Lễ kính Thánh Gia thất – Cha Vương

Chúc bình an! Hôm nay Giáo Hội mừng lễ kính Thánh Gia, cầu mong gia đình bạn luôn hạnh phúc và bền vững trong Chúa Ki-tô, thánh cả Giuse, và Mẹ Maria nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 30/12/2022

TIN MỪNG: Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” (Mt 2:13)

SUY NIỆM: Gia đình nào cũng gặp những khó khăn, khủng hoảng trong đời sống, do công ăn việc làm khó khăn, con cái hư hỏng, cha mẹ bất hoà… Phương thế vượt qua không phải là giận ghét, bạo lực, nghi kỵ, nhưng là TÌNH YÊU, tình yêu dựa trên đức ái. Chỉ có tình yêu mới “cứu vãn” được gia đình, một tình yêu dựa trên lòng đạo đức, vâng giữ điều răn Chúa dạy. Mời bạn suy niệm lời của Thánh Phaolô nhắc nhở bạn về đời sống gia đình theo tinh thần của Chúa. Đừng để tinh thần của thế tục lừa dối Bạn nhé. “Thưa anh em, anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân. Ước chi lời Đức Ki-tô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su, và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha. Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. [Xin lưu ý: Quan niệm văn hóa thời bấy giờ trong đó vợ phải phục tùng chồng, con cái phục tùng cha mẹ, và nô lệ phục tùng chủ nhân của họ. Nhưng câu này không phải thế, Thánh  Phaolô đề cập tới việc phục tùng lẫn nhau hơn là sự cầm quyền của đối tượng này trên đối tượng khác, “hãy coi ai là ‘boss’ của ai nè”. Vợ chồng, vì thế, sẽ phục tùng lẫn nhau khi mỗi bên bắt chước tình yêu tự hiến của Đức Ki-tô đối với Hội Thánh. “Vì lòng kính sợ Đức Ki-tô, anh em hãy phục tùng lẫn nhau” (5:21)] Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.” (Côlôsê 3:12-21)

Câu/chữ nào đánh động bạn nhất, tại sao? Hãy chia sẻ cảm nghĩ của bạn với vợ, chồng, con, bạn bè, v.v… trong gia đình.

LẮNG NGHE: Thiên Chúa đã xuất hiện trên mặt đất và sống giữa loài người chúng ta. (Br 3,38)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giêsu, gương mẫu của gia đình Thánh Gia dạy cho con biết tất cả hạnh phúc gia đình đều bắt nguồn từ việc tuân hành thánh ý Chúa. Xin cho các bậc phụ huynh và những người con cháu trong gia đình luôn biết chu toàn bổn phận của mình để gia đình được hạnh phúc, Thiên Chúa được vinh danh, xã hội luôn an bình.

THỰC HÀNH: Tránh ngôn từ dằn vặt, chỉ trích xem ai là người có lỗi trong gia đình, và hãy dặn lòng tập sống khoan dung hơn.

From: Đỗ Dzũng

Tan vỡ ở tuổi bạc đầu

 Giận giữ như sóng ngầm…

“Mấy chục năm ở chung, tôi chỉ biết sống cho ông, cho các con. Giờ gần cuối đời rồi, hãy để tôi được sống cho mình”. Đó là lời tuyên bố lạnh lùng, cay nghiệt mà bà Hương đã nói với ông Bình trước khi dọn ra ở riêng.

Ngày còn trẻ, ông bà ra sức làm lụng, tích góp mua bằng được 2 cái nhà nghĩ để sau này cho hai cậu con trai. Nhưng khi các con học hành thành tài, chúng đều chọn thành phố làm nơi định cư. Ờ, thì tụi nhỏ chọn nơi phố hội làm chỗ cắm dùi cũng là quy luật tự nhiên, làm sau ông bà có thể cản chúng được. Mai này có thêm cháu chắc, tụi nó cũng sẽ có thêm cơ hội học hành thăng tiến hơn cái vùng quê nghèo này… Tự an ủi mình như thế, hai ông bà thấy phần nào nhẹ bớt buồn phiền và cũng dần quen với sự quạnh hiu, vắng vẻ.

Mọi việc nhà bà Hương, ông Bình cứ diễn ra suôn sẻ, chúng chỉ thực sự xáo trộn khi ông Bình chính thức nghỉ hưu. Suốt hơn 40 năm làm công chức trong vị thế của một trưởng phòng của mười mấy nhân viên. Ông ho một cái mọi người đã sợ, hôm nào ông không vui họ đã run… thì nay khi về hưu, cứ đi ra đi vào trong căn nhà quạnh quẽ, ông Bình thấy mình thành thừa thãi nên đâm ra hay cáu giận. Quen cung cách của một người làm sếp, bữa cơm nào bà lỡ tay nấu mặn là ông lập tức cằn nhằn. Ấm trà uống dở bà quên pha mới cũng trở thành nguyên cớ để ông bực bội…

Còn bà, suốt mấy mươi năm làm vợ đã quen với cảnh chồng sáng đi chiều về, bà ở nhà nuôi con, trồng rau nuôi gà, cơm nước… nên vợ chồng ít có thời gian ở bên nhau nên cũng ít cãi vã, kể cả việc ông đôi lần ‘trăng gió’. Vậy mà giờ đây, khi đã lên chức bà nội, bà Hương lại bị “soi mói” bởi ông chồng khó chịu. Bà cảm thấy mình như trở lại thời mới về làm dâu cứ co ro, khúm núm trước mẹ chồng. Thế là những uất ức bà mang chịu từ lâu nay bỗng ùa về.

Buồn bực và bất mãn, bà Hương cũng bắt đầu đá thúng đụng nia, lườm nguýt, chống đối chồng. Chỉ cần ông nói “Canh hơi mặn”, bà sẵn sàng nói ngay: “Có người nấu cho ăn là may lắm rồi. Những cô người tình thời trẻ của ông có còn bên ông thế này không?”.

Cứ thế, ông bà giống như mặt trăng, mặt trời. Ngày xưa khi ông bà còn trẻ, còn nhiều mối lo chung cho tương lai con cái, vẫn còn chia sẻ với nhau niềm vui thể xác… thì mọi bất đồng đều trở thành chuyện nhỏ. Nhưng nay khi con cái phương trưởng, khi những mối lo chung cũng như niềm vui thể xác không còn, ông bà trở thành 2 dấu lặng trái chiều.

Ngày bà quyết định dọn qua căn nhà thứ 2 ở. Cả ông và mấy đứa con chỉ nghĩ bà ra trông coi nhà cửa ít hôm thôi. Hôm chúng dẫn khách về quê ra tìm bà về cho đông đủ thì bà giận dỗi: “Mấy đứa con về đi, nói là tao bận không về”. Tưởng bà giận vì con ít thăm hỏi, chúng thuyết phục “xin nể mặt khách”, bà đành về.

