Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời.- Cha Vương

Chúc bình an! Trong bài huấn từ của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, ngài có nói về Kinh Mân Côi: “Trong thế giới hiện nay, rất phân tán, kinh này giúp đặt Chúa Kitô làm trung tâm, như Đức Trinh Nữ đã làm, Đấng suy niệm trong lòng tất cả những gì được nói về Con mẹ, và cũng những gì Người đã làm và đã nói. Khi đọc kinh Mân Côi, những thời điểm quan trọng và đầy ý nghĩa của lịch sử cứu độ được SỐNG LẠI. Những bước khác nhau về sứ vụ của Chúa Kitô được phát hiện. Với Đức Maria tâm hồn hướng về mầu nhiệm Chúa Giêsu.” Vậy trong ngày thứ 7 Bán Nhật Phục Sinh mời Bạn dành thời gian để suy niệm những mầu nhiệm tiềm ẩn trong Kinh Mân Côi để noi gương Mẹ Ma-ri-a với niềm hy vọng một ngày nào đó sẽ được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước thiên đàng. Hãy cầu nguyện cho nhau nhé.

Cha Vương

Thứ 7: 06/04/2024

NĂM SỰ MỪNG: Thứ năm thì ngắm—Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời.  Chúa Giêsu nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.” (Lc 6:20). Nước Thiên đàng không chỉ là một thứ hạnh phúc tưởng tượng, nhưng thực sự hiện hữu và là phần thưởng cho những người biết tuân giữ các giáo huấn của Chúa ở đời này. Mẹ Maria đã thực thi những điều đó. Lời “xin vâng” của Mẹ là chiếc cầu nối giữa Trời và đất. “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.” (Lc 1:48) Thiên Chúa đã rước Mẹ lên trời cả hồn cả xác vì Thiên Chúa yêu thương Mẹ biết bao. “Mẹ tuyệt đẹp vì Mẹ đầy ơn Chúa. Mẹ đẹp thánh thiện vì ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội. Mẹ đẹp cao quý vì làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Mẹ tuyệt mỹ vì niềm tin đơn sơ và cuộc sống khiêm nhường. Nét đẹp ấy thoang thoảng như như một hương thơm hảo hạng toả ra lôi cuốn. Nét đẹp ấy mặn mà như thứ muối thiêng liêng. Nét đẹp ấy lung linh như ánh sáng dịu mát. Nét đẹp ấy huyền diệu như âm nhạc dịu êm mời gọi con người nâng tâm hồn lên tới Chúa.” (Lời Đức Giáo Hoàng Piô XII) Hôm nay qua việc suy gẫm 10 Kinh Kính Mừng này, Bạn hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước thiên đàng. (Nêu ra ý chỉ cầu xin…)

+ Kinh Lạy Cha: Lạy Cha chúng con ở trên trời…

  1.  Kìa bà nào xuất hiện như rạng đông, diễm kiều như vầng nguyệt, (Dc 6:10a) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  2. Lộng lẫy tựa thái dương, oai hùng như đạo binh chỉnh tề hàng ngũ?”(Dc 6:10b) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  3. Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. (Lc 1:46-47) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  4. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. (Lc 1:48) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  5. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! (Lc 1:49) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  6. Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. (Lc 1:50) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  7. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. (Lc 1:51) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  8. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. (Lc 1:52) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  9. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. (Lc 1:53) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  10. Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời.”(Lc 1:54-55) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…

+ Kinh Sáng Danh: Sáng danh Đức Chúa Cha…

+ Câu Than Fatima: Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con…

+ Kinh Lạy Nữ Vương: Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành…

+Kinh Hãy Nhớ: Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay…

From: Do Dzung

Xin Mẹ Thương- Mai Thiên Vân 

 Vụ bà Trương Mỹ Lan: Toà công khai đòi tiền chạy án!

Ba’o Nguoi-Viet

April 3, 2024

Trần Anh Quân/SGN

Trong vụ Vạn Thịnh Phát, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao (VKSNDTC) trơ trẽn tới mức ở trước toà kỳ kèo, mặc cả, ép các bị cáo phải chung thêm tiền chạy án. Dường như công lý chỉ là một phần, xoay được tiền – mà như vụ Việt Á hay chuyến bay giải cứu, tiền đòi được chưa bao giờ là dành cho các nạn nhân, mới là chuyện chính.

Trong phiên toà ngày 19 Tháng Ba, VKSNDTC đề nghị tử hình bà Trương Mỹ Lan với ba tội danh gồm: đưa hối lộ, vi phạm về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, và tham ô tài sản. Thế nhưng đến ngày 1 Tháng Tư, họ lại cho biết đang tính thiệt hại theo hướng có lợi cho bà Trương Mỹ Lan.

Báo điện tử Vnexpress dẫn lời VKSNDTC tại phiên toà: “Nếu vụ án không bị phát hiện thì hành vi của bị cáo còn tiếp diễn. Hiện, SCB quản lý một số tài sản có khả năng khắc phục hậu quả. Vì vậy, theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo, các tài sản này sẽ được dùng để loại trừ một phần trách nhiệm hậu quả.”

“Nếu Viện Kiểm sát (VKS) áp dụng mức thiệt hại của vụ án là hơn 670,000 tỷ (Việt Nam Đồng) thì mức hình phạt đề nghị đối với các bị cáo sẽ khác. Còn hội đồng xét xử có chấp nhận quan điểm của VKS hay không, hay xác định thiệt hại là 670,000 tỷ làm căn cứ xác định mức hình phạt, thì do tòa quyết định,” đại diện VKS nói.

Tại phần này, có thể thấy VKSNDTC muốn bà Lan chi tiền để được giảm án, loại trừ trách nhiệm và áp dụng các nguyên tắc có lợi. Nhưng chi tiền cho VKS thì không đủ, phải chi thêm cho hội đồng xét xử thì toà mới chấp nhận quan điểm của VKSNDTC.

Nhưng bà Lan cho rằng khi tham gia tái cơ cấu ngân hàng SCB thì bà đã đưa nhiều tài sản vào SCB “khiến cả gia tộc mất hết tài sản.” Đây có vẻ như là lời từ chối lo lót thêm tiền chạy án của bà trước những đòi hỏi vô lý của VKS.

Thế nhưng phản biện lại lập luận của bà Lan, VKS cho rằng “bà Trương Mỹ Lan không mất hết tài sản của gia tộc,’ mà chỉ có 60 trong số 1,169 tài sản bị kê biên là hình thành trước thời điểm hợp nhất SCB, còn lại có được trong thời gian phạm tội”.

Tức là VKS biết bà Lan vẫn còn tiền, và đòi phải chi thêm. Sau đó xảy ra đôi co giữa hai bên và bà Lan tỏ ra cứng rắn trong việc không chấp nhận đòi hỏi, thì đại diện VKS lại đánh giá rằng “bị cáo Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không dám chịu trách nhiệm, thể hiện sự ngoan cố của bị cáo.”

Không chỉ vậy, phía VKSNDTC còn nói thẳng rằng các luật sư (của bà Lan) trong phần tranh luận chưa thật sự nghiêm túc, luận cứ đưa ra không bám sát diễn biến của phiên tòa làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bị cáo.

Tổng kết lại diễn biến có thể thấy rằng đầu tiên VKSNDTC đưa ra khung hình phạt cao nhất; sau đó tuyên bố sẽ tính thiệt hại theo hướng có lợi cho bị cáo, với điều kiện là phía bà Lan phải chấp nhận lấy tài sản để khấu trừ trách nhiệm. Nhưng bà Lan từ chối, Viện tiếp tục mặc cả việc kê biên tài sản. Bà Lan vẫn cứng rắn từ chối chung chi, nên bị VKSNDTC nhận xét là ngoan cố và mấp mé vấn đề “ảnh hưởng quyền lợi của các bị cáo.”

Chung tiền chạy án là câu chuyện quen thuộc trong mỗi vụ án tại Việt Nam, nơi mà công lý thuộc về kẻ có tiền, có quyền và có mối quan hệ.

Trước đây, tội phạm phải âm thầm chung chi cho điều tra viên, công an, toà án và VKS. Điển hình như vụ Việt Á, ông Nguyễn Minh Quân, giám đốc bệnh viện Thủ Đức bị phát hiện đã chi $2.2 triệu cho cán bộ thuộc cơ quan cảnh sát điều tra (C03) để chạy án. Hoặc vụ “chuyến bay giải cứu,” phía công ty Blue Sky muốn chạy án đã chi $2.6 triệu cho Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám Đốc Công An Hà Nội) và Hoàng Văn Hưng, trưởng phòng 5, cục An Ninh Điều Tra.

Còn vụ Vạn Thịnh Phát này, VKSNDTC trơ trẽn tới mức ở trước toà để kỳ kèo, mặc cả, ép các bị cáo phải chung thêm tiền để được giảm án.

Đặc biệt, những lời này không phải do VKS ở cấp huyện, cấp tỉnh, cấp thành phố, mà là từ VKS tối cao nói ra, cho thấy luật pháp của nhà nước CSVN nhìn vào là có vẻ nghiêm minh, nhưng luật bất thành văn và công khai là cứ nộp tiền thi được giảm án.

Nộp càng nhiều, án càng nhẹ đi. Sợ bà Trương Mỹ Lan không hiểu, nên đại diện VKS mới nói toẹt, và có phần đe dọa.

Đúng là công lý cộng sản.


 

Đòn lừa cuối cùng của Bắc Việt trong chiến tranh: Chính phủ liên hiệp 3 thành phần

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Nguyễn Tường Tâm

06/04/2024

Đòn lừa của Bắc Việt

Lời tòa soạn: Đòn lừa của Bắc Việt chỉ bị tiết lộ khi cuốn hồi ký “Saigon et Moi” của Đại sứ Pháp Mérillon được ra mắt ngày 23/5/1985 tại Paris. Nhưng sau đó, Bộ Ngoại Giao Pháp đã ra lệnh thu hồi nên độc giả khó tìm kiếm để mua. May thay, ông Vũ Hải Hồ ở Paris đã có quyển sách này và đã tóm lược những điểm chính, và được ông Đặng Kim Thu K19, Võ Bị Đà Lạt dịch và giới thiệu. Nhờ đó tác giả Nguyễn Tường Tâm mới có thể tham khảo, đối chiếu với nhiều tài liệu khác để có được bài báo duy nhất giới thiệu đầy đủ và cụ thể cái gọi là tin đồn về “CHÍNH PHỦ LIÊN HIỆP 3 THÀNH PHẦN” vào tháng 4-1975.

————————-

Binh pháp Tôn Tử, thiên 3 (Mưu Công), “thượng sách trong việc dùng binh là lấy mưu lược để thắng địch… hạ sách là tấn công thành trì.” Trong mưu kế này, sau khi ký Hiệp định Hòa bình 1973, Bắc Việt đã dùng tuyên truyền xám (là tuyên truyền không rõ nguồn gốc) để làm lung lay thượng tầng lãnh đạo của Miền Nam. Trong khi vẫn đánh mạnh, Bắc quân tung ra tuyên truyền xám là “Vĩ tuyến 17 sẽ di chuyển vào một tỉnh nào đó phía nam, để vùng đất giữa cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN)”, khiến dân chúng hoảng hốt tìm cách di chuyển sâu về phương nam để tránh cộng sản. Một người dân tác giả đã viết “Mọi người đồn đoán: có thể vĩ tuyến 17 sẽ dời đến Đà Nẵng vì vậy ông quyết định cho gia đình về lánh nạn ở Nha Trang với cậu T., em ruột mẹ tôi.” (1) Dần dần vào cuối 1974, Bắc Việt tung ra đề nghị một cuộc điều đình với chính quyền miền Nam không có Tổng thống Thiệu. Đây chỉ là hư chiêu đồn đại của Bắc Việt chứ chẳng có văn bản chính thức nào. Nhưng Hoa Kỳ, hoặc thực sự bị mắc lừa hoặc giả vờ bị mắc lừa, đã mượn ngay hư chiêu này của Bắc Việt để rút chân ra khỏi miền Nam suông sẻ, nên ngày 18-4-75 ĐS Martin trao đổi điện thoại với Đại sứ Pháp muốn giao cục xương khó nuốt, miền Nam, cho Pháp. Hồi ký của Đại sứ Pháp (2) viết, “ĐS Mỹ Martin cho Chính phủ Pháp biết việc Hoa kỳ sẽ bỏ rơi VN sau khi Phan Rang thất thủ. Nếu nước Pháp có muốn cố giữ miền Nam, qua một Chính phủ trung lập tạm thời…” Hồi ký cũng viết tiếp “ĐS Martin chỉ nói miệng vì không muốn lưu lại bằng chứng nào trong việc trao đổi điện thoại tối ngày 18-4-75… Trong tâm tình riêng giữa hai vị Đại sứ, Martin nói với Mérillon rằng nước Mỹ đã quá chán ngấy những cuộc đảo chánh trước kia nên đã khuyển cáo Tổng Thống Thiệu từ chức ra đi, tốt hơn là bị đảo chánh.”

Sau đó, ngày 20/4/75, phục tùng theo hư chiêu của Bắc Việt, Hoa Kỳ đã áp lực Tổng thống Thiệu từ chức. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, Bộ trưởng thân cận của TT Thiệu tới phút cuối đã tiết lộ, “Ngày 20/04/1975, ĐS Mỹ Graham Martin gặp TT Thiệu để thuyết phục ông từ chức, với lý do ông Thiệu đã thành một trở ngại cho hòa bình. Bắc Việt không điều đình với ông và Quốc Hội Mỹ cũng không ủng hộ ông.” (3)

Sau khi được Hoa Kỳ “bàn giao” miền Nam, Đại sứ Pháp Mérillon tưởng rằng “sứ mệnh lịch sử quốc tế” đã rơi vào tay mình nên bắt đầu hoạt động tích cực. Khởi đầu ĐS Pháp liên lạc với Bắc Việt để có thông tin cụ thể, đồng thời liên lạc với Trung Cộng để tìm hậu thuẫn. Đại sứ Pháp nghĩ rằng Trung Cộng vừa là đồng minh của Bắc Việt can dự mạnh mẽ vào chiến tranh Việt nam, vừa là quốc gia lân bang với Bắc Việt nên có thể có ảnh hưởng và hành động trực tiếp một cách mau chóng. Hồi ký của ĐS Mérillon viết tiếp, “Trung Cộng đồng ý hợp tác với Pháp để hình thành một Chính phủ Trung Lập tại miền Nam VN, nếu có sự tham dự của MTGPMN.” Nhưng trong hồi ký của ĐS Pháp có đoạn sau đây không thấy tài liệu nào ghi, “Điều trớ trêu là quyết định này lại thuộc năm tướng lãnh của Nga, đang có mặt trong Bộ tư lệnh của quân CSBV tại mặt trận Long Khánh.” Đồng thời đoạn sau đây cũng không thể kiểm chứng, “Mao Trạch Đông ‘ghét cay ghét đắng’ Lê Duẫn vì y thân Nga, vì thế điều kiện mà Bắc Kinh đặt ra là phải làm sao triệt hạ nhóm Đảng viên thân Nga, cũng như tìm cách cầm chân quân BV, để tạo cơ hội cho MTGPMN vào SG. Bắc Kinh còn muốn tìm cách không cho BV chiếm trọn miền Nam.” Tất cả những đoạn tiếp theo của cuốn hồi ký cho thấy Trung cộng đã đồng ý với Pháp để can thiệp vào giải pháp chính phủ 3 thành phần tại miền Nam. Nhưng theo ý tôi, với tình hình thắng lợi như vũ bão của Bắc quân lúc đó, thì sự ngăn chặn của Trung cộng là điều không thể tin được. Nhưng không hiểu sao Đại sứ Mérillon lại nhiệt tình với giải pháp này bất kể thời gian không còn nhiều.

Ngày 21-4-75, trước áp lực của Hoa Kỳ, TT Thiệu từ chức, trao quyền lại cho Phó TT Trần Văn Hương (theo đúng Hiến Pháp).

ĐS Pháp viết tiếp “Pháp đang hoạt động cho giải pháp Chính Phủ ba thành phần: quốc gia, đối lập, và MTGPMN. Thủ Tướng Chu Ân Lai của Trung Cộng đưa ra một danh sách, gồm có: Trương Như Tảng, Nguyễn Thị Bình, Đinh Bá Thi, các Tướng vc Lê Quang Ba, và Trần Văn Trà.” Sau khi thoả thuận với Trung Cộng, sáng ngày 22/4/75 ĐS Pháp Mérillon mời Phái đoàn của Tướng Dương Văn Minh tới Toà ĐS Pháp thảo luận. Sau khi lịch sự mời đoàn người tháp tùng Tướng Minh ra về để ĐS Mérillon mời một mình ông Minh dùng cơm trưa “bàn luận” kế hoạch. Ông Mérillon đưa ra hai cách thực hiện và đề nghị ông Minh phải tận lực hoàn thành giải pháp Trung Lập, như được trình bày chi tiết trong Hồi ký của ĐS Pháp. (4)

Cách thứ nhứt: Thành phần Chính Phủ Hoà Hợp Hoà Giải Dân Tộc gồm có hai Đồng Chủ Tịch: Dương Văn Minh và Tướng vc Trần Văn Trà.

Ba Phó chủ tịch: Vũ Văn Mẫu, Trịnh Đình Thảo, và Cao Văn Bổng.

Trong 5 vị Tổng trưởng, nếu Tổng Trưởng là người của Quốc Gia thì Thứ Trưởng là người của “Mặt Trận” và ngược lại.

Hội đồng Cố Vấn Chính Phủ gồm có: Luật Sư vc Nguyễn Hữu Thọ, Kiến Trúc Sư vc Huỳnh Tấn Phát, Thích Trí Quang, Lương Trọng Tường, Hồ Tấn Khoa, Linh Mục Chân Tín.

Hai mươi bốn giờ sau khi công bố thành phần Chính Phủ, Pháp sẽ vận động các nước Âu Châu, Á Châu, và các nước thuộc “Khối Không Liên Kết” công nhận tân chính phủ để chận bước tiến của CSBV… Ông Dương Văn Minh hứa sẽ làm được.

Hồi ký của ĐS Mérillon viết tiếp đại ý: sau khi Chính phủ 3 thành phần thành hình thì những bước kế tiếp sẽ là bang giao với quốc tế để nhận sự ủng hộ và viện trợ cụ thể $690 triệu đô la và 200 triệu Quan Pháp. Đồng thời Trung Cộng sẽ ép Bắc Việt ngưng bắn để thảo luận. Trong hồi ký của ĐS Mérillon có thêm một điều không ai, nhất là người Việt Nam ở cả 2 miền, có thể tin được, là bà Nguyễn Thị Bình (Ngoại trưởng của MTGPMN) đã nói với ông Merillon là MTGPMN cũng đồng ý với giải pháp này để thoát ly khỏi quĩ đạo của Bắc Việt (sic).

Cách thứ hai: Sau khi thành lập Chính phủ 3 thành phần (có cả MTGP và lực lượng thứ 3) tất cả rút xuống Vùng 4 với Tướng Nguyễn Khoa Nam (Tư lệnh Vùng 4) tiếp tục chiến đấu (tuyên bố Saigon bỏ ngỏ) chống lại Bắc Việt.

Khi đọc kế hoạch thành lập chính phủ 3 thành phần như ĐS Mérillon trình bày trong hồi ký của ông, tôi không nghĩ đa số người Việt có thể tin đó là “kế hoạch thực sự được sự đồng ý của Bắc Việt và MTGPMN (vốn dĩ là con đẻ của Bắc Việt)”. Nhưng vì thời điểm đó không có thông tin chi tiết như hồi ký của Đại sứ Pháp sau này công bố, cho nên không ít thành phần ở thượng tầng chính trị miền Nam tin đó là sự thật, kể cả Tướng Dương Văn Minh. Ông Trần Quốc Bửu, Chủ tịch Tổng công đoàn Việt nam, một nhân vật chính trị có uy tín, liên lạc mật thiết với tòa Đại sứ Hoa Kỳ, cũng như đủ quyền năng tiến cử đàn em vào chức Thủ tướng, và các chức vụ bộ trưởng, khác cũng tin tưởng kế hoạch Chính phủ liên hiệp ba thành phần. Ngay từ thứ Sáu, 25/4/75 (Bắc quân đã tiến tới Long Khánh chỉ cách Saigon có 80 Km), Ông Trần Quốc Bửu đã nói với một đàn em, cũng là bác sĩ riêng của ông, “Chắc phải liên hiệp. Em nên đi ra nước ngoài. Nếu chưa có đường đi thì nên liên lạc thường xuyên với gia đình anh, chừng nào anh đi thì đi cùng.”(5)

Đặc biệt là Tướng Minh hết sức tin tưởng ở kế hoạch lập chính phủ 3 thành phần để thương thuyết hòa bình, trong khi đối phương đang tiến như vũ bảo áp sát thành trì cuối cùng là Dinh Độc Lập. Chính vì tin tưởng mình là con cờ đang được quốc tế và đối phương (Bắc Việt) ủng hộ nên Tướng Minh nhất định không chịu nhận chức Thủ Tướng như Tổng Thống Trần Văn Hương đề nghị, mà ông nhất quyết đòi TT Hương nhường cho ông chức Tổng Thống để ông thương thuyết với Bắc Việt (6)

Chiều 27/4/1975, ĐS Mérillon được Tướng vc Trần Văn Trà nhắn tin nhờ cấp tốc thành lập Chính Phủ liên hiệp trung lập, đồng thời gửi gấm hai người thân tín là Nguyễn Thị Bình và Đinh Bá Thi vào chính phủ này. Trà còn cho biết hai sư đoàn của ông ta sẽ tiếp thu Saigon, phỗng tay trên quân Bắc Việt của Văn Tiến Dũng (hồi ký của ĐS Mérillon ‘7’). Đại đa số người Việt nam khi đọc tin này đều không ai tin được tự ý Tướng Trà dám phát biểu ý tưởng này, mà nghĩ ngay đây là Tướng Trà phát biểu theo lệnh của Bắc Việt. Chi tiết này cho thấy rõ Bắc Việt chủ động tung ra đòn lừa (hư chiêu) chính phủ 3 thành phần.

Trong khi đó, ĐS Mérillon vẫn không biết mình đang bị lừa. Sáng ngày 28/4, Mérillon chuyển kế hoạch này cho Tướng Dương Văn Minh và định tối hôm đó thì bắt đầu thực hiện kế hoạch sau khi Tướng Minh nhận bàn giao từ Tổng thống Hương.

