Bầu cử giữa kỳ Mỹ : Tập đoàn truyền thông Murdoch dường như bỏ rơi Donald Trump

RFI Tiếng Việt 

Sau nhiều năm ủng hộ Donald Trump, Fox New và nhiều kênh truyền thông thuộc tập đoàn Murdoch dường như đang quay lưng lại với ông. Những hàng tít lớn trên nhật báo New York Post và các bài xã luận của Wall Street Journal là một minh chứng. Những nhật báo này cáo buộc cựu tổng thống Mỹ đã « phá hoại » cuộc bầu cử giữa kỳ của đảng Cộng Hòa.

RFI.FR | BY RFI TIẾNG VIỆT

Bầu cử giữa kỳ Mỹ : Tập đoàn truyền thông Murdoch dường như bỏ rơi Donald Trump

Sau nhiều năm ủng hộ Donald Trump, Fox New và nhiều kênh truyền thông thuộc tập đoàn Murdoch dường như đang quay lưng lại với ông. Những hàng tít lớn trên nhật báo New York Post và các bài xã luận của…

Trump tung hàng loạt cáo buộc sai trái về bầu cử giữa nhiệm kỳ

Báo Nguoi-Viet

November 11, 2022

SARASOTA, Florida (NV) – Cựu Tổng Thống Donald Trump chưa bao giờ ngừng cáo buộc sai trái về cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Nay, ông cũng đang “la làng” về cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, theo CNN hôm Thứ Sáu, 11 Tháng Mười Một.

Mặc dù tuyên bố kỳ bầu cử này là “Thắng Lợi Lớn,” ông Trump hôm Thứ Năm và sáng Thứ Sáu tung ra hàng loạt cáo buộc vô căn cứ rằng nhiều cuộc bỏ phiếu bị gian lận hoặc đánh cắp.

Cựu Tổng Thống Donald Trump. (Hình minh họa: Eva Marie Uzcategui/AFP via Getty Images)

Trên mạng xã hội của ông – Truth Social, cựu Tổng Thống Trump nói bóng gió sai sự thật rằng cuộc bầu cử thượng nghị sĩ (TNS) liên bang ở Pennsylvania bị đánh cắp, thậm chí dù hơn 30 giờ trước đó, ứng cử viên Cộng Hòa – Bác Sĩ Mehmet Oz – gọi điện thoại chấp nhận thua cuộc và chúc mừng đối thủ Dân Chủ – Phó Thống Đốc John Fetterman.

“Quý vị có biết miếng nhãn ở Pennsylvania viết, ‘Tôi bỏ phiếu rồi’ không? Có người đang đeo miếng nhãn viết ‘Tôi tưởng tôi bỏ phiếu rồi,’” ông Trump viết trên Truth Social hôm Thứ Năm. “Pennsylvania là tiểu bang bầu cử rất bất lương, nhưng chẳng ai muốn kiểm tra chuyện đó. Làm sao ông Oz (người thông minh!) lại thua kẻ không nói được hai câu liền mạch? Họ không muốn kiểm tra, vì họ không muốn chứng mình tôi đúng. Tôi cũng bị vụ này năm 2020, tôi mất 1 triệu phiếu, có lẽ là một trong những vụ mất phiếu lớn nhất lịch sử, xảy ra giữa đêm.”

Vào lúc ông Trump đăng “post” vừa nêu, ông Oz đang thua ông Fetterman hơn 200,000 phiếu.

Cựu Tổng Thống Trump còn tuyên bố sai trái rằng đảng Cộng Hòa sẽ thắng Thượng Viện “nếu chúng ta có thể ngăn chặn trò GIAN LẬN trắng trợn của họ.”

“Chúng ta thắng rồi! Bà Pelosi biến, chúng ta giành Hạ Viện và nếu chúng ta có thể ngăn chặn trò GIAN LẬN trắng trợn của họ, chúng ta sẽ giành luôn Thượng Viện. Thắng Lợi Lớn, đừng ngu ngơ. Lên sân thượng hét to đi!” ông Trump viết hôm Thứ Sáu.

Hiện tại, đảng Dân Chủ có cơ hội thật sự và hoàn toàn hợp pháp để giữ lại quyền kiểm soát Thượng Viện. Chưa có dấu hiệu hoặc bằng chứng gian lận nào. Cuộc tranh cử TNS ở Arizona và Nevada hiện đang quá sít sao nên chưa đoán được kết quả, do đó, vẫn chưa biết đảng nào sẽ nắm Thượng Viện.

Maricopa County, Arizona, tiếp tục đếm phiếu bầu cử giữa nhiệm kỳ hôm Thứ Sáu, 11 Tháng Mười Một, ba ngày sau ngày bầu cử. (Hình: Justin Sullivan/Getty Images)

Cựu Tổng Thống Trump cũng cáo buộc vô căn cứ rằng Clark County, Nevada, nơi có thành phố Las Vegas và là thành trì của Dân Chủ, “có hệ thống bầu cử bất lương,” cảnh báo ứng cử viên Cộng Hòa – ông Adam Laxalt – “cẩn thận.”

Phản ứng với cáo buộc đó, ông Joe Gloria, giám đốc Cơ Quan Bầu Cử Clark County, tuyên bố ông Trump rõ ràng vẫn “nghe tin sai.”

“Rõ ràng ông ấy nghe tin sai, sau hai năm, về luật lệ cũng như thủ tục bầu cử của chúng tôi, vốn bảo đảm độ trung thực trong bầu cử ở Clark County cũng như tiểu bang,” ông Gloria cho hay trong buổi họp báo hôm Thứ Năm.

Cựu Tổng Thống Trump còn tuyên bố sai trái rằng giới chức bầu cử ở Arizona nói sẽ mất thêm vài ngày để đếm phiếu là “muốn có thêm thời gian để gian lận!” Thủ tục đếm phiếu ở tiểu bang này đang diễn ra bình thường.

Ông Trump cũng cáo buộc vô căn cứ rằng “nhiều chuyện rất kỳ lạ đang xảy ra cho những phiếu bầu ở Nevada và Arizona,” và rằng, ở Arizona, “người ta tìm thấy vài lá phiếu rất kỳ lạ?” Không rõ ý ông Trump muốn nói gì, nhưng đến Thứ Sáu, không có gì kỳ lạ được báo cáo về phiếu bầu ở hai tiểu bang đó. (Th.Long)

Powerball gần $2 tỷ: Nếu trúng, có nên lấy tiền mặt một lần?

November 7, 2022

Mai Phi Long/Người Việt (tổng hợp)

LOS ANGELES, California – Với kết quả không ai trúng giải độc đắc Powerball vào hôm Thứ Bảy, 5 Tháng Mười Một, khiến tổng số tiền thưởng lên đến $1.9 tỷ, theo AP, người chiến thắng có thể đưa ra lựa chọn “định mệnh” cho mình trước hai giải pháp: Chọn lấy tiền thưởng trả dần trong 29 năm hay là nhận liền một núi tiền cùng một lúc.

Xếp hàng mua vé số, nhiều người Mỹ đang mơ giấc mơ tỷ phú. (Hình minh họa: Mark Ralston/AFP via Getty Images)

Theo trang tin Axios, kể từ năm 2014, không một ai chọn giải pháp lấy tiền thưởng trả dần trong nhiều năm mà chọn lấy tiền mặt một lần.

Cả hai giải pháp đều có khía cạnh thuận tiện và bất lợi, theo các phân tích tài chánh.

Lấy dần trong vòng 29 năm kế tiếp

Theo kế hoạch lấy dần số tiền thưởng, người thắng cuộc sẽ nhận được một khoản tiền ngay lập tức và sau đó là 29 khoản tiền, với mức tăng 5% mỗi năm, cho đến khi cuối cùng đạt tổng số $1.9 tỷ.