Nhưng vừa chạm mặt ông thì hai bên đã muốn cự cãi nhau. Bắt đầu là câu nói của ông: “Hội phụ nữ gửi giấy mời cho bà, lần sau bà bảo họ gửi sang địa chỉ nhà kia nha”. Bà nổi sùng: “Ông yên tâm, tôi không làm phiền gì tới ông nữa đâu”. Khách khứa của con ngơ ngác, ái ngại, con cái thì được phen xấu hổ, bữa cơm hôm đó diễn ra nặng nề, không khí căng thẳng phả ra từ nét mặt “hình sự” của hai “tấm gương” cao nhất trong nhà.

Lúc khách khứa ra về, con cái họp bàn khuyên giải, thì bà tuyên bố: “Thực ra tao đâu phải ra đó trông nhà, tao và ông ấy ly thân”. Anh con trai lớn ngà ngà men rượu, lại phẫn uất vì xấu hổ nên cứ kêu trời: “Ba mẹ làm gì kỳ cục vậy. Hồi trẻ không sao, giờ già hết cả rồi lại đòi ly thân. Đúng là không còn ra thể thống gì”.

Nghe con trách móc, bà bật khóc bỏ đi một mạch ra khỏi nhà: “Mẹ đã vì anh em mày mà chịu đựng ông ấy gần hết đời. Giờ mấy con đã lớn, tự gây dựng được danh tiếng, ai thèm chấp người già. Giờ mẹ muốn sống cho mẹ. Không có cái nhà kia thì mẹ cũng ngăn đôi cái nhà này ra, chứ nhất định không sống chung nữa”.

Người già khó cứu

Lý giải cho tình cảnh cắn đắng nhau của các cặp vợ chồng già, các chuyên gia tâm lý cho biết nguyên nhân chính thường xuất phát từ những mâu thuẫn khi họ còn trẻ nhưng cố chịu đựng nhau. Khi về già, những sợi dây liên kết ngày mong manh dần, khiến họ chỉ muốn sổ lồng vì:

Tình dục: Là yếu tố cơ bản, đặc trưng phân biệt một cặp vợ chồng với những người có mối quan hệ khác dưới một mái nhà. Khi mâu thuẫn, vợ chồng trẻ còn ham muốn nhau sẽ dễ dàng dùng sex để làm lành. Nhưng về già, chuyện lệch pha hoặc cả hai cùng hết ham muốn thì chỉ càng khiến họ muốn “tách” rời nhau.

Con cái: Là sợi dây chỉ ra cái chung vĩnh cửu nhất của hai người trong hôn nhân. Nên khi con cái còn nhỏ, trông chờ vào bố mẹ thì họ nín nhịn nhau, đôi khi có người chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng, niềm vui riêng vì chúng. Nhưng khi cha mẹ bạc đầu, con cái phương trưởng, chúng đã tự lập có mối quan tâm riêng thì đó chính là lúc cái tôi của họ người già bùng phát. Theo phân tâm học thì từ 60 tuổi trở đi, con người ta nhìn lại quá khứ để tổng kết. Do đó họ muốn “phục thù” hoặc “tự giải phóng” mình.

Công việc: Đây cũng là một vấn đề lớn khiến các cặp vợ chồng trẻ, trung niên “ít còn thời gian” để cãi nhau. Họ cùng mải lo cho những tham vọng thăng tiến nên cố giữ hôn nhân để ổn định. Có người giữ hôn nhân để lấy danh tiếng, tạo thuận lợi cho công việc. Nhưng khi về già, họ “không còn gì để mất” mới muốn ly hôn, giải thoát mình.

Thay đổi tâm tính: Về già tinh thần suy giảm và sự trái tính, trái nết kéo theo sức khỏe kém khiến họ kém chịu đựng, dễ nổi nóng. Vì vậy với những cặp vợ chồng có tình trạng này thì càng dễ cau có, tranh cãi.

Tình cảnh chung

– Hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác phải đối mặt với sự đổ vỡ, tranh cãi, ly hôn của những cặp đã qua 20 năm chung sống ngày càng tăng.

– Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc, tỷ lệ này ở Nhật những năm đầu thế kỷ 21 được cho là “ngang ngửa” với cặp vợ chồng trẻ.

– Số người Mỹ trên 60 tuổi, thậm chí 90 tuổi vẫn gia nhập đội ngũ ly hôn ngày càng nhiều.

– Tại Hàn Quốc, ly hôn ở các cặp vợ chồng có trên 20 năm chung sống chiếm tới 18,3%, con số này tăng 4 lần so với 24 năm trước.

From: TU-PHUNG

Nhớ ơn, ca ngợi công ơn tổ tiên

Hoang Xuan Ly

Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn. Amen

Các Bạn thân mến

Tục ngữ Việt Nam có câu: Con người có cố có ông, như cây có cội như sông có nguồn. Hay: con ai chẳng là con cha, cháu ai là chẳng cháu bà cháu ông. Hai chữ cội nguồn đã mang lại toàn bộ ý nghĩa của đạo làm con đối với các bậc sinh thành mà bất cứ ai sinh ra trong cuộc đời đều có bổn phận phải ghi nhớ và gìn giữ. Theo tháng năm, từ đông sang tây, từ bắc chí nam, đâu đâu cũng vang lên giai điệu về chữ hiếu như là lời báo đáp và ghi ơn tổ tiên mình.

Chính vì thế, hàng năm Giáo Hội công giáo đã dành trọn tháng 11 để tưởng nhớ những người quá cố, để sống lại đạo làm con. Người công giáo vẫn có thói quen tốt lành xin lễ cho ông bà tổ tiên, viếng nghĩa trang cùng với việc tảo mộ. Ngoài ra, trong ba ngày đầu năm, Giáo Hội Việt Nam đã dành ngày mồng hai tết để kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ. Hòa lẫn với chủ đề kính nhớ tổ tiên, Giáo Hội cũng đã nhắn gửi tới từng người con phải biết yêu chuộng ý nghĩa thiêng liêng cao cả: con ơi giữ lấy lời cha, chớ quên lời mẹ nhớ mà ghi tâm.

