SAO CON LẠI KHÓC- Lm Nguyễn Tầm Thường, sj

 Lm Nguyễn Tầm Thường, sj.

Trong đời, ai cũng có lúc khóc.  Khóc thầm lặng.  Khóc cho vơi niềm đau.  Kinh cầu tuyệt vọng là kinh cầu trong nước mắt.  Kinh cầu mong hy vọng cũng là lời kinh khao khát đẫm lệ.

Vũ trụ dường như đã có dan díu với tiếng khóc trước khi hình thành hay sao mà bây giờ ở đâu cũng thấy có nước mắt.  Có tiếng thở dài trên đường, có tiếng thở muộn phiền lúc nghỉ ngơi.  Tiếng than bên đời là buồn nhiều hơn vui.

Những trang Kinh Thánh thưở xưa cũng đong dài nhiều dòng nước mắt.  Nhưng câu chuyện nước mắt của Mađalena thật đặc biệt.  Bà khóc hai lần, hai lần khác nhau.

Ngày đó, Mađalena khóc bên chân Chúa, nước mắt và hương thơm.  Trong buổi chiều ấy, Chúa không nói gì.  Chúa cứ để Mađalena khóc.  Chúa nhận nước mắt như nhận quà tặng ân tình.  Còn Mađalena muốn đem nước mắt hòa vào hạnh phúc dầu quý cho bay đi những cơn mưa phùn của linh hồn rêu phong năm xưa.  Chiều đó, người đàn bà ấy không nói gì.  Thinh lặng và nước mắt thôi.

Thế rồi, cũng người đàn bà ấy, một sáng nọ bà khóc, buổi sáng đến mộ đá tìm xác Chúa. Nhưng tiếng khóc lần này không như tiếng khóc thuở xưa.

“Bà Maria đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc.  Bà vừa khóc, vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt xác của Đức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân.  Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!”  Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giêsu đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giêsu.  Đức Giêsu nói với bà: “Này bà, sao bà khóc?  Bà tìm ai?”  Bà Maria tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về” (Yn 20:11-15).

Một Mađalena, mà hai khung trời, hai dòng nước mắt khác nhau.  Một con tim mà hai nhịp đập, hai thổn thức khác biệt.

–   Ở nhà Biệt phái: Ngày ở nhà ông Simon Biệt Phái, nước mắt bà Mađalena rơi xuống chân Chúa, nhưng chảy ngược vào tâm hồn.  Mađalena khóc thầm lặng không tiếng nói.  Bên mộ đá: Hôm nay, bên mộ đá Mađalena oà vỡ khóc thành lời nói.  Bà thổn thức báo tin cho Phêrô và Yoan.  Bà vội vã hỏi “Người làm vườn.”  Bà quả quyết với thiên thần: “Người ta lấy mất Chúa tôi rồi” (Yn 20:13).

–   Ở nhà Biệt Phái: Ngày ở nhà ông Simon, Mađalena kín đáo tìm cách vào tận phòng tiệc cho nước mắt rơi trên sàn nhà.  Bên mộ đá:  Hôm nay, Mađalena đứng ở ngoài mộ mà thôi, tiếng khóc vang bên phía ngoài.

–   Ở nhà Biệt Phái: Ngày ở nhà ông Biệt Phái, nước mắt Mađalena rơi trước mọi người, rơi trên chân Chúa.  Bên mộ đá: Hôm nay, nước mắt rơi trong cát bụi.

–   Ở nhà Biệt Phái: Ngày ở nhà ông Biệt Phái, Chúa để Mađalena ngồi cạnh mình lấy tóc cùng nước mắt mà lau chân.  Bên mộ đá: Hôm nay, Chúa không cho nước mắt kia chạm tới Ngài.

–   Ở nhà Biệt Phái: Ngày ở nhà ông Biệt Phái, trong tiếng khóc, Mađalena bị người ta kết án. Bên mộ đá: Hôm nay, Mađalena kết án người khác trong tiếng khóc của mình.  Không bằng chứng mà Mađalena dám báo tin cho Phêrô bằng cách đổ tội cho người khác rằng: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ” (Yn 20:2).

–   Ở nhà Biệt Phái: Ngày ở nhà ông Biệt Phái, trong dòng nước mắt, Mađalena nhìn rõ Chúa.  Bên mộ đá: Hôm nay, cũng là nước mắt, Mađalena nhìn Chúa nhưng ngỡ là ông làm vườn. “Thưa ông, nếu ông đem Người đi thì cho tôi biết ông để Người ở đâu?” (Yn 20:15).

–   Ở nhà Biệt Phái:  Ngày ở nhà ông Biệt Phái, Chúa thương dòng nước mắt ấy thiết tha.  Bên mộ đá:  Hôm nay, Chúa chất vấn: “Bà kia, sao lại khóc?”

*******************************

Lạy Chúa, cũng một con người được Chúa yêu, mà sao một lần khóc thì Chúa như bùi ngùi, một lần khóc thì Chúa nhìn dòng nước mắt mà hỏi: “Bà kia, sao bà lại khóc?”  Câu trả lời của Chúa như ngạc nhiên về dòng nước mắt ấy.  Câu hỏi như từ chối, như nói rằng dòng nước mắt ấy không cần thiết.  Tại sao vậy Chúa?

Tiếng khóc nào cũng có ý nghĩa.  Nước mắt nào mà không chứa đựng nghẹn ngào.  Càng nguyện vọng, nước mắt càng mặn cay, nước mắt ấy phải quý lắm chứ.  Vậy tại sao Chúa lại hỏi: “Bà kia, sao bà khóc?”

Chỉ có một lần Chúa khóc, đó là trước cái chết của Lazarô.  Cái chết nào mà không mất mát, nghẹn ngào, chính Chúa mà còn khóc.  Vậy tại sao hôm nay Chúa lại bảo Mađalena đừng khóc nữa.  Nhờ Chúa khóc trước cái chết của Lazarô, nên hôm nay, con phải suy nghĩ về nước mắt, tiếng khóc, nỗi đau của Mađalena trước mộ đá.

Khi Chúa khóc trước cái chết của Lazarô thì người chung quanh nói với nhau rằng: “Kìa, nhìn xem Ngài thương Lazarô dường bao” (Yn 11:36).  Như vậy, nước mắt của Chúa hôm Lazarô chết không phải là nước mắt tiêu điều.  Cái khóc của Chúa không là tuyệt vọng mà là tình thương.

