S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Thời đồ mã

 Báo Đàn Chim Việt

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

Tôi rất thích khoa nhân chủng nhưng không có cơ may đến trường để được truyền thụ một cách bài bản về ngành học thú vị này. Hoàn cảnh sống, nói nào ngay, cũng không mấy thích hợp cho nhu cầu tự học.

Suốt ngày (và suốt đời) tôi chỉ loanh quanh hàng quán nơi mà những kẻ hay lê la thường nói rất nhiều, dù sự hiểu biết của họ vốn không được bao nhiêu. Ngoài giới hạn về kiến thức, mấy ông bạn đồng ẩm còn có cái tật rất hay tranh cãi (và luôn cãi chầy cãi cối) nên mọi thông tin – từ bàn nhậu – đều không được khả xác hay khả tín gì cho lắm.

Chiều qua, lúc tiệc đã sắp tàn, bỗng có vị  nổi hứng đặt vấn đề:

  • Biết tại sao loài người đổi từ mẫu hệ qua phụ hệ, và đổi cách nào không?

Thế là bàn rượu lại râm ran và ồn ào như cũ:

  • Còn sao nữa. Phụ nữ, đàn bà, con gái ăn ở cư xử ác nhân và ác đức quá mà. Đã vậy, còn có cái tật kỳ thị phái tính và lại thêm cái thói vợ chúa chồng tôinữa. Áp bức người ta đến độ hết chịu nổi nên đám đàn ông con trai buộc phải vùng lên thôi?
  • Vùng lên cách nào?
  • Thì nghe nói là có tối mấy chả họp kín dưới suối lâu lắm. Xù xì tới khuya luôn rồi mới chia tay, ai về nhà nấy. Tới nhà ông nào cũng tốc mùng chui vô nằm kề bên vợ, thuận tay bóp lồn/tiện tay bóp vú, hun hít tá lả bùng binh, không chừa một chỗ nào …
  • Chi vậy, Trời ?
  • Từ từ, nghe hết chuyện cái đã. Đúng 9 tháng 10 ngày sau, tất cả phụ nữ đều lâm bồn ráo trọi. Xe cứu thương hú còi inh ỏi, chở hết mấy bả vô viện bảo sanh, không xót một con mẹ nặc nô nào ráo.
  • Rồi sao nữa?
  • Còn sao nữa. Khoảng trống quyền lực được lấp đầy tức khắc. Qua bữa sau là loài người bắt đầu một thời kỳ mới: Thời Phụ Hệ. Nhân ái, nhân bản, nhân đạo, nhân đức, nhân nghĩa, nhân từ, nhân văn (và nhân nhượng ) hơn nhiều. Dễ thở hơn thấy rõ!

Chuyện không đến nỗi nhạt nhưng có chi tiết hơi thô tục (thuận tay bóp cái này, tiện tay bóp cái kia, hay hun hít everywhere) khiến cho những thính giả nho nhã đều phải nhíu mày về cử chỉ thô lỗ của đám đàn ông, trước Thời Phụ Hệ. Với thời gian, mỗi lúc loài người một thêm lịch lãm, tình tứ và lãng mạn hơn xưa – như câu chuyện kể sau (cũng mới nghe qua bàn nhậu) vào bữa hôm kìa:

Sáng tinh mơ, có một ông người Thời Đồ Đá Mới, vác chầy vồ đi kiếm ăn nhưng chưa ra khỏi hang động bao lâu ổng đã vội vã quay về. Mặt mũi khẩn trương thấy rõ, hổn hển ôm chầm lấy vợ:

  • Mình ơi, mình à …
  • Chuyện gì vậy cà. Bộ bữa nay gặp nguyên bầy khủng long hoặc khổng tượng hả?
  • Không.
  • Hay gặp ma Cà Rồng giữa ban ngày?
  • Cũng không. Ma quỷ gì đâu. Anh mới gặp ông Tám ở ngoài bìa rừng kìa.
  • Rồi sao?
  • Thằng chả cho hay là giai đoạn Tân Thạch Khí (Neolithic) đã chấm dứt hồi khuya rồi. Bắt đầu từ sáng nay là mình bước qua một thời đại mới, tới Thời Đồ Đồng rồi đó.
  • Úy Trời! Lẹ dữ vậy sao honey?
  • Chớ sao. Time’s flying mà cưng!
  • Vậy thì phải sắm cho em cái gương bằng đồng à nha. Không phải là em đua đòi sắm sửa gì với mấy con đĩ ngựa cùng thời đâu nhưng sáng nào cũng phải lội bộ ra bờ suối soi mặt, chải đầu, trang điểm … thiệt mỏi chân (và sợ cọp) muốn chết luôn vậy đó…
  • Tưởng gì, chớ gương lược thì kể như là chuyện nhỏ thôi. Để đó tính sau. Bây giờ mình lo nhen lửa rồi nướng đồ mồi liền đi, còn cả đống khô cá sấu và khô voi hun khói trên giàn bếp kìa. Lẹ lên nha, anh hú vợ chồng ông Sáu, ông Tám, cậu mợ Năm, bà Bẩy với cô Tư qua uống sương sương vài xị để chào đón một thời đại mới.

Ngay sau đó là của lửa bập bùng, nhậu nhẹt tùm lum, karaoke um xùm, và phi cần sa mù mịt, rồi ôm nhau làm tình tưng bừng cho tới lúc gà (rừng) gáy sáng luôn.

Thiệt là quá đã, dù có hơi quá đáng!

Nhân loại – tất nhiên – không phải lúc nào cũng vui vẻ nắm chặt tay nhau, cười ha hả, nhẩy cà tưng/cà tưng (một cách nhịp nhàng và điệu đàng) qua từng thời kỳ hay giai đoạn văn minh. Đôi khi, vì sự cách trở của địa lý (hay vì sự khác biệt trong phương cách tổ chức xã hội) nên vẫn có những giống người bị bỏ rơi lại phía sau, hoặc đi theo những bước rất ngoằn nghèo và tối tăm – so với đa phần nhân loại.

Từ Thời Đồ Sắt, thay vì bước vào Thời Đại Kỹ Nghệ, có hằng tỉ người lại rẽ vào Thời Đồ Nhựa. Họ biến cả lục địa thành một thứ công xưởng của thế giới, chuyên sản xuất đồ vật rẻ tiền (giá bán chỉ 99 xu thôi) bất chấp mọi hậu quả và tác hại môi sinh nên không có đối thủ cạnh tranh.

Ai mà lại đi dành việc với những người mưu sinh bằng nghề bán máu bao giờ. Cũng chả ai muốn “cộng chung vận mệnh” với những kẻ đắm đò cả.

Cùng lúc, lại có cả tộc người (gần trăm triệu mạng) thất thểu bước vào Thời Đồ Đểu – theo nhận định của những kẻ đương thời:

  • Nhà thơ Bùi Minh Quốc: “Cả thời kỳ đều cáng đã lên ngôi”
  • Nhà giáo Trần Thị Thảo: “Quả thật rất khốn nạn/ Thời đồ đểu lên ngôi!”
  • Kịch tác gia Lưu Quang Vũ: “Chúng ta đã trải qua nhiều thời kỳ: đồ đá, đồ đồng, đồ sắt. Nay thì đến Thời Đồ Đểu”!

Ủa! Sao lại kêu là Thời Đồ Đểu?

Họa sỹ Đỗ Duy Ngọc lý giải:

“Thời mà miếng ăn bỏ vào mồm cứ sợ là thuốc độc, bệnh uống viên thuốc cứ nghi là thuốc giả. Thời mà ở đâu cũng có thể bị đe doạ, ở trong nhà sợ kẻ cướp, ra đường sợ lũ giật dọc, sợ cây rơi, điện giật, sập hố, sẵn sàng bị giết chỉ bởi một lời nói, một ánh nhìn… Con người mất lòng tin nên chạy theo thần linh, ma quỷ. Họ mê tín đến độ cuồng si, họ tin vào Thế Giới ảo vọng một cách cực đoan.”

Vậy là kể như tới luôn Thời Đồ Mã rồi!

Thảo nào mà báo Phụ Nữ (số ra ngày 29 tháng 8 năm 2023) có bài phóng sự bằng hình, trân trọng giới thiệu ông Vua Đồ Mã VN cùng những sinh hoạt phong phú và đa dạng của nghề hàng mã hiện nay ở xứ sở này:

Đức Quang, 28 tuổi, sinh ra và lớn lên ở “thủ phủ” của nghề vàng mã miền Bắc – xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Bố mẹ Quang có một xưởng sản xuất đã hoạt động hơn 30 năm và nay đến lượt Quang tiếp nối. Tuổi thơ của Quang gắn liền với khung tre, hồ dán, các loại giấy đủ màu và những mô hình vàng mã…

Hiện tại, gia đình Đức Quang sở hữu một xưởng sản xuất rộng 20.000m2. Hằng ngày, bố mẹ Quang cùng những người thợ vẫn miệt mài với nghề thủ công đã tồn tại ở ngôi làng truyền thống suốt mấy chục năm qua. Trong khi đó, những công việc kinh doanh khác như giới thiệu sản phẩm, liên hệ đối tác… sẽ do anh trực tiếp phụ trách.

Ngay từ trong chính tư duy kinh doanh mặt hàng lâu năm này, Đức Quang quan niệm, mỗi sản phẩm vàng mã như một món quà mà “người ở lại” muốn gửi tặng cho “người ra đi” để tinh thần được thanh thản, vơi đi nỗi mất mát, nuối tiếc. Đức Quang mong muốn sẽ là người vận chuyển món quà tinh thần…

Có những câu chuyện khiến anh không thể nào quên: “Một chị khách ở Quảng Ninh muốn đặt một mô hình chiếc xe ô tô vàng mã gửi tặng người bố, bởi trước khi rời cõi tạm, người bố đã luôn phấn đấu để có thể chờ vợ con trên chiếc xe Lexus 570.” 

Nói cách khác là mọi nhu cầu, ước muốn, khát vọng (cũng như hy vọng) quá tầm tay với của con người ở Thời Đồ Đểu đều có thể được thực hiện dễ dàng trong Thời Đồ Mã mà không cần chờ đợi đến cuối thế kỷ này, thời điểm mà có kẻ vẫn đang lo “ không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa” nữa!


 

 S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Mưa ơi sao buồn thế

 Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

Bạn tôi, ông Khó Tính, lúc còn ở Sàigòn vốn làm nghề mô phạm. Kể cả trường công lẫn trường tư, sĩ tử theo học kinh nghĩa có đến mấy nghìn. Gặp lúc can qua, học trò thì đông mà chả mấy ai hiển đạt: cứ học nửa chừng lại bị gọi đi lính, ba phần chết tiệt mất hai. Số còn lại trở về chống gậy, đi xe lăn. Thầy trò nhìn nhau nghẹn ngào chửi thề những câu tục tĩu…

Khi cộng sản từ Bắc tiến vào Nam, xe tăng vừa ì ạch đến sát cửa dinh Ðộc Lập thì ông Khó Tính quyết định dắt vợ cõng con xuống tàu lánh xa bạo ngược. Cuối cùng trôi dạt đến Mỹ. Ðất lạ quê người, tiếng Anh ăn đong, kinh nghĩa nói không ai hiểu…

Từ ngày xa nhà, tính tình lại càng khó chịu hơn. Mặt mày hầm hầm, mồm lúc nào cũng lẩm nhẩm nói chuyện một mình. Chiều chiều đứng chống nạnh bắt con tập võ ta. Ðứa đi quyền, đứa dang chân đứng tấn. Nguời bản xứ cho là lạ, tò mò rủ nhau nhìn trộm qua hàng rào như đi xem xiếc. Ban đêm bắt con học Việt sử. Ðứa nào không thuộc bài thì co giò mà đá, đến nỗi bị cảnh sát còng cả tay.

Càng cay đắng, càng chửi, càng chê. Chê nguời gì mà nhiều lông lá, chê nhà chọc trời nhìn thêm mỏi mắt, có ngày động đất nó đổ xuống đầu cho mà khốn. Lại chửi trời nhiều hơn, chửi tục hơn, gọi trời là thằng không kiêng nể gì nữa…

Bạn khen biển, ông chê lạnh, tắm cóc sướng bằng Long Hải, Vũng Tầu. Bạn khen núi, ông bĩu môi:”Tôi lấy làm ngờ về cái thẩm mỹ của anh. Núi trọc thế này so sao được gót chân Ðại Lãnh ?”

Bạn ngượng, không còn dám mở mồm khen điều gì. Bụng bảo dạ:”Bọn Ðông Dương ta khối đưá bị bịnh tâm thần”. Có ý thương xót mà lui tới thăm viếng nhiều hơn…

Một hôm nhận được bao trà từ Việt Nam gửi sang, bạn thân ái mời ông khó tính đến. Nước đun xủi tăm, trà trút vào bình, chủ khách ân cần đối ẩm.

Ðược đôi tuần, bạn lên tiếng hỏi:

– “Trà uống được không?’

Ông Khó Tính:

– “Cũng được. Nhưng thua Ðỗ Hữu”.

Bạn cười dòn:

– “Bố ơi! Chính hiệu trà Ðỗ Hữu Bảo Lộc vừa gửi sang.”

Ông Khó Tính:

– ” Thảo nào. Có điều cái nước máy chát qúa!”

Bạn chồm lên:

– “Biết tính bố thích trà Bảo Lộc, phải hứng nước mưa pha trà đây. Không phải nước máy đâu.”

Ông Khó Tính tuột giầy gãi nách ngáp:

– “Nước mưa ở Mỹ, uống vào đắng cả mồm!”

Câu chuyện mà bạn vừa đọc, có tiểu tựa là “Ông Khó Tính”, được trích dẫn từ tác phẩm Ngọn Cỏ Bồng của văn sĩ kiêm thi sĩ Nguyễn Bá Trạc. Tôi may mắn có chút giao tình (dù nhạt) với Nguyễn quân – một người rất mực tài hoa, và uyên bác. Ông am tường hầu hết mọi lãnh vực khoa học. Riêng lãnh vực môi sinh thì (dường như) có phần hơi…kém!

Ông Khó Tính trong chuyện kể vừa rồi không phải là một nhân vật hư cấu. Tôi cũng đã, đôi lần, được hân hạnh hầu chuyện cùng ông. Nhân sinh quan và vũ trụ quan của ông Khó Tính ra sao, phận kẻ hậu sinh, tôi tuyệt nhiên không dán lạm bàn nhưng nhận xét rằng “nước mưa ở Mỹ uống vào đắng cả mồm” (theo thiển ý ) thì vô cùng chính xác.

Tôi bắt chước cổ nhân, ăn nói cầu kỳ chút đỉnh như thế cho ra vẻ mình cũng là người khiêm tốn; sự thực, nước mưa ở Mỹ uống ngang phè hay đắng cả mồm là một sự kiện khách quan chứ chả dính dáng gì đến “tôn ý” hoặc “thiển ý” của bất cứ ai.

Những hoá chất sulfur dioxide, nitrogen oxides … từ chất đốt như săng dầu than củi trong không khí, khi gặp môi trường không khí ẩm thấp sẽ góp phần tạo thành mưa hay tuyết với nồng độ acid cao – có thể làm ô nhiễm nước uống, hư hại nhà cửa, mùa màng và ảnh hưởng đến sinh hoạt của của nhiều sinh vật – là một tiến trình tự nhiên.

Khói xe, khói nhà máy phun tùm lum ở Mỹ vẫn được coi là nguyên nhân chính tạo ra nồng độ acid cao trong nước mưa. Uống vào đắng cả mồm là phải. Ông Khó Tính – dù thực sự đúng là một người không dễ tính chăng nữa – nói như thế thì có sai sót, oan ức chỗ nào đâu mà danh gia họ Nguyễn che miệng chúm chím cười. Ðã thế, còn dám xa gần ám chỉ rằng tinh thần ông ta “hơi” bất ổn.