Cũng thế, anh em Phật giáo hàng năm vào ngày rằm tháng bảy âm lịch cũng có mùa vu lan để báo hiếu. Vào dịp này, mỗi người đều xướng lên tám lòng biết ơn của mình. Có người không quen ăn chay trường, song vào thời điểm này, người ta thể hiện lòng hiếu đó bằng việc ăn chay trọn tháng bảy âm lịch, hay có những người bận rộn công việc đời thường vào dịp này họ cố gắng thu xếp thời gian để đến một ngôi chùa quen thuộc dự lễ cầu siêu cho linh hồn ông bà cha mẹ đã qua đời. Họ tin rằng nhờ đó, bổn phận của họ được chu toàn. Với truyền thống lâu đời của người phật tử là cầu mong để được đáp đền ơn tam bảo, báo hiếu cha mẹ sinh thành dưỡng dục…

Còn ở Mỹ, người ta không có tục thờ cúng tổ tiên bởi vì chữ hiếu nơi họ không được nâng lên thành đạo. Thế nhưng họ có những ngày mà người Việt Nam chúng ta chưa có. Họ đã chọn ra hai ngày trong năm để tưởng nhớ công ơn sinh thành của cha mẹ. Đó là ngày của mẹ (mother’s day) vào ngày chúa nhật thứ hai trong tháng năm và ngày của cha (father’s day) vào ngày chúa nhật thứ ba trong tháng sáu.

Quả là đã mang trong mình dòng máu linh thiêng của tổ tiên, dù là người công giáo, phật giáo hay bất cứ ai cũng đều thể hiện lòng biết ơn một cách trân trọng đối với các bậc sinh thành. Trở về cội nguồn tổ tiên, chúng ta một lần nữa nói lên lòng biết ơn sâu sắc, đối với cácbậc tiền nhân.

Vì thế, chúng ta cùng nhau thắp lên một nén nhang để cùng nhớ ơn, ca ngợi công ơn tổ tiên và cầu nguyện cho tất cả những ai đã từng một lần chắp cánh cho chúng ta buớc vào cuộc đời và sống trọn vẹn ý nghĩa của con người.

Hạnh phúc là gì đây?

Le Tu Ngoc

Hạnh phúc là gì đây?

Đây chính là câu trả lời hay nhất mà tôi từng đọc được:

  1. Hạnh phúc không ở chỗ nhà của bạn rộng lớn bao nhiêu, mà là trong nhà bạn có bao nhiêu tiếng cười.
  2. Hạnh phúc không ở chỗ bạn lái chiếc xe sang trọng thế nào, mà là bạn lái xe bình an về được đến nhà.
  3. Hạnh phúc không ở chỗ bạn tích cóp được bao nhiêu tiền, mà là mỗi ngày thân tâm đều cảm thấy tự do, không ngừng làm những việc mình thích.
  4. Hạnh phúc không ở chỗ người yêu của bạn xinh đẹp thế nào, mà là nụ cười trên môi người yêu bạn có hạnh phúc hay không.
  5. Hạnh phúc không ở chỗ bạn làm quan bao lớn, mà là vô luận đi đến nơi nào, mọi người đều khen bạn là một người tốt.
  6. Hạnh phúc không ở chỗ ăn ngon ăn mặc đẹp, mà là không có bệnh tật tai ương.
  7. Hạnh phúc không ở chỗ những tràng pháo tay nhiệt liệt lúc bạn thành công, mà là lúc bạn cảm thấy chán nản có người nói với bạn rằng: Này bạn ơi, hãy cố lên!
  8. Hạnh phúc không ở chỗ bạn từng nghe bao nhiêu lời ngon tiếng ngọt, mà là lúc bạn đau buồn rơi nước mắt có người nói với bạn rằng: Không sao cả, có mình ở bên bạn đây.

Thiện Sinh

CHỌN CHỒNG

Chau Nguyen Thi

CHỌN CHỒNG

  • . Chọn một người đàn ông đẹp trai hào hoa thì phải chấp nhận anh ấy phong lưu.
  • . Chọn một người đàn ông biết kiếm nhiều tiền để được hưởng thụ thì phải chấp nhận anh ấy ít có thời gian chăm sóc cho gia đình.
  • . Chọn một người đàn ông ở nhà chăm sóc gia đình thì phải chấp nhận anh ấy ít biết kiếm nhiều tiền.
  • . Chọn một người đàn ông ngoan hiền, biết vâng lời thì phải chấp nhận anh ấy là trẻ con.
  • . Chọn một người đàn ông mạnh mẽ, kiên cường thì phải chấp nhận anh ấy ngang ngược.
  • . Chọn một người đàn ông phong trần thì phải chấp nhận anh ấy lãng tử, phiêu lưu.
  • . Chọn một người đàn ông giỏi giang và bản lĩnh thì phải chấp nhận anh ấy “gia trưởng”.
  • . Chọn một người đàn ông “nữ tính” thì phải chấp nhận anh ấy có tính “đàn bà”.

Làm gì có đàn ông nào vừa ngoan, vừa hiền, biết vâng lời, ở nhà quanh quẩn với gia đình, không biết ăn nhậu, không có bạn bè mà kiếm được nhiều tiền về cho gia đình vợ con ở nhà hưởng thụ sung sướng ? …

…. Miễn là đừng gặp phải ĐÀN ÔNG VÔ DỤNG là được !

Cái gì cũng có giá của nó !

Hãy vì hai chữ HẠNH PHÚC mà CHẤP NHẬN sự TƯƠNG ĐỐI.

Hạnh phúc ở tại tâm của ta mà có… đừng suy diễn và tự làm khổ nhau.

Chỉ cần một người ĐÀN ÔNG TỬ TẾ và CÓ TRÁCH NHIỆM là đủ.

(Từ fb của Nguyễn Học)

Ngẫm: Ước Mơ Của Con

NGẪM…!!!!

Ước Mơ Của Con

 

Sau bữa tối, một cô giáo tiểu học bắt đầu chấm bài cho học sinh. Chồng cô ngồi bên cạnh, dán mắt vào màn hình điện thoại di động, cố gắng phá vỡ kỷ lục trò Candy Crush Saga anh đã dày công nghiên cứu cả tháng trời. Bỗng nhiên, bầu không khí yên lặng bị phá vỡ bởi tiếng sụt sịt của người vợ. Thấy mắt cô đang rơm rớm, anh vội quay sang vợ hỏi nhỏ:

“Này em, sao tự dưng lại khóc? Có chuyện gì à?”

Người vợ thổn thức trong nước mắt: “Hôm qua em giao bài tập làm văn cho tụi nhỏ lớp 1, viết về chủ đề “Điều ước của con”… ”

“Anh hiểu rồi, nhưng vì sao em khóc?” – Người chồng tiếp tục gặng hỏi trong khi mắt vẫn không rời khỏi trò chơi đang đến hồi gay cấn.

“Bài văn cuối cùng này đã làm em khóc”.

