Bi ẩn thi hài thánh nữ đẹp như mỹ nhân

Bi ẩn thi hài thánh nữ đẹp như mỹ nhân

Mấy trăm năm qua đi, dung nhan thánh nữ Bernadette vẫn tuyệt vời như khi bà qua đời ở tuổi 35, dù không hề được ướp xác.

Trên thế giới có rất nhiều hiện tượng nhục thân bất hoại, thi hài nguyên vẹn sau hàng trăm, hàng nghìn năm, đa số có thể lý giải bằng khoa học. Thế nhưng với hiện tượng nhục thân bất hoại của thánh nữ Bernadette và một số vị thánh, nhà tu hành khác thì các nhà khoa học vẫn phải đau đầu bởi sự kỳ lạ dường như mang tính chất thần linh.

Thánh nữ Bernadette là ai?

Người được nhà thờ Thiên chúa giáo La Mã 2 lần phong thánh này là con gái đầu lòng của một gia đình thợ may nghèo ở Louders, miền nam nước Pháp, từ nhỏ đã ốm yếu vì bệnh hen. Vào năm 1858, khi 14 tuổi, cô bé nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra với mình trong một cái hang gần sông Gave, khi cô nhặt củi ở đó, nên về kể với mẹ.

Bernadette thời thiếu nữ. Bà là vị thánh đầu tiên của Thiên chúa giáo có hình chụp lúc còn sống.

Tin đồn lan ra, và dĩ nhiên rất nhiều người không tin. Trong vòng 5 tháng sau đó, cô bé còn được thị kiến Đức Mẹ thêm 17 lần, khiến đám đông đổ về hang ngày một đông. Điều đó khiến cô thiếu nữ gặp nguy hiểm bởi sự cảnh cáo, đe dọa của nhà chức trách. Tuy nhiên, Bernadette vẫn trung thành với những gì mình nhìn thấy thay vì tuyên bố mình nói dối như nhà chức trách yêu cầu.

Người dân càng tin vào Bernadette hơn khi có một dòng suối chảy ra từ hang do cô đã dùng tay đào theo chỉ dẫn của Đức Mẹ, và nước suối ấy được cho là chữa khỏi bệnh cho nhiều người. Trong một lần hiện ra với Bernadette, Đức Mẹ nói muốn xây một nhà thờ tại đây, nhưng nhà chức trách tìm cách ngăn cản, cũng như đóng dòng suối lại. Nhưng tiếng tăm về Bernadette và Đức Mẹ trong hang đã đến tai hoàng hậu nước Pháp, và bà đã can thiệp để nhà thờ được xây dựng.

Bernadette khi đã là nữ tu.

Năm 22 tuổi, Bernadette được vào tu viện đúng như khao khát của cô, dành hết tâm sức để thờ Thiên chúa và làm những việc thiện nguyện. Nữ tu sĩ qua đời ở tuổi 35 (năm 1879) sau một thời gian dài bệnh tật. Vào năm 1913, Bernadette được Giáo hoàng Pius X phong thánh, mộ của bà lần đầu tiên được mở ra và mọi người ngạc nhiên bởi thi hài vẫn y nguyên như lúc còn sống. Do hoàn cảnh chiến tranh (chiến tranh thế giới thứ nhất 1914-1918), các nghi thức bị gián đoạn nên đến năm 1919, mộ của bà lại được mở ra lần nữa để hoàn tất các nghi lễ.

Lúc này, Bernadette đã qua đời được 30 năm. Bác sĩ phẫu thuật Tourdan, người chứng kiến sự việc, kể lại: “Quan tài được mở ra dưới sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có tôi. Thi thể thánh nữ trong trang phục yêu thích của bà không hề có mùi xú u. Khuôn mặt, bàn tay và cẳng tay lộ ra bên ngoài. Đầu bà nghiêng sang một bên, miệng hé mở để lộ hàm răng trắng. Hai tay đặt trên ngực, lớp da vẫn hoàn hảo”.

Theo mô tả của những người khác, đầu gối bên trái của thánh nữ nhỏ hơn bên phải do ảnh hưởng của chứng bệnh lao xương mà bà mắc phải. Trang phục của bà hơi ẩm ướt, cỗ tràng hạt bà cầm cũng như tượng thánh bằng đồng trên ngực đã rỉ sét, nhưng lạ kỳ là da thịt lại vẹn nguyên, các khớp xương vẫn mềm mại và da vẫn đàn hồi, tươi tắn. Thánh nữ Bernadette được thay y phục mới và mai táng trở lại.

Thi hài thánh nữ Bernadette được đặt trong quan tài kính.

Năm 1925, Đức Giáo hoàng Pius XI phong thánh lần nữa cho Bernadette, và mộ bà lại được mở ra lần thứ ba. Người phụ nữ qua đời ở tuổi 35 vẫn mang dung nhan thánh thiện, đẹp đẽ như đang nằm ngủ, duy có da mặt hơi sẫm hơn một chút do bị lau rửa lần trước. Sau khi bọc sáp gương mặt và đôi tay, di hài được đưa vào quan tài bằng pha lê đặt ở nhà nguyện tại Lourder cho đến tận ngày nay cho mọi người kính ngưỡng.

Lourder – quê hương Bernadette đã trở thành một trong những điểm hành hương lớn nhất của các tín đồ Thiên chúa giáo, và dòng suối nhỏ được bà đào theo chỉ dẫn của Đức Mẹ vẫn cung cấp nước cho khách thập phương đến tận ngày nay.

Bí ẩn của thi thể không rữa nát

Đã có vô số thi thể cổ xưa được người đương đại phát hiện trong tình trạng nguyên vẹn: những bậc đế vương, những người giàu có, những thiền sư đắc đạo, những người sống ở vùng băng giá. Sự hoàn hảo của những thi thể này được khoa học lý giải nguyên nhân rất dễ dàng: Những tảng băng tạo thành cái tủ lạnh khổng lồ khiến những xác chết nằm trong đó được bảo quản tươi nguyên sau nhiều thế kỷ.

Những thi hài được ướp xác bằng cách rút hết nội tạng, được quấn và nhồi bằng nhiều loại dầu, thảo dược có tác dụng chống phân hủy. Còn các vị cao tăng thường “tự ướp xác” mình bằng cách nhịn ăn nhiều ngày, chỉ uống loại nước thuốc đặc biệt để ngừng trao đổi chất, làm sạch cơ thể, khiến người gầy rộc chỉ còn da bọc xương trước khi họ viên tịch trong tư thế thiền định.

Đặc điểm chung của những xác ướp đó là tuy không bị rữa nát, chúng cứng đơ, khô quắt, bị rút hết nước, và màu da xám xịt hoặc đen sì. Thực ra cũng có một ngoại lệ, đó là xác ướp của Tân Truy phu nhân, vợ một vị quan triều Hán ở Trung Quốc cách đây 2.000 năm, được phát hiện năm 1972. Thi thể người phụ nữ qua đời lúc 50 tuổi này vẫn đầy đặn, mặt tuy đã phân hủy nhưng còn khá rõ các nét, da còn khá mềm và ẩm, có khớp vẫn cử động được, đáng ngạc nhiên là nội tạng vẫn đầy đủ, thậm chí trong ruột và dạ dày vẫn còn hàng trăm hạt dưa.

Thi hài 2.000 năm của Tân Truy phu nhân.

Dù kỳ lạ nhưng sự “bất hoại” của Tân Truy phu nhân vẫn được giới nghiên cứu lý giải rõ ràng: thi thể bà đã được bảo quản cực kỳ khoa học với 20 lớp vải quấn quanh, ngâm trong dung dịch chống phân hủy bao gồm cả chu sa, thủy ngân và thạc tín, đặt trong 4 lớp quan tài. Có đến 5 tấn than được đổ quanh và thi hài được chôn sâu 15 mét dưới lòng đất.

Tóm lại, gần như tất cả những thi thể tồn tại qua thời gian đều là kết quả của sự bảo quản kỳ công, hoặc thi hài tình cờ được ở trong môi trường đặc biệt để vi khuẩn và sự oxy hóa không “tác quái” được. Nhưng điều đó không đúng với trường hợp thi thể thánh nữ Bernadette. Khi qua đời, bà chỉ ở địa vị một nữ tu sĩ bình thường, thậm chí bị mẹ bề trên ghét bỏ, nên thi thể được mai táng hoàn toàn theo cách bình thường, không có một tác động nào nhằm mục đích bảo quản thi hài.

Dung nhan của thánh nữ Bernadette hiện nay vẫn tươi đẹp như đang ngủ.

Môi trường nơi đặt thi thể bà cũng hoàn toàn bình thường, nghĩa là những thi thể khác đặt ở đó vẫn rữa nát nhanh chóng theo quy luật tự nhiên. Các nhà khoa học không lý giải được tại sao, còn những người tin vào tâm linh thì cho rằng, chính hồng ân của Thiên chúa và Đức Mẹ đã tạo ra phép lạ cho người con gái thánh thiện của các ngài.

Nữ á thánh Anna Maria Taigi.

Không chỉ Bernadette, một số vị thánh khác của Thiên chúa giáo cũng có thi thể bất hoại, chẳng hạn nữ á thánh Anna Maria Taigi, người Italy, qua đời năm 1837 ở tuổi 68. Bà không phải là một tu sĩ, mà là bà mẹ 7 con nhận được ơn tiên tri của Thiên chúa, thấy được quá khứ và tương lai. Bà sống cuộc đời đạo đức, cống hiến và được Giáo hoàng Benedikt XV phong á thánh vào năm 1920. Mặc dù qua đời khi tuổi đã cao và đến nay đã hơn 175 năm trôi qua, gương mặt vị á thánh này vẫn tròn đầy, căng mịn, rất tươi đẹp.

Thánh Johannes Bosco.

Thánh Johannes Bosco (1786-1859) cũng được hậu thế chiêm ngưỡng trong quan tài kính với thần thái không khác lúc còn sống. Ông là một linh mục Pháp, người sáng lập nhà dòng Salesianer, được Giáo hoàng Pius XI phong thánh và tuyên xưng là Thánh quan thầy của các linh mục. Những vị thánh khác như Francis Xavier (1506-1552), di hài đang được lưu giữ tại Ấn Độ, Jean Marie Baptiste Vieanney (1786-1859)… cũng nổi tiếng là nhục thân bất hoại dù không hề được ướp xác.

Theo Xzone

THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ


Nhờ hồng ân Thiên Chúa, ngày 29 tháng 6 hằng năm, cả Giáo Hội vũ hoàn kính nhớ đặc biệt và mừng trọng thể cùng lúc lễ hai thánh tử đạo Phêrô và Phaolô, những cột trụ của Giáo Hội phổ quát Chúa Kitô.  Theo truyền thống, Giáo Hội không bao giờ mừng vị này mà bỏ vị kia, nhưng luôn mừng kính với lòng biết ơn hai chứng nhân vĩ đại của Chúa Kitô, và đồng thời tuyên xưng long trọng về một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo, và tông truyền.

Phêrô có tên gốc là Simon, người Galilê làm nghề chài lưới, sống ở Capharnaum bên hồ Tibêria.  Phaolô có tên là Saolê, người Do thái lưu vong, sinh tại Tarsô miền Tiểu Á bởi cha mẹ là người thế giá, có quyền công dân Rôma.  Cuộc đời của hai ông bị đảo lộn từ khi gặp Đức Kitô.

Thánh Phêrô, thủ lãnh các Tông Đồ, con người say mê Chúa Kitô, đã xứng đáng nghe lời này: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16, 18).  Trên tảng đá này, Chúa sẽ xây dựng đức tin mà Phêrô tuyên xưng.  Phêrô lấy từ “tảng đá”, chứ không phải tảng đá lấy từ Phêrô.  Phêrô, ngư phủ miền Galilêa, ít học, đã lập gia đình, theo Thầy Giêsu ngay từ buổi đầu sứ vụ, là người sau khi đã vượt qua những ngày đen tối của cuộc Thương Khó của Chúa Kitô, sẽ có trách nhiệm củng cố anh em trong đức tin và chăn dắt đoàn chiên của Chúa (x. Mt 16, 13-19).  Còn thánh Phaolô, người Pharisêu sốt sắng, có nhiều điều để tự hào, về gia thế, học thức, về đời sống đạo hạnh. Ông chưa hề gặp mặt Ðức Giêsu tại thế, ông bách hại những người tin Chúa Kitô.  Nhưng khi gặp Đức Kitô Phục Sinh với biến cố ngã ngựa trên đường Damas, ông trở nên tông đồ của ơn cứu rỗi đến từ đức tin, là “dụng cụ ưu tuyển” để mang Tin Mừng đến cho các dân tộc (x. Cv 9, 1-22).