Như vậy, có nghĩa là tổng cộng người trúng giải độc đắc được lãnh 30 lần. Lần đầu tiên, là thời điểm năm chiến thắng, rồi tiếp theo là 29 lần lãnh phần còn lại trong 29 năm kế tiếp với mỗi lần nhận được số tiền lớn hơn 5% so với lần trước.

Giả sử rằng tổng giải độc đắc chính xác là $1,9 tỷ, khoản tiền đầu tiên, năm thứ nhất, có thể sẽ là $28.6 triệu. Lần lãnh thứ nhì, thêm vào 5% tính từ lần đầu, sẽ là khoảng $30 triệu. Cứ theo công thức này, khoản thanh toán lần thứ 30, năm thứ 29, cũng là lần cuối cùng, sẽ vào khoảng $117.7 triệu, theo trình bày của nhà báo Justyn Melrose của đài Fox 8 ở North Carolina.

Chọn giải pháp lấy tiền thưởng trong vòng 29 năm kế tiếp, người chiến thắng có thể nhận đủ tổng cộng $1.9 tỷ. Thuế thu nhập phải trả cho liên bang khoảng $702 triệu, chưa tính thuế tiểu bang.

Con số thực đi vào tài khoản ngân hàng cho người chiến thắng còn lại khoảng $1.2 tỷ, chưa trừ thuế tiểu bang, theo cách tính của trang Omnicalculator.com.

Có 10 tiểu bang không tính thuế thắng xổ số: California, Delaware, Florida, New Hampshire, Nevada, South Dakota, Tennessee, Texas, Washington, và Wyoming. Những tiểu bang còn lại đều tính thuế thu nhập trên tiền thưởng xổ số với tỷ lệ khác nhau.

Dù giải pháp lấy thưởng trong 29 năm cao hơn so với số tiền lấy một lần, nhưng cần nhớ rằng khoản thanh toán cuối cùng được phát vào năm thứ 29 sau đó và chắc chắn rằng số tiền vào thời điểm ấy có thể không có được giá trị như bây giờ vì trượt giá theo lạm phát hàng năm.

Thí dụ, vào thời điểm hiện tại, 2022, phải nhận $205.40 mới bằng giá trị $100 của cách đây 29 năm, 1993, theo USInflationCalculator.com.

Lấy tiền thưởng một lần

Số tiền mặt lãnh một lần cho giải độc đắc Powerball được tính dựa theo tỷ lệ phần trăm trên tổng doanh thu từ việc bán vé.

Trung bình số tiền mặt được lãnh trong giải độc đắc Powerball là khoảng 70% trị giá giải thưởng và số tiền này phải bị đóng thuế thu nhập liên bang và tiểu bang.

Thí dụ, nếu giải độc đắc Powerball là $100 triệu, số tiền thưởng lãnh một lần là khoảng $70 triệu, chưa đóng thuế liên bang và tiểu bang. Nếu ở tiểu bang không thu thuế tiền thắng xổ số, số tiền mặt được trả một lần là khoảng $44,135,928, sau khi trả thuế liên bang. Người thắng ở tiểu bang lấy thuế xổ số phải trừ thêm khoản thuế của tiểu bang, theo cách tính của trang Omnicalculator.com.

Trong trường hợp giải độc đắc là $1.9 tỷ, số tiền lãnh một lần sẽ là khoảng hơn $1.3 tỷ. Người chiến thắng sẽ nhận số tiền là khoảng $837 triệu sau khi trừ thuế liên bang, và sẽ bị trừ thêm nếu cư ngụ tại tiểu bang tính thuế thu nhập từ tiền thưởng xổ số.

Vé số Powerball. (Hình: Justin Sullivan/Getty Images)

Thuận lợi và bất lợi cho từng giải pháp

Mỗi lựa chọn đều có mặt thuận và nghịch khi suy xét các khía cạnh về thuế, và mức trượt giá lạm phát.

Ngoài ra, một vấn đề cốt lõi mà nhiều người không để ý là để quản trị một số tiền khổng lồ không phải là một chuyện đơn giản như … mua vé số và gặp may mắn.

Khi sở hữu trong tay một số tiền khổng lồ, người thắng vé số sẽ đối mặt với hàng loạt chương trình đầu tư “lý tưởng” với những con số đầy hứa hẹn.

Sự hứa hẹn này to lớn lên xuống theo số tiền thưởng mà họ vừa có.

Chèo ghe được, không có nghĩa là biết lái xuồng máy cao tốc. Lái được xuồng máy, không có nghĩa là điều khiển được du thuyền sang trọng. Và còn phải được huấn luyện nhiều năm kinh nghiệm mới trở thành thuyền trưởng đi viễn dương.

Quản lý tài chánh cũng như thế.

Sang tay một món hàng để kiếm lời đơn giản hơn nhiều so với việc bán một chiếc xe, một căn nhà. Đương nhiên, quản lý một kế hoạch kinh doanh bất động sản như chung cư, khu thương mại, khách sạn, “resort,” hay trở thành một nhà phát triển địa ốc “developer” là lên một tầm cao mới khác.

Những người trúng giải độc đắc khổng lồ gần như luôn nhận tiền mặt một lần vì tin rằng họ sẽ kiếm nhiều hơn mức thưởng và không muốn tuỳ thuộc vào số tiền hạn định được trả theo từng năm nhiều khi làm vuột cơ hội.

Do đó, cũng nhiều cố vấn tài chính nhận định rằng quyết định lấy tiền mặt có thể là một sai lầm vì tâm lý hào hứng với thiếu kinh nghiệm quản trị tài chánh có thể đưa những người thắng xổ số đến những quyết định sai lầm.

Ông Nicholas Bunio, một nhà hoạch định tài chính ở Downingtown, Pennsylvania, cho biết ngay cả với khả năng chuyên môn của mình ông sẽ quyết định chọn giải pháp lấy dần trong 29 năm vì giải pháp này giúp làm giảm đáng kể các rủi ro khi đưa ra quyết định đầu tư sai lầm.

“Việc chọn lấy dần hàng năm, cho bạn cơ hội phạm sai lầm đôi lần, rồi sẽ học được bài học mới,” ông Bunio giải thích. “Hầu như trong hoàn cảnh này, những người chiến thắng không nghĩ đến việc rủi ro khi đầu tư. Họ chỉ nghĩ đến việc tiếp tục chiến thắng.”

Khi giao tiền cho các chuyên gia đầu tư tài chánh cần nhớ là những chuyên gia này chỉ đề nghị những chương trình tài chánh lý tưởng nhưng bạn sẽ là người quyết định bỏ tiền vào chỗ nào, và chắc chắn bạn phải ký thoả thuận tự gánh trách nhiệm nếu thua lỗ.

Việc quyết định lãnh dần tiền thưởng trong 29 năm để có kinh nghiệm hay lãnh “lump sum” liền một lúc nhưng chờ đợi thời gian học hỏi cách đầu tư và quản trị “núi tiền” tuỳ thuộc bản tính từng cá nhân.

Tuy nhiên cũng có những mẫu người khác, chuyện làm “phình to” số tiền thưởng không phải là chuyện họ quan tâm.

Như bà Teri Thomas, 58 tuổi, được phóng viên phỏng vấn khi đang mua năm vé Powerball tại một trạm xăng Speedway ở Minneapolis, Minnesota.

Bà Thomas muốn nhận giải thưởng tiền mặt vì nghĩ rằng sẽ sống không đủ lâu để thu thập hết số tiền thưởng trong hơn 29 năm.

“Và tôi muốn hoàn thành tất cả những việc có ý nghĩa ngay lập tức để cảm thấy hài lòng về việc cho đi,” bà Thomas chia sẻ và cho biết thêm rằng bà sẽ quyên góp cho các nhóm nghiên cứu y tế cho trẻ em cũng như giúp đỡ các cựu chiến binh, người vô gia cư và động vật hoang dã. [kn]

TT Biden cảnh báo mối đe dọa từ cử tri từ chối kết quả bầu cử, đổ lỗi cho ông Trump

VOA Tiếng Việt 

Tổng thống Joe Biden hôm thứ Tư (2/11) nói rằng lời đe dọa của một số ứng viên Đảng Cộng hòa về việc từ chối chấp nhận kết quả cuộc bầu cử ngày 8/11 nếu họ thua cuộc là một mối đe dọa đối với nền dân chủ và ông đã đổ lỗi cho cựu Tổng thống Donald Trump vì đã truyền cảm hứng cho họ.

“Chớ sai lầm, nền dân chủ nằm trong lá phiếu dành cho tất cả chúng ta”, ông Biden nói trong một bài phát biểu chỉ vài ngày trước khi người dân Mỹ quyết định liệu đảng Dân chủ có được tiếp tục kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện Hoa Kỳ hay phải giao quyền lực cho đảng Cộng hòa.

Phát biểu tại Nhà ga Union ở Washington, không mấy xa Điện Capitol, ông Biden đã dùng vụ tấn công bằng búa nhằm vào ông Paul Pelosi, chồng của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi, tại nhà của họ ở San Francisco như là một bằng chứng cho thấy nền dân chủ đang bị đe dọa, chưa đầy hai năm sau khi xảy ra cuộc tấn công vào Điện Capitol của Hoa Kỳ vào ngày 6/1/2021.

“Kẻ tấn công vào nhà hỏi, ‘Nancy đâu? Nancy đâu?’”, đó cũng chính là những từ được đám đông sử dụng khi họ xông vào Điện Capitol của Hoa Kỳ vào ngày 6/1”, ông Biden nói.

Ông kêu gọi các cử tri “hãy suy nghĩ thật lâu và thật kỹ về thời điểm chúng ta đang ở”.

“Khi tôi đứng đây hôm nay, có những ứng cử viên tranh cử ở mọi cấp độ chức vụ của Mỹ – thống đốc, quốc hội, tổng chưởng lý, tổng thư ký – những người sẽ không cam kết chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử mà họ tham gia”, ông nói.

Ông Biden nói những người từ chối kết quả bầu cử đã được truyền cảm hứng từ ông Trump, người đang cân nhắc tranh cử tổng thống vào năm 2024 cũng như ông Biden đang cân nhắc để quyết định xem ông có muốn tranh cử một nhiệm kỳ bốn năm nữa hay không.

Ông Biden nói “nền dân chủ Mỹ đang bị tấn công” bởi vì ông Trump không chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử năm 2020 mà ông đã thua ông Biden.

“Ông ấy không chấp nhận ý muốn của mọi người, ông ấy từ chối chấp nhận rằng mình đã thua”, ông Biden nói.

Ngoài ra, cựu Tổng thống Barack Obama cũng nêu lên những lo ngại về tình trạng dân chủ.

Phát biểu tại một cuộc mít tinh của đảng Dân chủ dành cho các ứng cử viên tiểu bang ở Arizona vào cuối ngày thứ Tư, ông Obama đã nhìn lại các phong trào trong quá khứ để đảm bảo rằng phụ nữ, người Mỹ gốc Phi và những người khác bị gạt ra ngoài lề xã hội có thể tham gia vào một nền dân chủ mà ông cho rằng hiện đang gặp rủi ro.

Ông Biden, người cùng với ông Obama đang tham gia vào một cuộc vận động quyết liệt cho đảng Dân chủ trong những ngày cuối trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào thứ Ba tới, đang đối mặt với khả năng đảng Cộng hòa sẽ giành quyền kiểm soát Quốc hội, và điều này sẽ cản trở chương trình nghị sự của ông.

Hầu hết các dự báo giữa nhiệm kỳ đều dự đoán đảng Cộng hòa gần như chắc chắn nắm quyền kiểm soát Hạ viện, trong khi Thượng viện thì chưa rõ.

Mặc dù gian lận cử tri là cực kỳ hiếm ở Mỹ, nhưng một số lượng lớn người Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về điều này. Một cuộc thăm dò của Reuters / Ipsos kết thúc vào thứ Hai cho thấy 49% người Mỹ nghĩ rằng gian lận cử tri là một vấn đề phổ biến, với 34% đảng viên Dân chủ và 69% đảng viên Cộng hòa giữ quan điểm đó.

Khoảng 44% cho biết họ lo ngại rằng cuộc bầu cử ở Mỹ bị gian lận, bao gồm 28% đảng viên Đảng Dân chủ và 62% đảng viên Cộng hòa.

Bất chấp những quan ngại trên, 67% số người được hỏi cho biết họ tin rằng lá phiếu của chính họ sẽ được đếm chính xác, trong đó bao gồm đa số đảng viên Dân chủ và Cộng hòa.

VOATIENGVIET.COM

TT Biden cảnh báo mối đe dọa từ cử tri từ chối kết quả bầu cử, đổ lỗi cho ông Trump

Bạo lực chính trị đe dọa nền dân chủ Mỹ

Hiếu Chân/Người Việt

Vụ một kẻ cực đoan đột nhập nhà riêng dùng búa đập vỡ đầu ông Paul Pelosi, phu quân của Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, hôm Thứ Sáu tuần trước gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng bạo lực có động cơ chính trị ngày càng lan tràn, không chỉ đe dọa các chính trị gia mà cả nền dân chủ lâu đời của nước Mỹ.

Cảnh sát phong tỏa nhà bà Nancy Pelosi ở San Francisco, California, sau vụ tấn công hôm 28 Tháng Mười. (Hình minh họa: Justin Sullivan/Getty Images)

“Nancy đâu?”

Những lời khai của nghi can David DePape, 42 tuổi, được Biện Lý Cuộc San Francisco công bố tại buổi họp báo tối Thứ Hai, 31 Tháng Mười, vừa qua làm người nghe sởn da gà. Ông DePape khai ông đột nhập nhà bà Pelosi lúc 2 giờ 30 phút sáng, mang theo dây trói và băng keo, dùng búa đập vỡ kính cửa sau, rồi lên lầu nơi ông Paul Pelosi, 82 tuổi, đang ngủ.

Ông cho biết dự định của ông là bắt nhà lãnh đạo đảng Dân Chủ làm con tin, và “đập bể xương bánh chè của bà” để bà phải đi đến Hạ Viện bằng xe lăn nhằm cảnh cáo các thành viên khác của Quốc Hội về “hậu quả hành động” của họ. Ông DePape cho rằng Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi là “thủ lĩnh của nhóm dối trá trong đảng Dân Chủ.”

Theo thông tin của cảnh sát, nghi can hỏi ông Pelosi: “Nancy đâu?” – đúng nguyên văn câu hỏi mà những kẻ bạo loạn xông vào tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ đã hỏi trong lúc lùng tìm bà Chủ tịch Hạ Viện trong vụ tấn công ngày 6 Tháng Giêng, 2021, qua sự xúi giục của cựu Tổng Thống Donald Trump. Sự trùng hợp đó cho thấy hành vi của ông DePape có thể nằm trong chuỗi những hành động thù địch nhắm vào bà Pelosi.

Đảng Cộng Hòa, cùng với truyền thông cánh hữu và thành phần ủng hộ đảng, đã thực hiện nhiều chiến dịch quảng cáo rộng lớn miêu tả bà Pelosi là một kẻ ác cần phải bị tước bỏ quyền lực để “cứu nước Mỹ.” Có những hình ảnh hoặc đoạn phim quảng cáo vẽ hình chân dung bà Pelosi với cặp sừng của quỷ, miệng đầy máu như ma cà rồng, hoặc trên trán có hình chữ thập ngoặc của Đức Quốc Xã…

“Đối với đông đảo những người theo đảng Cộng Hòa, bà Pelosi là kẻ thù số 1, là mục tiêu của cơn thịnh nộ tập thể của đảng này trong mấy năm gần đây,” nhật báo The Washington Post nhận định. Bên cạnh bà Pelosi, những người Cộng Hòa cũng tấn công các chính trị gia hàng đầu của đảng Dân Chủ như cựu Tổng Thống Barack Obama, Tổng Thống Joe Biden, và cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton…

Thực tế, đảng Cộng Hòa cũng không tránh khỏi sự thù ghét của những người chống đối và báo chí ghi nhận bạo lực đã xảy ra với các nhà lãnh đạo của cả hai đảng.

Đầu tuần trước, ba bị cáo bị buộc tội âm mưu bắt cóc và hãm hại nữ Thống Đốc Gretchen Whitmer (Dân Chủ-Michigan). Đầu năm nay, Thẩm Phán Brett Kavanaugh của Tối Cao Pháp Viện, người có quan điểm bảo thủ, liên tục bị đe dọa và cảnh sát đã bắt một người đàn ông mang súng đến gần nhà ông ở Chevy Chase, Maryland.

Trước đó, năm 2017, Dân Biểu Steve Scalise (Cộng Hòa-Louisiana), nhân vật số hai của đảng Cộng Hòa trong Hạ Viện, bị một người ủng hộ Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders (Độc Lập-Vermont) bắn trọng thương trong một buổi tập thi đấu bóng chày ở phía Bắc tiểu bang Virginia. Mười một năm trước, một cuộc vận động chính trị ở Tucson đã biến thành vụ thảm sát bằng súng với sáu người chết, 13 người bị thương, trong đó Dân Biểu Gabrielle Giffords (Dân Chủ-Arizona) bị bắn vào đầu, thập tử nhất sinh, và sau đó phải từ chức.

Bạo lực chính trị gia tăng

Không chỉ các chính trị gia nổi tiếng mới bị đe dọa bạo lực. Từ sau cuộc bầu cử tổng thống tháng Mười Một, 2020, các quan chức và nhân viên bầu cử cấp liên bang, tiểu bang, và địa phương đều cho biết đe dọa nhắm vào họ đang ngày càng gia tăng, chủ yếu đến từ những người phủ nhận kết quả bầu cử tổng thống và tin vào câu chuyện sai trái “bầu cử gian lận” của cựu Tổng Thống Donald Trump.

Lời nói không vô hại. Nhưng những phát ngôn xuyên tạc sự thật, mang tính hận thù, kích động thường dẫn tới những hành động bạo lực mà có khi người nói không lường trước được. Từ lúc ông Trump ra tranh cử tổng thống và trong các buổi vận động cử tri, ông thường kêu gọi bỏ tù đối thủ Hillary Clinton (Lock Her Up!) thì các diễn ngôn kích động như vậy bắt đầu lan rộng trong trong không khí chính trị Mỹ.

Câu chuyện “bầu cử bị đánh cắp” mà ông Trump tung ra sau khi thất bại lại càng thôi thúc ủng hộ viên của ông dùng hành động bạo lực như là cách duy nhất để đòi lại công bằng sau khi các con đường hợp pháp như kiện tụng đều không có kết quả. Vụ tấn công Quốc Hội ngày 6 Tháng Giêng, 2021 là đỉnh điểm của bạo lực chính trị trong lịch sử Hoa Kỳ. Để ngăn chặn Quốc Hội chứng nhận chiến thắng của ứng cử viên Joe Biden, những kẻ bạo loạn đã đòi “Treo cổ Mike Pence,” phó tổng thống lúc đó, buộc các nhà lãnh đạo và các thượng nghị sĩ, dân biểu phải trốn vào nơi an toàn.

Sau khi các đặc nhiệm FBI lục soát tư dinh Mar-A-Lago, Florida, của ông Trump hôm 8 Tháng Tám, các mối đe dọa còn nhắm tới các nhân viên thực thi pháp luật liên bang và địa phương. Trên mạng xã hội còn lan truyền rộng rãi những lời kêu gọi ám sát Bộ Trưởng Tư Pháp Merrick Garland!

Tình hình nghiêm trọng tới mức, theo điều tra của các tổ chức thăm dò dư luận, có tới 28% cử trị Mỹ, trong đó 37% có súng ở nhà, đồng ý rằng một lúc nào đó, công dân Mỹ cần phải cầm vũ khí chống lại chính quyền! Có một phần ba những người Cộng Hòa, trong đó có 45% những người Cộng Hòa “trung kiên” và 20% những người Dân Chủ, nghĩ như vậy.

Khủng hoảng thật sự

Trái ngược với chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít sử dụng bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn chính trị, chế độ dân chủ tôn trọng ý kiến khác biệt và hướng tới sự thỏa hiệp. Nền chính trị dân chủ không coi đối lập quan điểm là thù địch. Không ai nghĩ mình là “đỉnh cao trí tuệ” để độc chiếm chân lý, không miệt thị những người có ý kiến khác. Hãm hại hoặc giết chết họ và thân nhân của họ lại càng không.

Nếp sinh hoạt dân chủ đó dường như đang biến mất trong không khí chính trị nước Mỹ.

Từ khi ông Donald Trump không chấp nhận thất cử và liên tục quảng bá luận điệu “chính quyền Biden là bất hợp pháp” thì nền móng của tòa nhà dân chủ tự do bị lung lay dữ dội. Và khi nếp sinh hoạt dân chủ bị xói mòn thì những kẻ cực đoan tìm đến bạo lực để triệt hạ các “kẻ thù chính trị” của họ là chuyện không khó hiểu.

Có điều, ông Trump và những người ủng hộ ông quên rằng, nếu cuộc bầu cử bị đánh cắp thật sự, thì chính ông, trong vai trò tổng thống thứ 45 của Mỹ, lãnh đạo quốc gia này trong năm 2020, mới là người chịu trách nhiệm.

Đáng lý, ông Trump và những người ủng hộ ông, phải tự trách mình vô trách nhiệm, để xảy ra “bầu cử bị đánh cắp” mới đúng.

Theo Sở Cảnh Sát Quốc Hội, cơ quan công lực liên bang có nhiệm vụ bảo vệ các nhà lập pháp liên bang, số vụ đe dọa nhằm vào các thành viên quốc hội tăng hơn 10 lần trong năm năm kể từ khi ông Trump được bầu làm tổng thống cuối năm 2016, lên tới 9,625 vụ năm 2021.

Giáo Sư Peter Simi, thuộc đại học Chapman University ở Orange County, California, chuyên nghiên cứu các tổ chức cực đoan và bạo lực ở Mỹ trong 20 năm qua, nhận định với nhật báo The New York Times: “Khi chúng ta thấy những gì xảy ra ở tư gia của bà chủ tịch Hạ Viện, khi chúng ta thấy những chuyện như âm mưu bắt cóc các thống đốc tiểu bang… thì chúng ta đã thật sự rơi vào khủng hoảng.”

Biện pháp đầu tiên để chống lại nạn bạo lực chính trị là nhận diện và lên án nó. Phớt lờ các hành vi hoặc lời đe dọa bạo lực đồng nghĩa với sự cổ vũ bạo lực. Nhưng ở vụ đột nhập tư gia bà Pelosi rất tiếc là nhiều chính trị gia hàng đầu của đảng Cộng Hòa không có phản ứng mạnh mẽ cần thiết.

Ông Trump hoàn toàn im lặng, còn nhiều người khác lấy đó làm trò đùa để chế giễu.

Tỷ phú Elon Musk, ông chủ mới của mạng xã hội Twitter, thậm chí còn đăng, sau đó xóa đi, một giả thuyết sai lạc rằng nghi can DePape và gia đình Pelosi có quan hệ cá nhân và hành vi tội phạm của ông DePape không có động cơ chính trị!

Bạo lực xem ra đã trở thành chuyện thường ngày trong đời sống chính trị Mỹ. Và đó là nguy cơ nhãn tiền của nền dân chủ! [đ.d.]

Hung thủ dự định bắt bà Pelosi làm con tin và đánh bể đầu gối

Nguoi-viet

October 31, 2022

WASHINGTON, DC (NV) – Trong cuộc thẩm vấn mà cảnh sát tiến hành vào ngày xảy ra vụ hành hung ông Paul Pelosi, 82 tuổi, chồng Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, nghi can David DePape, 42 tuổi, khai dự định “bắt ‘Nancy’ làm con tin và ‘nói phải quấy’ với bà,” theo NBC News.

“Nếu bà Pelosi nói với DePape ‘sự thật’ sẽ được thả, và nếu ‘nói dối’, nghi can sẽ đánh bể ‘xương đầu gối của bà’” theo biên bản điều tra trong bản cáo trạng được toà công bố hôm Thứ Hai, 31 Tháng Mười.

Bà Nancy và ông Paul Pelosi. (Hình: Leon Neal/Getty Images)

Nghi DePape nói với cảnh sát rằng “bằng cách làm gãy đầu gối của Nancy thì sau đó khi bà trở về Quốc Hội với thương tật, điều này sẽ làm gương cho các thành viên khác của Quốc Hội biết sẽ có ‘hậu quả’ cho các hành động của họ.”

Cáo trạng cho biết nghi can DePape nói với cảnh sát rằng “anh ta muốn dùng việc bắt giữ ‘Nancy’ nhằm làm mồi cho một cá nhân khác” nhưng cáo trạng không tiết lộ danh tánh người mà nghi can ám chỉ.

Bản cáo trạng của Bộ Tư Pháp nộp lên toà án liên bang cáo buộc nghi can DePape hai tội danh: Bắt cóc người và hành hung với ý định trả đũa một giới chức liên bang bằng cách đe doạ hoặc gây thương tích cho thành viên gia đình.

Các biện lý cho biết nghi can DePape muốn bắt cóc vị chủ tịch Hạ Viện khi đột nhập vào tư gia của gia đình bà Pelosi ở San Francisco, California, mà không ý thức rằng bà đang ở Washington, D.C., và chỉ có người chồng, ông Paul Pelosi, ở nhà.

“Ông Pelosi đang ngủ khi DePape vào phòng và tuyên bố muốn nói chuyện với ‘Nancy.’ Khi ông Pelosi nói với nghi can rằng không có vợ mình ở nhà, nghi can tuyên bố sẽ ngồi và chờ đợi cho đến lúc bà về,” theo cáo trạng.

Cảnh sát thu hồi các dây “zip tie” trong phòng ngủ ông Pelosi và trên hành lang gần cửa trước của ngôi nhà.

Trong ba lô của nghi can DePape, cảnh sát cũng tìm thấy “trong số những thứ khác, một cuộn băng keo, dây thừng, một cây búa, một đôi găng tay bằng cao su và bằng vải, và một cuốn nhật ký.”

Vào Thứ Bảy, giới chức thẩm quyền xác định rằng trong hai năm qua nghi can DePape đã sống ở nhà để xe của một căn nhà tại Richmond, California, ngoại ô thành phố San Francisco. Tại nhà để xe này, cảnh sát tìm thấy và tịch thu “hai cây búa, một thanh kiếm, và một đôi găng tay cao su và vải”, đơn kiện cho biết.

Cơ quan điều tra liên bang FBI đã phối hợp với cảnh sát San Francisco và Cảnh Sát Quốc Hội nhằm điều tra vụ hành hung ông Pelosi diễn ra vào hôm Thứ Sáu tuần qua.

Dự kiến, nghi can DePape sẽ hầu tòa trong tuần này với các tội danh tiểu bang.

Cảnh Sát San Francisco cho biết đương sự sẽ bị truy tố với tội danh mưu toan sát nhân, trộm cắp cấp độ một, tấn công bằng hung khí gây tử vong, hành hung gây thương tích nghiêm trọng trên cơ thể, ngược đãi người cao tuổi, đe dọa một giới chức chính phủ cùng thành viên gia đình, cùng một số tội danh khác.

Cảnh sát giăng dây quanh nhà gia đình Pelosi tại San Francisco. (Hình: Justin Sullivan/Getty Images)

Kể từ sau vụ tấn công hôm Thứ Sáu trong tuần trước, ông Pelosi ” trải qua một cuộc phẫu thuật vì một vết nứt hộp sọ và những vết thương nghiêm trọng ở cánh tay phải và bàn tay,” theo văn phòng của Pelosi cho biết. Các bác sĩ hy vọng ông Pelosi sẽ bình phục hoàn toàn.

Hiện nay, ông Pelosi vẫn ở trong phòng chăm sóc đặc biệt với sự hiện diện của toàn thể gia đình, theo một nguồn tin am hiểu về tình hình nói với  đài NBC News vào đầu ngày Thứ Hai. Nguồn tin cũng cho biết người chồng của bà chủ tịch Hạ Viện còn tỉnh táo và có đủ nhận thức. Ông dường như nhớ mọi chuyện xảy ra.

Theo một thành viên gia đình Pelosi, nghi can đã dùng búa phá cửa sổ ở phía sau căn nhà và sau khi đột nhập, nghi can cố trói ông Pelosi để cùng ngồi đợi “cho đến khi Pelosi trở về.

Cùng theo nguồn tin từ người nhà cho biết lúc đó ông Pelosi ở nhà một mình và bị nghi can đập búa vào đầu nhiều lần.

Khi cảnh sát đến, nghi can tuyên bố: “Chúng tôi đang đợi ‘Nancy.’”

Nghi can DePape điều hành một trang web mà trên đó anh ta viết nhiều bài đăng liên quan đến hầu hết các thuyết âm mưu hiện nay: Sự hiện diện của người ngoài hành tinh, vấn đề người Do Thái, chủ nghĩa cộng sản, vaccine, gian lận bầu cử và nhiều chủ đề khác.

Hai giới chức công lực cho biết cuộc điều tra sơ khởi cho thấy nghi can DePape đăng các bài tán thành các ý tưởng liên quan đến chủ nghĩa cực hữu lẫn cấp tiến. (MPL) [kn]

Eric Trump: Đảng Cộng Hoà không còn nữa, mà là đảng Trump!

PALM BEACH, Florida (NV) – Ông Eric Trump, con trai thứ của cựu Tổng Thống Donald Trump, hôm Thứ Sáu, 14 Tháng Mười, khẳng định trên đài truyền hình bảo thủ Newsmax rằng: “Đảng Cộng Hoà không còn nữa,” và nhấn mạnh tổ chức bảo thủ quyền lực này bây giờ được định hình theo khuôn mẫu của cha mình đặt để.

Trên đoạn video clip trích cuộc phỏng vấn của ông Eric Trump với đài Newsmax do ông Ron Filipkowski, cựu biện lý liên bang và thành viên đảng Cộng Hoà, đưa lên Twitter cho thấy người con trai thứ của cựu tổng thống tuyên bố: “Cha tôi thay đổi đảng này ngay từ nền tảng. Không còn Đảng Cộng Hòa nữa, mà là ‘đảng Trump.’”

Ông Eric Trump, con trai thứ của cựu Tổng Thống Donald Trump. (Hình: John Moore/Getty Images)

Trong một lần khác xuất hiện trên đài Newsmax trước đây, hồi Tháng Tám, khi thảo luận về việc đảng Cộng Hoà loại bà Liz Cheney trong vòng bầu cử sơ bộ tại Wyoming, ông Eric cũng đã đưa ra nhận xét tương tự.

“Chẳng cần phải hỏi vì sao. Đó không còn là đảng Cộng Hoà nữa. Thực tế bây giờ đã thành  ‘đảng Trump.’”

Dân Biểu Liz Cheney, vốn sinh trưởng trong gia đình Cộng Hoà truyền thống khi là con gái của cựu Phó Tổng Thống Dick Cheney, người đã phục vụ các đời tổng thống Cộng Hoà từ thời ông Richard Nixon cho đến ông George W. Bush (Bush con). 

Bà Cheney bị ứng cử viên Harriet Hageman, người tán dương luận điệu “bầu cử gian lận” của cựu tổng thống và được ông này hậu thuẫn, đánh bại trong cuộc bầu cử sơ bộ tại tiểu bang Wyoming hồi Tháng Tám vừa qua.

Trong các cuộc bầu cử sơ bộ vừa qua, 92% những ứng cử viên, cổ vũ luận điệu “bầu cử gian lận,” được ông Trump ủng hộ, đã giành được chiến thắng, theo Ballotpedia.

“Cha tôi thực sự lột xác đảng Cộng hòa của tầng lớp ‘RINO’ thành một đảng hoàn toàn mới,” ông Eric Trump phân tích.

“Thực tế phơi bày rằng cha tôi đã tạo một đảng hoàn toàn mới, đại diện cho những gì hoàn toàn khác so với đảng Cộng Hòa ngày trước từng ủng hộ. Cha tôi thực sự đã định nghĩa lại đảng này là gì, thể hiện quan điểm thế nào cho các cử tri.”

RINO (Republican In Name Only), là thuật ngữ mà cựu Tổng Thống Trump dùng để bài xích những người Cộng Hoà trung kiên không a dua theo luận điệu tuyên truyền “gian lận bầu cử” của ông.

Tại cuộc phỏng vấn trên đài Newsmax hôm Thứ Sáu vừa qua, ông Eric Trump cho rằng công chúng không chú ý đến các phiên điều trần của Uỷ Ban 6 Tháng Giêng vì đó chỉ là “thủ đoạn đánh lạc hướng” của đảng Dân Chủ.

Tuy nhiên, trái với nhận xét của con trai cựu tổng thống, các phiên điều trần của ủy ban đã thu hút sự quan tâm đáng kể, với các phiên điều trần trên truyền hình từ mùa Hè có trung bình 13.1 triệu người xem, trong đó buổi điều trần đầu tiên thu hút khoảng 20 triệu người. 

Một cuộc thăm dò của hệ thống truyền thanh công cộng PBS từ Tháng Bảy cho thấy 50% dân Mỹ đồng ý rằng cựu Tổng Thống Trump phải bị truy tố vì xách động cuộc bạo loạn tại Quốc Hội hôm 6 Tháng Giêng, 2021. Tuy nhiên, chỉ 28% tin rằng ông Trump thực sự bị truy tố. (MPL) [kn]

“Chuyên gia” thuyết âm mưu phải bồi thường gần một tỷ đôla cho các nạn nhân

“Chuyên gia” thuyết âm mưu phải bồi thường gần một tỷ đôla cho các nạn nhân

Phạm Quang Tuấn

13-10-2022

Alex Jones là một nhân vật truyền thông (radio, mạng) nổi tiếng và giàu có nhờ chuyên môn tung tin vịt và thuyết âm mưu. Những thuyết này tuy vô lý nhưng làm bùi tai những người cuồng tín, ngu dốt, thiếu khả năng kiểm chứng, đặc biệt là trong phe hữu Mỹ. Dưới danh nghĩa “Tự do Ngôn luận” (Free Speech Systems – tên của hãng truyền thông của hắn), Jones tung ra những tin như:

– Mỹ (Neil Armstrong v.v.) đã giả mạo những cuộc đổ bộ lên mặt trăng

– Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama là người chuyển giới

– Lãnh đạo đảng Dân Chủ buôn bán trẻ con để ấu dâm (vụ “Pizzagate”)

– Cả thế giới là con rối bị điều khiển bởi một “chính quyền siêu bí mật”.

– Chính quyền Mỹ bỏ chất hóa học vào nước uống để làm nhiều người trở thành đồng tính.

– Những vụ khủng bố là do chính quyền cố ý gây ra hay dàn cảnh để điều khiển dư luận.

– Những vụ tàn sát hàng loạt bằng súng ở Mỹ là do phe chống sở hữu súng gây ra để lấy cớ cấm súng.

– Chống mọi loại vaccine.

– Và dĩ nhiên, Trump thất cử tổng thống do gian lận bầu cử.

Nhưng tai vạ đã đến khi Jones nói rằng vụ tàn sát Sandy Hook là màn kịch. Năm 2012, một tên sát nhân xả súng giết 20 trẻ 6-7 tuổi và 6 người lớn ở trường tiểu học Sandy Hook. Đây là vụ xả súng lớn thứ tư trong lịch sử Mỹ và đặc biệt gây xúc động và được dân chúng và truyền thông chú ý vì số trẻ em bị giết. Jones nói rằng vụ tàn sát hoàn toàn không có thật, không ai chết cả chỉ là màn kịch của phong trào chống sở hữu súng ở Mỹ. Cha mẹ của các trẻ bị giết lên TV nói về con của mình bị Jones gọi là diễn viên “đáng ghê tởm” (disgusting), và bị phe ủng hộ súng hăm dọa.

Chịu không nổi nữa, năm 2018 gia đình các nạn nhân kiện Jones về tội phỉ báng (tung tin vịt và thuyết âm mưu tự nó không phải là tội). Ra tòa, Jones không hề tỏ ra ăn năn hối lỗi, lại còn bảo rằng mình đang bị “đấu tố” và hỏi “Có phải là đấu tố không vậy? Có phải đang ở Tàu không vậy?”.

Kết quả là ngày 12/10/2022 tòa đã bắt Jones phải bồi thường tổng cộng 965 triệu đô la cho các người thưa kiện. Hắn tuyên bố trên đài của hắn rằng hắn sẽ không trả gì hết!

Ngoài vụ kiện này (và mấy vụ kiện của các gia đình nạn nhân khác), Jones cũng đang bị điều tra về vai trò trong cuộc nổi loạn 6/1/2021 tại QUốc hội Mỹ. Hắn đã có mặt và diễn thuyết trong vụ này.

Đáng buồn là những kẻ như Alex Jones lại được rất nhiều người tin ở Mỹ. Thăm dò cho thấy là 1/5 dân Mỹ tin rằng vụ tàn sát Sandy Hooks là giả, mặc dù tin tức, hình ảnh đầy rẫy trên truyền thông! Rõ ràng là dân trí Mỹ không cao như người ta thường lầm tưởng, hoặc sự chia rẽ chính trị nội bộ đã làm quá nhiều người trở thành cực đoan, mù quáng, mất hết lý trí.

_____

Tham khảo:

https://www.nytimes.com/2022/10/12/us/politics/alex-jones-sandy-hook-damages.html

https://en.wikipedia.org/wiki/Alex_Jones

https://www.abc.net.au/news/2022-10-13/alex-jones-ordered-nearly-billion-dollars-explainer/101530688

Tin giả tràn ngập trong các cộng đồng thiểu số vào mùa bầu cử Mỹ

Thiện Lê/Người Việt

LOS ANGELES, California (NV) – Mùa bầu cử chỉ còn chưa đến một tháng, cử tri cần rất nhiều thông tin quan trọng về các ứng cử viên hay về thủ tục bỏ phiếu. Tuy nhiên, những tin tức sai lệch, hay tin giả, gây không biết bao nhiêu nguy hiểm trong nhiều cộng đồng.

Quá nhiều nguồn tin làm cử tri không biết tin tưởng vào nguồn nào. (Hình minh họa: Angela Weiss/AFP via Getty Images)

Để giúp cử tri tránh bị tin giả tấn công, hôm Thứ Sáu, 7 Tháng Mười, tổ chức Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) mời các diễn giả thảo luận về tin giả, những nguồn tin và tình trạng hiện nay không có nhiều nỗ lực để ngăn chặn các nguồn tin giả đó.

Diễn giả đầu tiên là bà Mekela Panditharatne, cố vấn của tổ chức bất vụ lợi Brennan Center thuộc Đại Học Luật New York.

Bà cho biết tin giả là một vấn đề đã có từ lâu trong lịch sử bầu cử của Hoa Kỳ, muốn lường gạt nhiều cộng đồng để họ không bỏ phiếu bằng cách đưa ra những thông tin sai lệch về các thủ tục bỏ phiếu. Những cộng đồng bị tin giả tấn công nhiều nhất là người thiểu số, không biết tiếng Anh.

“Tin giả xuất hiện nhiều nhất khi có quá nhiều nhu cầu cho tin tức chính xác, mà không đủ nguồn tin để cung ứng,” bà Panditharatne nói.

Ngoài những nguồn tin giả mang đến cho các cộng đồng thiểu số nhiều thông tin sai lệch, bà còn cho biết có đến 21 tiểu bang thông qua các đạo luật giới hạn quyền bầu cử.

Những đạo luật đó thường nhắm vào và gây ảnh hưởng cho cộng đồng người Latino hay người gốc Phi Châu, với nhiều cử tri mới ghi danh là người Latino.

Nhiều cử tri mới chắc chắn sẽ gặp nhiều thông tin sai lệch trên các nguồn tin tiếng Tây Ban Nha, và họ thường nghe tin qua đài phát thanh nhiều nhất.

Các hệ thống mạng xã hội giúp tin giả lan truyền nhanh hơn. (Hình minh họa: Oliver Douliery/AFP via Getty Images)

Diễn giả thứ hai là bà Tamoa Cazadilla, tổng thư ký tổ chức Factchequeado chuyên kiểm tra thông tin của các nguồn tin tiếng Tây Ban Nha. Bà Cazadilla cho biết tổ chức này được thành lập vào Tháng Tư năm nay, với sự hỗ trợ của Google và có đến 30 đối tác truyền thông để kiểm tra thông tin của các nguồn tin tiếng Tây Ban Nha.

Bà Calzadilla còn là cựu giám đốc phụ trách kiểm tra thông tin của Univision, hệ thống truyền hình tiếng Tây Ban Nha lớn nhất Hoa Kỳ.

Vì vậy, bà nhấn mạnh sự quan trọng của tin tức chính xác trong cộng đồng Latino, vì từng có nhiều tố cáo gian lận bầu cử năm 2020 rất thường thấy, cùng nhiều tin tức sai lệch nhắm vào cộng đồng này.

Bà Mekela Panditharatne (trái) và bà Tamoa Cazadilla. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Bà đưa ra một câu chuyện từng được nhiều đài phát thanh ở Florida nói đến là Sở Thuế Hoa Kỳ mua đạn để tấn công nhà dân và lấy tiền của họ.

Hai tin tức sai lệch khác lan truyền rộng rãi trong các cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha là các vấn đề ở biên giới và giả thuyết Hoa Kỳ đang cho người nhập cư bất hợp pháp dễ dàng vào Mỹ để thay thế người da trắng.

Bà cho hay cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đều điều khiển tin tức để có lợi, nhưng đa số tin tức về tội phạm và di trú đa số đến từ các nguồn tin bảo thủ. Di trú là vấn đề được cộng đồng Latino quan tâm đến nhiều nhất, và các nguồn tin đó muốn lợi dụng điều này.

Không chỉ có cộng đồng Latino, nhiều cộng đồng thiểu số khác cũng phải đối mặt tin giả, trong đó có cộng đồng người Hoa.

Bà Rong Xiaoqing (trái) và bà Vanessa Cardenas. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Diễn giả thứ ba là bà Rong Xiaoqing, ký giả của nhật báo Sing Tao Daily ở New York, thảo luận về tin giả trong cộng đồng người Hoa qua các hệ thống mạng xã hội.

Bà cho hay cộng đồng người Hoa sử dụng WeChat nhiều nhất, với nhiều thông tin sai lệch về hệ thống dân chủ của Hoa Kỳ vì chính phủ Trung Quốc muốn cho người dân thấy Hoa Kỳ đang sập đổ.

Một điều đáng ngạc nhiên là chính phủ Trung Quốc không chặn đứng hay điều khiển nhiều thông tin về đại dịch COVID-19 vì muốn người dân trong nước và hải ngoại chích ngừa.

Một vấn đề khác cũng được cộng đồng người Hoa quan tâm là di trú, với nhiều nguồn tin cho biết chính quyền Biden cấp thẻ xanh tạm thời cho di dân bất hợp pháp. Điều đó làm cộng đồng người Hoa bất mãn vì họ xin thẻ xanh theo đúng thủ tục.

Cả hai phía cấp tiến và bảo thủ đều điều khiển tin tức cho có lợi. (Hình minh họa: Eva Marie Uzcategui/Getty Images)

Diễn giả cuối cùng là bà Vanessa Cardenas, phó giám đốc tổ chức kêu gọi cải cách di trú America’s Voice, nói về tình trạng tin giả đã có từ lâu trong nguồn tin tức ở Hoa Kỳ.

Bà cho hay tin giả đã có từ lâu, nhưng cách cử tri tìm tin tức thay đổi rất nhiều, làm tin giả lan truyền rất nhanh, và trở thành một “quái vật” không thể điều khiển được.

Với nhiều trang mạng xã hội như Facebook và Twitter, tin tức sai lệch có thể lan truyền đến hàng triệu người chỉ trong chốc lát.

Bà Cardenas còn nói về đài Fox News đưa ra nhiều thuyết âm mưu, nhiều thông tin sai lệch về di trú, tôi phạm và kinh tế để khán giả xem liên tục trong mùa bầu cử.

Theo bà, đài truyền hình bảo thủ đó tạo ra nhiều hình ảnh tiêu cực về người nhập cư và liên tục nhắc đến những tố cáo gian lận bầu cử. [qd]

—–
Liên lạc tác giả: le.thien@nguoi-viet.com

Bão Ian làm 77 người chết tại Mỹ, phá hoại nhiều tài sản

CHARLESTON, South Carolina (NV) – Số người chết do bão Ian tăng lên con số 77 người, trở thành một trong những cơn bão có sức tàn phá lớn nhất từng đổ bộ vào Mỹ, gây ra lũ lụt, mất điện, và phá hủy tài sản nặng nề, theo NBC News hôm Thứ Bảy, 1 Tháng Mười.

Bão Ian đổ bộ vào Florida hôm Thứ Tư, 28 Tháng Chín, với sức gió lên đến 150 dặm/giờ, sau đó giảm dần khi bão di chuyển qua South Carolina và dự báo tiếp tục suy yếu khi di chuyển qua khu vực phía Nam Virginia vào hôm Thứ Bảy trước khi tan tại Đại Tây Dương.

Người dân Florida di tản ra khỏi vùng bị bão Ian tàn phá. (Hình: Joe Raedle/Getty Images)

Số người chết do bão Ian được ghi nhận ở Florida và North Carolina lên đến 77 người, theo thông báo từ giới chức tiểu bang. Nhiều nỗ lực giải cứu vẫn diễn ra ở những vùng ngập lụt, trong khi đó giới chức địa phương cho rằng số người chết thực tế vẫn còn tăng lên.

Thu dọn cát do bão Ian đổ vào đường phố ở South Carolina. (Hình: Scott Olson/Getty Images)

Ông Ron DeSantis, thống đốc Florida, cho biết ít nhất 1,100 cuộc giải cứu được thực hiện khi bão Ian đổ bộ vào Florida.

“Có rất nhiều nguồn giúp đỡ và tôi thấy rất nhiều người trong cộng đồng nỗ lực vượt qua khó khăn, mong muốn hỗ trợ cộng đồng hồi phục sau cơn bão. Chúng tôi sẽ luôn ở đây, giúp đỡ mọi người bằng tất cả khả năng,” ông DeSantis chia sẻ với phóng viên.

Phó Đô Đốc Brendan McPherson, người chỉ huy Lực Lượng Tuần Duyên ở Florida, Georgia, South Carolina, Puerto Rico, và quần đảo Virgin, nói trong chương trình “Today Show” rằng tình trạng mất điện gây ảnh hưởng đến công tác cứu trợ, khiến người dân không thể sử dụng điện thoại di động hoặc nguồn điện tạm thời để liên lạc với nhà chức trách.

Cát được đem đổ lại bờ biển ở South Carolina. (Hình: Scott Olson/Getty Images)

“Đây là thách thức lớn nhất trong hoạt động cứu trợ, chúng tôi sẽ nhanh chóng tìm kiếm những người mất tích,” ông McPherson nói thêm.

Đội cứu hộ Florida phải dùng máy bay và thuyền chuyên dụng để cố gắng tiếp cận các khu vực bị bão cô lập ở Tây Nam Florida. (V.Giang) 

72% số người mới mua nhà gần đây ‘hối hận’

LOS ANGELES, California (NV) – Theo kết quả từ một cuộc khảo sát mới được thực hiện bởi Clever Real Estate, khi thị trường nhà ở Mỹ nguội đi, cuộc cạnh tranh nhà ở gay gắt trong vài năm qua đã khiến 72% người mua phải hối tiếc về việc mua nhà.

CNBC cho hay, lý do số một khiến người mua hối hận: 30% người được hỏi cho biết họ đã tiêu quá nhiều tiền.

Nhiều người Mỹ cho biết họ đã quyết định mua nhà quá vội vàng. (Hình minh họa: Justin Sullivan/Getty Images) 

Cuộc khảo sát trực tuyến được thực hiện vào Tháng Bảy và gồm có khoảng 1,000 cá nhân đã mua nhà vào năm 2021 hoặc 2022. Cuộc khảo sát này được ủy quyền bởi Anytime Estimate, thuộc sở hữu của Clever Real Estate.

Những thỏa hiệp góp phần gây ra sự hối tiếc

Thị trường quá nóng thiên về người bán trong những năm gần đây đã đẩy người mua cạnh tranh nhau để nổi bật trong việc giành quyền ký kết giao dịch đối với căn nhà tương lai của họ, chính điều này góp phần gây ra sự hối tiếc.

Tại thời điểm đó, 31% người mua cho biết họ đã trả cao hơn giá chào bán. Số tiền chênh lệch trung vị phải trả cao hơn so với giá niêm yết vào khoảng $65,000.

Đáng chú ý, sự cạnh tranh đấu giá gay gắt khiến 36% đưa ra lời đề nghị mua nhà mà không nhìn thấy căn nhà.

Mặc dù vậy, sự cạnh tranh vẫn rất khốc liệt, với 80% người mua cho biết họ đã gửi đi hơn một đề nghị, với 41% gửi từ năm đề nghị trở lên. Khoảng 1/3 người mua cho biết họ đã tìm kiếm nhà trong ba tháng, trong khi 1/8 người mua phải tốn thời gian từ sáu tháng trở lên.

Người mua có nhiều quyền hơn trên thị trường hiện tại

Theo Danetha Doe, kinh tế gia của Clever Real Estate, khi thị trường địa ốc có dấu hiệu hạ nhiệt, sẽ mang lại cho người mua nhiều đòn bẩy hơn đối với những quyết định giao dịch có giá trị lớn này.

Hiệp Hội Địa Ốc Quốc Gia tuần trước thông báo rằng Mỹ đang rơi vào tình trạng suy thoái nhà ở do doanh số bán và xây dựng giảm sút. Tuy nhiên, giá nhà vẫn tiếp tục tăng trên toàn quốc do số nhà tồn đọng vẫn khan hiếm.

Lãi suất đối với các khoản thế chấp cũng được cho là sẽ tiếp tục tăng do Cục Dự Trữ Liên Bang nỗ lực kiềm chế lạm phát đang cao kỷ lục. (Ng.Tr) 

Trump dọa Mỹ sẽ gặp ‘rắc rối’ chưa từng thấy nếu ông bị truy tố

Trump dọa Mỹ sẽ gặp ‘rắc rối’ chưa từng thấy nếu ông bị truy tố

September 15, 2022

LOS ANGELES, California (NV) – Cựu Tổng Thống Donald Trump cảnh cáo Mỹ sẽ gặp “rắc rối theo kiểu có lẽ chúng ta chưa từng thấy” nếu ông bị truy tố liên quan vụ quản lý tài liệu mật sau khi hết nhiệm kỳ, theo Politico hôm Thứ Năm, 15 Tháng Chín.

Lời cảnh cáo của ông Trump dường như ngụ ý rằng nếu Bộ Tư Pháp (DOJ) truy tố, ủng hộ viên của ông có thể sẽ làm loạn.

Cựu Tổng Thống Donald Trump phát biểu trước ủng hộ viên tại buổi mít tinh ở Wilkes-Barre, Pennsylvania, hôm 3 Tháng Chín. (Hình minh họa: Spencer Platt/Getty Images)

“Nếu chuyện như vậy xảy ra, tôi sẽ không bị cấm ra tranh cử,” cựu Tổng Thống Trump nói trong cuộc phỏng vấn hôm Thứ Năm với ông Hugh Hewitt, người dẫn chương trình phát thanh bảo thủ. “Tôi nghĩ nếu chuyện đó xảy ra, đất nước này sẽ gặp rắc rối theo kiểu có lẽ chúng ta chưa từng thấy. Tôi nghĩ người Mỹ sẽ không chấp nhận chuyện đó.”

Ông Hewitt hỏi ông Trump ý ông nói “rắc rối” là gì.

“Tôi nghĩ họ sẽ gặp rắc rối lớn. Rắc rối lớn. Tôi nghĩ họ sẽ không chịu đâu. Họ sẽ không chịu ngồi yên chấp nhận trò chơi xỏ vô cùng này.”

Đây không phải lần đầu tiên người Cộng Hòa ngụ ý sẽ xảy ra bạo loạn nếu DOJ truy tố ông Trump. Tháng trước, Thượng Nghị Sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa-South Carolina) gây rùm beng trên báo chí khi ông cho rằng sẽ có “bạo loạn ngoài đường” nếu “ông Donald Trump bị truy tố vì quản lý kém thông tin mật.” Lời nói đó khiến ông Graham bị chỉ trích là “vô trách nhiệm” và “đáng xấu hổ.” Dù không nêu tên ông Graham cụ thể, bà Karine Jean-Pierre, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, cho hay những lời nói như vậy của “người Cộng Hòa cực đoan” là “nguy hiểm.”

Dường như ông Hewitt xem lời nói nêu trên của cựu Tổng Thống Trump là ủng hộ bạo loạn chính trị. Ông Hewitt hỏi ông Trump sẽ phản ứng ra sao nếu báo chí cáo buộc ông kích động bạo loạn.

“Như vậy đâu phải kích động. Tôi chỉ nghĩ sao nói vậy thôi,” ông Trump nói. “Tôi nghĩ người dân nước này sẽ không chấp nhận chuyện đó.”

Cũng hôm Thứ Năm, giới chức cao cấp FBI và Bộ Nội An (DHS) trình bày với hai ủy ban Tư Pháp Thượng Viện và Nội An Thượng Viện về việc mối đe dọa nhắm vào cơ quan công lực liên bang đang tăng lên sau vụ FBI khám xét dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida. Các thượng nghị sĩ cho hay những giới chức FBI và DHS này không nêu cụ thể chính khách nào hoặc đảng nào liên hệ những mối đe dọa đó, nhưng họ xác nhận xu hướng này hiện đang rõ ràng.

Khi khám xét Mar-a-Lago hôm 8 Tháng Tám, FBI tịch thu hơn 100 tài liệu mật, theo hồ sơ tòa án.

DOJ và phía luật sư ông Trump đang kiện nhau về vấn đề cử giám sát viên độc lập xem xét số tài liệu đó. (Th.Long)