Luật pháp nhẫn nại-Nhã Duy

Luật pháp nhẫn nại

Ba’o Tieng Dan

Nhã Duy

11-4-2024

Thẩm phán liên bang Mỹ Tanya Chutkan. Ảnh: law.com

Hôm nay, tại tòa liên bang khu vực DC, thẩm phán Tanya S. Chutkan đã tuyên án Antony Võ 9 tháng tù giam, 12 tháng quản thúc sau hạn tù và 1.000 đô la tiền phạt.

Antony Võ là một thanh niên gốc Việt 31 tuổi, tham gia cuộc bạo loạn ngày 6 tháng Một (J6) tại tòa Quốc Hội Hoa Kỳ. Khác với nhiều bị can khác đã nhận tội hay bày tỏ sự hối hận khi bị bắt, bị truy tố hay khi bị tuyên án, Antony là một bản nhái của Donald Trump thu nhỏ khi đối mặt và thách thức hệ thống pháp luật Hoa Kỳ.

Ngay cả sau khi bị bắt và bị truy tố, Antony Võ vẫn xin tòa du lịch ra nước ngoài và được chấp thuận. Sau khi bị bồi thẩm đoàn kết tội cả bốn tội danh, Antony vẫn tiếp tục xin đi du thuyền ra nước ngoài, xem như không hề bị các rắc rối luật pháp và án tù sẽ bị.

Antony sử dụng mạng xã hội để tiếp tục rêu rao về bầu cử gian lận, sự vô tội của những kẻ bạo loạn, xem mình như nạn nhân của pháp luật Hoa Kỳ, gọi tòa án là “tòa kangaroo” sau khi bị bồi thẩm đoàn kết tội… Antony vi phạm lệnh quản thúc, vẫn tiếp tục đến những nơi, gặp những người cùng chính kiến với mình.

Sử dụng các luật sư công của chính phủ, Antony liên tục nộp các khiếu nại, yêu cầu thay đổi, trì hoãn các ngày hầu tòa, yêu cầu hủy truy tố, hủy các tội danh, ngay trước vài ngày sẽ bị thẩm phán tuyên án cũng nộp bản đề nghị chỉ bị tù treo và dời ngày tuyên án. Antony cũng từng yêu cầu thay đổi cả luật sư bào chữa cho mình.

Theo thủ tục pháp lý, mỗi khi bị cáo nộp các yêu cầu hay khiếu nại thì công tố viên phải có văn bản phúc đáp hay bác bỏ, tốn rất nhiều thời gian qua lại. Vụ án nhỏ của Antony kéo dài trong cả năm qua có lẽ gây tốn kém rất nhiều thời gian, công sức và tiền thuế của người dân khi trả tiền cho các luật sư công, văn phòng công tố, tòa án…, huống hồ các vụ truy tố một cựu tổng thống nhiều hậu thuẫn về chính trị và tài chánh như Donald Trump hiện nay.

Là một công dân thông thường, một tội phạm như Antony vẫn được hệ thống pháp luật đối xử bình đẳng, công bằng, được tận dụng mọi quyền hạn của một bị cáo cho đến ngày bị tuyên án hôm nay. May mắn cho Antony Võ là với bốn tội danh, tổng cộng đến 18 tháng tù giam (9 tháng cho tội 1 và 2; 6 tháng cho tội danh 3 và 3 tháng cho tội thứ 4) quan tòa đã cho thụ án tù song song giữa tội danh 1, 2 và 3, 4 nên chỉ còn 9 tháng tù, so với mức 11 tháng tù do phía công tố đề nghị.

Chín tháng tù là dài hay ngắn chỉ có Antony Võ trả lời chính xác sau hạn tù. So với mức án 10 ngày tù cho cùng các tội danh bị truy tố của một người gốc Việt tham gia bạo loạn vụ J6 khác là cô Lê Ngọc Mai Nhi, người nhận tội và tỏ ra ăn năn hối hận, ít nhất là trước tòa, bản án cho Antony Võ xem ra là một chọn lựa của chính Antony Võ.

Có thể xem pháp luật Hoa Kỳ đã quá công bằng, thậm chí nhẫn nại với những tội phạm.

Nếu vụ án Antony Võ ở những thể chế độc tài thì anh ta sẽ hiểu chính xác hơn thế nào là “tòa kangaroo”.


 

Những ngôi sao bay đi-Võ Xuân Sơn

Ba’o Tieng Dan

Võ Xuân Sơn

10-4-2024

Một bác sĩ, thuộc hàng đầu ngành về chẩn đoán hình ảnh, nhắn cho tôi: “Em đã nghỉ ở bệnh viện… và về bệnh viện… rồi anh nhé“. Bệnh viện mà bác sĩ ấy nghỉ là một bệnh viện thuộc hàng top đầu của cả nước.

Tôi thoáng buồn cho cái bệnh viện, nơi chúng tôi đã từng cùng nhau trưởng thành, cùng nhau phát triển chuyên môn. Những “ngôi sao” cứ “rơi rụng” dần. Tất nhiên, tre già thì măng mọc, “ngôi sao” này bay đi, sẽ có “ngôi sao” khác thế vô. Cái bệnh viện, nơi chúng tôi đã từng cùng nhau trưởng thành, cùng nhau phát triển chuyên môn, đã trở thành cái lò đào tạo, và là nơi phát tán những “ngôi sao”.

Đó là khi tự an ủi mình, thì chúng tôi nói thế. Chứ thực ra, khi bước chân ra đi theo kiểu như chúng tôi, người ta không còn muốn coi chúng tôi là những người có mối liên hệ gì với họ. Cứ mỗi lần xem thấy mấy anh chị em bác sĩ, điều dưỡng hay hộ lý làm việc tại đó cho đến khi nghỉ hưu, được mời đến mỗi dịp Tết, lại cảm thấy có gì đó rất bất nhẫn.

Danh tiếng mà bệnh viện có được hôm nay, đều nhờ sự đóng góp của nhiều người, nhiều thế hệ bác sĩ, điều dưỡng và những nhân viên khác. Trong đó, phần đóng góp của các “ngôi sao” là không hề nhỏ. Thế nhưng, khi ai đó ra đi mà không phải là do thăng chức hay nghỉ hưu, đều bị coi như kẻ phản bội.

Tôi gọi điện hỏi thăm, tại sao bạn ấy nghỉ. Bạn ấy hỏi lại tôi: “Vậy anh muốn em làm ở đó hoài sao?”. Tất nhiên là ai thì trước sau gì cũng phải nghỉ. Bệnh viện công mà. Nhưng nói chuyện một hồi, thì mới biết, bệnh viện chẳng tôn trọng gì bạn ấy. Trong khi đó thì bao nhiêu nơi mời chào, lôi kéo, với những hứa hẹn, cả về đãi ngộ, và mua sắm trang thiết bị, phát triển chuyên môn…

Khi tôi nghỉ bệnh viện công, cảm nhận không được tôn trọng của tôi không rõ ràng lắm. Sau khi nghỉ một thời gian, ra làm tư nhân, tôi dần nhận thấy, suốt thời gian 20 năm làm việc trong bệnh viện công, mặc dù tôi coi đó là ngôi nhà thân yêu, là sự nghiệp, là danh dự, thì họ, tức là nhà nước, Bộ Y tế, là các cơ quan quản lý… rất coi thường mình.

Lý do thôi thúc tôi nghỉ khỏi bệnh viện công khi đó, là tôi không thể phát triển chuyên môn được. Hơn 7 năm trời loay hoay tìm đủ mọi cách để áp dụng kỹ thuật này, kỹ thuật khác, trong một cái bệnh viện có thể nói là to nhất nước, chuyên môn hàng đầu cả nước, nhưng tôi đã không thể làm gì được. Vậy mà, chỉ với 2 năm ra ngoài, trong một bệnh viện tư nhỏ, và số vốn đầu tư ít ỏi của bản thân mình, tất nhiên là cộng với một chút may mắn, tôi đã làm được tất cả những gì ấp ủ trong 7 năm, và còn làm thêm được một số việc khác nữa.

Cái được lớn nhất của tôi là tầm nhìn được mở mang. Ngay cả trong hành nghề, mọi thứ được nhìn với con mắt chuyên nghiệp hơn, từ tạo dựng hệ thống, quy trình chuyên môn, tổ chức chăm sóc, giao tiếp… Tôi ngộ ra được nhiều điều. Và chính vì những điều tôi ngộ ra đó, tôi mới nhận ra, mình đã từng bị coi thường như thế nào.

Họ trả cho tôi đồng lương chết đói, và đòi hỏi thì vô biên. Toàn bộ nguồn sống của tôi là từ làm việc ngoài giờ. Tôi lấy tiền mình làm ra trong cái thời gian ngoài giờ đó, để mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công việc của bệnh viện. Nhưng họ không quan tâm đến chuyện ấy. Lúc nào họ cũng sợ tôi lôi kéo bệnh nhân từ bệnh viện về phòng mạch của mình.

Khi gặp ông chủ tịch Rotary Club khu vực Kansai, Nhật Bản, tôi cho ông ấy biết khó khăn của mình khi muốn phát triển chuyên môn. Ông đã gợi ý sẽ tặng cho bệnh viện nơi tôi làm việc một kính hiển vi phẫu thuật loại có thể mổ thần kinh (loại hàng đầu) để tôi có thể mổ những ca phức tạp.

Đoàn của ông qua thăm bệnh viện, với ý định hỗ trợ nhiều hơn so với tặng một cái kính hiển vi phẫu thuật. Nhưng gặp sự căng thẳng, nạt nộ của anh công an phụ trách an ninh của bệnh viện (vì tôi chỉ xin phép Ban Giám đốc mà không xin phép anh ấy), từ đó dẫn đến sự thờ ơ, né tránh của lãnh đạo, cái kính hiển vi phẫu thuật loại xịn đã trở thành 2 cái kính loại chỉ dùng được cho phẫu thuật nhỏ. Thực ra thì trước đó, tôi đã nói với họ rằng họ không cần phải tặng gì nữa cả.

Không chỉ cá nhân tôi không được tôn trọng, không chỉ Rotary Club Kansai không được tôn trọng, mà chất lượng chuyên môn cũng không được tôn trọng, người bệnh lại càng không được tôn trọng.

Nghề y thì ở đâu cũng là chữa bệnh cứu người, ở đâu cũng là cống hiến. Ở đâu có điều kiện phát triển, thì trụ lại. Ở đâu tôn trọng đúng mức, thì gắn bó. Không có thứ văn hóa nào, không có quy ước đạo đức nào bắt chúng ta phải trung thành với những kẻ không tôn trọng mình.


 

Sài Gòn, dư -âm cuối của ngày rời xa-Tác Giả: Phạm Thanh Nghiên

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Phạm Thanh Nghiên

09/04/2024

Ảnh do tác giả cung cấp

(Nhân một năm, ngày bị đẩy ra khỏi quê hương)

Chúng tôi gặp nhau lần cuối vào một ngày Tháng Sáu năm 2022 trước khi Gaetan kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam để về Mỹ. Được biết, đất nước tiếp theo Gaetan sẽ đến là Ba Lan, quê hương của vợ anh. Anh có vẻ háo hức với nhiệm kỳ sắp tới vì Ba Lan là quốc gia châu Âu ủng hộ mạnh mẽ nhất cuộc chiến đấu vệ quốc của người Ukraine trước sự xâm lược của quân Nga. Trong số những viên chức ngoại giao nước ngoài quan tâm về những người bất đồng chính kiến mà tôi từng tiếp xúc, Gaetan là người để lại cho tôi nhiều thiện cảm nhất.

Khác hẳn các lần gặp trước với những câu chuyện về bắt bớ, đàn áp nhân quyền hay về các tù nhân lương tâm. Hôm đó, Gaetan không còn giữ vẻ quá trang trọng của một viên chức ngoại giao, anh thể hiện thái độ khá thân thiện, và không ngại bày tỏ cảm xúc trong khi trò chuyện.

“Tôi muốn nói với anh chị rằng, đây là một nhiệm kỳ thất bại của tôi. Có những điều tôi mong muốn đã không xảy ra. Nhiều dự định của tôi đã không thực hiện được trong thời gian ba năm làm việc ở Việt Nam”.

Chúng tôi thật sự bất ngờ và không khỏi bối rối trước lời bộc bạch chân thành của Gaetan.

“Một trong những mong muốn của tôi, đó là được đích thân tiễn anh chị và cháu bé ra tận phi trường để sang Mỹ. Tôi muốn thấy gia đình anh chị được an toàn tại nước Mỹ. Tôi thật sự xin lỗi vì đã không thể làm gì hơn”.

Ngoài những yếu tố nhạy cảm không tiện nói – theo lời giải thích của Gaetan, thì đại dịch COVID-19, việc công an luôn gây trắc trở cho việc làm giấy tờ tùy thân của anh Tú, và kể cả chính sách hạn chế người nhập cư của chính phủ Mỹ thời điểm đó, là những lý do khiến việc ra đi của chúng tôi bị chậm lại.

Trong khi chờ đợi người thông dịch làm công việc của mình, thỉnh thoảng Gaetan lại nhìn chúng tôi mỉm cười. Nụ cười buồn và ánh mắt chất chứa niềm cảm thương.

“Tôi muốn nói rằng anh chị là những người rất dũng cảm và tôi thật may mắn được làm bạn với anh chị. Trước ngày đến gặp anh chị, tôi đã xem lại một bộ phim khá nổi tiếng của Mỹ, nói về Frank Kameny, người đã dũng cảm chống lại chính phủ để đòi quyền bình đẳng cho người đồng tính”.

Gaetan kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về Frank Kameny. Ông là một nhà thiên văn học, làm việc tại Cơ quan Bản đồ Quân đội Hoa Kỳ ở Washington, D.C. Năm 1957, Frank bị sa thải sau khi ông bị phát hiện là người đồng tính. Chính phủ Mỹ cho rằng người đồng tính là mối đe dọa đối với an ninh đất nước. Họ mở một chiến dịch nhằm xác định giới tính của các nhân viên và sa thải bất cứ ai bị nghi ngờ là người đồng tính. Hậu quả của các cuộc săn lùng là hàng ngàn người bị đuổi việc, bị lâm vào cảnh nghèo túng, thậm chí tự sát. Nhưng hầu như tất cả những người bị sa thải đều nghĩ rằng quyết định của chính phủ là đúng, và chấp nhận điều đó.

Frank là người đầu tiên phản đối việc sa thải ông. Frank tìm gặp những người cùng cảnh ngộ, thuyết phục họ đứng lên đòi quyền được trở lại làm việc. Ông đã bắt đầu một cuộc đấu tranh mạnh mẽ chống lại chính sách mà ông cho là sai lầm của chính quyền Mỹ, và trở thành người dẫn đầu phong trào bảo vệ quyền của người đồng tính vào đầu những năm 1960. Cuộc đấu tranh bền bỉ và gian khổ của ông cuối cùng đã có kết quả. Nhiều người đồng tính đã được gọi trở lại làm việc. Năm 2009 và 2010, Frank Kamely được mời đến Nhà Trắng, nơi Tổng thống Obama ký kết những Đạo luật quan trọng công nhận quyền bình đẳng của người đồng tính.

Sau khi bị sa thải, Frank đã tự đặt câu hỏi rằng chính phủ “sai” hay “đúng”. Anh ấy chỉ mất đúng một giây để tìm ra câu trả lời: anh đúng, chính phủ và xã hội Mỹ sai. Frank đã dũng cảm đứng lên đấu tranh cho điều anh ấy tin là đúng. Giống như những việc làm của anh chị. Rõ ràng là xã hội Việt Nam, nhà nước Việt Nam đã sai và anh chị đã đúng. Có thể bây giờ thì chưa, nhưng tôi tin, vào một lúc nào đó, xã hội và nhà nước Việt Nam sẽ phải thừa nhận những gì anh chị và các bạn của anh chị làm là đúng”.

Tôi đáp lại Gaetan, giọng có chút đanh lại:

“Nhưng chính phủ Việt Nam khác với chính phủ Mỹ. Những người lãnh đạo ở đất nước anh biết lắng nghe, còn ở đất nước tôi thì không”.

Chúng tôi im lặng. Dù rất kiềm chế, nước mắt tôi vẫn ứa ra.

Tôi có tật xấu, gặp chuyện gì cảm động là khóc, bất kể liên quan đến mình hay không.

Tôi cảm động trước câu chuyện và tình cảm của Gaetan dành cho gia đình mình. Nhưng cũng thật cay đắng với suy nghĩ rằng, người đàn ông ngồi trước mặt mình, đến từ một đất nước xa xôi, không cùng màu da, không cùng ngôn ngữ, không cùng chủng tộc nhưng lại thấu hiểu, đồng cảm và ủng hộ những việc mình làm. Trong khi đó, những người cai trị đất nước này lại truy lùng, bắt bớ và tìm cách loại bỏ chúng tôi. Những tiếng nói bảo vệ công lý và sự thật, quá cô đơn trên chính quê hương mình.

Trước khi ra về, Gaetan dặn, khi nào đi được thì email báo cho anh biết và gửi cho anh tấm hình chụp ba người chúng tôi trên đất Mỹ để anh vui.

Chín tháng sau ngày chia tay Gaetan, chúng tôi được mời lên văn phòng IOM (Tổ chức Di dân Quốc tế) tại quận Nhất, Sài Gòn. Người phụ trách hồ sơ của gia đình tôi, thông báo:

“Anh chị có thể chọn ngày đi. Nhưng chậm nhất là 30 Tháng Tư anh chị phải rời khỏi Việt Nam”.

Tôi lặng người đi. Ngay tức khắc, một nỗi buồn tê tái siết chặt lấy tâm hồn tôi. Bao nhiêu câu hỏi “tại sao” luẩn quẩn trong đầu, nhưng miệng tôi cứng đơ, không thốt ra được lời nào. Chồng tôi ngồi bên cạnh, cũng lặng im như thế. Thay vì mừng vui, tôi lại thấy thương hại cho chính mình.