Cả hai đều được Ðức Giêsu gọi, Phêrô được gọi lúc ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con.  Phaolô được chính Đức Giêsu Phục sinh gọi khi ông hung hăng tiến vào Ðamas, đang làm tông đồ không biết mỏi mệt của dân ngoại (x. Cv 9, 1-22).  Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Chúa.  Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp.  Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang.  Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng.

Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã.  Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô, trong phút giây quá tin vào sức mình.  Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô, trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng.  Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai mờ.  Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới.  Phaolô là chiếc bình được tuyển chọn, Phêrô giữ chìa khóa Nước Trời; cho dù người này là ngư phủ, người kia là kẻ bách hại.  Phaolô đã bị đánh cho mù, cuối cùng thấy rõ hơn; Phêrô đã chối Chúa, sau tin vững vàng.  Phaolô đã chọn tin vào Chúa Kitô sau khi phục sinh.  Phêrô vị dân chài thay vì thả lưới bắt cá, nay trở thành kẻ lưới người ta.

Chương trình mầu nhiệm của Chúa Quan Phòng dẫn đưa Phêrô tới Roma, nơi đây ngài đổ máu như chứng tá sau cùng và cao cả nhất của đức tin và của lòng mến đối với Thầy chí Thánh “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Mt 16, 17).  Như vậy ngài đã chu toàn sứ mệnh trở nên dấu hiệu của lòng trung thành với Chúa Kitô và của sự hiệp nhất tất cả Dân Chúa.

Phần Phaolô, trong hành trình truyền giáo, không ngừng rao giảng Chúa Kitô bị đóng đanh và lôi kéo nhiều nhóm người Á Châu và Âu Châu trở về với Chúa.  Sau khi qua Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, ngài đến Roma.  Và chính ở đây, ngài được phúc tử đạo để làm chứng cho Chúa Kitô.  Chính ngài đã nói lên trong bài đọc thứ hai Thánh lễ hôm nay rằng: “Chúa đã gần gũi tôi và ban sức mạnh cho tôi, để qua tôi, việc rao giảng sứ điệp Tin Mừng được thực hiện và để các dân ngoại được nghe biết đến.” (2Tm 4, 17-18)

Phêrô và Phaolô đều yêu Ðức Giêsu cách mãnh liệt, vì họ cảm nhận sâu xa mình được Người yêu mến.  “Này anh Simon, anh có mến Thầy không?  Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21, 16). Cả Phaolô cũng yêu Ðấng ông chưa hề chung sống, vì Người là “Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20).  Phaolô đã không ngần ngại khẳng định: “Không gì có thể tách được chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Ðức Kitô” ( Rm 8, 35.39).

Cả hai vị Tông Đồ đều hăng say rao giảng, bất chấp muôn vàn nguy hiểm khổ đau.  Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù (x. Cv 5,40), còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết (x. 2C 11, 23-28); “Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Ðức Giêsu” (Gl 6, 1-7).

Cả hai hạnh phúc trong việc giữ gìn giáo lý tinh tuyền, nhưng cái phúc tử đạo còn hạnh phúc hơn.  Nơi dương gian, vinh quang chỉ là ước muốn; chốn thiên đàng mọi sự thật nhãn tiền.  Tiếng các ngài đã vang đến tận cùng trái đất, và thông điệp loan đi tới chân trời góc bể.  Khắp nơi vang tiếng ngợi khen các ngài; các tín hữu nhẩm đi nhắc lại chiến thắng khải hoàn của các đấng.

Thật là hữu ích khi nhắc lại cho chúng ta vinh quang tử đạo của các hai đấng.  Phaolô bị chặt đầu, Phêrô bị đóng đinh cắm đầu xuống đất.  Hình thức tử đạo thật mầu nhiệm.  Phêrô không dám chịu đóng đinh giống Thầy mình.  Đó không phải là ông từ chối tử đạo, nhưng ông sợ nhận lấy cái chết giống Đấng Cứu Thế.  Cả hai vị đã chết như Thầy, đã lấy máu mình mà làm chứng: thánh Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18), chịu đóng đinh chết; thánh Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng, bị chém đầu; đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6).  Thánh Phêrô được chôn cất ở chân đồi Vaticano; thánh Phaolô được an táng bên đường Ostiense.

Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới, dám bỏ, dám theo, dám yêu, dám sống và dám chết cho Ðức Kitô và Tin Mừng.  Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá.  Với lòng ngưỡng mộ biết ơn các ngài, chúng ta quyết một lòng trung thành với đức tin đã lãnh nhận.

Lạy Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ, cầu cho chúng con.

Thánh Phêrô và thánh Phaolô, cầu cho chúng con.  Amen.

LM Antôn Nguyễn Văn Độ

http://vietcatholic.net

LUÔN LUÔN ÐỒNG HÀNH VỚI CHÚA THÁNH THẦN

LUÔN LUÔN ÐỒNG HÀNH VỚI CHÚA THÁNH THẦN

Một trong những bức họa nổi tiếng nhất của thiên tài MichelAngelo còn lưu giữ nơi nhà Nguyện Sixtine của Ðức Giáo Hoàng, trong nội thành Vatican, là bức tranh mô tả việc Thiên Chúa Cha tạo dựng con người.  Cần phải đích thân chiêm ngắm bức họa nổi tiếng nầy, ta mới cảm nghiệm được trọn cả sức thu hút của nó.  Ðể trình bày ý của mình về việc Thiên Chúa tạo dựng con người như thế nào, thiên tài Michelangelo chọn một biểu tượng, một cử chỉ đặc biệt của Thiên Chúa Cha.  Và toàn bức họa chỉ hướng về một cử chỉ duy nhất nầy mà thôi; đó là cử chỉ Thiên Chúa Cha, được mô tả như một Cụ Già oai phong đưa thẳng cánh tay mặt về phía con người còn non yếu chưa có sự sống, với ngón tay trỏ của bàn tay mặt chạm vào ngón tay trỏ của bàn tay trái của con người, để thông ban sức sống của mình sang cho con người.  Ðây là một cử chỉ thật là hùng dũng, đầy ý nghĩa.  Và nếu tập trung chú ý đến hình dạng của hai ngón tay trỏ nầy, chúng ta cũng có thể quan sát một sự khác biệt.  Ngón tay trỏ của Thiên Chúa đưa thẳng ra, trông có vẻ đầy quyền lực, để nói lên sức sống mạnh mẽ của Thiên Chúa.  Còn ngón tay trỏ của con người thì trông thật yếu ớt, chưa đủ sức chỉ thẳng ra, và được thả cho xệ xuống, để nói lên ý nghĩa con người yếu đuối chưa có sự sống, cần lãnh nhận sự sống của Thiên Chúa.

Ðó cũng là hình ảnh cho tác động đầy quyền năng của Chúa Thánh Thần trên con người.  Chúa Thánh Thần được diễn tả ở đây như là “ngón tay trỏ quyền năng của Thiên Chúa.”  Trong lời kinh “Nguyện xin Chúa Thánh Thần ngự đến”, được sáng tác vào thế kỷ thứ 9, thì cách nói “ngón tay trỏ của Thiên Chúa” cũng được dùng để chỉ về Chúa Thánh Thần.

“Chúa là ngón tay hữu Chúa Cha phép tắc, (digitus paternae dextrae)
Mọi ơn phước, mặc thửa lượng Người liệu định phân ban.”

Hành động đầu tiên của Chúa Thánh Thần, cùng với Chúa Cha và Chúa Con, là trao ban sự sống cho con người.  Không có sức sống ban cho, con người có chi là cao trọng xứng đáng!  Trong kinh tin kính của công đồng Nicêa, chúng ta tuyên xưng: Tôi kính Ðức Chúa Thánh Thần, là Chúa và là Ðấng ban sự sống.”  Chúa Thánh Thần là nguồn mạch sự sống, là chính sự Sống.  Trên bình diện thần học, chúng ta cần lưu ý thêm là chính Thiên Chúa Ba Ngôi, Cha ,Con và Thánh Thần, là nguồn mạch sự Sống và cùng trao ban sự sống cho con người.  Nhưng một cách đặc biệt, trong ngôn ngữ chúng ta dùng, thì chúng ta muốn phân biệt mỗi Ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa, đều có một sứ mạng riêng, và thường được chúng ta phân biệt nói đến như sau: Thiên Chúa Cha tạo dựng, Thiên Chúa Con cứu chuộc, và Thiên Chúa Thánh Thần ban ơn thánh hóa.

Trong những chia sẻ nầy, chúng ta hướng về Chúa Thánh Thần, trong sứ mạng riêng của Ngài, Ðấng ban sự sống, Ðấng ban ơn thánh hóa con người, Ðấng làm cho ơn cứu chuộc đã được Chúa Giêsu thực hiện, được hữu hiệu mỗi ngày một hơn nơi mọi tín hữu.  Tuy sứ mạng được nói riêng cho từng Ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng nói cho cùng thì đều quy về một Thiên Chúa Ba Ngôi, không có sự tách biệt phân rẽ nào cả.

Chúa Thánh Thần là Ngón Tay hữu của Thiên Chúa quyền năng, chạm đến chúng ta để thông truyền cho chúng ta sức sống của Thiên Chúa.  Thật là một điều có ý nghĩa, khi Giáo Hội chọn Thánh Thi cho giờ kinh thứ ba (tức lúc 9 giờ sáng trong ngày, giờ Chúa Thánh Thần Ngự Xuống, trong Biến Cố Hiện Xuống khai sinh giáo hội) là một Thánh Thi dâng lên Chúa Thánh Thần.  Thánh Thi đó như sau:

Lúc nầy đây, lạy Thần Linh cực Thánh, dủ tình thương ngự đến tâm hồn, cùng Chúa Cha và hợp với Chúa Con, tỏa bao la rạng ngời muôn ánh sáng.  Ðể chúng con, trong lòng như ngoài miệng, trót cuộc đời cùng trót cả tấm thân, Bừng cháy lên lửa yêu Chúa vô ngần, mà sưởi ấm tha nhân bằng thương mến.  Xin nhận lời muôn lạy Chúa toàn năng, cậy nhờ Ðức Kitô Con Một Chúa, Ðấng trị vì cùng với Chúa Thánh Thần, tự ngàn xưa tới muôn đời muôn thuở.  Amen.

Còn có lời Kinh đầy ý nghĩa khác được Giáo Hội dùng trong những cử hành long trọng.  Ðó là kinh Veni Creator, Spiritus.  Lạy Chúa Thánh Thần, Ðấng Sáng Tạo, xin hãy ngự đến.

Trong lời kinh nầy, Giáo Hội hướng về Chúa Thánh Thần, Ðấng Sáng Tạo, Creator.  Và thật vậy, Chúa Thánh Thần đều có mặt và tác động trong hai công cuộc sáng tạo.  Công cuộc sáng tạo lần thứ nhất, sáng tạo vũ trụ và con người, như được nhắc đến nơi những dòng đầu tiên của Sách Sáng Thế; và Ngài hiện diện và tác động trong công cuộc sáng tạo lần thứ hai, được bắt đầu với Mầu Nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, trong cung lòng Mẹ Maria, cho đến khi hoàn tất nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua, chết và sống lại của Chúa Giêsu Kitô.

Chúng ta hãy dành những phút hồi tâm chiêm ngắm sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần trong công cuộc sáng tạo thứ nhất, lúc Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ và con người.  Ðó là giây phút quan trọng nhất, được linh ứng cho tác giả sách Sáng Thế để ghi lại nơi những câu đầu tiên của sách Sáng Thế như sau:  Khởi thủy Thiên Chúa đã dựng nên trời và đất.  Ðất thời trống không mông quạnh, và tối tăm trên mặt uông mang.  Và Thần Khí là là trên mặt nước. (STK 1,1-2).

Câu Kinh Thánh diễn tả sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần nơi công cuộc tạo dựng đầu tiên là câu: “Thần Khí là là trên mặt nước.”  Nguyên ngữ Do Thái được dùng nơi đây là: RUAH, và có thể được chuyển dịch theo hai từ hai nghĩa: là Gió, là Hơi Thở, là Thần Khí, là Thần Khí của Thiên Chúa.

Dĩ nhiên, mạc khải của Cựu Ước về Thiên Chúa Ba Ngôi nói chung và về Chúa Thánh Thần nói riêng, chưa được rõ ràng.  Chúng ta chỉ có được mạc khải rõ ràng về Thiên Chúa Ba Ngôi, về Chúa Thánh Thần, nhờ qua mạc khải của Chúa Giêsu Kitô trong Tân Ước.  Nhưng những gì được linh ứng để nói ra nơi Cựu Ước, đều có hàm chứa những dấu chỉ, những ý nghĩa cho phép ta hiểu trước về thực tại được mạc khải trọn vẹn nơi Chúa Giêsu Kitô.  Các nhà chú giải ngày nay, gần như đa số, đều công nhận những câu đầu tiên của Sách Sáng Thế có hàm chứa ý nghĩa nói đến sự hiện diện tích cực của Chúa Thánh Thần trong công cuộc tạo dựng lần thứ nhất.  Vì thế các nhà chú giải và dịch giả Kinh Thánh không dùng từ “Luồng Gió Mạnh” mà dùng từ rõ ràng hơn là Thần Khí, hay Thánh Thần của Thiên Chúa.  Chúa Thánh Thần, Ðấng sáng tạo.  Ðấng ban sự sống, Ngài hiện diện và tác động để vạn vật vũ trụ nầy được sinh động trong trật tự, được lãnh nhận và phản ánh vinh quang Thiên Chúa.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta được nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa nơi mọi tạo vật.  Ngài đã hiện diện và tác động ở đó trước chúng ta, trước khi chúng ta hiện hữu.  Xin Ngài giúp chúng ta được nhìn thấy ngài và dâng lời chúc tụng Thiên Chúa.

Sáng Danh Cha và Sáng Danh Con, Sáng Danh cả Thánh Linh Thiên Chúa.  Từ muôn đời và chính hiện nay. Và luôn mãi thiên thu vạn đại. Amen.

R. Veritas

Đức Giáo Hoàng phong hiển thánh cho 4 nữ chân phước

Đức Giáo Hoàng phong hiển thánh cho 4 nữ chân phước

Ðức giáo hoàng Phanxicô vừa làm lễ phong thánh cho các nữ chân phước tại Vatican, ngày 17/5/2015.

Ðức giáo hoàng Phanxicô vừa làm lễ phong thánh cho các nữ chân phước tại Vatican, ngày 17/5/2015.

17.05.2015

Bốn nữ chân phước, trong đó có hai người Palestine, vừa được tôn phong hiển thánh của Giáo hội Công giáo La mã.

Ðức giáo hoàng Phanxicô vừa làm lễ tôn phong hiển thánh cho các nữ chân phước này hôm nay, Chủ nhật, ở Vatican.

Hai nữ chân phước Mariam Bawardy và Marie Alphonsine Ghattas ở nơi mà hồi thế kỷ thứ 19 là nước Palestine.

Lễ tôn phong hiển thánh  cho hai nữ tu này được xem như là một sự kích lệ cho người Công giáo trên khắp Trung Ðông đang đối diện với làn sóng bức hại của các phần tử cực đoan Hồi giáo. Đây là những vị thánh đầu tiên trên Đất Thánh kể từ những năm đầu đời của Kitô giáo.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tham dự thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Một nữ chân phước người Pháp và một nữ chân phước Italia cũng được tôn phong hiển thánh hôm Chủ nhật. Cả hai nữ thánh này là người sáng lập ra các tổ chức giáo dục cho người nghèo.

NHỮNG CÁI CHẾT CỦA CÁC TÔNG ĐỒ CHÚA GIÊSU

NHỮNG CÁI CHẾT CỦA CÁC TÔNG ĐỒ CHÚA GIÊSU

“Sau đây là tên mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Simon, cũng gọi là ông Phê-rô, rồi đến ôngAn-rê, anh của ông; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Giê-bê-đê và ông Gio-an em của ông; ông Phi-lip-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô ; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế ; ôngGia-cô-bê con An-phê và ông Ta-đê-ô ; ông Simon thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, chính là kẻ nộp Người”. (Mt 10,2-4)

1- Simon Peter (Phêrô): Chúa Giêsu gọi ngài là đá, còn được gọi là Simon con Giôna. Ông là một ngư phủ đến từ thành Bethsaida xứ Galilee. Đã bị đóng đinh ngược trên thập giá. Theo lời truyền của giáo hội thì ngài đã nói với những người lý hình rằng, ngài cảm thấy không xứng đáng chết cùng một thể thức giống như Chúa Giêsu, cách Thầy mình đã chết.

2- Andrew (Anrê): Em của Phêrô, ngư phủ thành Bethsaida. Ngài bị đóng đinh trên thập giá hình chữ X ở Patras, Greece, sau khi bị bảy người lính đánh đòn nhừ tử. Người ta dùng những sợi dây trói thân xác ngài vào thập giá cốt ý kéo dài sự đau đớn của ngài. Những môn đệ của ngài thuật lại rằng, khi ngài bị dẫn đến trước thập giá, ngài đã kính cẩn chào thập giá và nói những lời này: “Tôi đã từng ước mong và dự đoán sẽ có giờ vui mừng này. Thánh giá đã được tận hiến nhờ thân xác của Chúa Kitô treo trên đó”. Ngài tiếp tục rao giảng cho những tên lý hình trong hai ngày cho đến khi tàn hơi.

3- James the Great (Giacôbê Cả): con ông Giê-bê-đê, là anh em với thánh Gioan. Là người chài lưới khi Chúa Giêsu gọi ngài làm môn đệ hiến trọn đời cho sứ mạng rao giảng tin mừng. Là người lãnh đạo can trường của Giáo hội, Giacôbê đã bị chặt đầu ở Giêrusalem. Người lính Rôma có nhiệm vụ canh gác Ngài đã kinh ngạc chứng kiến thánh nhân bảo vệ niềm tin trước toà án. Sau này, người lính này cùng đi với Giacôbê tới nơi xử hình. Bị thuyết phục bởi niềm tin, chính ông đã tuyên xưng niềm tin mới với quan toà, và quỳ xuống bên cạnh thánh Giacôbê chấp nhận bị chặt đầu vì là người Kitô hữu.

4- John (Gioan): con ông Giê-bê-đê, được Chúa Giêsu gọi là Môn đệ yêu dấu. Đối diện với cái chết tử đạo khi bị nấu trong nồi dầu sôi trong cuộc bách hại tôn giáo ở Rôma. Nhưng lạ thay, ngài được cứu thoát khỏi cái chết. Thánh Gioan bị kết án đi làm hầm mỏ tại trại tù ở đảo Patmos. Tại đây, Ngài đã viết cuốn sách Khải Huyền chứa đầy những lời tiên tri. Thánh Gioan được trả tự do, và trở về làm Giám mục ở Edessa, Thổ Nhĩ Kỳ. Ngài chết vì già yếu. Ngài duy nhất là tông đồ đã chết một cách bình an.

5- Philip (Philiphê): người thành Bethsaida xứ Galilee, bị đóng đinh.

6- Bartholomew (Batôômêô): con trai của Talemai. Ngài làm chứng cho Chúa ở Thổ Nhĩ Kỳ. Batôômêô tử vì đạo vì đã giảng đạo ở Armenia, nơi mà ngài bị quất bằng roi cho tới chết.

7- Thomas (Tôma): vị thánh duy nhất không tin Chúa Phục sinh, và sau đó đã tin vì đã được thọc tay vào vết thương nơi cạnh sườn của Chúa. Ngài chết vì bị đâm bởi lưỡi đòng ở Ấn độ, trong một chuyến đi truyền giáo nhằm thiết lập hội thánh tại tiểu lục địa này.

8- Matthew (Mát-thêu): người thu thuế, con trai của Alphaeus. Tử đạo ở Ethiopia, chết vì vết thương của lưỡi gươm.

9- James (Giacôbê): con ông Alphaeus. Là người lãnh đạo hội thánh ở Giêrusalem, bị quăng hơn một trăm feet xuống đất từ hướng Đông Nam trên đỉnh của Đền thờ, sau khi ngài không chịu từ chối niềm tin vào Chúa Kitô. Khi người ta khám phá ra là ngài vẫn còn sống mặc dù bị quăng xuống đất từ trên cao, những kẻ thù của ngài đã đánh ngài tới chết bằng cây gậy của người thợ hồ vải. Đỉnh đền thờ này cũng là nơi mà ma quỷ trước kia đã đưa Chúa Giêsu lên để cám dỗ Ngài.

10- Thaddaeus (Tađêô): trong Phúc âm Luca gọi là Giuđa, con của Giacôbê. Bị đóng đinh.

11- Simon: người Canaan, bị đóng đinh.

12- Judas Iscariot (Giuđa “kẻ bội phản”): người đã nộp Chúa Giêsu cho người Do Thái, sau đó hối hận và đi treo cổ tự tử.

13- Mathias (Mátthia): thay thế môn đệ Giuđa phản bội, bị ném đá và bị chặt đầu.

14- Thánh Paul (Phaolô): trở nên môn đệ của Chúa Giêsu, sau khi bị Chúa cho té ngựa trên đường đi Đamát bách hại dân Chúa. Phaolô đã tán thành việc ném đá ông Têphanô. Ngài bị tra tấn và sau đó bị chặt đầu bởi hoàng đế Nerô ở Rôma. Thánh Phaolô đã bị giam trong tù một thời gian dài, nhờ đó mà ngài đã có thời gian viết các thư gởi cho các tín hữu của các hội thánh, mà ngài đã thiết lập khắp nơi. Những thư này đã dạy những giáo điều làm nền tảng của Kitô giáo, và các thư này chiếm phần lớn trong sách Tân Ước.

15- Têphanô Vị tông đồ tử vì đạo đầu tiên. Ngài bị ném đá cho tới chết vì bị cho là nói phạm thượng.

16- Mark (Maccô): tác giả sách Tin Mừng. Qua đời ở Alexandria, Ai cập, sau khi bị ngựa kéo trên đường cho tới chết.

17- Luke (Luca): tác giả sách Tin Mừng. Bị treo cổ ở Greece sau cuộc rao giảng cho người ngoại.

Những cái chết của các tông đồ Chúa Kitô nhắc nhở chúng ta rằng, những đau khổ và thử thách của chúng ta thì nhỏ bé so với những sự bách hại lớn lao và sự đối sử tàn nhẫn mà các tông đồ xưa đã phải chịu trong việc bảo vệ niềm tin. Lời Chúa Giêsu đã nói: ”Vì danh Thầy, người ta sẽ ghét bỏ các con, nhưng những ai bền đỗ đến cùng, người ấy sẽ được cứu thoát:. (Mt 10:22).

Mỗi người Chúa ban cho sức mạnh đủ để chịu những thử thách như lời Chúa nói: Ơn Thầy sẽ đủ cho con. Hãy vững niềm tin vào Chúa.

Xem thêm:

Các Tông Đồ Đã Chết Cách Nào & Cái Chết Của Đức Giêsu

Họa hay Phúc, một bài hay của Mr. Duy Anh

Họa hay Phúc, một bài hay của Mr. Duy Anh

Thánh Alphongsô kể lại câu chuyện về thánh Giuse như sau: Có đôi vợ chồng kia rất đạo đức, sốt sắng và có lòng sùng kính thánh Giuse cách đặc biệt. Hai vợ chồng cưới nhau đã lâu nhưng lại chưa có con nên hằng tin tưởng cầu xin với thánh cả Giuse.
Rồi họ được nhậm lời, người vợ sinh hạ được 3 cậu con trai ! Điều đó làm cho lòng họ càng thêm đạo đức và mến mộ thánh Giuse, họ gia tăng làm việc lành, nhất là trong dịp tháng 3 kính Thánh Giuse.
Khi cậu con trai cả lên 12 tuổi, vào ngày lễ kính Thánh Giuse (19/3), cậu được rước lễ lần đầu. Nhưng rồi 1 giờ sau, cậu cả đã qua đời. Không lẽ đây lại là 1 ơn lành sao ?
Dầu vậy, 2 vợ chồng kia vẫn không hề trách móc, oán thù, mà còn gia tăng lời cầu xin cho 2 đứa con còn lại đừng chịu chung 1 số phận như người anh cả.
Thế nhưng, đến năm sau, cũng chính vào ngày lễ kính Thánh Giuse, cậu con trai thứ hai lại lăn ra chết bất thình lình như người anh năm trước. Khỏi cần nói cũng biết nỗi đau của hai vợ chồng kia lớn biết chừng nào. Tuy nhiên, họ vẫn không mất niềm tin.
Vào một đêm kia, trong lúc hai vợ chồng còn đang chong đèn than thở thì được Chúa cho thấy cảnh tượng 2 người thắt cổ chết, bên cạnh còn có người thứ ba, dáng vóc khỏe mạnh, mặc áo Giám mục.
Rồi ngay lúc ấy, thánh cả Giuse lấy hình 1 ông già lão bước đến khuyên nhủ đôi vợ chồng: “Các con đau buồn làm chi. Hai đứa lớn nếu nó sống thì sau này cũng sẽ sinh tật trộm cướp và sẽ bị án thắt cổ như cảnh tượng các con vừa thấy đó. Vì thương chúng và thương các con, nên Chúa đã đưa chúng đi khi chúng còn đang trong sạch. Còn đứa thứ 3 sau này sẽ cứu được nhiều người tội lỗi trong cương vị Giám mục”. Nói xong, Thánh Giuse liền biến đi.
Hai vợ chồng được giải tỏa nỗi ưu phiền, họ không buồn đau nữa, và ngày càng tỏ rõ lòng kính mến Thánh cả Giuse. Về sau, đúng như lời thánh Giuse nói, đứa con thứ 3 khỏe mạnh, thông minh của họ đã trở thành Giám mục và mang rất nhiều người tội lỗi trở về cùng Chúa.
Quý Bạn bè và Anh chị em thân mến,
Thánh Giuse đã nhậm lời mời gọi hợp tác với xứ mệnh của Thiên chúa khi Sứ Thần hiện ra trong giấc mọ̉ng. Thánh Giuse đã vâng lời và âm thầm đón Đức Maria về chung sống và nuôi nấng Chúa Giêsu trong suỏ́t 33 năm trên trần gian. Thánh Giuse sẽ nhận lời những kẻ trông cậy chạy đến cùng ngài trong cơn gian nan khốn khó.
Vì vậy, chúng ta hãy đến với Thánh Giuse vừa để xin ngài cầu thay nguyện giúp trước tòa Chúa, vừa để noi gương ngài, học nơi ngài bài học âm thầm vâng phục trọn vẹn thánh ý Chúa. Thái độ vâng phục của thánh Giuse không thể hiện qua lời nói, nhưng qua việc làm. Thánh Giuse đem cả cuộc đời mình biến thành lời vâng phục thánh ý Thiên Chúa.
Sứ điệp lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta học hỏi mẫu gương âm thầm và vâng lời của Thánh Giuse. Thánh Giuse gặp muôn ngàn thử thách, nhưng thánh nhân không có một lời than trách hay một thái độ phản kháng. Trái lại, thánh nhân đã mau mắn vâng theo thánh ý Chúa, cho dù có phải chấp nhận những gian nan, những vất vả, những cực nhọc, miễn sao thánh ý Thiên Chúa được chu toàn.
Nguyện cầu, xin giúp chúng con biết noi theo mẫu gương thánh Giuse để biết một niềm kính tin toàn vẹn và một lòng vâng phục thánh ý Chúa. Amen

THÁNH AMBRÔSIÔ

THÁNH AMBRÔSIÔ

Image result for THÁNH AMBRÔSIÔ

Một trong các người viết tiểu sử về thánh Ambrôsiô nói rằng: vào ngày Phán Xét Chung sẽ vẫn còn sự tách biệt giữa những người thích thánh nhân và những người cực kỳ ghét bỏ ngài.  Thánh Ambrôsiô nổi tiếng là một người có những quyết định táo bạo ảnh hưởng đến đời sống của những người cùng thời.

Vào năm 33 tuổi, thánh Ambrôsiô đã có tất cả mọi sự – một sự nghiệp đầy hứa hẹn là luật sư, một vị thế quan trọng trong chính trường là tổng trấn Milan, ngoài ra ngài còn là người bạn và đồng chí với hoàng đế, cùng với một gia tài kếch sù.

Và rồi vị giám mục của Milan từ trần.  Vào lúc ấy, khoảng năm 374, nhiều tà giáo muốn tiêu diệt Giáo Hội.  Vị cố giám mục Milan từng hậu thuẫn cho lạc giáo Arian chống lại giáo huấn về thiên tính của Ðức Kitô.  Vậy ai sẽ là người kế vị – người Công Giáo hay người của phe Arian?  Cả hai phe đụng độ nhau ở vương cung thánh đường và một cuộc bạo động xảy ra.

Duy trì trật tự công cộng là trách nhiệm của quan tổng trấn Ambrôsiô, nên ngài vội vã chạy đến nhà thờ và hùng hồn lên tiếng, không ủng hộ phe phái nào cả, nhưng ủng hộ sự hoà bình.  Ngài xin dân chúng hãy bình tĩnh, kềm chế sự nóng nẩy và chọn lựa giám mục mà không cần phải xô xát.

Trong khi ngài đang nói, bỗng dưng có người hô to, “Bầu Ambrôsiô làm giám mục!”  Thế là tất cả mọi người đều đồng thanh, “Ambrôsiô là giám mục!”

Các vị giám mục khác của tỉnh thì quá vui mừng khi được phủi tay trước vấn đề khó khăn này.  Nhưng Ambrôsiô không dễ hy sinh một sự nghiệp đầy hứa hẹn để chấp nhận công việc của một giám mục đầy nguy hiểm – một công việc ảnh hưởng đến tính mạng trong thời lạc giáo.  Bởi thế Ambrôsiô bỏ trốn.  Khi ngài cầu viện đến hoàng đế để thay đổi quyết định nói trên với lý do là ngài chưa rửa tội, vị hoàng đế lại tuyên bố rằng ông rất vui mừng khi chọn được quan tổng trấn thích hợp với chức giám mục.  Ambrôsiô trốn tránh trong nhà của một nghị sĩ, nhưng ông này đã đem nộp Ambrôsiô khi ông biết quyết định của hoàng đế.

Không còn biết trốn vào đâu nữa, Ambrôsiô ra đầu hàng.  Vì ngài bị ép buộc phải chấp nhận chức giám mục, nên sẽ không ai ngạc nhiên nếu ngài vẫn tiếp tục lối sống cũ, như trước khi được tấn phong. Tuy nhiên, ngay sau đó Ambrôsiô đã phân phát tài sản cho người nghèo và tự đặt mình dưới sự chỉ dẫn của Thánh Simplician để học thần học và Kinh Thánh.

Phe Arian tưởng rằng Ambrôsiô sẽ là giám mục “của họ” vì ngài từng là một viên chức của triều đình, và nhiều người trong chính quyền đều thuộc phe Arian.  Nhưng Ambrôsiô đã dùng sở trường của một luật sư và tài hùng biện để chống lại phe Arian bất cứ nơi nào, dù ở nhà thờ, triều đình, thượng viện, hay ngay cả trong hoàng tộc.  Tính ngoan cố của ngài khi không chấp nhận chức giám mục lúc đầu, nay lại trở thành vũ khí trong cuộc chiến chống lại lạc giáo và giúp ngài quyết tâm theo đuổi sự thánh thiện.

Khi người Goth xâm chiếm đế quốc và bắt nhiều người làm con tin, Ðức Giám Mục Ambrôsiô đã phải dùng chính tài sản của mình để chuộc.  Ngài nói sự bác ái có giá trị nhất là chuộc kẻ tù đầy.  Ngay cả các bình vàng của Giáo Hội, ngài cũng đem bán để lấy tiền chuộc.  Ngài nói, “Cứu vớt các linh hồn cho Chúa thì tốt hơn là duy trì tài sản.  Ðức Kitô đã sai các tông đồ đi rao giảng mà không có vàng bạc, và cũng không cần vàng bạc để thành lập Giáo Hội của Người.  Giáo Hội làm chủ vàng bạc, không phải để tích trữ, nhưng để phân phối và giúp đỡ những người kém may mắn.”

“Chắc chắn Chúa sẽ hỏi chúng ta: ‘Tại sao con lại để quá nhiều người nghèo đói?  Vì con có vàng bạc, con phải cấp dưỡng cho họ’ & Có thể nào chúng ta trả lời rằng: ‘Vì con không muốn để đền thờ của Chúa không được trang hoàng.’  Nhưng những gì không mua được bởi vàng bạc thì cũng không có giá trị bởi vàng bạc.  Phương cách tốt nhất để sử dụng vàng bạc của Ðấng Cứu Thế và hãy cứu vớt những người lâm cảnh hoạn nạn.”

Ðức Giám Mục Ambrôsiô luôn luôn lưu tâm đến người nghèo hơn là quyền lực.  Ngài thường khiển trách người giầu khi lãng quên người nghèo: “Thiên Chúa tạo nên vũ trụ trong một phương cách để tất cả những gì là của chung sẽ đem lại no ấm cho con người, và trái đất là sở hữu chung của tất cả mọi người.  Tại sao bạn lại từ chối một người cũng có quyền đối với thiên nhiên như bạn?  Của cải bạn cho người ăn xin không phải của chính bạn, nhưng đó là phần của người ấy mà bạn phải hoàn trả cho họ.  Trái đất thuộc về tất cả mọi người.  Bởi thế, bạn đang trả nợ mà lại nghĩ đang ban bố một ơn huệ.”

Khi hoàng đế từ trần, Hoàng Hậu Justina, một người phe Arian, trở thành nhiếp chính cho đứa con trai bốn tuổi.  Maximus, một cựu sĩ quan Rôma, biết rằng cái chết của hoàng đế sẽ làm suy yếu đế quốc nên dự định tấn công.  Justina xin Ambrôsiô thương lượng với tên này.  Mặc dù Justina là một kẻ thù, Ambrôsiô đã lên đường thi hành nhiệm vụ và đã thuyết phục được Maxima ngừng xâm lăng.

Thay vì biết ơn Ambrôsiô, Hoàng Hậu Justina lại yêu cầu Ðức Giám Mục Ambrôsiô trao lại vương cung thánh đường cho phe Arian.  Thánh nhân trả lời rằng ngài không bao giờ nhường đền thờ của Thiên Chúa.

Dân chúng đứng về phe Ðức Giám Mục Ambrôsiô.  Ngài thừa khả năng để thực hiện cuộc đảo chánh lật đổ Justina.  Nhưng ngài thận trọng không dùng bất cứ lời nói hay hành động nào để khích động dân chúng.

Khi một số người Công Giáo bắt giữ một linh mục phe Arian và kết án tử hình, Ðức Giám Mục Ambrôsiô đã nhân danh hòa bình xin tha cho vị linh mục này và nói rằng: Thiên Chúa sẽ phải đau khổ khi thấy cảnh máu chảy thịt rơi.  Ðức Ambrôsiô gửi các linh mục và phó tế của ngài đến giải thoát cho vị linh mục Arian này.

Sau đó Hoàng Hậu Justina thuyết phục con mình ban bố luật lệ để hợp pháp hóa lạc giáo Arian và cấm người Công Giáo không được chống đối người Arian.  Không ai có thể đệ trình một thỉnh cầu chống với một tổ chức tôn giáo đang có thế lực.

Vào Chúa Nhật Lễ Lá, trong bài giảng, Ðức Giám Mục Ambrôsiô tuyên bố không nhường lại các nhà thờ.  Cả giáo đoàn, vì lo sợ cho tính mạng, đã phòng thủ trong nhà thờ với vị chủ chăn là Ðức Giám Mục Ambrôsiô.  Quân triều đình bao vây chung quanh ngăn chặn mọi đường tiếp tế, để dân chúng vì đói mà phải ra đầu hàng.  Cho đến ngày Chúa Nhật Phục Sinh, tất cả mọi người vẫn kiên trì phòng thủ.

Khi chạm trán với lực lượng bao vây, Ðức Giám Mục Ambrôsiô nói, “Vũ khí của tôi chỉ là nước mắt. Tôi không muốn từ bỏ nơi đây, nhưng tôi không chống cự bằng võ lực.”

Ðể trấn an dân chúng đang khiếp sợ, Ðức Giám Mục Ambrôsiô dạy họ hát thánh vịnh do chính ngài sáng tác.  Ngài chia cộng đoàn làm hai bên để đối đáp.  Ðây là lần đầu tiên việc hát đáp ca được ghi nhận trong lịch sử Giáo Hội.

Tiếng nhạc và lời kinh vượt ra ngoài bốn bức tường của thánh đường và làm rúng động tâm hồn các binh lính.  Không bao lâu, chính họ cũng cất tiếng phụ họa.  Sự vây hãm chấm dứt.

Vì biết quân triều đình đang tập trung vào việc chống đối người Công Giáo, Maximus một lần nữa lại quyết định tấn công Rôma. Justina và hoàng tộc thật kinh hãi.  Không biết trông vào ai, sau cùng họ lại quay về với người mà họ từng tấn công và đe dọa.  Họ xin Ðức Giám Mục Ambrôsiô đến gặp Maximus và ngăn chặn sự tấn công.

Trong một hành động tha thứ có thể nói lạ lùng, Ðức Giám Mục Ambrôsiô lại thi hành nhiệm vụ cho kẻ thù.  Khi Maximus từ chối thoả hiệp, ngài vội vã trở về để chuẩn bị.  Justina và hoàng tộc trốn sang Hy Lạp, trong khi Ðức Giám Mục Ambrôsiô ở lại chống đỡ.  May mắn thay, vị hoàng đế đông phương là Theodosius đã can thiệp và đánh bại Maximus.  Tuy nhiên, sau đó Theodosius đã chiếm quyền kiểm soát toàn thể đế quốc Rôma.  Theodosius là người Công Giáo và sau này trở thành người bạn chí thiết của Ðức Giám Mục Ambrôsiô.

Ðức Giám Mục Ambrôsiô từ trần năm 397, khoảng 57 tuổi.   Lễ kính được đặt vào ngày 7 tháng Mười Hai, là ngày ngài “bị” tấn phong giám mục.

Sưu tầm

suyniemhangngay1 & Anh chị Thụ Mai gởi

Thánh Ambrôsiô Giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

http://vi.wikipedia.org

Áo Dòng Đẫm Máu_ Phim Công Giáo .

Áo Dòng Đẫm Máu_ Phim Công Giáo .

httpv://www.youtube.com/watch?v=sChZpTjl8ac&feature=youtube_gdata_player

Giới thiệu bộ phim “Áo dòng đẫm máu” do Viện NCQLVHTW vừa mới hoàn thành nhận dịp ngày tề tưu đọc kinh cho LM. Phêrô Hoàng Yến vào Chúa Nhật sắp tới (2/11)

* Lm Phệrô Hoàng Yến (Ông Cố Yến) là tổ sư của Nhóm Cố Yến (NCY) đồng sáng lập ra EG này

– Đạo diễn và chỉ đạo nghệ thuật: CT.Viện Cao Dương Hùng.

– Tổng biên tập kiêm đạo diễn hình ảnh: Viện trưởng Lê Thành Mỹ.

– Cung cấp tư liệu: Deputy Capo Trần Minh Giàu

“Áo Dòng Đẫm Máu” là một bộ phim thuộc thể loại lịch sử Công giáo, bối cảnh diễn ra dưới thời vua Thiệu Trị và Tự Đức, của đạo diễn Nguyễn Thành Châu, ra mắt năm 1960 tại Miền Nam

Kịch bản phim của cố linh mục Phêrô Nguyễn Hoàng Yến, Dòng Chúa Cứu Thế. Phim nói về cuộc tử đạo của Thánh Philipphê Phan Văn Minh ở Cái Mơn vào thời vua Tự Đức.

Trong phim, vai Thánh Lê Văn Minh do cố tài tử Vân Hùng thủ diễn. Cố tài tử La Thoại Tân vai Nhẫn là một kẻ ham mê bài bạc vì một phút tức giận đã đi tố cáo quan quân bắt linh mục Lê Văn Minh. Thẩm Thúy Hằng, một minh tinh màn bạc của Miền Nam thời bấy giờ vào vai người yêu của Nhẫn. Trong phim còn có Trang Thiên Kim vai cô gái mặt cháy, Túy Hoa vai bà trùm là một chức sắc trong họ đạo đã nuôi giấu linh mục Lê Văn Minh.

Nhân dịp này ta điểm qua về lịch sử bách hại đạo Công giáo dưới thời Vua Thiệu Trị (1840-1847) và Vua Tự Đức (1847-1883):

Thời vua Thiệu Trị: có 2 Sắc Chỉ bắt đạo. Thời kỳ này có:

Thánh Nữ Inê Lê Thị Thành, là vị thánh nữ duy nhất mới được tôn phong, bị tra tấn dã man đến chết trong tù.

– Linh Mục Phêrơ Khanh bị trảm quyết năm 1842

Thánh Mathêu Lê Văn Gẫm bị xử năm 1847.

Đến năm 1847, sau khi thất bại trong cuộc tranh chấp với đoàn tàu Pháp tại cửa Hàn, vua phản ứng bằng cách đổ hết tội lỗi trên đầu người Công Giáo, và ngày 3-5-1847 vua ban hành sắc lệnh lùng bắt các Linh Mục Thừa Sai ngoại quốc.

Thời Vua Tự Đức: có đến 13 Sắc Chỉ bắt đạo. Nhiều lệnh như thế minh chứng quyết tâm nhà vua muốn tận diệt Đạo Thiên Chúa bằng mọi giá, và tận diệt suốt trong 36 năm chấp chính. Đạo Công Giáo được định nghĩa không những như một Tả Đạo mà còn tệ hơn nữa, như một tôn giáo xấu xa, “một dịch tể”.

Nội dung những sắc lệnh đó thật khủng khiếp, dã man:

– Các thành phần trong Hội Đồng Giáo Xứ phải bị bắt. Những người chứa chấp Đạo Trưởng sẽ bị phân thân và buông sông.

– Giáo dân không chịu đạp Thánh Giá sẽ bị khắc hai chữ Tả Đạo trên mặt và đi đầy biệt xứ.

– Ai cố chấp xưng đạo: Đàn ông sẽ bị cưỡng bách tòng quân, đàn bà bị tuyển làm nô tì

– Binh sĩ Công Giáo không đạp ảnh Thánh Giá sẽ bị giải ngũ, bị khắc hai chữ Tả Đạo và bị đầy chung thân

– Giới Quan Lại Công Giáo: cả những ai đã chối Đạo cũng bị cách chức. Những ai trung kiên sẽ bị trảm quyết

– Các nữ tu, không được cấp giấy thông hành để di chuyển ngoài địa phương mình đang ở. Ai không tuân lệnh sẽ bị tù chung thân, hay làm nô tì cho các Quan

– Các Linh Mục Việt Nam, đạp Thánh Giá hay không đều bị phân thân để nêu gương. Linh Mục ngoại quốc thì bị trảm quyết, đầu phải treo luôn 3 ngày, rồi buông sông hay ném xuống biển

– Các cơ sở Công Giáo phải bị đốt phá và tiêu huỷ

Thời kỳ này có đến 50 vị Thánh tử đạo đã chết bởi bàn tay hung ác của Tự Đức, trong đó có Thánh Philipphê Phan Văn Minh bị xử trảm ngày 3/07/1853 tại Ðình Khao dưới đời vua Tự Ðức.

Phim này đã có nhiều ở trên mạng, nhưng bộ phim mới này có nhiều điểm đặc sắc theo lời thiệu của Đạo diễn Cao Dương Hùng như sau:

– Đây là bộ phim Công giáo duy nhất trong lịch sử phim ảnh VN

– Bộ phim này có nguồn từ đĩa DVD gốc của Trần Minh Giàu lấy từ bên Mỹ về, không biết vào Viện bảo tàng ở New York hay bằng cách nào mà có được

– Ở trên mạng ta thấy phim này được chia ra làm nhiều tập có chất lượng thấp. Nay Viện NCQLVHTW biên tập lại và nâng cấp chất lượng phim lên HD và chiếu toàn tập.
– Các tài tử lúc đó dựa vào sắp đẹp tư nhiên mà đóng phim, chứ không chỉnh sửa như bây giờ.

– Theo lời CDH nghe ông Cố kể hồi còn nhỏ, trong phim ta thấy Thẩm Thúy Hằng bị nhiều đòn roi. Lúc đó Thẩm Thúy Hằng là diễn viên danh giá bậc nhất của MNVN nên mỗi roi cô này chịu phải trả đến 50 đồng, tính ra phải trả tổng cộng một số tiền rất lớn thời đó…

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

KHÍA CẠNH NHÂN LOẠI NƠI THÁNH TÊRÊXA AVILA

KHÍA CẠNH NHÂN LOẠI NƠI THÁNH TÊRÊXA AVILA

Thánh Têrêxa Avila là một nhà chiêm niệm vĩ đại, đã đạt tới một trình độ thần hiệp rất cao và đã dựa vào kinh nghiệm thiêng liêng của mình viết nên những tác phẩm tu đức rất giá trị, đến nỗi đã được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tôn lên bậc Tiến sĩ Hội Thánh ngày 27-9-1970.  Nhưng tôi không muốn nhấn mạnh khía cạnh cao siêu này vì không biết nhiều và cũng vì cảm thấy mình khó lòng noi theo.  Điều đánh động tôi hơn cả là khía cạnh con người nơi thánh nhân, chắc hẳn vì thấy “vừa tầm” với mình hơn.

1. Không Bao Giờ Quá Muộn Để Trở Lại Với Chúa:

Trước tiên, tôi thấy thánh Têrêxa vào dòng Cát Minh ở Avila năm 1536 lúc 21 tuổi, nhưng trong suốt gần 20 năm dài, Bà đã sống đời tu một cách tầm thường, ươn ái như đa số các đồng bạn thời ấy, mặc dù Bà vẫn cố gắng phấn đấu để khỏi quá sa đà.  Mãi đến lúc đã ngoài 40 tuổi, Bà mới hoán cải và thực sự nghiêm chỉnh sống đời tận hiến cho Chúa.

Là một nữ tu kín, nhưng Têrêxa lại rất thích tiếp xúc với bên ngoài, mất nhiều thời giờ cho những cuộc tiếp khách, trò chuyện vui vẻ, phù phiếm.  Bà nổi tiếng là rất có duyên, nói chuyện hay, thông minh, dí dỏm, nên giới quí tộc cả thành phố Avila không ngớt tìm đến gặp.  Năm tháng trôi qua, và cuộc sống Bà cũng cứ tà tà trôi qua như thế, tưởng chừng như không sao thay đổi được nữa.  Thật ra, thời gian 20 năm dài dặc ấy là 20 năm Bà “kéo co” với Chúa.  Về sau nhớ lại giai đoạn này, thánh Têrêxa đã viết :

“Một đàng, Thiên Chúa mời gọi tôi, đàng khác tôi lại đi theo thế gian.  Tất cả mọi sự thuộc về Chúa đều làm tôi hài lòng, nhưng các sự thế gian lại ràng buộc tôi.  Có thể nói: tôi muốn dung hoà hai thái cực này, muốn kéo hai kẻ thù này xích lại gần nhau, đó là đời sống thiêng liêng theo Thần Khí và những vui thú, tiêu khiển xác thịt”.

Cuộc chiến đấu dằng co ấy kéo dài đến lúc Têrêxa ngoài 40 tuổi, và cuối cùng ơn Chúa đã toàn thắng.

Đọc giai đoạn đầu cuộc đời tu của thánh nữ Têrêxa, tôi thấy Chúa thật là kiên nhẫn.  Người kiên nhẫn với những tập thể lớn như một dân tộc, một hội dòng, đến những tập thể nhỏ hơn như một giáo xứ, một cộng đoàn tu trì, một gia đình, và cả với từng cá nhân chúng ta nữa.  Chúa chấp nhận chơi trò chơi kéo co với ta tuy Người là Đấng toàn năng, bởi vì Người tôn trọng tự do của ta; nói là kéo co, nhưng thật ra Người mời gọi, nài nỉ chúng ta đi theo Người thay vì dùng sức mạnh áp đảo chúng ta.

Truyện thánh Têrêxa cũng gợi cho tôi ý nghĩ rằng không bao giờ quá muộn để hoán cải.  Thánh Augustino trở lại vào khoảng 30 tuổi, chưa lấy gì làm già lắm.  Thế mà Ngài đã hối hận:Lạy Chúa, con biết Chúa quá muộn!”  Còn thánh Phanxicô Assisi đến khi gần chết vẫn còn nói với anh em:Anh em ơi, ta hãy bắt đầu lại phụng sự Chúa vì cho tới nay, ta chưa làm được gì đáng kể”.

2. Một Con Người Thực Tế:

Điểm thứ hai đánh động tôi: thánh Têrêxa là bậc chiêm niệm cao cả, nhưng không sống trên mây gió, ngoài thực tế, trái lại bà thực tế cách lạ lùng.  Cuộc đời Bà không thiếu những sự kiện chứng minh.

Trong vòng 20 năm, Bà đã lập ra 17 nhà dòng cải cách theo Luật nguyên thủy nhiệm nhặt. Đó hoàn toàn không phải là việc của một người ngây thơ, mơ mộng.  Nào là xin phép, nào là chọn địa điểm, vẽ đồ án, mua bán, giám sát công việc, rồi còn xếp đặt, tổ chức.  Chưa kể phải chạy tiền nữa – một việc không nhỏ.  Lúc này là lúc Bà trổ tài “ngoại giao”, sự lịch lãm và cả duyên dáng của mình!

Bà quan tâm tới từng chi tiết nhỏ nhặt nhất.  Chỗ này nên đặt một cái bình lọc nuớc để chị em có nước trong mà uống, chỗ kia nên dùng những cái vại đất đựng nước để giữ cho nước mát mẻ.  Cái lò nấu ăn tốn củi quá, thì phải dẹp đi, liệu cách khác.

Thánh Têrêxa thực tế không những trong các vấn đề vật chất mà cả trong quan niệm tu trì nữa.  Không bao giờ Bà là nạn nhân của ảo tưởng.  Bà nói:Chúng ta không phải là thiên thần”.  Bà khuyên các chị bị kích động thần kinh nên ăn cá, còn những chị thiếu máu cứ đinh ninh mình có thị kiến cao siêu, thì nên ăn thịt. “Nên săn sóc mình một chút còn hơn là để mình bị đau”, Bà bảo thế.  Bà ấn định các chị em phải cắt tóc ngắn không vì lý do hãm mình, những để khỏi mất thì giờ chải chuốt…..

Một vị đại thánh mà lại bình thường như mọi người, như thế mới thật là hay.

3. Một Vị Thánh Rất Quân Bình Và Rất Người:

Cuộc đời Thánh Têrêxa chứng minh rằng ân sủng không huỷ diệt tự nhiên, nhưng nâng cao tự nhiên lên.  Bà đã đi đến với Chúa với tất cả con người mình.  Bà không bỏ mất chút gì trong những đức tính trời phú bẩm cho: trí thông minh, lòng cương nghị, sự tế nhị và can đảm.  Dù đạt tới độ kết hợp với Chúa phi thường, Bà vẫn là một người phụ nữ dễ thương.  Bà đã thuyết phục được phe chống đối đường lối cải cách của mình nhờ ơn Chúa và sự thánh thiện đã đành, nhưng cũng nhờ tính tình tự nhiên, tế nhị, dễ thương, khéo léo.  Tôi thích những mẫu chuyện nho nhỏ người ta hay kể về Thánh nữ nói lên óc hài hước của Bà.

Bà nói với chị em: “Trong đời mẹ, người ta chỉ thực sự vu khống mẹ có ba lần, và lần thứ nhất là khi mẹ còn trẻ, người ta nói mẹ đẹp”.  Một chị được bàu làm bề trên, nhưng có lẽ do hiểu đức khiêm nhường không đúng cách nên không muốn nhận chức, thánh Têrêxa đã dí dm nói:Chẳng sao cả, con bất xứng mẹ biết rồi, nhưng rế rách cũng vẫn đỡ nóng tay mà”.

Người ta nói đùa trong các nhà dòng chúng ta: “Lạy Chúa, xin ban cho chúng con nhiều vị thánh, nhưng xin đừng cho nhà dòng con vị thánh nào cả”.  Ngụ ý: sống với các thánh khó lắm, họ thường kỳ quặc, khó tánh, lập dị (?). Nhưng những ai nghĩ rằng phải hủy diệt con người tự nhiên bình thường và lành mạnh của mình mới nên thánh, người ấy lầm to.  Thiên Chúa đã nhập thể làm người, đảm nhận lấy trọn vẹn thân phận con người chúng ta.  Có lần Thánh nữ khuyên chị em: “Các con chớ buồn vì đức vâng lời buộc các con phải quan tâm tới những sự vật bên ngoài.  Nếu làm bếp, các con nên biết rằng Chúa ở ngay giữa nồi niêu xoong chảo”.

Đời sống đạo đức của thánh Têrêxa là một nền đạo đức nhập thể.

4. Hoạt Động Và Chiêm Niệm Gắn Bó Với Nhau:

Điều vừa nói đưa tôi đến một điểm chót mà tôi muốn chia sẻ:  Chiêm niệm và hoạt động không đối nghịch nhau, nhưng gắn bó chặt chẽ với nhau.  Một người đàn bà ngồi trên xe bò đi đây đi đó, phải đối phó với đủ mọi thứ chống đối và nghịch cảnh để lập ra 17 nhà dòng trong vòng 20 năm: ai “hoạt động” hơn Têrêxa?  Thế mà đồng thời ai nói tới đời sống chiêm niệm, đời sống thần bí mà lại có thể bỏ qua vị thánh này được?  Bà là gương mẫu và bậc thầy hàng đầu trong lãnh vực này.  Đối với những tâm hồn đã để cho Chúa chiếm đoạt, đã dành trọn tình yêu cho Chúa như Thánh nữ, thì không còn phân chia hoạt động và chiêm niệm cách gò bó, giả tạo nữa.  Tình yêu Chúa là nam châm thu hút tất cả, tập trung tất cả.  Họ tràn ngập thiên Chúa như người hôn phu tràn ngập hình ảnh người hôn thê yêu dấu.  Bởi thế, dù là hoạt dộng hay cầu nguyện, dù là nói năng hay im lặng, họ luôn luôn được tình yêu chi phối.  Thánh Têrêxa vừa là Matta vừa là Maria.

Trong Giáo Hội có những người sống cuộc đời chuyên lo chiêm niệm, với những điều kiện thuận lợi cho việc cầu nguyện, hy sinh hãm mình, tìm kiếm Chúa và kết hiệp với Người.  Nhưng điều đó không có nghĩa là những kẻ ấy đương nhiên đã là những nhà chiêm niệm rồi và những nguời khác không phải và không thể chiêm niệm được.   Chiêm niệm, trước hết là một thái độ tâm hồn.  Xét về nếp sống bên ngoài thì quả thực thánh Têrêxa hơi kỳ quặc.  Một nữ tu kín mà “đi lang thang”, cho dù để làm việc cải tổ lại dòng Cát Minh, dù sao cũng là một ngoại lệ.  Nhưng vì Bà là một tâm hồn đã được Chúa làm chủ hoàn toàn, nên đi đây đi đó, Bà vẫn là một nhà chiêm niệm thực thụ.  Tâm hồn Bà luôn luôn qui hướng về với Chúa, gắn chặt mọi sự vào với Chúa, nhìn mọi sự trong kế hoạch của Người và tìm kiếm cái bền vững trong cái hay đổi thay.

Vậy chiêm niệm không dành riêng cho một số tu sĩ ở trong nhà dòng, nhưng hết mọi người Kitô hữu đều được mời gọi chiêm niệm (theo nghĩa đã mô tả trên đây).  Đời sống người Kitô hữu đã được ẩn dấu cùng với Đức Kitô trong Thiên Chúa, và cùng đích của người đi tu cũng như kẻ ở đời đều như nhau, đó là trực tiếp nhìn ngắm Thiên Chúa Ba Ngôi trong cõi hồng phúc đời đời.  Nhưng sự chiêm ngắm hòng phúc ấy không phải là cái gì đột xuất mà một ngày nào đó, sau cuộc sống trần gian, chúng ta sẽ bỗng chốc được Chúa ban cho.  Trái lại ngay bây giờ chúng ta cũng đã bắt đầu được nếm cảm, dĩ nhiên một cách lờ mờ và thường là thoáng qua.  Nói cho cùng, cuộc sống Kitô hữu ở trần gian là một cuộc thực tập cho sự chiêm ngắm Thiên Chúa tỏ tường và vĩnh cữu mai sau.  Một cách nào đó có thể nói Bà đã đem lý tưởng chiêm ngưỡng xuống gần với mọi người, mọi bậc sống.

LM Nguyễn Hồng giáo

Trích: Nguyễn Hồng Giáo, Đạo trong Đời, Học viện Phanxicô, SG 2005

From: suyniemhangngay1 & Anh chị Thụ Mai gởi

THÁNH PHANXICÔ ASSISI, SỨ GIẢ HÒA BÌNH

THÁNH PHANXICÔ ASSISI, SỨ GIẢ HÒA BÌNH

Ngày 04-10 hàng năm, Giáo Hội kính nhớ một vị thánh được nhắc nhớ, yêu mến và tôn kính nhiều nhất, đó là Thánh Phanxicô Assisi, vị sứ giả hoà bình.  Cuộc sống của ngài thật đơn sơ thanh thoát, sống hòa bình, thực thi hòa giải, đã trở thành lý tưởng cho con người của mọi thời đại.

1. Thánh Phanxicô chọn nếp sống nghèo khó

Phanxicô chào đời vào khoảng cuối năm 1182, tại thành Assisi phía bắc Rôma.  Cha của ngài là ông Phêrô Bênađônê, một thương gia chuyên nghề bán len dạ.  Mẹ là bà Pica, một phụ nữ hiền đức.  Cậu Phanxicô rất hào hoa, lại được gia đình giàu có nuông chiều, nên mặc sức ăn chơi phung phí.  Mộng công danh thôi thúc, Phanxicô theo bá tước Gauthie de Brienneur đi chinh phục vùng Apulia, gần thành Assisi.  Nhưng ý Chúa nhiệm mầu đã khiến Phanxicô đau nặng và bắt buộc phải trở về quê hương.  Lần này, tuy vẫn ăn chơi như trước, nhưng Phanxicô cảm thấy những thú vui xưa kia dần dần mất hết ý nghĩa.  Thế rồi Phanxicô đi tìm lý tưởng cao đẹp hơn.  Một hôm, lúc đang cầu nguyện trong nguyện đường Đamianô nhỏ bé, Phanxicô nghe tiếng Chúa phán ra từ cây Thánh Giá: “Phanxicô, con hãy đi sửa lại ngôi đền thờ của ta đang đổ nát!”  Phanxicô hiểu câu nói này cách nông cạn, nên tình nguyện đi xin từng viên đá đem về sửa lại các Nhà thờ cạnh Assisi.  Trong hai năm, ngài đi hành khất, sống ẩn dật và sửa sang ba nhà thờ đổ nát trong miền Assisi: nhà thờ Thánh Đamianô, nhà thờ Thánh Phêrô và nhà thờ Đức Bà Porziuncula.  Phanxicô chưa hiểu rằng, ngôi đền thờ mà Chúa muốn nói chính là Hội Thánh.

Ngày 24-2-1208, đang dự lễ, Phanxicô nghe được đoạn Phúc Âm: “Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng… Các con đừng mang theo tiền bạc, bao gậy…” (Mt 10, 10).   Phanxicô nhận ra tiếng gọi của Chúa, nên quyết tâm triệt để sống khó nghèo và theo Chúa trên con đường Thập Giá (Mt 19, 21 ; Lc 9, 1-6 ; Mt 16, 24).   Phanxicô công khai từ bỏ cha ruột của mình để thuộc trọn về Chúa.  Ngài từ bỏ những cuộc vui chơi tiệc tùng với bạn bè để đi giúp những người phung cùi, những kẻ vô gia cư và những người bị xã hội khai trừ.  Với tình yêu sự khó nghèo, Phanxicô yêu những người nghèo, những bệnh nhân.  Ngài nhìn thấy Chúa Giêsu ở nơi họ.  Ngài chỉ muốn giống Chúa Giêsu cách trọn vẹn trong khó nghèo, trong tình yêu, trong sự giảng dạy và trong đau khổ.

Lối sống của ngài thu hút trước tiên hai anh bạn đồng hương: anh Bernađô Cantavalê giàu có và anh Phêrô Catanê, nhà giáo luật.  Tiếp đó có 9 anh khác nhập đoàn.  Họ trở thành 12 “người đền tội” và lữ hành, không nhà cửa hoặc nơi cư trú cố định.  Lúc đầu Phanxicô soạn một ít quy luật sống và đã được Đức Giáo Hoàng Innôxentê III chấp thuận bằng miệng; cuối cùng, ngài viết ra bản Luật Dòng Anh em Hèn mọn và đã được Đức Giáo Hoàng Hônôriô III phê chuẩn năm 1223 bằng sắc dụ.

Phanxicô bị giằng co giữa một đời sống tận hiến cho sự cầu nguyện và một đời sống tích cực rao giảng Tin Mừng.  Và ngài đã quyết định theo đuổi đường lối sau, nhưng luôn luôn trở về sự tĩnh mịch bất cứ khi nào có cơ hội.  Ngài muốn đến truyền giáo ở Syria và Phi Châu, nhưng trong cả hai trường hợp ngài đều bị đắm tàu và đau nặng.  Ngài cũng cố gắng hoán cải các vua Hồi Giáo ở Ai Cập trong lần Thập Tự Chinh thứ năm.

Trong những năm cuối cùng của cuộc đời ngắn ngủi (ngài từ trần khi 44 tuổi) ngài gần như mù và đau nặng.  Hai năm trước khi chết, ngài được in năm dấu thánh, là những vết thương của Ðức Kitô ở tay chân và cạnh sườn của ngài. Trong giờ phút cuối cùng, ngài lập đi lập lại phần phụ thêm của Bài Ca Anh Mặt Trời, “Ôi lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì người Chị Tử Thần.”  Ngài hát Thánh Vịnh 141, và khi đã đến giờ lìa đời, ngài xin cha bề trên cho ngài cởi quần áo ra để nằm chết trần truồng trên mặt đất, giống như Ðức Giêsu Kitô.  Ngài qua đời vào tối ngày 3-10-1226.  Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX đã phong ngài lên bậc hiển thánh vào ngày 16-7-1228.

2. Thánh Phanxicô được nhận Năm Dấu Thánh

“Sáng tinh sương ngày 14 tháng 9 năm 1224, tức là ngày lễ Suy tôn Thánh giá, trên đỉnh Alverna đã xảy ra một phép lạ tân kỳ.  Lúc mặt trời gần dãi lên nền trời những tia sáng vàng tươi, Phanxicô quì tựa lưng vào một tảng đá, hướng về phương đông, mắt tuôn đôi hàng lệ, ngài than thở: “Lạy Chúa, trước lúc qua khỏi đời này, con chỉ xin Chúa ban cho con hai ơn: một là, xin Chúa cho tâm hồn cũng như thể xác con cảm thông hết nỗi đau đến thê thảm Chúa chịu trong giờ tử nạn; hai là, xưa kia khi Chúa tử nạn, Chúa yêu loài người tội lỗi chúng con đến độ nào, thì xin cho lòng con cũng được yêu Chúa đến độ ấy.”  Bỗng vụt như làn chớp, một thiên thần Chí ái tự trời bay xuống.  Sáu cánh chói loà.  Hai cánh phủ đầu, hai cánh dương bay và hai cánh khép che toàn thân.  Thiên thần hiện xuống đứng trên phiến đá, rõ hình một người chịu đóng đinh vào thánh giá.  Thiên thần ấy chính là Chúa Giêsu tử nạn, mặc hình người hiện đến với Phanxicô.  Ngài nhìn Phanxicô, đôi mắt như thiết tha, như thiêu cháy cả tâm hồn rồi vụt biến.  Phanxicô quỵ xuống, ngất đi.  Khi bừng tỉnh dậy, ngài thấy tay chân đã bị đinh đóng thâu qua.  Đầu đinh tròn và đen nổi rõ giữa lòng bàn tay và trên mặt bàn chân.  Đinh đóng thâu qua tay chân, mũi đinh quắp lại trên lưng bàn tay và giữa gan bàn chân.  Ngực bên phải, cạnh trái tim, dấu một lưỡi đòng đâm qua còn nguyên nét, máu chảy rìn rịt thấm ướt đến tận lớp áo ngoài.”

Phép lạ Năm Dấu là lời đáp trả ân cần của Chúa cho bao nỗi khao khát và bao nỗ lực của Phanxicô để được nên giống với Người trong cuộc thương khó.

Nhìn lên huy hiệu và khẩu hiệu của Dòng Anh Em Hèn Mọn, người ta có thể biết phần nào nền linh đạo Phan sinh.  Khẩu hiệu đó là: Caritas (Tình yêu) và huy hiệu là một thập giá với hai cánh tay bắc chéo nhau, một của Chúa Kitô và một của Thánh Phanxicô sau ngày lãnh Năm Dấu.  Nghèo khó, khiêm hạ, phục vụ vô điều kiện, yêu mến cách riêng những người nghèo khổ bé mọn … là hậu quả tất nhiên của việc thường xuyên chiêm ngưỡng thánh giá và lòng yêu mến Chúa Giêsu chịu đóng đinh. (Lm Nguyễn Hồng Giáo. ofm)

3. Phanxicô, sứ giả hoà bình

Khi thánh Phanxicô cư ngụ tại Agodio, có một con chó sói hung dữ đã xuất hiện, quấy nhiễu và gieo rắc tai họa cho mọi người.  Mỗi lần đi ra ngoài, ai ai cũng phải trang bị khí giới sẳn sàng giao chiến với con thú dữ, có người sợ đến nỗi không dám ra khỏi nhà.  Thấy vậy, ngày nọ thánh nhân quyết định đến chạm chán với con thú dữ, Ngài làm dấu thánh giá, đặt tất cả tin tưởng vào Chúa, rồi tiến thẳng đến trước mặt con vật.  Vừa thấy thánh nhân, con vật nhe răng và chuẩn bị tấn công, nhưng thánh nhân không lùi bước.  Ngài tiến lại gần, làm dấu thánh giá và gọi nó lại.  Ngài nói với nó như trò chuyện với một con người: Này anh sói, anh lại đây, nhân danh Chúa Kitô tôi truyền cho anh đừng hãm hại ai nữa.”

Như một phép lạ, con chó sói hung dữ ngoan ngoãn khép miệng lại và quấn quýt bên thánh nhân, thánh nhân lại tiếp tục bài giảng: “Này anh sói, anh đã gây ra không biết bao thiệt hại cho vùng này, anh giết hại những tạo vật của Chúa mà không có phép Ngài, anh không những sát hại súc vật mà còn giết hại cả loài người là hình ảnh của Thiên Chúa nữa, anh đáng bị trừng phạt vì tội giết người, ai cũng ca thán kêu ca vì anh.  Nhưng tôi, tôi muốn giảng hoà giữa anh và họ để anh không còn hãm hại ai nữa.”

Thánh nhân vừa nói xong những lời đó thì con sói vặn mình ra chiều sám hối và chấp nhận đề nghị của Ngài, thánh nhân nói tiếp:  “Này anh sói, hẳn anh thích được làm hoà với mọi người.  Tôi hứa rằng: bao lâu anh còn sống anh sẽ không bị đói khát nữa, anh có hứa với tôi là sẽ không hãm hại bất cứ người và vật nào nữa không?  Con vật cúi đầu như đoan hứa, thánh nhân đặt tay trên nó và đại diện cho thị dân Agodio long trọng cam kết những lời Ngài vừa hứa với con chó sói.”

Con chó sói đã được sống 2 năm tại Agodio, ngày ngày ra vào bất cứ nhà nào như chính nhà của nó, nó không làm hại ai mà cũng chẳng ai hãm hại nó, sau 2 năm, con vật qua đời giữa tiếng thương khóc của dân Agodio.

Giai thoại về con chó sói Agodio và bài ca vạn vật của thánh Phanxicô chứng minh ngài là hiện thân của hoà bình, là sứ giả của bất bạo động.  Ngài giao hòa với vạn vật, với thiên nhiên, với chim trời, với núi rừng, với không khí, với nước non.  Chỉ với một tâm hồn thanh thản và hài hoà với thiên nhiên với con người như thế mới có thể xây dựng hoà bình.  Thánh Phanxicô chính là vị sứ giả hoà bình.

Tình huynh đệ của Phanxicô không dừng lại nơi loài người, nhưng còn nới rộng ra tới mọi tạo vật, sống động cũng như vô tri vô giác trong vũ trụ.  Ngài không coi tạo vật là xấu xa, nguy hiểm phải đề phòng.  Ngài cũng không có thái độ chủ nhân ông, nhìn tạo vật chỉ là đối tượng cho mình khai thác tùy thích.  Nhưng ngài thiết lập một mối quan hệ thân ái, hài hòa với mọi vật.  Ngài đã sáng tác “Bài ca vạn vật” để ca ngợi mọi công trình tạo dựng của Thiên Chúa: mặt trời, mặt trăng, tinh tú, gió, nước, lửa, trái đất với ngàn hoa, cây cỏ và trái trăng.  Ngài gọi tạo vật là anh, chị: anh Cá, anh Chim, chị Trăng, chị Nước… không chỉ theo nghĩa thi phú, mà theo một cảm nghiệm sâu xa rằng tất cả đều là công trình của Cha trên trời và mang dấu ấn của tình thương.

Phanxicô muốn người ta quí chuộng thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên; ngài dạy các môn đệ mình khi đốn cây sử dụng theo nhu cầu, thì đừng chặt tận gốc, để cây còn có thể đâm chồi mới.  Con người thời đại chúng ta có thể học biết bao nhiêu điều nơi thái độ của thánh nhân.  Chắc chắn Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nghĩ như thế khi ban Tông Thư ngày 29-9-1979 công bố thánh Phanxicô là bổn mạng các nhà môi sinh học.  Suốt cuộc đời, Thánh Phanxicô luôn quan niệm sống là sống với, sống chung chan hòa với con người và muôn tạo vật.

Lạy Chúa, nhờ lời cầu bầu của thánh Phanxicô, xin cho chúng con biết yêu chuộng hoà bình, hòa bình với mọi người và nhất là với những người đối nghịch với chúng con. Xin cho lời kinh Hoà Bình mà thánh Phanxicô để lại được thấm vào tim, vào phổi, vào khối óc của chúng con biến chúng con thành người sứ giả hoà bình của Chúa. Amen.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

From: ngocnga_12 & Anh chị Thụ Mai gởi

 

HÌNH ẢNH MẸ TÊRÊXA ĐỐI VỚI TÔI

HÌNH ẢNH MẸ TÊRÊXA ĐỐI VỚI TÔI

Cố GS Trần Duy Nhiên


“Một suy nghĩ hướng đến tha nhân.  Cách thức mà chúng ta thinh lặng, lắng nghe, tha thứ, nói năng và hành động.  Đấy là những giọt dầu chân chính giúp cho ngọn đèn chúng ta cháy mãi suốt cuộc đời mình.” Mẹ Têrêxa.

Ngày 5 tháng 9 năm 1997, một vĩ nhân đã ra đi….. Vâng, Mẹ Têrêxa thành Calcutta đúng là vĩ nhân của thế kỷ XX nếu ta nhớ lại rằng Mẹ đã nhận được Giải Nobel Hoà Bình năm 1979, và ngày qua đời Mẹ được một vinh dự mà chưa một vĩ nhân nào có được: ba nước trên thế giới chịu quốc tang, đó là Ấn Độ, Anbani và Hoa Kỳ.

Mẹ có dịp qua Việt nam hai lần, năm 1994 và năm 1995, và hai lần đó, tôi được may mắn tiếp kiến mỗi lần gần một giờ.  Lạ lùng thay, hình ảnh Mẹ để lại trong tôi không có gì là của một vĩ nhân cả, mà của một người khiêm nhường đến độ quên đi bản thân mình.  Tôi không còn nhớ Mẹ đã nói gì với tôi, nhưng Mẹ để lại hai hình ảnh vẫn còn theo tôi cho đến ngày hôm nay.

Điểm đầu tiên gây ấn tượng là cảm thức về Thiên Chúa nơi Mẹ.  Khi đến Việt nam, Mẹ tạm trú trên lầu 3, tại 38 Tú Xương.  Người ta dành một phòng cho Mẹ và một phòng cho ba nữ tu theo Mẹ (trong số đó có vị Bề Trên tổng quyền hiện nay là Sr Nirmala Joshi).  Thế nhưng Mẹ đã biến phòng của mình thành nhà nguyện với sự hiện diện của Mình Thánh Chúa, rồi cùng chia sẻ với ba chị em phòng còn lại.  Mẹ đã hẹn anh chị Soi và tôi đến gặp Mẹ lúc 11 giờ trưa.

Đúng hẹn, chúng tôi lên lầu 3.  Vì không có chỗ tiếp khách, Sr. Nirmala mời chúng tôi ngồi ở hành lang và Mẹ ra tiếp chúng tôi tại đấy.  Sau nụ cười chào đáp, Mẹ chỉ ngay vào nhà nguyện và bảo: “Chúa kìa”, với một thái độ tự nhiên giống như một bà mẹ bảo con mình chào ông ngoại khi đi đâu về.  Mẹ vào quì trước Thánh Thể với chúng tôi một vài phút trước khi bắt đầu câu chuyện.  Và cuối buổi nói chuyện, Mẹ cũng chỉ vào nhà nguyện bảo chúng tôi chào Chúa trước khi ra về.  Thái độ mẹ đơn sơ như thể Chúa luôn có mặt bằng xương bằng thịt ở bên Mẹ.  Cái cảm thức về Chúa nơi Mẹ rõ rệt đến độ tôi có cảm giác rằng nó hùng biện hơn bất cứ bài giảng nào của bất cứ ai nói về sự hiện hữu của Thiên Chúa và sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Thánh Thể.

Điểm thứ hai gây ấn tượng là cách nói chuyện của Mẹ.  Mẹ không nói chuyện với ba người, mà nói với từng người một.  Mẹ cúi mình xuống và nhìn lên với cái nhìn thật trân trọng, cứ như là Mẹ muốn tiếp thu một bài học nào đó từ người đối thoại mà quên mất mình là ai.  Nói chuyện với Mẹ mà trong đầu tôi cứ lờn vờn hình ảnh của Chúa Giêsu quì xuống rửa chân cho môn đệ mình.  Qua thái độ lắng nghe và ánh mắt, Mẹ đã cho người đối thoại thấy rằng mình vô cùng giá trị…  Có những cái nhìn đè bẹp người người đối thoại và làm cho họ trở nên nhỏ bé và đầy mặc cảm; có những cái nhìn làm cho người đối diện lớn lên và tự hào về giá trị của mình: Mẹ Têrêxa là người có cái nhìn thứ hai đó.

Mẹ Têrêxa thành Calcutta! Một danh xưng đem tự hào về cho Giáo Hội, cho các quốc gia của Mẹ, cho toàn thể nhân loại.  Thế nhưng qua hai lần gặp gỡ, tôi không bị choáng ngộp vì một vĩ nhân, mà chỉ đọc được nơi Mẹ một Kitô hữu điển hình: một người “đã hóa mình ra không” trước mặt Thiên Chúa và trước mặt anh chị em nhân loại, dù cho người ấy có thấp hèn đến đâu.
Ngày 19 tháng 10 năm 2003, Mẹ được nâng lên hàng chân phước.  Mẹ là người được phong chân phước nhanh nhất trong lịch sử giáo hội: vỏn vẹn 6 năm sau ngày qua đời.  Tuy nhiên, Giáo Hội chỉ chính thức hóa một điều mà mọi người gặp Mẹ đã công nhận từ lâu:  Mẹ quả là hình ảnh sống động của Chúa Kitô trên thế gian này.

Giờ này Mẹ đã về bên Chúa, tôi bỗng nghĩ đến 4690 nữ tu Thừa Sai Bác Ái đang tiếp tục sống đời sống ,”Kitô hữu mẫu mực” của Mẹ tại 710 nhà trong 132 nước trên thế giới.  Bất giác tôi nhớ lại lời Mẹ dặn: “Con hãy cảm tạ Chúa cùng với Mẹ, vì Việt Nam là nước thứ 100 mà các Thừa Sai Bác Ái hoạt động và nhà tại Việt Nam là nhà thứ 500 của họ”.  Tôi không biết sau 2 năm hiện diện tại Việt Nam, các Nữ Tu Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêxa có được gia hạn giấy phép hoạt động hay không.  Nếu không được thì kể cũng xót xa cho Giáo Hội tại Việt Nam đấy.  Nhưng dù các con của Mẹ có hoạt động công khai hay âm thầm, thì Mẹ vẫn còn sống mãi trong họ để tiếp tục khẳng định cho mọi người mà họ gặp gỡ: Chúa đang sống cạnh bạn và Ngài tôn trọng bạn với trọn vẹn trái tim yêu thương của Ngài.

Để kết thúc những cảm nhận này, tôi ghi lại đây một chuyện nhỏ.  Khi trao đổi danh thiếp với nhau, Mẹ cho biết rằng mình không bao giờ có danh thiếp.

Sr. Nirmala trình cho Mẹ ‘danh thiếp’ sau đây với những lời vàng ngọc của Mẹ.  Mẹ cầm bút viết lời chúc phúc, rồi trao cho tôi như một kỷ vật:

(1) Ghi chú: Trên “danh thiếp” có hàng chữ viết tay God Bless you (Xin Chúa chúc lành cho con) và chữ ký của Mẹ.  Tác giả cũng đã dịch những hàng chữ trên ra tiếng Việt như sau:

The fruit of SILENCE is Prayer
The fruit of PRAYER is Faith
The fruit of FAITH is Love
The fruit of LOVE is Service
The fruit of SERVICE is Peace.
( Hoa quả của THINH LẶNG là Cầu Nguyện
Hoa quả của CẦU NGUYỆN là Ðức Tin
Hoa quả của ÐỨC TIN là Tình Yêu
Hoa quả của TÌNH YÊU là Phục Vụ
Hoa quả của PHỤC VỤ là Bình An )

(Kỷ niệm 6 năm ngày Mẹ Têrêxa Calcutta về thiên quốc)

Trần Duy Nhiên

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

Thánh Luy Thứ Chín (St. Louis IX)

Thánh Luy Thứ Chín (St. Louis IX)

(1214 – 1270)

VỊ VUA THÁNH THIỆN, BỔN MẠNG DÒNG PHAN-SINH-TẠI-THẾ

Các thánh là những con người đã biết tín thác nơi Chúa, đã biết trông cậy ở nơi Chúa thật nhiều, nên các ngài nhận được nhiều.

Thánh Luy IX, Vua nước Pháp cũng không nằm ngoài thông lệ ấy.  Thánh nhân sinh năm 1214 tại Poissy, nước Pháp.  Cha Ngài là Vua Luy VIII.  Mẹ ngài là Hoàng Hậu Blanche de Castille.  Nhờ sống trong một gia đình đạo đức, cho dù cha mẹ của ngài là Vua, là Hoàng Hậu nước Pháp nên dù sống trong cảnh giầu sang, phú quý và có quyền hành nhưng chính đời sống của mẹ ngài đã gây ấn tượng lớn lao trong đời sống của Luy.  Mẹ ngài đã uốn nắn, dậy bảo Luy bằng đời sống thánh thiện của bà.  Thánh nhân đã được mẹ gieo vào tâm hồn những mầm mống đạo đức, thánh thiện suốt cả đời niên thiếu.  Đến lúc trưởng thành, vào đời, thánh nhân luôn luôn nhắc đi nhắc lại lời mẹ nhắn nhủ, bảo ban : “Mẹ thà thấy con chết trước mặt mẹ, còn hơn thấy con của mẹ phạm tội trọng”.

Thánh nhân lên ngôi Vua kế vị cha lúc mới 12 tuổi đời.  Năm 19 tuổi, thánh nhân kết hôn với Marguerite, con gái quận công miền Provence.  Hai ông bà sinh hạ cả thảy 11 người con.  Với cương vị Vua lãnh đạo, trị vì nước Pháp, Luy luôn tỏ ra công chính, liêm khiết, ngay thẳng, hết mực thương dân chúng, đặt quyền lợi của Tổ Quốc và Giáo Hội lên trên những lợi ích cá nhân và danh vọng riêng tư.  Thánh nhân dù là Vua nhưng đời sống lại không khác gì một thầy Dòng khổ tu : sáng tham dự Thánh Lễ, đọc kinh nguyện, xưng tội và đánh tội mỗi tuần.  Đời sống của Vua Luy thật sự là một đời sống tín thác, trông cậy và yêu mến Chúa.  Ngài tuyên khấn theo lối sống Dòng Phan-sinh-tại-thế và tuân giữ luật khó nghèo, yêu mến Chúa và tha nhân.  Để thể hiện lòng yêu mến ấy, thánh nhân đã thật sự sống Lời Chúa trong Tin Mừng thánh Matthêu 25:31-46.  Ngài đã tìm dịp để giúp đỡ những kẻ nghèo, thăm viếng và nâng đỡ những người đau yếu tật nguyền.  Ngưỡng vọng của ngài là ở trên trời chứ không ở dưới thế.

Thánh nhân đã lập Đạo Binh Thánh Giá đi chiến đấu với quân phá đạo ở Giêrusalem.

Ngài đã xây một đền thờ sau khi chinh chiến trở về để tôn kính mão gai Chúa Giêsu do Vua Constantin trao lại cho ngài.  Năm 1270, thánh nhân còn thiết lập một Đạo Binh Thánh Giá mới để chống lại quân Hồi Giáo đang hung hăng tàn sát đạo.  Tuy nhiên một cơn dịch nặng nề đã khiến Đạo Binh của ngài tan rã và thánh Luy đã lâm trọng bệnh, trở về nhà Cha vào ngày 25 tháng 8 năm 1270.

Chúa mời gọi mọi người nên thánh.  Đường nên thánh không chỉ dành riêng cho giới tu sĩ được đặc tuyển, nhưng con đường nên thánh là của mọi người.  Từ thứ dân đến Vua Chúa thế trần đều được Chúa mời gọi sống thánh thiện và trở nên thánh.

“Lạy Thánh Luy,

xin cầu bầu cùng Chúa cho chúng con

để chúng con hiểu rằng dù bất cứ sống ở vai trò nào,

con người vẫn được mời gọi nên thánh.

Amen.”

Sưu Tầm

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi