BẮT NGUỒN TỪ BÊN TRONG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Chỉ những gì từ con người xuất ra, mới làm cho họ ra ô uế”.

“Một điều khiến lương tâm con người nhạy bén với Thiên Chúa là thói quen cởi mở với Ngài bắt nguồn từ bên trong!” – Carl Henry.

Kính thưa Anh Chị em,

Cùng với Carl Henry, Tin Mừng hôm nay nói đến hai điều trái ngược nhau vốn cùng ‘bắt nguồn từ bên trong!’. “Chỉ những gì từ con người xuất ra, mới làm cho họ ra ô uế”. Ấy thế, cũng chỉ những gì ‘bắt nguồn từ bên trong’ mới là điều làm cho người ta nên thánh thiện!

Chúa Giêsu từng nói, “Vương Quốc Thiên Chúa, ở giữa anh em”; “ở trong anh em”. Vì thế, mọi cuộc chiến chống lại Vương Quốc cũng ‘bắt nguồn từ bên trong’ mỗi người! Tội nguyên tổ “tước đoạt sự thánh thiện và công chính nguyên thuỷ”; bản chất con người “tổn thương bởi những năng lực tự nhiên của nó”. Vì thế, nó phải chịu “sự ngu dốt, đau khổ và thống trị của cái chết; và có khuynh hướng nghiêng chiều về tội”. “Sự nghiêng chiều này được gọi là dục vọng!”. Chính dục vọng khuynh đảo mọi rối loạn vốn nổi lên trong con người. Những khuynh hướng này, nếu được chấp nhận, là điều làm cho người ta ra ô uế.

Tuy nhiên, sự thánh thiện cũng ‘bắt nguồn từ bên trong’; những tư tưởng và ước muốn đã được thanh tẩy vốn đã được sắp xếp theo tiêu chuẩn Phúc Âm. Bấy giờ, sự thánh thiện cũng sẽ nổi lên bề mặt bằng những việc lành cụ thể trong lời nói và hành động.

Tiếc thay, con người thường quan tâm đến mặt nổi. Bạn và tôi thường lo lắng thái quá về việc được người khác nhìn nhận! Chúa Giêsu không đồng ý với người biệt phái khi họ cho rằng, việc dùng một số thức ăn nhất định, sẽ làm cho người ta ra ô uế. Ngài không tốn tiền mua những thứ này. Ngài hướng sự chú ý vào trái tim! Ngài thấy mọi sự trong trái tim, cả khi không ai nhìn thấy. Ngài thấy hai đồng kẽm của bà goá trong đền thờ là tất cả những gì bà có để nuôi sống. Như vậy, điều ‘bắt nguồn từ bên trong’ có thể tác hại to tát, nhưng cũng có thể là điều làm cho con người nên vĩ đại. Nhiều người là sao sáng trong thế giới lại vô tích sự dưới cái nhìn của Thiên Chúa! Điều quan trọng là Chúa nghĩ gì?

Nhìn thấy sự giàu có của Salômon, nữ hoàng Sơva hết hồn. Sự khôn ngoan lẫn thịnh vượng của vua vượt xa điều bà mong đợi – bài đọc một. Bà nói, “Phúc thay kẻ luôn được túc trực trước mặt ngài và nghe biết sự khôn ngoan”; Thánh Vịnh đáp ca tiết lộ, “Miệng người công chính niệm lẽ khôn ngoan”. Bà thốt lên, “Chúc tụng Thiên Chúa của ngài!”. Tuy nhiên, đó chỉ là những mặt nổi bà thấy, bà không thấy cái ‘bắt nguồn từ bên trong’. Salômon coi thường Chúa khi chạy theo thần của các bà vợ. Vì thế, Chúa truất phế ông.

Anh Chị em,

“Cũng chỉ những gì ‘bắt nguồn từ bên trong’ mới là điều làm cho người ta nên thánh thiện!”. Lời Chúa mời gọi bạn và tôi xét xem động lực nội tâm; đồng thời, thách thức chúng ta thanh luyện con tim mình. Tại sao tôi làm điều này? Đó có phải là lựa chọn phát xuất một từ trái tim lương thiện và chân thành? Hay đó chỉ là những lựa chọn nghiêng chiều vào cách tôi sẽ được người khác nhìn nhận? Ước mong sao, mọi động lực của chúng ta trong sáng; vì lẽ, nó khởi đi từ một trái tim kết hợp sâu sắc với trái tim rất thánh của Chúa Giêsu.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con chạy theo lời khen và tiếng vỗ tay. Vì chúng sẽ không bao giờ cùng. Xin thanh luyện con từ bên trong, để trái tim con luôn ngát hương thiên đàng!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen


 

KINH NGHIỆM THIÊNG LIÊNG – Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Ngoài lý thuyết hoặc thực hành, kinh nghiệm đóng một vài trò quan trọng trong bất cứ lĩnh vực nào.  Đời sống thiêng liêng cũng thế.  Khi càng để ý thực tập hoặc theo đuổi kinh nghiệm thiêng liêng, người ta càng dễ nhận ra ý Chúa và dễ dàng chiến thắng những cơn cám dỗ.  Chính Chúa Giêsu cũng đi theo con đường này.  Hằng ngày Ngài cầu nguyện với Chúa Cha.  Càng quan sát và lắng nghe, Đức Giêsu càng biết rao truyền chân lý của Chúa Cha.  Hoặc nói đúng hơn, Đức Giêsu có rất nhiều kinh nghiệm thiêng liêng.  Điều này được thánh sử Luca đúc kết trong một câu: “Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.” [1] (Lc 2,52).

  1. Khôn ngoan trong đời sống thiêng liêng

Kinh nghiệm là “những kiến thức và kỹ năng mà bạn đạt được thông qua làm việc gì đó trong một khoảng thời gian, một quá trình đạt được kinh nghiệm này.” (Oxfordlearnersdictionaries).  Hoặc định nghĩa theo thần học gia người Đức Karl Rahner: “Kinh nghiệm là một dạng kiến thức nảy sinh từ sự tiếp nhận trực tiếp ấn tượng về một thực tế (bên trong hoặc bên ngoài).” (Rahner & Vorgrimler 1965:162).  Đôi khi người ta cũng hiểu kinh nghiệm thiêng liêng (spiritual) này như là một Linh đạo.  Lý do là từ “Linh đạo” trong tiếng Anh (spirituality) có nguồn gốc Latin Spiritualitas, và giống như các từ cùng gốc với nó là Spiritus và Spiritualis.  Từ này bắt nguồn từ gốc tiếng Hy Lạp pneuma và pneumatikos.  Về sau Giáo hội dùng thuật ngữ này (nhất là thánh Phaolô) để mô tả những gì liên quan đến Chúa Thánh Thần.  Chẳng hạn: “Linh đạo là con đường thiêng liêng đưa con người đến với Thiên Chúa, qua Đức Kitô, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần.” (Từ Điển Công Giáo).

Theo vài cách hiểu trên, chúng ta thấy Đức Giêsu đã rất giàu kinh nghiệm trong khi cố gắng tìm kiếm và làm theo thánh ý Chúa Cha.  Danh từ “khôn ngoan – σοφία” mà thánh Luca dùng trên đây rất khác so với lối hiểu tục hóa ngày nay.  Ngài không khôn ngoan theo kiểu thế gian, nhưng thông thái trong lãnh vực thiêng liêng. “σοφία – Wisdom” không chỉ trưởng thành về mặt trí tuệ, là khả năng suy ngẫm và hành động hiệu quả bằng cách sử dụng kiến thức, kinh nghiệm, sự hiểu biết, nhưng còn là thấu hiểu lẽ sống và nhìn đời một cách sâu sắc.  Nói cách khác, ơn khôn ngoan Chúa Giêsu đạt được là sức mạnh của Chúa Thánh Thần.  Sau này, Giáo hội hiểu là: “Ơn giúp lý trí sẵn sàng trong mọi hoàn cảnh phân định được điều thiện đích thực và lựa chọn những phương tiện thích hợp để đặt tới điều thiện đó.” (GLHTCG 1835).

Nếu đặt từ ngữ khôn ngoan trong ngữ cảnh Thánh Kinh, chúng ta thấy Đức Giêsu thực sự đạt đến chiều cao sâu của đời sống thiêng liêng.  Ngài có dồi dào kinh nghiệm thiêng liêng.  Thực vậy, Từ khôn ngoan (חכם) được nhắc đến 222 lần trong Kinh thánh Cựu Ước.  Nó được coi là một trong những đức tính cao nhất của dân Israel.  Nó cũng đồng nghĩa với lòng tốt (חסד) và công lý (צדק).  Theo nghĩa này, chúng ta hiểu tại sao vua Salomon trước khi lên làm vua, ông đã xin với Đức Chúa cho ông sự khôn ngoan.  “Vậy xin Ngài ban cho con được khôn ngoan và hiểu biết để con lãnh đạo dân này.” (2 Sb 1,10).  Khi xin điều này đồng nghĩa với việc ông xin cho mình có kinh nghiệm thiêng liêng để lãnh đạo dân.  Và ông đã thành công trong phần lớn thời gian vương triều của mình.

Thiên Chúa của chúng ta thì khôn ngoan.  “Nơi Đức Khôn Ngoan, có một thần khí tinh tường và thánh thiện, duy nhất và đa năng, tinh tế và mau lẹ, minh mẫn và tinh tuyền, trong sáng và thản nhiên, lanh lợi và chuộng điều lành, bất khuất, từ bi và nhân ái, cương quyết, vững vàng và điềm tĩnh, làm được mọi sự và quan tâm đến mọi điều, thấu suốt mọi tâm can, kể cả tâm can của những người trong sạch, thông minh, tinh tế nhất.” (Kn 7,22-23).  Điều này được thánh Au-gút-ti-nô (354-430) cảm nhận như sau: “Chính Thiên Chúa là sự khôn ngoan cao cả nhất; phụng thờ Thiên Chúa là sự khôn ngoan của con người.” (On the Trinity, Book XIV, 1, 1).  Đây là khôn ngoan trong đời sống thiêng liêng

  1. Khôn ngoan cũng cần được trải nghiệm

Trong đời sống thiêng liêng, rất nhiều lần chúng ta ở giữa tranh sáng và tranh tối.  Bóng tối và ánh sáng đôi khi khó phân biệt.  Thậm chí chúng ta biết ánh sáng, nhưng không muốn theo.  “Điều tôi muốn thì tôi lại không làm, điều tôi không muốn thì tôi lại cứ làm.” (Rm 7,19).  Ở đây, tôi xin chia sẻ với quý độc giả ba chiến thuật thiêng liêng để chiến thắng kẻ thù.  Kinh nghiệm này được thánh I-nhã, Đấng Sáng Lập Dòng Tên, ghi lại trong sách Linh thao:

  1. Chiến lược chống đối

Kẻ dám chiến đấu mới mong phần chiến thắng.  Trong đời sống thiên liêng cũng vậy.  Thánh I-nhã viết: “Kẻ thù xử sự như đàn bà, vì khi ta chống trả thì nó yếu, và khi ta để mặc thì nó mạnh.  Quả vậy, đặc tính của đàn bà khi gây gỗ với người đàn ông, là mất can đảm và chạy trốn khi người đàn ông thẳng tay chống trả.  Trái lại, nếu người đàn ông bắt đầu chạy trốn và mất can đảm, thì cơn giận, sự trả thù và sự hung dữ của người đàn bà thật không sao lường được.” (Linh thao số 325).  Dĩ nhiên thánh I-nhã chỉ mượn hình ảnh đời thường này để mô tả đời sống thiêng liêng.  Khi ta chống trả lại những cơn cám dỗ chính là lúc ta có cơ hội chiến thắng.  Đôi khi thất bại, nhưng có nhiều lúc thành công.  Nếu để ý, chúng ta sẽ biết được chiến thuật của kẻ thù.  Đây là được gọi là kinh nghiệm thiêng liêng (spiritual experiences).

  1. Chia sẻ để cùng nhau chiến thắng

Kinh nghiệm có thể học được từ người khác.  Linh đạo Kitô giáo đã để lại biết bao kinh nghiệm quý giá để giúp chúng ta chiến đấu trong đời sống thiêng liêng.  Một chiến thuật khác mà chúng ta dễ chịu thua trước kẻ thù, đó là chúng ta bị kẻ si tình dụ dỗ.  Trong trường hợp này, thánh I-nhã khuyên chúng ta hãy nói cho người khác biết.  Thật vậy, “khi kẻ thù của bản tính loài người đưa những sự xảo trá và xúi giục của nó vào linh hồn ngay lành, thì mong muốn những điều đó được tiếp nhận và giữ kín.  Nhưng khi linh hồn tỏ ra với cha giải tội tốt hay một người đạo đức nào khác am tường những dối trá và sự hiểm độc của nó, thì nó rất bất mãn, vì nó kết luận rằng không thể đạt tới điều xấu xa mà nó đã bắt đầu, vì sự dối trá rõ rệt của nó đã bị phanh phui.” (LT 326).

Kinh nghiệm trên có thể áp dụng trong nhiều trường hợp, nếu chúng ta muốn thắng kẻ thù.  Tuy vậy, Ma quỷ khôn hơn chúng ta nhiều[2].  Thua chiến thuật này, chúng bày ra chiến lược khác.

  1. Để ý đến yếu điểm của mình

Lời đề nghị trên khiến chúng ta mệt mỏi.  Tiếc rằng ai cũng có điểm yếu và thậm chí rất yếu trong cuộc chiến thiêng liêng.  Do đó ma quỷ rất hay sử dụng chiêu thức sau đây để đánh bại chúng ta:

“Kẻ thù lại còn xử sự như một tướng quân để thắng và cướp những gì nó muốn.  Ví như một vị chỉ huy cầm đầu đội quân, sau khi đặt doanh trại và xem xét lực lượng hoặc cách bố trí của một thành trì, sẽ tấn công vào điểm yếu nhất; thì cũng vậy, kẻ thù của bản tính loài người lượn quanh để dò xét những nhân đức đối thần, các nhân đức trụ và các nhân đức luân lý khác của ta, và điểm nào nó thấy ta yếu nhất và dễ nguy nhất cho phần rỗi đời đời của ta, nó sẽ tấn công vào đó và cố hạ ta.” (LT 327).

Ba chiến thuật của kẻ thù trên đây hẳn là bạn và tôi ít nhiều đều trải qua (có kinh nghiệm).  Linh đạo Kitô giáo đã gọi tên từng kinh nghiệm thiêng liêng này.  Biết là một chuyện, nhưng tập và chiến đấu là chuyện khác.  Ngày nay kinh nghiệm thiêng liêng ấy dường như đang bị lãng quên.  Nhất là với nhiều người trẻ, trước thời đại tục hóa, thử hỏi mấy người muốn chiến đấu thiêng liêng?  Nếu đọc được những dòng này, hẳn là bạn cũng muốn tập chiến đấu thiêng liêng.  Xin chúc mừng!  Đừng quên kinh nghiệm chiến đấu thiêng liêng càng mài dũa, bạn càng dẽ dàng chiến thắng cơn cám dỗ.  Chính lúc chiến đấu cũng là lúc chúng ta làm theo thánh ý Chúa.  “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào” (Lc 13,22-30).  Chúng ta chiến đấu với sự trợ giúp của Thiên Chúa, với kinh nghiệm khôn ngoan của Giáo hội!

  1. Kinh nghiệm thiêng liêng giúp chúng ta lớn lên

Khi viết đề mục này, tôi nhớ đến bài nghiên cứu của giáo sư Stephan Pretorius: Tìm hiểu về kinh nghiệm thiêng liêng trong linh đạo Kitô giáo[3].  Trong đó ông đúc kết (xin tóm dịch):

Trong truyền thống Kitô giáo, trải nghiệm linh thiêng là một hiện tượng vẫn còn gây tranh cãi ở một khía cạnh nào đó.  Có nhiều người tin rằng kinh nghiệm thiêng liêng là một khía cạnh rất cần thiết của các tín hữu Kitô giáo.  Người khác cho rằng kinh nghiệm này không còn nữa sau thời Chúa Giêsu sống trên dương thế.  Chỉ khi gặp Chúa Giêsu bằng xương thịt mới gọi là kinh nghiệm thiêng liêng.  Do đó, nếu ai đó có loại kinh nghiệm này chỉ là chuyện bịa đặt, hoặc người ấy có vấn đề về tâm lý.

Nhận xét trên đây Stephan Pretorius có phần nào đúng (nhất là về kinh nghiệm thần bí).  Tuy nhiên, Giáo hội này nay vẫn đang mời gọi chúng ta phân định, trải nghiệm thiêng liêng với Thiên Chúa.  Phân định thiêng liêng là gì, nếu không phải là: “Việc phán đoán dựa trên đức khôn ngoan và sự hướng dẫn của Thần Khí để nhận ra ý Chúa và làm theo sự thúc đẩy của Ngài.”[4]  Tôi vẫn tin rằng kinh nghiệm thiêng liêng có thể diễn ra trong chính đời sống của mỗi người.  Dĩ nhiên không phải ai cũng nhận được kinh nghiệm thiêng liêng trực tiếp mạnh mẽ như trường hợp thánh Phaolô trên đường Đa-mát (Cv chương 9).  Tuy nhiên, trải nghiệm tâm linh này cũng có thể xảy ra trong cuộc sống hàng ngày.  Càng để ý, càng tập, mỗi tín hữu càng có thể sống lớn mạnh trong ân sủng và sự thánh thiện của Thiên Chúa[5].

