Ta khóc lóc tưởng rằng mình bất hạnh

Thao Teresa

Ta khóc lóc tưởng rằng mình bất hạnh

Nhưng ngoài kia còn cả tỷ nỗi buồn

Ta cứ ngỡ có mỗi mình cô quạnh

Nhưng cuộc đời đầy ắp cảnh đau thương.

Có người ước được một đôi chân nhỏ

Để bước đi trên thảm cỏ thật mềm

Có người ước sau đêm dài vò võ

Đôi mắt này họ sẽ thấy bình minh.

Những đứa trẻ chưa một lần gặp mẹ

Chỉ ước ao hai tiếng gọi: Gia Đình

Nếu ta chỉ có một ngày thật tệ

Thì đừng buồn mà hãy cố gắng lên!

Có đôi lúc ta cần ngưng giận dữ

Nhìn thoáng hơn để thấu rõ sự tình

Hãy giữ lấy niềm vui dù rất nhỏ

Giữa bão đời ta chọn sống tự tin.

ST

#ngaycuoinam


 

Bạn đã thấy gì từ vụ án Ngọc Trinh?-Luật sư Đặng Đình Mạnh

Chau Trieu

Luật sư Đặng Đình Mạnh

Rời tay khỏi đôi còng sắt sắc lạnh để trở về căn hộ sang trọng, rộng rãi, từ nội thất cho tới vật dụng, trang phục…rất thời thượng, có lẽ cô người mẫu xinh đẹp vẫn chưa hết bàng hoàng. Những gì đã xảy ra trong ba tháng giam cầm sau song sắt nhà tù sẽ còn ám ảnh cô ấy đến hết cuộc đời, cho dù cô ấy có là người vô tư đến thế nào đi nữa.

Những phục sức thời thượng cũng sẽ sớm được xếp lại như là kỷ niệm của một thời vàng son trong sự nghiệp người mẫu, vì có lẽ cô ấy không còn mấy cơ hội để trở lại với nghề nghiệp làm bỏng mắt mọi người nữa. Dĩ nhiên, sau bản án, với tư cách tội phạm, một biểu tượng xấu về văn hóa có giá trị không khác gì một bản án tử hình đối với thanh danh, nghề nghiệp của cô ấy cả. Chẳng cần đến một quyết định thành văn, mặc nhiên, các cơ quan truyền thông trong nước sẽ phải tránh né nhắc đến hình ảnh, danh tính cô ấy trên mặt báo. Trừ phi phát sinh một vụ tai tiếng khác về tình, tiền, tù, tội… Khi ấy, cô ấy sẽ trở lại sáng lòa như một mỏ quặng vàng để mặc sức giới truyền thông khai thác đến tận chân tơ kẽ tóc!

Không chỉ cô ấy, mà cả ê kíp viết kịch bản, trau chuốt cho vành môi đỏ, cho đôi má hồng hoặc nâng niu từng khuôn ảnh của cô ấy để đưa tiếp thị lên trang mạng xã hội cũng đang hoang mang, bối rối. Vì sau những gì cô ấy chịu đựng, thì họ không còn hiểu rõ đâu là ranh giới giữa hợp pháp và bất hợp pháp nữa. Vì lẽ, hành vi của họ không khác gì hành vi của nhiều người khác, nhưng với họ là tiếp tay cho bất hợp pháp, với người khác như ê kíp của các diễn viên xiếc Quốc Cơ – Quốc Nghiệp thì lại là hợp pháp?!

Kể ra, họ hoang mang cũng phải, vì chính giới luật sư còn chưa phân biệt nổi đâu là “cọng xá lợi” phân ranh giữa quyền tự do ngôn luận hợp pháp và tuyên truyền chống nhà nước bất hợp pháp nữa là họ. Và cũng thế, giới làm luật xứ này cũng vẫn đang ngơ ngác hỏi nhau rằng tội danh “gây rối trật tự công cộng” đã mở rộng sự áp dụng lên cả trên không gian mạng từ khi nào? Hay từ thời Phạm Tuân bay lên đấy với cọng bèo hoa dâu chăng?

Gác lại những sự vận dụng tùy tiện của luật pháp, sau vài ngày về với tự do, bình tâm, nếu mở trang mạng xã hội, cô ấy sẽ thấy tràn ngập ở đấy là sự cảm thông của cả một xã hội dành cho cô ấy, kể cả những vị phụ huynh đã từng chê trách cô ấy có những tuyên bố thực dụng về tình yêu đến như thế nào? Đáng nói nhất, không một ai xem cô ấy là tội phạm như lời tuyên án của phiên tòa do đảng đạo diễn cả. Cho thấy, “lòng dân” vẫn chưa một ngày trùng với “ý đảng”, kể cả trong câu chuyện người mẫu nội y.

Có bạn nhắn tin hỏi tôi: “Chú thấy gì qua vụ án cô người mẫu vậy chú?”. Tôi thấy nhiều lắm:

– Tôi thấy nguyên tắc pháp luật “Không xử lý hai lần đối với một hành vi vi phạm pháp luật” đã bị phớt lờ. Vì lẽ, cô ấy đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính trước khi bị khởi tố, bắt giữ và xét xử hình sự;

– Tôi thấy nguyên tắc pháp luật “Vô luật bất hình”, tức “Không có tội danh thì không có hình phạt” đã bị vô hiệu khi cô ấy bị cáo buộc với tội danh không có trong Bộ luật Hình sự “Gây rối trật tự trong không gian mạng”;

– Tôi thấy nguyên tắc pháp luật “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” chỉ còn là khẩu hiệu đẹp nhưng vô tích sự khi hình ảnh cô ấy với đôi tay trong còng sắt bị phơi bày rõ nét trên hàng nghìn tờ báo và đài truyền thông, trong khi đó, cũng với vụ án hình sự tương tự, thì họ lại làm mờ đi khuôn mặt khi kẻ ra tòa là quan chức cao cấp;

– Tôi thấy cô ấy nhận tội trước tòa và được đến ba luật sư bào chữa xin giảm nhẹ hình phạt trong khi cô ấy vô tội?!

– Tôi thấy cô ấy bị cáo buộc tội danh liên quan đến nơi cộng cộng trên không gian mạng, thế nhưng, công an đã khám xét nhà cô ấy là để làm gì? Để rồi “nhiều chuyện” tiết lộ trên mặt báo rằng cô ấy sở hữu số tài sản đồ sộ quá?!

– Tôi thấy trong một hành vi tương tự mà cô ấy gọi là vi phạm pháp luật, thì những diễn viên xiếc như Quốc Cơ – Quốc Nghiệp lại được miễn tố vì bla, bla, bla…

– Tôi thấy cả một hệ thống công quyền lẫn truyền thông hùng hổ trước cô gái chân yếu tay mềm nhưng lại câm nín, lờ tịt kẻ gây thiệt hại hàng trăm nghìn tỷ đồng vừa được hạ cánh an toàn vì xuất thân là thái tử đảng;

Nghe bản án 12 tháng tù treo, nhiều người đã vội ngỏ lời cảm ơn tòa án. Nhưng vấn đề là cô ấy có phạm tội hình sự đâu? Nhưng với chế độ, thế là quá đủ, chế độ cũng chỉ cần có vậy vì họ đã đạt được nhiều mục tiêu qua vụ án:

– Có cớ để lục soát nhà cô ấy để tìm “cái” mà ai cũng biết là gì?

– Để gởi một thông điệp mạnh mẽ đến những người đang sở hữu số follow, số đăng ký đông đảo từ công chúng trên mạng xã hội rằng: Hãy liệu chừng!?

– Được xét xử, còn được công chúng biết ơn vì đã xét xử khoan hồng cho một cô gái vô tội;

Như nhiều quan chức cao cấp muốn lưu danh với xứ sở, nếu được giao viết sử, chắc chắn tôi sẽ viết rằng: Ở thời khắc ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí Thư, thì cả hệ thống chính trị gồm cả bộ máy truyền thông khổng lồ, đã dạy cho một cô gái chân yếu tay mềm một bài học nhớ đời.

Quang vinh, đâu chỉ bốn lần!

DC, ngày 02/02/3024

Luật sư Đặng Đình Mạnh

Ảnh : Người mẫu Ngọc Trinh bị dẫn giải đến tòa ngày 2/2


 

VÂNG PHỤC, TÍN THÁC VÀ TRI ÂN – Alphonse Marie Trần Bình An

Alphonse Marie Trần Bình An

Ngày 20 tháng 9, 1940, Nguyễn Trọng Trí nhập trại phong Quy Hòa, thời Mẹ Maria Juetta.  Sau ba tuần, nhờ sự chăm sóc tận tụy của các nữ tu dòng Phan Sinh (Franciscaine), bệnh tình Trí thuyên giảm..  Từ tuần lễ thứ tư, sinh hoạt của Trí đều đều như kinh Nhật Tụng: 5 giờ sáng dậy đi nhà nguyện đọc kinh, sốt sắng dâng lễ, rước lễ.  7 giờ cùng anh em bệnh nhân dùng điểm tâm cháo trắng với đường tán đen.  8 giờ được băng bó, uống thuốc hoặc chuyện vãn với anh em đồng bệnh.  11 giờ cơm trưa rồi nghỉ ngơi.  14 giờ 30 Lên nhà nguyện đọc kinh lần hạt đến 17 giờ dùng cơm chiều…  Trí là một người rất sùng kính Đức Mẹ Maria, lúc nào cũng cầu xin Đức Mẹ và thứ bảy nào cũng xưng tội.  Suốt hơn một tuần, từ 30 tháng 10, 1940 đến 7 tháng 11, 1940, Trí bị bệnh kiết lỵ nặng nên mất sức!  Đêm ngày 8. 11. 1940 Trí lấy hai tập giấy pelure, dùng bút chì cùn trong áo veston sáng tác bài thơ cuối cùng La Pureté de l’ Âme (Tâm Hồn Thanh Khiết) để ca tụng Đức Maria cùng các bà mẹ dưới đất là thân mẫu và các nữ tu Phan Sinh đã săn sóc Trí.  Đây là bút tích cuối đời của Trí.  Khi ông Nguyễn Văn Xê đưa Mẹ Nhất Maria Juetta, người Pháp, đọc bài viết này, Mẹ Juetta nói: “Giỏi quá, uổng quá, Hàn Mạc Tử là một thiên tài hiếm có!  Nhưng Mẹ xin phép tác giả đổi chữ “nénuphards” (hoa súng) thay cho chữ “lotus” (hoa sen) vì cuộc đời tu sĩ của chúng tôi tại đây với các bệnh nhân phong, chính là những bông hoa súng lên xuống theo con nước và bập bềnh trôi nổi như mọi vật trong hồ, chứ không dám tự nhận mình như những bông hoa sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.”

Sau 52 ngày được các nữ tu, đặc biệt sơ Julienne và Mẹ Nhất Maria Juetta, tận tình săn sóc, cùng một người bạn thân đồng bệnh đồng đạo người Huế, ông Nguyễn Văn Xê, giúp đỡ, nhà thơ tài hoa bạc mệnh Hàn Mạc Tử đã nhẹ nhàng tắt thở lúc 5 giờ 45 sáng ngày 11 tháng 11, 1940, hưởng dương 28 tuổi.  (Lm Trần Quý Thiện, Tưởng niệm nhà thơ Công giáo Hàn Mặc Tử).

Thi sĩ Hàn Mặc Tử đã sống 52 ngày cưối đời thật trong sáng với tinh thần sám hối trở về, hân hoan chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa, tán dương Mẹ Maria Đồng Công Cứu Chuộc qua những vần thơ tuyệt vời.  Tin Mừng hôm nay, Thánh Marcô tường thuật Đức Giêsu chữa lành người phong, căn dặn đi trình thầy tư tế và không được tiết lộ.  Nhưng khi được chữa lành, anh không thể nín lặng, công khai vui mừng rao truyền và loan tin vui.

Lời cầu xin của anh là gương mẫu cho bất cứ ai thành tâm nguyện cầu, xin Chúa xót thương cứu giúp: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm tôi được sạch.”  Anh hoàn toàn xin vâng theo Thánh Ý Chúa toàn năng, khiến Đức Giêsu chạnh lòng thương và giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch.”

Vâng phục

“Nếu Ngài muốn,” Với lời khẩn cầu tha thiết, trân trọng Đấng Thiên Sai, anh bệnh phong tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, toàn quyền nắm giữ sinh mệnh, cũng như sức khỏe, hạnh phúc, bình an của mình.  Lời nguyện xin khiêm hạ này cũng gợi nhớ “Xin Vâng” của Mẹ: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như sứ thần nói.” (Lc 1, 38).

Người bệnh phong không dám biểu lộ ý riêng của mình, vả lại không thân thưa, thì Đức Giêsu cũng đã thấu suốt nguyện vọng ấp ủ từ bao lâu rồi.  Anh hoàn toàn vâng theo Thánh Ý toàn năng, sẵn sàng chấp thuận Thiên Chúa định đoạt thân phận, không hề oán than.  Một đức tin vững chãi qua cơn thử thách thật nặng nề.

Trước cuộc khổ nạn kinh hoàng, Đức Giêsu cũng làm gương sáng chói về đức vâng lời, Người ba lần cầu nguyện: “Cha ơi, nếu được xin cho chén này rời khỏi con.  Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha. ” (Mt 26, 39-44).

“Chúa Cứu Thế đã cách mạng, muôn triệu người hưởng ứng, khẩu hiệu của Ngài: “Vâng lời đến chết!” (Đường Hy Vọng, số 395).

Tín thác

“Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm tôi được sạch.”  Hoàn toàn tín thác vào quyền năng vô biên của Thiên Chúa, người bệnh phong công khai tin cậy, trao thân gửi phận cho Đức Giêsu cứu giúp.  Người Kitô hữu liệu có luôn xác tín vào Thông điệp Lòng Chúa Thương Xót, được Chúa Giêsu truyền cho chị nữ tu Faustina Kowalska hay chăng?  “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa.”  Có hoàn toàn vững tin như lời nguyện Hiệp Lễ chăng?  “Lạy Chúa, con không đáng rước Chúa vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành sạch.”

Vì đặt trọn niềm tin và hy vọng vào Chúa, người phong không ngần ngại lỗi luật Do Thái, phải chịu cách ly với người lành.  Đức Giêsu vì thương yêu, chí nhân chí ái, cũng vô tư vượt qua điều luật này, khi Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch.”

