thương xót vô bờ bến của Chúa là Đấng  luôn chờ đợi bạn trở về với Ngài.

LẮNG NGHE: Hãy tạ ơn CHÚA vì CHÚA nhân từ, muôn ngàn đời CHÚA vẫn trọn tình thương. (Tv 118:1)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa giàu lòng xót thương, xin ban cho con trái tim nhân ái của Chúa, để con cũng biết yêu thương tha thứ cho những anh em lầm lỡ và giúp đỡ họ trở về với Chúa.

THỰC HÀNH: Chúa Giê-su là khuôn mẫu của lòng thương xót. Đây là 3 cách để thực thi lòng thương xót:

1) xót thương lời nói,

2) xót thương bằng hành động,

3) xót thương bằng lời cầu nguyện.

Mời bạn chọn 1 trong 3 để trở thành dụng cụ lòng xót thương nhé.

From: Do Dzung

Thánh Ca – Tín Thác Lòng Thương Xót Chúa 

MỘT ĐIỀU GÌ ĐÓ VĨ ĐẠI HƠN – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay cho thấy Tôma thật bướng bỉnh! Nhưng lạ thay, Chúa Phục Sinh muốn dùng con người này để giúp chúng ta hiểu được ‘một điều gì đó vĩ đại hơn!’.

Tôma được mời thọc tay vào lỗ đinh, xỏ tay vào cạnh sườn Thầy và Tôma đã không nói, “Đúng, Chúa đã sống lại!”. Không! Vượt xa hơn, vượt quá sự hiểu biết cần thiết, Tôma tuyên xưng, “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. Không thể thiết thân hơn! Chúa Phục Sinh tự đặt mình trong một khoảng cách rộng vừa một bàn tay để Tôma dễ dàng chạm đến Ngài. Ngài mời người môn đệ đầy nghi nan này áp sát Ngài để có thể chạm vào trái tim đầy xót thương của Ngài; hầu không chỉ hết nghi ngờ về thân xác phục sinh của Thầy, nhưng còn không nghi ngờ về một Thiên Chúa giàu lòng xót thương. Cùng Tôma, bạn và tôi hãy đến bên Chúa Giêsu, chiêm ngắm cạnh sườn rộng mở để thấy cho được ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’, một trái tim héo hắt vì quá yêu các linh hồn.

Không chỉ muốn chạm đến trái tim Chúa Giêsu, chúng ta mời Ngài chạm trái tim mình. Như những người cùi đã phơi trần thân thể biến dạng cho Chúa Giêsu, bạn và tôi cũng chỉ cho Ngài linh hồn biến dạng dị hợm của mình, xin Ngài chạm đến và chữa lành. Hãy cho phép “ngón tay thánh” của Ngài sờ vào những gì cần được cải hoá bởi ân sủng qua Bí tích Hoà Giải; ấy cũng là ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’ Ngài luôn mong mỏi. Và các linh hồn nữa! Phải, các linh hồn cũng là ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’ mà Ngài hằng đói khát.

Từ lúc Faustina qua đời, 1938, những mặc khải tư của chị bắt đầu được chia sẻ, nhưng đã bị Văn Phòng Toà Thánh đưa vào danh sách “cấm”. Tuy nhiên, năm 1965, với sự cho phép của Văn Phòng này, Tổng Giám mục Karol Wojtyła bắt đầu cung cấp các tư liệu của Faustina và các bài viết của chị bắt đầu toả sáng. Ngày 15/4/1978, Bộ Giáo Lý Đức Tin cho phép phổ biến tài liệu của Faustina về việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót. Sau đó, bởi sự quan phòng kỳ diệu, ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’ đã xảy ra. Chỉ 6 tháng sau, Karol Wojtyła được bầu làm giáo hoàng. Hai thập kỷ sau, ngày 30/4/2000, Faustina được chính Gioan Phaolô II phong hiển thánh; nhân dịp này, ngài thiết lập lễ Lòng Thương Xót vào ngày thứ tám Bát Nhật Phục Sinh hàng năm, tức là ngày hôm nay.

Anh Chị em,

“Chớ cứng lòng, nhưng hãy tin!”. Thật đáng kinh ngạc, tự tay Chúa Giêsu Phục Sinh chọn ra một trong những giáo hoàng vĩ đại nhất để giới thiệu những mặc khải về lòng thương xót của Ngài cho thế giới. Phần chúng ta, hãy đến với Ngài là suối nguồn xót thương bất kể chúng ta là ai, tình trạng linh hồn thế nào: tội lỗi, sốt mến, lơ là hay đạo đức… Đừng để mình chết khát bên mạch suối sự sống. Cuộc đời luôn có gì đó ít hơn, hoặc nhiều hơn, nhưng sự Phục Sinh của Chúa Kitô và lòng thương xót của Ngài thì không thể có ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’. Hãy chọn lựa và sống cho cái tuyệt đối đó – lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô. Ước gì lòng thương xót của Ngài chạm đến bạn và tôi, biến chúng ta thành những khí cụ xót thương của Ngài; và rồi ra đi chạm đến anh chị em mình để họ cũng cảm nhận được lòng thương xót Chúa.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con khát khao một điều gì ngoài Chúa; cho con khát cả những linh hồn cho Chúa; đó cũng là một điều vĩ đại rất đáng ao ước!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen