S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Lê Trọng Hùng

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

03/10/2023

Ngày 12 tháng ̣9 năm 2023, qua FB, ông Hà Sĩ Phu (bút danh của tiến sỹ Nguyễn Xuân Tụ) đã gửi đến độc giả và thân hữu “lời chào tạm biệt” nguyên văn như sau:

Thưa quý bằng hữu,

Sau 2 sự cố (tai nạn giao thông, rồi một lần đột quỵ) ở tuổi 84 tôi đã trở thành người tàn phế, không biết có cơ hội góp một bài viết nữa hay không, mấy dòng ngắn ngủi này đã là hết sức cồ gắng.

 Anh em Hải ngoại đã gom các điều liên quan và các bài viết trước năm 2021 trong Thư viện Hà Sĩ Phu online (hasiphu chấm com, thường bị tường lửa chặn).

 Tôi đã lấy toàn bộ Thư viện ấy xuống, và gom lại các bài ngắn trên facebook Hà Sĩ Phu từ 2022, và sẽ tìm cách gửi đến bạn bè như chút kỷ niệm. Ngay từ bài đầu tiên (Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của Trí tuệ – 1988) toàn bộ các bài viết của tôi đã bị ngăn cấm, nên việc in ấn không đươc phép, không có điều kiện để biên tập nghiêm chỉnh, nên xin quý bạn đọc hiểu cho những sơ xuất khó tránh khỏi.

 Thân mến gửi lời chào tạm biệt.

Bên dưới “mấy dòng ngắn ngủi” thượng dẫn là phản hồi của hàng ngàn người đọc, với tất cả sự trân quý (và xót xa) khi được biết về tình trạng sức khỏe không mấy khả quan của tác giả. Xin phép ghi lại dăm ba, theo thứ tự alpha:

  • Nguyễn Lâm Cẩn: “Kính chúc bác hồi phục sức khỏe. Những trang viết của bác bạn đọc rất trân trọng.”
  • Nguyễn Văn Cung: “Anh luôn là người mà tôi trân quý.”
  • Lê Đăng Ngô Đồng: “Con không ngờ sẽ vắng bóng của bác. Con chúc bác mau bình phục và mong sẽ còn được đọc bài viết của bác!”
  • Đỗ Việt Khoa: “Thương bác.”
  • Huỳnh Văn Hoa: “Mong anh mạnh khoẻ, an lành.”
  • Phạm Phú Thanh: “Trước đây, nhờ được đọc những bài viết của bác mà tôi đã được sáng mắt ra, đầu óc bớt tăm tối ngu muội…vô cùng cảm ơn bác.”
  • Võ Thiêm: “Kính chúc bác khỏe mạnh, sống an vui trong những ngày tới.”
  • Chau le Van: “Sáng ngời Một Sĩ phu Bắc hà! Còn nhiều lớp Người tiếp nối anh !”

Tôi cũng tin như thế (“nhiều người sẽ tiếp nối anh”) dù chân thật và bất khuất là hai đức tính hiếm hoi của người Việt hiện nay. Đứng thẳng làm người gần như là điều cấm kỵ ở xứ sở này, và những người không gù (hay còn chút liêm sỷ tiết tháo)  đều bị nhà nước hiện hành trù dập hay trấn áp.

Cuộc sống gian truân và bất an thường trực của Hà Sĩ Phu chỉ là một tấm gương tiêu biểu. Cuộc tuyệt thực hiện nay của tù nhân lương tâm Lê Trọng Hùng cũng thế. Đây cũng chỉ là một trường hợp điển hình của một người ở thế hệ tiếp nối, nhất quyết “đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ” bằng mọi giá, kể cả khi ông đang bị giam cầm.

Trang FB của Dự Án 88 (The 88 Project) cho biết:

Ông sinh 1979, quê Yên Bái, là một giáo viên dạy sinh, hóa tại Lào Cai. Sau đó, ông chuyển về Hà Nội tiếp tục dạy học tại một ngôi trường cấp 2 và học thêm ngành luật. Năm 2015, ông quyết định thôi việc sau khi lá đơn yêu cầu cải cách giáo dục, đòi hỏi những lợi ích chính đáng cho học sinh của ông bị từ chối.

Năm 2017, Lê Trọng Hùng bắt đầu đưa tin với tư cách là một “nhà dân báo” trên Facebook và YouTube, bình luận về các vấn đề chính trị – xã hội và tư vấn cho dân oan cách kiến nghị, khiếu kiện lên các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước. Ông tự bỏ tiền túi ra để mua hàng ngàn cuốn Hiến Pháp Việt Nam, tặng cho nhiều người và giảng giải cho họ về những điều quy định trong hiến pháp, pháp luật. Ông là một con người giàu lòng nhân ái, từng nhiều lần hiến máu nhân đạo để cứu người.

 Trước khi bị bắt, Lê Trọng Hùng đã kịp ghi danh và có Thẻ đăng ký hiến mô, tạng cho “Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia”. Đây không chỉ là một nghĩa cử cao đẹp, mà còn thể hiện suy nghĩ rất tiến bộ trong bối cảnh xã hội Việt Nam còn tồn tại nhiều quan điểm lạc hậu về cái chết, về các hủ tục trong đời sống tâm linh.

 Lê Trọng Hùng bị bắt ngày 27/3/2021, vài ngày sau khi nộp đơn tự ứng cử và chỉ 2 tháng trước khi cuộc bầu cử được tiến hành. Ngày 31/12/2021, ông bị kết án 5 năm tù giam, 5 năm quản chế bởi một tội danh hết sức mơ hồ “Tuyên truyền chống nhà nước.”

 Ông Hùng có vợ là bà Đỗ Lê Na, một người khiếm thị và là giáo viên dạy văn tại trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Năm 2015, tờ Công An Nhân Dân (cơ quan ngôn luận của ngành công an) số ra ngày Thứ Năm 29/10 đã có bài báo với tựa đề “Chuyện tình đẹp như cổ tích của cô giáo khiếm thị” để ca ngợi mối tình cảm động của hai người.

 Trước khi ông Hùng bị bắt, vợ chồng ông cùng hai con sống cuộc sống nghèo khó nhưng đầm ấm trong một căn nhà nhỏ tại Hà Nội. Khi bài viết này đến với bạn đọc, ông Hùng đã bước sang ngày thứ 6 của cuộc tuyệt thực, dự định kéo dài đến ngày 9/11/2023.

 Ông tuyệt thực để đề nghị tòa án mở lại phiên phúc thẩm; yêu cầu Trại giam số 6 -Thanh Chương, Nghệ An tôn trọng quyền lợi chính đáng của tù nhân; đề nghị các đại biểu Quốc hội vào nhà tù gặp ông với mong muốn thành lập Tòa án Bảo Hiến.

Tòa Án Bảo Hiến hay Tòa Án Hiến Pháp lập ra để bảo vệ nguyên tắc của hiến pháp, để kiểm tra, và quyết định xem các điều luật có vi hiến hay không. Nhà đương cuộc Hà Nội, hẳn nhiên, hoàn toàn dị ứng với định chế pháp luật này vì họ biết rõ rằng Điều 4 Hiến Pháp (“khẳng định vai trò độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản”) vi hiến một cách thô bạo và trắng trợn.

RFA nhận định: “Tòa Bảo Hiến là ước mong của tất cả mọi người, đặc biệt là trong giới luật gia ở Việt Nam. Người ta trông chờ có tòa Bảo Hiến để có thể loại bỏ những bản văn luật pháp vi hiến. Tuy nhiên cho đến nay, đây chỉ là mong ước.”

Niềm ước mong này – xem ra – còn rất xa và mỗi lúc sẽ một thêm xa, nếu đất nước không có những người cương trực (và cương quyết) như Lê Trọng Hùng. Ông không còn gì ngoài mạng sống nhưng đã không ngại dùng đến thứ vũ khí cuối cùng để đòi hỏi công lý cho tất cả, chứ không chỉ riêng mình.

Ngày 24 tháng 9 năm 2023, sau “Chuyến Thăm Chồng Sau 21 Ngày Tuyệt Thực”,  Tử Đinh Hương (bút danh của bà Đỗ Lê Na, người bạn đời của ông Lê Trọng Hùng) đã gửi đến “cô chú, anh chị” những dòng chữ thống thiết như sau – qua FB:

Tử Đinh Hương tự hỏi: tình hình này phải chăng không chỉ các đại biểu quốc hội quyết định nhắm mắt làm ngơ, bỏ mặc nguyện vọng và tính mệnh của cử tri mình mà cả hệ thống này đang vô cùng hổ thẹn, đuối lý nên quyết tâm không biết, không nghe thấy gì để khư khư giữ lấy lợi ích của mình? Chỉ đáng thương, đáng tiếc cho một công dân hết lòng vì Tổ quốc đang bị hàm oan, đọa đầy và những đứa trẻ vô tội đang ngày ngày hãi sợ có thể bị mất đi người bố thương yêu!

Ps: Thỉnh cầu cô chú, anh chị, ai biết Fb hoặc số điện thoại của bà Lê Thị Nga (chủ nhiệm Ban tư pháp quốc hội), ông Lưu Bình Nhưỡng “”phó trưởng Ban dân nguyện), bà Dương Ngọc Ánh, ông Nguyễn Phi Thường, Nguyễn Ngọc Tuấn (đoàn đại biểu quốc hội Hà Nội) hãy vui lòng gửi link bài viết này đến họ. Đây là nguyện vọng tha thiết của anh Lê Trọng Hùng, cũng là sự cậy nhờ của Tử Đinh Hương…!

Tôi thì không tin rằng đây chỉ là “nguyện vọng tha thiết” của riêng ông Lê Trọng Hùng hay bà Đỗ Lê Na. Chả lẽ người Việt không còn ai khác quan tâm đến vận mệnh của quê hương, dân tộc và thân phận của chính họ (cùng con cháu) hay sao?

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Dang

Ba’o DAN CHIM VIET

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

02/10/2023

Tên đúng của ông có thể là “Đăng,” “Đặng,” “Đằng,” hay “Đáng,” hoặc “Đang” (người Việt không mấy ai tên “Dang”) nhưng tôi không dám chắc vì chỉ được biết qua một bài báo bằng tiếng nước ngoài (“Han ble smuglet inn i Norge i et bagasjerom. Et halvt år senere ble han pågrepet på en hasjplantasje”) đăng tải trên tờ Aftenposten, phát hành từ Na Uy, vào ngày 27 tháng 8 năm 2021.

Bản tiếng Việt (gồm 4371 từ) của dịch giả tên Trang, xuất hiện trên FB Nhân Văn Việt – Na Uy mấy hôm sau đó. Xin được tóm lược:

“Dang” cho biết quê anh là làng chài Đô Thành, thuộc miền Trung Việt Nam. Từ nơi đây, nhiều thanh niên Việt Nam đã đi lậu trong các xe container xuyên qua Trung Quốc, rồi vượt biên giới vào Nga (Russland), trước khi trở thành nhân công lao động giá bèo hoặc gái mại dâm ở các thành phố Châu Âu.

 Trên hành trình dài 11.660 km đến Na Uy, “Dang” trốn trong một thùng container sau xe tải. Đến ngày hôm nay, anh vẫn còn ám ảnh trong giấc mơ về những điều khủng khiếp mà anh đã thấy trên tuyến đường đó…

 Ô nhiễm môi trường, đánh bắt cá quá mức và bất hợp pháp, công nghiệp hóa ngày càng phát triển đã dẫn đến tình trạng rất khó khăn cho ngành ngư truyền thống ở Việt Nam. Đối với đại gia đình của “Dang”, giải pháp cuối cùng là gửi cậu con trai lớn nhất trong một chiếc container đến Tây Âu. “Dang” cho biết gia đình đã phải thế chấp căn nhà và bán tất cả những gì đáng giá để trả tiền cho nhóm buôn người.

Tôi ra đi để tìm một cuộc sống tốt hơn. Nhưng nếu tôi biết trước kết quả thế này, tôi thà chọn cuộc sống một ngư dân nghèo. Theo “Dang” biết, gia đình đã thỏa thuận giá 25.000 USD với nhóm buôn người. Và đã trả trước một nửa.

“Dang” – người đàn ông 25 tuổi – kể lại cuộc hành trình phải đi xuyên qua Trung Quốc, Nga, Latvia, Belarus (Hviterussland) và Ba Lan. Theo “Dang”, chiếc container mà đoàn của anh đi chỉ có hai lỗ thoát khí nhỏ. Họ phải tiểu tiện và đại tiện trong một túi nhựa lớn.

Tháng 2/2021, “Dang” bị kết án 2 năm tù và phải bồi thường gần 100.000 kroner cho một công ty điện lực của Na Uy vì đã ăn cắp điện để trồng 649 cây cần sa. Bản án được giữ nguyên tại Tòa Phúc Thẩm Eidsivating vào tháng 6/2021, nhưng được giảm xuống còn 1 năm 9 tháng.

 Ngày 19 tháng 8/2021, Tòa Án Tối Cao Høyesterett đã bác đơn kháng cáo của “Dang”. Luật sư biện hộ Audun Helgheim nói rằng họ sẽ kháng cáo vụ việc lên Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu. Câu hỏi chánh và gây tranh cãi ở đây là: “Dang” là tội phạm hay nạn nhân!?

Tòa án quận Gjøvik viết trong bản án từ tháng 2: Tòa án căn cứ theo yếu tố bị cáo, sau khi đến Na Uy, ít nhất là bởi bị lạm dụng hoàn cảnh bí thế của mình, đã bị buộc phải trồng cần sa. Điều này dẫn chứng cho thấy bị cáo là nạn nhân của nạn buôn người”…

 UDI (UtlendingsDIrektorate) đã xét đơn theo lời khai của “Dang”. Trong giấy phép cấp cho anh được cư trú tạm thời tại Na Uy (midlertidig oppholdstillatelse), viết là họ tin rằng có thể lý giải được là anh đã bị hại trong vụ buôn người.

Rosa, một tổ chức hỗ trợ những người có thể là nạn nhân tệ nạn buôn người, cũng tích cực trong vụ án của “Dang”. Mildrid Mikkelsen của hội Rosa cho rằng việc bỏ tù một người cùng lúc với việc điều tra xem người đó có phải là nạn nhân buôn người là điều chúng ta cần phải suy ngẫm…

 Điều “Dang” lo sợ là anh sẽ bị trả về Việt Nam. Luật sư biện hộ Audun Helgheim cho biết: Về Việt Nam, anh có nguy cơ bị thủ phạm ám hại, do những gì anh đã khai… Tương lai ở Việt Nam của người đàn ông trẻ Việt Nam này, là một sự mịt mù. Nếu tôi về nhà, có lẽ tôi sẽ bị giết. Và ở đó, tôi cũng không còn gì. Trong cuộc thẩm vấn với cảnh sát vào ngày 22 tháng 6 năm nay, “Dang” nói anh như một người đã chết: Tôi không còn gì để sống nữa. Tôi chỉ ước ao có thể gặp lại mẹ một lần.

Câu nói thượng dẫn bỗng khiến tôi nhớ mấy câu thơ của Huyền Chi, và bản nhạc Thuyền Viễn Xứ của Phạm Duy: Nhìn về đường cố lý cố lý xa xôi/ Đời nhịp sầu lỡ bước bước hoang mang rồi …/ Mẹ già ngồi im bóng mái tóc tuyết sương/ Mong con bạc lòng …

Không biết có bao nhiêu bà mẹ Việt Nam vẫn đang ngồi tựa cửa mỗi chiều, và bao nhiêu thanh niên thiếu nữ từ xứ sở này đã “lỡ bước hoang mang” trên con đường lưu lạc. Điều an ủi duy nhất cho những kẻ tha phương cầu thực là không hề có một lời lẽ, cử chỉ, hay thái độ miệt thị nào từ người dân (cũng như từ những cơ quan hữu trách) ở nước ngoài.

Sáng sớm hôm 23 tháng 10 năm 2019, dân Anh vừa mở mắt dậy đã nhận được thông tin khiến ai cũng phải bàng hoàng: cảnh sát mới phát hiện ra 39 thi thể người Việt nằm chết trong một cái container tại khu công nghiệp Waterglade!

Họ phản ứng ra sao?

Không một lời than phiền, không một câu trách móc. Sau khi biết rõ sự việc, họ bầy tỏ sự thương cảm bằng cách lặng lẽ mang hoa tưởng niệm đến nơi đặt xác nạn nhân. Ngay sau đó, họ tổ chức cầu nguyện cho linh hồn của người quá cố. Rồi họ sắp xếp những chuyến bay để đưa tất cả thi hài của những kẻ xấu số trở về quê quán, và đích thân vị đại sứ Anh ở Việt Nam – ông Gareth Ward – đã đến tận nơi để chia buồn.

Người Na Uy bây giờ cũng thế. Từ luật sư, toà án, nha ngoại kiều, và các cơ quan thiện nguyện của họ đều chia sẻ một nỗi băn khoăn chung:“Dang” là tội phạm hay nạn nhân!?”

Có lẽ cả hai nhưng đồng bào của nạn nhân, tiếc thay, chỉ nhìn ra ông là một tên tội phạm :

  • Kieu Ninh Vaagen: “Nhìn mặt biết gian.”
  • Hoang Nguyen Van: “Nhìn mặt là biết lưu manh, là trùm du đảng, không là nạn nhân.”
  • Cuong Le: “Xứ này luật pháp văn minh và nhân bản nên các lão cứ thoải mái lợi dụng quyền làm người rồi khai ra làm sao cho thật đáng thương để được khoang hồng…”

Cá nhân “Dang” thì không hề có một lời biện minh, biện hộ hay biện bạch nào cả. Trong cuộc thẩm vấn với cảnh sát vào ngày 22 tháng 6 năm nay, ông chỉ nói: “Tôi không còn gì để sống nữa. Tôi chỉ ước ao có thể gặp lại mẹ một lần.”

Nỗi “ước ao” nhỏ bé này lại khiến tôi liên tưởng đến đôi câu đối thoại (giữa hai người đồng cảnh, từ hai phòng giam sát cạnh nhau, tại nhà tù nào đó ở Âu Châu) trong truyện ngắn của một nhà văn Việt Nam ở Na Uy:

Tuyết ho, tôi xót ruột. Ho xong, nó nói:“Em mơ còn nằm trong cái xe thùng chở em sang đây. Ðứa con gái nằm ngay bên cạnh em chết ngạt.”

 “Chết!?”

“Chết. Bị nhốt trong thùng xe hai ngày hai đêm. Khi bọn đầu gấu mở cửa xe ra, thấy bốn người chết từ bao giờ. Con ấy thân với em nhất. Chúng em đã từng chia phiên nhau kề mũi vào cái lỗ nhỏ để thở.

Thương hại nó hay nhường cho em thở lâu hơn. Dọc đường nó cứ đòi về, không muốn đi nữa. Nhưng em biết về thế nào được với bọn đường dây. Nó mà sống sót cũng bị đường dây hành tới chết về cái tội đòi về… Anh có nghe không đấy?”

“Nghe rõ cả.”

“Nó nói khổ đều quanh năm chịu được, dồn vào một ngày thì chết. Anh nghĩ có đúng không?”

“Chắc đúng.”

“Mẹ nó bán ruộng, bán vườn để chung tiền cho nó đi, cứ mong nó mang đôla về chuộc đất, xây nhà như những người có thân nhân Việt kiều. Bây giờ nó chết, chưa kịp nhìn thấy tờ đôla xanh. Trước khi chết nó tựa vai em lầm bầm ‘Mẹ ơi! Con không muốn làm Việt kiều. Con muốn về nhà. Con muốn cơ cực ở nhà với mẹ suốt đời.’ Giọng nó như đứa trẻ con ba tuổi.” (Tâm Thanh. “Người Rơm”. Thế Kỷ 21, Jul. 2010).

Đối với nhiều người dân Việt thì muốn sống như một ngư dân nghèo nơi vùng biển quê hương (như ông Dang) hay mong “muốn cơ cực ở nhà gần mẹ suốt đời” (như cô Tuyết) e đều chỉ là thứ ước mộng rất xa vời trong chế độ hiện hành.


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Trường Chinh

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả:  Tưởng Năng Tiến

01/10/2023

 

Tôi tình cờ đọc được một bài viết thú vị (“Kiêu Ngạo Nhận Vơ”) của blogger Hà Hiển, với câu kết khá bất ngờ:

“Từ năm 1954 đến 1975, đúng là ‘ta’ đã chiến thắng được ‘hai đế quốc to’ cùng với được hơn chục nước trên thế giới đã đi theo con đường mà Lê nin đã chọn, tức theo CNCS, từ đó các Cụ nhà mềnh thấy CNCS ‘oách’ quá, cứ đà này cả thế giới gần 200 nước sẽ theo CNCS hết sạch, dưới ngọn cờ bách chiến bách thắng của chủ nghĩa Mác Lê nin sẽ đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác rồi tiến lên giải phóng cả Hoa Kỳ, Ý, Đức, Anh, Pháp …abc… thoát khỏi ách bóc lột của CNTB …hu hu…!!!

Chủ nghĩa Marx - Lenin bách chiến bách thắng - Luật Khoa tạp chí

Một cuộc diễu hành chào mừng quân đội Bắc Việt tại miền Nam Việt Nam sau 30/4/1975.

Từ những nguyên nhân trên các Cụ lớn nhà mềnh mới sinh ra thói ‘Kiêu ngạo cộng sản’ tuy không tốt nhưng có cái để …kiêu ngạo, nhưng các cụ nối ngôi sau này chẳng có cái gì lận lưng để mà ‘kiêu ngạo’ cả. Chỉ là ăn theo thôi! Nên đúng là… ‘kiêu ngạo vì những cái không phải của mình’ hay còn gọi là ‘kiêu ngạo cộng sản!’ Sau Cụ Trường Chinh, nếu có thì chỉ là ‘kiêu ngạo nhận vơ!’ mà thôi!”

Nhận xét thượng dẫn về “Cụ Trường Chinh” khiến tôi chợt nhớ đến công trình biên soạn rất công phu (Bên Thắng Cuộc) của nhà báo Huy Đức. Tác giả đã dành nguyên một chương (chương 10, tập I) cho ông Trường Chinh, nhân vật được coi là đã đặt nền móng cho chính sách “đổi mới” và được mô tả như một vị thánh tử vì đạo:

“Trong những thời khắc khó khăn nhất của lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Trường Chinh đều đã có mặt: có khi là để lãnh đạo Việt Minh cướp chính quyền như hồi năm 1945, có khi đứng ra chịu trách nhiệm cá nhân về sai lầm của Đảng trong cải cách ruộng đất năm 1956, và trong thập niên 1980 là tự thức tỉnh và dẫn dắt Đảng thoát ra khỏi sự bế tắc bởi chính những đường lối của mình.”

Cách nhìn của những người ngoại đạo, hay đã bỏ đạo (cộng sản) lại hoàn toàn khác.

– Nguyễn Minh Cần:

“Sau khi Lê Duẩn chết, Trường Chinh lên làm TBT. Ông vốn là một ‘lãnh tụ’ nổi tiếng ‘giáo điều.’ Ngay cái biệt hiệu của ông cũng nói lên đầu óc sùng bái họ Mao… Cũng trên cương vị TBTĐCSVN, hồi những năm 50, Trường Chinh đã lãnh đạo cuộc cải cách ruộng đất CCRĐ và chỉnh đốn tổ chức (CĐTC) Ở NÔNG THÔN MIỀN Bắc rập khuôn theo hình mẫu trung quốc đã đem lại vô vàn tai hoạ cho nhân dân.” (Nguyễn Minh Cần. Đảng Cộng Sản Việt Nam. Arlington, VA: Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2016).

– Vũ Thư Hiên:

“Về sau này, khoảng đầu thập niên 50, tôi tình cờ vớ được cuốn Chủ Nghĩa Mác Và Công Cuộc Phục Hưng Nền Văn Hóa Pháp của Roger Garaudy. Ðọc xong tôi mới ngã ngửa ra rằng ông Trường Chinh đáng kính của tôi đã làm một bản sao tuyệt vời của cuốn này trong trước tác Chủ Nghĩa Mác và Vấn Ðề Văn Hóa Việt Nam, được ca tụng như một văn kiện có tính chất cương lĩnh. Bố cục cuốn sách gần như giữ nguyên, thậm chí Trường Chinh trích dẫn đúng những đoạn mà Roger Garaudy trích dẫn Mác, Engels, và cả Jean Fréville.

Tiếp đó là sự phát hiện đáng buồn của tôi về cuốn Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất Ðịnh Thắng Lợi. Nó quá giống cuốn Trì Cửu Chiến Luận (Bàn về đánh lâu dài) của Mao Trạch-đông, trừ đoạn mở đầu rất đẹp, là một áng văn rất hay …” (Vũ Thư Hiên. Đêm Giữa Ban Ngày. 2sd ed. Westminster, CA: Văn Nghệ, 1997).

Riêng trong lãnh vực thi ca thì Trường Chinh hoàn toàn không bị tai tiếng gì ráo trọi. Ông sáng tác mình ên, không “mượn” câu chữ nào – nửa chữ cũng không – bất kể là của Tây hoặc của Tầu. Thơ của Trường Chinh, với bút hiệu Sóng Hồng, chỉ có chút khuynh hướng (và hơi hướng) Mạc Tư Khoa thôi:

Hỡi thi sĩ! Hãy vươn mình đứng dậy!
Thời rượu nồng, đệm gấm đã qua rồi.
Thôi thôi đừng khóc gió với than mây,
Hãy nhịp bước trên con đường tiến bộ.
Dùng thi khúc mà lạnh lùng soi tỏ
Những bệnh căn xã hội đã tràn đầy;
Cùng công nông vun xới cuộc tương lai
Ðã chớm nở từ Liên-xô hùng vĩ.

(Ngoại thành Hà Nội, tháng 6-1942)

Hơn 40 năm sau, sau khi kêu gọi giới thi sĩ “cùng công nông vun xới cuộc tương lai,” đến năm 1986 (vào lúc cuối đời, chả hiểu sao) bỗng Anh Cả Trường Chinh đổi ý:

“Hoàng Ước, thư ký của Trường Chinh bảo tôi là một hôm Trường Chinh nói với mấy người giúp việc rằng ta trả cho người lao động đồng lương bóc lột. Hoàng Ước bèn nói lương chúng tôi chỉ đủ sống mười ngày.

Trường Chinh cau mày khó tin – bóc lột thì có nhưng sao lại có thể ác nghiệt hơn cả đế quốc đến thế – nhưng hôm sau ông bảo Hoàng Ước: Tôi đã hỏi nhà tôi, nhà tôi nói không có chế độ cung cấp đặc biệt thì lương ông cũng chỉ đủ cho nhà này ăn mười ngày. Sau đó Trường Chinh đến nhà máy thuốc lá Thăng Long nói: Phải cứu giai cấp công nhân!” (Trần Đĩnh. Đèn Cù II. Westminster, CA: Người Việt, 2014).

Tiếc rằng ông không “tỉnh” được lâu. Chỉ hai năm sau, năm 1988, Trường Chinh đột ngột từ trần. Thôi thế cũng xong. Cuối cùng, rồi ông cũng thoát. Thoát khỏi cái XHCN do chính ông đã dụng công xây đắp nhưng giai cấp công nhân thì không. Họ kẹt: kẹt lớn, kẹt lắm, và (chắc chắn) sẽ kẹt luôn – nếu chế độ hiện hành vẫn tiếp tục tồn tại.

Báo Vietnamnet ái ngại cho hay: “Lương tối thiểu mới đáp ứng hơn 1/3 nhu cầu tối thiểu.” Và đó là mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, chớ giới công nhân thì còn tệ hơn thế nữa!

Thế họ sống làm sao?

Thưa họ “ăn thịt mình để sống” – như nguyên văn lời Phó Viện Trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia, PGS-TS Lê Bạch Mai:

“Những khảo sát của viện năm đó cho thấy chất lượng bữa ăn của công nhân không khác gì hai chữ “tồi tệ” khi trong khẩu phần ăn chỉ có 12% protein (chất đạm), 16% chất béo…

“Khi năng lượng khẩu phần ăn không đủ thì (cơ thể) phải sử dụng nguồn năng lượng dự trữ của mình. Khi đó khối cơ của người lao động bị bào mòn, bị lấy đi hằng ngày… và họ rơi vào thực trạng ‘như ăn thịt mình …’ Họ chưa chết đói. Nhưng sẽ đói đến lúc chết”.

Bản thân ông Trường Chinh (đôi khi) cũng đói, theo như lời của trưởng nam Đặng Xuân Kỳ – nguyên Ủy Viên Ban Chấp Hành Trung Ương:

“Ông cụ tôi ra ngoài không dám ăn uống bất cứ thứ gì. Họp Bộ chính trị với Trung ương cũng uống nước của nhà mang theo và nếu không về nhà ăn trưa được thì ông cụ nhịn.” (T. Đĩnh, trang 208).

Chung cuộc, may thay, ông Trường Chinh cũng đã cứu được chính mình. Ông qua đời vì tai nạn chứ không phải vì bị đầu độc – như rất nhiều đồng chí khác.

Nghĩa tử là nghĩa tận. Tôi đang không rảnh (lắm) và cũng chả thấy có chút hứng thú gì khi phải đụng chạm gì đến một người… đã chết. Vấn đề, chả qua, vì chẳng đặng đừng – như “lời trăng trối” của triết gia (ngoại đạo) Trần Đức Thảo:

Ta chỉ có thể thanh toán những điều xấu của quá khứ bằng cách thẳng thắn lôi nó ra ánh sáng của hiện tại, để cùng nhau nhận diện nó, để vĩnh viễn không cho phép nó tái diễn. Mà quá khứ cách mạng của ta thì đã tích tụ quá nặng nề những di sản xấu ấy.

Nạn cộng sản sẽ qua, và sắp qua. Chúng ta khó mà có thể tái thiết đất nước và xây dựng một tương lai ổn định nếu không nhìn cho thật rõ về quá khứ.

Chú Thích của Kẻ đi tìm:

 

undefined

Theo Wikipedia,

Những vụ giết người có chủ đích mà không phải do chiến tranh dưới chế độ cộng sản đã được ghi nhận lại.., cụ thể bao gồm:

      • Diệt chủng (Genocide)[1]
      • Thanh trừng chính trị (Politicide)[3]
      • Giết người thảm sát (Democide)[4]
      • Tội ác chống lại nhân loại (Crime against humanity)[5]
      • Thanh trừng giai cấp (Classicide)[6]
      • Khủng bố (Terror)[2]
      • Giết người hàng loạt (Mass killings)[7]
      • Communist Holocaust hay Red Holocaust[8] — nôm na có nghĩa là “Thảm họa Cộng sản”,

 


 

Đài Tưởng Niệm hơn 100 triệu nạn nhân của chế độ Cộng Sản ở các Quốc Gia trên toàn cầu

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Trần Đại Quang

Ba’o DAN CHIM VIET

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

19/09/2023

Năm 2006, khi chỉ mới có tin bác Triết sắp trở thành chủ tịch nước (thôi) mà dư luận – trong cũng như ngoài nước – đã râm ran tán thưởng quá xá. Ký giả Karl D John (Asia Times) hăm hở đưa tin :

Nguyen Minh Triet, 63, another southerner, was confirmed as president by the National Assembly on Tuesday… And there is a widespread perception he will be more active than his predecessor, particularly in implementing economic and legal reforms that pave the way for Vietnam’s accession to the World Trade Organization (WTO) this year.” Theo nhận xét chung thì ông sẽ năng nổ hơn người tiền nhiệm, đặc biệt trong lĩnh vực cải tổ kinh tế và pháp luật, làm nền cho VN gia nhập tổ chức WTO trong năm nay.”

Bác Quang, tiếc thay, không có được sự chào đón nồng nhiệt tương tự. Chả những thế, ông còn bị nhiều điều tiếng gièm pha hay dè bỉu :

– Bùi Thanh Hiếu: “Không ồn ào gây chú ý, bộ trưởng công an Trần Đại Quang leo lên chức Chủ Tịch Nước một cách êm thắm không gặp phải bất kỳ sự trở ngại nào. Con đường của Trần Đại Quang tiến thân trong ngành công an cũng khá suôn sẻ… Con đường của Quang đi chỉ gặp sóng gió duy nhất một lần đó là bị các đối thủ vạch ra chuyện Quang khai gian đến 6 tuổi.”

– Lê Minh Nguyên “Đầu tiên phải nói là ông ta sửa lại khai sinh để từ năm đúng là 1950 thành năm giả là 1956, một sự gian dối dễ chứng minh qua các văn bản hộ tịch và bằng cấp bị so le, nó nói lên tính toán tham vọng quyền lực của ông ta.”

– Trần Hồng Tâm: “Ông Trần Đại Quang, sinh năm 1956, vẫn còn dưới 65 tuổi. Nhưng có người đã chứng minh rằng ông sinh năm 1950. Ông đã sửa số 0 thành số 6 trên giấy khai sinh. Sau khi bị tố giác, ông đã sử dụng ảnh hưởng của mình tại nguyên quán làm ra một giấy khai sinh mới ‘hợp lệ’ hơn. Riêng tiêu chuẩn đầu tiên về tuổi tác ông đã để lại không ít tai tiếng.”

Cả ba nhân vật̉ dẫn thượng – rõ ràng – đều là những người không đủ lượng bao dung. Họ đều để ý đến cái chi tiết rất nhỏ nhặt (“sửa số 0 thành số 6”) trên tờ giấy khai sinh của bác Quang, rồi cứ thế mà vu vạ đó là việc làm thiếu lương thiện và vô cùng tai tiếng.

Tai tiếng (mẹ) gì! Chớ có ai biết vị chủ tịch đầu tiên của Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà – Hồ Chí Minh – tên tuổi (chính xác) ra sao đâu mà toàn dân vẫn đời đời nhớ ơn bác Hồ vỹ đại đấy thôi. Nói gần nói xa, chả qua nói thiệt là thiên hạ chỉ vì ganh ghét với cái chức vụ cao quí (Chủ Tịch Nước) của bác Quang nên mới cố vạch lá tìm sâu hay bới bèo ra bọ.

Riêng ông Nguyễn Gia Kiểng lại còn đi quá xa khi cho rằng “một chủ tịch nước như ông Trần Đại Quang khác gì một vết lọ nghẹ quẹt lên mặt dân tộc Việt Nam?”

Ơ hay, sao lại thế nhỉ? Về ngoại hình, bác Quang đâu có kém cạnh gì bác Triết. Còn về diện mạo thì trông đỡ tối tăm hơn bác Sang thấy rõ, đúng không? Sao hai bác kia nhậm chức suôn sẻ, và hạ cánh an toàn mà bác Quang lại bị coi như là “một vết lọ nghẹ quẹt lên mặt dân tộc Việt Nam” – hả Giời?

Ông Nguyễn Gia Kiểng còn nhất định cho rằng: “Trong nhà tù nhiều khi tù nhân phải trả tiền để ‘được’ còng bằng những chiếc còng không nhiễm trùng HIV. Dưới sự lãnh đạo của Trần Đại Quang công an cũng làm tiền trắng trợn hẳn hơn trước….”

“Trước” là hồi nào vậy cà? Khi HIV chưa xuất hiện thì làm sao có cái vụ (tai tiếng) trả tiền để “được” đưa chân vào những cái còng không nhiễm trùng được chớ? Ở giai đoạn này, Việt Nam còn dùng sổ gạo và tem phiếu và người dân chỉ cần vài điếu thuốc lá lẻ cũng đủ bôi trơn bộ máy (“Samit là nói ít hiểu nhiều, Ba Số Năm vừa nằm vừa ký”) nên mấy ông Bộ Trưởng Công An tiền nhiệm đỡ mang tiếng hơn ông Quang là chuyện tất nhiên.

Cũng như ông Nguyễn Gia Kiểng, nhiều người cứ nhất định cho rằng Bộ Công An dưới thời Trần Đại Quang tệ hại hơn thời trước rất nhiều :

– Các vụ ép cung, tra tấn, đánh người cho tới chết, xẩy ra thường xuyên trong đồn công an.

– Chuyện chạy án, chạy tiền để được phóng thích vào những đợt ân xá là hiện tượng phổ biến.

– Công an giả dạng côn đồ để đánh người, và vứt cứt đái hay mắm tôm vào nhà dân xẩy ra ở khắp mọi nơi.

May mắn là trong giới truyền thông vẫn còn những người sáng suốt nên những vấn nạn vừa nêu đã được nhìn nhận một cách khách quan hơn :

“Nhiều người tưởng rằng khoảng 5-6 năm gần đây mới rộ lên hiện tượng công an đánh chết dân, nhưng thật ra thì điều đó đã xảy ra hàng chục năm rồi, kể từ khi đảng Cộng sản cầm quyền. Thậm chí ngày trước công an đánh chết còn nhiều dân hơn ngày nay ấy chứ. Chẳng qua là đến bây giờ, một phần trong số những câu chuyện thương tâm ấy mới được đưa lên mặt báo và nhất là lên Facebook mà thôi. Con số 226 người chết trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ (ba năm 2011-2014) là con số trong một báo cáo của Bộ Công an và được báo chí trích đăng; ngày trước, làm gì có chuyện Bộ Công an có những báo cáo như thế và báo chí công bố như thế.”

Tôi vô cùng tâm đắc với nhận định vô tư và chính xác (thượng dẫn) của nhà báo Đoan Trang. Chả có gì bảo đảm được rằng dưới thời Bùi Thiện Ngộ, Lê Minh Hương, Lê Hồng Anh … những vụ “tự tử” trong đồn công an hay nạn ép cung, mớm cung, chạy án … lại ít hơn bây giờ. Chả qua là mọi việc đều được giấu kín như bưng nên mọi người không biết đấy thôi.

Trong số tất cả lời tố ghi trên chỉ có điều duy nhất xác thực là vấn nạn công an thường giả dạng côn đồ để vứt cứt đái, hay đổ nước hôi thối, vào nhà dân chúng. Hiện tượng này quả là hoàn toàn mới lạ, và mang đậm dấu ấn của cái thời mà ông Trần Đại Quang giữ chức vụ Bộ Trưởng Công An.

Đây tuy là những hành vi bẩn thỉu và đê tiện nhưng (nói nào ngay) hoàn toàn không độc ác. Chả làm ai chết cả. Trần Đại Quang – ít nhất – cũng chưa bao giờ bị kết án là sát nhân (hãm hiếp người tình của lãnh tụ, lấy búa đập vào đầu nạn nhân, rồi vứt xác ra đường cho xe cán) như Trần Quốc Hoàn – Bộ Trưởng Công An đầu tiên của nước VNDCCH.

Ông Trần Đại Quang cũng không hề bị tai tiếng như hai ông Phạm Hùng và Mai Chí Thọ trong những vụ thu vàng bán bãi vượt biên, đẩy vô số người dân ra khỏi nước, khiến hàng triệu thuyền nhân đã chết chìm giữa biển khơi (*). Thời ông Quang phụ trách ngành công an tuy cũng có không ít thuyền nhân (những thuyền nhân mới, nouveaux boat people) hay còn gọi là “người rơm” nhưng số lượng những kẻ mất mạng giữa đường hay mất mát tài sản để chung chi cho những chuyến vượt biên đều không đáng kể – nếu so sánh với những đợt di tản của đám “thuyền nhân cũ” (ancient boat people) hồi cuối thế kỷ trước.

Những “điểm son” kể trên, tiếc thay, đã không được công luận biết đến. Thiên hạ, nếu không chê bai hay dè bỉu thì cũng chỉ nói đến việc đăng quang của vị tân chủ tịch nước, cũng chả khác chi với chuyện tái đắc cử chức vụ TBT, với giọng điệu chán chường hay… huề vốn.

Xin đơn cử một thí dụ, đọc được trên trang FB của BBC :

“Ừ thì cơ mà ai lên làm thì đời sống Công Nhân vẫn vậy, như 20 năm qua cũng ko thay đổi được là bao nhiêu đáng kể. Vẫn ở cái nhà trọ chật hẹp, vẫn ko biết khi nào mới mua nổi nhà để an cư lạc nghiệp, vẫn bữa cơm ăn cho có để làm, vẫn nỗi lo con cái những hôm tăng ca cả hai vợ chồng thì ko biết ai đón gửi ai…

Còn Nông Dân vẫn vậy vẫn tự bơi với ruộng đồng, vẫn điệp khúc được mùa mất giá, vẫn mất mùa thì do thiên tai được mùa thì do tài tình lãnh đạo của Đảng, vẫn điệp khúc hàng ngoại giết chết hàng nội, vẫn điệp khúc Trung Quốc ko thu mua thì đành đổ bỏ.

Rồi giá xăng vẫn cao ngất ngưởng so với thế giới, học phí viện phí vẫn tăng, các loại thuế phí khác vẫn tăng ko hề giảm. Vẫn nỗi lo gánh nặng tiền học cho con, vẫn nỗi lo gánh nặng lỡ xui đi viện…

Đến bệnh viện, đến chốn công quyền vẫn phải xin xỏ, chầu chực, vẫn phải bôi trơn. Vẫn tham ô, tham nhũng, cái mặt Quan vẫn vác ngược khênh kiệu hạch sách nhân dân.Vẫn thực phẩm độc hại, vẫn mọi thứ còn nguyên.

Các ông ấy chẳng ai buồn hứa với Dân khi tôi làm Cán Bộ tôi sẽ làm gì để giải quyết bớt vấn đề của nhân dân bức xúc bấy lâu nay. Các ông vẫn cứ đọc cái mớ lý thuyết suông, vẫn nói suông. Những bài chính trị mà chúng tôi cũng thuộc…”

Rõ ràng toàn là những đòi hỏi quá đáng và … quá quắt. Ngay đến bác Hồ mà còn không bảo vệ được cả vợ lẫn con, bác Tôn cũng chỉ có mỗi một việc làm là… sửa xe đạp cho nó qua ngày đoạn tháng thì bác Quang biết làm sao hơn và làm gì khác được?

Tưởng Năng Tiến – 04/10/2016

(*) Death Tolls and Casualty Statistics Vietnam – Vietnamese Boat People

  • Jacqueline Desbarats and Karl Jackson (“Vietnam 1975-1982: The Cruel Peace”, in The Washington Quarterly, Fall 1985) estimated that there had been around 65,000 executions. This number is repeated in the Sept. 1985  of State Bulletinarticle on Vietnam.
  • Orange County Register(29 April 2001): 1 million sent to camps and 165,000 died.
  • Northwest Asian Weekly(5 July 1996): 150,000-175,000 camp prisoners unaccounted for.
  • Estimates for the number of Boat People who died:
    • Elizabeth Becker (When the War Was Over, 1986) cites the UN High Commissioner on Refugees: 250,000 boat people died at sea; 929,600 reached asylum
    • The 20 July 1986 San Diego Union-Tribunecites the UN Refugee Commission: 200,000 to 250,000 boat people had died at sea since 1975.
    • The 3 Aug. 1979 Washington Postcites the Australian immigration minister’s estimate that 200,000 refugees had died at sea since 1975.
      • Also: “Some estimates have said that around half of those who set out do not survive.”
    • The 1991 Information Please Almanaccites unspecified “US Officials” that 100,000 boat people died fleeing Vietnam.
    • Encartaestimates that 0.5M fled, and 10-15% died, for a death toll of 50-75,000.
    • Nayan Chanda, Brother Enemy(1986): ¼M Chinese refugees in two years, 30,000 to 40,000 of whom died at sea. (These numbers also repeated by Marilyn Young, The Vietnam Wars: 1945-1990 (1991))
  • Rummel
    • Vietnamese democide: 1,040,000 (1975-87)
      • Executions: 100,000
      • Camp Deaths: 95,000
      • Forced Labor: 48,000
      • Democides in Cambodia: 460,000
      • Democides in Laos: 87,000
      • Vietnamese Boat People: 500,000 deaths (50% not blamed on the Vietnamese government)

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Bình Thuận

Báo Đàn Chim Việt

Tác GiảTưởng Năng Tiến

24/09/2023

Ngày 7 tháng 9 năm 2023, từ Ba Lan, nhà báo Mạc Việt Hồng đã gửi đến độc giả xa gần một câu chuyện nhỏ – khá lạ và cũng hơi hài:

Quãng hơn chục năm trước, nhà mình mua 1 mảnh đất gần 500m2 để xây nhà. Trên mảnh đất đó có 1 cây phong, cây mà lá của nó là biểu tượng trên cờ Canada. Cây phong không có tội tình gì ngoài chuyện đứng chình ình giữa vườn, nên nhà mình quyết định chặt đi; giá nó đứng ở góc thì sẽ không chặt chiếc gì …

Mình điền đơn, nhân viên ở đó hỏi mình chi tiết về cái cây: Loại gì, chu vi gốc khoảng bao nhiêu; mình trả lời trôi chẩy, vì chuẩn bị sẵn rồi. Nhưng khi họ hỏi, trên cây có tổ chim không, thì mình tịt ngóm, vì hoàn toàn bất ngờ.

Sau chừng mươi ngày có một ông tới xem cái cây rất kỹ càng, đeo ống nhòm dài nhìn ngó lên trên để chắc chắn là không có tổ chim và cuối cùng quận cấp quyết định đồng ý. Cùng với quyết định này, họ bắt trồng bù 10 cây khác và mình trồng 1 rặng thông quanh vườn.

Em kể câu chuyện này để các cụ thấy Tây họ quản lý cây cối, họ chăm lo cho môi trường thế nào. Mấy hôm nay em im tịt vì chẳng nhẽ văng toàn tiếng Đan Mạch lên mạng. Phá 600 ha rừng nguyên sinh mà không thằng hay con đại biểu quốc hội nào xuống nhòm xem nó ra sao thì không bằng anh nhân viên quèn ở quận Bemowo nhà em…

Trước đó vài tuần, hôm 9 tháng 8, từ Việt Nam – qua FB – nhà báo Mạc Van Trang cũng gửi cho bạn bè và thân hữu một câu chuyện (khác) lạ lùng không kém nhưng hoàn toàn không hài ước một tí nào sất cả :

Lâu nay mình vẫn tự hào, khoe với bạn bè, khu chung cư bọn mình ở rợp bóng cây xanh … Bỗng một ngày đi chơi vắng, chiều về thấy xe tải chở gỗ cây xanh ra cổng, đi vào khu nhà thì cây xanh trụi húi hết. Thật sợ quá.

Đây không phải tỉa cây cho an toàn khi gió bão (mà Sài gòn mấy khi có bão?). Đây là THU HOẠCH GỖ của Cty môi trường thì đúng hơn. Hỏi chú bảo vệ: Sao để họ cưa cây trụi thể kia?