“Con người hy vọng để sống, để tiếp tục sống.  Con người sẽ quay về với ai có thể mang lại cho họ niềm hy vọng lớn lao nhất: Niềm hy vọng ấy, Chúa Giêsu đã quả quyết: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10, 10).  Niềm hy vọng ấy, Chúa ban qua tay Mẹ Maria:”Nguồn hy vọng của chúng con.” (Đường Hy Vọng, số 962).

Tri ân

Được chữa lành, anh quên ngay lời Đức Giêsu căn dặn “đừng nói gì với ai cả.”  Bởi vì lòng anh tràn ngập niềm tri ân, cảm tạ Thiên Chúa.  Anh không thể giữ niềm vui, ân huệ cho riêng mình, mà hân hoan công khai chia sẻ với mọi người về hồng ân mới lãnh nhận nhưng không.  Nên vừa đi khỏi, anh đã rao truyền và loan tin ấy khắp nơi.”

Lòng Mến tràn đầy của anh đã lan tỏa khắp nơi, khiến dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Đức Giêsu.  Niềm tri ân, lòng cảm mến đã biến anh thành chứng nhân sống động, rao giảng Tin Mừng đến tha nhân.  Anh không sở hữu ơn cứu độ cho riêng mình, mà trái lại anh đã thực hiện đúng ba bước như mới đây Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích.  Ngài cho rằng có ba tiêu chuẩn để không không tư nhân hóa sự cứu rỗi: “Đức Tin vào Chúa Giêsu, Đấng thanh tẩy chúng ta, Đức Cậy khích lệ chúng ta nhìn tới những lời hứa và tiến đi về phía trước và Đức Mến là chăm sóc lẫn nhau, khuyến khích tất cả chúng ta thực hành bác ái và các việc lành.” (Đồng Nhân, Vietcatholic, ĐTC: Thành phần ưu tú của Giáo hội không được biến đức tin làm của riêng mình)

Lạy Chúa Giêsu, xin cứu thoát chúng con khỏi bệnh phong, khỏi bệnh liệt kháng tâm hồn, xin cứu chúng con khỏi vũng lầy tội lỗi, khỏi thung lũng đầy nước mắt này, xin ban cho chúng con biết sám hối, ăn năn trở về cùng Chúa hằng ngày.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ luôn che chở chúng con khỏi những căn bệnh nan y thời đại là đánh mất Tin, Cậy, Mến.  Xin Mẹ cầu bầu, cứu giúp chúng con thoát khỏi cạm bẫy ba thù, để được Mẹ dắt dìu chúng con theo Chúa luôn.  Amen!

Alphonse Marie Trần Bình An

From: Langthangchieutim


 

Ông Sóc Trăng lãnh 3.5 năm tù với cáo buộc ‘chống phá’

Ba’o Nguoi-Viet

February 8, 2024

SÓC TRĂNG, Việt Nam (NV) – Bị cáo Danh Minh Quang, 37 tuổi, ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, vừa bị kết án ba năm rưỡi tù với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”

Theo cáo trạng được trích dẫn trên báo Dân Việt hôm 8 Tháng Hai, ông Quang là chủ danh khoản Facebook “Minh Quang” bị quy kết chia sẻ 51 bài viết, hình ảnh “có tính chất tiêu cực, tuyên truyền xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.”

Bị cáo Danh Minh Quang tại phiên tòa. (Hình: Sóc Trăng)

Cụ thể, ông Quang bị cho là “lan truyền tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và chính sách an sinh xã hội tại địa phương.”

Theo nhà chức trách, hành vi của ông này “vu khống, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của chính quyền tỉnh Sóc Trăng,” thậm chí “gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.”

Báo Sóc Trăng cho biết thêm, ông Danh Minh Quang không phải là nhà hoạt động mà là tài xế lái xe thuê cho một công ty tư nhân.

Cứ một, hai tháng, các báo ở Việt Nam lại ghi nhận một trường hợp bị bắt hoặc đi tù với cáo buộc “chống phá,” dù trên thực tế, những người này chỉ lên tiếng về các vấn đề thời sự xã hội trên trang cá nhân.

Trong một vụ tương tự, báo An Giang hồi trung tuần Tháng Mười Hai cho biết, bị cáo Nguyễn Hoàng Nam, 42 tuổi, ở thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, bị kết án tám năm tù vì “tuyên truyền, chống phá đảng, nhà nước.”

Giống như ông Danh Minh Quang, ông Nguyễn Hoàng Nam cũng bị khép tội vì chia sẻ bình luận về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương.

Theo cáo trạng, ông Nam chia sẻ các video clip “An Giang: Người dân bị hành hung khi phản đối ngăn sông cấm chợ,” “tỉnh An Giang tiếp tục ngăn sông cấm chợ”…

Công An Tỉnh An Giang quy kết ông Nam “nhiều lần phát ‘livestream’ châm biếm, xúc phạm chính quyền địa phương,thường xuyên quay phim, chụp hình cán bộ, chính quyền địa phương đi ngang qua nhà rồi đăng lên mạng xã hội để xúc phạm, lăng mạ.”

Ông Danh Minh Quang (thứ nhì, trái qua) lúc bị bắt. (Hình: Công An Nhân Dân)

Báo An Giang viết thêm rằng hành vi của ông Nguyễn Hoàng Nam “xâm phạm đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, gây tâm lý hoang mang, lo sợ, bất bình trong quần chúng nhân dân…”

Giống như hầu hết các bị cáo bị khép tội “chống phá,” bị cáo Nguyễn Hoàng Nam được cho là “cúi đầu nhận tội” khi bị đem ra xét xử. (N.H.K)


 

Vì sao Phan Châu Trinh chưa thành công?- Nguyễn Quang A

Ba’o Tieng Dan

Luật Khoa

Nguyễn Quang A

8-2-2024

  1. Tư tưởng Phan Châu Trinh

Phong trào phát triển đất nước (và dân chủ hóa) do Phan Châu Trinh khởi xướng đầu thế kỷ XX (1905-1907) ở Việt Nam là hết sức toàn diện và đúng đắn. Không những thế, thật đáng ngạc nhiên rằng các tư tưởng chính của ông được thuyết hiện đại hóa mới do Christian Welzel (2013) đúc kết xác nhận về mặt lý thuyết và thực tiễn trên quy mô toàn cầu. Thuyết hiện đại hóa mới được xem như một trong những lý thuyết toàn diện nhất về dân chủ hóa cho đến nay.

Vậy vì sao phong trào của cụ Phan chưa thành công và công cuộc dân chủ hóa ở Việt Nam sau đó một trăm năm vẫn chưa có kết quả?

Bài này thử tìm hiểu một số nguyên nhân của sự chưa thành công đó dựa vào khung khổ của chính thuyết hiện đại hóa mới.

Tôi từng có hai tiểu luận, “Phan Châu Trinh và thuyết hiện đại hóa mới” (2017) và “Tiananmen Protests and Lessons for Democratization in Vietnam” (2019), tóm tắt tư tưởng chính của Phan Châu Trinh về sự phát triển đất nước và dân chủ hóa Việt Nam. Các điểm chính của tư tưởng Phan Châu Trinh có thể được tóm tắt như sau.

  1. Phát triển kinh tế

Phan Châu Trinh, với khẩu hiệu “hậu dân sinh” (mà chúng tôi ở Diễn đàn Xã hội Dân sự cập nhật thành “cải thiện dân sinh”) đã luôn luôn chú tâm để nhân dân Việt Nam phát triển kinh tế; tạo dựng doanh nghiệp; cổ vũ thương mại, du lịch và buôn bán ở trong nước và với nước ngoài. Không chỉ nêu tư tưởng, cụ Phan cũng tích cực vận động mọi người khởi nghiệp (mà điển hình là công ty Liên Thành 1906 tại Phan Thiết).

  1. Nâng cao dân trí

Phát triển giáo dục là một phần cốt lõi của chủ trương nâng cao dân trí (“Khai dân trí”) của cụ. Không chỉ khởi xướng chủ trương, cụ Phan còn tích cực vận động lập trường (Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907 tại Hà Nội và đã giảng dạy ở đó; trường Dục Thanh Học Hiệu năm 1907 ở Phan Thiết). Tuy vậy, nâng cao dân trí không chỉ qua giáo dục chính thức mà còn được thực hiện qua thực hành (và chủ trương thực học của cụ là hết sức quan trọng), qua đọc sách, đọc báo, viết sách, viết báo, việc lập ra các hội đoàn, doanh nghiệp, phát triển kinh tế (như nêu ở điểm 1 ở trên).

  1. Chấn hưng dân khí

“Chấn dân khí,” nuôi dưỡng, khơi dậy tinh thần giải phóng, tinh thần tự do của nhân dân là một chủ trương rất quan trọng của cụ Phan (mà Liên Thành Thư Xã được thành lập năm 1905 tại Phan Thiết để truyền bá sách báo có nội dung yêu nước là một ví dụ).

  1. Vận động

Tổ chức các phong trào xã hội để buộc nhà cầm quyền (Pháp) cải cách.

  1. Chủ trương bất bạo động

Tuyệt đối bất bạo động, chỉ dùng phương pháp ôn hòa để thúc đẩy tất cả các việc trên để đưa nước ta vào nền văn minh mới, đủ sức đương đầu với kẻ thù (cũng bằng phương pháp bất bạo động) để giành độc lập chính trị.

  1. Chủ trương tự chủ

Không bài ngoại, không ỷ ngoại mà phải tự chủ.

Có thể thấy các chủ trương, tư tưởng của Phan Châu Trinh đã hình thành một cách hoàn chỉnh trong khoảng năm 1905-1907, và đã được bản thân cụ triển khai trên thực tế và cổ vũ, vận động nhân dân làm theo. Đây là cách tiếp cận hiện đại đối với ngay cả các học giả nghiên cứu về dân chủ hóa nếu xét theo các lý thuyết và thực tiễn dân chủ hóa hiện nay. Cũng hết sức đáng lưu ý rằng cụ Phan đã muốn nhân dân Việt Nam (hay số rất đông trong số họ) thực hiện các chủ trương trên chứ không chỉ một số ít người trở nên giàu có, hiểu biết rộng và có chí khí lớn.

  1. Thuyết hiện đại hoá mới

Lý thuyết hiện đại hóa, do Seymour Martin Lipset (1959) đưa ra, cho rằng “dân chủ là kết quả trực tiếp của sự tăng trưởng kinh tế”, và rằng “một quốc gia càng giàu, thì cơ hội càng lớn là nó sẽ giữ vững nền dân chủ”. Thuyết hiện đại hóa đã có ảnh hưởng lớn đến dân chủ hóa trên thế giới (và vẫn được một số chính trị gia đi theo), tuy sau đó bị nhiều người chỉ trích và sửa đổi, bổ sung.

Tóm lại, hiện đại hóa, theo lý thuyết của Lipset, không dẫn đến dân chủ, nó tạo ra một số điều kiện cần nhưng không đủ cho dân chủ hóa (chẳng hạn các nước rất giàu ở Vùng Vịnh hay Trung Quốc minh chứng rằng sự phát triển kinh tế, sự phát triển khoa học công nghệ, hiện đại hóa không trực tiếp dẫn đến dân chủ). Dù sao đi nữa, lý thuyết hiện đại hóa của Lipset là một đóng góp lớn.

Christian Welzel (2013) tổng kết những nghiên cứu của bản thân ông và nghiên cứu của ông với Ronald Inglehart để phát triển lý thuyết hiện đại hóa mới, mà nội dung chính có thể được tóm tắt như dưới đây.

  1. Các nguồn lực hành động

Theo Welzel, có ba nguồn lực hành động quan trọng nhất là: nguồn lực vật chấtnguồn lực trí tuệ, và nguồn lực kết nối.

Nguồn lực vật chất là các thiết bị, công cụ, tiền bạc… cần cho hành động.

Nguồn lực trí tuệ là sự hiểu biết, kiến thức, thông tin, kỹ năng… cần cho hành động.

Nguồn lực kết nối là các hoạt động, cơ chế tạo ra khả năng liên kết, tiếp xúc, hợp tác, tổ chức để hoạt động. Ví dụ: đô thị hóa, làm việc trong các nhà máy công sở giúp những người lao động liên kết với nhau, phối hợp với nhau, tổ chức lại để hành động; mạng lưới giao thông tốt tạo thuận tiện cho sự đi lại, tập hợp, cũng làm tăng nguồn lực kết nối; sự phát triển của các mạng truyền thông cũng thế. Nguồn lực kết nối có cả khía cạnh thể chế của nó, chẳng hạn, quyền tự do lập hội tăng cường nguồn lực kết nối, ngược lại sự cấm đoán làm giảm các nguồn lực kết nối.

Hiện đại hóa, sự phát triển của công nghệ tạo ra các nguồn lực hành động cho các chủ tư bản, cũng có thể (nhưng không nhất thiết) tạo ra các nguồn lực đó cho quảng đại nhân dân. Nó chỉ tạo ra các nguồn lực hành động cho quảng đại quần chúng khi hiện đại hóa và sự phát triển công nghệ nhắm tới phục vụ con người, bổ sung cho các năng lực con người, hơn là tự động hóa  chỉ nhằm để thay thế lao động con người và giám sát con người (xem Daron Acemoglu and Simon Johnson [2023]).

Cần lưu ý rằng các nguồn lực hành động của nhân dân (số đông người) cũng là kết quả của những cuộc đấu tranh chứ không phải do hiện đại hóa tự động mang lại. Đấy là một sự khác biệt quan trọng của thuyết hiện đại hóa mới so với thuyết hiện đại hóa ban đầu. Cả ba nguồn lực hành động đều quan trọng nhưng các nguồn lực trí tuệ và kết nối quan trọng hơn nguồn lực vật chất.

Chính trên nền của các nguồn lực hành động này của số đông người dân, công cuộc chấn dân khí mới có thể thành công. Đó là nơi các giá trị giải phóng bước vào và đóng vai trò lớn trên tầng văn hóa, và đây là điểm khác biệt thứ hai.

  1. Các giá trị giải phóng

Các giá trị giải phóng là các giá trị thúc đẩy các quyền tự do của con người.

Các giá trị giải phóng nhấn mạnh bốn khía cạnh về sự tự trị cá nhân, lựa chọn, bình đẳng, và sự lên tiếng, và có thể đo được bằng các cuộc khảo sát.

World Values Surveys đã đo các giá trị này trong khoảng 100 nước chiếm hơn 90% dân số thế giới. Từ năm 1981 đến nay (2024), họ đã khảo sát bảy đợt. Trên cơ sở đó, Welzel đã phát triển Chỉ số các Giá trị Giải phóng (EVI-Emancipative Values Index). Việt Nam đã tham gia vào ba trong bảy đợt khảo sát này trong các năm 2001 (đợt 4), 2006 (đợt 5) và 2020 (đợt 7). Nguyễn Quang A (2017) đã chỉ ra rằng EVI có thể được dùng như một chỉ số về dân khí. Nói cách khác, dân khí có thể đo được cho tất cả các nước trên thế giới và tạo cơ sở để tiến hành những nghiên cứu so sánh.

  1. Các phong trào xã hội

Trên bình diện tâm lý, các giá trị giải phóng trao quyền cho con người. Chúng thúc đẩy người dân thực hiện các quyền tự do phổ quát, tham gia tích cực vào các hoạt động phong trào xã hội, đòi nhà nước phải đáp ứng các quyền và lợi ích chính đáng của họ bằng cách bảo đảm về mặt pháp lý để người dân thực hiện các quyền tự do.

  1. Dân chủ hóa

Không có các phong trào xã hội sẽ không có dân chủ hóa. Chính các phong trào xã hội truyền đạt khát vọng của người dân (các giá trị giải phóng của họ), nhưng bản thân các giá trị giải phóng là động cơ thúc đẩy mạnh nhất trong những động cơ thúc đẩy nhân dân tham gia vào các phong trào xã hội, đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ. Chính áp lực mạnh của nhân dân buộc các nhà chức trách phải ban hành luật pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân thực hiện các quyền của mình.

Khi các quyền dân sự và chính trị được pháp luật bảo đảm, được thực thi trong thực tế thì chúng ta có nền dân chủ. Nhưng dân chủ chỉ được củng cố và phát triển nếu nhân dân liên tục đấu tranh để tiếp tục cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, tham gia vào các phong trào xã hội, liên tục gây áp lực để buộc những người cầm quyền phải duy trì, nâng cao những quyền đã đạt được, mở rộng các quyền khác của nhân dân. Nói cách khác, dân chủ hóa là một quá trình không bao giờ chấm dứt.

Chúng ta có thể tóm tắt tư tưởng của Phan Châu Trinh được thuyết hiện đại hóa mới đúc kết thành lý thuyết với hình sau đây:

Hình 1. Tóm tắt tư tưởng Phan Châu Trinh theo thuyết hiện đại hóa mới.

Chúng ta có thể thấy lý thuyết dân chủ hóa toàn diện nhất hiện nay – được công bố năm 2013 – minh họa rất rõ ràng các tư tưởng chính mà Phan Châu Trinh đưa ra hơn một trăm năm trước. Như thế, có thể xem Phan Châu Trinh là nhà cải cách sáng suốt nhất, nhà cách mạng triệt để nhất, người có tầm nhìn xa trông rộng nhất ở Việt Nam trong đầu thế kỷ thứ hai mươi, nếu không muốn nói là đạt tầm vóc của nhiều nhà cải cách có ảnh hưởng lớn trên thế giới thời kỳ đó.  Vậy vì sao cụ Phan chưa thành công và cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có dân chủ?

III. Vì sao Phân Châu Trinh chưa thành công?

Có nhiều nguyên nhân cho sự nghiệp chưa thành công của Phan Châu Trinh.

Cụ Phan Châu Trinh đã vượt quá xa tầm hiểu biết của các trí thức, những người yêu nước, và của nhân dân ta cũng như trình độ phát triển, hoàn cảnh chính trị và xã hội thời đó. Chính phải hiểu rõ những khó khăn đó chúng ta mới hiểu tầm vóc vĩ đại của Phan Châu Trinh. Cũng nên lưu ý rằng Phan Châu Trinh trẻ hơn Mahatma Gandhi ba tuổi và hai vị đưa ra phương pháp đấu tranh bất bạo động gần như đồng thời, Phan Châu Trinh năm  1905 và Mahatma Gandhi năm  1906. Tuy vậy, thế giới hình như biết đến Mahatma Gandhi, Martin Luther King, Dalai Lama, Václav Havel, Thích Nhất Hạnh và Aung San Suu Kyi nhiều hơn Phan Châu Trinh khi nói đến phương pháp đấu tranh bất bạo động.

Hầu như phần lớn những người yêu nước và trí thức thời đó đã không hiểu cụ và chủ trương các đường lối gần như ngược với đường lối của cụ (từ Phan Bội Châu chủ trương dùng bạo lực và nhờ nước ngoài, đến Hồ Chí Minh sau đó).

Nhân dân cũng vậy. Cụ chủ trương tuyệt đối bất bạo động, nhưng nhân dân chính quê cụ không kiên trì thực hiện. Phong trào chống sưu cao thuế nặng tháng Ba năm 1908 ban đầu diễn ra một cách ôn hòa nhưng sau đó đã trở nên hết sức bạo lực, vượt ngoài tầm kiểm soát của những người tổ chức (không có Phan Châu Trinh trong số những người tổ chức). Và phong trào đã bị dập tắt trong sự đàn áp dã man của chính quyền thuộc địa Pháp. Dù không tham gia tổ chức, cụ Phan, cùng nhiều nhân sĩ khác, đã bị bắt và nhiều người bị kết án tử hình, rồi cụ bị đày ra Côn Đảo. May nhờ sự can thiệp của Hội Nhân quyền Pháp, cụ thoát án nặng và bị quản thúc tại Mỹ Tho rồi đi Pháp (1/4/1911); xem Chu Hảo (2023).

Chính quyền thuộc địa Pháp và triều đình đã đàn áp rất quyết liệt, bắt, bỏ tù, xử tử hình hoặc lưu đày các trí thức yêu nước, kể cả Phan Châu Trinh.

Ngoài những nguyên nhân trên, có lẽ cũng bổ ích để xem xét các nguyên nhân, mà tôi cho là cốt lõi hơn, của sự chưa thành công theo khung khổ của chính tư tưởng của Phan Châu Trinh được lý thuyết hóa trong thuyết hiện đại hóa mới. Đầu tiên, hãy xem xét các điều kiện cần là các nguồn lực hành động, rồi đến dân khí khi đó.

  1. Nguồn lực vật chất

Đáng tiếc, chưa có những nghiên cứu lịch sử về vấn đề này ở Việt Nam, chí ít từ thế kỷ XIX cho đến giữa thế kỷ XX (các nhà nghiên cứu trẻ có thể dựa vào các tài liệu lưu trữ của Pháp may ra có thể dựng lại lịch sử phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn này). Vì thế chúng tôi phải chọn một biến đại diện (proxy variable) là GDP/đầu người tính theo sức mua (PPP) với giá trị đô-la một năm cố định nào đó (để tiện so sánh). Theo Madisson Project, dữ liệu về GDP/đầu người (PPP, theo đô-la 2011) của Việt Nam từ 1820 đến 2018 diễn biến như sau:

Hình 2. GDP/đầu người ở Việt Nam, theo sức mua (PPP) tính bằng đô-la 2011. Nguồn: Maddison Project

Hãy xem so sánh quốc tế với vài nước lân cận trên hình sau:

Hình 3: GDP/đầu người, so sánh quốc tế. Nguồn: Maddison Project.

Chúng ta thấy Nhật Bản vượt hẳn các nước khác trong khu vực trong thế kỷ XIX cho đến hết thế kỷ XX. Hàn Quốc và Đài Loan bắt kịp (và thậm chí vượt Nhật Bản) một cách ngoạn mục trong các thập niên đầu của thế kỷ XXI.

Cũng nên lưu ý rằng, mức nghèo tuyệt đối (đủ để tồn tại theo sức mua PPP) là 694 đô-la năm 2011. Theo Hình 2 và Hình 3, trong suốt một thế kỷ rưỡi, nguồn lực vật chất của người Việt Nam chỉ hơn mức sinh tồn một chút: mức năm 1975 là $1.132, cho đến đầu thời kỳ Đổi mới năm 1986 đều dưới mức $1.500 (là mức của năm 1987); cho đến năm 1993, mức này vẫn dưới 2.000 đô-la và vào năm 1994 chỉ đạt 2.018 đô-la. Có thể nói cho đến năm 1994, nguồn lực vật chất của người Việt Nam là rất eo hẹp, lo cái ăn là chính chứ lấy đâu thời gian để nghĩ đến chuyện gì khác.

Hình 3 cho thấy nguồn lực vật chất của người Việt Nam thấp thế nào so với các nước trong khu vực. Vào năm 1986, khi Philippines chuyển sang dân chủ, mức của họ là $3.161/đầu người, gấp hơn 2,1 lần của Việt Nam; Hàn Quốc khi chuyển đổi năm 1987 đạt $9.756/đầu người, còn hơn mức năm 2018 của Việt Nam.

Với trường hợp Đài Loan, khi Tưởng Giới Thạch mất năm 1975, GDP đầu người của họ đạt $5.614. Sau đó, Quốc Dân Đảng độc tài, một đảng Leninist đúng nghĩa, bắt đầu nới lỏng dần chính sách cai trị với việc đưa Lý Đăng Huy – người sinh ra ở Đài Loan – lên làm lãnh đạo cấp cao của đảng. Năm 1986, khi phong trào đối lập “Đảng ngoại” – khi đó vẫn bất hợp pháp – lập ra Dân Tiến Đảng và được chính quyền để yên cho hoạt động, GDP/đầu người của Đài Loan đạt $11.918. Và 14 năm sau, khi ứng cử viên Trần Thủy Biển của Dân Tiến Đảng được bầu làm tổng thống, chấm dứt sự độc quyền của Quốc Dân Đảng, GDP đầu người của Đài Loan đã là $26.787.

Cũng thật đáng lưu ý từ Hình 3 rằng xuất phát điểm của tất cả các nước này vào năm 1820 là gần như nhau: Nhật – $1.321, Đài Loan – $966; Malaysia – $960; Philippines – $931; Thái Lan – $909 và Việt Nam $840.  Đến đầu thế kỷ XX vẫn đại thể như vậy (trừ Nhật Bản)  với GDP/đầu người năm 1913 là $1.159 ở Việt Nam, $1.171 ở Hàn Quốc, $1.286 ở Đài Loan; $1.289 ở Malaysia; $1.341 ở Thái Lan; $1.575 ở Philippines, và $2.431 ở Nhật Bản. Nhưng, từ những năm 1950-1960 trở đi, sự phân kỳ là hết sức rõ rệt do những lựa chọn khác nhau của mỗi nước.

  1. Nguồn lực trí tuệ

Cũng tương tự như nguồn lực vật chất, chúng ta không có dữ liệu lịch sử chi tiết về nguồn lực trí tuệ, mà có thể dựa vào tỷ lệ biết chữ, số người đi học các cấp, thời gian học, số các trường học các loại, chương trình học, số sách báo, số sách báo người dân đọc, số sáng chế, v.v.

Trong hệ thống giáo dục truyền thống (trước khi Pháp xâm chiếm các vùng lãnh thổ Việt Nam), ngoài các trường công như Quốc Tử Giám (chủ yếu để dạy con cháu nhà vua), có nhiều thầy đồ ở các làng chủ yếu dạy chữ Nho, Khổng giáo. Hệ thống nhà chùa cũng là nơi việc học phật pháp diễn ra.

Tôi cố gắng tìm hiểu xem ngoài chữ Nho, Khổng giáo, Phật giáo và thơ văn ra các trường công, tư và cộng đồng này còn dạy gì khác không, chẳng hạn như toán, thiên văn học, các môn khoa học và kỹ thuật theo cách nhìn hiện nay. Rất ít tư liệu nói về các nội dung đào tạo này.

Theo Dân Việt, ba kỳ tài toán học Việt Nam là Vũ Hữu (1437-1530) có để lại tác phẩm Lập Thành Toán Pháp (立成算法) – cuốn sách toán học cổ nhất Việt Nam; Lương Thế Vinh (1441-1496) là trạng nguyên giỏi toán nhất; và Nguyễn Hữu Thận (1757-1831) nghiên cứu việc làm lịch và dịch các tác phẩm toán Trung Quốc, ông để lại tập sách “Ý Trai toán pháp”. Cả ba vị kỳ tài toán học này đều làm quan to trong các triều đình thời các cụ. Giá mà các cụ không làm quan mà chỉ chăm chú nghiên cứu toán, dạy toán, viết sách toán thì chắc nền toán học Việt Nam đã có thể khác đi, nhưng đáng tiếc mục tiêu học chỉ để làm quan (hay được vua phát hiện ra tài năng và bị bắt làm quan).

Gail Paradise Kelly (2000) cho rằng trong hệ thống giáo dục truyền thống của Việt Nam, các thầy đồ không chỉ đóng vai trò công cụ của chính quyền – dạy chữ Nho và Khổng giáo cho học sinh và chuẩn bị cho những người trẻ xuất sắc nhất để tiến những bước tiếp trên đường làm quan. Họ còn tạo thành các mạng lưới riêng của mình qua các mối quan hệ học hành để tập hợp phản kháng chính quyền khi cần thiết. Nói cách khác, thầy đồ đã là xương sống của một mạng lưới chính trị.

Hiểu vai trò này của hệ thống giáo dục truyền thống Việt Nam, chính quyền thực dân Pháp bắt đầu tổ chức hệ thống giáo dục của mình. Việc các trí thức Việt Nam xây dựng hệ thống giáo dục riêng, mà điển hình là phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, bị coi là nguy hiểm.  Vì thế, Đông Kinh Nghĩa Thục bị Pháp giải tán sau chỉ tám tháng tồn tại. Mặc dù vậy, đó vẫn là một áp lực quan trọng buộc chính quyền thực dân phải cải tổ giáo dục, nhất là bắt buộc dùng chữ Quốc ngữ tại trường, cải cách chế độ thi cử.

Gail Paradise Kelly (2000) cho chúng ta một phân tích khá toàn diện và khá nhiều dữ liệu về hệ thống giáo dục Việt Nam thời kỳ 1906-1939.

Hệ thống giáo dục quốc gia thống nhất chỉ bắt đầu hình thành sau năm 1917 với các nghị định cải cách của Toàn quyền Albert Sarraut. Hệ thống tiểu học 5 năm và sau đó là 5 năm trung học cơ sở và bậc đại học với một trường duy nhất ở Hà Nội (được thành lập từ 1906).

Chỉ xin trích vài dữ liệu năm 1926, năm cụ Phan mất, từ trang 84-85 của Gail Paradise Kelly (2000), Việt Nam có tổng cộng 3.053 trường tiểu học (3 năm) với 153.737 học sinh; 244 trường tiểu học đầy đủ (5 năm) với 65.329 học sinh; 17 trường trung học cơ sở (dạy 10 năm) với 3.656 học sinh, 2 trường cấp hai (secondary school, lycée) với 56 học sinh (năm 1923 lại có 83 học sinh).