Sau cùng, mỗi người sẽ có kinh nghiệm thiêng liêng khác nhau, có khi là hoàn toàn khác.  Linh đạo Kitô giáo cho chúng ta chuẩn mực để đánh giá kinh nghiệm thiêng liêng của mình: tiếp xúc và gặp gỡ Thiên Chúa đang sống động trong Kinh Thánh.  Thiên Chúa trong Kinh Thánh chỉ có một.  Nếu chúng ta trải nghiệm thiêng liêng cùng với Thiên Chúa, nghĩa là kinh nghiệm của chúng ta giống nhau.  Điều này rất cần trong tiến trình hiệp hành tham gia mà chúng ta đang theo đuổi.

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

From: Langthangchieutim

Thánh Phao-lô Mi-ki và các bạn, tử đạo – Cha Vương

Chuẩn bị đón Tết chưa? Chúc bạn và gia đình một ngày thật hạnh phúc trong yêu thương nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 06/02/2024

Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Phao-lô Mi-ki và các bạn, tử đạo. Ngày 5 tháng 2 năm 1597, hai mươi sáu Ki-tô hữu đã bị đóng đinh thập giá ở Na-ga-xa-ki (Nhật Bản). Trong số đó có những nhà truyền giáo từ châu Âu đến như các tu sĩ dòng Tên và dòng Phan-xi-cô, nhưng còn có cả các tu sĩ Nhật Bản, như thánh Phao-lô Mi-ki (sinh khoảng năm 1564/1566) và mười bảy giáo dân gồm: các giáo lý viên, các người thông ngôn, hai bác sĩ, và cả các trẻ em nữa. Tất cả đều tươi cười, nhiều người còn ca hát khi chịu chết để làm chứng cho Chúa Ki-tô. Sau đây là đoạn trích truyện tử đạo của thánh Phao-lô Mi-ki và các bạn do một tác giả cùng thời thuật lại.

Thật là kỳ diệu khi thấy các vị tử đạo bị treo trên khổ giá mà tất cả đều một niềm kiên trung theo lời cha Pa-xi-ô và cha Rót-ri-ghê lần lượt khuyên bảo. Cha đặc uỷ vẫn ở yên dường như bất động, mắt đăm đăm nhìn trời. Để cảm tạ lòng nhân từ của Chúa, thầy Mác-ti-nô hát mấy thánh vịnh kèm theo câu : Trong tay Ngài, lạy Chúa. Thầy Phan-xi-cô cũng lên tiếng dõng dạc tạ ơn Thiên Chúa. Thầy Gun-xan-vô thì cất cao giọng đọc kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng.

Phao-lô Mi-ki, người anh em của chúng tôi, khi thấy mình ở nơi cao trọng hơn hết mà trước kia chưa bao giờ được ở, trước tiên đã nói cho những người đứng chung quanh biết mình là người Nhật và thuộc dòng Tên, mình chết vì loan báo Tin Mừng và tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân cao cả đó, rồi thêm những lời sau đây : “Đã đến lúc này, tôi thiết tưởng không ai trong quý vị lại tin rằng tôi muốn che giấu sự thật. Vậy tôi xin tuyên bố cùng quý vị là không có con đường nào đưa tới ơn cứu độ, ngoài con đường các Ki-tô hữu đang đi. Vì con đường đó dạy tôi tha thứ cho kẻ thù và mọi người đã xúc phạm đến tôi, nên tôi vui lòng tha thứ cho nhà vua và mọi người đã gây ra cái chết cho tôi, và tôi xin họ hãy ao ước đón nhận bí tích Thánh Tẩy của người Ki-tô hữu.”

Rồi đưa mắt nhìn các bạn, người khuyến khích họ trong cuộc chiến đấu cuối cùng này. Trên nét mặt mọi người thấy rạng rỡ một niềm vui, nhất là niềm vui trên gương mặt Lu-y.

Khi một Ki-tô hữu nói lớn với người rằng chẳng bao lâu nữa người sẽ ở trên thiên đàng, thì các ngón tay và toàn thân người biểu lộ niềm vui chan chứa, khiến ai nấy đều đưa mắt nhìn người.

An-tôn, ở bên cạnh Lu-y mắt đăm đăm nhìn trời, sau khi kêu tên cực trọng Giê-su, Ma-ri-a, thì xướng thánh vịnh đã học được trong lớp giáo lý ở Na-ga-xa-ki : Hỡi tôi tớ Chúa, hãy dâng lời ca ngợi. Quả vậy, trong lớp đó, để dạy giáo lý, người ta cho các trẻ em học thuộc lòng một số thánh vịnh.

Sau hết, người thì lặp lại nhiều lần “Giê-su, Ma-ri-a” với nét mặt bình thản, người thì khuyên bảo những kẻ đứng chung quanh sống sao cho xứng danh Ki-tô hữu. Với những hành vi tương tự, các ngài tỏ ra sẵn sàng chịu chết.

Bấy giờ, theo thói quen của người Nhật, bốn đao phủ rút kiếm ra khỏi bao: thấy cảnh tượng khủng khiếp đó, mọi tín hữu kêu lên: “Giê-su, Ma-ri-a”, tiếng khóc than thảm thiết tiếp theo sau vang lên thấu tận trời. Trong khoảnh khắc, các đao phủ đã kết liễu cuộc đời mỗi vị bằng một hay hai nhát kiếm.

Bạn đã và đang làm gì để làm chứng nhân cho Chúa Giê-su Ki-tô trong môi trường sống của bạn?

From: Do Dzung

Anh Hùng Tử Đạo. Sáng tác: Hồ Khanh & Minh Hương. Ca Trưởng Thanh Tùng 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Chiều tảo mộ

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả:  Tưởng Năng Tiến

06/02/2024

“Vừa rồi tôi có đi Tây Nguyên dự lễ bỏ mả của gia đình ông Y Ngông Niết Đam. Người Eđê có một tục lệ rất đặc biệt. Khi nhà có người chết, gia đình con cháu hàng ngày vẫn nuôi nấng, vẫn mang cơm nước ra mộ, khi có điều kiện họ làm lễ bỏ mả.

Đó là bữa tiệc linh đình chia tay vĩnh viễn với người chết. Sau đó họ không quan tâm đến ngôi mộ ấy nữa, để linh hồn người chết được siêu thoát, không còn vướng víu cõi trần.” (Trần Đăng Khoa. Chân Dung và Đối Thoại. Nxb: Thanh Niên, 1988).

Bãi mả, thực ra, không phải là “một tục lệ rất đặc biệt của người Eđê” mà là tập tục chung của nhiều sắc dân bản địa – ở Việt Nam:

“Đối với người Roglai – sắc dân sống rải rác các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, và Lâm Đồng – lễ cúng bỏ mả có nghĩa là người sống từ giã người chết. Lễ này được cử hành sau mùa gặt hái đầu tiên, tính từ ngày người chết qua đời.

Mùa gặt hái hoàn tất, mọi người đều rảnh rang nên lễ cúng bỏ mả làm linh đình lắm. Có giết trâu mổ bò, mời thầy cúng làm lễ cho người khuất rồi đãi làng nước. Sau lễ bỏ mả là hết, ngôi mộ không được ai chăm sóc nữa.

Người Rhadé, đa số sinh sống tỉnh Darlac và Quảng Đức, cũng có lệ bỏ mả vào mùa gặt năm sau. Người nhà ra mộ khóc lóc một lần cuối rồi mộ bị bỏ hẳn. Kỷ niệm của người chết cũng chìm dần vào quên lãng.

Người Bahnar – sắc dân sống ở Đông Nam Kômtum, Tây Bắc Pleiku, và phía Tây Bình Định – cũng chỉ chăm sóc mộ phần một năm… Sau đó họ làm lễ tạ rồi san phẳng, và từ đây không còn ai ngó tới.” (Toan Ánh. “Tang Lễ Của Đồng Bào Thượng.” Nhật báo Cách Mạng Quốc Gia, Sài Gòn 01 Sept 1963).

Bỏ mả, hay bãi mả là điều bắt buộc trong nếp sống du canh. Tục tảo mộ hằng năm, chắc chắn, chỉ bắt đầu khi nhân loại tiến đến giai đoạn định canh. Còn tôi thì phải  mãi cho đến cuối năm 2014, mới được rủ đi tảo mộ (lần đầu) khi đang lơ ngơ giữa một chiều Xuân, nơi đất lạ.