– Dạ đó là bên Cty Môi trường thành phố người ta làm mà chú.

Hỏi một người trong Ban quản lý.

– Dạ, đó là ngành chức năng người ta làm …

Hầu như tất cả người dân không ai thắc mắc gì. Xe phơi nắng, người phơi nắng cam chịu thôi! Những cái cây này là của công mà, có phải cây của vườn nhà mình đâu! Chả còn biết nói gì! Chả hiểu được!?

Nghe ông nhà báo thở than khiến tôi chợt nhớ đến đôi câu (thơ) của một nhà văn đã khuất, Mai Thảo:

Thế giới có triệu điều không hiểu

Càng hiểu không ra lúc cuối đời

Mà “đời” thì khó hiểu thiệt, và khó hiểu lắm lận!

Coi: Tôi đâu có nhà cửa vườn tược như nhà báo Mạc Việt Hồng (ở Varsovie) cũng không được cư trú trong một chung cư “rợp bóng cây xanh” như nhà báo Mạc Văn Trang (ở Sài Gòn) mà đang tạm trú tại Silicon Valley (California) nơi còn được gọi là Thung Lũng Điện Tử hay Thung Lũng Hoa Vàng.

Ở đây đất cũng mắc như vàng nên thứ dân tị nạn (dấm dớ) cỡ tôi thì thường phải ở thuê. May mắn lắm mới mua được một cái townhouse bé tí teo, để có một chỗ mà chui ra chui vô thôi.

Với loại nhà ở chung vách này, chủ nhân không có quyền hạn chi về vườn tược bên ngoài cả. Trách nhiệm chăm sóc tất nhiên cũng không nhưng phải đóng lệ phí, và đóng hơi nhiều, hàng tháng. Cây cỏ bên ngoài là tài sản chung, và đều do ban quản lý chung cư (HOA – Homeowner Association) lo liệu.

Ấy thế mà cũng nào có được yên!

Tháng rồi chỉ vì muốn chặt hai ba cây thông kế bãi đậu xe mà họ dán giấy tùm lum, cho biết trước là chúng sẽ bị đốn hạ. Sau đó, mọi người còn nhận được thông báo, và khuyến khích tham dự vào một buổi điều trần công khai (public hearing) nữa cơ!

Trời! Chặt có ba cái cây già cỗi và sắp chết hết đến nơi rồi mà sao vẽ vời ra lắm điều nhiều chuyện dữ vậy, mấy cha? Cứ ở Sài Gòn như nhà báo Mạc Văn Trang thì đâu có lôi thôi đến vậy, chỉ cần “một ngày đi chơi vắng, chiều về … thì cây xanh trụi húi hết” trơn.

Khoẻ!

Ở Bình Thuận lại càng khoẻ hơn nữa. Hôm 15 tháng 8 vừa qua, VnExpress thản nhiên loan báo: “Bình Thuận khai thác hơn hơn 600 ha rừng để làm hồ thủy lợi.” Trang TRITHUCVN còn cho biết thêm: “Khu rừng sẽ được bán đấu giá cho đơn vị khai thác gỗ.”

Nghe cứ như họ rao bán mớ rau, hay mớ tép (giữa chợ chồm hổm) vậy khiến lắm người băn khoăn hay phẫn uất:

  • Bùi An: “Hồ thủy lợi có được bằng 600 ha rừng, có thực sự cần không?”
  • Bạch Cúc: “Đời bạn, đời tôi xem như bỏ, nhưng còn đời con, đời cháu chúng ta và các thế hệ sau này sẽ sống thế nào khi thiên nhiên chỉ còn lại một đống hoang tàn? Đánh đổi lợi ích sinh tồn dài hạn của cả một dân tộc để phục vụ mục tiêu kinh tế ngắn hạn bằng những quyết sách nhất thời thì liệu có đáng không ?
  • Thảo Dân: “Phá rừng đặc dụng, rừng tự nhiên trong khu bảo tồn thiên nhiên để làm hồ chứa nước, đa dạng sinh học bị mất đi thì đến bao giờ mới phục hồi được? Hệ lụy của nó với môi trường sẽ ra sao? Các nhà khoa học đã phân tích kỹ lợi hại được mất chưa?
  • Khải Đơn: “Phá 600ha rừng làm hồ có cứu được 100.000 người dân thiếu nước không?”
  • Hòa Hưng: “Không có đất làm hồ, vậy đất đâu để trồng rừng?”
  • Nguyễn Hồng Quang: “Tại sao khăng khăng phá rừng làm hồ mới làm gì?”
  • Trương Nhân Tuấn: “Lý do nào cho phép họ phá rừng, đào bới lấy quặng mỏ, với bình phong làm hồ Pa két? Ngoài ra việc khai thác này sao không thấy thông qua một quá trình gọi thầu và đấu thầu?”

Mọi thắc mắc/khiếu nại (thượng dẫn) đều nhận được hồi đáp cấp kỳ. Không chỉ lẹ làng/nhẹ nhàng mà còn vô cùng chính xác.

  • Tạ Duy Anh: “Mục tiêu vẫn là gỗ các ông ạ.”
  • Long Quan: “Đơn giản vì rừng ngon ăn quá.”

Chớ còn gì “ngon ăn” hơn nữa giữa một xứ sở đã sơ xác, tiêu điều, như đất nước “chiều nay.” Khoáng sản đã cạn, lãnh thổ, lãnh hải và biển đảo đều đã cầm cố hay sang nhượng tự lâu. Quyền bính thì chả biết sẽ còn giữ được bao lâu nữa nên mạnh ai nấy hốt (thêm) được chút nào hay chút đó thôi!

Cứ theo như lời của ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện, cử tri và nhân dân tỉnh Bình Thuận rất đồng tình với dự án hồ Ka Pét. Cùng lúc, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các cơ quan liên quan chấn chỉnh việc đăng tải thông tin về việc phá rừng để thực hiện dự án, xử lý nghiêm việc đăng tải thông tin không đúng sự thật.”

Thế người dân bản địa tại Bình Thuận phản ứng thế nào?

RFA cho hay: “Ông Phạm Khanh, một người sắc tộc Chăm, hiện đang ở Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận lên tiếng cảnh báo nguy cơ xung đột sắc tộc ngữa người Kinh và Chăm nếu các cơ quan chức năng địa phương vẫn tiếp tục thực hiện dự án hồ Ka Pét.

Là một người nghiên cứu, bảo tồn văn hoá Chăm, ông Khanh cho biết trong diện tích hơn 680 ha làm dự án hồ thuỷ lợi Ka Pét, có khoảng 162 ha rừng đặc dụng. Nếu dự án vẫn thực hiện, theo ông Khanh, khoảng 10 ha khu Thánh tích của người Chăm sẽ bị nhấn chìm dưới lòng hồ.”

Thi sỹ Inra Sara cho biết: “Cham chỉ khóc!”

Vâng! Ai thì cũng chỉ đành khóc thôi, chứ biết làm sao khác và làm gì được chúng?

Khóc lên đi ôi quê hương yêu dấu!


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Thủ Huồng

Báo Đàn Chim Việt

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

21/09/2023

Năm 17 tuổi, đang khi học thi tú tài, tôi bỗng nhiên bị suyễn. Căn bệnh này – vào cuối thế kỷ trước, ở nước tôi – bị coi là loại nan y, vô phương chữa trị. Từ đó, thỉnh thoảng, tôi lại phải trải qua vài ba cơn suyễn thập tử nhất sinh.

Những lúc ngồi (hay nằm) thoi thóp tôi mới ý thức được rằng sinh mệnh của chúng ta mong manh lắm, và chỉ cần được hít thở bình thường thôi cũng đã là một điều hạnh phúc lắm rồi. If you can’t breathe, nothing else matters!

Vì thường xuyên sống bấp bênh và bồng bềnh (“giữa cõi âm và cõi dương”) như thế nên tôi … rất nhát. Địa ngục gần xịt hà. Mà địa ngục trong trí tưởng của tôi (kẻ luôn luôn theo mẹ đi chùa suốt thời thơ ấu) thì vô cùng khủng khiếp: đầy bọn lâu la đầu trâu mặt ngựa, với dầu sôi, lửa đỏ… ngó là muốn xỉu liền. Bởi vậy, suốt đời tôi không bao giờ dám làm điều gì ác; cũng không dám giữ riêng chi cho cá nhân mình, và sẵn sàng thực hiện mọi điều thiện khi có thể.

Với thời gian, cùng những phát kiến của y khoa, bệnh suyễn không còn hành hạ và đe dọa đến mạng sống của tôi như khi còn trẻ nữa. Nhưng cũng với thời gian, tà tà đời xế về chiều, rồi tôi cũng sắp sửa phải đối diện với cái chết thôi.

Nhờ đã từng sống “giữa cõi âm và cõi dương” nên tôi không ngán Thần Chết xíu nào ráo trọi. Tôi cũng chả ngại ngùng gì khi gặp mặt Diêm Vương. Tui sống rất đàng hoàng quá xá nên dù có xét nét tới đâu chăng nữa thì thằng chả vẫn phải công nhận rằng tui là “thằng đàng hoàng nhứt trong cái đám lộn xộn,” cùng thời.

Trong đám này có hai tên tuổi rất đáng phàn nàn là Ba Dũng và Bắc Hà, theo như ghi nhận của nhà báo Huy Đức:

“Trong bức ảnh này (Bogaya, Ấn Độ), khi xếp bằng dưới gốc bồ đề nơi được cho là Phật tổ từng ngồi, Bắc Hà (thứ nhất bên phải) là người duy nhất có dáng điệu rúm ró khác thường. Đây là giai đoạn mà ở quốc gia này, Bắc Hà chỉ ‘dưới Ba Dũng’ và hách dịch với phần còn lại, vậy nhưng khi đối diện với thần linh nhìn ông ta vô cùng sợ hãi.

Không chỉ có Bắc Hà, rất nhiều quan chức tối cao cứ sắp bước chân ra khỏi nhà là thỉnh ý các thầy tâm linh, đổ không biết cơ man nào tiền để xây chùa, xây đền… Họ nên đọc lại ‘Chuyện Thủ Huồng’ để thấy rằng, khi sợ Trời Phật thì cách tốt nhất là ngưng làm điều ác để bắt đầu các việc thiện. Đừng vì tâm quá hoảng loạn mà vội vàng truyền bá cái văn hóa hối lộ trần tục đến cõi thiêng liêng: vẫn thỏa sức vơ vét của dân rồi mong gỡ tội bằng cách cuống cuồng “mua Trời, bán Phật.”

Nhìn “dáng điệu của Bắc Hà” quả là “rúm ró” thiệt. Còn nét mặt của Ba Dũng – xem chừng – cũng không được tự tin gì cho lắm, ngó cũng lấm lét thấy rõ. Huy Đức còn khuyên “họ nên đọc lại ‘Chuyện Thủ Huồng’ để thấy rằng, khi sợ Trời Phật thì cách tốt nhất là ngưng làm điều ác để bắt đầu các việc thiện.”

Ủa, chớ Thủ Huồng là ai vậy cà?

Tui vô gu gồ thì thấy Wikipedia có những đoạn sau:

“Ngày xưa, khoảng năm 1755, ở châu Đại Phố có một người tên là Võ Hữu Hoằng. Ông xuất thân làm thơ lại. Trong hai mươi năm làm việc trong nha môn, ông đã thu tóm được nhiều tiền của. Sau khi vợ mất sớm lại không con, mà tiền bạc thì quá thừa thải, Thủ Huồng xin thôi việc về nhà.

Thủ Huồng (có sách ghi là Thủ Huồn) rất yêu vợ, cho nên khi nghe người mách rằng ở chợ Mãnh Ma (Quảng Yên) là chỗ người sống và người chết có thể gặp nhau, ông quyết đi tìm vợ.

Gặp nhau, trong lúc trò chuyện, Thủ Huồng ngỏ ý muốn xuống âm phủ chơi và được vợ đồng ý. Ở cõi âm, ông tận mắt nhìn thấy những cực hình dành cho những kẻ phạm nhiều tội ác khi còn sống. Và ông cũng đã nhìn thấy một cái gông to, mà cai ngục cho biết là để dành cho ông…

Khi trở lại cõi dương, Thủ Huồng đem toàn bộ tài sản dùng vào việc bố thí, xây dựng những công trình phúc lợi, đặc biệt là làm nhà để giúp dân nghèo…

Sau, Thủ Huồng được vợ đưa xuống cõi âm lần nữa, và thấy cái gông ngày cũ đã nhỏ lại rất nhiều.Từ đó, ông tiếp tục làm việc thiện, việc nghĩa cho đến khi mất …”

Hèn chi mà bữa rồi tôi có nghe nhà báo Đinh Ngọc Thu cho hay là ông Trần Đại Quang vừa cúng chùa Vĩnh Nghiêm một cặp đèn trị giá 19 tỷ lận. Trước đó, dư luận cũng có hơi lăn tăn chút xíu về một món quà từ thiện (bất ngờ) dành cho trẻ em ở huyện Võ Nhai – tỉnh Thái Nguyên.

Về sự kiện này, VOA có bài (“Chia Rẽ Về Quỹ Xây Trường Từ Con Gái Nguyễn Tấn Dũng”) nghe được vào hôm 11 tháng 9 năm 2017. Xin được trích dẫn vài đoạn ngắn:

Tin cho hay trường mới trông như một “bông hoa nổi bật giữa núi rừng”, có đầy đủ các phòng học, phòng chức năng, phòng đa năng, thư viện, bếp nấu, nhà ăn, nhà nội trú, khu vệ sinh, sân vui chơi cho các em…

Ông Hoàng Dũng ở TP. HCM, người từng nhiệt tình tham gia các hoạt động vì dân chủ, viết: “Nếu cả tập đoàn dòng họ nhà bạn khai thác một đất nước đến kiệt quệ rồi xây dựng lại vài chục công trình thiện nguyện bất kể đó là tiền sạch hay bẩn, thì bạn có xứng được tung hô không?”

Nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang, người thường xuyên lên tiếng về những chuyện gây bất bình ở Việt Nam, viết: “Cứ mặc sức tham nhũng trăm nghìn tỷ, phá nát đất nước, tạo trường rách nát đi. Hưu, bỏ vài tỷ xây 1 trường, sẽ được tri ân”.

Đã có hàng trăm những lời bình luận hay các ý kiến tương tự như của ông Dũng và ông Tạo.

Đáp lại các ý kiến này, trên trang Facebook cá nhân, giáo sư Ngô Bảo Châu bày tỏ ông có cái nhìn “đơn giản” về việc vận động nguồn tài trợ xây trường.

Với cái nhìn của một người từng sống giữa cõi âm và cõi dương như tôi thì tất cả những ý kiến thượng dẫn (dù pro hay con) đều hoàn toàn không đáng được quan tâm. Vấn đề thực sự cần được đặt ra là liệu những cái gông, đang nằm chờ dưới cõi âm, sẽ có nhỏ lại hay không – sau khi quý vị lãnh đạo quốc dân chịu chi (ít nhiều) để làm việc nghĩa?

Là một người có “thẩm quyền” trong lãnh vực này, tôi khẳng định: Có! Hồi thời Thủ Huồng dưới âm phủ tính toán ra sao, thời nay cũng y như vậy thôi.

Nói thí dụ cho dễ hiểu là nếu cái gông của ông Quang dài một thước thì sau khi cúng chùa cặp đèn giá trị 19 tỷ đồng nó sẽ ngắn bớt lại được một phân. Cứ như thế mà nhân lên, khi số tiền làm việc thiện lên tới 190 tỷ thì cái gông của ổng sẽ ngắn lại một tấc.

Theo tiến trình này, cùng với hàng vài chục tỷ đô la mà quý vị quan chức sốt sắng nôn ra thì chả mấy chốc mấy cái gông dưới địa ngục (dám)  sẽ biến mất luôn hết ráo. Cùng lúc trên dương gian số trẻ em Việt Nam  bán vé số sẽ bớt dần vì trường học mọc lên như nấm, bệnh viện cũng mọc theo nên hết có cái vụ chồng chất ba bốn mạng một giường như hiện tại. Còn cầu đường thì (ôi thôi) bắc ngang bắc dọc khắp nơi… nên không còn cái vụ con nít chết trôi, chết chìm đều đều nữa.

Mọi người đều vui như Tết. Ở ngoài nước, tất nhiên, tui cũng vui luôn. Chỉ có điều đáng tiếc, và cũng là chuyện đáng buồn, là riêng ông Trần Đại Quang mới góp có 19 tỷ đồng (cái gông mới ngắn lại được một phân) thôi thì đã chuyển qua từ trần – vào hôm 21 tháng 9 vừa qua. Phen này, dưới cõi âm, tôi e rằng ông (nguyên) Chủ Tịch Nước sẽ gặp nhiều chuyện lôi thôi lớn, và lôi thôi lắm.

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Phóng sanh

Báo Tiếng Dân

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

15/09/2023

Trong một buổi tọa đàm (“Về Tư Cách Trí Thức Việt Nam”) ở Berlin – vào năm 2000 – nhà văn Phạm Thị Hoài đã phát biểu “ngoài lề” khiến cho vài người tham dự mất vui, và số đông còn lại thì rất mất lòng:

“Nhân đây cũng xin nói ngoài lề là cái tinh thần rất nổi tiếng và thường xuyên được ca ngợi rằng, người Việt hiếu học, cha mẹ muốn con hay chữ, yêu thầy, theo tôi một phần cũng rất đáng kể xuất phát từ tinh thần yêu địa vị và trọng quyền lực. Nếu chữ nghĩa không mở ra được một triển vọng thơm tho như vậy, một người đi học thi đỗ làm quan thì cả họ được nhờ, tôi tin rằng cái sự hiếu học kia chắc chắn là giảm đi đáng kể.”

Diễn giả, nói nào ngay, không có chi sai trật cả (chỉ hơi thiếu tế nhị chút xíu thôi) nhưng sự thật vốn dễ mất lòng nên bà đã nhận được khá nhiều gạch đá, từ khắp bốn phương.

Mà sự thật nào chỉ có thế. Tính vị lợi của người Việt không chỉ thể hiện qua “cái chí làm quan”! Họ còn “đầu tư công ̣đức” theo kiểu “tu nhân tích đức nữa cơ. Cứ thử nghe chơi đôi ba câu ca dao, tục ngữ, hay thành ngữ của dân tộc này xem:

  • Người trồng cây hạnh người chơi/ Ta trồng cây đức để đời về sau
  • Có đức mặc sức mà ăn
  • Làm phước để đức cho con cháu

Cách làm phước có cả đất lẫn trời chứng dám, thiên hạ quan chiêm, được ưa chuộng và phổ biến nhất nhất hiện nay là thả chim hay thả cá. Phóng sinh, tuy thế, đang bị rất nhiều người càm ràm (hay chỉ trích) tưng bừng. Xin phép được trích dẫn năm ba, theo thứ tự alphabétique:

  • Thảo Dân: “Bắt bất cứ con gì rồi đem thả ra để cầu lợi lạc đều là hành động hủy diệt môi trường và hiểu sai nghĩa của từ ‘phóng sinh”.
  • Thái Hạo: “Người ta đang tự do, đi bắt nhốt lại, đốt hương khói nghi ngút, khiến cho thân tàn ma dại, rồi mang thả ra, đó là làm cho khốc hại, là hiện thân của cái ác, chứ không có chút từ bi nào cả.”
  • Trương Nhân Tuấn: “Trước đạo pháp, hành vi ‘phóng sinh’ của các chùa quốc doanh trở thành một ‘tội ác’. Trước thiên nhiên, chuyện phóng sinh (kiểu chùa VN) là hành vi tàn phá môi sinh, làm đảo lộn tuần hoàn của hệ sinh thái địa cầu.”
  • Mạc Văn Trang:“Cách ‘diễn trò phóng sinh’ như các chùa làm hiện nay đã và đang bị rất nhiều người lên án: Đó là tội ác chứ không phải phóng sinh!”

Đúng là chúng khẩu đồng từ, ngoại trừ FB Trà Đóa. Tương tự như nhà văn Phạm Thị Hoài, trong buổi tọa đàm ở Berlin hơn 20 năm trước, nhân vật này cũng vừa phát biểu hơi bị lạc đề: “Chỉ dân tộc này mới cần phóng sinh, bị nhốt lâu quá rồi.”

Nghe thiệt mất lòng nhưng xem ra thì quả là không trật. Tuy không phải là “đối tượng” của tệ trạng phóng sinh nhưng đại đa số dân Việt lại là nạn nhân của một thứ nhân tai khác, chiến tranh giải phóng, và không chỉ một lần.

Họ đang sống tự do, chả khác chi chim trời/cá nước, ở một vùng đất an lành (“gạo trắng trăng thanh”) thì bỗng dưng miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Sau đó, sau 30 tháng 4 năm 1975 thì không chỉ hàng triệu người buồn mà còn cả triệu người phải đi tù nữa chớ. Có kẻ bị giam mãi đến 1993 (18 năm trường, dù chương trình “cải tạo” được hứa hẹn chỉ kéo dài độ mười ngày) thì có biết bao nhiêu triệu gia đình tan nát ?

Mà không chỉ đám ngụy quân, ngụy quyền (hay đám ngụy dân) mới bị gạt ra ngoài  bản hòa ca Bắc/Nam thôi đâu. Tuy chiến tranh đã chấm dứt nhưng hòa bình, xem ra, cũng không được an lành gì cho lắm. Đời sống của phần lớn mọi người bỗng trở nên khó khăn, khó thở, và xáo trộn “như một bầy ong vỡ tổ” – theo như lời than thở của FB Mai Thị Mùi:

“Đất nước thống nhất nhưng cuộc sống người dân như bầy ong vỡ tổ. Người ta lăn xả ra đường tìm kế sinh nhai, bán, buôn, đổi chác tất cả những gì có thể. Hàng hoá thiếu thốn, ngăn sông cấm chợ, quy định, luật lệ lộn tùng phèo tạo nên một xã hội xô bồ mạnh ai nấy buôn, mạnh ai nấy bán. Không khí đất nước những năm tháng ấy như căn phòng đóng kín cả cửa đi lẫn cửa sổ. Nó ngột ngạt, tù túng như vậy hãm con người ta trong ngục tù.”

Bà Mùi có quá lời không?

Hổng dám quá đâu!

Rảnh: hãy nghe thêm đôi lời thống thiết của một phụ nữ khác, một chiến sỹ thuộc đoàn quân giải phóng – nhà văn Dương Thu Hương: “Vào miền Nam tôi khóc vì sao? Là bởi vì tôi hiểu đạo quân chiến thắng ở miền Bắc phụ thuộc vào một chế độ man rợ.”

Bà không phải là người duy nhất ở Bên Thắng Cuộc đã ngậm ngùi rơi lệ trước một cảnh tượng bẽ bàng. Nhà thơ Phan Huy cũng thế:

Trước mắt tôi, một Miền Nam sinh động
Đất nước con người dân chủ tự do
Tôi đã khóc ròng đứng giữa thủ đô
Giận đảng giận đoàn bao năm phỉnh gạt

Với thời gian, mọi “phỉnh gạt” đều dần được phơi bầy. Tiến sĩ Lê Hiển Dương, nguyên hiệu trường Đại Học Đồng Tháp, một nhân vật tuy thuộc thế hệ sau nhưng cũng cảm thấy áy náy và bất an không kém:

“Rồi những trận đổi tiền để đánh tư sản, rồi nhiều nhà cửa của đồng bào bị tịch biên, rồi hàng triệu đồng bào bắt đầu bỏ nước ra đi, nhiều giáo sinh của trường chúng tôi cũng vắng dần theo làn sóng đi tìm tự do đó. Tôi bắt đầu hiểu đích thực ý nghĩa của cụm từ ‘giải phóng miền Nam’ và bắt đầu cảm thấy xấu hổ cho bao nhiêu năm sống trong niềm ảo vọng mù quáng của bản thân… mà dù ở chừng mực nào cũng được xem là thành phần trí thức trong xã hội.”

Mà đó có phải là lần đầu cái dân tộc này phải trải qua một cuộc “bể dâu” đâu. Hồi tháng 10 năm 54 cũng thế:

Lê Phú Khải: “Ngày vui ngắn chẳng tày gang, không khí hồ hởi vui tươi sau chiến thắng Điện Biên Phủ, sau hòa bình lập lại 1954 ở Hà Nội cũng như toàn miền Bắc mau chóng nhường chỗ cho những ngày ảm đạm, u ám của những cuộc ‘đấu tranh giai cấp’, của cải cách ruộng đất, của cải tạo tư sản, đấu tố …”

Nguyễn Văn Luận: “Hà Nội im lìm trong tiết đông lạnh giá, người Hà Nội e dè nghe ngóng từng ‘chính sách’ mới ban hành… Hà Nội đói và rách, khoai sắn chiếm 2 phần tem gạo, 3 mét vải ‘cung cấp’ một năm theo ‘từng người trong hộ’. Mẹ may thêm chiếc quần ‘đi lao động’ thì con nít cởi truồng.”

Bùi Ngọc Tấn: “Quản lý chặt dạ dày, hộ khẩu, duy trì tình trạng thiếu đói cả ở nông thôn và thành phố, chia nhau từng mét chỉ, nửa cây kim, nửa cái bát sành…”

Từ 1954 đến 2023 là một khoảng thời gian không ngắn, vừa đủ cho cả mấy thế hệ luôn. Có lẽ FB Trà Đóa nói đúng: “Cả dân tộc này mới cần được phóng sinh, họ bị nhốt lâu quá rồi.” Lâu đến mức mà hầu như không ai còn nhớ rằng mình đang bị giam cầm nữa.

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Trúc Phương

Báo Đàn Chim Việt

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

14/09/2023

Tôi đang ngồi lơ tơ mơ hút thuốc sau nhà thì chuông điện thoại reo :

  • Tiến hả?
  • Dạ…
  • Vũ Đức Nghiêm đây …
  • Dạ …
  • Anh buồn quá Tiến ơi, mình đi uống cà phê chút chơi được không?
  • Dạ … cũng được!

Tôi nhận lời sau một lúc tần ngần nên tuy miệng nói “được” mà cái giọng (nghe) không được gì cho lắm. Dù cũng thuộc loại người không biết làm gì cho hết đời mình nên tôi thường rảnh nhưng không rảnh (tới) cỡ như nhiều người trông đợi. Sống ở Mỹ, chớ đâu phải Mỹ Tho mà muốn đi đâu thì đi, và muốn đi giờ nào cũng được – mấy cha?            

Khi Mai Thảo và Hoàng Anh Tuấn còn trên dương thế, thỉnh thoảng, tôi cũng vẫn nghe hai ông thở ra (“anh buồn quá Tiến ơi”) y chang như thế. Chỉ có điều khác là ông nhà văn khi buồn thì thích đi uống rượu, ông thi sĩ lúc buồn lại đòi đi … ăn phở, còn bây giờ thì ông nhạc sĩ (lúc buồn) chỉ ưa nhâm nhi một tách cà phê nóng. Ai sao tui cũng chịu, miễn đến chỗ nào (cứ) có bia bọt chút đỉnh là được!

Vũ Đức Nghiêm sinh sau Mai Thảo và trước Hoàng Anh Tuấn. Ông chào đời vào năm 1930. Hơn 80 mùa xuân đã (vụt) trôi qua. Cả đống nước sông, nước suối – cùng với nước mưa và nước mắt – đã ào ạt (và xối xả) chẩy qua cầu, hay trôi qua cống. Những dịp đi chơi với ông (e) sẽ cũng không còn nhiều lắm nữa. Tôi chợt nghĩ như thế khi cho xe nổ máy.

Quán cà phê vắng tanh. Nhạc mở nhỏ xíu nhưng tôi vẫn nghe ra giai điệu của một bài hát rất quen:

Gọi người yêu dấu bao lần.
Nhẹ nhàng như gió thì thầm.
Làn mây trôi gợi nhớ chơi vơi thương người xa xôi.
Gọi người yêu dấu trong hồn.
Ngập ngừng tha thiết bồn chồn.
Kỷ niệm xưa mơ thoáng trong sương cho lòng nhớ thương…

  • Hình như là nhạc Vũ Đức Nghiêm … Anh nghe xem có đúng không? Tôi đùa.
  • Em nói nghe cái gì?
  • Anh thử nghe nhạc coi…
  • Nhạc của ai?

Tôi chợt nhớ ra là ông anh đã hơi nặng tai nên gọi cô bé chạy bàn :

  • Cháu ơi, người ngồi trước mặt chúng ta là tác giả của bản nhạc Gọi Người Yêu Dấumà mình đang nghe đó. Cháu mở máy lớn hơn chút xíu cho ổng … sướng nha!

Thấy người đối diện có vẻ bối rối vì cách nói vừa dài dòng, vừa hơi quá trịnh trọng của mình nên tôi cố thêm vào một câu tiếng Anh (vớt vát) nhưng ngó bộ cũng không có kết quả gì. Đúng lúc, chủ quán bước đến :

  • Cháu nó mới từ Việt Nam sang, ông nói tiếng Mỹ nó không hiểu đâu. Ông cần gì ạ?
  • Dạ không, không có gì đâu. Never mind!

Tôi trả lời cho qua chuyện vì chợt nhận ra sự lố bịch của mình. Cùng lúc, bản nhạc của Vũ Đức Nghiêm cũng vừa chấm dứt. Tôi nhìn anh nhún vai. Vũ Đức Nghiêm đáp lại bằng một nụ cười hiền lành và  … ngơ ngác!

Tự nhiên, tôi thấy gần và thương quá cái vẻ ngơ ngác (trông đến tội ) của ông. Tôi cũng bị nhiều lúc ngơ ngác tương tự trong phần đời lưu lạc của mình. Bây giờ hẳn không còn mấy ai, ở lứa tuổi hai mươi – dù  trong hay ngoài nước – còn biết đến tiếng “Gọi Người Yêu Dấu” (“ngập ngừng tha thiết bồn chồn”) của Vũ Đức Nghiêm nữa. Thời gian, như một giòng sông hững hờ, đã vô tình bỏ lại những bờ bến cũ.

Vũ Đức Nghiêm, tựa như một cây cổ thụ hiếm hoi, vẫn còn đứng lại bơ vơ trong khi bao nhiêu nhạc sĩ cùng thời đều đã ra người thiên cổ. Trúc Phương là một trong những người này. Qua chương trình Bẩy Mươi Năm Tình Ca Trong Tân Nhạc Việt Nam, nhà phê bình âm nhạc Hoài Nam đã cho biết nhiều chi tiết vô cùng thê thiết về cuộc đời của người viết nhạc (chả may) này.

Trang sổ tay hôm nay, chúng tôi xin được nắn nót ghi lại đây những nhận xét của Hoài Nam, và mong được xem như một nén hương lòng (muộn màng) gửi đến một người đã khuất :

Trúc Phương là một trong những nhạc sĩ gốc miền Nam được yêu mến nhất, từng được mệnh danh là ông vua của thể điệu Bolero tha thiết trữ tìnhÔng tên thật là Nguyễn Thiện Lộc, chào đời năm 1939 tại xã Mỹ Hoà, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, tức Vĩnh Bình – một xứ Chùa Tháp thu nhỏ ở vùng hạ lưu sông Cửu Long…”

“Nhạc của Trúc Phương thường buồn, rất buồn. Trong số những ca khúc của ông, hình như, chỉ có hai bản vui. Đó là: Tình Thắm Duyên Quê và Chiều Làng Em. Riêng bản Chiều Làng Em nói rằng vui là so sánh với những sáng tác khác của ông. Chứ thực ra, bản nhạc này tuy có nội dung êm đềm trong sáng nhưng giai điệu của nó cũng man mác buồn.