Ðã lâu, tôi không có dịp gặp lại ông Khó Tính. Sáng nay, tình cờ đọc lại một tờ báo cũ – Việt Báo USA, ấn bản Bắc California, số ra ngày 15 tháng 10 năm 98 – thấy loan tin mưa acid ở Việt Nam mỗi lúc một thường hơn, và nồng độ acid cũng cao hơn, đến độ có thể làm chết cá ở ao hồ…bỗng trạnh nhớ đến “cố nhân” – với đôi chút quan hoài và rất nhiều… ái ngại.

Bài báo (viết theo bản tin của AP) cũng có trích dẫn lời một nhân viên thuộc Trung Tâm Khí Tượng Phía Nam, bà Nguyễn Kim Lan, cho rằng nguyên do chính của hiện tượng này là việc lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu, cùng với khói thải của nhà máy ở Việt Nam và từ những lân bang.

Ủa, chớ nhà máy nào ở xứ mình mà hoạt động dữ dội vậy kìa ? Không chừng mấy mỏ than ở Quảng Ninh lắm à ? Mà đâu có lẽ, mới năm rồi, theo tường thuật của Jonathan Birchall (từ Cẩm Phả) thì vì không tìm được thị trường tiêu thụ nên nhà nước đã cho ba ngàn thợ mỏ về vườn để đuổi gà cho vợ – nếu họ có vợ, có vườn và có gà để đuổi. Cũng như tất cả những công nhân vô sản khác trên toàn thế giới,những người thợ mỏ ở Cẩm Phả và Hòn Gay đều có vợ nhưng không có vườn (đừng nói chi gà).

Trước tình cảnh này, đã có phụ nữ tính đến chuyện “bán thân nuôi chồng” nhưng e ngại …không có người mua (She would even consider selling her body, but says: “No one would take me – ” Climbing Out Of A Deep Dark Hole.” Time Asia, 2 August 1999, vol. 154, no. 4). Khai thác mỏ than thì mới sợ ô nhiễm môi sinh, chứ khai thác tình dục thì mây mưa kiểu này đâu có tạo thành acid mà lo hư hại mùa màng và chết cá.

Hay là nhà máy thép Thái Nguyên chăng ? Sau 1975 thì cả nước đều rõ là cái nhà máy thổ tả này chỉ thực sự hoạt động (bằng mồm) và đạt thành tích trên đài hay trên báo. Truyền thống này, chắc chắn, vẫn còn được giữ vững cho đến ngày nay . Bằng chứng là nhân dân cả nước vẫn đều đều mua từ cây kim, đến cái đinh – nếu chưa dành dụm đủ tiền để mua xe đạp – được nhập cảng (lậu) từ Thái Lan hay Trung Cộng.

Như vậy, không lẽ khói thải tùm lum lại từ những cơ xưởng kỹ nghệ của những lân bang cỡ như Miên Quốc hay Lào Quốc ? Người Lào, dù đã vượt quá độ từ tư bản chủ nghĩa sang xã hội chủ nghĩa từ lâu, nghe đâu, vẫn còn đi xe bò lòng vòng trong thành phố và cưỡi voi dạo chơi tà tà ở trong rừng.

Còn người Miên, cách đây chưa lâu, còn có thể (nhân danh chủ nghĩa cộng sản) giết hàng triệu người bằng cuốc chim hay chầy vồ gì đó. Ðời sống của nhân dân ở hai nước xã hội chủ nghĩa láng giềng, cũng như ở nước ta, đâu mấy ai đụng chạm hay dính dáng gì tới máy móc mà có khói – ngoại trừ những lúc nướng khoai.

Vậy thì khói thải ở đâu ra ? Lửa phải có ở chỗ nào mới được chớ ? Không có lửa sao có khói ?

Tôi thực lòng không dám nghi ngờ độ khả tín và khả xác của nguồn tin từ tờ Việt Báo USA; tuy nhiên, vì chút bồn chồn lo lắng nên loay hoay vào “internet” truy tìm phần tin tức của AP để mong được hiểu biết sự việc rõ ràng hơn. Tôi không kiếm ra được bài báo dẫn thượng nhưng (chả may) lại thu lượm được nhiều sự kiện phiền lòng khác về tình trạng mưa acid ở Việt Nam.

Qua địa chỉ “web site” của South East Asian Science Policy Advisory Network (http://www.icsea.or.id/sea-span/0998/TP0909L2.htm) tôi đọc được một bài báo ngắn của ông Nguyễn Hiệp – người mà tôi đoán là một chuyên gia hiện đang định cư tại Úc – có tựa là “Transboundary Sulfur Pollution &Vietnam”.

Ông Nguyễn Hiệp đã bầy tỏ sự quan ngại rằng ở Ðông Nam Á có những quốc gia chỉ tạo ra những lượng lưu huỳnh rất nhỏ nhưng lại phải chịu nhận sự tích tụ của loại hoá chất này rất lớn từ những lân bang hoặc ngay cả từ những quốc gia xa xôi khác. Việt Nam và Nepal là hai (receptor) “nạn nhân” điển hình trong vùng về tệ trạng này.

Tài liệu ông Hiệp trích dẫn cho thấy Trung Cộng là nước đứng thứ nhì thế giới về lượng thải sulfur, và hơn 60 phần trăm số lượng hoá chất này – từ cơ xưởng kỹ nghệ của họ – đã theo gió rơi rớt và tích tụ ở nước Việt (R. Arndt, G. Carmichael, J. Roorda – Seasonal source-receptor relationship in Asia, Journal of Amostpheric Enviornment, Vol. 32, No.8, 1998, pp. 1397-1406).

Thảo nào, giới chức Việt Nam, bà Nguyễn Kim Lan nào đó đã có vẻ ấp úng khi nói là nguyên do mưa acid một phần là do khói thải từ những nước lân bang nhưng không nói rõ từ đâu. Bà sợ làm mất lòng người anh em cộng sản láng giềng, dù Việt Nam (từ lâu nay) đã trở thành cái thùng rác chứa đựng 60 phần trăm lượng hoá chất ô nhiễm của Trung Cộng – một quốc gia có lượng thải lưu huỳnh cao thứ nhì thế giới!

Thái độ nhũn nhặn thái quá và khó hiểu này, phần nào, có thể giải thích được nếu biết rằng sự ô nhiễm môi sinh ở Việt Nam hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến đời sống của giai cấp cầm quyền. Họ có dư phương tiện để tránh hết những điều bất tiện.

Giai cấp bị trị, nhất là những người ở thôn quê, không có cái may mắn xa xỉ đó. Xin đơn cử một thí dụ, một thí dụ rất nhỏ mà tôi tình cờ biết được khi đọc một “web site” khác.

Hiện tại ở làng Thi Lai, thuộc quận Duy Vĩnh, tỉnh Quảng Nam có 152 gia đình (tổng cộng 750 người) đang cần…nước uống! Theo tường thuật của ông Võ Thịnh, dân làng phải gánh nước từ những giếng nước chưa bị ô nhiễm, cách nhà nhiều cây số (There are no cars, motorbikes or even bicycles, so these people walk, many kilometers, sometimes in more than 100-degree heat, to get the water they need to survive). Công sức này, cũng theo nhận xét của ông Võ Thịnh, nên để dành cho việc đồng án hay chăn nuôi thì dân chúng sẽ đỡ đói hơn!

Chớ ông Võ Thịnh là ai vậy ? Một giới chức địa phương chăng?

Không phải đâu. Ông ta là một kỹ sư thủy lực hiện đang làm việc ở thành phố Oakland, tiểu bang California (based water district East Bay Municipal Utility District). Cùng với phu nhân, bà Sandra Harris, ông Võ Thịnh đang hoạt động thiện nguyện cho “East Meets West Foundation”. Cơ sở này đã thực hiện được cả chục chương trình mang lại nước uống cho những nguời dân quê thiếu nuớc ở Việt Nam, như trường hợp của dân làng Thi Lai.

Dự án đào giếng nước sạch cho dân làng Thi Lai (hay Thị Lại ?) tốn kém 3.400 Mỹ Kim, và ông Võ Thịnh cùng phu nhân – bà Sandra Harris – đã đi …xin để có được số tiền này! (Once we verified the need for the system, we forged ahead to raise the necessary $3,400 from our families, friends and East Bay Municipal Utility District employee donations (http://www.vas-dc.org/Voices/v5n4/thilai.htm).

Khi móc túi lấy tiền ủng hộ dự án nước uống cho làng Thị Lại, có lẽ, ít ai nhớ rằng Việt Nam là nước đứng hàng nhất nhì thế giới về lượng gạo xuất cảng trong những năm liên tiếp vừa qua. Thành quả mang lại là nhiều tỉ Mỹ Kim ngoại tệ, và hậu quả là sự ô nhiễm môi sinh với mưa acid và nước bị nhiễm độc vì sự lạm dụng phân bón hoá học và thuốc trừ sâu – như đã được xác nhận bởi Nha Khí Tượng Việt Nam, qua bài báo đã dẫn. Không biết tiền bán gạo rơi vào túi ai nhưng nước mưa bị ô nhiễm thì rơi vào làng Thị Lại, và những nơi khốn cùng tương tự.

Tôi viết những giòng chữ này cũng vào một ngày mưa, khi California đang bước khẽ vào Thu. Sáng trời đã bắt đầu se se lạnh, và lất phất mấy hạt mưa bay. Mưa không đủ làm ướt đất, và chắc cũng chỉ vừa đủ để làm nhạt được chén nước mắm của những o bán bánh bèo gánh – ở quê nhà. Mưa ơi, sao ít thế!

Quê hương tôi ở vùng nhiệt đới, nơi đây mỗi năm chỉ có hai mùa: mưa và nắng. Vũ độ hàng năm tính hào phóng theo đơn vị mét (mètre), nghĩa là cả trăm “inches”. Cũng chính nơi đây là xuất xứ của câu tục ngữ “hiền như một ngụm nước mưa“. Vậy mà, sau nửa thế kỷ đói ăn, đồng bào tôi – đã đến lúc – phải ngửa tay đi xin luôn…nước uống. Mưa ơi, sao khổ vậy!

10/1988


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Một gia đình nông dân

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả:  Tưởng Năng Tiến

Ngày 24/12/2021, chính quyền chọn ngày Giáng Sinh cho mở phiên tòa hình sự phúc thẩm, xét xử chị Cấn Thị Thêu và  Trịnh Bá Tư”. L.S Đặng Đình Mạnh – 19/12/23

Tôi vốn chả thiết tha hay mặn mà gì lắm với chuyện văn nghệ/văn gừng nên hoàn toàn không quan tâm chi đến những điều tiếng eo sèo, quanh mấy câu thơ (“hơi quá tân kỳ”) của Nguyễn Quang Thiều.

Theo Wikipedia, tiếng Việt, đọc được vào hôm 21 tháng 7 năm 2021: “Ngoài lĩnh vực chính thơ ca tạo nên tên tuổi, ông còn là một nhà văn với các thể loại tiểu thuyếttruyện ngắnbút ký và tham gia vào lĩnh vực báo chí. Ông hiện nay là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á – Phi.”

Thảo nào mà Nguyễn Quang Thiều thường xuất ngoại, và hay viết về những chuyến đi. Năm tháng mà Nguyễn Quang Thiều sống ở nước ngoài, có lẽ, ít hơn thời gian tôi ngồi lê la trong mấy cái bar rượu (nơi xứ lạ) nên đọc mấy trang du ký của ông không thấy có chi là hào hứng lắm.

Cũng theo Wikipedia: “Nguyễn Quang Thiều được coi là người cùng với nhà văn, trung tướng công an Hữu Ước sáng lập nên hai tờ báo là tờ An Ninh Thế giới cuối tháng và Cảnh Sát Toàn Cầu.”

Đã là một quan chức trong chế độ toàn trị, lại làm báo Cảnh Sát với một ông tướng công an (rất nhiều tai tiếng) nên thỉnh thoảng nhà thơ vẫn bị chê trách là lẽ tất nhiên. Tuy nhiên, khách quan mà xét thì khó có thể phủ nhận được rằng ông là một người cầm bút có tài (và cũng rất có tâm) khi viết về cuộc sống ở nông thôn.

Hãy xem qua đôi đoạn (“Thư Của Đứa Con Những Người Nông Dân”) đã được đăng nhiều kỳ trên trang Vietnamnet:

“Cảnh làm ruộng của những người nông dân của mấy chục năm trước kia và bây giờ chẳng khác nhau chút nào. Có khác thì chỉ khác một điểm. Đó là người nông dân đi sau đít con trâu mấy chục năm trước kia hiện ra trong ảnh đen trắng còn người nông dân bây giờ vẫn đi sau đít trâu nhưng là trong ảnh màu rực rỡ….”

Trong những tấm “ảnh mầu rực rỡ” này, Nguyễn Quang Thiều tìm ra được nhiều con số rất “kinh hoàng” – theo như nguyên văn cách dùng từ của chính ông:

“Khi tiếp xúc với những người nông dân, tôi thường xuyên hỏi về tổng thu nhập mỗi tháng của một khẩu trong một gia đình họ là bao nhiêu. Dù rằng tôi biết họ đang sống một cuộc sống vô cùng vất vả nhưng tôi vẫn kinh ngạc khi nghe một con số cụ thể:

‘Tổng thu nhập một tháng trên một khẩu của chúng tôi là 40.000 đồng …’ 40.000 đồng có giá trị như thế nào lúc này. Đó là giá của 2 bát phở, giá của 4 lít xăng, giá của hai xuất cơm trưa văn phòng, giá của một cuốc xe ôm trên đoạn đường 10km, giá của hơn một bao thuốc lá 555, giá của 3 ly cà phê…Tôi biết sẽ có rất nhiều người không thể tin rằng tổng thu nhập hàng tháng của một khẩu trong hầu hết những gia đình nông dân lại chỉ với một con số ‘kinh hoàng’ như thế.”

Nhà văn Nguyễn Khải còn cho biết thêm đôi ba sự việc còn “kinh hoàng” hơn thế nữa:

“Ai cũng giàu có hơn trước, nấu cơm bằng nồi cơm điện, tối xem tivi mầu, giờ rảnh thì xem phim bộ. Mỗi xóm đều có cửa hàng cho thuê băng vidéo, có gái điếm cho ngủ chịu đến mùa trả bằng thóc, có cờ bạc, có hút thuốc phiện và chích heroin, thành phố có gì ở làng quê đều có, cả hay lẫn dở, dở nhiều hơn hay.”

Dù “dở nhiều hơn hay,” làng quê Việt Nam vẫn tồn tại nhờ vào vô số những nông dân “đội sương nắng bên bờ ruộng sâu, vài ngàn năm đứng trên đất nghèo ” để nuôi nấng cho cả dân tộc này được sống “no lành” – theo như lời (Tình Ca) thắm thiết của Phạm Duy.

Câu hỏi đặt ra là liệu giới nông dân còn vẫn có thể tiếp tục “đứng” mãi như thế thêm bao lâu nữa, trước tình trạng nông thôn đang bị bức tử một cách thảm thương như hiện cảnh? Bi kịch mới nhất của giới nông dân Việt Nam vừa được RFA tường trình, vào hôm 22 tháng 6 vừa qua:

“Vụ án hai nhà hoạt động vì quyền đất đai là ông Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm bị cáo buộc tội danh ‘phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước’ đã kết thúc giai đoạn điều tra vào hôm 15 tháng 6 năm 2021…

Bà Đỗ Thị Thu, vợ ông Trịnh Bá Phương, cho biết, gia đình chồng của cô có tổng cộng ba người bị bắt giữ, bao gồm ông Phương bị công an Hà Nội bắt giam một năm về trước – chỉ bốn ngày sau khi bà sinh con…

Luật sư Lê Văn Luân, người bào chữa cho cả hai nhà hoạt động thì cho hay trên Facebook cá nhân rằng, cả bà Nguyễn Thị Tâm và ông Trịnh Bá Phương đều bị đề nghị truy tố theo khoản 2, Điều 117 Bộ Luật Hình sự với khung hình phạt từ 10 đến 20 năm tù giam.”

FB Vũ Quốc Ngữ cho biết thêm: “Từ đầu năm đến nay, an ninh Việt Nam bắt giữ ít nhất 13 người theo cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ hoặc ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ,’ và kết án 14 người cũng theo hai tội danh trên với mức án từ 4 năm đến 15 năm tù giam.”

Cả hai tội danh thượng dẫn đều rất mơ hồ – nếu chưa muốn nói là hàm hồ – chỉ để che đậy cho những sự thực (phũ phàng) liên quan đến việc tranh chấp đất đai ở xứ sở này:

Hiến pháp 1959 vẫn chưa “quốc hữu hóa đất đai” như Hiến pháp 1936 của Liên Xô mà nó được coi là một bản sao. Cho dù, từ thập niên 1960 ở miền Bắc và từ cuối thập niên 1970 ở miền Nam, ruộng đất của nông dân đã bị buộc phải đưa vào tập đoàn, hợp tác xã, đất đai chỉ chính thức thuộc về “sở hữu toàn dân” kể từ Hiến pháp 1980…

Chiều 18-1-2011, khi điều khiển phiên họp toàn thể của Đại hội Đảng lần thứ XI biểu quyết lựa chọn giữa “chế độ công hữu về tư liệu sản xuất” và “quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”, ông Nguyễn Phú Trọng hứa với Đại hội “thiểu số sẽ phục tùng đa số”. Nhưng, tháng 5-2012, Ban Chấp hành Trung ương mà ông Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư vẫn quyết định duy trì “chế độ công hữu” với đất đai, “tư liệu sản xuất” quan trọng nhất.” (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc, tập II. OsinBook, Westminster, CA: 2013).

Chính cái được mệnh danh là “chế độ công hữu” này đã sản sinh ra vô số những “vụ cướp ngày” từ mấy thập niên qua:

“Chỉ đến thời đại của Internet và đặc biệt là mạng xã hội, những vụ cướp đất đầy tai tiếng mới được phơi bày, luôn luôn đầy bạo lực, máu, nước mắt, và tù tội. Những cái tên đất, tên làng đã đi vào… lịch sử cướp đất: Tiên Lãng, Văn Giang, Đồng Tâm, Dương Nội, Thủ Thiêm, và nhiều nữa… (Đoan Trang, Trịnh Hữu Long. “Chính Trị Việt Nam: Một Thập Kỷ Nhìn Lại.” Luật Khoa Tạp Chí 30/12/2009).

Tác giả Đỗ Thúy Hường tóm gọn:

“Luật ngày càng rườm, dài. Nhưng ‘tim đen’ của luật lại rất đơn giản. Nó nằm ở nội hàm của từ ‘quản lý’… Chỉ bằng một câu viết trên giấy ‘Đất đai (về hình thức) là sở hữu toàn dân, (nhưng thực chất) do nhà nước toàn quyền quản lý’… Thế là, lập tức 50-60 triệu nông dân đang có ruộng, phút chốc biến ngay thành tá điền của đảng.”

Phải cần thêm bao nhiêu dân oan, bao nhiêu mảnh đời bầm dập, và bao nhiêu gia đình nông dân tan nát nữa để cái nhà nước hiện hành có thể “hoàn thiện CNXH ở Việt Nam vào cuối thế kỷ này” ?


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Làng Ba Đình

 Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

Báo Dân Việt, số xuất bản vào hôm 5 tháng 8 năm 2023, đi tin:

“Làng Đa Giá Thượng nằm ở phía Nam bến đò Khuốt, trên đường thiên lý từ Bắc vào Nam và nằm ngay dưới chân dãy núi đá vôi trùng điệp, hiểm trở. Ở đây có một bọn trộm cướp hung đồ, khống chế được tất cả các chức sắc trong làng cùng theo, dần dần hình thành cả một làng ăn cướp, có quy định khoán ước với nhau rất chặt chẽ…

Chúng lập ra một nhà trạm trên đường thiên lý với vỏ bọc là một nghề kinh doanh ăn uống và nghỉ trọ. Chủ quán lúc nào cũng cung cấp đầy đủ rượu ngon có pha thuốc mê, chuốc cho khách no say… Đêm đến, khách đang say giấc nồng thì chúng xông vào, trói giật cánh khuỷu, nhét giẻ vào miệng, lôi lên núi đá. Trên núi có một cái hang rất sâu gọi là Kẽm Trống, chúng xô khách xuống hang rồi về chia nhau tiền bạc.”

T.S Nguyễn Xuân Diện cho biết thêm:

“Sự việc xảy ra từ những năm đầu thập kỷ bảy mươi của thế kỷ XVII, kéo dài suốt 20 năm… khi ấy chúa đưa quân vào, bắt được gần 300 tên, trong đó có 52 tên đầu sỏ đưa đi chém luôn, san phẳng làng ấy – tức là làng Đa Giá thượng.

Chúa sai làm lễ tế để an ủi vong hồn các nạn nhân, nay bài văn tế đó vẫn còn lưu ở Viện Hán Nôm… Nhận thấy đây là tư liệu lịch sử quý, có thể bổ sung thêm cho chính sử về một sự kiện xảy ra cách đây đã đến 310 năm rồi, chúng tôi xin phiên âm dịch nghĩa giới thiệu toàn văn”.

Xin được trích dẫn đôi câu:

Nào ngờ Đa Giá Thượng lắm kẻ hung đồ;

Dám giữa buổi thái bình gây ra trọng án.

Cướp ở đường, giết ở cửa, bạo tàn nào kém sài lang;

Ném xuống nước, vứt lên non, hung ác thực hơn hổ báo…

 Ba trăm năm sau, lại có một “trọng án” khác (cũng “bạo tàn nào kém sài lang”) được ghi lại trong tác phẩm Thủy Mộ Quan của Viên Linh. Ông viết “thi điếu” để “tưởng nhớ những oan hồn uổng tử” ngoài Biển Đông:

 Trên Huyết Hải thuyền trôi về một chiếc

Chiều bầm đen trời rực rỡ đau thương

Thân chìm xuống băng tuyền giờ tận biệt

Sóng bạc đầu hối hả phủ trùng dương

 Thế nào là “uổng tử”?

“Cuối thập niên 70 cùng với những ghe vượt biển mong manh còn xuất hiện những thuyền nhiều tầng được Công an Biên phòng hộ tống ra tận cửa biển, do chính nhà nước đứng ra tổ chức dưới tên gọi Vượt biên Bán Chánh thức. Với chính sách bài Hoa, chính quyền muốn triệt tiêu ‘đội ngũ Hán gian’ nhưng trong thực tế là những gia đình Hoa kiều đã sinh sống nhiều thế hệ trong Chợ Lớn và có cả những thanh niên Việt mua khai sinh Tàu để ra đi.

Giá trung bình là 12 lượng vàng cho người lớn và 7 lượng vàng cho trẻ em, cùng hai trăm đồng ‘cụ Hồ’ cho thị thực khai sinh ma. Ðóng cho chủ tàu và công an thị xã điểm xuất phát.

Chuyến tàu MT-603 khởi đi từ Mỹ Tho đêm 29 rạng 30 tháng 5-1979 chứa 405 thuyền nhân đã đâm vào bãi ngầm Trường Sa bốn ngày sau đó. Ngày 21 tháng 6-1979 khi được Hải quân Phi Luật Tân cứu đưa vào hải đảo Liminangcong, điểm danh còn đúng 285 người…” (Trần Vũ. Biển San Hô. Tuần Báo Trẻ, Dallas: 2015).

Thư viết hôm 5 tháng 6 năm 1979 của Thủ Tướng Lý Quang Diệu, gửi Thủ Tướng Anh Margaret Thatcher (về vấn đề Thuyền Nhân Việt Nam) có đoạn như sau:

People and leadears throughout the world must be told, again and again, that this is the government of the Socialist Republic of Vietnam which has actively promoted this massive migration, causing havoc to the countries of  Southeast Asia… They have cold, calculating minds, which, whilst incapable of compassion to their own people, are nevertheless most acute in computing cost-benefits.

(Phải nói, phải nhắc đi nhắc lại, cho nhân dân và các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới biết rằng chính quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chính là kẻ tích cực xúc tiến cuộc di tản ồ ạt này, gây thiệt hại nặng nề cho các nước Đông Nam Á… Họ có đầu óc lạnh lùng tính toán, không hề biết động lòng với chính đồng bào mình, nhưng làm phép tính giữa chi phí và lời thu về thì rất nhanh.” Prime Minister Lee Kuan Yew of Singapore letter to MTTrans. Phạm Thị Hoài.)

Lý Quang Diệu có quá lời chăng?

Muốn biết chỉ cần xem qua vài ba con số:

  • “Vụ vượt biên đầu tiên bị bắt và bị đưa ra công khai do “đám chủ công ty vàng lá Kim Thành” tổ chức… Biên bản họp Trung ương Cục do ông Hà Phú Thuận lập vào ngày 3-9-1975 cho biết chi tiết vụ vượt biên đầu tiên này…: ‘Sơ kết, ta đã lấy được 8.437 lượng vàng 24 cara; 70 hột xoàn từ một đến năm ly; 182 triệu tiền miền Nam; 10.550 đôla, 1.700 tiền Thái Lan.” (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc, tập I. OsinBook, Westminster, CA: 2013).
  • “Báo cáo của Bộ nội vụ nói rằng: ‘Từ tháng 8-78 đến 6-79, mười lăm tỉnh, thành đã cho người Hoa đi nước ngoài bằng tàu, thuyền gồm 156 chuyến với số người là 59.329 người, đã thu 5.612 kg vàng, năm triệu đồng Việt Nam, năm mươi bảy ngàn đô la Mỹ, 235 ô tô, 1.749 nhà và gian nhà”. Nhưng, số liệu sau khi Ban 69 kiểm tra cho thấy: “Số tàu đã cho đi: 533; Số người đã đi: 134.322; Thu vàng: 16.181kg; Ngoại tệ: 164.505 đô la; Tiền ngân hàng VN: 34.548.138 đồng; Một số tài sản khác: 538 ô tô, xe du lịch; 4.145 nhà và gian nhà.” (Huy Đức, sđd.tr.127).

Vấn đề này cũng đã từng được nhắc đến, khi Phạm Văn Đồng còn tại chức:

“Xin Thủ tướng cho biết ý kiến về sự kiện thuyền nhân hồi 1975, nhất là hồi 1978, 1979… Về nguyên nhân và trách nhiệm trong những sự kiện ấy, với những hiện tượng bán bãi thu vàng và khá nhiều tầu, thuyền bị hải tặc bão tố và chìm trong đại dương… Là người đứng đầu chính phủ, một trong những người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản, Thủ tướng nhìn nhận ra sao trách nhiệm của mình trong cuộc di dân rộng lớn và bi thảm ấy?” (Bùi Tín. “Hai Câu Hỏi Cần Trả Lời Rõ Ràng Trước Khi Thế Kỷ 20 Khép Lại.” – Nguyệt San Cánh Én, Đức Quốc, số tháng Hai năm 1999).

Phạm Văn Đồng không hoàn toàn vô can nhưng cũng không phải là kẻ duy nhất phải trả lời cho hai câu hỏi thượng dẫn. Ông không phải là người nẩy ra cái sáng kiến “bán bãi thu vàng”. Ông cũng không phải là tác giả của chương trình Vượt Biên Bán Chính Thức (hay còn gọi là Phương Án II) mà đây là một công trình tập thể của cả dân làng Ba Đình – Hà Nội.

Ba trăm năm trước Thạc Quận Công Lê Hải đã san phẳng làng Đa Giá Thượng, sau khi chém đầu 52 tên đầu sỏ chuyên cướp của ở cái làng này. Con số nạn nhân do dân làng Ba Đình trong gần hai thập niên vượt biên, vượt biển không chỉ là 318 mạng mà nhiều hơn thế cả ngàn lần (*). Vậy phải “bêu đầu” bao nhiêu tên, trước khi xóa bỏ cái địa danh ô nhục này?

—————-

(*) Death Tolls and Casualty Statistics Vietnam – Vietnamese Boat People

  • Jacqueline Desbarats and Karl Jackson (“Vietnam 1975-1982: The Cruel Peace”, in The Washington Quarterly, Fall 1985) estimated that there had been around 65,000 executions. This number is repeated in the Sept. 1985  of State Bulletinarticle on Vietnam.
  • Orange County Register(29 April 2001): 1 million sent to camps and 165,000 died.
  • Northwest Asian Weekly(5 July 1996): 150,000-175,000 camp prisoners unaccounted for.
  • Estimates for the number of Boat People who died:
    • Elizabeth Becker (When the War Was Over, 1986) cites the UN High Commissioner on Refugees: 250,000 boat people died at sea; 929,600 reached asylum
    • The 20 July 1986 San Diego Union-Tribunecites the UN Refugee Commission: 200,000 to 250,000 boat people had died at sea since 1975.
    • The 3 Aug. 1979 Washington Postcites the Australian immigration minister’s estimate that 200,000 refugees had died at sea since 1975.
      • Also: “Some estimates have said that around half of those who set out do not survive.”
    • The 1991 Information Please Almanaccites unspecified “US Officials” that 100,000 boat people died fleeing Vietnam.
    • Encartaestimates that 0.5M fled, and 10-15% died, for a death toll of 50-75,000.
    • Nayan Chanda, Brother Enemy(1986): ¼M Chinese refugees in two years, 30,000 to 40,000 of whom died at sea. (These numbers also repeated by Marilyn Young, The Vietnam Wars: 1945-1990 (1991))
  • Rummel
    • Vietnamese democide: 1,040,000 (1975-87)
      • Executions: 100,000
      • Camp Deaths: 95,000
      • Forced Labor: 48,000
      • Democides in Cambodia: 460,000
      • Democides in Laos: 87,000
      • Vietnamese Boat People: 500,000 deaths (50% not blamed on the Vietnamese government)

 

 S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Nguyễn Thị Bình

 Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

19/12/2023

Thỉnh thoảng, giới truyền thông trong nước lại hốt hoảng loan tin:

Hoặc:

Tuy được báo động đều đều như thế nhưng tình trạng “lạm phát cấp phó vẫn cứ diễn ra ở nhiều sở, phòng, ngành, tại không ít địa phương” –  theo như lời than phiền của phóng viên báo Lao Động.

Tình trạng này được ông Dương Văn Thống, Phó Bí Thư Tỉnh Yên Bái, lý giải như sau: “Anh em phân công nhau không được, hạ xuống không được. Người Việt Nam chúng ta là thế.” Thảo nào mà nước CHXHCNVN, đã từng có đến 17 ông Phó Thủ Tướng và năm/sáu bà (hay ông) Phó Chủ Tịch Nước cùng tại vị.

Vấn đề – chả qua – là vì “ghế ít đít nhiều” nên lắm đồng chí lãnh đạo đành phải ngồi ghế phó, thế thôi. Tuy thế, chả nghe vị nào lên tiếng phiền hà gì ráo và tất cả (ngó bộ) đều muốn ngồi luôn – dù chỉ là ghế súp.

“Với đám con cháu, cụ Tôn bảo: ‘Tụi bay đừng có kêu tao bằng phó chủ tịch nước, nghe ngứa cái con ráy lắm! Người ta đặt đâu tao ngồi đó, chớ tao không màng cái chức chi hết’. Ngoài việc dự các nghi lễ long trọng bắt buộc phải có mặt cụ, cụ không làm việc gì khác ngoài một việc cụ thích thú hơn cả là sửa xe đạp. Làm phó chủ tịch nước, ông thợ máy ngày trước buồn tay buồn chân.

Hết xe đạp hỏng cho cụ chữa, anh em bộ đội bảo vệ và nhân viên phục vụ phải lấy xe của người nhà mang vào cho cụ kẻo ngồi không cụ buồn. Thương cụ quá, đôi khi họ còn làm cho xe trục trặc đi để dắt đến nhờ cụ sửa giùm. Một người bạn tôi quen thân với cụ Tôn, cha anh trước kia là đàn em cụ, kể rằng một hôm anh đến thăm cụ, vào thời gian Nghị quyết 9, thì cụ dắt anh vào phòng riêng thì thào :

‘Mầy có thấy lính kín theo mầy tới đây không mầy ?’ Anh ngạc nhiên quá. Tưởng anh lo lắng cho cụ, cụ mỉm cười hiền hậu:‘Là tao lo cho tụi bây, chớ tao hổng lo cho tao. Trong nhà tao nè, lính kín hổng có thiếu.”  (Vũ Thư Hiên. Đêm Giữa Ban Ngày. Văn Nghệ. Westminster, CA: 1997).

Tuy “nghe ngứa con ráy lắm,” và đôi khi cũng cảm thấy (đôi chút) ngượng ngập vì chức vụ hữu danh vô thực nhưng bác Tôn vẫn cứ ngồi im re ở cái ghế Phó Chủ Tịch Nước từ 1960 cho đến mãi 1969 lận!

Bác Bằng cũng thế : “Ông tiếp mẹ tôi trên gác ngôi nhà có công an canh gác, nói những lời an ủi vô thưởng vô phạt. Tiễn mẹ tôi xuống nhà, khi đã ra đến vườn rồi, tin chắc không còn bị nghe trộm nữa rồi, ông mới hứa sẽ đặt vấn đề ra trước Trung ương để Trung ương xem xét …

Lời hứa của ông chẳng bao giờ được thực hiện. Ðịa vị cao sang và nỗi sợ hãi trước Lê Ðức Thọ đã làm tâm hồn người chiến sĩ cách mạng nổi tiếng năm xưa tê liệt. Mẹ tôi kể rằng trong những lần bà tới gặp Nguyễn Lương Bằng, bà thấy ông biết nhà ông bị gài rệp.” (Vũ T. H. s.đ.d. tr. 361).

Ấy vậy chớ người Anh Cả Cách Mạng cũng vẫn yên vị với cái chức danh Phó Chủ Tịch Nước đúng mười năm chẵn, dù biết rằng cái ghế này có rệp.

Thế mới biết lợi danh – hay người xưa còn gọi là cái bả vinh hoa – luôn là miếng mồi hấp dẫn đối với chúng sinh, bất kể thời nào, và bất phân giới tính. Bà Bình cũng ngồi êm ru ở cái ghế PCT, dù chỉ ngồi chơi/xơi nước (đâu) cũng cỡ chục năm – chớ đâu có ít!

Theo Wikipedia Hà Nội: “Nguyễn Thị Bình (sinh năm 1927) là một nữ chính trị gia người Việt Nam. Bà nổi tiếng trên thế giới khi giữ cương vị Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, rồi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị 4 bên về hòa bình cho Việt Nam tại Paris trong giai đoạn 1968-1973. Bà là một trong những người đại diện các bên ký hiệp định Paris năm 1973 và là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định…

Năm 1992, tại kỳ họp Quốc hội khóa IX, bà được bầu làm Phó chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và giữ chức vụ này liên tục trong 10 năm (1992-2002). Bà là người phụ nữ Việt Nam thứ hai giữ chức vụ phó nguyên thủ và là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên giữ chức vụ Phó chủ tịch nước. Năm 2001, Chủ tịch nước Trần Đức Lương trao tặng cho bà Huân chương Hồ Chí Minh để ghi nhận những công lao to lớn của bà đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Mọi huân chương đều có mặt trái của nó. Cái mặt trái Huân Chương Hồ Chí Minh của bà Nguyễn Thị Bình là tính mạng và cuộc sống khốn cùng của vô số những người phụ nữ Việt Nam khác:

“Họ là những cô gái thời chiến, những thiếu nữ tình nguyện đầu quân vào một trong những đội nữ binh lớn nhất mà bất cứ nước nào đã từng đưa ra một chiến trường tân tiến … Khi hòa bình trở lại, họ mong sẽ tìm được một tấm chồng xứng đáng và sinh con đẻ cái.

Ðối với nhiều người trong số họ, giấc mơ đó đã không thành. Trở về sau khi cuộc chiến chấm dứt năm 1975, họ đã bị coi như thiếu hấp dẫn, vì bị tàn phá bởi bệnh hoạn, thiếu ăn và những cực khổ khác mà họ đã phải chịu đựng trong rừng…

Họ nói về chuyện trở về nhà với đời sống khó khăn hơn là đời sống mà họ đã rời bỏ. Sự cay đắng dai dẳng vì trong suốt bao nhiêu năm họ đã là những chiến sĩ bị bỏ quên trong một cuộc chiến tranh mà những người đàn ông chiến đấu – chứ không phải phụ nữ – đã trở thành anh hùng.

Tôi đã tưởng cuộc đời tôi sau chiến tranh sẽ giản dị và hạnh phúc,’ theo lời Nguyễn Thị Bình, cân được 85 pounds khi trở về nhà. ‘Nhưng tôi đã để cho người bạn trai của tôi ra đi. Tôi đã nói với anh ấy rằng với những chứng bệnh của tôi, với một chân bị thương của tôi, tôi sẽ là một gánh nặng cho anh ấy.’

Bà Bình đã sống một mình suốt 17 năm, một hình thức lưu vong trong một xã hội nặng về gia đình trong đó những phụ nữ hiếm muộn và những cặp vợ chồng không con là những đối tượng để thương hại. Thế rồi, trước sự thúc giục của những cựu đồng chí trong một đoàn phụ nữ – đoàn 559 – bà Bình đã ‘lấy một người chồng qua đêm’ và sinh được một đứa con gái.” (David Lamb. “Vietnam’s Women of War.” Los Angeles Times 10 Jan. 2003. Bản dịch Nguyễn Nhật. Talawas 17/07/2003).

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho BBC (vào hôm 13 tháng 10 năm 2008) về số phận Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam sau 1975, nguyên Phó Chủ Tịch Nước Nguyễn Thị Bình nói “tổ chức này khi ấy đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử” và “khẳng định” rằng “tôi không có sai lầm gì hết. Con đường mình đi hoàn toàn đúng.”

Nếu sau chiến tranh mà bà Bình này cũng trở thành một phụ nữ 4 không: không nhà, không cấp dưỡng, không con, không chồng (hoặc chỉ là một người chồng qua đêm, y như bà Bình kia) thì khán thính giả của BBC – không chừng – đã được nghe đôi lời nói (khác) chân thành và tử tế hơn!


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Tập Cận Bình

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

Vào những ngày tháng cuối cùng của năm 2019, không hiểu tại sao, Nguyễn Phú Trọng lại có những dự báo rất lạc quan về khí hậu và thời tiết địa phương : “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam”. Cả đất lẫn trời – tiếc thay – không mấy khi chiều theo lòng người, nhất là những người mắc bệnh “kiêu ngạo cộng sản” như ông TBT.

Qua năm 2020 thì Corona 19 bỗng dưng tràn lan khắp chốn (không sót xó nào) và không ai còn nhìn thấy mặt trời đâu nữa. Cả nước Việt đều đen thủi, đen thui. Còn mức độ xui rủi thì tùy theo phúc phận của từng người.

Riêng ông Nguyễn Quang Thuấn (BN 21 – một quan chức cao cấp của nhà đương cuộc Hà Nội) thì số mệnh vô cùng đen đủi nên không chỉ bị vướng dịch mà còn bị đồng bào, cùng với đồng chí xăm xoi và xỉa xói tơi bời hoa lá:

  • Phạm Trần: “ Theo lời khai của ông Thuấn thì ông bay từ Việt Nam đi Ấn Độ, sau đó sang Anh rồi về Việt Nam. Trên chuyến bay từ Ấn Độ sang Anh có ngồi cạnh 1 người quốc tịch Anh có biểu hiện sốt và ho liên tục. Sau khi về Việt Nam, thay vì khai báo y tế, ông Thuấn đã có nhiều hoạt động ở nhiều nơi… Do đó, số người bị lây nhiễm từ ông Thuấn có thể lên đến hàng trăm”.
  • Lê Như Tiến: “Tôi cũng nhận được thông tin vị cán bộ này cũng đi gặp gỡ, đi chơi golf rồi vào những nhà hàng sang trọng với nhiều người, đó là điều rất không nên”.
  • Nguyễn Tiến Tường: “Ngoài việc họp ở hội đồng lý luận, ông đi ăn trưa ở khách sạn Daewoo, ăn tối ở nhà hàng, đi đánh golf cùng đồng sự. Cũng phải nhờ đến con virus, mới phơi lộ được sự thật đằng sau vẻ bình dị…”
  • Nhân Tuấn Trương: “Con virus Vũ Hán … đã tụt quần ông Nguyễn Quang Thuấn.”

Cỡ NQThuấn thì nhằm nhò gì. Covid 19 còn “tụt quần” lắm yếu nhân khác, loại tầm vóc quốc tế, như Tập Cận Bình (TCB) nữa kìa. Nhân vật này hiện là Tổng Bí Thư Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc, kiêm Chủ Tịch Ủy Ban Quân Sự, và kiêm Chủ Tịch Nước (vĩnh viễn) luôn.

Cùng với quyền lực nghiêng trời lệch đất, TCB còn có thêm một khối óc vỹ đại với tầm nhìn bao quát cả toàn cầu. Ông là cha đẻ của Sáng Kiến Vòng Đai & Con Đường (The Belt and Road Initiative) còn được gọi là Nhất Đới Nhất Lộ, nối liền những trọng điểm kinh tế từ Trung Quốc sang châu Âu và châu Phi.

Hèn chi mà TCB được long trọng đón tiếp khắp nơi:

TCB lên voi (thấy rõ) rồi xuống chó cũng lẹ làng (và rõ ràng) không kém chỉ vì con vi khuẩn Vũ Hán đã làm hư bột hư đường hết trơn hết trọi. :

Bỉnh bút của tờ Figaro, Patrick Saint-Paul, tóm lược: “Tại Bắc Kinh, ‘hoàng đế họ Tập đang bị mất mặt’. Từ khi ‘lên ngôi’ năm 2012, Tập Cận Bình đã thâu tóm tất cả quyền lực, tặng cho mình khả năng lãnh đạo đất nước mãn đời. Ông Tập chủ trương đưa Trung Quốc trở thành ‘trung tâm’ của thế giới, ngang hàng với Mỹ và đã hứa hẹn một ‘giấc mộng Trung Hoa’ tươi sáng. Nhưng Covid-19 nằm ngoài kế hoạch của Bắc Kinh. Thế giới đang xa lánh Trung Quốc.” (“Virus corona : Trung Quốc từ Đại Nhảy Vọt đến Đại Thụt Lùi.” RFI 24 Feb 2020 translated by Thanh Ha).

Nói nào ngay thì Covid 19 “nằm ngoài kế hoạch” của bất cứ ai, chứ chả riêng chi Bắc Kinh nhưng chủ trương (Zero Covid) độc đoán và khắc nghiệt của TCB đã làm cho cả Trung Hoa Lục Địa trở nên vô cùng tệ hại khiến dân tình phẫn uất.

Kinh tế đình trệ, thất nghiệp tràn lan và những làn sóng biểu tình dồn dập đòi hỏi TCB phải từ chức đã khiến cho đương sự lui bước. Tình thế, tuy vậy (xem chừng) vẫn không cải thiện hay sáng sủa hơn được bao nhiêu.

Nhà báo An Huy (Vneconomy) nhận định: “Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc gần đây đã phục hồi mạnh nhờ kỳ vọng nước này sớm mở cửa trở lại khi bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu nới lỏng trong chính sách Zero Covid. Tuy nhiên, sự phục hồi đó có thể sẽ phải đối mặt với một ‘thực tế phũ phàng’ là tình trạng èo uột của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.”

“Thực tế phũ phàng” và sự “èo uột” của nước Tầu mỗi lúc một thêm rõ nét, và  không chỉ giới hạn vào lãnh vực kinh tế:

  • The Guardian(5/12/23): “Moody’s Investor Service đã hạ hạng tín dụng của TH xuống điểm âm.”
  • BBC(7/12/23):  “Ý chính thức rút khỏi Vành đai & Con đường của Trung Quốc … Là nước thuộc nhóm G7 duy nhất ký kết tham gia dự án đầy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình, nay Ý đã chính thức thông báo không gia hạn tư cách thành viên Vành đai & Con đường (BRI).
  • Epoch Times(7/12/23): “ĐCSTQ che đậy đợt bùng phát bệnh viêm phổi bí ẩn ở trẻ em… Trong đợt bùng phát bệnh viêm phổi hiện nay, trẻ em bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Khắp Trung Quốc trong những tuần gần đây, các bệnh viện nhi lớn của Trung Quốc báo cáo đã tiếp nhận tới 10,000 bệnh nhân mỗi ngày.”

Thiệt là họa vô đơn chí!

Nhà văn Tạ Duy Anh nhận xét: “Trung Quốc một nước lớn, một nền văn hóa vĩ đại nhưng về mặt chính trị, chưa bao giờ nó thoát khỏi thân phận của một con bệnh khổng lồ”.

Nhà bình luận thời sự Nguyễn Xuân Thọ kết luận: “Điều nguy hiểm nhất là nền y tế đã bộc lộ nó không đủ tầm của một siêu cường. Giờ đây nó lại còn cho thấy không chặn được những biến chứng bí hiểm như nạn viêm phổi hiện nay.”

Tương lai của siêu cường Trung Hoa Lục Địa (nói chung) và siêu nhân TCB (nói riêng) ngó bộ không được tươi sáng gì cho lắm. Tuy thế, hoàng đế họ Tập đi đến đâu cũng lớn tiếng kêu gọi thiên hạ “xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai”! Có cái “cộng đồng” mẹ rượt nào đâu mà cứ đòi “chia sẻ”!

Tại Hà Nội, vào ngày 13 tháng 12 năm 2023 vừa qua, ông tuyên bố: “Hướng tới tương lai, chúng ta không quên nguyện ước ban đầu, cùng nhau đi lên con đường xã hội chủ nghĩa …” Thôi quên cái “ước nguyện” (thổ tả) đó đi, cha nội. Mong sao mấy ông bước xuống (hay bước ra) mà tránh được đổ máu dân là cũng quý hóa lắm rồi, nói chi đến chuyện “bước lên”. Nghe lôi thôi và xa xôi quá!


 

S.T.T.D Tưởng năng Tiến – Một vòng đai, một con đường & hai con tim bộ lạc

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

12/12/2023

 

Thỉnh thoảng, cũng có vài ba thân hữu hỏi (xem) tôi quê quán nơi nao? Thực là một câu hỏi khó. Tôi sinh ở Sài Gòn, lớn lên ở Đà Lạt, và sống phần lớn thời gian ở California. Cả ba đều là nơi tập hợp của dân tứ xứ, khó có thể xem là quê hương (bản quán) của bất cứ ai. Tôi cũng chả biết hỏi ai về “gốc gác” của mình vì song thân đã quá vãng từ lâu; anh chị em thì kẻ mất người còn nhưng đều tứ tán và phiêu bạt cả.

Tôi chỉ đoán chừng rằng tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình đều gốc gác là những nông dân từ một làng quê khốn khó nghèo nàn nào đó (kề cạnh sông Hồng) nên cái chất nông phu vẫn còn  nguyên vẹn trong máu huyết. Sau khi đã đi nhiều nơi, và có nhiều dịp được nếm thử đủ loại thực phẩm của những những dân tộc khác, tôi vẫn “chốt” lại rằng: ngoài mì quảng, cá rô kho tộ, cá chẻm nấu canh chua, đậu rán tẩm mỡ hành, rau muống luộc – chấm với nước mắm ớt chanh – và cơm gạo tẻ ra … thì chúng ta không nên đụng đũa đến bất cứ thứ thức ăn (tào lao) nào nữa!

Tôi ăn uống quê mùa ra sao thì ăn nói, và suy nghĩ cũng bỗ bã, cạn cợt y như vậy. Rõ ràng, tôi có cốt cách và tư duy của giới tiểu nông (vốn không thể nhìn xa, thấy rộng) nên rất khó lĩnh hội được những điều tinh tế.

Có lần tôi mon men thử tìm hiểu chút đỉnh về vô thức tập thể qua công trình biên khảo (Archetypes and the Collective Unconscious) của Carl Gustav Jung, cha đẻ của khoa Tâm Lý Học Phân Tích –  Analytical Psychology. Bước chân vào cái thế giới bao la và sâu thẳm này khiến tôi hơi bị choáng, và không khỏi lại chạnh lòng nghĩ đến hai vị nhân sĩ khả kính của đất nước mình: Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.

Tuy mỗi người chủ trương một phương cách khác hẳn nhau nhưng mối bận tâm chung của hai ông vẫn chỉ là làm sao cho quốc dân thoát khỏi được vòng lệ thuộc. Dù nhị vị đã khuất núi từ lâu nhưng Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc vẫn chỉ là bánh vẽ, và “khai dân trí” vẫn là một vấn đề sống còn và cấp bách.

Phan Bội Châu (1867 – 1940), Phan Châu Trinh (1871 – 1926), Carl Gustav Jung (1875 – 1961) đều chào đời vào hậu bán thế kỷ 19 và tuổi tác gần suýt xoát nhau. Chỉ có điều khác là quê hương của Carl Gustav không trải qua một ngàn năm nô lệ giặc Tầu, một trăm năm nô lệ giặc Tây. Thụy Sỹ cũng chả bị tàn phá hay ảnh hưởng gì nhiều bởi hai cuộc Thế Chiến vừa qua.

Có lẽ vì thế nên tư duy của  Jung khác với hai cụ Phan rất xa. Khoảng cách bao la này – dường như – chưa bao giờ ngắn lại, dù chỉ một ly. Cả đời tôi (và không ít những bạn đồng thời) cũng vẫn chỉ loanh quanh với đậu rán, cá kho, canh chua, rau luộc, và vẫn cứ loay hoay với chuyện thoát Trung cùng thoát Cộng.

Thế nên tôi không chỉ có “cái mặc cảm VN” mà còn mang luôn cái “mặc cảm Á Châu” – nơi mà phần lớn đất đai đều có thời là thuộc địa, và không mấy khi sản xuất được một nhân vật tầm cỡ. Mặc cảm này, gần đây, đã được giải toả phần nào khi bên nước (bạn) láng giềng bỗng xuất hiện một nhân tài nổi bật: Tập Cận Bình. Ông hiện là Tổng Bí Thư Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc, kiêm Chủ Tịch Ủy Ban Quân Sự, và kiêm Chủ Tịch Nước (vĩnh viễn) luôn.

Cùng với quyền lực nghiêng trời lệch đất, Tập Cận Bình còn có thêm một khối óc vỹ đại với tầm nhìn bao quát cả toàn cầu. Ông là cha đẻ của Sáng Kiến Vòng Đai & Con Đường (The Belt and Road Initiative) còn được gọi là Nhất Đới Nhất Lộ, nối liền những trọng điểm kinh tế. từ Trung Quốc sang châu Âu và châu Phi. Sáng kiến này được mô tả là “dự án của thế kỷ – project of the century,” với kỳ vọng sẽ mang lại “một trật tự mới cho thế giới – a new world order.”

Thiệt là một phát kiến rất đáng kể, đáng nể, và quả là một tin vui.

Tôi chỉ bớt vui, và bắt đầu buồn (rồi buồn nôn) từ hôm ghé qua Sihanoukville – một trong những nơi được xem là trọng điểm trên lộ trình One Belt One Road (OBOR) của Tập Cận Bình. Ở thành phố cảng này, tôi đếm được khoảng gần 100 cái casino và building sang trọng của người Hoa. Xen cạnh là vô số restaurant cùng supermarket – đỏ rực bảng hiệu tiếng Tầu – nằm san sát hai bên những con đường lỗ chỗ ồ gà, ngập ngụa rác rưởi, và mịt mù khói bụi.

Nơi đây, người Trung Hoa thường ở biệt lập trong những khách sạn sang trọng hay những khu chung cư cao cấp. Họ chỉ chia chung với dân bản xứ những dòng nước suối đen ngòm (lềnh bềnh chai lọ nhựa) lừ đừ chẩy qua những ngõ ngách chật chội và hôi thối.

Bên cạnh những công trình kiến trúc hoành tráng là mấy dẫy mái tôn lụp xụp, và len lách giữa đám xe du lịch đắt tiền (đậu trước những casino tráng lệ) là những đứa bé Cambodia phải nhặt rác để mưu sinh (thay vì cắp sách đến trường đồng)   và không ít người dân Cambodia đang ngồi không bên lề cái Vòng Đai & Con Đường hoành tráng của ông Tập Cận Bình.

Những hình ảnh này khiến tôi nhớ đến lời của nhà nhân chủng học Jane Goodall  trong một cuộc phỏng vấn dành cho AFP, hồi năm 2014: “Trung Hoa đang bóc lột Phi Châu chả khác gì thế lực thực dân kiểu cũ… với những hậu  quả tai hại về môi sinh. China is pillaging Africa like an old colonial power … with disastrous effects for the environment.)

Với thời gian, sự việc mỗi lúc một tệ hại hơn: “Nhiều quốc gia ở châu Phi và châu Á cho biết họ không thể tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư bằng vốn của Trung Quốc. Tại Nigeria, dự án đường sắt trị giá 1,5 tỷ USD rơi vào trì trệ vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhiều dự án khác thuộc Vành đai Con đường ở Zambia, Zimbabwe, Algeria và Ai Cập cũng bị trì hoãn vô thời hạn do sự lây lan của Covid-19.”

Chinese Imperialism Rises in Africa - YouTube

Many countries in Africa and Asia have not been able to continue with mega projects, mostly funded by Beijing, because they are struggling to service debts. In Nigeria, a US$1.5 billion rail project is facing delays because of coronavirus disruptions, while many Chinese funded projects in Zambia, Zimbabwe, Algeria and Egypt have been put on hold or may be delayed as the countries fight to control the spread of Covid-19. (Jevans Nyabiage. “Pandemic takes the shine off China’s Belt and Road Initiative as African partners struggle with coronavirus.” South China Morning Post 28 Jun 2020 translated by Hương Vũ).

Nếu chiến lược ngoại giao bẫy nợ của Trung Cộng – China’s debt-trap diplomacy – cứ tiếp tục phát triển thì nhiều quốc gia khác nữa (Cambodia, Lao, Mongolia, Myanmar, Nepal, Pakistan, Philippines, Sri Lanka, Vietnam …) cũng sẽ chìm trong biển nợ. Châu Á, rồi ra, e cũng sẽ chả khác gì Châu Phi là mấy.

Ở bên trong Bức Màn Sắt Trung Hoa thì bàn tay sắt của ông Tập Cận Bình chả cần gì phải bọc găng, cũng khỏi cần giăng bẫy vì Tây Tạng và Tân Cương đã nằm trong rọ tự lâu rồi:

Thiên hạ vẫn chưa biết Sáng Kiến Vòng Đai & Con Đường (The Belt and Road Initiative) có tính cách toàn cầu của họ Tập rồi ra sẽ dẫn dắt đến đâu nhưng quả tim (bộ lạc) nhỏ hẹp và tàn ác của ông ấy đã làm cho bất cứ ai cũng phải hết hồn, hết vía:

“Bằng chứng phạm tội là nhiều tù nhân lương tâm-thành viên Pháp Luân Công, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, phật tử Tây Tạng và tín đồ Công giáo “chui” –  bị bắt xét nghiệm y khoa và bị mổ cướp lấy nội tạng. Những nội tạng này đã cung cấp cho thị trường cấy ghép nội tạng rất lớn. The charge is that many prisoners of conscience – Falun Gong members, Uighur Muslims, Tibetan Buddhists and “underground” Christians – have been subjected to medical testing and had their organs forcibly removed. Those organs have fed an enormous trade in organ transplants.” (“Benedict Rogers. “The Nightmare of Human Organ Harvesting in China.” The Wall Street Journal 5 Feb 2019 translated by Trần Quốc Việt ).

Những thử nghiệm y khoa của Đức Quốc Xã (“Nazi Medical Experimentation”) chắc cũng chỉ man rợ đến vậy là cùng. Dù vốn gốc nông dân và rất vô tâm, tôi vẫn cứ ngẫm nghĩ mãi về câu nói của Sir Alan Bullock  (“Hitler tin rằng Đệ Tam Quốc Xã sẽ kéo dài cả ngàn năm. Nó tồn tại được hơn chục năm”) rồi không khỏi lấy làm lo cho thần tượng của mình. Chả hiểu bác Tập sẽ “trụ” được thêm bao năm, hay bao lăm, nữa?


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Thương một người (Tầu)

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

11/12/2023

Nói nào ngay thì tui thương (rất) nhiều người chớ không phải một. Phần lớn, buồn thay, đều là những phụ nữ đã có chồng con/cháu chắt (tùm lum) hết trơn rồi nên kể ra đây e không tiện lắm. Đành chỉ nêu tên một nhân vật mà thôi, một người cùng phái – Khổng Tử – để tránh bớt (phần nào) tiếng đời dị nghị!

Ông mất năm 479 (B.C.E) sau một kiếp nhân sinh không mấy an nhàn, và hơi lận đận. Điều an ủi là sau khi nhắm mắt thì Khổng Tử được suy tôn là Vạn Thế Sư Biểu của dân tộc Trung Hoa.

Tuy nhiên, cũng chính cái danh hiệu lớn lao này đã khiến ông không được an giấc ngàn thu. Năm 1974 (C.E) Khổng Tử bị đám hậu sinh hạ bệ, bêu riếu, và xỉ vả không tiếc lời chỉ vì Chủ Tịch Mao Trạch Đông Vĩ Đại không thích có bất cứ một người (Tầu) nào khác mà cũng “vĩ đại” quá cỡ… như mình!

Qua đến đầu thế kỷ XXI (khi khổng/ khi không) Khổng Tử lại được phục hồi, và được cử làm Đại Sứ Văn Hoá Lưu Động “để quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Hoa” qua vài trăm cái Viện Khổng Tử (VKT) mọc ở khắp nơi.

Thiệt là “nhậm trọng nhi đạo viễn.” Tôi ngó cái trọng trách Bắc Kinh giao cho Khổng Tử mà không khỏi sinh lòng ái ngại, và động lòng… thương cảm! Lúc còn sống, ông phải bôn ba – đã đành. Giờ đã thác mà hồn vía cũng (lông bông) không khác!

Những VKT ở Châu Phi, Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc… làm ăn ra sao – thiệt tình – tôi hoàn toàn mù tịt. Còn ngay tại Cambodia, nơi tôi tạm trú, hơn một năm qua thì (ôi thôi) chả ra làm sao cả. Chúng có còn hơn không, chớ không “quảng bá” được cái con bà gì ráo.

Ngày 14 tháng 2 năm 2015, nhật báo The Cambodia Daily loan tin: “Spring Festival Gala a Display of China’s Soft Power”. Xin trích vài đoạn ngắn, theo bản dịch của Hồng Thủy, để rộng đường dư luận :

“… hôm Thứ Ba vừa qua Trung Quốc và Campuchia đã cùng tổ chức một chương trình văn nghệ truyền hình trực tiếp Festival Mùa Xuân tại đảo Koh Pich ở Phnom Penh. Chương trình biểu diễn nghệ thuật hoành tráng kéo dài 2 giờ 30 phút với sự có mặt của vợ chồng Thủ tướng Hun Sen do đài truyền hình quốc gia Campuchia và đài truyền hình tỉnh Vân Nam đồng tổ chức …

Trung Quốc đã khẳng định vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia, đồng thời cũng là nhà cung cấp viện trợ nước ngoài hàng đầu, bơm hàng tỉ USD vào Campuchia trong 2 thập kỷ qua. Quan hệ giữa 2 nước tiếp tục được củng cố sau khi Bắc Kinh cam kết gói viện trợ 144 triệu USD cho Campuchia vào tháng 12 năm ngoái.

Bắc Kinh đang muốn gia tăng ảnh hưởng văn hóa của mình tại Campuchia. Viện Khổng Tử do chính phủ Trung Quốc tài trợ đã mở cửa tại Phnom Penh năm 2009, tính đến tháng 6/2013 đã có chi nhánh trên 13 tỉnh thành. Mục tiêu Trung Quốc đặt ra là sẽ ‘phủ sóng’ chi nhánh viện Khổng Tử trên tất cả 24 tỉnh thành của Campuchia.”

Tôi sợ rằng những người thực hiện chương trình Festival Gala (kể trên) đã có chút hiểu lầm giữa xiệc Tầu và văn hoá Trung Hoa. Gánh xiệc Vân Nam tuy có làm khán giả trầm trồ qua nhiều màn biểu diễn hoành tráng nhưng chắc không để lại ấn tượng gì sâu đậm lắm, nếu so với vô số dịch vụ thiết thực mà những cơ quan từ thiện (từ nước ngoài) đã thực hiện tại Cambodia.

Tuy Trung Cộng “là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia” nhưng đây không phải là quốc gia duy nhất hiện có mặt tại Xứ Chùa Tháp. Chính phủ Hunsen mở rộng cửa, hân hoan chào đón tất cả những cơ quan thiện nguyện đến với đất nước của họ.

Bởi vậy, cũng như Bangladesh, Cambodia được mệnh danh là Thiên Đường Của NGO (Paradise of NGO) với sự hiện diện của ba ngàn năm trăm Tổ Chức Phi Chính Phủ. Theo tường trình của CCC (Cooperation Committee for Cambodia) thì có khoảng từ hai mươi đến ba mươi phần trăm dân chúng được hưởng những lợi ích trực tiếp từ những cơ quan thiện nguyện này.

Tôi không tin rằng mấy chục cái VKT đang nhận ngân sách, và chỉ thị, từ Bắc Kinh có thể thực hiện được một phần mười những thành quả tương tự ở Cambodia. Ngay ở lãnh vực tương đối giản dị, như giảng dậy tiếng Hoa, họ cũng chả làm được “trò/trống” gì đáng kể.

Ở Phnom Penh, có hàng trăm trường học quốc tế (British International School, Canadian International School, Western International School, Northbridge International School …) nhưng không đâu giảng dậy tiếng Tầu cả. Người Miên, chớ bộ người điên sao mà đi học tiếng Hoa – mấy cha?

NGO không chỉ có mặt ở Thủ Đô những thành phố lớn. Tôi nhìn thấy nhân viên của họ lẽo đẽo trên mọi nẻo đường quê, hay len lách khắp sông rạch và cồn nổi trơ vơ giữa Biển Hồ, bất kể vào mùa khô hay mùa nước nổi.

Có bữa, sau khi xem mấy bức ảnh (của nhiếp ảnh gia NgyThanh) chụp cảnh trẻ con Campuchia tại núi rác Stung Meanchey, tôi nẩy ra cái ý định là phải ghé qua bãi rác Beuong Chheung Ek. (ở Phnom Penh) để nhìn cho tận mắt. Đến nơi, tôi dặn taxi trở lại đón sau chừng vài tiếng, rồi đeo máy hình hăm hở xuống xe. Cửa vừa mở là tôi đã bị oẹ liền vì không khí nồng nặc mùi hôi thối.

Tôi chui lại ngay vào xe, đưa tay ra dấu cho tài xế chạy liền tức khắc. May mà tôi không có thói quen ăn sáng nên chưa đến nỗi làm bẩn xe của người ta.

Vậy mà mỗi ngày nhân viên của cơ quan thiện nguyện PSE (Pour un Sourire d’Enfant, Một Nụ Cười Cho Trẻ Thơ) vẫn đều đặn mang đến bãi rác Stung Meanchey 250/300 phần ăn cho những đứa bé sinh sống ở nơi đây – kể cả sáng cuối tuần. Ngoài bữa điểm tâm, PSE còn cử hai vị bác sĩ làm việc tại chỗ để chăm sóc những vết cắt, vết đâm, vết trầy hay ghẻ lở trên da thịt của lũ trẻ thơ.

“Bởi không có thuốc men gì cả, tôi thấy một bà bác sĩ đành chỉ biết ôm ấp và an ủi các cháu bé, bằng tất cả tình cảm hào phóng của mình. In the absence of medicine, I observed one doctor prescribe hugs, which she gave out in liberal doses” – theo như nguyên văn lời tường thuật của một phóng viên, đọc được qua trang Tales of Asia.