Cái nắng của những buổi chiều cuối năm thường khiến tôi hay bị nặng lòng, dù ở bất cứ đâu. Nhưng phải trải qua một buổi chợ chiều, chợ tết, ở một làng quê nơi đất lạ thì mới hiểu ra thế nào là nỗi buồn xa xứ.

Dân Việt túm tụm dọc mé sông Tonle Sap, đoạn chảy qua xã Phsar Chhnang (tỉnh Kampong Chhnang) có thể đông đến vài ngàn. Tuy thế, cái đám người trôi sông lạc chợ nhếch nhác, te tua, rách nát này không tạo nổi không khí Tết cho khu chợ cạnh bờ.

May mà vẫn còn vài cái cặp đèn lồng đỏ, năm bẩy cây quất, và mấy chậu cúc vàng của những gia đình gốc Hoa nên hè phố trông cũng đỡ phần ảm đạm. Tôi cứ nhìn mãi một em gái nhỏ, đứng bán đôi cành mai đã héo mà không khỏi cảm thấy có đôi chút bận lòng.

Như mọi người Việt khác ở bến sông này, tôi cũng là kẻ phiêu bạt không nhà nên chả có chỗ để cắm hoa. Muốn biếu em một số tiền nho nhỏ, đủ để sắm sửa một bữa cơm chiều cuối năm tươm tất cho gia đình nhưng đang loay hoay chưa biết cách sao cho tế nhị thì chợt nghe tiếng đồng hương quen thuộc:

  • Sao ông thầy lang thang gì mình ên vậy ? Đi tảo mộ với tụi em nha, gần xịt thôi hà.

Thấy tôi hơi ngần ngừ, bà vợ rụt rè thêm:

  • Dạ, sẵn bữa nay có làm gà với mua được xị rượu để cúng nên mới dám mời ông thầy …

Nghe cách xưng hô thì tôi đoán là họ có con đang theo học ở trường làng Kandal, dưới bến sông. Không ai biết tôi tên gì cả, họ chỉ thấy ông già này thường lui tới ngôi trường này và hay chơi đùa với lũ trẻ con nên gọi tôi bằng “thầy” cho nó tiện việc sổ sách – thế thôi.

Phải nhìn thấy cảnh nuôi gà trên những túp lều nổi tả tơi, và những bữa cơm đạm bạc quanh năm (toàn với khô hay cá vụn nhỏ li ti) của những người suốt đời sống lênh đênh thì mới hiểu được rằng được mời ăn gà là một hân hạnh không thể chối từ – dù tôi chả mặn mà gì với gà và vịt!

May mà từ chợ đến nghĩa địa gần thật, chỉ chừng hơn cây số. Đang là mùa khô, nước rút nên mới lộ ra vài chục tấm mộ bia thô kệch và xấu xí. Chả ai sống qua tuổi sáu mươi. Khi còn tại thế (chắc) họ chưa bao giờ được giáp mặt với một ông nha sĩ, hay bác sĩ – dù chỉ một lần.

Sau khi thắp hương, nhổ cỏ, vun xới mộ phần, mọi người ngồi quanh chuyện trò ăn uống. Dường như ai cũng cảm thấy mãn nguyện vì đã làm xong chút bổn phận, cuối năm, với kẻ đã khuất.

Khó có thể ngờ rằng được đó là lần tảo mộ cuối cùng của cộng đồng người Việt ở xã Phsar Chhnang. Năm sau, từ Phnom Penh, thông tín viên Sơn Trung ̣(RFA) tường thuật: “Làng nổi của người Việt bị di dời… Theo thông báo của chính quyền tỉnh Kampong Chhnang thì việc di dời sẽ được thực hiện từ ngày 10 tháng 10 và chấm dứt trước ngày 25 tháng 10 năm 2015.”

Tháng 10 thì Á Châu vẫn còn mưa, và mưa tầm tã. Bia mộ vẫn còn chìm sâu dưới nước. Với cái “thông báo” bất ngờ (và bất nhơn) trên thì chắc chắn không ai có cơ hội tạ mả, trước khi tiếp tục trôi xuôi theo kiếp lục bình.

Ở trời Âu, có những kẻ may mắn hơn nên được nằm yên mãi mãi trong những mộ phần và được thăm viếng thường xuyên:

“Tôi vào tiệm tạp hóa Tàu ở Luân Đôn mua một thẻ nhang ngắn rồi xuống Portsmouth, bắt phà qua Normandy… Bây giờ là mùa đông. Khi phà tiến gần vào bờ cho đến khi cặp bến Ouistreham nằm phía cực đông của bờ biển Normandy, trời còn rất tối. Sao Mai sáng long lanh, các ngọn đèn rải thưa quanh bến tàu, ánh sáng vàng đứng bóng, không hắt hiu…

Tôi đi bộ dọc bờ biển từ hướng đông, bắt đầu từ chỗ giáp mép biển của con kênh đào từ Caen (cách biển chừng 16 cây số). Cứ khoảng 100 thước, một tấm biển tưởng niệm, hình ảnh thế hệ các người lính thuộc binh chủng đã đổ bộ, và tên tuổi của một người lính tử trận ngày 6.6.1944…

Từ nơi này đi bộ hai cây số đến nghĩa trang đồng minh ở làng Ranville, ngôi làng đầu tiên trên đất Pháp được giải phóng sau khi người lính Dù chiếm giữ cầu Pegasus. Trên bản đồ là nghĩa trang của Anh, nhưng ở góc bên trái từ cổng vào có 330 bia mộ người lính Đức, chia cùng mảnh đất nghĩa trang với 2.235 người lính nhảy dù thuộc quân đội Anh, Úc, New Zealand, Bỉ, Pháp, Ba Lan…

Mỗi ngôi mộ người lính Đức đều có bia như các ngôi mộ của người lính đồng minh, tên tuổi, ngày sinh và ngày chết, chỉ khác là huy hiệu binh chủng được thay bằng dấu Thập tự Sắt. Dưới bầu trời xám đục, đài thánh giá trắng có hình cây kiếm mũi hướng xuống đất nổi bật ngay giữa nghĩa trang. Những linh hồn nơi đây không còn chiến tranh nữa. Kiếm đã cắm hay cất. Không có một chữ ‘hòa giải’ nào trong nghĩa trang chung này. Nhưng các bia mộ của người lính Đức và người lính đồng minh nằm bên nhau. Người sống không thù hận nên người chết yên lành.” (Hồ Đắc Túc. “Những Mộ Phần Bên Nhau”. Dân Luận 01/01/201̣9).

Cùng lúc với Hồ Đắc Túc, Ngô Thanh Tú cũng đi tảo mộ ở quê nhà (Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà) nhưng với tâm trạng hoàn toàn không thư thái:

“Cứ mỗi bước chúng tôi đi đều phải chịu sự giám sát của ít nhất hai bảo vệ nơi này. Ánh mắt soi mói, những câu hỏi vô duyên, như : chụp hình để làm gì? Có động cơ gì không? làm chúng tôi vô cùng khó chịu. Người bạn đi cùng tôi nói, dường như cái chủ trương truy cùng giết tận còn được áp dụng cho cả người chết. Chế độ này ko chỉ trả thù người chết mà còn sợ họ đội mồ sống dậy nên kiểm soát rất chặt chẽ.”

FB Từ Đức Minh cho biết thêm : “Với bản chất thú tính, bất chấp luân lý và tình người. Người Cộng Sản không cần biết thế nào là nghĩa tử, nghĩa tận. Họ chủ động giáo dục cho đám con trẻ gọi mộ người lính Việt Nam Cộng Hòa là ‘mả ngụy’, ‘mả giặc’. Người ta canh tác rau trên mộ, tưới nước phân dơ bẩn, thả trâu bò lội giẫm đạp lên mộ. Khốn nạn hơn nữa, họ cho người đào giữa ngôi mộ và trồng lên đó những cây to. Mấy năm sau cây lớn làm xập mộ…”

Người đang sống ở Lộc Hưng mà họ còn ủi cho xập nhà, xập cửa thì xá gì đến chuyện mộ bia ở Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà!


 

CON DÂU CẢ…Truyện ngắn

Kimtrong Lam

Nhân được nghỉ 2 ngày, gia đình ông tổ chức họp mặt vào buổi chiều cho mát.

Chiều mới ăn uống mà, buổi trưa bớt nắng, ông xách cần câu đi câu….

Tầm hơn 5h chiều, ông lóc cóc đạp xe về.

Về nhà tắm rửa xong thì bàn ăn đã bày biện xong, ông bà và gia đình xúm nhau vào ngồi ăn uống chuyện trò.

Trong bàn ngồi bên cạnh anh con cả có 1 bóng hồng.

Ông nghĩ chắc bạn gái con mình, ông vẫn mời chào vui vẻ:

– Ăn đi cháu, vui mà.

Con bé trả lời:

– Dạ bác để mặc con….

Tiệc gần tàn, cậu trai cả mới giới thiệu:

– Bố, mẹ, đây là bạn gái con.

Ông vẫn nhai, vẫn uống bia.

– Bố, đây là Hoa, bạn gái con, con định làm đám cưới với Hoa, bố thấy sao.

– Ờ, yêu nhau thì lấy nhau có gì đâu.

– Nhưng Hoa đã li dị 1 đời chồng.

– Ồ li dị rồi thì lấy được mà.

– Bố không ý kiến gì sao?

– Ồ! Ý kiến gì bây giờ, 2 đứa yêu nhau thật tình thì lấy nhau thôi.

Vấn đề là mai mốt có giận nhau thì đừng có mà lôi quá khứ của nhau ra mà bêu xấu nhau là được rồi.

Con bé mặt đang tái xanh, bỗng hồng trở lại, mặt tươi như hoa.

– Con cám ơn bác….

Tối ngủ, bà vợ thủ thỉ bên tai:

– Nó có 1 đời chồng rồi, anh đồng ý nhanh vậy?

Ông trả lời:

– Cứu 1 linh hồn khỏi đau khổ còn hơn cúng dường tam bảo xây chục cái chùa mà bà đi viếng mỗi tháng mà….

Hôn lễ được cử hành vào đầu tháng Giêng vừa qua tết….

Sau đám cưới được 4 tháng. Ông trở bệnh, bà đưa ông vào cấp cứu bệnh viện Thủ Đức cho gần nhà….

Vào phòng cấp cứu ông nằm đó không biết trời trăng gì. Bà vợ sợ mùi ester nên kêu dâu Cả vào trông bố chồng dùm.

Trong cơn mê ông nghe y tá báo bác sĩ:

– Bệnh nhân H sốt cao quá, huyết áp lên 238/117, nhịp đập trên 120.

Bác sĩ bảo:

– Gọi người nhà bệnh nhân lau nước ấm nhanh lên, truyền dịch hạ huyết áp ngay….

Nằm thiếp đi 1 lúc, ông nghe có tiếng hơi thở và cảm thấy âm ấm trên trán.

Ông hé mắt nhìn thấy con dâu Cả đang chườm khăn ấm lên đầu, mắt nhìn chăm chú vào mặt mình.

Ông khẽ hỏi:

– Mấy giờ rồi con.

– Bố tỉnh rồi hả? Bác sĩ ơi, bố tôi tỉnh rồi, mới có 2 giờ sáng thôi bố.

Cô y tá chen vào:

– “Con gái ông” đã thức suốt từ 8 giờ tối hôm qua đến giờ, chườm nước nóng cho ông đó ông.

Ông khẽ bảo:

– Con kiếm chỗ ngủ tạm đi. Bố không sao đâu.

– Dạ được, con thức học bài quen rồi bố.

– Cám ơn “con gái” yêu của bố nhe.

Và ông ngủ thiếp đi……

Phật dạy:

“Gieo Nhân nào sẽ được Quả đó”.

Chúa dạy:

“Khi cho đi sẽ nhận lại rất nhiều”.

Có đúng không nhỉ?

Từ fb Đặng Hà


 

Thánh Agata Sicilê (c. 235?-251), đồng trinh tử đạo.- Cha Vương

Chúc một ngày thật ấm áp bên Chúa và người thân yêu nhé! Hôm nay 5/2, Giáo Hội mừng kính Thánh Agata Sicilê (c. 235?-251), đồng trinh tử đạo. Đặc biệt là qua lời chuyển cầu của thánh nhân nhiều bệnh nhân bị ung thư vú đã được chữa lành. Vậy hôm nay mời bạn hãy dành thời gian để cầu nguyện cho những ai đang mắc bệnh liên quan đến vú.

Cha Vương

Thứ 2: 05/02/2024

Cũng như trường hợp của Thánh Agnes, vị đồng trinh tử đạo thời Giáo Hội tiên khởi, chúng ta không có dữ kiện lịch sử chắc chắn về Thánh Agata, ngoại trừ sự kiện ngài chịu tử đạo ở Catania  trong thời kỳ cấm đạo của hoàng đế Rôma là Decius năm 251.

Theo truyền thuyết, ngài sinh trưởng năm 235 tại Catania, Sicily (nước Ý) trong một gia đình giầu có. Khi còn trẻ, ngài đã tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, và từ chối bất cứ lời cầu hôn nào. Một trong những người say mê ngài là Quintian, là người có địa vị cao trong xã hội nên nghĩ rằng có thể ép buộc thánh nữ. Biết ngài là Kitô Hữu nên ông ra lệnh bắt giữ và đưa ra xét xử – bởi chính ông. Hy vọng rằng vì sợ hãi sự tra tấn và cái chết, thánh nữ sẽ đành phải trao thân cho ông, nhưng ngài nhất quyết tin tưởng vào Thiên Chúa, và cầu nguyện rằng: “Lạy Ðức Kitô Giêsu, là Chúa mọi sự! Ngài đã thấy lòng con, Ngài biết con muốn gì. Xin hãy làm chủ toàn thể con người của con – chỉ mình Chúa mà thôi. Con là chiên của Ngài; xin giúp con vượt qua sự dữ một cách xứng đáng.”

Sau đó, Quintian tống Agata vào nhà gái điếm lấy cớ ngài là người Công Giáo với hy vọng ngài sẽ thay đổi ý định. Sau một tháng bị đánh đập và xỉ nhục, Quintian lại đưa ngài ra xét xử, nhưng Agatha vẫn không lay chuyển, vẫn can đảm tuyên xưng rằng chỉ một mình Chúa Giêsu mới có thể ban cho ngài sự tự do. Quintian lại tống ngài vào ngục thay vì nhà gái điếm. Và khi ngài tiếp tục tuyên xưng đức tin nơi Chúa Giêsu, Quintian ra lệnh tra tấn. Ðể trả thù, bạo quan hạ lệnh nướng ngài trên giường sắt. Sau đó, người ta lại tống giam thánh nữ. Tương truyền thì trong đêm đó, thánh Phêrô đã hiện ra và chữa lành cho ngài. Dù bị quan trấn Quintian nhiều lần dụ dỗ, ngài vẫn một lòng trung kiên với đạo Chúa. Dù đau đớn lăn lộn trên than hồng và mảnh chai nhọn, ngài vẫn tin cậy vào Chúa, Ðấng sẽ cứu linh hồn ngài. Chính cử chỉ của thánh nữ khiến cả thành phố náo động, Quintian sợ dân nổi loạn nên truyền giam thánh nữ trong ngục.

Ngài đã chết rũ tù ngày 25 tháng 2 năm 251 tại Catania, Sicily. Trước khi chết, ngài cầu nguyện: “Lạy Chúa, là Ðấng dựng nên con, Ngài đã gìn giữ con từ khi còn trong nôi. Bởi tình yêu thế gian Ngài đã dẫn dắt con và ban cho con sự kiên nhẫn để chịu đựng đau khổ. Xin hãy nhận lấy hồn con.”

Thánh nữ đã làm nhiều phép lạ như che chở thành Catania khỏi hiểm họa núi lửa Etna. Ngay từ thời đó, người ta đã cầu khẩn và cậy trông vào sự cầu bầu của thánh nữ. Ngài được coi là quan thầy của xứ Palermo và Catania, và được chọn làm quan thầy các bà vú nuôi và cũng được cầu khẩn khi bị tai nạn vì lửa và vì bệnh nhủ bộ.

(Nguồn: Người Tín Hữu )

Lạy Chúa, thánh nữ A-ga-ta đã luôn luôn làm đẹp lòng Chúa, vì vừa sống cuộc đời kiên trinh, vừa can trường hy sinh tử đạo. Xin nhận lời thánh nữ chuyển cầu cho chúng con được ơn tha thứ. Chúng con cầu xin nhờ danh Chúa Ki-tô Chúa chúng con. A men. (Lời nguyện, Lễ nhớ)

From: Đỗ Dzũng

Niềm Tin Kiêu Hùng – Anna Trần Thanh Huyền / Nhạc Thánh Ca 


Hãy hạnh phúc ngay bây giờ!

Chúng ta tự thuyết phục mình rằng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn sau khi chúng ta kết hôn, có con, có công việc và có một ngôi nhà mới. Sau đó, chúng ta lại thất vọng khi những đứa con của chúng ta chậm lớn và chúng ta không đạt được những điều mình mong muốn.