Đồng thời ĐS Mérillon lại còn cho Tướng Pazzi xuống Cần Thơ chiều 28/4 gặp Tướng Nguyễn Khoa Nam. Khiến cho càng nhiều người tin là đang có kết hoạch thành lập chính phủ 3 thành phần thật. “Chiều 28/4, Tướng Pazzi của Pháp xuống cần Thơ gặp Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư Lệnh Quân Đoàn IV và QK 4…Tướng Nam hai lần yêu cầu ông Minh cho ông đem quân về phản công, nhưng ông Minh dặn đi dặn lại đừng phản công mạnh để tìm giải pháp chính trị.” (Tác giả Bác sĩ Hoàng Như Tùng –Chỉ huy trưởng Quân y viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ.) Tác giả Hoàng Như Tùng viết tiếp “Ông (Tướng Nam) bình tĩnh trả lời: “Đừng lo, mình vừa đi họp với Phái Bộ Tòa Đại Sứ Pháp. Sẽ có giải pháp ngọai giao, miền Tây không mất đâu, còn đầy đủ quân số tác chiến.” (8)

Tòa Đại sứ Pháp còn chính thức tung tin về Chính phủ 3 Thành phần cho Bộ Tổng Tham Mưu VNCH và can thiệp trực tiếp vào hoạt động quân sự của Quân lực VNCH như tường thuật của Trương đình Huấn, K 19 Võ Bị Đà Lạt, sĩ quan trực của Trung Tâm Hành Quân Bộ Tổng Tham Mưu “Khỏang 10 giờ đêm (28/4), Đại Tá Công, Trưởng Phòng 2/Quân Đoàn III trình bày những tin tức đặc biệt thu thập được qua những liên lạc với Phòng Nhì (Deuxième Bureau) của Tòa Lãnh Sự Pháp. Toà Lãnh Sự Pháp đang đứng trung gian dàn xếp cuộc chiến giữa Chính Quyền Miền Nam và CS. Ông nói: ‘Phía cs đòi hỏi chúng ta phải hủy bỏ các cơ sở chiến tranh tại Biên Hòa thì họ sẽ ngưng pháo kích và đồng ý đi vào hội nghị để tránh đổ máu cho dân chúng khi họ tấn công vào Thủ đô’. Thời điểm ngưng pháo kích bắt đầu từ 12 giờ khuya đêm 28/4.” (9)

Thời gian Bắc Việt ngưng pháo kích này chính là thời gian 24 tiếng để Hoa Kỳ rút khỏi miền Nam toàn bộ lực lượng Mỹ cùng với thành phần người Việt cần thiết. Thời gian này cũng đã được Pháp thỏa thuận với Bắc Việt. Theo hồi ký của ĐS Merillon, thời hạn Mỹ rút quân khỏi VN đã do ĐS Mérillon liên lạc với Phan Hiền, đại diện “Chính Phủ Miền Nam VN” của Huỳnh Tấn Phát ấn định.

Chẳng những vậy, thời gian này cũng đã được Bắc Việt thỏa thuận với Hoa Kỳ. Hồi ký của ĐS Hoa Kỳ viết, “Khi đọc tấm điện văn của các Tướng Bắc Việt; họ nghĩ việc đưa mấy chiếc phi cơ sang Thái là chúng ta đã nuốt lời hứa với họ. Chúng ta đã nói chúng ta sẽ không mang các chiến cụ đi. Chúng ta chỉ muốn họ để chúng ta yên ổn ra đi trong trật tự. Vì họ nghĩ chúng ta nuốt lời, hôm sau họ pháo kích phi trường, làm thiệt mạng mấy Thủy quân Lục chiến của chúng ta.” (10)

Tướng Dương Văn Minh nhậm chức Tổng thống chiều 28/4. TS Hưng viết “Chiều thứ Hai, 28/04, lễ tuyên thệ của TT Dương Văn Minh được cử hành trang trọng tại Dinh Độc Lập, trước mặt đầy đủ đại diện các định chế dân chủ.” (11) Ngay sau khi nhậm chức, TT Dương Văn Minh đã gửi ĐS Mỹ bức thư yêu cầu Mỹ rút toàn bộ lực lượng trong vòng 24 tiếng kể từ ngày 29/4 (phù hợp với thỏa thuận ngừng pháo kích của Bắc Việt). TS Nguyễn Tiến Hưng viết, “Sáng sớm ngày 29/4, một Sĩ quan trẻ tuổi phóng xe máy tới Tòa Đại Sứ Mỹ để trao bức thư. ĐS Martin liền trả lời ngay: “Tôi xin thông báo để Ngài hay là tôi đã ra chỉ thị như Ngài yêu cầu. Tôi tin rằng Ngài sẽ ra lệnh cho Quân Đội của Chính Phủ Ngài cộng tác bằng mọi cách để làm dễ dàng cho việc di chuyển các nhân viên DAO…”(12). Ngày đó, khi nghe lá thư của TT Minh “đuổi Mỹ” phát trên đài phát thanh, mọi người tưởng đó là ý riêng của TT Dương Văn Minh, nhưng khi hồi ký của ĐS Pháp được công bố, mọi người mới vỡ lẽ TT Dương Văn Minh chỉ là quân cờ thi hành thỏa thuận của Bắc Việt với Pháp và Mỹ.

Trong bài diễn văn nhậm chức (chiều 28/4), ông Minh kêu gọi: “Cùng các anh em bên kia: tôi thực sự muốn hòa giải, các anh em cũng biết thế. Tôi yêu cầu mọi tầng lớp đồng bào hãy tôn trọng sinh mạng của nhau. Đó là tinh thần của Hiệp Định Paris…Chúng ta hãy ngồi vào bàn hội nghị để tìm những giải pháp hữu ích nhất cho Quốc Gia Dân Tộc. Để sớm chấm dứt những đau khổ của dân chúng và anh em binh sĩ, tôi đề nghị chúng ta ngưng ngay lập tức những cuộc tấn công lẫn nhau.”

8 giờ sáng ngày 29/4 (Hồi ký của Đại tá Dương Hiếu Nghĩa, Trưởng Khối Ngoại Vụ của Ủy Ban Liên Hiệp Bốn Bên viết lầm là 8 giờ sáng ngày 28/4, lúc đó Tướng Minh chưa nhận chức Tổng thống): Đại Tá Nguyễn Hồng Đài từ Tư Dinh của Đại Tướng Dương Văn Minh điện thoại cho tôi, nhờ đưa một phái đoàn đại diện của Tổng Thống đến gặp phái đoàn CSBV và VC (MTGPMN) ở trại Davis. Phái Đoàn gồm có Luật Sư Nguyễn Văn Huyền, Phó Tổng Thống, Luật Sư Vũ Văn Mẫu Thủ Tướng, và Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH. Khối Ngoại Vụ chúng tôi cho biết là CSBV và VC không tiếp Phái đoàn (13). Sau khi Đại tá Nghĩa năn nỉ, cuối cùng, Phái đoàn đại diện Tổng thống Minh được đồng ý cho vào trại Davis, gọi là để viếng thăm hai Phái đoàn CSBV và CP Lâm Thời Miền Nam (Nguyên văn lời Đại Tá Sĩ của MTGPMN trực tiếp nói với tôi qua điện thoại) (14). “Phái đoàn của Luật Sư Huyền vào trại Davis lúc 9 giờ ngày 30-4 năm 1975, và rời khỏi trại hồi 10 giờ hơn… Theo Trung Tá Trương Minh Đẩu, Chánh Văn Phòng của Tổng thống Minh, “thì sau khi Phái Đoàn của ông Nguyễn Văn Huyền về đến Dinh Hoa Lan, ông Minh họp Hội đồng Chính Phủ và cho biết là MTGPMN đã bác bỏ đề nghị của ông nhằm tìm một giải pháp chánh trị cho Miền Nam Việt Nam. Vì vậy ông đã quyết định là: chỉ còn một cách duy nhất là “đầu hàng vô điều kiện” mà thôi!”

Sau này, trên đài Á Châu Tự Do (RFA) tại Hoa Kỳ, phóng viên Nam Nguyên đã cho chạy lại Tuyên bố của Tổng thống Dương Văn Minh được phát đi trên Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia (Saigon) vào lúc 10 giờ sáng ngày 30/4/1975 như sau:

Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hoà giải giữa người VN để khỏi phí phạm xương máu người VN…vì lẽ đó tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ VNCH hãy bình tĩnh ngưng nổ súng và ở đâu ở đó.

Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam VN ngưng nổ súng, vì chúng tôi ở đây chờ gặp chính phủ CMLTCHMNVN để cùng nhau thảo luận lễ bàn giao chính quyền trong vòng trật tự…tránh sự đổ máu vô ích cho đồng bào…”

Sau khi Đài Phát Thanh Saigon lập lại nhiều lần lệnh buông súng của Tổng thống Dương Văn Minh, cũng như nhật lệnh tương tự của Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Phụ Tá cho Trung Tướng Vĩnh Lộc, Tổng Tham Mưu Trưởng sau cùng của Quân lực VNCH. Quân đội đã thi hành lệnh giao nạp vũ khí cho những người chủ mới của đất nước “(15).

Như vậy Bắc Việt đã hoàn thành mưu kế của Tôn Tử “dùng mưu thắng địch” để giảm thương vong. Đòn lừa của Bắc Việt đã đánh lừa được giới thượng tầng chính trị của miền Nam. Nhiều nhân vật cấp cao đã gửi vợ con sang Mỹ trước, còn họ ở lại với hy vọng sẽ “có một ghế” khi giải pháp Chính phủ liên hiệp 3 thành phần thành hình. Vì vậy, vào phút chót, nhiều người trong số họ không kịp bỏ chạy, kẹt lại đi tù nhiều năm. Một số may mắn thoát được vào phút chót trong đường tơ kẽ tóc như hai Tướng Vĩnh Lộc, Tổng tham mưu trưởng sau cùng do Tổng thống Minh chỉ định, và Tướng Trần Văn Trung, Phụ tá Tổng tham mưu trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Chiến Tranh Chính Trị, đến Bến Bạch Đằng vào sáng 30/4 và dùng một LCM nhỏ của Giang Cảnh để tìm đường ra biển. Rất may, LCM này được Tuần Duyên Hạm Tây Sa HQ 615 cứu vớt vào tối 30/4 (16).

Trong đòn lừa cuối cùng này, thành phần dân chúng tự mệnh danh là “Thành Phần thứ 3” đã bị Bắc Việt loại bỏ ngay sau khi chiếm được Saigon mà không cần công bố. Vào giây phút chiến thắng của Bắc Việt, Thành phần thứ Ba biết rằng đã đến lúc họ phải tự âm thầm giải thể. Terziani, người phóng viên Đức duy nhất hiện diện và giúp đỡ trong buổi phát thanh đầu hàng của Tướng Minh, đã hỏi Thủ Tướng Mẫu, người được coi là đồng sáng lập Lực Lượng Thứ Ba, Lực Lượng cách đây một tuần được coi là điều kiện không thể loại trừ trong một Chính Phủ Liên Hiệp, “Còn những cơ hội tương lai nào sẽ trao cho Lực Lượng Thứ Ba với hiện tình chính trị đã thay đổi như hiện tại?” ông Mẫu đáp “Hiện nay không còn lực lượng thứ nhất, chúng tôi không còn cần lực lượng thứ ba,” (17)

Có một điều đau xót là do sự hỗn loạn trong giới lãnh đạo của chính quyền Miền Nam cho nên lệnh ngừng bắn của Tổng thống Dương Văn Minh không được thuộc cấp thi hành một cách thống nhất và đều khắp nên có một số đơn vị đã dũng cảm tiếp tục hăng say chiến đấu một cách vô vọng bảo vệ Saigon, khiến không ít thành viên lực lượng vũ trang hai bên đã đau đớn ngã xuống vĩnh viễn vào giờ thứ 25 của cuộc chiến.

Tham Khảo:

-(1) Bạc Tóc Tuổi Hai Mươi (Phạm Mai Hương (Trích Tập San Đa Hiệu số 93, trang 263)

-(2); (4); (7) Hồi Ký của ĐS Pháp— Những Ngày Cuối Cùng của VNCH Vũ Hải Hồ dịch

Đặng Kim Thu K19, Võ Bị Đà Lạt (Tập San Đa Hiệu 110, trang 223)

-(10) Đại sứ Martin nói về những ngày cuối tại Việt Nam” Trang 97, “Tears Before the Rain” (Nước Mắt Trước Cơn Mưa) của Larry Engelmann, Nguyễn Bá Trạc phỏng dịch) nguồn: (pham-v-thanh.blogspot.com)

-(3); (6); (11); (12) 30/04: Tổng Thống Minh và văn thư yêu cầu Mỹ rút khỏi VN

TS Nguyễn Tiến Hưng, BT Kế hoạch/CP Nguyễn Văn Thiệu

Nguồn: 30/04: Tổng thống Minh và văn thư yêu cầu Mỹ rút khỏi Việt Nam – BBC News Tiếng Việt

-(5) Những ngày này năm ấy, Trang Châu, Bác Sĩ Nhẩy Dù VNCH. (Nguyên tác:) (Nguồn: Văn Việt https://vanviet.info/van/nhung-ngy-ny-nam-ay/)

-(8) Lễ An Táng Tướng Nguyễn Khoa Nam (1/5/1975)

Hoàng Như Tùng –CHT QYV Phan Thanh Giản, Cần Thơ.