Không giấu nổi sự tò mò, anh chồng bèn ngẩng mặt lên hỏi đầy ái ngại: “Bài văn của một đứa trẻ con cũng khiến em khóc được sao?”

“Anh nghe này…” – Người vợ chậm rãi đọc, nước mắt vẫn không ngừng rơi.

“Ước mơ của con là trở thành một chiếc điện thoại di động. Bố mẹ con yêu điện thoại di động lắm. Đến mức con cảm thấy bố mẹ quan tâm đến điện thoại còn hơn quan tâm đến con. Khi bố đi làm về, dù rất mệt mỏi nhưng bố vẫn chỉ ngồi bấm điện thoại di động chứ chẳng nhớ gì đến con. Khi bận bịu việc gì quan trọng, nếu bất chợt có chuông điện thoại reo, bố mẹ sẽ ngay lập tức nhấc máy nghe. Thế nhưng lúc con khóc thì bố mẹ lại chẳng sốt sắng đến thế. Bố mẹ thích chơi trò chơi trên điện thoại di động chứ chẳng muốn chơi cùng con. Khi nói chuyện với ai đó trên điện thoại, bố mẹ cũng chẳng bao giờ thèm nghe con nói gì, cho dù con có chuyện rất quan trọng muốn chia sẻ. Vì thế, con chỉ ước được làm một chiếc điện thoại di động”.

Sững lại vài giây khi nghe xong bài văn, người chồng rụt rè hỏi vợ:

“Trò nào viết bài này vậy em?”

Ngước cặp mắt dâng đầy nước lên nhìn chồng, cô nghẹn ngào:

“Con trai của chúng ta”.

From: Tham Nguyen & KimBang Nguyen

Duy trì hạnh phúc gia đình

Duy trì hạnh phúc gia đình 

Một tối nọ tôi và cha đi xem phim, bộ phim không hấp dẫn lắm nên hai cha con đã quyết định về sớm. Khi đến ngã rẽ gần nhà, cha tôi đột nhiên dừng lại, trông nét mặt ông rất khác, rồi ngay sau đó ông lấy tay che kín mắt tôi. Ông nói với tôi: “Con đừng nói, đừng nhìn nhé”. Tôi nghĩ cha đang đùa và muốn bỏ tay ông ra khỏi mặt mình, tuy nhiên cha vẫn cố lấy tay che hết mắt tôi và ông nói rất nghiêm: “Có một con quỷ rất đáng sợ, cha con mình ra ngay khỏi đây thôi!”.

Nghe đến quỷ là tôi đã sởn gai ốc rồi! Ma quỷ rất đáng sợ, quỷ sẽ bay tới và ăn thịt trẻ con như mấy câu chuyện tôi được nghe kể…, sợ quá nên tôi cứ để tay cha che hết mắt mình từ lúc đó tới khi về nhà. Về nhà rồi tôi vẫn còn run rẩy vì sợ.

Sau khi đã bình tĩnh lại, tôi hỏi cha: “Con quỷ cha nhìn thấy trên đường ban nãy trông nó như thế nào?”. Cha im lặng một lát rồi nói: “Con đừng hỏi, nếu biết con sẽ không thể thoát khỏi nó đâu”. Tôi về phòng nhưng vẫn thấy tò mò về con quỷ vừa rồi. Tôi gặp mẹ và kể cho bà nghe chuyện đó. Mặt mẹ tự dưng tái nhợt, bà mãi mới cất lời: “Cha con nói đúng đấy, không nên hỏi về chuyện này, nếu không con không thể thoát khỏi nó đâu”.

Sau lần ấy mỗi khi ra đoạn rẽ đó, tôi luôn nhìn xung quanh để xem có con quỷ nào xuất hiện hay không. Tuy nhiên tôi chưa bao giờ đối diện bất kỳ một con quỷ nào như tối hôm hai cha con bỏ bộ phim về nhà sớm. Cũng thật kỳ lạ, có đôi chút thay đổi trong gia đình tôi kể từ hôm ấy…

Trước đó cha mẹ hay cãi cọ và mẹ muốn ly hôn, sau hôm đó cha lại nói đồng ý li dị, nhưng mẹ không chấp nhận. Và lập tức không khí trong gia đình thay đổi đến kỳ lạ, hai người không còn cãi cọ nữa và tỏ ra hạnh phúc bên nhau, để cho chúng tôi trưởng thành trong mái ấm thực sự.

30 năm sau kể từ hôm ấy, cha mẹ tôi không còn cảnh mặt tưng bừng lớn tiếng quát tháo nhau….

Người cha 70 tuổi của tôi đã qua đời trong vòng tay yêu thương của vợ. Khuôn mặt ông nở nụ cười nhẹ nhàng. Lo an táng ông xong, tôi thu dọn di vật của cha và nhìn thấy cuốn nhật ký. Trong đó ông viết về cái đêm khi chúng tôi gặp “con quỷ”…, câu đố cuối cùng đã được giải đáp …

Trong nhật ký ông viết:

“Xem phim xong dắt con trai về nhà, bất chợt đến ngã rẽ vào hẻm nhìn thấy vợ mình cùng một người đàn ông lạ đang âu yếm nhau. Tôi cảm thấy như rơi xuống vực thẳm vì linh cảm của mình đã đúng. Tôi đã hết mực yêu thương vợ mình và cô ấy ngấm ngầm phản bội lại tôi và gia đình. Tôi thấy thương con trai, sự thật này quá tàn nhẫn với nó, có thể là bóng đêm ám ảnh suốt cuộc đời con trẻ. Con liệu có thể chấp nhận việc người mẹ yêu dấu của mình có hành vi như vậy!

Tôi không thể tưởng tượng nổi con trai mình sẽ như thế nào nếu biết việc này. Mặc dù cô ấy đã xử tệ với tôi, nhưng tôi cũng phải ghi nhận rằng cô ấy từng tốt với mình, và còn con trai yêu dấu của tôi nữa. Vì vậy tôi đành phải nói dối con về con quỷ đó …”

Sau khi đọc nhật ký của người cha quá cố, mắt tôi đẫm lệ. Cha đã che giấu sự thật để gìn giữ hình ảnh hoàn mỹ về mẹ trong trái tim con trai bà, cũng bởi vì vậy mà cha mẹ tái hợp để cứu vãn cuộc hôn nhân đang trên bờ vực sụp đổ của họ.

Tôi đi vào phòng, trìu mến ôm người vợ đang mang bầu của mình, tiếp đó tôi xóa sạch mọi thông tin về người bạn gái cũ cũng như những thông tin khác … Bởi vì tôi đã học được một điều thật quý giá qua câu chuyện “con quỷ”, lĩnh hội bài học làm người cha tốt.