Tuy nhiên, đây là vài số liệu rời rạc được trích ở trên và tóm tắt của World Bank 2010 Report (trang 2): “Vào thời kỳ thịnh vượng nhất của Đông Dương bị Pháp xâm chiếm, Việt Nam chỉ có 2.322 trường tiểu học (ba năm) và số học sinh chiếm 2% tổng dân số; 638 trường tiểu học cho 2 năm cuối của giáo dục tiểu học với số học sinh chiếm 0,4% tổng dân số; 16 trường trung học cơ sở (primary colleges cho 4 năm sau bậc tiểu học) chiếm 0,05% tổng dân số và 6 trường trung học phổ thông trong đó có 3 trường nhà nước với số học sinh học trường công chỉ chiếm 0,019% dân số. Toàn bộ Đông Dương thuộc Pháp chỉ có ba đại học (Luật, Y Dược, Khoa học) tại Hà Nội với 834 sinh viên, trong số đó có 628 sinh viên Việt Nam… Với một hệ thống giáo dục như vậy 95% dân Việt Nam đã mù chữ.”

Hãy so sánh với Nhật Bản đầu thế kỷ XX. Theo ước lượng của Giáo sư Tsujimoto Masashi (2000), tỷ lệ biết chữ của các thành phố lớn của Nhật vào đầu thế kỷ XIX là trên 70%, mức ở vùng nông thôn là khoảng 10 hay 20% hay thấp hơn. Tuy vậy, vào năm 1909 tỷ lệ dự học bắt buộc (6 năm lúc đó) là trên 98%.  Sự khác biệt giữa Nhật Bản và Việt Nam thật sự khủng khiếp.

Nói cách khác, hoàn cảnh kinh tế, xã hội và chính trị ở Việt Nam đầu thế kỷ XX hoàn toàn không thuận lợi ngay cả cho việc khai dân trí của Phan Châu Trinh, và chính biết rõ điều đó nên cụ đã chủ trương khai dân trí.

  1. Nguồn lực kết nối

Nguồn lực kết nối có thể được phản ánh khá tốt bằng tỷ lệ dân cư đô thị, số người làm trong các nhà máy, công sở (nơi có đông người tụ tập và sự kết nối dễ dàng hơn những người sống ở nông thôn, nhất là vùng sâu vùng xa), mạng lưới giao thông, số người dùng Internet (và cả các chính sách kiểm duyệt Internet), v.v. Hãy xét tỷ lệ dân cư đô thị.

Hình 4. Dân số đô thị 1960-2020, so sánh quốc tế. Nguồn: Tác giả soạn theo dữ liệu của Macrotrends (trích dữ liệu của Ngân hàng Thế giới).

Có thể thấy nguồn lực kết nối của Việt Nam trong giai đoạn từ 1960 cho đến nay luôn luôn thấp hơn các nước trong khu vực. Lưu ý rằng vào năm 1986, khi chuyển đổi sang dân chủ, tỷ lệ dân cư đô thị của Philippines đạt 43,2%, còn tương tự tại Hàn Quốc trong năm 1987 là 68,56%, trong khi đó tỷ lệ hiện nay của Việt Nam cũng chỉ là 38,77%. Đó là chưa kể đến việc tự do tư tưởng và sự kết nối khác và tổ chức kết nối (như các tổ chức xã hội dân sự, các hội thảo, hội họp) mà ở nước ta là thấp hơn các nước được nhắc đến, và hiện nay có thể còn kém thời cụ Phan Châu Trinh.

  1. Dân khí

Đáng tiếc chúng ta không có những số đo lịch sử về dân khí (mà có quan hệ mật thiết với chỉ số các giá trị giải phóng (EVI), xem Nguyễn Quang A (2017), vì các giá trị này mới chỉ được đo từ năm 1981 đến nay trong bảy đợt.

Hãy xem xét EVI của vài nước trong khu vực để chúng ta có thể có chút cơ sở nào đó để mường tượng. Do các giá trị thường được thiết lập trong các năm hình thành (formative years, 0-8 tuổi; và môi trường kinh tế xã hội và nhất là môi trường gia đình, giáo dục ở tuổi trước khi đến trường và trong thời vị thành niên là hết sức quan trọng) và các giá trị của toàn xã hội (tức mức trung bình phổ biến của giá trị nào đó) thay đổi chủ yếu qua sự thay thế các nhóm tuổi, cho nên các giá trị, kể cả dân khí (EVI), thường thay đổi rất chậm.

Hình 5. EVI của một số nước trong khu vực được đo trong bảy đợt khảo sát của World Values Survey. Nguồn: Tác giả soạn dựa vào dữ liệu của World Values Survey.

Có thể thấy xu hướng tăng dài hạn của EVI trong tất cả các nước (chủ yếu do những thay đổi giá trị của các nhóm lứa tuổi [age cohort] trẻ bước vào tuổi trưởng thành và của các nhóm lứa tuổi già chết đi, hay nói cách khác sự thay đổi giá trị giữa các nhóm lứa tuổi). Nhưng, EVI cũng tăng hay giảm trong ngắn hạn do những thay đổi giá trị bên trong nhóm lứa tuổi phản ánh những biến động về những thay đổi về các nguồn lực hoạt động. Do EVI được chuẩn hóa (0 ≤EVI ≤ 1) nên sự thay đổi không nhiều trong thời gian ngắn, và sự chênh lệch 0,05 là rất lớn và thường xảy ra do sự thay thế nhóm lứa tuổi.

Với số điểm dữ liệu ít ỏi (Việt Nam 3 điểm, và Hàn Quốc 7 điểm trong 40 năm qua), khó có thể có những ước lượng lùi về quá khứ, thí dụ lùi lại khoảng một thế hệ quay lại các năm 1960. Nhưng dùng nhiều điểm dữ liệu hơn của các vùng văn hóa (với số điểm dữ liệu của mỗi vùng lên đến hàng trăm), Christian Welzel (2021) và các cộng sự của ông có thể làm việc này và cho chúng ta các ước lượng đáng tin cậy về EVI cho giai đoạn 1960-1980 cùng với EVI thực đo cho giai đoạn 1981-2020, cho chúng ta thấy rõ xu hướng tăng toàn cầu của các giá trị giải phóng trên Hình 6.

Hình 6. Sự thay đổi của EVI của các vùng văn hóa (1960-2000). Nguồn: Hình OA-9 của Christian Welzel (2021).

Việt Nam, dù có thuộc về vùng văn hóa Sinic East (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan) hay không, chắc nó nằm giữa vùng Indic East và Sinic East, có thể suy đoán rằng EVI là thấp cỡ 0,3 trong suốt giai đoạn đầu thế kỷ XX của cụ Phan và lên 0,34 năm 2001, 0,36 năm 2006, và 0,41 năm 2020.

  1. Các phong trào xã hội

Động cơ mạnh nhất, lâu bền nhất để tham gia các hoạt động phong trào xã hội là các giá trị giải phóng, hay dân khí. Ngoài ra, có các động cơ khác như lợi ích, sự bất bình, hận thù và chúng không mạnh như dân khí. Nếu hoạt động phong trào xã hội có động cơ chính là các giá trị giải phóng thì hoạt động đó chủ yếu là bất bạo động và kinh nghiệm thực tế chứng minh nó là phương pháp đấu tranh hiệu quả nhất.

Khi các nguồn lực hành động thấp, dân khí thấp thì quần chúng có thể dễ bị (các nhà hoạt động dân túy và/hay chủ trương bạo lực hoặc những kẻ khiêu khích do chính quyền cài vào) kích động tham gia vào các phong trào xã hội, với các động cơ khác với các giá trị giải phóng. Điều này dễ khiến các phong trào xã hội trở nên bạo động và/hay vượt khỏi tầm kiểm soát của những người chủ trương bất bạo động, và như thế tạo cớ cho nhà cầm quyền đàn áp thẳng tay.

Chiến lược chính của các nhà cầm quyền độc tài để bẻ gãy liên kết giữa các giá trị giải phóng và các hoạt động phong trào xã hội là tuyên truyền và đàn áp, xem Welzel (2013, tr.219). Dân khí càng cao thì tác dụng của sự tuyên truyền và đàn áp càng ít có hiệu quả, trong khi nếu dân trí thấp, kinh tế không phát triển và dân khí thấp thì hiệu quả của tuyên truyền và đàn áp rất cao.

Tóm lại, cho đến khi cụ Phan Châu Trinh mất năm 1926, các nguồn lực hành động của nhân dân tất cả các nước trong khu vực, kể cả dân khí đã rất thấp và chẳng nước nào đã dân chủ hóa thành công trong vòng 60 năm sau đó cả, nói chi đến Việt Nam.

Về phương pháp, ngược với chủ trương bất bạo động của Phan Châu Trinh các nhà cầm quyền ở Việt Nam trong suốt thế kỷ hai mươi đã sử dụng phương pháp bạo động.

Ngược với chủ trương chống bài ngoại và chống ỷ lại vào nước ngoài của Phan Châu Trinh, đáng tiếc tư tưởng bài ngoại và đôi khi ỷ ngoại đã phổ biến theo những thái cực khác nhau và các tàn dư của nó vẫn còn đến ngày nay.

  1. Vài suy ngẫm

Như thế, có thể dễ hiểu là cụ Phan Châu Trinh đã chưa thành công (nhưng dứt khoát không thất bại vì sự nghiệp đó đang và sẽ còn tiếp tục). Và suốt từ đó đến nay, nhất là từ thập niên 1990 khi Đổi mới thực sự bắt đầu, Việt Nam đã ngày càng đi theo các tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh dù nhiều người không muốn thú nhận như thế.

Về nguồn lực vật chất, như Hình 3 cho thấy Việt Nam luôn luôn ở mức thấp nhất cho đến tận ngày nay, so với các nước trong khu vực. Dù ở miền Nam nền kinh tế thị trường được khuyến khích cho đến tận năm 1975 nhưng sau đó chính quyền đã tìm mọi cách hủy diệt nền kinh tế thị trường. Mãi đến năm 1986, do không “đổi mới” thì chết nên chính quyền đã buộc phải trả lại cho dân một phần các quyền kinh doanh của mình. Cuộc Đổi mới thực sự chỉ bắt đầu từ thập niên 1990: cởi trói kinh doanh, xóa bỏ ngăn sông cấm chợ, chú trọng thương mại, coi trọng doanh nhân, hợp tác kinh tế với nước ngoài, v.v. Xét cho cùng là chúng ta làm theo các tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh đề ra gần 100 năm trước và đã mang lại sự phát triển kinh tế ngoạn mục cho Việt Nam trong hơn 30 năm qua. Tuy nhiên, xét về tất cả các nguồn lực vật chất, chúng ta vẫn còn yếu khi so sánh với các nước trong khu vực như được phân tích sơ bộ ở trên.

Về nguồn lực trí tuệ, kể từ phong trào xóa mù chữ năm 1945, tỷ lệ biết chữ được cải thiện đáng kể. Ngày nay, tỷ lệ biết chữ của Việt Nam đạt mức 98,85%. Tuy nhiên, nếu tính đến chất lượng giáo dục (đo bằng số năm học ở trường chẳng hạn và tính đến kết quả như số sách được viết, số bằng sáng chế) cũng như đóng góp thực cho trí tuệ nhân loại, cho phát triển kinh tế thì dân trí của chúng ta ngày nay vẫn rất thấp. Chẳng hạn, theo Wikipedia, tính trung bình thì một người ở Việt Nam đọc 0,8 cuốn sách/năm (không tính sách giáo khoa). So với Malaysia thì trung bình một người đọc 10-20 cuốn/năm (2012) và Thái Lan là 5 cuốn/năm.

Hiện nay và mãi mãi trong tương lai chúng ta vẫn phải tiếp tục thực hiện chủ trương khai dân trí của cụ Phan.

Về nguồn lực kết nối, như Hình 4 cho thấy, tỷ lệ đô thị hóa của chúng ta vẫn thấp nhất cho đến tận ngày nay so với các nước được so sánh. Đó là chưa nói đến các thành tố khác của nguồn lực kết nối như sự lập hội, các tổ chức công đoàn độc lập, các tổ chức xã hội dân sự không được khuyến khích, các cuộc hội họp cũng bị kiểm soát nên có lẽ lĩnh vực này hiện nay còn kém thời của Phan Châu Trinh.

Về phương pháp bất bạo động của cụ Phan Châu Trinh, có lẽ do người Việt Nam luôn sống trong văn hóa chống ngoại xâm từ hàng ngàn năm nay nên quá quen với từ ngữ mang tính chiến đấu (chiến sĩ, tấn công, mặt trận, chiến dịch, xung kích, ra quân, tiêu diệt, truy quét, báo thù…) cho đến tận ngày nay. Thậm chí, nhiều nhà lãnh đạo còn “sáng tạo” ra các từ ngữ mới sặc mùi chiến tranh như “tư lệnh ngành”. Các từ ngữ này được báo chí tuyên truyền rộng rãi nên việc chấp nhận phương pháp bất bạo động có thể không dễ. Việc giáo dục cho dân ta về tinh thần và phương pháp bất bạo động vẫn là một nhiệm vụ cam go và phải tích cực làm liên tục.

Chúng ta nên tỉnh táo chú ý đến các dấu ấn văn hóa và lịch sử không hay đó và từ từ thay đổi chúng một cách có chủ ý chứ không phải ngược lại dù vô tình hay cố ý.

Chúng ta còn chưa xét đến các yếu tố ảnh hưởng của quốc tế và địa chính trị mà có thể thuận lợi hay bất lợi cho sự phát triển và dân chủ hóa của Việt Nam. Và liên quan đến vấn đề này là câu hỏi được một số người đưa ra: dựa vào ai? Tất nhiên chúng ta nên tận dụng sự giúp đỡ và sự ủng hộ của tất cả các nước khác, tận dụng tất cả các cơ hội mà thế giới và khu vực tạo ra cho chúng ta, nhưng chúng ta phải dựa vào chính chúng ta. Đấy cũng là một tư tưởng chủ đạo của cụ Phan: “vọng ngoại tắc ngu, bạo động tắc tử”.

Nói cách khác, nội lực vẫn là chính, chúng ta phải dựa vào chính mình. Nếu các nguồn lực hành động thấp, dân khí không cao thì dù ai đó (một nhà độc tài nhân từ hay một lực lượng quốc tế) có đưa cho chúng ta nền dân chủ thì nền dân chủ đó cũng chỉ là phù du, sớm nở tối tàn. Dân chủ chỉ có thể hình thành qua cuộc đấu tranh liên tục, không biết mệt mỏi của chính người Việt Nam chúng ta để phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí và tích cực tham gia vào các phong trào xã hội, tức là liên tục làm theo các tư tưởng của Phan Châu Trinh.

Tóm lại, Phan Châu Trinh chưa thành công bởi vì người Việt chưa hiểu các ý tưởng của cụ. Thậm chí, các nhà cầm quyền ở Việt Nam đã làm ngược lại tư tưởng của cụ, dùng phương pháp bạo động, vọng ngoại, không chú ý đến việc xây dựng các nguồn lực hành động của nhân dân, thậm chí có những lúc đã hủy hoại chúng (cải tạo công thương, tiêu diệt khu vực kinh tế tư nhân, ngăn sông cấm chợ gây khó khăn cho phát triển kinh tế, cho các nguồn lực vật chất; ngăn cản sự phát triển lành mạnh của xã hội dân sự gây hại cho nguồn lực kết nối; đàn áp các phong trào xã hội). Muốn phát triển đất nước, chúng ta cần tiếp tục bổ sung, phát triển thêm, làm phong phú các tư tưởng của Phan Châu Trinh và thực hiện chúng ngay trong hiện nay và tương lai. Chúng ta đang tiếp tục con đường của Phan Châu Trinh. Lịch sử không lặp lại và không có chữ nếu, nhưng lịch sử có cho chúng ta những bài học quý giá nếu chúng ta muốn học và phát triển.

  1. Lời cảm ơn

Tác giả cảm ơn nhà thơ Hoàng Hưng, cựu đại sứ Nguyễn Trung và một số bạn trẻ đã góp ý cho vài bản thảo của bài viết này.

_____

Chú thích:

– Daron Acemoglu and Simon Johnson (2023), POWER and PROGRESS, our Thousand-Year Struggle over Technology and Prosperity (TIẾN BỘ và QUYỀN LỰC, cuộc Chiến đấu Ngàn Năm của chúng ta về Công nghệ và sự Thịnh Vượng), PublicAfaire, New York

– Chu Hảo (2023), Phan Châu Trinh trước khi sang Pháp, Viện Phan Châu Trinh.

– Gail Paradise Kelly (2000), Frech Colonial Education: Essays on Vietnam and West Africa, AMS Press, Inc. 2000

– Seymour Martin Lipset (1959), Some Social Requisites of Democracy: Economic Development and Political Legitimacy, The American Political Science Review, Volume 53, Issue 1 (1959): 69-105.

– Nguyen Quang A (2019), Tiananmen Protests and Lessons for Democratization in Vietnam, Contemporary Chinese Political Economy and Strategic Relations: An International Journal, Vol.5. No.2, June/Aug. 2019, pp.745-763.

– Nguyễn Quang A (2017), Phan Châu Trinh và Thuyết Hiện đại hóa Mới, Tạp chí Dân trí

– Tsujimoto Masashi (2000), Maturing of a Lierate Society, Journal of Japanese Trade & Industies, March-April 2000, pp. 44-48. Truy cập online

– Christian Welzel (2013), Freedom Rising, Oxford University Press 2013 (Bản tiếng Việt 2017)

– Christian Welzel (2021), Why The Future is Democratic, Journal of Democracy, Volume 32, No. 2, April, 2021, pp. 132-144

– World Bank (2010), 2010 World Report: “Education in Vietnam”


 

 Từ vụ án Ngọc Trinh, ‘nhà giàu cũng khóc’

 Ba’o Nguoi-Viet

February 7, 2024

Lâm Công Tử

Người dân trong nước biết cái tên Ngọc Trinh từ lâu qua cung cách sống của cô người mẫu này. Người Việt hải ngoại biết Ngọc Trinh qua tỷ phú Hoàng Kiều và rồi người dân khắp thế giới biết Ngọc Trinh qua vụ lái xe phân khối lớn mà không có bằng lái phù hợp, bị công an bắt, ra tòa được xử án treo rồi về nhà viết lời cám ơn đảng và chính phủ trong ngày 27 Tết.

Ngọc Trinh ra tòa với lực lượng hộ tống bên cạnh như một tù nhân nguy hiểm. (Hình: Duyên Phan/Tuổi Trẻ)

Ngọc Trinh là khuôn mặt điển hình của người giàu trong giới showbiz, cô nàng vừa đẹp vừa bất chấp dư luận khi từ ăn mặc tới ăn nói đều khác người. Ngọc Trinh có một lượng fan rất lớn từ nam thanh tới nữ tú. Thanh niên thì mê nhan sắc của cô còn thiếu nữ thì mê sự nghiệp rất đáng ngưỡng mộ của một người mẫu. Chỉ có một bộ phận rất… hùng hậu ghét cô đó là công an.

Ừ thì công an ai mà họ không ghét. Người nghèo bị họ ghét vì buôn bán vô trật tự trên đường phố, người giàu nào không đút lót cho họ thì ngay lập tức dược vào sổ bìa đen chỉ chờ dịp là cho biết tay. Không giàu không nghèo cũng bị ghét vì giới này biết chút đỉnh luật lệ thường cự cãi mỗi khi bị phạt lái xe hay tranh luận khi lực lượng chức năng càn quét trong một sự kiện nào đó. Nói như vậy để thấy rằng công an và nhân dân là hai lực lượng đối nghịch, cái thương hay ghét đều nằm trong tiêu chí có hối lộ được hay không.

Nhiều người ngây thơ cho rằng sống trong chế độ Cộng Sản muốn yên thân hưởng giàu sang phú quý thì phải biết im lặng trước bất công xảy ra hàng ngày trên đường phố. Đừng bao giờ nói chuyện chính trị trên mạng xã hội và nhất là đừng bao giờ tham gia biểu tình dù có chống Trung Quốc hay chống một âm mưu nào đó.

Những người suy nghĩ như vậy thật sai lầm, lấy trường hợp Ngọc Trinh làm ví dụ thì sẽ thấy. Ngọc Trinh rất giàu nhưng chưa bao giờ làm từ thiện dỏm, chưa bao giờ nói chuyện chính trị trên Facebook của cô ấy, chưa bao giờ tỏ ra bức bối vì những chuyện bất công xã hội và cũng chưa bao giờ bị công an mời về đồn vì bất cứ chuyện gì, ngoại trừ cô là một người giàu, thật giàu là đằng khác.

Vậy mà ngày 6 Tháng Mười, năm 2023 người mẫu Ngọc Trinh bị cáo buộc đăng video “biểu diễn” xe phân khối lớn lên mạng xã hội, có hàng triệu người theo dõi, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội bị Công An TP HCM bắt tạm giam ba tháng về hành vi “Gây rối trật tự công cộng.”

Theo báo chí cho biết Ngọc Trinh dù không có giấy phép lái xe hạng A2 nhưng đã cùng một huấn luyện viên chạy xe BMW, dung tích xi lanh 999 cm3, biểu diễn trên đoạn đường D15 Khu Công Nghệ Cao (thuộc phường Tăng Nhơn Phú B, thành phố Thủ Đức) với các động tác lái xe nguy hiểm, tư thế phản cảm, không mặc đồ bảo hộ, nằm, quỳ gối trên yên xe.

Lạ một điều tuy bị bắt vì chạy xe phân khối lớn nhưng Viện Kiểm Sát TP HCM lại phê chuẩn các quyết định cho phép lệnh khám xét nhà của cô ấy, thu giữ nhiều tài liệu liên quan.

Ủa, sao ngộ vậy? Lái xe phân khối lớn là vi phạm luật lái xe, hơn nữa không gây tai nạn, không làm ùn tắc giao thông tại sao lại bị bắt mà không phải là phạt hành chánh, lại còn bị khám xét nhà để tìm tài liệu liên quan là tài liệu gì, phải chăng là tài liệu mua sắm hạt xoàn đá quý cũng như đồ lót hạng cao cấp mà cô người mẫu này từng khoe trên Facebook của cô?

Hỏi cho vui thôi nhưng động thái này của công an, viện kiểm sát, tòa án cho thấy một điều là luật pháp nằm trong tay họ còn Hiến Pháp, Bộ Luật Hình Sự đều là mớ giấy lộn đối với ngành tư pháp.

Trong ba tháng nằm trong trại giam chắc Ngọc Trinh cũng ngộ ra được chân lý rằng đối với công an không điều gì mà họ không dám làm, kể cả bắt giam một con người khi người ấy chỉ vi phạm một luật nhỏ như luật lái xe. Mục tiêu của hành vi phi pháp này không phải là hoàn thiện pháp luật mà là cảnh báo toàn bộ xã hội rằng sống trong thế giới Cộng Sản không biết điều với công an là một sai lầm rất lớn, lớn đến nỗi dẫn đến gông cùm, trại giam không biết lúc nào.

Ba tháng sau, Ngọc Trinh ra tòa với lực lượng hộ tống bên cạnh như một tù nhân nguy hiểm. Hình ảnh của Ngọc Trinh bị kẹp giữa hai hàng công an khiến người ta liên tưởng đến phiên tòa xử bà Võ Thị Thắng hơn 60 năm về trước. Bà Thắng bị chế độ miền Nam bắt ra tòa vì hoạt động cho Cộng Sản còn Ngọc Trinh hôm nay ra tòa vì lái xe phân khôi lớn. Bà Võ Thị Thắng có nụ cười nổi tiếng còn Ngọc Trinh lại có khuôn mặt xinh đẹp và ăn nói ôn tồn, điềm đạm trước tòa làm nhiều người theo dõi xúc động. Có người còn cho rằng cô đáng được nhận danh hiệu “người mẫu nhân dân” vì từ cung cách ăn nói tới lời lẽ trước tòa hơn hẳn hàng trăm quan lại tham nhũng mếu máo xin tha khi bị kết án.

Nhưng có lẽ lời ăn tiếng nói của cô đã được chuẩn bị từ trước khi cô biết rằng mình sẽ không bị giam nữa. Lời lẽ đó không trách móc hệ thống luật pháp, không tố cáo cô bị sàm sỡ khi bị giam trong tù, cũng không xin xỏ được giảm án vì thật ra, sống trong xã hội Việt Nam Ngọc Trinh hiểu rất rõ luật lệ đầu tiên là “tiền đâu” để mua một bản án treo khi cô còn trong tù.

Với Ngọc Trinh vài tỷ bạc đút lót cho công an, tòa án, viện kiểm sát là con số rất nhỏ so với gia tài kếch xù của cô. Cái mất lớn nhất của Ngọc Trinh là hình ảnh bị còng tay giữa hai hàng áo xanh lạnh lẽo. Cô bước ra khỏi tòa không một cử chỉ xúc động vì cô đã biết trước sức mạnh của đồng tiền cô bỏ ra, và có lẽ không ai lạ gì với cách mua án này khi cả đất nước chìm trong án lệ “tiền mua án.”

Sau khi về tới nhà vẫn chưa thật sự yên tâm vì Ngọc Trinh biết công an khu vực toàn quyền triệu tập cô vì những chuyện trời ơi nếu cô tiếp tục yên lặng không tỏ ra tuân phục, và vì vậy, như một tín đồ thuần thành với chế độ, cô lên trang Facebook của mình tỏ ra hối lỗi và chân thành biết ơn đảng và nhà nước đã cho phép cô một cơ hội nữa để hòa nhập với xã hội!

Đấy, giàu có và tuyệt sắc như Ngọc Trinh chỉ vì không biết điều với công an khi ăn nên làm ra vẫn bị túm bởi một lý do hết sức trời ơi đất hỡi, huống chi những đại gia làm ăn bên ngoài hệ thống quốc doanh làm sao tránh cho hết một rừng luật lập ra cốt để trói chặt họ vào một án lệ bất thành văn “mua án.”

Làm gì thì cũng có án sẵn cho mỗi một con người có của ăn của để. Bây giờ bạn đang ở bên ngoài song sắt trại giam nhưng một hôm đẹp trời nào đó khi công an gõ cửa vào lúc nửa đêm bạn cũng không nên ngạc nhiên và cho rằng mình vô tội.

Đối với người giàu thì hai chữ vô tội không có trong tự điển luật lệ của công an, cái tội lớn nhất, nghiêm trọng nhất là chung chi không đủ.

Đấy nhà giàu nào cũng khóc, huống chi Ngọc Trinh chỉ là một cô nhà giàu bé nhỏ, dễ thương!


 

Chào mẹ-Vũ Thất-Truyện ngắn

Đôi nét về tác giả:

Nhà văn Vũ Thất sinh năm 1940 tại Tân Châu – Châu Đốc, từng theo học tại trường Trung học Võ Tánh Nha Trang (1957-1959). Tốt nghiệp Khóa 11 SQ Hải Quân năm 1963 tại TTHL/ HQ/ Nha Trang. Từng đảm trách nhiều chức vụ quan trọng: Hạm trưởng Tuần duyên hạm Hoàng Sa HQ 616 (1971-1972), Chỉ huy trưởng Liên Đoàn 3 Ngăn Chận (1974-1975). Sau tháng 4/1975 bị giam cầm nhiều năm trong các trại tù CS Bắc Việt. Vượt biện và định cư cùng gia đình tại Hoa Kỳ. Ông đã ra mắt nhiều tác phẩm tại Việt Nam và Hoa Kỳ: Đời thủy thủ (Sài Gòn, 1969), Trong cơn bão biển (Sài Gòn, 1969), Một dòng sông cho chiến đỉnh (Sài Gòn1974 – Hoa Kỳ 1985), Tác phẩm mới nhất: Đời Thủy Thủ 2 (Hoa Kỳ 2023). Truyện ngắn Chào Mẹ là một truyện đặc sắc của ông, dù phổ biến từ khá lâu (2008) nhưng vẫn luôn được nhiều độc giả ca ngợitâm đắc.

******
Chào mẹ
Tác giả: Vũ Thất

Tôi không khó khăn nhận ra mẹ khi bà vừa bước ra khỏi trạm kiểm soát an ninh phi trường. Một tay kéo chiếc va ly nhỏ, một vai mang chiếc xách tay, mẹ thong dong như trôi theo dòng người. Dáng mẹ trông mảnh mai, thanh nhã, linh hoạt dù rằng đã ở cái tuổi tám mươi. Tóc đã bạc phơ. Chiếc áo sơ mi màu trắng như giúp khuôn mặt mẹ tươi tắn hơn ngày tôi gặp mười lăm năm trước. Mẹ đưa mắt tìm kiếm. Tôi giơ tay vẫy. Bà mừng rỡ vẫy lại. Tôi cười khi mẹ đến gần:
“Chào mẹ!”
Mẹ buông rơi chiếc va ly, mở vòng tay ôm ghì lấy tôi. Tôi cũng ôm xiết mẹ mà sao không cảm nhận chút nồng ấm nào. Từ khi chưa đầy một tuổi, ba mẹ tôi đã đành đoạn bỏ rơi tôi. Thôi nôi, ngoại cúng kiến van vái. Lên ba, ông ngoại mất. Lên năm, bà ngoại lìa đời. Cậu mợ tôi thừa hưởng gia sản nên… thừa hưởng luôn việc săn sóc dưỡng dục tôi. Vì vậy mà khi khôn lớn, tôi hầu như quên hẳn mình còn đủ cha đủ mẹ.
Tôi lái xe vào trung tâm thủ đô, chạy vòng vòng cho mẹ xem phố xá rồi quẹo sang đường Constitution. Tôi chỉ mẹ xem đài tưởng niệm Washington, tòa Bạch ốc và hứa một ngày khác sẽ đưa mẹ vào xem tận bên trong. Mẹ nói mẹ muốn ưu tiên gặp em của mẹ, còn việc tham quan chừng nào cũng được. Tôi cho mẹ biết cậu mợ đang chu du Âu châu, hai tuần nữa mới về. Sợ mẹ hiểu lầm, tôi giãi bày:
“Cậu mợ ghi tên đi chơi trước ngày mẹ báo tin qua đây nên không hủy bỏ được. Con đã xin nghỉ một tháng. Trong tháng đó mình sẽ đi một vòng sơ khởi nước Mỹ. Mẹ sẽ gặp em trai mẹ vào tuần lễ thứ ba…”
Tôi ngưng nói khi thấy mẹ xoay mặt về khung cửa kính. Nhân lúc xe qua cầu, tôi cất cao giọng:
“Đây là sông Potomac. Đi xuôi dòng sẽ trông thấy một phần hình ảnh rất đẹp của thủ đô. Nhà của con phía thượng dòng cách đây độ nửa giờ.”
Mẹ vẫn nhìn quang cảnh thành phố, chỉ có tiếng “thế à” hờ hững vang lên. Tôi nhìn đồng hồ và mừng là đã tới giờ cơm chiều. Tôi nói nhỏ nhẹ:
“Suốt ngày đêm trên máy bay, chắc mẹ thèm cơm. Khu thương mại Eden của người Việt vùng này có một nhà hàng nấu món canh chua cá bông lau, cá kho tộ ngon lắm!”
Bà nói giọng mệt mỏi:
“Nói chung thì mẹ thèm một tô phở.”
Một cái gì nghẹn ngào đột ngột trào dâng trong tôi. Hai mươi năm tập kết ra Bắc mẹ đã bị đồng hóa. Không chỉ thay đổi cả giọng nói, ngôn từ mà lơ là luôn cả món ăn ưa thích của miền Nam. Tôi ngờ rằng bà không phải là người sinh ra tôi…
Tôi đưa mẹ vào tiệm Phở Xe Lửa và gọi tô đặc biệt. Mẹ khen ngon hơn phở ở Sài Gòn. “Nhưng vẫn thua phở Hà Nội”, tôi nhanh nhẩu tiếp lời. Mắt mẹ thoáng chút ngạc nhiên rồi lặng lẽ quan sát xung quanh… Tôi cũng quan sát bà. Tôi giống mẹ lạ lùng. Chắc chắn nhìn chúng tôi, không ai nghĩ khác hơn là mẹ và con. Mà giống mẹ để làm gì khi tâm hồn chúng tôi không có chút gì hòa điệu…
Tôi nhấn một chiếc nút trên trần khi xe sắp quẹo vào driveway và lái thẳng vào garage. Trong khi tôi mở cóp nhấc xuống các hành lý, mẹ đi ra phía trước đường. Tôi bước đến bên mẹ khi bà ngắm nghía ngôi nhà, trầm trồ:
“Nhà của con đây hả? To và đẹp quá, ngoài tưởng tượng của mẹ. Quang cảnh cũng thật sáng sủa tươi mát.”
Tôi cười buồn:
“Chúng con mới mua năm ngoái và chắc cũng sắp bán…”
Giọng mẹ thảng thốt:
“Tại sao thế?”
Tôi nắm cánh tay mẹ dìu đi:
“Mẹ vào nhà nghỉ ngơi. Từ từ rồi mẹ sẽ biết…”
Tôi bấm số liên hợp và mở toang cánh cửa. Mẹ bước vào, đứng sững người trên tấm thảm nhỏ mang chữ welcome. Dường như mẹ không tin những gì mẹ đang thấy. Mẹ ngập ngừng bước đi, mắt dừng lại từng vật trang trí ở phòng khách, phòng gia đình, miệng lẩm bẩm lời tán thưởng. Khi mẹ hướng về khu bếp, tôi biết mẹ sẽ ở đây lâu hơn nên lặng lẽ trở ra ngoài mang hành lý vào nhà. Khóa cửa xong, tôi đảo mắt tìm mẹ. Bà đang ở trong phòng đọc sách, đứng lặng yên trước bàn thờ. Mẹ không nhìn các tượng Phật rất đẹp tôi thỉnh tận Thái Lan. Mắt mẹ đang đăm đăm nhìn di ảnh của Huy. Anh mặc áo tiểu lễ hải quân với dây biểu chương, trên một nắp túi là chiếc huy hiệu hạm trưởng và bảng tên Lê Quang Huy. Bên kia là hai hàng huy chương nhiều sắc màu khác biệt. Và Huy đang tươi cười…
Mẹ nói bằng giọng ngạc nhiên mà bình thản:
“Sao con không nói gì với mẹ?”
Tôi lắc đầu:
“Để làm gì? Mẹ có biết gì về ảnh đâu và chắc cũng không ưa ảnh!”
Mười lăm năm trước, khi về chịu tang ba tôi, tôi đã từ chối trả lời mọi câu hỏi của mẹ. Tôi muốn cho thấy khi bà đã có can đảm bỏ rơi tôi thì tôi cũng có can đảm coi như đời tôi không dính dáng gì tới bà. Mãi gần đây, khi mẹ ngỏ ý muốn qua thăm chúng tôi, Huy khuyên tôi nhận lời, dù gì bà cũng là người sinh thành ra mình. Tôi nghe lời khuyên nhưng chỉ một mình tiếp đón mẹ. Huy chết bất thần vì cơn đột quỵ.
Mẹ nhìn khắp bàn thờ rồi quay phắt sang tôi:
“Sao không thấy con thờ ba con?”
“Thờ ba? Tại sao con phải thờ ba?”
Mặc dù đã tự nhủ, tôi vẫn không dằn được cơn bực tức bùng vỡ. Mẹ quay đi, lặng lẽ thắp nén nhang cắm vào lư hương, nhìn Phật Bà, nhìn Huy rồi thở dài lặng lẽ bước lên thang lầu. Tôi đã từng nghe nhiều tiếng thở dài tương tự của mẹ trong suốt thời gian mười ngày về dự đám táng ba tôi. Tôi đã cho bà thấy tôi không chỉ dửng dưng với người chết mà còn lạnh lùng với cả người còn sống. Liệu có ai cư xử khác tôi khi suốt quãng đời dài gần bốn mươi năm mà chỉ vài lần được nghe nhắc đến mẹ cha mình bằng lối bông đùa.
Năm tôi lên mười bốn, sau trận Mậu Thân khói lửa khắp Chợ Lớn Sài Gòn, một bữa, lần đầu tôi nghe cậu nhắc tới ba mẹ. Trong bộ đồ trận rằn ri mang lon trung tá, cậu ra vẻ trịnh trọng: “Nè, Phượng! Con có biết là suýt nữa con đã có dịp trùng phùng ba mẹ con không?” Trong khi tôi tò mò lắng nghe, cậu tỉnh bơ tiếp: “ Nhưng vì cậu thấy họ không xứng đáng làm bậc cha mẹ, cậu đã đuổi họ về mật khu rồi!” Tôi thường cười với mỗi cợt đùa của cậu nhưng lần đó tôi mím môi muốn khóc.
Năm hai mươi mốt tuổi, khi tôi đưa Huy về nhà giới thiệu nhân buổi tiệc mừng cậu thăng cấp tướng, cậu nói nhỏ vào tai tôi: “ Chà chà! Như vầy là kẹt cậu rồi! Con mà chọn tên hải quân đó làm chồng thì cậu khốn khổ với chị cậu. Tuy nhiên, nếu con… năn nỉ cậu, cậu cũng liều cho con làm… bà thiếu tá.” Tôi vẫn cười thầm về chuyện này vì bốn tháng sau, sự thể đảo ngược. Chính cậu lại là người phải “năn nỉ” tôi để cả gia đình được lên tàu của Huy rời khỏi Việt Nam.
Chúng tôi thành hôn ở Mỹ. Huy trở lại đại học, tôi đi làm ngày đêm. Rồi lần lượt hai đứa con ra đời. Huy ra trường đi làm. Tôi vào đại học. Vất vả mà hạnh phúc. Tôi quá bận rộn để nhớ về quê cha đất tổ, cho tới mười năm sau tôi mới lại nghe tin tức ba mẹ. Lại vẫn do cậu đưa tin. Cậu tôi cho biết đã liên lạc được với chị của mình. Không lâu sau đó tôi liên tiếp nhận được thư ba mẹ tôi bày tỏ lòng khao khát mong nhận được thơ tôi và hình ảnh gia đình. Và tiếp đến là những lá thư mong mỏi tôi về Việt Nam. Tôi nhận thư, tôi đọc, lòng ngơ ngẩn, bâng khuâng nhưng không có chút hứng thú trả lời. Thậm chí nhiều năm sau, cái tin ba tôi đau nặng cũng chỉ được đón nhận với lòng dửng dưng.
Huy bảo tôi nên về. Cậu mợ gọi điện bảo tôi phải về. Tôi thưa với cậu mợ rằng tôi không có cha mẹ nào khác ngoài cậu mợ nhưng cậu mợ tiếp tục thúc bách và giảng đạo lý. Tôi rủ cậu mợ cùng về. Cậu bảo cậu không muốn giỡn mặt với chính quyền cộng sản. Cuối cùng tôi khăn gói một mình lên đường. Thời điểm này chúng tôi còn nghèo nên Huy đành ở lại với hai con.
Nhưng đoạn đường quá xa để ba tôi không thể chờ. Ông vĩnh viễn ra đi vài giờ trước lúc tôi bước vào ngôi nhà xưa. Dù vậy tôi vẫn còn kịp nhìn mặt ba tôi. Nhìn chỉ một lần mà vẫn đủ để khuôn mặt già nua, khắc khổ, hoàn toàn xa lạ đó theo tôi về tận xứ Mỹ. Thỉnh thoảng nhân một liên tưởng về dòng họ ai còn ai mất, khuôn mặt của ông lại hiện ra cùng với những tiếng thở dài của mẹ. Thế mà tuyệt nhiên, tôi không hề nghĩ đến việc thờ phượng ông…
Mẹ nằm trong buồng riêng suốt đêm ngày, mãi đến tối hôm sau mẹ mới tươi tỉnh hẳn. Tôi rủ mẹ đi ăn đồ biển. Mẹ ăn tự nhiên, ngon lành. Nếm đủ tôm cua nghêu sò ốc hến. Luôn cả hào tươi. Lâu lắm mới có dịp ăn ngoài, tôi cũng tận lực nuốt. Trên đường về nhà, mẹ hỏi:
“Cậu bảo con có hai thằng con trai. Chúng nó đâu mà mẹ chưa gặp?”
“Tụi nó đều đã lập gia đình. Mỗi đứa ở mỗi tiểu bang khác nhau, khá xa. Đứa lớn ở Georgia, có hai con, đứa nhỏ ở Texas, đang chờ con đầu lòng. Con đã sắp xếp để mẹ đến chơi với chúng nó, mỗi đứa vài ngày, sau khi mẹ gặp cậu mợ.”
Mẹ nhìn tôi, dò hỏi:
“Con ở đây một mình sao?”
Tôi gật đầu:
“Vì vậy mà con có ý muốn bán nhà này về sống với mấy đứa nhỏ, luân phiên mỗi đứa một thời gian. Tụi nó đang năn nỉ con về ở chung.”
Giọng mẹ ngập ngừng:
“Phải thú nhận rằng mẹ vừa trông thấy căn nhà này là mê ngay. Nếu con bán thì bán cho mẹ. Mẹ con ta sẽ ở đây, mãi mãi tới ngày mẹ chết…”
Tôi đăm đăm nhìn mẹ. Tôi đã biết từ lâu là mẹ rất giàu, chỉ ngạc nhiên về ý cuối. Nó đến quá bất ngờ như là một nhánh gai quẹt vào người. Tôi nghe xót đau, khó chịu. Tôi không chuẩn bị việc này, cũng không muốn nó xảy ra. Đầu óc tôi đông cứng. Chợt hình ảnh Huy hiện ra, miệng cười cười. Ba tháng nay, từ ngày anh mất, khi tôi gặp điều gì khó xử là anh lại hiện về. Nụ cười của anh luôn luôn giúp tôi tìm giải pháp. Tôi thấy bao nhiêu phiền phức nếu cho mẹ ở chung. Tôi đã quen với cuộc sống không có mẹ. Chỉ mới hai mươi bốn tiếng đồng hồ “có mẹ” mà tôi đã chịu đựng biết bao gượng ép.
Mẹ nhìn tôi dò hỏi. Tôi nói:
“Con mới mất anh Huy. Con cần một thời gian yên tĩnh.”
“Mẹ cũng cần có thời gian sắp xếp mọi việc ở Việt Nam. Năm tới mẹ trở qua sống hẳn với con. Con đồng ý chứ?”
Tôi không biết nói gì hơn. Tôi như nghe tiếng Huy văng vẳng: “Đừng làm mẹ buồn!” Tôi cố nhìn vào bóng đêm loang loáng tìm hình bóng Huy nhưng chỉ thấy ánh đèn đỏ vừa bật ở ngã tư…
Sau năm ngày dạo chơi phố xá và ngắm cảnh Nữu Ước, chúng tôi dành hai đêm thử thời vận ở sòng bạc Atlantic City. Thánh nhân đãi kẻ khù khờ, cả hai mẹ con thắng lớn. Chúng tôi về đến nhà, tẩy rửa xong lớp bụi đường thì trời tối hẳn. Tôi thấy mệt mỏi nhưng mẹ tỉnh bơ đề nghị để mẹ nấu ăn ở nhà. Tôi nói sẽ ăn ở nhà nhưng mẹ khỏi nấu. Mẹ không tỏ gì ngạc nhiên khi tôi gọi thức ăn bằng điện thoại. Bà ngồi thoải mái trong bộ ghế êm ái, xem truyền hình đưa tin thế vận hội. Tôi sắp đặt chén đũa, khăn ăn và nước ngọt rồi ngồi xuống cạnh mẹ. Chợt mẹ quay sang tôi, giọng ngập ngừng thiếu tự nhiên:
“Mẹ phải nói với con chuyện này. Em trai con muốn nhờ mẹ hỏi con giúp nó một việc.”
Em trai tôi? Tôi từ từ hình dung đứa em trai của mình. Tôi đã nhớ ra một hình dáng hiền hòa thường quanh quẩn gần tôi. Cũng như cậu và mẹ, em tôi nhỏ thua tôi năm tuổi. Nhưng nó khác với tất cả chúng tôi là đã không chào đời ở miền Nam. Tôi nhìn mẹ chờ đợi. Giọng mẹ đều đều:
“Đứa con gái út của nó học rất giỏi. Năm tới lên đại học. Nó muốn nhờ con giúp cháu qua học bên này. Nó không muốn cho cháu ở nội trú. Nó xin cho cháu ở với con. Cơ bản là con không phải tốn kém gì hết. Mẹ sẽ lo đi chợ, nấu ăn cho cả nhà…”
Cơn giận chợt ứ lên ngực làm tôi khó thở. Tôi hít vào một hơi thật sâu. Tôi biết là mở miệng lúc này tôi sẽ nói ra lời cay độc. Tôi nhìn ra ngoài trời đang đổ mưa với những ánh chớp liên hồi. Tôi nhớ tới những cơn mưa đầy sấm sét trong căn nhà thênh thang thuở lên mười. Thuở đó cậu tôi đổi đi đơn vị xa và mợ theo cậu. Người giúp việc thì ngủ gần bếp, xa căn buồng riêng biệt của tôi. Tôi đã vô cùng sợ hãi và từng ước ao có được một đứa em. Bây giờ tôi đâu còn cần. Tôi nói chầm chậm:
“Thì ra mẹ qua đây không phải vì con mà vì tương lai cháu nội của mẹ!”
Bà nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên:
“Con nói gì lạ vậy. Tất nhiên mẹ qua đây là vì con, bởi vì mẹ muốn bù lại thời gian ba mẹ bỏ bê con. Mẹ không hề vì cháu nội. Nó chỉ ngỏ lời sau khi biết ý định của mẹ.”
Mẹ đưa tôi lá thư cầm sẵn:
“Đây là thư nó gửi cho vợ chồng con.”
Tôi hững hờ nhận. Mẹ tiếp:
“Thật ra nó cũng đã hỏi các thủ tục xin ở nội trú. Không có con ở đây, con của nó vẫn qua đây học. Mẹ thấy điều quan trọng là có người ruột thịt cận kề, coi sóc, nhắc nhở.”
Tôi cười chua xót, không còn ngăn được lời mai mỉa:
“Ruột thịt? Có là ruột dư với thịt thừa! Và mẹ đã từng cắt bỏ không thương tiếc!”
Mẹ nhìn tôi đăm đăm:
“Con vẫn còn giận mẹ đến thế sao? Lần con về, mẹ đã hết lời giải thích…”
“Con vẫn nhớ các lời giải thích đó: Ba mẹ đâu có muốn xa con, chẳng qua chỉ vì muốn góp phần giành độc lập, thống nhất đất nước. Thì đất nước đã độc lập thống nhất, sao mẹ và cháu nội không ở Việt Nam mà hưởng.”
Mẹ buông tiếng thở dài. Tôi cũng chợt nhận ra mình vừa buông lời xỉa xói hỗn hào.
Tôi trầm giọng:
“Con xin lỗi. Hễ nhớ đến những ngày con bị bỏ rơi là cứ muốn nổi xung thiên…”
“Mẹ phải làm gì để được con tha thứ, quên đi chuyện cũ. Con nghĩ lại đi. Ba mẹ đâu có gửi con cho ai xa lạ. Người đó chính là ba mẹ ruột của mẹ. Con lúc nào cũng nhận được trọn vẹn tình thương và chăm sóc…”
Tôi cố giữ giọng bình thường:
“Ba mẹ ruột của mẹ chớ đâu phải ba mẹ ruột của con! Suốt tuổi thơ của con, con bị bạn bè cười nhạo là đứa trẻ mồ côi, là con không cha không mẹ!”
Nước mắt tôi tự dưng ứa ra, rơi dài xuống. Mẹ đứng lên, bước lại ôm choàng lấy tôi.
Tôi khóc nức nở trên vai mẹ. Khi muộn phiền đã dịu xuống, tôi nhìn thẳng vào mắt mẹ:
“Mẹ không thấy là mẹ không công bằng sao? Lúc con ở cái tuổi rất cần sự săn sóc của ba mẹ thì ba mẹ bỏ đi biền biệt. Còn bây giờ, khi mẹ muốn ở gần con thì mẹ đã bước vào cái tuổi gần đất xa trời, cái tuổi mẹ cần con chớ con không cần mẹ. Thật lòng mà nói, cho tới giờ phút này, con không một mảy may cảm thấy chút gì thương yêu mẹ, thì nói chi thương yêu cháu.”
Mẹ ôm mặt, thân hình thả rơi lên ghế. Tôi nghe tiếng nấc của mẹ và nghe lòng chùng xuống. Tôi nói nhanh như sợ không còn nói được:
“Nhưng có điều chắc chắn là con cũng không thể chối bỏ mẹ không phải là mẹ của con. Chừng nào mẹ muốn ở với con, mẹ cứ ở. Chừng nào mẹ muốn đi, mẹ cứ đi. Điều em con muốn, cháu con muốn, con khó mà nói được lời từ chối!”
Mẹ vẫn ngồi yên, thút thít khóc. Đúng lúc tôi muốn ngồi xuống ôm lấy mẹ thì tiếng chuông reo. Tôi thở hắt ra, bước về phía cửa nhận thức ăn mang tới…
Rời San Francisco trên chiếc xe chở khách chúng tôi ôn lại những địa điểm đã viếng thăm qua ba ngày ở vùng vịnh. Mẹ tỏ vẻ hài lòng đã được chính mắt chiêm ngưỡng chiếc cầu nổi danh Golden Gate. Mẹ cũng yêu thích cái công viên cùng tên với khung cảnh nên thơ thanh bình mà mẹ gọi là hồ Tịnh Tâm. Hai ngày ở San Jose, ấn tượng nhất đối với mẹ là những hình ảnh sinh động, huy hoàng và lạ mắt của vô số loài sống dưới nước hiển hiện ngay trước mắt trong Monterey Bay Aquarium.
Khi chúng tôi về tới quận Cam. Cậu và các con cháu đón chúng tôi ở bến xe, chỉ thiếu có mợ. Khi tôi thông báo mẹ sẽ sang thăm gia đình cậu, cậu nói sẵn sàng gặp mẹ nhưng từ chối cho chúng tôi tạm trú. Nhà cậu mợ rất rộng, nhiều buồng ngủ. Vợ chồng con cái tôi mỗi khi qua Cali là ở nhà cậu mợ hà rầm. Cậu mợ hẳn phải đau lòng khi lần này để tôi ở khách sạn chỉ vì… có mẹ!. Mợ không muốn chứa mẹ trong nhà. Hai đứa em trai của mợ đều bị tập trung, một bỏ xác trong rừng Yên Bái.
Mỗi ngày trong suốt một tuần, cậu lái xe đến khách sạn đón chúng tôi đi viếng thăm hết nơi này đến nơi khác. Ngày đầu, cậu dành cho khu Little Saigon. Mẹ thú nhận là rất ngạc nhiên về mức phát triển quy mô và sự phồn vinh sang giàu của người Việt tỵ nạn. Những ngày kế dành cho danh lam thắng cảnh. Có ngày chúng tôi bay khỏi thành phố đỏ đen Las Vegas về phía Bắc để chiêm ngưỡng Grand Canyon vô cùng kỳ vĩ ngoạn mục.
Cậu thường dùng khoảng thời gian di chuyển để hỏi mẹ về gia đình và dòng họ ở quê nhà. Cậu cũng kể về cuộc đời của cậu trong suốt nửa thế kỷ không gặp chị. Tôi vô cùng thú vị được nghe hai chị em nhắc lại những kỷ niệm thời họ sống bên nhau. Thỉnh thoảng cậu và mẹ “đụng” nhau về đề tài chính trị thường là do cậu khởi xướng.
Một lần đang lái xe, cậu bỗng nhái cái giọng bắc của mẹ: “Thật đáng tiếc! Nếu chị cả đừng… vớ phải cái ông trí ngủ nằm vùng thì giờ chị em gặp lại dung dăng dung dẻ biết bao!”. Mẹ nở ngay nụ cười đáp trả: “Thì cũng lỗi ở em. Phải chi em không làm tay sai cho Mỹ Ngụy”. Cậu gật gù ra vẻ tán thưởng rồi bắt sang chuyện khác.
Hôm đứng trước trường đại học California ở Los Angeles cậu cười nói: “Ngắm nhìn trường này chị có nhớ đến những năm chị dạy ở trường Đảng không? Phải công nhận duy vật biện chứng pháp hay tuyệt. Đảng Cộng sản chủ trương “không có người bóc lột người”. Thế mà ngày nay bản thân Đảng hóa thành “đảng bóc lột người”. Y chang… hủy thể của hủy thể!” Mẹ bật cười giòn tan: “Đúng ra là… phủ định của phủ định!”.
Một buổi tối về khách sạn còn sớm, cậu lân la ở lại. Không biết dẫn dắt từ đề tài gì, hai chị em bắt đầu bàn về Hoàng Sa, Trường Sa và sự hiếp đáp của Trung cộng. Bỗng cậu đặt câu hỏi: “Ông Bush hứa với ông Dũng là sẽ ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Vậy giả sử Trung cộng tấn công Việt Nam và Mỹ đem quân qua giúp đánh lại Trung cộng, thì đối với hai quân đội ngoại nhập đó, theo chị thì phải gọi là gì? Tàu là quân xăm lăng, Mỹ là bọn xâm lược?” Mẹ cười duyên dáng: “Gọi thế là…đúng sách vở đấy”.
Vào ngày thăm viếng Getty Center, một công trình chi phí hàng tỷ đô la, vừa đồ sộ về kiến trúc tân kỳ, vừa là viện bảo tàng nghệ thuật cổ vật hàng thế kỷ, lại vừa quy mô về tổ chức, tất cả chi phí do nhà tỷ phú Paul Getty đài thọ, cậu tôi bất ngờ hỏi mẹ: “Nghe đâu chị đang có tiền rừng bạc biển. Ngày xưa chị chống Mỹ cứu nước, ngày nay nhà tỷ phú đỏ đã đóng góp được gì để dựng nước? Hay là tính mang tiền qua đây mua nhà xịn rồi rời bỏ quê hương? Ngày xưa đánh cho Mỹ cút ngụy nhào. Ngày nay ngụy đã nhào Mỹ đã cút nhưng vô số người đánh Mỹ lại cút theo Mỹ! Mẹ nhìn tôi, cười gượng như cho là tôi đã báo với cậu cái ý mẹ muốn mua lại ngôi nhà: “Em nói gì thì nói, ý chị là muốn dành quãng đời còn lại để đền bù thời gian chị xa con gái lớn của chị”. Cậu gật gù: “Tình mẹ bao la như biển Thái Bình!” Tôi cố nghĩ đó không phải là câu mỉa mai!
Đêm chót trước khi rời Quận Cam trở lại Maryland chúng tôi được cậu mời bữa tiệc chia tay. Khi chúng tôi đến nhà hàng, tôi thật sự ngạc nhiên và vui mừng khi thấy có cả mợ hiện diện. Mợ đứng lên vui vẻ chào hỏi và mời mẹ ngồi bên cạnh. Mợ vốn hoạt bát, nên mẹ lúc nào cũng cười tươi. Tôi nghĩ là cậu đã thuyết phục được mợ đổi thái độ. Tuy nhiên lời lẽ của cậu vẫn ít nhiều chăm chọc: “Tôi cho rằng chị còn rất nhớ thời ở bưng biền nên hôm nay đãi chị ăn cá 7 món”. Tôi bật cười nhưng kịp hãm khi thấy mặt mẹ sa sầm…
Về Maryland, theo dự trù chúng tôi nghỉ ngơi ba ngày trước khi bay xuống Georgia và Texas. Nhưng chỉ mới qua đêm, buổi sáng mẹ buồn rầu đổi ý. Mẹ muốn về ngay Việt Nam. Tôi ngỡ ngàng. Nhưng tôi chợt hiểu ra. Câu trêu chọc của cậu đã chạm tự ái mẹ.
Tuy nhiên tôi vẫn không muốn thay cậu ngỏ lời xin lỗi mẹ. Tôi cũng không có ý định van xin mẹ khoan vội về Việt Nam. Tôi biết chắc nếu tôi năn nỉ, mẹ sẽ ở lại. Gần tháng qua tôi đã cảm thấy chút gì gần gũi mẹ nhưng xem ra vẫn còn một bức vách vô hình ngăn cản sự thoải mái, tự nhiên, thân mật. Thậm chí còn có cái gì khác nữa khiến tôi có lúc bứt rứt, bực mình. Không có mẹ, tôi ngủ nghê, ăn uống thế nào lúc nào tùy thích. Có mẹ, tôi phải hầu hạ, e dè, trông trước ngó sau. Mẹ ở lại lần này, lần tới sẽ ở lại mãi mãi. Mà xem ra thời gian để xây đắp tình mẫu tử chẳng còn bao nhiêu. Luật đời vốn trói buộc tôi vào kiếp nạn mồ côi từ đầu đời. Có gặp lại cha thì chỉ khi cha mất. Gặp lại mẹ thì mẹ lại bỏ đi. Thôi thì hãy coi mươi ngày bên mẹ đã là một hồng ân.
Phải mất một tuần tôi mới đổi được vé máy bay. Trong tuần cuối đó, mẹ chỉ thích đi mua sắm, không nhớ gì đến hai đứa cháu ở Georgia và Texas mong được gặp bà ngoại lần đầu. Mỗi ngày tôi đưa mẹ vào một trung tâm thương mại khác nhau. Ăn thì mỗi bữa một nhà hàng khác xứ. Mẹ đã thưởng thức các món ăn Mỹ, Nhật, Thái, Đại Hàn, Mã Lai, Nam Dương. Đêm cuối cùng, tôi hỏi mẹ có muốn ăn phở lần chót ở Mỹ không, mẹ cười bảo muốn ăn canh chua cá kho tộ. Tôi thấy chút ấm lòng…
Hôm đưa mẹ ra phi trường, chúng tôi im lặng suốt đoạn đường. Gửi xong hành lý, tôi kéo chiếc va ly, tay kia nắm bàn tay mẹ bước chầm chậm về trạm kiểm soát an ninh cá nhân. Khi gần đến dòng người ngoằn ngoèo chờ qua trạm, mẹ dừng lại. Tôi nhìn mẹ dò hỏi. Ánh mắt mẹ ngập tràn âu yếm mà giọng cất lên trầm buồn:
“Chắc mẹ sẽ không qua đây thăm con nữa.”
Tôi nghe xao xuyến nhưng vẫn lặng thinh. Lời mẹ êm như tiếng thở dài:
“Và khi mẹ chết, con cũng không cần phải về…”
Tôi đứng chết lặng. Tôi có cảm tưởng như tôi đã cư xử quá tệ hại với chính mẹ mình. Ý nghĩ trở thành đứa con bất hiếu khiến tôi buột miệng:
“Mẹ! Con sẽ về. Thế nào con cũng về. Cậu đã dạy con nghĩa tử là nghĩa tận.”
Bà vòng tay ôm lấy tôi thật chặt, giọng êm đềm:
“Còn đây là lời mẹ dạy, lần đầu mà cũng là lời cuối. Con hãy luôn luôn ghi nhớ: “Chú như cha, cậu như mẹ”. Con gắng giữ sức khỏe. Thôi mẹ đi.”
Mẹ nắm chiếc cần va ly từ tay tôi. Tôi vụng về ôm lấy mẹ. Mẹ áp má vào má tôi. Tôi nghe chừng thân mình bay bổng. Khi tôi mở vòng tay, mẹ quay mặt bước đi. Tôi thấy mình quá bất nhẫn, khẽ gọi:
“Mẹ!”
Bà quay lui, chân vẫn bước, đôi mắt hiền từ. Tôi lúng túng vẫy tay, cố nở nụ cười:
– “Chào mẹ!”

Vũ Thất

From: Tu-Phung

Mời nghe đọc truyện ngắn: Chào Mẹ của Vũ Thất

VN THU QUAN, CHÀO MẸ, TÁC GIẢ VŨ THẤT, MI MI DIỄN ĐỌC


Gia đình là Hội thánh thu nhỏ nghĩa là gì?- Cha Vương

Chúc bình an đến bạn và gia quyến nhé. Bầu không khí Tết đang sôi động lòng người khắp nơi, nào ta hãy hướng về Chúa là niềm vui và là Chúa Xuân vĩnh cửu.

Cha Vương

Thứ 4: 02/07/2024

GIÁO LÝ: Khi nói gia đình là Hội thánh thu nhỏ nghĩa là gì? Hội thánh ở trên qui mô lớn, gia đình ở trên qui mô nhỏ, đó là hình ảnh Tình yêu Chúa trong cộng đồng nhân loại. Thực vậy, mọi cuộc hôn nhân đều được hoàn thành khi mở ra cho người khác, cho con cái Thiên Chúa gửi đến, cho sự chấp nhận nhau, cho sự hiếu khách, cho việc phục vụ mọi người. (YouCat, số 271)

SUY NIỆM: Điều quyến rũ nhất nơi các Kitô hữu của Hội thánh đầu tiên, những người vừa mới theo “đạo”, đó là các Hội thánh thu nhỏ. Một người đến và tin vào Chúa thường kéo theo cả gia đình họ; và nhiều người trở thành tín hữu và xin được Rửa tội (Cv 18,8). Nhiều gia đình trở về với Chúa đã trở thành những đảo nhỏ sống đạo trong một thế giới không đức tin, trở thành những nơi để cầu nguyện, để chia sẻ và để tiếp đón ân cần thân mật. Rôma, Côrintô, Antiôkia, những thành phố lớn thời xưa có rải rác nhiều Hội thánh thu nhỏ, giống như những điểm chiếu sáng. Ngày nay, những gia đình được Chúa Kitô cư ngụ cũng có thể trở thành men làm cho xã hội chúng ta được đổi mới.

❦  Nếu bạn muốn ai trở thành Kitô hữu, hãy mời họ sống trong nhà bạn một năm. (Thánh Gioan Kim Khẩu)

❦  Không ai lại không có gia đình trong thế giới này. Hội thánh là nhà, là gia đình của mọi người, đặc biệt của những người đau khổ và đang mang những gánh nặng.

(Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn gia đình), (YouCat, số  271 t.t.)

LẮNG NGHE: Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ. (Mt 18:20)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa là cội nguồn của mọi gia đình dưới đất, xin Chúa thánh hoá mọi gia đình để họ trở nên nhân chứng cho tình thương bao dung và hợp nhất trong mọi lãnh vực.

THỰC HÀNH: Chúa có đóng vai trò quan trọng nhất trong gia đình (Giáo hội thu nhỏ) của bạn không? Cố gắng tạo điều kiện để có giờ cầu nguyện chung trong gia đình nhé.

From: Đỗ Dzũng

CHÚA MÙA XUÂN – Thanh Hoài

 Chiêu Nam Đảo những ngày cuối năm- Tưởng Năng Tiến

 Báo Tiếng Dân

Tưởng Năng Tiến

5-2-2024

Khoảng cách từ Kuala Lumpur đến Singapore, có lẽ cũng chỉ bằng đoạn đường Sài Gòn/ Đà Lạt là cùng. Bởi vậy thay vì chạy ra phi trường, tôi phóc đại lên một cái xe đò cho nó đỡ hao xu.

Chuyến đi tuy hơi lâu nhưng thú vị. Đã quen với những con đường chật hẹp của Cambodia, hoặc lỗ chỗ ổ gà (cùng với bụi mù) của Myanmar nên quốc lộ thênh thang và phẳng lì ở Malaysia khiến tôi ngạc nhiên không ít.

Trông cũng tân kỳ y như hệ thống freeway của California vậy. Chỉ có điều khác là xe lao vun vút qua những cánh rừng nhiệt đới thâm u, hoang dại, hay những rừng kè ngút ngàn mà nhìn từ trên không tôi cứ ngỡ là dừa.

Tuyệt nhiên không thấy bóng một cha nội cảnh sát, hay công an giao thông nào ráỏ nhưng có BOT. Qua ba trăm km đường dài, tài xế phải trả phí hai lần – mỗi lần 5 RM, gần 2 USD – nhưng họ cà thẻ nên không có cái vụ đếm tiền lẻ, và dựng bảng “Cấm ngừng quá 5 phút” như ở quê mình.

Tính ra thì cứ trung bình 100 km quốc lộ thì giới xe đò phải trả thêm cho nhà nước Mã Lai thêm 65 xu (theo đơn vị Mỹ kim) dù đã đóng thuế lưu hành. Tuy nhiên, số tiền phụ thu này đã được chi dùng hết sức đàng hoàng và rõ ràng nên không có gì để phàn nàn cả.

Quốc lộ rộng đến sáu làn. Dải phân cách mọc đủ thứ loài hoa nhưng tôi chỉ nhận ra được hoa phượng đỏ, chen lẫn với phượng vàng, và hoa giấy. Loài hoa này tuy không tàn nhưng trông có nét buồn buồn ngay từ khi vừa hé nhụy. Giữa nắng chiều vàng hanh mà nhìn mầu xác pháo thì ngay đến cả tôi – một anh già ham chơi và nát rượu – cũng thoáng chút bâng khuâng:

Mẹ cha ơi đừng đợi

Chiều nay con chưa về

Chị ơi thôi đừng đợi

Chiều nay em không về

(TNT – 1980)

Khác với ở Kuala Lumpur, phần lớn dân Singapore là người Hoa (hoặc gốc Hoa) nên Chinese New Year được chuẩn bị kỹ càng và rình rang hơn hẳn. China Town, tất nhiên, đỏ rực. Chùa Tàu mầu mè hoa hoè và khói hương nghi ngút đã đành; chùa Chà (kế đó) cũng trưng bày đèn lồng, cùng với hàng chữ chúc mừng –  “Wishing All A Happy & Properous Lunar New Year” – và cũng đông đúc tín đồ không kém.

Thế mới biết là người Ấn có một không gian tâm linh rất rộng, và rất “sính” chuyện hội hè đình đám. Tết Nguyên Đán lại hay trùng hợp với Lễ Hội Ngày Mùa (Pongal Festival) kéo dài đến bốn ngày của họ: Từ 14 đến 17 tháng Giêng.

Khác với Little Sài Gòn ở California, Little India ở Singapore lúc nào cũng lúc nhúc người. Bombay hay New Delhi, tôi đoán, chắc cũng đông đúc đến vậy là cùng. Ngó mà chóng mặt luôn.

Đã vậy, tôi còn lạc bước đến “thánh địa” này đúng vào lúc người ta đang làm lễ tạ ơn Mẹ Thiên Nhiên (Mother of Nature) hay Thần Mặt Trời (The Sun God) gì đó. Họ bày ra những cảnh tượng lạ lùng chưa từng thấy. Nguyên cả một tập thể người rồng rắn vừa đi vừa thực hành những nghi lễ truyền thống vô cùng lạ mắt, và hơi kỳ dị. Thêm cái đám du khách hiếu kỳ bao quanh, hay rùng rục theo sau, tạo nên cả một rừng người.

Đây không phải là lần đầu tiên tôi có mặt ở Singapore nhưng chưa bao giờ thấy cảnh sát của Đảo Quốc này xuất hiện nhiều đến vậy. Dù vậy, họ phải vô cùng chật vật mới giữ cho đám đông không làm tắc nghẽn giao thông.

Đ… mẹ, ở Việt Nam mà tràn ra đường lễ lạc kiểu này thì chắc chết, chết chắc. Súng nổ như không. Những kẻ sống sót – tất nhiên – sẽ đều phải ra toà về tội “gây rối trật tự công cộng”, chớ chả phải chuyện đùa đâu.

Cái chính phủ của Đảo Quốc Sư Tử này rõ ràng đã không “quản lý” được cái đám dân ngụ cư (chỉ chừng vài trăm ngàn người) gốc Ấn. Dường như có sự tỷ lệ thuận giữa tự do dân chủ và phồn thịnh. Nhờ vào sự “buông lỏng quản lý” nên Singapore có lợi tức đầu người cao nhất, nhì thế giới, còn xứ sở của tôi thì ngược lại!

­Dù mới cuối tháng Giêng nhưng cái nóng nhiệt đới và cái đám đông hừng hực hơi người vẫn khiến tôi hơi ngột ngạt. Thay vì đón xe buýt, tôi vẫy taxi về nhà trọ cho nó đỡ phiền. Tôi về khu Đèn Đò Geylang nên bác tài nheo mắt:

– Đi kiếm gái hả?

– “Đang mệt thấy bà đây, gái với gú cái gì – cha nội?” Tôi chỉ nghĩ (thầm) vậy thôi chứ cũng ráng nhếch mép cười cho nó qua chuyện, khỏi phải giải thích lôi thôi. Đến tuổi tôi thì có lẽ không ai còn đủ can đảm cho một cú sexual adventure nữa. Đây là cách “phiêu liêu” hứa hẹn rất nhiều phiền toái mà (chắc chắn) cũng chả hứng thú gì.

Theo cách nhìn của những kẻ cầm quyền thì khu vực đèn đỏ nào cũng đều là nơi … phức tạp, cần phải được canh chừng. Với riêng tôi thì Khu Đèn Đỏ Quốc Tế Geylang chỉ là nơi tập trung của những cô gái kém may mắn nhất ở Đảo Quốc giàu sang này. Giữa một trung tâm thương mại phồn thịnh mà họ lại không có gì để bán, ngoài thân xác. Tôi cũng “đứng về phe nước mắt” nên chỉ quen sống kề cận với những kẻ bất hạnh mà thôi.

Không phải mọi phụ nữ Việt Nam trôi dạt đến Geylang đều làm gái cả. Không ít người vì tuổi tác, hay vì không đủ “vốn liếng trời cho” nên phải làm công việc nặng nhọc hơn, và lợi tức cũng khiêm tốn hơn nhiều. Họ đi bán giấy chùi miệng và lau tay.

Thực khách ở Singapore không ai cần giấy nhưng họ vẫn vui vẻ (và tế nhị) chia sẻ vài đồng tiền lẻ với những kẻ không may ở nước láng giềng, qua hình thức bán/ mua. So với dịch vụ xuất khẩu lao động rất nhiêu khê, tốn kém, phải cầm cố nhà cửa, và bị lường gạt đều đều thì “thương vụ” bán giấy (rất lương thiện này) quả một là phát kiến thần tình, rất đáng được hoan nghênh.

Điều đáng tiếc là đồng bào của tôi lại không được “hoan nghênh” mãi mãi – theo như ghi nhận của nhà báo Huy Phương:

Báo chí lại loan tin, những người Việt Nam, đồng bào của chúng ta, từ Sài Gòn đến phi trường Changi, Singapore, bị từ chối nhập cảnh, nói rõ ra là bị đuổi về.

Singapore là một trong 48 quốc gia mà người mang thông hành Việt Nam vào không cần thị thực, nhưng lần này mặc dù có đầy đủ giấy tờ tùy thân, nhiều hành khách Việt Nam, phần lớn là phụ nữ, vẫn bị nhà chức trách Singapore từ chối cho vào xứ của họ…

Chính quyền Singapore cũng không hề nói lý do họ không cho những người Việt này vào nước họ, nhưng cái lý do này thì những người trong cuộc, hay toàn thể ‘khúc ruột ngàn dặm’ trên khắp thế giới đều biết rõ, đều cảm thấy xấu hổ và đau lòng”.

Dân Tân Gia Ba, rõ ràng, đã oải. Họ không còn đủ kiên nhẫn và bao dung với những kẻ khốn cùng (không vốn liếng, không ngoại ngữ, không nghề nghiệp) cứ tiếp tục đến mãi từ một nước (Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc) láng giềng!

Thảo nào mà khác hẳn với hồi tôi đến khu đèn đỏ Geylang vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015, bây giờ người Việt ở đây gần như chả còn ai cả. Đợi ngày mai đỡ  mệt, tôi phải đi kiếm đồng bào mình mới được. Có thể là những đứa cháu gái của tôi đã di chuyển qua một khu vực khác chăng? Chớ không lẽ tôi phải ăn tết mình ên ở Chiêu Nam Đảo hay sao? Mà Tết thì tới nơi rồi!