(https://hon-viet.co.uk/HoangNhuTung_TuongNhoTuongNguyenKhoaNam.htm)

-(9) Những Ngày Cuối Cùng của Cuộc Chiến tại Vùng 3 Chiến Thuật

Trương đình Huấn, K 19 Võ Bị Đà Lạt (Đa Hiệu số 42, trang 141)

-(13); (14) Hồi Ký của Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa

(Trưởng Khối Ngoại Vụ của Ủy Ban Liên Hiệp Bốn Bên VNCH) (https://tienglongta.com/2019/04/25/duong-hieu-nghia-hoi-ky-dang-do/)

-(15) Tuần lễ kết thúc chiến tranh ở Saigon, 30/4/1975

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA © 2005 Radio Free Asia

–(16) Những Ngày Cuối Cùng của Hạm Đội Hải Quân VNCH

Nguyễn Đức Thu, K16 Võ Bị Đà Lạt (Tập San Đa Hiệu 118, trang 167)

-(17) Phóng sự của Börries Gallasch và Terzani tại Sài Gòn tháng Tư 1975 (Spielgel số 21/1975)

Phạm Cao Phong, trích dịch (BBC Tiếng Việt) (trg. 38-42)


 

Trung Quốc cảnh báo Việt Nam: Đừng kết bè kéo cánh

Tổng hợp Báo Chí Hoa Kỳ

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với người tương nhiệm Việt Nam Bùi Thanh Sơn là Việt Nam ‘cần cảnh giác trước việc tham gia bè cánh để chống đối nước khác trong khu vực’ nhân chuyến thăm hai ngày của ông Sơn đến Trung Quốc.

Ông Vương đưa ra lời khuyên với người đồng cấp Việt Nam không lâu sau khi ông Sơn thăm Mỹ và hội đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, trong đó hai bên cam kết thúc đẩy tin cậy song phương và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Mỹ mới được thiết lập.

Nói với ông Sơn, ông Vương đã kêu gọi hai bên cùng bảo vệ công bằng và bình đẳng quốc tế, tiếp tục ủng hộ lẫn nhau trên những vấn đề lên quan đến lợi ích chủ chốt chung, bản tin của Tân Hoa Xã cho biết.

Ông Vương cũng được Tân Hoa Xã dẫn lời kêu gọi ông Sơn cảnh giác “đừng tham gia bè cánh để chống đối nhau trong khu vực và đừng lập những ‘tiểu hội’ nhằm gây tổn hại cho hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Bản tin của TTXVN và các báo do nhà nước quản lý ở Việt Nam không cho biết những điều ông Vương nói như trên trong cuộc gặp với ông Sơn.

Cả hai vị ngoại trưởng, trong cuộc gặp hôm 4/4, đều khẳng định luôn xem đối phương là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình, Tân Hoa Xã cho biết. Riêng ông Sơn còn được dẫn lời nói quan hệ với Trung Quốc là ‘lựa chọn chiến lược’ của Việt Nam.

Ông Vương đưa ra lời khuyên với người đồng cấp Việt Nam không lâu sau khi ông Sơn thăm Mỹ, ngày 26-27 tháng 3, và hội đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, trong đó hai bên cam kết thúc đẩy tin cậy song phương và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Mỹ mới được thiết lập.

Chuyến công cán của ông Sơn đến Quảng Tây diễn ra hơn hai tuần sau khi ông Lê Hoài Trung, trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, sang tỉnh Cát Lâm để hội kiến với người đồng cấp Trung Quốc là ông Lưu Kiến Siêu, trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Trung Quốc.

Sau ông Trung và ông Sơn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng sẽ đến Trung Quốc, trong chuyến công du dự kiến dài kéo dài 6 ngày kể từ ngày 7/4 theo lời mời của ông Triệu Lạc Tế, Ủy viên trưởng Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, tức Nhân đại.

Như vậy, với chuyến đi của ông Huệ thì tất cả các lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam đều đã đi thăm Trung Quốc kể từ Đại hội Đảng Trung Quốc lần thứ 20 hồi cuối năm 2022.

 

Trước đó, Bắc Kinh đã thể hiện thái độ bực bội khi Hà Nội thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Tokyo và Canberra, hai đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực vốn cùng chia sẻ mối quan ngại của Washington về Trung Quốc.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Manila quanh Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông,

Tàu Hải Cảnh lớn của Trung Quốc xịt vòi rồng vào tàu nhỏ tiếp tế của Phillipines.

Trung Quốc đã cáo buộc Philippines bị “thế lực bên ngoài giật dây” để “khiêu khích Trung Quốc rồi sau đó lu loa lên”.

 

Ngoại giao đu dây loại cây tre của Việt Nam sẽ kéo dài được bao lâu nữa thì rơi vào lòng tay của Tàu Cộng như lời cựu Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng đã từng nói: ” không đánh đổi  chủ quyền thiêng liêng của Đất Nước lấy một tình hữu nghị viển vông”

Trong chuyến thăm và làm việc tại Philippines ngày 22-5-2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố, “Chúng tôi đã hết sức chân thành, thực tâm, thiện chí và kiềm chế, nhưng câu trả lời hiện nay là Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh, các hành động uy hiếp và xâm phạm, rồi liên tục vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam.

Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói“, Thủ tướng cho biết.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.

Hy vọng lúc tranh chấp nổ ra Việt Nam sẽ biết tỉnh táo với kẻ thù truyền kiếp là Trung Cộng trước khi quá trễ, nhưng một khi đã lệ thuộc Trung Cộng thì hầu như không thể thoát ra khỏi vòng kim cô Trung Quốc với sức mạnh của tên lửa, phi cơ, tàu chiến và kinh tế siết chặt vào cổ Việt Nam làm nghẹt thở trong một khoảnh khắc.

 

GIỮ CHO LỬA NỒNG NÀN – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng”.

Trong “Leadership”, “Thuật Lãnh Đạo”, Vance Havner viết, “Hãy để cuộc sống bạn toả sáng; không phải với những ánh chớp mà là với ngọn lửa nồng nàn! Chúa thích các vì sao hơn sao chổi; Ngài thích ngọn nến giữ cho lửa nồng nàn hơn là một pháo sáng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay chứng tỏ “Thiên Chúa thích ngọn nến nồng nàn hơn là một pháo sáng!”. Tóm tắt các sự kiện phục sinh của Chúa Giêsu và với ‘phần kết dài hơn’ của mình, Marcô tiếp tục gay gắt với các tông đồ, “Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng”. Tất nhiên, không chỉ các tông đồ, mà cả chúng ta, bạn và tôi cần có một con tim ‘giữ cho lửa nồng nàn!’.

Dù được báo trước về cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Thầy, các tông đồ vẫn không tin Chúa Giêsu sống lại; hoặc có tin, cũng chỉ nửa vời! Maria Mađalêna, một nhân chứng rất đáng tin; hai môn đệ Emmaus hầu chắc đã nói tất cả sự thật. Bonagura Jr. nhận xét, “Trong thời đại ngày nay, việc dạy giáo lý kém hoặc nó không còn tồn tại, một nền văn hoá thế tục khắc nghiệt, sự thù nghịch đối với Công Giáo, tổn thương hoặc mất mát, tai tiếng do tội lỗi của các tínĥ hữu hoặc tội lỗi của chính mình… chính những điều đó có thể làm lu mờ trí tuệ con người và cả chúng ta, khiến chúng ta mất đức tin. Đức tin như ngọn lửa trong tim, mỗi người cần trau dồi nó trong cuộc sống bằng cách ‘giữ cho lửa nồng nàn’ mỗi ngày!”.

Cuộc đấu tranh của các tông đồ là cuộc đấu tranh của những ngọn lửa trong tim. Quà tặng đức tin chỉ như ngọn lửa nhỏ mà chúng ta thường bất cẩn ‘chường ra trước gió’; chính sự bất cẩn ấy khiến lửa bị dập tắt trước khi kịp bùng lên. Mục tiêu của việc theo Chúa là để lửa ấy rực cháy. Và nó có thể! Bạn có thể để nó rực cháy đến mức không gì có thể dập tắt. Điều cần nhớ là, Chúa Giêsu tiếp tục đi về phía chúng ta cho đến khi bạn và tôi mở mắt! Bài đọc một hôm nay là một bằng chứng. Các tông đồ, nguyên là những người từ chối tin – nay đã ‘mở mắt’ – công bố sự Phục Sinh của Thầy với một lòng tin sắt đá, hiên ngang, “Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra!”.

Anh Chị em,

“Thiên Chúa thích ngọn nến nồng nàn hơn là một pháo sáng!”. Cách thức gìn giữ ánh nến bên trong này liên quan đến cách thức chúng ta chăm sóc tia lửa vốn đã có ở đó, bắt đầu bằng các việc làm tốt lành nhỏ nhất. Tại một đại học Ba Lan, một bạn trẻ hỏi Đức Phanxicô, “Ở trường con có nhiều bạn vô thần, con sẽ nói gì để thuyết phục họ?”. Ngài trả lời, “Con chỉ nói một điều gì đó thôi sao? Không! Con hãy bắt đầu sống và họ sẽ hỏi con, ‘Tại sao bạn sống như vậy?’”. Đừng chường ngọn lửa ra trước gió với chỉ những tia chớp loé sáng; hãy tập trung cao độ vào nó bằng cầu nguyện, phục vụ và nó sẽ bùng cháy. Hãy xác tín, Chúa Phục Sinh đang sống trong tôi, phục vụ tha nhân qua tôi và như một đáp trả, bạn sống trong tâm tình tạ ơn mà không cần tận mắt nhìn thấy Ngài. Thật ý nghĩa với tâm tình Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, con xin tạ ơn Ngài vì đã đáp lời con!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa không cần con loé sáng, Chúa thích con ‘giữ cho lửa nồng nàn’ bắt đầu bằng những hành vi yêu thương nhỏ nhất, và con sẽ rực cháy, cháy hết mình!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

From: KimBang Nguyen


 

HÃY ĐẶT LÒNG MÌNH VÀO LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT! – Step. Phạm Ngọc Duy

Step. Phạm Ngọc Duy

Năm 1931, một nữ tu người Ba Lan tên Faustina Kowalska, tuyên bố rằng chị đã được nhìn thấy Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với mình.  Người mặc áo trắng, tay phải với lỗ đinh giơ lên như đang chúc lành, tay trái chạm vào trái tim nơi có hai luồn ánh sáng trắng và đỏ chiếu tỏa ra, và Người truyền cho thánh nữ vẽ lại những gì đã thấy với dòng chữ: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa!” (Trích Nhật ký Lòng Thương Xót Chúa nơi linh hồn tôi – Faustina)

Gần bảy mươi năm sau, ngày 30/4/2000, vào Chúa nhật sau lễ Phục sinh, Đức giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng phong thánh cho chị Faustina, và ấn định Chúa nhật II Phục sinh hằng năm là ngày “Chúa nhật Kính Lòng Chúa Thương Xót.

Lòng Thương Xót của Chúa dành cho con người không dừng lại ở những gì Chúa Giêsu đã nói đã làm khi còn sống, hay chỉ trong cuộc khổ nạn của Người mà thôi.  Lòng thương xót ấy vẫn hằng ngày được tiếp diễn trên cuộc đời mỗi người chúng ta.  Dù biết đức tin của con người còn yếu kém, thế nhưng lòng thương xót ấy vẫn bao phủ và chở che con người qua mọi nơi mọi thời.

Các tông đồ ngày xưa ai cũng hoan mang, lo lắng về cái chết của Chúa Giêsu, nên khi hay tin Người sống lại phần lớn các ông đều tỏ thái độ bán tín bán nghi.  Suốt trong tuần Bát Nhật Phục Sinh vừa qua, ta được nghe những tường thuật về những lần hiện ra sau khi sống lại của Chúa Giêsu qua các trang Tin Mừng của các thánh sử.  Mỗi người diễn tả một hoàn cảnh khác nhau về sự Phục Sinh của Người, và trong những lần hiện ra ấy, ta lại thấy các môn đệ đón nhận với một hoàn cảnh, một thái độ khác nhau.  Nhưng tất cả đều mang chung một tâm trạng của sự hoài nghi.

Thế nhưng, khi nhắc đến vấn đề lòng tin thì người ta lại nghĩ ngay đến Tôma và gắn liền tên ông với “Kẻ kém lòng tin.”  Thật tội nghiệp cho Tôma khi phải mang lấy biệt danh không mấy tích cực ấy.  Chỉ vì trước đó ít hôm, vì một lý do nào đó mà ông không thể có mặt khi Chúa Giêsu hiện ra, và vì ông mạnh mẽ cho một câu nói: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin.” (Ga 20,25)

Với tôi, Tôma là một người sống thực tế theo kiểu “trăm nghe không bằng một thấy.”  Nhưng nếu công bằng hơn, ta sẽ thấy Tôma còn là một người sống rất tình cảm.  Chắc chắn ông đã buồn và buồn rất nhiều về những gì Chúa Giêsu phải chịu, và tình cảm ông dành cho Thầy cũng rất sâu nặng.  Chắc có lẽ ông đã lẩn đâu đó trong đám đông khi Chúa Giêsu chịu khổ nạn, mới có thể chứng kiến và biết những vết thương của Thầy.  Ông đã không bỏ trốn đến một nơi thanh vắng nào đó cho an toàn, nhưng cách nào đó ông âm thầm bước theo Chúa Giêsu để rồi đã phải “ám ảnh” và tự vấn lương tâm mình rất nhiều vì những vết thương Thầy mình phải chịu.  Nên những dấu đinh trên tay hay vết thương nơi cạnh sườn Người, là điều đầu tiên ông muốn thấy.  Nó đã ám ảnh, đã dằn vặt cõi lòng ông suốt thời gian qua, giờ đây ông đã rất can đảm để đối diện với nỗi buồn trong lòng mình.

Chúa Giêsu đã trách ông kém lòng tin (x. Ga 20, 27), nhưng lời trách ấy không chỉ dành riêng cho Tôma mà nó còn cho mỗi người chúng ta.  Đạo Công giáo là đạo của đức tin.  Nhưng người Công giáo đã giữ và sống đức tin của mình như thế nào?  Giữa một trào lưu xã hội chạy theo lối sống thực dụng, việc giữ đức tin đã khó và sống đức tin ấy càng khó hơn bội phần.  Nói lời hay, giảng điều đẹp vẫn cần, nhưng xã hội ngày nay người ta cần hơn những chứng nhân thực tế, liệu rằng một đời sống đạo gương mẫu bằng những hành động cụ thể từ những lối hành xử hằng ngày đã được người Kitô hữu áp dụng như thế nào?

Nhìn lại tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho mỗi người, ta mới thấy nó cao cả và huyền nhiệm làm sao.  Dù biết con người qua mọi thời luôn hời hợt với tình yêu của mình, nhưng Người vẫn yêu thương ta và yêu đến cùng.  Người còn muốn tình yêu ấy bao phủ và xâm chiếm trái tim tội lỗi của con người, để bảo vệ, chở che và nâng con người lên một tầm mức cao hơn.  Lòng thương xót của Người vẫn ngày đêm không ngừng len lỏi vào tâm hồn ta bằng sự dịu dàng, để rồi nó sẽ được tỏa ra cách mạnh mẽ như Tôma: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28) và từ đây một cuộc cách mạng nội tâm diễn ra và nó đã nhấn chìm mọi ngờ vực vào “đại dương lòng Chúa thương xót.

Lạy Chúa, con tin lòng thương xót của Chúa luôn ấp ủ tâm hồn con, xin cho con biết ra khỏi con người hiện tại với những bộn bề lo toan, những hơn thua, hờn giận.  Để con biết sống lại con người mới trong ánh sáng Phục Sinh của Chúa.  Và xin cho con biết loan truyền lòng thương xót của Chúa đến với những người xung quanh không chỉ qua lời nói mà còn bằng chính những hành động yêu thương cụ thể hằng ngày của con.  Và qua con, mọi người cảm nhận cách cụ thể hơn mối phúc sau cùng Chúa để lại: “Phúc cho những ai không thấy Chúa mà tin có Chúa hiện diện nơi con.”

Step. Phạm Ngọc Duy

-From: Langthangchieutim


 

 Người Vợ Của Tù Cải Tạo VC – Trần Thanh Minh

 Trần Thanh Minh

Hình minh họa 

Tôi trở về nhà với một thân xác rã rời, một đầu óc rỗng không, biếng ăn, mất ngủ, chả nói năng gì, mắt mở to mà không nhìn thấy gì. Tôi đã phải ra, vào nhà thương Chợ Quán mấy lần. Rất may cho tôi và các con là lúc đó tôi có một cô em và một người bạn lo lắng và chăm sóc mẹ con tôi tận tình.

Vài tháng sau, tôi nhận được 2 thùng quà trả lại với hàng chữ “Người nhận đã chết. Trại yêu cầu hoàn.” Đến bưu điện lĩnh 2 gói quà xong, vừa ra đến cửa tôi lại ngất đi. Rất may có anh bạn hàng xóm đạp xe xích lô đang chờ để chở tôi về nhà. Tới bữa ăn, nhìn bốn đứa con ngồi ăn ngon lành với tóp mỡ ngào đường và nước mắm, quà của bố trả lại, nước mắt tôi lại chảy như mưa. Rồi tới gần cả năm sau, phường trưởng mới cử đại diện đến chia buồn và đưa cho tôi biên bản “phạm nhân chết”.

Nhờ mảnh giấy này mà mẹ con tôi mới được đi Mỹ theo diện HO. (Tôi vẫn còn giữ mảnh giấy này, xin gửi kèm theo đây để mọi người biết “tội ác” của chồng tôi!) Can tội: Giảng viên tâm lý chiến xã hội học Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. “Án phạt tù: 3 năm”; nhưng khi chết đã 3 năm 7 tháng. Nếu họ giữ đúng lời nói chắc chồng tôi không thể chết trong tù.

Thế là xong, là tuyệt vọng cả đời. Lúc đó tôi sống cũng như chết rồi, nhưng vì bốn đứa con nhỏ, chúng đâu có tội tình gì. Bên nội bên ngoại ai cũng muốn nuôi dùm 1, 2 đứa nhưng tôi không thể nào chịu được nếu để 1 đứa con xa tôi. Tình thương con đã thắng cái “điên” của tôi để lo lắng cho chúng nhưng với phường khóm thì tôi thật là một “mụ điên dữ dằn”. Tôi không chịu đi họp tổ, họp phường gì cả. Công an khu vực tới tận nhà bắt đi họp. Tôi nói: “Người mà các anh thấy có tội là chồng tôi thì anh đã chết rồi, tôi và 4 con nhỏ không còn gì phải họp với hành nữa”.

Lúc trước mình ngu nên cứ tin là phải họp hành cho tốt thì họ xét cho chồng về sớm. Nay tôi không còn gì để sợ nữa thì họ lại để tôi được yên thân.

Tôi bắt đâu tính chuyện vượt biên, mấy mẹ con dắt díu nhau đi tìm đất hứa không biết bao nhiêu lần. Hết đi từ Nhà Bè, Vũng Tàu, Mỹ Tho đến Rạch Giá, Sóc Trăng nhưng đều không thoát, ở tù cũng mấy lần. Xuống ghe ra biển lại thấy hối hận vì thương con, chưa thấy thoát mà chỉ thấy chết tới nơi. Bị bắt tù đày thì lại càng hối hận hơn vì các con không có thức ăn, nước uống chỉ có một ca nhỏ. Trong trại chỉ có 1 cái ao tù, ăn cũng đó mà tắm giặt cùng nơi. Bẩn thỉu không thể tả cho nên trẻ con không bị đau bụng ỉa chảy thì cũng ghẻ lở ghê hồn. Tôi sợ quá đến không dám nghĩ đến đi nữa. Phải cậy nhờ xin đi dạy lại dù biết là nhà giáo chỉ húp cháo thôi. Nhưng dù sao đi nữa cũng còn có chỗ để mua “nhu yếu phẩm” và được “thầu” để bán quà cho học trò trong trường.

Thời gian này tạm ổn định, lo cho các con tới trường cũng phải chạy chọt vì “nhất thân, nhì thế” của xã hội lúc bấy giờ. Phận mình thì xong rồi, bạn bè tôi còn rất nhiều có chồng đang tù tội. Thỉnh thoảng chúng tôi họp nhau để “lá rách nát đùm lá tả tơi” đứa nào có thứ gì cho tù ăn được thì mang tới gom lại để chia cho những bạn sắp đi thăm. Trong cái tình đó tôi lại thấy được nhiều sự đau khổ mà người vợ tù phải chịu đựng nhục nhằn mà không ai có thể chia xẻ với họ. Chẳng hạn như một chuyện rất thật của một người bạn thân của tôi, chúng tôi đã chia sẻ từng bó rau muống từng chén nước mắm “muối + nước màu” cho các con ăn. Từng viên đường thẻ để mang vào tù cho chồng. Chỗ chồng bạn tôi ở lại có “nhà hạnh phúc” và các anh tù phải làm việc thật tốt thì cán bộ mới cho phép gặp vợ tại đó. Lẽ dĩ nhiên chồng bạn tôi làm khổ sai cật lực để được ân huệ đó. Chị cũng là một cô giáo, sống rất đạo dức và thành tín, thương chồng vô cùng, nhưng khi vào thăm đã thấy “nhà hạnh phúc” có mấy cái chõng tre và mấy anh cán bộ ngồi canh. Chị đã không thể “cho anh” và điều này đã khiến anh nổi giận nghĩ là chị đã có “ai khác” ngoài đời. Chị đã bị anh chửi bới tơi bời còn gì thê thảm hơn nữa không? Thời gian đã qua tôi hy vọng anh đã thông cảm với chị về cái “không thể cho anh” đó. Mặc dù giờ thì anh chị cũng đã xa nhau, thật là một điều rất đáng tiếc.

Lại thêm một cô bạn láng giềng, may mắn có ông chồng được thả về sau bảy năm tù tội. Những tháng ngày trong lao tù khiến con người cũng thay đổi nhiều lắm. Dễ nóng giận và mặc cảm đầy mình. Một hôm cô bạn tôi được nhà nước cho mua một khúc vải may quần với giá rẻ dành cho các công nhân viên nhà nước. Cô mang về khoe nói là bán đi sẽ lời được sáu ngàn đồng. Ông chồng lại muốn may để mặc vì ông ta thấy cũng cần phải có một cái quần mới. Bạn tôi ngần ngại nửa muốn cho chồng may, nửa muốn bán đi để thêm tý tiền lo cho gia đình nên nói với chồng: “Khúc vải này sáu ngàn lận đó anh.” Chưa nói dứt lời là bạn tôi bị một cái tát tai choáng váng mặt mày, sự việc xảy ra quá sức tưởng tượng của mọi người. Anh chồng rất hối hận về hành động vũ phu của mình; tuy nhiên anh vẫn đổ lỗi cho bạn tôi cái tội “coi cái quần hơn chồng”. Đó lại là một trong muôn ngàn cảnh ngộ trớ trêu của vợ tù “cải tạo”.