Một cảm giác tủi thân đến vô cùng. Tôi sinh ra và lớn lên trên đất nước này. Máu thịt tôi ở đây, hồn vía tôi ở đây. Tôi thuộc về nơi này và nơi này thuộc về tôi. Thế mà bây giờ, tôi “phải rời khỏi Việt Nam chậm nhất là ngày 30 Tháng Tư”. Những người đồng bào Miền Nam của tôi đã phải lũ lượt, lầm lũi ra đi sau cái ngày 30 Tháng Tư năm 1975 nghiệt ngã ấy. Lẽ nào, sau gần 50 năm trường, cái biến cố thảm thương ấy vẫn siết chặt lấy thân phận người Việt, trong đó có gia đình tôi, như một thứ định mệnh bi đát không thể nào thoát ra được.

Người ta cho tôi hạn chót để rời bỏ quê hương, nhưng ngày về thì không ước hẹn. Bao giờ….bao giờ…., biết đến bao giờ…?

Phạm Thanh Nghiên (Facebook) 


 

 Ký ức 30-4: Giấc mộng kinh hoàng

Ba’o Nguoi-Viet

April 7, 2024

Phan Đức Minh/SGN

Một triết gia đã nói: Nhìn lại quá khứ gian lao để biết yêu quý hiện tại và tin tưởng ở tương lai…

Ba hồi kẻng báo thức vang lên, tôi bật dậy như cái máy.

Suốt cuộc đời ba chìm bảy nổi, chín cái lênh đênh, từ lúc 15 tuổi bỏ trường học đi kháng chiến, đánh Tây, chui hầm, rúc hố, hai lần bị Tây bắt nhốt vào tù, rồi 23 năm lính, hơn 12 năm tù cải tạo, phiêu bạt giang hồ qua bao nhiêu trại giam, toàn là rừng với núi âm u, hiểm hóc, giáp biên giới Lào, bao phen chết lên chết xuống, cho tới lúc này, 90 tuổi rồi, đang sống ở Mỹ, tôi vẫn không ghét cái gì bằng ghét những tiếng kẻng báo thức ác ôn, khốn nạn đó.

Nó báo hiệu bắt đầu một ngày lao động kinh khủng trong cái đói khát, khổ sở, nhọc nhằn đến tận cùng của cuộc đời.

Tất cả chung quanh đều tối om. Ngọn đèn dầu duy nhất là chiếc lọ đựng thuốc, đốt bằng dầu cặn, lớn cỡ quả trứng gà, thường treo ở góc tường phía trước cầu tiêu cuối phòng đã tắt ngủm từ lúc nào vì lượng dầu không đủ cho một đêm thắp sáng. Có tiếng la chí choé vì thằng nọ đái vào thằng kia.

Vì tên ngồi trên bồn cầu tiêu chưa kịp lên tiếng thì đã bị thằng đứng phía dưới, kẹt quá… đi một đường vòng, tưới ướt sũng từ cổ trở xuống. May mà tay kia vì ngồi trên cao cho nên mắt mũi, mồm miệng chưa phải lãnh cái thứ nước ghê gớm đó của tù cải tạo, tích tụ cả đêm.

Cảnh náo loạn này thường xuyên xảy ra vì tay nào cũng khôn ngoan, kinh nghiệm đầy mình, cứ thức dậy sớm hơn người khác một tí là phải lò mò, rón rén trong cái tối đen như mực Tầu, lần vào cái cầu tiêu duy nhất ở cuối phòng…

Nếu không, khi kẻng báo thức vang lên là gần một trăm tên tù cải tạo của nhà 10, cái nhà nhốt những tên bị coi là “ác ôn côn đồ thượng hạng”: chức vụ cao, có thành tích “chống phá cách mạng,” nhiều phen bị nhốt chuồng cọp vì đủ thứ việc… sẽ đổ xô vào cái nhà cầu chỉ có hai bàn cầu dành cho việc “đại sự,” còn “tiểu sự” thì cứ tưới xuống cái rãnh trước bồn nước, do tên tù trực phòng gánh nước giếng đổ vô đó từ chiều hôm trước.

Đèn điện bật sáng 10 phút cho đám tù dọn dẹp đủ thứ trên cái “lãnh thổ” dành cho mỗi tên: chiều dài hai mét theo bệ xi-măng, chiều ngang đo đúng ba gang tay của tôi. Khi ngủ mà nằm ngửa là đụng hoặc đè lên đứa bên cạnh cho nên ban đêm chỉ có cách nằm nghiêng mà thôi.

Cái bệ xi-măng làm giường ngủ là ở trình độ cao cấp nhất, do công an “phát minh” ra. Những năm đầu, quân đội nhân dân quản lý tù, người ta cho tù ngủ trên những cái sạp đan bằng nứa, tre rừng hoặc cây nhỏ. Xài kiểu giường này, dân tù nhà ta dù có đập chết vẫn tìm cách giấu giếm, gùi nhét đâu đó vài ba mẩu giấy linh tinh, mấy thứ đồ “quốc cấm, nguy hiểm, bí mật”. Công an phát minh giường bằng bệ xi-măng thì tù chỉ còn có nước… khóc mà thôi, nhét cái gì xuống bệ xi-măng được bây giờ?

Tíếng khóa mở cửa, rồi tiếng kéo cây sắt chặn ngang bên ngoài kêu rầm rầm. Tên tù trong Ban trật tự trại (có gốc con ông, cháu cha nón cối, hay có dây mơ rễ má với cán bộ của trại) quát to: “Nhà 10 ra tập họp điểm danh, mau lên!”.

Những con người vọt ra, đứng sau hàng rào kẽm gai, vặn mình vặn mẩy, vung tay vung chân cho khỏi mỏi sau một đêm ngủ theo cái kiểu co quắp, úp thìa (xếp muỗng) vì vùng núi ban đêm thường lạnh. Mùa đông thì thôi, lạnh khỏi nói, lạnh muốn chết luôn.

Ba hồi còi rít lên, tất cả dân tù ngồi chồm hỗm xuống đất, mười tên một hàng cho cán bộ trực trại điểm danh, ghi sổ. Xong màn điểm danh, một số chạy vô trong nhà lo dọn dẹp, chuẩn bị lãnh khoai sắn, đồ đem theo đi lao động. Riêng tôi, cái bao cát có quai đeo, của vợ con gửi cho khi “thăm nuôi” đã sống chết theo sát bên tôi bao nhiêu năm rồi, không nhớ nữa. Công an mà nghe nói “thăm nuôi” là có chầu bị “hỏi thăm sức khoẻ” vì Đảng và Nhà Nước có để cho ai đói đâu mà phải “nuôi”, phải nói là “đi thăm” mới đúng chính sách.

Trong túi là phần khoai sắn ăn trưa nhét trong cái lon ghi-gô đen sì, nham nhở vì đã qua nhiều phen “trận mạc, khói lửa”. Đó là cái lon đựng sữa bột Guigoz cho con nít trước 1975 được tôi dùng làm nồi niêu, soong chảo, nấu nướng đủ thứ trên đời, bất cứ thứ gì kiếm được và ăn được.

Ngoài ra trong cái bao còn có bi đông nước, lãnh theo tiêu chuẩn nhà bếp, uống cho một ngày, một túi ni lông để nếu hoàn cảnh cho phép thì “cải thiện” tức là kiếm chác tí rau hoang, cà dại, con cóc, con nhái bỏ vô, đến trưa nghỉ giải lao, tìm cách xoay sở biến thành thức ăn bồi dưỡng, không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc, miễn sao đừng ngộ độc là được rồi!

Một số anh em vọt ra phía cầu tiêu công cộng, có khi để “giải quyết bầu tâm sự” mà cũng có khi liên lạc, trao đổi dấm dúi cái này cái nọ với bạn bè ở nhà khác hay với đám tù hình sự… Phải đóng tuồng cho khéo, kẻo công an hay đám ăng-ten (bọn tù được công an tuyển chọn, cho hưởng đặc ân: lon gạo, miếng thịt, miếng cá mỗi tháng để giao nhiệm vụ theo dõi và báo cáo về mọi hành động lén lút, vi phạm nội quy) biết được thì cuộc đời khốn nạn ngay.

Rồi một hồi kẻng dài điểm thêm ba tiếng kẻng đằng sau là chúng tôi ào ra cổng trại, ngồi chồm hổm trên cái sân đất rộng, xếp hàng điểm số, đi lao động. Tên công an trực trại, ngồi trong “lô cốt” dò sổ rồi kêu: Nhà 10! Chúng tôi bật dậy, ra cổng, thứ tự hàng một theo sự điều khiển của tên tù Đội Trưởng hay Đội Phó (được công an tuyển theo tiêu chuẩn của chúng), đếm số rồi bước ra khỏi cổng.

Mấy tên trực dụng cụ chạy vào kho nhận và vác theo mấy bó dao đi rừng. Hôm nay, Nhà 10 chúng tôi có nhiệm vụ đi lấy mây, tiêu chuẩn tối thiểu 70 cây, dài hai mét. Nghe qua thì coi bộ ngon ăn, nhưng tìm cho ra khu rừng nào có mây hay còn mây sau hàng chục năm bị tù càn lui, quét tới, quả thực không phải chuyện dễ.

Dao rừng phải cột lại thành từng bó, tới địa điểm do công an quyết định mới được tháo ra, phát cho từng người. Phát trước, sợ tù dùng làm vũ khí… “hỏi thăm sức khỏe” bọn công an áp giải. Trại của chúng tôi đã có một vụ âm mưu nổi loạn, cướp súng, giết công an, đốt trại rồi kéo nhau qua biên giới Lào, ngay sau vụ Trung Cộng kéo quân sang đánh phá sáu tỉnh miền Bắc hồi đầu năm 1979 (vì Trung Cộng muốn dạy cho Hà Nội “một bài học” khi dám theo đuôi sư phụ Liên Xô đem quân sang Căm-Bốt oánh cho bọn cầm quyền Khờ-Me đỏ, con đẻ của Trung cộng, rách như cái mền).

Âm mưu nổi loạn ở trại bị bại lộ, cộng sản đã lập “Tòa án nhân dân” ngay tại trại, xử tử hình tay sĩ quan cầm đầu, còn lại thì lãnh án từ 15 năm tù trở lên cho đến chung thân khổ sai.

Tôi nhớ trung úy Nguyễn Văn Sĩ, Biệt Động Quân, Trưởng Ban tuyên truyền, khi bị bắt đã không khai ra tôi, chắc nó thương tôi, chớ không phải nó quên. Vì quên làm sao được khi có tin tức chi, công việc ra sao, nó cũng chớp nhoáng cho tôi hay để lo liệu, ở ngay góc đống rác cạnh hàng rào kẽm gai ngăn Nhà 10 của tôi với Nhà 11 của nó, khi chập choạng tối, sau khi điểm danh và trước khi tù phải vào phòng để khoá cửa sắt…

Ít lâu sau nó được thả ra, về Sài Gòn rồi cưới vợ, cưới cô con gái thương yêu nó hết mình. Chưa cưới hỏi chi cả mà cứ sáu tháng một lần, cô ấy từ Sài Gòn ra Trung, lên núi thăm nó, mối tình sao mà cao đẹp đến thế! Vậy mà khi điều tra ra, nó bị công an Sài Gòn bắt lại, từ giã người vợ thương yêu, bị đưa về trại cũ, đánh đập, tra khảo tàn nhẫn, bắt khai ra số người đã liên lạc với nó, nhưng nó đã không khai tôi vào số đó.

Tôi chỉ biết thầm cảm ơn và cầu xin trời đất phù hộ cho nó mà thôi vì sau đó, nó bị tống vô xà-lim. Tôi chẳng bao giờ gặp nó nữa, trừ một lần cuối cùng nó bị điệu ra trước “Tòa án nhân dân” lập ngay trong trại, xét xử theo “luật rừng”.

Mỗi khi lên rừng lấy mây, tôi thường đi đôi với thằng bạn thân, đại úy H. trước làm ở Tiểu khu Quảng Nam. Nó ít tuổi hơn tôi, cấp chức cũ cũng nhỏ hơn nên nó gọi tôi là bác. Còn tôi cứ gọi hắn bằng tên cho thân mật. Thằng bạn này thuộc loại “số đỏ” bởi vì có hai vợ mà khi đi tù, cả hai bà đều “nhất trí cao” coi nhau: vợ cả, vợ hai, hai vợ đều là vợ cả. Hai bà vẫn một lòng chia sẻ với nhau anh chồng chung như thuở nào, thay phiên đi thăm nuôi đàng hoàng.

Bữa nay, anh bạn đại úy H. bị đau, ói mửa cả đêm. Trạm y tế cho nằm nhà, nhưng phải quét dọn vệ sinh trong phòng và chung quanh. Cán bộ bảo “Đi học tập cải tạo là không được phép đau. Mà nếu đau thì cũng phải cố gắng lao động nhẹ, chớ nằm một chỗ là con người hư hỏng, bết bát rồi chết luôn”.

Nói đến H, tôi chợt nhớ đến câu chuyện về hai người bạn hay đi lao động cùng toán với tôi:

– Anh thứ nhất: to cao, có lòng giúp đỡ bạn bè, khi đi nhổ sắn, về gần đến cổng trại, anh thường dúi vào gánh của tôi vài củ sắn, cho… đạt chỉ tiêu. Lại nhớ có một hôm anh em đeo ba-lô đi gùi những mảnh sắt thép tại một địa điểm có vài chiếc xe của quân đội miền Nam cũ phá bỏ, nằm ụ đống. Công an cho một nhóm tù có tay nghề tới tháo, cưa kéo thành những mảnh nhỏ rồi gùi, cõng về trại để thợ rèn làm thành những con dao đi làm rừng. Một bữa đi cõng sắt vụn về trại, dọc đường hắn thấy tôi mệt muốn lè lưỡi, bèn ghé sát cạnh tôi mà phán: “Coi bộ ngài quan tòa nhà ta sắp xụm bà chè mất rồi. Thôi! Để mình gùi bớt cho một mảnh!

– Anh thứ hai: một bữa đi nhổ sắn, lúc gánh lên đỉnh đồi, ngồi nghỉ, lấy sức xuống dốc, tìm gói đồ ăn quý hóa gia đình gửi cho, buộc ở thắt lưng bằng dây rừng, thì gói đồ ăn đã rơi đâu mất tiêu. Chắc là mất trong khi len lỏi trong rẫy sắn, chặt cây, nhổ gốc, chặt củ, xếp vô quang gánh đầy ụ, gần 50 kílô, ngày làm hai chuyến.

Bọn chúng tôi ngồi quanh đó phải bóp mồm, bóp miệng, mỗi đứa góp cho cậu ta miếng khoai, miếng sắn để “cứu nguy dân tộc”. Buồn quá, anh ta bèn hát mấy câu đầu của bài “Quốc Tế Ca”: “Vùng lên! Hỡi các nô lệ ở thế gian! Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn…”. Vậy mà tối về trại, công an quản giáo lôi anh ra hỏi tội: “Tại sao anh lại hát như thế?”…

Ấy chết! Đang nói chuyện lên rừng lấy mây. Thằng bạn đau nằm nhà, tôi lên rừng một mình theo hướng đi thường lệ. Bắt đầu tới con suối nhỏ, tôi quan sát thấy mấy đám cát trắng bên bờ giáp bìa rừng có vô số dấu chân thú rừng, ban đêm mò xuống suối uống nước.

Theo kinh nghiệm của dân vùng núi mà tôi học được thì dấu chân hầu hết là của bầy heo rừng, nhưng cũng có cả dấu chân của “ông Ba Mươi” tức là Cọp. Tôi hơi ngán, nhưng hoàn cảnh này không ai cho phép ngán cả. Tôi leo lên núi, đi dọc theo con suối chừng gần cây số, ngó lên cao thấy có bóng dáng lá mây quen thuộc.

Tôi dừng lại ở điểm đó, không vào sâu nữa, rồi leo ngược dốc đi thẳng lên, lấy tiếng suối róc rách làm hướng cho khỏi lạc, thỉnh thoảng vung con dao rừng chặt một mảng vỏ thân cây lớn đánh dấu đường đi, để còn biết đường mà ra. Càng leo lên núi cao, cây cối càng chằng chịt, nhưng như thế mới dễ có mây. Trời đất không nỡ hại tôi, một vùng mây chằng chịt hiện ra trước mắt.

Mây nằm la liệt dưới mặt đất, mây leo lên tuốt cây cao, toàn mây là mây thôi. Đúng là “kho vàng của Hoàng đế Salomon thời Cổ La Mã rồi!”. Tôi mừng hết lớn, bèn ngồi xuống hòn đá to bự để thở. Bỗng có tiếng sột soạt càng lúc càng rõ ở hướng trước mặt tôi. Chết! Thú dữ đuổi theo con mồi nào đó! Tôi núp vào sau một thân cây to, dựa lưng vào cây, thủ con dao rừng thật chắc trong tay, sẵn sàng liều mạng. Tôi chợt thoáng nhớ tới câu “Plutôt souffrir que mourir – Thà khổ cực còn hơn là chết” của La Fontaine thì phải, trong bài thơ “La Mort et le bûcheron” (“Thần chết và người tiều phu đốn củi”), coi bộ thích hợp trong hoàn cảnh này.

May quá, con thú dữ đuổi mồi đã vòng theo hướng khác, xa dần… Tôi ra khỏi chỗ núp, quan sát rồi bắt đầu lấy mây. Với con dao rừng, tôi rút những sợi dây mây nằm ngổn ngang dưới đất, lẫn lộn với lá rừng đã khô, mục nát vì mưa gió, róc bỏ vỏ ngoài, chặt một đoạn dài 10 gang tay, tức là dài hai mét đó.

Đo đạc kiểu tù mãi cũng quen và chính xác đáo để! Cứ kéo rồi róc vỏ và chặt một hồi, vứt mỗi chỗ mươi đoạn, tôi đoán chừng đã được già nửa số ấn định. Đói và mệt quá, tôi tìm một hòn đá ngồi thở ra và lôi mấy miếng sắn luộc lạnh ngắt, thâm sì trong lon ra ăn, không có nó thì chỉ có nước chết mà thôi.

Thấy đã hồi sức, tôi lại rút mây, lấy dao róc vỏ khô và chặt tiếp. Khi kiểm lại thấy đủ số, tôi chặt dây rừng, buộc chặt làm ba bó nhỏ rồi cứ vác từng bó phóng dần xuống phía chân núi, nghe loáng thoáng có tiếng nước suối chảy róc rách. Có bó theo dốc trượt xuống ngon lành từng quãng. Có bó mắc dịch, mới trượt được vài mét đã mắc kẹt vào cây chằng chịt, làm tôi lại phải tới nơi, lôi ra và phóng xuống.

Hình ảnh những anh hùng vị quốc vong thân, đặt tại đài tưởng niệm trong khu Tượng đài Chiến sĩ Việt-Mỹ. (ảnh: Paul Bersebach/MediaNews Group/Orange County Register via Getty Images)

Con suối đây rồi! Ba bó mây nằm ba chỗ, chênh vênh trên những mỏm đá. Đồng hồ đeo tay đã bị công an tịch thu khi mới vô trại cho nên tôi không đoán rõ được giờ giấc, chỉ biết… cố gắng phấn đấu di chuyển từ mỏm đá này sang mỏm đá khác, gom ba bó mây lại, cột chung thành một bó to bự, cột chặt hai đầu, thêm vòng dây cột ở khúc giữa cho chắc ăn.

Nghỉ một lát lấy sức tôi thả bó mấy bự xuống suối cho dòng nước đẩy đi và chỉ việc giữ cho chắc hai sợi dây rừng để điều chỉnh cho bó mây trôi xuôi, ra ngoài rừng. Thật là khó khăn, trơn trợt với mấy mỏm đá rêu xanh, lắm lúc muốn té ngữa.

Mấy miếng sắn luộc thâm sì, lạnh ngắt, chua lè được đưa vào bao tử hẳn hoi, đàng hoàng mà sao lúc này chúng nó đi đâu mất. Đói lại hoàn đói, đói muôn năm… Ngó quanh, ngó quẩn chẳng thấy có giống chi ăn được, tôi bẻ đại một chùm trái cây lạ hoắc sà xuống bờ suối, trái to bằng đầu ngón tay. Tôi làm thử một trái rồi nghe ngóng. Làm tiếp trái thứ hai, trái thứ ba… chẳng chết thằng Tây đen nào cả sau vài ba phút. Tôi dư biết là dù có chết, cũng chưa đủ thời gian để cho cái chết nó tới. Cái đói nó xúi tôi: cứ ăn đại, ăn tới đi, đói chịu chi cho nổi, ra khỏi rừng còn phải vác bó mây dài, to tổ bố về trại nữa mà. Thế là tôi làm luôn một bụng…

Hình như tất cả mọi sự học hành lẩm cẩm ở nhà trường ngày xửa ngày xưa, chỉ có hai điều giúp ích cho tôi trong cuộc sống trong các trại tù cải tạo của bọn nón cối, dép râu. Đó là cái “Principe d’Archimède – Nguyên Lý Archimède” cuả môn Physique – Vật lý ở bậc trung học. Nó chỉ cho tôi biết cách lợi dụng sức nước đẩy lên đối với một vật được thả xuống nước.

Do đó, khi di chuyển cây cối làm cột nhà hay di chuyển bó mây dài và to bự như thế này, mà cứ vác trên vai, đi suối, đi rừng, rồi hàng chục cây số, không nhờ tới nước suối giúp đỡ để nâng lên và đẩy đi, kéo được quãng nào hay quãng đó, thì chắc là tôi đã chết quách từ lâu rồi.

Điều thứ hai là cái bài học “Dilatation des corps – Sự giãn nở của các chất”. Nhờ cái này mà tù chúng tôi, khi làm đường, làm nhà, chỉ bằng chân tay, với con dao, con rựa, cái búa, cái liềm mà có thể phá tan những tảng đá to như một cái xe hơi. Tù chúng tôi chất cây khô chung quanh tảng đá, tìm cách đốt lửa lên. Đốt cho… đã đời ông địa thì tảng đá cũng phải giãn nở ra chớ! Coi bộ được rồi, tù nhà ta lấy thùng gánh nước suối tới, đứng xa xa một tí rồi hiên ngang, anh dũng hắt vào tảng đá. Thế là đá cứ việc tự nhiên mà nứt, mà bể ra, kêu đôm đốp! Tù cứ việc dọn dẹp, gồng gánh cho đến khi tảng đá bự chảng biến mất.

***

Tôi giật mình thức dậy, hai tay quờ quạng chung quanh. Cái giường nệm êm êm, rộng rãi, cái mền ấm áp, chớ không phải sàn tre, sàn nứa, không phải bệ xi-măng của những trại tù cải tạo hơn 12 năm kinh khủng đã đi sâu vào dĩ vãng… Miền Nam sụp đổ, tôi cũng như hàng triệu người khác, trong hàng ngũ chống cộng sản đã bị đẩy vào những trại tù cải tạo như thế.

Không ai thoát, chỉ có kẻ lâu, người mau, về hay chết luôn trên rừng trên núi mà thôi. Lâu lâu, tôi lại thấy cái cảnh lao động khổ sai kinh hoàng và cuộc sống thua kém cả súc vật vẫn trở lại với tôi trong những giấc ngủ không mấy ngon lành.

Tôi đã 90 năm được sống làm người rồi còn chi! Khi thức giấc, thấy mình đã thoát khỏi cảnh kinh hoàng ghê gớm đó, thấy mình đang sống trong khung cảnh tự do trên đất Mỹ, không còn bị cảnh đói khát, rét mướt cắt da, mưa nắng dãi dầu, lao động quá sức chịu đựng, không còn bị hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần, hết bị những cặp mắt cú vọ của công an và cả một số bạn bè bị công an tẩy não, hù dọa, biến thành “ăng-ten, do thám”, tôi lại âm thầm cảm tạ Thượng Đế đã cho tôi sống, cho tôi cơ hội dạy học trở lại suốt năm năm chờ đi định cư nước ngoài, không phải tiếp tục lao động khổ sở để kiếm sống như một số bạn tù cũ của tôi.

Tôi cảm ơn vợ con, gia đình, bạn bè, đã tiếp cho tôi nghị lực, thức ăn, đồ uống, niềm hi vọng, để đủ sức mà sống trong những ngày tháng đó, dù nhiều phen tôi thật sự vô cùng tuyệt vọng.

Khi tôi từ giã rừng núi trở về, mọi người thân yêu còn đủ, không mất vợ, mất con, gia đình tan nát như một vài người bạn bất hạnh khác. Con cái tôi ngoan ngoãn, hiếu thảo, một lòng gắn bó, chung sức với mẹ để cùng gánh vác gia đình trong những tháng ngày ba chìm, bảy nổi.

Tôi cảm ơn chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã mở rộng vòng tay đón nhận chúng tôi là những người tị nạn cộng sản, cho thế hệ chúng tôi được sống yên lành những ngày còn lại, trước khi tàn lụi và qua đi, nhường lại cho thế hệ con cháu cơ hội sống, làm người, hữu ích cho Quê Hương Đất Nước Việt Nam mai sau, cho xã hội loài người văn minh, tiến bộ, tốt đẹp hơn trên con đường tương lai.

(San Diego, California)


 

SỐNG Ở ĐỜI…!!!


Tâm An Nhiên

Ánh mắt giống nhưng góc nhìn khác biệt

Đầu như nhau, nhận biết lại tùy người

Miệng tương đồng, vẫn nói ngược nói xuôi

Nghe cũng thế, hiểu mỗi người một cách.

 

Sống ở đời, ráng giữ mình trong sạch

Nhưng đừng mong tất cả mến yêu mình

Tốt thế nào cũng kẻ trọng người khinh

Bởi cuộc sống vốn thường tình như thế.

 

Mong hết thảy hài lòng là không thể

Chớ vì ai mà tự rẻ rúng mình

Hãy cứ là con của mẹ cha sinh

Có nguyên tắc và tự tôn riêng biệt.

 

Tốt hay xấu chỉ cần mình ta biết

Miễn sao không trái đạo lý ở đời

Khi bản thân đã làm hết sức rồi

Không hối hận, không cầu người hiểu thấu.

 

Như hoa dại vẫn tỏa hương bên suối

Mà không cần chờ đợi những lời khen

Đám cỏ kia biết cách tự vươn lên

Dù chẳng được bàn tay người chăm sóc.

 

Như đại bàng chốn thâm sơn cùng cốc

Vẫn tự tin sải cánh giữa trời xanh

Dẫu chẳng ai cổ vũ ở xung quanh

Bởi vì chúng tin bản thân là chính.

 

Lúa cúi đầu là những bông lúa chín

Mặt hồ yên là bởi nước hồ sâu

Tin chính mình mới thực sự bền lâu

Đã đến lúc thấm nhuần sâu điều đó…!!!

#NMN


 

NHỜ ĐÂU BIẾT ĐƯỢC CHÚA GIÊ SU THẬT SỰ SỐNG LẠI-Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

(Suy niệm Tin mừng Luca (24, 35-48) Chúa nhật III phục sinh)

Hôm ấy, đang khi các môn đệ họp nhau trong phòng, Chúa phục sinh bất thần hiện ra giữa các ông. Mọi người kinh hồn bạt vía, vì tưởng là ma!

Chúa Giê-su phải dùng đủ cách để tỏ cho họ biết Ngài đã thật sự sống lại, chứ không phải là ma.

Trước hết, Ngài cho họ xem thương tích nơi tay chân, để chứng tỏ Ngài đã thực sự bị đóng đinh vào thập giá, nay sống lại.

Vì họ vẫn còn nghi ngờ không tin nên Ngài đề nghị họ sờ tay chân Ngài để biết chắc Ngài có xương có thịt chứ chẳng phải là ma.

Thế nhưng họ vẫn còn hoài nghi, nên Ngài lại ăn miếng cá nướng và mật ong trước mặt họ để tỏ cho mọi người thấy ma đâu có nhai có nuốt như vầy.

Ngoài ra, Chúa Giê-su còn vận dụng Kinh thánh để tỏ cho các môn đệ biết Ngài là Đấng Kitô đã phải trải qua đau khổ rồi mới phục sinh.

Nhờ đó, các môn đệ mới tin là Chúa Giê-su đã sống lại thật.

Hôm nay, ngoài những sự việc kể trên, chúng ta còn có một bằng chứng khác rất thuyết phục, khó chối cãi về việc Chúa sống lại, đó là các tông đồ sẵn sàng chết để làm chứng Chúa phục sinh.

Bằng chứng của các Tông đồ

Nếu Chúa Giêsu chết mà không sống lại như lời Ngài báo trước, thì các Tông đồ sẽ xử trí ra sao?

Thứ nhất: Các ông sẽ ngộ ra rằng Thầy Giêsu mà họ đem lòng tin tưởng, yêu mến và ngưỡng mộ bấy lâu không phải là Con Thiên Chúa vì Ngài cũng chết như bao người khác, có gì hơn đâu? Như thế, các ông rất thất vọng về Ngài, sẽ oán hận Ngài vì Ngài đã lừa dối các ông, đã dẫn đưa các ông vào ngõ cụt, làm cho cuộc đời các ông dang dở: bỏ công theo Ngài ba năm trời, giờ chẳng được tích sự gì!

Thứ hai: Các ông sẽ không bịa đặt chuyện Chúa Giêsu sống lại rồi đi rao truyền khắp nơi lừa bịp người khác; vì khi làm như thế, các ông chẳng những không được lợi lộc gì mà còn mất tất cả, kể cả mạng sống mình.

Thứ ba: Các ông sẽ không điên rồ đến nỗi tiếp tục từ bỏ gia đình, cha mẹ, vợ con, lại phải chịu đòn vọt, xiềng xích, tù đày và chịu chết để đi loan truyền một điều dối trá trắng trợn là Chúa Giêsu sống lại.

Trong thực tế, các Tông đồ đã không hành động như thế, bởi vì các ngài đã tận mắt chứng kiến Chúa phục sinh, được tiếp xúc, đàm đạo, ăn uống với Ngài sau khi sống lại, biết chắc Ngài là Con Thiên Chúa, rồi lại được Chúa Giê-su truyền đi khắp nơi rao giảng Tin mừng… nên mới sẵn sàng dâng đời mình cho Chúa, tiếp tục hy sinh tất cả, từ bỏ gia đình, cha mẹ, vợ con, chấp nhận đòn vọt, tù đày và chấp nhận chết đau thương để làm chứng cho mọi người biết Chúa Giêsu đã thực sự sống lại để cứu độ muôn người.

Có ai trên đời điên rồ đến nỗi chịu đánh mất tất cả những gì trân quý nhất trong cuộc sống … để lừa dối người khác tin vào điều bịa đặt không? Tuyệt đối không!

Trong khi đó, tất cả các Tông đồ, ngoại trừ Gioan bị lưu đày ra đảo Patmos, đã từ bỏ tất cả mọi thứ trân quý trên đời và vui lòng lãnh lấy án chết… để minh chứng rằng Chúa Giêsu thực sự sống lại.

Khi người làm chứng sẵn sàng chịu mất tất cả và chịu chết để minh chứng mình nói thật, thì lời chứng của người đó là chân thật. Như vậy, sự kiện Đức Giêsu sống lại là hoàn toàn chắc chắn!

Lạy Chúa Giê-su,

Các tông đồ đã hy sinh cuộc đời và hiến mạng sống mình để minh chứng cho mọi người biết Chúa đã sống lại. Xin cho chúng con cũng biết hy sinh công sức và thời gian để giới thiệu cho người khác nhận biết Chúa đã phục sinh.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

TIN MỪNG LUCA 24, 35-48

“Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: “Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ”. Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”. Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: “Ở đây các con có gì ăn không?” Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Ðoạn Người phán: “Ðúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh”. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.

Người lại nói: “Có lời chép rằng: Ðấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”.

From: NguyenNThu


 

Cúi Xuống Để Tìm Cơ Hội Ngóc Đầu Lên

Có một vị tổng giám đốc của một công ty lớn nảy ra một ý nghĩ thú vị, anh ta muốn đi trải nghiệm cuộc sống của những người dân thường trên xe buýt, không ngờ lại bị một cô gái xấu xí làm cho mất mặt…

Vị giám đốc mỗi ngày đều chen lên xe buýt ngồi, mặc dù cũng có chút kham khổ nhưng trong lòng anh lại cảm thấy rất lạ lẫm và vui vẻ.
Thế rồi, có một chuyện không bình thường đã xảy ra…

Hôm ấy anh ta cũng lên xe buýt và ngồi xuống ghế. Trong lúc còn đang nhìn ngó quanh quẩn thì đột nhiên, một giọng nói như thét vào mặt anh:

“Anh không thể nhường ghế cho người khác à? Không đáng mặt đàn ông gì cả!”

Anh ngước lên thì thấy một người phụ nữ trạc ngoài hai mươi tuổi đang bế cậu con trai nhỏ. Còn người vừa lên tiếng mắng anh là một cô gái có phần “xấu xí”. Lúc anh còn đang sững sờ thì cô gái ban nãy lại to tiếng:

“Nhìn cái gì mà nhìn? Tôi nói anh đấy!”

Tất cả những người trên xe buýt đều hướng về phía anh với đôi mắt tò mò, thậm chí “lườm lườm”. Mặt anh bỗng đỏ bừng lên mà không nói được lời nào…

Không còn cách nào khác, anh từ từ đứng lên và nhường ghế ngồi cho hai mẹ con cô gái kia.

Đến trạm dừng xe tiếp theo, anh vừa chật vật vừa xấu hổ “trốn” khỏi chiếc xe buýt ấy. Anh không ngờ rằng mình lại gặp phải một việc như vậy. Trước khi xuống xe, anh cũng đã kịp nhìn qua mặt của cô gái “xấu xí” ấy một lần để ghi nhớ.

Không ngờ, một tuần sau đó cô gái “xấu xí” kia lại có mặt trong vòng phỏng vấn tuyển dụng nhân viên của công ty anh. Hơn nữa, anh lại là người trực tiếp phỏng vấn và quyết định tuyển.

Cô gái kia vừa nhìn thấy anh cũng phát hiện ra, nét mặt cô có phần lo lắng, dường như trên trán cô vã cả mồ hôi…

Vị tổng giám đốc nói:

“Cô lau qua một lượt giày của ban tuyển dụng, thì có thể được nhận vào làm”.

Cô gái đứng ở đó một lúc và do dự thật lâu. Cô nghĩ:

“Kinh tế trong nhà mình đã khó khăn lắm rồi, mình quá cần công việc này!”

Thực tế, cô ấy rất có năng lực và những thành tích mà cô đạt được cũng rất cao. Tuy nhiên, bởi vì cô có dung nhan hơi xấu nên dù đã đến dự tuyển ở một số công ty nhưng đều bị từ chối.

Cô lại phân vân:

“Bây giờ cơ hội bày ra trước mặt mình, chỉ cần mình buông tự tôn, lau giày cho họ thì sẽ có việc làm. Thế nhưng mà mình sao có thể đổi sự tôn nghiêm của mình đây?”

Vị tổng giám đốc cũng cho rằng: “Cô ta ngang ngược thế chắc sẽ không hạ mình đâu!” Thế là anh ta nhắc lại một lần nữa như để khiêu khích cô, thúc giục cô.

Cô gái lập tức ngồi xổm xuống, cầm giẻ lau và bắt đầu lau giày cho những vị giám khảo kia.

Vị tổng giám đốc thắc mắc: “Cô không phải là lợi hại lắm sao? Sao lại không có phản ứng gì thế?”

Khi cô gái bắt đầu lau đến giày của anh, anh ta còn cố ý ngồi bắt chéo và giơ chân lên. Tuy nhiên, bất giác anh ta lại cảm thấy mình có chút gì đó quá đáng. Anh thầm nghĩ: “Cô ta dù làm mất mặt mình trên xe buýt nhưng cũng là vì việc tốt, có chút nghĩa hiệp!”
Nghĩ vậy, anh ta liền xem hồ sơ của cô, không ngờ trước mắt anh là những thành tích tốt mà cô đạt được, vượt xa những người khác.
Từ mọi phương diện, dường như cô đều xuất sắc, hơn nữa không thể nuốt lời được. Thế là, sau khi cô gái đã lau hết giày cho mấy vị tuyển dụng, anh tuyên bố trước mặt mọi người:

“Cô đã trúng tuyển!”

Cô gái cũng không bộc lộ vẻ vui mừng mà chỉ hướng về phía giám khảo nói lời nhỏ nhẹ:

“Tôi xin cảm ơn!”

Sau đó, cô quay người sang phía vị tổng giám đốc và nói:

“Tính cả giày của ngài là 5 đôi, mỗi đôi tôi lấy 20.000, tổng cộng là 100.000. Sau khi ngài trả xong tiền, tôi mới bắt đầu đi làm.”

Vị tổng giám đốc không biết nói thế nào, mà cũng không thể rút lại quyết định của mình, nên đành phải trả cho cô gái 100.000.
Tuy nhiên, điều khiến anh ta kinh ngạc hơn là cô gái sau khi nhận 100.000 ra về.

Lúc cô vừa đi đến cổng công ty thì cô liền đưa hết số tiền đó cho một ông lão nhặt ve chai.

Vị tổng giám đốc từ sau hôm đó lại có phần nể phục cô gái.

Và cũng từ sau khi được tuyển vào công ty, cô gái làm việc rất xuất sắc, đã thay vị tổng giám đốc ký được nhiều hợp đồng lớn.

Có một hôm, vị tổng giám đốc nhịn không được liền hỏi cô:

“Hôm cô đến phỏng vấn, tôi làm khó cho cô như vậy, cô có oán trách tôi không?”

Cô gái trả lời ngay lập tức:

“Tôi cúi người xuống, chỉ vì muốn đổi một cơ hội để có thể ngóc đầu lên!”

*****     Nhất thời “cúi người” không có nghĩa là đánh mất tôn nghiêm, càng biết lúc cần “cúi người” thì tương lai càng ngẩng được cao đầu!

Theo Daikynguyenvn

Thân mến

From: TRUONG LE

NGÀY 30/4/1975 – TIỂU TỬ

TIỂU TỬ

Năm nay tôi 80 tuổi. Vợ tôi thường nói với mấy con: ” Ông bà mình nói người già hay sanh tật, đúng quá ! Bây coi: ba bây bây giờ sáng nào uống cà phê xong cũng lại đứng trước tấm lịch tháng treo ở phòng khách, nhìn trầm ngâm một chút rồi lấy bút gạch tréo ô vuông đề ngày hôm qua! Chi vậy hổng biết? Hỏi ổng thì ổng nói gạch để nhớ rằng đến ngày nầy tháng nầy mình vẫn còn trôi sông lạc chợ! Trời đất ! Định cư ở Pháp từ hơn ba mươi năm chớ phải mới đây đâu mà đi gạch lịch từng ngày! Ổng còn nói gạch để coi chừng nào mình mới thôi gạch để về lại Việt Nam … “

Câu nói của tôi là sự thật nhưng vì vợ tôi không hiểu nên cho là tôi già sanh tật! Làm sao giải thích được mỗi lần tôi gạch tréo một ngày như vậy tôi có cảm tưởng như là tôi vừa nhích lại gần quê hương một chút – một chút thôi – đủ để nuôi hy vọng thấy một ngày nào đó mình vẫn còn sống mà trở về…

Sáng nay, cũng giống như mọi ngày, tôi cầm bút gạch tréo ô vuông ngày hôm qua. Ô vuông ngày hôm nay đập vào mắt tôi làm tôi giật mình: ngày nầy, năm 1975 ! Tôi bỗng nhớ ra, nhớ rõ, những gì đã xảy ra ngày đó, nhớ như in. Rồi sợ “cái ngày đó” nó vuột khỏi ký ức vốn đã quá hao mòn của tuổi già, tôi vội vã lấy giấy bút ghi lại…

* * *

…Hồi thời trước 75, tôi làm việc cho một hãng dầu ở Việt Nam, phụ trách nhập cảng xăng dầu từ Singapore vào kho dầu Nhà Bè để cung ứng cho thị trường dân sự và quân sự miền nam Việt Nam. Vì trong xứ có giặc nên thị trường quân sự chiếm 60%, trong đó xăng máy bay dẫn đầu. Các bạn tôi trong quân đội giải thích cho tôi biết rằng ở chiến trường miền nam sự yểm trợ của không lực là quan trọng nhứt. Do đó, tôi luôn luôn theo dõi sát tình hình dự trữ xăng máy bay ở các kho dầu miền nam, từ kho Nại Hiên Đà Nẵng dẫn xuống kho Cần Thơ thông qua kho lớn ở Nhà Bè…

Vào cuối tháng 3 năm 1975, sau lịnh triệt thoái cao nguyên, tình hình quân sự trở nên ồ ạt. Sợ trở tay không kịp, tôi còm-măng Singapore một tàu xăng máy bay. Hay tin nầy, hãng bảo hiểm có hợp đồng với hãng dầu tôi làm việc đánh điện phản đối, không cho tàu dầu qua Việt Nam viện cớ tình hình bất ổn. Đánh điện qua, đánh điện lại, cù cưa cả tuần họ mới bằng lòng cho tàu dầu qua, với điều kiện phải có hộ tống của Navy Mỹ họ mới cho tàu vào sông Sàigòn để cập kho Nhà Bè!

Tôi báo cáo với ban giám đốc vì lúc đó ở kho lớn Nhà Bè trữ lượng xăng máy bay chỉ còn đủ có bày ngày tác chiến của không quân. Ban giám đốc chấp thuận điều kiện của hãng bảo hiểm. Tôi vội vã gọi điện thoại lại cơ quan yểm trợ Mỹ để xin họp khẩn. Ông trưởng sở trả lời: ” Tôi sẽ đến ngay văn phòng ông. Cho tôi mười phút ! “. Tôi quen ông nầy – tên W, thường được gọi là ” Xếp ” – nhờ hay đi họp chung. Ông ta dễ thương nhã nhặn, biết chút đỉnh tiếng Pháp nên lần nào gặp tôi cũng nói :” Bonjour! çà va ?” ( Chào ông ! Mạnh hả ?)

Xếp W đến văn phòng tôi với hai người phụ tá. Tôi đã làm sẵn hồ sơ nên sau khi mời ngồi, tôi trao ngay cho họ để họ dễ theo dõi những gì tôi sẽ trình bày. Mười phút sau, tôi kết luận xin can thiệp gấp để tàu dầu xăng máy bay của hãng tôi được hộ tống, không quên nhắc lại điểm chánh yếu là trữ lượng xăng máy bay chỉ còn đủ để chiến đấu trong vòng có bảy bữa !

Nghe xong, Xếp W xin phép bước ra ngoài gọi radio về trung ương. Một lúc sau, ông trở vào, nét mặt và giọng nói vẫn tự nhiên như chẳng có gì quan trọng hết: “Rất tiếc ! Chúng tôi không giúp được ! Thôi! Chúng tôi về! “. Tôi đang nghe nghẹn ngang ở cổ thì ông W vỗ vai tôi nói nhỏ bằng tiếng Pháp: “Allez vous en ! ” (Ông hãy đi, đi !) Ra đến cửa phòng, ổng ngừng lại nhìn tôi, gật nhẹ đầu một cái như để chào nhưng tôi nghĩ là ổng muốn nhắc lại câu nói cuối cùng ” Allez vous en !  (Ông hãy đi, đi!) …

Tôi ngồi bất động, nghe tức tràn lên cổ vì thấy mình bất lực quá và cũng nghe thương vô cùng cái quê hương nhỏ bé của mình, nhược tiểu đến mức độ mà khi cần nắm tay để kéo đi theo thì ” họ ” dán… đầy đường cái nhãn ” hai bàn tay nắm lấy nhau” để chứng tỏ sự thật tình “khắn khít”, rồi khi không còn cần nữa thì cứ tự nhiên buông bỏ không ngượng tay giấu mặt, vì biết mười mươi rằng ” thằng nhược tiểu đó không làm gì được mình “!

Tôi ráng kềm xúc động, bước qua phòng họp của ban giám đốc, chỉ nói được có mấy tiếng: “Chánh quyền Mỹ từ chối !”. Sau đó, tôi đánh điện qua Singapore, cũng chỉ bằng một câu: “Không có hộ tống “. Họ trả lời ngay: ” OK ! Good Luck!” ( Nhận được ! Chúc may mắn ! ) Hai chữ cuối cùng, trong hoàn cảnh nầy và vào thời điểm nầy, nghe sao thật đầy chua xót !

Thấy mới có ba giờ chiều, nhưng không còn lòng dạ đâu để ngồi lại làm việc nên tôi lái xe về nhà. Tôi lái như cái máy, cứ theo lộ trình quen thuộc mà đi. Về đến trước nhà, tôi bỏ xe ngoài ngỏ, đi bộ vô. Vợ tôi chạy ra, ngạc nhiên: “Sao về vậy anh? “. Tôi không nói được gì hết, chỉ gục đầu vào vai vợ tôi rồi bật khóc . Vợ tôi chưa biết những gì đã xãy ra nhưng chắc nàng đoán được rằng tôi phải đau khổ lắm mới phát khóc như vậy. Cho nên nàng vừa đưa tay vuốt vuốt lưng tôi vừa nói, giọng đầy cảm xúc: “Ờ…Khóc đi anh ! Khóc đi ! “

Ngày đó, tháng tư năm 1975…Đúng là ngày nầy !

Tiểu Tử


 

Đức Ki-tô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết. (Rm 14: 8-9)-Cha Vương

Nguyện xin Chúa Phục Sinh sưởi ấm tâm hồn bạn hôm nay nhé.

Cha Vương

Thứ 3 Bát Nhật Phục Sinh: 09/04/2023

GIÁO LÝ:  Bạn có thể là Kitô hữu mà không tin Chúa Giêsu đã sống lại không?  Không. Thánh Phaolô viết: “Nếu Chúa Kitô đã không sống lại thì lời chúng tôi rao giảng sẽ vô ích, và đức tin của bạn cũng vô ích” (1Cr 15,14). Vậy, Làm thế nào mà các môn đệ Chúa Giêsu đã đi đến chỗ tin Người sống lại? Đầu tiên, các ông mất hết hi vọng, nhưng dần dần, các ông đã đi đến chỗ tin Chúa sống lại, vì sau khi Người chết, họ đã thấy Người trong nhiều dịp khác nhau, các ông đã nói chuyện với Người, đã có kinh nghiệm rõ ràng là Người đang sống. (YouCat, số 104 & 105)

SUY NIỆM: Những biến cố Phục Sinh diễn ra ở Giêrusalem khoảng năm 30 không phải là chuyện bày đặt ra. Bị sốc vì cái chết của Chúa và vì sự nghiệp chung thất bại, các môn đệ đã trốn mất. Chúng tôi hy vọng rằng Người là Đấng sẽ giải thoát Israel (Lc 24,21). Hoặc các ông ẩn núp sau những cửa đóng kín. Chỉ nhờ được gặp gỡ Chúa Kitô sống lại họ mới được giải thoát khỏi bị ức chế và được đầy niềm tin phấn khởi vào Chúa Giêsu, Chúa của sự sống và sự chết. (YouCat, số  105 t.t.)

❦   Biến cố Chúa Giêsu chết và sống lại trở thành tâm điểm của Kitô giáo. Đó là điểm tựa cho đức tin của ta, là đòn bảy mạnh mẽ cho tin tưởng vững chắc của ta, là luồng gió mạnh quét sạch mọi sợ hãi, và lưỡng lự, mọi hồ nghi và tính toán của loài người. (Đức Bênêđictô XVI, 19-10-2006)

❦  Ai hiểu biết lễ Vượt Qua thì không thể thất vọng nữa. (Dietrich Bonhoeffer, 1906–1945, thần học gia Tin lành và chống Hitler bị xử tử trong trại tập trung Flossenbürg)

LẮNG NGHE: Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa; vì Đức Ki-tô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết. (Rm 14: 8-9)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Kitô phục sinh, Chúa là Đường  để con bước đi, là Sự Thật để con tín thác, là Sự Sống để con được sống muôn đời. Xin đừng để con xa lìa Chúa bao giờ.

THỰC HÀNH: “Đấng Cứu Thế đã bảo đảm cho chúng ta về sự hiện diện hữu hình của Người ở giữa chúng ta, ngang qua Lời Chúa và bí tính Thánh thể.” Trong Mùa Phục Sinh này mời bạn hãy tham dự Thánh Lễ một cách sốt sắng hơn.

From : Do Dzung

Ngọn Nến Phục Sinh (Imprimatur) | Sáng tác: Sr. Têrêxa | Phương Thảo 

Người Mỹ gốc Việt (Bài 5)-Lê Thanh Hoàng Dân

Lê Thanh Hoàng Dân

Di sản ngày 30 tháng Tư là hơn 4 triệu người Việt Nam đã bỏ nước ra đi, hiện đang sống khắp thế giới. Thử tìm hiểu một vài cộng đồng này.

“… Mặc dầu điểm khởi đầu thua, người gốc Việt đã chứng tỏ khả năng của mình, trở thành một trong những cộng đồng thiểu số “đi lên” mau nhất từ dưới đáy của xã hội.

Phân tách các dữ kiện thống kê dân số, chúng ta thấy gì?

Năm 1989 34% số dân gốc Việt sống dưới mức nghèo (Poverty line). Mười năm sau vào năm 1999, tỷ lệ này chỉ còn 16%, so với 12% cho người Mỹ nói chung.

Thống kê cho thấy những người từng bị Cộng Sản kỳ thi và phân biệt đối xử (kỳ thị 3 đời, 49 năm sau con cháu vẩn còn), không được học đại học, không có nghề nghiệp chuyên môn gì đáng kể khi tới Mỹ, người Việt đã cố gắng hơn, cần cù hơn, và đi lên mau hơn xã hội Mỹ nói chung.

Sự hội nhập của người Việt vào xã hội, lợi tức và hoạt động kinh tế của họ tùy thuộc vào tầng lớp của họ ở Việt Nam trước khi tới Mỹ.

Nhìn chung, họ thuộc hai tầng lớp, số người có học, và ít học.

Năm 1975 phần lớn số người Việt đến đây đều có khả năng chuyên môn. Họ bắt đầu cuộc đời bằng những việc làm chân tay, lao động với lương tối thiểu. Tuy nhiên sau khi họ học lại hoặc thi lại, bằng cấp được nhìn nhận (hoặc bằng cấp của Mỹ nếu họ học lại môn chuyên môn mới), họ có chứng chỉ hành nghề, họ đã làm giàu mau chóng.

Đây là giới thượng lưu của người Việt. Lợi tức của thế hệ nầy khoảng hơn $100,000 USD mỗi năm (thời giá 10 năm trước). Các bác sĩ và nha sĩ thu nhập từ vài trăm ngàn đến cả triệu đô la một năm.

Những đợt tỵ nạn thứ hai và ba, đến đây sau năm 1978, khó khăn hơn.

Sống càng lâu với chế độ Cộng Sản, họ càng gặp nhiều khó khăn hội nhập hơn. Họ đến Mỹ không có học vấn cao, không nghề nghiệp chuyên môn, không biết gì nhiều về xã hội Mỹ. Do đó họ chỉ tìm được việc làm chân tay, sống quay quần với người Việt tại các Phố Sài Gòn Nhỏ, khó hội nhập vô xã hội Mỹ rộng lớn…” (Còn tiếp)

(Trích sách “Tiểu Bang California” thuộc bộ sách 9 quyển “Nước Mỹ nơi tôi đang sống” của Lê Thanh Hoàng Dân, đã phát hành trên Amazon và BookBaby)

Sách bán trên Amazon rất mắc, các bạn đừng mua, tôi sẽ từ từ trích đăng các bạn đọc miển phí.

#Lethanhhoangdan #NhữngNgàyHưuTrí #30thángTư #myfamilygiađìnhtôi #ThànhPhốNewYork #NướcMỹnơitôiđangsống #42nămsốngởMỹ


 

Người Mỹ gốc Việt (Bài 4)-Lê Thanh Hoàng Dân

Lê Thanh Hoàng Dân

Bò đỏ thường vô FB của tôi nói chúng tôi khổ lắm, tộc Nails, homeless, về Việt Nam sống sướng hơn. Sự thật ra sao? Bài này nghiên cứu về lợi tức của người Mỹ gốc Việt.

“… Mặc dầu cần cù làm việc, nhưng lợi tức của người Việt tương đối thấp. Median Income (Lợi tức điểm giữa) của một gia đình Việt Nam ở Mỹ là $59,831 đô la một năm.

Median Income là lợi tức điểm giữa, có nghĩa là phân nửa số gia đình người Việt có lợi tức trên $59,831 USD và phân nửa có lợi tức thấp hơn số này. Số nầy tuong đối thấp hơn xã hội Mỹ nói chung, ở đó Median Income là $61,173 USD…”

Người gốc Việt tại Mỹ làm việc cần cù, nhưng lợi tức thấp hơn người Mỹ.

Theo một công trình nghiên cứu năm 2007, khoảng 64.9% người lớn hơn 16 tuổi tìm được việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp của người Việt Nam khoảng 5.4% so với tỷ lệ của người Mỹ nói chung là 6.3%.

Đây là một điểm son của người Việt chúng ta, cần cù và cố gắng làm việc, không chấp nhận sống nhờ phúc lợi xã hội (Welfare). Thu Nhập bình quân (Average Income) của người Việt là $22,074 USD mỗi người một năm, tương đối thấp hơn của người Mỹ.

Theo một nghiên cứu năm 2012, Median Income (Lợi tức điểm giữa) của một gia đình Việt Nam được $55,736 USD. Nếu so sánh gia đình người Việt với gia đình những di dân khác nói chung, chúng ta tương đối khá hơn. Median Income của di dân khác ở Mỹ là $46,983 USD.

Hầu hết người Việt tại Mỹ đã đến đây sau cuộc chiến, với tánh cách tỵ nạn chánh trị.

Đa số họ đã sống dưới chế độ Cộng Sản từ 3 năm trở lên, nên sự ăn học và khả năng chuyên môn sau năm 1975 rất lôi thôi.

Do đó có thể nói họ thua di dân các nước khác rất xa trên phương diện học vấn, kiến thức, và tài chánh. Di dân nhiều nước khác tại Mỹ đến đây với nhiều khả năng chuyên môn (bác sĩ, Y tá, chuyên viên Kế toán v.v..), và một số đến đây với nhiều tiền theo dạng kinh doanh (di dân từ Hồng Kông và Đài Loan chẳng hạn). (Còn tiếp)

#Lethanhhoangdan #NhữngNgàyHưuTrí #30thángTư #myfamilygiađìnhtôi #ThànhPhốNewYork #NướcMỹnơitôiđangsống #42nămsốngởMỹ