Còn nước mắt của Mađalena bên mộ Chúa, có thương đó mà cũng có xót xa.  Chúa sống lại, nhưng Mađalena phao tin rằng người ta lấy xác Chúa.  Bà không nhìn thấy, nhưng bà nghi ngờ và đổ lỗi cho việc Chúa không còn trong mộ đá là xác Chúa đã bị đánh cắp!  Nước mắt chúng con trước cái chết của người thân yêu có lẽ cũng mang dáng dấp cả hai.  Có thương nhưng lại thương trong xót xa, và nỗi xót xa ấy nhuốm màu đau tuyệt vọng như của Mađalena.  Vì chưa hiểu niềm tin Phục Sinh, nên không thấy xác Chúa thì Mađalena cảm thấy ngày một mất mát lớn lao.  Nỗi mất mát ấy là của Mađalena, cho nên thương Chúa mà xót xa cho mình.  Xót xa và tuyệt vọng làm Mađalena nghi ngờ và đổ lỗi cho nhiều người.

Vì xót thương trước cái chết của người thương yêu, nhiều khi chúng con cũng không tránh khỏi những phàn nàn, trách nhiều nguyên nhân, có khi trách cả Chúa.  Xin Chúa cho chúng con hiểu hơn về mầu nhiệm Phục Sinh trong sự chết.

Nước mắt bên mộ đá đã đưa Mađalena vào những vùng mây mờ không chứng cớ.  Đấy là nước mắt thiếu ánh sáng Phục Sinh.  Trong nước mắt xúc cảm nhạt nhoà, bà không nhìn rõ Chúa đứng ngay bên cạnh.  Chính Chúa đó mà bà lại hỏi ông để xác Chúa tôi ở đâu.

Chúng con cũng thế thôi, vào những giờ đau đớn quá, chúng con không bình tâm nhìn thấy Chúa bên cạnh mình nữa.  Nước mắt đau đớn làm nhoà cái nhìn về sự sống đời sau.  Mađalena đã bừng tỉnh khi Chúa gọi tên bà.  Vậy con xin Chúa cũng gọi tên con trong những giờ chán nản tuyệt vọng để hồn con được an ủi.

Chúa khóc trước cái chết của Lazarô chỉ vì thương.  Xin cho nước mắt chúng con trước nỗi biệt ly cũng chỉ có một tình cảm ấy mà thôi, là chúng con hãy thương mến nhau.  Người chung quanh nhìn trước mắt Chúa mà nói: “kìa Ngài thương Lazarô biết bao.”  Chớ gì nước mắt chúng con hôm nay cũng như vậy, để một người ra đi là đem yêu thương về đầy giữa chúng con, những kẻ ở lại.

Tình thương thì đem chúng con gần lại, còn nỗi tuyệt vọng sẽ làm đời sống chúng con rã rời.  Con hiểu, cũng trước cái chết, Chúa đã khóc.  Mà cũng trước cái chết, Chúa không muốn Mađalena khóc.  Chúa muốn tiếng khóc của tình thương thôi chứ không muốn tiếng khóc tuyệt vọng.  Vì Chúa là Phục Sinh.

“Vì sao con lại khóc?”  Con mong lời Chúa hỏi Mađalena thưở xưa cũng là lời Chúa hỏi con hôm nay trong nỗi buồn này.  Con hiểu lời ấy như một an ủi nhắc con về niềm tin Phục Sinh đằng sau nỗi chia ly vĩnh biệt.  Con hiểu vì sao Chúa đặt câu hỏi ấy, vì trước giờ từ biệt Chúa đã căn dặn con: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Yn 14:3).  Chúa mong chúng con ở bên Chúa như vậy thì khi người thân yêu của chúng con ra đi là giây phút Chúa chờ đón.

Mađalena chỉ nhìn vào mộ đá, vì thế nước mắt chỉ là trời sương buồn nản phủ xuống hồn.  Chúa đã không muốn nước mắt ấy.  Xin cho nước mắt của chúng con hôm nay không bám víu vào nỗi mất mát cho vơi niềm đau.  Nhưng qua nước mắt, chúng con cho rơi đi những gì thiếu sót chúng con đã đối xử với nhau những ngày còn sống, để nước mắt hôm nay rửa tâm hồn chúng con cho đẹp hơn.

Xin Chúa cho nước mắt của chúng con hôm nay không kéo về những chiều hoàng hôn tuyệt vọng, mà rửa niềm tin chúng con sáng hơn để chúng con thấy người thân yêu đang ở bên Chúa và đang cầu bầu cho chính chúng con.  Amen.

Lm Nguyễn Tầm Thường, sj.

From: NguyenNThu


 

Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người,…(Luca 23:13)- Cha Vương

Hôm nay thứ 4 của Tuần Bát Nhật, ước mong Bạn nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mỗi việc làm hôm nay nhé.

Cha Vương

Thứ 4: 03/04/2024

TIN MỪNG: Vào ngày thứ nhất trong tuần, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau,… Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người… Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người,…(Luca 23:13,16,30,31)

SUY NIỆM: Có câu chuyện kể rằng, một đôi vợ chồng trẻ vừa dọn đến ở trong một khu phố mới. Sáng hôm sau, vào lúc hai vợ chồng ăn điểm tâm, người vợ thấy bà hàng xóm giăng tấm vải trên giàn phơi.

“Tấm vải bẩn thật” – Cô vợ thốt lên. “Bà ấy không biết giặt, có lẽ bà ấy cần một loại xà phòng mới thì giặt sẽ sạch hơn”.

Người chồng nhìn cảnh ấy nhưng vẫn lặng im. Thế là, những lời bình phẩm ấy cứ thốt ra từ miệng cô vợ mỗi ngày, sau khi nhìn thấy bà hàng xóm phơi đồ trong sân.

Một tháng sau, vào một buổi sáng, người vợ ngạc nhiên vì thấy tấm vải của bà hàng xóm rất sạch, nên cô nói với chồng: “Anh nhìn kìa! Bây giờ bà ấy đã biết cách giặt tấm vải rồi. Ai đã dạy bà ấy thế nhỉ?”

Người chồng đáp: “Không. Sáng nay anh dậy sớm và đã lau kính cửa sổ nhà mình đấy”.

Thực ra mỗi người trong đời, không ít thì nhiều, ai cũng đều giống như cô vợ trẻ trong câu truyện kia, đều nhìn thế giới qua lăng kính riêng của mình. Kính đó sạch hay hoen ố? Các môn đệ trên đường Em-mau cũng vậy mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người, bởi vì lăng kính của họ có nhiều vết hoen ố của những kinh nghiệm thương đau và buồn phiền trong quá khứ. Lòng của họ đầy sự nghi ngờ và cảm xúc không thật. Chúa Giêsu đã lau sạch lăng kính của họ bằng cách gợi lại hành động thật tâm tình và trìu mến mà Ngài đã làm trong bữa tiệc ly, “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ.” Lập tức mắt họ mở ra và nhìn thấy sự hiện diện của con Thiên Chúa đã sống lại, lòng bừng cháy với niềm tự tin và họ không ngừng loan báo Tin Mừng. Còn Bạn thì sao? Lòng Bạn có bừng cháy không khi Bạn tham dự thánh lễ? Khi lễ xong bạn được sai đi để công bố tin vui, Bạn có thực thi điều đó không?

LẮNG NGHE: Chúa Giêsu nói: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7:21-23)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, vì cuộc khổ nạn của Chúa  xin tẩy sạch tim con những ô uế để con nhìn thấy những gì tốt đẹp nơi anh em con.

THỰC HÀNH: Tự suy và tìm ra giải pháp để lau sạch những vết hoen ố trên lăng kính của mình hôm nay nhé! Hoen ố của sự phán xét bất công, bực tức, giận hờn và bất an khi sự việc không đạt theo ý mình

From: Do Dzung

 Cho Con Thấy Chúa (Sáng tác: Sr. Hiền Hòa) – Uyên Nguyên

Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em (Gioan 20: 17)-Cha Vương

Chúc bạn và gia quyến một ngày thật gần gũi với Chúa nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 2/04/2024

TIN MỪNG: Đức Giê-su bảo bà Ma-ri-a Mác-đa-la: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ : ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’.” (Gio-an 20:17)

SUY NIỆM: Qua sự linh ứng của Chúa Thánh Thần bà Ma-ri-a Mác-đa-la NHẬN RA được Chúa Kitô là đấng đã được sống lại từ cõi chết mà lúc đầu bà tưởng là người làm vườn. Chúa Thánh Thần đã tác động trên bà và ban cho bà ơn can đảm để thuật lại tất cả những gì bà đã nghe và thấy. Điều then chốt ở đây là sự NHẬN RA. Bà đã nhận ra ai?  Bà đã NHẬN RA Thiên Chúa là đấng tự tỏ mình cho con người biết Thiên Chúa là ai, Người muốn gì… Nhờ đó, con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa và hiệp thông với Người qua việc “yêu mến Chúa và yêu tha nhân” để được cứu độ. Đây là một sự mặc khải trọn vẹn đi đến tột đỉnh qua biến cố Núi Sọ, Chúa Kitô đã chết và đã sống lại. Tất cả đều quy về Bạn, vì yêu bạn đó, bạn có nhận ra điều đó không?

LẮNG NGHE: Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mátthêu 25:40)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Phục Sinh, xin Chúa ban Thánh Thần làm cho con trở nên người mới để con sống một cuộc đời tràn ngập ánh sáng Ðấng Phục Sinh trong môi trường sống của con.

THỰC HÀNH: Bạn hãy xin Chúa soi sáng cho bạn NHẬN RA sự hiện diện của Chúa trên khuôn mặt của những người bạn gặp hôm nay nhé!

From: Do Dzung

Hãy Đưa Con Trở Về-Trung Quân 

MUỐN NHIỀU HƠN – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Đừng giữ Thầy lại!”.

“Bạn có thể có được Thiên Chúa bao nhiêu tuỳ thích! Chúa Kitô trao chìa khoá kho tàng vào tay bạn. Nếu một người được phép vào kho vàng thỏi của ngân hàng, lấy bao nhiêu tuỳ thích; nhưng anh ấy chỉ lấy mấy cắc, thì lỗi tại ai mà anh ta nghèo? Hãy muốn thật nhiều! Và đừng quên, Chúa Kitô luôn ‘muốn nhiều hơn’ cho bạn!” – Alexander MacLaren.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúa Kitô luôn ‘muốn nhiều hơn’ cho bạn!”. Đó cũng là những gì Ngài muốn cho Maria trong Tin Mừng hôm nay. Sau khi sống lại, Ngài hiện ra cho cô với dáng vẻ một người làm vườn. Cô muốn ôm chân Ngài; Ngài nói, “Đừng giữ Thầy lại!”. Tại sao? Ngài muốn cô thay đổi cách nhìn, lối xử với Ngài một cách hoàn toàn khác! Ngài ‘muốn nhiều hơn’ cho cô!

Maria hết lòng vì Thầy, bằng chứng là cô có mặt dưới chân thập giá; hoặc do lòng thương xót, Ngài đã trục xuất bảy quỷ cho cô! Mặc dù sự gắn bó và lòng sùng kính dành cho Chúa Giêsu đẹp đẽ và rất thanh khiết – tuy chưa hoàn thiện – Maria chỉ muốn Thầy Chí Thánh được trả lại cho cô theo cách cô muốn. Vì lý do đó, Ngài bảo, “Đừng giữ Thầy lại!”.

Khi nói thế, Chúa Giêsu muốn nói với Maria rằng, “Mối quan hệ của con với Ta sẽ sớm thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, thiêng liêng hơn, thiên đàng hơn. Nó không còn ở cấp độ con người! Ta sẽ không chỉ là bạn của con; Ta ‘muốn nhiều hơn’ cho con. Ta muốn con yêu Ta “hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức lực”; Ta sẽ sớm ở trong con và con ở trong Ta; Ta sẽ ở trong tim con, nên một với con, và trở thành Lang Quân của con cho đến đời đời!”. Đây là ‘một cuộc hôn nhân thiêng liêng giữa trời với đất’, ‘một hiệp thông mầu nhiệm giữa người với Chúa’, ‘một tương quan mới giữa Đấng Cứu Chuộc với tội nhân’. Họ sẽ cùng Ngài ‘xe duyên’; và điều này chỉ có thể xảy ra một khi Chúa Giêsu đã lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha sau khi hoàn tất sứ mệnh trên dương thế!

Sẽ rất bất ngờ khi bạn và tôi đọc lại những lời này – “Đừng giữ Thầy lại!” – với ý thức rằng, Chúa Giêsu ‘muốn được giữ lại’ hơn bao giờ hết! Ngài muốn ‘được ôm chặt’ với sự hiểu biết rằng, Ngài đã thực sự lên cùng Cha! Ngài muốn chúng ta ‘ôm chặt’ Ngài trong Thánh Thể, trong Lời, trong tha nhân. Ngài muốn chúng ta bám lấy Ngài với từng thớ thịt, từng hơi thở của mình; Ngài muốn ở cùng, trở nên mỗi người để biến đổi từng người theo cách thức riêng của Ngài. Maria đang tận hưởng hạnh phúc này; và quà tặng đó cũng đang được trao cho bạn và tôi ngay hôm nay chứ không đợi đến mai ngày trên thiên đàng.

Anh Chị em,

“Đừng giữ Thầy lại!”. Chúa Phục Sinh ‘muốn nhiều hơn’ cho bạn và tôi! Ngài muốn chúng ta gói lấy “những vàng thỏi”, chứ không chỉ nhặt “mấy cắc”. Ngài muốn chúng ta yêu Ngài tha thiết hơn từng ngày, từng giờ; từ đó, sống cho Ngài từng phút, từng giây. Ngài không chỉ ‘muốn nhiều hơn’ trái tim yêu thương của chúng ta; nhưng thật bất ngờ, cả những tội lỗi cùng những gì ‘hơi hướng thế tục’ nơi mỗi người. Đó là tất cả những gì Ngài đang chờ, và đang muốn nhất. Hãy dâng Ngài thời giờ, sức khoẻ, niềm vui và cả thập giá. Phải, cả thập giá! Thú vị thay, thập giá đó là sự ươn hèn, các tính hư nết xấu và cả tội lỗi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dạy con khôn ngoan ôm lấy ‘vàng thỏi’, đừng nhặt ‘tiền cắc!’. Để con yêu Chúa hơn từng ngày, sống thánh hơn từng giờ cho Đấng hằng yêu con từng giây!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Từ cõi chết, Đức Ki-tô đã phục sinh – Cha Vương

Mến chào một ngày mới. Đọc tin này bạn đừng buồn và cầu nguyện cho mình nhé, đây là bài suy niệm cuối cùng của mình vì mình mới bị té gẫy tay trong giếng rửa tội cho nên không đánh máy được nữa. Đau quá đi thôi! :((  Xin thông cảm….  April Fool!!! Nói chơi vậy thôi, đùa tí cho zui đó mà. Không có gì xảy ra đâu, 🙂

Hôm nay là ngày 1 tháng 4 hay được gọi là April Fool’s Day, nói một cách dí dỏm là ngày nói đùa (hay nói dối cho vui). Niềm vui trong ngày này là những người vui tính sẽ trao cho nhau những câu nói thú vị, khó tin, nhưng cũng hết sức tinh tế để người khác không nhận ra rằng đây là một câu nói không có thật để rồi cùng bật cười to lên với nhau. Chúc bạn một ngày vui qua những tiếng cười của ngày April Fool nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 01/04/2024

TIN MỪNG: Khi ấy, các người phụ nữ vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay…Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà : “Chị em đừng sợ ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Máthêo 28:8-10)

SUY NIỆM: Bạn đang sống trong thế giới mà công nghệ điện thoại di động và các thiết bị vi tính đang sốt. Nhờ đó mà tin tức mới được gởi đi thật nhanh và được cập nhập hàng giờ. Sau biến cố Phục Sinh,“Các người phụ nữ vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay.” Họ không để sự sợ hãi ngăn cản họ loan báo tin vui của sứ điệp Phục Sinh. Đây là một sự chọn lựa thật táo bạo và can đảm. Sứ điệp của Đức Giêsu trao ban cho các phụ nữ cũng chính là sứ điệp cho bạn hôm nay, đó là: Đừng sợ! Hãy sống và loan truyền Chúa chịu chết, tuyên xưng Chúa sống lại cho mọi người, mọi nơi và mọi lúc. Vậy bạn hãy sử dụng những tiện nghi hiện đại đang có trong tay để loan báo tin mừng như các phụ nữ can đảm đó đi. Nếu hàng tỷ người  trên thế giới này, trong đó có bạn, biết sử dụng điện thoại di động của mình để loan báo những tin vui hoặc chỉ làm những điều tốt thì thế giới này đâu có những cảnh tang thương và chết chóc.

LẮNG NGHE: Từ cõi chết, Đức Ki-tô đã phục sinh, không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người. Alleluia. (Rm 6:9)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Phục Sinh, Chúa đã cho kẻ chết sống lại và đưa nhân loại vào cuộc sống muôn đời, xin ban sự sống muôn đời cho những người thân thương của con đã qua đời do lòng thương xót của Chúa.

THỰC HÀNH: Hôm nay Bạn hãy làm 1 trong những đề nghị sau đây:

(1) Hãy đừng sợ nói/tranh đấu cho sự thật

(2) Bạn có thể dùng phương tiện điện tử có sẵn để gởi đi những bài suy niệm hàng ngày cho bạn bè thân hữu

(3) Tránh xa những cuộc đối thoại tiêu cực gây hoang mang sợ hãi

Chúa Giêsu nói với Bạn “đừng sợ!”

From: Do Dzung

https://www.youtube.com/watch?v=jjBnLQjLBFI

Hoan Ca Phục Sinh . Bà maria ơi trên đường bà thấy những gì

 

NỖI SỢ CỦA ÂN SỦNG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Các người phụ nữ vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng”.

Cha William thăm một cô gái sắp mổ mắt. Nỗi sợ phải mù ám ảnh cô! Cô nói với cha, “Ôi, Chúa đang lấy đi thị giác của con!”. Cha xứ nghiêng mình thì thầm, “Đừng để Ngài lấy nó! Hãy dâng nó cho Ngài!”. Khuôn mặt cô gái rạng rỡ, “Con ước ao được như vậy!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nỗi sợ hãi xen chút vui mừng – dẫu ít ỏi – nơi cô gái trẻ đưa chúng ta về câu chuyện Tin Mừng hôm nay. Các phụ nữ rời mộ Thầy, vừa “sợ hãi” vừa “vui mừng”. Thật thú vị, hai trạng thái đan xen! Làm sao một người vừa “sợ” lại vừa “vui?”. Chẳng phải sợ hãi luôn xói mòn niềm vui? Chẳng phải niềm vui không triệt tiêu được sợ hãi? Đặt mình vào tâm trạng của các cô, chúng ta sẽ hiểu được thế nào là trải nghiệm một ‘nỗi sợ của ân sủng!’.

Làm sao có thể không sợ khi thi hài của một người chết nay hiện ra sừng sững trước mặt họ? Làm sao một ‘thây ma’ nay lên tiếng chào họ? Ấy thế, nỗi sợ tự nhiên được thế chỗ bởi niềm vui của ân sủng! “Chào chị em!” tiếng Latin là “Exsultet!”, có nghĩa là “Mừng vui lên!”. Đây cũng là lời Gabriel chào Đức Mẹ trong ngày truyền tin, “Mừng vui lên, đấng đầy ân sủng!”. Giờ đây, không phải là lời của sứ thần nhưng là lời của ‘Chúa các sứ thần’ – lời Đấng Phục Sinh – nói cho cả nhân loại biết rằng, nó đang được đầy ân sủng!

Đây không phải là một nỗi sợ thông thường; đúng hơn, một ‘nỗi sợ của ân sủng’ đầy tôn kính, kinh ngạc và choáng ngợp, gây sốc thánh thiện; và cùng lúc, ngập tràn niềm vui. Bỗng nhiên, một sự hiểu biết chợt đến khiến các cô đầy ắp hy vọng rằng, Thầy đã ra khỏi mồ! Trải nghiệm này cho phép họ tin chắc một điều gì đó rất phi thường vừa mới xảy ra.

Đây còn là một trải nghiệm đáng ao ước nơi bạn và tôi! Ngày Phục Sinh, ‘ngày Chúa biến đổi tôi’, ‘ngày Chúa đã làm ra’, ngày mà tôi hoan hỷ mừng kính trong tám ngày liên tiếp và cao điểm là Chúa Nhật Lòng Thương Xót. Vì thế, trong những ngày này, chúng ta sẽ cố gắng ‘cùng trải nghiệm một kinh nghiệm’ mà các phụ nữ thánh thiện ấy đã trải qua. Rằng, Chúa Giêsu không còn trong mộ và tôi cũng đã ‘ra khỏi mồ’ với Ngài. Hãy chìm sâu vào mầu nhiệm Phục Sinh; học biết nó đúng như ý nghĩa tràn đầy của nó! Ngài đã tiêu diệt tội lỗi, huỷ diệt cái chết, sự ác; đồng thời, đang huỷ diệt tội lỗi của tôi, ban cho tôi sự sống mới trong sức mạnh Phục Sinh của Ngài. Không thể tuyệt vời hơn!

Anh Chị em,

“Tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng”. Chúa Phục Sinh ước ao bạn và tôi có được trải nghiệm ấy mỗi ngày trong Lời Chúa, trong Thánh Thể, trong những con người, trong các biến cố. Ngài ‘đón đường’ từng người chúng ta, nói với mỗi người rằng, “Mừng vui lên!” vì cả vũ trụ này đang được đổi mới; và nhất là, ‘Con đang được đổi mới!’. Như các phụ nữ, bạn hãy cam kết một điều, chúng ta phải ‘ra khỏi nhà’, ‘ra khỏi mồ’, ra khỏi những gì thuộc tầm thấp, ra khỏi những ước muốn thế tục; nhờ đó, có thể nhận ra ‘Đấng đón đường’ đầy yêu thương, quyền năng. Được như thế, chúng ta mới thật sự trải nghiệm ‘nỗi sợ của ân sủng’ đáng ao ước mà Đấng Phục Sinh mang lại, cũng là Đấng sai đi.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dạy con biết ‘chìm sâu vào trong’ mầu nhiệm Phục Sinh; nhờ đó, con có thể ‘ra khỏi nhà’, ‘ra khỏi mồ’, được biến đổi và được sai đi!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

CHÚC MỪNG CHÚA PHỤC SINH!

Nguyện xin niềm vui và tình yêu của Đức kitô phục sinh ở với bạn và gia đình luôn mãi. Mình sẽ cầu nguyện cho bạn và gia quyến trong các Thánh Lễ của mùa Phục Sinh nhé. ALLELUIA!!!

Cha Vương 

CN: 31/03/2024

TIN MỪNG: Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Gio-an 20:1

SUY NIỆM: Sau khi Đức Giê-su làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, Ngài hỏi dân chúng và ông Phê-rô “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.” Rồi Đức Giê-su tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ nhất (Mt 16: 21; Mc 8:31 ) “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” (x. Luca 9:10-22)

Sự tiên báo này trở thành hiện thực và khiến cho lý trí của một số người phải chưng hửng vì “Ngài đã sống lại từ cõi chết!” Đối với các môn đệ vào thế kỷ thứ nhất họ không dừng lại ở vị trí chưng hửng của lý trí nhưng họ đã tin vào sự sống lại từ cõi chết.

Mầu nhiệm Phục Sinh đã khích động họ sống và chết cho Chúa. “Nhưng nếu chúng tôi rao giảng rằng Đức Ki-tô đã từ cõi chết trỗi dậy, thì sao trong anh em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại? Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Ki-tô đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.” (1 Côrintô 15: 12-14)

❦ Còn Bạn thì sao?

❦ Bạn có sống niềm vui Phục Sinh hay không?

“Quả thế, tại vì Lề Luật mà tôi đã chết đối với Lề Luật, để sống cho Thiên Chúa. Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. (Galát 2:19-20)

LẮNG NGHE: Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. (Rm 6:8)

 CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Phục Sinh, trong ngày lễ cực thánh này, xin củng cố lại đức tin cho con để con biết rằng Chúa là Chiên thật đã xoá bỏ tội trần gian, đã chết để diệt trừ sự chết nơi con, và sống lại để phục hồi sự sống cho con. Con tung hô Chúa là Đấng cứu độ con!

THỰC HÀNH: Đọc một Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng để cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục đã mong đợi sự sống vĩnh cửu.

From: Do Dzung

https://www.youtube.com/watch?v=vLdbhomUFm4

Khải Hoàn Ca (Sáng tác: Lm. Nguyễn Duy) – Kiều Oanh Nguyễn 

 

NGÀY CHÚA ĐÃ LÀM RA – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. 2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói : “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”

3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. 4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. 5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. 6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, 7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. 8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. 9 Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng : theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.

NGÀY CHÚA ĐÃ LÀM RA

 (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Đây là ngày Chúa đã làm ra!”.

Đội quân của Napoléon dẫn đầu bởi tướng Massena bất ngờ xuất hiện với 18.000 quân trước một thị trấn. Hội đồng bô lão họp, “Đầu hàng là câu trả lời duy nhất!”. Nhưng một cựu quan chức nói, “Hôm nay là lễ Phục Sinh, hãy mừng lễ và để mọi rắc rối cho Chúa, Chúa có cách của Chúa!”. Trong đêm, họ cử người đến xin cha xứ gõ mõ dâng lễ. Nghe tiếng mõ khắp nơi, Massena suy nghĩ, quân đội Áo đã đến giải vây! Viên tướng ra lệnh lui binh và biến mất trước khi chuông nhà thờ đổ trong lúc cộng đoàn hát Kinh Vinh Danh.

Kính thưa Anh Chị em,

“Đây là ‘ngày Chúa đã làm ra!’”, Thánh Vịnh đáp ca Chúa Nhật Phục Sinh nói về ngày sống lại của Chúa Kitô như thế. Chúng ta vui mừng hoan hỷ vì “Chúa có cách của Chúa!”. Ngài ôm tội lỗi của nhân loại vào trong mộ và đã chỗi dậy để khởi đầu một sự sống mới.

Nhiều nơi trên thế giới mừng lễ Phục Sinh vào mùa xuân. Đây là thời điểm mà thiên nhiên, tự nó, mang đến sự khởi đầu của một cuộc sống mới. Những bông hoa tulips sắp vươn lên khỏi mặt đất giá lạnh, những chồi non trên cành sắp biến khu rừng thành biển xanh. Thiên Chúa nói theo nhiều cách, chu kỳ của thiên nhiên là một trong những cách thức dễ thấy nhất. Vậy nếu Cha Trên Trời nâng niu từng đọt cây, ngọn cỏ, những tạo vật nhỏ bé như thế, thì Ngài quan tâm đến sự phục sinh của Con Chí Ái biết bao? Và nhất là, quan tâm đến việc những con trai, con gái của Ngài bước vào một cuộc sống mới vừa giành được cho từng người nhờ sự Phục Sinh của Con Một Ngài nhường nào!

Hãy để vẻ đẹp của tạo vật trở nên dấu chỉ cho bạn về ‘một thực tại vĩ đại hơn vô hạn!’. Hãy cho phép bản thân được cuốn hút vào những mới mẻ trong sự Phục Sinh của Chúa Kitô. Vươn lên có nghĩa là trở nên một tạo vật mới! Hãy gẫm suy những lời tuyệt diệu này, “Đây là ‘ngày Chúa đã làm ra’, ‘ngày’ vui mừng trong cuộc sống mới Thiên Chúa ban cho mỗi người. Nó ‘ở đây, lúc này!’. Đó là ‘ngày’ mà bạn và tôi được biến đổi bởi một con người, Giêsu, Đấng Phục Sinh. Cuộc sống mới phải bắt đầu ngay giờ này và phải liên tục trở nên mới mẻ, rạng ngời, khi chúng ta đi sâu hơn vào vinh quang của Ngài.

“Chúa đã sống lại!” không phải là một công thức ma thuật làm tan biến các vấn đề. Không! Mầu nhiệm Phục Sinh không làm điều này; thay vào đó, là sự chiến thắng của tình yêu đối với cội rễ của điều ác, một chiến thắng không ‘bỏ qua’ đau khổ và cái chết, nhưng ‘vượt qua’ chúng, ‘đứng trên’ chúng, ‘mở ra một con đường’ trong vực tối; biến sự ác thành sự lành, và đây là dấu ấn độc đáo cho thấy quyền năng của Thiên Chúa.

Anh Chị em,

“Đây là ngày Chúa đã làm ra!”, là ngày Chúa Kitô tái tạo trời mới đất mới mà con người đã phá hỏng; ngày Ngài tái giao hoà ‘người với Chúa’, ‘người với người’ mà tội lỗi đã cắt đứt. Đúng thế, nơi sự Phục Sinh, Chúa Cha đã bắt đầu một cuộc sáng tạo mới. Nhưng không chỉ hôm nay mà mọi ngày là ‘ngày Chúa đã làm ra’. Hãy để cho mình tưng bừng hỷ hoan và tha nhân được tưng bừng hoan hỷ! Muốn thế, bạn và tôi hãy giao mọi rối ren vào tay Chúa, “Chúa có cách của Chúa!” và thôi làm điều dữ, hãy gieo điều thiện. Hãy là con cái của Đấng Phục Sinh; bớt tìm “những sự thuộc hạ giới và không ngừng tìm kiếm những gì thuộc thượng giới” như thư Côlôssê hôm nay mời gọi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con biết sống từng ngày với ‘tư chất’ của một người con đã được cứu chuộc: tưng bừng hỷ hoan; và nhờ con, anh chị em cũng tưng bừng hoan hỷ!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen


 

Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau (Gioan 13: 14-15)-Cha Vương

Chúc Bạn ngày thứ 5 Tuần Thánh thật thánh thiện đẹp tình yêu thương! Mình xin bạn một lời cầu nguyện cho các mục tử của Chúa hôm nay nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 28/03/2024

TIN MỪNG: Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm

như Thầy đã làm cho anh em. (Gioan 13:14-15)

SUY NIỆM: Con người ngày nay không cần các lý thuyết, nhưng cần các mẫu gương. Mẫu gương mà Chúa Giêsu muốn nói khi Ngài cúi mình rửa chân cho các môn đệ là: (1)phục vụ, (2) khiêm tốn, và (3) yêu thương.

+ PHỤC VỤ không phải là sự trao đổi mà là phải “chết đi chính mình” để phục vụ mọi người.

+ KHIÊM TỐN là không khoe khoang, mà hạ mình xuống một chút, biết mình “là” thế nào, sống thanh thản và thành thật đúng với cái “gì” là của mình và cái “gì” là của Chúa.

+ YÊU THƯƠNG là tha thứ, “là muốn điều thiện cho một người nào đó” (Tôma A.), tư tưởng, lời nói, hành động đều hướng về điều thiện. “Bạn đam mê tốt khi sự yêu thích tốt và chúng xấu nếu là một sự yêu thích xấu.” (x. SGLGHCG, 1766)

LẮNG NGHE: CHÚA nói: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13:34)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa là Đấng con phải hết lòng yêu mến và tin tưởng, nhờ Con Một Chúa chịu khổ hình, chết trên thập giá, và đã phục sinh để cho con được ơn cứu độ, xin đổ xuống muôn vàn ân sủng trên con để con đạt tới phúc quê trời như lòng vẫn ước mong.

THỰC HÀNH: Hãy làm những bài tập sau đây được rút ra từ hành vi rửa chân của Chúa Giê-su:

(1) PHỤC VỤ-Làm một việc tốt không đắn đo do dự (làm pedicure free cho một khách nào đó :).

(2) KHIÊM TỐN-Nhường chỗ cho một người đi sau mình, hoặc nói ít nghe nhiều.

(3) YÊU THƯƠNG-Hãy tha thứ hoặc chú tâm vào những điểm tốt đẹp và tích cực của những người chung quanh. Nói “Không” đến những điều tiêu cực.

From: Do Dzung

Thầy Rửa Chân Cho Con Sao – Nguyễn Hồng Ân 

MỘT LẦN TẶNG, MUÔN LẦN TRAO – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

  MỘT LẦN TẶNG, MUÔN LẦN TRAO

Thứ Năm Tuần Thánh

Thánh lễ Tiệc Ly

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 13,1-15)

1 Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.

2 Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su. 3 Đức Giê-su biết rằng : Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, 4 nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. 5 Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.

6 Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người : “Thưa Thầy ! Thầy mà lại rửa chân cho con sao ?” 7 Đức Giê-su trả lời : “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” 8 Ông Phê-rô lại thưa : “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu !” Đức Giê-su đáp : “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” 9 Ông Si-môn Phê-rô liền thưa : “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.” 10 Đức Giê-su bảo ông : “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa ; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu !” 11 Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói : “Không phải tất cả anh em đều sạch.”

12 Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói : “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ? 13 Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. 14 Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. 15 Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.”

MỘT LẦN TẶNG, MUÔN LẦN TRAO

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ngài yêu thương họ đến cùng!”.

“Người khôn ngoan không coi trọng món quà của ‘người yêu’ cho bằng tâm tình của ‘người tặng’. Chúa Giêsu vừa là người yêu, vừa là người tặng! Quà Ngài trao là chính mình Ngài. Không chỉ một lần, Ngài ‘tự hiến’ mỗi ngày! Một lần tặng, muôn lần trao!” – Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý nghĩa Thánh Lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh có thể được tóm gọn trong hai từ: “Tự Hiến!”. Vì yêu thương các môn đệ đến cùng, Chúa Giêsu đã tự hiến đến ‘ba lần’ vào hai chiều cuối đời; nhưng không chỉ ‘ba lần’, Ngài tự hiến đến ‘n’ lần, muôn lần! Bởi lẽ, mỗi ngày, trên các bàn thờ, Ngài tiếp tục tự hiến; và như thế, Ngài là Món Quà Tự Hiến ‘một lần tặng, muôn lần trao!’.

Tin Mừng nói, “Trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết giờ của Ngài đã đến… Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình, và Ngài yêu thương họ đến cùng!”. Chính trong bữa ăn yêu thương mà người Do Thái phải cử hành hằng năm – bài đọc Xuất Hành – Chúa Giêsu tự hiến trong phục vụ yêu thương khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ! Cũng trong bữa tối đó, Ngài tự hiến dưới hình thức của ăn, của uống khi cầm lấy bánh rượu, thiết lập Bí tích Thánh Thể – và theo thánh Gioan Phaolô II, Ngài thiết lập chức Linh mục – “Hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Thầy!”, “Hãy nhận lấy mà uống, này là Máu Thầy!”. Trong thư Côrintô hôm nay, Phaolô viết, “Mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết!” – bài đọc hai.

Như vậy, khi cúi xuống rửa chân các môn đệ, cũng như khi cầm bánh rượu là chính Thịt Máu Ngài để trao cho họ, Chúa Giêsu đã tiên liệu một “Món Quà” thiết thực hơn, lớn lao hơn mà Ngài sẽ trao vào ngày hôm sau: một thân xác nát tan, đỏ một màu máu trên thập giá. Vì thế, chỉ trong hai ngày Tuần Thánh đầu tiên ấy, Ngài đã tự hiến chính mình đến ba lần. Và còn hơn thế! “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy!”; với các Linh mục của Hội Thánh Ngài, mầu nhiệm đức tin này còn được cử hành liên lỉ trên các bàn thờ. Qua Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phục vụ lẫn nhau. Khi chúng ta phục vụ nhau, Ngài tiếp tục phục vụ mỗi người ‘trong chúng ta và qua chúng ta!’. Bởi đó, Món Quà Giêsu không chỉ được trao một lần, ba lần, nhưng liên lỉ trao đến tận thế!

Anh Chị em,

“Ngài yêu thương họ đến cùng!”. Thông hiệp với Chúa Kitô trong Thánh Thể, chúng ta rước lấy Thịt Máu Ngài; nhờ đó, tìm thấy sức mạnh để “yêu đến cùng” như Ngài đã “yêu!”. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay viết, “Chén chúc tụng là sự thông hiệp Máu Chúa Kitô!”. Nhờ thông hiệp Máu Chúa Kitô, chúng ta mới có khả năng khiêm nhường cúi xuống phục vụ tha nhân như Ngài. Thánh Thể nuôi dưỡng sự phục vụ; phục vụ, hiện thực hoá Thánh Thể. Thánh Thể biến đổi chúng ta nên ‘những Giêsu khác’, Đấng “yêu cho đến cùng”. Hãy để Thứ Năm Tuần Thánh; đúng hơn, hãy để Thánh Thể Chúa Kitô dạy chúng ta biết tự hiến như Ngài! Noi gương tình yêu vĩ đại của Ngài, bạn và tôi cũng tự hiến mỗi ngày, chết cho chính mình để khiêm nhường phục vụ và “yêu cho đến cùng!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, nhờ việc tham dự vào thần tính của Đấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con, ước chi Thánh Thể Chúa biến đổi con mỗi ngày nên ‘một Giêsu khác!’”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

From: KimBang Nguyen


 

 Nỗi đau thứ bảy: Táng xác Chúa Giêsu trong huyệt đá- Cha Vương

 Ngày Thứ 4 Tuần Thánh tràn đầy ơn lành của Chúa và Mẹ nhé. Bạn thân mến, có bao nhiêu lần bạn tiễn người thân yêu của mình ra nghĩa trang? Bạn cảm nghiệm được điều gì khi người ta hạ quan tài xuống lòng đất? Bạn hãy nghiệm lời Thánh Phaolô nói: Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người. (Rm 6:8) Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. (Rm 6:4) Đây là niềm tin của chúng ta! Mẹ Maria cũng nghiệm được điều này. Mẹ đã tin vào việc làm của Thiên Chúa tuy rằng Mẹ không biết chuyện gì rồi sẽ xảy ra. Do đó Thiên Chúa đã rước Mẹ lên trời cả hồn cả xác vì Thiên Chúa yêu thương Mẹ biết bao. “Mẹ tuyệt đẹp vì Mẹ đầy ơn Chúa. Mẹ đẹp thánh thiện vì ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội. Mẹ đẹp cao quý vì làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Mẹ tuyệt mỹ vì niềm tin đơn sơ và cuộc sống khiêm nhường.” Vậy dù sống hay chết bạn hãy đặt hết niềm tin vào Chúa để được bình an. Đức Giê-su nói với người phụ nữ tội lỗi: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.” (Lc 7:50)

Cha Vương

Thứ 4: 27/03/2024

NỖI ĐAU THỨ 7: Táng xác Chúa Giêsu trong huyệt đá—Dù vững tin rằng con của Mẹ sẽ chiến thắng tử thần và sẽ phục sinh, nhưng với trái tim của người mẹ, Mẹ Maria vẫn cảm thấy một nỗi đau xé lòng. Con của Mẹ đã trút hơi thở trao thần khí thì Mẹ cũng chết đi cùng con trong tâm hồn và mai táng cùng con trong huyệt đá. Tình yêu khiến Chúa chấp nhận đi vào cuộc tử nạn thế nào thì cũng chính tình yêu khiến Mẹ cùng chịu đau khổ, cùng chết và cùng được mai táng với Chúa như vậy.

❦  Trong giây phút thinh lặng, mời bạn đặt hết những đau khổ của đời mình dưới sự che trở của tà áo Mẹ hôm nay nhé.

 CẦU NGUYỆN: Lạy Mẹ Maria, trinh nữ đau thương, trong những nỗi vất vả tân toan của cuộc sống. Xin giúp chúng con biết đón nhận với niềm tin tưởng vào Chúa, để như Mẹ chúng con được thông phần vào công cuộc cứu rỗi của Chúa.

❦  Kính mừng Maria…

❦  Chúng con cậy vì Danh Chúa Nhân Từ, xin cho… (các linh hồn đang đau khổ trong luyện ngục) được lên  chốn nghỉ ngơi…

❦  Lạy Mẹ Maria, Mẹ của lòng nhân từ và lòng thương xót, xin cầu bầu cho chúng con và toàn thế giới. (Đọc 3 lần)

From: Do Dzung

Niềm xác tín của con – Lệ Hằng 

TRỜI ĐÃ TỐI – Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ

  Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ

Làm người ở đời ai chẳng có lúc xao xuyến.  Đức Giêsu hai lần nhắc các môn đệ đừng xao xuyến trước sự ra đi được báo trước của Thầy (Ga 14, 1.27).  Nhưng Ngài đã xao xuyến khi thấy người ta khóc thương Ladarô (Ga 11, 33).  Ngài cũng đã xao xuyến khi giờ đã đến và cái chết gần kề (Ga 12, 27).  Trong bữa tối này, Đức Giêsu không tránh khỏi xao xuyến khi nói đến sự phản bội sắp đến của một người môn đệ (c. 21).  Vậy vấn đề không phải là cố tránh xao xuyến, mà là đừng để nó làm chủ mình.

Trong bốn sách Tin Mừng, Thầy Giêsu không bao giờ nói rõ Giuđa là kẻ phản bội.  Thầy muốn giữ thể diện thậm chí cho kẻ sắp phản bội mình.  Vì thế nói chung các môn đệ không rõ ai là kẻ sẽ nộp Thầy (c. 22).  Ông Phêrô có lẽ nằm trên giường tiệc xa với Thầy, nên đã làm hiệu cho anh môn đệ được Thầy thương, để nhờ anh hỏi xem là ai.  Thầy Giêsu đã không nói tên kẻ phản bội.  Ngài chỉ tế nhị dùng một dấu hiệu để cho anh môn đệ mình thương nhận ra.

Dấu hiệu đó là chấm một miếng bánh trao cho Giuđa.  Đây là một cử chỉ quý mến của chủ tiệc dành cho một vị khách đặc biệt.  Việc trao miếng bánh cho Giuđa cho thấy anh nằm gần với chủ tiệc là Thầy, như thế Giuđa, người thủ quỹ kiêm quản lý, có một chỗ khá cao trong bữa tiệc.  Giuđa đã nhận miếng bánh ân tình của Thầy và anh có thể chọn lại.  Anh có dám từ bỏ kế hoạch phản bội của anh không?  Tiếc là không, cử chỉ ưu ái của Thầy chẳng làm anh thay đổi.

“Khi anh vừa ăn xong miếng bánh, thì Satan nhập vào anh” (c. 27).  Chúng ta ngạc nhiên khi Thầy Giêsu không hề phân biệt đối xử với Giuđa.  Thầy đã rửa chân cho anh và còn cho anh tham dự bí tích Thánh Thể (Mt 26, 27).  Khi biết lòng anh chai đá, Thầy lại hối thúc: “Anh làm gì thì làm mau đi” (c. 27).  Giuđa ra đi lúc trời đã tối.

Cũng trong bữa tiệc này, Thầy Giêsu nói về việc Phêrô sẽ chối Thầy ba lần.  Thầy chỉ nói sau khi Phêrô tuyên bố mình sẽ thí mạng để cứu Thầy (c. 37).  Phêrô tỏ ra quá tự tin vào tình yêu và sức mạnh của mình.  Anh coi thường cuộc chiến đấu ác liệt sắp tới nên đã dễ dàng ngã quỵ.

“Thầy đi đâu?”, tiếng Latinh là “Quo vadis?” (c. 36).  Ta lại thấy câu hỏi này của Phêrô trong một sách ngụy thư ở cuối thế kỷ thứ hai.  Lúc Phêrô chạy trốn khỏi sự bách hại ở Rôma, anh lại gặp Thầy Giêsu và hỏi Thầy: “Thầy đi đâu vậy?”  Thầy trả lời Thầy đang vào thành Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa.  Phêrô hiểu ra nên trở lại Rôma để chết tử đạo ở đó.

************************

Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những người thù ghét con. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