Thắm thoát đã qua 7 năm lúc này cuộc sống mấy mẹ con tôi đã dễ thở vì chị em bạn bè ở ngoại quốc đã bắt đầu gửi tiền về cứu trợ. Tôi được mẹ chồng cho theo đi để bốc mộ Anh. Tâm trạng tôi thật rối bời và lo sợ liệu bốc lên có phải là Anh không hay lại là mồ của ai khác?!! Trên đường đi cũng không kém gian nan cực khổ như khi đi thăm nuôi tại Kà Tum.

Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi mới biết bốc mộ là gì và nhất là thấu hiểu được câu nói “cát bụi trở về với cát bụi”. Thịt da đã tan vào với cát, chỉ còn bộ xương trắng mà các bạn anh đã từ từ cầm lên từng cái đầu, xương vai, xương cổ ống tay ống chân, và ngay cả những đốt xương nhỏ họ cũng mò tìm cho đủ. Một sợi dây làm bằng giây thép nhỏ, cái mặt làm bằng kính máy bay có hình dáng 2 người đứng bên nhau đã được anh bạn lấy lên trao cho tôi và nói chính chồng tôi đã làm để tặng cho tôi khi nào tôi lên thăm gặp mặt. Anh đã phải cất giấu bao ngày vì nếu “cán bộ” thấy là bị tịch thu ngay. Rất may là có mẹ tôi và người cháu lo lắng lấy rượu rửa xương rồi quấn vào vải bỏ vào trong một cái bị to để chúng tôi mang về . Còn tôi ngồi chết cứng với nước mắt rơi sầu tủi. Xót thương anh!

Trên đường về mới gặp toán người thăm nuôi. Gặp cô bạn cũng đi với mẹ già, đang chuyển quà từng khúc một, tôi chạy lại đỡ một tay. Khi tôi dắt bà cụ qua một người tù đang cuốc đất dưới ruộng, ngẩn nhìn và khẽ gọi mẹ. Tôi quay lại giúp cô bạn còn vài giỏ đồ ăn, chúng tôi vừa đi ngang thì lại nghe anh ta gọi “em Liễu”. Cô bạn tôi nghe tên, ngoảnh mặt lại nhìn và lại bỏ đi luôn. Chạm mặt nhau rồi mà Liễu vẫn không nhận ra. Tới khi anh ta quên cả sợ “cán bộ”, chồm lên đường kêu “Liễu. Anh đây”. Lúc đó bà cụ cũng đã trở lại và nhận ra con, cụ khóc oà ôm lấy anh tù, còn Liễu cũng khóc nhưng la “Không phải anh mà, không phải anh đâu”. Người chồng yêu quý vì tháng năm đói khổ phải ăn khoai mì nên mặt anh ta biến dạng vì quai hàm bạnh ra và nhựa độc của khoai mì làm cho tất cả tù nhân đều có cái mặt vuông gần giống nhau cả. Tôi cũng không cầm được nước mắt lại nghĩ rằng chắc chồng tôi còn sống thì mặt mũi cũng chỉ như vậy mà thôi.

Từ trại về chỉ có độc nhất một chiếc xe đò, mọi người ngồi chật cứng trong xe, còn có nhiều người phải đứng bám vào cửa xe rất là nguy hiểm. Mẹ con tôi về đến ga Vinh là trời đã tối, lại ôm cồng kềnh một cái bị hài cốt của chồng tôi. Ngồi sân ga đợi tàu rất là nguy hiểm vì mẹ con tôi ngơ ngác với xứ lạ quê người. Mẹ tôi phải lấy dây buộc cái bị và cuốn quanh người. Chỉ sợ lỡ mất đi thì khổ lắm. Tôi hồi hộp sợ hãi còn hơn khi đi vượt biên nữa. Tôi đánh liều vào nhà nghỉ mát của nhân viên xe lửa. Sau một lúc nói chuyện gây cảm tình và nhờ có “thủ tục đầu tiên” (xin trả tiền trước) nên mẹ con tôi được vào tạm trú qua đêm yên lành. Sáng hôm sau cũng nhờ có ông “quản lý” nhà nghỉ đó mà chúng tôi được lên tàu ở trong toa xe của các nhân viên đi nghỉ mát. Tôi phải tin tưởng là chúng tôi đã có ơn trên che chở nên đã mang thoát được bộ xương của chồng tôi về đến nơi đến chốn. Vì nếu không được ở trong xe đó chắc chắn chúng tôi không thể thoát khỏi xự khám xét trên tàu. Họ phát giác ra là có xương người là lập tức đuổi chúng tôi xuống giữa rừng hoặc quăng bỏ mớ hài cốt đó. Sau đó lại nằm xuống với nước mắt trào ra không thể ngăn nổi vì nhớ thương anh và tủi phận mình đơn độc.

Hiện tại thì chồng tôi đã được yên nghỉ tại nghĩa trang Thiên Chúa Giáo ở Bình Dương. Nhưng cũng không biết được bao lâu nữa vì họ còn tính dẹp cả nghĩa trang mặc dù đó là đất tư mà gia đình tôi đã phải mua bằng những cây vàng lúc họ dẹp nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi ngay trong thành phố Saigon.

Bốn mẹ con tôi xuống phi trường Dulles vào một buổi tối mưa tầm tã của tháng 6 năm 1994. Được gia đình cô em ra đón, tôi mừng quá nhưng vẫn chưa hết lo sợ, không biết đây là thật hay mơ. Nỗi ám ảnh bị bốc đi vùng kinh tế mới và sự không nói có, có nói không của nhà nước công sản đã khiến tôi mất hết niềm tin. Tôi chỉ còn biết cầu Đức Mẹ ban cho tôi một phép lạ.

Chúng tôi cố gắng học hỏi để hoà nhập vào cuộc sống mới ở Mỹ. Nay các con tôi đã lớn, đã thành đạt và rất hiếu thảo. Chúng hết lòng lo lắng, chăm sóc tôi. Tôi thật mãn nguyện, nhưng tôi biết tôi không thể ôm giữ chúng mãi được. Chúng phải có cuộc sống riêng, hạnh phúc riêng. Dù biết vậy, nhưng mỗi khi chúng vắng nhà, còn lại một mình tôi, tôi lại thấy sợ hãi. Những năm tháng khổ cực, hãi hùng của thời dĩ vãng lại kéo đến ám ảnh tôi. Hình ảnh chồng tôi lúc oai hùng, mạnh mẽ trong bộ quân phục, lúc rách nát, tả tơi, thoi thóp trên chõng tre lại chập chờn quanh tôi. Tôi đã thì thầm với anh: “Đợi em đi cùng!” Vâng, tôi ước mong được sớm ra đi bình yên dể được xum họp với chồng tôi. Chúng tôi chỉ mới được hưởng hạnh phúc gia đình có 4 năm 5 tháng. Tôi chắc chồng tôi cũng nuối tiếc như tôi và đang chờ tôi đi với anh. Chúng tôi phải nối tiếp lại những ngày hạnh phúc ngắn ngủi xa xưa. Tôi không thể sống mãi trong cô đơn để run sợ trước những ám ảnh của dĩ vãng và những nhung nhớ khôn nguôi người chồng mà tôi mãi mãi yêu thương như buổi đầu gặp gỡ.

Kính tặng Giáo Sư Tố Lan, người đã cho tôi can đảm để thực hiện bài viết này.

Trần Thanh Minh

02/18/2016


 

Lễ kính Thánh Vincentê-Cha Vương

Hôm nay 5/4 lễ kính Thánh Vincentê, nguyện chúc quả tim bạn tràn đầy đức mến, để yêu và được yêu. Chúc mừng bổn mạng đến những ai nhận Thánh Vincentê làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 05/04/2024

Thánh Vincentê, “Vị thánh tý hon”, Mười bốn tuổi Vincent học thần học, cậu năng nguyện gẫm, nhất là rất sùng kính cuộc khổ hình, thương khó của Chúa Giêsu và có lòng biệt kính Mẹ Maria cách riêng, và sống bác ái với mọi người. Vincent được Thiên Chúa phú bẩm cho ơn làm phép lạ ngay từ khi chưa lọt lòng mẹ. Một buổi nọ, bà Cônstânce (Mẹ ngài) đi thăm một phụ nữ mù theo thói quen đi làm việc bác ái – bố thí hàng tháng, và bà nói với chị ấy, “Con ơi, hãy cầu xin Chúa cho thai nhi mà mẹ đang cưu mang đến ngày sinh được bằng an nhé.” Người phụ nữ mù liền cúi áp đầu vào bụng bà Cônstânce rồi nói với thai nhi, “Xin Thiên Chúa chúc ban phúc lành cho em.” Lập tức, chị được khỏi mù, và lòng trí trở nên minh mẫn sáng láng, liền thốt lời tiên tri rằng, “Thưa bà, quả là một thiên thần bà đang cưu mang, bởi chính em đã chữa lành nỗi khổ đau cho con.” Bạn muốn sống thánh giữa đời ư? Hãy noi gương vị thánh tí hon, năng nguyện gẫm, nhất là rất sùng kính cuộc khổ hình, thương khó của Chúa Giêsu và có lòng sùng kính Mẹ Maria.

Thánh Vincentê  nói, “Nếu bạn thực sự muốn giúp đỡ các linh hồn, bạn nên đến với Chúa trước với hết trái tim. Việc đơn giản là bạn hãy xin Chúa đong đầy quả tim bạn với đức bác ái, là tột bậc của tất cả các nhân đức; với lòng bác ái đó bạn có thể thực hiện những gì bạn mong muốn.”

NOI GƯƠNG THÁNH NHÂN:

Hôm nay hãy làm một việc bác ái với cả con tim nhất là làm cho những ai không đáng được bạn yêu thương. Xin Thánh Vincentê cầu bầu cho bạn và gia đình và cho cả thế giới được ơn hoán cải.

From: Do Dzung

CHO CON BIẾT YÊU THƯƠNG – Lm Nguyễn Sang & Gia Ân

Tin tặc Việt Nam tiếp tục hoành hành khắp Châu Á

Theo đài BBC và các báo Tin Học

Các doanh nghiệp và cá nhân ở Việt Nam liên tục đối diện với nguy cơ bị tấn công mạng
Chụp lại hình ảnh, BBC. 

Không ít vụ tấn công trên thế giới được xác định do các nhóm tin tặc từ Việt Nam. Cùng lúc, nhiều tổ chức và cá nhân tại Việt Nam cũng bị tấn công mạng.

Tin tặc xuất phát từ Việt Nam đang sử dụng phần mềm độc hại để tấn công các nạn nhân nhằm trục lợi tài chính. Cùng lúc, các tổ chức và cá nhân ở Việt Nam cũng trở thành nạn nhân.

Hôm qua (4/4), một nhóm tin tặc có tên CoralRaider bị nghi ngờ sử dụng các phần mềm độc hại để nhằm vào các nạn nhân ở một vài quốc gia khu vực châu Á và Đông Nam Á, theo đánh giá của Cisco Talos.

Các quốc gia có nạn nhân bị tấn công bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và Pakistan.

Cisco Talos là nhóm nghiên cứu về an ninh mạng thuộc Cisco Systems, công ty thuộc tập đoàn đa quốc gia của Mỹ về công nghệ truyền thông kỹ thuật số.

CoralRaider chủ yếu đánh cắp thông tin đăng nhập, dữ liệu tài chính và tài khoản mạng xã hội của các nạn nhân (bao gồm cả tài khoản doanh nghiệp và quảng cáo) nhằm trục lợi tài chính.

CoralRaider

Biểu đồ đánh phá theo các bước tiếp cận và đột kích của mã độc CoralRaider. Cài mã độc, đánh cắp thông tin và chuyển về máy của bọn tin tặc.