Giới lãnh đạo ở Bắc Kinh có thể chi hàng tỉ Mỹ Kim cho 24 Viện Khổng Tử (ở Cambodia) để đổi lại những tràng pháo tay của giới quí tộc và quan chức đất nước này, sau những màn xiệc Tầu ngoạn mục. Tuy thế, họ không thể mang đến bãi rác Stung Meanchey một vòng tay thân ái hay một nụ cười chỉ vì họ không biết cười và cũng chả có lòng nhân ái. Người ta không thể cho cái mà mình không có.

Cũng thế, cũng có thể nói mà không sợ mang tiếng cường điệu rằng Trung Cộng không thể sử dụng quyền lực mềm (ở bất cứ nơi đâu), giản dị chỉ vì họ không hề thủ đắc thứ quyền lực đó. Chút “credit” (Nhân/ Nghĩa/ Lễ/ Trí/ Tín) của Đại Sứ Văn Hoá Khổng Phu Tử, cùng toàn bộ Tứ Thư Ngũ Kinh của Nho Giáo, không sao che lấp được những hành vi vô văn hóa mà hàng triệu người Tầu vẫn phô diễn – hàng ngày – ở khắp mọi nơi :

– Khách Trung Quốc cãi lộn om sòm tại sân bay Nhật Bản

– Khách Trung Quốc dọa giết hướng dẫn viên vì chỗ ngồi trên xe

– Du khách Trung Quốc cho trẻ đại tiện nơi công cộng khiến người dân bất bình

– Du khách Trung Quốc trộm điện thoại đồng hương

– Thái Lan hướng dẫn cư xử văn minh cho khách Trung Quốc

– Nữ hoàng Anh nói quan chức TQ ‘thô lỗ’

– Kinh hoàng cảnh du khách Trung Quốc ăn buffet ở Thái Lan

Trung Cộng không phải là Trung Hoa. Cố tráo (trở) giữa Văn Minh Trung Hoa với Văn Minh Trung Cộng là một cố gắng vô vọng. Ép Khổng Tử phải làm cán bộ tuyên truyền cho cái thứ “Văn Hoá Cộng Sản” thì rõ ràng là đã biến ông thành một kẻ lố bịch và rất đáng thương. Tôi thương ông lắm!

 05/2016


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Hồn Nước

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

Nhạc phẩm Bên Bờ Đại Dương là sáng tác chung của Hoàng Trọng và Hồ Đình Phương, do nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành vào năm 1957 (khi đất nước đã bị cắt chia) nên có thể là nhiều người chưa từng nghe đến lần nào:

Đất nước tôi màu thắm bên bờ đại dương
Bắc với Nam, tình nối qua lòng miền Trung
Đất nước tôi từ mái tranh nghèo Bắc Giang
Vượt núi rừng già Trường Sơn
Vào tới ruộng ngọt phương Nam

Dân nước tôi từng đấu tranh diệt ngoại xâm
Trong máu xương từng hát ca bài thành công
Dân nước tôi nòi giống hùng cường Lạc Long
Làm gái toàn là Trưng Vương
Làm trai rạng hồn Quang Trung …

 Nếu được hân hạnh ngồi chung bàn với nhị vị tác giả của tác phẩm thượng dẫn (và nếu uống đủ nhiều) tôi “dám” sẽ đề nghị hai ông sửa đổi lại đôi câu:

Làm trai toàn là Quang Trung
Làm gái rạng hồn Trưng Vương …

Chả hiểu tại sao nhưng tôi cứ đinh ninh rằng hồn thiêng sông núi luôn luôn tiềm ẩn trong tim của những người phụ nữ, chứ không phải là nam giới. Sự chủ quan này –  phần nào – là do kinh nghiệm cá nhân vì tôi đã may mắn gặp được cái hồn của dân tộc mình rồi, và không chỉ một lần.

Lần đầu tiên tôi gặp “nó” trong hẻm Ánh Hồng (Hà Nội) cạnh một nhà xí công cộng, nơi cư trú của một kẻ bần cùng: chị Sợi. Chị có một mẹt hàng ở đầu ngõ, bầy bán các thứ linh tinh: ấm nước chè, gói thuốc lào, bao thuốc lá, lọ ô mai, gói bánh bích qui. Vì không có vốn nên hàng hoá lèo tèo, thảm hại.

Chị ấy bán hàng không đủ thu nhập để nuôi mình, và nuôi người mẹ bệnh đang nằm chờ chết nên (đôi lúc) còn buộc phải bán thân. Mẹt hàng, cũng như thân xác “xuống cấp” của người đàn bà đã quá thời xuân sắc này, chỉ hấp dẫn được một loại khách hàng duy nhất: đám ăn mày.

“Trong số những người chồng hờ ấy, chị đặc biệt yêu quý một anh ăn mày trẻ, còn ít tuổi hơn chị. Anh ta đến với chị không như người đến với gái làng chơi.

Anh đã kể cho chị nghe chuyện chân anh. Còn chị kể cho anh chuyện mẹ chị. Khi bị ngã gẫy xương hông, nằm liệt, ba năm đầu cụ hát. Ba năm sau cụ chửi. Và một năm nay cụ yên lặng. Mỗi khi có khách lên gác lửng cùng chị, cụ nhắm mắt giả cách ngủ.

Anh thương chị. Chị thương anh. Chính anh đã mượn cưa, bào ở đâu về cưa, bào, đo, cắt mộng mấy tấm gỗ cốp pha, ráp thành cái áo quan cho cụ. Và cũng chính anh, dù què một chân cũng đã bắc ghế trèo lên, xây thêm hai hàng gạch quanh tường bao cho nó cao thêm, chắn bớt cái hơi nhà xí tạt vào.

Người thứ hai chị Sợi yêu quý là một phụ nữ… một bà già thấp bé, lại còng, mặt chằng chịt vết nhăn, chẳng biết bao nhiêu tuổi nữa … Bà ở vùng Hà Nam, Phong Cốc. Anh con trai duy nhất của bà a dua với bọn xấu trong làng đi ăn trộm lợn. Án xử hai năm. Trong tù bị bọn đầu gấu đánh chết. Người con dâu bỏ đi lấy chồng, để lại cho bà hai đứa cháu gái, đứa chín tuổi, đứa bảy tuổi.

Một lần bà Mít đến, nắm lấy bàn tay chị:

– Em ơi. Chị nhờ em một cái này được không.

Bà ngập ngừng. Chị Sợi không hiểu chuyện gì. Nhưng rõ ràng là một việc hệ trọng, rất hệ trọng đối với bà… Thì ra bà muốn gửi chị tiền.

Tiền là vàng, là cuộc sống của hai đứa cháu côi cút của bà ở quê. Để nhiều tiền trong người, bà sợ. Suốt ngày đi bộ rạc cẳng mà đêm cứ ngủ chập chờn. Nên nghe chừng thấy nằng nặng hầu bao, bà phải mang tiền về quê … Chị nắm chặt tay bà: Bà yên tâm. Tiền bà gửi con không suy suyển một xu.

Nhưng cả tháng sau bà Mít vẫn không quay lại…  Chị Sợi kiểm lại số tiền bà Mít gửi một lần nữa. Cho tất cả vào một cái túi xách. Bây giờ chị không chờ bà Mít nữa. Chị chờ anh què đến. Chị bảo anh:

  • Bà Mít chết thật rồi. Anh phải giúp em. Ở đây trông nom, cơm nước, rửa ráy cho mẹ em vài ngày. Em phải đi đây.
  • Em biết quê bà ở đâu mà tìm?
  • Cứ về Hà Nam, Phong Cốc hỏi. Thế nào cũng ra … Phải đem chỗ tiền này về cho hai đứa trẻ mồ côi. Phải thực hiện nguyện ước của bà cụ, kể cả việc mua hai bộ quần áo mới cho chúng nó… Phải đi ngay kẻo lỡ mất chuyến tàu”. (Bùi Ngọc Tấn. “Truyện Không Tên.” 05/17/2009).

Sau khi đọc xong câu chuyện này, tôi viết thư cảm ơn tác giả vì đã giúp cho tôi cảm được cái hồn của dân tộc mình. Nhà văn hồi đáp rằng ông không viết truyện mà chỉ kể lại chuyện đời, theo đúng y như lời tâm sự của chị Sự chứ không thêm bớt chi cả.

Bùi Ngọc Tấn đã ra người thiên cổ nhưng chị Sợi, anh Què chắc vẫn quanh quẩn nơi những con hẻm tối tăm (nào đó) giữa lòng Hà Nội. Ở đây, không phải lúc nào ra ngõ cũng gặp anh hùng hay một vị tiến sỹ mà (đôi khi) chúng ta còn gặp được những mảnh hồn của đất nước nữa nhưng không có cơ duyên để nhận biết thôi.

Mới đây, tôi lại may mắn gặp cái hồn của đất nước mình tại một nơi chốn khác –qua câu chuyện kể của một người chủ tiệm cơm tấm ở Hóc Môn, Sài Gòn:

Cách đây không lâu, mình thấy hai bà cháu ngồi xin ăn bên đường nên đã đem làm 2 phần cơm qua ủng hộ. Mỗi phần cơm tấm quán bán trị giá 45 nghìn.

Lúc qua thì thấy bé cầm sẵn tiền lẻ, bà ngồi bên có nói là nó thèm cơm, đang định qua mua nhưng mà chỉ có tờ 1 nghìn, 2 nghìn, tiền cũng bị rách nữa, sợ qua chủ quán không chịu bán.

Lần thứ 2, mình dặn nhân viên đem cơm qua, nói là quán tụi con cũng hay cho cơm vậy lắm, bà đừng ngại gì hết.

Rồi lần thứ 3, hôm đó trời mưa, quán mình cũng vắng khách, em bé mới cầm tiền qua, nói hôm nay con mua ủng hộ chú, nay bà cháu con xin được nên có tiền rồi”. (Thủy Tiên. “Đem xấp tiền lẻ tới mua cơm, cậu bé bán vé số thuật lại lời dặn của bà khiến chủ tiệm bối rối.” Soha 24/09/2023).

“Lòng tự trọng của hai bà cháu” cũng khiến tôi bối rối theo, và bối rối lắm, khi liên tưởng vụ án VTP đang làm dậy sóng dư luận suốt mấy tuần qua. Nhân vật chính bị cáo buộc đã chiếm đoạt một số tiền kếch xù khiến nhiều người rất băn khoăn:

  • Trần Ngọc Tuấn: “Bạn nào giỏi toán tính hộ mình: số tiền của Vạn Thịnh Phát xây được bao nhiêu ngôi nhà, cho người cơ nhỡ, tàn tật không nơi nương tựa?”
  • Nguyễn Bước BD: “Con số 304 ngàn tỷ đồng rất lớn và lớn đến mức nào? Để dễ mường tượng, ta quy ra tương đương:
  • Viết đầy đủ: 304.000.000.000.000 VND.
  • Quy ra USD: 12 tỷ đô la Mỹ.
  • Quy ra vàng 24K: 170 tấn.
  • Quy ra lương tối thiểu 5 triệu đồng/người/tháng, mỗi lao động làm việc chừng 25 năm thì thu nhập của khoảng 200.000 đời người không tiêu xài…”
  • Nguyên Tống: “Để dễ hình dung 300,000 tỷ mà Vạn Thịnh Phát chiếm dụng lớn cỡ nào, ta cần chia nó ra tờ 500,000 để bớt các số 0 đi mới bấm được máy tính. Nó là 600 triệu tờ. Mỗi tờ tiền này có trọng lượng chính xác là 1g. Vậy là số tiền này sẽ nặng 600,000kg, hay 600 tấn…
  • Nguyen Nhoc: “VTP nguyên dòng họ ăn cả đời ko hết, mà sao lấy chi mà lắm vậy.”

Vậy mà giữa cái ngõ Ánh Hồng Hà Nội vẫn có người phụ nữ tuy phải bán thân nuôi miệng (và nuôi mẹ) nhưng không tơ hào một đồng xu cắc bạc nào của tha nhân. Trong một con hẻm tăm tối ở Sài Gòn vẫn có người ăn mày đủ “tự trọng” để từ chối những phần ăn được trao tặng miễn phí (cho cả hai bà cháu) khi túi có đủ tiền để chi trả đàng hoàng, sòng phẳng.

Bao giờ mà quê hương còn những tấm lòng thơm thảo như thế thì chúng ta vẫn còn có thể hy vọng vào hậu vận của dân tộc này, mặc cho bao bầu trời đã sụp và đang sụp!


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Trần Trọng Kim

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

Trang Văn Việt có một bài viết ngăn ngắn (“Một Cơn Gió Bụi’) nhưng rất súc tích của nhà báo Mạnh Kim. Xin được ghi lại đôi dòng:

“Lại thêm một quyển sử bị cấm phát hành. Lần này là ‘Một cơn gió bụi’ của học giả Trần Trọng Kim. Không chỉ là ‘một cơn gió bụi’, hồi ký của Lệ Thần Trần Trọng Kim, một tượng đài văn hóa Việt Nam thế kỷ 20, thật ra là một ‘cơn bão’ xét dưới góc độ kiểm duyệt hiện hành.

Nó tiết lộ các chi tiết về ‘một góc đời thường’ Hồ Chí Minh, về vai trò rất ít được biết của Võ Nguyên Giáp, về những ngày tranh giành quyền lực và triệt hạ nhau giữa Việt Minh với các đảng phái đối thủ mà Việt Minh có khi không ngần ngại dùng ‘mền trùm đầu rồi bắt đi mất tích’. Việt Minh, theo miêu tả trong ‘Một cơn gió bụi’, là tổ chức có thủ đoạn chính trị quỷ quyệt bậc nhất giai đoạn lịch sử thập niên 1940.”

Cùng lúc, nhà báo Huy Đức cũng có góp đôi lời (nhỏ nhẹ) về sự kiện này:

Lý do chính để Cục xuất bản ra lệnh thu hồi Một Cơn Gió Bụi của học giả Trần Trọng Kim là vì “cuốn sách có nhiều chi tiết, đánh giá không phù hợp, không khách quan hoặc chưa được kiểm chứng”. Một cơn gió bụi (Kiến văn lục) là cuốn hồi ký của học giả Trần Trọng Kim (1882-1953), từng được NXB Vĩnh Sơn phát hành năm 1969. Đầu năm 2017 sách được NXB Hội nhà văn và Phương Nam Books phát hành.

Sự thật lịch sử là một khối đa diện, không ai có thể tiếp cận hết mọi tiết diện. Nếu sách có những chi tiết “không phù hợp, không khách quan hoặc chưa được kiểm chứng” thì hãy để các nhà sử học khác kiểm chứng, chỉ ra cái sai. Điều quan trọng là những gì cụ Trần Trọng Kim viết trong Một Cơn Gió Bụi đã phải là sự thật hay chưa. Nếu đã là sự thật thì nó luôn phù hợp ở mọi thời đại, chế độ nào thấy một sự thật không phù hợp với mình thì chế độ đó… không phù hợp với thời đại nào của loài người cả.

PS: Tôi cực lực phê phán việc biên tập sách nhưng tôi cũng khuyến cáo Cục Xuất bản rằng, lệnh cấm này sẽ khiến người đọc trẻ tìm tới bản in không bị kiểm duyệt của NXB Vĩnh Sơn, bản in mà trong đó có nhiều đoạn rất nhạy cảm đã bị NXB Hội Nhà Văn biên tập.

Ví dụ: Trang 75 bản Vĩnh Sơn 1969 có đoạn “Trong số 22 người ấy có một nữ đảng viên tên Đỗ Thị Lạc là người sau này có đứa con gái với Hồ Chí Minh. Về sau người ta nói khi về đến địa hạt Bắc Giang, có ba đảng viên trong 22 người ấy bị giết vì không chịu theo cộng sản”. Đoạn này đã bị cắt ở bản Phương Nam in 2017 (trang 80).