Không hiểu vì cuộc đời của Trúc Phương vốn nhiều chuyện buồn và đã được ông gửi gấm vào dòng nhạc hay vì ông thích sáng tác nhạc buồn nên riết rồi nó ám vào người, chỉ biết những sáng tác phổ biến nhất, nổi tiếng nhất của ông đều là những ca khúc buồn: Chiều Cuối Tuần, Nửa Đêm Ngoài Phố, Tầu Đêm Năm Cũ, Bóng Nhỏ Đường Chiều …”

Tháng 4 năm 1975, Trúc Phương bị kẹt lại. Năm 1979, ông vượt biên nhưng bị bắt và bị tù. Sau khi được thả, cuộc sống của ông trở nên vô cùng thê thảm về thể xác vật chất cũng như tinh thần. Trong một đoạn video phỏng vấn ông, được Trung Tâm Asia phổ biến tại hải ngoại, Trúc Phương cho biết :

 Sau cái biến cố cuộc đời, tôi sống cái kiểu rày đây mai đó,’bèo dạt hoa trôi’… Nếu mà nói đói thì cũng không đói ngày nào, nhưng mà no thì chẳng có ngày nào gọi là no…

Tôi không có cái mái nhà, vợ con thì cũng tan nát rồi, tôi sống nhà bạn bè, nhưng mà khổ nỗi hoàn cảnh họ cũng bi đát, cũng khổ, chứ không ai đùm bọc ai được… đến nữa lúc đó thì vấn đề an ninh có khe khắt, lúc đó thì bạn bè tôi không ai dám “chứa” tôi trong nhà cả, vì tôi không có giấy tờ tùy thân, cũng chẳng có thứ gì trong người cả.Tôi nghĩ ra được một cách..là tìm nơi nào mà có khách vãng lai rồi mình chui vào đó ngủ với họ để tránh bị kiểm tra giấy tờ…

Ban ngày thì lê la thành phố, đêm thì phải ra xa cảng thuê một chiếc chiếu, 1 chiếc chiếu lúc bấy giờ là 1 đồng…thế rồi ngủ cho tới sáng rồi xếp chiếc chiếu trả người ta..thế là mình lấy 1 đồng về….như là tiền thế chân…Một năm như vậy, tôi ngủ ở xa cảng hết 9 tháng…Mà nói anh thương…khổ lắm….

Hôm nào mà có tiền để đi xe lam mà ra sớm khoảng chừng năm giờ có mặt ngoài đó thế rồi thuê được chiếc chiếu trải được cái chỗ lịch sự chút tương đối vệ sinh một tí mà hôm nào ra trễ thì họ chiếm hết rồi, những chỗ sạch vệ sinh họ chiếm hết rồi, tôi đành phải trải chiếu gần chỗ ‘thằng cha đi tiểu vỉa hè’, thế rồi cũng phải nằm thôi.

Tôi sống có thể nói là những ngày bi đát…mà lẽ ra tôi nên buồn cho cái hoàn cảnh như thế nhưng tôi không bao giờ buồn …Tôi nghĩ mà thôi, còn sống cho tới bây giờ và đó cũng là một cái chất liệu để tôi viết bài sau này…”

Chất liệu, rõ ràng, đã có (và có quá dư) nhưng cơ hội để Trúc Phương viết bài sau này (tiếc thay) không bao giờ đến – vẫn theo như lời của nhà phê bình âm nhạc Hoài Nam:

Vào một buổi sáng năm 1995, Trúc Phương không bao giờ thức dậy nữa. Ông đã vĩnh viễn ra đi. Tất cả gia tài để lại chỉ là một đôi dép nhựa dưới chân. Thế nhưng xét về mặt tinh thần Trúc Phương đã để lại cho chúng ta một di sản vô giá.”

“Chúng ta ở đây là những người yêu nhạc, trong nước cũng như hải ngoại, bên này cũng như bên kia chiến tuyến. Bởi vì hơn ba mươi ca khúc nổi tiếng của ông cho dù có một hai bài có nhắc đến chữ ‘cộng hoà’ vẫn phải được xem là những tình khúc viết cho những con người không phải cho một chế độ chính trị nào.

Những con người sinh ra và lớn lên trong một cuộc chiến không lối thoát với niềm khắc khoải chờ mong một ngày thanh bình . Cuối cùng thanh bình đã tới nhưng không phải là thứ thanh bình mà những ‘con tim chân chính’ trong nhạc của Lê Minh Bằng hằng mơ ước mà là thứ thanh bình của giai cấp thống trị, của một thiểu số may mắn nào đó. Chính cái thanh bình ấy đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng trong đó có người Việt Nam xấu số đáng thương tên Nguyễn Thiện Lộc, tức nhạc sĩ Trúc Phương nổi tiếng của chúng ta.”   

Thôi thì cũng xong một kiếp người! Và dòng đời, tất nhiên, vẫn cứ lạnh lùng và mải miết trôi. Sáng nay, tôi lại chợt nhớ đến Trúc Phương sau khi tình cờ đọc được một mẩu tin ngăn ngắn – trên báo Người Lao Động :

Ngày 31-1, một số cán bộ hưu trí, người dân ở phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân, TP.HCM) bức xúc phản ánh cuộc họp mặt đầu năm do phường tổ chức …  Ngay phần khai mạc lúc gần 9 giờ sáng, trên nền nhạc hip hop, hai phụ nữ ăn mặc hở hang, thiếu vải lên nhún nhảy, múa những động tác khêu gợi…Chúng tôi tiếp tục liên lạc với bà Nguyễn Thị Bích Tuyền, Phó Chủ tịch phường kiêm Chủ tịch Công đoàn phường … bà Tuyền lý giải: ‘Tiết mục múa chỉ diễn ra gần 3 phút và đây là vũ điệu theo phong cách Hawaii nên hơi lạ…”

Nếu ngay sau khi chiếm được miền Nam mà quí vị cán bộ cộng sản cũng có được cách “lý giải” tương tự thì Mai Thảo, Hoàng Anh Tuấn … đã không phải bỏ thân nơi đất lạ. Vũ Đức Nghiêm cũng đã tránh được những giây phút bơ vơ, ngơ ngác, lạc lõng ở xứ người. Và Trúc Phương – chắc chắn – vẫn đã còn ở lại với chúng ta, vẫn có những nửa đêm ngoài phố, thay vì nằm chết cong queo trong đói lạnh – trên một manh chiếu rách – với tài sản duy nhất còn lại chỉ là một đôi dép nhựa.

Mọi cuộc cách mạng luôn luôn có cái giá riêng của nó. Riêng cái thứ cách mạng (thổ tả) của những người cộng sản Việt Nam thì đòi hỏi mọi người đều phải trả cái giá (hơi) quá mắc mà thành quả – xem ra – không có gì, ngoài tộc ác!

02/2012


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Qua cầu biên giới

Báo Đàn Chim Việt

Tác Giả:   Tưởng Năng Tiến

Xong mấy việc lặt vặt ở Nam Vang, tôi bay qua Chiang Rai. Đây là một tỉnh lỵ ở cực bắc của Thái Lan – nằm một phần trong khu Tam Giác Vàng – thuộc vùng tam biên giữa Miến, Lào và Thái. Vì không “gây thương để nhớ” cho ai – ngoài dăm ba đứa trẻ thơ đen đủi, và ngơ ngác giữa Biển Hồ – nên tôi cứ lặng lẽ mà đi thôi, chả có song ca (hay hát đôi) bài Biệt Ly với bất cứ ai!

Ấy thế mà vừa xuống phi trường Mae Fah Luang, đã thấy tin nhắn của cố nhân qua FB :

  • Còn ở Phnom Penh không?

Đáp:

  • Sang Thái rồi. Tính mai chạy lên Tam Giác Vàng, rồi mốt đi bộ qua Miến Điện chơi chút xíu…
  • Trời! Muốn qua Burma thì nên xin visa cho nó đàng hoàng, dù có hơi tốn kém và mất công hơn chút xíu. Cũng như Golden Triangle, Myanmar không phải là đất lành đâu nha – thí chủ à!

Tôi cười (khà khà) mình ên. Ông bạn này đã từng ra vô Việt Nam vài lần, và lần nào cũng làm hao tốn không ít giấy mực của báo Quân Đội Nhân Dân (với rất nhiều lời lẽ vu khống và bịa đặt bẩn thỉu) vậy mà sau khi trở thành một nhà sư – sư Minh Trí bỗng trở nên cẩn thận và hiền lành thấy rõ.

Ông bạn (vong niên) khác – một nhà văn tăm tiếng, và nổi tiếng lang bạt kỳ hồ – cũng nói đến Golden Triangle, với ít nhiều dè dặt :

“Với diện tích khoảng 195 ngàn km2 với lịch sử là những năm máu me liên quan tới sản xuất và buôn bán ma túy đem lại lợi nhuận hàng triệu đôla nên có tên là Tam Giác Vàng. Đây là khu vực nổi tiếng với huyền thoại về những đoàn xe do lừa kéo có võ trang chuyên trở toàn thuốc phiện trong một vùng rừng núi rộng lớn không luật pháp chỉ có quyền uy bằng súng đạn giữa các lãnh chúa… Phúc và họa, khúc sông Mekong chảy qua khu Tam Giác Vàng đôi khi đỏ ngầu ấy vừa là mạch sống và cũng là dòng chảy có lẫn máu và cả nổi trôi những xác chết.” (Ngô Thế Vinh. Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng. Văn Nghệ: California, 2000).

Tôi chạy tới nơi thì “khúc sông Mekong chảy qua khu Tam Giác Vàng” chả còn máu me gì nữa, xác chết cũng không, chỉ thấy tấp nập ghe thuyền cùng những đoàn người ồn ào (xì xào) đến từ Trung Hoa Lục Địa. May là họ đi theo tour nên sự náo nhiệt cũng mất hẳn, khi những chiếc xe bus to đùng chất đầy du khách đã rời bãi đậu, lúc vừa nhạt nắng.

Có lẽ chỉ mỗi mình tôi còn ở lại, ngơ ngác giữa trời chiều, với dòng nước đục ngầu phù sa đang mải miết và cuồn cuộn cuốn nhanh. Rồi ngày tàn, đêm đến. Đêm Golden Triangle êm ả và tĩnh lặng. Hàng quán đóng im ỉm, đèn đóm lờ mờ. Phố xá vắng tanh. Chỉ thấy năm ba con chó ốm loanh quanh, thơ thẩn.

Nhà trọ nằm cạnh bờ, nhìn ra khúc giao lưu của hai nhánh sông từ Lào và Miến. Từ đây Khong River sẽ tiếp tục xuôi dòng theo nước Thái, vượt qua Cambodia, rồi trở thành Cửu Long Giang khi vào đến xứ mình.

Golden Triangle River – ảnh (tnt) chụp 09/2018

Ôi, xứ mình! Sao cứ nhắc đến quê nhà là tôi cảm thấy hơi nặng lòng, và muốn … ực vài ly. May là giữa con lộ vắng vẻ chạy ngang Tam Giác Vàng có một tiệm Seven Eleven, mở cửa 24/24, rượu bia không thiếu.

Đêm nay mà không say rất uổng. Mà nào có riêng gì đêm nay. Đêm nào tôi cũng “xỉn” thấy mẹ luôn, dù (thường) chỉ uống một mình!

Sáng, cà phê thuốc lá xong, tôi ghé lên chùa chút xíu (chùa Prathat Pukhao) cho bà má vui lòng nơi chín suối. Chả có một mống khách thập phương nào ráo trọi. Cũng không thấy sư sãi, hay nghe ê a chuông mõ gì cả. Chỉ có tiếng chim lưa thưa, và thánh thót, tự trên những nhánh cây cao.

Cảnh vật trầm lắng, điêu tàn, và hoang phế. Riêng mỗi tượng Phật Thích Ca, đứng sừng sững giữa trời xanh, là trông còn rõ vẻ vẫn thách thức với thời gian.

Chùa chiền, thánh thất, giáo đường, đền miếu … đều là những nơi hoàn toàn không hợp với cái tính hiếu động của tôi nên cũng chả muốn nấn ná làm chi. Thôi thì đi chỗ khác chơi để chư Phật, cùng chư tăng, đỡ phải phiền lòng hay chướng mắt!

Cha tài xế taxi “dụ” đưa tôi đi lên Mae Sai, tới tận cửa khẩu Thái/ Miến luôn, với giá 600 baht. Khoảng hai mươi Mỹ Kim thì cũng chả là bao nhưng tôi vốn không ưa quăng tiền qua cửa sổ nên kiên nhẫn đứng đón một cái xe đò, chỉ tốn 30 baht (cỡ một đô la) là hết mức.

Có thời gian (không ngắn) tôi chạy xe lôi và “đứng bến” ở bến xe Lạc Hồng – Rạch Giá. Bốn mươi năm đã qua tôi mới lại có dịp bước lên một chiếc xe đò già nua, xộch xệch, và thân thuộc với quãng đời xưa cũ. Nó khiến tôi chợt nhớ lại thời  mình còn là một chú lơ xe nên vui vẻ và lăng xăng đỡ đần hành khách, lên xuống, dọc đường.

Vô tới trung tâm huyện lỵ Mae Sai hồi nào không hay. Xe vừa ngừng bánh, tôi lại hăng hái phụ giúp mọi người với mớ hành lý cồng kềnh của họ. Nhờ vậy nên bác tài hào phóng phẩy tay, khi thấy tôi loay hoay móc ví.

Thank you, sir!

Đỡ được đồng nào hay đồng đó. Tôi chỉ là một thằng tị nạn, đi phượt cho nó quên đời, chớ có phải khách du lịch (thứ thiệt) đâu mà bầy đặt chảnh làm chi.

Từ đây đi bộ tới cửa khẩu cỡ chừng hơn tiếng là cùng nhưng (thôi) cứ bắt cái xe tuk tuk cho nó khoẻ thân, và lẹ làng chút xíu, dù tôi chả có hẹn hò với bất cứ ai ở bên kia biên giới.

Tôi chỉ nôn nao muốn biết coi cái vụ “vượt biên bằng đường bộ” nó lạ lẫm ra sao thôi. Và sự thực thì nó chả ra cái (con bà) gì cả. Lằn ranh thiên nhiên giữa hai nước chỉ là một dòng nước đục, nối liền bởi một cây cầu ngăn ngắn. Ngay chính giữa cầu là hai lá cờ khác mầu, cắm kế cạnh nhau. Bên này là nước Thái, nhích thêm một gang tay là qua đất Miến rồi. Hết.

 Thủ tục nhập cảnh cũng giản dị không kém, cứ y như mua một cái vé vô cửa coi đá banh hay coi cải lương vậy hà. Thảo nào mà không ít du khách thích ghé ngang đây chỉ vì muốn có con dấu của hải quan Miến Điện (ịn trong sổ thông hành, để kỷ niệm chơi) với giá là 500 baht – cỡ 15 U.S.A dollar – tiền lệ phí.

Tôi không cần cái thứ “kỷ niệm” vớ vẩn như thế vì đã đến Yangon, đôi lần, bằng máy bay rồi. Tôi cũng đã có dịp ngược xuôi giữa Mandalay và Bagan –  đôi bận – bằng thuyền, dọc theo dòng sông Irrawaddy. Tôi chả lạ gì với cái nghèo, hiển hiện khắp nơi, ở xứ sở này nhưng vẫn cảm thấy (đôi chút) ngỡ ngàng vì sự nhếch nhác và bệ rạc của thành phố cận biên – Tachileik.

Mấy chú xe ôm đều mời chào khách với câu hỏi mở đầu (nghe) hơi sống sượng:

  • Lady?

Bộ ở đây không còn có sản phẩm gì khác, ngoài gái gú, sao Trời? Cách đây chưa lâu, chỉ mới đôi ba năm trước, tôi còn cảm thấy vô cùng xúc động khi (lần đầu tiên) nhìn thấy hàng chữ “Moving Myanmar Forward” in trên một chiếc taxi ở tỉnh Bago.

Ở thời điểm đó, Miến Điện đang nỗ lực chuyển động và cố nhoai mình về phía trước – moving forward – dưới sự thúc đẩy của hai nhân vật sáng giá, được cả thế giới mến mộ: tổng thống Thein Sein và nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi.

Tuy nhiên, vào tháng 8 năm 2018, Viện Bảo Tàng Holocaust của Hoa Kỳ đã thu hồi giải thưởng nhân quyền trao tặng cho Suu Kyi vì “đã không tỏ thái độ thích đáng trước các vụ giết người tập thể nhắm vào cộng đồng sắc tộc thiểu số Hồi Giáo Rohingya.”

Sang tháng 9, Hạ viện Canada lại tước danh hiệu công dân danh dự của bà cũng vì những lý do tương tự. Đến tháng 11 năm 2018, theo BBC, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế sẽ tước giải thưởng cao nhất họ đã trao cho Aung San Suu Kyi vì “thất vọng sâu sắc về chuyện bà không lên tiếng bảo vệ cho người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi.”

Burma, xem ra, không “nhoai” được bao xa. Và nhân loại, xem chừng, đã đặt kỳ vọng (cũng như gánh nặng) quá lớn trên đôi vai mảnh mai của người phụ nữ lãnh đạo dân sự của xứ Chùa Vàng.

Tôi vẫy một cái cyclo, ra dấu là mình muốn dạo quanh một vòng thành phố. Tuy thế, chỉ sau vài phút đã phải lật đật nhẩy xuống vì nghe tiếng hơi thở nặng nhọc sau lưng. Hoá ra là con đường dốc quá. Đến lúc đó tôi mới để ý đến thân thể còm nhom của người phu xe, và không dưng lại chợt nhớ đến những ngày tháng đạp xe lôi kiếm sống của chính mình nên dúi vội cho ông bạn đồng nghiệp một nắm tiền – chắc đủ nhậu cả tuần, hay cả tháng – cùng với lời cảm ơn và từ biệt.

Loay hoay một lúc rồi tôi cũng nhắm hướng cây cầu biên giới mà quay trở lại thôi. Thôi, cũng từ biệt xứ Miến luôn dù chưa biết là rồi sẽ đi đâu nữa?


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Trần Huỳnh Duy Thức

Báo Đàn Chim Việt

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

07/09/2023

Với tất cả trân trọng và thương cảm, nhà văn Ngô Thế Vinh đã gửi đến cho mọi người một tin buồn lớn: Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã từ trần vào hôm 29 tháng 1 năm 2017.

Ông để lại một sự nghiệp đồ sộ, bộ sách Cây Cỏ Việt Nam (gồm 6 quyển, hai tập) với lời đề tặng:

– Những ai còn sống hay đã chết trong tù vì tháng Tư năm 1975 đã quyết định ở lại để tiếp tục dâng góp cho đất nước.

– Tặng giáo sư Nguyễn Duy Xuân nguyên viện trưởng Đại Học Cần Thơ, mất ngày 10/XI/1986 tại trại Cải Tạo Hà-Nam-Ninh.

– Tặng hương hồn những ai trên biển Đông đã chết nghẹn ngào.

Tôi băn khoăn tự hỏi: Giáo sư Nguyễn Duy Xuân là ai? Sao một công trình nghiên cứu về thực vật học mà lại mở đầu bằng những “lời đề tặng” u ám, u uẩn và u uất thế? Chúng ta đang sống trong một thời đại, và một đất nước, bi thương đến độ này sao?

Những trang viết kế tiếp của nhà văn Ngô Thế Vinh, với nhiều dòng chữ nghẹn ngào, đã giúp cho tôi lý giải những câu hỏi vừa nêu:

“Giáo sư Nguyễn Duy Xuân cũng là người Cần Thơ, sinh năm 1925 hơn Giáo sư Phạm Hoàng Hộ 4 tuổi, tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Vanderbilt Hoa Kỳ, trở về Việt Nam 1963, giáo sư Luật. Nhận chức Viện trưởng từ Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, Giáo sư Nguyễn Duy Xuân đã nỗ lực phát triển Viện Đại học Cần Thơ trên mọi lãnh vực từ chương trình giảng dạy, đào tạo ban giảng huấn, xây cất thêm giảng đường, phòng thí nghiệm, thiết lập ký túc xá như hệ thống campus cho sinh viên đến từ các tỉnh xa Miền Tây…

Chỉ trong vòng 9 năm [1966 – 1975] với công lao xây dựng của hai Viện trưởng tiền nhiệm: GS Phạm Hoàng Hộ, GS Nguyễn Duy Xuân, Viện Đại Học Cần Thơ như một Ngọn Hải đăng Miền Tây, trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt bước đầu ưu tiên phát triển hai lãnh vực Sư phạm và Nông nghiệp, vững vàng sánh bước với các Viện Đại học lâu đời khác của Miền Nam, đóng góp cho sự thăng tiến của vùng ĐBSCL…

Chỉ mấy ngày trước biến cố 30 tháng 4, 1975, cũng như GS Phạm Hoàng Hộ, GS Nguyễn Duy Xuân như một trí thức dấn thân, quyết định ở lại và giữa cảnh dầu sôi lửa bỏng, ông vẫn can đảm nhận chức Tổng trưởng Bộ Văn hóa Giáo dục cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa. Giữ chức vụ đó chưa đầy một tuần lễ thì chính quyền Miền Nam sụp đổ, TT Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.

GS Nguyễn Duy Xuân bị đưa vào trại tù cải tạo, sau đó bị đưa ra Bắc … đã chết trong tù cải tạo Hà Nam Ninh ngày 10 tháng 11 năm 1986 trong đói khát và bệnh tật không thuốc men. Xác của ông được vùi nông trong nghĩa địa tù cải tạo trên triền núi phía sau trại tù Ba Sao.”

Tôi đã có lần nhìn thấy tấm ảnh chụp bia thờ 626 linh hồn tử vong (từ năm 1975 đến năm 1988) của trại tù này, trên trang web của blogger Phạm Thanh Nghiên.

Có lẽ tên tuổi của giáo sư Nguyễn Duy Xuân cũng được ghi trên tấm bia này vì ông từ trần vào năm 1986, thời điểm mà giới truyền thông nhà nước vẫn xưng tụng (không tiếc lời) về sự “dũng cảm nhìn vào sự thực” và “quyết tâm đổi mới của ĐCSVN.

Nếu “dũng cảm nhìn vào sự thực” thì đây chỉ là sự quyết tâm “bẻ lái con tầu đất nước” theo hướng Trung Nam Hải – như nhận xét và cảnh báo của blogger Trần Huỳnh Duy Thức:

“Trung Quốc và Việt Nam tạo ra một phiên bản khác về sự vi phạm tính toàn vẹn của các quyền con người. Hai nước này đã thừa nhận quyền kinh tế cho người dân nhưng vẫn tước đoạt không khoan nhượng quyền chính trị của họ, gây nên một kiểu tự do què quặt khác.

Mặc dù mô hình này có thể tạo nên sự tiến bộ kinh tế và các thành tích ấn tượng về xóa đói giảm nghèo, nhưng nó cũng đồng thời nuôi dưỡng bất bình và suy thoái xã hội rồi nhốt chúng lại.

Khi sự trầm trọng này trở nên mục rỗng thì nó sẽ dẫn tới việc bộ máy chính trị tự dân chủ hóa hoặc sẽ kết thúc trong sụp đổ toàn diện về kinh tế, xã hội, chính trị và một chế độ bị lật nhào. Đây là tiến trình tất yếu vì nó phá vỡ sự toàn vẹn của các quyền con người vốn thuộc về luật của Tạo hóa.

 Dưới tác động của toàn cầu hóa và xã hội Internet, tiến trình này sẽ diễn biến rất nhanh, nhanh hơn đã từng chứng kiến trong thời gian chiến tranh lạnh dẫn đến sự tan rã của hệ thống Đông Âu và Liên Xô.”

Lời cảnh báo này, tiếc thay, đã bị những người đứng đầu chế độ hiện hành coi như là một “lời nguyền” hay “trù ẻo.” Tuy mang tiếng là theo chủ nghĩa duy vật nhưng họ lại là những kẻ rất dị đoan.

Vốn bệnh tật nên họ sợ “tiếng cú,” và đã vu vạ cho Trần Huỳnh Duy Thức đủ loại tội danh (trộm cắp cước điện thoại, hoạt động chính trị nhằm lật đổ chính quyền) cùng một bản án nặng nề –16 năm tù và 5 năm quản chế, vào ngày 20 tháng 1 năm 2010 – qua một phiên toà mà đại diện của Hội Ân Xá Quốc Tế đã mô tả như là “sự nhạo báng công lý.”

Nhiều năm đã trôi qua nhưng chưa bao giờ người tù nhân lương tâm quả cảm này bị công luận lãng quên. Ông vẫn luôn được nhắc đến với rất nhiều trân trọng, qúi mến, cùng quan ngại:

– BBC (21/01/2010) Người Có Án Nặng Nhất Nói Bị Bức Cung

– BBC (21/01/2010) Các Nhóm Nhân Quyền Chỉ Trích Bản Án

– RFI (30/01/2010) Bốn Nhà Bất Đồng Chính Kiến Ở Việt Nam Kháng Án

– Bauxite VN (14/06/2013) Duy Thức Đã Không Ngủ Suốt 10 Ngày Biệt Giam

– RFA (15/10/2013) Trần Huỳnh Duy Thức Được Vinh Danh Giải Nhân Quyền

– RFA (07/05/2016) Tù Nhân Trần Huỳnh Duy Thức Bị Chuyển Trại Giam

– BBC (17/05/2016) Ông Trần Huỳnh Duy Thức Sẽ Tuyệt Thực

– Ba Sàm (28/05/2016) Trí Thức Tuyệt Thực Cùng Trần Huỳnh Duy Thức

– VOA (31/01/2017) Ông Thức Nhất Quyết Không Lưu Vong

Tôi chưa bao có cái hân hạnh được giao tiếp với ông Trần Huỳnh Duy Thức. Tôi chỉ được biết người tù nhân lương tâm bất khuất này qua công luận. Và công luận thì đã vạch rõ sự ác độc và tính man rợ của những kẻ đứng đầu chế độ công an trị hiện hành. Họ đã gây ra không biết bao nhiêu là cái chết đớn đau và oan khuất:

“Những người bị giết đều là những tinh hoa, là danh sĩ đạo cao đức trọng, yêu nước thương dân, có thành tựu văn hóa sáng giá cống hiến cho nền văn hiến nước nhà. Họ chết mỗi người mỗi cách đau xót và hàm oan:

 Nhà văn Lan Khai bị xô xuống vực, văn hào Ngô Tất Tố bị bức cho treo cổ tự vẫn, Khái Hưng bị bỏ rọ trắn sông, Phạm Quỳnh đối thủ đáng gờm của thực dân Pháp bị xử tử, Tạ Thu Thâu nhà yêu nước lớn bị tử bắn; nàng thơ nữ sĩ Thu Hồng bị bắn lén từ sau lưng; Nhượng Tống dịch giả tài hoa số 1 bị ám sát; Dương Quảng Hàm vị giáo sư đáng kính ra khỏi nhà đi mãi không về; vị bồ tát Thiều Chửu bị bức hại nhảy xuống sông tự tận…

Đó là tất cả sự thực về những cái chết tức tưởi oan khuất của các nhà văn, nhân sĩ mà bọn gieo ác vẫn sống nhởn nhơ trên pháp luật với bộ mặt người lương thiện! Nguyên tắc bất di bất dịch nằm trong ý thức hệ tư tưởng của những kẻ sát nhân lương thiện này là: yêu nước và chính kiến là độc quyền của tao, mày không đi với tao, mày là kẻ thù của tao. Đã là kẻ thù thì mày không có quyền tồn tại! (“Thái Doãn Hiểu – Những Cái Chết Tức Tưởi Của Nhà Văn, Chuyện Bây Giờ Mới Kể”).

Phạm Quỳnh, Ngô Tất Tố, Khái Hưng, Dương Quảng Hàm sinh vào cuối thế kỷ XIX. Lan Khai, Thu Hồng, Nhượng Tống, Nguyễn Duy Xuân sinh vào đầu thế kỷ XX. Kể từ khi cướp được quyền bính đến nay, những người cộng sản Việt Nam đã giết chết bao nhiêu là anh tài và nhân sĩ (thuộc mấy thế hệ kế tiếp nhau) rồi?

Chúng ta bắt buộc phải luôn quan ngại (và canh thức) về sinh mệnh của Trần Huỳnh Duy Thức, cùng hàng trăm tù nhân lương tâm khác, đang nằm trong vòng tay của cường quyền và bạo lực!


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Vũng lầy giáo dục

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Vũng lầy giáo dục

Báo Đàn Chim Việt  –   Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

Đường đến trường của học sinh vùng rốn lũ miền Tây

Lá vẫn còn xanh. Hè vẫn còn nấn ná. Trời vẫn chưa muốn vào thu mà (không dưng) sáng nay California chợt thoáng chút âm u, và lấm tấm vài hạt mưa nho nhỏ. Mưa chưa ướt đất nhưng cũng đủ làm cho tôi hơi thấy ngại ngần khi nghĩ đến chuyện phải ra khỏi nhà chỉ vì một ly cà phê nóng.

Thôi thì bắt chước cổ nhân thắp vài cây nến nhỏ, châm một bình trà, rồi ngồi nhẩn nha đọc lại vài bức thư xưa. Lá thư cũ nhất mà tôi còn giữ được (“Thư Gửi Các Cháu Học Sinh”) Chủ Tịch Hồ Chí Minh, đề ngày 3 tháng 9 năm 1945, có mấy câu vô cùng thắm thiết và cảm động:

 “Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Bác đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi… từ giờ phút này trở đi các cháu bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam.”

Viễn ảnh về một ngày tựu trường “nhộn nhịp tưng bừng … ở khắp các nơi” và một “nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam” dễ khiến cho lòng người phấn chấn:

“Chúng tôi thường tự hào đây là một nền giáo dục riêng của người Việt, một nền giáo dục không có dây dưa gì nhiều với nền giáo dục mà thế kỷ trước, người Pháp đã mang lại.” (Vương Trí Nhàn. “Mấy Cảm Nhận Về Sự Khác Biệt Giữa Giáo Dục Miền Nam Và Giáo Dục Miền Bắc.”  Tạp Chí Nghiên Cứu Và Phát Triển số 7-8 năm 2014).

