BỞI YÊU THƯƠNG

Chuyện thật cảm động, như một phép mầu…

BỞI YÊU THƯƠNG

Khi Karen biết mình mang thai đứa con thứ hai, như nhiều bà mẹ khác,

cô giúp đứa con trai 3 tuổi – Michael – làm quen với việc nó sẽ có em.

Họ siêu âm và biết đó là bé gái. Thế là đêm nào Michael cũng hát cho

em gái trong bụng mẹ nghe, nó xây dựng tình yêu với đứa em bé bỏng

trước cả khi gặp mặt em.

Mọi việc diễn ra tốt đẹp với Karen – một tín hữu sốt sắng của Hội

Thánh Panther Creek United, bang Tennessee, Mỹ – cho đến kỳ sanh nở.

Nhưng thật bất ngờ, một biến chứng xuất hiện khi Karen đang trên bàn

sinh. Các bác sĩ băn khoăn không biết có nên mổ bắt đứa trẻ ra để cứu

mẹ hay không.

Cuối cùng thì em gái của Michael cũng được chào đời bình thường; mẹ bé

bình an nhưng chính bé lại yếu ớt, nguy kịch.

Tiếng còi xe cấp cứu vang lên trong đêm, chở đứa bé đến chuyên khoa

hồi sức ở bệnh viện St. Mary, Knoxville, bang Tennessee.

Những ngày dài trôi qua. Sức khỏe em bé ngày càng tệ hơn. Các bác sĩ

buồn bã, hối tiếc: “Xin chuẩn bị cho điều xấu nhất có thể xảy ra”.

Vợ chồng Karen liên lạc với nghĩa trang trong vùng mua một phần đất

nhỏ, thay vì sửa sang lại căn phòng để đón bé về.

Michael vẫn cố xin cha mẹ cho cậu vào thăm em. “Con muốn hát cho em

nghe” – cậu nài nỉ.

Đã sang tuần thứ 2 bé nằm trong phòng săn sóc đặc biệt, và nhiều người

tự hỏi không biết bé có cầm cự nổi sang tuần thứ ba hay không.

Michael vẫn tiếp tục mè nheo chyện muốn hát cho em nghe, dù cậu không

được phép vào nơi đó.

Karen nghĩ hay mình cứ cho Michael vào thăm em lần cuối? Nếu thằng bé

không được gặp em lúc này, có thể lắm chẳng còn dịp nào nữa.

Karen lén dẫn nó vào phòng, nhưng cô y tá trưởng phát hiện, la lên:

“Đem đứa trẻ ra ngoài! Nó không được vào!”.

Karen vốn dịu dàng, ôn hòa, bỗng dưng trừng mắt, dứt khoát: “Nó sẽ

không rời khỏi đây cho đến khi nó được hát cho em nó nghe!”.

Karen dắt Michael lại bên nôi em. Cậu nhìn chằm chằm vào đứa em gái

nhỏ xíu, tội nghiệp và bắt đầu cất giọng run run. Tiếng hát ngây thơ

từ trái tim trong veo của cậu bé 3 tuổi: “Em là ánh mặt trời của anh,

chỉ em thôi! Em khiến anh hạnh phúc khi bầu trời quanh ta đang u

ám…”.

Em bé dường như có chút phản ứng, mạch đập của bé chậm và ngắt quãng

bỗng đều đặn hơn. “Hát tiếp đi Michael” – Karen bật khóc và bắt đầu

cầu nguyện: “Chúa ơi, xin thương xót đứa con gái bé bỏng này”.

Michael tiếp tục say sưa hát: “Chắc em không biết đâu, không biết là

anh thương em rất nhiều. Đừng lấy mất ánh mặt trời của anh đi, em

nhé….”.

Hơi thở bé bỗng gấp gáp, dồn dập hơn, rồi bất ngờ trở nên đều đặn,

nghe như tiếng grừ grừ của một chú mèo con.

“Hát tiếp đi con!” – Karen động viên.

“Có một đêm đang nằm ngủ, anh đã mơ thấy anh bế em trong tay…”.

Em bé nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ…

“Hát nữa đi Michael”.

Nước mắt chan hòa trên má cô y tá trưởng cau có khi nãy. Karen thấy

lòng mình ấm lại, một cảm giác bình an lan tỏa…

“Em là ánh mặt trời của anh, chỉ em thôi.. Đừng lấy mất ánh mặt trời

của anh đi, em nhé…”

Hôm sau, các bác sĩ cho biết đứa bé đã… khỏe hẳn và sẵn sàng xuất

viện. Về nhà thôi!

Tạp chí “Phụ Nữ Ngày Nay” gọi đây là “Phép lạ từ bài hát của đứa anh

trai”; các bác sĩ đơn giản gọi phép màu, riêng Karen nói đây là “Phép

lạ từ tình yêu Thiên Chúa!”.

Kinh Thánh chép: “Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự,

trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự. Tình yêu thương trường tồn bất

diệt” (1 Cô-rinh-tô 13:7-8).

From:: BS Hanh Van Phung

Gương sáng một người.

Gương sáng một người.

Đây có lẽ là 1 câu chuyện buồn có hậu và cũng là câu chuyện truyền cảm hứng nhất được truyền tại Hollywood. Mình xin phép dịch ra tiếng Việt. Trong những ngày FB cứ rộn ràng tranh cãi về đủ thứ hỉ nộ ái ố, thì câu chuyện này tưới mát tinh thần mình, và khiến ý chí mình lại hừng hực đam mê.

Tên ông ấy là Sylvester Stallone – là một trong những ngôi sao điện ảnh Mỹ nổi tiếng và thành công bậc nhất từ trước đến giờ. Nhưng hãy nghe kể về những ngày xa xôi ấy, khi Stallone chỉ là 1 diễn viên vô danh, vật lộn với những vai diễn nhỏ và thường xuyên bị từ chối trong các buổi thử vai. Cuộc sống của ông có lúc ở đỉnh điểm của sự cùng cực khi bị trục xuất khỏi nhà thuê vì không có tiền, phải lang thang trên đường phố.

Khi không còn 1 xu dính túi để mua đồ ăn, vất vưởng 3 ngày liền tại trạm xe buýt, ông đã phải nén nỗi đau để bán đi chú chó của mình – người bạn đồng hành mà ông vô cùng yêu quý chỉ bởi không còn gì cho nó ăn😭😭. Ông bán cho 1 người lạ gần 1 quán rượu với giá chỉ $25. Ông kể rằng khi ông trao người bạn đó vào tay người lạ, ông đã bước đi và nước mắt dàn dụa. 😭😭😭

Hai tuần sau đó,Stallone vô tình xem được trận đấm bốc giữa 2 võ sĩ Mohammed Ali và Chuck Wepner, trận đấu này là tác nhân thay đổi cuộc đời ông từ đó. Kịch tích của trận đấu đã truyền cảm hứng cho Stallone viết nên kịch bản phim sau này vô cùng nổi tiếng, ROCKY.

Ông hoàn thành kịch bản sau 20 giờ liên tục viết, dòng chữ tuôn trào đầy cảm xúc. Ông đem chào bán ROCKY và nhận được phản hồi từ 1 nhà làm phim đồng ý với mức giá $125.000 cho kịch bản 20 giờ viết đó.

Nhưng Stallone kèm 1 yêu cầu khi bán: ông sẽ đóng vai chính trong bộ phim đó !! Vâng, không ai khác, mà là chính ông – một diễn viên nhỏ vô danh bấy giờ, sẽ là vai chính trong bộ phim do chính ông viết.

Và tất nhiên, nhà làm phim hoàn toàn không đồng ý, họ muốn 1 diễn viên thực thụ – một ngôi sao gạo cội bấy giờ chứ không phải “một gương mặt không tên tuổi với biểu cảm thiếu tự nhiên và giọng nói nực cười” – họ trả lời. (Những biến chứng mà mẹ ông gặp phải khi sinh hạ khiến cho phần trái cơ mặt của Stallone:

  • Bao gồm một phần môi, cằm và lưỡi – vĩnh viễn bị liệt. Đó là lý do tại sao khán giả thường thấy gương mặt ông có vẻ thiếu tự nhiên khi diễn và có cách nói với chiếc môi trễ xuống đặc trưng ) *. Và stallone nhận lại kịch bản, ra về 
  • Một vài tuần sau, nhà làm phim gọi lại cho ông, họ nâng mức giá lên $250.000 – ông lại một lần nữa từ chối con số khổng lồ đó. Họ tiếp tục nâng giá lên $350.000. Ông TIẾP TỤC từ chối. Họ muốn kịch bản của ông, còn ông lại chỉ muốn mình là vai chính trong phim. Ông từ chối tiền khi tiền ở thời điểm đó là thứ ông thiếu, là nguyên nhân cho những bi kịch liên tiếp bấy giờ của ông. Tất cả nhờ 1 niềm tin cho mơ ước ! 
  • Cuối cùng, nhà làm phim nhượng bộ, họ đồng ý cho ông thủ vai chính với mức giá trả cho kịch bản phim giảm xuống còn $35.000.

Những ngày tháng sau đó làm nên huyền thoại !

Bản thân ông lao vào tập luyện không ngừng nghỉ trong khoảng nửa năm để có vóc dáng như một võ sĩ quyền Anh thực thụ. Đôi chân mỏi rã rời do tập chạy  những đốt ngón tay sưng vù do tập đấm… tất cả những đau đớn đó đều được Stallone chấp nhận hy sinh, VÌ MỘT ROCKY. 

Bộ phim sau đó trở thành hiện tượng phòng vé, thu về tới 225 triệu USD trên toàn cầu và trở thành bộ phim ăn khách nhất năm 1976. Không chỉ thành công rực rỡ về mặt thương mại, tác phẩm này còn được đề cử 10 giải Oscar và chiến thắng ba giải (bao gồm cả “Phim hay nhất”).

Nhân vật Rocky trở thành một biểu tượng văn hóa, một tấm gương về sự vươn lên và sau này còn được dựng tượng tại thành phố Philadelphia. Sylvester Stallone trở thành người đầu tiên kể từ hai huyền thoại Charlie Chaplin và Orson Welles được đề cử Oscar cho “Nam diễn viên chính” lẫn “Biên kịch”. **

Và bạn biết điều đầu tiên Stallone làm với $35.000 tiền kịch bản là gì không? Ông đã tìm cách mua lại chú chó mà ông đã bán đi ngày nào. Tình yêu với người bạn ông từng gắn bó đã khiến ông đứng bên quán rượu trong 3 ngày chỉ để chờ đợi gặp người ông đã bán chú chó ấy.