Cha đã vì tình yêu thương với tôi mà dẹp bỏ nỗi giận dữ và tự ái nhẽ ra nên trút lên đầu mẹ để duy trì hạnh phúc gia đình. Bất kỳ ai trong hoàn cảnh gia đình có nguy cơ đổ vỡ cần phải xem xét lại bản thân và thông cảm cho đối phương với tấm lòng vị tha.

Không ai muốn chuốc lấy tổn thương về mình, nhưng cha đã làm vậy để cho tôi một cuộc sống hạnh phúc trong mái ấm gia đình. Xin hãy chia sẻ câu chuyện này tới mọi người để trên thế gian sẽ còn nhiều người cha tốt như thế, để các bậc phụ huynh luôn tìm cách giải quyết xung đột và cho những đứa con thơ một mái ấm hạnh phúc bên mẹ cha.

S.T.

NHỮNG NGƯỜI KHÔNG NÊN LẤY LÀM CHỒNG

 NHỮNG NGƯỜI KHÔNG NÊN LẤY LÀM CHỒNG

(Tâm lý hôn nhân)

Trần Mỹ Duyệt

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Con gái mười hai bến nước” ám chỉ con đường hôn nhân tương lai “trong nhờ đục chịu” của nữ giới. Nhưng nếu ứng dụng vào hoàn cảnh hôm nay, con thuyền hôn nhân của người con gái Việt Nam có thể sẽ trôi vào một bến khác nữa, đó là bến “chồng nước ngoài”. Riêng ở bến này, với kinh nghiệm nghề nghiệp, theo tôi, có lẽ đục nhiều hơn trong. Tại sao? Tại vì ở đây, tình yêu và hôn nhân sẽ gặp những thử thách rất lớn do ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh từ giáo dục, văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ và xã hội.

Nhớ lại trong một buổi gặp gỡ, anh chị em đang vui vẻ trao đổi về tình yêu, hôn nhân và gia đình, tự nhiên có anh nêu thắc mắc: “Có ai biết tại sao gái Việt Nam bây giờ đổ xô đi lấy ngoại quốc không vậy? Bộ trai Việt Nam tệ lắm sao?” Câu hỏi hơi thiếu tế nhị, động chạm đến cảm thức của giới phụ nữ, nên một chị đã đối đáp thẳng thừng: “Không chỉ là tệ mà còn hơn tệ nữa. Cờ bạc, cá độ, đá gà, say xỉn. Không cờ bạc, say xỉn thì lười biếng, gia trưởng, độc đoán, vô tâm, vô trách nhiệm. Còn vài đứa ỷ có tiền, có bạc của cha mẹ lại ăn chơi, xa xỉ, gái gú. Những thứ đàn ông, con trai ấy thì ở giá còn hơn lấy làm chồng.” Thấy câu chuyện có phần không vui, mọi người im lặng và chuyển đề tài.

Thật ra không phải đàn ông, con trai Việt Nam ở trong hay ngoài nước, mà mọi đàn ông, con trai trên thế giới nếu mắc phải những khuyết điểm như trên đều không nên lấy làm chồng. “Giang sơn dễ đổi bản tính khó dời!” Hôn nhân dựa trên những yếu tố như vậy không phải là một hôn nhân lành mạnh đem lại hạnh phúc.

Cứ cho rằng con gái Việt Nam thời nay không còn bị ràng buộc bởi những tục lệ phong kiến như “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”, mà tự do chọn lựa người mình yêu thì thời gian hẹn hò được cho là những khoảnh khắc đẹp, lãng mạn, tình tứ, và hấp dẫn nhất. Thời gian tìm hiểu của hai người. Thời gian của lựa chọn và quyết định. Nhưng đây cũng là thời gian mà nhiều người con gái dễ bị nhầm lẫn, và đã có những quyết định sai lầm nhất!

Tục ngữ ca dao Việt Nam đã có câu: “Gái tham tài, trai tham sắc.” Hoặc “con trai yêu bằng mắt, con gái yêu bằng tai”. Bắt được tâm lý này, những chàng sở khanh thường dùng khí giới “đẹp trai không bằng chai mặt” để chinh phục. Kết quả là nhiều phụ nữ đã ngậm đắng nuốt cay, ân hận cả đời. Họ không tránh khỏi quyết định sai lầm, vì tránh được cái bẫy đẹp trai thì lại vướng vào cái bẫy có tài; và tránh được cái bẫy có tài thì lại khó tránh cái bẫy “chai mặt”.

Để giúp chị em phụ nữ có những chọn lựa sáng suốt trong lãnh vực tình cảm và hôn nhân, gầy đây trong một khảo cứu được phổ biến trên https://www.india.com › Lifestyle, ít nhất 6 loại đàn ông con trai được khuyên là “có ế cũng đừng lấy”. [1]

Người bạo hành (abusive):

Người có máu bạo hành thường không biết tự kiềm chế cảm xúc, sự nóng giận và bực tức. Con người ai cũng có những lúc mất bình tĩnh và không tự kiểm soát được bản thân, cảm tình, lời nói hay việc làm, nhưng không nên lấy một người mà người ấy luôn tỏ ra nóng nảy, bực bội, và bất mãn mọi chuyện từ nhỏ đến lớn, từ bình thường đến quan trọng. Nhất là vì do thiếu tự chế, thiếu bản lãnh mà dẫn đến cãi vã, “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với người khác.

Nếu trong thời gian tìm hiểu, hẹn hò mà bạn may mắn nhận ra người yêu của bạn có những hành xử lỗ mãng, chửi thề, văng tục, nóng nảy, và tệ hơn là có lần đã lớn tiếng với bạn hoặc “tặng” bạn một bạt tai. Lời khuyên tốt nhất dành cho bạn trong trường hợp này là hãy: “Bỏ của chạy lấy người”.

Người tham công tiếc việc (work is life):

Chăm chỉ, siêng năng, chịu khó, và có chí cầu tiến là tốt, nhưng nếu lúc nào cũng coi công việc là chính, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, thì theo tâm lý, những người này mang hội chứng “nghiện việc”. Họ luôn dành thời giờ cho công việc và sẽ không có giờ cho gia đình, cho vợ con. Tình yêu, hôn nhân, gia đình, con cái đối với họ là thứ yếu, hoặc không cần thiết. Theo một khảo cứu 26% những người này thường xuyên có cảm tưởng bị “vắt sạch cảm xúc” do công việc. 

Ngoài ra, trong đời sống vợ chồng, những người này sẽ không bao giờ để ý lắng nghe bạn, nếu bất quá thì chỉ trả lời “có” hoặc “không” cho qua chuyện. Họ cũng rất ít khi trao đổi hoặc bàn thảo gì với bạn. Bạn sẽ cảm thấy rất cô đơn trong căn nhà dù lớn hay nhỏ của mình. Ngoài việc chú tâm vào công việc, họ chỉ là một người đàn ông vô cảm.

Người tình tiền kiếp:

Bạn có tin là mình đã yêu một ai đó từ kiếp trước không? Một người mà chỉ vài lần chào hỏi xã giao, hoặc vài cuộc hẹn hò cùng nhau đi xinê hay uống càphê là đã tỏ ra như “hai ta đã gặp nhau ở tiền kiếp”. Điều đáng lưu ý ở con người này là họ cứ nằng nặc đòi cưới bạn cho bằng được. Đối với những đàn ông này, thành ngữ tiếng Anh có câu: “Easy come easy go” – cái gì đến dễ thì ra đi cũng dễ. Bạn đừng lầm tưởng đây là “tiếng sét ái tình” (coup de foudre).

Tính cách vội vàng, thiếu kiên nhẫn chờ đợi, cũng là một vấn nạn mà bạn cần đặt ra: Liệu có gì gài bẫy trong cuộc tình này không? Quá khứ người này có điều gì đáng nghi ngờ không? Tại sao lại quá vội vàng? Người này có trưởng thành về tình yêu và tâm lý không? Quan trọng hơn vẫn là người ấy sẽ không có đủ nhẫn nại và chung thủy để sống đời với bạn! Tiền kiếp thì không biết, nhưng nếu vội vàng tiến tới hôn nhân với những người như vậy sẽ dễ đi đến “tàn kiếp”!   

Người áp đặt (over possessive):

Đây là lớp người đàn ông đáng sợ nhất mà phụ nữ thông minh không nên lấy làm chồng. Họ rất đa nghi nhưng cũng rất độc đoán và chiếm hữu. Họ sẽ bắt bẻ bạn, sẽ nghi ngờ bạn, và sẽ tra vấn bạn về tất cả những gì bạn làm. Thí dụ, các kiểu áo quần thời trang bạn mặc, bạn bè bạn giao tiếp, những phương tiện thông tin bạn dùng. Tất cả họ đều muốn kiểm soát và áp đặt theo ý họ. Với một người như vậy, bạn rất khó có thể sống một cách vui vẻ, thoải mái và hạnh phúc.

Trong văn hóa Việt Nam, những người như vậy được xếp vào hạng gia trưởng, chủ quan, và độc tài. Bạn sẽ không bao giờ là bạn, vì tất cả đều lệ thuộc vào một người mà người đó luôn luôn muốn bạn phải theo ý họ.

Người trăng hoa (Casanova):

Do điển tích Casanova là người có 5 vợ và hàng tá tình nhân. Điểm chính của loại người trăng hoa là không chung tình. Đối với họ, phụ nữ chỉ là món hàng, món đồ chơi mà họ hãnh diện có trong bộ sưu tập của họ. Họ tỏ ra rất khéo léo, đào hoa, lãng mạn khi chinh phục phụ nữ. Nhưng nếu để mình bị thu hút bởi cái nét đào hoa, và tin tưởng vào những lời hứa hẹn đường mật của những người này là một đại họa.

Bạn có thể tin vào lời hứa của những đàn ông, con trai này không? Sau đây là lời tự thú của một khách làng chơi đã đi vào văn học sử:

“Một trà, một rượu, một đàn bà,

Ba cái lăng nhăng nó quấy ta,

Chừa được thứ nào hay thứ nấy,

Có chăng chừa rượu với chừa trà.” [2]

Người bám áo mẹ (mama’s boy):

Yêu mẹ, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của mẹ hoàn toàn khác với thái độ một người mà lúc nào cũng hành xử như một đứa trẻ bám áo mẹ.

Một người đàn ông, con trai trung bình ở tuổi 30 được cho là đã trưởng thành đầy đủ về  mặt tâm lý. Với sự trưởng thành này, anh ta có thể tự mình giải quyết và tự lập được cuộc sống. Ngược lại, một người đàn ông, con trai mà lúc nào cũng mẹ, cái gì cũng mẹ, đi đâu cũng mẹ, không có mẹ không nấu được tô mì, luộc được quả trứng, giặt được cái áo, thì sau khi kết hôn, những “cậu ấm”, những “công tử” này làm sao có đủ khả năng bao bọc, lo lắng và nuôi được gia đình nhỏ của mình.

“Bởi thế người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ mình mà luyến ái với vợ mình, và cả hai trở nên một.” (Genesis 2:24) Phụ nữ có thể mến, và kính trọng một người bạn trai biết hiếu kính cha mẹ, nhưng không nên lấy một người chỉ biết bám gấu áo mẹ. Nếu lấy người này, bạn sẽ chẳng khác gì thay thế cho người mẹ đẻ để chiều chuộng, săn sóc, và lo lắng cho một thằng con trai lớn nhưng vô tích sự. 

Người ông thầy bảo cưới:

Đây là loại đàn ông thứ 7, loại mà theo văn hóa và phong tục Á Đông, đặc biệt là Việt Nam, là những người mà mấy ông, mấy bà thầy bói, tử vi hay tướng số bảo lấy.

Bạn lấy chồng, sinh con, đẻ cái là chọn lựa và quyết định hoàn toàn của bạn. Không có một thầy bói, thầy tử vi hay tướng số nào có thể làm điều này thay bạn. Những gì họ nói chỉ mang tính cách tư vấn, tham khảo chứ không phải là định mệnh. Trong thực tế, họ không sống thay cho bạn để chịu hậu quả do những lời khuyên ấy.

Với cái nhìn tâm lý và sự phát triển về kiến thức, khoa học ngày nay, quyết định yêu hay cưới dựa vào ngày lành, tháng tốt, dựa vào hợp tuổi là những gì mê tín, nhảm nhí. Hạnh phúc là do tự bạn. Bạn mới là người làm chủ những quyết định của mình. Ý thức này sẽ giúp bạn sáng suốt hơn trong những lựa chọn có liên quan đến tương lai, đến hạnh phúc hôn nhân của đời mình:

“Thừa tiền thì đem mà cho

Đừng dại xem bói rước lo vào mình.” [3]

  Trần Mỹ Duyệt

From: TU-PHUNG

Bỏ vợ và Bố vợ …

 Bỏ vợ và Bố vợ …

 Hôm qua nhà vợ có đám giỗ, vợ bảo nhà không làm cỗ, chỉ bày chút hoa quả cúng tổ tiên thôi. Anh về cũng được, nếu bận thì thôi. Vợ nói thì nói vậy, tôi tự thấy vẫn nên về.
Vợ chồng tôi sắp ly hôn, sau 2 năm yêu nhau và 16 năm chung sống. Chúng tôi đến với nhau từ thời tôi còn hai bàn tay trắng. Hai vợ chồng trầy trật tạo dựng sự nghiệp, cuối cùng rồi cũng có ngày phát triển như hôm nay. Nhưng khi kinh tế đã đủ đầy thì tình yêu cũng thay đổi. 
     

Thực ra là do tôi đã nguôi dần cảm xúc với vợ. Tôi ngoại tình và tự thấy cuộc sống hôn nhân quá tẻ nhạt. Sống chung thực ra chỉ làm vợ tôi thêm đau khổ, vậy nên tôi nghĩ ly hôn là giải pháp. Vợ tôi ngày xưa rất cá tính và ương bướng, giờ làm ăn nên cũng trở nên khá gan lì. Cô ấy tất nhiên không chịu, nhưng sự im lặng kéo dài cũng khiến cô ấy ngột ngạt. Phụ nữ thực ra không giỏi chịu đựng như người ta tưởng, nhất là về phương diện tình cảm, nếu không níu được họ vẫn biết sẵn sàng buông. 

    Bố mẹ vợ đón tôi vẫn bằng nụ cười như mọi khi nhưng có vẻ hơi khách khí. Có lẽ vì biết chúng tôi sắp chia tay nên họ đón tôi như khách, không cho tôi động tay động chân việc gì. Mẹ vợ nhìn tôi lạnh nhạt, còn bố vợ đối với tôi vẫn thân tình niềm nở.  
Bố vợ tôi là người ít nói. Từ ngày làm rể ông, chưa bao giờ tôi thấy ông can thiệp vào chuyện gia đình con cái. Nhưng lần này có vẻ như ông muốn nói. Ông bảo: Từ trước giờ bố vẫn đối với tôi như hai người đàn ông với nhau. Nhưng hôm nay bố muốn nói chuyện với tôi là tư cách bố vợ. Giọng ông chậm rãi, đều đều, nhỏ đủ để tôi nghe:
“Ngày xưa hồi cái Bống nó yêu con, bố mẹ không đồng ý. Bố mẹ chỉ có mình nó là con, bao yêu thương chăm sóc dồn cho nó cả. Tính nó từ bé đã ương bướng vì được bố mẹ nuông chiêu, cưng như hoa như trứng. Bố vẫn nghĩ nó lớn lên trong đủ đầy sẽ không thể nào chịu được khốn khó. Ngày nó nói yêu con và muốn lấy con, bố đã cản ngăn, không phải vì chê con mà vì sợ con gái bố nông nổi. Nó quen ăn sung mặc sướng, con thì thiếu thốn khổ nghèo. Nó vốn quen đón đưa, con thì một mái nhà để ở cũng không có. Nó yêu con, tưởng tình yêu là vĩ đại lắm, tưởng phong ba gì cũng vượt được, nhưng khi đối mặt với thực tại cơm tiền có chịu nổi không? Bố chỉ sợ nó lấy con rồi, được dăm bữa nửa tháng sẽ chạy về nhà than rằng con không quen chịu khổ, như vậy sẽ rất thiệt thòi cho con. 

       Dù vậy nó vẫn kiên quyết lấy, nó khóc lóc suốt ngày, nó quỳ lạy van xin. Làm cha mẹ, không thể thấy con mình yêu sống yêu chết mà nỡ can ngăn. Thôi thì nó lớn rồi, tự làm tự chịu.

       Các con về với nhau, nhà phải đi thuê. Ba lần bảy lượt bố nói các con về sống chung, nó bảo không về. Nó không muốn con cảm thấy xấu hổ vì cậy nhờ nhà vợ, ăn không dám ăn, nói không dám nói. Rồi trong lúc khốn khó, con tập tành kinh doanh. Nó cũng nghỉ việc nhà nước hỗ trợ con. Nó mang bầu trong thời gian làm ăn nhiều thất bại. Đôi bận nó về nhà, người lả đi vì suy nhược, nhưng nó giấu con, không muốn con nghĩ ngợi mông lung.

        Cuối cùng thì có công trồng cây cũng đến ngày hái quả. Các con dần có của ăn của để. Đứa trước lớn lên, đứa sau ra đời. Bố mẹ nhìn vào, cảm thấy hạnh phúc vì con mình đã trưởng thành, cứng cáp.

         Lâu rồi nó về nhà, mấy lần trốn trong nhà tắm khóc. Mẹ con biết mới cố tra hỏi, nó bảo chồng con ngoại tình. Nó bảo nó không khóc trước mặt chồng, không muốn tỏ ra yếu đuối. Bố cũng không ngờ đứa con gái cá tính và bướng bỉnh ngày xưa nay lại trở nên yếu mềm như vậy. Từ bé tới lớn, người có thể làm nó khóc cũng chỉ có con.

       Người ta nói, khó khăn thử thách lòng chung thủy của đàn bà. Giàu có thử thách lòng chung thủy của đàn ông. Khó khăn không làm lung lạc ý chí và tình yêu của vợ con, nhưng tiền bạc đã làm con thay đổi.

     Bố không biết rốt cuộc là con gái bố đã làm sai điều gì với con, nó không biết ăn ở hay đối nhân xử thế tệ bạc? Nó ăn chơi trác táng hay bỏ bê chồng con? Là nó không tốt ở chỗ nào, hay chỉ vì đơn giản là con khát thèm sự mới mẻ? 

       Con nhìn xem, người phụ nữ đầu ấp tay gối với con 16 năm qua. 16 năm tuổi thanh xuân đẹp nhất cuộc đời nó dành để cùng con mưu sinh bươn chải. 16 năm nó bận bịu cho chồng cho con đến quên cả đòi hỏi. Giờ đến khi kinh tế đủ đầy rồi thì lại đối diện với cảnh chia ly. Người phụ nữ đã vì con mà từ bỏ đầy đủ ấm êm. Vì con mà cam tâm chịu khổ. Vì con mà mạnh mẽ, cũng vì con mà yếu đuối. Cuối cùng con lại làm khổ nó chỉ vì một người phụ nữ chưa một ngày vì con mà hao tâm tổn sức.

       Người phụ nữ con đang yêu hiện tại, bố nghĩ nó chẳng có gì hơn vợ con, ngoại trừ tuổi trẻ. Tuổi trẻ vợ con cũng đã từng có, nhưng nó đã dành hết cho con rồi. Tiền bạc mà người phụ nữ kia đang được hưởng từ con, cũng có một phần mồ hôi và nước mắt của vợ con trong đó. 