So với cái tâm, và cái tầm, của nhà xuất bản thì chuyện “cắt xén” vụn vặt kể trên không có chi đáng để phàn nàn; bởi ngoài hai ấn bản thượng dẫn, còn có bản in năm 2015 – do tuần báo Sống phát hành từ California – và hàng chục trang mạng với đường dẫn đến nguyên bản của tác phẩm này. Bức màn sắt đã rớt xuống từ lâu. Đâu có chuyện chi mà dấu được hoài bên trong đó nữa!

Wikipedia tiếng Việt, giọng Hà Nội, có ghi lại những câu sau:

  • Chính phủ Trần Trọng Kim thường được Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mô tả trong các tài liệu nghiên cứu chuyên môn trước và sau năm 1975, một cách trực tiếp hay gián tiếp, là bù nhìn của Nhật.
  • Việc đưa Trần Trọng Kim đứng ra lập nội các cho Bảo Đại trước sau đều do người Nhật đạo diễn để dẫn dụ ông, chứ bản thân ông tự ý thức bản thân mình bất lực, họ trao quyền cũng chỉ để biến ông thành bù nhìn.

Cái thời độc quyền thông tin đã qua nên cùng với “các tài liệu nghiên cứu chuyên môn” của nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, còn có không ít ghi nhận của những vị thức giả khả tín. Xin đơn cử dăm ba để rộng đường dư luận:

Lê Xuân Khoa: “Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Nội các, bên cạnh công tác khẩn cấp cứu trợ nạn đói ở miền Bắc đã làm ngót hai triệu người thiệt mạng, Chính phủ Trần Trọng Kim đã ấn định một chương trình sáu điểm:

  1. Chuyển giao tất cả các cơ sở hành chánh cho các viên chức Việt Nam.
  2. Thâu hồi đất Nam kỳ và các nhượng địa đã dành cho Pháp.
  3. Ân xá toàn thể các phạm nhân chính trị.
  4. Cho phép thành lập các đảng phái chính trị.
  5. Miễn thuế cho công chức, thợ thuyền và dân nghèo.
  6. Thiết lập các Uỷ ban Tư vấn Quốc gia để soạn thảo Hiến pháp và nghiên cứu cải tổ chính trị, hành chánh và giáo dục [7].

Chỉ trong thời gian ngắn ngủi bốn tháng (17.4-16.8) Chính phủ Kim đã thực hiện được gần hết chương trình này.”

Trần Văn Chánh: “Về phần Nội các Trần Trọng Kim, mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian chưa đầy 4 tháng (từ 17.4 đến 7.8.1945, nếu tính đến 23.8.1945 khi quyết định xong Chiếu thoái vị thì được 4 tháng 6 ngày, tổng cộng 126 ngày, tương đương 1/3 năm) và làm việc trong những điều kiện vô cùng khó khăn, nhất là khi vẫn bị quân đội Nhật kiềm chế mọi mặt, Nội các đã tỏ ra năng nổ, nhiều thiện chí và cũng đã làm được một số việc đầy ý nghĩa, đáng ghi nhận:

– Tháng 6 năm 1945, đặt quốc hiệu là Đế quốc Việt Nam (bỏ tên Đại Nam, Annam); tạm duy trì bài quốc thiều “Đăng đàn cung”; đổi mới quốc kỳ, thay cờ Long tinh bằng cờ quẻ Ly có nền vàng hình chữ nhật, giữa có hình quẻ Ly màu đỏ thẫm.

– Bộ Tiếp tế tập trung cao độ lo việc cứu đói nhưng kết quả rất hạn chế vì phương tiện, nhân lực đều do quân Nhật nắm giữ và nhất là giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển từ Nam ra Bắc đều bị quân Đồng minh cắt đứt.

– Thanh trừng quan tham lại nhũng với kết quả hạn chế, vì thời gian ít và điều kiện khó khăn trước mắt về nhân sự chưa cho phép làm mạnh.

– Tha thuế thân cho người dân và cho những công chức có thu nhập thấp. Thực hiện sự công bằng về thuế khóa.

– Chủ trương tăng lương cho tiểu công chức, bỏ các món chi tiêu huy hoàng vô ích.

– Can thiệp với Nhật để từ ngày 9.8.1945 tổng ân xá các tù chính trị, kể cả những người cộng sản đã bị Pháp bắt giam tại các nhà lao và nhà ngục khổ sai. Chủ trương trừng thanh quan lại và bài trừ tệ hối lộ.

– Đấu tranh với Nhật đòi lại các công sở và lấy lại được ba thành phố nhượng địa Hà Nội, Hải Phòng và Ðà Nẵng kể từ ngày 20.7.1945.

– Ngày 1.8.1945, Đốc lý Hà Nội Trần Văn Lai cho phá các tượng Pháp ở Hà Nội vốn biểu trưng cho nền thống trị ngoại bang, như tượng Paul Bert, Jean Dupuis, Đầm Xòe ở Cửa Nam, Đài kỷ niệm Lính Khố xanh, Khố đỏ.

– Ngày 14.8.1945, tranh thủ lấy lại Nam Kỳ cho triều đình Huế, thống nhất (về mặt danh nghĩa) đất Nam Kỳ vào đất nước Việt Nam.

– Chủ trương cho phép thành lập các đảng phái chính trị.

– Về tư pháp, thành lập Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp trên cơ sở thống nhất xứ sở, các quyền tự do chính trị, tôn giáo và nghiệp đoàn. Đạo luật tổ chức nghiệp đoàn đầu tiên ở Việt Nam là do chính phủ Trần Trọng Kím soạn thảo và ban hành ngày 5.7.1945.

– Đổi chương trình học tiếng Pháp ở bậc Tiểu học và Trung học sang chương trình tiếng Việt, do Bộ trưởng Giáo dục và Mỹ thuật Hoàng Xuân Hãn chủ trì biên soạn.

– Hành chánh được cải tổ với việc dùng chữ Việt trong tất cả các giao dịch của chính phủ ngoại trừ lãnh vực y tế và các văn thư liên lạc với Pháp hoặc với các công ty người Hoa…

Phạm Cao Dương: “Bốn tháng đầy rẫy những khó khăn nhưng những thành quả đạt được không phải là không đáng ghi nhận… Vượt qua tất cả mọi khó khăn, Trần Trọng Kim và các cộng sự viên của ông đã vạch ra những mục tiêu và chương trình hành động cụ thể và thực tế, từ những việc làm có tính các tương trưng như đổi quốc hiệu thành Việt Nam, đổi quốc kỳ, duyệt lại quốc ca… đến cứu đói, thu hồi toàn vẹn lãnh thổ, bắt các quan ở các tỉnh phải trực tiếp liên lạc với chính phủ Việt Nam và cấm họ liên lạc trực tiếp với người Nhật như họ vẫn liên lạc với người Pháp trước kia, Việt Nam hóa nền giáo dục, cải tổ thuế má, tư pháp, vận động thanh niên sinh viên và cả quần chúng nói chung tham gia sinh hoạt chánh trị, xã hội, lập các hội đồng tư vấn địa phương và vận dụng mọi khả năng để thực hiện.”

Tổng cộng thời gian chấp chính của Thủ Tướng Trần Trọng Kim, có lẽ, vẫn chưa bằng số giờ mà các ông Thủ Tướng Cộng Sản sau đó ngồi hội họp. Và có lẽ đám người này không họp bàn về chuyện gì khác ngoài việc bán nước hại dân nên chế độ hiện hành càng kéo dài thì quê hương càng lụn bại. 


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Nhân Văn Giai Phẩm

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

Cuối năm 1973, nhà văn Bùi Ngọc Tấn được thả khỏi tù. Lúc đến văn phòng làm thủ tục giấy tờ phóng thích, ông chợt nhìn thấy tác phẩm của mình trên bàn giấy của những nhân viên công an ở trại:

“Tên hắn in trên bìa sách chứng tỏ điều đó. Như có một ma lực, hắn bước đến chỗ ấy. Hắn buộc miệng kêu to như gặp lại con mình:

  • Thưa các ông các bà, đây là sách tôi viết.

Mọi người ngơ ngác…

  • Cái gì? Anh nói cái gì?

Hắn cầm lấy cuốn truyện. Bìa có đóng dấu trại. Hắn nhìn mãi vào những tên hắn in trên bìa sách. Thật không tin được. .. Hắn lắp bắp như người ngẹn thở:

  • Quyển sách này của tôi.

Cô trung sĩ nhìn giấy tờ của hắn. Rồi lại nhìn tên hắn in trên bìa sách. Cô đưa tờ lệnh tha cho ông Thanh Vân đọc. Ông ngẩng lên nhìn hắn chăm chú từ đầu đến chân. Rồi với giọng hiểu biết:

  • Anh lại Nhân văn Giai Phẩm chứ gì?

Báo cáo ông, Nhân văn Giai Phẩm có từ năm 1956, tôi bị bắt năm 1968.

  • Thế anh bị bắt về tội gì? ( Bùi Ngọc Tấn. Chuyện Kể Năm 2000, tập I. CLB Tuổi Xanh, Hoa Kỳ: 2000, 127- 129).

Từ 1956 đến 1973 là một khoảng thời gian khá dài, đủ dài để nhà nước CHXHCNVN biến bốn từ “Nhân Văn Giai Phẩm ” thành một … tội danh : “Anh lại Nhân văn Giai Phẩm chứ gì?”

Và thêm mười năm sau nữa thì “Nhân Văn đã hoàn toàn bị tẩy sạch” – theo như tường thuật nhà phê bình văn học Thụy Khuê , trong phần lời tựa tác phẩm (*) của bà :

Năm 1984, khi trở về Hà Nội, tôi muốn tìm lại, dù chỉ một dấu vết nhỏ, chứng minh sự hiện diện của Nhân Văn Giai Phẩm trong lòng người dân Bắc. Nhưng vô ích. Tất cả đều đã bị xóa sổ. Kín đáo dò hỏi những người thân trong gia đình sống ở Hà Nội, thuộc thế hệ ‘phải biết’ Nhân Văn, xem có ai còn nhớ gì không? Nhưng không, tuyệt nhiên chẳng ai ‘nghe nói’ đến những cái tên như thế bao giờ: linh hồn Nhân Văn đã bị xóa trong ký ức quần chúng, và như vậy, ‘nọc độc’ Nhân Văn đã hoàn toàn bị tẩy sạch.

Ðó là lý do chính khiến vài năm sau, khi thực sự bước vào nghề cầm bút, tôi đã coi Nhân Văn Giai Phẩm là một trong những nghi vấn văn học hàng đầu, cần phải tìm hiểu. Bài viết đầu tiên của tôi về phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, đăng trên nguyệt san Văn Học, California, số 27, tháng 4 năm 1988; tiếp theo là những buổi phát thanh trên đài RFI, trong nhiều chương trình từ 1991 đến 2004, trong số đó có những buổi phỏng vấn các tác nhân chính của phong trào: Lê Đạt, Hoàng Cầm và Nguyễn Hữu Đang.

Cuốn sách này tổng kết công việc tìm kiếm và thu thập các dữ kiện xung quanh phong trào Nhân Văn Giai Phẩm trong hơn 20 năm, từ 1988 đến ngày nay.”

Thụy Khuê mô tả thành quả “công việc tìm kiếm và thu thập các dữ kiện xung quanh phong trào Nhân Văn Giai Phẩm trong hơn 20 năm” của mình bằng tên gọi (khiêm tốn và giản dị) chỉ là một cuốn sách. Thực ra, đây là một công trình biên khảo (dầy đến 957 trang giấy) và chỉ cần xem qua thư mục cũng như phần phụ lục – gồm 164 trang – cũng đủ khiến cho bất cứ ai còn quan tâm đến phong trào Nhân Văn cảm thấy ấm lòng, và bồi hồi xúc động.

Trong buổi tọa đàm bỏ túi – tại toà soạn Diễn Đàn Giáo Dân, vào sáng hôm 03/ 03/ 2012 – những người hiện diện (Trần Văn Cảo, Nguyễn Đình Cường, Nguyễn Chí Thiện, Trần Nguyên Thao, Trần Phong Vũ … ) đều lặng nhìn tác phẩm, còn thơm mùi mực của Thụy Khuê, với rất nhiều xúc cảm. Cái cảm xúc của những kẻ được chứng kiến cảnh một chiếc tầu chìm (mang theo hàng ngàn sinh mạng, cùng với những di sản vô giá) đã nằm im lìm dưới lòng đại dương – hơn nửa thế kỷ qua – vừa được trục vớt ra khỏi biển sâu.

Nhờ vào sự tận tụy của Thụy Khuê, và một số những đồng nghiệp của bà (trong cũng như ngoài nước: Lại Nguyên Ân, Phạm Thị Hoài …)  những tiếng kêu uất nghẹn và những mảnh đời oan khuất – tưởng đã tiêu trầm với thời gian (nay) vẫn còn tươi rói và nguyên vẹn, gần như không thiếu một ai (**).

Thụy Khuê chia tác giả của Nhân Văn Giai Phẩm ra làm hai thành phần khác biệt:

“Loạt bài chính luận trực tiếp định hướng tư tưởng của các nhà trí thức và loạt bài sáng tác dấn thân nói lên khát vọng tự do của các văn nghệ sĩ. Hai thể loại này đan cài và bổ sung cho nhau, tạo nên làn sóng đấu tranh toàn diện cho tự do dân chủ và tự do tư tưởng.”

Cả hai, tất nhiên, đều phải trả giá bằng những đòn thù hung bạo và ti tiện như nhau. Trong khuôn khổ của một trang sổ tay, chúng tôi xin phép sẽ không nhắc đến tên những hung thủ hay thủ phạm (họ không đáng gì để chúng ta phải bận tâm) và chỉ ghi lại đôi nét chính, về vài ba nhân vật (theo thứ tự alphabétique) mà số phận bi đát nhất so với những người đồng cảnh, qua ngòi bút của Thụy Khuê:

– “Thụy An (1916 – 1989) là một khuôn mặt nổi trội, bị kết án nặng nề nhất. Trường hợp của bà giống như một bi kịch Hy Lạp, và cho đến nay, chưa mấy ai hiểu được những khúc mắc ở bên trong.”

“Thụy An là ai?

“Là phụ nữ duy nhất, không viết bài cho NVGP, nhưng tên bà bị nêu lên hàng đầu trong ‘hàng ngũ phản động’, bà bị quy kết là ‘gián điệp quốc tế’, lãnh án 15 năm tù cùng với Nguyễn Hữu Đang…”

“Về việc bà chọc mù mắt, dư luận chính thức loan rằng bà bị tai nạn ở mắt, khi đi lao động cải tạo. Chúng tôi hỏi nhà thơ Lê Đạt, người rất thân với bà trong suốt hành trình Nhân Văn Giai Phẩm: có phải trong Hỏa Lò chị Thụy An tự chọc mù mắt ? Lê Đạt lặng lẽ gật đầu, không thêm một lời nào cả…”

“Tháng 10/1974 Thụy An được thả theo diện ‘Đại xá chính trị phạm trong hiệp định Paris’, cùng với Nguyễn Hữu Đang. Bà bị trả về quản thúc ở Hoà Xá. Trên đường giải về làng, khi bị đẩy xuống xe tù, bà bị ném đá. Bà mất ngày 10/6/1989, tại nhà riêng ở đường Lê Văn Sỹ, Sài gòn.”