Niềm tự hào này, tiếc thay, không kéo dài lâu. Khi có cơ hội so chiếu, nhà phê bình văn học và văn hóa Vương Trí Nhàn đã nhìn ra sự bất toàn:

 “Cái mà ta gọi là giáo dục miền Bắc chỉ là sự kéo dài của lối phát triển giáo dục trong chiến tranh… Giáo dục chiến tranh, do dó, luôn luôn là một nền giáo dục dở dang chắp vá, mà lại vẫn phải khoác cho mình cái chức danh lớn lao của một nền giáo dục mới mẻ, cách mạng…

Nói quá lên thì có thể bảo, như một cơ thể, GDMB thuộc loại tiên thiên bất túc, tức sinh ra đã không đủ các bộ phận cần thiết, sinh ra đã bất thành nhân dạng. Phương châm ở đây là làm lấy được, tức là chưa đủ điều kiện, nhưng thấy cần, vẫn cứ làm —  rồi để yên lòng nhau, sẽ viện ra đủ lý lẽ để chống chế, để lấp liếm và xa hơn nữa, sẵn sàng tự ca tụng…”

Hệ quả, tất nhiên, là thảm họa – vẫn theo như nhận định của tác giả bài viết thượng dẫn:

“Mươi năm gần đây, tình hình có chút đổi khác, nhưng là chỉ đổi khác trên bề mặt. Cựa quậy mấy thì nền giáo dục này cũng không khác được so với chính mình. Nó đã cạn kiệt năng lực tự cải hóa. Ngay cả những người trong bộ máy quyền lực cũng đều tính chuyện cho con em mình qua nhiểu nước phương Tây, nhất là sang Mỹ để học.

Nhưng họ chỉ lo được cho gia đình riêng của họ thôi. Ở trong nước, những bài bản của miền Bắc cũ được tân trang lại chút ít vẫn ngự trị trong toàn bộ nền giáo dục, và trong thâm tâm, nhiều người đã bắt đầu nghĩ rằng hình như có một bãi lầy đã được tạo ra và chúng ta không bao giờ ra thoát.”

Đối với những thế hệ đến sau (những kẻ sinh trưởng ngay giữa “bãi lầy”) thì vấn đề không còn gì để mà bàn cãi nữa. Vũ Thạch Tường Minh, một học sinh lớp 8, đã khẳng định như vậy: “Bây giờ giáo dục Việt Nam con thấy là, con không có tính từ nào khác nên con phải dùng tính từ này, là giáo dục Việt Nam bây giờ con thấy là quá ‘thối nát’ rồi. Mà suốt bao năm qua các vị cải đi, cải lại, cải tiến, cải lùi mà nó vẫn không thay đổi được kết quả gì cả.”

Khoảng cách giữa nhà nghiên cứu văn học Vương Trí Nhàn và cháu Vũ Thạch Tường Minh là ba thế hệ người. Tuy vậy, cả hai đều “nhất trí” là nền giáo dục hiện nay của nước CHXHCNVN (đã) hết thuốc chữa rồi!

Để minh chứng, xin xem qua một “trường hợp thú vị” – nơi một vùng quê, thuộc tỉnh Rạch Giá –  theo như nguyên văn lời của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn:

“Một em gốc Khmer học giỏi, thi đậu vào 3 trường đại học (2 đại học ở Sài Gòn và 1 ở ĐH Cần Thơ), nhưng cuối cùng thì giấc mơ đại học cũng đành phải bỏ. Ba má em ấy lí giải rằng: học để làm gì, nhìn quanh số sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp tùm lum cả, mà ngay cả xin được việc thì cũng cần đến 500 triệu đồng đút lót thì làm sao nhà có khả năng lo nổi.

Tôi kinh ngạc về con số 500 triệu đồng (tức là 25000 đôla), nên phải hỏi lại cho chắc ăn, thì bà con đều khẳng định đó là con số tiêu biểu, có trường hợp thấp hơn nhưng cũng có trường hợp cao hơn. Tình trạng mua chức đâu phải chỉ ở ngoài Bắc, mà đang lan về nông thôn miền Tây rồi đấy.”

Mọi tệ trạng vừa nêu đang được Đảng và Nhà Nước “đối phó” hay “giải quyết” bằng … chỉ thị số 42-CT/TW (“Tăng Cường Sự Lãnh Đạo Của Ðảng Đối Với Công Tác Giáo Dục Lý Tưởng Cách Mạng, Đạo Đức, Lối Sống Văn Hóa Cho Thế Hệ Trẻ Giai Đoạn 2015 – 2030”) như sau:

“Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ phải được tiếp tục tăng cường và nâng cao về chất lượng, nhằm góp phần xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức trong sáng, ý thức tuân thủ pháp luật; có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khỏe, tri thức, kỹ năng lao động, trở thành những công dân tốt, tích cực tham gia vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”

Sự thực thì thiên hạ không còn ai kỳ vọng hoặc quan tâm gì ráo vào bất cứ lời “kêu gọi” (nghe cứ như hô khẩu hiệu) nào của Đảng tự lâu rồi. Người dân tìm cách tự cứu qua nhiều nỗ lực rất đáng trân trọng, dù gặp không ít khó khăn, ngăn trở và sách nhiễu.

Từ Bangkok, biên tập viên Gia Minh có bài tường thuật (“Nhóm Cánh Buồm Ra Mắt Sách Giáo Khoa Mới”) khá bất ngờ và thú vị. Xin trích dẫn một vài đoạn ngắn:

Nhóm soạn sách giáo khoa Cánh Buồm do nhà giáo Phạm Toàn chủ xướng vào ngày 12 tháng 8 vừa qua giới thiệu bộ sách Văn và Tiếng Việt lớp sáu tại Trung tâm Văn Hóa Pháp ở Hà Nội. Việc ra mắt sách mới của Nhóm Cánh Buồm không thuộc Bộ Giáo Dục như thế được cho là một dấu chỉ tích cực trong tình hình giáo dục Việt Nam hiện nay.…

Một nhà giáo công khai đấu tranh chống những tiêu cực trong ngành giáo dục Việt Nam lâu nay, thầy Đỗ Việt Khoa cũng tỏ rõ sự ủng hộ đối với sách giáo khoa do Nhóm Cánh Buồn soạn thảo:

 “Đây là nhóm khá tâm huyết đang soạn bộ sách giáo khoa cho liên cấp từ tiểu học trở lên. Theo quan điểm của tôi làm được một bộ sách giáo khoa như vậy là công sức cực kỳ lớn, rất tốt. Sẽ có những chỗ chưa được, có người sẽ đánh giá khiếm khuyết… nhưng sửa dần không sao cả…”

Cùng vào thời điểm này, một công dân Việt Nam khác (ông Hoàng Thành, 25 tuổi) đã đến trước cổng trụ sở Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, cầm ảnh của chính mình – với poster in hình con chuột bạch đang bị tiêm thuốc – cùng dòng chữ: “Học sinh, sinh viên không phải là CHUỘT BẠCH.”

Khi được hỏi về “ý nghĩa” của việc làm này, ông cho biết:

“Bức ảnh của tôi đơn thuần là một hình thức thực hiện quyền biểu đạt ý kiến của mình. Tôi chỉ muốn nhắn tới các bậc cha mẹ và các em học sinh … rằng: Hãy thể hiện quan điểm của mình trước các vấn đề xã hội, thay vì chỉ biết kêu than, vì đó không những là quyền của chúng ta, mà còn là cách chúng ta giúp chính quyền hiểu được nhu cầu của dân chúng và hoàn thiện chính sách sao cho hợp lý nhất…”

Ở bình diện cá nhân, cũng như tập thể – rõ ràng – đang có những nỗ lực đáng kể của rất nhiều người để vượt ra khỏi cái “vũng lầy giáo dục” hiện nay. Với ý thức và quyết tâm, chắc chắn, chúng ta sẽ “thoát” bất chấp sự ngăn trở (cùng sức ì) của chế độ hiện hành – một chế độ mà mọi người đều biết là sinh mệnh của nó đang được đo đếm từng ngày.


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Cái mũ & cái búa

Báo Đàn Chim Việt

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

04/09/2023

Ghé thăm Myamar, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng  “phát hiện” ra đôi điều hơi khác lạ về xứ sở này:

“Té ra mắm tôm cũng là thức ăn gia vị thông thường của người Miến Điện. Tuy nhiên, trong những ngày chính quyền quân phiệt Miến Điện đàn áp khủng khiếp phe đối lập, tôi chưa bao giờ nghe nói công an Miến Điện liệng mắm tôm vào cửa nhà bà lãnh tụ phe đối lập Aung San Suu Kyi …”

Tuy bị rất nhiều tai tiếng, chính phủ Burma – ít ra – cũng còn có được một ưu điểm nhỏ: họ ngại những việc làm bẩn thỉu. Các đồng chí  lãnh đạo ở nước ta lại khác, rất khác, không ngại ngùng chi cả. Tác giả Nguyễn Duy Vinh cho biết:

Ngày Nhân Quyền ở Việt Nam từ nay sẽ được cả thế giới biết đến nhờ vào cách sống mới: văn hóa đàn áp và khủng bố dùng… mắm tôm. Mắm tôm đã được các ông công an không mặc đồng phục và một vài dân phòng thi nhau ném vào đám dân hiền hòa đang họp mặt để cùng nhau ôn lại Tuyên Ngôn về Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc. (“Cách Dùng Mắm Tôm Trong Văn Hoá Đàn Áp Ở Việt Nam” Dân Luận – 10/12/ 2013).

Hàm huyết phun nhân. Tiên ô tự khẩu. Ngậm cứt phun người hay ném mắm tôm vào tha nhân cũng vậy. Bởi vậy, qua năm sau, đám công an Việt Nam đổi cách đàn áp. Gọn ghẽ và sạch sẽ hơn, chút xíu. Họ bạo hành bằng tuýp sắt – theo tường thuật của RFA, vào hôm 25/5/2014:

“Bà Trần Thị Nga, một người tham gia đấu tranh tích cực cho quyền con người tại Việt Nam, hôm qua bị đánh đập đến thương tích. Thủ phạm được cho là người của an ninh.”

Nạn nhân kế tiếp là nhà báo Phạm Đoan Trang. Cô cũng bị an ninh đánh gãy cả hai cả hai chân khi tham gia biểu tình ôn hoà bảo vệ cây xanh năm 2015.

Nếu vì sợ què chân mà chúng ta không dám bước đi thì có khác chi là chân mình đã bị què rồi. Có lẽ vì quan niệm như thế nên dù với đôi chân đã bị thương tật, Đoan Trang vẫn đi đến tham dự buổi trình diễn ca nhạc của Nguyễn Tín – theo tường thuật của RFA:

“Ca sĩ trình diễn tại buổi nhạc các ca khúc trước năm 1975 và một số nhà hoạt động tham dự bị hành hung nặng nề vào tối ngày 15/8. Tin tức từ những người trong cuộc cho biết ca sĩ Nguyễn Tín, anh Nguyễn Đại – người tham gia tổ chức chương trình, và nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang là những người bị hành hung nặng nề sau khi bị đưa đến đồn công an làm việc cũng như trước khi bị bỏ xuống giữa đường vắng trong đêm.”

Hai hôm sau, Đoan Trang cho biết thêm chi tiết: “Nửa đêm 15/8, công an chở tôi từ đồn phường 7, quận 3 về bằng taxi. Tới đoạn đường tối họ thả tôi xuống, nói tôi phải tự đi về vì họ có việc phải vào viện gấp thăm người nhà bị tai nạn … Sau đó tôi xuống và đứng bên vỉa hè vẫy xe khác về nhà.

Chỉ vài phút sau, có 6 ‘đồng chí’ to cao đi ba xe máy lao đến, bỏ xe xông vào đánh hội đồng. Mũ bảo hiểm bị vỡ là mũ của họ. Khi tôi ngồi dậy được để giữ tay vào vết thương trên đầu cho bớt chảy máu, thì thấy chiếc mũ vỡ một mảng to bị vứt lại trên đường, quanh đó là chi chít mảnh vụn. Cầm chiếc mũ vỡ nát, tôi nghĩ hoặc là đầu tôi quá cứng, hoặc là công an xài mũ rởm. Càng về sau tôi càng ngả về khả năng thứ hai hơn.”

Dùng một cái mũ bảo hiểm đánh lên đầu người ngay giữa đường phố là hành động sát nhân. Ác độc và tàn bạo đến cỡ này thì tôi đề nghị, từ nay, công an Việt Nam cứ dùng búa cho nó khoẻ. Hung khí này hiệu quả hơn nhiều, cũng chả bị hư hại bao giờ, lại đậm nét truyền thống cách mạng – theo ghi nhận của Giáo Sư Nguyễn Tuấn:

Cây búa dưới đây được chụp ở Bảo tàng Quân đội Việt Nam. Phía dưới kỉ vật có ghi như sau: ‘BÚA. Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, huyện đội phó huyện Mỏ Cày (Bến Tre) dùng bổ chết 10 tên ác ôn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước’. Ngoài ra, còn có dòng chữ tiếng Anh: ‘HAMMER. WITH THIS, CAMARADE NGUYEN VAN THANG, DEPUTY CHIEF OF MO CAY MILITARY DISTRIS, BEN TRE PROVINCE, KILLED TO DEATTS A TOTAL OF 10 LOCAL TYRANTS.’ (Chú ý phiên bản tiếng Anh sai văn phạm và ngữ vựng rất nhiều, nhưng không có nói đến “Chống Mỹ cứu nước”). Có lẽ không cần nói gì thêm, đây là một chứng từ về tội lỗi trong chiến tranh.

Nhìn cây búa này và dòng ghi chú làm tôi nhớ đến kỉ niệm chiến tranh thời tôi còn nhỏ ở dưới quê. Lúc đó tôi đã độ 10 tuổi, tức là vào tiểu học rồi. Tôi thường hay theo Má đi chợ làng, cách nhà tôi độ 500 mét. Ở chợ có một bến đò rất tấp nập, nơi người dân đậu xuồng, ghe và vỏ tắc ráng để đem nông sản ra bán. Thỉnh thoảng tôi thấy xác người ở bến đò và người ta bu quanh. Má tôi bằng mọi cách không cho tôi đến gần xem, nhưng về nhà thì tôi nghe chuyện mới biết là có người bị giết chết. Người chết thường bị đập đầu, rồi quăng xuống sông, xác trôi theo lục bình.

Lạ một điều là khi đến khu chợ thì mấy xác người ‘dừng’ lại ở đó! Thế là dân làng vớt lên và mai táng. Sau này nghe ca khúc ‘Bài Ca Dành Cho Những Xác Người’ của Trịnh Công Sơn, tôi thấm lắm:

Xác người nằm trôi sông
phơi trên ruộng đồng
Trên nóc nhà thành phố
trên những đường quanh co
Xác người nằm bơ vơ ?
dưới mái hiên chùa
Trong giáo đường thành phố
trên thềm nhà hoang vu

Thời đó, đập đầu là một cách giết người rất phổ biến của mấy người mà người dân quen gọi tắt là ‘VC’. Sợ lắm. Lúc đó tôi có biết VC là gì đâu, mãi đến khi lớn lên mới biết. Hôm nay, nhìn cây búa này, kỉ niệm về những chết chóc thời còn chiến tranh lại ùa về.

Mới đây, tướng Lê Đức Anh có một bài quan trọng có tựa đề là ‘Lòng nhân ái làm nên 30/04/1975’ trên Vietnamnet. Nhưng cây búa đó và những lời chú thích rất rõ ràng, nói theo ngôn ngữ phản nghiệm (falsificationism) của Karl Popper, thì khái niệm ‘nhân ái’ không phù hợp với cuộc chiến vừa qua.”

Tôi thì e rằng “khái niệm nhân ái” hoàn toàn (và tuyệt đối) không phù hợp với chế độ hiện hành, bất kể vào thời bình hay thời chiến, và tự hỏi: liệu sự tàn bạo của của những người cộng sản Việt Nam có mang lại “hiệu quả” mà họ mong muốn hay không?

Cảm ơn nhà báo Đoan Trang  đã có lời giải đáp cho nỗi băn khoăn của kẻ hèn này: “Chúng ta không thể sợ những kẻ đáng khinh, những thứ đáng lên án.”

21/08/2018