           Là đàn ông bố biết, bản năng chinh phục ẩn giấu trong mỗi người. Nhiều khi chúng ta nhìn con mồi nằm gọn trong hang của mình rồi thì thèm khát những con mồi đang tung tăng ngoài kia. Ta thường đứng bên này đồi rồi ngó sang bên kia đồi xuýt xoa “ở bên kia cỏ sao mà xanh thế”. Thực tế thì đứng núi này chắc chắn sẽ thấy núi khác cao hơn.

         Bố không muốn trách móc con. Nhưng bố là bố, cũng như con đối với con của mình. Làm bố, không thể thấy con mình khổ đau mà làm ngơ, không thể thấy con mình chịu ấm ức mà không lên tiếng. Làm bố của một cô con gái, ngay cả khi thấy nó cười vẫn cảm thấy bất an”. 

     Chưa bao giờ tôi thấy bố vợ tôi nói nhiều như vậy, cũng chưa bao giờ ông uống nhiều như vậy. Cả buổi tôi không nói một lời nào, chỉ sợ mỗi câu mình nói ra sẽ trở nên vô duyên vô dụng.

        Vợ tôi từ đâu chạy ra, giật chén rượu trên tay bố: “Bố ạ, bố đừng uống nữa, đừng nói những chuyện vô nghĩa như thế nữa. Con đã giữ đúng lời hứa với bố ngày xưa, dù khổ cực đến đâu cũng không phụ anh ấy. Bố xem con gái bố mạnh mẽ thế này, con có khóc đâu mà bố lại khóc”. 

     Trong giây phút ấy theo lời kể của ông, bao nhiêu ký ức hiện về trong trí nhớ như một cuộn phim quay chậm lại từng chi tiết. Người ta vẫn thường nói “khi bình yên, người ta thường quên đi những lời thề trong giông bão”, quả không sai. 
Dù sao thì ngày mai tôi vẫn phải đến tòa án. Đến tòa để rút lại đơn ly hôn.

From: Do Tan Hung & KimBang Nguyen

Đàn ông thắng ai cũng tốt chứ đừng cố chiến thắng vợ mình

Đàn ông thắng ai cũng tốt chứ đừng cố chiến thắng vợ mình

Đàn ông thắng ai cũng tốt chứ đừng cố chiến thắng vợ mình

Phụ nữ lấy chồng, thiệt thòi đủ đường, chồng có thấu?

Phụ nữ lấy chồng, trước tiên là một thân một mình rời xa cha mẹ, anh chị em, rời xa căn nhà thân yêu để đến với một thế giới hoàn toàn xa lạ, chỉ có một điểm tựa duy nhất, ấy là chồng. Cuộc sống hơn 20 năm, bỗng chốc bị thay đổi trong nháy mắt.

Ở đó, cô ấy phải cố gắng làm hài lòng người khác, phải miễn cưỡng gượng cười, miễn cưỡng vui vẻ. Từ một cô gái tự do vô ưu vô lo, được bố mẹ chiều chuộng như công chúa nay lại phải nhìn sắc mặt người khác mà sống.

Rồi đến ngày vượt cạn, cam tâm tình nguyện đón nhận những cơn đau mà những người đàn ông mãi mãi không thể tưởng tượng ra nổi để sinh cho chồng một đứa con máu mủ. Để rồi sau đó như một điều hiển nhiên, thân hình cô ấy tàn tạ, ngực chảy xệ, bụng, đùi rạn nứt, phát tướng, mặt mũi phờ phạc…

Từ cô gái xinh đẹp, thon thả bao chàng trai si mê, theo đuổi, vì ai mà cô ấy phải hy sinh tất cả, nhan sắc ấy, kiêu hãnh ấy. Sau sinh, cô ấy tình nguyện bỏ đam mê, mơ ước, bỏ luôn những cuộc vui bạn bè để làm một người mẹ, người vợ chu toàn.

Cô ấy đã từng tiêu xài không cần suy nghĩ, chuyện gì cũng chẳng cần bận tâm. Nhưng giờ đây không có thu nhập, đến chi tiêu cũng phải lo nghĩ, sợ chồng chê tiêu xài hoang phí…

Những nỗi khổ này, đàn ông đã từng đặt mình vào để hiểu, để thấm, để thương vợ hơn chưa?

Vậy nên, đàn ông thắng ai cũng được đừng cố chiến thắng vợ mình

Phụ nữ bước vào hôn nhân, sinh con đẻ cái là đã lựa chọn đánh đổi tự do, đánh đổi nhan sắc và từ bỏ những cuộc vui để chấp nhận đứng sau, làm cái bóng cho một người đàn ông, chăm lo, săn sóc anh ấy.

Phụ nữ vốn chẳng ai muốn hơn thua với chồng, thậm chí còn luôn tình nguyện nhận thua chồng mọi thứ, từ việc kiếm tiền, đến trước mặt bạn bè, người thân cũng đều nói tốt cho người đàn ông ấy.

Vợ là người vì yêu thương chồng mà hy sinh mọi thứ, đừng xem vợ là kẻ thù, là đối tượng để nhất định phải chiến thắng, hơn thua!

Với đàn ông, có hai điều nhất định phải làm được, một là trách nhiệm làm trụ cột tài chính, mỗi tháng đều đưa tiền cho vợ, hai là trách nhiệm với cảm xúc của vợ mình. Nên nhớ, vợ là người vì yêu thương mình mà hy sinh cả thanh xuân, nhan sắc, tự do, tuyệt đối không phải đối thủ. Đàn ông hơn thua với ai cũng được nhưng tuyệt đối đừng bao giờ tìm cách hơn thua với vợ.

Vậy nên, đàn ông đừng hèn hạ đến mức muốn hơn thua, đố kỵ với vợ mình. Có tranh cãi, đừng nhất định phải có người thắng người thua. Nhường cô ấy một câu, cô ấy sẽ tự khắc cảm kích mà thay đổi. Đàn ông đừng tự cho mình cái quyền là trụ cột gia đình mà bắt vợ răm rắp nghe lời, làm theo ý.

Ở ngoài xã hội, hơn thua với người đời là điều bình thường. Nhưng khi ở nhà, đàn ông mà muốn sống chết hơn thua với vợ thì chỉ là người đàn ông thất bại. Suy cho cùng đàn ông tài giỏi đến mức nào cũng nên nhường nhịn vợ một chút. Trong hôn nhân, không có gì là mất mặt, không có gì là đáng xấu hổ khi nhẫn nhịn người bạn đời. Người đàn ông biết cách lấy lòng và yêu chiều vợ mới là người khôn ngoan.

Hoàng Bách | coocxe.com 

From: TU-PHUNG