– “Phùng Cung (1928-1998) đại diện cho tất cả những người bị tù không có án, thậm chí không có lý do, hoặc lý do mơ hồ, khó hiểu, trong danh sách hàng trăm người bị xử lý nặng, hoặc hàng ngàn người, đã ‘liên hệ’ xa gần với NVGP, với nhóm ‘Xét lại chống đảng’ những năm sáu mươi. Mỗi cá nhân là một trường hợp, là một chân dung bị xoá, bị đưa đi biệt tích, trong cô đơn, đau khổ…”

“Dưới mắt Phùng Cung, chính sách đấu tranh giai cấp của đảng cộng sản, được mô tả dưới dạng phân chia giai cấp giữa Chó và Người. Giai cấp mà ông gọi là chó thuộc thành phần những kẻ ‘úp mặt hôn mê liếm lộc’, những kẻ ‘cưỡng bức ngữ ngôn’, những kẻ ‘tình nguyện trọn kiếp bút nô’, những kẻ ‘ngợi ca tội ác’… Và trong bối cảnh, chó đô hộ người, các công tác dò thám, hãm hại, thủ tiêu, đạt đỉnh điểm. Sự triệt tiêu văn hoá trở thành quốc sách. Chưa một ngòi bút nào đi xa đến thế trong việc mô tả xã hội độc trị…”

“Bài Nghe đêm gói trọn nỗi cô đơn cuối đời của con người bị lưu đầy, vì chữ nghĩa, từ tuổi thanh niên đến lúc đầu bạc:

Đêm chợt nghe
Trong gối vọng tiếng ru
Lắng tai mới rõ
Tiếng tóc mình chuyển bạc …

Đó là sự cô đơn của kẻ một mình một ngựa trên hành trình mở nước và dựng nước về phía văn hóa, tình nước và tình người.”

– “Nguyễn Hữu Đang (1913-2007) là một trong những khuôn mặt trí thức dấn thân tranh đấu cho tự do dân chủ can trường nhất trong thế kỷ XX. Là cột trụ của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, Nguyễn Hữu Đang đã bị bắt, bị cầm tù, bị quản thúc và mất quyền tự do phát biểu trong 49 năm, từ tháng 4/ 1958 đến tháng 2/2007, khi ông mất…”

“Sau thời kỳ quản thúc ở Thái Bình, được về sống tại Cầu Giấy, ngoại ô Hà Nội, ông vẫn bị ‘chăm sóc’ kỹ càng. Điện thoại của ông, cũng như của các thành viên cựu Nhân Văn đều bị kiểm soát, nhưng riêng ông, ông không được phục hồi quyền phát biểu, tức là không được quyền trả lời phỏng vấn công khai như những người khác…”

“Nguyễn Hữu Đang là một khuôn mặt chính trị, văn hoá và đấu tranh, hiếm có trên chính trường Việt Nam dưới chế độ cộng sản. Một người theo đảng từ lúc 16 tuổi, hiểu rõ hơn ai hết quy luật tuân thủ của một cán bộ cộng sản. Nhưng ông đã đi ra ngoài trật tự ấy. Nguyễn Hữu Đang luôn luôn giữ vị trí tự do trong hành động cũng như tư tưởng của mình. Chính trong tư thế tự do ấy, ông đã đứng lên lãnh đạo phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, đã tạo được một thời kỳ sôi nổi, trong vòng bốn tháng, trí thức và văn nghệ sĩ, dám nói, dám viết những điều mình nghĩ, dám chủ trương cải tiến xã hội Việt Nam thành một nước dân chủ theo đà tiến của thế giới bên ngoài.”

“Nhưng Nguyễn Hữu Đang đã thất bại. Sự thất bại của Nguyễn Hữu Đang cũng là sự thất bại chung của một dân tộc. Và hậu quả kéo dài đến ngày nay: nước Việt là một trong những nước cuối cùng, ở thế kỷ XXI, vẫn còn chưa biết nhận diện, để đòi hỏi những quyền cơ bản và tất yếu nhất của con người, đầu tiên là quyền tự do tư tưởng.”

Công trình biên khảo của Thụy Khuê không chỉ giới hạn vào phong trào Nhân Văn. Trong phần lời tựa, bà cho biết thêm :

“Trong quá trình làm việc, có những ngã rẽ bất ngờ: khảo sát về Phan Khôi, tôi thấy sau khi đi Pháp về, Phan Châu Trinh giao cho Phan Khôi nhiệm vụ viết lại lịch sử đời mình, từ đó, phải tìm hiểu về những ngày Phan Châu Trinh ở Pháp, dẫn đến mối tương quan giữa Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh, người tự nhận là lãnh tụ đầu tiên của phong trào Việt kiều Yêu Nước.”

“Tôi tìm đọc nguyên văn tiếng Pháp các bài viết ký tên Nguyễn Ái Quốc, mới thấy tác giả những bài viết này phải là người biết tiếng Pháp rất sâu và có văn tài; không thể là người mà Trần Dân Tiên mô tả trong cuốn hồi ký ‘Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch’. Vậy có một sự giả mạo lịch sử quan trọng cần phải tìm hiểu đến nguồn cội. Đó là lý do tại sao có phần biên khảo về Vấn đề Nguyễn Ái Quốc trong cuốn sách này.”

“Sự giả mạo lịch sử quan trọng” này, và công việc “tìm hiểu đến nguồn cội” của Thụy Khuê đã đưa đến lời khẳng định của bà, ở đầu chương 16, như sau:

“Tiểu sử Hồ Chí Minh là một bí mật. Chỗ nào ông muốn viết (hoặc sai người viết), chỗ nào giấu đi hoặc thêm thắt vào, đều có chủ đích rõ ràng. Và ông không hề ngần ngại nhận mình là tác giả những bài viết và những công trình không phải của ông. Trong phạm vi khảo luận này … chỉ chú ý đến thời kỳ Nguyễn Tất Thành ở Pháp, từ 1919 đến1923. Thời gian này, ông tự nhận mình là Nguyễn Ái Quốc và chính những bài báo ký tên Nguyễn Ái Quấc/Quốc đã xây dựng nên huyền thoại Hồ Chí Minh.”

Về cú “knockout” vô cùng ngoạn mục này của Thụy Khuê (kể như đã chấm dứt vĩnh viễn sự nghiệp giả trá của một nhân vật lịch sử vào bậc quan trọng nhất ở Việt Nam) chúng tôi xin…

03/2012

—————

(*) Nhân Văn Giai Phẩm & Vấn Đề Nguyễn Ái Quốc, biên khảo của Thụy Khuê, sách dầy 976 trang, bìa cứng, Tiếng Quê Hương xuất bản năm 2012, giá bán 40 M.K, có thể đặt mua theo địa chỉ sau: Tủ Sách Tiếng Quê Hương, P.O.Box 4653, Fall Church, VA  22044, email:  info@tiengquehuong.com

(**) Theo chỗ hiểu biết của chúng tôi, trong  công trình biên khảo này, chị Thụy Khê đã không nhắc đến một số tên tuổi quen thuộc khác, cũng có liên quan ít nhiều đến phong trào Nhân Văn như Bùi Quang Đoài, Thanh Châu, Hoàng Huế, Hoàng Yến, Hữu Loan,  Tạ Hữu Thiện … Tuy nhiên, nếu nói theo Lê Đạt (“…ở đất nước Việt Nam, những người đau khổ vì Nhân Văn chắc rất nhiều, không thể đếm xuể được”) thì sự sai sót – dù vì bất cứ lý do gì – là điều rất khó tránh khỏi.


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Dư âm của lễ Tạ ơn

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

Báo Nhân Dân trang trọng loan tin: “Lễ kỷ niệm 100 năm ngày ký Hiệp ước đình chiến kết thúc cuộc chiến tàn khốc trong lịch sử nhân loại, đã diễn ra tại Khải Hoàn Môn trên đại lộ Champs Elysée ở trung tâm thủ đô Paris. Tham dự sự kiện này có 72 nguyên thủ và lãnh đạo quốc gia.”

Tui lấy kính lúp xăm soi hoài nhưng không thấy mặt mũi của “lãnh đạo quốc gia” Việt Nam đâu ráo trọi. “Đại diện của dân tộc” này cũng khỏi có luôn, theo như lời phàn nàn của nhà báo Lưu Trọng Văn:

“Gã ngạc nhiên tại Paris trong lễ kỉ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến lần thứ Nhất đại diện của dân tộc gã không được mời. Ngài tổng thống Pháp đã mời vua Ma rốc và lãnh đạo một số nước Bắc Phi để tri ân nhưng đã quên rằng giành lại hoà bình và độc lập cho nước Pháp trong Thế chiến này có hơn 100.000 người VN của tổ quốc gã… Chua xót cho những hương hồn dân Việt!”

Khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt tôi vẫn chưa mở mắt chào đời nên không biết chi nhiều về những chuyện vào thuở đã xa lắc, xa lơ, hồi đầu thế kỷ XX. May là vừa đọc được một bài viết rất công phu (“Chiến Binh Gốc Việt Trong Lịch Sử”) của nhà văn Giao Chỉ:

“Khi Pháp thực hiện việc xâm lăng và cai trị Việt Nam (khi đó họ gọi là An Nam) để bình định thêm các thuộc địa và gây chiến với nhiều quốc gia khác, lực lượng binh lính người Việt được chiêu mộ để phục vụ cho mục đích chiến tranh này, dấu chân của họ đã in khắp các chiến trường Âu Phi. Không thể tưởng tượng con số thanh niên Việt trong 4 năm 1914-1918 đã có đến gần 100,000 ngưởi tham dự đại chiến thế giới lần I tại Pháp…

Thời kỳ đó thanh niên Việt Nam đi lính cho Pháp tham dự đệ nhị thế chiến dường như hiếm có các sĩ quan. Giỏi lắm chỉ là ông cai, thầy đội hay lên đến quan quản tức là thượng sĩ đã là cao cấp lắm. Riêng có trường hợp đại úy phi công anh hùng của quân đội Pháp là ông Đỗ Hữu Vỵ con trai của tổng đốc Nam Kỳ Đỗ hữu Phương.”

Wikipedia (tiếng Việt) cho biết thêm:

“Trong số những phi công đầu tiên của Pháp xuất xứ từ Đông Dương được ghi nhận có Phan Tat TaoCao Đắc Minh, Felix Xuân Nha (Nguyen Xuan Nha), Đỗ Hữu Vị, nhưng Đỗ Hữu Vị được xem là nổi tiếng nhất. Vì vậy, chính phủ Pháp cho in hình ông trên con tem phát hành khắp Đông Dương, lấy tên ông đặt cho nhiều trường học, nhiều đường phố ở các thuộc địa và chính quốc.”

Đỗ Hữu Vị từ trần vào năm 1916, hơn trăm năm sau nước Pháp vẫn còn “trường học, đường phố” mang tên ông. Như thế – kể ra – trí nhớ của  dân Tây cũng không đến nỗi bạc bẽo gì cho lắm, như bác Lưu Trọng Văn vừa mới than phiền. Ít nhất thì nó cũng đến nỗi “bạc” như dân Ba Đình, Hà Nội. Họ xóa sổ liền đám Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, ngay sau khi cuộc chiến Nam/Bắc vừa tàn.

Thân phận của những cán binh miền Bắc, hay còn gọi là lính bác Hồ, cũng không khác mấy:

“Lúc tôi tình nguyện vào Nam, số học sinh của cả bốn lớp 10 của trường chúng tôi vào chiến trường khoảng 120 người, vậy mà chỉ 2 người may mắn sống sót, là tôi và một người nữa. Tôi thì bị bom làm điếc tai bên phải; người còn lại là cậu Lương thì bị cụt một tay và trở nên ngớ ngẩn. Tất cả những bạn khác của tôi không ai sống sót.

Khi tôi đi tìm mộ của những bạn đã chết, tôi mới biết, trong những trận đánh mà bộ đội miền Bắc thua, thì người ta xóa sạch dấu vết và tên tuổi liệt sĩ không được ghi lại. Họ giải thích rằng dân tộc ta là dân tộc anh hùng phải chiến thắng quân thù, nhưng trận này chưa thắng cho nên không thể kiểm kê các liệt sĩ được. Cho nên hàng trăm người chết dưới đáy hồ, dưới đáy vực mà hoàn toàn không ai tìm được tung tích.” (Đinh Quang Anh Thái. “Giọt Nước Mắt Người Phụ Nữ Bên Thắng Cuộc.” Ký 2. Người Việt Books: Westminster, CA 2018).

Chế Lan Viên cũng ghi lại cái tâm cảm (gần) tương tự:

Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30 …
Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!

Rải rác trên Đường Mòn Hồ Chí Minh, theo G.S. Nguyễn Văn Lục: “Người ta phỏng đoán có khoảng 300.000 vừa là TNXP, vừa là cán binh bộ đội đã đào ngũ hay mất tích hoặc chấm dứt đời sống. Bệnh tật như kiết lỵ, sốt rét đã nhanh chóng hoàn tất cuộc đời của họ mà có thể chưa một ngày lâm trận. Thân xác chỉ còn là những bộ xượng lụi tàn, nằm chờ chết như một niềm an ủi cuối cùng.”

Nhặt nhạnh lại số hài cốt vương vãi khắp nơi, khi đất nước tôi không còn chiến tranh, là việc của những mẹ già lên núi tìm xương con mình hay của những … nhà ngoại cảm, những liên lạc viên (không khả tín gì cho lắm) giữa cõi âm và cõi dương – ở VN.

Trong cuộc chiến kế tiếp thì con số tử sĩ và thương vong “nhẹ nhàng” hơn. Theo Đại tá Phạm Hữu Thắng, chuyên gia về Campuchia thuộc Viện Lịch Sử Quân Sự, con số binh sỹ Việt Nam thiệt mạng là gần bốn chục ngàn người. Ông cũng khẳng định: “Trong tay tôi có con số thống kê của ngành Quân y, Tổng cục Hậu cần, số thương vong trong mười năm, cả bị thương và hy sinh là hơn 156.000.”

Trao đổi với BBC, trong cuộc tọa đàm hôm 25/9/2014, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huy đưa ra một số liệu khác: “Những con số đưa ra hiện nay cũng chưa chính xác lắm… Nhưng người ta nói khoảng 55.000 binh sỹ, tức là bộ đội cộng với thanh niên xung phong Việt Nam đã hy sinh trên chiến trường Campuchia thời gian đó.” Đây là “cuộc chiến bị lãng quên” (theo như cách nói của nhà báo Kevin Doyle ) nên – thực ra – cũng chả ai bận tâm chi nhiều đến hậu quả của nó, xá chi đến những bọ xương khô hay những thân xác bị tàn phế.

Kế tiếp nữa là chiến tranh biên giới Việt/Trung. Nó không “bị” nhưng “buộc” phải lãng quên, như cách nói của FB Hồ Hữu Hoành: “ Không có lấy bất cứ một bài học, một nội dung về nó trong sách giáo khoa, từ tiểu học cho đến đại học. Đã có thời, nhắc đến nó cứ như nói chuyện húy kỵ, đụng đến nhà vua… không dân tộc nào đau thương và đầy kinh nghiệm với chiến tranh như Việt tộc. Nhưng không có dân tộc nào, mà những kẻ ở thượng tầng sẵn sàng xóa bỏ lịch sử, kiến tạo một sự thật khác, như ở dân tộc này.”

Họ “xóa bỏ lịch sử, kiến tạo một sự thật khác” cách nào?

Báo Tiền Phong, số ra ngày 31 tháng 7 năm 2014 cho biết:

“Tháng 2.2011 trong chuyến đi thu thập tư liệu biên soạn lịch sử sư đoàn, đại tá Đỗ Phấn Đấu, Chính ủy hiện tại của Sư đoàn 337 mới phát hiện ra rằng cột bia chiến thắng Khánh Khê đã bị hư hại nhiều. Trên tấm bia nhiều dòng chữ đã bị phai mờ, có chỗ còn có dấu hiệu bị hủy hoại. Nơi đặt cột bia cũng nằm trong khu vực xây dựng công trình thủy điện mà nay mai sẽ không còn dấu tích.”

Bẩy năm sau, vào ngày 17 tháng 2 năm 2018, blogger Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm chi tiết: “… trong nỗ lực xóa bỏ ký ức tập thể về sự kiện này, người ta đã không chỉ đục bia, mà còn đục cả thơ… một hành vi không chỉ xảo trá với lịch sử, vô ơn với chiến sĩ mà còn đớn hèn và nhục nhã về chính trị.”

Đối với những kẻ “xảo trá với lịch sử, vô ơn với chiến sĩ” thì không có tư cách gì để đại diện cho dân tộc Việt Nam. Họ không được mời tham dự Lễ Kỷ Niệm Một Trăm Năm Kết Thúc Thế Chiến Thứ Nhất, theo tôi, là chuyện chả có gì đáng để phàn nàn cả.