Theo tạp chí tin tức về tin tặc

Các nhà nghiên cứu bảo mật Chetan Raghuprasad và Joey Chen cho biết : “Nhóm này tập trung vào việc đánh cắp thông tin xác thực, dữ liệu tài chính và tài khoản mạng xã hội của nạn nhân, bao gồm cả tài khoản doanh nghiệp và quảng cáo” . “Họ sử dụng RotBot, một biến thể tùy chỉnh của Quasar RAT và  ứng dụng “kẻ đánh cắp XClient để tải dữ liệu.”

Phần mềm độc hại hàng hóa khác được nhóm này sử dụng bao gồm sự kết hợp giữa trojan truy cập từ xa và ứng dụng dùng để đánh cắp thông tin như AsyncRAT , NetSupport RAT và Rhadamanthys .

Cisco Talos đánh giá nhóm này hiện có cơ sở hoạt động ở Việt Nam và ít nhất đã bắt đầu hoạt động từ tháng 5/2023. Đánh giá này được đưa ra sau khi Cisco Talos phát hiện có tiếng Việt trong tên phần mềm và tin nhắn của thành viên nhóm, cũng như có nhiều từ tiếng Việt tồn tại trong phần mềm độc hại mà nhóm này sử dụng.

Địa chỉ IP của nhóm này cũng được xác định là ở Hà Nội, Việt Nam.

Trong quá trình tìm hiểu, Cisco Talos đã phát hiện hai nhóm chat Telegram sử dụng tên tiếng Việt là “Kiếm tiền từ Facebook” và “Mua Bán Scan Mini”. Hai “chợ đen” này là nơi nhiều hoạt động trao đổi diễn ra, bao gồm cả dữ liệu cá nhân của các nạn nhân.

Đã có nhiều tiền lệ

Đây không phải lần đầu tiên có những vụ tấn công mạng nhằm trục lợi tài chính mà thủ phạm được xác định là từ Việt Nam.

Cuối tháng 2/2024, nhà cung cấp công nghệ an ninh mạng Group-IB từng có một bài viết về VietCredCare.

VietCredCare là một phần mềm đánh cắp thông tin, được một nhóm người Việt Nam quản lý và được lưu hành ít nhất là từ tháng 8/2022, theo báo cáo an ninh mạng của “Group-IB”.

Nạn nhân chủ yếu là những người quản lý hồ sơ của các doanh nghiệp và tổ chức lớn đến từ 44 tỉnh thành của Việt Nam.

Trong đó, 51% nạn nhân ở Hà Nội và 33% ở TP Hồ Chí Minh.

Sau đó, khi đã kiểm soát được tài khoản Facebook của nạn nhân có lượng người theo dõi lớn, kẻ gian có thể trục lợi chính trị hoặc tài chính qua các hình thức như:

      • Lừa đảo giả mạo (phishing)
      • Lừa đảo gian lận liên kết (affiliate scam)
      • Chuyển hướng truy cập Web (malicious redirection of web traffic)
      • Bán thông tin

Chính quyền Việt Nam cũng từng là mục tiêu của các cuộc tấn công mạng.

Theo một tài liệu rò rỉ vào tháng 2/2024, một tổ chức chính quyền vùng tây nam Trung Quốc được cho là đã chi 15.000 USD (khoảng 370 triệu đồng) để đột nhập website của cảnh sát giao thông Việt Nam.

Năm ngoái, trang fanpage của Công an TP Hà Nội cũng từng bị hack.

Khoảng 17 giờ ngày 7/8/2023, trang fanpage Facebook chính thức của Công an TP Hà Nội đăng tải hai hình ảnh nhạy cảm lên mục story kèm đường link lạ. Đến khoảng 19 giờ cùng ngày, hai bức ảnh trên đã được gỡ bỏ.

 Y tế Việt Nam: ‘Sinh mạng người bệnh tùy thuộc vào cơ chế nhà nước’

VOA

05/04/2024

Ảnh tư liệu - Một ca phẫu thuật cắt khối bướu nặng 90kg tại Việt Nam

Ảnh tư liệu – Một ca phẫu thuật cắt khối bướu nặng 90kg tại Việt Nam

WASHINGTON DC —

Sau một thời gian dài chờ đợi nghị định hướng dẫn luật mới liên quan đến quy định đấu thầu thiết bị và vật tư y tế, giờ đây, tình trạng khan hiếm thuốc điều trị và vật tư thiết bị y tế tại Việt Nam đang ở trong tình trạng “trầm trọng.” Một số bác sĩ và chuyên gia y tế, ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cho VOA biết.

Tình trạng thiết bị, vật tư y tế và cả thuốc điều trị giá rẻ nhưng chất lượng kém chiếm lĩnh gần như toàn bộ các hoạt động chăm sóc sức khoẻ người dân đang gây ra những hệ luỵ ‘khủng khiếp’ và ‘không thể đong đếm được’, như lời một chuyên gia phẫu thuật thần kinh hàng đầu Việt Nam ở Hà Nội.

Vị bác sĩ này khẳng định, sức khoẻ, tính mạng bệnh nhân bị đặt trong vòng nguy hiểm chỉ vì sự ‘tệ hại trong chính sách đấu thầu thiết bị, vật tư y tế và thuốc điều trị’ ở Việt Nam hiện nay.

Đồng tình với nhận định này, một bác sĩ trưởng khoa của một bệnh viện lớn tại thành phố Hồ Chí Minh, không muốn nêu tên, nói với VOA: “Tình trạng tiền mất tật mang là có thật.”

Vị bác sĩ ở phía Nam nói về quy trình đấu thầu thiết bị vật tư tế: “Trước đây đấu giá khác, bây giờ đấu giá khác. Trước đây, đấu giá không niêm yết giá, do đó sinh ra nhiều tiêu cực. Cơ quan quản lý siết lại bằng cách ra quy định phải niêm yết giá.” Việc niêm yết giá, thoạt nhìn, là sự thể hiện tính minh bạch, nhưng theo lời vị bác sĩ, lại sinh ra vấn đề, vì “không theo kịp cung – cầu của luật thị trường.”

Ông giải thích: “Giá, từ khi được niêm yết cho đến khi có thiết bị có khi trải qua cả năm. Lúc đó thị trường đã thay đổi. Chẳng hạn, những vấn đề ở biển Hồng Hải khiến tàu chở hàng phải đi vòng, chi phí cao hơn. Nếu phải bán theo giá niêm yết trước đó một năm, thì các công ty bị lỗ. Do đó họ không bán nữa.”

Bác sĩ D.H.K, một cán bộ quản lý được giao phụ trách hệ thống phòng phẫu thuật tại một bệnh viện ở Hà Nội cho biết tình trạng bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân phải “đi mua từ cái kim, sợi chỉ, bông băng gạc y tế trước khi lên bàn mổ” là chuyện rất bình thường hiện nay tại hầu khắp các bệnh viện.

“Bệnh nhân là cứ phải hai tay hai túi. Lên buồng mổ là phải hai tay hai túi. Một túi là bông băng gạc, một túi là bơm kim tiêm và dụng cụ phẫu thuật.” Bác sĩ D.H.K nói, đồng thời giải thích tại sao bệnh nhân phải đi mua “bông băng gạc và kim tiêm, đồ phẫu thuật” ở bên ngoài: “Bởi vì, ví dụ một miếng gạc ngần này gram, diện tích ngần này, thấm hút ngần này, khi bệnh viện đưa ra yêu cầu như thế thì sẽ có cả tỉ ông vào đấu thầu. Mà vào được thì toàn loại hồ với bột thôi, khả năng thấm hút kém. Bơm kim tiêm thì lắm lúc bơm, nước thuốc lại phụt ngược lại mà lúc đấy bác sĩ không biết đã bị phụt ra ngoài mất bao nhiêu để bù thêm thuốc.”

Bác sĩ D.H.K nói: “Một cái bơm kim tiêm thì 15.000 đồng/cái cũng có mà 2 -3.000 đồng/cái cũng có trong khi tất cả phải lên mạng đấu thầu, của ai rẻ nhất thì phải mua về mà dùng”.

“Đó là do quy định đấu thầu của Bộ Y Tế.” Vị bác sĩ trưởng khoa ở Thành Phố Hồ Chí Minh giải thích. “Về việc sử dụng thiết bị tại bệnh viện, thì bệnh viện, theo luật, phải sử dụng thiết bị đã có qua các chương trình đấu thầu. Nếu không sử dụng các thiết bị ấy thì coi như sai luật; hoặc các công ty bảo hiểm sẽ từ chối thanh toán tiền bảo hiểm. Mà đấu thầu tức là phải mua ở nơi rẻ nhất, trong khi chất lượng không thể bảo đảm.”

Do e ngại chất lượng thiết bị y tế kém, những người có khả năng tài chánh thường tự chuẩn bị trước cho mình. Anh N.H.N, một bệnh nhân và cũng là một nhân viên kỹ thuật làm việc trong lĩnh vực cung cấp thiết bị, vật tư y tế tại Hà Nội cho biết, thời gian qua anh đã phải tiến hành tiểu phẫu tại một bệnh viện nhưng toàn bộ vật tư và thuốc men từ Mỹ và Châu Âu cho cuộc phẫu thuật đã được anh chuẩn bị từ trước đó cả tháng nhờ vào các mối quen biết, chứ không “có khi lại chết oan.”

Nhưng không phải ai cũng có được lợi thế và may mắn như anh: “Bệnh nhân giờ phải nhờ bác sĩ cho biết để tự liên hệ với các hãng và các nơi để tự đi mua. Xong rồi bệnh nhân sẽ tự cầm theo vào mà đi mổ.” Anh N. cho biết.

Vị bác sĩ ở Sài Gòn cho biết tình trạng cũng diễn ra ở miền Nam. Ông phân tích, các thiết bị của các nước tiên tiến, như Mỹ và Châu Âu, thì vẫn có trên thị trường tự do, nhưng bệnh viện không thể dùng vì “vướng quy định.” Nếu người nhà tự mua, mang vào bệnh viện thì bệnh viện cũng không thể dùng, vì vướng các công ty bảo hiểm. Nếu bệnh nhân tự mua thì cũng không được vì họ không có kiến thức. Thế nên: “Có sự giới thiệu trực tiếp của bác sĩ đến các công ty bán thiết bị.”

Chuyên gia phẫu thuật thần kinh ở Hà Nội thì có “giải pháp” riêng của ông: “Bây giờ dao kéo là chúng tôi phải tự sắm cho mình một bộ và khi nào mổ thì mình bỏ ra tự dùng của mình.”

Nhưng ông cũng nói thêm rằng đấy chỉ là những thiết bị cơ bản nhất chứ các loại bông băng gạc, kim chỉ hay đặc biệt là thuốc điều trị thì không thể ‘tự sắm’ như vậy được. “Ví dụ, bây giờ các loại thuốc kháng sinh tốt mà ngày xưa hay dùng thì khoảng 380.000đ/lọ/1gram; trong khi giờ thuốc Trung Quốc chỉ có 12.000đ/lọ.” Sự chênh lệch giá thuốc kháng sinh khiến cho tỷ lệ nhiễm trùng tăng từ 5-7% lên 20%.

Vị bác sĩ ở thành phố Hồ Chí Minh, trong khi đồng ý về tình trạng thuốc điều trị chất lượng kém, cũng nói rõ: Không nên đổ hết lỗi cho “hàng Trung Quốc.”