Đến ngày thứ 3, ông thấy người đàn ông và con chó của mình. Ông giải thích mong chuộc lại chú chó của mình với giá $100, người kia từ chối, ông nâng mức giá lên $500, rồi $1000… cuối cùng bạn tin không? Ông đã phải dùng $15.000 để mua lại chú chó ông từng bán chỉ với $25.

Và ngày nay, chúng ta biết đến 1 Stallone thành công, 1 huyền thoại phim hành động với quá khứ từng rơi vào bi kịch cùng cực.

  • Nghèo khó, gian nan đúng là tệ. RẤT TỆ.. Nhưng hãy nghĩ về ước mơ của mình. Bạn hẳn có 1 ước mơ chứ? Một ước mơ đẹp, và bạn vô cùng mong muốn biến ước mơ thành hiện thực? Nhưng đời chẳng bao giờ đẹp như mơ. Bạn vấp phải rất nhiều khó khăn, nhiều trở ngại để đạt được ước mơ của mình. Và dường như ông trời cứ ném những khó khăn đó tới bạn để ngăn cản bạn đi đến thực hiện ước mơ?

Cuộc đời lúc nào cũng vậy, luôn đầy khó khăn, đầy thử thách. VỚI BẤT KỲ AI, cuộc đời cũng ném đầy gian nan vào những lúc mình gặp sự cố.. Nhưng bạn ơi, đừng để các cánh cửa đóng lại vô vọng trước mắt bạn, đừng để sự khinh mạt, thói lọc lừa và những gian nan đè nát ước mơ của bạn, dù bạn có gặp bi kịch đến mức phải lang thang trên đường phố như Stallone đã từng.

Phải rồi, xã hội mà, con người mà, họ có thể đánh giá bạn qua diện mạo của bạn, qua những gì bạn có, nhưng đừng bao giờ để họ cướp đi ước mơ của bạn.

Hãy tiếp tục ước mơ, ĐỪNG BAO GIỜ đầu hàng số phận. Chính bạn, không ai khác, chính bạn mới là người quyết định cho cuộc đời mình chứ không phải suy nghĩ hay ánh nhìn ác ý từ người khác.

Chỉ cần bạn còn sống, thành công chưa bao giờ rời xa.

Vũ Thị Thu Hằng, lược dịch

CON RUỒI

Con ruồi… bài học đắc giá!

 CON RUỒI

Con ruồi nhỏ, nhỏ xíu. Vậy mà cái nhỏ xíu đó đôi khi lại là nguyên nhân của những việc tày đình

Rất có thể hai vợ chồng đâm đơn ra tòa ly dị nhau chỉ bởi một con ruồi. Ai mà lường trước được những việc thần kỳ đó!

Tôi ốm. 

Điều đó vẫn thỉnh thoảng xảy ra cho những người khỏe mạnh. Và vợ tôi pha cho tôi một ly sữa. Tôi nốc một hơi cạn đến nửa ly và phát hiện ra trong ly có một con ruồi. Con ruồi đen bập bềnh trong ly sữa trắng, “đẹp” kinh khủng!

Thế là mọi chuyện bắt đầu.

Tôi vốn rất kỵ ruồi, cũng như gián, chuột, nói chung là kỵ tất thảy các thứ dơ bẩn đó. Tối đang nằm mà nghe tiếng chuột bò sột soạt trong bếp là tôi không tài nào nhắm mắt được. Thế nào tôi cũng vùng dậy lùng sục, đuổi đánh cho kỳ được. Bằng không thì cứ gọi là thức trắng đêm.

Vậy mà bây giờ, một trong những thứ tôi sợ nhất lại nhảy tót vào ly sữa tôi đang uống, và đã uống, nói trắng ra là nhảy tót vào mồm tôi. Biết đâu ngoài con ruồi chết tiệt trong ly kia, tôi lại chẳng đã nuốt một con khác vào bụng. Mới nghĩ đến đó, tôi đã phát nôn.

Thấy tôi khạc nhổ luôn mồm, vợ tôi bước lại, lo lắng hỏi:

– Sao vậy anh?

Tôi hất đầu về phía ly sữa đặt trên bàn:

– Có người chết trôi kia kìa!

Vợ tôi cầm ly sữa lên:

– Chết rồi! Ở đâu vậy cà?

– Còn ở đâu ra nữa! – Tôi nhấm nhẳng – Chứ không phải em nhặt con ruồi bỏ vào ly cho anh à!

Vợ tôi nhăn mặt:

– Anh đừng có nói oan cho em! Chắc là nó mới sa vào!

– Hừ, mới sa hay sa từ hồi nào, có trời mà biết!

Vì tôi đang ốm nên vợ tôi không muốn cãi cọ, cô ta nhận lỗi:

– Chắc là do em bất cẩn. Thôi để em pha cho anh ly khác.

Tôi vẫn chưa nguôi giận:

– Em có pha ly khác thì anh cũng đã nuốt con ruồi vào bụng rồi!

Vợ tôi trố mắt:

– Nó còn trong ly kia mà!

– Nhưng mà có tới hai con lận. Anh uống một con rồi.

– Anh thấy sao anh còn uống?

– Ai mà thấy!

– Không thấy sao anh biết có hai con?

Tôi tặc lưỡi:

– Sao lại không biết? Uống vô khỏi cổ họng, nghe nó cộm cộm là biết liền.

Vợ tôi bán tính bán nghi. Nhưng vì tôi đang ốm, một lần nữa cô ta sẵn sàng nhận khuyết điểm:

– Thôi, lỗi là do em bất cẩn! Để em…

Tôi là tôi chúa ghét cái kiểu nhận lỗi dễ dàng như vậy. Do đó, tôi nóng nảy cắt ngang:

– Hừ, bất cẩn, bất cẩn! Sao mà em cứ bất cẩn cả đời vậy?

Vợ tôi giật mình:

– Anh bảo sao? Em làm gì mà anh gọi là bất cẩn cả đời?

– Chứ không phải sao?

– Không phải!

À, lại còn bướng bỉnh! Tôi nheo mắt:

– Chứ hôm trước ai ủi cháy cái quần của anh?

– Thì có làm phải có sai sót chứ? Anh giỏi sao anh chẳng ủi lấy mà cứ đùn cho em!

– Ái chà chà, cô nói với chồng cô bằng cái giọng như thế hả? Cô nói với người ốm như thế hả?

Cô bảo tôi lười chảy thây chứ gì? Cô so sánh tôi với khúc gỗ phải không? Ái chà chà…

Thấy tôi kết tội ghê quá, vợ tôi hoang mang:

– Em đâu có nói vậy!

– Không nói thì cũng như nói! Cô tưởng cô giỏi lắm phỏng? Thế tháng vừa rồi ai làm cháy một lúc hai cái bóng đèn, tháng trước nữa ai phơi quần áo bị đánh cắp mà không hay? Cô trả lời xem!

Vợ tôi nhún vai:

– Anh lôi những chuyện cổ tích ấy ra làm gì? Hừ, anh làm như anh không bất cẩn bao giờ vậy! Anh có muốn tôi kể ra không? Tháng trước ai mở vòi nước quên tắt để cho nước chảy ngập nhà? Anh hay tôi? Rồi trước đó nữa, ai làm mất chìa khóa tủ, phải cạy cửa ra mới lấy được đồ đạc?

Tôi khoát tay:

– Nhưng đó là những chuyện nhỏ nhặt! Còn cô, năm ngoái cô lấy mấy triệu cho bạn bè mượn bị nó gạt mất, sao cô không kể luôn ra?

– Chứ còn anh, sao anh không kể chuyện anh đi coi đá gà bị mất xe? Rồi năm ngoái, ai nhậu xỉn bị giật mất điện thoại?

Cứ như thế, như có ma xui quỉ khiến, hai vợ chồng thi nhau lôi tuột những chuyện đời xửa đời xưa của nhau ra và thay nhau lên án đối phương, không làm sao dừng lại được. Tôi quên phắt là tôi đang ốm. Vợ tôi cũng vậy. Chúng tôi mải mê vận dụng trí nhớ vào việc lùng sục những khuyết điểm tầng tầng lớp lớp của nhau. Và thật lạ lùng, có những chuyện tưởng đã chìm lấp từ lâu dưới bụi thời gian, tưởng không tài nào nhớ nổi, thế mà bây giờ chúng lại hiện về rõ mồn một và chen nhau tuôn ra cửa miệng. Từ việc tôi ngủ quên tắt tv đến việc vợ tôi mua phải cá ươn, từ việc tôi bỏ đi chơi ba ngày liền không về nhà đến việc vợ tôi đi dự sinh nhật bạn đến mười hai giờ khuya v.v…, chúng tôi thẳng tay quậy đục ngầu quá khứ của nhau và vẽ lên trước mặt mình một bức tranh khủng khiếp về đối tượng.

Trời ơi! Thế mà trước nay tôi vẫn sống chung với con người tệ hại đó! Thật không thể tưởng tượng nổi! Tôi cay đắng nhủ thầm và bùng dậy quyết tâm phá vỡ cuộc sống đen tối đó. Tôi đập tay xuống bàn, kết thúc cuộc tranh cãi:

– Thôi, tra khảo hành hạ nhau thế đủ rồi! Tóm lại là tôi hiểu rằng tôi không thể sống chung với cô được nữa! Tôi ngán đến tận cổ rồi!

Vợ tôi lạnh lùng:

– Tùy anh!

Câu đáp cộc lốc của vợ không khác gì dầu đổ vào lửa. Tôi nghiến răng:

– Được rồi! Cô chờ đấy! Tôi làm đơn xin ly hôn ngay bây giờ!

Tôi lập tức ngồi vào bàn và bắt đầu viết đơn. Ngòi bút chạy nhoáng nhoàng trên giấy với tốc độ 100km/giờ.

Viết và ký tên mình xong, tôi đẩy tờ đơn đến trước mặt vợ. Cô ta cầm bút ký rẹt một cái, thậm chí không thèm liếc qua xem tờ đơn viết những gì.

Thế là xong! Tôi tặc lưỡi và thở ra, không hiểu là thở phào hay thở dài. Cuộc đời cứ như xi-nê-ma, nhưng biết làm thế nào được!

Ký tên xong, vợ tôi đứng lên và cầm lấy ly sữa.

– Cô định làm gì đấy?

– Đem đổ đi chứ làm gì!

– Không được! Để ly sữa đấy cho tôi! Tôi phải vớt con ruồi ra, gói lại, đem đến tòa án làm bằng cớ!

Đặt ly sữa xuống bàn, vợ tôi lẳng lặng đi vào phòng ngủ, đóng sập cửa lại. Trong khi đó, tôi hì hục lấy muỗng vớt con ruồi ra.

Tôi ngắm con ruồi nằm bẹp dí trên đầu muỗng và có cảm giác là lạ. Tôi đưa con ruồi lên sát mắt, lấy tay khảy nhẹ và điếng hồn nhận ra đó là một mẫu lá trà.

From: TU-PHUNG

HÌNH ẢNH MỘT VỊ SƯ GIÀ

HÌNH ẢNH MỘT VỊ SƯ GIÀ

THƯỢNG TỌA THÍCH QUẢNG LONG (THÍCH THANH LONG)

Mùa hè năm ấy có lẽ là một mùa hè nóng bức oi ả nhất của thập niên tám mươi tại miền Bắc. Trại giam Ba Sao, Nam Hà thuộc tỉnh Hà Nam Ninh như nằm yên dưới sức nóng như thiêu đốt, ngay cả về đêm cái nóng như vẫn còn âm ỉ, mọi thứ như tỏa ra hơi nóng – những bức tường, những sàn lót gạch hung hung đỏ, cái sân tráng xi măng trước mặt, ngay cả cái ván lót trên sàn nằm cũng toát ra hơi nóng. Những người tù nhân chính trị chế độ cũ như trong một lò ngục tối trên trần gian, ban ngày thì lao động khổ sai đổ mồ hôi không phải đổi lấy bát cơm mà đổi lấy ít thức ăn độn như khoai hay sắn hay bo bo mà vẫn không đủ no, ban đêm thì cố giỗ giấc ngủ trong cái nóng như nung như đốt ấy trong cái cả nh nằm xếp hai từng như cá đóng hộp trong buồng giam. Mồ hôi lại đổ ra cho đến khi mệt lả người đi thì giấc ngủ chập chờn mới đến.

Cái nóng kinh người đã kéo dài cả tháng nay và đồng ruộng đã nứt nẻ, các em bé chăn trâu mà Trung và các bạn gặp trên đường đi lao động cũng môi khô và chui vào các bụi cây trú nắng. Các giếng nước cũng từ từ khô cạn đưa đến nạn thiếu nước trầm trọng cho cả dân chúng những làng bên ngoài lẫn những người tù khốn khổ trong trại.

Buổi trưa hôm đó cũng như mọi ngày sau khi lao động về, ăn xong phần ăn trưa ít ỏi, các người tù cố nằm giỗ giấc ngủ ngắn để lấy sức lao động buổi chiều thì thấy một vị sư già đang ngồi ngoài sân nắng trong thế kiết già cả nửa tiếng đồng hồ và mặt ngước nhìn thẳng lên trời. Những khi hạn hán thì thầy vẫn cầu nguyện như thế và sau đó chiều tối hay trước nửa đêm thể nào mưa giông cũng kéo đến. Đêm nay cũng thế, Trung cố giỗ giấc ngủ để mà mai còn sức trả cái nợ lao động nhưng không làm sao nhắm mắt được, mồ hôi trên người cứ nhỏ từng giọt như làm cho sức khỏe của anh cạn dần đi theo đêm. Anh nhớ tới thằng bạn thân nằm bên cạnh nói với anh hồi chiều rằng chỉ ước ao ông Trời cho một trận mưa chứ đã tù cả chục năm rồi cũng chẳng mơ ước xa xôi gì ngày trở về nữa.

Thế rồi, như một phép lạ những làn gió mát từ đâu từ từ thổi đến, len lỏi vào những khung cửa sổ, luồng dưới những cánh cửa buồng giam và từ xa xa vài lằn chớp nhoáng lên bên trời. Chẳng bao lâu sau thì những giọt mưa, ôi những giọt mưa cam lồ của Trời ban xuống như thêm sức mạnh cho những người tù biệt xứ lưu đày. Các buồng giam không ai bảo ai đều thức dậy và tung mùng ra để được hít thở những giây phút mát rượi của làn gió lùa vào trại giam.

Vô tình Trung nhìn xuống nơi vị sư già giam cùng buồng với anh, thầy vẫn như còn đang ngồi thiền trong mùng, mặt quay vào tường trong thế kiết già. Trung chợt hiểu và các bạn anh cũng hiểu rằng chính nhờ thầy cầu nguyện mà đã có trận mưa đêm nay. Vị sư già đó chính là Trung Tá Quyền Giám Đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo của QLVNCH – Thượng Tọa Thích Quảng Long, một người tù xuất chúng đã làm cho kẻ thù phải cúi đầu kính nể. Giang sơn của thầy cũng là một tấm chiếu, hai bộ quần áo tù, và một cái chăn đỏ Trung Quốc như mọi người và nằm một dãy với các Đại Đức Tuyên Úy khác.

Anh nhớ đến thầy Khuê, một vị Tuyên Úy Phật Giáo và Tam Đẳng Huyền Đai Nhu Đạo võ đường Quang Trung, một vị Đại Đức mà anh rất mến thương và kính trọng, đã từng nói với anh rằng nếu nói về đạo Phật, về sự tu hành thì hãy lấy thầy Long mà làm gương; đừng vì một vài vị Tuyên Úy đã không nghiêm giữ được giới răn mà hiểu lầm về đạo Phật mà mất đi niềm tin.

Anh nhớ lại câu chuyện lúc mới bước chân vào trại giam Long Thành sau khi Sài Gòn sụp đổ và hầu như mọi người đều không biết bấu víu vào đâu, niềm tin vào các tôn giáo cũng bị lung lay thì một sự việc đã xảy ra làm mọi người đều kính trọng thầy, nhất là khi biết hai tòa đại sứ bạn đã đến đón thầy đi di tản trước đó nhưng thầy đã khẳng khái chối từ và thanh thản bước chân vào trại giam.

Trong thời gian mới bị giam giữ, một hôm thầy được gọi ra làm việc để gặp hai vị sư quốc doanh là Thượng Tọa Thích Minh… và Thích Thiện… Hai vị này ra sức thuyết phục và chiêu dụ thầy để thầy ủng hộ phong trào “Phật giáo yêu nước”, và nói sẽ bảo lãnh cho thầy ra khỏi tù ngay để nhờ thầy góp công góp sức xây dựng phong trào Phật Giáo Yêu Nước này. Hai vị sư này chính là người mà Cảnh Sát Đặc Biệt thuộc lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia đã bắt giam trước năm 1975 vì hoạt động cho Cộng Sản. Thích Minh … đã bị đày ra Côn Đảo, còn Thích Thiện … thì thường được gọi là Ôn TĐ. Sau đó chính Thượng Tọa Thích Quảng Long là người đã đứng ra bảo lãnh cho họ ra khỏi tù để ăn năn hối cải mà trở về lại con đường tu hành vì họ đã bị lộ hình tích. Không ngờ ông trời trớ trêu để có ngày họ lại đến trại Long Thành và đối đầu với thầy trong hoàn cảnh đặc biệt này của đất nước.

Thầy nhìn hai vị sư quốc doanh kia và từ tốn chậm rãi nhưng thật cương quyết thầy nói:
“Các ông đã dựng nên cái phong trào “Phật Giáo yêu nước” ấy thì các ông cứ tiếp tục công việc mà các ông đã làm, còn tôi là một Tuyên Úy trong quân đội và tôi sẽ theo chân các Phật tử trong các trại giam, họ đi đến đâu thì tôi cũng sẽ đi đến đấy với họ cho tới cùng. Thôi các ông về đi”.

Và sau đó thầy chấp nhận việc chuyển trại ra Bắc mở đầu cho một quãng đời biệt xứ lưu đày.
Những ai có may mắn gặp thầy trong trại giam thầy đều kính trọng vị sư già này, người mà lúc nào cũng như mỉm cười, hòa nhã, giản dị, khiêm tốn và giúp đỡ tất cả mọi tù nhân mỗi khi thầy có phương tiện.

Năm 1976, thầy cùng một số Tuyên Úy chuyển trại từ Nam ra Bắc và bị giam giữ tại trại 1 Sơn La hay còn gọi là trại Mường Thái là nơi mà trước kia Pháp đã từng giam giữ những tù nhân bị án lưu đày. Năm sau thì thầy có tên trong số những tù nhân di chuyển về trại Yên Hạ, trại giam này nằm dưới thung lũng và bao vây chung quanh bởi những dãy núi đá vôi, thuộc huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Trại Yên Hạ là nơi chuyên giam giữ những tử tội hình sự cướp của giết người mà đã được nhà nước “khoan hồng” tha cho tội chết.

Chỉ hơn một năm sau thì các tù nhân này dần dần kiệt sức vì lao động khổ sai, thiếu dinh dưỡng, thiếu ăn nhất là thiếu chất mỡ và đường, và vì khí độc từ dãy núi đá vôi phả vào từ chung quanh. Bởi thế chỉ sau một thời gian ngắn chuyển trại từ trong Nam ra ngoài Bắc, ai nấy đều gầy như bộ xương còn biết đi. Khi đi lao động hay đi trở về trại, người ta chỉ thấy những bộ quần áo tù phấp phới bay mà chẳng thấy da thịt đâu. Thế rồi sau bốn năm trời giam cầm và lưu đày, một số những người tù lần đầu tiên được nhận một gói nhỏ tiếp tế cực kỳ quí giá từ gia đình trong Nam gửi ra, một số khác thì vẫn chưa nối lại được sợi dây với gia đình trong Nam.

Trong gói nhỏ mà các Phật tử gởi cho thầy Long có 15 cục đường móng trâu, lúc đó ai mà có được 5 cục đường như thế thì đã là thần tiên rồi, nhưng thầy từ từ đem ra phân phát hết 15 cục đường quí giá đó cho những người cùng buồng. Ưu tiên những tù nhân nào mà đã kiệt lực thì được một cục, những người đau ốm khác thì mỗi người được nửa cục mà thôi, còn riêng thầy thì không có một miếng đường nào hết. Những người tù này khi nhận được cục đường từ tay thầy phân phát đã không cầm được nước mắt trước tấm lòng vị tha, quảng đại vô biên của một vị sư mà tâm đã định và huệ đã ngời sáng.

Thầy cũng không thoát được những vụ hỏi cung, một hình thức tra tấn tinh thần những người tù khốn khó này trong trại giam. Một tên cán bộ từ Hà Nội vào với mái tóc hoa râm có vẻ là một viên chức cao cấp thuộc Bộ Nội Vụ đã hỏi cung thầy trong ba ngày liên tiếp. Hắn vứt cho thầy tờ giấy để tối về khai báo những tội lỗi đã chống đảng, nhà nước và nhân dân trước kia khi hoạt động ở Sài Gòn cho Nha Tuyên Úy Phật Giáo của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Sáng hôm sau, khi kêu ra làm việc tiếp tục, thầy đã nộp bản khai báo cho hắn, vừa xem xong thì hắn đùng đùng nổi giận ném tờ khai xuống bàn và quát tháo:
“Anh khai báo thế này hả? Tại sao anh lại chép Chú Đại Bi vào đây? anh muốn tù rục xương ra không?”.

Vẫn thái độ bình tĩnh và từ tốn của một vị cao tăng thầy chậm rãi trả lời:
“Thì đây chính là những gì mà tôi đã làm và đã tụng niệm khi xưa, có thế thôi!”.
Hắn với vẻ mặt hầm hầm liệng cho thầy một tờ giấy khác để khai báo lại một cách thành khẩn để được sớm khoan hồng. Sáng ngày hôm sau, thầy nộp cho hắn một tờ thứ hai và trên tờ đó thầy chép lại thật nắn nót bài Kinh Bát Nhã. Đến đây thì hắn nổi điên lên và mạt sát thầy thậm tệ và đe dọa rằng thầy sẽ tù mọt gông và đừng mong sẽ được hưởng lượng khoan hồng. Thầy ung dung trả lời rằng:
“Các ông cứ việc giam giữ tôi bao lâu cũng được, tôi chỉ xin các ông hãy thả hết những người tù chính trị chế độ cũ mà các ông đang giam giữ mà thôi”.

Từ đó đến sau, chúng ít khi kêu thầy ra hỏi cung nữa cho đến mãi năm 87, trước khi có một đợt thả lớn tại trại Ba Sao Nam Hà thì trong các vị Tuyên Úy bị hỏi cung có tên thầy. Nhưng đặc biệt lần này chúng gọi thầy bằng thầy chứ không gọi là anh như trước nữa, tuy nhiên chúng vẫn dụ dỗ thầy nhận tội để được khoan hồng. Thầy trả lời rằng các ông cứ thả hết các ông đại đức tuyên úy ra đi vì họ chẳng có tội lỗi gì hết tất cả đều do tôi và họ đều làm theo chỉ thị của tôi hết, muốn gì thì cứ giữ tôi ở lại đến bao lâu cũng được. Chúng đành chào thua và chỉ vài tháng sau thì thầy có tên trong danh sách được thả ra khỏi trại cùng với tất cả các đại đức và những vị mục sư linh mục khác trong các Nha Tuyên Úy quân đội.

Thầy ở tù mười hai năm, một năm trong Nam và mười một năm lưu đày trong những trại giam được dựng lên nơi rừng thiêng núi độc miền Bắc.

Về miền Nam, thầy trở lại chùa Giác Ngạn trên đường Trương Minh Ký cũ ở Sài Gòn để lại lo Phật sự, cúng kiến giúp đỡ các gia đình Phật tử. Khi đi đâu tụng kinh thầy vẫn đơn sơ trong chiếc áo nâu sòng và phe phẩy chiếc quạt đã sờn rách và môi luôn nở nụ cười hiền hậu giống như một ông già nhà quê chất phát hiền lành.

Chùa Vĩnh Nghiêm có vời thầy ra nhưng thầy vẫn ở lại Giác Ngạn – ngôi chùa mà thầy góp công xây dựng lên và trụ trì cho tới khi mất nước – cho tới khi thầy viên tịch vài năm sau đó.

Vũ Ánh Oakland, CA

From: Helen Huong Nguyen

Phi độ Linh Dương

Phi độ Linh Dương

Tôi đã từng chứng kiến một cái chết bi hùng dị thường, chính vì sự chứng kiến tử vong này, làm rung động sâu sắc đến linh hồn tôi, từ đó, tôi không và tuyệt đối không sát hại những sinh linh dù là một sinh linh bé bỏng…  

Trong một lần săn bắn Linh Dương (Himalayan goral), một loài giống như sơn dương, chúng thích chạy nhẩy, đùa cợt với nhau khi ăn cỏ, tính tình chúng hiền hòa, cân nặng thường là hơn 30kg, là một con vật mà dân đi săn thích săn bắn nhất.

Hôm ấy, chúng tôi bao vây dàn trận, lùa khoảng hơn 60 con Linh Dương đến bên bờ vực thẳm của dãy núi Bulang (Bulang Mountain), với ý định để chúng ngã xuống vực, rồi xuống nhặt xác, đỡ tốn đạn.

Khi đã dồn chúng đến bên bờ vực, chúng tôi chờ đợi khoảng 30 phút để xem chúng nhẩy xuống vực, nhưng, bỗng chốc một con Linh Dương già cất tiếng hú lớn, cả đội ngũ Linh Dương lập tức chia ra làm hai hàng, một bên là những con Linh Dương già, một bên là những con còn non trẻ, chúng tôi hết sức ngạc nhiên, không hiểu sao chúng lại chia nhau ra như vậy?

Khi ấy, bên đội Linh dương già bước ra một con dê đực, lông của nó mọc dài đầy cổ và thân, trên khuôn mặt nó những nếp nhăn ngang dọc, hai chiếc sừng đã vặt vẹo tàn tích, không còn nguyên vẹn, nhìn thì cũng nhận ra đây là một con Linh Dương đã quá già cỗi. Nó bước ra khỏi đội ngũ, quay sang nhìn bên đội trẻ, kêu lên một tiếng” Yee…”, một con dê ( Linh Dương) trẻ măng chừng hơn một tuổi đời kêu đáp lại một tiếng rồi bước ra…

Một con dê già, một con dê trẻ đi gần đến bên vực thẳm, nhưng rồi chúng lại lùi lại một khoảng cách. Bỗng con dê trẻ tung vó phi nước đại, cùng lúc ấy, dê già cũng dương vó thần tốc đuổi sau. Chú dê con chạy đến bờ vực thì lao mình phóng sang bờ bên kia vực. Dê già cũng cất bước lao theo sau, hai con dê một già một trẻ phóng ra với một thời gian chỉ chênh nhau chút ít, biên độ phi ra cũng chênh nhau chút ít, con dê già vọt theo hơi thấp với con dê trẻ, một trước một sau, một trên một dưới.

Tôi kinh hãi nghĩ rằng, sao tự sát cũng phải kết đôi? Hai con dê này chỉ có mọc cánh mới có thể bay sang bên kia vực được, còn không thì tuyệt đối không thể được. Khi dê con phi ra được chừng 4,5 mét, thân thể bắt đầu rơi xuống, không gian lượn ra thành một hình cung kinh hồn, tôi nghĩ, chỉ còn vài giây, nó sẽ không tránh khỏi rơi xuống vực thẳm. Đột nhiên kỳ tích xuất hiện, dê già với kỹ thuật bay nhẩy thuần thục, trong lúc dê con rơi xuống, thân thể của dê già đã nằm ngay dưới chân dê con. Dê già nắm bắt được thời cơ rất chuẩn xác, khi thân thể nó hứng được bốn vó của dê con thì độ rơi hình cung nằm ở vị trí cao nhất, không khác gì hai phi thuyền đấu nối nhau trong không gian, dê con sau khi chạm được lên lưng dê già thì bốn vó của nó nhờ vào cái đệm của lưng dê già, nhún mạnh bay lên không trung, thân thể đang rơi bỗng chốc đổi hướng bay cao vừa vặn rơi sang bờ bên với cự ly chỉ độ 2 mét. Nó nhanh chóng chạy biến đi sau một tảng đá ven bờ. Còn dê già như một tên lửa đã hết năng lượng, tự động tách khỏi phi thuyền, thậm chí nó còn thê thảm hơn vỏ tên lửa, như một con chim ưng bị gãy cánh, rơi tự do xuống vực thẳm…

Chuyến nhảy thử đầu tiên đã thành công, tiếp theo, từng đôi, từng đôi Linh Dương già trẻ lao đến bên vực, không gian của vùng núi này hiện lên từng đường, từng đường cung liên tiếp nhìn đến hoa mắt, rồi thì những con dê non bay sang bờ kia an toàn, xác của những con dê già rơi lã tã…  

Thật khó tưởng tượng, trực diện với sự hủy diệt tận gốc của gia tộc, Linh Dương lại nghĩ ra một biện pháp hy sinh một nửa để đánh đổi sự sống của một nửa. Tôi càng không nghĩ đến là sự điềm nhiên đối mặt với cái chết của các con dê già – Tâm can tình nguyện hiến dâng sinh mệnh của mình cho thế hệ sau mở ra một con đường sinh tồn.   

Sự thật làm thức tỉnh lương tri, chấn động mạnh mẽ linh hồn tôi, tôi thề sẽ không bao giờ sát hại sinh mệnh nữa.

Gia Nguyễn chia sẻ từ Peter Pho (Copy FB Gia Nguyễn)

Image may contain: one or more people, outdoor and nature

Tìm tình yêu.

Câu chuyện có cái châm biếm nhưng khá thực và buồn của nó là ngay ở thiên đàng God phải mất bốn năm mới kiếm ra một linh mục. Tìm ra một luật sư? Coi bộ không biết bao nhiêu năm!

Tìm tình yêu.

Một người đàn ông sống cả đời trong cô đơn, không tìm được tình yêu.

Lúc 96 tuổi ông ấy mất và được lên thiên đàng.

Cùng lúc ấy, một người đàn bà cũng sống cả đời cô độc, không có tình yêu.

Lúc 102 tuổi bà ấy mất và được lên thiên đàng.

Như một sự tình cờ, cả hai gặp nhau tại thư viện trên thiên giới, nhận ra cả hai đều có chung một đam mê đối với sách vở, họ bắt đầu kể chuyện cho nhau nghe và tuyệt vời thay, sau cả cuộc đời sống không có niềm vui, họ đã tìm được tình yêu.

Hai ông bà đến gặp Chúa để xin được cưới nhau. ” Cho Ta một thời gian”, Chúa bảo, “và Ta sẽ trở lại với các con. Chuyện này quá bất thường”.

Bốn năm trôi qua, sau khi ông bà đã kiên nhẫn chờ đợi, cuối cùng Chúa trở lại nói với người đàn ông và người đàn bà rằng Ngài có thể cho họ lấy nhau.

Vài thế kỷ sau người đàn ông và người đàn bà không còn thấy yêu nhau nữa.

Họ đến gặp Chúa và buồn rầu xin được phép ly dị.

Chúa trả lời: Ta đã mất bốn năm để kiếm ra được một linh mục trên thiên đàng. Các con nghĩ Ta phải mất bao lâu nữa mới tìm ra được một luật sư ở chốn đây?!

———–
Finding love
A man spent all his life alone, finding no love.
At age 96, he dies and goes to heaven.
At the same time, a woman spent all her life alone, finding no love.
At age 102, she dies and goes to heaven.
As chance has it, they both meet at the heavenly library, discovering they both have a deep love for books, they start talking and amazingly enough, after a lifetime of unhappiness, fall in love.
They walk up to God and ask to be married. “Give me some time,” Says God, “and I’ll get back to you. This is quite extraordinary.”
Four years pass, and after the couple waited patiently, God finally tells the man and woman that he can have them married.
A few centuries pass and the man and woman fall out of love.
They approach God once more and this time they ask, sadly, for a divorce.
God responds: “It took me four years to find a priest in this place. How long do you think it’ll take me to find a lawyer?!
Image may contain: outdoor and nature

QUÍ KHÁCH ĐẶC BIỆT

QUÍ KHÁCH ĐẶC BIỆT

Một ông lão ăn mày quần áo rách rưới, đầu tóc bù xù, bốc mùi hôi khó chịu, dừng chân trước một tiệm bánh ngọt. Những vị khách mua hàng đứng bên cạnh đều bịt mũi, nhíu mày, tỏ vẻ vô cùng khó chịu với ông lão.

Nhân viên bán hàng quát to: “Đi ngay chỗ khác! Đi ngay đi!”.

Người ăn mày lập cập lấy ra mấy đồng tiền lẻ cáu bẩn: “Tôi đến mua bánh ngọt! Xin hỏi loại nào là nhỏ nhất?”.

Từ bên trong, ông chủ tiệm rảo bước ra ngoài, niềm nở lấy một chiếc bánh ngọt nhỏ xinh từ trong tủ kính, đưa cho người ăn mày. Sau đó, ông chủ cúi gập người: “Cảm ơn quý khách đã chiếu cố mua hàng! Hoan nghênh quý khách lần sau lại tới!”.

Người ăn mày đón chiếc bánh từ ông chủ, mặt hiện rõ vẻ kinh ngạc, vội quay người rời khỏi tiệm bánh. Trong đời mình, dường như ông chưa từng được đối xử tôn trọng đến vậy!

Cháu trai ông chủ tiệm bánh chứng kiến toàn bộ sự việc, vô cùng thắc mắc, bèn hỏi: “Ông nội! Sao ông lại niềm nở với người ăn mày bẩn thỉu đó như vậy ạ?”.

Ông chủ tiệm bánh mỉm cười hiền từ: “Một người ăn mày cũng vẫn là khách hàng của chúng ta. Để mua bánh ngọt của cửa hàng chúng ta, ông ấy đã không tiếc tiêu những đồng tiền phải trải qua bao nhiêu vất vả mới kiếm được. Nếu ông không tự mình phục vụ ông ấy thì sao có thể xứng với sự ưu ái người ăn mày ấy dành cho chúng ta đây?”.

Cháu trai ông chủ lại hỏi: “Đã vậy thì vì sao ông vẫn còn lấy tiền của ông ăn mày ấy ạ?”.

Ông chủ cười đáp: “Hôm nay, ông ấy đến đây với tư cách là khách, chứ không phải đến để ăn xin cháu ạ! Đương nhiên, chúng ta phải tôn trọng ông ấy chứ! Nếu như ông không lấy tiền thì chẳng phải đã làm nhục ông ấy rồi sao? Nhất định cháu phải nhớ kỹ điều này, hãy tôn trọng từng khách hàng, bất kể họ là ai, ngay cả đó là một người ăn mày. Bởi tất thảy những thứ chúng ta có được hôm nay đều là do khách hàng mang lại”…

Chủ tiệm bánh nọ chính là ông nội của tỷ phú Nhật Bản Yoshiaki Tsutsumi. Về sau, Tsutsumi đã kể lại rất nhiều lần câu chuyện này cho nhân viên.

Sưu tầm

Image may contain: 1 person, standing and outdoor

THẾ NÀY THÌ CÒN DÁM LY HÔN NỮA KHÔNG?

Image may contain: 3 people, people standing

Xuân Thu to CHIA SẺ NIỀM VUI NỖI BUỒN TRONG CUỘC SỐNG ✅

THẾ NÀY THÌ CÒN DÁM LY HÔN NỮA KO 🤣🤣

Sáng nay em đi dự phiên tòa xét xử ly hôn và cái kết thật bất ngờ cả nhà ạ..
Chuyện là anh chồng có bồ và muốn cưới cô bồ nên làm đơn ly hôn vợ …cô vợ không có tài sản gì và cũng không có việc làm ổn định nên không được quyền nuôi con… Tòa hỏi cô vợ…
– Chị có ý kiến gì không..?
Cô vợ vừa khóc vừa nói…
– thưa tòa , em không có ý kiến gì , chỉ xin tòa bắt anh ấy trả tiền cho em thôi..
– Tiền gì..?
– Dạ… Thứ nhất là tiền cái màng mỏng mỏng ạ…
Vào thời điểm đó cái màng ấy có giá năm mươi triệu …còn bây giờ giá bao nhiêu em chưa cập nhật nên chưa biết ạ…
Thứ hai là tiền tăng ba … Ảnh là mối ruột lại là khách hàng thân thiện nên em tính giá hữu nghị cho ảnh 200k một đêm thôi ạ… Với thời gian là hai mươi năm …
Thứ ba là tiền đẻ thuê… Thời điểm đó bé gái có giá một trăm triệu… Bé trai một trăm năm mươi triệu ạ… Em đẻ cho ảnh ba đứa ạ…
Thứ tư là tiền osin. ..tiền lương o sin bây giờ là sáu triệu một tháng, bao ăn ở… Em được thuê lâu năm với lại có trước có sau nên em tính đổ đồng cho ảnh ba triệu một tháng thôi ạ… Với thời gian hai mươi năm… Dạ bi nhiêu đó thôi ạ .🌺
Anh chồng nhẩm tính toát mồ hôi hột…Vội xin tòa rút đơn ly hôn rồi quay sang vợ .
– Mình về thôi em…
Vừa đi anh chồng vừa lẫm bẫm… Hú hồn… Hú vía… Mém tí nữa là bán hết tài sản ông nội ông ngoại để lại củng không đủ trả.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa

MẸ

Liên Trà is with Cecilia Trà.
. .MẸ

Năm tôi vừa ra trường đi dạy ở miền quê hẻo lánh xa xôi …

Vào một chiều cuối thu Mẹ đã khăn gói đến thăm con . Trên tay gầy yếu của Mẹ là 1 con gà , một giỏ đựng thức ăn , (muối mè,muối sả và ít cá cơm khô )…..
Đêm hôm đó Mẹ ở lại với tôi . Trời cuối thu se lạnh . Hai mẹ con chỉ có 1 mảnh vải mỏng để làm chăn , tôi lấy đắp cho Mẹ , tôi biết rằng với thời tiết này thì mảnh vải không đủ ấm …

Tôi nằm bên Mẹ lòng ấp áp … Mẹ nói Mẹ không lạnh lắm con đắp đi , tôi vừa đùa vừa thật ,”nằm bên Mẹ con ấm lắm rồi ”

Trời vừa sáng thì Mẹ chuẩn bị về trước lúc về mẹ dúi vào tay tôi tờ 5 ngàn đồng và nói ” con mua một cái chăn mà đắp cho đủ ấm”, tôi từ chối nhưng vẫn không được…

Mẹ dắt chiếc xe đạp ra trước sân quay lại tôi mẹ nói :
Con có tiền lẽ không đưa mẹ 2 đồng lỡ xe hư mà sửa…
Tôi dạ rồi đưa mẹ 5 đồng .(lúc đó tôi cũng chỉ còn đúng tờ 5 đồng).

Mẹ lên chiếc xe đạp, dáng mẹ gầy gầy ……… Mẹ về, tôi đứng đó nhìn theo mẹ mũi tôi cay xè, nước mắt rưng rưng…
………….
Mẹ ơi
Con nhớ mẹ quay quắt ….
Cám ơn mẹ luôn bên con những lúc con khó khăn nhất trong cuộc đời …..

Liên Trà

Image may contain: sky, outdoor and nature

ĐỨC CHA VÀ CÔ TIẾP VIÊN HÀNG KHÔNG XINH ĐẸP

ĐỨC CHA VÀ CÔ TIẾP VIÊN HÀNG KHÔNG XINH ĐẸP

 

   Vào một ngày cuối năm 1965. Trên một chuyến máy bay đưa các Giám Mục người Mỹ trở về từ Ý sau khi đã dự Công Đồng Vatican 2, có một nữ tiếp viên hàng không rất xinh đẹp, tận tình và nhã nhặn phục vụ hành khách. Thế nhưng, trong suốt hành trình, cô tiếp viên hàng không trẻ đẹp này rất bực bội và rất mất tự nhiên vì có một người đàn ông, xem ra thiếu đứng đắn, cứ liên tục đảo đôi mắt chăm chú nhìn mình.

Càng đáng bất bình hơn, khi đó là một người đàn ông đã lớn tuổi. Cô lại càng khó chịu hơn, vì ngay sau đó cô được biết, người đàn ông ấy chính là Đức cha Fulton Sheen, Tổng Giám Mục thành New York, một con người nổi tiếng về khoa ăn nói, giảng dạy và đạo đức. Ngài là một Giám Mục tông đồ lừng danh nước Mỹ. Thật là quái gở không thể tưởng tượng! Một kẻ xem ra thiếu tư cách ấy, lại là con người của thành công, của sự nổi tiếng sao? Cô không hiểu nổi và thầm chê trách coi khinh vị Giám Mục già kia. Đến lúc chiếc phi cơ hạ cánh, kỳ quái thật, vị Giám Mục già bị coi là “thiếu đứng đắn” kia lại không xuống cùng lúc với các hành khách. Không hiểu ngài có toan tính gì mà lại đợi mọi người trên máy bay xuống hết, chỉ còn mỗi mình ngài là vị khách xuống sau cùng. Đã vậy, khi đến cầu thang máy bay, Đức Cha Fulton Sheen còn ghé sát mặt mình vào tai cô tiếp viên hàng không nói thầm thì những lời gì đó, ngoài cô gái, chẳng ai có thể nghe thấy…

   Câu chuyện đến đó, tưởng chừng kết thúc. Những tưởng sự khó chịu của cô gái tiếp viên hàng không rồi cũng trôi qua, cái nhìn tưởng như khiếm nhã của vị Giám Mục già rồi cũng chẳng còn ai nhớ, có chăng một ánh mắt dù khiếm nhã (theo như ý nghĩ của cô gái), thì cũng chỉ là một ánh mắt thoáng qua như bao nhiêu ánh mắt mà cô gái bắt gặp trong đời mình? Không phải thế. Mọi sự không trôi đi, không mất. 

   Bởi vào một buổi trưa, Đức Cha Fulton Sheen nghe tiếng gõ cửa, và sau đó là sự bất ngờ của Đức Cha khi ngài mở cửa. Trước mặt ngài là cô gái tiếp viên hàng không trẻ tuổi có sắc đẹp mặn mà trên chuyến bay hôm nào, đã từng có ánh mắt thiếu thiện cảm với ngài. 

  Cô gái lên tiếng chào Đức Cha và hỏi: “Thưa Đức Cha, Đức Cha có nhớ con không?” Đức Cha Fulton Sheen từ tốn trả lời: “Cha nhớ chứ. Con chính là cô gái tiếp viên hàng không trên chiếc máy bay đưa chúng tôi trở về từ Công Đồng Vatican II”. Cô gái nói tiếp: “Vậy Đức Cha có nhớ Đức Cha đã nói nhỏ vào tai con điều gì không?” Đức Cha trả lời: “Nhớ! Cha nhớ, Cha đã khen con đẹp lắm. Và cha hỏi con rằng, có bao giờ con đã cảm tạ Chúa vì Chúa đã ban cho con sắc đẹp tuyệt vời kia chưa?” Cô gái sung sướng nói tiếp: “Kính thưa Đức Cha, điều Đức Cha nói đã làm con băn khoăn nhiều. Cũng chính vì điều đó mà hôm nay con đến gặp Đức Cha. Vậy, theo ý Đức Cha, con phải làm gì để tạ ơn Chúa?” Hơi bất ngờ, Đức Cha Fulton Sheen lặng người suy nghĩ một chút. Sau đó Đức Cha dẫn cô gái tới trước tấm bản đồ thế giới treo trên tường, vẫn giọng nói ôn tồn, Đức Cha hỏi: “Có bao giờ con nghe nói tới một trại phong cùi nào ở Việt Nam mang tên là trại phong Di Linh chưa?” Cô gái ngước đôi mắt xanh như dò hỏi: “Kính thưa Đức Cha, có lần con đã đọc được trên báo. Con cũng đã được nghe ai đó kể một vài chuyện về trại cùi Di Linh.”

Đức Cha Fulton Sheen

  Đức Cha dõi mắt nhìn vào khoảng xa xăm trước mặt: “Này con, cách đây chưa lâu, cha nghe nói Đức Giám mục giáo phận Sài Gòn tên là (Maire Pierre Jean) Cassaigne (mất năm 1982 tại VN) đã từ chức Giám Mục Sài Gòn để đến phục vụ anh chị em trại phong Di Linh. Con có muốn cảm tạ Chúa bằng cách thử một lần đến trại phong Di Linh, gặp Đức Giám Mục Sài Gòn và ở lại với anh chị em bệnh phong khoảng sáu tháng không?” Quá bất ngờ trước lời đề nghị của Đức Giám Mục thành New York, cô gái không thốt lên một lời, lặng lẽ cúi chào Đức Cha rồi rút lui trong sự bàng hoàng của chính nội tâm của cô…

   Một lần nữa, người ta cứ tưởng rằng câu chuyện thật nhẹ nhàng, nhưng cũng thật mãnh liệt của Đức Cha Fulton Sheen và cô tiếp viên hàng không kia đã chấm dứt. Nhưng thật lạ lùng, chỉ bằng ấy lời đề nghị nhẹ nhàng, nhưng dứt khoát của Đức Cha, đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của cô tiếp viên hàng không xinh đẹp.

  Những tháng đầu năm 1966, người ta đọc thấy một bảng tin đáng khâm phục trên các phương tiện truyền thông của Sài Gòn: Một nữ tiếp viên hàng không rất trẻ, rất đẹp của một hãng hàng không Hoa Kỳ đã xin nghỉ nghề làm tiếp viên hàng không để đến trại phong Di Linh của Việt Nam, tình nguyện chăm sóc các bệnh nhân phong.

  Thật đẹp, đẹp làm sao. Chỉ chừng ấy lời của một vị Giám Mục khả kính thôi, tâm hồn quả cảm của một cô gái lãng du thích phiêu bồng khi chọn cho mình nghề tiếp viên, rày đây mai đó, đã có thể chấp nhận trút bỏ tất cả tương lai đẹp như chính cái vẻ đẹp của cô để sống, không phải sáu tháng, nhưng là suốt đời cho một lý tưởng cũng đẹp không kém: TẠ ƠN THIÊN CHÚA. Chỉ chừng ấy thôi, lời của một vị Giám Mục khả kính đã biến một cô chiêu đãi viên hàng không xinh đẹp thành một nữ tu. Bởi chính cô, sau một thời gian phục vụ anh chị em phong, đã tự nguyện khoác lấy chiếc áo nữ tu trong Hội Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn Việt Nam.

   Từ nay, bước vào đời sống tu trì, Người Nữ Tu, cô gái xinh đẹp ấy đã hoàn toàn trút bỏ mọi vướng bận của đời thường để yên tâm sống lý tưởng cảm tạ Chúa bằng việc phục vụ anh chị em phong Việt Nam. Người nữ tu đã từng làm tiếp viên hàng không ấy, đẹp quá. Chị đẹp, không chỉ là một sắc đẹp thân xác, mà chính là một vẻ đẹp lộng lẫy của tâm hồn. Người Nữ Tu ấy, không ai khác hơn, nhưng đó chính là Chị Louise Bannet. Chị đã tình nguyện ở lại trại phong Di Linh suốt đời. Nhưng biến cố của năm 1975 gây ra nhiều biến động, khiến Chị không thể tiếp tục ý nguyện của mình. Sau mười năm phục vụ người phong, Chị đã phải lên đường về nước. Một thời gian sau, Chị lại xin Nhà Dòng cho đi phục vụ bệnh nhân phong ở Tahiti.

Năm 1982, sau nhiều ngày bị căn bệnh ung thư quái ác hoành hành, Chị Louise Bannet đã qua đời giữa sự tiếc thương vô cùng của cộng đoàn anh chị em phong tại Tahiti. Và trong tình liên đới, cũng như trong lòng biết ơn của mình, cũng là chính lòng tiếc thương của các bệnh nhân phong Việt Nam nói chung và tất cả những ai từng sống tại trại phong Di Linh nói riêng,

VỌNG CỔ BUỒN.

… “Trong vô số người Việt Nam lưu vong hôm nay, còn được bao nhiêu người khi nhìn trong gương vẫn nhận ra mình là người Việt Nam?” (Tiểu Tử)

VỌNG CỔ BUỒN.

(Tiểu Tử)

Tôi vượt biên một mình rồi định cư ở Pháp. Năm đó tôi mới 49 tuổi, vậy mà đi tìm việc làm đến đâu người ta cũng chê là tôi già! Vì vậy, một hôm, khi chải tóc, tôi nhìn kỹ tôi trong gương. Tôi bỗng thấy ở đó có một người có vẻ như quen nhưng thật ra thì rất lạ: mắt sâu, má hóp, mặt đầy nếp nhăn trên trán, ở đuôi mắt, ở khóe môi, mái tóc đã ngả bạc cắt tỉa thô sơ như tự tay cắt lấy. Từ bao lâu nay tôi không để ý, bây giờ soi gương vì bị chê già, tôi mới thấy rằng tôi của hồi trước “Cách mạng thành công” và tôi của bây giờ – nghĩa là chỉ sau có mấy năm sống dưới chế độ gọi là ưu việt – thật không giống nhau chút nào hết. Tôi già thiệt, già trước tuổi. Cho nên, tôi nhìn tôi không ra. Từ đó, mỗi ngày tôi tập nhìn tôi một lần, nhìn kỹ, cho quen mắt!

Một người bạn làm việc lâu năm ở Côte d’ Ivoire (Phi Châu) hay tin tôi đã qua Pháp và vẫn còn thất nghiệp, bèn giới thiệu tôi cho Công ty Đường mía của Nhà nước. Không biết anh ta nói thế nào mà họ nhận tôi ngay, còn gởi cho tôi vé máy bay nữa!

Xưa nay, tôi chưa từng quen một người da đen gốc Phi Châu nào hết. Và chỉ có vài khái niệm thô sơ về vùng Phi Châu da đen như là: ở đó nóng lắm, đất đai còn nhiều nơi hoang vu, dân chúng thì da đen thùi lùi, tối ngày chỉ thích vỗ trống, thích nhảy tưng tưng v.v.. Vì vậy, tôi hơi ngán. Nhưng cuối cùng rồi tôi quyết định qua xứ da đen để làm việc, danh dự hơn là ở lại Pháp để tháng tháng vác mặt Việt Nam đi xin trợ cấp đầu nọ, đầu kia

Nơi tôi làm việc tên là Borotou, một cái làng nằm cách thủ đô Abidjan gần 800km! Vùng này toàn rừng là rừng. Không phải là rừng rậm rì cây cao chớn chở như ở Việt Nam. Rừng ở đây cây thấp lưa thưa, thấp thấp cỡ mươi, mười lăm thước coi khô hóc. Không có núi non, chỉ có một vài đồi trũng, nhưng đồi không cao và trũng không sâu

Nhà nước phá rừng trồng mía. Ruộng mía ngút ngàn! Nằm ở trung tâm là khu nhà máy, khu cơ giới, khu hành chánh, khu cư xá v.v.. Khu này cách khu kia cỡ vài cây số.

Muốn về thủ đô Abidjan, phải lái xe hơi chạy theo đường mòn xuyên rừng gần ba chục cây số mới ra tới đường cái tráng nhựa. Từ đó chạy đi Touba, một quận nhỏ với đông đảo dân cư. Từ đây, lấy máy bay Air Afrique về Abidjan, mỗi ngày chỉ có một chuyến.

Phi trường Touba nhỏ xíu, chỉ có một nhà ga xây cất sơ sài và một phi đạo làm bằng đất đỏ, mỗi lần máy bay bay lên đáp xuống là bụi bay đỏ trời !

Tôi hơi dài dòng ở đây để thấy tôi đi “làm lại cuộc đời” ở một nơi hoang vu hẻo lánh mà cảnh trí thì chẳng có gì hấp dẫn hết! Thêm vào đó, tôi là người Á Đông duy nhứt làm việc chung với Tây trắng (chỉ có năm người) và Tây đen (đông vô số kể). Ở đây, thiên hạ gọi tôi là ” le chinois” – thằng Tàu – Suốt ngày, suốt tháng tôi chỉ nói có tiếng Pháp. Cho nên, lâu lâu thèm quá, tôi soi gương rồi nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt, trông giống như thằng khùng! Chưa bao giờ tôi thấy tôi cô đơn bằng những lúc tôi đối diện tôi trong gương như vậy.

Một hôm, sau hơn tám tháng ” ở rừng” , tôi được gọi về Abidjan để họp (Đây là lần đầu tiên được về thủ đô!).
Anh tài xế đen đưa tôi ra Touba. Chúng tôi đến phi trường lối một giờ trưa.

Sau khi phụ tôi gởi hành lý, anh tài xế nói:

– Tôi ra ngủ trưa ở trong xe. Chừng Patron (ông chủ) đi được rồi tôi mới về.

Ở xứ đen, họ dùng từ “Patron” để gọi ông chủ, ông xếp, người có địa vị, có tiền, người mà họ nể nang v.v Nghe quen rồi, chẳng có gì chói lỗ tai hết!

Tôi nói:

– Về đi! Đâu cần phải đợi!

Hắn nhăn răng cười, đưa hàm răng trắng toát:

– Tại Patron không biết chớ ở đây lâu lâu họ lại hủy chuyến bay vào giờ chót, nói tại máy bay ăn-banh ở đâu đó. Máy bay cũng như xe hơi vậy, ai biết lúc nào nó nằm đường.

Rồi hắn đi ra xe. Tôi ngồi xuống một phô-tơi, nhìn quanh : hành khách khá đông, nhiều người ngồi với một số hành lý như thùng cạc-tông, bao bị, va-ly v.v Không phải họ không biết gởi hành lý, nhưng vì những gì họ đã gởi đã đủ số ký-lô giành cho mỗi hành khách, nên số còn lại họ xách tay, cho dầu là nhiều món vừa nặng vừa cồng kềnh!

Không khí nóng bức. Mấy cái quạt trần quay vù vù, cộng thêm mấy cây quạt đứng xoay qua xoay lại, vậy mà cũng không đủ mát. Thiên hạ ngủ gà ngủ gật, tôi cũng ngã người trên lưng ghế, lim dim

Trong lúc tôi thiu thiu ngủ thì loáng thoáng nghe có ai ca vọng cổ. Tôi mở mắt nhìn quanh rồi thở dài, nghĩ: “Tại mình nhớ quê hương xứ sở quá nên trong đầu nghe ca như vậy” . Rồi lại nhắm mắt lim dim. Lại nghe vọng cổ nữa. Mà lần này nghe rõ câu ngân nga trước khi “xuống hò” : “Mấy nếp nhà tranh ẩn mình sau hàng tre rũ bóng đang vươn lên ngọn khói á lam à chiều”

Đúng rồi ! Không phải ở trong đầu tôi, mà rõ ràng có ai ca vọng cổ ngoài kia. Tôi nhìn ra hướng đó, thấy xa xa dưới lùm cây dại có một người đen nằm võng. Và chỉ có người đó thôi. Lạ quá ! Người đen đâu có nằm võng. Tập quán của họ là nằm một loại ghế dài bằng gỗ cong cong. Ngay như loại ghế bố thường thấy nằm dưới mấy cây dù to ở bãi biển họ cũng ít dùng nữa.

Tò mò, tôi bước ra đi về hướng đó để xem là ai vừa ca vọng cổ lại vừa nằm võng đong đưa. Thì ra là một anh đen còn trẻ, còn cái võng là loại võng nhà binh của quân đội Việt Nam Cộng Hòa hồi xưa. Tôi nói bằng tiếng Pháp:

– Bonjour!

Anh ta ngừng ca, ngồi dậy nhìn tôi mỉm cười, rồi cũng nói ” Bonjour” . Tôi hỏi, vẫn bằng tiếng Pháp:

– Anh hát cái gì vậy?

Hắn đứng lên, vừa bước về phía tôi vừa trả lời bằng tiếng Pháp :

– Một bài ca của Việt Nam. Còn ông? Có phải ông là le chinois làm việc cho hãng đường ở Borotou không?

Tôi trả lời, vẫn bằng tiếng Pháp:

– Đúng và sai! Đúng là tôi làm việc ở Borotou. Còn sai là vì tôi không phải là người Tàu. Tôi là người Việt Nam.

Bỗng hắn trợn mắt có vẻ vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ, rồi bật ra bằng tiếng Việt, giọng đặc sệt miền Nam, chẳng có một chút lơ lớ:

– Trời ơi! Bác là người Việt Nam hả?

Rồi hắn vỗ lên ngực:

– Con cũng là người Việt Nam nè!

Thiếu chút nữa là tôi bật cười. Nhưng tôi kềm lại kịp, khi tôi nhìn gương mặt rạng rỡ vì sung sướng của hắn. Rồi tôi bỗng nghe một xúc động dâng tràn lên cổ. Thân đã lưu vong, lại “trôi sông lạc chợ” đến cái xứ “khỉ ho cò gáy” này mà gặp được một người biết nói tiếng Việt Nam và biết nhận mình là người Việt Nam, dù là một người đen, sao thấy quý vô cùng. Hình ảnh của quê hương như đang ngời lên trước mặt

Tôi bước tới bắt tay hắn. Hắn bắt tay tôi bằng cả hai bàn tay, vừa lắc vừa nói huyên thuyên:

– Trời ơi! Con mừng quá! Mừng quá! Trời ơi! Bác biết không? Bao nhiêu năm nay con thèm gặp người Việt để nói chuyện cho đã. Bây giờ gặp bác, thiệt con mừng ” hết lớn” bác à!

Rồi hắn kéo tôi lại võng:

– Bác nằm đi! Nằm đi!

Hắn lại đống gạch “bờ-lóc” gần đấy lấy hai ba viên kê bên cạnh võng rồi ngồi lên đó, miệng vẫn không ngừng nói:

– Con nghe thiên hạ nói ở Borotou có một người Tàu. Con đâu dè là bác. Nếu biết vậy con đã phóng Honda vô trỏng kiếm bác rồi! Đâu đợi tới bây giờ

Hắn móc gói thuốc, rút lòi ra một điếu, rồi đưa mời tôi:

– Mời bác hút với con một điếu.

Hắn đưa gói thuốc về phía tôi, mời bằng hai tay. Một cử chỉ mà từ lâu tôi không còn nhìn thấy. Một cử chỉ nói lên sự kính trọng người trưởng thượng. Tôi thấy ở đó một “cái gì” rất Việt Nam.

Tôi rút điếu thuốc để lên môi. Hắn chẹt quẹt máy, đưa ngọn lửa lên đầu điếu thuốc, một tay che che như trời đang có gió. Tôi bập thuốc rồi ngạc nhiên nhìn xuống cái quẹt máy. Hắn nhăn răng cười:

– Bác nhìn ra nó rồi hả?

Tôi vừa nhả khói thuốc vừa gật đầu. Đó là loại quẹt máy Việt Nam, nho nhỏ, giẹp lép, đầu đít có nét cong cong. Muốn quẹt phải lấy hẳn cái nắp ra chớ nó không dính vào thân ống quẹt bằng một bản lề nhỏ như những quẹt máy ngoại quốc. Hắn cầm ống quẹt, vừa lật qua lật lại vừa nhìn một cách trìu mến:

– Của ông ngoại con cho đó! Ổng cho, hồi ổng còn sống lận.

Rồi hắn bật cười:

– Hồi đó ổng gọi con bằng “thằng Lọ Nồi”.

Ngừng một chút rồi tiếp:

– Vậy mà ổng thương con lắm à bác!

Hắn đốt điếu thuốc, hít một hơi dài rồi nhả khói ra từ từ. Nhìn cách nhả khói của hắn tôi biết hắn đang sống lại bằng nhiều kỷ niệm Tôi nói:

– Vậy là cháu lai Việt Nam à?
– Dạ. Má con quê ở Nha Trang.
– Rồi má cháu bây giờ ở đâu?

Giọng của hắn như nghẹn lại:

– Má con chết rồi. Chết ở Nha Trang hồi Việt cộng vô năm 1975.
– Còn ba của cháu?
– Ổng hiện ở ParisTụi này nhờ có dân Tây nên sau 1975 được hồi hương. Con đi quân dịch cho Pháp xong rồi, về đây ở với bà nội. Con sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn, về đây, buồn thúi ruột thúi gan luôn!

Tôi nhìn hắn một lúc, cố tìm ra một nét Việt Nam trên con người hắn. Thật tình, hắn không có nét gì lai hết. Hắn lớn con, nước da không đến nỗi đen thùi lùi như phần đông dân chúng ở xứ này, nhưng vẫn không có được cái màu cà phê lợt lợt để thấy có chút gì khác khác. Tóc xoắn sát da đầu, mắt lồi môi dầy

Tôi chợt nói, nói một cách máy móc:

– Thấy cháu chẳng có lai chút nào hết!

Hắn nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng nghiêm trang:

– Có chớ bác. Con có lai chớ bác.

Hắn xòe hai tay đưa ra phía trước, lật qua lật lại:

– Bên nội của con là nằm ở bên ngoài đây nè.

Rồi hắn để một tay lên ngực, vỗ nhè nhẹ về phía trái tim:

– Còn bên ngoại của con, nó nằm ở bên trong. Ở đây, ở đây nè bác.

Bỗng giọng hắn nghẹn lại:

– Con lai Việt nam chớ bác!

Trong khoảnh khắc, tôi xúc động đến quên mất màu da đen của hắn, mà chỉ thấy trước mặt tôi, một thanh niên Việt Nam, Việt Nam từ cử chỉ tới lời lẽ nói năng. Tôi vói tay vỗ nhẹ lên vai hắn mấy cái, gật đầu nói:

– Bác thấy. Bây giờ thì bác thấy !

Hắn mỉm cười:

– Ở đây người ta nói con không giống ai hết, bởi vì con hành động cư xử, nói năng không giống họ. Bà nội con cũng nói như vậy nữa! Còn con thì mỗi lần con nhìn trong kiếng, con vẫn nhận ra con là người Việt Nam. Bác coi có khổ không?

Rồi nó nhìn tôi, một chút trìu mến dâng lên trong ánh mắt:

– Bây giờ con gặp bác rồi, con thấy không còn cô đơn nữa. Gặp một người giống mình, ở cái xó xa xôi hẻo lánh này, thiệt là Trời còn thương con quá!

Tôi im lặng nghe hắn nói, nhìn hắn nói mà có cảm tưởng như hắn đang nói cho cả hai: cho hắn và cho tôi. Bởi vì cả hai cùng một tâm trạng

Hắn vẫn nói, như hắn thèm nói từ lâu:

– Nhớ Sài Gòn quá nên con hay ca vọng cổ cho đỡ buồn. Hồi nãy bác lại đây là lúc con đang ca bài ” Đường về quê ngoại ” đó bác.
– Bác không biết ca, nhưng bác rất thích nghe vọng cổ.

Giọng nói của hắn bỗng như hăng lên:

– Vọng cổ là cái chất của miền Nam mà bác. Nó không có lai Âu lai Á gì hết. Nó có cái hồn Việt Nam cũng như cá kho tộ, tô canh chua. Bác thấy không? Bởi vậy, không có gì nhắc cho con nhớ Việt Nam bằng bài ca vọng cổ hết.
– Bác cũng vậy.

Tôi nói, mà thầm phục sự hiểu biết sâu sắc của hắn. Và tôi thấy rất vui mừng có một người như vậy để chuyện trò từ đây về sau

Có tiếng máy bay đang đánh một vòng trên trời. Chúng tôi cùng đứng lên, hắn nói:

– Nó tới rồi đó. Con phải sửa soạn xe trắc-tơ và rờ-mọt để lấy hành lý. Con làm việc cho hãng Air Afrique, bác à.

Rồi hắn nắm tay tôi lắc mạnh:

– Thôi, bác đi mạnh giỏi. Con tên là Jean. Ở đây ai cũng biết ” Jean le vietnamien ” hết. Chừng về bác ghé con chơi, nghen.

Bỗng, hắn ôm chầm lấy tôi siết nhẹ, rồi giữ như vậy không biết bao nhiêu lâu. Tôi nghe giọng hắn lạc đi:

– Ghé con nghe bác Ghé con

Tôi không còn nói được gì hết. Chỉ vừa gật gật đầu, vừa vỗ vỗ vào lưng hắn như vỗ lưng một người con

Khi hắn buông tôi ra, tôi thấy hai má của hắn ướt nước mắt. Tôi vội vã quay đi, lầm lũi bước nhanh nhanh về nhà ga mà nghĩ thương cho “thằng Jean le vietnamien” . Hồi nãy, nó ôm tôi, có lẽ nó đã tưởng tượng như là nó đang ôm lại được một góc trời quê mẹ

Trên máy bay, tôi miên man nghĩ đến “thằng Jean” rồi tự hứa sẽ gặp lại nó thường. Để cho nó bớt cô đơn. Và cũng để cho tôi bớt cô đơn nữa!

Bây giờ, viết lại chuyện thằng Jean mà tôi tự hỏi:
“Trong vô số người Việt Nam lưu vong hôm nay, còn được bao nhiêu người khi nhìn trong gương vẫn nhận ra mình là người Việt Nam?”
“Và có được bao nhiêu người còn mang mểnh trong lòng bài ca vọng cổ, để thấy hình ảnh quê hương vẫn còn nằm nguyên trong đó?”

Tiểu Tử

Ông Thầy Dạy Võ Đáng Phục

Ông Thầy Dạy Võ Đáng Phục

 

Hình minh họa 

Một hôm tại lớp võ của tôi tập có chuyện không vui xảy ra, đây là lần đầu tiên có cô võ sinh đã bị mất tiền từ phòng chứa đồ dành chung cho tất cả mọi thành viên của võ đường.

Nạn nhân là một huyền đai tên Cheng, nữ sinh viên năm cuối, du học sinh từ Singapore, cuối ngày hôm ấy cô đã ghé qua ngân hàng rút một số tiền lớn (khoảng $5000 Mỹ Kim) để sáng ngày mai sẽ đóng tiền cho trường cô đang theo học và lo một số việc cho gia đình. Có thể cô quá chủ quan vì suốt 3 năm theo tập tại võ đường chúng tôi chưa bao giờ có vấn đề tệ hại này xảy ra.

Trong giờ giải lao 5 phút, cô phát hiện ví tiền còn nguyên trong ngăn kéo nhưng tất cả số tiền không cánh mà bay. Hoảng hốt cô liền lớn tiếng hô mất trộm và quyết định kêu Cảnh sát và đề nghị Thầy giữ tất cả mọi người trong lớp chờ điều tra cho ra lẽ.

Lúc đó Thầy tôi – Một võ sư gốc Nhật 70 tuổi, đăm chiêu suy nghĩ. Chờ mọi người xung quanh lắng xuống ông mới ôn tồn nói:

– “Đây là lần đầu tiên trong 50 năm dạy võ của Thầy, 20 năm võ đường chúng ta được thành lập mới xảy ra chuyện không vui này, Thầy rất buồn về sự việc đã xảy ra nhưng Thầy hiểu rằng con người ai cũng có những lúc sai trái và sa đà trong việc mình làm. Là người Thầy dạy các em thì Thầy phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Thầy xin cam đoan với các em nếu hôm nay không tìm ra được số tiền đó thì Thầy xin đứng ra gởi lại số tiền cho người mất. Tuy nhiên nếu có người lấy cắp số tiền trên tại võ đường này thì chắc chắn phải là học trò thương yêu nào đó của Thầy… Thầy xin em Cheng cho Thầy giải quyết theo cách của Thầy nhé”.

Trong đám võ sinh lố nhố, người im lặng, có người buồn, có đứa giơ tay đề nghị phải làm cho ra lẽ, cứ việc gọi Cảnh sát đến điều tra ra trắng đen v.v.. Thầy đưa tay đề nghị mọi người giữ im lặng để Thầy nói:

– “Thầy xin lỗi tất cả trước và đây là cách giải quyết của Thầy, không cần gọi Cảnh sát làm gì. Xin tất cả ra sân đứng sắp hàng không thiếu một ai. Chút nữa từng người một bước vào võ đường một mình trong vài phút, nếu ai lỡ mượn tiền bạn mình mà chưa xin phép thì cứ lấy ra bỏ lại vào ví cho bạn và tất cả ra đây sắp hàng lại nhé. Người cuối cùng vào xem lại ví tiền sẽ là em Cheng. Tuy nhiên trước hết xin cho Thầy, cô Cheng cùng một võ sinh lớn tuổi nhất trong lớp chúng ta vào xem nơi mất tiền vài phút nhé”.

Thầy và cô gái mất tiền, vị võ sư đàn anh của chúng tôi cùng vào nơi để chiếc ví trở ra, sau đó từng tự người một đi lặng lẽ vào bên trong võ đường. Hơn 1 giờ mọi người đi vào và ra, đúng như dự kiến của Thầy số tiền đã được ai đó trả lại ngay vào trong ví của người mất, cô gái mất tiền cũng thở phào khi tìm lại được đầy đủ những gì cần thiết.

Mọi người cảm thấy nhẹ nhàng, nhưng nhìn sâu trong mắt mọi người dường như ai đó cũng có chút tâm trạng.

Trong suy nghĩ của tôi: Nếu như Thầy đồng ý gọi sở cảnh sát thì người bạn lấy trộm số tiền từ chiếc ví kia chắc chắn sẽ phải nhận sự trừng phạt của pháp luật. Việc trừng trị tội phạm không có gì là sai, nhưng nó lại khiến một người nào đó mãi mất đi cơ hội sửa sai, chuộc lại lỗi lầm, làm lại từ đầu. Những gi Thầy làm đã giúp tìm được tài sản của học trò mình mà còn cho người học trò khác một cơ hội hoàn lương. Nhận được sự tha thứ, khoan dung, kẻ trộm kia có lẽ từ đây cũng sẽ hồi tâm chuyển ý, sống cuộc đời ý nghĩa hơn.

Tuy nhiên – Tại sao trong ánh mắt mọi người có chút lệ? Tôi tin là mọi người cũng như tôi, ai cũng đã thấy khi vào nơi mất tiền. Một bao thư đóng kín còn nguyên đã được đặt trên ghế có ghi chú bằng mực đen bên ngoài và một tờ giấy ai đó viết vài chữ nguệch ngoạc cũng bằng tiếng Anh.

“ĐÂY LÀ SỐ TIỀN THU PHÍ THÁNG NÀY, TRONG CÁC CON AI KẸT TIỀN CỨ LẤY, KHÔNG CẦN TRẢ LẠI THẦY…” trên bao thư.

Tờ giấy bên cạnh: “CON XIN LỖI THẦY & MỌI NGƯỜI, CON KHÔNG DÁM NHẬN SỐ TIỀN CỦA THẦY. NHƯNG CON HỨA SẼ KHÔNG BAO GIỜ LÀM NHƯ THẾ NỮA…”.

@ OSU 

  • Vũ Nguyên Đặng Công Hùng