Sự thật thì không có thời gian nào tốt hơn để hạnh phúc cho bằng ngay bây giờ! Bởi nếu không phải bây giờ thì là khi nào?

Cuộc sống của bạn luôn luôn đầy ắp những sự thách thức. Dù thế nào đi nữa, cách tốt nhất là bạn hãy tự thừa nhận điều này và quyết định một cuộc sống hạnh phúc.

Hãy đánh giá cao mỗi khoảnh khắc bạn có và đánh giá cao hơn nữa bởi vì bạn chia sẻ nó với một số người đặc biệt – đủ đặc biệt để bạn dành thời gian với họ… Và nhớ rằng thời gian không chờ ai!

Vì thế mà hãy dừng việc chờ đợi…

… cho đến khi bạn có một ngôi nhà

… cho đến khi bạn có một chiếc xe hay một công việc mới

… cho đến khi bạn quay lại trường học

… cho đến khi bạn… giảm đi vài cân

… cho đến khi bạn hoàn thành chương trình học ở trường

… cho đến khi bạn kết hôn

… cho đến khi bạn ly hôn

… cho đến khi bạn có con

… cho đến khi những đứa con của bạn rời khỏi gia đình

… cho đến khi bạn nghỉ hưu

… cho đến mùa hè

… rồi lại mùa thu

… mùa đông

… mùa xuân

… và cho đến khi bạn không còn nữa!

Hạnh phúc không có nghĩa là mọi thứ đều hoàn hảo. Hạnh phúc là khi bạn quyết định nhìn thấy tầm xa của sự dở dang nào đó.

Không có thời gian nào tốt hơn bây giờ để hạnh phúc… Hãy tin rằng bạn hạnh phúc vào ngay ngày hôm nay!

Khát vọng tuổi trẻ

From: haiphuoc47 & NguyenNThu


 

CUỘC ĐỜI CHỈ CẦN VẬY LÀ ĐỦ!

Trên chuyến tàu về quê ăn Tết, tôi ngồi gần ông bà cụ ấy! Hình như ông cụ còn phải đeo máy trợ thính, thuốc trợ tim và hộp xịt bệnh hen suyễn luôn kè kè bên cạnh. Ông cụ có vẻ mệt hơn bà cụ nhiều vì đường khá xa, nhưng ông không hề kêu ca, chỉ chăm chú để ý bà, thi thoảng hỏi “Bà có mệt không? Có cần nằm không thì tôi xuống đất ngồi để bà nằm ghế”.

Bà chỉ lẳng lặng lắc đầu, rồi lại nhìn ra phía cửa. Thi thoảng ông lại nắm tay bà hỏi lại “Bà có mệt không? Có cần nằm không?”

Lúc bà mệt và gục vào ông ngủ, tôi hỏi ông bà lấy nhau bao lâu rồi? Ông bảo ôi ông cũng chả rõ. Lâu lắm rồi. Giờ bà ấy già lẫn còn không nhớ ra ông là ai nhưng vẫn ở bên ông vì cảm giác ông quen quen hơn mọi người khác.

Tôi nhớ nhiều lần nằm cạnh nhau, H hỏi, “M ơi nếu sau này em tầm 60 tuổi mà đã mất trí nhớ ấy, anh có dắt em ra ngoài đường bỏ em ngoài không ?”. Những lần như thế tôi nổi giận hét :” vợ với con liên thiên à, im ngay không tớ tống chuối vào mặt bây giờ”. Vì tôi nghĩ vợ mình toàn kiểu thẩn thơ lo vớ lo vẩn.

Hôm nay tôi mới hiểu, cuộc đời người đàn bà, ai cũng chỉ mong yêu được, lấy được một người chồng mà cho tới khi già cỗi, chẳng còn phân biệt được ai với ai, vẫn có người ấy thật lòng ở bên chăm sóc, nắm tay nhau cho đến lúc hơi tàn. Giống như ông bà cụ mà tôi gặp hôm nay.

Tình yêu, là thương lấy mọi thứ của nhau, dù là khi còn trẻ, hay là lúc nhăn nheo tuổi già.

Giờ nếu mụ vợ mất não của tôi, nó mà dụi mặt hỏi tôi liệu có bỏ nó nếu nó già đi và lú lẫn không, tôi sẽ không bao giờ nổi nóng  doạ đập chuối vào mặt nó nữa. Vì đi nhiều, gặp nhiều, tôi đã hiểu được trong lòng nó luôn lo sợ điều gì.

Tôi cũng chỉ mong sau này nếu lỡ tôi già trước, tôi quên nó trước, nó vẫn ngồi cạnh tôi, trên chuyến tàu nào đó chẳng hạn, nắm lấy tay và thi thoảng hỏi, “M ơi ông có mệt không?”

Chắc cuộc đời, chỉ như vậy là đủ.

DieuLe__Sưu tầm

From: haiphuoc47 & NguyenNThu


 

 TIỀN VÀ ĐẠO ĐỨC-Truyen ngan

  
 Câu chuyện này xảy từ hơn 30 năm trước vào một buổi tối mùa đông lạnh giá ở Washington D.C. Vợ của một doanh nhân giàu có bất cẩn làm rơi túi xách tại một bệnh viện. Sau khi biết chuyện, vị doanh nhân này vô cùng lo lắng vì bên trong túi xách không chỉ có 100 ngàn đô mà còn chứa thông tin thị trường vô cùng cơ mật. Ông vội vã lái xe đến bệnh viện ngay lúc nửa đêm.

Khi ông vừa đến nơi thì thấy một cô bé gầy còm đang ngồi ở hành lang bệnh viện, tay ôm chặt chiếc túi da mà vợ ông đánh mất. Cô bé ngồi dựa lưng vào tường, người run lên vì lạnh.

Cô bé ấy tên là Chiada. Em có người mẹ đang nằm  bệnh viện và bệnh tình rất nặng. Nhà chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau sống qua ngày, họ đã bán đi tất cả mọi thứ có thể nhưng cũng chỉ đủ trả tiền cho bệnh viện đêm nay. Họ đã hết nhẵn tiền.

Buổi tối định mệnh hôm ấy, Chiada bất lực đi đi lại lại ở hành lang bệnh viện, nước mắt giàn giụa, cầu xin Thượng Đế hãy ban cho mẹ con em một phép màu. Vừa lúc đó, một người phụ nữ đi từ trên lầu xuống. Bà làm rơi chiếc túi da xuống đất, có thể là trong tay còn đang cầm thứ khác nên không biết túi xách bị rơi. Ở hành lang chỉ có một mình Chiada. Cô bé nhặt chiếc túi lên, vội vàng đuổi theo người phụ nữ ra cửa, nhưng bà đã lên một chiếc xe hơi sang trọng và đi mất rồi.

Chiada quay lại phòng bệnh và kể cho mẹ câu chuyện này.. Khi mở chiếc túi ra để tìm danh tính của người mất đồ, hai mẹ con đều sửng sốt bởi xấp tiền trong đó 100 ngàn đô là số tiền quá lớn đối với họ và nó rất có thể sẽ chữa lành bệnh của người mẹ. Nhưng mẹ của Chiada bảo con gái hãy mang chiếc túi quay lại hành lang, đợi người bị mất đến nhận lại…

Sau khi được trả lại chiếc túi xách quan trọng, vị doanh nhân đã gắng hết sức chạy chữa cho mẹ của Chiada. Tuy nhiên bà vẫn không qua khỏi. Vì không muốn cô bé Chiada phải sống cô độc nên ông đã nhận nuôi cô bé và cho em đi học.

Kể từ sau đó, công việc kinh doanh của vị doanh nhân ngày càng phát triển, không lâu sau ông đã trở thành một tỷ phú. Sau khi tốt nghiệp đại học, Chiada cũng đến giúp đỡ ông quản lý công ty. Nhờ sự thông minh và những kinh nghiệm được học từ cha nuôi mà Chiada nhanh chóng trở thành một nữ doanh nhân thành công, rất nhiều việc cha nuôi đều phải hỏi ý kiến của cô.

Khi sắp qua đời, vị doanh nhân đã để lại một bản di chúc:

*Trước khi quen biết mẹ con Chiada, tôi nghĩ mình là một người rất giàu có. Nhưng khi đứng trước hai mẹ con họ – những người nghèo khổ, không có tiền chữa bệnh nhưng vẫn nhất quyết trả lại 100 ngàn đô, tôi nhận ra rằng họ mới là những người giàu có nhất. Bởi dù trong hoàn cảnh nào, họ luôn giữ một tiêu chuẩn đạo đức rất cao.

Đây là điều mà người làm kinh doanh như tôi thiếu nhiều nhất. Tiền của tôi hầu hết đến từ sự tranh giành, tâm kế trên thương thường. Chính họ đã khiến tôi hiểu được nguồn vốn lớn nhất của đời người chính là phẩm hạnh.

Tôi nhận nuôi Chiada cũng không phải để trả ơn hay thương hại mà là mời về một tấm gương làm người. Có cô bé bên cạnh, trên thương trường, tôi luôn cố gắng ghi nhớ việc gì nên làm, việc gì không nên; số tiền nào nên lấy, số tiền nào không nên. Đây chính là sự bảo đảm vững chắc cho công ty phát triển và sau này tôi đã trở thành một tỷ phú.

Sau khi tôi ra đi, toàn bộ tài sản sẽ để lại cho Chiada thừa kế. Đây không phải là quà tặng, mà vì tôi muốn sự nghiệp của mình có thêm huy hoàng và thịnh vượng hơn. Tôi tin rằng, con trai tôi sẽ hiểu được tâm ý của tôi.

Sau khi người con trai của ông từ nước ngoài trở về, đọc kỹ di chúc của cha, anh đã ký tên vào văn bản thừa kế :

 Tôi đồng ý để Chiada là người thừa kế toàn bộ tài sản của bố mình. 
   Chỉ mong cô ấy có thể làm vợ tôi.
 
   Chiada suy nghĩ một lúc rồi cũng cầm bút ký tên:
– Tôi chấp nhận toàn bộ tài sản mà cha nuôi để lại, bao gồm cả con trai của ông.

From: NGOC PHAN & KimBang Nguyen


 

 

NGHIỆP ĐỜI CÒN Ở ĐÂU ĐÂY…?! – NGUYỄN GIA VIỆT

NGUYỄN GIA VIỆT

Một người vừa mất, bà con đầu tiên là hơi chất ngất vì lẽ sanh lão bịnh tử, kế nữa là hay hỏi một câu “Xét công nghiệp, vị đó đã làm lợi gì cho dân tộc?”

Khi Thiền sư Nhất Hạnh vừa qua đời, hỏi rằng ông đã làm gì lợi cho dân tộc mình?

Tôi có quen một vị sư trù trì một ngôi chùa cổ, khi nói về sự uyên bác của Thiền Sư Thích Nhất Hanh thì cái gì ông cũng ok, duy nhứt có một cái ông ngập ngừng và lắc đầu.

Nhiều nguồn tin nói Thiền sư Nhất Hạnh xuất gia tu học từ năm 16 tuổi nhưng đã từng có vợ con, bà vợ tên Cao Ngọc Phượng!

CNP Là ai? là bà ni sư đi Chân Kh trong Làng Mai đó . Albert Einstein từng nói “Không có gì trên đời là tuyệt đối. Cái duy nhất tuyệt đối là cái tương đối.”

Viết cái này không phải kể xấu thiền sư Thích Nhất Hạnh mà chỉ nói lên một sự thực

Nói vầy sẽ nhớ tới vụ “Thầy ông nội”

Ðúng theo Ðạo Phật thì người xuất gia (mà chúng ta quen gọi là Sư Tăng) không được lập gia đình

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sau khi gần như bị VNCH trục xuất ra khỏi VN đã ở tư thế lưu vong,ông có công lớn trong việc phổ biến dòng thiền Làng Mai ra toàn thế giới, song ông bị dính hai vấn đề, thứ nhứt là dính chánh trị , thứ nhì là dính….

Nhiều tài liệu khẳng định thiền sư ở với bà CNP có hai đứa con gái

Ngày nay sư cô Chân Kh cũng là một nhân vật quan trọng trong Làng Mai,  phát ngôn rổn rảng.

Cuốn “Đi vào cõi thơ” ấn hành năm 1969 tại SG của Bùi Giáng, ông Bùi Giáng chê ông Thích Nhất Hạnh bằng một câu:

“Nhất Hạnh có nguồn thơ chứa chan. Chúng ta không hiểu vì lẽ gì nguồn thơ đó lại không đủ sức ngăn cản ông, khiến ông hì hục hiện đại hóa Phật Giáo Uyên Nguyên. Trường hợp Nhất Hạnh là trường hợp một thi sỹ thiên tài bị vướng phải cạm bẫy của triết học Tây Phương”.

Vào ngày 5/2/ 1966 ông Thích Nhất Hạnh sáng lập tại Việt Nam dòng tu “Tiếp Hiện”, tiếng Anh là The Order of Interbeing, tiếng Pháp là L’ordre de l’interêtre.

Dòng tu này dành cho người xuất gia cũng như người thế tục, nam cũng như nữ.

Quan trọng là dòng này cho phép người tu lập gia đình.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh có công giới thiệu đạo Phật theo giáo phái Làng Mai của ông ấy cho giới thị dân Âu Mỹ trong thế giới lậm khoa học làm nhiều người bị stress và mất phương hướng.

Tạm gọi Thiền sư Thích Nhất Hạnh tạo ra “Đạo Bụt” gồm thiền và lời nói dạng “diễn xướng” phần nhiều .

Thiền mà đụng nhau tay chân quơ quào,ôm ấp yêu thương có gì đó nó trần tục quá.

Cái vụ bông hồng cài áo trắng hay đỏ là của ông Hạnh làm trong mùa Vu Lan năm 1962.

Thực ra màu mè, mẹ là thuật ngữ linh thiêng, không cớ gì phân màu ra trắng hay đỏ, không cớ gì một bên hể hả vui sướng vì còn mẹ, một bên phải đau đớn ràn rụa nước mắt vì mất mẹ.

Đức Phật chủ trương chúng sanh bình đẳng. Vậy sao lại phân loại tâm lý giữa hồng trắng và đỏ?

Rồi những thuật ngữ như phải ôm mẹ, phải nói rằng:”Mẹ ơi, con thương mẹ lắm” cũng có gì đó đầu môi chót lưỡi.

Thiền môn là tự tâm, tự lòng, từ con tim. Kính mẹ là từ hành động, yêu mẹ là từ thực tế, không có chỉ là chót lưỡi

Rồi Đạo Phật thành Đạo Bụt có gì đó liêu trai chí dị.

Làng Mai của ông Nhất Hạnh không niệm “A Di Đà Phật” hay “Mô Phật” thì đổi lại thành “A Di Đà Bụt” hay “Mô Bụt”

Họ niệm Phật cũng khác “Nam Mô Bụt Thích Ca Mâu Ni” thay vì “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”

Nghe trái trái lổ tai.

Đạo Phật thành Đạo Bụt có gì đó hơi cải lương.

Sư Ông Làng Mai Thích Nhất Hạnh trả lời: “Sở dĩ chúng tôi dùng chữ đạo Bụt mà không dùng chữ đạo Phật, vì chúng tôi nghĩ rằng chữ Bụt có tính dân tộc hơn chữ Phật”.

Nhưng ông quên rằng người Việt từ lâu đã phân định Bụt là một ông Tiên râu tóc bạc phơ, cầm phất trần của Lão giáo.

Còn Phật thì khác.

Dù trong lịch sử VN thời Bắc Kỳ xưa có kêu chữ Buddha là Bụt.

Chữ Phạn Buddha (बुद्ध) có nghĩa là người “đánh thức”,”thức tỉnh” hay “giác ngộ”.

Bud là giác, dha là người..Buddha không phải là tên họ ai hết, nó là cái danh hiệu ca tụng công đức Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Tên khai sanh của Ngài là Siddhārtha (Sĩ Đạt Ta hoặc Tất Ðạt Ta),.họ là Gautama.(Cồ-đàm). Cha là vua Tịnh Phạn (śuddhodana) và mẹ là Hoàng hậu Tịnh Diệu (Māyādevī)

Bắc Kỳ đọc Buddha thành “Bụt-đà” hay “Bụt-đà-da”,.sau dài quá mỏi mồm,.đọc thành Bụt.

Nhưng sau này Bụt thiên về Lão giáo rồi, Phật tách biệt rõ ràng.

Chữ Bụt là chữ của Miền Bắc, bằng chứng là trong Tấm Cám có ông Bụt ban phép, nhưng râu tóc bạc phơ, tức là văn hóa Miền Bắc lái chữ Bụt qua Tiên Ông của Đạo giáo.

Thành ra Đạo Bụt của thiền sư Thích Nhất Hạnh làm mưa làm gió ở trời Tây vì Tây nó không hiểu văn hóa Việt Nam, nhưng đem về Việt Nam và Á Châu thì bị dội ngược không ai nghe theo vì hai nơi này có lịch sử Phật lâu đời.

Ông Thích Nhất Hạnh là một thiền sư, một triết gia, một nhà văn hay là một nhà hoạt động chánh trị vẫn là câu hỏi khó trả lời.

Riêng cá nhân tôi không thích cũng không ghét ông.

Tôi chưa bao giờ đọc và không có ý định đọc những cuốn sách thiền của ông.

Cuốn”Hoa Sen Trong Biển Lửa”xuất bản 1967 của ông mang hơi hám đậm màu chánh trị phe phái quá.

Thích Nhất Hạnh tất nhiên gọi vụ HT Thích Quảng Đức là “tự thiêu”

Nhưng ông cũng luồn lách, lòng vòng câu chữ dữ lắm về vụ này, thí dụ:

“Hôm rời Nữu Ước về Stockholm, tôi gặp một nữ bác sĩ người Hoa Kỳ cùng đi một chuyến bay. Bà hỏi tôi rất nhiều chuyện về Việt Nam. Bà rất tán thành quan điểm của những cuộc vận động chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam nhưng bà cực lực phản đối việc tự thiêu của Hoà Thượng Quảng Đức.

Theo bà, chỉ có những người tâm trí không bình thường mới đi làm cái công việc tự thiêu ấy

Bà cho sự tự thiêu là dã man, là bạo động, là cuồng tín, là mờ ám, là mất thăng bằng. Dù tôi đã nói hết lời cho bà biết rằng Hoà Thượng Quảng Đức là một vị tăng sĩ trên bảy mươi tuổi, rằng tôi có sống chung với Ngài ở chùa Long Vĩnh gần suốt một năm trời, rằng tôi nhận thấy rằng Ngài là một người đầy nhân ái và rất sáng suốt, rằng lúc tự thiêu Ngài đã tỏ ra rất trầm tĩnh và đầy chủ lực tinh thần, bà cũng không tin. Tôi đành im lăng vì biết rằng bà không thể hiểu hoặc không có khả năng để hiểu. Bà không thể hiểu vì bà chỉ có thể đứng ở một quan điểm khác để nhìn, thế thôi

Thế giới đặt nhiều nghi ngờ, nhiều giả thiết về “những người Phật Giáo” ở Việt Nam. Có nhiều người suốt đời không có một quan niệm rõ rệt nào về đạo Phật. Phật Giáo, họ nghĩ, là một thứ tín ngưỡng tạp nhạp. Những ông thầy tu là những người thiếu học, mê tín, tin ngây thơ vào luân hồi. Họ cạo đầu, ăn chay và đọc kinh để mong thoát khỏi luân hồi.

Họ gây rối loạn ở Việt Nam, cản ngăn công việc chống Cộng.

Hoặc họ có tham vọng quyền hành, hoặc họ bị Cộng sản lợi dụng, hoặc họ ngây thơ tin rằng họ có thể đối địch với Cộng sản, cái ngây thơ của một con cừu tin tưởng vào một con chó sói. Rồi người ta đặt vấn đề Phật tử chiếm mấy mươi phần trăm dân số. Người ta phân biệt Phật tử thực hành và Phật tử chỉ có tên là Phật tử

Người ta phân biệt Phật tử quá khích (militant) và Phật tử ôn hoà. Nhưng rốt cuộc, người ta vẫn không hiểu được Phật giáo Việt Nam là gì và do đó, không thể hiểu được vấn đề Việt Nam. Vấn đề khá phức tạp, nếu người ta chỉ bằng lòng với dăm ba điều hỏi thăm lặt vặt đây đó rồi dựa vào đấy để tìm hiểu và nhảy ào tới kết luận, thì người ta chỉ có thể quan niệm vấn đề một cách sai lạc”.

Dài dòng, biện chứng tư duy như vậy để rốt cuộc ông chốt Hoà Thượng Quảng Đức “tự thiêu” là chân lý, phải như vậy mới đúng Phật giáo kiểu VN.

Chúng ta sau 1975 thấy rằng có một số người tự thiêu, cái này là tự đổ xăng, tự châm lửa nha, nhưng hình như chẳng ai biết, mà có biết thì thế giới cũng im re. Ông Nhất Hạnh không đá động tới. Té ra tinh thần Phật giáo cũng còn chữ tùy.

Sau 1963 thầy Thích Nhất Hạnh thuộc phe Ấn Quang ở nước ngoài .Ông không xưng Hòa thượng, ông xưng ông là Thiền sư.

Danh xưng thiền sư 禪師(Zen Master). Thiền sư là Người đã Kiến Tánh.

Kiến tánh là nhận rõ cái tánh chơn thật của chính mình trong thiền tông tu tập.

Tại sao ông Thích Nhất Hạnh không xưng là 和尚 hoà thượng như những vị sư của thiền phái khác?

Và trong cuốn sách “Hoa sen…” kể trên lượm ra vô số những thuật ngữ quen quen.

Ông viết vầy:

“Trong tâm trí người Việt Nam hồi đó nhất là người dân quê, Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ anh hùng ái quốc chống Pháp và dành độc lập cho Việt Nam “.

Thích Nhất Hạnh viết “Cách Mạng Tháng Tám năm 1945″, ” ủng hộ Nam Bộ kháng chiến”.

Thiền sư gọi HCM là “cụ” -cụ Hồ Chí Minh, nhưng khi viết về hai nhân vật lịch sử khác thì gọi trống không là Bảo Đại và Ngô Đình Diệm.

Ông viết quần chúng, chiến khu, phong trào yêu nước hướng về cs.

Xài từ “người Công Giáo yêu nước”.

Lưu ý là chữ Cộng Sản thì ông Nhất Hạnh viết hoa và chữ “quốc gia”ông viết thường, cho vô ngoặc kép

Cụ thể:

“Quần chúng không ai ủng hộ Bảo Đại, cũng như không ai ủng hộ sự trở lại của người Pháp.

Quần chúng hướng về phía chiến khu, về lực lượng kháng chiến.

Quần chúng trong thời gian đó, vẫn chỉ nghĩ đến công cuộc kháng chiến như là một phong trào yêu nước dành độc lập và ít để ý đến sự bành trướng của thế lực Cộng Sản trong đó.

Các chính phủ “quốc gia” dưới thời của Quốc Trưởng Bảo Đại cũng tuyên truyền chống Cộng, nhưng sự tuyên truyền không có hiệu lực, bởi vì quần chúng không thể tin một điều gì do người Pháp và chính quyền bù nhìn của họ nói ra. Tất cả những gì họ làm, họ nói, trong ý niệm của quần chúng, đều là trái chống quyền lợi dân tộc Việt Nam”

Ông ghét TT Ngô Đình Diệm khi viết ông này có “một mớ uy tín”. Uy tín mà Thiền sư tính mớ như tôm cá, rau hành, tỏi ớt vậy .

Ông gọi cs là lực lượng kháng chiến.

“Quần chúng tiếp tục nghe lời tuyên truyền của lực lượng kháng chiến, trong đó có những phần tử Cộng sản và bắt đầu tin rằng chính sách Mỹ, vốn đang ủng hộ chính phủ Ngô Đình Diệm, như một chính sách theo đuổi quyền lợi của Tây phương, và Hoa Kỳ đang theo đuổi một chính sách “thực dân mới”.

Ông đổ thừa cho Miền Nam vì không chịu tổng tuyển cử nên Bắc Việt đánh xuống Miền Nam.

Thích Nhất Hạnh quảng cáo”Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam”:

“Điều không ai không thấy là trong Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam có vô số phần tử yêu nước, quốc gia và không Cộng sản. Họ gia nhập Mặt Trận không phải vì họ ưa thích chủ nghĩa Cộng Sản mà họ đồng ý với Mặt Trận là phải chống đối lại với chính quyền Ngô Đình Diệm và chính sách của người Hoa Kỳ”.

Những hành động cố gắng làm VNCH nổi sóng từ bên trong của ông Nhất Hạnh cũng là cách rút củi đáy nồi Miền Nam sờ sờ trong lịch sử.

Đọc xong cuốn hoa sen,t ự thấy đây là thiền sư chánh trị và có thiên kiến khá rõ.

Ông viết rằng:”Ở Việt Nam ngay nay chống Cộng đã thành chuyện thương mãi”

Mỗi người có một ý thức trong “cái tôi” tôn giáo của mình, chúng ta tôn trọng những gì Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đã làm cho Làng Mai, xiển dương thiền Việt ra thế giới.

Tuy nhiên như đã nói ở trên là không thích đọc sách của ông.

Bùi Giáng nói trúng, thầy Thích Nhất Hạnh làm nhà thơ, nhà văn hay hơn nhà tu hành.

Thế nào thì có lịch sử sau này hạ hồi phân giải .

Lịch sử công bằng lắm…!

Nguyễn Gia Việt