Ông nói: “Không chỉ hàng Trung Quốc. Thuốc là một thị trường bát nháo với đủ mọi nguồn gốc. Chẳng hạn, thuốc gốc từ Ấn Độ nhưng lại nói là nguồn gốc Tây Ban Nha, Áo… Hàng kém chất lượng không chỉ là hàng Trung Quốc. Trên thực tế, hàng Trung Quốc “tạm được”, và nhất là giá cả không xê dịch nhiều. Trung Quốc nằm sát Việt Nam nên trong chớp mắt là có hàng; khác với các công ty ở Mỹ hay Châu Âu. Hàng kém chất lượng còn đến từ nhiều nước khác, như Malaysia, Ấn Độ, và cả ngay tại… Việt Nam, hoặc… không có nguồn gốc.”

Nhưng, vị bác sĩ trưởng khoa nhấn mạnh: “Vấn đề là mặc dầu chất lượng rất thấp, thuốc vẫn được giấy phép lưu hành.”

Lý do, theo ông, là vì vấn đề cơ chế và đặt trong bối cảnh thu nhập của người dân. “Thuốc ở Việt Nam, về mặt chất lượng, có thể xem là ở “mức đáy.” Thuốc có thể làm theo công thức, đúng nồng độ… nhưng có thể hoàn toàn không hiệu quả, vì chỉ trải qua đánh giá chất lượng trong phòng thí nghiệm, không qua đánh giá hiệu quả lâm sàng, vốn có thể làm cho giá thuốc tăng rất cao.”

Chuyên gia phẫu thuật thần kinh cho biết rằng phần lớn các bệnh nhân dù biết phải dùng vật tư y tế, thuốc điều trị giá rẻ của bệnh viện là rất nguy hiểm nhưng vẫn phải chấp nhận vì không phải ai cũng có điều kiện để tìm mua các loại vật tư và thuốc điều trị của Mỹ và Châu Âu.

“Bệnh viện cũng không thể dùng vật tư tốt hơn nếu vật tư thiết bị ấy không phải do mua sắm từ đấu thầu. Và các hãng bảo hiểm cũng sẽ từ chối thanh toán nếu thuốc, thiết bị, vật tư sử dụng không đúng theo danh mục.” Vị bác sĩ ở Sài Gòn giải thích thêm.

Về các loại vật tư y tế thì vị chuyên gia tại Hà Nội khẳng định các cơ quan có trách nhiệm và có chuyên môn phải giúp các bệnh viện đưa ra những yêu cầu về mặt kỹ thuật, chứ không thể phó mặc cho đội ngũ y bác sĩ. “Chỉ có như vậy mới loại bỏ được những vật tư y tế nếu nhìn bằng mắt thường thì đảm bảo các yêu cầu chung của bệnh viện nhưng chất lượng bên trong thì lại gây ra rất nhiều nguy hiểm cho sức khoẻ và tính mạng bệnh nhân.”

Vị bác sĩ tại thành phố Hồ Chí Minh giải thích về cơ chế đấu thầu và mua trang thiết bị y tế: “Các bệnh viện không tự đấu thầu hay mua hàng, mà thông qua chương trình “đấu thầu tập trung.” Tức là các bệnh viên xây dựng một danh sách thiết bị cần có, rồi nộp lên thành phố. Thành phố sẽ đấu thầu cho nhiều bệnh viện.”

Vẫn theo ông, bệnh viện không được phép mua thiết bị trực tiếp từ công ty sản xuất, mà phải mua qua các công ty nhập khẩu. Chính ở điểm này sinh ra vấn đề chất lượng thiết bị. Công ty nhập khẩu có thể “trộn” nhiều loại thiết bị từ nhiều nguồn khác nhau, với chất lượng “thượng vàng hạ cám”, rồi mang bán. Việt Nam thiếu một cơ quan có thẩm quyền tuyệt đối, kiểu như FDA của Mỹ. Ở Việt Nam, chỉ cần có những loại giấy tờ kiểu như “chứng nhận chất lượng” là có thể mang bán. Không ai có thể bảo đảm tính chính xác của các giấy “chứng nhận chất lượng” đi cùng các thiết bị y tế.

Cuối tháng Hai vừa qua, chính phủ đã ban hành nghị định 24 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu. Trong đó riêng trong lĩnh vực y tế, trường hợp có nhiều hơn một báo giá, bệnh viện được lựa chọn báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn làm giá gói thầu.

Vị bác sĩ ở thành phố Hồ Chí Minh nhận định: “Chưa biết hiệu quả của luật mới sẽ như thế nào. Có thể phải chờ rất lâu mới biết, vì ai cũng e ngại vi phạm luật và không dám làm. Thế nào cũng phải trải qua một thời gian thăm dò.”

VOA đã liên lạc với đại diện Bộ Y tế để tìm hiểu thêm những thông tin liên quan đến việc tìm ra giải pháp để vật tư y tế và thuốc điều trị chất lượng cao có thể thông qua đấu thầu vào các bệnh viện để chăm sóc sức khoẻ cho người dân,nhưng chưa nhận được hồi âm.


 

NHIỀU HƠN NHỮNG GÌ CÓ THỂ TƯỞNG TƯỢNG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Hãy đến mà ăn!”.

“Điểm phân biệt lớn nhất về sự toàn năng của Thiên Chúa, là khi nghĩ về nó, trí tưởng tượng của con người triệt tiêu! Ngài luôn nhiều hơn những gì có thể tưởng tượng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay chứng thực ý tưởng trên của Pascal. Với Chúa Phục Sinh, mọi sự có thể bắt đầu lại, có thể phục hồi, kể cả đổ vỡ, phản bội. Với Ngài, mọi sự đều có thể mới mẻ cho Phêrô, cho các môn đệ, luôn luôn ‘nhiều hơn những gì có thể tưởng tượng!’.

Với một tâm trạng xót xa, ai ai cũng có xu hướng trở lại nếp cũ hầu khôi phục sự tự tin và giá trị bản thân. Với Phêrô, nếp cũ là đánh cá; vì vậy ông ra biển, rủ các bạn cùng đi. Là những người cảm thấy cũng có lỗi với Thầy nên họ dễ dàng nhập cuộc với Phêrô. Vậy mà nhóm bạn chài đáng thương ấy thật may mắn, họ gặp lại Thầy, Đấng sẽ băng bó và chữa lành những trái tim thương tổn của họ, dẫu họ chưa nhận ra Ngài.

Chúa Giêsu hiện ra, truyền cho họ buông lưới ‘bên phải’ mạn thuyền và họ bắt được rất nhiều cá. Mẻ cá này mang tính biểu tượng cao! Biểu tượng trọng tâm là Chúa Phục Sinh đang ở với họ giữa những thất bại, giữa ‘nếp cũ’; và nếu họ tự sức làm điều này bằng nỗ lực của mình, họ sẽ trắng tay; nhưng làm theo ‘cách mới’, tức là ‘theo lệnh, theo cách của Ngài’, ‘trong thời gian của Ngài’, nỗ lực của họ sẽ mang lại thành quả, ‘nhiều hơn những gì có thể tưởng tượng!’.

Bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay là một bằng chứng. Trước thượng hội đồng, Phêrô tuyên bố, Giêsu, “Tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, đã trở nên đá tảng góc tường. Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ!”, đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca.

Chưa hết, “Bước lên bờ, các ông thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa”. Ôi! Với Phêrô, lại là một biểu tượng! Những ánh lửa của đêm nào sống lại trong ông, lửa phản bội, lửa chối Thầy; nhưng nay, lửa xót thương, lửa thứ tha! Trong đêm đó, ông đã nói, “Tôi không biết người ấy!”; nhưng giờ đây, cũng bên bếp lửa hồng, ‘Người Ấy’ lại nói với ông và các bạn, “Hãy đến mà ăn!”. Quá đỗi thâm trầm, ‘nhiều hơn những gì có thể tưởng tượng’; bởi lẽ, nó gợi lên những lời của đêm Tiệc Ly, lời từ các phép lạ bánh cá hoá nhiều, lời của những bữa ăn thắm tình Thầy, đượm tình trò.

Anh chị em,

“Hãy đến mà ăn!”. Đức Phanxicô nói, “Sự hiện diện của Chúa Phục Sinh biến đổi mọi sự: bóng tối trở thành ánh sáng, công việc phù phiếm trổ sinh hoa trái và đầy hứa hẹn, cảm giác mệt mỏi và bị bỏ rơi nhường chỗ cho một động lực mới và niềm tin chắc rằng Chúa ở cùng chúng ta. Những tâm tình này đã làm sinh động Giáo Hội, cộng đồng của Đấng Phục Sinh. Thoạt nhìn, đôi khi có vẻ như bóng tối của sự dữ và vất vả của cuộc sống chiếm ưu thế, nhưng Giáo Hội biết chắc rằng, ánh sáng Phục Sinh vĩnh cửu đang chiếu soi những ai theo Chúa. Sứ điệp vĩ đại về sự Phục Sinh truyền vào tâm hồn các tín hữu niềm vui sâu xa và niềm hy vọng bất khả chiến bại rằng, Chúa Kitô đã thực sự sống lại!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con hiểu rằng, ân sủng phục sinh không chỉ kết thúc với việc con được tha thứ; nó kết thúc với việc trái tim con và cả con người con được biến đổi!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

From: KimBang Nguyen


 

Đôi Lời Tâm Sự cùng quý đọc giả

Đôi Lời Tâm Sự cùng quý đọc giả của Website “Kẻ Đi Tìm”

Ngày 07 tháng 04 năm 2024, kỷ niệm 12 năm ngày website “Kẻ Đi Tìm” ra đời.

Trong 12 năm qua, chúng tôi đã đưa lên website này được 33,655 bài.

Chúng tôi hết sức cố gắng duy trì và cải tiến để cho hình thức lẫn nội dung càng ngày càng hấp dẫn hơn.

Chúng tôi không nhận bất cứ tiền tài trợ nào cũng như không thuộc phe nhóm chính trị nào ở Mỹ cũng như ở Việt Nam.

Chúng tôi đọc tin tức các báo và chọn lọc những tin tức thời sự mới nhất và những bài viết về đạo Chúa hấp dẫn, có ý nghĩa.

Hy vọng rằng website này đem lại nhiều ích lợi về tinh thần lẫn về tâm linh cho đọc giả.

Sự làm việc liên tục nhiều năm qua đã đem lại cho bản thân chúng tôi học hỏi được nhiều điều có ích và cảm thấy vui vẻ, an ủi, thích thú khi càng ngày càng nhiều đọc giả khắp nơi ủng hộ tinh thần, giới thiệu với bạn bè của mình.

Sự ích lợi chẳng những cho đọc giả nào có duyên đến với website “Kẻ Đi Tìm” mà cũng giúp cho đời sống tâm linh của chúng tôi được “nâng lên” đời sống không còn vô nghĩa, mà đời sống này, Chúa ban cho, rất đáng sống.

Hiện nay chúng tôi còn sống, còn có sức khỏe, tinh thần còn minh mẫn, tất cả là do Chúa ban cho, nên chúng tôi cố gắng làm việc hết sức mình khi có thể, để tạ ơn Chúa và biết ơn anh chị em…

Hy vọng sẽ có nhiều biến chuyển cho nhân quyền, dân chủ, tự do cho người Việt Nam ở trong nước.

Hy vọng tìm được chỗ dựa tâm linh cho quý bạn đọc đã theo dõi bài vở trong nhiều năm qua.

Xin đọc giả cho ý kiến để chúng tôi cải tiến website này càng ngày càng hấp dẫn hơn, ý nghĩa hơn, và nhất là có được tâm hồn bình an, vui vẻ hơn.

Xin chia sẻ câu nói của Mẹ Têrêsa Calcutta để cùng nhau suy ngẫm.

Hoa quả của im lặng là cầu nguyện,

Hoa quả của cầu nguyện là đức tin,

Hoa quả của đức tin là tình yêu,

Hoa quả của tình yêu là phục vụ,

Hoa quả của phục vụ là BÌNH AN                 

Vài tâm sự trên xin gởi đến đọc giả yêu quý, thân thương.

Thân ái.

Ban Biên Tập “Kẻ Đi Tìm”

Tháng 04 năm 2024